Ngày 21-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gọi tôi bằng tên
Lm. Minh Anh
02:20 21/01/2022

GỌI TÔI BẰNG TÊN
“Hỡi Đavít con ta!”.

Một người kia chia sẻ trải nghiệm ngày nhận con nuôi. “Quan toà hỏi tôi, “Có ai ép ông bà nhận trẻ này không?”. Sau khi chúng tôi bảo đảm, chúng tôi làm vậy chỉ vì tình yêu! Ông tuyên bố, “Kể từ hôm nay, đứa bé là con trai của ông bà. Nó có thể làm ông bà thất vọng, thậm chí đau buồn, nhưng nó là con của ông bà. Mọi thứ ông bà sở hữu, ngày nào đó, sẽ là của nó và nó sẽ mang tên ông”. Quay sang người thư ký, “Yêu cầu đổi giấy khai sinh, đây là cha mẹ của đứa trẻ!”. Đó là lúc tôi nhận ra rằng, Cha Trên Trời yêu tôi rất nhiều; không hề ép buộc, Ngài yêu tôi, trao tất cả cho tôi. Ngày đó, Ngài đã ‘gọi tôi bằng tên’; tôi mang tên Ngài và hình ảnh của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi mang tên Ngài và hình ảnh của Ngài”. Sẽ khá bất ngờ vì trải nghiệm của người cha kia lại trùng hợp với Lời Chúa hôm nay khi chúng ta nhìn vào hành trình của một ơn gọi. Ơn gọi của Saolê, của Đavít; của các tông đồ, của Giuđa Iscariot; ơn gọi của Chúa Giêsu và ơn gọi của mỗi người chúng ta. Để cuối cùng, chúng ta có thể thấy, dù ở bất cứ đấng bậc nào, mỗi người vẫn có thể nói, “Ngài đã ‘gọi tôi bằng tên’; tôi mang tên Ngài và hình ảnh của Ngài!”.

Bài đọc Cựu Ước đưa chúng ta về hành trình ơn gọi của Saolê, của Đavít. Rõ ràng, Saolê, một người mà Thiên Chúa rất kỳ vọng; ông được chọn để trở thành vua đầu tiên của dân. Thế nhưng, Saolê không đi theo đường lối Chúa; Ngài truất phế ông. Bài đọc hôm nay cho thấy phần nào con người của Saolê. Ông đem đến 3.000 quân, tìm giết Đavít, một người ví mình “như một con bọ chét hay một con chó chết”. Vậy mà Đavít là một con người nhân từ, khi ông không nỡ hại kẻ săn bắt mình; và vì lòng kính sợ Chúa, Đavít không hại người được Chúa xức dầu. Để rồi, trong cơn xúc động, chính Saolê đã gọi tên Đavít và chân thành thốt lên, “Hỡi Đavít con ta, con công chính hơn cha!”; và Saolê đã nói tiên tri như nói thay cho Thiên Chúa, “Nay cha biết chắc rằng, con sẽ làm vua, và con sẽ nắm mãi mãi trong tay con vương quốc Israel”.

Với bài Tin Mừng, Marcô liệt kê 12 tông đồ được Chúa Giêsu chọn gọi. Ngài gọi mỗi người bằng tên của họ cũng như Ngài đã gọi mỗi người chúng ta. Chúa Kitô không chọn tôi một cách ngẫu hứng để cộng tác với Ngài. Ngài biết tôi; Ngài hiểu tôi, hơn tôi hiểu bản thân mình, bởi “Ngài là Đấng nắn ra tôi khi tôi còn trong dạ mẹ”. Chính vì tình yêu mà Chúa Kitô mời tôi ở bên Ngài, ở cùng Ngài; tôi ‘được gọi để ở cùng’. Khi ‘gọi tôi bằng tên’, Chúa Giêsu đã chạm vào sâu thẳm trái tim và tâm hồn tôi; Ngài đi sâu vào con người tôi, đồng nhất với tôi. ‘Gọi tôi bằng tên’, Ngài mời tôi chia sẻ cuộc sống thần linh của Ngài, vì Ngài biết, món quà Ngài muốn chia sẻ với tôi lớn lao như nhường nào! Chúa Kitô không gọi tôi chỉ để tận hưởng cuộc sống hiện tại, Ngài tạo ra tôi vì một mục đích. Ngài ban cho tôi một ơn gọi cụ thể mà chỉ tôi mới có thể hoàn thành. Không ai có thể thay thế tôi; và sẽ không bao giờ có một ‘tôi khác’. Và đó là cơ hội mà tôi có được để chia sẻ trong tình bạn Ngài dành cho tôi. Ai có thể cưỡng lại lời mời cộng tác với một Đấng quá tuyệt vời; với một đề nghị quá thách thức, nhưng lại quá hoàn hảo đến thế?

Anh Chị em,

“Tôi mang tên Ngài và hình ảnh Ngài”. Về những con người được mang tên Thiên Chúa, Cựu Ước cũng như Tân Ước, Isaia đã nói tiên tri rằng, “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi; ngươi là của riêng Ta!”. Ôi tuyệt vời và vinh dự! Thiên Chúa Tạo Hoá đang gọi đích danh bạn và tôi bằng chính tên Ngài. Chúng ta được dành riêng cho Ngài; có nghĩa là Ngài chấp nhận chúng ta như chúng ta là. Chúng ta có thể là Saolê, có thể là Đavít; có thể là Giuđa và cũng có thể là Phêrô… lúc thánh thiện, lúc tội nhân. Thế nhưng, điều đó không quan trọng! Điều quan trọng là mỗi người biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa!”; đồng thời, biết cộng tác với ơn Chúa để chu toàn sứ mạng Chúa trao đúng thời, đúng buổi. Điều này chỉ thực hiện được một khi chúng ta dám chia sẻ cuộc sống thần linh của Ngài, ở lại với Ngài mỗi ngày, cũng như biết để Thiên Chúa chạm vào sâu thẳm trái tim mình, nơi của riêng Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa đã ‘gọi con bằng tên’, xin cho con luôn thao thức một điều, là chu toàn ý muốn của Chúa trên con khi Ngài tạo dựng con, gọi tên con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 22/01: Dấn Thân làm Chứng cho Tin Mừng - Suy Niệm: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ.
Giáo Hội Năm Châu
04:31 21/01/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:43 21/01/2022

49. Tất cả thú vui xác thịt đều là như thế này: khi đến thì dịu ngọt, xong việc thì sẽ khiến con đau thương.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:46 21/01/2022
74. MƯỢN LỜI TÂY SƯƠNG

Khi tinh binh tiến vào quan ải, thì viên quan của triều Minh là Tiền Mông Tẩu đội mũ mặc áo quan nhà Minh đi ra nghênh tiếp, trên đường đi thì gặp một lão phú ông.

Lão phú ông cầm cây gậy nơi tay gõ vào đầu của quan viên và nói:

- “Tôi là một người nhiều buồn phiền nhiều bệnh tật trên mình, đánh cái mũ khuynh nước khuynh thành của ông”.

(Cái mũ tiếng Hoa đọc là “mao帽”; bộ mặt, tướng mạo cũng đọc là “貌mao”, đồng âm khác nghĩa, câu này chính là câu văn trong truyện “Tây Sương ký).

(Đồng Âm Thanh Thoại)

Suy tư 74:

Có những người bức xúc vì chuyện làm sai trái của người khác mà không nói được, nên mượn rượu để nói; có những người thấy việc làm chướng tai gai mắt của người khác mà không nói được, nên mượn lời của người xưa để nói.

Mượn rượu để nói thì chuyện càng rắc rối và có khi đưa đến hậu quả không hay, mượn lời của người xưa để nói thì người khác coi không có kí lô gam nào cả, bởi vì những lời nói mượn rượu hay mượn lời người xưa ấy không phát xuất tự lòng yêu thương của mình, nhưng phát xuất từ một tâm hồn kiêu căng và ghen ghét...

Người Ki-tô hữu thì mượn Lời Chúa để nói với người khác khi chính bản thân mình đã biết thực hành Lời Chúa, bởi vì không một lời khuyên hay lời nói nào dựa vào Lời Chúa mà bị quên lãng, nhất là lời khuyên hoặc lời nói ấy đã được thực hiện trong cuộc sống của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thời gian thánh
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:31 21/01/2022
THỜI GIAN THÁNH
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bài Tin Mừng Chúa nhật III thường niên năm C luôn được xem là bài Tin Mừng của năm Thánh, vì mang ý nghĩa năm Thánh, năm Hồng Ân.

Nội dung của nó là chính lời Chúa Giêsu tuyên bố khai mạc thời gian Thánh. Bởi thế, nếu ai tham dự những cử hành phụng vụ trong các năm Thánh, chắc chắn sẽ được suy niệm nội dung của bài Tin Mừng này.

Hôm nay, một lần nữa, Hội Thánh lại đề nghị chúng ta suy niệm bài Tin Mừng này. Vậy nội dung của bài Tin Mừng là gì mà Hội Thánh lại kể là mang ý nghĩa của thời gian Thánh?

1. THỜI GIAN THÁNH - TRIỀU ĐẠI HỒNG ÂN.

Từ rất xa, trong Cựu Ước, tác giả sách tiên tri Isaia đã báo trước ngày dân Chúa sẽ lãnh nhận Tin mừng cứu độ. Lời loan báo này khởi đi từ nỗi thống khổ của dân Chúa trong thời gian bị bắt lưu đày trở về.

Lúc ấy, tác giả sách tiên tri Isaia nói về ơn gọi của mình: Ông “được xức dầu Thánh Thần” để trở nên tiên tri và được sai đi loan báo Tin Mừng cho đám dân cùng khổ vừa mới hồi hương ấy.

Lời ông rao giảng trở thành lời an ủi, lời đầy yêu thương, để dân biết rằng, tình thương yêu vô vàn của Thiên Chúa vẫn đổ tràn trên họ. Thời khốn cùng đã chấm dứt. Chúa sẽ khai mở thời kỳ đầy ân sủng và tự do cho dân của Chúa, đó là “công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa”.

Hôm nay, cũng trước mặt toàn dân, Chúa Giêsu áp dụng lời này của sách tiên tri Isaia cho chính mình: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Chúa làm cho hoàn cảnh, hay thời buổi mà lời nói của tác giả sách tiên tri Isaia ra đời, cũng như chính lời ấy trở thành tiên trưng, báo trước điều mà ngày hôm nay đang xảy ra nơi chính bản thân Chúa.

Nếu ngày xưa tác giả sách tiên tri Isaia loan báo một thời kỳ cứu độ chỉ để dân Chúa được bình an mà sống những ngày tháng sau lưu đày, thì đây, với lời tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Kitô chính thức công bố thời kỳ cứu độ đã đến. Chúa không chỉ mang bình an trong cuộc đời mà còn là ơn bình an vĩnh cửu. Vì chính Chúa là ơn Cứu Độ của chúng ta.

Đây là thời kỳ mà những người nghèo được đón nhận Tin Mừng. Họ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, sẽ sống tự do. Vì thế, cùng với Chúa Kitô, thời gian Thánh đã được khai mở. Thời gian Thánh được sách Thánh gọi là “Năm Hồng Ân”.

Dù đã khai mở Năm Hồng Ân, nhưng Chúa chưa kết thúc. Do đó mọi ngày trong thời Tân Ước, tức là thời mà chúng ta đang sống, đều là thời của năm Thánh. Đó là một “Thời Gian Thánh”.

Chính xác hơn, ta phải hiểu, năm Hồng Ân mà Chúa tuyên bố không là một năm 365 ngày, nhưng là một triều đại cứu độ của Chúa. Triều đại không bao giờ tàng phai, vì Chúa Kitô hằng sống và luôn hiển trị.

2. HIỂU VỀ NĂM THÁNH?

Mọi ngày đều là thời gian Thánh, sao trong lịch sử Hội Thánh lại có nhiều năm Thánh? Chẳng hạn năm Thánh 2000, rồi sau đó, kể từ lễ Giáng sinh năm 2004 đến lễ Hiển Linh năm 2005, Hội Thánh Việt Nam lại cử hành Năm Thánh Truyền giáo?

Đó là những năm Hồng Ân do Giáo Hội công bố. Năm 2000 là năm Thánh thường niên cho cả Hội Thánh hoàn vũ. Còn năm Thánh 2004-2005 cho Hội Thánh Việt Nam, để kỷ niệm việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam tròn 470 tuổi.

Đó là những Năm Thánh nhằm mang lại lợi ích cho các tín hữu. Những Năm Thánh ngoại thường như Năm Thánh Truyền Giáo còn là dịp nhắc nhở họ ý thức ơn gọi truyền giáo.

Như vậy, những Năm Thánh do Hội Thánh công bố có khởi đầu và có kết thúc. Tất cả các Năm Thánh dù là bình thường (25 năm một lần) hoặc ngoại thường (như năm Thánh Truyền giáo tại Việt Nam), đều có một điểm chung: Giúp dân Chúa ý thức thời gian ân xá kéo dài mãi đến tận thế, nhờ công trình cứu độ của Chúa Kitô.

3. TRÁCH NHIỆM SỐNG THỜI GIAN THÁNH.

Hiểu như thế, ta thấy bản thân mình khi sống trong thời gian Thánh, đều phải nói được như Chúa Kitô: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai anh chị em vừa nghe”. Vì xung quanh ta còn quá nhiều người khao khát niềm vui, ánh sáng, tự do… nhưng không mấy người trong số họ tin vào Chúa Kitô.

Trong đó có phần lỗi của chúng ta. Anh chị em chưa nhìn biết Chúa vì thiếu chất xúc tác để đưa dẫn họ về với Chúa. Chất xúc tác ấy chính là tình yêu, lòng bác ái, vị tha, vô vị lợi… của chúng ta.

Nói các khác, Tin Mừng bị khựng lại, đã không được anh chị em đón nhận vì Tin Mừng ấy thiếu chứng tá.

Vậy bạn và tôi hãy là những chứng tá cho Chúa, cho Tin Mừng của Chúa ở giữa cuộc đời này. Chứng tá mới là lời rao giảng hữu hiệu và sống động, ngàn lần hơn những lời hay ý đẹp chỉ thốt lên từ cửa môi mà không hề được người Kitô hữu sống.

Vậy tôi tự nhủ lòng, mình hãy lợi dụng thời gian Thánh của Tân Ước mà mình đang sống để ý thức hơn nữa vai trò và trách nhiệm rao giảng Lời Thiên Chúa của bản thân.

Ước gì Lời Chúa được ứng nghiệm trong đời tôi, để Lời Chúa nói: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh…”, thì “Hôm Nay” đó của Chúa được kéo dài mãi, dài mãi… Ít là cái “Hôm Nay” ấy sẽ là thời gian Thánh trong suốc cuộc đời của tôi.

Để được tất cả những mong ước ấy, tôi cần lặp lại từng giây phút, suốt đời mình, một điều đã xưa, đã cũ nhưng quan trọng: Ơn cứu độ đã được thực hiện nhờ Tình yêu. Nguồn Tình yêu là chính Chúa Kitô. Chính Tình yêu ấy sẽ biến đổi thế giới, biến đổi lòng người, BẮT ĐẦU TỪ CHÍNH BẢN THÂN TÔI.

Nói cách khác, thời gian Thánh là thời gian mà tôi biết để cho Tình yêu của Chúa lan chảy từ bản thân tôi đến với anh chị em quanh mình.

 
Tích cực cộng tác với Chúa thi hành sứ vụ thiên sai
Lm. Đan Vinh
16:12 21/01/2022

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN C
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21
TÍCH CỰC CỘNG TÁC VỚI CHÚA THI HÀNH SỨ VỤ THIÊN SAI

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Lc 1,1-4; 4,14-21

(1) Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. (2) Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. (3) Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài. (4) Mong ngài sẽ nhận thức được rằng : giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc. (4,14) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. (16) Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc Sách thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : (18) “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, (19) công bố một năm hồng ân của Chúa. (20) Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

2. Ý CHÍNH : ĐỨC GIÊ-SU CÔNG BỐ NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA

Tin Mừng hôm nay gồm có bài tựa mở đầu sách Tin Mừng thứ ba, nêu ra lý do khiến Lu-ca viết Tin Mừng dựa vào truyền thống và có tính khoa học, và việc Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với chương trình hành động cụ thể. Đây là điều đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm trước đó khá lâu.

3. CHÚ THÍCH :

- C 1-2 : + Ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính : Thê-ô-phi-lô là một người giàu có và đáng kính thời bấy giờ. Ông này đã được tác giả Lu-ca gửi tặng cuốn Tin Mừng, để nhờ ông bảo trợ cho công việc sao chép ra nhiều cuốn sách được viết trên các tấm da thuộc, hầu có thể phổ biến đi nhiều nơi.
- C 3-4 : + Cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự : Vì Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ đã đi theo Đức Giê-su ngay từ đầu, nên ông phải tra cứu đầu mối căn nguyên về cuộc đời và Tin Mừng của Người rồi viết lại. + Tuần tự viết ra : Ông viết Tin mừng theo thứ tự văn chương và các đề tài giảng huấn, chứ không theo thứ tự thời gian đã xảy ra.
- C 14-15 : + Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy : Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để ăn chay và chịu ma quỷ thử thách. Giờ đây Thần Khí lại thúc đẩy Người trở về Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. + Người giảng dạy trong các hội đường của họ : Hội đường là nơi người Do thái đến hội họp, cầu nguyện và nghe giảng Kinh thánh vào các ngày Sa-bát. Ở mỗi làng trong khắp xứ Pa-lét-tin hoặc những nơi có người Do thái cư ngụ đều có hội đường.
- C 17b-19 : + Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Chữ gặp ở đây cho thấy Đức Giê-su đã không lựa chọn trước, nhưng mở ra đã gặp ngay một đoạn sách phù hợp cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa. + Thần Khí Chúa ngự trên tôi... : Đoạn văn được trích trong sách I-sai-a (x. Is 61,1-2) nói về việc một ngôn sứ được xức dầu tấn phong (x. 1 V 19,16), nhưng được Đức Giê-su ứng dụng vào bản thân Người : Người mới được nhận Thần Khí khi đến chịu phép rửa của ông Gio-an, và Người coi điều này là nguồn gốc phát sinh các hoạt động của Người. + Công bố một năm hồng ân của Chúa : Năm Hồng Ân hay năm Toàn Xá của Thiên Chúa. Theo Luật Mô-sê, cứ năm mươi năm lại cử hành Năm Toàn Xá một lần (x Lv 25,10-13). Đây là hình thức mở rộng của Năm Sabát được cử hành cứ bảy năm một lần (Đnl 15 : 1-11). Năm này tiêu biểu lý tưởng công bình xã hội cách thiết thực cụ thể. Đây là tin mừng giải thoát cho những người nghèo, những kẻ cô thân cô thế bị chèn ép áp bức, dưới bất kỳ hình thức nào, đến nỗi phải mất nhà cửa đất đai, trở nên nghèo khổ và đem thân làm nô lệ cho những kẻ giàu có quyền thế. Đó cũng là năm mời gọi hết mọi người hãy ăn năn sám hối, vì đã lỡ góp phần vào sự bất công hay đã nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ của đồng loại.
- C 20-21 : + Hôm nay : Chữ này xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Lu-ca, để nhấn mạnh tính cách hiện tại của ơn cứu độ. Chẳng hạn : “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11); “Con là Con của Cha. Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22); “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21); “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5b); “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9); “Hôm nay gà chưa kịp gáy, thì ba lần anh đã chối không biết Thầy” (Lc 22,34.61); “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).

4. CÂU HỎI :

1) Lu-ca đã viết lời tựa sách Tin Mừng gửi cho ông Thê-ô-phi-lô nhằm mục đích gì?
2) Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ. Vậy ông đã làm gì để có thể viết chính xác về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su?
3) Hội đường Do thái là gì và được dùng làm gì?
4) Câu trích trong sách ngôn sứ I-sai-a được Đức Giê-su đọc tại hội đường Na-da-rét đã ứng nghiệm vào sứ mệnh cứu thế của Người thế nào?
5) Bạn hãy kể ra 5 câu Kinh thánh có chữ “hôm nay” trong Tin mừng Lu-ca.

II SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).

2. CÂU CHUYỆN :

1) CHÚA NÓI VỚI CHÚNG TA BẰNG CÁCH NÀO?

Cách đây khá lâu, một vở kịch mang tựa đề là “Hoàng Gia đi săn mặt trời” kể lại cuộc chinh phục của người Tây ban nha đối với dân da đỏ ở Pê-ru. Trong đó có một màn kịch kể lại câu chuyện về một người Tây ban nha đã tặng cho viên tù trưởng của bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và nói với viên tù trưởng rằng : “Đây là Lời Chúa. Ngài nói với chúng ta trong cuốn sách này”. Viên tù trưởng cầm lấy cuốn Thánh Kinh, xem xét thật kỹ và sau đó áp cuốn sách vào một bên tai nghe ngóng. Nhưng dù đã cố gắng hết sức mà ông ta cũng chẳng nghe thấy có tiếng nói nào phát ra từ cuốn sách. Cử chỉ ngây thơ của viên tù trưởng khiến những người Tây ban nha có mặt cười ồ lên. Viên tù trưởng nghĩ mình bị mấy người ngoại quốc kia chơi khăm, liền nổi giận và ném mạnh cuốn Kinh Thánh xuống mặt bàn trước mặt !

2) THIÊN CHÚA TIẾP TỤC CỨU THẾ QUA CHÚNG TA :

Sau khi nghe giảng về Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Chúa đầy lòng yêu thương, một thính giả không đồng tình với vị giảng thuyết. Đầu óc ông quay cuồng bởi những câu hỏi như :
- Làm sao người ta có thể tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành khi Ngài nhắm mắt làm ngơ trước cảnh biết bao người nghèo khổ, tuyệt vọng, mất phương hướng phải sống trong sầu đau mà không ban cho họ một tin mừng, một tia hy vọng?
- Làm sao người ta tin được Thiên Chúa là Cha nhân ái khi có biết bao người phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù của vật chất, trong sự trói buộc của các đam mê mà Ngài không ra tay giải thoát?
- Thật khó tin có Thiên Chúa là Đấng tốt lành khi Ngài để cho những người mù, nhất là mù tối trong tâm hồn, không được nhìn thấy ánh sáng chân lý.
- Và bao nhiêu người bị áp bức, bị gông cùm. Sao Chúa không giải thoát họ?

Đêm hôm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu, ông chợt nhận ra câu đáp của Thiên Chúa từ trong vắng lặng của đêm trường :
– Ta đã ra tay rồi đó, sao con còn trách Ta?
– Ngài ra tay lúc nào đâu? Ngài đã làm gì để cứu vớt những người tuyệt vọng, những người bị giam cầm, những người mù tối, những người bị áp bức?
– Ta đã dựng nên con và đặt con hiện diện giữa lòng đời để con thay Ta mà hành động. Thế sao con còn trách Ta?

Mỗi người chúng ta chính là những cánh tay, là những bàn tay của Thiên Chúa và Ngài qua chúng ta luôn thực hiện mọi việc : Gia tăng số người trên mặt đất qua các đôi vợ chồng; giáo dục trẻ em nên người tốt qua cha mẹ và thầy cô.

Trước đây Chúa Cha đã nhờ Chúa Giê-su để loan Tin Mừng cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem ánh sáng cho người mù tối, trả tự do cho người bị áp bức thế nào, thì hôm nay, Ngài cũng muốn thực hiện công việc cứu nhân độ thế đó qua chúng ta.

3) TRỞ NÊN NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA NHỜ SỐNG YÊU THƯƠNG :

DAN CLACK kể lại một câu chuyện như sau : Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một bé trai khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần nhìn vào gian hàng trưng bày quần áo trước một cửa hàng sang trọng. Em đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ tơi tả, trông như một mảnh giẻ rách. Một bà sang trọng đi ngang qua trông thấy và đọc được ước muốn trong đôi mắt của em. Bà liền đến cầm tay em dẫn vào tiệm và mua cho em một đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.

Sau đó, khi cả hai bước ra ngoài phố, người đàn bà tốt bụng liền nói với cậu bé :
- Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.

Cậu bé trố mắt nhìn người vừa cho quà và hỏi :
- Thưa bà, bà có phải là Chúa không?

Bà cúi xuống mỉm cười vỗ nhẹ vào vai cậu và trả lời :
- Con ơi, không phải đâu, ta chỉ là một trong những đứa con của Chúa thôi !

Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ :
- Cháu đã sớm biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà.

Câu nói của cậu bé trong câu chuyện trên cho thấy : Chính lối sống yêu thương vị tha là dấu chỉ giúp tha nhân nhận biết chúng ta là môn đệ thực sự của Chúa Giê-su như Người đã nói : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (x. Ga 13,35), và việc thực hành yêu thương cũng làm cho chúng ta trở nên con cái trong đại gia đình của Chúa như Người đã nói : ”Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 6,21). Quả thật, người phụ nữ trong câu chuyện trên đã thực hành lời dạy yêu thương của Chúa : ”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em bằng cái đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Vậy mỗi người chúng ta trong những ngày này sẽ làm gì cụ thể giúp đỡ tha nhân để nên con cái Thiên

Chúa và nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su?

4) MẸ TÊ-RÊ-SA NHỜ SỐNG YÊU THƯƠNG ĐÃ TRỞ NÊN MẸ CỦA NGƯỜI BẤT HẠNH :

Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã trở nên mẹ của những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Trong thánh lễ phong chân phước cho Mẹ, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã đề cao mẹ như là một chứng nhân phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh Giê-su. Ngài nói : "Mẹ Tê-rê-sa không những đã chọn chỗ thấp nhất mà còn muốn đi phục vụ những người hèn mọn nhất của xã hội. Tựa như một bà mẹ của những người nghèo, mẹ nghiêng mình xuống trên những người cùng khổ vì đủ mọi thứ nghèo khổ".

Mẹ đã dấn thân đến với người nghèo hầu mong nâng cao phẩm giá họ lên giữa một xã hội còn đầy những kỳ thị chủng tộc, kỳ thị sang hèn, giai cấp. Chính Mẹ đã từng nói : "Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa". Mẹ còn muốn cho công việc của Mẹ được nhân rộng thêm lên, Mẹ đã thành lập hội dòng Thừa Sai Bác Ái với ước nguyện như mẹ đã chia sẻ với chị em : "Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Ngài sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Ngài đối với người nghèo".

3. THẢO LUẬN :
Một gia trưởng kia muốn mọi người trong gia đình thực hành Lời Chúa, nên đã treo một tấm bảng trên bức tường trong phòng ăn. Mỗi Chúa Nhật ông sai cô con gái lớn trong nhà viết lên bảng một câu Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật và một lời nguyện quyết tâm thực hành Lời Chúa bằng một việc làm cụ thể. Trước mỗi bữa ăn và trong giờ kinh tối gia đình, các thành viên sẽ đọc chung lời nguyện hoặc một người sẽ cầu nguyện tự phát ngắn gọn, kết thúc bằng lời thưa A-men của mọi người. Theo bạn, cách làm này gia đình bạn có thể thực hiện được không? Có giúp cho mọi người trong gia đình bạn sống Lời Chúa không? Tại sao?

4. SUY NIỆM :

1) Đức Giê-su công bố Tin Mừng về sứ vụ Thiên Sai :

Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ khắp miền Ga-li-lê, danh tiếng Đức Giê-su đã lan truyền khắp nơi, Người trở về thăm quê hương Na-da-rét. Vào ngày sa-bat, Người đến hội đường cầu nguyện theo thông lệ, viên trưởng hội đường đưa cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra ngay đọan nói về sứ vụ của Đấng Thiên Sai như sau : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sau đó gấp sách lại, Người ngồi xuống và tuyên bố : ”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-19).

2) Đừng quên người nghèo :

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thường nhắc nhở các tín hữu “đừng quên người nghèo”, bằng những việc làm cụ thể như sau :
- Là cố gắng giúp người nghèo cách tế nhị và quảng đại, tùy theo khả năng của mình.
- Là gần gũi với những trẻ em nghèo, những người già yếu, bệnh tật, những cô gái lỡ lầm, những người bị xã hội khinh thường.
- Là có một lối sống đơn giản, không xa cách người nghèo. Điều này không cấm chúng ta sử dụng các phương tiện hiện đại, nhưng tránh tiêu xài xa hoa lãng phí.
- Là cố gắng dạy đạo lý cách đơn sơ dễ hiểu cho mọi người, nhất là những người nghèo ít học.
- Là luôn lắng nghe những lời kêu cứu của những bệnh nhân đau liệt và thân yếu thế cô.
- Là tìm hiểu lý do tại sao nhiều người bỏ đạo, rồi dùng tình thương giúp họ quay về với Chúa.
- Là ân cần tiếp xúc với những người tội lỗi, nghèo khó, để giúp họ làm lại cuộc đời.
- Là yêu thương người nghèo theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su trong Tin Mừng. “Đừng quên người nghèo” là một lựa chọn vừa mang tính thần học lại vừa mang tính tiên tri. Có thể tính tiên tri vượt nổi hơn. Các vị mục tử nơi nào biết quan tâm đến người nghèo thì nền tảng đạo đức nơi đó sẽ ngày càng phát triển vững mạnh. Còn các vị mục tử ở nơi nào bỏ quên người nghèo thì nền tảng đạo đức ở nơi đó sẽ ngày một biến chất và tiến đến chỗ bị hủy diệt. Đó chính là một lời tiên báo mà chúng ta hôm nay không nên coi thường.

3) Thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo :

Loan báo Tin Mừng cho người nghèo cụ thể là gì?
Là cho những kẻ đang bị giam cầm trong lao tù biết họ sắp được tha, cho người đang làm nô lệ cho các thói hư tật xấu biết họ sắp được ơn giải thoát.
Là góp phần chữa lành những người mù về thể xác được sáng mắt, đang lầm lạc về đức tin sớm thoát vòng u mê tối tăm, khai mở Năm Toàn Xá ban ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Hôm nay mỗi Ki-tô hữu chúng ta có sứ vụ tiếp nối công việc của Đức Giê-su bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần, an ủi những người cô thế cô thân, xoa dịu chữa lành các vết thương, loại trừ sợ hãi, giải thoát những ai đang bị áp bức... Mỗi tín hữu chúng ta cần thi hành sứ vụ đã được Đức Giê-su trao phó, là góp phần làm cho sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a sớm được thực hiện, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa và tích cực góp phần làm cho Nước Trời mau đến, bắt đầu từ trong gia đình, khu xóm, giáo xứ rồi đến môi trường xã hội chúng ta đang sống.

4) Làm chứng cho Chúa bằng lối sống yêu thương cụ thể : quảng đại chia sẻ và khiêm nhường phục vụ :

Là Ki-tô hữu, chúng ta phải trở thành cánh tay nối dài của Đức Giê-su. Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác để làm bùng lên ngọn lửa tin yêu mà Người đã đem xuống trần gian, bằng việc thực thi giới luật yêu thương. Đó chính là con đường nên thánh, là chìa khoá mở cửa thiên đàng cho chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nói : “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy là vì những thầy dạy này cũng là những chứng nhân”. Thực vậy, lời giảng suông thường khó có thể thuyết phục được người khác, mà còn phải kèm theo gương sáng nữa, như người ta thường nói : ”Trăm nghe không bằng một thấy”. Lời giảng mà thiếu gương sáng sẽ trở thành vô ích và có khi phản tác dụng vì làm cho người ta ghét đạo Chúa hơn. Các tín hữu cần thực hành theo lời khuyên được chủ tế đọc trong lễ phong chức linh mục như sau : “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Cần áp dụng lời Chúa khi suy nghĩ, nói năng và ứng xử giữa đời thường.

Mỗi người chúng ta cần sống hiệp nhất yêu thương noi gương các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con đón nhận được ơn Thánh Thần để sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân : nở nụ cười thân thiện với một người chưa quen, dấn thân phục vụ dân nghèo ở các vùng sâu vùng xa... Xin cho môi trường chúng con đang sống không còn đau khổ, không còn nước mắt và thù hận, nhưng chỉ còn tình thương thể hiện qua việc mọi người biết quan tâm chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, cùng nhau kiến tạo Trời Mới Đất Mới theo thánh ý Chúa (x. Kh 21,1.4).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Được tíếng là mất trí
Lm. Minh Anh
22:31 21/01/2022

ĐƯỢC TIẾNG LÀ MẤT TRÍ
“Những thân nhân của Chúa Giêsu hay tin, liền đi bắt Ngài, vì họ nói, “Ngài đã mất trí!””.

Oliver Wendell Holmes, Jr. được coi là một trong những thẩm phán xuất sắc nhất trong lịch sử Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Ông được biết đến với biệt hiệu “Người Bất Đồng Vĩ Đại”; Holmes ngồi trên Toà Tối cao suốt 30 năm, cho đến tuổi 91. Ngày kia, Tổng thống Roosevelt đến thăm Holmes, thấy ông đang đọc sách Plato. Tổng thống hỏi, “Ngài còn phải đọc Plato?”; Holmes trả lời, “Tôi phải cải thiện tâm trí, vì tôi ‘được tiếng là mất trí!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thẩm phán Oliver Wendell Holmes ‘được tiếng là mất trí’, Chúa Giêsu cũng vậy! Tin Mừng hôm nay cho biết, một số bà con của Ngài nghĩ thế, và họ tìm cách giữ Ngài, không để Ngài đi lang thang nữa! Đây là một chi tiết khá bất ngờ nhưng đầy thú vị; bởi lẽ, điều này tiết lộ một phần trong hành trình đức tin của mỗi người chúng ta; vì đôi khi, chúng ta cũng được tiếng như thế!

Nhưng trước hết, chúng ta hãy bắt đầu với một tiền đề hiển nhiên là, Chúa Giêsu hoàn hảo về mọi mặt! Ngài là Đấng Khôn Ngoan của Thiên Chúa, và là Thiên Chúa; mọi điều Ngài nói, Ngài làm, bày tỏ tình yêu trọn vẹn của Ba Ngôi Chí Thánh. Nhưng đáp lại Ngài là gì? Dĩ nhiên, một số người đã đón nhận, lắng nghe Ngài với niềm tin và sự ngạc nhiên tột độ; họ nhận ra thần tính toả sáng của Ngài và nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thế giới. Ngược lại, một số khác, ngay trong họ hàng, nghĩ rằng, “Ngài đã mất trí!”. Theo cha John Bartunek, “Chúa Giêsu ‘được tiếng là mất trí’, vì với Ngài, không gì quan trọng hơn việc nuôi dưỡng linh hồn người khác bằng tình yêu và lẽ thật, nó quan trọng đến nỗi Ngài bỏ mặc việc nuôi sống chính mình. Thái độ hy sinh quên mình này thấm nhuần từng giây từng phút hiện hữu của Ngài trên trần gian, và đỉnh điểm là sự phục tùng trọn vẹn Chúa Cha trên thập giá đồi Canvê”.

Vậy nếu ý nghĩ “Ngài đã mất trí” được gán cho Chúa Giêsu, bất chấp sự hoàn hảo của Ngài, thì ý nghĩ này cũng sẽ được gán cho chúng ta nếu chúng ta đi trên con đường Ngài đi và làm theo đường lối Ngài dạy. Tuy nhiên, trong cuộc sống, việc thực hành ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng sẽ được chấp nhận. Đúng thế, sẽ có nhiều điều mà Tin Mừng và Chúa Thánh Thần chờ đợi chúng ta nói và làm, sẽ dẫn đến sự chỉ trích của người khác, cả với người thân. Khi điều này xảy ra, chúng ta không nên ngạc nhiên, đừng cho là tổn thương, gương xấu hay xúc phạm; cũng đừng tức giận hay bất bình. Đúng hơn, hãy vui mừng vì thấy mình giống Chúa Giêsu, đang dõi bước theo Ngài; đồng thời, nhớ lại những phán xét sai lầm người ta gán cho Ngài; và nhất là, không để những đắng cay đang trải nghiệm ngăn cản chúng ta tiếp tục làm theo điều Chúa muốn.

Trường hợp của Đavít là một ví dụ. Với tư cách bề tôi, phục vụ vua, Đavít đã liều mạng nghinh chiến với quân Philitinh, đem chiến thắng về cho Saolê; nhưng cũng vì đó, Đavít chuốc lấy sự cừu hận đến nỗi Saolê ngày đêm truy lùng hầu giết cho bằng được Đavít. Đến khi ‘Chúa trao Saolê vào tay’ Đavít, thì Đavít lại nương tay với người coi mình là kẻ thù. Một lần nữa, bài đọc Samuel hôm nay chứng thực điều đó, khi hay tin Saolê tử trận, Đavít khóc lóc thảm thiết thay vì mừng thầm. Với các thuộc hạ của Đavít, thân chủ họ hẳn cũng ‘được tiếng là mất trí!’.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu ‘được tiếng là mất trí’ vì Ngài quá say mê Thiên Chúa và say mê con người. Suốt cả cuộc đời, có thể nói, Ngài đã thực sự được điều khiển bởi sự say mê này; Ngài say mê đến độ quên ăn quên uống, vì “Của ăn của Tôi là làm theo ý Đấng đã sai Tôi”; và cũng vì say mê mà cho đến giây phút cuối cùng, Ngài bị treo lên thập giá một cách ô nhục. Thế nhưng, đó chính là chiến thắng bất tận của tình yêu. Đúng thế, sự xuất hiện của Con Thiên Chúa trên trần gian này đã làm đảo lộn mọi giá trị thực tại của nó. Ai là người khôn ngoan? Phải chăng đó là người chỉ lo làm giàu và chăm chút cho bản thân và gia đình mình? Còn những người sống vị tha, những người độc thân vì Nước Trời, các anh hùng tử đạo, những người miệt mài trên cánh những đồng truyền giáo là người mất trí? Thánh Maximilianô Kolbê đã chết thay cho người bạn tù, với biệt danh “Người Con Điên của Đức Mẹ”, Ngài không phải ‘được tiếng là mất trí’ sao?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa chịu tiếng mang lời cũng chỉ vì tình yêu. Xin cho con được nên giống Chúa; đừng để con ngơ khờ, ‘được tiếng là mất trí’ chỉ vì những lý do vô duyên của thế gian”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lạy Chúa tôi, thư ký giáo xứ lại là nữ tu sĩ Satan! Phụ nữ thờ Satan chạm trán Phó tế cảnh sát
Đặng Tự Do
04:37 21/01/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #173: Deacon Encounters a Satanist in Church”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 173: Phó tế chạm trán người thờ Satan trong nhà thờ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một phó tế vĩnh viễn đã chia sẻ cuộc gặp gỡ này với tôi. Nó xảy ra trước khi anh ấy tham gia vào sứ vụ trừ tà của chúng tôi. Vào thời điểm đó, anh cũng là một cảnh sát đang tại ngũ. Anh cho biết như sau:

Tôi bước vào cửa hông của nhà thờ khoảng 4:20 chiều để chuẩn bị cho Thánh lễ lúc 5 giờ. Tâm trạng của tôi không được vui khi phải để các con tôi ở lại nhà để vui chơi. Nhưng với Ơn Chúa Quan Phòng, không có tai nạn nào xảy ra.

Bước vào nhà thờ, tôi bắt gặp một phụ nữ trẻ rõ ràng đã bước xuống từ cung thánh và đang ở trên lối đi. Khi cô ấy mỉm cười tiến lại gần, cô ấy trông bơ phờ, ăn mặc tồi tàn với chiếc quần rộng thùng thình, áo ba lỗ và kiểu tóc giống quỷ Medusa. Khi chúng tôi thu hẹp dần khoảng cách và đi về phía nhau, tôi, là một cảnh sát được đào tạo hơn mười năm, đã quan sát thấy một hình xăm ở cổ cô ấy. Tôi ngay lập tức nhận ra nó là biểu tượng của Satan - một cây thánh giá bị lộn ngược. Sau đó, cô ấy đã thốt ra một số lời báng bổ về Thiên Chúa và Chúa Giê-su.

Tôi liếc nhìn bàn thờ để xem nhà tạm có bị xáo trộn hay không hoặc bàn thờ có bị xúc phạm không. Tự tin rằng không có gì nghiêm trọng xảy ra, tôi hỏi “Cô có cái gì trong cái ly thế?” Cô ấy đang cầm một chiếc ly nhỏ đầy chất lỏng trong suốt và một bông hoa huệ trắng chúng tôi trang trí trên bàn thờ. Cô ấy lại mỉm cười và nói, “Đó chỉ là một ít nước thánh thôi,” rồi tuôn ra một tràng những lời tục tĩu. “Tại sao cô lại lấy những thứ đó?” Tôi hỏi, không rời mắt khỏi cô ta, bất kể những lời báng bổ và tục tĩu của cô ấy. “Tôi cần nó để trừ tà. Tôi là một phù thủy. Tôi tôn thờ Satan”. Tôi thò tay vào ly nước thánh và làm dấu thánh giá. Cô ta nói, “Tránh xa tôi” và cô ấy lùi lại hai bước, trong khi không ngừng chửi thề. Không nghi ngờ gì nữa, cô ta đang tìm cách lấy Mình Thánh Chúa nhưng không được nên quay sang lấy ít nước thánh.

Tôi nghiêm nét mặt của một cảnh sát và nói, “Tôi là cảnh sát và tôi đang đưa ra cho cô lời mời chính thức hãy rời khỏi đây và đừng trở lại.” Cô ta tỏ ra run sợ và vâng lời ngay lập tức. Nhưng trước khi ra khỏi nhà thờ, y thị còn cố viết trong tập sách những ý cầu nguyện của các tín hữu ở lối vào nhà thờ. Cô viết nguệch ngoạc trên các tờ giấy một lời mời gọi cầu nguyện với Satan và “hãy tận hưởng cuộc sống”. Cô ấy cũng viết những lời tục tĩu về Chúa và những câu như “hãy đốt kinh thánh, hãy tung hô Satan. Satan yêu bạn.”

Người phụ nữ này không phải là một kẻ điên. Cô ta đang vui vẻ, cười nói, chửi thề và đang làm nhiệm vụ. Sự hiện diện của cô ấy khiến tôi cảm thấy hoàn toàn không có tình yêu, sự ấm áp hay lòng tốt. Tôi đã nhìn thấy cái xấu và cái ác ở mọi người nhiều lần trong nhiệm vụ cảnh sát của mình. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy có ai đó hoàn toàn thích thú với những điều như thế. Cô ấy có một luồng khí ác độc. Tôi cảm thấy bẩn thỉu trước sự hiện diện của cô ấy và muốn đi tắm.

Tôi đã thông báo cho Cha Sở về “cuộc xâm lược” này. Khi đó, ngài kể cho tôi nghe về một người bạn linh mục của ngài, người mà thư ký giáo xứ của ngài hóa ra là một nữ tu sĩ satan. Cô đã làm công việc này chỉ để được tiếp cận với Mình Thánh Chúa.

Nhà thờ của Satan thực sự tồn tại. Họ thuyết giảng về đam mê trong tất cả những điều khiến người ta cảm thấy dễ chịu. Tôi đã nhận ra “giáo điều” này trong ghi chú của cô ta hãy “tận hưởng cuộc sống”. Cái ác đến với chúng ta mỉm cười, giống như bà phù thủy này đã làm. Tôi đã dâng một chuỗi Mân Côi cho Đức Mẹ xin Mẹ ban ơn hoán cải cho cô ta.

Đức Ông Stephen Rossetti cho biết: Tôi tự hào về phó tế của chúng tôi. Anh đáp lại những lời báng bổ của cô ấy một cách cẩn trọng vì sự thiêng liêng. Anh đáp lại lời nói thô tục của cô ta với sự tôn trọng. Anh đáp lại lòng căm thù của cô bằng một lời cầu nguyện đầy yêu thương xin Đức Mẹ ban cho cô ta ơn hoán cải.
Source:Catholic Exorcism
 
Fides ca ngợi phản ứng nhanh chóng của cảnh sát trong vụ bắt giữ những kẻ hãm hiếp một thiếu nữ Công Giáo
Đặng Tự Do
04:38 21/01/2022


Trong bản tin đánh đi hôm 15 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã lên tiếng đánh giá cao cảnh sát Pakistan vì phản ứng và hành động nhanh chóng của họ trong việc bắt giữ những thủ phạm trong vụ hãm hiếp một thiếu nữ Công Giáo. Tin tức này đã được thông báo cho Fides bởi Ashiknaz Khokhar, một luật sư Kitô Hữu tham gia bảo vệ nhân quyền sau trường hợp gần đây của một cô gái Công Giáo 16 tuổi ở Okara, Punjab, bị bắt cóc và hãm hiếp bởi những người đàn ông Hồi giáo.

Cảnh sát Okara đã bắt giữ Muhammad Arif và hai đồng phạm vào ngày 10 tháng Giêng. Theo đơn tố cáo, vào ngày 7 tháng Giêng, Arif, 30 tuổi, đã bắt cóc cô gái, buộc cô uống một viên thuốc ngủ và cùng hai đồng phạm đưa cô đến Faisalabad, nơi hắn đã cưỡng hiếp cô nhiều lần, trước khi thả cô trong tình trạng đau thương.

Ashiknaz Khokhar báo cáo với Fides: “Cô gái trẻ đã bị chấn thương tâm lý và thể chất nghiêm trọng. Hiện tại, cô ấy thậm chí không thể nói được vì cú sốc. Gia đình đã làm đơn tố cáo và cảnh sát đã bắt được hung thủ. “Ngày càng có nhiều trường hợp như vậy, và cho đến nay chính phủ không thể thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ trẻ em gái thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan. Những cô gái này bị tổn thương tinh thần và thể chất và ngay cả sự tôn trọng của gia đình đối với nạn nhân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Đây là trường hợp thứ ba được cộng đồng Kitô Giáo báo cáo trong những ngày đầu tháng Giêng năm 2022: Zarish, 17 tuổi và Angel, 15 tuổi, cũng mất tích ở Kot Radha Kishan.

Theo báo cáo về quyền phụ nữ được công bố vào giữa năm 2021, chỉ riêng tại tỉnh Punjab của Pakistan, có tổng cộng 6,754 phụ nữ đã bị bắt cóc trong nửa đầu năm 2021. Hiện tượng bắt cóc này đặc biệt đáng lo ngại.
Source:Fides
 
Mưu toan làm nhục Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã hạ màn
Đặng Tự Do
04:39 21/01/2022


Được sự ủy quyền của Hồng Y Reinhard Marx của Munich, luật sư Westpfahl Spilker và Wastl của Bavaria đã công bố báo cáo liên quan đến tình trạng lạm dụng trong giáo phận Munich từ năm 1949 đến năm 2019, vào ngày 20 tháng Giêng.

Một báo cáo đầu tiên của cùng một văn phòng luật sư đã được đưa ra vào năm 2010 nhưng không bao giờ được công bố.

Một số Hồng Y nổi bật đã từng là tổng giám mục của Munich trong thời kỳ được điều tra, đặc biệt nhất là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là Tổng giám mục của Munich từ 1977 đến 1982 và sau đó trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Suy đoán về những gì báo cáo sẽ nói bao gồm cả những định kiến ác ý chống lại Đức Bênêđíctô đã thống trị cuộc tranh luận trong thế giới nói tiếng Đức trong thời gian chờ đợi báo cáo được công bố.

Vào ngày 5 tháng Giêng, tuần báo Die Zeit nổi tiếng của Đức đã đăng một bài báo dài hai trang về linh mục Peter Hullermann, người bị cáo buộc lạm dụng ít nhất 23 bé trai từ 8 đến 16 tuổi trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1996, và cáo buộc rằng vào đầu những năm 80, Tổng Giám mục lúc bấy giờ của Munich, là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã cho Cha Hullermann làm mục vụ.

Theo tuần báo Die Zeit, vào đầu năm mới, các luật sư giáo luật Đức cho biết họ đã phát hiện ra những sai sót của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khi ngài còn là Tổng Giám mục của Munich từ 1977-1982 và sau đó khi ông là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin từ năm 1982 đến năm 2005.

Trong số các chi tiết khác, Die Zeit thu hút sự chú ý đến một tuyên bố không theo trình tự pháp lý (extrajudicial) vào ngày 9 tháng 5 năm 2016 trong một tòa án giáo luật ở tổng giáo phận Munich trong đó nói rằng các cấp trên của Cha Hullermann, tức là các giám mục và các tổng đại diện của Essen và Munich, đã “không hoàn thành nghĩa vụ của họ đối với trẻ em và những người trẻ tuổi mà họ chăm sóc”. Theo tờ Die Zeit, Đức Hồng Y Ratzinger có tên trong danh sách. Tờ báo sợ rằng độc giả vẫn chưa hiểu thâm ý của họ nên diễn giải thêm rằng “Điều đó có nghĩa là Ratzinger cũng biết về hồ sơ lạm dụng của Cha H. Tin tức này hiện đã được đưa tin trên tất cả các phương tiện truyền thông nói tiếng Đức. Cựu Tổng Giám mục Ratzinger, người sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã che đậy hoặc giúp che giấu hành vi lạm dụng”.

Được Die Zeit hỏi vào ngày 4 tháng Giêng, thư ký Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, cho biết: “Cho rằng Đức Bênêđíctô biết về hồ sơ lạm dụng của cha H khi quyết định chấp ngài ngài vào tổng giáo phận Munich là sai”.

Vụ án Hullermann được đưa ra ánh sáng vào tháng 3 năm 2010 bởi nhật báo Süddeutsche Zeitung có trụ sở tại Munich.

Vào ngày 12 tháng 3 năm 2010, tổng giáo phận Munich đã đưa ra một tuyên bố, trong đó cựu tổng đại diện của nó là Đức Ông Gerhard Gruber nhận “toàn bộ trách nhiệm” về việc không ngăn cản Hullermann thực thi thừa tác vụ.

Tổng giáo phận đã cung cấp một bản tường trình chi tiết về vụ việc, nói rằng Giáo phận Essen đã yêu cầu Tổng giáo phận Munich và Freising chấp nhận Hullermann làm tuyên úy vào tháng Giêng năm 1980, để linh mục có thể được điều trị y tế.

Cha Hullermann được bố trí chỗ ở trong một nhà xứ để có thể tham gia các buổi trị liệu. Tổng giáo phận cho biết: “Đức Tổng Giám Mục vào thời điểm đó, Đức Hồng Y là Ratzinger, đã chấp nhận yêu cầu của giáo phận Essen”.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng: “Tuy nhiên, cha tổng đại diện đã mở rộng quyết định này sau đó khi chỉ định Cha H hỗ trợ mục vụ tại một giáo xứ ở Munich vào thời điểm đó mà không có bất kỳ hạn chế nào,”

“Từ thời điểm này, tức là từ ngày 1 tháng 2 năm 1980 đến ngày 31 tháng 8 năm 1982, không có khiếu nại hoặc cáo buộc nào liên quan đến Cha H.”

Thông cáo dẫn lời Đức Ông Gruber nói: “Việc sử dụng Cha H. lặp đi lặp lại trong việc chăm sóc mục vụ giáo xứ là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đó. Tôi vô cùng hối hận vì quyết định này đã dẫn đến hành vi phạm tội đó với người chưa thành niên và gửi lời xin lỗi tới tất cả những người bị hại”.

Báo cáo mới nhất của Munich chỉ ra rằng Đức Hồng Y Ratzinger chỉ nhận cho Cha Hullermann vào cư trú trong tổng giáo phận để chữa bệnh, việc bổ nhiệm Cha Hullermann vào các trách nhiệm mục vụ diễn ra sau này bởi Đức Ông Gerhard Gruber, khi Đức Hồng Y Ratzinger đã về Vatican nhận nhiệm vụ Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Hồng Y Ratzinger đã phục vụ Thánh Gioan Phaolô II với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, một chức vụ mà ngài đã giữ trong hơn 20 năm.

Hàng trăm linh mục phạm tội lạm dụng tình dục đã bị trừng phạt dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Đây là sự tiếp nối công việc trước đây của ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan đã có được quyền hạn cao hơn đối với các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ vào năm 2002.

Hai tháng sau khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đã kỷ luật Cha Marcial Maciel, người sáng lập có sức lôi cuốn và có ảnh hưởng lớn của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, người từ lâu đã bị buộc tội lạm dụng tình dục các chủng sinh và sau đó được cho là đã có một cuộc sống hai mặt vô cùng tai tiếng.
Source:The Tablet
 
Tại sao Tổng Thống, Thủ Tướng dự tang lễ cô ca trưởng đẹp nhất giáo xứ nông thôn?
Đặng Tự Do
16:35 21/01/2022


Sau cái chết kinh hoàng của một giáo viên 23 tuổi ở một thị trấn vùng trung du, hai giám mục Ái Nhĩ Lan đã đặt câu hỏi về thái độ của xã hội đối với phụ nữ và nhắc lại ý kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng bạo lực đối với phụ nữ là một sự xúc phạm đối với Chúa.

Hôm thứ Ba 18 tháng Giêng vừa qua, lễ tang của cô Ashling Murphy đã diễn ra tại giáo xứ Thánh Brigid ở Mountbolus, Hạt Offaly, là một giáo xứ nông thôn nhỏ của giáo phận Meath, nơi cô là ca trưởng một ca đoàn trước khi qua đời. Tổng thống Ireland Michael D. Higgins, Thủ tướng Micheál Martin, cũng như các quan chức chính phủ khác, các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo đã tham dự.

Họ có mặt ở đó để bày tỏ sự đau buồn và phẫn nộ của cả nước trước cái chết của một nhạc sĩ tài năng, một nữ vận động viên thể thao, một giáo viên tận tụy, và một ca trưởng nhà thờ. Cái chết của cô xảy ra giữa ban ngày trong khi cô đang chạy bộ dọc theo một bờ kênh ở Tullamore vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Tư tuần trước 12 tháng Giêng, sau khi vừa dạy học xong tại trường tiểu học của giáo xứ.

Đám tang của cô được tổ chức vào hôm thứ Ba 18 tháng Giêng.

Một người đàn ông đã bị bắt tại một bệnh viện ở thủ đô Dublin, nơi anh ta trình diện vào hôm thứ Năm tuần trước với những vết thương không rõ nguyên nhân, một số được nghi là do chính anh ta tự gây ra, để gây nhầm lẫn cho các nhân viên điều tra.

Anh ta đã bị tạm giữ vào sáng thứ Ba sau khi nhà chức trách đánh giá rằng anh ta đã hồi phục đủ để đối mặt với các câu hỏi tại đồn cảnh sát Tullamore, nơi đang diễn ra cuộc điều tra về vụ hành hung chết người. Gardaí, tức là lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan cho biết:

“Gardaí đang điều tra vụ tấn công gây chết người cho Cô Ashling Murphy xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều thứ Tư, ngày 12 tháng Giêng năm 2022, dọc theo bờ kênh ở Cappincur, Tullamore, Hạt Offaly; và đã bắt giữ một người đàn ông khoảng 30 tuổi vì nghi ngờ giết người”

“Người đàn ông hiện đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Tullamore theo mục 4 của Đạo luật Tư pháp Hình sự 1984. Chúng tôi không có bình luận gì thêm vào lúc này.”

Theo thông tấn xã RTÉ của Ái Nhĩ Lan, người đàn ông bị bắt là một người có gia đình và có 4 đứa con. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan chưa xác nhận tin này. Tên tấn công có thể có ý định hãm hiếp cô. Tuy nhiên, Cô Ashling Murphy là một vận động viên nên đã kháng cự quyết liệt khiến y bị thương.

Hàng nghìn người đã đứng dọc tuyến đường tang lễ để bày tỏ tình đoàn kết với gia đình đau buồn của Murphy. Các lễ canh thức đã được tổ chức trên khắp Ái Nhĩ Lan, Anh và xa hơn thế nữa đến tận New York, Los Angeles, Sydney và Paris vào cuối tuần qua, để tưởng nhớ Murphy và tất cả những phụ nữ đã chết vì bạo lực trong những năm gần đây. Theo Women's Aid, kể từ năm 1996 đến nay, 244 phụ nữ đã bị giết hại dã man ở Ái Nhĩ Lan.

Trước nghi thức cuối cùng tại tang lễ, Đức Cha Tom Deenihan của giáo phận Meath, là giáo phận sở tại, nói với những người thương tiếc “Một cuộc dạo chơi vào một buổi chiều nắng nhẹ vào tháng Giêng nên là một sự kiện hạnh phúc, hứa hẹn những ngày tươi sáng và ấm áp hơn của mùa xuân và mùa hè.”

Thay vào đó, một “hành động bạo lực đồi bại đã tước đi mạng sống của một phụ nữ trẻ tốt bụng, tài năng, được yêu mến và ngưỡng mộ” đã khiến đất nước thống nhất trong đau thương.

Ngài nói rằng tội ác đã đặt câu hỏi về “thái độ của chúng ta đối với phụ nữ, và nó đã đặt câu hỏi về giá trị và đạo đức của chúng ta.”

Đức Cha nói thêm: “Chúng ta không thể cho phép bạo lực và sự coi thường tính mạng con người và cũng như sự xâm phạm đến sự toàn vẹn của phẩm giá bám rễ vào thời đại và văn hóa của chúng ta”.

Trích dẫn từ bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày đầu năm mới về bạo lực đối với phụ nữ, Đức Cha Deenihan nói thêm, “Tất cả chúng ta phải đấu tranh để không có cá nhân nào phải chết như Ashling, và không gia đình nào phải đau khổ như gia đình Murphy.”

Cha Michael Meade, linh mục quản xứ Kilcormac & Killoughey, người chủ tế trong Thánh lễ an táng và là bạn thân của gia đình Murphy, đã kêu gọi “Chúng ta đừng sợ biến lòng hoán cải thành hiện thực.”

Đức Cha Brendan Leahy, của Limerick, cho biết xã hội đã ghi ơn Murphy “phải bảo đảm cuộc hành trình của cô ấy không kết thúc vào thứ Tư mà là đánh dấu một khởi đầu mới và tốt đẹp hơn cho cách phụ nữ được đối xử, cách họ được tôn trọng và thực sự là được bảo vệ”.

Ngài cho biết thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô “bạo lực đối với phụ nữ là không thể chấp nhận được” cần phải được hét lên từ các mái nhà trong tất cả các tổ chức và cộng đồng.

Phát biểu trước cộng đoàn giáo xứ Killeedy, ngài nói: “Chúng ta hãy thừa nhận với nhau tầm quan trọng của việc thúc đẩy một nền văn hóa phản đối bạo lực một cách rõ ràng và thẳng thắn, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ.”
Source:Crux
 
Cộng đồng người Phi Luật Tân ở Los Angeles kỷ niệm 500 năm Santo Niño de Cebú
Đặng Tự Do
16:36 21/01/2022


Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật 16 tháng Giêng để tưởng nhớ 500 năm đạo Công Giáo đến với Phi Luật Tân, và kỷ niệm lễ Santo Niño de Cebú, tức là Chúa Hài Đồng Giêsu của Cebú.

“Hôm nay, chúng ta đặc biệt dâng mình cho Hài Nhi Chí Thánh, Santo Niño, khi chúng ta tiếp tục tạ ơn Chúa vì đã mở cánh cửa đức tin cho người dân Phi Luật Tân, cách đây năm trăm năm,” vị tổng giám mục nói hôm 16 tháng Giêng trong bài giảng lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên thần.

“Và tất nhiên, chúng ta cũng nhớ lại rằng ngay sau khi cánh cửa đức tin được mở ra, những người Phi Luật Tân đầu tiên đã đến Mỹ, đến vịnh Morro, vào năm 1587. Thật tuyệt khi nghĩ về điều đó và suy tư rằng người Phi Luật Tân đã ở đây, thờ phượng, và làm việc ở đất nước chúng ta từ rất lâu ngay cả trước khi đất nước chúng ta có tên”.

Ngài nói thêm rằng “hôm nay chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì di sản Công Giáo phong phú của Phi Luật Tân đã trở thành một phần đẹp đẽ trong đời sống Công Giáo của chúng ta ở Los Angeles và ở Mỹ.”

Santo Niño de Cebú là một bức tượng được trao cho Juana, vợ của vua Cebu, sau lễ rửa tội năm 1521 của họ. Bức tượng được tôn kính rộng rãi ở Phi Luật Tân, và hiện được đặt tại Vương Cung Thánh Đường Santo Niño ở thành phố Cebu.

Trước thánh lễ, các truyền thống của Phi Luật Tân được trưng bày trên quảng trường nhà thờ, và hình ảnh của Santo Niño đã được làm phép trong thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã suy tư về đám cưới tại Cana, nói rằng qua phép lạ được thực hiện tại đó, Chúa Kitô “muốn cho chúng ta thấy rằng hôn nhân của người nam và người nữ là biểu tượng của việc Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta biết chừng nào”.

“Chúa yêu tất cả chúng ta, anh chị em và tôi, không có điều kiện và không có ngoại lệ. Chúa yêu mến tất cả anh chị em! Anh chị em là một kho báu đặc biệt đối với Ngài. Đây là sự thật đáng kinh ngạc về đức tin Công Giáo của chúng ta”.

Kết quả là “Chúa có một sứ mệnh cho cuộc đời anh chị em,” một ơn gọi.

“Mỗi người trong chúng ta, cho dù chúng ta là ai, đều có một vai trò trong việc xây dựng vương quốc tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Và cũng thật thú vị vì đó là ý nghĩa của những người đầy tớ trong bài Tin Mừng hôm nay”.

“Giống như những người tôi tớ đó, chúng ta cần đổ đầy nước của tình yêu vào các bình nước của đời mình, bằng nước của những công việc tốt lành, những công việc của lòng thương xót và sự phục vụ. Và chúng ta làm điều đó bằng những cách đơn giản và bình thường. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúa Giêsu muốn làm việc với chúng ta, và qua chúng ta. Qua những công việc tốt của chúng ta, qua những công việc của tình yêu thương của chúng ta. Trong gia đình của chúng ta. Tại nơi làm việc của chúng ta. Trong xã hội của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

“Và đây là nước mà Ngài sẽ biến đổi – Ngài sẽ biến thành rượu mới… Nhưng như chúng ta biết, anh chị em thân mến của tôi, mọi thứ bắt đầu từ việc chúng ta tuân theo lời của Chúa Giêsu. Điều này đặc biệt - khi chúng ta suy ngẫm về đoạn Tin Mừng hôm nay - điều mà Đức Maria nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, khi Mẹ nói với các gia nhân: 'Hãy làm bất cứ điều gì người nói với anh em.' Đây là chìa khóa dẫn đến Vương quốc. Đây là chìa khóa cho sự thánh thiện, cho ơn gọi của chúng ta. Để vào sự sống thiêng liêng – hãy làm theo thánh ý của Thiên Chúa, làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu bảo chúng ta”.

Ngày hôm trước Thánh lễ, một buổi bán đồ ăn đã được tổ chức tại giáo xứ Đức Mẹ Loretto ở khu Filipinotown lịch sử của thành phố. Bữa ăn được tổ chức bởi Hội đồng Khu phố Filipinotown và Hội đồng Cố vấn Cộng đồng của Sở Cảnh sát Quận Los Angeles.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha sẽ trao thừa tác vụ giáo lý viên, đọc sách và giúp lễ cho anh chị em giáo dân vào Chúa Nhật Lời Chúa
Đặng Tự Do
16:37 21/01/2022


Vatican đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trao các thừa tác vụ giáo lý viên, đọc sách và giúp lễ cho anh chị em giáo dân lần đầu tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Chúa Nhật 23 tháng Giêng, là Chúa Nhật Lời Chúa.

Các ứng cử viên từ ba châu lục sẽ nhận các thừa tác vụ mới trong Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế.

Hai người đến từ vùng Amazon ở Peru sẽ chính thức được Đức Giáo Hoàng trao thừa tác vụ giáo lý viên, cùng với các ứng viên khác đến từ Brazil, Ghana, Ba Lan và Tây Ban Nha.

Ngài cũng sẽ trao thừa tác vụ đọc sách cho anh chị em giáo dân từ Hàn Quốc, Pakistan, Ghana và Ý.

Mỗi thừa tác vụ này sẽ được trao thông qua một nghi thức do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích chuẩn bị, sẽ được trình bày lần đầu tiên, theo một thông cáo của Vatican đưa ra vào ngày 18 tháng Giêng.

Thông báo cho biết: “Trước bài giảng, các ứng viên sẽ được triệu tập, gọi tên và trình diện trước cộng đoàn”.

Những người được gọi đến thừa tác vụ đọc sách sẽ được trao tặng một cuốn Kinh thánh, trong khi các giáo lý viên sẽ được giao phó một cây thánh giá. Cây thánh giá này là một bản sao của thánh giá mục vụ được sử dụng bởi các vị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên như một sứ vụ chuyên nghiệp được thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo vào tháng 5 năm ngoái.

Các giáo lý viên trước hết được kêu gọi trở thành chuyên gia trong công tác mục vụ truyền đạt đức tin khi đức tin phát triển qua các giai đoạn khác nhau, từ việc công bố Tin Mừng ban đầu, cho đến việc hướng dẫn nhằm trình bày cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô, và chuẩn bị cho các bí tích khai tâm Kitô, và sau đó là việc đào tạo tiếp tục ngõ hầu mỗi người có thể giải thích về niềm hy vọng bên trong tâm hồn họ (xem 1 Pr 3:15). Đồng thời, mỗi giáo lý viên phải là một chứng nhân cho đức tin, một người thầy và một nhà khai tâm đức tin, một người bạn đồng hành và một nhà sư phạm, là người giảng dạy cho Giáo Hội. Chỉ qua cầu nguyện, học tập và tham gia trực tiếp vào đời sống của cộng đoàn, họ mới có thể lớn lên trong căn tính này cũng như trong sự chính trực và trách nhiệm mà nó đòi hỏi (x. Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc âm hóa, Chỉ Nam Giáo lý, 113).

Những người được gọi vào thừa tác vụ Giáo lý viên là những người nam và người nữ có đức tin sâu sắc và sự trưởng thành nhân bản, là những người tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu, có khả năng chào đón người khác, quảng đại và sống một đời sống hiệp thông huynh đệ. Họ cũng cần được đào tạo phù hợp về kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm để trở thành những người truyền đạt có năng lực cho chân lý đức tin và họ phải có một số kinh nghiệm trước đây về việc dạy giáo lý (xem Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 14; CIC số 231 §1; CCEO số 409 §1). Điều cần thiết là họ phải là những người cộng tác trung thành với các linh mục và phó tế, chuẩn bị thi hành chức vụ của mình ở bất cứ nơi nào có thể thấy cần thiết và được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tông đồ thực sự.

Trong số các ứng cử viên được Đức Thánh Cha Phanxicô trao thừa tác vụ trong tuần này có chủ tịch Trung tâm Phòng thí nghiệm Rôma, được thành lập bởi Arnaldo Canepa, người đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời của mình cho việc dạy giáo lý cho trẻ em.

Đức Giáo Hoàng đã thay đổi giáo luật vào tháng Giêng năm 2021 để phụ nữ có thể được chính thức bổ nhiệm vào các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ.

Trong tông thư Spiritus Domini, Đức Giáo Hoàng đã sửa đổi Bộ Giáo luật, trước đây giới hạn các thừa tác vụ này cho nam giáo dân.

Người đọc sách là người đọc Kinh thánh - không phải là Phúc âm, vốn chỉ được các phó tế và linh mục công bố - cho cộng đoàn trong Thánh lễ.

Sau khi bãi bỏ các chức nhỏ, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết rằng chức giúp lễ là một thừa tác vụ trong Giáo hội với “nhiệm vụ chăm sóc việc phục vụ bàn thờ, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các hoạt động phụng vụ, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh lễ”.

Các trách nhiệm tiềm tàng đối với thừa tác viên giúp lễ bao gồm việc phân phát Mình Thánh Chúa như một thừa tác viên bất thường nếu những thừa tác viên đó không có mặt, công khai trưng bày Bí tích Thánh Thể để tôn thờ trong những trường hợp bất thường, và “hướng dẫn các tín hữu khác, những người trên cơ sở tạm thời, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ bằng cách mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v.”

Do hạn chế đi lại liên quan đến sự bùng phát của biến thể omicron COVID-19, các ứng viên từ Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda sẽ không thể tham gia Thánh lễ, như kế hoạch ban đầu. Sự tham dự tại Đền Thờ Thánh Phêrô cũng sẽ được giới hạn chỉ 2,000 người.
Source:Catholic News Agency
 
Giáo xứ Công Giáo đã giúp các gia đình bị bắt làm con tin trong vụ khủng bố tại Hội đường Do Thái ở Texas
Đặng Tự Do
16:37 21/01/2022


Vào thời điểm xảy ra vụ bắt giữ con tin trong hội đường Do Thái ở Colleyville, Texas, vào ngày 15 tháng Giêng vừa qua, các nhà lãnh đạo các tôn giáo đã họp nhau tại Nhà thờ Cộng đồng Công Giáo Chúa Chiên Lành gần đó để chia sẻ một cuộc thảo luận thần học về lý do tại sao những điều xấu lại xảy ra với những người tốt.

Theo Cha Michael Higgins, tình đoàn kết diễn ra trong nhà thờ ngày hôm đó giữa các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái, Hồi giáo, Tin lành và Công Giáo. Họ cầu nguyện cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong khoảng 10 giờ cho một cách giải quyết tích cực khỏi một tình huống bi thảm.

Cha Higgins nói với tờ Crux vào ngày 17 tháng Giêng: “Chúng ta thực sự cần phải nhận ra điểm chung của mình và ngừng tức giận và trói buộc với những thứ chia rẽ chúng ta mà hãy tập trung hơn vào những thứ gắn kết chúng ta – đó là niềm tin chung của chúng ta vào Thiên Chúa”.

Bốn con tin tại Nhà thờ Beth Israel đã được giải thoát vào đêm thứ Bảy sau 10 giờ giằng co giữa tay súng và cảnh sát. Kẻ bắt giữ con tin là Malik Faisal Akram, 44 tuổi, quốc tịch Anh, người đã bị lực lượng thực thi pháp luật giết chết sau khi một biệt đội FBI tinh nhuệ xông vào nhà thờ.

Sự can dự của Cha Higgins và cộng đồng Công Giáo Chúa Chiên Lành bắt đầu ngay trước buổi trưa, khi lực lượng thực thi pháp luật hỏi liệu ngài có thể cung cấp một không gian an toàn cho các thành viên gia đình của con tin hay không. Cha Higgins đã cho họ một không gian riêng trong hội trường nhà thờ, rất gần hội đường Do Thái. Kể từ thời điểm đó, các nhà lãnh đạo liên tôn đã đến và đi suốt cả ngày, nhân viên giáo xứ đến để xử lý điện thoại, và nhiều người đã bỏ bữa ăn của gia đình.

Cha Higgins mô tả trải nghiệm “chứng kiến nỗi đau mà các gia đình phải trải qua” là trải nghiệm “thực sự làm nổi bật sự mong manh của cuộc sống”.

Đức Cha Michael Olson của Fort Worth nói với Crux trong một tuyên bố rằng ngài “biết ơn” vì phản ứng của Cha Higgins và cộng đồng Chúa Chiên lành, đồng thời nói thêm rằng ngài tham gia với “các nhà lãnh đạo tôn giáo của tất cả các tôn giáo trong việc bày tỏ sự nhẹ nhõm và hạnh phúc khi các con tin được giải cứu an toàn”.

Một trong những con tin là Giáo sĩ Charlie Cytron-Walker của cộng đoàn Beth Israel, người mà Cha Higgins mô tả là “người bạn của cộng đồng Công Giáo”. Ngài lưu ý rằng các cộng đồng Công Giáo và Do Thái ở Colleyville đã có mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều năm.

Ngay sau khi tên khủng bố Malik Faisal Akram đến New York vào ngày 29 tháng 12, hắn đã mua một chiếc điện thoại di động có mã vùng New York. Khi vụ khủng bố xảy ra, y gọi cho cảnh sát New York đòi trả tự do cho Aafia Siddiqui, một nữ khủng bố nguy hiểm đã bị kết án.

Siddiqui bị giam giữ tại Căn cứ Không quân Carswell gần Fort Worth. Cô ta bị cáo buộc có quan hệ với al-Qaida và bị kết tội tấn công và âm mưu sát hại một binh sĩ Mỹ vào năm 2010 và bị kết án 86 năm tù.

Aafia Siddiqui sinh ngày 2 tháng 3 năm 1972 trong một gia đình Hồi giáo giàu có và rất cực đoan tại Islamabad, Pakistan. Từ năm 1990, y thị theo học ngành thần kinh học tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ và năm 2001 giành được bằng tiến sĩ về thần kinh học tại đây.

Ngay sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001, cô trở về thăm Pakistan. Cô trở về nước một lần nữa vào năm 2003 khi cuộc chiến ở Afghanistan đang ở thời cao độ.

Ngày 1 tháng Ba, 2003, tên Khalid Sheikh Muhammad, kẻ bị tình báo Hoa Kỳ cáo buộc là “kiến trúc sư” vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 của al-Qaeda bị bắt tại thành phố Rawalpindi. Tên này khai với FBI và CIA rằng Aafia Siddiqui là người cung cấp tiền bạc quyên góp tại Hoa Kỳ và các phương tiện kỹ thuật cho bọn khủng bố al-Qaeda. Lệnh lùng bắt được đưa ra, nhưng lúc đó Aafia Siddiqui đã dẫn 3 đứa con bỏ trốn về Pakistan.

Tháng 5, 2004, FBI đưa Siddiqui vào danh sách 7 tên khủng bố và trao giải thưởng cho bất cứ ai cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt giữ hay giết chết Siddiqui.

Tháng 7, 2008 trong khi đang hoạt động tại Ghazni, Afghanistan, cô bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ và bị các nhân viên tình báo Hoa Kỳ thẩm vấn.

Trong khi bị giam giữ, Siddiqui nói với các nhân viên tình báo rằng cô ta đã bị khủng bố Taliban bắt cóc và cầm tù. Tuy nhiên, người ta tìm thấy trên người cô các tài liệu chế tạo bom và một số lượng đáng kể sodium cyanide (NaCN).

Trong ngày thứ hai của cuộc phỏng vấn, Siddiqui bất ngờ chụp khẩu súng của người thẩm vấn và bắn một nhân viên FBI vừa đến từ Hoa Kỳ và một quân nhân Mỹ. Người quân nhân này bắn cô bị thương.

Sau khi được điều trị; cô được về Mỹ. Ngày 3 tháng 2 năm 2010 cô bị kết án 86 năm tù. Hiện nữ sát thủ này tại đang thụ án tại Trung Tâm Y Khoa Liên Bang Carswell ở Fort Worth, Texas. Đây là một nhà tù dành để chăm sóc y tế cho các tù nhân nữ bệnh nặng hoặc mắc bệnh tâm thần. Siddiqui bị nhốt trong khu biệt giam được canh gác rất nghiêm nhặt.

Các quan chức cho biết chưa có bằng chứng đây là một phần của một âm mưu lớn hơn, nhưng cảnh sát đang điều tra các số điện thoại do tên khủng bố gọi đến tại New York.
Source:Crux
 
Người Công Giáo phò phá thai, những người tuần hành vì sự sống ở Washington D.C.
Vũ Văn An
19:10 21/01/2022

Ed. Condon của tờ The Pillar, ngày 21 tháng 1, 2022, tường trình như sau liên quan đến cuộc diễn hành phò sự sống tại Thủ đô Washington D.C. Hoa Kỳ:

Chúng ta có rất nhiều điều tuyệt vời để theo dõi cuộc diễn hành ngày hôm nay và chính nghĩa bảo vệ phẩm giá của mọi sự sống con người, nhưng trước khi nói về điều đó, hãy nói về những người cương quyết xúc phạm nó, mọi cơ hội họ có được.



Đêm qua, khi những người hành hương tập trung tại Vương cung thánh đường Quốc gia Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội để cầu nguyện cho sự sống, các nhà tranh đấu từ nhóm “Người Công Giáo phò lựa chọn [phá thai]” đã chiếu các khẩu hiệu ủng hộ phá thai lên tháp chuông của vương cung thánh đường.

Không cần phải nói “Người Công Giáo phò lựa chọn” hoàn toàn không phải là một nhóm Công Giáo, cũng như không có bất cứ thẩm quyền đạo đức hay giáo luật nào để mang tên “Công Giáo”. Đó là một nhóm hoạt động chính trị dành thời gian để đưa ra những thông tin sai lệch về giáo huấn của Giáo hội về nhiều vấn đề, không phải chỉ về phá thai mà thôi.

Phản ứng từ Giáo hội đối với trò biểu diễn gây chấn động này hết sức rõ ràng. Trực tiếp một cách thực sự và rõ ràng.

Sáng nay, Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington nói rằng “tiếng nói thực sự của Giáo hội chỉ được nghe thấy bên trong Vương cung thánh đường Đền thờ Quốc gia Kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào buổi tối hôm qua. Ở đó, người ta cầu nguyện và dâng Thánh lễ xin Chúa phục hồi lòng tôn kính đích thực đối với sự sống con người”.

“Những người làm trò hề chiếu lời nói bên ngoài tòa nhà của nhà thờ bằng những trò đùa đó chứng tỏ rằng họ thực sự là người bên ngoài Giáo hội, và họ làm vậy vào ban đêm - Ga 13:30.”

Để giúp bạn đọc khỏi tra cứu, Ga 13:30 là câu trong đó Giuđa rước lễ vào bữa ăn tối cuối cùng trước khi đi vào bóng tối để phản bội Chúa Kitô: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối”.

Đó là chính là những người mà Đức Hồng Y Wilton Gregory nói về những người Công Giáo phò lựa chọn. Đúng như tôi nói, rất rõ ràng.

Như Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã phát biểu năm 2016, tiền đề và tên gọi của nhóm “không những chỉ xúc phạm đến người Công Giáo mà còn đến tất cả những ai mong đợi sự trung thực và thẳng thắn trong các ngôn từ công cộng”.

“Nó không có tư cách thành viên, và rõ ràng không nói thay cho các tín hữu. Nó được tài trợ bởi các tổ chức tư nhân mạnh mẽ nhằm cổ vũ phá thai như một phương pháp kiểm soát dân số”.

Tôi không thể nói chính xác ai đang tài trợ cho họ trong những ngày này - biểu mẫu thuế 990 của họ vẫn chưa được nộp cho năm 2020.

Lần đóng thế mới nhất của nhóm không có gì đáng ngạc nhiên: thực vậy, điều đáng ngạc nhiên nhất có lẽ là nó đã mất nhiều năm để nảy ra ý tưởng này — bạn hẳn mong đợi nhiều tính sáng tạo hơn từ một tổ chức trả cho nhân viên hàng đầu của mình ở mức hơn 1/4 triệu dollar Mỹ. Nhưng nó không kém phần xúc phạm vì điều đó. Thật vậy, hành vi xúc phạm là trọng điểm.

Đây không phải là nhóm những cá nhân có mâu thuẫn âm thầm ta thán về thực tại việc phá thai, mà, một cách hiểu sai về mặt luân lý, tự hỏi liệu việc chấm dứt các điều được tri nhận như là nguyên nhân của phá thai hợp pháp có nên đến trước việc kết tội hình cho chính hành vi ấy không. Những người như vậy đặt câu hỏi, đúng; bày tỏ sự đồng cảm, chắc chắn như thế; chống đối việc bôi lọ các phụ nữ tìm cách phá thai, tất nhiên.

Nhưng đó không phải là những người chúng ta đang nói đến.

Đây là một nhóm chuyên cổ vũ việc phá thai hợp pháp theo các điều kiện của chính họ và như là một điều tự nó tốt, và chống đối một cách rõ ràng với Giáo hội mà nó được tạo ra để phá hoại, đến mức trở thành nhà thờ mẹ của Công Giáo Hoa Kỳ nhằm phổ biến sự chế giễu đức tin và sự tận tâm của những người tham dự buổi cầu nguyện ở bên trong tòa nhà.

Đó là một cam kết đối với nền văn hóa sự chết. Bạn không thể nói họ không kiếm được 30 lượng bạc đó, và Đức Hồng Y Gregory không ngại ngùng khi gợi ý rằng họ quả có kiếm được.

Tham gia ngày sự sống bằng cầu nguyện

Trong khi hàng ngàn gia đình tín hữu ra ngoài trong cảnh giá lạnh hôm nay (8 độ âm), không phải tất cả những ai muốn giúp phát huy chính nghĩa phẩm giá và sự sống con người đều ra ngoài đường phố Washington - một số người không thể.

Tuần này, chúng tôi tới gặp các nữ tu dòng Biển Đức tại Tu viện Thánh Scholastica ở Petersham, Mass., những người sống trọn cuộc đời và ơn gọi trong tu viện của họ, trong im lặng. Nhưng các vị cũng bận rộn vì chính nghĩa phò sự sống như ai.

Tất nhiên, các nữ tu cầu nguyện, nhưng họ cũng đã bắt đầu chiến dịch viết thư cho các công ty dược phẩm, yêu cầu họ loại bỏ việc sử dụng xét nghiệm dòng tế bào thai nhi và tất cả những gì liên quan đến việc phá thai trong việc khai triển vắcxin và các loại thuốc khác.

Tôi không biết kết quả ngay lập tức sẽ mang lại gì, nhưng nếu tôi nhận được một lá thư từ một nữ tu sĩ nói với tôi rằng bà đã từ cuộc sống suy gẫm thầm lặng của mình vươn tay ra để khuyến khích tôi thực hiện các lựa chọn tốt hơn, nó sẽ khiến tôi phải tạm dừng (để suy nghĩ).

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Mẹ Mary Elizabeth Kloss, bề trên tu viện, nói rằng các nữ tu tham gia cuộc diễn hành bằng “7 giờ đọc kinh Thần vụ” và nhiều kinh tư riêng khác, nhoài việc gửi các thư nói trên. Mẹ ví hành vi của các nữ tu với cách Môsê đã làm xưa khi dân Do Thái chiến đấu chống người Amalek: thay vì chiến đấu bằng chân trên đường phố Washington D.C., các chị chiến đấu bằng “qùy gối”.

Cuộc diễn hành cuối cùng nhắc đến Roe v. Wade?

Đối với nhiều người sống ở Washington ngày nay, đây không phải là cuộc Diễn hành đầu tiên trong đời của họ và cũng sẽ không phải là cuộc Diễn hành cuối cùng của họ. Nhưng nhiều người hy vọng một kết quả thuận lợi tại Tòa án Tối cao năm nay sẽ có nghĩa đây là lần cuối cùng họ đánh dấu kết quả của Roe v Wade như là luật của lãnh thổ.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Roe không còn, và điều gì xẩy ra tiếp theo cho quyết tâm phò sinh, nhất là ở những tiểu bang kiên quyết ủng hộ phá thai như California? Để nói về điều này, tuần này Charlie Camosy đã phỏng vấn Đức Cha Kevin Vann của Giáo phận Orange.

Ngoài việc là một giám mục của California (và một luật sư giáo luật - luôn là một dấu hiệu tốt), Đức Cha Vann còn là con trai của một y tá và từng làm kỹ thuật viên y tế trước khi trở thành một linh mục. Mối liên hệ của ngài với sự nghiệp phò sinh kéo dài suốt cuộc đời ngài và ngài đã giúp phát triển một số dự án đáng lưu ý trong những năm qua.

Đối với Đức Cha Vann, chăm sóc cho con người là trọng tâm của công trình phò sinh: đấu tranh để chấm dứt các tệ nạn như phá thai hợp pháp và cái gọi là "tự tử bằng thuốc" và hoàn cảnh tuyệt vọng và cô lập đã khiến mọi người hướng về chúng ngay từ đầu.

Tiếp tục xem xét trước những gì tiếp theo xẩy đến cho cuộc chiến phò sinh nhằm chấm dứt phá thai, hôm nay Brendan Hodge của chúng tôi xem xét những thay đổi về nhân khẩu học có hiệu quả ra sao đối với việc chuyển vị các cuộc nói chuyện xoay quanh việc phá thai.

Nói tóm tắt, hôn nhân, quyền làm cha mẹ và việc đi lễ nhà thờ đang giảm ở Mỹ - và điều đó gợi ý rằng những người phò sinh sẽ cần tìm những cách hỗ trợ mới hoặc tìm những cách mới để thay đổi nền văn hóa.

Theo Hodge, từ 1977, phần trăm những người nói rằng họ chống đối việc luật cho phép phá thai vì bất cứ lý do gì đã từ từ giảm xuống, từ đỉnh cao 67% năm 1978. Và đến năm 2021, nó chỉ còn dưới 50%, với 44% muốn có hạn chế phá thai.

Những người đi nhà thờ mỗi tuần một lần hay hơn, 28% ủng hộ hạn chế việc phá thai hơn những người đi nhà thờ ít hơn mỗi năm một lần.

Như trên đã nói, việc làm cha mẹ, kết hôn, và đi lễ càng ngày càng ít đi, nhất là nơi người trẻ, và việc này dẫn tới việc giảm tỷ lệ người Mỹ chống đối phá thai.

Theo Hodge, vì những người cổ vũ phò sinh đang tìm cách xây dựng nền văn hóa phò sinh, nên điều ngày càng quan trọng là họ cần nhận được sự ủng hộ của những người không giống như đa số những người hiện đang ủng hộ việc hạn chế phá thai.

Hodge cho rằng phần lớn người trẻ độc thân, không có con, không đi lễ nhà thờ. Những người cổ vũ phò sinh cần sự ủng hộ của họ trong việc thông qua các đạo luật nhằm bảo vệ sự sống của trẻ chưa sinh. Việc này đòi các chiến lược mới và phương thức hành động mới, có thể phát sinh từ các cuộc diễn hành phò sinh.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Thánh Tâm Huế Tiếp Tục Hành Trình Chia Sẻ Yêu Thương Với Những Mảnh Đời Bất Hạnh
Trương Trí
10:01 21/01/2022
Sáng ngày 21 tháng 1 năm 2022, qua anh Micae Nguyễn Hùng Dũng lớp Hoan Thiện 71, cô Nguyễn Thị Lài thuộc Hội Bác ái Úc: VIET-AUST BAC AI ASSOCIATION tài trợ. Linh mục Giuse Phan Tấn Hồ, Bề trên Nhà Mẹ Hội Dòng Thánh Tâm Huế đã trao 270 phần quà gồm gạo, mì, nước mắm, xì dầu và áo quần cho những người mù trên địa bàn thành phố Huế. Sau khi thành phố Huế được mở rộng bao gồm thêm một số xã thuộc huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà, dân số thành phố đông hơn và số lượng người bất hạnh cũng tăng theo, nhất là do ảnh hưởng đại dịch Covid mà nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến.

Xem Hình

Sau khí trao quà tại Hội Người mù thành phố Huế, linh mục Giuse Phan Tấn Hồ cùng anh chị em thiện nguyện tiếp tục lên Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật của Chùa Long Thọ do các Ni cô phụ trách chăm sóc nuôi dưỡng. Nơi đây đủ mọi thành phần khuyết tật, có những em gương mặt rất sáng sủa nhưng tiếc thay lại bị câm điếc. Vậy nhưng các em rất ngoan và lễ phép, đó cũng là nhờ sự chăm sóc tận tình của các Ni cô. Những lương thực và thực phẩm cùng bánh kẹo được trao cho các Ni cô để lo cho các em bằng một tấm lòng trân trọng và quý mến.

Đoàn tiếp tục đến Trung tâm Sơn Ca do Nữ tu Chantale Vũ Thị Thọ thuộc Dòng Saint Paul sáng lập, chuyên nuôi dưỡng các em gái cô nhi nhiều sắc tộc, có những em gái Vân Kiều, Pa Cô sau một thời gian được nuôi dưỡng không còn nhận ra đó là các em dân tộc. Đặc biệt Nữ tu Chantal nguyên là một Giáo sư Pháp văn và là Hiệu trưởng trường Jeanne D’Ard, đã đào tạo nhiều thế hệ tài năng cho xã hội, các em cũng được dạy học tiếng Pháp và tiếng Anh. Đến nay Nữ tu đã gần 90 không còn đủ sức khỏe để cáng đáng công việc nên từng bước giao cho các Nữ tu trẻ phụ trách. Các em rất vui khi được đoàn đến thăm và trao tặng lương thực thực phẩm để góp phần lo cho các em đón Tết.

Nói như linh mục Giuse Phan Tấn Hồ, mình đi suốt mấy ngày hôm nay tuy mệt mỏi, nhưng nhìn thấy niềm vui của những con người bất hạn thì hầu như sự mệt nỏi đều tan biến. Mình được quý ân nhân xa gần trao gửi niềm tin để giúp cho những người khó khăn thì mình cũng phải cố gắng làm sao để những món quà đó được trao tận tay người nhận một cách vui vẻ.

Minh Phương
 
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Liên Bang Úc Châu
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Liên Bang Úc Châu
17:25 21/01/2022
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh đời sống hợp nhất- LM. Nguyễn Ngọc Long
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
10:12 21/01/2022
Hình ảnh đời sống hợp nhất

Nếp sống hợp nhất là trung tâm sứ điệp tin mừng Chúa Giêsu rao giảng trên trần gian. Sứ điệp này luôn luôn thời sự cùng cần thiết cho đời sống có hòa bình trong mọi lãnh vực.

Chúa Giêsu trước khi trở về trời đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho các tông đồ, cho Giáo Hội “ xin cho họ hợp nhất nên một như chúng ta”.

Nếp sống hợp nhất luôn là khát vọng của con người. Nhưng lại là điều khó thực hiện. Vì mỗi người, mỗi dân tộc khác biệt nhau về tâm tính, văn hóa, tập qúan phong tục.

Vậy có hình ảnh nào diễn tả về nếp sống hợp nhất không?

Trong lịch sử dân gian xưa nay có nhiều những tường thuật, những ngụ ngôn nói về chuyện này.

Trong lịch sử thành Roma bên nước Ý đại Lợi đã xảy ra nhiều những diễn biến chia rẽ ly khai tách triệt chia rẽ thành hai chiến tuyến chống đối nhau. Sử gia Livius ( * 50 trước Chúa giáng sinh - + 17. sau Chúa giáng sinh) đã viết thuật lại biến cố dân Plebejer vào năm 449 trước Chúa giáng sinh đã ly khai xuất hành ra khỏi thành Roma.

Dân Plebejer là thành phần đa số của thành phố. Nhưng họ lại phải sống phục vụ làm việc cùng chiến đấu canh gác bảo vệ cho lớp người thượng lưu dân Patrizier, một thành phần thiểu số. Dân Plebejer phải sống chịu đựng phục dịch cảnh đau buồn không bình đẳng. Vì thế họ quyết định tập họp kéo ra khỏi thành phố về sống chung ở một khu đồi gần bên.

Thượng viện chính quyền và dân Patrizier rơi vào tình trạng hoảng loạn vì cuộc di dân xuất hành này. Thành phố Roma ngày xa xưa còn có vùng di dân xa lạ sát gần. Đây là mối đe dọa an ninh cho thành phố. Nên họ nhất trí muốn cùng chung sống trở lại với nhau. Họ cử sứ giả Menenius Agrippa đến nói chuyện thương thảo với dân Plebejer.

Lúc đầu dân Plebejer lạnh lùng tiếp sứ giả Agrippa, và không muốn nghe ông ta trình bày gì. Nhưng sau đó ông đã thành công thuyết phục họ nghe ông nói chuyện…

Sử gia Livius đã viết lại những lời huyền thoại mang hình ảnh dấu tích ẩn dụ của sứ giả Agrippa nói với dân ly khai Plebejer: “ Có chuyện xảy ra những thành phần chi thể của thân thể nổi lên chống đối Bao Tử. Tất cả cùng đồng lòng cho rằng: Bao Tử một mình trở nên vô ích không làm được việc gì, trong khi đó tất cả những thành phần khác phải làm việc. Nên chúng cũng từ chối không làm việc. Bàn Tay không muốn lấy thức ăn thực phẩm cho vào Miệng nữa. Miệng và Hàm Răng cũng cùng cung cách không muốn làm nhiệm vụ của mình.

Tình trạng như thế kéo dài không lâu. Vì tất cả các thành phần cơ thể cùng càng cảm nhận ra qua sự từ chối của họ, chính họ phải chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Họ tỉnh ngộ nhận ra chức năng ý nghĩa và sự quan trọng của Bao Tử lo nghiền tiêu hóa những thức ăn thực phẩm đưa vào cơ thể, và nhờ đó mang lại cho các thành phần cơ quan sự sống và sức lực niềm vui phấn khởi! Vì thế các thành phần cơ quan thân thể cho rằng tốt hơn là sống hài hòa với Bao Tử, và hoạt động làm công việc của mình trở lại.

Vị Sứ gỉa khôn ngoan Menenius Agrippa đã thuyết phục dân ly khai Plebejer nhận ra chính điểm vị trí của họ: “ Cũng vậy trong quốc gia đất nước không ai có thể đứng tồn tại mà không có người khác. Chỉ trong sự hợp nhất nảy sinh gây sức mạnh.”

Dân Plebejer đòi ly khai xuất hành nghe hiểu chấp nhận những lý luận thuyết phục của sứ giả Agrippa. Nơi mỗi công việc chân tay, và tất cả những việc phục vụ khác không ai có thể từ chối kinh nghiệm và nghệ thuật điều hành của Thượng viện chính phủ. Sự tương quan và mối giao thương liên lạc với đất nước láng giềng bên cạnh là điều không thể làm ngơ bỏ qua được.

Trên căn bản đó dân Plebejer và dân Patrizier đã lập ra điều luật tuyệt hảo: Họ thỏa thuận thành lập cơ chế diễn đàn nhân dân. Cơ chế này dành quyền bổn phận cho dân Plebejer có tiếng nói được đề nghị can thiệp vào những biện pháp do dân Patrizier giới lãnh đạo thống trị ban hành.

Và dân Plebejer cũng được phủ quyết chống lại luật lệ nữa, nếu luật lệ chống lại họ. Qua đó, cơ chế diễn đàn nhân dân trong dòng thời gian được chấp nhận kính nể rộng rãi trong thành phố Roma.

Thánh Phaolô, được mệnh danh là Tông Đồ cho các dân ngoại có lẽ đã lấy ý nghĩa bài tường thuật văn hóa lịch sử ẩn dụ trên đây của Livius viết về thành Roma ngày xa xưa, để nói về hình ảnh sứ điệp hợp nhất trong nếp sống đạo giáo tinh thần với nhiều chi thể thành phần trong một thân thể cũng như đời sống có nhiều thành phần dân Chúa nơi cộng đoàn đức tin.

Mục đích của sứ điệp hướng đến sự liên kết tất cả mọi sức lực trong đời sống Giáo Hội, cụ thể là đời sống đức tin nơi Giáo đoàn Corinthô bên Hy Lạp lúc thời Thánh Phaolô sang giảng đạo. ( Thư 1. Corinthô 12,12-31).

Trung tâm sứ điệp là hình ảnh sự hợp nhất: tất cả cần nhờ nhau, không có thành phần nào, dù nhỏ bé, là dư thừa, là yếu kém, không có gía trị. Mỗi người, mỗi thành phần đều có khả năng vị trí bổn phận riêng của mình, cùng đều có gía trị hữu ích quan trọng như nhau.

Mọi thành phần sống làm việc bổn phận của mình để cùng giúp nâng đỡ nhau làm việc tiếp tục cho bộ máy chạy điều hòa. Đó là nếp sống đức tin trong hợp nhất.

Người tín hữu Chúa Kitô cùng chịu một Phép Rửa tin vào Chúa, cùng tiếp nhận Tấm bánh Thánh Thể Chúa Giêsu cho tâm hồn đức tin, cùng đọc Lời Chúa ghi thuật lại trong Phúc âm.

Nơi nào nếp sống hợp nhất của đức tin Kitô giáo thể hiện sống động trong sinh hoạt, hình ảnh Giáo hội Chúa Giêsu càng hiển thị rõ nét mang đến không khí hòa bình phấn khởi vươn lên.

Ngạn ngữ trong dân gian xưa nay có khôn ngoan” Hợp quần gây sức mạnh!”

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
 
Thông Báo
VietCatholic Chúc Mừng Năm Mới Nhâm Dần
VietCatholic Network
17:22 21/01/2022
 
VietCatholic TV
Bi ai: Bà thư ký giáo xứ lại là nữ đạo sĩ thờ Sa tan! Phụ nữ thờ Sa tan chạm trán Phó tế cảnh sát
VietCatholic Media
04:36 21/01/2022


1. Lạy Chúa tôi, thư ký giáo xứ lại là nữ tu sĩ Satan! Phụ nữ thờ Satan chạm trán Phó tế cảnh sát

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #173: Deacon Encounters a Satanist in Church”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 173: Phó tế chạm trán người thờ Satan trong nhà thờ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một phó tế vĩnh viễn đã chia sẻ cuộc gặp gỡ này với tôi. Nó xảy ra trước khi anh ấy tham gia vào sứ vụ trừ tà của chúng tôi. Vào thời điểm đó, anh cũng là một cảnh sát đang tại ngũ. Anh cho biết như sau:

Tôi bước vào cửa hông của nhà thờ khoảng 4:20 chiều để chuẩn bị cho Thánh lễ lúc 5 giờ. Tâm trạng của tôi không được vui khi phải để các con tôi ở lại nhà để vui chơi. Nhưng với Ơn Chúa Quan Phòng, không có tai nạn nào xảy ra.

Bước vào nhà thờ, tôi bắt gặp một phụ nữ trẻ rõ ràng đã bước xuống từ cung thánh và đang ở trên lối đi. Khi cô ấy mỉm cười tiến lại gần, cô ấy trông bơ phờ, ăn mặc tồi tàn với chiếc quần rộng thùng thình, áo ba lỗ và kiểu tóc giống quỷ Medusa. Khi chúng tôi thu hẹp dần khoảng cách và đi về phía nhau, tôi, là một cảnh sát được đào tạo hơn mười năm, đã quan sát thấy một hình xăm ở cổ cô ấy. Tôi ngay lập tức nhận ra nó là biểu tượng của Satan - một cây thánh giá bị lộn ngược. Sau đó, cô ấy đã thốt ra một số lời báng bổ về Thiên Chúa và Chúa Giê-su.

Tôi liếc nhìn bàn thờ để xem nhà tạm có bị xáo trộn hay không hoặc bàn thờ có bị xúc phạm không. Tự tin rằng không có gì nghiêm trọng xảy ra, tôi hỏi “Cô có cái gì trong cái ly thế?” Cô ấy đang cầm một chiếc ly nhỏ đầy chất lỏng trong suốt và một bông hoa huệ trắng chúng tôi trang trí trên bàn thờ. Cô ấy lại mỉm cười và nói, “Đó chỉ là một ít nước thánh thôi,” rồi tuôn ra một tràng những lời tục tĩu. “Tại sao cô lại lấy những thứ đó?” Tôi hỏi, không rời mắt khỏi cô ta, bất kể những lời báng bổ và tục tĩu của cô ấy. “Tôi cần nó để trừ tà. Tôi là một phù thủy. Tôi tôn thờ Satan”. Tôi thò tay vào ly nước thánh và làm dấu thánh giá. Cô ta nói, “Tránh xa tôi” và cô ấy lùi lại hai bước, trong khi không ngừng chửi thề. Không nghi ngờ gì nữa, cô ta đang tìm cách lấy Mình Thánh Chúa nhưng không được nên quay sang lấy ít nước thánh.

Tôi nghiêm nét mặt của một cảnh sát và nói, “Tôi là cảnh sát và tôi đang đưa ra cho cô lời mời chính thức hãy rời khỏi đây và đừng trở lại.” Cô ta tỏ ra run sợ và vâng lời ngay lập tức. Nhưng trước khi ra khỏi nhà thờ, y thị còn cố viết trong tập sách những ý cầu nguyện của các tín hữu ở lối vào nhà thờ. Cô viết nguệch ngoạc trên các tờ giấy một lời mời gọi cầu nguyện với Satan và “hãy tận hưởng cuộc sống”. Cô ấy cũng viết những lời tục tĩu về Chúa và những câu như “hãy đốt kinh thánh, hãy tung hô Satan. Satan yêu bạn.”

Người phụ nữ này không phải là một kẻ điên. Cô ta đang vui vẻ, cười nói, chửi thề và đang làm nhiệm vụ. Sự hiện diện của cô ấy khiến tôi cảm thấy hoàn toàn không có tình yêu, sự ấm áp hay lòng tốt. Tôi đã nhìn thấy cái xấu và cái ác ở mọi người nhiều lần trong nhiệm vụ cảnh sát của mình. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy có ai đó hoàn toàn thích thú với những điều như thế. Cô ấy có một luồng khí ác độc. Tôi cảm thấy bẩn thỉu trước sự hiện diện của cô ấy và muốn đi tắm.

Tôi đã thông báo cho Cha Sở về “cuộc xâm lược” này. Khi đó, ngài kể cho tôi nghe về một người bạn linh mục của ngài, người mà thư ký giáo xứ của ngài hóa ra là một nữ tu sĩ satan. Cô đã làm công việc này chỉ để được tiếp cận với Mình Thánh Chúa.

Nhà thờ của Satan thực sự tồn tại. Họ thuyết giảng về đam mê trong tất cả những điều khiến người ta cảm thấy dễ chịu. Tôi đã nhận ra “giáo điều” này trong ghi chú của cô ta hãy “tận hưởng cuộc sống”. Cái ác đến với chúng ta mỉm cười, giống như bà phù thủy này đã làm. Tôi đã dâng một chuỗi Mân Côi cho Đức Mẹ xin Mẹ ban ơn hoán cải cho cô ta.

Đức Ông Stephen Rossetti cho biết: Tôi tự hào về phó tế của chúng tôi. Anh đáp lại những lời báng bổ của cô ấy một cách cẩn trọng vì sự thiêng liêng. Anh đáp lại lời nói thô tục của cô ta với sự tôn trọng. Anh đáp lại lòng căm thù của cô bằng một lời cầu nguyện đầy yêu thương xin Đức Mẹ ban cho cô ta ơn hoán cải.
Source:Catholic Exorcism

2. Fides ca ngợi phản ứng nhanh chóng của cảnh sát trong vụ bắt giữ những kẻ hãm hiếp một thiếu nữ Công Giáo

Trong bản tin đánh đi hôm 15 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã lên tiếng đánh giá cao cảnh sát Pakistan vì phản ứng và hành động nhanh chóng của họ trong việc bắt giữ những thủ phạm trong vụ hãm hiếp một thiếu nữ Công Giáo. Tin tức này đã được thông báo cho Fides bởi Ashiknaz Khokhar, một luật sư Kitô Hữu tham gia bảo vệ nhân quyền sau trường hợp gần đây của một cô gái Công Giáo 16 tuổi ở Okara, Punjab, bị bắt cóc và hãm hiếp bởi những người đàn ông Hồi giáo.

Cảnh sát Okara đã bắt giữ Muhammad Arif và hai đồng phạm vào ngày 10 tháng Giêng. Theo đơn tố cáo, vào ngày 7 tháng Giêng, Arif, 30 tuổi, đã bắt cóc cô gái, buộc cô uống một viên thuốc ngủ và cùng hai đồng phạm đưa cô đến Faisalabad, nơi hắn đã cưỡng hiếp cô nhiều lần, trước khi thả cô trong tình trạng đau thương.

Ashiknaz Khokhar báo cáo với Fides: “Cô gái trẻ đã bị chấn thương tâm lý và thể chất nghiêm trọng. Hiện tại, cô ấy thậm chí không thể nói được vì cú sốc. Gia đình đã làm đơn tố cáo và cảnh sát đã bắt được hung thủ. “Ngày càng có nhiều trường hợp như vậy, và cho đến nay chính phủ không thể thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ trẻ em gái thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan. Những cô gái này bị tổn thương tinh thần và thể chất và ngay cả sự tôn trọng của gia đình đối với nạn nhân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Đây là trường hợp thứ ba được cộng đồng Kitô Giáo báo cáo trong những ngày đầu tháng Giêng năm 2022: Zarish, 17 tuổi và Angel, 15 tuổi, cũng mất tích ở Kot Radha Kishan.

Theo báo cáo về quyền phụ nữ được công bố vào giữa năm 2021, chỉ riêng tại tỉnh Punjab của Pakistan, có tổng cộng 6,754 phụ nữ đã bị bắt cóc trong nửa đầu năm 2021. Hiện tượng bắt cóc này đặc biệt đáng lo ngại.
Source:Fides

3. Mưu toan làm nhục Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã hạ màn

Được sự ủy quyền của Hồng Y Reinhard Marx của Munich, luật sư Westpfahl Spilker và Wastl của Bavaria đã công bố báo cáo liên quan đến tình trạng lạm dụng trong giáo phận Munich từ năm 1949 đến năm 2019, vào ngày 20 tháng Giêng.

Một báo cáo đầu tiên của cùng một văn phòng luật sư đã được đưa ra vào năm 2010 nhưng không bao giờ được công bố.

Một số Hồng Y nổi bật đã từng là tổng giám mục của Munich trong thời kỳ được điều tra, đặc biệt nhất là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là Tổng giám mục của Munich từ 1977 đến 1982 và sau đó trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Suy đoán về những gì báo cáo sẽ nói bao gồm cả những định kiến ác ý chống lại Đức Bênêđíctô đã thống trị cuộc tranh luận trong thế giới nói tiếng Đức trong thời gian chờ đợi báo cáo được công bố.

Vào ngày 5 tháng Giêng, tuần báo Die Zeit nổi tiếng của Đức đã đăng một bài báo dài hai trang về linh mục Peter Hullermann, người bị cáo buộc lạm dụng ít nhất 23 bé trai từ 8 đến 16 tuổi trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1996, và cáo buộc rằng vào đầu những năm 80, Tổng Giám mục lúc bấy giờ của Munich, là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã cho Cha Hullermann làm mục vụ.

Theo tuần báo Die Zeit, vào đầu năm mới, các luật sư giáo luật Đức cho biết họ đã phát hiện ra những sai sót của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khi ngài còn là Tổng Giám mục của Munich từ 1977-1982 và sau đó khi ông là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin từ năm 1982 đến năm 2005.

Trong số các chi tiết khác, Die Zeit thu hút sự chú ý đến một tuyên bố không theo trình tự pháp lý (extrajudicial) vào ngày 9 tháng 5 năm 2016 trong một tòa án giáo luật ở tổng giáo phận Munich trong đó nói rằng các cấp trên của Cha Hullermann, tức là các giám mục và các tổng đại diện của Essen và Munich, đã “không hoàn thành nghĩa vụ của họ đối với trẻ em và những người trẻ tuổi mà họ chăm sóc”. Theo tờ Die Zeit, Đức Hồng Y Ratzinger có tên trong danh sách. Tờ báo sợ rằng độc giả vẫn chưa hiểu thâm ý của họ nên diễn giải thêm rằng “Điều đó có nghĩa là Ratzinger cũng biết về hồ sơ lạm dụng của Cha H. Tin tức này hiện đã được đưa tin trên tất cả các phương tiện truyền thông nói tiếng Đức. Cựu Tổng Giám mục Ratzinger, người sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã che đậy hoặc giúp che giấu hành vi lạm dụng”.

Được Die Zeit hỏi vào ngày 4 tháng Giêng, thư ký Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, cho biết: “Cho rằng Đức Bênêđíctô biết về hồ sơ lạm dụng của cha H khi quyết định chấp ngài ngài vào tổng giáo phận Munich là sai”.

Vụ án Hullermann được đưa ra ánh sáng vào tháng 3 năm 2010 bởi nhật báo Süddeutsche Zeitung có trụ sở tại Munich.

Vào ngày 12 tháng 3 năm 2010, tổng giáo phận Munich đã đưa ra một tuyên bố, trong đó cựu tổng đại diện của nó là Đức Ông Gerhard Gruber nhận “toàn bộ trách nhiệm” về việc không ngăn cản Hullermann thực thi thừa tác vụ.

Tổng giáo phận đã cung cấp một bản tường trình chi tiết về vụ việc, nói rằng Giáo phận Essen đã yêu cầu Tổng giáo phận Munich và Freising chấp nhận Hullermann làm tuyên úy vào tháng Giêng năm 1980, để linh mục có thể được điều trị y tế.

Cha Hullermann được bố trí chỗ ở trong một nhà xứ để có thể tham gia các buổi trị liệu. Tổng giáo phận cho biết: “Đức Tổng Giám Mục vào thời điểm đó, Đức Hồng Y là Ratzinger, đã chấp nhận yêu cầu của giáo phận Essen”.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng: “Tuy nhiên, cha tổng đại diện đã mở rộng quyết định này sau đó khi chỉ định Cha H hỗ trợ mục vụ tại một giáo xứ ở Munich vào thời điểm đó mà không có bất kỳ hạn chế nào,”

“Từ thời điểm này, tức là từ ngày 1 tháng 2 năm 1980 đến ngày 31 tháng 8 năm 1982, không có khiếu nại hoặc cáo buộc nào liên quan đến Cha H.”

Thông cáo dẫn lời Đức Ông Gruber nói: “Việc sử dụng Cha H. lặp đi lặp lại trong việc chăm sóc mục vụ giáo xứ là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đó. Tôi vô cùng hối hận vì quyết định này đã dẫn đến hành vi phạm tội đó với người chưa thành niên và gửi lời xin lỗi tới tất cả những người bị hại”.

Báo cáo mới nhất của Munich chỉ ra rằng Đức Hồng Y Ratzinger chỉ nhận cho Cha Hullermann vào cư trú trong tổng giáo phận để chữa bệnh, việc bổ nhiệm Cha Hullermann vào các trách nhiệm mục vụ diễn ra sau này bởi Đức Ông Gerhard Gruber, khi Đức Hồng Y Ratzinger đã về Vatican nhận nhiệm vụ Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Hồng Y Ratzinger đã phục vụ Thánh Gioan Phaolô II với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, một chức vụ mà ngài đã giữ trong hơn 20 năm.

Hàng trăm linh mục phạm tội lạm dụng tình dục đã bị trừng phạt dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Đây là sự tiếp nối công việc trước đây của ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan đã có được quyền hạn cao hơn đối với các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ vào năm 2002.

Hai tháng sau khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đã kỷ luật Cha Marcial Maciel, người sáng lập có sức lôi cuốn và có ảnh hưởng lớn của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, người từ lâu đã bị buộc tội lạm dụng tình dục các chủng sinh và sau đó được cho là đã có một cuộc sống hai mặt vô cùng tai tiếng.
Source:The Tablet
 
Cô ca trưởng đẹp nhất giáo xứ vùng quê bị hại thương tâm, các GM, Tổng Thống và Thủ Tướng dự tang lễ
VietCatholic Media
16:34 21/01/2022


1. Tại sao Tổng Thống, Thủ Tướng dự tang lễ cô ca trưởng đẹp nhất giáo xứ nông thôn?

Sau cái chết kinh hoàng của một giáo viên 23 tuổi ở một thị trấn vùng trung du, hai giám mục Ái Nhĩ Lan đã đặt câu hỏi về thái độ của xã hội đối với phụ nữ và nhắc lại ý kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng bạo lực đối với phụ nữ là một sự xúc phạm đối với Chúa.

Hôm thứ Ba 18 tháng Giêng vừa qua, lễ tang của cô Ashling Murphy đã diễn ra tại giáo xứ Thánh Brigid ở Mountbolus, Hạt Offaly, là một giáo xứ nông thôn nhỏ của giáo phận Meath, nơi cô là ca trưởng một ca đoàn trước khi qua đời. Tổng thống Ireland Michael D. Higgins, Thủ tướng Micheál Martin, cũng như các quan chức chính phủ khác, các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo đã tham dự.

Họ có mặt ở đó để bày tỏ sự đau buồn và phẫn nộ của cả nước trước cái chết của một nhạc sĩ tài năng, một nữ vận động viên thể thao, một giáo viên tận tụy, và một ca trưởng nhà thờ. Cái chết của cô xảy ra giữa ban ngày trong khi cô đang chạy bộ dọc theo một bờ kênh ở Tullamore vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Tư tuần trước 12 tháng Giêng, sau khi vừa dạy học xong tại trường tiểu học của giáo xứ.

Đám tang của cô được tổ chức vào hôm thứ Ba 18 tháng Giêng.

Một người đàn ông đã bị bắt tại một bệnh viện ở thủ đô Dublin, nơi anh ta trình diện vào hôm thứ Năm tuần trước với những vết thương không rõ nguyên nhân, một số được nghi là do chính anh ta tự gây ra, để gây nhầm lẫn cho các nhân viên điều tra.

Anh ta đã bị tạm giữ vào sáng thứ Ba sau khi nhà chức trách đánh giá rằng anh ta đã hồi phục đủ để đối mặt với các câu hỏi tại đồn cảnh sát Tullamore, nơi đang diễn ra cuộc điều tra về vụ hành hung chết người. Gardaí, tức là lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan cho biết:

“Gardaí đang điều tra vụ tấn công gây chết người cho Cô Ashling Murphy xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều thứ Tư, ngày 12 tháng Giêng năm 2022, dọc theo bờ kênh ở Cappincur, Tullamore, Hạt Offaly; và đã bắt giữ một người đàn ông khoảng 30 tuổi vì nghi ngờ giết người”

“Người đàn ông hiện đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Tullamore theo mục 4 của Đạo luật Tư pháp Hình sự 1984. Chúng tôi không có bình luận gì thêm vào lúc này.”

Theo thông tấn xã RTÉ của Ái Nhĩ Lan, người đàn ông bị bắt là một người có gia đình và có 4 đứa con. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan chưa xác nhận tin này. Tên tấn công có thể có ý định hãm hiếp cô. Tuy nhiên, Cô Ashling Murphy là một vận động viên nên đã kháng cự quyết liệt khiến y bị thương.

Hàng nghìn người đã đứng dọc tuyến đường tang lễ để bày tỏ tình đoàn kết với gia đình đau buồn của Murphy. Các lễ canh thức đã được tổ chức trên khắp Ái Nhĩ Lan, Anh và xa hơn thế nữa đến tận New York, Los Angeles, Sydney và Paris vào cuối tuần qua, để tưởng nhớ Murphy và tất cả những phụ nữ đã chết vì bạo lực trong những năm gần đây. Theo Women's Aid, kể từ năm 1996 đến nay, 244 phụ nữ đã bị giết hại dã man ở Ái Nhĩ Lan.

Trước nghi thức cuối cùng tại tang lễ, Đức Cha Tom Deenihan của giáo phận Meath, là giáo phận sở tại, nói với những người thương tiếc “Một cuộc dạo chơi vào một buổi chiều nắng nhẹ vào tháng Giêng nên là một sự kiện hạnh phúc, hứa hẹn những ngày tươi sáng và ấm áp hơn của mùa xuân và mùa hè.”

Thay vào đó, một “hành động bạo lực đồi bại đã tước đi mạng sống của một phụ nữ trẻ tốt bụng, tài năng, được yêu mến và ngưỡng mộ” đã khiến đất nước thống nhất trong đau thương.

Ngài nói rằng tội ác đã đặt câu hỏi về “thái độ của chúng ta đối với phụ nữ, và nó đã đặt câu hỏi về giá trị và đạo đức của chúng ta.”

Đức Cha nói thêm: “Chúng ta không thể cho phép bạo lực và sự coi thường tính mạng con người và cũng như sự xâm phạm đến sự toàn vẹn của phẩm giá bám rễ vào thời đại và văn hóa của chúng ta”.

Trích dẫn từ bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày đầu năm mới về bạo lực đối với phụ nữ, Đức Cha Deenihan nói thêm, “Tất cả chúng ta phải đấu tranh để không có cá nhân nào phải chết như Ashling, và không gia đình nào phải đau khổ như gia đình Murphy.”

Cha Michael Meade, linh mục quản xứ Kilcormac & Killoughey, người chủ tế trong Thánh lễ an táng và là bạn thân của gia đình Murphy, đã kêu gọi “Chúng ta đừng sợ biến lòng hoán cải thành hiện thực.”

Đức Cha Brendan Leahy, của Limerick, cho biết xã hội đã ghi ơn Murphy “phải bảo đảm cuộc hành trình của cô ấy không kết thúc vào thứ Tư mà là đánh dấu một khởi đầu mới và tốt đẹp hơn cho cách phụ nữ được đối xử, cách họ được tôn trọng và thực sự là được bảo vệ”.

Ngài cho biết thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô “bạo lực đối với phụ nữ là không thể chấp nhận được” cần phải được hét lên từ các mái nhà trong tất cả các tổ chức và cộng đồng.

Phát biểu trước cộng đoàn giáo xứ Killeedy, ngài nói: “Chúng ta hãy thừa nhận với nhau tầm quan trọng của việc thúc đẩy một nền văn hóa phản đối bạo lực một cách rõ ràng và thẳng thắn, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ.”
Source:Crux

2. Cộng đồng người Phi Luật Tân ở Los Angeles kỷ niệm 500 năm Santo Niño de Cebú

Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật 16 tháng Giêng để tưởng nhớ 500 năm đạo Công Giáo đến với Phi Luật Tân, và kỷ niệm lễ Santo Niño de Cebú, tức là Chúa Hài Đồng Giêsu của Cebú.

“Hôm nay, chúng ta đặc biệt dâng mình cho Hài Nhi Chí Thánh, Santo Niño, khi chúng ta tiếp tục tạ ơn Chúa vì đã mở cánh cửa đức tin cho người dân Phi Luật Tân, cách đây năm trăm năm,” vị tổng giám mục nói hôm 16 tháng Giêng trong bài giảng lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên thần.

“Và tất nhiên, chúng ta cũng nhớ lại rằng ngay sau khi cánh cửa đức tin được mở ra, những người Phi Luật Tân đầu tiên đã đến Mỹ, đến vịnh Morro, vào năm 1587. Thật tuyệt khi nghĩ về điều đó và suy tư rằng người Phi Luật Tân đã ở đây, thờ phượng, và làm việc ở đất nước chúng ta từ rất lâu ngay cả trước khi đất nước chúng ta có tên”.

Ngài nói thêm rằng “hôm nay chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì di sản Công Giáo phong phú của Phi Luật Tân đã trở thành một phần đẹp đẽ trong đời sống Công Giáo của chúng ta ở Los Angeles và ở Mỹ.”

Santo Niño de Cebú là một bức tượng được trao cho Juana, vợ của vua Cebu, sau lễ rửa tội năm 1521 của họ. Bức tượng được tôn kính rộng rãi ở Phi Luật Tân, và hiện được đặt tại Vương Cung Thánh Đường Santo Niño ở thành phố Cebu.

Trước thánh lễ, các truyền thống của Phi Luật Tân được trưng bày trên quảng trường nhà thờ, và hình ảnh của Santo Niño đã được làm phép trong thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã suy tư về đám cưới tại Cana, nói rằng qua phép lạ được thực hiện tại đó, Chúa Kitô “muốn cho chúng ta thấy rằng hôn nhân của người nam và người nữ là biểu tượng của việc Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta biết chừng nào”.

“Chúa yêu tất cả chúng ta, anh chị em và tôi, không có điều kiện và không có ngoại lệ. Chúa yêu mến tất cả anh chị em! Anh chị em là một kho báu đặc biệt đối với Ngài. Đây là sự thật đáng kinh ngạc về đức tin Công Giáo của chúng ta”.

Kết quả là “Chúa có một sứ mệnh cho cuộc đời anh chị em,” một ơn gọi.

“Mỗi người trong chúng ta, cho dù chúng ta là ai, đều có một vai trò trong việc xây dựng vương quốc tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Và cũng thật thú vị vì đó là ý nghĩa của những người đầy tớ trong bài Tin Mừng hôm nay”.

“Giống như những người tôi tớ đó, chúng ta cần đổ đầy nước của tình yêu vào các bình nước của đời mình, bằng nước của những công việc tốt lành, những công việc của lòng thương xót và sự phục vụ. Và chúng ta làm điều đó bằng những cách đơn giản và bình thường. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúa Giêsu muốn làm việc với chúng ta, và qua chúng ta. Qua những công việc tốt của chúng ta, qua những công việc của tình yêu thương của chúng ta. Trong gia đình của chúng ta. Tại nơi làm việc của chúng ta. Trong xã hội của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

“Và đây là nước mà Ngài sẽ biến đổi – Ngài sẽ biến thành rượu mới… Nhưng như chúng ta biết, anh chị em thân mến của tôi, mọi thứ bắt đầu từ việc chúng ta tuân theo lời của Chúa Giêsu. Điều này đặc biệt - khi chúng ta suy ngẫm về đoạn Tin Mừng hôm nay - điều mà Đức Maria nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, khi Mẹ nói với các gia nhân: 'Hãy làm bất cứ điều gì người nói với anh em.' Đây là chìa khóa dẫn đến Vương quốc. Đây là chìa khóa cho sự thánh thiện, cho ơn gọi của chúng ta. Để vào sự sống thiêng liêng – hãy làm theo thánh ý của Thiên Chúa, làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu bảo chúng ta”.

Ngày hôm trước Thánh lễ, một buổi bán đồ ăn đã được tổ chức tại giáo xứ Đức Mẹ Loretto ở khu Filipinotown lịch sử của thành phố. Bữa ăn được tổ chức bởi Hội đồng Khu phố Filipinotown và Hội đồng Cố vấn Cộng đồng của Sở Cảnh sát Quận Los Angeles.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha sẽ trao thừa tác vụ giáo lý viên, đọc sách và giúp lễ cho anh chị em giáo dân vào Chúa Nhật Lời Chúa

Vatican đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trao các thừa tác vụ giáo lý viên, đọc sách và giúp lễ cho anh chị em giáo dân lần đầu tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Chúa Nhật 23 tháng Giêng, là Chúa Nhật Lời Chúa.

Các ứng cử viên từ ba châu lục sẽ nhận các thừa tác vụ mới trong Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế.

Hai người đến từ vùng Amazon ở Peru sẽ chính thức được Đức Giáo Hoàng trao thừa tác vụ giáo lý viên, cùng với các ứng viên khác đến từ Brazil, Ghana, Ba Lan và Tây Ban Nha.

Ngài cũng sẽ trao thừa tác vụ đọc sách cho anh chị em giáo dân từ Hàn Quốc, Pakistan, Ghana và Ý.

Mỗi thừa tác vụ này sẽ được trao thông qua một nghi thức do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích chuẩn bị, sẽ được trình bày lần đầu tiên, theo một thông cáo của Vatican đưa ra vào ngày 18 tháng Giêng.

Thông báo cho biết: “Trước bài giảng, các ứng viên sẽ được triệu tập, gọi tên và trình diện trước cộng đoàn”.

Những người được gọi đến thừa tác vụ đọc sách sẽ được trao tặng một cuốn Kinh thánh, trong khi các giáo lý viên sẽ được giao phó một cây thánh giá. Cây thánh giá này là một bản sao của thánh giá mục vụ được sử dụng bởi các vị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên như một sứ vụ chuyên nghiệp được thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo vào tháng 5 năm ngoái.

Các giáo lý viên trước hết được kêu gọi trở thành chuyên gia trong công tác mục vụ truyền đạt đức tin khi đức tin phát triển qua các giai đoạn khác nhau, từ việc công bố Tin Mừng ban đầu, cho đến việc hướng dẫn nhằm trình bày cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô, và chuẩn bị cho các bí tích khai tâm Kitô, và sau đó là việc đào tạo tiếp tục ngõ hầu mỗi người có thể giải thích về niềm hy vọng bên trong tâm hồn họ (xem 1 Pr 3:15). Đồng thời, mỗi giáo lý viên phải là một chứng nhân cho đức tin, một người thầy và một nhà khai tâm đức tin, một người bạn đồng hành và một nhà sư phạm, là người giảng dạy cho Giáo Hội. Chỉ qua cầu nguyện, học tập và tham gia trực tiếp vào đời sống của cộng đoàn, họ mới có thể lớn lên trong căn tính này cũng như trong sự chính trực và trách nhiệm mà nó đòi hỏi (x. Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc âm hóa, Chỉ Nam Giáo lý, 113).

Những người được gọi vào thừa tác vụ Giáo lý viên là những người nam và người nữ có đức tin sâu sắc và sự trưởng thành nhân bản, là những người tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu, có khả năng chào đón người khác, quảng đại và sống một đời sống hiệp thông huynh đệ. Họ cũng cần được đào tạo phù hợp về kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm để trở thành những người truyền đạt có năng lực cho chân lý đức tin và họ phải có một số kinh nghiệm trước đây về việc dạy giáo lý (xem Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 14; CIC số 231 §1; CCEO số 409 §1). Điều cần thiết là họ phải là những người cộng tác trung thành với các linh mục và phó tế, chuẩn bị thi hành chức vụ của mình ở bất cứ nơi nào có thể thấy cần thiết và được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tông đồ thực sự.

Trong số các ứng cử viên được Đức Thánh Cha Phanxicô trao thừa tác vụ trong tuần này có chủ tịch Trung tâm Phòng thí nghiệm Rôma, được thành lập bởi Arnaldo Canepa, người đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời của mình cho việc dạy giáo lý cho trẻ em.

Đức Giáo Hoàng đã thay đổi giáo luật vào tháng Giêng năm 2021 để phụ nữ có thể được chính thức bổ nhiệm vào các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ.

Trong tông thư Spiritus Domini, Đức Giáo Hoàng đã sửa đổi Bộ Giáo luật, trước đây giới hạn các thừa tác vụ này cho nam giáo dân.

Người đọc sách là người đọc Kinh thánh - không phải là Phúc âm, vốn chỉ được các phó tế và linh mục công bố - cho cộng đoàn trong Thánh lễ.

Sau khi bãi bỏ các chức nhỏ, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết rằng chức giúp lễ là một thừa tác vụ trong Giáo hội với “nhiệm vụ chăm sóc việc phục vụ bàn thờ, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các hoạt động phụng vụ, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh lễ”.

Các trách nhiệm tiềm tàng đối với thừa tác viên giúp lễ bao gồm việc phân phát Mình Thánh Chúa như một thừa tác viên bất thường nếu những thừa tác viên đó không có mặt, công khai trưng bày Bí tích Thánh Thể để tôn thờ trong những trường hợp bất thường, và “hướng dẫn các tín hữu khác, những người trên cơ sở tạm thời, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ bằng cách mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v.”

Do hạn chế đi lại liên quan đến sự bùng phát của biến thể omicron COVID-19, các ứng viên từ Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda sẽ không thể tham gia Thánh lễ, như kế hoạch ban đầu. Sự tham dự tại Đền Thờ Thánh Phêrô cũng sẽ được giới hạn chỉ 2,000 người.
Source:Catholic News Agency

4. Giáo xứ Công Giáo đã giúp các gia đình bị bắt làm con tin trong vụ khủng bố tại Hội đường Do Thái ở Texas

Vào thời điểm xảy ra vụ bắt giữ con tin trong hội đường Do Thái ở Colleyville, Texas, vào ngày 15 tháng Giêng vừa qua, các nhà lãnh đạo các tôn giáo đã họp nhau tại Nhà thờ Cộng đồng Công Giáo Chúa Chiên Lành gần đó để chia sẻ một cuộc thảo luận thần học về lý do tại sao những điều xấu lại xảy ra với những người tốt.

Theo Cha Michael Higgins, tình đoàn kết diễn ra trong nhà thờ ngày hôm đó giữa các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái, Hồi giáo, Tin lành và Công Giáo. Họ cầu nguyện cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong khoảng 10 giờ cho một cách giải quyết tích cực khỏi một tình huống bi thảm.

Cha Higgins nói với tờ Crux vào ngày 17 tháng Giêng: “Chúng ta thực sự cần phải nhận ra điểm chung của mình và ngừng tức giận và trói buộc với những thứ chia rẽ chúng ta mà hãy tập trung hơn vào những thứ gắn kết chúng ta – đó là niềm tin chung của chúng ta vào Thiên Chúa”.

Bốn con tin tại Nhà thờ Beth Israel đã được giải thoát vào đêm thứ Bảy sau 10 giờ giằng co giữa tay súng và cảnh sát. Kẻ bắt giữ con tin là Malik Faisal Akram, 44 tuổi, quốc tịch Anh, người đã bị lực lượng thực thi pháp luật giết chết sau khi một biệt đội FBI tinh nhuệ xông vào nhà thờ.

Sự can dự của Cha Higgins và cộng đồng Công Giáo Chúa Chiên Lành bắt đầu ngay trước buổi trưa, khi lực lượng thực thi pháp luật hỏi liệu ngài có thể cung cấp một không gian an toàn cho các thành viên gia đình của con tin hay không. Cha Higgins đã cho họ một không gian riêng trong hội trường nhà thờ, rất gần hội đường Do Thái. Kể từ thời điểm đó, các nhà lãnh đạo liên tôn đã đến và đi suốt cả ngày, nhân viên giáo xứ đến để xử lý điện thoại, và nhiều người đã bỏ bữa ăn của gia đình.

Cha Higgins mô tả trải nghiệm “chứng kiến nỗi đau mà các gia đình phải trải qua” là trải nghiệm “thực sự làm nổi bật sự mong manh của cuộc sống”.

Đức Cha Michael Olson của Fort Worth nói với Crux trong một tuyên bố rằng ngài “biết ơn” vì phản ứng của Cha Higgins và cộng đồng Chúa Chiên lành, đồng thời nói thêm rằng ngài tham gia với “các nhà lãnh đạo tôn giáo của tất cả các tôn giáo trong việc bày tỏ sự nhẹ nhõm và hạnh phúc khi các con tin được giải cứu an toàn”.

Một trong những con tin là Giáo sĩ Charlie Cytron-Walker của cộng đoàn Beth Israel, người mà Cha Higgins mô tả là “người bạn của cộng đồng Công Giáo”. Ngài lưu ý rằng các cộng đồng Công Giáo và Do Thái ở Colleyville đã có mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều năm.

Ngay sau khi tên khủng bố Malik Faisal Akram đến New York vào ngày 29 tháng 12, hắn đã mua một chiếc điện thoại di động có mã vùng New York. Khi vụ khủng bố xảy ra, y gọi cho cảnh sát New York đòi trả tự do cho Aafia Siddiqui, một nữ khủng bố nguy hiểm đã bị kết án.

Siddiqui bị giam giữ tại Căn cứ Không quân Carswell gần Fort Worth. Cô ta bị cáo buộc có quan hệ với al-Qaida và bị kết tội tấn công và âm mưu sát hại một binh sĩ Mỹ vào năm 2010 và bị kết án 86 năm tù.

Aafia Siddiqui sinh ngày 2 tháng 3 năm 1972 trong một gia đình Hồi giáo giàu có và rất cực đoan tại Islamabad, Pakistan. Từ năm 1990, y thị theo học ngành thần kinh học tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ và năm 2001 giành được bằng tiến sĩ về thần kinh học tại đây.

Ngay sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001, cô trở về thăm Pakistan. Cô trở về nước một lần nữa vào năm 2003 khi cuộc chiến ở Afghanistan đang ở thời cao độ.

Ngày 1 tháng Ba, 2003, tên Khalid Sheikh Muhammad, kẻ bị tình báo Hoa Kỳ cáo buộc là “kiến trúc sư” vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 của al-Qaeda bị bắt tại thành phố Rawalpindi. Tên này khai với FBI và CIA rằng Aafia Siddiqui là người cung cấp tiền bạc quyên góp tại Hoa Kỳ và các phương tiện kỹ thuật cho bọn khủng bố al-Qaeda. Lệnh lùng bắt được đưa ra, nhưng lúc đó Aafia Siddiqui đã dẫn 3 đứa con bỏ trốn về Pakistan.

Tháng 5, 2004, FBI đưa Siddiqui vào danh sách 7 tên khủng bố và trao giải thưởng cho bất cứ ai cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt giữ hay giết chết Siddiqui.

Tháng 7, 2008 trong khi đang hoạt động tại Ghazni, Afghanistan, cô bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ và bị các nhân viên tình báo Hoa Kỳ thẩm vấn.

Trong khi bị giam giữ, Siddiqui nói với các nhân viên tình báo rằng cô ta đã bị khủng bố Taliban bắt cóc và cầm tù. Tuy nhiên, người ta tìm thấy trên người cô các tài liệu chế tạo bom và một số lượng đáng kể sodium cyanide (NaCN).

Trong ngày thứ hai của cuộc phỏng vấn, Siddiqui bất ngờ chụp khẩu súng của người thẩm vấn và bắn một nhân viên FBI vừa đến từ Hoa Kỳ và một quân nhân Mỹ. Người quân nhân này bắn cô bị thương.

Sau khi được điều trị; cô được về Mỹ. Ngày 3 tháng 2 năm 2010 cô bị kết án 86 năm tù. Hiện nữ sát thủ này tại đang thụ án tại Trung Tâm Y Khoa Liên Bang Carswell ở Fort Worth, Texas. Đây là một nhà tù dành để chăm sóc y tế cho các tù nhân nữ bệnh nặng hoặc mắc bệnh tâm thần. Siddiqui bị nhốt trong khu biệt giam được canh gác rất nghiêm nhặt.

Các quan chức cho biết chưa có bằng chứng đây là một phần của một âm mưu lớn hơn, nhưng cảnh sát đang điều tra các số điện thoại do tên khủng bố gọi đến tại New York.
Source:Crux