Ngày 19-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 7 Mùa Quanh Năm 20/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:38 19/02/2022

BÀI ĐỌC 1 1Sm 26:2,7-9,12-13,22-23

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Hồi ấy, vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp. Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh.

Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai.”

Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?”

Ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì Đức Chúa đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ.

Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ.

Ông Đa-vít nói: “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Cr 15:45-49

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó.

Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 13:34

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới,

là anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 6:27-38

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:

“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây:

Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.

Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.

Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Thiên Chúa là Cha nhân lành hằng thương yêu cứu giúp kẻ dữ như người lành. Chúng ta vui mừng cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.

1. “Hãy yêu thương và làm ơn cho kẻ ghét anh em”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn sống đức ái như Chúa đòi hỏi, để mang tình yêu của Chúa đến với mọi người đặc biệt với những người tội lỗi và thờ ơ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. Hiện nay bạo lực, hận thù, khủng bố và nạn đại dịch đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa thương biến đổi lòng người để họ biết yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau bởi vì cùng đích của con người không phải là sự sống đời này. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. "Các con hãy có lòng nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ". Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bạn trẻ biết vâng nghe và làm theo Lời Chúa dạy, để được nên giống Chúa là Cha nhân từ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. "Các con chớ xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét". Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta đừng bao giờ xét đoán lên án ai, nhưng biết sống những điều Chúa đòi hỏi để khỏi bị xét phạt nặng nề. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Xin giúp chúng con thực thi đức ái Kitô giáo một cách cụ thể trong đời sống hằng ngày, là biết chết đi cho cái tôi ích kỷ kiêu căng, biết khiêm tốn hạ mình để phục vụ tha nhân. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:53 19/02/2022

20. Thánh Kinh mà chúng ta đọc, bên ngoài đã là huy hoàng lộng lẫy, nhưng xương cốt bên trong lại càng thơm ngọt không gì sánh bằng.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (Tập 17)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:02 19/02/2022
1. ÂM NHẠC GIÚP YẾN TIỆC

Có một người thường ngày thích nói chuyện đùa.

Có một lần, bạn bè xúi giục anh ta làm tiệc đãi khách, anh ta bèn phát thiếp mời: “Âm bát (chén bát) tụ họp”, mọi người đều nghĩ rằng nhứt định anh ta có mời âm nhạc đến giúp vui.

Khi khách khứa ngồi vào bàn tiệc, thì chỉ thấy hai dĩa bí đao to và một bát canh xanh mà thôi, khách khứa rất kinh ngạc, cầm đũa gắp ăn không chừa một chút gì, sau đó cũng lại bưng lên bí đao và canh xanh.

Ăn xong, mọi người hỏi:

- “Tiệc hôm nay, chén bát đều có nhưng âm nhạc đâu không thấy?”

Chủ nhân cười nói:

- “Các vị không nghe thấy sao?” bèn chỉ chỉ chén bát và nói tiếp: “Tung tung thàng, tung tung thàng冬冬湯” (1).

(Nhất Tiếu)

Suy tư 1:

Với người có óc khôi hài thì chén bát cũng có thể trở thành âm nhạc, bởi vì họ luôn nhìn thấy khía cạnh tích cực trong mọi việc.

Thánh Phao-lô dạy chúng ta rằng: “Vui lên anh em, hãy vui lên trong Chúa”.

Nhưng có những người Ki-tô hữu hay nhăn nhó khi gặp chuyện mình không ưng ý, bởi vì họ không có óc khôi hài; có một vài người được coi là đạo đức thánh thiện, nhưng lại hay cau có khi người khác đọc kinh không đúng, bởi vì trong tâm họ không có niềm vui thông cảm; lại có những người thường hay bi lụy sầu khổ vì chuyện không đâu, họ không có tâm tình “vui lên” như lời của thánh Phao-lô khuyên bảo.

Người có Đức Chúa Ki-tô trong lòng thì toát ra bên ngoài bằng nụ cười đơn sơ, bằng việc làm tích cực, bằng lời nói dí dỏm vui tươi, bằng hành động đứng đắn.

Bởi vì không một người Ki-tô hữu nào nói Đức Chúa Giê-su là nỗi buồn của họ cả.

(1) “Tung tung thang咚咚湯” là âm thanh “tung tung tùng” tiếng trống của tiếng Hoa, cũng có nghĩa là “冬冬湯canh bí đao”, đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 7 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 19/02/2022
CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 6, 27-38

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.”


Bạn thân mến,

Trong bài tin mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”, đây là một lời hứa và cũng là một lời cảnh cáo của Ngài đối với chúng ta.

- Thiên Chúa hứa đong lại cho chúng ta tình yêu của Ngài, khi chúng ta vì yêu Ngài mà hết lòng phục vụ anh em trong yêu thương.

- Thiên Chúa hứa đong lại cho chúng ta sức mạnh của Ngài, khi chúng ta đem hết sức mình ra giúp đỡ người khốn cùng vì họ là anh em con cùng một Cha trên trời với chúng ta.

- Thiên Chúa hứa đong lại cho chúng ta ân sủng của Ngài, khi chúng ta vì Ngài mà chia sẻ những gì chúng ta có với những người bất hạnh...

- Thiên Chúa cũng cảnh cáo chúng ta khi Ngài ban cho chúng ta sự giàu có, để chúng ta chia sẻ với tha nhân mà chúng ta lại không làm.

- Thiên Chúa cũng cảnh cáo chúng ta khi Ngài ban cho chúng ta sự thông minh tài trí, để chúng ta làm sáng danh Ngài trong chức vụ và bổn phận của mình, mà chúng ta lại không phát huy những khả năng ấy...

- Thiên Chúa cũng cảnh cáo chúng ta khi Ngài ban cho chúng ta một quả tim biết yêu thương và biết cảm thông với mọi khổ đau của tha nhân mà chúng ta lại không làm vì sự ích kỷ tính toán của mình...


Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy yêu mến những kẻ ghét mình và làm ơn cho họ, vì đó chính là ý nghĩa của tình yêu vô vị lợi như Ngài đã làm, đó là khi Ngài tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh mình vào thập giá, đây là tình yêu tha thứ và là tình yêu đích thực...

Trong cuộc sống của mình chúng ta đã có rất nhiều lần từ chối cái bắt tay làm hòa của người mình không ưa thích, chúng ta cũng đã có rất nhiều lần cự tuyệt cách tàn nhẫn lời xin lỗi chân thành của người mà mình cho là không đội trời chung. Chúng ta quên mất một điều, những lúc chúng ta cự tuyệt từ chối hành vi chân thành của người khác, ấy là lúc chúng ta đong đầy án phạt cho mình, và Thiên Chúa cũng sẽ đong đầy lại cho chúng ta đời này hoặc đời sau, bởi vì Ngài đã nói: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

Lời Chúa thì muôn đời tồn tại nên nó có giá trị muôn đời, do đó mà ai có đấu bác ái nào thì hãy đong cho đầy ngay khi còn có thể đong được...

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để Làm Đứt Đoạn Dây Chuyền Bạo Lực
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
18:44 19/02/2022
Để Làm Đứt Đoạn Dây Chuyền Bạo Lực

(Chúa Nhật 7 TN C 2022)

Cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cho dù đã đã đi qua gần hết cái “tháng Giêng Nhâm Dần” rồi, nhưng đâu đó vẫn còn thảng thốt với câu chuyện “Cha Thanh bị chém đầu” vào buổi chiều tối “tất niên Tân Sửu” vừa qua nơi một giáo điểm vùng sâu tận Tây Nguyên !

Sở dĩ nhắc lại câu chuyện thương tâm nầy vì trong câu chuyện đó có một chi tiết liên quan đến sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay: “Tha thứ cho kẻ thù”.

Thật vậy, người ta kể rằng, sau khi khống chế được tay sát nhân, nếu không có thầy Đaminh Phan Văn Giáo ra sức ngăn cản, cơn cuồng nộ trả thù của giáo dân hầu hết là dân tộc Sê-đăng chắc chắn đã biến tên sát thủ Nguyễn Văn Kiên chỉ còn là một “tấm giẻ rách không hồn” ! Tinh thần bao dung tha thứ đó không chỉ dừng lại nơi những anh chị em Sê-đăng vừa bị “mồ côi cha” mà còn lan tỏa đến toàn thể Hội Dòng Đa Minh, đến cộng đoàn dân Chúa giáo phận Kontum, Giáo Hội Việt Nam…, qua cung cách ứng xử thanh thản, bình an…; hướng về nét đẹp và sự thánh thiện của “cái chết mục tử nhân danh Đức Kito – in persona Christi” hơn là chỉa mũi dùi kết án kẻ gây tội ác… như thói thường của phần đông nhân loại !

Phải chăng đây là một thái độ tinh thần, một lựa chọn sống mà theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong tông huấn Gaudete et Exsultate là “lội ngược dòng”; thái độ được cụ thể hóa bằng một loạt hành động như lời tuyên bố của chính Đức Kitô trong Tin Mừng Luca: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy… Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền…. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con;…”.

Chúng ta đừng quên, những lời giáo huấn trên của Đức Kitô được tác giả Luca, một thánh sử được mệnh danh là “văn sĩ của lòng thương xót”, ghi lại nơi “Bài Giảng trên cánh đồng” của ngài; và bài giảng nầy phần nào tương ứng với “Bài giảng trên núi” của Tin mừng Matthêô (Mt 5-7). Tuy nhiên, “điểm nhấn” của Luca, thay vì, như Matthêô: “Hãy hoàn thiện, vì Thiên Chúa là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48), đã hướng tới “Hãy nhân từ vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Vâng, sự “toàn thiện”, toàn thánh của Thiên Chúa cũng chính là “lòng nhân từ”; cho nên “Thiên Chúa là Đấng Thánh” (Lv 11,44) cũng có nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16). Phải chăng, vì cảm nhận và xác tín mạnh mẽ về chân lý nền tảng nầy, mà Hội Thánh đã cầu nguyện trong chính lời Kinh Tổng nguyện của Chúa Nhật 26 Thường Niên: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” !

Thật ra, không phải chỉ đến thời Tân ước qua Đức Kitô, chúng ta mới được Lời Chúa hướng dẫn, giáo dục về lòng thương xót, về sự thứ tha cho kẻ thù. Không, từ thời xa xưa trong Cựu ước, Lời Chúa đã nói với chúng ta về chân lý nầy: chúng ta vừa nghe Bài đọc 1, qua trích đoạn của sách Samuel quyển thứ nhất, tường thuật một hành vi “mã thượng” đầy “nhân ái khoan dung” của Đa-vít dành cho vua Sao-lê, một kẻ đang truy sát “đuổi cùng diệt tận” Đa-vít. Qua câu chuyện nầy, Lời Chúa muốn chuyển tải: điều làm cho Đa-vít trở nên một anh hùng, một vị Thánh vương, một con người vĩ đại… không phải là những trận chiến thắng lẫy lừng, những mạng sống quân thù bị ngài tiêu diệt… mà chính là tấm lòng đại lượng, khoan dung, nhân ái.

Chính vua Sao-lê đã cảm nhận tỏ tường cái vĩ đại, lớn lao, nhất là cái tiền đồ sán lạn của Đa-vít, ngang qua hành vi đại lượng, nhân ái nầy: “Đa-vít con cha ơi, con được chúc phúc ! Chắc chắn con sẽ làm việc lớn, và sẽ thành công” (1 Sm 26,25).

Và “hậu duệ của Đa-vít”, Đức Giêsu Kitô, còn đi xa hơn nữa so với tổ tiên của mình, trong cách ứng xử với tha nhân, với chính kẻ thù oán mình, với kẻ đã hành hạ tan nát, kết án tử hình và đóng đinh trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Và rồi, kể từ cái chết vì yêu thương và với tấm lòng bao dung tha thứ như một “bản tuyên ngôn” “Tình yêu thắng hận thù” đó, thế giới thật sự đã xuất hiện một nền “văn minh tình yêu, văn hóa tha thứ”, đối lập hẳn với nền “văn minh hay văn hóa oán thù” gần như đã chi phối trên toàn nhân loại từ đông sang tây: phía đông là văn hóa “phụ thù bất cộng đái thiên” mà ta thấy nhan nhản nơi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung; phía tây là hận thù của sắc tộc, dòng họ… mà câu chuyện tình lãng mạn và cái kết bi thương của do thù hận mang tên Romeo-Juliette như một chứng từ rõ nét…

Thế nhưng, ở giữa một thế giới vẫn còn đầy sự hận thù, ghen ghét, vẫn còn bao chết chóc đau thương của chiến tranh, khủng bố, bạo lực gia đình, đấu tranh giai cấp, vẫn còn những cảnh con giết cha, vợ giết chồng, người đối xử với người cách tàn bạo, máu lạnh chỉ vì một câu chửi thề, một cái nhìn đểu… hay vì một quyền lợi, một tham vọng nhỏ nhen, thấp hèn… thì vẫn sáng lên những chứng nhân của tình yêu tha thứ như cô bé Maria Goretti, như linh mục Maximilien Kolbe…

Vâng, ai thuộc về Đức Kitô phải chấp nhận “lội ngược dòng”. Cho dù là một sự “lội ngược dòng” trong một thế giới tục hoá, thì sự chọn lựa sống yêu thương, nhân từ luôn là một “dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa”, dấu chỉ “mang ảnh hình của A-dam đến từ thượng giới” (Bđ 2, Thư Cô-rin-tô). Và chắc chắn một điều: không phải bom hạt nhân, không phải các sư đoàn thiện chiến, không phải xe tăng, tên lửa hay hàng tỷ đôla… là giải pháp để thế giới hòa bình, để người người hòa thuận thương yêu nhau, mà chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn minh sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”.

Lm. GiuseTrương Đình Hiền
 
Ba Điều Kiện Để Xét Đoán
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
18:46 19/02/2022
Ba Điều Kiện Để Xét Đoán

Những ai phải dọn bài giảng, gặp được đoạn Tin Mừng hôm nay thì đúng là tin mừng, mừng lắm luôn bởi vì có quá nhiều điều có thể rút ra, có quá nhiều đề tài nói đến, chứ không như một số đoạn P, đọc mãi mà vẫn không giải được một ý gì cả để lên đề tài. Trong khi các đề của đoạn Tin Mừng hôm nay thì nhiều vô kể như :

-Hãy yêu kẻ thù : kẻ thù là ai? Yêu họ thế nào?

-Hãy tha thứ; tha thứ cái gì, có khó không?

-Hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ

-Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.

Ba cái HÃY và 1 cái ĐỪNG. Tôi xin dừng ở cái Đừng đó với câu hỏi : Tại sao Chúa nói “Đừng xét đoán.” Tại sao Chúa cấm xét đoán?

Trả lời cho câu hỏi này cũng không khó lắm, nhưng chúng ta có thể chuyển đề tài bằng cách trả lời 1 câu hỏi khác mà vẫn không đi xa đề : Tại sao Chúa cấm xét đoán 🡪 chuyển thành : Khi nào ta được phép xét đoán?

Theo thánh Tôma, tiến sĩ vĩ đại của Giáo Hội, ta được phép xét đoán khi có đủ 3 điều kiện này :

-khi được trao quyền xét đoán

-khi biết rành mạch sự việc phải xét đoán

-khi hoàn toàn thanh sạch mọi thành kiến.

Cả 3 điều kiện này, được uỷ quyền, biết rành mạch, sạch thành kiến ít ai có thể đạt được cả 3 nên hay nhất là đừng xét đoán. Ta có thể nghe Chúa Giêsu sẽ nói như sau: Các con đừng xét đoán vì các con không hội đủ điều kiện khắt khe của người xét đoán đâu

1. Được trao quyền xét đoán.

Thánh Giacôbê trong thư của ngài đã nói 1 câu nghe giật mình : Chỉ có một mình Thiên Chúa đặt ra lề luật và có quyền xét xử. Còn ngươi là ai mà dám xét đoán tha nhân. (Gc 4,12)

Chỉ một mình Chúa mới có quyền xét đoán. Nhưng Chúa cũng thông quyền này cho các Tông đồ, Giám Mục, Linh mục. Chúng ta đừng ham quyền này ! Khổ lắm. Honor, Onus: vinh quang quàng nặng.

Các LM khi ngồi toà Giải tội là đóng vai trò xét xử. Thử hỏi các LM, nhất là lớn tuổi khổ nhất là gì. Các LM cha xứ : khi người này người kia vào trình bày sự việc, xin cha : ý cha thế nào, kiến cha làm sao? Lại phải xét phải đoán. Chẳng sung sướng gì đâu. Cha mẹ trong gia đình cũng được chia quyền này. Khổ.

Vì thế những ai chẳng được giao phó cho quyền này, hãy vui lên tạ ơn Chúa chứ đừng nhận vào mà lãnh đủ.

Rồi khi hội đủ điều kiện 1, phải có điều kiện 2 nữa :

2. Phải biết rành mạch sự việc :

Một LM ngồi toà phải trải qua muôn luân lý dài và rắc rối, mới có thể xét định được đâu là tội, đâu là không. Nếu không rành, rất nguy hiểm cho người đi xưng tội : tội giải được không giải, tội không giải được lại giải, có tội thì nói không sao, không sao thì bảo là nặng lắm… Một trong những điều kiện để chọn lựa ơn gọi tu trì, nhất là ơn gọi LM là óc phán đoán, óc phân biệt. Nếu thíếu, nếu yếu, thường được khuyên rút lui. Nếu không tự ý rút lui, sẽ cưỡng chế cho về. Còn khi đã là linh mục, gặp tai nạn chấn thương phần não, trở nên mát mát, hâm hâm, thì có thể làm lễ, nhưng không được ngồi toà… xét xử.

Điều này cho ta thấy để xét đoán, ngoài quyền được trao, còn phải rành sự việc mà sự việc ở đây đâu phải là chiếc búa, cái đinh, mà là con người có dáng vẻ bề ngoài nhưng cũng có phần tâm linh bí ẩn, ai dò cho thấu.

Kinh-thánh đã nói người ta chỉ xem xét được bên ngoài, chỉ có Chúa mới là đấng thấu suốt tâm can. Một việc bề ngoài ta coi là lỗi, nhưng biết đâu lại chẳng trở thành nhân đức.. nhờ thiện chí, nhờ ý tốt. Ta sẽ nói thêm khi kết luận.

Có quyền xét xử rồi lại phải am tường sự việc con người nữa. Nhưng để xét đoán tốt như vậy vẫn chưa đủ, còn phải :

3. Sạch mọi thành kiến nữa

Einstein nói : Phá vỡ 1 thành kiến còn khó hơn phá vỡ 1 nhân nguyên tử ! Do đó, ta thực là khó để loại sạch mọi thành kiến được: không ưa thì dưa có giòi. Đã thích ai thì thích cả lối đi. Đã ghét ai thì ghét cả tông chi họ hàng. Có thiện cảm với ai thì dễ gì nhìn thấy lỗi họ được. Có ác cảm, yên trí với ai rồi, khó xử tốt. Ngôn ngữ bình dân gọi yên trí là tật. Tật là khó chữa. Tật yên trí. Có cả trăm câu chuyện để làm ví dụ cho tật yên trí này. mỗi người trong chúng ta chắc ai cũng đã có hơn một lần kinh nghiệm.

