Ngày 10-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sứ Mạng Truyền Giáo Của Chúng Ta
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:37 10/01/2018
Suy niệm Chúa Nhật II - Năm B

(Ga 1, 35 - 42)

Tin Mừng Lễ Hiển Linh, Lễ của Ánh Sáng cho chúng ta biết, Ba Nhà Đạo Sĩ đã nhìn thấy “ngôi sao của Người” (Mt 2, 2), ngôi sao vừa “ló dạng” (c. 2,9), Ngôi sao Giêsu. Mùa Thường Niên mới bắt đầu, Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Ánh sao, hay của Giao Ước mới đang ló rạng thì giới thiệu cho môn sinh mình rằng : "Đây là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1, 35). Chúng ta cùng nhau suy niệm phương cách Gioan giúp các môn đệ của ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, từ đó rút ra bài học về ơn gọi truyền giáo của mình.

Hai môn đệ Gioan đến hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn đợi ai khác?" Đấng phải đến, theo niềm tin của người Dothái là chính Đấng Cứu Thế, Đấng họ hằng mong đợi theo ngôn sứ Malakia tiên báo: "Hãy dọn đường Chúa" (Ml 3,1).

Gioan được sai đến để làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế. Ông đã nhận ra Người bên giòng sông Giorđan, đã giới thiệu cho dân chúng rằng Người là : "Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Ga 1,29).

Khi sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu, hẳn Gioan không phải là người không biết đến vai trò và sứ vụ của Chúa Giêsu, bởi vì khi ngài còn được tự do, chưa phải ngồi tù, chính Gioan nhận ra Chúa Giêsu ngay từ khi còn trong lòng mẹ, bằng chứng là Gioan đã nhảy mừng lên vì vui sướng khi được Đức Maria đến thăm mẹ mình là bà Elisabét. Gioan cũng thấy cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên trên vai Chúa Giêsu và có tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến :"Con là Con yêu dấu của Cha ; Con đẹp lòng Cha" (Mc 1,11); và cũng chính ông đã loan báo về Đấng đến sau mình : " Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mc 1,8). Vì uy quyền và chức vụ của Đấng ấy là Con Đấng Tối Cao, khiến ông không đáng cúi xuống cởi giây dày cho Người; sau cùng, Gioan tuyên bố : "Đây là chiên Thiên Chúa".

"Đây là chiên Thiên Chúa", lời này được cất lên từ miệng ông Gioan khi thấy Chúa Giêsu từ sông Giorđan bước lên : Chúa Giêsu đi ngang qua, lúc ấy chừng 4 giờ chiều. Gioan và ông Anrê, hai thanh niên con nhà chài lưới, nghe lời giới thiệu của thầy mình liền cất bước đi theo Chúa Giêsu, "Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy" (Ga 1,39). Người quay lại hỏi hai thanh niên, "Các ngươi tìm gì?" (Ga 1,38). Họ ngạc nhiên trước câu hỏi của Chúa, họ trả lời: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người bảo họ, "Hãy đến, và các ngươi sẽ thấy" (Ga 1,39). Cả hai cùng đến, và họ đã trở thành các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đúng là gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh. Chưa dừng lại ở đó, Anrê thấy mình biến đổi, và được đầy tràn hạnh phúc, ông đã chạy về tìm người anh kể cho anh biết, "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia" (Ga 1,41). Và ông đưa anh mình đến với Chúa Giêsu. "Chúa Chúa Giêsu nhìn Simon và nói : "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá" (Ga 1,42).

Phêrô! Simon, là Đá ư? Không ai trong số họ được chuẩn bị để hiểu những lời này. Họ không biết rằng Chúa Giêsu đã đến để xây dựng Giáo hội của Chúa bằng những viên đá sống động. Người đã chọn hai môn đệ đầu tiên là Gioan và Anrê, và đặt Simon là đá để xây Hội Thánh của Người.

Trong lịch sử cứu độ, thánh Gioan Baotixita được xem như là nhân vật lớn cuối cùng của thời Cựu Ước và là nhân vật đầu tiên của Tân Ước. Ông là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện, ông có sứ mệnh rất quan trọng là giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng.

Như Gioan trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải làm gì để thi hành ơn gọi truyền giáo của mình? Bằng lời rao giảng chăng? Chưa đủ, bằng đời sống đạo, đời sống bác ái chăng? Hơn thế nữa, trong thế giới hôm nay, chúng ta cần đưa mọi người đến với Chúa Giêsu, để họ nhận biết Chúa là Đấng quyền năng, giàu lòng thương xót, nhân từ, hết mực thứ và là Đấng Cứu Độ duy nhất. Người đến để mang tình yêu, sự sống và hạnh phúc cho con người. Từ đó nẩy sinh đức tin trong mọi người, biến họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu.

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta noi gương hai môn đệ của Gioan, những người đầu tiên đã theo Chúa và ở lại với Chúa, đi vào trong tương quan thân tình với Chúa để Chúa trực tiếp hướng dẫn, sau này làm chứng cho Chúa.

Noi gương Gioan Tẩy Giả, chúng ta sẵn sàng lui vào hậu trường để Chúa Giêsu được lớn lên và can đảm giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác để họ tin theo và thi hành ơn gọi truyền giáo của mình. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông cáo mới nhất của phòng Báo Chí Tòa Thánh về chương trình tông du của Ðức Thánh Cha tại Chí Lợi và Peru
Đặng Tự Do
03:55 10/01/2018
Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Chí Lợi và Peru trong một tuần lễ từ ngày 15 tháng Giêng đến 22 tháng Giêng. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 22 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và cũng là chuyến viếng thăm thứ Sáu của ngài tới Mỹ châu Latinh, sau chuyến đi tới Ba Tây, vào năm 2013; Bolivia, Ecuador và Paraguay vào năm 2014; Cuba vào năm 2015; Mễ Tây Cơ vào năm 2016; và Colombia vào tháng 9 năm ngoái 2017.

Dưới đây là các sinh hoạt của Đức Thánh Cha theo thông cáo mới nhất của phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Thứ Hai 15 tháng Giêng (Rome, Santiago)

Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 8h sáng ngày thứ Hai 15 tháng Giêng và bay tới thủ đô Santiago của Chí Lợi (hay còn gọi là Chi-lê) lúc 8h10 tối cùng ngày. Ngài sẽ đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Santiago lúc 9h tối và nghỉ đêm tại đây.

Thứ Ba 16 tháng Giêng (Santiago)

Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày thứ Ba diễn ra trong phạm vi thủ đô Santiago.

Ban sáng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda vào lúc 8h20.

Lúc 9h ngài viếng thăm xã giao Tổng thống Michelle Bachelet tại đây.

Lúc 10h30, ngài cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4h, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago.

Sau đó, ngài gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5h15.

Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các Giám Mục Chí Lợi tại nhà thánh của nhà thờ này.

Sau cùng, lúc 7h5, Ðức Thánh Cha viếng với tư cách riêng Ðền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các Linh Mục cùng dòng tại đây.

Thứ Tư 17 tháng Giêng (Santiago, Temuco, Santiago)

Lúc 8h sáng thứ Tư, 17 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10h30 tại phi trường Maquehue.

Sau lễ, lúc 12h45 ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3h30 chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Ðền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5h30.

Sinh hoạt cuối cùng trong ngày của Đức Giáo Hoàng là cuộc viếng thăm Giáo Hoàng Học Viện Công Giáo Chí Lợi lúc 7h chiều.

Thứ Năm 18 tháng Giêng (Santiago, Iquique, Lima)

Sáng thứ Năm, 18 tháng Giêng, lúc 8h sáng, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chí Lợi và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11h30.

Lúc 2h chiều, ngài dùng bữa trưa tại nhà tĩnh tâm của Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Lúc 4h45 sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường quốc tế Iquique.

Sau nghi thức tiễn biệt, lúc 5h05, ngài giã từ Chí Lợi để bay tới thủ đô Lima của Peru.

Sau hơn 2h bay Đức Thánh Cha, sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Jorge Chavez của Lima vào lúc 5h20 giờ địa phương (lúc đó là 7h20 theo giờ Santiago của Chí Lợi). Tại đây sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức Đức Thánh Cha. Sau nghi thức, Đức Thánh Cha sẽ về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Lima.

Thứ Sáu 19 tháng Giêng (Lima, Puerto Maldonado, Lima)

Sáng thứ Sáu, 19 tháng Giêng, lúc 8h30, Đức Thánh Cha đáp máy bay đi Puerto Maldonado.

Lúc 10h15 ngài đến phi trường Puerto Maldonado và có cuộc gặp gỡ với các sắc dân thiểu số vùng Amazon tại sân vận động Mẹ Thiên Chúa gần đó vào lúc 10h30.

Sau đó, Đức Thánh Cha gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 11h30.

Lúc 12h15, Đức Thánh Cha thăm trung tâm chăm sóc trẻ em Hogar Principito.

Vào lúc 1h15 trưa, ngài dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazon ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc 2h35, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay trở lại thủ đô Lima.

Lúc 4h10, Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường quốc tế Lima và vào thăm nhà nguyện của phi trường này.

Lúc 4h45, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại khu vườn trong dinh tổng thống.

Lúc 5h15, Đức Thánh Cha sẽ gặp riêng tổng thống Pedro Pablo Kuczynski tại phòng khánh tiết phủ tổng thống.

Bốn mươi phút sau đó, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ với các linh mục dòng Tên tại nhà thờ Thánh Phêrô của thủ đô Lima.

Thứ Bẩy 20 tháng Giêng (Lima, Trujillo, Lima)

Sáng thứ Bẩy, 20 tháng Giêng, lúc 7h40 Ðức Thánh Cha sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10h tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Lúc 12h15 ngài đến thăm những người đồng hương của mình tại khu Buenos Aires.

Ban chiều, lúc 3h, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3h30.

Hơn một giờ sau đó, lúc 4h45, Ðức Thánh Cha chủ sự buổi phụng vụ kính Ðức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima lúc 6h15.

Lúc 7h40, Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Lima.

Chúa Nhật 21 tháng Giêng (Lima)

Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày Chúa Nhật diễn ra trong phạm vi thủ đô Lima.

Ban sáng, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9h15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ.

Lúc 10h30, Đức Thánh Cha kính viếng hài cốt các thánh người Peru tại nhà thờ chính tòa Lima, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Chí Lợi tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12h với các tín hữu.

Lúc 12h30, ngài sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Lúc 4h15 chiều Chúa Nhật 21 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại căn cứ không quân Las Palmas.

Sau thánh lễ, lúc 6h30 sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường quốc tế Jorge Chavez của Lima.

Lúc 6h45 Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2h15 chiều thứ Hai, 22 tháng Giêng.
 
Quan hệ căng thẳng giữa chính quyền Chí Lợi và Tòa Thánh
Đặng Tự Do
18:06 10/01/2018
ĐTC và các Giám Mục Chí Lợi về Rôma ad-limina 20/02/2017
Đúng là trong nhiều tháng qua, chính phủ của bà Bachelet đã làm việc rất vất vả, và với một sự quảng đại, cho sự thành công của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng một điều không có gì bí mật là cho đến gần đây, chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Chí Lợi là điều không được chính quyền nước này hoan nghênh.

Lời mời chính thức Đức Giáo Hoàng thông qua lá thư do Tổng thống ký chỉ mới đến Vatican vào những ngày đầu tháng 6 năm ngoái. Trước đó, các Giám Mục Chí Lợi nói nhiều về một khả năng như vậy: tuy nhiên, về mặt ngoại giao, lời mời của Hội Đồng Giám Mục không đủ để một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng có thể thực hiện được. Trong hai trường hợp khác nhau, chính phủ đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi thuyết phục Đức Giáo Hoàng đừng đến Chí Lợi. Các giám mục đã bối rối và xấu hổ, bởi vì các ngài đã mời Đức Giáo Hoàng, chính thức và nhiều lần, và các vị tin rằng chính phủ đồng ý.

Tại sao họ không muốn mời Đức Giáo Hoàng? Bởi vì các đảng chính trị Chí Lợi, một số theo lập trường xã hội quá khích, như đảng xã hội Chí Lợi của bà tổng thống Michelle Bachelet. Họ theo đuổi một lập trường đối kháng triệt để đối với giáo lý và các học thuyết xã hội Công Giáo về các vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính, và an tử. Họ không thích Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng. Một số đảng khác đang gặp khó khăn. Sự tín nhiệm của họ bị đe dọa và là trung tâm của những lời chỉ trích khắc nghiệt vì tham nhũng và các hành vi lừa đảo khác. Những đảng này đã xem “vấn đề Bôlivia” như một cái phao để đánh lạc hướng dư luận. Santiago và La Paz từ lâu đã tranh chấp về cửa ngõ thông ra Thái Bình Dương.

Người ta cũng biết rằng Evo Morales, Tổng thống Bolivia, giống như tất cả những người tiền nhiệm của mình, để kiếm phiếu của quần chúng, đã đưa vấn đề này ra trong cuộc bầu cử lần thứ ba và gần đây, đáng ngạc nhiên, ông đã đặt vấn đề dưới sự phân xử của Toà án Hague.

Chí Lợi, tin tưởng là mình có lý hơn, đã chấp nhận ngay lập tức. Tuy nhiên, tại một thời điểm nhất định, vì những lý do không rõ ràng và chắc chắn liên quan đến chính trị bên trong cùng những tham vọng cá nhân, phiên tòa bị hoãn lại, và một chiến dịch ồ ạt bắt đầu từ Chí Lợi “cáo buộc” Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người thân Bolivia, gần gũi với Evo Morales và do đó gián tiếp “thù nghịch” với người Chí Lợi.

Người ta tung ra những lời được cho là của Đức Giáo Hoàng mà ngài thực sự không bao giờ thốt ra.

Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng tại La Paz, trong cuộc họp với các phong trào bình dân vào tháng 7 năm 2015, đã được một số chính trị gia ở cả hai nước sử dụng, để biện minh cho vô số những sai lầm của họ, và làm dấy lên nhiều lời dối trá nhằm thêu dệt nên hình ảnh sai lệch về một vị Giáo Hoàng “thân thiết hơn” với người Bolivia và kỳ thị người Chí Lợi.

Không phải chỉ có người Chí Lợi tin vào “truyền thuyết” này. Cả người Bolivia cũng muốn tin như thế. Evo Morales, người đã nhiều năm cố gắng tỏ ra thân thiết với Đức Giáo Hoàng để cố tô vẽ Đức Phanxicô như một người ủng hộ mình và Bolivia, chắc chắn đã giúp lan truyền những hình ảnh sai lầm này.

Thật thế, ngay trước chuyến tông du Chí Lợi của Đức Thánh Cha, ngày 15 tháng 12 vừa qua, tổng thống Bôlivia Evo Morales sang thăm Đức Giáo Hoàng và sau đó ông ngụ ý trong một Tweet rằng ông và Đức Giáo Hoàng đã thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Bolivia với Chí Lợi trong một cuộc họp tại Vatican ngày 15 tháng 12.

