Ngày 12-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mở ra không gian
Lm. Minh Anh
00:06 12/02/2022

MỞ RA KHÔNG GIAN
“Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn?”, “Các con có bao nhiêu bánh?”.

Bertrand Russell từng là Kitô hữu, nhưng ông từ chối đức tin và công khai trở thành một người vô thần. Con gái ông, Katherine Tait, đã nói về ông, “Ở nơi nào đó trong đáy lòng, trong sâu thẳm tâm hồn ông, có một khoảng trống đã từng được Chúa lấp đầy; ông đã từng ‘mở ra không gian’ cho Ngài. Thế nhưng, ông không bao giờ tìm thấy bất cứ thứ gì khác để đặt vào đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Russell từng có một khoảng không gian cho Chúa. Thật trùng hợp, Tin Mừng hôm nay đặt vấn đề về khoảng không gian đó qua hai câu hỏi thú vị, một của các môn đệ, một của Chúa Giêsu. Tuỳ theo loại hình, người đặt câu hỏi có thể ‘mở ra không gian’ cho Thiên Chúa hay khép kín nó, “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn?”, “Các con có bao nhiêu bánh?”.

“Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn?”. Dẫu đây là một câu hỏi rất nhân bản; nhưng xét cho cùng, nó lại tiết lộ một sự nghèo nàn thiêng liêng khi các môn đệ xem ra không đặt niềm tin vào Thầy mình. Đó là một câu hỏi đầy bi quan, phảng phất mùi tuyệt vọng. Một câu hỏi như vậy, nếu không có niềm tin, sẽ hình thành một nếp nghĩ, một tầm nhìn thiển cận khi chúng ta tự co rút để cam chịu một hoàn cảnh, một số phận. Cách đặt vấn đề khá ủ dột này sản sinh một loạt câu hỏi, biện minh cho sự bất khả trước bao vấn đề. Nhiệm vụ là bất khả thi, tại sao tôi phải cố gắng? Lực bất tòng tâm, tại sao tôi cứ mất thời giờ? Lối nghĩ này thường xuyên ngăn cản chúng ta mạo hiểm làm những điều tuyệt vời cho Thiên Chúa; và ngược lại, khiến chúng ta không mong đợi những điều tuyệt vời đến từ Ngài! Chúng ta không ‘mở ra không gian’ cho Ngài; thay vào đó, ‘vui hưởng’ thú đau thương trước những tình huống dường như vô vọng, như thể Thiên Chúa không toàn năng và Ngài chẳng đoái hoài đến con cái!

Ngược lại, câu hỏi của Chúa Giêsu hoàn toàn khác, “Các con có bao nhiêu bánh?”. Đây là một câu hỏi tích cực, tiềm tàng một niềm hy vọng và lạc quan; vì lẽ, Chúa Giêsu sắp ‘mở ra không gian’ cho Thiên Chúa; qua đó Chúa Cha có thể thực hiện một phép lạ vĩ đại để chứng thực quyền năng của Ngài trên Đấng Ngài đã sai đến. Chỉ cần một chút những gì sẵn có, cả khi chúng dường như không đủ đến vô vọng, “bảy chiếc bánh và mấy con cá”; tuy nhiên, một khi được trao cho Chúa Giêsu, Ngài đã nhân lên để nuôi sống hàng ngàn người. Phaolô đã từng nhắc nhở, “Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài để làm nhiều điều lớn lao hơn tất cả những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới”; dĩ nhiên, với điều kiện, mỗi người hào phóng với những gì mình có, dù chúng có vẻ nhỏ bé.

Thật thú vị, bài đọc Các Vua hôm nay cũng nói đến một người đã ‘mở ra không gian’, Giêrôbôam, nhưng không phải mở ra cho Thiên Chúa nhưng là cho con người; đúng hơn cho chính ông. Sợ rằng, dân chúng, một khi lên Giêrusalem, sẽ quay về với Rôbôam, con trai Đavít, Giêrôbôam đúc hai bò vàng cho dân thờ. Ông không thờ kính một thần khác, nhưng ông xem biểu tượng này như là đại diện cho Thiên Chúa vô hình của Israel. Vì thế, ông bị tiêu diệt.

Anh Chị em,

“Các con có bao nhiêu bánh?”, Chúa Giêsu tiếp tục hỏi chúng ta như thế! Mỗi ngày, đến với Bí tích Thánh Thể, chúng ta ‘mở ra không gian’ tâm hồn cho Chúa Giêsu ngự vào, một không gian chật hẹp, và đôi khi, rất tăm tối; thế nhưng, Ngài vẫn đoái thương hạ cố. Cũng ở đó, cùng một câu hỏi, Ngài tiếp tục hỏi chúng ta, Ngài chờ đợi phần ‘bánh và cá’ còm cõi của chúng ta; để từ đó, Ngài có thể tiếp tục nhân lên, nhân lên… hầu nuôi sống bao nhiêu anh chị em khác. Ước mong sao, đền thờ tâm hồn chúng ta ngày càng sạch trong, hầu xứng đáng cho Chúa Giêsu chiếm ngự; và ước mong sao, chúng ta biết dâng tất cả phần ít ỏi của mình vào tay Ngài, để Ngài có thể mở ra những không gian mới cho Vương Quốc qua chính chúng ta, khí cụ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể ‘mở ra không gian’ cho Thiên Chúa, xin giúp con đoạn tuyệt với những ràng buộc rối loạn với các tạo vật, để bám rễ vững chắc vào Đấng Tạo Thành”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh lễ Chúa Nhật 6 Mùa Quanh Năm 13/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
03:54 12/02/2022

BÀI ĐỌC 1 Gr 17:5-8

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Ðức Chúa phán như sau:

Ðáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,

lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,

và lòng dạ xa rời Ðức Chúa!

Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa

chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ,

hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra,

nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy,

trong vùng đất mặn không một bóng người.

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Ðức Chúa,

và có Ðức Chúa làm chỗ nương thân.

Người ấy như cây trồng bên dòng nước,

đâm rễ sâu vào mạch suối trong,

mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì,

lá trên cành vẫn cứ xanh tươi,

gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại,

và không ngừng trổ sinh hoa trái.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Cr 15:12,16-20

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Ðức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Ðức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Ðức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Ðức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 4:19

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 6:17,20-26

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Ðức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn. Thấy vậy, Ðức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.

Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê,

vì các ngươi sẽ phải đói.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sống theo tám mối phúc thật, là lối sống đạo đẹp lòng Chúa nhất. Với ước mong nên hoàn thiện như Cha trên trời, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Phúc thay cho người tin tưởng vào Chúa” Xin cho Hội Thánh được Chúa hướng dẫn luôn phát triển, để mọi Kitô hữu luôn cảm thấy hạnh phúc vì có Chúa đồng hành. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”. Xin cho niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, thúc đẩy những nhà hoạt động xã hội sẵn sàng hy sinh hơn nữa, để mưu tìm hạnh phúc cho mọi người, nhất là những người nghèo đói bệnh tật trong lúc khó khăn của đại dịch Covid-19 này. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó”. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, khi tìm thoát cảnh nghèo khó, không đánh mất khát vọng Nước Trời, và biết sống theo tinh thần Tám Mối Phúc thật, yêu thương săn sóc những người yếu đau bệnh tật nhiều hơn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. Nói thì dễ làm mới khó. Xin cho mỗi người chúng ta trong ngày Chúa Nhật khi đọc kinh “phúc thật tám mối “ thì cũng biết thực hành như vậy cho những anh chị em bệnh nhân, biết kết hợp hi sinh đời mình với Thập Giá Chúa Kitô, để không chán nản thất vọng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con chỉ trở nên môn đệ đích thực của Chúa, khi chúng con tuân giữ trọn vẹn lề luật của Chúa. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con mãi mãi tin yêu và sống theo luật Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:04 12/02/2022

8. Dùng con mắt lãnh đạm để đọc Phúc Âm thì giống như ở nơi rất lạnh, nếu con tiếp xúc chín chắn thì sẽ biến thành nóng như lửa.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:08 12/02/2022
96. NAM NỮ CÓ KHÁC BIỆT

Truyền Hiển rất thích đọc sách, thông hiểu văn chương lễ nghĩa, và cũng hiểu biết chút đỉnh tri thức về y dược, nhưng tính tình ông ta có một chút cổ hủ.

Một hôm, ông ta cuốc bộ đến chợ, thấy người liền hỏi:

- “Anh có thấy Ngụy Tam huynh không?!”

Có người chỉ chỗ, ông ta liền đến đó tìm.

Sau khi gặp Ngụy Tam, lại định thần giây lát mới chậm rãi thong dong nói:

- “Vừa rồi tôi có nỗi khổ bên giếng nước, nhìn thấy vợ của huynh ngồi thêu thùa dưới gốc cây, vì mệt mỏi nên ngủ gục bên đó. Con nhỏ của huynh chạy chơi bên giếng nước, chỉ cách miệng giếng năm ba tấc mà thôi, rất nguy hiểm, nhưng bởi vì nam nữ có khác biệt, nên tôi không tiện kêu vợ anh thức dậy, cho nên mới đến tìm anh”.

Ngụy Tam kinh hoàng chạy đi, khi ông ta đến nơi thì thấy vợ nằm phủ trên miệng giếng khóc thảm thiết, vì đứa con đã rơi xuống giếng.

(Duyệt Vi Thảo Đường búy ký)

Suy tư 96:

Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và người nữ có sự khác biệt, sự khác biệt này nhìn thấy rất rõ nơi người nam người nữ, nhưng lòng bác ái của người nam người nữ thì không khác biệt nhau: ai cũng có một quả tim biết động lộng trắc ẩn trước nỗi khổ của tha nhân, ai cũng có một bức xúc trước bất hạnh của người khác.

- Có người nói tôi khác đạo với họ nên không ra tay giúp đỡ.

- Có người nói tôi với họ không cùng giai cấp nên không ra tay giúp đỡ.

- Có người nói tôi với họ khác dòng tộc nên không ra tay giúp đỡ.

- Có người nói tôi với họ khác nhau về trình độ nên không ra tay giúp đỡ.

- Có người nói tôi là con nhà quyền quý, họ là con nhà nghèo nên không ra tay giúp đỡ...

Nếu Thiên Chúa nói: loài người là giống đất bùn tội lỗi hèn hạ nên Ta cứ bỏ mặc, thì nhân loại sẽ ra sao?

Nếu Đức Chúa Giê-su nói: loài người phạm tội cứ để chúng nó bị phạt trầm luân, nên không xuống thế làm người chịu nạn chịu chết trên thánh giá, thì chúng ta bây giờ sẽ ra sao?

Vì nhìn thấy sự khác biệt giữa nam nữ, mà con của bạn mình sắp rơi xuống giếng mà không cứu để nó chết.

Người Ki-tô hữu không nhìn thấy sự khác biệt giữa người nam người nữ, giữa người này người nọ khi làm việc bác ái, nhưng họ chỉ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su trong người cần họ giúp đỡ mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 6 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:10 12/02/2022
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.”


Bạn thân mến,

Hôm nay Đức Chúa Giê-su giảng cho bạn và tôi nghe một bài học rất là thấm thía, người ta nói lời Ngài giảng như có một quyền uy sức mạnh, khiến cho ai nghe cũng phải cảm phục và thích nghe Ngài giảng, vậy Đức Chúa Giê-su giảng như thế nào?

1. Đức Chúa Giê-su giảng: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó; phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói; phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc; phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét.v.v...”

Những cái phúc này xem ra ngược đời với những người cùng thời với Đức Chúa Giê-su, và càng ngược đời chói tai hơn đối với người thời đại của chúng ta –thời đại của kim tiền vật chất thống trị- nhưng nó sẽ không chói tai chút nào đối với những người đã nghe và thực hành các mối phúc mà Đức Chúa Giê-su đã dạy.

Có nhiều lần bạn và tôi than thở rằng mình không có phúc vì đang sống trong cảnh nghèo khó; có lắm lúc bạn và tôi phải đói meo vì chúng ta không có gì ăn; có nhiều lần bạn và tôi âm thầm khóc than vì dồn dập những bất công đang ập xuống trên bản thân cũng như trên gia đình chúng ta; có nhiều lần bạn và tôi âm thầm cử hành thánh lễ và các bí tích, đang chịu bắt bớ vì mình tin vào Đức Chúa Giê-su, đó là những thực tế quá chua cay và không một ai muốn như thế.

Nhưng cũng có một thực tế huy hoàng khác mà bạn và tôi phải cảm nhận và phải biết, đó là những người đã thực hành các mối phúc này đang ngày đêm vui tươi hoan ca trong tình yêu của Chúa, họ sống khó nghèo, họ vui tươi khi gặp buồn phiền, họ trưởng thành hơn khi chịu bắt bớ vì đạo Chúa, họ chính là các thánh nam nữ, là những người lành thánh đang hưởng phúc thiên đàng, họ là những mẫu mực công chính của chúng ta.

2. Đức Chúa Giê-su giảng tiếp: “Nhưng khốn cho các người là những kẻ giàu có; khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ được no nê; khốn cho các người là những kẻ đang vui cười; khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng...”

Những cái khốn này cũng là chói tai và khó nghe, bởi vì con người ta ai lại không thích có tiền, ai lại không thích được ăn sung mặc sướng, ai lại không thích đùa giỡn vui vẻ, ai lại không thích được người khác ca tụng?

Nhưng đúng là khốn nạn khi chúng ta có tiền của để rồi dùng tiền mua lấy tội lỗi cho mình, dùng tiền để làm điều gian ác; đúng là khốn nạn thật khi chúng ta bây giờ được no nê phè phởn trên sự đói nghèo của anh chị em mà không một chút chạnh lòng; đúng là khốn nạn thật khi mà chúng ta cười cợt thâu đêm bên những bóng hồng kĩ nữ với những lon bia li rượu hàng trăm đô la Mỹ; đúng là khốn nạn thật khi chúng ta vênh mặt lên khi được mọi người ca tụng vì thành quả của mình, mà quên mất rằng chính Thiên Chúa là tác giả của thành công ấy..

Bạn thân mến,

Trong cuộc sống của mình bạn và tôi thường đi tìm bốn cái khốn nạn mà Đức Chúa Giê-su đã giảng, còn cái phúc thì chúng ta lại không tìm kiếm, bởi vì chúng ta chưa hiểu trọn lời giảng của Ngài, bạn và tôi chưa hiểu là vì chúng ta không nhiệt tâm nghe và suy tư, bạn và tôi không nhiệt tâm là vì chúng ta yêu mến Ngài chưa đủ.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan của Thánh Thần, để chúng ta biết chọn cái phúc của Chúa hơn là cái phúc của người đời.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phúc thật lớn nhất
Lm. Nguyễn Xuân Trường
17:12 12/02/2022

PHÚC THẬT LỚN NHẤT

Những ngày đầu năm mới mọi người mong ước và cầu chúc nhau nhiều phúc lộc. Phúc Âm tuần này Chúa cũng ban nhiều phúc cho con người. Phúc Chúa ban không đi ngược với hạnh phúc con người mong ước, mà là vượt trên, là phúc thật lớn nhất.

Nghèo khó, đói khát, khóc lóc… chẳng ai muốn. Những người ở trong hoàn cảnh ấy dễ bị đời khinh thường, bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhưng họ vẫn được Chúa đoái thương, ủi an nâng đỡ. Họ có phúc vì được Chúa thương.

Tin Chúa, làm chứng cho Chúa không tránh được sự bách hại vì bóng tối thì ghét ánh sáng. Thế nhưng, chịu bách hại mà không bất hạnh vì phần thưởng đang ở phía trước như lời Chúa hứa: “Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Đời có phúc vì được Chúa thưởng.

Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn ban phúc lành, phúc thật cho loài người. Điều quan trọng là, chúng ta cần đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, để đời ta chan hòa hạnh phúc như lời Chúa trong bài Đọc I: “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa, và có Chúa làm chỗ nương thân.” Có Chúa là có phúc thật lớn nhất. Amen.
 
Đỉnh cao toàn thiện
Lm. Minh Anh
23:50 12/02/2022

ĐỈNH CAO TOÀN THIỆN
“Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!”.

Năm 1924, sau thất bại thám hiểm Everest, nhiều người chết. Phát biểu tại một cuộc họp, một người đã mô tả cuộc phiêu lưu xấu số. Sau đó, quay sang một bức ảnh khổng lồ đỉnh Everest, anh kêu lên, “Everest! Chúng tôi đã cố chinh phục bạn một lần, nhưng bạn đã áp đảo chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng lần hai; một lần nữa, bạn đã quá sức chúng tôi. Nhưng, Everest, bạn hãy biết rằng, chúng tôi sẽ chinh phục bạn, vì bạn không thể lớn hơn nữa; còn chúng tôi, có thể!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng tôi, có thể!”. Đó cũng là những gì Chúa muốn chúng ta khẳng định với ‘đỉnh cao toàn thiện’ như vận động viên kia! Thật thú vị, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói lên một sự thật, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để trở nên tầm thường; Ngài mời chúng ta đạt đến đỉnh cao qua việc sống các Mối Phúc. Phúc cho ai nghèo khó, đói khát, khóc lóc, và bị thù ghét vì Ngài!

Đó đúng là những gì thế gian ghê sợ; và chúng ta đừng quên, Thiên Chúa cũng gớm ghiếc! Thế nhưng, lạ lùng thay, chính khi sống những nghịch lý Tin Mừng đó, những tầm cao đó, tâm hồn người môn đệ Chúa Giêsu lại tìm được cho mình một phần thưởng lớn lao nhất, chính Thiên Chúa, “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất cũng đồng tình, “Khốn cho ai tin tưởng người đời; phúc thay người tin tưởng nơi Chúa!”, Đấng mà vì Ngài, họ dám trở nên nghèo khó, đói khát, khóc lóc, và bị thù ghét. Vậy tại sao được gọi là phúc? Được gọi là phúc, vì lẽ, Thiên Chúa, Đấng liên tục lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, dẫn chúng ta đi trên con đường Giêsu, đường cứu độ. Trên đó, Ngài thanh luyện chúng ta; đồng thời, củng cố, đổ đầy niềm tin, tình yêu và hy vọng; Ngài đưa chúng ta đến một mức độ thánh thiện ngày càng tăng. Vì thế, đừng bao giờ an phận với một cuộc sống tầm thường; thay vào đó, chúng ta quyết tâm đạt tới ‘đỉnh cao toàn thiện’, để Thiên Chúa trở thành trung tâm của tất cả, không chỉ đời này nhưng cả đời sau! Thánh Phaolô thật chí lý qua xác tín trong thư Côrintô hôm nay, “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô ở đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ”.

Trong cuốn “Bí Mật của Đời Sống Nội Tâm”, “Secrets of the Interior Life”, Đức Cha Luis María Martínez viết, “Với ánh sáng của Thiên Chúa, linh hồn tiến bộ vững chắc khi nhìn thấy sự khốn cùng của mình. Chúng ta luôn có thể chìm sâu hơn trong đau khổ; nhưng theo mức độ mà chúng ta đi xuống, chúng ta sẽ đi lên; vì như vậy, đến gần Thiên Chúa hơn. Người ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa rõ hơn từ bên dưới; qua đó, thưởng thức những vuốt ve của Ngài cách ngọt ngào hơn, cảm nghiệm sâu sắc hơn sự quyến rũ từ sự hiện diện thiêng liêng của Ngài”.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi ngước mắt nhìn đám đông, ánh mắt Chúa Giêsu xuyên thấu những pháo đài bên trong họ, trái tim, nơi diễn ra trận chiến mỗi ngày giữa sự giằng co ‘tôi thuộc về Chúa hay thuộc về thế gian’. Trái tim được tạo ra cho tình yêu, nhưng bên trong, một cuộc chiến đã bùng phát giữa tình yêu Thiên Chúa hay tình yêu các tạo vật, mà thực sự là yêu bản thân. Ở đó, trận chiến giành lấy ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa phải được phát động không ngừng; bởi lẽ, sự sống và sự vĩnh cửu là “của dành, của để”. Như vậy, không ai có thể đạt tới ‘đỉnh cao toàn thiện’ mà không từ bỏ những gì họ sở hữu, khi tâm hồn chưa được giải phóng khỏi chúng. Nói cách khác, Thiên Chúa sẽ không chiếm hữu hoàn toàn trái tim chúng ta cho đến khi mọi thứ khác đã bị loại bỏ. Chừng nào cội rễ của những tình cảm ngổn ngang sau cùng còn đó, những gì không bị triệt tiêu… tình yêu của Thiên Chúa vẫn không thể toàn trị!

