Ngày 25-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Huyền diệu cuộc đời
Lm Vũdình Tường
04:08 25/01/2018
Ai cũng có kinh nghiệm về cuộc sống. Khi cuộc sống xuôi chảy, vui vẻ, an hoà ta cho là cuộc sống rất dễ nhưng khi phải đối mặt với những khắc nghiệt, đau khổ bệnh tật ta coi cuộc đời là bể khổ. Biển mênh mông, bát ngát ai dò cho hết lòng biển vì thế bể khổ cuộc đời là một mầu nhiệm. Nó nhiệm mầu không giải thích nổi nên người xưa dùng ngụ ngôn răn đời, hoặc dùng huyền thoại giải thích sự việc. Ngày nay con người nhờ vào khoa học cố gắng giải thích í nghĩa cuộc sống. Khoa học bắt đầu bằng giả thuyết làm căn bản nghiên cứu. Câu hỏi tôi là ai? sống trên đời với mục đích gì và sau khi lìa đời sẽ đi đâu là những câu hỏi có quá nhiều câu trả lời và nhóm nào cũng cố gắng biện minh cho câu trả lời của mình là đúng. Dù tin vào Thiên Chúa hay chối bỏ Ngài, tất cả đều có điểm chung đó là tôn trọng thân xác và tổ chức giỗ, ngày kị, tưởng niệm người ta qua đời. Cuộc sống rất mỏng dòn và cuộc sống cũng rất bền vững, đối chọi được với bao thử thách vượt quá sức mình. Khối óc con người đi nhanh hơn điện, có lẽ không thua gì tốc độ ánh sáng. Bằng một cái nháy mắt ta có thể hình dung trong đầu hình ảnh cách ta hàng trăm ngày cây số mà cách đây nhiều năm ta đã nhìn thấy. Bằng một cái búng tay cảm xúc của ta có thể đổi từ buồn vời vợi sang vui cười. Chỉ một chữ cũng làm cho con tim sầu héo, cũng chỉ một chữ làm cho khuôn mặt hớn hở, vui tươi. Tất cả cảm xúc, vui buồn, nóng giận đó đều đến rồi đi. Con người cần niềm vui vĩnh cửu, niềm hoan lạc bền lâu. Điều gì thực sự làm cho con tim có được nguồn vui vĩnh cửu là điều có rất nhiều tranh biện. Tranh biện đưa đến bất đồng, từ bất đồng đưa đến chống đối, đả kích, lập phe, tìm phái tạo thế lực lấn át, đè nén nhau, bao gồm cả hãm hại.

Người ta bất lực sửa chữa những gì đã xảy ra hôm trước nhưng quá khứ lại trở thành nền móng xây đắp tương lai cho những ai thành tâm học hỏi. Để trả lời cho thắc mắc mục đích cuộc đời thì có nhiều í kiến.Một số tin vào khả năng chính mình và hy vọng mọi sự sẽ xảy ra như dự tính. Số khác tin vào sức mạnh huyền diệu từ bên ngoài, đưa đến trăm ngàn loại tôn giáo, đủ các loại thần. Thần từ thiên nhiên cũng lắm và thần tự tưởng tượng ra cũng nhiều. Số khác nữa tin vào Thiên Chúa soi sáng, dẫn đường, chỉ lối đi vào chốn trường sinh. Cả hai nhóm Biệt Phái và Pharasiêu đều cố gắng hướng dẫn dân chúng đi theo đường lối Chúa nhưng càng cố gắng họ càng vấp phải nhiều lầm lỗi. Họ làm cho cuộc sống trở thành gánh nặng cho người tin theo Chúa. Đức Kitô xuất hiện mang đến cho nhân loại luồng gió mới, làn gió mát trong lành, làn gió làm cho tình người nở hoa. Cuộc đời không còn là gánh nặng mà mỗi ngày là một niềm vui, niềm hy vọng. Lời Ngài có sức thánh hoá, làm cho người ta tin theo, cải hoá con tim sỏi đá thành con tim biết yêu thương. Giáo huấn của Ngài áp dụng thực tiễn trong đời sống và làm cho cuộc sống trở nên í nghĩa hơn. Ngài lại ban cho những ân sủng mà thế gian chỉ hứa mà không có khả năng làm điều đó.Chính những điều trên dẫn đến dân chúng nhận ra uy quyền nơi Ngài và đón nhận uy quyền đó với tâm tình tạ ơn, cảm mến.

Con cái đặt trọn niềm tin vào cha mẹ một vì là người mang chúng vào đời, bảo bọc, che chở, chăm nom, giáo dục hai là yêu thương với tất cả tấm lòng. Hiểu như thế để biết được tình Chúa yêu ta như cha mẹ yêu thương con cái. Chúa yêu ta với tất cả tấm lòng, cho đi không đòi báo đáp. Ban phát không tính hơn thiệt. Lỗi lầm Chúa chờ ta ăn năn thống hối. Phản bội Chúa tìm cơ hội thứ tha. Chối bỏ Ngài vẫn giang tay ban phát. Gặp nguy hiểm bàn tay Ngài luôn nâng đỡ. Tình Chúa vô biên và ân sủng Ngài ban là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Trở Lại Đi – Đừng Chấp Nê !
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:43 25/01/2018
Ngày lễ kính thánh Phaolô trở lại (25-1), tôi hỏi cộng đoàn: Nói rằng thánh Phaolô trở lại là mặc nhiên nhìn nhận ngài đã từng lầm lạc, đã từng sai lỗi. Vậy ngài sai lỗi sự gì, đã lầm lạc ở điều gì? Dĩ nhiên nhiều người dễ dàng trả lời là vì ngài đã bắt bớ những người tin theo Chúa Kitô. Căn cứ vào chính lời của ngài trong sách Công vụ Tông đồ và qua thư Ngài gửi cho tín hữu Galata, chúng ta nhận ra lầm lỗi của ngài đó là quá nhiệt thành kiểu chấp nê với lề luật Cựu Ước, câu nệ truyền thống cha ông và những ai khác mình thì phải diệt phải khử trừ (x.Gl 1,11-24; Cv 22,3-16).

Tri ân quá khứ là điều chính đáng và phải đạo. Thế nhưng quá chấp nê và câu nệ truyền thống xa cũ là điều chẳng hay chút nào và có khi trở thành một nguyên cớ khiến chúng ta sa vào lầm lạc như thánh Phaolô thuở nào. Thánh nhân khẳng định rằng Tin Mừng mà ngài loan báo là do nhận trực tiếp từ Chúa Kitô, Đấng Phục Sinh chứ không do từ miệng của loài người, thế mà ngài vẫn khiêm tốn rằng mình chỉ mới tiếp cận chân lý như thấy lời mờ qua tấm gương bằng đồng được đánh nhẵn bóng (x.1Cr 13,12).

Không một ai trên thế gian này có thể nắm đủ đầy chân lý cách trọn hảo. Đêm Tiệc ly chính Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. (Ga 16,12-13). Chúa Thánh Thần, Thần Khí sự thật chưa “thất nghiệp”. Ngài vẫn mãi còn hoạt động cho đến ngày Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.

Đã từng có và đang có đó nhiều người dẫm vào vết chân lầm lạc của thánh Tông đồ dân ngoại. Vì tự cho mình mới nắm được chân lý vẹn toàn và ai khác mình đều là sai lạc nên đã gây ra sự chia rẽ, ly giáo giữa những người tin vào Chúa Kitô. Các Đức Giáo Hoàng gần đây, cách riêng Đức Phanxicô đã khẳng định rằng chân lý luôn còn ở phía trước. Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hướng dẫn Hội Thánh tiến về Giêrusalem trên trời. Thế mà vẫn có đó một vài đấng bậc quá câu nệ truyền thống không thể chấp nhận nhiều sự mới lạ, cho dù chúng được khởi đi từ đấng kế vị thánh Phêrô tông đồ.

Những ngày này giáo phận chúng tôi có sự thuyên chuyển các linh mục quản xứ. Mong sao đoàn tín hữu khi thấy có đôi điều gì đó mới lạ từ vị tân quản xứ thì đừng có chấp nê, câu nệ kiểu: “cha xứ cũ đã làm như thế mà giờ thì….” Và cũng mong sao đừng có đấng bậc chấp nê, câu nệ kiểu: “Đức Giáo Hoàng trước đã dạy như thế, như thế…”.

Tri ân quá khứ nhưng đừng quá chấp nê, câu nệ truyền thống. Thánh Phaolô đã trở lại và ngài nói: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi (chiếm được Đức Kitô, Đấng là Chân lý). Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Khiêm tốn và hướng về tương lai là những động thái xây dựng sự hiệp nhất hữu hiệu.

(Ngày cuối của tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên
Lm. Athony Trung Thành
10:45 25/01/2018
Quỷ dữ hay Satan là loại Thiên thần hư hỏng, đã bị Thiên Chúa phạt trong Hỏa ngục. Nhưng Thiên Chúa vẫn cho chúng hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau trong lịch sử. Chúng thường xuyên cám dỗ con người. Nếu cậy vào sức mình, thì con người không phải là đối thủ của chúng. Ngay từ khi con người mới xuất hiện, Nguyên tổ chúng ta đã thua chúng. Và cứ như thế, theo dòng lịch sử, con người luôn bị Quỹ dữ quấy phá, xúi giục phạm tội để làm nô lệ cho chúng. Cuộc chiến giữa con người và quỷ dữ vẫn còn tiếp tục mãi cho tới Tận thế.

Ngày hôm nay, ít khi chúng ta chứng kiến cảnh Quỷ dữ công khai làm hại con người, nhưng chúng vẫn hiện diện và làm hại con người qua sự dữ, sự ác, sự tội. Chúng dụ dỗ, quyến rũ con người dưới nhiều chiêu thức khác nhau. Ngày 3 tháng 10 năm 2015, khi nói chuyện với các Hiến Binh Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng “Satan là một kẻ dụ dỗ, nó gieo những nguy hiểm tiềm ẩn và dụ dỗ với đầy sự quyến rũ, và sự quyến rũ ma quỷ này khiến anh em tin mọi thứ. Nó biết cách làm thế nào để rao bán thật quyến rũ, nó bán rất chạy, và cuối cùng người ta phải trả giá rất cao !”. Trong các bài giảng của mình, Đức Phanxicô còn đưa ra các chiêu thức cụ thể mà Ngài cho là Quỷ dữ đang hoạt động nơi con người.

Đó là khi con người không dám tuyên xưng Đức Kitô. Ngài nói: “Khi một người không tuyên xưng Đức Kitô, người đó sẽ tuyên xưng sự trần tục của ma quỷ.”

Đó là khi con người rơi vào tình trạng bi quan trong cuộc sống. Ngài nói: “Chúng ta đừng bao giờ để mình rơi vào tình trạng bi quan, hay cay đắng là những điều ma quỷ đưa đến cho chúng ta hàng ngày.”

Đó là khi con người ghen tương, tham vọng, chia rẽ hay tham lam. Ngài nói: “Ma quỷ có hai vũ khí rất mạnh để tiêu diệt Giáo hội: đó là chia rẽ và tiền bạc... ma quỷ gieo trong lòng người sự ghen tương, tham vọng, và các ý tưởng chia rẽ hay tham lam. Nó gieo vào lòng người một cuộc chiến bẩn thỉu, gây ra chia rẽ như chủ nghĩa khủng bố.”

Đó là khi con người ngồi lê đôi mách, nói xấu nói hành nhau. Ngài nói: “Ẩn sau những lời đồn thổi là sự đố kị và ganh ghét. Những câu chuyện ngồi lê đôi mách này chia rẽ cộng đoàn, phá hủy cộng đoàn. Buôn chuyện là một vũ khí rất hiệu quả của ma quỷ.”

Ngoài ra, Đức Phanxicô còn cho biết: “Ma quỷ đang tấn công dữ dội vào các gia đình, là nơi ma quỷ không muốn tình yêu được thể hiện và chúng đang tìm cách để phá hủy tình yêu…”. Ngài còn cho biết thêm: “Ma quỷ không bao giờ chịu đứng im nhìn sự thánh thiêng và tốt lành của Giáo hội hay của mỗi chúng ta mà không cố tìm cách phá hủy sự tốt lành đó.”

Vậy, trước các hoạt động Quỷ dữ đang tấn công con người, chúng ta phải làm gì để đối phó với chúng ? Đức Phanxicô dạy chúng ta là đừng bao giờ đối thoại với chúng mà hãy dùng Lời Chúa để đối phó với chúng. Ngài nói: “Hãy xem cách Đức Giêsu đáp trả lại [những cám dỗ]: Người không đôi co với Satan, như Eva trong vườn Địa đàng. Đức Giêsu biết rất rõ rằng con người không thể dùng miệng lưỡi đôi co lại với Satan vì hắn rất xảo quyệt. Vì vậy, thay vì tranh luận với hắn như Eva xưa, Chúa Giêsu đã chọn cách vững chắc là dùng Lời Chúa để đáp lại ma quỷ với uy quyền của Lời Người. Chúng ta hãy ý thức điều này mỗi khi chúng ta bị cám dỗ …: Đừng đối thoại với Satan, nhưng hãy dùng Lời của Chúa để bảo vệ chúng ta. Và Lời Người sẽ cứu thoát chúng ta.” (Nguồn Lời giảng của Đức Phanxicô sưu tầm trên Internet).

Chúng ta nhớ lại biến cố Đức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc (x. Lc 4,1-13): khi Satan dùng danh, lợi, thú để cám dỗ Ngài, Ngài đã dùng Lời Chúa để chiến đấu với nó và lần đầu tiên, Satan đã thất bại thảm hại. Đức Giêsu đã chiến thắng lẫy lừng. Bởi Ngài không chiến đấu do sức lực của con người nhưng chiến đấu do sức mạnh của Thần linh đến từ Lời của Thiên Chúa. Từ đó, Satan luôn luôn bị Đức Giêsu khuất phục. Tin mừng Thánh Marcô hôm nay cho chúng ta biết (x. Mc 1,23-28): Khi Đức Giêsu đang giảng dạy trong hội đường thì có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa.” Đức Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu trừ quỷ. Đọc Tin mừng cho chúng ta thấy nhiều lần nhiều nơi, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Ngài để trừ quỷ (x. 1,34.39; 3,11-12). Chẳng hạn, Ngài cho cả một đạo quân Quỷ dữ nhập vào đàn heo và cả đàn heo lăn xuống biển mà chết (x. Mc 5,1-20); Ngài chữa người bị quỷ ám mắc chứng bệnh động kinh (x. 9,14-29). Không những Ngài trực tiếp trừ quỷ mà Ngài còn gián tiếp giúp con người thoát khỏi ách thống trị của chúng như chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi : Ngài cho kẻ mù được thấy, kẻ câm nói được, kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, người mắc bệnh phong được khỏi; Ngài tha tội cho kẻ bất toại, người phụ nữ ngoại tình, những người thu thuế và các cô gái điếm…giúp họ thoát khỏi sự kìm kẹp của Quỷ dữ để họ được gia nhập với cộng đoàn. Vì theo quan niệm của người Do thái thì bệnh tật, tội lỗi là do Quỷ dữ gây ra.

Như vậy, Đức Giêsu có quyền trên Quỷ dữ, Ngài luôn chiến thắng chúng. Vì vậy, chúng ta muốn chiến thắng Quỷ dữ thì cần phải nhờ ơn Chúa giúp. Chúng ta nhờ ơn Chúa qua việc ăn chay và cầu nguyện. Chúng ta nhờ ơn Chúa qua việc đọc, suy gẫm và sống Lời của Ngài, vì “Lời của Ngài có uy quyền”. Chúng ta nhờ ơn Chúa qua việc từ bỏ ý riêng để tuân phục ý Chúa. Tuân phục thánh ý Chúa bằng cách chu toàn bổn phận đấng bậc mình, sống gắn bó với Chúa như lời Thánh Phaolô căn dặn trong bài đọc II hôm nay: “Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình.” (1Cr 7, 32-34).

Lạy Chúa, Quỷ dữ luôn tấn công chúng con với nhiều chiêu thức khác nhau. Tự sức chúng con không thể thắng được chúng. Vì vậy, xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống khăng khít với Chúa để nhờ đó chúng con mới có thể thắng được mọi cơn cám dỗ của Quỷ dữ. Amen.

Lm. Athony Trung Thành
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 4 Mùa Quanh Năm B. 28.1.2018
Lm Francis Lý văn Ca
21:31 25/01/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Ngày của Chúa lại đến với chúng ta, đây là dịp để cộng đoàn tín hữu cùng quy tụ lại: tưởng niệm việc Chúa Kitô chịu chết và sống lại vinh quang. Để rồi cùng với Người, và trong Người, chúng ta đến với Thiên Chúa Cha. Chúng ta cùng liên kết với Người qua việc lắng nghe lời Kinh Thánh và lãnh nhận chính Mình Người qua Thánh Thể.
Mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta có dịp tụ họp cùng nhau, sau một tuần chúng ta phân tán vào trần thế, làm chứng tá cho Tin Mừng Chúa rao giảng. Ngày Chúa Nhật trở về, kiểm điểm một tuần đã qua mình đã làm gì ích lợi cho phần xác và linh hồn của mình và anh chị em? Sau đó, với ơn Chúa ban, chúng ta lại bắt đầu một tuần mới, với những cô gắng mới, hăng say mới trong con người mới.
Giờ đây, chúng ta cùng chung tiếng với ca đoàn xướng lên bài ca đầu lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Dân Dothái đã quyết định chọn giữa họ một một đấng trung gian để chuyển cầu những ý nguyện lên Thiên Chúa Giavê. Môisen đã cho họ biết đấng đó sẽ là trung gian cho họ. Đó là các tiên tri sau nầy. TRƯỚC BÀI II: Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta ơn gọi của mỗi người: dù sống đời đôi bạn hay độc thân, đều có những ràn buộc riêng để sống trọn vẹn ơn gọi đó. Chúng ta nghe tư tưởng nầy của thánh Phaolô trong bài đọc sau đây.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Tư tưởng của bài Tin Mừng hôm nay cũng như những tuần kế tiếp, sau khi chọn các tông đồ đầu tiên, Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai bằng việc rao giảng và chữa lành bệnh tật.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÀN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện người bị quỷ ám được chữa lành. Quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô. Qua Đức Kitô, Đấng Trung Gian của Thiên Chúa, chúng ta dâng lên Ngài những ý nguyện cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân Công Giáo. Xin ban cho họ niềm tin và với tinh thần phó thác, tình yêu của họ luôn được vun trồng và con cái Chúa ban sẽ là niềm an ủi cho họ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang sống đời tận hiến trong các dòng tu nam nữ. Xin Chúa giúp chúng ta được trở thành những Ximong, Vêrônica, Mẹ Maria hay những thiếu nữ thành Giêrusalem, sẵn sàng đỡ nâng, chia sẻ những khó khăn của những ai đang sống đời hiến dâng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu nguyện cho những người già lão, bệnh tật đang sống những chuỗi ngày cô đơn trong các tư gia, bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão. Chúng ta nhớ đến những vị cao niên trong cộng đoàn xứ đạo, đang ốm đau hoặc cô đơn. Xin cho tất cả luôn vững lòng cậy trông vào Chúa. Vì Chúa là tất cả. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Trong ít giây thinh lặng, chúng con dâng lên Chúa những ý nguyện riêng tư của cá nhân hay gia đình xin chúng con cầu nguyện cho họ, trong thánh lễ hôm nay.......

* Sau ít giây thinh lặng, đọc câu kết như thường lệ:

Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu cho các linh hồn đã qua đời… những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Chúa đến trần gian để giao hòa thế gian với Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe Lời của Con yêu dấu Chúa. Xin Chúa nhậm những lời cầu xin của chúng con dâng lên trước toà Chúa hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi kinh chiều trọng thể bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
J.B. Đặng Minh An dịch
16:37 25/01/2018
Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 25 tháng 1 năm 2018, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi kinh chiều trọng thể bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Năm nay, chủ đề của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô là “Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh.” (Xh 15:6)

Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma; đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Gennadios, đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại Kết; Đức Cha Bernard Ntahoturi, tân đại diện tại Rôma cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo. Ngoài ra, còn có phái đoàn Đại Kết Phần Lan; các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang trong chuyến thăm Rôma để đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo; và các sinh viên Chính Thống đang theo học tại Rôma.

Vào cuối buổi lễ, trước Phép Lành Tòa Thánh, Đức Hồng Y Kurt Kurt Koch, Chủ Tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Đại kết Kitô giáo, đã gửi lời chào tới Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Bài Đọc chúng ta vừa nghe được trích từ Sách Xuất Hành, nói về ông Môisê và bà Mariam, là những người đã dâng lên Thiên Chúa một bài tán tụng ca trên bờ Biển Đỏ, cùng với cộng đoàn mà Thiên Chúa vừa giải phóng khỏi Ai Cập. Họ hát lên niềm vui của họ bởi vì ngay trong dòng nước biển kề bên, Thiên Chúa vừa cứu họ khỏi một kẻ thù quyết tâm tiêu diệt họ. Trước đây, chính Môisê đã từng được cứu thoát từ một dòng sông và chị gái của ông đã chứng kiến sự kiện này. Thật vậy, vua Pharaôn đã ra lệnh: “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nile”(Xh 1:22). Nhưng, khi tìm thấy chiếc giỏ với đứa bé bên trong giữa đám lau sậy của sông Nile, con gái của Pharaôn đã cứu đứa bé và đặt tên là Môisê, vì bà đã nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước” (Xh 2:10). Câu chuyện về việc cứu Môisê từ dòng sông đã tiên đoán sự cứu rỗi lớn lao hơn của toàn thể dân tộc mà Thiên Chúa đã giúp họ vượt qua Biển Đỏ, rồi nhận chìm kẻ thù của họ trong dòng nước. Nhiều Nghị Phụ xưa đã giải thích đoạn văn giải phóng dân Do Thái này như một hình ảnh của Bí Tích Rửa Tội. Những tội lỗi của chúng ta đã bị Thiên Chúa chôn vùi trong dòng nước tái sinh của Bí Tích Rửa Tội. Còn nguy hiểm hơn người Ai Cập, tội lỗi luôn đe dọa biến chúng ta thành những kẻ nô lệ, nhưng sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa nhấn chìm nó. Thánh Augustinô (Bài giảng 223E) giải thích Biển Đỏ, nơi dân Israel chứng kiến sự giải thoát của Thiên Chúa, như là dấu hiệu dự báo cho Máu Thánh Chúa Kitô bị đóng đinh, là nguồn mạch của ơn cứu rỗi. Tất cả các Kitô hữu chúng ta đã đi qua dòng nước rửa tội, và ân sủng của Bí tích này đã tiêu diệt các kẻ thù, tội lỗi và cái chết của chúng ta. Khi ra khỏi dòng nước này, chúng ta đã đạt được tự do của con cái Chúa; chúng ta nổi lên như một dân tộc, như một cộng đồng các anh chị em đã được giải thoát, như “những người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Êphêsô 2:19). Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm cơ bản này: đó là ân sủng của Chúa, và lòng thương xót đầy quyền năng của Ngài trong việc cứu độ chúng ta. Và chính vì Thiên Chúa đã tạo ra chiến thắng này trong chúng ta, chúng ta có thể cùng hát những lời ngợi khen với nhau.

Sau đó, trong cuộc sống, chúng ta cảm nghiệm được sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng trong cuộc sống thường nhật của chúng ta ưu ái cứu chúng ta khỏi tội lỗi, sợ hãi và đau khổ. Những kinh nghiệm quý giá này được ghi khắc trong trái tim và trong ký ức. Tuy nhiên, như trong trường hợp của ông Môisê, những trải nghiệm cá nhân gắn liền với một lịch sử thậm chí còn lớn lao hơn, đó là sự cứu rỗi dân Chúa. Chúng ta nhìn thấy điều này trong bài vinh tụng ca của người Do Thái. Nó bắt đầu bằng một câu chuyện có tính cách cá nhân: Chúa là sức mạnh của tôi và là bài ca của tôi, và Ngài đã trở thành ơn cứu rỗi của tôi (Xh 15: 2). Tuy nhiên, ngay lập tức nó trở thành trình thuật về ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người: “Người đã dẫn dắt trong tình yêu thương bền vững của Người những ai Người đã cứu chuộc” (câu 13). Tác giả sáng tác ra bài hát này nhận ra mình không phải chỉ có một mình trên bờ Biển Đỏ, nhưng được bao bọc bởi anh chị em đã nhận được cùng một hồng ân và hát vang cùng một lời khen ngợi.

Cũng thế, Thánh Phaolô, là vị mà hôm nay chúng ta cử mừng ơn hoán cải của ngài, đã có kinh nghiệm về ân sủng đầy quyền năng này, đó là ân sủng đã biến ngài từ người bách hại đạo thánh Chúa trở thành một Tông Đồ cho Chúa Kitô. Ân sủng của Thiên Chúa cũng đã thúc đẩy ngài ngay lập tức tìm kiếm sự hiệp thông với các Kitô hữu khác, trước tiên ở Damascus và sau đó tại Giêrusalem (TĐCV 9: 19,26-27-27). Đây là kinh nghiệm của chúng ta với tư cách là các tín hữu. Khi chúng ta phát triển trong đời sống thiêng liêng, chúng ta hiểu hơn bao giờ hết rằng ân sủng đến với chúng ta cũng đến với những người khác và được chia sẻ với người khác. Vì vậy, khi tôi tạ ơn Chúa vì những gì Chúa đã làm trong tôi, tôi khám phá ra tôi không tán tụng Chúa một mình bởi vì các anh chị em khác cũng có cùng một bài ca tán dương.

Các hệ phái Kitô khác nhau đã có kinh nghiệm này. Trong thế kỷ trước, cuối cùng chúng ta nhận ra rằng chúng ta cùng đứng bên nhau trên bờ Biển Đỏ. Chúng ta đã được cứu rỗi trong bí tích Rửa Tội và bài vinh tụng ca hân hoan, mà anh chị em khác cất cao giọng hát, thuộc về chúng ta bởi vì đó cũng là bài ngợi ca của chúng ta. Khi chúng ta nói rằng chúng ta nhìn nhận Bí Tích Rửa Tội của các Kitô Hữu từ các truyền thống khác, chúng ta công nhận rằng họ đã nhận được ơn tha thứ của Chúa và ân sủng của Ngài đang hoạt động trong họ. Và chúng ta nhìn nhận sự thờ phượng của họ như là một biểu lộ chân thành của lời ca khen những gì Thiên Chúa hoàn thành. Vì vậy, chúng ta muốn cầu nguyện cùng nhau, cùng hợp tiếng với nhau nhiều hơn nữa. Và ngay cả khi những khác biệt vẫn còn tách biệt chúng ta, chúng ta vẫn thừa nhận rằng chúng ta thuộc về cúng một dân tộc những người được cứu chuộc, thuộc về cùng một gia đình những anh chị em được yêu thương bởi một Cha duy nhất.

Sau khi được giải phóng, dân được Chúa chọn đã tiến hành một cuộc hành trình dài và khó khăn qua sa mạc, với những do dự thường xuyên, nhưng họ kín múc sức mạnh từ ký ức về ơn cứu độ của Thiên Chúa và sự hiện diện gần gũi hơn bao giờ của Ngài. Ngày nay, các tín hữu Kitô cũng gặp nhiều khó khăn, bị vây quanh bởi bao nhiêu những sa mạc tinh thần, khiến cho hy vọng và niềm vui của họ bị khô héo. Trên con đường của họ, còn có bao nhiêu những nguy hiểm trầm trọng, đe dọa sinh mạng của họ: bao nhiêu Kitô hữu ngày nay chịu bách hại vì danh Chúa Giêsu! Khi máu họ đổ ra, dù họ thuộc các hệ phái Kitô khác, họ đều trở thành những chứng nhân đức tin, thành các vị tử đạo, liên kết với nhau trong ân sủng của bí tích rửa tội. Cùng với những bằng hữu thuộc các truyền thống tôn giáo khác, các tín hữu Kitô ngày nay đang đương đầu với những thách đố hạ giá nhân phẩm: họ phải trốn chạy trước những tình trạng xung đột và lầm than, trở thành các nạn nhân của nạn buôn người, và những hình thức nô lệ tân thời; họ chịu cực khổ và đói khát, trong một thế giới giàu có các phương tiện hơn bao giờ, nhưng lại nghèo tình thương, và những bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cũng như người Do Thái trong cuộc Xuất Hành, các tín hữu Kitô đang được kêu gọi cùng nhau bảo tồn ký tức về những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Khi làm sống động ký ức đó, chúng ta có thể nâng đỡ nhau và được vũ trang bằng Chúa Giêsu và sức mạnh dịu dàng Tin Mừng của Người, chúng ta cùng nhau đương đầu với mọi thách đố với lòng can đảm và hy vọng.

Anh chị em thân mến, với trái tim tràn đầy niềm vui vì đã được cùng hát với nhau hôm nay ở đây cùng một bài thánh ca chúc tụng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta và trong Chúa Thánh Linh là Đấng ban sự sống, tôi muốn bày tỏ lời chào mừng trìu mến của tôi tới các bạn: tới Đức Tổng Giám Mục Gennadios, Đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại Kết; tới Đức Cha Bernard Ntahoturi, đại diện tại Rôma cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury, và tới tất cả các vị Đại Diện cho các hệ phái Kitô giáo khác nhau đang tụ họp ở đây. Tôi vui mừng chào đón Phái đoàn Đại Kết Phần Lan, là những vị tôi đã có dịp gặp gỡ sáng nay. Tôi cũng chào đón các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang trong chuyến thăm Rôma để đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo, và các bạn trẻ Chính Thống và Chính Thống Đông phương đang theo học ở đây nhờ sự quảng đại của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính Thống, hoạt động trong Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ sự hiệp nhất Kitô giáo. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì những gì Ngài đã thực hiện trong cuộc sống và trong cộng đồng của chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng dâng lên Ngài những nhu cầu của chúng ta và của thế giới, với niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa, với tình yêu trung tín của Người, sẽ tiếp tục cứu độ và đồng hành với dân Người.

Source: Libreria Editrice Vaticana Celebrazione Dei Secondi Vespri - Nella Solennità Della Conversione Di San Paolo Apostolo- Omelia Di Papa Francesco

 
Đức Phanxicô gửi thông điệp cho Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới Davos
Vũ Văn An
18:24 25/01/2018
Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới (The World Economic Forum) là một qũy vô vị lợi, đặt trụ sở tại Cologny, Geneva, Thụy Sĩ. Được chính phủ Thụy Sĩ nhìn nhận là một cơ chế quốc tế có sứ mệnh “dấn thân cho việc cải thiện hiện tình thế giới bằng cách vận động các nhà lãnh đạo kinh doanh, chính trị, học thuật, và các ngành khác của xã hội trong việc lên khuôn các nghị trình hoàn cầu, vùng, và kỹ nghệ”.

Nghị Hội được biết nhiều nhất vì cuộc hội họp hàng năm vào cuối tháng 1 tại Davos, một vùng nghỉ mát miền núi ở Graubünden, thuộc miền đông dẫy núi Alps của Thụy Sĩ. Cuộc hội họp này thường qui tụ 2,500 các nhà lãnh đạo kinh doanh, chính trị, các nhà kinh tế học và các nhà báo trong khoảng tối đa 4 ngày để thảo luận những vấn đề cấp bách của thế giới.

Năm 2017, Nghị Hội này kéo được chú ý mọi người khi lần đầu tiên người đứng đầu Trung Hoa Cộng Sản tham dự giữa bối cảnh Brexit ở Anh và chính phủ chủ trương “phong tỏa” của Hoa Kỳ. Chủ Tịch Tập Cẩn Bình bênh vực kế sách kinh tế hoàn cầu và mô tả Trung Hoa như một quốc gia có trách nhiệm và dẫn đầu đối với chính nghĩa môi sinh. Ông ngầm đả kích Trump khi tấn công các phong trào dân túy nhằm áp dụng quan thuế và cản trở thương mại hoàn cầu.

Tại Nghị Hội năm nay, 2018, Tổng Thống Donald Trump sẽ tham dự để mời gọi đầu tư vào Hoa Kỳ, nhất là sau khi có việc giảm thuế kinh doanh ở đây, khuyến khích cạnh tranh hợp tình hợp lý, và kêu gọi hợp tác giải quyết các khủng hoảng an ninh trên thế giới nhất là tham vọng hạch nhân của Bắc Hàn. Ở Davos, Ông Trump sẽ gặp các nhà lãnh đạo chính trị thế giới như Theresa May (Anh), Netanyahu (Do Thái), Tổng Thống Rwandan, Paul Kagame, chủ tịch Liên HIệp Châu Phi, Tổng Thống Alain Berset của Thụy Sĩ. Ông sẽ là Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên trong 20 năm nay tham dự Nghị Hội này, mặc dù trong cuộc tranh cử năm 2016, ông mạt sát các nhà trí thức “globalist” loại Davos này. Có lẽ vì vậy mà Nghị Hội sẽ tổ chức một buổi tiếp tân đặc biệt để chào đón ông và dành cho ông vinh dự đọc bài diễn văn “keynote” (chủ chốt) kết thúc Nghị Hội.

Đức Phanxicô chắc chắn không phải vì có Trump mà ngài hứng khởi hơn khi gửi cho Nghị Hội một thông điệp, vì đây là việc ngài vốn làm xưa nay.

Thực vậy, theo tin của VaticanNews, ngày 23 tháng 1 vừa qua, Đức Phanxicô đã gửi cho Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới Davos một thông điệp, trong đó, ngài kêu gọi các chính sách kinh tế nhằm bảo vệ nhân phẩm, mở rộng cơ hội kinh tế cho mọi người, và cổ vũ đời sống gia đình.

Thông điệp gửi cho Ông Klaus Schwab, chủ tịch Nghị Hội có đoạn ngài phê phán các mô hình kinh tế hoàn cầu nhằm “ủng hộ việc phân mảnh hơn nữa và chủ nghĩa duy cá nhân” bị hướng dẫn bởi “quyền lợi tư riêng và tham vọng lời lãi bất chấp mọi phí tổn”.

Nhờ bác bỏ nền văn hóa “vứt bỏ” và não trạng dửng dưng, thế giới kinh doanh sẽ có tiềm năng lớn lao trong việc thực hiện sự thay đổi có thực chất bằng cách gia tăng phẩm chất sản lượng, tạo công ăn việc làm mới, tôn trọng luật lệ lao động, chống tham nhũng tư và công và cổ vũ công bằng xã hội, cùng với việc chia sẻ lợi nhuận một cách hợp tình hợp lý và công bằng.

Sau đây là nguyên văn thông điệp ngài gửi cho Giáo Sư Klaus Schwab, Chủ Tịch Chấp Hành Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới, họp tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ, từ ngày 23 tới ngày 26 tháng 1, về chủ đề “Tạo Tương Lai Chung trong Một Thế Giới Tan Vỡ”:

Tôi cám ơn về lời mời của ngài tham dự Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới năm 2018 và về ý muốn của ngài trong việc bao gồm quan điểm của Giáo Hội Công Giáo và của Tòa Thánh tại cuộc hội họp Davos. Tôi cũng cám ơn ngài về các cố gắng của ngài trong việc khiến quan điểm này được sự chú ý của những người tụ họp tham dự Nghị Hội hàng năm này, trong đó có các nhà cầm quyền chính trị và chính phủ cao quí và tất cả những vị dấn thân trong các lãnh vực kinh doanh, kinh tế, việc làm và văn hóa, khi họ thảo luận các thách đố, các quan tâm, các niềm hy vọng và viễn vọng của thế giới ngày nay và trong tương lai.

Chủ đề chọn cho Nghị Hội năm nay - Tạo Tương Lai Chung trong một Thế Giới Tan Vỡ - rất hợp thời. Tôi tin chắc rằng nó sẽ giúp hướng dẫn các cuộc nghị bàn của quí vị trong khi đi tìm các nền tảng tốt đẹp hơn để xây dựng các xã hội có tính bao gồm, công bằng và hỗ trợ, có khả năng phục hồi phẩm giá cho những người hiện đang sống một cách không hề chắc chắn và không có khả năng mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn.

Ở bình diện cai trị hoàn cầu, chúng ta càng ngày càng ý thức sự kiện có sự phân mảnh gia tăng giữa các quốc gia và các định chế. Các tác nhân mới đang xuất hiện, cũng như các cạnh tranh mới về kinh tế và các hiệp định giao thương miền. Các kỹ thuật mới đây nhất cũng đang biến đổi các mô hình kinh tế và chính thế giới đã hoàn cầu hóa, một thế giới, vì bị điều kiện hóa bởi quyền lợi tư riêng và tham vọng kiếm lời bằng bất cứ giá nào, xem ra đang hỗ trợ việc phân mảnh và chủ nghĩa duy cá nhân hơn nữa, thay vì làm dễ dàng các phương thức có tính bao gồm mọi người nhiều hơn.

Các bất ổn tài chính liên tiếp xẩy ra đã đem tới những vấn đề mới và các thách đố nghiêm trọng mà các chính phủ cần phải đối phó, như việc gia tăng nạn thất nghiệp, việc gia tăng nghèo khó dưới nhiều hình thức khác nhau, mở rộng thêm khoảng phân cách kinh tế xã hội và các hình thức nô lệ mới, thường bắt nguồn từ các tình huống tranh chấp, di dân và các vấn đề xã hội đa dạng. “Cùng với điều này, chúng ta còn gặp một số lối sống khá ích kỷ có đặc điểm sung túc nhưng không lâu bền và thường dửng dưng đối với thế giới quanh ta, và nhất là đối với người nghèo nhất. Chúng ta thất vọng nhìn thấy các vấn đề kỹ thuật và kinh tế nổi cộm trong cuộc tranh luận chính trị, gây thiệt hại cho các quan tâm chính đáng về con người nhân bản. Các người đàn ông và đàn bà có nguy cơ bị giản lược, chỉ còn là những con ốc trong một cỗ máy, một cỗ máy coi họ như những vật dụng tiêu dùng cần được khai thác, kết quả bi thảm thay là bất cứ lúc nào một sự sống nhân bản không còn tự mình chứng tỏ là hữu ích cho bộ máy này nữa, thì bị ném bỏ một các không ngần ngại” (Diễn Văn trước Quốc Hội Âu Châu, 25 tháng 11 năm 2014).

Trong bối cảnh trên, điều sinh tử là bảo vệ phẩm giá con người nhân bản, bằng cách đặc biệt cung ứng cho mọi người các cơ may có thực chất để họ phát triển toàn diện con người họ và bằng cách thực thi các chính sách kinh tế có lợi cho gia đình. “Tự do kinh tế không được trổi vượt hơn tự do thực tiễn của con người và các quyền lợi của họ, và thị trường không được tuyệt đối, mà phải tôn trọng các đòi hỏi của công lý” (Diễn Văn trước Tổng Liên Đoàn Kỹ Nghệ Ý, 27 tháng 2, 2016). Do đó, các mô hình kinh tế cũng bị đòi phải tuân giữ một nền đạo đức học phát triển lâu dài và toàn bộ, dựa trên các giá trị biết đặt con người nhân bản và các quyền lợi của họ ở trung tâm.

“Trước nhiều cản trở bất công, cô đơn, bất tín và ngờ vực vẫn còn đang được khai triển chi tiết trong thời đại ta, thế giới lao động được kêu gọi phải đưa ra các biện pháp can đảm để việc ‘hiện diện và làm việc với nhau’ không chỉ là một khẩu hiệu mà là một chương trình cho hiện tại và cho tương lai” (đã dẫn). Chỉ qua một quyết tâm vững vàng được mọi tác nhân kinh tế chia sẻ, chúng ta mới hy vọng đưa ra được một định hướng mới mẻ cho số phận thế giới. Cũng thế, trí khôn nhân tạo, khoa người máy và các canh tân kỹ thuật khác phải được sử dụng sao đó để chúng đóng góp vào việc phục vụ nhân loại và bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, thay vì trái ngược lại, như một số đánh giá đã dự đoán một cách không may mắn.

Chúng ta không thể mãi im lặng đối diện với sự đau khổ của hàng triệu người đang bị thương tổn nhân phẩm, mà chúng ta cũng không thể tiếp tục bước đi như thể việc lan tràn nghèo đói và bất công không hề có nguyên cớ. Tạo ra các điều kiện đúng đắn cho phép mỗi người sống một cách xứng đáng là một mệnh lệnh luân lý, một trách nhiệm liên quan tới mọi người. Nhờ bác bỏ nền văn hóa “vứt bỏ” và não trạng dửng dưng, thế giới kinh doanh sẽ có tiềm năng lớn lao trong việc thực hiện sự thay đổi có thực chất bằng cách gia tăng phẩm chất sản lượng, tạo công ăn việc làm mới, tôn trọng luật lệ lao động, chống tham nhũng tư và công và cổ vũ công bằng xã hội, cùng với việc chia sẻ lợi nhuận một cách hợp tình hợp lý và công bằng.

Trách nhiệm nặng nề là phải thực thi sự biện phân khôn ngoan, vì các quyết định đưa ra sẽ có tính quyết định trong việc lên khuôn thế giới của ngày mai và thế giới của các thế hệ tương lai. Như thế, nếu ta muốn một tương lai an toàn hơn, một thế giới biết khuyến khích sự thịnh vượng của mọi người, thì điều nhất thiết là giữ cho chiếc la bàn liên tục hướng về “phía Bắc thực sự”, tiêu biểu cho các giá trị chân chính. Nay là thời để đưa ra các biện pháp can đảm và mạnh dạn cho hành tinh yêu quí của chúng ta. Đây là thời điểm đúng đắn để đem vào hành động trách nhiệm của ta trong việc góp phần vào việc phát triển nhân loại.

Bởi thế, tôi hy vọng phiên họp năm 2018 này của Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới sẽ cho phép một cuộc trao đổi cởi mở, tự do, và tôn trọng, và được gợi hứng trên hết bởi ý nguyện muốn đẩy mạnh công ích.

Cùng với việc lặp lại các lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho sự thành công của phiên họp, tôi xin khẩn cầu Ơn Trên ban cho ngài và mọi người tham dự Nghị Hội sự khôn ngoan và sức mạnh.

Từ Vatican, 12 tháng 1 năm 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Những hình ảnh cần thêm về lễ 25 năm Gx ĐMHCG Garland TX.
Trần Mạnh Trác
23:30 25/01/2018
Trong bài Hình ảnh Gx ĐMHCG Garland TX mừng lễ 25 năm thành lập chúng tôi có đề cập đến Lm. Augustine Nguyễn Huy Tưởng là vị chánh xứ tiên khởi, nay đã về hưu, đã tới tham dự ngày lễ kỷ niệm này.

Vì trọng tâm là lễ mừng cuả Gx cho nên chúng tôi không đưa nhiều hình ảnh cuả Ngài lên và cũng không đưa thêm bất kỳ một lời bình luận nào khác mặc dù biết rằng sự hiện diện cuả Ngài mang lại ý nghĩa cho nhiều người.

Tuy nhiên đã có nhiều độc giả trong vùng yêu cầu chúng tôi đưa thêm hình ảnh cuả Ngài, cho rằng việc Ngài trở về giáo xứ sau gần 20 năm xa lánh là một sự kiện đáng ghi nhớ, nó báo hiệu cho việc một vết thương được bắt đầu hàn gắn.

Để không tạo thêm tranh cãi, chúng tôi xin đưa hết các hình đã chụp về Cha Tưởng, không lựa lọc và không thay đổi thứ tự thời gian.

Xem hình ảnh
 
Giáo xứ Tân Lộc mừng lễ quan thầy Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên.
Gioan Nguyễn Hiếu
10:53 25/01/2018
Sáng hôm nay, đúng 8h, ngày 25/01/2018, tại Giáo xứ Tân Lộc, Giáo phận Vinh, thánh lễ kính Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại - Quan thầy Đức Cha Phaolô Maria được diễn ra trong tâm tình tạ ơn sốt mến của toàn thể cộng đoàn phụng vụ.

Thánh lễ được cử hành do Đức Cha Phaolô Maria chủ tế, cùng hiệp dâng thánh lễ với ngài có sự hiện diện đông đảo quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Ban ngành, quý vị khách quý cùng cộng đoàn dân Chúa.

Xem Hình

Chia sẻ trong thánh lễ mừng lễ bổn mạng của Đức Cha già Phaolô khả kính, và đặc biệt trong năm ngài kỷ niệm Ngân Khánh 25 năm Giám Mục. Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Quang - Giáo sư Đại Chủng Viện Phanxicôxaviê Vinh đã nói về sự đồng điệu trong cuộc đời của Đức Cha già Phaolô Maria với vị Thánh quan thầy của mình và điểm nối kết là con số 3: 3 hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô - 3 hành trình trong cuộc đời của Đức Cha già Phaolô Maria và từ đó cảm tạ Chúa về 3 Hồng ân mà Chúa ban cho cuộc đời của Đức Cha.

Cuối thánh lễ, một lần nữa Đức Cha xin chân thành gửi lời cảm ơn và xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý vị khách quý, cách riêng là Cha quản xứ, Giáo xứ Tân Lộc đã đứng ra tổ chức thánh lễ long trọng và sốt sắng, các hội đoàn và cũng như tất cả mọi người đã lo cho thánh lễ hôm nay. Cuối cùng ngài cầu chúc phúc lành của Chúa và Mẹ Maria cho tất cả mọi người qua lời bầu cử của Thánh Phaolô Tông đò trở lại. Và ngài còn căn dặn rằng: "xin tất cả chúng ta cùng tiếp tục cầu nguyện cho nhau"

Gioan Nguyễn Hiếu.

TTGX TÂN LỘC
 
Phóng Sự Đặc Biệt Trường Tiểu Học Công Giáo St. Barbara Santa Ana, CA
VietCatholic Network
17:34 25/01/2018
Video: Phóng Sự Đặc Biệt Trường Tiểu Học Công Giáo St. Barbara Santa Ana, CA
St. Barbara Catholic School Now Accepting Applications for TK – Grade 8
Open House
Sunday, January 28 10:30 am – 12:00 pm


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật C hiêm/Niệm/Thiền: Đền Thờ Dưới Trời Xanh
Nguyễn Trung Tây Lm
22:35 25/01/2018
ĐỀN THỜ DƯỚI TRỜI XANH
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa!
Đền thờ Thiên Chúa vững thiên thu!
(NTT)