Tuy nhiên, theo Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cuộc họp riêng tư kéo dài 30 phút “diễn ra trong bầu không khí thân mật”. Trong cuộc nói chuyện hai vị “đánh giá cao sự đóng góp của Giáo Hội tại Bolivia cho sự tiến bộ của con người, xã hội và văn hoá của dân chúng trong nước, và đề cập đến việc cập nhật các thoả thuận giữa Toà Thánh và Bolivia.”

Morales và Đức Giáo Hoàng đã nói về “những chủ đề khác nhau hai bên cùng quan tâm”, nhưng tuyên bố của Vatican không hề nhắc đến cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Bolivia và Chí Lợi.

Bolivia và Chí Lợi có chung đường biên giới hơn 400 dặm, nhưng không có quan hệ ngoại giao! Quan hệ hằn học giữa hai nước là sản phẩm của một lịch sử lâu dài: Chí Lợi đánh bại Bolivia và Peru trong Chiến tranh Thái Bình Dương năm 1879 và chiếm giữ một vùng giàu khoáng sản của Bolivia, biến Bolivia thành một đất nước không có một mét bờ biển nào.

Việc có đường thoát ra biển là một yêu cầu từ lâu của Bolivia, nhưng Chí Lợi coi vụ kiện này là đã đóng lại.

Morales đã cố gắng đưa Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuộc. Khi ông chào mừng Đức Giáo Hoàng đến Bolivia vào năm 2015, ông nói với ngài, “Đức Thánh Cha đã đến một đất nước bị cắt xén không tiếp cận được với biển”, và tặng Đức Giáo Hoàng một món quà, đó là một cuốn sách có nhan đề “Sách về biển”.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời bằng cách nói rằng, “Đối thoại là không thể thiếu được”, cùng với “việc xây dựng các cây cầu thay vì xây dựng bức tường.”
 
Kỷ lục lạnh ở Bangladesh xuống 2,6 °C, Caritas bắt đầu cứu cấp hàng ngàn nạn nhân
Xavier Nguyễn Đông
18:34 10/01/2018
Dhaka (AsiaNews) – Đã có khoảng 20 người chết và hàng trăm người ngã bệnh bời thời tiết lạnh tồi tệ nhất trong 50 năm ở Bangladesh.

Vì là một xứ nóng, nhiệt độ muà đông không bao giờ xuống dưới 10 độ, cho nên người dân ở đây đã không hề trích trữ những phương tiện để bảo vệ bản thân chống lạnh. Nghiã là họ không có quần áo len, không có chăn mền, không có lò sưởi trong nhà và hầu hết nhà cửa thì lợp bằng tranh vách bằng bùn và ở nơi ẩm thấp.

Hai ngày trước, vùng Panchagarh ghi nhận nhiệt độ xuống thấp nhất trong nước, là một kỷ lục 2,6 ° C. Hôm qua tại vùng nông thôn Rajshahi nhiệt độ xuống khoảng 6 ° C.

Lạnh và bệnh đang làm cho cuộc sống của người dân nghèo khốn khổ thêm lên, đã có những triệu chứng của những bệnh liên quan đến khí hậu như bệnh viêm phổi, tiêu chảy và viêm họng. Thêm vào đó “vì lạnh,” theo lời một nhân viên Caritas ở Naogaon, “ người dân không thể đi ra ngoài làm việc được. Và nếu họ không đi kiếm sống thì không mang về thức ăn mỗi ngày.”

Đó là số phận cuả hàng triệu người lao động, phụ thuộc vào việc thu nhập mỗi ngày.

Đây là lý do tại sao Caritas đã kích hoạt một nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và đã bắt đầu phân phối viện trợ tới những nơi bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.

Ông Denis C. Baskey, giám đốc khu vực của văn phòng Caritas ở Rajshahi, báo cáo: "chúng tôi đã quyên tiền từ nhân viên của chúng tôi và dùng số quỹ hiện có. Với số tiền này, chúng tôi đã giúp cho khoảng 800 người, bao gồm người già, trẻ em mồ côi, người bệnh, người nghèo, khuyết tật, và phụ nữ goá". Mục tiêu cuả chúng tôi là, ông nói tiếp, "tiếp cận khoảng 2500 gia đình, do đó, chúng tôi đang tìm kiếm thêm tiền từ các nhà tài trợ".

Trên toàn quốc, ông bác sĩ Reaz Ahmed, tổng giám đốc văn phòng quản lý thiên tai của Dhaka, cho biết rằng Chính Phủ đã bắt đầu phân phối viện trợ cho 20 huyện, một "tổng số là 98,000 cái chăn và 80.000 hộp thực phẩm".
 
Tin bất ngờ quanh vụ xử Đức Hồng Y George Pell
Vũ Văn An
21:17 10/01/2018
Khi hay tin Đức Hồng Y Pell bị các công tố viên Victoria đưa ra tòa về các tội gọi là lạm dụng tình dục lúc còn là một linh mục trẻ ở Ballarat, Phil Lawler cho rằng nếu bạn ngạc nhiên vì điều này, thì chỉ vì bạn chưa lưu ý mà thôi. Chứ trong hai năm qua, Đức Hồng Y vốn là chú mục hàng đầu của một chiến dịch truyền thông hung hãn, với nhiều lời đồn về một cuộc điều tra của cảnh sát không ngừng được rò rỉ trên báo chí.

Đức Hồng Y Pell cũng không hề ngỡ ngàng gì, vì ngài đã sắp xếp xin tạm nghỉ việc để trở lại Úc, trực diện giáp mặt với các lời cáo buộc mà nhiều lần ngài vốn cực lực bác bỏ.

Bất chấp công luận bất lợi cho ngài. Một trong các nhân tố tạo nên công luận này chính là cuốn sách của Milligan Cardinal: The Rise and Fall of George Pell, một cuốn sách trở thành tập chú chính của chiến dịch chống Đức Hồng Y Pell ở Úc.

Julia Yost, người duyệt cuốn sách này, cho rằng nó đầy thiên kiến, thành kiến chống Công Giáo, xử lý các dữ kiện một cách cẩu thả, thất thường. Nó phối hợp các tố cáo cũ (dựa trên chứng từ của các nhân chứng cực kỳ không vững) và các thay đổi gần đây (liên quan tới một loạt sự kiện cho rằng đã xẩy ra nhưng xem ra ít có thể có nếu không muốn nói là không thể có).

Người ta đành, như Yost nhận định, phải đợi nhiều bằng chứng cụ thể khác. Nhưng trong hai năm qua từ ngày chiến dịch này bắt đầu, vẫn chưa thấy chứng cớ gì mới.

Tháng 10 năm 2017, tạp chí Crux cho hay: đến lúc ra tòa lần thứ hai vào tháng 3 năm 2017, chi tiết các lời cáo buộc của cảnh sát vẫn chưa được tiết lộ. Bởi thế, Robert Richter, luật sư của Đức Hồng Y, nói với Tòa rằng “chúng tôi nói điều tố cáo là chuyện không thể có” vì chứng cớ do công tố viện đưa ra không đầy đủ để chứng minh rằng Đức Hồng Y Pell có thể phạm tội, chứ đừng nói ngài phạm tội thật.

Bên nguyên buộc phải cung cấp tài liệu

Theo tin của ký giả Adam Cooper ngày 10 tháng 1 năm 2018, các luật sư bào chữa của Đức Hồng Y đã yêu cầu và thành công nhận được bản ghi các cuộc phỏng vấn những người tố cáo Đức Hồng Y do ABC và nhà báo Louise Milligan, tác giả cuốn Cardinal: The Rise and Fall of George Pell, thực hiện. Và trong tháng này, họ còn sẽ nhận được thêm nhiều tư liệu khác nữa. Trong khi các cáo buộc chính thức vẫn chưa được công bố, dù các luật sự bào chữa đã yêu cầu cảnh sát Victoria cũng như nhóm bênh vực các nạn nhân lạm dụng có tên là Broken Rites cung cấp các tài liệu pháp lý.

Tưởng cũng nên biết, Nhà Xuất Bản của Đại Học Melbourne đã thu hồi cuốn sách của Milligan khi Đức Hồng Y chính thức bị tố cáo.

Nữ ký giả Jacqueline Le của AAP, ngày 12 tháng 12 năm 2017 thì cho rằng cả cảnh sát Victoria lẫn Broken Rites đều đã buộc phải cung cấp các tài liệu tố cáo cho các luật sư biện hộ. Nhưng các chi tiết thì không được công bố.

Phần Đức Hồng Y, theo ký giả Lucie Morris-Marr của CNN, hiện đang sống tại Chủng Viện Good Shepherd ở Homebush, ngoại ô Sydney, chờ ra tòa vào tháng Ba này. Theo ký giả này, Đức Hồng Y rất mong phiên tòa điều trần trong đó 50 nhân chứng sẽ thay phiên nhau trong 4 tuần lễ đưa ra các chứng từ buộc tội. Ít nhất, trong hai tuần lễ đầu của phiên tòa, các nhân chứng sẽ lên tiếng trong một phiên tòa kín. Khi các chứng từ này kết thúc, chánh án mới quyết định xử Đức Hồng Y hay không.

Nhân chứng chính qua đời

Điều bất ngờ là người đàn ông chính thức tố cáo Đức Hồng Y vừa mới qua đời vào hôm thứ Bẩy vừa qua (6/1/2018), đó là Damian Dignan, sau một cơn bệnh kéo dài.

Hãng tin Công Giáo CNA, trong bản tin ngày 8 tháng 1 năm 2018, cho hay Dignan qua đời tại Ballarat, vì chứng ung thư máu (chứng bạch cầu, leukemia). Và việc này chắc chắn có ảnh hưởng tới phiên tòa dự tính vào ngày 5 tháng Ba này.

Hồi tháng Ba năm 2016, Dignan và hai người cùng lớp ở Trường St. Alipius, Ballarat, tố cáo Đức Hồng Y Pell có tác phong tình dục bất xứng với họ khi họ còn là vị thành niên.

Nay không còn chứng từ có tuyên thệ của Dignan trước tòa, rất có thể các công tố viên phải hủy bỏ vụ án. Tuy nhiên, Cảnh Sát Victoria vẫn chưa xác nhận hay bác bỏ khả thi tính của việc này, nhất là vì công tố viện vẫn có thể dựa vào các tuyên bố có tuyên thệ hay bằng chứng đưa ra có tuyên thệ trước khi Dignan qua đời.

Vả lại còn có 50 nhân chứng khác sẽ cung cấp chứng từ trước tòa vào tháng Ba này nữa.

Tuy nhiên, Ông Nicholas Papas, cựu chánh án Victoria, nhận định rằng kết án Đức Hồng Y Pell mà không có Dignan là “một nhiệm vụ khó khăn hơn”. Trong khi Ingrid Irwin, luật sư của Dignan thì cho rằng quả là “nực cười” khi Dignan qua đời “mà không có công lý nào”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đảng sợ vỡ nên phải đe tự vệ
Phạm Trần
16:50 10/01/2018
Đảng và Quân đội Cộng sản Việt Nam đã kéo cơn ác mộng vỡ đảng từ 2017 qua 2018 với cường độ suy thoái tư tưởng tăng cao hơn trong Lực lượng Võ tranh Nhân dân (Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ). Cùng leo theo là hiện tượng càng ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên xa đảng, lười học tập chính trị, nghi ngờ vai trò lịch sử của đảng để “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” .

Sợ hãi của đảng đã chứng minh từ phát biểu của Tổng Bí thư đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân diễn ra ở Hà Nội ngày 16/12/2017.

Ông Trọng nói:”Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội bằng nhiều thủ đoạn, trong đó có chiến lược "diễn biến hoà bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "phi chính trị hoá" Quân đội; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; nền kinh tế còn khó khăn, thiên tai, bão lũ xảy ra ở nhiều nơi…, đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.”

Nhưng có ai biết cái gọi là “các thế lực thù địch” là những ai không, hay ông Trọng chỉ biết nói bâng quơ như thế để che giấu một thực tế là đảng không còn ngăn được “nạn hồng thủy” sa sút đạo đức, suy thoái tư tưởng và làn sóng phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đang lan tràn trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, quân đội và công an.

Vì vậy, ông Trọng đã yêu cầu:”Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân. Tiếp tục điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu tổ chức hợp lý, ưu tiên cho các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, biên giới, biển, đảo... Đẩy mạnh xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật…. tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.”

Theo Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (THQP), ngày 15/12/2017 thì ông Trọng còn chỉ thị ”Về Xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng” trong Quân đội.

Ông nói:”Thời gian tới quân đội tiếp tục tăng cường giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ chiến sĩ, phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.”

Đài THQP viết tiếp:”Tổng Bí thư lưu ý phải hết sức quan tâm cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ cái đúng, lẽ phải, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, đấu tranh cương quyết bác bỏ các luận điệu xuyên tạc. Quân đội phải đi tiên phong và làm quyết liệt hơn nữa trên lĩnh vực này, nhất là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực; phải đồng tâm nhất trí cao hơn nữa; phải đặc biệt giữ gìn, phát huy uy tín của quân đội. Muốn vậy, kỷ luật kỷ cương phải nghiêm, xử lý nghiêm các tiêu cực, làm gương cho các nơi khác.

NHẠT ĐẢNG-CHÁN CHÍNH TRỊ

Trong thời gian cuối năm 2017, theo báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ông Nguyễn Phú Trọng đã: “Nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lười học nghị quyết của Đảng là một nguyên nhân gây nên hiện tượng trên.

Than phiền của ông Trọng đã được xác nhận bởi Trưởng ban Tuyên giáo, Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng trong diễn văn ngày 29/11/2017, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Thưởng yêu cầu toàn đảng :”Phải kiên quyết khắc phục "căn bệnh" ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học Nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ, không chịu suy nghĩ, phân tích để hiểu rõ những điểm mới, những yêu cầu mới mà tình hình hiện nay đòi hỏi.”

Thưởng đòi đảng viên phải :”Kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính chất xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, gây trở ngại cho quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng.”

Nhưng tại sao lại phát sinh ra tình trạng đảng viên lười học tập các Nghị quyết và đường lối của đảng ?

Nguyên nhân cán bộ, đảng viên lười học, theo giải thích của báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 20/07/2017 thì:”Gần đây, trong dư luận xã hội, quần chúng nhân dân rất bức xúc trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên cao tuổi “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Hiện tượng ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân khá phổ biến là đảng viên khi về nghỉ hưu tự cho mình quyền “nghỉ việc” học tập nghị quyết của Đảng, dẫn tới không cập nhật được thông tin lý luận mới, phán xét về các hiện tượng mới nảy sinh trong xã hội bằng tư duy, cách nhìn cũ.”

