Ngày 05-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:04 05/01/2020

30. Chịu nhẫn nhục nghịch cảnh thì nghịch cảnh sẽ không vùi dập con, trái lại còn đưa con lên cao hơn.

(Thánh Isidorly)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 05/01/2020
8. LẶP LẠI NHIỀU LẦN

Thời trung niên của Hi Ung, có một tác giả nọ biệt hiệu là “nhà thơ lớn” làm một bài thơ “Cảm nghĩ ngủ qua đêm nhà ở trong núi” như sau:

“Có một nhà sư cô độc trở về chỗ mình” (chữ một, cô, độc, được lập lại).

“Quan môn bế hộ đậy cửa sài” (chữ quan môn, bế hộ, đóng cửa sài, cùng ý nghĩa).

“Nửa đêm lúc canh ba, giờ tý” (nửa đêm, canh ba, giờ tý cùng ý nghĩa).

“Chim cuốc tạ báo chim cuốc kêu” (chim cuốc, tạ báo là tên gọi khác của chim cuốc).


(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 8:

Một bài thơ được lặp lại nhiều chữ nhưng vẫn thấy hay và giá trị vì cách dùng văn của nhà thơ.

Nhưng ngày nào cũng chửi con cái “đồ chết tiệt”, thì trước sau gì tâm hồn của con cái cũng “chết tiệt” thật, bởi vì không ai thích người khác mắng mỏ mình suốt ngày; ngày nào cũng ngồi vào sòng bài thì trước sau gì cũng tan gia bại sản bán vợ đợ con, thân tàn ma dại; ngày nào cũng uống rượu nhậu nhẹt thì cũng sẽ có ngày ngồi tù vì say rượu làm điều phi pháp...

Những hành vi xấu thì không nên lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng những thói quen tốt thì nên làm đi làm lại nhiều lần trong cuộc sống.

Người Ki-tô hữu có một thói quen tốt mà mỗi ngày cần phải lặp lại nhiều lần, đó là tha thứ cho nhau. Hôm nay tha thứ, ngày mai tha thứ tiếp, ngày mốt tiếp tục tha thứ, sự tha thứ này phản ảnh lại tâm hồn khiêm tốn và hiền lành của Đức Chúa Giê-su nơi con người của chúng ta, bởi vì chúng ta là những môn đệ đích thực ccủa Ngài, môn đệ mà không học được nơi thầy điều gì thì không xứng đáng là môn đệ.

Tha thứ luôn và tha thứ mãi là hành vi và thói quen rất lành thánh của người Ki-tô hữu, mà chúng ta cần phải làm đi làm lại nhiều lần trong đời sống chứng nhân của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Tuần lễ Di cư 5-11/01/2020
Đặng Tự Do
02:20 05/01/2020
Trên toàn cầu, có hơn 70 triệu người đã bị buộc rời khỏi nhà mình do bất ổn chính trị, bạo lực và kinh tế khó khăn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thách thức mọi người chuyển từ một nền văn hóa thờ ơ, sang một nền văn hóa liên đới. Điều này sẽ giúp chúng ta đón nhận những người nghèo khổ và bị thiệt thòi, và những người đang phải vật lộn để tìm một cuộc sống tốt hơn.

Trong gần nửa thế kỷ, Tuần lễ Di cư đã được cử hành tại Hoa Kỳ để làm nổi bật tình hình của những người nhập cư và tị nạn và hiệp nhất trong lời cầu nguyện để đồng hành với họ. Chủ đề cho Tuần lễ Di cư năm nay, được cử hành từ 5 đến 11 tháng Giêng, là “Cổ vũ cho một Giáo Hội và một thế giới dành cho tất cả mọi người”, trong đó chúng ta sẽ suy tư làm sao Giáo Hội có thể trở thành nơi chào đón tất cả con cái Chúa.

Đức Cha Dorsonville, Giám Mục Phụ Tá của Washington và là chủ tịch Ủy ban Di cư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết: “Theo một nguyên tắc sáng lập đất nước chúng ta, chúng ta luôn chào đón những người nhập cư và tị nạn, và thông qua các dịch vụ xã hội và các việc lành phúc đức của Giáo Hội, chúng ta đã đồng hành cùng anh chị em của chúng ta trong việc giúp họ hội nhập vào cuộc sống hàng ngày của người Mỹ. Tuần lễ di cư quốc gia là một cơ hội để Giáo Hội kết hợp trong lời cầu nguyện và trong việc thực hiện viễn kiến của Đức Thánh Cha là chào đón những người nhập cư và tị nạn vào cộng đồng của chúng ta và cung cấp những cơ hội phát triển cho họ và cho tất cả những người có thiện chí.”


Source:USCCB
 
Washington Post: Hầu hết chúng ta đều khó nói xin lỗi. Đức Giáo Hoàng chỉ cho chúng ta thấy làm sao thực hiện điều đó
Đặng Tự Do
04:13 05/01/2020
Ruth Marcus, phó tổng biên tập của tờ Washington Post, phụ trách mục xã luận có bài nhận định nhan đề: “Most of us are bad at apologizing. The pope just showed us how it’s done” nghĩa là “Hầu hết chúng ta đều khó nói lên lời xin lỗi. Đức Giáo Hoàng chỉ cho chúng ta thấy làm sao thực hiện điều đó.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Còn một minh họa nào rúng động hơn về tình trạng tê liệt những dây thần kinh tập thể của chúng ta cho bằng việc Đức Giáo Hoàng tát vào bàn tay một phụ nữ? Nhưng còn một gương sáng nào hay hơn về cách chúng ta nên đối phó với những khiếm khuyết không thể tránh khỏi của chúng ta cho bằng lời xin lỗi nhanh chóng và không quanh quẩn?

Hãy xem video Đức Giáo Hoàng đi bên ngoài Đền Thờ Thánh Phêrô vào đêm giao thừa và bạn có thể hiểu cách người phụ nữ đã quên đi chính mình và tại sao Đức Giáo Hoàng lại phản ứng mạnh mẽ như vậy. Ngài đang đi dọc theo hàng rào an ninh, dừng lại để bắt tay với tiếng reo hò cổ vũ của đám đông: một nữ tu lớn tuổi trong tu phục màu đen của bà, những đứa trẻ đội mũ mùa đông, một cô gái được công kênh trên vai cha cô đang giơ hai tay lên trong một biểu tượng chiến thắng khi Đức Giáo Hoàng chồm qua đám đông để chạm vào tay cô.

Người phụ nữ làm dấu thánh giá và khoanh tay, như thể đang cầu nguyện, khi Đức Giáo Hoàng đến gần hơn. Cô nhìn chăm chú, nhưng khi ngài bắt đầu quay đi. Cô đưa tay ra và nắm lấy ngài, bằng một tay, rồi cả tay kia nữa. Cô kéo ngài lùi lại và nhất quyết không buông tay. Đức Giáo Hoàng tát vào tay cô - một lần, và sau đó một lần nữa. Ngài quay mặt đi, trừng mắt.

Nhà văn Công Giáo John Allen Jr nói với CNN: “Nói thẳng thắn, Đức Giáo Hoàng cách nào đó mất tự chủ?”

“Có đúng thế không? Chúng ta thì sao nào?” “Tình yêu làm cho chúng ta kiên nhẫn,” Đức Giáo Hoàng đã ứng khẩu nói vào ngày hôm sau. “Quá thường, chúng ta mất kiên nhẫn. Tôi cũng vậy, và tôi xin lỗi vì gương xấu tối hôm qua”.

Vào buổi bình minh của một thập kỷ mới, chúng ta sống trong một thế giới bên bờ vực, có thể hiểu là như vậy. Mọi chính trị gia, mọi quốc vương, mọi giáo hoàng nào mạo hiểm bên những hàng rào an ninh đều hiểu rằng có những nguy cơ rình rập đâu đó - những người điên có ý định làm hại mình, nhưng cũng có những người hâm mộ quá nhiệt tình, những ủng hộ viên quá sôi nổi. Và đó chỉ mới là vài điều không chắc chắn bạn có thể tưởng tượng ra được.

Đức Thánh Cha Phanxicô biết điều này như bất cứ ai. Ngài đã quyết định bất chấp, khi có thể, không cần đến những chiếc Popemobile chống đạn – “một hộp cá mòi”, như ngài thường gọi – vì điều đó sẽ khiến ngài bị ngăn cách khỏi đàn chiên. Tuy nhiên, đã có những khoảnh khắc khi người hâm mộ quá nhiệt tình trắc nghiệm sự bình tĩnh của Đức Giáo Hoàng. Trong chuyến tông du đến Mễ Tây Cơ vào năm 2016, một người hâm mộ đã chộp lấy chiếc áo choàng của Đức Giáo Hoàng, khiến ngài vấp ngã vào một đứa trẻ trên xe lăn. “No seas egoista,” “Đừng có ích kỷ như thế”, Đức Giáo Hoàng hét vào mặt người hâm mộ.

Bạn không cần phải là một người nổi tiếng để nhận ra phản ứng này. Nếu tình yêu làm cho chúng ta kiên nhẫn, như Đức Giáo Hoàng khuyên, thì tình yêu cũng có những giới hạn của nó. Đôi khi có quá nhiều bàn tay nắm lấy, quá nhiều tiếng nói kêu gọi sự chú ý của chúng ta, quá nhiều yêu cầu về thời gian của chúng ta. Những khoảnh khắc này có thể là dần trôi qua – như khi con cái lớn lên, tổ ấm gia đình trống rỗng - nhưng tức thời, nó đủ để khiến bạn hét lên về sự ích kỷ.

Và có một lớp bất ổn khác đang rình mò: nguy hiểm hiện diện khắp mọi nơi. Nó ẩn nấp tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng nó có thể nổi lên, chúng ta nhận biết điều này một cách đau đớn trong khi cộng đoàn lên rước lễ tại một nhà thờ ở một thị trấn nhỏ ở Texas, hoặc trong một bữa tiệc Hanukkah tại nhà của một giáo sĩ Do Thái Chính thống ở ngoại ô New York, ở một trường trung học tại California hoặc trên một cây cầu ở Luân Đôn. Không có nơi nào là an toàn; không có nơi tôn nghiêm nào thực sự là một chốn bình an. Sự lo lắng làm xói mòn sự kiên nhẫn.

Ân sủng giúp khôi phục tình yêu. Lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng đã đến một cách nhanh chóng và vô điều kiện. Thay vì tự giải thích hoặc đề nghị rằng trách nhiệm cần phải được chia sẻ, chắc chắn là như thế, nhưng tuyên bố của Đức Giáo Hoàng rất mạnh mẽ bởi sự đơn sơ của nó: “Tôi xin lỗi vì gương xấu ngày hôm qua”.

Thật đánh động khi tưởng tượng ra những từ như vậy có thể phát ra từ miệng - hoặc từ một tweet trên Twitter - của một người phối ngẫu, của người anh, người chị, người em, hay có thể là từ một đồng nghiệp, thậm chí có thể là Một Người Nào Đó sống trên Đại lộ Pennsylvania. Nhưng sự thật là những lời xin lỗi, chân thành và không do dự, không dễ dàng đến với hầu hết những người chúng ta. Chắc chắn với tôi cũng thế.

“Tôi xin lỗi vì gương xấu ngày hôm qua”. Đó không phải là những điềm xấu đánh dấu bình minh của một thập kỷ mới đầy lo lắng, nhưng là một điều ta nên ghi nhớ khi chúng ta muốn đưa con người bất toàn của mình tiến lên phía trước.


Source:Washington Post
 
Lũ lụt và lở đất ở Jakarta ngay ngày đầu năm, Giáo Hội tự xuất các việc cứu trợ khẩn cấp.
Trần Mạnh Trác
14:42 05/01/2020
Theo tin mới nhất cuả AsiaNews thì Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia (BNPB) đã công bố có đến 43 người chết do hậu quả lũ quét và sạt lở ở Jakarta, 400 ngàn người được chính quyền di chuyển đến những địa điểm tạm trú và hơn 35.000 người đã buộc phải tìm nơi ẩn náu trên những vùng đất cao hơn hoặc trên các tòa nhà của chính phủ hoặc các nơi thờ cúng, bao gồm cả nhà thờ.

Lũ lụt đã dẫn đến lở đất, gián đoạn giao thông và gây mất điện. Các đội cứu hộ vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, trong khi chính quyền đã đưa ra lời cảnh báo rằng thời tiết xấu còn tiếp tục cho đến thứ ba.

Ở bên ngoài thủ đô, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề là các huyện Nam Tangerang, Thành phố Tangerang và Lebak (tỉnh Banten) và Bekasi và Bogor (Tây Java).

Số người chết gồm nhiều nguyên nhân như chết đuối, bị chôn sống trong đất lở, bốn người bị điện giật và ba người chết vì cảm lạnh.

Nhiều giáo xứ tại Jakarta đã phải hủy bỏ Thánh lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và một số nhà thờ cũng bị ngập như nhà thờ Maria ở Kusuma và Kalvari ở Lubang Buaya.

