Ngày 01-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cuộc hội ngộ của tình yêu cứu độ
Lm Jos. Trương Đình Hiền
09:34 01/02/2011
CUỘC HỘI NGỘ CỦA TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ


Kính thưa ông bà và anh chị em,

Hôm nay, cộng đoàn chúng ta hiệp cùng toàn thể Hội Thánh cử hành lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Cử hành phụng vụ nầy đã có lâu đời trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa và bắt nguồn từ truyền thống luật lệ và phụng vụ cựu ước.

Theo sách Lêvi 12,1-8: một người phụ nữ khi sinh con trai sẽ ở cử 40 ngày và sinh con gái sẽ ở cử 80 ngày. Sau thời gian đó phải đến đền thờ để thực hành nghi thức thanh tẩy và dâng con cho Chúa. Nếu giàu có mang theo con chiên, nếu nghèo mang theo 1 cặp bồ câu non. Tin mừng Luca hôm nay tường thuật việc Đức Maria và Thánh Giuse, sau 40 ngày sinh hạ hài nhi Giêsu tại Bê-lem, đã tuân thủ giáo luật cựu ước lên đền thờ thanh tẩy và dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa.

Tuy nhiên, phụng vụ hôm nay không chỉ đơn thuần là nhắc lại một sự kiện lịch sử. Bởi chưng trước mắt người đời hôm nay hay ngày xưa, biến cố nầy cũng chỉ đơn thuần là một sinh hoạt giản đơn của nhịp sống đời thường. Cách đây 2000 năm, tại Giêrusalem, ngày nào mà không có các đôi vợ chồng trẻ lên đền thờ để thực hiện nghi thức giản đơn nầy ! Điều phụng vụ gợi lên, qua sứ điệp Lời Chúa sắp được công bố, để chúng ta cảm nhận và đem vào cuộc sống chính là cuộc “HỘI NGỘ CỦA NIỀM TIN”, cuộc “GIAO DUYÊN CỦA NHÂN LOẠI TĂM TỐI KHÁT MONG VÀ ĐẤNG ĐẾN LÀ ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ”. Cũng chính trong ý nghĩa nầy, mà những cây nến sáng được thắp lên trong nghi thức đầu lễ sẽ là một nhắc nhớ và hướng tầm nhìn đức tin của chúng ta về NGỌN NẾN PHỤC SINH, biểu tượng của Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; Đấng là Ánh Sáng chiếu vào nơi tối tăm, là Mặt trời hy vọng, là Sao mai giữa đêm trường.

Nếu ngày xưa, Simêon đã mãn nguyện toại lòng khi được “bồng bế Đấng Mesia Giêsu trên đôi tay già nua mệt mõi vì đợi chờ hy vọng” với cái nhìn về tương lai trông ảm đạm nhiêu khê: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng bà”; thì hôm nay cuộc hội ngộ với Đức Kitô Phục sinh đang ở đây trong Nhiệm Tích Thánh Thể lại đòi hỏi chúng ta bừng lên khí thế để lên đường, một cuộc xuống đường rầm rộ để biểu dương ánh sáng cứu độ và tình yêu, để thắp sáng lên khắp hang cùng ngỏ hẻm ngọn lửa của Tin Mừng cho dù phải trả giá, dù “gươm có đâm thâu” hay nát thân nơi ngục tù lao lý. Cũng chính trong ý nghĩa nầy, mà Giáo Hội đã chọn ngày hôm nay làm ngày Hướng về ơn gọi Thánh Hiến để vừa tuyên dương những anh chị em tu sĩ khẵp mọi miền thế giới, với biết bao sắc màu cách kiểu dấn thân, đã làm nên những cánh hoa tuyệt mỹ trang điểm khu vườn Giáo Hội; vừa cũng là dịp gọi mời nhiều tâm hồn quảng đại dám “đập bể bình dầu thơm quí giá cuộc đời” để xức chân Chúa Kitô đang hiện diện trong những con người khổ đau, tật bệnh, đói nghèo…

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Quả thật Đức Kitô, Ánh Sáng cứu độ, đã đến và đang đến. Nhưng gặp được Ngài, mọi người phải có một đường riêng. Bởi vì ánh nến hôm nay rồi sẽ vụt tắt, cửa đền thờ chút nữa đây sẽ đóng lại. Ngoài kia muôn con đường cuộc sống lại mở ra. Nếu chúng ta bước đi mà trong tim không còn chút lửa nào của tình yêu Kitô đọng lại, thì cây nến được làm phép hôm nay chỉ là một trang sức vô duyên kệch cỡm, đức tin chỉ là một thứ thuốc lú bùa mê rẽ tiền. Nếu chúng ta đối diện với anh chị em đồng loại, với trách nhiệm và bổn phận đã được giao phó bằng một cõi lòng đóng kín, ích kỷ, nhỏ nhen, ghen ghét…thì quả thật đền thờ không còn phải nơi để gặp gỡ tin yêu, để đón nhận ân sủng…mà sẽ chỉ là một sân khấu để đến đó mà trình diễn thời trang hay là một câu lạc bộ giải trí để đến tìm một chút thư giản tinh thần.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Thánh Thể hôm nay, trong Bàn Tiệc thánh đặc biệt nầy, không phải chỉ là cuộc “bồng ẳm Chúa Giêsu bằng đôi tay xa lạ”, mà là một cuộc hội ngộ của tình yêu, của cõi lòng, của trái tim của tin, cậy, mến, như lời hát mà chúng ta vẫn thường hát nơi đây: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình. Gằp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô nẩy sinh tình đệ huynh”.

 
Ánh mắt đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
14:43 01/02/2011
Ánh mắt đời sống

Ngày cuối cùng năm Canh Dần, ngày Giao Thừa 30. tháng Chạp, trùng vào ngày 02.02.2011. Theo lịch Phụng vụ của Giáo Hội ngày này lễ mừng kính Đức Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Ngày Lễ mừng này theo tập tục truyền thống đạo đức của Giáo Hội cũng là ngày lễ Nến.

Người Việt Nam chúng ta theo truyền thống tập tục văn hóa, vào ngày cuối năm âm lịch dành thời giờ tụ họp gia đình, đồng thời suy nghĩ chiếu ánh mắt nhìn lại thời giờ năm cũ Canh Dần đã sống như thế nào.

Và bước sang năm mới Tân Mão hướng ánh mắt niềm vui mừng hy vọng với nhiều dự định mong muốn đạt tới cho đời sống riêng tư cũng như cho gia đình trong thời gian tương lai.

Ánh mắt niềm hy vọng đợi trông vào thời gian tương lai chiếu tỏa niềm vui mừng hạnh phúc, và tuy thế cũng ẩn chứa chút hồi hộp tư lự.

Có thể hiểu suy diễn hay diễn tả ánh mắt đời sống nhân ngày lễ Nến, cùng dịp đón mùa Xuân mới đang đến như thế nào?

1. Ánh mắt của con mèo

Theo cách tính phân chia cùng đặt tên cho mỗi năm, năm mới đang đến có con Mèo đứng vào vị trí chủ trì cho cả năm. Vì thế năm mới âm lịch có tên Tân Mão theo kiểu nói văn chương tiếng Hán Việt.

Mèo là loài thú vật thường ban ngày ngủ hay sống trong nơi khuất kín bóng tối. Nhưng ban đêm trời tối, lại thức canh săn bắt mồi rất tỉnh táo. Mèo có đôi tai thính nhậy, bắt được làn sóng rất cao mà tai thường của con người không bắt được. Mắt của Mèo rất sáng, nhìn ban đêm rất sáng rõ tinh tường. Ánh mắt của mèo như thôi miên định hướng vật thể con mồi rất chính xác.

Có lẽ vì thế mà người ta gọi tấm bảng nhỏ gắn ở mặt đường hay cột trụ dọc đường vào ban đêm chiếu tỏa ánh sáng mầu vàng hay trắng sáng rực để chỉ hàng lối cho xe chạy đúng mép lề ranh của đường, là „ mắt mèo.“

Ánh mắt của mèo soi tới đâu liền có luồng tia phản xạ chiếu ngược trở lại cho bộ óc não thần kinh của nó, để phân tích nhận định nhanh lẹ tức khắc hầu kịp có phản ứng.

2. Ánh mắt ngày Lễ Nến

Tiên Tri Simeon khi thấy Đức Mẹ bồng ẵm Chúa Giêsu vào đền thờ, ngày Lễ Nến, Ông liền đến gặp gỡ khách qúy trong sự trông mong chờ đợi. Và Ông đã đưa ánh mắt niềm hân hoan chiếu thẳng vào trẻ Giêsu. Ánh mắt đời sống của ông như xuất thần nhìn thấy một tương lai đang mở ra. Ông nói lên tâm tư đã bấy lâu nay hằng mong ước cầu xin:

„ Chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân.

Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài“ ( Lc 2,30-32).

Đây là tâm tình vừa tạ ơn, vừa loan báo một tương lai tươi sáng mới đang mở ra cho mọi người trong ánh mắt tràn đầy niềm tin tưởng vào Chúa.

Rồi ánh mắt của Ông chiếu tới đức mẹ Maria, như nhận ra cùng thông cảm với đời sống mẹ Chúa Giêsu, Ông nói ra ngay: „ Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Bà“

( Lc 35).

Đây là một lời loan báo trước với niềm hồi hộp tư lự pha lẫn niềm cảm thương đau xót của ánh mắt đã trải qua nhiều kinh nghiệm biến chuyển thăng trầm trong đời sống.

Ánh mắt của Ông Simeon không hẳn chỉ là ánh mắt của một đôi mắt thường tinh tế, nhưng là ánh mắt của lòng tin.

Ánh mắt của Ông, có lẽ một phần nào giống như ánh mắt con mèo, bắt gặp rồi phân tích nhận định đối tượng. Nhưng còn hơn thế nữa, ánh mắt của Ông nhìn chiếu vào vùng tâm linh sâu kín của tâm hồn con người.

Ánh mắt này là ánh mắt của niềm tin. Sự nhận định phân tích không dựa cùng dừng lại nơi chính đối tượng, nhưng hướng tới bước đường xa hơn của đối tượng đạt vươn tới.

Ánh mắt đức tin của Ông hướng nhìn vào chốn cõi linh thiêng mầu nhiệm thánh thiêng.

3. Ánh mắt của lòng tin

Ánh mắt của con người chỉ có thể nhìn được những tế bào nhất định còn non yếu nơi đôi mắt em bé sơ sinh, cho mục đích phân tích y khoa chữa bệnh.

Trái lại ánh mắt đức tin nhìn nhiều hơn và sâu thẳm hơn nhiều. Ngay từ khi em bé mới chào đời ánh mắt đức tin đã nhìn nhận ra nhân phẩm gía trị đời em bé, và tìm cách bảo vệ nhân phẩm đời sống em.

Ánh mắt của con người muốn nhìn và phê phán nhận định, nhưng con người lại bị những thúc đẩy lôi kéo của môi trường ngoại cảnh. Vì thế ánh mắt nhìn của con người hay bị giới hạn, bị thiên lệch không đúng.

Trái lại, ánh mắt đức tin có thể nhìn rõ hơn và phê phán nhân định sâu kỹ hơn về con người là một tạo vật do Thiên Chúa tạo dựng ban cho có tự do, điều mà không ai có thể tước đoạt đi được.

Ánh mắt của con người nhìn phân tích đối tượng theo chiều ý nghĩa cảm quan thích thú tiêu thụ.

Trái lại ánh mắt của niềm tin nhìn đối tượng sâu xa hơn, theo ý nghĩa chịu trách nhiệm trong môi trường thế giới tiêu thụ. Chúng ta được mua sắm những vật thể đối tượng sự vật bày biện chào mời, nhưng không phải muốn tất cả mọi thứ, mà chỉ những thứ cần dùng sinh ích lợi cho đời sống.

Ánh mắt con người nhìn cùng phân tích đánh gía đối tượng theo bản năng tự nhiên, theo ý mục đích của mình nhiều hơn.

Trái lại ánh mắt của niềm tin nhìn khác hơn, sâu sắc và nhận định phê phán kỹ khác hơn, trong tương quan phục vụ công ích con người, theo tiêu chuẩn con đường công bình bác ái, và nhất là trong tương quan bảo vệ công trình thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng ban cho con người cùng mọi loài sinh sống trong công trình đó.

Mỗi người là một tác phẩm công trình do Thiên Chúa tạo dựng nên. Tác phẩm công trình đó có một không hai bao gồm thân xác và trí tuệ tinh thần, nhất là khả năng nhìn phân biệt những điều sâu thẳm nội tâm ẩn chứa nơi đối tượng sự vật.

Khả năng ánh mắt nhìn đó tỏ hiện nơi một em bé biết nhìn nhận ra tình yêu thương của cha mẹ em nơi nụ cười, nơi bàn tay sự săn sóc của cha mẹ, hơn là nơi chiếc áo đẹp, nơi đồ chơi mới lạ.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là sự nhậy cảm của cha mẹ nhận ra nhu cầu no đói, bệnh tật, buồn vui, yêu thương an ủi mong muốn nơi con cái mình.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là lòng hiếu thảo biết ơn của con người với người làm ơn cho đời sống mình.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là lòng trắc ẩn từ tâm tình bác ái với những người vướng gặp hoàn cảnh đau khổ hoạn nạn.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là chân nhận đời sống con người của mình có giới hạn, nhưng đầy lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nuôi dưỡng đời sống mình, luôn hằng đồng hành cùng đi với trong dòng thời gian năm cũ cũng như năm mới.

Mừng mùa Xuân Tân Mão 2011
 
Tết này anh sẽ làm gì?
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
19:45 01/02/2011
Đã thành lệ, cứ mỗi dịp Tết, người ta hỏi nhau: “Tết này anh ăn Tết ở đâu, sẽ làm gì, có gì đặc biệt không?”. Câu trả lời bao giờ cũng giống nhau. Có người còn hỏi: “Năm nay được thưởng Tết bao nhiêu?”. Cũng như mười hai con giáp đi qua rồi quay lại, những câu hỏi vòng quay cũng chẳng đổi bao nhiêu.

Ngày cuối năm, tôi ngồi nhìn lại. Những cái Tết đi qua, người Công giáo Việt Nam dường như chưa bao giờ vui trọn vẹn. Cũng có người vui trọn vẹn nhưng chưa bao giờ mọi người cùng vui. Những biến động đó đây là những nốt nhạc buồn trong bản giao hưởng mùa xuân. Hoa mai bao giờ cũng thiếu cánh. Và đào có khoe sắc thì cũng giấu vài sắc không dám khoe.

Và câu hỏi ngày Tết của những người ưu tư cho Hội Thánh Việt nam dành cho nhau còn là “Liệu Tết này có gì xảy ra cho anh em mình không?” Đã có nhiều người ngồi tỉ mỉ đếm lại những đau khổ bách hại mà người Công giáo Việt nam hứng chịu. Cũng có người lại xét xem cách hành xử của người Công giáo đối với anh em mình ra sao.

Có nhiều nhận định trái ngược về những sự kiện, những biến cố và những đau thương. Tại sao cùng một niềm tin, cùng là người Việt mà nhận định lại khác nhau, lắm khi trái ngược nhau hoàn toàn. Thậm chí quan niệm về nhân đức cao trọng nhất là đức ái cũng hoàn toàn trái ngược nhau.

Một năm qua tôi đã cố gắng lý giải điều đó, và may mắn trong những ngày cuối năm, Chúa cho tôi nhận thấy điều này: nhiều người Công giáo dù nắm vững giáo lý thần học hay không, thì dường như đa số cũng chưa tìm hiểu Giáo huấn Xã Hội của Hội Thánh.

Mới đây một người chuyên về giáo lý nói với tôi đại ý thế này. Là người Công giáo phải yêu thương. Những người cầm quyền cũng tốt lành lắm, gặp các nữ tu họ hiền khô, cư xử hoà nhã. Mình lo yêu thương là đủ rồi. Khi thấy tôi nói đôi điều về thái độ Hội Thánh dạy phải có, người ấy nói “Chuyện người Công giáo khác gặp đau khổ để Chúa lo, mình đừng quan tâm làm gì”.

Một linh mục miền cao nguyên nói với tôi: “Đồng ý là Chúa lo, nhưng mình phải cộng tác, chứ đâu có phải ngồi im mà chờ Chúa?” Cha đã nói lên điều Hội Thánh dạy.

Yêu thương là giới răn cao trọng nhất, nhưng yêu như thế nào dường như vẫn còn là vấn nạn. Có người hiểu yêu kẻ thù là cười cười nói nói với họ, họ có giết anh em mình thì mình cũng bắt tay và bước vào yến tiệc với họ.

Thật ra yêu thương không đơn giản là xuề xoà cho xong. Xuề xoà, qua loa là sợ hãi chứ không là yêu thương. Chúa Giêsu yêu mọi người, nhưng với bọn giả hình, Chúa sẵn sàng chỉ mặt để họ có cơ hội hoán cải.

Yêu người xấu trước tiên là cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện để họ không hung hăng hãm hại anh em mình, và cầu nguyện để họ quay về đường ngay nẻo chính.

Yêu người xấu còn là giúp họ thăng tiến. Biết họ xấu mà ta vẫn ủng hộ thì chính ta mang lấy lỗi lầm của họ.

Và điều này còn quan trọng hơn. Yêu kẻ thù nhưng trước hết phải bảo vệ anh em mình. Đi với người bách hại dân Chúa và bảo “để Chúa lo” là cách nói vô trách nhiệm nhất.

Hơn nữa, Hội Thánh Chúa chính là Thân Mình mầu nhiệm của Chúa. Nhiệm vụ bảo vệ Hội Thánh phải là nhiệm vụ cao cả nhất. Không thể nói rằng tôi bắt tay với người ghét Chúa để đem họ về với Chúa mà cho rằng việc gây chia rẽ trong Hội Thánh là chuyện không cần quan tâm.

Tết này anh sẽ làm gì? Câu trả lời là tuỳ ở mỗi người, nhưng là chi thể của Nhiệm Thể Đức Kytô, chúng ta sẽ không trốn tránh câu trả lời.

Giáo huấn Xã Hội của Hội Thánh là những giải thích Thánh Kinh với huấn quyền của Toà Thánh Phêrô. Khi người ta thấm nhuần Giáo huấn này, người ta sẽ không còn phải so đo gì nữa, sẽ không loay hoay định nghĩa yêu thương theo ý mình. Nhưng làm sao cho Giáo huấn ấy đi vào đời sống người Kytô hữu cùng với giáo lý quả là điều không đơn giản.

Giáo huấn Xã Hội dạy: ““Đẩy mạnh công lý và hoà bình, đưa ánh sáng và men Tin Mừng thâm nhập mọi lĩnh vực của xã hội con người, đó luôn luôn là mục tiêu Giáo Hội ra sức nhắm tới khi thi hành mệnh lệnh của Chúa”. Bất cứ quan hệ nào không đưa đến công lý và hoà bình thì chưa hẳn là yêu thương đúng nghĩa.

“Liệu Tết này có gì xảy ra cho anh em mình không?”. Câu hỏi có vẻ buồn đấy, nhưng câu trả lời được tìm thấy trong Lời Chúc Tết Tân Mão của Cha Chánh Xứ Thái Hà đang ở xa quê: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì những điều vui mừng hạnh phúc, nhưng đừng quên rằng cả những sự đau buồn trong đời sống Dân Chúa cũng là những Hồng Ân. Đó là mối tương quan giữa mầu nhiệm Thập Giá và mầu nhiệm Phục Sinh.”

Để cho mầu nhiệm Thập Giá và mầu nhiệm Phục Sinh đi vào giữa lòng đời, xin hãy định nghĩa yêu thương một cách cụ thể rõ ràng, để người nghèo, người còn sót lại trong dân, hưởng nếm Mùa Xuân an bình thật sự.
 
Giáo Lý mừng đón Xuân
Lm. GB Trương Thành Công
19:51 01/02/2011
1. Ngày Xuân có ý nghĩa gì đối với người Việt Nam?

Đối với người Việt Nam, ngày Xuân có nhiều ý nghĩa:

· Xuân tươi mới: trang phục mới, nhà cửa mới, vật dụng mới. ..

· Xuân đoàn tụ: về quê thăm nhà, về với gia đình, tìm gặp gỡ nhau. ..

· Xuân yêu thương: nghĩ tới nhau, sống đầm ấm. ..

· Xuân may lành: chúc tết, xông đất, xin xăm, xủi quẻ, đỏ đen. ..

· Xuân ân phúc: nghỉ ngơi, hái lộc, thưởng lãm du ngoạn …

· Xuân bình an: cầu an, thánh lễ cầu bình an. ..

· Xuân nhớ cội nguồn: nhớ ông bà, thăm thân nhân, nhang khói mộ phần. ..

2. Xuân về, người Công giáo Việt Nam cần có tâm tình nào?

Người Công giáo Việt Nam cần có những tâm tình nầy mỗi dịp Xuân về:

· Tâm tình tạ ơn vì muôn hồng ân Chúa ban trong năm cũ. ..

· Tâm tình tạ lỗi vì bao lỗi lầm, sai sót, khiếm khuyết... làm mất lòng Chúa và anh em.

· Tâm tình tin tưởng phó thác cậy trông ơn phù trợ của Chúa trong năm tháng mới.

3. Trong ngày Tết, người Công giáo Việt Nam nên giữ những việc đạo đức nào?

Nên tổ chức giờ kinh chung trong gia đình, nhất là Phút Giao thừa hoặc sáng Mồng Một Tết; và dành thời gian tham dự thánh lễ những ngày đầu năm mới.

4. Thánh lễ những ngày Tết được Giáo hội Việt Nam sắp xếp thế nào?

Thánh lễ ngày Tết được sắp xếp như sau:

· Ngày cuối năm: Lễ Tạ ơn Tất niên

· Ngày Mồng I: Lễ cầu Bình an Năm mới

· Ngày Mồng II: Lễ cầu cho Ông Bà Cha Mẹ còn sống cũng như đã qua đời

· Ngày Mồng III: Lễ thánh hoá công việc làm ăn.

5. Phụng vụ ngày Tết có những nghi thức đặc biệt nào?

Thường có những nghi thức sau đây:

· Giao thừa có nghi thức Phụng Bái Tổ Tiên, tưởng nhớ Tiên nhân

· Mồng I có nghi thức Mừng Tuổi Chúa và Hái Lộc Thánh Lời Chúa

· Mồng II có nghi thức Viếng Đất Thánh

· Mồng III có nghi thức làm phép vật dụng Lao động.

6. Người Công giáo Việt Nam nên tổ chức đón Giao thừa cách nào?

Nên tổ chức đón Giao thừa bằng Giờ kinh chung trong gia đình: mọi người mặc đẹp, tề tụ đông đủ, lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện chung, để xin Chúa thánh hoá gia đình và ban muôn ơn lành trong Năm mới.

7. Người Công giáo Việt Nam nên tổ chức Chúc Tết trong gia đình thế nào?

Sau giờ kinh chung, con cháu từng người trình diện, và nói đôi lời bày tỏ tâm tình biết ơn - xin lỗi - và chúc thọ ông bà, mừng tuổi cha mẹ, chúc xuân anh chị em. .. Ông Bà Cha Mẹ ban huấn từ, và nên nhân danh Chúa chúc lành cho con cháu.

8. Người Công giáo nên làm gì trong thời gian nghỉ Tết?

Nên bồi dưỡng sức khoẻ, sum họp gia đình, thăm viếng ân nhân thân thuộc, về quê nội ngoại, du lịch thưởng ngoạn, vui chơi lành mạnh,. .., và không quên dành giờ cho việc đạo đức.

9. Người Công giáo nên tránh điều gì trong dịp Tết?

Nên tránh nhậu nhẹt say sưa, xe xua lãng phí, cờ bạc đỏ đen, vui chơi quá độ, giải trí dâm ô, phung phí sức khoẻ, mê tín dị đoan. ..

10. Người Công giáo nên cầu chúc cho nhau thế nào?

Người Công giáo nên nhân danh Chúa hoặc nhờ ơn Chúa chúc nhau những điều tốt đẹp như: Bình an trong tay Chúa - Được Chúa luôn ở cùng - Vạn sự như ý Chúa - Xin Chúa chúc phúc lành - Cầu Chúa gia tăng niềm tin cậy mến - Nguyện Chúa ban muôn phúc lộc xác hồn - Được tràn đầy thánh đức & dồi dào ân sủng. ..

Giáo phận Cần Thơ
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:57 01/02/2011
KHẨU HIỆU LỚN

N2T


Một vị tân thái thú mới đến nhiệm sở, người ta bỏ ra ba ngày để hoan nghênh ông ta ở hiện trường, người phụ trách nghi lễ xướng lên khẩu hiệu: “Vì báo quan dân phải chúc mừng, vận xấu qua đi vận tốt tới”.

Tân thái thú nghe vậy thì trong lòng rất vui, bèn hỏi ai làm ra câu đó, người dẫn lễ nghi trả lời:

- “Đó là truyện thống cũ của huyện mình ạ !”

Suy tư:

Vận xấu qua đi tức là quan xấu đã bị đổi đi nơi khác, vận tốt tới tức là quan mới tới. Mỗi khi có quan mới đến thì bá tánh đều hô to khẩu hiệu như thế mà quan mới không hiểu được ý nghĩa của nó, lại còn vui mừng nữa chứ.

Năm cũ qua đi năm mới đến, người ta chúc nhau trong năm mới được nhiều may mắn, lộc tài phúc đều có, đó là lời chúc truyền thống và có ý nghĩa, lời chúc đem lại hy vọng cho mọi người.

Người Ki-tô hữu có thói quen rất tốt lành mỗi khi năm mới đến, đó là chúc nhau năm mới tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa và tình thương của Đức Mẹ Maria, đó là lời chúc rất đặc biệt mà chỉ có những người Ki-tô hữu mới có mà thôi. Đó không phải là khẩu hiệu, mà là lời chúc chân thành và đẹp nhất phát xuất từ trong tâm hồn của họ.

Lời chúc thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:00 01/02/2011
N2T


19. Hoặc là bây giờ hối cải chuộc tội, hoặc là chịu hình khổ đời đời.

(Thánh Augustine)
 
Phút giao mùa
Lm. Minh Anh
21:13 01/02/2011
“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ”,


Nếu chiều mùa xuân năm 1933, trước cái không gian huyền ảo thực hư của Đà Lạt, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã ngẩn ngơ thốt lên những vần thơ ấy, thì chiều hôm nay, trong cái linh thánh của phút giao mùa khi những giờ cuối của năm cũ đang qua đi, nhường chỗ cho một năm mới sắp đến, thì hãy như nhà thơ, chúng ta hãy cùng mấp máy đôi môi: “Ôi lạy Chúa mở cho con đôi mắt, thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi”. Vâng, tình yêu Chúa quá ư kỳ diệu, vượt quá trí hiểu; bao hy sinh cùng lời cầu nguyện của các đấng sinh thành quả thật vô biên.