QĐND viết tiếp:”Một bộ phận đảng viên khác thì sợ hoặc thờ ơ, xem nhẹ việc học nghị quyết. Họ “hồn nhiên” làm việc riêng, lướt web, viết status và comment trên mạng xã hội... trong giờ học. Thậm chí, có những đảng viên dự khóa học 2-3 ngày nhưng không nhớ nổi tên nghị quyết. Đó là chưa kể một số rất ít đảng viên cậy mình học cao hiểu rộng, tinh thông ngoại ngữ, tiếp cận tinh hoa tri thức nhân loại nên xem thường nghị quyết của Đảng, họ thậm chí còn lợi dụng các diễn đàn để nhẹ thì kiến nghị, đề xuất; nặng thì phê phán, đả kích việc “lãnh đạo bằng nghị quyết” và đòi “tìm kiếm chủ thuyết phát triển mới”.

Ngoài ra còn có các căn bệnh thờ ơ, lãnh nhạt với tài liệu đảng như:”Việc tự giác tìm tòi, nghiên cứu để hiểu sâu thêm về nghị quyết còn có biểu hiện “u ám” hơn. Sách, báo, văn kiện, ấn phẩm chuyên đề do các tổ chức đảng phát hành đến từng đảng viên nhưng “nằm im” trên kệ sách, giá báo.”

Ngoài ra, báo QĐND còn nói:”Những người lười học, dù mức độ biểu hiện khác nhau, đều không có động cơ học tập đúng đắn. Họ không xem việc học nghị quyết là nhu cầu tự thân, học để nâng cao tri thức và hoàn thiện nhân cách mà chỉ học do sự “bắt buộc” của tổ chức đảng. Họ xem việc học nghị quyết như một nghĩa vụ. Chính vì động cơ không đúng nên việc học của những người này chỉ là hình thức, họ sẵn sàng trốn, vắng, bỏ học nếu điều kiện cho phép.”

Nhưng tại sao đảng viên lại chán đảng đến thế, và động lực nào đã khiến họ coi thường kỷ luật đảng mà không sợ bị trừng phạt ?

Nguyên do chính và quan trọng nhất là đảng viên không còn tin vào những gì đảng viết hay lãnh đạo nói, vì tất cả đều chứa đựng nhiều dối trá, không phản ảnh tình hình trong xã hội và nhân dân, nhất là khi có vô số lãnh đạo nói thì hăng tiết vịt mà làm thì chẳng được bao nhiêu, hay nói một đàng lại làm một lẻo, hay lại chuyên nghề “đánh trống bỏ dùi” từ năm này qua năm khác.

Tỷ dụ như đảng cứ mãi bắt đảng viên phải “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhưng trong đời sống thì lại thấy qúa nhiều lãnh đạo, kể cả những chức danh chủ chốt lại cứ tự nhiên dùng “Bác Hồ” để chạy cửa hậu hay nhận tiền tỷ dưới gầm bàn để vinh thân phì gia.

Hay, khi nước Nga, sào huyệt của Chủ nghĩa Cộng sản đã tan rã từ 1991, và Mác-Lênin chỉ còn là thứ học thuyết trong sọt rác thì đảng CSVN lại cứ bắt đảng viên, cán bộ và cả nước phải ôm chặt vào tay mà hít hà thứ cặn bã hôi hám ấy.

Vì vậy mà cán bộ, đảng viên và vô số trong Lực lượng võ trang đã chán đảng đền tận mang tai. Không thiếu gì người ở Việt Nam bây giờ chỉ mong sao cho đảng biến mất để được sống yên.

Vì vậy mà đảng đã sợ, nếu không răn đe ngay để tự vệ thì sẽ có ngày đảng cũng mang số phận như đảng Cộng sản Nga năm 1991.

Trong bài báo ngày 18/05/2017, QĐND đã cảnh giác:” Như vậy, việc lười học tập nghị quyết của Đảng nói riêng, LLCT (lý luận chính trị) nói chung là một trong những biểu hiện suy thoái rất nguy hiểm, nó làm cho cán bộ, đảng viên không nắm được đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, nghị quyết của Đảng dù rất đúng đắn, nhưng chậm được triển khai, cụ thể hóa và trở thành hiện thực. Thậm chí có những trường hợp, cán bộ, đảng viên hiểu sai, làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng, gây ra sự bất bình, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cũng do lười học tập LLCT, không nắm chắc, hiểu sâu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nên cán bộ, đảng viên không thể tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện. Do không nắm được nghị quyết của Đảng, nên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, thì không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để “giải thoát” cho chính mình và đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.”

CỨU NGUY HAY TỰ DIỆT ?

Đó là lý do tại sao Bộ Chính trị, cơ chế quyết định mọi việc của đảng và nhà nước đã ban hành Quy định 102-QĐ/TW, ngày 7/12/2017 để ngăn ngừa làn sóng bỏ đảng. Quy định này ấn định việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm “Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết, quy định của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị.”

Nhưng tại sao phải có Quy định này ?

Theo Tiến Sỹ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giải thích trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 01/01/2018) thì:” Quy định 102 ra đời từ thực tiễn, đó là tình trạng suy thoái về “chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra là hết sức nghiêm trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Từ nguồn gốc này, ông Thái đã bác bỏ những phê bình và chỉ trích từ mọi phiá, trong và ngoài nước và “trong” và “ngoài” đảng đã lên án Quy định 102 đưa ra chỉ nhằm tiêu diệt dân chủ, chà đạo quyền con người và xiềt chặt độc tài đảng trị để kìm kẹp nhân dân.

Đó là lý do tại sao ông Thái còn bao biện rằng:”Quy định 102 là một văn kiện của Đảng nhằm xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và cả những người vi phạm pháp luật của Nhà nước. Văn kiện này thể hiện rõ trách nhiệm chính trị và đạo đức của Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Cho dù những xuyên tạc ác ý, vu khống thâm độc đến đâu cũng không thể phủ nhận được bản chất tốt đẹp của Đảng ta.”

Vậy Quy định 102 viết gì và sẽ làm gì để cứu đảng khỏi tan ?

Trước hết hình thức kỷ luật: “Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.”

Trong số những hình phạt này, “khai trừ khỏi đảng” là nặng nhất.

Trước hết, sẽ bị khai trừ nếu:

“a) Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc.

b) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng".

c) Cố ý đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; truyền thống của dân tộc, của Đảng và Nhà nước.

d) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hoạt động gây nguy hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

đ) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

e) Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động.

g) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

h) Tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng.

i) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

k) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”

Cũng sẽ bị khai trừ khi một đảng viên :

“a) Vô tổ chức, vô kỷ luật, bỏ vị trí công tác nhiều lần không có lý do chính đáng; có hành vi chống lại các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b) Lợi dụng quyền dân chủ để bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt.

c) Trả thù người góp ý, đấu tranh, phê bình, tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân mình.”

NGÔN LUẬN-NHÂN QUYỀN

Sau những khống chế như thế, cán bộ, đảng viên chỉ còn là những con cá năm trên thớt khi quyền được nói và tư do tư tưởng phải nộp cho đảng.

Họ sẽ bị khái trừ nếu:

“a) Không chấp hành kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, đã để lộ thông tin, tán phát tài liệu, hiện vật không đúng nguyên tắc, chế độ quy định; tung tin sai lệch về nội bộ Đảng, gây tác động xấu đến ổn định chính trị, kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân, để kẻ xấu và các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá, hạ thấp uy tín của Đảng, chống phá Nhà nước.

b) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; cố ý nói, viết, lưu giữ trái phép hoặc tán phát rộng rãi các thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng hoặc đưa lên mạng những nội dung chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c) Kích động, lôi kéo người khác tham gia hội thảo, tọa đàm không được tổ chức có thẩm quyền cho phép, có nội dung trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

d) Lợi dụng quyền bảo lưu ý kiến, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

đ) Đảng viên khi có những việc làm sai trái, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở, giải thích nhưng không tiếp thu, tiếp tục có bài nói, viết, phát ngôn, tán phát hồi ký, đơn, thư công kích sự lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ, vu khống làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.”

LẬP HỘI-BIỂU TÌNH

Ngoài ra, Quy định 102 còn răn đe đảng viên trong việc lập hội, tham gia hội và biểu tình hoặc tập trung đông người, gây mất an ninh, trật tự.

Điều 23 viết rằng:

“1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

“a) Tham gia hoặc xúi giục, dụ dỗ người khác tham gia các hội trái quy định của pháp luật.

b) Tham gia hoặc xúi giục, dụ dỗ, ép buộc người khác tham gia các cuộc họp, hội thảo, mít tinh trái pháp luật hoặc không được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cho phép hoặc được phép nhưng lợi dụng để chống Đảng, Nhà nước.

c) Biết mà không báo cáo, tố cáo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về trật tự công cộng hoặc vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân.

d) Không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm nhưng không có biện pháp để ngăn chặn, loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng.

đ) Tổ chức, tham gia tập trung đông người trái quy định của pháp luật ở nơi đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng khác.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Chủ trì tổ chức hoặc chủ động vận động, xúi giục, cưỡng ép, mua chuộc người khác tham gia các hội trái quy định.

b) Có hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng.

c) Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để tổ chức, tham gia biểu tình, tập trung đông người, gây mất an ninh, trật tự.

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che, tiếp tay dẫn đến xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự công cộng.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Chủ trì, khởi xướng hoặc chủ động tham gia lập các hội trái quy định của pháp luật; tổ chức hoạt động của hội trái tôn chỉ, mục đích gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.

b) Khởi xướng tôn chỉ, mục đích, nội dung, hình thức; chủ trì, chuẩn bị kế hoạch, phân công, tập hợp lực lượng, tham gia bàn bạc, tuyên truyền, vận động, lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tham gia biểu tình, tập trung đông người trái quy định của Đảng và Nhà nước, gây mất an ninh, trật tự.

c) Hỗ trợ tham gia biểu tình không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng lại lợi dụng hoặc tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng để chống Đảng, chống Nhà nước.

d) Có hành vi, việc làm gây cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy rõ ràng đảng đã biến con người bằng xương bằng thịt và có lý trí của cán bộ, đảng viên thành những “con người gỗ”, “con Robot” chỉ biết làm theo lệnh của kẻ cầm giây kéo hay bấm nút.

Những cán bộ, đảng viên này buộc phải đứng nhìn đồng bào bị đàn áp khi họ xuống đường biều tình đòi công bằng, đòi đền bù đất bị chiếm bất hợp pháp và đòi xử tội những đảng viên tham nhũng.

Đau đớn nhất cho các đảng viên này là khi, trong số những người dân bị đàn áp, có cả anh em, bà con ruột thịt của mình.

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Ngoài ra, đảng viên sẽ bị khai trừ nếu vi phạm Điều 26 “quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài” như:

“a) Quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đảng, Nhà nước, làm phương hại đến lợi ích quốc gia.

b) Biết nhưng vẫn nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức có hoạt động chống Đảng và Nhà nước.

c) Đồng tình, bao che, tiếp tay cho hoạt động của người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài chống Đảng và Nhà nước.

d) Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hiện vật thuộc phạm vi bí mật của Đảng và Nhà nước cho nước ngoài, cho cá nhân và tổ chức chính trị thù địch, phản động dưới mọi hình thức.

đ) Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị thù địch, phản động nước ngoài.”

HỀT CHỒNG ĐẾN CHÉO

Như vậy, lý do đảng phải có Quy định 102 để cứu nguy đã rõ ràng, nhưng không ai biết lý do tại sao lại phải có thêm Quy định 102, trong khi từ 2011, khi ông Trọng lần đầu đắc cử chức Tổng Bí thư đảng khóa XI, thay Nông Đức Mạnh, đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 về 19 điều đảng viên không được làm.

Sau đây là nội dung 19 điều cấm của Quy định này:

I- Những điều đảng viên không được làm:

1- Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.

2- Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3- Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật.

4- Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.

5- Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.

Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.

6- Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.

7- Đảng viên (kể cả cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ diện cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.

8- Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.

Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định.

Biết mà không báo cáo, phản ảnh, xử lý các hành vi tham nhũng; không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng.

9- Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng.

10- Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định.

Lợi dụng chức vụ được giao để chiếm dụng, vay, mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý trái quy định.

Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.

11- Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi.

12- Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định.

13- Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia hoạt động rửa tiền.

14- Tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia.

15- Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá tiêu chuẩn, định mức hoặc trái quy định.

Chiếm giữ, cho thuê, cho mượn tài sản, cho vay quỹ của Nhà nước, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao quản lý, sử dụng trái quy định.

16- Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

17- Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay trái quy định của pháp luật; sử dụng các chất ma tuý; uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác.

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định.

18- Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói). Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.

19- Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi.”

Như vậy phải chăng từ 2011 đến 2017, tổng cộng 6 năm dài, 19 điều “trái cấm” đối với đảng viên chỉ là trò chơi sấp ngửa giữa sân đình. Tuy phần lớn nói đền chống tham nhũng, cửa quyền và nạn bè phái, nhưng nội dung của 19 Điều cũng được lập lại trong 37 Điều của Quy định 102.

Đó là điều đáng quan tâm vì nó thể hiện tình trạng trên bảo dưới không nghe. Cũng giống như chuyện đảng viên lười học tập lý luận chính trị hay các Nghị quyết của đảng, việc thi hành 19 điều cấm kỵ của ông Nguyễn Phú Trọng không đi đến đâu mà nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn như tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống.

Riêng trong lĩnh vực chính trị thì tình trạng mất định hướng, công khai nói xấu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, hoặc công khai phản bác quan điểm, đường lối của đảng để hướng sang Tư bản Chủ nghĩa đã lộ ra trong khắp mọi ngành nghề và tổ chức đảng.

Cũng với làn sóng mà đảng răn đe sẽ trừng phạt trong Quy định 102, phong trào đòi Dân chủ và các quyền Tư do tư tưởng và tư do báo chí cũng đang là nỗi lo quắt lòng của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đó cũng là lý do tại sao trong hai năm, từ 2016 đến 2017, ông Trọng đã tập trung đánh kẻ tham nhũng, lãng phí và gây thua lỗ nghiêm trọng trong các dự án kinh tế để lấy lại uy tín trong nhân dân, và để bảo vệ cho đảng không vỡ ngay trong nhiệm kỳ còn lại của ông (2021). -/-

Phạm Trần

(01/2018)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Định nghĩa thừa tác vụ, tiếp theo
Vũ Văn An
00:03 10/01/2018
Quan điểm coi thừa tác vụ “là chuyện…và là chuyện…”

Định nghĩa của David Haas là định nghĩa của một nhà nghệ sĩ, rất phóng khoáng và như tác giả đã xác định, nó nhằm “cử hành sự mơ hồ nhiều nghĩa”, không hẳn để cung cấp sự rõ ràng mạch lạc. Các thừa tác viên thụ phong, những người giữ ba trách vụ giảng dậy, cai trị và thánh hóa dân Chúa, hình như không muốn ủng hộ việc “cử hành” này. Bởi thế Đức Ông Charles Pope của Tổng Giáo Phận Washington D.C., Hoa Kỳ, muốn định nghĩa thừa tác vụ theo phương thức “là chuyện… và là chuyện” chứ không hẳn “không phải là chuyện… mà là chuyện…” như David Haas.

Theo Đức Ông Pope, các định nghĩa của Haas hạ giá thứ lãnh đạo và giáo huấn rõ ràng mà Thiên Chúa vốn mong nơi các thừa tác viên thụ phong. Ủy Nhiệm Thư Vĩ Đại của Chúa Kitô (Mt 28:18-20) truyền rằng các tông đồ được Người cử nhiệm sẽ đi khắp thế giới để giảng dạy một cách rõ ràng những gì chính Người đã truyền lệnh, để làm muôn dân trở thành môn đệ và dẫn dắt các môn đệ này vào đời sống bí tích của Giáo Hội một cách không hàm hồ qua Bí Tích Thánh Tẩy. Do đó, trong Ủy Nhiệm Thư Vĩ Đại, có những sự thật rõ ràng cần được công bố và một sứ mệnh phải đem người ta ra khỏi bóng tối mà vào ánh sáng. Chúa sai các ông đi khắp thế giới vì thế giới cần ánh sáng, sự thật, lời dạy, và lời mời gọi chạy tới lòng thương xót qua thống hối. Thực vậy, các tông đồ được trao cho 3 chức vụ: giảng dạy (như bản văn rõ ràng chỉ bảo), cai quản (bản văn nói các ngài phải giảng dậy các lệnh truyền của Chúa) và thánh hóa (bản văn nói các ngài phải làm phép rửa). Do đó, đấy là thừa tác vụ, việc làm của các tông đồ và các người kế nhiệm (giám mục, linh mục, phó tế). Thánh Phaolô, đặc biệt trong các Thư Mục Vụ, liên tiếp huấn giáo Titô và Timôtê phải giảng dạy, cai quản và thánh hóa. Hơn nữa, ngài nói các ngài còn phải đề cử các giám mục, linh mục và phó tế khác để làm cùng một công việc.

Thực ra, nói như Đức Ông Pope là chỉ nói về một khía cạnh của thừa tác vụ, đó là thừa tác vụ thụ phong. Trong khi nói đến thừa tác vụ hiện nay, ít nhất từ Công Đồng Vatican II trở lại đây, là nói đến thừa tác vụ nói chung, bao gồm mọi thành phần dân Chúa, nên thừa tác vụ này hiển nhiên gồm nhiều khía cạnh, thành thử những điều Haas nêu ra trong các định nghĩa của ông không hẳn là giảm giá thừa tác vụ mà là mở rộng, thật rộng.

Tuy nhiên, phương thức “thừa tác vụ không phải là chuyện… mà là chuyện” của ông quả có tính cách giới hạn, vô tình làm nghèo đi ý nghĩa đích thực của thừa tác vụ trong Giáo Hội, và đôi khi làm sai lạc ý nghĩa này. Thiết nghĩ, thừa tác vụ là tất cả những điều ông liệt kê, gồm cả những “không phải là chuyện” lẫn những “mà là chuyện”.

Đức Ông Pope thì cho rằng, đúng hơn nên nói “Thừa tác vụ là chuyện ‘A’ nhiều hơn chuyện ‘B’” thay vì “thừa tác vụ không phải là chuyện ‘A’ mà là chuyện ‘B’”.

Đức Ông Pope chọn một số câu định nghĩa của Haas để góp ý:

Thừa tác vụ không phải là chuyện làm – mà là chuyện lớn lên.

Tại sao lại đặt “chuyện làm” đối nghịch với “chuyện lớn lên”? Lớn lên há không phải là một hình thức làm đó ư? Làm há không đẩy mạnh việc lớn lên hay sao?

Nếu 1 vị linh mục nói rằng thừa tác vụ không phải là chuyện làm, rất có thể ngài cứ ngồi ở trong phòng suốt ngày mà vẫn có thể gọi đó là “thừa tác vụ”. Nếu thế, chắc chắn giáo dân sẽ gọi ngài là ông cha lười.

Áp dụng vào người giáo dân cũng thế. Dĩ nhiên ai cũng muốn họ lớn lên, phát triển. Nhưng Chúa Giêsu cho ta thấy rõ Người có nhiều điều để chúng ta “làm” như ăn năn, tin vào Tin Mừng, xa lánh tội lỗi, hãm mình, vác thánh giá, giữ các giới răn, yêu người lân cận, rao giảng Tin Mừng, xua đuổi ma qủy, và chữa lành. Người cũng đã cảnh cáo: “không phải người nào nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ những ai thực hành ý Cha Ta ở trên trời (mới được vào mà thôi)” (Mt 7:21). Và trong cảnh phán xét của Mt 25:31tt, điều rõ ràng quan trọng đối với Người là chúng ta thực sự làm những điều như cho kẻ đói ăn, và cho kẻ khát uống.

Lớn lên là điều tốt, nhưng việc làm chắc chắn cũng cần. Hai việc này đâu có chi đối lập nhau.

Thừa tác vụ không phải là chuyện lôi kéo người ta tới điều gì – mà là chuyện vừa cùng đi với người ta vừa tìm tòi.

Nghe sao lạ hoắc và không có chất Thánh Kinh chút nào vậy? Hãy nhớ câu truyện Đường Emmau: Chúa Giêsu vừa bước đi với 2 môn đệ vừa “lôi kéo” họ đến chỗ nhận ra sự thật đang sờ sờ trước mắt họ. Khi nghe họ than thở và bối rối, Người bảo họ chẳng biết gì và chậm tin quá (Lc 24:25). Rồi Người “lôi kéo” họ tới sự thật, bằng cách huấn giáo họ một cách chi tiết.

“Vừa cùng đi với người ta vừa tìm tòi” nghe có vẻ dò dẫm thế nào ấy, đâu phải giảng dậy. Chúa Giêsu từng nói: “Nếu kẻ mù dắt kẻ mù, cả hai đều rơi xuống hố” (Mt 15:14). Rõ ràng Chúa sai các thừa tác viên của Người đem ánh sáng và đường hướng giáo huấn của Người đến với những người đang tìm kiếm, chứ đâu có phải đi tìm loanh quanh với họ và làm dễ việc tìm tòi của họ. Ta có nhiệm vụ giúp họ tìm ra các câu trả lời. “Mở dạy kẻ mê muội” là việc thương người phần hồn cũng như “lấy lời lành mà khuyên người” (thực ra là: cố vấn cho người hoài nghi).

Các thừa tác viên thụ phong không hẳn điều gì cũng biết nhưng các ngài được giả thiết là có câu trả lời và cung cấp các hướng dẫn rõ ràng dựa trên lời cầu nguyện, học hỏi Chân Lý Thánh… Ơn gọi của các ngài không hẳn là ra ngoài “tìm kiếm” mà là giảng dậy vì Chúa đã cung cấp các câu trả lời trong Sách Thánh và Thánh Truyền.

Và các ngài được giả thiết phải lôi kéo người ta về 1 điều gì đó, nhất là về Một Ai Đó. Chúa Giêsu nói rằng đó chính là điều Chúa Cha làm qua Giáo Hội của Người: “Không ai có thể đến với Ta trừ khi Chúa Cha, Đấng sai Ta, lôi kéo người đó; và Ta sẽ làm người đó sống lại vào ngày sau hết. Có lời chép nơi các tiên tri rằng ‘và chúng sẽ được giảng dạy về Thiên Chúa’” (Ga 6:44-45).

Thừa tác vụ không phải là chuyện cung cấp các câu trả lời – mà là chuyện kích thích nhiều câu hỏi hơn nữa.

Một lần nữa, đây là một nhị phân sai lầm. Tại sao "các câu trả lời" và “nhiều câu hỏi hơn nữa” lại mâu thuẫn với nhau? Sự thực là: các câu trả lời kích thích người ta hỏi nhiều hơn nữa; các câu hỏi thường kích thích các câu hỏi khác. Người ta đặt câu hỏi rồi đợi câu trả lời; không điều gì xẩy ra cho tới khi có câu trả lời. Câu trả lời này thường kích thích thêm các câu hỏi khác để hiểu rõ hơn. Không hề có nhị phân giữa việc cung cấp câu trả lời và kích thích thêm câu hỏi. Thực ra, có một tương quan mạnh mẽ giữa chúng với nhau.

Bởi thế, các câu trả lời có tầm quan trọng cả trong việc giảng dậy lẫn trong thừa tác vụ Tin Mừng. Rõ ràng, Chúa Giêsu đã sai ta đi giảng dậy, với các câu trả lời cho các câu hỏi vốn phát ra từ tâm hồn người ta.

Dĩ nhiên, một trong các phương pháp giảng dậy là không trả lời mọi câu hỏi hay giải quyết mọi vấn đề một cách quá nhanh. Đây là một phương pháp đặc biệt tốt khi dùng cho trẻ em; ta nên để các em loay hoay với các câu hỏi và vấn đề, để các em học cách giải đáp các vấn đề này và học cách học tập.

Nhưng nếu đây là điều định nghĩa của Haas muốn nói thì tại sao lại không nói như thế? Đàng này, tác giả lại đi trình bầy một nhị phân sai lầm, dường như muốn nói cung cấp các câu trả lời là điều không nên làm, hay ít nhất: đây là điều tệ hại hơn là việc để người ta cứ loay hoay với nhiều câu hỏi hơn.

Thừa tác vụ không phải là chuyện cổ vũ giáo lý – mà là chuyện công bố Chúa Giêsu.

Một lần nữa, tại sao lại phải đối nghịch hai chuyện này? Chúa Giêsu sai chúng ta đi giảng dạy giáo lý: Bởi thế, các con hãy ra đi, làm cho các dân tộc thành môn đệ Thầy, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ vâng theo mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.

Không phải chỉ có cổ vũ tín lý, giảng dạy tín lý mà thôi, Chúa dạy ta phải giúp họ vâng theo nữa. Người cảnh cáo: “vì bất cứ ai xấu hổ vì Ta và vì giáo huấn của Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, Con Người cũng sẽ xấu hổ vì họ khi Người bước vào vinh quang của Cha Người cùng các thiên thần của Người” (Mc 8:38).

Ta thấy Chúa Giêsu nối kết chính Người với giáo huấn, giáo lý, và Lời của Người; Người là Lời, là Logos, thành xác thịt. Người nói rằng bác bỏ giáo huấn, giáo lý của Người là bác bỏ Người và sẽ bị kết án vì thế.

Thánh Phaolô khuyên Titô: Nhưng còn với con, hãy nói những điều nhất quán với giáo lý lành mạnh” (Tt 2:1). Thánh Phaolô liên kết giáo lý vào Chúa Kitô, điều mà ngài nên làm, vì quả có sự tương quan. Ngài viết: “Những gì anh nghe từ tôi, hãy giữ như mẫu giáo huấn lành mạnh, cùng với đức tin và tình yêu nơi Chúa Giêsu Kitô (2 Tim 4:3) (?). Thừa tác vụ là cổ vũ giáo lý và khi ta cổ vũ các giáo huấn của Chúa Kitô, ta giúp việc công bố Chúa Giêsu.

Trên đây là các nhận định về một số định nghĩa thừa tác vụ của David Haas. Tuy nhiên, theo Đức Ông Pope, không câu định nghĩa nào của tác giả này sai lạc bằng câu cuối cùng sau đây:

Thừa tác vụ không phải là chuyện người ta có tin Thiên Chúa hay không – mà là chuyện bước chân theo Chúa Kitô.

Xin có lời khuyên: nếu bạn gặp một cụ “thừa tác viên” nào không tin có Thiên Chúa, bạn nên chạy cho xa, đừng có chần chừ, chạy cho thật xa! Và nếu bạn gặp một “thừa tác vụ” nào nói rằng tin có Thiên Chúa không phải là điều quan trọng, thì bạn cũng nên chạy cho thật xa!

Vì quả không có gì, đúng là không có gì, quan trọng hơn là tin vào Chúa Giêsu Kitô. “Không có đức tin, không thể làm vui lòng Thiên Chúa” (Dt 11:6). Chúa Giêsu cảnh cáo: “nếu các ông không tin Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ chết trong tội lỗi của các ông” (Ga 8:24).

Toàn bộ công trình Sách Thánh là đem ta tới đức tin vào Chúa Giêsu, Người là Đấng Kitô và là Chúa. Thánh Gioan viết: “còn nhiều dấu lạ khác do Chúa Giêsu thực hiện trước mặt các môn đệ, nhưng không được ghi lại trong sách này; những điều này được ghi lại để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia, là Con Thiên Chúa, và nhờ tin, anh em có sự sống nhân danh Người” (Ga 20:31).

Không gì thiếu sót và hồ đồ bằng câu “định nghĩa” cuối cùng này. Một cách đơn giản, không thể có bất cứ thừa tác vụ nào nếu không có đức tin, tin Chúa Giêsu Kitô là Chúa. Không điều gì khác đáng kể nếu không có đức tin. Thậm chí, theo Chúa Kitô có nghĩa chi nếu không tin có Thiên Chúa?

Tóm lại, thwo Đức Ông Pope, công việc của 1 thừa tác viên thụ phong là giảng dạy, cai quản và thánh hóa dân Chúa; và ngược lại, ngài được giảng dậy, cai quản và thánh hóa bởi Giáo Hội qua các mục tử. Có một chân lý để tìm kiếm và giảng dậy một cách rõ ràng, kiên nhẫn và đầy xác tín. Sống câu hỏi là 1 ý niệm hay hay nhưng nếu không có câu trả lời nào cả, thì câu hỏi quả là độc ác và cay độc.

Vả lại Chúa Giêsu quả có một giáo lý và Người tự đồng hóa với giáo lý này khi Người nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”. Người cảnh cáo rằng ta nên theo Người, vì không ai đến được với Chúa Cha nếu không qua Người.

Thừa tác vụ nhất định là chuyện cung cấp các câu trả lời và giảng giải giáo lý. Vì giảng dậy và nhấn mạnh nằm ngay ở tâm điểm thừa tác vụ của Chúa Giêsu, và “lôi kéo” người ta về với Chúa Cha nhờ đức tin là ước muốn sâu xa nhất của Người đối với chúng ta.
 
Giải đáp phụng vụ: Vật liệu nào được dùng làm Bình Thánh?
Nguyễn Trọng Đa
09:34 10/01/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 328, các bình thánh nên được làm bằng kim loại quý. Tuy nhiên, số 329 trao quyền cho các Hội Đồng Giám mục để cho phép sử dụng các vật liệu khác, mà theo lịch sử hoặc văn hoá được xem là là quý giá, chẳng hạn một số loại gỗ quý. Quy định này ảnh hưởng như thế nào đến các Dòng tu hội thuộc quyền giáo hoàng, vốn có mặt ở nhiều giáo phận và Hội Đồng Giám mục? Liệu quyết định của Hội Đồng Giám mục địa phương và quyết định của giáo phận là khác với các Dòng tu hội này trong Thánh lễ riêng tư giữa các tu sĩ, một Thánh Lễ bán riêng tư với các người khách bên ngoài đến tham dự Thánh lễ, và một Thánh lễ hoàn toàn công khai không? Nếu một vật liệu được coi là cao quý theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 329, được quyết định bởi một Hội Đồng Giám mục và được một Dòng tu hội mang vào một Hội Đồng Giám mục khác, vốn không đưa ra phán quyết chính thức về vật liệu đó, liệu nó vẫn có thể sử dụng với thiện ý trong bất kỳ khung cảnh riêng tư / bán riêng tư / công khai chăng? Trong bất kỳ trường hợp nào, liệu khả năng xác định vật liệu cao quý cho toàn Dòng tu hội có thuộc về thẩm quyền của bề trên tổng quyền của Dòng tu hội ấy không? - B. W., thành phố Lipa, Philippines.


Đáp: Câu hỏi rất chính xác này đòi hỏi một câu hỏi lớn hơn, vì nó đề cập đến vai trò của các Giám mục, và trên hết, các Hội Đồng Giám mục, trong việc điều chỉnh phụng vụ liên quan đến các Dòng tu hội.

Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma trình bày bản tóm tắt sau đây về thẩm quyền của các Hội Đồng Giám mục. Đã có một số sửa đổi gần đây về các bản dịch nằm ngoài phạm vi của câu hỏi này:

"386. Việc soạn thảo Sách Lễ Rôma, được thực hiện vào thời đại chúng ta theo qui tắc của các sắc lệnh của Công Ðồng Chung Vatican II, luôn lưu tâm làm sao cho mọi tín hữu, trong cử hành Thánh Lễ, có thể tham dự cách đầy đủ, ý thức và linh hoạt, như bản chất Phụng Vụ đòi hỏi, và như các tín hữu, do thân phận mình, có quyền và có bổn phận yêu cầu.

“Tuy nhiên, để cho việc cử hành đáp ứng các qui tắc và tinh thần của Phụng Vụ Thánh, Qui Chế Tổng Quát này và Lễ Qui đưa ra vài thích ứng và thích nghi, được giao cho sự phán đoán của Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục.

“387. Giáo Mục giáo phận, với tư cách là đại tư tế của đoàn chiên mình, từ ngài xuất phát và tuỳ thuộc một cách nào đó sự sống của các tín hữu mình trong Chúa Kitô, có nhiệm vụ cổ võ, điều phối và canh phòng đời sống phụng vụ trong giáo phận mình. Trong Qui Chế Tổng Quát này, ngài được giao cho việc điều phối kỷ luật về đồng tế (x. số 202), ban hành các qui tắc về phận vụ trợ giúp vị tư tế nơi bàn thờ (x. số 107), về việc phân phát rước lễ dưới hai hình (x. số 284), về việc xây dựng và bố trí thánh đường (x. các số 291-294). Nhưng trên hết ngài có bổn phận phát triển tinh thần phụng vụ thánh nơi các linh mục, phó tế và giáo dân.

“388. Các thích nghi, được nói đến sau đây, cần được xác định với sự điều hợp rộng lớn bên trong Hội Ðồng Giám Mục, chiếu theo luật.

“389. Trước hết, các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền cho soạn thảo và phê chuẩn bản dịch Sách Lễ Rôma trong tiếng địa phương để được dùng trong lãnh thổ mình, sau khi được Toà Thánh công nhận.

Sách Lễ Rôma phải được phát hành toàn bộ trong bản Latinh hay trong bản dịch địa phương được phê chuẩn cách hợp pháp.

“390. Các Hội Ðồng Giám Mục qui định các thích nghi và, sau khi được Toà Thánh công nhận, được đưa vào Sách Lễ. Việc thích nghi được làm trong những điều được cho phép trong Quy Chế Tổng Quát này và trong Lễ Qui Rôma, tức là:

- Cử chỉ và điệu bộ thân thể của các tín hữu (xem trên, các số 24, 43);

- Cử chỉ tôn kính đối với bàn thờ và sách Tin Mừng (xem trên, số 273);

- Các bản văn bài ca nhập lễ, chuẩn bị lễ phẩm và hiệp lễ (xem trên, các số 48, 74, 87);

- Các bài đọc lấy từ Thánh Kinh trong những dịp đặc biệt (xem trên, số 362);

- Hình thức trao bình an (xem trên, số 82);

- Cách thức rước lễ (xem trên, các số 160-161, 284);

- Chất liệu chế tạo bàn thờ và các vật dụng thánh, nhất là các bình thánh, và chất liệu, hình thức và màu sắc các phẩm phục phụng vụ (xem trên, các số 301, 329, 332, 342, 345-346, 349).

“Các Hướng Dẫn và Huấn Thị mục vụ, mà Hội Ðồng Giám Mục xét là cần thiết, có thể được đưa vào Sách Lễ Rôma, ở chỗ thích hợp, sau khi được Toà Thánh công nhận.

“391. Các Hội Ðồng Giám Mục phải lo sao cho bản dịch các bản văn Thánh Kinh dùng trong cử hành Thánh Lễ, được thực hiện với sự cẩn thận đặc biệt. Thật vậy, người ta trích từ Thánh Kinh các bài để đọc và để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những thánh vịnh để hát. Cũng nhờ gợi hứng từ Thánh Kinh mà xuất phát các kinh, lời nguyện, công thức phụng vụ, đồng thời những động tác và các biểu hiệu cũng nhận lấy ý nghĩa từ Thánh kinh.

"394. Mỗi giáo phận nên có lịch của mình và phần riêng các Lễ. Về phần mình, Hội Ðồng Giám Mục nên làm một lịch riêng, hay cùng với những Hội Ðồng Giám Mục khác, đưa ra một lịch có thẩm quyền lớn hơn, sau khi được Toà Thánh chấp thuận.

“Khi làm việc này, phải duy trì hết sức ngày Chúa Nhật sao cho các lễ kính, và các cử hành khác không được lấn át ngày Chúa Nhật, trừ phi thật sự là rất quan trọng. Cũng lo sao đừng để năm phụng vụ được công nhận bởi sắc lệnh của Công Ðồng Vatican II bị che khuất bởi các yếu tố thứ yếu.

“Khi làm lịch quốc gia, phải ghi các ngày Cầu Khẩn và Bốn Mùa, và có trước mắt hình thức và bản văn để cử hành những ngày này và những đặc điễm riêng khác.

“Khi phát hành Sách Lễ, nên đưa những cử hành riêng cho toàn thể quốc gia hay lãnh thổ lớn hơn vào chỗ những cử hành của lịch chung, còn những cử hành riêng cho vùng hay giáo phận thì để vào phần Phụ Lục đặc biệt.

“395. Sau cùng, nếu sự tham dự của các tín hữu và lợi ích thiêng liêng của họ đòi hỏi có những thay đổi và thích nghi sâu rộng hơn, hầu cử hành thánh đáp ứng với não trạng và truyền thống của các dân tộc khác nhau, các Hội Ðồng Giám Mục có thể đề nghị chúng lên Toà Thánh, theo đúng qui tắc của số 40 Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, để sau khi được Toà Thánh chấp thuận, thì đưa vào, nhất là đối với các dân tộc vừa mới được rao giảng Tin Mừng. Nên cẩn thận tuân giữ những qui tắc đặc biệt được đưa ra trong Huấn Thị "Phụng Vụ Rôma và hội nhập văn hoá" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Huấn thị của Tòa thánh, Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ), năm 2004, có những điều sau đây để nói về thẩm quyền của các Giám mục giáo phận đối với các Dòng tu hội và các đoàn thể khác:

"[23] Các tín hữu “phải gắn bó với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu-Kitô và như Chúa Giêsu-Kitô gắn bó với Chúa Cha, để mọi sự đều hòa hợp trong sự hiệp nhất và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa”. Tất cả, kể cả các thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và Tu Hội tông đồ, cũng như các đoàn thể và các phong trào thuộc giáo hội, phải phục tùng quyền của Giám Mục giáo phận về tất cả những gì liên quan đến Phụng Vụ, ngoại trừ những quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp. Như vậy, Giám Mục giáo phận có quyền và có bổn phận quan tâm giám sát về mặt phụng vụ, và, với danh nghĩa này, ngài viếng thăm các nhà thờ và nhà nguyện nằm trên lãnh thổ của ngài, kể cả những nhà thờ, nhà nguyện được xây dựng và điều khiển bởi các thành viên của các hội nói trên, nếu các tín hữu thường ngày lui tới” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Điều gì đúng về các quy chế, do Giám mục giáo phận ban hành, sẽ áp dụng như nhau cho các quy chế do Hội Đồng Giám mục ban hành, vì chúng được Toà Thánh chuẩn thuận rõ ràng.

Ngoại lệ được đề cập ở trên về "các quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp” sẽ đề cập đến một loạt các khả năng của các đặc quyền đặc biệt được ban cho các Dòng tu hội. Chúng có thể bao gồm các năng quyền đặc biệt trong Bí tích Hòa giải, một niên lịch phụng vụ đặc biệt bao gồm các thánh của Dòng tu hội, và ngay cả một nghi lễ phụng vụ riêng của họ, chẳng hạn như nghi lễ Đaminh, vốn có thể được sử dụng bởi các thành viên của Dòng Thuyết Giáo (OP).

Như chúng ta đã thấy ở trên, luật Giáo hội xem các vật liệu dùng cho các bình thánh là sự thích ứng "vốn đòi hỏi một mức độ phối hợp rộng rãi hơn", và do đó được quyết định bởi luật riêng của Hội Đồng Giám mục. Sau khi các thích ứng này được Tòa Thánh công nhận, chúng trở thành luật phụng vụ có tính ràng buộc trong lãnh thổ quốc gia.

Vấn đề này không được đưa vào thẩm quyền của Bề trên Dỏng tu hội. Đặc tính cử hành (mở ra cho các tín hữu hoặc dành riêng cho các thành viên của Dòng tu hội) không tạo ra sự khác biệt đối với việc áp dụng luật, bởi vì các tu sĩ không được miễn trừ khỏi luật chung.

Mặc dù có tuyên bố này, và ngoài bất kỳ vấn đề nào về quyền phụng vụ của một Giám mục đối với các tu sĩ, câu hỏi chính xác vẫn là liệu một bình thánh, vốn phù hợp với các quy chế do một Hội Đồng Giám mục ban ra, có thể được sử dụng trong lãnh thổ của một Hội Đồng Giám mục khác, vốn không đưa ra quy chế ấy chăng.

Một thí dụ về sự khác biệt đối với các bình thánh là quy chế của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ và quy chế của Hội Đồng Giám mục Anh và xứ Wales. Quy chế của Hội Đồng Giám mục Anh và xứ Wales tự giới hạn vào bản dịch từ tiếng Latinh, không có sự điều chỉnh nào:

"326. Trong việc lựa chọn vật liệu cho đồ vật thánh, bên cạnh những gì là truyền thống, các vật liệu khác được chấp nhận nếu theo các tiêu chuẩn hiện đại, chúng được coi là quý giá, là bền chắc và phù hợp cho việc sử dụng thánh. Hội Đồng Giám mục có quyền về vấn đề này (xem số 390).

"328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng.

"329. Theo phán quyết của Hội đồng Giám mục, sau khi các quyết định của Hội Đồng đã được Tòa thánh chuẩn thuận, các bình thánh cũng có thể được làm từ các vật liệu rắn khác, vốn là quý giá theo ước tính chung của từng khu vực, ví dụ như gỗ mun hoặc các loại gỗ cứng khác, miễn là các vật liệu này phù hợp cho việc sử dụng thánh. Trong các trường hợp như vậy, luôn luôn ưu tiên cho các vật liệu không dễ bị phá vỡ hoặc hư hỏng. Điều này áp dụng cho tất cả các vật lưu giữ bánh thánh, như đĩa thánh, bình thánh, hộp đựng Mình Thánh, mặt nhật và các vật dụng thuộc loại này”.

Về phần mình, Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ nói:

"326. Trong việc lựa chọn vật liệu cho đồ vật thánh, bên cạnh những gì là truyền thống, các vật liệu khác có thể được chấp nhận, nếu theo não trạng của thời đại chúng ta, chúng được coi là quý giá, là bền chắc và phù hợp cho việc sử dụng thánh. Trong các Giáo Phận của Hoa Kỳ, các vật liệu này có thể bao gồm gỗ, đá hoặc kim loại, vốn là rắn chắc và phù hợp với mục đích sử dụng chúng.

“327. Trong các vật dụng cần phải có để cử hành Thánh Lễ, các bình thánh phải được đặt biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng, truyền phép và rước bánh rượu.

“328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng.

“329. Trong các Giáo phận của Hoa Kỳ, các bình thánh có thể được làm bằng những chất liệu khác vững bền và cao quý theo đánh giá chung của địa phương, thí dụ: ngà hay vài thứ gỗ cứng, miễn là thích hợp cho việc sử dụng thánh. Trong trường hợp này, luôn luôn nên chọn chất liệu không dễ vở hay hư hỏng. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho các vật lưu giữ bánh thánh, như đĩa thánh, bình thánh, hộp đựng Mình Thánh, mặt nhật v.v...

“330. Về chén thánh và các bình đựng Máu Chúa, phần chứa đựng phải làm bằng chất liệu không thẩm thấu. Còn phần chân thì có thể làm bằng chất khác bền chắc và xứng đáng".

Cả hai văn bản trên phải được đọc trong ánh sáng của huấn thị Redemptionis Sacramentum:

"[117]. Các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ. Theo sự phán đoán của các Hội Đồng Giám Mục, mà quyền hạn này đã được ban cho với sự Toà Thánh xác nhận (confirmatio) các hành vi của các ngài, có thể thích thời thực hiện các bình thánh bằng cách sử dụng những chất thể khác, với điều kiện là chúng phải được chắc chắn. Nhưng mà, trong mỗi vùng, đòi hỏi cách nghiêm chỉnh phải chọn lựa những chất thể mà mọi người đánh giá là quý, để tỏ sự tôn kính Chúa, và để tránh hoàn toàn, nơi mắt các tín hữu, mọi nguy cơ giảm bớt lòng tin nơi sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Như vậy, việc cử hành Thánh Lễ với bất cứ bình dùng hằng ngày hay thông thường hơn, phải được dứt khoát bài trừ, đặc biệt nếu đó là những đồ vật không có chút nào là nghệ thuật, hay chỉ là những cái giỏ thường, hay nữa là những đồ đựng bằng thuỷ tinh, đất sét, đất nung hay bằng những chất liệu khác dễ bể. Việc này cũng có giá trị đối với tất cả bình bằng kim loại hay được làm bằng những chất liệu dễ hỏng” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Thí dụ, liệu một chén thánh bằng gỗ cứng với một cốc có mạ vàng, phù hợp với các quy chế của Hoa Kỳ, có thể được sử dụng ở Anh không?

Tôi nhận định rằng điều này có thể được chấp thuận, bởi vì Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ đặt thành luật các thí dụ được cung cấp trong văn bản gốc tiếng Latinh, và các Giám mục Anh, trong khi không đặt thành luật, không loại trừ việc sử dụng các vật liệu được đưa ra làm thí dụ. Bởi vì cả hai vùng chia sẻ nhiều điểm tương đồng rộng lớn về văn hoá, nên sẽ không có sự khác biệt về đánh giá vật liệu, như gỗ cứng tốt chẳng hạn.

Chức năng lập pháp của Hội Đồng Giám mục thường là thừa nhận các vật liệu quý giá ở địa phương. Hội Đồng Giám mục thường biết rõ nhất các vật liệu phi truyền thống nào sẽ là phù hợp, và đa số hai phần ba số lượng Giám mục thường được yêu cầu cho hình thức pháp luật này, cũng như sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Các vật liệu này có thể không được đánh giá cao trong một tình hình văn hoá khác, vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, các vật liệu bất thường được chấp thuận trong một khu vực có thể không nên đơn thuần du nhập sử dụng ở một khu vực khác, nếu Hội Đồng Giám mục nơi ấy chưa đặt thành luật.

Các vật liệu không phù hợp, như các vật liệu bị chỉ trích trong huấn thị Redemptionis Sacramentum, phải bị loại trừ ra khỏi sự sử dụng trong phụng vụ. (Zenit.org 9-1-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương : Sống Theo Linh Đạo Hồng Y Thuận
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
22:42 10/01/2018

Chuyện ngày cũ



Truyện kể rõ ràng: Sau khi thụ phong Linh Mục, cha Phan-xi-cô Thuận đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, vừa để tạ ơn, vừa để xin Mẹ che chở chúc lành đời phục vụ. Ngày ra về, cha cứ nghe âm vang trong lòng: dường như Đức Mẹ nhủ mình ráng can đảm, vì bao thử thách đang chờ đợi trước mắt. Phải chăng có chút gì giống ngày xưa tiên tri Si-mê-on tiên báo về đau khổ Mẹ sẽ chịu vì người con yêu dấu (lễ dâng Chúa vào đền thờ). Nhưng cha Thuận cứ tin tưởng. Mọi sự có Chúa lo !

Về nước, làm giám đốc chủng viện, rồi vinh thăng Giám mục Nha Trang lúc mới 39 tuổi đời. Công tác mục vụ nào cũng thành công. Chuyện xã hội nào cũng vuông tròn. Trăm người đều mến thương, kính phục và hãnh diện. Mẹ ơi, lời tiên tri ‘ngầm’ của Mẹ không ứng nghiệm tí nào cả mất rồi !

Nhưng…Cái nhưng tai quái ! Biến cố 1975 ập tới. Dù tâm tư vị giám mục trẻ có phần nào nao núng, nhưng tòa thánh Vatican lại cất nhắc ngài lên chức Tổng giám mục phó Saigon với quyền kế vị ! Vinh dự lớn lao…Bao người mừng chúc…Tương lai như mở ra tươi sáng !

Và rồi chuyện phải đến đã đến: ngài sống đời lao tù suốt 13 năm ròng rã. Mẹ ơi, con nhận ra điều mẹ tiên báo ngày xưa rồi ! Mẹ ở bên con luôn nhé ! Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Thời điểm đã tới với Phan-xi-cô Nguyễn văn Thuận. Đây là lúc phải vận dụng hết năng lực nội tâm, dựa tuyệt đối vào ơn Chúa, ngài đã hình thành và chia sẻ với giáo dân một LINH ĐẠO tuyệt vời để sống và thực hành đức tin trong mọi hoàn cảnh.

Một Linh Đạo siêu việt



Mãn tù, ngài được đi nước ngoài chữa bệnh, rồi nhận lệnh cấm không được về lại Viêt Nam nữa. Thế là ngài được vị giáo hoàng đương thời đón trong vòng tay trìu mến. Rồi được mời giảng tĩnh tâm mùa chay cho giáo triều Rô Ma, rồi Chúa quan phòng tạo dịp cho ngài tiếp tục phục vụ giáo hội trong chức vụ chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình…Và qua những ngày suy tư về đời sống và ơn gọi phục vụ, ngài đã giúp hình thành những trang sách hướng dẫn giáo dân sống đạo theo đúng tinh thần Phúc Âm.

Thật ra, từ ngày coi chủng viện Huế cho tới phút lìa đời, Hồng Y Thuận luôn đem khẩu hiệu ‘VUI MỪNG và HY VỌNG ‘ ra để sống và chia sẻ với mọi thành phần dân Chúa. Nhờ thế ngài can đảm kiên trì ngay cả những tháng năm dài đằng đẵng trong tù. Cái nền tảng vững vàng của nền Linh Đạo này chính là Đức Ái: Kính mến Chúa và yêu thương mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Ngày phải vào nhà thương cho bác sĩ cắt đi 2 kí rưỡu bướu độc trong người (phải tạm để lại 4 kí rưỡi), ngài vẫn nói thản nhiên: ”Chúa sẽ giúp tôi luôn vui mừng và hy vọng, vì tôi mãi sống trong Đức Ái của Người”. Thành ra, cả đời, ngài chưa bao giờ thốt lên một lời cay đắng hận thù.

Vào năm 1997, khi tập sách ’5 chiếc bánh và 2 con cá’ của ngài được ra mắt, ngài nói rõ mục đích viết ra chỉ là để giúp các bạn trẻ nhận ra sứ điệp tình thương, tha thứ và hòa giải. Chính tâm trạng này mới thực sự tạo cho hồn trí chúng ta niềm vui chân thật và bình an của chính Chúa.

Cái tiêu đề HY VỌNG mới thực sự cho mọi người thấy cốt lõi đời thiêng liêng của ngài. Cho nên tập sách căn bản ‘Đường Hy vọng’ đã được in sách qua 10 ngôn ngữ. Rồi phụ thêm là tập ‘Đường Hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa’ được in sách qua 2 thứ tiếng, giống như tập kế là ‘Những người lữ hành trên đường Hy vọng’.

Linh đạo này dĩ nhiên đòi chúng ta kết hợp liên lỉ với Chúa qua sự cầu nguyện. Có cầu nguyện mới có niềm vui và hy vọng. Có cầu nguyện chúng ta mới biết chia sẻ những gì tốt đẹp nhất cho tha nhân. Cầu nguyện vì thế phải là nền tảng của việc tông đồ (phúc âm hóa). Nguồn sinh lực giúp ta sống đời cầu nguyện mạnh nhất là Bí Tich Thánh thể. Việc này đẩy đưa tới lối Linh Đạo Hiệp thông: đến với mọi người, mong quy tụ tất cả thành gia đình con Chúa. Ai cũng phải nhập cuộc và chịu khó tham gia vào vườn nho của Chúa.

Để lo cho tha nhân, chính cộng đoàn chúng ta phải yêu thương đoàn kết trước. Phại học cách từ bỏ cái tôi cố hữu. Cần nhìn anh em chị em như hiện thân của chính Chúa Ky tô. Cần những gương sáng và lời khích lệ chân tình, để mong cùng nhau xây dựng hội thánh và nước Chúa ở trần gian.

Ánh sáng và muối men



(Ông bà cố nói không mong ngài làm Giám Mục hay Hồng Y, nhưng muốn ngài luôn là Linh mục tốt của Chúa)

Ai cũng phải biết đi từ gia đình mà chia sẻ Chúa cho mọi người ngoài xã hội, cộng đồng. Hồng Y Thuận tóm tắt lối sống tâm linh này như sau:

---Tiêu cực: Không nên sống cục bộ / Tiêu cực bi quan / Cá nhân chủ nghĩa / Lười biếng tránh né / Theo chuẩn mực thé tục / Chỉ chờ phép lạ / Tùy hứng vô định / Thiếu trách nhiệm / Bè phái chia rẽ…

(Vì từ lối sống này, sẽ tạo nên thái độ kiêu căng / Bối rối / Thiển cận / Đa nghi / Ôm đồm / Xu thời / Luộm thuộm / Hám danh / Thích mưu mô.)

---Tích cực: Khiêm tốn / Tin ơn Chúa / Biết trao đổi đối thoại / Cẩn thận / Can đảm / Yêu thương / Mong phục vụ / Tha thứ / Thích hòa giải / Ưa cầu nguyện…

(Hồng Y Thuận bảo lối sống tích cực này sẽ thành ‘Thập Đại Thắng’.)

Từ những lời chỉ dẫn về Linh Đạo cao quý này, Hồng Y Thuận đã được nhiều người chú ý đến đời sống đạo cá nhân của ngài qua các đặc điểm như sau: Luôn hòa nhã vui cười / Sống giản dị khiêm tốn / Nghiêm khắc với mình và công việc / Hướng đi tâm linh vững vàng / Lòng bác ái trổi vượt.

Con người của Chúa



Tinh thần của Hồng Y Thuận đã được cả thế giới biết, nhất là trong dịp ngài lãnh chức Hồng Y vào năm 2001. Trong dịp này, ngài đã thành thật trả lời báo chí phỏng vấn: ”Tôi kiên trì được trong hơn 13 năm tù là nhờ luôn thấy Chúa ‘ở tù’ với tôi. Tôi ráng dâng thánh lễ mỗi ngày với chút bánh khô, kèm vài giọt rượu pha một giọt nước trong lòng bàn tay, để mong có sức mạnh trong lòng”.

Cuộc đời lạ thường của ngài nhắc nhở mọi tín hữu chúng ta phải sống và tuyên xưng Tin Mừng cho thế giới, ở bất cứ hoàn cảnh nào. Dĩ nhiên đây là hoa quả của lòng trung thánh với Chúa Ky tô. Trong tù, ngài biến trại tập trung trở thành giáo phận, với nhà thờ chánh tòa là con tim sốt mến của mình, biến bàn tay gầy gò của mình thành bàn thờ tế lễ mỗi ngày, biến túi áo nhỏ bé của mình thành nhà tạm, và biến phòng giam chật hẹp tăm tối thành tòa đấng cao sang.

Chúng ta hãnh diện, bây giờ là năm 2018, ngài đã được tôn lên bậc ‘Đấng đáng kính’, chờ ngày lên bậc chân phước, rồi hiển thánh. Tuy nhiên, trong tâm tư các tín hữu Việt Nam, ngài đã quả thật đáng được gọi là thánh. Không ai chối cãi về
những nhân đức anh hùng của ngài, mà nền tảng là lòng yêu thương không biên giới. Bà con xa gần đều nhắc tới mẩu truyện ngài nói với anh lính canh tù: “Ngay cả khi các anh muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn luôn yêu thương các anh, bởi vì Chúa của tôi dạy tôi như thế”.

Hôm nay nhắc tới Hồng Y khả kính của chúng ta, chúng ta không chỉ dừng ở chỗ hãnh diện về ngài, nhưng quan trọng nhất là việc noi gương ngài đã sống ra sao. Cùng cầu nguyện với ngài cho hòa bình thế giới, cho dân tộc và giáo hội Việt Nam. Mong sao thấy Hội thánh sớm cho phép toàn thế giới được tôn kính ngài trên bàn thờ.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Bọ Ngựa
Thérésa Nguyễn
09:45 10/01/2018
CON BỌ NGỰA
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Đít vểnh chìa khoe mắt lộn lồi
Cong mình dướn cẳng chống càng đôi
Nghiêng đầu vuốt mặt răng kìa tối
Ngóc cổ sờ râu miệng chắc mồi

Bụng lớn lê chà trông rõ tội
Chân dài bé nhỏ nặng nề lôi
Làm duyên đập cánh rằng ưa trội
Tạo dáng rung cành cũng vậy thôi.
(Trích thơ của Hoàng Hiện)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 11/1/2018: Những hình ảnh tuyệt đẹp về Lễ Ba Vua và Lễ Giáng Sinh trên thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:51 10/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Lễ Chúa Giáng Sinh Chính Thống Giáo

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ Vọng Giáng Sinh do Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cử hành tại nhà thờ chánh tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ của thủ đô Cộng Hòa Liên Bang Nga vào ngày thứ Bẩy 6 tháng Giêng.

Chính Thống Giáo Nga được thành lập vào năm 988 và hiện có số tín hữu đông nhất trong thế giới Chính Thống Giáo với 150 triệu tín hữu, 368 Giám Mục, 35,171 linh mục và 4,816 phó tế theo thống kê mới nhất thực hiện hồi tháng 7 năm 2016.

Theo niên giám của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa, bên trong lãnh thổ Nga có 34,764 giáo xứ, 926 tu viện trong đó 455 tu viện dành cho nam giới và 471 tu viện dành cho nữ giới.

Cụm từ “bên trong lãnh thổ Nga” được dùng là vì Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa khẳng định quyền tài phán cả ở những nước thuộc khối Liên Xô cũ như Georgia, Amernia, Belarus, Ukraine, Estonia, Latvia và Moldova. Mặc dù khẳng định này thường bị các Giáo Hội Chính Thống địa phương phủ nhận.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa có cả các giáo xứ tại Cuba, Nhật Bản và Trung quốc.

Trong khi đó, tại Istanbul, Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô đã cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh vào chiều ngày 6 tháng Giêng tại nhà thờ chánh tòa Thánh George dưới sự bảo vệ của một lực lượng an ninh hùng hậu.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô là Thượng Phụ đại kết, nghĩa là đứng đầu trong khối Chính Thống Giáo. Cụm từ “đứng đầu” ở đây chỉ có tính chất nghi lễ chứ không có quyền tài phán thực sự. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô không có vai trò Giáo Hoàng như vị Giám Mục Rôma.

Trong khi khối Chính Thống Giáo gồm khoảng 300 triệu tín hữu, các tín hữu thành Constantinope do Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô coi sóc chỉ có 3.5 triệu người. Chính Thống Giáo Nga có đến 150 triệu tín hữu.

Tuy các nghi lễ đã được diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm nhặt, không một nghi thức hay một truyền thống nào bị bỏ qua, kể cả truyền thống “bơi lội tìm thánh giá”.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã ném một thánh giá bằng gỗ xuống hồ Golden Horn. Nhiều người đã nhảy xuống giành giật cây thánh giá vì họ tin là sẽ đem lại may mắn trong suốt năm cho gia đình nào có được thánh giá ấy.

2. 1.2 triệu người Ba Lan tham gia các cuộc rước long trọng lễ Hiển Linh

Ba Lan là một trong số 22 quốc gia cử hành lễ Hiển Linh đúng ngày 6 tháng Giêng. Trong dịp này, 1.2 triệu người Ba Lan tại 660 thành phố và thị trấn ở Ba Lan và nước ngoài đã tham gia trong các cuộc rước long trọng có chủ đề “Bóg jest dla wszystkich” , nghĩa là “Thiên Chúa là dành cho tất cả mọi người”

Sự kiện năm nay được đi kèm với việc gây quỹ cho cho các cơ sở giáo dục và văn hoá hoạt động ở phía Đông Ba Lan.

