Ngày 27-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phúc thật và phúc ảo
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
02:22 27/01/2023


Lý Bạch là nhà thơ lớn thời Thịnh Đường (701 – 762) có rất nhiều bài thơ tuyệt tác. Ông ưa sống kiếp lãng du, say mê vẻ đẹp đất trời, sông núi, trăng sao…

Theo truyền tụng nhân gian, vào một đêm trăng tỏ, Lý Bạch buông thuyền xuôi theo dòng sông Thái Trạch lấp lánh ánh trăng đêm. Ông đàn hát ngâm vịnh và uống rượu thưởng trăng.

Càng về khuya, men rượu nồng càng làm ngây ngất lòng thi sĩ. Sông nước, cảnh vật lúc ấy càng huyền ảo nên thơ. Ông cảm thấy mình như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Mảnh trăng diệu huyền in hình dưới làn nước lung linh như đang gọi mời ông tao ngộ.

Thế là ông nhoài mình qua mạn thuyền, cúi thật sâu xuống nước để ôm lấy vầng trăng mà ông say đắm lâu nay. Vì mất thăng bằng, ông bị chúi đầu xuống sông chết đuối.

Than ôi! Ông đã bỏ hình bắt bóng và dòng sông oan nghiệt đã kết liễu đời ông.

Trên cao, vầng trăng thật như đang mỉm cười chế giễu ông.



Truyền thuyết về nhà thơ họ Lý cũng là một bức tranh sống động diễn tả thực trạng của con người. Nhân loại luôn khao khát kiếm tìm hạnh phúc, nhưng họ đâu biết rằng Thiên Chúa là cội nguồn của hạnh phúc.

Như chỉ có một vầng trăng thật in thành hàng tỷ chiếc bóng trăng trên các ao hồ khe suối khắp trần gian, thì cũng chỉ có một Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa toả xuống vô vàn hình bóng hạnh phúc nơi các sự vật phù du ở đời.

Tiền bạc, của cải, lạc thú trần gian… chỉ là những hình bóng mờ nhạt của hạnh phúc thật là Thiên Chúa. Thế mà, thay vì tìm về Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa, người ta dại dột đâm đầu vào những hình bóng của hạnh phúc nơi những tạo vật phù du trên đời nầy.

Quả thế, người ta tưởng hạnh phúc nằm nơi bạc tiền, của cải, nơi lạc thú trần gian... nên họ lao vào đó như những con thiêu thân lao vào lửa, như Lý Bạch nhào xuống nước tìm trăng.

Qua trích đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta tám nẻo đường đưa nhân loại tìm về cội nguồn hạnh phúc, đó là tám mối phúc thật. Ai bước theo tám nẻo đường nầy chắc chắn sẽ đi đến Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa. Tám nẻo đường đó được liệt kê như sau:

* Tâm hồn nghèo khó: Người có tâm hồn nghèo là người khiêm tốn; họ nhận thức rằng tự sức riêng, thì chẳng làm được gì. Có làm được gì là nhờ ơn Chúa ban. Vì thế, họ cậy trông vào Chúa mà không cậy sức mình.

* Cư xử hiền lành với mọi người chung quanh, biết nhường biết nhịn và mềm mỏng với tha nhân...

* Chấp nhận sầu khổ còn hơn là gây khổ đau cho người khác …

* Khao khát trở nên người công chính, thánh thiện hơn là được danh lợi trần gian.

* Đầy lòng xót thương, đối xử nhân ái với mọi người...

* Tâm hồn trong sạch, không chất chứa điều tà, điều gian ác, bất công...

* Chung tay xây dựng hoà bình, sống hoà thuận với mọi người cũng như làm cho mọi người hoà thuận với nhau…

* Sẵn lòng chịu bách hại vì đạo Chúa, vì sống công chính thanh liêm …

Như thế, nẻo về Hạnh Phúc đã rộng mở.

Bí quyết vào Nước Trời đã được giải bày.

Vấn đề còn lại là chúng ta có chấp nhận bước theo con đường mà Chúa đã đề nghị với chúng ta hay không.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin dạy chúng con thôi tìm kiếm hạnh phúc ảo nơi cảnh vật phù du, nhưng luôn hướng về Chúa, luôn tìm kiếm Chúa là Cội Nguồn hạnh phúc đời đời của chúng con. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Phúc thật
Lm. Thái Nguyên
06:10 27/01/2023

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CN 4 TN A
https://www.youtube.com/watch?v=hNmUARYgAW8&t=207s


PHÚC THẬT
Chúa nhật 4 Thường Niên Năm A : Mt 5, 1-12a

Suy niệm

Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người, nhưng lại có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Nếu hỏi hạnh phúc là gì, thì phần lớn mọi người sẽ lúng túng, hoặc diễn tả rất mơ hồ. Cũng như tình yêu, hạnh phúc không thể định nghĩa được, mà là sự cảm nhận tự thâm tâm. Tuy nhiên, ta đừng lầm lẫn giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn cảm xúc hay thỏa mãn ý chí. Cảm xúc đến rồi đi, luôn biến đổi không ngừng theo tâm thức và sự chi phối của hoàn cảnh. Còn thỏa mãn ý chí là muốn thực hiện cho bằng được điều mình đã quyết. Cảm nhận hạnh phúc này cao hơn và bền vững hơn sự thỏa mãn cảm xúc. Tuy nhiên, sự thỏa mãn nào cũng là nhằm phục vụ cái tôi.

Trong bài giảng đầu tiên trên núi, Ðức Giêsu chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc. Hạnh phúc đích thật là quà tặng của Thiên Chúa, để đón nhận con người cần phải thay đổi quan niệm sống của mình. Đức Giêsu nêu lên tám mối phúc. Mỗi mỗi phúc là một thái độ sống hay một tâm tình sống rất thanh thoát từ chính tình trạng của mình. Đó không phải là những hy vọng thỏa thích về điều sẽ đến, không phải là lời tiên báo mơ hồ về tương lai, nhưng là sự vui mừng về hiện trạng của nó ngay trong cuộc sống này, và chỉ trọn vẹn khi đến ngày ta gặp được Chúa.

Chữ “phúc” Đức Giêsu dùng là một từ đặc biệt. Tiếng Hy Lạp là “makorios”. Makorios diễn tả niềm vui nhiệm mầu, là sự vui mừng hoàn toàn tự bên trong mình. Còn hạnh phúc thường tình của loài người tùy thuộc vào những cơ may, vào những điều kiện mà cuộc đời có thể ban cho hay hủy đi. Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thường không còn nguyên vẹn sau vài ba năm. Hạnh phúc khi mua được căn nhà đẹp không kéo dài quá đôi ba tháng. Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên sau đôi ba tuần. Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói sau đôi ba tiếng. Hạnh phúc thật ngắn ngủi, mất rồi lại đi tìm, và cứ thế cả một đời rong ruổi cho đến lúc xuôi tay, mà chẳng gặp được hạnh phúc ở nơi đâu.

Còn hạnh phúc Chúa ban cho thì không gì có thể hủy hoại hay mất đi được. Đức Giêsu đã nói: “Niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16, 22). Vì đó là hạnh phúc gắn liền với nguồn cội là chính Thiên Chúa. Đấng là suối nguồn hạnh phúc của toàn thể thụ tạo. Chỉ khi sống thân tình và gắn bó với Chúa, ta mới có hạnh phúc sâu xa và vững bền. Đó là hạnh phúc do sự bằng lòng chấp nhận tất cả, chứ không lệ thuộc vào những hoàn cảnh thuận tiện bên ngoài. Đó là một thứ hạnh phúc ngay trong đau khổ, một hạnh phúc mở ra với mọi người và mọi tình cảnh, mà vẫn ung dung không hề nao núng, vì hạnh phúc đã lắng sâu tận thâm tâm.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” là người không ham hố, không tham lam, không cậy dựa vào tiền của hay quyền thế mà cậy dựa vào Thiên Chúa. “Phúc thay ai hiền lành…” là người đã kiềm chế được mọi bản năng, mọi xung động và mọi dục vọng, vì người đó đã được Chúa làm chủ mình, nên luôn sống hiền lành, nhân từ. “Phúc thay ai sầu khổ…” là người biết đón nhận mọi đắng cay cuộc đời, để đền tội, để phục vụ, để triển nở đời sống thiêng liêng. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” là người mong nên thánh, mong trở nên giống Chúa, một sự khát khao mãnh liệt để hoàn thiện đời mình. “Phúc thay ai xót thương người…” là người sống bằng tình thương xót như Chúa đã xót thương mình, nên chia sẻ tận tình. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” là người sống ngay thẳng thật thà, luôn hành động với ý hướng trong sáng. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình…” là người tạo sự an hòa, gieo rắc an bình, đem lại an vui cho mọi người mọi nơi mình có mặt. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” là người dám chịu mọi sự khốn khó vì Đức Giêsu để trung thành cho đến cùng.

Tám mối phúc Đức Giêsu nêu lên dạy cho ta hiểu rằng: ngọc chỉ có trong đá, và sen chỉ mọc lên từ dưới bùn. Ngọc được kết tinh từ sỏi đá, và sen được kết tinh từ bùn nhơ. Không thể nào tìm kiếm ngọc ở ngoài đá, hay tìm kiếm sen ở ngoài bùn. Cũng vậy, hạnh phúc chỉ có trong con người biết đón nhận tất cả và sống cho tất cả bằng tình yêu mến. Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy. Vì thế, cuộc đời Kitô hữu là đào luyện trái tim mình nên giống trái tim Chúa: một trái tim không khép lại cho hạnh phúc của riêng mình, nhưng luôn mở ra để hiến trao cho mọi người không trừ ai. Hạnh phúc này đã bắt đầu từ hôm nay và triển nở mãi đến cuộc sống muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Con vẫn luôn đi tìm hạnh phúc,
bằng cách sở hữu cho thật nhiều,
có được những điều mà con muốn,
thỏa mãn những cái mà con ham,
nhưng rồi đâu phải như con tưởng.
Hạnh phúc không phải những gì con có,
như sức khỏe tiền tài hay danh lợi,
mà có thể những gì con không có,
và cũng chẳng bao giờ cần phải có.
Hạnh phúc đích thực nằm ở trong tâm,
rất sâu xa và bền vững thâm trầm,
nhưng bị ngăn chặn qua nhiều tầng lớp,
của ham muốn tham lam và ích kỷ...
Nhìn ngắm Chúa cho con niềm xác tín:
hạnh phúc là tâm thái biết cho đi,
chứ không phải những gì con chiếm đoạt,
là buông ra không khư khư nắm giữ;
là bằng lòng chứ không cứ so đo;
là sống cho giây phút hiện tại này.
Xin cho con trở về với lòng mình,
để khơi nguồn hạnh phúc tự thâm tâm,
trong cách sống giản dị không cầu kỳ,
không than trách không so bì ai khác.
Hạnh phúc khi con sống luôn bên Chúa,
không buồn thương hay lo sợ điều gì,
chẳng mong cầu hay mê mẩn điều chi,
chỉ biết luôn thực thi theo Thánh ý.
Xin cho con giữ tâm hồn trong sạch,
để hạnh phúc luôn tươi mới trong lành,
để cuối cùng không ai ngoài chính Chúa,
là suối nguồn hạnh phúc của đời con. Amen.


 
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó
Lm. Đan Vinh
06:16 27/01/2023

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN A
Xp 2,3.3,12-13; 1 Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a
PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN NGHÈO KHÓ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 5,1-12a
(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng : (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11) “Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

2. Ý CHÍNH : TÁM MỐI PHÚC THẬT.
Mát-thêu gom nhiều điều Chúa Giê-su nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau làm thành “Bài Giảng Trên Núi” hay là “Hiến Chương Nước Trời”. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của Bài Giảng Trên Núi, trong đó nêu ra 8 điều kiện mà ai muốn gia nhập vào Nước Trời của Chúa Giê-su phải có, được gọi là Tám Mối Phúc. Chẳng hạn : Tinh thần nghèo khó, nhân đức hiền lành, tâm hồn sám hối, luôn khao khát sống công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, biết ăn ở hòa thuận, bị bách hại vì đức Tin. Ai sống theo 8 tinh thần này thì thật diễm phúc, vì sẽ được làm thành viên của Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đàng mai sau.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-3 : + Đoàn lũ đông đảo : Gồm các tông đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, miền Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính phổ quát của sứ điệp Chúa Giê-su. + Người đi lên núi : Núi ở đây thực ra chỉ là một ngọn đồi ở gần Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng Mát-thêu dùng tiếng núi để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước cũ và ban Lề Luật cho Ít-ra-en trên núi Si-nai. + Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên : Ngồi là tư thế của vị Thầy khi giáo huấn các môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay : Đây là kiểu nói thường được sử dụng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su dùng lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ… sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai…, đang khi Lu-ca thì viết: Phúc cho anh em... (6,20-26).+ Tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ : Nghèo khó là thái độ khiêm tốn, vô tư như trẻ em và là điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời (x. Mt 18,1-11). Nghèo khó cũng đồng nghĩa với tinh thần siêu thoát, sẵn sàng từ bỏ của cải để đi theo làm môn đệ Chúa và sẽ được Nước Trời làm phần gia nghiệp (x. Mt 6,19-21).
- C 4-5 : + Hiền lành : Trong Kinh Thánh, sự hiền lành luôn đi đôi với nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị oan ức và bị thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp : Đất Hứa là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ : là than khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm tình của người đang mong chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en như lời Si-mê-on ca tụng Chúa (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an : Sự đau buồn này sẽ được Thiên Chúa bù đắp an ủi và còn được xét xử khoan dung trong giờ phán xét sau này.
- C 6-8 : + Khát khao nên người công chính : Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Khát khao nên người công chính nghĩa là ước mong sống công bình ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy (1,19; 5,20). + Nước Trời là của họ : Hạnh phúc Nước trời sẽ là phần thưởng dành cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người : nghĩa là tỏ lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa : “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri-a nhân hậu đã sẵn lòng giúp đỡ cho kẻ gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót thương : Thương xót và tha thứ cho kẻ khác thì sẽ được Thiên Chúa xót thương tha tội nợ cho mình (x. Mt 6,14-15). Ông chủ trong dụ ngôn “hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót : “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch : Trong sạch là ngay thẳng trong lương tâm. Người có lòng trong sạch là người hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân, không màng tư lợi, không đạo đức giả. Sự trong sạch ở đây không những hiểu về đức trinh khiết, mà còn về nhiều phương diện khác nữa. + Được nhìn thấy Thiên Chúa : Là được gặp mặt Người ở đời sau (x. Dt 12,14).
- C 9-10 : + Xây dựng hòa bình : Sứ mệnh của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên thế giới trở thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Người tín hữu cần sẵn sàng làm hòa với kẻ đang có điều chi bất bình với mình, để lễ dâng lên xứng đáng được Chúa chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được gọi là con Thiên Chúa : Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai sống yêu thương thì mới được ở trong Thiên Chúa và nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương và tâm hồn họ sẽ được bình an (x. 2 Cr 13,11). + Bị bách hại : Bị bách hại là một đặc điểm của Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn để vào trong vinh quang phục sinh. Đây là một điều khó hiểu, điên rồ đối với người Do thái và khó chấp nhận ngay cả với các môn đệ (x. Mt 16,22). + Vì sống công chính : Nghĩa là sống phù hợp với giới răn của Chúa Giê-su (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc !” (1 Pr 3,14).
- C 11-12a : + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa : Lời Chúa giải thích mối phúc thứ tám để động viên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đang bị bách hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở : Thánh Phê-rô cũng dạy : “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao : Chính khi chịu đau khổ bách hại và liên kết với cuộc tử nạn của Chúa, các tín hữu sẽ được nên giống Chúa và sau này còn được vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc với Người.

4. CÂU HỎI :
1) Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập. Trong Tám Mối Phúc này, mối phúc nào quan trọng nhất và là nền tảng của các mối phúc khác?
2) So sánh ý nghĩa câu : “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca giống và khác nhau thế nào?
3) Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người nghèo, đang khi lẽ ra Người phải giúp đỡ người nghèo vượt qua sự nghèo đói bất hạnh ấy để cuộc sống của họ được ấm no hạnh phúc hơn?
4) Ý nghĩa của các mối phúc khác như thế nào : hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì danh Thầy?

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

2. CÂU CHUYỆN :

1) AI LÀ NGƯỜI THẬT SỰ HẠNH PHÚC?
Có một phú ông có rất nhiều tài sản. Một hôm, ông đột nhiên lâm trọng bệnh và gia đình đã mời nhiều bác sĩ tài danh từ khắp nơi trong nước nhưng tất cả bọn họ đều bó tay. Khi ông nhà giàu nằm thoi thóp chờ chết, một vị chân tu từ phương xa đi ngang qua đến thăm và nói với gia đình : "Hãy đi tìm xem có ai thật sự hạnh phúc thì xin cái quần lót của người đó về cho ông cụ mặc thì sẽ khỏi bệnh".
Nghe vậy, mọi người trong gia đình liền chia nhau đi khắp bốn phương để tìm một người hạnh phúc. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm khắp nơi, họ vẫn không thể tìm ra người thật sự hạnh phúc. Cuối cùng mọi người đành phải bỏ cuộc trở về nhà. Tuy nhiên, một người con trai của phú ông rất có hiếu. quyết tâm tìm mọi cách để cho cha mình bình phục, nên anh ta đến những nơi xa, quyết tâm tìm cho ra người thật sự hạnh phúc.
Một hôm, anh con trai của phú ông đi ngang qua một cánh đồng cỏ có nhiều chiên đang ăn cỏ và anh nghe thấy có tiếng hát của ai đó. Anh tìm đến nơi phát ra tiếng hát thì thấy một gã mục đồng đang nằm dưới gốc cây đa nghêu ngao hát xướng rất vui vẻ. Anh con trai của phú ông rất mừng khi nhìn thấy anh mục đồng này và lại gần hỏi thăm thì được anh ta cho biết anh luôn cảm thấy rất hạnh phúc trong công việc chăn chiên của mình. Con trai của phú ông liền xin anh ta chiếc quần lót anh đang mặc. Nhưng bị tù chối. Cuối cùng anh con trai phú ông phải cưỡng đoạt. Nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy gã chăn chiên lại quá nghèo đến nỗi : Ngoài chiếc quần rách đang mặc, anh ta không có thêm chiếc quần đùi nào khác !!!

2) GƯƠNG KHÓ NGHÈO CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ :
Phan-xi-cô thành At-si (Phanxicô Assise) là con một quý tộc giàu có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ và tình cờ nghe một vị linh mục giảng về Tám mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc với câu nói của Chúa Giê-su : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ hôm ấy, Phan-xi-cô thường suy nghĩ phải sống thế nào để thực thi ý Chúa, và trở thành một người nghèo thực sự? Rồi một ngày nọ, anh quyết định sống siêu thoát từ bỏ và hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng. Anh bán tất cả gia sản của cha, rồi đem phân phát cho những người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha khiến ông nổi cơn lôi đình. Ông đã đến thu lại tất cả những gì còn sót lại của Phan-xi-cô và không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Hôm ấy anh đã cởi bỏ các thứ quần áo giầy dép quí giá đang mang trên người và ra đi với hai bàn tay không. Anh viết trong nhật ký : “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có người Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ hôm đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã lựa chọn, là từ bỏ mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày anh mặc quần áo vải thô, chân không giày dép đi qua các con đường phố xá và làng mạc để khất thực. Tối đến, anh lại thức khuya để đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng dây da tự đánh vào người để hãm mình phạt xác. Anh đã được Chúa Giê-su cho in năm dấu thánh trên hai bàn tay bàn chân và cạnh sườn để nên giống Chúa chịu đóng đinh. Anh đã thực hành theo Lời Chúa dạy : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lối tu luyện khổ hạnh của anh đã được Giáo Hội công nhận và dòng “Anh em hèn mọn” do anh sáng lập đã được nhiều người xin gia nhập, trở thành một dòng tu lớn trong Giáo Hội. Sau khi qua đời, anh đã được Giáo Hội phong hiển thánh. Đó là thánh Phan-xi-cô Át-si, hoặc Phan-xi-cô khó khăn hay Phan-xi-cô Năm Dấu.

3. SUY NIỆM :

1) GIÀU CÓ CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC KHÔNG?
Hầu như không ai trong chúng ta đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc xem ra hạnh phúc nhất như mới thi đậu, vừa được thăng chức, gặp được người thân, được du lịch ra nước ngoài, được trúng số… vẫn có những điều làm chúng ta chưa hòan tòan thỏa mãn. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta bí quyết để có hạnh phúc toàn vẹn đích thực : Thiên Chúa ban hạnh phúc, nhưng chúng ta chỉ nhận được khi sẵn sàng đón nhận. Hạnh phúc thật chỉ có được khi có Chúa, được sống trong ơn nghĩa Chúa và được hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời đời sau. Tóm lại, người được chúc phúc là người biết mở ra trước Thiên Chúa và tha nhân : mở trí khôn để hiểu rõ ý Chúa và thi hành, mở mắt mở tai để nhìn xem và nghe biết những nhu cầu của tha nhân, mở trái tim để yêu thương, mở nụ cười để thông cảm và mở đôi tay để an ủi chia sẻ và phục vụ…
Gần đây một cuộc khảo sát ở Hong Kong do một viện Đại Học thực hiện đối với khoảng 2 000 người giúp việc Philippines và 300 người chủ của các người osin này, và đã kết luận như sau :

a) 99% người được hỏi thì hơn 92% người giúp việc Philippines cảm thấy “hạnh phúc” hơn là các ông bà chủ mà họ đang làm công cho. Tuy nhiên, khi điều tra viên hỏi nếu được hoán đổi vị trí để người giúp việc trở thành ông bà chủ và ngược lại, thì 100% các chị giúp việc đều đồng ý đổi ngôi ngay. Dù họ ý thức rất rõ là các ông bà chủ của họ không hạnh phúc, khi hàng ngày phải đối phó với bao nhiêu vấn đề khó khăn do áp lực công việc, nhu cầu tiền bạc, thời gian dành riêng cho mình. Nhất là lúc nào cũng phải đấu tranh để sinh tồn….

b) Ngược lại, khi hỏi các ông bà chủ giàu có đang bất hạnh trong cuộc sống có sẵn sàng hoán đổi vị trí với các người osin không, thì 100% những người này đều nói không, dù họ vừa công nhận các người giúp việc “hạnh phúc” hơn họ nhiều.

c) Tuy nhiên, thứ hạnh phúc do đồng tiền mang lại cũng chỉ có giới hạn mà thôi, như có người đã nói : "Tiền bạc có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách vở nhưng không mua được trí tuệ; có thế mua thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng; có thể mua được nữ trang nhưng không mua được sắc đẹp; có thể mua căn nhà nhưng không mua được mái ấm gia đình; có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua sự sang trọng nhưng không mua được hạnh phúc và bình an; có thể mua cây thập giá nhưng không mua được Ðấng Cứu Chuộc; có thể mua của lễ nhưng không mua được thiên đàng." Vậy làm thế nào để có hạnh phúc thực sự đời này và đời sau?

2) PHƯƠNG THẾ ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC : TÁM MỐI PHÚC THẬT :
Đây là các điều kiện mà ai muốn được hạnh phúc đời này và đời sau phải có :
+ Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó : Đó là những người nghèo của cải vật chất, nghèo địa vị chức quyền, ý thức thân phận tội lỗi bất lực của mình… Nhờ đó họ sẽ khiêm tốn xin Chúa ban ơn trợ giúp, sẽ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, sẽ cư xử khiêm hạ và trở thành người phục vụ rửa chân cho tha nhân noi gương Đức Giê-su.
+ Phúc thay ai hiền lành : Người hiền lành là người có lòng nhân từ đối với tha nhân, không lấy oán báo oán, biết nhẫn nhịn chịu đựng và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của kẻ khác.
+ Phúc thay ai sầu khổ : Khi bị đau khổ, người này biết nhìn lên Chúa Giê-su chịu treo trên thập giá để thấy được giá trị thanh luyện của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ về tinh thần và thể xác để đền tội mình và đền tội tha nhân.
+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính : là con người hướng thượng, muốn nên hoàn thiện giống như Chúa Cha trên Trời như Đức Giê-su dạy : “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.
+ Phúc thay ai xót thương người : Đây là người biết mở rộng lòng để chia sẻ, cảm thông nỗi đau của người khác : “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Sẵn sàng quảng đại cho đi những gì mình có cho người khác cùng hưởng. Họ sẽ được Chúa đền đáp như lời Chúa phán : “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được Thiên Chúa đong trả lại bằng chính cái đấu ấy”.
+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch : Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà, không giả dối, nhưng luôn làm mọi việc cách trong sáng. Chính nhờ giữ đức trong sạch nơi thân xác và sự trong sáng nơi tâm hồn, mà người ấy sẽ được nhìn xem Thiên Chúa trong Nước Trời đời sau.
+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình : Xây dựng hòa bình là người đi đến đâu cũng gieo sự an vui hòa thuận đến đó. Nhờ họ mà gia đình, xã hội và thế giới luôn được an bình. Họ giải tỏa những điều hiểu lầm, tháo gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người. Nhờ đó, họ xứng đáng mang danh là con Thiên Chúa.
+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính : Khi chấp nhận sự sỉ nhục và đau khổ vì đức tin, chúng ta sẽ được nên giống Chúa Giê-su. Vì những ai cùng chịu khổ nạn với Chúa, thì sẽ được tham phần vào sự phục sinh vinh quang với Người.

3) PHẢI SỐNG TÁM MỐI PHÚC THẬT THẾ NÀO? :
- Tất cả Tám Mối Phúc đều có hai vế song đối nhau : Vế thứ nhất là nhân, đối với vế thứ hai là quả; Vế thứ nhất là gieo, đối với vế thứ hai là gặt; Vế thứ nhất là “mình vì người khác”, đối với vế thứ hai là “người khác vì mình”; Vế thứ nhất là đau khổ, đối với vế thứ hai là hạnh phúc.
- Các câu trong vế thứ nhất phải hiểu ngầm là vì Chúa và vì tha nhân như : sống nghèo vì tha nhân, cư xử hiền lành và chịu bách hại “vì lẽ công chính” hay vì người khác... Nếu không vì Nước Thiên Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân, thì các sự nghèo khó, hiền lành, đau khổ, chịu bách hại gặp phải… sẽ chỉ là nỗi bất hạnh chúng ta đáng phải chịu, chứ không phải là nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho chúng ta.
Sống nghèo để tiết kiệm mua nhà thì chỉ là hành động bình thường của con người. Sống nghèo do thói xấu hà tiện do mê tiền đến nỗi không dám chi xài ngay cả trong những việc chính đáng thì không phải nhân đức khó nghèo. Còn tâm hồn nghèo khó trong Tám Mối Phúc là tự nguyện sống nghèo để nhường cơm xẻ áo cho người nghèo khổ, là chấp nhận bỏ mình để giúp tha nhân… thì cái nghèo đó mới được Chúa chúc phúc như Chúa phán : “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

4) CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI SỐNG KHÓ NGHÈO RA SAO?
- Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta có tâm hồn nghèo khó, nghĩa là chấp nhận bản thân mình bị thiệt thòi, chấp nhận mất thêm thời giờ, sức lực, tiền bạc để giúp đỡ tha nhân được sống đầy đủ hạnh phúc hơn. Một người có tinh thần phục vụ, dám hy sinh cho người khác, chắc chắn sẽ được người khác đáp lại bằng sự kính trọng, yêu mến, tín nhiệm trao cho giữ các trọng trách xã hội. Bấy giờ tâm hồn họ sẽ luôn bình an, vui tươi và có Chúa là hạnh phúc của mình.
- Kinh nghiệm cho thấy, những kẻ ích kỷ chỉ nghỉ tới mình mà không biết nghĩ đến người khác chính là những kẻ bất hạnh nhất. Còn những người vị tha, biết nghĩ đến người khác mà không nghĩ đến mình thì sẽ cảm thấy hạnh phúc trong tâm hồn, được đẹp ý Chúa và đẹp lòng người chung quanh.
- Mỗi người chúng ta cần tập thành thói quen sống vị tha : vì Chúa, vì người khác, nghĩa là luôn tìm mọi cách để giúp tha nhân được hạnh phúc. Sống như thế không những chính mình sẽ được hạnh phúc ngay hôm nay, mà còn hy vọng được hưởng hạnh phúc viên mãn với Chúa trên Nước Trời đời sau.

4. THẢO LUẬN :
Để có được hạnh phúc thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến rủi ro thành may lành, biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa.

5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau : “Cây lúa nào càng nặng trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa nào càng nghểnh đầu lên cao thì lại càng có ít hạt”. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và hòa nhã với mọi người. Nhờ đó, chúng con sẽ nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia nghiệp đời này và đời sau.- AMEN.
 
Chúa thương Chúa thưởng phúc hưởng đời đời
Lm Nguyễn Xuân Trường
14:10 27/01/2023

CHÚA THƯƠNG CHÚA THƯỞNG PHÚC HƯỞNG ĐỜI ĐỜI

Sống trong đời, ai cũng mong muốn hạnh phúc. Thế nên trong dịp Tết, mọi người cầu chúc cho nhau Năm Mới nhiều phúc lộc như an khang thịnh vượng, mạnh khỏe sống lâu. Phúc Âm tuần này Chúa cũng chúc phúc cho nhân loại. Những phúc lành được hưởng vì Chúa thương Chúa thưởng cho chúng ta.

1. Hưởng phúc Chúa thương. Dịp Tết vừa rồi người ta đa số đi chúc tết những người trên, những người có địa vị chức quyền, còn Kinh Thánh lại kể Chúa đi chúc tết người nghèo hèn bệnh tật, cô nhi quả phụ. Những hạng người trong đời bị coi thường, bị gạt ra ngoài lề xã hội thì lại có phúc vì được Chúa thương yêu. Người ta hạnh phúc khi được người khác yêu thương, khi được Chúa yêu thương thì phúc đức vô cùng. Chúa ban phúc cho người nghèo hèn cho thấy Chúa yêu thương vô điều kiện, tình yêu Chúa cho không biếu không, chứ không phải thứ tình cảm có đi có lại mới toại lòng nhau.

2. Hưởng phúc Chúa thưởng. Câu cuối bài Phúc Âm Chúa tuyên bố: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Dịp cuối năm người ta vui sướng hạnh phúc khi được thưởng Tết một món tiền. Thế nhưng, phần thưởng đó chẳng là gì khi sánh với phần thưởng Chúa ban cho chúng ta, phần thưởng đó là Nước Trời, là chính Chúa. Phúc thật không phải được hưởng vật chất trần gian, mà là được hưởng phần thưởng Nước Trời với Chúa. Như một em bé hạnh phúc thật sự không phải được món đồ chơi hay gói kẹo, mà là được chính Mẹ ôm bé vào lòng.

Mối phúc đầu tiên Chúa công bố: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” là cốt lõi làm nên hạnh phúc và phúc đức của đời người. Hạnh phúc không phải là tham lam ôm giữ nhiều thứ, nhưng là sống thanh thoát, buông bỏ. Phúc đức của đời người không phải là có nhiều trong kho, mà là cho đi nhiều. Chúa có gì thì cho đi hết. Đó chính là, phúc thay ai có tấm lòng quảng đại. Amen.
 
Lặng như tờ
Lm Minh Anh
14:14 27/01/2023

LẶNG NHƯ TỜ
Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ”.

Cách đối phó những con trăn đói, dành cho các tân binh vùng Amazon: “Đừng chạy, trăn phóng nhanh hơn bạn! Điều bạn cần là nằm ngửa, hai chân chụm lại, hai tay đặt ngang hông, đầu cúi xuống. Trăn sẽ tìm cách đẩy đầu nó xuống dưới bạn. Cứ để nó nuốt chân bạn; yên tâm, không đau; sẽ mất nhiều thời gian. Nếu bạn vùng vẫy, nó sẽ nhanh chóng siết bạn; điều bạn cần là bình tĩnh, ‘lặng như tờ!’, nó sẽ tiếp tục nuốt. Kiên nhẫn đợi cho đến khi nó nuốt trọn đầu gối; bấy giờ, cẩn thận lấy con dao ra và nhanh chóng rạch vào hai bên miệng của nó; vậy là bạn sống!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Điều bạn cần, là bình tĩnh, ‘lặng như tờ!’”. Thật thú vị! ‘Lặng như tờ’ được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. “Lặng như tờ” không chỉ nói đến sự lặng sóng của biển, nhưng còn nói đến sự lặng tĩnh của mọi loại hình xáo trộn trong Giáo Hội, trong thế giới, trong đất nước và trong lòng người. Chúa Giêsu luôn làm “lặng như tờ” mọi tình huống tréo ngoe của cuộc đời mỗi người.

Trước hết, đây là hình ảnh sống động của Giáo Hội, con thuyền vượt bão mà đôi khi tưởng như sắp chìm. Điều cứu nó không phải là tài năng và lòng dũng cảm của các thuỷ thủ, nhưng là ‘đánh thức Chúa dậy’, điều này đồng nghĩa với việc sống niềm tin ‘có Chúa’. Ngài đang ở giữa lòng thuyền; niềm tin cho phép con thuyền tiến về phía trước, cả trong bóng tối, giữa bão tố. Niềm tin bảo đảm sự hiện diện của Ngài; bàn tay Ngài nắm lấy, kéo chúng ta khỏi mọi nguy biến. Tất cả chúng ta ở trên con thuyền này và cảm thấy yên tâm, mặc dù có những hạn chế và điểm yếu của mỗi người. Chúng ta được an toàn khi kêu xin Chúa; sẵn sàng quỳ gối, tuyên xưng niềm tin vào Ngài, Thiên Chúa duy nhất; bấy giờ, mọi hỗn mang rồi cũng sẽ “lặng như tờ”.

Chúa Kitô cho phép ‘thuyền đời’ mỗi người bị quăng lên quật xuống bởi những khó khăn tưởng như không thể vượt qua; và việc có Ngài trong thuyền cũng không là một bảo đảm mọi thứ sẽ suôn sẻ. Cần khám phá rằng, Ngài có mặt, đang hoạt động giữa những khó khăn. Vấn đề là chúng ta có biết lặng yên để hướng lòng tin về Ngài; và để Ngài làm những gì còn lại không? Giữa nguy khốn, nếu chúng ta đến gần Ngài hơn, van xin nhiều hơn thì chắc chắn, ân sủng thực sự sẽ hoạt động. Thông thường, chúng ta chỉ hướng về tâm bão, để nỗi sợ và lắng lo chi phối; thế nhưng, mỗi cơn bão là một cơ hội để tin cậy Chúa ở một cấp độ mới mẻ hơn, một tầm cao sâu sắc hơn. Mỗi cơn bão phải là một trải nghiệm của một niềm tin chuyển mình, bất chấp mọi việc tức thời xảy ra thể nào. Vì với Chúa, mọi rối bời, hoảng loạn rồi cũng sẽ “lặng như tờ”.

Tác giả thư Do Thái hôm nay cũng nói đến niềm tin giữa những thử thách, “Đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi”; Abraham, Sara là những kẻ tin, “Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã nhận lại con”. Với Thiên Chúa, bão tố rồi ra cũng đã “lặng như tờ” cho gia đình tổ phụ.

Anh Chị em,

Có Chúa Giêsu, “gió ngừng biển lặng như tờ”. Việc người tân binh Amazon ứng phó với con trăn đói khác nào bão tố trong đời sống; việc nạn nhân chụm chân, hai tay đặt ngang hông, đầu cúi xuống… khác nào việc chúng ta cầu nguyện! Vấn đề còn lại ở đây là anh ta ‘có con dao’ hay không; cũng thế, chúng ta cúi đầu, quỳ gối mỗi khi bão tố, nhưng vấn đề là chúng ta ‘có đức tin’ hay không? Mất niềm tin, mọi sự sẽ trở nên khó khăn; đặt niềm tin vào Chúa, mọi sự “lặng như tờ”. Sóng gió cuộc đời là điều không tránh khỏi, nhưng nếu biết quỳ gối, vững tin vào Chúa Giêsu, quyền năng và lòng thương xót của Ngài sẽ làm cho mọi bão tố nên “lặng như tờ”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng thi thoảng ‘ngủ’ khi con cần; cho con tin rằng, Chúa có đó, ngủ hay thức, không thành vấn đề. Bão sẽ giữ con gần Chúa hơn và mọi sự sẽ “lặng như tờ” khi niềm tin con chuyển mình và được nâng lên một tầm cao mới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 27/01/2023

14. Phàm yêu mến Ngài thì đồng thời cũng phải yêu người khác, yêu tạo vật nhưng lại không vì Ngài mà yêu họ, thì người ấy yêu không nhiều.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:46 27/01/2023
47. MỘT CÁI QUẦN MỚI

Ở huyện Trịnh có một người nọ kêu vợ may cho anh ta một cái quần.

Vợ hỏi:

- “May như thế nào đây?”

Anh ta nói:

- “Thì may như cái quần cũ ấy mà.”

Sau khi vợ may xong cái quần mới, thì nó tồi tệ như cái quần cũ vậy.

(Hàn Phi Tử)

Suy tư 47:

May một cái quần mới giống như cái quần cũ, thì nó chỉ khác nhau về chất liệu, về màu sắc cũng như độ bền, nhưng nó lại giống nhau về kiểu dáng.

Qua câu chuyện nhỏ trên đây, chúng ta có thể rút ra được một bài học lý thú về cái cũ và cái mới trong con người của chúng ta. Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy chúng ta rằng: “Vì vậy anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và mặc lấy con người mới, là con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” ( Ep 4, 22 – 24) cũng như cái xác cũ kỹ này, cũng những suy tư này, nhưng đã được đổi mới trong Thần Khí Thiên Chúa, cho nên, từ nơi cái xác này, mọi duy tư, mọi hành động, mọi lời nói đều đã được đổi mới theo tinh thần của Phúc Âm

Tôi đã được đổi mới hoàn toàn trong bí tích Rửa Tội và được nuôi dưỡng trong bí tích Thánh Thể, nhưng trong cuộc sống tôi có làm mới môi trường cuộc sống bằng những suy tư mới, những hành động mới của người rao giảng Phúc Âm cuả Đức Chúa Giê-su hay không?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:48 27/01/2023
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 5, 1-12a.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.”


Bạn thân mến,

Có nhiều người cảm thấy “Tám Mối Phúc” mà Chúa Giê-su dạy thật là ngược đời, không thực tế, bởi vì nếu chúng ta đi hỏi mọi người nam phụ lão ấu là có thích tiền bạc không, thì chắc chắn hết chín mươi chín phần trăm nói là thích, và ngay cả bạn và tôi cũng vậy, đều thích có tiền trong túi. Vậy mà Chúa Giê-su tuyên bố: nghèo khó là có phúc, đúng là ngược đời. Vá khi hoàn cảnh khó khăn đến thì người ta lên án nghèo là một cái tội, là bởi vì khi con người đặt mục đích cuộc sống của mình vào tiền bạc vật chất thì cái nghèo đúng là tội.

Nhưng người Ki-tô hữu chúng ta được Chúa Giê-su hé mở cho biết: nghèo là một hạnh phúc, hạnh phúc vì được Nước Trời làm gia nghiệp của mình, và đó chính là bí quyết nên thánh của những người Ki-tô hữu giàu có nhưng lại nghèo khó vì Nước Trời, bởi vì họ không sử dụng tiền tài của mình như người quản lý bất lương, nhưng như một người đầy tớ trung tín của Chúa Giê-su.

Bạn đang tất bật chạy cơm từng bữa vì nhà bạn nghèo, bạn đang lo lắng làm sao có tiền để con cái vui vẻ trong mấy ngày tết, bạn đang buồn vì thất nghiệp kiếm đâu ra tiền để đóng học phí cho con cái, và những cái lo lắng khác có liên quan đến tiền bạc. Vâng, cái lo của bạn là chính đáng, nhưng bạn là con của Cha trên trời kia mà, Chúa Giê-su đã dạy rất rõ ràng cho chúng ta: hãy tìm kiếm Nước Trời trước, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho sau.

Bạn thân mến,

Chúa Giê-su nói phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, thì cũng có nghĩa là vô phúc cho những ai không có tinh thần nghèo khó, bởi vì lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì? Khi bạn đang nổ lực kiếm tiền để lo cho bản thân và gia đình, thì bạn hãy luôn nhớ lời của Chúa Giê-su trên đây: “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, để bạn biết mình cần phải làm gì khi có nhiều tiền?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Người Có Phúc - Matt 5:1-12a
Nguyễn Trung Tây
22:19 27/01/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Người Có Phúc - Matt 5:1-12a


Người có phúc là ước vọng chung của nhân loại trong mọi thời đại, bởi phúc thường đi đôi với thành công. Cổ nhân do đó dạy con cháu, “Hiền nhân nhận phước lộc, họ trở nên thịnh vượng. Ác nhân nhận trừng phạt, họ sẽ bị diệt vong.” Khi thành công liên quan đến tài chính gõ cửa, cuộc sống chắc chắn sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn nhiều. Hạnh phúc và niềm vui, hai quả ngọt trong số rất nhiều trái thu hoạch từ cây phước lành, sẽ hiển thị trên khuôn mặt của người thành công.

Nhưng, nếu tôi sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn, và ngôi nhà “thân yêu” lại nằm trong một khu ổ chuột từ bao lâu rồi. Hoặc, mặc dù tôi đã cố gắng nhiều lần, thành công vẫn không theo đuổi, mà thất bại là điều mà tôi phải đối mặt hàng ngày.

Khi gặp toàn những chuyện không may như vậy? Tôi tự hỏi, mình nên phản ứng như thế nào?

Suy Niệm
Thành công và thất bại là hai mảnh của cuộc sống. Nếu có người thành công, thì cũng có người thất bại! Và nếu tôi là người thành công trong xã hội, xin được tạ ơn Chúa. Bởi vì Chúa là Đấng duy nhất ban cho tôi sự thành công.

Nhưng nếu không may bạn thường xuyên đối diện với thất bại, lạc đã trở thành thương hiệu khắc ghi sâu trên vầng trán, xin hãy dừng một bước chân, xin cho tôi chia sẻ chỉ một vài phút thôi!

Tại thời điểm thất bại, giây phút trắng tay, khi đó tôi mới có cơ hội để cảm nghiệm sâu hơn nữa cái gọi là con người và bản chất của đời sống. Con người thật sự ra bất lực trước nhiều hoàn cảnh và rất dễ bị tổn thương. Hơn thế nữa, thực sự ra, nhân gian chẳng là gì. Một thời tôi đã tới cuộc đời rong chơi. Rồi tôi lại rời bỏ cuộc đời, quay về cát bụi. Khi mọi việc diễn ra không như mong đợi, ta được nhắc nhở một cách thật thà về bản chất thực sự của con người, về sự ngắn ngủi của cuộc đời và cả sự mỏng manh bình sành của cuộc sống.

Trên tất cả, vào lúc tôi cảm thấy lạc lõng, tôi mới nhận ra mình thật may mắn biết bao vì vẫn có Thiên Chúa là bờ vai vững chắc để có thể tựa vào khóc, những hạt nước mắt tràn đầy, ướt đẫm đôi vai Đấng Tối Cao.

Đức tin trong những hoàn cảnh như vậy đã trở nên cần thiết. Nói một cách khác, có Chúa đồng hành sánh bước, tôi, người lạc đường, người thất bại, người nghèo khổ, trở nên người có phúc.

Bởi thế,

Đức Giêsu đã phán,

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,” (Matt 5:3)

Vì chỉ cho đến khi chúng ta trở thành một trong những người nghèo, chúng ta mới bắt đầu nhìn nhận thế giới từ lăng kính người nghèo. Khi đó chúng ta mới nhận ra rằng dù cuộc sống có tồi tệ đến cỡ nào đi nữa, không ai có quyền xua đuổi bất cứ một người nào ra vùng ngoại biên, bãi rác.

Đức Giêsu đã phán,

“Phúc cho anh em đang đói khát,”

Vì chỉ cho đến thời điểm chúng ta cảm thấy đói. Khi tôi thậm chí không có vài đồng tiền lẻ để mua một bát mì rẻ tiền, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng không ai có quyền lãng phí thức ăn, thậm chí lãng phí một hạt gạo.

Đức Giêsu đã phán,

“Phúc cho anh em đang khóc,”

Bởi chỉ đến giây phút bật khóc, tôi mới bắt đầu trân trọng giây phút được vui cười bình dị, cười to vang vang bên những người thân yêu đã không còn hiện diện với tôi.

Đức Giêsu đã phán,

“Phúc cho anh em khi bị người ta ghét bỏ, loại trừ, xúc phạm và tố cáo tên tuổi anh em là xấu xa.”

Vì chỉ đến thời điểm đó, trần gian mới nhận ra mình dễ bị tổn thương. Bởi thế, tôi bắt đầu làm việc cho một xã hội, nơi đó mọi người, bất kể màu da, ngôn ngữ, địa vị và giới tính, đều được chào đón với nụ cười bình dị nhưng rất thật thà!

Tóm lại, phúc cho bạn khi bạn đã thực sự chạm đáy cuộc đời.

Hãy vui mừng và vui mừng! Vì chỉ đến lúc tôi hét to bởi không có ai thực sự quan tâm lắng nghe tôi, lúc đó trần gian mới cảm kích sâu sắc sự hiện diện của Chúa của niềm tin trong cuộc sống của mình.□
(Trích Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một người đến hai nhà thờ ở Algeciras, Tây Ban Nha buộc các tín hữu Công Giáo phải theo đạo Hồi và chém loạn xạ vào những người đi lễ gây tử vong cho nhiều người
Đặng Tự Do
05:07 27/01/2023


Một tín hữu Công Giáo đã chết và nhiều người khác bị thương sau vụ tấn công bằng dao tại hai nhà thờ ở Algeciras vào hôm thứ Tư 25 Tháng Giêng. Kẻ tấn công đã bị Cảnh sát Quốc gia bắt giữ và đưa về nhà để tiến hành khám xét. Nguồn tin cảnh sát nói với El Confidencial rằng đó là một công dân Ma-rốc, được xác định tên là Yassine Kanjaa, 25 tuổi.

Công tố Quốc gia là cơ quan đầu tiên gọi các sự kiện này là khủng bố thánh chiến mặc dù thực tế là sau khi kiểm tra dữ liệu, người bị giam giữ không có tiền sử theo đạo Hồi.

Ở một trong hai nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy một con dao rựa lớn trên mặt đất với dấu vết máu. Một misbaha đã xuất hiện gần đó. Misbaha là một chuỗi các hạt được nối với nhau bằng một sợi chỉ theo truyền thống được các tín hữu của đạo Hồi sử dụng để theo dõi số lần lặp lại kinh tasbih. Nó là một vật tương tự như một chuỗi tràng hạt.

Người đàn ông mặc một bộ đồ thể thao màu trắng, đen và xám. Trong bức ảnh do cảnh sát cung cấp mà quý vị và anh chị em có thể xem thấy đây, anh ta có những vết máu trên quần. Trên khuôn mặt của can phạm, một nụ cười tươi như hoa đầy mãn nguyện có thể được nhìn thấy.

Bộ Nội vụ đã đưa ra phiên bản đầu tiên của sự kiện vào đầu buổi tối ngày thứ Tư, nhưng yêu cầu thận trọng về động cơ của người bị bắt. Đầu tiên hắn ta đến Nhà thờ San Isidro, nơi hắn ta tranh cãi với những người có mặt và yêu cầu họ theo đạo Hồi. Một giờ sau, anh ta quay lại chỗ cũ với một con dao rựa và chém một linh mục, làm ngài bị thương nặng.

Sau đó, hắn đến Nhà thờ La Palma và ở đó hắn đâm nhiều nhát dao vào một người đi lễ, cho đến khi nạn nhân mất mạng. Hắn còn vung dao chém nhiều người khác. Trước sự hoảng loạn của đám đông, hắn ta đã thừa cơ hội trốn trong phòng thay áo của nhà thờ, cho đến khi bị cảnh sát tóm cổ.

Các chuyên gia điều tra tội phạm khủng bố bắt đầu thu thập dữ liệu về những gì đã xảy ra ngay khi họ được hai nhà thờ gọi đến. Các nguồn tin cảnh sát cho biết thêm rằng can phạm cũng gây ra thiệt hại cho các đồ vật tôn giáo. Ấn tượng ngay từ giây phút đầu tiên của các chuyên gia cảnh sát cho rằng đây là một vụ khủng bố.

Người chết là một nhân vật nổi tiếng trong khu vực. Mọi người trong giáo xứ đều biết anh ấy. Họ nói rằng anh ấy đi lễ hàng ngày và tích cực tham gia các lễ hội hóa trang và Tuần Thánh và có một cửa hàng hoa nằm trên phố Tarifa trong thành phố.

Linh mục bị đâm tên là Cha Antonio Rodríguez. Ngài đã qua cơn nguy kịch sau khi được phẫu thuật. Thị trưởng của Algeciras, ông José Ignacio Landaluce, cho biết như trên.

Ngoài ra, còn có nhiều người khác bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thị trưởng José Ignacio Landaluce, biến cố này có thể xuất phát từ vụ đốt kinh Koran của người Hồi Giáo tại Thụy Điển.

Trong một biến cố thật không may, Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch, đã đốt một cuốn Kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển vào hôm thứ Sáu tuần qua.

Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại các quốc gia Ả Rập - bao gồm Ả Rập Saudi, Jordan và Kuwait - cũng như tại các quốc gia đa số theo đạo Hồi khác như Pakistan, Indonesia và Somalia.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đe dọa sẽ hủy bỏ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vì vụ đốt kinh Koran này

“Những người cho phép những lời báng bổ như vậy trước đại sứ quán của chúng ta không còn có thể mong đợi sự ủng hộ của chúng ta đối với tư cách thành viên NATO của họ”, ông Erdogan cho biết.

Ông nói thêm: “Nếu bạn yêu mến các thành viên của các tổ chức khủng bố và kẻ thù của đạo Hồi rất nhiều đến mức bảo vệ họ, thì chúng ta khuyên bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ của họ cho an ninh của đất nước bạn.”

Theo hãng tin AP, ông Erdogan cho biết tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là “không xảy ra”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Các quyết định của NATO được đưa ra trên cơ sở đồng thuận, có nghĩa là tất cả 30 Quốc Hội của các quốc gia thành viên liên minh phải chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan tham gia. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất chưa thông qua tư cách thành viên của họ. Tình hình còn phức tạp hơn khi Phần Lan tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết với Thụy Điển, và chỉ vào NATO khi cùng vào với Thụy Điển.

Các quan sát viên cho rằng với việc ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan tham gia NATO, Erdogan đang mang lại chiến thắng cho cuộc chiến chống NATO của Putin.
Source:elconfidencial.com
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Đức là không hữu ích cũng không nghiêm túc
Đặng Tự Do
05:08 27/01/2023


Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Đức là vô ích và có nguy cơ gây tổn hại về ý thức hệ cho các tiến trình của Giáo hội.

“Kinh nghiệm của Đức không giúp được gì,” Đức Giáo Hoàng nói với Associated Press khi được hỏi về quá trình gây tranh cãi, giải thích rằng cuộc đối thoại nên liên quan đến “tất cả dân Chúa” chứ không chỉ một số thành phần tự nhận là giới tinh hoa trong Giáo Hội.

Vị giáo hoàng 86 tuổi đã so sánh sự kiện ở Đức, vốn không phải là một thượng hội đồng, với Thượng hội đồng về tính đồng nghị được mở rộng gần đây của Giáo hội hoàn vũ.

Đức Phanxicô cho biết mục đích của thượng hội đồng toàn cầu là “giúp Tiến Trình Công Nghị dành cho giới tinh hoa của Đức không kết thúc tồi tệ theo một cách nào đó, nhưng cũng được hội nhập vào Giáo hội.”

Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô không đi sâu vào chi tiết về các yêu cầu được đưa ra ở Đức, ngài đã mô tả rõ ràng Tiến Trình Công Nghị ở Đức là nguy hiểm.

“Ở đây có một mối nguy hiểm là có một thứ gì đó rất, rất ý thức hệ len lỏi vào. Khi ý thức hệ tham gia vào các quá trình của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần sẽ về nhà, bởi vì ý thức hệ bỏ qua Chúa Thánh Thần,” ngài nói trong cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng cũng bao gồm những nhận xét về Lập trường của Giáo hội về đồng tính luyến ái, sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI - và sức khỏe của ngài.

Kể từ khi được Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng vào năm 2019, Tiến Trình Công Nghị của Đức đã gây tranh cãi.

Những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các văn bản dự thảo kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc cho người đồng tính và thay đổi giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái, dẫn đến cáo buộc dị giáo và lo ngại ly giáo.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội từ Ba Lan, các nước Bắc Âu và trên toàn thế giới đã công khai nêu lên mối quan ngại.

Những lo ngại về một “cuộc ly giáo bẩn thỉu” từ nước Đức đã gia tăng trong vài tháng qua, khi những người tổ chức Thượng Hội đồng vào tháng 11 đã từ chối một lệnh cấm tiến trình do Vatican đề xuất.

Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hãy luôn cố gắng đoàn kết.”

Chỉ hai ngày trước đó, vào hôm thứ Hai, sự can thiệp mới nhất của Vatican chống lại Tiến Trình Công Nghị cho thấy rằng ngay cả những người tham gia vào quá trình này cũng không thống nhất với nhau: Năm giám mục người Đức, theo báo cáo, đã yêu cầu Rôma làm rõ những lo ngại về một hội đồng thượng hội đồng.

Những người tham gia Thượng hội đồng Đức vào tháng 9 năm 2022 đã bỏ phiếu để thành lập một hội đồng thượng hội đồng sẽ giám sát vĩnh viễn Giáo hội ở Đức.

Vatican tuyên bố trong một bức thư được công bố vào ngày 23 Tháng Giêng rằng người Đức không được phép thành lập một hội đồng thượng hội đồng thường trực để giám sát Giáo hội ở Đức. Bản văn đã được chính thức phê duyệt bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bất chấp tất cả những can thiệp này, Tiến Trình Công Nghị - “Synodaler Weg” trong tiếng Đức, đôi khi được dịch là Con đường Thượng hội đồng - hiện vẫn được cho là sẽ tiếp tục theo kế hoạch của những người tổ chức. Cuộc họp thượng hội đồng tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Frankfurt vào tháng Ba.
Source:Catholic News Agency
 
Pelosi được tường trình đã sắp xếp một cuộc trừ tà tại nhà của bà ta
Đặng Tự Do
17:24 27/01/2023


Sau khi ai đó đột nhập vào nhà và tấn công chồng bà một cách thô bạo, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tìm đến sự giúp đỡ của một linh mục để thực hiện một cuộc “trừ tà” cho ngôi nhà của cặp vợ chồng ở San Francisco, con gái bà nói với tờ New York Times.

“Tôi nghĩ điều đó đè nặng lên tâm hồn mẹ tôi. Tôi nghĩ bà ấy cảm thấy thực sự có lỗi. Tôi nghĩ điều đó thực sự khiến bà ấy suy sụp,” Alexandra Pelosi, con gái của Pelosi, nói với nhà bình luận Maureen Dowd. “Vào Lễ tạ ơn, bà ấy đã mời các linh mục đến, cố gắng trừ tà trong nhà và tổ chức các buổi lễ cầu nguyện.”

Văn phòng của Pelosi đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA trước thời điểm đưa ra bản tin này. Theo nhà trừ quỷ của Tổng giáo phận Washington, bất kỳ linh mục nào cũng có thể “trục xuất ma quỷ” ra khỏi nhà.

Đức Ông Stephen Rossetti, cũng là phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nói với CNA vào ngày 23 tháng Giêng rằng “Một linh mục chỉ có thể tiến hành một lễ trừ tà long trọng cho một người với sự cho phép trực tiếp của giám mục của họ”

“Tuy nhiên, để trục xuất ma quỷ khỏi một nơi không đòi hỏi bất kỳ năng quyền đặc biệt nào đối với một linh mục. Như với bất kỳ thừa tác vụ nào của một linh mục, sự thận trọng và bảo vệ bí mật của những người liên quan là điều cần thiết và quan trọng,” Đức Ông Rossetti nói.

Kẻ tấn công bị cáo buộc, David DePape, đã không nhận tội đối với nhiều cáo buộc của tiểu bang và liên bang, bao gồm hành hung và cố ý giết người. Theo bạn bè và hàng xóm, anh ta đã bị mê hoặc bởi các thuyết âm mưu trên internet và chủ nghĩa cực đoan chính trị. Vào tháng 10 năm 2022, anh ta được cho là đã vào nhà Pelosi để tìm bà ta với kế hoạch bắt cóc bà nhưng thay vào đó lại tấn công chồng bà, Paul Pelosi, khiến ông ấy bị nứt hộp sọ và bị thương nặng ở cánh tay và bàn tay.

Pelosi nói với tờ New York Times rằng bà không thể tưởng tượng được cảnh ngôi nhà của mình trở thành “hiện trường vụ án”.

“Điều này thật khó khăn. Sẽ mất khoảng ba hoặc bốn tháng nữa trước khi anh ấy thực sự trở lại bình thường,” bà nói.

Phản hồi từ Tổng giáo phận San Francisco về việc 'trừ tà' của Pelosi tại nhà của bà ấy

Tổng giáo phận San Francisco, nơi Pelosis cư trú, cho biết họ “không biết” về lễ trừ tà được báo chí đồn đãi sau khi con gái bà ta nói với tờ New York Times.

“Chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của các gia đình liên quan đến việc trừ tà và làm phép tại gia,” Peter Marlow, giám đốc điều hành phụ trách truyền thông, nói với CNA hôm thứ Hai.

Ông nói: “Các lễ trừ tà và ban phước tại gia không phải là những hoạt động mà chúng tôi quảng bá cho giới truyền thông. Nếu một giáo dân quan tâm đến việc làm phép nhà, họ nên liên hệ với một linh mục tại giáo xứ của họ”.

Marlow đã giới thiệu CNA đến cuộc thảo luận về trừ tà của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trên trang web của mình. Trong khi “các phép trừ tà lớn” được thực hiện trên một người bởi một giám mục hoặc linh mục với sự cho phép đặc biệt của đấng bản quyền địa phương, thì “các phép trừ quỷ nhỏ” được sử dụng trong nghi thức rửa tội hoặc trong một loạt các lời cầu nguyện mà các tín hữu có thể sử dụng để chống lại “bất kỳ ảnh hưởng ma quỷ nào đối với các địa điểm và sự vật cụ thể.”

Đức Ông Rossetti, nhà trừ quỷ của giáo phận Syracuse, nói với CNA rằng việc trừ tà ở một nơi “được sử dụng đặc biệt khi có sự phá hoại của ma quỷ.”

Ông nói: “Điều này thường xảy ra khi những hành động xấu xa đã được thực hiện nơi đó. “Một số hành vi mà chúng ta đã tìm thấy dẫn đến sự xâm nhập của ma quỷ là giết người, buôn bán ma túy, phá thai, buôn bán tình dục, lạm dụng trẻ em và các thực hành huyền bí như Satan giáo hoặc phù thủy.”

Cha Vincent Lampert, nhà trừ tà cho Tổng giáo phận Indianapolis, đã mô tả với tờ New York Post về một nghi thức trừ tà có thể xảy ra.

Ngài nói: “Đó sẽ là việc đọc một lời cầu nguyện đặc biệt, mời sự hiện diện của Chúa trở lại ngôi nhà, xua đuổi mọi sự hiện diện của ma quỷ có thể có ở đó. Sau đó, ngôi nhà sẽ được làm phép bằng nước thánh, nhắc nhở chúng ta về cuộc sống mới trong Chúa Kitô và thực tế là chúng ta không cần phải sợ bất kỳ điều ác nào, vì nhận ra rằng Chúa Kitô đang ở với chúng ta.”

Cha Lampert cho biết ngài nhận được “hàng nghìn” yêu cầu cầu nguyện như vậy mỗi năm.

Sau vụ chồng của Pelosi bị tấn công, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã yêu cầu mọi người cùng tham gia cầu nguyện với ông “cho sự bình phục nhanh chóng của Paul Pelosi và sự an ủi cho vợ và gia đình của ông.”

Đầu năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã công khai khiển trách Chủ tịch Hạ Viện Pelosi vì sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với việc phá thai, đồng thời cảnh báo rằng điều đó gây ra tai tiếng và gây nguy hiểm cho tâm hồn bà.

“Tôi đã yêu cầu bà ấy từ chối lập trường này, nếu không thì đừng nên đề cập đến đức tin Công Giáo của bà ấy ở nơi công cộng và đừng rước lễ nữa,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho biết như trên vào tháng 5 năm 2022, và cho biết ngài đã nhiều lần tìm cách liên hệ nhưng không nhận được phản hồi.

Pelosi đã nhắc lại việc ủng hộ phá thai vào ngày 22 Tháng Giêng, ngày kỷ niệm phán quyết ủng hộ phá thai của Tòa án Tối cao trong vụ Roe v. Wade mà hiện đã không còn tồn tại.

“Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh để biến Roe thành luật,” bà ta viết trên Twitter.


Source:Catholic News Agency
 
Tổng thống Đài Loan viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô về việc giữ gìn an ninh khu vực trước mối đe dọa của Trung Quốc
Đặng Tự Do
17:25 27/01/2023


Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã viết một lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình với Trung Quốc và cam kết đối với nền dân chủ có chủ quyền của hòn đảo.

“Cuộc chiến nổ ra giữa Nga và Ukraine vào tháng 2 năm ngoái đã khiến nhân loại nhận thức được hòa bình quý giá như thế nào,” bà Thái viết trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng do văn phòng của bà công bố vào ngày 23 Tháng Giêng.

“Duy trì an ninh khu vực đã trở thành một sự đồng thuận quan trọng được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo các quốc gia.”

Tổng thống Thái đã gửi bức thư để đáp lại thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2023. Đó là lá thư hàng năm của Đức Giáo Hoàng gửi cho tất cả các chính phủ nước ngoài trên khắp thế giới để đánh dấu năm mới.

Tổng thống Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, đã trích dẫn một bài phát biểu mà bà đã đọc vào tháng 10 năm ngoái sau khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gia tăng mạnh mẽ trong mùa hè.

“Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh năm 2022, tôi nhấn mạnh rằng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là cơ sở cho sự phát triển của các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và rằng đối đầu vũ trang tuyệt đối không phải là một lựa chọn,” bà Thái nói.

“Tôi đã nói rõ rằng chỉ bằng cách tôn trọng cam kết của người dân Đài Loan đối với chủ quyền, dân chủ và tự do của chúng tôi, mới có thể có nền tảng để nối lại tương tác mang tính xây dựng trên eo biển Đài Loan.”

Quốc gia Thành phố Vatican là quốc gia duy nhất còn lại ở Âu Châu công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Đài Loan, một hòn đảo cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 110 dặm với dân số hơn 23 triệu người, đã duy trì một nền dân chủ sôi động với các quyền tự do dân sự mạnh mẽ bất chấp áp lực gia tăng từ Bắc Kinh về tình trạng của hòn đảo.

Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1922, trong khi Giáo hội không có sự hiện diện ngoại giao chính thức trên lục địa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ khi chính thức bị Bắc Kinh trục xuất vào năm 1951.

Chỉ có 14 quốc gia trên toàn thế giới vẫn có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, trong số đó có Guatemala, Haiti và Paraguay. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hoa lục coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và đã gây áp lực buộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.

Trong bối cảnh lo ngại về việc Vatican quyết định gia hạn hiệp định tạm thời năm 2018 với Bắc Kinh sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ ngoại giao của Tòa thánh với Đài Loan, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết vào năm 2020 rằng họ đã nhận được sự bảo đảm từ Vatican khi gia hạn hiệp định tạm thời.

Tổng thống Thái Anh Văn, là nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, lưu ý rằng năm ngoái đánh dấu kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Hoa Dân Quốc và Tòa thánh.

Bà nói: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không khuất phục được ánh sáng.”

“Đài Loan khao khát trở thành ánh sáng cho thế giới và sẽ hợp tác chặt chẽ với Tòa thánh để tạo ra một xã hội công bằng và hòa bình hơn cho nhân loại.”
Source:Catholic News Agency
 
Hoài niệm thân thương của một mục sư Giám lý về Đức Bênêđíctô XVI
Vu Van An
17:58 27/01/2023

Trên First Things ngày 19 tháng 1, 2023, mục sư hưu trí Paul T. Stallsworth, thuộc Hội đồng Bắc Carolina của Giáo Hội Giám lý Thống nhất, và là biên tập viên của bản tin Lifewatch, có bài viết về Đức cố giáo hoàng Đức Bênêđíctô thứ 16:



Joseph Aloisius Ratzinger trở thành Cha Ratzinger, sau đó là Giáo sư Ratzinger, Tổng Giám mục Ratzinger, và cuối cùng là Hồng Y Ratzinger, người được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, ngài trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Ngày 28 tháng 2 năm 2013, trở thành Giáo Hoàng Hưu trí. Và vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, ở tuổi 95, ngài đã trở thành một Kitô hữu “vượt qua sông Gióc-đan” và được gặp Chúa của chúng ta cùng lòng thương xót của Người. Nhiều hồi tưởng về Đức Bênêđictô XVI đã được viết, hầu hết là của người Công Giáo Rôma. Những gì tiếp theo là một hồi tưởng đơn giản của một mục sư Giám Lý (Methodist).

Vào cuối những năm 1980, Hồng Y Joseph Ratzinger, tại Bộ Giáo lý Đức tin, là “Tổng Giám đốc điều hành tín lý”, có thể nói như vậy, của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Đồng thời, Cha Richard John Neuhaus đang chỉ đạo Trung tâm Tôn giáo và Xã hội của Viện Rockford (hay còn gọi là “Trung tâm”) ở Thành phố New York. Dành riêng cho các vấn đề liên quan đến vai trò công cộng của tôn giáo trong cuộc sống hiện đại, Trung tâm sau này chuyển thành Viện Tôn giáo và Đời sống Công cộng, hiện đang xuất bản tờ First Things. (Chuyện này để khi khác.) Tôi từng là trợ lý giám đốc của Trung tâm.

Linh mục Neuhaus là một người quan sát nhạy bén về mọi điều thuộc Công Giáo Rôma, đặc biệt tôn trọng công trình thần học và chứng tá Kitô giáo của Hồng Y Ratzinger. Neuhaus đã mời ngài trình bầy Giảng khóa Erasmus năm 1988 ở New York. Đức Hồng Y Ratzinger không những đồng ý thuyết trình mà còn tham gia một hội nghị thần học kéo dài hai ngày sau đó.

Một hoặc hai ngày trước buổi diễn thuyết, Trung tâm đã thuê một chiếc limo và thuê một người lái xe, và vào ngày 27 tháng 1, Linh mục Neuhaus và tôi đến Sân bay Quốc tế John F. Kennedy để chào đón Đức Hồng Y Ratzinger đến Thành phố New York. Kể từ khi Hồng Y Ratzinger đề cao giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo Rôma về đạo đức tình dục, ngài đã tạo ra sự phản đối trên toàn thế giới một cách không ngạc nhiên. Nhưng vào buổi tối của buổi thuyết trình, ngài chủ yếu ở giữa những người bạn. Đức Hồng Y Ratzinger đã chọn đề tài “Giải Thích Kinh Thánh Trong Xung Đột: Về Vấn Đề Nền Tảng và Đường Hướng của Việc Chú Giải Kinh Thánh Ngày Nay.” Khoảng một nghìn người đã tham dự buổi nói chuyện, được tổ chức tại Nhà thờ Luthêrô St. Peter ở Trung tâm Citicorp. Tóc trắng và không cao, Ratzinger có vẻ khiêm tốn và thậm chí có lẽ e lệ. Ngài bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng một giọng học thuật nhẹ nhàng nhưng chắc chắn.

Mở đầu bài nói chuyện, ngài tuyên bố: “khoa chú giải duy vật và duy nữ, bất kể có thể nói gì khác về chúng, thậm chí không tự cho mình là hiểu biết chính bản văn một cách nó được dự kiến lúc ban đầu.” Vào đúng thời điểm đó, bài thuyết trình của ngài bị gián đoạn bởi tiếng hét của những người biểu tình bên trong thánh đường và những người phản đối ồn ào bên ngoài thánh đường: “Đức quốc xã!” “Heo phát xít!” “Kẻ chống Chúa!” Hóa ra, những người biểu tình là những nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính. Khi cảnh tượng khó chịu này diễn ra, Giám mục William Lazareth của Giáo hội Luthêrô Mỹ (ELCA) đã rời khỏi chỗ ngồi của mình và đứng cạnh Hồng Y Ratzinger để ra dấu hiệu đoàn kết. Sở cảnh sát New York đã được cảnh báo về khả năng gây rối và bố trí các sĩ quan cảnh sát trong và xung quanh nhà thờ St. Peter vào buổi tối. Trong một thời gian ngắn, họ đã thực hiện các vụ bắt giữ cần thiết để bài thuyết trình có thể tiếp tục.

Đức Hồng Y Ratzinger tiếp tục phát biểu với vẻ hài hước: “Tôi nghĩ chúng ta đã có đủ dịp để lắng nghe thông điệp [phản đối] này. Bây giờ nó đã đủ rồi. Có những người khác ở đây muốn nghe những gì tôi nói, chứ không phải những gì các bạn [những người biểu tình] phải nói.” Bài giảng tiếp tục và kết thúc mà không có biến cố nào.

Tối hôm đó, một số người trong chúng tôi tụ tập ăn tối tại dinh Hồng Y John O’Connor, tổng giám mục New York. O'Connor giới thiệu Ratzinger một cách hài hước: “trong yếu tính, các bạn đang nhìn vào Đại Quan tòa Dị giáo [Grand Inquisitor]”. Sáng hôm sau, một tiêu đề từ một trong những tờ báo của thành phố viết "Cuộc biểu tình đồng tính làm rung chuyển Ông lớn của Vatican ". “Ông lớn của Vatican” - đó có lẽ là tên đầu tiên dành cho vị Hồng Y.

Tiếp theo là hội nghị thần học, với mục đích điều tra xem các phương pháp giải thích Kinh thánh mang tính phê phán lịch sử có thể làm cho Lời Thiên Chúa im lặng hoặc bịt miệng như thế nào trong các giáo hội, và làm thế nào những phương pháp đó có thể được sử dụng nhưng vượt qua các phương tiện giải thích khác. Những người tham gia hội nghị bao gồm Tiến sĩ Elizabeth Achtemeier (Chủng viện Liên Minh Thần học), Cha Avery Dulles, S.J. (Đại học Công Giáo Hoa Kỳ), Tiến sĩ Thomas Hopko (Chủng viện Thần học Chính thống St. Vladimir), và Tiến sĩ David Wells (Chủng viện Thần học Gordon-Conwell). Bài thuyết trình của Ratzinger và bản tường trình về cuộc đàm luận kéo dài hai ngày cuối cùng đã được Eerdmans xuất bản với tựa đề Giải thích Kinh thánh trong Khủng hoảng: Hội nghị Ratzinger về Kinh thánh và Giáo hội. Nhà thần học Giám lý, Tiến sĩ Thomas C. Oden, người cũng tham gia hội nghị, sau này đã viết trong hồi ký của mình: “Những ngày tháng đó với Ratzinger sẽ vẫn còn quan trọng đối với tôi cho đến cuối đời. Ở đó, tôi bắt đầu xem xét việc nghiên cứu có chủ ý về lịch sử chú giải [sự giải thích Kinh thánh] của các giáo phụ như là một ơn gọi bản thân tột bực.”

Trong suốt cuộc đời và thừa tác vụ của mình, Đức Bênêđictô XVI đã cam kết với chân lý nền tảng này là Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự tỏ mình ra cho thế giới, cho Giáo hội và cho các Kitô hữu. Nếu không có sự mặc khải như vậy, Thiên Chúa sẽ không thể biết được. Hơn nữa, vinh quang lớn nhất và sức mạnh lớn nhất của sự mặc khải này là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người. Sự mặc khải, Chúa Kitô và Giáo hội là những chủ đề lớn trong suốt thừa tác vụ của Đức Bênêđictô. Những người theo đạo Tin lành đã đọc Karl Barth hoặc Dietrich Bonhoeffer chắc chắn sẽ nhận thấy thần học của họ nhất quán với tác phẩm của Đức Bênêđictô XVI ra sao.

Một người Giám lý cáu kỉnh có thể trả lời tất cả những điều trên: Nhưng Đức Bênêđictô XVI có liên quan gì đến tôi, giáo đoàn và giáo phái của tôi? Trong cuốn sách John Wesley của mình, Giáo sư Albert C. Outler (1908–1989), người có thể được gọi một cách chính xác là cha đẻ của Giáo hội Giám lý Thống nhất, đã mô tả John Wesley là một “người Công Giáo Tin lành”. Nếu Wesley thực sự là một người Công Giáo Tin lành, thì các nhà thờ, giáo sĩ và giáo dân phát xuất từ thừa tác vụ của ông nên mở lòng đón nhận sự phong phú của đạo Công Giáo tin lành — vốn được hiến tặng một cách tuyệt đẹp qua cuộc đời và thừa tác vụ của Đức Bênêđictô XVI.

Sau đây là một câu trích dẫn điển hình của Đức Bênêđíctô, đọc lên nghe giống như một điều gì đó mà Barth hoặc Bonhoeffer đã nói, và điều đó đã truyền cảm hứng cho những người Công Giáo Tin lành trong khắp Giáo hội cho đến tận ngày nay:

“Nếu Giáo Hội... bị coi như một công trình xây dựng của con người, sản phẩm của những nỗ lực của chính chúng ta, thì ngay cả các nội dung của đức tin cuối cùng cũng mang đặc tính tùy tiện: thật vậy, đức tin không còn một công cụ chân chính, có bảo đảm để thông qua đó phát biểu chính mình. Do đó, nếu không có cái nhìn về mầu nhiệm Giáo hội cũng là mầu nhiệm siêu nhiên và không chỉ xã hội học, thì Kitô học [nghiên cứu về Chúa Giêsu Kitô] tự nó mất đi sự quy chiếu về thần linh để ủng hộ một cấu trúc thuần túy con người, và cuối cùng nó dẫn đến một dự án thuần túy của con người: Tin Mừng trở thành dự án của Chúa Giêsu, dự án giải phóng xã hội hoặc các dự án khác đơn thuần có tính lịch sử, nội tại mà bề ngoài có vẻ tôn giáo, nhưng thực chất là vô thần (Báo cáo Ratzinger: Một cuộc phỏng vấn độc quyền về tình trạng của Giáo hội).

Đây là một đoạn văn quan trọng cho tất cả những người Giám lý—Những người Giám lý Thống nhất và những người Giám lý Hoàn cầu—ngày nay.

Cảm ơn Chúa vì vị linh mục, nhà thần học, tổng giám mục và giáo hoàng Công Giáo Rôma này, người đã phục vụ Chúa Kitô và toàn thể Giáo hội của Người. Những lời cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng tang lễ là: “Bênêđictô, người bạn trung thành của Chàng Rể, ước gì niềm vui của bạn được trọn vẹn khi nghe tiếng nói của chàng một cách dứt khoát và mãi mãi!” Amen.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh bài Tám Mối Phúc Thật
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:40 27/01/2023
Hình ảnh bài Tám Mối Phúc Thật

Vào ngày Chúa Nhật và lễ trọng, người tín hữu Công Giáo trước thánh lễ thường đọc kinh Tám Mối phúc thật. Kinh cầu nguyện này là những lời của Chúa Giêsu Kitô ngày xưa đã rao giảng đầu tiên cùng đám dân chúng kéo đến đến vừa xem và vừa nghe giảng đạo, như thuật viết lại trong phúc âm ( Mt 5,1-12). Và bài giảng này còn được gọi là Hiến chương nước Trời, hay bài giảng trên núi.

Hình ảnh bài giảng này vẽ diễn tả điều gì?

Phúc âm thuật viết lại “ Thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi. Người ngồi xuống…“ ( Mt 5,1).

Thánh sử Mattheo viết rõ nơi chốn Chúa Giêsu giảng ở trên núi. Qua điều này Thánh sử muốn nhắc nhớ đến núi Sinai, nơi ngày xưa Thánh Tiên Tri Mose đã lên nhận bản 10 điều răn của Thiên Chúa cho dân Israel.

Sự nhắc nhớ này ở ngay phần đầu bài tường thuật bài giảng Tám mối phúc thật: Nơi đây ở ngọn núi đoàn dân mới của Thiên Chúa tụ họp.

Và cung cách ngồi xuống giảng của Chúa Giêsu làm rõ nét truyền thống một Thầy Rabbi của Do Thái, khi giảng vẫn ngồi. Chúa Giêsu rao giảng tôn trọng truyền thống Cựu Ước. Những lời giảng dậy chất chứa nội dung kinh thánh Cựu ước. Nhưng dẫu vậy đó là những lời kinh thánh thời Tân ước.

Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng không với chuỗi những đòi hỏi “Con phải…”, nhưng là lời khuyến khích tâm hồn suy nghĩ nảy sinh sáng kiến dẫn đưa đến lòng ăn năn thay đổi cung cách sống với những ca ngợi chúc phúc.

Bài giảng của Ngài có tám lần ( Mt 5,3.-10.) với lời “Phúc cho…” Và lần 9. ( Mt 5,11.) Phúc thay cho anh em nói thẳng trực tiếp tới người nghe Ngài giảng.

Lời chúc ” Phúc thay” ẩn chứa gói ghém tâm tình lời chân thành cầu chúc sự hạnh phúc điều may lành tốt đẹp!

Những lời chúc phúc “ phúc thay” của bài giảng Tám mối phúc thật của Chúa Giêsu không chỉ trái ngược với sự cảm nhận suy nghĩ thời cổ xa xưa, nhưng cũng cả với trí khôn suy nghĩ lành mạnh bình thường nữa. Không chỉ người giầu có, người khoẻ mạnh, người quyền thế cao sang được ca ngợi chúc phúc, nhưng còn cả người nghèo hèn, người đói khát thiếu thốn, người đau buồn, người bị ghét bỏ áp bức, người bị khinh khi ruồng bỏ.

Vậy phải hiểu thế nào?

Trong thực tế đời sống hằng ngày vào các giai đoạn thời đại trên trần gian, đời sống diễn ra rất khác trái ngược nhau: Sức mạnh của quyền hành, của tiền bạc vật chất thắng lướt trên tay ! Người yếu kém cô thế bị đẩy sang một bên ra ngoài bìa bên lề…

Thật là một bức tranh thảm thương đau buồn cho người nghèo hèn yếu kém cô thế!

Văn hào người Anh Gilbert Keith Cheleston có lần suy tư về Bài giảng trên núi, đã có cảm nhận: “ Đọc bài giảng trên núi lần thứ nhất, người ta có cảm tưởng tất cả được đặt đảo lộn lên hết trên đầu!”.

Bài giảng đưa ra những lời ca ngợi chúc phúc như một thách đố giá trị luân lưu trong xã hội về công việc làm ăn sinh sống và về dòng tiêu thụ. Những lời đó vẽ ra một hình ảnh ngược với hình ảnh trần thế hiện tại: Hình ảnh bức tranh nước Thiên Chúa.

Những ca ngợi chúc phúc trong bài giảng trên núi đưa hướng tầm nhìn đến thời sau cùng của trần thế, đến đích điểm một trời mới đất mới, nơi đó sự công bằng chính trực ngự trị.

Nước Thiên Chúa xuất hiện trong ánh sáng mới: sự nghèo đói, chiến tranh, sự bất công bị xóa bỏ. Như vậy phải chăng là một hình ảnh yên ủi cho an tâm chịu đựng vượt qua đau khổ thử thách trong đời sống?

Không, những ca ngợi chúc phúc của bài giàng trên núi còn nhiều hơn những hình ảnh về niềm hy vọng gây niềm an ủi phấn khởi cho con người trong thung lũng nước mắt trần thế không mang đến sự bình an cho đời sống.

Những chúc phúc của bài giảng gợi lên sự khao khát ngưỡng vọng mong muốn đạt tới một thế giới khác bên Thiên Chúa: thế giới bình an, thế giới công bình chính trực.

Sự bình an hạnh phúc của con người là trung tâm trái tim tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Chính vì thế Ngài đã chiết giải trong bản hiến chương nước trời: Tám mối phúc thật.

Nó xem ra trái ngược với thực tế mạnh được yếu thua trong đời sống trên trần gian. Nhưng sự bình an ở đời này và nhất là ở đời sau là điều quan trọng hơn tất cả, mà con người luôn phải kiến tạo xây dựng. Bài giảng tám mối phúc thật nêu ra những hướng dẫn cho đời sống đi tìm hạnh phúc bình an hôm nay ngày mai.

Tất cả bắt đầu với hai bàn tay không trước mặt Thiên Chúa từ khi thành hình hài sự sống, rồi sinh ra mở mắt chào đời cho đến ngày sau cùng đời sống trên trần gian, như Martin Luther đã có tâm tình xác tín: Chúng ta là người hành khất!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Không Là Ai! Cũng Chẳng Sao!
Nguyễn Trung Tây
16:07 27/01/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Không Là Ai! Cũng Chẳng Sao!


Người thời hậu hiện đại đã quá quen thuộc với những khẩu hiệu bắt đầu bằng động từ “to be” ở dạng mệnh lệnh: “be successful/trở thành người thành công, be rich/trở thành người giàu có, be the voice/trở thành người có tiếng nói, be leader/trở thành nhà lãnh đạo.” Mẫu số chung của những câu nói “trở thành” vừa liệt kê chính là: “hãy trở thành một ai đó.” Một mặt, “trở thành ai đó” là chìa khóa đo lường mức độ thành công của mỗi cá nhân. Mặt khác, “không là ai cả” là một chuẩn mực để nhận dạng một người thất bại trong xã hội. Triết lý khôn ngoan cũng xác nhận chuẩn mực xã hội này, “Những người có phúc là những người thành công.” Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi mọi người ở mọi lứa tuổi của mọi thế hệ đã cố gắng hết sức để trở thành một người nào đó. Ngay cả nếu người thành công này đã thành công, bởi cái giá mà một người nào đó trên trần gian đã phải trả. Từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của thế giới, trở thành một ai đó sẽ tiếp tục là một chuẩn mực, hoặc một “sự thật” không ai muốn chối từ.

Nhưng, thật bất ngờ, Đức Giêsu xuất hiện. Ngài tuyên bố một điều ngược lại:

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Phúc cho ai than khóc. Phúc cho ai đói khát…” (Matt 5:1-12).

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng Matthew 5 đang ca ngợi thân phận những kẻ vô danh, những người thất bại, những người không là ai trong xã hội.

Sau khi đến Mỹ vào năm 1984, người viết đã từng làm phu quét sàn nhà vào ban đêm cho những câu lạc bộ đêm ở San Jose, California. Thời đó, để kiếm những đồng tiền cho một cuộc sống mới trên vùng đất mới, người mới tới đã quét dọn nhiều sàn nhà chứa đầy những thứ nôn mửa của khách hàng. Rõ ràng người viết hồi đó chỉ là một người lao công quét rác sàn nhà.

Ngày tác giả rời Melbourne dọn vô sa mạc Úc Châu, ngày hôm đó trong đôi mắt trần gian, cá nhân tác giả đã bị giáng cấp. Từ một người nào đó dạy học tại Divine Word College ở Box Hill, Melbourne, người viết trở thành một kẻ vô danh, sống giữa những người bị xã hội đóng dấu là Thổ dân, những người không có tiếng nói trong sa mạc.

Thế đấy! Nhưng, bởi là một người phu quét rác, rác người và rác đời, tác giả đã học cách đánh giá cao và tôn trọng cuộc sống của chính mình cũng như của tất cả mọi người mà cá nhân gặp gỡ trên đường nhân thế.

Bởi đã phục vụ những người không có tiếng nói ở sa mạc Úc Châu, giống như Thánh Phanxicô Assisi đã gặp Chúa trong một nhà nguyện đổ nát, người viết đã gặp Chúa trong một bình nguyên rộng lớn tên gọi sa mạc Úc Châu, qua khuôn mặt của Thổ Dân Úc Châu, những người bị trần gian đánh giá tầm thường.

Trong mắt Đức Giêsu, những người có phúc là những người bị xếp vào hạng không có thứ hạng theo tiêu chuẩn của loài người.

Trong mắt Đức Giêsu, những người được chúc phúc là những người có tinh thần nghèo khó, những người than khóc, những người đói khát, những người biết thương xót, những người bị bách hại. Dù là hiện thân của người không có tiếng nói, dù trong con mắt trần gian, họ là người thất bại. Nhưng trong con mắt của Đức Giêsu, họ được chúc phúc, vì họ được thừa hưởng Nước Trời, họ được an ủi, họ nhận được Thiên Chúa làm gia nghiệp, họ sẽ được no nê phúc lộc thiên đàng, họ sẽ được thương xót, họ sẽ thấy Thiên Chúa, họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Nói tóm lại, những người “không là ai cả” đã trở thành những người được chúc phúc tràn đầy bởi Thiên Chúa.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu trong Phúc Thật Tám Mối khá rõ ràng. Nếu tôi “không là ai cả,” cũng chẳng sao. Bởi vào lúc bị xua đẩy sang bên lề xã hội, giây phút đó cá nhân gặp được Thiên Chúa, giây phút đó một người nhận được lời chúc phúc từ trời cao.

Đại dịch Covid 19 đến một cách bất ngờ. Không ai trên trái đất vào tháng 12 năm 2019 có thể ngờ rằng vi khuẩn Coronavirus chủng mới, một chủng vô hình có khả năng đánh bại loài người, một chủng vô hình. Không ai trên thế giới vào tháng 1 năm 2020 có thể tưởng tượng rằng virus chết người dư thừa khả năng đẩy loài người vào bóng tối, biến họ trở thành những người không còn tiếng nói. Tuy nhiên, kể từ khi bị trở thành người câm, nhân loại gặp Thiên Chúa thường xuyên hơn trong thời gian bị nhốt trong bốn bức tường tư gia. Đây chính là điều mà thánh Paul Tông đồ tuyên bố, “Tôi yếu đuối, nhưng tôi trở nên mạnh mẽ trong Đấng Kitô” (2Corin 12:9). Ý ngài muốn nói, “Tôi chẳng là ai cả, nhưng tôi trở thành người được chúc phúc trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô.”

Tôi không là ai cũng được! Xin được nhắc lại, không là ai trong lăng kiếng của trần gian cũng chẳng sao. Dưới ánh nhìn của Đức Giêsu, qua Tám Mối Phúc Thật, tôi không là ai chính là người được chúc phúc. Thật ra, tôi hạnh phúc tràn lan!□
(Trích Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta)
 
VietCatholic TV
Bất ngờ: Lữ Đoàn Dù tinh nhuệ của Putin tháo chạy. Nga mất 14 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 780 quân
VietCatholic Media
03:13 27/01/2023


1. Lữ Đoàn Dù Nga tháo chạy khi giao tranh với Lữ Đoàn Dù Ukraine. Nga mất 14 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 780 quân trong 24 giờ qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 27 tháng Giêng, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, quân Nga mất 14 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 780 quân trong 24 giờ qua, chủ yếu tại thành phố Bakhmut và thành phố Vuhledar.

Khác với thành phố Soledar, chiến thuật biển người của quân Wagner tỏ ra không có hiệu quả ở Bakhmut, nơi được mệnh danh là thành phố pháo đài của Ukraine.

Việc Ukraine thiếu pháo binh và đạn dược để đối phó với các cuộc tấn công trực diện ồ ạt và bất tận của Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của Nga ở thành phố Soledar vì nó tạo cơ hội cho các lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công biển người quyết liệt.

Đội quân đánh thuê Wagner đã cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine tại Bakhmut ít nhất là từ tháng 8. Tuy nhiên, ngay cả chiến thuật tấn công vũ bão bất chấp cái giá phải trả, quân Wagner cũng khó đạt được thành công đáng kể trong các cuộc tấn công trực diện vào các vị trí kiên cố của Ukraine ở phía đông Bakhmut.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, những nỗ lực của Nga trong việc thực hiện một chiến thuật gọng kìm đối với thành phố từ phía bắc và phía nam đã quá lâu, quá đau đớn đối với họ; và đã lên đến đỉnh cao trong ngày qua với một số lượng khổng lồ xe tăng và xe thiết giáp bị phá hủy.

Trong ba tháng cuối năm 2022, lực lượng Wagner đã giành được một số lợi ích nhất định ở phía nam Bakhmut, đặc biệt là ở thị trấn Kurdiumivka, nơi đã bị chiếm giữ vào cuối tháng 12. Trong phần lớn thời gian của trận chiến, nghĩa là từ tháng 8 đến nay, các bước tiến của quân Nga trong khu vực chỉ đạt được vài chục hoặc vài trăm mét mỗi ngày. Nga đã mất gần ba tháng để tiến thêm khoảng 4 km và chiếm được Kurdiumivka, một ngôi làng ở phía nam Bakhmut, cách đường cao tốc T0504 khoảng 12 km.

Trong những ngày gần đây, Nga quyết chiếm cho bằng được thành phố Bakhmut nên đã tung thêm vào chiến trường này Lữ Đoàn Dù 108 đã từng được phong danh hiệu Kuban Cossack. Đây là Lữ Đoàn Dù có lịch sử lâu đời và đã từng tham gia vào cuộc đàn áp cuộc nổi dậy tại Hung Gia Lợi vào năm 1956, hai cuộc chiến ở Chechnya và cuộc chiến ở Dagestan.

Nhiệm vụ của Lữ Đoàn Dù này là kiểm soát ba đường cao tốc: đường cao tốc E40 Sloviansk-Bakhmut ở phía tây bắc thành phố, đường cao tốc T0513 Bakhmut-Siversk ở phía bắc thành phố và đường cao tốc T0504 chạy về phía tây đến Kostiantynivka.

Tất cả thành tích của Lữ Đoàn này cho đến nay là chiếm được làng Klishchiivka, một ngôi làng quan trọng ở phía nam Bakhmut. Tuy nhiên, Klishchiivka được tường trình đã đổi chủ ít nhất hai lần trong những tuần gần đây. Klishchiivka cũng là một tuyến phòng thủ quan trọng và kiên cố của Ukraine bao phủ vùng ngoại ô phía nam của Bakhmut.

Trong ngày 26 Tháng Giêng, Klishchiivka đổi chủ một lần nữa, khi Lữ Đoàn Dù 108 của Nga tháo chạy sau cuộc tấn công quyết liệt của Lữ Đoàn Dù số 46 của Ukraine, được bổ sung thêm pháo binh và thiết giáp.

Đây không phải là lần đầu tiên Lữ Đoàn Dù 108 của Nga đối diện với thất bại. Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Vitaly Vladimirovich Sukuev bị bắn chết ngày 30 Tháng Chín trong cuộc chiến ở Kharkiv, ba ngày sau đó Trung Tá Alexander Sergeevich Lopin vừa mới lên thay đã tử trận cùng khoảng 200 binh sĩ. Tuy nhiên, lần này Lữ Đoàn Dù không may này của Nga chịu một tổn thất rất lớn về khí tài chiến tranh với 10 xe tăng và 13 xe thiết giáp. Chưa hết, họ phải bỏ lại cho quân Ukraine 8 hệ thống pháo còn nguyên vẹn không kịp phá hủy.

Để hỗ trợ cuộc tháo chạy của Lữ Đoàn Dù 108, đã từng được phong danh hiệu anh hùng Kuban Cossack, Nga tung các máy bay từ hướng Belgorod của Nga sang tiếp cứu. Hai chiếc Su-34 của Nga, mỗi chiếc trị giá 36 triệu nổ tung trên bầu trời.

Tại thành phố Soledar, quân Wagner tiếp tục nỗ lực khuếch đại thành công của nó và tiến xa hơn về phía tây bắc và tây tới Blahodatne, Krasna Hora và Pidhorodne, nơi không đạt được có bất kỳ tiến bộ nào ngay lập tức. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine đã chiếm được một vị trí mới trên các điểm cao vượt trội ở phía tây Soledar dọc theo xa lộ T5013.

The nhận định của các quan sát viên, Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát con đường Bakhmut-Kostiantynivka, hiện là huyết mạch quan trọng của Bakhmut. Tuy nhiên, có vài km địa hình trống trải phải vượt qua trước khi họ có thể cắt đứt tuyến tiếp tế cuối cùng của Ukraine. Hơn thế nữa, họ phải chiến đấu với các đơn vị giàu kinh nghiệm của Ukraine, bao gồm Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và Lữ đoàn cơ giới số 28 và 53, được hỗ trợ bởi Lữ Đoàn Pháo binh số 40.

Tại thành phố Vuhledar, quân Wagner được báo cáo là đang lao vào chỗ chết. Một máy bay trực thăng Ka-52 của Nga đã bị bắn rơi ở đây trong ngày qua. Thứ trưởng Hanna Maliar cho rằng cuộc tấn công của quân Wagner vào thành phố này sẽ sớm kết thúc vì tổn thất nhân mạng quá cao.

Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Donetsk, cho biết mặc dù Bakhmut vẫn là khu vực diễn ra giao tranh ác liệt nhất, nhưng Avdiivka gần đây đã trở thành một điểm nóng.

“Bây giờ ở Avdiivka cũng rất nóng. Nói cách khác, chúng ta quan sát thấy sự leo thang dọc theo toàn bộ chiến tuyến từ phía nam và phía bắc.”

Đại Tá Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của quân đội Ukraine cho biết, quân đội Mạc Tư Khoa đang phụ thuộc rất nhiều vào pháo binh và đã đưa một số lượng lớn binh lính vào các cuộc tấn công cam go.

Tính chung trong 24 giờ qua, tại các mặt trận trong tỉnh Donetsk, lực lượng Nga đã “tiến hành 28 cuộc tấn công trong một ngày, bắn 264 lần nhưng không đạt được kết quả nào,” Cherevatyi tuyên bố trong một cuộc họp báo quân sự. Cherevatyi cho biết giao tranh xung quanh toàn bộ chiến tuyến phía đông tiếp tục diễn ra không ngừng.

Trong 24 giờ qua, Nga mất 780 binh sĩ, 14 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 15 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 máy bay và một máy bay trực thăng.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 26 Tháng Giêng, 123.860 quân xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 3.175 xe tăng Nga, 6.334 xe thiết giáp, 2.169 hệ thống pháo, 452 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 220 hệ thống phòng không, 292 máy bay, 282 máy bay trực thăng, 1.908 máy bay không người lái chiến thuật, 749 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu thuyền, 4.986 xe chuyển quân và nhiên liệu và 195 thiết bị đặc biệt.

2. 11 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga trên khắp Ukraine

11 người đã thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn của Nga trên khắp Ukraine một ngày sau khi Mỹ và Đức đồng ý cung cấp xe tăng cho Kyiv.

Trong khi vị tướng hàng đầu của đất nước tuyên bố rằng lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 47 trong số 55 hỏa tiễn mà Nga buộc phải bắn vào Ukraine, phát ngôn nhân của cảnh sát quốc gia đã đưa ra con số thương vong trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 27 Tháng Giêng. Tờ Kyiv Independent dẫn lời ông nói rằng con số này đại diện cho tổng số thương vong trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái xảy ra trong đêm và buổi sáng.

Ở Kyiv, một người đàn ông 55 tuổi được cho là đã thiệt mạng, trong khi chính quyền ở Zaporizhzhia nói rằng ba người đã thiệt mạng ở đó.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi cho biết 20 hỏa tiễn đã bị bắn hạ ở Kyiv. Thị trưởng của Vinnytsia, Serhiy Morgunov, đã công bố một bức ảnh về các mảnh vỡ của hỏa tiễn rơi trong phạm vi thành phố và khẳng định đây là kết quả công việc rất thành công của lực lượng phòng không.

3. Zelenskiy kêu gọi thêm vũ khí phương Tây sau cuộc tấn công hỏa tiễn mới nhất của Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu phương Tây cung cấp thêm vũ khí sau một đợt tấn công hỏa tiễn khác của Nga nhằm vào Kyiv và các thành phố khác trên khắp đất nước.

“Tội ác này, sự xâm lược này của Nga chỉ có thể và nên được ngăn chặn bằng vũ khí thích hợp,” Zelenskiy nói với người dân Ukraine trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Năm. “Vũ khí trên chiến trường. Vũ khí bảo vệ bầu trời của chúng ta.”

Ukraine cho biết họ có thể bắn hạ hầu hết 55 hỏa tiễn do Nga bắn, một kỳ tích mà ông Zelenskiy cho là nhờ các hệ thống phòng không do phương Tây tài trợ.

“Hôm nay, nhờ các hệ thống phòng không được cung cấp cho Ukraine và sự chuyên nghiệp của các chiến binh của chúng ta, chúng ta đã bắn hạ được hầu hết các hỏa tiễn của Nga và máy bay không người lái Shahed của Iran”.

Tổng thống Ukraine cho biết: “Ít nhất đã có hàng trăm sinh mạng được cứu sống và hàng chục cơ sở hạ tầng được bảo toàn.

Tổng thống Zelenskiy sau đó chuyển trọng tâm sang khu vực phía đông Donbas, nơi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt nhất.

“Chúng ta cần một phong trào mới cho lực lượng của chúng ta ở mặt trận. Chúng ta cần bảo đảm đánh bại lực lượng bộ binh của bọn khủng bố. Bất kể quân xâm lược Nga đang lên kế hoạch gì, thì sự chuẩn bị của chúng ta phải mạnh mẽ hơn”, ông Zelenskiy nói. “Tôi biết ơn tất cả các đơn vị của chúng ta, những người đã thể hiện khả năng phục hồi mà Ukraine cần, làm kiệt sức quân xâm lược và phá hủy nó.”

Ông nói thêm: “Nga càng thua trong trận chiến giành Donbas này thì tiềm năng tổng thể của nước này sẽ càng giảm đi.”

Zelenskiy cho biết chính phủ của ông biết về các kế hoạch của Nga cho các hoạt động trong tương lai ở Ukraine và bảo đảm với những người đồng hương của ông rằng họ đang làm việc để chống lại các động thái của Mạc Tư Khoa.

4. Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ sẽ gửi phiên bản xe tăng Abrams hiện đại và sát thương hơn tới Ukraine

Mỹ sẽ gửi xe tăng M1A2 Abrams tới Ukraine, được nâng cấp đáng kể khả năng so với mẫu M1A1 ra mắt trước đó.

Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh đã xác nhận hôm thứ Năm rằng M1A2 sẽ là phiên bản của Abrams được cung cấp cho người Ukraine. Cô nói rằng Hoa Kỳ không “có sẵn những chiếc xe tăng này trong kho dự trữ của chúng ta ở Hoa Kỳ” và sẽ mất “nhiều tháng để chuyển” những chiếc xe tăng này tới Ukraine.

M1A2 là một bản nâng cấp đáng kể so với M1A1 cũ hơn, chủ yếu là do A2 chạy trên hệ thống kỹ thuật số, trái ngược với hệ thống tương tự của A1.

Đó là “sự khác biệt giữa một chiếc điện thoại quay số và chiếc iPhone mà bạn đang cầm trên tay,” Tướng quân đội đã nghỉ hưu Robert Abrams, cựu chỉ huy của Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, người có cha là người đặt tên cho chiếc điện thoại này cho biết như trên.

Các quan chức Mỹ trong tuần này thông báo rằng 31 xe tăng Abrams sẽ được gửi tới Ukraine sau nhiều ngày trao đổi qua lại giữa Mỹ và các đồng minh. Các quan chức vẫn chưa tiết lộ biến thể xe tăng nào họ sẽ chọn, và Doug Bush, trưởng bộ phận thu mua quân đội, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng quyết định này vẫn đang được cân nhắc.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết từ Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư rằng xe tăng sẽ “nâng cao năng lực của Ukraine để bảo vệ lãnh thổ và đạt được các mục tiêu chiến lược của mình”.

Ngoài thay đổi kỹ thuật số với A2, phiên bản mới hơn của xe tăng A2 có những tiến bộ “đáng kể” hơn A1. Nó bao gồm thiết bị quang nhiệt độc lập của người chỉ huy. Trong khi trước đây, chỉ xạ thủ mới có thiết bị quang nhiệt, thì giờ đây, chỉ huy xe tăng cũng có một cái, cho phép họ xác định mục tiêu. Hệ thống kỹ thuật số này cũng cho phép đội xe tăng tự chạy chẩn đoán trên xe thay vì đợi thợ máy chạy thử để xác định bất kỳ vấn đề nào phát sinh.

Khi nói về nó, công ty Abrams cho biết, M1A2 “vượt trội hơn nhiều về khả năng sát thương, khả năng sống sót và tính cơ động” so với bất cứ thứ gì mà Nga có trên chiến trường.

5. Hoa Kỳ chỉ định Tập đoàn Wagner là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm và trừng phạt mạng lưới của họ

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ đã chỉ định nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga là “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng”, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với nhà thầu quân sự đã hỗ trợ Mạc Tư Khoa trong cuộc xâm lược Ukraine.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã thông báo rằng Bộ Ngân Khố sẽ xếp Wagner vào cùng loại với các nhóm mafia Ý và tội phạm có tổ chức của Nhật Bản và Nga.

Việc chỉ định sẽ cho phép áp dụng rộng rãi hơn các biện pháp trừng phạt đối với mạng lưới toàn cầu rộng lớn của nhóm, bao gồm các hoạt động đánh thuê cũng như các doanh nghiệp ở Phi Châu và các nơi khác.

Wagner “là một tổ chức tội phạm đang thực hiện nhiều hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền,” Kirby nói.

Ông nói: “Chúng ta sẽ làm việc không ngừng để xác định, phá rối, vạch trần và tấn công vào những người đang hỗ trợ Wagner.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã chỉ định Tập đoàn Wagner, một tổ chức lính đánh thuê tư nhân của Nga tham gia nhiều vào cuộc chiến ở Ukraine, là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm và áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với tổ chức này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đồng thời công bố một số biện pháp trừng phạt nhằm “nhắm vào một loạt cơ sở hạ tầng quan trọng của Wagner – bao gồm một công ty hàng không do Wagner sử dụng, một tổ chức tuyên truyền của Wagner và các công ty bình phong của Wagner,” theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Dưới đây là các hành động được thực hiện bởi cả hai bộ phận của Hoa Kỳ:

Bộ Ngoại giao đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với những điều sau:

Ba cá nhân với vai trò là người đứng đầu Cơ quan Nhà tù Liên bang Nga, được cho là đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng các tù nhân Nga vào Tập đoàn Wagner.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử của Vùng Rostov.

Một mạng lưới gắn liền với một nhà tài phiệt Nga đã bị trừng phạt.

Một nhà tài chính yểm trợ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bộ cũng tuyên bố sẽ thực hiện các bước để áp đặt các hạn chế về thị thực “đối với 531 thành viên của quân đội Liên bang Nga” liên quan đến cuộc tấn công vào Ukraine.

Bộ Tài chính đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với những điều sau:

Một số cá nhân và công ty gắn liền với tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mạc Tư Khoa.

Các đồng minh của Putin và các thành viên gia đình họ.

Hai người liên quan đến những nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.

Tòa Bạch Ốc đã xem trước việc chỉ định tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng và các biện pháp trừng phạt sắp tới đối với nhóm Wagner vào tuần trước.

6. Các quan chức cho biết Biden đang cân nhắc chuyến đi Âu Châu để kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang cân nhắc thực hiện chuyến công du Âu Châu vào dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine vào tháng tới, hai quan chức cấp cao của chính quyền nói với CNN.

Một chuyến đi vẫn chưa được xác nhận và thông tin chi tiết vẫn chưa được hoàn thiện. Nhưng một trong các quan chức nói rằng một điểm dừng đang được xem xét là Ba Lan, một đồng minh chủ chốt của NATO hiện đang có hàng nghìn binh sĩ Mỹ đóng quân và cũng là trung tâm chuyển giao vũ khí của phương Tây cho Ukraine. Quân nhân Mỹ cũng đang huấn luyện quân đội Ukraine ở đó.

Tuy nhiên, rất khó có khả năng Biden sẽ tới Ukraine trong khuôn khổ chuyến đi này, do những lo ngại về an ninh đang diễn ra, một trong các quan chức cho biết.

Một số bối cảnh: Các trợ lý của Biden đã lên kế hoạch trong vài tuần về cách họ sẽ đánh dấu lễ kỷ niệm cuộc xâm lược, bao gồm cả khả năng tổng thống Mỹ sẽ có một bài phát biểu quan trọng. Họ hy vọng sẽ nhấn mạnh sự kiên cường của người dân Ukraine, lưu ý rằng khi chiến tranh bắt đầu, nhiều người cho rằng Kyiv sẽ thất thủ trong vài ngày tới.

NBC News lần đầu tiên báo cáo một chuyến đi đến Âu Châu đang được xem xét.

7. Anh cho biết họ đang cố hết sức để đưa xe tăng Challenger 2 đến Ukraine vào cuối tháng 3

Anh đang đặt mục tiêu 14 xe tăng Challenger 2 đã cam kết sẽ đến Ukraine vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Mua sắm Bộ Quốc phòng Alex Chalk cho biết hôm thứ Năm.

“Ý định là nó sẽ diễn ra vào cuối tháng 3,” Chalk nói với quốc hội, đồng thời cho biết thêm rằng từ nay đến lúc đó, quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện về cách vận hành và bảo trì Challengers.

Chính phủ Anh hồi đầu tháng này đã thông báo rằng họ sẽ gửi “một đội gồm 14 xe tăng” tới Ukraine sau khi Thủ tướng Rishi Sunak cam kết hỗ trợ thêm cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Đức đã làm theo vào thứ Tư khi Thủ tướng Olaf Scholz cam kết gửi 14 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.

8. Phát ngôn nhân của Cẩm Linh nói Zelenskiy không đáng để nói chuyện với Putin

Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News được phát sóng hôm thứ Năm 26 Tháng Giêng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông “không quan tâm” đến việc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin để đàm phán hòa bình.

Khi được hỏi liệu cuộc chiến ở Ukraine có thể được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình với Putin hay không, Zelenskiy nói: “Điều đó không thú vị đối với tôi. Không thú vị để gặp gỡ, không thú vị để nói chuyện.”

“Sau một cuộc xâm lược toàn diện, đối với tôi Putin chẳng là gì cả,” Zelenskiy nói khi được hỏi liệu có quá muộn cho các cuộc đàm phán hòa bình hay không.

Zelenskiy nói với Sky News rằng có nhiều thương vong ở phía Nga hơn phía Ukraine, đồng thời nói thêm rằng “ở phía đông, họ đang mất một số lượng lớn người, một con số khổng lồ, nhưng họ không quan tâm. Họ không đếm người, đó là sự thật. Chúng tôi đang đếm số thương vong của họ.”

Trong cuộc phỏng vấn được ghi hình hôm thứ Tư, ông Zelenskiy cho biết Đức đã đồng ý gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine sau nhiều tuần gây áp lực ngoại giao lên Berlin.

Zelenskiy cho biết ông “rất hài lòng”, nhưng ông cũng cho biết khung thời gian mà chúng được chuyển đến quốc gia bị chiến tranh tàn phá là “rất quan trọng”.

Phản ứng đối với cuộc phỏng vấn của Tổng thống Zelenskiy, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói: “Zelenskiy đáng để tổng thống Vladimir Putin nói chuyện.”

“Chúng ta biết Zelenskiy đã được bầu làm tổng thống với những lời hứa gì, hoàn toàn không khó để bản thân chúng ta ghi nhớ chúng và nhắc nhở những cử tri đã bỏ phiếu cho ông ấy ở Ukraine,” Peskov nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo hàng ngày.

“Ông ấy đã không giải quyết vấn đề Donbas, ông ấy đã không thực hiện các thỏa thuận Minsk, hơn nữa, hóa ra là ông ấy sẽ không thực hiện chúng, ông ấy đang chuẩn bị cho chiến tranh,” ông ta nói.

“Vì vậy, hãy nói theo cách này, bản thân ông ấy từ lâu đã không còn là người khả dĩ có thể nói chuyện với Putin”

9. Nga đặt Meduza ngoài vòng pháp luật trong nỗ lực dập tắt tin tức độc lập

Nga đã tuyên bố hãng tin Meduza là một “tổ chức không mong muốn”, thực tế là đặt ngoài vòng pháp luật một trong những nguồn báo cáo độc lập nổi tiếng nhất của đất nước về Điện Cẩm Linh và chiến tranh ở Ukraine.

Meduza, được thành lập bởi các nhà báo Nga ở Riga, Latvia, vào năm 2014, đã bị văn phòng tổng công tố tuyên bố là một tổ chức không mong muốn vào thứ Năm vì “gây ra mối đe dọa đối với nền tảng của trật tự hiến pháp và an ninh quốc gia của Liên bang Nga”.

Phán quyết này nhằm cản trở việc hãng tin tiếp tục đưa tin về Nga, bằng cách đe dọa các phóng viên, nguồn tin và nhà tài trợ của họ bằng các khoản tiền phạt hoặc truy tố hình sự vì tiếp tục đưa ra thông tin từ nước này.

Meduza cho biết trong một báo cáo hôm thứ Năm “ở Nga, quê hương của chúng tôi, chúng tôi bị cấm hoàn toàn”. Các hạn chế nghiêm trọng đến mức ngay cả việc chia sẻ các liên kết đến báo cáo của hãng tin này cũng có thể bị coi là tội ác.

10. Pháp không loại trừ khả năng điều máy bay chiến đấu tới Ukraine

Pháp không loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine nhưng với điều kiện nó không dẫn đến leo thang chiến tranh, làm suy yếu an ninh quốc gia hoặc Âu Châu và nó có ích cho người Ukraine, một nghị sĩ có ảnh hưởng và là đồng minh thân cận của tổng thống Emmanuel Macron cho biết.

Thomas Gassilloud, chủ tịch ủy ban quốc phòng và lực lượng vũ trang của Quốc hội nói với các phóng viên ở London: “Chúng tôi phải nghiên cứu các yêu cầu trên cơ sở từng trường hợp và để ngỏ tất cả các cánh cửa”.

Gassiloud, người đã đến London để gặp các nghị sĩ Anh, nói thêm: “Chúng tôi sẽ xem trong những tuần tới điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi mọi thứ đang diễn ra nhanh chóng”.

Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi phương Tây cung cấp các máy bay chiến đấu khi ông tuyên bố sẽ sử dụng đợt cung cấp xe tăng mới từ Đức và Mỹ như “nắm đấm tự do” chống lại Nga.

Đan Mạch và các quốc gia khác gần Ukraine hiện đang cân nhắc hỗ trợ lực lượng không quân Ukraine nhưng những nước khác lo ngại rằng điều đó sẽ báo hiệu sự leo thang chiến tranh đối với Putin.

Gassilloud cho biết Pháp khó có thể gửi xe tăng Leclerc của mình vì chúng không phù hợp với nguồn cung cấp từ Mỹ và Đức đã công bố vào đêm qua.

“Chúng không phải là tài sản tốt nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho Ukraine, đặc biệt là vì việc giải quyết các loại xe tăng khác nhau sẽ rất tốn kém và phức tạp đối với Ukraine. Chẳng hạn, chúng tôi đang nghĩ đến năng lực bộ binh,” ông nói.

Ông chỉ ra rằng cả xe tăng và máy bay đều cần thời gian đào tạo chuyên gia với tối đa 10 nhân viên mặt đất cần thiết cho mỗi phi công.
 
Vác dao đến 2 nhà thờ chém loạn xạ để buộc người Công Giáo phải cải sang đạo Hồi. GP báo cáo tử vong
VietCatholic Media
05:04 27/01/2023


1. Một người đến hai nhà thờ ở Algeciras, Tây Ban Nha buộc các tín hữu Công Giáo phải theo đạo Hồi và chém loạn xạ vào những người đi lễ gây tử vong cho nhiều người

Một tín hữu Công Giáo đã chết và nhiều người khác bị thương sau vụ tấn công bằng dao tại hai nhà thờ ở Algeciras vào hôm thứ Tư 25 Tháng Giêng. Kẻ tấn công đã bị Cảnh sát Quốc gia bắt giữ và đưa về nhà để tiến hành khám xét. Nguồn tin cảnh sát nói với El Confidencial rằng đó là một công dân Ma-rốc, được xác định tên là Yassine Kanjaa, 25 tuổi.

Công tố Quốc gia là cơ quan đầu tiên gọi các sự kiện này là khủng bố thánh chiến mặc dù thực tế là sau khi kiểm tra dữ liệu, người bị giam giữ không có tiền sử theo đạo Hồi.

Ở một trong hai nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy một con dao rựa lớn trên mặt đất với dấu vết máu. Một misbaha đã xuất hiện gần đó. Misbaha là một chuỗi các hạt được nối với nhau bằng một sợi chỉ theo truyền thống được các tín hữu của đạo Hồi sử dụng để theo dõi số lần lặp lại kinh tasbih. Nó là một vật tương tự như một chuỗi tràng hạt.

Người đàn ông mặc một bộ đồ thể thao màu trắng, đen và xám. Trong bức ảnh do cảnh sát cung cấp mà quý vị và anh chị em có thể xem thấy đây, anh ta có những vết máu trên quần. Trên khuôn mặt của can phạm, một nụ cười tươi như hoa đầy mãn nguyện có thể được nhìn thấy.

Bộ Nội vụ đã đưa ra phiên bản đầu tiên của sự kiện vào đầu buổi tối ngày thứ Tư, nhưng yêu cầu thận trọng về động cơ của người bị bắt. Đầu tiên hắn ta đến Nhà thờ San Isidro, nơi hắn ta tranh cãi với những người có mặt và yêu cầu họ theo đạo Hồi. Một giờ sau, anh ta quay lại chỗ cũ với một con dao rựa và chém một linh mục, làm ngài bị thương nặng.

Sau đó, hắn đến Nhà thờ La Palma và ở đó hắn đâm nhiều nhát dao vào một người đi lễ, cho đến khi nạn nhân mất mạng. Hắn còn vung dao chém nhiều người khác. Trước sự hoảng loạn của đám đông, hắn ta đã thừa cơ hội trốn trong phòng thay áo của nhà thờ, cho đến khi bị cảnh sát tóm cổ.

Các chuyên gia điều tra tội phạm khủng bố bắt đầu thu thập dữ liệu về những gì đã xảy ra ngay khi họ được hai nhà thờ gọi đến. Các nguồn tin cảnh sát cho biết thêm rằng can phạm cũng gây ra thiệt hại cho các đồ vật tôn giáo. Ấn tượng ngay từ giây phút đầu tiên của các chuyên gia cảnh sát cho rằng đây là một vụ khủng bố.

Người chết là một nhân vật nổi tiếng trong khu vực. Mọi người trong giáo xứ đều biết anh ấy. Họ nói rằng anh ấy đi lễ hàng ngày và tích cực tham gia các lễ hội hóa trang và Tuần Thánh và có một cửa hàng hoa nằm trên phố Tarifa trong thành phố.

Linh mục bị đâm tên là Cha Antonio Rodríguez. Ngài đã qua cơn nguy kịch sau khi được phẫu thuật. Thị trưởng của Algeciras, ông José Ignacio Landaluce, cho biết như trên.

Ngoài ra, còn có nhiều người khác bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thị trưởng José Ignacio Landaluce, biến cố này có thể xuất phát từ vụ đốt kinh Koran của người Hồi Giáo tại Thụy Điển.

Trong một biến cố thật không may, Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch, đã đốt một cuốn Kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển vào hôm thứ Sáu tuần qua.

Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại các quốc gia Ả Rập - bao gồm Ả Rập Saudi, Jordan và Kuwait - cũng như tại các quốc gia đa số theo đạo Hồi khác như Pakistan, Indonesia và Somalia.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đe dọa sẽ hủy bỏ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vì vụ đốt kinh Koran này

“Những người cho phép những lời báng bổ như vậy trước đại sứ quán của chúng ta không còn có thể mong đợi sự ủng hộ của chúng ta đối với tư cách thành viên NATO của họ”, ông Erdogan cho biết.

Ông nói thêm: “Nếu bạn yêu mến các thành viên của các tổ chức khủng bố và kẻ thù của đạo Hồi rất nhiều đến mức bảo vệ họ, thì chúng ta khuyên bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ của họ cho an ninh của đất nước bạn.”

Theo hãng tin AP, ông Erdogan cho biết tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là “không xảy ra”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Các quyết định của NATO được đưa ra trên cơ sở đồng thuận, có nghĩa là tất cả 30 Quốc Hội của các quốc gia thành viên liên minh phải chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan tham gia. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất chưa thông qua tư cách thành viên của họ. Tình hình còn phức tạp hơn khi Phần Lan tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết với Thụy Điển, và chỉ vào NATO khi cùng vào với Thụy Điển.

Các quan sát viên cho rằng với việc ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan tham gia NATO, Erdogan đang mang lại chiến thắng cho cuộc chiến chống NATO của Putin.
Source:elconfidencial.com

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Đức là 'không hữu ích cũng không nghiêm túc'

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Đức là vô ích và có nguy cơ gây tổn hại về ý thức hệ cho các tiến trình của Giáo hội.

“Kinh nghiệm của Đức không giúp được gì,” Đức Giáo Hoàng nói với Associated Press khi được hỏi về quá trình gây tranh cãi, giải thích rằng cuộc đối thoại nên liên quan đến “tất cả dân Chúa” chứ không chỉ một số thành phần tự nhận là giới tinh hoa trong Giáo Hội.

Vị giáo hoàng 86 tuổi đã so sánh sự kiện ở Đức, vốn không phải là một thượng hội đồng, với Thượng hội đồng về tính đồng nghị được mở rộng gần đây của Giáo hội hoàn vũ.

Đức Phanxicô cho biết mục đích của thượng hội đồng toàn cầu là “giúp Tiến Trình Công Nghị dành cho giới tinh hoa của Đức không kết thúc tồi tệ theo một cách nào đó, nhưng cũng được hội nhập vào Giáo hội.”

Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô không đi sâu vào chi tiết về các yêu cầu được đưa ra ở Đức, ngài đã mô tả rõ ràng Tiến Trình Công Nghị ở Đức là nguy hiểm.

“Ở đây có một mối nguy hiểm là có một thứ gì đó rất, rất ý thức hệ len lỏi vào. Khi ý thức hệ tham gia vào các quá trình của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần sẽ về nhà, bởi vì ý thức hệ bỏ qua Chúa Thánh Thần,” ngài nói trong cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng cũng bao gồm những nhận xét về Lập trường của Giáo hội về đồng tính luyến ái, sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI - và sức khỏe của ngài.

Kể từ khi được Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng vào năm 2019, Tiến Trình Công Nghị của Đức đã gây tranh cãi.

Những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các văn bản dự thảo kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc cho người đồng tính và thay đổi giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái, dẫn đến cáo buộc dị giáo và lo ngại ly giáo.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội từ Ba Lan, các nước Bắc Âu và trên toàn thế giới đã công khai nêu lên mối quan ngại.

Những lo ngại về một “cuộc ly giáo bẩn thỉu” từ nước Đức đã gia tăng trong vài tháng qua, khi những người tổ chức Thượng Hội đồng vào tháng 11 đã từ chối một lệnh cấm tiến trình do Vatican đề xuất.

Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hãy luôn cố gắng đoàn kết.”

Chỉ hai ngày trước đó, vào hôm thứ Hai, sự can thiệp mới nhất của Vatican chống lại Tiến Trình Công Nghị cho thấy rằng ngay cả những người tham gia vào quá trình này cũng không thống nhất với nhau: Năm giám mục người Đức, theo báo cáo, đã yêu cầu Rôma làm rõ những lo ngại về một hội đồng thượng hội đồng.

Những người tham gia Thượng hội đồng Đức vào tháng 9 năm 2022 đã bỏ phiếu để thành lập một hội đồng thượng hội đồng sẽ giám sát vĩnh viễn Giáo hội ở Đức.

Vatican tuyên bố trong một bức thư được công bố vào ngày 23 Tháng Giêng rằng người Đức không được phép thành lập một hội đồng thượng hội đồng thường trực để giám sát Giáo hội ở Đức. Bản văn đã được chính thức phê duyệt bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bất chấp tất cả những can thiệp này, Tiến Trình Công Nghị - “Synodaler Weg” trong tiếng Đức, đôi khi được dịch là Con đường Thượng hội đồng - hiện vẫn được cho là sẽ tiếp tục theo kế hoạch của những người tổ chức. Cuộc họp thượng hội đồng tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Frankfurt vào tháng Ba.
Source:Catholic News Agency
 
Xe tăng phương Tây tiến về Kyiv, cộng sản Nga xuống đường đòi lật đổ Putin. Moscow hăm dọa hạt nhân
VietCatholic Media
16:13 27/01/2023


1. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết xe tăng chiến đấu Leopard 2 sẽ đến Ukraine vào cuối tháng 3

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm thứ Năm tuyên bố Đức đang lên kế hoạch chuyển giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine vào cuối tháng 3.

Pistorius nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm trại huấn luyện của lực lượng vũ trang Đức ở Altengrabow: “Chúng ta sẽ giao những chú Báo của chúng ta – muộn nhất là vào cuối tháng ba. Điều này vẫn chưa quá muộn”, Pistorius nói thêm.

Hôm thứ Tư, Đức xác nhận sẽ giao 14 xe tăng Leopard 2 từ kho Bundeswehr, tức là kho của Lực lượng vũ trang Đức cho Kyiv, sau nhiều tuần chịu áp lực ngoại giao.

Khi được một phóng viên hỏi hôm thứ Năm tại sao Đức lại mất nhiều thời gian như vậy để công bố việc chuyển giao xe tăng, Pistorius biện minh rằng Đức đã dành thời gian để trao đổi với các đồng minh.

Ông nói: “Chúng tôi không do dự – chúng tôi đã đàm phán với các đồng minh của mình – chúng tôi đã nói chuyện với các đối tác và bạn bè của mình về điều tốt nhất nên làm lúc này và điều đó cần có thời gian.”

Pistorius nói thêm: “Đó không phải là quyết định đặt hàng trên trang web – hay gửi thứ gì đó cho bất kỳ ai – đó là vấn đề chiến tranh, đó là vấn đề của lòng tin và đó là vấn đề của liên minh”.

2. Việc giao xe tăng chậm chạp cho Ukraine có thể đánh mất cơ hội khi Nga dễ bị tổn thương nhất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Delayed Tank Delivery to Ukraine Misses Window of Russian Vulnerability”, nghĩa là “Việc giao xe tăng chậm chạp cho Ukraine có thể đánh mất cơ hội khi Nga dễ bị tổn thương nhất”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Xe tăng đang trên đường tới Kyiv. Vương quốc Anh đã cam kết cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Báo cáo cho thấy Mỹ sẽ cung cấp khoảng 31 mẫu Abrams M1. Và, có lẽ quan trọng nhất, hôm thứ Tư, chính phủ Đức đã thông báo rằng họ sẽ chấp thuận yêu cầu của nước thứ ba tái xuất xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất sang Ukraine, và Berlin cũng đóng góp 14 chiếc từ kho vũ khí của chính họ.

Quyết định được chờ đợi từ lâu của Đức đã được hân hoan đón nhận tại Kyiv. Nhưng trong khi hệ thống vũ khí mới cuối cùng sẽ tạo ra tác động đáng chú ý trên chiến trường, thì sự do dự của phương Tây trong việc chấp thuận chuyển giao đồng nghĩa với việc xe tăng sẽ không có mặt kịp thời để Ukraine sử dụng chúng vào thời điểm mà lực lượng Nga vẫn còn đặc biệt dễ bị tổn thương.

George Barros của Viện Nghiên cứu Chiến tranh nói với Newsweek: “Người Ukraine đã báo hiệu ý định tiến hành các hoạt động tấn công trong mùa đông, nhưng việc thiếu sự hỗ trợ về an ninh của phương Tây đã làm suy giảm khả năng của họ để thực hiện điều đó.

Đây không phải là lần đầu tiên viện trợ quân sự rất cần thiết của phương Tây đến Ukraine quá muộn để có thể phát huy tác dụng tối đa.

“Các cuộc phản công thành công của Ukraine xung quanh Kharkiv vào tháng 9 và Kherson vào tháng 11 cũng không nên bắt đầu muộn như họ đã làm,” Barros giải thích. “Trong trường hợp của Kherson, người Ukraine chỉ nhận được các hệ thống HIMARS vào cuối tháng 6 và vì vậy họ không thể thực sự bắt đầu các hoạt động định hình cần thiết để làm xuống cấp các cây cầu bắc qua sông Dnipro cho đến tháng 7.”

Ông nói thêm: “Việc cung cấp sớm hơn tất cả các viện trợ quân sự cần thiết có thể dẫn đến việc giải phóng Kherson sớm hơn, nhưng các cuộc tranh luận về chính sách của phương Tây đã dẫn đến việc chúng ta cung cấp cho Ukraine quá ít và quá muộn”. “Chính sự do dự ở một số thủ đô phương Tây trong việc cung cấp các hệ thống cần thiết ngay lập tức, chứ không phải bản thân việc cung cấp vũ khí, đang làm kéo dài cuộc chiến này.”

Đó là một mô hình bắt nguồn từ cuộc xâm lược “bí mật” được ngụy trang sơ sài của Nga vào vùng Donbas của Ukraine vào năm 2014. Thay vì đáp trả bằng viện trợ quân sự sát thương khi đó, các chính phủ phương Tây đã do dự trước nguy cơ kích động “sự leo thang” của Nga. Mô hình này đã lặp lại với tần suất gia tăng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

“Người Nga luôn đe dọa leo thang một cách phi thực tế, bởi vì đó là một phần trong cách hoạt động chiến tranh thông tin của họ,” Barros nói. “Nó được thiết kế để ảnh hưởng đến cách chúng ta đưa ra quyết định, và mặc dù trải nghiệm này lặp đi lặp lại, nó vẫn có ảnh hưởng đến chúng ta.”

Ông giải thích: “Mỗi khi chúng ta nói về việc cung cấp một cái gì đó mới, Nga lại tuyên bố rằng đây là 'lằn ranh đỏ' của họ. “Sau đó, sau khi cuối cùng chúng ta gửi cho Ukraine những gì họ yêu cầu, chúng ta nhận ra rằng lẽ ra chúng ta nên gửi viện trợ cho họ từ nhiều tháng trước.”

Kịch tính về việc Đức quyết định cấp phép cho các nước thứ ba như Ba Lan tái xuất xe tăng Leopard do Đức sản xuất chỉ là một tình tiết nữa trong câu chuyện chuyển từ hệ thống chống tăng Javelin sang hệ thống phóng hỏa tiễn HIMARS và giờ đây là sang xe tăng, và chắc chắn sẽ chuyển sang hỏa tiễn tầm xa ATACAM và máy bay cánh cố định.

Tuy nhiên, ngay cả khi việc cung cấp xe tăng Leopard 2 sẽ có tác dụng lớn hơn trên chiến trường nếu nó được công bố từ nhiều tháng trước, tin vui tuần này ở Kyiv vẫn thuộc loại “muộn còn hơn không”. Khi Nga định hướng lại nền kinh tế trong nước theo hướng sản xuất quân sự và tiếp tục huy động nhân lực mới, cơ hội tối ưu để Ukraine giải phóng lãnh thổ vẫn bị xâm lược có thể đóng lại, nhưng nó vẫn chưa đóng lại.

“Người Nga đang thiết lập các điều kiện trong nước để chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài,” Barros nói, “và do đó, Ukraine có thể trục xuất các lực lượng Nga càng sớm trong khi các lực lượng Nga đó vẫn còn tương đối yếu thì càng tốt.”

Ông nói thêm: “Những nỗ lực của Nga nhằm củng cố quân đội của họ sẽ mất thêm vài tháng nữa, điều đó có nghĩa là Ukraine vẫn có cơ hội thực hiện những bước tiến đáng kể với điều kiện là họ có thể nhận được bộ công cụ cần thiết để chọc thủng phòng tuyến của Nga..”

Thời gian xe tăng phương Tây bắt đầu xuất hiện trên chiến trường ở Ukraine phụ thuộc vào việc một hệ thống đào tạo, bảo trì và cung cấp phức tạp có thể được thiết lập nhanh đến mức nào. Trong khi việc Mỹ và Anh cam kết cung cấp số lượng xe tăng hạn chế của riêng họ là một tín hiệu chính trị quan trọng, thì hệ thống Leopard của Đức mới có khả năng tạo ra tác động tức thời nhất trên chiến trường.

Thiếu tướng Hoa Kỳ Patrick Donahoe gợi ý rằng tính sẵn có và tính bền vững của Leopard 2A4 mang đến cơ hội tốt nhất để Ukraine nhanh chóng đưa một số lượng đáng kể xe tăng phương Tây vào chiến trường và giữ chúng ở đó. Mặc dù các hệ thống Abrams, Challenger và Leopard đều có những lợi thế nhất định so với nhau, nhưng có một điều chắc chắn: tất cả chúng đều vượt trội hơn bất kỳ thứ gì trong kho vũ khí của Nga.

Thiếu tướng Mỹ Patrick Donahoe nói với Newsweek. “Để đạt được điều đó, tôi khuyên họ nên sử dụng một biến thể cũ hơn, Leopard 2A4.”

“Lực lượng 2A4 rất dồi dào,” ông giải thích, “và chúng có sẵn ở những quốc gia mà tôi nghĩ sẽ sẵn sàng giúp cho Ukraine để có những xe tăng mới hơn. Ba Lan có khoảng 250. Tây Ban Nha có khoảng 100. Na Uy cũng có đến 50. Nếu bạn xây dựng một liên minh các quốc gia sẵn sàng quyên góp cùng một biến thể, bạn có thể xây dựng số lượng cần thiết nhanh hơn.”

Ngay cả phiên bản cũ hơn của xe tăng Leopard 2 cũng sẽ cung cấp cho lực lượng Ukraine một bản nâng cấp đáng kể so với các nền tảng hiện tại của họ—và so với những nền tảng sẵn có của các đối thủ Nga.

Donahoe cho biết: “Mức độ sát thương và khả năng sống sót của Leopard-2 so với xe tăng do Nga sản xuất mà cả hai bên đang đối đầu hiện nay là ngày và đêm. “Hệ thống ổn định tốt hơn, hệ thống điều khiển hỏa lực tốt hơn, tháp pháo sẽ không bị nổ tung nếu chúng trúng đạn.”

“Vấn đề chỉ là đưa xe tăng phương Tây vào chiến trường với số lượng đủ,” ông nói thêm, “và sau đó bảo đảm rằng đường dây bảo trì được thực hiện để giữ chúng ở đó.”

Thiết lập một chuỗi nâng cấp, chuyển giao, huấn luyện và bảo trì hệ thống Abrams ở quy mô cần thiết để tạo ra sự khác biệt đáng chú ý trên chiến trường là một nhiệm vụ có thể mất nhiều năm. Tuy nhiên, với Leopards, dòng thời gian có thể sẽ ngắn hơn đáng kể.

Donahoe nói: “Tôi nghĩ bạn có thể đưa một kíp lái T-64 hoặc T-72 của Ukraine và huấn luyện họ đầy đủ về Leo-2 trong 8 tuần. Nhưng bạn cũng phải huấn luyện các sĩ quan của họ về quản lý hậu cần của hệ thống, về lợi ích của việc chiến đấu với những khả năng mà xe tăng Leopard mang lại. Bạn phải đào tạo những người bảo trì. Bạn phải hoàn thành công việc quan trọng là tự mình thực hiện bất kỳ công việc tân trang cần thiết nào đối với xe tăng. Và bạn phải thiết lập chuỗi cung ứng vào Ukraine để một khi xe tăng tham chiến, chúng có thể được duy trì trong cuộc chiến.”

Ông nói: “Với Leopard 2A4, tôi nghĩ bạn có thể triển khai lực lượng tương đương với một lữ đoàn của Mỹ, tức là 87 xe tăng, trong vòng 4 tháng. Và sau sáu tháng, bạn có thể có năng lực tương đương với một sư đoàn với 250 chiếc.

Nói cách khác, bất kỳ nhà quan sát nào muốn chứng kiến bất cứ điều gì tương tự như “hiệu ứng HIMARS” trên chiến trường vào mùa hè năm ngoái có thể sẽ phải đợi đến đầu mùa hè.

Donahoe cảnh báo: “Với HIMARS, có ít hệ thống riêng lẻ hơn và do đó có ít người vận hành và thợ máy được đào tạo hơn. Thêm vào đó, một hệ thống hỏa tiễn tầm xa gắn trên xe tải đơn giản là không phức tạp để bảo trì như một chiếc xe tăng, vốn cần được chuẩn bị để vượt qua thử thách chiến đấu xảy ra ở dặm cuối cùng giữa bạn và kẻ thù..”

Ông nói: “Thách thức duy trì hàng trăm xe tăng trên thực địa lớn hơn nhiều so với nhiệm vụ duy trì vài chục hệ thống HIMARS.

Khi Ukraine chạy đua để có được các khả năng và chuỗi hậu cần cần thiết để tận dụng tất cả các lợi thế tiềm năng mà xe tăng do phương Tây sản xuất mang lại, Nga tiếp tục đào tạo khoảng 150.000 quân nhân mới được huy động để sử dụng trong các chiến dịch có khả năng bắt đầu vào cuối năm nay.

Nếu muốn rút ngắn cuộc chiến, Ukraine sẽ phải thành công trong việc đẩy lùi các tuyến phòng thủ của Nga vào khoảng cuối mùa xuân này hoặc đầu mùa hè. Nếu các thủ đô phương Tây thực sự hy vọng thấy cuộc xung đột này sớm kết thúc với chiến thắng của Ukraine, thì họ nên bắt đầu cung cấp cho Kyiv ngay bây giờ các hệ thống vũ khí bổ sung cần thiết cho các hoạt động trong tương lai.

3. Cộng sản Nga xuống đường đòi lật đổ Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Communists Take to the Streets Demanding Putin Be Ousted”, nghĩa là “Cộng sản Nga xuống đường đòi lật đổ Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những người Cộng sản Nga đã đến Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa, yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin phải từ bỏ quyền lực vì cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Hãng tin độc lập của Nga SOTA đã nói chuyện với một thành viên của Đảng Cộng sản Nga ở thủ đô khi ông và những người khác kỷ niệm 99 năm ngày mất của cựu lãnh đạo chính trị và quân sự Liên Xô Vladimir Lenin vào ngày 21 Tháng Giêng.

Theo hình ảnh từ các phương tiện truyền thông địa phương, ít nhất 100 người, một số mang theo cờ, đã có mặt tại Quảng trường Đỏ.

Đoạn clip về người đàn ông kêu gọi chuyển giao quyền lực ở Nga sau đó đã được đăng trên Twitter vào thứ Tư bởi Igor Sushko, giám đốc điều hành của Nhóm nghiên cứu Wind of Change, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington.

Người đàn ông này không công khai tố cáo quyết định của Putin tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nhưng ông ta phàn nàn về sự kém cỏi của những người cầm quyền và việc thực thi cái mà tổng thống Nga tiếp tục gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ông nói: “Mọi người đang bừng tỉnh và muốn hiểu loại chiến tranh mà chính quyền đã bắt đầu”.

“Một ' hoạt động quân sự đặc biệt'—nó đã diễn ra cả một năm trời rồi. Bây giờ vào tháng Hai, nó sẽ được một năm. Hoạt động gì mà có thể kéo dài cả năm trời như thế? Đây đã là một cuộc chiến công khai,” ông nói.

“Rõ ràng là cuộc giải phóng nhận thức nhân dân đã diễn ra ở đây. Cuộc chiến này phải được biện minh về mặt chính trị, phải được cho một vị thế thích hợp. Chính phủ phải bị thay đổi.”

Người quay phim cắt ngang bằng cách hỏi: “Và ai sẽ thay đổi chính phủ?”

“Người dân sẽ thay đổi chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga,” đảng viên Đảng Cộng sản trả lời.

Nhận xét của ông được đưa ra sau gần một năm cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn binh sĩ Nga và Ukraine. Putin được cho là đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mới ở Ukraine vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm 2023.

Đảng Cộng sản Liên bang Nga, được thành lập năm 1993 và do Gennady Zyuganov lãnh đạo, đứng ở vị trí thứ hai rất xa sau Đảng Nước Nga Thống nhất của Putin. Trong cuộc bầu cử Duma tháng 9 năm 2021, nó đã nhận được 18,9% phiếu bầu cho 57 ghế. Nước Nga Thống nhất chiếm hơn 300 ghế.

Vào tháng 11, Volodymyr Ohryzko, cựu ngoại trưởng Ukraine từ năm 2007 đến 2009, cáo buộc rằng một nhóm người xung quanh Putin đang bí mật thảo luận cách lật đổ tổng thống Nga khỏi quyền lực.

Trong một ý kiến được xuất bản bởi The New Voice of Ukraine, Ohryzko đã viết rằng những cuộc đàm phán bí mật có chủ đích này nhằm mục đích loại bỏ Putin để bảo vệ lợi ích của những người tham gia.

Ohryzko viết: “Rất nhiều điều đang được thực hiện sau lưng Putin, điều mà tất nhiên là ông ấy không được thông báo. “Nhưng một nhóm người đứng về phía hoặc trên hoặc dưới Putin không thành vấn đề, những người sẽ mất rất nhiều từ tình hình cực kỳ thảm khốc hiện nay đối với Nga, chắc chắn sẽ nghĩ cách đánh đổi Putin để lấy an ninh của họ, vì lợi ích tài chính, và để trở lại cuộc sống thiên đường trước đây của họ ở phương Tây.”

Dmitry Peskov nói với Newsweek vào thời điểm đó rằng đây là “những lời khẳng định vô căn cứ không liên quan gì đến thực tế.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

4. Điện Cẩm Linh nói rằng việc giao xe tăng từ phương Tây được coi là “dính líu trực tiếp” vào cuộc chiến Nga-Ukraine

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa coi việc cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại của phương Tây cho Ukraine là “sự can dự trực tiếp” vào cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.

“Có những tuyên bố liên tục từ các thủ đô Âu Châu, từ Washington rằng họ gửi các hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm cả xe tăng, tới Ukraine không có nghĩa là có sự tham gia của các quốc gia này hoặc liên minh trong các hành động thù địch đang diễn ra ở Ukraine,” ông Peskov nói trong một tuyên bố.

“Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với điều này... mọi thứ mà liên minh... làm đều được coi là can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, chúng tôi thấy rằng nó đang gia tăng,” ông nói.

Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi Đức đồng ý gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine sau nhiều tuần chịu áp lực ngoại giao.

Berlin cũng cho biết họ sẽ phê duyệt việc tái xuất xe tăng do Đức sản xuất từ các đồng minh Âu Châu khác có dự trữ xe tăng.

5. Nga sử dụng 'làn sóng biển người ' để tìm ra các vị trí quân sự của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Using 'Meat Waves' to Expose Ukraine's Military Positions: Captain”, nghĩa là “Nga sử dụng 'làn sóng biển người ' để tìm ra các vị trí quân sự của Ukraine” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo một quan chức quân đội Ukraine, Tập đoàn Wagner và quân đội Nga đã sử dụng một chiến thuật được gọi là “làn sóng thịt” để tìm ra vị trí của các lực lượng Ukraine.

Đại úy Viktor Tregubov, một nhà báo và là thành viên của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã mô tả chiến lược này trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm thứ Tư trên tờ Kyiv Post.

Tregubov nói: “lực lượng Nga đẩy các tù nhân về phía trước và cố gắng buộc lực lượng phòng thủ của chúng ta khai hỏa để chúng ta hết đạn và họ có thể nhìn thấy các vị trí khai hỏa của chúng ta.”

Tập đoàn Wagner là một tổ chức mờ ám bao gồm lính đánh thuê, và lãnh đạo của nó—Yevgeny Prigozhin—được mô tả là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, báo cáo rằng Putin đã xa lánh Wagner vì nó đụng độ với các nhà lãnh đạo quân sự chuyên nghiệp và các quan chức chính phủ của ông.

Vào tháng 9, một video xuất hiện cho thấy Prigozhin tuyển mộ binh lính từ hệ thống nhà tù của Nga, và nhà hoạt động nhân quyền người Nga Vladimir Osechkin gần đây đã nói với Newsweek rằng có tới 30.000 tù nhân đã được tuyển mộ từ các nhà tù của Nga và được gửi đến chiến đấu ở Ukraine, nơi chiến tranh bắt đầu 11 tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Tregubov cho biết chiến thuật “làn sóng thịt” đang được Tập đoàn Wagner sử dụng ở Bakhmut, một thị trấn ở vùng Donetsk của Ukraine, nơi Nga gần đây đã giành được thắng lợi trên chiến trường.

Ông nói rằng quân đội chính thức của Nga sử dụng chiến lược tương tự, nhưng thay vì bắt tù nhân tiến lên, họ huy động người dân từ các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đã tuyên bố bất hợp pháp là một phần của quốc gia mình.

Tregubov cho biết, tương tự như các tù nhân, khi những binh sĩ được huy động này “bị giết trên chiến trường, người Nga sẽ nhìn thấy vị trí khai hỏa và tấn công các điểm bắn của chúng ta,” Tregubov nói.

Suy đoán một lý do cho việc sử dụng chiến thuật này là Nga có thể sắp hết đạn dược, Tregubov nói: “Thay vì 'làn sóng pháo binh', họ đang tung ra 'làn sóng thịt'. “Khi không cần phải mang đạn dược từ xa, bạn thậm chí có thể đi bộ, vì vậy chiến thuật 'làn sóng thịt' ở phần chiến tuyến này là hợp lý.”

Ở một nơi khác trong cuộc phỏng vấn do Aleksandra Klitina của Kyiv Post thực hiện, Tregubov được hỏi tại sao Putin tiếp tục tiến hành chiến tranh khi “Nga rõ ràng đã thua về mặt kế hoạch chiến lược toàn cầu”.

Tregubov trả lời: “Giới lãnh đạo Nga không thể đầu hàng vì điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế quyền lực của họ ở Nga, thậm chí đến mức sống còn về thể chất, vì vậy họ không muốn đầu hàng”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

6. Cơ quan an ninh Ukraine 'cần thanh lọc' sau vụ bắt gián điệp

Vụ bắt giữ một nhân viên tình báo cấp cao của Ukraine bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải làm trong sạch cơ quan an ninh chủ chốt của đất nước, một cựu phó giám đốc cơ quan này cho biết. Cựu quan chức an ninh Viktor Yahun nói rằng cơ quan SBU của Ukraine từ lâu đã quá thân thiết với FSB của Nga

Cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, hôm thứ Năm báo cáo rằng họ đã bắt giữ một trung tá trong hàng ngũ của họ vì nghi ngờ “phản quốc” và công bố một bức ảnh chụp các bó tiền mặt được tìm thấy trong nhà của anh ta.

Người đàn ông chưa được tên được tường trình đã sử dụng điện thoại di động của mình để chụp ảnh các tài liệu nêu chi tiết vị trí của các trạm kiểm soát quân sự ở Zaporizhzhia, khu vực tiền tuyến ở phía đông nam đất nước và gửi thông tin qua tài khoản email đã ghi danh trên một tên miền của Nga.

Một bức ảnh được đưa ra cùng với tuyên bố chính thức cho thấy thẻ sim do các nhà mạng di động Nga phát hành, gói ngoại tệ, khăn lau ngón tay, hai con dao và một cuốn sách hướng dẫn học tiếng Anh bằng tiếng Nga.

“Bằng chứng về mối quan hệ lâu dài với đại diện của cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan nhà nước của Liên bang Nga cũng đã được thiết lập,” tuyên bố cho biết. “Đặc biệt, những người thân của kẻ phản bội cũng nằm trong số đó.”

Thiếu tướng Viktor Yahun, người từng là phó giám đốc SBU cho đến năm 2015, cho biết cần phải thanh lọc triệt để cơ quan này, cơ quan mà ông cho rằng từ lâu đã có mối quan hệ quá thân thiết với FSB của Nga.

Sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, hơn 60 thành viên của SBU và văn phòng tổng công tố vẫn ở lại lãnh thổ bị xâm lược và hợp tác với các lực lượng Nga, làm nổi bật quy mô xâm nhập vào cơ quan thực thi pháp luật Ukraine của Điện Cẩm Linh.

Cũng đã có nhiều vụ bắt giữ các đặc vụ SBU vì tội phản quốc ở phần còn lại của Ukraine trong 11 tháng qua, bao gồm Oleg Kulinich, người được Volodymyr Zelenskiy bổ nhiệm vào năm 2020 để giám sát các hoạt động ở Crimea, do Nga nắm giữ từ năm 2014.

Vào tháng 10, Ukraine cũng yêu cầu dẫn độ Andriy Naumov từ Serbia, người từng đứng đầu bộ phận an ninh nội bộ tại cơ quan an ninh nhà nước của Ukraine nhưng đã rời khỏi đất nước vài giờ trước khi Nga xâm lược.

Yahun nói: “Kulinich và Naumov đứng đầu hàng ngũ và họ có quyền tiếp cận những thông tin bí mật nhất”.

Cuối năm 2010, Yahun cho biết SBU đã tổ chức kỷ niệm Ngày KGB trong nội bộ, đánh dấu việc thành lập cơ quan mật vụ Nga thời cộng sản, và vẫn còn các điệp viên thân Nga trong hàng ngũ của cơ quan này.

Yahun tuyên bố rằng cuộc tấn công lớn nhất vào một địa điểm quân sự gần Lviv ở miền tây Ukraine năm ngoái đã được kích hoạt bởi một cựu đặc vụ SBU 77 tuổi, người đã chuyển các chi tiết về tọa độ và ông ta sợ rằng nhiều người trong quân đội Ukraine vẫn tiếp tục coi mình là người Nga.

Trong khi thế hệ làm việc cho các cơ quan an ninh của Liên Xô đã nghỉ hưu, Yahun nói thêm, các hoạt động tuyển dụng của SBU có nghĩa là con trai và con gái của họ hiện đang ở trong cơ quan.

Ông nói: “Họ lớn lên với những giá trị giống như cha của họ. Ukraine đã mắc sai lầm lớn khi không đi theo sự dẫn dắt của các quốc gia vùng Baltic sau khi giành được độc lập trong việc cải tổ các cơ quan an ninh từ con số 0”.

“Tất nhiên luôn có những người yêu nước trong SBU, nhưng họ chỉ là thiểu số,” ông nói. “Mọi chuyện đang trở nên tốt hơn và kể từ ngày 24 tháng 2, Tổng thống Zelenskiy đã loại bỏ những người đứng đầu, vì vậy tôi không tin rằng bất kỳ thông tin chiến lược quan trọng nào đã được chuyển cho Nga. Bây giờ họ đang di chuyển xuống hàng ngũ.

Yahun cho biết một số đặc vụ SBU đã bị mua chuộc và tống tiền để làm việc cho Nga, trong khi những người khác là điệp viên nhị trùng. “Những người khác chỉ coi mình là người Nga,” anh nói. “Đã có một vụ bắt giữ một phụ nữ ở độ tuổi 40 làm việc trong SBU, người bị phát hiện chia sẻ tuyên truyền của Nga trên mạng xã hội.”
 
Trước các hiện tượng li kì, Pelosi xin làm lễ trừ tà tại nhà. Nhận định của TGP và các nhà trừ tà
VietCatholic Media
17:23 27/01/2023


1. Pelosi được tường trình đã sắp xếp một cuộc 'trừ tà' tại nhà của bà ta

Sau khi ai đó đột nhập vào nhà và tấn công chồng bà một cách thô bạo, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tìm đến sự giúp đỡ của một linh mục để thực hiện một cuộc “trừ tà” cho ngôi nhà của cặp vợ chồng ở San Francisco, con gái bà nói với tờ New York Times.

“Tôi nghĩ điều đó đè nặng lên tâm hồn mẹ tôi. Tôi nghĩ bà ấy cảm thấy thực sự có lỗi. Tôi nghĩ điều đó thực sự khiến bà ấy suy sụp,” Alexandra Pelosi, con gái của Pelosi, nói với nhà bình luận Maureen Dowd. “Vào Lễ tạ ơn, bà ấy đã mời các linh mục đến, cố gắng trừ tà trong nhà và tổ chức các buổi lễ cầu nguyện.”

Văn phòng của Pelosi đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA trước thời điểm đưa ra bản tin này. Theo nhà trừ quỷ của Tổng giáo phận Washington, bất kỳ linh mục nào cũng có thể “trục xuất ma quỷ” ra khỏi nhà.

Đức Ông Stephen Rossetti, cũng là phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nói với CNA vào ngày 23 tháng Giêng rằng “Một linh mục chỉ có thể tiến hành một lễ trừ tà long trọng cho một người với sự cho phép trực tiếp của giám mục của họ”

“Tuy nhiên, để trục xuất ma quỷ khỏi một nơi không đòi hỏi bất kỳ năng quyền đặc biệt nào đối với một linh mục. Như với bất kỳ thừa tác vụ nào của một linh mục, sự thận trọng và bảo vệ bí mật của những người liên quan là điều cần thiết và quan trọng,” Đức Ông Rossetti nói.

Kẻ tấn công bị cáo buộc, David DePape, đã không nhận tội đối với nhiều cáo buộc của tiểu bang và liên bang, bao gồm hành hung và cố ý giết người. Theo bạn bè và hàng xóm, anh ta đã bị mê hoặc bởi các thuyết âm mưu trên internet và chủ nghĩa cực đoan chính trị. Vào tháng 10 năm 2022, anh ta được cho là đã vào nhà Pelosi để tìm bà ta với kế hoạch bắt cóc bà nhưng thay vào đó lại tấn công chồng bà, Paul Pelosi, khiến ông ấy bị nứt hộp sọ và bị thương nặng ở cánh tay và bàn tay.

Pelosi nói với tờ New York Times rằng bà không thể tưởng tượng được cảnh ngôi nhà của mình trở thành “hiện trường vụ án”.

“Điều này thật khó khăn. Sẽ mất khoảng ba hoặc bốn tháng nữa trước khi anh ấy thực sự trở lại bình thường,” bà nói.
Source:Catholic News Agency

2. Phản hồi từ Tổng giáo phận San Francisco về việc 'trừ tà' của Pelosi tại nhà của bà ấy

Tổng giáo phận San Francisco, nơi Pelosis cư trú, cho biết họ “không biết” về lễ trừ tà được báo chí đồn đãi sau khi con gái bà ta nói với tờ New York Times.

“Chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của các gia đình liên quan đến việc trừ tà và làm phép tại gia,” Peter Marlow, giám đốc điều hành phụ trách truyền thông, nói với CNA hôm thứ Hai.

Ông nói: “Các lễ trừ tà và ban phước tại gia không phải là những hoạt động mà chúng tôi quảng bá cho giới truyền thông. Nếu một giáo dân quan tâm đến việc làm phép nhà, họ nên liên hệ với một linh mục tại giáo xứ của họ”.

Marlow đã giới thiệu CNA đến cuộc thảo luận về trừ tà của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trên trang web của mình. Trong khi “các phép trừ tà lớn” được thực hiện trên một người bởi một giám mục hoặc linh mục với sự cho phép đặc biệt của đấng bản quyền địa phương, thì “các phép trừ quỷ nhỏ” được sử dụng trong nghi thức rửa tội hoặc trong một loạt các lời cầu nguyện mà các tín hữu có thể sử dụng để chống lại “bất kỳ ảnh hưởng ma quỷ nào đối với các địa điểm và sự vật cụ thể.”

Đức Ông Rossetti, nhà trừ quỷ của giáo phận Syracuse, nói với CNA rằng việc trừ tà ở một nơi “được sử dụng đặc biệt khi có sự phá hoại của ma quỷ.”

Ông nói: “Điều này thường xảy ra khi những hành động xấu xa đã được thực hiện nơi đó. “Một số hành vi mà chúng ta đã tìm thấy dẫn đến sự xâm nhập của ma quỷ là giết người, buôn bán ma túy, phá thai, buôn bán tình dục, lạm dụng trẻ em và các thực hành huyền bí như Satan giáo hoặc phù thủy.”

Cha Vincent Lampert, nhà trừ tà cho Tổng giáo phận Indianapolis, đã mô tả với tờ New York Post về một nghi thức trừ tà có thể xảy ra.

Ngài nói: “Đó sẽ là việc đọc một lời cầu nguyện đặc biệt, mời sự hiện diện của Chúa trở lại ngôi nhà, xua đuổi mọi sự hiện diện của ma quỷ có thể có ở đó. Sau đó, ngôi nhà sẽ được làm phép bằng nước thánh, nhắc nhở chúng ta về cuộc sống mới trong Chúa Kitô và thực tế là chúng ta không cần phải sợ bất kỳ điều ác nào, vì nhận ra rằng Chúa Kitô đang ở với chúng ta.”

Cha Lampert cho biết ngài nhận được “hàng nghìn” yêu cầu cầu nguyện như vậy mỗi năm.

Sau vụ chồng của Pelosi bị tấn công, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã yêu cầu mọi người cùng tham gia cầu nguyện với ông “cho sự bình phục nhanh chóng của Paul Pelosi và sự an ủi cho vợ và gia đình của ông.”

Đầu năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã công khai khiển trách Chủ tịch Hạ Viện Pelosi vì sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với việc phá thai, đồng thời cảnh báo rằng điều đó gây ra tai tiếng và gây nguy hiểm cho tâm hồn bà.

“Tôi đã yêu cầu bà ấy từ chối lập trường này, nếu không thì đừng nên đề cập đến đức tin Công Giáo của bà ấy ở nơi công cộng và đừng rước lễ nữa,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho biết như trên vào tháng 5 năm 2022, và cho biết ngài đã nhiều lần tìm cách liên hệ nhưng không nhận được phản hồi.

Pelosi đã nhắc lại việc ủng hộ phá thai vào ngày 22 Tháng Giêng, ngày kỷ niệm phán quyết ủng hộ phá thai của Tòa án Tối cao trong vụ Roe v. Wade mà hiện đã không còn tồn tại.

“Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh để biến Roe thành luật,” bà ta viết trên Twitter.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Đài Loan viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô về việc 'giữ gìn an ninh khu vực' trước mối đe dọa của Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã viết một lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình với Trung Quốc và cam kết đối với nền dân chủ có chủ quyền của hòn đảo.

“Cuộc chiến nổ ra giữa Nga và Ukraine vào tháng 2 năm ngoái đã khiến nhân loại nhận thức được hòa bình quý giá như thế nào,” bà Thái viết trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng do văn phòng của bà công bố vào ngày 23 Tháng Giêng.

“Duy trì an ninh khu vực đã trở thành một sự đồng thuận quan trọng được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo các quốc gia.”

Tổng thống Thái đã gửi bức thư để đáp lại thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2023. Đó là lá thư hàng năm của Đức Giáo Hoàng gửi cho tất cả các chính phủ nước ngoài trên khắp thế giới để đánh dấu năm mới.

Tổng thống Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, đã trích dẫn một bài phát biểu mà bà đã đọc vào tháng 10 năm ngoái sau khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gia tăng mạnh mẽ trong mùa hè.

“Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh năm 2022, tôi nhấn mạnh rằng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là cơ sở cho sự phát triển của các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và rằng đối đầu vũ trang tuyệt đối không phải là một lựa chọn,” bà Thái nói.

“Tôi đã nói rõ rằng chỉ bằng cách tôn trọng cam kết của người dân Đài Loan đối với chủ quyền, dân chủ và tự do của chúng tôi, mới có thể có nền tảng để nối lại tương tác mang tính xây dựng trên eo biển Đài Loan.”

Quốc gia Thành phố Vatican là quốc gia duy nhất còn lại ở Âu Châu công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Đài Loan, một hòn đảo cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 110 dặm với dân số hơn 23 triệu người, đã duy trì một nền dân chủ sôi động với các quyền tự do dân sự mạnh mẽ bất chấp áp lực gia tăng từ Bắc Kinh về tình trạng của hòn đảo.

Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1922, trong khi Giáo hội không có sự hiện diện ngoại giao chính thức trên lục địa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ khi chính thức bị Bắc Kinh trục xuất vào năm 1951.

Chỉ có 14 quốc gia trên toàn thế giới vẫn có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, trong số đó có Guatemala, Haiti và Paraguay. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hoa lục coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và đã gây áp lực buộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.

Trong bối cảnh lo ngại về việc Vatican quyết định gia hạn hiệp định tạm thời năm 2018 với Bắc Kinh sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ ngoại giao của Tòa thánh với Đài Loan, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết vào năm 2020 rằng họ đã nhận được sự bảo đảm từ Vatican khi gia hạn hiệp định tạm thời.

Tổng thống Thái Anh Văn, là nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, lưu ý rằng năm ngoái đánh dấu kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Hoa Dân Quốc và Tòa thánh.

Bà nói: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không khuất phục được ánh sáng.”

“Đài Loan khao khát trở thành ánh sáng cho thế giới và sẽ hợp tác chặt chẽ với Tòa thánh để tạo ra một xã hội công bằng và hòa bình hơn cho nhân loại.”
Source:Catholic News Agency