Anh Chị em,

“Chúng tôi, có thể!”. Chúng ta có thực sự khát khao một đời sống thánh thiện không; hay chúng ta chỉ bằng lòng với việc trở thành một Kitô hữu vốn chỉ cần không phải gây ô nhục, cũng không cần ngợi khen? Nghĩa là chúng ta tin Chúa, biết quý trọng người khác, nhưng cũng không cần phải nhấn mạnh quá mức. Như thế, hoặc là thánh thiện hoặc là tầm thường! Và nếu chấp nhận một lối sống cầm chừng với những gì tối thiểu, chúng ta không bao giờ đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện’ như Thiên Chúa kỳ vọng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con can đảm loại bỏ tận gốc những chấp trước, khiến con không thể đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện’, tức là trở nên một vị thánh mà Chúa mời gọi con trở thành!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phiên điều trần đầu tiên tại Faisalabad liên quan đến gia đình Kitô bị bách hại trong sáu tháng qua
Đặng Tự Do
05:36 12/02/2022


Vẫn chưa có hồi kết cho việc quấy rối và đàn áp các tín hữu Kitô ở Pakistan: góa phụ Rifat Rani và các con của bà đã bị những người hàng xóm Hồi giáo của họ ngược đãi trong hơn sáu tháng và chỉ được ra tòa sau khi cầu cứu Human Rights Focus Pakistan.

Rifat Rani, 48 tuổi, làm công việc dọn dẹp tại Đại học Nông nghiệp Faisalabad. Gia đình có sáu người phụ thuộc khác, cô không thể kiếm sống qua ngày sau cái chết của chồng mình, vì vậy cô đã nhờ người hàng xóm Akbar Ali giúp đỡ. Ali đồng ý chia sẻ tiền điện với góa phụ, nhưng khi hóa đơn đầu tiên đến vào ngày 25/8, anh ta yêu cầu cô trả toàn bộ 14,000 rupee, tức là khoảng 75 euro.

Rifat từ chối, yêu cầu trả những gì đã thỏa thuận, tức là một nửa. Muốn có thêm tiền, Akbar Ali bắt đầu đe dọa và quấy rối cô con gái Iram. Khi anh trai cô, Haroon Masih, liên lạc với cảnh sát, họ đã bắt Ali và thật bất ngờ đã bắt cả Haroon, giam giữ trong 10 ngày.

Sau khi ra tù, cả hai đã đạt được thỏa thuận ban đầu về việc thanh toán hóa đơn, nhưng sau đó tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong suốt mùa thu, Akbar Ali và những người ủng hộ của ông đã tấn công gia đình Rifat Rani, chúng bắt cóc và tra tấn những thành viên trong gia đình và cuối cùng phóng hỏa ngôi nhà của họ khi họ đang ở trong nhà..

Đó là thời điểm mà góa phụ Kitô giáo quyết định chuyển sang Human Rights Focus, sau khi những lời phàn nàn trước đó với cảnh sát đều vô ích. Vào ngày 28 tháng 12, một ngày sau vụ đốt nhà, cuối cùng Human Rights Focus đã buộc được cảnh sát mở cuộc điều tra. Phiên điều trần đầu tiên được tổ chức vào ngày 2 tháng 2, nhưng đã bị hoãn lại đến ngày 9 tháng 2 vì Akbar Ali có mặt mà không có luật sư.

Tình hình trở nên phức tạp vì con trai của Rifat Rani, Haroon Masih và con rể của ông, Arslan Masih, lại đang phải đối mặt với một phiên tòa vì họ bị buộc tội cưỡng hiếp con gái của Akbar Ali. Hiện tại họ đã được tại ngoại. Gia đình cho rằng đây là một trong những lời tố cáo sai sự thật của người hàng xóm để trả thù họ.
Source:Asia News
 
Cha sở ở Phoenix, đã rửa tội hàng ngàn người không đúng cách trong nhiều thập kỷ qua, ân hận và xin từ chức
Đặng Tự Do
05:37 12/02/2022


Một linh mục Công Giáo ở Phoenix đã xin lỗi, cầu xin sự tha thứ và từ chức cha sở giáo xứ sau khi xác định rằng ngài đã không làm lễ rửa tội hợp lệ trong hai thập kỷ phục vụ trong tư cách là linh mục ở Brazil, ở Giáo phận San Diego và ở Giáo phận Phoenix.

Trong một lá thư gửi cho các tín hữu của giáo phận, Đức Cha Thomas Olmsted của Phoenix cho biết thông tin này “như sét đánh ngang tai và cũng là một thách thức đối với tôi khi công bố”.

Ngài nói: “Với sự quan tâm mục vụ chân thành, tôi thông báo với anh chị em rằng các lễ rửa tội được thực hiện bởi Cha Andres Arango, một linh mục của Giáo phận Phoenix, là không hợp lệ.”

Đức Cha Olmsted trích dẫn ghi chú giáo lý ngày 6 tháng 8 năm 2020 của Bộ Giáo lý Đức tin, trong đó nói rằng phép rửa tội được thực hiện với công thức “Chúng tôi làm phép Rửa Tội cho bạn nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” là không hợp lệ. Cha Arango đã sử dụng công thức này.

Đức Cha Olmsted giải thích: “Vấn đề là việc sử dụng từ 'Chúng tôi'. Không phải cộng đồng làm phép Rửa Tội cho một người, đúng hơn, đó là Chúa Giêsu Kitô, và chỉ một mình Ngài, là người chủ trì tất cả các bí tích, và vì vậy chính Chúa Giêsu làm lễ rửa tội”.

“Tôi không tin Cha Andres có bất kỳ ý định nào làm hại các tín hữu hoặc tước đi ân sủng của phép Rửa Tội và các bí tích. Thay mặt cho Giáo Hội địa phương của chúng ta, tôi cũng thành thật xin lỗi vì sai sót này đã dẫn đến sự gián đoạn đời sống bí tích của một số tín hữu. Đây là lý do tại sao tôi cam kết thực hiện mọi bước cần thiết để khắc phục tình hình cho tất cả những người bị ảnh hưởng”.

Cha Arango là một cựu thành viên của Dòng Eudist, còn được gọi là Dòng của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài trả lời tin này trong lá thư riêng của mình, nói rằng: “Tôi rất buồn khi biết rằng tôi đã thực hiện các phép Rửa Tội không hợp lệ trong suốt sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục bằng cách thường xuyên sử dụng một công thức không chính xác. Tôi vô cùng hối hận về lỗi lầm của mình và điều này đã ảnh hưởng đến nhiều người trong giáo xứ của anh chị em và những nơi khác như thế nào. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần và sự hiệp thông với Giáo phận Phoenix, tôi sẽ cống hiến năng lượng và chức vụ toàn thời gian của mình để giúp khắc phục điều này và chữa lành những người bị ảnh hưởng”.

“Tôi thành thật xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào mà hành động của tôi đã gây ra và thực sự mong các bạn cầu nguyện, tha thứ và thông cảm,” Cha Arango nói.

Cha Arango đã phục vụ tại Giáo phận São Salvador da Bahia của Brazil vào cuối những năm 1990. Sau đó, ngài phục vụ tại California với tư cách là giám đốc Trung tâm Newman của Đại học tiểu bang San Diego từ năm 2001 đến 2005. Ngài chuyển đến Giáo xứ Thánh Jerome ở Phoenix, Arizona, nơi ngài đã làm cha xứ từ năm 2005 đến năm 2013. Ngài là cha sở giáo xứ Thánh Anne ở Gilbert, Arizona từ năm 2013 đến năm 2015. Sau đó là cha sở giáo xứ Thánh Grêgôriô ở Phoenix từ năm 2015 đến ngày 1 tháng 2, khi ngài từ chức.

Giáo phận Phoenix trên trang web của mình đã công bố một lời giải thích và một mẫu đơn liên hệ cho bất kỳ ai tin rằng họ hoặc con cái của họ đã được linh mục làm phép Rửa Tội không hợp lệ. Những người không chắc linh mục nào đã tham gia vào lễ rửa tội nên xem giấy chứng nhận rửa tội của mình, một bản sao của giấy chứng nhận này thường có sẵn từ giáo xứ nơi lễ rửa tội diễn ra. Hình ảnh hoặc video về lễ rửa tội cũng có thể giúp xác định ai là linh mục quản nhiệm. Nếu thiếu bất kỳ bằng chứng nào như vậy, một người nên liên hệ với giáo xứ của họ để được giúp đỡ.

Giáo phận Phoenix cho biết: “Nếu bạn được rửa tội bằng những từ ngữ sai, điều đó có nghĩa là phép Rửa Tội của bạn không hợp lệ, và bạn chưa hề được rửa tội. Bạn sẽ cần phải được rửa tội”. Bất cứ ai biết linh mục hoặc phó tế sử dụng công thức rửa tội không hợp lệ trong giáo phận nên liên hệ với các viên chức giáo phận.

Một phép Rửa Tội không hợp lệ sẽ làm mất hiệu lực của bí tích Thêm Sức và các thánh chức, đối với người đã lãnh nhận các bí tích này. Những người chưa được rửa tội hợp lệ không được rước lễ cho đến khi họ có thể được rửa tội. “Không có câu trả lời rõ ràng duy nhất” về việc thiếu một phép Rửa Tội hợp lệ có ảnh hưởng đến hôn nhân hay không, và những người có cuộc hôn nhân có thể bị ảnh hưởng theo cách này nên liên hệ với tòa án giáo phận.

Giáo phận Phoenix nói rằng Cha Arango “không bị treo chén” và vẫn đang ở trong tình trạng tốt.

Giáo phận cho biết trên trang web của mình rằng: “Giáo phận đang hợp tác chặt chẽ với Cha Andres và các giáo xứ mà trước đây ngài được bổ nhiệm và thông báo cho bất kỳ ai có thể đã được rửa tội không hợp lệ. Cha Andres sẽ dành thời gian của mình để giúp đỡ và chữa lành những người bị ảnh hưởng”.

Bức thư của Đức Cha Olmsted yêu cầu những lời cầu nguyện cho vị linh mục và “cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tình huống không may này.”

Đức Cha nói: “Tôi cam kết làm việc siêng năng và nhanh chóng để mang lại bình an cho những người bị ảnh hưởng, và tôi bảo đảm với các bạn rằng tôi và các nhân viên giáo phận của chúng ta hết lòng cam kết hỗ trợ những người có thắc mắc về việc lãnh nhận các bí tích”.

Ngài lưu ý rằng bổn phận của chính mình là phải “cảnh giác” trong việc giám sát việc cử hành các bí tích và bảo đảm rằng các bí tích được “ban theo cách phù hợp với các mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô trong Phúc Âm và các yêu cầu của truyền thống thiêng liêng.”

Giáo phận cho biết: “Nó có vẻ hợp pháp, nhưng những lời được nói ra, cùng với những hành động được thực hiện và những chất liệu được sử dụng là những khía cạnh quan trọng của mọi bí tích”. Nếu các linh mục không được dùng sữa thay cho rượu khi truyền phép, thì các ngài cũng không được thay đổi lời nói khi làm phép Rửa Tội.

Trích dẫn việc Chúa thiết lập bí tích và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Giáo phận Phoenix cho biết “Phép Rửa Tội là một đòi hỏi để được cứu rỗi”.

Đồng thời, giáo phận cũng tìm cách giải thích rằng ân sủng của Thiên Chúa vẫn có thể hoạt động nếu các bí tích không được thực thi một cách hợp lệ.

Nhắc lại thần học về bí tích của Công Giáo, giáo phận cho biết “Điều quan trọng cần lưu ý là, trong khi Thiên Chúa thiết lập các bí tích cho chúng ta, thì Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích ấy. Mặc dù các bí tích là cách tiếp cận chắc chắn nhất của chúng ta với ân sủng, nhưng Thiên Chúa có thể ban ân sủng của Ngài theo những cách mà chỉ Ngài mới biết”.

Giáo phận cho biết: “Người Công Giáo có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa làm việc qua các bí tích khi được ban phát đúng cách, nhưng chúng ta có thể yên tâm rằng tất cả những ai đến gần Thiên Chúa, Cha chúng ta, với thiện chí lãnh nhận các bí tích đều không ra về tay không.”

Việc không làm lễ rửa tội hợp lệ đã gây ra vấn đề lớn cho một linh mục ở Oklahoma. Ngài nghĩ rằng ngài đã được thụ phong linh mục Công Giáo. Nhưng khi xem một đoạn video về lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh của mình, ngài phát hiện ra mình đã được rửa tội không hợp lệ bởi một phó tế Texas, người đã sử dụng công thức “chúng tôi làm phép Rửa”. Sau đó, vị linh mục đã phải làm lại hết từ đầu: được rửa tội lại, được Thêm Sức, được Rước lễ lần đầu, thụ phong phó tế và sau đó thụ phong linh mục.

Vào tháng 9 năm 2020, Đức Cha Michael Olson của Fort Worth đã thông báo công khai rằng giáo sĩ chịu trách nhiệm về các phép Rửa Tội không hợp lệ là Phó Tế Philip Webb, một phó tế vĩnh viễn hiện đã nghỉ hưu thuộc Giáo phận Dallas nhưng được chỉ định làm Phó Tế tại giáo xứ Thánh Catêrina thành Siena ở Carrollton, Texas, thuộc Giáo phận Fort Worth. Đức Cha Olson cho biết bất kỳ ai đã được rửa tội bởi vị phó tế này nên được làm phép Rửa Tội lại trừ khi có bằng chứng chứng minh rằng vị Phó Tế đã làm phép Rửa Tội cho họ một cách hợp lệ.

Một linh mục khác, Cha Matthew Hood của Tổng giáo phận Detroit, cũng phát hiện ra rằng mình chưa được rửa tội hợp lệ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh và vì vậy phải lại tất cả từ đầu.
Source:Catholic News Agency
 
Tiến Trình Công Nghị Đức kêu gọi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, thay đổi Giáo lý về đồng tính luyến ái
Đặng Tự Do
05:38 12/02/2022


Phiên khoáng đại Tiến Trình Công Nghị Đức đã kết thúc vào hôm thứ Bảy với số phiếu áp đảo ủng hộ các văn bản dự thảo kêu gọi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và đòi hỏi Giáo Hội phải có những thay đổi đối với Giáo lý về đồng tính luyến ái.

Hôm 5 tháng 2, những người tham gia đã ủng hộ một tài liệu có tựa đề “Các cử hành chúc phúc cho các cặp yêu nhau” với 161 phiếu thuận, 34 phiếu chống, và 11 phiếu trắng, CNA Deutsch, đưa tin.

Họ cũng tán thành cuộc thảo luận sâu hơn về một văn bản nhan đề “Đánh giá Huấn quyền về đồng tính luyến ái” với 174 phiếu thuận, 22 phiếu chống và 7 phiếu trắng.

Bản văn nói rằng “các đoạn 2357 đến 2359 và 2396 liên quan đến đồng tính luyến ái và đức khiết tịnh của Sách Giáo lý phải được sửa đổi” như một phần của việc “đánh giá lại đồng tính luyến ái.”

Các cuộc bỏ phiếu được đưa ra vào ngày cuối cùng của cuộc họp thứ ba của Thượng Hội Đồng, cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị, ở Frankfurt, Tây Nam nước Đức.

Tiến Trình Công Nghị là một quá trình kéo dài nhiều năm gây ra rất nhiều tranh cãi, quy tụ các giám mục và giáo dân của Đức để thảo luận về cách thức thực thi quyền lực trong Giáo Hội, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ.

Thượng Hội Đồng Đức bao gồm các giám mục, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, rất có quyền lực, và đại diện của các bộ phận khác của Giáo Hội Đức.

Vào ngày đầu tiên của sự kiện, các thành viên đã thông qua một “văn bản định hướng”, đặt ra nền tảng thần học của Tiến Trình Công Nghị, cũng như một tài liệu về “quyền lực và sự phân chia quyền lực trong Giáo Hội”.

Vào ngày thứ hai, họ ủng hộ các văn bản kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, loại bỏ luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Latinh, và cho giáo dân có quyền tham gia vào việc bầu các tân giám mục.

Vào ngày cuối cùng, những người tham gia đã tán thành tổng cộng bốn tài liệu.

Văn bản “Tuyên bố của huấn quyền về tình yêu phu phụ” đã được chấp nhận để xem xét thêm với 169 phiếu thuận, 30 phiếu chống, và 6 phiếu trắng.

Tài liệu, cũng kêu gọi sửa đổi Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về ngừa thai, bằng đoạn sau đây: “Các cặp vợ chồng chịu trách nhiệm về thời điểm trở thành cha mẹ, về số lượng con cái của họ cũng như các phương pháp kế hoạch hóa gia đình khác nhau. Điều này được thực hiện trong sự tôn trọng lẫn nhau và theo lương tâm cá nhân”.

“Theo nghĩa này, các đoạn 2366, 2367, 2396 liên quan đến khả năng sinh sản của vợ chồng, các đoạn từ 2368 đến 2370, và 2399 liên quan đến việc thụ thai, phải được sửa đổi” theo ý của Tiến Trình Công Nghị Đức.

Văn bản cuối cùng được phê duyệt vào ngày 5 tháng 2, “Trình tự cơ bản của việc phục vụ trong Giáo Hội”, kêu gọi cải cách luật việc làm trong Giáo Hội Công Giáo địa phương, là nhà tuyển dụng lớn thứ hai sau chính quyền ở Đức. Nó đã vượt qua lần đọc đầu tiên với 181 phiếu thuận, 13 phiếu chống, và 11 phiếu trắng.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Sứ thần Tòa thánh tại Đức, đã phát biểu trước đại hội hôm thứ Bảy.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng thường nói về tính đồng nghị và những khía cạnh tích cực gắn liền với nó, nhưng cũng khuyến khích việc tránh hiểu nhầm và những lầm lạc”.

“Trong số những khía cạnh đặc trưng của tính đồng nghị, Đức Giám Mục Rôma đề cập trên hết đến điều này: tính đồng nghị là một ân sủng của Chúa Thánh Thần; đó là con đường hướng tới một cộng đồng Giáo Hội có sứ mệnh chủ yếu là truyền giáo, là công cuộc Phúc âm hóa thế giới ngày nay; Giáo Hội đồng nghị cần sự tham gia của tất cả mọi người, mặc dù ở các cấp độ khác nhau”.

“Đồng thời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo chống lại chủ nghĩa nghị viện, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa trí thức và chủ nghĩa giáo sĩ.”

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã tuyên bố vào tháng 3 năm 2021 rằng Giáo Hội không có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Tuyên bố của Vatican, được đưa ra với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã làm dấy lên các cuộc phản đối trong thế giới Công Giáo nói tiếng Đức.

Một số giám mục bày tỏ sự ủng hộ đối với những lời chúc phúc của các cặp đồng tính, trong khi các nhà thờ treo cờ tự hào đồng tính cao hơn cả thánh giá và một nhóm hơn 200 giáo sư thần học đã ký vào một tuyên bố chỉ trích Vatican.

Các linh mục và nhân viên mục vụ trên khắp nước Đức đã tổ chức một ngày biểu tình vào tháng 5 năm ngoái, trong đó họ tiến hành các nghi lễ chúc lành có sự tham dự của các cặp đồng tính.

Phiên khoáng đại tiếp theo của Tiến Trình Công Nghị sẽ diễn ra tại Frankfurt từ ngày 8 đến 10 tháng 9. Tiến Trình Công Nghị dự kiến sẽ kết thúc vào mùa xuân năm 2023, trước Thượng hội đồng về tính đồng nghị ở Rôma vào tháng 10 năm tới.
Source:Catholic News Agency
 
Ấn Giáo cực đoan phá hủy Trung tâm xã hội Thánh Giá ở Karnataka
Đặng Tự Do
16:06 12/02/2022


Trong bản tin đánh đi hôm 7 tháng Hai, Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết: Một nhóm chiến binh cực đoan theo Ấn Giáo đã phá hủy Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn, một nơi cầu nguyện và cung cấp các dịch vụ xã hội của Công Giáo, được xây dựng cách đây 40 năm ở Urandady Gudde-Panjimogaru, gần thành phố Magalore, thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Độ.

Vào ngày 5 tháng 2, các thành viên của nhóm “Shri Sathya Kordabbu Seva Samiti” đã san bằng trung tâm này. Các chiến binh cực đoan đã xông đến trung tâm với một chiếc xe ủi đất, và phá hủy tòa nhà cung cấp các dịch vụ xã hội.

Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn hoạt động như một trung tâm tị nạn và tiếp nhận cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khoảng 30 gia đình địa phương bày tỏ sự đau khổ và lo lắng trước sự việc này và họ đã rơi vào tình cảnh vô gia cư.

Việc phá dỡ diễn ra mà không có bất kỳ sự biện minh pháp lý nào. Trong suốt 40 năm qua, Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn cung cấp chỗ ở và thực phẩm cho những người cùng đinh tại Magalore. Những người Ấn Giáo cực đoan cho rằng Trung tâm có ý muốn cải đạo những người nghèo. Đó là một cáo buộc không đúng sự thật.

Antony Prakash Lobo, chủ tịch ủy ban điều hành Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn, đã đệ trình “Báo cáo đầu tiên” về vụ tấn công, và lưu ý rằng “hành động bất hợp pháp này đang tạo ra sự bất hòa trong một cộng đồng yêu chuộng hòa bình”. “Hành động này là vi phạm pháp luật, là sự lạm quyền trắng trợn, hoàn toàn vi phạm pháp luật”

Người Công Giáo Ấn Độ ghi nhận các báo cáo về bạo lực ngày càng tăng đối với các cộng đồng, công trình và trung tâm cầu nguyện Công Giáo trên khắp Ấn Độ. Như Fides đã đưa tin, trong một vụ việc khác cũng xảy ra vào ngày 5 tháng 2, một nhà thờ Tin lành đã bị người dân làng Kistaram, thuộc bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ phóng hỏa. Vào năm 2021, hơn 500 đợt tấn công vào các nhà thờ và các tín hữu Kitô đã được báo cáo
Source:Fides
 
Vatican thừa nhận những thách thức trong tiến trình thượng hội đồng toàn cầu
Đặng Tự Do
16:08 12/02/2022


Hôm thứ Hai, Vatican đã thừa nhận rằng nỗ lực của Giáo Hội trong việc lắng nghe 1.34 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới thông qua một quá trình thượng hội đồng đang phải đối mặt với những thách thức.

“Nhiều người trong số các tín hữu coi tiến trình thượng hội đồng là một thời điểm quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, như một tiến trình học hỏi, cũng như một cơ hội để hoán cải và đổi mới đời sống Giáo Hội,” một tuyên bố hôm 7 tháng Hai cho biết như trên sau cuộc họp của Ủy ban thường vụ Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 26 tháng Giêng.

“Đồng thời, nhiều khó khăn cũng xuất hiện. Trên thực tế, nhiều nỗi sợ hãi và dè dặt đã được báo cáo nơi một số nhóm tín hữu và giáo sĩ. Cũng có một số giáo dân nghi ngờ rằng liệu những đóng góp của họ có thực sự được xem xét hay không”.

Tuyên bố cũng trích dẫn đại dịch như một trở ngại khác đối với việc tập hợp các cá nhân để phân định trong cộng đồng, nhấn mạnh một lần nữa rằng tiến trình thượng hội đồng địa phương dẫn đến Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2023 “không thể được rút gọn một cách đơn thuần thành một bảng các câu hỏi.”

Nhưng các nhà tổ chức báo cáo rằng, bất chấp những thách thức, sự tham gia của các hội đồng giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đang ở mức cao và những nỗ lực đã được thực hiện để dịch các tài liệu Thượng hội đồng sang nhiều ngôn ngữ địa phương.

Theo Ủy ban, “gần 98% các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng của các Giáo Hội Đông phương trên toàn thế giới đã chỉ định một người hoặc toàn bộ nhóm để thực hiện quy trình thượng hội đồng.”

Ủy ban cho biết: “Tiến trình của Thượng hội đồng đã được hoan nghênh đặc biệt với niềm vui và sự nhiệt tình ở một số quốc gia Phi Châu, Mỹ Châu Latinh và Á Châu.

Tuyên bố nêu ra năm “thách thức lặp đi lặp lại” đang phải đối mặt trong giai đoạn hiện tại của Thượng hội đồng giáo phận.

1) Cần phải đào tạo “việc lắng nghe và phân định” để bảo đảm rằng Thượng hội đồng vẫn là một tiến trình tâm linh.

2) Có một sự cám dỗ để “tự quy chiếu” trong các cuộc họp nhóm hơn là cởi mở với người khác.

3) Thu hút những người trẻ tuổi tham gia là một thách thức.

4) Việc tiếp cận và lôi kéo “những người sống bên lề các tổ chức Giáo Hội” có thể khó khăn.

5) Một số giáo sĩ miễn cưỡng tham gia.

Tuyên bố của Vatican cho biết: “Ngày càng có nhiều nhận thức rằng sự chuyển đổi theo nghi thức đồng nghị mà tất cả những người được rửa tội được mời gọi là một quá trình lâu dài và sẽ kéo dài đến năm 2023.

“Mong muốn trên toàn thế giới là cuộc hành trình đồng nghị đã bắt đầu ở cấp địa phương này sẽ tiếp tục kéo dài rất lâu sau Thượng Hội đồng 2021-2023 để các dấu hiệu hữu hình của tính đồng nghị có thể ngày càng được biểu lộ như là một yếu tố cấu thành của Giáo Hội.”

Tuyên bố cũng thông báo rằng Vatican sẽ gửi một tài liệu tới các giáo phận và các hội đồng giám mục với các chi tiết bổ sung về cách định dạng các báo cáo về cuộc tham vấn địa phương, sẽ được gửi tới Ban Thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục.

“Bản ghi chú đề xuất ý tưởng rằng bản thân việc soạn thảo báo cáo là một hành động phân định, tức là kết quả của một quá trình tinh thần và làm việc theo nhóm”.

Tiến trình thượng hội đồng là một sự kiện toàn cầu, kéo dài hai năm, bao gồm “lắng nghe và đối thoại” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khởi động vào tháng 10 năm 2021. Giai đoạn đầu là giai đoạn cấp giáo phận dự kiến kéo dài đến ngày 15 tháng 8.

Vatican đã yêu cầu tất cả các giáo phận tham gia, tổ chức các cuộc tham vấn và thu thập phản hồi về các câu hỏi cụ thể được nêu trong các văn kiện của Thượng hội đồng. Vào cuối tiến trình hiện tại, một cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục dự kiến sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 để đưa ra một văn bản cuối cùng để cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Tuyên bố của Thượng Hội đồng Giám mục mời gọi những người Công Giáo đọc bản tin hàng tuần của họ, cũng như truy cập trang web của họ để cầu nguyện cho Thượng hội đồng.
Source:Catholic News Agency
 
Benedict Rogers bàn về quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc
Đặng Tự Do
16:09 12/02/2022


Một nhà hoạt động nhân quyền người Anh hôm Chúa Nhật nói rằng việc Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Hôm 6 tháng Hai, Benedict Rogers dự đoán rằng Vatican có thể đang chuẩn bị thực hiện các bước sau khi chuyển các quan chức khỏi các chức vụ ở Đài Loan và Hương Cảng.

Ông chỉ ra quyết định của Vatican về việc chuyển một đại diện tại Đài Loan đến Phi Châu, khiến Toà Sứ thần Tòa Thánh ở nước này có viên chức đại diện ngoại giao cấp cao nào.

Tòa thánh đã thông báo vào hôm 31 tháng Giêng rằng Cha Arnaldo Catalan, đại biện lâm thời kể từ năm 2019, sẽ chuyển từ thủ đô Đài Bắc của Đài Loan đến Rwanda, nơi ngài sẽ làm sứ thần Tòa thánh. Cha Arnaldo Catalan, linh mục của tổng giáo phận Manila, Phi Luật Tân, sẽ được phong Tổng Giám Mục trong một dịp tấn phong gần nhất tại Vatican.

Vào ngày 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Javier Herrera Corona, người đứng đầu Phái đoàn Nghiên cứu Tòa thánh tại Hương Cảng kể từ tháng Giêng năm 2020, làm Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Congo và Gabon.

Viết trên tài khoản Twitter của mình, Rogers hỏi liệu Vatican có đang trên “bờ vực thiết lập quan hệ ngoại giao” với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cai trị Trung Quốc từ năm 1949 hay không.

“Sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận được và quá đáng nếu điều đó xảy ra. Người Công Giáo phải lên tiếng cùng một tiếng nói trên toàn thế giới để ngăn chặn điều này.”

Ông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô thay thế các quan chức ở Hương Cảng và Đài Loan, đồng thời “trấn an chúng tôi rằng Vatican sẽ giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không thiết lập quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cắt đứt quan hệ với Tòa thánh vào năm 1951. Nhưng vào năm 2018, Vatican và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo.

Trước khi thỏa thuận được gia hạn vào năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng thỏa thuận này “chỉ là một điểm khởi đầu” cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng hơn 10 triệu người Công Giáo của Trung Quốc phải đối mặt với “nhiều vấn đề khác” và “con đường dẫn đến bình thường hóa đầy đủ sẽ còn rất dài”.

Vatican chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1942. Ngày nay, đây là một trong số ít các quốc gia tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia có tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và trong lịch sử đã gây áp lực buộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.

Đức Hồng Y Parolin nói với các nhà báo vào tháng 10 năm 2020 rằng “hiện tại không có cuộc đàm phán nào về quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc. Bộ ngoại giao Đài Loan hoan nghênh các bình luận này.

Rogers là người sáng lập Hong Kong Watch, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh giám sát nhân quyền, tự do và pháp quyền tại thành phố ở bờ biển phía nam Trung Quốc, nơi có khoảng 389,000 người Công Giáo.

Tổ chức bác ái được thành lập vào năm 2017 chiếm phần lớn thời gian của anh ấy, nhưng anh ấy cũng làm việc với tư cách là nhà phân tích cấp cao về Đông Á cho nhóm nhân quyền Christian Solidarity Worldwide, nghĩa là Tình Liên Đới Kitô Giáo Toàn Cầu.

Rogers nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 4 tháng 2 rằng các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh gần đây đã chỉ trích Giáo Hội Công Giáo ở Hương Cảng là kích động bạo loạn.

Ông nói rằng tờ báo quốc doanh Đại Công Báo (Ta Kung Pao, 大公报), đã đăng liên tiếp 4 bài báo chỉ trích, trong “một cuộc tấn công cụ thể” nhắm vào Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, vị giám mục nghỉ hưu 90 tuổi của Hương Cảng.

Rogers, người đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 2013 cho biết: “Điều đáng lo ngại đối với những bài báo này là thông thường khi Bắc Kinh đang có ý định thực hiện một chiến dịch mới hoặc một sáng kiến mới chống lại bất kỳ nhóm cụ thể nào, thì bước đầu tiên họ thực hiện là gây dư luận trên các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh”.

Anh giải thích rằng các bài báo được đưa ra trong bối cảnh các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng ngày càng tăng sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong hai năm 2019 và 2020 và việc thông qua Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi vào tháng 6 năm 2020.

Rogers đã trích dẫn lời khuyên dành cho các linh mục do Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon, 汤汉) giám quản tông tòa của Giáo phận Hương Cảng đưa ra, trong đó cảnh báo các giáo sĩ về sự cần thiết phải “dè chừng ngôn ngữ của chúng ta” trong các bài giảng.

Rogers nói: “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi tự do tôn giáo đang bị đe dọa vì hai lý do. “Thứ nhất, khi tự do bị phá bỏ, tự do tôn giáo sớm hay muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng, và các quyền tự do của Hương Cảng đã bị phá bỏ trong vài năm qua.”

“Tôn giáo và cách riêng là Giáo Hội, là các mục tiêu cuối cùng còn lại mà cho đến nay ít bị tác động hơn những mục tiêu khác. Chúng ta đã chứng kiến việc phá bỏ tự do báo chí, bỏ tù các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, ảnh hưởng đến tự do học thuật, và vì vậy, theo một nghĩa nào đó, tự do tôn giáo là mục tiêu rõ ràng tiếp theo “.

“Điểm thứ hai là chế độ ở Bắc Kinh luôn có thái độ thù địch đối với tôn giáo và khi nước này ngày càng có nhiều quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với Hương Cảng, điều đó gây ra nhiều khả năng tôn giáo sẽ lọt vào tầm ngắm của họ”.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha mời gọi chuẩn bị cho Năm Thánh 2025
Thanh Quảng sdb
17:23 12/02/2022
Đức Thánh Cha mời gọi chuẩn bị cho Năm Thánh 2025

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một văn thư cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Tân Phúc âm hóa, kêu mời Giáo hội bắt đầu chuẩn bị cho Năm Thánh 2025.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Các việc chuẩn bị cho Năm Thánh sắp tới, dự kiến được tổ chức vào năm 2025 đã được phát động trong Giáo hội. Trong một văn thư gửi tới Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Tân Phúc âm hóa, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “Năm Thánh là một sự kiện có ý nghĩa lớn về mặt tâm linh, Giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội”. ĐTC nhắc lại kể từ năm 1300, đánh dấu Năm Thánh đầu tiên, "những người thánh thiện và trung thành với Chúa đã cảm nghiệm về việc cử hành này như một món quà ân sủng đặc biệt, được tha thứ tội lỗi và cảm nghiệm lòng thương xót Chúa”.

25 năm đầu tiên

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại “Năm Thánh 2000”, đã “mở ra cho Giáo hội tiến vào thiên niên kỷ thứ ba”. Về vấn đề đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã "chờ đợi và mong mỏi" sự kiện đó, với niềm hy vọng tất cả các Kitô hữu, sẽ bỏ lại những chia rẽ lịch sử, để có thể cùng nhau kỷ niệm hai nghìn năm ngày đản sinh của Chúa Giêsu. "Giờ đây, 25 năm đầu tiên của kỷ nguyên mới này sắp khép lại, chúng ta được mời gọi bước vào một mùa chuẩn bị giúp chúng ta trải nghiệm Năm Thánh với tất cả sự phong phú mục vụ của nó".

Đối với những người dễ bị tổn thương


Trước đại dịch Covid-19, khiến thế giới bị tổn thương, Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho năm tháng 2025 là "Những người hành hương của Hy vọng". ĐTC giải thích rằng điều này thực sự sẽ xảy ra nếu chúng ta biết "khôi phục lại tình huynh đệ phổ quát và đừng nhắm mắt làm ngơ trước thảm cảnh đói nghèo tràn lan ngăn cản hàng triệu người nam nữ, thanh niên và trẻ em có được một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người". Với những suy tư này, Đức Thánh Cha tiếp tục, "Tôi nghĩ tới rất nhiều người tị nạn buộc phải rời bỏ quê hương đất tổ của họ".

Đức Thánh Cha cho biết cầu mong tiếng nói của người nghèo được lắng nghe trong suốt thời gian chuẩn bị Năm Thánh, và điều đó "nhằm khôi phục quyền được thừa hưởng hoa trái của đất mẹ dành cho tất cả mọi người".

Các khía cạnh phản ánh trong xã hội

Sau đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng chiều kích tâm linh của Năm Thánh, "kêu gọi hoán cải", bao trùm các khía cạnh cơ bản của xã hội, "như một phần của một tổng thể duy nhất". ĐTC bày tỏ hy vọng việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta cũng được đặc biệt coi trọng vì "ngày càng có nhiều người nam nữ, trong đó có nhiều giới trẻ, nhận thức được rằng việc chăm sóc cho các thụ tạo là một biểu hiện thiết yếu đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa mà chúng ta phải vâng phục thánh ý Ngài”.

Một trách nhiệm được giao phó

Sau đó, Đức Thánh Cha chuyển những suy tư của mình cho Đức Tổng Giám Mục Finischella, mà rằng ngài "giao phó trách nhiệm tìm kiếm những cách thức phù hợp để Năm Thánh được lên kế hoạch và cử hành với đức tin sâu sắc, hy vọng sống động và lòng bác ái tích cực". Tiếp tục, cuộc hành hương của chúng ta hướng tới Năm Thánh, sẽ diễn tả và xác nhận hành trình chung mà Giáo hội được mời gọi thực hiện, để ngày càng trở thành dấu chỉ và công cụ của sự hiệp nhất trong sự đa dạng hài hòa.

Kết thúc văn thư của mình, ĐTC bày tỏ mong muốn rằng trong thời gian chuẩn bị này, "chúng ta cống hiến năm 2024, cho sự kiện Năm Thánh, làm nên một "bản giao hưởng" tuyệt vời của lời cầu nguyện. ĐTC kết luận: "để đổi mới ước muốn của chúng ta, chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa, lắng nghe và tôn thờ Người".
 
ĐHY Müller: Đối với những người Công Giáo trung thành, đây là Thời gian đau khổ và bị khủng bố tâm lý
Đặng Tự Do
17:32 12/02/2022


Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ National Catholic Register, Đức Hồng Y nguyên tổng trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin đã bày tỏ âu lo về tình trạng của Giáo hội ở Đức và Tiến Trình Công Nghị ở quốc gia này.

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã nhận xét rằng những người Công Giáo trung thành ngày nay đang phải đối mặt với một thời kỳ bách hại, gian truân và “khủng bố tâm lý”, theo cách chưa từng có, đang đến từ chính những quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa của họ.

Vị Hồng Y người Đức đã đưa ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào ngày 5 tháng 2 với tờ National Catholic Register, trong đó ngài đã phê phán tình trạng của Giáo hội ở Đức và “Tiến Trình Công Nghị”, một quá trình cải cách kéo dài nhiều năm, gây ra rất nhiều tranh cãi, phát sinh từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Đức Hồng Y nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, cho biết những cuộc tấn công nhằm vào các tín hữu đến từ bên trong, từ các bộ phận “tục hóa” của Giáo hội và thường xuyên xảy ra ở nơi làm việc hoặc trường học.

Đức Hồng Y Müller lưu ý rằng bây giờ là “thời kỳ đại nạn và khủng bố tâm lý,” và những người Công Giáo chính thống đang bị “bách hại; và ở một số quốc gia, điều này đang lên đến đỉnh điểm là tử đạo. Thông thường điều này đến từ bên ngoài, nhưng bây giờ là từ bên trong, ở các nước mà chúng ta có truyền thống Kitô Giáo lâu đời. Đó là một tình huống mới.”

Những lời của vị Hồng Y được đưa ra khi một cuộc họp toàn thể về “Tiến Trình Công Nghị” đang kết thúc vào cuối tuần trước.

Những người tham gia đã bỏ phiếu tại cuộc họp đó cho một loạt các quan điểm bất đồng với tín lý và kỷ luật Công Giáo bao gồm những lời chúc phúc cho các kết hợp đồng giới; những thay đổi đối với Giáo lý về đồng tính luyến ái; phong chức linh mục cho phụ nữ; bãi bỏ luật độc thân linh mục trong Giáo hội Latinh; và cho giáo dân tham gia vào việc bầu các tân giám mục.

Những lời bình luận của ngài cũng theo sau một loạt các tuyên bố gây tranh cãi từ các giám mục Đức và Âu Châu trong những tuần gần đây. Hồng Y Reinhard Marx của Munich nói vào ngày 3 tháng 2 rằng các linh mục nên được phép kết hôn "không chỉ vì lý do tình dục", nhưng để họ "không quá cô đơn," và Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg lập luận rằng Giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái là "sai lầm" và cần được sửa đổi.

Tháng trước, hơn 120 nhân viên Giáo hội đồng tính luyến ái ở Đức đã đòi hỏi Giáo Hội chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và thay đổi nội quy lao động của Giáo hội - những yêu cầu này đã được Hội đồng Giám mục Đức hoan nghênh.

'Những người bị thế tục hóa'

Đức Hồng Y Müller, 74 tuổi, là giám mục của Regensburg, Đức, từ năm 2002 đến năm 2012, cho biết nhiều người trong số những người cổ súy cho những quan điểm bất đồng như vậy là ‘những người đã bị tục hóa’, những người "muốn giữ danh xưng ‘Công Giáo’, để ở lại trong các thể chế Công Giáo và lấy tiền, nhưng họ không chấp nhận giáo huấn của lời Chúa. ”

Ngài lưu ý: “Họ tương đối hóa đức tin Công Giáo, nhưng vẫn thích các chức danh của họ: Hồng Y, giám mục, giáo sư thần học - nhưng trên thực tế, họ không tin những gì Giáo hội đang nói, và ngài mô tả những người như vậy là “những người duy vật” đặt cơ sở niềm tin không phải nơi sáng tạo và Mạc Khải mà là nơi các thứ khoa học giả.

Tương tự, ngài cho biết chương trình nghị sự “LGBT” mà nhiều người trong số họ ủng hộ “hoàn toàn ngu ngốc vì thần thoại Tân Ngộ đạo của nó hoàn toàn chống lại bản chất con người, không chỉ theo nghĩa sinh học mà còn cả triết học”.

Đức Hồng Y Müller, người từng là tổng trưởng CDF từ năm 2012 đến năm 2017, cảnh báo rằng việc chúc phúc cho các cặp đồng tính được các giám mục Đức cổ vũ “hoàn toàn là một sự báng bổ” bởi vì đó là “sự phủ định hiến pháp của con người như những người nam và nữ, và không thể có phước lành ở đó.” Ngài cũng phản bác ý tưởng, do một số người trong Giáo hội Đức đề xuất, rằng một linh mục nên quan hệ tình dục với phụ nữ để “họ không xâm phạm đến các bé trai”. Đó là một “lập luận đầy tai tiếng!”

Tuân theo lời dạy của các vị giáo hoàng trước đây, ngài cũng kiên quyết loại bỏ khả năng có nữ phó tế, nói rằng “chức phó tế bí tích là một mức độ của chức thánh gồm ba phần không thể tách biệt, không thể phong chức cho phụ nữ theo truyền thống tông đồ đã có từ ngàn xưa.”

Tuy nhiên, ngài lưu ý rằng đây là “những gì họ bỏ phiếu cho” trong “Tiến Trình Công Nghị” của Đức. Thật vậy, trong cuộc bỏ phiếu ngày 4 tháng 2, Tiến Trình Công Nghị Đức đã ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ, mặc dù “họ không thể bỏ phiếu chống lại sự thật được mạc khải và định nghĩa không thể sai lầm của huấn quyền Hội Thánh.”

Một cách tổng quát hơn, Đức Hồng Y Müller đã cảnh báo về những cuộc tấn công kiên quyết chống lại các bí tích, đặc biệt là Mình Thánh Chúa và các chức thánh.

Ngài nhận xét: “Không ít người phủ nhận đặc tính hy tế của Bí tích Thánh Thể và Sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu. Vai trò của linh mục và bản chất của đức tin đang gặp nguy hiểm.”

Ngài nói thêm rằng những người thúc đẩy những thay đổi này không có “sự hiểu biết siêu nhiên”, và những gì họ đang kêu gọi, trên thực tế, là một “phong trào lớn chống lại Công đồng Vatican II” đi ngược lại tông hiến Lumen Gentium, là tông hiến của Công đồng Vatican II về Giáo hội, và sắc lệnh của Công đồng về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục, Presbyterorum Ordinis, về phẩm giá của “ơn gọi linh mục và sự phục vụ trong sự hiểu biết về đời sống độc thân của linh mục.”

Chức tư tế như “nhân viên xã hội”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đây cũng là những người muốn “tiêu diệt chức tư tế bí tích, trước hết bằng cách chống lại luật độc thân linh mục và sau đó phủ nhận tính cách siêu nhiên của bí tích này.” Họ muốn tương đối hóa chức tư tế bí tích để giản lược chức tư tế thành “nhân viên xã hội”, khiến căn tính của linh mục bị “trống rỗng” và dễ bị phá vỡ. Vào ngày 4 tháng 2, “Tiến Trình Công Nghị” của Đức cũng ủng hộ lời kêu gọi nới lỏng luật độc thân linh mục đối với các linh mục trong Giáo hội Latinh, thúc giục đưa ra chủ đề này trong một Công Đồng đại kết trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội và giáo dân thúc đẩy những quan điểm chống Công Giáo này không tin vào Ngày Phán Xét Sau Cùng. “Đối với họ, Thiên Chúa phải tự thay đổi.” Nhưng ngài cảnh báo rằng án phạt dành cho họ sẽ khắc nghiệt hơn, vì họ đã bội giáo. Đức Hồng Y cảnh cáo: “Là một kẻ bội giáo, người đó có tội hơn một người chưa bao giờ được nghe nói về đức tin Công Giáo.”

Ngài lưu ý thêm rằng những người bất đồng chính kiến này trong Giáo hội sẽ không chỉ trích sự suy đồi của thế giới, họ cũng không “dám” nói rằng “phá thai là giết trẻ em”, bởi vì sau đó “họ sẽ bị tấn công tàn bạo”.

Thay vào đó, họ tập trung vào lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng khai thác nó để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ, mà không xem xét nguyên nhân. “Họ nói rằng họ xấu hổ vì tội lỗi lạm dụng tình dục, nhưng họ không nói đến những thiệt hại đã gây ra cho linh hồn của những người bị lạm dụng và kẻ lạm dụng, cũng như những thiệt hại gây ra cho Thân thể của Chúa Kitô. Họ công cụ hóa con người; họ không có sự tôn trọng đối với mọi người. Họ thao túng giới trẻ, rơi nước mắt vì nạn nhân bị xâm hại; nhưng đối với những người khác, họ không có hứng thú”.

Tóm lại, Đức Hồng Y nói rằng ngài tin rằng những người đòi hỏi thay đổi trong “Tiến Trình Công Nghị” “không phải là những nhà cải cách” mà là những người đang thúc đẩy “sự biến dạng của Giáo hội, sự tục hóa của ngôi nhà Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Và ngài cho biết một vấn đề then chốt là mong muốn thỏa hiệp với thế giới của những người này. Họ không sẵn sàng sống với sự căng thẳng của đức tin trong xã hội thế tục hóa cao độ ngày nay.

Mục đích của nhiều giám mục là được xã hội yêu mến và tôn trọng, giống như ở thế kỷ 19, nhưng ngài nói rằng họ biết họ không thể thay đổi đức tin, vì vậy họ gọi những nỗ lực của họ để thực hiện điều này là “phát triển giáo lý” và do đó “phá hủy và mâu thuẫn với đức tin đã được mạc khải”.

Các cuộc tấn công vào các Giám Mục trung thành

Khi được hỏi về các cuộc tấn công không ngừng nhằm vào các giám mục như Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln, Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg và gần đây nhất là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng tất cả các giám mục bị tấn công này “hành động mạnh mẽ nhất để chống lại tội lỗi lạm dụng tính dục” trong khi các giám mục khác, các tổng đại diện và những người khác chịu trách nhiệm giải quyết các trường hợp lạm dụng “đã mắc những sai lầm lớn, nhưng họ không hề bị chỉ trích vì họ thuộc nhóm ý thức hệ tự tục hóa này.”

Đức Hồng Y Müller chỉ ra rằng các giám mục bị tấn công có một “cấp độ thần học” khác so với những người gièm pha bất đồng chính kiến, là những người “không có bất kỳ tranh luận nào, mà chỉ có các cuộc tấn công và phỉ báng cá nhân”.

Ngài chỉ ra rằng Đức Hồng Y Woelki là người “không thể bị đổ lỗi” vì ngài chưa từng giải quyết sai các trường hợp lạm dụng. Những Giám Mục người Đức khác có nhiều sai phạm lại thoát tội vì “các phương tiện thông tin đại chúng chống Công Giáo đứng về phía họ, cùng với những người Công Giáo đã bị tục hóa bên trong ”.

Đa số những cuộc tấn công này được khơi dậy bởi các phương tiện truyền thông thế tục hóa cao độ với các thành kiến chống Công Giáo lâu đời, có thể truy ngược đếm thời Kulturkampf, trong cuộc xung đột trong thời gian 1872-1878 giữa chính phủ Phổ của Otto von Bismarck và Giáo Hội Công Giáo, do Đức Giáo Hoàng Pius IX lãnh đạo..

Ngài nói: “Họ có những lập trường chống lại luật tự nhiên, và điều họ không chấp nhận cuối cùng là quan điểm siêu nhiên cho rằng quyền bính cao nhất là ở nơi Thiên Chúa yêu thương nhân từ, chứ không phải nơi chúng ta”.

Hơn nữa, ngài nói rằng những người như Hồng Y Marx, chẳng hạn, thường được báo chí ưu ái vì “ông ấy là người quảng bá tốt nhất cho các mục tiêu mà họ muốn – đó là vô hiệu hóa Giáo hội” và ngăn Giáo hội đưa ra “câu trả lời cho các câu hỏi hiện sinh sâu sắc”.

Những gì cần thiết

Nhìn về phía trước, Đức Hồng Y nhận định rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Hồng Y đoàn phải can thiệp và kỷ luật các giám mục này và “Tiến Trình Công Nghị” trước khi quá muộn.

Ngài cũng kêu gọi Đức Giáo Hoàng có thêm các nhà tư vấn người Đức để giải thích cho ngài chính xác những gì đang xảy ra. Nói rộng hơn, ngài nói việc sửa chữa những lời dạy sai lầm này “chỉ có thể được thực hiện bằng cách thúc đẩy một hàng giáo phẩm tốt hơn, có hiểu biết về mặt thần học,” như đã xảy ra “vào thời Cải cách ở Đức và ở các nước khác”.

Trong khi đó, đối với những người Công Giáo trung thành chịu đựng các cuộc tấn công liên tục vì đức tin, ngài đã khuyến khích họ bằng những lời của Chúa Giêsu trong Bài giảng trên núi (Mt 5:11):

“Phúc cho anh em khi người ta ngược đãi anh em và bắt bớ anh em và nói đủ mọi thứ ngu xuẩn chống lại anh em vì danh Thầy. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của anh em trên trời; đây là cách họ bắt bớ các nhà tiên tri trước Thầy.”
Source:National Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân Tại Giáo Xứ Tụy Hiền TGP. Hà Nội
BTTGx. Tụy Hiền
10:02 12/02/2022
Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân Tại Giáo Xứ Tụy Hiền TGP. Hà Nội

Thứ Sáu ngày 11/02/2022.- Ngày 11 tháng 2 năm 1858. Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Bernadette Soubirous tại Lộ Đức cả thẩy 18 lần để nhắc nhở loài người năng chạy đến với Mẹ, ăn năn đền tội, lần hạt Mân Côi để làm nguôi đi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì tội lỗi nhân loại đã xúc phạm đến Ngài. Ngoài ra còn để Mẹ nâng đỡ chở che những ai chạy đến cùng Mẹ.

Xem Hình

Đức Thánh Cha Lêô XIII chuẩn y lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Thánh Cha Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này vào ngày 11.2 hàng năm. Hợp cùng với toàn thể Giáo Hội mừng 160 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, hôm nay, ngày 11 tháng 2 năm 2022, cha xứ Antôn Nguyễn Văn Độ đã dâng Thánh lễ tại Hang đá Lộ Đức Đông Mỹ để cầu xin ơn Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ xuống trên từng người trong giáo xứ, giáo họ đặc biệt là các bệnh nhân và những người già yếu trong xứ.

Đúng 9 giờ 30 phút sáng cộng đoàn bắt đầu xướng kinh, lần hạt đủ Bốn Mùa Ngắm: Năm sự vui, năm sự sáng, năm sự thương và năm sự mừng. Cha xứ chủ sự chuỗi thứ nhất, sau đó là đến đại diện ban mục vụ giáo họ Đông Mỹ, tiếp theo là các hội đoàn. Sau đó, một vị đại điện lên đọc “Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày thế giới các bệnh nhân lần thứ 30”. Tiếp theo là Thánh lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức.

Trong bài giảng, cha xứ Antôn đã gợi lên hai ý tưởng. Thứ nhất ngài nhắc lại biến cố Đức Maria hiện ra tại Lộ Đức năm 1858. Đây là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn yêu thương, chăm sóc và dùng cách này hay cách khác để nói với Dân Ngài. Và sự kiện năm 1858 tại Lộ Đức cho thấy không có ai yêu con bằng Mẹ. Đức Maria vẫn luôn dõi theo chúng ta trong việc sống và thực hành đức tin. Mẹ vui khi chúng ta trưởng thành, nhưng lo lắng khi chúng ta chệch đường lạc lối. Cho nên sứ điệp của Mẹ Maria tại Lộ Đức là: Chạy đến với Mẹ, siêng năng lần hạt mân côi và ăn năn đền tội hầu có thể làm vui lòng Thiên Chúa.

Đồng thời, cha xứ Antôn cũng mời gọi cộng đoàn hãy thực thi câu Lời Chúa “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Ngài nói “Lòng nhân từ ở đây phải được thực hiện ngay trong gia đình, cha mẹ phải có lòng nhân từ với con cái, con cái phải hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ dù cha mẹ có bệnh tật, già nua vì tuổi tác. Nếu mỗi thành viên trong gia đình không có lòng nhân từ với nhau thì không thể có lòng nhân từ với người khác. Nếu có thì lòng nhân từ ấy là thiếu khuyết, giả tạo”.

Ngày 11 tháng 2, lễ Đức Mẹ Lộ Đức cũng là ngày quốc tế bệnh nhân, cho nên sau bài giảng, cha xứ Antôn đã ban Bí tích Xức dầu cho những bệnh nhân và những người già yếu trong giáo xứ. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phúc lành trên các bệnh nhân để qua sự đau khổ của bệnh tật hoặc của tuổi già, họ biết kết hợp với chính sự đau khổ của Đức Kitô trong cuộc tử nạn để sinh ích cho mình và cho Hội Thánh.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

BTTGx. Tụy Hiền
 
Tường thuật thánh lễ cầu nguyện cho cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP. tại Giáo xứ Ottoway /Nam Úc
Đan Huyền
15:58 12/02/2022


Xem hình

Vào lúc 6.15 chiều Thứ Sáu 11/02/2022 Hội Ái mộ cha Trương Bủu Diệp Nam Úc cùng với tuyền thông Vietcatholic Adelaide, đã long trọng tổ chức nghi thức tưởng niệm, thắp nến cầu nguyện và dâng thánh lễ cầu cho linh hồn cha cố Giuse Trần Ngọc Thanh vừa mới bị thảm sát vào ngày 29/01/2022 tại giáo xứ Đăk Mót, giáo phận Kon Tum Việt Nam, trong khi cha đang thi hành sứ vụ linh mục ban ơn hòa giải cho hối nhân sau thánh lễ.

Tuy đang trong mùa dịch, nhưng cũng quy tụ được khá đông đảo quý tín hữu Việt nam và sắc tộc bạn đến tham dự thánh lễ đặc biệt này. Khởi đầu từ lúc 6.15Pm, nghi thức dâng hương trước bàn thờ đặt di ảnh cha Giuse, do các vị đại diện cộng đoàn dâng tiến. Trong bầu khí thánh thiêng nơi thánh đường chiều nay, những làn khói hương lung linh như một nhịp cầu, nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình, cùng với những lời cầu xin Thiên Chúa của cộng đoàn, tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn cha Giuse là một nhà truyền giáo trẻ, đạo đức, thánh thiện, nhiệt thành trong việc loan truyền lời Chúa cho những người anh em khó nghèo trên vùng Tây nguyên. Sự kiện này đã ghi thêm một chứng tích trên tấm áo trắng của Dòng Đa Minh, trổ sinh thêm một bông hoa tuyệt đẹp, vẽ bằng máu của một linh mục trẻ đã chết vì đạo.

Chủ tế thánh lễ là cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, đến từ nhà thờ chánh tòa Tổng giáo phận Adelaide và cha Marek Ptak, Cr. chánh xứ Giáo xứ Ottoway ( một giáo xứ người Úc và Balan) cha là người đã tạo mọi hoàn cảnh thuận lợi cho việc tổ chức những giờ cầu nguyện, những thánh lễ, và nhiều sinh hoạt mang sắc thái VN trong những dịp đặc biệt và hàng tháng có thánh lễ cầu cho tiến trình tuyên thánh cha Diệp mau chóng thành tựu, được sớm có ngày vinh thắng gia nhập hàng ngũ các thánh như cha thánh Maximilian mà giáo xứ nhận làm bổn mạng.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế đã nhắc nhở cộng đoàn phụng vụ về 3 ý chính trong sự hiệp thông thánh lễ hôm này đó là: Mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và ngày cầu nguyện cho các bệnh nhân, thứ đến là cầu cho tiến trình tuyên thánh cha Trương Bửu Diệp và sau cùng là cầu nguyện cho linh hồn linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vừa mới qua đời sau vụ thảm sát tại Giáo xứ Đăk Mót, giáo phận Kon tum.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, khởi đi từ ý lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Sứ điệp Ngày Quốc tế Bệnh Nhân. cha đã quảng diễn chủ đề về những phép lạ cưú chữa các bệnh nhân tại linh địa Lộ Đức và tổng hợp những ý cầu nguyện của các vị Giáo Hoàng nhiều năm qua trong những ngày Quốc tế Bệnh Nhân, tất cả đều quy hướng về Đức Giêsu: “ Ngài đến trần gian vì tội lỗi của con người, Ngài phải mang lấy những tội lỗi ấy vào thân thể, chính những vết thương Đức Giêsu mang trên thân thể đó cũng là những tật nguyền của loài người...””

Qua bải giảng cha chủ tế đã nói về sự hy sinh của cha Trương bửu Diệp, chết vì đoàn chiên và nhắc đến người linh mục trẻ Giuse Trần ngọc Thanh đã đón nhận cái chết thật nghiệt ngã, đau thương, nhưng chắc hẳn cha đã đến nơi được Chúa Cha tôn vinh cho những ai hết tâm phụng sự Ngài. Đây chính là đỉnh cao của con đường thập giá bước theo ơn gọi tận hiến. Cuộc đời của cha Giuse được thanh luyện qua nhiều thử thách, đau thương, gian khó, vì ngài đã xác tín niềm tin bằng bước chân truyền giáo, chăm sóc đoàn chiên bơ vơ, nghèo khổ trên vùng Tây nguyên nghèo khó, vì phần rỗi các linh hồn.

Thánh lễ được diễn ra thật sốt sắng qua những lời nguyện cầu, hoà quyện với những bài ca yêu thương, như một sự hiệp thông trọn vẹn của cộng đoàn phụng vụ với niềm tin thác vào mầu nhiệm thánh thể của hy tế tiên dâng.

Sau lời nguyện và phép lành cuối lễ là nghi thức dâng nến trên bàn thờ cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Hai cha đồng tế dẫn đầu với 2 cây nến cháy sáng, từ từ tiến lên bàn thờ đặt di ảnh cha Giuse, tiếp đến là các đại diện các hội đoàn, và sau cùng là cộng đoàn… Bài ca Kinh Hoà Bình trầm buồn vang vọng trong không gian êm đềm giữa ngôi thánh đường quen thuộc. Qua ánh nến lung linh dâng tiến, mọi người cùng bày tỏ niềm tiếc thương và hiệp nguyện trong lời cầu xin Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho người mục tử nhiệt thành, đã chết vì sứ vụ loan báo tin mừng của Chúa.

Thánh lễ kết thúc, moi người ra về, trên tay còn mang theo di ảnh của cha, để tưởng nhớ và thêm lời cầu nguyện trong những giờ kinh gia đình cho cha GIUSE.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh được chúc phúc
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
19:07 12/02/2022
Hình ảnh được chúc phúc

Trong đời sống con người xưa nay hằng luôn cần có nhu cầu cần được chúc phúc.

Cha mẹ cảm thấy mình được chúc phúc, khi họ tìm gặp thành lập gia đình với nhau, nhất là khi họ được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá ban cho có con. Con cháu là chúc phúc lành của Trời cao ban cho gia đình.

Con cháu nhận được chúc phúc lành ngay từ lúc còn thơ bé và trong suốt dọc đời sống từ cha mẹ mình qua sự sinh thành nuôi dưỡng, đào tạo giáo dục, mà cha mẹ vun xới xây dựng cho đời sống mình.

Chúc phúc lành mang đến cho đời sống hạnh phúc niềm vui, sức khoẻ mạnh. Chúc phúc lành hiển thị trong đời sống nơi thân xác và cùng trong tâm hồn tâm linh tinh thần.

Chúa Giêsu Kitô trong bài giảng mở đầu giáo lý - xưa nay gọi là Hiến chương nước trời, hay bài giảng Mối phúc thật - đã đề cập đến được chúc phúc lành. Nhưng bài giảng giáo lý đó diễn tả theo hai khía cạnh một bên bóng tối và một bên ánh sáng: phần bên ngoài thân xác thì phải hy sinh chịu đựng, nhưng phần đời sống tâm linh tinh thần lại được chúc phúc lành.

"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi.

Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.

Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười.

Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương.

Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.” ( Lc 6, 20-23).

Trong đời sống đâu có ai muốn sự đau khổ, cảnh phải sống chịu đựng, hy sinh căng thẳng Nhưng điều đó lại gắn liền với đời sống con người.

Và trong suốt dọc đời sống, hầu như ai cũng đều có kinh nghiệm cảm nhận đời sống về sự căng thẳng, hy sinh chịu đựng, đau khổ càng to nhiều bao nhiêu, niềm vui đến tiếp sau đó cũng to lớn gấp lên theo, càng thâm sâu ý nghĩa nhiệm mầu hơn.

Cha mẹ nào cũng vui mừng chờ đợi ngày người con trong mình chào đời. Nhưng trước đó nhất là người mẹ đã phải hy sinh chịu đựng đau khổ về phần thân thể rất nhiều. Nhưng khi người con mở mắt cất tiếng khóc chào đời khoẻ mạnh, niềm vui mừng trào dâng từ trong tâm hồn cha mẹ hiển thị ra nơi đôi mắt với những giọt nước mắt hạnh phúc nhiệm mầu thần thánh. Người mẹ quên đi những hy sinh đau khổ chịu đựng trước đó. Chị cảm thấy được chúc phúc lành qua sự sống thân thể hình hài người con là tác phẩm tình yêu của tâm hồn cung lòng chị, mà Trời Cao chúc phúc ban cho.

Một người mẹ thuật lại khi con chị bị bệnh phải giải phẫu nơi bộ óc. Chị căng thẳng hồi hộp sống lo lắng bất an chờ đợi bên ngoài. Sau cuộc giải phẫu vừa phức tạp vừa kéo dài lâu em bé nằm bất tỉnh hôn mê. Đây là những giờ phút cực kỳ căng thẳng cho người mẹ, cho người cha, cho thân nhân gia đình. Vì họ phải trong hồi hộp chờ đợi xem em bé có tỉnh thức lại không...

Nhưng sau hơn 08 tiếng đồng hồ hôn mê, em bé bỗng mở mắt thức dậy kêu gọi mẹ, gọi cha... Gia đình canh thức bên giường bệnh vui mừng bật òa trong tiếng khóc hạnh phúc, nhất là nơi người mẹ. Giây phút thần thánh nhiệm mầu là chúc phúc lành cho em bé hồi sinh sống lại, cùng cho cả gia đình thể hiện đổ xuống trên họ. Tất cả người nhà thở ra nhẹ nhàng trong dòng nước mắt vui mừng thần thánh lăn chảy từ đôi khoé mắt xuống trên đôi gò má mệt mỏi, vì đã sống trải qua trong lo âu căng thẳng khủng hoảng…Thân nhân họ hàng ngậm ngùi trong vui mừng hạnh phúc đốt thắp cây nến dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Trời cao vì ân đức chúc lành này.

Mẹ Thánh Terexa thành Calcutta khi xưa lúc còn sinh tiền đã viết thuật lại ngày vui mừng hạnh phúc nhất trong đời mình: ngày 03.02.1986. Khi đó Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị tông du thăm nước Ấn Độ, mẹ Teresa đã mời ngài đến thăm ngôi nhà Nirmal Hriday dành cho những người hấp hối. Đức Thánh Cha được mẹ Teresa dẫn đến thăm những người bệnh nằm hấp hối, ngài yên lặng ngắm nhìn từng người và không cầm được lòng xúc động đến nỗi để cho dòng nước mắt chẩy trào ra bên ngoài. Có thể Đức Thánh Cha đã nhìn tận mắt nơi đây trong ngôi nhà Nirmal Hriday cảnh thương tâm của con người và đồng thời chúc phúc lành tình yêu của Thiên Chúa. Và ngài đã nhận ra tin mừng chúc lành của Chúa được loan báo rao giảng cụ thể trong ngôi nhà này?

Đức Thánh Cha rất xúc động. Và sau cuộc thăm viếng ngài đã có những lời suy tư tâm huyết sâu xa nói với các chị em Nữ Tu phục vụ các người hấp hối trong ngôi nhà này:” Nirmal Hriday là nơi chốn của niềm hy vọng. Ngôi nhà này được xây dựng thành hình trên nền tảng sự can đảm và đức tin. Đó là không gian căn phòng của tình yêu thương ngự trị. Nirmal Hriday loan báo nhân phẩm sâu thẳm nhất của bản chất con người.

Nơi đây hình ảnh sự chăm sóc tràn đầy tình yêu thương âu yếm đùm bọc cho con người được thể hiện rõ ràng cụ thể. Điều này làm chứng rằng gía trị của mỗi sự sống con người không đo lường lệ thuộc vào thành tích cùng khả năng, cùng không dựa theo sức khoẻ hay bệnh tật, cũng không theo tuổi tác, nguổn gốc hay mầu da.

Nhân phẩm con người do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, tạo thành ban cho. Ngài đã tạo thành con người giống hình ảnh Ngài. Nhân phẩm giá trị này không bao giờ có thể bị tước đoạt phá hủy. Đó là điều cao cả thiêng liêng không thể bóp méo uốn nắn ra khác được. Trong con mắt nhìn của Thiên Chúa con người luôn luôn có gía trị cao qúi.”

Hình hài thân thể con người, nhân phẩm sự sống con người là chúc phúc lành của Thiên Chúa, dù con đường đời sống trải qua những giai đoạn lên xuống, phải hy sinh chịu đựng đau khổ.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Học hỏi Tin mừng Luca 2
Vũ Văn An
19:20 12/02/2022

2. Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Sáu Mùa Thường niên Năm C: Lc 6:17, 20-26

17Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.18 [Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người].

20Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. 22Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”.


(Trích theo bản dịch trực tuyến của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Các chú thích

Đi xuống cùng với các ông. Nghĩa là từ trên núi (6:12) với Nhóm Mười Hai và các môn đệ mà từ đó, Người đã chọn các vị. Chúa Giêsu trong Luca từ trên núi xuống để dạy dỗ các môn đệ và đám đông; Người không dạy ở trên núi. H. Schurmann (Lukasevangelium, 320) thấy 1 song hành trong việc Chúa Giêsu xuống núi với việc Môsê xuống núi ở Xh 32:7-15 hay 34:29. Nhưng điều này hơi quá vì nó dẫn nhập chủ đề quán xuyến (Tân Môsê) vào Tin Mừng, một ý niệm Luca không mấy quan tâm.

Dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nghĩa là một chỗ bằng phẳng gần núi. Chi tiết này không những khác với khung cảnh Mátthêu dành cho bài giảng sắp tới (5:1), mà còn khác cả việc Máccô nói lui về phía biển (tức Hồ Ghennêxarét, xem ghi chú về 5:1).

Đông đảo môn đệ. Cụm từ này làm nổi bật tầm quan trọng của việc chọn Nhóm Mười Hai đề cập ở tình tiết trước đó (6: 12-16). Cụm từ này và cụm từ sau đó là các hậu ý của soạn giả: ngài viết “đông đảo môn đệ” thay cho cụm từ “người ta lũ lượt” [poly plēthos] của Mc 3:1 và chuyển chữ “lũ” xuống dưới “đoàn lũ dân chúng”.

Từ khắp miền Giuđê. Luca một lần nữa thêm chữ pasēs (cùng khắp), nhưng bỏ “từ Galilê” và “từ Iđumê và khắp Giođan” (Mc 3:7). Việc bỏ địa danh sau không có gì ngạc nhiên, vì trong Luca, Chúa Giêsu không đi qua hay giảng dạy tại Iđumê hay Pêrêa. Luca phân biệt vùng địa dư Chúa Giêsu đến để giảng dậy chứ không phải vùng địa dư từ đó người ta tới nghe Chúa giảng dậy. Nhưng việc bỏ Galilê, theo Conzelmann (Theology 45) có liên hệ tới hình ảnh lan tỏa của các cộng đồng Kitô hữu sau này; ông cho rằng Galilê không được Công vụ nhắc đến. Tuy nhiên, nó có được nhắc đến ở Cv 9:31. Hơn nữa, một trong các chủ đề quán xuyến trong các trước tác của Luca là việc chuẩn bị các nhân chứng ở Galilê (xem Cv 10:37-42), và Galilê được nhắc đến ở 5:17. Mặt khác, có thể nghĩ rằng kiểu nói “từ khắp miền Giuđê” thực sự chỉ “Galilê, Giuđê, Iđumê và vùng quê bên kia Giođan” (Mc 3:7-8), do cái hiểu Giuđê ở 4: 44 (xem J.M. Creed, The Gospel, 89). Nhưng phần lớn, là vì Luca nghĩ rằng các độc giả sẽ hiểu Chúa Giêsu vẫn còn ở Galilê và người ta bao quanh Người từ khắp nơi.

Từ miền duyên hải Tia và Xiđôn. Hai thành phố cổ, quan trọng của Phênixia ở bờ Địa Trung Hải; chúng tọa lạc ở Syria thời Tân Ước nhưng hiện nay ở Libăng, nam Beirut. Xem Cv 21:3,7; 27:3. Luca duy trì việc nhắc đến tên hai thành phố này trong Mc 3:8 và mô tả dân ngoại từ đó kéo tới nghe Chúa Giêsu. Nó thêm một chủ đề quán xuyến đã quen thuộc trong Lc 2:31-32; 3:6; 4:24-27; nó sẽ được khai thác trong hoạt động truyền giáo trong Công Vụ. Cận kề hơn, nó chuẩn bị cho Lc 10:13-14.

Nên lưu ý, Tin Mừng hôm nay bỏ các câu 18-19 nói đến việc đoàn lũ dân chúng đến không những để nghe Chúa Giêsu giảng dạy mà còn để được Người chữa lành đủ thứ bệnh mà nhiều khi chỉ cần đụng vào Người cũng khỏi. Vì chủ đích Bài Tin Mừng hôm nay nói về Các mối phúc, vốn được coi là Hiến chương Nước Trời, và câu 17 đủ để mô tả khung cảnh dẫn đến Hiến chương quan trọng đó.

Về câu 17 trên, Linh mục Fitzmyer nhận định rằng Luca ngắn gọn chuyển dịch Mc 3:7-12, bằng cách thay đổi bản văn của Máccô. Rõ ràng việc nhắc đến Giuđê, Giêrusalem, Tia và Xiđôn để lộ mối liên kết giữa câu này với nguồn Máccô. Luca sửa đổi các điều sau: (1) Chúa Giêsu xuống nơi bằng phẳng (6:17) và không lui về phía biển (Mc 3:7), (2) bỏ nhắc đến thuyền (Mc 3:9), (3) người ta lũ lượt đến để “nghe” Chúa Giêsu, một chuẩn bị cố ý cho bài giảng sắp tới...

Từ quan điểm phê bình hình thức, chi tiết này là một bản tóm lược nữa về thừa tác vụ của Chúa Giêsu: rao giảng và chữa lành, giống như các bản tóm lược trước (4:14-15, 31-32, 40-41).

Trong Tin Mừng Luca, dù Chúa Giêsu, trong thừa tác vụ của Người, được mô tả là di chuyển từ Galilê tới Giêrusalem không rời đất Do Thái (trừ một khoảnh khắc ở 8:28), nhưng ở đây, Luca cố tình mô tả đám đông đến từ khắp Giuđê và từ cả hai thành ngoại giáo Tia và Xiđôn để lắng nghe Người và được chữa lành. Việc nhấn mạnh bằng hình thức tóm lược của Luca là lắng nghe Người; nét này được thêm vào nguồn Máccô là nguồn tập chú vào việc chữa lành và trừ qủy, để chuẩn bị cho bài giảng sắp tới. Nếu Luca có nhắc đến chữa lành thì là vì do lấy từ nguồn Máccô.

Nhìn các môn đệ và nói. Dù có sự hiện diện đông đảo dân chúng từ khắp nơi đến nghe Người, rõ ràng, theo Luca, Chúa Giêsu muốn ưu tiên nói với các môn đệ.

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Bản Hy Lạp của Tin Mừng Luca dùng 3 chữ y hệt như Mt 5:3, makarioi hoi ptōchoi nhưng Tin Mừng Mátthêu thêm “trong tinh thần”, có thể phản ảnh lối hiểu của các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi.

“Phúc” là lối dịch thông thường chữ Hy Lạp makarios, 1 tĩnh từ dùng để chỉ mối phúc của Tân Ước. Trong thế giới Hylạp, chữ makarios chỉ hạnh phúc bên trong của người ta. Khi hình thức mối phúc được khai triển ở đó, nó ca ngợi vận may của người ta hoặc tán dương họ vì vận may họ có được. Hình thức mối phúc đặc biệt được dùng trong văn chương khôn ngoan của Cựu Ước và mang ý nghĩa tôn giáo như là ơn huệ của Thiên Chúa dành cho con người. Sự chúc phúc theo nghĩa đó thường chỉ một cuộc sống trọn vẹn, một người vợ hiền (Huấn ca 26:1), có con trai nối dõi (Tv 127:3-5), thịnh vượng và danh dự (G 29:10-11).

Trong thế giới Hylạp, các thần minh thường được mô tả là cực kỳ makares (như Odyssey 5.7). Trong truyền thống Do Thái Kitô giáo, hình thức mối phúc không được dùng cho Thiên Chúa (nhưng xem 1Tm 1:11; 6:15 với việc dùng cách khác chữ makarios để chỉ về Người – nhóm các Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “chí tôn” và “vạn phúc”). Trong bản Bẩy Mươi, Thiên Chúa được cho là “có phúc” (“blessed”) theo nghĩa được chúc tụng nhưng như thế là tĩnh từ eulogētos hay phân từ eulogēmenos, cả hai dịch sang tiếng Hipri là bārûk, thường dùng trong kinh nguyện “chúc tụng Thiên Chúa/Giavê” (xem Xh 18:10; St 9:26; 24:27). Cũng cùng các chữ này dùng để chỉ về con người nhưng nói về điều kiện được Thiên Chúa chúc phúc, trong khi makarios nhấn mạnh hơn tới tình trạng hạnh phúc, thịnh vượng hay may mắn của người ta do sự chúc phúc kia.

Trong Tân Ước, hình thức mối phúc hiếm khi duy trì hình thức đơn giản của văn hóa Hy Lạp. Nó thường dùng makarios ở số nhiều, theo sau là một mạo từ hạn định, và một danh từ hay một phân từ. Ở đây, các mối phúc hiếm khi diễn tả sự khôn ngoan thực tiễn, vì chúng thường nhấn mạnh việc đảo ngược các giá trị mà người ta thường đặt nơi các vật trần thế vì nước trời đang được Chúa Giêsu giảng dậy. Một nghịch lý diễn ra ở đây. Phần đầu mô tả tình trạng của môn đệ nhưng phần hai hứa hẹn phần thưởng cánh chung, thường phát biểu trong thể thụ động thần học (nghĩa là với tác động hàm ngụ của Thiên Chúa, “các ngươi sẽ được no đầy” bởi Thiên Chúa).

Trong in Mừng Luca, việc chờ mong cánh chung tức khắc đã không còn khi soạn giả chuyển vị việc nhấn mạnh cả các mối phúc lẫn mối họa qua các điều kiện hiện tại, những người đói khát và khóc than “bây giờ”, những người “đang no nê” và “vui cười” “bây giờ” (6:21, 25). Như thế, ngài tương phản điều kiện trần thế hiện tại của các Kitô hữu với điều kiện khi họ qua đời (xem J. Dupont, Béatitudes 2, 100-109).

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Mối phúc thứ hai của Luca tương ứng với mối phúc thứ tư của Mátthêu (5:6). Nhưng Mátthêu thêm “đói và khát sự công chính”. Theo Cha Fitzmyer, nguyên thủy, mối phúc có thể có cặp “đói và khát” như tìm thấy trong Is 49:10; 65:13.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Mối phúc thứ ba của Luca tương ứng với mối phúc thứ ba của Mátthêu (5:4), theo các bản dịch tiếng Việt, ngoại trừ bản dịch của anh em Tin Lành: nhưng các động từ trong Mátthêu là “khóc tang” [Mourn trong tiếng Anh] và “được an ủi”. Theo Cha Fitzmyer, Mátthêu có tính Thánh Kinh hơn vì nhắc lại sự an ủi trong Isaia cho những kẻ khóc tang Xion (Is 61:2). Trong khi động từ gelan “cười” chỉ có ở đây, đủ thấy Luca là soạn giả đã sửa đổi nguồn này.

Phúc cho anh em khi vì Con Người bị người ta oán ghét, khai trừ. Hình thức Luca của mối phúc này dẫn khởi bởi cụm từ makarioi este hotan như mối phúc thứ chín của Mátthêu (5:11-12): “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và nói đủ điều xấu xa, dối trá chống lại anh em”. Trong cả hai hình thức, bốn việc làm tổn thương đã được nhắc đến. Luca có oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên. Mátthêu có: sỉ vả, bách hại, nói đủ điều xấu xa, dối trá (chỉ giống nhau ở sỉ vả).

Vì Con Người. Trong Mátthêu 5:11, ta thấy “vì Thầy”. Tước hiệu “Con Người” được Luca đưa vào đây không hẳn nhắc tới việc xuất hiện của vị này, mà nhắc tới thừa tác vụ trần thế của Người.

Khai trừ. Có thể nói đến việc các Kitô hữu bị xua đuổi khỏi các hội đường Do Thái, do đó, nói tới trải nghiệm của các Kitô hữu thời Luca. Dù hai hình thức Luca và Mátthêu có khác nhau, nhưng cả hai đều nói tới các bách hại vì Chúa Giêsu có thể là một ý niệm có nguồn gốc từ chính Chúa Giêsu.

Bị xoá tên. Chắc chắn không phải tên riêng, mà là danh “Kitô hữu” vốn được Luca biết đến (Cv 11:26; 26:28).

Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa. Luca thêm “ngày đó” tương ứng với việc dùng chữ “bây giờ” ở phần đầu mối phúc. Thường Luca dùng chữ skirtan để chỉ nhẩy lên vì vui mừng như trong 1:41, 44, ở đây, ngài thay thế nó bằng động từ agalliasthe (khoái chí, delight), cũng được Mátthêu duy trì từ nguồn “Q” và chỉ dùng trong mối phúc này (5:12).

Phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Chữ misthos của Hylạp chỉ việc trả tiền hay tiền lương cho công việc đã làm. Nó được dùng theo nghĩa bóng cả trong thế giới Hylạp lẫn trong Bản Bẩy Mươi theo nghĩa tôn giáo như phần thưởng cho tác phong luân lý hay đạo đức.

Các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. Cụm từ hoi paretes auntōn (cha ông họ cũng) đặt một cách nhấn mạnh ở cuối câu, cũng có trong Máthêu 5:12c và cuối mối họa thứ tư (6:26). Cả hình thức Luca lẫn hình thức Mátthêu đều nhắc đến việc bách hại các tiên tri Cựu Ước (xem 1V 19:19; Grm 26:20-24; 38:6-13). Luca sẽ nhắc tới việc giết Dacaria ở câu 11:51; xin xem thêm Cv 7:52. Ý niệm này không của riêng Luca, xem 1Tx 2:15. Việc nhắc đến “cha ông họ” cũng có thể có một sắc thái đối với Luca: Việc hậu duệ các kẻ bách hại các tiên tri xóa danh Kitô hữu hàm ý phần nào tính liên tục của Kitô giáo với Do Thái giáo. Câu nói cũng ngụ ý: các Kitô hữu được coi là có vai trò tiên tri.

Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Mối họa đầu tiên song hành với mối phúc thứ nhất (câu 20b). Thán từ Hylạp ouai (khốn) không có trong văn chương cổ điển Hylạp, nhưng xuất hiện trong các trước tác thời Rôma và trong Bản Bẩy Mươi. Hình thức khốn này thấy trong truyền thống Tin Mừng trước Luca (xem Mc 13:17; 14:21; Mt 23:23, 27). Nhưng Luca sử dụng nhiều nhất trong truyền thống nhất lãm (xem thêm 10:13; 11:43,46,47,52; 17:1; 21:23, 22:22). Các mối họa trong bản chất có tính đe dọa nhằm nói với những người giầu có, ăn sung mặc sướng, vô tư, được ca ngợi, cho họ thấy tính phù phiếm của những đặc quyền này.

Một mình Luca dùng chữ paraklēsis để chỉ sự an ủi (xem 2:25; Cv 4:36; 9:31;13:15; 15:31) chứng tỏ các mối họa không thuộc nguồn “Q”.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Mối họa thứ hai song hành với mối phúc thứ hai. Mối họa này mô tả cùng một sự đảo ngược tư thế như thấy trong Kinh Magnificat (xem 1:53).

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Mối họa thứ ba song hành với mối phúc thứ ba. “Vui cười” đây chỉ sự hài lòng với thành công lúc này. Trong văn chương Khôn Ngoan, đôi khi nó là đặc tính của kẻ ngu (Hc 21:20; 27:13) và Chúa Giêsu của Luca có thể ám chỉ thái độ ấy. Thì tương lai trong ba mối họa đầu kết hợp chúng lại với nhau khiến nhiều người cho là chúng có tính cánh chung. Cặp “sầu khổ khóc than” (pentheinklaiein) cũng thấy trong bản Bẩy Mươi (2Sm 19:2; 2Er 18:9); xem thêm Mc 16;10; Gcb 4:9; Kh 18:11,15,19.

Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng. Mối họa cuối cùng khác về hình thức với 3 mối họa đầu, giống như mối phúc chót khác với 3 mối phúc đầu. Ở đây, liên từ hotan (khi) được sử dụng. Chúa Giêsu của Luca cảnh cáo rằng danh tiếng có thể là một mục đích lừa đảo ở trong đời đối với Kitô hữu. Vì mối hoạ này được diễn tả không có câu trừng phạt, nên nó không có tương lai; thay vào đó, Luca soạn một câu song hành với phần kết của mối phúc thứ tư.

Các ngôn sứ giả. Ngôn sứ giả là những người đi tìm lòng quí mến của người đương thời (Is 30:10-11; xem Grm 5:31; 6:14; 23:16-17; Mk 2:11).

Nhận định

Giờ đây, Luca đưa vào Tin Mừng của mình bài giảng chính của Chúa Giêsu (6:20-49). Người ta quen gọi nó là “bài giảng ở đồng bằng” tương phản với “bài giảng ở trên núi” của Mátthêu (5:1-7:27), trong đó có phần nói về các mối phúc.

Bài giảng của Luca ngắn hơn nhiều so với bài giảng của Mátthêu, kể cả phần nói về các mối phúc và các mối họa. Bất chấp nhiều khác nhau trong hai bài giảng, vẫn có sự tương tự căn bản khiến người ta cho rằng có một bài giảng hạt nhân trong nguồn “Q” được hai soạn giả Luca và Mátthêu khai triển lại theo cách riêng của họ.

Bài giảng ở đồng bằng là khuôn mẫu lối giảng dạy của Chúa Giêsu trong Luca. Sứ mệnh của Người là đến để giảng dạy người nghèo, tù nhân, người mù và người bị hất hủi. Trong tình tiết này, Luca nhấn mạnh đến việc dân chúng lũ lượt kéo đến với Người từ khắp mọi nơi để lắng nghe Người và Người không làm nản lòng họ bằng dạy họ điều vốn được gọi là hiến chương nước trời khơi mào bằng các mối phúc kèm theo các mối họa.

Lời lẽ Chúa Giêsu, theo Luca, đụng tới cuộc sống hàng ngày, nghèo, đói, khóc tang, hận thù, xua đuổi và các mối phúc cùng mối họa nâng các quan tâm đó lên một chiều kích khác. Chiều kích này có thể là cánh chung nhưng không triệt để như trong Mátthêu, vì Luca ít quan tâm tới cánh chung tức thời. Việc ngài dẫn nhập chữ “bây giờ” cho thấy ngài quan tâm tới cuộc sống Kitô hữu ở đây và vào lúc này.

Cha Fitzmyer cho rằng các mối phúc và các mối họa chỉ là một mào đầu của bài giảng ở đồng bằng gồm trọn tình tiết 6: 20-49 mà chủ đích là nói về tình yêu người lân cận và cả kẻ thù nữa. Động lực của tình yêu này là tình yêu hay lòng thương xót của chính Thiên Chúa, người cha của hiện sinh con người, một tình yêu cần được mô phỏng.

Các mối phúc của Luca được ngỏ với các “môn đệ” như những người nghèo, đói, tang tóc, và bị hất hủi của thế giới này; họ được tuyên bố là “có phúc” vì việc họ dự phần vào nước trời bảo đảm họ sẽ được giầu có, hân hoan và tưởng thưởng trên trời. Luca không thiêng liêng hóa tình huống của các môn đệ như Mátthêu, một soạn giả đã thêm vào lời của Chúa Giêsu những cụm từ thích hợp với các thành viên thuộc cộng đồng hỗn hợp của ngài, những người “nghèo trong tinh thần” đói và khát “sự công chính”. Đúng hơn, là nghèo, đói, khóc than, hận thù, và xua đuổi tạo nên tình huống có thật cho các tín hữu Kitô được Chúa Giêsu của Luca tuyên bố là “có phúc”.

Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 622-646
 
Văn Hóa
Valentine và Mùa Xuân
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:46 12/02/2022

Valentine và Mùa Xuân

1. Thánh Valentinô

Ngày 14 tháng 2, Giáo hội mừng lễ Thánh Valentinô.

Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine là linh mục ở Rôma và là một y sĩ. Trung thành với đức tin, ngài được phúc tử đạo vào ngày 14 tháng 2. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.

Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị điệu đến tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng 2, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.

Trang web: History.com, có bài viết:“St.Valentine beheaded”. Ngày 14 tháng 2 khoảng năm 269 CN, Valentine, một vị linh mục tại La Mã dưới thời Hoàng đế Claudius II, đã bị hành hình. Dưới thời Claudius bạo chúa cai trị, La Mã bị kéo vào nhiều cuộc chiến đẫm máu và không được lòng dân. Vị hoàng đế này phải duy trì một đội quân hùng mạnh, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tuyển mộ lính tráng cho những liên minh quân sự của mình. Claudius tin rằng các chàng trai trẻ không muốn nhập ngũ là do tình cảm gắn bó sâu sắc của họ với vợ và gia đình.

Để giải quyết vấn đề này, Claudius cấm mọi cuộc hôn nhân và đính ước tại La Mã. Valentine, nhận ra sự bất công của sắc lệnh này, đã chống lại Claudius và tiếp tục cử hành các cuộc hôn lễ bí mật cho các đôi tình nhân trẻ.

Khi những hành động của Valentine bị phát hiện, Claudius ra lệnh tử hình ông. Valentine bị bắt giữ và kéo lê tới trước vị Quan trưởng thành La Mã, người kết án tử hình ông bằng cách ném đá tới chết và chặt đầu. Bản án được thi hành vào ngày 14 tháng 2, khoảng năm 269.

Truyền thuyết sau này cũng kể rằng khi ở trong tù, Thánh Valentine đã để lại một lời từ biệt cho con cái của người cai ngục, người đã trở thành bạn ông, và ký bức thư là “Từ Valentine của em”. Vì lòng phụng sự vĩ đại của mình, Valentine được phong thánh sau khi ông qua đời.

Trên thực tế, nguồn gốc và nhân thân chính xác của Thánh Valentine là không rõ ràng. Theo Bách khoa Thiên Chúa giáo: “Ít nhất có ba vị thánh Valentine khác nhau, cả ba đều tử vì đạo, được đề cập tới trong các tử đạo sử về ngày 14 tháng 2”. Một người là linh mục ở La Mã, một người là giám mục ở Interamna (nay là Terni, Ý), và vị thánh Valentine thứ ba là một người tử vì đạo ở Phi châu thuộc La Mã.

Truyền thuyết cũng ghi nhận khác nhau về cách mà tên của vị thánh này trở nên liên quan đến sự lãng mạn. Ngày ông qua đời có thể đã trùng với lễ Lupercalia, một lễ hội tình yêu của những người ngoại giáo. Vào những dịp này, tên của các cô gái trẻ được đặt trong một cái hộp, và các chàng trai trẻ sẽ lựa chọn chúng một cách ngẫu nhiên. Năm 496 CN, Giáo hoàng Gelasius quyết định chấm dứt lễ Lupercalia, và ông tuyên bố 14 tháng 2 sẽ được kỷ niệm là Ngày thánh Valentine.Dần dần,14 tháng 2 đã trở thành một ngày để trao đổi những thông điệp yêu thương, những bài thơ và những món quà đơn giản như hoa. (Nguyễn Huy Hoàng, biên dịch).

Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng 2, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng 2, là vì người tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này "mọi chim đực đi tìm chim mái". Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành ngày Valentine. (x.nguotinhuu.com)

Ngày 14 tháng 2 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống để trao đổi thư tình và Thánh Valentinô đã trở thành quan thầy của những cặp uyên ương. (Macmillan Profiles: Festivals and Holidays, 1999, p. 363).

2. Tình yêu và mùa xuân

Hàng năm vào mùa Valentine, trên khắp thế giới đã có hàng tỉ tấm thiệp được bán ra và gửi đi. Những cặp uyên ương, nhất là những người trẻ, không thể không có một tấm thiệp hoặc món quà tặng gửi cho người mình yêu. Thiệp phải thật đẹp, lời chúc phải thật thấm thía và mùi mẫm như để bày tỏ mối tình thắm thiết nồng nàn.

Tình yêu cũng giống như mùa xuân. Những cảm xúc tình yêu khi xuân đến không giống như con tim yêu lãng mạn của mùa thu, không kiếm tìm sự ấm áp như mùa đông, cũng chẳng giống như suối nguồn tưới mát tâm hồn trong những ngày nắng cháy da của mùa hạ. Tình yêu trong mùa xuân là nỗi khát khao cháy bỏng, là sự trào dâng những xúc cảm mãnh liệt, nồng nàn, rộn rã…

Ngày Valentine như một kỷ niệm để nhắc nhở mọi người về Tình yêu. Một chàng trai thương mến một cô gái nhưng không dám tỏ tình, nhân ngày Valentine đã dùng một tấm thiệp hay một món quà để bày tỏ tình cảm. Một cặp tình nhân, nhân dịp Valentine để biểu lộ tình yêu đằm thắm hơn. Một đôi vợ chồng già, tình yêu đã phai nhạt với tháng ngày, nhân ngày Valentine, một bó hoa, một cử chỉ đặc biệt sẽ làm sống lại mối tình lâu ngày ngủ yên. Con cái bày tỏ tình yêu hiếu thảo với cha mẹ nhân ngày Valentine. Thật hạnh phúc khi nhận được một đóa hồng nhân ngày Valentine. Tình yêu sẽ bừng sáng, tươi mát trở lại hơn xưa rất nhiều.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đời người. Mùa xuân là mùa của sự sống niềm vui và hy vọng.Yêu nhau là mùa xuân đang về, cưới nhau là khởi đầu mùa xuân, một năm mới của đời sống vợ chồng. Thật hạnh phúc cho những ai đang yêu và được yêu, những rung động của tình yêu sẽ hòa chung với sắc xuân ấm áp, linh thiêng và tươi mới…!

Làm sao để vợ chồng mãi là mùa xuân của nhau?

Thứ nhất là phải biết nghe nhau.Lắng nghe bằng tất cả sự tôn trọng.

Thứ hai là phải biết nói với nhau. Nói với nhau bằng ngôn ngữ tình yêu.

Thứ ba phải biết dí dỏm, trào lộng. Hài hước sẽ làm cho bầu không khí gia đình nhẹ nhàng vui tươi.

Thứ bốn phải biết cầu nguyện với nhau và cho nhau.Cầu nguyện cho nhau, và cầu nguyện cùng nhau. Có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh gia đình cùng cầu nguyện, cùng nghe lời Chúa.

Hãy tặng nhau Tình Yêu Valentine để luôn có mùa xuân hạnh phúc. Tình Yêu Valentine là Tình yêu Vị Tha Agapê. Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn chan hoà muôn người.

Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quãng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo: Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu.

Valentine 2022





 
VietCatholic TV
Gay go: Trong một tuần, hai HY thân nhất với ĐGH đưa ra các lập trường thách thức giáo huấn của ngài
VietCatholic Media
05:30 12/02/2022


Tiến sĩ JD Flynn của The Pillar nhận xét rằng tuần này liên tiếp xảy ra những sự kiện trong đó các vị Hồng Y thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô công khai đi ngược lại các chủ trương minh nhiên của Đức Đương Kim Giáo Hoàng.

Tiến sĩ Flynn cho rằng: Các đại biểu tham gia “Tiến Trình Công Nghị” của Đức vào tuần trước đã bỏ phiếu ủng hộ một văn kiện kêu gọi việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính và truyền chức linh mục cho phụ nữ. Một ngày trước đó, một Hồng Y Luxembourg đã kêu gọi “sửa đổi tín lý từ căn bản” về đồng tính luyến ái. Và vị Hồng Y nổi tiếng nhất của Đức, cùng ngày, đã đưa ra quan điểm gây tranh cãi rằng việc cho phép những người đàn ông đã lập gia đình trở thành linh mục có thể cải thiện cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Tiến sĩ JD Flynn nhận định rằng, tất nhiên, Giáo Hội chắc chắn sẽ không chấp nhận các chủ trương được kêu gọi bởi Tiến Trình Công Nghị và các Hồng Y vừa nhắc trên đây.

Thực tại đó đặt Đức Hồng Y Reinhard Marx, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich người Luxembourg, và Tiến Trình Công Nghị Đức vào một xó. Mỗi thành phần đó đã trực tiếp thách thức các chủ trương lâu đời của Giáo Hội - các tín lý và kỷ luật mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần khẳng định - và như vậy, đặt uy tín lãnh đạo của họ vào tình thế nguy hiểm.

Nói tóm lại, Marx, Hollerich và những người tổ chức thượng hội đồng Đức trong tháng này đã có những lập trường mâu thuẫn gay gắt với Đức Giáo Hoàng, trong khi cho rằng mình đang hoạt động dưới sự lãnh đạo của ngài. Và trong mỗi trường hợp, trò chơi dường như sắp kết thúc.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Marx, Hollerich, và những người tổ chức Thượng hội đồng Đức có thể sẽ sớm phải đối diện với cùng các câu hỏi: Những tiếng nói mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng có thể tiếp tục khẳng định vị trí lãnh đạo của mình trong bao lâu? Đâu là giá phải trả của việc làm cho các mâu thuẫn âm ỉ ngày một minh nhiên hơn, và đâu là các hậu quả của việc duy trì hiện trạng này?

Những người tổ chức Tiến Trình Công Nghị Đức từ lâu đã cho rằng họ đại diện cho các chủ trương của những người Công Giáo ngoan đạo bình thường ở Đức, và các chủ trương của các mục tử và giám mục của họ. Thượng hội đồng hầu hết được tổ chức bởi ZdK, một loại tổ chức giáo dân bán chính thức ở Đức. Các nhà lãnh đạo ZdK cho biết nỗ lực của họ phản ảnh tâm tư tình cảm của hầu hết giáo dân Công Giáo và nhằm giải quyết nền văn hóa giáo sĩ trị từng tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.

Về nguyên tắc, việc làm sáng tỏ một nền văn hóa giáo sĩ trị ương ngạnh là việc mà chính Tòa thánh đã thúc giục, trong bối cảnh Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tính đồng nghị và phản ứng tổng thể của Giáo Hội đối với nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong những năm gần đây. Nhưng Tiến Trình Công Nghị Đức chưa chứng minh được việc nói đến vấn đề tham vấn giáo dân về các vấn đề quản trị hoặc hành chính - thay vào đó, nó đã được chứng minh, nhiều lần, như một loạt các thách thức đối với tín lý bí tích và Giáo Hội học của Giáo Hội Công Giáo, mà một số thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của Tòa thánh Vatican.

Khi bắt đầu vào năm 2019, một số giám mục và nhà bình luận Công Giáo đã kêu gọi Tòa thánh đóng cửa Tiến Trình Công Nghị Đức. Một giám mục người Mỹ thậm chí đã công bố một phản ứng thần học dài về các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng Đức

Nhưng dù Đức Phanxicô đã thực hiện một loạt các can thiệp vào vụ việc, ngài đã không tiến xa đến chỗ kêu gọi nó kết thúc.

Tuy nhiên, điều cũng đã trở nên hiển nhiên là các tuyên bố tín lý không phải là Công Giáo của con đường thượng hội đồng Đức sẽ không thực sự thay đổi bất cứ điều gì trong Giáo Hội. Bộ Giáo lý Đức tin và các cơ quan khác của Vatican đã phản ứng gay gắt với nhiều tuyên bố cực đoan nhất hoặc đưa ra những tuyên bố mang tính tín lý đi ngược lại chủ trương của Tiến Trình Công Nghị Đức.

Hậu quả là ngày càng có nhiều người Công Giáo ngoan đạo và các giám mục Đức bắt đầu mất hứng thú với toàn bộ vụ việc. Một số người Công Giáo Đức từ sớm đã quyết định rằng diễn trình này không liên quan nhiều đến họ và đức tin của họ, và những người khác - cả những người kêu gọi thay đổi tín lý một cách cấp tiến - dường như đã bắt đầu nhận ra rằng phần lớn cuộc hội họp này sẽ chẳng đi đến đâu.

Do đó, ngày càng có nhiều đại biểu bỏ qua các phiên họp và tự ý vắng mặt trong các phiên bỏ phiếu. Các phiên họp đã gặp khó khăn, trong một số trường hợp, thậm chí không đủ đủ túc số.

Các bản văn được thông qua vào tuần trước là các bản văn dự thảo, sẽ phải được các giám mục của Đức chấp thuận, vào khoảng năm 2023, để trở thành bản văn chính thức của Tiến Trình Công Nghị. Mặc dù một số giám mục Đức có tiếng nói nhất vẫn tiếp tục ủng hộ diễn trình thượng hội đồng, nhưng hầu hết đều có óc thực dụng đủ để tránh bày ra một cuộc ăn thua với Rôma - ngay cả những người muốn thấy một con đường “thay đổi” tín lý.

Nói tóm lại, ba năm diễn ra diễn trình thượng hội đồng Đức, và hơn một năm trước khi có những cuộc bỏ phiếu cuối cùng và có tính tranh nghị về diễn trình, có vẻ như rất có thể Tiến Trình Công Nghị Đức sẽ xì hơi, hoặc sụp đổ dưới sức nặng của chính nó – đánh mất bất cứ sự ủng hộ nào của những người Công Giáo ngoan đạo mà nó có thể đã tập hợp, và không nhận được số phiếu tán thành đủ từ các giám mục Đức để các tài liệu của nó có hiệu lực thực tế.

Rôma dường như không can thiệp mỗi khi các thành viên tham gia Thượng hội đồng Đức thông qua các bản văn không có tính ràng buộc vẫn cần được các giám mục chấp thuận. Cho đến năm 2023, Thượng hội đồng Đức có thể sẽ tiếp tục với rất ít hoặc không có sự can thiệp của Vatican - Rome có thể sẽ cho phép mọi việc diễn ra theo hướng của nó, trừ khi có vẻ như các giám mục có thẩm quyền thực sự đang đứng trước ngưỡng cửa các cuộc bỏ phiếu có thể tạo thành một cuộc ly giáo.

Và ở Frankfurt, nơi các cuộc họp đang diễn ra, thượng hội đồng đã bàn đến rất nhiều vấn đề và cho đến nay đã công khai thách thức Rôma. Có vẻ như ZdK đang kích thích Rome đưa họ vào thế trở thành tiếng nói tín hữu bị đàn áp. Nếu Vatican không mắc bẫy, thượng hội đồng Đức có thể được nhớ đến như một nhóm các nhà tranh đấu viễn mơ thúc đẩy một nghị trình ít người Công Giáo tham dự Thánh lễ thực sự mong muốn.

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg là chủ tịch liên hiệp các hội đồng giám mục Âu Châu. Vị Hồng Y này không xa lạ gì với những tuyên bố gây tranh cãi - trước đây ngài đã bày tỏ sự cởi mở đối với việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính.

Tuần trước, vị Hồng Y này đã tiến một bước xa hơn, nói với hãng thông tấn KNA thuộc sở hữu của Giáo Hội Đức, rằng giáo huấn Công Giáo về tính luân lý của các hành vi đồng tính luyến ái cần được “sửa đổi về căn bản”, vì “nền tảng khoa học-xã hội học của giáo huấn này không còn đúng nữa”.

Tất nhiên, các nhà luân lý đã trả lời rằng học thuyết luân lý Công Giáo bắt nguồn từ sự hiểu biết của Giáo Hội về sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, chứ không phải từ suy tư của xã hội học. Nhưng trong khi những nhận xét của Đức Hồng Y Hollerich đã tạo ra cả các tiêu đề quốc tế lẫn phản ứng thần học, chúng vẫn chưa được Vatican phản hồi.

Đức Hồng Y rất nổi tiếng và rõ ràng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn là người cùng dòng Tên, rất yêu quý. Năm 2019, Đức Giáo Hoàng đã phong Tổng Giám Mục Hollerich làm Hồng Y đầu tiên của Giáo Hội Luxembourg. Và năm ngoái, cả sau khi Hollerich kêu gọi đặt nghi vấn đối với tín lý Công Giáo về các thánh chức, Đức Phanxicô đã cử ngài làm “tổng tường trình viên” của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, nói cách khác, báo cáo cuối cùng của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” sẽ được soạn thảo với sự giám sát của Hollerich.

Mặc dù Đức Phanxicô từng nói rằng ngài muốn khuyến khích đối thoại cởi mở giữa các nhà lãnh đạo Giáo Hội, nhưng điều đáng đặt câu hỏi là liệu các bình luận gần đây nhất của Hollerich có bắt đầu thử nghiệm cam kết của Đức Giáo Hoàng hay không.

Vì Vatican từng cố gắng nhấn mạnh rằng “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” sẽ không thách thức học thuyết Công Giáo, nên chắc chắn nhiều giám mục trên thế giới sẽ đặt vấn đề với Đức Phanxicô rằng một trong những viên chức cao cấp trong thượng hội đồng của ngài đã thực tế bác bỏ nền đạo đức tính dục Công Giáo.

Mục tiêu của Đức Hồng Y có thể chỉ đơn giản là chuyển “cửa sổ Overton” [*] trong các vấn đề đạo đức tính dục - trong trường hợp này, ngài có thể gọi đó là một chiến thắng khi ngài “bắt đầu một cuộc trò chuyện” ngay cả khi Vatican đóng cửa cuộc trò chuyện này.

Nhưng vị Hồng Y có thể đã tận dụng chức vụ lãnh đạo của mình vào triển vọng đó hơn điều ngài mong đợi.

Nếu Vatican có ý định nghiêm túc đóng cửa phong trào hướng tới việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính ở châu Âu, và giữ các giám mục bảo thủ người Mỹ và Phi Châu tham gia vào Thượng hội đồng, thì gần như chắc chắn, Đức Phanxicô sẽ cần phải chặn gió thuyền buồm của Hollerich.

Và Hollerich biết rằng Đức Phanxicô đã rất nỗ lực trong việc khẳng định học thuyết Công Giáo về tính dục, dù ngài kêu gọi một nền mục vụ nhiều dấn thân hơn. Về vấn đề chăm sóc mục vụ thực tế, nếu Vatican hy vọng dấn thân một cách có ý nghĩa vào công việc mục vụ và truyền bá tin mừng giữa những người tự xác định là đồng tính, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phải quyết định xem liệu sự vận động của Hollerich có nói lên một loạt các kỳ vọng sai lầm sẽ gây thiệt hại thực sự hay không khi chúng bị dẹp bỏ.

Tuy nhiên, chừng nào Hollerich vẫn tiếp tục bác bỏ học thuyết Công Giáo một cách minh nhiên, trong khi vẫn là tổng tường trình viên của Thượng hội đồng và là chủ tịch liên minh các giám mục Âu Châu, thì ngài có thể cho rằng Giáo Hội đang kinh qua sự phát triển tín lý về luân lý tính dục, và cho rằng việc tiếp tục giữ chức vụ của ngài là một con dấu ngầm được sự chấp thuận của Đức Phanxicô.

Bao lâu Hollerich còn tiếp tục lãnh đạo, ngài vẫn có thể khẳng định một chiến thắng. Đức Giáo Hoàng phải đối đầu với viễn cảnh phải quyết định xem sự thống nhất giữa các giám mục thế giới có thể chịu đựng tình trạng đó trong bao lâu - và quyết định xem liệu việc vận động của Hollerich có vừa là nguồn gây tai tiếng đối với những người Công Giáo ngoan đạo luôn mong đợi lòng trung thành về tín lý từ các cộng sự viên thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng, vừa là một nguồn có tiềm năng gây hại cho những người Công Giáo đồng tính, những người ít nhất muốn có sự trung thực, hơn là các lời hứa hão huyền, về điều Giáo Hội dạy và điều Giáo Hội không dạy.

Hoàn cảnh của Đức Hồng Y Marx không giống như hoàn cảnh của Đức Hồng Y Hollerich. Mặc dù Marx chắc chắn đã từng chỉ trích tín lý trong quá khứ, nhưng tiêu đề gần đây nhất của ngài xuất phát từ việc đặt nghi vấn đối với vấn đề thuần túy mang tính kỷ luật trong đời sống Giáo Hội – đó là đời sống độc thân của các linh mục.

Nhưng vị Hồng Y này đã định khung vấn đề đó trong tương quan với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, theo cách chắc chắn gây ra sự thất vọng nơi những người ủng hộ nạn nhân.

Nói về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, Marx nói rằng đời sống độc thân của các linh mục nên trở thành nhiệm ý, thay vì bắt buộc, bởi vì một số linh mục “cô đơn”, và, đối với nhiều linh mục. hôn nhân “sẽ tốt hơn cho cuộc sống của họ”.

Trong những năm gần đây, một số người Công Giáo lập luận rằng chủ trương chấm dứt chế độ độc thân để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là hành vi thiếu tôn trọng đối với cả nạn nhân lẫn phụ nữ.

Lập luận ấy cho rằng lạm dụng tình dục không xảy ra vì người ta không có hoạt động tính dục - hành vi lạm dụng liên quan đến quyền lực, sự thao túng và kiểm soát, chứ không phải sự thôi thúc tính dục. Hơn nữa, lập luận nói rằng, ý niệm cho rằng có vợ sẽ giải quyết các xung động lạm dụng đã công cụ hóa phụ nữ, và chính hôn nhân, một cách thiếu tôn trọng và không chính xác. Một người vợ không phải là phương thuốc chữa trị cho những khuynh hướng lạm dụng, hay những tệ nạn và chứng bệnh tâm lý.

Liệu những nhận xét của Marx cuối cùng có được coi là một câu nói hớ hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng điều chắc chắn là vị Hồng Y hiện đang thực hiện một số nỗ lực để chấm dứt chế độ độc thân của hàng giáo sĩ, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không mắc bẫy đối với bất cứ điều nào trong số ấy. Hiện nay, có vẻ như rõ ràng là nếu Đức Phanxicô dự định khởi diễn một cuộc thử nghiệm để có nhiều linh mục Công Giáo Latinh đã kết hôn hơn, thì ngài đã làm điều đó rồi.

Nếu Marx tiếp tục thúc đẩy, mà không có đáp ứng thiết thực hoặc có ý nghĩa nào từ Đức Phanxicô, thì ngài có nguy cơ chứng tỏ rằng ảnh hưởng được ca tụng nhiều của ngài với Đức Phanxicô thực sự bị hạn chế. Điều này đặt Marx vào một vị trí đáng lưu ý - cuối cùng, và có lẽ sẽ sớm thôi, có khả năng ngài sẽ phải quyết định xem liệu có tốt hơn không nếu chịu khó vào hàng hơn một chút và để cho tri nhận về ảnh hưởng của ngài còn nguyên vẹn, hay nên dành ưu tiên cho việc tiếp tục thúc đẩy các vấn đề chứng tỏ là không đi đến đâu, và ngày càng bị coi là không liên quan đến Đức Phanxicô.

Theo truyền thống, Đức Phanxicô đã cho Marx một sợi dây xích dài, và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục làm như vậy. Nhưng bản thân Marx phải quyết định chính xác lý do tại sao Đức Giáo Hoàng lại cho ngài sợi dây dài như vậy, và chính xác ngài phải làm gì với nó.

Tiến sĩ JD Flynn kết luận: Hollerich, Marx và ban lãnh đạo của phiên họp Thượng hội đồng Đức đều đã rất khổ công tự lên khuôn mình như “Những Người Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, ngay cả khi các vấn đề và quan điểm của họ khác xa với sự lãnh đạo của vị Giáo hoàng ở Vatican. Phần lớn, họ đã cố gắng lớn tiếng chống lại tín lý hoặc kỷ luật Công Giáo mà không mất tiếng nói, ảnh hưởng hoặc ít nhất là sự chú ý.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng đã giáng một số búa, nhưng Vatican của ngài đã thực hiện đủ các bước để thấy rõ điều Đức Phanxicô sẽ làm và sẽ không làm với phần còn lại của triều giáo hoàng của ngài. Và ý niệm cho rằng Hollerich, Marx, và các nhà lãnh đạo Thượng hội đồng Đức đứng chung hàng với Đức Phanxicô đang trở nên mỏng manh.

Kết quả là, mỗi người đang tiến gần hơn đến chỗ phải quyết định: thực sự cùng hàng với Đức Phanxicô, hoặc cố ý tan hàng, hậu quả sẽ rất đáng tiếc. ZdK dường như sẽ tan hàng và cùng với nó là con đường thượng hội đồng Đức. Dù vậy, đối với Marx và Hollerich, con đường mà họ sẽ chọn dường như vẫn chưa rõ ràng.

Và thường sẽ đúng là bước tiếp theo của Đức Giáo Hoàng ở những mặt trận đó thực sự là điều ai cũng đoán được.
Source:Pillar Catholic
 
Tai hại: Cha sở ân hận, từ chức vì rửa tội sai công thức, báo hại hàng ngàn người phải rửa tội lại
VietCatholic Media
05:35 12/02/2022


1. Phiên điều trần đầu tiên tại Faisalabad liên quan đến gia đình Kitô bị bách hại trong sáu tháng qua

Vẫn chưa có hồi kết cho việc quấy rối và đàn áp các tín hữu Kitô ở Pakistan: góa phụ Rifat Rani và các con của bà đã bị những người hàng xóm Hồi giáo của họ ngược đãi trong hơn sáu tháng và chỉ được ra tòa sau khi cầu cứu Human Rights Focus Pakistan.

Rifat Rani, 48 tuổi, làm công việc dọn dẹp tại Đại học Nông nghiệp Faisalabad. Gia đình có sáu người phụ thuộc khác, cô không thể kiếm sống qua ngày sau cái chết của chồng mình, vì vậy cô đã nhờ người hàng xóm Akbar Ali giúp đỡ. Ali đồng ý chia sẻ tiền điện với góa phụ, nhưng khi hóa đơn đầu tiên đến vào ngày 25/8, anh ta yêu cầu cô trả toàn bộ 14,000 rupee, tức là khoảng 75 euro.

Rifat từ chối, yêu cầu trả những gì đã thỏa thuận, tức là một nửa. Muốn có thêm tiền, Akbar Ali bắt đầu đe dọa và quấy rối cô con gái Iram. Khi anh trai cô, Haroon Masih, liên lạc với cảnh sát, họ đã bắt Ali và thật bất ngờ đã bắt cả Haroon, giam giữ trong 10 ngày.

Sau khi ra tù, cả hai đã đạt được thỏa thuận ban đầu về việc thanh toán hóa đơn, nhưng sau đó tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong suốt mùa thu, Akbar Ali và những người ủng hộ của ông đã tấn công gia đình Rifat Rani, chúng bắt cóc và tra tấn những thành viên trong gia đình và cuối cùng phóng hỏa ngôi nhà của họ khi họ đang ở trong nhà..

Đó là thời điểm mà góa phụ Kitô giáo quyết định chuyển sang Human Rights Focus, sau khi những lời phàn nàn trước đó với cảnh sát đều vô ích. Vào ngày 28 tháng 12, một ngày sau vụ đốt nhà, cuối cùng Human Rights Focus đã buộc được cảnh sát mở cuộc điều tra. Phiên điều trần đầu tiên được tổ chức vào ngày 2 tháng 2, nhưng đã bị hoãn lại đến ngày 9 tháng 2 vì Akbar Ali có mặt mà không có luật sư.

Tình hình trở nên phức tạp vì con trai của Rifat Rani, Haroon Masih và con rể của ông, Arslan Masih, lại đang phải đối mặt với một phiên tòa vì họ bị buộc tội cưỡng hiếp con gái của Akbar Ali. Hiện tại họ đã được tại ngoại. Gia đình cho rằng đây là một trong những lời tố cáo sai sự thật của người hàng xóm để trả thù họ.
Source:Asia News

2. Cha sở ở Phoenix, đã rửa tội hàng ngàn người không đúng cách trong nhiều thập kỷ qua, ân hận và xin từ chức

Một linh mục Công Giáo ở Phoenix đã xin lỗi, cầu xin sự tha thứ và từ chức cha sở giáo xứ sau khi xác định rằng ngài đã không làm lễ rửa tội hợp lệ trong hai thập kỷ phục vụ trong tư cách là linh mục ở Brazil, ở Giáo phận San Diego và ở Giáo phận Phoenix.

Trong một lá thư gửi cho các tín hữu của giáo phận, Đức Cha Thomas Olmsted của Phoenix cho biết thông tin này “như sét đánh ngang tai và cũng là một thách thức đối với tôi khi công bố”.

Ngài nói: “Với sự quan tâm mục vụ chân thành, tôi thông báo với anh chị em rằng các lễ rửa tội được thực hiện bởi Cha Andres Arango, một linh mục của Giáo phận Phoenix, là không hợp lệ.”

Đức Cha Olmsted trích dẫn ghi chú giáo lý ngày 6 tháng 8 năm 2020 của Bộ Giáo lý Đức tin, trong đó nói rằng phép rửa tội được thực hiện với công thức “Chúng tôi làm phép Rửa Tội cho bạn nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” là không hợp lệ. Cha Arango đã sử dụng công thức này.

Đức Cha Olmsted giải thích: “Vấn đề là việc sử dụng từ 'Chúng tôi'. Không phải cộng đồng làm phép Rửa Tội cho một người, đúng hơn, đó là Chúa Giêsu Kitô, và chỉ một mình Ngài, là người chủ trì tất cả các bí tích, và vì vậy chính Chúa Giêsu làm lễ rửa tội”.

“Tôi không tin Cha Andres có bất kỳ ý định nào làm hại các tín hữu hoặc tước đi ân sủng của phép Rửa Tội và các bí tích. Thay mặt cho Giáo Hội địa phương của chúng ta, tôi cũng thành thật xin lỗi vì sai sót này đã dẫn đến sự gián đoạn đời sống bí tích của một số tín hữu. Đây là lý do tại sao tôi cam kết thực hiện mọi bước cần thiết để khắc phục tình hình cho tất cả những người bị ảnh hưởng”.

Cha Arango là một cựu thành viên của Dòng Eudist, còn được gọi là Dòng của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài trả lời tin này trong lá thư riêng của mình, nói rằng: “Tôi rất buồn khi biết rằng tôi đã thực hiện các phép Rửa Tội không hợp lệ trong suốt sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục bằng cách thường xuyên sử dụng một công thức không chính xác. Tôi vô cùng hối hận về lỗi lầm của mình và điều này đã ảnh hưởng đến nhiều người trong giáo xứ của anh chị em và những nơi khác như thế nào. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần và sự hiệp thông với Giáo phận Phoenix, tôi sẽ cống hiến năng lượng và chức vụ toàn thời gian của mình để giúp khắc phục điều này và chữa lành những người bị ảnh hưởng”.

“Tôi thành thật xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào mà hành động của tôi đã gây ra và thực sự mong các bạn cầu nguyện, tha thứ và thông cảm,” Cha Arango nói.

Cha Arango đã phục vụ tại Giáo phận São Salvador da Bahia của Brazil vào cuối những năm 1990. Sau đó, ngài phục vụ tại California với tư cách là giám đốc Trung tâm Newman của Đại học tiểu bang San Diego từ năm 2001 đến 2005. Ngài chuyển đến Giáo xứ Thánh Jerome ở Phoenix, Arizona, nơi ngài đã làm cha xứ từ năm 2005 đến năm 2013. Ngài là cha sở giáo xứ Thánh Anne ở Gilbert, Arizona từ năm 2013 đến năm 2015. Sau đó là cha sở giáo xứ Thánh Grêgôriô ở Phoenix từ năm 2015 đến ngày 1 tháng 2, khi ngài từ chức.

Giáo phận Phoenix trên trang web của mình đã công bố một lời giải thích và một mẫu đơn liên hệ cho bất kỳ ai tin rằng họ hoặc con cái của họ đã được linh mục làm phép Rửa Tội không hợp lệ. Những người không chắc linh mục nào đã tham gia vào lễ rửa tội nên xem giấy chứng nhận rửa tội của mình, một bản sao của giấy chứng nhận này thường có sẵn từ giáo xứ nơi lễ rửa tội diễn ra. Hình ảnh hoặc video về lễ rửa tội cũng có thể giúp xác định ai là linh mục quản nhiệm. Nếu thiếu bất kỳ bằng chứng nào như vậy, một người nên liên hệ với giáo xứ của họ để được giúp đỡ.

Giáo phận Phoenix cho biết: “Nếu bạn được rửa tội bằng những từ ngữ sai, điều đó có nghĩa là phép Rửa Tội của bạn không hợp lệ, và bạn chưa hề được rửa tội. Bạn sẽ cần phải được rửa tội”. Bất cứ ai biết linh mục hoặc phó tế sử dụng công thức rửa tội không hợp lệ trong giáo phận nên liên hệ với các viên chức giáo phận.

Một phép Rửa Tội không hợp lệ sẽ làm mất hiệu lực của bí tích Thêm Sức và các thánh chức, đối với người đã lãnh nhận các bí tích này. Những người chưa được rửa tội hợp lệ không được rước lễ cho đến khi họ có thể được rửa tội. “Không có câu trả lời rõ ràng duy nhất” về việc thiếu một phép Rửa Tội hợp lệ có ảnh hưởng đến hôn nhân hay không, và những người có cuộc hôn nhân có thể bị ảnh hưởng theo cách này nên liên hệ với tòa án giáo phận.

Giáo phận Phoenix nói rằng Cha Arango “không bị treo chén” và vẫn đang ở trong tình trạng tốt.

Giáo phận cho biết trên trang web của mình rằng: “Giáo phận đang hợp tác chặt chẽ với Cha Andres và các giáo xứ mà trước đây ngài được bổ nhiệm và thông báo cho bất kỳ ai có thể đã được rửa tội không hợp lệ. Cha Andres sẽ dành thời gian của mình để giúp đỡ và chữa lành những người bị ảnh hưởng”.

Bức thư của Đức Cha Olmsted yêu cầu những lời cầu nguyện cho vị linh mục và “cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tình huống không may này.”

Đức Cha nói: “Tôi cam kết làm việc siêng năng và nhanh chóng để mang lại bình an cho những người bị ảnh hưởng, và tôi bảo đảm với các bạn rằng tôi và các nhân viên giáo phận của chúng ta hết lòng cam kết hỗ trợ những người có thắc mắc về việc lãnh nhận các bí tích”.

Ngài lưu ý rằng bổn phận của chính mình là phải “cảnh giác” trong việc giám sát việc cử hành các bí tích và bảo đảm rằng các bí tích được “ban theo cách phù hợp với các mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô trong Phúc Âm và các yêu cầu của truyền thống thiêng liêng.”

Giáo phận cho biết: “Nó có vẻ hợp pháp, nhưng những lời được nói ra, cùng với những hành động được thực hiện và những chất liệu được sử dụng là những khía cạnh quan trọng của mọi bí tích”. Nếu các linh mục không được dùng sữa thay cho rượu khi truyền phép, thì các ngài cũng không được thay đổi lời nói khi làm phép Rửa Tội.

Trích dẫn việc Chúa thiết lập bí tích và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Giáo phận Phoenix cho biết “Phép Rửa Tội là một đòi hỏi để được cứu rỗi”.

Đồng thời, giáo phận cũng tìm cách giải thích rằng ân sủng của Thiên Chúa vẫn có thể hoạt động nếu các bí tích không được thực thi một cách hợp lệ.

Nhắc lại thần học về bí tích của Công Giáo, giáo phận cho biết “Điều quan trọng cần lưu ý là, trong khi Thiên Chúa thiết lập các bí tích cho chúng ta, thì Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích ấy. Mặc dù các bí tích là cách tiếp cận chắc chắn nhất của chúng ta với ân sủng, nhưng Thiên Chúa có thể ban ân sủng của Ngài theo những cách mà chỉ Ngài mới biết”.

Giáo phận cho biết: “Người Công Giáo có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa làm việc qua các bí tích khi được ban phát đúng cách, nhưng chúng ta có thể yên tâm rằng tất cả những ai đến gần Thiên Chúa, Cha chúng ta, với thiện chí lãnh nhận các bí tích đều không ra về tay không.”

Việc không làm lễ rửa tội hợp lệ đã gây ra vấn đề lớn cho một linh mục ở Oklahoma. Ngài nghĩ rằng ngài đã được thụ phong linh mục Công Giáo. Nhưng khi xem một đoạn video về lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh của mình, ngài phát hiện ra mình đã được rửa tội không hợp lệ bởi một phó tế Texas, người đã sử dụng công thức “chúng tôi làm phép Rửa”. Sau đó, vị linh mục đã phải làm lại hết từ đầu: được rửa tội lại, được Thêm Sức, được Rước lễ lần đầu, thụ phong phó tế và sau đó thụ phong linh mục.

Vào tháng 9 năm 2020, Đức Cha Michael Olson của Fort Worth đã thông báo công khai rằng giáo sĩ chịu trách nhiệm về các phép Rửa Tội không hợp lệ là Phó Tế Philip Webb, một phó tế vĩnh viễn hiện đã nghỉ hưu thuộc Giáo phận Dallas nhưng được chỉ định làm Phó Tế tại giáo xứ Thánh Catêrina thành Siena ở Carrollton, Texas, thuộc Giáo phận Fort Worth. Đức Cha Olson cho biết bất kỳ ai đã được rửa tội bởi vị phó tế này nên được làm phép Rửa Tội lại trừ khi có bằng chứng chứng minh rằng vị Phó Tế đã làm phép Rửa Tội cho họ một cách hợp lệ.

Một linh mục khác, Cha Matthew Hood của Tổng giáo phận Detroit, cũng phát hiện ra rằng mình chưa được rửa tội hợp lệ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh và vì vậy phải lại tất cả từ đầu.
Source:Catholic News Agency

3. Phiên khoáng đại Tiến Trình Công Nghị Đức kết thúc với việc kêu gọi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, thay đổi Giáo lý về đồng tính luyến ái

Phiên khoáng đại Tiến Trình Công Nghị Đức đã kết thúc vào hôm thứ Bảy với số phiếu áp đảo ủng hộ các văn bản dự thảo kêu gọi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và đòi hỏi Giáo Hội phải có những thay đổi đối với Giáo lý về đồng tính luyến ái.

Hôm 5 tháng 2, những người tham gia đã ủng hộ một tài liệu có tựa đề “Các cử hành chúc phúc cho các cặp yêu nhau” với 161 phiếu thuận, 34 phiếu chống, và 11 phiếu trắng, CNA Deutsch, đưa tin.

Họ cũng tán thành cuộc thảo luận sâu hơn về một văn bản nhan đề “Đánh giá Huấn quyền về đồng tính luyến ái” với 174 phiếu thuận, 22 phiếu chống và 7 phiếu trắng.

Bản văn nói rằng “các đoạn 2357 đến 2359 và 2396 liên quan đến đồng tính luyến ái và đức khiết tịnh của Sách Giáo lý phải được sửa đổi” như một phần của việc “đánh giá lại đồng tính luyến ái.”

Các cuộc bỏ phiếu được đưa ra vào ngày cuối cùng của cuộc họp thứ ba của Thượng Hội Đồng, cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị, ở Frankfurt, Tây Nam nước Đức.

Tiến Trình Công Nghị là một quá trình kéo dài nhiều năm gây ra rất nhiều tranh cãi, quy tụ các giám mục và giáo dân của Đức để thảo luận về cách thức thực thi quyền lực trong Giáo Hội, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ.

Thượng Hội Đồng Đức bao gồm các giám mục, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, rất có quyền lực, và đại diện của các bộ phận khác của Giáo Hội Đức.

Vào ngày đầu tiên của sự kiện, các thành viên đã thông qua một “văn bản định hướng”, đặt ra nền tảng thần học của Tiến Trình Công Nghị, cũng như một tài liệu về “quyền lực và sự phân chia quyền lực trong Giáo Hội”.

Vào ngày thứ hai, họ ủng hộ các văn bản kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, loại bỏ luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Latinh, và cho giáo dân có quyền tham gia vào việc bầu các tân giám mục.

Vào ngày cuối cùng, những người tham gia đã tán thành tổng cộng bốn tài liệu.

Văn bản “Tuyên bố của huấn quyền về tình yêu phu phụ” đã được chấp nhận để xem xét thêm với 169 phiếu thuận, 30 phiếu chống, và 6 phiếu trắng.

Tài liệu, cũng kêu gọi sửa đổi Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về ngừa thai, bằng đoạn sau đây: “Các cặp vợ chồng chịu trách nhiệm về thời điểm trở thành cha mẹ, về số lượng con cái của họ cũng như các phương pháp kế hoạch hóa gia đình khác nhau. Điều này được thực hiện trong sự tôn trọng lẫn nhau và theo lương tâm cá nhân”.

“Theo nghĩa này, các đoạn 2366, 2367, 2396 liên quan đến khả năng sinh sản của vợ chồng, các đoạn từ 2368 đến 2370, và 2399 liên quan đến việc thụ thai, phải được sửa đổi” theo ý của Tiến Trình Công Nghị Đức.

Văn bản cuối cùng được phê duyệt vào ngày 5 tháng 2, “Trình tự cơ bản của việc phục vụ trong Giáo Hội”, kêu gọi cải cách luật việc làm trong Giáo Hội Công Giáo địa phương, là nhà tuyển dụng lớn thứ hai sau chính quyền ở Đức. Nó đã vượt qua lần đọc đầu tiên với 181 phiếu thuận, 13 phiếu chống, và 11 phiếu trắng.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Sứ thần Tòa thánh tại Đức, đã phát biểu trước đại hội hôm thứ Bảy.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng thường nói về tính đồng nghị và những khía cạnh tích cực gắn liền với nó, nhưng cũng khuyến khích việc tránh hiểu nhầm và những lầm lạc”.

“Trong số những khía cạnh đặc trưng của tính đồng nghị, Đức Giám Mục Rôma đề cập trên hết đến điều này: tính đồng nghị là một ân sủng của Chúa Thánh Thần; đó là con đường hướng tới một cộng đồng Giáo Hội có sứ mệnh chủ yếu là truyền giáo, là công cuộc Phúc âm hóa thế giới ngày nay; Giáo Hội đồng nghị cần sự tham gia của tất cả mọi người, mặc dù ở các cấp độ khác nhau”.

“Đồng thời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo chống lại chủ nghĩa nghị viện, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa trí thức và chủ nghĩa giáo sĩ.”

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã tuyên bố vào tháng 3 năm 2021 rằng Giáo Hội không có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Tuyên bố của Vatican, được đưa ra với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã làm dấy lên các cuộc phản đối trong thế giới Công Giáo nói tiếng Đức.

Một số giám mục bày tỏ sự ủng hộ đối với những lời chúc phúc của các cặp đồng tính, trong khi các nhà thờ treo cờ tự hào đồng tính cao hơn cả thánh giá và một nhóm hơn 200 giáo sư thần học đã ký vào một tuyên bố chỉ trích Vatican.

Các linh mục và nhân viên mục vụ trên khắp nước Đức đã tổ chức một ngày biểu tình vào tháng 5 năm ngoái, trong đó họ tiến hành các nghi lễ chúc lành có sự tham dự của các cặp đồng tính.

Phiên khoáng đại tiếp theo của Tiến Trình Công Nghị sẽ diễn ra tại Frankfurt từ ngày 8 đến 10 tháng 9. Tiến Trình Công Nghị dự kiến sẽ kết thúc vào mùa xuân năm 2023, trước Thượng hội đồng về tính đồng nghị ở Rôma vào tháng 10 năm tới.
Source:Catholic News Agency
 
Rôma – Bắc Kinh, con đường chông gai. Cực đoan san bằng Trung tâm xã hội Thánh Giá Ấn Độ
VietCatholic Media
16:04 12/02/2022


1. Ấn Giáo cực đoan phá hủy Trung tâm xã hội Thánh Giá ở Karnataka

Trong bản tin đánh đi hôm 7 tháng Hai, Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết: Một nhóm chiến binh cực đoan theo Ấn Giáo đã phá hủy Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn, một nơi cầu nguyện và cung cấp các dịch vụ xã hội của Công Giáo, được xây dựng cách đây 40 năm ở Urandady Gudde-Panjimogaru, gần thành phố Magalore, thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Độ.

Vào ngày 5 tháng 2, các thành viên của nhóm “Shri Sathya Kordabbu Seva Samiti” đã san bằng trung tâm này. Các chiến binh cực đoan đã xông đến trung tâm với một chiếc xe ủi đất, và phá hủy tòa nhà cung cấp các dịch vụ xã hội.

Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn hoạt động như một trung tâm tị nạn và tiếp nhận cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khoảng 30 gia đình địa phương bày tỏ sự đau khổ và lo lắng trước sự việc này và họ đã rơi vào tình cảnh vô gia cư.

Việc phá dỡ diễn ra mà không có bất kỳ sự biện minh pháp lý nào. Trong suốt 40 năm qua, Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn cung cấp chỗ ở và thực phẩm cho những người cùng đinh tại Magalore. Những người Ấn Giáo cực đoan cho rằng Trung tâm có ý muốn cải đạo những người nghèo. Đó là một cáo buộc không đúng sự thật.

Antony Prakash Lobo, chủ tịch ủy ban điều hành Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn, đã đệ trình “Báo cáo đầu tiên” về vụ tấn công, và lưu ý rằng “hành động bất hợp pháp này đang tạo ra sự bất hòa trong một cộng đồng yêu chuộng hòa bình”. “Hành động này là vi phạm pháp luật, là sự lạm quyền trắng trợn, hoàn toàn vi phạm pháp luật”

Người Công Giáo Ấn Độ ghi nhận các báo cáo về bạo lực ngày càng tăng đối với các cộng đồng, công trình và trung tâm cầu nguyện Công Giáo trên khắp Ấn Độ. Như Fides đã đưa tin, trong một vụ việc khác cũng xảy ra vào ngày 5 tháng 2, một nhà thờ Tin lành đã bị người dân làng Kistaram, thuộc bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ phóng hỏa. Vào năm 2021, hơn 500 đợt tấn công vào các nhà thờ và các tín hữu Kitô đã được báo cáo
Source:Fides

2. Vatican thừa nhận những thách thức trong tiến trình thượng hội đồng toàn cầu

Hôm thứ Hai, Vatican đã thừa nhận rằng nỗ lực của Giáo Hội trong việc lắng nghe 1.34 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới thông qua một quá trình thượng hội đồng đang phải đối mặt với những thách thức.

“Nhiều người trong số các tín hữu coi tiến trình thượng hội đồng là một thời điểm quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, như một tiến trình học hỏi, cũng như một cơ hội để hoán cải và đổi mới đời sống Giáo Hội,” một tuyên bố hôm 7 tháng Hai cho biết như trên sau cuộc họp của Ủy ban thường vụ Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 26 tháng Giêng.

“Đồng thời, nhiều khó khăn cũng xuất hiện. Trên thực tế, nhiều nỗi sợ hãi và dè dặt đã được báo cáo nơi một số nhóm tín hữu và giáo sĩ. Cũng có một số giáo dân nghi ngờ rằng liệu những đóng góp của họ có thực sự được xem xét hay không”.

Tuyên bố cũng trích dẫn đại dịch như một trở ngại khác đối với việc tập hợp các cá nhân để phân định trong cộng đồng, nhấn mạnh một lần nữa rằng tiến trình thượng hội đồng địa phương dẫn đến Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2023 “không thể được rút gọn một cách đơn thuần thành một bảng các câu hỏi.”

Nhưng các nhà tổ chức báo cáo rằng, bất chấp những thách thức, sự tham gia của các hội đồng giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đang ở mức cao và những nỗ lực đã được thực hiện để dịch các tài liệu Thượng hội đồng sang nhiều ngôn ngữ địa phương.

Theo Ủy ban, “gần 98% các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng của các Giáo Hội Đông phương trên toàn thế giới đã chỉ định một người hoặc toàn bộ nhóm để thực hiện quy trình thượng hội đồng.”

Ủy ban cho biết: “Tiến trình của Thượng hội đồng đã được hoan nghênh đặc biệt với niềm vui và sự nhiệt tình ở một số quốc gia Phi Châu, Mỹ Châu Latinh và Á Châu.

Tuyên bố nêu ra năm “thách thức lặp đi lặp lại” đang phải đối mặt trong giai đoạn hiện tại của Thượng hội đồng giáo phận.

1) Cần phải đào tạo “việc lắng nghe và phân định” để bảo đảm rằng Thượng hội đồng vẫn là một tiến trình tâm linh.

2) Có một sự cám dỗ để “tự quy chiếu” trong các cuộc họp nhóm hơn là cởi mở với người khác.

3) Thu hút những người trẻ tuổi tham gia là một thách thức.

4) Việc tiếp cận và lôi kéo “những người sống bên lề các tổ chức Giáo Hội” có thể khó khăn.

5) Một số giáo sĩ miễn cưỡng tham gia.

Tuyên bố của Vatican cho biết: “Ngày càng có nhiều nhận thức rằng sự chuyển đổi theo nghi thức đồng nghị mà tất cả những người được rửa tội được mời gọi là một quá trình lâu dài và sẽ kéo dài đến năm 2023.

“Mong muốn trên toàn thế giới là cuộc hành trình đồng nghị đã bắt đầu ở cấp địa phương này sẽ tiếp tục kéo dài rất lâu sau Thượng Hội đồng 2021-2023 để các dấu hiệu hữu hình của tính đồng nghị có thể ngày càng được biểu lộ như là một yếu tố cấu thành của Giáo Hội.”

Tuyên bố cũng thông báo rằng Vatican sẽ gửi một tài liệu tới các giáo phận và các hội đồng giám mục với các chi tiết bổ sung về cách định dạng các báo cáo về cuộc tham vấn địa phương, sẽ được gửi tới Ban Thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục.

“Bản ghi chú đề xuất ý tưởng rằng bản thân việc soạn thảo báo cáo là một hành động phân định, tức là kết quả của một quá trình tinh thần và làm việc theo nhóm”.

Tiến trình thượng hội đồng là một sự kiện toàn cầu, kéo dài hai năm, bao gồm “lắng nghe và đối thoại” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khởi động vào tháng 10 năm 2021. Giai đoạn đầu là giai đoạn cấp giáo phận dự kiến kéo dài đến ngày 15 tháng 8.

Vatican đã yêu cầu tất cả các giáo phận tham gia, tổ chức các cuộc tham vấn và thu thập phản hồi về các câu hỏi cụ thể được nêu trong các văn kiện của Thượng hội đồng. Vào cuối tiến trình hiện tại, một cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục dự kiến sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 để đưa ra một văn bản cuối cùng để cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Tuyên bố của Thượng Hội đồng Giám mục mời gọi những người Công Giáo đọc bản tin hàng tuần của họ, cũng như truy cập trang web của họ để cầu nguyện cho Thượng hội đồng.
Source:Catholic News Agency

3. Nhà hoạt động nhân quyền cho rằng quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc là 'hoàn toàn không thể chấp nhận được'

Một nhà hoạt động nhân quyền người Anh hôm Chúa Nhật nói rằng việc Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Hôm 6 tháng Hai, Benedict Rogers dự đoán rằng Vatican có thể đang chuẩn bị thực hiện các bước sau khi chuyển các quan chức khỏi các chức vụ ở Đài Loan và Hương Cảng.

Ông chỉ ra quyết định của Vatican về việc chuyển một đại diện tại Đài Loan đến Phi Châu, khiến Toà Sứ thần Tòa Thánh ở nước này có viên chức đại diện ngoại giao cấp cao nào.

Tòa thánh đã thông báo vào hôm 31 tháng Giêng rằng Cha Arnaldo Catalan, đại biện lâm thời kể từ năm 2019, sẽ chuyển từ thủ đô Đài Bắc của Đài Loan đến Rwanda, nơi ngài sẽ làm sứ thần Tòa thánh. Cha Arnaldo Catalan, linh mục của tổng giáo phận Manila, Phi Luật Tân, sẽ được phong Tổng Giám Mục trong một dịp tấn phong gần nhất tại Vatican.

Vào ngày 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Javier Herrera Corona, người đứng đầu Phái đoàn Nghiên cứu Tòa thánh tại Hương Cảng kể từ tháng Giêng năm 2020, làm Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Congo và Gabon.

Viết trên tài khoản Twitter của mình, Rogers hỏi liệu Vatican có đang trên “bờ vực thiết lập quan hệ ngoại giao” với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cai trị Trung Quốc từ năm 1949 hay không.

“Sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận được và quá đáng nếu điều đó xảy ra. Người Công Giáo phải lên tiếng cùng một tiếng nói trên toàn thế giới để ngăn chặn điều này.”

Ông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô thay thế các quan chức ở Hương Cảng và Đài Loan, đồng thời “trấn an chúng tôi rằng Vatican sẽ giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không thiết lập quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cắt đứt quan hệ với Tòa thánh vào năm 1951. Nhưng vào năm 2018, Vatican và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo.

Trước khi thỏa thuận được gia hạn vào năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng thỏa thuận này “chỉ là một điểm khởi đầu” cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng hơn 10 triệu người Công Giáo của Trung Quốc phải đối mặt với “nhiều vấn đề khác” và “con đường dẫn đến bình thường hóa đầy đủ sẽ còn rất dài”.

Vatican chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1942. Ngày nay, đây là một trong số ít các quốc gia tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia có tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và trong lịch sử đã gây áp lực buộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.

Đức Hồng Y Parolin nói với các nhà báo vào tháng 10 năm 2020 rằng “hiện tại không có cuộc đàm phán nào về quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc. Bộ ngoại giao Đài Loan hoan nghênh các bình luận này.

Rogers là người sáng lập Hong Kong Watch, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh giám sát nhân quyền, tự do và pháp quyền tại thành phố ở bờ biển phía nam Trung Quốc, nơi có khoảng 389,000 người Công Giáo.

Tổ chức bác ái được thành lập vào năm 2017 chiếm phần lớn thời gian của anh ấy, nhưng anh ấy cũng làm việc với tư cách là nhà phân tích cấp cao về Đông Á cho nhóm nhân quyền Christian Solidarity Worldwide, nghĩa là Tình Liên Đới Kitô Giáo Toàn Cầu.

Rogers nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 4 tháng 2 rằng các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh gần đây đã chỉ trích Giáo Hội Công Giáo ở Hương Cảng là kích động bạo loạn.

Ông nói rằng tờ báo quốc doanh Đại Công Báo (Ta Kung Pao, 大公报), đã đăng liên tiếp 4 bài báo chỉ trích, trong “một cuộc tấn công cụ thể” nhắm vào Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, vị giám mục nghỉ hưu 90 tuổi của Hương Cảng.

Rogers, người đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 2013 cho biết: “Điều đáng lo ngại đối với những bài báo này là thông thường khi Bắc Kinh đang có ý định thực hiện một chiến dịch mới hoặc một sáng kiến mới chống lại bất kỳ nhóm cụ thể nào, thì bước đầu tiên họ thực hiện là gây dư luận trên các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh”.

Anh giải thích rằng các bài báo được đưa ra trong bối cảnh các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng ngày càng tăng sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong hai năm 2019 và 2020 và việc thông qua Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi vào tháng 6 năm 2020.

Rogers đã trích dẫn lời khuyên dành cho các linh mục do Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon, 汤汉) giám quản tông tòa của Giáo phận Hương Cảng đưa ra, trong đó cảnh báo các giáo sĩ về sự cần thiết phải “dè chừng ngôn ngữ của chúng ta” trong các bài giảng.

Rogers nói: “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi tự do tôn giáo đang bị đe dọa vì hai lý do. “Thứ nhất, khi tự do bị phá bỏ, tự do tôn giáo sớm hay muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng, và các quyền tự do của Hương Cảng đã bị phá bỏ trong vài năm qua.”

“Tôn giáo và cách riêng là Giáo Hội, là các mục tiêu cuối cùng còn lại mà cho đến nay ít bị tác động hơn những mục tiêu khác. Chúng ta đã chứng kiến việc phá bỏ tự do báo chí, bỏ tù các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, ảnh hưởng đến tự do học thuật, và vì vậy, theo một nghĩa nào đó, tự do tôn giáo là mục tiêu rõ ràng tiếp theo “.

“Điểm thứ hai là chế độ ở Bắc Kinh luôn có thái độ thù địch đối với tôn giáo và khi nước này ngày càng có nhiều quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với Hương Cảng, điều đó gây ra nhiều khả năng tôn giáo sẽ lọt vào tầm ngắm của họ”.


Source:Catholic News Agency
 
Cảm động: Công Giáo Việt, Úc, Ba Lan Tưởng Niệm Cha Giuse Trần Ngọc Thanh
VietCatholic Adelaide
22:36 12/02/2022


Vào lúc 6.15 chiều Thứ Sáu 11/02/2022 Hội Ái mộ cha Trương Bủu Diệp Nam Úc cùng với tuyền thông Vietcatholic Adelaide, đã long trọng tổ chức nghi thức tưởng niệm, thắp nến cầu nguyện và dâng thánh lễ cầu cho linh hồn cha cố Giuse Trần Ngọc Thanh vừa mới bị thảm sát vào ngày 29/01/2022 tại giáo xứ Đăk Mót, giáo phận Kon Tum Việt Nam, trong khi cha đang thi hành sứ vụ linh mục ban ơn hòa giải cho hối nhân sau thánh lễ.

Tuy đang trong mùa dịch, nhưng cũng quy tụ được khá đông đảo quý tín hữu Việt nam và sắc tộc bạn đến tham dự thánh lễ đặc biệt này. Khởi đầu từ lúc 6.15Pm, nghi thức dâng hương trước bàn thờ đặt di ảnh cha Giuse, do các vị đại diện cộng đoàn dâng tiến. Trong bầu khí thánh thiêng nơi thánh đường chiều nay, những làn khói hương lung linh như một nhịp cầu, nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình, cùng với những lời cầu xin Thiên Chúa của cộng đoàn, tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn cha Giuse là một nhà truyền giáo trẻ, đạo đức, thánh thiện, nhiệt thành trong việc loan truyền lời Chúa cho những người anh em khó nghèo trên vùng Tây nguyên. Sự kiện này đã ghi thêm một chứng tích trên tấm áo trắng của Dòng Đa Minh, trổ sinh thêm một bông hoa tuyệt đẹp, vẽ bằng máu của một linh mục trẻ đã chết vì đạo.

Chủ tế thánh lễ là cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, đến từ nhà thờ chánh tòa Tổng giáo phận Adelaide và cha Marek Ptak, Cr. chánh xứ Giáo xứ Ottoway ( một giáo xứ người Úc và Balan) cha là người đã tạo mọi hoàn cảnh thuận lợi cho việc tổ chức những giờ cầu nguyện, những thánh lễ, và nhiều sinh hoạt mang sắc thái VN trong những dịp đặc biệt và hàng tháng có thánh lễ cầu cho tiến trình tuyên thánh cha Diệp mau chóng thành tựu, được sớm có ngày vinh thắng gia nhập hàng ngũ các thánh như cha thánh Maximilian mà giáo xứ nhận làm bổn mạng.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế đã nhắc nhở cộng đoàn phụng vụ về 3 ý chính trong sự hiệp thông thánh lễ hôm này đó là: Mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và ngày cầu nguyện cho các bệnh nhân, thứ đến là cầu cho tiến trình tuyên thánh cha Trương Bửu Diệp và sau cùng là cầu nguyện cho linh hồn linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vừa mới qua đời sau vụ thảm sát tại Giáo xứ Đăk Mót, giáo phận Kon tum.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, khởi đi từ ý lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Sứ điệp Ngày Quốc tế Bệnh Nhân. cha đã quảng diễn chủ đề về những phép lạ cưú chữa các bệnh nhân tại linh địa Lộ Đức và tổng hợp những ý cầu nguyện của các vị Giáo Hoàng nhiều năm qua trong những ngày Quốc tế Bệnh Nhân, tất cả đều quy hướng về Đức Giêsu: “ Ngài đến trần gian vì tội lỗi của con người, Ngài phải mang lấy những tội lỗi ấy vào thân thể, chính những vết thương Đức Giêsu mang trên thân thể đó cũng là những tật nguyền của loài người...””

Qua bải giảng cha chủ tế đã nói về sự hy sinh của cha Trương bửu Diệp, chết vì đoàn chiên và nhắc đến người linh mục trẻ Giuse Trần ngọc Thanh đã đón nhận cái chết thật nghiệt ngã, đau thương, nhưng chắc hẳn cha đã đến nơi được Chúa Cha tôn vinh cho những ai hết tâm phụng sự Ngài. Đây chính là đỉnh cao của con đường thập giá bước theo ơn gọi tận hiến. Cuộc đời của cha Giuse được thanh luyện qua nhiều thử thách, đau thương, gian khó, vì ngài đã xác tín niềm tin bằng bước chân truyền giáo, chăm sóc đoàn chiên bơ vơ, nghèo khổ trên vùng Tây nguyên nghèo khó, vì phần rỗi các linh hồn.

Thánh lễ được diễn ra thật sốt sắng qua những lời nguyện cầu, hoà quyện với những bài ca yêu thương, như một sự hiệp thông trọn vẹn của cộng đoàn phụng vụ với niềm tin thác vào mầu nhiệm thánh thể của hy tế tiên dâng.

Sau lời nguyện và phép lành cuối lễ là nghi thức dâng nến trên bàn thờ cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Hai cha đồng tế dẫn đầu với 2 cây nến cháy sáng, từ từ tiến lên bàn thờ đặt di ảnh cha Giuse, tiếp đến là các đại diện các hội đoàn, và sau cùng là cộng đoàn… Bài ca Kinh Hoà Bình trầm buồn vang vọng trong không gian êm đềm giữa ngôi thánh đường quen thuộc. Qua ánh nến lung linh dâng tiến, mọi người cùng bày tỏ niềm tiếc thương và hiệp nguyện trong lời cầu xin Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho người mục tử nhiệt thành, đã chết vì sứ vụ loan báo tin mừng của Chúa.

Thánh lễ kết thúc, moi người ra về, trên tay còn mang theo di ảnh của cha, để tưởng nhớ và thêm lời cầu nguyện trong những giờ kinh gia đình cho cha GIUSE.