Cơ quan Khí tượng Indonesia (BMKG) mô tả lượng nước mưa của những ngày gần đây là "cực kỳ bất thường", trùng hợp với lúc nước biển dâng cao đã gây ra vấn đề ứ đọng trên các kênh và sông của Jakarta.

Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo và Bộ Gia Cư và Công Chánh cho biết lý do lụt lội là bởi vì có nhiều khu nhà xây cất trên sông Ciliwung chảy qua thành phố. Trong vài năm qua, những việc xây cất lây lan trong các khu đó đã hạn chế lưu lượng nước thoát.

Dưới thời Thống đốc Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama (2014-2017), chính quyền dân sự đã thông qua kế hoạch cải tạo các cộng đồng ven sông và nâng cấp bờ sông. Tuy nhiên, vị thống đốc hiện tại, Anies Baswedan, đã ngưng các dự án đó mà không cho biết lý do vì sao.

Dự án Ciliwung do cựu Thống đốc Ahok khởi xướng dự tính sẽ kéo dài 33 km, nhưng nay đã dừng lại ở km thứ 16.

Trên Twitter, Tổng thống Widodo đổ lỗi cho sự chậm trễ trong các dự án cơ sở hạ tầng để kiểm soát lũ lụt. Ông cho biết một số đã bị trì hoãn kể từ năm 2017 vì có vấn đề thu hồi đất.

Trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người dân Jakarta đã đổ lỗi cho Thống đốc Baswedan. Và ngày càng có nhiều người yêu cầu ông từ chức, vì ông ta đã không theo đuổi những sáng kiến tốt đẹp của người tiền nhiệm.

Có những người khác còn cáo buộc ông thống đốc là cố tình "gây ra thảm họa ở Jakarta" để vu oan cho ông Ahok, và đặc biệt là tổng thống, là người đã không bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Giáo dục.

Về phần mình, ông Baswedan cho biết ông chủ trương nước mưa nên được cho thấm vào lòng đất thay vì ép nước chảy vào các kênh và sông để đổ ra biển.

Trong khi đó, BNPB và Hội đồng Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ (BPPT) muốn dùng kế hoạch công nghệ để thay đổi thời tiết để giảm cường độ mưa ở vùng Jakarta.

BPPT muốn sử dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết để gây ra mưa ở eo biển Sunda, Lampung và các khu vực lân cận, trước khi mưa lan đến Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi. Mục tiêu là cắt giảm nước mưa 30-50%.

Thủ đô Indonesia thường xuyên bị lũ lụt trong mùa mưa. Jakarta và các khu vực lân cận là nhà của hơn 30 triệu người.

Trước đây vào năm 2007, có hơn 50 người chết trong một trận lụt kinh hoàng nhất. Năm năm trước đó, hầu hết trung tâm thành phố cũng đã bị lụt sau khi các bờ đê bị tràn qua.

Năm ngoái, chính phủ đã công bố kế hoạch sẽ di chuyển thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan (Borneo).

Trong cái mối bòng bong cuả các cuộc đấm đá chính trị đó thì các cộng đồng Công Giáo ở Tổng giáo phận Jakarta đã thực hiện nhiều sáng kiến nhân đạo để đối phó với tình trạng khẩn cấp.

Những hành động và hỗ trợ của người Công Giáo được điều phối bởi cơ quan phản ứng nhân đạo của Tổng giáo phận, Lembaga Daya Dharma Keuskupan Agung Jakarta (LDD-KAJ). Họ sử dụng Internet và phương tiện truyền thông xã hội để phối hợp việc phân phối thuốc và nhu yếu phẩm cho hàng ngàn người di tản ở các vùng Jakarta , Tangerang, Bekasi, Pondokgede, Ciledug và Bogor.

Ngoài việc gây quỹ, LDD-KAJ cũng thành lập một trung tâm tiếp thu tại Nhà thờ Thăng Thiên, để nhận các đóng góp cuả công chúng và phân phối hỗ trợ cho các nhà tạm trú.

Ngoài ra còn có các hội đoàn tư nhân như hội Bunda Teresa, một cộng đồng cầu nguyện Công Giáo, cũng quyên tiền cho LDD-KAJ để giúp các giáo xứ làm việc tại hiện trường.

Tại thủ đô, một số linh mục đã đưa ra các sáng kiến cá nhân. Chẳng hạn, cha Yos Bintoro đã điều động giáo dân cung cấp thực phẩm cho những người trú ẩn tại Nhà thờ Santo Agustino (St Augustine).

"Có ít nhất 182 người đang ẩn náu ở đây", ngài viết trong một bài hịch trên mạng, và đã gây sốt trong cộng đồng mạng cuả Công Giáo. "Có 64 trẻ em và 15 trẻ sơ sinh, và chúng không chỉ cần thực phẩm và thuốc men mà thôi, mà còn cần quần áo, chăn mền và tã lót đặc biệt cho trẻ em.”

Cha Bintoro là một linh mục giáo phận được bổ nhiệm làm tuyên úy cho Lực lượng Vũ trang Indonesia trong binh chủng Không quân.
 
Năm 2020: Hy vọng mới khi tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô được chú ý đến rộng rãi
Đặng Tự Do
15:49 05/01/2020
Năm 2019 được đánh dấu là một năm bách hại kinh hoàng nhắm vào các tín hữu Kitô. Nổi cộm nhất là cuộc tấn công khủng bố tàn bạo vào Chúa Nhật Phục sinh tại Sri Lanka với gần 260 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Nhưng đó không phải là biến cố duy nhất. Bất kể bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đánh bại tại Iraq và Syria, và tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi đã bị giết chết, tình hình đang xấu đi đến mức trên toàn cõi Iraq và nhiều vùng khác tại Trung Đông, không nhà thờ nào dám cử hành thánh lễ nửa đêm.

Những lo âu về tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô trên thế giới đã được phản ảnh trong thông điệp Giáng Sinh của Thái Tử Charles và Tân Thủ Tướng Anh Boris Johnson.

Mở đầu thông điệp, Thái Tử nói:

Khi các Kitô hữu trên khắp thế giới chuẩn bị cử mừng biến cố Chúa Giêsu xuống thế làm người, thật quan trọng là chúng ta nhớ đến tất cả những người bị bách hại vì đức tin Kitô.

Gần đây, tôi có vinh dự lớn là được gặp một linh mục đã chăm sóc mục vụ cho các tín hữu Sri Lanka, là những người đã gánh chịu những thương vong thật kinh hoàng trong các vụ tấn công dã man diễn ra trong năm nay, tại các nhà thờ vào ngày lễ Phục sinh. Với gần 260 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong cuộc tấn công khủng bố tàn bạo, ngày Chúa Nhật 21 Tháng Tư nổi lên là ngày tồi tệ nhất trong các vụ tấn công bạo lực nhắm vào các Kitô hữu trong thời hiện đại. Nhưng thật bi thảm, đó không phải là một trường hợp duy nhất.

Gần đây, tôi cũng đã gặp một nữ tu, là người đã nói với tôi, rất cảm động, về tình hình ở Syria, nơi mà, với lòng dũng cảm bao la và trong những điều kiện gần như không thể được, sơ ấy đã cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho các Kitô hữu và những người khác để họ có thể thoát khỏi bạo lực và cái chết.

Một báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ vào tháng 10 vừa qua cho thấy rằng chỉ trong vòng một thập kỷ vừa qua đã có tới hai phần ba các Kitô hữu phải bỏ trốn khỏi Syria. Tại Iraq, cộng đoàn Kitô hữu đã bị thu hẹp đến chín mươi phần trăm trong vòng một thế hệ.

Khi chúng ta nhớ lại cảnh Hài Nhi Giêsu chạy trốn cùng cha mẹ đến Ai Cập, chúng ta hãy nhớ đến cơ man những người đã phải chịu đựng những bách hại khủng khiếp hay bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình. Và chúng ta hãy tăng cường quyết tâm ngăn chặn tình trạng các Kitô hữu đang biến mất dần khỏi các vùng đất của Kinh Thánh.

Người nữ tu Syria mà tôi gặp đã tặng cho tôi một món quà, đó là một bức tượng mô tả đầu của Chúa Kitô chịu đóng đinh, được làm từ gỗ cháy thành than được lấy từ một nhà thờ bị bom nổ tung ở Aleppo.

Khi chúng ta đánh dấu mùa linh thiêng nhất trong niên lịch Kitô với các cử mừng, tôi xin bảo đảm với những ai đang phải vác thập giá khổ đau ngày hôm nay, rằng anh chị em luôn hiện diện một cách đặc biệt trong tâm trí tôi và những lời cầu nguyện chân thành của tôi. Và với các Kitô hữu ở khắp mọi nơi, tôi xin được kính chúc anh chị em một Mùa Giáng sinh an bình, và thánh thiện.

Sau thông điệp của Thái Tử Charles, Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra một thông điệp khác trong đó ông thề sẽ làm hết khả năng để “bảo vệ quyền thực hành đức tin” của các tín hữu Kitô trên thế giới.

Thủ tướng Boris đã mở đầu thông điệp của mình bằng cách ghi nhận rằng ngày Giáng sinh “trước hết và trên hết, là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu.”

“Đó là một ngày quan trọng vô cùng đối với hàng tỷ Kitô hữu trên toàn thế giới”

Tuy nhiên, thủ tướng nhấn mạnh rằng:

“Ngày hôm nay hơn mọi ngày khác, tôi muốn chúng ta nhớ đến những Kitô hữu trên khắp thế giới đang phải đối mặt với bách hại.”

“Đối với họ, ngày Giáng sinh sẽ được kỷ niệm một cách riêng tư, bí mật, có lẽ ngay cả trong một xà lim nhà tù. Trong tư cách là Thủ tướng, đó là một điều tôi muốn thay đổi.”

“Chúng ta ủng hộ các Kitô hữu ở khắp mọi nơi, trong tình liên đới, và sẽ bảo vệ quyền của anh chị em được thực hành đức tin của mình.”

Đó là những lời thật đáng khích lệ.


Source:ACN News
 
Vatican có thể là trung gian để Mỹ và Iran tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh
Vũ Văn An
17:03 05/01/2020
Chỉ căn cứ vào tuyên bố của hai bên, Mỹ và Iran, tiếp theo cuộc không tập hạ sát người con cưng của chế độ Iran, chiến tranh giữa hai bên là điều không thể tránh, dù Tổng Thống Trump cho rằng hành động của Mỹ là để ngăn chặn một cuộc chiến tranh chứ không phải để khởi diễn nó.

Nhưng cũng chính câu nói của Ông Trump khiến người ta hy vọng chiến tranh là điều có thể tránh được. Nhưng muốn có điều ấy, hai bên buộc phải nói chuyện với nhau. Phiền một nỗi, Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Theo ký giả John Allen (xem Forget the Swiss — How about the Vatican to broker US/Iran relations?, Crux, John L. Allen Jr., Jan 5, 2020), hai quốc gia giao tiếp với nhau qua trung gian Tòa đại sứ Thụy Sĩ ở Teheran. Chính vì thế, các viên chức của tòa đại sứ này đã được Iran mời hôm thứ Sáu để nghe lời phản đối của họ về vụ hạ sát Tướng Qasem Soleimani, mô tả nó như “một điển hình trắng trợn của chủ nghĩa khủng bố nhà nước Hoa Kỳ”.



Thực ra, Hoa Kỳ không cần trung gian Thụy Sĩ mới hay phản ứng của Iran vì phản ứng ấy đã được truyền thông thế giới truyền đi nhanh chóng và đầy đủ. Đối với ký giả Allen, Thụy Sĩ có lẽ cũng không được cần đến, khi Hoa Kỳ và Iran, để tránh cuộc chiến tranh cận kề, muốn nói chuyện trực diện với nhau qua một trung gian. Vì theo ông, trung gian ấy, tốt hơn, rất có thể là Vatican.

Lý do thứ nhất, liên hệ ngoại giao của Tòa Thánh với Iran đã có từ năm 1954, 30 năm trước khi Hoa Kỳ khởi đầu các liên hệ chính thức dưới thời Tổng thống Ronald Reagan năm 1984. Các nhà lãnh đạo Iran thời hậu cách mạng đặc biệt quan tâm đến việc làm nổi bật việc họ giao tiếp với Vatican, như một cách để phản công các cố gắng của Hoa Kỳ muốn tô vẽ họ như một thứ quốc gia cùng đinh (pariah state). Hiện nay, Iran có nhiều nhà ngoại giao tại Vatican hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới ngoại trừ Cộng Hòa Dominica; đây là dấu chỉ họ rất coi trọng mối liên hệ này.

Gần đây nhất, Iran đánh giá cao đường lối của Vatican đối với Syria, một đường lối không đòi thay đổi chế độ bằng cách loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Đàng khác, Vatican coi Iran như nước chủ chốt cho bất cứ giải pháp nào tại Syria, bao gồm cả việc che chở mạnh mẽ hơn cho cộng đồng thiểu số Kitô giáo tại Syria, và do đó đã đối xử với quốc gia này và các nhà lãnh đạo của nó một cách tôn trọng khác hẳn bất cứ định chế Tây phương nào khác.