Tại sao Chúa nói : Đừng xét đoán. Ta đã trả lời gián tiếp: vì 3 điều kiện để được xét đoán quá khắt khe ít ai đạt được : quyền xét đoán, biết rành mạch, sạch thành kiến. Nên ta đừng xét đoán. Đây không chỉ là 1 lời khuyên, nhưng còn là 1 lời hứa, mà Chúa nói rõ, đừng xét đoán sẽ không bị Chúa xét đoán. Ta không khai thác điểm này, mà sẽ trở về với điều kiện 2, để xét đoán phải rành sự việc. Số là:

Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Ngày đầu tiên đến đất Tề, đói khát, may có người đem biếu ít gạo. Khổng Tử phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi là đệ tử Khổng Tử cưng nhất, ở nhà thổi cơm. Khổng Tử là thầy, nằm đọc sách. Đang đọc, nghe cái “cọc” từ bếp vọng lên. Liếc nhìn xuống bếp thấy Nhan Hồi lấy đũa xới cơm cho vào tay vắt lại, rồi liếc mắt nhìn quanh, không thấy ai, Nhan Hồi đưa cơm vào miệng. Khổng Tử thấy hết, nên ngửa mặt lên trời than: người học trò ta tin tưởng nhất, lại ăn vụng thầy, ăn vụng bạn, đốn mạt đến thế là cùng. Chao ôi, bao kỳ vọng đặt vào Nhan Hồi, thế là trôi theo mây khói.

Sau đó, Tử Lộ và nhóm hái rau từ rừng về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử nằm im đau khổ. Rồi cơm rau dọn lên, môn sinh chắp tay mời thầy. Khổng Tử ngồi dậy nói:

-Các con ơi, ta đi từ Lỗ sang Tề, đường xa vạn dặm. Hôm nay, ngày đầu tiên trên đất Tề, thầy nhớ quê hương đất Lỗ, nhớ đến tổ tiên, thầy muốn dâng bát cơm đầu tiên nhớ đến cha mẹ thầy. Các con nghĩ có nên không?

Trừ Nhan Hồi, các đệ tử đều đáp, thưa thầy nên. Khổng Tử nói: Nhưng không biết nồi cơm này có sạch không?

Học trò ngơ ngác không hiểu ý thầy, chỉ trừ Nhan Hồi chắp tay nói: thưa thầy nồi cơm này không được sạch. Khổng Tử hỏi tại sao? Nhan Hồi đáp :

-Khi cơm chín, con mở vung xem cơm đã thực chín đều chưa, thì một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi từ trên rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con cũng nhanh tay đậy vung, nhưng không kịp. Sau đó, xới cơm bẩn định vất đi… thì con chợt nghĩ, cơm thì ít, anh em thì đông, bỏ lớp cơm bẩn đi, vô tình bỏ mất một xuất cơm, anh em phải ăn ít lại, nên con ngưng vất đi và đã mạn phép thầy và anh em con ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn cơm sạch xin để phần thầy và anh em. Như vậy con đã ăn phần cơm, bây giờ chỉ xin ăn phần rau nữa thôi. Và thưa thầy, vì nồi cơm con đã ăn trước rồi, nên không nên dùng để cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngửa mặt lên trời mà than: “Chao ôi, thế ra trên đời có nhiều việc chính mắt ta trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu đúng sự thật. Chao ôi, suýt nữa Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ.”

Vậy ta còn ham xét đoán nữa không?

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà giáo luật hàng đầu cảnh báo về sự nguy hiểm của mạng xã hội đối với các linh mục
Đặng Tự Do
16:13 19/02/2022


Trước một hội nghị cấp cao về chức linh mục, cha Gianfranco Ghirlanda, nhà giáo luật nổi tiếng của Dòng Tên, đã cảnh báo về những rủi ro của mạng xã hội và sự gắn bó quá mức với những lòng sùng kính bề ngoài, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục vụ.

Nói với Crux, Cha Ghirlanda cho biết đời sống tinh thần của một linh mục là điều cần thiết đối với sứ vụ linh mục, và mối nguy hiểm lớn nhất mà ngài thấy đối với đời sống tinh thần lành mạnh là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là “tinh thần thế gian”.

Ngài nói, tinh thần thế gian có nghĩa là “ẩn sau những hình thức sùng kính bên ngoài, sự đúng đắn trong phụng vụ, sự chính thống cho đến tận cùng cay đắng, của 'cách cư xử luôn đúng đắn', luôn có trật tự, tối hậu là để bảo vệ việc tìm kiếm an ninh và lợi ích cá nhân của chính mình.”

Đó là nỗi ám ảnh về những chi tiết bề ngoài, chẳng hạn như những chiếc khuy măng sét cầu kỳ trên tay áo sơ mi, và là một thái độ tinh thần “có thể dẫn đến sự ca ngợi, làm mất đi sự thật rằng thánh chức là một công việc phục vụ người khác chứ không phải phục vụ cho chính mình”

Từng là hiệu trưởng của Đại học Giáo Hoàng Grêgoriô do Dòng Tên điều hành và là cố vấn cho Vatican về các vấn đề giáo luật, Cha Ghirlanda sẽ phát biểu trước một cuộc hội thảo lớn của Vatican về chức linh mục sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng 2 và có tiêu đề, “Hướng tới một Thần học Cơ bản về Chức Linh Mục. “

Cha Ghirlanda sẽ nói chuyện về “Đời sống thánh thiện của các giáo sĩ: quan điểm thần học-giáo luật,” vào ngày cuối cùng của hội thảo, sẽ được khai mạc bởi Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài phát biểu về “Đức tin và chức linh mục ngày nay”.

Hội thảo khám phá các khía cạnh khác nhau của đời sống linh mục, bao gồm cả lời thề độc thân.

Đức Hồng Y người Canada Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục Vatican, cho biết hội thảo sẽ nghe các quan điểm khác nhau về đời sống độc thân của các linh mục và chức vụ linh mục của những người đã kết hôn, chẳng hạn các linh mục Anh Giáo chuyển sang Công Giáo. Tuy nhiên, trước đây ngài đã bảo vệ luật độc thân linh mục như một ân sủng cho Giáo Hội và là một hành động của đức tin, và đã nói rằng thảo luận tại hội thảo sẽ không chỉ giới hạn ở chủ đề đó.

Trong cuộc phỏng vấn với Crux, Cha Ghirlanda đã cảnh báo về mối nguy hiểm mà “tính hiệu quả” gây ra cho đời sống tinh thần của một linh mục, nói rằng điều này trở thành một vấn đề khi một linh mục đang “thực thi chức vụ như thể những tác động tích cực phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân và các phương tiện được áp dụng, quên rằng nó chỉ có hiệu quả nhờ tác động của ân sủng, ngay cả khi được kết hợp với mọi thứ mà linh mục sẵn sàng trao ra”.

Trích đoạn Kinh thánh, ngài nói “Khi bạn đã làm xong mọi việc phải làm, hãy coi mình là những đầy tớ vô dụng.”

Cha Ghirlanda cũng cảnh báo việc lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại kỹ thuật số, nói rằng chúng “có thể khiến một linh mục mất tập trung rất nhiều” và có thể “lấy đi nhiều thời gian một cách không cần thiết”.

Ngài nói: “Tôi không muốn ma quỷ hóa mạng xã hội, bởi vì nếu được sử dụng tốt, chúng cũng có thể là một công cụ tông đồ rất hợp lệ, nhưng chúng có thể dẫn đến” cái bẫy “của cái mà ngài gọi là sự tò mò không lành mạnh.

Ngài nói, màn hình “tạo ra sự tò mò không bao giờ được thỏa mãn và do đó tạo ra sự tò mò khác về tin tức, thông tin, v.v., điều này không phải lúc nào cũng cần thiết”, trong khi một đời sống tinh thần lành mạnh đòi hỏi thời gian rời xa thế giới kỹ thuật số để cầu nguyện và suy niệm về Kinh thánh và cuộc đời của Chúa Giêsu.

Ngài nói: “Đôi khi sự xâm nhập của mạng xã hội loại bỏ không gian ‘im lặng nội tâm’ cần cho sự cầu nguyện chân chính”.

Cha Ghirlanda chỉ ra bản chất siêu chính trị hóa, luận chiến và thường độc hại của diễn ngôn công khai ngày nay, đặc biệt là trong thế giới trực tuyến, và lưu ý rằng bản thân Giáo Hội không miễn nhiễm với điều này.

“Giáo Hội, và do đó các linh mục, sống trong lịch sử và trong một xã hội cụ thể. Thật không may, tinh thần chia rẽ và luận chiến cũng xâm nhập vào Giáo Hội, “giữa các linh mục và cả bên trong các dòng tu cũng như các phong trào của Giáo Hội.

Ngài nhận xét rằng “sự phân cực được tạo ra ở nơi mọi người tin rằng họ có sự thật tuyệt đối và không sẵn sàng lắng nghe người khác.”

Theo Cha Ghirlanda đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là thái độ “tự quy chiếu”, là một thái độ trong đó “Tôi chỉ tìm thấy sự thật trong bản thân mình và tôi không cần bất kỳ xác minh bên ngoài nào, tôi không cần phản biện”.

Ngài nói: “Điều này kết thúc mọi cuộc đối thoại, dẫn đến thái độ luận chiến và loại trừ những người khác không nghĩ như tôi,” điều này không lành mạnh cho đời sống và chức vụ linh mục.

Theo quan điểm của Cha Ghirlanda, dấu hiệu mạnh mẽ nhất của một đời sống tinh thần lành mạnh đối với một linh mục “là sự phục vụ, dành toàn bộ cuộc đời mình để phục vụ người khác, không để lại gì cho bản thân”.
Source:Crux
 
Các Giám mục Công Giáo Nigeria âu lo vì làn sóng bạo lực
Đặng Tự Do
16:15 19/02/2022


Các Giám mục Công Giáo của Giáo Tỉnh Lagos đã bày tỏ lo lắng về sự gia tăng của các tội ác bạo lực và “những vụ giết người vô nghĩa” trên khắp đất nước.

Giáo Tỉnh Lagos, bao gồm Tổng giáo phận Lagos và các Giáo phận Ijebu Ode và Abeokuta, cũng lên án việc giết hại một linh mục Công Giáo ở Abeokuta bởi các tay súng không rõ danh tính.

Một tuyên bố được đưa ra vào cuối cuộc họp đầu tiên trong năm, được tổ chức tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Anê, Maryland, Lagos, và được ký bởi Đức Cha Francis Obafemi Adesina, Giám Mục Ijebu Ode, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Lagos và Cha Alfred Adewale Martins, tổng thư ký, kêu gọi chính phủ chấm dứt các vụ giết người và bạo lực trên khắp đất nước.

Cuộc họp có sự tham dự của ban lãnh đạo và đại diện của hàng giáo sĩ, những người Thánh hiến và các hiệp hội khác nhau của Giáo dân, những người đã báo cáo về các hoạt động của họ trong năm trước đang được kiểm điểm.

Tuyên bố cho biết: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về các vấn đề ảnh hưởng đến Giáo Hội trong Giáo Tỉnh và tình hình công việc ở đất nước của chúng ta, Nigeria, chúng tôi xin lưu ý rằng bất chấp sự lên án kịch liệt theo sau những vụ giết người vô nghĩa liên tục xảy ra và những người khác làn sóng bạo lực trên khắp đất nước, tình hình chưa lắng dịu chút nào.

“Ví dụ, trước thềm Năm mới 2022, một linh mục của Giáo phận Abeokuta, là Cha Luke Adeleke, đã bị giết bởi các tay súng không rõ danh tính khi đang thực hiện các hoạt động mục vụ của mình. Gần đây, có thông tin cho rằng ở Bang Taraba, một nhà thờ Công Giáo đã bị san bằng mà không rõ lý do”.

“Những vụ bạo lực này và nhiều trường hợp bạo lực khác đã là dấu ấn của quốc gia chúng ta. Những điều này còn được phép tiếp tục trong bao lâu? Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ sử dụng tất cả các tài nguyên của nhà nước theo ý của họ để chấm dứt những hành động giết người và bạo lực tồi tệ trên khắp đất nước trước khi nó tiêu diệt tất cả mọi người”.
Source:Vanguard
 
Tiến trình tuyên thánh của Giáo Hội diễn ra như thế nào?
Đặng Tự Do
16:16 19/02/2022


Trong bản tin hôm 12 tháng Hai, có nhan đề “Vietnamese Catholics want justice for martyred Fr Thanh”, nghĩa là “Người Công Giáo muốn thấy công lý cho linh mục tử đạo Thanh”, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đã bắt đầu dùng từ “tử đạo” và cho biết nhiều người nhận định rằng “cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là một cuộc tử đạo”. Điều này chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều hy vọng cho những người Công Giáo Việt Nam yêu mến vị linh mục anh hùng.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem tiến trình tuyên thánh của Giáo Hội như thế nào?

Quy trình chính thức để tuyên bố ai đó là thánh được gọi là tuyên thánh. Trước năm 1234, Giáo Hội không có một quy trình chính thức nào như vậy. Thông thường các vị tử đạo và những người được công nhận là thánh đã được Giáo Hội tuyên bố là thánh vào thời điểm các ngài qua đời. Trước khi Kitô giáo được Hoàng đế Constantine hợp pháp hóa vào năm 313, các ngôi mộ của các vị tử đạo, như Thánh Phêrô, đã được đánh dấu và lưu giữ làm nơi tôn kính. Ngày kỷ niệm cái chết của các ngài được ghi nhớ và ghi vào lịch của Giáo Hội địa phương. Sau khi Kitô Giáo được hợp pháp hóa, thông thường các vương cung thánh đường hoặc đền thờ được xây dựng trên những ngôi mộ này.

Thời gian trôi qua, Giáo Hội thấy cần phải thắt chặt thủ tục tuyên thánh. Vì thật không may, đôi khi có những nhân vật được tôn vinh như một vị thánh từ các truyền thuyết dân gian, nhưng hạnh tích của các vị ấy còn nhiều điểm hồ nghi. Chẳng hạn, Giáo Hội địa phương ở Thụy Điển đã tuyên thánh cho một tu sĩ nổi tiếng quảng đại, hay giúp đỡ người nghèo nhưng ngài lại hay say sưa chè chén và đã bị giết trong một cuộc ẩu đả vì say rượu – mà hầu như không có bằng chứng nào về sự tử đạo. Vì vậy, vào năm 1234, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã thiết lập các thủ tục để điều tra cuộc đời của một ứng viên tuyên thánh và mọi phép lạ nhờ lời cầu bầu của vị ấy. Năm 1588, Đức Giáo Hoàng Xíttô Đệ Ngũ (Sixtus V) giao cho Bộ Nghi lễ, sau này được đổi tên thành Bộ Tuyên thánh, giám sát toàn bộ quá trình. Bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tám vào năm 1634, nhiều vị Giáo Hoàng đã sửa đổi và cải tiến các tiêu chuẩn và thủ tục tuyên thánh.

Ngày nay, tiến trình này được tiến hành như sau: Khi một người đã khuất “nổi tiếng thánh thiện” hoặc “tử đạo”, thì Giám mục Giáo phận thường khởi động cuộc điều tra. Một yếu tố đặc biệt giúp đẩy nhanh tiến trình này là có phép lạ xảy ra nhờ sự chuyển cầu của vị ấy. Giáo Hội cũng sẽ điều tra các bài viết của ứng viên để xem liệu các bài viết ấy có hoàn toàn phù hợp với “đạo lý tinh tuyền”, nghĩa là về cơ bản, không có gì là dị giáo hoặc chống lại đức tin. Tất cả thông tin này được thu thập, và sau đó một bản sao chép trung thực, được xác thực và niêm phong một cách hợp lệ, được nộp cho Bộ Tuyên thánh.

Trong Thư Chung Tết Nhâm Dần Của Giáo Phận Kon Tum, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Bản Quyền cho biết Cha Thanh đã xung phong lên xây dựng Giáo họ Sa Loong thuộc giáo xứ Đăk Mót để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, là một người anh em cùng Dòng. “Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.” Như thế, nhận xét ban đầu của Đức Giám Mục giáo phận là rất thuận lợi. Nhìn tư trang của ngài, chúng ta cũng có thể thấy Cha Thanh đã sống một cuộc sống thanh bần của người môn đệ Chúa, hy sinh tất cả cho sứ mệnh truyền giáo.

Một khi nguyên nhân tuyên thánh được Giáo Hội chấp nhận, việc điều tra thêm sẽ được tiến hành. Nếu ứng viên được báo cáo là một người tử vì đạo, Thánh Bộ sẽ xác định xem người ấy có chết vì đức tin hay không và thực sự hiến dâng mạng sống của mình để hy sinh tình yêu cho Chúa Kitô và Giáo Hội.

Trong các trường hợp khác, Hội Thánh sẽ kiểm tra xem liệu ứng viên có được thúc đẩy bởi một lòng bác ái sâu sắc đối với người lân cận của mình, và thực hành các nhân đức một cách gương mẫu và anh hùng hay không. Trong suốt cuộc điều tra này, “Advocatus Diaboli”, “Người Ủng Hộ Ma Quỷ”, hay “Promotor Fidei”, “Người Quảng Bá Đức Tin”, kiểm tra nghiêm nhặt cuộc đời của ứng viên và những phép lạ được cho là do lời cầu bầu của người ấy. Gọi là “Người Ủng Hộ Ma Quỷ”, chữ nghĩa xem ra có vẻ táo tợn, nhưng nói lên công việc của người này là moi ra mọi thứ bất lợi cho ứng viên, tìm cách phát hiện ra mọi sai sót nào của ứng viên, hay bất cứ tì vết nào trong cuộc đời anh hùng của người ấy để phản đối hay nêu ra các vấn đề cần được giải quyết. Một khi một ứng cử viên được tuyên bố là đã sống cuộc đời với các nhân đức anh hùng, ứng viên có thể được tuyên bố là “Tôi tớ Chúa”.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

Bước tiếp theo sau khi được tuyên là Bậc Đáng Kính là tuyên Chân Phước. Một vị tử đạo có thể được tuyên Chân Phước và được tuyên bố là “Chân Phước” bởi chính sự tử đạo ấy. Nói cụ thể hơn, nếu chứng minh được Cha Giuse Trần Ngọc Thanh chết vì lòng thù hận đức tin thì không cần thêm một phép lạ. Tiến trình xét duyệt sẽ rất nhanh chóng. Cho đến nay các quan chức cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục cho rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Giả thuyết đó bác bỏ khả năng tuyên bố Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là vị tử đạo, bị giết vì lòng thù hận đức tin. Cho nên, cần phải tìm ra sự thật đàng sau động cơ sát hại Cha Thanh của Nguyễn Văn Kiên. Chẳng hạn, vụ giết người này có thể nhằm mục đích ngăn cản những nhà truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên.

Nếu không phải chết vì tử đạo, ứng viên cho án tuyên Chân Phước phải có một phép lạ được công nhận. Tiến trình sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với trường hợp tử đạo. Khi xác minh phép lạ, Giáo Hội xem xét liệu Thiên Chúa có thực sự thực hiện một phép lạ hay không và phép lạ đó có phải là để đáp lại lời cầu bầu của vị ứng viên hay không. Phép lạ phải được Hội Đồng Y Khoa Tòa Thánh công nhận, trước khi chuyển cho Hội Đồng Hồng Y xem xét và cuối cùng Đức Thánh Cha phê chuẩn. Tiến trình đó có thể kéo dài hàng chục năm là bình thường.

Sau khi được tuyên Chân Phước, vị Chân Phước có thể được tôn kính nhưng với giới hạn đối với một thành phố, giáo phận, khu vực hoặc một Dòng Tu. Đức Giáo Hoàng sẽ cho phép một lời cầu nguyện đặc biệt, Thánh lễ, hoặc một cử hành Phụng Vụ thích hợp để tôn vinh vị Chân Phước.

