Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” - “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
Đó là lời Chúa
13. Vàng thật thì không sợ lửa, càng luyện càng tinh, vàng giả thì không chịu được lửa.
(Thánh Gregory)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"
--------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info
Hòa thượng và tên cường đạo trên đường đi thì gặp một con hổ, tên cường đạo lấy cái cung để chống lại hổ, hổ không sợ; còn hòa thượng thì bất đắc dĩ phải lấy quyển sách khuyên giáo đặt trước mặt con hổ, con hổ sợ hãi, lập tức bỏ chạy mất tiêu.
Hổ con hỏi hổ mẹ tại sao lại sợ, hổ mẹ trả lời:
- “Cường đạo đến thì ta có thể đánh đấu cùng nó; còn hòa thượng thì khuyên giáo ta, ta dùng cái gì để đánh lại ông ta chứ?”
(Tuyết Đào Hài Sử)
Suy tư 29:
“Người mạnh thì có kẻ mạnh hơn”, đây là lời khuyên bảo cho những người có tính coi trời bằng vung, và cũng là lời nhắc nhở chúng ta cần phải có khiêm tốn trong cuộc sống của mình.
Dùng gậy chống gậy, dùng gươm giáo chống gươm giáo, dùng vũ khí tối tân để chống lại vũ khí tối tân, đó là chuyện bình thường của con người trong mọi thời đại, cho nên chiến tranh mới tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới; nhưng nếu như tất cả mọi người biết nghe lời khuyên bảo của nhau, thì chắc chắn sẽ chặn đứng được lò lửa chiến tranh...
Con hổ là loài dũng mãnh không sợ cung tên của tên cường đạo, nhưng lại bỏ chạy trước quyển sách khuyên giải của lão hòa thượng, thế mời biết lời nói nhẹ nhàng khiêm tốn thì không những giải quyết được vấn đề, mà còn làm cho người khác phải nể phục trong lòng hơn là dùng vũ lực để “nói chuyện” với nhau.
Người Ki-tô hữu dứt khoát là không dùng gậy gộc dao búa để trả thù hoặc để tấn công người khác, nhưng họ sẽ nghe lời dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su là phải tha thứ và đối thoại trong yêu thương thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề, bởi vì con hổ là loài vật không trí khôn mà còn sợ hãi trước lời khuyên giải, huống gì là con người chứ !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.
“Điều hấp dẫn tôi là tôi cảm thấy mình tự làm chủ được số phận; nhưng cảm giác đó hoàn toàn thiếu trung thực và lừa dối bản thân nghiêm trọng. Tự hào về bản thân khiến tôi tự tôn thờ mình như ngẫu tượng; và đó là quốc giáo của địa ngục!” - Howard Butt.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cho thấy Gioan không theo “quốc giáo của địa ngục” khi không tự tôn, tự hào. Việc Gioan thừa nhận mình không xứng đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu là bằng chứng. Trớ trêu thay, chính sự thừa nhận này lại làm cho Gioan 'nên cao cả!’.
Bạn có muốn ‘nên cao cả’ mà không tự tôn, tự hào? Bởi lẽ, “Tự tôn, tự hào, tự kiêu, tự đại, tự ti, tự mãn, tự cao, tự ái… và kể cả tự tin, tự trọng đều là tự tử!” - Gioan XXIII. Tự thâm tâm, tất cả chúng ta đều muốn ‘nên cao cả’ và khát khao hạnh phúc. Ước muốn bẩm sinh này thật chính đáng và chẳng có gì sai! Chúng ta muốn cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích và tạo ra một sự khác biệt. Vấn đề là “Làm thế nào?”. Làm thế nào để tôi có thể ‘nên cao cả’, cao cả thực sự!
Từ góc độ trần thế, sự cao cả thường đồng nghĩa với thành công, giàu có, quyền lực và sự ngưỡng mộ từ người khác… Nhưng từ góc độ thiêng liêng, sự cao cả chỉ đạt được bằng việc dâng cho Thiên Chúa vinh quang lớn nhất mà chúng ta có thể có trong đời. Dâng Chúa mọi vinh quang có tác dụng ‘luỹ thừa’ đối với cuộc sống mỗi người.
Trước hết, dâng Chúa mọi vinh quang cho phép chúng ta sống phù hợp với sự thật là “Chúa và chỉ một mình Chúa” xứng với mọi khen ngợi và vinh quang. Bởi lẽ, mọi điều tốt lành đều đến từ Ngài. Thứ đến, dâng Chúa mọi vinh quang chỉ ra sự thật rằng, chúng ta tội lỗi, hoàn toàn bất xứng và điều này có tác dụng hỗ tương là chính Thiên Chúa sẽ hạ cố và nâng chúng ta lên. “Sự tách biệt khỏi tội lỗi và tính thế gian tự nó không phải là mục đích, nhưng là phương tiện để đạt được điều gì đó lớn lao hơn, cụ thể là Vương Quốc Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa và tình bạn với Thiên Chúa!” - Phanxicô.
Andrew Murray thật thâm thuý, “Khiêm tốn là sự yên tĩnh hoàn hảo của trái tim. Đó là sự bình yên khi không được ai khen ngợi, khi bị chê trách hay khinh thường. Đó là ngôi nhà hạnh phúc, nơi tôi có thể vào, đóng cửa lại và quỳ lạy Cha tôi cách bí mật; và tôi bình an như trong biển sâu yên tĩnh, khi mọi thứ xung quanh và bên trên đều hỗn trọc!”.
Anh Chị em,
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Hãy suy ngẫm về ơn gọi của bạn và chiêm ngắm gương khiêm nhường của Gioan. Đừng bao giờ né tránh việc hạ mình trước sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa. Làm như vậy chúng ta không hạ thấp chính mình hoặc cản trở sự cao cả của bản thân. Đúng hơn, chỉ trong sự khiêm nhường nhìn nhận sự yếu hèn, tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, bạn và tôi mới có thể cho phép Chúa Giêsu lôi kéo vào sự cao cả của Ngài - ‘cao cả của thập giá’. “Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu!” - Phaolô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ‘tự tử’ khi theo ‘quốc giáo của địa ngục’. Cho con biết hạ mình trước Chúa, trước anh em, để được Chúa hạ cố nâng lên!”, Amen.
(Tgp. Huế)
(Mt 2, 1-12)
Ánh Sáng chiếu toả trên địa cầu
Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng. Lời nguyện nhập Lễ Ban Đêm, Giáo Hội tuyên xưng Chúa “là nguồn sánh sáng thật đến soi chiếu trần gian làm cho đêm cự thánh này bừng lên rực rỡ”, và lời nguyện Lễ Rạng Đông Giáo Hội chỉ rõ Hài Nhi Giêsu là “ánh sáng mới của Ngôi Lời nhập thể” và cầu xin Thiên Chúa toàn năng “làm cho ánh sáng ấy rực lên trong mọi sinh hoạt của chúng con”. Ánh sáng ấy được biểu lộ trong ngày lễ Hiển Linh, ngày Chúa tỏ mình ra cách rõ nhất mà hôm nay chúng ta mừng kính.
Lời tiên báo của Isaia không ngừng làm cho chúng ta xúc động, nhất là khi chúng ta nghe lời ấy trong phụng vụ đêm Giáng sinh : “Dân đang bước đi trong tăm tối đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1). Khi bóng đen bao phủ toàn cõi đất khiến dân bước đi trong tăm tối, bỗng một ánh sáng huy hoàng đã bừng lên.
Ánh sáng được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là Nguồn Sáng Thật, là “Mặt Trời mọc lên từ trên cao” (x. Lc 1,78) toả sáng trên trần gian và lan ra theo những vòng tròn đồng tâm. Trước hết trên Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria và Thánh Giuse được chiếu sáng bởi sự hiện diện thần linh của Hài Nhi Giêsu, kế đến là các mục đồng tại Bêlem; khi được thiên sứ báo tin, các ngài mau mắn chạy đến hang đá và gặp thấy nơi đó “dấu chỉ” đã được báo trước cho họ: một con trẻ được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12). Các mục đồng, cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, đại diện cho “nhóm nhỏ còn lại của Dân Israel”, những người nghèo, những kẻ đã được loan báo Tin Mừng.
Ánh sáng của Chúa Kitô cuối cùng chiếu toả đến các vị Ðạo Sĩ, quả đầu mùa từ các dân ngoại : “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng… và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11). Trong khí đó, “cả nhà vua cùng các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân” (Mt 2,3) còn nằm trong bóng đêm, nơi mà tin tức về Ðấng Thiên Sai sinh ra, được thông báo một cách nghịch lý cho họ biết qua các vị Ðạo Sĩ, và khơi dậy không phải niềm vui mừng, nhưng sự lo sợ và những phản ứng thù nghịch (x. Mt 2,3). Ý định của Thiên Chúa quả thật là nhiệm mầu: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc họ làm là điều xấu” (Ga 3,19).
Nhưng thử hỏi ánh sáng đó là gì đây? Nó chỉ là một biểu tượng gợi ý, hay có một thực tại thật, được nói lên qua hình ảnh này? Thánh Gioan viết : “Thiên Chúa là sự sáng, tối tăm không hề có nơi Người” (1Ga 1,5). Gioan thêm: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Hai lời quả quyết trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng: Ánh sáng bừng lên trong đêm Giáng Sinh là Tình Yêu Thiên Chúa.
Chúa Giêsu “là Ánh sáng đã chiếu soi lương dân và Vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2,32); Ðược Thiên Chúa linh ứng, cụ Simêon đã thốt lên như thế. Ánh sáng chiếu soi mọi dân tộc, ánh sáng của lễ Hiển Linh phát xuất từ vinh quang của Israel dân Chúa, vinh quang của Ðấng Thiên Sai, mà theo Kinh Thánh, đã giáng sinh tại Bêlem, “thành của Vua Ðavít”. Các Ðạo Sĩ thờ lạy một Hài Nhi, vì các ngài nhìn nhận nơi Hài Nhi là ánh sáng đã hướng dẫn các ngài: ánh sáng của ngôi sao và ánh sáng của Kinh Thánh. Các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ vị Vua của người Giuđêa, vinh quang của dân Israel, và cũng là Vua của tất cả mọi dân nước.
Trong khung cảnh phụng vụ của lễ Hiển Linh cũng được biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi vừa chiếu sáng trong thế giới ánh sáng của Chúa Kitô, vừa phản chiếu ánh sáng đó nơi chính mình, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời, đồng thời hoàn tất những lời tiên tri xưa nói cho thành thánh Giêrusalem : “Hãy chỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng, bởi vì ánh sáng của ngươi ngự đến... Các dân tộc sẽ bước theo ánh sáng của ngươi, các Vua Chúa sẽ đi theo vinh quang của Nguồn Sáng ngươi” (Is 60, 1-3). Người kitô hữu sẽ phải thực hiện ơn gọi của mình là “chiếu toả ánh sáng của chúng con trước mọi người, ngõ hầu nhờ thấy những việc tốt chúng con làm mà họ tôn vinh Cha chúng con trên trời” (Mt 5,16).
Lời ngôn sứ Isaia thôi thúc chúng ta : " Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi." (Is 66,1-3). Ðây là một lời mời hướng tới Giáo Hội Chúa Kitô và hướng tới từng người Kitô hữu, mời gọi chúng ta ý thức hơn về sứ mệnh và trách nhiệm truyền giáo của mình đối với thế giới trong việc làm chứng và chiếu sáng Tin Mừng khắp thế gian.
Thánh lễ đầu năm dương lịch 2025, cũng là Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 58 đã diễn ra lúc 10g sáng ngày đầu năm mới 1 Tháng Giêng, 2025 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.
Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.
Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 58 là “Xin tha nợ cho chúng con, xin ban bình an của Ngài cho chúng con”. Trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, Đức Thánh Cha nói:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con bình an của Ngài! Đây là lời cầu nguyện mà tôi dâng lên Thiên Chúa khi tôi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong Năm Mới tới các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, tới các vị đứng đầu các Tổ chức Quốc tế, tới các vị Lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau, tới mọi người thiện chí.
Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con,
như chúng con tha thứ cho những kẻ mắc nợ chúng con,
và trong vòng tròn tha thứ này, xin ban cho chúng con bình an của Ngài,
bình an mà chỉ Ngài mới có thể ban
cho những người để tâm hồn của họ được giải trừ vũ khí,
cho những ai có hy vọng muốn tha nợ cho anh chị em mình,
cho những người không sợ hãi thú nhận rằng họ mắc nợ Ngài,
cho những người không bịt tai trước tiếng kêu của những người nghèo nhất.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Thánh Tông Đồ Phaolô tóm tắt mầu nhiệm này bằng cách nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến, sinh ra bởi một người phụ nữ” (Gal 4:4). Những lời này – “sinh ra bởi một người phụ nữ” – vang vọng trong tâm hồn chúng ta ngày hôm nay; những lời ấy nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của chúng ta, đã hoá thành nhục thể và được tỏ lộ trong sự yếu đuối của xác phàm.
Sinh ra từ một người phụ nữ. Những lời này đưa chúng ta trở lại với lễ Giáng sinh, vì Ngôi Lời đã trở thành xác thịt. Tông đồ Phaolô, khi nói rằng Chúa Kitô được sinh ra từ một người phụ nữ, gần như cảm thấy cần phải nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa thực sự đã trở thành người qua cung lòng của con người. Có một sự cám dỗ mà nhiều người ngày nay thấy hấp dẫn, nhưng cũng có thể khiến nhiều Kitô hữu hiểu lầm, là tưởng tượng hoặc phát minh ra một Thiên Chúa "trong trừu tượng", gắn liền với một số cảm xúc tôn giáo mơ hồ hoặc cảm xúc hời hợt thoáng qua. Không. Thiên Chúa là hữu hình, Ngài là con người, Ngài được sinh ra từ một người phụ nữ; Ngài có một khuôn mặt và một cái tên, và kêu gọi chúng ta có mối quan hệ với Ngài. Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, được sinh ra từ một người phụ nữ, có xác thịt và máu huyết. Đến từ lòng Chúa Cha, Ngài đã nhập thể trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Từ thiên đàng cao nhất, Ngài xuống trái đất. Con của Thiên Chúa, Ngài trở thành con người. Hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng, Chúa Kitô đã đến giữa chúng ta trong sự yếu đuối; mặc dù Ngài không có tì vết, "vì chúng ta, Thiên Chúa đã biến Ngài thành tội lỗi", hay 2 Côrinh-tô 5:21. Ngài được sinh ra từ một người phụ nữ; Ngài là một trong chúng ta. Vì lý do này, Ngài có thể cứu chúng ta.
Sinh ra từ một người phụ nữ. Những lời này cũng nói với chúng ta về nhân tính của Chúa Kitô, để cho chúng ta biết rằng Người được tỏ lộ trong sự yếu đuối của xác thịt. Sinh ra từ một người phụ nữ, Người đến với chúng ta như một hài nhi nhỏ bé. Đó là lý do tại sao những mục đồng đi xem những gì Thiên thần đã công bố không thấy những dấu hiệu phi thường hay những màn trình diễn lớn lao, mà là “Đức Maria và Thánh Giuse và hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Họ thấy một đứa trẻ nhỏ bé, bất lực cần sự chăm sóc, quần áo và sữa, những cái vuốt ve và tình yêu của mẹ mình. Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort nói với chúng ta rằng Đức Khôn ngoan thần linh “mặc dù chắc chắn có thể, nhưng không muốn trao ban chính mình trực tiếp cho con người, nhưng đã chọn làm như vậy thông qua Đức Trinh Nữ Maria. Người cũng không muốn đến với thế giới như một người đàn ông trưởng thành, không cần người khác, nhưng như một đứa trẻ nhỏ, cần sự chăm sóc và nuôi dưỡng của một người Mẹ” (Luận về Lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh Nữ Maria, 139). Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng đây là cách Thiên Chúa chọn để hành động: thông qua sự nhỏ bé và ẩn giấu. Chúa Giêsu không bao giờ khuất phục trước sự cám dỗ thực hiện những dấu chỉ lớn lao và áp đặt mình lên người khác, như ma quỷ đã gợi ý. Thay vào đó, Người đã mặc khải tình yêu của Thiên Chúa trong vẻ đẹp của nhân tính Người, ngự giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống hằng ngày, những nỗ lực và ước mơ của chúng ta, thương xót những ai đau khổ về thể xác và tinh thần, ban thị lực cho người mù và sức mạnh cho người chán nản. Ba thái độ của Thiên Chúa là thương xót, gần gũi và trắc ẩn. Thiên Chúa đến gần chúng ta và thương xót và trắc ẩn. Chúng ta đừng quên điều này. Bằng sự yếu đuối của nhân tính Người và sự quan tâm của Người đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa.
Thưa anh chị em, chúng ta thật sự nên suy ngẫm về cách Đức Maria, người phụ nữ trẻ thành Nazareth, liên tục đưa chúng ta trở về với mầu nhiệm Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, và chúng ta gặp Người trên hết trong cuộc sống hằng ngày, trong nhân tính yếu đuối của chúng ta và của tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Khi cầu nguyện với Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô được sinh ra bởi Chúa Cha, nhưng cũng thực sự được sinh ra bởi một người phụ nữ. Chúng ta tuyên xưng rằng Người là Chúa của thời gian, nhưng vẫn ngự trong thời đại của chúng ta, thực sự là năm mới này, với sự hiện diện đầy yêu thương của Người. Chúng ta tuyên xưng rằng Người là Đấng Cứu Độ thế giới, nhưng chúng ta có thể gặp Người và được kêu gọi tìm kiếm Người trên khuôn mặt của mọi con người. Nếu Người, là Chúa Con, đã trở nên nhỏ bé đến mức được ôm trong vòng tay của một người mẹ, được chăm sóc và nuôi dưỡng, thì điều này có nghĩa là ngày nay Người cũng đến giữa chúng ta trong tất cả những người cần được chăm sóc tương tự: trong mỗi chị em và anh em mà chúng ta gặp gỡ, trong mọi người cần sự chú ý và chăm sóc dịu dàng của chúng ta.
Chúng ta hãy phó thác năm mới này cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Xin cho chúng ta học cách, như Mẹ, khám phá ra sự vĩ đại của Thiên Chúa trong những điều nhỏ bé của cuộc sống. Xin cho chúng ta học cách chăm sóc mọi đứa trẻ được sinh ra từ một người phụ nữ, trên hết là bằng cách bảo vệ, như Đức Maria, món quà quý giá của sự sống: sự sống trong bụng mẹ, sự sống của trẻ em, sự sống của những người đau khổ, người nghèo, người già, người cô đơn và người hấp hối. Hôm nay, trong Ngày Hòa bình Thế giới này, tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận lời kêu gọi xuất phát từ trái tim của người mẹ Maria: trân trọng sự sống, chăm sóc những cuộc sống bị tổn thương - có rất nhiều cuộc sống bị tổn thương -, khôi phục phẩm giá cho cuộc sống của mọi người "sinh ra từ người phụ nữ", vì đây là nền tảng để xây dựng một nền văn hóa hòa bình. Vì lý do này, "Tôi kêu gọi một cam kết vững chắc để tôn trọng phẩm giá của sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, để mỗi người có thể trân trọng cuộc sống của chính mình và tất cả có thể hướng đến tương lai với hy vọng" (Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới LVIII, ngày 1 Tháng Giêng năm 2025).
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, đang chờ đợi chúng ta ở đó, tại máng cỏ. Mẹ chỉ cho chúng ta, như Mẹ đã chỉ cho các mục đồng, sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn làm chúng ta ngạc nhiên, Đấng không đến trong sự uy nghi của thiên đàng, nhưng trong sự nhỏ bé của máng cỏ. Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ Năm Thánh mới này. Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ những câu hỏi, những lo lắng, những đau khổ, những niềm vui và tất cả những mối quan tâm mà chúng ta mang trong lòng. Mẹ là mẹ của chúng ta, mẹ của chúng ta! Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ toàn thế giới, để hy vọng có thể được tái sinh và hòa bình cuối cùng có thể nảy sinh cho tất cả mọi người trên trái đất.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng tại Ephêsô, khi các giám mục tiến vào nhà thờ, các tín hữu có mặt, tay cầm những gậy gộc, đã kêu lên: “Mẹ Thiên Chúa!”. Chắc chắn những chiếc gậy gộc là lời hứa về điều sẽ xảy ra nếu các giám mục không tuyên bố tín điều “Mẹ Thiên Chúa”. Ngày nay, chúng ta không có gậy gộc, nhưng chúng ta có trái tim và tiếng nói của trẻ em. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy cùng nhau tung hô Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau nói, thật mạnh mẽ: “Mẹ Thiên Chúa Thánh!”, ba lần. Cùng nhau: “Mẹ Thiên Chúa Thánh! Mẹ Thiên Chúa Thánh! Mẹ Thiên Chúa Thánh”!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Francis X. Rocca (*), trên National Catholic Register ngày 29 tháng 12 năm 2024, viết về những điểm nổi bật trong năm bao gồm chuyến đi dài nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chuyến đi kéo dài 11 ngày qua Châu Á và Châu Đại Dương; kết thúc Thượng hội đồng về tính đồng nghị; và việc bổ sung 20 Hồng Y mới vào cơ quan sẽ chọn giáo hoàng tiếp theo.
Tất cả những biến cố trên đã củng cố các chủ đề từng đánh dấu triều giáo hoàng hiện tại ngay từ khi bắt đầu: ưu tiên đi du lịch đến các quốc gia không phải phương Tây; nhấn mạnh vào việc tham vấn rộng rãi hơn với giáo dân; và xu hướng chọn những người đàn ông có xuất thân hoặc địa điểm không theo truyền thống làm hoàng tử của Giáo hội.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng thể hiện một đặc điểm quen thuộc trong phong cách lãnh đạo của mình: sử dụng sự mơ hồ có vẻ mang tính chiến lược để khơi dậy cuộc thảo luận và mở rộng phạm vi quan điểm có thể chấp nhận được về một số vấn đề nhạy cảm nhất trong đời sống của Giáo hội. Năm nay, cách tiếp cận đó đặc biệt nổi bật liên quan đến việc giảng dạy về các mối quan hệ đồng tính, việc phong chức thánh cho phụ nữ và việc làm mẹ hộ.
Ví dụ nổi tiếng nhất về phương pháp này vẫn là câu nói nổi tiếng nhất của vị Giáo hoàng, được đưa ra để trả lời một câu hỏi về tình dục đồng tính và chức linh mục tại cuộc họp báo đầu tiên của ngài vào năm 2013: "Tôi là ai mà phán xét?"
Theo đó, năm nay bắt đầu trong bối cảnh tranh cãi về việc công bố Fiducia Supplicans vào tháng 12 năm 2023, một tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican được Đức Giáo Hoàng đích thân chấp thuận, cho phép các linh mục ban phước cho các cặp đôi đồng tính.
Sau khi chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu của Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, đến Rome để phản đối tài liệu này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép các giám mục Châu Phi cấm những phước lành như vậy trên lục địa của họ.
“Người Châu Phi là một trường hợp riêng biệt: Đối với họ, đồng tính luyến ái là điều gì đó ‘xấu xí’ theo quan điểm văn hóa; họ không dung thứ cho điều đó”, Đức Giáo Hoàng nói với tờ báo Ý La Stampa.
Ba tháng sau, trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, Đức Giáo Hoàng đã hạ thấp tầm quan trọng của Fiducia Supplicans, cho rằng nó chỉ cho phép ban phước cho các cá nhân, mặc dù tài liệu này liên tục nhắc đến “các cặp đôi”.
“Không, điều tôi cho phép là không ban phước cho sự kết hợp. Điều đó không thể thực hiện được”, Đức Giáo Hoàng nói. “Nhưng để ban phước cho mỗi người, thì có.”
Tháng sau, trong một cuộc họp kín với các giám mục Ý, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một thuật ngữ tiếng Ý thô tục để chỉ đồng tính luyến ái trong khi tái khẳng định chính sách của Giáo hội là cấm những người đàn ông có “khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu xa” vào các chủng viện. Ngài đã xin lỗi vì cách diễn đạt này thông qua một phát ngôn viên, người này cho biết Đức Giáo Hoàng “không bao giờ có ý định xúc phạm hoặc thể hiện mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính.”
Vào tháng 4, văn phòng giáo lý đã công bố tuyên bố Dignitas Infinita, về việc bảo vệ phẩm giá con người, bao gồm các chủ đề trong lĩnh vực giới tính và đạo đức sinh học. Đức Hồng Y Víctor Fernández, tổng trưởng của bộ, đã dự đoán, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE, rằng tài liệu này sẽ trấn an những người Công Giáo vốn lo ngại về tranh cãi về việc ban phước cho người đồng tính.
Tuyên bố mới trích dẫn một tuyên bố gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả "việc thực hành điều gọi là làm mẹ hộ là đáng chê trách, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của người phụ nữ và đứa trẻ, dựa trên việc khai thác hoàn cảnh nhu cầu vật chất của người mẹ", và kêu gọi lệnh cấm hoàn cầu.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn với CBS ngay sau đó, Đức Giáo Hoàng dường như đã làm dịu đi sự lên án của mình và gợi ý rằng có thể có những trường hợp ngoại lệ: "Tôi muốn nói rằng trong mỗi trường hợp, tình hình cần được cân nhắc cẩn thận và rõ ràng, tham khảo ý kiến bác sĩ và sau đó là đạo đức. Tôi nghĩ rằng có một quy tắc chung trong những trường hợp này, nhưng bạn phải xem xét từng trường hợp cụ thể để đánh giá tình hình, miễn là nguyên tắc đạo đức không bị vi phạm".
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói với CBS rằng ngài sẽ không xem xét việc phong chức phó tế cho phụ nữ, dường như khép lại vấn đề mà ngài đã chỉ định ba ban riêng biệt để nghiên cứu. Nhưng vào tháng 10, Đức Giáo Hoàng đã thông qua một văn bản cuối cùng của thượng hội đồng như một phần trong giáo huấn chính thức của mình, trong đó nêu rõ rằng "vấn đề về quyền tiếp cận chức phó tế của phụ nữ vẫn còn bỏ ngỏ. Sự phân định này cần phải tiếp tục".
Thượng hội đồng đã chứng tỏ là một sự thất vọng đối với những người mong đợi nó sẽ giải quyết các vấn đề nóng hổi, chẳng hạn như các vấn đề LGBT, độc thân của giáo sĩ hoặc biện pháp tránh thai, sau khi Đức Giáo Hoàng giao những vấn đề đó cho các nhóm nghiên cứu đặc biệt, bao gồm một nhóm được chỉ định rõ ràng để giải quyết "các vấn đề giáo lý, mục vụ và đạo đức gây tranh cãi". Họ được cho là sẽ báo cáo về những phát hiện của mình vào cuối tháng 6 năm 2025.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã phát biểu về các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, nói rằng chúng đã trình bày cho người Công Giáo Hoa Kỳ nhu cầu lựa chọn "cái ác nhỏ hơn": một đảng viên Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ việc phá thai hợp pháp hoặc một đảng viên Cộng hòa tuyên thệ trục xuất hàng triệu người di cư. Cả hai ứng cử viên đều "chống lại sự sống", ngài nói. "Cái ác nhỏ hơn là gì? Người phụ nữ đó hay người đàn ông đó? Tôi không biết; mỗi người phải suy nghĩ và quyết định theo lương tâm của riêng mình", Đức Giáo Hoàng nói, trái ngược với các giám mục Hoa Kỳ, những người có hướng dẫn bỏ phiếu đã xác định sự phản đối phá thai là "ưu tiên hàng đầu" của họ.
Trong suốt cả năm, Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần kêu gọi hòa bình tại các điểm nóng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Ukraine và Gaza. Ngài thường giữ lập trường trung lập giữa các bên tham chiến, mặc dù đôi khi ngài chỉ trích Israel một cách mạnh mẽ, đặc biệt là khi ngài nói trong một cuộc phỏng vấn dài vào tháng 11 rằng chiến dịch của quốc gia này tại vùng đất Palestine nên được điều tra như một cuộc diệt chủng có thể xảy ra. Hai hình ảnh vào tháng 12 đã tiêu biểu cho sự bấp bênh trong hành động cân bằng của Đức Giáo Hoàng về chủ đề xung đột bất ổn ở Trung Đông. Ngài đã được chụp ảnh tại Vatican khi đang cầu nguyện trước một cảnh Chúa giáng sinh do các nghệ nhân Palestine làm, trong đó có bức tượng Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ được quấn khăn trùm đầu keffiyeh, một biểu tượng được công nhận rộng rãi của sự nghiệp Palestine. Hình ảnh này đã gây ra tranh cãi ở Israel và những nơi khác — và sau đó đã bị gỡ bỏ. Ngày hôm sau, Vatican đã công bố một bức ảnh Giáo hoàng đang xem bức tranh được ngài mô tả như một trong những bức tranh yêu thích của mình: bức tranh White Crucifixion của Marc Chagall năm 1938, bức tranh mô tả Chúa Giêsu là một người Do Thái trên nền cảnh đàn áp bài Do Thái ở Đế quốc Nga cũ và Đức Quốc xã.
Trong một lời tri ân khác dành cho văn hóa vào năm ngoái, một bức thư ngỏ được công bố vào tháng 8 về tầm quan trọng của văn học đối với việc giáo dục các linh mục và những người khác trong mục vụ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thúc giục sự khiêm nhường khi đứng về phía nào đó trong các vấn đề phức tạp:
“Bằng cách thừa nhận sự vô ích và thậm chí sự bất khả thu hẹp sự mầu nhiệm của thế giới và nhân loại thành một cực đối lập giữa thật và giả hoặc đúng và sai, người đọc chấp nhận trách nhiệm đưa ra phán đoán, không phải như một phương tiện thống trị, mà như động lực để lắng nghe nhiều hơn.”
_________________________________________________________________
(*) Francis X. Rocca Francis X. Rocca là nhà phân tích cấp cao của Vatican cho EWTN News. Ông đã đưa tin về Vatican từ năm 2007, gần đây nhất là cho The Wall Street Journal, nơi ông cũng đưa tin về tôn giáo hoàn cầu. Ông đã viết cho Time, The Times Literary Supplement và The Atlantic, cùng nhiều ấn phẩm khác. Rocca là đạo diễn của một bộ phim tài liệu, “Những tiếng nói của Công đồng Vatican II: Những người tham gia nhớ lại Công đồng.”
Cahrles Collins của tạp chí Crux ngày 31 tháng 12, 2024 tường trình rằng vào đêm canh thức mừng lễ Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết niềm hy vọng của tình huynh đệ không dựa trên hệ tư tưởng, hệ thống kinh tế hay tiến bộ công nghệ, mà là Con Thiên Chúa nhập thể.
Ngày 1 tháng 1 được mừng kính Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh, và vào đêm giao thừa, người ta hát thánh ca Te Deum, có nghĩa là thánh ca tạ ơn vào cuối năm.
“Đây là thời gian tạ ơn, và chúng ta có niềm vui sống trong thời gian này bằng cách mừng lễ Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh”. Đức Phanxicô đã nói tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô rằng: “Ngài là người giữ mầu nhiệm Chúa Giêsu trong lòng, cũng dạy chúng ta đọc các dấu chỉ của thời đại Thiên Chúa dưới ánh sáng của mầu nhiệm này”.
Ngài cho biết năm 2024 là một “năm đầy thách thức” đối với thành phố Roma, với nhiều công trình xây dựng chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 bắt đầu vào lễ Giáng sinh.
“Roma được kêu gọi chào đón mọi người để mọi người có thể nhận ra nhau là con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau. Vì vậy, tại thời điểm này, chúng ta muốn dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa vì Người đã cho phép chúng ta làm việc, làm việc rất nhiều, và trên hết, vì Người đã ban cho chúng ta làm việc với ý nghĩa to lớn này, với chân trời rộng lớn này là niềm hy vọng của tình anh em”, Đức Giáo Hoàng nói.
Ngài cho biết Năm Thánh – với khẩu hiệu “Những người hành hương của hy vọng” – là một cơ hội tuyệt vời để xây dựng sự hiệp nhất giữa mọi người.
“Vâng, hy vọng của thế giới nằm ở tình anh em! Và thật tuyệt khi nghĩ rằng thành phố của chúng ta trong những tháng gần đây đã trở thành một công trường xây dựng cho mục đích này, với ý nghĩa chung như sau: Chuẩn bị chào đón những người đàn ông và đàn bà từ khắp nơi trên thế giới, những người Công Giáo và Kitô hữu thuộc các tín ngưỡng khác, những người theo mọi tôn giáo, những người tìm kiếm sự thật, tự do, công lý và hòa bình - tất cả những người hành hương của hy vọng và tình anh em", Đức Giáo Hoàng nói.
"Nhưng chúng ta có thể - và tôi muốn nói rằng chúng ta phải - tự hỏi: Quan điểm này có cơ sở không? Hy vọng về một nhân loại huynh đệ chỉ là một khẩu hiệu tu từ hay có nền tảng 'gồ ghề' để xây dựng một cái gì đó ổn định và lâu dài?" Đức Phanxicô hỏi.
Câu trả lời được Mẹ Thánh Thiên Chúa ban cho chúng ta bằng cách cho chúng ta thấy Chúa Giêsu. Hy vọng về một thế giới huynh đệ không phải là một hệ tư tưởng, không phải là một hệ thống kinh tế, không phải là tiến bộ công nghệ. Không. Hy vọng về một thế giới huynh đệ là 'Người', Chúa Con nhập thể, được Chúa Cha sai đến để tất cả chúng ta có thể trở thành chính mình - tức là con cái của Chúa Cha trên trời, và do đó là anh chị em giữa chúng ta", ngài tiếp tục.
“Và vì vậy, trong khi chúng ta biết ơn ngưỡng mộ kết quả của công trình được thực hiện trong thành phố, chúng ta hãy nhận thức được công trường xây dựng mang tính quyết định là gì, công trường xây dựng liên quan đến mỗi người chúng ta: Đó là nơi mà mỗi ngày, tôi sẽ để Chúa thay đổi trong tôi những gì không xứng đáng với một đứa con, những gì không phải là con người, và nơi mà tôi sẽ phấn đấu, mỗi ngày, để sống như một người anh chị em với người lân cận của mình,” Đức Phanxicô nói.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ cử hành Thánh lễ cho Ngày Hòa bình Thế giới tại Vatican vào sáng thứ Tư.
Aleteia, trong ấn bản ngày 01/01/25, đã phổ biến sứ điệp hòa bình năm 2025 của Đức Phanxicô:
Trong chu kỳ tha thứ này, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa, sự bình an mà chỉ mình Chúa mới có thể ban cho những ai để mình được hạ vũ khí trong lòng...
Xin tha thứ cho chúng con những tội lỗi của chúng con: xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa
I. Lắng nghe lời cầu xin của một nhân loại đang bị đe dọa
1. Vào lúc bình minh của Năm Mới được Cha trên trời của chúng ta ban cho chúng ta, một năm Hồng Ân trong tinh thần hy vọng này, tôi xin gửi lời chúc hòa bình chân thành nhất đến mọi người nam và nữ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người cảm thấy bị áp bức, gánh nặng bởi những lỗi lầm trong quá khứ, bị áp bức bởi sự phán xét của người khác và không có khả năng nhận ra ngay cả một tia hy vọng cho cuộc sống của chính họ. Tôi cầu xin hy vọng và hòa bình cho mọi người, vì đây là Năm Ân sủng phát sinh từ Trái tim Đấng Cứu Chuộc!
2. Trong suốt năm nay, Giáo Hội Công Giáo cử hành Năm Thánh, một sự kiện lấp đầy trái tim bằng niềm hy vọng. “Năm Thánh” gợi nhớ đến một tập tục cổ xưa của người Do Thái, khi cứ mỗi bốn mươi chín năm, tiếng tù và (trong tiếng Do Thái là jobel) sẽ công bố một năm tha thứ và tự do cho toàn thể dân tộc (x. Lv 25:10). Lời công bố long trọng này có ý nghĩa vang vọng khắp đất nước (x. Lv 25:9) và khôi phục công lý của Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống: trong việc sử dụng đất đai, trong việc sở hữu của cải và trong các mối quan hệ với người khác, trên hết là với người nghèo và người bị tước đoạt. Tiếng tù và nhắc nhở toàn thể dân chúng, giàu cũng như nghèo, rằng không ai đến thế gian này mà phải chịu áp bức: tất cả chúng ta đều là anh chị em, là con trai và con gái của cùng một Cha, được sinh ra để sống trong tự do, theo ý muốn của Chúa (x. Lv 25:17, 25, 43, 46, 55).
3. Trong thời đại của chúng ta, Năm Thánh cũng là một biến cố truyền cảm hứng cho chúng ta tìm cách thiết lập công lý có tính giải phóng của Thiên Chúa trên thế giới của chúng ta. Thay vì tiếng tù và, khi bắt đầu Năm Ân Sủng này, chúng ta muốn nghe “lời kêu cứu tuyệt vọng” [1], giống như tiếng kêu của máu Abel (x. St 4:10), vang lên từ rất nhiều nơi trên thế giới của chúng ta – một lời kêu cứu mà Thiên Chúa không bao giờ không lắng nghe. Về phần mình, chúng ta cảm thấy có nghĩa vụ phải kêu lên và tố cáo nhiều tình huống trong đó trái đất bị khai thác và những người hàng xóm của chúng ta bị áp bức. [2] Những bất công này đôi khi có thể xuất hiện dưới hình thức mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “cấu trúc tội lỗi”, [3] không chỉ phát sinh từ sự bất công của một số người mà còn được củng cố và duy trì bởi một mạng lưới đồng lõa.
4. Mỗi người chúng ta phải cảm thấy theo một cách nào đó có trách nhiệm đối với sự tàn phá mà trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã phải chịu, bắt đầu từ những hành động, mặc dù chỉ gián tiếp, thúc đẩy các cuộc xung đột hiện đang gây ra tai họa cho gia đình nhân loại của chúng ta. Những thách thức mang tính hệ thống, riêng biệt nhưng có mối liên hệ với nhau, do đó được tạo ra và cùng nhau gây ra sự tàn phá trên thế giới của chúng ta. [4] Tôi nghĩ, đặc biệt, về mọi hình thức chênh lệch, sự đối xử vô nhân đạo đối với người di cư, sự suy thoái môi trường, sự nhầm lẫn cố ý tạo ra bởi thông tin sai lệch, sự từ chối tham gia vào bất cứ hình thức đối thoại nào và các nguồn lực khổng lồ dành cho ngành kỹ nghệ chiến tranh. Tất cả những điều này, xét về tổng thể, đại diện cho mối đe dọa đối với sự hiện hữu của toàn thể nhân loại. Vào đầu năm nay, chúng ta mong muốn lắng nghe lời kêu gọi của nhân loại đang đau khổ để cảm thấy được kêu gọi, cùng nhau và với tư cách là cá nhân, phá vỡ xiềng xích của bất công và tuyên bố công lý của Thiên Chúa. Những hành động từ thiện rời rạc là không đủ. Những thay đổi về văn hóa và cấu trúc là cần thiết, để có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài. [5]
II. Một sự thay đổi văn hóa: tất cả chúng ta đều là con nợ
5. Việc cử hành Năm Thánh thúc đẩy chúng ta thực hiện một số thay đổi để đối đầu với tình trạng bất công và bất bình đẳng hiện tại bằng cách nhắc nhở bản thân rằng của cải của trái đất không dành cho một số ít người được đặc ân, mà dành cho tất cả mọi người. [6] Chúng ta nên nhớ lại lời của Thánh Basil thành Caesarea: “Hãy cho tôi biết, những thứ gì thuộc về bạn? Bạn tìm thấy chúng ở đâu để biến chúng thành một phần cuộc sống của bạn? … Bạn không sinh ra trần truồng từ trong bụng mẹ sao? Bạn sẽ không trở về mặt đất trần truồng sao? Tài sản của bạn đến từ đâu? Nếu bạn nói rằng nó đến với bạn một cách tự nhiên do may mắn, thì bạn đang phủ nhận Thiên Chúa vì không nhận ra Đấng Tạo Hóa và không biết ơn Đấng ban tặng”. [7] Nếu không có lòng biết ơn, chúng ta không thể nhận ra những món quà của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong lòng thương xót vô hạn của mình, Chúa không từ bỏ nhân loại tội lỗi, nhưng thay vào đó, Người khẳng định lại món quà sự sống của mình bằng sự tha thứ cứu rỗi được ban cho tất cả mọi người thông qua Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao, khi dạy chúng ta về “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu đã bảo chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con” (Mt 6:12).
6. Một khi chúng ta không còn nhìn thấy mối quan hệ của mình với Chúa Cha, chúng ta bắt đầu ấp ủ ảo tưởng rằng mối quan hệ của chúng ta với người khác có thể bị chi phối bởi luận lý bóc lột và áp bức, khi sức mạnh tạo nên lẽ phải. [8] Giống như giới tinh hoa thời Chúa Giêsu, những người đã hưởng lợi từ nỗi đau khổ của người nghèo, ngày nay, trong ngôi làng hoàn cầu liên kết của chúng ta, [9] hệ thống quốc tế, trừ khi được truyền cảm hứng từ tinh thần liên đới và phụ thuộc lẫn nhau, sẽ gây ra bất công, trầm trọng hơn do tham nhũng, khiến các quốc gia nghèo hơn bị mắc kẹt. Một tâm lý bóc lột những người mắc nợ có thể được dùng để mô tả ngắn gọn về “cuộc khủng hoảng nợ nần” hiện tại đang đè nặng lên một số quốc gia, đặc biệt là ở Nam bán cầu.
7. Tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng nợ nước ngoài đã trở thành một phương tiện kiểm soát mà qua đó một số chính phủ và các tổ chức tài chính tư nhân của các quốc gia giàu hơn khai thác một cách vô đạo đức và bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người của các quốc gia nghèo hơn, chỉ để đáp ứng nhu cầu của thị trường của chính họ. [10] Ngoài ra, các dân tộc khác nhau, vốn đã gánh chịu gánh nặng nợ quốc tế, cũng thấy mình bị buộc phải gánh chịu gánh nặng “nợ sinh thái” do các quốc gia phát triển hơn gánh chịu. [11] Nợ nước ngoài và nợ sinh thái là hai mặt của một đồng xu, cụ thể là tư duy khai thác đã lên đến tuyệt đỉnh trong cuộc khủng hoảng nợ nần. [12] Theo tinh thần của Năm Thánh này, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực xóa nợ nước ngoài để công nhận khoản nợ sinh thái hiện hữu giữa Bắc và Nam của thế giới này. Đây là lời kêu gọi liên đới, nhưng trên hết là công lý. [13]
8. Sự thay đổi về văn hóa và cấu trúc cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng này sẽ diễn ra khi chúng ta cuối cùng thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều là con trai và con gái của một Cha, rằng tất cả chúng ta đều mang ơn Người nhưng chúng ta cũng cần nhau, trong tinh thần trách nhiệm chung và đa dạng. Chúng ta sẽ có thể “tái khám phá một lần cho tất cả rằng chúng ta cần nhau” và mắc nợ lẫn nhau. [14]
III. Một hành trình hy vọng: ba đề xuất
9. Nếu chúng ta ghi nhớ những thay đổi rất cần thiết này, Năm Thánh Ân Sủng có thể giúp mỗi người chúng ta bước vào một hành trình hy vọng mới, bắt nguồn từ kinh nghiệm về lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. [15]
Thiên Chúa không nợ bất cứ ai, nhưng Người liên tục ban ân sủng và lòng thương xót của Người cho tất cả mọi người. Như Isaac thành Nineveh, một Giáo phụ của Giáo hội Đông phương vào thế kỷ thứ bảy, đã nói trong một trong những lời cầu nguyện của mình: “Lạy Chúa, tình yêu của Người lớn hơn những tội lỗi của con. Sóng biển chẳng là gì so với vô số tội lỗi của con, nhưng khi đặt lên bàn cân và cân với tình yêu của Người, chúng tan biến như một hạt bụi”. [16] Thiên Chúa không cân nhắc những điều xấu xa mà chúng ta phạm phải; thay vào đó, Người vô cùng “giàu lòng thương xót, vì Người đã yêu thương chúng ta rất nhiều” (Ê-phê-sô 2:4). Tuy nhiên, Người cũng lắng nghe lời cầu xin của người nghèo và tiếng kêu của trái đất. Chúng ta sẽ làm tốt nếu chỉ dừng lại một chút, vào đầu năm nay, để nghĩ về lòng thương xót mà với nó, Người liên tục tha thứ tội lỗi của chúng ta và tha thứ mọi món nợ của chúng ta, để trái tim chúng ta tràn ngập hy vọng và bình an.
10. Khi dạy chúng ta cầu nguyện “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi của chúng ta, nhưng ngay lập tức chuyển sang những lời đầy thách thức: “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (x. Mt 6:12). Để tha thứ tội lỗi của người khác và mang đến cho họ hy vọng, chúng ta cần phải lấp đầy cuộc sống của chính mình bằng chính hy vọng đó, hoa trái của kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Hy vọng tràn đầy trong sự quảng đại; nó không tính toán, không đưa ra những đòi hỏi ẩn giấu, không quan tâm đến lợi nhuận, nhưng chỉ hướng đến một điều duy nhất: nâng đỡ những người đã sa ngã, chữa lành những trái tim tan vỡ và giải thoát chúng ta khỏi mọi loại ràng buộc.
11. Do đó, vào đầu Năm Ân Sủng này, tôi muốn đưa ra ba đề xuất có khả năng khôi phục lại phẩm giá cho cuộc sống của toàn thể các dân tộc và giúp họ bắt đầu lại cuộc hành trình hy vọng. Theo cách này, cuộc khủng hoảng nợ có thể được khắc phục và tất cả chúng ta một lần nữa có thể nhận ra rằng chúng ta là những con nợ đã được tha thứ.
Trước hết, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của Thánh Gioan Phaolô II nhân dịp Đại lễ Năm Thánh 2000 để xem xét “giảm đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, khoản nợ quốc tế đang đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của nhiều quốc gia”. [17] Nhận ra khoản nợ sinh thái của mình, các quốc gia thịnh vượng hơn nên cảm thấy được kêu gọi làm mọi cách có thể để xóa nợ cho những quốc gia không có khả năng trả số tiền họ nợ. Tất nhiên, để điều này không chỉ chứng minh là một hành động từ thiện đơn lẻ chỉ đơn thuần khởi động lại vòng luẩn quẩn của tài chính và nợ nần, một khuôn khổ tài chính mới phải được đưa ra, dẫn đến việc tạo ra một Hiến chương tài chính hoàn cầu dựa trên tình liên đới và hòa hợp giữa các dân tộc.
Tôi cũng yêu cầu một cam kết chắc chắn về việc tôn trọng phẩm giá của sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, để mỗi người có thể trân trọng cuộc sống của chính mình và tất cả mọi người có thể hướng đến một tương lai thịnh vượng và hạnh phúc cho chính họ và cho con cái của họ một cách đầy hy vọng. Nếu không có hy vọng cho tương lai, những người trẻ sẽ khó có thể mong đợi mang lại sự sống mới vào thế giới. Ở đây, tôi muốn một lần nữa đề xuất một cử chỉ cụ thể có thể giúp thúc đẩy nền văn hóa sự sống, cụ thể là xóa bỏ án tử hình ở mọi quốc gia. Hình phạt này không chỉ làm tổn hại đến sự bất khả xâm phạm của sự sống mà còn xóa bỏ mọi hy vọng của con người về sự tha thứ và phục hồi. [18] Ngoài ra, theo bước chân của Thánh Phaolô VI và Be-nê-đic-tô XVI, [19] tôi không ngần ngại đưa ra một lời kêu gọi khác, vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Trong thời đại chiến tranh này, chúng ta hãy sử dụng ít nhất một tỷ lệ cố định trong số tiền dành cho vũ khí để thành lập một Quỹ hoàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo và tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục tại các quốc gia nghèo hơn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. [20] Chúng ta cần nỗ lực xóa bỏ mọi lý do khuyến khích những người trẻ coi tương lai của họ là vô vọng hoặc bị chi phối bởi khát vọng trả thù cho máu của những người thân yêu. Tương lai là một món quà có ý nghĩa giúp chúng ta vượt qua những thất bại trong quá khứ và mở ra những con đường mới cho hòa bình.
IV. Mục tiêu của hòa bình
12. Những ai chấp nhận những đề xuất này và bắt đầu hành trình hy vọng chắc chắn sẽ thoáng thấy bình minh của mục tiêu hòa bình được mong đợi lớn lao. Tác giả Thánh vịnh hứa với chúng ta rằng “tình yêu kiên định và lòng trung thành sẽ gặp nhau; công lý và hòa bình sẽ hôn nhau” (Tv 85:10). Khi tôi không đầu tư vào vũ khí và khôi phục con đường hy vọng cho một trong những anh chị em của mình, tôi góp phần khôi phục công lý của Thiên Chúa trên trái đất này và cùng với người đó, tôi tiến tới mục tiêu hòa bình. Như Thánh Gioan XXIII đã nhận xét, hòa bình thực sự chỉ có thể nảy sinh từ một trái tim “không còn lo lắng” và sợ hãi chiến tranh. [21]
13. Mong năm 2025 sẽ là năm mà hòa bình nở rộ! Một nền hòa bình thực sự và lâu dài vượt ra ngoài việc cãi vã về các chi tiết của các thỏa thuận và sự thỏa hiệp của con người. [22] Mong chúng ta tìm kiếm sự hòa bình thực sự mà Thiên Chúa ban cho những trái tim không còn lo lắng: những trái tim không còn tính toán điều gì là của tôi và điều gì là của bạn; những trái tim biến sự ích kỷ thành sự sẵn sàng vươn tới người khác; những trái tim tự thấy mình mắc nợ Thiên Chúa và do đó sẵn sàng tha thứ những món nợ áp bức người khác; những trái tim thay thế nỗi lo lắng về tương lai bằng hy vọng rằng mỗi cá nhân có thể là nguồn lực để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
14. Giải trừ vũ khí trái tim là công việc của tất cả mọi người, lớn và nhỏ, giàu và nghèo. Đôi khi, một điều gì đó khá đơn giản sẽ có tác dụng, chẳng hạn như "một nụ cười, một cử chỉ nhỏ của tình bạn, một cái nhìn tử tế, một đôi tai lắng nghe, một việc làm tốt". [23] Với những cử chỉ như vậy, chúng ta tiến tới mục tiêu hòa bình. Chúng ta sẽ đến đích nhanh hơn nữa nếu trong quá trình đồng hành cùng những người anh chị em của mình, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta đã thay đổi so với lúc mới bắt đầu. Hòa bình không chỉ đến khi chiến tranh kết thúc mà còn đến khi một thế giới mới bắt đầu, một thế giới mà chúng ta nhận ra rằng chúng ta khác biệt, gần gũi và huynh đệ hơn chúng ta từng nghĩ là có thể.
15. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa! Đây là lời cầu nguyện của tôi với Chúa khi giờ đây tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới chân thành nhất đến các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, đến các nhà lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế, đến các nhà lãnh đạo của nhiều tôn giáo khác nhau và đến mọi người có thiện chí. Xin Chúa tha thứ cho chúng con những lỗi lầm của chúng con, như chúng con tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm đến chúng con. Trong chu kỳ tha thứ này, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa, sự bình an mà chỉ một mình Chúa mới có thể ban cho những ai để mình hạ vũ khí trong lòng, cho những ai hy vọng tha thứ cho những món nợ của anh chị em mình, cho những ai không sợ thú nhận món nợ của mình với Chúa, và cho những ai không bịt tai trước tiếng kêu của người nghèo.
Từ điện Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2024
FRANCIS
Daniel Esparza - Ateleia
Bầu khí đương đại của thành phố Berlin hoàn toàn trái ngược với quá khứ thời trung cổ, khi các nhà khảo cổ khám phá tại Molkenmarkt một di sản lâu dài của đức tin.
Molkenmarkt của Berlin, một quảng trường lịch sử từng nhộn nhịp với các hoạt động thương mại, đã khám phá ra một kho báu khảo cổ sâu sắc: 188 thánh tích của Công Giáo, một số chứa các mảnh xương thánh, ẩn dưới các lớp nhựa đường hiện đại. Khám phá đáng chú ý này chứng tỏ lòng sùng kính thời trung cổ đã từng thấm nhuần thành phố.
Một kho báu dưới lòng đường
Với diện tích trải dài trên 9.200 mét vuông, Molkenmarkt hiện là trung tâm giao thông chính của Berlin. Tuy nhiên, như La Vanguardia giải thích, trong các cuộc khai quật gần đây của Văn phòng Di tích Nhà nước Berlin, các nhà khảo cổ đã khai quật được các di vật thiêng liêng từ thế kỷ 14 và 15.
Trong số những phát hiện có những bức tượng tôn giáo được thiết kế rất tinh xảo, như một bức tượng đất sét cao gần 11 cm của Thánh Catherine.
Thánh nữ Catherine: Người bảo trợ được yêu mến của thời Trung cổ
Thánh Catherine là một vị thánh nổi tiếng ở châu Âu thời trung cổ, được tôn kính như một vị thánh bảo vệ và Đấng hòa giải. Bức tượng mô tả bà với các công cụ tử đạo của bà - một thanh kiếm và một bánh xe nhọn - và một vương miện đặc biệt. Thiết kế này cung cấp cái nhìn thoáng qua về nghệ thuật và lòng mộ đạo nhiệt thành của thời kỳ đó.
Di vật có mục đích
Cuộc khai quật cũng phát hiện ra các mảnh vỡ của 188 bức tượng thánh nữ, mỗi bức được trang trí bằng các miếng khảm ngực giống như huy chương chứa các mảnh xương người. Những di vật này có hai mục đích, trước là vật tôn kính, sau là mối liên đới hữu hình với các vị thánh. Như La Vanguardia cũng đã đưa tin, Tiến sĩ Sebastian Heber, người đứng đầu bộ bảo tồn của thanh phố Berlin, cho biết những hiện này là những phát hiện hiếm có ở khu vực này và cung cấp những hiểu biết vô giá về đời sống tâm linh của thành phố Berlin thời trung cổ.
Một phát hiện độc đáo
"Phát hiện này thì vô gía", Eberhard Völker, giám đốc khoa học của cuộc khai quật Molkenmarkt cho biết. "Số lượng tượng và các mảnh xương được bảo quản làm nổi bật lòng mộ đạo sâu sắc của thời kỳ này". Các di vật phản ánh một thời kỳ được đánh dấu bằng lòng sùng đạo lớn lao và nhấn mạnh tầm quan trọng của các vị thánh trong Kitô giáo thời trung cổ.
Bốn trong số những bức tượng tinh xảo, cao khoảng tám cm, đã được công bố trước công chúng vào ngày 16 tháng 12, thu hút cả các nhà sử học và khảo cổ học. Các bức tượng, có và không có vương miện, là minh chứng cho sự khéo léo và ý định tâm linh của những người sáng tạo ra chúng.
Kết nối quá khứ và hiện tại
Với cuộc sống đương đại của thành phố Berlin hoàn toàn trái ngược với quá khứ thời trung cổ, khám phá Molkenmarkt gợi lên sự suy tư về di sản lâu đời của đức tin. Những di vật này, được ẩn dấu bên dưới quảng trường lâu đời nhất của thành phố, nhắc nhở chúng ta về thời kỳ mà lòng sùng đạo được đan xen phức tạp với cuộc sống hàng ngày và những đồ vật nhỏ bé này có ý nghĩa tâm linh thật sâu sắc.
1. Thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine phá hủy trực thăng của Nga trong cuộc tấn công lịch sử: Kyiv
Một thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine đã phá hủy một trực thăng của Nga trong một cuộc tấn công lịch sử ở Hắc Hải. Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết như trên chiều Thứ Ba, 31 Tháng Mười Hai.
Trong cuộc tấn công vào sáng ngày 31 tháng 12, Ukraine đã sử dụng thuyền điều khiển từ xa của hải quân Magura V5 để bắn hỏa tiễn R-73 SeeDragon và phá hủy trực thăng Mi-8 của Nga.
Việc Ukraine phá hủy một trực thăng của Nga bằng thuyền điều khiển từ xa Magura V5 là đáng kể vì đây là lần đầu tiên một thiết bị như vậy hạ gục được một mục tiêu trên không; điều này báo hiệu sự thay đổi trong cách thức chiến tranh đang diễn ra. Việc sử dụng Magura V5 để tấn công các mục tiêu trên không có thể truyền cảm hứng cho sự phát triển của các máy bay điều khiển từ xa khác được điều động trên biển để tấn công nhiều mục tiêu.
Lính đặc nhiệm Ukraine thuộc đơn vị GUR của Bộ Quốc phòng đã phá hủy trực thăng của Nga bằng cách bắn hỏa tiễn R-73 SeeDragon trong trận chiến ở Hắc Hải gần Mũi Tarkhankut ở Crimea bị tạm chiếm. Ukraine cũng bắn trúng một trực thăng khác của Nga, nhưng nó đã có thể đến được phi trường căn cứ.
Theo Global Defense News, thuyền điều khiển từ xa Magura V5 là một phương tiện mặt nước điều khiển từ xa, gọi tắt là USV tiên tiến được thiết kế cho các nhiệm vụ đa chức năng như trinh sát, tác chiến điện tử và tấn công chính xác. Được phát triển bởi GUR, một cơ quan tình báo quân sự của Ukraine, máy bay điều khiển từ xa này thường được sử dụng để tấn công các tài sản của Nga ở Crimea và đã tấn công nhiều tàu của Nga ở Hắc Hải.
Máy bay điều khiển từ xa có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ tầm xa, vì nó có tốc độ tối đa là 78 km/giờ, hay 42 hải lý, và phạm vi hoạt động lên tới 800 km [497 dặm], và tải trọng thuốc nổ 200 kg [440 pound]. Do tốc độ và khả năng cơ động nhanh, lực lượng hải quân đối phương khó có thể đánh chặn.
Thuyền điều khiển từ xa của hải quân được trang bị hệ thống dẫn đường tự động được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và có thể thực hiện các thao tác chính xác, tấn công mục tiêu và tích hợp nhiều loại tải trọng khác nhau. Hỏa tiễn R-73 SeeDragon được bắn từ thuyền điều khiển từ xa của hải quân Magura V5 ban đầu được phát triển thành hỏa tiễn không đối không tầm ngắn có khả năng dẫn đường hồng ngoại. Hỏa tiễn này sau đó đã được tái sử dụng để tấn công các mục tiêu trên không.
Đây không phải là chiến thắng duy nhất của Ukraine khi sử dụng thuyền điều khiển từ xa Magura V5 của hải quân tại Crimea gần đây, vì Kyiv cũng đã tạo nên lịch sử khi sử dụng máy bay điều khiển từ xa này để đánh chìm một tàu chiến của Nga trong vùng chiến sự đang diễn ra vào đầu tuần này. Máy bay điều khiển từ xa kamikaze của hải quân đã phá hủy hoặc làm hư hại 15 tàu chiến của Nga.
Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2022, mặc dù nước này đã giao tranh với Nga về lãnh thổ này kể từ năm 2014, khi Crimea bị Mạc Tư Khoa sáp nhập.
Trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, Tymofiy Mylovanov, chủ tịch Trường Kinh tế Kyiv, đã viết: “Đây là lần đầu tiên (trên thế giới). Thuyền điều khiển từ xa trên biển của Ukraine hiện bắn trực thăng của Nga bằng hỏa tiễn Tình báo Quốc phòng Ukraine: Vào ngày 31 tháng 12 năm 2024, đơn vị đặc nhiệm GUR MO của Ukraine 'Nhóm 13' đã vô hiệu hóa thành công một mục tiêu trên không bằng thuyền điều khiển từ xa Magura V5. Trong một trận chiến ở Hắc Hải gần Mũi Tarkhankut ở Crimea tạm thời bị tạm chiếm, hỏa tiễn R-73 “SeeDragon” tiên tiến phóng từ máy bay điều khiển từ xa đã phá hủy một trực thăng Mi-8 của Nga. Một trực thăng địch thứ hai bị hư hại nhưng đã quay trở lại căn cứ X của mình.”
Illia Ponomarenko, một nhà báo ở Ukraine, đã viết trên X: “Trong khi đó ở Hắc Hải. Lần đầu tiên, một thuyền điều khiển từ xa Magura V5 của hải quân Ukraine đã bắn hạ một trực thăng Mil Mi-8 của Nga. Wuuuuuuuuuuuuuut.”
Rob Lee, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, viết: “GUR cho biết Nhóm 13 của họ đã bắn hạ một trực thăng Mi-8 của Nga vào đêm qua gần Crimea bằng hỏa tiễn R-73 phóng từ thuyền điều khiển từ xa Magura V5.
“Các kênh truyền hình Nga đã đăng tải hình ảnh thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine được trang bị hỏa tiễn R-73 vào tháng 5.”
Người ta vẫn phải chờ xem liệu Ukraine có tiếp tục điều động thuyền điều khiển từ xa Magura V5 và những loại máy bay khác được phát triển để chống lại các mục tiêu trên không trong khi chiến đấu trên biển hay không.
[Newsweek: Ukrainian Naval Drone Destroys Russian Helicopter in Historic Strike: Kyiv]
2. Ukraine cảnh báo về chiến thuật của Nga tại biên giới NATO
Một cố vấn chủ chốt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các nước NATO nên xem xét “các mối đe dọa lai ghép từ Nga tại biên giới của họ”, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng gia tăng về nghi ngờ Nga có liên quan đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của liên minh.
Andriy Yermak, chánh văn phòng của Zelenskiy, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Khi chúng ta nói về những gì các nước Âu Châu và các quốc gia NATO nên cân nhắc, điều cần thiết là phải đánh giá rủi ro từ các mối đe dọa lai ghép mới nổi ở biên giới của họ”.
Chiến tranh hỗn hợp là một loạt các hoạt động không nhằm mục đích chiến đấu công khai, như tấn công mạng, chiến dịch thông tin hoặc nhắm vào cơ sở hạ tầng dễ bị tấn công, chẳng hạn như cáp ngầm.
Các nước NATO, đặc biệt là những nước gần lãnh thổ Nga ở sườn phía đông của liên minh, đã cảnh báo về khả năng chiến tranh hỗn hợp của Mạc Tư Khoa.
Các quan chức cho rằng Điện Cẩm Linh có thể tấn công lãnh thổ NATO bằng chiến thuật chiến tranh hỗn hợp, thay vì tiến hành một cuộc tấn công quân sự thông thường hơn.
“Hạm đội ngầm chịu trách nhiệm phá hoại cáp quang có thể không phải là mối đe dọa duy nhất từ Nga”, Yermak cho biết vào Chúa Nhật.
Đầu tuần này, một cáp điện và một số cáp dữ liệu ở Biển Baltic đã bị ngắt kết nối trong đợt gián đoạn mới nhất của cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển tại khu vực được mệnh danh là “hồ NATO”. Nga có sự hiện diện quân sự đáng kể tại vùng đất tách biệt Kaliningrad của mình trên Biển Baltic, nhưng nơi này lại được bao quanh bởi các quốc gia thành viên NATO.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Phần Lan hôm thứ năm đã chặn và lên tàu Eagle S treo cờ Quần đảo Cook, một tàu được cho là một phần của “hạm đội ngầm” của Nga nhằm mục đích né tránh lệnh trừng phạt dầu mỏ áp đặt đối với Mạc Tư Khoa. Tàu chở dầu đã băng qua cáp điện Estlink 2 vào đúng thời điểm sự việc gián đoạn được báo cáo vào Ngày Giáng Sinh.
Helsinki cho biết vào hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai, rằng con tàu đã bị bắt giữ tại vùng biển Phần Lan.
Vào tháng 11, hai tuyến cáp ngầm dưới biển ở Biển Baltic đã bị gián đoạn liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về khả năng phá hoại. Một tàu chở hàng rời của Trung Quốc, Yi Peng 3, đang bị điều tra liên quan đến việc cắt đứt các tuyến cáp này.
“Nga có nhiều lựa chọn để thử nghiệm sự gắn kết của liên minh”, bao gồm cả việc chiếm đất có giới hạn, Trung tướng Jürgen-Joachim von Sandrart, cựu chỉ huy Quân đoàn đa quốc gia Đông Bắc của NATO có trụ sở tại tây bắc Ba Lan, đã nói với Newsweek ngay trước khi rời nhiệm sở vào tháng 11.
Nga rất giỏi trong loại hình chiến tranh này và NATO biết điều đó. Vào tháng 5, liên minh đã tổ chức một cuộc họp chuyên về chiến lược bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển của liên minh.
James Appathurai, một quan chức cao cấp của NATO được giao nhiệm vụ giải quyết chiến tranh hỗn hợp, đã nói với Sky News trong một bài báo được công bố vào Chúa Nhật rằng có “viễn cảnh thực sự” là Nga có thể tiến hành một số hình thức tấn công phi truyền thống nhằm vào liên minh và gây ra thương vong “đáng kể”.
Andriy Yermak trong một tuyên bố: “Khi chúng ta nói về những gì các quốc gia Âu Châu và các quốc gia NATO nên cân nhắc, điều cần thiết là phải đánh giá rủi ro của các mối đe dọa lai mới nổi trên biên giới của họ. Hạm đội bóng tối, chịu trách nhiệm phá hoại cáp, có thể không phải là mối đe dọa duy nhất như vậy từ Nga.
“Sự xuất hiện của những người lính cải trang trong quân phục Nga, nhưng thực chất là từ Bắc Hàn hoặc lực lượng ủy nhiệm Iran gần biên giới NATO, hoàn toàn có thể xảy ra nếu Nga không bị ngăn chặn ngay bây giờ. Những người lính Bắc Hàn đã chiến đấu trên đất Âu Châu. Ai có thể tưởng tượng ra điều này trước đây?
“Sự trừng phạt tạo ra sự dễ dãi. Đây là thời điểm đòi hỏi những quyết định mạnh mẽ và hành động quyết đoán.”
Ủy ban Âu Châu trong một tuyên bố: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ bất kỳ hành vi cố ý phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng nào của Âu Châu. Con tàu bị tình nghi là một phần của hạm đội ngầm của Nga, đe dọa an ninh và môi trường, đồng thời tài trợ cho ngân sách chiến tranh của Nga. Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp tiếp theo, bao gồm cả lệnh trừng phạt, để nhắm vào hạm đội này.
“Để ứng phó với những sự việc này, chúng tôi đang tăng cường nỗ lực bảo vệ cáp ngầm, bao gồm tăng cường trao đổi thông tin, công nghệ phát hiện mới, cũng như năng lực sửa chữa ngầm và hợp tác quốc tế.”
Mark Rutte, Tổng thư ký NATO, cho biết liên minh sẽ “tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Baltic”.
[Newsweek: Ukraine Warns of Russian Tactics at NATO Borders]
3. Một thiếu nữ 16 tuổi bị bắt ở Nga vì dán bích chương chống chính phủ ở trường học
Một cô gái 16 tuổi đang bị tạm giam tại St. Petersburg vì dán bích chương có hình ảnh những chiến binh chống chính quyền lên bảng tin tại trường học, một tòa án địa phương thông báo vào ngày 29 tháng 12.
Chính quyền Nga đã đẩy mạnh đàn áp phe đối lập chính trị sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022. Việc bày tỏ sự bất bình với cuộc chiến của Nga hoặc chính quyền Nga có thể dẫn đến những hình phạt nặng nề.
Đứa trẻ, người mà tờ Kyiv Independent đã chọn không nêu tên, được cho là đã dán các tấm bích chương có tiêu đề “Những anh hùng của nước Nga” có ảnh của Denis Kapustin và Aleksiy Levkin vào ngày 26 tháng 12. Kapustin và Levkin là những chiến binh trong Quân đoàn tình nguyện Nga, một nhóm chiến binh do Kapustin thành lập, những người đã chiến đấu cùng với Ukraine và phản đối chế độ cai trị của Putin.
Chính quyền Nga đã bắt giữ bị cáo vào ngày 27 tháng 12, cáo buộc cô này “công khai kêu gọi thực hiện các hoạt động khủng bố hoặc công khai biện minh cho hành động khủng bố”.
Nếu bị kết tội, tòa án Nga có thể áp dụng mức tiền phạt lớn hoặc án tù nhiều năm đối với bà.
Theo tòa án địa phương, bị cáo đã yêu cầu được quản thúc tại gia trong khi chờ xét xử.
Gần 20.000 người đã bị giam giữ tại Nga, bao gồm cả những trường hợp giam giữ trẻ em trước đây, vì cáo buộc hoạt động phản chiến kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của họ bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Freedom House đưa tin.
Luật sư nổi tiếng người Nga, Dmitry Talantov đã bị kết án bảy năm tù vào ngày 28 tháng 11 sau khi bị bắt vào tháng 6 năm 2022. Talantov bị kết tội kích động thù hận và phát tán những gì cơ quan thực thi pháp luật Nga gọi là “thông tin sai lệch” về quân đội Nga.
[Kyiv Independent: 16-year-old arrested in Russia over anti-government school poster]
4. Video của Ukraine cho thấy Trụ sở quân sự của Nga bị phá hủy ở Zaporizhzhia
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, Ukraine cho biết lực lượng của nước này đã phá hủy một sở chỉ huy quân sự của Nga ở khu vực Zaporizhzhia phía nam, như một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy khoảnh khắc diễn ra cuộc tấn công.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 31 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, đã tiến hành cuộc tấn công trong một hoạt động chung với một nhóm lực lượng của mình.
Ukraine đang bước vào năm 2025 sau khi Nga giành được những thắng lợi ổn định ở một số khu vực tiền tuyến tại vùng Donetsk. Zaporizhzhia xa hơn về phía nam là một trong bốn khu vực mà Putin, người đã phát động cuộc xâm lược quốc gia Đông Âu này vào tháng 2 năm 2022, đã tuyên bố sáp nhập, mặc dù khu vực này không được Mạc Tư Khoa kiểm soát hoàn toàn.
Tuyên bố của Ukraine về cuộc tấn công thành công vào một tài sản quan trọng của Nga sẽ mang lại sự khích lệ tinh thần trong bối cảnh Kyiv cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn trong khu vực.
Theo hãng thông tấn Ukrinform đưa tin hôm thứ Hai, HUR cho biết trong một chiến dịch cùng Nhóm lực lượng Tavria, họ đã “phá hủy một sở chỉ huy của Nga tại khu vực Zaporizhzhia tạm thời bị tạm chiếm”, nhưng không nêu rõ ngày tháng hay địa điểm cụ thể.
“Do thám trên không của Phòng Hoạt động Hoạt động của HUR đã xác định được vị trí của trụ sở,” Đại Úy Yusov cho biết. “Hợp tác với Nhóm Lực lượng Tavria, họ đã thực hiện một cuộc tấn công hỏa tiễn chính xác vào mục tiêu.”
Báo cáo cho biết thêm: “Chiến dịch này đã phá hủy trụ sở chính, khiến sáu nhân viên Nga thiệt mạng và ba người khác bị thương nặng”.
Phương pháp tấn công không được đề cập, mặc dù tài khoản X, “War Translated” đã đăng vào thứ Hai rằng tòa nhà đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công của Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao, gọi tắt là HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp. Đoạn phim dài 19 giây cho thấy cuộc tấn công vào ban ngày và khói bốc lên không trung.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, DC, cho biết vào Chúa Nhật rằng lực lượng Nga gần đây đã tiến vào phía tây Zaporizhzhia trong bối cảnh các hoạt động tấn công liên tục diễn ra trong khu vực.
Trong bản cập nhật, ISW cho biết thêm rằng quan chức Vladimir Rogov do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm đã tuyên bố lực lượng Nga đã đẩy lùi các cuộc phản công của Ukraine gần Kamyanske và đang tiếp tục tiến gần thị trấn.
Nhóm nghiên cứu cho biết các thành phần của Tiểu đoàn sửa chữa 1429 của Mạc Tư Khoa đang hoạt động theo hướng Zaporizhzhia.
Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết thêm: “Một trụ sở của Nga đã bị phá hủy ở khu vực tạm thời bị tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia trong một chiến dịch chung của Tình báo Quốc phòng Ukraine và nhóm quân sự chiến lược Tavriia. Vinh quang thay!”
Trang tin ủng hộ Ukraine United 24 đăng trên X: “Lực lượng Ukraine đã giáng một đòn đáng kể vào lực lượng xâm lược của Nga tại Zaporizhzhia.”
Theo các nguồn tin, Kyiv cho biết Nga đang lên kế hoạch tấn công miền Nam Ukraine, với kế hoạch tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực Zaporizhzhia và khu vực bờ phải của Kherson.
Các quan chức quân sự Ukraine cho rằng cuộc tấn công chính có thể nhắm vào khu vực Pyatykhatky, dọc theo sông Dnipro cũng như gần Hulyaipole, RBC Ukraine đưa tin.
Tạp chí The Economist đưa tin vào cuối tháng 11 rằng Ukraine tin rằng Nga đang chuẩn bị tấn công thủ phủ cùng tên của Zaporizhzhia, cách mặt trận khoảng 20 dặm, nơi đã bị nhắm tới bằng hỏa tiễn và bom lượn.
[Newsweek: Ukraine Video Shows Russian Military Headquarters Destroyed in Zaporizhzhia]
5. Ba Lan chuẩn bị tăng xuất khẩu năng lượng sang Ukraine thay cho Slovakia, Bloomberg đưa tin
Bloomberg đưa tin vào ngày 29 tháng 12, trích lời một quan chức Ba Lan giấu tên, Ba Lan đã bày tỏ mong muốn tăng xuất khẩu điện sang Ukraine nếu Slovakia ngừng cung cấp điện.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu điện sang Ukraine vào ngày 27 tháng 12, để đáp trả quyết định của Ukraine không còn vận chuyển khí đốt của Nga vào năm 2025. Ukraine phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ Liên Hiệp Âu Châu trong bối cảnh các cuộc tấn công trên không của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Fico cho biết khi trả lời về kế hoạch không vận chuyển khí đốt của Nga của Ukraine vào ngày 27 tháng 12: “Nếu không thể tránh khỏi, chúng tôi sẽ dừng cung cấp điện mà Ukraine cần trong thời gian mất điện lưới”.
Một quan chức Ba Lan giấu tên cho biết Ba Lan sẵn sàng tăng sản lượng điện trong nước nếu Slovakia ngừng cung cấp nguồn điện dự phòng cho Ukraine, đồng thời nói thêm rằng nước này sẵn sàng bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào mà hệ thống căng thẳng của Ukraine có thể phải gánh chịu.
Ukraine là tuyến đường vận chuyển chính để khí đốt của Nga đến Liên Hiệp Âu Châu. Trong khi phần lớn Liên Hiệp Âu Châu đã từ bỏ khí đốt của Nga, Slovakia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt nhập khẩu của Nga.
Hợp đồng vận chuyển khí đốt của Nga của Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31 tháng 12. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine sẽ không gia hạn hợp đồng vào ngày 19 tháng 12.
“Có vẻ như Putin đã ra lệnh cho Fico mở mặt trận năng lượng thứ hai chống lại Ukraine, gây tổn hại đến lợi ích của người dân Slovakia,” Zelenskiy phát biểu vào ngày 28 tháng 12 để đáp lại những lời đe dọa của Fico.
Các công ty năng lượng từ Áo, Hung Gia Lợi, Ý và Slovakia đã kêu gọi tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu không muốn nhắm vào việc nhập khẩu khí đốt của Nga do sự phụ thuộc của khối này. Liên Hiệp Âu Châu lần đầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga vào tháng 6, hơn hai năm sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Lập trường của Fico đánh dấu sự thay đổi so với cam kết trước đó của Slovakia về việc tăng nguồn cung cấp điện cho Ukraine vào tháng 7.
[Kyiv Independent: Poland prepared to increase energy exports to Ukraine in place of Slovakia, Bloomberg reports]
6. Lavrov tuyên bố Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bố trí hỏa tiễn hạt nhân
Ngoại trưởng Mạc Tư Khoa cho biết Nga sẽ từ bỏ hiệp ước vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ, trong đó cấm bố trí hỏa tiễn hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.
Ngoại trưởng lâu năm của Nga, Sergey Lavrov, phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti rằng: “Ngày nay, rõ ràng là lệnh tạm dừng bố trí Hỏa tiễn hạt nhân tầm trung, gọi tắt là hỏa tiễn INF, của chúng ta thực tế không còn khả thi nữa và sẽ phải bị hủy bỏ”.
Bình luận của Lavrov, vốn không có gì đáng ngạc nhiên, đã chính thức chấm dứt thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh vào thời điểm Nga bị cáo buộc đe dọa hạt nhân và Hoa Kỳ quan sát với mối lo ngại sâu sắc về sự phát triển vũ khí hạt nhân và quân sự của Trung Quốc.
Hiệp ước INF, được Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev ký năm 1987, không còn hiệu lực và không ràng buộc bất kỳ quốc gia nào. Hiệp ước INF cấm hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất thông thường và hạt nhân có tầm bắn chỉ hơn 300 dặm và khoảng 3.400 dặm.
Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF vào giữa năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump, sau khi cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận bằng cách phát triển SSC-8, còn được gọi là hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất 9M729.
NATO cũng cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, điều mà Mạc Tư Khoa phủ nhận. Cả hai bên đã đình chỉ tham gia nhiều tháng trước đó.
Sau đó, Nga tuyên bố sẽ không điều động các hỏa tiễn bị cấm theo hiệp ước này “cho đến khi các hỏa tiễn tương tự do Hoa Kỳ sản xuất” được điều động, được gọi là lệnh tạm dừng INF.
Lavrov nói với RIA Novosti rằng “Hoa Kỳ đã ngạo mạn phớt lờ những cảnh báo từ Nga và Trung Quốc và trên thực tế, đã tiến hành điều động vũ khí loại này ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới”.
Mạc Tư Khoa cho biết Hoa Kỳ đã vi phạm Hiệp ước INF với hệ thống Aegis Ashore, một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo được điều động ở Âu Châu. Hệ thống này có khả năng điều động hỏa tiễn hành trình tấn công tầm xa, Điện Cẩm Linh cho biết.
Washington đã phủ nhận điều này, nói rằng “hệ thống này chỉ có khả năng phóng hỏa tiễn đánh chặn phòng thủ” được cho phép theo hiệp ước.
Tổng thống đắc cử Donald Trump, khi rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước, cho biết Washington sẽ “tiến hành phát triển hệ thống hỏa tiễn tầm trung, được trang bị vũ khí thông thường, phóng từ mặt đất”.
Vào tháng 4, quân đội Hoa Kỳ cho biết họ đã điều động hệ thống hỏa tiễn Mid-Range Capability, gọi tắt là MRC đến miền bắc Philippines, có thể bắn hỏa tiễn hành trình Tomahawk với tầm bắn khoảng 1.000 dặm. Điều này sẽ vi phạm Hiệp ước INF nếu nó vẫn còn hiệu lực.
“Việc từ bỏ các biện pháp tự hạn chế đơn phương do Nga đưa ra sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước INF là điều không thể tránh khỏi”, Lavrov phát biểu vào cuối tháng 5.
Vào tháng 7, Hoa Kỳ và Đức đã cùng nhau tuyên bố rằng Washington sẽ điều động các hỏa tiễn tầm trung phóng từ mặt đất được trang bị vũ khí thông thường tại quốc gia Âu Châu này theo hình thức luân phiên từ năm 2026. Điều này sẽ “bao gồm SM-6, Tomahawk và các loại vũ khí siêu thanh đang được phát triển, có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các loại hỏa lực trên bộ hiện tại ở Âu Châu”, Tòa Bạch Ốc cho biết vào thời điểm đó.
Nga cho biết họ đã thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung mới, mang tên “Oreshnik”, trong một cuộc tấn công vào miền trung Ukraine vào tháng trước. Chính quyền Ukraine ban đầu báo cáo việc sử dụng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, gọi tắt là ICBM.
Putin đã tuyên bố Mạc Tư Khoa sẽ sản xuất hàng loạt “Oreshnik”, và đồng minh chủ chốt Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo lâu năm của Belarus, đã tuyên bố chúng sẽ được điều động tại Belarus.
Ông Lavrov được trích dẫn phát biểu rằng: “Cuộc thử nghiệm chiến đấu gần đây của hệ thống siêu thanh tầm trung mới nhất “Oreshnik” đã chứng minh một cách thuyết phục năng lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc thực hiện các biện pháp bù trừ”.
Lavrov cho biết rằng “tình cảm cực đoan chống Nga” trong giới chức Hoa Kỳ có nghĩa là “hiện tại không có điều kiện để đối thoại chiến lược với Washington”.
“Cho đến khi người Mỹ từ bỏ chính sách chống Nga hiện tại, chúng tôi sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với họ về kiểm soát vũ khí”, ông nói thêm.
Ông Lavrov cho biết Hiệp ước New START, dự kiến hết hạn vào tháng 2 năm 2026, vẫn có hiệu lực, nhưng không rõ điều gì sẽ xảy ra sau hơn một năm nữa.
Hiệp ước New START là hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại và giới hạn số lượng đầu đạn chiến lược được điều động mà cả Hoa Kỳ và Nga có thể sở hữu.
Vũ khí hạt nhân chiến lược thường được mô tả là có sức hủy diệt cao và được thiết kế để nhắm vào các trung tâm dân cư. Không có hiệp ước hiện hành nào hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật, có năng suất nhỏ hơn và đôi khi được mô tả là chỉ sử dụng hạn chế trên chiến trường.
“Nhiều điều vẫn có thể xảy ra trong năm tới. Vì vậy, ở giai đoạn này, sẽ là quá sớm và thậm chí là không khôn ngoan khi công bố những động thái có thể có của chúng tôi trong lĩnh vực nhạy cảm này”, Ngoại trưởng cho biết.
[Newsweek: Russia to Lift Ban on Nuclear Missile Deployment: Lavrov]
7. Đồng minh của Putin kêu gọi trả lại Alaska cho Nga
Người dẫn chương trình truyền hình Nga Vladimir Solovyov, một đồng minh thân cận của Putin, gần đây đã kêu gọi trả lại Alaska cho Nga trong một chương trình truyền thông nhà nước Nga.
Alaska từng thuộc về Nga. Năm 1867, nó được bán cho Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Andrew Johnson ký Hiệp ước Alaska. Nó đạt được vị thế của một tiểu bang vào ngày 3 Tháng Giêng năm 1959. Alaska và Nga cách nhau khoảng 53 dặm tại điểm gần nhất.
Căng thẳng xung quanh Nga và Alaska gia tăng vào Tháng Giêng năm 2024 khi có thông tin Putin đang tìm cách giành lại Alaska, làm hồi sinh nỗ lực mà truyền thông Nga thúc đẩy trong suốt cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine rằng Mạc Tư Khoa có thể chiếm giữ tiểu bang này.
Căng thẳng vẫn ở mức cao giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO và Nga trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine khi các nhà lãnh đạo NATO ngày càng cảnh báo rằng xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa là mối nguy hiểm thực tế. Điều này xảy ra sau khi Putin và các quan chức cao cấp của Nga liên tục đe dọa leo thang hạt nhân chống lại Kyiv và các đối tác phương Tây của nước này kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Tháng trước, Putin đã tăng cường giọng điệu hạt nhân của Mạc Tư Khoa sau khi Hoa Kỳ cho phép Kyiv sử dụng ATACMS tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, chính thức hóa những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của nước này nhằm hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí nguyên tử.
Cùng với mối đe dọa hạt nhân, các thành viên NATO như Đức và các quốc gia vùng Baltic đã cáo buộc Mạc Tư Khoa tiến hành các cuộc tấn công hỗn hợp và cho biết sau chiến tranh Ukraine, Mạc Tư Khoa có thể có động thái nhắm vào các quốc gia trong liên minh.
Trong chương trình gần đây, Solovyov cho biết Phần Lan, Warsaw, các nước Baltic, Moldova và Alaska nên được “trả lại cho Đế quốc Nga”.
“Bạn có nghĩ tôi đang nói đùa khi nhắc đến Phần Lan, Warsaw, vùng Baltic, Moldova không? Mọi thứ đều trở về Đế chế Nga. Và cả Alaska nữa, khi bạn đang nói về điều đó”, Solovyov nói trong một đoạn video đã dịch.
Đoạn clip được Anton Gerashchenko, cựu cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, đăng tải vào thứ Bảy.
“Theo nhà tuyên truyền Solovyov, Phần Lan, Warsaw, Baltic, Moldova và thậm chí cả Alaska nên được 'trả lại cho Đế quốc Nga'. Họ sẽ không dừng lại ở Ukraine. Những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc Nga không biết thỏa mãn”, Gerashchenko viết trên X.
Bộ chỉ huy chung của Hoa Kỳ và Canada cho biết bốn máy bay quân sự của Nga đã xâm phạm không phận quốc tế gần Alaska vào ngày 17 tháng 12.
Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ, gọi tắt là NORAD thông báo rằng họ đã phát hiện và theo dõi máy bay hoạt động trong Vùng nhận dạng phòng không Alaska, gọi tắt là ADIZ.
Các máy bay Nga không xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền của Hoa Kỳ hoặc Canada và sự việc này không được coi là mối đe dọa. Tuy nhiên, những cuộc chạm trán như vậy không phải là hiếm và NORAD đã thông báo rằng một số máy bay Nga đã xâm phạm ADIZ Alaska vào tháng 9.
Bốn máy bay đã được phát hiện vào ngày 23 tháng 9; hai máy bay tuần tra Il-38 của Nga đã được theo dõi vào ngày 14 và 15 tháng 9; hai máy bay trinh sát hàng hải và tác chiến chống tàu ngầm Tu-142 đã được nhìn thấy vào ngày 13 tháng 9; và hai máy bay Nga không xác định đã được xác định vào ngày 11 tháng 9.
Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Vedant Patel phát biểu trong cuộc họp báo về những bình luận của Putin hồi tháng Giêng: “Tôi nghĩ tôi có thể nói thay mặt tất cả chúng tôi trong chính phủ Hoa Kỳ rằng chắc chắn ông ấy sẽ không lấy lại được [Alaska]”.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã nói đùa về Alaska vào Tháng Giêng trên X, trêu chọc rằng “chiến tranh là không thể tránh khỏi”, vì Bộ Ngoại giao nói rằng Nga sẽ không lấy lại được Alaska. Ông đã thêm một biểu tượng cảm xúc cười vào bài đăng.
Keir Giles, một cố vấn cao cấp tại Chatham House, trước đây đã nói với Newsweek: “Việc Nga liên tục tiếp cận không phận Hoa Kỳ là lời nhắc nhở rằng trong khi phần lớn lực lượng trên bộ của Nga đang bị trói buộc ở Ukraine, lực lượng không quân và hải quân của nước này vẫn tiếp tục gây ra mối đe dọa toàn cầu đối với các đối thủ, bao gồm cả Hoa Kỳ.
“Đây là một dấu hiệu khác cho thấy Nga đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu với phương Tây ngoài Ukraine, và bất kỳ sự gián đoạn nào trong cuộc chiến ở đó - ví dụ thông qua lệnh ngừng bắn - sẽ cho phép Nga tái thiết lực lượng của mình nhanh hơn mà không cần Ukraine phải tiêu diệt họ nhanh như tốc độ họ được tái thiết.”
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu Nga có động thái chống lại Alaska hay không. Khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp diễn, căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và NATO có khả năng gia tăng, đặc biệt là nếu các thành viên Âu Châu của liên minh này chịu nhiều gánh nặng hơn trong việc hỗ trợ Ukraine.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine để bảo vệ nước này trước Nga.
[Newsweek: Putin Ally Calls for Alaska's Return to Russia]
8. Quan chức cao cấp của Ukraine cam kết ủng hộ Chính phủ Syria mới
Một quan chức cao cấp của Ukraine đã cam kết ủng hộ chính phủ mới của Syria vào hôm Thứ Hai, 30 Tháng Mười Hai, sau khi Tổng thống Bashar al-Assad, một đồng minh quan trọng của Nga ở Trung Đông, bị lật đổ.
Động thái này đánh dấu sự thay đổi trong các liên minh của Syria khi quốc gia này tạo khoảng cách với Nga và Iran trong khi hàn gắn quan hệ với các cường quốc phương Tây, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đã ủng hộ lực lượng đối lập trong cuộc nội chiến ở Syria.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã gặp nhà lãnh đạo trên thực tế của Syria, Ahmad al-Sharaa, trong chuyến thăm cao cấp tới Damascus hôm thứ Hai.
Chuyến thăm diễn ra sau lời cam kết của Ukraine gửi 500 tấn bột mì đến Syria thông qua Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc nhằm giải quyết và giúp cải thiện an ninh lương thực và khủng hoảng kinh tế của đất nước. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 90 phần trăm người Syria sống trong cảnh nghèo đói, trong khi hơn một nửa không chắc chắn về bữa ăn tiếp theo của họ.
Hoạt động chuyển giao này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Ukraine nhằm ổn định khu vực khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhấn mạnh cam kết của Kyiv trong việc giúp Syria tái thiết sau nhiều thập niên chịu sự cai trị độc tài.
Theo Sybiha, Ukraine sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thu thập bằng chứng và tiến hành điều tra để buộc tội phạm chiến tranh phải chịu trách nhiệm.
Cuộc họp diễn ra vài tuần sau khi quân nổi dậy Syria tràn vào thủ đô Damascus của nước này khi chế độ Assad tồn tại 24 năm sụp đổ.
Sự chuyển đổi của Syria gây ra những cuộc đấu tranh quyền lực và thách thức kinh tế
Sau khi Assad sụp đổ, chính quyền lâm thời Syria đang thực hiện các bước đi mạnh mẽ để khẳng định quyền kiểm soát. Vào thứ Hai, lực lượng an ninh đã tiến hành các cuộc đột kích ở Adra, một vùng ngoại ô của Damascus, bắt giữ những người được cho là trung thành với chế độ cũ. Hoạt động này nhấn mạnh đến những căng thẳng đang diễn ra khi các phe phái Hồi giáo củng cố quyền lực.
Trong khi đó, nữ thống đốc Ngân hàng Trung ương đầu tiên của Syria, Maysaa Sabreen, đã được bổ nhiệm để giải quyết tình trạng hỗn loạn kinh tế của đất nước. Sabreen phải đối mặt với những thách thức to lớn, bao gồm đồng tiền mất giá và tình trạng nghèo đói lan rộng do chiến tranh và lệnh trừng phạt.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia vào cuộc chiến, đề nghị xuất khẩu điện sang Syria và Li Băng để giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Sự tham gia của Ankara cho thấy sự sẵn sàng hỗ trợ ban lãnh đạo mới của Syria sau nhiều năm ủng hộ lực lượng đối lập trong cuộc nội chiến.
Zelenskiy viết trên X: “Phái đoàn Ukraine đã có các cuộc đàm phán quan trọng với chính quyền Syria, nhà lãnh đạo Ahmed Al-Sharaa và các bộ trưởng. Chúng tôi ủng hộ người dân Syria vượt qua nhiều thập niên cai trị độc tài và khôi phục sự ổn định, an ninh và cuộc sống bình thường ở Syria.”
Sybiha cho biết ông hy vọng “một Syria mới sẽ trở thành một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế. Chính quyền Nga và Assad ủng hộ lẫn nhau vì nền tảng của họ là bạo lực và tra tấn”.
Sau khi các cuộc đụng độ nổ ra vào tuần trước tại một số thành phố trên khắp Syria giữa những người ủng hộ Assad và chính phủ mới, do phiến quân Hồi giáo lãnh đạo, người dân Syria đã kêu gọi truy cứu trách nhiệm những kẻ chịu trách nhiệm về các hành động tàn bạo và giết người trong chế độ Assad. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ họ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào và khi nào.
[Newsweek: Top Ukraine Official Pledges Support for New Syrian Government]
9. Sản lượng dầu của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm
Theo số liệu mới nhất, sản lượng dầu thô trung bình hàng ngày của Nga trong năm 2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập niên, số liệu này được cho là cho thấy tác động của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga.
Dữ liệu từ nền tảng phân tích thương mại dầu mỏ Seala cho thấy sản lượng dầu thô năm nay tại Nga trung bình đạt 1.254 tấn mỗi ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Trang tin tức quân sự Militarnyi là một trong những cơ quan truyền thông của Ukraine trích dẫn các số liệu này, cùng với dữ liệu cho thấy sản lượng tại các nhà máy lọc dầu ở Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 do phải sửa chữa đột xuất sau các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.
Dầu mỏ là nguồn thu chính của Nga, quốc gia sản xuất nguồn tài nguyên này lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn 12 phần trăm sản lượng dầu thô toàn cầu.
Đó là lý do tại sao dầu mỏ trở thành mục tiêu trừng phạt của phương Tây nhằm trừng phạt Nga và nhà độc tài Vladimir Putin vì cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 và cắt nguồn tài chính cho cỗ máy chiến tranh của ông.
Trong đó có mức giá trần 60 đô la do G7 áp đặt cho một thùng dầu vận chuyển trên biển, mà Nga đã tìm cách trốn tránh thông qua cái gọi là đội tàu ngầm có liên hệ với Mạc Tư Khoa được che giấu, thường là thông qua các công ty bình phong.
Trong khi đó, Ukraine đã thành công trong việc tấn công các địa điểm sản xuất dầu ở Nga bằng máy bay điều khiển từ xa sâu bên trong nước này nhưng thường không nhận trách nhiệm.
Số liệu từ Seala cho thấy sản lượng dầu thô hàng ngày của Nga là 1.330 tấn vào năm 2022, giảm xuống còn 1.254 tấn trong năm nay.
Militarnyi cho biết sự việc này xảy ra trong bối cảnh sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ kết hợp ở mức thấp kỷ lục - 1.428 ngàn tấn mỗi ngày.
“Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2011, khi sản lượng đạt 1.424 tấn mỗi ngày”, báo cáo cho biết. “Cùng lúc đó, sản lượng dầu giảm xuống còn 1.254 ngàn tấn mỗi ngày, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2005”.
Trích dẫn số liệu của Reuters, tờ Moscow Times là một trong những hãng tin đưa tin dự đoán rằng Nga sẽ giải quyết 267 triệu tấn dầu trong năm nay - giảm 8 triệu tấn so với năm 2023, mức sản xuất nhiên liệu thấp nhất kể từ năm 2012.
Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào các nhà máy lọc dầu của Nga có nghĩa là việc sửa chữa thiết bị không theo lịch trình, vốn trở nên khó khăn hơn do lệnh trừng phạt công nghệ của phương Tây. Ba nhà máy lọc dầu đặc biệt khó khăn do các cuộc tấn công của Ukraine vào năm 2024.
Một vụ ở Tuapse thuộc vùng Krasnodar phía nam trên bờ Hắc Hải, một cơ sở thuộc sở hữu của tập đoàn nhà nước khổng lồ Rosneft đã bị thiêu rụi trong một đám cháy lớn vào tháng Giêng, và một vụ khác vào tháng 7. Thời gian ngừng hoạt động ở các đơn vị chính đã dẫn đến sản lượng giảm 59,6 phần trăm, tương đương 5,5 triệu tấn, Militarnyi đưa tin.
Nhà máy lọc dầu Nizhegorodnefteorgsintez ở Kstovo, thuộc vùng Nizhny Novgorod, đã bị tấn công vào tháng 3 và chứng kiến mức giảm 21,8 phần trăm trong sản lượng là 3,4 triệu tấn. Cơ sở Novoshakhtinsk ở vùng Rostov chứng kiến mức giảm gần một phần ba, hay 31,4 phần trăm, hay 1,5 triệu tấn.
Theo cơ quan thống kê nhà nước Rosstat, giá xăng bán lẻ tại Nga cũng tăng đột biến, tăng 11 phần trăm vào năm 2024 lên 60,57 rúp/lít.
Trang tin Militarnyi của Ukraine đưa tin: “Do hậu quả của các cuộc tấn công của Ukraine, sản lượng tại các nhà máy lọc dầu của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm. Đồng thời, sản lượng dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 19 năm”.
Các nhà phân tích dự đoán rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga có thể phục hồi nhờ nguồn cung cấp thiết bị cần thiết cho việc sửa chữa nhà máy lọc dầu và nhu cầu nhiên liệu ổn định.
Theo tờ The Moscow Times, Alexander Frolov của cổng thông tin phân tích InfoTEK cho biết: “Nếu duy trì được mức đạt được trong nửa cuối năm, đến năm 2025, khối lượng giải quyết có thể tăng từ 4 đến 5 phần trăm”.
Tuy nhiên, Nga có thể sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu thông qua đội tàu ngầm của mình vì các nước Âu Châu tìm cách hạn chế hoạt động thương mại và do đó hạn chế tài trợ cho cuộc chiến tranh ở Ukraine.
[Newsweek: Russian Oil Production Collapses to 20-Year Low]
Vào lúc 5h chiều Chúa Nhật 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc biệt là Đức Hồng Y Baldassare Reina, Giám Quản Roma, 7 Giám Mục Phụ Tá và 40 Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.
Đây là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.
Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta - để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.
Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Năm đang kết thúc này là một năm đầy thử thách đối với thành phố Rôma. Người dân, khách hành hương, khách du lịch và tất cả những ai đi qua đều đã trải qua giai đoạn điển hình trước Năm Thánh, với sự gia tăng các công trường xây dựng lớn và nhỏ. Buổi tối hôm nay là thời điểm để suy tư theo lối khôn ngoan, để xem xét rằng tất cả công trình này, ngoài giá trị tự thân của chúng, đã có một ý nghĩa tương ứng với ơn gọi của Rôma, ơn gọi phổ quát của thành phố. Dưới ánh sáng của Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, ơn gọi này có thể được diễn tả như sau: Rôma được kêu gọi chào đón mọi người để mọi người có thể nhận ra mình là con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau.
Vì vậy, vào lúc này, chúng ta muốn dâng lời tạ ơn Chúa vì Người đã cho phép chúng ta làm việc, làm việc chăm chỉ, và trên hết là vì Người đã cho chúng ta làm việc với ý thức lớn lao này, với tầm nhìn rộng lớn này, đó là hy vọng của tình anh em.
Khẩu hiệu của Năm Thánh, “Những người hành hương của Hy vọng”, có nhiều ý nghĩa, tùy thuộc vào các góc nhìn khác nhau có thể có, giống như rất nhiều “con đường” của cuộc hành hương. Và một trong những con đường hy vọng lớn lao này để bước đi là tình huynh đệ: đó là con đường mà tôi đã đề xuất trong Thông điệp Fratelli tutti. Vâng, hy vọng của thế giới nằm ở tình huynh đệ! Và thật tuyệt khi nghĩ rằng Thành phố của chúng ta trong những tháng gần đây đã trở thành một công trường xây dựng cho mục đích này, với ý nghĩa chung này: đó là chuẩn bị chào đón những người nam và nữ từ khắp nơi trên thế giới, những người Công Giáo và Kitô hữu thuộc các tín ngưỡng khác, những người tin theo mọi tôn giáo, những người tìm kiếm sự thật, tự do, công lý và hòa bình, tất cả những người hành hương của hy vọng và tình huynh đệ.
Nhưng chúng ta phải tự hỏi: liệu quan điểm này có cơ sở không? Liệu hy vọng về một nhân loại huynh đệ phải chăng chỉ là một khẩu hiệu tu từ hay nó có một nền tảng “vững chãi” để xây dựng một cái gì đó ổn định và lâu dài?
Đức Mẹ Thiên Chúa ban cho chúng ta câu trả lời bằng cách chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu. Niềm hy vọng của một thế giới huynh đệ không phải là một ý thức hệ, không phải là một hệ thống kinh tế, không phải là tiến bộ công nghệ. Niềm hy vọng của một thế giới huynh đệ là Người, Người Con nhập thể, được Chúa Cha sai đến để tất cả chúng ta có thể trở thành những gì chúng ta là, tức là con cái của Chúa Cha trên trời, và do đó là anh chị em với nhau.
Và vì vậy, trong khi chúng ta ngưỡng mộ với lòng biết ơn những kết quả của công việc đã được thực hiện trong thành phố - chúng ta cảm ơn công việc của rất nhiều người, rất nhiều nam nữ đã làm, và chúng ta cảm ơn Thị trưởng vì công việc đưa thành phố tiến lên này -, chúng ta hãy nhận thức được công trường xây dựng mang tính quyết định là gì, công trường xây dựng liên quan đến mỗi người chúng ta: công trường xây dựng này là nơi mà mỗi ngày, tôi sẽ để Chúa thay đổi trong tôi những gì không xứng đáng làm con - thay đổi những gì không phải là con người, và những nơi mà tôi sẽ cam kết sống mỗi ngày như anh chị em với người lân cận của mình.
Xin Mẹ Thánh của chúng ta giúp chúng ta cùng nhau bước đi, như những người hành hương của hy vọng, trên con đường của tình huynh đệ. Xin Chúa ban phước cho tất cả chúng ta; xin Người tha thứ tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục cuộc hành hương của chúng ta trong năm tới. Cảm ơn.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Thánh lễ đầu năm dương lịch 2025, cũng là Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 58 đã diễn ra lúc 10g sáng ngày đầu năm mới 1 Tháng Giêng, 2025 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.
Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.
Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 58 là “Xin tha nợ cho chúng con, xin ban bình an của Ngài cho chúng con”. Trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, Đức Thánh Cha nói:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con bình an của Ngài! Đây là lời cầu nguyện mà tôi dâng lên Thiên Chúa khi tôi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong Năm Mới tới các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, tới các vị đứng đầu các Tổ chức Quốc tế, tới các vị Lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau, tới mọi người thiện chí.
Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con,
như chúng con tha thứ cho những kẻ mắc nợ chúng con,
và trong vòng tròn tha thứ này, xin ban cho chúng con bình an của Ngài,
bình an mà chỉ Ngài mới có thể ban
cho những người để tâm hồn của họ được giải trừ vũ khí,
cho những ai có hy vọng muốn tha nợ cho anh chị em mình,
cho những người không sợ hãi thú nhận rằng họ mắc nợ Ngài,
cho những người không bịt tai trước tiếng kêu của những người nghèo nhất.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Thánh Tông Đồ Phaolô tóm tắt mầu nhiệm này bằng cách nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến, sinh ra bởi một người phụ nữ” (Gal 4:4). Những lời này – “sinh ra bởi một người phụ nữ” – vang vọng trong tâm hồn chúng ta ngày hôm nay; những lời ấy nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của chúng ta, đã hoá thành nhục thể và được tỏ lộ trong sự yếu đuối của xác phàm.
Sinh ra từ một người phụ nữ. Những lời này đưa chúng ta trở lại với lễ Giáng sinh, vì Ngôi Lời đã trở thành xác thịt. Tông đồ Phaolô, khi nói rằng Chúa Kitô được sinh ra từ một người phụ nữ, gần như cảm thấy cần phải nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa thực sự đã trở thành người qua cung lòng của con người. Có một sự cám dỗ mà nhiều người ngày nay thấy hấp dẫn, nhưng cũng có thể khiến nhiều Kitô hữu hiểu lầm, là tưởng tượng hoặc phát minh ra một Thiên Chúa "trong trừu tượng", gắn liền với một số cảm xúc tôn giáo mơ hồ hoặc cảm xúc hời hợt thoáng qua. Không. Thiên Chúa là hữu hình, Ngài là con người, Ngài được sinh ra từ một người phụ nữ; Ngài có một khuôn mặt và một cái tên, và kêu gọi chúng ta có mối quan hệ với Ngài. Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, được sinh ra từ một người phụ nữ, có xác thịt và máu huyết. Đến từ lòng Chúa Cha, Ngài đã nhập thể trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Từ thiên đàng cao nhất, Ngài xuống trái đất. Con của Thiên Chúa, Ngài trở thành con người. Hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng, Chúa Kitô đã đến giữa chúng ta trong sự yếu đuối; mặc dù Ngài không có tì vết, "vì chúng ta, Thiên Chúa đã biến Ngài thành tội lỗi", hay 2 Côrinh-tô 5:21. Ngài được sinh ra từ một người phụ nữ; Ngài là một trong chúng ta. Vì lý do này, Ngài có thể cứu chúng ta.
Sinh ra từ một người phụ nữ. Những lời này cũng nói với chúng ta về nhân tính của Chúa Kitô, để cho chúng ta biết rằng Người được tỏ lộ trong sự yếu đuối của xác thịt. Sinh ra từ một người phụ nữ, Người đến với chúng ta như một hài nhi nhỏ bé. Đó là lý do tại sao những mục đồng đi xem những gì Thiên thần đã công bố không thấy những dấu hiệu phi thường hay những màn trình diễn lớn lao, mà là “Đức Maria và Thánh Giuse và hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Họ thấy một đứa trẻ nhỏ bé, bất lực cần sự chăm sóc, quần áo và sữa, những cái vuốt ve và tình yêu của mẹ mình. Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort nói với chúng ta rằng Đức Khôn ngoan thần linh “mặc dù chắc chắn có thể, nhưng không muốn trao ban chính mình trực tiếp cho con người, nhưng đã chọn làm như vậy thông qua Đức Trinh Nữ Maria. Người cũng không muốn đến với thế giới như một người đàn ông trưởng thành, không cần người khác, nhưng như một đứa trẻ nhỏ, cần sự chăm sóc và nuôi dưỡng của một người Mẹ” (Luận về Lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh Nữ Maria, 139). Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng đây là cách Thiên Chúa chọn để hành động: thông qua sự nhỏ bé và ẩn giấu. Chúa Giêsu không bao giờ khuất phục trước sự cám dỗ thực hiện những dấu chỉ lớn lao và áp đặt mình lên người khác, như ma quỷ đã gợi ý. Thay vào đó, Người đã mặc khải tình yêu của Thiên Chúa trong vẻ đẹp của nhân tính Người, ngự giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống hằng ngày, những nỗ lực và ước mơ của chúng ta, thương xót những ai đau khổ về thể xác và tinh thần, ban thị lực cho người mù và sức mạnh cho người chán nản. Ba thái độ của Thiên Chúa là thương xót, gần gũi và trắc ẩn. Thiên Chúa đến gần chúng ta và thương xót và trắc ẩn. Chúng ta đừng quên điều này. Bằng sự yếu đuối của nhân tính Người và sự quan tâm của Người đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa.
Thưa anh chị em, chúng ta thật sự nên suy ngẫm về cách Đức Maria, người phụ nữ trẻ thành Nazareth, liên tục đưa chúng ta trở về với mầu nhiệm Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, và chúng ta gặp Người trên hết trong cuộc sống hằng ngày, trong nhân tính yếu đuối của chúng ta và của tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Khi cầu nguyện với Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô được sinh ra bởi Chúa Cha, nhưng cũng thực sự được sinh ra bởi một người phụ nữ. Chúng ta tuyên xưng rằng Người là Chúa của thời gian, nhưng vẫn ngự trong thời đại của chúng ta, thực sự là năm mới này, với sự hiện diện đầy yêu thương của Người. Chúng ta tuyên xưng rằng Người là Đấng Cứu Độ thế giới, nhưng chúng ta có thể gặp Người và được kêu gọi tìm kiếm Người trên khuôn mặt của mọi con người. Nếu Người, là Chúa Con, đã trở nên nhỏ bé đến mức được ôm trong vòng tay của một người mẹ, được chăm sóc và nuôi dưỡng, thì điều này có nghĩa là ngày nay Người cũng đến giữa chúng ta trong tất cả những người cần được chăm sóc tương tự: trong mỗi chị em và anh em mà chúng ta gặp gỡ, trong mọi người cần sự chú ý và chăm sóc dịu dàng của chúng ta.
Chúng ta hãy phó thác năm mới này cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Xin cho chúng ta học cách, như Mẹ, khám phá ra sự vĩ đại của Thiên Chúa trong những điều nhỏ bé của cuộc sống. Xin cho chúng ta học cách chăm sóc mọi đứa trẻ được sinh ra từ một người phụ nữ, trên hết là bằng cách bảo vệ, như Đức Maria, món quà quý giá của sự sống: sự sống trong bụng mẹ, sự sống của trẻ em, sự sống của những người đau khổ, người nghèo, người già, người cô đơn và người hấp hối. Hôm nay, trong Ngày Hòa bình Thế giới này, tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận lời kêu gọi xuất phát từ trái tim của người mẹ Maria: trân trọng sự sống, chăm sóc những cuộc sống bị tổn thương - có rất nhiều cuộc sống bị tổn thương -, khôi phục phẩm giá cho cuộc sống của mọi người "sinh ra từ người phụ nữ", vì đây là nền tảng để xây dựng một nền văn hóa hòa bình. Vì lý do này, "Tôi kêu gọi một cam kết vững chắc để tôn trọng phẩm giá của sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, để mỗi người có thể trân trọng cuộc sống của chính mình và tất cả có thể hướng đến tương lai với hy vọng" (Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới LVIII, ngày 1 Tháng Giêng năm 2025).
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, đang chờ đợi chúng ta ở đó, tại máng cỏ. Mẹ chỉ cho chúng ta, như Mẹ đã chỉ cho các mục đồng, sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn làm chúng ta ngạc nhiên, Đấng không đến trong sự uy nghi của thiên đàng, nhưng trong sự nhỏ bé của máng cỏ. Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ Năm Thánh mới này. Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ những câu hỏi, những lo lắng, những đau khổ, những niềm vui và tất cả những mối quan tâm mà chúng ta mang trong lòng. Mẹ là mẹ của chúng ta, mẹ của chúng ta! Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ toàn thế giới, để hy vọng có thể được tái sinh và hòa bình cuối cùng có thể nảy sinh cho tất cả mọi người trên trái đất.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng tại Ephêsô, khi các giám mục tiến vào nhà thờ, các tín hữu có mặt, tay cầm những gậy gộc, đã kêu lên: “Mẹ Thiên Chúa!”. Chắc chắn những chiếc gậy gộc là lời hứa về điều sẽ xảy ra nếu các giám mục không tuyên bố tín điều “Mẹ Thiên Chúa”. Ngày nay, chúng ta không có gậy gộc, nhưng chúng ta có trái tim và tiếng nói của trẻ em. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy cùng nhau tung hô Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau nói, thật mạnh mẽ: “Mẹ Thiên Chúa Thánh!”, ba lần. Cùng nhau: “Mẹ Thiên Chúa Thánh! Mẹ Thiên Chúa Thánh! Mẹ Thiên Chúa Thánh”!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana