Ngày 31-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trở nên muối và ánh sáng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:25 31/01/2017
Chúa Nhật V Thường niên, năm A
Is 58, 7-10 1Co 2, 1-5 Mt 5, 13-16

Trở nên muối và ánh sáng

Trong những năm đi rao giảng Chúa Giêsu luôn dùng dụ ngôn, ví dụ, những chuyện xẩy ra xung quanh Ngài, trong xã hội Do Thái lúc đó để dạy dỗ dân chúng, nói lên một đạo lý cao sâu, một ý nghĩa nào đó của cuộc sống, của con người. Hôm nay, Chúa dùng muối và ánh sáng để nói về sứ mệnh của Giáo Hội và của mỗi người nơi trần gian…

Giáo Hội ngay từ khi Chúa Giêsu thiết lập đã ý thức về sứ mạng của mình bởi vì Giáo Hội là muối, là ánh sáng cho trần gian, Giáo Hội là Thân Thể của Đấng là Đường, là Sự thật, là Sự sống. Nên, Giáo Hội có sứ mạng loan báo cho mọi người biết họ từ đâu đến và rồi họ sẽ đi về đâu ! Giáo Hội cho con người biết nguồn cội của mình là Thiên Chúa và sau này họ sẽ trở về với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói :” Anh em là muối cho đời.Anh em là ánh sáng cho trần gian “ ( Mt 5, 13-14 ). Tin Mừng nói lên sứ mạng cao cả của Giáo Hội, của mỗi người là truyền giáo, là giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Muối nhạt không phải là muối. Ánh sáng phai nhòa, lu mờ không phải là ánh sáng chiếu soi. Do đó,Giáo Hội không truyền giáo là Giáo Hội chết. Người Kitô, người môn đệ của Chúa đã biết lắng nghe lời Chúa, thực thi lời Chúa thì không thể nào mà không có ảnh hưởng trên người khác. Người có đời sống tốt, có tấm lòng bác ái vị tha sẽ là gương mẫu của đời sống rao giảng.

Ví Giáo Hội là muối, ví con người là muối, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội, đã trao cho mỗi Kitô hữu một sứ mạng cao cả, một trọng trách quý giá. Muối là đồ gia vị không thể thiếu được trong các món ăn. Muối làm cho cá không hư, không thối. Muối dùng trong phân bón và là đồ gia vị không thể thiếu trong các món canh vv…Người Kitô hữu không thể làm ngơ, không thể sống khơi khơi mà quên đi sứ mệnh cao cả của mình là làm gương cho người khác qua đời sống yêu thương, bác ái của mình. Người môn đệ Chúa phải làm cho nhiều người biết Chúa, yêu mến Chúa và dấn thân, làm chứng cho Chúa.

Vì Giáo Hội là ánh sáng, con người là ánh sáng. Chúa Giêsu khẳng định mình là ánh sáng :” Tôi là ánh sáng thế gian “ ( Ga 8, 12 ).Chúa Giêsu là ánh sáng, là mặt trời soi chiếu thế gian. Nhân loại, vũ trụ, thế giới nếu không có ánh sáng sẽ không thể nào tồn tại được. Bởi vì, chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là hình ảnh phản chiếu, họa lại hình ảnh của Đức Kitô.Thánh Phaolô viết : “ Thiên Chúa đã phán ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm ! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bầy cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô “ ( 2 Co 4, 6 ).

Muối và ánh sáng luôn cần thiết cho con người, cho thế giới. Muối ướp mặn cho đời. Ánh sáng chiếu soi và làm cho có sự sống.

Các bài đọc, đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô mời gọi các môn đệ trở nên muối, ánh sáng cho đời, cho thế gian. Chúa Giêsu muốn Giáo Hội và mọi Kitô hữu phải làm cho đời tỏa sáng chân lý và mặn nồng tình yêu. Thế giới muôn thời, đặc biệt thế hôm nay chúng ta đang chứng kiến nhiều cảnh bạo lực, chiến tranh, chém giết, trả thù, và nhiều cảnh lạnh lùng, vô cảm của những con người vô tâm trước cảnh đau khổ, nghèo đói, bị đàn áp của con người. Trước những trạng huống của cuộc đời, của nhiều cảnh đau thương, chia ly, tang tóc, người Kitô hữu phải tỏa hương thơm, phải trở nên muối ướp mặn đời bằng tình yêu thương bác ái, hy sinh cứu giúp những người đau thương, nghèo khổ vv…Được ví là ánh sáng, trách nhiệm, bổn phận của Giáo Hội, của mỗi Kitô hữu là đem Thiên Chúa đến cho mọi người, đem Thiên Chúa đến cho thế giới. Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mới cho con người nhận ra chính mình, nhận ra thế giới, nhận ra chân lý và sự thật. Và chỉ có Thiên Chúa mới giúp con người đẩy xa những u ám, tối tăm của tội lỗi, của sự dữ và những sai trái, bất công vv…

Thánh Phanxicô khó khăn đã thốt lên : “ Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.Amen “.

Gợi ý để chia sẻ:

1.Tại sao Chúa Giêsu lại ví người Kitô hữu là muối, là ánh sáng ?
2.Chúa Giêsu mặc khải mình là ai ?
3.Sứ mạng của Giáo Hội là gì ?
4.Muối và ánh sáng có cần cho thế giới, cho con người không ?
5.Bản chất của Giáo Hội là gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô gởi điện chia buồn vụ tấn công khủng bố tại Quebec
Đặng Tự Do
01:01 31/01/2017
Sáng thứ Hai 30 tháng Giêng, sau thánh lễ thường lệ tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã gặp Đức Hồng Y Gérald Cyprien LaCroix, là Tổng Giám Mục Quebec, để chia buồn về vụ tấn công khủng bố vừa diễn ra và bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho các nạn nhân.

Vụ tấn công khủng bố xảy ra vào khoảng 19:50 tối Chúa Nhật, theo giờ địa phương, tại Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo tại Quebec. Kẻ khủng bố đã xả súng bắn chết 6 người và làm 12 người khác bị thương.

Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo này cũng được dùng làm đền thờ và vụ tấn công xảy ra ở khu vực dành cho nam giới.

Lúc 20:10 cảnh sát Canada nhận được một cú điện thoại của Alexandre Bissonnette, 27 tuổi, sinh viên trường Đại Học Laval của Quebec, tự nhận mình là thủ phạm vụ tấn công và cho biết đang chờ đợi cảnh sát đến bắt. Cảnh sát đã bắt được Bissonnette lúc 21h và khẳng định không còn nghi phạm nào khác.

Trước đó, các báo cáo sơ khởi có đề cập đến Mohamed Belkhadir, như là một người bị tình nghi. Tuy nhiên, theo tin mới nhất người này là nhân chứng chứ không phải là kẻ tấn công.

Vụ tấn công tại Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo tại Quebec được đánh giá là nguy hiểm hơn tất cả các vụ tấn công khủng bố trước đây vì nó có thể khơi lên hàng loạt các vụ tấn công khủng bố trả thù từ những người Hồi Giáo cực đoan.

Cảnh sát chưa cho biết về các động cơ giết người của Alexandre Bissonnette. Nhưng các nguồn tin vẫn cứ khăng khăng khẳng định đây là thể hiện của chủ nghĩa bài Hồi Giáo. Một khẳng định vô căn cứ và dại dột như thế chỉ có thể gây thêm cái chết của nhiều người vô tội khác trên thế giới.

Alexandre Bissonnette
Trong những phản ứng được kể là khôn ngoan, cần phải đề cập đến việc thị trưởng Anne Hidalgo của Paris đã cho tắt hết đèn tại Tháp Eiffel như một cử chỉ liên đới với các nạn nhân. Tại Hà Lan, cảnh sát đã được tăng cường bảo vệ sáu đền thờ Hồi Giáo lớn tại quốc gia này.

Người ta không thể loại trừ khả năng chính bọn khủng bố Hồi Giáo IS là người gây ra các vụ khủng bố để kích động hận thù tôn giáo.

Trong cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y LaCroix, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng là tất cả các Kitô hữu và người Hồi giáo phải hiệp nhất trong lời cầu nguyện, và phải thể hiện tình liên đới trong biến cố bi thảm này. Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Lacroix đã lên đường trở lại Canada.

Đức Thánh Cha cũng chính thức bày tỏ lời chia buồn của ngài với các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố trong một bức điện gửi cho Đức Hồng Y Lacroix, do Đức Hồng Y Pietro Parolin ký thay mặt ngài.

Nội dung bức điện như sau:

Kính gởi Đức Hồng Y Gérald Cyprien LaCroix

Sau khi biết được cuộc tấn công xảy ra ở Quebec trong một phòng cầu nguyện của Trung tâm Văn hóa Hồi giáo, làm thiệt mạng nhiều nạn nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô phó thác cho lòng thương xót Thiên Chúa những người bị thiệt mạng và liên kết qua lời cầu nguyện với nỗi đau mà các thân nhân của họ phải gánh chịu.

Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với những người bị thương và gia đình của họ, và tất cả những ai góp phần vào việc cứu cấp, xin Chúa xoa dịu và an ủi họ trước những thử thách này.

Đức Thánh Cha một lần nữa lên án mạnh mẽ bạo lực sinh ra những đau khổ như thế; ngài nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết tôn trọng nhau và sống hòa bình với nhau; và xin Chúa tuôn đổ Ơn Lành xuống trên các gia đình đang chịu thử thách, và trên tất cả mọi người đang bị rúng động bởi thảm kịch này, cũng như tất cả người dân Quebec.

Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh



 
Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez nhận định về các lệnh hành pháp
Vũ Văn An
18:58 31/01/2017
Ngày 31 tháng Giêng hôm qua, Đức Tổng Giám Mục Gomez của Tổng Giáo Phận Los Angeles và là phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có bài nhận định về các lệnh hành pháp của Tân Tổng Thống Trump liên quan đến vấn đề di dân. Chúng tôi xin lược dịch dưới đây:

Tuần rồi là một tuần nặng nề. Thật đáng buồn khi đối diện với cảnh này: Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc phải dùng một lệnh hành pháp để định nghĩa chính xác chữ “tường” có nghĩa gì.

Theo một trong ba lệnh hành pháp ban hành tuần rồi về di dân và người tỵ nạn, “‘tường’ có nghĩa bức tường vật lý tiếp giáp nhau hoặc hàng rào vật lý khác cũng chắc chắn, tiếp giáp nhau và không thể vượt qua như thế”.

Điều đầu tiên phải nói là các lệnh hành pháp này xem ra đã được soạn thảo quá nhanh. Hình như người ta chưa suy nghĩ đủ về tính hợp pháp của chúng hay giải thích lý lẽ của chúng hay xem xét các hậu quả thực tiễn đối với hàng triệu người ở đây và trên khắp địa cầu.

Đúng là các lệnh về người tỵ nạn không phải là một “lệnh cấm người Hồi Giáo” như một số người biểu tình và giới truyền thông cho là. Thực vậy, đại đa số các quốc gia đa số theo Hồi Giáo không bị ảnh hưởng bởi các lệnh này, kể cả một số nước thực sự có vấn đề về khủng bố, như Saudi Arabia, Pakistan và Afghanistan.

Điều ấy không có nghĩa các lệnh này kém gây bối rối. Ngưng các vụ nhận người tỵ nạn trong 90 hay 120 ngày có thể được xem như không lâu lắm. Nhưng đối với một gia đình trốn chạy một quốc gia bị tan nát vì chiến tranh, hay trốn chạy sự bạo tàn của các mạng lưới ma túy vĩ đại hay của các lãnh chúa chiến tranh, những kẻ buộc cả trẻ em cũng phải vào quân ngũ, thì điều này có thể có nghĩa sống chết.

Và sự kiện đơn giản là không phải mọi người tỵ nạn đều là quân khủng bố, và người tỵ nạn cũng không phải là nguồn chính gây đe dọa khủng bố cho xứ sở ta. Cuộc tấn công khủng bố tại đây, ở San Bernardino, là “cây vườn nhà” do một người sinh ở Chicago thực hiện.

Tôi hài lòng khi một trong các lệnh này có ý nói: xứ sở ta cuối cùng sẽ bắt đầu dành ưu tiên để giúp đỡ các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác bị bách hại.

Nhưng có phải Thiên Chúa có ý định để lòng cảm thương của chúng ta ngừng lại ở biên giới Syria hay không? Có phải bây giờ, chúng ta đang quyết định coi một số người không đáng được chúng ta yêu thương chỉ vì họ khác mầu da, khác tôn giáo hay sinh “lầm” ở một nước khác?

Là một mục tử, điều làm tôi bối rối là: mọi giận dữ, hồ đồ và sợ hãi do các lệnh của tuần trước gây ra đều hoàn toàn có thể đoán trước. Ấy thế nhưng hình như chúng chẳng hệ trọng chi đối với những người cầm quyền.

Tôi sợ rằng nhân danh việc tỏ ra cứng rắn và cương quyết, ta đang tỏ cho thế giới thấy một sự dửng dưng nhẫn tâm.
Ngay lúc này, không quốc gia nào nhận nhiều người tỵ nạn hơn Hiệp Chúng Quốc. Vậy thì ta đang gửi cho thế giới sứ điệp gì đây?

Những khoảnh khắc mà chúng ta ít tự hào nhất trong lịch sử của chúng ta, từ Nạn Diệt Chủng Do Thái tới những cuộc thanh trừng sắc tộc trong thập niên 1990, là những khoảnh khắc chúng ta đóng cửa biên giới và trái tim ta trước các thống khổ của những con người vô tội.

Tất cả chúng ta đồng ý rằng quốc gia chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ biên giới của mình và thiết lập các tiêu chuẩn cho ai được phép vào và ở lại bao lâu. Trong một thế giới hậu 11 tháng 9, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng có những người ở trong và ở ngoài biên giới muốn gây hại cho chúng ta. Chúng ta chia sẻ quan tâm chung đối với nền an ninh quốc gia và sự an toàn của những người thân yêu của chúng ta.

Nhưng cách tiếp cận của chúng ta đối với các vấn đề ấy phải nhất quán với các lý tưởng của chúng ta. Hoa Kỳ vốn luôn khác biệt, một số người còn cho là ngoại hạng. Chào đón di dân và cung cấp nơi trú ẩn cho người tỵ nạn vốn luôn luôn là một điều đặc biệt và cốt yếu trong căn tính của chúng ta, trong tư cách một quốc gia và một dân tộc.

Đã đành các lệnh mới về di dân này phần lớn kêu gọi một việc chính đáng là trở về với việc thi hành chấp pháp các luật lệ hiện hành.

Nhưng vấn đề là ở chỗ các luật lệ của chúng ta vốn không được chấp hành đã từ quá lâu đến nỗi nay chúng ta có hàng triệu người không có giấy tờ đang sinh sống, làm việc, thờ phượng và đi học trên đất nước ta.

Con số ấy bao gồm hàng triệu trẻ em là công dân sống trong các căn hộ có cha mẹ không giấy tờ. Các trẻ em này có quyền, trong tư cách công dân và trong tư cách con cái Thiên Chúa, được lớn lên trong sự bảo đảm rằng cha mẹ các em sẽ không bị tống xuất.

Các lệnh mới này không thay đổi được sự kiện này: quốc gia chúng ta cần một cuộc cải tổ thực sự và lâu dài đối với hệ thống di dân của chúng ta. Chúng ta có thực sự muốn trao số phận của hàng triệu người cha, người mẹ và con cái họ vào tay những nhân viên giải quyết các vụ này (caseworkers) nhưng đã phải làm việc quá sức trong một hệ thống tòa án di dân thiếu ngân khoản không?

Một chính sách chấp pháp mà thôi, mà không có cuộc cải tổ hệ thống nằm ở bên dưới, chỉ có thể dẫn tới cơn ác mộng nhân quyền.

Là một Giáo Hội, các ưu tiên của chúng ta phải luôn đứng về phía người của chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục nghe theo lời kêu gọi của Chúa Kitô qua các giáo xứ, các cơ quan bác ái và cứu trợ của chúng ta.

Và tôi xin nhắc lại, như tôi đã nói trước đây: điều có tính xây dựng và cảm thương nhất mà chính phủ của chúng ta có thể làm vào ngay lúc này là ngưng các vụ tống xuất và đe dọa tống xuất những người không phải là tội phạm bạo động.

Sứ mệnh Kitô hữu của chúng ta rất rõ ràng, chúng ta được kêu gọi lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và mở cửa cho khách lạ đang gõ cửa và tìm gương mặt của Chúa Kitô, Đấng đã đến với chúng ta trong di dân và người tỵ nạn.

Xin anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi trong tuần này và tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em.

Và xin Đức Mẹ Diễm Phúc Maria giúp tất cả chúng ta, nhất là các nhà lãnh đạo của chúng ta, đương đầu với các thách thức hiện gặp trong tư cách một quốc gia của người di dân dưới con mắt Thiên Chúa.
 
Giám Mục Syria lạnh nhạt với sắc lệnh cuả TT Trump: Giành ưu tiên cho Kitò giáo.
Xavier Nguyễn Đông
21:23 31/01/2017

Aleppo (Agenzia Fides 31/01/2017) "Kitô hữu của Syria và Trung Đông không mong muốn có sự phân biệt đối xử giữa chúng tôi và những người Hồi giáo, nhất là khi đề cập đến những vấn đề liên hệ đến công lý, hòa bình và viện trợ cho những người đang bị đe dọa. Sự khác biệt đối xử chỉ làm tăng thêm mồi lửa cho cuồng tín và cực đoan ".

Đức Giám mục 'nghi lễ Chaldean' cuả Aleppo là Antoine Audo, dòng Tên, đã bình luận như trên về các quy định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặt ưu tiên cho việc tiếp nhận người Kitô giáo Syria vào Hoa Kỳ, trong khi đó đóng cửa biên giới không cho nhập cảnh những công dân của bảy quốc gia theo đạo Hồi.

"Các biện pháp và pháp luật," Đức Giám mục Audo nói, "phải công bằng và phải được áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt đối xử. Và là các Kitô hữu, chúng tôi không muốn được giúp đỡ để đi di cư, nhưng được giúp đỡ để có hòa bình trong nước, để có thể tiếp tục cuộc sống của chúng tôi và làm nhân chứng của đức tin trong một vùng đất mà chúng tôi đã được sinh ra ".

Về tình trạng hiện tại của thành phố Aleppo, Đức Giám Mục Audo cho biết rằng "bây giờ thì chắc chắn có nhiều an ninh hơn, nhưng còn về tương lai cuả thành phố thì lại là những gì được gắn liền với những giải pháp chung cho nước Syria. Tôi nhận thấy đã có một sự thay đổi trong cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế. Nghĩa là không có giải pháp quân sự cho vấn đề Syria, mà phải là một giải pháp chính trị, với sự tham gia của tất cả mọi người".
 
ĐHY Tobin khen ngợi ông Trump về lập trường Phò Sự Sống, nhưng đả kích về vấn đề di dân.
Kateri Diễm Châu
21:51 31/01/2017

Vatican (CNA 31-01-2017) Bình luận về những ngày đầu tiên của chính quyền Donald Trump, Đức Hồng Y Joseph Tobin, DCCT, cuả Newark cho biết Ngài được khuyến khích về các vấn đề phò sự sống, nhưng có nhiều quan tâm khi nói đến những người tị nạn.

"Tôi nghĩ rằng việc ông Phó Tổng Thống và các quan chức của Toà Bạch Cung tham dự cuộc tuần hành cho Sự Sống trong tuần qua là rất đáng khích lệ, và tôi nghĩ rằng đó là một sự thúc đẩy tốt", Đức Hồng Y nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn ngày 31 tháng 1.

Ghi nhận rằng các cuộc tuần hành phò sự sống thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua, Ngài nói: "tôi nghĩ rằng sự quan tâm cuả chính quyền là một món quà tuyệt vời cho người dân."

Tuy nhiên, Ngài cũng bày tỏ quan ngại về sắc lệnh cuả Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề người tị nạn, và sắc lệnh ấy đang tạo ra những thiệt hại ở các phần khác nhau của thế giới. Ngài nói rằng trong khi phản đối chính sách này, các giám mục Hoa Kỳ đã có sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Hồng Y Joseph Tobin hiện đang ở Rome để tiếp nhận ngôi nhà thờ dành cho tước vị Hồng Y cuả ngài ở Santa Maria delle Grazie.

ĐHY Tobin là Tổng giám mục của Newark, đã được thăng tước là một Hồng Y trong công nghị mới nhất của Đức Giáo hoàng Phanxicô , và đã nhận mũ đỏ ở Rome ngày 19 tháng 11 vừa qua.
 
Venezuela đang có một cuộc 'tắm máu', theo Đức Tổng Giám mục Santana.
Kateri Diễm Châu
22:32 31/01/2017

Caracas ( CNA 31-01-2017) Khi được hỏi bởi một phóng viên về mối đe dọa nội chiến trong nước, Đức Tổng Giám mục Ubaldo Santana của Maracaibo trà lời thẳng thừng rằng: "đã có một cuộc tắm máu đáng kể ở Venezuela rồi".

"Chúng ta đang nói có khoảng 30.000 người bị giết trong một năm, và nếu chúng ta không tìm ra được cách để hiểu nhau một cách hoà bình, con số tử vong này còn có thể tăng lên," Ngài nói.

Đức Tổng Giám mục Santana, cựu chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela, đưa ra nhận xét trên với hãng tin Alpha và Omega trong chuyến thăm Tây Ban Nha, trong đó ngài đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ảnh hưởng đến Venezuela.

Sau khi ông Nicolas Maduro tiếp nối chính quyền xã hội chủ nghĩa cuả ông Hugo Chavez vào năm 2013, nước Venezuela đã lâm vào cảnh bạo loạn và biến động xã hội.

Vì chính sách kinh tế kém cỏi, như việc kiểm soát giá ca ̉và tỷ lệ lạm phát cao, các nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh, sữa, bột, tã và thuốc men đã bị thiếu hụt trầm trọng.

Kể từ năm 2003, chính phủ kiểm soát giá cả trên 160 sản phẩm, bao gồm dầu ăn, xà phòng và bột, như vậy thì tuy giá cuả những sản phảm ấy là phải chăng, nhưng chúng đã bay mất ra khỏi các kệ hàng ngay lập tức và được bán lại trên thị trường chợ đen với một giá cao hơn nhiều.

Chính phủ Venezuela là một trong những chính quyền tham nhũng nhất ở châu Mỹ Latinh, và tội phạm đã tăng vọt kể từ khi Maduro nhậm chức.

Đáp lại câu hỏi về khả năng của một cuộc nội chiến, Đức Tổng Giám mục Santana nói rằng một cuộc xung đột "sẽ rất bất đối xứng."

"Phe đang có vũ khí thuộc về chính phủ," ngài giải thích. "Tôi không thể nói các nhóm đối lập không có vũ khí, vì việc buôn bán vũ khí hiện nay là không kiểm soát được, nhưng có lẽ không phải ở số lượng của các nhóm chính quyền."

"Điều đó không có nghĩa là không thể có một cuộc tắm máu. Trong thực tế, chúng ta có thể nói rằng ở Venezuela đã có một cuộc tắm máu với một tỷ lệ đáng kể, "Đức TGM nói.

Ngài lưu ý thêm rằng "đã có những nhóm vũ trang khắp cả nước. Ở vùng Maracaibo, chúng tôi còn có thêm các nhóm tội phạm và băng đảng, và chúng có vẻ được hưởng một "đặc ân" không bị trừng phạt. Chúng tôi biết rằng có rất nhiều tình trạng quá tải ở các nhà tù và có lúc chính quyền đã thả một số lượng lớn tù nhân để giảm ùn tắc. "

Ngoài ra còn có những "vòng đai tống tiền", Ngài lưu ý, "chúng hoạt động trong thành phố, nhiều bọn là tổ an ninh chìm, ban ngày thì giữ gìn trật tự và vào ban đêm thì đi ăn cướp."

"Thêm vào đó là sự hiện diện của các nhóm vũ trang ớ biên giới đến từ Colombia," Ngài nói. "Chúng đảm bảo an ninh, trật tự và giải quyết các xung đột khu phố nhỏ vợi một lệ phí mà chúng gọi là một" vắc-xin ".

"Vắc-xin" là một khoản phí bất hợp pháp mà các nhóm vũ trang ở Venezuela và Colombia sử dụng để cho phép đi qua lãnh thổ mà chúng kiểm soát. Đức Tổng Giám mục Santana cho biết rằng đây là những nhóm bán quân sự, như quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) và một số phe phái của các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã không giải giới.

Nhắc lại, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Maduro vào tháng Mười năm ngoái, Theo thông cáo của Vatican thì ĐGH đã kêu gọi tổng thống "thực hiện với sự dũng cảm trên con đường đối thoại chân thành và mang tính xây dựng."

Ngài cũng kêu gọi nhà độc tài Venezuela lưu tâm đến một ưu tiên "là làm giảm bớt sự đau khổ của người dân - trước hết, những người nghèo - và thúc đẩy một môi trường gắn kết xã hội để có được một tầm nhìn về phía trước với một hy vọng cho tương lai của dân tộc. "
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Quan Cao – GP. Thái Bình - Thánh lễ Tạ Ơn, kỷ niệm 200 năm thành lập Giáo Họ - 10 Năm lên hàng Giáo Xứ.
Giêrônimô Phạm Thiềm
21:03 31/01/2017
Giáo xứ Quan Cao – GP. Thái Bình - Thánh lễ Tạ Ơn, kỷ niệm 200 năm thành lập Giáo Họ - 10 Năm lên hàng Giáo Xứ.

Sáng ngày 31.01.2017, (tức mồng 4 tết). Hòa chung trong niềm của những ngày đầu xuân mới Đinh Dậu, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Giáo phận Thái Bình, đã về giáo xứ Quan Cao để cùng với cha quản nhiệm Đaminh Đặng Thái Phúc và cộng đoàn tín hữu nơi đây long trọng dâng thánh lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 200 năm thành lập giáo họ - 10 năm lên hàng xứ.

Xem Hình

Giáo xứ Quan Cao tọa lạc tại thôn Quan Cao, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Giáo xứ Quan Cao là nơi biệt lập, xung quanh được bao bọc bởi con sông và cánh đồng trồng lúa và hoa màu. Hạt giống tin mừng gieo vào vùng đất này vào đầu thế kỷ thứ XIX. Năm thành lập giáo họ là 1816. Ngày 4.8.2007 được Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang ban Sắc nâng lên hàng Giáo Xứ. Số nhân danh 2.385 tín hữu. Hiện nay Giáo xứ đang được đặt dưới sự hướng dẫn của cha quản nhiệm Đaminh Đặng Thái Phúc.

Về hiệp dâng thánh lễ hôm nay, ngoài Đức Cha chủ tế còn có sự hiện diện của Đức ông Thomas Trần Trung Hà, quý cha trong Giáo phận, quý tu sỹ nam nữ, quý HĐMV liên xứ họ, quý ân nhân, quý khách xa gần, quý tôn giáo bạn và rất đông cộng đoàn dân Chúa gần xa.

Trước khi bước vào thánh lễ, một vị đại diện cho Ban HĐMV giáo xứ, sơ qua khái quát về lược sử, hình thành là phát triển giáo xứ Quan Cao.

Thánh lễ tạ ơn nhân dịp trọng đại này cùng với cộng đoàn Quan Cao, Đức Cha Phêrô đã nói lời chúc mừng cha xứ và cộng đoàn vì có một thánh đường thật là đẹp đẽ, khuôn viên có linh đài Đức Mẹ Lavang, có nhà giáo lý thật khang trang đồ sộ, biểu tượng của đức tin của người Công Giáo, đồng thời ngài cũng nhắc nhớ mọi người nhìn lại quãng thời gian hơn 200 năm qua để nhận ra ơn Thiên Chúa quan phòng. Ngài nói: “Chúng ta phải không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ, các Thánh, cách riêng các Thánh Tử đạo Giáo phận Thái Bình, Hưng Yên; xin Chúa và Đức Mẹ nhờ công nghiệp các Thánh thưởng công xứng đáng cho các bậc tiền nhân, các ân nhân, thân nhân của Giáo xứ chúng ta, tri ân các đấng bậc tổ tiên, những người đã có công gìn giữ và truyền lại cho chúng ta một gia sản đức tin to lớn. Chúng ta cũng không quên ghi ơn và cầu nguyện cho những người đã làm ơn cho giáo họ, giáo xứ chúng ta cách này cách khác, còn sống cũng như đã qua đời”.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha tiếp nối tư tưởng, gợi lên tâm tình tri ân các bậc tiền nhân nơi mỗi người giáo xứ Quan Cao. Nhờ các ngài, Đức tin đã được tiếp nhận và lưu truyền trên mảnh đất thân thương này. Đồng thời, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hãy phát huy gia sản thiêng liêng đó bằng đời sống chứng tá Đức tin, mang Chúa đến và giới thiệu Chúa cho những người chưa nhận biết Tin Mừng.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ đại diện cho cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và bày tỏ tâm tình biết ơn Đức Cha, Đức Ông, quý cha, thầy phó tế, quý tu sĩ, quý khách và toàn thể cộng đoàn hiện diện trong thánh lễ trọng đại này.

Thánh lễ Tạ Ơn 200 năm thành lập giáo họ, 10 năm lên hàng giáo xứ, một thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đủ để khẳng định một bề dày lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm, những hi sinh đóng góp để có được một giáo họ Quan Cao và trở lên Giáo Xứ như ngày nay. Đây rõ ràng là một ơn vô cùng trọng đại mà Thiên Chúa đã ban cho giáo xứ Quan Cao này. Trong ngày lễ hôm nay, một bầu khí hân hoan tràn ngập trong những ngày đầu xuân mới Đinh Dậu, khiến cho mọi thành phần dân Chúa đặc biệt là chiên đoàn Giáo Xứ Quan Cao toát lên một niềm hạnh phúc vô bờ, diễn tả một ân ban kỳ diệu mà Thiên Chúa trao ban cho mảnh đất thân thương này.

Giêrônimô Phạm Thiềm - BTTGP
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Các nghi thức nào có tính phụng vụ?
Nguyễn Trọng Đa
10:29 31/01/2017
Giải đáp phụng vụ: Các nghi thức nào có tính phụng vụ?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha cho biết thêm thí dụ về các hành vi phụng vụ khác, ngoài các bí tích, Các Giờ Kinh Phụng Vụ và tuyên khấn trong Dòng tu. - T. C., Manila, Philippines


Đáp: Mặc dù độc giả này đã nêu ra các hành vi phụng vụ quan trọng nhất, đó là các bí tích, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, cũng như việc khấn Dòng, ông đã để mở một loạt các khả năng khác, vốn là phụng vụ thực sự, đặc biệt là lĩnh vực rộng lớn của các á bí tích phụng vụ .

Một số hành vi phụng vụ là liên quan mật thiết với các bí tích. Vì vậy, các nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và chầu Mình Thánh Chúa phát sinh từ hy tế Thánh lễ, nhưng tự chúng không phải là các bí tích. Trong cùng một cách thức như thế, tất cả các nghi thức, mà trong đó có việc cho tín hữu Rước lễ.

Nghi thức làm phép các dầu thánh cũng là phụng vụ và, trong khi chúng là cần thiết cho các bí tích, tự chúng không phải là bí tích.

Tương tự như vậy, các lời nguyện khác nhau cho bệnh nhân, người hấp hối và người qua đời, được gắn liền với bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, nhưng cũng có thể được tách ra khỏi bí tích này, cho phù hợp với sách Nghi thức. Tang lễ được cử hành ngoài Thánh Lễ cũng là các nghi thức phụng vụ cách đầy đủ.

Nghi thức đón nhận ứng viên cho chức thánh cũng là một nghi thức phụng vụ. Tương tự như vậy, các nghi thức thiết định thầy đọc sách và thầy giúp lễ là các bước hướng đến bí tích Truyền chức thánh, mặc dù không là độc quyền cho bí tích này.

Tương tự với việc khấn Dòng, nhưng không hoàn toàn giống nhau, là nghi thức Hiến thánh các Trinh nữ trước mặt Giám mục. Cũng có việc chúc phong cho một viện phụ hoặc viện mẫu.

Trong thời gian trước kia, việc hiến thánh một vị vua hoặc nữ hoàng đã được kể vào số các nghi thức này.

Ngoài ra, còn có các kinh nguyện trong Sách các Phép. Các việc làm phép này có thể dao động từ việc làm phép trọng thể nước thánh, đến việc làm phép đơn giản một bữa ăn. Một số trong các việc làm phép này luôn được cử hành trong Thánh lễ, một số khác thì thỉnh thoảng, và một số khác nữa thì không bao giờ cử hành trong Thánh lễ. Tuy nhiên, tất cả đều được coi là phụng vụ, bao gồm cả các việc làm phép bởi giáo dân, trong chừng mực khi cuốn sách được ban hành bởi Giáo Hội như một cuốn sách phụng vụ, và được Giáo Hội xem là kinh nguyện đúng đắn của mình.

Chúng ta không được quên rằng các nghi thức trừ quỷ cũng rơi vào tiêu đề chung của á bí tích phụng vụ, mặc dù việc sử dụng nó là chỉ dành cho các linh mục được ủy quyền mà thôi.

Việc Cử hành Lời Chúa, mặc dù nó đi theo một lược đồ hoặc phác thảo đã được phê duyệt, chứ không phải là một văn bản được chấp thuận, cũng là phụng vụ, vì Giáo Hội đã đặc biệt dự tính khả năng này.

Sách Nghi lễ Giám Mục cũng liệt kê một số nghi thức, vốn thường được dành riêng cho ngài, và một số nghi thức này thường được cử hành trong Thánh lễ. Thí dụ, có việc đặt viên đá đầu tiên, việc cung hiến hoặc làm phép nhà thờ và bàn thờ, và việc làm phép giếng rửa tội, thánh giá và chuông. Ngoài ra còn có việc làm phép trọng thể một ảnh Đức Mẹ, làm phép nghĩa trang, và các lời nguyện sau khi một nhà thờ bị giải thánh.

Có một số nghi thức riêng cho Giám mục, chẳng hạn như nghi thức nhận Giáo phận hay nhà thờ chính tòa, việc nhậm chức với dây pallium (phù hiệu) cho vị Tổng giám mục chính tòa, và các nghi thức cho việc tấn phong các Hồng Y.

Trong các dịp hiếm có, có các nghi thức riêng cho các giai đoạn khác nhau của quá trình phong thánh.

Danh sách này có lẽ là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, tôi tin rằng tôi đã đề cập đến các nghi thức phụng vụ quan trọng nhất. (Zenit.org 31-1-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lên Chùa Đầu Năm
Nguyễn Bá Khanh
20:37 31/01/2017
LÊN CHÙA ĐẦU NĂM
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Đầu năm đi lễ trên chùa
Thắp nhang xin được bốn mùa bình an.
(nbk)