Ngày 02-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vũ Điệu Mất Đầu! Mark 6:14-29
Nguyễn Trung Tây
02:01 02/02/2023
□ Nguyễn Trung Tây,
Vũ Điệu Mất Đầu! Mark 6:14-29


Hoàng tử Philip, một trong những người con trai của vua Hêrô cưới Herodias làm vợ, nhưng rất tiếc Herodias ly dị chồng, sau cùng lại trở thành vợ của Antipas, em trai của hoàng tử Philip.

John Tiền Hô quyết liệt phản đối cuộc hôn nhân giữa vua Antipas và người chị dâu. Rất nhiều lần, ngôn sứ sa mạc công khai mở miệng lên án hoàng gia Herod Antipas.

Hôm đó, sinh nhật vua Herod Antipas. Trước mặt nhiều người vọng tộc và giới quyền quý, con gái Herodias biểu diễn một vũ điệu đẹp quyến rũ mê hồn đến nỗi nhà vua trở nên ngớ ngẩn đến nỗi mở miệng tuyên bố bất cứ điều gì cô muốn, ngay cả một nửa vương quốc, nhà vua cũng sẽ trao tặng. Cô gái hỏi ý kiến mẹ cô, Herodias.

Giây phút đen tối cho ngôn sứ sa mạc kéo tới.

Giây phút mơ ước cho hoàng hậu Herodias trở thành hiện thực.

Herodias chỉ ngón tay về nhà ngục, nơi ngôn sứ sa mạc bị giam cầm.

Ngay lập tức, lệnh tử hình được thi hành trong ngục. Chỉ trong thoáng chốc, đầu của ngôn sứ John được đặt trên đĩa, và mang tới để nhà vua trao cho con gái Herodias.

Và cô gái mang đĩa đựng đầu người trao tặng mẹ mình.

Suy Niệm
Không dễ để lên tiếng về hành động sai lầm của những đấng bậc, bề trên. Đơn giản lắm, bởi cá nhân ngại hoặc sợ hành động này có thể khiến họ mất đi một cơ hội thăng quan tiến chức, hoặc giả sử hành động can đảm này có thể chấm hết một đời sống.

Ngôn sứ sa mạc Gioan Tiền Hô thì không ngại không sợ. Ngài đã từng lựa chọn không ngậm miệng, không yên lặng, nhưng cất giọng lên tiếng.
(Trích Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta)
 
Ngày 03/02: Sự yếu đuối của bản thân – Lm. Phêrô Nguyễn Doãn Khôi, MSC.
Giáo Hội Năm Châu
03:19 02/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.”Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!”

Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Đó là lời Chúa
 
Ánh sáng Chúa chứa tòan T
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:25 02/02/2023

ÁNH SÁNG CHÚA CHỨA TOÀN “T”

Lễ hôm nay còn gọi là Lễ Nến vì Chúa Giêsu chiếu sáng lung linh trong Đền Thờ và trong cuộc đời mỗi người, ánh sáng toàn “T”.

1. Lời Chúa chiếu sáng 3T trong Đền Thờ: Thanh tẩy, Tiến dâng, Thờ phượng.

THANH TẨY: Làm cho tâm hồn lòng dạ mình được sạch đẹp hơn, vào đền thờ cứ như vào thẩm mỹ viện vậy.

TIẾN DÂNG: Lễ vật diễn tả tấm lòng quảng đại, gói gém trọn vẹn yêu thương. Quà là như thế.

THỜ PHƯỢNG: Cả ông Simêôn và bà Anna lại gần ẵm lấy Chúa, rồi cất lời cảm tạ, ngợi khen Chúa. Thờ phượng nói lên sự cung kính, lòng hân hoan đến độ nếu có chết cũng toại nguyện rồi.

2. Lời Chúa chiếu sáng 3T nơi con người: Thân, Trí, Tâm “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”

THÂN: Chúa đã làm người nên cũng cần một thân xác lớn lên, khỏe mạnh to cao.

TRÍ: Sức khỏe con người không chỉ là sức khỏe cơ bắp, mà là tài sức của trí tuệ khôn ngoan.

TÂM: Để phát triển toàn diện, để vươn tới tầm cao của phẩm giá con người thì rất cần “Tâm”: Tâm hồn, tâm lòng, tâm linh đầy ân nghĩa cùng Chúa.

Xin cho ánh sáng 3T chiếu tỏa trong Đền Thờ và trong đời mỗi người. Amen.
 
Tôi phải là muối, là ánh sáng cho đời như thế nào?
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:57 02/02/2023
Tôi phải là muối, là ánh sáng cho đời như thế nào?

(Suy niệm Chúa nhật V thường niên A)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay xuyên suốt 3 bài đọc có sợi chỉ đỏ là trở nên ánh sáng, là muối bằng những công việc cụ thể. Đây là điều Thiên Chúa mong muốn và phù hợp với giáo lý của Đức Giê-su mời gọi trong Tin mừng: Hãy là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian. Là muối - là ánh sáng là như thế nào nơi đời sống ki-tô của tôi? Tại sao tôi là người mà lại phải trở nên là muối, là ánh sáng? Phải chăng Chúa mời gọi tôi phải trở nên giống bản chất của muối, bản chất của ánh sáng? Bản chất của muối, của ánh sáng là gì mà chúng ta được mời gọi trở nên giống nó? Chắc chắn nó có lợi ích rất lớn cho đời sống thường ngày của mỗi chúng ta nên Chúa Giê-su mới sử dụng biện pháp ‘so sánh’ để mời gọi mỗi người sống đời sống là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian. Đây là khí cụ mà Đức Giê-su muốn con người sử dụng để loan báo Tin mừng bằng những hành động cử chỉ một cách cụ thể. Vậy,

Tại sao lại trở nên giống muối, giống ánh sáng?

Là muối?

“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”

Quả thật, từ ngàn xưa, muối là chất liệu không thể thiếu cho đời sống con người. Muối rất quí cho người tiền sử: một kí muối bằng một kí vàng. Lương bổng được trả bằng muối (sal-ary). Sal là tiếng Latin cho muối. Thuế có thể trả bằng muối (1 Mc 10:29, 11:35). Một vài công dụng căn bản của muối: thứ nhất, muối ướp để giữ cho đồ ăn khỏi hư: dưa cải, kim chi, bò khô, nai khô, cá khô…thứ đến, muối cho hương vị: đồ ăn ngon đến đâu mà không có muối, cũng trở thành nhạt nhẽo, vô vị. Thứ ba, muối làm chảy tan đá: Rảy muối trước cửa nhà và các lối đi để ngăn ngừa khỏi đóng đá. Thứ tư, muối khử vi trùng nơi các vết thương ngoài da, trị ong cắn, ngăn ngừa khoai tây và táo khỏi đổi màu. Thứ năm, muối thử trứng hư: bỏ trứng vào nước muối, quả nào tươi sẽ chìm xuống, quả nào hư sẽ nổi lên. Thứ sáu, muối cần cho con người, các động vật và thực vật: săn thú vật nơi có các thác mặn, bỏ muối dưới gốc cây cho sinh trái ngọt và chữa bệnh. Thiếu muối hay không có muối, mọi vật sẽ chết hay bệnh tật (1 Kgs 2:20-21). Thứ bảy, muối cũng dùng để tiêu diệt sự sống (quá nhiều muối): Trong chiến tranh, sau khi tàn phá thành phố, họ rắc muối để tiêu diệt sự sống (Jdg 9:45, Carthage). Mặt khác, trong Kinh Thánh, hình ảnh của muối tượng trưng cho những điều sau: thứ nhất, muối tượng trưng cho sự không thay đổi, không hư nát, và trong sạch. Sách Lêvi 2,13 truyền phải bỏ muối vào các lễ vật ngũ cốc để tượng trưng cho giao ước của Thiên Chúa (x/c Num 18:19). Giao ước của Thiên Chúa được gọi là giao ước muối (2 Chr 13:5). Làm phép nước phải cho chút muối vào. Thứ đến, muối tượng trưng cho sự thật, Lời Chúa (Cl 4,6). Thứ ba, muối là hình ảnh của tình yêu, bình an (Mk 9,50). (xem https://loi-nhap-the.com/wp-content/LCHN/Chúa nhật V thường niên A).

Như vậy, là ki-tô hữu, chúng ta phải trở nên muối cho trần gian khi biết sống đúng với bản chất Ki-tô hữu. Đó là sống và thực hành luật của Chúa dạy. Luật của Chúa là luật yêu thương, bác ái và hy sinh phục vụ. Luật của Chúa là sống hân hoan dẫu có đau khổ, vui vẻ dâng hiến thì sẽ được Thiên Chúa thương yêu. Càng yêu thương, càng làm việc bác ái từ thiện, càng xót thương người, nhất là những hoàn cảnh khó khăn, bệnh hoạn tật nguyền, chúng ta càng xứng đáng là muối, là men cho đời cho người hơn, càng xứng đáng là con cái của Thiên Chúa, là những thành viên thuộc gia đình Đức Giê-su. “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12, 50). Mỗi ki-tô hữu là Muối cho đời khi chúng ta biết trở thành ‘chất muối’ để bảo quản đức tin tinh tuyền, giáo lý vững chắc, tình yêu cứu độ của Đức Giê-su nơi lòng đời và lòng người. Chúng ta hãy trở nên ‘chất muối’ để ướp mặn thế giới: hận thù ghen ghét thành bác ái yêu thương, lòng người tham lam ích kỷ thành quảng đại bao dung, xã hội loại trừ chia cắt thành nối kết và hiệp hành, con người khô khan nguội lạnh thành người đầy ắp tình thương và tình mến đối với Chúa và tha nhân.

Là Ánh sáng?

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.” (Mt 5, 14-15).

Ánh sáng và lửa rất gần nhau, ánh sáng cực mạnh sẽ trở thành lửa; vì thế những công dụng của lửa cũng có thể áp dụng cho ánh sáng. Thứ nhất, ánh sáng để soi sáng và đẩy lui bóng tối: Chúa Giêsu là ánh sáng của thế gian. Ngài đến để soi sáng thế gian, nhưng thế gian muốn nuốt chửng ánh sáng mà không được. Thứ đến, ánh sáng để nấu nướng: Làm sao con người sống nếu không có lửa để nấu ăn! Thứ ba, ánh sáng ban sự sống: Mọi vật đều cần ánh sáng mặt trời, không có ánh sáng sẽ không có sự sống. Chúa Giêsu tự xưng mình là “ánh sáng ban sự sống.” Ngài vừa là ánh sáng vừa là sự sống, không có Ngài, con người chẳng có ánh sáng mà cũng chẳng có sự sống (Ga 1, 4). Thứ tư, ánh sáng để sưởi ấm: Ánh sáng mặt trời sưởi ấm trái đất; nếu không có ánh sáng mặt trời, trái đất sẽ chết vì lạnh. Bên các sa mạc của Do-thái, ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng chính. Thứ năm, ánh sáng để chữa bệnh: tia laser dùng để giải phẫu, những tia sáng cực mạnh dùng để đốt cháy các tế bào chết…Thứ sáu, ánh sáng để tiêu hủy: bom nguyên tử dùng tốc độ ánh sáng để tạo năng lượng thật lớn để phá hủy. Ngôn sứ Gioel ví Ngày của Đấng Thiên Sai đến như một hỏa lò: vừa có sức thiêu hủy những kẻ kiêu ngạo và gian ác, vừa có sức chữa lành bệnh cho người công chính. (xem https://loi-nhap-the.com/wp-content/LCHN/Chúa nhật V thường niên A).

Vì vậy, là ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng cho trần gian, khi chúng ta toả sáng cho mọi người bằng những việc làm tốt đẹp, quý giá và yêu thương. Trở nên gương sáng hay ‘hữu xã tự nhiên hương’ cho tất cả mọi người xung quanh bằng toàn thể con người, nơi lời ăn tiếng nói, nơi hành vi cử chỉ, nơi cách đi đứng, …của người Ki-tô hữu. "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau, (Ga 13,35). Dấu chỉ yêu thương và tha thứ sẽ là ánh sáng toả lan cho mọi người sống gần bên chúng ta nơi chợ búa, nơi trường học, nơi công xưởng, nơi đồng ruộng. Về điểm này, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta như sau:“Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.”(Ep 5, 8-9); (1 Tx 5,5-6) và (1Pr 2,11-12).

Bên cạnh đó, để trở nên muối cho đời và ánh sáng cho muôn dân đúng cách, tác giả Bài đọc I đã hướng dẫn ki-tô hữu chúng ta phần nào sau đây: “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”(Is 58,7). Lời nói và hành động bác ái nên một với nhau sẽ ‘là muối và là ánh sáng’ nơi đời sống chúng ta cho mọi người cách hiệu quả hơn hết.

Tuy nhiên, là muối và là ánh sáng, ki-tô hữu chỉ là dụng cụ, là khí cụ, là phương tiện,…Thiên Chúa dùng. Chính Thiên Chúa mới là tác nhân chính để giúp ích và thánh hoá vai trò là ‘muối’ và là ‘ánh sáng’ nơi đời sống ki-tô hữu trong mọi môi trường, mọi nơi và mọi lúc.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Tương tác với lương tâm!
Lm. Minh Anh
16:01 02/02/2023

TƯƠNG TÁC VỚI LƯƠNG TÂM
“Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”.

James Packer nói, “Ân sủng là gì? Ân sủng là việc Thiên Chúa lôi kéo một tội nhân ngày càng đến gần Ngài hơn. Bằng cách nào Thiên Chúa làm điều đó? Không phải bằng cách che chở chúng ta khỏi sự tấn công của thế gian, xác thịt và ma quỷ; giúp thoát khỏi hoàn cảnh nặng nề và bực bội; khỏi những rắc rối do tính khí và tâm lý của bản thân… nhưng đúng hơn, là phơi bày con người chúng ta trước tất cả những điều này, khiến bạn và tôi cảm thấy mình kém cỏi để bám chặt vào Ngài hơn. Tắt một lời, giúp chúng ta có khả năng ‘tương tác với lương tâm!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hêrôđê trong Tin Mừng hôm nay là một người không có khả năng ‘tương tác với lương tâm!’. Không chỉ không tương tác, ông chống lại lương tâm; và rốt cuộc, đánh mất ân sủng!

Trước hết, bản án của lương tâm luôn tự lên tiếng! Tội giết chết Gioan của Hêrôđê phóng chiếu vào hiện tại như một ký ức đầy ám ảnh; ông đại diện cho những ai từ chối Thiên Chúa! Và cho dù, họ là những người quyền lực, giàu có, thông minh hoặc sở hữu những khả năng tuyệt vời khác… nhưng cuối cùng, họ là những con người bất an nhất trần gian. Bởi lẽ, khi một điều thiện xuất hiện trong cuộc sống họ, họ cảm thấy bị đe doạ và lên án bởi nó; và với nó, họ cảm thấy thù nghịch. Tất cả những điều này chỉ là sự phản ánh trạng thái tâm hồn của họ trước Thiên Chúa. Vậy mà, đó là những khoảnh khắc ân sủng, khoảnh khắc của lương tâm, vốn đang gióng tiếng Thiên Chúa muốn nói mà họ đang chống lại. Trước ‘những Hêrôđê’ của thế gian này, chúng ta không thể làm gì; và như Chúa Kitô, như Gioan Tẩy Giả, chúng ta chỉ có thể im lặng và cầu nguyện cho họ, may ra họ hoán cải để có thể ‘tương tác với lương tâm’, với ân sủng!

“Nghe Gioan nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe”. Trong cuộc sống, kể cả cuộc sống của kẻ ác, điều thiện được ban đủ cho họ để họ được rỗi; Chúa cũng ban cho họ đủ chân lý cứu rỗi trong phạm vi tự do của họ. Thế nhưng, ân sủng chỉ tồn tại trong một thời gian. Những khoảnh khắc này không được coi là khoảnh khắc tạm thời xoa dịu lương tâm, chỉ để cho phép chúng ta tiếp tục phạm tội và chống lại việc sống một cuộc sống nên thánh, nhưng là cơ hội cho bạn và tôi hoán cải. Hêrôđê kính sợ Gioan, cảm nhận sức hấp dẫn và thánh thiện trong lời Gioan, nhưng ông không làm gì để đáp lại. Ân sủng đến rồi đi, và có thể không bao giờ trở lại. Bạn không thể đùa giỡn với Chúa để giành chiến thắng. Hêrôđê đã thua cuộc vì chống lại ân sủng, chống lại những gì ông biết ông nên yêu mến và làm theo. Bi kịch này dạy chúng ta đừng bao giờ giam cầm tiếng lương tâm; ngược lại, sử dụng tự do của mình để ‘tương tác với lương tâm’ đang lôi kéo chúng ta lại gần Ngài.

Anh Chị em,

“Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu”. Vinh dự cuối cùng mà Chúa Kitô có thể ban cho một môn đệ trung thành như Gioan, người đứng vững trong sự thật để chống lại những khiêu khích vặn vẹo của sự dữ quanh mình, là - theo một nghĩa nào đó - tham gia “trọn vẹn” vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài, “Gioan, trẫm đã chặt đầu”. Điều mà Gioan đã bắt đầu như một chứng từ kêu gọi người khác hoán cải, giờ đây được kết thúc bằng cái chết; đúng hơn, bằng một chứng từ về niềm hy vọng mà những người được chúc phúc có được trong Chúa Kitô. Ước gì bạn và tôi, chấp nhận con đường trung thành với Chúa; đón nhận những bất trắc, để ‘tương tác với lương tâm’ cho dù “được sửa phạt đôi chút” hầu xứng đáng với niềm hy vọng “đầy sự bất tử!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu phải hy sinh, đau khổ, chớ gì cuộc sống con vẫn luôn nở tươi với những cánh hoa bất tử; để được vậy, cho con biết luôn ‘tương tác với lương tâm’, hầu hoán cải để được lại ân sủng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:02 02/02/2023

19. Hết lòng yêu mến Thiên Chúa chính là: tâm hồn của con yêu mến Thiên Chúa phải vượt qua tất cả tạo vật, đối với Thiên Chúa thì phải vượt qua mọi vinh hoa, địa vị của thế tục, thậm chí cả cha mẹ. Nếu con không ở trong Thiên Chúa, hoặc không vì Thiên Chúa mà yêu người yêu tạo vật, thì con cũng không hết lòng yêu mến Thiên Chúa.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 02/02/2023
52. VẼ MA QUỶ DỄ NHẤT

Có một người đem tặng Tề vương một bức họa, Tề vương hỏi anh ta:

- “Vẽ gì khó nhất?”

Người ấy trả lời:

- “Ngựa và chó.”

Tề vương lại hỏi:

- “Thứ gì dễ vẽ nhất?”.

Người ấy trả lời:

- “Vẽ ma quỷ”.

Tề vương nói:

- “Tại sao?”

Nhà họa sĩ nói:

- “Chó và ngựa thì ai cũng biết, ngày nào cũng thấy, cho nên vẽ hơi không giống một chút thì mọi người ai cũng có thể nhìn ra là không giống; nhưng ma quỷ là thứ vô hình, không ai thấy cả, cho nên rất dễ vẽ.”

(Hàn Phi tử)

Suy tư 52:

Ma quỷ thì không ai thấy được, nhưng việc làm của nó thì ai cũng thấy được, chúng ta gọi đó là: con quỷ giận hồn, con quỷ tham lam, con quỷ lười biếng, con quỷ ghen tuông, con quỷ dâm dục, con quỷ kiêu căng.v.v... và khi một người phụ nữ nào mà giận dữ đánh chồng, chửi bới hàng xóm thì người ta gọi là con quỷ cái !

Đức Chúa Giê-su đã nhiều lần chữa bệnh, đuổi quỷ giúp mọi người; các tông đồ cũng có quyền chữa bệnh, đuổi quỷ; nhưng cũng có trường hợp gặp “quỷ cái” quá dữ tợn thì đành phải bó tay cầu cứu với Đức Chúa Giê-su, Ngài đã giải thích và trình bày phương pháp trừ loại quỷ này, Ngài nói: “Tại anh em kém lòng tin ! Thầy bảo thật anh em, nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này “ rời khỏi đây, qua bên kia !” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”. Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện ( Mt 17, 20- 21)

Vẽ ma quỷ thì rất dễ, vì không ai thấy hình dáng nó ra sao cả, nhưng đuổi ma qủy thì lại khó, bởi vì ít người muốn ăn chay hãm mình, ít người muốn cầu nguyện và hy sinh, ít người muốn thành tâm xưng tội và đón nhận bí tích Thánh Thể.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống Thánh thiện
Lm Vũđình Tường
18:57 02/02/2023
Người ta lấy muối từ nước biển bằng cách dùng gió và ánh nắng mặt trời làm nước bay hơi. Phần còn lại là muối. Muối đến từ nước biển, ánh nắng đến từ trên cao. Cao và thấp kết hợp con người có muối ăn. Muối dưới thấp cần ánh nắng, trong khi ánh nắng trên cao tự lập, không cần muối. Muối và ánh sáng trong dụ ngôn hôm nay chính là muối và ánh sáng cá nhân Kitô hữu. Cơ thể con người cần muối và ánh sáng, không có muối và ánh sáng không có sự sống. Đời sống tâm linh cũng cần muối và ánh sáng Đức Kitô để sống.

Kitô hữu trở nên và sống đời sống thánh thiện nhờ vào muối và ánh sáng Đức Kitô. Muối và ánh sáng thánh thiện này tồn tại trong ta bao lâu ta còn liên kết với Chúa. Liên kết với Đức Kitô qua siêng năng cầu nguyện, và năng lãnh nhận bí tích thánh. Cầu nguyện chính là mở tâm hồn đón nhận ân sủng Chúa. Kitô hữu siêng năng dâng lời cảm tạ mỗi ngày cảm thấy đời sống vui hơn, nhiều í nghĩa hơn. Dâng lời cảm tạ chính là biểu tỏ tấm lòng, tâm tình cảm mến ta dành riêng cho Chúa. Cầu nguyện có thể do chính ta tự cầu, và cũng có thể do người thân cầu thay. Nhận ơn thánh Chúa ban giúp ta liên kết với Chúa để tiếp tục nhận sức sống Chúa cho tâm hồn.

Muối giữ thực phẩm tươi, tăng thêm mùi vị; ân sủng Chúa ướp đời ta, giúp con tim ta trong sáng. Nhận muối và ánh sáng Đức kitô không phải cho riêng mình, mà cần chia sẻ muối và ánh sáng đó cho tha nhân bằng việc sống thực hành việc lành, gương sáng. Nhờ vào hành động tốt lành đó mà người chưa nhận biết Đức Kitô nhận ra Ngài và tin theo. Như thế muối và ánh sáng cá nhân làm công việc loan báo Tin Mừng. Đức Kitô mời gọi ta cộng tác vào công việc rao giảng Tin Mừng của Ngài. Lời kêu gọi rao giảng này kéo dài trọn đời người. Rao giảng Tin Mừng không thiếu chống đối bởi Tin Mừng luôn kèm theo sức thanh tẩy, cảm hoá. Chính thanh tẩy, cảm hoá tạo ra phản ứng chống thay đổi. Chống đối trở nên mãnh liệt, tàn khốc khi chính quyền lãnh đạo địa phương hùa theo. Đã không tin theo, mà còn chỉ trích, chống lại Tin Mừng.

Thiên Chúa là ánh sáng cho trần gian. Nơi Ngài không hề vương vấn vẩn đục. Vì thế khi Kitô hữu nhận ánh sáng Chúa; Kitô hữu nhận sự sống, nhận ơn thanh tẩy, làm cho con tim bừng sáng trong Chúa. Ánh sáng Chúa ban mang lại bình an, hy vọng và sức sống mới. Trong khi bóng tối gắn liền với thần chết, lo âu, sợ sệt. Kitô hữu trở thành ánh sáng cho trần gian bởi ánh sáng đến từ Đức Kitô. Vì thế ánh sáng kitô hữu chiếu dọi trần gian chính là ánh sáng Chúa trong người đó chiếu dọi, soi sáng trần gian.

Muối và ánh sáng trong Phúc Âm hôm nay bắt đầu là muối ăn hàng ngày, là ánh sáng thường ngày. Đức kitô dùng hình ảnh đó để nói về muối và ánh sáng tâm linh, giúp soi sáng tâm hồn, ướp con tim Kitô hữu. Khi con tim được ánh sáng Chúa soi sáng, con tim đó trong sáng, biết cảm thông, yêu thương đồng loại. Trái lại, con tim từ chối ánh sáng Chúa ban, con tim đó sống trong bóng tối. Con tim đó bị bóng tối phủ kín, vây quanh. Bóng tối che kín điều tốt lành đến độ con tim đó không còn phân biệt giữa lành, dữ, giữa thiện, ác. Con tim đó chỉ biết hành động theo tham vọng cá nhân. Tham vọng cá nhân chung vai với gian tham, lừa dối, xảo quyệt; không nhân nhượng bất cứ thứ gì cản ngăn bước chân nó. Nó sẵn sàng chém, giết, gây tang thương, đổ vỡ.

Tương tự như mặt trăng nhận ánh sáng mặt trời. Kitô hữu nhận ánh sáng từ Đức Kitô. Ánh sáng mặt trời không hề tắt. Anh sáng Đức Kitô luôn bừng cháy, không hề tắt, cũng chẳng thể che đậy. Không gì có thể che khuất ánh mặt trời. Anh sáng Đức Kitô bao trùm toàn thể vũ trụ, không gì có thể che phủ, ngăn cản.

Chúng ta xin ánh sáng Chúa luôn bừng cháy trong ta để ta xứng đáng là môn đệ trung tín của Đức Kitô.

TiengChuong.org

Personal Holiness

To extract salt from seawater, wind, and sunlight make water evaporate and what remains is salt. Salt comes from the ocean, from below; and light comes from the sky, from above. Salt needs light for evaporation while light doesn't need salt. Salt and light are personalized in today's message. Our physical body needs salt and light daily. They are necessary for living because without them there is no life. In the same way, our spiritual life needs God's love and grace. We are made holy through God's grace. It remains in us as long as we connect to God through prayers. It is either our own prayers or others who pray for us. When we pray, or receive the sacraments of the Church, we open ourselves to receive God's love and grace. We are grateful for these redeeming gifts and thank God for his goodness. Because the gift of holiness is given, we need to treasure it by means of staying connected to God. This connectedness serves as the 'salt' that flows God's love and grace into our hearts, and which will preserve our heart and season it. This source of holiness in today's Gospel reading is symbolized as a personal salt and light for the world. We are called not to remain salt and light for our own enjoyment, but to share the salt and light with others. Salt has its own values; but is inactive when it remains alone. Mixing salt with food, the saltiness preserves the food, and as well as season it. Jesus alone can redeem the entire world, and yet He allows his followers to take part in his universal mission. As a true follower of Christ, one needs to maintain personal holiness, and at the same time share it with others. It is either at home, at work, or at a marketplace. The purpose of this sharing is to make others give glory to God. God's name is glorified when we do something good in God's Holy Name. The sharing of saltiness and lightness with the world is a lifelong mission of every Christian. The life-long mission does not always run smoothly, but from time to time, tensions arise because there is a fear of losing control of their position. This would affect their power and income; especially when cultures are deeply rooted in human superstition which is in conflict with the Christian faith. Persecution of Christians happens when the conflict is linked to politicians who reject Christian values.

God is the true Light and in Him, there is no darkness. When we receive the Light of God; we will be more like Christ, because the light of Christ will purify and dispel the darkness in us. Light is associated with goodness, happiness, and joy; while darkness and fear go hand in hand. Light brings hope and comfort. Christians become light for the world when they connect their lives to Christ. When Christians show light to the world it is not their own light, but the light of Christ in them shown.

Without Jesus, Christians have no light. Like the moon receives light from the sun, we; Christians receive light from Christ. Darkness in today's Gospel is not the darkness of our physical eyes, but rather it is the darkness buried deep in one's heart. When a heart is darkened, it covers the goodness in that person and the person is unable to make the difference between good and evil. The vision of life is limited and darkened by one's own ambition and that is the cause of all evil. Like the sun's brightness, the light of Christ can't be extinguished, covered, or hidden. It burns brightly and never runs out. Light comes from above, from the sky; nothing can cover it because it is too large to cover.

We pray God's light is burning brightly in our hearts and that made us true disciples of Jesus.
 
Muối Mặn Đèn Sáng - Matt 5:13-16
Nguyễn Trung Tây
19:25 02/02/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Muối Mặn Đèn Sáng - Matt 5:13-16


Bàn ăn trong tiệm và tại tư gia ngoài khăn trải, thông thường ngay chính giữa còn xuất hiện hai lọ, một tiêu một muối. Khách ngồi vào bàn, tùy khẩu vị, có người nếm thức ăn xong, đưa tay với lấy lọ muối, rắc muối trắng vào chén của mình. Người ăn mặn, rắc nhiều muối hơn. Thử tưởng tượng, không có muối, tô Phở thơm mùi hồi trong tiệm ăn hoặc tô canh “đầu tôm nấu với ruột bầu” tại tư gia sẽ nhạt nhẽo biết bao. Khi đó, khách sẽ ngó ngang ngó ngửa tìm kiếm lọ muối (nếu không thấy trên bàn). Nếu ông chủ hoặc chủ nhà vô tình không để ý, cuối cùng, khách lịch sự hỏi xin người chạy bàn hoặc chủ gia lọ muối, bởi thức ăn…hơi nhạt! Nếu kiếm không ra muối (trường hợp thật xấu), khách coi như buồn tựa bún thiu. Bởi thật thà nhận xét, thức ăn mà không đủ vị mặn thích hợp với khẩu vị của người khách, thì thật là ôi thôi, “đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi” (Nguyễn Du).

Thử tưởng tượng, không muối ướp, thịt heo, thịt bò, hoặc thịt nướng BBQ sẽ vô duyên biết bao. Nếu không muối, mùi mỡ thơm của thịt nướng vẫn không lấn át, không “lừa gạt”, và không chiến thắng được vị nhạt phèo phèo của miếng thịt khi nhai. Nếu được mời tới tư gia, ăn miếng thịt nhạt muối, khách sẽ đoán già đoán non, chắc chủ gia dạo này có tí tuổi, hơi đãng trí, quên không ướp muối miếng thịt BBQ. Mà nếu quán ăn bày món thịt chiên, nhưng quên không ướp muối. Ui chu choa! Đời vất vả! Khách sẽ không ghé vào quán ăn nữa. Chưa hết người này ra về, có thể ông ta hoặc bà ta sẽ đồn thổi khắp cùng thiên hạ cái tiệm đó, ở đường đó, chủ nhân đó và đầu bếp đó đã bắt đầu lẩm cẩm. Cho nên họ nấu món nào cũng như món nấy, nhạt thếch như nước ốc. Thế là xong, tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm. Ô hô! Khi Chúa thương gọi con về!

Ban ngày, mặt trời chiếu sáng, ánh sáng chan hòa khắp nơi. Ban đêm, không có ánh sáng mặt trời, người ta phải thắp đèn cầy, hoặc đèn dầu, hoặc đèn điện. Không ánh sáng mặt trời, không ánh sáng đèn cầy, đèn dầu, đèn điện, thế giới sẽ tối tăm. Ban tối, gia đình ngồi quây quần bên ánh đèn dầu hoặc dưới ánh đèn điện ăn cơm. Mọi người chia sẻ, lắng nghe từng câu chuyện của từng thành viên trong gia đình bên mâm cơm. Không ánh sáng của đèn dầu hoặc đèn điện, thiên hạ có người dám gắp nhầm, thay vì gắp thịt, lại cầm đũa gắp mắm tôm. Không ánh sáng của đèn giao thông, thiên hạ lái xe, tà tà húc nhau, gãy tay, bể đầu… Ơi cực! Khi đó là què! Đèn hải đăng đứng cao trên ngọn núi chiếu sáng, trở thành điểm nhắm cho những con thuyền lênh đênh trên sóng biển chèo tới. Nếu đèn hải đăng không cháy sáng nữa, nhiều con tàu sẽ lạc hướng, nhiều mạng người sẽ lao đao. Vào những ngày đèn điện cúp, cả một khu phố bỗng dưng tối om! Không ánh sáng đèn điện, giờ biết làm gì? Thiên hạ đi ra đi vào, than thở, chờ đợi giây phút đèn điện sáng trở lại.

Hạt muối căn bản và tổng thể là mặn. Là muối là mặn! Muối đồng nghiã với mặn. Thế mà muối tự dưng không còn mặn nữa. Tại sao vậy? Tại sao muối lại mất đi tính mặn?

Đèn cầy, đèn dầu, đèn điện xuất hiện trên đời để sáng soi. Tại sao đèn lại không cháy sáng nữa? Tại cạn bấc nến? Tại đèn hết dầu? Tại bóng đèn đứt dây? Tại cúp điện? Đèn hải đăng đứng cao trên ngọn đồi sao tự nhiên lại không cháy sáng? Tại sao vậy?

Kitô hữu là muối mặn ướp đời, ướp người! Mỗi người Kitô là một hạt muối! Thế mà tự dưng tôi lại không mặn nữa! Tự dưng tôi trở thành hạt muối nhạt thếch. Vị mặn biến mất trên khuôn mặt và trong tâm hồn! Tại sao vậy?

Kitô hữu là đèn cháy sáng, soi sáng trần gian. Mỗi người Kitô là một ngọn đèn cầy, là một ngọn đèn dầu, là bóng đèn điện, là đèn hải đăng đứng cao trên đỉnh núi. Thế mà tự dưng đèn cầy của tôi tắt lửa! Bỗng dưng đèn dầu của tôi mất ánh sáng! Đèn điện của tôi tắt cái phụp! Đèn hải đăng bỗng dưng tối om! Tại sao vậy!

Lời Nguyện
Lạy Chúa, nếu con đã hết mặn,
xin ướp muối tâm hồn con.
Nếu đèn cầy con tắt lửa,
xin gửi lửa Thánh Linh đốt cháy hồn nguội lạnh.
Nếu đèn con cạn dầu,
xin đổ vào tim con dầu thánh.
Nếu đèn hải đăng hồn con tắt sáng,
xin đổ lửa trời, đốt lại ngọn lửa đèn lương tâm con.□
(Trích Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)
 
Sống Với Và Sống Cho
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:54 02/02/2023
Sống Với Và Sống Cho

(Chúa Nhật V TN A)

Dù chứng cứ là các vật hóa thạch không là bao nhưng học thuyết tiến hóa dường như thu hút nhiều người khi giải thích mối liên hệ giữa các loài. Tuy nhiên gần đây một số nhà khoa học chợt thấy một vài khập khiễng trong hệ thống học thuyết vốn được xem là thời thượng này. Học thuyết tiến hóa đề cao sự chọn lọc tự nhiên, thích nghi môi trường và sự đấu tranh sinh tồn. Như thế loài càng phát triển cao thì hẳn nhiên khả năng đấu tranh sinh tồn và thích nghi môi trường sẽ mạnh. Thế nhưng, khi phân tích dáng đứng thẳng của loài người thì người ta thấy kiểu dáng đứng thẳng của con người lại gây trở ngại cho việc sinh sản hơn so với kiểu dáng đi bốn chân của loài vật. Bên cạnh đó trẻ sơ sinh hoàn toàn như không thể tự đấu tranh sinh tồn so với nhiều loài vật bậc thấp khi chúng ra khỏi dạ mẹ là có thể tự tìm đến vú mẹ.

Qua một vài hiện tượng trên người ta có thể nói rằng con người là sinh vật sống bởi và sống nhờ kẻ khác. Không có tha nhân thì con người không thể hiện hữu, không thể tồn tại và phát triển đúng nghĩa là con người. Và ngược lại, người ta có thể nói rằng con người là sinh vật sống với và sống cho ai đó. Vì sự sống, sự tồn tại và phát triển của tôi là nhờ tha nhân thì một trong những ý nghĩa của đời tôi đó là để cho ai đó nhờ tôi mà được sống, tồn tại và phát triển. Con người không hiện hữu cho chính nó. Không ai là một hòn đảo. Đây là một trong những nội hàm của câu Thánh Kinh: “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18)

“Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-14). Muối hiện hữu không cho chính nó nhưng để làm mặn các vật thể khác, để ướp cho thực phẩm được tươi lâu… Cũng thế ánh sáng không có ra cho nó mà là để chiếu sáng môi trường, chiếu sáng các vật thể chung quanh…đúng hơn là để giúp các vật thể, môi trường cũng như con người thể hiện mình ra, nghĩa là được nhận thấy. Chúa Giêsu cũng đã từng ví các môn đệ như là men. Tương tự như ánh sáng và muối, men không hiện hữu cho nó nhưng là cho bột hay vật cần dậy men.

Để hữu ích cho tha nhân thì trước tiên chúng ta phải là chính mình trong sự chính hiệu và hoàn hảo một mức nào đó. “Muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13). Có thể xem như chưa xứng đáng là người, khi một ai đó bị liệt vào hàng “đồ vô tích sự”. Ngay cả những người vì lý do nào đó mà sống cảnh tàn phế về thể lý thì luôn có đó khát khao sống cuộc đời “tàn”, nhưng không “phế”, tức là dù bị tàn tật mà không phải là “đồ bỏ đi”. Trong đức tin thì sự hiện hữu và chào đời của một em bé dị tật từ lòng mẹ cũng có một ý nghĩa nào đó cho nhiều người. Có thể có nhiều em bé dị tật bẩm sinh không ý thức gì, nhưng sự hiện hữu của em là một lời mời gọi tha nhân biết cách sống “có một tấm lòng”.

Định luật vạn vật hấp dẫn minh định sự tương tác giữa các hiện hữu đời này. Với trí khôn biết phản tỉnh thì con người một cách nào đó có thể nhận ra ý nghĩa của việc làm người của mình. Không chỉ nhìn nhận như là hiện tượng mà còn xác tín “sỏi đá cũng cần có nhau”, cố nhạc sĩ họ Trịnh trong những ngày vất vả ở chốn “kinh tế mới” đã kiên định “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Đó là một bông hoa dại, là một nụ cười trao cho đời, cho người bên cạnh. Dù ở trong tình trạng như “bị thất sủng”, ông đã quyết tâm “chọn con đường đến với anh em, đến với bạn bè, đến với mọi người”, bởi chưng nhạc sĩ mãi vững tin vào cái lẽ sống của mình đó là “vì đất nước cần một trái tim”.

Trong số tha nhân xa gần thì những người mà chúng ta cần sống với và sống cho cách đặc biệt hơn cả là những người đang cần tình yêu của Thiên Chúa qua chính chúng ta. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất cụ thể hóa điều này: “Thiên Chúa phán: Hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông…” (Is 58,7-8).

Lẽ sống của con người cũng chính là hạnh phúc của con người. Khi biết sống với và sống cho người anh em đồng loại, nhất là những người hèn mọn, yếu thế, cô thân, thì chúng ta sẽ được hưởng nhận hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa dành sẵn từ đời đời. Chúa Kitô đã khẳng định rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay tự thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các người đã cho Ta ăn; Ta khát, các người đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).

Vẫn có đó nhiều lời bào chữa: Một con én không làm nên mùa xuân; Tôi chỉ hạt hạt muối bỏ biển; Một ngọn nến nhỏ chẳng thể xua tan bóng đêm… Xin đừng quên: sẽ chẳng có mùa xuân nếu không có từng cánh én nhỏ và thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối đêm đen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Giám mục Công Giáo Đức Cha Carlassare của Giáo phận Rumbek, Nam Suddan đi bộ cả 50 cây số để gặp Đức Thánh Cha
Thanh Quảng sdb
01:03 02/02/2023
Một Giám mục Công Giáo Đức Cha Carlassare của Giáo phận Rumbek, Nam Suddan đi bộ cả 50 cây số để gặp Đức Thánh Cha

Đức cha Carlassacre mở chiến dịch 'đi bộ vì hòa bình' cùng với 80 thanh niên vào ngày 25 tháng 1, tiến về thủ đô Juba, Nam Suddan để gặp Đức Thánh Cha.

Giám mục Christian Carlassare của Giáo phận Rumbek đang đi bộ gần 50 cây số trong tổng số 150 cây số, từ Giáo phận tới thủ đô Juba, để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Đức Cha là hội viên Dòng Thừa sai Comboni của Trái tim Chúa Giêsu, 46 tuổi, đã đi bộ cùng với 80 thanh niên ngày 25 tháng Giêng, để về thủ đô gặp gỡ ĐTC tông du từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm thủ đô Juba của Nam Sudan, với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Anh giáo Justin Welby ở Canterbury và Linh mục Iain Greenshields, người đứng dầu Đại hội đồng của Giáo hội của Scotland. Chuyến tông du này được nối tiếp chuyến tông du Congo, mà Đức Thánh Cha bắt đầu thăm viếng từ ngày 31 tháng Giêng.

Bắt đầu cuộc hành hương "Đi bộ vì Hòa bình", Đức Giám Mục đã được tháp tùng bởi Đức Giám Mục Anh giáo Alapayo Manyang Kuctiel của Rumbek; Ông Rin Tuany, thống đốc Tiểu bang Lakes; và sơ Orla Treacy, sơ Dòng Loreto, người Ái Nhĩ Lan đã từng đoạt giải thưởng, vì đã cống hiến đời mình để giáo dục những thiếu nữ bị đe dọa bởi các cuộc hôn nhân vị thành niên và bị áp chế!...

Đức cha và nhóm hy vọng sẽ tới thủ đô vào ngày 2 tháng Hai, một ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Welby và Linh mục Greenshields đến. Vào ngày 31 tháng 1, ngày thứ bảy của cuộc hành hương, sơ Orla đã viết trên tweet: "Một ngày thứ Bảy tuyệt vời, chúng tôi tới Mingkaman. Địa danh của rất nhiều IDP (Người di cư trong nước), một hành trình đơn giản và đầy ý nghĩa. Tất cả chúng tôi đều đánh giá cao những gì chúng tôi đang làm."

Đức Giám Mục Carlassare nói với OSV News rằng những người trẻ tuổi tham gia vào cuộc hành hương vì hòa bình với một lòng quả cảm và đầy hứng thú...

Đức cha nói: “Ngoài những mệt mỏi và đau nhức, chúng tôi đạt được niềm vui lớn lao, và bản thân chúng tôi cảm thấy được biến đổi và dạt dào niềm vui của tuổi trẻ.” Đức Cha phát biểu như trên ở thị trấn Yirol, nơi nhóm tới vào ngày 29 tháng Giêng, ngày thứ năm của cuộc hành hương.

Một ngày trước đó, vào ngày 28 tháng 1, Sơ Orla đã viết trên Twitter rằng cả nhóm “mệt mỏi, bị dộp, đau nhức” nhưng tất cả được “chào đón rất thân” từ cộng đồng địa phương Yirol.

Ở Nam Sudan, người Công Giáo, các thành viên của Giáo hội Anh giáo và các tín hữu thuộc giáo hội Tin Lành Trưởng lão của Ái Nhĩ Lãn, hợp thành phần lớn Kitô hữu trong cộng đồng. Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất trên thế giới với dân số 11 triệu người.

“Chúng tôi ý thức rằng chúng tôi đại diện cho các giáo phận. Không phải ai cũng có thể tham dự, vì thế chúng tôi rất hãnh diện được đi để nhận phép lành của ĐTC và mang nó trở về quê…”

Đức Giám Mục Carlassare, là người Ý, cho biết. ngài bị bắn vào chân tại dinh thự của ông ở Rumbek vào ngày 26 tháng 4 năm 2021, chỉ một tháng sau khi Vatican bổ nhiệm ngài trông coi giáo phận. Cuộc tấn công đã buộc ngài phải hoãn lễ tấn phong giám mục lại một thời gian.

Kể từ khi được tấn phong Giám mục ngày 25 tháng 3 năm 2022, Đức Cha không ngừng kêu gọi hòa bình và hòa giải.

Đức Giám Mục Carlassare nói rằng trong cuộc hành trình, họ đã nhận ra nhóm nhỏ này gồm có tu sĩ và người trẻ, đại diện cho niềm hy vọng của đất nước và Giáo hội.

Hàng ngày những người hành hương đi bộ khoảng 10 cây số, thường là vào buổi sáng. Sau đó họ sẽ di chuyển bằng xe hầu có thể ghé thăm các cộng đồng Công Giáo. Tại các cộng đồng, các bạn trẻ tham gia cuộc hành hương đã biểu diễn văn nghệ với các hoạc cảnh nói lên thông điệp hòa bình.

“Mọi người thực sự ấn tượng bởi những hoạt cảnh này. Họ ngỡ ngàng và thực sự thấy sức mạnh và ảnh hưởng của những người trẻ cũng như niềm hy vọng mà họ khao khát đi gặp Đức Thánh Cha.” Đức cha Carlassare cũng cho hay mục đích của cuộc hành trình là cùng nhau tiến bước và cầu nguyện, suy ngẫm và loan truyền cảm hứng cho các cộng đồng.

Theo Đức cha, đời sống Kitô hữu đòi hỏi các tín hữu phải làm những điều phi thường nhất là trong những lúc khó khăn.

“Chúng ta được kêu gọi là con cái Thiên Chúa để nhận ra tình huynh đệ anh em và tình huynh đệ gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau. Thật tuyệt vời khi được làm anh chị em với nhau và cùng nhau xây dựng sự hòa giải” ngài nói.

Quốc gia Đông Phi này đã trải qua cuộc nội chiến kể từ năm 2013. Theo nhiều báo cáo khác nhau, hơn 400.000 người đã thiệt mạng vì chiến tranh và hơn 4 triệu người phải di dời trong nước hoặc ra khỏi nước!
 
Số phận của Nhà thờ Nga ở Giêrusalem trở lại trong tay của Netanyahu
Đặng Tự Do
17:09 02/02/2023


Chính phủ Israel đã tuyên bố vào Chúa Nhật rằng họ sẽ không kháng cáo lệnh của tòa án tạm dừng việc ghi danh tài sản của Nhà thờ Chính thống Nga dưới tên của chính phủ Nga – chuyển trách nhiệm xác định quyền sở hữu địa điểm tôn giáo đang tranh chấp này trở lại cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Tháng 3 năm ngoái, Tòa án quận Giêrusalem đã phán quyết rằng trong trường hợp này, nội các Israel, chứ không phải cơ quan ghi danh đất đai hay tòa án, là thẩm quyền duy nhất phê duyệt bất kỳ sự chuyển giao quyền sở hữu nào đối với nhà thờ Alexander Nevsky ở Thành phố Cổ của Giêrusalem. Phán quyết này dựa trên luật Bắt buộc hiện hành của Anh cho phép chính phủ có thẩm quyền quyết định tranh chấp quyền sở hữu đất đai của các nhà thờ ở thánh địa.

Việc ghi danh quyền sở hữu được cho là một trong những điều khoản mà Nga vào năm 2020 đã đồng ý trả tự do cho Naama Issachar, một người Israel bị kết tội buôn lậu ma túy sau khi một lượng cần sa được cho là tìm thấy trong vali của cô tại sân bay Mạc Tư Khoa khi dừng chân giữa các chuyến bay..

Nhà thờ được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và được coi là công trình quan trọng nhất của người Nga trong và xung quanh Thành phố Cổ, nằm liền kề với Nhà thờ Mộ Thánh. Trong những biến động chính trị ở Nga trong suốt thế kỷ 20, nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của những người Nga lưu vong ở phương Tây. Trong nhiều năm, Điện Cẩm Linh đã gây áp lực để giành quyền sở hữu nó.

Sau khi Issachar bị bắt vào năm 2019, chính phủ Israel đã vận động Nga trả tự do cho cô, và vào Tháng Giêng năm 2020, cơ quan ghi danh đất đai của Bộ Tư pháp đã thông báo rằng nhà thờ sẽ được ghi danh dưới tên của chính phủ Nga — một động thái đã bị Hiệp hội Chính thống Palestine, là tổ chức đã quản lý nhà thờ kể từ khi nó được xây dựng, phản đối tại tòa án.

Sau quyết định này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư cho Thủ tướng lúc đó là Naftali Bennett, yêu cầu ông cho phép chuyển giao quyền kiểm soát nhà thờ cho Mạc Tư Khoa. Các nguồn tin của Israel vào thời điểm đó nói rằng Giêrusalem đang giải quyết vấn đề, nhưng không giải thích thêm.

Quyền sở hữu nhà thờ “từ lâu đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Nga trong mối quan hệ với Israel,” phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tuyên bố vào tháng 4 năm ngoái, nói rằng Điện Cẩm Linh mong đợi “lãnh đạo Israel hỗ trợ chúng ta để hoàn thành quá trình cần thiết.”

Lo sợ rằng phán quyết của tòa án quận có thể cắt xén thẩm quyền của cơ quan ghi danh đất đai và gây ra làn sóng yêu cầu các tài sản tôn giáo từ các chính phủ nước ngoài, nhà nước Israel vào mùa hè năm ngoái đã gửi yêu cầu lên Tòa án Tối cao để kháng cáo phán quyết.

Tuy nhiên, tại một phiên điều trần gần đây, tòa án, dự kiến sẽ xác định rằng phán quyết chỉ có hiệu lực trong trường hợp của nhà thờ Alexander Nevsky, đã khuyến nghị nhà nước rút lại yêu cầu của mình, dẫn đến thông báo vào Chúa Nhật rằng quả bóng hiện đã trở lại tòa án của Netanyahu.

Giờ đây, số phận của nhà thờ sẽ được trả lại cho các chính trị gia và ông Netanyahu sẽ phải thành lập một nhóm các bộ trưởng được ủy quyền để đưa ra quyết định.

Một nhóm như vậy đã được thành lập nhiều lần, nhưng do những bất ổn chính trị trong những năm gần đây, với sự thay đổi thường xuyên của chính phủ, các thủ tục đã bị trì hoãn – điều này gây ra căng thẳng với chính phủ Nga.

Sau khi chính phủ hiện tại được thành lập, Văn phòng Thủ tướng đã liên hệ với các bên tranh chấp và yêu cầu họ đệ trình yêu cầu của mình về vấn đề này.


Source:Haaretz
 
Mười quốc gia Công Giáo thực hành hàng đầu: Đó là một câu chuyện Phi Châu
Đặng Tự Do
17:11 02/02/2023


Ngay cả ở những nền dân chủ lành mạnh nhất, việc cho rằng kết quả các cuộc bầu cử là do người dân quyết định là một chuyện hoang đường. Trên thực tế, chúng được xác định bởi những người thực sự bỏ phiếu - mà trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ gần đây ở Hoa Kỳ, chỉ khoảng 47% những người đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu.

Tất nhiên, Giáo Hội Công Giáo không phải là một nền dân chủ. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô rõ ràng muốn nó giống như một Thượng hội đồng hơn, dựa trên ý tưởng lắng nghe mọi người. Tuy nhiên, một lần nữa, đó không thực sự là “mọi người”, mà là tất cả những người bước ra để được lắng nghe.

Khi đánh dấu vào các quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới, chúng ta thường tập trung vào quy mô dân số tổng thể, tức là số người Công Giáo đã được rửa tội ở những nơi đó. Theo tiêu chuẩn đó, đây là danh sách 10 quốc gia hàng đầu vào thời điểm hiện tại.

1) Brazil (120 triệu)
2) Mễ Tây Cơ (90 triệu)
3) Phi Luật Tân (80 triệu)
4) Hoa Kỳ (67 triệu)
5) Ý (47 triệu)
6) Cộng hòa Dân chủ Congo (45 triệu)
7) Colombia (35 triệu)
8) Ba Lan (33 triệu)
9) Pháp (32 triệu)
10) Tây Ban Nha (30 triệu)

Nhìn chung, chúng ta có ba quốc gia ngoài Mỹ Châu Latinh, bao gồm Mễ Tây Cơ, một ở Bắc Mỹ, một ở Phi Châu và Á Châu, và bốn ở Âu Châu.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chuyển trọng tâm sang điều mà chúng ta có thể gọi là những người Công Giáo “thực hành”, nghĩa là những người đi lễ ít nhất một lần một tuần?

Nhờ tổ chức Khảo sát Giá trị Thế giới, gọi tắt là WVS, chúng ta có dữ liệu về tỷ lệ tham dự Thánh lễ từ khắp nơi trên thế giới, cho phép chúng ta đưa ra danh sách Mười quốc gia hàng đầu có nhiều người Công Giáo thực hành nhất. WVS không chứa dữ liệu cho nhiều quốc gia Phi Châu cận Sahara, vì vậy ở đây chúng ta đang sử dụng mức trung bình của hai quốc gia mà chúng ta có, Nigeria và Kenya, có tỷ lệ tham dự Thánh lễ là 83,5 phần trăm.

