Giới thiệu: GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CANADA

Khi nói đến Canada thường người ta rụt vai, co người, có ý diễn tả một đất nước lạnh lẽo và thưa người. Có người nghĩ Canada chỉ làm việc sáu tháng trong năm, sáu tháng còn lại “trùm mền” vì băng giá. Cũng có người gói gọn Giáo Hội Công Giáo Canada trong một vài chỗ nỗi tiếng như đền thánh Giuse ở Montréal hay đền Thánh Annà ở Sainte Anne-de-Beaupré, Québec. Xin giới thiệu một số nét chính về Giáo Hội Công Giáo Canada để chúng ta cùng hiệp thông và chia sẻ với những thuận lợi và cả những khó khăn của Giáo Hội địa phương trong lòng Giáo Hội Mẹ hoàn vũ..

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CANADA

Giáo Hội Công Giáo Canada còn rất trẻ so với nhiều Giáo Hội khác, chỉ gìà hơn 400 năm một chút. Những nhà truyền giáo đầu tiên đến Canada cùng thời với những người đi tìm đất mới. Lịch sử ghi nhận vào ngày 7.7 năm 1534, một linh mục người Pháp, theo chân Ông Jacques Cartier, nhà thám hiểm, đã dâng thánh lễ đầu tiên ở bờ hồ Gaspé, thuộc lãnh thổ phía Bắc Canada bây giờ.

Ban đầu Canada thuộc Pháp và được gọi là Tân-Pháp, trung tâm quân sự hành chánh được Ông Samuel de Champlian thiết lập năm 1608 tại thành phố Québec. Thành phố Montréal bây giờ, ngày xưa được gọi là Marie ville do Ông Paul de Chomedey de Maisonneuve thiết lập năm 1642.

Nước Tân Pháp nầy đã thu hút nhiều nhà truyền giáo của các dòng tu đến truyền giàng tin mừng cho dân bản xứ. Trước tiên, các linh mục dòng Phanxicô, rồi các linh mục dòng tên, các Cha Xuân Bích. Các nữ tu dòng Ursulines, dòng Hospitaliars của Thánh Giuse và nữ tu Augustinians cũng đến để thiết lập những trạm xá y tế và các trường học đầu tiên. Có hai nữ tu người Canada đã lập dòng: Thánh Marguerite Bourgeoys lập dòng Đức Bà năm 1658 và Thánh Marguetite d’Youville lập dòng Nữ Tu Áo Sám năm 1737.

Năm 1658 Đức Cha Francois de Laval được chỉ định làm Đại Diện Tông Toà và sau nầy trở thành Giám Mục tiên khởi của Bắc Mỹ Châu (Mỹ và Canada). Trong khoảng thời gian từ 1642 đến 1649, có sáu linh mục dòng Tên và hai giáo dân bị giết vì đi truyền đạo.

Năm 1759, dù người Pháp thua người Anh trong việc chiếm lĩnh lãnh thổ mới nầy, nhưng Giáo Hội Công Giáo Canada có dịp lấn dần sang Miến Trung và Miền Tây, nguyên thuộc lãnh thổ người Anh. Tổng Giáo Phận Kingston thiết lập năm 1826, Toronto 1841, Ottawa 1847. Năm 1841, đạo luật thống nhất ban hành, nhìn nhận chỗ đứng của Giáo Hội trên toàn Canada.

Năm 1820, tổng giáo phận Saint-Boniface được thành lập. Đồng thời các linh mục Dòng Thừa Sai Đức Mẹ vô nhiễm ( Oblates of Mary Immaculate) đã xông xáo mang tin mừng đến các thổ dân Miền Tây và Miền Bắc Canada. Phía Đại Tây Dương các địa phận St. John được thành lập năm 1784, Halifax 1842. Phía Thái Bình Dương các địa phận mới cũng được thành lập, Victoria năm 1846 và Vancouver 1873.

Ghi chú:

1. Giáo Hội Canada cùng tuổi với Giáo Hội Việt Nam: năm Nguyên Hoà I (1533) Linh mục Inêkhu lén đến truyền đạo ở Ninh Cường, huyện Nam Chân và Làng Trà Lũ, huyện Giáo Thuỷ thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay.

2. Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 được tổ chức ở Québec từ ngày 15-22 tháng 6. 2008 để đánh dấu 400 năm thành lập Giáo Phận Québec năm 1608. 400 năm trước, Québec là Giáo Phận đầu tiên và duy nhất của Mỹ và Canada. Từ Giáo Phận nầy ngày nay đã sinh ra 266 giáo phận Công Giáo khác, cả nghi lễ Rôma và nghi lễ Đông Phương (195 giáo phận ở Mỹ và 71 giáo phận ở Canada), theo thống kê năm 2005.

II. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CANADA HIỆN THỜI.

Theo thống kê năm 2006, Canada có 32 triệu dân sinh sống trên lãnh thổ rộng hơn 9 triệu dặm vuông, trãi dọc từ Bắc Cực xuống đến biên giới Mỹ và trãi ngang từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương. Nhiều sắc dân sinh sống tại Canada: Anh 21%; Pháp 16%, Tô Cách Lan 14%; Ái nhỉ Lan 12%, Đức 10%, Ý 5%, Tàu 3.5%, Liên Xô 3.5%, thổ dân 4%. Số còn lại bao gồm 20 sắc dân khác, trong số nầy có 180 ngàn người Việt Nam.

Theo thống kê của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada năm 2006: 85% dân số là Kitô hữu thuộc 30 hệ phái khác nhau. Trong số nầy Công Giáo chiếm 45%, khoảng hơn 12 triệu.

Giáo Hội Công Giáo Canada được chia thành 71 địa phận gồm có 62 địa phận theo nghi lễ La-tinh, một địa phận quân đôi và 8 địa phận Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương. Có những địa phận rất lớn như Toronto có 1.6 triệu giáo dân và 800 linh mục. Nhưng cũng có những địa phận thật nhỏ bé về nhân sự như Whitehorse ở Lãnh Thổ phía Bắc, chỉ có một Giám Mục và 7 linh mục với hơn 7 ngàn giáo dân, tương đương với Lạng Sơn của Việt Nam.

Theo thống kê của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo. Hiện tại, Canada có 137 Giám Mục ( 3 Hồng Y và 134 Tổng Giám Mục và Giám Mục). Trong số nầy có 87 vị đang làm việc và 50 đang hưu trí. Hội Đồng Giám Mục được chia làm 4 khu vực: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Québec và Ontario.

Cũng theo thống kê nầy, toàn Canada có 11.230 linh mục dòng và triều. Trong số nầy có 84 linh mục Việt Nam. Canada có 195 dòng, chi nhánh dòng và tu hội nữ. Có 74 dòng và tu hội nam. Số tu sĩ nam và nữ không có thống kê chính xác.

III. TÌNH HÌNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CANADA

1. Thuận lợị:

- Dân Canada bản chất hiền hoà và chuộng hoà bình. Họ đến từ Âu Châu, nên mang ảnh hưởng Kitô giáo rất sâu đậm. Địa phận Québec có 1.149.372 người thì đã có 1.050.551 người Công Giáo. Các tên đường phố đều mang tên thánh.

- Chú trọng rất nhiều đến việc truyền giáo: Các linh mục Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (O.M.I) chuyên lo việc truyền giáo cho thổ dân. Hội Đồng Giám Mục có ngân sách cho quỹ truyền giáo Canada.

- 60% Giám Mục gốc Québec, nói tiếng Pháp. Những người được coi là “đạo dòng” và rất thiết tha với Giáo Hội Canada.

- Hàng Giám Mục, linh mục được đào tạo kỹ lưỡng và rất có khả năng trong trách nhiệm mục tử.

2.Khó khăn:

- Child abused: Đây là những vụ tố tụng hình sự làm tổn thương Giáo Hội Canada cả tinh thần và vật chất: Nhiều linh mục bị ở tù, vài địa phận phải khai phá sản và nhất là giáo dân mất tín nhiệm nơi giáo sĩ. Tuy nhiên, chính phủ Canada đã giúp GH giải quyết một lần năm 2003: đứng ra thương lượng và bồi hoàn những thiệt hại cho những nạn nhân tất cả những vụ child abused trong quá khứ cho đến năm 2003.

- Khô đạo: Hơn 12 triệu người Công Giáo trên đất Canada. Số thực hành đức tin Công Giáo rất thấp: Miền Đông, như Québec, Montréal được gọi là nôi của Giáo Hội, nhưng người giữ đạo chỉ khoảng 15%. Miền Tây Canada khá hơn, được khoảng 20%-25%. Tính trung bình, chỉ có khoảng 2.3 triệu người dự lễ cuối tuần trên toàn Canada. Từ chỗ đó, nhiều nhà thờ phải đóng cửa, nhiều địa phận phải gom nhiều giáo xứ cho một linh mục chăm sóc.

- Ơn gọi tu dòng, nhất là nữ tu, rất èo uột. Khó kiếm một nữ tu trẻ dưới 50 trong các dòng tu nữ. Ơn gọi linh mục cũng khan hiếm. Toàn Canada chỉ có 5 chủng viện và số chủnbg sinh cũng không nhiều. Rất quý hoá, nếu trung bình một địa phận có được một linh mục mới hàng năm. Để giải quyết, nhiều Giám Mục đang xử dụng những linh mục đến từ các nước như: Nigêria, Ấn Độ, Philippines...

- Hôn nhân đồng tính đã được luật pháp Canada nhìn nhận từ tháng 3 năm 2005. Đồng tính luyến ái được luật pháp minh định là quyền con người. Nhiều khó khăn khó giải quyết trong phương diện mục vụ: rước lễ, xưng tội hay rửa tội con cái cho những người nầy.

IV.ƠN GỌI VIỆT NAM Ở CANADA.

- Có tất cả 41 nữ tu đang sống trong 19 tu viện hay đan viện chung với các nữ tu Canada. Có những tu viện chỉ có một nữ tu Việt Nam đơn độc. Thật đáng ca ngợi!

- Có 19 chủng sinh Việt Nam đang học để trở thành linh mục cho 9 địa phận Canada. Trong số nầy có 18 chủng sinh sang từ Việt Nam trong vòng 4 năm gần đây. Họ được vài linh mục Việt Nam ở Canada giới thiệu với Giám Mục địa phương và xin sang du học tại Canada. Đã có 4 người thành linh mục ở Canada, thành thường trú nhân và làm việc cho Giáo Hội Canada.

Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Việt Nam tại Canada vừa tròn năm tuổi, dù ít người và sống xa xôi, đôi khi lẻ loi trong các địa phận Canada. Nhưng đã gắn bó để tương trợ nhau sống đời tu trì và tìm cách phục vụ người Công Giáo Việt Nam ở Canada. Không làm được nhiều việc to lớn, tuy nhiên chúng tôi luôn chứng tỏ một hiện diện tình nghĩa: đồng hành đức tin với Giáo Dân Việt Nam tại Canada. Xin nâng đỡ, cầu nguyện cho linh mục, tu sĩ Việt Nam cũng như ơn gọi Việt Nam tại Canada. Chúng tôi luôn ở bên anh chị em!