Tình yêu Chúa quá ư diệu kỳ khi “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải lưu tâm?”, thì chúng ta, những người đang quỳ đây, biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho…

Hồng ân tiếp nối hồng ân, mỗi ngày là một hồng ân: hồng ân bí tích, Mình Máu Chúa nuôi sống, bí tích Chúa ban ơn “cho con được sống và sống dồi dào”; hồng ân Lời Chúa, “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”; hồng ân quan phòng, Chúa ban cho cái ăn, cái mặc, cái để chia sẻ; hồng ân tha thứ, “bao lỗi lầm Chúa phủ che, tội ta làm Chúa ném thật xa”; hồng ân sức mạnh, bình an và niềm vui của Thánh Thần mà nếu không có, tưởng chừng như chúng ta không thể vượt qua, không thể đứng vững trước những tang tóc, nghịch cảnh và xúi quẩy. Rồi kể sao cho xiết muôn ân huệ siêu nhiên cũng như tự nhiên Chúa ban cho Giáo Hội, cho giáo xứ, cho mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình và mỗi người trong những tháng ngày qua. Hãy tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Thứ đến, công ơn bể trời của mẹ cha, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, các đấng sinh thành còn sống hay đã qua đời mà qua lời cầu nguyện, qua bao mồ hôi nước mắt của các ngài, chúng ta có được ngày hôm nay. Thế mà, “mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ kể tháng kể ngày”.

Nhân ngày cuối năm, chúng ta cùng gẫm suy câu chuyện Cậu Bé và Cây Táo. Có cậu bé kia sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Khi bắt đầu có trí khôn, cậu bé đồng thời cũng sớm nhận ra cây táo đã sừng sững sau vườn nhà mình tự bao giờ. Cậu nào biết, ngày ngày, táo rợp bóng cho cậu cùng chúng bạn vui đùa. Ngày kia, cậu thở than cùng cây táo, “Táo ơi, con buồn quá, con không có gì để chơi cả”. Táo trả lời, “Sao con không leo lên đây, chuyền từ cành nầy sang cành nọ, hái táo mà ăn cho thoả”. Thế là cậu bé rủ thêm chúng bạn ngày ngày leo trên thân táo; và không hơn gì các bạn tinh nghịch khác, một đôi lần, cậu bé dùng đá và gậy đánh vào cành, rạch vào thân… làm táo xây xát đớn đau. Leo lên leo xuống mãi cũng chán, cậu bé đòi táo cho đồ chơi khác, táo ra sức rợp bóng thật um tùm để chim chóc về làm tổ hầu chú bé và các bạn có thể lên bắt những chú chim nhỏ về nuôi. Và qua dòng thời gian, cậu bé lớn lên thật nhanh và hầu như quên hẳn cây táo giờ đây cũng già cỗi theo năm tháng.

Thế mà vào một ngày kia, giờ đã là một thanh niên, cậu bé trở lại khu vườn trước sự ngạc nhiên của cây táo, táo hỏi, “Con còn đến đây làm gì?”, người thanh niên đáp, “Ta cần tiền cưới vợ”. Suy nghĩ một hồi, táo đáp, “Thì con hãy chịu khó ngày ngày hái táo đem ra chợ bán để dồn tiền cưới vợ”. Bẵng một thời gian sống với vợ con, cậu ấy dường như không còn nhớ đến cây táo; rồi một hôm, cậu lại trở về, táo lại hỏi, “Ta còn gì để cho con nữa, con cần gì?”. “Ta cần dựng một căn nhà”. Táo nói, “Ta không còn đủ sức cho quả để con đem bán nữa, thôi con hãy chặt những cành lớn nơi ta để tạm dựng cho mình cùng vợ con một căn nhà”. Thế là cậu bắt đầu chặt không thương xót những cành lớn, vừa đem bán vừa dành đủ gỗ, dựng cho mình một căn nhà, mặc cho táo trơ trọi bên góc vườn tưởng chừng như không ai còn biết đến.

Vậy mà cũng người thanh niên ấy, một chiều kia lại trở về khu vườn, táo lúc này đã mù loà, tai không còn nghe, mắt không còn nhận ra cậu nữa, cậu phải lên tiếng thật to để thổ lộ rằng cậu đã chán ngấy căn nhà gỗ và phải dọn đi nơi khác. Nghe được, táo vẫn hớn hở thì thào, “Thôi, thì con cứ đốn ngả thân ta, lấy gỗ đóng cho mình một chiếc thuyền để xuôi xuống miền nam sinh sống”. Và một lần nữa, cậu lại nhẫn tâm đốn hạ cây táo để thoả ý mình.

Lâu thật lâu, không biết mấy chục năm sau, cậu bé ngày xưa giờ đây tóc đã điểm hoa râm lại trở về bên gốc táo ngày nào, lần nầy không hiểu sao, cậu không nhận ra táo, nhưng táo lại trực giác nhận ra cậu. Người đàn ông ấy không còn đòi hỏi táo điều gì nữa vì táo đâu còn gì để cho, nhưng cậu bé ngày xưa giờ đây quá hối hận khi tìm về gốc táo, tựa lưng vào đó để gẫm suy cuộc đời. Và kìa, táo cảm thấy thật hạnh phúc khi vẫn còn là một chỗ tựa cho đứa con tội nghiệp của mình.

Anh Chị em, gốc táo ấy chính là hình ảnh của mẹ cha, đã một đời hy sinh miễn sao cho con được nên người, nên thánh. Niềm vui sướng và hạnh phúc của các đấng sinh thành chính là trở nên nơi nương tựa cho con cái, dù đã ngồi một chỗ như gốc táo già hay đã lão hoá đồng như một trẻ thơ, hoặc cho dù chỉ còn là nấm mộ lạnh ngoài nghĩa trang đìu hiu… Vậy chớ gì mỗi người chúng ta ngày càng biết kính trọng và yêu thương các đấng sinh thành, những gì đã mất hoặc chắc chắn một ngày kia chúng ta sẽ vĩnh viễn không còn.

Chớ gì những lời cuối năm cũng như đầu năm, cũng là những lời cuối đời của mỗi người chúng ta sẽ mãi mãi là “Tạ Ơn Chúa Vì Muôn Ngàn Đời Chúa Vẫn Trọn Tình Thương”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đài truyền thanh thông công cộng Ý dành mỗi ngày từ 60 đến 70 giây cho các Thánh
Bùi Hữu Thư
10:16 01/02/2011
VATICAN (CNS) – Hơn 4 năm qua, Tổng Giám Mục về hưu người Ý Cosmo Francesco Ruppi ở Lecce đã có được từ 60 đến 70 giây mỗi ngày trên đài truyền thanh công cộng của Ý để kể cho các thính giả nghe về tiểu sử của một vị thánh hay chân phước được tưởng nhớ trong Phụng Vụ Công Giáo.

Bản văn về 365 câu chuyện của Đức Tổng Giám Mục Ruppi dành cho đài truyền thanh RAI Radio Uno đã được xuất bản thành sách mang tựa đề "I Santi del Giorno" ("Vị Thánh trong Ngày").

Ông Filippo Anastasi, giám đốc phần tin tức tôn giáo cho đài truyền thanh cho hay: Chương trình của Đức Tổng Giám Mục về một phút thánh thiện rất được nhiều người mến chuộng và được chứng tỏ bởi sự kiện là khi bài nói của ngài không kết thúc chương trình tin tức từ 5:30 đến 6:00 sáng vì có trở ngại kỹ thuật vào đầu tháng 1, tổng đài điện thoại của đài phát thanh RAI bị ứ đọng bởi biết bao nhiêu cú điện thoại tức giận gọi vào.

Ông Anastasi nói, đài truyền thanh RAI ước lượng có khoảng 600.000 người theo dõi chương trình này mỗi buổi sáng.

Khi trình bầy cuốn sách của ngài với giới truyền thông ngày 31 tháng 1, Đức Tổng Giám Mục Ruppi không nhắc đến tên của Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi và việc ông này bị lên án là trả tiền cho một thiếu nữ vị thành niên tham dự một buổi liên hoan tình dục.

Nhưng Tổng Giám Mục Ruppi có nói là kết thúc bản tin buổi sáng bằng 1 phút hay trên dưới 1 phút để nói về đời sống của một vị thánh là một hình thức “giải độc” sau khi phải nghe câu chuyện về “các thiếu nữ trẻ tuổi có thể làm cho những nhân vật quan trọng vui thú.”

Đức Hồng Y người Bồ Đào Nha Jose Saraiva Martins, cựu tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh nói là các chương trình ngắn gọn nhưng hấp dẫn về các Thánh “cho thấy là các giám mục không chỉ là những nhà giảng thuyết tài ba, mà còn là những người biết ngưng nói khi họ đã hết giờ.”
 
Hội nghị khoáng đại kỳ thứ 10 của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu sẽ được tổ chức tại TTMV TGP Sài Gòn
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
10:57 01/02/2011
Hãng thông tấn UCAN trong bản tin vào ngày 27.01.2011 đã nhắc lại lời tuyên bố của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục giáo phận Sài Gòn, cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam được ủy thác trách nhiệm tổ chức Hội nghị khoáng đại của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) tại trung tâm mục vụ tổng giáo phận Sài Gòn vào năm tới.

ĐHY đã tuyên bố như sau: “Ủy ban trung ương của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thể lục địa châu Á đã thông qua quyết nghị tổ chức Hội Nghị khoáng đại lần thứ 10 Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại đất nước chúng ta ”.

Đức Hồng Y đã bầy tỏ hy vọng rằng biến cố này sẽ làm tăng trưởng tình liên đới, huynh đệ và hiệp thông giữa các Giáo Hội châu Á. Ngài cũng ghi nhận thêm rằng mặc dù Giáo hội địa phương còn thiếu thốn về cơ sở vật chất tiện nghi để tiếp đón các tham dự viên nhưng điều đó sẽ giúp các tham dự viên thông cảm với những khó khăn của Giáo hội đang gặp phải.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu được thành lập vào năm 1970, Việt Nam đã được bình chọn để tổ chức hội nghị khoáng đại này.

Đức Hồng Y TGM giáo phận Sài Gòn đã thông báo rằng ủy ban điều hành trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã thông qua nghị quyết này trong một cuộc họp được tổ chức tại Bangkok vào hai tuần trước. Chính Đức Hồng Y và Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phó tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có mặt tham dự cuộc họp này.

Hội nghị khoáng đại của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu theo thông lệ được tổ chức 4 năm một lần. Hội nghị khoáng đại lần cuối đã diễn ra tại thủ đô Manila vào năm 2009. Hội nghị khoáng đại sẽ diễn ra trong tuần thứ ba của tháng 11 năm 2012 tại trung tâm mục vụ Sài Gòn, địa điểm hội đủ điều kiện cần thiết để có thể đón tiếp một hội nghị quan trọng này. Đức Hồng Y cũng cho biết thêm là giáo hội địa phương đứng ra tổ chức phải nhận được danh sách đầy đủ của các tham dự viên để có thể gửi chính quyền cứu xét. Sau khi danh sách được chấp thuận, Giáo hội mới có thể gửi thư mời tới các tham dự viên để kịp thời xin chiếu khán nhập nội.

Đức Hồng Y đã bầy tỏ hy vọng rằng biến cố này sẽ làm tăng trưởng tình liên đới, huynh đệ và hiệp thông giữa các Giáo Hội châu Á. Ngài cũng ghi nhận thêm rằng mặc dù Giáo hội địa phương không có đầy đủ cơ sở vật chất tiện nghi để tiếp đón các tham dự viên nhưng điều đó sẽ giúp các tham dự viên thông cảm với những khó khăn của Giáo hội đang gặp phải. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu được thành lập vào năm 1970, Việt Nam đã được bình chọn để tổ chức hội nghị khoáng đại này.

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu quy tụ các HĐGM trong liên hiệp nhắm mục đích phát triển tinh thần liên đới và đồng trách nhiệm nhằm mưu ích chung cho Giáo Hội và xã hội toàn lục địa châu Á. Hội nghị khoáng đại là cơ quan tối cao của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, hiện nay gồm có 15 Hội Đồng Giám Mục chính thức sau: Bangladesh, Birmanie/Myanmar, Nam Hàn, Ấn Độ, Nam Dương, Nhật, Kazakhstan, Lào-Cambodge, Mã Lai-Singapour-Brunei, Pakistan, Phi Luật Tân, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt-nam.

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng gồm thêm 10 thành viên phụ: Hongkong, Macao, Mông Cổ, Népal, Kirghizistan, Ouzbékistan, Sibérie (Nga), Tadjikistan, Turkménistan et Đông- Timor.

Nguồn: Eglises d'Asie, 31 janvier 2011
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 nhân ngày thế giới các bệnh nhân: 11-2-2011
LM Trần Đức Anh OP chuyển ý
11:50 01/02/2011
VATICAN. Ngày 3-2-2011, Đức TGM Zygmunt Zimowski, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, và các vị phụ tá, sẽ mở cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh để giới thiệu và giải thích Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 19 sẽ được cử hành vào ngày 11-2-2011 tới đây, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

Sứ điệp mang tựa đề ”Từ những vết thương của Chúa anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24), và đã được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố ngày 18-12-2010, trong đó ĐTC cảnh giác rằng: ”Một xã hội không biết chấp nhận những người đau khổ và không có khả năng góp phần nhờ lòng từ bi làm cho đau khổ được chia sẻ và chịu đựng cả trong nội tâm, thì đó là một xã hội tàn ác và vô nhân đạo” (Spe salvi 38).

ĐTC cũng cho biết mỗi giáo phận sẽ đề ra những sáng kiến nhân ngày thế giới các bệnh nhân nhắm làm cho việc săn sóc những người đau khổ được hữu hiệu hơn. Ngài cũng loan báo Ngày Thế Giới các bệnh nhân sẽ được cử hành trọng thể vào năm 2013 tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting ở miền nam Đức. Sau đây, là bản dịch nguyên văn sứ điệp của ĐTC.

”Anh chị em thân mến

Hằng năm, vào dịp lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11 tháng 2, Giáo Hội đề nghị Ngày Thế Giới các bệnh nhân. Như Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô 2 đã muốn, dịp này trở thành cơ hội thuận tiện để suy tư về mầu nhiệm đau khổ, và nhất là để làm cho các cộng đoàn và xã hội dân sự chúng ta nhạy cảm hơn đối với các anh chị em bệnh nhân. Nếu mỗi người là anh em chúng ta, thì người yếu, người đau khổ và người cần được săn sóc càng phải ở trung tâm sự chú ý của chúng ta hơn nữa, để không một ai trong họ bị lãng quên hoặc bị gạt ra ngoài lề; thực vậy, ”mức độ tình người được xác định chủ yếu trong quan hệ với khổ đau và người đau khổ. Điều này có giá trị đối với mỗi cá nhân cũng như xã hội. Một xã hội không đón nhận người đau khổ và không có khả năng góp phần nhờ sự cảm thương để làm cho đau khổ được chia sẻ và chịu đựng cả trong nội tâm thì đó là một xã hội tàn ác và vô nhân đạo” (Thông điệp Spe salvi, 38). Các sáng kiến sẽ được cử hành trong mỗi giáo phận nhân Ngày này, là một khích lệ làm cho việc săn sóc bệnh nhân ngày càng hữu hiệu, cả trong viễn tượng cử hành một cách trọng thể sẽ diễn ra tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting vào năm 2013 tại Đức.

1. Tôi vẫn nhớ giờ phút trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Torino, tôi được đứng trước Khăn Liệm Thánh để suy tư và cầu nguyện, trước khuôn mặt của người đau khổ, mời gọi chúng ta suy niệm về Đấng đã mang trên mình cuộc thương khó của con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi, cả những đau khổ, khó khăn và tội lỗi của chúng ta. Qua dòng lịch sử, bao nhiêu tín hữu đã đi trước tấm khăn liệm ấy, tấm khăn bọc thi thể của một người chịu đóng đanh, hoàn toàn tương ứng với trình thuật của cách sách Phúc Âm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu! Chiêm ngắm khăn liệm ấy là một lời mời gọi suy tư về điều mà thánh Phêrô đã viết: ”Từ những vết thương của Chúa, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24). Con Thiên Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết, nhưng đã sống lại, và chính vì thế, các vết thương ấy trở thành dấu chỉ ơn cứu chuộc chúng ta, ơn tha thứ và hòa giải với Chúa Cha; và cũng trở thành điều thử thách đối với đức tin của các môn đệ và của chúng ta: mỗi lần Chúa nói về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, các môn đệ không hiểu, họ phủ nhận và chống đối. Đối với họ, cũng như đối với chúng ta, đau khổ vẫn luôn là điều đầy huyền nhiệm, khó chấp nhận và chịu đựng. Hai môn đệ làng Emmaus bước đi trong sầu thảm vì những biến cố xảy ra trong những ngày ấy ở Jerusalem, và chỉ khi Đấng Phục Sinh đồng hành với họ, họ mới cởi mở đối với một cái nhìn mới (Xc Lc 24,13-31). Cả Tông đồ Tôma cũng tỏ ra khó tin nơi con đường khổ nạn cứu chuộc: ”Nếu tôi không thấy dấu đanh nơi bàn tay Ngài, và không xỏ ngón tay tôi vào những dấu đanh và không đặt tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin” (Ga 20,25). Nhưng khi Chúa Kitô tỏ các vết thương của Ngài, câu trả lời của Tôma biến thành lời tuyên xưng đức tin thật cảm động: ”Lạy Chúa, lạy Chúa tôi!” (Ga 20,28). Điều mà trước kia là một chướng ngại không thể vượt qua nổi, vì đó là một dấu chỉ điều có vẻ là một thất bại của Chúa Giêsu, nay, trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh, trở thành bằng chứng tình thương chiến thắng của Ngài: ”Chỉ có một vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi mang lấy những vết thương và đau khổ của chúng ta, nhất là đau khổ vô tội, thì vị ấy mới đáng tin” (Sứ điệp Urbi et Orbi, Phục Sinh 2007).

2. Anh chị em bệnh nhân và người đau khổ thân mến, chính qua những vết thương của Chúa Kitô mà chúng ta có thể nhìn tất cả những tai ương đang đè nặng trên nhân loại với cặp mắt hy vọng. Khi sống lại, Chúa không tước bỏ đau khổ và tai ương khỏi thế giới, nhưng Ngài chiến thắng chúng tận gốc rễ. Ngài dùng sự toàn năng của Tình Thương để đối lại với quyền lực của Sự Ác. Vì thế, Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng con đường hòa bình và vui tươi chính là Tình Thương: ”Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Ga 13,34). Chúa Kitô chiến thắng sự chết và đang sống giữa chúng ta. Và trong khi cùng với thánh Tôma, chúng ta cũng nói ”Lạy Chúa, Lạy Chúa của con!”, chúng ta bước theo Thầy trong sự sẵn sàng xả thân vì anh chị em chúng ta (Xc 1 Ga 3,16), trở thành những sứ giả về một niềm vui không sợ đau khổ, niềm vui Phục Sinh.

Thánh Bênađô quả quyết: ”Thiên Chúa không thể chịu đau khổ, nhưng có thể cảm thương”. Thiên Chúa, Đấng là hiện thân của Chân Lý và Tình Thương, đã muốn chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta; Ngài đã làm người để có thể cảm thương với con người, một cách cụ thể, trong thân thể của Ngài. Vì thế, trong mỗi đau khổ của con người có một Đấng cùng chia sẻ đau khổ và chịu đựng; trong mỗi đau khổ có sự an ủi được lan tỏa, sự an ủi của tình yêu tham phần của Thiên Chúa để làm cho ngôi sao hy vọng mọc lên (Xc Thông điệp Spe salvi, 39).

Anh chị em thân mến, tôi lập lại với anh chị em sứ điệp này để anh chị em trở thành chứng nhân của sứ điệp ấy qua đau khổ, qua cuộc sống và đức tin của anh chị em.

3. Nhìn về cuộc hẹn ở Madrid, vào tháng 8 tới đây (2011) với Ngày Quốc Tế giới trẻ, tôi cũng muốn đặc biệt nghĩ đến giới trẻ, nhất là những người đang sống kinh nghiệm bệnh tật. Nhiều khi Khổ nạn, Thập giá của Chúa Giêsu làm ta sợ hãi, vì chúng có vẻ là một sự phủ nhận sự sống. Thực tế hoàn toàn ngược lại! Thập giá là ”sự đồng thuận” của Thiên Chúa đối với con người, là sự biểu lộ cao cả và nồng nhiệt nhất về tình thương của Chúa và là nguồn mạch sự sống đời đời. Từ trái tim bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu vọt lên sự sống thần linh ấy. Chỉ Ngài mới có thể giải thoát thế giới khỏi sự ác và làm tăng trưởng Nước công lý, bình an và yêu thương của Ngài mà tất cả chúng ta khao khát (Xc Sứ điệp Ngày Quốc Tế giới trẻ 2011, 3). Các bạn trẻ thân mến, hãy học cách ”nhìn” và ”gặp gỡ” Chúa Giêsu trong Thánh Thể, nơi Ngài hiện diện thực sự cho chúng ta, đến độ trở thành lương thực cho cuộc hành trình, nhưng các bạn cũng hãy biết nhận ra và phụng sự Chúa nơi những người nghèo, các bệnh nhân, nơi anh chị em đau khổ và gặp khó khăn, đang cần sự giúp đỡ của các bạn (Xc cùng Sứ điệp, 4). Tôi lập lại với tất cả bạn trẻ, đau yếu cũng như khỏe mạnh, lời mời gọi hãy kiến tạo những nhịp cầu yêu thương và liên đới, để không một ai cảm thấy lẻ loi, nhưng gần gũi với Thiên Chúa và là thành phần của đại gia đình các con cái Chúa (Xc Buổi tiếp kiến chung, 15-11-206)

4. Khi chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô, chúng ta nhìn Trái Tim cực thánh của Ngài, trong đó có biểu lộ tột đỉnh tình thương của Thiên Chúa. Thánh Tâm là Chúa Kitô chịu đóng đanh, với cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu qua, từ đó nước và máu chảy ra (Xc Ga 19,34), ”biểu tượng các bí tích của Giáo Hội, để mọi người được Trái Tim Đấng Cứu Thế lôi cuốn, vui mừng kín múc nơi nguồn mạch trường cửu của ơn cứu độ” (Sách Lễ Roma, Kinh Tiền Tụng lễ trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu). Anh chị em thân mến, anh chị em đặc biệt cảm thấy sự gần gũi của Trái Tim đầy tình thương và với niềm tin, vui, anh chị em kín múc nơi nguồn mạch ấy và cầu khẩn: ”Lạy Nước từ cạnh nương long Chúa Kitô, xin thanh tẩy con. Lạy cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, xin củng cố con. Ôi Chúa Giêsu từ nhân, xin nghe lời con cầu. Xin giấu con nơi các vết thương của Chúa” (Kinh nguyện của thánh Ignatio Loyola).

5. Vào cuối Sứ điệp này nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân sắp đến, tôi muốn bày tỏ lòng quí mến đối với tất cả và từng người, và tôi cảm thấy được tham phần những đau khổ và hy vọng mà anh chị em đang sống hằng ngày trong niềm kết hiệp với Chúa Kitô chịu đóng đanh và phục sinh, để Ngài ban cho anh chị em an bình và ơn chữa lành tâm hồn. Cùng với Chúa, Đức Trinh Nữ Maria canh thức cạnh anh chị em, Đấng mà chúng ta cầu khẩn với lòng tín thác là Sức Khỏe của các bệnh nhân và là Đấng an ủi kẻ đau khổ. Dưới chân Thập Giá đã ứng nghiệm nơi Mẹ lời tiên tri của Simeon: Trái tim của Mẹ bị đâm thâu qua (Xc Lc 2,35). Từ vực thăm đau đớn của Mẹ, từ sự tham phần vào đau khổ của Chúa Con, Mẹ Maria có thể đón nhận sứ mạng mới, đó là trở thành Mẹ Chúa Kitô nơi các chi thể của Người. Trong giờ Thập Giá, Chúa Giêsu giới thiệu Mẹ với mỗi người trong các môn đệ của Chúa và nói: ”Đây là con của Mẹ” (Xc Ga 19,26-27). Sự cảm thương của người mẹ đối với Con trở thành sự cảm thương của Mẹ đối với mổi người chúng ta trong những đau khổ hằng ngày (Xc Bài giảng ở Lộ Đức, 15-9-2008).

Anh chị em thân mến, trong Ngày Thế Giới các bệnh nhân này, tôi mời gọi các chính quyền ngày càng đầu tư nhiều năng lực hơn vào các cơ cấu y tế để chúng trợ giúp và nâng đỡ những người đau khổ, nhất là những người nghèo túng nhất, và khi nghĩ đến tất cả các giáo phận, tôi thân ái gửi lời chào thăm đến các Giám Mục, Linh Mục, những người thánh hiến, các chủng sinh và nhân viên y tế, những người thiện nguyện và tất cả những người đang xả thân với lòng yêu mến để săn sóc và thoa dịu các vết thương của mỗi anh chị em bệnh nhân, trong các bệnh viện, hoặc các nhà điều dưỡng, trong các gia đình: ước gì nơi khuôn mặt của các bệnh nhân, anh chị em luôn nhìn thấy Khuôn mặt của mọi khuôn mặt: tức là khuôn mặt của Chúa Kitô.

Tôi sẽ nhớ đến tất cả anh chị em trong kinh nguyện trong lúc tôi ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho mỗi người trong anh chị em.

Vatican ngày 21 tháng 11 năm 2010, Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

+ Biển Đức 16, Giáo Hoàng
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị quốc tế về ơn gọi tại Mỹ Châu La Tinh
LM Trần Đức Anh OP
11:52 01/02/2011
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi đẩy mạnh việc mục vụ ơn gọi bằng cách vun trồng đời sống thiêng liêng, làm chứng tá và tạo điều kiện thuận tiện cho ơn gọi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự viện Hội nghị quốc tế kỳ 2 về ơn gọi tại Mỹ châu la tinh đang tiến hành tại giáo phận Cartago bên Costa Rica, từ 31-1 đến 5-2 tới đây, với chủ đề ”Thưa Thầy, vâng lời Thầy con xin thả lưới” (Xc Lc 5,5).

Hội nghị do Phân bộ ơn gọi và thừa tác vụ thuộc Liên HĐGM Mỹ châu la tinh, gọi tắt là Celam, triệu tập, với mục đích củng cố nền văn hóa ơn gọi, để các tín hữu Công Giáo chu toàn ơn gọi làm môn đệ và thừa sai của Chúa Kitô tại đại lục này. Tham dự Hội nghị có đông đảo các GM và các vị giám đốc ơn gọi tại các nước thuộc Mỹ châu la tinh.

Trong sứ điệp, ĐTC viết: ”Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng tại nơi nào có kế hoạch tốt và kiên trì thực thi mục vụ ơn gọi, thì ơn gọi không thiếu. Thiên Chúa vẫn quảng đại, và việc dấn thân mục vụ ơn gọi trong tất cả các Giáo Hội địa phương cũng phải quảng đại như vậy”. Tuy nhiên, ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của đời sống thiêng liêng và khẳng định rằng: ”Ơn gọi không phải là kết quả của dự phóng phàm nhân nào hoặc của một chiến lược tổ chức khéo léo. Trong thực tại sâu xa nhất, ơn gọi là một hồng ân của Thiên Chúa, một sáng kiến huyền nhiệm và không tả của Thiên Chúa, Ngài đi vào cuộc sống của con người, thu hút họ bằng vẻ đẹp tình thương của ngài, và khơi dậy sự hiến thân trọn vẹn và chung kết cho tình thương của Chúa (Xc Ga 16, 9.16).

ĐTC viết thêm rằng: ”Cần phải cống hiến cho các thế hệ trẻ cơ may mở rộng tâm hồn họ đối với một thực tại cao cả hơn, đó là Chúa Kitô, Đấng duy nhất có thể mang lại ý nghĩa và sự sung mãn cho cuộc sống. Chúng ta cần vượt thắng sự tự mãn và khiêm tốn đến cùng Chúa, cầu xin Ngài tiếp tục kêu gọi nhiều người. Nhưng đồng thời việc củng cố đời sống thiêng liêng của chúng ta phải dẫn tới sự đồng hóa ngày càng sâu đậm hơn với thánh ý Chúa, làm chứng tá trong sáng hơn về niềm tin, cậy mến”.

ĐTC không quên đề cao tầm quan trọng hàng đầu của chứng tá bản thân và cộng đoàn về cuộc sống bạn hữu và thân mật với Chúa Kitô, hoàn toàn vui vẻ hiến thân cho Thiên Chúa. Ngài viết: ”Chứng tá trung thành và vui tươi về ơn gọi của mình đã và đang là phương thế tốt nhất để khơi dậy nơi bao nhiêu người trẻ ước muốn bước theo Chúa Kitô”.

Hội nghị tại Costa Rica của các Giáo Hội Mỹ châu la tinh về ơn gọi đang nhắm làm nổi bật một số khía cạnh chính yếu trong thực tại hiện nay để đẩy mạnh việc mục vụ ơn gọi.

Hướng dẫn hoạt động tại Hội nghị là Văn kiện chung kết của Đại hội các GM toàn Mỹ châu la tinh nhóm tại Aparecida, Brazil, nói về công tác của Giáo Hội nhắm cổ võ ơn gọi. Văn kiện có đoạn khẳng định rằng ”Việc mục vụ ơn gọi là trách nhiệm của toàn thể dân Chúa, bắt đầu từ trong gia đình, và tiếp tục trong Cộng đoàn Kitô. Việc mục vụ ấy phải hướng tới các trẻ em, và đặc biệt là người trẻ, giúp họ khám phá ý nghĩa cuộc sống và dự phóng của Thiên Chúa đối với mỗi người, tháp tùng các em trong tiến trình phân định ơn gọi. Việc mục vụ ơn gọi được hội nhập hoàn toàn trong khuôn khổ việc mục vụ bình thường, và là thành của của việc mục vụ chung, vững chắc, trong các gia đình, giáo xứ, trong các trường Công Giáo và các tổ chức của Giáo Hội. Cần tăng cường, bằng nhiều cách thức khác nhau, việc cầu nguyện cho ơn gọi.. Ơn gọi là hồng ân của Thiên Chúa, vì thế trong mỗi giáo phận, không thể thiếu những chương trình cầu nguyện xin Chúa là chủ mùa gặt sai nhiều thợ đến làm việc trong mùa gặt của Ngài” (SD 2-1-2011)
 
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bênh vực tự do tôn giáo
Linh Tiến Khải
11:55 01/02/2011
Một số nhận định của ông Jeff King, Chủ tịch Hiệp Hội ”Quan tâm quốc tế kitô”, và của ông Marcello Pera, nguyên Chủ tịch Thượng Viện Italia, về lập trường bênh vực tự do tôn giáo của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Sáng mùng 10-1-2011 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng đầu năm mới. Ngỏ lời với các vị đại diện 178 quốc gia có quan hệ cấp đại sứ với Tòa Thánh và đại diện chính quyền Palestine, Ngài đã mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo dưới mọi khía cạnh của nó, và tố giác nạn bách hại, kỳ thị các tín hữu kitô. Ngài tái khẳng định chiều kích tôn giáo như là một đặc tính không thể phủ nhận và không thể cưỡng bách của sự hiện hữu và hành động của con người, và là mức độ thực hiện vận mạng của họ cũng như việc xây dựng cộng đoàn của họ. Vì thế khi chính cá nhân hay những người sống chung quanh họ thờ ơ hay phủ nhận khía cạnh nền tảng ấy, thì sẽ tạo ra các tình trạng mất quân bình và các xung đột ở mọi cấp độ trên bình diện bản thân cũng như trên bình diện liên bản vị. Nói cách khác, tự do tôn giáo là quyền căn bản đầu tiên của con người. Nếu quyền tự do tôn giáo không được bảo đảm và tôn trọng, thì tất cả các quyền tự do căn bản khác sẽ bị vi phạm trầm trọng dưới hình thức này hay hình thức khác, và nền hòa bình của thế giới bị đe dọa.

Đức Thánh Cha cũng than phiền về các vụ khủng bố sát hại các tín hữu kitô tại vùng Trung Đông như bên Irak và Ai Cập, cũng như tình trạng thiếu các cơ cấu mục vụ thích hợp cho các kitô hữu trong Bán đảo A Rập. Ngài cũng yêu cầu hủy bỏ luật chống phạm thượng tại Pakistan, thường bị lạm dụng để đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số. Ngoài ra, cũng có các hành vi bạo lực chống lại các kitô hữu tại miền Nam và Đông Nam Á châu cũng như tại Phi châu. Tại một số nước Hiến pháp nhìn nhận tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, đời sống của các cộng đoàn tôn giáo gặp nhiều khó khăn, hạn chế và bấp bênh, vì cơ cấu pháp lý hoặc xã hội chiếu theo các hệ thống triết lý, chính trị yêu sách kiểm soát chặt chẽ, nếu không nói là nó cho phép Nhà Nước độc quyền trên toàn xã hội. Cần phải chấm dứt tình trạng hàm hồ này, và phải bảo đảm cho các cộng đoàn công giáo khắp nơi được hoàn toàn tự quyết trong việc tổ chức và tự do chu toàn sứ mạng của mình, phù hợp với các quy luật và tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tình trạng tại các nước có chế độ cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng duyệt xét tình hình tự do tôn giáo trong thế giới tây phương, nơi sự đa nguyên và bao dung được đề cao, nhưng tôn giáo càng ngày càng bị gạt ra ngoài lề xã hội, và bị coi như nhân tố không quan trọng, xa lạ với xã hội tân tiến. Thậm chí tôn giáo còn bị coi như là yếu tố gây ra sự bất ổn xã hội, và người ta dùng mọi phương thế khác nhau để ngăn cản mọi ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội. Đây là điều đang xảy ra tại các nước tây âu có truyền thống và nền văn hóa kitô lâu đời. Khuynh hướng tục hóa và duy đời cực đoan khiến cho người ta đòi hỏi các kitô hữu khi thi hành nghề nghệp không được tham chiếu các xác tín tôn giáo và luân lý của họ, như quyền phản kháng lương tâm của những bác sĩ y tá và nhân viên y tế cũng như một số luật sư.

Ngoài ra, người ta còn cấm những ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng, nhân danh sự tôn trọng đối với tín hữu các tôn giáo khác, hay những người không tín ngưỡng. Cũng cần phải bảo đảm cho các cộng đoàn tôn giáo quyền phục vụ công ích, tự do hoạt động xã hội, với các sáng kiến trong lãnh vực xã hội, từ thiện và giáo dục.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Jeff King, Chủ tịch Hiệp Hội ”Quan Tâm Quốc Tế Kitô”, về nỗ lực bênh vực tự do tôn giáo của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Hiệp Hội ”Quan Tâm Quốc Tế Kitô” có trụ sở tại Washington bên Hoa Kỳ và ông King là Chủ tịch của hội từ năm 1995.

Hỏi: Thưa ông King, ông nghĩ gì về bài diễn văn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đọc trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày mùng 10-1 vừa qua, khi người nhấn mạnh đề tài quyền hoàn toàn tự do tôn giáo ?

Đáp: Đức Thánh Cha có lý, khi nói rằng tự do tôn giáo làm cho hòa bình tiến bộ. Nơi đâu quyền tin được bảo đảm, nơi đó các quyền khác của con người cũng được khả quan hơn một cách cụ thể. Thật là điều tuyệt diệu sự kiện Đức Thánh Cha tiếp tục nêu bật tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Trong các năm qua người đã tuyên bố nhiều lần về các cuộc bách hại các tín hữu kitô và về một loại hồi giáo nào đó như là nguồn gốc của tình trạng này. Tiếng nói và phán đoán của Đức Thánh Cha có tầm quan trọng không thể so sánh được trên bình diện quốc tế để nêu ra vấn đề.

Hỏi: Đức Thánh Cha đã tố cáo các kỳ thị chống lại các kitô hữu tại nhiều nơi khác nhau trêm thế giới. Chúng thường qua đi trong thinh lặng hay được coi như ít trầm trọng hơn các kỳ thị khác. Ông có đồng ý với khẳng định này không?

Đáp: Tuyệt đối là có rồi. Các phương tiện truyền thông tây phương, vì bất cứ lý do gì, thường có khuynh hướng làm ngơ trước cả các vụ bách hại trầm trọng nhất. Và nếu có xảy ra là họ kể lại các sự kiện này đi nữa, thì lại dùng mô thức giải thích chúng như là các vụ ”bạo lực giữa các nhóm tôn giáo” với nhau, chứ không phải là các vụ bách hại các kitô hữu. Tôi xin đơn cử hai thí dụ cụ thể nhất như các vụ tấn công các kitô hữu trong bang Orissa bên Ấn Độ, hay các vụ tấn công các kitô hữu tại Indonesia giữa các năm 1998-2003.

Hỏi: Trong diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ghi nhận vài tình hình đặc biệt tại những nơi trong năm vừa qua đã có các cải tiến liên quan tới tự do tôn giáo, như Việt Nam và Cuba. Trong bản tường trình của ông về các vụ bách hại các kitô hữu năm 2010 có các nước hồi giáo đáng gây lo âu, có đúng thế không?

Đáp: Nếu chúng ta nhìn các quốc gia có hàng lãnh đạo chính trị cộng sản, ngoại trừ Bắc Hàn ra, thì các nước như Cuba, Viêt Nam và Trung quốc có một ít cải tiến, hiểu trong nghĩa rộng. Mặt khác, rất tiếc chúng ta phải ghi nhận các vụ bách hại kitô hữu ngày càng tồi tệ tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo như Pakistan, Irak và Ai Cập. Tổ chức Al Qaeda ra lệnh cho các lực lượng hồi cuồng tín tấn công các tín hữu kitô trong toàn vùng Trung Đông.

Hỏi: Thưa ông King, trong diễn văn Đức Thánh Cha cũng còn khẳng định rằng tôn giáo là lý do sự thăng tiến của một dân tộc, chứ không phải là sự thụt lùi. Vậy tại sao tự do tôn giáo lại không được thăng tiến và giải thích như là một quyền con người?

Đáp: Tự do tôn giáo là một quyền căn bản của con người. Nó là nền tảng của tất cả mọi quyền khác và bao gồm các quyền tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận vv... Khi góp phần vào việc bảo vệ tự do tôn giáo là người ta làm cho các quyền khác tiến lên trên một bình diện tổng quát hơn. Con người thường có thái độ sợ hãi người nước ngoài, không tin tưởng và sẵn sàng kết án bất cứ ai khác với nó. Vì thế phải lãnh trách nhiệm ủng hộ và bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số sống trong vùng đất của mình và bảo đảm sự tự do tín ngưỡng đích thật của họ. Nếu quyền này được bảo đảm, thì khi đó các quyền khác cũng sẽ được khả quan hơn trong các quốc gia này.

*** Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Marcello Pera, triết gia, nguyên Chủ tịch Thượng Viện Italia, về nỗ lực bênh vực tự do tôn giáo của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Hỏi: Thưa ông Pera, ông nghĩ gì về lập trường bảo vệ tự do tôn giáo của Đức Thánh cha?

Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã rất rõ ràng không chấp nhận sự mập mờ hàm hồ. Hoặc là thế giới tây âu ý thức rằng có hai cuộc chiến tôn giáo chống lại Kitô giáo và phải lo đối phó, hay thế giới tây phương bị hư mất.

Hỏi: Một cuộc chiến đổ máu tại các nước ở xa, và một cuộc chiến luồn lách ngay trong nhà chúng ta, tức các nước tây âu có nền văn hóa kitô, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Đúng thế. Nó luồn lách, nhưng không kém phần thê thảm. Hai thế kỷ sau, Tây Âu lại quay trở lại tôn thờ nữ thần lý trí và cải cách lịch như thời Cách Mạng Pháp. Với ảo ảnh của cùng sự ”tự do” thời đó, với cùng mục đích là thay thế Kitô giáo, và rất tiếc cũng với cùng các phương tiện như thời đó. Cuộc chiến bên trong nguy hiểm hơn, vì nó dưỡng nuôi cuộc chiến bên ngoài.

Hỏi: Thật ra, Đức Thánh Cha tố cáo sự kiện các chính quyền coi các hành động kỳ thị chống lại các tín hữu kitô này ít trầm trọng hơn, thưa ông.

Đáp: Châu Âu làm suy yếu chính mình và vì thế để cho các kẻ thù lấy lại sức. Khi đó nguy cơ không phải chỉ là đánh mất các gốc rễ của mình - đây là điều đang đảy ra - nhưng còn đánh mất cả căn tính và lý lẽ hiện hữu của mình nữa: khi chính Âu châu đánh trận chiến chống lại Kitô giáo, nó không nhận ra nguy hiểm đến từ bên ngoài nữa.

Hỏi: Trong một Âu châu tự cho mình là đa nguyên, có nhiều luật lệ mưu áp đặt các quyền mới yêu sách duy đời, bằng cách phản đối khả thể của các kitô hữu không thích ứng với các quyền đó.

Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ghi nhận một sự mâu thuẫn kinh khủng: đó là Âu châu công bố tính cách đại đồng của các quyền con người và bênh vực các quyền đó bằng lời nói, nhưng lại vi phạm quyền đầu tiên của các quyền bất khả nhượng là quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo.

Hỏi: Không phải chỉ có Âu châu, mà cả Mỹ châu nữa chứ, thưa ông?

Đáp: Chắc chắn rồi. Còn hơn thế nữa, Mỹ châu đang trở thành một Âu châu lớn và Âu châu đang trở thành một nước Bỉ lớn, hay một Canada lớn, nghĩa là một vùng đất hoang tàn trên bình diện tinh thần. Hoa Kỳ ngày nay đang gặp cùng nguy hiểm như chúng ta, cả khi xã hội dân sự kháng cự tốt hơn, và cảm thấy tiếng gọi của nguồn gốc của mình. Nhưng sự âu châu hóa mau lẹ gây lo âu, và toàn Tây Phương không chỉ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng, cuộc khủng hoảng kinh tế mà chúng ta tất cả đều trông thấy, mà đang đứng trước một sự suy đồi.

Hỏi: Nhân danh sự khoan nhượng, nhiều nước tây âu đã loại bỏ các ngày lễ và các biểu hiệu kitô, từ Thánh Giá cho tới lễ Giáng Sinh. Để tôn trọng các tôn giáo khác, chúng ta xóa bỏ tôn giáo của chúng ta... Chính các đài truyền hình hồi lễ Phục Sinh năm vừa qua đã nói ”Hôm nay là lễ Phục sinh cho những ai tin”, trong khi lại cho tin tức rất đài và đầy đủ về tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo. Tại sao vậy?

Đáp: Qúy vị thấy chưa? Hậu qủa của sự tái xuất hiện của Nữ thần lý trí và việc cải cách lịch đấy. Nhưng nhắc tới các người khác mà lại xóa bỏ chính mình là kiểu tự sát nhất để tỏ ra mình khoan nhượng. Người ta không ý thức rằng để có thể khoan nhượng, thì cần phải có ít nhất hai người nói chuyện với nhau, một ”chúng ta” và một ”họ”. Nếu qúy vị xóa bỏ chúng ta, thì chỉ còn có họ thôi. Năm ngoái khi viếng thăm Ai Cập, tổng thống Obama đã đề cập tới ”sự đóng góp của Hồi giáo cho việc nảy sinh ra Hoa Kỳ”: đây là một ”thú tính lịch sử” hoàn toàn vô căn cứ.

Hỏi: Việc tấn công các giá trị nền tảng và nguồn gốc kitô xem ra đến từ nhiều phía khác nhau, có đúng thế không thưa ông? Và tại tây âu người ta bất khoan nhượng tới độ khước từ cả quyền phản kháng của lương tâm kitô hữu và quyền tự do giáo dục nữa.

Đáp: Nếu khuynh hướng duy đời được sống như một tôn giáo thật, nếu lý trí của con người là một nữ thần điều khiển mọi sự, thì một bác sĩ hay giáo sư bị tiêu diệt vì dám chống cự lại, đi ngược lại một tín điều. Đức Thánh Cha đang muốn cho các nhóm thiểu số có tiếng nói và trao ban can đảm cho chúng ta tất cả. Ngài nói với chúng ta rằng có thể thắng trận chiến này, miễn là chúng ta nhận biết rõ ràng điều gì đang xảy ra. Nhưng tôi rất buồn lòng, vì tôi tìm thấy sự rõ ràng đó nơi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và nơi một ít nhân vật của thế giới văn hóa, nhưng rất ít nơi các tầng lớp chính trị và giới truyền thông.

(Avvenire 11-1-2011)
 
Tinh Thần Assisi (2)
Vũ Văn An
19:07 01/02/2011
Trong bài Tinh Thần Assisi (Vietcatholic 28/1/2011), chúng tôi có nhắc đến một số tác giả mong muốn Đức Bênêđíctô XVI “nhích xa” ra một chút đối với vị tiền nhiệm trong sáng kiến cầu nguyện liên tôn, vì họ cho rằng khi còn là Hồng Y Ratzinger, ngài vốn không tham dự biến cố 27 tháng 10 năm 1986 tại Assisi; không những thế, ngài còn viết lời chỉ trích. Khi tường trình đến đó, chúng tôi có đặt dấu hỏi. Nay, nhờ hãng tin Zenit, chúng tôi có thêm hai tài liệu chứng minh rằng Đức Hồng Y Ratzinger không hề viết lời chỉ trích sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II về việc cầu nguyện liên tôn tại Assisi.

Tài liệu thứ nhất là bài báo Đức Hồng Y Ratzinger viết cho tập san 30 Ngày (http://www.30giorni.it) tháng 1 năm 2002 mục đích để lượng giá cuộc gặp gỡ lịch sử, trong đó, ngài mô tả chuyến xe lửa đưa các nhà lãnh đạo tôn giáo từ Vatican tới Assisi là “một biểu tượng của cuộc hành trình của chúng ta trong lịch sử”. Sau đó, ngài tự hỏi: “Há tất cả chúng ta không phải là hành khách trên cùng chuyến xe lửa đó hay sao?”. Vì chuyến xe lửa ấy đã chọn hòa bình và công lý, hoà giải các dân tộc và các tôn giáo làm nơi đến, đem lại cho ta cả một linh hứng vĩ đại và đồng thời một dấu chỉ tràn trề hy vọng.

Chính Đức Hồng Y Ratzinger cũng là một trong các hành khách trên chuyến xe lửa lịch sử này. Ngài mô tả nhiều đám đông tụ tập tại các nhà ga giữa Vatican và Assisi để chào mừng “các khách hành hương của hòa bình”. Niềm hứng khởi càng gia tăng hơn tại chính Assisi, nhất là nơi người trẻ. Những tiếng hoan hô vang dậy được đặc biệt dành cho Đức Giáo Hoàng, người đã triệu tập cuộc gặp gỡ này “bằng sức mạnh nhân cách, chiều sâu đức tin, và lòng say mê hòa bình và hòa giải phát sinh từ đức tin kia”. Tiếng hoan hô cũng đã được dành cho “tất cả những ai cùng với ngài mưu cầu hòa bình và công lý, và đó là dấu chỉ của một khát vọng hòa bình sâu xa được cảm nhận bởi mọi cá nhân đang đứng trước những tàn hại chung quanh ta, do hận thù và bạo lực gây ra”.

Ngài cũng thuật lại nội dung bài phát biểu của Đức Gioan Phaolô II hôm đó: Chúa Kitô là hoà bình của ta. “Là Kitô Hữu, ta không nên che dấu xác tín đó: Về phần Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Đại Kết, thì việc tuyên xưng Chúa Kitô là hoà bình của ta quả hết sức rõ ràng và long trọng”. Nhân dịp này, Đức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh tới phần đóng góp của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới: con đường họ đi “phải là con đường thanh tẩy”. Tuy nhiên, sau đó, Đức Hồng Y nhắc tới gương của Thánh Phanxicô Assisi: Trước khi hồi tâm, vị thánh này vốn đã là Kitô Hữu rồi. Tuy nhiên sau khi hồi tâm, ngài nghĩ tới Kitô Giáo một cách mới hẳn. Bởi chỉ tới lúc đó, ngài mới có khả năng nghe được giọng nói của Đấng Chịu Đóng Đinh, nhìn ra sự trần truồng của Người, sự nghèo khó của Người, sự sỉ nhục của Người trái ngược hẳn cảnh nhung lụa và bạo hành mà trước đó ngài vẫn coi là chuyện bình thường. “Chỉ đến lúc đó, thánh nhân mới thực sự biết Thập Tự Chinh không phải là phương cách thích đáng để bảo vệ quyền lợi Kitô Hữu tại Đất Thánh, nhưng người ta phải hiểu nghĩa chiểu tự của sứ điệp noi gương Đấng Chịu Đóng Đinh”. Chính từ Thánh Phanxicô “mà cả ngày nay nữa hào quang của hòa bình đang chiếu lên, một hào quang từng thuyết phục được những ông hoàng Ả Rập và thực sự phá đổ các bức tường ngăn cách”. Đức Hồng Y kết luận bài báo: “Là Kitô Hữu, nếu ta dấn bước vào con đường hòa bình theo gương Thánh Phanxiô, ta không cần phải sợ sệt rằng mình sẽ đánh mất bản sắc: bởi vì chính lúc đó ta tìm ra bản sắc chân thực của mình”.

Cầu nguyện liên tôn hay đa tôn?

Hơn một năm sau, vào tháng 9 năm 2003, trong một tác phẩm mới được nhà Cantagalli xuất bản, tựa là “Fede, verità, tolleranza, Il cristianesimo e le religioni del mondo” (Đức Tin, Sự Thật, Khoan Dung, Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Thế Giới), Đức Hồng Y Ratzinger nêu ra một câu hỏi liên quan tới cuộc gặp gỡ Assisi: liệu ta có thể cầu nguyện chung với các thành viên của các tôn giáo khác, bất kể là độc thần, đa thần, phiếm thần hay tin vào siêu việt thể hay không?

Để trả lời câu hỏi này, Đức Hồng Y nói: “phải phân biệt giữa việc cầu nguyện đa tôn và việc cầu nguyện liên tôn”. Buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập, là đa tôn chứ không liên tôn, vì các tham dự viên cầu nguyện cùng một lúc nhưng ở các địa điểm khác nhau. Khi cầu nguyện như thế, theo Đức Hồng Y, các tham dự viên “biết rằng lối hiểu của họ về Thiên Chúa và, do đó, lối truy cập cái hiểu này hết sức khác nhau đến nỗi việc cầu nguyện chung chỉ là một hư cấu, chứ không có thật”. Trái lại, trong một buổi cầu nguyện liên tôn, người của các truyền thống tôn giáo khác nhau cầu nguyện chung với nhau. Lối cầu nguyện liên tôn như vừa nói có thể có được hay không? Đức Hồng Y Ratzinger cho rằng ngài hoài nghi điều đó. Vì muốn trung thực, buổi cầu nguyện này phải có những điều kiện sau: Thứ nhất, mọi người phải hiểu rõ rằng họ đang cầu nguyện với Thiên Chúa duy nhất, có ngôi vị; thứ hai, phải chắc chắn điều này là điều người ta cầu xin không mâu thuẫn với Kinh Lạy Cha; và thứ ba, phải nhấn mạnh rằng đối với Kitô Hữu, Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của mọi người.

Đức Gioan Phaolô II không buộc các nhà lãnh đạo các tôn giáo hoàn cầu phải nhận ba điều kiện ấy khi tới Assisi cầu nguyện. Ngài hiểu rõ đây chỉ là buổi cầu nguyện đa tôn, chứ không liên tôn, “come together to pray but not to pray together”. Nhưng tính hư cấu mà Đức Hồng Y Ratzinger đề cập ở đây chỉ là hư cấu trên bình diện thần học. Trên bình diện thực tiễn của hòa bình, hòa giải, nó không hề hư cấu, cùng lắm cũng chỉ hư cấu như những dụ ngôn của Chúa Kitô trong Tin Mừng. Đến muôn thế hệ, những dụ ngôn như người con trai hoang đàng vẫn là nguồn linh hứng bất tận cho nhân loại. Nghĩa cử hòa bình tại Assisi cũng thế. Không thể căn cứ vào tính hư cấu này để bảo là Đức Hồng Y Ratzinger chống lại sáng kiến Assisi. Tài liệu năm 2002 là một bằng chứng cụ thể.

Giáo Hội không nản lòng đối thoại

Hôm 31 tháng 1 vừa qua, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn cho hay bất chấp các khai triển gần đây tại Ai Cập, Giáo Hội Công Giáo vẫn không nản lòng trong việc theo đuổi con đường đối thoại với thế giới Hồi Giáo. Ngài tuyên bố như thế để phản ứng lại quyết định của phe Hồi Giáo Sunni, có trụ sở tại Ai Cập, tạm ngưng các cuộc đối thoại thường lệ với Vatican để phản đối các tuyên bố “pha mình vào nội bộ” Ai Cập của Đức Bênêđíctô XVI.

Ai cũng biết dịp Giáng Sinh vừa qua, quân khủng bố đã đánh bom một nhà thờ Công Giáo tại Alexandria, gây thiệt mạng cho 20 giáo dân vô tội. Trong buổi gặp gỡ với ngoại giao đoàn tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân nói tới chiến dịch bách hại Kitô Hữu tại Iraq, đã nhắc đến biến cố Alexandria. Nguyên văn lời tuyên bố của ngài như sau: “Ở Ai Cập, tức ở Alexandria, cũng thế, chủ nghĩa khủng bố đã dã man tấn công các Kitô Hữu đang lúc họ cầu nguyện trong nhà thờ. Diễn tiến tấn công liên tục này là một dấu chỉ nữa cho thấy nhu cầu khẩn thiết các chính phủ trong vùng cần phải đưa ra các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các nhóm thiểu số về tôn giáo, bất chấp các khó khăn và nguy hiểm”.