Sau khi được phong Chân Phước, một phép lạ khác là cần thiết để tuyên thánh và chính thức được tôn vinh và kêu cầu trong toàn thể Giáo Hội.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin mừng Luca 3
Vũ Văn An
00:42 19/02/2022

3. Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Bẩy Mùa Thường niên Năm C: Lc 6: 27-38

27“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

36“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”


(Trích theo bản dịch trực tuyến của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Ghi Chú

Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây. Luca dẫn nhập ta vào phần khác của Bài giảng ở chỗ đất bằng, có thể nói là phần quan trọng, được phần mào đầu là các mối phúc và mối họa chuẩn bị.

Hãy yêu kẻ thù. Xem Mt 5:44a nơi 4 chữ y như nhau đã được sử dụng, agapate tous echthrous hymōn. Câu này và câu sau chứa 4 mệnh lệnh của Chúa Giêsu: yêu, làm ơn, chúc lành và cầu nguyện. Chỉ có mệnh lệnh đầu và mệnh lệnh cuối là có trong Mátthêu 5:44. Luca rõ ràng thêm vào hai mệnh lệnh vì bốn việc làm tổn thương nói ở mối phúc thứ tư (6:22); như thế, 3 mệnh lệnh tiếp theo nói rõ loại tình yêu người ta mong chờ nơi các tín hữu Kitô đối với kẻ thù. Kẻ thù này là người oán ghét, khai trừ, sỉ vả và xoá tên Kitô hữu, tức là kẻ thù của các Kitô hữu hiểu như một nhóm. Điều Luca duy trì ở đây trong 2 câu 27-28 tạo nên phản đề thứ sáu trong bài giảng của Mátthêu.

Theo cha Fitzmyer, thế giới Hy Lạp cũng như thế giới Do Thái đều có ý niệm đối xử với kẻ thù một cách độ lượng và biến kẻ thù thành bạn. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu không khuyên mà ra lệnh cho các môn đệ, không những âu yếm nồng hậu (philia) như người trong gia đình, hay tận tụy say sưa (eros) như vợ chồng mà còn lưu tâm một cách nhân hậu, thân mật và tích cực (agapē) đối với phúc lợi của những người đối nghịch. Xem thêm C. Spicq, Agape in the New Testament (St. Louis:B. Herder, 1963) 1.78-80.

Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em. Câu này có thể đã mô phỏng kiểu nói của Cựu Ước (St 12:3; Đnl 27:12-26; Tl 17:2). Tuy nhiên, trong khi Nhóm Essenes của Qumran dạy môn đệ chúc phúc cho các thành viên của mình, “con cái ánh sáng”, và nguyền rủa những ai không tham gia với họ hoặc đào ngũ, “con cái bóng tối” (1QS 2:2-17), thì Chúa Giêsu dạy một thái độ khác hẳn: thụ động chấp nhận sự nguyền rủa của người chống đối phải được đáp trả bằng việc chúc phúc tích cực. Lời khuyên của Thánh Phaolô (Rm 12:14) phản ảnh giáo huấn này, nhưng ngài nói tới những kẻ bách hại: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa”.

Ai vả anh má bên này. Mệnh lệnh trong câu 29-30 ở ngôi thứ hai số ít thay vì ở ngôi thứ hai số nhiều như các câu 27-28, 31-36, cho thấy đây có thể là việc đúc hai dị bản làm một, một việc cũng tìm thấy nơi Mt 5:39b-45.

Theo Cha Fitzmyer, câu này có thể chỉ việc nhục mạ từ một kẻ tấn công Kitô hữu vì lòng trung thành với với Chúa Kitô. Nếu bị nhục mạ như thế, môn đệ Chúa Giêsu không tới tòa án mà chịu đựng và còn có thể làm hơn thế trong tinh thần yêu thương mong có nơi môn đệ (6:27). Lệnh truyền này và lệnh truyền ở 30b đả phá nguyên tắc trả đũa xưa (Xh 21:24; Lv 24:20; Đnl 19:21).

Ai xin, thì hãy cho. Hình thức tuyệt đối của lệnh truyền này loại trừ mọi xem xét tới hậu cảnh hoặc tình trạng của người xin hay mục đích của việc xin. Không nên đáp trả nhu cầu của người xin bằng thái độ dè dặt ích kỷ nơi môn đệ Nước Trời. Luca hình như thêm chữ panti “bất cứ ai” vào đây (so sánh với Mt 5:42).

Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Đây là hình thức của Luca về điều gọi là Luật Vàng. Mt 7:12 viết như sau: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Và thêm: “vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó”. Cái đuôi thêm vào này có lẽ của chính Mátthêu; nhưng cũng có thể đã có trong nguồn “Q”, và bị Luca bỏ vì ít liên quan tới các độc giả Kitô giáo gốc ngoại giáo. Luca di chuyển luật này lên phía trước bài giảng. Vì đối với ngài nó không tóm lược Lề luật và Các Tiên tri, mà liên quan đến lệnh truyền yêu thương kẻ thù (các câu 27-30). Tuy nhiên tính hỗ tương của luật được sửa đổi ngay lập tức trong các câu 32-34; như thế Chúa Giêsu của Luca tuy trích dẫn luật nhưng đã khuyên một tác phong vượt lên trên cả tính hỗ tương. Yêu mình không thể là tự nó là một qui phạm.

Kiểu nói “Luật Vàng” áp dụng vào lệnh truyền này có từ thế kỷ 18. Ngày xưa, nhiều công thức, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã được biết đến, thí dụ 1) Lv 19:18: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình; 2) Tb 4:15: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả”... Các song hành cũng tìm thấy nơi các nhà văn cổ điền Hy Lạp, như Isocrates, Nicocles, 61; Herodotus 3.142. Không cần phải ráng thiết định rằng hình thức tích cực của Chúa Giêsu trong Luca và Mátthêu thực sự sáng giá hơn hình thức tiêu cực.

Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình. Mệnh lệnh yêu thương kẻ thù, dù là được tóm tắt trong Luật Vàng, nay được xem xét so với luân lý của kẻ tội lỗi, và tình yêu hỗ tương, có cân đo đong đếm nay được trình bầy là không đủ đối với các môn đệ của Chúa Giêsu.

Thì có gì là ân với nghĩa? Luca dùng chữ charis ở đây để chỉ phần thưởng, gần giống như chữ misthos trong câu 35b (đền trả). Câu song hành Mt 5:46 dùng chữ misthos. Charis cũng chỉ việc đẹp lòng như trong Cv 7:46: “Vua này đẹp lòng Thiên Chúa” nhất là trong Lc 1:30: “Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.

Người tội lỗi. Mátthêu 5:46 dùng chữ “thu thuế” (telōnes). Có lẽ Luca đổi chữ telōnes thành chữ hamartōloi (người tội lỗi), với nghĩa rộng rãi và rải khắp 3 điển hình.

Yêu...làm ơn... cho vay. Ba biểu hiện của việc phục vụ chân tình tóm lược các câu 32-34.

Con Đấng Tối Cao. Mt 5:45: “Con của Cha các con ở trên trời”. Biểu thức của Luca gần với biểu thức của Cựu Ước: “Ta đã phán : Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao” (Tv 82:6). Số ít của tước hiệu này áp dụng vào Chúa Giêsu ở câu 1:32. Còn về tư cách con của Kitô hữu xem Rm14-15; Gl 4:5-6. Ở đây, tình yêu được trình bầy như dấu chỉ tư cách làm con ấy.

Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Câu này nhắc lại phần cuối của câu 35. Câu tương ứng trong Mátthêu (5:48) viết như sau: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Hình thức Luca không những làm sắc bén lời dạy bằng cách đặt nó thành mệnh lệnh, mà còn diễn tả nó theo lòng thương xót, nhân từ. Khó có thể quả quyết hình thức nào gần với nguồn “Q” hơn: “hoàn thiện” hay “nhân từ”. Vì Mátthêu dùng chữ teleios (hoàn thiện) ở nơi khác nữa (19:21), nên có thể ngài đã hiệu đính nguồn “Q”; Luca không bao giờ dùng tĩnh từ này và chỉ dùng chữ oiktirmōn (nhân từ) ở đây mà thôi.

Trong cả hai hình thức, lời dạy đều lấy từ Lêvi 19:2: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Hình thức của Luca đề xuất việc mô phỏng Thiên Chúa và chính nói về một phẩm tính mà Cựu Ước hay qui cho Thiên Chúa. Thiên Chúa trong Cựu Ước không bao giờ được mô tả là hoàn thiện (teleios) nhưng nhân từ, hay thương xót (oiktirmōn, Xh 34:6; Đnl 4:31; Ge 2:13; Gn 4:2).

Dù câu này nhắc lại câu 35, nó cũng chuyển tiếp qua câu tiếp theo, vì vấn đề xét đoán cũng là một điển hình nữa của việc mô phỏng lòng Chúa thương xót.

Anh em đừng xét đoán. Cha Fitzmyer cho rằng với câu này, Luca khởi đầu phần 3 của Bài giảng ở nơi đất bằng. Thay vì hình thức đơn giản của lệnh truyền này trong Mt 7:1-2, Luca trình bầy thành bộ bốn, gồm 2 lệnh cấm (với các hậy quả của chúng) và 2 lệnh truyền (với các hậu quả của chúng) trong các câu 37-38a. “Xét đoán” không có ý nói đến phán xử ở tòa án mà nói tới khuynh hướng của con người ưa chỉ trích, bắt lỗi người lân cận. Nhân từ trong xét đoán cũng nên dẫn đến lòng đại lượng cho đi và do đó bộ bốn này được thống nhất.

Đấu đủ lượng. Hình ảnh này là hình ảnh của đấu đong thóc đủ cân lượng. Sự đầy đủ, tính viên mãn trọn vẹn trở thành qui phạm cho tác phong vì nó chỉ tiêu chuẩn không giới hạn, đầy thương xót trong khi xét đoán và cho đi. Lòng đại lượng của con người sẽ được tưởng thưởng bằng sư giầu có dư thừa của Thiên Chúa. Xem 8:18; 19:25-26.

Anh em đong bằng đấu nào. Phần này của câu nói tương ứng với Mt 7:2b. Nó giải thích câu 38b chứ không phải câu 37. Nếu tác phong con người không chỉ đo lường bằng tính có đi có lại của Luật Vàng, nó sẽ tìm được phần thưởng trong sự giầu có dư thừa của Thiên Chúa, việc cho đi không giới hạn.

Nhận định

Cha Fitzmyer cho rằng Bài giảng ở chỗ đất bằng của Chúa Giêsu trong Luca (6:20-49) có 5 phần: mào đầu (4 mối phúc và 4 mối họa 6:20-26), yêu cả kẻ thù (6:27-36), đừng xét đoán nhau (6:37-42), vai trò của việc lành (6:43-45) và việc cần phải hành động theo các lời dạy này (6: 46-49). Như thế đoạn này đề cập tới phần thứ hai của Bài giảng.

Phần này có thể coi là phần chính của Bài giảng vì nó đề cập tới tình yêu, một điều phải nổi bật trong đời sống Kitô hữu. Đó là tình yêu thương người lân cận của mình, và cả kẻ thù của mình nữa, tức những người thù ghét mình, chửi bới mình, xử tệ mình, đánh đập mình, cướp bóc mình, và cướp mất những gì là quyền lợi của mình. Động cơ của tình yêu này là lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn là người cha của hiện sinh Kitô hữu.

Giáo huấn về tình yêu trong các câu 27-36 chú trọng tới tình yêu đối với kẻ thù của chúng ta dù sau đó các câu 37-45 nói đến một phạm vi rộng hơn của tình yêu: cấm xét đoán hay chỉ trích, nhưng xét cho cùng đây cũng là một áp dụng khác của mệnh lệnh yêu thương. Xét đoán và lên án phải nhường chỗ cho tha thứ, đại lượng, tác phong ngay thẳng.

Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 622-646

Phụ chú

Có tác giả ví tình yêu kẻ thù như đỉnh Everest chót vót: Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn tình yêu cao đến hết cỡ của nó nơi tình yêu này, nói cách khác, tình yêu của chúng ta đối với người khác phải tương ứng với tình yêu của Thiên Chúa Tối cao, Đấng “nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”. Lòng nhân hậu này không phải chỉ có nghĩa tiêu cực của chịu đựng mà còn có nghĩa tích cực của việc thực sự dấn thân làm việc lành cho những kẻ ác nhân. Chính vì thế mà Luca sử dụng động từ agapē trong trường hợp này như phần chú thích đã đề cập.

Tuy nhiên, tác giả trên, liền sau đó, đã cảnh cáo ta đừng hiểu lầm lệnh truyền của Chúa Giêsu. Người đâu có dạy ta phải thụ động bất đề kháng kẻ ác nhân vì rõ ràng Người đã xua đuổi các tay buôn bán khỏi Đền Thờ. Theo tác giả này, tình yêu triệt để là đáp ứng điều sai bằng thừa tác vụ tích cực đối với người làm sai, chứ không phải trả thù (xem https://bible.org/seriespage/lesson-26-radical-love-luke-627-35).

Điều trên có nghĩa gì? Đức ông Joseph Pellegrino, trong bài giảng Lễ Chúa Nhật Thứ Bẩy Mùa Thường Niên Năm C (http://frjoeshomilies.net/02-20-22.pdf) trích dẫn Thánh Tôma Aquinô để nói về một số giả dụ. Thánh Tôma viết rằng tình yêu hệ ở hai ước muốn (1) muốn điều tốt cho người mình yêu, và (2) muốn kết hiệp với người đó. Nếu chúng ta muốn kết hiệp với kẻ thù của chúng ta, chúng ta sẽ không muốn cho họ xuống hỏa ngục vì họ đã làm hại ta. Thí dụ, Loan chẳng hạn bị anh chàng tên Dũng tấn công bất chính. Loan chỉ có thể yêu kẻ thù của nàng là Dũng, nếu nàng muốn điều tốt cho Dũng và kết hiệp với chàng. Nhưng điều thực sự tốt cho Dũng tối hậu nằm ở chỗ chàng chấp nhận ơn thánh của Thiên Chúa. Nhưng muốn điều tốt của Dũng đòi Loan phải bỏ hình phạt đối với chàng nếu điều này tốt cho chàng hoặc đòi hình phạt cho chàng nếu điều này tốt cho chàng. Điều tốt nhất cho Dũng là bất cứ điều gì cần để đem chàng tới tình trạng tốt lành về phương diện luân lý đối với tâm trí và ý chí; và điều này rất có thể bao gồm việc Loan gọi cảnh sát bắt giam Dũng. Vì cùng lý do này, ước muốn kết hiệp với Dũng không nhất thiết phải bao gồm ước muốn làm bạn đường của Dũng. Nếu Dũng hoàn toàn không chịu hối hận, thì ước muốn kết hiệp với Dũng của Loan không nên bao hàm việc sẵn lòng làm bạn đường của chàng. Loan có thể không dung thứ cho việc nhìn thấy chàng mà không rơi vào tình trạng hoảng loạn xúc cảm. Ước muốn kết hiệp với Dũng của Loan thích đáng chỉ còn có thể là việc mong cho chàng hối hận và sửa đổi. Yêu kẻ thù trong trường hợp này là không giúp họ tiếp tục làm điều sai về luân lý chống lại ta hay bất cứ người nào khác.

Đức Ông Pelegrino trình bầy một khía cạnh đáng lưu ý khác khi đặt câu hỏi: “các Kitô hữu chúng ta xử sự ra sao đối với tính tiêu cực, và sự hận thù tuyệt đối trong bầu khí chính trị hiện nay?”. Trả lời câu hỏi này, Đức Ông bảo: “chúng ta trở nên cứng ngắc, cao ngạo, và chắc mẩm về mình đến độ không còn có thể tôn trọng những người suy nghĩ khác với chúng ta. Chúng ta là chính bầu khí chính trị xấu xa chứ không phải bị kẹt trong đó. Chúng ta không tách biệt với các biến cố đang tạo tin tức thế giới hàng ngày. Đúng hơn, những gì được viết lớn trong tin tức thế giới hàng đêm rất thường phản ảnh những gì đang được che đậy nơi chính chúng ta. Khi ta thấy những điều bất công, cuồng tín, kỳ thị chủng tộc, tham ô, bạo động, giết người và chiến tranh trong các bản tin, ta cảm thấy bất nhẫn. Điều ấy lành mạnh, nhưng sẽ không lành mạnh nếu ngây thơ nghĩ rằng người khác, chứ không phải chúng ta, là vấn đề. Nếu đủ trung thực, ta phải thừa nhận rằng đến một mức độ nào đó, ta đồng loã trong mọi chuyện này, có lẽ không trong các hình thức thô bạo, nhưng trong những cách thế tế vi hơn nhưng cũng thực chất không kém”.

Hình như Đức Ông Pellegrino muốn xa xôi nói đến Luật Vàng. Nhưng có đi có lại có cái nguy hiểm ở chỗ người khác không làm tôi cũng không làm. Huề vốn. Thành thử phải hiểu Luật Vàng theo nghĩa nghĩ đến người khác, không nghĩ đến mình. Steven J. Cole, đã nhắc trên đây, trích lời Henry Wadsworth Longfellow nói rằng : “Nếu ta có thể đọc lịch sử bí mật của các kẻ thù ta, ta sẽ thấy trong đời sống của mỗi con người nỗi buồn sầu và đau đớn đủ để hạ khí giới mọi hận thù”. Thánh Phaolô, vì thế, khuyên ta nên coi người khác quan trọng hơn mình (Pl 2:3,4). Cho dù người khác sai, ta cũng nên tự hỏi “tôi muốn được cư xử ra sao nếu tôi sai?”

Tiến sĩ Ralph F. Wilson (http://www.jesuswalk.com/luke/018-enemies.htm) nhấn mạnh tới khía cạnh “nhưng không” trong tình yêu của chúng ta với người lân cận và với cả kẻ thù. Dù sao, tình yêu Thiên Chúa đối với con người quả là một tình yêu nhưng không: Người thương yêu Israel mặc dù họ thường khinh miệt Người. Người không bỏ cuộc. Họ bất trung và bị trừng phạt, nhưng Thiên Chúa lại giảng hoà và chúc lành cho họ. Người có trái tim hướng về kẻ không có tình yêu. Đó là điều chúng ta cần để yêu thương kẻ thù.

Và nhân khi nói đến việc cho vay mà không cần đòi lại (câu 34), Tiến sĩ Wilson nói rằng: “Chắc chắn chúng ta không trả lại đủ để đền bù bửu huyết Chúa Giêsu đã đổ ra vì chúng ta, để đền tội lỗi cho chúng ta. Lòng xót thương đối với những kẻ không có cách chi đền trả? Cái chết của Chúa Giêsu vì tội lỗi chúng ta là trường hợp này. Và môn đệ của Người phải học bài học này: lòng thương xót không bao giờ được biện minh. Nó được tự do trao ban".
 
Tiếng Chuông Giáo Đường - Phó tế Phạm Bá Nha
Phó tế Phạm Bá Nha
10:11 19/02/2022
Tiếng Chuông Giáo Đường Trong Đức Tin

Nhà thờ, tháp chuông và tiếng chuông bao giờ cũng liên quan mật thiết với nhau. Nhà thờ nơi tôn
nghiêm, tiếng chuông mời gọi gợi cảm thiêng liêng ngân vang từ tháp cao. Nâng lòng lên khỏi vấn vương. Ngày còn nhỏ, dịp Noel, thú nhất và náo nức kêu gọi bạn bè dạo phố, tặng quà, rồi nghé nhà thờ ‘qùi bên hang đá, rầm rì cầu kinh’. Lớn khôn, theo thói quen, nghe tiếng chuông ba lần, vùng chăn, lo mà chạy mau đến nhà thờ ‘giúp lễ hay thưa kinh’. Trên đường đi, vừa đi vừa đọc kinh. Chiều chiều tan trường vội vàng về nhà ‘đỡ việc cha mẹ’. Bây giờ, tuổi đời xế bóng, tiếng chuông âm vang trong lòng ‘xin thứ tha lỗi lầm’ những ngày đã qua.

Nhà thờ, nhà nguyện một lối kiến trúc được các nhà truyền giáo du nhập vào VN từ thế kỷ XVI. Thiên Chúa giáo sớm hòa nhập với các tôn giáo khác và phong tục VN. Có chức năng thờ phượng, có tính cách cộng đồng. Nên nhà thờ luôn có hình thức vươn cao của vòm mái, cùng với tháp chuông. Trải theo thời gian và thăng trầm lịch sử, kiến trúc nhà thờ đã đa dạng khắp miền đất nước. Tới bây giờ nhà thờ còn tiếp tục xây cất. Tiếc là chiến tranh, thiên tai, một số thánh đường, nhà nguyện chỉ là phế tích. Kiến trúc nhà thờ liên quan đến tâm tư, tình cảm của người ngồi tham dự

Tháp chuông là phần quan trọng và kiến trúc, nơi đặt chuông, nơi tiếng chuông vang lên. Tháp chuông thường là nơi cao nhất trong nhà thờ, cũng tượng trưng cho vị trí quan trọng của quả chuông. Và trên dỉnh tháp có Thánh Giá.Tháp chuông là kiến trúc gắn liền với kiến trúc nhà thờ, hoặc độc lập. Kiến trúc kinh điển thường đối xứng, tháp chuông ở giữa hai bên. Tháp và chuông là kỳ công của nhà thờ. Do đó, đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc đúc luyện kim điêu khắc. Tháp càng cao tiếng chuông càng bay xa.
Tiếng chuông nhà thờ là âm thanh của yên lành, thanh bình, thánh thiện. Chuông nhà thờ báo hiệu giờ kinh lễ cho giáo dân trong những ngày cầu nguyện. Có khi mải mê công việc mà quên kinh hạt. Hình ảnh còn để lại trong tâm trí là : Hai người gác cuốc giữa trưa nghỉ việc đọc kinh, khi nghe chuông nhà thờ báo đọc kinh ‘Truyền Tin’. (x. Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam. Nguyễn Hồng Dương. 1998. Ttr.9-20)
Giáng Sinh vào ngày cuối năm kỷ niệm Chúa sinh ra. Biết bao giai điệu vang lên rộn ràng trên khắp nẻo đường. Mùa Noel tới, tiếng chuông ngân lên ‘vinh danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm’.
Phép lành Urbi et Orbi được gọi là của Tân Hoàng, hai lần trong năm dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và dịp đặc biệt, cho thành Roma và thế giới, từ Vương Cung Đền Thánh Phêrô. Phép lành này có từ thời đế chế La Mã. Lần đầu tiên được thấy tại Vương Cung Thánh Đường Latêrô ‘omnium Urbis et Orbis ecclesiarum Mater et Caput’. Ngày 27.3. 2021, ĐGH Phanxicô quyết định ban phép lành Urbi et Orbi trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vì người Công Giáo phải ở nhà và tạm xa các bí tích. (Vatican News, 27.3.2021)

Chuông Ngân Vang Ca

Tiếng chuông nhà thờ vang lên để chào đón Chúa Giáng Sinh, mừng Chúa Phục Sinh sống lại, mời gọi giáo dân đến nhà thờ cầu kinh, đón tiếp đôi uyên ương, nhắc nhở cho người sống đạp và báo cho biết có thay đổi đời người hai ngả.

Tiếng chuông chào mừng Chúa Giáng Sinh, ấm cúng sưởi ấm chúng ta trong đêm đông giá lạnh, đem lại niềm vui, niềm hy vọng không cho tín hữu mà bao trùm cả nhân loại.

Mừng ngày Chúa sinh ra, nào cùng nắm tay tươi cười
Hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui.
Mừng ngày Giáng Sinh an hòa, mừng hạnh phúc cho muôn nhà !
Từ thành phố hay đồng quê, muôn nơi vang tiếng hát vang lừng*
Đêm Noel, đêm Noel ta hãy vui lên !
Đêm Noel ơi đêm ta xin ơn trên hòa bình cho trần thế
Đêm Noel ! chuông vang lên ! chuông giáo đường vang lên
Đêm Noel Đêm Noel ta hãy chúc nhau câu cười (James S. Pierpont. Hoa Kỳ,1822-1893)

Mừng Chúa Phục Sinh. Tiếng chuông hoan hỷ chan hòa đêm vọng Phục Sinh cho chúng ta biết :
Chúa đã sống lại thật rồi,
Chúa đã sống lại thật rồi,

Người ơi vui lên trong tiếng ca
Chúa đã sống lại thật rồi,
Chúa chiến thắng tử thần
Đem nguồn hạnh phúc khắp nơi
Vì đêm qua đã tàn rồi
Giờ vinh quang rạng ngời
Ngày tươi lên ánh vui
Hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời
Ngài ban cho khắp trần đời
Mừng hát lên người ơi…(Nguyễn Duy)

Mời gọi và nhắc nhờ đến nhà thờ tham dự thánh lễ cầu kinh sớm chiều. Vào nhà thờ là bỏ mọi sự bên ngoài. Dù mưa hay nắng, ngay cả bão táp. Một mình chìm đắm chung với cộng đoàn bên Chúa. Thiên Chúa luôn muốn mọi người chúng ta được sống hạnh phúc và hưởng ơn lành. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta đánh mất những gì quí giá, mà không kiềm hãm được bản năng thấp hèn mình. Chúng ta để cho cái tôi xấu xí lên ngôi, hoen ố bầu khí yêu thương mà Thiên Chúa muốn. Thiết nghĩ, những lúc gặp khó khăn, chỉ cần ít phút lắng lòng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Chạy đến với Ngài và thân thưa để được bao dung. Chúng ta xác tín rằng, khi đến với Chúa, Ngài dùng ánh sáng tình yêu chiếu rọi vào tâm hồn chúng ta, làm việc lành phúc đức, đáng thưởng công lâu bền.

Đón tiếp đôi uyên ương, hồi chuông ngưng, đôi tân hôn tiến lên bàn qùi giữa gia đình họ hàng hai bên và công khai nhân danh Chúa Ba Ngôi, tuyên bố : Anh (Em) nhận chiếc nhẫn này làm bằng chứng tình yêu và trung thủy của Anh (Em).
Vào những dịp lễ lớn như đêm Giao Thừa, ngày đầu năm, sau hồi chuông dồn đổ, cả nhà thờ dâng lời chúc:

Xin chúc anh một mùa xuân hạnh phúc
Xin chúc em một mùa xuân hy vọng
Ta chúc nhau một mùa xuân ấm êm
Và chúc mọi người một năm mới bình an (Thi Thiên)

Thay đổi cuộc đời hai ngả. Thói quen, tiếng chuông sầu buồn thong thả báo có ai trong xứ đạo qua đời. Chuông giật 7 tiếng cho biết là có người nam hay 9 tiếng là có người nữ lìa đời, phân đôi ngả sống chết. Người Công Giáo luôn có niềm tin lớn và hy vọng vào mai sau, trường tồn. Tiếng chuông thôi thúc mau chóng đến với gia đình và người quá cố. An ủi người còn sống và cầu kinh cho người ra đi. Nay người mai ta.

Sự sống này thay đổi mà không mất đi
Lúc con người nằm yên giấc ngủ
Mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai
Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười
Nhưng con tin rằng ngài mai trong Chúa
Chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui…(Phanxico)

Trường hợp đặc biệt, tháng 9. 2020, tổ chức ‘Yes to Life’ (Nói có với sự sống) của Công Giáo Ba Lan, xin ĐGH Phanxcicô làm phép quả chuông nặng gần một tấn, mang tên ‘Chuông, tiếng nói của người không được sinh ra’. Ngày 30.6.2021, tổ chức này mới đem chuông từ Roma về Balan, đặt ở nhà thờ Các Thánh. Cha sở là cha Przemyslaw Dray, tuyên úy gia đình giáo phận. Trên chuông, một mặt khắc hình bào thai hài nhi, mặt kia điều răn thứ 5 ‘Chớ giết người’. Chuông để trên giá có bánh xe dễ di chuyển. Từ ngày 30.6, chuông luân phiên đến các xứ thay mặt Giáo Hội gióng lên tiến ‘đừng giết bào thai’. Theo ông Rogdan Romaniuk, phó chủ tịch hội Yes to Life cho biết mỗi năm có tới 42 triệu trẻ em bị giết trên thế giới do phá thai. Hy vọng, từ nay chúng ta làm cho tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người về quyền bất khả xâm phạm, nâng cao nhận thức và đánh thức lương tâm con người. (Vatican News. 1. 7. 2021)
Vụ hỏa hoạn vương cung thánh đường Notre Dame de Paris, 15.4.2019, làm ngọn tháp 68 mét ở giữa mái nhà thờ bị sập hoàn tòan. Con gà trên tháp này đã tìm thấy trong vườn bông bên cạnh sông Seine.

Tiếng Chuông Qua Văn Chương

Tiếng chuông nhà thờ ngân vang ẩn chứa thông điệp, sắc thái, giá trị văn hóa. Mang lại hứng khởi của văn thi nhạc sỹ sáng tác những tác phẩm tuyệt tác để đời.
Các Văn Sỹ đã dùng đề tài ‘Tiếng Chuông’ sáng tác cho dân tình đơn sơ chất phát. Tiếng chuông nhà thờ trở nên quen thuộc với không gian làng quê từ năm nào? Tiếng chuông gắn liền với nhà thờ, xóm đạo, với không gian thanh khiết, tôn nghiêm.

Nhạc sỹ trước tác dân hay thánh ca, chứa đựng tình cảm. Tiếng chuông nhà thờ được ví như những nốt nhạc thánh thiện đóng vai trò trung gian, kết nối và chỉ dẫn cho mọi người đến với Chúa, bất kể họ là ai. Và không ai độc quyền sở hữu tiếng chuông. Mà tất cả mọi người được đồng hưởng trong không gian tthiêng liêng tha thiết, nhẹ nhàng, thanh thản để gửi gắm tiếng lòng và niềm tin yêu vào Thiên Chúa.

Nhạc họa sỹ Văn Cao (1923-1995) cất hát lên từ làng quê:
Làng tôi xanh bóng tre và tiếng chuông nhà thở rung. Rộn ràng lòng ai lưu luyến.
Lời tâm sự đơn sơ của Khánh Qùynh trong bài ‘khấn nguyện’ có đoạn :
…Dưới tượng Người con thì thầm nho nhỏ
Xin ngôi sao minh chứng tấm lỏng yêu
Chuông nhà thờ vọng vang mỗi buổi chiều
Chúa Nhật lễ sóng vai vào khấn Chúa
Trong tác phẩm ‘Và Như Cơn Gió Thoảng’của Bảo Chấn viết :
…Và như cơn gió thoảng
Giọng sơn ca hòa trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga
Để em trong giấc mộng cầm tay anh.
Nhẹ nhàng bay trên bầu trời lung linh ánh sao…
Bản ‘Tiếng Chuông Nhà Thờ’ của nhạc sỹ dương cầm Nguyễn Xuân Khoát (1910-1993) viết 1946, thời chiến tranh, vẫn âm vang tới nay.
Thánh đường tôn nghiêm.
Giặc sàm tái chiếm
Góc cao đền thánh
Đặt súng thay chuông
Hung ác bạo cuồng
Tàn sát dân lành
Giêsu Maria lạy Chúa tôi
Đây xưa nay ngày nhật những hồi chuông
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng chuông buông
Tiếng buông hồi chuông nhắc nhở
Cầu Chúa ban phước ơn lành...

Vô số bài thơ diễn tả tâm tư con chiên ngoan đạo mong sao đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Như :

Khi sáng tinh mơ
Chuông nhà thờ đổ
Trên lối mòn nhỏ
Đi lễ vui thay
Khi chiều về đây
Chuông nhà thờ đổ
Hỡi ai sầu khổ
Đến với giờ này
Chuông cất khoan thai
Êm từng tích tắc…
Khi ngày đã qua…
(“Chuông Nhà Thờ”, Peter Hy Tấn, 25.8.2013)

Hay tung tăng bên nhau, trên đường mòn, hẹn hò vui ca cả đêm Noel
Bước theo con đường cũ
Nghe tieng ai vang rền
Dòng người qua tấp nập
Rộn ràng đêm Noel
Em chưa về thăm phố
Phố buồn phố ngủ yên
Để cùng phố lên đèn
Chúa ra đời cứu thế…
(“Đêm Noel Buồn”, DVVKH)
Chiều tan việc, nắng tàn, đón xe về trên sân ga, hay bất cứ nơi nào, tiếng chuông vang dội, gợi nhớ
Sao nơi em về.
Là sân ga…?
Một buổi chiều.
Nắng vừa vội tắt
Chuông nhà thờ.
Vừa gióng ngân nga
Buồn hoàng hôn
Ánh đèn vành hiu hắt
Có ai biết
Mà đón mà đưa
Có ai biết
Mà môi cười mắt rạng
Trôi về đâu
Lời ấm áp
(Đêm Không Thuộc Về. Dulan)

Đổi thay, có quên, nhưng không bao giờ quên tiếng chuông, bao kỷ niệm vấn vương xa gần, từ nhỏ đến lớn khôn.

Đường như đêm sắp tàn
Chuông nhà thờ đổ ngân vang khua rền
Tiếng gà gáy gọi bình minh lên
Giật mình mới mình quên ngủ rồi
Nơi thân xác này cha mẹ cho
Trái tim khối óc lại do Người cầm
(‘Sân Ga Chiều Buồn.Trinhcamle)

Tư tưởng kết luận sau khi viết bài này

Mấy tháng nay khi vắng tiếng chuông vì Covid-19, nhà thờ ít người lui tới. Nhưng đức tin người tín hữu vẫn tỉnh thức và cầu nguyện ‘Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Mt 26, 41). Lúc nào, người tín hữu luôn phó thác cậy trông có ‘Thày đây, đừng sợ” (Ga 6, 20) Nhưng, vẫn nhớ người kéo chuông báo thức, giữ giờ, chờ mong xuất hiện. Bao giờ kéo chuông liên tục lại, hỡi ngươi.

Phó Tế Phạm Bá Nha
 
VietCatholic TV
Linh mục trong Phái Bộ Vatican tại LHQ gọi Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là vị Tử Đạo của Tòa Giải Tội
VietCatholic Media
03:31 19/02/2022

Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông Công Giáo tại giáo đô Rôma đã dùng từ matire – nghĩa là Tử Đạo khi đề cập đến Cha Giuse Trần Ngọc Thanh.

Trong một diễn biến thật cảm động, một thần học gia lừng danh của Hoa Kỳ, là linh mục tiến sĩ Roger J. Landry, vừa có một bài viết nhan đề “The Martyrs of the Sacrament of Confession”, nghĩa là “Các vị Tử Đạo của bí tích hòa giải”.

Trước khi kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ, xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một chút về Cha Roger Landry.

Cha Roger J. Landry là một linh mục của Giáo phận Fall River, Massachusetts, và đồng thời làm việc cho Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc.

Sau khi nhận bằng cử nhân sinh học từ Đại học Harvard, ngài vào chủng viện Maryland, ở Toronto và học thêm vài năm ở Rôma. Sau khi được Đức Giám Mục Sean O’Malley phong chức linh mục tại Giáo phận Fall River vào ngày 26 tháng 6 năm 1999, ngài trở lại Rôma để hoàn thành cao học về Thần học Luân lý và Đạo đức Sinh học tại Viện Hôn nhân và Gia đình Thánh Gioan Phaolô II.

Cha Landry viết cho nhiều ấn phẩm Công Giáo, bao gồm The National Catholic Register và The Anchor, là tờ báo hàng tuần của Giáo phận Fall River, mà ngài là chủ bút và là cây bút gạo cội từ năm 2005 đến năm 2012.

Ngài thường xuyên dẫn đầu các cuộc hành hương đến Rôma, Thánh địa Giêrusalem, các đền thánh Đức Mẹ ở Âu Châu và các địa điểm linh thiêng khác. Sau khi đạt được bằng tiến sĩ Thần học Luân lý, ngài cũng giảng các khóa tĩnh tâm mỗi năm cho các linh mục, chủng sinh, tín hữu tu sĩ và giáo dân. Ngài đặc biệt chuyên về tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là Thần học Thân xác của Thánh Gioan Phaolô II.

Ngài là một nhà bình luận tại chỗ cho các chương trình về mật nghị bầu giáo hoàng năm 2013, và xuất hiện thường xuyên trên các chương trình phát thanh Công Giáo khác nhau và là tuyên úy quốc gia cho tổ chức Tiếng nói Công Giáo Hoa Kỳ.

Trước khi làm việc cho Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc, ngài từng là Cha sở của Giáo xứ Thánh Bernadette ở Fall River, Massachusetts và Giáo xứ Thánh Anthony thành Padua ở New Bedford, Massachusetts.

Sau đây kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn bộ bài viết của ngài về Cha Giuse Trần Ngọc Thanh của chúng ta.

Vào ngày 30 tháng Giêng, sau khi cử hành các Thánh lễ sáng Chúa Nhật, tôi giật mình bởi một tin nhắn từ một người bạn, là một nữ tu kín dòng Đa Minh, với tin tức nói rằng một trong những người em thiêng liêng của chị trong Dòng Đa Minh đã bị sát hại khi đang nghe xưng tội vào đêm hôm trước ở Việt Nam.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, thụ phong năm 2018, vừa cử hành Thánh lễ vọng Chúa Nhật lúc 6 giờ chiều tại Giáo xứ Sa Loong, Đăk Mót, thuộc giáo phận Kon Tum, nơi ngài vừa nhận nhiệm sở. Thánh lễ cử hành cho Chúa nhật thứ tư Mùa thường niên, trong đó Giáo hội suy tư về việc những người đồng hương Nadarét của Chúa Giêsu, sau khi nghe Người giảng, đã nhanh chóng đi từ kinh ngạc đến nghi ngờ và tìm cách giết Người. Chúng ta cũng nghe về những đau khổ của tiên tri Giêrêmia và nghe ca khúc nổi tiếng của Thánh Phaolô mô tả tình yêu nhẫn nại, nhân hậu và trường tồn như thế nào.

Cha Giuse, sau khi giảng về những bài đọc đó, không bao lâu sau đã công bố bằng ngôn ngữ thân xác chiều kích tiên tri của những lời lẽ đó.

Ngay sau khi kết thúc thánh lễ, Cha Giuse đã đi nghe xưng tội trên chiếc ghế nhựa của tòa giải tội tạm bợ ở cuối nhà nguyện Truyền giáo. Lúc 7 giờ 15, anh Nguyễn Văn Kiên, một thanh niên Công Giáo không thực hành đạo có mẹ đang tham dự Thánh lễ, lao vào cầm mã tấu chém vào đầu cha Giuse hai nhát. Ngài gục xuống trong máu, trẻ em và người lớn trong nhà thờ la hét lên, và một tu huynh Đa Minh và là trưởng ca đoàn, Thầy Antôn Phan Văn Giáo, chạy đến cố gắng bảo vệ vị linh mục.

Khi Kiên giơ mã tấu lên định chém vào đầu Thầy Antôn, vị ca trưởng này đã giơ chiếc ghế nhựa lên để tự vệ, nhưng chiếc ghế đâu có chống đỡ được, đã bị chém làm đôi. Kiên bắt đầu cầm mã tấu đuổi theo Thầy Antôn vào giữa nhà nguyện, nhưng khi vị tu sĩ Đa Minh trẻ tuổi thấy nhiều trẻ em có mặt và hiểu rõ khả thể các em có thể bị thảm sát, thầy đã can đảm quay về phía anh Kiên, đang tìm cách chém thầy một lần nữa. Vị tu huynh nhỏ bé đã có thể quật ngã kẻ giết người, túm lấy anh ta từ phía sau và đặt anh ta vào một thế bị khoá trái, khi các giáo dân trong giáo xứ lao vào.

Thầy Antôn khẩn khoản xin giáo dân đừng đánh Kiên để trả thù mà hãy kiềm chế anh và gọi cảnh sát. Thầy đến chăm sóc cho Cha Giuse và được một người trong giáo xứ đưa ngài đến bệnh viện ở Ngọc Hồi, cách đó khoảng tám dặm. Sau khi mất máu khoảng năm giờ, Cha Giuse qua đời lúc 11 giờ 30 đêm hôm đó. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha đã tha thứ cho kẻ giết mình. Cha được chôn cất vào ngày hôm sau. Phần mộ của cha kể từ hôm đó đã trở thành nơi hành hương của các Kitô hữu và những người khác, xếp hàng để cầu nguyện, đặt hoa và bày tỏ lòng tôn kính của họ.

Có những uẩn khúc liên quan đến động cơ đã khiến Nguyễn Văn Kiên tấn công Cha Giuse trong tòa giải tội. Một số người mô tả anh ta bị bệnh tâm thần, nhưng Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum, là người đã cử hành lễ tang cho cha đã lặp lại ý kiến của cha mẹ Kiên rằng anh ta không “mất trí theo nghĩa thông thường,” mà là “lơ mơ, không sống đạo”. Một số người lại nói rằng anh ta là một kẻ lạm dụng ma túy.

Trong khi anh ta có một người em gái đang ở trong một nhà phân định ơn gọi tu dòng, anh ta cũng có một người em trai đã phải ngồi tù ba năm vì tội ngộ sát. Cha mẹ anh nói rằng trong khi anh kiếm tiền từ việc làm trang trại và sửa chữa xe máy, anh cũng hay “nổi giận, quậy phá, lớn tiếng chửi bới mọi người, đập phá tivi, thậm chí cả bàn thờ trong nhà và đánh đập các thành viên trong gia đình”. Họ nói thêm rằng anh cũng mắc chứng “hoang tưởng” về việc bị bắt nạt và về tiềm năng không thể tìm được vợ. Các tu sĩ Đa Minh Việt Nam, những người tuy nói rằng họ cũng tha thứ cho anh ta, nhưng muốn ít nhất phải có một phiên tòa xét xử để động cơ giết người được đưa ra ánh sáng.

Nhiều người đã lập tức gọi Cha Giuse là một vị tử đạo của tòa giải tội. Có một số linh mục đã tử đạo vì bảo vệ ấn tín của bí tích hòa giải như Thánh John Nepomuk (mất năm 1393), Thánh Mateo Correa (mất năm 1927), Chân phước Felipe Císcar Puig (mất năm 1936) và Chân phước Fernando Olmedo (mất năm 1936), nhưng tôi không hề biết có linh mục nào bị giết khi nghe xưng tội. Cho đến bây giờ.

Mặc dù, từ chiều kích con người, luôn luôn có sự phẫn nộ tự nhiên đối với việc giết hại những người vô tội, và cái chết của vị linh mục và tu sĩ truyền giáo trẻ tuổi này, người con và người anh em, phải được than khóc một cách chân thành và theo xúc cảm, nhưng từ quan điểm bí tích cũng có điều gì đó khá vinh hiển về cái chết của ngài.

Toàn bộ bí tích thống hối và hòa giải là về cái chết và sự phục sinh. Chúa Giêsu Kitô đã bị giết hại một cách dã man - bị binh lính La Mã đánh nát cả và mình, dùng búa đóng đinh Người vào gỗ, chế nhạo và đội vương miện bằng gai - nhưng qua cái chết và sự phục sinh sau đó, Người đã xóa bỏ tội lỗi của thế gian.

Tòa giải tội là nơi sử dụng lời của Chúa Giêsu trong Dụ ngôn Người con hoang đàng, “kẻ chết… sống lại” (Luca 15:24). Đối với một linh mục được thụ phong trong con người của Chúa Kitô, được dạy lúc thụ phong phải mô phỏng cuộc sống mình theo mầu nhiệm thập giá của Chúa, thì luận lý chết và phục sinh này được xây dựng trong việc cử hành mọi bí tích, nhưng nó đặc biệt rõ ràng trong bí tích hòa giải. Việc thường xuyên thực hành bí tích này bao hàm một hình thức tử đạo.

Hình thức tử đạo thường thấy nhất là hình thức chờ đợi. Thánh John Vianney, vị thánh quan thầy của các linh mục giáo xứ và là vị giải tội nổi tiếng và anh hùng nhất trong lịch sử Giáo hội, đã phải chờ đợi trong tòa giải tội gần một thập niên trước khi các giáo dân của ngài bắt đầu biết tận dụng hồng ân lòng Chúa thương xót. Tuy nhiên, ngài đã chờ đợi như một chứng tá sâu sắc về tầm quan trọng của bí tích.

Sau 10 năm kiên nhẫn cầu nguyện và rao giảng, các giáo dân của ngài - và nhiều người từ khắp nước Pháp sau cuộc cách mạng thế kỷ 19 - đã đến không ngừng. Nhiều linh mục vẫn cảm nghiệm cuộc tử đạo chờ đợi này, vốn là một cái chết thực sự đối với tinh thần thế gian, khi các ngài kiên trì được dùng như những đại sứ đang kêu lên lời hô hào: “Hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20).

Nhưng khi người ta nắm được tầm quan trọng của bí tích, có thể có một hình thức tử đạo khác, mà chúng ta có thể gọi là “tử đạo của đám đông”, khi có quá nhiều người đến nỗi một người bị “mắc kẹt” hàng giờ trong đó. Điều này xảy ra ở Ars, nơi mà trong 30 năm cuối đời, Thánh John Vianney phải nghe xưng tội từ 12 đến 18 giờ mỗi ngày. Ngài gọi tòa giải tội của mình là cây thánh giá mà trên đó ngài bị đóng đinh suốt cả ngày khi tìm cách phân phát quyền năng cứu chuộc của máu thánh Chúa Kitô, từng người một, cho những người mà Chúa Kitô đã chết cho. Ngài cũng gọi hộp gỗ của tòa giải tội là “quan tài” của mình, nơi ngài chết cho chính mình để Đấng Cứu Chuộc nhân từ có thể sống.

Có điều gì đó tương tự xảy ra khi một linh mục có gánh nặng hạnh phúc khi giải tội cho những hàng dài người. Giữa niềm vui lớn lao của thiên đàng và niềm vui thường sâu sắc của con người nơi các hối nhân được tha thứ, cũng có một hình thức tự chết có liên quan, vì linh mục cam chịu những gì cần trong nội tâm để cơ bản giữ cho mình bất động và dành hết chú ý cho mỗi người, hàng giờ. Ngài chiến đấu với sự mệt mỏi và đôi khi sự lặp đi lặp lại, dịu dàng khóc với những người khóc, và đôi khi đấu tranh với những hối nhân cần thêm sự cứng rắn yêu thương để giải thoát họ khỏi một số trường hợp tội lỗi gần kề. Trong khi nhiều người có thể đánh giá cao những ưu tiên, sự cam kết và khả năng chịu đựng của một linh mục như vậy, thì ít người hiểu được trải nghiệm của hạt lúa mì là như thế nào (Ga 12:24).

Nhưng khía cạnh rõ ràng nhất của sự tử đạo tại tòa giải tội là ấn tín giải tội, một dấu ấn ngăn cản một linh mục tiết lộ nội dung của những gì ngài nghe được, ngay cả khi ngài bị đe dọa bỏ tù, tra tấn hoặc tử hình. Đôi khi việc tử đạo diễn ra tương đối thường xuyên, khi những chi tiết về những gì một linh mục đã nghe cứ luẩn quẩn trong tâm trí và linh hồn ngài, như các chi tiết về những tội ác bạo lực đã được xưng thú, hoặc khi ngài nhận ra quá muộn rằng lẽ ra ngài phải đưa ra những lời khuyên khác. Những lần khác, sự tử đạo rõ ràng hơn, chẳng hạn như khi một linh mục bị buộc tội nói hoặc làm điều gì đó trong tòa giải tội mà thực sự ngài không làm, nhưng không thể nói một lời để tự bào chữa. Những lần khác phi thường hơn, khi các linh mục bị sát hại vì bảo vệ ấn tín, như chúng ta thấy trong cuộc đời của các vị thánh mà tôi đã đề cập ở trên.

Vào thời điểm khi một số quốc gia và tiểu bang đang cố gắng yêu cầu các linh mục phá bỏ ấn tín bí tích trong những trường hợp đặc biệt - điều mà các linh mục không những không thể làm theo giáo luật mà còn đơn giản là sẽ không làm - khía cạnh tử đạo này có thể sẽ được chứng kiến thường xuyên hơn trong thời gian tới, khi các linh mục được nhà nước chỉ định làm thừa tác vụ trong nhà tù một cách miễn cưỡng.

Vào ngày 29 tháng Giêng, Cha Giuse không biết điều gì đang chờ đợi mình sau Thánh lễ khi ngài mặc một chiếc dây choàng màu tím và ngồi xuống để nghe xưng tội. Nhưng việc thực hành bình thường cuộc tử đạo tại tòa giải tội chắc chắn đã chuẩn bị cho ngài những gì Chúa biết là sẽ đến.

Và sự tử đạo của ngài đối với bí tích của lòng thương xót của Chúa Kitô là một lời nhắc nhở sâu sắc đối với những vị giải tội đồng nghiệp của ngài, và thực sự cho tất cả các tín hữu, về tầm quan trọng của bí tích, sự hy sinh xứng đáng mà bí tích bao hàm và sự sống mà bí tích này ban phát.
Source:National Catholic Register
 
Tòa Đại Hình Paris xử những kẻ chủ mưu cắt cổ một linh mục. Án tuyên thánh cho vị linh mục anh hùng
VietCatholic Media
05:13 19/02/2022


1. Án tuyên thánh tử đạo cho Cha Jacques Hamel

Hôm thứ Hai, 14 tháng Hai, phiên tòa xét xử những người bị buộc tội có liên quan đến vụ tấn công Cha Jacques Hamel đã bắt đầu trước Tòa Đại Hình (Cour d’assises) của Paris. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em tiến trình án tuyên thánh tử đạo cho ngài.

Cha Jacques Hamel đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS sát hại vào ngày 26 tháng 7 năm 2016. Vị linh mục cao niên này, tuy đã chính thức về hưu vào năm 2005, vẫn còn phục vụ, gần gũi với những người đơn sơ nhất và mong manh nhất, đã bị ám sát ngay giữa thánh lễ mà ngài đang cử hành.

Tổng giáo phận Rouen đã bắt đầu điều tra sơ bộ về án Tuyên Thánh cho Cha Hamel vào năm 2016 sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận bỏ qua thời gian chờ đợi 5 năm truyền thống.

Đức Tổng Giám Mục Lebrun - là giám mục của Cha Hamel - đã tuyên bố chính thức khai mạc tiến trình điều tra ở cấp giáo phận vào ngày 13 tháng 4 năm 2017.

Kênh truyền hình Công Giáo Pháp KTO đưa tin trong giai đoạn điều tra ở cấp giáo phận, các nhà điều tra đã ghi thành văn bản 600 bài thuyết giảng xuất sắc của Cha Hamel.

Đức Cha Lebrun đã cung cấp cho phần tiếng Pháp của Vatican News bản cập nhật về án tuyên thánh cho Cha Hamel vào ngày 24 tháng 7.

Ngài nói: “Như các bạn đã biết, Đức Giáo Hoàng đã miễn trừ cho chúng tôi thời hạn chờ đợi 5 năm để mở án tuyên thánh, điều này giúp chúng tôi có thể thực hiện cuộc điều tra của giáo phận ngay lập tức”.

“Và tôi có thể nói rằng việc miễn trừ này rất quan trọng vì cách đây vài tuần, nhân chứng đầu tiên, Jeanine Coponet, đã qua đời, ngay trước thời hạn 5 năm”.

“Hai năm trước, chúng tôi đã đệ trình các hành vi được thực hiện trong cuộc điều tra của giáo phận. Một năm trước, chúng tôi đã nhận được sắc lệnh về hiệu lực của cuộc điều tra, nghĩa là cuộc điều tra của chúng tôi được tán thành”.

“Giờ đây, tất cả các lời khai đã được nộp tại Bộ Tuyên Thánh và nó không còn thuộc về chúng tôi nữa”.

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Pháp nhân khai mạc phiên tòa xét xử vụ giết Cha Jacques Hamel

Hôm thứ Hai, 14 tháng Hai, phiên tòa xét xử những người bị buộc tội có liên quan đến vụ tấn công Cha Jacques Hamel đã bắt đầu trước Tòa Đại Hình của Paris.

Hội Đồng Giám Mục Pháp đã ra một thông báo. Nguyên bản tiếng Pháp có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cái chết của Cha Jacques Hamel vào ngày 26 tháng 7 năm 2016 - bị ám sát bởi hai kẻ khủng bố trẻ tuổi tự xưng mình Daesh [nghĩa là chiến binh khủng bố Hồi Giáo IS] - đã gây chấn động cho các tín hữu và cả những người không có tín ngưỡng trên khắp nước Pháp và vượt ra ngoài biên giới của chúng ta. Vị linh mục cao niên này, vẫn còn phục vụ, gần gũi với những người đơn sơ nhất và mong manh nhất, đã bị ám sát ngay giữa thánh lễ mà ngài đang cử hành, vì ngài là một linh mục, vì ngài là một Kitô hữu.

Phiên tòa kéo dài gần một tháng này gợi lại những ký ức đau buồn và khó khăn cho nhiều người. Hội đồng Giám mục Pháp mong muốn gởi đến thân nhân của Cha Jacques Hamel, đến những người bị bắt làm con tin ngày hôm đó, đến giáo dân Saint-Etienne du Rouvray, cũng như đến giáo dân và các linh mục của giáo phận Rouen, và Đức Tổng Giám Mục của họ, là Đức Cha Dominique Lebrun, tình cảm sâu sắc và những lời cầu nguyện của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến tất cả các nạn nhân của vụ khủng bố - đặc biệt là Simone, Nadine và Vincent, là những nạn nhân của vụ tấn công vào Vương cung thánh đường Nice - ở Pháp và trên toàn thế giới và những người thân của họ. Đối với tất cả mọi người, Hội đồng Giám mục Pháp muốn nhắc lại lòng thương cảm và sự hiệp thông của mình.

Chúng tôi tin tưởng vào thể chế tư pháp: công lý phải được thực hiện và sự thật phải được sáng tỏ. Điều đó cần cho gia đình của Cha Jacques Hamel, cần cho những người đã sống qua những giờ phút tang thương này. Đối với các bị cáo và người thân của họ, điều đó cũng cần thiết. Sự thật sẽ mở đường cho công lý. Sự thật và công lý là cần thiết để tất cả mọi người tiến về phía trước, cho dù là nạn nhân hay bị cáo.

Cái chết của Cha Hamel vẫn là một nỗi đau khổ lớn đối với nhiều người. Nhưng cuộc đời và cuộc tử đạo của ngài đã đơm hoa kết trái. Cha Jacques Hamel sẽ luôn là một tấm gương tốt về đời sống linh mục cho các linh mục của Pháp. Ngài sẽ để lại cho các Kitô hữu chứng tá của một đức ái dành cho tất cả mọi người, một tôi tớ khiêm nhường và quảng đại cho đến cùng. Cuộc đời và cái chết của ngài đã vang vọng cho đất nước chúng ta như một lời kêu gọi về lòng trung tín và tình huynh đệ, để cái ác không có lời cuối cùng.

Cha Hugues de Woillemont

Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Pháp

Phát ngôn viên của các giám mục Pháp



Source:eglise.catholique.fr

3. Phiên tòa liên quan đến vụ giết hại linh mục người Pháp của các chiến binh thánh chiến vào năm 2016 đã bắt đầu

Vụ án chống lại những kẻ được cho là đồng phạm trong vụ khủng bố giết cha Jacques Hamel đang được tiến hành ở Paris.

Các thành viên sống sót của một nhóm khủng bố Hồi giáo được cho là chịu trách nhiệm cho vụ sát hại linh mục người Pháp Jacques Hamel cách đây 5 năm đã được xét xử tại Paris hôm thứ Hai.

Cổ họng của Cha Hamel bị cắt trong tình huống làm con tin trong một nhà thờ gần Rouen, miền Bắc nước Pháp, trong một thánh lễ buổi sáng các ngày trong tuần. Hai kẻ tấn công đã bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường, nhưng một người đàn ông được cho là “Kẻ chủ mưu” cho vụ tấn công và ba đồng phạm sẽ bị xét xử trước tòa án Paris trong tuần này.

Tuy nhiên, “kẻ chủ mưu” được cho là đã bị giết trong một cuộc tấn công của liên quân ở Iraq, nhưng vì cái chết của hắn chưa được xác nhận chính thức nên hắn đang bị xét xử “vắng mặt”.

Ba người còn lại xuất hiện tại Tòa án Assize ở Paris. Hãng tin DW của Đức cho biết, họ phải đối mặt với cáo buộc là thành viên của một tổ chức khủng bố mà họ đã phủ nhận. Các luật sư của họ đã mô tả các bị cáo là những “con dê tế thần.”

Cha Hamel, 86 tuổi, là linh mục phụ tá tại Saint-Étienne-du-Rouvray, một tầng lớp lao động ngoại ô Rouen. Ngài đã phục vụ với tư cách là một linh mục trong 58 năm và đã chọn tiếp tục thánh chức của mình ngay cả sau khi chính thức nghỉ hưu vào năm 2005.

Vào ngày 26 tháng 7 năm 2016, hai người đàn ông bước vào nhà thờ ngay sau khi kết thúc việc rước Mình Thánh Chúa, và hét lên “Allahu Akbar!” Bọn khủng bố Hồi Giáo IS cho biết cả hai là binh sĩ của lực lượng này và cuộc tấn công nhằm trả đũa việc Pháp tấn công các chiến binh thánh chiến ở Syria và Iraq.

Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của Rouen nói rằng ngài hy vọng phiên tòa sẽ làm sáng tỏ cuộc tấn công của các phần tử thánh chiến trong tổng giáo phận của ngài.

Một trong những người bị bắt làm con tin tại nhà thờ, Guy Coponet, 92 tuổi, dự kiến sẽ tham dự ít nhất một phần của phiên tòa tuần này “để hiểu làm thế nào những thanh niên này, hầu như chưa đến tuổi vị thành niên, có thể thực hiện những điều kinh hoàng như vậy”, luật sư của ông nói với hãng tin AFP.

DW đưa tin rằng các công tố viên cho biết ba người có mặt tại tòa trong tuần này đã biết về kế hoạch của những kẻ tấn công.
Source:Aleteia
 
Phát Biểu Khai Mạc Của Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Hội Nghị Quốc Tế Về Chức Linh Mục
VietCatholic Media
16:04 19/02/2022

Hôm thứ Năm 17 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã khai mạc Hội Nghị Quốc Tế Về Chức Linh Mục. Dựa trên hơn 50 năm chức vụ linh mục của mình, Đức Thánh Cha đã đưa ra một bài diễn văn giúp các linh mục ngày nay “trải nghiệm sự bình an và thành quả mà Thánh Linh mong muốn ban cho”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ của linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng.

Anh em rất thân mến, kính chúc anh em có được một ngày tốt lành!

Tôi rất biết ơn khi có cơ hội chia sẻ với các bạn sự suy ngẫm này về một số điều mà Chúa đã dần dần giúp tôi nhận ra trong hơn năm mươi năm làm linh mục của mình. Trong sự tưởng nhớ đầy biết ơn này, tôi muốn bao gồm tất cả những linh mục, những người, bằng cuộc sống và chứng nhân của họ, đã cho tôi thấy từ những năm đầu tiên của tôi ý nghĩa của việc phản ánh khuôn mặt của Người Mục Tử Nhân Lành. Khi suy nghĩ về những điều cần chia sẻ liên quan đến cuộc sống của linh mục ngày nay, tôi kết luận rằng điều tốt nhất là nói về nhân chứng mà tôi đã nhận được từ rất nhiều linh mục trong nhiều năm qua. Những gì tôi cung cấp bây giờ là kết quả của những suy nghĩ của tôi về họ, và sự công nhận và đánh giá cao của tôi về những gì đã phân biệt họ và mang lại cho họ sức mạnh, niềm vui và hy vọng đặc biệt trong sứ mệnh mục vụ của họ.

Đồng thời, tôi cũng nên nói về những anh em linh mục mà tôi phải đồng hành vì họ đã đánh mất ngọn lửa tình yêu đầu tiên và chức vụ của họ trở nên cằn cỗi, lặp đi lặp lại và vô nghĩa. Có những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời của mỗi linh mục. Cá nhân tôi đã trải qua nhiều thời điểm và tình huống khác nhau, và khi “suy ngẫm” về các chuyển động của Thánh Linh, tôi nhận ra rằng trong một số tình huống đó, bao gồm những khoảnh khắc thử thách, khó khăn và trống vắng, tuy nhiên khi trải qua các trải nghiệm đó, tôi vẫn luôn có một cảm giác bình yên trong cuộc sống của tôi. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể nói và suy đoán không ngừng về chức tư tế (hay chức linh mục), nhưng hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn “cuốn album nhỏ” này, để các linh mục ngày nay, dù họ ở đâu, có thể trải nghiệm sự bình an và kết quả mà Thánh Linh mong muốn ban tặng. Có thể những suy tư này là “bài hát thiên nga” trong đời linh mục của tôi, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng chúng là kết quả của kinh nghiệm của chính tôi.

Thời đại mà chúng ta đang sống đòi hỏi chúng ta không chỉ trải nghiệm sự thay đổi, mà còn phải chấp nhận nó khi nhận ra rằng thời điểm của chúng ta là thời kỳ của sự thay đổi mang tính lịch sử. Nếu chúng ta có bất kỳ nghi ngờ nào về điều này, Covid (đại dịch viêm phổi Vũ Hán) đã làm cho nó rõ ràng: thực sự, sự bùng phát của virus không thể bị giới hạn trong vấn đề y học và chăm sóc sức khỏe.

Chúng ta có thể phản ứng theo nhiều cách khác nhau trước thách thức của sự thay đổi. Vấn đề là trong khi nhiều hành động và thái độ có thể hữu ích và tốt, không phải tất cả chúng đều mang hương vị của Tin Mừng. Ví dụ, tìm kiếm những cách thức hoạt động đã được thiết lập, rất thường được neo trong quá khứ, "đảm bảo" một loại bảo vệ khỏi rủi ro, che chở chúng ta trong thế giới hoặc một xã hội không còn tồn tại (nếu nó đã từng tồn tại), như thể điều này trật tự xác định có thể dập tắt những xung đột mà lịch sử đặt ra trước mắt chúng ta.

Một thái độ khác có thể là của sự lạc quan quá mức - “Mọi thứ sẽ ổn thôi” - dẫn đến việc phớt lờ nỗi đau liên quan đến sự biến đổi này và không chấp nhận những căng thẳng, phức tạp và mơ hồ của thời điểm hiện tại, “hiến dâng” những điều mới lạ nhất làm hiện thực cuối cùng và do đó gạt bỏ đi sự khôn ngoan của năm tháng.

Cả hai đều là một loại chuyến bay. Chúng là phản ứng của người chăn chiên thuê khi nhìn thấy con sói đến và bỏ chạy: hoặc hướng về quá khứ hoặc hướng tới tương lai. Cả hai đều không thể dẫn đến các giải pháp trưởng thành.

Thay vào đó, tôi thích các phản ứng sinh ra từ sự chấp nhận thực tại một cách đáng tin cậy, được neo giữ trong Truyền thống khôn ngoan và sống động của Giáo hội, cho phép chúng ta đi vào vực sâu mà không sợ hãi. Vào thời điểm này của lịch sử, tôi cảm thấy rằng Chúa Giêsu một lần nữa đang mời gọi chúng ta “Hãy chèo ra chỗ nước sâu” (x. Lc 5, 4) tin tưởng rằng Người là Chúa của lịch sử và rằng với sự hướng dẫn của Người, chúng ta sẽ phân biệt được hướng đi. Sự cứu rỗi của chúng ta không phải là "vô trùng", sản phẩm của một phòng thí nghiệm hoặc một chủ nghĩa tâm linh quái gở. Phân biệt ý muốn của Thiên Chúa có nghĩa là học cách nhìn các thực tại bằng chính con mắt của Chúa. Nó có nghĩa là không trốn tránh những thực tế mà con người của chúng ta đang trải qua, hoặc lo lắng tìm kiếm một lối thoát nhanh chóng và yên tĩnh được cung cấp bởi hệ tư tưởng của thời điểm này hoặc các câu trả lời đúc sẵn.

Cả hai điều này đều không có khả năng đối phó với những thời khắc khó khăn hơn và thậm chí đen tối hơn trong lịch sử của chúng ta. Hai con đường này sẽ khiến chúng ta phủ nhận “lịch sử của chúng ta với tư cách là một Giáo hội, là một lịch sử vinh quang bởi vì đó là lịch sử của sự hy sinh, của những hy vọng và đấu tranh hàng ngày, của cuộc đời dành cho việc phục vụ và trung thành với công việc” (Xem Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng hay còn được dịch là Niềm vui của Phúc Âm - Evangelii Gaudium, số 96).

Những thách thức này cũng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của các linh mục; một triệu chứng của điều này là cuộc khủng hoảng ơn gọi mà các cộng đồng của chúng ta đã trải qua ở một số nơi. Tuy nhiên, thông thường, điều này xảy ra là do sự vắng bóng lòng nhiệt thành tông đồ nơi các cộng đoàn hầu dễ lây lan, kết quả là họ thiếu sự nhiệt tình và hấp dẫn. Ở đâu có sự sống và lòng nhiệt thành, và ước muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác, các ơn gọi chân chính sẽ xuất hiện. Ngay cả trong các giáo xứ có các linh mục không đặc biệt gắn bó và vui tươi, đời sống tích cực và huynh đệ của cộng đoàn có thể đánh thức ước muốn dâng hiến trọn vẹn cuộc đời của một người cho Thiên Chúa và cho việc rao giảng Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng nếu cộng đoàn đó kiên trì cầu nguyện cho các ơn gọi và can đảm đề xuất cho những người trẻ của mình một con đường dâng hiến đặc biệt.

Cuộc đời của một linh mục trên hết là lịch sử cứu độ của một người đã được rửa tội. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng mỗi ơn gọi cụ thể, kể cả ơn gọi Truyền Chức Thánh, là sự hoàn thành của bí tích rửa tội. Nói cách khác, luôn luôn sẽ là một cám dỗ lớn khi sống chức linh mục mà không có bí tích rửa tội, chúng ta quên rằng ơn gọi chính yếu của chúng ta là nên thánh. Nên thánh có nghĩa là làm cho chúng ta phù hợp với Chúa Giêsu (trở nên đồng hình đồng dạng với người), để cho tâm hồn chúng ta rộn ràng với những tâm tình giống như Người (x. Pl 2:15). Chỉ khi cố gắng yêu thương người khác như Chúa Giê-su, chúng ta mới làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình và hoàn thành ơn gọi nên thánh của mình. Thật vậy, Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta rằng, “linh mục, giống như mọi thành viên khác của Giáo hội, phải lớn lên trong nhận thức rằng bản thân mình luôn cần được phúc âm hoá” (Pastores Dabo Vobis, [25 tháng 3 năm 1992], 26).

Mỗi ơn gọi cụ thể phải được phục tùng cho loại biện phân này. Ơn gọi của chúng ta trước hết là sự đáp lại Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4:19). Đây là nguồn hy vọng của chúng ta, vì ngay cả giữa những khủng hoảng, Chúa vẫn không ngừng yêu thương chúng ta và kêu gọi chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể làm chứng cho điều này: một ngày kia Chúa đã tìm thấy chúng ta, nơi mà chúng ta đã trú ngụ và với những gì mình đã là, trong những hoàn cảnh không chắc chắn hoặc những hoàn cảnh phức tạp của gia đình; tuy nhiên điều này không ngăn cản Ngài sử dụng mỗi người chúng ta để viết lên lịch sử cứu rỗi. Vì vậy, ngay từ thuở ban đầu - chúng ta có thể nghĩ đến Phêrô, Phao-lô và Matthêô, chỉ để nêu tên một số. Chúa Giê-su không chọn họ vì họ hoàn hảo, nhưng vì Ngài đã cam kết cụ thể cho từng người trong số họ. Khi nhìn vào nhân tính của chính mình, lịch sử của chính mình, nhân cách của chính mình, mỗi người chúng ta nên tự hỏi, không phải là việc đáp lại một ơn gọi có đồng ý hay không, nhưng liệu trong lương tâm, ơn gọi đó có làm sáng tỏ tiềm năng Tình yêu trong chúng ta hay không, đây chính là điều mà chúng ta đã nhận được vào ngày làm chịu phép rủa.

Trong thời buổi thay đổi này, nhiều câu hỏi phải đối mặt và nhiều cám dỗ sẽ nảy sinh. Trong những nhận xét này, tôi sẽ chỉ đơn giản nói về điều mà tôi coi là quyết định đối với cuộc đời của một linh mục ngày nay. Thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng, “trong Đức Kitô, toàn bộ công trình được kết hợp với nhau và phát triển thành đền thánh trong Chúa” (Ep 2: 21). Mọi cấu trúc, để giữ vững vị trí, cần có những nền tảng vững chắc. Vì lý do này, tôi muốn nói về những thái độ nâng đỡ chúng ta với tư cách là các linh mục. Tôi sẽ gọi bốn trụ cột đó trong đời sống linh mục của chúng ta là “bốn hình thức gần gũi”, vì chúng bắt chước “phong cách” của chính Đức Chúa, về cơ bản là phong cách gần gũi (xem Sách Đệ nhị luật - Đnl 4: 7).

Tôi đã từng đề cập đến những điều này trong quá khứ, nhưng hôm nay tôi muốn thảo luận đầy đủ hơn về chúng bởi vì, hơn cả những công thức hay lý thuyết, các linh mục cần những công cụ cụ thể để thực thi chức vụ, sứ mệnh và hoạt động hàng ngày của họ. Thánh Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê nhen nhóm món quà của Thiên Chúa mà ông đã nhận được qua việc đặt tay: một tinh thần không phải sợ hãi, nhưng là sức mạnh, tình yêu thương và sự tự kỷ luật (xem 2 Tm 1: 6-7). Tôi tin rằng bốn “hình thức gần gũi” này có thể giúp chúng ta một cách thiết thực, cụ thể và tràn đầy hy vọng để nhen nhóm món quà và thành quả đã từng hứa với chúng ta.

1. GẦN GŨI VỚI CHÚA

Đầu tiên là sự gần gũi với Chúa, tức là với Chúa của sự gần gũi. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Ga 15: 5-7).

Trên hết, một linh mục được kêu gọi để nuôi dưỡng sự gần gũi này, sự thân mật này với Thiên Chúa, và từ mối quan hệ này, anh ta sẽ có thể rút ra tất cả sức mạnh cần thiết cho chức vụ của mình. Có thể nói, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa là điều gì “gắn kết” chúng ta với Ngài và làm cho chúng ta có kết quả. Nếu không có mối quan hệ mật thiết và gần gủi này với Chúa, thánh chức của chúng ta sẽ không có kết quả. Gần gũi với Chúa Giê-su và tiếp xúc hàng ngày với lời của ngài, cho phép chúng ta đo lường cuộc sống của mình theo lời Ngài, học cách không bị tai tiếng bởi bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta và bảo vệ bản thân khỏi “những vấp ngã”. Giống như Thầy Giê-su, bạn sẽ trải nghiệm niềm vui, tiệc cưới, phép lạ và sự chữa lành, việc hoá bánh ra nhiều, và nhặt lại các phần còn dư thừa sau đó, những khoảnh khắc ngợi khen. Nhưng bạn cũng sẽ trải qua sự vô ơn, bị từ chối, nghi ngờ và cô độc, đến mức phải kêu lên: "Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa lại bỏ rơi con?" (Mt 27: 46).

Sự gần gũi với Chúa Giê-su khiến chúng ta không sợ hãi trong những lúc đó - không phải vì chúng ta dựa vào sức riêng của mình mà vì chúng ta nhìn vào Người, bám chặt lấy Người và kêu lên: “Lạy Chúa, xin giữ cho con khỏi sa vào cơn cám dỗ! chính điều này làm cho tôi nhận ra rằng tôi đang trải qua một thời điểm quan trọng trong cuộc đời và Ngài đang ở bên tôi, để thử thách niềm tin và tình yêu của tôi” (C.M. MARTINI, Kiên trì trong Thử nghiệm. Suy gẫm về cuộc đời của Gióp. Perseverance in Trials. Reflections on Job, Collegeville, 1996). Sự gần gũi với Chúa đôi khi có thể mang hình thức của một cuộc đấu tranh: một cuộc đấu tranh với Chúa, đặc biệt là trong những thời điểm mà sự vắng mặt của Ngài được cảm nhận rõ nhất trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của những người được giao phó cho chúng ta. Một cuộc đấu tranh kéo dài suốt đêm, và giữa lúc đó, chúng ta cầu xin sự ban phước của Người (x. St 32: 25-7), đây sẽ là nguồn sống cho nhiều người.

Nhiều khủng hoảng trong chức tư tế (hay trong đời sống linh mục) bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống chỉ thực hành tôn giáo. Tôi có thể nghĩ đến những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời mình, nơi mà sự gần gũi với Chúa tỏ ra quyết định trong việc nâng đỡ tôi. Sự thân mật với Chúa sinh ra từ lời cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe lời Người, cử hành Thánh Thể, thinh lặng tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích thánh thể, phó thác cho Mẹ Maria, sự đồng hành dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của một cha linh hướng và việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải… Nếu không có những điều này “các hình thức gần gũi ”, một linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi không được lợi ích gì với tư cách là người bạn thân thiết của Chúa.

Chẳng hạn, trong đời sống của các linh mục, việc cầu nguyện chỉ được thực hành như một bổn phận; chúng ta quên rằng tình bạn và tình yêu không đến từ những quy tắc tuân theo, mà là sự lựa chọn cơ bản của trái tim. Cuối cùng, vị linh mục cầu nguyện vẫn với tư cách là một Kitô hữu, người đã biết trân trọng đầy đủ ân huệ nhận được khi chịu phép rửa tội. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn nhớ rằng mình là như vậy, và rằng, mình có một người Cha yêu thương mình sâu sắc. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn gần gũi với Chúa.

Tuy nhiên, không điều gì là dễ dàng cả, trừ khi chúng ta quen tìm những giây phút tĩnh lặng trong suốt ngày của mình và gác lại hoạt động của Mattha (nghĩa là sự hoạt động bên ngoài) để học việc chiêm ngưỡng thinh lặng của Đức Maria. Chúng ta cảm thấy khó từ bỏ chủ nghĩa tích cực đó, bởi vì một khi chúng ta ngừng chạy xung quanh, điều chúng ta cảm thấy ngay lập tức không phải là bình yên mà là một loại trống rỗng; và để tránh cảm giác đó, chúng ta không muốn giảm tốc độ. Tuy nhiên, một khi chúng ta chấp nhận sự “thanh vắng” sinh ra từ sự im lặng, nhanh chóng từ các hoạt động và lời nói của mình, và tìm thấy can đảm để nhìn lại bản thân một cách chân thành, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và bình yên không còn dựa trên sức mạnh và khả năng của chính chúng ta nữa. Chúng ta cần học cách để cho Chúa làm cho công việc của Ngài hoàn thành trong mỗi người chúng ta và “cắt tỉa” tất cả những gì không có ích, cằn cỗi hoặc không xứng đáng với sự ơn gọi của chúng ta. Sự kiên trì trong lời cầu nguyện không chỉ đơn giản là trung thành với việc thực hành nó: nó có nghĩa là không bỏ chạy trong những lúc lời cầu nguyện lôi kéo chúng ta vào sa mạc. Con đường trong sa mạc là con đường dẫn đến sự thân mật với Thiên Chúa, với điều kiện chúng ta đừng chạy trốn hay tìm cách trốn tránh cuộc gặp gỡ này. Trong sa mạc “Ta sẽ dịu dàng nói với nàng”, Chúa đã nói với dân Ngài qua những lời của tiên tri Hôsê (Hs 2:14).

Sự gần gũi với Thiên Chúa cho phép người linh mục chạm vào những tổn thương trong tâm hồn chúng ta, mà nếu được ôm ấp, chúng ta sẽ giải trừ chúng ta đến mức có thể có một cuộc gặp gỡ. Lời cầu nguyện, như lửa, khuấy động đời sống linh mục của chúng ta, là lời cầu xin của một tấm lòng kiên trung và khiêm nhường, mà như Kinh Thánh đã nói với chúng ta, Chúa không khinh bỉ (x. Tv 51:17). “Họ kêu xin, và Chúa đã nhậm lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề.” (Tv 34: 17-18).

Một linh mục cần có một trái tim “mở rộng” và đủ rộng mở để đón nhận nỗi đau của những người được giao phó cho sự chăm sóc của mình, đồng thời, giống như một lính canh, có thể công bố sự rạng rỡ ân điển của Đức Chúa được bày tỏ trong chính nỗi đau đó. Ôm ấp, chấp nhận và thể hiện sự bần cùng của mình trong sự gần gũi với Chúa là phương tiện tốt nhất để dần dần học cách đón nhận sự thiếu thốn và đau đớn mà anh ta gặp phải hàng ngày trong chức vụ của mình, và do đó ngày càng nên đồng hình, đồng dạng và gần gũi hơn với trái tim của Đức Kitô. Đến lượt mình, điều đó sẽ chuẩn bị cho người linh mục một kiểu gần gũi khác: gần gũi với dân Chúa. Trong sự gần gũi với Thiên Chúa, linh mục lớn lên trong sự gần gũi với đoàn chiên (hay giáo dân) của mình; và ngược lại, khi gần gũi với giáo dân của mình, anh ta cảm nghiệm được sự gần gũi với vị Thiên Chúa của mình.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải giảm xuống” (Ga 3: 30). Sự thân mật với Chúa làm cho tất cả những điều này trở nên khả thi, vì trong lời cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng, mình cao cả trong ánh mắt của Ngài, và vì thế, đối với những linh mục gần gũi Chúa, chúng ta dễ trở nên nhỏ bé trong mắt người đời. Ở đó, trong sự gần gũi với Chúa, chúng ta không còn sợ hãi khi bị gán ghép với Chúa Giêsu bị đóng đinh, như đã đòi hỏi chúng ta trong Nghi thức Truyền chức Linh mục.

2. GẦN GŨI VỚI GIÁM MỤC

Hình thức gần gũi thứ hai này từ lâu đã được hiểu một cách phiến diện. Với tư cách là Giáo hội, ngày nay, quan điểm của chúng ta về sự vâng phục vẫn khác xa với ý thức của Phúc âm. Sự vâng lời không phải là một thuộc tính kỷ luật nhưng là dấu hiệu sâu xa nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông. Tuân theo (hay vâng lời bề trên) nghĩa là học cách lắng nghe, để nhớ rằng không ai “sở hữu” ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn này chỉ được hiểu thông qua sự phân định. Vì thế, vâng lời là chú ý lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn ấy được nhận biết một cách chính xác trong mối quan hệ, cụ thể là mối quan hệ với người khác. Thái độ chăm chú lắng nghe như vậy khiến chúng ta nhận ra rằng, không ai trong chúng ta là đầu và cuối của cuộc đời, mà mỗi chúng ta nhất thiết phải tương tác với người khác. “Logic nội tại” của sự gần gũi - trong trường hợp này là với Giám mục, nhưng ngay cả với những người khác nữa - cho phép chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ về tính khép kín, tự biện minh cho bản thân và sống cuộc đời của mình như những “nhà độc thân”. Thay vào đó, nó mời gọi chúng ta lắng nghe người khác, để tìm ra con đường dẫn đến chân lý và cuộc sống.

Giám mục, dù ngài là ai, vẫn luôn duy trì và đối với mỗi linh mục và cho mỗi Giáo hội điạ phương là một mối dây liên kết giúp phân biệt ý muốn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng chính Giám mục chỉ có thể là một phương tiện cho sự phân định này nếu chính ngài chú ý đến đời sống của các linh mục của ngài và của dân thánh Thiên Chúa được giao phó cho ngài chăm sóc. Như tôi đã viết trong Tông huấn Niềm vui của Phúc Âm - Evangelii Gaudium, “chúng ta cần thực hành nghệ thuật lắng nghe, không chỉ đơn giản là nghe. Lắng nghe, trong giao tiếp, là một sự cởi mở của trái tim, giúp cho sự gần gũi có thể thực hiện, vì nếu không có điều này thì sự gặp gỡ thiêng liêng thực sự không thể xảy ra. Lắng nghe giúp chúng ta tìm ra cử chỉ và lời nói phù hợp cho thấy chúng ta không chỉ đơn giản là người ngoài cuộc. Chỉ nhờ vào sự lắng nghe với tính cách tôn trọng và nhân ái như vậy, chúng ta mới có thể bước vào con đường trưởng thành thực sự và đánh thức khát vọng lý tưởng Kitô giáo: ước muốn đáp lại trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và kết quả những gì Người đã gieo trong cuộc đời chúng ta” (Xem Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng hay còn được dịch là Niềm vui của Phúc Âm - Evangelii Gaudium, số 171).

Không phải ngẫu nhiên mà điều ác, để phá hủy thành quả công việc của Giáo hội, lại tìm cách phá hoại các mối dây liên kết thiết lập và gìn giữ chúng ta trong sự hiệp nhất. Bảo vệ mối liên kết của người linh mục với Giáo hội điạ phương của mình, với giáo phận mà anh ta thuộc về, và với vị Giám mục của mình, làm cho đời sống linh mục trở nên đáng tin cậy và chắc chắn. Vâng lời là quyết định cơ bản để chấp nhận những gì được yêu cầu nơi chúng ta, và làm như vậy như một dấu chỉ cụ thể của bí tích cứu độ phổ quát đó là Giáo hội. Sự vâng lời cũng có thể là thảo luận, chú ý lắng nghe và trong một số trường hợp có thể mang tính cách căng thẳng. Điều này nhất thiết đòi hỏi các linh mục phải cầu nguyện cho các Giám mục của họ và được tự do bày tỏ ý kiến của mình với sự tôn trọng và chân thành. Nó cũng đòi hỏi các Giám mục phải thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ. Nếu chúng ta có thể duy trì mối ràng buộc này, chúng ta sẽ tiến lên một cách an toàn trên con đường của mình.

3. GẦN GŨI VỚI CÁC LINH MỤC KHÁC

Chính trên nền tảng của sự hiệp thông với Giám mục mà một hình thức gần gũi thứ ba xuất hiện, đó là sự gần gũi của tình huynh đệ. Chúa Giêsu hiện diện ở bất cứ nơi nào có anh chị em yêu thương nhau: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18: 20). Tình huynh đệ, giống như sự vâng lời, không thể là một sự áp đặt luân lý từ bên ngoài. Tình huynh đệ có nghĩa là lựa chọn cố ý theo đuổi sự thánh khiết cùng với những người khác, chứ không phải tự chính mình. Như một câu ngạn ngữ Châu Phi đã nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng người khác”. Đôi khi có vẻ như Giáo hội chậm chạp, và điều đó đúng. Tuy nhiên, tôi thích nghĩ đó là sự chậm chạp của những người đã chọn bước đi trong tình huynh đệ.

Những dấu hiệu của tình huynh đệ là những dấu hiệu của tình yêu. Thánh Phao-lô, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô (Chương 13), đã để lại cho chúng ta một “lộ trình” tình yêu rõ ràng và theo một nghĩa nào đó, đã chỉ ra mục tiêu của tình huynh đệ. Trước hết, để học tính kiên nhẫn, khả năng cảm thấy có trách nhiệm với người khác, chia sẻ gánh nặng của họ, chịu đựng theo một cách nào đó với họ. Đối lập với sự nhẫn nại là sự thờ ơ, khoảng cách mà chúng ta tạo ra với người khác, để không dính líu đến cuộc sống của họ. Nhiều linh mục trải qua màn kịch của sự đơn độc, của sự cô đơn. Chúng ta có thể cảm thấy không cần sự kiên nhẫn hoặc cân nhắc. Thật vậy, có vẻ như chúng ta chỉ mong đợi sự phán xét từ người khác chứ không phải lòng tốt hay sự quan tâm. Những người khác dường như không thể vui mừng trước những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, hoặc chính chúng ta dường như không thể vui mừng khi chúng ta thấy những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của người khác. Đây là sự đố kỵ, rất hiện hữu trong vòng kết nối của chúng ta; nó là một trở ngại cho phương pháp sư phạm của tình yêu, không chỉ là một tội lỗi cần được thú nhận.

Để cảm thấy mình là một phần của cộng đồng hoặc “nhóm”, không cần phải đeo mặt nạ để khiến bản thân trở nên hấp dẫn hơn đối với người khác. Nói cách khác, chúng ta không cần phải khoe khoang, càng không cần phải thổi phồng, hoặc tệ hơn là trở nên kiêu ngạo hoặc thô lỗ, thiếu tôn trọng người lân cận. Nếu có một điều mà người linh mục có thể khoe khoang, thì đó là lòng thương xót của Chúa. Vì ý thức về tội lỗi, sự yếu đuối và giới hạn của chính mình, nên từ kinh nghiệm, thánh Phaolô biết rằng nơi nào tội lỗi nhiều thì ân sủng càng nhiều hơn (x. Rm 5:20). Đây là thông điệp đầu tiên và yên tâm nhất mà ngài đã mang đến cho chúng ta.

Tình yêu thương huynh đệ không cố chấp theo cách riêng của nó, hay dẫn đến n sự tức giận hay oán giận, như thể anh em tôi hoặc người hàng xóm đã lừa dối tôi điều gì đó. Khi tôi gặp sự ác ý của người khác, tôi chọn không nuôi dưỡng lòng thù hận, để làm cơ sở phán xét duy nhất của tôi, thậm chí có thể đến mức vui mừng vì điều ác trong trường hợp của những người đã gây ra cho tôi đau khổ. Tình yêu chân chính vui mừng trong lẽ thật và coi đó là tội trọng khi xúc phạm đến sự thật và phẩm giá của anh chị em chúng ta qua những lời vu khống, dèm pha và đàm tiếu.

Mặt khác, chúng ta đừng bao giờ cho phép tình yêu huynh đệ bị coi là điều không tưởng, một cụm từ sáo rỗng hữu ích để đánh thức những tình cảm nồng ấm hoặc những bất đồng vẫn còn tồn tại. Không! Tất cả chúng ta đều biết khó khăn như thế nào để sống trong cộng đồng, bên cạnh những người mà chúng ta đã chọn gọi là anh chị em của mình. Tình yêu thương huynh đệ chỉ có thể tồn tại và diễn ra, với điều kiện là chúng ta không biến nó trở thành như loại đường hoá học (ý ĐTC Phanxicô muốn nói ở đây có nghĩa là tình huynh đệ giữa các anh em linh mục không nên giả tạo như loại đường hoá học), xác định lại hoặc làm giảm bớt nó, là “lời tiên tri vĩ đại” mà chúng ta được kêu gọi để hiện thân trong xã hội vứt bỏ ngày nay. Tôi thích nghĩ về tình yêu thương huynh đệ như một “phòng tập thể dục của tinh thần”, nơi chúng ta hàng ngày kiểm tra sự tiến bộ của mình và kiểm tra nhiệt độ của đời sống tâm linh của chúng ta. Ngày nay, lời tiên tri về tình huynh đệ không hề phai nhạt, nhưng nó cần những sứ giả loan tin, những người nam và người nữ, những người ý thức về những giới hạn và thách thức của chính mình, hãy để cho mình được cảm động, thử thách và cảm kích bởi những lời của Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13: 35).

Tình yêu huynh đệ, đối với các linh mục, không thể bị giới hạn trong một nhóm nhỏ, nhưng được thể hiện trong lòng bác ái mục vụ (xem Pastores Dabo Vobis, 23), là nguồn cảm hứng cho chúng ta sống tình yêu đó một cách cụ thể như là sứ mệnh. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta yêu thực sự, nếu chúng ta học cách bày tỏ tình yêu theo cách mà Thánh Phaolô mô tả. Chỉ có người tìm kiếm tình yêu mới được an toàn. Những người sống với hội chứng Cain, bị thuyết phục rằng, họ không có khả năng yêu thương người khác vì bản thân họ cảm thấy không được yêu thương, và không được đánh giá cao, cuối cùng họ luôn sống như những kẻ lang thang không yên, không bao giờ cảm thấy thoải mái như ở nhà, và chính xác vì lý do này mà họ càng dễ dàng tiếp xúc với sự dữ hay điều ác nhiều hơn: làm tổn thương chính mình và làm tổn thương người khác.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng khi tình huynh đệ của anh em linh mục phát triển mạnh và các mối quan hệ của tình bạn chân chính tồn tại, thì họ cũng có thể trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn. Đời sống độc thân (bao hàm ý nghĩa đời sống khiết tịnh, tiếng Anh gọi là celibacy) là một món quà (từ Thiên Chúa) mà Giáo Hội Công Giáo La Mã đã bảo vệ và gìn giữ, nhưng nó là một món quà, để được sống như một phương tiện nên thánh, đòi hỏi những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ có lòng quý trọng và sự tốt lành thực sự bắt nguồn sâu xa từ Chúa Kitô. Không có bạn bè thân và không có đời sống cầu nguyện, đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng cho vẻ đẹp của chính chức vụ linh mục.

4. GẦN GŨI VỚI MỌI NGƯỜI

Tôi thường nhấn mạnh mối quan hệ của chúng ta với dân thánh của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta không phải là nghĩa vụ mà là ân sủng: “Yêu thương người khác là sức mạnh thiêng liêng lôi kéo chúng ta kết hợp với Chúa” (Evangelii Gaudium, số 272). Vì lý do này, vị trí thích hợp của mỗi linh mục là ở giữa mọi người, trong mối quan hệ mật thiết với những người khác. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng), tôi nhấn mạnh rằng “để trở thành những người truyền bá Phúc âm nhằm thánh hóa các linh hồn, chúng ta cần phát triển sở thích tinh thần để gần gũi với cuộc sống của mọi người và khám phá ra rằng đây chính là một nguồn của niềm vui lớn hơn. Truyền giáo đồng thời là một đam mê đối với Chúa Giêsu và đam mê đối với dân tộc của Người. Khi chúng ta đứng trước Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta thấy chiều sâu của tình yêu Ngài nâng cao và giúp đỡ chúng ta, nhưng cùng lúc, ngoại trừ chúng ta là những kẻ bị đui mù (hay khiếm thị), chúng ta bắt đầu nhận ra thêm một lần nữa rằng, Chúa Giêsu muốn tận dụng chúng ta để đến gần hơn với những người mà Ngài yêu quý. Ngài tuyển chọn chúng ta và tách các anh em linh mục ra khỏi dân của Ngài và sai chúng ta, là các linh mục đến với dân Ngài; Nếu chúng ta là những anh em linh mục mà không có ý thức điều này, nghĩa là mình thực sự thuộc về đoàn chiên của mình, thì chúng ta không thể hiểu được bản sắc sâu xa nhất của mình là vị chủ chăn hay là người linh mục” (Xem Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừng, số 268).

Tôi tin rằng, để có một sự hiểu biết mới về danh tính của thiên chức linh mục, điều quan trọng ngày nay là phải tham gia chặt chẽ vào cuộc sống thực của mọi người, sống bên cạnh các tín hữu, và không chủ trương tìm cho mình một lối thoát. “Đôi khi chúng ta bị cám dỗ để trở thành loại người Kitô hữu mà sống thờ ơ với các chứng thương của Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Ngài hy vọng rằng chúng ta sẽ ngừng tìm kiếm những ngóc ngách cá nhân hoặc cộng đồng, nơi che chở chúng ta khỏi ma trận của sự bất hạnh của con người và thay vào đó, bước vào thực tế cuộc sống của người khác và biết sức mạnh của sự dịu dàng. Bất cứ khi nào chúng ta làm như vậy, cuộc sống của chúng ta trở nên điều phức tạp diệu kỳ (kỳ bí) và chúng ta trải nghiệm một cách mãnh liệt thế nào là trở thành con người, là một phần của cộng đồng con người” (sđd, 270).

Sự gần gũi với dân Chúa, một sự gần gũi, được phong phú bởi những hình thức gần gũi khác, mời gọi và thực sự đòi hỏi chúng ta phải bắt chước “phong cách” riêng của Chúa. Phong cách đó thể hiện sự gần gũi, từ bi và dịu dàng, trong đó chúng ta đóng vai trò không phải là thẩm phán, mà là những người Samaritanô nhân hậu, những người thừa nhận những vết thương của anh chị em của chúng ta, những đau khổ thầm lặng của họ, sự từ bỏ bản thân và hy sinh của rất nhiều người cha và người mẹ để hỗ trợ những gia đình của họ. Ai cũng thừa nhận những tác động của bạo lực, tham nhũng và sự thờ ơ mà theo họ, đang tìm cách bóp nghẹt mọi hy vọng. Một phong cách gần gũi cho phép chúng ta xoa dịu vết thương và công bố một năm ân huệ của Chúa (x. Is 61: 2). Cần phải nhớ rằng con dân Chúa đang hy vọng tìm thấy những người chủ chăn theo phong cách của Chúa Giê-su. Không phải “những người làm chức năng giáo sĩ” hay “những chuyên gia tâm linh”, mà là những người mục tử (shepherds) đầy lòng trắc ẩn và quan tâm. Những người đàn ông (người nam) can đảm, sẵn sàng đến gần những người đang đau đớn và giúp đỡ. Những người đàn ông chiêm niệm, có sự gần gũi với mọi người cho phép họ tuyên bố trước những vết thương của thế giới chúng ta về sức mạnh của Sự Phục sinh ngay cả giây phút hiện tại đang hoạt động.

Một trong những dấu ấn đặc biệt của điều này, “mạng lưới” xã hội của chúng ta, là cảm giác “mồ côi” ngày càng tăng của mọi người. Mặc dù được kết nối với mọi người và mọi thứ, chúng ta thiếu cảm giác thân thuộc, một thứ không chỉ đơn thuần là kết nối. Sự gần gũi của một linh mục (hay mục sư) giúp chúng ta có thể tập hợp một cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của cảm giác thân thuộc đó. Vì chúng ta thuộc về đoàn dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa, điều này được coi như là dấu hiệu cho thấy vương quốc của Thiên Chúa đang triển nở và hiện diện trong lịch sử của con người ngay bây giờ và hôm nay. Nếu các vị chủ chăn của chúng ta đi lạc hoặc tháo chạy, bầy cừu sẽ chạy tán loạn và phải cam chịu, không một chút xót thương, dưới nanh vuốt của bất kỳ con sói nào.

Cảm giác thân thuộc này sẽ đến lượt chứng minh cho thấy, nó chính là một liều thuốc giải độc cho sự méo mó của ơn gọi xảy ra bất cứ khi nào chúng ta quên rằng đời sống linh mục là “sự lệ thuộc” vào người khác – và với Chúa, cũng như đối với những ai mà Chúa đã giao phó cho chúng ta chăm sóc. Một khi mà chúng ta (ở đây ám chỉ các anh em linh mục) quên đi điều này là gốc rễ của chủ nghĩa giáo sĩ, (bao gồm giáo trị, tiếng anh gọi là Clericalism) và hậu quả của nó. Chủ nghĩa giáo sĩ là một sự bóp méo vì nó không dựa trên sự gần gũi mà dựa trên khoảng cách. Khi tôi nghĩ về chủ nghĩa giáo sĩ, tôi cũng nghĩ đến việc giáo sĩ hoá của một số các giáo dân: việc tạo ra một nhóm nhỏ xung quanh các linh mục, những vị linh mục này cuối cùng phản bội sứ mệnh thiết yếu của chính họ (xem Gaudium et Spes, số 44). Chúng ta hãy nhớ rằng “sứ mệnh của tôi (ám chỉ các linh mục) là ở trong lòng mọi người, sứ mạng này không chỉ là một phần của cuộc đời tôi hay như là một bảng tên mà tôi có thể gỡ ra tuỳ tiện; nó không phải là điều được thêm vào hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc sống. Thay vào đó, nó là thứ mà tôi không thể bứng gốc khỏi con người mình mà không gây hủy hoại đến chính bản thân. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi hiện diện trên thế giới này. Chúng ta phải coi mình là người đã được niêm phong, thậm chí có nhãn hiệu, bởi sứ mệnh này là mang lại ánh sáng, phước lành, sinh động, nâng cao, chữa lành và giải phóng” (Evangelii Gaudium, 273).

Tôi muốn liên hệ sự gần gũi này đối với dân Thiên Chúa và với sự gần gũi với Chúa, vì lời cầu nguyện của người chủ chăn (cha xứ) được nuôi dưỡng và trở nên nhập thể trong lòng dân Chúa. Khi cầu nguyện, vị linh mục ghi dấu nỗi buồn và niềm vui của đoàn dân mình, mà ngài trình bày trong thinh lặng với Chúa, để được xức dầu bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là niềm hy vọng của mỗi chủ chăn, kẻ tin cậy và làm việc không mệt mỏi để xin Thiên Chúa ban phước lành cho đoàn dân của mình (nghĩa là các giáo dân trong xứ đạo của mình).