1) Phi Luật Tân (47 triệu)
2) Mễ Tây Cơ (45 triệu)
3) Cộng hòa Dân chủ Congo (37,5 triệu)
4) Nigeria (30,5 triệu)
5) Uganda (28,4 triệu)
6) Colombia (20,5 triệu)
7) Ba Lan (17,2 triệu)
8) Tanzania (17,1 triệu)
9) Angola (16,7 triệu)
10) Ý (13,6 triệu)

Bây giờ bức tranh trông khá khác nhau. Nhìn chung, có năm quốc gia Phi Châu cận Sahara nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu, với một đến từ Á Châu, hai đến từ Mỹ Châu Latinh (một lần nữa bao gồm cả Mễ Tây Cơ) và hai đến từ Âu Châu. Brazil biến mất hoàn toàn, với tỷ lệ tham dự Thánh lễ chỉ là 8 phần trăm, cũng như Hoa Kỳ, nơi tỷ lệ tham dự Thánh lễ trực tiếp là 17 phần trăm hay 11,4 triệu người Công Giáo thực hành.

Bất cứ ai nhìn vào danh sách đó đều có thể kết luận rằng xét về số cử tri đi bỏ phiếu, nếu không phải là thống kê dân số, thì Công Giáo ngày nay phần lớn là ở Phi Châu. Với xu hướng gia tăng dân số và cả việc tham dự Thánh lễ, sự thống trị của người Phi Châu này sẽ tiếp tục tăng lên khi thế kỷ trôi qua.

Có ít nhất một vài kết luận ngay lập tức được rút ra.

Đầu tiên, hãy chú ý cẩn thận đến chuyến đi sáu ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Congo và Nam Sudan, khai mạc hôm nay và đánh dấu chuyến tông du thứ ba của ngài đến vùng hạ Sahara ở Phi Châu. Hãy lắng nghe không chỉ những gì Đức Giáo Hoàng nói với người Phi Châu, mà cả những gì người Phi Châu nói với ngài.

Chuyến đi này không chỉ là một câu chuyện Phi Châu. Đó là một câu chuyện Công Giáo, bởi vì bất kể bạn sống ở đâu, nếu bạn thuộc về Giáo Hội Công Giáo, người Phi Châu sẽ ngày càng thiết lập giai điệu dựa trên thực tế đơn giản rằng họ là những người bước ra.

Thứ hai, sẽ rất thú vị trong tương lai để đánh giá mức độ mà Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra về tính đồng nghị phản ánh những gì tiếng nói Phi Châu đang nói. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã chỉ trích “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức là một bài tập “do giới tinh hoa thực hiện”. Tương tự như vậy, điều quan trọng là hội đồng của chính ngài không bị chỉ trích là thứ gì đó “do phương Tây tạo ra”.

Mới đây, Hội đồng Giám mục khu vực Tây Phi, bao gồm Nigeria, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Guinea, Benin, Mali, Togo, Ghana, Senegal, Mauritius, Cape Verde, Guinea-Bissau, Gambia và Sierra Leone, đã tổ chức một cuộc họp báo để trình bày kết quả của các cuộc thảo luận công nghị của riêng mình.

Cha Vitalis nói: “Người dân nhấn mạnh rằng Giáo hội cần phải xác định lại các giá trị của mình và việc xác định lại các giá trị này trong một thế giới đang thay đổi phải dựa trên lời Chúa và truyền thống sống động của Giáo hội chứ không phải dựa trên cảm xúc và tình cảm”.

Cha Anaehobi, một linh mục người Nigeria, là tổng thư ký của hội nghị khu vực, lưu ý rằng “Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa” của thượng hội đồng do Vatican ban hành có hình ảnh của nhà thờ giống như cái mà người Mỹ gọi là “chiếc lều lớn”, dựa trên Isaia 54:2, “mở rộng không gian cho chiếc lều của bạn,” Anaehobi cho biết người Công Giáo ở Tây Phi thích một hình ảnh kinh thánh khác – John 14, “trong nhà của Cha Thầy có nhiều chỗ.”

Ngài nói: “Khi chúng ta nói rằng ý tưởng trung tâm là tính toàn diện, họ thích một ngôi nhà có các quy tắc và nguyên tắc chứ không chỉ là một cái lều mà bất kỳ ai cũng có thể bước vào.

Mặc dù đúng và sai không được xác định bằng số lượng đầu người, nhưng việc so sánh số lượng người Công Giáo thực hành ở hai quốc gia Công Giáo tiêu biểu vẫn là một bài tập hấp dẫn.

Ở Đức, có 22,1 triệu người Công Giáo và tỷ lệ tham dự Thánh lễ hàng tuần là 14 phần trăm, tương đương với 3,1 triệu người Công Giáo Đức thực hành. Như chúng ta đã thấy, Nigeria có tổng số gấp 10 lần con số đó là 30,5 triệu.

Người ta tự hỏi liệu tiếng nói của Nigeria, do đó, sẽ nổi bật gấp mười lần tiếng nói của Đức hay không khi tiến trình thượng hội đồng xảy ra.

Ngoài những điểm tương đối rõ ràng đó, chắc chắn còn có nhiều hiểu biết khác có thể thu thập được từ việc so sánh tổng thể dân số Công Giáo với tổng số người Công Giáo thực hành. Cảm ơn Khảo sát Giá trị Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ của Georgetown đã cung cấp tài liệu sơ khởi cho chúng ta.
Source:Crux
 
Bài Nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các nạn nhân ở Phía Đông Congo
Vu Van An
18:32 02/02/2023

Theo tin Tòa Thánh, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới thăm các nạn nhân ở phía Đông của xứ sở, bị tàn phá bởi chiến tranh. Trong buổi gặp gỡ với các nạn nhân này, ngài đã đọc bài diễn văn đầy xúc động sau đây, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến,

Cảm ơn anh chị em đã can đảm đưa ra những lời chứng này. Chúng tôi tiếp tục bị ngỡ ngàng khi biết về bạo lực vô nhân đạo mà anh chị em đã tận mắt chứng kiến và trải qua. Chúng tôi chỉ có thể khóc trong im lặng, vì chúng tôi không còn lời nào để nói. Bunia, Beni-Butembo, Goma, Masisi, Rutshuru, Bukavu, Uvira: đây là những nơi mà giới truyền thông quốc tế ít nhắc đến. Ở những nơi đó và những nơi khác, rất nhiều anh chị em của chúng ta, con trai và con gái của một gia đình nhân loại của chúng ta, đã bị bắt làm con tin cho ý thích bất chợt của những kẻ quyền lực, những kẻ có vũ khí mạnh nhất, những vũ khí vẫn tiếp tục được lưu hành. Hôm nay trái tim tôi ở phía đông của đất nước rộng lớn này, nơi sẽ không có hòa bình cho đến khi hòa bình ngự trị ở đó, ở phần phía đông của nó.

Với anh chị em, những cư dân thân yêu của phương Đông, tôi muốn nói rằng: Tôi ở gần anh chị em. Nước mắt của anh chị em là nước mắt của tôi; nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Đối với mọi gia đình đang đau buồn hoặc phải di dời do các ngôi làng bị đốt cháy và các tội ác chiến tranh khác, đối với những người sống sót sau bạo lực tình dục và đối với mọi trẻ em và người lớn bị thương, tôi nói: Tôi ở bên anh chị em; Tôi muốn mang đến cho anh chị em sự vuốt ve của Chúa. Người nhìn anh chị em với sự dịu dàng và lòng cảm thương. Trong khi những kẻ bạo lực coi anh chị em như những con tốt thí, thì Cha trên trời của chúng ta nhìn thấy phẩm giá của anh chị em, và Người nói với mỗi người trong anh chị em: “Các con là quý giá trước mắt Ta, được tôn vinh và Ta yêu thương các con” (Is 43:4). Anh chị em thân mến, Giáo hội đang và sẽ luôn đứng về phía anh chị em. Thiên Chúa yêu anh chị em; Người vẫn chưa quên anh chị em. Nhưng mọi người nam nữ cũng nên nhớ anh chị em!

Nhân danh Thiên Chúa, cùng với các nạn nhân và tất cả những người hoạt động vì hòa bình, công lý và tình huynh đệ, tôi lên án bạo lực vũ trang, các vụ thảm sát, hãm hiếp, phá hủy và chiếm đóng các làng mạc, cướp bóc ruộng đồng và gia súc. tiếp tục được thực hiện tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng như việc giết người, khai thác bất hợp pháp của cải của đất nước này, và những nỗ lực chia cắt đất nước để kiểm soát nó. Thật phẫn nộ khi biết rằng tình trạng mất an ninh, bạo lực và chiến tranh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều người, lại được thúc đẩy một cách đáng xấu hổ không chỉ bởi các thế lực bên ngoài, mà còn từ bên trong, vì mục đích theo đuổi lợi ích và quyền lợi cá nhân. Tôi hướng về Cha chúng ta ở trên trời, Đấng muốn tất cả chúng ta là anh chị em trên trái đất: Tôi khiêm nhường cúi đầu và đau đớn trong lòng xin Người tha thứ cho bạo lực của con người đối với con người. Lạy Cha, xin thương xót chúng con! An ủi các nạn nhân và những người đau khổ. Cầu mong Người hoán cải trái tim của những kẻ thực hiện những tội ác tàn bạo, mang lại sự xấu hổ cho toàn thể nhân loại! Và xin Người mở mắt cho những người từ chối nhìn thấy những điều ghê tởm này hoặc xa lánh chúng.

Những cuộc xung đột này buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, phá vỡ cơ cấu kinh tế xã hội của một quốc gia và gây ra những vết thương khó chữa lành. Chúng là những cuộc đấu tranh phân cực trong đó các động lực sắc tộc, lãnh thổ và nhóm đan xen vào nhau; xung đột liên quan đến quyền sở hữu đất đai, sự vắng mặt hoặc yếu kém của các thể chế, và sự thù địch và hận thù được đánh dấu bằng sự báng bổ bạo lực nhân danh một vị thần giả. Tuy nhiên, trên tất cả, đó là một cuộc chiến được khơi mào bởi lòng tham vô độ đối với nguyên liệu thô và tiền bạc vốn thúc đẩy một nền kinh tế vũ khí hóa và đòi hỏi sự bất ổn và tham nhũng. Thật là một tai tiếng và đạo đức giả biết bao, khi người ta bị hãm hiếp và giết chết, trong khi ngành thương mại gây ra bạo lực và chết chóc này tiếp tục phát triển!

Tôi chân thành kêu gọi toàn thể nhân dân, tới tất cả các tổ chức bên trong và bên ngoài đang dàn dựng chiến tranh tại Cộng hòa Dân chủ Congo nhằm cướp bóc, áp bức và gây bất ổn cho đất nước. Các anh đang làm giàu cho mình thông qua việc khai thác bất hợp pháp hàng hóa của đất nước này và thông qua sự hy sinh tàn bạo của những nạn nhân vô tội. Hãy lắng nghe tiếng kêu máu của họ (x. St 4:10), hãy mở rộng đôi tai của các anh để đón nhận tiếng Chúa, Đấng mời gọi các anh hoán cải, và đón nhận tiếng lương tâm của các anh: hãy bỏ vũ khí đi, hãy chấm dứt chiến tranh. Đủ rồi! Ngừng làm giàu bằng cái giá của người nghèo, ngừng làm giàu từ tài nguyên và đồng tiền nhuốm máu!

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể bắt đầu từ đâu? Chúng ta nên hành động như thế nào để cổ vũ hòa bình? Tôi khiêm tốn đề nghị bắt đầu lại với hai cách nói “không” và hai cách nói “có”.

Thứ nhất, nói không với bạo lực, mọi lúc và mọi nơi, không có từ “nếu” hay “nhưng”. Nói Không với bạo lực! Yêu đồng bào mình không có nghĩa là nuôi lòng hận thù người khác. Ngược lại, yêu đất nước của chúng ta có nghĩa là từ chối tham gia với những người kích động bạo lực. Việc sử dụng hận thù và bạo lực là một lời nói dối bi thảm; hận thù và bạo lực không bao giờ được chấp nhận, không bao giờ có thể biện minh được, không bao giờ có thể dung thứ được, và đặc biệt hơn nữa đối với các Kitô hữu. Hận thù chỉ nuôi thêm hận thù và bạo lực thêm bạo lực. Chúng ta phải nói một tiếng “không” rõ ràng và mạnh mẽ với tất cả những ai tìm cách gây ra bạo lực và hận thù nhân danh Thiên Chúa. Người dân Congo yêu dấu, đừng để mình bị dụ dỗ bởi những cá nhân hoặc nhóm kích động bạo lực nhân danh Người, vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình, không phải Thiên Chúa của chiến tranh. Rao giảng về sự căm ghét là một hình thức phạm thượng, và sự căm ghét luôn làm hư hỏng trái tim con người. Thật vậy, những người sống bằng bạo lực không bao giờ sống tốt; họ nghĩ rằng họ đang cứu mạng mình, nhưng họ lại bị nhấn chìm trong vòng xoáy tội ác khiến họ phải chiến đấu với những người anh chị em mà họ đã lớn lên và chung sống trong nhiều năm, và cuối cùng giết chết họ bên trong.

Tuy nhiên, nói “không” với bạo lực thì không đủ để tránh các hành vi bạo lực. Chúng ta cũng cần loại bỏ gốc rễ của bạo lực: tham lam, đố kỵ và trên hết là oán hận. Khi cúi đầu kính trọng trước những đau khổ mà rất nhiều người phải chịu đựng, tôi xin mọi người hãy cư xử như anh chị em, những nhân chứng dũng cảm đã gợi ý cho chúng tôi, đã làm và có can đảm để giải trừ vũ khí khỏi trái tim. Nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh vào tay chân Người, treo Người lên thập giá, tôi xin mọi người: xin hãy giải trừ vũ khí khỏi trái tim của mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta ngừng phẫn nộ trước cái ác hay lên án nó; không, đây là nhiệm vụ của chúng ta! Nó cũng không có nghĩa là cho phép miễn trừ hoặc dung túng cho hành vi tàn bạo, tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra. Nhân danh hòa bình, nhân danh Thiên Chúa của hòa bình, điều được yêu cầu đối với chúng ta là phi quân sự hóa trái tim của chúng ta; gột bỏ mọi nọc độc, xua tan hận thù, xóa bỏ tham lam, xóa bỏ cay đắng. Nói “không” với tất cả những điều này có vẻ như yếu đuối, nhưng trên thực tế, nó giải phóng chúng ta, vì nó mang lại cho chúng ta bình an. Đúng vậy, hòa bình được sinh ra từ những tấm lòng không oán hận.

Bây giờ chúng ta chuyển sang lời nói “không” thứ hai: nói không với sự cam chịu. Hòa bình mời gọi chúng ta chống lại sự chán nản, thất vọng và ngờ vực khiến chúng ta nghĩ rằng tốt hơn hết là chúng ta không tin tưởng người khác, sống riêng rẽ và xa cách, hơn là chìa tay giúp đỡ và cùng nhau bước đi. Một lần nữa, nhân danh Thiên Chúa, một lần nữa tôi mời tất cả những người đang sống ở Cộng hòa Dân chủ Congo đừng bỏ cuộc mà hãy dấn thân xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Mặc dù tương lai hòa bình sẽ không từ trên trời rơi xuống, nhưng nó có thể xảy ra nếu chúng ta loại bỏ khỏi trái tim mình mọi thuyết định mệnh và cam chịu, mọi sợ hãi liên quan đến người khác. Một tương lai khác sẽ đến nếu nó vì tất cả chứ không phải chỉ một số ít, nếu nó vì và không chống lại những người khác. Một tương lai mới sẽ đến nếu chúng ta nhìn những người khác, dù là người Tutsi hay người Hutu, không còn là đối thủ hay kẻ thù, mà là anh chị em, và nếu chúng ta tin rằng trong trái tim họ, dù ẩn giấu đến đâu, họ cũng ấp ủ cùng một khát vọng hòa bình. Ngay cả ở phía Đông, hòa bình là điều có thể! Chúng ta hãy tin điều này! Chúng ta hãy làm việc cho nó, mà không ủy thác nó cho người khác!

Tương lai không thể được xây dựng bằng cách tiếp tục khép kín với những lợi ích cụ thể của chúng ta, hoặc trong các nhóm dân tộc hoặc gia đình của chính chúng ta. Một phương ngôn tiếng Swahili dạy chúng ta: “jirani ni ndugu” [hàng xóm của chúng ta là anh chị em]. Anh chị em thân mến, tất cả những người hàng xóm của anh chị em đều là anh chị em của anh chị em, cho dù họ là người Burundi, Ugandan hay Rwandan. Tất cả chúng ta là anh chị em vì tất cả chúng ta đều là con của cùng một Cha. Đó là giáo lý của đức tin Kitô giáo được một bộ phận lớn dân chúng tuyên xưng. Vì vậy, hãy ngước mắt lên nhìn Thiên Chúa, và đừng giam mình trong sợ hãi, vì điều ác mà mọi người đã phải chịu đựng cần phải được biến thành điều tốt cho tất cả mọi người. Mong rằng sự nản lòng đang làm chúng ta mất khả năng nhường chỗ cho một niềm đam mê mới, cho một cuộc đấu tranh dũng cảm vì hòa bình, cho những dự án không sợ hãi vì tình huynh đệ, cho vẻ đẹp của việc cùng nhau kêu lên, không bao giờ diễn ra nữa! Không bao giờ bạo lực nữa, không bao giờ oán giận nữa, không bao giờ cam chịu nữa!

Và như vậy, chúng ta đi đến hai cách nói “có” cho hòa bình. Đầu tiên, nói có cho hòa giải. Các bạn thân mến, những gì các bạn sắp làm là một điều kỳ diệu. Các bạn mong muốn cam kết tha thứ cho nhau và từ chối chiến tranh và xung đột như một phương tiện để giải quyết những khác biệt. Và các bạn muốn làm như vậy bằng cách sớm cùng nhau cầu nguyện, tụ tập quanh cây Thánh Giá, dưới đó, với lòng can đảm lớn lao, các bạn muốn đặt các dấu hiệu của mọi bạo lực mà các bạn đã chứng kiến và chịu đựng: đồng phục, dao rựa, búa, rìu, dao... Bản thân thập giá đã là một công cụ tra tấn và chết chóc, thứ khủng khiếp nhất được sử dụng vào thời Chúa Giêsu, thế nhưng, được tình yêu của Người biến đổi, nó đã trở thành một phương tiện hòa giải phổ quát, một cây sự sống.

Với tất cả anh chị em, tôi muốn nói: Hãy là cây của sự sống! Hãy giống như những cái cây hấp thụ ô nhiễm và trả lại oxy. Hay như tục ngữ có câu: “Ở đời, hãy làm như cây chà là: nó tiếp nhận đá, nhưng cho trái chà là trở đáp lại”. Thật vậy, lời tiên tri của Kitô giáo có nghĩa là lấy điều thiện đáp lại sự dữ, lấy tình yêu đáp lại hận thù, lấy hòa giải đáp trả chia rẽ. Đức tin mang theo một khái niệm mới về công lý, không bằng lòng với việc trừng phạt và từ chối trả thù, thay vào đó mong muốn mang lại sự hòa giải, xoa dịu những xung đột mới, loại bỏ oán giận và mang lại sự tha thứ. Tất cả những điều này mạnh hơn cái ác. Anh chị em có biết tại sao? Bởi vì chúng biến đổi thực tại từ bên trong, thay vì phá hủy nó từ bên ngoài. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đánh bại sự dữ, như Chúa Giêsu đã làm trên thập giá, bằng cách gánh lấy nó và biến đổi nó bằng tình yêu của Người. Bằng cách này, nỗi đau biến thành hy vọng. Các bạn thân mến, chỉ có sự tha thứ mới có thể mở ra cánh cửa cho tương lai, vì nó mở ra cánh cửa cho một nền công lý mới, không bao giờ quên, chấm dứt vòng luẩn quẩn của sự trả thù. Hòa giải là tạo ra một ngày mới. Đó là tin tưởng vào tương lai hơn là mãi bám vào quá khứ; đó là đặt cuộc vào hòa bình hơn là cam chịu chiến tranh; và đó là thoát khỏi những bức tường ngục tù của cách nhìn sự vật của chính chúng ta, để cởi mở với người khác và cùng với họ, nếm trải tự do.

Cuối cùng, lời “có” mang tính quyết định: nói có với hy vọng. Nếu chúng ta ví hòa giải như một thân cây, một cây chà là trĩu quả, thì hy vọng chính là dòng nước làm cho cây đó sinh sôi nảy nở. Niềm hy vọng này có một nguồn gốc, và nguồn gốc đó có một tên mà tôi muốn công bố cùng với anh chị em: Chúa Giêsu! Với Chúa Giêsu, sự dữ không còn quyền quyết định sự sống; với Chúa Giêsu, Đấng từ mồ mả, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình nhân loại của chúng ta, tạo nên một khởi đầu của một lịch sử mới, những khả năng mới không ngừng nảy nở. Với Chúa Giêsu, mỗi ngôi mộ có thể trở thành một chiếc nôi, mỗi đồi Canvê là một khu vườn Phục Sinh. Với Chúa Giêsu, niềm hy vọng được sinh ra và không ngừng tái sinh: cho những người đã phải chịu đựng sự dữ, và ngay cả những người đã gây ra nó. Hỡi anh chị em ở phía đông của đất nước, niềm hy vọng này là dành cho anh chị em, và anh chị em có quyền đối với nó. Tuy nhiên, nó cũng là một quyền để kiếm được. Làm sao? Bằng cách kiên nhẫn gieo hòa bình ngày qua ngày. Tôi xin trở lại hình ảnh cây chà là. Tục ngữ có câu: “Ăn trái chà là thấy cây chà là, mặc dù kẻ trồng cây đã về lòng đất từ lâu”. Nói cách khác, để đạt được những thành quả mà anh chị em hy vọng, anh chị em phải làm việc với tinh thần giống như những người trồng cây chà là, hướng đến các thế hệ tương lai chứ không phải kết quả ngay lập tức. Gieo sự tốt lành là điều tốt cho chúng ta: nó giải phóng chúng ta khỏi mối quan tâm hẹp hòi về lợi ích cá nhân và cho chúng ta một lý do để sống mỗi ngày: nó nêm nếm cuộc sống của chúng ta bằng sự hào phóng và nó làm cho chúng ta ngày càng giống Thiên Chúa hơn, Đấng gieo giống kiên nhẫn không mệt mỏi gieo những hạt giống hy vọng.

Hôm nay, tôi nghĩ đến và tôi chúc lành cho tất cả những người gieo rắc hòa bình đang làm việc trên đất nước này: những cá nhân và tổ chức đã quảng đại cung cấp viện trợ và đáp lại những nạn nhân của bạo lực, bóc lột và thiên tai, những người nam và nữ đến đây được thúc đẩy bởi mong muốn nâng cao phẩm giá con người. Một số người đã hy sinh vì hòa bình, như Đại sứ Luca Attanasio, người hộ tống quân sự của ông Vittorio Iacovacci và người lái xe Mustapha Milambo, những người đã bị giết cùng với ông hai năm trước ở phía đông đất nước. Họ là những người gieo hy vọng và sự hy sinh của họ sẽ không bị mất đi.

Anh chị em, con trai và con gái của Ituri, của Bắc và Nam Kivu, tôi gần gũi với anh chị em; Tôi ôm lấy anh chị em và tôi chúc lành cho tất cả các anh chị em. Tôi chúc lành cho mọi trẻ em, người lớn, người già, tất cả những người bị thương do bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo, đặc biệt là mọi phụ nữ và mọi bà mẹ. Và tôi cầu nguyện rằng phụ nữ, mọi phụ nữ, có thể được tôn trọng, bảo vệ và quý trọng. Bạo lực đối với phụ nữ và các bà mẹ là bạo lực chống lại chính Thiên Chúa, Đấng từ một người phụ nữ, từ một người mẹ, đã đảm nhận thân phận con người của chúng ta. Xin Chúa Giêsu, người anh em của chúng ta, Thiên Chúa hòa giải, Đấng đã trồng cây thánh giá sự sống trong lòng bóng tối tội lỗi và đau khổ, xin Chúa Giêsu, Thiên Chúa của niềm hy vọng tin tưởng vào anh chị em, vào đất nước và tương lai của anh chị em, chúc lành cho anh chị em, và an ủi tất cả anh chị em. Xin Người tuôn đổ bình an của Người vào tâm hồn anh chị em, gia đình anh chị em và trên toàn thể Cộng hòa Dân chủ Congo. Cảm ơn anh chị em!
 
Bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với một số tổ chức bác ái tại Congo
Vu Van An
19:44 02/02/2023

Theo tin Tòa Thánh, cũng trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới nói chuyện với một số cơ quan bác ái đang hoạt động tại đất nước này. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, duựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến.



Anh chị em thân mến,

Tôi trìu mến chào anh chị em và cảm ơn anh chị em vì những bài hát của anh chị em, những lời chứng của anh chị em và vì tất cả những gì anh chị em đã nói với tôi, nhưng đặc biệt là về tất cả những gì anh chị em đang làm! Ở đất nước này, nơi âm thanh của bạo lực vang lên như tiếng cây bị chặt đổ, anh chị em là khu rừng lặng lẽ lớn lên mỗi ngày và làm cho không khí trong lành và dễ thở. Đương nhiên, một cây đổ gây ra nhiều tiếng ồn hơn, nhưng Thiên Chúa yêu thương và chúc lành cho lòng quảng đại âm thầm nảy mầm và đơm hoa kết trái, và Người vui mừng nhìn tất cả những ai phục vụ những người túng thiếu. Đó là cách mà lòng tốt phát triển: trong sự đơn sơ của đôi tay và trái tim dang rộng ra cho người khác và trong sự can đảm của những bước nhỏ tiếp cận người nghèo và người dễ bị tổn thương nhân danh Chúa Giêsu. Câu tục ngữ mà Cecilia trích dẫn thực sự đúng: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”.

Một điều gây ấn tượng cho tôi: Anh chị em không chỉ đơn thuần liệt kê các vấn đề xã hội hay cung cấp cho tôi số liệu thống kê về nghèo đói, mà quan trọng hơn là anh chị em nói về người nghèo một cách đầy tình cảm. Anh chị em đã nói về chính mình và về những người trước đây anh chị em chưa biết, nhưng nay đã trở nên quen thuộc với anh chị em; những người có tên và khuôn mặt. Tôi biết ơn vì anh chị em có thể nhìn thấy Chúa Giêsu trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Người. Chúa được tìm kiếm và yêu mến nơi người nghèo và chúng ta, là những Kitô hữu, phải cẩn thận để không quay lưng lại với họ. Có điều gì đó không ổn khi một tín hữu giữ khoảng cách với những người thân yêu của Chúa Kitô.

Trong khi rất nhiều người ngày nay coi thường người nghèo, anh chị em ôm lấy họ; trong khi thế giới bóc lột họ, anh chị em khuyến khích họ. Khuyến khích thay vì khai thác: Đây là một khu rừng đang phát triển, ngay cả khi nạn phá rừng và chất thải tràn lan! Tôi muốn mọi người biết rõ hơn về những gì anh chị em đang làm, để thúc đẩy sự phát triển và hy vọng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và trên toàn lục địa này. Tôi đến đây với mong muốn trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Tôi ước gì các phương tiện truyền thông sẽ dành nhiều không gian hơn cho đất nước này và toàn bộ Châu Phi! Ước gì các dân tộc, các nền văn hóa, những đau khổ và hy vọng của lục địa non trẻ này trong tương lai được biết đến nhiều hơn! Mọi người sẽ khám phá ra những tài năng to lớn và những câu chuyện về sự vĩ đại thực sự nhân bản và Kitô giáo, xuất hiện từ một môi trường lành mạnh được đánh dấu bằng sự tôn trọng đối với trẻ em, người già và toàn bộ sáng thế.

Tôi rất vui khi được lên tiếng ở đây tại Tòa Khâm sứ, bởi vì các Phái bộ Đại diện của Đức Giáo Hoàng, “các nhà của Đức Giáo Hoàng” trên khắp thế giới, đang và phải là những người cổ vũ sự phát triển con người, các trung tâm bác ái, đi đầu trong chính sách ngoại giao của lòng thương xót bằng các nỗ lực của họ để tạo điều kiện viện trợ hữu hiệu và ủng hộ các mạng lưới hợp tác. Điều này hiện đang diễn ra không phô trương ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như nó đã diễn ra từ lâu ở đây. Ngôi nhà này đã là một sự hiện diện hàng xóm trong nhiều thập niên. Được thành lập cách đây 90 năm với tư cách là Phái đoàn của Tòa thánh, trong vài ngày nữa, nó sẽ kỷ niệm 60 năm ngày được nâng lên cấp Sứ thần.

Thưa anh chị em, anh chị em yêu đất nước này và cống hiến hết mình cho người dân. Những gì anh chị em làm là tuyệt vời, nhưng không có nghĩa là dễ dàng. Chúng tôi đã rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện như anh chị em đã kể cho tôi, về những người đàn ông và đàn bà đau khổ bị bỏ rơi vô gia cư bởi sự thờ ơ chung. Điều này khiến họ phải sống trên đường phố, khiến họ có nguy cơ bị bạo lực thể xác và lạm dụng tình dục, thậm chí bị buộc tội là phù thủy, trong khi họ chỉ cần tình yêu và sự chăm sóc. Tekadio ạ, Cha rất có ấn tượng bởi những gì con nói với chúng tôi. Do bệnh phong, con vẫn cảm thấy ngày hôm nay, vào năm 2023, bị “kỳ thị, coi thường và sỉ nhục”, trong khi mọi người, với sự xen lẫn cả xấu hổ, lẫn khó hiểu và sợ hãi, lao vào tẩy uế nơi mà ngay cả bóng của con đã đi qua. Nghèo đói và bị bác bỏ là một sự xúc phạm đến con người, cướp đi phẩm giá của họ. Chúng giống như đống tro tàn dập tắt ngọn lửa mà người đó mang trong mình. Đúng vậy, mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, tỏa sáng với ngọn lửa rực rỡ, nhưng chỉ có tình yêu mới loại bỏ được lớp bụi bẩn che giấu hình ảnh đó. Chỉ bằng cách khôi phục phẩm giá, chúng ta mới khôi phục lại nhân tính! Tôi rất buồn khi biết rằng ở đây cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em và người già bị loại bỏ. Điều này thật tai tiếng và thậm chí còn gây bất lợi cho toàn xã hội, mà sự lành mạnh của nó phụ thuộc chính vào sự chăm sóc mà nó mang lại cho người già và trẻ em, vì họ là gốc rễ và là tương lai của nó. Chúng ta đừng quên: sự phát triển thực sự của con người không thể phát triển ở nơi không có ký ức hoặc tương lai. Ký ức được người già lưu giữ trong khi tương lai được người trẻ mang tới.

Thưa anh chị em, hôm nay tôi muốn đặt hai câu hỏi cho anh chị em, và thông qua anh chị em, cho nhiều người đang làm việc vì lợi ích của đất nước vĩ đại này. Thứ nhất: Có đáng không? Có đáng nỗ lực để chiến đấu với đại dương nhu cầu không ngừng gia tăng này không? Thay vào đó, há đây không phải là một nỗ lực vô ích và thường gây nản lòng hay sao? Điều sơ Marie Celeste nói có thể giúp chúng ta giải đáp thắc mắc đó. Dí nói: “Mặc dù chúng con tầm thường, nhưng Chúa chịu đóng đinh muốn chúng con ở bên cạnh Người để giúp Người gánh chịu những thảm kịch của thế giới.” Thật vậy, lòng bác ái khiến chúng ta hòa hợp với Thiên Chúa và Người làm chúng ta ngạc nhiên với những điều kỳ diệu bất ngờ qua những người Người yêu thương. Những câu chuyện của anh chị em chứa đầy những sự kiện kỳ diệu, được biết đến với trái tim của Chúa và không thể chỉ quy cho sức mạnh con người. Pierre ạ, Cha nghĩ về những gì con nói với chúng tôi, khi con nói rằng trong sa mạc của sự bất lực và thờ ơ, trong biển đau khổ, con và những người bạn của con đã khám phá ra rằng Thiên Chúa không quên các con, bởi vì Người đã gửi cho các con những người không quay trở lại khi họ đang băng qua đường nơi bạn đứng. Trong khuôn mặt của họ, các con đã khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu và bây giờ các con muốn giúp những người khác làm điều tương tự. Lòng tốt cứ thế mà lan tỏa; nó không bị tê liệt bởi sự cam chịu hay số liệu thống kê, nhưng thúc đẩy chúng ta trao cho người khác những gì chúng ta đã nhận được một cách nhưng không. Tôi nhận và tôi cho đi. Đặc biệt, những người trẻ tuổi cần nhìn thấy điều này: họ cần nhìn thấy những khuôn mặt biết vượt qua sự thờ ơ bằng cách nhìn thẳng vào mắt mọi người, và những bàn tay không sử dụng vũ khí hoặc lạm dụng tiền bạc, nhưng vươn tới những người đang nằm dưới đất và nâng họ dậy cho xứng phẩm giá của họ, phẩm giá của một người con gái và con trai của Thiên Chúa. Chỉ có một trường hợp đúng đắn khi nhìn xuống một người: giúp nâng người đó lên. Ngoài ra, chúng ta đừng bao giờ coi thường một người.

Do đó, nó là điiều đáng làm! Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy chính quyền dân sự, thông qua các thỏa thuận gần đây với Hội đồng Giám mục, đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của những người tham gia vào công việc xã hội và từ thiện. Điều này chắc chắn không có nghĩa là chúng ta có thể ủy quyền một cách có hệ thống cho các tình nguyện viên chăm sóc những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, hoặc chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Đây là những nhiệm vụ chính của những người cai trị; họ nên quan tâm để đảm bảo rằng các dịch vụ căn bản được cung cấp cho những người sống xa các trung tâm đô thị lớn. Đồng thời, các tín hữu trong Chúa Kitô không bao giờ được làm vấy bẩn chứng tá bác ái, tức là chứng tá cho Thiên Chúa, bằng cách chạy theo đặc quyền, uy tín, danh vọng và quyền lực. Đó là một điều xấu xa mà chúng ta không bao giờ nên làm. Không, phương tiện, nguồn lực và mục tiêu của chúng ta phải được sử dụng cho người nghèo. Những người chăm sóc họ luôn được mời gọi để nhớ rằng quyền lực là phục vụ, và bác ái không khiến chúng ta ngủ quên trên vinh quang, nhưng đòi hỏi những hành động cấp bách và cụ thể. Về vấn đề này, trong số rất nhiều việc cần phải làm, tôi muốn nhấn mạnh một thách thức liên quan đến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng đất nước này. Nguyên nhân gây ra nghèo đói không phải là thiếu hàng hóa và cơ hội, mà là sự phân phối chúng không đồng đều. Những người giàu có, đặc biệt nếu họ là Kitô hữu, được thách thức chia sẻ những gì họ có với những người thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu, và càng phải chia sẻ nhiều hơn nếu họ là thành viên của cùng một dân tộc. Đây không phải là vấn đề của lòng nhân từ, mà là của công lý. Đó không phải là lòng từ thiện, mà là niềm tin. Vì, như Kinh thánh nói, “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gcb 2:26).

Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi thứ hai, liên quan đến bổn phận và tính cấp bách của việc làm điều tốt. Phải thực hiện nó thế nào? Bác ái được thực hiện ra sao? Nên tuân theo các tiêu chuẩn nào? Ở đây tôi xin cung cấp cho anh chị em ba suy nghĩ đơn giản. Chúng quen thuộc với các tổ chức bác ái làm việc ở đây, nhưng chúng rất hữu ích để nhắc lại, ngõ hầu việc phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo có thể trở thành một hình thức chứng tá hữu hiệu hơn bao giờ hết.

Trước hết, bác ái kêu gọi phải nêu gương. Nó không đơn giản chỉ là một điều gì đó chúng ta làm; nó là một biểu thức nói lên chúng ta là ai. Đó là một lối sống, một lối sống Tin Mừng, và nó đòi hỏi sự đáng tin cậy và minh bạch. Tôi đang nghĩ đến việc quản lý tài chính và hành chính của các dự án, cũng như nhu cầu cung cấp các dịch vụ phù hợp một cách có khả năng. Đây chính xác là tinh thần đánh dấu nhiều công việc của Giáo hội mang lại lợi ích cho đất nước này và làm nổi bật lịch sử của nó. Mong sao chúng ta luôn nêu gương tốt!

Thứ hai, biết nhìn xa trông rộng, có tầm nhìn xa. Điều quan trọng là các sáng kiến và việc làm tốt không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn chứng minh tính bền vững theo thời gian. Chúng không nhằm mục đích qui hướng vào phúc lợi, nhưng xem xét điều gì sẽ chứng tỏ hữu hiệu nhất trong dài hạn; theo cách này, chúng có thể kéo dài và không kết thúc với những người đã bắt đầu chúng. Thí dụ, ở đất nước này, đất đai vô cùng màu mỡ và cực kỳ có năng suất. Sự quảng đại của những người cung cấp viện trợ cho anh chị em phải đánh giá cao thực tế này và thúc đẩy sự phát triển của những người sống trên vùng đất này, dạy họ cách canh tác và tạo ra các dự án phát triển để tương lai nằm trong tay họ. Thay vì phân phối hàng hóa luôn thiếu hụt, tốt hơn hết là truyền tải kiến thức và các công cụ giúp phát triển tự chủ và bền vững. Ở đây, tôi muốn đề cập đến sự đóng góp to lớn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo, mà ở đất nước này, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, mang đến sự cứu viện và hy vọng cho mọi người, giúp đỡ những người đau khổ với tinh thần quảng đại và có khả năng, luôn luôn tìm kiếm cách giúp đỡ người khác thông qua việc sử dụng các phương tiện phù hợp và cập nhật, một việc luôn luôn đúng.

Nêu gương, có tầm nhìn xa và bây giờ – yếu tố thứ ba – luôn kết nối. Thưa anh chị em, anh chị em phải kết mạng, không phải chỉ trực tuyến mà còn cụ thể nữa. Chúng ta thấy điều này được minh họa ở đất nước của anh chị em trong bản giao hưởng của cuộc sống được tìm thấy trong khu rừng lớn và thảm thực vật đa dạng của nó. Việc kết mạng kêu gọi sự hợp tác ngày càng lớn hơn, sự tương tác liên tục với nhau, luôn hiệp thông với các Giáo hội địa phương và khu vực. Việc kết mạng: mỗi người tùy theo đặc sủng của mình, nhưng cùng nhau, kết nối, chia sẻ mối quan tâm, ưu tiên và nhu cầu, mà không bị cô lập hoặc tự qui chiếu vào mình, sẵn sàng làm việc cùng với các cộng đồng Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, và nhiều tổ chức nhân đạo hiện diện ở đây – tất cả vì lợi ích của người nghèo. Kết mạng với tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến, tôi để lại cho anh chị em những suy tư này và tôi cám ơn anh chị em về những gì anh chị em đã cho tôi ngày hôm nay. Thật vậy, cảm ơn rất nhiều vì anh chị em đã làm trái tim tôi xúc động. Anh chị em là một kho báu tuyệt vời. Tôi chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi cần những lời cầu nguyện của anh chị em. Cảm ơn anh chị em!
 
Bài nói chuyện với các linh mục, phó tế, người thánh hiến và chủng sinh Congo
Vu Van An
22:13 02/02/2023

Theo tin Tòa Thánh, ngày thứ ba trong chuyến tông du Cộng hòa Dân chủ Congo, nhằm Ngày Lễ Đức Mẹ dâng Con vào Đền thờ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có buổi gặp gỡ cầu nguyện với các linh mục, phó tế, người thánh hiến và chủng sinh Congo tại nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Congo ở Thủ đô Kinshaha. Sau đây là toàn văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh em linh mục, phó tế và chủng sinh thân mến,
Các tu sĩ nam nữ thân mến, chào anh chị em buổi tối và chúc anh chị em một ngày lễ vui vẻ!


Cha vui mừng được hiện diện với anh chị em hôm nay, vào ngày lễ Dâng Chúa vào Đền thờ, một ngày mà chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho đời sống thánh hiến. Giống như Simêon, tất cả chúng ta đều chờ đợi ánh sáng của Chúa để soi sáng bóng tối của cuộc đời chúng ta. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều mong muốn có được cùng một cảm nghiệm mà ông Simêon đã có trong Đền Thờ Giêrusalem: ôm Chúa Giêsu trong vòng tay của chúng ta. Để ôm Người trong vòng tay, để chúng ta có thể chiêm ngưỡng Người và ôm Người vào lòng. Khi chúng ta đặt Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc đời mình, thì cách nhìn của chúng ta thay đổi, và bất chấp mọi nỗ lực và khó khăn, chúng ta cảm thấy được ánh sáng của Người bao bọc, được Thần Khí của Người an ủi, được khích lệ bởi lời của Người và được nâng đỡ bởi tình yêu của Người.

Khi nói điều này, cha nghĩ đến những lời chào mừng của Đức Hồng Y Ambongo, và cha cảm ơn ngài về điều đó. Ngài chỉ ra “những thách thức to lớn” mà những người sống cam kết với chức linh mục và đời sống thánh hiến ở vùng đất được đánh dấu bởi “những điều kiện khó khăn và thường nguy hiểm” và nhiều đau khổ phải đối đầu này. Tuy nhiên, như ngài lưu ý, cũng có niềm vui lớn lao trong việc phục vụ Tin Mừng, và ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến thì dồi dào. Điều này là do ân sủng dồi dào của Thiên Chúa, hoạt động chính xác trong sự yếu đuối (x. 2 Cr 12:9), và làm cho anh chị em, cùng với giáo dân, có khả năng khơi dậy niềm hy vọng trong những hoàn cảnh thường đau khổ mà dân tộc anh chị em đang sống.

Sự chắc chắn này của chúng ta, ngay cả giữa những khó khăn, là một hồng phúc phát sinh từ lòng trung thành của Thiên Chúa. Qua tiên tri Isaia, Người nói: “Ta sẽ làm một xa lộ trong hoang địa và làm những dòng sông trong sa mạc” (43:19). Cha nghĩ cha sẽ cống hiến cho các con một số suy tư bắt đầu từ chính những lời của ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa mở ra những con đường mới giữa sa mạc của chúng ta, và chúng ta, với tư cách là những thừa tác viên được thụ phong và những người được thánh hiến, được kêu gọi trở thành dấu chỉ của lời hứa này và giúp đem nó đến chỗ nên trọn vẹn trong lịch sử của Dân thánh Thiên Chúa. Tuy nhiên, một cách cụ thể, chúng ta được mời gọi để làm gì, nếu không phải là phục vụ giáo dân với tư cách là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa? Isaia giúp chúng ta hiểu phải làm ra sao.

Qua những lời của vị ngôn sứ, Chúa nói với dân Người vào thời điểm đầy bi kịch, vì dân Israel đã bị lưu đày sang Babylon và bị biến thành nô lệ. Động lòng cảm thương, Chúa tìm cách an ủi họ. Thật vậy, đoạn này của ngôn sứ Isaia được gọi là “Sách An Ủi”, bởi vì Chúa nói với dân Người những lời hy vọng và những lời hứa cứu độ. Đầu tiên, Người nhắc lại mối dây yêu thương ràng buộc Người với dân tộc của Người: “Đừng sợ, vì Ta đã cứu chuộc các ngươi; Ta đã gọi các ngươi bằng tên, các ngươi là của Ta. Khi các ngươi vượt qua vùng nước, ta sẽ ở bên các ngươi; và qua các con sông, chúng sẽ không tràn ngập các ngươi; khi các ngươi bước qua lửa, các ngươi sẽ không bị thiêu đốt, và ngọn lửa sẽ không thiêu đốt các ngươi” (43:1-2). Chúa tỏ mình ra là Thiên Chúa của lòng cảm thương, và Người bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người sẽ luôn ở bên chúng ta, là nơi nương tựa, là sức mạnh trong khó khăn. Chúa giàu lòng thương xót. Ba danh xưng của Thiên Chúa, ba nét đặc trưng của Người là lòng thương xót, cảm thương và dịu dàng, vì chúng cho thấy sự gần gũi của Thiên Chúa: một Thiên Chúa gần gũi, cảm thương và dịu dàng.

Các linh mục và phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh thân mến: qua các con, Chúa cũng muốn xức dầu cho dân Người hôm nay bằng dầu an ủi và hy vọng. Các con được mời gọi để lặp lại lời hứa này của Thiên Chúa, để nhắc nhở người khác rằng Người đã tạo dựng chúng ta và chúng ta thuộc về Người, đồng thời khuyến khích và đồng hành với hành trình đức tin của cộng đoàn hướng về Đấng luôn đồng hành với chúng ta. Thiên Chúa không để nước tràn ngập chúng ta, Lửa cũng không thiêu đốt chúng ta. Chúng ta hãy nhận ra rằng chúng ta đã được mời gọi để loan báo sứ điệp này giữa những đau khổ của con người. Đó là ý nghĩa của việc trở thành tôi tớ của dân chúng: trở thành linh mục, nữ tu và nhà truyền giáo, những người đã biết niềm vui của cuộc gặp gỡ giải thoát với Chúa Giêsu và bây giờ mang lại niềm vui đó cho người khác. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng chức linh mục và đời sống thánh hiến trở nên khô khan nếu chúng ta bắt đầu nghĩ rằng người ta ở đó để phục vụ chúng ta, hơn là chúng ta ở đây để phục vụ họ. Mục tiêu của chúng ta không phải là một nghề nghiệp, một địa vị xã hội, hay một phương tiện chu cấp cho gia đình chúng ta ở quê nhà. Thay vào đó, đó là một sứ mệnh hành động như những dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Kitô, tình yêu vô điều kiện, sự hòa giải và tha thứ của Người, và mối quan tâm đầy cảm thương của Người đối với nhu cầu của người nghèo. Chúng ta đã được kêu gọi hiến mạng sống mình cho anh chị em mình, và mang đến cho họ Chúa Giêsu, Đấng duy nhất chữa lành vết thương của mọi trái tim.

Nếu chúng ta cảm nghiệm ơn gọi của mình theo cách này, chúng ta sẽ luôn có những thách thức phải đối đầu và những cám dỗ phải vượt qua. Cha muốn tập trung ngắn gọn vào ba trong số này: sự tầm thường tâm linh, sự thoải mái của thế gian và sự hời hợt.

Trước hết, chúng ta cần vượt qua sự tầm thường tâm linh. Bằng cách nào? Việc Dâng Chúa vào Đền thờ, mà Kitô giáo Đông phương gọi là “lễ gặp gỡ”, nhắc nhở chúng ta rằng ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta phải là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa, đặc biệt là trong lời cầu nguyện bản thân, bởi vì mối quan hệ của chúng ta với Người là nền tảng của mọi sự chúng ta làm. Đừng bao giờ quên rằng bí quyết của mọi sự là cầu nguyện, vì thừa tác vụ và hoạt động tông đồ chủ yếu không phải là công việc của chúng ta và không chỉ phụ thuộc vào các phương tiện của con người. Các con sẽ nói với cha: vâng, đúng như vậy, nhưng những cam kết, ưu tiên mục vụ, lao động tông đồ, mệt mỏi, v.v. có nguy cơ khiến chúng con không còn nhiều thời gian và sức lực để cầu nguyện. Đó là lý do tại sao cha muốn chia sẻ một vài lời khuyên. Trước hết, chúng ta hãy trung thành với một số nhịp cầu nguyện phụng vụ đánh dấu ngày này, từ Thánh lễ đến kinh nhật tụng. Việc cử hành Thánh Thể hàng ngày là nhịp đập của đời sống linh mục và tu sĩ. Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho phép chúng ta cầu nguyện với Giáo Hội và đều đặn: Ước mong sao chúng ta đừng bao giờ lơ là việc này! Vì vậy, chúng ta cũng đừng bỏ bê việc Xưng tội. Chúng ta luôn cần được tha thứ, để sau đó ban tặng lòng thương xót cho người khác.

Bây giờ, lời khuyên thứ hai. Như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta không thể giới hạn mình trong việc đọc thuộc lòng những lời cầu nguyện, nhưng phải dành ra một thời gian để cầu nguyện sốt sắng mỗi ngày, để luôn “tâm đầu ý hợp” với Chúa. Đó có thể là một thời gian dài để thờ lạy, suy niệm Lời Chúa, hoặc lần hạt Mân Côi, nhưng là thời gian gần gũi với Đấng mà chúng ta yêu mến hơn hết mọi sự. Ngoài ra, ngay cả khi đang hoạt động, chúng ta luôn có thể nhờ đến lời cầu nguyện của trái tim, những “ước nguyện” ngắn gọn – vốn là một kho tàng thực sự – những lời chúc tụng, tạ ơn và khẩn cầu, để lặp lại với Chúa ở bất cứ nơi nào chúng ta sống. Cầu nguyện giúp chúng ta không còn tập trung vào bản thân, nó mở lòng chúng ta với Thiên Chúa, và nó giúp chúng ta đứng vững vì nó đặt chúng ta trong tay Người. Nó tạo ra trong chúng ta không gian để có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa, để lời của Người trở nên quen thuộc với chúng ta và qua chúng ta, với tất cả những người chúng ta gặp gỡ. Không cầu nguyện, chúng ta sẽ không tiến xa được. Cuối cùng, để vượt qua sự tầm thường tâm linh, chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi kêu cầu Đức Mẹ, Mẹ của chúng ta, học nơi Mẹ để chiêm ngắm và bước theo Chúa Giêsu.

Thách thức thứ hai là vượt qua cám dỗ của tiện nghi trần tục, của cuộc sống dễ dãi, trong đó chúng ta ít nhiều sắp xếp mọi thứ và lùi lại, tìm kiếm sự thoải mái cho riêng mình, bị lôi cuốn không chút nhiệt tình. Theo cách này, chúng ta đánh mất trọng tâm sứ mệnh của mình, đó là bỏ cái tôi của mình lại phía sau và hướng về anh chị em mình, thực hành “nghệ thuật của sự gần gũi” nhân danh Chúa. Thông thường, trong những hoàn cảnh nghèo khó và đau khổ, có nguy cơ lớn về tính thế gian: mong muốn lợi dụng địa vị của mình để thỏa mãn những nhu cầu và tiện nghi của chính mình. Thật đáng buồn khi chúng ta thu mình lại và trở thành những quan chức lạnh lùng trong tinh thần. Thay vì phục vụ Tin Mừng, chúng ta lại quan tâm đến việc quản lý tài chính và theo đuổi một số công việc kinh doanh sinh lời cho chính mình. Thưa anh chị em, thật tai tiếng khi điều này xảy ra trong đời sống của một linh mục hay tu sĩ, vì thay vào đó, họ nên là những mẫu mực về sự điều độ và tự do nội tâm. Mặt khác, thật đẹp biết bao khi minh bạch trong các ý định của chúng ta và không thỏa hiệp với tiền bạc, vui vẻ đón nhận sự khó nghèo của Tin Mừng và sát cánh với người nghèo! Và thật đẹp biết bao khi được rạng ngời trong cuộc sống độc thân như một dấu hiệu của sự sẵn sàng hoàn toàn cho vương quốc của Thiên Chúa! Xin đừng để chính những tật xấu mà chúng ta muốn nhổ bỏ nơi người khác, và trong toàn thể xã hội, cuối cùng lại bén rễ trong chúng ta. Làm ơn, chúng ta hãy coi chừng những tiện nghi trần tục.

Cuối cùng, thử thách thứ ba là vượt qua cám dỗ hời hợt. dân Chúa đang chờ đợi để được nghe và tìm thấy niềm an ủi nơi lời Chúa. Do đó, họ cần các linh mục và tu sĩ được giáo dục, đào tạo đàng hoàng và đam mê Tin Mừng. Một hồng phúc đã được trao vào tay chúng ta, và chúng ta sẽ tự phụ khi nghĩ rằng mình có thể thực hiện sứ mệnh mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta mà không cần phải tự rèn luyện bản thân mỗi ngày và không được đào tạo thần học và thiêng liêng đầy đủ. Người ta không cần những “thánh chức”, có học vị nhưng tách biệt với những người nam nữ bình thường. Chắc chắn, chúng ta buộc phải đi vào trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo, đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về giáo huấn của Giáo hội, nghiên cứu và suy niệm lời Chúa. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta phải tiếp tục cởi mở với những vấn đề của thời đại chúng ta và những câu hỏi ngày càng phức tạp của thời đại chúng ta, để hiểu cuộc sống và nhu cầu của mọi người, đồng thời nhận ra cách tốt nhất để nắm lấy tay họ và đồng hành với họ. Hệ luận là, việc đào tạo hàng giáo sĩ không phải là một sự bổ sung tuỳ ý. Tôi nói điều này với các chủng sinh, nhưng nó áp dụng cho tất cả mọi người. Việc đào tạo phải được tiếp tục; nó phải tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta. Nó được gọi là sự đào tạo liên tục: một sự đào tạo liên tục, suốt đời.

Chúng ta phải đương đầu với những thách thức này nếu chúng ta muốn phục vụ người ta trong tư cách nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa, vì việc phục vụ chỉ có hiệu quả nếu nó đến qua nhân chứng. Đừng bao giờ quên hạn từ này: nhân chứng. Sau khi công bố những lời an ủi, Chúa nói qua ngôn sứ Isaia: “Ai trong họ đã tuyên bố điều này và báo trước cho chúng ta những điều trước đây? Các ngươi là nhân chứng của Ta” (43:9, 10). Nhân chứng. Để trở thành những linh mục, phó tế và những người thánh hiến tốt lành, lời nói và ý định là chưa đủ: chính cuộc sống của các con phải nói lớn hơn lời nói của các con. Anh chị em thân mến, khi nhìn anh chị em, tôi tạ ơn Chúa, vì anh chị em là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đi trên đường phố của đất nước này, Đấng chạm đến cuộc sống của mọi người và băng bó những vết thương của họ. Tuy nhiên, cần có thêm những người trẻ có thể thưa “xin vâng” với Chúa, cần thêm nhiều linh mục và tu sĩ có thể chiếu tỏa vẻ đẹp của Người bằng cuộc sống của họ.

Trong các chứng từ của mình, các con đã nhắc nhở cha rằng thật khó khăn biết bao khi thi hành sứ mệnh của mình ở một vùng đất giàu vẻ đẹp thiên nhiên và tài nguyên, nhưng lại bị tổn thương bởi nạn bóc lột, tham nhũng, bạo lực và bất công. Tuy nhiên, các con cũng đã nói về dụ ngôn Người Samari nhân hậu, và cách Chúa Giêsu đi trên đường phố của chúng ta và, đặc biệt là qua Giáo hội của Người, dừng lại và chăm sóc vết thương của những người bị áp bức. Thưa anh chị em, mục vụ mà anh chị em được kêu gọi chính là điều này: mang đến sự gần gũi và an ủi, giống như ánh sáng không ngừng chiếu sáng giữa bóng tối bao trùm. Chúng ta hãy học nơi Chúa, Đấng luôn gần gũi. Và trở thành anh chị em với mọi người, đặc biệt với nhau: chứng nhân của tình huynh đệ, không bao giờ có chiến tranh; nhân chứng của hòa bình, học cách chung sống với sự khác biệt giữa các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau. Vì, như Đức Bênêđictô XVI đã lưu ý, khi nói chuyện với các linh mục ở Châu Phi, “chứng tá của anh chị em về việc chung sống hòa bình, bất chấp sắc tộc và chủng tộc, có thể đánh động các trái tim” (Africae Munus, 108).

Như một câu ngạn ngữ cổ đã nói: “Gió không làm gãy bất cứ thứ gì có thể uốn cong được.” Đáng buồn thay, lịch sử của nhiều dân tộc trên lục địa này đã phải uốn cong trước sức mạnh của đau khổ và bạo lực. Nếu trong lòng mỗi người đều có một ước muốn, thì đó là không bao giờ phải làm như vậy nữa, không bao giờ phải cúi mình trước sự kiêu ngạo của kẻ quyền thế, không bao giờ phải khuất phục trước ách bất công. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu câu tục ngữ chủ yếu theo nghĩa tích cực: có một kiểu uốn cong không đồng nghĩa với yếu đuối hay hèn nhát mà đồng nghĩa với sức mạnh. Do đó, uốn cong có thể là dấu hiệu của khả năng mềm dẻo, vượt qua sự cứng ngắc, và vun trồng một tinh thần ngoan ngoãn không khuất phục trước cay đắng và oán giận. Đó là dấu hiệu của khả năng thay đổi và không cố thủ trong ý tưởng và chủ trương của chính mình. Nếu chúng ta cúi đầu khiêm nhường trước Thiên Chúa, Người sẽ khiến chúng ta trở nên giống như Người, là những tác nhân của lòng thương xót. Nếu chúng ta mãi ngoan ngoãn trong tay Thiên Chúa, thì Người uốn nắn chúng ta trở thành một dân tộc hòa giải, có khả năng cởi mở và đối thoại, chấp nhận và tha thứ, những người làm cho những dòng sông hòa bình chảy qua những vùng đồng bằng khô cằn đầy bạo lực. Do đó, khi những cơn gió bão của sự xung đột và chia rẽ thổi qua, chúng ta không bị tan vỡ, vì chúng ta tràn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa. Mong sao các con luôn ngoan ngoãn với Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không bao giờ bị sóng gió chia rẽ làm tan vỡ.

Thưa anh chị em, tôi chân thành cảm ơn anh chị em về con người của anh chị em và những gì anh chị em làm; Tôi cảm ơn anh chị em vì chứng tá của anh chị em cho Giáo hội và thế giới. Đừng nản lòng, vì chúng tôi cần anh chị em! Anh chị em là quý giá và quan trọng. Tôi nói điều này nhân danh toàn thể Giáo hội. Xin cho anh chị em luôn là những máng chuyển sự hiện diện đầy an ủi của Chúa, những chứng nhân vui tươi của Tin Mừng, những ngôn sứ của hòa bình giữa những cơn bão bạo lực, những môn đệ của tình yêu, luôn sẵn sàng chăm sóc những vết thương của người nghèo và người đau khổ. Tôi xin cám ơn anh chị một lần nữa; cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ và lòng nhiệt thành mục vụ của anh chị em. Tôi ban phước cho anh chị em và mang anh chị em trong trái tim của tôi. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi! Cảm ơn anh chị em!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Song Nguyền Thế Giới Kỳ VI Tại Trung Tâm Hành Hương La Vang
Tô-ma Trương Văn Ân
19:31 02/02/2023
Đại Hội Song Nguyền Thế Giới Kỳ VI Tại Trung Tâm Hành Hương La Vang

Đại Hội Song Nguyền Thế Giới Kỳ VI, kỷ niệm 35 năm ( 1987-2022 ) Chương trình phục vụ các gia đình, được tổ chức tại Trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang trong 3 ngày, từ ngày 31 / 1 đến 2 / 2 / 2023, là lần Đại hội Song Nguyền thứ 4 được tổ chức tại đây. Với chủ đề: “Hiệp hành cùng Giáo hội, Song Nguyền sống yêu thương qua khiêm- gần”.

Xem Hình

Đại hội qui tụ gần 1500 Song Nguyền của nhiều Giáo phận tại Việt Nam và một số Giáo phận của các Quốc Gia: Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu… ( Song Nguyền: cách gọi của Các cặp vợ chồng sau khi tham dự Khóa Căn Bản 3 ngày, do Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, Linh thao, hướng dẫn. ). Có 4 Đức Giám Mục và hơn 30 Linh mục Linh Nguyền, Giám Nguyền từ cấp Trung Ương đến Giáo phận và Giáo xứ trong Quốc nội và Hải ngoại đến tham dự.

Ngày thứ nhất cả Đại hội: 31 / 1 / 2023:

Sau lời giới thiệu của Chủ nguyền Việt Nam: anh chị Giuse Nguyễn Văn Từ / Matta Nguyễn Thị Thùy Liên về chương trình, mục đích, nền tảng, ý nghĩa của Đại Hội Kỳ VI và thành phần tham dự. Đại hội đã được Cha Phaolô Nguyễn Luận – Tổng Linh Nguyền Việt Nam tuyên bố khai mạc lúc 15 giờ 30.

Lúc 16 giờ 20: Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục, Tổng Giáo phận Huế đã chủ sự Thánh lễ Kính Chúa Thánh Thần- Thánh lễ khai mạc. Hiện diện trong Thánh lễ còn có: Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, Nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc HĐGM VN và Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ Tịch Ủy Ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc HĐGM VN. Cha An-tôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện TGP Huế; Cha Phao-lô Nguyễn Luận, Tổng Linh nguyền ( TLN) Việt Nam; Cha Phanxicô Trần Quốc Tuấn, TLN Trung ương Hải Ngoại; và Quý Cha Giám Nguyền, Linh Nguyền đồng hành cùng đồng tế.

Đức Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn Song Nguyền tham dự: sống niềm vui hiệp thông lan tỏa khắp Giáo Hội toàn cầu và tâm tình tạ ơn, vì Hồng Ân 35 năm Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình (CTTTHNGĐ), phục vụ các gia đình, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn Đại hội trong ánh áng và Ân Sủng, Tạ Ơn Đức Mẹ La Vang luôn đồng hành với mỗi người. Đồng thời với lòng biết ơn Cha Phê-rô Chu Quang Minh, đã sáng lập Chương Trình theo tinh thần Phúc Âm và truyền thống Việt Nam, giúp nâng đỡ và thăng tiến đời sống hôn nhân gia đình rất tuyệt vời, và xin Chúa ban muôn Ơn phúc cho Ngài.

Một giờ rước và Chầu Thánh Thế thật sốt sắng, trước lúc nghĩ đêm. Xin Chúa cho các Song Nguyền biết sống Linh Đạo KHIÊM – GẦN của CTTTHNGĐ, biết chân thành với nhau trong sự thật, khiêm nhường đón nhận nhau trong bình an cũng như trong thử thách, biết yêu thương nhau nhờ yêu mến Bí Tích Tình yêu – Bí Tích Thánh Thể !

Ngày thứ hai của Đại hội, 1 / 2 / 2023:

Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã chủ sự Thánh Lễ Kính Đức Mẹ La vang lúc 6 giờ, cùng đồng tế có Đức Cha Anphong, Giám mục Giáo phận Vinh. Đức Cha Chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng chia sẻ niềm vui vì mỗi người là thành phần gia đình Thiên Chúa, có Mẹ Maria yêu thương chăm sóc chúng ta. Thiên Chúa và Mẹ yêu thương gần gũi chúng ta và mỗi người cũng Sống yêu thương gần gũi với nhau. Điều đó xây dựng gia đình yêu thương hạnh phúc, cộng đoàn hạnh phúc, cũng cố sự hiệp nhất, hiệp thông. Đức Cha nhấn mạnh đến đức tính khiêm tốn của các thành viên trong gia đình. Nhờ khiêm tốn gần gũi mới giữ được lời thề hứa trung thành yêu thương nhau trọn cuộc đời của vợ chồng. Khiêm tốn sẽ hiệp nhất trong gia đình và hiệp nhất trong Giáo Hội, làm chứng từ sống động cho các gia đình anh chị em chưa nhận biết Chúa, trong môi trường gia đình đang sống và làm việc.

Sau Thánh lễ, Đức Cha Anphong đã huấn từ Tham dự viên về đề tài: Củng Cố Sự Hiệp Thông. Hiệp thông trong gia đình, trong Giáo xứ / Giáo đoàn, Giáo Hội địa phương. Bài huấn từ về việc gặp gỡ, lắng nghe và biết phân định. sự qui tụ các tham dự viên là hình ảnh của Hiệp Hành. Hôn nhân gia đình thăng tiến tốt đẹp hạnh phúc cần phải có sự hiệp thông. Tất cả các thành viên cần lắng nghe nhau, cùng nhau phân định để có quyết định chung cho những chương trình, hoặc một sự việc sắp đến của gia đình, của cộng đoàn.

Đức Cha dẫn chứng nhiều trường hợp điển hình, để nhắc các Song Nguyền và các gia đình: “ Yêu thương gần gũi nhau cả thể lý và tâm hồn”, các thành viên trong gia đình Cha mẹ Ông bà Con Cháu, gần gũi hiệp thông với nhau khi biết hiệp thông với Chúa, làm nên một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương…. Đó chính là Sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các gia đình anh chị em xung quanh.

Cuối giờ giảng huấn, Đức Cha Anphong đã giải đáp một số câu hỏi của Tham dự viên về nhiều khía cạnh trong đời sống hôn nhân gia đình.

Cũng trong ngày này, CTTTHNGĐ các Giáo phận tại Việt Nam và các Giáo phận Hải Ngoại, đã tường trình tóm lược những hoạt động của Mình, và chia sẻ nhiều chứng từ sống động của các Song Nguyền khắp nơi. Sau khi tham dự khóa, Ơn Chúa đã làm thay đổi chính đời sống và tương quan vợ chồng của họ, giúp gia đình tưởng chừng như đổ vỡ, tìm lại được hạnh phúc yêu nhau hơn. Quý Cha Tổng Linh Nguyền, Linh Nguyền, Chủ Nguyền Hải ngoại cũng đã chia sẻ và trả lời nhiều ý kiến liên quan đến mục vụ gia đình, sự thăng tiến bản thân, giáo dục con bằng việc lành và sự nhẫn nại. Quý Cha cũng quan tậm đến việc giáo dục con cái trong xã hội hôm nay, sự khác biệt văn hóa tại các vùng miền và CTTTHNGĐ.

Buổi tối cùng ngày, Tham dự viên cùng nhau rước kiệu, Cung Nghinh Đức Mẹ La vang. Sau rước Kiệu, một chương trình văn nghệ vui sinh động, tạo niềm vui hiệp thông trong cộng đoàn Song Nguyền. 10 tiết mục được trình diễn với chuyên môn và nghệ thuật cao, đã thu hút khán thính giả từ tiết mục đầu đến tiết mục cuối. với dàn nhạc kèn hoành tráng của Giáo xứ Xuân Dục – Giáo phận Bùi Chu, trổi Bài hát Về Bên Mẹ La Vang, giai điệu như diễn tả tâm hồn và những bước chân con cái Mẹ từ khắp nơi khao khát ước mong, nhanh chân về bên Mẹ yêu thương. với giọng ca cao vút Opera của một nam Ca sỹ, cất cao bài Ave Maria của Schubert, như lời Kinh, lời ca tụng Mẹ vút cao lên tới Thiên cung….

Ngày thứ ba của Đại Hội, 2 / 2 / 2023:

Niềm vui Tạ Ơn là chủ đề của ngày cuối cùng Đại Hội. Tạ ơn Chúa vì đã qui tụ Song Nguyền từ khắp nơi về bên Mẹ, Tạ Ơn Chúa vì CTTTHNGĐ trong 35 năm qua đã nâng đỡ giúp cho nhiều gia đình sống yêu thương hạnh phúc hơn. Song Nguyền Thăng Tiến Đạo Đức Bản Thân; Thăng Tiến Cảm Thông Vợ Chồng; Thăng Tiến Gương Lành Cho Con; Thăng Tiến Hồn Tông Đồ Song Đôi.

Trong sáng này, Ban tổ chức đã chia Tham dự viên thành 2 khối: Khối cơ bản và Khối nâng cao. Những Song Nguyền muốn học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, thì được các Cha và các anh chị Trường Nội Dung ( Ban Giảng Huấn) hướng dẫn thêm, để trong thời gian đến có thể giúp các tham dự viên, tham dự khóa học.
lúc 10 giờ, Đức Cha Đa-minh Nguyễn Văn mạnh, Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc HĐGMVN đã chủ sự Thánh lễ Bế mạc Đại Hội.

Đức Cha tỏ niềm vui mừng, vì mục đích Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình là gia đình yêu thương nhau. Đây là dấu chứng, là chứng nhân, vì yêu thương nhau là bản chất của Giáo Hội. Bầu khí sốt sắng thánh thiện trong gia đình là gia đình hạnh phúc. Đức Cha đã xin Chúa chúc lành cho CTTTHNGĐ và cho các gia đình.

Một văn bản quan trong đã được Đức Cha Chủ tich Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trao cho các Song Nguyền, đó là: BÀI SAI TRUYỀN GIÁO. Đây là lần đầu tiên trong 6 kỳ Đại hội, Song Nguyền nhận “Bài Sai”. Các Song Nguyền ý thức được sứ mạng được sai đi loan báo Tin Mừng tới các vùng ngoại biên với “ Hồn Tông Đồ Song Đôi”: Làm chứng cho vẻ đẹp của Hôn Nhân Gia Đình; Mở lòng đón nhận Đức Ki-tô, lắng nghe Người trong thinh lặng và cầu nguyện; Trở thành người đan dệt tương quan huynh đệ, tình yêu, sự sống cho Giáo Hội hiệp hành; Đồng hành với những người bé mọn, di dân, cô đơn và bị bỏ rơi; Mang hy vọng cho người mất hy vọng; Là những gia đình có tâm hồn rộng lớn; Là khuôn mặt chào đón của Giáo Hội; và luôn luôn cầu nguyện.

Cuối Thánh lễ Bế mạc, Cha Phao-lô Nguyễn Luận, Tổng Linh Nguyền, đã kính trình lên Đức Cha Chủ tịch UBMVGĐ Thỉnh Nguyện thư của Chương Trình TTHNGĐ. Đó là: xin Đức Cha Chuẩn nhận, chấp thuận, giới thiệu và xác nhận CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN HÔN NHÂN GIA ĐÌNH là MỘT ĐOÀN THỂ Công Giáo TIẾN HÀNH trong Hội Thánh. Trước mặt cộng đoàn tham dự, Đức Cha Chủ tịch UBMVGĐ trực thuộc HĐGMVN đã ấn ký Thỉnh Nguyện Thư, sau đó Ngài trao cho Quý Cha Tổng Linh Nguyền, Quí Chủ Nguyền Việt Nam và Hải Ngoại. Các tài liệu đính kèm gồm: Sách Nội Quy năm 2018, Danh sách ban Điều Hành và Sơ đồ tổ chức của CTTTHNGĐ thế giới.

Tôma Trương Văn Ân
 
Văn Hóa
Những Tuấ̀n Canh Thâm Lặng
Sơn Ca Linh
11:14 02/02/2023
Những Tuấ̀n Canh Thâm Lặng

(Nhân ngày “Quốc tế cầu nguyện cho đời sống tu trì – 2/2/2023)

Giữa một thế giới của “trưa hè nắng gắt”,
Của bụi bặm, xô bồ, nhầy nhụa, bon chen…
Vẫn còn đây, âm thầm lặng lẽ… những ngọn đèn,
Những “chiến sĩ tuần canh” trên khắp “bờ tường thế giới” !

Họ, những Ni Cô già niệm kinh
hay những đoàn “Tỳ kheo ni” bên góc đường đứng đợi,
Những cuộc đời không chút vướng bận của trần ai.
Họ, những Ma xơ bên ngọn đèn chầu, cỗ tràng hạt trên tay,
Hay đang lê những bước chân
Bước chân son yếu mềm trên muôn nẻo đường phục vụ…

Vâng, giữa thế giới tối tăm, họ đúng là những vì tinh tú,
Những “chiếc lều tỏa sáng” giữa sa mạc cuộc đời.
Để những ai đang lạc loài, cô độc… tìm được một nơi,
Có hơi ấm, có tình thương… và thấy nẻo đường đi tới.

Những bậc tu trì,
Đúng là những “lính tuần canh” cho thế giới.
Ngọn đèn sáng, hay muối men ướp mặn cho đời.
Những bàn tay ấm hay những nụ cười tươi,
Những câu kinh “A Di đà…”
những lời nguyện “Amen, Ave Maria”… mang về sự sống !

Xin cảm ơn Quý vị,
Những bậc chân tu lặng thầm bên dòng đời biến động,
Những người đang ướp hương linh thánh rạng ngời.
Đã hy sinh và dám “đập bể bình dầu quý cuộc đời”,
Tuổi thanh xuân, sắc đẹp, tài ba…
Để canh giữ nét đẹp thần linh và niềm tin yêu cho thế giới.

Sơn Ca Linh (2/2/2023)




 
VietCatholic TV
Putin tê tái: Tổn thất nặng nề ở Bakhmut. Tình cảnh bi thảm của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga
VietCatholic Media
03:23 02/02/2023


1. Ukraine đẩy lui thành công cuộc tổng công kích vào thành phố Bakhmut. Nga tháo chạy, tổn thất nặng nề.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm mùng 2 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tình hình trong ngày 1 tháng Hai tại thành phố Bakhmut được kể là nghiêm trọng nhưng tình hình hiện nay đã ổn định lại sau khi quân Nga phải tháo chạy trước các tổn thất nghiêm trọng.

Căn cứ vào lời khai của các sĩ quan Nga bị bắt tại mặt trận, quân Nga được lệnh bằng mọi giá phải chiếm cho được thành phố Bakhmut trong ngày thứ Tư 1 tháng Hai.

Nga đã tung một lực lượng lớn để chiếm cho được thành phố Bakhmut. Họ chắc ăn đến mức đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp báo công bố tin chiến thắng vào chiều ngày thứ Tư 1 tháng Hai. Nhưng cuối cùng vẫn không chiếm được thành phố Bakhmut nên Đại Tá Vitaly Kiselev của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk tuyên bố rằng việc chiếm được thành phố Bakhmut chỉ là chuyện ngày một ngày hai, và rằng thành phố Bakhmut đã bị bao vây 3 mặt. Một sĩ quan của Cộng hòa Nhân Dân Luhansk đã về hưu, là Trung Tá Andrei Marochko thì cho rằng quân phòng thủ Ukraine sẽ rút lui khỏi thành phố Bakhmut và lui về Chasov Yar; và vì thế đại quân Nga hiện đã tiến đánh Chasov Yar cách thành phố Bakhmut 6 km, để chặn đường rút lui của quân Ukraine.

Thứ trưởng Hanna Maliar đã bác bỏ những tuyên bố này. Cô nói: “Tình hình ổn định. Hôm qua họ đã cố gắng chọc thủng các vị trí của chúng ta, nhưng cuộc tấn công đã bị đẩy lùi và quân Nga đã rút lui. Mặc dù, vẫn còn rất nhiều các vụ pháo kích, nhưng tình hình đã lắng đọng hơn.”

Tưởng cũng nên nhắc lại là, trong đêm 31 Tháng Giêng, lính Dù Nga đã di chuyển từ hướng Popasna đến Pidhorodne để tấn công vào mạn phía Đông của thành phố Bakhmut, nhưng đã bị phát hiện. Lữ Đoàn pháo binh 44 biệt lập của quân Ukraine, và tiểu đoàn pháo binh của Lữ Đoàn Tác Chiến số 3 của Vệ Binh Quốc Gia đã pháo kích tới tấp. Các không ảnh vào trưa ngày 1 tháng 2 cho thấy trên xa lộ T0504 một cảnh tượng kinh hoàng xác lính Nga, cùng với 8 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 13 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 10 cỗ trọng pháo do xe kéo.

Một binh sĩ Ukraine nói với CNN: “Chiến đấu với nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga giống như 'phim thây ma'“.

Phía tây nam thành phố Bakhmut, những người lính Ukraine sống trong một boong-ke thắp nến được khoét sâu trong lòng đất đóng băng. Trong vài tuần, họ đã đối đầu với hàng trăm chiến binh thuộc nhà thầu quân sự tư nhân Nga Wagner đang lao vào lực lượng phòng thủ của Ukraine.

“Chúng tôi đã chiến đấu trong khoảng 10 giờ liên tục. Và nó không giống như những đợt sóng, nó không bị gián đoạn. Nó giống như họ đã không lao tới”,

Súng trường AK-47 của họ trở nên quá nóng do bắn liên tục, đến nỗi họ phải liên tục thay đổi súng khác.

“Bên chúng tôi có khoảng 20 binh sĩ thì có khoảng 200 từ phía họ”

Phương thức chiến tranh của Wagner là gửi một làn sóng tấn công đầu tiên chủ yếu bao gồm những tân binh mới ra khỏi các nhà tù của Nga. Họ biết rất ít về chiến thuật quân sự và được trang bị kém. Hầu hết chỉ hy vọng rằng nếu họ sống sót sau hợp đồng sáu tháng, họ có thể về nhà thay vì quay lại phòng giam.

“Họ đưa nhóm này tiến tới 30 mét, sau đó họ bắt đầu đào sâu để giữ vị trí”

Một nhóm khác theo sau để cố tiến thêm 30 mét nữa. “Đó là cách từng bước Wagner đang cố gắng tiến về phía trước, trong khi họ mất rất nhiều người trong thời gian chờ đợi.”

Chỉ khi đợt đầu tiên chết hết hoặc không còn bao nhiêu, Wagner mới cử những chiến binh giàu kinh nghiệm hơn, thường là từ hai bên sườn, trong nỗ lực đánh chiếm các vị trí của Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine nói với CNN rằng đối mặt với cuộc tấn công là một trải nghiệm đáng sợ và siêu thực.

“Xạ thủ súng máy của chúng tôi gần như phát điên lên vì anh ta đang bắn vào họ. Và anh ta nói, tôi biết tôi đã bắn trúng, nhưng người ấy không ngã. Và rồi sau một thời gian, có thể là bị chảy máu nhiều, nên người ấy mới ngã xuống.”

Các binh sĩ Ukraine so sánh trận chiến với một cảnh trong phim thây ma. “Họ đang trèo lên trên xác của bạn mình, dẫm lên họ”

“Có vẻ như rất, rất có thể họ đã sử dụng một số loại thuốc trước khi tấn công.” Đó là một tuyên bố mà CNN chưa thể xác minh một cách độc lập.

Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Hanna Maliar cũng đưa ra nhận xét rằng đối phương đang cố gắng mở rộng địa bàn tấn công trong khu vực Lyman.

Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn theo hướng Lyman, nơi quân đội Nga đang nỗ lực mạnh mẽ để chọc thủng hàng phòng thủ của Lực lượng vũ trang Ukraine.

“Đối phương đang cố gắng mở rộng địa bàn tấn công của chúng trong khu vực Lyman. Họ đang thực hiện những nỗ lực mạnh mẽ để vượt qua hàng phòng thủ của chúng ta. Bất chấp tổn thất nặng nề, những kẻ xâm lược Nga vẫn tiếp tục tấn công theo các hướn Bakhmut, Avdiivka, Lyman và Novopavlivka”

Theo cô, quân đội Nga đang tích cực cố gắng tiếp cận biên giới của vùng Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine bảo vệ từng centimet đất trong điều kiện đối phương vượt trội về số lượng binh sĩ và khí tài chiến tranh.

Trong 24 giờ trước đó, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 920 binh sĩ Nga, bắn cháy 8 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 10 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 13 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 1 Tháng Hai, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 128.420 binh sĩ Nga tại Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương còn bao gồm 3.209 xe tăng, 6.382 xe bọc thép, 2.207 hệ thống pháo, 458 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 221 hệ thống phòng không, 293 máy bay, 284 trực thăng, 1.951 máy bay không người lái, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.061 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 200 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Thủy quân lục chiến Nga vừa cố gắng tấn công trực diện vào các vị trí của Ukraine xung quanh Pavlivka. Kết quả có thể đoán trước là Đẫm máu.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russian Marines Just Attempted Another Frontal Assault On Ukrainian Positions Around Pavlivka. The Result Was Predictably Bloody.”, nghĩa là “Thủy quân lục chiến Nga vừa cố gắng tấn công trực diện vào các vị trí của Ukraine xung quanh Pavlivka. Kết quả có thể đoán trước là Đẫm máu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ba tháng sau khi bị đánh tan tành khi cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của Ukraine nhưng thất bại, lữ đoàn thủy quân lục chiến bất hạnh nhất của hải quân Nga đã hoạt động trở lại. Và vừa lại bị đánh nhừ tử một lần nữa.

Hoàn cảnh hoang mang và bi thảm của Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 là lời nhắc nhở về một trong những sai sót cơ bản trong nỗ lực chiến tranh của Nga, gần một năm sau cuộc xâm lược rộng lớn hơn vào Ukraine.

Các nhà hoạch định và chỉ huy Nga dường như không có khả năng học ngay cả những bài học chiến trường đơn giản nhất. Ví dụ: phải hỗ trợ bộ binh bằng pháo binh. Đừng tấn công từ dưới lên đồi cao, nhưng hãy thử tấn công mạn sườn của đối phương.

Tháng 11 vừa qua, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 đã chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công trực diện, cẩu thả nhằm vào những người Ukraine cố thủ xung quanh Pavlivka, ở vùng Donbas phía đông Ukraine. Tuần trước, lữ đoàn này đã thử nghiệm lại chiến thuật ngớ ngẩn tương tự để chống lại một đối phương thậm chí còn kiên cố hơn ở Vuhledar gần đó—và lại phải chịu thêm một thất bại kinh hoàng nữa.

“Một vụ khác — đã có vài chục vụ như thế trong vòng 11 tháng — xảy ra khi cố gắng tấn công tuyến phòng thủ lâu dài của lực lượng vũ trang Ukraine ở mặt trận Donetsk bằng các cuộc tấn công trực diện chỉ dẫn đến những thành công chiến thuật cục bộ với những tổn thất rất nghiêm trọng,” Igor Strelkov, một cựu đại tá trong cơ quan tình báo FSB của Nga và là một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi tiếng của Nga, đã than thở trên kênh Telegram của mình.

Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cận vệ 155 của Hạm đội Thái Bình Dương Nga là một trong những đội hình chính của Nga xung quanh khu vực Pavlivka do Nga xâm lược, cách Donetsk 28 dặm về phía tây nam, kể từ mùa hè năm ngoái.

Đơn vị có trụ sở tại Vladivostok, với 3.000 quân và hàng trăm xe tăng T-80, xe chiến đấu BMP-3 và BTR-82, đã có mặt ở Ukraine kể từ khi Nga mở rộng cuộc chiến kéo dài 8 năm với Ukraine vào cuối tháng Hai.

Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 được cho là đã mất hàng trăm binh sĩ trong một cuộc tấn công trực diện kéo dài hai ngày vào các vị trí của Ukraine xung quanh Pavlivka vào ngày 4 tháng 11. Đây rõ ràng là một trong những tổn thất tồi tệ nhất trong một chiến dịch đối với một Lữ Đoàn thủy quân lục chiến nhỏ của Nga kể từ trước chiến tranh Chechnya trong những năm 1990.

Sự không phù hợp của pháo binh địa phương giúp giải thích thương vong nặng nề của thủy quân lục chiến. Không có đủ đạn pháo 122 ly cho riêng mình, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 không thể áp chế các loại pháo lớn của Ukraine. Những người lính của nó đã không thể tự vệ trước các chướng ngại vật của Ukraine.

“Hoặc là đất nước sẽ sản xuất hàng loạt đạn pháo 122 ly, hoặc sẽ sản xuất hàng loạt quan tài,” một sĩ quan Nga nói với một blogger khi đề cập đến trận đánh Pavlivka trước đó.

Lữ đoàn cơ giới số 72 của quân đội Ukraine - một trong những đơn vị hạng nặng rất thiện chiến của Kyiv - đã gây ra phần lớn thương vong trong cuộc tắm máu tháng 11 đó. Sau đó, cùng một lữ đoàn Ukraine đã dành ba tháng tiếp theo để đào sâu hơn xung quanh Pavlivka và các khu định cư xung quanh, bao gồm cả Vuhledar.

Strelkov mô tả Vuhledar, nằm trên vùng đất cao của địa phương, như một “pháo đài”.

Lữ đoàn cơ giới số 72, cùng với Lữ đoàn Jaeger số 68 của Ukraine, đã sẵn sàng khi Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 được lính Dù Nga hỗ trợ tấn công lên dốc vào hôm thứ Năm.

Cuộc tấn công đã gặp rắc rối ngay từ đầu. Rõ ràng, một lần nữa, thất bại trong việc cung cấp đủ đạn pháo 122 và 152 ly, lữ đoàn đã triển khai xe tăng T-80 của mình để bắn các khẩu pháo 125 ly của quân Ukraine ở các góc cao — Họ sử dụng xe tăng như pháo binh, mặc dù không chính xác dù được bắn trong phạm vi ngắn.

Cả quân đội Ukraine và Nga đều huấn luyện lính xe tăng của họ, trong trường hợp khẩn cấp, hoạt động như các đội pháo binh. Nhưng hỏa lực xe tăng kiểu đó không thể thay thế cho pháo binh chuyên dụng. Do đó, những người lính cam chịu của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 155 đã tấn công vào Vuhledar trong một thế bất lợi nguy hiểm trước Lữ đoàn Cơ giới 72 với pháo cơ động M-109 cũ của Na Uy.

“Sau những thành công ban đầu và chọc thủng tuyến phòng thủ của đối phương, cuộc tấn công bị bế tắc do các đơn vị tấn công bộ binh bị tổn thất nặng nề, thiếu đạn pháo và — nói chung — hỗ trợ kỹ thuật kém cho các đơn vị tấn công và nhân sự ít ỏi của họ,” Strelkov đã viết.

Các đội hỏa tiễn Ukraine nằm chờ Thủy Quân Lục Chiến Nga lọt vào tầm đạn. Một video của Lữ đoàn cơ giới 72 mô tả cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Javelin vào hai xe tăng T-80 và một xe chiến đấu BMP-3 của Lữ đoàn 155 Thủy quân lục chiến. Một bức ảnh xuất hiện trên Telegram có mục đích mô tả một chiến hào chứa đầy Thủy Quân Lục Chiến Nga đã chết.

Vài ngày sau, sương mù chiến tranh vẫn dày đặc xung quanh Vuhledar, nhưng có vẻ như người Ukraine đã cầm cự được. Việc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 155 có thể thực hiện nổi cuộc tấn công trực diện thứ ba xung quanh Pavlivka hay không phụ thuộc vào việc liệu các nhà lãnh đạo của họ có thể học được điều gì từ thất bại trong quá khứ hay không.

3. Quốc gia NATO cảnh báo cần phải vượt qua 'lằn ranh đỏ' để cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine

Hôm thứ Hai, khi được hỏi liệu Mỹ có cung cấp F-16 cho Ukraine hay không, Tổng thống Joe Biden đã trả lời thẳng thừng là “không”. Tuy nhiên, Ba Lan và các quốc gia Baltic cho rằng Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đừng chần chờ, cứ giao các chiến đấu cơ cho Ukraine, đừng sợ cái gọi là 'lằn ranh đỏ' mà vượt qua sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Country Warns 'Red Lines' Must Be Crossed to Supply Ukraine With Jets”, nghĩa là “Quốc gia NATO cảnh báo cần phải vượt qua 'lằn ranh đỏ' để cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Lithuania đang kêu gọi các quốc gia NATO khác cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine để tăng cường nỗ lực phòng thủ chống lại cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga, dự kiến sẽ đạt mốc một năm vào tháng tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, nhằm giành chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu nhỏ hơn của mình.

Cuộc xâm lược đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phương Tây, bao gồm cả các quốc gia thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ đô la viện trợ, bao gồm cả việc cung cấp các hỏa tiễn mạnh mẽ cho phép nước này chiếm lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ bị xâm lược trước đây, làm suy yếu các lợi ích của quân đội Nga.

Tuy nhiên, phương Tây vẫn chia rẽ về việc cung cấp vũ khí tối tân hơn cho Ukraine, vì Nga cảnh báo rằng làm như vậy sẽ dẫn đến leo thang xung đột. Chẳng hạn, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phản đối việc gửi máy bay chiến đấu tới Kyiv bất chấp lời cầu xin từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda đã cân nhắc về cuộc tranh luận về việc loại vũ khí nào nên được gửi đến Ukraine, kêu gọi các quốc gia NATO đồng minh của ông hãy vượt qua “ranh giới đỏ” để cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.

“Bởi vì máy bay chiến đấu và hỏa tiễn tầm xa là viện trợ quân sự thiết yếu, và ở giai đoạn quan trọng này của cuộc chiến, khi bước ngoặt sắp xảy ra, điều quan trọng là chúng ta phải hành động không chậm trễ,” Nausėda nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Lithuanian National TV. “Vì vậy, câu trả lời của tôi cho câu hỏi của bạn là những ranh giới màu đỏ đó phải được vượt qua.”

Trong suốt cuộc xung đột, Putin và các đồng minh của ông đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc vượt qua “lằn ranh đỏ” khi cung cấp cho Ukraine vũ khí mạnh hơn bao gồm hỏa tiễn tầm xa và xe tăng. Có lúc, Putin ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các mối đe dọa đã buộc phương Tây phải cân nhắc giữa việc giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền của mình trong khi không xúc tác cho sự leo thang của cuộc xung đột có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thế giới.

Nhưng Nausėda lập luận rằng phương Tây đã vượt qua ranh giới đỏ của Putin trong suốt cuộc chiến và nên tiếp tục làm như vậy.

“Tôi không chỉ nói về xe tăng. Vị thế ứng cử viên Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine từng là một điều cấm kỵ, một lằn ranh đỏ. Tôi nhớ rõ. Chẳng hạn, ngay cả khi chiến tranh nổ ra, Đức ban đầu vẫn tuyên bố dứt khoát rằng họ sẽ chỉ gửi áo khoác, mũ bảo hiểm và những thứ tương tự chứ không gửi vũ khí. Nhưng lằn ranh đỏ đó, cuối cùng cũng đã được vượt qua từ khá lâu rồi.”

Nhận xét của ông được đưa ra sau khi ông Biden nhắc lại rằng Mỹ không có kế hoạch gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết hôm thứ Hai rằng việc chuyển giao bất kỳ máy bay nào chỉ có thể xảy ra khi có thỏa thuận với các nước NATO nhưng cho biết nước ông sẽ “hành động trong sự phối hợp đầy đủ”.

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Wopke Hoekstra trong tháng này cho biết Hà Lan sẽ xem xét các yêu cầu của Zelenskiy về máy bay chiến đấu F-16 với “tâm trí cởi mở”.

Newsweek đã liên hệ với NATO để bình luận.

4. Johnson kêu gọi Mỹ cung cấp máy bay, xe tăng, pháo tầm xa cho Ukraine

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine tất cả các loại vũ khí mà nước này yêu cầu, bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng và pháo tầm xa. Ông đã đưa ra lập trường trên tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington.

“Hãy cung cấp cho họ hệ thống pháo tầm xa, cung cấp cho họ xe tăng, máy bay, bởi vì họ có kế hoạch. Họ biết họ cần phải làm gì,” Johnson nói.

Ông kêu gọi Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết để giành lại quyền kiểm soát “cây cầu đất liền” dọc theo bờ biển Azov, hiện đang được lực lượng của Putin sử dụng.

Johnson nói: “Nếu họ có thể lấy lại Melitopol, Berdiansk và Mariupol, lấy lại những khu vực đó, cuộc chơi của Putin sẽ kết thúc.”

Ông cảnh báo rằng cuộc chiến càng kéo dài, thiệt hại càng lớn cho người Ukraine và cho cả phương Tây, nếu không muốn nói là cho toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cho biết Mỹ chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Ukraine về máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.

5. Zelenskiy lên án vụ tấn công hỏa tiễn Kramatorsk

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã lên án cuộc không kích của Nga nhằm vào một tòa nhà dân cư ở Kramatorsk vào cuối ngày thứ Tư.

“Đây không phải là sự lặp lại của lịch sử; đây là thực tế hàng ngày của đất nước chúng ta. Một đất nước giáp với cái ác tuyệt đối. Và một quốc gia phải vượt qua nó để giảm thiểu khả năng xảy ra những thảm kịch như vậy một lần nữa,” ông ngậm ngùi cho biết như trên trong bài phát biểu trước quốc dân đồng bào. “Chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra và trừng phạt tất cả những kẻ phạm tội. Họ không xứng đáng được thương xót”, ông kết luận.

Zelenskiy bày tỏ lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của các nạn nhân. Ít nhất hai người thiệt mạng và tám người bị thương.

6. Diễn từ của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khiến Bắc Kinh nổi giận

Các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh đã mở hết công suất để tấn công Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về một bài diễn văn tại Đại học Keio. Ông ấy đã nói những gì? Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Cảm ơn giáo sư Itoh, giáo sư Tsuruoka. Chào buổi sáng tất cả mọi người. Thật tuyệt khi được ở đây tại Đại học Keio. Và để tham gia với tất cả các bạn ở đây tại Đại học Keio này. Nhật Bản là một nhân tố toàn cầu quan trọng. Tích cực thúc đẩy hòa bình. Và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây cũng là những gì NATO đại diện cho. Và trong gần 75 năm, NATO đã bảo đảm hòa bình ở khu vực Âu Châu-Đại Tây Dương. Cho phép dân chủ, tự do và thịnh vượng phát triển. Nhưng ngày nay, trật tự toàn cầu đã phục vụ chúng ta rất tốt trong nhiều thập kỷ đang bị đe dọa. Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đang đi đầu trong một cuộc đẩy lùi độc đoán. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Âu Châu. Triều Tiên tiếp tục đe dọa an ninh quốc tế thông qua các vụ thử hỏa tiễn liều lĩnh. Và những thách thức toàn cầu khác đang gia tăng: Từ khủng bố đến biến đổi khí hậu, các mối đe dọa mạng và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đây là thực tế an ninh mới của chúng ta. Một thực tế kết nối tất cả chúng ta, những người ủng hộ hòa bình, tự do và dân chủ. Và một thực tế mà chúng ta cần phải cùng nhau đối mặt. Âu Châu và Bắc Mỹ cùng tham gia NATO, hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác của chúng ta trên toàn cầu. Bao gồm cả ở đây, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tháng 6 năm ngoái, tôi vinh dự được đón Thủ tướng Kishida tới dự Hội nghị thượng đỉnh NATO của chúng ta tại Madrid. Đây là lần đầu tiên ông và các nhà lãnh đạo từ các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác của chúng ta – Australia, New Zealand và Hàn Quốc – cùng nhau tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Một bằng chứng cho mối quan hệ ngày càng tăng của chúng ta.

Chúng ta có thể cách xa nhau cả đại dương. Nhưng an ninh của chúng ta được kết nối chặt chẽ. Và chúng ta chia sẻ những giá trị, lợi ích và mối quan tâm giống nhau. Điều này bao gồm việc hỗ trợ cho Ukraine.

Gần một năm trước, Tổng thống Putin đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, để chiếm đất nước này, và lấy đi tự do của con người.

Cuộc chiến này không chỉ là một cuộc khủng hoảng Âu Châu. Đó là một thách thức đối với an ninh toàn cầu và sự ổn định toàn cầu. Đáp lại, NATO, Đồng minh và các đối tác của chúng ta trên khắp thế giới, bao gồm cả Nhật Bản, đã lên án cuộc chiến phi pháp và phi lý này.

Và chúng ta đã và đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Tôi muốn cảm ơn Nhật Bản vì sự hỗ trợ đáng kể của các bạn. Hôm qua, tôi đã đến thăm Căn cứ Không quân Iruma và tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay chở hàng của Nhật Bản vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân Ukraine.

Sự hỗ trợ của chúng ta tạo ra sự khác biệt thực sự cho người Ukraine. Giúp họ không chỉ sống sót mà còn đẩy lùi quân xâm lược Nga và giải phóng lãnh thổ của họ. Ukraine cần sự hỗ trợ liên tục của chúng ta bao lâu còn cần thiết. Bởi vì nếu Putin thắng, thông điệp gửi tới Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh sẽ là họ có thể đạt được những gì họ muốn thông qua vũ lực.

Điều này sẽ khiến cả thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Và chúng ta dễ bị tổn thương hơn.

Đồng thời khi chúng ta hỗ trợ Ukraine, ưu tiên chính của NATO là bảo vệ một tỷ người dân của chúng ta và từng inch lãnh thổ của Đồng minh. Để làm được điều này, chúng ta đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, đặc biệt là ở phía đông của Liên minh. Chúng ta có thêm quân trong tình trạng báo động cao. Sẵn sàng di chuyển, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào cần thiết. Phòng thủ mạnh hơn không phải để kích động xung đột với Nga. Nhưng để ngăn chặn một cuộc xung đột. Và gìn giữ hòa bình.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ. Và học những bài học có thể ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai của nó.

Những gì đang xảy ra ở Âu Châu hôm nay có thể xảy ra ở Đông Á vào ngày mai. Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO. Nhưng sự quyết đoán ngày càng tăng và các chính sách cưỡng chế của nó có những hậu quả. Vì an ninh của các bạn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và của chúng ta ở Âu Châu – Đại Tây Dương.

Chúng ta phải làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn nạn đó.

Bắc Kinh đang xây dựng đáng kể lực lượng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, mà không có bất kỳ sự minh bạch nào. Nó đang cố gắng khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông và đe dọa Đài Loan.

Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng, kể cả ở các nước NATO. Đàn áp công dân của mình thông qua công nghệ tiên tiến. Và lan truyền thông tin sai lệch của Nga về NATO và cuộc chiến ở Ukraine.

Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Hai nước huấn luyện và hoạt động quân sự cùng nhau nhiều hơn. Tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không cũng trong vùng lân cận của Nhật Bản. Hợp tác kinh tế của họ cũng đang gia tăng.

Và Trung Quốc đã không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Một năm trước, lần đầu tiên Trung Quốc ủng hộ yêu cầu của Nga rằng NATO đóng cửa với các quốc gia thành viên mới. Nhưng cánh cửa của NATO vẫn mở. Chẳng bao lâu nữa, hai quốc gia mới – Phần Lan và Thụy Điển – sẽ gia nhập Liên minh. Điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ. Bạo lực và đe dọa không có tác dụng. Đây là một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn. An ninh của chúng ta không phải là khu vực, mà là toàn cầu. Vì vậy, điều cần thiết là có bạn bè. Trong số các đối tác của NATO, không có đối tác nào gần gũi hơn hoặc có khả năng hơn Nhật Bản.

Tôi rất vui vì tình bạn lâu dài của chúng ta ngày càng bền chặt.

Trong quá khứ, chúng ta đã làm việc cùng nhau trong nhiều vấn đề từ chống khủng bố đến chống cướp biển. Trong tương lai, chúng ta sẽ cùng nhau làm nhiều hơn nữa. Hôm qua, Thủ tướng Kishida và tôi đã nhất trí về một tuyên bố chung. Nó đặt ra kế hoạch của chúng ta nhằm đẩy mạnh hợp tác NATO-Nhật Bản trong các lĩnh vực như phòng thủ mạng, công nghệ mới, chống lại các mối đe dọa hỗn hợp và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tôi cũng nói với Thủ tướng rằng tôi rất hoan nghênh Chiến lược An ninh Quốc gia mới mang tính lịch sử của Nhật Bản. Và tôi rất vui vì Nhật Bản đang có kế hoạch đạt được tiêu chuẩn của NATO là 2% GDP dành cho quốc phòng.

Điều này chứng tỏ Nhật Bản coi trọng an ninh quốc tế. Nó làm cho các bạn trở thành một đối tác mạnh mẽ hơn cho hòa bình. Vì vậy, tôi mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác của chúng ta. Trong một thế giới nguy hiểm hơn, Nhật Bản có thể tin tưởng vào NATO để sát cánh cùng các bạn trong việc thúc đẩy hòa bình, bảo vệ an ninh chia sẻ của chúng ta, và bảo tồn một hệ thống toàn cầu dựa trên các chuẩn mực và giá trị. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
 
Phóng sự Tông Du Phi Châu: Thánh Lễ Đại Trào Công Lý Và Hòa Bình một triệu người tham dự ở Congo
VietCatholic Media
05:05 02/02/2023

Sáng ngày 01 tháng Hai, tức là ngày thứ hai trong chuyến tông du tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trước sự tham dự của hơn một triệu tín hữu, tại phi trường Ndolo, của thủ đô Kinshasa. Thánh lễ này là thánh lễ cầu cho công lý và hòa bình, được cử hành bằng tiếng Pháp và tiếng Lingala thông dụng ở địa phương.

Đây là thánh lễ công cộng duy nhất Đức Thánh Cha cử hành trong ba ngày viếng thăm tại Cộng hòa Dân chủ Congo và là hoạt động đầu tiên trong ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm tại nước này.

Lúc 8 giờ 40 sáng, Đức Thánh Cha từ Tòa Sứ thần đến phi trường Ndolo, cách đó tám cây số rưỡi, và dành hơn nửa giờ đồng hồ tiến qua các lối đi ở sân bay để chào thăm các tín hữu, được phân phối trong 34 khu vực. Họ đến từ các nơi ở Congo và cả các nước láng giềng để tham dự thánh lễ duy nhất của Đức Thánh Cha, 34 năm sau cuộc viếng thăm của một vị Giáo hoàng. Nhiều tín hữu đến đây hàng giờ trước thánh lễ. Họ ca hát tưng bừng, với những cử điệu theo tiếng hát và tiếng trống. Có cả những người ngủ hai đêm trước đó tại sân cỏ của phi trường để được chỗ tốt. Để dân chúng có thể đến dự lễ, chính quyền Congo đã tuyên bố ngày 01 tháng Hai là lễ nghỉ toàn quốc. Các trường học và công xưởng, văn phòng đóng cửa.

Trong số những người hiện diện, có ông bà Tổng thống và nhiều giới chức trong chính quyền Congo. Phần thánh ca trong buổi lễ do một ca đoàn tổng hợp, gồm 700 ca viên đảm trách.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, có hàng trăm Hồng Y và giám mục thuộc đoàn tùy tùng của Đức Thánh Cha, từ 48 giáo phận Congo và các nước láng giềng, cùng với hàng ngàn linh mục.

Đức Hồng Y Ambongo Besungu, Tổng giám mục Kinshasa đã đọc và cử hành các nghi lễ tại bàn thờ thay Đức Thánh Cha, khi ngài ngồi tại chỗ.

Bandeko, boboto Bình an cho anh chị em

Esengo, niềm vui: được nhìn thấy và gặp gỡ anh chị em là một niềm vui lớn. Tôi đã rất mong chờ thời điểm này; chúng ta đã phải đợi sang một năm mới để gặp nhau! Cảm ơn anh chị em đã ở đây!

Tin Mừng vừa kể cho chúng ta rằng niềm vui của các môn đệ vào chiều Phục Sinh cũng rất lớn, và niềm vui này bùng nổ “khi họ thấy Chúa” (Ga 20:20). Trong bầu không khí hân hoan và kinh ngạc này, Chúa Giêsu Phục Sinh nói với họ. Ngài nói gì với họ? Thưa: Trên hết, bốn từ đơn giản: “Bình an cho anh em!” (câu 19). Một lời chào, nhưng hơn cả một lời chào: đó là một món quà. Bởi vì bình an, bình an đã được các thiên thần loan báo trong đêm Người Giáng Sinh tại Bêlem (x. Lc 2,14), bình an mà Chúa Giêsu đã hứa để lại cho các môn đệ (x. Ga 14,27), nay là bình an đầu tiên được trang trọng trao cho họ. Bình an của Chúa Giêsu, cũng được ban cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ, là bình an Phục Sinh: bình an đến từ sự phục sinh, vì trước tiên Chúa phải đánh bại kẻ thù của chúng ta là tội lỗi và sự chết, và hòa giải thế gian với Chúa Cha. Ngài đã phải cảm nghiệm sự cô đơn và bị bỏ rơi của chúng ta, địa ngục của chúng ta, đón nhận và xóa bỏ khoảng cách ngăn cách chúng ta với cuộc sống và hy vọng. Giờ đây, sau khi xóa bỏ khoảng cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ.

Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của các môn đệ. Ngày hôm đó, họ hoàn toàn chết điếng trong lòng bởi tai tiếng thập giá, bị tổn thương nội tâm vì đã trốn chạy và bỏ rơi Chúa Giêsu, thất vọng trước cách cuộc đời của Người kết thúc và sợ rằng cuộc đời của họ cũng sẽ kết thúc một cách tương tự. Họ cảm thấy tội lỗi, thất vọng, buồn phiền và sợ hãi… Tuy nhiên, Chúa Giêsu đến và công bố bình an, ngay cả khi lòng các môn đệ của Ngài đang chán nản. Ngài công bố sự sống, ngay cả khi họ cảm thấy bị bao vây bởi cái chết. Nói cách khác, bình an của Chúa Giêsu đến vào chính thời điểm mà họ, một cách đột ngột và ngạc nhiên, cảm thấy dường như mọi sự đã trôi qua đối với họ, thậm chí không có lấy một tia bình an. Đó là điều Chúa làm: Ngài làm chúng ta ngạc nhiên; Ngài nắm lấy tay chúng ta khi chúng ta sa ngã; Ngài nâng chúng ta lên khi chúng ta đang chạm đáy. Anh chị em thân mến, với Chúa Giêsu, sự dữ không bao giờ chiến thắng, sự dữ không bao giờ có tiếng nói chung cuộc. “Vì Người là bình an của chúng ta” (Eph 2:14), và bình an của Người luôn chiến thắng. Do đó, chúng ta, những người thuộc về Chúa Giêsu, không bao giờ được khuất phục trước nỗi buồn; chúng ta không được cho phép thái độ cam chịu và chủ nghĩa định mệnh nắm giữ chúng ta. Mặc dù bầu không khí đó ngự trị xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta không thể như thế. Trong một thế giới chán nản vì bạo lực và chiến tranh, tín hữu của Chúa Kitô phải giống như Chúa Giêsu. Như để nhấn mạnh điểm này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ một lần nữa: Bình an cho anh em! (x. Ga 20:19, 21). Chúng ta được mời gọi để biến sứ điệp hòa bình bất ngờ và mang tính tiên tri của Chúa thành của chúng ta và công bố nó trước thế giới.

Đồng thời, chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ và vun trồng bình an của Chúa Giêsu? Chính ngài chỉ ra ba nguồn bình an, ba nguồn mà chúng ta có thể rút ra khi tiếp tục nuôi dưỡng hòa bình. Đó là sự tha thứ, cộng đồng và sứ mệnh.

Chúng ta hãy nhìn vào nguồn đầu tiên: sự tha thứ. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (c. 23). Tuy nhiên, trước khi trao quyền tha thứ cho các tông đồ, Người đã tha thứ cho họ, không phải bằng lời nói mà bằng một hành động, hành động đầu tiên của Chúa Phục Sinh. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, “Người cho họ xem tay và cạnh sườn Người” (c. 20). Chúa Giêsu cho họ thấy những vết thương của Người. Ngài cho họ thấy vết thương của mình, bởi vì sự tha thứ được sinh ra từ những vết thương. Nó được sinh ra khi vết thương của chúng ta không để lại vết sẹo hận thù, nhưng trở thành phương tiện để chúng ta nhường chỗ cho người khác và chấp nhận những điểm yếu của họ. Điểm yếu của chúng ta trở thành cơ hội, và sự tha thứ trở thành con đường dẫn đến hòa bình. Điều này không có nghĩa là chúng ta quay đi và hành động như thể không có gì thay đổi; thay vào đó, chúng ta mở lòng yêu thương người khác. Đó là những gì Chúa Giêsu làm: đối mặt với nỗi buồn và sự xấu hổ của những người đã chối bỏ Người và chạy trốn, Người cho thấy những vết thương của mình và mở ra nguồn mạch của lòng thương xót. Ngài không nói nhiều, nhưng mở rộng trái tim bị tổn thương của Ngài, để nói với chúng ta rằng Ngài luôn luôn bị tổn thương vì tình yêu dành cho chúng ta.

Anh chị em thân mến, khi cảm giác tội lỗi và nỗi buồn xâm chiếm chúng ta, khi mọi việc không suôn sẻ, chúng ta biết tìm kiếm ở đâu? Thưa: từ những vết thương của Chúa Giêsu, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta bằng tình yêu thương vô biên của Người. Ngài biết vết thương của anh chị em; Ngài biết những vết thương của đất nước anh chị em, con người anh chị em, vùng đất của anh chị em! Chúng là những vết thương nhức nhối, liên tục bị nhiễm độc bởi hận thù và bạo lực, trong khi liều thuốc công lý và liều thuốc hy vọng dường như không bao giờ đến. Anh chị em ơi, Chúa Giêsu đau khổ với anh chị em. Ngài nhìn thấy những vết thương mà anh chị em mang trong mình, và Ngài mong muốn được an ủi và chữa lành cho anh chị em; Ngài trao cho anh chị em trái tim bị tổn thương của Ngài. Trong tâm hồn anh chị em, Thiên Chúa lặp lại những lời Người đã nói hôm nay qua ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ chữa nó cho lành, sẽ dẫn nó đi và cho nó đầy tràn an ủi” (Is 57:18).

Cùng nhau, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu luôn ban cho chúng ta khả năng được tha thứ và bắt đầu lại, cũng như sức mạnh để tha thứ cho chính mình, tha nhân và lịch sử! Đó là điều Chúa Kitô muốn. Người muốn xức dầu cho chúng ta bằng sự tha thứ của Người, ban cho chúng ta bình an và can đảm để đến lượt mình tha thứ cho người khác, can đảm ban cho người khác một đại xá trong lòng. Thật tốt biết bao khi chúng ta gột rửa tâm hồn mình khỏi sự tức giận và lòng oán ghét, khỏi mọi dấu vết của oán giận và thù địch! Anh chị em thân mến, xin cho hôm nay là thời gian ân sủng để anh chị em đón nhận và cảm nghiệm sự tha thứ của Chúa Giêsu! Cầu mong đây là thời điểm thích hợp cho những ai đang mang những gánh nặng trong lòng và mong mỏi chúng được trút bỏ để một lần nữa được thở phào nhẹ nhõm. Và ước gì đây là thời điểm tốt cho tất cả các anh chị em ở đất nước này, những người tự gọi mình là Kitô hữu nhưng lại tham gia vào bạo lực. Chúa đang nói với anh chị em: “Hãy hạ cánh tay xuống, ôm lấy lòng thương xót”. Đối với tất cả những người bị thương và bị áp bức của dân tộc này, Ngài đang nói: “Đừng ngại chôn vùi vết thương của anh em trong vết thương của Thầy”. Anh chị em, chúng ta hãy làm điều này. Đừng sợ lấy cây thánh giá khỏi cổ và trong túi ra, cầm lấy nó giữa hai tay và ôm nó vào lòng, để chia sẻ những vết thương của anh chị em với những vết thương của Chúa Giêsu. Sau đó, khi anh chị em trở về nhà, hãy lấy cây thánh giá trên tường và ôm lấy nó. Hãy cho Chúa Kitô cơ hội để chữa lành trái tim anh chị em, hãy trao quá khứ của anh chị em cho Ngài, cùng với tất cả những nỗi sợ hãi và vấn nạn của anh chị em. Thật là một điều đẹp đẽ biết bao khi mở cửa lòng anh chị em và ngôi nhà của anh chị em cho sự bình an của Ngài! Và tại sao không viết những lời đó của Ngài lên tường của anh chị em, viết những lời ấy trên quần áo của anh chị em, và đặt những lời ấy như một dấu hiệu trên các ngôi nhà của anh chị em: Bình an cho anh chị em! Hiển thị những từ này sẽ là một tuyên bố tiên tri cho đất nước của anh chị em, và một phước lành của Chúa cho tất cả những người anh chị em gặp. Bình an cho anh chị em: chúng ta hãy lãnh nhận sự tha thứ từ Thiên Chúa và đến lượt chúng ta cũng tha thứ cho nhau!

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào nguồn hòa bình thứ hai: cộng đồng. Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ nói với một trong các môn đệ của Người; Ngài xuất hiện với họ trong một nhóm. Về điều này, cộng đồng Kitô giáo đầu tiên, Ngài ban bình an của mình. Không có Kitô giáo nếu không có cộng đồng, cũng như không có hòa bình nếu không có tình huynh đệ. Nhưng với tư cách là một cộng đồng, chúng ta đang hướng về đâu, chúng ta sẽ tìm thấy bình yên ở đâu? Chúng ta hãy nhìn lại các môn đệ. Trước lễ Phục sinh, họ đi sau Chúa Giêsu, nhưng vẫn tiếp tục suy nghĩ theo cách của con người: họ hy vọng vào một Đấng cứu thế chiến thắng, người sẽ đánh bại kẻ thù của mình, làm nên những điều kỳ diệu và phép lạ, đồng thời làm cho họ trở nên giàu có và nổi tiếng. Thế nhưng những ước muốn trần tục đó đã khiến họ trắng tay và cướp đi sự bình an của cộng đoàn, làm nảy sinh những tranh cãi và chống đối (x. Lc 9:46; 22:24). Chúng ta đối mặt với cùng một mối nguy hiểm: ở với người khác, nhưng lại đi con đường của riêng mình; trong xã hội, và ngay cả trong Giáo hội, chúng ta tìm kiếm quyền lực, sự nghiệp, tham vọng của riêng mình… Chúng ta đi theo con đường của riêng mình thay vì con đường của Chúa, và chúng ta kết thúc giống như các môn đệ: đằng sau những cánh cửa đóng kín, không có hy vọng, và đầy sợ hãi và thất vọng.. Tuy nhiên, vào Lễ Phục Sinh, một lần nữa họ tìm thấy con đường dẫn đến hòa bình, nhờ Chúa Giêsu, Đấng thổi hơi vào họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22). Nhờ Chúa Thánh Thần, họ sẽ không còn nhìn vào những gì chia rẽ họ, nhưng nhìn vào những gì liên kết họ. Họ sẽ đi ra thế giới không còn cho bản thân họ, mà cho những người khác; không phải để thu hút sự chú ý, mà để mang lại hy vọng; không phải để được chấp thuận, nhưng để sống cuộc đời của họ một cách vui vẻ cho Chúa và cho những người khác.

Thưa anh chị em, luôn luôn có mối nguy hiểm là chúng ta có thể đi theo tinh thần của thế gian thay vì Thánh Linh của Đấng Kitô. Làm thế nào chúng ta có thể cưỡng lại sự cám dỗ của quyền lực và tiền bạc và không đầu hàng trước sự chia rẽ, trước những cám dỗ của sự nghiệp làm xói mòn cộng đồng, và trước những ảo tưởng sai lầm về lạc thú và những trò phù thủy khiến chúng ta trở nên ích kỷ và tự cho mình là trung tâm? Một lần nữa, qua ngôn sứ Isaia, Chúa chỉ đường cho chúng ta. Ngài nói với chúng ta: “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát,để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát” (Is 57:15). Cách thức của Ngài là chia sẻ với người nghèo: đó là liều thuốc giải độc tốt nhất chống lại những cám dỗ của sự chia rẽ và tính thế tục. Có can đảm để nhìn đến người nghèo và lắng nghe họ, bởi vì họ là thành viên của cộng đồng chúng ta và không phải là những người xa lạ bị giữ xa tầm mắt và lương tâm của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng với người khác, thay vì đóng kín trong những vấn đề của riêng mình hoặc những mối quan tâm hời hợt. Chúng ta hãy bắt đầu từ những người nghèo và chúng ta sẽ khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều chia sẻ sự nghèo khó nội tâm, rằng tất cả chúng ta đều cần Thần Khí của Thiên Chúa để giải thoát chúng ta khỏi tinh thần thế tục, và rằng sự khiêm nhường là sự cao cả và tình huynh đệ là của cải đích thực của mọi Kitô hữu. Chúng ta hãy tin tưởng vào cộng đồng và, với sự giúp đỡ của Chúa, xây dựng một Giáo hội thoát khỏi tinh thần thế tục và tràn đầy Chúa Thánh Thần, không quan tâm đến việc tích trữ của cải và tràn đầy tình yêu anh em!

Cuối cùng, chúng ta đến với nguồn bình an thứ ba: truyền giáo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20:21). Người sai chúng ta như Chúa Cha đã sai Người. Thế nhưng Chúa Cha đã sai Người đến thế gian như thế nào? Thưa: Chúa Cha đã sai Người đi phục vụ và hiến mạng sống vì nhân loại (x. Mc 10:45), để tỏ lòng thương xót với từng người (x. Lc 15) và tìm kiếm những người ở xa (x. Mt 9:13). ). Tóm lại, Chúa Cha đã sai Người đến với mọi người: không chỉ cho người công chính, mà còn cho tất cả mọi người. Về phương diện này, những lời của ngôn sứ Isaia một lần nữa vang vọng: “Bình an, bình an cho khắp xa gần, Chúa phán như thế,” (Is 57:19). Đầu tiên là những người ở xa, rồi đến những người ở gần: chứ không chỉ cho “riêng chúng ta”, mà là cho tất cả mọi người.

Thưa anh chị em, chúng ta được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình, và điều này sẽ mang lại hòa bình cho chúng ta. Đó là một quyết định mà chúng ta phải đưa ra. Chúng ta cần tìm chỗ trong trái tim mình cho mọi người; tin rằng sự khác biệt về sắc tộc, khu vực, xã hội, tôn giáo và văn hóa chỉ là thứ yếu và không phải là trở ngại; rằng những người khác là anh chị em của chúng ta, là thành viên của cùng một cộng đồng nhân loại; và hòa bình do Chúa Giêsu mang đến cho thế giới là dành cho tất cả mọi người. Chúng ta cần tin rằng Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hợp tác với mọi người, để phá vỡ chu kỳ bạo lực, để phá bỏ những âm mưu thù hận. Vâng, các Kitô hữu, được Chúa Kitô sai đến, được gọi theo định nghĩa là lương tâm của hòa bình trong thế giới của chúng ta. Không chỉ đơn thuần là những lương tâm phê phán, mà chủ yếu là những chứng nhân của tình yêu. Không quan tâm đến quyền lợi riêng của họ, nhưng đến những quyền lợi của Tin Mừng, đó là tình huynh đệ, tình yêu và sự tha thứ. Không quan tâm đến công việc của mình, mà là những người truyền giáo về “tình yêu điên cuồng” của Thiên Chúa dành cho mỗi con người.

Bình an cho anh chị em, hôm nay Chúa Giêsu nói với mọi gia đình, cộng đồng, nhóm sắc tộc, khu phố và thành phố trên đất nước vĩ đại này. Bình an cho anh chị em! Xin cho những lời này của Chúa chúng ta vang vọng trong sự thinh lặng của trái tim chúng ta. Chúng ta hãy nghe những lời ấy nói với chúng ta và chúng ta hãy chọn trở thành chứng nhân của sự tha thứ, những người xây dựng cộng đồng, những người mang sứ mệnh hòa bình trong thế giới của chúng ta.

Moto azalí na matóyi ma koyóka Xin cho những ai có tai được nghe

Moto azalí na motéma mwa kondima Xin cho những tâm hồn được đồng thuận với nhau
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Quan chức Nga: Kyiv sẽ đánh tới Moscow. Ukraine còn bao nhiêu máy bay đánh chặn Su27 mà Nga sợ nhất?
VietCatholic Media
16:47 02/02/2023


1. Ukraine còn bao nhiêu máy bay đánh chặn Su-27?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “How Many Su-27 Interceptors Does Ukraine Have Left?”, nghĩa là “Ukraine còn bao nhiêu máy bay đánh chặn Su-27?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Ukraine trong những tuần gần đây cuối cùng đã thuyết phục được các đồng minh cung cấp xe tăng kiểu NATO cho mình. Với việc vận chuyển thiết giáp, Kyiv đã xoay trục sang thứ mà họ tuyên bố là nhu cầu lớn nhất tiếp theo của mình – đó là các máy bay chiến đấu mới.

Khi các quan chức Ukraine biện minh cho yêu cầu của họ đối với những chiếc F-16 dư thừa của Mỹ hoặc Âu Châu hoặc thậm chí cả những chiếc Mirages cũ của Pháp, điều đáng đặt ra là: yêu cầu đó khẩn cấp đến mức nào?

Các nhà phân tích bên ngoài đã xác nhận việc phá hủy không ít hơn 52 máy bay chiến đấu và máy bay tấn công của Ukraine trong 11 tháng đầu tiên của cuộc chiến mở rộng của Nga với Ukraine. Nhưng người Ukraine đã bắt đầu trang bị bao nhiêu máy bay phản lực chiến thuật — và bao nhiêu máy bay không thể bay được mà họ đã khôi phục lại khả năng bay để giảm thiểu tổn thất trong chiến đấu?

Không ai bên ngoài Kyiv biết chắc chắn, nhưng có thể đoán được. Tuy nhiên, một loại - Sukhoi Su-27 - đặc biệt là khó đếm.

Lực lượng không quân Ukraine dường như đã tham gia cuộc chiến hiện tại với khoảng 50 chiếc Mikoyan MiG-29. Ukraine đã mất ít nhất 16 máy bay chiến đấu hạng nhẹ, siêu thanh nhưng dường như đã được khôi phục hoặc mua từ nước ngoài. Số lượng MiG đã bị mất cũng gần bằng như thế.

Lực lượng không quân một năm trước có thể có khoảng hai chục máy bay ném bom siêu thanh Sukhoi Su-24 và máy bay trinh sát. Người Nga đã phá hủy ít nhất 13 chiếc Su-24 của Ukraine, nhưng có quá nhiều chiếc Su-24 cũ trong kho - có khả năng là hàng chục chiếc - nên các kỹ sư của Kyiv không gặp khó khăn gì trong việc thay thế các máy bay bị mất.

Phi đội Sukhoi Su-25 trước chiến tranh của Ukraine có số lượng khoảng 30 chiếc. Tổng cộng 15 chiếc đã bị loại khỏi vòng chiến kể từ tháng 2 năm 2022. Các quốc gia NATO đã tặng 18 chiếc Su-25 cận âm của riêng họ, nhiều hơn số tổn thất trong thời chiến.

Có vẻ như Ukraine có khoảng 105 chiếc MiG-29, Su-24 và Su-25 trước khi người Nga tấn công — và một năm sau, vẫn còn khoảng 105 chiếc loại này.

Đó là chưa kể một phi đội máy bay chiến đấu lớn: là máy bay đánh chặn siêu thanh Su-27. Loại máy bay chiến đấu hạng nặng này có lẽ là khó đếm nhất, và điều đó có lý do chính đáng. Nhanh, cơ động và linh hoạt, Su-27 có thể là máy bay phản lực hữu ích nhất của Ukraine.

Chúng tuần tra tìm máy bay Nga, thực hiện các phi vụ ném bom liều lĩnh và thậm chí bắn hỏa tiễn chống radar do Mỹ sản xuất vào hệ thống phòng không của Nga.

Người Nga muốn tiêu diệt những chiếc Su-27. Người Ukraine muốn bảo tồn chúng. Việc không có chiếc Su-27 nào trong kho vũ khí của các đồng minh Ukraine khiến mỗi chiếc máy bay phản lực đều trở nên vô cùng quý giá. Không có nguồn bên ngoài rõ ràng để thay thế.

Lực lượng không quân Ukraine có bao nhiêu chiếc Su-27 trước cuộc xâm lược của Nga là một vấn đề gây tranh cãi gay gắt. Ukraine được thừa hưởng 74 chiếc Su-27 mới khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. 23 năm sau, chỉ còn 24 chiếc đang hoạt động.

Việc Nga xâm chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 đã thúc đẩy Kyiv mở rộng phi đội Su-27. Có thể có tới ba chục máy bay không bay được đang được cất giữ. Và đến năm 2016, ít nhất một nhà phân tích đã đếm được 57 chiếc Su-27 của Ukraine với số “ký danh” thường được gọi là số bort nhận dạng được sơn trên mũi của chúng.

Nếu tất cả 57 chiếc đều có thể bay được, điều đó có nghĩa là Kyiv đã khôi phục mọi máy bay hiện có.

Lực lượng không quân Ukraine đã mất ít nhất 7 chiếc Su-27—và ít nhất 5 phi công—trong 11 tháng qua. Một trong những mất mát đầu tiên cũng là bi thảm nhất đối với người dân Ukraine.

Vào ngày 25 tháng 2, một chiếc Su-27 đã phát nổ khi đang tuần tra trên bầu trời Kyiv. Có thể người Nga đã bắn hạ nó bằng hỏa tiễn đất đối không tầm xa. Cũng có thể lực lượng phòng không Ukraine đã nhầm nó với máy bay Nga.

Dù thế nào, Đại tá Oleksandr Oksanchenko - một phi công trình diễn hàng không nổi tiếng - đã chết trong vụ bắn hạ. Nếu anh ta đang lái chiếc máy bay phản lực thông thường của mình, với số bort 58, thì Ukraine cũng đã mất một chiếc máy bay chiến đấu cá nhân nổi tiếng nhất của mình.

Về lý thuyết, Ukraine có tới 50 chiếc Su-27, nhưng ngày càng khó xác định quy mô phi đội. Sự kết hợp giữa số bort và các mẫu ngụy trang là cách dễ dàng nhất để xác định danh tính của một chiếc Su-27 cụ thể, nhưng lực lượng không quân biết điều này — và đã bắt đầu vẽ lên các số bort.

Đôi khi, chúng ta vẫn có thể phát hiện—trong các bức ảnh chính thức hoặc video trên điện thoại thông minh từ phía trước—những chiếc Su-27 cụ thể, bao gồm các máy bay phản lực nổi tiếng như Bort 23 và Bort 24.

Phi công của chiếc 24 đã từng bay quá thấp trong một lần xuất kích huấn luyện đến nỗi anh ta va phải một biển báo chỉ đường. Phi công của chiếc 23 không có lựa chọn nào khác ngoài việc dừng lại ngoài kế hoạch ở Rumania vào ngày đầu tiên của cuộc chiến hiện tại, khi một loạt hỏa tiễn của Nga làm hỏng đường băng khi anh ta đang tuần tra khiến anh ta không thể đáp xuống và phải đáp nhờ một phi trường quân sự của Rumani.

Không thể đếm hết số Su-27 của Ukraine. Nếu Kyiv đã nỗ lực tối đa, có khả năng 50 máy bay chiến đấu mạnh mẽ vẫn có thể bay được.

Nhưng mỗi chiếc Su-27 Ukraine mất đi là một chiếc Su-27 không thể thay thế. Và điều đó có thể giải thích tại sao tìm nguồn cung ứng máy bay chiến đấu mới hiện là ưu tiên vũ khí hàng đầu của Kyiv. Xét cho cùng, không có lý do gì để tin rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc.

2. Quan chức Nga dự đoán một cuộc tấn công vào Mạc Tư Khoa là 'chắc chắn sẽ xảy ra'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ex-Russian Official Predicts an Attack on Moscow Is 'Bound to Happen'“, nghĩa là “Cựu quan chức Nga dự đoán một cuộc tấn công vào Mạc Tư Khoa là 'chắc chắn sẽ xảy ra'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Trong một chương trình phát sóng gần đây trên truyền hình nhà nước Nga, một cựu quan chức hàng đầu của Nga đã dự đoán rằng một cuộc tấn công vào Mạc Tư Khoa của Ukraine hoặc các đồng minh của họ là không thể tránh khỏi.

Andrei Fedorov, cựu thứ trưởng ngoại giao Nga và là cựu cố vấn của cả thủ tướng và phó tổng thống Nga, đã đưa ra dự đoán trong một hội thảo do nhà phân tích chính sách đối ngoại Maxim Yusin tổ chức trên kênh HTB của Nga.

Chủ đề đang được thảo luận là các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu cho quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Một tham luận viên khác đã hỏi Fedorov rằng liệu những vũ khí như vậy có cấu thành việc vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến ông leo thang xung đột hay không.

Fedorov trả lời rằng việc cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine không phải là một trong những ranh giới đỏ của Nga. Khi được hỏi liệu ông có biết những ranh giới đỏ của điện Cẩm Linh không, Fedorov trả lời: “Tôi biết, có”.

Sau đó, ông được yêu cầu kể tên một số những ranh giới đỏ của Putin.

“Đó là một cuộc tấn công vào các trung tâm chỉ huy ở Mạc Tư Khoa,” ông nói.

Anh ta được hỏi liệu anh ta định nói là một mưu toan tấn công hay là một cuộc tấn công thực sự.

“Một cuộc tấn công thật sự, chứ không phải là một mưu toan. Cuộc tấn công chắc chắn sẽ xảy ra, đó sẽ là một lằn ranh đỏ,” Fedorov nói.

Một đoạn clip về cuộc trao đổi đã được chia sẻ trên Twitter bởi Anton Gerashchenko, người đang giữ vai trò cố vấn cho Bộ trưởng Nội vụ Ukraine.

Dự báo táo bạo này không phải là lần đầu tiên Fedorov đưa ra một tuyên bố liên quan đến một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Mạc Tư Khoa. Sau khi tái chiếm Lyman vào cuối tháng 9—một thành phố của Ukraine ở vùng Donetsk—ông và các chuyên gia khác trong chương trình HTB của Yusin đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sức mạnh của lực lượng Zelenskiy.

Nhà báo Julia Davis, người sáng lập Russian Media Monitor, đã đăng một đoạn clip về phản ứng của Fedorov trước việc Lyman được giải thoát vào ngày 1 tháng 10 năm 2022.

Fedorov nói: “Những thay đổi căn bản đang diễn ra do Nga xâm lược, hay nói đúng hơn là sáp nhập những khu vực này và vì lý do đó, Ukraine đang bắt đầu một cuộc chiến tranh để giải phóng những vùng lãnh thổ này. Không phải một hoạt động đặc biệt nào đó, mà là một cuộc chiến.”

Ông nói tiếp rằng quân đội Ukraine có thể tiếp tục tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Khi được hỏi liệu Mạc Tư Khoa có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công như vậy hay không, Fedorov trả lời: “Tất nhiên là có”.

Một số báo cáo cho thấy Điện Cẩm Linh có thể đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Mạc Tư Khoa. Vào Tháng Giêng, hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội về những gì người dùng cho là hệ thống phòng không Pantsir-S1 được đặt trên mái nhà của một số tòa nhà ở Mạc Tư Khoa.

Đồng thời, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cảnh báo về sự leo thang ở Ukraine nếu phương Tây cung cấp cho Kyiv vũ khí tầm xa có khả năng tấn công sâu bên trong biên giới Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

3. Ukraine cho biết Nga tích cực lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới bất chấp tổn thất lớn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Actively Planning New Offensives Despite Huge Losses: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga tích cực lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới bất chấp tổn thất lớn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Theo Ukraine, Nga đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công được tái tục ở một số khu vực của cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, bất chấp các báo cáo và các ước tính rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang phải đối mặt với những tổn thất lớn trong cuộc xung đột.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết Nga “thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và chuẩn bị tiếp tục các cuộc tấn công trên một số trục nhất định...”

“Mặc dù chịu tổn thất nặng nề, các lực lượng Nga vẫn cố gắng tiến xa hơn trên các trục Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka,” Bộ Tổng tham mưu viết trong bản cập nhật. Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka đều là những thành phố hoặc làng mạc nằm ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine, khu vực đã bị Nga tuyên bố sáp nhập cùng với 3 khu vực khác.

Các cuộc tấn công mới, nếu được xác nhận, có thể được phát động khi Nga tiếp tục đối mặt với những tổn thất ước tính rất đáng kể trong cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Tư rằng Nga đã mất hơn 128.000 binh sĩ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2, cũng như hơn 3.200 xe tăng và hơn 6.300 xe chiến đấu bọc thép, cùng các thiết bị khác.

Nga cũng không đạt được kết quả tốt về mặt kiểm soát lãnh thổ trong những tháng gần đây.

Mặc dù Nga tuyên bố đã đạt được những lợi ích nhỏ trong những tuần gần đây xung quanh Bakhmut, nơi mà họ đã cố gắng chiếm giữ trong nhiều tháng, nhưng họ thực sự đã mất lãnh thổ ở những nơi khác. Các lực lượng Nga buộc phải tháo chạy khi Ukraine tiến hành một cuộc phản công bất ngờ ở khu vực phía đông Kharkiv vào tháng 9 năm 2022.

Ukraine cũng đã đạt được thành tựu trong một cuộc phản công khác ở khu vực phía nam Kherson, bao gồm cả việc tái chiếm thủ phủ khu vực trước đây bị Nga xâm lược vào tháng 11 năm 2022.

Những thất bại này đối với Nga không ngăn được những dự đoán về một cuộc tấn công mới của Nga vào mùa xuân sau khi điều kiện khắc nghiệt của những tháng mùa đông lạnh giá đã dịu đi. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, trước đây đã đánh giá rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công khác, đã nhắc lại dự đoán của mình trong bản đánh giá chiến dịch mới nhất vào ngày 31 Tháng Giêng.

“Các quan chức Ukraine tiếp tục ủng hộ đánh giá của ISW rằng một cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga trong những tháng tới là hành động có khả năng nhất và gợi ý thêm rằng các lực lượng Ukraine có kế hoạch tiến hành một cuộc phản công lớn hơn,” ISW viết.

ISW cũng trích dẫn một cuộc phỏng vấn với Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov mà Sky News đăng hôm thứ Ba, trong đó ông nói rằng Nga đang chuẩn bị cho một “sự leo thang tối đa” trong những tháng tới. Danilov không loại trừ khả năng Nga có thể tăng cường tấn công trong hai hoặc ba tuần tới để phù hợp với lễ kỷ niệm một năm ngày bắt đầu cuộc chiến 24 tháng Hai.

ISW cũng đề cập đến một cuộc phỏng vấn của Washington Post với Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của chính phủ Ukraine, được công bố hôm thứ Ba. Budanov dự đoán rằng trong năm nay, Nga sẽ tập trung vào việc chiếm thêm đất ở các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk, hỗ trợ cho “đánh giá của ISW rằng các lực lượng Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công sắp xảy ra ở miền đông Ukraine, đặc biệt là ở tỉnh Luhansk”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

4. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã có “cuộc trò chuyện thẳng thắn và hiệu quả” với Macron về các nhu cầu quân sự cấp bách

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã có một “cuộc trò chuyện rất thẳng thắn và hữu ích” với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về “nhu cầu hoạt động khẩn cấp của quân đội Ukraine để tự vệ trước kẻ xâm lược Nga”, ông Reznikov cho biết như trên.

Reznikov cảm ơn Macron vì “sự lãnh đạo và sự ủng hộ vững chắc của ông ấy”.

Hôm thứ Tư, Reznikov đã gặp Bộ trưởng Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp Sebastien Lecornu tại Paris để thảo luận về nhu cầu của quân đội Ukraine.

Hai vị đã ký một bản ghi nhớ về việc cung cấp radar MG-200 cho lực lượng phòng không Ukraine. “Thiết bị này sẽ giúp chúng tôi phát hiện máy bay không người lái và hỏa tiễn của đối phương, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo. Bầu trời của chúng tôi sẽ được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công chết người của Nga”, Reznikov nói.

Hôm thứ Hai, Pháp cùng với Úc cho biết họ sẽ hợp tác trong một dự án trị giá hàng triệu đô la để sản xuất “vài nghìn” quả đạn pháo cho Ukraine.

Đối với yêu cầu của Ukraine về máy bay chiến đấu, Macron cho biết hôm thứ Hai rằng họ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào về máy bay phản lực, nhưng “về nguyên tắc không có gì là vượt quá giới hạn”.

5. Na Uy xem xét gửi xe chiến đấu bộ binh CV90 tới Ukraine

Chính phủ Na Uy đang cân nhắc gửi xe chiến đấu bộ binh CV90 tới Ukraine từ lực lượng dự bị của lực lượng vũ trang nước này.

“Na Uy đang xem xét tặng xe bọc thép đa năng CV90 cho Ukraine. Bộ Quốc phòng đã yêu cầu xem xét liệu có thể tặng một số lượng nhất định các xe chiến đấu bộ binh này hay không”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram, chính phủ “liên tục xem xét liệu Na Uy có nên gửi thêm vũ khí và các khí tài chiến tranh khác cho Ukraine hay không”.

“Chúng tôi không đưa ra các chi tiết về những đánh giá này và bất kỳ đóng góp nào đang diễn ra hoặc trong tương lai. Nhưng, có thể nói là, chúng tôi có một cuộc đối thoại tốt với Ukraine và các đồng minh về các nhu cầu,” Bộ trưởng Quốc phòng Gram nói.

Ông nói thêm rằng Na Uy “sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết”.

Na Uy trước đó đã thông báo ý định gửi xe tăng Leopard 2 hiện đại tới Ukraine. Theo các phương tiện truyền thông, đây có thể là khoảng tám chiếc xe tăng

6. Thủ tướng Netanyahu nói: Israel xem xét gửi hệ thống phòng không Iron Dome tới Ukraine

Israel đang cân nhắc gửi các hệ thống phòng không tới Ukraine, trong đó có hệ thống Iron Dome.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Khi được hỏi liệu Israel có thể gửi hệ thống phòng không tới Ukraine hay không, ông Netanyahu nói: “Tôi chắc chắn đang xem xét điều đó.”

Ông cũng xác nhận rằng Hoa Kỳ đã chuyển kho đạn pháo từ lãnh thổ Israel sang Ukraine. Ông nói: “Mỹ đã lấy một phần đáng kể đạn dược của Israel và gửi tới Ukraine.”

Ông Netanyahu nói thêm rằng đất nước của ông cũng đang giúp đỡ Ukraine bằng cách ngăn chặn việc sản xuất vũ khí ở Iran. Ông nói: “Tôi sẽ không đi vào chi tiết, nhưng Israel đang hành động theo một cách nào đó chống lại việc sản xuất vũ khí của Iran được sử dụng để chống lại Ukraine.”

Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong một diễn biến có thể khiến cuộc chiến tại Ukraine lan rất nhanh sang các nước khác, một vụ nổ long trời đã diễn ra tại nhà máy chế tạo máy bay không người lái của Iran. Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc Phòng Iran cho rằng vụ nổ không ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng các nhân chứng cho biết có những tiếng nổ long trời kéo dài trong nhiều giờ, và từ cách đó hàng chục cây số vẫn có thể thấy những cụm khói bốc lên.

Cho đến nay, không nước nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Câu Ông Netanyahu nói: “Tôi sẽ không đi vào chi tiết, nhưng Israel đang hành động theo một cách nào đó chống lại việc sản xuất vũ khí của Iran được sử dụng để chống lại Ukraine,” được nhiều người xem là cách gián tiếp Israel nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Cho đến nay, Nga vẫn ráo riết đổ cho Hoa Kỳ gây ra vụ tấn công. Hoa Kỳ đã thẳng thừng bác bỏ.

7. Nga muốn ít nhất một số loại chiến thắng trước ngày 24 tháng 2

Giới lãnh đạo Nga muốn thu hút càng nhiều người vào quân đội càng tốt, vì vậy họ muốn có ít nhất một loại chiến thắng nào đó trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết điều này trên truyền hình Ukraine

“Nga là một đất nước khá kỳ quặc trong đó có một số ngày rất quan trọng đối với họ. Ngày gần nhất là ngày 24 tháng 2, khi họ bắt đầu cuộc chiến tích cực chống lại Ukraine. Vào ngày kỷ niệm này, họ cần phải báo cáo điều gì đó với người dân, bởi vì bây giờ họ phải tuyển thêm quân. Đó là lý do tại sao họ cần giành được một số chiến thắng trước ngày 24 tháng 2,” Danilov nói.

Ông nhắc lại rằng người Nga đã cố gắng làm một điều gì đó trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Liên Xô (22 tháng 12) và sinh nhật của Putin (7 tháng 10): “Họ luôn có một số ngày, nhưng ngày tháng trôi qua, mà không có giải pháp nào cho các vấn đề mà họ muốn giải quyết.”

Danilov trước đó cho biết Nga đang chuẩn bị cho “sự leo thang tối đa” trong tương lai gần và không loại trừ khả năng Putin sẽ cố gắng tiến hành một cuộc tấn công mới vào Ukraine từ phía bắc, nam và đông, như đã xảy ra vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

8. Bộ trưởng Quốc phòng Anh: Đưa máy bay chiến đấu đến Ukraine không phải là đường lối đúng đắn vào lúc này

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm thứ Tư cho biết quyết định không gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine là quyết định đúng đắn “vào lúc này”.

“Những gì họ cần ngay bây giờ là thiết giáp và xe tăng,” Wallace nói với các phóng viên khi được hỏi tại sao Vương quốc Anh không gửi máy bay phản lực, đồng thời chỉ ra cam kết của Vương quốc Anh gửi xe tăng Challenger 2 để hỗ trợ quân đội của Kyiv.

“Tôi đã tham gia vào lĩnh vực này trong một thời gian khá dài và tôi đã học được hai điều: không bao giờ giả định bất cứ điều gì và không bao giờ loại trừ bất cứ điều gì,” ông nói.

Wallace thừa nhận đây “không phải là một quyết định chắc chắn,” nhưng nói thêm, “hiện tại, tôi không nghĩ đó là đường lối đúng đắn.”

Ông tiếp tục: “Những gì sẽ diễn ra trong cuộc xung đột năm nay sẽ là khả năng Ukraine triển khai thiết giáp của phương Tây chống lại Nga.”

Một số thông tin cơ bản: Các quan chức hàng đầu của Ukraine đang vận động các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, lập luận rằng họ cần chúng khẩn cấp để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Bình luận của bộ trưởng quốc phòng được đưa ra sau khi một phát ngôn viên của phủ Thủ tướng nói với các nhà báo hôm thứ Ba rằng các máy bay chiến đấu “cực kỳ tinh vi và mất hàng tháng để học cách bay”, đồng thời nói thêm rằng việc cung cấp chúng cho Ukraine là “không thực tế” vì hàng phòng không dày đặc của đối phương.

Hôm thứ Tư, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh, ông Vladimir Johnson, đã cùng với Kyiv kêu gọi gửi các máy bay phản lực tới Ukraine trong chuyến thăm tới Washington, DC.

Johnson nói với Fox News: “Tất cả những gì tôi muốn nói là mỗi khi chúng ta nói rằng sẽ là một sai lầm khi cung cấp một loại vũ khí như vậy, nhưng cuối cùng chúng ta lại làm điều đó và đó lại là điều đúng đắn đối với Ukraine”.

“Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền, tiết kiệm cuộc sống. Hãy cung cấp cho người Ukraine những gì họ cần càng nhanh càng tốt”, ông tiếp tục.

Sau những bình luận của Johnson, phát ngôn nhân chính thức của Thủ tướng Anh Rishi Sunak lưu ý rằng Johnson “hành động theo khả năng của mình chứ không phải thay mặt cho chính phủ Anh”, hãng thông tấn PA của Anh đưa tin.
 
Tại sao Putin quan tâm đến ngôi nhà thờ này?Rắc rối tại Nam Sudan vì cuộc phỏng vấn ĐTC dành cho AP.
VietCatholic Media
17:04 02/02/2023


1. Phản ứng bất lợi từ Nam Sudan đối với cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho thông tấn xã AP

Cuộc phỏng vấn ngày 24 Tháng Giêng của Đức Thánh Cha với hãng tin AP đã gây ra một rắc rối không nhỏ cho ngài, trước khi ngài đến Juba, Nam Sudan vào ngày 3 tháng 2, điểm dừng chân thứ hai, sau Congo, trong chuyến tông du thứ ba của ngài tới Châu Phi.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng và đơn giản rằng “đồng tính luyến ái không phải là một tội ác,” và do đó “thật bất công” khi “hơn 50 quốc gia” lên án và trừng phạt nó, bao gồm “mười hoặc mười hai, nhiều hơn hoặc ít hơn, các quốc gia” thậm chí đưa ra án tử hình.

Và do đó, ngài tiếp tục nói, các giám mục của các quốc gia này phải phản ứng chống lại các luật này và nền văn hóa sản sinh ra chúng.

Những lời này của Đức Giáo Hoàng đã được truyền đi khắp thế giới và cũng đã đến Nam Sudan, nơi đồng tính luyến ái là một tội ác có thể bị phạt tới 14 năm tù.

Hôm thứ Sáu ngày 27 Tháng Giêng, trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các do Tổng thống Salva Kiir chủ trì, Bộ trưởng Thông tin Michael Makuei Lueth cho biết: “Nếu Đức Giáo Hoàng đến đây và nói với chúng tôi rằng hôn nhân đồng tính, đồng tính luyến ái là hợp pháp, chúng tôi sẽ nói không.”

Vị bộ trưởng nói tiếp, “Chúa không lầm. Người tạo ra đàn ông và đàn bà và bảo họ cưới nhau và làm đầy thế giới. Bạn tình đồng tính có sinh con được không? Hiến pháp của chúng tôi rất rõ ràng và nói rằng hôn nhân là giữa những người khác giới và bất cứ cuộc hôn nhân đồng giới nào cũng là một tội ác, là một tội ác hiến định.”

Nhưng Makuei cũng nói rằng “ngài đến đây không phải vì mục đích đó,” vì mục tiêu chính của ngài là rao giảng hòa bình. Và ngài sẽ làm như vậy cùng với Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Giáo hội Anh giáo và người điều hành Giáo hội Trưởng lão của Scotland Iain Greenshields: “một sự kiện lịch sử,” bởi vì “ba người này đã ở Rome khi các nhà lãnh đạo của chúng tôi đến đó và bây giờ họ đang gặp nhau và điều đó có nghĩa là có một điều gì đó đặc biệt về Nam Sudan”.

Ông có ý nói tới chuyến thăm của Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đến Vatican vào tháng 4 năm 2019, khi được mời tham dự một khóa tĩnh tâm được Đức Giáo Hoàng kết thúc bằng cách cúi xuống hôn chân cả hai người.

Thành viên của các bộ lạc đối địch, cả hai đang có chiến tranh với nhau và chiến tranh tiếp tục trong những năm tiếp theo, giết chết 400,000 người và hai triệu người phải dời cư.

Nhưng quay trở lại vấn đề đồng tính luyến ái, phải nói rằng Giáo hội Anh cũng bị chia rẽ mạnh mẽ về vấn đề này.

Hầu hết ở Vương quốc Anh và Bắc Mỹ muốn bỏ mọi điều cấm kỵ và chúc phúc cho hôn nhân đồng tính trong nhà thờ. Trong khi ở Châu Phi, nơi có 3/4 người Anh giáo trên thế giới sinh sống, sự phản đối mạnh mẽ đang cản trở việc đạt được một lập trường chung.

Vào ngày 18 Tháng Giêng, một thỏa hiệp đã được đề xuất từ London: một lời cầu nguyện đơn giản không có tính bắt buộc cho các cuộc kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính.

Như có thể dễ dàng nhận thấy, sự chia rẽ đang diễn ra trong Giáo hội Anh giáo rất giống với sự chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo, về cùng một vấn đề. Bộ giáo lý đức tin đã cấm việc ban phép lành cho các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái, nhưng ở Đức, Bỉ và các quốc gia khác, điều này được biện minh và thực hành như nhau, và Đức Phanxicô đang bỏ qua nó; và trên thực tế, trong cuộc gặp gỡ với các giám mục Bỉ vào cuối tháng 11, ngài đã cho họ biết rằng họ đã được sự chấp thuận của ngài.

Vào ngày 5 tháng 2, tại cuộc họp báo dự kiến cho chuyến bay trở lại Rôma, Đức Phanxicô sẽ có Welby và Greenshields bên cạnh. Và chắc chắn rằng các câu hỏi sẽ không bỏ qua vấn đề đồng tính luyến ái.

2. Số phận của Nhà thờ Nga ở Giêrusalem trở lại trong tay của Netanyahu

Chính phủ Israel đã tuyên bố vào Chúa Nhật rằng họ sẽ không kháng cáo lệnh của tòa án tạm dừng việc ghi danh tài sản của Nhà thờ Chính thống Nga dưới tên của chính phủ Nga – chuyển trách nhiệm xác định quyền sở hữu địa điểm tôn giáo đang tranh chấp này trở lại cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Tháng 3 năm ngoái, Tòa án quận Giêrusalem đã phán quyết rằng trong trường hợp này, nội các Israel, chứ không phải cơ quan ghi danh đất đai hay tòa án, là thẩm quyền duy nhất phê duyệt bất kỳ sự chuyển giao quyền sở hữu nào đối với nhà thờ Alexander Nevsky ở Thành phố Cổ của Giêrusalem. Phán quyết này dựa trên luật Bắt buộc hiện hành của Anh cho phép chính phủ có thẩm quyền quyết định tranh chấp quyền sở hữu đất đai của các nhà thờ ở thánh địa.

Việc ghi danh quyền sở hữu được cho là một trong những điều khoản mà Nga vào năm 2020 đã đồng ý trả tự do cho Naama Issachar, một người Israel bị kết tội buôn lậu ma túy sau khi một lượng cần sa được cho là tìm thấy trong vali của cô tại sân bay Mạc Tư Khoa khi dừng chân giữa các chuyến bay..

Nhà thờ được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và được coi là công trình quan trọng nhất của người Nga trong và xung quanh Thành phố Cổ, nằm liền kề với Nhà thờ Mộ Thánh. Trong những biến động chính trị ở Nga trong suốt thế kỷ 20, nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của những người Nga lưu vong ở phương Tây. Trong nhiều năm, Điện Cẩm Linh đã gây áp lực để giành quyền sở hữu nó.

Sau khi Issachar bị bắt vào năm 2019, chính phủ Israel đã vận động Nga trả tự do cho cô, và vào Tháng Giêng năm 2020, cơ quan ghi danh đất đai của Bộ Tư pháp đã thông báo rằng nhà thờ sẽ được ghi danh dưới tên của chính phủ Nga — một động thái đã bị Hiệp hội Chính thống Palestine, là tổ chức đã quản lý nhà thờ kể từ khi nó được xây dựng, phản đối tại tòa án.

Sau quyết định này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư cho Thủ tướng lúc đó là Naftali Bennett, yêu cầu ông cho phép chuyển giao quyền kiểm soát nhà thờ cho Mạc Tư Khoa. Các nguồn tin của Israel vào thời điểm đó nói rằng Giêrusalem đang giải quyết vấn đề, nhưng không giải thích thêm.

Quyền sở hữu nhà thờ “từ lâu đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Nga trong mối quan hệ với Israel,” phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tuyên bố vào tháng 4 năm ngoái, nói rằng Điện Cẩm Linh mong đợi “lãnh đạo Israel hỗ trợ chúng ta để hoàn thành quá trình cần thiết.”

Lo sợ rằng phán quyết của tòa án quận có thể cắt xén thẩm quyền của cơ quan ghi danh đất đai và gây ra làn sóng yêu cầu các tài sản tôn giáo từ các chính phủ nước ngoài, nhà nước Israel vào mùa hè năm ngoái đã gửi yêu cầu lên Tòa án Tối cao để kháng cáo phán quyết.

Tuy nhiên, tại một phiên điều trần gần đây, tòa án, dự kiến sẽ xác định rằng phán quyết chỉ có hiệu lực trong trường hợp của nhà thờ Alexander Nevsky, đã khuyến nghị nhà nước rút lại yêu cầu của mình, dẫn đến thông báo vào Chúa Nhật rằng quả bóng hiện đã trở lại tòa án của Netanyahu.

Giờ đây, số phận của nhà thờ sẽ được trả lại cho các chính trị gia và ông Netanyahu sẽ phải thành lập một nhóm các bộ trưởng được ủy quyền để đưa ra quyết định.

Một nhóm như vậy đã được thành lập nhiều lần, nhưng do những bất ổn chính trị trong những năm gần đây, với sự thay đổi thường xuyên của chính phủ, các thủ tục đã bị trì hoãn – điều này gây ra căng thẳng với chính phủ Nga.

Sau khi chính phủ hiện tại được thành lập, Văn phòng Thủ tướng đã liên hệ với các bên tranh chấp và yêu cầu họ đệ trình yêu cầu của mình về vấn đề này.


Source:Haaretz

3. Mười quốc gia Công Giáo thực hành hàng đầu: Đó là một câu chuyện Phi Châu

Ngay cả ở những nền dân chủ lành mạnh nhất, việc cho rằng kết quả các cuộc bầu cử là do người dân quyết định là một chuyện hoang đường. Trên thực tế, chúng được xác định bởi những người thực sự bỏ phiếu - mà trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ gần đây ở Hoa Kỳ, chỉ khoảng 47% những người đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu.

Tất nhiên, Giáo Hội Công Giáo không phải là một nền dân chủ. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô rõ ràng muốn nó giống như một Thượng hội đồng hơn, dựa trên ý tưởng lắng nghe mọi người. Tuy nhiên, một lần nữa, đó không thực sự là “mọi người”, mà là tất cả những người bước ra để được lắng nghe.

Khi đánh dấu vào các quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới, chúng ta thường tập trung vào quy mô dân số tổng thể, tức là số người Công Giáo đã được rửa tội ở những nơi đó. Theo tiêu chuẩn đó, đây là danh sách 10 quốc gia hàng đầu vào thời điểm hiện tại.

1) Brazil (120 triệu)

2) Mễ Tây Cơ (90 triệu)

3) Phi Luật Tân (80 triệu)

4) Hoa Kỳ (67 triệu)

5) Ý (47 triệu)

6) Cộng hòa Dân chủ Congo (45 triệu)

7) Colombia (35 triệu)

8) Ba Lan (33 triệu)

9) Pháp (32 triệu)

10) Tây Ban Nha (30 triệu)

Nhìn chung, chúng ta có ba quốc gia ngoài Mỹ Châu Latinh, bao gồm Mễ Tây Cơ, một ở Bắc Mỹ, một ở Phi Châu và Á Châu, và bốn ở Âu Châu.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chuyển trọng tâm sang điều mà chúng ta có thể gọi là những người Công Giáo “thực hành”, nghĩa là những người đi lễ ít nhất một lần một tuần?

Nhờ tổ chức Khảo sát Giá trị Thế giới, gọi tắt là WVS, chúng ta có dữ liệu về tỷ lệ tham dự Thánh lễ từ khắp nơi trên thế giới, cho phép chúng ta đưa ra danh sách Mười quốc gia hàng đầu có nhiều người Công Giáo thực hành nhất. WVS không chứa dữ liệu cho nhiều quốc gia Phi Châu cận Sahara, vì vậy ở đây chúng ta đang sử dụng mức trung bình của hai quốc gia mà chúng ta có, Nigeria và Kenya, có tỷ lệ tham dự Thánh lễ là 83,5 phần trăm.

1) Phi Luật Tân (47 triệu)

2) Mễ Tây Cơ (45 triệu)

3) Cộng hòa Dân chủ Congo (37,5 triệu)

4) Nigeria (30,5 triệu)

5) Uganda (28,4 triệu)

6) Colombia (20,5 triệu)

7) Ba Lan (17,2 triệu)

8) Tanzania (17,1 triệu)

9) Angola (16,7 triệu)

10) Ý (13,6 triệu)

Bây giờ bức tranh trông khá khác nhau. Nhìn chung, có năm quốc gia Phi Châu cận Sahara nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu, với một đến từ Á Châu, hai đến từ Mỹ Châu Latinh (một lần nữa bao gồm cả Mễ Tây Cơ) và hai đến từ Âu Châu. Brazil biến mất hoàn toàn, với tỷ lệ tham dự Thánh lễ chỉ là 8 phần trăm, cũng như Hoa Kỳ, nơi tỷ lệ tham dự Thánh lễ trực tiếp là 17 phần trăm hay 11,4 triệu người Công Giáo thực hành.

Bất cứ ai nhìn vào danh sách đó đều có thể kết luận rằng xét về số cử tri đi bỏ phiếu, nếu không phải là thống kê dân số, thì Công Giáo ngày nay phần lớn là ở Phi Châu. Với xu hướng gia tăng dân số và cả việc tham dự Thánh lễ, sự thống trị của người Phi Châu này sẽ tiếp tục tăng lên khi thế kỷ trôi qua.

Có ít nhất một vài kết luận ngay lập tức được rút ra.

Đầu tiên, hãy chú ý cẩn thận đến chuyến đi sáu ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Congo và Nam Sudan, khai mạc hôm nay và đánh dấu chuyến tông du thứ ba của ngài đến vùng hạ Sahara ở Phi Châu. Hãy lắng nghe không chỉ những gì Đức Giáo Hoàng nói với người Phi Châu, mà cả những gì người Phi Châu nói với ngài.

Chuyến đi này không chỉ là một câu chuyện Phi Châu. Đó là một câu chuyện Công Giáo, bởi vì bất kể bạn sống ở đâu, nếu bạn thuộc về Giáo Hội Công Giáo, người Phi Châu sẽ ngày càng thiết lập giai điệu dựa trên thực tế đơn giản rằng họ là những người bước ra.

Thứ hai, sẽ rất thú vị trong tương lai để đánh giá mức độ mà Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra về tính đồng nghị phản ánh những gì tiếng nói Phi Châu đang nói. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã chỉ trích “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức là một bài tập “do giới tinh hoa thực hiện”. Tương tự như vậy, điều quan trọng là hội đồng của chính ngài không bị chỉ trích là thứ gì đó “do phương Tây tạo ra”.

Mới đây, Hội đồng Giám mục khu vực Tây Phi, bao gồm Nigeria, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Guinea, Benin, Mali, Togo, Ghana, Senegal, Mauritius, Cape Verde, Guinea-Bissau, Gambia và Sierra Leone, đã tổ chức một cuộc họp báo để trình bày kết quả của các cuộc thảo luận công nghị của riêng mình.

Cha Vitalis nói: “Người dân nhấn mạnh rằng Giáo hội cần phải xác định lại các giá trị của mình và việc xác định lại các giá trị này trong một thế giới đang thay đổi phải dựa trên lời Chúa và truyền thống sống động của Giáo hội chứ không phải dựa trên cảm xúc và tình cảm”.

Cha Anaehobi, một linh mục người Nigeria, là tổng thư ký của hội nghị khu vực, lưu ý rằng “Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa” của thượng hội đồng do Vatican ban hành có hình ảnh của nhà thờ giống như cái mà người Mỹ gọi là “chiếc lều lớn”, dựa trên Isaia 54:2, “mở rộng không gian cho chiếc lều của bạn,” Anaehobi cho biết người Công Giáo ở Tây Phi thích một hình ảnh kinh thánh khác – John 14, “trong nhà của Cha Thầy có nhiều chỗ.”

Ngài nói: “Khi chúng ta nói rằng ý tưởng trung tâm là tính toàn diện, họ thích một ngôi nhà có các quy tắc và nguyên tắc chứ không chỉ là một cái lều mà bất kỳ ai cũng có thể bước vào.

Mặc dù đúng và sai không được xác định bằng số lượng đầu người, nhưng việc so sánh số lượng người Công Giáo thực hành ở hai quốc gia Công Giáo tiêu biểu vẫn là một bài tập hấp dẫn.

Ở Đức, có 22,1 triệu người Công Giáo và tỷ lệ tham dự Thánh lễ hàng tuần là 14 phần trăm, tương đương với 3,1 triệu người Công Giáo Đức thực hành. Như chúng ta đã thấy, Nigeria có tổng số gấp 10 lần con số đó là 30,5 triệu.

Người ta tự hỏi liệu tiếng nói của Nigeria, do đó, sẽ nổi bật gấp mười lần tiếng nói của Đức hay không khi tiến trình thượng hội đồng xảy ra.

Ngoài những điểm tương đối rõ ràng đó, chắc chắn còn có nhiều hiểu biết khác có thể thu thập được từ việc so sánh tổng thể dân số Công Giáo với tổng số người Công Giáo thực hành. Cảm ơn Khảo sát Giá trị Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ của Georgetown đã cung cấp tài liệu sơ khởi cho chúng ta.
Source:Crux