Ngày 11-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Thường Niên 12/02/2023 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:03 11/02/2023


BÀI ĐỌC 1 Hc 15:15 20

Bài trích sách Huấn ca.

Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn

mà trung tín làm điều đẹp ý Người.

Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước,

con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.

Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử,

ai thích gì, sẽ được cái đó.

Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao,

Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.

Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người,

và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.

Người không truyền cho ai ăn ở thất đức,

cũng không cho phép ai phạm tội.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Cr 2:6 10

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển. Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.

Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 11:25

Alleluia. Alleluia.

Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.

Alleluia.

TIN MỪNG Mt 5:17 37

Tin mừng Chúa Giê su Ki tô theo thánh Mát thêu.

Khi ấy, Đức Giê su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha ri sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

“Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê ru sa lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Đó là Lời Chúa.
 
Khi Lề Luật Trở Thành Ách Êm Ái, Gánh Nhẹ Nhàng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:36 11/02/2023
Khi Lề Luật Trở Thành “Ách Êm Ái, Gánh Nhẹ Nhàng”

(Chúa Nhật 6 TN A 2023)

Vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, nếu nền văn hóa Trung Hoa đã xuất hiện bộ Ngũ Kinh của Khổng giáo như là những giềng mối cho thiết chế xã hội và nền đạo đức nhân bản, thì trước đó hơn 7 thế kỷ (1200 BC), tại vùng hoang mạc bán đảo Sinai (giữa Ai Cập và Israel ngày nay), đoàn dân Israel vừa thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ Ai Cập, đã được chính Thiên Chúa trao ban “Thập Điều”, như một “Bản Hiến Pháp của toàn nhân loại”, vừa rọi sáng và qui định tương quan “Nhân – Thần” (Con người với Thượng Đế) vừa định hướng và đắp xây các tương quan giữa con người với nhau.

Đối với niềm tin của dân Israel và sau nầy của các Kitô hữu, Thập Điều chính là “Luật tối thượng” và hoàn hảo nhất, siêu vượt trên mọi thứ giới luật của loài người vì đây chính là Thánh Luật đến từ Thiên Chúa, một Thiên Chúa tốt lành và dạy những điều thiện hảo, như niềm xác tín được ghi lại trong sách Huấn Ca mà cộng đoàn chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1: “Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng, Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội.”

Riêng dân tộc Do Thái (Israel), một phần nào, nhờ việc trung thành tuân giữ và nghiêm cẩn thực thi các điều răn trong bản “Thập Điều” nầy mà họ luôn xác tín và tự hào là một dân tộc hạnh phúc và khôn ngoan, như được lặp đi lặp lại nhiều lần trong sách Thánh Vịnh:

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,

biết noi theo luật pháp Chúa Trời

Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,

hết lòng hết dạ kiếm tìm Người… (Tv 118, 1-2)

Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.

Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.

Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.

Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời… (Tv 18, 8-9).

Tuy nhiên, trong quá trình thể hiện niềm tin, không phải lúc nào dân Israel, một dân được mệnh danh là ưu tuyển của Thiên Chúa”, đều luôn trung thành và nghiêm cẩn đối với “Thập Điều” như cái “thuở ban đầu”. Thật vậy, khi ứng dụng các Điều Răn vào cuộc sống, nhất là khi xã hội Do Thái trải qua những cọ xát với các nền văn hóa khác, tôn giáo khác, cùng với những biến động và thăng trầm của lịch sử, rất nhiều lần trong lịch sử, Israel hoặc lãng bỏ, xem thường các Giới răn, hoặc bày đặt thêm thắt, đến độ làm cho ý nghĩa cốt lõi của Thập Điều biến chất, biến dạng. Và trong những giai đoạn như thế, các ngôn sứ đã xuất hiện kêu gọi sự canh tân lối sống đạo và thực hành giới luật, không phải lối sống đạo và giữ luật hình thức, giả hình ngoài môi mép, mà một thứ luật được viết tận cõi lòng, trong trái tim theo ý Chúa: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33).

Và tình trạng đó cứ lặp đi lặp lại. Đặc biệt, cho tới thời Chúa Giêsu cách đây 2000 năm, Bản Luật Mười Điều Răn đã được người Do Thái chú giải, bày đặt, thêm thắt thành hàng trăm khoản luật nhỏ (613 khoản với 365 điều cấm và 248 điều phải làm); đến độ “Lề Luật” biến thành một “mớ bòng bong trói buộc” rườm rà, gần như che khuất hết vẻ đẹp rạng ngời và trong sáng thánh thiện của Mười Điều Răn. Thay vì Giới Luật của Chúa nhằm để giải thoát và cho con người được tự do trong tình yêu, lề luật đã trở thành những thứ giây chằng chịt trói buộc, biến mối tương quan giữa người và Thiên Chúa trở nên xa cách và người với người trở nên lạnh lùng.

- Vì luật họ để mặc những anh chị em bị phung cùi chết dần chết mòn trong hoang mạc với cuộc sống hoàn toàn bị cách ly, gạt bỏ.

- Vì luật, họ chẳng thèm giao tiếp với những anh chị em thu thuế, những người Samari, những bà con lương dân thấp cổ bé miệng.

- Vì luật họ khinh thường, loại trừ và thẳng tay kết án những hạng người như người phụ nữ phạm tội ngoai tình, cô gái Maria tai tiếng trong thành, hoặc người mù từ lúc mới sinh lê lết bên bờ cuộc sống…

Họ đã biến tôn giáo mặc khải trở thành tôn giáo của luật lệ, và biến lề luật trở thành những chữ viết vô hồn trong sách vở của họ hay trên những tua áo họ mang trên mình mà hoàn toàn không còn chút sức sống của tình yêu, của con tim để dành cho Thiên Chúa là Cha và cho mọi người là anh em. Chính Đức Ki-tô đã phê phán nặng nề thái độ nầy của đám biệt phái, luật sĩ đương thời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Mt 15,3.7-9)…

Nối tiếp truyền thống canh tân đức tin của các ngôn sứ, và nhất là, đề nghị một con đường công chính mới cũng trên nền tảng Thập Điều, Đức Kitô đã đến để đem lại sức sống và vẽ đẹp tuyệt vời cho lề luật. Vì thế, không lạ gì, trong hành trình ba năm rao giảng, Ngài thường xuyên “đụng đầu” với những tay biệt phái bảo thủ, từng theo dõi mọi lời rao giảng và mọi hành vi của Ngài như: để các môn sinh bức lúa ăn trắc trong ngày Sabat; không rửa tay trước khi ăn; không ăn chay như luật định…; riêng Ngài, chữa bệnh ngày Sabat, giao tiếp với người thu thuế, gái điếm, đụng chạm đến những kẻ phung cùi, bệnh tật…, những điều mà họ hoàn toàn dị ứng và không chấp nhận được; họ cho Ngài là một kẻ “phá luật” !

Tuy nhiên, Đức Kitô đã long trọng xác quyết như Tin Mừng Matthêô tường thuật hôm nay: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.”.

Và điều cốt yếu mà Đức Kitô muốn thiết lập để kiện toàn Lề Luật đó chính là Tình Yêu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và Tình Yêu đối với con người. Mọi luật lệ đều phải quy chiếu vào nội dung cơ bản nầy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (Mt 22, 37-40).

Vâng, chính tình yêu sẽ điều hướng con tim để biến việc giữ luật không dừng lại với những “vỏ bọc an toàn” và lấy làm đủ bởi một loạt những cái “không”: “Không giết người”, “Không trộm cắp, “không ngoại tình”… mà vươn tới một cách ứng xử mang hương vị tình yêu từ những việc nhỏ nhặt nhất và xuất phát từ tấm lòng sâu thẳm: “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục… Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi…”.

Từ niềm xác tín và góc nhìn về việc sống đạo, giữ luật mang chiều kích “tình yêu trong tự do và nội tâm hóa” đó, Đức Kitô đã bắt đầu hình thành một “Đạo Mới”, một tôn giáo mới – Kitô giáo, biến Thập Điều thành một cái “gánh nhẹ nhàng, ách êm ái” (Mt 11, 30) bởi vì tất cả đều được điều hướng, dẫn dắt bởi một động lực duy nhất: TÌNH YÊU, một chân lý nền tảng mà sau nầy, vị Tông đồ vĩ đại của Chúa Giêsu đã khẳng quyết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 13, 8-10).

Ngày nay, trong một thế giới đầy bất an, hận thù, chia rẽ…, khi người ta thường chọn thứ “luật rừng”, luật “mạnh được yếu thua may nhờ rủi chịu”, luật “của đô la và vũ khí tối tân”,… Lời Chúa hôm nay muốn nhắc bảo chúng ta, những người Kitô hữu, những xã hội mang văn hóa Kitô, căn cội Tin Mừng, hãy trở về với Thập Điều, với hai điều răn cơ bản: Mến Chúa, Yêu người.

Dĩ nhiên, đây không là một hành vi nhân bản để dễ dàng thực hiện mà là một “phân định thường xuyên với ơn của Thánh Thần” để chọn lựa “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, sự khôn ngoan mà Thánh Phaolô đã “thậm xưng”: “Sự mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm cho những ai yêu mến Người” (Bđ 2). Vâng, tình yêu chính là quy luật tối thượng để chi phối mọi hành động và ứng xử của ta với Thiên Chúa cũng như với anh em đồng loại, như cách diễn tả giản đơn nhưng đầy thâm thúy của thánh Giáo Phụ Augustino: “Ama et fac quod vis – Cứ yêu đi rồi làm theo ý bạn muốn”. Vâng, tình yêu sẽ biến Lề Luật thành “ách êm ái, gánh nhẹ nhàng”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Luật Và Lệ
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
13:07 11/02/2023
CN 6 TN A : Luật Và Lệ

Trước đây khá lâu có bảng tuyên truyền về giao thông với 8 chữ thật to : “Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.” Có nơi như Khánh Hoà, bắt phải sơn 8 chữ trên bên hông mọi loại xe. Mới đây, tức hơn chục năm đổ lại, thấy người ta dán che chữ “lệ,” còn lại “nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông” thôi. Tuy che lại, nhưng ai ai cũng phải tuân theo “lệ” giao thông. Lệnh vua thua lệ làng.

Trong Đạo Do Thái cũng vậy, “Luật” Chúa ban ra qua ông Môsê rất tổng quát, nhưng “lệ” mà các luật sĩ nghiên cứu thêm thì nhiều vô kể, và người ta cứ phải khuôn theo “lệ” này. Nhiều lần Chúa Giêsu đã bác bỏ điều người Do Thái cho là Luật pháp: Ngài đã không giữ “lệ” rửa tay, Ngài chữa lành người đau trong ngày Sabbat…. Cho nên cuối đời, Ngài đã bị đóng đinh trên thập giá như kẻ phạm luật. Tuy nhiên dường như bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói về Luật với tất cả sự tôn kính, mà không một rabbi hay luật sĩ nào nói hơn được : “dẫu một chấm một phẩy trong lề luật cũng không được bỏ qua”. Chữ "nhỏ nhất" (một chấm, một nét) trong nguyên ngữ Hipri là iodh, theo hình thức nó giống như dấu phẩy (,), dù chữ đó không lớn hơn một dấu chấm, cũng không thể bỏ qua được. Chúa Giêsu dường như cho rằng Luật là thánh đến nỗi dầu một chi tiết nhỏ hơn hết cũng sẽ không bao giờ qua đi. Nhưng ta hãy tìm hiểu thêm.

Người Do Thái dùng chữ “Luật” theo bốn ý nghĩa khác nhau:

1. Chỉ Mười Điều Răn.

2. Chỉ năm sách đầu của bộ Kinh Thánh: Ngũ Kinh hay Ngũ Thư của ông Mô-sê : năm cuốn sách đầu của Kinh Thánh được người Do Thái gọi là Luật Pháp ưu tú, tuyệt hảo và là quan trọng nhất của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-Vi, Dân Số, Đệ Nhị Luật..

3. Họ cũng dùng "Luật và lời tiên tri" để chỉ cả Kinh Thánh, là phần Cựu Ước của bộ Kinh Thánh chúng ta đang có.

4. Họ dùng từ ngữ đó để chỉ luật pháp truyền khẩu hoặc luật pháp của các luật sĩ, mà ta tạm gọi là “lệ”

Trong thời Chúa Giêsu, nghĩa “thứ bốn” thông dụng nhất. Cả Chúa Giêsu và Phaolô đều lên án luật “lệ” của các thầy luật sĩ. Vậy luật “lệ” của các thầy luật sĩ là gì?

Trong chính Cựu Ước chúng ta thấy không có nhiều luật đâu, chỉ có các nguyên tắc bao quát. Ví dụ Mười Điều Răn, mỗi điều răn hàm chứa một nguyên tắc lớn, từ đó mỗi người phải tìm ra luật lệ riêng cho đời sống. Điều răn thứ bốn, chẳng hạn, thảo kính cha mẹ, thì mỗi ngày cho ăn mấy lần, mỗi lần bao nhiêu; lại còn cái gọi là “corban” (của dâng cúng) nữa, làm gì có trong Luật, chỉ là “lệ” thôi…

Đối với những người Do Thái về sau, những nguyên tắc lớn này dường như không đủ. Họ xem Luật Pháp là thiêng liêng trong đó Đức Chúa phán những lời chung quyết, bởi vậy mọi sự phải gồm tóm trong đó. Nếu một sự việc không được nói tỏ tường trong Luật thì cũng phải hàm ngụ ở bên trong. Bởi vậy họ tranh luận rằng từ Luật Pháp có thể suy diễn ra luật lệ cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh của cuộc đời. Do đó nảy sinh ra hạng người gọi là rabbi: luật sĩ, suốt đời chuyên suy luận những nguyên tắc lớn lao của Luật Pháp để lập ra hàng ngàn, hàng vạn luật lệ khác.

Chúng ta hãy xem họ làm. Luật dạy rằng hãy giữ ngày Sabbat để làm nên ngày thánh và trong ngày đó không được làm công việc gì. Đó là nguyên tắc lớn. Những người duy luật Do Thái rất say mê định nghĩa, nên họ hỏi rằng: công việc là gì? Tất cả mọi thứ sự việc đều có thể định nghĩa là “công việc.” Thí dụ: mang một gánh nặng trong ngày Sabbat là làm việc, nhưng kế đó phải định nghĩa gánh nặng. Vậy luật lệ của các thầy luật sĩ qui định rằng: gánh nặng là lượng thức ăn bằng sức nặng của một trái vả khô, rượu đủ để pha trong một ly, sữa đủ cho một ngụm, dầu đủ để xức trên một chi thể nhỏ, giấy đủ để viết một báo cáo của thương chánh, mực đủ để viết hai chữ trong bảng mẫu tự, sậy đủ để làm một cây viết... và cứ như thế không bao giờ hết. Họ để hàng giờ để biện luận: không biết người ta có thể dời cây đèn từ chỗ này qua chỗ khác trong ngày Sabbat không? Không biết người thợ may đi ra đường với một cây kim đính trên áo có phạm tội “làm việc” trong ngày sabbat không? Không biết người đàn bà có thể cài trâm hoặc đội tóc giả không?... Ngày Sabbat được đi khoảng một dặm, nếu nghe tin bạn mình bệnh trong ngày sabbat, mà từ nhà mình đến nhà bạn hơn nửa dặm, là không dám đi thăm, bởi đi, làm sao về, cả đi cả về vượt quá một dặm rồi !

Đối với họ những điều này là yếu tính của tôn giáo, tôn giáo của họ là chú tâm đến những luật lệ tỷ mỉ, chi li, vụn vặt như thế đó.

Rồi chữa bệnh cũng là “làm việc” trong ngày Sabbat, rõ ràng điều này cũng phải định nghĩa. Chữa bệnh chỉ được phép khi nguy hiểm đến tính mạng và nhất là khi đau tai, mũi, họng. Dẫu với những trường hợp này đi nữa thì cũng chỉ làm những việc cần thiết để cơn bệnh không trầm trọng hơn chứ không được chữa cho bớt bệnh trong ngày Sabbat. Như vậy được phép băng vết thương nhưng không được xức thuốc; nhét bông vào lỗ tai đau thì được nhưng bông không được tẩm thuốc giảm đau...

Những luật sĩ là người làm ra những thứ “lệ” này. Biệt phái nghĩa là những kẻ ly khai, là những kẻ tách biệt mình ra khỏi mọi hoạt động bình thường của đời sống để giữ tất cả những luật lệ này.

Đối với người Do Thái chính thống trong thời Chúa Giêsu thì phục vụ Thiên Chúa chính là giữ tất cả hàng ngàn hàng vạn các lệ này, họ coi đó là vấn đề sống chết với số phận đời đời. Rõ ràng là Chúa Giêsu không có ý nói không một điểm nào trong thứ luật lệ này phải qua đi, vì Ngài đã nhiều lần phá vỡ, và chắc chắn đó không phải là Luật Chúa muốn ám chỉ bằng từ ngữ "Luật Pháp" vì chính Ngài lẫn Phaolô nhiều lần lên án.

Vậy, Luật Pháp Chúa muốn nói đến là gì? Đó là Luật yêu thương

Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới luật pháp càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật pháp đe dọa. Và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa; một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ luật pháp nhưng là để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương.

Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nhẫn sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm ngón tay đau đớn kinh khủng.

Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là Luật của Chúa, mà là Luật yêu thương, chứ không phải những “lệ” bắt bẻ chi ly đâu. Chúng ta cứ thử xem hôm nào cư xử ác, bắt bẻ anh em, lòng ta có bị cắn rứt khó chịu không. Và khi ta làm được việc tốt nào cho anh em, lòng ta có hạnh phúc và mắt ta có chiếu sáng không. Hãy đeo nơi ngón tay chiếc nhẫn thần là Luật yêu thương và thực thi luật yêu thương để tâm hồn ta luôn vui tươi hạnh phúc. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy giải thích của cha Hàm)
 
Đừng quá đắm chìm khi còn kịp
Lm Minh Anh
15:16 11/02/2023

ĐỪNG QUÁ ĐẮM CHÌM KHI CÒN KỊP
Ngươi không được giết người, chớ ngoại tình!”, “Có thì nói có, không thì nói không!”.

L. K. Clark, một đạo diễn nổi tiếng, đã sống và chết mà không có đức tin. Trong cuốn tự truyện, ông thừa nhận. Ngày kia, khi đến thăm một ngôi thánh đường xinh đẹp, ông đã có được điều mà ông tin là một trải nghiệm tôn giáo choáng ngợp, “Toàn bộ con người tôi được chiếu sáng bởi một niềm vui thiên đường mãnh liệt hơn bất cứ điều gì tôi từng biết trước đây”. Nhưng “lời mời gọi của ân điển” đã tạo ra một vấn đề! Nếu để bản thân bị ảnh hưởng, ông biết mình sẽ phải thay đổi, gia đình có thể cho rằng ông mất trí. Vì vậy, ông nói, “Tôi đã quá đắm chìm trong thế giới để có thể thay đổi hướng đi!”. Và ông kết luận, “Bạn đừng quá đắm chìm khi còn kịp!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn đừng quá đắm chìm khi còn kịp!”. Lời khuyên của đạo diễn Lord Kenneth Clark được gặp lại qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay khi Chúa Giêsu mở rộng ý nghĩa của những lời dạy Cựu Ước, ‘Ngươi không được giết người, chớ ngoại tình hoặc đừng nói dối!’. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta sống một chiều sâu đạo đức mới; đồng thời, ‘đừng quá đắm chìm khi còn kịp!’.

Với Chúa Giêsu, “Không được giết người” được đào sâu với hàm ý rằng, chúng ta phải tránh mọi phẫn nộ bên trong; thậm chí không được tức giận hoặc dùng lời lẽ xúc phạm người khác. Điều Ngài lưu ý là chúng ta phải tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của tha nhân, đó là những con người mà Ngài yêu thương vô điều kiện, cũng như chính Ngài sẽ hy sinh mạng sống vì họ. Vì nếu tự thâm tâm, không kính trọng tha nhân, chúng ta không thể nói là kính trọng Thiên Chúa.

“Chớ ngoại tình!” với Chúa Giêsu, mang ý nghĩa, không ấp ủ dục vọng trong lòng. Ngài muốn nói, ngoài những hành động bên ngoài, thái độ trân quý tha nhân bên trong là điều tối quan trọng. Bạn không thể sử dụng người khác như một đối tượng để mang lại niềm vui. Khi điều đó xảy ra, cả hai đều xuống cấp. Tình yêu đích thực và sự tôn trọng thì hoàn toàn khác. Ngoại tình là sai trái không phải vì đó là hành vi tình dục ngoài hôn nhân, mà là bất công đối với người bạn đời vô tội; đó là vi phạm lòng tin và lòng chung thủy. Vậy, ‘đừng quá đắm chìm khi còn kịp!’.

“Có thì nói có, không thì nói không!” mang ý nghĩa hãy sống như con cái Thiên Chúa! Những lời chúng ta nói phải xuất phát từ sự trung thực và chính trực của trái tim; phải khởi đi từ trái tim. Trong cuộc sống, người ta thường dễ dàng nói điều mà họ tin là có lợi cho mình, khiến họ có vẻ tốt hơn hoặc làm cho một tình huống cụ thể trở nên dễ dàng hơn. Xu hướng chung nơi chúng ta là nói những gì người khác muốn nghe hoặc nói những gì tô vẽ cuộc sống mình dưới ánh sáng tốt nhất. Đó là sự “Khôn ngoan thế gian” Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay; đang khi bài đọc Huấn Ca lại tiết lộ, “Thiên Chúa thấu suốt mọi hành động của con người”. Và Thánh Vịnh đáp ca lại kết luận, “Phúc đức thay, những ai tiến thân trong pháp luật của Chúa!”.

Anh Chị em,

‘Không được giết người, chớ ngoại tình hoặc đừng nói dối!’. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng sợ những đòi hỏi của ân sủng như Lord Kenneth Clark đã từng sợ! Đừng “sợ phải thay đổi”; hoặc sợ rằng, “gia đình có thể bảo chúng ta mất trí!”. Đừng quên rằng, ân sủng Chúa đến rồi đi và có thể không bao giờ trở lại. Hãy ghi nhớ lời cuối của nhà đạo diễn, “Bạn đừng quá đắm chìm khi còn kịp!”. Đừng “quá đắm chìm trong thế giới để có thể thay đổi hướng đi!”. Ân sủng của Chúa Kitô luôn nâng đỡ bạn và tôi; hãy chìm đắm trong Ngài, một thiên đàng không chỉ làm choáng ngợp nhưng ban cho bạn sự sống đời đời. Hãy hướng lên Ngài, cậy trông vào Ngài, đừng cậy sức mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mê muội trong thế giới tục luỵ, đến nỗi không thể thay đổi hướng đi; với nó, cho con ‘đừng quá đắm chìm khi còn kịp’; hầu một chỉ đắm chìm trong Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tinh Thần Luật
Lm Vũđình Tường
17:56 11/02/2023
Mặc dù cố gắng hết khả năng và chân thành trong việc diễn giải Luật Chúa truyền được ghi lại trong sách Ngũ Kinh, các chuyên gia luật thuộc nhóm Pharisiêu và Kinh Sư vẫn không lột trần được tinh thần luật. Họ chú trọng nhiều vào việc thanh tẩy bên ngoài con người và vật dụng dùng hàng ngày như chén, đĩa, li, tách. Trong khi đó lại coi nhẹ việc thanh tẩy tâm hồn. Làm công việc thanh tẩy li, tách, rửa ráy, tỉ mỉ, cẩn thận đến độ người ta cảm thấy luật trở thành gánh nặng trong cuộc sống. Nhiều người dù cố gắng hết khả năng vẫn không thể làm trọn những đòi hỏi thanh tẩy kia. Bởi công việc đòi hỏi quá nhiều thời giờ đến độ con người không còn giờ cho gia đình, xóm làng và ngay cả giờ để cầu nguyện.

Đức Kitô nói với các môn đệ việc thanh tẩy sạch sẽ vật dụng và cơ thể không ảnh hưởng nhiều đến tâm linh con người. Mục đích chính của Luật là giúp thanh tẩy tâm hồn, con tim con người. Đây mới chính là trọng tâm của Luật và là cách thờ phượng chính đáng. Nhóm Kinh Sư và Pharisiêu không hiểu điều đó. Điều này cho thấy con người rất giỏi trong việc tìm hiểu vấn đề mắt thấy, tai nghe hay vấn đề thuộc lãnh vực ngũ quan. Con người gặp rất nhiều trở ngại về vấn đề tâm linh bởi nó không thuộc lãnh vực ngũ quan. Đức Kitô dậy môn đệ hiểu Luật theo đúng tinh thần Luật. Ngài dậy Kitô hữu chú trọng nhiều đến vấn đề thanh tẩy con tim và tâm hồn. Thanh tẩy con tim và tâm hồn chính là trọng tâm Luật muốn nhắm đến. Giáo huấn được đám đông dân chúng vui mừng đón nhận. họ kháo với nhau,

'Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các Kinh Sư' Mt 7,29.

Trong khi nhóm Kinh Sư và Pharisiêu kịch liệt phản đối. Họ kết án Ngài là phá bỏ truyền thống của tiền nhân. Đáp lại những chống đối, chỉ trích, Đức Kitô nói với môn đệ,

'Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ lề luật Môisê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, mà là để kiện toàn' Mt. 5,17

Đức Kitô giải thích lề luật truyền thống với tinh thần mới, í nghĩa mới, cho toàn dân. Họ vui mừng đón nhận bởi giải thích mới giải thoát họ khỏi gánh nặng lề luật do Kinh Sư giải thích. Ngài kêu gọi dân chúng giữ tinh thần luật và đây là trọng tâm giáo huấn mới Ngài đưa đến. Ngài nói,

'Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh Sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào nước trời'. Mt 5,20.

Đức Kitô kêu gọi môn đệ học từ Ngài bởi tuân thủ luật thanh tẩy bên ngoài là giáo huấn của nhóm Kinh Sư. Giáo huấn Ngài dậy chú trọng đến bên trong, đến tâm hồn, đến con tim. Để giúp họ hiểu rõ hơn, Ngài dùng thí dụ áp dụng vào thực tế cuộc sống. Ngài dậy không được chọn hằn thù, cũng không nhắm đến ăn miếng, trả miếng, nhưng chọn đối thoại vả hoà giải. Con đường đối thoại, hoà giải quan trọng hơn cả dâng lễ vật. Vì thế cần hoà giải, giao hoà, trước khi đến dâng tiến lễ vật Mt 5,23-24.

Giáo huấn mới này không chỉ ngăn chặn được hành động tàn ác, độc hại mà còn nhổ tận gốc rễ hằn thù, ghen tị ẩn sâu trong tim con người. Khi con tim được tình Chúa thánh hoá, con tim đó trở nên trong sáng và nó từ chối mọi dụ dỗ, hành động ma quỉ xúi dục, khuyến khích. Đức kitô còn dậy tội tình dục xảy ra khi con người ước ao làm điều đó, dù có thực hiện hay không thì cũng đã phạm tội trong tư tưởng rồi.

Giáo huấn mới kêu gọi con người xét mình hàng ngày về hành động và tư tưởng cá nhân. Người ta có thể lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối mình bởi không ai hiểu rõ con tim mình hơn chính mình. Mỗi người là thẩm phán cho hành động và tư tưởng mình. Đức Kitô kêu gọi con người, dù phái nam hay phái nữ, cả hai đều phải tôn trọng lời thề hứa hôn nhân. Giáo huấn này đặt con người bình đẳng, nam cũng như nữ, đồng thời đặt giá trị, phẩm giá con người ngang hàng nhau. Không phái nào hơn phái nào. Sống tôn trọng nhau sẽ mang lại bình an, mái ấm gia đình.
Tóm lại giáo huấn Đức Kitô dậy giúp thay đổi, cả hoá con tim. Khi con tim thuộc về Chúa, con tim đó được Thánh Thần hướng dẫn, và đó mới là thờ phượng cách chính đáng. Thờ phượng trong chân lí và sự thật.

TiengChuong.org

Spirit of The Law

Despite their great effort with all honesty and dedication in applying the Law recorded in the Pentateuch, the first five books of the Old Testament, the Scribes, and Pharisees had failed to capture the spirit of the Law. Their interpretation was strong on human external cleanliness; and weak on internal purification of a person's mind and heart. The requirement to wash cups and plates and hands and the non-essential things was time consuming. Their strict observation placed stress and pressure on many because they had less time for vital things, such as time to pray and care for their loved ones. Jesus says that those kind of external, observation requirements doesn't reflect the heart of the Law. The primary purpose of the Law is for internal cleanliness of mind and heart, and that is the true form of worshipping God. The Scribes and Pharisees failed to understand this. It is very clear that human wisdom is very superficial. We are capable of grasping most matters that belong to our senses, but struggle hard to tackle the spiritual world. Jesus corrects the external cleanliness, telling people to pay more attention to internal purification; because external cleanliness would bring little benefit to the internal life. It is not external, but the internal cleanliness, that makes a spiritual life healthy. This teaching made the Scribes and Pharisees excuse Jesus for abolishing the traditions of the elders. Jesus' new teaching made people praise him that

'He taught them with authority'. Mt 7,29.

While his opponents accused him of abolishing the traditions of the elders. In responding to their criticism, Jesus told his disciples:

'I have come not to abolish them but to complete them' v.17.

Jesus brings freshness and newness to the Decalogue. He asks the people to observe the spirit of the law, which is the heart of his teaching. To make his teaching clearer, Jesus tells them

'I tell you, if your virtue goes no deeper than that of the scribes and Pharisees, you will never get into the kingdom of heaven' Mt. 5,20.

Jesus told his disciples that they must learn from him, because observing the external cleanliness of the Law is the way of the Scribes and Pharisees. His way is not to observe the Law in its appearance, but to capture its spirit, and that is the right way to uphold the Law. To make his teaching clearer, Jesus told them to avoid anger; do not harbour resentment; instead of vengeance, be reconciled. Reconciliation must happen even before offering to God. Mt 5,23-24. This new teaching is not simply to stop an evil act; but to uproot the cause of evil which anchors in a person's heart. When a heart is purified by God's love; it stops all evil intentions. Jesus told his disciples that sin of the flesh is committed as soon as one desires to have it in one's heart. By desire alone, sin has already been committed in one's heart, whether that person is actually carrying it out or refraining it.

People felt that His teaching freed them from external observation burden. They would have more time for reflection and self-examination of their daily conduct. By doing self-examination, their hearts become their own judge. People can trick others but wouldn't be able to deceive themselves because we all know our hearts well. Jesus tells us that we are the judge of our own thoughts and actions. He told them to honour oaths in marriage and be truthful to themselves. Your thoughts must consist of your actions, and that makes you true to yourself. Regardless of gender, honour oaths in marriage is not simply brought peace to your family, but also promote the equality and dignity of a human person.

Jesus' teaching demands a change of one's mind and heart toward God. When a person's heart belongs to God that person is led by the spirit, and they are the true worshipper. They worship God in truth and spirit.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bẽ bàng: Giáo dân tuyên xưng đức tin tông truyền bị giáo phận Anh Giáo báo cảnh sát
Đặng Tự Do
05:45 11/02/2023


Khi các nhà lãnh đạo của Giáo hội Anh gặp nhau trong một hội đồng gây tranh cãi về việc có nên chúc lành cho các cặp đồng giới hay không, căng thẳng leo thang khi một giáo phận báo cảnh sát một thành viên hội đồng giáo dân vì quan điểm của anh ta.

Giáo phận Coventry đã thông báo rằng họ đã báo cáo với cảnh sát sau khi thành viên thượng hội đồng Sam Margrave cho rằng các mối quan hệ đồng giới là tội lỗi. Giáo phận này là một phần khối hiệp thông Anh giáo và không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

Margarve đã từng lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh giáo, những người muốn chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái và những người muốn tiến xa hơn và thực hiện các nghi thức hôn phối cho các cặp đồng tính luyến ái.

Giám mục Christopher Cocksworth của Giáo phận Coventry đã thông báo cho Margrave rằng họ đã báo cáo ông với cảnh sát, theo một thông cáo báo chí từ nhóm ủng hộ Kitô giáo Christian Concern có trụ sở tại Vương quốc Anh.

“Thư ký giáo phận không có lựa chọn nào khác, vì đã nhận được một số khiếu nại, và đã phải báo cáo những quan điểm của anh cho Cảnh sát West Midlands và đang tiếp tục trò chuyện với họ,” lá thư của Giám Mục Christopher Cocksworth viết.

Giám Mục Christopher Cocksworth cho biết “Cảnh sát đã báo cho người thư ký giáo phận biết rằng họ đã có thể nói chuyện với anh, nhưng anh tiếp tục phủ nhận rằng mình đã làm bất cứ điều gì sai trái.”

Khi được CNA liên hệ, giáo phận đã chuyển tiếp tuyên bố lên án Margrave nhưng từ chối bình luận thêm về quyết định báo cảnh sát.

Nhiều người cảm thấy quá sức đau buồn vì anh Margarve chỉ nói lên một quan điểm đã được sách giáo lý Công Giáo khẳng định, thế mà bị cái giáo phận này báo cáo với cảnh sát. Thật vậy, Sách giáo lý Công Giáo khoản 2357 viết:

“Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’ (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này là không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.”
Source:Catholic News Agency
 
Tòa án phán quyết nhóm phò sự sống nợ gần 1 triệu đô la tiền phạt vì các cuộc biểu tình chống Planned Parenthood
Đặng Tự Do
05:46 11/02/2023


Một chi nhánh của tổ chức Planned Parenthood đã thắng một phán quyết pháp lý trị giá gần 1 triệu đô la chống lại một nhóm phò sự sống tụ tập bên ngoài một phòng khám phá thai ở Spokane.

Nhóm tự gọi mình là Church at Planned Parenthood, phải trả 110.000 đô la tiền bồi thường thiệt hại dân sự cho Planned Parenthood ở Greater Washington và North Idaho và 850.000 đô la phí pháp lý khác cho nhà cung cấp dịch vụ phá thai, tờ báo The Spokesman-Review đưa tin vào ngày 3 tháng 2.

Một thẩm phán của Hạt Spokane đã ra phán quyết vào tháng 12 rằng nhà thờ liên tục vi phạm luật tiểu bang bằng cách “cố ý hoặc liều lĩnh” làm gián đoạn hoạt động bình thường của một cơ sở chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc gây ra tiếng ồn “làm xáo trộn sự yên bình trong cơ sở một cách vô lý”.

Thẩm phán Tim Fennessy của Tòa án Thượng thẩm Quận Spokane đã đồng ý với bằng chứng của Planned Parenthood rằng nhà thờ đã tổ chức 22 buổi đọc kinh Mân Côi vi phạm luật tiểu bang và phạt nhà thờ 5.000 đô la cho mỗi ngày vi phạm. Ông đồng ý rằng các vi phạm khiến bệnh nhân có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Tòa án phán quyết nhóm phò sự sống nợ gần 1 triệu đô la tiền phạt vì các cuộc biểu tình chống Planned Parenthood.

Trong số những người chỉ trích phán quyết có Esther Ripplinger, giám đốc điều hành của nhóm phò sự sống Human Life of Washington, người đã đề cập đến quyết định này trong bài phát biểu ngày 7 tháng 2 trong một cuộc phỏng vấn với CNA.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cuộc tấn công vào những người ủng hộ sự sống,” Ripplinger, người có tổ chức là chi nhánh cấp bang của Ủy ban Quốc gia về Quyền được Sống, cho biết. “Đó là một cuộc tấn công vào cuộc sống và nó không công bằng.. Đây chỉ là những cáo buộc bịa đặt và tôi hy vọng rằng họ sẽ chống lại nó trong phạm vi tối đa của luật pháp.”

“Đây là những người thu hút và huy động những người khác tin rằng phá thai là sai, và vì vậy họ có quyền làm điều đó, tập hợp lại với nhau trên tài sản công,” Ripplinger nói. “Hoàn toàn không có luật nào bị phá vỡ ở đây. Đây thực sự chỉ là một cuộc săn phù thủy chống lại những người tổ chức và chống lại những gì họ tin tưởng, và nó không công bằng.”
Source:Catholic News Agency
 
Tòa án Mễ Tây Cơ ra phán quyết chống lại nhà lãnh đạo phò gia đình, là người đã gọi một nhà lập pháp chuyển giới nữ là đàn ông
Đặng Tự Do
05:47 11/02/2023


Phòng Chuyên trách của Tòa án Bầu cử của Cơ quan Tư pháp Liên bang ở Mễ Tây Cơ đã ra phán quyết chống lại Mặt trận Quốc gia vì Gia đình, gọi tắt là FNF, và chủ tịch của nó, là ông Rodrigo Iván Cortés, vì đã to gan gọi Salma Luévano, một nữ đại biểu quốc hội “chuyển giới”, là “ông”.

Trong một tuyên bố vào ngày 2 tháng 2, tòa án nói rằng Cortés và FNF “đã thực hiện hành vi bạo lực chính trị đối với phụ nữ dựa trên giới tính do nhiều bài đăng trên mạng xã hội và internet chống lại nữ nghị sĩ liên bang, Salma Luévano và phụ nữ chuyển giới.”

Đối với Phòng Chuyên trách này, “các biểu hiện được báo cáo là xúc phạm và phân biệt đối xử bằng cách bác bỏ bản dạng giới tính và hạ thấp hiệu suất của nữ nghị sĩ liên bang, điều này cấu thành bạo lực kỹ thuật số, bạo lực tâm lý và tình dục đối với cô ấy.”

“Do đó, hiệp hội nói trên cũng như chủ tịch của nó đã bị phạt tiền; Ngoài ra, phải công bố bản rút lại các tuyên bố đã được ra trên các phương tiện truyền thông xã hội mà hành vi phạm tội đã được thực hiện, đưa ra lời xin lỗi công khai và các biện pháp bồi thường toàn diện khác và bảo đảm không tái phạm”

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Leal chỉ ra rằng Luévano là “một người đàn ông tự coi mình là phụ nữ và đang thay thế phụ nữ trong Đại hội của Liên minh.”

“Chúng ta đã ở trong chế độ độc tài giới tính. Đó là một chế độ độc tài mà nếu bạn nghĩ khác đi, và nếu bạn đề cập đến một sự thật sinh học, rằng giới tính không thể thay đổi, thì giờ đây bạn có thể bị cơ quan bầu cử phạt tiền,” ông nói.

Leal chỉ ra rằng nó phải được xác định trong hệ thống pháp luật “liệu cơ quan bầu cử này có thẩm quyền xử phạt bất kỳ ai vì tình huống như vậy hay không.”

Đối với chính trị gia ủng hộ gia đình người Mễ Tây Cơ, “thật không may là chúng ta đang sống dưới chế độ độc tài giới tính do các chính phủ tiến bộ và cánh tả đã cai trị đất nước áp đặt.”

Ông nói: “Chúng ta thực sự cần một sự thay đổi ngay bây giờ, chúng ta cần một đảng cánh hữu được thành lập ngay bây giờ, một chính phủ cánh hữu được thành lập và chúng ta hy vọng rằng điều này sẽ diễn ra rất sớm”.
Source:Catholic News Agency
 
Nicaragua: Giám mục Álvarez bị kết án 26 năm tù
Thanh Quảng sdb
16:30 11/02/2023
Nicaragua: Giám mục Álvarez bị kết án 26 năm tù

Tòa phúc thẩm Managua kết án Giám mục Matagalpa vì tội phản quốc, phá hoại sự toàn vẹn quốc gia và tung tin thất thiệt, đồng thời tước quyền công dân Nicaragua của ngài.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Sau khi từ chối rời Nicaragua, Giám mục Rolando José Álvarez Lagos của Giáo phận Matagalpa đã bị kết án hơn 26 năm tù trong một phiên tòa ở Managua vào hôm thứ Sáu (20/2/2023).

Vị Giám mục Công Giáo này, bị kết tội phản quốc, phá hoại sự toàn vẹn quốc gia và lan truyền tin tức sai lệch, cùng nhiều tội danh khác. Thẩm phán của Tòa phúc thẩm Managua cũng tuyên bố sẽ phạt tiền và tước quyền công dân Nicaragua của ngài.

Giám mục Álvarez từ chối bị trục xuất khỏi Nicaragua

Bản án, ban đầu được dự kiến công bố vào ngày 15 tháng 2, một ngày sau khi Giám mục Álvarez từ chối đi tị nạn ở Hoa Kỳ cùng với 222 người chống đối Tổng thống Manuel Ortega đang bị giam giữ, trong đó có 5 linh mục, một phó tế và hai chủng sinh bị kết án 10 năm tù về tội âm mưu chống chính phủ.

Những người bị trục xuất bị cho là “những kẻ phản bội quê hương” và giống như Giám mục Álvarez, bị tước quyền công dân Nicaragua vì “có những hành vi chống lại sự độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của người dân, đồng thời kích động bạo lực, khủng bố và gây bất ổn kinh tế.” Hiện họ đang chờ giấy phép tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Hai linh mục khác là Manuel García và José Urbina, thuộc Giáo phận Granada tiếp tục bị giam giữ tại một nhà tù Nicaragua với tội danh tương tự.

Giám mục đầu tiên bị bỏ tù kể từ khi Ortega trở lại nắm quyền

Álvarez, một người đã lên tiếng chỉ trích chế độ Sandinista của Tổng thống Daniel Ortega, Đức cha kiêm luôn chức vụ Giám quản Tông tòa của Giáo phận Estelí, là giám mục đầu tiên bị bỏ tù kể từ khi Ortega nắm quyền vào năm 2007.

Đức cha bị cảnh sát bắt vào ngày 19 tháng 8 năm 2022, cùng với các linh mục, chủng sinh và giáo dân, sau khi bị giam cầm cưỡng bức trong hai tuần tại Tòa Giám mục vì bị cáo buộc đã cố gắng "tổ chức các nhóm bạo lực" với "mục đích gây bất ổn cho nhà nước" và tấn công các cơ quan lập hiến".

Đức cha không bị buộc tội cho đến tháng 12, với các công tố viên cáo buộc ngài đã phạm "tội âm mưu phá hoại sự toàn vẹn quốc gia và truyền bá tin tức sai lệch thông qua công nghệ thông tin và truyền thông gây bất lợi cho nhà nước và xã hội Nicaragua."

Vào tháng 1, một tòa án ở Managua đã thừa nhận bằng chứng và ra lệnh quản thúc Giám mục Álvarez tại gia. Hiện nay ngài đã được chuyển đến nhà tù an ninh nghiêm ngặt hơn.

Cuộc đàn áp Giáo hội ở Nicaragua

Bản án được đưa ra khi cuộc đàn áp Giáo hội ở Nicaragua gia tăng, với các vụ bắt giữ liên tục các linh mục và đóng cửa các cơ quan và tổ chức từ thiện của Giáo hội. Trong bài phát biểu trên truyền hình sau khị tuyên án, Ortega nhắc lại cáo buộc “khủng bố” của mình đối với Giám mục Álvarez.

Mối quan hệ giữa các giám mục và chính phủ Sandinista đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2018 khi chính quyền Nicaragua đàn áp các cuộc biểu tình chống lại một loạt cải cách gây tranh cãi đối với hệ thống an sinh xã hội. Bất chấp những nỗ lực hòa giải cuộc khủng hoảng, các giám mục cuối cùng đã bị cấm tham gia vào các cuộc đối thoại và bị Ortega cáo buộc là đồng lõa với nhóm đảo chính.

Mối quan hệ càng trở nên tồi tệ hơn sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2021 công nhận nhà lãnh đạo Sandinista giữ thêm một nhiệm kỳ khác.

Sự phản đối kịch liệt từ các Giám mục trên khắp thế giới

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, Giáo hội đã trở thành mục tiêu của một số cuộc tấn công, cũng như quấy rối và đe dọa các giám mục và linh mục.

Năm 2019, Giám Mục Phụ Tá Managua Silvio José Báez buộc phải rời Giáo phận Managua theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi nhận được nhiều lời đe dọa giết thủ tiêu...

Năm 2022, chính phủ đã trục xuất Sứ thần Tòa Thánh tại Nicaragua, Đức Tổng Giám Mục người Ba Lan Waldemar Stanislaw Sommertag và 18 Thừa sai Dòng Bác ái.

Cuộc đàn áp đã gây ra sự phản đối kịch liệt từ các Giám mục ở Châu Mỹ Latinh và trên thế giới.

Vào ngày 6 tháng 2, Chủ tịch Ủy ban của Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE), Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, đã bày tỏ tình liên đới với Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua và kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến tình hình ở Nicaragua trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa nhật, ngày 21 tháng 8 năm 2022, cho hay ngài đang theo dõi sát sao các diễn biến “với sự quan tâm và niềm đau”, đồng thời bày tỏ hy vọng “thông qua một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành, một giải pháp có thể tìm ra cho cuộc chung sống tôn trọng và hòa bình”.
 
Có người chủ nào tử tế như người chủ này không? Bao hết các nhân viên của công ty đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức
Đặng Tự Do
17:43 11/02/2023


Công Giáo sùng đạo này đã đưa nhân viên đến thăm địa điểm Đức Mẹ hiện ra và lo lắng lớn nhất của ông là sự an toàn trong công việc của họ.

Michele Ferrero, người sáng lập Nutella, qua đời ở tuổi 89 vào ngày 14 tháng 2 năm 2015, là một trong những người thành công nhất thế giới. Công ty của ông, được thành lập vào năm 1946 tại Ý, đã sản xuất loại sô cô la hạt dẻ nổi tiếng cùng với các món ăn Mon Cheri, Kinder Eggs, Ferrero Rocher, Fiesta và Pocket Coffee. Nó khiến ông trở thành người giàu nhất ở Ý, với giá trị tài sản ròng, theo tạp chí Forbes, là 23,4 tỷ USD.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh lưu ý rằng thành công ban đầu của Nutella là do tâm lý sợ ca cao của người Ý sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, đối với Michele Ferrero, thành công của ông không phải là do dân Ý sợ ca cao nhưng do sự cầu bầu của Đức Mẹ.

Điều mà nhiều người không biết về Ferrero, người luôn tránh ánh đèn sân khấu và các tờ báo lá cải, đó là ông là một người có đức tin mạnh mẽ.

Như Michele Ferrero đã nói tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập công ty:

“Trong sự thành công của công ty, chúng ta nợ Đức Mẹ Lộ Đức; không có Đức Mẹ, chúng ta chẳng làm được gì nhiều.”

Và thực sự, một bức tượng nhỏ của Đức Trinh Nữ hiện diện trong mỗi cơ sở Ferrero trên toàn thế giới.

Mỗi năm công ty Ferrero đều tổ chức các cuộc hành hương đến Lộ Đức. Ông tổ chức một chuyến viếng thăm đền thánh Đức Mẹ ở Pháp miễn phí cho các nhân viên của mình. Theo báo The Guardian của Vương quốc Anh, đã đăng một hồ sơ về ông vào năm 2011, trong đó tờ báo cho rằng các loại kẹo hạt dẻ Rocher của công ty được đồn đại là lấy cảm hứng từ hang đá cheo leo, có tên là Rocher de Massabielle, tại đền thờ ở Lộ Đức.

Ông đã xây dựng công ty của mình từ những gì tốt nhất ở Ý, để lại di sản về các sản phẩm phẩm chất cao và sự đổi mới vượt trội. Nhưng tài năng lớn nhất của ông là biết cách thu hút nhân viên và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến nhân viên khi đào tạo họ.

“Mối quan tâm duy nhất của tôi, là công ty ngày càng vững chắc và mạnh mẽ để bảo đảm cho tất cả công nhân một nơi làm việc an toàn, và thu nhập ổn định.”

Dưới sự lãnh đạo của ông, sản phẩm của ông đã có mặt trên 53 quốc gia. Ông có hơn 34.000 nhân viên, 20 cơ sở sản xuất và 9 doanh nghiệp nông nghiệp.
Source:Aleteia
 
Người đàn ông Canada nói rằng nhân viên bệnh viện gây áp lực buộc anh ta phải để các bác sĩ an tử cho vợ
Đặng Tự Do
17:47 11/02/2023


Richard Leskun vẫn ở bên vợ Marilynn gần 24 giờ một ngày sau khi cô được đưa vào Bệnh viện khu vực Abbotsford do ngã từ xe lăn.

Trong vài ngày tiếp theo, Leskun thấy mình không chỉ chăm sóc cho người vợ 71 tuổi của mình mà còn phải chống lại những nỗ lực của nhân viên y tế nhằm an tử cho bà, trước khi họ tự mình thực hiện công việc ấy bất kể ông ấy có đồng ý hay không.

Người đàn ông góa vợ ở Bờ biển Sunshine đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều mà ông ấy nói là sự thiên vị gây sốc và nguy hiểm trong hệ thống y tế đối với việc thúc đẩy cái chết cho bệnh nhân già yếu và bệnh tật.

Leskun, 75 tuổi, đã buộc tội các nhân viên y tế tại bệnh viện Abbotsford đã “gây áp lực” và “làm khó” ông để buộc người vợ 50 năm chung sống của mình, Marilynn, phải chết.

Vốn đã yếu ớt do ảnh hưởng suy nhược của chứng mất trí nhớ, Marilynn, 71 tuổi, đã vào bệnh viện sau khi ngã khỏi xe lăn và gãy đốt sống ở cổ.

Leskun, người là thành viên của Giáo xứ St. James ở Abbotsford vào thời điểm đó và hiện đang sống ở Secret Cove, nói với The BC Catholic trong một cuộc phỏng vấn rằng trong vòng tám ngày, nhân viên đã hỏi anh ta năm lần liệu họ có thể an tử cho vợ ông ấy không.

Anh cho biết lần nào anh cũng phản đối mạnh mẽ và cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ sự sống của mình tại một cuộc họp gia đình với nhân viên bệnh viện.

“Tại những cuộc họp đó, tôi đã nói rất rõ ràng: Tôi là người Công Giáo và tôi hoàn toàn phản đối cái chết được hỗ trợ về mặt y tế. Tôi chống lại cái chết êm dịu. Tôi muốn vợ tôi được sống. Tôi muốn cô ấy tiếp tục sống. Chúng tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp trong nhiều thập niên, mặc dù cô ấy mắc chứng mất trí nhớ. Tôi đã rất rõ ràng với họ.”

Khi tình trạng của vợ anh tiếp tục xấu đi, một bác sĩ chuyên khoa được chỉ định phụ trách vụ việc đã hỏi Leskun liệu ông có đồng ý để nhân viên y tế an tử Marilynn hay không.

Leskun nói: “Bác sĩ này đã đến với tôi, vào buổi tối khá muộn, vào đêm trước khi cô ấy qua đời. Tôi đã hoàn toàn mệt mỏi, kiệt sức, hoàn toàn kiệt sức. Tôi đã ở đó hàng ngày, gần như 24/7, và anh ấy nói với tôi, 'Bạn biết đấy, tôi đã viết đơn hỗ trợ cái chết về mặt y tế.'“

“Có lẽ tôi đã quá mệt mỏi để phản đối kịch liệt anh ta hoặc làm bất cứ điều gì. Nhưng tôi nói không, chắc chắn như thế. Tôi đã quá mệt mỏi để cảm thấy bất cứ điều gì. Nhưng tôi đã nói không, hoàn toàn không. Vài giờ sau, anh ta nói với một y tá rằng tôi đã đồng ý, mặc dù tôi hoàn toàn không đồng ý.”

Marilynn Rita Marie Leskun qua đời ngay sau đó, vào sáng sớm ngày 8 tháng 12 năm 2018. Cô để lại chồng và hai đứa con đã lớn của họ.
Source:Catholic News Agency
 
Chế độ độc tài ở Nicaragua kết án thêm 7 giáo sĩ và giáo dân 10 năm tù
Đặng Tự Do
17:49 11/02/2023


Trong một cuộc tấn công mới vào Giáo Hội Công Giáo, chế độ độc tài Nicaragua do Tổng thống Daniel Ortega và vợ của ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo lãnh đạo, đã kết án 10 năm tù đối với ba linh mục, một phó tế, hai chủng sinh và một giáo dân từ Giáo phận Matagalpa.

Theo báo cáo từ tờ báo địa phương La Prensa và Trung tâm Nhân quyền Nicaragua, bản án được đưa ra vào ngày 6 tháng 2 bởi Thẩm phán Nadia Tardencilla của Khu xét xử hình sự thứ hai.

Bản án bao gồm 5 năm đối với tội “âm mưu phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia” và 5 năm đối với tội “lan truyền tin giả” cùng với 800 ngày tiền phạt bổ sung dựa trên mức lương hàng ngày của những người bị kết án.

Các linh mục bị kết án là Ramiro Reynaldo Tijerino Chávez, 50 tuổi, hiệu trưởng Đại học Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; Cha Sadiel Antonio Eugarrios Cano, 35 tuổi, nguyên cha xứ nhà thờ chính tòa Matagalpa; và Cha José Luis Díaz Cruz, 33 tuổi, cha xứ hiện tại của nhà thờ chính tòa Matagalpa.

Cũng bị kết án là Phó tế Raúl Antonio Vega González, 27 tuổi; chủng sinh Darvin Esteylin Leiva Mendoza, 19 tuổi, và Melkin Antonio Centeno Sequeira, 23 tuổi; và nhiếp ảnh gia Sergio José Cárdenas Flores, 32 tuổi.

Bảy người bị kết tội vào ngày 27 Tháng Giêng và đang chờ tuyên án. Trong một phiên tòa khác, Cha Oscar Benavidez cũng bị kết tội với cùng tội danh và bị kết án hôm 4 tháng 2 với bản án 10 năm tù.

Chế độ độc tài đã thông báo vào ngày 10 Tháng Giêng rằng giám mục của Matagalpa, Đức Cha Rolando Álvarez, người đã bị quản thúc tại gia kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2022, sẽ hầu tòa với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. Vị giám chức vẫn chưa bị kết án.

Trung tâm Nhân quyền Nicaragua cáo buộc rằng bản án được đưa ra đối với bảy người đàn ông này là “một sai lầm pháp lý mới” trong đó bao gồm lệnh cấm “không cho phép họ nắm giữ chức vụ công và tham gia các cuộc bầu cử phổ thông suốt đời”.

“Chúng tôi tại Trung tâm Nhân quyền Nicaragua lên án những hành động đồi bại của chế độ vi phạm nhân quyền. Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho họ và tất cả các tù nhân chính trị,” tổ chức này nói thêm.
Source:Catholic News Agency

 
Sau hai năm gián đoạn, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thứ Tư Lễ Tro một lần nữa tại Nhà thờ Thánh Sabina trên đồi Aventine ở Rome.
Thanh Quảng sdb
19:08 11/02/2023
Sau hai năm gián đoạn, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thứ Tư Lễ Tro một lần nữa tại Nhà thờ Thánh Sabina trên đồi Aventine ở Rome.

Aleteia

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro vào ngày 22 tháng 2 năm 2023 tại Vương cung thánh đường thánh Sabina ở Roma, Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã thông báo ngày 9 tháng 2 năm 2023. Đức Thánh Cha đã không thể giữ truyền thống này trong hai năm qua. Vào năm 2021, ĐTC không thể chủ tọa, vì bị đau đầu gối và vào năm 2020, Ngài đã dâng lễ tại Vatican do những hạn chế liên quan đến đại dịch.

Như vậy là sau hai năm gián đoạn, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc Mùa Chay từ đồi Aventine, nằm ở phía Nam Rôma, vào lúc 4:30 chiều vào ngày 22 tháng 2, sau vài phút cầu nguyện, cuộc rước sám hối sẽ khởi hành từ Nhà thờ Thánh Anselm đến Vương cung thánh đường thánh Sabina, cách đó khoảng 350 mét.

Ở đây lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ và làm phép tro mà ngài sẽ dùng để xức trên trán các tín hữu. Tro được đốt bằng những cành lá đã được làm phép năm trước, vào Chúa nhật trước lễ Lá. Khi xức tro vị chủ tế đọc những lời này: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng.”
 
Phiên họp toàn thể cấp lục địa châu Âu về tính Đồng nghị
Vu Van An
23:44 11/02/2023

Các phiên họp khoáng đại cấp lục địa để bàn về Tài liệu làm việc cấp lục địa cho giai đoạn ba của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng nghị đã và đang bắt đầu từ đầu tháng hai này.

Theo tin Vatican News, Phiên họp loại này của lục địa châu Âu đã bắt đầu tại Thủ đô Prague của Cộng hòa Czech từ ngày 5 tới ngày 12 tháng 2, năm 2023, với hai trăm đại biểu tham dự.

Phiên họp dành cho châu Đại dương cũng đã khai mạc tại Suva, Fiji ngày 5 tháng 2; phiên họp dành cho Trung Đông sẽ khai mạc vào ngày 12 tháng 2 tại Beirut, Lebanon; Phiên họp của Bắc Mỹ sẽ diễn ra tại Orlando, USA, ngày 13 tháng 2; Phiên họp dành cho châu Á sẽ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 23 tháng 2; Phiên họp dành co châu Phi sẽ diễn ra tại Addis Ababa ngày 1 tháng 3; và phiên họp dành cho châu Mỹ Latinh sẽ diễn ra tại Bogota, Colombia ngày 17 tháng 3.



Phiên họp của châu Âu được chia thành hai phần. Phần đầu, 200 đại biểu (156 của các Hội Đồng Giám Mục châu Âu, 44 do Liên hiệp các Hội Đồng Giám Mục châu Âu đích thân mời) sẽ họp để phác thảo các thách đố và khả thể của Thượng Hội Đồng. Phần hai, 39 chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục sẽ họp để lượng định các kết quả thảo luận và soạn thảo bản tổng hợp gửi về Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Một tuần trước ngày khai mạc phiên họp toàn thể cấp lục địa của châu Âu, Luke Coppen của tờ The Pillar từng quan tâm đặt câu hỏi: Khi các giám mục châu Âu nhóm họp cho thượng hội đồng về tính đồng nghị, cuộc họp sẽ không chỉ là một cuộc đối đầu?

Ông cho rằng phần lớn nó mang dáng dấp của một cuộc hòa đàm trong Giáo Hội. Một bên là các “tướng tá” hàng đầu của Giáo Hội Đức, được ngồi bên cạnh bởi những người Bỉ, Thụy sĩ và Áo. Bên kia là các Giám Mục Ba Lan, được sự ủng hộ của người Hung Gia Lợi, Bosnia và Scandinavia.

Ở giữa sẽ là những người tổ chức biến cố đầy lo lắng, nói những lời vô vị về sự cần thiết phải vượt qua sự phân cực khi tính nóng nảy gia tăng và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc, trước khi một bên cuối cùng nhường bước, để bên kia tuyên bố chiến thắng.

Nhưng đó có thực sự là cách cuộc họp sẽ diễn ra không?

Sự chia rẽ của châu Âu

Không khó để chỉ ra rằng có những khác biệt sâu sắc trong Giáo hội Châu Âu. Chỉ cần so sánh các phái đoàn Đức và Ba Lan trong cuộc họp ngày 5-9 tháng Hai.

Giáo hội Đức đang cử chủ tịch hội đồng giám mục là Đức cha Georg Bätzing, và tổng thư ký Beate Gilles, cùng với Irme Stetter-Karp và Thomas Söding, lần lượt là chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban trung ương quyền lực của người Công Giáo Đức (ZdK).

Bätzing, Stetter-Karp, và Söding là ba trong số bốn thành viên của ủy ban giám sát “Con đường Đồng nghị” của Đức, một sáng kiến gây tranh cãi kéo dài nhiều năm tập hợp các giám mục và giáo dân được chọn để thảo luận về những thay đổi sâu rộng đối với cấu trúc và giáo huấn của Giáo hội.

Họ sẽ tới ngay sau cuộc đụng độ gần đây nhất với Vatican, một thẩm quyền gần đây đã yêu cầu họ từ bỏ kế hoạch thành lập một “hội đồng đồng nghị” thường trực gồm giáo dân và giám mục để giám sát Giáo hội địa phương.

Trong khi đó, Giáo hội Ba Lan cử một phái đoàn do Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki dẫn đầu. Tháng Hai năm ngoái, chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan đã ban hành một lá thư bày tỏ những nghi ngờ nghiêm trọng về Con đường Đồng nghị.

“Trung thành với giáo huấn của Giáo hội, chúng ta không nên khuất phục trước những áp lực của thế giới hoặc những khuôn mẫu của nền văn hóa thống trị vì điều này có thể dẫn đến sự suy đồi về đạo đức và tinh thần,” ngài nói như thế với các đồng nhiệm Đức. “Chúng ta hãy tránh lặp lại những khẩu hiệu đã lỗi thời, và những đòi hỏi tiêu chuẩn như bãi bỏ luật độc thân, chức linh mục cho phụ nữ, rước lễ cho những người ly dị, và chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính.”

Bätzing đã trả lời bằng một bức thư của riêng mình, có thể tóm tắt như sau: "Bạn không hiểu nó, phải không?"

Cảm thức về sự đối đầu sắp xảy ra giữa các phe phái trong Giáo hội đã được nâng cao bởi một bức thư gần đây của Vatican gửi cho các giám mục trên thế giới, lá thư này đã cố gắng trấn an các nhà lãnh đạo Giáo hội rằng họ không chỉ là những người tham gia một phần nhỏ không quan trọng trong tiến trình thượng hội đồng và rằng “chủ đề duy nhất” được đưa ra để thảo luận là tính đồng nghị (và do đó, mặc nhiên, không phải là tình trạng độc thân linh mục, linh mục nữ và chúc lành cho các cặp đồng tính.)

Các nhà lãnh đạo Đức rao bán ‘con đường đồng nghị’

Cũng Ký giả Luke Coppen của tờ The Pillar, ngày 6 tháng 2, 2023, tường trình rằng, Giám Mục Georg Bätzing và Irme Stetter-Karp đã lên tiếng trong ngày đầy đủ đầu tiên của Phiên Khoáng Đại châu Âu.

Họ kêu gọi những người tham gia phiên họp xem xét việc tiếp nhận các mục tiêu của “Con đường đồng nghị” gây tranh cãi của đất nước họ.

Giám mục Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công Giáo Đức (ZdK), nói với các đại biểu tại cuộc họp ở Prague vào ngày 6 tháng 2 rằng Giáo hội cần thay đổi cơ cấu để đáp ứng với việc lạm dụng có hệ thống.

Phát biểu trong ngày đầu tiên của cuộc họp, họ nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Đức muốn theo đuổi những cải cách trong tình hiệp nhất với người Công Giáo ở các nước châu Âu khác, hơn là đi theo “con đường đặc biệt” (Sonderweg) mà các nhà phê bình cho rằng có thể dẫn đến ly giáo.

Giám mục Bätzing cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu Con đường Đồng nghị vào năm 2019 vì một cuộc điều tra khoa học về lạm dụng trong Giáo hội của chúng tôi cho chúng tôi thấy: Có tội lỗi cá nhân nghiêm trọng; quá nhiều giáo sĩ đã lạm dụng quyền lực của họ và những người chịu trách nhiệm, nhất là các giám mục, đã che đậy những hành vi sai trái. Nhưng cũng có những nguyên nhân mang tính hệ thống của việc lạm quyền. Chúng ta không thể bác bỏ chúng. Chúng tôi quyết tâm rút ra những hậu quả: thiêng liêng và cấu trúc.”

“Hoàn cảnh trong đó chúng ta sống ở châu Âu rất khác. Chúng ta cần những câu trả lời có tính thuyết phục về cách chúng ta có thể tái khám phá và loan báo Tin Mừng trong những tình huống này. Nhưng chúng ta không được chọn những con đường đặc biệt. Chúng ta cùng nhau bước đi trên con đường mà Thánh Thần Thiên Chúa vốn hướng dẫn Giáo hội của chúng ta: ở nhiều nơi, với nhiều người, dưới nhiều hình thức. Đó là một kairos [thời điểm thuận lợi] của Giáo hội để khám phá và định hình tính đồng nghị của nó.”

Bätzing sau đó vạch ra sáu ưu tiên, để trả lời một câu hỏi trong Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa (DCS), bản văn làm việc cho giai đoạn hiện tại của tiến trình đồng nghị hoàn cầu, “trực giác nào cộng hưởng mạnh mẽ nhất với kinh nghiệm sống và thực tế” của Giáo hội địa phương.

Vị giám mục người Đức cho biết: “Chúng tôi nghe nói rằng phụ nữ mong muốn được tham gia và tham gia nhiều hơn - và đây là mối quan tâm của toàn thể Giáo hội. Chúng tôi nghe nói rằng các tín hữu muốn có tiếng nói khi công việc của họ được cân nhắc và quyết định. Chúng tôi nghe nói rằng các hình thức mới đang được tìm kiếm để định hình chức vụ linh mục.”

“Chúng tôi nghe nói rằng việc củng cố phong trào đại kết là mối quan tâm chân thành của toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi nghe nói rằng Giáo hội nên cởi mở với những người có lối sống không phù hợp với các quy tắc của Sách Giáo lý, bao gồm cả những người đồng tính luyến ái.”

Ngài nói thêm: “Chúng tôi nghe và hiểu những lo ngại này. Tôi đích thân chia sẻ chúng. Tôi coi nhiệm vụ của mình trong tư cách chủ tịch hội đồng giám mục Đức là đưa chúng vào tiến trình hoàn cầu nhằm đổi mới Giáo hội”.

Trong bài phát biểu của mình, Irme Stetter-Karp lưu ý rằng một “cuộc chiến giết người” đang hoành hành ở châu Âu.

Bà ta nói “Ở Prague, chúng ta cần một dấu hiệu của tình liên đới với các nạn nhân của chiến tranh, một dấu hiệu của hy vọng hòa bình. Chúng ta cần nó không chỉ ở dạng tuyên bố. Chúng ta cần nó theo cách chúng ta là Giáo hội”.

“Chúng ta cần có những cách để chân thành thú nhận tội lỗi của mình và củng cố sự hợp nhất của chúng ta. Chúng ta cần những cách để đạt được bình đẳng phái tính. Chúng ta cần những cách để chào đón mọi người. Mục tiêu của chúng ta là vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị và củng cố trách nhiệm chung của chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta không cần sự độc dạng. Chúng ta cần sự hợp nhất trong đa dạng. Chúng ta hãy cùng nhau tìm kiếm câu trả lời tốt nhất.”

Bà kêu gọi người Công Giáo thừa nhận sự lạm dụng có hệ thống: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ: Tính đồng nghị phải bắt đầu 'từ bên dưới', luôn luôn mới mẻ; chỉ khi đó mới có ‘tính đồng nghị từ trên cao’. Các giám mục chịu trách nhiệm lãnh đạo: không đơn độc, nhưng cùng nhau, hiệp nhất với toàn thể dân Chúa”.

Vatican đã nhiều lần can thiệp vào Con đường Đồng nghị của Đức, một sáng kiến kéo dài nhiều năm tập hợp các giám mục và giáo dân được chọn để thảo luận về bốn chủ đề — quyền lực, chức linh mục, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục — sau một cuộc khủng hoảng lạm dụng tàn khốc.

Trong lần can thiệp mới nhất vào tháng trước, các Hồng Y cao cấp của Vatican đã nói với những người tổ chức Con đường Đồng nghị rằng họ không có thẩm quyền thành lập một cơ quan thường trực gồm giáo dân và giám mục để giám sát Giáo hội ở Đức.

Con đường Đồng nghị cũng đã bị chỉ trích bởi các giám mục ở các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Ba Lan và các nước Bắc Âu, một số người cũng đang tham dự cuộc họp ở Prague.

Tổng thư ký Thượng Hội Đồng lên tiếng

Phiên họp hôm thứ Hai bắt đầu với Thánh lễ do Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10, cử hành.

Sau đó, đại hội đã nghe các bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Jan Graubner của Prague, Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE), và Đức Hồng Y Mario Grech, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Grech bảo vệ tiến trình thượng hội đồng chống lại những cáo buộc rằng nó làm suy yếu các giám mục, chủ đề của một bức thư gần đây từ những người tổ chức thượng hội đồng.

Ngài nói: “Tôi hiểu rằng có những cách giải thích về tính đồng nghị nhằm đặt dân Chúa chống lại phẩm trật, cảm thức đức tin chống lại Huấn Quyền; cùng một cách như thế, có những cách giải thích về tính hợp đoàn chống lại quyền tối hậu. Đây là những tầm nhìn đã chi phối mạnh mẽ thời kỳ đầu hậu công đồng, khi phạm trù dân Chúa được sử dụng theo nghĩa ý thức hệ, như một biểu ngữ của một Giáo hội ‘từ bên dưới’”.

“Đó không phải là cách Thượng hội đồng đang diễn ra. Ngược lại, quyết định buộc việc tham vấn với dân Chúa trong các Giáo hội địa phương đáp ứng mong muốn không những cổ vũ dân Chúa như là chủ thể của tiến trình đồng nghị, mà còn bảo vệ chức năng thích hợp của các giám mục. Có một điều chắc chắn: không thể có một Giáo hội đồng nghị trong cấu trúc mà lại không phải là một Giáo hội có tính phẩm trật trong cấu trúc”.

Mauricio López Oropeza, điều hợp viên của lực lượng đặc nhiệm của Ban thư ký Thượng hội đồng cho giai đoạn châu lục, đã nói về phương pháp của phiên họp và nhà triết học người Séc Đức Ông Tomáš Halík đưa ra một “dẫn nhập tâm linh”.

Tiếp theo là 13 bài phát biểu của các phái đoàn quốc gia, theo thứ tự bảng chữ cái, bắt đầu là Albania.



Phái đoàn Áo nhấn mạnh đến tính đa dạng

Phát biểu tiếp theo là phái đoàn Áo, do chủ tịch hội đồng giám mục là Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner dẫn đầu, người đã nhấn mạnh rằng Giáo hội, trong căn bản, vừa có tính đồng nghị vừa có tính phẩm trật, và không nên có người thắng kẻ thua trong quá trình đưa ra quyết định.

“Bản lập trường” của phái đoàn Áo ghi nhận những căng thẳng trong Giáo hội.

Bản trên nói rằng, “Có sự khác biệt rõ ràng giữa các lục địa và khu vực, đặc biệt là giữa các Giáo Hội địa phương ở Tây và Đông Âu. Mong muốn về một Giáo hội ‘hòa nhập’ căng thẳng với mong muốn không thay đổi các cấu trúc và tín lý của Giáo hội. Căng thẳng là điều hiển nhiên giữa giáo sĩ và giáo dân.”

“Việc giải thích ‘các dấu hiệu của thời đại’ là không đồng nhất: Một số bày tỏ lo ngại về việc thích nghi với ‘Zeitgeist’ [não trạng thời đại] và phát hiện ra một ‘sự quay vòng của Giáo hội xung quanh chính nó’, trong khi đối với những người khác, ‘aggiornamento’ [cập nhật] đang diễn ra quá chậm”.

Sau bữa trưa, những người tham gia chia thành 14 nhóm thảo luận gồm 12 đại biểu theo “ngôn ngữ, quốc gia và tình trạng hôn nhân,” trước khi trở lại hội trường chính để chia sẻ suy nghĩ của họ.

Kỳ sau: Đức Tổng Giám Mục Prague: phải dựa vào Kinh thánh và cảm thức đức tin

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Ngộ Liên Tu Sĩ 2023 Tại TGP Hà Nội: Từ Kinh Nghiệm Đến Sứ Mạng
Liên Tu sĩ TGP Hà Nội
10:50 11/02/2023
Hội Ngộ Liên Tu Sĩ 2023 Tại TGP Hà Nội: Từ Kinh Nghiệm Đến Sứ Mạng

340 tu sĩ đại diện cho các hội dòng, tu hội đang hoạt động trong Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội quy tụ về Trung tâm Mục vụ của TGP để gặp gỡ, chia sẻ và tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho đời sống thánh hiến vào ngày 11/2/2023. Chủ đề của Ngày Thánh hiến năm nay là “Từ kinh nghiệm truyền giáo của hai Đức cha Pierre Lambert de la Motte và François Pallu đến sứ mạng truyền giáo của Tu sĩ TGP Hà Nội”.

Niềm vui gặp gỡ đầu xuân

Trong bầu khí dịu mát của tiết trời đầu xuân, ngay từ sáng, khuôn viên Trung tâm Mục vụ TGP Hà Nội ngập tràn sắc màu tu phục đại diện cho các hội dòng, tu hội. Ngày họp mặt là dịp anh chị em đại gia đình Liên tu sĩ gặp gỡ, chia sẻ và sưởi ấm ơn gọi đời thánh hiến.

Xem Hình

Sau tràng pháo tay giòn giã cùng những bài sinh hoạt vui nhộn chào mừng anh chị em trong đại gia đình Liên Tu sĩ, đúng 8h15, cha thư ký Giuse Vũ Đức Phán, MF. thông báo những hoạt động chung của Liên Tu sĩ TGP.

Sứ mạng truyền giáo

Từ kinh nghiệm truyền giáo của hai Đức cha Pierre Lamber de la Motte và François Pallu, sơ Têrêsa Phạm Thị Hải Đường, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã hướng quý tu sĩ đến việc truyền giáo của từng người và mời gọi quý tu sĩ noi gương hai vị giám mục tiên khởi tại giáo hội Việt Nam, can đảm dấn thân, tích cực cộng tác với nhau trên hành trình truyền giáo trong tinh thần liên đới và trách nhiệm, với ước mong xây dựng Giáo Hội trong tình say mến Đức Kitô.

Tìm Thánh ý Chúa trong cuộc đời

Trong giờ gặp gỡ với quý Tu sĩ, Đức Tổng Giám Mục Giuse mời gọi anh chị em đặc biệt lưu tâm đến tinh thần của Công nghị TGP khi sống định hướng mục vụ năm 2023 của TGP Hà Nội là Canh tân đời sống đức tin cá nhân. Đức TGM Giuse chia sẻ một trong những cách để canh tân đời sống đức tin là tìm thánh ý Chúa trong đời sống hàng ngày. Tìm thánh ý Chúa qua cầu nguyện và chia sẻ. Tìm thánh ý Chúa qua hai tiêu chuẩn: quy chuẩn chính thống trong Giáo hội và Giáo hội địa phương. Vì khi chúng ta sống đúng Thánh ý Chúa, chúng ta sẽ luôn được bình an, hạnh phúc và có niềm vui trong đời sống.

Bên cạnh đó, trong Thánh lễ cầu nguyện cho đời sống thánh hiến lúc 10h30, Đức TGM Giuse cũng khẳng định chính Chúa là Ánh Sáng muôn dân và mời gọi quý anh chị em tu sĩ hãy trở nên ánh sáng cho mọi người. Thứ đến, ngài cũng mời gọi anh chị em tu sĩ tìm thánh ý Chúa qua việc dâng hiến đời sống chúng ta cho Chúa. Cuối cùng ngài hy vọng, sự hiện diện của tu sĩ sẽ lan tỏa niềm vui đến cho mọi người như lời Đức Thánh Cha Phanxi cô nói: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”.

Được biết, hiện nay tại TGP Hà Nội có 31 đơn vị dòng tu, tu hội đang hiện diện. Trong đó có 846 tu sĩ, 93 tập sinh. Các đơn vị dòng tu, tu hội hiện đang phục vụ tại 150/189 giáo xứ trong TGP Hà Nội.

Liên Tu sĩ TGP Hà Nội
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp câu hỏi: Toà Thánh có cấm cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh không?
LM. Bình An
10:40 11/02/2023
Giải đáp câu hỏi: Toà Thánh có cấm cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh không?

Hôm thứ sáu 16-7-2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra sắc lệnh, ngược lại với hai vị tiền nhiệm là JP II và Benoit XVI, “cấm cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh!” Như vậy những bài Bình Ca (Grégorien) tiếng La Tinh từ mười mấy thế kỷ nay có được hát nữa không? Trong khi tại nhà thờ xứ Givisiez, chỗ con ở luôn luôn hát những bộ lễ bằng tiếng La Tinh trong những dịp Lễ Trọng.

Con còn được biết những tác giả nhạc sĩ muốn viết Thánh Ca, phải học lịch sử Nhạc Grégorien trước đã. Dĩ nhiên ĐGH chỉ nói: cấm làm lễ bằng tiếng La Tinh chứ không nói cấm hát. Nhưng theo con nghĩ, đã ra lệnh cấm nói tiếng La Tinh thì như gián tiếp cấm hát thôi.

ĐÁP: ĐGH Phanxicô không cấm làm lễ và hát bằng tiếng la tinh vì tiếng la tinh vẫn được coi là tiếng chính thức của Giáo Hội. Nhưng ngài chỉ hạn chế việc cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ trước cuộc cải tổ phụng vụ của công đồng chung Vatican 2.

Thánh lễ theo nghi thức cũ

Sau Công đồng Vatican 2 với cuộc cải tổ về phụng vụ, năm 1970, Thánh Phaolô VI Giáo Hoàng đã cho công bố Sách Lễ theo nghi thức được canh tân, dùng tiếng địa phương, để thay thế cho sách lễ theo nghi thức có từ thời Công đồng chung Trento năm 1570 và ấn bản cuối vào năm 1962 do Thánh Gioan XXIII công bố bằng tiếng la tinh. Tuy có sự đổi mới này, nhưng nhiều người vẫn còn gắn bó với nghi thức cũ, đặc biệt là Huynh đoàn Thánh Piô 10 do Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre thành lập năm 1970. Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ban hành Tự sắc “Summorum Pontificum” (Các vị Giáo Hoàng) cho phép cử hành thánh lễ theo nghi thức tiền Công Đồng, và coi đây là 2 hình thức: thông thường (Nghi thức mới) và ngoại thường (Nghi thức trước Công đồng) của cùng nghi lễ Roma để cử hành thánh lễ.

ĐTC Phanxicô giới hạn việc cử hành thánh lễ la tinh nghi thức cũ

Hôm 16-7-2021, ĐTC Phanxicô đã cho công bố tự sắc mới của ngài giới hạn việc cử hành thánh lễ tiếng la tinh theo nghi thức tiền Công đồng chung Vatican 2.

Tự sắc mang tựa đề ”Traditionis custodes” (Những người gìn giữ Truyền Thống) qua đó ngài đặt ra nhiều giới hạn, nhất là qui định việc ban phép cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ là điều tùy thuộc các GM địa phương. Đối với những nhóm gắn bó với phụng vụ cũ, họ phải xin phép ĐGM giáo phận và không được cử hành thánh lễ cũ trong các nhà thờ giáo xứ. Đức GM sẽ xác định nhà thờ và những ngày cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ. Các bài đọc phải dùng tiếng địa phương, theo các bản dịch đã được các HĐGM phê chuẩn. Người cử hành lễ cũ phải là một LM được Đức GM bản quyền ủy quyền. Đức GM có nhiệm vụ kiểm chứng xem có nên duy trì việc cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ hay không, có hữu ích cho sự tăng trưởng tinh thần hay không. LM được ủy nhiệm không những chỉ quan tâm cử hành xứng đáng, nhưng còn phải để ý đến việc săn sóc mục vụ và tinh thần của các tín hữu. Đức GM đừng cho phép thành lập những nhóm mới cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ.

Những linh mục chịu chức sau khi công bố Tự sắc này mà muốn cử hành thánh lễ theo nghi thức tiền Công đồng, thì phải chính thức làm đơn xin phép Đức GM giáo phận. Vị này, trước khi cho phép, cần phải tham khảo ý kiến của Tòa Thánh.

Những linh mục cho đến nay, vẫn cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, thì phải làm đơn xin phép Đức GM giáo phận để có thể tiếp tục cử hành thánh lễ như vậy.

Ngoài ra, những dòng tu và tu đoàn tông đồ, theo nghi thức cũ, trước đây thuộc ủy ban Tòa Thánh “Ecclesia Dei” (Giáo Hội của Thiên Chúa), nay phải thuộc thẩm quyền của Bộ các dòng tu. Bộ Phụng tự và Bộ tu sĩ sẽ canh chừng về việc tuân giữ các qui luật mới trong Tự Sắc này.

Trong thư gửi các GM trên thế giới, ĐTC Phanxicô cũng cho biết lý do khiến ngài ban hành tự sắc mới giới hạn việc cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ là vì “ngày càng hiển nhiên trong lời nói và thái độ của nhiều người theo truyền thống cũ trong việc cử hành phụng vụ trái ngược với tình hiệp thông Giáo Hội, nuôi dưỡng sự thúc đẩy chia rẽ… ”Chính vì để bảo vệ sự hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô mà tôi buộc lòng phải thu hồi năng quyền cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ mà các Vị Tiền Nhiệm của tôi đã ban”.

• Qua những điều trên đây, chúng ta thấy ĐTC Phanxicô không hề cấm làm lễ bằng tiếng la tinh, vì Sách Lễ hiện được sử dụng hầu hết các nơi trong Giáo Hội Công Giáo la tinh có bản mẫu là tiếng la tinh, nay là Ấn bản mẫu thứ 3, và các Sách lễ bằng tiếng địa phương phải dịch từ ấn bản mẫu này. ĐTC thỉnh thoảng vẫn cử hành thánh lễ bằng tiếng la tinh theo sách lễ này. Ngài không hề cấm các thánh ca la tinh vẫn được hát theo truyền thống Giáo Hội.

• Lý do khiến ĐTC Phanxicô hạn chế là để tránh sự chia rẽ. Có những người lợi dụng việc cho phép cử hành thánh lễ theo sách lễ và nghi thức tiền Công đồng Vatican 2 để không chấp nhận Công đồng này và quả quyết chỉ có thánh lễ theo nghi thức cũ là hữu hiệu và có giá trị. Bởi vậy, nếu không có nguy hiểm đó, thì Đức GM địa phương có quyền cho phép cử hành thánh lễ theo nghi thức và sách lễ tiền Công đồng Vatican 2.

Thực tế là nhiều GM giáo phận ở Mỹ, Pháp, Úc vẫn cho phép cử hành lễ theo nghi thức cũ trong giáo phận của các vị, vì thấy không có nguy cơ chia rẽ. Ví dụ, hôm 17-7-2021, tức là ngay hôm sau Tự sắc của ĐTC Phanxicô, Đức TGM Salvatore Cordileone, của tổng giáo phận San Francisco, Hoa Kỳ, nói với hãng tin CNA rằng ”thánh lễ la tinh truyền thống sẽ được tiếp tục trong giáo phận này và đáp ứng những nhu cầu và ước muốn hợp pháp của các tín hữu”.

Đức cha José Gomez, TGM Los Angeles, Chủ tịch HĐGM Mỹ nói rằng: ”Tôi hài lòng đón nhận ý muốn của ĐTC thăng tiến sự hiệp nhất giữa các tín hữu Công Giáo cử hành nghi thức thánh lễ Roma. Trong khi các qui luật mới này được thi hành, tôi khuyến khích các anh em GM của tôi hãy kỹ lưỡng, kiên nhẫn làm việc với nhau trong tinh thần công lý và bác ái để cùng nhau thăng tiến một sự canh tân thánh lễ tại đất nước chúng ta”.

• Hoặc HĐGM Pháp ra thông cáo ngày 17-7-2021 bày tỏ lòng quí mến đối các tín hữu quen dự thánh lễ theo nghi thức cũ tiền công đồng và nói rằng: ”Các GM Pháp muốn bày tỏ với các tín hữu thường cử hành theo sách lễ của Thánh Gioan XXIII và các vị mục tử của họ, sự quan tâm, lòng quí chuộng của các GM đối với lòng nhiệt thành của các tín hữu ấy, cũng như quyết tâm của họ cùng nhau theo đuổi sứ mạng, trong tình hiệp thông của Giáo Hội và theo các qui luật hiện hành.

Mỗi GM sẽ quan tâm đáp ứng những thách đố được ĐTC mô tả để thi hành trách nhiệm được nhắc nhở cho các vị trong công lý, bác ái và săn sóc tất cả và từng người, việc phục vụ Phụng vụ và sự hiệp nhất của Giáo Hội. Điều này được tiến hành qua đối thoại và đòi có thời gian.

Tại Mỹ có 657 nơi cử hành thánh lễ nghi thức cũ, so với 199 nơi tại Pháp. Tại phần lớn các nước Phi, Á và Mỹ la tinh, vấn đề lễ la tinh không được đặt ra.

• Ngày 21-7-2021, Đức Cha Anthony Fisher, TGM Sydney là giáo phận lớn nhất tại Australia, cho phép cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, theo sách lễ công bố năm 1962, trong khi chờ đợi ngài tìm giải pháp dài hạn cho vấn đề này. Thư của Đức TGM Sydney cũng nhắc lại rằng có 24 Giáo Hội Công Giáo trên thế giới hiệp nhất trọn vẹn với ĐGH, và trong số này họ cử hành phụng vụ theo 6 truyền thống khác nhau. Trong nghi Lễ la tinh, là nghi lễ đông đảo nhất, cũng có nhiều truyền thống khác nhau, kể cả một Giám hạt do ĐGH Biển Đức XVI thành lập để đón nhận những người trước kia thuộc Anh giáo và họ được giữ nhiều nét đặc thù của truyền thống phụng vụ Anh giáo.

(Catholicweekly.com 22-7-2021).

Lm Bình An

Trích báo Mục Vụ, Thụy Sĩ, số tháng 9/2021
 
VietCatholic TV
Liều lĩnh: Phóng hỏa tiễn sát NATO, Putin muốn gây ra thế chiến? Tổng tấn công của Nga đã thất bại
VietCatholic Media
02:50 11/02/2023


1. Không quân Ukraine đã phá hủy 61 trong số 71 hỏa tiễn của đối phương vào thứ Sáu

Hôm thứ Sáu 10 tháng 2, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái quy mô lớn khác vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Tính đến 11h30, quân đội Ukraine đã phá hủy 61 trong tổng số 71 hỏa tiễn hành trình của đối phương.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết: “Đối phương đã tấn công từ trên không bằng máy bay ném bom chiến lược Tu-95ms, chúng đã bắn hỏa tiễn Kh-101 và Kh-555 từ Biển Caspian và Volgodonsk. Các hỏa tiễn hành trình phóng từ biển loại Kalibr đã được bắn từ các tàu chiến ở Hắc Hải”

Tính đến 11:30 sáng, quân đội Nga đã bắn 71 hỏa tiễn hành trình Kh-101, Kh-555 và Kalibr, bao gồm cả những hỏa tiễn bắn vào ban đêm.

Các đơn vị phòng không của Không quân Ukraine và các đơn vị khác của Lực lượng Phòng vệ đã phá hủy 61 hỏa tiễn hành trình của đối phương và 5 máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 và 131.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 11 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tính đến cuối ngày thứ Sáu 10 tháng 2, Nga đã phóng hơn 100 hỏa tiễn trong một cuộc tấn công lớn khác vào lãnh thổ Ukraine.

“Quân xâm lược Nga đã phóng hơn 100 hỏa tiễn trong một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn khác vào lãnh thổ nước ta. Theo dữ liệu sơ bộ, đối phương đã sử dụng 29 hỏa tiễn dẫn đường phòng không S-300 và 71 hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không và trên biển”.

Cô Maliar cho biết quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy tổng cộng 61 hỏa tiễn của Nga

2. Cuộc tổng tấn công của quân Nga vào hôm thứ Sáu đã thất bại, hàng trăm quân Nga tử trận trong giờ đầu tiên của cuộc giao tranh.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 11 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nhận định rằng cuộc tổng tấn công của quân Nga hôm thứ Sáu đã thất bại.

Từ sáng sớm ngày thứ Sáu, Zaporizhzhia đã bị pháo kích 29 lần trong giờ đầu tiên của cuộc tổng tấn công. Dorozhnyanka là ngôi làng của Zaporizhzhia mà phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố đã chiếm được vào hôm 31 tháng 12. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận tin tức này. Tại đây, sáng thứ Sáu đã diễn ra cuộc giao tranh kinh hoàng giữa hai bên. Ít nhất 300 quân Nga tử trận. Trực thăng Nga từ phi trường Berdiansk bị tạm chiếm lên tiếp cứu cho tàn quân rút lui. Một chiếc Ka-52 đã bị bắn hạ. Những chiếc còn lại bỏ chạy bỏ mặc sống chết của bộ binh.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết năm mươi bốn cuộc đụng độ quân sự đã xảy ra ở hướng Bakhmut trong ngày qua.

Quân đội Nga đã tập trung lực lượng về hướng Bakhmut và đang nỗ lực thiết lập quyền kiểm soát đường cao tốc Kostiantynivka-Bakhmut.

Phát ngôn nhân của Nhóm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Đại Tá Serhii Cherevatyi cho biết:

“Bakhmut vẫn là hướng tấn công chính của đối phương. Trong 24 giờ qua, 124 cuộc tấn công đã được thực hiện với các loại pháo khác nhau và 54 cuộc đụng độ quân sự kỷ lục đã xảy ra trên khắp các hướng. Đối phương đang cố gắng giành quyền kiểm soát đường cao tốc Kostiantynivka-Bakhmut, nhưng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang tiến hành các hoạt động phản công nhằm giảm cơ hội gây hỏa lực của đối phương trên đường cao tốc. Lực lượng Phòng vệ có thể cung cấp vũ khí, thực phẩm và các hàng hóa cần thiết khác cho Bakhmut, cũng như di tản những người bị thương khỏi Bakhmut,” Cherevatyi nói.

Theo lời của ông, Nga đã tập trung lực lượng đáng kể ở đó, cụ thể là lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner. Ngoài ra, các đơn vị bộ binh bọc thép của Nga cũng như một số đơn vị khác từ cái gọi là Quân đoàn 2 Cộng hòa Nhân Dân Luhansk cũng đang đến.

Trong 24 giờ qua, lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 730 binh sĩ Nga cùng với 3 xe tăng, 3 xe thiết giáp, 7 hệ thống pháo, 1 hệ thống phòng không, và một máy bay trực thăng.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 10 Tháng Hai, 135.740 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 3.258 xe tăng Nga, 6.471 xe thiết giáp, 2.251 hệ thống pháo, 463 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 233 hệ thống tác chiến phòng không, 295 máy bay, 286 máy bay trực thăng, 1.970 máy bay không người lái chiến thuật, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.126 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 211 thiết bị đặc biệt.

3. Bản báo cáo mới nhất của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản báo cáo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau: Kể từ ngày 7 tháng 2, các lực lượng Nga có thể đã đạt được những thành tựu chiến thuật trong hai khu vực then chốt. Ở vùng ngoại ô phía bắc thị trấn Bakhmut của Donbas, lực lượng của Tập đoàn Wagner đã tiến xa hơn từ 2 đến 3 km về phía tây, kiểm soát vùng nông thôn gần tuyến đường chính M-03 vào thị trấn.

Các lực lượng Nga ngày càng chiếm ưu thế ở các hướng tiếp cận phía bắc tới Bakhmut. Ở phía nam, các đơn vị Nga đã tiến công xung quanh rìa phía tây của thị trấn Vuhledar, nơi họ tái khởi động các chiến dịch tấn công vào cuối Tháng Giêng năm 2023.

Tuy nhiên, các đơn vị Nga có thể đã phải chịu thương vong đặc biệt nặng nề xung quanh Vuhledar do các đơn vị thiếu kinh nghiệm đã được giao nhiệm vụ. Quân đội Nga có khả năng đã bỏ chạy và bỏ lại ít nhất 30 xe thiết giáp hầu như còn nguyên vẹn trong một sự việc duy nhất sau một cuộc tấn công thất bại.

4. Rumani tuyên bố hỏa tiễn Nga bay cách biên giới 35 km về phía đông bắc

Bộ Quốc phòng Rumani đã cung cấp thông tin chi tiết về sự việc với hỏa tiễn Nga được cho là đã bay vào không phận nước này hôm thứ Sáu.

Bộ trưởng Nội Vụ Lucian Nicolae Bode cho biết: “Hệ thống giám sát trên không của Lực lượng Không quân Rumani đã phát hiện vào hôm thứ Sáu, ngày 10 tháng 2, một mục tiêu trên không được phóng từ Hắc Hải bởi một tàu của Liên bang Nga gần Bán đảo Crimea, rất có thể là một hỏa tiễn hành trình, đã đi vào không phận của Ukraine, Cộng hòa Moldova và quay trở lại không phận Ukraine mà không đi qua không phận Rumani vào bất kỳ thời điểm nào”.

Điểm gần nhất trên quỹ đạo của mục tiêu so với không phận Rumani được các hệ thống radar ghi lại là cách biên giới khoảng 35 km về phía đông bắc.

Bộ trưởng lưu ý rằng các nhà chức trách Rumani đã áp dụng tất cả các quy trình tiêu chuẩn kể từ thời điểm mục tiêu được phát hiện và cho đến khi tình hình được làm rõ hoàn toàn.

Ngoài ra, vào lúc 10:38 sáng, hai máy bay MiG-21 LanceR của Lực lượng Không quân Rumani thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng không do NATO dẫn đầu, lúc đó đang thực hiện chuyến bay tập trận, đã được chuyển hướng đến phần phía bắc của Rumani để bổ sung cho lực lượng không quân.

5. Đại sứ Ba Lan nói rằng đó là một “cuộc chạy đua với thời gian” để vũ trang Ukraine cho cuộc tấn công mới của Nga

Đại sứ Ba Lan tại Hoa Kỳ đã bày tỏ cảm giác cấp bách hôm thứ Năm sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đưa ra lời cầu xin về máy bay chiến đấu trước hội nghị thượng đỉnh Liên minh Âu Châu.

Ba Lan đã đề nghị gửi máy bay quân sự tới Ukraine, miễn là các đồng minh NATO khác cũng làm như vậy.

Đại sứ Marek Magierowski nói với CNN về cam kết của Ba Lan về máy bay chiến đấu: “Đây là một đề nghị đã được đưa ra thảo luận trong vài ngày và nó thực sự là một chủ đề rất thú vị để thảo luận giữa các nhà lãnh đạo chính trị của Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

“Có một điều tôi chắc chắn là - chúng ta hiện đang phải đối mặt với một cuộc chạy đua với thời gian với việc người Nga huy động lực lượng của họ và tập hợp lại dọc theo chiến tuyến ở Ukraine, và người Ukraine đang chờ đợi vũ khí tiên tiến hơn từ phương Tây. Và tôi tin rằng phần lớn chính phủ Ba Lan đã khăng khăng đòi phải tiếp tục hỗ trợ, cả về quân sự và chính trị, đối với Ukraine,” Magierowski nói.

Đại sứ Ba Lan nói: “ Chắc chắn sẽ mất một thời gian để đào tạo phi hành đoàn và phi công, đồng thời lưu ý rằng các phi công Ukraine đã được đào tạo trên các hệ thống thời Liên Xô.

Magierowski cho biết đây sẽ là một “bước ngoặt” cho cuộc đối đầu “nếu tất cả các nước Liên Hiệp Âu Châu và NATO chọn cung cấp F-16 hoặc các loại vũ khí khác do phương Tây thiết kế cho Ukraine ngay bây giờ”.

“Ấn tượng của tôi là gần đây chúng ta đã sử dụng sai thuật ngữ. Chúng ta nên thay đổi một chút từ vựng của mình và ngừng nói về khả năng 'không thua' trong cuộc chiến, mà là về việc Ukraine cuối cùng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”, đại sứ nói.

“Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nga trước cuộc xâm lược. Bây giờ, chúng ta đánh giá thấp. Tôi nghĩ, thật không may, quân đội Nga, xã hội Nga và giới cầm quyền Nga rất kiên cường trước các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chúng ta đã áp đặt lên đất nước này, và trước màn trình diễn tồi tệ này của các lực lượng Nga ở Ukraine,” đại sứ nói..

“Tôi không tin vào một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này. Giải pháp nên là quân sự và, một lần nữa, tôi nghĩ rằng Ukraine về mặt quân sự cuối cùng sẽ thắng thế - cũng với sự giúp đỡ của chúng ta”, nhà ngoại giao kết luận.

Nhận xét của đại sứ được đưa ra ngay sau khi Zelenskiy phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels hôm thứ Năm, trực tiếp bày tỏ mong muốn được hỗ trợ quân sự nhiều hơn trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới.

6. Zelenskiy: Chúng ta sẽ làm tất cả để bảo đảm Không quân Ukraine có những đôi cánh hiện đại và hiệu quả

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng ông luôn vinh dự được đại diện cho Ukraine và ông tự hào về người dân Ukraine xinh đẹp và mạnh mẽ.

Người đứng đầu nhà nước đã nói điều này trong bài phát biểu hàng đêm trước quốc dân đồng bào sau khi trở về từ chuyến tông du sang Anh, Pháp và Bỉ.

Đồng bào Ukraine thân mến, tôi chúc các bạn sức khỏe!

Tuần này sắp kết thúc. Theo một số cách, đó là một tuần rất khó khăn, nhưng chắc chắn là một tuần rất ý nghĩa.

Tôi muốn nhấn mạnh một vài điều sau kết quả của tuần này.

Tôi đã tổ chức một cuộc họp khác của Bộ Tham mưu các tư lệnh tối cao vào ngày hôm nay. Đó là một cuộc họp bận rộn.

Tình hình trên chiến tuyến đã được xem xét chi tiết, đặc biệt là ở khu vực Donetsk –Bakhmut và các điểm nóng khác. Đó là những khu vực khó khăn.

Chúng tôi đã xem xét tình hình với việc cung cấp vũ khí, tình hình chung với việc bảo vệ lãnh thổ tại cuộc họp của Bộ Tổng Tham Mưu.

Chúng tôi đã chuẩn bị cho “Ramstein” mới – đặc biệt, chúng tôi đã nói về các chi tiết, các phương án phòng thủ mới mà chúng ta nên mở ra cho Ukraine cùng với các đối tác của mình.

Điều quan trọng thứ hai trong tuần này là cuộc chạy marathon ngoại giao của chúng tôi.

London, Paris, Brussels – ở khắp mọi nơi trong những ngày này tôi đã nói về cách củng cố quân đội của chúng ta. Có những thỏa thuận rất quan trọng và chúng ta đã nhận được những tín hiệu tốt.

Điều này áp dụng cho cả hỏa tiễn tầm xa và xe tăng, cũng như cấp độ hợp tác tiếp theo của chúng ta là máy bay chiến đấu. Nhưng chúng ta vẫn cần phải làm việc này.

Tôi rất vui khi biết và thấy rằng các chàng trai của chúng ta ở Vương quốc Anh đang nhanh chóng học cách lái những chiếc xe tăng Challenger.

Tôi rất vui khi thấy người Anh háo hức muốn chúng ta giành chiến thắng như thế nào. Tất cả điều này là cảm hứng.

Tôi biết ơn Thủ tướng, Quốc hội Anh và tất cả người dân Anh. Và, tất nhiên, Đức Vua.

Một cuộc họp cơ bản đã được tổ chức tại Pháp với Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz. Ba chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện, và đó là cuộc trò chuyện rất ấm cúng.

Tôi không muốn đi vào chi tiết, nhưng chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã nghe thấy nhau. Pháp – Ukraine, Đức – Ukraine. Các đối tác đã nghe quan điểm của chúng ta, lập luận của chúng ta. Sẽ có nhiều hỗ trợ hơn.

Và tôi cảm ơn Ngài Tổng thống và tất cả người Pháp, Ngài Thủ tướng và tất cả người Đức vì điều đó. Họ hiểu rằng bảo vệ Ukraine là bảo vệ lợi ích của mọi người và các đối tác của chúng ta cảm nhận điều này.

Bruxelles. Cuộc họp của Hội đồng Âu Châu và hình thức đàm phán đặc biệt của chúng ta sau cuộc họp. Các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu không chỉ trong khuôn khổ Hội đồng Âu Châu, mà còn trong khuôn khổ các cuộc gặp đặc biệt diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh. Nói chung, tôi đã gặp tất cả các nhà lãnh đạo của Liên minh Âu Châu.

Và bây giờ, nhiệm vụ chung của chúng ta là biến tất cả những gì chúng ta đã thảo luận và nhất trí thành sự chuyển giao cụ thể, các tài liệu cụ thể và các tuyến hợp tác mới cụ thể.

Thứ ba là Nghị viện Âu Châu. Đó không chỉ là bài phát biểu của tôi với tư cách là Tổng thống Ukraine, mà còn là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng. Một bản tóm tắt có giá trị nhất định về con đường chúng ta đã đi trong quan hệ với Liên minh Âu Châu. Và sự khởi đầu của giai đoạn mới. Khi Ukraine không còn là khách hoặc đối tác từ bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu trong Nghị viện Âu Châu, Hội đồng Âu Châu và các tổ chức khác của Liên minh Âu Châu. Khi Ukraine trở thành một phần đầy đủ của Liên minh Âu Châu.

Tuần này tôi đã nói rất nhiều lời biết ơn tới các đồng minh và đối tác của chúng ta – tất cả những người đã giúp đỡ chúng ta. Và bây giờ tôi muốn nói lời biết ơn tới các bạn, những người Ukraine.

Tôi luôn vinh dự được đại diện cho Ukraine, và tôi tự hào về những con người xinh đẹp và mạnh mẽ của chúng ta.

Các bạn đã nghe và thấy Ukraine được chào đón như thế nào. Đó là những gì tất cả chúng ta đã làm cùng nhau. Đó là cách các bạn được chào đón.

Tôi tự hào về lòng can đảm của người Ukraine. Tôi tự hào về khả năng phục hồi của Ukraine. Tôi tự hào về hiệu quả của Ukraine.

Tôi tự hào về tất cả các bạn, những người đang chiến đấu và làm việc cho đất nước của chúng ta! Những người ủng hộ tiền tuyến và nhà nước. Cảm ơn tất cả các bạn!

Tất nhiên, hôm nay, tôi muốn đề cập đến các phi công của chúng ta, tất cả các máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân của chúng ta, tất cả những người bảo vệ bầu trời Ukraine.

Thật không may, cho đến nay, chúng ta không thể bắn hạ tất cả các hỏa tiễn của Nga. Nhưng tất cả hàng tá hỏa tiễn mà chúng ta bắn hạ mỗi lần trong các cuộc không kích dữ dội là hàng trăm sinh mạng được cứu mỗi lần và đó là cơ sở hạ tầng được cứu. Là điều mang lại sự sống cho con người.

Chúng ta cảm ơn binh chủng Không Quân! Và chúng ta sẽ làm mọi thứ để bảo đảm rằng các bạn có những bộ cánh hiện đại và hiệu quả!

Chiến thắng lịch sử cho Ukraine luôn gần hơn so với vẻ bề ngoài của nó.

Vinh quang cho quân đội của chúng ta!

Vinh quang cho những người đẹp của chúng ta!

Vinh quang cho tất cả mọi người trên thế giới, những người quyết tâm đấu tranh cho tự do cùng với chúng ta!

Niềm tự hào cho Ukraine!

7. Trước con số quá cao các xe tăng bị bắn cháy ở Ukraine, cựu Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố tăng cường sản xuất xe tăng

Cựu Tổng thống Nga kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sẽ tăng cường sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực để đáp ứng việc cung cấp xe bọc thép tiên tiến cho Ukraine.

“Hôm qua, đối phương của chúng ta đã cầu xin máy bay, hỏa tiễn và xe tăng khi ở nước ngoài. Chúng ta nên làm gì để đáp lại? Rõ ràng là trong trường hợp này, việc chúng ta tăng cường sản xuất các loại vũ khí và thiết bị quân sự khác nhau, bao gồm cả xe tăng hiện đại là điều đương nhiên”, ông Medvedev cho biết hôm thứ Năm.

“Chúng ta đang nói về việc sản xuất và hiện đại hóa hàng nghìn xe tăng. Nhiệm vụ này đã được đặt ra, nó tuân theo mệnh lệnh quốc phòng của nhà nước, nó tuân theo các quyết định được đưa ra bởi tổng thống của đất nước.”

Một số chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng tái tạo kho dự trữ một số loại thiết bị quân sự đang cạn kiệt của Nga, với lý do tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với khả năng mua sắm một số linh kiện nhất định của ngành công nghiệp vũ khí Mạc Tư Khoa.

8. Báo cáo cho thấy: Iran dường như đang sửa đổi máy bay không người lái để Nga gây thiệt hại tối đa cho các mục tiêu ở Ukraine

Theo một báo cáo điều tra mới của CNN, Iran dường như đang sửa đổi các máy bay không người lái tấn công mà họ cung cấp cho Nga để các đầu đạn nổ có thể gây thiệt hại tối đa cho các mục tiêu cơ sở hạ tầng bên trong Ukraine.

Một đầu đạn chưa nổ từ máy bay không người lái Shahed-131 của Iran được tìm thấy ở khu vực Odesa, miền Nam Ukraine vào tháng 10 năm 2022 đã được kiểm tra vào tháng trước bởi tổ chức điều tra Nghiên cứu vũ khí xung đột, gọi tắt là CAR, có trụ sở tại Vương quốc Anh, cùng với quân đội Ukraine. CAR đã cung cấp những phát hiện đầu tiên cho CNN.

Các nhà phân tích của nhóm tin rằng các đầu đạn, dài chưa đến 2 feet, đã được sửa đổi vội vàng với các lớp bọc bên ngoài chứa hàng chục mảnh kim loại nhỏ, khi va chạm sẽ phân tán trên một bán kính lớn. Ngoài các mảnh vỡ, còn có 18 “điện tích” nhỏ hơn xung quanh chu vi của đầu đạn, khi bị vụ nổ làm tan chảy, có thể xuyên giáp và tạo ra một loại hiệu ứng nổ “360 độ”.

Sự tích tụ của những yếu tố đó về cơ bản sẽ tối đa hóa khả năng của đầu đạn để phá hủy các mục tiêu như nhà máy điện, lưới phân phối, đường dây tải điện và máy biến áp lớn, công suất cao. Họ cũng làm cho những nỗ lực sửa chữa khó khăn hơn đáng kể.

“Cứ như thể họ nhìn vào đầu đạn đã hoàn thành và nói, 'Làm thế nào chúng ta có thể làm cho thứ này thậm chí còn có sức tàn phá lớn hơn?'“ Damien Sleeters, một trong những nhà điều tra đã kiểm tra đầu đạn, cho biết.

Các đầu đạn nhắm vào các tài sản chiến trường như xe tăng hoặc pháo có thể được thiết kế khác, Spleeter giải thích, với một điện tích hình chóp phía trước được sử dụng cho các mục tiêu tập trung hơn. Tuy nhiên, đầu đạn được CAR kiểm tra có hiệu ứng điện tích hình xuyên tâm, có thể dẫn đến diện tích tác động lớn hơn.

Một số thông tin cơ bản: Iran đã cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, đa số đã tấn công vào lưới điện và các cơ sở năng lượng của Ukraine, khiến dân thường không có nhiệt, điện hoặc nước sinh hoạt trong những tháng mùa đông lạnh giá. Tháng trước, Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã phát hiện ra rằng các lực lượng Nga ngày càng trở nên phụ thuộc vào máy bay không người lái - đến mức kho dự trữ máy bay không người lái của họ đã cạn kiệt, chỉ vài tháng sau khi Iran bắt đầu gửi chúng.

9. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh nói Mỹ có “thái độ thù địch” với Nga và coi nước này là “đối thủ”.

Điện Cẩm Linh cáo buộc Washington có “thái độ thù địch” đối với Nga và nói rằng họ coi Mạc Tư Khoa là “đối thủ” và kích động leo thang hơn nữa.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Mỹ vẫn thù địch với đất nước chúng tôi, coi chúng tôi là đối phương, tuyên bố ý chí chính trị nhằm mở rộng hơn nữa sự can dự của mình vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”.

Peskov đề cập đến bài phát biểu về Tình trạng Liên bang của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong đó ông nói về sự cần thiết phải bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa của Trung Quốc đồng thời đối đầu với Nga và hỗ trợ Ukraine.

Peskov cáo buộc Washington từ chối “bày tỏ sự sẵn sàng công nhận những mối quan tâm chính đáng của Liên bang Nga” và nói rằng ngược lại, bài phát biểu “kích động leo thang hơn nữa.”

Bình luận của Điện Cẩm Linh được đưa ra ngay sau khi có thông tin cho rằng Nga đã gia tăng các cuộc pháo kích vào các khu vực thuộc khu vực Kharkiv do lực lượng Ukraine tái chiếm vào tháng 9 năm ngoái và các khu vực khác ở miền bắc Ukraine.

Oleh Syniehubov, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kharkiv, cho biết hai thường dân đã thiệt mạng ở Dvorichna, một ngôi làng phía đông thành phố Kharkiv. Các lực lượng Nga đang chiếm giữ các vị trí ở bờ đông của sông Oskil gần đó
 
Đau đớn: Cầu nguyện bị phạt cả triệu USD. Giáo dân truyền thống bị giáo phận Anh Giáo báo cảnh sát
VietCatholic Media
05:43 11/02/2023

1. Tranh cãi với nhau để tìm ra sự thật, Giáo hội Anh giáo lại đi tố cáo thành viên thượng hội đồng với cảnh sát vì có quan điểm khác với mình

Khi các nhà lãnh đạo của Giáo hội Anh gặp nhau trong một hội đồng gây tranh cãi về việc có nên chúc lành cho các cặp đồng giới hay không, căng thẳng leo thang khi một giáo phận báo cảnh sát một thành viên hội đồng giáo dân vì quan điểm của anh ta.

Giáo phận Coventry đã thông báo rằng họ đã báo cáo với cảnh sát sau khi thành viên thượng hội đồng Sam Margrave cho rằng các mối quan hệ đồng giới là tội lỗi. Giáo phận này là một phần khối hiệp thông Anh giáo và không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

Margarve đã từng lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh giáo, những người muốn chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái và những người muốn tiến xa hơn và thực hiện các nghi thức hôn phối cho các cặp đồng tính luyến ái.

Giám mục Christopher Cocksworth của Giáo phận Coventry đã thông báo cho Margrave rằng họ đã báo cáo ông với cảnh sát, theo một thông cáo báo chí từ nhóm ủng hộ Kitô giáo Christian Concern có trụ sở tại Vương quốc Anh.

“Thư ký giáo phận không có lựa chọn nào khác, vì đã nhận được một số khiếu nại, và đã phải báo cáo những quan điểm của anh cho Cảnh sát West Midlands và đang tiếp tục trò chuyện với họ,” lá thư của Giám Mục Christopher Cocksworth viết.

Giám Mục Christopher Cocksworth cho biết “Cảnh sát đã báo cho người thư ký giáo phận biết rằng họ đã có thể nói chuyện với anh, nhưng anh tiếp tục phủ nhận rằng mình đã làm bất cứ điều gì sai trái.”

Khi được CNA liên hệ, giáo phận đã chuyển tiếp tuyên bố lên án Margrave nhưng từ chối bình luận thêm về quyết định báo cảnh sát.

Nhiều người cảm thấy quá sức đau buồn vì anh Margarve chỉ nói lên một quan điểm đã được sách giáo lý Công Giáo khẳng định, thế mà bị cái giáo phận này báo cáo với cảnh sát. Thật vậy, Sách giáo lý Công Giáo khoản 2357 viết:

“Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’ (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này là không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.”
Source:Catholic News Agency

2. Tòa án phán quyết nhóm phò sự sống nợ gần 1 triệu đô la tiền phạt vì các cuộc biểu tình chống Planned Parenthood

Một chi nhánh của tổ chức Planned Parenthood đã thắng một phán quyết pháp lý trị giá gần 1 triệu đô la chống lại một nhóm phò sự sống tụ tập bên ngoài một phòng khám phá thai ở Spokane.

Nhóm tự gọi mình là Church at Planned Parenthood, phải trả 110.000 đô la tiền bồi thường thiệt hại dân sự cho Planned Parenthood ở Greater Washington và North Idaho và 850.000 đô la phí pháp lý khác cho nhà cung cấp dịch vụ phá thai, tờ báo The Spokesman-Review đưa tin vào ngày 3 tháng 2.

Một thẩm phán của Hạt Spokane đã ra phán quyết vào tháng 12 rằng nhà thờ liên tục vi phạm luật tiểu bang bằng cách “cố ý hoặc liều lĩnh” làm gián đoạn hoạt động bình thường của một cơ sở chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc gây ra tiếng ồn “làm xáo trộn sự yên bình trong cơ sở một cách vô lý”.

Thẩm phán Tim Fennessy của Tòa án Thượng thẩm Quận Spokane đã đồng ý với bằng chứng của Planned Parenthood rằng nhà thờ đã tổ chức 22 buổi đọc kinh Mân Côi vi phạm luật tiểu bang và phạt nhà thờ 5.000 đô la cho mỗi ngày vi phạm. Ông đồng ý rằng các vi phạm khiến bệnh nhân có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Tòa án phán quyết nhóm phò sự sống nợ gần 1 triệu đô la tiền phạt vì các cuộc biểu tình chống Planned Parenthood.

Trong số những người chỉ trích phán quyết có Esther Ripplinger, giám đốc điều hành của nhóm phò sự sống Human Life of Washington, người đã đề cập đến quyết định này trong bài phát biểu ngày 7 tháng 2 trong một cuộc phỏng vấn với CNA.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cuộc tấn công vào những người ủng hộ sự sống,” Ripplinger, người có tổ chức là chi nhánh cấp bang của Ủy ban Quốc gia về Quyền được Sống, cho biết. “Đó là một cuộc tấn công vào cuộc sống và nó không công bằng.. Đây chỉ là những cáo buộc bịa đặt và tôi hy vọng rằng họ sẽ chống lại nó trong phạm vi tối đa của luật pháp.”

“Đây là những người thu hút và huy động những người khác tin rằng phá thai là sai, và vì vậy họ có quyền làm điều đó, tập hợp lại với nhau trên tài sản công,” Ripplinger nói. “Hoàn toàn không có luật nào bị phá vỡ ở đây. Đây thực sự chỉ là một cuộc săn phù thủy chống lại những người tổ chức và chống lại những gì họ tin tưởng, và nó không công bằng.”
Source:Catholic News Agency

3. Tòa án Mễ Tây Cơ ra phán quyết chống lại nhà lãnh đạo phò gia đình, là người đã gọi một nhà lập pháp chuyển giới nữ là đàn ông

Phòng Chuyên trách của Tòa án Bầu cử của Cơ quan Tư pháp Liên bang ở Mễ Tây Cơ đã ra phán quyết chống lại Mặt trận Quốc gia vì Gia đình, gọi tắt là FNF, và chủ tịch của nó, là ông Rodrigo Iván Cortés, vì đã to gan gọi Salma Luévano, một nữ đại biểu quốc hội “chuyển giới”, là “ông”.

Trong một tuyên bố vào ngày 2 tháng 2, tòa án nói rằng Cortés và FNF “đã thực hiện hành vi bạo lực chính trị đối với phụ nữ dựa trên giới tính do nhiều bài đăng trên mạng xã hội và internet chống lại nữ nghị sĩ liên bang, Salma Luévano và phụ nữ chuyển giới.”

Đối với Phòng Chuyên trách này, “các biểu hiện được báo cáo là xúc phạm và phân biệt đối xử bằng cách bác bỏ bản dạng giới tính và hạ thấp hiệu suất của nữ nghị sĩ liên bang, điều này cấu thành bạo lực kỹ thuật số, bạo lực tâm lý và tình dục đối với cô ấy.”

“Do đó, hiệp hội nói trên cũng như chủ tịch của nó đã bị phạt tiền; Ngoài ra, phải công bố bản rút lại các tuyên bố đã được ra trên các phương tiện truyền thông xã hội mà hành vi phạm tội đã được thực hiện, đưa ra lời xin lỗi công khai và các biện pháp bồi thường toàn diện khác và bảo đảm không tái phạm”

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Leal chỉ ra rằng Luévano là “một người đàn ông tự coi mình là phụ nữ và đang thay thế phụ nữ trong Đại hội của Liên minh.”

“Chúng ta đã ở trong chế độ độc tài giới tính. Đó là một chế độ độc tài mà nếu bạn nghĩ khác đi, và nếu bạn đề cập đến một sự thật sinh học, rằng giới tính không thể thay đổi, thì giờ đây bạn có thể bị cơ quan bầu cử phạt tiền,” ông nói.

Leal chỉ ra rằng nó phải được xác định trong hệ thống pháp luật “liệu cơ quan bầu cử này có thẩm quyền xử phạt bất kỳ ai vì tình huống như vậy hay không.”

Đối với chính trị gia ủng hộ gia đình người Mễ Tây Cơ, “thật không may là chúng ta đang sống dưới chế độ độc tài giới tính do các chính phủ tiến bộ và cánh tả đã cai trị đất nước áp đặt.”

Ông nói: “Chúng ta thực sự cần một sự thay đổi ngay bây giờ, chúng ta cần một đảng cánh hữu được thành lập ngay bây giờ, một chính phủ cánh hữu được thành lập và chúng ta hy vọng rằng điều này sẽ diễn ra rất sớm”.
Source:Catholic News Agency
 
Ukraine tấn công Melitopol, nổ long trời. Tổng tấn công của Putin kết thúc, 1.140 lính Nga tử trận
VietCatholic Media
16:37 11/02/2023


1. Cuộc tổng tấn công của Nga thất bại kinh hoàng với 1.140 lính Nga tử trận trong ngày qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy 11 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết cuộc tổng tấn công của Nga đã thất bại nghiêm trọng với 1.140 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến. Đây là con số tử trận cao nhất trong 24 giờ.

Từ khuya ngày thứ Sáu cho đến chiều tối cùng ngày, quân xâm lược Nga đã phóng hơn 100 hỏa tiễn trong một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn chưa từng có vào lãnh thổ Ukraine. Theo dữ liệu sơ bộ, đối phương đã sử dụng 29 hỏa tiễn dẫn đường phòng không S-300 và 71 hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không và trên biển. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy tổng cộng 61 hỏa tiễn của Nga.

Tại Zaporizhzhia, 29 vụ pháo kích đã diễn ra vào lúc 6 giờ sáng, trong khi quân Nga cố tràn ngập Dorozhnyanka. Giao tranh diễn ra không quá một giờ đồng hồ, quân Nga bỏ chạy để lại 320 xác đồng đội. Quân Ukraine truy kích tịch thu được 5 hệ thống pháo.

Trong một cuộc tấn công quy mô tại thành phố Bakhmut, hai tiểu đoàn lính Dù Nga được xe tăng yểm trợ đã mở cuộc tấn công vào phía Đông Nam thành phố nhằm cắt đứt xa lộ Kostiantynivka-Bakhmut. Họ đã rút lui sau khi 3 chiếc xe tăng, và 3 xe chiến đấu bộ binh bị bắn cháy.

Các lực lượng Nga đã chiếm được thị trấn Soledar gần đó, cách Bakhmut 20 km về phía bắc, vào ngày 16 Tháng Giêng. Quân Wagner muốn kiểm soát đường cao tốc T0513 Siversk-Bakhmut, nằm cách các vị trí của Nga ở Soledar 7 kilômét về phía tây, để cắt đứt các tuyến tiếp tế của Ukraine tới Bakhmut. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh trong 24 giờ qua đã chứng kiến những nỗ lực thất bại của quân Wagner.

Lực lượng phòng thủ Ukraine trong thành phố Bakhmut hiện nay bao gồm một “tập hợp các đơn vị”, ban đầu bao gồm Lữ đoàn cơ giới 93 và Lữ đoàn cơ giới 58, sau đó được tăng cường bởi nhiều đơn vị khác - bao gồm cả Lữ Đoàn Dù số 71, Lữ Đoàn Tác Chiến số 3 của Vệ Binh Quốc Gia, Lữ Đoàn pháo binh 44 biệt lập, Lực Lượng Đặc Biệt và các đơn vị Địa Phương Quân - để lấp đầy khoảng trống do thương vong nặng nề. Các đơn vị cũng được luân chuyển liên tục để tránh mệt mỏi khi chiến đấu.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, “Quân xâm lược chịu tổn thất rất nặng nề. Ở hướng Bakhmut chỉ trong một ngày, đối phương đã thiệt mất 540 quân.”

Quân Nga cũng gánh chịu thương vong rất lớn tại thành phố Kreminna. Tính chung trên các mặt trận, trong 24 giờ qua, 1.140 binh sĩ Nga đã tử trận cùng với 9 xe tăng, 3 xe chiến đấu bộ binh, 19 hệ thống pháo, 1 hệ thống phòng không và 8 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 11 Tháng Hai Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 136.880 binh sĩ Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương còn bao gồm 3.267 xe tăng, 6.474 xe thiết giáp, 2.270 hệ thống pháo, 463 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 234 hệ thống phòng không, 297 máy bay chiến đấu, 286 máy bay trực thăng, 1.997 máy bay không người lái, 857 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.134 xe chuyển quân và nhiên liệu và 214 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Bị đập tan bởi mìn và pháo binh Ukraine, cuộc tấn công mùa đông của Nga vừa phải tạm dừng bên ngoài Vuhledar

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Smashed By Ukrainian Mines And Artillery, Russia’s Winter Offensive Just Ground To A Halt Outside Vuhledar”, nghĩa là “Bị đập tan bởi mìn và pháo binh Ukraine, cuộc tấn công mùa đông của Nga vừa phải tạm dừng bên ngoài Vuhledar”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Cuộc tấn công mùa đông được mong đợi rộng rãi của Nga đã bắt đầu. Nhằm mục đích mở rộng quyền kiểm soát đối với khu vực Donbas ở miền đông Ukraine, quân đội Nga đang tấn công vào phía bắc và nam thành phố Donetsk.

Ở khu vực phía bắc, xung quanh thành phố Bakhmut, quân Nga đang tiến công một cách chậm chạp – mặc dù với cái giá phải trả đáng kinh ngạc.

Ở phía nam, xung quanh Vuhledar, tổn thất của quân Nga cũng rất lớn - nhưng họ không đạt được thành tựu rõ ràng nào có thể biện minh cho thương vong. Vuhledar đang trở thành một cỗ máy xay thịt đối với quân đội Nga, với những tác động to lớn đối với cuộc tấn công rộng lớn hơn.

Cuộc tấn công mới nhất của Nga vào Vuhledar - một thị trấn có dân số trước chiến tranh chỉ 14.000 người, nằm cách Pavlivka do Nga nắm giữ 1,6 km về phía bắc, cách Donetsk 25 dặm hay 40km về phía tây nam - đã bắt đầu vào thứ Hai.

Có vẻ như một vài tiểu đoàn quân cơ giới của Nga, cùng với vài chục xe tăng T-80 và xe chiến đấu BMP-1 và BMP-2, đã tiến về phía bắc.

Lữ đoàn cơ giới số 72 tinh nhuệ của quân đội Ukraine cố thủ xung quanh Vuhledar. Lữ đoàn đã đặt các bãi mìn dọc theo các hướng tiếp cận chính từ Pavlivka. Máy bay không người lái của Lữ đoàn giám sát phía trước. Pháo binh của Lữ đoàn được gọi vào.

Người Nga biết điều này. Và lực lượng tấn công đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa thô sơ. Đội xe tăng đã bơm nhiên liệu vào ống xả của họ để tạo ra màn khói. Ít nhất một chiếc T-80 mang theo máy cày mìn.

Nhưng sự thất bại trong lãnh đạo và tình báo của quân Nga - và khả năng kiểm soát hỏa lực pháo binh vượt trội của Ukraine - đã vô hiệu hóa các biện pháp này. Đội hình Nga lăn vào bãi mìn dày đặc. Xe tăng và xe thiết giáp bị phá hủy đã chặn bước tiến. Các phương tiện cố gắng vượt qua những con tàu đổ nát đã va phải mìn.

Các chỉ huy phương tiện hoảng loạn chen chúc phía sau những chiếc xe tăng tạo khói đến nỗi pháo binh Ukraine, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái, có thể bắn trúng đầu họ bằng cách cứ nhằm vào các đám khói mà bắn. Cuộc tấn công kéo dài cả ngày của quân Nga kết thúc với tổn thất nặng nề và phải rút lui. Những người sống sót đã bỏ lại khoảng 30 xe tăng và xe thiết giáp còn nguyên.

Vuhledar là bằng chứng rõ ràng hơn về sự đi xuống trong hiệu quả quân sự của Nga. Các đội quân thiếu cơ sở tuyển dụng, đào tạo và công nghiệp mạnh mẽ có xu hướng trở nên kém hiệu quả hơn khi tổn thất ngày càng sâu sắc.

Mong muốn duy trì tốc độ hoạt động, quân đội thay thế mọi đơn vị được trang bị tốt, được huấn luyện tốt nhưng đã bị thương hoặc bị giết bằng một số lượng tân binh tương đương — nhưng không dành thời gian hoặc tiêu tốn tài nguyên để huấn luyện và trang bị cho những đơn vị mới theo tiêu chuẩn trước đó.

Vì vậy, quân đội ngày càng kém hiệu quả hơn ngay cả khi họ thu nhận ngày càng nhiều binh sĩ mới. Sự kém cỏi dẫn đến tổn thất thậm chí còn lớn hơn, điều này khiến quân đội phải tăng gấp đôi: chiêu mộ thêm quân, huấn luyện họ thậm chí ít hơn và đưa họ ra mặt trận thậm chí còn nhanh hơn so với những lần tuyển dụng trước đó.

Áp dụng mô hình bi thảm này cho Vuhledar và những thất bại của quân đội Nga sẽ có ý nghĩa hơn. Trong nhiều tháng, Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 và số 40 của Nga chịu trách nhiệm về khu vực xung quanh Pavlivka. Nhưng thủy quân lục chiến đã chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công thất bại lặp đi lặp lại bắt đầu từ mùa thu năm ngoái.

Có thể cả hai lữ đoàn thủy quân lục chiến hiện nay đều không có hiệu quả chiến đấu. Người thay thế họ dường như là Lữ đoàn súng trường cơ giới 72, một đội hình mới và thiếu kinh nghiệm thuộc Quân đoàn 3 xấu số. Lữ đoàn súng trường cơ giới thứ 72 được thành lập ở Tatarstan thuộc Nga và do đó bao gồm một tỷ lệ cao các dân tộc thiểu số, là bia đỡ đạn cho điện Cẩm Linh.

Bên ngoài Vuhledar, Lữ đoàn 72 của Nga gặp Lữ đoàn 72 của Ukraine — và ít nhất cũng bị đánh bại nặng nề như các lữ đoàn thủy quân lục chiến. Nếu đây là điều tốt nhất mà Nga có thể làm sau một năm giao tranh rộng lớn hơn ở Ukraine, thì cuộc tấn công vào mùa đông đầy kịch tính của Nga có thể tốn kém... và ngắn ngủi.

3. Các quan chức Ukraine và Nga báo cáo hàng loạt vụ nổ ở thành phố Melitopol do Nga xâm lược

Thành phố Melitopol do Nga xâm lược đã bị tấn công bằng một loạt vụ nổ vào tối thứ Sáu, theo các quan chức Ukraine và cả các quan chức thân Nga cũng nói như trên.

Các lực lượng Ukraine đã nhiều lần tấn công Melitopol trong vài tuần qua trong nỗ lực giành lại đất ở phía nam đất nước và nhấn mạnh tầm quan trọng của vũ khí tầm xa.

Vladimir Rogov, một thành viên của chính quyền dân sự-quân sự thân Nga của khu vực, cho biết trên Telegram rằng “một loạt vụ nổ đã được nghe thấy lần thứ hai trong thành phố vào tối nay,” và nói thêm rằng hệ thống phòng không của Lực lượng Vũ trang Nga đang hoạt động để ngăn chặn chống lại các cuộc tấn công.

Rogov tuyên bố Lực lượng vũ trang Ukraine đang tấn công thành phố bằng pháo hạng nặng và nhiều hệ thống phóng hỏa tiễn. Ông nói rằng “các mảnh hỏa tiễn bị bắn rơi” đã bắn trúng các ngôi nhà dân cư.

“Đã có thiệt hại và hỏa hoạn bùng phát tại địa điểm lực lượng vũ trang Ukraine nã pháo vào khu dân cư của thành phố. Có thương vong,” Rogov nói. “Thông tin về thương vong và thiệt hại đang được làm rõ.”

Trong khi đó, Ivan Fedorov, Thị trưởng Melitopol của Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Sáu rằng thành phố phía nam đang rung chuyển vì những vụ nổ mạnh. Anh ấy nói: “Sức mạnh của những cú đánh tới khiến các cửa sổ rung chuyển”.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh liên quan đến tập đoàn Wagner và Yevgeny Prigozhin

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 09 tháng 2, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, tuyên bố rằng Wagner đã tạm dừng kế hoạch tuyển dụng tù nhân của mình.

Dữ liệu từ Cơ quan Hình sự Liên bang Nga đã cho thấy một sự sụt giảm tỷ lệ tuyển dụng tù nhân kể từ tháng 12 năm 2022. Tin tức về thực tế khắc nghiệt của dịch vụ Wagner ở Ukraine có lẽ đã lọt vào tai các tù nhân và làm giảm số lượng tình nguyện viên

Một yếu tố quan trọng trong việc chấm dứt kế hoạch này có thể là sự cạnh tranh ngày càng trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng Nga và Wagner. Quân đội chính quy của Nga hiện có khả năng cũng đã triển khai phần lớn quân nhân dự bị bị gọi nhập ngũ theo lệnh 'huy động từng phần'.

Giới lãnh đạo Nga phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn hoặc là tiếp tục làm cạn kiệt lực lượng của mình, hoặc là thu hẹp các mục tiêu hoặc tiến hành một hình thức huy động hơn nữa.

5. Một nửa số xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga ở Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, một nửa số xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga ở Ukraine có thể đã bị bắt giữ hoặc phá hủy trong chiến đấu.

Celeste Wallander, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, đã đưa ra nhận xét này vào hôm thứ Sáu trong một cuộc điều trần dành cho Quốc Hội Hoa Kỳ.

AFP cũng báo cáo rằng Wallander không cung cấp con số chính xác về số lượng xe tăng bị mất kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm ngoái nhưng ước tính của cô được đưa ra khi Ukraine chuẩn bị nhận một loạt xe tăng hạng nặng từ phương Tây từ những người ủng hộ.

Anh cho biết xe tăng Challenger 2 của họ sẽ được triển khai tại Ukraine vào tháng 3, trong khi Đức và các đồng minh đặt mục tiêu đưa một tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 tới Kyiv vào tháng 4.

Hoa Kỳ cũng đã hứa sẽ cung cấp một tiểu đoàn – hoặc 31 – xe tăng M1 Abrams của họ, nhưng họ dự kiến sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến nơi.

6. Quân đội Ukraine vừa nổ tung một trong 10 xe chiến đấu Terminator của quân đội Nga

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Ukrainian Army Just Blew Up One Of The Russian Army’s 10 Terminator Fighting Vehicles”, nghĩa là “Quân đội Ukraine vừa nổ tung một trong 10 xe chiến đấu Terminator của quân đội Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Đại đội xe chiến đấu bọc thép Terminator duy nhất mà quân đội Nga triển khai tới miền đông Ukraine vào mùa xuân năm ngoái đã khá may mắn trong nhiều tháng.

Sự may mắn đó đã chấm dứt trong những ngày gần đây. Hôm thứ Năm người Ukraine đã khai tử xe chiến đấu Terminator đầu tiên của Nga trong khu rừng gần Kreminna, 10 dặm về phía bắc Lysychansk ở vùng Donbas phía đông Ukraine.

Pháo binh Ukraine đã bắn trúng một chiếc xe chiến đấu Terminator đang đậu trong rừng. Không rõ liệu xe chiến đấu Terminator có hoạt động vào thời điểm đó hay không. Có thể nó đã bị hư hỏng hoặc hỏng hóc trước khi các xạ thủ Ukraine tấn công.

Dù thế nào, quân đội Nga đã tiêu diệt được 1/10 lực lượng Terminator của Nga. Và nó sắp trở nên tồi tệ hơn rất nhiều đối với các tổ lái xe chiến đấu Terminator còn sống sót. Xe tăng Challenger 2 của Ukraine đang trên đường xuất kích.

Nhà sản xuất vũ khí Uralvagonzavod chỉ sản xuất khoảng 10 chiếc xe chiến đấu Terminator cho quân đội Nga. Xe chiến đấu Terminator chở được năm người là một loại phương tiện độc đáo. Nó không phải là một chiếc xe tăng với súng chính cỡ nòng lớn. Nó không phải là một phương tiện chiến đấu bộ binh có khoang dành cho một tiểu đội lính. Không, xe chiến đấu Terminator là một cái gì đó ở giữa—một phương tiện hỗ trợ xe tăng.

Xe chiến đấu Terminator nặng 48 tấn tự hào có một tháp pháo với hai khẩu pháo 30 ly và một bệ phóng cho hỏa tiễn chống tăng. Giáp bảo vệ của nó—hỗn hợp thép, composite và giáp phản ứng nổ—tương đương với giáp của xe tăng.

Theo học thuyết của Nga, Terminator hộ tống xe tăng để bảo vệ chúng khỏi bộ binh. Sự cần thiết là rõ ràng. Bộ binh Ukraine trang bị hỏa tiễn chống tăng xách tay đã phá hủy hàng nghìn xe tăng của Nga.

Mùa xuân năm ngoái, hầu hết hoặc tất cả những chiếc xe chiến đấu Terminator đã lăn bánh vào miền đông Ukraine và gia nhập Sư đoàn xe tăng 90 của quân đội Nga gần Kreminna.

Terminator đã tham gia vào cuộc chiến dọc theo một trong những mặt trận nguy hiểm nhất trong cuộc xâm lược kéo dài 11 tháng của Nga ở Ukraine. Những chiếc xe chiến đấu Terminator đã hơn một lần bị bắn cháy và một số đã phải nằm trong kho sửa chữa một thời gian.

Không thể sửa chữa chiếc xe chiến đấu Terminator đã ăn đạn pháo trong tuần này. Quả cầu lửa do cú đánh cho thấy nó đã bị nấu chín.

Mất dù chỉ một chiếc xe chiến đấu Terminator cũng khiến người Nga khá xấu hổ. Những phương tiện này là con cưng của giới truyền thông — và là bằng chứng cho thấy, trong điều kiện thích hợp, ngành công nghiệp Nga vẫn có thể sản xuất xe thiết giáp tiên tiến.

Trên thực tế, quân đội Nga đã tập trung hầu hết các loại thiết giáp tốt nhất của mình dọc theo khu vực Kreminna, không chỉ xe chiến đấu Terminator mà còn cả một số xe tăng T-90 mới.

Quân đội Ukraine nhận thức sâu sắc về điều này. Nước này đã triển khai hai trong số các lữ đoàn có năng lực nhất của mình—Lữ đoàn Dù 25 và Lữ đoàn Dù 80—đến cùng một khu vực, và hiện đang huấn luyện các lữ đoàn đó sử dụng 14 xe tăng Challenger 2 mới đầu tiên mà Vương quốc Anh đã cam kết cung cấp cho Ukraine.

Trừ khi một trong Lữ Đoàn Dù này được triển khai lại trong những tuần tới, những chiếc Challenger 2 sẽ sớm gặp những chiếc T-90 và xe chiến đấu Terminator xung quanh Kreminna. Nhưng bây giờ có ít hơn một chiếc xe chiến đấu Terminator để các lực lượng tăng Ukraine phải lo lắng.

7. Dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc: Bất kỳ hòa bình nào cũng phải giữ cho Ukraine nguyên vẹn

Một nghị quyết được đề xuất để thông qua bởi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trước thềm kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, đã nhấn mạnh sự cần thiết của hòa bình để bảo đảm “chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine.

Dự thảo nghị quyết từ những người ủng hộ Ukraine, do Associated Press thu được, rộng hơn và ít chi tiết hơn so với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Volodymyr Zelenskiy mà ông đã công bố vào tháng 11.

Phát ngôn nhân của Đại hội đồng, Paulina Kubiak, cho biết một phiên họp khẩn cấp được kích hoạt lại của hội đồng về Ukraine sẽ bắt đầu vào ngày 22 tháng Hai. Một cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày hôm sau.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, Emine Dzhaparova, tháng trước cho biết Zelenskiy muốn đến Liên Hiệp Quốc dự lễ kỷ niệm. Nhưng những kỳ vọng về một cuộc tấn công lớn mới của Nga có thể giữ ông ở lại Ukraine.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã trở thành cơ quan quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc đối phó với tình hình Ukraine vì hội đồng bảo an, cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bị tê liệt vì quyền phủ quyết của Nga.

Theo các nhà ngoại giao, dự thảo nghị quyết do Ukraine hậu thuẫn đã được gửi vào tối thứ Năm tới tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc ngoại trừ Nga và đồng minh Belarus, và các cuộc đàm phán về văn bản này đã bắt đầu vào chiều thứ Sáu.

Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được “một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” ở Ukraine “càng sớm càng tốt” phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Hiến chương quy định rằng tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc “trong các mối quan hệ quốc tế của mình phải kiềm chế không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”, và phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Nghị quyết được đề xuất nhắc lại yêu cầu trước đó của đại hội đồng rằng Nga “rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình” khỏi biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine.

Nghị quyết cũng tái khẳng định rằng không có lãnh thổ nào có được bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực sẽ được coi là hợp pháp.

Tất cả các tù nhân chiến tranh, và những người bị giam giữ khác phải được đối xử phù hợp với các công ước Geneva, và kêu gọi “trao đổi hoàn toàn” các tù nhân chiến tranh, trả tự do cho những người bị giam giữ bất hợp pháp, “và trao trả tất cả các tù nhân và thường dân bị buộc phải di dời và trục xuất, bao gồm cả trẻ em”.

Nghị quyết được đề xuất kêu gọi tất cả các quốc gia “hợp tác trên tinh thần đoàn kết để giải quyết tác động toàn cầu của cuộc chiến đối với an ninh lương thực, năng lượng, tài chính, môi trường và an ninh và an toàn hạt nhân”.

Nghị quyết sẽ lên án “những hậu quả nghiêm trọng về nhân quyền và nhân đạo của cuộc xâm lược chống lại Ukraine, bao gồm các cuộc tấn công liên tục nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine với những hậu quả tàn khốc đối với dân thường”. Và sẽ kêu gọi tuân thủ đầy đủ luật nhân đạo quốc tế về bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự.
 
Người chủ tử tế dẫn công ty hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Độc tài Nicaragua ra đòn tàn bạo
VietCatholic Media
17:42 11/02/2023


1. Có người chủ nào tử tế như người chủ này không? Bao hết các nhân viên của công ty đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức

Công Giáo sùng đạo này đã đưa nhân viên đến thăm địa điểm Đức Mẹ hiện ra và lo lắng lớn nhất của ông là sự an toàn trong công việc của họ.

Michele Ferrero, người sáng lập Nutella, qua đời ở tuổi 89 vào ngày 14 tháng 2 năm 2015, là một trong những người thành công nhất thế giới. Công ty của ông, được thành lập vào năm 1946 tại Ý, đã sản xuất loại sô cô la hạt dẻ nổi tiếng cùng với các món ăn Mon Cheri, Kinder Eggs, Ferrero Rocher, Fiesta và Pocket Coffee. Nó khiến ông trở thành người giàu nhất ở Ý, với giá trị tài sản ròng, theo tạp chí Forbes, là 23,4 tỷ USD.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh lưu ý rằng thành công ban đầu của Nutella là do tâm lý sợ ca cao của người Ý sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, đối với Michele Ferrero, thành công của ông không phải là do dân Ý sợ ca cao nhưng do sự cầu bầu của Đức Mẹ.

Điều mà nhiều người không biết về Ferrero, người luôn tránh ánh đèn sân khấu và các tờ báo lá cải, đó là ông là một người có đức tin mạnh mẽ.

Như Michele Ferrero đã nói tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập công ty:

“Trong sự thành công của công ty, chúng ta nợ Đức Mẹ Lộ Đức; không có Đức Mẹ, chúng ta chẳng làm được gì nhiều.”

Và thực sự, một bức tượng nhỏ của Đức Trinh Nữ hiện diện trong mỗi cơ sở Ferrero trên toàn thế giới.

Mỗi năm công ty Ferrero đều tổ chức các cuộc hành hương đến Lộ Đức. Ông tổ chức một chuyến viếng thăm đền thánh Đức Mẹ ở Pháp miễn phí cho các nhân viên của mình. Theo báo The Guardian của Vương quốc Anh, đã đăng một hồ sơ về ông vào năm 2011, trong đó tờ báo cho rằng các loại kẹo hạt dẻ Rocher của công ty được đồn đại là lấy cảm hứng từ hang đá cheo leo, có tên là Rocher de Massabielle, tại đền thờ ở Lộ Đức.

Ông đã xây dựng công ty của mình từ những gì tốt nhất ở Ý, để lại di sản về các sản phẩm phẩm chất cao và sự đổi mới vượt trội. Nhưng tài năng lớn nhất của ông là biết cách thu hút nhân viên và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến nhân viên khi đào tạo họ.

“Mối quan tâm duy nhất của tôi, là công ty ngày càng vững chắc và mạnh mẽ để bảo đảm cho tất cả công nhân một nơi làm việc an toàn, và thu nhập ổn định.”

Dưới sự lãnh đạo của ông, sản phẩm của ông đã có mặt trên 53 quốc gia. Ông có hơn 34.000 nhân viên, 20 cơ sở sản xuất và 9 doanh nghiệp nông nghiệp.
Source:Aleteia

2. Người đàn ông Canada nói rằng nhân viên bệnh viện 'gây áp lực' buộc anh ta phải để các bác sĩ an tử cho vợ ông ấy.

Richard Leskun vẫn ở bên vợ Marilynn gần 24 giờ một ngày sau khi cô được đưa vào Bệnh viện khu vực Abbotsford do ngã từ xe lăn.

Trong vài ngày tiếp theo, Leskun thấy mình không chỉ chăm sóc cho người vợ 71 tuổi của mình mà còn phải chống lại những nỗ lực của nhân viên y tế nhằm an tử cho bà, trước khi họ tự mình thực hiện công việc ấy bất kể ông ấy có đồng ý hay không.

Người đàn ông góa vợ ở Bờ biển Sunshine đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều mà ông ấy nói là sự thiên vị gây sốc và nguy hiểm trong hệ thống y tế đối với việc thúc đẩy cái chết cho bệnh nhân già yếu và bệnh tật.

Leskun, 75 tuổi, đã buộc tội các nhân viên y tế tại bệnh viện Abbotsford đã “gây áp lực” và “làm khó” ông để buộc người vợ 50 năm chung sống của mình, Marilynn, phải chết.

Vốn đã yếu ớt do ảnh hưởng suy nhược của chứng mất trí nhớ, Marilynn, 71 tuổi, đã vào bệnh viện sau khi ngã khỏi xe lăn và gãy đốt sống ở cổ.

Leskun, người là thành viên của Giáo xứ St. James ở Abbotsford vào thời điểm đó và hiện đang sống ở Secret Cove, nói với The BC Catholic trong một cuộc phỏng vấn rằng trong vòng tám ngày, nhân viên đã hỏi anh ta năm lần liệu họ có thể an tử cho vợ ông ấy không.

Anh cho biết lần nào anh cũng phản đối mạnh mẽ và cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ sự sống của mình tại một cuộc họp gia đình với nhân viên bệnh viện.

“Tại những cuộc họp đó, tôi đã nói rất rõ ràng: Tôi là người Công Giáo và tôi hoàn toàn phản đối cái chết được hỗ trợ về mặt y tế. Tôi chống lại cái chết êm dịu. Tôi muốn vợ tôi được sống. Tôi muốn cô ấy tiếp tục sống. Chúng tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp trong nhiều thập niên, mặc dù cô ấy mắc chứng mất trí nhớ. Tôi đã rất rõ ràng với họ.”

Khi tình trạng của vợ anh tiếp tục xấu đi, một bác sĩ chuyên khoa được chỉ định phụ trách vụ việc đã hỏi Leskun liệu ông có đồng ý để nhân viên y tế an tử Marilynn hay không.

Leskun nói: “Bác sĩ này đã đến với tôi, vào buổi tối khá muộn, vào đêm trước khi cô ấy qua đời. Tôi đã hoàn toàn mệt mỏi, kiệt sức, hoàn toàn kiệt sức. Tôi đã ở đó hàng ngày, gần như 24/7, và anh ấy nói với tôi, 'Bạn biết đấy, tôi đã viết đơn hỗ trợ cái chết về mặt y tế.'“

“Có lẽ tôi đã quá mệt mỏi để phản đối kịch liệt anh ta hoặc làm bất cứ điều gì. Nhưng tôi nói không, chắc chắn như thế. Tôi đã quá mệt mỏi để cảm thấy bất cứ điều gì. Nhưng tôi đã nói không, hoàn toàn không. Vài giờ sau, anh ta nói với một y tá rằng tôi đã đồng ý, mặc dù tôi hoàn toàn không đồng ý.”

Marilynn Rita Marie Leskun qua đời ngay sau đó, vào sáng sớm ngày 8 tháng 12 năm 2018. Cô để lại chồng và hai đứa con đã lớn của họ.
Source:Catholic News Agency

3. Chế độ độc tài ở Nicaragua kết án thêm 7 giáo sĩ và giáo dân 10 năm tù

Trong một cuộc tấn công mới vào Giáo Hội Công Giáo, chế độ độc tài Nicaragua do Tổng thống Daniel Ortega và vợ của ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo lãnh đạo, đã kết án 10 năm tù đối với ba linh mục, một phó tế, hai chủng sinh và một giáo dân từ Giáo phận Matagalpa.

Theo báo cáo từ tờ báo địa phương La Prensa và Trung tâm Nhân quyền Nicaragua, bản án được đưa ra vào ngày 6 tháng 2 bởi Thẩm phán Nadia Tardencilla của Khu xét xử hình sự thứ hai.

Bản án bao gồm 5 năm đối với tội “âm mưu phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia” và 5 năm đối với tội “lan truyền tin giả” cùng với 800 ngày tiền phạt bổ sung dựa trên mức lương hàng ngày của những người bị kết án.

Các linh mục bị kết án là Ramiro Reynaldo Tijerino Chávez, 50 tuổi, hiệu trưởng Đại học Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; Cha Sadiel Antonio Eugarrios Cano, 35 tuổi, nguyên cha xứ nhà thờ chính tòa Matagalpa; và Cha José Luis Díaz Cruz, 33 tuổi, cha xứ hiện tại của nhà thờ chính tòa Matagalpa.

Cũng bị kết án là Phó tế Raúl Antonio Vega González, 27 tuổi; chủng sinh Darvin Esteylin Leiva Mendoza, 19 tuổi, và Melkin Antonio Centeno Sequeira, 23 tuổi; và nhiếp ảnh gia Sergio José Cárdenas Flores, 32 tuổi.

Bảy người bị kết tội vào ngày 27 Tháng Giêng và đang chờ tuyên án. Trong một phiên tòa khác, Cha Oscar Benavidez cũng bị kết tội với cùng tội danh và bị kết án hôm 4 tháng 2 với bản án 10 năm tù.

Chế độ độc tài đã thông báo vào ngày 10 Tháng Giêng rằng giám mục của Matagalpa, Đức Cha Rolando Álvarez, người đã bị quản thúc tại gia kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2022, sẽ hầu tòa với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. Vị giám chức vẫn chưa bị kết án.

Trung tâm Nhân quyền Nicaragua cáo buộc rằng bản án được đưa ra đối với bảy người đàn ông này là “một sai lầm pháp lý mới” trong đó bao gồm lệnh cấm “không cho phép họ nắm giữ chức vụ công và tham gia các cuộc bầu cử phổ thông suốt đời”.

“Chúng tôi tại Trung tâm Nhân quyền Nicaragua lên án những hành động đồi bại của chế độ vi phạm nhân quyền. Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho họ và tất cả các tù nhân chính trị,” tổ chức này nói thêm.
Source:Catholic News Agency

 
Căng thẳng: Tia Laser bí ẩn do thám Hawaii. Cựu Tư Lệnh Thái Bình Dương: Nguy cơ chiến tranh với TQ
VietCatholic Media
22:10 11/02/2023


1. Lại một cú đi lạc khác: Tia laser xanh bí ẩn trên đảo Hawaii

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Mysterious Green Lasers Over Hawaii Were Likely From Chinese Satellite”, nghĩa là “Tia laser xanh bí ẩn trên Hawaii có khả năng từ vệ tinh Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào ngày 28 Tháng Giêng—cùng ngày Mỹ phát hiện một khinh khí cầu tình nghi do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Alaska—một camera quan sát ban đêm trên đỉnh một ngọn núi ở Hawaii đã bắt được một loạt chùm tia laser màu xanh lá cây phóng qua bầu trời.

Đoạn phim chỉ kéo dài trong vài giây, ngay khi đồng hồ chuyển sang 2:00 sáng giờ địa phương, tức là 7:00 sáng theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ, cảnh quay từ camera ghi lại cảnh các dải uốn cong từ trái sang phải. Mặc dù chủ sở hữu của chiếc máy ảnh ban đầu cho rằng đó là vệ tinh lập bản đồ của NASA, nhưng tổ chức vũ trụ Hoa Kỳ đã nói rằng đó không phải là họ, và cho thấy đó có thể là của Trung Quốc.

Máy ảnh—nhìn ra từ Mauna Kea, một ngọn núi lửa không hoạt động—được gắn vào Kính viễn vọng Subaru, và là sản phẩm liên doanh giữa báo Asahi Shimbun và Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản, gọi tắt là NAOJ.

Vào ngày 29 Tháng Giêng, nó đã đăng đoạn phim lên YouTube, gợi ý rằng các chùm tia có thể đến từ một máy đo độ cao bằng laser viễn thám từ vệ tinh ICESat-2/43613 của NASA, được phóng vào tháng 9 năm 2018 như một phần của Hệ thống quan sát Trái đất với mục tiêu đo lường và giám sát tác động của biến đổi khí hậu. Theo NASA, nó có thể phát ra 10.000 xung động mỗi giây.

Tuy nhiên, vào ngày 6 tháng 2, phần mô tả của video đã được cập nhật với lời giải thích mới về bức màn chùm ánh sáng trên Hawaii.

Trích dẫn Anthony Martino, nhà khoa học phó chủ nhiệm dự án ICESat-2, ghi chú của NAOJ cho biết ánh sáng “không phải do thiết bị của họ mà do những người khác”.

“Các đồng nghiệp của ông, Tiến sĩ Alvaro Ivanoff và cộng sự, đã thực hiện mô phỏng quỹ đạo của các vệ tinh có thiết bị tương tự và tìm thấy một ứng cử viên có khả năng nhất là thiết bị ACDL của vệ tinh Daqi-1/AEMS của Trung Quốc. Chúng tôi thực sự đánh giá cao những nỗ lực của họ trong việc xác định nguồn ánh sáng.”

Newsweek đã liên hệ với Martino để có thêm bình luận.

Theo Orbital Focus, một dịch vụ giám sát quỹ đạo vệ tinh, vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương, vệ tinh Daqi-1 của Trung Quốc có khả năng đang bay ngang qua đầu và là “thủ phạm có thể nhất” và đang trên quỹ đạo từ bắc xuống nam “phù hợp với chuyển động trái-phải”. của video.”

Những lo ngại đã dấy lên về việc Trung Quốc do thám Hoa Kỳ sau khi quả bóng nghi ngờ do thám được phát hiện trong không phận Hoa Kỳ. Các quan chức quốc phòng đã cho phép khinh khí cầu đi qua Canada và lục địa Mỹ, trước khi nó bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 4 tháng 2 theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.

Trung Quốc khẳng định rằng khinh khí cầu là một khí cầu thời tiết dân sự đã bị thổi bay và bày tỏ sự phẫn nộ trước việc nó bị bắn hạ.

Mục đích sử dụng đã nêu của vệ tinh Daqi-1 là để theo dõi môi trường khí quyển, giống như ICESat-2. Nó được phát triển bởi Học viện Công nghệ Vũ trụ Thượng Hải thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, gọi tắt là CASC, một công ty doanh nghiệp nhà nước, và được thiết kế để giám sát các chất ô nhiễm và hiệu ứng khí thải nhà kính.

Nó được Trung Quốc tung ra vào tháng 4 năm 2022. Newsweek không thể liên hệ với CASC để đưa ra bình luận.

2. Trung Quốc đối xử im lặng với Hoa Kỳ trong bối cảnh khinh khí cầu gián điệp, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “China gives US silent treatment amid spy balloon furor, raising crisis fears”, nghĩa là “Trung Quốc đối xử im lặng với Hoa Kỳ trong bối cảnh khinh khí cầu gián điệp, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vài giờ sau khi Mỹ điều máy bay F-22 Raptor bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay ngang qua không phận Bắc Mỹ vào tuần trước, cuộc gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Bắc Kinh đã không được trả lời.

Việc Trung Quốc phớt lờ là dấu hiệu mới nhất cho thấy liên lạc của Mỹ với đối thủ lớn của họ đang bị rạn nứt – dẫn đến lo ngại rằng một sự việc tương đối nhỏ có thể biến thành một điều gì đó lớn hơn.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết vào tuần trước rằng Bắc Kinh gần như đóng cửa “các phương tiện liên lạc” với Washington sau khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Nancy Pelosi bất chấp cảnh báo của chính quyền Biden đã đến thăm Đài Loan vào tháng 8.

Các phương tiện liên lạc đó bao gồm một đường dây điện thoại giảm xung đột, nhằm cung cấp cho hai quốc gia một cách để giảm bớt căng thẳng và truyền đạt những lời giải thích và ý định. Giữ kênh mở là rất quan trọng, vì các chuyên gia quốc phòng thường xuyên cảnh báo rằng những hiểu lầm - nếu không được giải quyết kịp thời - có thể dẫn đến chiến tranh toàn diện.

“Chúng ta không bao giờ nên quên rằng chúng ta đã duy trì quan hệ ngoại giao với Liên Xô, ngay cả trong những ngày đen tối ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh vào những năm 60 và 70,” Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu Harry Harris phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm thứ Ba. “Vì vậy, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ lấy lại được một số nền tảng ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều quan trọng ở cả hai quốc gia là chúng ta làm như vậy.”

Trớ trêu thay, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đưa việc tìm cách mở lại các đường dây liên lạc với Trung Quốc trong chương trình nghị sự cho chuyến đi dự kiến của ông tới Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào đầu tuần này nhưng đã bị hoãn lại sau khi vụ xâm nhập của khinh khí cầu gián điệp được công khai.

Kết quả là, khi Ngũ Giác Đài yêu cầu tổ chức một cuộc điện đàm an toàn giữa Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa, câu trả lời vang dội là “không”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc, vẫn từ chối thừa nhận khinh khí cầu đang tiến hành do thám, cho biết cuộc gọi của Austin đã bị từ chối vì Mỹ “vi phạm nghiêm trọng các thông lệ quốc tế và tạo tiền lệ rất xấu” khi bắn rơi thiết bị mà họ cho là “dân sự không người lái”. phi thuyền” dành cho nghiên cứu khoa học bị chệch hướng do “bất khả kháng”.

Thượng Tá Đàm Khắc Phi, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói: “Mỹ khăng khăng sử dụng vũ lực để tấn công các khí cầu dân sự không người lái của Trung Quốc, điều này vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế và tạo tiền lệ xấu. Xét rằng việc làm vô trách nhiệm và sai lầm nghiêm trọng này của phía Hoa Kỳ đã không tạo ra bầu không khí đối thoại, trao đổi thích hợp giữa quân đội hai nước, Trung Quốc không chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.”

Trong khi hầu hết các nhà lập pháp hoan nghênh Blinken hủy bỏ chuyến đi Trung Quốc, một chuyên gia nói với các thành viên của Quốc hội hôm thứ Ba rằng đó là một cơ hội bị bỏ lỡ để có những cuộc đối thoại khó khăn với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.

Melanie Sisson, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ Strobe Talbott cho biết: “Chúng ta cần những liên hệ cấp cao đó. “Ví dụ, đó sẽ là một cơ hội để thảo luận về quản lý khủng hoảng, ngoài việc có thể gây sức ép đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc về các hành vi có vấn đề khác của họ trên toàn thế giới.”

Liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là đã ngừng sau vụ bắn rơi khinh khí cầu.

Harris, người trước đây lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ và từng là đại sứ tại Hàn Quốc dưới thời chính quyền Trump, cho biết lời bào chữa của Trung Quốc cũng như thời điểm triển khai khinh khí cầu ngay trước chuyến thăm theo lịch trình của Blinken cho thấy “hành vi bưng tai bịt mắt”.

“Họ tuyên bố rằng đó là một khinh khí cầu đi chệch hướng, nhưng họ không nói với chúng ta rằng nó đang đi chệch hướng cho đến khi chúng ta phát hiện ra nó. Những gì họ đang nói chỉ là trò tưởng tượng thôi.”

3. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski hô hào bắn hạ ngay các mối đe dọa trên không phận Alaska

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lisa Murkowski Pushes Zero Tolerance for Threats to Alaskan Airspace”, nghĩa là “Lisa Murkowski hô hào đừng khoan nhượng đối với các mối đe dọa trên không phận Alaska.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thượng nghị sĩ Alaska Lisa Murkowski nói với NBC News rằng bà “quan ngại” sau khi tham dự một cuộc họp báo mật về vật thể lạ bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển phía bắc bang của bà hôm thứ Sáu.

Các quan chức Hoa Kỳ trước đó trong ngày cho biết một vật thể di chuyển cao khoảng 40.000 feet hay 12.2km đã được phát hiện trên không phận Alaska vào hôm thứ Năm. Theo Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, vật thể không xác định có “kích thước bằng một chiếc xe hơi nhỏ” đã bị quân đội Mỹ phá hủy vào khoảng 1h45 chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ hôm thứ Sáu.

Thượng nghị sĩ Alaska Lisa Murkowski hôm thứ Năm nói chuyện với các phóng viên sau khi bà tham dự một cuộc họp kín về khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, DC. Murkowski hôm thứ Sáu nói với NBC News rằng bà vẫn “lo ngại” sau khi một vật thể không xác định thứ hai bị bắn xuống ngoài khơi bờ biển Alaska.

Vật thể chưa xác định được phát hiện chưa đầy một tuần sau khi một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm thứ Bảy.

Trong cuộc phỏng vấn vào tối thứ Sáu, Murkowski nói với Lester Holt của NBC News rằng bà vừa trở về sau một cuộc họp kín, nơi thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có cơ hội nói chuyện với Trung tướng David Nahom, chỉ huy Bộ Tư lệnh Alaska.

“Tôi lo ngại,” Murkowski nói sau cuộc họp báo.

Bà nói thêm: “Chúng ta mới thấy trong tuần này khinh khí cầu tầm cao bị bắn hạ ngoài khơi vùng biển Nam Carolina. Nhưng hôm nay chúng ta biết rằng lại có một vật thể không xác định khác bị bắn hạ thành công ở Alaska. Tôi muốn được bảo đảm rõ ràng rằng bất kỳ lãnh thổ hoặc không phận có chủ quyền nào ở đất nước này, nếu có mối đe dọa, nếu có sự xâm nhập, sẽ có hậu quả.”

Murkowski là một trong số những đảng viên Cộng hòa chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì đã chọn trì hoãn việc bắn hạ khinh khí cầu do thánm của Trung Quốc cho đến vài ngày sau khi nó được phát hiện. Trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm thứ Năm, Murkowski nói với các quan chức quốc phòng rằng khinh khí cầu lẽ ra phải bị phá hủy “ngay khi” nó đi vào không phận Alaska.

Thượng nghị sĩ đã lặp lại cảm xúc của mình trong cuộc phỏng vấn với NBC News, mặc dù bà thừa nhận rằng các quan chức đang giải quyết “các thực thể khác nhau” giữa khinh khí cầu do thám và vật thể bị bắn hạ hôm thứ Sáu.

“Nhưng một lần nữa, những gì bạn có là mối đe dọa đối với chủ quyền của chúng ta. Vì vậy, vâng, chúng ta cần phải hành động trước và thành thật mà nói, tuyến phòng thủ đầu tiên, một lần nữa, là Alaska. Nếu nó đi vào không phận Alaska, nếu nó đi qua vùng biển Alaska, chúng ta cần phải hành động, chúng ta cần gửi thông điệp và chúng ta cần phải rõ ràng và dứt khoát rằng chúng ta không dung thứ cho điều này.”

Theo John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, các kênh liên lạc giữa quân đội với quân đội giữa Trung Quốc và Mỹ “dường như không mở” sau tin tức về vật thể không xác định.

Vẫn chưa rõ mối liên hệ giữa vật thể bị bắn hạ ở Alaska và nhà cầm quyền Trung Quốc.

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc để bình luận.