Ngày 17-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/01: Sống Đạo Hay Giữ Đạo? – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:51 17/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người. Đức Giê-su bảo người bại tay : “Anh đứng dậy, ra giữa đây !” Rồi Người nói với họ : “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay : “Anh giơ tay ra !” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Đó là lời Chúa
 
Tích cực chiếu sáng Tin Mừng cứu độ cho tha nhân
Lm Đan Vinh
06:31 17/01/2023

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A
Is 8,23b-9,3; 1 Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23
TÍCH CỰC CHIẾU SÁNG TIN MỪNG CỨU ĐỘ CHO THA NHÂN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 4,12-23
(12) Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. (13) Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li. (14) Để ứng nghiệm lời Ngôn sứ I-sai-a nói : (15) “Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan. Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại ! (15) Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi !” (17) Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. (18) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-mon cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. (19) Người bảo các ông : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (20) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (21) Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22) Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. (23) Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.

2. Ý CHÍNH :
Nghe tin Gio-an Tẩy Giả bị nộp, Đức Giê-su từ Giê-ru-sa-lem lui về Ga-li-lê để tránh bị theo dõi, và hoạt động trong môi trường có nhiều dân ngoại như Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo. Ngươi chọn thành Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo và từ đây Người đi các nơi rao gảng Tin Mừng Nước Trời. Nội dung các bài giảng được tóm lại như sau : “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Đức Giê-su cũng chọn 4 môn đệ đầu tiên gồm 2 đôi anh em. Một là Si-mon Phê-rô và An-rê đang thả lưới trên biển hồ. Hai là Gia-cô-bê và Gio-an đang vá lưới trong thuyền cùng với cha và các người làm công. Nghe Đức Giê-su kêu gọi, các ông lập tức từ bỏ tất cả mà theo làm môn đệ của Người.

3. CHÚ THÍCH :
- C 12-13 : + Nghe tin ông Gio-an đã bị nộp : Thánh Mát-thêu dùng từ “bị nộp” thay vì “bị bắt” khi nói về Gio-an, giống như khi nói về Đức Giê-su (x. Mt 10,4; 17,22; 26,2). Qua đó cho thấy số phận của Gio-an giống như Đức Giê-su. Dùng từ “bị nộp” ở thể thụ động là có ý nói biến cố xảy ra là do ý của Thiên Chúa. Đức Giê-su bắt đầu rao giảng khi Gio-an chấm dứt sứ mệnh tiền hô dọn đường. + Người lánh qua miền Ga-li-lê : Khác với Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su lui về Ga-li-lê là vùng đất có nhiều dân ngoại sinh sống, để khởi sự rao giảng Tin Mừng. Cũng tại Ga-li-lê, Người sẽ quy tụ các môn đệ lần cuối cùng để sai đi khắp thế gian, tiếp tục sứ mệnh mà Người khởi sự hôm nay. + Người bỏ Na-da-rét đến ở Ca-phác-na-um : Đức Giê-su đã không chọn quê hương Na-da-rét, nhưng chọn Ca-phác-na-um để bắt đầu sứ mệnh rao giảng. + Một thành ven biển hồ Ga-li-lê : Thành Ca-phác-na-um nằm trong vùng đất định cư của hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li (x. Gs 19,10.32-39).
- C 14-16 : + Để ứng nghiệm lời Ngôn sứ I-sai-a nói : I-sai-a tiên báo vùng Ga-li-lê thuộc hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, không những được thoát ách thống trị của quân Át-sy-ri về chính trị quân sự, mà còn được giải phóng khỏi cảnh “tối tăm sầu khổ” do bị dân ngoại chiếm cứ. + Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại : Ga-li-lê là nơi bị khinh dể vì là vùng đất có nhiều dân ngoại sống chung với dân Do thái, và chưa có vị Ngôn sứ nào xuất thân ở đó (x. Ga 1,46). Điều này nằm trong chương trình hành động của Đấng Thiên Sai đã được Ngôn sứ I-sai-a báo trước. + Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm : Mát-thêu ứng dụng việc Đức Giê-su đến làm cho miền đất này khỏi bóng tối sự chết bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. “Ánh sáng huy hoàng” là chính Đức Giê-su biểu lộ khi Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,2), và tiếp tục chiếu rọi khi Chúa Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ để sai họ đi truyền giáo (x Mt 28,16-20).
- C 17-18 : + Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói : Đối với Mát-thêu thì đây là thời điểm Đức Giê-su bắt đầu thi hành sứ mệnh cứu thế tại Ga-li-lê. Lời giảng được Mát-thêu tóm gọn trong câu : “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Đây cũng là nội dung mà Đức Giê-su truyền cho các môn đệ khi sai các ông đi truyền giáo (x. Mt 10,7). + “Anh em hãy sám hối” : Câu này giống như lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả trước đó (x. Mt 3,2). + Vì Nước Trời đã đến gần : Nước Trời, hay cũng gọi là Nước Thiên Chúa. Vì Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do thái, nên tránh gọi tên Thiên Chúa để biểu lộ lòng kính trọng Thánh Danh của Người trong điều răn thứ hai: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”. Nước Thiên Chúa là một cộng đoàn do Thiên Chúa cai quản. Nước này đã tới gần trong con người và sứ vụ của Đức Giê-su. + Biển hồ Ga-li-lê : Là một biển hồ hồ hình quả trám dài 21 cây số, rộng 12 cây số, cũng có tên là hồ Giê-nê-sa-rét hay Ti-bê-ri-a. + Si-mon cũng gọi là Phê-rô : Si-mon là tên của Phê-rô trước khi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su đã đổi tên Si-mon thành Phê-rô nghĩa là “Tảng Đá” (x. Mt 16,18).
- C 19-20 : + Kẻ lưới người như lưới cá : Đức Giê-su sẽ trao sứ mệnh đánh lưới các linh hồn người ta, giống như đi chài lưới bắt cá. + Lập tức bỏ chài lưới : Đây là thái độ dứt khoát và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su : bỏ nghề cũ để theo nghề mới.
- C 21-23 : + Gia-cô-bê : Đây là Gia-cô-bê Tiền nghĩa là theo Chúa trước, phân biệt với Gia-cô-bê Hậu theo Chúa sau. Gia-cô-bê với em là Gio-an cùng Si-mon Phê-rô làm thành nhóm ba người thân tín của Đức Giê-su. Nhóm này được đi theo Đức Giê-su và được chứng kiến Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,1). Trong cuộc khổ nạn, ba người này cũng được theo Người vào vườn Ghết-sê-ma-ni chứng kiến Người cầu nguyện trước khi bị bắt (x. Mt 26,37-46). + Lập tức các ông bỏ thuyền bỏ cha… : Cũng như Si-mon và An-rê lập tức bỏ nghề, Gia-cô-bê và Gio-an cũng dứt khoát từ bỏ tài sản là thuyền, và từ giã người thân là cha già mà theo làm môn đệ Đức Giê-su. + Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê : Việc truyền giáo cần phải năng động. Đức Giê-su và các môn đệ đi đây đi đó khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân : Viêc chữa bệnh là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Mt 10,8; 11,4-5).

4. CÂU HỎI :
1) Tại sao Mát-thêu dùng kiểu nói “Sau khi Gio-an bị nộp” thay vì “bị bắt”?
2) Gio-an Tẩy Giả rao giảng phép rửa sám hối tại miền nào, và Đức Giê-su khởi sự rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại miền nào?
3) Đức Giê-su đã làm gì để chiếu soi ánh sáng huy hoàng của Người vào miền Ga-li-lê đang ở trong bóng tối sự chết?
4) Lời giảng của Đức Giê-su được tóm lại trong câu nào?
5) Tại sao Mát-thêu dùng từ “Nước Trời đã đến gần” thay vì “Nước Thiên Chúa đã đến gần” như Lu-ca?
6) Bạn biết gì về biển hồ Ga-li-lê?
7) Phê-rô là ai? Tên Phê-rô nghĩa là gì và ông được Đức Giê-su đổi tên khi nào?
8) Trong Nhóm 12 có mấy ông tên Gia-cô-bê? Tại sao lại gọi là Gia-cô-bê Tiền hay Gia-cô-bê Hậu?
9) Noi gương bốn môn đệ đầu tiên, ngày nay chúng ta nên làm gì khi được Chúa mời gọi đi theo Chúa?
10) Đức Giê-su nêu gương nhiệt tình đi loan báo Tin Mừng như thế nào? Người thi hành sứ mệnh bằng những việc gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MAU MẮN ĐÁP LẠI TIẾNG CHÚA KÊU GỌI :
Ơn gọi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta là một thí dụ. Mẹ sinh năm 1910 tại Nam Tư. Năm 18 tuổi Mẹ nhập dòng Đức Bà Lo-ret-tô ở Ái Nhĩ Lan. Sau đó được cử sang Ấn Độ để vào tập viện. Mẹ đã cống hiến gần 20 năm trời cho việc dạy môn địa lý tại một trường của nhà dòng dành cho các thiếu nữ thuộc những gia đình khá giả. Nếu Chúa không lên tiếng gọi, thì chắc cuộc đời Mẹ sẽ trôi đi êm đềm bên đám học trò giàu có. Thế rồi vào một ngày nọ, nhân đi qua một đường phố ở Can-quýt-ta, Mẹ bắt gặp một người đàn bà đang hấp hối trên vỉa hè. Chuột và kiến đã kéo đến gặm nhấm con người bất hạnh đó. Mẹ liền vực người thiếu phụ tới nhà thương. Mẹ nhất định cứ đứng ở trước cổng cho đến khi người ta mở cửa đón nhận bệnh nhân sắp chết. Từ biến cố này, Mẹ cảm nhận được lời mời gọi của Chúa, muốn Mẹ hãy dấn thân cho những kẻ bị bỏ rơi. Và thế là Mẹ đã xin ra khỏi dòng, đến sống ở một khu vực tăm tối của thành phố. Chắc hẳn lúc đó, Mẹ không ngờ mình sẽ là người sáng lập nên một hội dòng mới chuyên lo việc bác ái, giúp đỡ những người nghèo khổ trên khắp thế giới.

2) THÓI THAM LAM ÍCH KỶ LÀ NGUỒN GỐC PHÁT SINH MỌI TỘI ÁC :
Chuyện kể một nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với các thánh. Gặp thời kỳ phải cạnh tranh gay gắt trong công việc làm ăn, anh ta lại càng đi cầu khấn gấp bội.
Động lòng trắc ẩn, một hôm một sứ thần đã hiện ra với anh và nói : "Thấy con thành tâm cầu xin nên Chúa không nỡ chối từ và sai ta đến với con. Vậy bây giờ con hãy cho ta biết con ước muốn điều gì, để ta sẽ thay quyền Chúa ban cho... Đồng thời để chứng tỏ cho loài người biết lòng quảng đại của Thiên Chúa, thì hễ con nhận được một điều gì, thì Chúa nhân từ cũng sẽ ban cho các đồng nghiệp hay hàng xóm của con được gấp đôi như thế".
Nghe sứ thần phán, lòng anh thương gia từ chỗ vui mừng hân hoan biến thành sầu buồn tức giận. Anh tự nhủ : "Nếu bây giờ mình xin một chiếc Le-xus thì mấy thằng bạn... sẽ được hai chiếc. Ái dà, thế thì không được ! Nếu mình xin cho được trúng số 5 triệu thì mấy nhà hàng xóm... sẽ được tới 10 triệu. Thế lại càng không được ! Còn nếu mình xin được vợ đẹp con khôn thì đồng nghiệp của mình lại sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình. Đó là chưa nói tới chuyện chúng có tới hai vợ, còn mình chỉ có một... Trong thời buổi cạnh tranh thế này thì mình phải làm sao để được hơn bọn chúng chứ ! ".
Anh nhà buôn nhíu mày suy nghĩ đắn đo. Một lát sau, chợt anh ta reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến quì xuống và thưa với sứ thần : "Lạy Sứ thần, xin cầu cùng Chúa cho con bị đui một con mắt".
Quả là một lời khẩn cầu quái lạ ! Anh ta không xin cho mình được may mắn vì sợ người khác lại được may lành gấp đôi. Cuối cùng anh đã xin cho mình bị rủi ro để kẻ khác sẽ bị hại gấp đôi mình, là xin cho anh bị đui một con mắt để những kẻ kia bị mù cả hai mắt luôn. Đây thật là một con người tiểu nhân và quá nhẫn tâm !!!

3) VIỆC BÁC ÁI LÚC CÒN SỐNG ĐÁNG QUÝ HƠN SAU KHI CHẾT :
Một người kia rất giàu tiền bạc của cải. Ông có lòng tốt dự định sẽ di chúc lại toàn bộ tài sản của mình sau khi chết để các tổ chức từ thiện lo phục vụ cho người nghèo. Nhưng đi đến đâu ông cũng chỉ nhận được những cái nhìn khinh thường của mọi người. Ông ta liền tìm đến một ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan và hỏi : “Thưa thầy, tại sao dù tôi đã làm chúc thư để lại toàn bộ gia sản lớn lao của tôi cho các công việc từ thiện bác ái, thế mà nhiều người vẫn nghĩ tôi là loại người keo kiệt và khinh thường tôi. Vậy tôi phải làm gì để họ biết về lòng quảng đại của tôi và kính trọng tôi hơn?”
Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của người giàu có kia, vị ẩn sĩ đã kể cho ông ta nghe một câu chuyện như sau : “Có một chú heo nọ một hôm gặp chị bò sữa liền mở miệng than thở như thế này : Này chị bò, tôi và chị đều cống hiến thịt mình làm thức ăn cho loài người. Thế mà thật đáng buồn ! Tôi thấy họ tỏ ra thân thiện và âu yếm vuốt ve chị. Còn tôi thì lại bị khinh dể xa lánh?” Ngẫm nghĩ một lát rồi chị bò cái mới ôn tồn trả lời chú heo rằng : “Quả thật cả hai chúng ta đều cung cấp cho loài người thịt để ăn sau khi chúng ta chết. Nhưng sở dĩ họ quí mến tôi hơn chú, theo tôi nghĩ có lẽ là vì ngay từ bây giờ đang lúc còn sống, mỗi ngày tôi đều cống hiến cho họ sữa tươi để uống chăng?”
Câu trả lời của chị bò sữa dạy chúng ta : “Của cho không bằng cách cho” và “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cho người khác những cái họ đang cần thì tốt hơn để lại chúc thư cho họ của cải sau khi mình chết, khi mình không thể sử dụng được nữa. Điều người khác cần nơi chúng ta không những là tiền bạc của chúng ta, mà chính là tình thương và s+
ự quan tâm của chúng ta. Muốn được người khác quý mến kính trọng thì chúng ta phải quan tâm đến kẻ khác trước, cởi mở tâm hồn với họ, mở rộng trái tim để yêu thương và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ.

5) QUẢNG ĐẠI DẤN THÂN PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO :
Năm 1950, một hội nghị đại diện 17 quốc gia đã bầu ALBERT SCHWEITZER làm “người hùng của thế kỷ”. Hai năm sau (1952). Albert Schweitzer được giải thưởng Nobel hoà bình. Schweitzer được toàn thế giới tuyên dương là một thiên tài đa dạng : Ông vừa là một triết gia lừng danh, một nhà thần học nổi tiếng, một sử gia đáng kính, một nhạc công sôlô trong dàn nhạc và còn là một bác sĩ thừa sai nữa.
Nhưng điểm nổi bật nhất nơi ông là niềm tin Ki-tô giáo sâu sắc. Chính niềm tin này đã khiến ông thành “người hùng của thế kỷ”: Năm 21 tuổi, Schweitzer tự hứa với mình là sẽ nghiên cứu nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi, rồi sẽ cống hiến cuộc đời còn lại cho những người thiếu thốn bằng một hình thức phục vụ trực tiếp nào đó. Và thế rồi, vào sinh nhật thứ 30 của ông, nhằm ngày 13/10/1905, ông đến một hộp thư ở Paris gởi một số thư về cho bố mẹ và bè bạn thân thiết nhất, báo cho họ biết ông sắp sửa ghi tên vào đại học để lấy bằng y khoa, sau đó ông sẽ đi Phi Châu sống như một bác sĩ thừa sai để phục vụ đám dân nghèo.
Những lá thư của ông lập tức bị phản đối ngay. Bà con và bè bạn ông đồng loạt phản đối dự tính mà họ cho là điên rồ của ông. Họ bảo ông là một người đem chôn dấu tài năng đã được uỷ thác cho ông… Tuy nhiên, Schweitzer vẫn khăng khăng thực hiện những ý định của mình. Năm 38 tuổi, ông trở thành một bác sĩ y khoa thực thụ. Năm 43 tuổi, ông đến Phi Châu mở một bệnh viện cạnh bờ rừng của khu vực gọi là Phi Châu xích đạo. Tại đây, ròng rã suốt hơn bốn mươi năm trời, ông đã dùng hết tài năng và sức lực để đêm ngày tận tuỵ săn sóc những người dân bản xứ nghèo nàn bệnh tật, với tất cả tình yêu thương và lòng nhân ái. Sau cùng ông đã chết ở đó vào năm 1965, hưởng thọ 90 tuổi.
Thưa anh chị em, động lực nào đã khiến ông Schweitzer quay lưng lại với danh vọng và của cải trần gian để dấn thân làm việc cho đám dân cùng khổ nhất trong đám dân nghèo ở Phi Châu?
Theo lời ông, thì một trong những động cơ thôi thúc ông làm điều đó chính là do ông suy gẫm Tin Mừng của Chúa Giê-su. Ông đã lắng nghe tiếng gọi của Chúa và quyết tâm đáp lại bằng cách dấn thân phục vụ dân nghèo ở Phi Châu như có lần ông đã phát biểu : “Tôi không thể hiểu được tại sao tôi lại được phép sống một cuộc đời hạnh phúc như thế, đang khi chung quanh tôi còn biết bao người đang quằn quại trong đau khổ”.

3. SUY NIỆM :

1) ĐỨC GIÊ-SU VỀ MIỀN GA-LI-LÊ :
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã không chọn thủ đô Giê-ru-sa-lem, tuy hầu hết theo đạo Mô-sê, nhưng vua chúa thì độc ác, đã từng tìm bách hại Người ngay từ khi mới sinh và gần đây còn ra lệnh chém đầu Gio-an là vị Tiền Hô dọn đường cho Người. Còn các đầu mục Do thái là các thượng tế, kinh sư, và biệt phái thì lòng chai dạ đá, không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không theo ý mà họ đang mong chờ.
Đức Giê-su đã chọn Ga-li-lê-a là vùng dân ngoại sống lẫn lộn với dân Do thái, nhưng lại sẵn sàng đón nhận Tin Mừng Nước Trời của Người. Ga-li-lê-a còn là miền đất bị người Do thái khinh miệt, coi là của ngoại bang. Ngay từ ban đầu Đức Giê-su đã không đóng khung Tin Mừng Nước Trời trong Đền thờ, vì Người muốn Giáo Hội Người thiết lập phải không ngừng ra đi, đến với mọi dân tộc, ngôn ngữ, nhất là đến với những người nghèo khó, bệnh tật, tội lỗi và bị bỏ rơi.

2) ĐỨC GIÊ-SU KÊU GỌI 4 MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN :
Đức Giê-su không làm việc một mình, nhưng Người muôn cho có nhiều người cùng hợp tác trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Người mời gọi hai anh em Si-mon Phê-rô và An-rê: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Người cũng gọi hai anh em con ông Giê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đi theo làm môn đệ của Người (x. Mt 4,19-21). Sau đó Người vào giảng dạy trong các hội đường Do thái, rao giảng Tin Mừng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân (x. Mt 4,23). Người không đóng khung ở một nơi, nhưng luôn đi từ làng này sang làng khác, để thi hành sứ vụ như Người đã nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa. Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38).

3) TIÊU CHUẨN CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ THỜI CHÚA GIÊ-SU :
Đức Giê-su không lựa chọn môn đệ ở trong Đền thờ, nơi có nhiều nhà thông hiểu Kinh thánh và Lề luật, nhưng chọn môn đệ là những người thuyền chài ít học, sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
- PHẢI CÓ TINH THẦN TỪ BỎ : Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, đang lúc đi dọc theo bờ biển, Ngài đã gọi hai ông Si-mon và An-rê : “Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Liền sau đó, Ngài cũng đã gọi Gia-cô-bê và Gio-an. Thái độ của họ là lập tức bỏ chài lưới, bỏ ghe thuyền, bỏ cha già và những người làm công mà đi theo làm môn đệ Người (x. Mt 4,20.22);.
- CÁC ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ : Ngoài việc từ bỏ mọi sự, các ông còn cần tin Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai (x. Mt 16,16) và trung thành theo Người đến cùng (x. Ga 6,67-69); Các ông phải có lòng khoan dung tha thứ lỗi lầm của kẻ khác và biết tế nhị khi sửa lỗi cho nhau (x. Mt 18,15-17); Phải có tinh thần khiêm hạ để phục vụ tha nhân noi gương Đức Giê-su (x. Mt 20,24-28); Phải có lòng mến Thầy hơn những người khác (x. Ga 21,15-17), vì lòng mến là điều kiện cần phải có để được Chúa tha tội (x. Lc 7,47) và để có thể hăng say rao giảng Tin Mừng (x. 2 Cr 5,14); Cần biết xin ơn Chúa trợ giúp : “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5); Phải khôn ngoan phòng tránh các cạm bẫy và luôn công minh chân thật để gây được thiện cảm với mọi người (x. Mt 10,16); Phải can đảm để làm chứng cho Chúa (x. Mt 10,23) và không chùn bước trước các đe dọa cấm cách (x. Mt 10,26-31); Phải sống yêu thương hiệp nhất với nhau, vì là dấu chỉ của người môn đệ đích thực của Đức Giê-su (x. Ga 13,34).

4) HÀNH TRÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG HÔM NAY :
Đức Giê-su đã kêu gọi các môn đệ và các ông đã mau mắn đáp trả bằng việc từ bỏ mọi sự mà đi theo, để được sống thân tình với Người, được Người sai đi thực tập truyền giáo và cuối cùng phải “Nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,46-47).
Loan báo Tin Mừng trong thế giới và trong xã hội Việt Nam hôm nay, không phải chỉ lo về số lường là làm cho nhiều người lương được chịu phép rửa tội, nhưng trước hết phải lo về chất lượng là để tinh thần Tin Mừng thấm nhập trong tư tưởng lời nói, cách ứng xử của mỗi tín hữu. Rồi phải làm sao để làm cho gia đình, khu xóm và nơi làm việc của mình được hiệp nhất yêu thương để luôn có niềm vui và sự bình an.

4. THẢO LUẬN :
Kèm theo lời giảng, Đức Giê-su đã chữa bệnh và trừ quỷ. Theo bạn, người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần làm gì kèm theo việc rao giảng, để dễ được người nghe đón nhận?

5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay xin Chúa dạy chúng con biết chiếu ánh sáng của Chúa qua thái độ luôn tươi cười, ngay cả những lúc xem ra cuộc đời không mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến cuộc sống, dù không phải lúc nào cuộc sống cũng là màu hồng đáng yêu. Thực ra, chúng con luôn có nhiều lý do để lo âu chán nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng xin Chúa đừng để nụ cười bị tắt trên môi chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng : “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn !”. Ước gì chúng con luôn thấy mình thật hạnh phúc vì được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con luôn mang niềm vui của Chúa, để làm cho gia đình, khu xóm, xí nghiệp trường học con đang sống được tràn đầy niềm vui và ơn cứu độ của Chúa.
 
Một trái tim cứng
Lm Minh Anh
15:01 17/01/2023

MỘT TRÁI TIM CỨNG
“Người ta để ý quan sát Ngài”.

Có hai cách để xử lý áp lực của nước: cách “cứng” và “mềm!”. Tiềm thuỷ cầu, đắp bằng một tấm thép cứng, rất bất tiện khi di chuyển; bên trong, các nhà hải dương nhìn qua một ô kính dày và hẹp. Họ thấy gì? Cá! Cá đối phó với áp lực hoàn toàn khác, “mềm!”. Không cần lớp da dày, cá dẻo dai, tự do. Cá bù đắp áp suất bên ngoài bằng áp suất bên trong; cân bằng và ngược chiều!

Kính thưa Anh Chị em,

Sự ghen tỵ của những người biệt phái khác nào tấm thép cứng của tiềm thuỷ cầu, vốn đã che khuất tầm nhìn của họ về Chúa Giêsu. Họ hẹp hòi “để ý quan sát Ngài” từ hành vi, cử chỉ đến ngôn từ để bắt lỗi Ngài. Thực tế đáng buồn là họ đã quá mù quáng đến nỗi không nhận ra, họ đang thực sự hành động một cách vô lý; bởi lẽ, họ mang trong mình ‘một trái tim cứng’ hơn thép!

Đã từ lâu, các biệt phái cho mình là những thầy dạy lịch duyệt, đáng được trọng vọng; thế nhưng, từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, họ mất ảnh hưởng. Dân chúng trước đây nghe họ, nay quay sang và đi theo Ngài. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu vấp phải một sự phản đối gay gắt từ những con người lòng đầy ghen ghét này. Nơi họ, ghen tỵ đã trở thành tội, một tội đang phá huỷ đời sống tâm linh của họ; đó là tội kiêu hãnh, tỵ hiềm, giận dữ và lạnh lùng.

Tin Mừng hôm nay buộc Chúa Giêsu phải chọn lựa giữa lề luật và xót thương! Ngài chọn xót thương khi chữa cho một người bại tay trong ngày Sabbat. Với Chúa Giêsu, luật của lòng thương xót phải đặt trên mọi luật; và dẫu đây là một phép lạ khó tin bắt nguồn từ một tấm lòng mẫn cảm yêu thương; thế nhưng, ‘một trái tim cứng’ khoá chặt lại coi hành vi này là một hành vi tội lỗi. Một suy nghĩ không thể kinh khủng hơn! Chính sự tỵ hiềm khiến lòng các biệt phái ra mù quáng, đến nỗi làm hỏng mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, và huỷ hoại sự nhân đạo với tha nhân.

Chúa Giêsu đau buồn trước sự cứng lòng của những con người này; sự đau buồn này đã nhen lên trong Ngài một cơn giận thánh, một cơn giận không khiến Ngài bộc phát những lời đắng cay nhưng là những lời yêu thương; Ngài ôn tồn giải thích, “Ngày Sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người?”. Cùng lúc, Ngài chữa lành người bệnh với hy vọng, may ra họ mềm lòng và tin. Buồn thay, điều đó không xảy ra! Tin Mừng ghi nhận, “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ngài”. Hai nhóm này là thù địch của nhau; vậy mà Tin Mừng tiết lộ một sự thật ớn lạnh rằng, họ hợp lực với nhau để âm mưu giết Ngài. Họ liên kết với nhau không phải bởi sức mạnh nội tại của điều thiện, nhưng bởi sự thâm độc và cứng cỏi của ‘một trái tim cứng’ vốn đã bị xiềng xích cùng nhịp đập với điều ác!

Anh Chị em,

“Người ta để ý quan sát Ngài”. Người ta để ý quan sát để bắt bẻ; Chúa Giêsu để ý quan sát để xót thương. Tại sao? Bởi lẽ, người biệt phái có những trái tim bằng thép tựa hồ lớp vỏ của tiềm thuỷ cầu; đang khi trái tim Chúa Giêsu thì dẻo dai, tự do, và chỉ biết xót thương. Noi gương Thầy Chí Thánh, giữa lòng thế giới, người môn đệ Giêsu không cần phải cứng cỏi và da phải dày, miễn sao chúng ta uyển chuyển, phù hợp với quyền năng của Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài để cân bằng áp lực cuộc sống với một trái tim mềm mại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng hôm nay mời gọi bạn và tôi nhìn vào những ‘tấm gương mờ’ của các ‘biệt phái nghèo nàn’, để nhìn lại bản thân. Mong sao bạn và tôi không thuộc hạng người có ‘một trái tim cứng’ của những con người thực sự đã mắc phải chứng bệnh tâm linh khó chữa này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con đừng ngần ngại cộng tác với Thánh Thần; vì cuối cùng, để có một trái tim mềm, việc giải phẫu ‘một trái tim cứng’ dẫu nghiệt ngã, vẫn đáng cho con phải trả giá!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 17/01/2023

5. Thiên Chúa không ra lệnh cho chúng ta mặc áo gai và mang xiềng xích đi qua sự sống, cũng không cần đánh phạt thân thể chúng ta, nhưng kêu mời chúng ta yêu Ngài trên tất cả mọi sự, và yêu người như mình vậy.

(Thánh Camillus de Lellis)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:00 17/01/2023
38. KHÉO NHẠO ẨN SĨ

Nước Tề có một vị ẩn sĩ tên là Điền Trung.

Một ngày nọ, Khuất Cốc người nước Tống đi thăm ông ta, cố ý trêu chọc nói:

- “Tôi nghe nói ông đã lánh xa nhân thế, phong cách cao thượng, tiết khí sáng ngời, không cậy nhờ người khác để sống khiến cho moị người bội phục, tôi là người biết trồng bầu nậm, có một trái bầu nậm lớn rắn chắc như đá, vỏ dày không xoang, muốn tặng cho ngài để bày tỏ lòng kính trọng”

Điền Trung nói:

- “Bầu nậm có thể là quý và có thể dùng đựng đồ vật, mà trái bầu nậm của ngài không thể cắt ra thì không thể đựng đồ vật, cũng không thể dùng để đựng rượu, thì trái bầu nậm này hoàn toàn không có tác dụng gì cả.”

Khuất Cốc nói:

- “Đúng vậy, tôi thì muốn đem đồ vô dụng ấy vứt đi, giống như ngài ẩn cư nơi đây không nhờ người khác để sống, và đối với nước nhà hoàn toàn không có tác dụng chi cả, chuyện ngài cùng với trái bầu nậm rắn chắc này có phải là hai dạng hay không?”

( Hàn Phi Tử )

Suy tư 38:

Các vị ẩn sĩ trong rừng sâu xa lánh phố xá đô thị người người đông đúc để tìm cho mình một chốn yên tĩnh, để cho tâm hồn dễ dàng thanh thoát, đó là những người đã thấu đáo thế sự thăng trầm. Nhưng đối với những người coi chuyện đời là trên hết, thì các vị ẩn sĩ chính là những người vô dụng, không giúp ích cho ai cả.

Các vị ẩn tu ở trong Giáo hội công giáo thì lại khác, các ngài (rất ít người) được ơn soi sáng vào trong rừng sâu, trong hoang địa để sống đời chiêm niệm, và trước mặt Thiên Chúa thì họ không phải là những người vô dụng, trái lại, chính họ là những gốc rễ cái của cây cổ thụ là Giáo hội, chính các ngài đã bám sâu vào trong đất, để cho cành cây ra hoa ra lá chính là các nhà truyền giáo, các dòng tu hoạt động mở mang Nước Chúa, được dồi dào phong phú lên thêm.

Chúng ta cũng là những vị ẩn tu giữa đời, nếu chúng ta biết làm cho thành thị trở thành sa mạc, biết làm cho đời sống xô bồ trở thành yên tĩnh của rừng sâu, hoặc nói như triết lý võ đạo thì tĩnh trong động và động trong tĩnh, để không những thắng mình mà còn chế ngự được người khác, cũng có nghĩa là chúng ta dùng đời sống nội tâm của mình kết hợp với Thiên Chúa để dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có sự yên tĩnh trong tâm hồn.

Đó chính là nền tảng của ơn thánh và là cuộc sống của ẩn sĩ rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Giao Thừa
Lm. Đỗ Xuân Quế O.P.
16:20 17/01/2023
Lễ Giao Thừa

Chỉ còn mấy giờ nữa là đến Giao Thừa. Giao Thừa là thời khắc rất linh thiêng đối với người Việt Nam, Đây là lúc trời đất giao hòa, là giờ phút quan trọng để con cháu nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Người ta cho sự vắng mặt lúc giao thừa trong gia đình là một nỗi bất hạnh. Giờ này mọi người đang có mặt ở đây để dự lễ GiaoThừa. Chúng ta chuẩn bị đón Giao Thừa để cầu ơn bình an, như bài đọc I và bài Tin Mừng gợi ý.

Qua hai bài sách thánh này, chủ điểm lễ Giáo Thừa là cầu bình an và xin hạnh phúc thật. Đúng thế.. Đức Chúa bảo ông Mô-sê nói với ộng A-ha-ron và các con của ông này rằng khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en thì hãy nói như thế này : “Nguyện Đức Chúa chúa lành và gìn giữ anh em. Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em. Nguyện Dức Chúa ghé mắt nhìn anh và ban bình an.cho anh em.’

Qua mấy câu này, chúng ta thấy bình an là một ân huệ, phải cầu, phải xin mới được. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta. Chúng ta cần được Chúa chúc lành và gìn giữ thì mới được bình an.. Chúa chúc lành là Người ban ơn, Chúa gìn giữ là Chúa bảo vệ để chúng ta khỏi sa ngã, rồi Chúa tươi nét mặt nhìn đến và dủ lòng thuong là Người hài lòng vì đời sống ngay thẳng cùa chúng ta.

Như vậy, bình an là một đoạn đường qua hai giai đoạn : giai đoạn thứ nhất là được Chúa chúc lành và gìn giữ; giai doạn thứ hai là được Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an.. Người Roma có câu nói : “Nếu muốn hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh” Áp dụng cầu này vào đời thường thì có nghĩa là phấn đấu chống lại những nghịch cảnh làm xáo trộn sự bình an:trong tâm hồn. Khi địch thù thấy người ta đề phòng và sẵn sàng nghênh chiến thì có khi nó bỏ ý định gây chiến.

Chuyển sang địa hạt tâm linh, sửa soạn nghinh chiến ở đây có nghĩa là tạo điều kiện để sống trong bình an. Thánh Âu- tinh đã tạo điều kiện cho chúng ta đón nhận và sống trong bình an trong câu dịnh nghĩa chí lý về bình an như sau : “Bình an là yên hàn của trật tự.” (Pax tranquillitas ordinis). Khi có sự yên hàn của trật tự bên trong cững như bên ngoài giữa ta với Thiên Chúa, giữa ta với tha nhân và giữa mình với mình thì lúc dó có bình an. Trật tự giữa ta với Chúa là khi chúng ta ở trong tình trạng ơn nghĩa, trật tự giữa chúng ta với tha nhân là khi chúng ta giữ đức công bình và thực thi bác ái còn trật tự giữa mình với mình là khi chúng ta điều khiển được mình, không để mình buông theo những dục vọng bất chính hay sống một cuộc đời vô tổ chức, không định hướng, không lý tường. Khi làm như thế là chúng ta thiết lập được sự yên hàn của trật tự, là được bình an.

Sau bài sách Dân Số về sự bình an thì đến bài Tin Mừng nói về các mối phúc thật. Ai cũng thích được hạnh phúc và nói đến hạnh phúc là tự nhiên nghĩ đến những điều thông thường trong đời sống hàng ngày, như lắm tiền nhiều của, quyền cao chức trọng, bình an mạnh khỏe, yêu đương thắm thiết v.v… Còn hạnh phúc thật thì người ta cho là xa vời và ảo tưởng, không thiết thực một chút nào. Thật vậy. Có ai cho nghèo là hạnh phúc đâu. Chỉ thấy nghèo là khổ, bị người ta coi thường và thiếu thốn đủ thứ. Cũng chẳng mấy ai cho khổ, bị đánh đập là phúc. Thế mà Dức Giê-su lại dạy rằng những người phải khổ là có phúc. Thường khổ là những người mất cha mất mẹ khi còn nhỏ, mất con cái cửa nhà, mất công ăn việc làm, bị lường gạt, buôn thua bán lỗ, bị tình phụ hay thất tình v.v… Những ngưòi đó là những người sầu khổ. Nhưng người sầu khổ Chúa muốn nói đến ở đây không phải là những người đó mà là những người buồn phiền hối hận, than khóc vì những tội lỗi của mình. Họ buồn vì thấy mình bất trung, muốn sống ngay lành mà không được vì bị đam mê dục vọng ngăn cản. Họ thấy mình thiếu nghị lực và sức sống thiêng liêng nên lo buồn sầu khổ.

Ngoài ra, Chúa còn cho những người hiền lành, khao khát sự công chính, biết thương xót người, có lòng trong sạch, biết tạo ra sự bình an là có phúc. Những người này, người ta hiểu được và dễ cảm nhận. Nhưng còn những người bị tù đầy, bị bách hại vì sự công chính mà được cho là có phúc thì thật khó hiểu. Có chăng họ được người đời kính nể và khen lao vì sự can đảm và nghĩa khí của họ. Nhưng sự công chính ở đây có ý hiểu về đạo mình tin nhiều hơn như trường hơp các thánh vị đạo.

Trong thánh lễ GiaoThừa, phụng vụ đưa ra hai bài sách thánh để nói về hạnh phúc, vì Tết là dịp người ta chúc phúc cho nhau. Hai bài sách này giúp chúng ta hiểu được phần nào Tám Mối Phúc Thật của Chúa và hiểu được thế nào là bình an đích thật, để sang Năm Mới chúng ta đón nhận được sự bình an và các mối phúc này.

Đỗ Xuân Quế O.P.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hy vọng Việt Nam có thể có tân Hồng Y trong năm nay
Đặng Tự Do
05:07 17/01/2023


Thêm một Hồng Y tròn 80 tuổi và số Hồng Y cử tri xuống còn 124 vị, từ ngày 14 tháng Giêng vừa qua. Đó là Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, nguyên Giám mục Giáo phận Genova, bắc Ý, và nguyên là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu.

Trong năm nay, sẽ có thêm 10 Hồng Y tròn 80 tuổi, và như thế, số Hồng Y cử tri giảm xuống 114 dưới mức 120. Thành ra, có thể Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm thêm các tân Hồng Y mới.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, sinh ngày 14 tháng Giêng năm 1943 tại giáo phận Brescia bắc Ý, nhưng theo gia đình trở về lập nghiệp tại thành phố cảng Genova và thụ phong linh mục tại đây năm 1966.

Năm 1998, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Pesaro. Năm năm sau, 2003, ngài làm Đức Tổng Giám Mục Giáo hạt quân đội Ý, và năm 2006, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Genova, thay thế Đức Hồng Y Tarcisio Bertone được chọn làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Đức Bênêđíctô tấn phong Đức Tổng Giám Mục Angelo Bagnasco lên hàng Hồng Y năm 2007.

Đức Thánh Cha Phanxicô có cách hành động hơi khó đoán. Năm 2017, ngài đã không tấn phong Hồng Y cho Đức Cha José Luis Escobar Alas, Tổng Giám Mục San Salvador, nhưng lại tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận.

Năm ngoái 2022, ngài tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Robert W. McElroy, Giám Mục San Diego trong Giáo Tỉnh Los Angeles mà không tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José Horacio Gómez, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ngài cũng tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Giorgio Marengo, Giám Quản Tông Tòa Ulaanbaator, nơi số giáo dân Công Giáo chỉ có 919 người.

Đức Thánh Cha có thể có những lý do của ngài để làm như thế nhưng cách hành động như thế gây ngạc nhiên cho nhiều người. Việc tấn phong Hồng Y cho những nơi ít người Công Giáo như thế có thể không có tác dụng bao nhiêu so với các quốc gia có đông tín hữu như ở Việt Nam.

Ngày 20 tháng 11 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Cornelius Sim của Brunei, một quốc gia chỉ có 16,803 người Công Giáo sinh hoạt trong 3 giáo xứ và chỉ có 3 linh mục. Tuy nhiên, việc tấn phong này đã tạo ra một phản ứng ngược từ chính quyền Hồi Giáo Brunei. Họ tỏ ra kinh ngạc và khó hiểu đối với diễn biến này và coi đây là một “âm mưu của Vatican”. Vì chuyện này, và lấy lý do đại dịch coronavirus, Giáng Sinh 2020 tại Brunei đã trở nên khó khăn hơn bao giờ.

Ngoài ra, còn có một âu lo khác là các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn không quen biết nhau. Việc bầu tân Giáo Hoàng có thể sẽ có nhiều khó khăn.

Hồng Y đoàn hiện nay còn 223 vị trong đó có 124 Hồng Y cử tri và 99 vị không còn quyền bầu Giáo Hoàng.

Trong số 124 Hồng Y cử tri

10 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

33 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

81 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Trong số 99 vị không có quyền bầu Giáo Hoàng

38 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

31 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

30 vị được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Tính chung,

48 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

64 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

111 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80 vào đầu tháng Tư 2018. Từ đó đến nay gần 5 năm trôi qua, Việt Nam không có tân Hồng Y. Chúng ta hãy hy vọng rằng, năm nay, sau nhiều năm chờ đợi, Việt Nam sẽ có một tân Hồng Y.

Trong số các vị Giám Mục Việt Nam, 3 vị Tổng Giám Mục vẫn là những người có nhiều triển vọng được tấn phong Hồng Y nhất.

Nếu tính theo thâm niên Tổng Giám Mục, trước hết, chúng ta có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế. Ngài sinh năm 1949, được thụ phong linh mục tại giáo phận Nha Trang vào năm 1992. Ngày 12 tháng 06, 2004, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính toà giáo phận Thanh Hoá. Ngày 29 tháng 10, 2016, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Chính toà Tổng giáo phận Huế, kiêm Giám quản Tông toà giáo phận Thanh Hoá.

Tiếp theo là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài sinh năm 1960, được thụ phong linh mục năm 1988. Ngày 06 tháng 11, 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục Hải Phòng. Ngày 17 tháng 11 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên làm Tổng giám mục Hà Nội.

Sau cùng là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sài Gòn. Ngài sinh năm 1953, được thụ phong linh mục tại giáo phận Xuân Lộc năm 1990. Ngày 25 tháng 07, 2009, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Ngày 19 tháng 10, 2019, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sài Gòn.
 
Nhà nước Hồi giáo đánh bom nhà thờ ở Congo, nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm
Đặng Tự Do
05:08 17/01/2023


Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom chết người tại một buổi lễ của Giáo Hội Tin lành vào hôm Chúa Nhật tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào một nhà thờ ở thị trấn Kasindi, miền đông Congo, giáp biên giới với Uganda hôm 15 Tháng Giêng.

Các quan chức chính phủ Congo đã liên kết vụ tấn công với Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF, một nhóm vũ trang ở miền đông Congo là một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo.

“Những kẻ khủng bố đã sử dụng bom tự chế để thực hiện vụ tấn công và chúng ta nghi ngờ ADF đứng sau vụ tấn công,” Bilal Katamba, phát ngôn viên của chiến dịch quân sự của Uganda, nói với AFP.

Tuy nhiên, Nhà nước Hồi giáo sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên tài khoản Telegram của mình.

Vụ đánh bom nhà thờ xảy ra chỉ vài tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị công du Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối tháng này.

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ viếng thăm thủ đô Kinshasa của Congo từ ngày 31 tháng Giêng đến ngày 3 tháng 2, nơi ngài sẽ gặp gỡ các nạn nhân của bạo lực từ khu vực phía đông của đất nước.

Người đoạt giải Nobel Hòa bình Denis Mukwege đã nói rằng hy vọng chuyến viếng thăm vào tháng Giêng của Đức Thánh Cha sẽ làm sáng tỏ “những tội ác chống lại loài người” xảy ra ở khu vực phía đông của DRC.

Lực lượng Dân chủ Đồng minh đã tấn công một bệnh viện truyền giáo Công Giáo ở tỉnh Bắc Kivu phía đông bắc của đất nước vào tháng 10 và giết chết sáu bệnh nhân và Nữ tu Công Giáo Marie-Sylvie Kavuke Vakatsuraki.

Một nhóm phiến quân vũ trang khác, M23, đã hành quyết 131 người “như một phần của chiến dịch giết người, hãm hiếp, bắt cóc và cướp bóc nhằm vào hai ngôi làng”, Liên Hiệp Quốc đưa tin vào ngày 8 tháng 12.

Bạo lực ở miền đông Congo đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với hơn 5.5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, con số người phải di tản trong nước cao thứ ba trên thế giới.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn sau khi 69 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Nepal
Đặng Tự Do
05:09 17/01/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn sau khi ít nhất 69 người thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở Nepal hôm Chúa Nhật.

Đức Thánh Cha đã gửi một bức điện chia buồn tới Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari vào ngày 16 tháng Giêng sau khi chuyến bay 691 của Yeti Airlines bị rơi khi đang cố gắng hạ cánh xuống thành phố Pokhara của Nepal.

Máy bay chở 72 hành khách từ Kathmandu đến Pokhara, một điểm dừng chân phổ biến cho những người đi bộ ở dãy núi Annapurna thuộc dãy Hi Mã Lạp Sơn.

Mười lăm công dân nước ngoài đã ở trên máy bay, đến từ Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Á Căn Đình, Pháp, Ái Nhĩ Lan và Úc. Theo hãng tin AP, ít nhất 69 hành khách đã được xác nhận là đã chết.

Bức điện do Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa thánh gửi thay mặt cho Đức Thánh Cha cho biết: “Thật đau buồn trước vụ tai nạn của chiếc máy bay Yeti Airlines gần Pokhara, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn đến các bạn và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, cùng với những lời cầu nguyện cho những người tham gia vào các nỗ lực phục hồi.”

“Phó dâng linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót của Đấng Toàn năng, Đức Thánh Cha cầu khẩn cho những người đang thương tiếc sự mất mát những phước lành thiêng liêng chữa lành và bình an.”
 
Đọc gì trong cuốn sách Nói tất cả của thư ký Đức Bênêđíctô XVI
Đặng Tự Do
17:24 17/01/2023


Báo chí xoáy mạnh vào câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong 20 năm, đã phàn nàn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến ngài trở thành một “giám chức hữu danh vô thực”. Tuy nhiên, trong cuốn sách mới nhất của ngài có rất nhiều điều thú vị và tích cực.

Thật vậy, trong khi sự cường điệu xung quanh việc xuất bản tập trung vào tình huống cụ thể đó – tức là việc loại bỏ Đức Tổng Giám Mục Gänswein với tư cách là người đứng đầu Phủ Giáo hoàng - và đã mô tả đặc điểm của vị tổng giám mục là sẵn sàng gây căng thẳng, gần như đặt triều đại giáo hoàng này chống lại triều đại giáo hoàng kia, cuốn sách đưa ra nhiều hơn thế.

Trên thực tế, có lẽ nội dung quý giá nhất của nó là các đoạn trích bài giảng mà Đức Bênêđictô XVI đã giảng tại Tu viện Mẹ Giáo Hoàng, nơi ngài đã sống những năm cuối đời.

Những bài giảng đó có lẽ là yếu tố sáng tạo nhất của cuốn sách, mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã viết cùng với nhà báo Saverio Gaeta. Với tựa đề “Không có gì ngoài sự thật: Cuộc sống của tôi bên cạnh Đức Bênêđictô XVI”, cuốn sách đã được phát hành bằng tiếng Ý vào ngày 12 tháng Giêng.

Miễn là còn có thể nói được, Đức Bênêđictô XVI đã đích thân chuẩn bị các bài giảng, với những ghi chú được viết bằng bút chì trong một cuốn sổ để sau đó dùng làm kim chỉ nam cho những gì ngài sẽ nói. Đó là những bài giảng đơn sơ, chính xác, đi thẳng vào vấn đề mà bốn Memores Domini, tức là những nữ giáo dân thánh hiến của Hiệp Thông và Giải Phóng, những người phục vụ như gia đình của Đức Bênêđictô XVI, đã thu âm và chép lại.

Chỉ một số ít người có thể lắng nghe một số bài giảng đó vì Đức Bênêđictô hiếm khi tiếp công chúng, vì vậy tường trình về những bài giảng đó là một kho tàng vô giá.

Những gì khác có thể được tìm thấy trong cuốn sách? Đầu tiên, tất nhiên, có sự tức giận và ngạc nhiên công khai của Đức Tổng Giám Mục Gänswein khi bị Đức Thánh Cha Phanxicô đột ngột miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Phủ Giáo hoàng mà không có bất kỳ lời giải thích nào.

Cuốn sách cũng nói về sự cay đắng của Đức Bênêđíctô XVI khi biết về Tự Sắc Traditionis Custodes, là tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô mà theo đó ngài đã đảo ngược các quyết định của Đức Bênêđíctô trong việc mở rộng việc cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống.

Những chi tiết này có thể “thú vị” đối với giới truyền thông, nhưng chúng chắc chắn không phải là yếu tố mới lạ nhất của cuốn sách.

Không nói theo ngôn ngữ ngoại giao, sử dụng ngôn ngữ đơn giản mà những người biết ngài đã quen nghe, Đức Tổng Giám Mục Gänswein phác thảo nhiều tình huống thú vị và một phần chưa được công bố. Chúng bao gồm: trường hợp cuốn sách của Đức Hồng Y Robert Sarah, mà Đức Bênêđictô XVI là đồng tác giả; những cuộc tiếp xúc với Hồng Y Jorge Bergoglio trước và sau khi ngài trở thành giáo hoàng; bức thư dài mà Đức Bênêđictô XVI viết cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bình luận về cuộc phỏng vấn đầu tiên của ngài dành cho tờ La Civiltà Cattolica vào năm 2013; và những chi tiết mới về quyết định thoái vị của Đức Bênêđictô đã xảy ra như thế nào.

Cuốn sách cung cấp những hiểu biết sâu sắc về những câu chuyện này và những câu chuyện khác qua con mắt của một nhân chứng trực tiếp. Nên hiểu đây là bản hoài niệm chứ không phải bản cáo trạng. Nó cung cấp một bản tường trình trung thực về các tình huống và câu chuyện mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã trải qua.

Sự thoái vị của Đức Bênêđíctô

Trong một số trường hợp, các sự kiện mới được đưa ra và các tường thuật đã biết trước đó được trình bày dưới một khía cạnh khác. Một ví dụ là lời giải thích của Đức Tổng Giám Mục Gänswein về lý do tại sao Đức Bênêđictô XVI đặt dây pallium trên mộ của Thánh Celestinô Đệ Ngũ, vị giáo hoàng đã thoái vị vào năm 1294. Lăng mộ của ngài ở L'Aquila, miền trung nước Ý, nơi Đức Bênêđictô đã đến thăm vào năm 2009 khi đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi một trận động đất.

Cử chỉ này của Đức Bênêđíctô vẫn thường được hiểu là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng thoái vị sẽ xảy ra vài năm sau đó.

Tuy nhiên, không phải như vậy, Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiết lộ. Ngài giải thích rằng Đức Bênêđíctô muốn thực hiện một hành động tỏ lòng kính trọng với người tiền nhiệm của mình. Vì vậy, ngài đã đặt một dây pallium, mà Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, vào thời điểm đó phụ trách việc cử hành phụng vụ cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã khâu. Chiếc pallium này không vừa với Đức Bênêđictô XVI. Vì thế, ngài đã tận dụng cơ hội này để bày tỏ lòng kính trọng và hiến tặng nó. Quyết định cũng nói lên nhiều điều về cách Đức Bênêđictô XVI giải quyết các vấn đề: Ngài tìm kiếm những giải pháp tao nhã mà không làm mất lòng ai trong khi cố gắng đoàn kết mọi người.

Tuy nhiên, chi tiết về quyết định thoái vị lại gay cấn hơn. Đức Tổng Giám Mục Gänswein giải thích việc Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu rút lui vào việc cầu nguyện sâu sắc hơn sau chuyến đi Cuba và Mễ Tây Cơ vào năm 2012. Có những dấu hiệu cho thấy ngài đang cân nhắc thoái vị, điều này đã gây ra một số câu hỏi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, khi đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhưng một quyết định như vậy là không thể tưởng tượng được.

Khi Đức Bênêđictô XVI đi đến quyết định, không có cách nào để thay đổi ý định của ngài, Đức Tổng Giám Mục Gänswein báo cáo. Ngài và Đức Hồng Y Bertone chỉ thuyết phục được ngài đừng đưa ra thông báo trong lời chúc Giáng Sinh hàng năm của ngài tới Giáo triều vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, mà hoãn lại một chút. Nếu thông báo được đưa ra vào ngày hôm đó, và triều đại giáo hoàng kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, thì lễ Giáng Sinh sẽ không được cử hành, Đức Tổng Giám Mục Gänswein viết.

Một người đàn ông có khiếu khôi hài

Trong câu chuyện của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, Đức Bênêđictô XVI nổi lên như một người hài hước - uyên bác, có phương pháp và thông minh - nhưng trên hết là một người có đức tin. Bản chất là người hướng nội, Đức Bênêđictô XVI thu mình và im lặng khi có những vấn đề quan trọng. Và ngài đã cầu nguyện. Ngài cầu nguyện mãnh liệt hơn. Ngài cầu nguyện nhiệt thành. Ngài đã làm như vậy bởi một niềm tin không thể lay chuyển và nhu cầu sống và hiểu ý nghĩa của các sự kiện.

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hấp hối, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger ngày càng suy tư. Cuối cùng, khi rõ ràng rằng ngài đang được cân nhắc để kế vị, ngài gần như rút lui. Nhưng rồi, sau khi cầu nguyện, sau khi đã có những quyết định chín chắn, Đức Hồng Y Ratzinger là một con người thanh thản, xác tín và cương quyết.

Đức Hồng Y Ratzinger cũng trung thành, gần gũi với các cộng tác viên của mình, cẩn thận không làm hại bất kỳ người bạn nào của mình. Bênêđictô XVI đã tìm kiếm sự hài hòa - một thực tế nổi lên rõ ràng từ lời tường thuật của Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Trường hợp của Đức Hồng Y Sarah

Việc tìm kiếm sự hài hòa cũng có thể được nhìn thấy trong trường hợp của Đức Hồng Y Sarah. Vấn đề được đề cập đến là cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah, “From the Depths of Our Hearts” hay “Từ Thẳm Sâu Tâm Hồn Chúng Ta”, cuốn sách cũng bao gồm một bài tiểu luận của Đức Bênêđictô XVI. Bài tiểu luận được dành riêng cho vấn đề về sự độc thân của linh mục, và người ta tin rằng nó sẽ ra mắt sau khi công bố tông huấn hậu thượng hội đồng Querida Amazonia vào tháng 2 năm 2020.

Tuy nhiên, nó đã ra mắt sớm hơn, vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020, bởi vì Đức Thánh Cha Phanxicô hoãn việc phê duyệt văn bản mà lẽ ra đã diễn ra vào ngày 27 tháng 12 năm 2019, tạo ra ấn tượng rằng cuốn sách nhằm tác động đến những suy tư của Đức Giáo Hoàng về Thượng hội đồng Amazon.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein viết rằng một động cơ như vậy là không đúng sự thật. Cũng không đúng là Đức Bênêđictô XVI đã được thông báo rằng ngài sẽ xuất hiện với tư cách là đồng tác giả.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein giải thích tình hình, nhắc lại rằng Đức Hồng Y Sarah đã yêu cầu Đức Bênêđictô XVI ký một thông cáo báo chí để bảo vệ hoạt động này. Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã chống lại điều đó; Đức Bênêđíctô XVI đã dành thời gian để suy nghĩ và sau đó đưa ra một tuyên bố dành quyền quyết định cho Đức Phanxicô. Và Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng tốt hơn là không nên xuất bản.

Vào thời điểm đó, các dòng tweet đến từ tài khoản của Hồng Y Sarah, tuyên bố rằng Đức Bênêđictô XVI đã đọc và chấp thuận các bản thảo. Cũng có một cuộc đối đầu đầy kịch tính giữa Đức Tổng Giám Mục Gänswein và vị Hồng Y người Phi Châu về vai trò của Nicolas Diat, nhà báo đã viết một số cuốn sách với Đức Hồng Y Sarah và người được mô tả là “giám đốc công việc”.

Lời tường thuật của Đức Tổng Giám Mục Gänswein bộc lộ nhiều bất bình về hoàn cảnh này. Nhưng nó cũng bao gồm một bức thư dài mà chính Đức Bênêđíctô gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được xuất bản gần như toàn bộ, giải thích quan điểm và vai trò của ngài và để làm sáng tỏ bất kỳ ý tưởng nào có thể xảy ra về sự đối lập giữa Đức Phanxicô và vị giáo hoàng danh dự.

Đức Bênêđictô, La Civiltà Cattolica và Dòng Tên

Bức thư của Đức Bênêđictô XVI gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là tác phẩm duy nhất chưa được xuất bản của vị giáo hoàng danh dự được đưa vào cuốn sách. Vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica và gửi cuốn sổ ghi chép được sử dụng trong cuộc phỏng vấn tới Đức Bênêđictô XVI, để xin ngài cho ý kiến. Đức Bênêđictô XVI đã làm như vậy bằng cách viết một lá thư dài cho Đức Giáo Hoàng, đề ngày 27 tháng 9 năm 2013. Trong đó, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến hai khía cạnh: đó là cần phải chiến đấu chống lại “sự phủ nhận cụ thể và thực tế đối với Thiên Chúa hằng sống,” được thực hiện qua phá thai và trợ tử, và phải nhận thức được sự thao túng của ý thức hệ giới.

Vào đầu triều đại giáo hoàng của Bênêđictô, một số tình huống của Dòng Tên đã được thảo luận và thậm chí việc bổ nhiệm một ủy viên đã được xem xét. Đức Hồng Y Bergoglio lập luận rằng không cần phải bổ nhiệm một ủy viên như thế, và đã nhận được lời hứa rằng việc bổ nhiệm đó sẽ không bao giờ diễn ra.

Một vị Tổng giám mục thẳng thắn

Nhìn chung, trong cuốn sách của mình, Đức Tổng Giám Mục Gänswein thẳng thắn nói về những tình huống quan yếu. Ngài không ngại thừa nhận rằng ngài đã sai trong một số trường hợp, nhưng ngài cũng không ngần ngại tố cáo những tái dựng sai lầm về Đức Bênêđíctô và những người cộng tác với ngài.

Từ lời kể của cuốn sách, tất cả đều ở ngôi thứ nhất, xuất hiện một thư ký riêng vẫn đang làm việc cho cấp trên của ngài. Mọi tình huống được báo chí coi là gây tranh cãi hoặc đánh giá sai đều được giải thích lại rất chi tiết.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhìn Đức Bênêđíctô XVI như một người cha, với lòng nhân từ đối với những gì có vẻ ngây thơ; và bày tỏ sự ngưỡng mộ của một người biết rằng Đức Bênêđictô hoàn toàn có khả năng đảm đương công việc của mình vì ngài đã biết, đã nghiên cứu và dấn thân.

Vai trò của ngài là “thủy tinh” — nghĩa là minh bạch, trong sạch và trung thực — nhưng cũng là người gác cổng cho những ai muốn đến gần Đức Giáo Hoàng hơn. Đây là điều ông đã luôn làm và cố gắng thực hiện trong cuốn sách này.

Người ta có thể thảo luận rất chi tiết về việc có nên thận trọng xuất bản cuốn sách ngay sau khi vị giáo hoàng danh dự qua đời hay không. Tuy nhiên, thông điệp mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein muốn gửi đi không phải là điều gây tranh cãi. Đức Tổng Giám Mục kể lại những năm tháng của ngài với Đức Bênêđictô XVI, thậm chí còn lấy một vài viên sỏi ra khỏi giày của mình, nhưng không có giọng điệu luận chiến với bất kỳ ai.

Việc xuất bản có thể đã gây hại cho Đức Tổng Giám Mục Gänswein vào lúc này vì nó đã tạo điều kiện cho một chiến dịch chống lại ngài và do đó, chống lại triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.

Chưa hết, những trang viết của thư ký riêng của cố giáo hoàng danh dự có vẻ chân thành, đầy những tác phẩm chưa được xuất bản và những câu chuyện chưa được biết đến. Chúng là những trang viết của một người giúp việc trung thành và của một người lớn lên trong trường học của Đức Bênêđictô XVI; nghĩa là đã quen lấy Thiên Chúa làm trung tâm của mọi sự.
Source:National Catholic Register
 
Bắc Kinh phô trương thành tích Trung Quốc hóa Công Giáo
Đặng Tự Do
17:25 17/01/2023


Mỗi khi chính quyền Trung Quốc nói về vai trò của các tôn giáo trong nước, họ đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “Trung Quốc hóa”.

Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba của ông, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết “Trung Quốc hóa tôn giáo, hướng dẫn tôn giáo và xã hội xã hội chủ nghĩa thích ứng với bối cảnh Trung Quốc”. Nhưng Trung Quốc hóa cụ thể nghĩa là gì?

Một ví dụ về cách các cơ quan chính quyền muốn chính sách này được hiểu có thể thấy từ một cuộc triển lãm khai mạc gần đây tại Tòa Tổng Giám mục ở Bắc Kinh đánh dấu kỷ niệm 15 năm bổ nhiệm Đức Cha Giuse Lý Sơn làm Tổng Giám mục thủ đô vào năm 2007 với sự đồng ý của Tòa thánh ngay cả trước khi ký Thỏa thuận tạm thời 2018.

Vài tháng trước, Đức Cha Lý Sơn đã trở thành chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, cơ quan chính phủ chính thức kiểm soát đời sống của Giáo hội ở Trung Quốc. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao người ta quyết định đánh dấu lễ kỷ niệm bằng một cái gì đó đề cập rõ ràng đến chỉ thị mà Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Với tựa đề “Vinh danh trời thương quê hương. Lịch sử Trung Quốc hóa Công Giáo ở Bắc Kinh”, triển lãm bao gồm 41 phòng với hơn 600 hình ảnh.

Theo một tuyên bố từ giáo phận Bắc Kinh, phải mất 16 tháng làm việc và năm vòng thảo luận giữa các chuyên gia, với nhiều bản thảo viết đi viết lại, để sắp xếp một cách có hệ thống và tóm tắt một cách thấu đáo quá trình lịch sử Trung Quốc hóa đạo Công Giáo ở Bắc Kinh.

Ban giới thiệu giải thích rằng mục đích của sáng kiến này là thúc đẩy hơn nữa quá trình Trung Quốc hóa Công Giáo, để hiểu rõ hơn về tuyên bố quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình về tôn giáo, quảng bá nền văn hóa Trung Quốc xuất sắc, củng cố niềm tin văn hóa và khám phá các nguồn tài nguyên văn hóa Công Giáo phong phú của Bắc Kinh.

Từ những hình ảnh được chụp từ cuộc triển lãm và được đăng trên tài khoản WeChat của giáo phận Bắc Kinh, rõ ràng lòng yêu nước được thể hiện nổi bật hơn đức tin Công Giáo. Hình ảnh của linh mục Dòng Tên vĩ đại Matteo Ricci và một số ví dụ về những nỗ lực quan trọng đầu tiên trong việc hội nhập văn hóa xuất hiện trong phần về nguồn gốc lịch sử của quá trình Trung Quốc hóa.

Nhìn chung, lịch sử của các thực thể yêu nước được nhấn mạnh nhiều hơn với Giám mục Phó Thiết Sơn (Fu Tieshan) sinh năm 1931 và qua đời năm 2007. Ông ta là nhân vật chủ chốt ở Bắc Kinh bảo vệ ý tưởng về một Giáo hội “tự trị” độc lập hoàn toàn khỏi Rôma.
Source:Asia News
 
Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Pell
Vu Van An
19:03 17/01/2023
Dan Hitchens, biên tập viên kỳ cựu của First Things, ngày 13 tháng 1, 2023, không ngần ngại trình bầy hai phương thức sống nhưng cùng một đích đến: Chúa Kitô, của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Pell.



Một người nhỏ bé, cả thẹn, sống nội tâm, về già trông như thể một cơn gió mạnh thổi qua Vườn Vatican có thể tạm thời nhấc bổng ngài lên. Người kia, dù đã ngoài tám mươi, trông giống như võ sĩ chuyên nghiệp của môn túc cầu Úc, một người mà ngài suýt trở thành: một người đàn ông cao như núi, sừng sững trong bất cứ căn phòng nào ngài bước vào.

Một người là trí thức bậc nhất, có khả năng dễ dàng chuyển từ những huyền thoại về sự sáng tạo của người Babylon sang nhận thức luận của Kant; nhiều cuốn sách của ngài, chiếu rõi một thứ ánh sáng rõ ràng và bất ngờ lên những chủ đề quen thuộc, sẽ có giá trị lâu dài đối với các Kitô hữu và bất cứ ai khác đang tìm kiếm sự khôn ngoan thực sự. Người kia không phải là một nhà tư tưởng độc đáo mà là một người quảng bá sắc sảo, một người có thể trích dẫn lời của Thánh Augustinô trước một cộng đoàn đông đúc ở nhà thờ chính tòa và khiến nó trở thành như in.

Một người khó có thể là một biểu tượng văn hóa, một anh hùng đối với các nghệ sĩ như Patti Smith và Werner Herzog. Không thể đoán trước về mặt chính trị, lúc thì ngài chỉ trích cuộc cách mạng tình dục, lúc lại chỉ trích sự hâm nóng hoàn cầu; ngài có thể phê phán chủ nghĩa Mác trong khi nhận xét rằng “chủ nghĩa xã hội dân chủ đã và đang gần với học thuyết xã hội Công Giáo.” Người kia ít là biểu tượng văn hóa cho bằng là chiến binh văn hóa, một con người cánh hữu kề vai sát cánh với những người bạn chính trị của mình và chấp nhận cơn thịnh nộ của kẻ thù như một phần của cuộc chơi.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng Y George Pell, cả hai vừa qua đời trong khoảng thời gian cách nhau hai tuần, đã trở thành những vị giáo phẩm có quyền lực bằng những lộ trình tương phản. Tất cả những ai biết Pell trẻ tuổi đều mong đợi ngài sẽ vươn lên và vươn cao. Ngài đã làm mọi thứ xẩy ra. Khi một cánh cửa bị khóa trước mặt ngài, ngài đặt vai lên và đẩy nó ra khỏi bản lề — đáng chú ý nhất là trong vai trò quan trọng cuối cùng của ngài, với tư cách là sa hoàng tài chính của Vatican. Mặt khác, Đức Bênêđíctô bị bắt cóc khỏi công việc học thuật mà ngài yêu thích và bị sai đến cung điện giám mục ở Munich - ngày mà hạnh phúc của ngài kết thúc, ngài nói như thế.

Trong thập niên cuối cùng của cuộc đời mình, cả hai vị đều đã sống qua cảnh hỗn mang của thời đại chúng ta, nhưng theo những cách rất khác nhau. Đức Bênêđíctô, sau khi thề trung thành và im lặng vâng lời người kế nhiệm, đã phải nhìn phần lớn di sản của chính mình bị phá bỏ: tùy theo cách bạn nhìn vấn đề, một là ngài đã trở thành một nhân vật phục tùng một cách bi thảm, hai là ngài trở thành một điển hình tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa ngay cả khi “thuyền đã ngập nước đến mức sắp lật úp”. Trong khi đó, Đức Hồng Y Pell đã phải ngồi tù hơn một năm, nạn nhân của một vụ hoài thai công lý đáng kinh ngạc mà hầu như không được chỉnh sửa. Một Hoàng tử của Giáo hội bị biệt giam, thậm chí không được phép cử hành Thánh lễ —giống như một thứ gì đó ở Anh thế kỷ mười sáu hoặc ở Khối Đông Âu, nhưng được nghe những lời chế nhạo của đám đông du thủ du thực trên trực tuyến rất thế kỷ hai mươi mốt. Pell đã có những lúc giận dữ riêng tư, nhưng ngài nhanh chóng một cách đáng lưu ý tìm được sự bình an và tha thứ.

Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott đã mô tả Đức Hồng Y Pell là “một vị thánh của thời đại chúng ta,” và khá nhiều người Công Giáo đã kêu gọi phong thánh cho Đức Bênêđictô. Không phải tất cả mọi người đều đi xa như vậy. Bản thân Pell từng nói rằng đáng lẽ ngài phải làm nhiều hơn nữa, trong những năm đầu của ngài, để giám sát việc lạm dụng trẻ em: Đó có phải là một con người mà lương tâm buộc mình phải có một tiêu chuẩn thật cao, hay đó chỉ là lời thừa nhận một thất bại nghiêm trọng đã che mờ di sản của ngài? Từ những tiết lộ gần đây, dường như Đức Bênêđíctô đã bắt đầu nhận ra rằng ngài đã trao quyền lực cho kẻ thù của mình: Việc sẵn lòng không mệt mỏi, suốt đời của ngài để giúp đỡ đối thủ của mình chỉ đơn giản là lòng bác ái Kitô giáo, hay đó là một sự ngây thơ đáng trách?

Chúng ta có thể tranh luận về những điều đó, trong khi vẫn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với hai con người này về thông điệp mà các ngài đã rao giảng từ đầu đến cuối. Như các ngài thấy, nếu niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu đang biến mất khỏi thế giới, thì đó không phải vì bất cứ thách thức trực tiếp nào, mà vì một tai họa tinh vi đe dọa làm khô héo gốc rễ của đức tin. Giữa sự ồn ào của các phương tiện truyền thông hiện đại và chủ nghĩa tương đối của thế giới hiện đại, thật dễ dàng để bắt đầu nghĩ rằng có lẽ người ta có thể an tâm làm ngơ mặc khải của Thiên Chúa. Từ đó, chỉ còn một bước rất ngắn nữa là hoàn toàn quên Thiên Chúa. Và vì thế nhiều lần các ngài nhắc nhở chúng ta phải kiên trì trong đức tin mà chúng ta đã nhận được.

Như Đức Hồng Y Pell đã nói một cách trực tiếp cố hữu trên trang mạng First Things:

Chính Giáo huấn Công Giáo đã dạy rằng giáo hoàng, các giám mục và tất cả các tín hữu là đầy tớ và người bảo vệ truyền thống tông đồ, không có quyền bác bỏ hoặc bóp méo các yếu tố thiết yếu, đặc biệt là khi truyền thống đang được phát triển và giải thích. Điều gây tranh cãi khi chúng ta bác bỏ giáo huấn luân lý căn bản về tính dục (chẳng hạn) không phải là một đoạn trong Sách Giáo lý Công Giáo, hoặc một giáo luật của Giáo hội, hoặc thậm chí là một sắc lệnh của công đồng. Chính Lời Chúa, được trao phó cho các tông đồ, đang bị bác bỏ. Chúng ta không biết rõ hơn Thiên Chúa.

Và như Đức Bênêđíctô đã viết, trong một di chúc thiêng liêng được công bố sau khi ngài qua đời: “Điều tôi đã nói trước đây với đồng bào của tôi, giờ đây tôi muốn nói với tất cả những người trong Giáo hội đã được giao phó cho tôi phục vụ: Hãy đứng vững trong đức tin! Đừng để mình bị nhầm lẫn!... Chúa Giêsu Kitô thực sự là con đường, sự thật và sự sống—và Giáo hội, với tất cả những khiếm khuyết của nó, thực sự là thân thể của Người.”

Đó là bài học tuyệt vời mà các ngài đã dạy, đã sống, và thậm chí, bạn có thể nói, đã hiện thân. Nếu ai đó trông giống như một thành lũy, thì đó là Đức Hồng Y Pell; và nếu có điều gì trong phong thái cầu nguyện, suy tư của Đức Bênêđíctô gợi ý sự thuần khiết thực sự của tâm hồn — thì điều ấy, như Kierkegaard từng nói, có nghĩa là “mong muốn một điều.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gặp mặt Ban Thường vụ các Giáo xứ và Ban Điều Hành các Đoàn Thể Giáo phận Đà Nẵng Xuân Quý Mão 2023
Tôma Trương Văn Ân
09:57 17/01/2023
Gặp mặt Ban Thường vụ các Giáo xứ và Ban Điều Hành các Đoàn Thể Giáo phận Đà Nẵng Xuân Quý Mão 2023

Nhân dịp tất niên năm Nhâm Dần và đón mừng năm mới Quý Mão. Sáng 17 / 1 / 2023 tại nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng, Ban Giáo Dân Giáo phận đã tổ chức gặp mặt cho hơn 320 thành viên Ban Thường vụ của 51 Giáo xứ, 8 Giáo họ biệt lập và Ban Điều hành của 11 Đoàn thể Cấp Giáo phận.

Xem Hình

Đây là dịp Quý Chức Đại diện các Giáo xứ và Đoàn thể dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì muôn ơn lành Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, Giáo phận, Giáo xứ, quê hương và từng Tín hữu trong năm qua. Ơn Chúa trao ban cho từng người qua trách vụ, qua công việc thường ngày và qua việc gặp gỡ anh chị em trong cuộc sống. Các Thành viên cũng nhìn lại những thiếu sót của mình đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, và quyết tâm điều chỉnh cho tốt hơn trong thời gian đến. Quý Chức đã Đại diện Cộng đoàn của mình tỏ lòng tri ân Đức Giám Mục Giáo phận, vì qua Đức Cha Ơn Chúa tuôn ban cho Giáo phận, Giáo xứ và từng người tín hữu.

Đức Giám Mục Giáo phận đã đến dự, Giáo huấn, trao đổi và giải đáp một số vấn đề tại các Giáo xứ. Đức Cha đã nhấn mạnh đến sự Hiệp Hành trong Cộng đoàn Giáo Hội, nhất là Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phổ biến THƯ CHUNG định hướng mục vụ cho Giáo hội tại Việt Nam. Chủ đề năm mục vụ 2023 là “Củng cố sự hiệp thông”. Hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em, lắng nghe và đón nhận nhau … Hội đồng Giám mục Việt nam hướng dẫn thực hành cụ thể: Cổ võ đọc Kinh Thánh, tham dự bí tích Thánh Thể, sống tương thân tương ái, truyền thông sự thật với Đức ái. Trong dịp Giáo phận mừng kỷ niệm 60 năm thành lập (18/1/1963-2023) Đức Cha đã lược lại lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam từ khi các Tu Sỹ Dòng Tên ( Dòng Chúa Giê-su) đến Cửa hàn Đà Nẵng 18/1/ 1615 đến nay, qua nhiều dấu mốc lịch sử thăng trầm của Giáo Hội, Cách riêng việc hình thành và phát triển của Giáo phận Đà Nẵng. Đức Cha đã cho biết: “ Giáo phận Đà Nẵng hiện nay trải dài trên diện tích 11.723 Km2 của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, có 73,988 Giáo dân trong 51 Giáo xứ và 8 Giáo họ biệt lập. có 127 Linh mục đang làm việc tại Giáo phận ( 95 Lm Triều và 32 Lm Dòng); 19 Tu Hội Dòng và 13 Hội Đoàn Công Giáo tiến hành.

Trong dịp này, Vị Đại diện các Hội Đồng mục vụ Giáo xứ đã Đại diện Thành viên tham dự, có lời cám ơn Đức Giám Mục Giáo phận trong thời gian qua, đồng thời Mừng tuổi và chúc Tết Đức Cha, xin Chúa ân ban muôn ơn lành cho Đức Cha trong năm mới.

Những phần quà đặc sản của nhiều vùng miền khác nhau, từ các Giáo xứ trong Giáo phận, dâng tặng Đức Cha với tâm tình con thảo, gói ghém cả lòng biết ơn với vị Cha chung. Đức Cha cũng có những phần quà là Lời Chúa làm ý lực sống trong năm mới và “ Lì xì” mừng năm mới đến từng người.

Cao điểm là Giờ Chầu Thánh Thể lúc 11 giờ, do Cha Philipphê Trương Văn Long – Trưởng Ban Giáo Dân Giáo phận Chủ sự. xin dâng lời tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành mà mỗi người, mỗi Giáo xứ, Đoàn thể … được lãnh nhận. Dẫu trong khó khăn do dịch bệnh, do ảnh hưởng của chiến tranh …. Nhưng mỗi người vẫn có cách nhìn lạc quan trong Đức tin và hy vọng vào Thiên Chúa yêu thương.

Xin Chúa nối kết muôn người trong tinh thần Hiệp hành, cùng sống Đức tin, cùng tham gia Sứ vụ, hiệp nhất và loan báo Tin Mừng trong năm mới này.

Tôma Trương Văn Ân
 
Hình ảnh tang lễ LM Dominic Hạnh, cố Đan Viện Trưởng đan viện Biển Đức Thiên Tâm ở Kerens TX
Phạm Thái Hùng
17:28 17/01/2023
Xem hình ảnh

Tang lễ và nghi thức chôn cất cho LM Dominic Hạnh đã được cử hành một cách trọng thể và cảm động tại đan viện Biển Đức Thiên Tâm ở Kerens TX vào lúc 10g sáng ngày 14-1-2023 vừa qua với sự tham dự cuả nhiều giám mục, viện phụ, bề trên các dòng tu nam nữ, nhiều linh mục quanh vùng và khoảng 1500 giaó dân từ Austin, Dallas, Arlington, Ft Worth và Houston.

ĐGM John Gregory Kelly, GM Phụ Tá Dallas, là vị chủ tế,
ĐGM Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, GM Phụ tá Toronto, giảng lễ,
và Viện Phụ Cuthbert, giám tỉnh chi dòng Biển Đức ‘English Province of the Subiaco Congregation’ từ Farnborough, Hampshire bên Anh Quốc đi qua để cử hành nghi thức di quan.

Nhắc lại vào năm 2009, 6 đan sĩ Việt Nam đã từ đan viện ‘The Monastery of Christ in the Desert, Abiquiu, New Mexico, U.S.A’ đi qua Kerens TX để thành lập một đan viện Biển Đức mới cho các tu sĩ VN, và Cha Hạnh đã là vị đan viện trưởng từ đó cho đến nay.

Đan viện the Monastery of Christ in the Desert vốn gia nhập vào tỉnh dòng Biển Đức ‘the English Province of the Subiaco Congregation’ từ năm 1983, cho nên một đan viện phụ là Biển Đức Thiên Tâm cũng trở thành một phần tử cuà tỉnh dòng có nguồn gốc cổ kính ngàn năm từ bên Anh Quốc đó.

Tuy sự ra đi cuả Cha Hạnh là một biến cố đau lòng cho mọi người, nhưng với sự lớn mạnh không ngừng cuả đan viện thì mọi người đều cho rằng, tuy một trang sử vừa mới được lật qua, nhưng đan viện này sẽ tiếp tục mang lại nhiều trang sử mới sáng lạn hơn nữa.
 
Thông Báo
Chúc Mừng Năm Mới Quý Mão
Ban Giám Đốc VietCatholic
04:21 17/01/2023
 
Văn Hóa
Mùa Xuân Nước Tôi
Pt. Phạm bá Nha
09:55 17/01/2023
Mùa Xuân Nước Tôi

Hay nói đúng hơn, Việt Nam nước tôi, lúc nào cũng là mùa Xuân qua ngòi bút văn thi sỹ. Họ cảm hứng từ mùa Xuân để sáng tác. Thời tiết ấm áp, cảnh vật quê hương yêu kiều, hội họp gặp mặt thân tình, ăn chơi giải trí rộng rãi…Là đề tài dễ tìm kiếm cho tác phẩm.

Nơi sinh ra, không thể nào quên, lớn lên, trưởng thành…và làm người. Quên sao những ngày cắp sách đến trường mở trí khai tâm. Bài học đầu đời luôn nhớ: biết ơn và đền ơn. Có cha có mẹ và thày cô. Cha mẹ sinh con. Thày cô mở mang trí tuệ. Bạn bè xóm làng liên kết đùm bọc yêu thương

-Hoa vẫn nở trên đường quê hương, ôi quê hương ta đó

Dù bóng tre xanh xao u sầu, dù nước sông quê tôi đỏ ngầu

Từng cánh hoa, từng cánh hoa, hoa vẫn nở trong tôi tình thương

Hoa vẫn nở trên đường quê hương.

(Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương. Phạm Thế Mỹ)

-Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần

Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân

Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú

Cánh đào hoen nắng chan hòa

Chim ca thương mến, chim ngân xa u ú ù u ú

Hồn mùa ngây ngất trầm vương.

Dìu nhau theo dốc suối nơi ven đồi

Còn thấy chim ghen lời âu yếm

Tới đây chân bước cùng ngập ngừng

Mắt em như dáng thuyền soi nước

Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân

(Bến Xuân. Phạm Duy)

Bốn mùa rõ rệt, thay đổi, mùa Xuân vừa hé mở, thì gặp mùa Hạ mưa rơi, khiến mùa Thu mau tàn và làm mùa Đông nhạt nhòa ngay. Ở quê tôi có khí hậu trong lành, tạo sức khỏe, đâu có, đâu bằng. Quê hương tôi, lúc nào con sông cũng chảy đều, lúa vẫn đơm bông thơm ngát, mùa màng cung cấp đầy kho. Trai gái chung tay xây dựng ấm no hạnh phúc.

- Em đứng lên gọi mưa vào Hạ…

Em đứng lên mùa Thu tàn tạ…

Em đứng lên mùa Đông nhạt nhòa…

Em đứng lên mùa Xuân vừa mở…

Rồi mùa Xuân không về

Mùa Thu cũng đi xa

Mùa Đông vời vợi

Mùa Hạ khói mây…

(Gọi Tên Bốn Mùa. Trịnh Công Sơn)

- Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

Có sông sâu lờ lững vờn quanh

Êm xuôi về Nam

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau

Bóng tre ru bên mấy hàng cau

Đồng quê mơ màng…

Quê tôi… nguồn yêu thương…bao nhớ nhung

Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương.

(Làng Tôi. Chung Quân)

Chỉ có thôn quê VN mới có trăng thanh gió mát. Chiến tranh có tàn phá điêu tàn. Tình quê hương, dân tộc càng sát cánh có nhau. Dân làng, chung sống với vườn rau ao cá, con trâu cột bên lũy tre… quanh năm…bền vững khôn cùng. Vui nhất là ngày mùa. Lúa mới, gạo thơm no đầy là phần thương lao nhọc của nông dân quanh năm cày sâu cuốc bẫm.

-Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát

Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác

Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời

Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời

Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát

Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát

Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời

Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời

(Khúc Ca Ngày Mùa. Lam Phương

-Em nghe gì không hỡi em,

Con chim nó hót vang đầu hè

Em thấy gì không hỡi em

Con chim nó múa trên cành tre.

Hót đi chim, hót đi chim

Hót cho hồng mặt trời quê ta

Hót đi chim, hót đi chim

Hót cho đời nhọc nhằn trôi xa.

(Thương Quá Việt Nam. Phạm Thế Mỹ)

Giang sơn gấm vóc VN còn đó, lịch sử oai hung ngàn năm…Ai ơi! Giòng sông kiên cường giữ nước chống ngoại sâm, ngọn núi cao vời vợi đem vòng chiến thắng. Bia mộ khắc tên những anh hung liệt sỹ miệt mài với nước non

Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mặt đất bao la an hem ta về

Gặp nhau mừng như bão cát

Quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm

Nối tròn một vòng Việt Nam

(Nối Vòng Tay Lớn. Trịnh Công Sơn)

Hôm nay trời xuân bao tươi thắm

Dừng gót phiêu du về thăm nhà

Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi

Tôi đã hình dung nét ai đang cười

(Cô Láng Giềng. Hoàng Qúy)

Tình yêu bao la mở rộng trong lòng con dân từ dân quê, hiền lành đơn sơ chất phát đến thị thành thương bại buôn bán, làm giàu cho quê hương. Tất cả vì nước vì dân.

- Lời mẹ ru con đến những khu vườn

Ru con trưa nắng í i a

Trong mộng cười ngon ru mộng con thơm

Lời mẹ ru con nghe ra nỗi niềm

Ru con nghiêng nghiêng nằm

Con ngủ giấc tròn cho mẹ ngồi trông

(Lời Mẹ Ru. Trịnh Công Sơn)

-Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào

Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào

Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu

(Lòng Mẹ. Y Vân)

Việt Nam lúc nào cũng có xuân, hoa thơm cỏ lạ đầy đồng…Đẹp xinh và xanh tươi trên mọi lẻo đường. Dù không cao sang, nhưng vui tươi trong lòng.

-Trèo lên quan dốc, ngồi gốc ối a cây đa

Rằng tôi lý ối a cây đa, rằng tôi lý ối a cây đa

Ai xui ối à tính tang tình rằng

Cho đôi mình gặp, xem hội cái đêm trăng rằm

Rằng tôi lý ối a cây đa, rằng tôi lý ối a cây đa.

(Hát Hội Trăng Rằm. Trống Cơm. Dân Ca)

- Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui

Một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về

Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ

Mừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ

(Xuân Ca. Phạm Duy)

- Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân

Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ

Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ

Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ

(Em Còn Nhớ Mùa Xuân. Ngô Thụy Miên) 88

-Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hoa xuống đời

Vui trong bình minh muôn loài chim vang mọi nơi

Đem trong tiếng cười cho kiếp người tình thương đắm đuối

Ánh xuân đem vui với đời

(Đón Xuân. Phạm Đình Chương)

- Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui sống

Xuân về với ngàn hoa tươi sáng

Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng

(Xuân Và Tuổi Trẻ. La Hối)

Hội họp vui chơi, gặp gỡ là dịp trao đổi nâng ly chúc mừng ngày vui, thắm tươi, thêm xuân, tuổi mới, sống hạnh phúc, quên bao tháng năm nhọc nhằn, đắng cay.

- Xuân tươi ! Êm êm ánh xuân nồng

Nâng niu sáo bên rừng, dăm ba chú Kim đồng

Nhẹ nhàng lướt cò nắng, nhạc lòng đưa hiu hắt

Và buồn xa buồn vắng, mênh mông buồn

(Tiếng Sáo Thiên Thai. Phạm Duy)

-Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi

Người thương gia lợi tức, người công dân ấm no

Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Á a a à,

Nhắp chén đầy vơi, chúc người người vui

Á a a à,

Muôn lòng xao xuyến duyên đời

(Ly Rượu Mừng. Phạm Đình Chương)

Kết luận, nhớ lại ngày 20.11.2019, ĐGH gửi sứ điệp cho giới trẻ VN, dịp đại hội tại Bùi Chu, của các giáo tỉnh miền Bắc, đại hội mang chủ đề: ‘‘Hãy về (nhà) với thân nhân’’(x. Mc 5, 19). Nội dung sứ điệp:

Nền Văn hóa VN cũng như Á châu không chữ nào đẹp bằng chữ ‘nhà’. Bao gồm gia đình, họ hàng thân thuộc và nơi chôn rau cắt rốn, quê hương xứ sở. Dù đi đâu cũng mang theo và quay về nhà. Khi chịu phép Rửa, chúng con thừa hưởng căn nhà khác là Giáo Hội. Các con nên trở về căn nhà Giáo Hội của các con. GH đã sinh ra bởi đức tin của các nhà truyền giáo, tiền nhân và các thánh Tử Đạo. Phúc trình của cha Alexandre de Rhodes về Roma : Người Công Giáo VN yêu thương nhau. Và Đạo Công Giáo là Đạo Tình Yêu. Các con ‘hãy về nhà’, đừng khép kín, bước đi truyền giáo. Xã hội chờ đón, ‘hãy chiếu sáng như vì sao’ (x. Phil 2, 15). Cha khuyên các con sống : Trung thực, trách nhiệm và lạc quan.

ĐTC còn nhắc đến Đức cố HY Nguyễn Văn Thuận như mẫu gương hy vọng. Có sự giống nhau giữa ĐGH và Đức cố HY. Trong bài thơ ‘Con Có Một Tổ Quốc’, ĐHY viết :

Con có một Tổ Quốc Việt Nam

Quê hương yêu qúy ngàn đời…

Là người Công Giáo VN

Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội

Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con

Cha mong giòng máu ái quốc

Sôi sục trong huyết quản con…

(Bài thơ này đã được nhiều người phổ nhạc: Lm Đỗ Bá Công, nhạc sỹ Hàn Thư Sinh…

và ca sỹ Khánh Ly và Thế Sơn, hát)

(Vietcatholic 20.11. 2019)
 
Lá thư Canada : Làng Tôi Mừng Tết Con Mèo- Trà Lũ
Trà Lũ
10:30 17/01/2023
Lá thư Canada: Làng Tôi Mừng Tết Con Mèo

Lễ Giáng Sinh và Tết Tây vừa xong, chỉ 3 tuần sau người Việt chúng ta mừng Tết Con Mèo. Ôi vui làm sao miền đất thiên đàng này. Làng An Lạc của tôi ăn tết chung đã thành một thói quen rất đáng yêu. Bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ Dựng Nêu và Tiễn Ông Táo về trời. Mấy năm trước thì cả làng lo việc gói bánh chưng bánh tét, rồi đêm Ba Mươi thì tụ họp nấu bánh và đón giao thừa, nay thì nhiều sự đã khác. Chúng tôi không còn gói bánh và bó giò nữa mà mua các thứ này ở chợ. Không ngờ cái chợ VN ở đây đầy đủ và tiến bộ làm vậy. Bánh chưng và giò chả bán ở chợ bây giờ rất tới, có phần ngon hơn làng chúng tôi làm. Thế mới biết người VN mình giỏi và tài ba, càng ngày càng tiến bộ.

Dân làng ai cũng già, đã sống ở đây và đã thân nhau coi nhau như anh em ruột một nhà hơn mấy chục năm. Mỗi dịp lễ tết thế này thì bao giờ chúng tôi cũng lại được nghe Cụ già B.95 lặp đi lặp lại hình ảnh và mùi vị quê hương ngày xưa ngoài Bắc. Cụ bảo cụ không thể nào quên được những cánh đồng lúa con gái mơn mởn, những tiếng hát mẹ ru con giữa trưa hè hòa chung với tiếng sáo diều, nhớ hoa sấu, hoa sen thơm ngào ngạt cả bầu trời, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá Anh Vũ, cam Bố Hạ, dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần… Còn Cụ Chánh tiên chỉ thi cũng nói như vậy, và còn thêm là nhớ nhiều nhất tiếng pháo đì đoàng, tiếng trống múa lân, ngoài Bắc gọi là múa sư tử. Ôi tiếng trống múa sư tử ngày xưa sao mà nó hay như vậy, cà rùng tùng xèng, tùng cheng tùng cheng...

Chuyện hai cụ đại lão trong làng nhớ về lễ tết và quê hương ngày xưa thì dài lắm, ra giêng, ngày rộng tháng dài tôi sẽ xin kể tiếp.

Bây giờ xin trở về ngày Tết. Việt nam quê hương mình có rất nhiều ngày lễ gọi là Tết, tôi đếm sơ sơ có tới 7 lận: tháng giêng

Tết Nguyên Đán, tháng Ba Tết Thanh Minh, tháng Năm Tết Mùng Năm diệt sâu bọ, tháng Bảy có Tết Trung Nguyên Lễ Vu Lan, tháng Tám Tết Trung Thu, tháng Mười Tết Cơm Mới.

Xin trở về tết con Mèo năm nay. Người Tàu không giống VN mừng tết con mèo mà mừng tết con THỎ, tôi cũng hơi lạ vì họ đã giống ta tới 11 con giáp lận, tới năm thứ 12 tức năm Mão này thì họ khác ta, họ gọi năm Mão là năm con thỏ, còn phe ta thì gọi là năm con mèo. Tôi cho gọi con Mèo là đúng nhất, vì năm ngoái là năm con Cọp thì năm nay phải là năm con Mèo mới đúng. Cọp và sư tử là anh em với

nhau, cọp là chúa sơn lâm ở Á Châu, còn sư tử là chúa sơn lâm ở Phi Châu. Chỉ khác nhau là cọp thì ưa sống một mình còn sư tử thì sống theo bầy. Cọp và sư tử cùng họ nhà mèo, cả ba đều có lối sống rất giống nhau như cách đi săn mồi, rình mồi, trừ việc leo cây. Sách xưa kể rằng con mèo vốn là võ sư đã dạy cọp và sư tử các cách hành dộng, nhưng mèo không dạy cọp và sư tử cái phép leo cây vì nó là võ sư, mà các võ sư thì bao giờ cũng giữ kín một món võ hiểm để thủ thân, chỉ mèo biết leo cây mà thôi. Mèo leo trèo rât giỏi, ca dao có nói về chuyện leo này: ‘ Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…’ thì đủ rõ con mèo leo trèo giỏi thế nào. Ấy thế mà nó đã không dạy cách leo cây cho hai chú em là cọp và sư tử, thì đúng là nó giấu nghề. Nghe đến đây thì tự nhiên phe các bà òa ra cười. Chị Ba Biên Hòa liền hỏi phe liền ông chúng tôi: Tại sao cô bồ bí mật của chồng lại gọi là Mèo? Ha ha, đầu năm mới phe các bà muốn bàn sang chuyện mới chuyện bồ bịch, hấp dẫn hơn. Cả làng cười xòa, năm mới sẽ vui rồi đây.

Ông Từ Hòe giải thích ngay: Xưa nay có ông chồng nào dám công khai việc có bồ nhí đâu, ai cũng giấu kín, vì đó là bản tính của con mèo. Con mèo bao giờ cũng dấu kín hai việc, xin đố các cụ hai việc con mèo rất kín đáo là hai việc gì. Thấy cả làng im lặng lâu thì ông Từ Hòe cười hà hà rồi nói tiếp: Đó là việc nó làm tình và việc nó đi tè, xưa nay có ai thấyhai việc này nơi con mèo đâu. Do vậy, việc có bồ nhí là việc phải giữ bí mật như con mèo vậy, và cô bồ nhí mà chúng ta thường gọi là Mèo thì bởi cái gốc bí mật này.

Xin hết chuyện cô mèo để trở về lễ têt trong làng. Như các cụ đã biết nhà cụ Chánh xưa nay được coi là trụ sở trung ương, nơi thường xuyên họp làng. Ngày tết khi dựng cây nêu ở giữa sân nhà Cụ tiên chỉ xong thì cả làng quay vào trong nhà. Phe liền ông thì lo bàn thờ tổ tiên. Chúng tôi đã có bàn thờ tổ này từ khi lập làng. Ai cũng mang bài vị ghi danh tổ tiên nhà mình tới, và để chung với nhau ở bàn thờ nơi cao nhất, hai bên đều có hai cây đèn cầy, hai bình hoa, và ở giữa là lư hương và đĩa trái cây lễ vật. Xin khoe với các cụ về đĩa trái cây này. Tôi thấy nhà ai cũng bày 4 thứ trái: mảng cầu, dừa, đu đủ và xoài để cầu với tổ tiên ước nguyện ‘cầu vừa đủ xài’. Làng tôi thì khác. Cụ Chánh đã bảo từ đầu nếu chỉ cầu vừa đủ xài thì cầu làm gì, ta phải cầu cho được dư xài chứ, có dư thì mới là có thể cho con cháu và để làm việc từ thiện chứ, thế mới là hạnh phúc. Do vậy xưa nay trên bàn thờ tổ tiên của làng tôi đĩa trái cây bao giớ cũng chỉ là 3 quả này: cầu, dưa, xoài, để nói lên cái ý chúng con ‘cầu dư xài’. Xin tổ tiên phù hộ cho chúng con dư xài. Đó, phe các nhà quân tử chúng tôi phụ trách nhang đèn và lễ vật’ là như thế. Còn phe các bà thì lo nhà bếp. Việc này nay đã hóa dễ, chợ VN đã giúp các bà nấu nướng dễ dàng, ai cũng thích.

Ngày mồng một tết, buổi sáng ai cũng ở nhà lo cúng tế tổ tiên và chào đón khách xông nhà, rồi mừng tuổi cho con cháu. Đến trưa mới tới họp làng. Và cuộc vui ngày tết mới thực sự bắt đầu. Sau việc chào hỏi và chúc tết, làng tôi bắt đầu lễ tổ tiên trước bàn thờ tổ. Năm nay cụ Chánh đã lập lại những chỉ dẫn cho cả làng cách vái lậy. Quả là hay, như thế này:

- 2 lạy và 2 xá là dành cho ông bà và cha mẹ hiện còn sống

- 3 lạy và 3 xá là ở đình chùa

- 4 lạy và 4 xá dành cho tổ tiên đã khuất, tứ thân phụ mẫu

- 5 lạy và 5 xá dành cho vua

Cụ Chánh cũng nhắc cách xá rất kỹ, xá là chắp tay để trước ngực và cúi đầu rồi vái.

Còn số que hương cầm trên tay bao giờ cũng theo số lẻ, 1 hay 3 hay 5…chứ không bao giờ theo số chẵn 2,4, 6.

Rồi cả làng ra trước bàn thở tổ, và cúng lễ tổ tiên, rất cung kính, ai cũng cảm động. Lễ xong thì làng mới vào tiệc, vui vẻ quá sức.

Bà cụ B.95 lên tiếng xin tiếng cười để lấy hên cho cả năm. Anh John nói ngay: năm nay là năm con mèo, cháu xin kể chuyện mèo. Cháu biết một bài vè 4 câu nhưng không biết câu nào là câu đầu, vì nó lòng vòng lẩn quẩn, xin làng chỉ cho:

‘ Chuột sợ mèo, mèo sợ đàn ông, đàn ông sợ đàn bà, đàn bà sợ chuột, chuột sợ mèo, mèo sợ đàn ông, đàn ông sợ đàn bà…’

Ông ODP cười hà hà: Đây là cái vòng tròn không có lối ra. Theo tôi thì ta nên bắt chước người Anh, họ bảo: ‘ Ta chỉ là con chuột hèn từ ngõ hèn vào, chứ ra đường thì ta là con sư tử: ‘ A wise person should make oneself a mouse at home, and a lion abroad ‘ Vậy nên bắt đầu bằng câu ‘chuột sợ mèo’ trước tiên.

Thấy dân làng gật gù cười, được hứng anh John xin kể tiếp một câu chuyện khác cũng về chú mèo.

… Tý và Tèo là hai người bạn thân, cả hai nổi tiếng là hay trêu chọc và phá phách. Một bữa kia hai chàng rủ nhau đi bát phố. Giữa đường thì họ gặp một thiếu nữ rất đẹp ôm một con mèo đang hóng mát dưới tàng cây. Tý liền đố Tèo: Tao đố mày tiến đến người đẹp mà chỉ nói một tiếng mà khiến nàng cười, rồi sau đó cũng chỉ nói một tiếng mà khiến nàng nổi giận. Mày mà làm dược như vậy thì tao sẽ đãi mày một chầu phở. Tèo làm ngay. Anh ta tiến tới trước mặt người đẹp, rồi chỉ vào con mèo và hỏi đó là mèo đực hay cái. Người đẹp bảo là đực. Tèo liền khoanh tay rồi hướng vào con mèo mà rằng ‘Con chào ba’. Nghe xong cô gái tức cười liền cười. Thấy vậy tên Tèo liền nhìn cô gái rồi nói ‘Con cám ơn má ’. Nghe xong, cô gái liền đổi sắc mặt, tỏ ra giận dữ, nói ngay: Ê, đừng có nham nhở nha !

Cả làng đều cười và khen hay. Rồi cụ Chánh lên tiếng xin thôi các chuyện mèo. Ông H.O. xin tuân lệnh, và kể chuyện sang đề khác. Rằng có hai anh chị đang mê nhau. Bữa đó anh con trai tán người yêu bằng câu thơ:

- Trên trời có vạn ông sao

Hai ngôi sáng nhất lọt vào mắt em !

Cô gái thấy câu này hay va chắc nàng là thi sĩ nên đáp lại ngay:

Trên trời có vạn ông sao

Hai sao nặng nhất lọt vào miệng anh !

Cả làng vỗ tay vì hai câu dối đáp quả là cân xứng. Nhưng ông H.O. nói tiếp: Nhưng tôi thấy còn một cái hay nữa trong câu đáp của cô gái, đố các bạn biết cái hay ấy là gì? Thấy ai cũng ngỡ ngàng về câu hỏi này. Ông H.O. đáp ngay: Cô gái chắc học giỏi lắm nên có ý chọc anh con trai vì trong câu đáp có hai tiếng ‘sao nặng’. Nếu theo cách đánh vần thì SAO NẶNG là sạo, là xạo, cô có ý bảo anh con trai nói xạo.

Cả làng nghe xong ai cũng gật gù và bảo cái cô gái này giỏi quá.

Thấy làng có vẻ thích nghe đố, ông Từ Hòe cũng xin góp một câu đố. Rằng buổi chiều hôm đó gió lạnh và tuyết bay mù mịt. Một anh công chức tan sở lái xe về nhà. Khi chạy ngang một bến xe thì chàng thấy có 3 người đứng chờ bus, ai cũng rét run lẩy bẩy. Đó là một ông cha xứ, một bà lão già và người yêu của chính anh. Xe của anh là xe nhỏ chỉ có 2 chỗ ngồi, một cho anh và một cho một người nữa, Anh không biết chở ai bây giờ. Anh thật bối rối. Chở ai và bỏ ai, cả 3 người đều đáng giúp cả. Xin đố các bạn, anh công chức này phải giải quyết chuyện khó này thế nào. Làng tôi đã cãi nhau về việc chỉ được chọn 1 người lên xe và 2 người bị bỏ lại. Hầu như không ai tìm ra giải pháp. Làng tôi đã đua nhau góp ý mà không tìm ra ý nào thỏa đáng. Cuối cùng thì ông Từ Hòe người đặt ra câu hỏi đã trả lời như thế này: Đây là giải pháp của tôi: Tôi sẽ xuống xe, rồi bảo ông cha sở và bà lão lên xe, và xin cha sở cầm tay lái, rồi tôi xin ông cha sở lái xe đưa bà lão về nhà của bà, sau đó cha sẽ lái xe về nhà xứ và bỏ xe tại nhà xứ. Phần tôi thì tôi sẽ xuống xe và tới ôm người yêu vào lòng để che gió tuyết cho nàng và cả 2 chúng tôi sẽ ôm nhau cùng đứng chờ xe bus. Và ngày hôm sau tôi sẽ đến nhà xứ của ông cha sở, sẽ lấy lại cái xe rồi đi làm.

Nghe ông Từ Hòe nói xong thì ai cũng vỗ tay, cho là cái giải pháp này hay nhất, đúng nhất. Còn các cụ thì nghĩ sao cơ?

Câu đố này vui quá đã làm mọi người ngưng ăn để bàn cãi, và bây giờ làng vui vẻ ăn tiếp. Tôi chưa trình các cụ bữa tiệc tết do các bà dọn ra. Toàn những món dân làng thích. À, tôi quên chưa nói là lâu nay làng tôi đã nghe lời Chị Ba Biên Hòa là kiêng các thứ thịt đỏ như heo và bò mà toàn ăn những gì màu trắng như hải sản và thịt gà. Hải sản thì ai cũng mê. Thét rồi đã thành quen. Phần tráng miệng chỉ có trái quýt, các bà bảo ăn quýt để dân làng luôn quấn quýt với nhau, chứ không ăn cam, cam chỉ cam chịu, cam khổ, cam đành… Phe các nhà quân tử chúng tôi đều vui vẻ vâng lời. Ai cũng cám ơn Chị Ba và phe các bà đã cho một bữa ăn quá ngon. Chị Ba hỏi cả làng có ai còn nhớ món gì khác nữa không, ông Từ Hòe cười hì hì rồi bảo thỉnh thoảng tôi nhớ món Cơm Chiên Dương Châu, món này bao giờ cũng là món cuối cùng trong các bàn tiệc. Cụ B.95 nghe đến món này thì tỏ vẻ ngạc nhiên vì ở ngoài Bắc không hề có món này. Ông Từ Hòe liền nói ngay: Cái gốc nguyên thủy ngày xưa của nó là các món dư thừa của bữa tiệc hôm trước được chú Ba Tàu gom lại, rồi ngày hôm sau chú thêm chút lạp xưởng, trứng chiên và đậu Hòa lan và chút hành lá rồi chiên lại, gọi là món xà bần hay tả pí lù. Về sau bếp Saion theo công thức đó nhưng không phải là đồ dư của tiệc hôm trước nhưng là đồ mới đồ tươi, tất cả cho vào chảo lớn rồi chiên rồi xào, khi đem lên nó nóng còn khói ngùn ngụt rất thơm ngon. Và được gọi một tên mới nghe rất hấp dẫn là Cơm Chiên Dương Châu. Cụ B.95 gật gù tỏ ra thích lắm. Cụ bảo ở ngoài Bắc không hề có món này, và món nào cũng là món thực chứ không có món ăn chơi như ở Miền Nam. Nói đến đây rồi cụ ngưng lại như nhớ ra một điều gì. À, cụ nhớ tới thần tượng John của cụ. Cụ xin anh góp tiếng cười. Cụ bảo anh không phải suy nghĩ gì cả, anh cứ nói về tiếng Việt, có thấy tiếng Việt của chúng tôi có hay không là đủ. Cụ đã gõ đúng cửa. Anh John nói ngay

-Theo cháu thì mỗi ngày cháu mỗi tìm ra cái hay tuyệt vời của tiếng Việt. Nói gì đâu xa, cứ nghe các bác nói chuyện là thấy liền. Cháu

thấy nhiều tiếng nghe rất buồn cười như

--Ngủ nướng, rõ ràng ngủ trên giường chứ có vào bếp đâu

--Ăn đứt, sao đang ăn mà lại đứt, đứt cái gì?

--Tin vịt, con vịt có biết nói đâu mà có tin

--Đánh rắm, sao lại đánh được làn khí độc này…

--Như nói về cô gái thì trong lời nói ngoài âm thanh còn thấy có thêm hương vi: ngọt ngào, chua chát, đắng cay

Ngoài ra, nói lái trong tiếng Việt cũng hay kinh hồn:

Yêu nhiều thì ốm / ôm nhiều thì yếu

Anh chàng ngông / anh chồng ngang

Đứng trông hoài/ đái trong quần

Tôi lấy vợ/vơ lấy tội

Tôi lấy chồng/ trông thất tồi.

Lại có tiếng tượng thanh, như tiếng TÒM trong bài thơ ngắn này tôi cho là hay vô cùng:

Đang khi bếp tắt cơm sôi

Con còn khóc đói, chồng đòi tòm tem

Bây giờ bếp đã cháy lên

Con đà nín khóc, tòm tem thì tòm…

Mọi người vỗ tay râm ran vì thấy tiếng Việt hay quá. Anh John dược khen thì sung sướng lắm. Anh nhìn đồng hồ rồi nói: Tôi thấy làng thích các câu đố, tôi cũng xin góp một câu đố vào ngày TẾT cho vui thêm, câu dố như thế này: ‘ Con chó làm cái gì đặc biệt khi nó đứng 3 chân trong khi con người cùng làm cái đó mà vẫn đứng 2 chân? Mời các cụ thử trả lời trước khi đọc tiếp nha. Cả làng tôi đã nghĩ một lúc rồi cùng bàn nhau và cả làng dã cười ầm lên, phe các bà thì nói đó là cái việc đi đái, phe các ông thì nói đó là cái chuyện tòm tem trên đây. Anh John lắc đầu, anh vừa cười vừa nhìn vợ rồi đáp: Tôi có một con chó rất thông minh và dễ thương, tôi coi nó như con. Đó là cái việc ngày tết tôi đứng bắt tay con chó và mừng tuổi nó. Nó giơ một chân lên bắt tay tôi. Tết cơ mà. Có đúng không nào. Các cụ nghĩ sao cơ về câu đố và trả lời này?

Kính chúc các cụ năm mới ngày nào cũng đầy tiếng cười như làng tôi.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Crimea bị tấn công, sân bay nổ long trời. Ngày thảm bại của Nga: 790 lính tử trận cùng 33 chiến xa
VietCatholic Media
03:42 17/01/2023


1. Crimea bị tấn công, nổ lớn gần sân bay Belbek bên ngoài Sevastopol

Chiều thứ Hai 16 Tháng Giêng, “Thống đốc Sevastopol” do Nga bổ nhiệm Mykhailo Razvozhaev tuyên bố rằng sân bay Belbek đã bị tấn công.

Sân bay Belbek là căn cứ không quân quan trọng, nơi chứa các thiết bị quân sự phục vụ cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Sân bay này nằm ở phía Bắc Sevastopol, một thành phố cảng quan trọng đối với Nga, từ đó họ khởi động hạm đội Hắc Hải chịu trách nhiệm ném bom cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng trên khắp Ukraine.

Mykhailo Razvozhaev cho biết các lực lượng dịch vụ khẩn cấp đang đối phó với tình hình nhưng không nói rõ thiệt hại và cách thức sân bay này bị tấn công.

Ukraine không công khai nhận trách nhiệm về các vụ tấn công như thế này. Tuy nhiên, trong một hàm ý công nhận cuộc tấn công sân bay Belbek là do quân Ukraine gây ra, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết Ukraine không có phương tiện nào có thể chống lại hỏa tiễn Kh-22. “Radar không phát hiện được, thành ra, chúng ta không thể bắn hạ.” Sau đó, ông nói thêm rằng chỉ có thể ngăn cản việc Nga tấn công vào thường dân vô tội, và các các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine bằng cách tấn công phủ đầu ngay tại chỗ nó xuất phát.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh xác nhận Ukraine vẫn đang giữ được thành phố Soledar

Từ chiều thứ Tư tuần trước, Bộ Quốc Phòng Nga và trùm du đảng Wager Yevgeny Prigozhin đã công khai đấu đá với nhau trong các tuyên bố giành được quyền kiểm soát thành phố Soledar. Tuy nhiên, cho đến nay phía Ukraine vẫn tiếp tục khẳng định cuộc chiến tại thành phố Soledar vẫn đang tiếp diễn. Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cũng xác nhận rằng Nga chưa hề chiếm được Soledar.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bản tin của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cuối tuần qua, giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn ở cả hai khu vực Kremina và Bakhmut của mặt trận Donbas. Tính đến ngày 15 tháng Giêng năm 2023, Lực lượng Vũ trang Ukraine gần như chắc chắn vẫn duy trì được các vị trí ở Soledar, phía bắc Bakhmut, trước các cuộc tấn công liên tục của Nhóm Wagner.

Xung quanh Kremina, giao tranh được đặc trưng bởi một loạt các cuộc tấn công và phản công cục bộ phức tạp ở vùng đất nhiều cây cối. Tuy nhiên, về tổng thể, quân Ukraine tiếp tục tiến dần tiền tuyến của họ về phía đông ở rìa thị trấn Kremina.

Trong sáu tuần qua, cả Nga và Ukraine đều đã đạt được những thành quả cam go nhưng hạn chế trong các khu vực khác nhau.

Trong những trường hợp này, một thách thức hoạt động chính đối với cả hai bên là tạo ra đội hình gồm những đội quân sẵn sàng, có năng lực, có thể khai thác những thành công chiến thuật để tạo ra những bước đột phá chiến lược.

3. 790 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với con số kỷ lục 12 xe tăng và 21 xe thiết giáp

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 17 tháng Giêng, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong ngày qua quân Nga đã mất đến 790 binh sĩ.

Con số kỷ lục các binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến trong 24 giờ là 950 người trong ngày thứ Bẩy 29 tháng 10. Con số 840 người là con số cao thứ hai, xảy ra vào ngày 4 tháng 11. Con số tử trận của quân Nga cao thứ ba là 810 người xảy ra vào ngày 5 tháng Giêng.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, quân Nga đã tập trung hỏa lực pháo binh vào thành phố Bakhmut, và thành phố Soledar của vùng Donetsk.

Các lực lượng Ukraine tiếp tục phòng thủ Soledar và do đó, thành phố này không thể được coi là do Nga chiếm giữ. Phát ngôn nhân của lực lượng liên hợp phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Đại Tá Serhii Cherevatyi, cho biết như trên qua cầu truyền hình.

“Miền Đông Ukraine vẫn là mục tiêu tấn công chính của những kẻ xâm lược. Kẻ thù tập trung những nỗ lực chính vào hướng Bakhmut, đặc biệt là gần Soledar, nơi các trận chiến đang diễn ra ác liệt. Các đơn vị Ukraine tiếp tục tổ chức phòng thủ trong thành phố Soledar và vùng ngoại ô”

Đại Tá Cherevatyi nói thêm: “Các lực lượng vũ trang của chúng ta đang nỗ lực hết sức để khiến người Nga phải trả giá đắt cho mỗi inch mà họ cố gắng di chuyển qua”.

Ông cho biết trong 24 giờ qua, quân Nga đã mở 12 cuộc tấn công tại thành phố Soledar và 15 cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut. Tất cả đều đã bị đẩy lui.

Thiệt hại của quân Nga được coi là nghiêm trọng nhất dọc theo xa lộ P66 nối liền Svatove và Kreminna. Từ hướng Svatove, Trung Đoàn 752 Súng Trường Cơ Giới tấn công vào Karmazynivka, nhưng bị đẩy lui bỏ lại hàng trăm xác đồng đội.

Trung Đoàn 488 Súng Trường Cơ Giới thuộc Tập Đoàn Quân số 20 của Nga tìm cách giải cứu cho Lữ Đoàn Dù 108 đang bị mắc kẹt tại Bilohorivka nhưng không thành công. 5 xe tăng và 4 xe thiết giáp bị bắn cháy. Bị quân Ukraine tập kích từ phía sau, Trung Đoàn 488 bỏ chạy để lại 5 hệ thống pháo chưa kịp phá hủy.

Trong vùng Zaporizhzhia, không quân Ukraine đánh trúng bộ chỉ huy tiền phương của Trung Đoàn Rosgvardiya của Vệ Binh Quốc Gia Nga đóng tại Dorozhnyanka, trước khi tiểu đoàn Địa Phương Quân Hulyaipole tràn ngập căn cứ này. Hàng chục phương tiện giao thông của Trung Đoàn Nga bị phá hủy. Bứng được cứ điểm Dorozhnyanka là phúc lớn cho người dân Hulyaipole, vì từ Dorozhnyanka quân Nga liên tục pháo kích tàn bạo vào thường dân vô tội.

Chỉ riêng trong 24 giờ qua, 790 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 12 xe tăng, 21 xe thiết giáp, 5 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 24 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 16 Tháng Giêng, 116.080 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.118 xe tăng, 6.204 xe thiết giáp, 2.099 hệ thống pháo, 438 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 220 hệ thống tác chiến phòng không, 286 máy bay, 276 trực thăng, 1.872 máy bay không người lái, 749 hỏa tiễn hành trình, 17 tàu chiến, 4.870 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 190 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Anh công bố gói viện trợ quân sự quan trọng nhất cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace đã công bố gói viện trợ quân sự quan trọng nhất cho Ukraine để đẩy nhanh thành công của Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

“Hôm nay, tôi có thể công bố gói sức mạnh chiến đấu quan trọng nhất cho đến nay để đẩy nhanh thành công của Ukraine,” ông Wallace nói.

Theo lời của ông, gói mới sẽ bao gồm một đội xe tăng Challenger 2 với các phương tiện phục hồi và sửa chữa bọc thép, tám khẩu súng AS90, 100 xe bọc thép và bảo vệ (bao gồm cả xe chở quân Bulldog), một phương tiện cơ động có khả năng xuyên phá bãi mìn và bắc cầu trị giá 28 triệu bảng Anh, thêm hàng chục hệ thống máy bay không người lái trị giá 20 triệu bảng để hỗ trợ pháo binh Ukraine, 100.000 viên đạn pháo, hàng trăm hỏa tiễn tinh vi hơn (bao gồm cả hỏa tiễn GMLRS, hỏa tiễn phòng không Starstreak và t hỏa tiễn phòng không tầm trung), và gói phụ tùng hỗ trợ thiết bị để tân trang tới 100 xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của Ukraine.

Theo Wallace, xe tăng và AS90 sẽ đến từ kho dự trữ của Vương quốc Anh, cùng với đạn dược liên quan của chúng và một số lượng đáng kể các khoản đóng góp khác sẽ được mua từ thị trường mở hoặc từ các quốc gia bên thứ ba.

“Gói hôm nay là một sự gia tăng quan trọng đối với năng lực của Ukraine. Điều đó có nghĩa là họ có thể đi từ kháng cự sang đánh đuổi lực lượng Nga khỏi đất Ukraine,” Wallace lưu ý.

Xin nhắc lại rằng Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã xác nhận quyết định của chính phủ gửi xe tăng Challenger 2 tới Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

5. Tấn công hỏa tiễn vào Dnipro: Số người thiệt mạng lên tới 40, trong đó có ba trẻ em

Số người thiệt mạng do cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhắm vào một chung cư cao tầng ở Dnipro đã tăng lên 40 người, trong đó có 3 trẻ em.

Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Kyrylo Tymoshenko cho biết

“Tính đến 13h00 ngày thứ Hai 16 tháng Giêng, 39 người đã được giải cứu (trong đó có 6 trẻ em), 40 người đã chết, trong đó có 3 trẻ em, 75 người bị thương (trong đó có 14 trẻ em) và 46 người được báo cáo là mất tích”

Hoạt động tìm kiếm và cấp cứu đang diễn ra. Kể từ cuộc tấn công, các dịch vụ thành phố đã loại bỏ hơn 8.000 tấn mảnh vỡ xây dựng và 41 phương tiện bị hư hỏng khỏi địa điểm này.

Tổng cộng có 544 người và 75 thiết bị đã tham gia vào chiến dịch, bao gồm 114 binh sĩ và 24 phương tiện của Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước.

6. Một dân thường thiệt mạng ở Kherson trong cuộc tấn công bằng pháo binh mới nhất của Nga khi một tòa nhà chung cư và một trường nội trú bị trúng đạn.

Thống Đốc Kheson là ông Yaroslav Yanushevych cho biết:

“Sáng thứ Hai 16 Tháng Giêng, pháo binh Nga đã tấn công Kherson... Tại quận Dniprovskyi của thành phố, đạn của kẻ thù đã đánh trúng một tòa nhà chung cư và một trường nội trú. Các báo cáo cho biết một cư dân của tòa nhà bị hư hại đã thiệt mạng. Người phụ nữ chết ngay tại chỗ, không chống chọi nổi với những vết thương do mảnh đạn gây ra”.

Theo ông Yaroslav Yanushevych, quân xâm lược cũng đã nhiều lần tấn công bệnh viện lâm sàng dành cho trẻ em trong khu vực: các cửa sổ ở khu sơ sinh bị đập vỡ.

Chỉ riêng trong ngày qua, quân đội Nga đã 90 lần nã pháo vào khu vực Kherson.

7. Cờ Ukraine sẽ trở lại sân bay Donetsk, Donetsk, và các thành phố và làng mạc khác của Donbas Ukraine.

“Tôi tin tưởng rằng lá cờ Ukraine sẽ trở lại sân bay Donetsk, và các thành phố, làng mạc khác ở Donbas của chúng ta và các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời khác.”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu mới nhất gởi quốc dân đồng bào sau các chiến thắng dồn dập trong ngày qua.

Ông lưu ý rằng Ukraine sẽ tưởng niệm những người bảo vệ sân bay Donetsk trong tuần này.

“Hôm nay chúng ta đã bắt đầu nhắc lại sự phòng thủ đó, chủ nghĩa anh hùng đó của nhân dân chúng ta. Cuộc giao tranh bắt đầu vào tháng 5 năm 2014. Người bảo vệ cuối cùng rời khỏi sân bay Donetsk vào ngày 23 tháng Giêng năm 2015. Và đó là cách phòng thủ mà cả thế giới lẽ ra phải thấy từ thời điểm đó, và nhận ra sự bất khả chiến bại của Ukraine có nghĩa là gì,” Tổng thống nói.

Vào tháng Giêng, Ukraine đánh dấu Ngày Tưởng niệm những người bảo vệ Sân bay Donetsk, được thành lập theo sáng kiến của những người lính Ukraine đã bảo vệ Sân bay Quốc tế Donetsk trong 242 ngày. Những người bảo vệ sân bay Donetsk được gọi là “người máy” vì sự kiên cường, dũng cảm và bất khả chiến bại của họ.

Tổng thống Zelenskiy nhắc nhớ rằng việc bảo vệ sân bay Donetsk khỏi quân xâm lược Nga đã kéo dài từ ngày 26 tháng 5 năm 2014 đến ngày 22 tháng Giêng năm 2015.

Tháng Giêng năm 2015 chứng kiến những trận chiến đẫm máu và ác liệt nhất. Vào ngày 13 tháng Giêng, do các cuộc tấn công lớn liên tục của kẻ thù, tháp điều khiển đã sụp đổ. Hình ảnh của nó đã trở thành một biểu tượng của nỗ lực phòng thủ sân bay.

Sau đó, cuộc chiến diễn ra trên các tầng của nhà ga mới. Trong các ngày từ 18 đến 20 tháng Giêng, quân đội Ukraine đã giữ được tầng trệt, tầng hầm trong khi các tầng trên bị kẻ thù kiểm soát.

Quân xâm lược Nga đã sử dụng hiệp định đình chiến để di tản những người thiệt mạng và bị thương của họ, đặt mìn trần của tòa nhà và cho nổ tung nó. Những ngày đó, 58 người bảo vệ-”người máy” đã thiệt mạng trong vụ nổ. Tổng cộng, theo dữ liệu chính thức, khoảng 100 quân nhân đã thiệt mạng khi bảo vệ sân bay Donetsk.

8. Quan chức Nga tiết lộ Robot chiến đấu 'Marker' sẽ được gửi đến Ukraine

Trước tình trạng dân Nga ngày càng xuống tinh thần, các quan chức Nga đang tìm cách lên giây cót tinh thần của người dân bằng cách tung ra câu chuyện Robot chiến đấu 'Marker' sẽ được gửi đến Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian 'Marker' Combat Robots to Be Sent to Ukraine, Official Reveals”, nghĩa là “Quan chức Nga tiết lộ Robot chiến đấu 'Marker' sẽ được gửi đến Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các robot chiến đấu “Marker” của Nga sẽ được triển khai tới tiền tuyến trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga, truyền thông nhà nước Nga đưa tin hôm Chúa Nhật.

Các robot chiến đấu sẽ trải qua “lễ rửa tội bằng lửa” trên chiến trường vùng Donbas, miền Đông Ukraine, Dmitry Rogozin, người đứng đầu nhóm cố vấn quân sự “Những con sói Sa hoàng”, đã thông báo trên tài khoản Telegram của mình.

Rogozin, cựu giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, nói thêm rằng robot chiến đấu “Marker” “hoạt động tự chủ” để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, cũng như định vị mục tiêu từ khoảng cách khoảng 15 km, theo hãng thông tấn nhà nước TASS. Robot chiến đấu cũng có thể xác định chính xác và bắn vào các mục tiêu của đối phương “trong khu vực bị ảnh hưởng bằng vũ khí hỏa lực của chính nó,” Rogozin viết.

Các robot đã được thử nghiệm tại Sân bay vũ trụ Vostochny của Nga, TASS đưa tin, trước khi “một số” đơn vị hướng tới miền Đông Ukraine.

Các cuộc thử nghiệm cuối cùng dành cho “Marker” đã được truyền thông nhà nước công bố vào tháng 6 năm 2020. Vào thời điểm đó, người đứng đầu nhà phát triển robot xác nhận rằng sau đó chúng sẽ được trao cho Bộ Quốc phòng Nga.

Oleg Martyanov, người đứng đầu Trung tâm quốc gia về phát triển công nghệ và các yếu tố cơ bản của người máy thuộc Quỹ nghiên cứu tiên tiến Nga, cho biết các nhà phát triển đã “dạy 'Marker' cách bắn không chỉ từ súng thể thao mà còn từ súng máy Kalashnikov nhanh hơn nhiều lần so với con người.”

Ông nói thêm rằng robot chiến đấu có thể phân biệt giữa dân thường và quân nhân để tấn công vào những người gây ra “mối đe dọa trực tiếp”, do đó “bỏ qua các vật thể được tìm thấy dọc theo quỹ đạo di chuyển”.

Hôm thứ Tư, hãng thông tấn nhà nước của Nga, Ria Novosti, đưa tin rằng công việc chế tạo robot chiến đấu “Marker” đã hoàn thành. Báo cáo cho biết robot chiến đấu nặng khoảng 3 tấn và có khả năng được trang bị nhiều hệ thống vũ khí khác nhau.

Ria Novosti ca ngợi “Marker” có “kỹ năng lái xe tự động tiên tiến nhất ở Nga với khả năng nhận dạng đối tượng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo”.

Vào tháng 11 năm 2021, Ria Novosti đưa tin “Marker” đã được nâng cấp để hoạt động như một “người đưa tin” tự động, cũng như được trang bị khả năng di tản quân nhân bị thương khỏi chiến trường.

Tháng trước, TASS đưa tin “Marker” sẽ có thể chống lại các máy bay không người lái, thông qua “xung điện tử” và “máy bay không người lái cảm tử”. TASS, trích dẫn dịch vụ báo chí của nhà sản xuất Android Technics, cho biết robot chiến đấu sẽ có thể phát hiện máy bay không người lái, binh sĩ và các phương tiện của đối phương.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.
 
Năm 2023: Triển vọng Việt Nam có tân Hồng Y. Khủng bố Hồi Giáo đánh bom nơi ĐTC sắp đến thăm
VietCatholic Media
05:06 17/01/2023


1. Hy vọng Việt Nam có thể có tân Hồng Y trong năm nay

Thêm một Hồng Y tròn 80 tuổi và số Hồng Y cử tri xuống còn 124 vị, từ ngày 14 tháng Giêng vừa qua. Đó là Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, nguyên Giám mục Giáo phận Genova, bắc Ý, và nguyên là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu.

Trong năm nay, sẽ có thêm 10 Hồng Y tròn 80 tuổi, và như thế, số Hồng Y cử tri giảm xuống 114 dưới mức 120. Thành ra, có thể Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm thêm các tân Hồng Y mới.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, sinh ngày 14 tháng Giêng năm 1943 tại giáo phận Brescia bắc Ý, nhưng theo gia đình trở về lập nghiệp tại thành phố cảng Genova và thụ phong linh mục tại đây năm 1966.

Năm 1998, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Pesaro. Năm năm sau, 2003, ngài làm Đức Tổng Giám Mục Giáo hạt quân đội Ý, và năm 2006, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Genova, thay thế Đức Hồng Y Tarcisio Bertone được chọn làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Đức Bênêđíctô tấn phong Đức Tổng Giám Mục Angelo Bagnasco lên hàng Hồng Y năm 2007.

Đức Thánh Cha Phanxicô có cách hành động hơi khó đoán. Năm 2017, ngài đã không tấn phong Hồng Y cho Đức Cha José Luis Escobar Alas, Tổng Giám Mục San Salvador, nhưng lại tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận.

Năm ngoái 2022, ngài tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Robert W. McElroy, Giám Mục San Diego trong Giáo Tỉnh Los Angeles mà không tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José Horacio Gómez, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ngài cũng tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Giorgio Marengo, Giám Quản Tông Tòa Ulaanbaator, nơi số giáo dân Công Giáo chỉ có 919 người.

Đức Thánh Cha có thể có những lý do của ngài để làm như thế nhưng cách hành động như thế gây ngạc nhiên cho nhiều người. Việc tấn phong Hồng Y cho những nơi ít người Công Giáo như thế có thể không có tác dụng bao nhiêu so với các quốc gia có đông tín hữu như ở Việt Nam.

Ngày 20 tháng 11 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Cornelius Sim của Brunei, một quốc gia chỉ có 16,803 người Công Giáo sinh hoạt trong 3 giáo xứ và chỉ có 3 linh mục. Tuy nhiên, việc tấn phong này đã tạo ra một phản ứng ngược từ chính quyền Hồi Giáo Brunei. Họ tỏ ra kinh ngạc và khó hiểu đối với diễn biến này và coi đây là một “âm mưu của Vatican”. Vì chuyện này, và lấy lý do đại dịch coronavirus, Giáng Sinh 2020 tại Brunei đã trở nên khó khăn hơn bao giờ.

Ngoài ra, còn có một âu lo khác là các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn không quen biết nhau. Việc bầu tân Giáo Hoàng có thể sẽ có nhiều khó khăn.

Hồng Y đoàn hiện nay còn 223 vị trong đó có 124 Hồng Y cử tri và 99 vị không còn quyền bầu Giáo Hoàng.

Trong số 124 Hồng Y cử tri

10 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

33 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

81 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Trong số 99 vị không có quyền bầu Giáo Hoàng

38 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

31 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

30 vị được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Tính chung,

48 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

64 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

111 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80 vào đầu tháng Tư 2018. Từ đó đến nay gần 5 năm trôi qua, Việt Nam không có tân Hồng Y. Chúng ta hãy hy vọng rằng, năm nay, sau nhiều năm chờ đợi, Việt Nam sẽ có một tân Hồng Y.

Trong số các vị Giám Mục Việt Nam, 3 vị Tổng Giám Mục vẫn là những người có nhiều triển vọng được tấn phong Hồng Y nhất.

Nếu tính theo thâm niên Tổng Giám Mục, trước hết, chúng ta có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế. Ngài sinh năm 1949, được thụ phong linh mục tại giáo phận Nha Trang vào năm 1992. Ngày 12 tháng 06, 2004, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính toà giáo phận Thanh Hoá. Ngày 29 tháng 10, 2016, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Chính toà Tổng giáo phận Huế, kiêm Giám quản Tông toà giáo phận Thanh Hoá.

Tiếp theo là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài sinh năm 1960, được thụ phong linh mục năm 1988. Ngày 06 tháng 11, 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục Hải Phòng. Ngày 17 tháng 11 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên làm Tổng giám mục Hà Nội.

Sau cùng là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sài Gòn. Ngài sinh năm 1953, được thụ phong linh mục tại giáo phận Xuân Lộc năm 1990. Ngày 25 tháng 07, 2009, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Ngày 19 tháng 10, 2019, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sài Gòn.

2. Nhà nước Hồi giáo đánh bom nhà thờ ở Congo, nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom chết người tại một buổi lễ của Giáo Hội Tin lành vào hôm Chúa Nhật tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào một nhà thờ ở thị trấn Kasindi, miền đông Congo, giáp biên giới với Uganda hôm 15 Tháng Giêng.

Các quan chức chính phủ Congo đã liên kết vụ tấn công với Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF, một nhóm vũ trang ở miền đông Congo là một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo.

“Những kẻ khủng bố đã sử dụng bom tự chế để thực hiện vụ tấn công và chúng ta nghi ngờ ADF đứng sau vụ tấn công,” Bilal Katamba, phát ngôn viên của chiến dịch quân sự của Uganda, nói với AFP.

Tuy nhiên, Nhà nước Hồi giáo sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên tài khoản Telegram của mình.

Vụ đánh bom nhà thờ xảy ra chỉ vài tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị công du Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối tháng này.

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ viếng thăm thủ đô Kinshasa của Congo từ ngày 31 tháng Giêng đến ngày 3 tháng 2, nơi ngài sẽ gặp gỡ các nạn nhân của bạo lực từ khu vực phía đông của đất nước.

Người đoạt giải Nobel Hòa bình Denis Mukwege đã nói rằng hy vọng chuyến viếng thăm vào tháng Giêng của Đức Thánh Cha sẽ làm sáng tỏ “những tội ác chống lại loài người” xảy ra ở khu vực phía đông của DRC.

Lực lượng Dân chủ Đồng minh đã tấn công một bệnh viện truyền giáo Công Giáo ở tỉnh Bắc Kivu phía đông bắc của đất nước vào tháng 10 và giết chết sáu bệnh nhân và Nữ tu Công Giáo Marie-Sylvie Kavuke Vakatsuraki.

Một nhóm phiến quân vũ trang khác, M23, đã hành quyết 131 người “như một phần của chiến dịch giết người, hãm hiếp, bắt cóc và cướp bóc nhằm vào hai ngôi làng”, Liên Hiệp Quốc đưa tin vào ngày 8 tháng 12.

Bạo lực ở miền đông Congo đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với hơn 5.5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, con số người phải di tản trong nước cao thứ ba trên thế giới.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn sau khi 69 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Nepal

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn sau khi ít nhất 69 người thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở Nepal hôm Chúa Nhật.

Đức Thánh Cha đã gửi một bức điện chia buồn tới Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari vào ngày 16 tháng Giêng sau khi chuyến bay 691 của Yeti Airlines bị rơi khi đang cố gắng hạ cánh xuống thành phố Pokhara của Nepal.

Máy bay chở 72 hành khách từ Kathmandu đến Pokhara, một điểm dừng chân phổ biến cho những người đi bộ ở dãy núi Annapurna thuộc dãy Hi Mã Lạp Sơn.

Mười lăm công dân nước ngoài đã ở trên máy bay, đến từ Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Á Căn Đình, Pháp, Ái Nhĩ Lan và Úc. Theo hãng tin AP, ít nhất 69 hành khách đã được xác nhận là đã chết.

Bức điện do Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa thánh gửi thay mặt cho Đức Thánh Cha cho biết: “Thật đau buồn trước vụ tai nạn của chiếc máy bay Yeti Airlines gần Pokhara, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn đến các bạn và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, cùng với những lời cầu nguyện cho những người tham gia vào các nỗ lực phục hồi.”

“Phó dâng linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót của Đấng Toàn năng, Đức Thánh Cha cầu khẩn cho những người đang thương tiếc sự mất mát những phước lành thiêng liêng chữa lành và bình an.”
 
Putin buộc Gerasimov phải chiếm Donbas trước cuối tháng 3. Đảo chính lật đổ Putin xem ra dễ dàng hơn
VietCatholic Media
15:44 17/01/2023


1. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết Putin chỉ thị cho Gerasimov phải chiếm Donbas trước tháng 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho tân Tổng Tư Lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine, Valeriy Gerasimov, phải chiếm hoàn toàn vùng Donbas vào tháng 3.

Andriy Yusov, đại diện của Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine nói: “Putin không chú ý đến thực tế, đó là lý do tại sao ông ta không thay đổi các mục tiêu toàn cầu của mình. Ông ta vẫn khăng khăng muốn tiêu diệt người Ukraine với tư cách là một dân tộc, một quốc gia tách biệt với Nga; và tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập. Không hề chú ý đến thực tế trên chiến trường nên ông ta mới có thể đặt ra những mục tiêu như vậy. Và mốc thời gian mà ông ta hạn định cho Gerasimov, tân Tổng Tư Lệnh của cuộc chiến chống lại Ukraine cũng là phi thực tế”

Ông lưu ý rằng đây không phải là mốc thời gian đầu tiên mà Liên bang Nga tự đặt ra và mỗi lần chúng đều bị hoãn lại.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, các lực lượng Nga và lực lượng ly khai đã đặt mục tiêu chiếm giữ vùng Donbas, bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk. Nhiều bộ phận của các vùng này, bao gồm cả các thủ phủ Donetsk và Luhansk, đã bị chiếm giữ trong các cuộc nổi dậy thân Nga vào năm 2014.

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2022, vùng Luhansk gần như nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Nga sau khi Ukraine rút quân khỏi Sievierodonetsk và Lysychansk. Chiến trường chuyển sang các thành phố Bakhmut, Siversk và Soledar, tất cả đều là các thị trấn trọng yếu ở khu vực Donetsk.

Trước đây, Putin đã ra hạn chót để chiếm toàn vùng Donbas là ngày 15 tháng 9 vừa qua. Ngày đó đã trôi qua, Nga không chiếm được thêm lãnh thổ nào mà còn mất nhiều vùng rộng lớn.

Hạn chót do Putin đưa ra đã xảy ra trong bối cảnh Lữ Đoàn Dù 108 của Nga bị tiêu diệt gần như hoàn toàn ở Kreminna. Ngoài ra còn có sự hục hặc giữa trùm du đảng Wager Yevgeny Prigozhin và Bộ Quốc Phòng Nga.

Hôm thứ Hai, một chỉ huy Wagner trốn khỏi Nga và xin tị nạn với Na Uy cho biết khả năng rất cao là Putin sẽ từ chức vào tháng Ba tới đây, và có khả năng cao là Nga sẽ xảy ra nội chiến. Putin đã cho trùm du đảng Wager Yevgeny Prigozhin đi khắp các nhà tù Nga để tuyển mộ những tên đầu trộm đuôi cướp tham gia trong công ty quân sự tư nhân của Prigozhin. Một khi cuộc nội chiến xảy ra, có khả năng rất cao là Prigozhin sẽ cướp được chính quyền.

Một cựu chỉ huy Nga là Igor Girkin cũng cho rằng có khả năng của các cuộc nội chiến như thế là rất cao, và khả năng Nga bị lãnh đạo bởi một tên trùm du đãng là hoàn toàn có thể xảy ra.

2. Chín thường dân bị thương trong cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Zaporizhzhia

Số thường dân bị thương trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thành phố Zaporizhzhia diễn ra đêm 16 Tháng Giêng đã tăng từ 5 lên 9 người.

Cảnh sát Quốc gia Ukraine ở khu vực Zaporizhzhia đã cho biết như trên.

“Chín người bị thương trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn. Bốn người trong số họ đã được đưa đến bệnh viện, trong đó có hai trẻ em, 9 và 15 tuổi,” báo cáo viết.

Theo cảnh sát, quân xâm lược đã nhắm vào thường dân bằng hỏa tiễn S-300 đánh cách khu chung cư 5 tầng 2 mét.

3. Phát ngôn viên Không quân nói Nga có thể có hàng trăm hỏa tiễn Kh-22

Phát ngôn nhân Bộ Tư lệnh Không quân Yuriy Ihnat một lần nữa nhấn mạnh lực lượng phòng không Ukraine không có khả năng bắn hạ các hỏa tiễn Kh-22 đang lao tới.

Ihnat nói thêm rằng kho dự trữ hỏa tiễn liên quan của Nga có thể lên tới hàng trăm. Ông nhấn mạnh rằng, Ukraine từng có hỏa tiễn Kh-22 trong kho vũ khí của mình, nhưng một phần trong số chúng đã được chuyển cho Liên bang Nga dưới hình thức thanh toán các khoản nợ khí đốt, trong khi một phần đã được phá hủy.

Phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân bảo đảm rằng tội phạm chiến tranh Nga chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động tàn bạo của chúng.

“Họ hiện đang đóng quân tại sân bay Shaykovka ở Nga. Dữ liệu cá nhân của chỉ huy của họ và gia đình anh ta đã được công khai. Chúng ta không được dùng đến những phương pháp khủng bố. Tuy nhiên, rõ ràng chúng là những kẻ cặn bã và tội phạm. Chúng sẽ bị trừng phạt, điều đó rõ ràng. Tôi nghĩ rằng danh sách nhân sự, có thể là của toàn bộ trung đoàn, có sẵn cho các dịch vụ đặc biệt của chúng ta”.

Ihnat lưu ý rằng ngày nay việc tìm kiếm những danh sách này và xác định tên của tất cả mọi người không phải là vấn đề - từ phi hành đoàn thực hiện mệnh lệnh đến chỉ huy cấp cao đã ra lệnh bắn vào thành phố đông dân cư bằng hỏa tiễn Kh-22, có thể đi chệch khỏi mục tiêu lên đến 600 mét.

Như đã đưa tin, ngày 14 Tháng Giêng, một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng tòa nhà chung cư 9 tầng ở Dnipro, phá hủy hai dãy nhà từ tầng 9 đến tầng 2, 72 căn hộ bị phá hủy hoàn toàn và hơn 230 căn hộ bị hư hại.

Theo Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước, tính đến 13:00 ngày 16 tháng 1, số người chết đã tăng lên 40. Trong số những người thiệt mạng do cuộc không kích của Nga, có 3 trẻ em.

4. Kyiv cho biết Nga tấn công Dnipro bằng hỏa tiễn được mệnh danh là 'sát thủ tàu sân bay' được chế tạo để tiêu diệt tàu chiến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Hit Dnipro With 'Carrier Killer' Missile Made To Destroy Ships: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga tấn công Dnipro bằng hỏa tiễn được mệnh danh là 'sát thủ tàu sân bay' được chế tạo để tiêu diệt tàu chiến”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo lực lượng vũ trang Ukraine, hỏa tiễn Nga đã cướp đi sinh mạng của hàng chục dân thường sau khi tấn công một tòa nhà chung cư ở miền trung Ukraine bằng hỏa tiễn được thiết kế để tấn công các tàu sân bay trên biển.

Vào tối thứ Bảy, hỏa tiễn đã đánh trúng một tòa nhà chung cư nhiều tầng ở thành phố Dnipro khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, trong số đó có hai trẻ em, thống đốc khu vực Dnipropetrovsk, Valentyn Reznichenko, cho biết hôm thứ Hai. Trong một bài đăng trên Telegram, ông cho biết 75 người đã bị thương, trong đó có 14 trẻ em và các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn đang được tiếp tục.

Tuy nhiên, thị trưởng của Dnipro, Borys Filatov, nói với hãng tin Reuters rằng cơ hội “cứu người bây giờ là rất ít,” và cơ quan này báo cáo rằng lực lượng cứu hộ ở nhiệt độ dưới 0 độ C đang sử dụng thời gian im lặng để giúp xác định vị trí những người có khả năng đang kêu cứu dưới đống đổ nát của tòa nhà.

Phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine cho biết hôm thứ Bảy rằng hỏa tiễn được sử dụng để tấn công khu chung cư được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” và “được thiết kế để tiêu diệt các nhóm tàu sân bay trên biển”.

Yurii Ihnat, được Ukrainska Pravda trích dẫn, nói thêm rằng hỏa tiễn Kh-22 cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Theo Ihnat, hỏa tiễn được phóng từ máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3. Ông so sánh cuộc tấn công hôm thứ Bảy với cuộc tấn công của Nga vào một trung tâm mua sắm ở thành phố Kremenchuk, miền trung Ukraine vào ngày 27 tháng 6 năm 2022, mà lực lượng của Kyiv cho rằng có liên quan đến một hỏa tiễn hành trình Kh-22 phóng từ trên không, được thiết kế để nhắm vào các tàu chiến.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã chia sẻ một đoạn video về hậu quả của cuộc tấn công ngay sau vụ tấn công, trong đó có thể nhìn thấy khói dày đặc bốc lên từ đống đổ nát nơi từng là một khu chung cư trước đó. Có thể nhìn thấy các phương tiện và đội cứu nạn chiếu đèn pin vào đám khói, và các tòa nhà xung quanh, mặc dù vẫn đứng vững, nhưng đã chịu thiệt hại đáng kể.

Văn phòng Tổng công tố Ukraine tuyên bố Trung đoàn máy bay ném bom cận vệ số 52 của Nga chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Sau vụ tấn công, Trung tướng Nikolai Oleshuk, Tư lệnh Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết Ukraine không có công nghệ đánh chặn hỏa tiễn Kh-22.

Lực lượng vũ trang Ukraine “không có thiết bị hỏa lực nào có khả năng bắn hạ loại hỏa tiễn này”, theo Oleshuk. Ông khẳng định rằng không quân Ukraine chưa từng đánh chặn thành công một hỏa tiễn nào trong số 210 hỏa tiễn Kh-22 bắn vào Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2.

Oleshuk cho biết, trong số các hệ thống có khả năng bắn hạ hỏa tiễn Kh-22 đang bay tới có Patriot, đây là một phần trong gói viện trợ quân sự được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 12.

Washington đang gửi một khẩu đội phòng không Patriot tới Ukraine, và Ngũ Giác Đài hôm 10 Tháng Giêng cho biết có tới 100 binh sĩ Ukraine sẽ tới Mỹ để được huấn luyện về hệ thống phòng không.

Newsweek đã tiếp cận Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

5. Tay sai của Nga thừa nhận rằng Nga không thể chiếm các khu vực quan trọng của Ukraine một cách 'nhanh chóng'

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho tân Tổng Tư Lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine, Valeriy Gerasimov, phải chiếm hoàn toàn vùng Donbas trước cuối tháng 3. Tuy nhiên, một tay sai của Nga thừa nhận rằng đó là một điều bất khả thi. Ngay cả việc chiếm nốt phần còn lại của tỉnh Zaporizhzhia cũng xem ra là không thể.

Chính trong ngày ông ta trả lời cuộc phỏng vấn một đài truyền hình thân Nga, không quân Ukraine đã đánh trúng bộ chỉ huy tiền phương của Trung Đoàn Rosgvardiya của Vệ Binh Quốc Gia Nga đóng tại Dorozhnyanka, trước khi tiểu đoàn Địa Phương Quân Ukraine từ Hulyaipole tràn ngập căn cứ này. Hàng chục phương tiện giao thông của Trung Đoàn Nga bị phá hủy; và có tin cho rằng không một người Nga nào chạy thoát. Tất cả đều bị bắt hoặc bị giết chết.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Can't Take Key Ukrainian Region 'Quickly,' Occupation Leader Admits”, nghĩa là “Tay sai của Nga thừa nhận rằng Nga không thể chiếm các khu vực quan trọng của Ukraine một cách 'nhanh chóng'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Người đứng đầu chính quyền bù nhìn của Nga ở khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine, bị xâm lược một phần, đã thừa nhận rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa sẽ không thể giành quyền kiểm soát phần còn lại của khu vực một cách “nhanh chóng”, đổ lỗi cho sự kháng cự của quân Ukraine và hoạt động của phương Tây.

Yevgeny Balitsky, một chính trị gia người Ukraine, người đã trở thành quyền thống đốc của khu vực Zaporizhzhia bị Nga xâm lược—được gọi là Zaporozhye—vào tháng 10 năm 2022. Ông ta nói với kênh truyền hình Krym-24 thân Cẩm Linh hôm thứ Hai rằng các lực lượng Nga phải đối mặt với một khó khăn trong việc chiếm phần còn lại của vùng Zaporizhzhia.

“Không có cách nào chiếm được Zaporizhzhia một cách nhanh chóng,” Balitsky nói “Các biện pháp truy quét sẽ phải được sử dụng. Chúng ta sẽ phải rà phá những khu vực rộng lớn bị gài mìn.”

“ Chúng ta cũng thấy các phương pháp mà Hoa Kỳ và liên minh Âu Châu đã và đang sử dụng để tẩy não người dân, những người cầm vũ khí hoặc những người chỉ đơn giản là bị động viên.”

“Họ không hiểu gì về lịch sử cũng như văn hóa,” Balitsky nói về những người Ukraine từ chối hợp tác với Nga và đang chống lại câu chuyện của Nga nhằm biện minh cho hành vi gây hấn của Mạc Tư Khoa đối với Ukraine kể từ năm 2014.

Balitsky cho biết mùa xuân sẽ là thời điểm sớm nhất để các lực lượng Nga có thể phát động một cuộc tấn công mới nhằm chiếm lấy khu vực. “Tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra sớm hơn,” anh nói.

Balitsky quê ở Melitopol, từng phục vụ trong lực lượng không quân Liên Xô và Ukraine trước khi trở thành doanh nhân và dấn thân vào chính trường. Ông là một thành viên kỳ cựu của các đảng thân Nga ở Ukraine—hiện đã bị cấm—và bắt đầu hợp tác với các lực lượng của Mạc Tư Khoa ngay sau khi họ vượt qua biên giới vào tháng Hai.

Baltisky đã bị Hoa Kỳ, Anh và Liên minh Âu Châu đặt dưới các lệnh trừng phạt, và đã cùng với những người đứng đầu các tỉnh khác có mặt tại Điện Cẩm Linh vào cuối tháng 9 khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập bốn khu vực Ukraine bị xâm lược một phần vào Liên bang Nga.

Nga đang ở thế yếu ở miền nam Ukraine, sau khi bị đẩy ra khỏi thành phố Kherson vào mùa thu. Tiền tuyến trong khu vực đã trở nên tĩnh lặng khi mùa đông bắt đầu, mặc dù khu vực phía nam thành phố Zaporizhzhia - nơi vẫn do Ukraine nắm giữ - có thể là mục tiêu cho cuộc phản công tiếp theo của Ukraine trong những tháng tới.

Nếu các lực lượng Ukraine có thể phá vỡ phòng tuyến của Nga ở phía nam Zaporizhzhia, thì thành phố Melitopol bị xâm lược là một mục tiêu hấp dẫn. Theo thị trưởng lưu vong Ivan Fedorov, thành phố này là trụ sở của chính quyền khu vực bù nhìn của Nga và là “chìa khóa của Crimea”.

Việc giải phóng nó sẽ gây nguy hiểm cho cây cầu trên đất liền của Nga chạy từ bán đảo Crimea bị xâm lược đến tận biên giới Nga. Việc thiết lập cây cầu trên bộ này là ưu tiên hàng đầu của các lực lượng Nga xâm lược và vẫn là một trong số ít thành tựu chiến lược của Nga trong gần 11 tháng chiến đấu.

Khu vực phía đông Donetsk là tâm điểm của cuộc giao tranh gần đây, với các đơn vị Nga - do lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner chỉ huy - giành được lợi thế xung quanh các thị trấn bị tàn phá Bakhmut và Soledar. Ở những nơi khác, các lực lượng Ukraine đang tiến công từ từ xung quanh thị trấn Kreminna ở khu vực phía đông Luhansk.

Mạc Tư Khoa sẽ hy vọng rằng hàng trăm nghìn binh sĩ được huy động của họ có thể tăng cường khả năng tấn công ở miền nam Ukraine và các nơi khác, đồng thời giúp cải tổ các đơn vị bị tổn thất nặng nề trong nhiều tháng. Các nhà lãnh đạo Ukraine đã cảnh báo rằng quân đội Nga có thể sẽ tiến hành các hoạt động mới vào năm 2023, mặc dù vẫn còn phải xem những nỗ lực đó có thể đến đâu.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận.

6. Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân ở Âu Châu

Viktor Volodymyrovych Medvedchuk, sinh ngày 7 tháng 8 năm 1954, là một luật sư, nhà tài phiệt kinh doanh và chính trị gia người Ukraine gốc Nga. Ông ta là bạn thân của Putin.

Từ năm 1997 đến năm 2002 Medvedchuk là thành viên của quốc hội Ukraine. Medvedchuk phục vụ từ năm 2002 đến 2005 với tư cách là chánh văn phòng cho cựu tổng thống Ukraine Leonid Kuchma. Sau đó, ông vắng mặt trên chính trường quốc gia cho đến năm 2018 khi được bầu làm chủ tịch đảng đối lập thân Nga. Trong cuộc bầu cử quốc hội Ukraine năm 2019, đảng này đã giành được 37 ghế.

Vladmir Putin và Viktor Medvedchuk cùng nhau đi nghỉ trên Hắc Hải. Họ tiến hành kinh doanh với nhau. “Mối quan hệ của chúng tôi đã phát triển hơn 20 năm,” Medvedchuk nói với tờ Time trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào mùa xuân năm ngoái ở Kyiv. Putin là cha đỡ đầu của con gái út của Medvedchuk.

Theo các tài liệu do quân Ukraine bắt được của quân Nga, Viktor Medvedchuk, là người được Putin chỉ định làm tổng thống Ukraine nếu Nga chiếm được Kyiv trong cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai năm ngoái.

Ngày 19 tháng 2, 2022, ông ta đã bị quản thúc tại gia để chờ này xét xử về tội phản quốc. Khi cuộc xâm lược của Putin nổ ra, ông ta bỏ trốn được với sự giúp đỡ của các đặc vụ Nga. Sau đó, trong một cuộc đột kích táo bạo vào tháng Tư, 2022, quân Ukraine đã bắt giữ Medvedchuk sau khi bắn chết các đặc vụ Nga đang bảo vệ cho ông ta. Ngày 21 tháng 9, 2022, Viktor Medvedchuk, cùng với 55 tù binh Nga, đã được trao trả cho phía Nga để đổi lấy 215 sĩ quan và binh lính Ukraine.

Tờ Newsweek vừa có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Issues Stark Warning Over Possibility of Nuclear War in Europe”, nghĩa là “Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân ở Âu Châu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Viktor Medvedchuk, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về khả năng chiến tranh hạt nhân nổ ra ở Âu Châu.

Medvedchuk, một nhà tài phiệt Ukraine thân Cẩm Linh, người đã được Kyiv trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân với Nga vào tháng 9 năm 2022, đã đưa ra nhận xét trên trong một bài báo bàn về nhiều thứ cho Izvestia, một tờ báo khổ rộng hàng ngày ở Nga.

Người đàn ông 68 tuổi này có quan hệ thân thiết với Putin, người được cho là cha đỡ đầu của cô con gái út của ông. Medvedchuk là cựu lãnh đạo của một đảng đối lập thân Nga ở Ukraine, và đã bị cơ quan an ninh nhà nước Ukraine, hay SBU, bắt giữ vào tháng 4 sau khi ông trốn khỏi sự quản thúc tại gia trong khi chờ xét xử về tội phản quốc. Kyiv đã tước quốc tịch Ukraine của anh ta.

Trong bài báo đăng hôm thứ Hai, Medvedchuk bắt đầu với nhận định cho rằng cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, được phát động vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, “không chỉ giới hạn ở Ukraine” mà còn ảnh hưởng đến “nhiều quốc gia”.

Ông gợi ý rằng các đồng minh Âu Châu của Ukraine đưa cuộc xung đột đến quốc gia họ khi hỗ trợ cho Ukraine.

Ông Medvedchuk nói: “Âu Châu không còn dạy chính trị Ukraine nữa, mà Ukraine dạy Âu Châu cách đạt được sự suy giảm kinh tế và nghèo đói với sự trợ giúp của chính sách thù hận và không khoan nhượng. Và nếu Âu Châu tiếp tục duy trì chính sách này, nó sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh, có thể là một cuộc chiến tranh hạt nhân.”

Putin cho biết vào tháng 9 năm 2022 rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của mình. Chủ đề này vẫn thường xuyên được thảo luận trên truyền hình nhà nước Nga.

Medvedchuk cho biết ông chỉ thấy có hai cách để thoát khỏi cuộc chiến hiện tại, hiện đã bước sang tháng thứ 11.

Ông nói: “Và bây giờ chỉ có hai lối thoát: lao vào một cuộc chiến tranh thế giới và xung đột hạt nhân, hoặc bắt đầu lại quá trình hòa dịu, và điều cần thiết là phải tính đến lợi ích của tất cả các bên. Nhưng để đạt được điều này, cần phải thừa nhận về mặt chính trị rằng Nga phải có lợi ích, và những lợi ích như thế phải được tính đến trong việc xây dựng một chính sách hòa bình mới.”

Medvedchuk nói thêm: “Và quan trọng nhất, hãy chơi một cách trung thực, không lừa dối bất kỳ ai, không để cho có sương mù và không cố gắng kiếm tiền từ máu của người khác”. “Nhưng nếu hệ thống chính trị thế giới không có khả năng đứng đắn cơ bản, bị mù quáng bởi niềm tự hào và lợi ích trọng thương của chính nó, thì những thời điểm khó khăn hơn nữa đang chờ đợi chúng ta.”

Theo ông Medvedchuk, cuộc chiến có thể lan sang Âu Châu và các quốc gia khác, hoặc sẽ được “khoanh vùng và giải quyết” nếu phương Tây buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải tuân theo yêu cầu của Nga.

Zelenskiy đưa ra “công thức hòa bình” gồm 10 bước của mình trong một bài phát biểu ảo trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào tháng 11.

10 bước được ông vạch ra là: an toàn bức xạ và hạt nhân; an toàn thực phẩm; An ninh năng lượng; trả tự do cho tất cả các tù nhân và những người bị trục xuất; thực hiện Hiến chương Liên Hiệp Quốc và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trật tự thế giới; rút quân Nga và chấm dứt chiến sự; phục hồi công lý; chống lại chất diệt sinh thái; ngăn chặn leo thang; và xác nhận chiến tranh kết thúc.

Nga đang yêu cầu quốc tế công nhận việc nước này tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ bị xâm lược một phần ở miền đông Ukraine.

Medvedchuk hỏi: “Làm sao có thể giải quyết được nếu đảng chiến tranh thống trị tối cao ở Ukraine, kích động sự cuồng loạn quân sự vốn đã vượt ra khỏi biên giới đất nước và vì lý do nào đó mà phương Tây ngoan cố gọi đó là dân chủ?”

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Ukraine và Nga để bình luận.
 
Nội dung cuốn sách của thư ký Đức Bênêđíctô XVI. Bắc Kinh khoe thành tích Trung Quốc hóa Công Giáo
VietCatholic Media
17:23 17/01/2023

1. Đọc gì trong cuốn sách 'Nói tất cả' của thư ký Đức Bênêđíctô XVI

Báo chí xoáy mạnh vào câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong 20 năm, đã phàn nàn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến ngài trở thành một “giám chức hữu danh vô thực”. Tuy nhiên, trong cuốn sách mới nhất của ngài có rất nhiều điều thú vị và tích cực.

Thật vậy, trong khi sự cường điệu xung quanh việc xuất bản tập trung vào tình huống cụ thể đó – tức là việc loại bỏ Đức Tổng Giám Mục Gänswein với tư cách là người đứng đầu Phủ Giáo hoàng - và đã mô tả đặc điểm của vị tổng giám mục là sẵn sàng gây căng thẳng, gần như đặt triều đại giáo hoàng này chống lại triều đại giáo hoàng kia, cuốn sách đưa ra nhiều hơn thế.

Trên thực tế, có lẽ nội dung quý giá nhất của nó là các đoạn trích bài giảng mà Đức Bênêđictô XVI đã giảng tại Tu viện Mẹ Giáo Hoàng, nơi ngài đã sống những năm cuối đời.

Những bài giảng đó có lẽ là yếu tố sáng tạo nhất của cuốn sách, mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã viết cùng với nhà báo Saverio Gaeta. Với tựa đề “Không có gì ngoài sự thật: Cuộc sống của tôi bên cạnh Đức Bênêđictô XVI”, cuốn sách đã được phát hành bằng tiếng Ý vào ngày 12 tháng Giêng.

Miễn là còn có thể nói được, Đức Bênêđictô XVI đã đích thân chuẩn bị các bài giảng, với những ghi chú được viết bằng bút chì trong một cuốn sổ để sau đó dùng làm kim chỉ nam cho những gì ngài sẽ nói. Đó là những bài giảng đơn sơ, chính xác, đi thẳng vào vấn đề mà bốn Memores Domini, tức là những nữ giáo dân thánh hiến của Hiệp Thông và Giải Phóng, những người phục vụ như gia đình của Đức Bênêđictô XVI, đã thu âm và chép lại.

Chỉ một số ít người có thể lắng nghe một số bài giảng đó vì Đức Bênêđictô hiếm khi tiếp công chúng, vì vậy tường trình về những bài giảng đó là một kho tàng vô giá.

Những gì khác có thể được tìm thấy trong cuốn sách? Đầu tiên, tất nhiên, có sự tức giận và ngạc nhiên công khai của Đức Tổng Giám Mục Gänswein khi bị Đức Thánh Cha Phanxicô đột ngột miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Phủ Giáo hoàng mà không có bất kỳ lời giải thích nào.

Cuốn sách cũng nói về sự cay đắng của Đức Bênêđíctô XVI khi biết về Tự Sắc Traditionis Custodes, là tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô mà theo đó ngài đã đảo ngược các quyết định của Đức Bênêđíctô trong việc mở rộng việc cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống.

Những chi tiết này có thể “thú vị” đối với giới truyền thông, nhưng chúng chắc chắn không phải là yếu tố mới lạ nhất của cuốn sách.

Không nói theo ngôn ngữ ngoại giao, sử dụng ngôn ngữ đơn giản mà những người biết ngài đã quen nghe, Đức Tổng Giám Mục Gänswein phác thảo nhiều tình huống thú vị và một phần chưa được công bố. Chúng bao gồm: trường hợp cuốn sách của Đức Hồng Y Robert Sarah, mà Đức Bênêđictô XVI là đồng tác giả; những cuộc tiếp xúc với Hồng Y Jorge Bergoglio trước và sau khi ngài trở thành giáo hoàng; bức thư dài mà Đức Bênêđictô XVI viết cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bình luận về cuộc phỏng vấn đầu tiên của ngài dành cho tờ La Civiltà Cattolica vào năm 2013; và những chi tiết mới về quyết định thoái vị của Đức Bênêđictô đã xảy ra như thế nào.

Cuốn sách cung cấp những hiểu biết sâu sắc về những câu chuyện này và những câu chuyện khác qua con mắt của một nhân chứng trực tiếp. Nên hiểu đây là bản hoài niệm chứ không phải bản cáo trạng. Nó cung cấp một bản tường trình trung thực về các tình huống và câu chuyện mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã trải qua.

Sự thoái vị của Đức Bênêđíctô

Trong một số trường hợp, các sự kiện mới được đưa ra và các tường thuật đã biết trước đó được trình bày dưới một khía cạnh khác. Một ví dụ là lời giải thích của Đức Tổng Giám Mục Gänswein về lý do tại sao Đức Bênêđictô XVI đặt dây pallium trên mộ của Thánh Celestinô Đệ Ngũ, vị giáo hoàng đã thoái vị vào năm 1294. Lăng mộ của ngài ở L'Aquila, miền trung nước Ý, nơi Đức Bênêđictô đã đến thăm vào năm 2009 khi đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi một trận động đất.

Cử chỉ này của Đức Bênêđíctô vẫn thường được hiểu là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng thoái vị sẽ xảy ra vài năm sau đó.

Tuy nhiên, không phải như vậy, Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiết lộ. Ngài giải thích rằng Đức Bênêđíctô muốn thực hiện một hành động tỏ lòng kính trọng với người tiền nhiệm của mình. Vì vậy, ngài đã đặt một dây pallium, mà Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, vào thời điểm đó phụ trách việc cử hành phụng vụ cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã khâu. Chiếc pallium này không vừa với Đức Bênêđictô XVI. Vì thế, ngài đã tận dụng cơ hội này để bày tỏ lòng kính trọng và hiến tặng nó. Quyết định cũng nói lên nhiều điều về cách Đức Bênêđictô XVI giải quyết các vấn đề: Ngài tìm kiếm những giải pháp tao nhã mà không làm mất lòng ai trong khi cố gắng đoàn kết mọi người.

Tuy nhiên, chi tiết về quyết định thoái vị lại gay cấn hơn. Đức Tổng Giám Mục Gänswein giải thích việc Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu rút lui vào việc cầu nguyện sâu sắc hơn sau chuyến đi Cuba và Mễ Tây Cơ vào năm 2012. Có những dấu hiệu cho thấy ngài đang cân nhắc thoái vị, điều này đã gây ra một số câu hỏi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, khi đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhưng một quyết định như vậy là không thể tưởng tượng được.

Khi Đức Bênêđictô XVI đi đến quyết định, không có cách nào để thay đổi ý định của ngài, Đức Tổng Giám Mục Gänswein báo cáo. Ngài và Đức Hồng Y Bertone chỉ thuyết phục được ngài đừng đưa ra thông báo trong lời chúc Giáng Sinh hàng năm của ngài tới Giáo triều vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, mà hoãn lại một chút. Nếu thông báo được đưa ra vào ngày hôm đó, và triều đại giáo hoàng kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, thì lễ Giáng Sinh sẽ không được cử hành, Đức Tổng Giám Mục Gänswein viết.

Một người đàn ông có khiếu khôi hài

Trong câu chuyện của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, Đức Bênêđictô XVI nổi lên như một người hài hước - uyên bác, có phương pháp và thông minh - nhưng trên hết là một người có đức tin. Bản chất là người hướng nội, Đức Bênêđictô XVI thu mình và im lặng khi có những vấn đề quan trọng. Và ngài đã cầu nguyện. Ngài cầu nguyện mãnh liệt hơn. Ngài cầu nguyện nhiệt thành. Ngài đã làm như vậy bởi một niềm tin không thể lay chuyển và nhu cầu sống và hiểu ý nghĩa của các sự kiện.

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hấp hối, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger ngày càng suy tư. Cuối cùng, khi rõ ràng rằng ngài đang được cân nhắc để kế vị, ngài gần như rút lui. Nhưng rồi, sau khi cầu nguyện, sau khi đã có những quyết định chín chắn, Đức Hồng Y Ratzinger là một con người thanh thản, xác tín và cương quyết.

Đức Hồng Y Ratzinger cũng trung thành, gần gũi với các cộng tác viên của mình, cẩn thận không làm hại bất kỳ người bạn nào của mình. Bênêđictô XVI đã tìm kiếm sự hài hòa - một thực tế nổi lên rõ ràng từ lời tường thuật của Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Trường hợp của Đức Hồng Y Sarah

Việc tìm kiếm sự hài hòa cũng có thể được nhìn thấy trong trường hợp của Đức Hồng Y Sarah. Vấn đề được đề cập đến là cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah, “From the Depths of Our Hearts” hay “Từ Thẳm Sâu Tâm Hồn Chúng Ta”, cuốn sách cũng bao gồm một bài tiểu luận của Đức Bênêđictô XVI. Bài tiểu luận được dành riêng cho vấn đề về sự độc thân của linh mục, và người ta tin rằng nó sẽ ra mắt sau khi công bố tông huấn hậu thượng hội đồng Querida Amazonia vào tháng 2 năm 2020.

Tuy nhiên, nó đã ra mắt sớm hơn, vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020, bởi vì Đức Thánh Cha Phanxicô hoãn việc phê duyệt văn bản mà lẽ ra đã diễn ra vào ngày 27 tháng 12 năm 2019, tạo ra ấn tượng rằng cuốn sách nhằm tác động đến những suy tư của Đức Giáo Hoàng về Thượng hội đồng Amazon.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein viết rằng một động cơ như vậy là không đúng sự thật. Cũng không đúng là Đức Bênêđictô XVI đã được thông báo rằng ngài sẽ xuất hiện với tư cách là đồng tác giả.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein giải thích tình hình, nhắc lại rằng Đức Hồng Y Sarah đã yêu cầu Đức Bênêđictô XVI ký một thông cáo báo chí để bảo vệ hoạt động này. Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã chống lại điều đó; Đức Bênêđíctô XVI đã dành thời gian để suy nghĩ và sau đó đưa ra một tuyên bố dành quyền quyết định cho Đức Phanxicô. Và Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng tốt hơn là không nên xuất bản.

Vào thời điểm đó, các dòng tweet đến từ tài khoản của Hồng Y Sarah, tuyên bố rằng Đức Bênêđictô XVI đã đọc và chấp thuận các bản thảo. Cũng có một cuộc đối đầu đầy kịch tính giữa Đức Tổng Giám Mục Gänswein và vị Hồng Y người Phi Châu về vai trò của Nicolas Diat, nhà báo đã viết một số cuốn sách với Đức Hồng Y Sarah và người được mô tả là “giám đốc công việc”.

Lời tường thuật của Đức Tổng Giám Mục Gänswein bộc lộ nhiều bất bình về hoàn cảnh này. Nhưng nó cũng bao gồm một bức thư dài mà chính Đức Bênêđíctô gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được xuất bản gần như toàn bộ, giải thích quan điểm và vai trò của ngài và để làm sáng tỏ bất kỳ ý tưởng nào có thể xảy ra về sự đối lập giữa Đức Phanxicô và vị giáo hoàng danh dự.

Đức Bênêđictô, La Civiltà Cattolica và Dòng Tên

Bức thư của Đức Bênêđictô XVI gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là tác phẩm duy nhất chưa được xuất bản của vị giáo hoàng danh dự được đưa vào cuốn sách. Vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica và gửi cuốn sổ ghi chép được sử dụng trong cuộc phỏng vấn tới Đức Bênêđictô XVI, để xin ngài cho ý kiến. Đức Bênêđictô XVI đã làm như vậy bằng cách viết một lá thư dài cho Đức Giáo Hoàng, đề ngày 27 tháng 9 năm 2013. Trong đó, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến hai khía cạnh: đó là cần phải chiến đấu chống lại “sự phủ nhận cụ thể và thực tế đối với Thiên Chúa hằng sống,” được thực hiện qua phá thai và trợ tử, và phải nhận thức được sự thao túng của ý thức hệ giới.

Vào đầu triều đại giáo hoàng của Bênêđictô, một số tình huống của Dòng Tên đã được thảo luận và thậm chí việc bổ nhiệm một ủy viên đã được xem xét. Đức Hồng Y Bergoglio lập luận rằng không cần phải bổ nhiệm một ủy viên như thế, và đã nhận được lời hứa rằng việc bổ nhiệm đó sẽ không bao giờ diễn ra.

Một vị Tổng giám mục thẳng thắn

Nhìn chung, trong cuốn sách của mình, Đức Tổng Giám Mục Gänswein thẳng thắn nói về những tình huống quan yếu. Ngài không ngại thừa nhận rằng ngài đã sai trong một số trường hợp, nhưng ngài cũng không ngần ngại tố cáo những tái dựng sai lầm về Đức Bênêđíctô và những người cộng tác với ngài.

Từ lời kể của cuốn sách, tất cả đều ở ngôi thứ nhất, xuất hiện một thư ký riêng vẫn đang làm việc cho cấp trên của ngài. Mọi tình huống được báo chí coi là gây tranh cãi hoặc đánh giá sai đều được giải thích lại rất chi tiết.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhìn Đức Bênêđíctô XVI như một người cha, với lòng nhân từ đối với những gì có vẻ ngây thơ; và bày tỏ sự ngưỡng mộ của một người biết rằng Đức Bênêđictô hoàn toàn có khả năng đảm đương công việc của mình vì ngài đã biết, đã nghiên cứu và dấn thân.

Vai trò của ngài là “thủy tinh” — nghĩa là minh bạch, trong sạch và trung thực — nhưng cũng là người gác cổng cho những ai muốn đến gần Đức Giáo Hoàng hơn. Đây là điều ông đã luôn làm và cố gắng thực hiện trong cuốn sách này.

Người ta có thể thảo luận rất chi tiết về việc có nên thận trọng xuất bản cuốn sách ngay sau khi vị giáo hoàng danh dự qua đời hay không. Tuy nhiên, thông điệp mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein muốn gửi đi không phải là điều gây tranh cãi. Đức Tổng Giám Mục kể lại những năm tháng của ngài với Đức Bênêđictô XVI, thậm chí còn lấy một vài viên sỏi ra khỏi giày của mình, nhưng không có giọng điệu luận chiến với bất kỳ ai.

Việc xuất bản có thể đã gây hại cho Đức Tổng Giám Mục Gänswein vào lúc này vì nó đã tạo điều kiện cho một chiến dịch chống lại ngài và do đó, chống lại triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.

Chưa hết, những trang viết của thư ký riêng của cố giáo hoàng danh dự có vẻ chân thành, đầy những tác phẩm chưa được xuất bản và những câu chuyện chưa được biết đến. Chúng là những trang viết của một người giúp việc trung thành và của một người lớn lên trong trường học của Đức Bênêđictô XVI; nghĩa là đã quen lấy Thiên Chúa làm trung tâm của mọi sự.
Source:National Catholic Register

2. Bắc Kinh phô trương thành tích 'Trung Quốc hóa' Công Giáo

Mỗi khi chính quyền Trung Quốc nói về vai trò của các tôn giáo trong nước, họ đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “Trung Quốc hóa”.

Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba của ông, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết “Trung Quốc hóa tôn giáo, hướng dẫn tôn giáo và xã hội xã hội chủ nghĩa thích ứng với bối cảnh Trung Quốc”. Nhưng Trung Quốc hóa cụ thể nghĩa là gì?

Một ví dụ về cách các cơ quan chính quyền muốn chính sách này được hiểu có thể thấy từ một cuộc triển lãm khai mạc gần đây tại Tòa Tổng Giám mục ở Bắc Kinh đánh dấu kỷ niệm 15 năm bổ nhiệm Đức Cha Giuse Lý Sơn làm Tổng Giám mục thủ đô vào năm 2007 với sự đồng ý của Tòa thánh ngay cả trước khi ký Thỏa thuận tạm thời 2018.

Vài tháng trước, Đức Cha Lý Sơn đã trở thành chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, cơ quan chính phủ chính thức kiểm soát đời sống của Giáo hội ở Trung Quốc. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao người ta quyết định đánh dấu lễ kỷ niệm bằng một cái gì đó đề cập rõ ràng đến chỉ thị mà Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Với tựa đề “Vinh danh trời thương quê hương. Lịch sử Trung Quốc hóa Công Giáo ở Bắc Kinh”, triển lãm bao gồm 41 phòng với hơn 600 hình ảnh.

Theo một tuyên bố từ giáo phận Bắc Kinh, phải mất 16 tháng làm việc và năm vòng thảo luận giữa các chuyên gia, với nhiều bản thảo viết đi viết lại, để sắp xếp một cách có hệ thống và tóm tắt một cách thấu đáo quá trình lịch sử Trung Quốc hóa đạo Công Giáo ở Bắc Kinh.

Ban giới thiệu giải thích rằng mục đích của sáng kiến này là thúc đẩy hơn nữa quá trình Trung Quốc hóa Công Giáo, để hiểu rõ hơn về tuyên bố quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình về tôn giáo, quảng bá nền văn hóa Trung Quốc xuất sắc, củng cố niềm tin văn hóa và khám phá các nguồn tài nguyên văn hóa Công Giáo phong phú của Bắc Kinh.

Từ những hình ảnh được chụp từ cuộc triển lãm và được đăng trên tài khoản WeChat của giáo phận Bắc Kinh, rõ ràng lòng yêu nước được thể hiện nổi bật hơn đức tin Công Giáo. Hình ảnh của linh mục Dòng Tên vĩ đại Matteo Ricci và một số ví dụ về những nỗ lực quan trọng đầu tiên trong việc hội nhập văn hóa xuất hiện trong phần về nguồn gốc lịch sử của quá trình Trung Quốc hóa.

Nhìn chung, lịch sử của các thực thể yêu nước được nhấn mạnh nhiều hơn với Giám mục Phó Thiết Sơn (Fu Tieshan) sinh năm 1931 và qua đời năm 2007. Ông ta là nhân vật chủ chốt ở Bắc Kinh bảo vệ ý tưởng về một Giáo hội “tự trị” độc lập hoàn toàn khỏi Rôma.


Source:Asia News

3. Ủy Ban thường trực Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình kêu gọi chuẩn bị kỷ niệm 10 năm triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ủy Ban thường trực Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình mời gọi các tín hữu Công Giáo toàn quốc “vui mừng và nồng nhiệt” mừng kỷ niệm 10 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng.

Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, bấy giờ là Tổng giám mục Giáo phận thủ đô Buenos Aires, đã được bầu làm Giáo hoàng ngày 13 tháng Ba năm 2013, trong ngày thứ hai của mật nghị Hồng Y, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thoái vị. Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên người Mỹ châu Latinh và là người kế vị thứ 266 của thánh Phêrô Tông đồ.

Trong một thư, Đức Cha Óscar Ojea, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Căn Đình, khuyến khích các giáo phận tại nước này, tham gia chương trình mừng kỷ niệm, từ ngày 11 đến ngày 19 tháng Ba tới đây, để tái bày tỏ lòng quý mến của dân Chúa đối với Đức Thánh Cha.”

Đức Cha Ojea nhận xét rằng “lòng quý mến sâu xa này không những được các tín hữu Công Giáo chia sẻ, nhưng rất nhiều người, tín hữu cũng như không tín hữu, quí chuộng sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây thực là cơ hội để chúng ta bày tỏ sự gắn bó và lòng biết ơn đối với giáo huấn của Đức Giám Mục Roma, là vị chủ trì Giáo hội trong tình bác ái”.

Các giám mục Á Căn Đình mời gọi các giáo xứ, các nhà thờ chính tòa và các Đền thánh Đức Mẹ cử hành một thánh lễ tạ ơn, và nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để nhân dân Á Căn Đình tái bày tỏ niềm vui mừng vì sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như cầu nguyện cho các hoạt động mục vụ của Ngài”.

Sau cùng, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Á Căn Đình cũng khuyến khích, nếu có thể, thì tổ chức một buổi lễ ở cấp giáo phận hoặc miền, để biểu lộ niềm vui trong tình hiệp thông”.