Thêm vào lịch trình bận rộn của Đức Giáo Hoàng cho năm 2024, Vatican đã xác nhận hôm thứ Sáu rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đích thân tham gia vào hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra ở khu vực Puglia miền nam nước Ý từ ngày 13 đến 15 tháng Sáu.

Theo một tuyên bố từ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Đức Thánh Cha sẽ tham gia một phiên họp của hội nghị thượng đỉnh G7 dành riêng cho trí tuệ nhân tạo, một chủ đề khiến vị giáo hoàng này ngày càng quan tâm.

Sự tham gia của Đức Giáo Hoàng sẽ đánh dấu lần đầu tiên một giáo hoàng tham gia hội nghị thượng đỉnh G7, vốn được tổ chức thường xuyên kể từ năm 1975 và được coi là cuộc họp thường niên quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo các cường quốc phương Tây.

Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào năm 2020 cùng với các công ty công nghệ lớn toàn cầu như Microsoft và IBM, đã đưa ra một tài liệu có tên là “Lời kêu gọi của Rôma về Đạo đức Trí Tuệ Nhân Tạo”. Gần đây hơn, Đức Phanxicô đã dành các thông điệp của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024 cũng như Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội cho chủ đề trí tuệ nhân tạo.

Đức Tổng Giám Mục người Ý Vincenzo Paglia, nhà lãnh đạo Học viện Giáo hoàng về Sự sống, cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một phong trào từ cơ sở, bây giờ Đức Thánh Cha tại G7 sẽ nói chuyện với các chính phủ”.

Lời kêu gọi Rôma một phần được xây dựng dựa trên cái mà tài liệu gọi là “thuật toán”, nghĩa là quy tắc đạo đức cho thời đại kỹ thuật số.

“Các bên ký kết cam kết yêu cầu phát triển trí tuệ nhân tạo phục vụ mọi người và nhân loại nói chung; tôn trọng phẩm giá con người, để mỗi cá nhân có thể được hưởng lợi từ những tiến bộ của công nghệ; và điều đó không có mục tiêu duy nhất là lợi nhuận lớn hơn hay thay thế dần dần nhân lực tại nơi làm việc,” tài liệu viết.

Linh mục người Ý Paolo Benanti, cố vấn cho cả Vatican và chính phủ Ý về các vấn đề Trí Tuệ Nhân Tạo, cho biết Lời kêu gọi của Rôma về đạo đức Trí Tuệ Nhân Tạo “chứng tỏ sự khôn ngoan của các tôn giáo về chủ đề này, để có thể bảo đảm một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. “

Benanti nói: “Trong bối cảnh này, sự tham gia của Đức Thánh Cha tại G7 ở Puglia có tầm quan trọng rất lớn.

Hội nghị thượng đỉnh G7 quy tụ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản, cũng như Liên minh Âu Châu.

Năm nay Ý giữ chức chủ tịch luân phiên của G7. Nó sẽ đánh dấu lần thứ năm hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Ý, gần đây nhất là ở Genoa vào năm 2001, khi tổ chức này vẫn được gọi là “G8” với sự tham gia của Nga.

“Tôi tin chắc rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ mang lại sự đóng góp mang tính quyết định cho việc xác định khuôn khổ pháp lý, đạo đức và văn hóa cho trí tuệ nhân tạo,” Meloni nói trong một tuyên bố bằng video thông báo về sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Thứ Tư tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Giám đốc điều hành của Cisco Systems, Chuck Robbins, người đang ở Vatican để ký kết Lời kêu gọi Rôma năm 2020 về Đạo đức Trí Tuệ Nhân Tạo.

Robbins cho biết vào thời điểm đó rằng “các nguyên tắc của lời kêu gọi Rôma phù hợp với niềm tin cốt lõi của Cisco rằng công nghệ phải được xây dựng trên nền tảng niềm tin ở mức cao nhất để mang lại một tương lai toàn diện cho tất cả mọi người”.

Gần đây, Đức Cha Paglia thông báo rằng một nhóm lãnh đạo các tôn giáo Á Châu sẽ gặp nhau tại Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 7 để ký kết Lời kêu gọi Rôma về Đạo đức Trí Tuệ Nhân Tạo. Hội nghị thượng đỉnh đó diễn ra sau một sự kiện tương tự vào năm 2022 khi các nhà lãnh đạo Do Thái và Hồi giáo ký vào tài liệu.


Source:Crux