Ngài không hề nhắc tới người Hồi Giáo và chỉ yêu cầu các chính phủ trong vùng bảo vệ chính đồng bào của họ. Nhưng Đại Giáo Sĩ Hồi Giáo tại al-Azhar là Ahmad al-Tayyeb đã coi lời phát biểu của ngài như một “can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của Ai Cập”. Và ra lệnh đình hoãn các cuộc đối thoại với Vatican. Tưởng nên nhắc lại rằng: Ủy Ban Thường Trực của al-Azhar Nhằm Đối Thoại với Các Tôn Giáo Độc Thần vốn hợp tác với Ủy Ban Hỗn Hợp Nhằm Đối Thoại của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn từ năm 1998. Hai cơ quan này gặp nhau hàng năm, lần lượt tại Cairo và Rôma. Kỳ gặp mặt tới dự tính tổ chức vào tháng 2 năm 2011.

Bất chấp thái độ của phía Hồi Giáo, Đức Hồng Y Tauran vẫn quả quyết rằng cơ quan của ngài “sẽ tiếp tục lấy tình thân hữu tiếp đón bất cứ ai muốn dấn thân vào cuộc đối thoại với Giáo Hội Công Giáo, và chúng tôi xin ngỏ cùng các bằng hữu của chúng tôi rằng chúng tôi đánh giá cao những gì họ đã làm và còn đang can đảm làm để không ngừng duy trì các tập tục cổ xưa của tình lân bang hàng xóm với tín hữu các tôn giáo khác”. Còn hiện nay, Đức Hồng Y nói tiếp “mọi cuộc gặp gỡ do chúng tôi dự định vẫn còn hiệu lực, kể cả cuộc gặp gỡ vào tháng 2 tới với các bạn đồng đối thoại ở Cairo. Hơn bất cứ lúc nào khác, bổn phận của các tín hữu chúng ta là giúp người đồng thời với chúng ta tái khám phá sự hiện hữu của Mối Tình lớn hơn chính họ, và Mối Tình này không thể làm gì khác hơn là thúc đẩy chúng ta đem đến cho mọi người bằng đôi bàn ta không vũ khí ánh sáng của tình bằng hữu mà không sự gì có thể làm nản lòng được”.

Đức Hồng Y Tauran cho rằng vị đại giáo sĩ Hồi Giáo Sunni này đã không đọc kỹ lời tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI. Mục tiêu của Đức Thánh Cha là đề cập tới các giá trị phổ quát, tới việc tôn trọng một cách hữu hiệu các quyền và các tự do của con người nhân bản nói chung, chứ không rơi vào những vấn đề không thuộc thẩm quyền của ngài. Ngài không bao giờ có lời nào xúc phạm tới Hồi Giáo. Đọc kỹ lời lẽ của ngài, người ta chỉ thấy đó là những lời khích lệ các cộng đồng tín hữu mọi tôn giáo trở thành nơi dạy cầu nguyện và tình huynh đệ. Người Hồi Giáo dù có lúc tỏ ra khó đối thoại, nhưng với Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội vốn cho rằng cuộc đối thoại liên tôn không phải là một thứ xa xỉ phẩm, một thứ “extra” có hay không có cũng được, thì diễn trình đối thoại với họ không thể vì bất cứ điều gì mà ngưng đọng. Tinh thần Assisi không phải chỉ là sáng kiến của một người. Nó thể hiện chiều hướng chung của Giáo Hội Công Giáo, ít nhất cũng từ Vatican II.
 
Top Stories
Laos: Les autorités ont finalement donné leur autorisation pour l’ordination du P. Pierre Buntha Silaphet au titre du vicariat apostolique de Luang Prabang
Eglises d'Asie
11:32 01/02/2011
Après avoir retiré le 10 décembre dernier, à la dernière minute, leur autorisation pour l’ordination du P. Pierre Buntha Silaphet (1), les autorités laotiennes ont finalement accepté que le séminariste catholique, âgé de 34 ans, soit ordonné prêtre au titre du vicariat apostolique de Luang Prabang. L’ordination a eu lieu le 29 janvier à Thakhek, 800 km plus au sud, en présence d’une assemblée d’un millier de personnes, principalement catholiques mais appartenant aussi à d’autres confessions chrétiennes.

Légende photo: Le P.Pierre Buntha Silaphet (deuxième à gauche) lors de sa messe d'ordination, le 29 janvier 2011. Crédit: Ucanews
Présidée par Mgr Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, évêque du vicariat apostolique de Paksé, le vicariat le plus méridional du pays (2), la messe d’ordination a donné au vicariat apostolique de Luang Prabang son premier prêtre depuis plus de trente ans. En effet, après l’arrivé au pouvoir des communistes en 1975 et l’expulsion des missionnaires étrangers du pays, la liberté religieuse a été très sévèrement restreinte et les activités des Eglises étroitement surveillées. Pour le vicariat apostolique de Luang Prabang, qui couvre une vaste région montagneuse dans la partie nord du Laos, on ne comptait qu’un seul prêtre, Mgr Tito Banchong Thopayong, l’administrateur apostolique du vicariat. Ce dernier, qui a passé un total de neuf années en prison (en trois détentions successives), voit encore aujourd’hui sa liberté de mouvement limitée et il lui est souvent difficile de rendre visite aux quelque 2 650 fidèles des communautés catholiques, réparties en six paroisses. Ce n’est que récemment, depuis l’installation il y a un an dans l’ancienne capitale royale, de religieuses engagées auprès d’enfants handicapés que le prêtre peut résider à Luang Prabang. Le P. Pierre Buntha vient donc épauler Mgr Tito Banchong Thopayong, mais, ainsi que l’indique une source proche de l’Eglise du Laos, il reste à vérifier si le P. Pierre Buntha Silaphet sera effectivement autorisé à exercer son ministère. Selon le témoignage d’un prêtre catholique recueilli par l’agence Ucanews (3), une vingtaine d’habitants du village de Phomvan, le village natal du prêtre nouvellement ordonné, ont été empêchés de quitter leur village pour assister à la messe d’ordination du 29 janvier.

Originaire du village de Phomvan (province de Sayaboury), dans le nord du Laos, le P. Buntha appartient à l’ethnie K’hmu (4). Issu d’une famille d’agriculteurs, dernier de sept enfants, il a grandi dans un milieu évangélisé dans les années 1960 par le P. Piero Maria Bonometti, OMI. Il a étudié au grand séminaire Saint-Jean-Vianney de Thakhek (province de Khammouane) ainsi qu’aux Philippines, où il a passé un an pour apprendre l’anglais.

Au Laos, sur une population de six millions d’habitants, bouddhistes dans leur très grande majorité, on compte 43 000 catholiques, quinze prêtres et une centaine de religieuses.

(1) Voir EDA 542
(2) L’Eglise catholique au Laos est formée de quatre vicariats apostoliques: Luang Prabang, Vientiane, Savannakhet et Paksé.
(3) Ucanews, 31 janvier 2011.
(4) Les K’hmu (ou Khomu, Khmou, Kammu, Kuemu), de langue môn-khmer, forment la plus importante minorité ethnique du Laos (11 % de la population) et sont considérés comme les premiers occupants du pays. Peu considérés par les Lao, ils vivent essentiellement dans les régions montagneuses du nord du pays. Le P. Pierre Buntha et Mgr Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, vicaire apostolique de Paksé, sont tous deux des K’hmu.

(Source: Eglises d'Asie, 1er février 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mùa Xuân Tokyo: Ơn Nghĩa Sinh Thành
Nữ tu Têrêxa Nguyễn Lễ Quyên
08:43 01/02/2011
Hôm nay một mình lang thang trên đường phố, chợt nhìn thấy những câu đối được dán trên cửa để đón năm mới của các gia đình ở ven đường, trong tôi lại dấy lên một nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết.

Vậy là một năm nữa lại thấm thoát qua đi trong sự chuyển vần của thời gian. Nhìn lại, tôi thấy mình đã đạt được một số bước tiến trong đời sống sau những năm tháng theo đuổi lý tưởng. Bao ngày cắm cúi vào việc tu học, vào cái vòng xoáy của xã hội, giờ đây ngẩng đầu lên thì nhận thấy mọi thứ xung quanh mình đã thay đổi quá nhiều.

Khép mình lại trong căn phòng nhỏ, nhớ về những kỷ niệm thơ ấu, về những ngày đông giá rét được cùng gia đình quay quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng chờ đợi giao thừa đến, bỗng dưng tôi lại thấy nghèn nghẹn. Lấy CD nhạc Xuân mở nghe với hy vọng được hoà mình vào không khí đón Tết nhộn nhịp để ngăn dòng nước mắt sắp rơi trên gò má, thì chợt giọng của một ca sỹ nhẹ nhàng cất lên: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần…”. Câu hát như đưa tôi về với thực tại và nhớ lại ngày cha mẹ tôi tiễn tôi đến phi trường. Hình ảnh cha với mái tóc bạc trắng và hình ảnh mẹ với làn da sạm đi vì mưa nắng, nhìn bóng tôi mờ khuất dần và mất hút nơi không trung.

Cha mẹ quanh năm tần tảo, vất vả lo cho đàn con ăn học, chắp cho con những đôi cánh ước mơ, và rồi đến khi đủ lông đủ cánh, chúng lại bay xa cùng với khung trời riêng mình. Vì đang học ở trường Nhật ngữ, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều bạn nước ngoài. Mỗi dịp có kỳ nghỉ dài, các bạn được trở về nước; mỗi lần như thế, tôi thường chúc các bạn về vui vẻ và hỏi: “Được về gặp gia đình, các bạn vui lắm nhỉ ?” – Các bạn trả lời: “Không, được về gặp bạn bè vui hơn !”. Nghe xong, tôi ngỡ ngàng tự hỏi: “Nếu như cha mẹ các bạn ấy nghe được câu này thì sẽ nghĩ thế nào ?”. Phải chăng cuộc sống hôm nay với lối sống tự do vượt giới hạn những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đã làm các bạn quên đi công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ ? Với đôi mắt dõi theo từng bước chân con đi, với niềm vui khôn xiết khi đón con trở về, dang rộng đôi tay ôm ấp con vào lòng, thế nhưng con thì lại chạy về phía bạn bè, để lại sau lưng một nỗi buồn quặn lòng cha mẹ. Nhìn lại mình, có lúc tôi cũng bị cuốn vào dòng xoáy đó, giờ nghĩ lại, tôi thấy mình có lỗi và thêm yêu cha mẹ hơn. Trong tôi lại văng vẳng câu hát ru của mẹ ngày nào:

“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Công cha nghĩa mẹ ghi lòng con ơi!”


Thật đúng khi so sánh tình yêu và công ơn của cha mẹ với núi cao, biển rộng. Còn gì có thể cao hơn “núi ngất trời”, còn gì có thể rộng hơn “biển mênh mông” ? Cha mẹ tần tảo nuôi nấng con, không mong các con đền đáp, mà chỉ trông sao các con khôn lớn nên người. Được thấy con hạnh phúc là cha mẹ hạnh phúc lắm rồi. Tôi còn nhớ một câu chuyện Trung Hoa kể về gương một cậu bé chăm sóc cha: trời nắng, cậu bé đứng bên quạt cho cha; trời lạnh cậu nằm vào chăn trước để khi cha nằm được ấm ngay.

Một chữ “Hiếu” thôi tưởng chừng thật đơn giản nhưng có biết bao người đã lãng quên nó. Mồ hôi cha đã thấm xuống từng mảnh đất, bóng dáng mẹ đã cùng mưa gió bôn ba mọi nẻo. Mỗi mùa xuân sang, con cái rậm rịch đem biếu tặng cha mẹ những món quà đắt tiền, nhưng đó có phải là thứ mà cha mẹ đang cần đến không ? Là những người con, chúng ta có thể làm được điều gì đem lại hạnh phúc cho cha mẹ thì hãy cố gắng làm ngay khi cha mẹ còn ở trên đời với ta. Tôi muốn gói trọn tâm tình qua đoạn danh ngôn đạo đức mà tôi rất tâm đắc để gửi tới các bạn là những người con trong gia đình:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con !”


Tokyo Xuân 2011
 
Giới trẻ Giáo xứ Mường Riệc Tĩnh tâm Và Mừng Xuân Mới
Tin Yêu
09:03 01/02/2011
HÒA BÌNH – Hôm nay, ngày 31 tháng 12 năm 2010, Giới trẻ Giáo xứ Mường Riệc tỉnh Hòa Bình, thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đã tĩnh tâm và mừng xuân mới.

Xem hình ảnh

Vào lúc 14h00 các bạn đã có mặt khá đông, những bản thánh ca cũng được vang lên mời gọi giới trẻ mỗi lúc một đông hơn. 14h 30, các bạn được tập hát, sinh hoạt và chia sẻ với nhau. Tiếp sau đó là cuộc hội thảo với chủ đề: Tình yêu - Gia đình và Sự nghiệp, Cuộc hội thảo diễn ra thật sôi nổi với nhiều câu hỏi bất ngờ và phong phú. Sau giờ hội thảo là giờ sàm hối và hòa giải. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ ồ ạt kéo nhau ra sân, tưởng rằng các bạn đi đâu, thì ra các bạn vòng xuống cuối nhà thời để xếp hàng xưng tội.

Tiếp đó là phần cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa với chử đề: “Lời Chúa là đèn soi bước con đi” (Tv 118, 105). Cuối giờ cầu nguyện, các bạn trẻ đã lần lượt lên đốt phiếu ước nguyện. Phiếu ước nguyện nghi: Một mùa xuân mới trong Đức Ki-tô, Để mừng xuân mới, xin bạn ghi vào đây một điều mơ ước để dâng lên Chúa trong năm mới và một một nết xấu mà bạn quyết tâm từ bỏ…

Cao điểm của ngày tĩnh tâm và mừng xuân mới này là thánh lễ tất niên, tạ ơn và cầu nguyện cho giới trẻ. Trong bài giảng Cha xứ Gioan Nguyễn Văn Hân đã xoay quanh chủ đề: “Cám dỗ của thời đại”. Ngài đặt câu hỏi và mời gọi các bạn hãy sống tốt trong từng giây phút. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, học gì, làm gì, chúng ta cũng cần phải giữ lấy thương hiệu là người có đạo, là giới trẻ công giáo. Ngài lấy làm vui mừng khi Thấy các bạn trẻ tề tựu về đông đủ như hôm nay.

Kết thúc thánh lễ là phần cám ơn, chúc mừng năm mới Cha xứ và bốc thăm trúng thưởng. Trong phần vui xuân trúng thưởng cũng thật vui nhộn, hồi hộp và hấp dẫn. Giải độc đắc là một quyển Kinh Thánh và một chiếc điện thoại di động. Giải nhì là Quyển Kinh Thánh và chiếc máy nghe nhạc. Giải ba cũng là một quyển Kinh Thánh và một lẵng quà thật to. Ngoài ra còn rất nhiều phần quà hấp dẫn khác như mũ, áo, băng đĩa, lịch, lời Chúa, vòng đeo…

Tưởng cũng nên biết, Giới trẻ trong giáo xứ này thường là đi học, đi làm xa quê hương. Chỉ có những ngày lễ, ngày tết các bạn mới về đông đủ được. Vì vậy Cha xứ đã tận dụng thời gian này để tạo sân chơi cho các bạn gặp gỡ, chia sẻ, để xưng tội và hiệp lễ. Đây là buổi tập họp gần như đầu tiên giành riêng cho giới trẻ thuộc miền này. Vì thế các bạn trẻ nơi đây vẫn còn nhút nhát và chưa quen với sinh hoạt chung cho lắm. Tuy nhiên, trong buổi hôm nay các bạn đã rất nhiệt tình và phấn khởi.

Cũng với tâm tình này, cách đây hai hôm Ngài đã cho Giáo Lý Viên và Lễ Sinh tĩnh tâm và mừng lễ tất niên. Chiều ngày mai sẽ là ngày chầu tạ ơn cho một năm của các hội đoàn trong toàn giáo xứ, kết thúc ngày chầu là giờ chầu chung, hát kinh Te Deum, sau đó là thánh lễ tất niên. Đặc biệt ngày 30 tết sẽ là ngày hứa hẹn của nhiều niềm vui, của tình Chúa, tình người. Ngài đã chuẩn bị cho các em thiếu nhi vui chơi theo hình thức chiếc nón kỳ diệu để tìm hiểu Kinh Thánh, giáo lý. Tiếp đó là giờ canh thức cầu nguyện của cộng đoàn theo tinh thần mời gọi trong giáo huấn số 10: “Tạ ơn cuối năm”. Kết thúc thánh lễ đón giao thừa, hái lộc Lời Chúa cũng sẽ là phần bốc thăm trúng thưởng, với những phần quà thật lớn, thật hấp dẫn.

Buổi tĩnh tâm ngắn ngủi nhưng các bạn trẻ cảm thấy sốt sắng, chân thành nhìn lại mình với Chúa và bên nhau. Xin tạ ơn Chúa vì giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay, vẫn còn nhiều các bạn trẻ thao thưc, nhiệt tình, có lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo hội. Giữa nơi rừng núi Bản Mường, vẫn có nhiều niềm vui và ơn Chúa.
 
Ăn Tết tại Paraguay
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
09:06 01/02/2011
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.


Một vài hình ảnh ở Paraguay

Chỉ còn hai ngày nữa là bước sang Năm Mới Âm Lịch, Tết Nguyên Đán Tân Mão. Khi tôi chia sẻ với những người dân xứ này thì họ cười và cảm thấy là lạ vì mỗi năm Tết Việt Nam lại rơi vào những ngày dương lịch khác nhau. Tết Nguyên đán của Việt Nam năm nay rơi vào ngày 3 tháng 2 dương lịch, ngày lễ thánh Blas, bổn mạng của nước Paraguay. Nhân dịp này tôi cũng muốn chia sẻ thêm vài tập tục của người Paraguay để ai đó khi đến Paraguay có thể hiểu thêm về dân tộc này.

Không giống như người Việt, người Paraguay nghỉ lễ và đón mừng Năm Mới từ tối 24 tháng 12 (áp lễ vọng Giáng Sinh) đến ngày 1 tháng Một hàng năm. Tuy là quốc gia Công giáo nhưng đêm Vọng Giáng sinh họ không rộn rã và tưng bừng như các nước vùng Đông Nam Á hay các nước Công giáo khác. Dịp Giáng sinh là dịp hè và trời nóng bức nên dịp này họ chỉ đoàn tụ gia đình và sinh hoạt trong phạm vi gia đình mà thôi. Bởi thế, các linh mục người bản xứ đều về với gia đình trong dịp này để gặp gỡ những người thân yêu của họ. Và đúng 12 giờ đêm ngày 24 tháng 12, họ đốt pháo và ôm chúc mừng nhau với hai ‎ nghĩa: một là mừng Chúa Giáng sinh và hai là ngày hội ngộ gia đình. Họ cùng nâng ly chúc mừng nhau để đạt được nhiều điều tốt lành cho những ngày sắp đến. Tôi cũng từng được mời đôi lần trong dịp này và nhận ra rằng dù dân tộc nào, văn hóa nào thì con người đều biết đến công ơn các bậc sinh thành của mình và dịp cuối năm họ thường đoàn tụ để xin lỗi nhau sau những lần làm khổ nhau.

Năm Mới của người Paraguay chẳng có gì đặc biệt vì họ đã chúc nhau vào đêm Vọng Giáng Sinh nên ngày đầu năm mới các thành viên trong gia đình tự do đi thăm bạn bè và chuẩn bị trở về công sở.

Ngày 1 tháng 1 năm mới dương lịch, tôi có nhận lời để dâng thánh lễ cho một cộng đoàn các nữ tu Dòng Tông Đồ Lời Chúa người Mejico (chúng ta hay quen gọi là Mễ). Thầy Dòng Don Bosco người Việt Nam đã đến Paraguay hơn 1 năm nay có ghé thăm tôi và hai anh em tôi cùng đến dâng lễ tại cộng đoàn các nữ tu. Sở dĩ tôi nhận lời dâng lễ cho các nữ tu người Mễ vì chúng tôi là những người đồng cảnh ngộ: Những người ngoại quốc sống xa nhà. Chúng tôi cùng hiệp nhau cầu cho một Năm Mới An Bình, Thánh Đức và biết trung thành với ơn gọi dù cuộc sống biết bao thử thách.

Sau thánh lễ, các Soeurs mời chúng tôi dùng bữa và chúng tôi được thưởng thức món ăn truyền thống của người Mễ. Món ăn này giống món bánh đúc của Việt Nam nhưng các Soeurs có bỏ thịt mỡ được chiên lên thấy cũng là lạ. Hai anh em Việt Nam chúng tôi vui vẻ ăn và khen ngon để các Soeurs được vui. Chúng tôi nói chuyện với nhau và hỏi về phong tục, tập quán của nhau để hiểu nhau thêm. Đa số các nữ tu ở Nam Mỹ không mặc tu phục. Họ chỉ mặc thường phục như dân thường và họa may có đeo một thánh giá hay biểu tượng của Dòng trên ngực mà thôi. Sau khi chào từ biệt ra về, thầy Việt Nam có hỏi tôi là sao thấy các Soeurs người Mễ này có vẻ đen đủi và te tua quá. Tôi có trả lời với thầy ấy là người Mễ cũng có người đẹp, người xấu. Đâu phải mấy Soeurs người nước ngoài nào đi tu cũng đẹp như các Soeurs người Việt mình đâu. Hai anh em cùng cười và trò chuyện với nhau suốt trên đường về nhà.

Tôi đã từng chia sẻ trong dịp Thanksging về phong tục của người Paraguay thổ dân là họ ít biết nhớ ơn đến những người làm ơn cho mình nên trong ngôn ngữ Guarani của người thổ dân Paraguay không có từ Cảm ơn. Chính nhờ những nhà truyền giáo đã dần dần cải hóa và giúp họ tiếp cận với những thế giới văn minh và hiện nay họ thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều người Paraguay hiện nay vẫn còn giữ một vài tập tục không mấy tốt đẹp là biết mượn nhưng không bao giờ biết trả. Một vài linh mục người Indonesia qua đây cũng tự nhiên bị lây tập tục này, và vì thế, những anh em truyền giáo ở đây hay đùa rằng sống ở Paraguay mà cho người khác mượn là người ngu, và khi mượn rồi mà trả lại là người ngu hơn. Tôi cũng bị dính vài lần về chuyện này khi một số chủng sinh người Paraguay hỏi mượn tiền và một số đồ cá nhân nhưng khi tôi hỏi thì họ tìm cách lảng tránh, và dĩ nhiên không bao giờ được trả lại. Cũng vì thế mà rất khó kết bạn thân với người Paraguay dù trong lòng không hề có một chút thành kiến gì.

Kỷ niệm 100 năm Dòng Ngôi Lời hiện diện ở Paraguay.

Thứ 7 ngày 29 tháng 1 năm 2011, Tỉnh Dòng Ngôi Lời tại Paraguay dâng thánh lễ tạ ơn kết thúc năm thánh kỷ niệm 100 năm sự hiện diện của Dòng ở Paraguay. Trong thánh lễ tạ ơn lonn trọng này, ngoài sự hiện diện đông đảo của các linh mục đồng tế, các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời tại Paraguay và Argentina, đông đảo giáo dân của các giáo xứ nơi anh em Dòng Ngôi Lời làm việc, còn có sự hiện diện của 4 Giám Mục và Đức Sứ Thần Tòa Thánh Eliseo Antonio Ariotti. Về phía chính quyền, Tổng thống đương nhiệm của Paraguay và đoàn tùy tùng của ông cũng có mặt cùng với nhiều thống đốc, thượng nghị sĩ cũng tham dự sự kiện trong đại này. Trong lời diễn từ cuối lễ, Đức Cha Ignacio, đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Paraguay đã nói lên lòng biết ơn của giáo hội Paraguay đối với Dòng Ngôi Lời trong những tháng năm đầy khó khăn khi những nhà truyền giáo Ngôi Lời đến Paraguay để chinh phục người thổ dân và đã gầy dựng nên những giáo phận hiện có ngày nay. Tiếp đó, Đức Sứ Thần Tòa Thánh Antonio, đại diện cho Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời cảm ơn những đóng góp to lớn của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay. Chính Đức Sứ Thần đã mời Tổng Thống Lugo lên có đôi lời cảm ơn Dòng Ngôi Lời bằng tiếng Guarani và vị tổng thống đã đứng lên ngỏ lời cảm ơn vì ông từng là một tu sĩ của Dòng Ngôi Lời trước kih được cất nhắc làm giám mục, và rồi đã từ nhiệm giám mục để trở thành tổng thống. Tổng thống đã cảm ơn Dòng Ngôi Lời đã góp phần trong việc làm cho đất nước Paraguay mỗi ngày một lớn mạnh hơn, ông cảm ơn những vị thầy của ông trong Dòng nhưng nay đã nằm xuống nơi mảnh đất truyền giáo. Ông cũng cảm ơn nhà Dòng đã từng dạy dỗ ông thành người dù hiện giớ ông đang ở chiến tuyến khác. Tuy thế, Dòng Ngôi Lời vẫn luôn rộng mở đón tiếp ông dù ông ở bất cứ trên cương vị nào.

Sau thánh lễ, chúng tôi ngồi dùng bữa với nhau và các anh em trong Dòng được phân công tiếp chuyện các khách mời. Tôi được tiếp chuyện Đức Sứ Thần Tòa Thánh và vị thư kí riêng của ngài trong bữa ăn. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất chân tình và vui vẻ. Tôi không ngờ rằng ngài biết quá nhiều về tình hình giáo hội Việt Nam khi ngài biết tôi là người Việt Nam. Một số người đã từng nói rằng Rôma ở xa quá thì làm sao biết được hiện tình giáo hội Việt Nam. Nếu nói như thế thì cỏ vẻ chúng ta hơi lầm vì chính vị Sứ Thần ở đây khi tôi được tiếp chuyện đã biết khá rõ dù ngài chẳng có liên qua gì đến Việt Nam. Đúng là mẫu người ngoại giao vì tuy chúng tôi mới gặp nhau lần đầu và tôi chỉ là một anh hai lúa cù lần nhưng ngài tỏ ra rất thân thiện với tôi và ngài nói trong một dịp thuận tiện khác ngài muốn chúng tôi tiếp tục nói chuyện.

Tôi muốn chia sẻ nơi đây về sự kiện này để mọi người biết rằng những nhà truyền giáo, những linh mục Công giáo không bao giờ gây tổn hại đến đất nước mà chỉ muốn đưa đất nước mỗi ngày đi lên mà thôi. Bằng chứng là những quốc gia vùng Nam Mỹ nếu không có dấu chân của các nhà truyền giáo thì bây giờ người dân và đất nước có phát triển tốt như vậy không. Những nhà truyền giáo hay vị giáo sĩ nào muốn làm chính trị thì họ xin từ nhiệm ngay chứ họ không bao giờ đồng hóa tôn giáo với chính trị như mộ số quốc gia Hồi giáo. Nếu những nhà lãnh đạo chính quyền biết lắng nghe tiếng nói của những nhà lãnh đạo giáo quyền và của những công dân chân chính trong tôn trọng và đối thoại thì đất nước sẽ ngày một đi lên. Sở dĩ vị tổng thống đương nhiệm Paraguay cởi bỏ áo Dòng, từ nhiệm giám mục để tranh cử tổng thống là vì chính quyền hồi đó không chịu lắng nghe tiếng nói của người dân và của các vị mục tử. Là một tu sĩ truyền giáo, một cựu giám mục, ông chưa từng học một trường chính trị nào, chưa bao giờ là một dân biểu hay thượng nghị sĩ nhưng khi đắc cử đến giờ ông đã lãnh đạo còn tốt hơn nhiều những vị đã từng có bằng cao cấp trong lĩnh vực chính trị. Sở dĩ ông làm được như thế vì ông biết lắng nghe tiếng nói người dân, những người mà ông hứa trung thành phục vụ khi tranh cử. Nói như thế để biết rằng nếu những người đứng trên cương vị lãnh đạo dù ở cấp độ nào mà không biết lắng nghe thì sẽ có ngày trả giá.

Tôi viết những lời chia sẻ này nhân lúc tôi đang đợi chuyển tiếp chuyến bay tại Phi trường São Paolo của Brazil để đến trụ sở liên Hội Đồng Giám Mục Nam Mỹ CELAM tại Colombia tham dự khóa tu nghiệp về đào tạo. Trong những ngày cuối năm âm lịch, tôi lại nghe một tin buồn về cha giáo Giuse Đỗ Ngọc Bảo thuộc Dòng Đaminh Việt Nam qua đời quá đột ngột vào ngày 26/01 vừa qua. Vẫn biết rằng cuộc sống trần gian là tạm bợ, là mỏng manh nhưng khi nghe tin về sự ra đi đột ngột của những người mà mình từng quen biết thì trong lòng cảm thấy nhói đau. Tôi từng là hoc trò của vị giáo sư hài hước và đa tài này. Tôi còn nhớ dịp ngài kỷ niệm 25 năm linh mục vào năm 2000 tại giáo xứ Mân Côi, Gò Vấp, ngài đã chia sẻ một chuyện vui nhưng rất thâm thúy. Ngài kể rằng có một em nhỏ vào xưng tội với ngài, em này đã nói: “Thưa cha là kẻ có tội”, thay vì nói “thưa cha con là kẻ có tội, xin cha giải tội cho con”. Khi ngài vừa nghe em bé xưng tội thì ngài giật mình ngay vì lâu nay ngài tưởng các linh mục hay các vị tu sĩ không có tội. Thỉnh thoảng Chúa cũng gởi những em bé hay những người nói cà-lăm để nhắn một vài thông điệp cho những nhà tu hành biết mà ăn năn hối cải. Xin cầu nguyện cho linh hồn vị giáo sư hài hước này sớm được diện kiến trước nhan Chúa để thỉnh thoảng chọc cười cho Chúa khi Chúa bực mình.

Mội cái Tết nữa chuẩn bị bước qua mà tôi cũng không được đoàn tụ với gia đình thấy cũng buồn thật. Tết này tôi lại ở một nước khác vì công việc và quả thực cuộc đời truyền giáo là một chuyến đi. Biết bao chuyện vui buồn trong năm qua đã đến và đi trong cuộc sống của tôi và tôi chỉ biết dâng lên Chúa tất cả.

Viết lên những dòng này khi mà ở Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á, tiết trời đang giao chuyển để người dân chuẩn bị đón Xuân Tân Mão. Xin cầu chúc một người một Năm Mới Tân Mão An Khang Thịnh Vượng, Phúc Lộc chan hòa và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa. Xin Chúa của mùa Xuân Vĩnh Cửu chúc lành cho tất cả.

Dịp Tết Tân Mão 2011
 
Từ hái lộc đến việc xin xăm -- Ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa
+GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa
09:13 01/02/2011
1. Hái lộc ngày xuân trong xã hội.

Hái lộc ngày xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Vào lúc giao thừa và trong ngày Tết, dân chúng có tục lệ đi hái lộc xuân. Họ thường đến đình chùa, miếu xin lộc xin ơn, cầu phúc cầu tài.

Lộc có hai nghĩa: là nhánh cây non, như người ta thường nói: cây nẩy lộc. Lộc cũng có nghĩa là bổng lộc, phúc lộc của trời, của thiên nhiên ban không cho.

Vì là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ kẽ lá, hoặc một nhánh cây non, nên lộc tượng trưng cho một sức sống vừa phát sinh và sẽ phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn một tương lai sáng lạng đang chờ ở phía trước. Vào thời điểm đầu xuân, những mầm non như vậy không có nhiều, nên trong thực tế người ta bẻ những nhánh cây non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ với hy vọng rước được sức sống mới về nhà, đồng thời cũng cầu mong đem được phúc lộc về cho gia đình.

Truyền thống tin vào sức sống của thiên nhiên, tin vào ơn trời tự nó là điều tốt. Nhưng trong thực hành, con người vốn có tính hay tham lam, thay vì lấy một nhánh nhỏ, có người bẻ cả cành to, nhổ cả gốc rễ… vì quan niệm rằng: cành càng to lộc càng nhiều. Cho nên từ xưa cho đến nay, tục lệ này thường dẫn người ta đến chỗ quá đà, gây ra sự phá hoại môi sinh, như thường xuyên thấy xảy ra ở các nơi, nhất là trường hợp lễ hội Hoa Anh Đào ở Hà Nội mấy năm trước đây.

Thời nhà Lý, năm 1126, vua Lý Nhân Tông đã phải xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây. Ai cũng thấy mùa xuân là mùa cây cối nẩy mầm xanh tươi. Chặt cây cối, phá hoại vườn tược cây cảnh trong mùa xuân khác nào xử tử cây cối, hoa cảnh. Cây cối bị triệt hạ thì con người sống ra sao? (1)

2. Xin xăm ngày xuân

Nơi một số đình chùa và lăng tẩm, có tục xin xăm khi khách thập phương tới lễ bái.

Dưới con mắt tự nhiên, xin xăm chỉ là một trò chơi may rủi, nhưng dưới con mắt tín ngưỡng, xin xăm là một cách thỉnh thần ý. Đa số người dân, khi xin xăm là nhắm vào ý nghĩa thứ hai này. Họ muốn biết thần ý về đời sống, gia đình, công việc làm ăn, tương lai hậu vận… Xăm là quẻ thẻ xin ở đền chùa để đoán tương lai… ( theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học - Hà Nội 1994)

Về hình thức: xăm là một thẻ bằng tre vót mỏng kích cỡ 20x10cm. Trên đầu thẻ ghi đầu số thứ tự từ 1 đến 100 bằng chữ Nho, kế bên dưới là số Ả Rập, dưới cùng mỗi thẻ là số của ống xăm ). Mỗi ống đựng 100 thẻ xăm. Tại Lăng Ông, Bà Chiểu, trong số 100 thẻ có:

38 thẻ nói những điều tốt, may mắn
50 thẻ nói những điều trung bình
12 thẻ nói những điều không tốt.

Cách thức xin xăm

Trước hết khách lễ thần 4 lạy, 3 vái rồi tùy ý quỳ hay ngồi, hai tay đưa cao ống xăm lên mà lắc một cách kính cẩn, sao cho một que thẻ rớt ra. Sau đó khách xá nhẹ vài xá, lạy tạ thần 4 lạy, và nhớ kỹ số thẻ của xăm ( viết bằng chữ Hán, ai không biết chữ Hán phải nhờ người khác đọc giùm).

Sau đó khách tới bàn xăm. Tại đây có thầy chuyên môn giải thích cho khách. Khách cho biết số thẻ xăm. Thầy lấy lá xăm là một tờ giấy có cùng số tại bàn xăm. Lá xăm này mặt trước viết số thứ tự que xăm, rồi đến một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt diễn tả thần ý gồm 3 phần: nguyên văn bằng chữ Hán, phần phiên âm và phần dịch nghĩa. Mặt sau là lời bàn xăm, viết theo thứ tự: bổn mạng, gia đạo, mưu sự, cưới gả, bệnh tật, cầu tài, cầu quan, xuất hành, kiện cáo, mất trộm. Tất cả những lời bàn của thầy có đặc tính chung là vắn tắt, mơ hồ, nặng về phương diện luân lý, đạo đức. Còn nội dung tốt xấu thế nào thì có thể nói là theo tỉ lệ 38, 50 và 12 như đã nói trên đây.

Lượng giá

Xin xăm thuộc loại tín ngưỡng dân gian. Nhiều người, qua việc xin xăm, những mong thánh thần, trời Phật chỉ giúp vận hạn trong năm để phòng tránh.

Lá xăm mà nhiều người cho là biểu hiện ý của thần thánh có khi đúng có khi sai, như thực tế vẫn chứng minh. Thế nhưng vẫn không ít người tin vào nó. Khi gặp xăm xấu họ thất vọng hoàn toàn, mất tin tưởng vào cuộc sống, buông xuôi mọi sự, khiến ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình và người thân, đến công việc làm ăn. Dù mỗi người ai cũng phải chịu một phần ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, nhưng cuộc sống của bản thân chúng ta phần lớn tùy thuộc vào ý chí và sự cố gắng của chính chúng ta. Hãy giúp mình thì Trời sẽ giúp. Mỗi người chịu trách nhiệm về chính mình. Chính chúng ta sẽ phải quyết định cuộc sống của mình trong hiện tại và định hướng cho tương lai (2).

3. Hái lộc Lời Chúa trong Giáo Hội

Trong nhiều nhà thờ Công giáo, từ khoảng đầu thập niên 80, sau thánh lễ Minh niên Mồng một Tết Nguyên Đán, tại gian cung Thánh có tổ chức hái lộc Lời Chúa như một kiểu hội nhập văn hóa.

Những câu Lời Chúa trích từ Kinh Thánh, đa số từ Tân Ước, mỗi câu được viết trên miếng giấy, kích cỡ không nhất định, cuộn tròn lại treo trên một cành cây, thường là cành mai hay cành đào. Liền sau khi hát bài kết thúc thánh lễ Minh niên, mỗi người lên tự tay hái lấy một cuộn, như kiểu hái lộc cây, mở ra đọc Lời Chúa ghi trong đó, trong lòng thầm cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình và cho những người thân, rồi đem về dán lên bàn thờ hay một nơi trang trọng trong gia đình. Để rồi cả năm mỗi người trong gia đình sẽ cố gắng sống theo điều răn dạy của câu Lời Chúa đó.

Lời Chúa dạy có thể xếp thành nhiều loại.

1. Loại tích cực:

- Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian ( Mc 16, 15)
- Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 24)

2. Loại tiêu cực:

- Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói ( Lc 6, 25)
- Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa (Lc 6, 29)

3. Loại pha cả tích cực và tiêu cực:

- Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3)

- Vì danh Thầy các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ (Mt 10, 22)

Trên nguyên tắc: đã là Lời Chúa thì lời nào cũng soi sáng hướng dẫn và nuôi dưỡng con người, có lời khuyên bảo, có lời răn đe, có lời hứa hẹn với điều kiện … và tất nhiên nếu muốn sống theo Lời Chúa cũng đòi hỏi rất nhiều hy sinh.

Người công giáo, dù vẫn phải biết tiên liệu mọi công việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, cũng phải luôn biết tin tưởng phó thác trong tay Chúa Quan Phòng về tất cả những gì liên quan tới tương lai, tránh mọi thứ tò mò không lành mạnh về vấn đề này (x GLHTCG số 2115)

Vì thế người Công giáo không đi coi bói coi tử vi coi đồng bóng, không xin xăm…Vì những điều này đi ngược lại với niềm tin vào một mình Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng đầy quyền năng và tình thương. (x GLHTCG số 2115)

Chúa Giêsu đã dạy: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”(Mt 24,42). Điều này có ý dạy chúng ta đừng tò mò tìm biết tương lai, nhưng hãy luôn luôn sống đạo đức và thường xuyên làm việc thiện như người đầy tớ trung tín và những trinh nữ khôn ngoan.

Khi hái lộc Lời Chúa, người Công giáo không nhằm cầu may hay để tìm biết tương lai hậu vận … nhưng là để chọn cho mình và cho cả gia đình mình một trong nhiều Lời Chúa, để cả gia đình thực hành cách đặc biệt trong suốt năm. Trong khi chồi lộc cây cối đem lại cho người hái hình ảnh một sức sống phát sinh và đang phát triển, thì lộc Lời Chúa lại đi lên tới chính Đấng “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”, vì Lời Người “ là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho ta đi” (x. Tv 118, 105); “Lời Chúa là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu” (Mc 17); “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” ( Ga 6, 68). “Trong lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, còn đối với con cái Hội Thánh thì thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng” (MK 21, trích dẫn trong GLHTCG số 114).

Nhận định như trên, thì dù Lời Chúa khuyên bảo hay răn đe, dù diễn tả dưới hình thức tích cực hay tiêu cực, tất cả đều đem lại ánh sáng và sự sống cho con người. Tuy nhiên, trong thực tế, vào thời điểm đầu năm, tâm lý chung của con người là chỉ muốn nghe những điều tích cực, những điều đem lại niềm vui và hạnh phúc. Vì thế nên nhiều khi có những trường hợp xảy ra là: người bắt được câu không vừa ý thì len lén treo lại và hái câu khác, hoặc đem về giấu đi để khi đi lễ chiều hái câu khác.

Rút kinh nghiệm này, nhiều cha quản xứ, khi soạn các câu lộc Lời Chúa, đã chỉ chọn những câu tích cực, để khi rút được ai cũng bằng lòng, và tình trạng đổi lại hoặc giấu giếm không xảy ra nữa. Như vậy xem ra đã giải quyết được một phần vấn đề. Phần vấn đề còn lại là làm cách nào để cũng áp dụng những Lời Chúa mà nhiều người cho là chói tai?

Vì có lúc Chúa sẽ hỏi: “Thế còn những câu sau đây, sẽ chẳng có ai thi hành áp dụng sao? – “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” ( Lc 9, 23); “ Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” ( Mt 10, 22).

Có cha xứ đã trả lời: “Vào những thời điểm phụng vụ thích hợp, như mùa Chay, tuần Thánh … con sẽ giải thích cho dân chúng để họ vui lòng chấp nhận những giáo huấn khác của Tin Mừng đòi hỏi nhiều hy sinh”. Có lẽ Chúa sẽ trả lời: ‘cũng tạm được thôi, nhưng…”

Nhưng cách tốt nhất vẫn là giải thích và chuẩn bị tinh thần giáo dân trước để ngay từ ngày đầu xuân, họ có thể đón nhận đầy đủ giáo huấn của Chúa Giêsu, những điều dễ đón nhận cũng như những điều xem ra chướng tai (Ga 6,60). Như lời Thánh Phaolô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tim 4,2).
 
Giáo phận Thanh Hóa mang hơi ấm tết Tân Mão cho người phong cùi
Vân Sơn
09:20 01/02/2011
GIÁO PHẬN THANH HÓA MANG HƠI ẤM TẾT TÂN MÃO CHO NGƯỜI PHONG CÙI

Tết, là cơ hội để những người đi xa có dịp về đoàn tụ với gia đình và những người thân; Tết còn là dịp để con cái về quê báo hiếu với ông bà cha mẹ, tổ tiên… Nhưng có những người, dù gần quê, dù ao ước mấy nhưng vẫn không bao giờ có được giây phút đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, không bao giờ được về thắp cho tổ tiên nén hương… đó là những người bị bệnh phong cùi – những người hẩm hiu xấu số, bị bỏ rơi và bị cách ly khỏi xã hội ở tập trung một nơi mà dân thường gọi là “Trại Phong”.

Xem hình GP Thanh Hóa thăm trại phong

Cảm thương trước những hoàn cảnh này, dù trong những ngày giáp tết, công việc Giáo phận và Tòa giám mục bận rộn, nhưng Đức giám mục giáo phận Thanh Hóa: Giuse Nguyễn Chí Linh vẫn không quên họ. Sáng hôm nay ngày 29 tết, Ngài đã cử phái đoàn là các cha làm việc tại Tòa giám mục, quý sơ Dòng MTG Thanh Hóa, các thầy chủng sinh và đại diện một số giáo dân, đến thăm hỏi và tặng quà tết cho những người cùi tại trại phong Cẩm Thủy.

Quà gồm những thứ đặc trưng của ngày tết: bánh chưng, kẹo, rượu, mứt và phong bì tiền. Đây là những món quà do lòng nhân ái của nhiều quý ân nhân từ hải ngoại giúp: Hội Messengers of Love Houston, ông bà Đốc Thanh và bác Thông ở Đức.

Sau khi phát quà đến tận tay những người bệnh, phái đoàn gửi lời chúc tết của Đức Giám mục giáo phận đến mọi người ở đây. Và hẹn sẽ có dịp đến thăm và sẻ chia với mọi người trong thời gian tới.
 
Xây nhà thờ Tam Tòa mới
BBC
09:30 01/02/2011
Xây nhà thờ Tam Tòa mới

Tin cho hay chính quyền tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận cho Giáo xứ Tam Tòa xây nhà thờ trên một lô đất mới.

Nhà thờ Tam Tòa ở thị xã Đồng Hới vốn là tâm điểm của một vụ lộn xộn liên quan tới người Công giáo thu hút chú ý đặc biệt của dư luận hồi giữa năm 2009.

Nay Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho hay đã có "thỏa thuận miệng" của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc dành một lô đất "thuận tiện" cho giáo dân xây lại nhà thờ.

Tuy nhiên, vì chưa có văn bản giao đất nên chưa thể biết được bao giờ quá trình xây cất nhà thờ mới sẽ được bắt đầu.

Giáo xứ Tam Tòa, với khoảng 500 - 700 giáo dân, trước trực thuộc Giáo phận Huế nhưng nay thuộc Giáo phận Vinh.

Cũng theo Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, một ban thiết kế đã được thành lập để nghiên cứu công trình Nhà thờ Tam Tòa, "có thể sẽ xây theo mẫu cũ nhưng được mở rộng hơn để thỏa mãn nhu cầu hành đạo của cộng đồng".

Đức Cha Hợp cho hay, đầu tháng 1/2011, lễ tái thành lập Giáo xứ Tam Tòa đã được tổ chức, cùng việc bổ nhiệm linh mục chủ quản Phêrô Lê Thanh Hồng.

Vụ Giáo xứ Tam Tòa

Vụ lộn xộn tại Giáo xứ Tam Tòa xảy ra hồi tháng 7/2009 khi giáo dân dựng nhà thờ tạm tại khu Nhà thờ Tam Tòa cũ trên phố Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ, Đồng Hới.

Chính quyền địa phương nói việc dựng cơ sở sinh hoạt tôn giáo mà không có phép là vi phạm Pháp lệnh Tôn giáo và Nghị định 52 về quản lý đầu tư và xây dựng.

Nhân viên công quyền được cử đến giải tỏa đã đụng độ với giáo dân.

Các bản tin Công giáo sau đó nói những người tham gia việc dựng lều tạm trên nền nhà thờ đã bị nhân viên công quyền đánh đập, gây thương tích.

Trong vụ này hàng chục người bị bắt, sau được thả, một số người bị truy tố.

"Làn sóng Tam Tòa" lúc đó lan tỏa tới nhiều cộng đồng giáo dân khác, v́i các hoạt động hiệp thông khá rầm rộ.

Nhà thờ Tam Tòa cũ được xây dựng từ năm 1887, bị bom Mỹ làm đổ nát năm 1968 và hiện chỉ còn một phần.

Năm 1997, chính quyền tỉnh Quảng Bình quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử, là một chứng tích tội ác chiến tranh, hành động mà Giáo hội và các giáo dân nói là không tham vấn họ.
 
Về quê ăn Tết
PM. Cao Huy Hoàng
11:34 01/02/2011
Ngoài số sinh viên tại các trường Đại Học Sài Gòn Thủ Đức, còn thấy quá nhiều người đổ về Sài Gòn làm ăn những năm sau nầy. Người làm ở các công ty lớn, nhỏ, cũng có người làm thuê làm mướn, còn có người buôn bán rất nhỏ khắp các nẻo đường…

Có người đã tính được ngày về quê ăn tết từ những tháng trước. Người book vé máy bay, người xe lửa, người xe giường nằm, ghế nằm cao cấp. Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây những ngày giáp Tết đông đúc, chen lấn nhau như ngày hội. Mua cho được một vé xe loại thường, xe chợ cũng thật khó, hoặc phải chờ đợi khá lâu. Người về quê ăn tết còn về bằng xe máy từ Sài gòn về Nha trang hoặc xa hơn: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế. Quốc lộ những ngày giáp Tết ngập tràn người về quê ăn tết.

Tan lễ tối ở nhà thờ Hiệp Đức, vừa ra tới cổng, tôi đã gặp 10 bạn trẻ đi 5 xe máy dừng nghỉ trước nhà thờ. Bắt chuyện, tôi hỏi, “Các em về quê ăn tết?” “Vâng ạ”. “Về đâu?” “Xe tụi em biển số 76 cả đấy”. “À! Quảng Ngãi, xa quá!” “Xa mấy cũng phải về với Cha Mẹ chứ anh. Ngày Tết thiêng liêng lắm. Mẹ đang trông. Cha đang đợi”. “Mẹ gói bánh tét rồi. Cha dọn nhà cửa đẹp lắm, đợi tụi em về sum họp….”

Quả thật, ngày Tết của người Việt Nam là một ngày thiêng liêng đặc biệt nhất trong năm. Và mọi người phải về quê ăn tết. Quê ở đây, rõ ràng không mang nghĩa quê mùa, nhà quê, nhưng là một mái nhà, một mái ấm gia đình, một nơi kỷ niệm chôn nhau cắt rốn, một nơi kỷ niệm ra đời. Người đã ra đời, đã lớn lên, và cũng đã ra đi từ đó. Ngày Tết, người lại trở về với mái nhà của mình vui niềm vui sum họp cả nhà có ông bà, cha mẹ anh em. Mái nhà ấy, ở thôn quê hay thành thị thì cũng là quê nhà vậy. “Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình, cũng về với ân tình, ngất ngây với niềm yêu mến, dâng đến lòng Mẹ Cha bông hoa là lòng biết ơn…” ( Ns. Phanxico).

Vậy, thiết tưởng, ăn Tết trước tiên phải nói là ăn cái tình cảm thiêng liêng của Ông Bà, Cha Mẹ, của anh em huynh đệ chung một huyết thống, trong cùng một gia đình, rồi, cùng một gia tộc. Và khi ăn cái tình cảm thiêng liêng ấy, con người ta đặt mình vào trong một cộng đồng cơ bản được xây dựng trên tình thương, bổn phận và trách nhiệm không thể phủ nhận hay từ khước được. Trong đó, yếu tố tình thương mến phải là trên hết. Những bữa cơm đơn sơ của người nghèo, hay những bữa tiệc linh đình của người giàu có cũng chỉ có giá trị khi mỗi thành viên gia đình thực sự về quê ăn tết với cả tấm lòng yêu mến. Kể cả việc hiếu kính Ông Bà, tạ lỗi Cha Mẹ, mừng tuổi, quà tặng, lời chúc mừng…cũng chỉ có giá trị khi thể hiện vì yêu mến.

Về Quê Ăn Tết, thế thì, thật là đáng tiếc, nếu có ai trong chúng ta đã về quê, mà không dùng cơ hội quý báu nầy để ăn tết, để thể hiện cái tình cảm thiêng liêng ấy trong bữa tiệc gia đình. Mỗi người góp một món yêu thương lên bàn ăn. Mỗi món một hương vị. Mỗi người một cách yêu thương, mà cách nào cũng chân thành nhất.

Đã về được đến quê nhà là một hạnh phúc. Nếu không cảm nếm được hạnh phúc tuyệt vời ấy, thì thật đáng tiếc… là vì, chung quanh ta, còn có biết bao người ước ao được cái hạnh phúc về quê ăn tết ấy:

Phải kể đến bao anh em xa quê nửa vòng trái đất, dẫu rằng nửa vòng trái đất không kể là quá xa trong thời đại nầy. Và, khoảng 16 đến 26 giờ bay, không được phép nói là quá chậm, quá lâu so với các nhà truyền giáo phải đi từ Tây sang Đông ngót sáu tháng. Cũng vậy, vài ngàn đô la không thể là quá tốn kém mà không thực hiện được ước mơ… Anh em ước được ngồi cạnh mẹ, quạt cho mẹ, ngồi cạnh Cha, hầu Cha chén rượu nồng kia mà…nhưng không phải ai cũng được về quê ăn tết. Nhiều lý do chính đáng của cuộc sống nơi đất khách quê người, bất khả kháng… Tuy nhiên, có một điều đáng quí là, vì khó thực hiện được mơ về quê ăn tết, mà mỗi cái tết ở xa quê, lòng người rộn lên bao niềm kính tưởng, nhớ thương, khôn nguôi… không bút nào tả xiết.

Phải kể đến những người xa quê bất đắc dĩ, đang thời gian phải trốn tránh cả danh tánh, cả hình dung…vì bị ép phải bỏ quê, bỏ nhà cửa, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ kỷ niệm thiếu thời, bỏ con đường hò hẹn tuổi yêu đương, bỏ mồ mả cha ông, bỏ tất cả… mà ra đi đến một nơi để lại bắt đầu từ điểm trắng. Tưởng đến quê, đến nhà, đau dứt từng khúc ruột…Mẹ ơi, Cha ơi, anh em ơi!!!

Có người không về quê ăn tết vì Cha Mẹ đã làm cho mái ấm gia đình tốc mái, đã đổ nát tang thương. Sáng 29 tết năm ngoái, mấy anh em gọi nhau uống cà phê. Một em bé 13 tuổi bưng cà phê. Mặt em buồn. Tôi hỏi. “Nhà con ở đây hay con làm cho người ta?” “Dạ, con làm cho người ta”. “Con không về quê ăn tết à?” “Dạ, con không về ăn tết. Quê con ở đâu! Nhà con ở đâu! Ổng bả chia tay rồi! Phần ổng có nhà mới, có vợ mới, con mới của ổng. Phần bả có nhà mớ,i cũng có chồng mới, có con mới của bả … Nhắc tới ổng bả mà chi! Sanh con ra, bỏ con đành đoạn”.

Người khác bất hạnh “vì con không có tiền mà về. Mà nếu có được đồng về thì cũng chẳng có đồng quà đồng bánh, đồng lì xì cho em, cho cháu…Thêm xấu hổ, thêm nhục nhã những ngày biệt xứ phiêu dạt đó đây…

Có người lại bất hạnh vì không tin là Cha Mẹ sẽ tha thứ những lầm lỗi cho mình: “Ổng có cho con vô nhà đâu! Năm ngoái về rồi, mới tới cổng, ổng đuổi: “Mầy đi đâu thì đi, tao không có đứa con như mày!” Mẹ nắm tay ổng năn nỉ, ổng đạp lăn nhào: “Xin lỗi trước, về nhà sau. Tui không chấp nhận về nhà trước, xin lỗi sau, bà nghe có rõ chưa”…

Còn có người bất hạnh hơn nữa là đã lên đường về mà không đến quê, lại phải dừng chân cuộc đời ngay trên quốc lộ. Những tai nạn trên đường về quê là không ít trong những năm gần đây. Có khi vì thiếu cẩn trọng. Có khi do chạy quá nhanh, không làm chủ được tốc độ. Có khi vì chạy bên trái đường, và cũng có khi vì đã quá say… Rất nhiều lý do kết thúc sớm chuyến đi khi chưa kịp về đến quê ăn tết…

….

Sáng hôm nay, 29 Tết, đến thăm thân mẫu của Cha Gioan Trần Văn Thức, bà cố Maria Nguyễn Thị Thể mới qua đời 15g45 hôm qua…

Được biết, Cha Thức đi du học 6 năm, cũng là 6 năm bà cố nằm liệt giường. Nay Cha Thức đã trở về. Các con các cháu của Bà Cố cũng đã về quê ăn tết đầy đủ. Và thiết tưởng, sau khi sum họp với các con, các cháu, bà được Chúa gọi Về Quê Ăn Tết…Ngày mai, 30 Tết, sẽ có thánh lễ đồng tế tiễn đưa bà cố lên đường Về Quê Ăn Tết…

Liên kết chuyện về quê ăn tết với việc ra đi của Bà cố Maria, gợi cho tôi mấy suy tư tương đồng:

Cuộc đời trần gian của mỗi Kitô Hữu Công Giáo cũng là một chuyến đi về quê ăn tết: Quê Trời, Tiệc Nước Trời. Gọi là quê trời, vì chúng ta được sinh ra bởi lòng yêu của Thiên Chúa là Cha, được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, được cứu chuộc nhờ máu của Ngôi Con Thiên Chúa. Ăn Tết trong Tiệc Nước Trời là một ăn chính tình thương vô cùng của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ăn tình thương của Giáo Hội, của mọi tín hữu huynh đệ trong cùng huyết thống cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Để được về quê Trời và ăn tết trong Tiệc Nước Trời, mỗi người cũng phải bỏ tiền ra mà mua vé xe, vé tàu, mua nhiên liệu, mua thức ăn thức uống trên đường về. Những đồng tiền nầy chính là nỗ lực, là cố gắng sống đời nhân đức, là những hy sinh làm điều thiện, những bác ái sẻ chia… Đặc biệt, trong hành trình về quê ăn tết, tất cả đều phải đi đúng luật: luật Chúa và luật Hội Thánh. Đi sai luật, gây tai nạn trên đường làm cho chúng ta không về quê ăn tết được, thật đáng tiếc.

Hơn nữa, phải tin tưởng rằng: quê nhà đích thực của mỗi chúng ta là gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa, nơi ấy, chứa chan một tình thương vô biên và bền vững: Gia đình của Thiên Chúa không có sự bất nhất hay phân ly, nhưng là một gia đình hiệp nhất; không có sự giận hờn hay chấp nhất, chỉ toàn là đại lượng khoan dung, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ toàn ái… Một gia đình hạnh phúc.

Thế thì, đáng tiếc biết bao cho mỗi Kitô Hữu chúng ta, nếu không được về quê ăn tết với Gia đình Thiên Chúa.

Những ngày này, hầu như mỗi chúng ta đang sum họp, đoàn tụ trong gia đình mình tại trần thế nầy, trong tình thương yêu, trong niềm thảo hiếu.

Ước mong ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền, gợi nhớ cho mỗi chúng ta hành trình “Về Quê Ăn Tết” nơi Gia Đình của Thiên Chúa trong Tiệc Nước Trời.
 
Giáo xứ Lộc Mỹ những ngày vui Xuân
Lộc Thông Xanh
23:52 01/02/2011
Mùa đông dần trôi về những ngày tàn của những cành khô lá rụng nhường chỗ cho xuân sang với bao lộc xanh kheo sắc đua nở. Những cơn gió bấc giá buốt cũng tan dần thay vào đó là những tia nắng xuân mới sưởi ấm đất trời. Theo truyền thống tục lễ bao đời tốt đẹp của người dân Việt, xuân đến mọi người nô nức lên đền hái lộc mừng xuân. Lộc Mỹ, Giáo xứ này được bao bọc bởi ngọn núi nhỏ đầu làng và bên kia là cửa biển thơ mộng, giáo dân ở đây phần đa làm nghề ngư nghiệp, quanh năm vất vả trên biển cũng chỉ đủ sống qua ngày, cơn bão đi qua để lại khó khăn cho nhiều gia đình, chính vì vậy mà tấm lòng người mục tử đã nghĩ ra phương cách giúp những hộ nghèo cùng giáo xứ vui đón xuân. Đó là Chiến Dịch Bánh Chưng Xanh và Chăn Âm Tình Người, mang đến niềm vui cho người nghèo và khuyết tật neo đơn, vài ngàn chiếc bánh chưng đã được trao tận tay cho những người kém may mắn, vài trăm chiếc chăn cho những người già yếu, những chiếc áo phông đẹp che ấm người khyết tật.

Xem hình ảnh

Các chiến dịch này không những đã làm ấm lòng bao cõi lòng đơn côi, nghèo khổ, khuyết tật, mà con mang lại hiệu quả lớn lao cho một cộng đoàn Kitô hữu ý thức sự liên đới giữa con người với con người, tình bác ái thắt chặt lại mối liên kết công đoàn với nhau để cùng biết chia cơm sẻ áo cho đồng loại của mình, còn tương tác đắc lực cho công cuộc truyền giáo tại địa phương. Hôm nay, họ có được hương vị tết nồng nàn từ "bánh chưng xanh," sự ấm cúng của những tấm chăn ấm và hương vị của tết qua mùi bánh chưng. Mỗi người nhận còn được một cặp bánh chưng đem về nhà, chiếc áo lạnh mới và những bao "lì-xì" trong đó có 50.000$.

Nay ngày cuối năm hồi tưởng lại những hồng ân Chúa đã thương ban cho giáo xứ, qua các thánh Tử đạo Việt Nam, qua các bậc bối. Cũng trong tâm tình của những ngày đầu Xuân, chúng tôi hướng về những nhà truyền giáo cũng như bao linh mục chánh xứ, phụ tá cũng như các bậc cha ông đã có bao công lao to lớn đối với Giáo xứ chúng tôi. Nhân dịp này, xin giới thiệu đôi dòng sơ lược về Giáo Xứ Lộc Mỹ.

Vài Nét Sơ Lược về Giáo Xứ Lộc Mỹ, Giáo hạt Cửa Lò, giáo phận Vinh,

Khi gẫm xem muôn loài trong vũ trụ, chúng ta thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có tổ có tông, có bà có ông. Với mục đích “ôn cổ tri nhi tân”, chúng tôi mạo muội ghi lại vài dòng tản mạn về mảnh đất Chân Lộc – Lộc Mỹ với biết bao thăng trầm biến đổi theo dòng chảy của thời gian. Bên cạnh đó, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” vài điều nhớ lại cũng là dịp để tỏ lòng tri ân đối với các nhà truyền giáo các linh mục, các bậc cha ông, những người đã có công khó trong việc rao giảng, gầy dựng, củng cố và phát triển đời sống đức tin cũng như mọi lĩnh vực khác của cuộc sống. Với những tâm tình đó, trong bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ trình bày vài nét sơ lược về giáo xứ Chân Lộc; tiếp đó là vài điều sơ qua về giáo xứ Lộc Mỹ cùng với danh sách một số linh mục quản xứ và phụ trách giáo xứ; cuối cùng là vài lời cảm mến tri ân.

1. Vài Nét Sơ Lược về Giáo Xứ Chân Lộc

Tin Mừng đến Việt Nam vào năm 1533, nhưng phải nói là Tin Mừng “chính thức” đến mảnh đất Con Rồng Cháu Tiên này vào ngày 18-1-1615 bắt đầu tại Cửa Hàn (Đà Nẵng) với những chương trình tổ chức quy mô và truyền giáo có phương pháp cụ thể của các nhà thừa sai. Ngày lễ kính Thánh Giu-se 19-3-1627, thừa sai truyền giáo nổi tiếng ở Việt Nam là cha Đắc Lộ cùng với cha Pedro Marques đặt chân đến Cửa Bạng Thanh Hóa. Ngài gọi cửa này là cửa Thánh Giu-se và nhận Ngài làm bổn mạng cho giáo dân ở Đàng Ngoài. Từ vùng đất Cửa Bạng, các Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho các vùng lân cận. Đến tháng 3-1629, do bị thúc ép, cha Đắc Lộ cùng thừa sai Marques từ kinh thành Kẻ Chợ tiến vào vùng đất Cửa Chúa (Cua Ciüa) thuộc Nghệ An để rao giảng Tin Mừng. Với lòng nhiệt thành của bổn đạo ở đây, đức tin Ki-tô giáo đã phát triển nhanh chóng.

Địa danh huyện Nghi Lộc từ thời Tây Sơn (1778 – 1802) được gọi là Chân Lộc. Khi thành lập giáo xứ ở vùng này bề trên đã gọi xứ này là giáo xứ Chân Lộc. Lãnh địa giáo xứ có nhóm giáo dân miền Cửa Lò gồm các làng từ cửa Sông Cấm ngược theo dòng sông lên phía Tây, và nhóm giáo dân miền Đá Dựng gồm các làng từ Cửa Hội (Cửa Rum) ngược theo dòng sông Lam đi lên. Trong bản phúc trình của Đức Cha Retord Liêu gởi cho Bộ Truyền Giáo ngày 23-7-1839, đã đề cập đến giáo xứ Chân Lộc có 4046 giáo dân. Đây là một trong 18 giáo xứ nằm trong danh sách xin Tòa Thánh thiết lập Địa Phận Nam Đàng Ngoài. Ngày 27-3-1846, địa phận Nam Đàng Ngoài được thành lập, (sau năm 1945 đổi tên là địa phận Vinh). Trong tờ phúc trình của Đức Cha Ngô Gia Hậu ngày 13-2-1853, Chân Lộc có tên trong danh sách 21 giáo hạt của Địa Phận.

Vào năm 1853, Đức cha tiên khởi của địa phận Gauthier Ngô Gia Hậu đã chia giáo xứ Chân Lộc làm hai. Miền Đá Dựng giữ nguyên danh từ giáo xứ Chân Lộc với số giáo dân 4055. Miền đất Cửa Lò được gọi là xứ Cửa Lò với số giáo dân là 2693, bao gồm Kẻ Bong, Kẻ Rộng, Kẻ Lò, La Nham. Vào thời đó vì những cơn bách đạo, để dễ lánh nạn, các vị thừa sai đã chọn làng Kẻ Bong làm trụ sở của giáo xứ. Đến năm 1902, bề trên giáo Phận chia giáo xứ Cửa Lò làm hai. Phần Làng Kẻ Bong và phần còn lại là làng Kẻ Rộng và làng La Nham. Miền Kẻ Lò (gồm Mai Hương, Yên Trạch, Kẻ Lò) thành một giáo xứ lấy tên là Giáo Xứ Tân Lộc. Từ giáo xứ mẹ Chân Lộc ban đầu đã cho ra mười một “người con”.

2. Sơ Lược về Giáo Xứ Lộc Mỹ

Năm 1853, giáo xứ mẹ Chân Lộc đã trở thành giáo xứ Lộc Mỹ, nhận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm quan thầy giáo xứ, như địa phận và những xứ đầu tiên của địa phận đều nhận tước hiệu này của Đức Mẹ làm quan thầy. Sự hình thành và phát triển giáo xứ như thế nào luôn là một trong những điều con cháu ngày nay muốn biết tới. Nguồn tài liệu nói về giáo xứ không nhiều, những thông tin có được căn bản cũng qua lời kể của các cố các cụ. Trong phần này, xin được mãn phép chép lại đôi điều từ những nguồn thông tin trên như một điểm gợi với hy vọng nhiều người sau này sẽ cố công tìm hiểu rõ hơn về giáo xứ.

Cha ông ta ban đầu sống ở đâu? Theo các cụ kể lại, giáo dân thời xưa còn ít, sống với nhau theo từng nhóm nhỏ. Phía bắc Núi Con Lợn có một nhóm người ở đây là những người sau này lập nên làng Lộc Mỹ, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá. Phía Nam Núi cũng có một nhóm cư dân ngư nghiệp sinh sống. Lúc đó, tại vùng phía nam này có một suối nước chảy từ đồi 200 ra cửa Sông Cấm. Gần cửa sông, nước đọng lại thành một hồ nước lớn. (Hồ nằm giữa vùng đất của trường cấp II Nghi Quang và Núi Lộc Mỹ bây giờ). Hồ nước này là nguồn nước uống chủ yếu của cư dân thời đó, đây cũng là nơi họ thường đến giặt lưới, giặt te, tắm giặt… sau mỗi ngày lao động vất vả. Từ những sinh hoạt như vậy, dần dần người ta gọi vũng nước đó là “Giếng Chài”. Vì điều kiện có nguồn nước thuận lợi như vậy, nên cư dân đã đến dựng lên những túp lều để cư ngụ hai bên khe nước. Điều kiện làm ăn ngày một thêm thuận lợi, vì thế dân cư tập trung về đây ngày thêm đông, các lều trại mọc bên Giếng Chài ngày càng nhiều. Khi kinh tế phát triển, các quan chức địa phận bày chuyện thu thuế và kiểm soát vùng này. Họ họ đặt tên cho vùng đất phía Bắc Giếng Chài là Trại Bong, còn vùng đất phía Nam Giếng Chài là Trại Rộng. Thời tiết về sau càng thêm phức tạp, vùng đất Giếng Chài hàng năm chịu bão lụt thường xuyên, các lều trại bị bão gió phá vỡ, nước lụt cuốn trôi. Không thể ở mãi được, các quan chức đã phân bố vùng đất ở mới cho cư dân. Cư dân ở vùng Trại Bong được chuyển lên sinh sống ở phía Bắc núi Con Lợn. Còn cư dân vùng Trại Rộng được chuyển về phía Nam sát dưới đồi Rậm (Lữ Sơn), gần làng Xuân Áng (Thành Vinh, Nghi Quang bây giờ). Sau khi thôn làng ổn định, dân số ngày một tăng, quan phủ huyện đặt tên cho Làng Chài Trại Rộng là làng Kẻ Rộng (hay còn gọi là Kỉ Rộng). Vậy, từ vùng đất Giếng Chài, cha ông ta đã chia thành hai vùng mới sau này phát triển thành giáo họ Đức Vọng và giáo họ Lộc Mỹ.

a. Giáo họ Đức Vọng

Làng Chài Trại Rộng sau này phát triển và thành lập giáo họ với tên gọi là giáo họ Đức Vọng nhận thánh Phê-rô làm Bổn Mạng. Lúc mới thành lập, nhà thờ giáo họ chỉ là một ngôi nhà bằng tre, tranh, vách nứa. Những năm đạo Công Giáo bị bắt hại, nhà thờ nhiều lần bị đốt cháy. Sau những cơn bách hại, cha ông ta tiếp tục xây dựng lại. Về sau làm ăn ngày một phát triển, giáo họ đã có một ngôi nhà gỗ để làm nơi thờ phượng. Mãi tới năm 1910, linh mục quản xứ lúc đó là cha Giu-se Hạp, giáo họ đã xây được một ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ. Đến năm 1936, cha Phê-rô Loan quản xứ đã cho xây dựng mặt tiền nhà thờ. Sau này thời thế càng thêm khó khăn, một nhóm bà con sau khi Làng bị tàn phá đã đi vào họ nhà xứ Lộc Mỹ sinh sống. Phần lớn bám trụ lại quê hương để sống, chủ yếu là giáo dân làm nghề nông nghiệp. Đến năm 1978, được sự giúp đỡ của bà con đồng hương hải ngoại, bà con đồng tâm xây dựng nhà Chúa. Sau gần một năm nhiệt tình xây dựng, bà con lại có một Ngôi Thánh Đường mới.

b. Giáo Họ, Giáo Xứ Lộc Mỹ

Vì thời tiết gặp nhiều khó khăn, nên cư dân ở vùng Trại Bong (vùng Giếng Chài) được chuyển lên sinh sống ở phía Bắc núi Con Lợn (kết hợp với một số dân đã sống ở đây, họ lập thành làng Lộc Mỹ). Theo lời ông Trần Đức Quang, vùng đất Lộc Mỹ trước đây chia làm hai phần: ‘Trên Làng, Dưới Vạn’. Họ Vạn là họ lo tổ chức các dịp lễ lạy. Người ta thường treo các cờ thánh giá, cờ xí trong những dịp lễ trọng, làm cho bầu khí các dịp lễ thêm long trọng. Sau này, khi cố Trung (cha của ông Huệ ) còn sống, vào các dịp lễ trọng, ông thường dựng hai cột cờ hai bên tượng Thánh Giá trên đồi Can-vê. Đây chính là điều trước đây họ Vạn thường làm vào các dịp lễ. Họ Vạn có giáo dân là những người thường xuyên sống dưới thuyền, dưới nốc. Họ Vạn có khoảng 60 đến 70 thuyền. Mỗi thuyền thường có ông bà, cha mẹ, con cái sống với nhau. Sáng tối đọc kinh lần hạt đầy đủ. Các ngày Chúa Nhật, họ chèo thuyền vào sát cổng nhà thờ để cùng nhau đọc kinh, thờ phượng, tham dự Thánh Lễ.

Cho đến khi thành lập hợp tác xã, họ Vạn nhập lại với Làng để thành lập nên giáo họ mới là là giáo họ Lộc Mỹ. Làng Lộc Mỹ trước đây có một Vườn Thành, và một giếng nước to, nước ngọt và sạch sẽ. Bên cạnh cái giếng có một cây trộp cao, che bóng mát cho bà con đi lấy nước.

Thời cha Đề làm cha xứ, ngài cổ võ bà con làm một con đường từ nhà thờ, đi vòng quanh núi ra đến giáo họ Đức Vọng. Sau đó là thời cha Phê-rô Phan Định quản xứ, ngài có hai năm phụ trách giáo xứ Tân Lộc (từ 1954 đến 1956) vì đây là thời gian cha xứ Tân Lộc Phê-rô Hồ Đức Hân bị chính quyền giam giữ. Khi cha Định bị bắt, cha Phê-rô Nguyễn Nguyên Hanh phụ trách giáo xứ Lộc Mỹ. Trong thời gian này, giáo xứ tổ chức cuộc rước long trọng đón Đức Cha Gio-an Baotixita Trần Hữu Đức từ xứ Tân Lộc về thăm mục vụ giáo xứ Lộc Mỹ. Trước năm 1954, có việc đạo đức kính Đức Mẹ Giao Liên. Tức là rước tượng Đức Mẹ từ nhà này sang nhà khác để làm việc thờ phượng, tôn kính Đức Mẹ. Từ khi có cộng sản vào, thì những việc đạo đức này bị cấm.

Ông Quang kể lại: dân thời đó nghèo lắm, làm nghề biển là chủ yếu, nên lệ thuộc hẳn vào thời tiết. Các cụ thường nói: Tháng chín phải “xỏ sào bụi tre” vì thời tiết xấu, biển động không đi biển được. Người ta phải đi Dừa làm ngô, lên phía trên làm ăn, kiếm thức ăn cho qua mùa biển động.

Giáo xứ Lộc Mỹ trong một thời gian dài không có cha quản xứ, chỉ có cha phụ trách. Mãi đến thời cha Giáo sư Phao-lô Trần Đình Lợi, ngài đã đến tuổi về hưu, dù tuổi cao sức yếu vẫn yêu thương giáo xứ. Ngài làm cha xứ trong những năm 1998 – 1999. Ngài đã củng cố lại đời sống đức tin, phong trào học giáo lý cho giáo xứ, ngài đã có công rất lớn đối với giáo xứ bởi đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới. Nhà thờ xây được một nửa thì cha ra đi đột ngột, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng giáo dân. Sau đó cha Phê-rô Nguyễn Xuân Hoan làm cha xứ (1999 – 2008), ngài tiếp tục công trình xây dựng và khánh thành nhà thờ xứ.

3. Danh Sách Một Số Linh Mục Quản Xứ và Phụ Trách Giáo Xứ

Sau đây, chúng tôi xin liệt kê một số linh mục quản xứ và phụ trách mà chúng tôi biết được, có lẽ nhiều chi tiết chưa thật sự chính xác, nhiều thông tin còn thiếu. Tuy nhiên, có còn hơn không, hy vọng sau này bản danh sách được hoàn chỉnh hơn.

Danh sách các linh mục quản xứ và phụ trách giáo xứ Lộc Mỹ.

1. Năm 1853 thành lập giáo xứ Lộc Mỹ.
2. Cha Giu-se Hạp quản xứ (trong nhà thờ xứ cũ trước đây có mộ của Ngài, 1910)
3. Cha Phê-rô Loan quản xứ, (1936)
4. Cha Phê-rô Phan Định quản xứ, ngài còn phụ trách giáo xứ Tân Lộc từ năm 1954-1956.
5. Cha Phê-rô Nguyễn Nguyên Hanh, quản xứ (1956 – 1974).
6. Cha Phê-rô Bùi Đoài, quản xứ (1974 – 1979).
7. Cha Giu-se Vương Đình Ái, phụ trách (1979 - 1984).
8. Cha Gio-an Baotixita Lê Văn Hưởng, phụ trách (1984 - 1988).
9. Cha Giu-se Nguyễn Tràng, phụ trách (1988 - 1998).
10. Cha Giáo sư Phao-lô Trần Đình Lợi, quản xứ (1998 – 1999).
11. Cha Phê-rô Nguyễn Xuân Hoan, quản xứ (1999 – 2008).
12. Cha Gio-an Trần Thanh Lan, quản xứ (2008 – 5-12-2010)
13. Cha Raphaen Trần Xuân Nhàn, phụ trách từ tháng 12-2010
4. Đôi Điều về Tượng Thánh Giá Trên Đồi Can-vê (Núi Lộc Mỹ)

Các thừa sai khi vào vùng đất Con Rồng Cháu Tiên rao giảng Tin Mừng, các ngài thường dựng những cây Thánh Giá trên các đỉnh núi như một biểu tượng tôn kính Thiên Chúa, tôn vinh tình yêu của Ngài. Thánh giá là sức mạnh dẹp tan mọi thế lực ma quỷ và là biểu tượng của niềm hy vọng. Khi đặt chân vào Cửa Bạng ngày 19-3-1627, cha Đắc-lộ đã “dựng cây thánh giá trên đỉnh ngọn núi bên cạnh đó, từ ngoài khơi đều trông thấy, không những để tôn sung và ghi nới sự thương khó Chúa Cứu thế và làm gương cho giáo dân tân tòng biết kính trọng và tôn thờ dụng cụ thánh của ơn cứu rỗi.” Ngài kể lại: “Chúng tôi hạ một cây cao nhất trong rừng gần đó và làm thành cây thánh giá, rồi tất cả giáo dân cũ cũng như mới, vào ngày thứ sáu tuần thánh, chúng tôi vác lên vai đưa lên đỉnh cao nhất của quả núi này, sau những lời làm phép thông thường, chúng tôi dựng lên như chiến tích vinh quang thắng mọi thế lực hỏa ngục và chúng tôi khiêm nhường và cung kính thờ lạy.”

Cũng theo phương thế tốt đẹp đó, các nhà truyền giáo qua lạch Cửa Lò, vào Sông Cấm truyền giáo cho vùng sống nước, vùng đất Làng Chài. Theo như lời trong cuốn Kỷ Yếu Giáo Phận Vinh, “các nhà truyền giáo thường giảng đạo và rửa tội cho nhiều người trên thuyền.” Điều này cho chúng ta biết rằng cha ông Làng Chài là một trong những hạt giống Tin Mừng thời sơ ngộ của phần đất Nghệ-Tĩnh-Bình. Khi đến vùng đất này, các ngài cùng với giáo dân đã dựng một cây Thánh Giá bằng gỗ trên núi Con Lợn. Theo lời kể của ông Trần Đức Quang, cây Thánh Giá trên đồi Can-vê núi Lộc Mỹ ban đầu được dựng lên ở giữa đỉnh núi, nơi cao nhất. Ở dưới mặt đất ai nhìn lên cũng đều thấy cây Thánh Giá. Thời gian đó, cả núi Lộc Mỹ chỉ có thưa thớt một số cây thông, cha ông ta thời đó đã trồng thêm và số lượng thông đẻ ra ngày càng nhiều. Đến thời cha Tần, Ngài đưa thánh giá ra phía trước núi ở vị trí của cây thánh giá ngày nay. Thánh giá hướng nhìn ra cửa biển để chúc phúc cho con cái làm ăn trên sông trên biển được bình an, thuận hòa. Ngày ngày những giáo dân ngư nghiệp đi câu, đánh lưới, bắt cá… đều hướng về thập giá để tạ ơn, cầu mong sự chở che và chúc phúc cho công cuộc làm ăn hằng ngày của mình. Từ đó, thánh giá trên đồi Can-vê là dấu chỉ niềm hy vọng, nguồn cậy trông, là nguồn sức mạnh cho giáo dân, những người “lữ hành” trên biển cả khi trời yên biển lặng cũng như khi giông tố bão bùng. Tượng đài Thánh Giá Can-vê được cha Phêrô Lê Đình Phúc xây cất, hoàn chỉnh hơn. Thời chiến tranh, Tượng Thánh Giá bị máy bay Mỹ thả bom, tượng Chúa Giê-su bị mất một nửa. Sau này, khoảng năm 1997, gia đình bà con trong giáo họ tu xửa lại tượng đài thánh giá, làm mới tượng Chúa Giê-su cũng nhưng tượng Mẹ Maria và thánh tông đồ Gio-an. Thời cha Phê-rô Nguyễn Xuân Hoan làm quản xứ, con đường bậc thang được làm mới lại, từ chân núi lên tượng thánh giá. Các ngày thứ sáu tuần thánh hàng năm, đều tổ chức đi đàng Thánh Giá long trọng, xuất phát từ chân núi ở nhà thờ Xứ, tiến dần lên Thánh Giá đồi Can-vê.

Thánh Giá đồi Can-vê mãi luôn là biểu tượng của tình yêu thương, niềm cậy trông hy vọng nơi con cái Lộc Mỹ hướng về Cha Toàn Năng.