Các cuộc rước long trọng lễ Hiển Linh là một phần trong những sự kiện lớn nhất trong năm 2018 nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc gia này giành lại được độc lập. Trong các cuộc rước những người tham dự các cuộc diễn hành đã hát vang 14 bài hát Giáng sinh truyền thống của Ba Lan được in trong một tập nhạc phát miễn phí cho công chúng. Album nhạc này ngoài các bản nhạc còn có những bài viết về lịch sử các bài hát.

Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, ông Andrzej Duda, cũng đã tham gia vào cuộc diễn hành tại thủ đô Warsaw nơi những người tham dự trong đoàn rước đầy màu sắc đã nhảy múa tại quảng trường Pilsudski với bài hát “Chúa đã Giáng Sinh”. Sau bài hát này, các vị vua kính cẩn quỳ gối trao quà cho Chúa Hài Đồng Giêsu.

Năm nay, ba vị vua không chỉ là đại diện của ba lục địa, mà còn là đại diện của ba thế hệ: những người trẻ, những người có gia đình và người cao niên.

3. Diễn hành Ba Vua tại thủ đô Madrid trong bối cảnh an ninh chặt chẽ

Cuộc diễn hành Ba Vua tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã diễn ra trên các đường phố của Madrid trong bối cảnh an ninh chặt chẽ vào tối thứ Sáu mùng 5 tháng Giêng, đêm trước ngày Lễ Hiển Linh, kỷ niệm cuộc viếng thăm Chúa Hài Đồng của Ba Vua từ phương Đông đến triều bái Ngài với vàng, nhũ hương và mộc dược.

Cuộc diễn hành Ba Vua diễn ra trong bối cảnh các tín hữu Kitô Tây Ban Nha vẫn còn rúng động trước các cuộc tấn công khủng bố.

Thật vậy, chỉ mới cách đây vài tháng, tại Barcelona, lúc 4:50 chiều thứ Năm 17 tháng 8, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã lái một chiếc xe tải nhỏ tông vào khách bộ hành trên đường Las Ramblas giết chết 13 người và làm hàng chục người khác bị thương. Vài tiếng đồng hồ sau đó, một cuộc tấn công khủng bố khác đã diễn ra ở thị trấn duyên hải Cambrils khiến cho một người chết và hàng chục người khác bị thương. 5 tên khủng bố bị cảnh sát bắn chết. Ít nhất 7 tên khác trong nhóm khủng bố được tin là đã chạy thoát được sang biên giới với Pháp.

Cảnh sát đã lục soát một đền thờ Hồi Giáo tại Ripoll, bắt giữ một thày giảng Kinh Koran tên là Abdelbaki Es Satty, tịch thu hàng trăm ống ga chứa các chất độc hóa học được chuẩn bị cho một vụ khủng bố quy mô lớn.

Cho đến nay vụ khủng bố tại Barcelona được kể là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất với một con số đông nhất các tên khủng bố tham gia và số tang vật lớn nhất bị tịch thu; cùng với sự tham gia trực tiếp của hàng giáo sĩ Hồi Giáo.

Ba Vua theo tin tưởng của người Tây Ban Nha có tên là Melchior, Caspar và Balthazar, được tháp tùng bởi hàng trăm những nhân vật khác ăn mặc theo nhiều kiểu cách từ xa xưa đến hiện đại, đã phát kẹo cho hàng ngàn trẻ em xếp hàng dọc theo các đại lộ chính của thủ đô Tây Ban Nha.

Chính quyền Madrid đã triển khai cả ngàn nhân viên cảnh sát và quân đội, một số được trang bị vũ khí hạng nặng. Họ dựng các hàng rào bê tông để ngăn chặn xe cộ ra vào các đường phố. Đặc biệt, nhà chức trách đã cấm tất cả các xe tải không được di chuyển vào thủ đô trong dịp này. Biện pháp này đã được đưa ra nhằm đề phòng một cuộc tấn công tương tự như vụ khủng bố hồi tháng 8 tại Barcelona.

Cuộc diễn hành Ba Vua là một ngày hội lớn trong dịp lễ Giáng Sinh ở Tây Ban Nha. Hầu hết các thành phố của Tây Ban Nha đều tổ chức diễn hành nhưng cuộc diễn hành tại Madrid được kể là lớn nhất.

4. Đức Thánh Cha bất ngờ viếng thăm bệnh viện Bambino Gèsu

Trong khuôn khổ nối dài các cuộc viếng thăm ngày thứ Sáu đã được bắt đầu trong năm thánh Lòng Thương Xót, lúc 3 giờ chiều ngày 5 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đến thăm cơ sở Palidoro của bệnh viện nhi đồng Bambino Gèsu - Chúa Hài Đồng Giêsu, cạnh bờ biển, cách Rôma khoảng 30 cây số.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được hướng dẫn thăm các khu vực khác nhau trong nhà thương, chào thăm khoảng 120 em bệnh nhân đang được điều trị tại đây, cùng với cha mẹ các em.

Đức Thánh Cha đã tặng quà cho cả 120 trẻ em đang điều trị tại bệnh viện này và cha mẹ các em như một cử chỉ chia sẻ với họ những mệt mỏi và đau đớn hàng ngày. Một lưu ý ngắn gọn của phòng báo chí Tòa Thánh báo cáo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với nhiều người, và trao tặng cho mỗi người một món quà. Những người được gặp gỡ với Đức Thánh Cha xúc động sâu sắc, ngạc nhiên, vui mừng và reo cười.

Cơ sở Palidoro, được Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thành lập vào năm 1978, với ý hướng chuyên về điều trị bệnh bại liệt. Chỉ trong vòng vài năm sau đó bệnh viện đã trở thành một trung tâm y tế và phẫu thuật tiên phong.

5. Fides: Hàng trăm sinh viên Ấn Giáo cực đoan tấn công một trường cao đẳng Công Giáo

Trong những năm qua, được kích động bởi các giáo sĩ Ấn Giáo, một bộ phận các tín hữu Hindu tại Ấn Độ thường có những biểu hiện tiêu cực trước việc mừng đón Giáng Sinh trong xã hội. Nhẹ nhàng thì tẩy chay, cấm con cái tham gia; bạo lực hơn thì tấn công vào các nhà thờ đang cử hành thánh lễ hay các địa điểm tụ tập hát thánh ca Giáng Sinh.

Các hành động bạo lực thường được thực hiện bởi những người bình dân, ít học. Tuy nhiên, trong bản tin ngày 5 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc lên tiếng cảnh báo về một làn sóng bạo lực nguy hiểm lần đầu tiên xuất phát từ các học sinh và sinh viên, là những người được hưởng một nền giáo dục nhất định.

Hàng trăm cảnh sát đã được triển khai tại trường Cao Đẳng Đức Maria ở thành phố Vidisha, giáo phận Sagar thuộc bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ sau khi hàng trăm sinh viên Hindu đe doạ thực hiện các nghi lễ Ấn Giáo trong khuôn viên nhà trường.

Đức Giám Mục Theodore Mascarenhas, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ, là người đang theo dõi vấn đề, nói với Fides như sau:

“Hàng trăm sinh viên đã tràn vào bên trong nhà trường vào ngày 30 tháng 12 mặc dù có tới 20 cảnh sát đang hiện diện. Sau khi trật tự được tái lập, họ đe dọa sẽ thực hiện nghi thức Aarti Bharat Mata, tức là nghi thức xông hương cho nữ thần Durga, được coi là hiện thân quốc gia của Ấn Độ, và các nữ thần Hindu khác trong trường.”

Ngài cho biết thêm:

“Cảnh sát đã tung ra một lực lượng lớn để bảo vệ nhà trường sau khi có tin trên báo chí là vào ngày 4 tháng Giêng, hơn 900 sinh viên sẽ xông vào nhà trường một lần nữa để ‘thánh hiến’ nhà trường này cho các nữ thần Hindu. Chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn. Chúng tôi vẫn đang liên lạc thường xuyên với Bộ Nội vụ liên bang”

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong mùa Giáng sinh, một nhóm giáo dân và các linh mục tại Satna đã bị tấn công khi họ hát thánh ca Giáng sinh.

6. Không khí đón Giáng Sinh lại tưng bừng tại Tòa Bạch Ốc

Sau 8 năm dưới thời tổng thống Obama, không khí đón Giáng Sinh lại tưng bừng trở lại tại Tòa Bạch Ốc.

Kính mời quý vị và anh chị em xem qua vài nét về mùa lễ năm nay trong video clip vừa được Tòa Bạch Ốc công bố.

7. Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ nói không có chức tư tế đích thực nếu không có tình bạn với Chúa Giêsu

Đức Hồng Y Beniamino Stella , tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, đã cử hành Thánh Lễ hôm 4 tháng Giêng tại Đại Chủng viện Pháp ở Rôma.

Không bao giờ được “bỏ qua tầm quan trọng của Chúa Giêsu”, Đức Hồng Y nhấn mạnh như trên, khi ngài kêu gọi các chủng sinh phải tăng cường mối quan hệ của họ với Chúa Kitô thông qua việc cầu nguyện và đọc Thánh Kinh.

Đức Hồng Y Stella nói thêm: “Chúng ta có thể là những nhà quản trị giỏi, có được những tước vị quan trọng, có phẩm chất của một người quản lý, hoặc cũng có thể là những chuyên gia về phụng vụ và các nghi thức thiêng liêng, nhưng nếu không có Chúa Giêsu thì sẽ không có chức tư tế đích thực.”

8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bày tỏ âu lo về tình hình thế giới

Trong thông điệp năm mới của mình, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres than thở rằng tình hình trên thế giới đã trở nên tệ hại hơn về nhiều mặt trong năm ngoái 2017.

Hô hào cộng đồng quốc tế hiệp nhất với nhau trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng, ông Tổng thư ký nói:

“Vào ngày đầu năm mới năm 2018, tôi không đưa ra lời kêu gọi nào cả. Nhưng, tôi đưa ra một lời cảnh báo - một lời báo động đỏ cho thế giới của chúng ta”

Các vấn đề đã trở nên tồi tệ

Khi nhậm chức vào ngày 1 tháng Giêng năm 2017, ông Guterres khích lệ các quốc gia cộng tác với nhau để biến năm 2017 thành một năm của hòa bình. Nhìn lại một năm qua, ông nói: “Thật không may, về nhiều khía cạnh khác nhau, thế giới đã đi theo chiều hướng ngược lại”.

Xung đột ở nhiều nơi gia tăng, những hiểm họa mới ló dạng, nguy cơ chiến tranh hạt nhân trở nên rõ rệt hơn bao giờ. Trong khi đó tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, sự bất bình đẳng đang gia tăng và nhân quyền bị vi phạm ngày càng trắng trợn ở nhiều nơi trên thế giới. Chủ nghĩa dân tộc và xu thế bài ngoại đang gia tăng nhanh chóng.

Hiệp nhất xung quanh các mục tiêu chung

Trước những thực trạng tồi tệ và những nguy cơ nghiêm trọng của thế giới, ông Guterres vẫn tin rằng nhân loại có thể vượt qua được nếu các giá trị chung được bảo vệ.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh thêm “Đoàn kết là con đường. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.”

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi trên thế giới thu hẹp các cách biệt và chia rẽ, đồng thời xây dựng lại niềm tin bằng cách hiệp nhất với nhau xung quanh các mục tiêu chung.

9. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các giáo viên Công Giáo Italia

Đức Thánh Cha kêu gọi các giáo viên Công Giáo Italia giáo dục về nền văn hóa gặp gỡ, gia tăng tương quan giữa nhà trường với các phụ huynh, đồng thời thăng tiến giáo dục về việc bảo vệ môi trường.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 5 tháng Giêng dành cho 400 thành viên thuộc Hiệp Hội giáo viên Công Giáo Italia, vừa kết thúc 3 ngày đại hội toàn quốc ở Roma về đề tài: “Ký ức và tương lai. Những vùng ngoại ô và biên giới kiến thức chuyên nghiệp”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và nói rằng “Chúng ta được kêu gọi kích thích các học sinh cởi mở đối với người khác, như những khuôn mặt, những con người, những anh chị em cần được nhận biết và tôn trọng, với lịch sử, những ưu điểm và khuyết điểm, những phong phú và giới hạn của họ. Vấn đề ở đây là cộng tác vào việc đào tạo các học sinh cởi mở và quan tâm đến các thực tại xung quanh, có khả năng chăm sóc và dịu dàng, không chiều theo các thành kiến phổ biến trong đó người ta quyết liệt đòi phải cạnh tranh, gây hấn, cứng cỏi với những người khác, nhất là những người khác biệt, người ngoại quốc hoặc bất kỳ những người nào bị coi là điều cản trở sự thành đạt của mình.”

Mặt khác, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng tương quan giữa trường học và gia đình ngày nay không còn như xưa, không còn có sự kích thích lẫn nhau giữa giáo chức và phụ huynh. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nói, cần cố gắng gia tăng dấn thân nhằm đạt tới một sự cộng tác xây dựng giữa hai bên, để mưu ích cho các học sinh.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đặc biệt cổ võ sự giáo dục về bảo vệ môi trường. Ngài nói: “Đây không phải chỉ cung cấp một số ý niệm, tuy điều đó là cần thiết, nhưng là giáo dục về một lối sống dựa trên thái độ chăm sóc căn nhà chung của chúng ta là thiên nhiên. Đây là một lối sống không điên dại, ví dụ chăm sóc các động vật bị đe dọa triệt tiêu, nhưng lại cố tình không biết đến những vấn đề của người già; hoặc bảo vệ rừng cây Amazzonia nhưng lại lơ là với các quyền của công nhân được hưởng đồng lương xứng đáng, v,v. Cần phải giáo dục một nền môi sinh toàn diện, nhất là dạy về tinh thần trách nhiệm. Đây không phải là thông truyền những khẩu hiệu mà người khác phải làm, nhưng là khơi dậy ước muốn thực hành một nền luân lý đạo đức về môi sinh, đi từ những chọn lựa và cử chỉ thường nhật”.

10. Đức Hồng Y Tổng Giám mục Caracas: Các cuộc bầu cử cần phải được minh bạch

Trong thông điệp năm mới, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino Tổng Giám mục Caracas bày tỏ sự mong đợi của ngài rằng các cuộc bầu cử trong năm mới sẽ minh bạch với các kết quả mà các công dân có thể tin tưởng, để giảm bớt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến đất nước.

Ngài nói: “Năm 2017 là một năm rất bi thảm đối với Venezuela, đánh dấu bởi bạo lực chính trị với số người thiệt mạng lên đến hơn 120 người trong các cuộc tấn công vào những người biểu tình. Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với siêu lạm phát và tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.”