Thánh Inhaxiô dạy rằng “không phải là biết nhiều nhưng nhận ra và cảm nhận những điều chứa đựng bên trong nội tâm mà nó làm thỏa mãn tâm hồn” (Các Bài Linh Thao – Spiritual Exercises, Chú Giải, 2, 4). Các giám mục và linh mục nên hỏi, “Làm thế nào tôi thực hành những hình thức gần gũi này? Làm thế nào để tôi có thể sống bốn khía cạnh này mà nó đang giao thoa lẫn nhau và hình thành trái tim linh mục của tôi, giúp tôi có thể đối phó với những căng thẳng và mất cân bằng mà chúng ta trải qua hàng ngày?” Bốn hình thức gần gũi đó là sự huấn luyện tốt để “chơi trên một bãi đất trống”, nơi mà người linh mục được kêu gọi hiện diện mà không có cảm giác sợ hãi hay qúa cứng nhắc, mà không làm giảm hoặc gây nên sự nghèo nàn trong sứ mệnh của mình.

Trái tim linh mục biết về sự gần gũi, bởi vì hình thức gần gũi chính yếu của vị linh mục là với Chúa. Xin Chúa Kitô viếng thăm các linh mục của Người trong lời cầu nguyện của họ, trong Giám mục của họ, trong các linh mục anh em của họ và trong cộng đoàn giáo hữu của họ. Xin Người làm đảo lộn thói quen của chúng ta, làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta và làm chúng ta bớt đi những lo âu và băn khoăn - như lúc mới yêu lần đầu tiên - và dẫn dắt chúng ta sử dụng tất cả tài năng và khả năng của mình để đảm bảo rằng đoàn chiên của chúng ta có được cuộc sống phong phú và sự sống dồi dào (x. Ga 10: 10). Những hình thức gần gũi mà Chúa đòi hỏi không phải là một gánh nặng thêm: chúng là một món quà mà Người ban cho để giữ cho ơn gọi của chúng ta được sống động và kết quả. Nếu chúng ta bị cám dỗ để bị cuốn vào những bài phát biểu xen lẫn, những cuộc thảo luận về thần học của thiên chức linh mục hoặc những lý thuyết về chức tư tế phải như thế nào, thì về phần mình, Chúa chỉ nhìn chúng ta với ánh mắt dịu dàng và từ bi. Ngài chỉ cho các linh mục những tấm biển chỉ đường để đánh giá cao và khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo của họ: gần gũi với Thiên Chúa, với Giám mục, với các linh mục anh em và với những người được giao phó cho họ chăm sóc. Một sự gần gũi theo “phong cách” của chính Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi với chúng ta, với giàu lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu dàng.
Source:The Tablet
 
Hi vọng: Tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo và triển vọng Cha Giuse Thanh được Giáo Hội tuyên vị Tử Đạo thứ 119
VietCatholic Media
16:10 19/02/2022


1. Nhà giáo luật hàng đầu cảnh báo về sự nguy hiểm của mạng xã hội đối với các linh mục

Trước một hội nghị cấp cao về chức linh mục, cha Gianfranco Ghirlanda, nhà giáo luật nổi tiếng của Dòng Tên, đã cảnh báo về những rủi ro của mạng xã hội và sự gắn bó quá mức với những lòng sùng kính bề ngoài, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục vụ.

Nói với Crux, Cha Ghirlanda cho biết đời sống tinh thần của một linh mục là điều cần thiết đối với sứ vụ linh mục, và mối nguy hiểm lớn nhất mà ngài thấy đối với đời sống tinh thần lành mạnh là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là “tinh thần thế gian”.

Ngài nói, tinh thần thế gian có nghĩa là “ẩn sau những hình thức sùng kính bên ngoài, sự đúng đắn trong phụng vụ, sự chính thống cho đến tận cùng cay đắng, của 'cách cư xử luôn đúng đắn', luôn có trật tự, tối hậu là để bảo vệ việc tìm kiếm an ninh và lợi ích cá nhân của chính mình.”

Đó là nỗi ám ảnh về những chi tiết bề ngoài, chẳng hạn như những chiếc khuy măng sét cầu kỳ trên tay áo sơ mi, và là một thái độ tinh thần “có thể dẫn đến sự ca ngợi, làm mất đi sự thật rằng thánh chức là một công việc phục vụ người khác chứ không phải phục vụ cho chính mình”

Từng là hiệu trưởng của Đại học Giáo Hoàng Grêgoriô do Dòng Tên điều hành và là cố vấn cho Vatican về các vấn đề giáo luật, Cha Ghirlanda sẽ phát biểu trước một cuộc hội thảo lớn của Vatican về chức linh mục sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng 2 và có tiêu đề, “Hướng tới một Thần học Cơ bản về Chức Linh Mục. “

Cha Ghirlanda sẽ nói chuyện về “Đời sống thánh thiện của các giáo sĩ: quan điểm thần học-giáo luật,” vào ngày cuối cùng của hội thảo, sẽ được khai mạc bởi Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài phát biểu về “Đức tin và chức linh mục ngày nay”.

Hội thảo khám phá các khía cạnh khác nhau của đời sống linh mục, bao gồm cả lời thề độc thân.

Đức Hồng Y người Canada Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục Vatican, cho biết hội thảo sẽ nghe các quan điểm khác nhau về đời sống độc thân của các linh mục và chức vụ linh mục của những người đã kết hôn, chẳng hạn các linh mục Anh Giáo chuyển sang Công Giáo. Tuy nhiên, trước đây ngài đã bảo vệ luật độc thân linh mục như một ân sủng cho Giáo Hội và là một hành động của đức tin, và đã nói rằng thảo luận tại hội thảo sẽ không chỉ giới hạn ở chủ đề đó.

Trong cuộc phỏng vấn với Crux, Cha Ghirlanda đã cảnh báo về mối nguy hiểm mà “tính hiệu quả” gây ra cho đời sống tinh thần của một linh mục, nói rằng điều này trở thành một vấn đề khi một linh mục đang “thực thi chức vụ như thể những tác động tích cực phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân và các phương tiện được áp dụng, quên rằng nó chỉ có hiệu quả nhờ tác động của ân sủng, ngay cả khi được kết hợp với mọi thứ mà linh mục sẵn sàng trao ra”.

Trích đoạn Kinh thánh, ngài nói “Khi bạn đã làm xong mọi việc phải làm, hãy coi mình là những đầy tớ vô dụng.”

Cha Ghirlanda cũng cảnh báo việc lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại kỹ thuật số, nói rằng chúng “có thể khiến một linh mục mất tập trung rất nhiều” và có thể “lấy đi nhiều thời gian một cách không cần thiết”.

Ngài nói: “Tôi không muốn ma quỷ hóa mạng xã hội, bởi vì nếu được sử dụng tốt, chúng cũng có thể là một công cụ tông đồ rất hợp lệ, nhưng chúng có thể dẫn đến” cái bẫy “của cái mà ngài gọi là sự tò mò không lành mạnh.

Ngài nói, màn hình “tạo ra sự tò mò không bao giờ được thỏa mãn và do đó tạo ra sự tò mò khác về tin tức, thông tin, v.v., điều này không phải lúc nào cũng cần thiết”, trong khi một đời sống tinh thần lành mạnh đòi hỏi thời gian rời xa thế giới kỹ thuật số để cầu nguyện và suy niệm về Kinh thánh và cuộc đời của Chúa Giêsu.

Ngài nói: “Đôi khi sự xâm nhập của mạng xã hội loại bỏ không gian ‘im lặng nội tâm’ cần cho sự cầu nguyện chân chính”.

Cha Ghirlanda chỉ ra bản chất siêu chính trị hóa, luận chiến và thường độc hại của diễn ngôn công khai ngày nay, đặc biệt là trong thế giới trực tuyến, và lưu ý rằng bản thân Giáo Hội không miễn nhiễm với điều này.

“Giáo Hội, và do đó các linh mục, sống trong lịch sử và trong một xã hội cụ thể. Thật không may, tinh thần chia rẽ và luận chiến cũng xâm nhập vào Giáo Hội, “giữa các linh mục và cả bên trong các dòng tu cũng như các phong trào của Giáo Hội.

Ngài nhận xét rằng “sự phân cực được tạo ra ở nơi mọi người tin rằng họ có sự thật tuyệt đối và không sẵn sàng lắng nghe người khác.”

Theo Cha Ghirlanda đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là thái độ “tự quy chiếu”, là một thái độ trong đó “Tôi chỉ tìm thấy sự thật trong bản thân mình và tôi không cần bất kỳ xác minh bên ngoài nào, tôi không cần phản biện”.

Ngài nói: “Điều này kết thúc mọi cuộc đối thoại, dẫn đến thái độ luận chiến và loại trừ những người khác không nghĩ như tôi,” điều này không lành mạnh cho đời sống và chức vụ linh mục.

Theo quan điểm của Cha Ghirlanda, dấu hiệu mạnh mẽ nhất của một đời sống tinh thần lành mạnh đối với một linh mục “là sự phục vụ, dành toàn bộ cuộc đời mình để phục vụ người khác, không để lại gì cho bản thân”.
Source:Crux

2. Các Giám mục Công Giáo của Giáo Tỉnh Lagos đã bày tỏ lo lắng về sự gia tăng của các tội ác bạo lực và “những vụ giết người vô nghĩa” trên khắp đất nước.

Giáo Tỉnh Lagos, bao gồm Tổng giáo phận Lagos và các Giáo phận Ijebu Ode và Abeokuta, cũng lên án việc giết hại một linh mục Công Giáo ở Abeokuta bởi các tay súng không rõ danh tính.

Một tuyên bố được đưa ra vào cuối cuộc họp đầu tiên trong năm, được tổ chức tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Anê, Maryland, Lagos, và được ký bởi Đức Cha Francis Obafemi Adesina, Giám Mục Ijebu Ode, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Lagos và Cha Alfred Adewale Martins, tổng thư ký, kêu gọi chính phủ chấm dứt các vụ giết người và bạo lực trên khắp đất nước.

Cuộc họp có sự tham dự của ban lãnh đạo và đại diện của hàng giáo sĩ, những người Thánh hiến và các hiệp hội khác nhau của Giáo dân, những người đã báo cáo về các hoạt động của họ trong năm trước đang được kiểm điểm.

Tuyên bố cho biết: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về các vấn đề ảnh hưởng đến Giáo Hội trong Giáo Tỉnh và tình hình công việc ở đất nước của chúng ta, Nigeria, chúng tôi xin lưu ý rằng bất chấp sự lên án kịch liệt theo sau những vụ giết người vô nghĩa liên tục xảy ra và những người khác làn sóng bạo lực trên khắp đất nước, tình hình chưa lắng dịu chút nào.

“Ví dụ, trước thềm Năm mới 2022, một linh mục của Giáo phận Abeokuta, là Cha Luke Adeleke, đã bị giết bởi các tay súng không rõ danh tính khi đang thực hiện các hoạt động mục vụ của mình. Gần đây, có thông tin cho rằng ở Bang Taraba, một nhà thờ Công Giáo đã bị san bằng mà không rõ lý do”.

“Những vụ bạo lực này và nhiều trường hợp bạo lực khác đã là dấu ấn của quốc gia chúng ta. Những điều này còn được phép tiếp tục trong bao lâu? Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ sử dụng tất cả các tài nguyên của nhà nước theo ý của họ để chấm dứt những hành động giết người và bạo lực tồi tệ trên khắp đất nước trước khi nó tiêu diệt tất cả mọi người”.
Source:Vanguard

3. Tiến trình tuyên thánh của Giáo Hội diễn ra như thế nào? Triển vọng dành cho Cha Giuse Trần Ngọc Thanh

Trong bản tin hôm 12 tháng Hai, có nhan đề “Vietnamese Catholics want justice for martyred Fr Thanh”, nghĩa là “Người Công Giáo muốn thấy công lý cho linh mục tử đạo Thanh”, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đã bắt đầu dùng từ “tử đạo” và cho biết nhiều người nhận định rằng “cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là một cuộc tử đạo”. Điều này chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều hy vọng cho những người Công Giáo Việt Nam yêu mến vị linh mục anh hùng.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem tiến trình tuyên thánh của Giáo Hội như thế nào?

Quy trình chính thức để tuyên bố ai đó là thánh được gọi là tuyên thánh. Trước năm 1234, Giáo Hội không có một quy trình chính thức nào như vậy. Thông thường các vị tử đạo và những người được công nhận là thánh đã được Giáo Hội tuyên bố là thánh vào thời điểm các ngài qua đời. Trước khi Kitô giáo được Hoàng đế Constantine hợp pháp hóa vào năm 313, các ngôi mộ của các vị tử đạo, như Thánh Phêrô, đã được đánh dấu và lưu giữ làm nơi tôn kính. Ngày kỷ niệm cái chết của các ngài được ghi nhớ và ghi vào lịch của Giáo Hội địa phương. Sau khi Kitô Giáo được hợp pháp hóa, thông thường các vương cung thánh đường hoặc đền thờ được xây dựng trên những ngôi mộ này.

Thời gian trôi qua, Giáo Hội thấy cần phải thắt chặt thủ tục tuyên thánh. Vì thật không may, đôi khi có những nhân vật được tôn vinh như một vị thánh từ các truyền thuyết dân gian, nhưng hạnh tích của các vị ấy còn nhiều điểm hồ nghi. Chẳng hạn, Giáo Hội địa phương ở Thụy Điển đã tuyên thánh cho một tu sĩ nổi tiếng quảng đại, hay giúp đỡ người nghèo nhưng ngài lại hay say sưa chè chén và đã bị giết trong một cuộc ẩu đả vì say rượu – mà hầu như không có bằng chứng nào về sự tử đạo. Vì vậy, vào năm 1234, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã thiết lập các thủ tục để điều tra cuộc đời của một ứng viên tuyên thánh và mọi phép lạ nhờ lời cầu bầu của vị ấy. Năm 1588, Đức Giáo Hoàng Xíttô Đệ Ngũ (Sixtus V) giao cho Bộ Nghi lễ, sau này được đổi tên thành Bộ Tuyên thánh, giám sát toàn bộ quá trình. Bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tám vào năm 1634, nhiều vị Giáo Hoàng đã sửa đổi và cải tiến các tiêu chuẩn và thủ tục tuyên thánh.

Ngày nay, tiến trình này được tiến hành như sau: Khi một người đã khuất “nổi tiếng thánh thiện” hoặc “tử đạo”, thì Giám mục Giáo phận thường khởi động cuộc điều tra. Một yếu tố đặc biệt giúp đẩy nhanh tiến trình này là có phép lạ xảy ra nhờ sự chuyển cầu của vị ấy. Giáo Hội cũng sẽ điều tra các bài viết của ứng viên để xem liệu các bài viết ấy có hoàn toàn phù hợp với “đạo lý tinh tuyền”, nghĩa là về cơ bản, không có gì là dị giáo hoặc chống lại đức tin. Tất cả thông tin này được thu thập, và sau đó một bản sao chép trung thực, được xác thực và niêm phong một cách hợp lệ, được nộp cho Bộ Tuyên thánh.

Trong Thư Chung Tết Nhâm Dần Của Giáo Phận Kon Tum, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Bản Quyền cho biết Cha Thanh đã xung phong lên xây dựng Giáo họ Sa Loong thuộc giáo xứ Đăk Mót để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, là một người anh em cùng Dòng. “Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.” Như thế, nhận xét ban đầu của Đức Giám Mục giáo phận là rất thuận lợi. Nhìn tư trang của ngài, chúng ta cũng có thể thấy Cha Thanh đã sống một cuộc sống thanh bần của người môn đệ Chúa, hy sinh tất cả cho sứ mệnh truyền giáo.

Một khi nguyên nhân tuyên thánh được Giáo Hội chấp nhận, việc điều tra thêm sẽ được tiến hành. Nếu ứng viên được báo cáo là một người tử vì đạo, Thánh Bộ sẽ xác định xem người ấy có chết vì đức tin hay không và thực sự hiến dâng mạng sống của mình để hy sinh tình yêu cho Chúa Kitô và Giáo Hội.

Trong các trường hợp khác, Hội Thánh sẽ kiểm tra xem liệu ứng viên có được thúc đẩy bởi một lòng bác ái sâu sắc đối với người lân cận của mình, và thực hành các nhân đức một cách gương mẫu và anh hùng hay không. Trong suốt cuộc điều tra này, “Advocatus Diaboli”, “Người Ủng Hộ Ma Quỷ”, hay “Promotor Fidei”, “Người Quảng Bá Đức Tin”, kiểm tra nghiêm nhặt cuộc đời của ứng viên và những phép lạ được cho là do lời cầu bầu của người ấy. Gọi là “Người Ủng Hộ Ma Quỷ”, chữ nghĩa xem ra có vẻ táo tợn, nhưng nói lên công việc của người này là moi ra mọi thứ bất lợi cho ứng viên, tìm cách phát hiện ra mọi sai sót nào của ứng viên, hay bất cứ tì vết nào trong cuộc đời anh hùng của người ấy để phản đối hay nêu ra các vấn đề cần được giải quyết. Một khi một ứng cử viên được tuyên bố là đã sống cuộc đời với các nhân đức anh hùng, ứng viên có thể được tuyên bố là “Tôi tớ Chúa”.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

Bước tiếp theo sau khi được tuyên là Bậc Đáng Kính là tuyên Chân Phước. Một vị tử đạo có thể được tuyên Chân Phước và được tuyên bố là “Chân Phước” bởi chính sự tử đạo ấy. Nói cụ thể hơn, nếu chứng minh được Cha Giuse Trần Ngọc Thanh chết vì lòng thù hận đức tin thì không cần thêm một phép lạ. Tiến trình xét duyệt sẽ rất nhanh chóng. Cho đến nay các quan chức cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục cho rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Giả thuyết đó bác bỏ khả năng tuyên bố Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là vị tử đạo, bị giết vì lòng thù hận đức tin. Cho nên, cần phải tìm ra sự thật đàng sau động cơ sát hại Cha Thanh của Nguyễn Văn Kiên. Chẳng hạn, vụ giết người này có thể nhằm mục đích ngăn cản những nhà truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên.

Nếu không phải chết vì tử đạo, ứng viên cho án tuyên Chân Phước phải có một phép lạ được công nhận. Tiến trình sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với trường hợp tử đạo. Khi xác minh phép lạ, Giáo Hội xem xét liệu Thiên Chúa có thực sự thực hiện một phép lạ hay không và phép lạ đó có phải là để đáp lại lời cầu bầu của vị ứng viên hay không. Phép lạ phải được Hội Đồng Y Khoa Tòa Thánh công nhận, trước khi chuyển cho Hội Đồng Hồng Y xem xét và cuối cùng Đức Thánh Cha phê chuẩn. Tiến trình đó có thể kéo dài hàng chục năm là bình thường.

Sau khi được tuyên Chân Phước, vị Chân Phước có thể được tôn kính nhưng với giới hạn đối với một thành phố, giáo phận, khu vực hoặc một Dòng Tu. Đức Giáo Hoàng sẽ cho phép một lời cầu nguyện đặc biệt, Thánh lễ, hoặc một cử hành Phụng Vụ thích hợp để tôn vinh vị Chân Phước.

Sau khi được phong Chân Phước, một phép lạ khác là cần thiết để tuyên thánh và chính thức được tôn vinh và kêu cầu trong toàn thể Giáo Hội.