5. Cảm Ơn

Công lao hy sinh khó nhọc của bao con người, từ những nhà thừa sai đến các linh mục quản xứ, phụ trách, cùng với các ông trong nhiều ban nghành của giáo xứ, giáo họ và sự kiên trì sống động cử hành đời sống đức tin sâu đậm của cha ông ta đã và đang hun đúc đời sống lữ hành của đoàn con cháu hôm nay và mai sau. Xin tri ân Thiên Chúa, xin cảm ơn muôn người. Những biến đổi thăng trầm qua dòng thời gian, qua những hoàn cảnh xã hội khác nhau làm cho đời sống người Ki-tô hữu thêm phong phú, đức tin thêm kiên cường sống động. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm sâu xa bàn tay quan phòng dẫn dắt kỳ diệu của Thiên Chúa. Nhờ kinh nghiệm này, đời sống của mỗi người dân Lộc Mỹ hôm nay vẫn luôn tin yêu, hy vọng và phó thác vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng Giàu Lòng Thương Xót.

Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược như điểm gợi để sau này mong nhiều người cùng tìm hiểu để vén mở rõ hơn bức màn quá khứ trong đời sống của cha ông ta.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cuộc hẹn bất ngờ
Trầm Thiên Thu
19:40 01/02/2011
Bản năng tốt cho bạn biết phải làm gì trước khi bạn nghĩ ra (Michael Burke).

Tiếng người đàn ông nói qua điện thoại: “Tôi biết tên chị từ hồi còn ở trường đại học làm nghề giữ trẻ. Vợ tôi và tôi thắc mắc không biết bạn có chăm sóc hai đứa con của chúng tôi vào tối thứ bảy tuần tới được không.” “Được”. Tôi dựa người vào chiếc bàn khi tôi lấy những thứ đặc biệt.

Giữ trẻ không là nghề tôi mơ, nhưng tôi nghĩ đó có thể là bước ngoặt đổi đời. Đó là phần tốt nhất trong trường đại học – thử những điều mới lạ. Tôi làm khá tốt về điểm này trong ba năm ở trường đại học, trừ khi tôi có hẹn. Với vài cuộc hẹn, tôi vẫn thấy thiếu tự tin vì không biết nói gì, ngồi ở đâu, hành động thế nào. Mọi người nói phải tin vào bản năng, nhưng làm thế nào khi người ta không biết thế nào là bản năng?

Tối thừ bảy hôm đó, khi một số bạn bè trang điểm cho những cuộc hẹn của họ, còn mọt số bạn bè khác chuẩn bị đi học, tôi mặc chiếc áo thun để đi. Đúng 7 giờ điện thoại reo. “Ivers đây. Tôi đang ở ngoài hành lang”. Tôi vội lấy túi xách và chạy xuống cầu thang.

“Susan hả?”. Một người đàn ông bảnh bao mặc chiếc áo kiểu thể thao và chiếc quần màu xám tiến lại gần tôi, đưa tay ra và nói: “Tôi là Tom”. Chúng tôi bắt tay nhau. Anh ấy nhìn trẻ mà đã có hai con, nhưng tôi đã biết gì về họ đâu nhỉ?

Chúng tôi đi vòng theo đường ngựa, rồi anh ta dừng lại trước con ngựa thảo nguyên (mustang). Một chút lịch sự đối với một sinh viên đã tốt nghiệp. Nhưng tôi là ai mà xét đoán nhỉ? Anh ta mở cửa cho tôi và mời vô nhà. Anh ta lấy tờ báo đưa cho tôi và nói: “Tôi mới đến thành phố này. Tôi hy vọng chị có thể có ý nghĩ gì cho buổi tối hôm nay”. “Được”. Tôi không hiểu sao anh ta muốn lời khuyên cho việc giữ trẻ để anh ta đi chơi với vợ. Tôi chỉ đại vào mục quảng cáo: “Có vài phim hay cuối tuần này và có buổi hòa nhạc ở thính phòng”.

Khi chúng tôi nói về những điều khả thi, tôi bắt đầu thắc mắc về anh ta. Cách nói chuyện của anh ta và thái độ của anh ta có vẻ như anh ta đang có hẹn khi tôi phải giữ trẻ. Tôi có vậy không? Tôi phải nói ra, nhưng tôi nên nói gì? Nhiều thứ hiện ra trong đầu tôi. Mọi thứ có vẻ quá ngớ ngẩn. Điều này còn tệ hơn những cuộc hẹn. Tôi không thể chờ lâu nữa. Tôi nói ngày: “Các con anh bao nhiêu tuổi?”. Anh ta như muốn nhảy bổ lên: “Mấy đứa nhỏ? Tôi chưa có con”.

Đoán chừng đó là câu hỏi đúng chỗ, nhưng không phải là câu trả lời tôi mong đợi. Tim tôi đập mạnh. Tôi muốn tôi có thể xoay ngược kim đồng hồ trở lại từ lúc tôi đi xuống cầu thang. Nhưng tôi lấy hết can đảm và tiếp tục… “Anh không phải là Thomas Ivers?”. “Không!”, rồi anh ta cao giọng: “Chị không phải là Susan Lieberman sao?”. Tôi biết tên này, nhưng không phải tôi. Tôi lắc đầu.

Ivers “gầy” đứng ở phòng điện thoại nhìn có vẻ mệt mỏi và là cha của hai đứa con, mặc sơ mi trắng và chiếc quần nâu, có mái tóc đen bù xù. Susan Lieberman cũng ở đó, ăn mặc tươm tất hơn tôi. Chị ấy có cuộc hẹn bất ngờ (blind-date – hẹn hò trai gái mà chưa ai biết mặt ai) với ai đó, còn tôi đi nhận việc giữ trẻ mà chưa biết mặt họ, không phải hẹn hò yêu đương. Tôi cần hẹn hò để thêm tự tin vào bản năng của mình.

(Chuyển ngữ từ Chicken Soup for the Soul: Campus Chronicles)
 
Hơn cả ngôn ngữ
Trầm Thiên Thu
19:42 01/02/2011
Chúng ta không giống hai cuốn sách của một bộ sách sao? (Marceline Desbordes-Valmore).

Vợ chồng tôi mới kỷ niệm ngân khánh ngày cưới. Tôi nghĩ một trong các lý do để hôn nhân của chúng tôi hiệu quả là chúng tôi luôn ngầm hiểu ý nhau.

Mới đây, chúng tôi đang ăn bữa nửa buổi (brunch) thì có một người bạn tỏ vẻ khó chịu khi nói về chính trị. Vợ chồng tôi ngồi đối diện với anh ấy. Vợ chồng tôi nhìn nhau nói “Kỳ quá!”, rồi vợ chồng tôi không nói gì nữa.

Anh Bob, chồng tôi, nhìn tôi nói: “Mình về đi”. Tôi rót cho chồng ít rượu và nói: “Chưa về bây giờ”. Anh Bob lại nói: “Phải về thôi, em!”. Tôi nhích vào sát anh: “Để em tính”. Chồng tôi ho. Tôi nắm tay anh, ý nói “Anh đừng tỏ vẻ như vậy. Mọi người biết anh giả bộ ho đó”. Anh siết tay tôi, tôi nghĩ anh có ý nói “Không ai để ý gì đâu. Em là phụ nữ, em lấy cớ có kinh đi”. Tôi siết chặt tay anh, ý nói “Em hết kinh rồi. Nếu em nói thì mọi người sẽ nghĩ em giả bộ thôi”. Anh đưa tay lên miệng, ý nói “Mặt em dính đồ ăn đó”. Tôi lấy khăn lau và gật đầu, ý nói “Cảm ơn anh”.

Tôi rất hồi hộp ở các bữa tiệc. Hầu như ở đâu cũng vậy. Nhưng ở buổi họp mặt một ngày nghỉ, tôi phải nói với một phụ nữ hù dọa tôi. Anh Bob ở phía sau tôi. Cách giao tiếp không lời của chúng tôi thực sự hiệu quả. Tôi nói với phụ nữ kia: “Tôi thích câu chuyện của chị”. Ở phía sau, anh Bob biết áo đầm tôi mặc có dây thắt vòng sau lưng bị sút. Anh đến bên tôi và nháy mắt với tôi. Tôi nhìn anh, ý nói “Không phải ở đây. Anh đừng làm vậy”.

Anh ôm eo tôi, nhìn xuống và thắt lại dây cho tôi. Tôi cười cảm ơn anh. Anh nhìn tôi, ý nói “Em ngây thơ quá. Anh thích em mặc như vậy”. Tôi nhìn anh và mỉm cưới, ý nói “Em giả bộ thôi mà”.

Và cứ thế, đã qua 25 năm rồi.

Giao tiếp không lời. Mỗi ngày chúng tôi giao tiếp kiểu này cả chục lần. Hiểu ý nhau thật thoải mái và hạnh phúc. Im lặng còn hơn cả ngôn ngữ là vậy.

(Chuyển ngữ từ Chicken Soup for the Soul: More than Words)
 
Văn Hóa
Tâm nguyện Giao Thừa
Trầm Thiên Thu
08:40 01/02/2011
Giây phút giao thừa nhớ Mẹ Cha
Tất nhiên trước đó nhớ Ông Bà
Một mình trầm mặc khi Xuân đến
Mấy nén nhang thiêng lúc Tết về
Cầu nguyện tâm thành dù tội lỗi
Ước ao thánh thiện dẫu u mê
Nguyện xin Đức Chúa thương nâng đỡ
Sống chết chỉ mong phúc Vĩnh Cư

LẬP XUÂN
Đất trời vừa tiết lập Xuân
Dẫu những người buồn cũng chợt thấy vui
Linh thiêng giao kết đất trời
Bồi hồi giây phút lòng người đón Xuân
Bánh chưng nóng hổi trên bàn
Thơm lừng mùi Tết tỏa lan khắp nhà
Cháu vui chúc tuổi Ông Bà
Con mừng chúc tuổi Mẹ Cha an lành
Lì xì nhau tấm chân tình
Giây phút an bình, hạnh phúc đầu Xuân
Tạ ơn Thiên Chúa chí nhân
Thương ban gia đạo được luôn thuận hòa

Giao thừa Tân Mão – 2011
 
Mùa Xuân Bất Diệt
Vọng Sinh
09:07 01/02/2011

Xuân đã về giữa Đất Trời bao la
Giữa thinh không yên lặng chan hòa
Cả vạn vật gần xa rạo rực
Phút Giao Mùa nao nức cả hồn ta.

Xuân mãi mãi vẫn là Xuân vạn thuở
Xuân Yêu Thương Xuân mở lối cho đời
Cho tình nhân, cho tình thân, tình người…
Bao Yêu Thương rực tươi Mùa Xuân Mới.

Xuân về đây cho cây khô nảy chồi
Cho rừng xanh thay lá đẹp tươi
Cho muôn hoa lả lơi hương sắc
Cho lũ bướm ong lượn khắp trời.

Xuân về rồi nơi Quê tôi xa lắm
Mẹ Gìa ngồi trông ngóng con xa
Đã mấy Xuân con chẳng về thăm Mẹ
Đôi mắt lòa…bỗng nhỏ lệ…xót xa !

Xuân đã về trên cánh đồng Quê ta
Giọt mồ hôi vẫn đổ xuống chan hòa
Đến khi nao Quê ta trào no ấm ?
Xuân ơi Xuân! Cho Hạnh Phúc muôn nhà.

Và Xuân tới cho Mùa Xuân Cứu Rỗi
Cây Đức Tin hoa Cậy Mến nở tươi
Cho Quê tôi Đất Việt rạng ngời
Ba trăm năm mươi năm Niềm Tin sáng chói!

Để một ngày Mùa Xuân muôn lối
Xuân Quê Hương khắp nẻo hát cười vui
Khắp thị thành thôn xóm đón Xuân tươi
Muôn ánh mắt rạng ngời Xuân Đất Việt.

Xin Chúa Xuân cho Mùa Xuân Bất Diệt
Cho trần gian trọn kiếp mãi Mùa Xuân
Hương Yêu Thương Hương Xuân ướp gian trần
Để Chúa Xuân Muôn Đời luôn ngự trị.

Cho Mùa Xuân Muôn Đời, Nở thắm trong hồn tôi.
 
Về quê ăn tết
PM. Cao Huy Hoàng
11:34 01/02/2011
Ngoài số sinh viên tại các trường Đại Học Sài Gòn Thủ Đức, còn thấy quá nhiều người đổ về Sài Gòn làm ăn những năm sau nầy. Người làm ở các công ty lớn, nhỏ, cũng có người làm thuê làm mướn, còn có người buôn bán rất nhỏ khắp các nẻo đường…

Có người đã tính được ngày về quê ăn tết từ những tháng trước. Người book vé máy bay, người xe lửa, người xe giường nằm, ghế nằm cao cấp. Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây những ngày giáp Tết đông đúc, chen lấn nhau như ngày hội. Mua cho được một vé xe loại thường, xe chợ cũng thật khó, hoặc phải chờ đợi khá lâu. Người về quê ăn tết còn về bằng xe máy từ Sài gòn về Nha trang hoặc xa hơn: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế. Quốc lộ những ngày giáp Tết ngập tràn người về quê ăn tết.

Tan lễ tối ở nhà thờ Hiệp Đức, vừa ra tới cổng, tôi đã gặp 10 bạn trẻ đi 5 xe máy dừng nghỉ trước nhà thờ. Bắt chuyện, tôi hỏi, “Các em về quê ăn tết?” “Vâng ạ”. “Về đâu?” “Xe tụi em biển số 76 cả đấy”. “À! Quảng Ngãi, xa quá!” “Xa mấy cũng phải về với Cha Mẹ chứ anh. Ngày Tết thiêng liêng lắm. Mẹ đang trông. Cha đang đợi”. “Mẹ gói bánh tét rồi. Cha dọn nhà cửa đẹp lắm, đợi tụi em về sum họp….”

Quả thật, ngày Tết của người Việt Nam là một ngày thiêng liêng đặc biệt nhất trong năm. Và mọi người phải về quê ăn tết. Quê ở đây, rõ ràng không mang nghĩa quê mùa, nhà quê, nhưng là một mái nhà, một mái ấm gia đình, một nơi kỷ niệm chôn nhau cắt rốn, một nơi kỷ niệm ra đời. Người đã ra đời, đã lớn lên, và cũng đã ra đi từ đó. Ngày Tết, người lại trở về với mái nhà của mình vui niềm vui sum họp cả nhà có ông bà, cha mẹ anh em. Mái nhà ấy, ở thôn quê hay thành thị thì cũng là quê nhà vậy. “Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình, cũng về với ân tình, ngất ngây với niềm yêu mến, dâng đến lòng Mẹ Cha bông hoa là lòng biết ơn…” ( Ns. Phanxico).

Vậy, thiết tưởng, ăn Tết trước tiên phải nói là ăn cái tình cảm thiêng liêng của Ông Bà, Cha Mẹ, của anh em huynh đệ chung một huyết thống, trong cùng một gia đình, rồi, cùng một gia tộc. Và khi ăn cái tình cảm thiêng liêng ấy, con người ta đặt mình vào trong một cộng đồng cơ bản được xây dựng trên tình thương, bổn phận và trách nhiệm không thể phủ nhận hay từ khước được. Trong đó, yếu tố tình thương mến phải là trên hết. Những bữa cơm đơn sơ của người nghèo, hay những bữa tiệc linh đình của người giàu có cũng chỉ có giá trị khi mỗi thành viên gia đình thực sự về quê ăn tết với cả tấm lòng yêu mến. Kể cả việc hiếu kính Ông Bà, tạ lỗi Cha Mẹ, mừng tuổi, quà tặng, lời chúc mừng…cũng chỉ có giá trị khi thể hiện vì yêu mến.

Về Quê Ăn Tết, thế thì, thật là đáng tiếc, nếu có ai trong chúng ta đã về quê, mà không dùng cơ hội quý báu nầy để ăn tết, để thể hiện cái tình cảm thiêng liêng ấy trong bữa tiệc gia đình. Mỗi người góp một món yêu thương lên bàn ăn. Mỗi món một hương vị. Mỗi người một cách yêu thương, mà cách nào cũng chân thành nhất.

Đã về được đến quê nhà là một hạnh phúc. Nếu không cảm nếm được hạnh phúc tuyệt vời ấy, thì thật đáng tiếc… là vì, chung quanh ta, còn có biết bao người ước ao được cái hạnh phúc về quê ăn tết ấy:

Phải kể đến bao anh em xa quê nửa vòng trái đất, dẫu rằng nửa vòng trái đất không kể là quá xa trong thời đại nầy. Và, khoảng 16 đến 26 giờ bay, không được phép nói là quá chậm, quá lâu so với các nhà truyền giáo phải đi từ Tây sang Đông ngót sáu tháng. Cũng vậy, vài ngàn đô la không thể là quá tốn kém mà không thực hiện được ước mơ… Anh em ước được ngồi cạnh mẹ, quạt cho mẹ, ngồi cạnh Cha, hầu Cha chén rượu nồng kia mà…nhưng không phải ai cũng được về quê ăn tết. Nhiều lý do chính đáng của cuộc sống nơi đất khách quê người, bất khả kháng… Tuy nhiên, có một điều đáng quí là, vì khó thực hiện được mơ về quê ăn tết, mà mỗi cái tết ở xa quê, lòng người rộn lên bao niềm kính tưởng, nhớ thương, khôn nguôi… không bút nào tả xiết.

Phải kể đến những người xa quê bất đắc dĩ, đang thời gian phải trốn tránh cả danh tánh, cả hình dung…vì bị ép phải bỏ quê, bỏ nhà cửa, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ kỷ niệm thiếu thời, bỏ con đường hò hẹn tuổi yêu đương, bỏ mồ mả cha ông, bỏ tất cả… mà ra đi đến một nơi để lại bắt đầu từ điểm trắng. Tưởng đến quê, đến nhà, đau dứt từng khúc ruột…Mẹ ơi, Cha ơi, anh em ơi!!!

Có người không về quê ăn tết vì Cha Mẹ đã làm cho mái ấm gia đình tốc mái, đã đổ nát tang thương. Sáng 29 tết năm ngoái, mấy anh em gọi nhau uống cà phê. Một em bé 13 tuổi bưng cà phê. Mặt em buồn. Tôi hỏi. “Nhà con ở đây hay con làm cho người ta?” “Dạ, con làm cho người ta”. “Con không về quê ăn tết à?” “Dạ, con không về ăn tết. Quê con ở đâu! Nhà con ở đâu! Ổng bả chia tay rồi! Phần ổng có nhà mới, có vợ mới, con mới của ổng. Phần bả có nhà mớ,i cũng có chồng mới, có con mới của bả … Nhắc tới ổng bả mà chi! Sanh con ra, bỏ con đành đoạn”.

Người khác bất hạnh “vì con không có tiền mà về. Mà nếu có được đồng về thì cũng chẳng có đồng quà đồng bánh, đồng lì xì cho em, cho cháu…Thêm xấu hổ, thêm nhục nhã những ngày biệt xứ phiêu dạt đó đây…

Có người lại bất hạnh vì không tin là Cha Mẹ sẽ tha thứ những lầm lỗi cho mình: “Ổng có cho con vô nhà đâu! Năm ngoái về rồi, mới tới cổng, ổng đuổi: “Mầy đi đâu thì đi, tao không có đứa con như mày!” Mẹ nắm tay ổng năn nỉ, ổng đạp lăn nhào: “Xin lỗi trước, về nhà sau. Tui không chấp nhận về nhà trước, xin lỗi sau, bà nghe có rõ chưa”…

Còn có người bất hạnh hơn nữa là đã lên đường về mà không đến quê, lại phải dừng chân cuộc đời ngay trên quốc lộ. Những tai nạn trên đường về quê là không ít trong những năm gần đây. Có khi vì thiếu cẩn trọng. Có khi do chạy quá nhanh, không làm chủ được tốc độ. Có khi vì chạy bên trái đường, và cũng có khi vì đã quá say… Rất nhiều lý do kết thúc sớm chuyến đi khi chưa kịp về đến quê ăn tết…

….

Sáng hôm nay, 29 Tết, đến thăm thân mẫu của Cha Gioan Trần Văn Thức, bà cố Maria Nguyễn Thị Thể mới qua đời 15g45 hôm qua…

Được biết, Cha Thức đi du học 6 năm, cũng là 6 năm bà cố nằm liệt giường. Nay Cha Thức đã trở về. Các con các cháu của Bà Cố cũng đã về quê ăn tết đầy đủ. Và thiết tưởng, sau khi sum họp với các con, các cháu, bà được Chúa gọi Về Quê Ăn Tết…Ngày mai, 30 Tết, sẽ có thánh lễ đồng tế tiễn đưa bà cố lên đường Về Quê Ăn Tết…

Liên kết chuyện về quê ăn tết với việc ra đi của Bà cố Maria, gợi cho tôi mấy suy tư tương đồng:

Cuộc đời trần gian của mỗi Kitô Hữu Công Giáo cũng là một chuyến đi về quê ăn tết: Quê Trời, Tiệc Nước Trời. Gọi là quê trời, vì chúng ta được sinh ra bởi lòng yêu của Thiên Chúa là Cha, được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, được cứu chuộc nhờ máu của Ngôi Con Thiên Chúa. Ăn Tết trong Tiệc Nước Trời là một ăn chính tình thương vô cùng của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ăn tình thương của Giáo Hội, của mọi tín hữu huynh đệ trong cùng huyết thống cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Để được về quê Trời và ăn tết trong Tiệc Nước Trời, mỗi người cũng phải bỏ tiền ra mà mua vé xe, vé tàu, mua nhiên liệu, mua thức ăn thức uống trên đường về. Những đồng tiền nầy chính là nỗ lực, là cố gắng sống đời nhân đức, là những hy sinh làm điều thiện, những bác ái sẻ chia… Đặc biệt, trong hành trình về quê ăn tết, tất cả đều phải đi đúng luật: luật Chúa và luật Hội Thánh. Đi sai luật, gây tai nạn trên đường làm cho chúng ta không về quê ăn tết được, thật đáng tiếc.

Hơn nữa, phải tin tưởng rằng: quê nhà đích thực của mỗi chúng ta là gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa, nơi ấy, chứa chan một tình thương vô biên và bền vững: Gia đình của Thiên Chúa không có sự bất nhất hay phân ly, nhưng là một gia đình hiệp nhất; không có sự giận hờn hay chấp nhất, chỉ toàn là đại lượng khoan dung, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ toàn ái… Một gia đình hạnh phúc.

Thế thì, đáng tiếc biết bao cho mỗi Kitô Hữu chúng ta, nếu không được về quê ăn tết với Gia đình Thiên Chúa.

Những ngày này, hầu như mỗi chúng ta đang sum họp, đoàn tụ trong gia đình mình tại trần thế nầy, trong tình thương yêu, trong niềm thảo hiếu.

Ước mong ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền, gợi nhớ cho mỗi chúng ta hành trình “Về Quê Ăn Tết” nơi Gia Đình của Thiên Chúa trong Tiệc Nước Trời.

29 Tết Tân Mão
 
Phút Giao Thừa
PM. Cao Huy Hoàng
13:49 01/02/2011
Giao Thừa là một bước chuyển. Bước chuyển luôn là một bước quan trọng.

Bước chuyển của đêm sang ngày

Có những 365 ngày trong một năm. Và cũng có 365 đêm dài tương tự. Nhưng có thể nói, tâm trạng của mỗi con người không đêm nào giống đêm nào. Tâm trạng đêm giao thừa đã khác những đêm khác, còn khác với những đêm giao thừa của những năm khác.

Thường thì đêm mong ngày mau tới, như ‘tuần phiên mong hồng đông dậy” (Tv 129, 6), vì người ta không thích sống trong cảnh tăm tối của màn đêm. Phút giao thừa của đêm và ngày đã là một bước chuyển luôn ẩn chứa một tương lai với bao nhiêu niềm hy vọng hoàn hảo hơn. Khát vọng vươn lên của mọi tạo vật cũng bắt nguồn từ trong đêm tối: một nụ mầm xanh mơn mởn mới nhú dưới làn sương mỏng, một nụ hoa đang hé dần. Điều đáng tiếc là, cũng có người, vẫn chào một ngày mới như mọi ngày, mà không hề có một ý niệm khát khao vươn lên hay đổi mới. Và còn đáng tiếc hơn, nếu đêm là cơ hội cho những âm mưu đen tối, nhũng dự định thấp hèn, để ngày đời thêm nghiêng chiều, rồi lún sâu vào những thực trạng ngược với sự hoàn hảo tuyệt đối là Chân Thiện Mỹ. Có những phút tĩnh lặng, trầm tư trong thời khắc giao thừa làm cho con người ta “đạt đạo”, mà cũng không thiếu những phút giao thừa quí báu ấy, bị lạm dụng, làm cho con người ta mất dần cái khái niệm thăng hoa.

Phút giao thừa mỗi ngày, với người công giáo chúng tôi, phải là những phút đầy tâm tình sám hối, cảm tạ tri ân, và chuẩn bị cho tâm hồn đón chào một ngày mới để ca tụng Thiên Chúa. Các Bà Mẹ Công Giáo thường dặn dò con cái trước khi đi ngủ: nhớ làm dấu Thánh giá trên mình, dâng mình cho Chúa, nhớ đến Chúa vì giấc ngủ luôn tượng trưng cho sự chết. Thiết nghĩ, với những ý hướng giáo dục nầy, cho đến thời đại hôm nay vẫn còn rất thiết thực nếu không nói là khẩn cấp đối với các gia đình. Hãy tái lập một khái niệm chuẩn bị cho ngày mới, một ngày mới của Thiên Chúa ban cho để mỗi người luôn mới, mới hơn và mới hẳn. Mà “mới hẳn”, “mới hoàn toàn”, ấy chính là con người “đạt đạo”: đạt đến cái thực thể siêu phàm là hoàn toàn nên giống Đức Ki tô, Người đã làm tiêu tan mưu đồ cai trị của thần chết, của đêm tuyệt vọng, và đã thiết lập một nền văn minh sự sống, tin yêu và hy vọng.

Bước chuyển của năm cũ sang năm mới

Đêm giao thừa đón năm mới là một bước chuyển càng có ý nghĩa tuyệt vời hơn, nếu nhìn lại tâm tình của 365 đêm qua đi.

Nếu chưa có đêm nào sám hối và tri ân thì đêm nay, đêm giao thừa, hãy còn chưa muộn. Có những phút giao thừa rộn rã niềm vui, tràn đầy niềm tri ân Thiên Chúa, tri ân Ông Bà, Cha Mẹ, vì một năm qua đi suông sẻ, thắng lợi..Cũng có những phút giao thừa lắng đọng bao xót xa vì những mất mát, thất bại, hoặc nợ nần tồn đọng, hoặc những vướng vít xô bồ chưa dứt điểm…trong năm cũ. Cũng không thiếu những phút giao thừa mà người ta không cần một suy niệm nào, việc gì đến, cứ đến.

Thiết nghĩ, để có một bước chuyển vững chắc, cần có một chuẩn bị chu đáo. Để có một năm mới tiến bộ cần có một đêm giao thừa nhìn lại, sám hối, tri ân, và quyết tâm. Sám hối vì chưa đổi mới kịp với thời gian xoay vần như thoi đưa, hoặc còn chưa có ý niệm đổi mới. Tri ân vì còn được sống, được thêm một tuổi đời, để mà ngợi khen Thiên Chúa và ca tụng những kỳ công tuyệt vời của Ngài. Quyết tâm phải đổi mới chính bản thân là xây dựng cho chính mình một tương quan mới và đúng đắn. Tương quan giữa con người với con người, tương quan giữa con người với Thiên Chúa phải được cải thiện đến mức hoàn hảo nhất.

Bước chuyển từ xấu sang tốt

Có thể liên tưởng đến phút giao thừa của hai cuộc sống xấu và tốt mà thánh Phao lô gọi là con người cũ và con người mới. Để có một bước chuyển giữa hai thực trạng trong cùng một con người, đòi hỏi chính con người ấy thực sự làm chủ bản thân một cách hoàn toàn. Nhưng phàm ai trên đời nầy có thể nói tự mình đứng vững mà không cần đến sự trợ lực của Ơn Chúa. Để chiến thắng chỉ một tật xấu đã là việc không dễ thực hiện một ngày một bữa, huống là trong con người có muôn vàn tính hư tật xấu, thói mê lầm…Tôi có một người em tinh thần, anh em vẫn gọi chú ấy là Cuội, tính tình thẳng thắn dễ thương, dễ hòa đồng, nhưng có tật là hay chiều ý anh em uống cho hết rượu mới về. Có lúc say say nói nhảm mất lòng anh em, nhưng hồi tỉnh lại thì lấy làm tiếc và có quyết tâm sửa đổi. Có lần chú ấy gửi cho tôi tin nhắn “Chúa ơi đừng giận con nghen, bởi con đâu phải nhỏ nhen thế nầy. Chúa ơi đừng có la rầy, con người ai dễ một ngày mà ngoan”. Với những quyết tâm dần dần và nhờ cầu nguyện cách hồn nhiên với Chúa, nay Chú ấy được mọi người thương mến lắm. Ai cũng mừng vì chú có một năm mới của một con người mới.

Bước chuyển từ tội lỗi sang thánh thiện

Còn có thể liên tưởng đến phút giao thừa tuyệt vời hơn nữa, là phút giao thừa của hối nhân trước khi vào tòa hòa giải. Tình trạng tội lỗi như đêm tối của linh hồn, và bước chuyển con người ta đến tòa hòa giải là một bước chuyển vừa cần thiết vừa quan trọng. Quan trọng đến mức có người đã khóc ngon khóc lành vì sung sướng, vì hạnh phúc, ngay trong tòa hòa giải, ngay sau khi linh mục đọc lời xá giải. Phút giao thừa thật rung động. Phút giao duyên trùng phùng của con người tìm về với Thiên Chúa, tìm về với chính nhân vị cao quí nhất của mình. Phút giao thừa ấy đã được chuẩn bị chu đáo bằng một lòng sám hối chân thành, và một quyết tâm làm mới cung điện mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi con người khi nhập thể. Ai cũng có thể có nhũng phút giao thừa thật sung sướng hạnh phúc trong tòa hòa giải, nếu xác tín việc lãnh nhận bí tích hòa giải là một bước chuyển quan trọng của đời sống tâm linh, của một khát khao hoàn thiện.

Chỉ còn mấy phút nữa thôi, cả nhà Việt Nam bước vào năm mới. Những giây phút đợi chờ đồng hồ thời gian dứt điểm tiếng chuông thứ mười hai cuối cùng, và bước sang giây đầu tiên của năm Tân Mão, cũng chính là chút thời gian quí báu để mỗi con người Việt Nam có những suy tư, có những tản mạn nối dài những tản mạn này… Giao thừa là một bước chuyển. Bước chuyển luôn là bước quan trọng. Mỗi ngày có một bước chuyển. Mỗi năm có một bước chuyển. Cá nhân, gia đình, xã hội, đất nước, thế giới đều cần có những bước chuyển để có một thực thể mới, mới dần, mới hẳn, mới hoàn toàn như ý Thiên Chúa muốn. Vì Chính Ngài, Đấng Luôn Luôn Mới.

Lạy Chúa, xin cho tâm tình mừng đón năm mới của chúng con đêm nay, nhắc nhớ cho chúng con việc chuẩn bị cho những bước chuyển quan trọng trong đời người, và đặc biệt bước chuyển quan trọng nhất: bước chuyển từ sự sống sang sự chết, và từ sự chết sang sự sống vĩnh cửu: Một Mùa Xuân Không Tàn…
 
Chúa Giê-su chữa người đàn bà băng huyết....
Ngô xuân Tịnh, CVK
15:38 01/02/2011
Chúa Giê-su chữa người đàn bà băng huyết

và cho người con gái ông thủ lãnh sống lại

Mt 9,18-26



Chuá Giê-su đang nói với họ
Thì có ông thủ lãnh lạy Người:
" Con gái tôi vừa chết rồi
Đặt tay sống lại xin Người đến cho"



Ngay khi đó Người liền đứng dậy
Các môn đệ hết thảy theo Người
Hành trình chịu đựng để rồi
Nhu cầu giải quyết cho người kêu xin



Bỗng một bà băng huyết lâu đến
Mười hai năm xuất hiện sau Người:
" Chỉ cần sờ áo Người thôi
Là tôi được cứu lòng thời cầu mong "



Chuá Giê-su ngoái trông trở lại
Trông thấy bà Người mới khuyên lơn:
" Này con hãy cứ yên tâm
Đức tin đã cứu được con thật rồi"



Bệnh của bà tức thời được khỏi
Nhà thủ lãnh Người đã tới nơi
Đám đông tụ họp nhiều người
Phường kèn phường trống đầy trời xôn xao



Chúa đi vào và cất tiếng nói
Hãy lui ra khóc vột làm chi
Bé không chết chỉ ngủ thôi
Họ bèn cười nhạo là Người nói nhăng



Khi đám đông nhì nhằng đuổi khỏi
Chuá Giê-su tới chỗ bé nằm
Tay của bé Chuá đã cầm
Bé liền đứng dậy đôi chân vững vàng



Và tin ấy đã đồn vang
Khắp nơi mọi chốn cả vùng đều nghe



 
Hương Xuân Vị Tết
Viễn Đông
19:33 01/02/2011
Ngày ba mươi Tết

Rộn rã nhịp Xuân

Người người nô nức

Tiếng nhạc vang ngân


Con cháu hớn hở

Khúc khích tiếng cười

Ông Bà, Cha Mẹ

Hạnh phúc rạng ngời


Cây mai đầu ngõ

Tươi sắc vàng ươm

Mùa Xuân rất lạ

Đầy ắp yêu thương


Tiếng chim ríu rít

Hòa khúc nhạc Xuân

Hương vị ngày Tết

Kỳ diệu vô ngần


Chào Xuân trần thế

Lòng hướng lên cao

Thành tâm Của Lễ

Dâng Chúa tình yêu



Tân Mão – 2011
 
Cây Mai Mùa Xuân
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:40 01/02/2011
Những cơn gió của mùa Đông hình như còn luyến tiếc không gian. Chúng vẫn lẩn khuất đâu đây, thỉnh thoảng ùa ra, tỏa hơi lạnh buốt làm cho cây cỏ rùng mình, khép nép. Tất nhiên, không gì cản được bước chân đi của mùa Xuân, những bước chân reo vui của Năm Mới. Gió lạnh cũng đành nhường bước cho những dải lụa vàng ấm áp buông tỏa khắp nơi.

Xuân về rũ áo ưu phiền.

Chào nhau phúc hạnh giữa miền phúc ân.(Hoa Văn).

Sáng nay 30 Tết, một buổi sáng Xuân Tân Mão, tôi ngắm những cánh hoa mai vừa nở. Một vẻ đẹp dịu dàng và tươi mát làm cho căn phòng nhỏ ấm áp sáng lên nét trẻ trung. Bầu trời mùa Xuân trong vắt. Khí hậu mùa Xuân thơm lành. Cỏ cây mùa Xuân tươi thắm. Hoa mùa Xuân nở rộ khắp nơi, trong vườn nhà, ngoài công viên, trên đồi cao, bên vệ đường. Ở đâu cũng có những bông hoa tươi thắm và khí trời đẫm ngát hương thơm.

Xuân về Tết đến, hoa được bày bán khắp nơi. Hoa đủ loại đủ màu đủ kiểu cách. Hoa muôn màu muôn vẻ. Nhà nhà mua hoa về thưỡng lãm hương vị Tết. Những chậu hoa, những cành hoa được nâng niu, chưng bày trong trong nhà thờ, trong gia đình, chưng trên bàn thờ tổ tiên. Trong muôn loại hoa, mai nổi bật với sắc vàng tươi thắm. Màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng. Với người Việt chúng ta, màu vàng còn tượng trưng cho Vua. Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành.

Từ ngàn xưa người Việt đã xếp mai vào loại hoa quý nhất trong các loài hoa. Hoa mai đem đến nhiều may mắn. Hoa mai nở rộ vào dịp Xuân về Tết đến. Đặc biệt, Hoa mai nở đúng vào ngày người chủ đã ước định, khi khéo canh ngày tỉa lá trước thời gian, biết chăm sóc cho hoa nở đúng hạn kỳ. Mai là loài hoa có sức chịu dẻo dai, qua thời tiết băng giá mùa đông rồi bừng dậy trổ nụ đâm bông và nở hoa rực rỡ khi mùa xuân tiết trời ấm áp đang về. Hoa mai có năm cánh kết thành vòng tròn là biểu tượng ánh thái dương lan tỏa của tiết trời nắng ấm toả xuống chan hoà cho trái đất hồi sinh, cho nhân gian được vui tươi. Buổi sáng ngày đầu xuân, mai nở tươi đẹp đưa ta vào ngày mới hạnh phúc. Với các đặc tính như thế nó xứng đáng được gọi là Hoa Mai. Gia đình nào cũng muốn có cây mai chưng nhà trong ba ngày Tết như cầu mong sự may mắn hạnh phúc cho cả nhà suốt một năm mới.

Trong nhiều bức tranh cổ xưa, có tranh Tứ Bình vẽ bốn loại hoa quý là Mai, Lan, Cúc, Trúc. Bức tranh Tứ Thời cũng vẽ bốn loại hoa cảnh nổi tiếng nữa là Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay Lan, Sen, Cúc, Mai.

Hoa mai thường chỉ có năm cánh. Ngày nay theo phương pháp lai giống chiết cành người ta tạo ra được rất nhiều loại giống mai mới. Có loại hoa mai nở tới mười cánh. Cây mai có nhiều cành mềm mại duyên dáng. Cánh hoa màu sắc thắm tươi, mỏng manh cho đến khi lìa cành mà sắc màu vẫn không thay đổi.

Hoa mai là đề tài tạo hứng cho các tâm hồn văn nhân thi sĩ, họa sĩ, nghệ nhân, sáng tạo những tác phẩm để đời.

Cây mai biểu tượng cho kẻ sĩ

Hoa mai là biểu tượng cho người có chí anh hùng, cho đấng trượng phu. Vì mai chịu đựng được các thời tiết đổi thay dù ấm áp hay giá buốt. Xuân về Tết đến, mai luôn nở hoa chào đón mùa Xuân. Bởi đó mai hấp dẫn lôi cuốn nhiều người. Mai là hiện thân của kẻ sĩ, của đấng trượng phu, có sức chịu đựng thử thách dâu biển của cuộc đời, coi thường danh lợi.

Các bàn tay nghệ nhân uốn sửa cây mai thành các “‘thế”, “chi”’ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Có khi là dấu ấn về tín ngưỡng, tôn giáo, đạo đức, triết lý sống của người quân tử theo văn hóa Trung Hoa và Việt Nam...Các nghệ nhân cây cảnh dựa vào dáng tự nhiên sẵn có của từng cây mai mà tạo ra những dáng cây phù hợp. Chẳng hạn từ cây mai có dáng tự nhiên sẵn có là ‘’trực’’ hoặc dáng ‘’hoành’’... được uốn sửa theo đúng dáng thế mà họ thấy là phù hợp và dễ dàng nhất.

Các đề tài được khai thác ở cây mai đều nhằm vào việc đề cao các triết lý về Tam giáo là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Có khi là các đề tài xoay quanh cây mai thế về các lĩnh vực đạo đức, quan niệm sống cũng như ước vọng của gia chủ... Thông thường những đề tài được khai thác nhiều nhất từ việc uốn, ghép cây mai cảnh và các loại cây cảnh bonsai khác theo một chuẩn mực được định sẵn...

Dáng “Tam cương ngũ thường’’

Tam cương còn gọi là tam càn, có nghĩa là ba giềng mối lớn của đạo làm người của thuyết Nho giáo gồm: Quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu thê (vợ chồng). Còn ngũ thường là năm đạo làm người thời xưa gồm: Nhân (biết thương người), lễ (những nghi lễ trong giao tiếp), nghĩa (theo việc đúng đắn mà làm), trí (sự thông minh, khôn ngoan) và tín (giữ lời hứa, không gian dối). Người nào hội đủ được cả ‘’Tam cương ngũ thường’’ là người mẫu mực, đáng trọng vọng trong xã hội. Cây cảnh được uốn theo dáng “Tam cương ngũ thường’’ chính là mơng muốn của người chơi mai vậy.

Dáng Tam tài “Thiên, Địa, Nhân”

Chủ đề cây bonsai hướng đến ba ngôi thứ là Trời, Đất, Người. Trong ba ngôi thứ đó thì người thể hiện ở chính giữa, làm chủ muôn loài...

Dáng thế “Tam tòng tứ đức’’

Do câu ‘’Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử’’. Đó là tam tòng (con gái chưa xuất giá ở chung với cha mẹ, và vâng lời cha mẹ; khi lấy chồng thì phải theo chồng, và nghe lời chồng; nếu chồng chết thì ở vậy nuôi dạy con). Còn tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh (giỏi việc bếp núc và may vá thêu thùa chính là quan niệm xưa về công; giữ gìn nhan sắc luôn tươi đẹp là dung; rèn luyện lời ăn tiếng nói mềm mỏng, lễ phép là ngôn; có nết na, đạo hạnh, đoan chính là hạnh). Câu này cũng được hiểu là ‘’Hiếu - để - trung - tín’’... Cây mai uốn thế “Tam tòng tứ đức” chính là vậy.

Dáng “Nhất trụ kình thiên’’

Dáng cây hàm ý nói đến chí khí bất khuất của người anh hùng, đầu đội trời, chân đạp đất, hiên ngang đứng giữa trời đất, không luồn cúi, nịnh bợ ai, gặp việc phải, đúng là làm, dù biết hiểm nguy đang chờ đợi mình ở phía trước...

Dáng Tam đa “Phúc - Lộc - Thọ’’

Nói lên ước vọng của người chủ cây mai là mong gia đình, thân quyến luôn có được ba điều: đa Phúc là gặp nhiều việc tốt lành; đa Lộc là nhiều bổng lộc, giàu có; đa Thọ là mong muốn được sống đến trăm tuổi, sống thọ vĩnh hằng trên đời...

Dáng “Phụ tử và Mẫu tử’’

Chủ đề cây cảnh hướng theo tình cảm cha con, mẹ con, nhằm đề cao bổn phận thiêng liêng và tình yêu cao cả, rộng lớn của cha mẹ dành cho con cái...

Những điều cấm ky khi tạo dáng cây cảnh bonsai

Đề tài cây cảnh bonsai rất rộng, kể cả chủ đề xưa và nay, những nghệ nhân hoa kiểng ngày xưa khi sáng tác cũng gặp những lệ luật rất khắt khe chi phối từ nhiều phía như chính trị, tôn giáo, mỹ tục... nghĩa là cũng bị gò bó theo khuôn phép của nề nếp xã hội (chống Trời...), không được phạm thượng (tàn nhánh không nhiều, cây lùn vừa phải...). Chẳng hạn khi tạo dáng, thế cho cây, nghệ nhân không được cưa ngọn cây và cũng không dùng cây đã bị cụt ngọn. Không được cưa thân cây kiểng, dù là để tạo thân mới cho cây bằng cành nhánh sắp mọc của chính cây đó.

Cách tạo dáng thế

Thông thường muốn tạo ‘’thế’’ đẹp cho cây mai cảnh trước hết phải dựa theo dáng sẵn có của từng cây (cây mai) để từ đó nghĩ cách tạo ra các ‘’thế’’ phù hợp cho cây. Tất nhiên là phải quan sát từng phần để có cách uốn sửa.

Bộ rễ mai cảnh

Bộ rễ của cây mai gồm có một rễ cái khá dài, nhờ đó mà cắm sâu xuống đất để hút được nhiều chất bổ dưỡng nuôi thân, lá, đồng thời cũng giữ được thế đứng vững chắc cho cây trước phong ba bão táp. Mọc ra từ rễ cái là vô số rễ con, tất cả bộ rễ đó đều chôn vùi trong đất chậu. Thế nhưng với kiểng cổ, qua tài nghề của nghệ nhân, bộ rễ vẫn góp phần làm đẹp cho cây mai cảnh. Người ta tạo ra nét già nua hoặc tùy trường hợp mà có những hình tượng lạ khác từ bộ rễ.

Muốn được vậy phải có sự kỳ công và mất nhiều thời gian. Trước hết ta phải nắm vững hình dạng bộ rễ của từng cây mai, nhân cơ hội sang chậu; thay đất mới cho cây hằng năm. Chỉ những nhánh rễ phụ nằm gần tầng đất trên mặt mới được sử dụng vào việc tôn nét thẩm mỹ cho cây.

Chẳng hạn: chùm rễ phụ của cây mai được người ta đưa trồi lên khỏi mặt đất, bố trí cho nằm về các hướng khác nhau với thế uốn éo ngoằn ngoèo như những con rắn, vừa tạo được sự già nua cho cây lại vừa tạo được ấn tượng đối với người thưởng thức. Nếu gặp được gốc mai già đã có sẵn hình muông thú thì chọn ra những rễ con (cũng nằm ở tầng mặt) to khỏe xếp vào vị trí phù hợp để tạo chân thú sau này...

Sửa một bộ rễ cho định hình, nhiều khi phải chờ đến ba bốn năm, thậm chí lâu hơn mới thành công.

Gốc cây mai cảnh

Gốc của những cây mai già có khi suôn đuột, nhưng cũng có những hình thù khác lạ. Tùy theo hình thù của cây mai già mà kết hợp với việc uốn sửa các rễ con để tạo nên những hình tượng độc đáo như ‘’hổ phục’’, ‘’phượng vũ’’... Nếu là gốc thuộc dạng suôn đuột thì lão hóa thành những u nần, hốc lõm, hoặc đôi chỗ vỏ bị trầy xước, mốc meo... giống như lớp da nhăn nheo của người già...

Thân cây mai cảnh

Thân cây mai thường được chọn ở bên dưới to, trên nhỏ mới phù hợp. Theo luật xưa, phải dùng thân chủ, dù có cao cũng không được cưa cụt để tạo thân mới từ cành non của nó. Phải uốn thân từ lúc cây còn non vì lõi gỗ còn mềm dẻo dễ uốn. Mai vốn là cây mềm mại, ẻo lả nên thân cây không nên để suôn đuột, cũng không nên uốn sửa đến độ cong queo uốn lượn nhiều khúc như thân con rắn mất độ tự nhiên. Với cây mai nhiều năm tuổi (hoặc cây được lão hóa) cần phải có lớp vỏ sù sì, nhăn nheo, rồi những hốc lồi lõm mới gây được sự chú ý của người xem.

Nghệ thuật bố trí cành mai

Với mai cổ điển, cành còn được hiểu là tầng, là tay (chi). Theo luật uốn sửa cây kiểng ngày xưa thì số cành trên cây phải là số lẻ: 3 - 5 - 7... Nhưng kiểng xưa hầu hết người ta chỉ chọn từ 3 hoặc 5 cành trên mỗi cây. Các cành đều được phân bố hợp lý. Cành dưới gốc (phủ địa) phải đủ cao (bằng 1/3 chiều cao của thân cây), các cành phía trên được uốn sửa cho phân bố với khoảng cách tạo được độ thông thoáng.

Vị trí của cành thường có nhiều dạng như: Chiết chi nhị diện (hai cành mọc đối xứng với nhau), chiết chi tứ diện (bốn cành mọc theo bốn hướng khác nhau theo hình xoắn ốc). Trong việc uốn sửa cành, nhiều trường hợp cành không nằm đúng vị trí mong muốn, ta phải dùng cách uốn ‘’tế thân’’ (tế: che lấp), tức uốn cành vòng qua thân cây để chuyển về hướng khác.

Sửa tán lá cho cây

Cây mai có tán lá xanh tươi, bóng mướt mới được đánh giá là đẹp. Thế nhưng, tán lá không được đè lên nhau, che khuất nhau tạo sự rậm rạp làm lu mờ đường nét đặc thù của cây.

Người xưa không am tường đến kỹ thuật ghép, giâm cành, chiết cành như cách nhân giống, lai giống ‘’mai giảo’’ của chúng ta ngày nay. Đã thế, họ cũng không có những dụng cụ chuyên dùng để trợ lực cho việc uốn sửa này như các loại kềm kéo để cắt rễ, cắt cành, như kẹp chuyên dụng để uốn cành và thân cứng, như dây kẽm, dây nhôm để uốn cành... Thế nhưng, họ cũng có phương pháp riêng và tận dụng những dụng cụ sẵn có như cây, ván, dây thừng qua các cách treo, neo, nêm chống chỏi. (theo “Tản mạn về dáng mai xuân”, từ web: baomoi.com, ngày 02.09.2008).

Hoa mai biểu tượng cho cái đẹp thanh nhã.

Hoa mai cũng được các văn nhân thi sĩ dùng làm cảm hứng để diễn tả nét đài trang, thanh nhã của những người phụ nữ đẹp qua các thời đại tân cổ. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du tả về sắc đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thuý Vân:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần.

Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Cây mai biểu tượng cho hành trình “đau khổ” đến “vinh quang”.

Có một cây mai xanh tươi cành lá. Ngày tháng dần trôi qua. Rễ mai len lõi trong đất hút nhựa chuyển trao cho từng cành, từng lá nuôi sống bổ dưỡng. Càng ngày mai càng lớn nhanh xanh tốt.

Cây mai luôn nghĩ là mình sẽ mãi mãi xanh tươi tốt đẹp với đất trời, với những cây cối chung quanh, dù năm tháng, dù từng mùa xuân hạ thu đông tiếp nối trôi qua.

Bỗng nhiên một hôm có mấy người đến nhẫn tâm vặt trụi lá xanh trên cành. Cây mai đau đớn ứa máu khóc than. Dù mai có gào la, có rên rỉ nhưng người ta vẫn cứ vặt trụi hết lá xanh trên cây. Giờ đây mai chỉ còn trơ trụi gốc cành như một cây khô. Mai buồn và khóc cho số phận hẩm hiu của mình.

Một tháng sau, chị mùa xuân ấm áp tươi trẻ, đến thay chỗ cho bà già mùa đông lạnh giá hay cau có. Cây mai khẳng khiu giờ bừng dậy sức sống mới với những lá non tươi mơn mởn, với những chồi nụ xinh xinh với những hoa vàng rực rỡ khoe sắc thắm. Mọi người, mọi vật, mọi cây cối chung quanh nhìn ngắm mai nõn nà lá non, hoa vàng và hết lời trầm trồ khen ngợi.

Cây mai bây giờ mới cảm thấy dâng đầy hãnh diện và tràn trề hạnh phúc. Cây mai cảm nhận được hành trình “phải qua đau khổ mới đạt đến vinh quang!”, phải chịu đau đớn khi trụi lá mới có được những bông hoa tuyệt vời, góp phần cho mùa xuân đẹp hơn, lung linh hơn, ấm áp hơn, hạnh phúc hơn.

Cây mai trụi lá để mang đến cho đời những bông hoa tươi đẹp. Một triết lý nhân sinh giản đơn mà sâu xa. Bên trong cành mai mùa đông, sức sống mãnh liệt của mùa xuân vẫn tiềm ẩn. Bên dưới lớp đất chỗ gốc mai mọc lên, nguồn mạch sự sống vẫn tràn đầy, sung mãn. Mạch nước ngọt ngào bổ dưỡng luân chuyển qua đây. Rễ cội mai hút chất bổ duỡng biến thành dòng nhựa dự trữ trong thân và lưu dẫn tới các cành trao tặng sức sống. Trong sức sống ấy, những chồi non, những lá mướt, những nụ, những hoa tiềm ẩn, chờ tới một ngày vũ trụ định trước, làm nẻ lớp vỏ cây khô, vươn ra chào đón nắng vàng gió mát. Ngày ấy là mùa Xuân. Cây mai kia chỉ là một hình ảnh. Vũ trụ còn bao nhiêu bí mật kì diệu và đáng yêu khác. Những bí mật ấy, hầu như được tỏ lộ rất nhiều trong mùa Xuân. Sự luân chuyển của bốn mùa là một bí mật kì diệu. Đời người trải qua biết bao nhiêu mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng rất ít khi người ta suy nghĩ về nó. Những điều kì diệu, những phép lạ của cuộc đời xảy ra quá nhiều khiến cho người ta không còn cho đó là kì diệu, lạ lùng nữa, nó đã trở thành một chuyện tự nhiên. Thật ra không phải tự nhiên mà có mùa Xuân, cũng như không phải tự nhiên mà có những mùa khác trong năm. Sự vận hành kì diệu của trái đất, mặt trời và thái dương hệ theo chu kì kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu, nhiệt độ, khung cảnh không gian, điều kiện dinh dưỡng và phát triển vạn vật... mới tạo nên các mùa trong năm. Sự luân chuyển bốn mùa trong năm khiến cho mùa Xuân theo đúng chu kì mới trở lại.

Đời người cũng có mùa Xuân. Tuổi trẻ với niềm vui tươi thắm, sức sống dạt dào, khối óc và trái tim mở ra với muôn tình ý cao đẹp. Đó chính là mùa Xuân của cuộc đời.

Để giữ mãi mùa Xuân cuộc đời cần hướng lòng về Thiên Chúa. Ngài tạo dựng mùa Xuân đất trời cũng như mùa Xuân cuộc đời. Ngài làm cho tuổi thanh xuân con người hân hoan. Ngài cũng chính là mùa Xuân miên viễn. Hướng lòng về Ngài để nhận ánh sáng ấm áp, giữ cho mùa Xuân cuộc đời nở tươi mãi mãi.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mèo
Trầm Tĩnh Nguyện
14:21 01/02/2011
MÈO

Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện (Việt Nam )

Con Mèo mà trèo cây cau

Đầu năm mới đến, hỏi đâu là nhà?

Nhà ư? Ở tại lòng ta.

(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúc Tết - Happy Tet
Nguyễn Đức Cung
21:53 01/02/2011
CHÚC TẾT - HAPPY TET !

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Bên thềm năm mới Gia Đình Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền và Làng Văn Hữu Dũng Lạc Trang trọng:

Kính Chúc Qui Vị và Gia Quyến Một Năm Tân Mão An Khang, Thịnh Vượng, Hạnh Phúc và Muôn Vạn Sự Như Ý.

Cầu Chúc quê hương Việt Nam được Tự Do, Ấm No, Thịnh Cường.

Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền