TOKYO (UCAN) – Khi công tác truyền giáo được phục hồi ở Nhật vào thế kỷ 19, sau khi bị cấm trong hơn hai thế kỷ, nhiệm vụ mà các thừa sai hải ngoại và những người Nhật cùng thực hiện gồm giáo sĩ, tu sĩ và giáo lý viên là thành lập Giáo hội địa phương.

Vì mục đích đó, họ đã xây dựng nhà thờ, cơ sở và thành lập giáo xứ, hạt đại diện và giáo phận trên toàn quốc.

Kiểu nhiệm vụ đó kéo dài đến thập niên sau Thế Chiến thứ Hai, lúc đó các cơ cấu tiêu chuẩn của một Giáo hội quốc gia đã được hình thành, gồm một hàng giáo sĩ và hàng giáo phẩm bản xứ. Công tác của các thừa sai ở Nhật đã đi đến chỗ thành công. Các mục tiêu thúc đẩy công tác của họ gần một thế kỷ đã đạt được.

Tuy nhiên, thành công lại dẫn đến một cuộc khủng hoảng, mặc dù có thể có ít người nhận ra cuộc khủng hoảng đó.

Trong khi cần có người đi tiên phong thì ngày càng nhiều thừa sai trong và ngoài nước (đặc biệt là linh mục) trở thành nhân viên mục vụ, bổ sung vào (và chủ yếu lặp lại) những nỗ lực của các giáo sĩ triều. Công tác của các linh mục thừa sai ngày càng được định rõ dưới dạng công tác mục vụ kèm theo – với hy vọng và mong đợi– một động cơ truyền giáo, hơn là chính công tác thừa sai. Đối với những người có ơn gọi cơ bản là truyền giáo, thì nhiệm vụ ad gentes (đến với muôn dân) phụ thuộc vào công tác họ làm tại nơi và cho các cộng đoàn Công giáo đã có. Như thể trước đây là công cụ truyền giáo – sinh hoạt giáo xứ và tổ chức – đã trở thành mục đích của ơn gọi.

Mặc dù trong nhiều năm qua đã có nhiều lời kêu gọi toàn Giáo hội đổi mới xem truyền giáo là công bố Tin Mừng, nhưng đáng tiếc ít người, nếu có, có vẻ biết chắc về yêu cầu của công tác truyền giáo hôm nay.

Có thể nói, chúng ta đã không dành thời gian rèn luyện mà cứ giữ những gì đã được làm, hy vọng nếu chúng ta làm đủ thường xuyên và đủ lâu thì sẽ lại sinh ra loại hoa quả mà đã nhiều năm không có. Thực sự, số người được rửa tội tiếp tục giảm. Vì nhiều người Công giáo Nhật Bản được rửa tội trong các thập niên 1950 và 1960 đã chết mà không có người thay thế, Giáo hội ở đây sẽ sớm tàn lụi nhanh.

Thậm chí các "chuyên gia" về truyền giáo, các thừa sai hải ngoại cũng bối rối. Những thành công của chúng ta trước đây đã đưa chúng ta vào một ngõ cụt. Công việc đang làm rất có ích, nhưng có thể cần một việc làm khác, một việc mà có lẽ các thừa sai đang làm.

Mặc dù Giáo hội ở Nhật đã được thành lập, nhưng nhu cầu tiên phong vẫn chưa kết thúc. Đồng lúa chín vẫn còn, nhưng nằm ngoài giáo xứ và các cơ cấu khác của Giáo hội. Thách thức của chúng ta là tìm cách để các thừa sai (cả trong và ngoài nước) lại có thể cùng với xã hội Nhật Bản tham gia giới thiệu người dân đến với Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài. Người làm gương thì ít, vì thế điều cần thiết hơn hết là tinh thần thử nghiệm mạo hiểm.

Sự thử nghiệm này phải được dựa trên sự kiện Giáo hội Công giáo Nhật đã tồn tại và có trách nhiệm chính về công tác truyền giáo ở Nhật. Vì thế, mọi nỗ lực triển khai các phương thức truyền giáo mới phải được đề ra và thực hiện kết hợp với Giáo hội ở đây, không chỉ liên quan đến các thừa sai "chuyên nghiệp" mà còn giáo dân, giáo sĩ, hàng giáo phẩm và tu sĩ làm các nhiệm vụ khác. Các thừa sai phải xem ơn gọi của mình là cổ vũ và trợ giúp toàn Giáo hội địa phương chu toàn nhiệm vụ truyền giáo Chúa trao.

Nhưng vấn đề còn lại là: có thể áp dụng những biện pháp thực tiễn nào đây?

Một vấn đề đã kéo dài trong khoảng thời gian tốt đẹp hơn của một thế kỷ qua và đã trở nên cố hữu trong những thông lệ và lập trường của Giáo hội ở Nhật sẽ không dễ bàn tới, huống chi là giải quyết. Tuy nhiên, trừ phi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tiên tìm những phương pháp mới để chu toàn sứ mệnh công bố Đức Kitô trước đây của Giáo hội, tương lai của Giáo hội ở Nhật sẽ mù mịt.

Không thể nói như thế về Giáo hội ở các nước Á châu khác phải không?

(Linh mục William Grimm dòng Maryknoll là trưởng ban biên tập của tờ Katorikku Shimbun, tờ tuần báo Công giáo Nhật Bản