Thêm vào đó, Vatican, nói chung, luôn chống đối việc trừng phạt kinh tế như một đòn bẩy chính trị, vì sợ rằng các hậu quả của chúng phần lớn rơi xuống đầu thường dân vô tội. Chính vì thế, Tòa Thánh chưa bao giờ ủng hộ việc Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế Iran vì vi phạm các thỏa ước hạch nhân và nhiều tranh chấp khác.

Thứ hai, theo Allen, Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể không được Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Trump ưa bằng Iran. Lý do vì vị đương kim Giáo Hoàng tỏ ra không ưa các người Công Giáo bảo thủ Hoa Kỳ vốn nằm trong số những người hết lòng ủng hộ vị Tổng thống này. Nói chung, về phương diện lịch sử, các tổ chức duy Hồi Giáo vẫn thường coi Vatican như một thứ tuyên úy đối với Phương Tây, nay hẳn họ thấy rõ Đức Phanxicô không hề nằm trong giỏ Tòa Bạch Ốc. Điều này quả là một vốn qúy trong hoàn cảnh này.

Sau cùng có một lý do nằm bên dưới khiến Vatican có thể vận động được Teheran mà cả Thụy Sĩ lẫn bất cứ quốc gia nào khác cũng không thể, đó là Thiên Chúa. Trên bình diện lãnh đạo, Iran là một chế độ thần trị, và dù cho là họ rất tinh khôn về khoa chính trị thực dụng (realpolitik), thế giới suy tư của giai cấp lãnh đạo của họ vẫn bàng bạc với các ý niệm và từ vựng tôn giáo. Vatican, vì thế, là trung gian nghiêm túc có thể vận động Iran trên bình diện này và được coi trọng.

Về phương diện học thuyết, Đạo Công Giáo và ngành Shi’a của Hồi Giáo Iran có một sự gần gũi tự nhiên. Không như ngành Sunni, một thứ Thệ Phản trong thế giới Hồi Giáo, người Shi’ites được lãnh đạo bởi giai cấp giáo sĩ, họ nhìn nhận cả sách thánh lẫn truyền thống như các nguồn mặc khải; họ có nền thần học mạnh mẽ về hy sinh và chuộc tội, và họ cũng có những trào lưu lòng đạo bình dân phát biều bằng các ngày lễ, lòng sùng kính và cả các thánh nữa.

Những nét song hành ấy khiến Vatican rất thích hợp trong việc tạo nên mối liên hệ gắn bó mà không quốc gia Tây Phương nào khác có thể có đối với Iran.

Nhưng đâu có thể là sáng kiến ngoại giao của Tòa Thánh trong hoàn cảnh này?

Allen cho rằng, trước nhất, Đức Phanxicô có thể đích thân viết thư cho cả Tổng thống Trump lẫn Lãnh Đạo Tối Cao của Iran là Ali Khamenei, giống như các lá thư ngài viết năm 2014 cho cả nhà lãnh đạo Cuba, Raul Castro, lẫn Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Barack Obama, những lá thư đã giúp dọn đường tái lập liên hệ ngoại giao giữa Havana và Washington.

Trong các lá thư, Đức Phanxicô có thể đề nghị cung ứng các dịch vụ của Vatican như người trung gian giữa Iran và Hoa Kỳ, hay, ít nhất, như đường dây giao tiếp ở hậu trường giữa hai quốc gia để bảo đảm rằng các quyết định quân sự vội vàng không được đưa ra dựa trên tính toán sai lầm hay thiếu thông tin chính xác.

Ngài cũng có thể phỏng theo hành động của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng cách đích thân gửi sứ giả tới cả Tehran lẫn Washington, thúc giục họ chứng tỏ hạn chế, giống vị Giáo Hoàng Balan đã làm với Baghdad và Washington năm 2003 trong cố gắng ngăn chặn chiến tranh ở Iraq. Hiển nhiên, cố gắng ấy đã không thành. Nhưng sự kiện không thành một lần không có nghĩa nó sẽ không thành lần thứ hai.

Còn nếu mạnh dạn hơn, Đức Phanxicô có thể công bố ý định của ngài sẽ đi thăm Trung Đông, với ý tưởng triệu tập các viên chức Iran và Hoa kỳ cùng với đại diện các quốc gia khác trong vùng trong một cố gắng nhằm cổ vũ đối thoại và các giải pháp hòa bình. Nơi tổ chức có thể là Lebanon, một nước được Đức Phanxicô hứa sẽ đến thăm từ năm 2017 và là nước có liên hệ gần gũi với Iran nhưng cũng có mối liên hệ đủ để làm việc với Hoa Kỳ. Lebanon cũng là nước có dân số Công Giáo lớn nhất ở Trung Đông, khiến nó là nước tự nhiên để Đức Phanxicô tới thăm.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi tự kiềm chế trong bối cảnh nguy cơ cuộc chiến leo thang
Thanh Quảng sdb
17:31 05/01/2020
Đức Thánh Cha kêu gọi tự kiềm chế trong bối cảnh nguy cơ cuộc chiến leo thang

Trong cuộc khủng hoảng leo thang chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Iran, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hai bên hãy tự chủ và đối thoại.
(Devin Watkins – Tin Vatican)

Chiến tranh chỉ mang đến cái chết và hủy diệt.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi những lời trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật ngày 5/1/2020.
Dù không nêu đích danh một quốc gia nào, Đức Thánh Cha cho biết hiện đang có một bầu không khí căng thẳng khủng khiếp ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngài kêu gọi tất cả mọi bên hãy dùng phương thế đối thoại và tự kiềm chế mà xua đuổi con ma thù hận đi!
Sau đó Đức Thánh Cha mời mọi người hãy thinh lặng cầu nguyện trong giây lát cho ý chỉ này.

Căng thẳng giữa Hoa kỳ - Iran
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô được dấy lên sau những căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Iran, sau cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giết chết một vị tướng hàng đầu của Iran ở Iraq.
Tướng Qassem Soleimani là chỉ huy Lực lượng Quds, một lực lượng quân đội Cách mạng Hồi giáo đang hoạt động bên ngoài nước Iran.
Cái chết của ông tướng này vào thứ Sáu tại Baghdad đã làm dấy lên mối đe dọa trả đũa Mỹ của Iran.
Đức Thượng phụ Sako hy vọng Iraq sẽ không trở thành bãi chiến trường
Đức Thương phụ của Giáo Hội Công Giáo Chaldea là Đức Hồng Y Louis Rafaël Sako, hôm thứ Bảy đã bày tỏ sự ngỡ ngày của người dân Iraq trước sự kiện này.
ĐHY nói: Một điều đáng tiếc là đất nước chúng tôi đang bị biến thành một nơi giải quyết một số vấn đề của thế giới, thay vì là một quốc gia có chủ quyền, có khả năng bảo vệ vùng đất của chính mình, của cải và công dân của chính mình!
Ngài cũng kêu gọi các quốc gia hãy tự kiềm chế và hành động hợp lý, biết ngồi lại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Tổng giáo phận Sài Gòn : Thánh lễ tạ ơn
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
09:41 05/01/2020
Lúc 10g00 sáng thứ Bảy 04/01/2020, tại Thánh đường giáo xứ (Gx) Thủ Thiêm, gần 4.000 đoàn viên (Đv) Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Tổng giáo phận Sài Gòn (GĐPTTTCG TGP) đã cùng dâng Thánh lễ tạ ơn do cha Tổng linh hướng (TLH) Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng chủ sự cùng quý cha đồng tế. Tham dự còn có một số ông cố đồng hành cùng quý ân nhân.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, anh trưởng Ban chấp hành (BCH) TGP đã tổng kết hoạt động của GĐPTTTCG qua các mặt tổ chức, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt đạo đức, công tác phục vụ Gx, công tác bác ái và công tác phát triển đoàn thể. Trong đó nổi bật lên là tích cực tham gia các buổi học hỏi về nội quy mới, tham gia các buổi thường huấn, huấn luyện học tập, kế hoạch tổ chức bầu cử BCH các cấp nhiệm kỳ 2020 -2024.

Sau ít phút nghỉ giải lao, các tham dự viên đã rước đoàn đồng tế lên cung thánh dâng Thánh lễ tạ ơn. Trong bài giảng, cha TLH chia sẻ: đối với GĐPTTT, nhìn lại một năm cùng với sự hiện diện của quý ông cố từ những ngày đầu thành lập, quý cha linh hướng, quý ân nhân là điều cần thiết. Tất cả chúng ta ngồi lại với nhau trước là để cảm tạ ơn Chúa vì những động viên, đóng góp cho đoàn thể phát triển.

Trong sinh hoạt tại mỗi Gx, GĐPTTT chúng ta cùng cộng tác với Hội đồng Mục vụ, là những cánh tay nối dài của cha xứ để làm việc tông đồ. Sự phát triển đó không những được lan tỏa khắp các giáo phận trong nước mà còn lan tỏa sang các nước Lào và Campuchia. Đó là nhờ sức mạnh quyết tâm đem Thánh Tâm Chúa đến cho mọi người.

Những thành quả GĐPTTT có được là nhờ sự nỗ lực của mỗi Đv. cùng với sự quan tâm hướng dẫn, đồng hành của quý cha linh hướng. Bên cạnh đó, sự hổ trợ của quý ân nhân các cấp cũng đóng góp một phần không nhỏ. Xin Thánh Tâm Chúa ban sức mạnh và chúc phúc cho những công việc tông đồ sắp tới để đoàn thể chúng ta mỗi ngày thêm vững mạnh hơn.

Cuối Thánh lễ, đại diện BCH TGP Sài Gòn đã ngỏ lời tri ân và dâng lên cha TLH cùng quý cha đồng tế những món quà cảm tạ. Cha Phó TLH đã đáp từ bằng những lời cám ơn BCH các cấp, các vị ân nhân cùng toàn thể Đv. Sau đó, quý cha đã cùng BCH, quý ân nhân cùng các Đv ghi lại những tấm hình lưu niệm và dùng bữa cơm trưa tại hội trường Gx.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng
 
Lễ Khấn Tại Dòng Trinh Vương Sydney Úc Châu.
Diệp Hải Dung
09:50 05/01/2020
Sáng Chúa Nhật 05/01/2020 rất đông quan khách và giáo dân Úc Việt đã đến Nhà Thờ Holy Trinity Granville, Giáo Phận Parramatta tham dự Thánh lễ Tuyên Khấn Trọn Đời của Nữ Tu Maria Vũ Trần Thùy Linh thuộc Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương, Úc Châu. Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana chủ sự Thánh Lễ.

Xem Hình

Trong bài giảng Thánh lễ hôm nay Đức Khâm Sứ Adolfo Tito Yllana nói về Ánh Sao đã dẫn đường Ba Vua từ phương xa tìm đến thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần nơi Hang Belem, và chính ngày hôm nay Thiên Chúa cũng chiếu dọi ánh sáng của Người vào tâm hồn Nữ Tu Maria Vũ Trần Thùy Linh dẫn đến với Người, nhưng đến với tâm tình hiến dâng trọn cả cuộc đời tận hiến cho Người.

Sau đó là nghi thức tuyên Khấn, Nữ Tu Maria Vũ Trần Thùy Linh quỳ trước Đức Khâm Sứ và Nữ Tu Tổng Quyền Maria Justina Phạm Thị Trân, tuyên đọc 3 lời khấn “Khiết Tịnh, Vâng Lời, Khó Nghèo”. Nữ Tu Maria quyết tâm tận hiến dâng trọn đời cho Chúa để phục vụ Giáo Hội và phục vụ tha nhân qua những sứ vụ Chúa giao phó, và đã được Đức Khâm Sứ làm phép Nhẫn và xỏ vào tay Nữ Tu để làm dấu chứng Tình Yêu Chúa Giêsu KiTô mà Nữ Tu Maria Vũ Trần Thùy Linh đã kết ước trọn đời.

Sau khi chấm dứt nghi thức Tuyên Khấn là phần dâng Thánh lễ tạ ơn do Đức Khâm Sứ chủ tế cùng với quý Linh Mục Úc Việt đồng tế.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Nữ Tu Maria Vũ Trần Thùy Linh ngỏ lời cám ơn Đức Khâm Sứ Adolfo Tito Yllana, quý Cha, quý Tu Sỹ và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ Tuyên Khấn và cầu nguyện. Với tâm tình ghi ơn tận đáy lòng, con tri ơn Ba Mẹ vì sự hy sinh và đức tin vững mạnh đã quảng đại dâng con cho Chúa và luôn nhắc nhở con vững tâm bình an theo Chúa trong đời sống hiến dâng. Đặc biệt cám ơn Nữ Tu Bề Trên Tổng Quyền Phạm Thị Trân và quý Nữ Tu Dòng Trinh Vương Úc Châu đã cùng đồng hành, yêu thương, nâng đỡ, trợ giúp nên mới có ngày Tuyên Khấn hôm nay. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho con để luôn làm tròn sứ vụ Tông Đồ mà Chúa giao phó. Kế tiếp Đức Khâm Sứ tuyên đọc Chứng Nhận Phép Lành Tòa Thánh Vatican và trao tặng cho Nữ tu Maria Vũ Trần Thùy Linh.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, quý Nữ tu cũng đã ngỏ lời mời Đức Khâm Sứ, quý Cha cùng tất cả mọi người ở lại tham dự bữa tiệc nhẹ thân mật tại sân trường học cạnh nhà thờ để chung vui cùng Quý Nữ tu.

Diệp Hải Dung
 
Sự Hình Thành & Phát Triển của Giáo Xứ Vĩnh Hội. ĐP Hà Tĩnh. 6.1.2020
Lm Francis Lý văn Ca
19:02 05/01/2020
Thay Lời Tựa:

Tôi có dịp đến Giáo Phận Vinh nhiều lần khi về thăm Quê Hương và Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong những năm gần đây. Nhất là sau khi Địa Phận (ĐP) Vinh được tách ra và thành lập một Tân Giáo Phận Hà Tĩnh, tôi có nhiều gắn bó mật thiết hơn với vài Giáo Xứ trong GP Hà Tĩnh trong nhiều năm trước đây. Nhờ một số các em học sinh nghèo mà tôi đã giúp ‘ăn học’ đã giới thiệu tôi cho các Giáo Xứ-Giáo Họ (GX-GH) của các em đang sinh sống… như GX Dụ Thành, GX Cửa Sót, GX Vĩnh Hội, GH Vĩnh Điền…. GH Vĩnh Sơn… và một vài GX-GH khác nữa mà tôi không thể nhớ hết. Trong bài viết dưới đây tôi muốn đề cập đến Giáo Xứ (GX) Vĩnh Hội mà tôi đã đến thăm đôi ba lần…. Một GX đang được dầy công xây dựng của một linh mục trẻ đầy năng động, Cha Chính Xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu, ngoài GX Mẹ Vĩnh Hội, Cha còn trông coi 5 Giáo Họ nữa: GH Yên Hội, GH Kẻ Mây, nay là GX Vĩnh Hội, GH Yên Thịnh, GH Vĩnh Sơn, GH Vĩnh Điền.

Nhờ tài liệu cung cấp của Ban Biên Tập GP Hà Tĩnh, tôi xin được nhắc lại biến cố lịch sử sự thành lập Tân GP Hà Tĩnh như sau:

Vào lúc 12 giờ trưa (giờ Rôma) tức 18 giờ (giờ Việt Nam) thứ Bảy, ngày 22 tháng 12 năm 2018, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh.

Thánh lễ công bố Sắc lệnh thành lập Giáo phận và nhận sứ vụ mới của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp được tổ chức vào ngày 11/02/2019 tại Nhà thờ Chính tòa Giáo xứ Văn Hạnh (Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Giáo phận Hà Tĩnh nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng Giáo phận.

Đây là Giáo phận thứ 27 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Tân Giáo phận Hà Tĩnh gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có số giáo dân 281.243 người, 66.052 gia đình, 121 Giáo xứ, 376 Giáo họ và 140 Linh mục. Riêng hạt Ngàn Sâu (Hương Khê, Hà Tĩnh) có 15 Giáo xứ, 70 Giáo họ, 30.995 giáo dân, 7.276 hộ gia đình, 13 Linh mục.

Tôi chỉ xin trình bài ‘lược tóm sự hình thành của Tân GP Hà Tĩnh’. Phần kế tiếp, tôi xin mời Quý Đọc Giả đọc tiếp về ‘SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO XỨ VĨNH HỘI’.

Trong bài kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu 5 Giáo Họ của GX Mẹ Vĩnh Hội, đặc biệt là bài viết về Giáo Họ Vĩnh Điền mà trong thời gian ngắn sắp tới, Đức Giám Mục Tiên Khởi của GP Hà Tĩnh, Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP sẽ làm phép và đặt viên đá đầu tiên để xây Nguyện Đường với Tước Hiệu Quan Thầy là Thánh Phanxicô Xaviê để Kính Lòng Thương Xót Chúa. Kính mời Quý Đọc Giả theo dõi các bài viết nầy… mà chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng tải trên Vietcatholic.

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO XỨ VĨNH HỘI

Phần I: Đặc Điểm Địa Lý - Thổ Nhưỡng

1: Được sinh ra, và lớn lên theo thời gian. Từ giáo xứ mẹ Thổ Hoàng. Giáo xứ Vĩnh Hội được thành lập năm 1919, nơi hạ lưu của hai con sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu. Thuộc tổng Hương Khê - Phủ Đức Thọ hồi đó, một dãy đất chật hẹp bên sông. Giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu xuôi ngược dọc sông và những lối mòn tắt qua đồi núi. Nơi đây khí hậu hết sức khắc nghiệt là nơi rừng thiêng nước độc, chỉ là nơi núi non trùng điệp và nhiều thú dữ. Thượng nguồn của con sông Ngàn Trươi gắn liền với các chiến tích của cụ Phan Đình Phùng (1885).

Chẳng ai biết cái tên Kẻ Mân náy có từ bao giờ?

Dân cư thưa thớt, họ sống tập trung chủ yếu thành từng nhóm, mỗi nhóm được gọi là một làng, không có dân bản địa. Họ chủ yếu là dân làng vạn từ các xứ Thổ Hoàng, Đức Ninh và một số vùng lân cận về đây lập nghiệp từ các nghề rừng, đánh bắt muông thú, nông nghiệp. Tất cả đều thô sơ nên đời sống kinh tế rất khó khăn.

Phần II: Sự Phát Triển Qua Từng Giai Đoạn

Theo văn khổ của địa phận, từ những tư liệu lịch sử của Cha Phê-rô Phúc để lại.

Đầu thể kỷ XX, năm 1918, cha GB. Nguyễn Liên quê ở Vạn Thành đang quản xứ Thổ Hoàng lúc đó đã đệ trình Đức Cha thành lập giáo xứ Kẻ Mân, gồm 3 giáo họ là Kẻ Mân, Bãi Mốt, Hòa Duyệt. Tổng số nhân danh của ba giáo họ lúc đó là 295 người, họ Kẻ Mân 160 người, họ Bãi Mốt 82 người, và họ Hòa Duyệt 53 người. Đây cũng là ba giáo họ trực thuộc giáo xứ Thổ Hoàng đã có trước năm 1919.

Cơ sở vật chất chưa có gì chỉ là những nhà thờ tạm đơn sơ, tranh - tre - nứa chưa đủ cho người trong họ sinh hoạt.

Theo thư bẩm trình Đức Cha của cha Phê-rô Phúc còn lưu giữ ở địa phận:

1: Giáo họ Kẻ Mân: Khi trước ở Trại Hội, họ sống riêng một vùng toàn đạo cả.

a: Gốc tích giáo họ: Do làng vạn Thổ Hoàng có cố Tổng Quang, cố Tổng Huấn, và cố Bành là những người đầu tiên sang làm nghề cá, thấy thuận tiện nên đã có ý định định cư tại đây để làm ăn. Bổn đạo ở đây lúc đó cũng được chia làm hai phiến, phiến Thủy dân và phiến Lục dân.

Phiến hủy dân chuyên nghề đánh cá trên sông còn phiến Lục dân có người vùng xuôi lên lập nghiệp.

b: Việc giữ đạo trong các giáo họ cũng bình thường, không bỏ xưng tội lâu năm cũng như không tin những điều dối trá, dị đoan nhưng con trẻ học kinh bổn chưa được sốt sắng. Một số thì quá nghèo, một số thì theo cha mẹ đi làm ăn xa.

2: Họ Bãi Mốt: họ này được gọi với 2-3 cái tên như họ Phùng, họ Bồng Sơn…nhưng ngày nay thường được gọi là Trại Mốt (người dân chủ yếu là có đạo và từ miền dưới lên).

a: Gốc tích giáo họ: Trước đời cố Đức ở Nghĩa Yên lên tạu khoảnh đất cho những người có đạo ở. Trước Binh hỏa (độ 1887) thì đông hơn, sau đó do loạn lạc giặc giã đã bỏ chạy đi nơi khác sau cũng không quay về lại.

b: Việc giữ đạo trong giáo họ cũng bình thường, không ai bỏ xưng tội lâu năm cũng như không tin những điều dối trá, dị đoan, và cũng không nghiện rượu chè.

Con trẻ siêng học giáo lý nhưng vì quá nghèo, không có dầu đèn, không đủ ăn nên việc học hành cũng không được như ý. (theo thư bẩm trình Đức Cha của Cha Phê-rô Phúc).

3: Họ Hòa Duyệt: Xưa nay chỉ có một tên, họ ở chung với kẻ ngoại đạo đông hơn, mạnh thế hơn nhưng xem chừng họ vẫn hòa thuận với nhau.

a: Gốc tích lập ra họ này không ai biết cả, toàn người còn trẻ ở lại đây cứ theo đạo cha ông, không biết cha ông giữ đạo như thuở trước. Nên đã có nhiều người bỏ đạo sau họ không trở lại nữa nhà thờ và mọi sự gì cũng chưa có. Số nhân danh còn lại là 52 người, không học hành gì kinh bổn. (theo thư bẩm trình Đức Cha của Cha Phê-rô Phúc).

Khoảng giai đoạn 1925 - 1935

Nghe ông nội của ông Phê-rô Nguyễn Văn Hải trong giáo xứ kể lại rằng: Có cha Tuần, cha Mục, cha Hoan, cha Tính, cha Hữu về coi sóc giáo xứ nhưng cũng được một thời gian ngắn rồi lại chuyển đi.

4: Tình hình của giáo xứ giai đoạn này hết sức khó khăn, phức tạp do các biến cố về chính trị hồi đó và tình hình của giáo xứ gần như vô vọng.

Giai đoạn 1936 - 1945

Trước tình hình của giáo xứ hết sức khó khăn, phức tạp cha GB. Nguyễn Liên đã xin bề trên về lại giáo xứ, để khôi phục và củng cố thêm lòng tin. Nhưng cũng không ai nhớ được Cha về lại từ năm nào? Nhưng năm 1937 đã thành lập thêm được giáo họ Yên Thịnh. Đến năm 1945 Cha lâm bệnh nặng và đã qua đời trên đường đi chữa trị. Vì thương tiếc Cha cộng đoàn đã đưa xác Cha về chôn cất trong khuôn viên của giáo xứ.

Giai đoạn 1945 - 1946 là thời kỳ khó khăn nhất của giáo xứ nói riêng và cả nước nói chung, đó là nạn đói hoành hành đã làm nhiều người chết, một số bỏ làng, bỏ giáo xứ tha phương cầu thực khắp nơi. Cho nên số giáo dân cũng giảm đi đáng kể, nhưng với long tin có Chúa mọi việc trong giáo xứ cũng không có gì xáo trộn lắm.

12 năm trôi qua (1945-1957) cứ cầu nguyện, trông chờ và phát triển bề trên đã cho Cha Gio-an Trương Văn Tạo quê ở Làng Truông về coi sóc giáo xứ.

Nghe các nhân chứng đang còn sống trong giáo xứ kể lại, thời gian này mọi cơ sở vật chất của giáo xứ hầu như xuống cấp nghiêm trọng, thứ thì mục nát, thứ mối mọt, và mất mát, cho nên Cha đã sắm sửa lại tất cả. Đồng thời thành lập được giáo họ Yên Hội vào năm 1958.

Gần hai năm sau tháng 9 năm 1960. Một trận lũ lịch sử trên con sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu đã nhấn chìm tất cả, nhà thờ thì ngập nửa mái vì nước lũ vào quá nhanh nên bà con không kịp thu dọn đồ đạc, tất cả đều bị ướt và trôi nổi khắp nơi. Nhà thờ xiêu vẹo sau trận lũ lịch sử này. Cha xứ quyết định đưa nhà thờ lên cao để tránh lũ, và đã được cộng đoàn đồng tình hưởng ướng.

Vậy là nhiều công việc đều được diễn ra cùng một lúc vào cuối năm 1960-1961.

- Sửa sang lại nhà thờ để có nơi làm lễ

- Chọn địa điểm đặt nhà thờ

- Đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá để lấy mặt bằng

- Một bộ phận dùng thuyền lên đại ngàn để khai thác gỗ

Mọi công việc đều được sắp xếp và tiến hành đồng bộ. Cuối năm 1961 nhà thờ cũng được hoàn thành. Đây là lần thứ hai làm nhà thờ và cũng là lần thứ hai chuyển vị trí. Trên diện tích khoảng 2000m2, tại Cồn Tròn mà hiện nay chúng ta đang sủ dụng, mặt tiền của nhà thờ quay về hướng đông.

Cứ sắm sửa, xây dựng và thời gian cứ trôi đi, trôi đi thật nhanh. Từ năm 1961-1973, đây là thời gian chiến tranh ác liệt ở miền bắc Việt Nam. Làm thiệt hại lớn về người và kinh tế của giáo xứ, sự mất mát lớn lao đó là Cha GB. Trương Văn Tạo qua đời (tháng 11/19973) ở tuổi 91. Vì thương tiếc Cha cộng đoàn đã chôn xác Cha trong khuôn viên của giáo xứ, một lần nữa giáo xứ lại thiếu vắng đứng chủ chăn. Khoảng thời gian này từ (1973-1976) Cha Bang quản xử Thổ Hoàng phụ trách giáo xứ. Từ năm 1976 Cha Thìn phụ trách.

Đến năm 1980, bề trên cho cha già Phê-rô Hồ Đức Hân quê ở Thổ Hoàng về nghỉ hưu tại giáo xứ, đến năm 1982 Cha đã qua đời ở tuổi 100 và phần mộ của Cha cũng được chôn cất tại khuôn viên của giáo xứ. Mọi công việc của giáo xứ lúc đó đều do Cha Giu-se Võ Văn Thìn quê ở Bột Đà quản xứ Thổ Hoàng coi sóc. Ở giai đoạn này nhà thờ cũng đã xuống cấp. Nên đã đề xuất Cha Giu-se Võ Văn Thìn sửa lại nhà thờ và đã được Cha đồng ý. Trong khi tháo giỡ để sửa chữa thì phần gỗ của nhà thờ bị hư hỏng quá nhiều, nên được coi là làm lại tất cả. Đầu năm 1983 thì khởi công và đến cuối năm thì hoàn thành, và đâylà lần thứ ba làm lại nhà thờ. Đầy khó khăn, gian khổ một phần do chính quyền gây khó khăn, một phần do kinh tế của cộng đoàn còn quá yếu. Nhưng cuối cùng cũng đã thực hiện được ước nguyện của cộng đoàn, Tuy không có Cha quản xứ, song với long tin đầy nghị lực, nên đã vượt qua tất cả.

Giai đoạn 1990 - 2010

7 năm sau, năm 1990 số giáo dân trong giáo xứ cũng đã tăng lên theo thời gian là 820 nhân danh của 140 hộ. Vì thế sức mạnh cũng được tăng lên gấp bội, hơn nửa điều kiện kinh tế cũng khá hơn trước, và ước muốn của cộng đoàn là làm lại nhà thờ xây thay cho nhà thờ gỗ. Đề nghị này của cộng đoàn đã được Cha phụ trách Võ Văn Thìn đồng ý, thế là mọi công việc đều được bàn bạc và thống nhất dưới sự điều hành của ông Phê-rô Nguyễn Văn Hứa (trùm xứ) và ông Phê-rô Trần Văn Hậu (trùm họ) lo phần kinh tế, đó là vào đại ngàn khai thác gỗ cũng như các vật liệu như gạch, ngói và nhân lực… Sau 3 năm xây dựng vào năm 1993 ngôi nhà thờ đã được hoàn thành và đây cũng là ngôi nhà thờ xây đầu tiên của giáo xứ, trong niềm hân hoan của toàn thể cộng đoàn.

Mặt tiền của nhà thờ hướng về phía Bắc, có chiều dài 32m, rộng 13m và hiện giờ đang được sử dụng. Đây là lần thứ tư làm lại nhà thờ và lần thứ ba thay đổi vị trí. Cả một chặng đường dài đầy khó khăn, gian nan, thử thách của giáo xứ thường bị gián đoạn vì thiếu đứng chủ chăn, số giáo dân ít ỏi, tiềm lực kinh tế hạn hẹp nhưng đã làm nên kỳ tích như thế này thì quả thật là tràn đầy hồng ân của Chúa.

Giáo xứ chúng con có được như ngày hôm nay quả đúng là hồng phúc mà Chúa đã thương ban. Chúng con hết lòng tri ân quý Cha tiền nhiệm đã dày công vun đắp, đồng hành và xây dựng giáo xứ chúng con qua các thời kì từ sơ khai.

Đến năm 2002, Cha GB. Trần Thanh Đạt quê ở giáo Thuận Nghĩa được bề trên cho phép về quản xứ, trong giai đoạn này mọi cơ sở vật chất của giáo xứ tạm ổn định, nên Cha chỉ sửa lại một số công trình của nhà xứ và xây thêm cho giáo họ Vĩnh Hội một ngôi trường giáo lý 2 tầng, nhà phòng, tượng đài Đức Mẹ vào năm 2003. Đồng thời Cha cũng đã lập thêm được một giáo họ Vĩnh Sơn với 12 hộ và 49 nhân danh. Bên cạnh đó Cha cũng củng cố thêm giáo họ Vĩnh Điền mà Cha Võ Văn Thìn hội tụ năm 1993 và hai cái tên giáo họ Vĩnh Sơn - Vĩnh Điền được bắt nguồn từ đây (2003). Cha GB. Trần Thanh Đạt Đạt coi sóc giáo xứ được 2 năm 7 tháng đến tháng 9 năm 2004 Cha lâm bệnh nặng và qua đời tại quê nhà, phần mộ của Cha được chôn cất trong khuôn viên giáo họ Yên Lưu giáo xứ Thuận Nghĩa.

Đến thời điểm này, giáo xứ Vĩnh Hội đã có năm giáo họ là: Vĩnh Hôi, Yên Hội, Yên Thịnh, Vĩnh Sơn, và Vĩnh Điền. Trải dài trên địa bàn của nhiều xã thuộc huyện Vũ Quang, như xã Hương Thọ, Hương Điền, Hương Quang, Đức Liên. Nhưng số giáo dân đông nhất tập trung ở xã Hương Thọ, đặc biệt có những giáo họ cách trung tâm của giáo xứ khoảng 30k, như Vĩnh Sơn, Vĩnh Điền.

Tháng 3 năm 2005, Cha Giu-se Nguyễn Văn Hiệu quê ở Nghi Lộc tiếp quản giáo xứ, trong giai đoạn này mọi cơ sở vật chất của giáo xứ cũng đang tạm ổn định. Nên Cha đã lo lắng đến cơ sở vật chất của các giáo họ vì tất cả đều bị xuống cấp và đặc biệt là một số giáo họ trong thời gian đó chưa có nhà thờ. Cụ thể là Cha đã làm lại nhà thờ giáo họ Yên Thịnh (2007), và nhà thờ giáo họ Vĩnh Sơn (2008). Cha cũng sửa sang lại nhà thờ xứ và nhà thờ giáo họ Yên Hội, riêng giáo họ Vĩnh Điền vẫn chưa có nhà thờ, bởi vì ở trong lòng hồ Ngàn Trươi nên giáo họ Vĩnh Điền phải dời đi. Năm 2010 Cha được bề trên sắp xếp về coi sóc giáo xứ khác.

Giai đoạn 2010 - 2018

Ngày 10 tháng 8 năm 2010, cha Phê-rô Nguyễn Huy Lưu được bề trên giáo phận sai về quản xứ Vĩnh Hội. Là một Linh Mục trẻ nhận xứ chưa được bao lâu thì một trận lũ lịch sử trên hai con sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu đã làm thiệt hại kinh tế cho huyện Vũ Quang nói riêng và khu vực miền trung nói chung hết sức nặng nề. Vì thế, Cha đã kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm khắp mọi nơi về lương thực, thực phẩm, quần áo cũng như tiền của để giúp đỡ bà con lương giáo trong những ngày lũ. Lại một lần nữa bà con giáo dân nơi đây phải hứng chịu sự ảnh hưởng của thiên tai.

Với tâm tình của vị mục tử lo lắng và trăn trở cho tương lai của giáo xứ Vĩnh Hội, vào năm 2011 Cha đã nới rộng khuôn viên của giáo họ Yên Thịnh và đã xây tường kè bao quanh nhà thờ giáo họ, hết hàng trăm m3 đá. Cha đã xây lại toàn bộ hàng rào và khuôn viên, cùng với hàng chục m3 gỗ để trần lại nhà thờ. Sơn mới lại toàn bộ nhà thờ và xây dựng thêm một nhà phòng 3 gian với đầy đủ tiện nghi trên diện tích 2,400m2.

Hai giáo họ Vĩnh Sơn và Yên Hội cũng được Cha quan tâm sửa sang lại để có nơi thờ phượng tốt hơn. Riêng họ Vĩnh Điền sau khi di dời về nơi ở mới (2013), mặc dù chưa có nhà thờ nhưng Cha cũng cố gắng để lo cho giáo họ có đất, sau đó đã san được mặt bằng và dựng tạm nhà nguyện để có nơi thờ phượng Chúa tạm thời cho cộng đoàn giáo họ.

Sau 2 năm quản xứ, Cha đã lo lắng cho các giáo họ tương đối đầy đủ. Giáo họ Yên Thịnh đã có khuôn viên nhà thờ cố định, giáo họ Yên Hội đang trong quá trình san mặt bằng để chuyển nhà thờ lên cao tránh lũ.

Bước sang năm 2013, để chuẩn bị cho công việc quan trọng cúa giáo xứ Cha đã bàn bạc và thống nhất với Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ quyết định giải tỏa mặt bằng, và công việc giải tỏa diễn ra một các thuận lợi nhờ sự cộng tác của tất cả bà con trong giáo xứ, đặc biệt là những bà con có đất lân cận khuôn viên nhà thờ hiến tặng.

Ngày mùng 3 tết năm Qúy Tỵ (12/02/2013), Cha quyết định đại hội toàn thể cộng đoàn để bàn bạc và thống nhất việc san mặt bằng, đại hội đã đồng tình hướng ứng 100%. Đây là một quyết định táo bạo của Cha dưới sự linh hướng và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian chuẩn bị.

Sáng ngày 02/09/2013, sau tuần đền tạ của giáo xứ thì bắt đầu tiếng ầm ầm của máy đào, máy ủi, xe ben… Liên tục thay ca nhau làm việc cả ngày lẫn đêm. Kết quả là sau 7 tháng 24 ngày đã lấy đi hàng vạn khối đất đá của 2/3 quả đồi và để lại cho giáo xứ một mặt bằng như mong muốn.

Sau việc san lấp mặt bằng là công việc vô cùng vất vả suốt một năm trời của Cha xứ cũng như bà con đó là việc xây bờ kè và đổ táp lô. Chỉ trong vòng 1 năm Cha và bà con trong giáo xứ đã lấy được hàng nghìn m3 đá từ khắp nơi về để xây gần 600m bờ kè có nơi cao chừng 7m - 8m, và đổ được trên 8 vạn táp lô.

Đến ngày 10/10/2015 mọi công việc san lấp mặt bằng và xây bờ kè cũng được gọi là tạm ổn.

Ngày 15/01/2016 hoàn thiện được phần móng của nhà thờ để chuẩn bị cho phần xây.

- Ngày 16/02/2016 lễ đặt viên đá cho ngôi thánh đường do đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục giáo phận chủ sự.

- Ngày 07/03/2016 hoàn thành phần đầu việc xây dựng tượng Chúa Kitô Vua.

- Ngày 14/11/2016 lợp ngói nhà thờ.

- Ngày 11/12/2016 lễ Phong chân phước Cha Malo ở Lào.

Bước sang năm 2017, sự kiện tổ chức đại lễ tạ ơn Chân Phước Cha Malo ngày16/02/2017 do giáo Phận tổ chức dưới sự hướng dẫn của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Đai lễ được tổ chức tại giáo xứ Vĩnh hội đã diễn ra một cách trang trọng, sốt sắng, và đầy thành công với sự tham dự của vị đại diện Tòa Thánh, vị đại diện của đại sứ quán Pháp tai Việt Nam, các vị đại diện của Giáo Hội Lào và một số vị khách ngoại quốc khác cũng như sự có mặt rất đông đủ của bà con ở một số giáo xứ trong giáo phận và giáo hạt. Sự nổ lực hết mình của Cha quản xứ và bà con trong giáo xứ cũng như sự giúp đỡ đầy nhiệt huyết của các anh chị em các giáo xứ bạn đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho tất cả mọi người tham dự Thánh lễ này. Giáo xứ chúng ta cũng rất may mắn vì có phần mộ của Cha Malo Chân phước tử đạo của nước bạn Lào.

Sau những sự kiện đáng nhớ này vẫn tiếp tục công việc xây dựng. Qua đại hội toàn thể cộng đoàn ngày mồng 3 tiết năm Mậu Tuất (2018) đều đồng tâm hợp ý thực hiện hoàn thành 5 mục tiêu chính: Tượng Chúa Ki-tô Vua, đền thánh Cha Malo, nhà thờ, nhà vượt lũ, san ủi mặt bằng quanh nhà thờ. Tất cả các công trình trên đều còn giang dở, vì vậy đang cần sự giúp đỡ của cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ để công trình sớm được hoàn thiện.

Theo cái nhìn thiển cận của chúng tôi khi đã đến nơi nhìn ngắm công trình xây cất Tượng Chúa Kitô Vua hùng dũng giang đôi tay trên ngọn đồi cao như muốn ôm trùm đàn con mỗi ngày tuôn đến Ngôi Đền Thờ vừa mới hoàn thành cùng với những công trình cơn dang dở phía dưới như Nhà Xứ và Nhà Mục Vụ… Chúng tôi có thể nghĩ đến GX Vĩnh Hội, với cơ đồ đang xây dựng, với nhiều bàn tay góp sức và nhất là sự hy sinh và nỗ lực của Linh mục Phêrô Nguyễn Huy Lưu.

Thay Lời Kết:

Giáo Xứ Vĩnh Hội, có thể sau nầy, nếu được phép Đức Đương Kiêm, Giám Mục Tiên Khởi của GP. Hà Tĩnh, Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, ban phép sẽ trở thành Trung Tâm Hành Hương của Giáo Phận. Nơi đây sẽ thu hút nhiều Hành Hương Viên - Đoàn Hành Hương – Du Khách tuôn về nơi đây, nhất là sẽ là nơi thu hút đồng hương chung quanh đến với Đấng là Vua Vũ Trụ… Với những hình ảnh được chèn vào, Quý Đọc Giả có thể cảm nhận cần nhiều bàn tay, nhiều công sức giúp đỡ để có thể sớm hoàn thành cả công trình quy mô như lòng mong ước của đoàn con xứ Vĩnh Hội nói riêng và cả GP Hà Tĩnh nói chung.

TB: Bài kế tiếp, chúng tôi sẽ cho đăng tải về sự “Hình Thành và Phát Triển của 5 Giáo Họ: Yên Hội, Kẻ Mây, bây giờ là Vĩnh Hội, Yên Thịnh, Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền. Kính mời đọc giả đón đọc trong những ngày sắp tới.
 
Đại Hội Cursillo Ngành Việt Nam Liên Bang Úc Châu
Lê Hải
15:30 05/01/2020
Hình ảnh Đại hội kỳ VI Phong Trào Cursillo Ngành Việt Nam Liên Banng Úc Châu 3-4-5/01/2020 tại Melbourne
Xem hình
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tay Bắt Mặt Mừng
Dominic Đức Nguyễn
22:50 05/01/2020
TAY BẮT MẶT MỪNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Mẹ con tay bắt mặt mừng
Nắm tay Mẹ dẫn con đường Chúa đi
(bt)
 
VietCatholic TV
Những hình ảnh sôi nổi về Đại Hội Cursillo Liên Bang Úc Châu tại Melbourne
Giáo Hội Năm Châu
18:45 05/01/2020
 
Giáo Hội Năm Châu 6/1/2020: Cuộc gặp gỡ Taizé tại Wrocław, Ba Lan
Giáo Hội Năm Châu
19:50 05/01/2020
1. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các gia đình noi gương Thánh Gia

Nhân ngày lễ Thánh gia Chúa Nhật 29/12 Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày vai trò của từng người trong gia đình, nếu muốn gia đình được hạnh phúc.

Nhìn vào Gia đình Thánh gia, Đức Thánh Cha Phanxicô phân tích từng vai trò trong gia đình Nazaret, Mẹ Maria, người nữ tỳ khiêm hạ và thánh Giuse luôn rộng mở tâm lòng cho tác động của Chúa Thánh Thần.

Như những cô gái trẻ, Mẹ cũng có những chương trình cho tương lai, tuy nhiên khi Mẹ nhận được chương trình của Chúa mời gọi Mẹ cộng tác, Mẹ đã không ngần nhìn nhận mình là nữ tỳ của Chúa…

Kế đến là hình ảnh của thánh Giuse, Tin Mừng không ghi nhận một lời nào từ thánh nhân ngoại trừ vâng theo mệnh lệnh của Chúa bằng hành động. Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài định tâm từ bỏ Maria cách âm thầm kín đáo vì nàng đã có thai…

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn vào Chúa Giêsu, thành viên thứ ba của gia đình Thánh gia Nazaret. Ngài chính là người mà Chúa Cha đã hứa ban. Như thánh Phaolô đã viết khi thời gian sung mãn Ngài đã xuất hiện trong thời gian và là Người nắm trong tay mọi quyền năng vinh hiển

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên gia đình thánh gia như một khuôn mẫu của mọi gia đình. Ba khuôn mặt trong gia đình thánh đó thể hiện thánh ý ngàn đời của Thiên Chúa.

Trong buổi triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho các nạn nhân khủng bố tại Somalia và các nơi khác trên thế giới

2. Các Giám Mục Cameroon dành thời gian đến thăm các nhà tù vào ngày Giáng Sinh

“Chúa Kitô đến để giải thoát chúng ta khỏi tất cả các nhà tù của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Samuel Kleder nói như trên khi ngài đến thăm các tù nhân trong nhà tù New Bell đông đúc ở Douala.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài không chỉ đề cập đến các nhà tù vật lý nơi mọi người đang chen chúc như nhà tù New Bell; nhưng đúng hơn, Chúa Kitô giải phóng “chúng ta ra khỏi các nhà tù trong tâm hồn chúng ta.”

Ngài nói chúng ta chỉ có thể giành lại được tự do của mình nếu chúng ta biết mở tâm hồn mình ra với Đức Kitô.

“Một khi anh chị em nhận ra tội lỗi của mình và thừa nhận rằng anh chị em đã sai lầm, anh chị em được tự do, anh chị em sẽ được hoán cải, và anh chị em có thể biết làm thế nào để tiếp tục,” ngài nói.

Tại Garoua, ở phía Bắc của Cameroon, Đức Giám Mục Faustin Ambassa Njodo nói: “Đức Kitô đi tìm con cái mình bất kể họ đang ở đâu.”

Nói chuyện với các tù nhân tại nhà tù Garoua, Đức Tổng Giám Mục nói: “Bất kể anh chị em đã làm những gì, Chúa sẽ đến với anh chị em. Nếu chúng ta quay trở lại với Kinh Thánh, Con Thiên Chúa đang nói với chúng ta rằng ngài là một thầy thuốc đi tìm những người bị bệnh. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu đang đến không chỉ với những ai tin vào Ngài, nhưng đối với cả những kẻ có tội.”

Đức Cha Ambassa Njodo thúc giục các tù nhân mở rộng trái tim để tiếp nhận Chúa Kitô và họ sẽ có sự sống đời đời.

Các giám mục Cameroon đã bày tỏ mối quan tâm của các ngài về điều kiện giam giữ trong các nhà tù nơi cơ sở hạ tầng nghèo nàn và tình trạng quá đông có nghĩa là các quyền chính đáng của các tù nhân bị vi phạm hàng ngày. Số liệu từ Bộ Tư pháp trong năm 2016 cho biết con số tù nhân bị giam giữ trong các nhà tù lên đến 164.7 phần trăm sức chứa tối đa của các nhà tù ấy, và con số này dao động từ nhà tù này sang nhà tù khác.

Nhà tù New Bell ở Douala đang giam giữ khoảng 5,000 tù nhân, mặc dù ban đầu nó được xây dựng chỉ để giam 800 người. Như thế, con số tù nhân thực tế cao hơn công suất thiết kế đến 625 phần trăm. Nhà tù khét tiếng Kondengui ở Yaoundé có số tù nhân thực tế cao hơn công suất thiết kế 400 phần trăm vào năm 2016, và nhà tù trung tâm ở Maroua thường cao hơn 200 phần trăm khả năng của nó. Những con số này đã không thay đổi bao nhiêu trong 3 năm qua.

Và trong khi hàng giáo sĩ Cameroon tìm cách nâng đỡ tâm hồn các tù nhân, các vấn đề về công lý cho các tù nhân cũng được nêu ra. Đức Cha Kleder lưu ý rằng thẩm phán tốt cũng phải có lòng bác ái.

“Một thẩm phán làm công việc của mình một cách đúng đắn ... phải quan tâm đến tất cả mọi người, và những người bị giam trong tù cần phải được xét xử một cách đúng đắn. Đó là lòng bác ái.” Đức Tổng Giám Mục nói.

Đức Tổng Giám Mục lên án các giai đoạn giam giữ dài hạn trước khi xét xử. Thống kê chính thức cho thấy khoảng 55.5 phần trăm số tù nhân tại Cameroon là những người chưa có án nhưng đang bị giam hết năm này sang năm khác để chờ ngày xét xử.

3. Lời kêu gọi hòa bình là yếu tố chủ yếu trong thông điệp Giáng Sinh của các Giám Mục Cameroon

Ở một đất nước đang bị xâu xé bởi cuộc chiến ly khai ở miền Tây và cuộc chiến tranh khủng bố của Boko Haram ở phía Bắc, lời kêu gọi hòa bình là yếu tố chủ yếu trong thông điệp Giáng Sinh năm nay.

Đức Cha Ambassa Njodo đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tình trạng suy thoái của Cameroon trong thời gian gần đây.

“Chúng ta có những anh chị em trong cùng một gia đình chiến đấu chống lại nhau, họ không ngồi cùng bàn ăn với nhau, và điều này là không bình thường”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Trong vùng Tây Bắc, nơi một cuộc nổi dậy ly khai được gọi là “cuộc khủng hoảng với cộng đồng nói tiếng Anh” đã diễn ra trong ba năm qua, Cha Gilbert Aurore lưu ý rằng “chúng ta cần hòa bình, chúng ta cần phải yêu thương và chúng ta cần sự tha thứ.”

“Chúa Giêsu Kitô là Hoàng Tử Bình An đã mang đến hòa bình để chúng ta có thể trải nghiệm sự sống dồi dào”, vị linh mục nói.

Hai khu vực nói tiếng Anh của Cameroon - vùng Tây Bắc và Tây Nam - chiếm khoảng 20 phần trăm dân số Cameroon. 80% dân số còn lại nói tiếng Pháp. Hai khu vực nói tiếng Anh của Cameroon từ lâu đã phàn nàn vì bị chính phủ chủ yếu từ các khu vực nói tiếng Pháp gạt ra ngoài lề.

Năm 2016, các cuộc biểu tình ôn hòa của các giáo viên và các luật sư tại hai khu vực này chống lại việc áp đặt việc sử dụng tiếng Pháp trong các trường học và tòa án đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát sau một cuộc đàn áp của chính phủ. Một phong trào cực đoan kêu gọi hai khu vực này ly khai khỏi Cameroon là kết quả của cuộc đàn áp này. Trong ba năm chiến đấu, hơn 3,000 người đã thiệt mạng và khoảng 700,000 người khác buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ.

“Cuộc đổ máu này cần phải chấm dứt. Chúng ta đang mệt mỏi với cuộc chiến này,” Đức Cha Andrew Nkea là Giám Mục giáo phận Mamfe trong khu vực Tây Nam Cameroon nhận định.

Tại Giáo xứ Thánh Giuse ở Tkomberé, một vùng hẻo lánh về phía bắc của Cameroon, Cha Denis Daba cho biết ngài đã đưa ra trong bài giảng lễ Giáng Sinh một “thông điệp hòa bình và sống chung với nhau, bởi vì Chúa Kitô đã đến vì sự hiệp nhất của con cái Thiên Chúa, để lôi kéo họ đến gần với nhau hơn, đặc biệt là những người chưa biết Ngài”

Một thông điệp tương tự đã được lặp lại bởi Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Yaoundé Jean Mbarga. Trong một bài giảng tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vinh Thắng, Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng Giáng Sinh là khoảng thời gian “canh tân” đối với các gia đình, những người đã phải làm việc quần quật quanh năm. Ngài nói trong khi mọi người canh tân gia đình như vậy, họ nên mở rộng tâm hồn mình với Đức Kitô.

“Mọi người phải mở rộng trái tim mình để Thiên Chúa có thể quay lại với họ. Chúng ta cũng cần Thiên Chúa trở lại với không gian công cộng của chúng ta vì Thiên Chúa phải là nền tảng của tất cả mọi thứ chúng ta làm.”

Đức Cha Mbarga nói thêm chỉ khi “Thiên Chúa làm chủ cuộc sống của chúng ta”, chúng ta mới có thể có hòa bình ở Cameroon.

4. Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi cho cộng đoàn Taizé nhân cuộc gặp gỡ tại Wrocław

Trước hết, chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi cho cộng đoàn Taizé nhân cuộc gặp gỡ tại Wrocław.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khoảng 20,000 bạn trẻ Âu Châu đã tham dự cuộc gặp gỡ Âu Châu lần thứ 42 tại thành phố Wrocław của Ba Lan do cộng đoàn Taizé tổ chức. Cuộc họp diễn ra từ ngày 28 tháng 12, 2019 đến hết ngày 01 tháng Giêng năm 2020. Đây là lần thứ ba thành phố Wrocław đăng cai sự kiện này. Đó cũng là lần thứ năm cuộc gặp gỡ Taizé Âu Châu hàng năm được tổ chức tại Ba Lan.

Các cuộc họp mặt hàng năm tại Âu châu, theo trang web của Taizé, “là một phần trong cuộc hành hương niềm tin” được tổ chức trong hơn bốn mươi năm qua. Những người tham gia được trao cho cơ hội để “cầu nguyện với nhau, là một phần của một Giáo Hội địa phương, tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, khám phá các chủ đề như hòa bình, những vấn đề về đức tin và dấn thân xã hội.”

Chủ đề cụ thể cho cuộc gặp gỡ năm nay là “luôn luôn di chuyển, nhưng không bao giờ bị bật khỏi gốc rễ.”

Đồng hành trong lời cầu nguyện

Như mọi năm, Đức Thánh Cha đã gởi một sứ điệp tới những người tham dự. Sứ điệp này do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký tên. Trong sứ điệp, Đức Hồng Y Parolin đặc biệt nhắc đến sự kiện là cuộc gặp gỡ năm nay diễn ra tại Ba Lan, quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và nói thêm rằng “người kế nhiệm vị thánh Giáo Hoàng, là Đức Thánh Cha Phanxicô” đồng hành với họ trong lời cầu nguyện, và khuyến khích họ khám phá sâu hơn chủ đề được chọn cho sự kiện này.

“Ba Lan là một quốc gia có nguồn gốc từ đức tin”, Đức Hồng Y nói; và nhấn mạnh rằng chính đức tin đã cho phép người dân Ba Lan “có thể đứng vững trong thử thách lớn lao, khi hy vọng xem ra đã tan vỡ.” Những Kitô hữu ở quốc gia này, theo Đức Hồng Y, “dám tin vào một tương lai khác”.

Bắt nguồn từ đức tin, được mời gọi để vươn ra với thế giới

Đức Hồng Y Parolin khuyến khích các bạn trẻ học hỏi từ tấm gương của các Kitô hữu Ba Lan, “để khám phá cùng nhau đến mức độ là việc đâm rễ sâu nơi đức tin có thể mời gọi các bạn và chuẩn bị cho các bạn vươn đến với những người khác, đối diện với những thách thức mới của xã hội chúng ta, đặc biệt là những nguy hiểm đang đè nặng lên ngôi nhà chung của chúng ta”.

Ngài nói thêm rằng, như Abraham, những người trẻ “sẽ khám phá ra có nhiều niềm vui khi cất bước trên một cuộc hành trình, mà thỉnh thoảng chúng ta không thể biết trước điểm đến.” Ngài hô hào các bạn trẻ “Luôn luôn sẵn sàng cho những khởi hành mới, để làm chứng cho Tin Mừng, và có mặt đầy đủ bên cạnh những người xung quanh các bạn, đặc biệt là những người nghèo nhất và kém may mắn nhất”.

Đức Hồng Y Parolin bảo đảm với các bạn trẻ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô gửi phép lành của ngài đến tất cả mọi người tham dự cuộc gặp gỡ, đến cộng đoàn Taizé và các gia đình và giáo xứ mà họ cư ngụ trong suốt thời gian của cuộc gặp gỡ này. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kết luận sứ điệp với hy vọng rằng “đức tin của Mẹ Maria, Đấng đã ‘vội vã’ lên đường [đến thăm bà Elizabeth; cf. Lc 1:39), sẽ duy trì động lực trong niềm tin của các bạn nơi Con Mẹ”.

5. Lịch sử cộng đoàn đại kết Taizé

Mọi việc bắt đầu từ năm 1940, Thầy Roger khi ấy tròn 25 tuổi, quyết định rời Thụy Sĩ nơi Thầy được sinh ra đề đến sinh sống tại Pháp, quê mẹ Thầy. Trong những năm bị cơn bệnh lao hành hạ, phải liên tục nghỉ dưỡng, Thầy luôn bị thôi thúc trong quyết tâm sang lập một cộng đồng.

Đầu Thế chiến thứ 2, không để mất thêm thời gian, Thầy quyết định đến giúp đỡ, hỗ trợ mọi người qua cơn thử thách này – một việc làm ý nghĩa mà bà của Thầy cũng đã thực hiện trong những năm Thế chiến thứ 1. Thấy dừng lại và bắt đầu công việc của mình ở những ngôi làng nhỏ của Taizé, nơi giáp ranh với biên giới phân chia nước Pháp làm đôi: nó trở thành nơi trú ẩn cho những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến. Bạn bè từ Lyon bắt đầu chuyền tay nhau địa chỉ của Taizé cho tất cả những ai cần một nơi trú chân an toàn.

Tại Taizé, nhờ những khoản tiền vay khiêm tốn, Thấy Roger đã mua được một căn nhà ở khá xa từ lâu không có người ở. Thầy cũng nhờ cậy một người chị em của mình là Genevieve đến giúp đỡ về hỗ trợ về các công việc y tế. Trong số những người tị nạn tại đây cũng có cả người Do Thái.

Nguồn lương thực ở đây rất hạn chế, không có nước ngọt nên họ phải ra các thị trấn tìm nước uống. Thức ăn thì cũng rất đơn sơ, chủ yếu là súp được làm từ bột ngô giá rẻ mua tại các nhà máy gần đó. Xa khỏi vùng trú ẩn, Thầy Roger thường cầu nguyện một mình, hoặc đi thật xa vào rừng để hát để không làm những người dân tị nạn, kể cả những người Do Thái không thấy phiền hà. Genevieve khuyên mọi người rằng nếu muốn, họ tốt nhất nên cầu nguyện một mình trong phòng.

Cha mẹ của Thầy Roger biết rằng con trai và con gái mình đang sống trong vùng nguy hiểm nên đã nhờ cậy một người bạn Pháp giúp họ trông nom 2 con. Mùa thu năm 1942, người Pháp này báo với Thầy rằng những hoạt động của họ tại Taizé có thể bị phát hiện và mọi người cần phải di tản đi. Vì thế mà từ đó cho đến hết Thế chiến thứ 2, Thầy Roger sống tại Geneva – nơi Thầy sống cùng các tu sĩ đầu tiên. Và họ trở lại Taizé vào năm 1944.

Sự cam kết phục vụ của các tu sĩ đầu tiên

Năm 1945, một luật sư trẻ trong vùng quyết định thành lập một nhóm hội tập hợp những trẻ em bị mồ côi cha mẹ trong chiến tranh. Ông đề nghị các Thầy nhận nuôi các em tại Taizé. Tuy nhiên, một dòng tu nam không thể đảm nhận việc nuôi trẻ nhỏ, vì thế Thầy Roger lại một lần nữa nhờ Genevieve trở lại để nhận nuôi những đứa trẻ này. Và vào những ngày Chúa Nhật, các Thầy cũng chào đón các tù nhân Đức, những người bị giam giữ trong một trại giam gần Taizé.

Dần dà, có thêm nhiều người đàn ông trẻ tìm đến nhóm tu sĩ ban đầu và vào Ngày Lễ Phục Sinh năm 1949, đã có 7 người trong số họ cam kết cùng nhau sống đời độc thân tận hiến trong điều kiện sống giản dị nhất.

Trong một lần tĩnh tâm dài mùa đông những năm 1952-1953, người sáng lập cộng đồng đã viết cuốn “Những quy định của Taizé” nhằm chia sẻ cùng các tu sĩ khác “những điều thiết yếu giúp khả thi hóa đời sống cộng đồng”

Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II đã đến thăm Cộng Đồng Taizé vào ngày 5 tháng 10 năm 1986. Sau thời gian cầu nguyện với những người có mặt trên đồi, Ngài đã có cuộc gặp gỡ với các Thầy trong dòng.

Các Thầy thân mến, trong không khí thân mật của cuộc gặp gỡ này, tôi muốn được bày tỏ cảm xúc và sự tin tưởng của tôi vào những lời bộc bạch đơn sơ của Đức Cố Giáo Hoàng John XXIII, người đã rất mến mộ các thầy, trong lần chào đón Thầy Roger: “A, Taizé, Khoảnh khắc mùa xuân đây rồi!” Tôi ao ước Thiên Chúa luôn gìn giữa các thầy như mùa xuân đang triển nở và giúp các thầy luôn đơn sơ trong niềm vui của Tin Mừng và tình huynh đệ thắm thiết.

Mỗi người trong các thầy đến đây để sống trong ân sủng của Thiên Chúa và trong tương quan cộng đồng với các anh em khác. Trong sự dâng hiến toàn bộ đời sống mình cho Chúa vì tình yêu của Ngài, các Thầy sẽ nhận được cả hai.

Nhưng hơn thế, tuy không chủ đích, các thầy đã thấy hàng ngàn bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới bị lôi cuốn bởi cách cầu nguyện và lối sống cộng đồng đã và đang đến với các thầy. Làm sao chúng ta có thể không nhận ra những bạn trẻ này là quà tặng và phương tiện mà Thiên Chúa đã trao tặng cho các thầy để khuyến khích các thầy tiếp tục cùng nhau, trong niềm hân hoan, như một mùa xuân cho tất cả những ai đang tìm kiếm một cuộc sống đích thực?

Lời Chúa truyền sức sống vào mọi thứ, mọi ngày, lúc các thầy làm việc, nghỉ ngơi, cầu nguyện và nhờ đó giữ các Thầy luôn đơn sơ hay như những đứa trẻ của Cha trên trời, anh em, người phục vụ tất cả trong niềm vui của các Mối Phúc Thật.

Tôi cũng không quên trong sứ mệnh hiện tại, dòng các Thầy đã tạo nên không ít ngạc nhiên, gặp hiểu lầm và cả nghi ngờ. Nhưng chính bởi vì khát vọng hòa giải cho tất cả các Kitô hữu thành một cộng đồng hiệp nhất và vì lòng yêu mến Giáo Hội, các Thầy sẽ có thể tiếp tục, tôi chắc chắn để mở đường tới ý định của Thiên Chúa.

Qua việc lắng nghe những nhận xét, đóng góp của các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác nhau và giữ lại những gì là tốt đẹp, qua việc đối thoại nhưng không ngần ngại thể hiện mong muốn, quan điểm và dự định, các thầy sẽ không làm thất vọng các bạn trẻ, các thầy sẽ trở thành công cụ hiện thực hóa ý định của Thiên Chúa trong việc phục hồi một chi thể thống nhất trong Chúa Giêsu Kitô trong sự liên đới với tất cả những ai có chung niềm tin.

Các Thầy có biết cá nhân tôi luôn coi việc hòa giải tôn giáo là một điều thiết yếu trong thời gian đương nhiệm của tôi. Nó luôn chiếm trọng tâm trong sứ mạng của tôi và cũng vì thế mà tôi đặt sự tin tưởng vào lời cầu nguyện của các Thầy.

Bởi mong ước hình thành “ngụ ngôn cộng đồng”, các thầy sẽ giúp tất cả những ai mong muốn đặt niềm tin vào tôn giáo, theo thành quả học vấn và lựa chọn theo lương tâm họ, nhưng đều muốn tìm hiểu sâu hơn bí ẩn của sự hiệp nhất của Giáo Hội trong chương trình của Chúa.

Qua quà tặng của Thiên Chúa cho Giáo Hội, Chúa Giêsu đã giải phóng tình yêu trong mỗi Kitô hữu và ban cho họ một trái tim thống nhất toàn vẹn để trở thành những người kiến tạo công lý và hòa bình, có thể hợp nhất các suy tư của họ về một cuộc đấu tranh trong suốt chiều dài Tin Mừng để dành tư do trọn vẹn cho con người, cho mỗi người và toàn thể nhân loại.

Các thầy thân mến, Tôi cám ơn các thầy đã mời tôi và như thế cho tôi cơ hội được quay lại Taizé. Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc và luôn bảo bọc các Thầy trong bình an và tình yêu của Ngài.

6. Một “minh chứng về đời sống cộng đồng”

Ngày nay, Cộng đồng Taizé tập hợp hàng trăm tu sĩ, Công Giáo và các nhánh Tin Lành đến từ hơn 30 nước trên thế giới. Bằng sự tồn tại sống động của mình, cộng đồng Taizé chính là một minh chứng sinh động cho đời sống cộng đồng, nơi mà dấu ấn của sự hiệp thông, hòa giải thể hiện mạnh mẽ giữa các nhánh Thiên Chúa giáo và giữa những các dân tộc với nhau.

Các tu sĩ ở cộng đồng sinh sống chủ yếu nhờ công việc họ làm. Họ không nhận quà tặng từ thiện. Cũng vậy, họ không tích trữ tài sản cá nhân mà đưa cho cộng đồng dành tặng người nghèo.

Một số tu sĩ khác hiện đang sống tại các vùng khó khan, ngặt nghèo trên thế giới, để làm nhân chứng sống cho sự hòa bình và bình an nơi đó cũng như cho người dân sinh sống tại đó. Nhóm các Thầy tại Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ luôn chia sẻ mọi điều kiện sống cùng như người dân xung quanh họ. Các Thầy muốn dành đời mình để thể hiện tình yêu thương đối với những người nghèo, trẻ em đường phố, những tù nhân, những người hấp hối, và tất cả những kiếp sống c6 đơn, bị xã hội chối từ.

Trải qua nhiều năm, số lượng người trẻ đến với Taizé ngày càng động, họ đến từ khắp các châu lục để tham dự các buổi gặp gỡ, cầu nguyện hàng tuần. Các nữ tu dòng Thánh Andrê –Dòng tu quốc tế sáng lập cách đây 7 thế kỷ, các nữ tu dòng Ursuline Ba Lan và các nữ tu dòng Vincent de Paul luôn hỗ trợ cộng đồng phần tiếp đón các bạn trẻ.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội cũng ghé thăm Taizé. Cộng đồng đã từng tiếp đón Đức Giáo Hoàng Phaolo đệ nhị, bốn Đức Tổng Giám Mục đến từ Canterbury, các đại giáo chủ Chính thống giáo, 14 vị Giám mục Lutheran đến từ Thụy Điển cùng rất nhiều mục sư đến từ khắp nơi trên thế giới.

Từ năm 1962, các tu sĩ và các bạn trẻ được Taizé gửi đến nhiều quốc gia vùng Đông Âu với ý thức cao về việc viếng thăm những người bị cô lập trong rào cản biên giới.

Thầy Roger qua đời ngày 16 tháng 8 năm 2005, thọ 90 tuổi, bị ám sát trong một buổi cầu nguyện tối. Từ đó đến nay, Thầy Alois – người được thầy Roger chọn làm kế nhiệm từ nhiều năm về trước – trở thành bề trên tổng quyền mới của cộng đồng Taizé.

7. Giới trẻ và cầu nguyện ở Taizé

Một trong các Thầy trăn trở: làm sao để các bạn trẻ có thể tham gia vào các buổi cầu nguyện; Thầy nhấn mạnh ba khía cạnh của cầu nguyện ở Taizé mà theo Thầy sẽ lôi cuốn các bạn trẻ.

Ba lần mỗi ngày, mọi hoạt động trên đồi Taizé sẽ dừng lại: các công việc, học hỏi Thánh Kinh, thảo luận nhóm. Tiếng chuông sẽ ngân vang mời gọi mọi người đến nhà thờ cầu nguyện. Hàng trăm, đôi lúc hàng ngàn bạn trẻ từ khắp các quốc gia trên thế giới bắt đầu cầu nguyện và hát cùng với các Thầy trong cộng đồng. Các bài hát ngắn với một số ít từ thể hiện thực tế đơn sơ được hát lập lại nhiều lần sẽ nhanh chóng thu hút mọi sự chú ý của họ. Sau đó, một đoạn Kinh Thánh sẽ được đọc ở nhiều ngôn ngữ khác nhau. Và trung tâm của buổi cầu nguyện chính là giây phút dài thinh lặng tạo cơ hội quý báu để gặp gỡ Thiên Chúa.

Chúng tôi, những tu sĩ, thực sự bị ấn tượng bởi những biểu hiện tuyệt vời của các bạn trẻ. Họ thường lưu lại nhà thờ, có khi hàng giờ và có khi là hàng ngày, để thing lặng hoặc hát tĩnh nguyện. Đôi khi chính họ cũng ngạc nhiên khi nhận ra mình đã dành rất nhiều thời gian cầu nguyện ở Taizé. Khi chúng tôi hỏi một số nhóm trước khi họ trở về nhà về điều gây ấn tượng nhất đối với họ khi lưu lại Taizé thì hầu hết câu trả lời đều là “cầu nguyện” – một câu trả lời chung mà không mấy bạn trẻ phải do dự khi chia sẻ với chúng tôi. Tuy nhiên, những bạn trẻ hào hứng kể về kinh nghiệm cầu nguyện của họ thì đều chia sẻ rằng họ cũng không “cảm” được một cách sâu sắc về cầu nguyện trong những lần đầu tiên.

Và rồi chúng tôi lại một lần nữa bị ngạc nhiên bởi những bạn trẻ. Điều gì đã khiến họ trở nên thật cởi mở trong cuộc đối thoại nội tâm lúc cầu nguyện? Làm sao chúng ta có thể giúp họ khám phá ra được rằng: ngay cả khi không biết cầu nguyện như thế nào hoặc không biết nói gì với Chúa, Người cũng đã đặt để nơi chúng ta khát vọng tìm kiếm sự hiệp nhất?

Nếu tôi không thực sự trả lời những câu hỏi trên, tôi không thể nhận ra được ba chiều kích của cầu nguyện ở Taizé mà theo tôi là rất thích hợp cho các bạn trẻ: cách cầu nguyện gần gũi, sự thinh lặng khi cầu nguyện và cầu nguyện bằng con tim.

8. Cách cầu nguyện gần gũi

Việc cầu nguyện trong cộng đồng đã được thay đổi một cách tương đối trong vài năm trở lại đây, nó đã trở nên đơn giản và dễ thực hiện hơn. Thầy Roger luôn quan niệm rằng các bước thực hiện trong việc cầu nguyện cần phải đơn giản và gần gũi. Đối với Thầy, việc đọc một đoạn Kinh Thánh quá dài hoặc quá phức tạp có thể ngăn cản mọi người cảm nhận mối tương quan tình yêu và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện.

Sự trăn trở về việc làm sao cầu nguyện nội tâm đến được với nhiều người đã giúp cho cộng đồng phát huy cách cầu nguyện thông qua những bài hát tĩnh nguyện. Nhưng không phải mọi thứ đều có thể điều chỉnh để phù hợp với giới trẻ. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, các bài Thánh ca ở Taizé không phải được soạn cách riêng dành cho giới trẻ. Tôi tin rằng những bài hát của chúng ta đậm âm hưởng tu viện hơn. Bằng cách sử dụng những từ ngữ trong Thánh vịnh, chú trọng đến tính tĩnh lặng và tính lặp lại và tính đặc trưng, những bài hát cổ điển trong cầu nguyện là những bài hát rất dài bắt nguồn từ cộng đồng sơ khai Israel. Sơ khởi, cộng đồng cầu nguyện bằng việc hát các bài Thánh vịnh và điều đó được duy trì cho đến ngày nay. Tuy nhiên, thay vì hát cả bài Thánh vịnh, chúng ta chỉ lặp lại một đoạn ngắn và đơn giản mà thôi, nhờ đó ta có thể “cảm” nó trong lúc tĩnh tâm và nó giúp ta hiểu được một cách thấu đáo ý nghĩa sâu xa bên trong.

9. Sự thinh lặng khi cầu nguyện

Cầu nguyện với những bài hát của Taizé cũng là một cách suy gẫm Kinh Thánh. Vào Ngày lễ Các Thánh tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy khoảng 2,500 bạn trẻ, học sinh trung học Pháp, hát một cách rất tự nhiên những câu như: “Hãy cho con được vui mừng và hoan hỷ trong tình yêu của Chúa”. Tôi có cảm nhận rằng, khi lập lại một hay hai câu Kinh Thánh, bài hát sẽ giúp chúng ta tiếp cận trực tiếp với Lời Chúa, dễ đi sâu và kết hợp với vẻ đẹp đôi khi “khó hiểu” của Kinh Thánh. Và như thế, khi đã quen thuộc, việc khám phá Lời Chúa sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Đôi khi tôi tự hỏi cách chúng ta hát có phải là một hình thức giới thiệu đến …, cách đọc Lời Chúa một cách chăm chú sẽ mở ra một khoảng trống để cho Lời Ngài vang vọng trong mọi khía cạnh cầu nguyện. Người Do Thái nói về việc “nhai” luật Torah, một trong những trích đoạn trong tập hợp các kinh Do Thái từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, “Hãy xoay vòng luật Torah ở mọi hướng, bởi vì mọi thứ có thể tìm thấy ở đó; chính nó sẽ mang đến cho bạn một kiến thức thực sự. Hãy trưởng thành trong việc học hỏi này và đừng bao giờ bỏ nó; không có gì tốt hơn mà bạn có thể làm” (Mishna Aboth 5, 25). Ở Taizé, việc lập lại các bài hát này cũng nhằm tạo tiếng vang, sự hấp thụ lời Chúa.

10. Lời cầu nguyện của con tim

Một khía cạnh khác cũng làm tôi ngạc nhiên không kém khi nghe các bạn trẻ nói về khả năng thời gian tĩnh lặng trong mỗi buổi cầu nguyện mang lại cho họ cơ hội tập trung vào những gì bên trong họ. Theo họ đó là: “để ngẫm lại những gì đã xãy ra”, “để lắng nghe trái tim của mình”, “để nghĩ về những vấn đề của mình”, “để không phải suy nghĩ”, “để nghỉ ngơi”, “để tìm kiếm bên trong tâm hồn”, “để trở về với chính mình”, v..v. Khi họ cùng bên nhau, họ không sợ thinh lặng. Trái lại, rất nhiều người cho rằng lúc đầu tưởng chừng mười phút là quá dài nhưng sau đó nó dường như vẫn chưa đủ.

Tôi tự hỏi những gì họ cố gắng dùng từ ngữ diễn đạt nhưng vẫn không thể hiện được cái mà người tín hữu phương Đông gọi là “Cầu nguyện của trái tim”, và cũng là “duy trì chăm sóc trái tim”, “thường xuyên trông chừng trái tim bạn một cách cẩn thận” theo Sách Cách Ngôn “bởi vì từ nó khơi dậy nguồn mạch sự sống” (Sách Cách Ngôn 4:23)

Trái tim là trung tâm của con người trong Kinh Thánh, một tâm điểm mà mọi nguồn lực hội tụ. Đối với các tu sĩ theo truyền thống Phương Đông, cầu nguyện bằng cách lập lại một đoạn ngắn ứng với nhịp thở là đầu tiên và trước hết đối với cầu nguyện bằng trái tim, nói cách khác, một nỗ lực hợp nhất tất cả sức lực để đưa vào ngọn lữa trái tim trong sự tôi luyện tình yêu. Bằng cách thống nhất mọi cảm nhận, nguồn lực, trái tim là nơi xuất phát các ý định tốt đẹp như dòng nước tinh khiết. Cầu nguyện khi thận trọng, tỉnh thức và lắng nghe giúp chúng ta tập trung, đặt lại những mong ước của bản thân và đồng bộ nó với tình yêu. Cầu nguyện là sử chuẩn bị cho trái tim sẵn sàng vượt qua những đòi hỏi của tình yêu.

Qua việc hát và thinh lặng, các bạn trẻ khám phá họ có thể đã có một trái tim mới, một trái tim đơn giản theo đúng nghĩa, một trái tim không tỳ vết. Những người tín hữu sơ khai thường nói việc cầu nguyện như một cách làm tan chảy những lớp “mỡ tinh thần” đè nặng suy nghĩ và mong ước của chúng ta. Hình ảnh của nếp gấp có thể tương ứng: một trái tim không nếp gấp là một trái tim đơn sơ, gần với những gì nó mong ước, trong cách mà Thiên Chúa mong muốn nó. “Tất cả mọi mong ước trong chúng ta với Chúa đã hình thành nên lời cầu nguyện. Ước muốn của bạn đã là lời cầu nguyện. Có một lời cầu nguyện bên trong mà không bao giờ ngừng: ước muốn của bạn. Khi bạn muốn cầu nguyện, đừng bao giờ ngừng ước ao (Thánh Augustino, Bài bình luận về Thánh vịnh 37).

Không cản trở, mở một sự trong suốt, trái tim cũng học cách mang quyết định và trực giác đến trưởng thành, trên bước đường của cuộc sống. Để có thể phân biệt những trường hợp nhạy cảm và kết thúc. Trong ý nghĩa đó, tôi hy vọng rằng các bạn trẻ có thể hiểu “Cầu nguyện không làm chúng ta xa lìa thế giới. Trái lại, không gì quý hơn cầu nguyện. Chúng ta càng làm cho lời cầu nguyện của mình càng đơn giản và khiêm nhường bao nhiêu, chúng ta càng tiến dần tới tình yêu và thể hiện nó trong cuộc sống của chúng ta.” Thầy Roger, Thư 2005, Một tương lai của Hòa Bình”.

Qua ba chiều kích này của cầu nguyện mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ: “Thoát khỏi chính mình”, “nhai” Phúc Âm và “lắng nghe chăm chú” trái tim, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm cho họ nhận ra lời trăn trối của thầy Roger cho chúng tôi trong bức thư cuối cùng:

“Thiên Chúa ở mãi trong mỗi người chúng ta ngay cả trong nơi sâu thẳm nhất của sự cô đơn của chúng ta. Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta,`Ngươi là tạo vật quý giá trước mặt ta, ta quý trọng ngươi và yêu ngươi. Đúng vậy, tất cả những gì Thiên Chúa làm là trao ban tình yêu của Ngài; đó là tóm lược của toàn bộ Sách Phúc Âm.”