Tổng thống Nicolas Maduro, sẽ được bầu lại vào năm nay, khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2019. Tháng 7 năm ngoái, một trò hề bầu cử do Maduro đạo diễn đã dẫn tới việc thành lập một Quốc hội Lập hiến, thay thế cho Quốc hội, nơi các thành phần đối lập chiếm đa số.

Các cuộc biểu tình quần chúng chống lại Quốc hội Lập hiến đã được tổ chức, trong đó hơn 120 người đã bị các lực lượng an ninh giết chết.

Sau khi bác bỏ bạo lực “từ mọi phía” và khuyến khích các tín hữu bảo vệ hoà bình và các quyền của mọi người, Đức Hồng Y nói rằng “để giải quyết tình trạng hiện nay, bắt nguồn từ các băng hoại chính trị, cần phải tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống đã được hiến pháp quy định. Để làm điều đó, cần đảm bảo các điều kiện công bằng và hợp lý cho các cuộc bầu cử minh bạch mang lại các kết quả mà người dân có thể tin cậy được.”

Thông điệp đầu năm mới được ký bởi Đức Hồng Y và bốn vị Giám Mục Phụ Tá của ngài và được đọc trong tất cả các giáo xứ của tổng giáo phận Caracas trong hai ngày 6 và 7 tháng Giêng.

Đức Hồng Y và các vị Giám Mục Phụ Tá cũng đã nhắc lại lời kêu gọi thả “các tù nhân bị giam giữ vì những hoạt động chính trị”.

Hơn 180 tù nhân chính trị đã bị bắt ở Venezuela và chính phủ tuyên bố đã thả 80 người trong số họ như là một cử chỉ thiện chí vào dịp Giáng sinh.

Với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, Đức Hồng Y và các vị Giám Mục Phụ Tá đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết với những người nghèo qua những hành động cụ thể nhằm giảm bớt bi kịch của người nghèo, đặc biệt là các trẻ em suy dinh dưỡng.

Sự thất vọng tại Venezuela đã dâng cao trong nhiều năm do các chính sách kinh tế tồi tệ dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao, thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản như sữa, lương thực hàng ngày và thuốc men.

11. Đức Hồng Y Jean Louis Tauran kêu gọi đối thoại tại Trung Đông

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran , Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tái kêu gọi thương thuyết hòa bình tại Trung Đông, đứng trước những căng thẳng hiện nay.

Tình hình trở nên căng thẳng cao độ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố nhìn nhận thành Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel hôm 6 tháng 12 vừa qua, và ra lệnh di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, bất chấp sự phản đối của thế giới và đặc biệt là các nước Arập và Hồi giáo. Vì thế, chính phủ Palestine tuyên bố không nhìn nhận Mỹ là người trung gian đối thoại nữa.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Quan sát viên Roma số ra ngày 31 tháng 12 vừa qua, Đức Hồng Y Tauran đưa ra lời kêu gọi đối thoại tại Trung Đông và nhắc đến một ví dụ tích cực là sự thành lập nhóm làm việc liên tôn của Palestine vào ngày 6 tháng 12, đúng vào ngày tổng thống Mỹ tuyên bố quyết định về thành Jerusalem. Đức Hồng Y mô tả cuộc gặp gỡ tại Vatican của nhóm làm việc chung này là một ví dụ rất ý nghĩa đối với cuộc đối thoại liên tôn, một dấu hiệu cụ thể cho sự xích lại gần nhau trong tình thân hữu, chống lại sự xách động oán thù và thịnh nộ chống đối nhau.

Đức Hồng Y Tauran nói: “Cả khi các lập trường có vẻ xa cách nhau, chúng ta vẫn luôn luôn phải dành chỗ cho sự đối thoại chân thực”.

Theo Đức Hồng Y Tauran, điều này không những có giá trị đối với việc đối thoại với Hồi giáo, nhưng cả với các tôn giáo khác nữa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng tỏ trong cuộc viếng thăm của ngài tại Miến Điện và Bangladesh hồi cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm vừa qua.

12. Đức Hồng Y Vinko Puljić : 10,000 người Công Giáo di tản khỏi Bosnia mỗi năm vì bị kỳ thị

Bosnia và Herzegovina đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu - đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna , đã lại báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia . Khoảng 10,000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Hồng Y cho biết như sau:

Thưa Đức Hồng Y, xin ngài cho biết khái quát về tình hình hiện tại của người Công Giáo ở Bosnia và Herzegovina

Trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.

Điều gì làm họ hoảng sợ nhất, thưa Đức Hồng Y?

Không có quyền bình đẳng đối với họ trong những miền mà người Công Giáo là thiểu số so với đa số dân là người Hồi giáo hay Chính thống Serbia. Phân biệt đối xử được thể hiện rõ rệt trong các điều khoản chính trị và hành chính, nhất là ở nơi làm việc. Chúng tôi rất âu lo cho tương lai. Nếu không có người Croatia ở đó, thì người Công Giáo càng ít đi rất nhiều.

Đức Hồng Y có thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào không?

Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.

Các Kitô hữu đóng góp như thế nào để vượt qua những hậu quả của chiến tranh, thưa Đức Hồng Y?

Chúng tôi cho rằng thật là một ân sủng lớn lao để được sống đức tin của mình. Chúng tôi kín múc hy vọng và sức mạnh từ lời cầu nguyện cộng đồng và cá nhân. Thánh Lễ Chúa Nhật và các cuộc hành hương của chúng tôi là một nguồn sức mạnh quan trọng. Chúa Giêsu đã đến với chúng ta trong thực tại của con người, và do đó chúng ta nên trải nghiệm Giáng sinh trong mọi chiều kích thực tại của nó. Trước Hài Nhi Giêsu, chúng ta được kêu gọi để minh chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa là nguồn vui đích thực của chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều là những thụ tạo được Chúa yêu thương.

Cũng giống như Thiên Chúa đã đến và sống giữa chúng ta, Emmanuel là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, vì vậy chúng ta cũng phải gần gũi với nhau và gần gũi với Chúa hơn. Tôi thiết nghĩ chúng ta phải chữa lành các vết thương bằng cách tha thứ cho nhau và phó thác mọi sự cho sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa.

13. Đền Thờ Thánh Phêrô được trang bị đàn phong cầm điện tử cho các buổi cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng

Một đàn phong cầm điện tử (digital organ) mới tinh và thật tối tân đã được lắp đặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô cho các buổi lễ của Đức Giáo Hoàng. Giám đốc ca đoàn Sistina nói rằng cây đàn này đáp ứng các nhu cầu thiết thực về âm thanh trong đền thờ và các cải cách Phụng Vụ của Công đồng Vatican II.

Đức Ông Massimo Palombella, Giám đốc Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh nói: “Những nhu cầu mới đòi hỏi phải có những giải pháp mới”.

Nhận xét của Đức Ông đã được đưa ra sau khi những lời khen ngợi nổi lên trước những tiếng đàn thánh thót lần đầu tiên được nghe thấy tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24 tháng 12 vừa qua.

Đàn phong cầm điện tử này đã được công ty Allen Organ, một công ty hàng đầu tại Hoa Kỳ về đàn phong cầm trong suốt 70 năm qua, trao tặng cho Tòa Thánh.

Đức Ông Palombella nói rằng hệ thống mới này có thể lấp đầy “tuyệt vời” toàn bộ không gian âm thanh của một trong những nơi thờ phượng lớn nhất thế giới.

Đàn Đại Phong Cầm truyền thống

Mặc dù có sự xuất hiện của đàn phong cầm điện tử mới này trong các buổi lễ lớn, đàn Đại Phong Cầm truyền thống với những ống sáo tuyệt đẹp vẫn là một điều không thể thay thế được trong các sự kiện được tổ chức tại Bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Đức Ông. Palombella nói: “Nó thực sự hoàn hảo cho không gian ở đó, vang vọng mọi chiều kích với những âm thanh thật sự của các ống sáo, mà không cần bất cứ máy khuếch đại nào”.

Tuy nhiên, trong các nghi thức được tổ chức tại bàn thờ chính, âm thanh phát ra từ đàn Đại Phong Cầm cần phải được thu lại bằng các microphone và phát lại qua các máy tăng âm kỹ thuật số khắp Đền Thờ và Quảng trường Thánh Phêrô. Phương pháp này gây ra các biến dạng âm thanh không thể tránh khỏi và có khá nhiều vấn đề liên quan đến những tiếng ồn hậu cảnh (background noise).

14. Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho tự do tôn giáo ở Châu Á

Trong thông điệp video đầu năm mới trình bày những ý cầu nguyện trong tháng Giêng, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta đừng quên những ai đang phải vật lộn để có được tự do sống đức tin của mình.

Đức Thánh Cha nói:

Trong thế giới văn hoá đa dạng ở Châu Á, Giáo Hội đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và sứ mạng của Giáo Hội ngày trở nên khó khăn hơn vì thực tế là các Kitô hữu chỉ là thiểu số trong xã hội.

Những rủi ro này, và những thách thức này các truyền thống tôn giáo thiểu số khác cũng gặp phải. Họ cũng là những người mong muốn hiểu biết sự khôn ngoan, sự thật và sự thánh thiện.

Khi chúng ta nghĩ đến những người bị bách hại vì tôn giáo, chúng ta vượt lên trên những khác biệt về lễ nghi hay hệ phái: Chúng ta đặt mình bên cạnh những người nam nữ đang phải chiến đấu để có thể giữ được bản sắc tôn giáo của mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, xin cho các Kitô hữu, và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở các nước châu Á, có thể thực hành đức tin của họ trong tự do đầy đủ.

15. Lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh trong nghệ thuật Kitô Giáo tiên khởi

Khi Giáo Hội cử hành tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh, Vatican News đã đưa ra một đoạn video miêu tả về lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh trên các tác phẩm nghệ thuật của các Kitô hữu tiên khởi trưng bày trong bảo tàng viện Vatican.

Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa và việc tỏ mình ra của Ngài cho nhân loại (Epiphany) là những đặc điểm chính trong các tác phẩm của các nghệ nhân Kitô Giáo tiên khởi khi họ cố gắng dùng nghệ thuật để trình bày những câu chuyện về ơn Cứu Rỗi.

Trong số những chủ đề đầu tiên được linh hứng bởi các sách Phúc Âm, các họa sĩ Kitô Giáo thường chú ý đến biến cố ba vua thờ lạy Hài nhi Giêsu (Mátthêu 2: 1-12), và mô tả biến cố này như việc hoàn thành các lời tiên tri trong Kinh thánh, theo đó Đấng Mết-si-a sẽ được thờ lạy bởi các vua của trái đất này.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 4, đặc biệt là sau khi Lễ Giáng sinh bắt đầu được cử hành cách trang trọng trong Phụng Vụ như một ngày đại lễ, các cảnh khác liên quan đến sự ra đời của Chúa Giêsu đã lan rộng, chẳng hạn như những người chăn cừu thờ lạy Hài Nhi Giêsu, nhất là cảnh hang đá với Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ cùng với mẹ Maria, và Thánh Giuse.

Các bức tranh, và ảnh tượng được trưng bày trong bảo tàng viện Pio Cristiano - tất cả được chạm khắc vào thế kỷ thứ 4 - chứng tỏ sự lan truyền rộng rãi của những cảnh này trong nghệ thuật Kitô Giáo tiên khởi.

16. Tổng thống Trump nói Hoa Kỳ “quá ngu” khi cúng cho Pakistan mỗi năm 33 triệu Mỹ Kim

Pakistan đã phải đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của quốc tế về việc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm 4 tháng Giêng nói Hoa Kỳ đã đặt Pakistan vào danh sách cần theo dõi đặc biệt vì “những vi phạm nghiêm trọng” về tự do tôn giáo. Một số quốc gia khác cũng bị liệt vào hàng “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” vì quyền tự do tín ngưỡng của công dân bị chà đạp.

Phát ngôn viên Heather Nauert nói:

“Ở quá nhiều nơi trên toàn cầu, người ta vẫn tiếp tục bị bách hại, bị truy tố một cách bất công, hoặc bỏ tù vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng”

“Ngày nay, một số chính phủ vi phạm quyền tự do cá nhân ngăn cản không cho công dân chấp nhận, thay đổi, hoặc từ bỏ tín ngưỡng của họ; cấm họ không được thờ phượng theo niềm tin tôn giáo của mình, hoặc cưỡng ép họ theo một niềm tin nào đó”.

Theo đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, Hoa Kỳ hàng năm đưa ra danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Sudan, Ả-rập Xê-út, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đều đã bị đưa vào danh sách trong năm nay .

Pakistan đã phải đối mặt với sự lên án quốc tế đối với việc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các Kitô hữu, những người Hồi Giáo Ahmadi và các tín hữu Ấn Giáo. Hàng chục người đã phải đối mặt với cái chết hoặc bị bỏ tù theo luật báng bổ của nước này, trong khi bạo lực gia đình vẫn tiếp tục gia tăng.

Quyết định này đến cùng lúc với việc Hoa Kỳ đình chỉ trợ giúp an ninh cho Pakistan vì đã không “hành động quyết liệt” chống lại các nhóm khủng bố cực đoan.

Tổng thống Donald Trump nói trong diễn từ hôm thứ Hai rằng Hoa Kỳ đã “quá ngu” khi cúng cho Pakistan hơn 33 tỷ Mỹ Kim viện trợ trong 15 năm qua và không nhận lại được gì ngoài “những lời nói dối và các trò lừa đảo”.

Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện, là dân biểu Ed Royce, của đảng Cộng Hòa, đơn vị California, cho biết việc đưa Miến Điện vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm là thích hợp, vì chính sách thanh lọc chủng tộc người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, ông Royce nói ông không hài lòng khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách.

Ông nói: “Tôi cảm thấy rất phiền khi Việt Nam lại không được đưa vào danh sách trong năm nay. Người dân Việt Nam tiếp tục bị chà đạp quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác. Mỹ không nên bỏ qua việc điểm mặt các nước lạm dụng như vậy”.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 11/1/2018
VietCatholic Network
22:05 10/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 10 tháng 1: Phụng vụ thánh thể là trường dậy cầu nguyện.

2- Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

3- Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi 2 quốc gia Nam Mỹ: Chile và Peru.

4- Chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tại Chile.

5- Diễn hành Ba Vua tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha trong bối cảnh an ninh chặt chẽ.

6- Trên 1.2 triệu người Ba Lan tham gia các cuộc rước long trọng lễ Hiển Linh.

7- Hơn một năm, sau Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia), các Giám Mục Kazakhstan tuyên xưng chân lý về hôn nhân bí tích.

8- 23 vụ tấn công người Kitô giáo Ấn Độ trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua.

9- Số giáo dân Pháp và Đức giảm, nhưng tiền đóng góp cho Giáo Hội tăng.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Yêu Thương Cho Người.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết