Ngày 26-02-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:12 26/02/2016
100. CHUẨN BỊ TRƯỚC.
Tham quân Hoàn Đạo Cung, mỗi lần đi săn cùng Nam quận công Hoàn Huyền, nơi lưng đều mang một sợi dây thừng đỏ thắm mềm mại, Hoàn Huyền hỏi ông ta :
- “Ông già rồi, mang sợi dây thừng làm gì vậy ?”
Hoàn Đạo Cung trả lời:
- “Mỗi lần ngài đi săn, nếu có chút gì đó không phấn khởi thì thích trói tay thủ hạ. Tôi dự liệu cho mình không sớm thì muộn cũng sẽ bị ngài trói, cho nên đã chuẩn bị trước sợi dây thừng này, lỡ ngài dùng sợi dây thừng vừa thô vừa gai mà trói thì đau lắm !”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 100:
Người khôn ngoan là người biết chuẩn bị trước.
Các thánh là những người luôn chuẩn bị trước cho cuộc hành trình về quê trời của họ, hành trang của họ gồm có :
Gậy là đức cậy,
Giày là đức mến,
Lương thực là Thánh Thể,
Dụng cụ y tế là bí tích giải tội,
Y phục là bác ái,
Nón an toàn là khiêm tốn.

Tất cả những thứ cần dùng này đều được các ngài bỏ vào trong ba-lô là đức tin.
Đã được chuẩn bị đầy đủ và lên đường với ân sủng của Chúa, nên các thánh đã đi tới mục tiêu của mình, dù cho trên đường đi gặp nhiều khó khăn và đôi lúc hầu như mất phương hướng...
Những người Ki-tô hữu là những người đang trên đường về quê trời, họ cũng được trang bị trước một số hành trang như các thánh, nhưng đi tới đích hay không thì đều hệ tại họ có kiên nhẫn bền chí với ơn gọi nên thánh, và sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống của mình hay không mà thôi.
Thiên Chúa đã chuẩn bị trước cho tôi một ba-lô đức tin và những thứ cần thiết ở trong ba lô đức tin ấy làm hành trang, đó là bảy bí tích, mười điều răn, là Phúc Âm và giáo huấn của Giáo Hội, nhưng tôi đã sử dụng nó để tiến về quê trời, hay sử dụng nó vào những cuộc du ngoạn vô ích ở cõi hồng trần, và có khi nguy hiểm đến sự sống đời đời của tôi ?
Ai hiểu thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:14 26/02/2016

21. Thân thể chỉ là một cái vỏ bên ngoài, mà sự thuần khiết của nội tâm mới là nhân.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Cây Vả
Lm Vũđình Tường
04:53 26/02/2016
Lợi ích của cây Vả được dân Israel nhận biết từ ngàn xưa. Vả là loại cây quý và phổ thông trong đại chúng. Quí vì trái Vả không những là nguồn thực phẩm tốt, giầu chất dinh dưỡng mà còn là nguồn lợi kinh tế quan trọng. Chúng là biểu tượng giầu sang của gia đình, bảo đảm an toàn nền kinh tế quốc gia. Vả quan trọng đến độ có chỗ đứng trong ca dao, tục ngữ. Những câu như ‘an toàn dưới gốc Vả’ là câu nói diễn tả tâm tư bình an, đời sống ổn định và tương lai tươi sáng (1 Các Vua 5,5). Câu khác như ‘Mật Vả từ sỏi đá’ (Deut 32,13), hay ‘Mật Vả từ đỉnh non (Thánh Vịnh 81,17) đều là những câu diễn tả lợi ích kinh tế của cây Vả. Miền Đất Hứa chảy sữa và mật ong cũng có dính dáng đến chất mật của cây Vả. Vả mau chóng thích ứng với khí hậu, thời tiết. Vả có thể mọc nơi khô cằn, sỏi đá hay xanh tươi nơi vùng đất gần sông suối.

Các nhà khảo cổ học tìm thấy Vả khô khi họ tìm kiếm di tích thời tiền sử. Điều này cho thấy Vả được xử dụng vào danh sách thực phẩm của nhân loại hàng ngàn năm trước Công Nguyên. Vào mùa đông lá cây rụng sạch, còn trơ lại cành trơ trụi và cuối mùa đông; thu chưa đến cành bắt đầu đâm hoa và trái trước khi lá non bắt đầu xuất hiện. Vì thế khi cây Vả có lá xum xuê cũng là lúc trái của chúng trưởng thành, trái chín đầy mật ngọt (Mica7,1). Trái Vả phơi khô nguyên trái hay bổ ra phơi để dùng vào lúc trái mùa. Vả được dùng trong y khoa, nhưng thông dụng và tiện lợi dùng làm thực phẩm khi phải đi xa và chúng có chứa nhiều chất đường mật, khô quánh, gọn, nhẹ, dễ di chuyển lại lâu hư. Vải khô có thể để từ năm này qua năm khác mà không mất phẩm chất tuyệt hảo của Vả.

Trong Cựu Ước cây Vả được nhắc đến lần đầu là sau khi ông bà Adong Eva phạm tội, biết mình trần truồng lấy lá Vả che thân Gen3,7. Đất Hứa chảy sữa và mật ong diễn tả trong Dt 8,8. Dưới thời vua Solomon thường có câu ‘Judah và Israel an bình, mọi người ngồi gốc Vả, gốc nho’ nói lên cảnh thanh bình, hoan lạc (1Kg 4,25. Abigail mang hai trăm tấm bánh Vả cho vua David 1 Sam 25,18. Trong Tân Ước Đức Kitô cũng dùng dụ ngôn cây và tiên báo về thời tiết. Khi thấy lá Vả xum xuê bắt đầu chuyền mầu vàng đậm đó chính là mùa hạ đang đến Mat 24,32.

Đức Kitô và các môn đệ từ xa nhìn thấy cây Vả tươi tốt nhưng khi đến gần cây đó lại không có trái và vì thế Ngài quở mắng cây Vả không sinh trái. Bởi cây có lá tươi tốt theo đúng luật tự nhiên chúng phải có trái chín nhưng cây này lại không có trái. Đây không phải là một lần. Ba năm liền cây đều không sinh trái. Ba năm sống ngược với luật tự nhiên của loài Vả. Người làm vườn không mang ra được câu giải thích chỉ xin chủ cho thêm thời gian, thêm một năm chăm sóc hy vọng cây sinh trái tốt, nếu không thì đành chấp nhận đốn cây. Thông thường cây Vả có lá tươi tốt thì có quả nhưng trường hợp này lại bất thường, ngoại lệ đến nhiều năm. Phải chăng dụ ngôn muốn nói đến những người tự nhận mình là Kitô hữu bên ngoài xem ra đạo đức nhưng trong tâm không sinh hoa trái tốt. Hoa trái của Kitô hữu là việc bố thí, bác ái, yêu thương người khốn cùng, nghèo khổ. Nếu chỉ nói về bác ái mà thiếu thực hành có khác chi cây Vả có lá mà không hoa, không trái và Đức Kitô quở mắng cây đó. Cây Vả không sinh trái ba năm liền chưa bị đốn bỏ. Con người còn quí hơn cây Vả biết bao. Chủ vườn chắc chắn kiên nhẫn với con người hơn với loài thảo mộc. Tuy nhiên kiên nhẫn nào cũng có giới hạn vì thế con người cần xét lại cách sống, cách xử thế với đồng loại, cách đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Lạm dụng tình yêu là điều cần tránh hết khả năng.

Kitô hữu xét lại cách sống, cách bố thí, tránh trường hợp cho người ăn bánh vẽ vì đó không phải là hành động bác ái.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:54 26/02/2016
101. CHẾT BIẾN THÀNH QUỶ.

Nguyễn Tuyên Tử không tin có quỷ thần.
Có người cho rằng người chết sẽ biến thành quỷ, Nguyễn Tuyên Tử bác bỏ, nói:
- “Từ xưa đến nay, người nhìn thấy quỷ đều nói quỷ mặc y phục như khi còn sống, nếu sau khi chết người biến thành quỷ thì áo quần cũng sẽ biến thành quỷ sao ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 101:
Người vô thần thường kênh kênh cái mặt lên trời cười kiêu ngạo khi thấy người Công Giáo đi lễ nhà thờ, hoặc thấy người Phật giáo đi thắp hương ở các chùa chiền, nhưng tự tâm họ vẫn luôn cầu cho mình được bằng an, đó không phải là vô thần mà là vô thần nữa vời, không hiểu biết gì là vô thần !
Người hữu thần nói: có thế giới thần thiêng, có Chúa, có trời hoặc có Đáng linh thiêng.
Người Công Giáo nói: có một Thiên Chúa hằng hữu, có linh hồn và có thưởng phạt đời sau.
Nếu không có đời sau thì sẽ không có một Thiên Chúa công bằng, chính trực; nếu không có đời sau, thì Đức Chúa Giê-su sẽ không xuống thế làm người chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại; nếu con người chết đi rồi chấm hết thì những lời dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su là không đáng tin cậy và những việc lành mà chúng ta làm đều lãng phí và vô ích...
Nhưng Đức Chúa Giê-su đã xuống thế gian làm người, đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại, để cho nhân loại thấy rằng: có sự sống đời sau, tức là có một thiên đàng vĩnh viễn và một hỏa ngục đời đời, để bày tỏ sự yêu thương và rất công bằng của Thiên Chúa đối với con người...
Là người Ki-tô hữu, cũng có những lúc tôi đã sống như người vô thần không tin có Thiên Chúa hiện hữu, tôi vẫn cáo gian cho người khác, tôi vẫn kiêu căng khoác lác với mọi người, vẫn gian tham, vẫn đắm mê trong dục vọng đê hèn của chính mình, và trở thành gương mù cho những người chung quanh tôi. Tóm lại là tôi sống mà không nghĩ đến đời sau, tức là thiên đàng và hỏa ngục.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:56 26/02/2016

22. Người không thanh sạch, trên thực tế, so với ma quỷ trong hỏa ngục thì xấu xa hơn.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:58 26/02/2016
Chúa Nhật 3 MÙA CHAY

Tin mừng : Lc 13, 1-9
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”


Anh chị em thân mến,
Dụ ngôn cây vả không ra trái mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại như thế nào, Đức Chúa Giê-su không khách sáo nói lên ý của ông chủ là muốn đốn cây vả vô dụng, nhưng đồng thời Ngài cũng cho thấy Thiên Chúa đã vì tình yêu mà kiên nhẫn và chờ đợi chúng ta hối cải...

1. Yêu thương là kiên nhẫn.
Ông chủ đã kiên nhẫn với cây vả thêm một năm nữa và hy vọng nó sẽ ra trái thơm ngon, bố mẹ kiên nhẫn với con cái để nó nhận biết cái sai của mình mà tha thứ, người yêu kiên nhẫn với những khuyết điểm của người yêu mình, tất cả những kiên nhẫn này đều bắt nguồn từ sự yêu thương ...

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại, đã kiên nhẫn trước những tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến Ngài và chưa hối cải nhận ra Ngài là Cha rất nhân từ của họ, tình yêu này được thôi thúc bởi sự hy sinh của Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đã chết trên thập giá để xin Chúa Cha kiên nhẫn với những cứng đầu vô ơn bội nghĩa của nhân loại để họ hối cải, Ngài đã chết trên thập giá để làm một bằng chứng yêu thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa Cha.

2. Yêu thương là chờ đợi.
Khi yêu nhau người ta thường hay chờ đợi, dù cho sự chờ đợi này có hạn chế trong một ngày hoặc nhiều năm, yêu nhau người ta cũng lấy làm vui mừng để mà chờ đợi nhau khi có hẹn hò dù cho mưa gió bão bùng, và sự chờ đợi nào của con người cũng có giới hạn của nó. Nhưng sự chờ đợi của Thiên Chúa thì khác với nhân loại, Ngài không chờ đợi một hai hay ba năm, nhưng Ngài sẽ chờ đợi cho đến lúc nào chúng ta biết hối cải ăn năn...

Có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ hai mươi năm, có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ đến ba mươi năm, có người bốn mươi năm và có người bảy mươi, tám mươi năm thời gian dài cả một đời người, vậy mà Thiên Chúa vẫn chờ đợi, Ngài chờ đợi trong yêu thương chứ không trách móc, trong tha thứ chứ không phải án phạt...

Anh chị em thân mến,
Mùa chay là mùa của yêu thương, mùa của hối cải và trở về với Cha nhân từ trên trời, do đó Ngài muốn mỗi người trong chúng ta học nơi Ngài cách yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương chúng ta, đó là kiên nhẫn và chờ đợi anh em khi họ cố chấp mà xúc phạm đến mình :

Kiên nhẫn khi người khác nóng giận với mình đó là yêu thương.
Kiên nhẫn khi người khác coi thường mình đó là yêu thương.
Kiên nhẫn khi người khác nói móc họng mình đó là yêu thương.
Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em tỏ ra bất mãn với mình, đó là yêu thương.
Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em hiểu lầm mình đó là yêu thương.


Kiên nhẫn và chờ đợi là ý lực sống và thực hành của bạn và tôi đối với tất cả mọi người trong tuần mùa chay này.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thống hối là điều tốt đẹp nhất
Lm. Anthony Trung Thành
21:16 26/02/2016
Chúa Nhật III MÙA CHAY NĂM C

Thống hối là điều tốt đẹp nhất

Người Hồi giáo thường kể rằng: Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời.

Sứ thần đáp ngay xuống một chiến trường máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy.

Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều qúi giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”.

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giầu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm và mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn”.

Lại một lần nữa, sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường Ngài bỗng thấy một người đàn ông đang khóc sướt mướt. Trước câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người đàn ông giải thích: “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”.

Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu”. (D. Wahrheit, Món quà Giáng sinh, tr 304)

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc thống hối. Không có gì tốt đẹp bằng lòng thống hối. Thống hối có sức canh tân cuộc đời. Thống hối là điều kiện để được tha tội khi lãnh nhận Bí tích Giao Hoà. Vì vậy, chúng ta thấy thống hối là chủ đề xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh. Thời cựu ước, các ngôn sứ luôn kêu gọi dân chúng thống hối. Đáp lại lời mời gọi đó, rất nhiều cá nhân cũng như tập thể đã thống hối từ bỏ tội lỗi của mình. Trổi vượt hơn cả là gương thống hối của vua Đavít; sự thống hối của dân thành Ninivê. Thánh Gioan Tẩy Giả không những rao giảng về sự thống hối, mà còn làm phép rửa thống hối và dân chúng đã tuôn đến với Ngài rất đông. Khởi đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã kêu mời sự thống hối: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).

Con người cần phải thống hối vì bản tính con người là bất toàn, tội lỗi. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận có lần đã nói: « Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai. Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện. Nhưng sự khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn”.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, sau khi kể cho dân chúng và các môn đệ nghe hai câu chuyện tai nạn xảy ra: Câu chuyện thứ nhất về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh; câu chuyện thứ hai về việc mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế”(Lc 13,2). Rồi Ngài kết luận: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy"(Lc 13,5).

Như vậy, điều quan trọng đối với Chúa Giêsu chuẩn chuẩn bị cho cái chết của mình bằng việc thống hối ăn năn: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng bị huỷ diệt như vậy”. Thống hối về những tội nào? Chúng ta phải thống hối về các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và cả những tội thiếu sót. Trong Kinh thú nhận chúng ta thường đọc: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Thông thường, chúng ta chỉ xét mình và xưng những tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm, ít khi chúng ta xét mình và xưng các tội thiếu sót. Thiếu sót về bổn phận: Bổn phận đối với Chúa, đối với Giáo Hội, đối với tha nhân. Thiếu sót vì không làm điều tốt khi có thể làm được. Thánh Giacôbê đã nói: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội”(Gc 4,17).

Chúng ta không vi phạm luật, không làm điều xấu vẫn chưa đủ mà còn cần phải làm điều tốt. Bổn phận của cây vả là sinh trái tốt. Bổn phận của kitô hữu là sinh hoa trái việc lành. Cây vả không sinh trái sẽ bị chặt đi. Người kitô hữu không sinh hoa trái việc lành cũng sẽ chung số phận như vậy.

Trong dụ ngôn người Phú hộ và ông Lazarô cho chúng ta thấy: Nhà Phú hộ bị phạt trong Hoả ngục không phải vì giàu có, nhưng vì có cơ hội làm việc lành mà không làm. Đó cũng là lý do mà Chúa Giêsu nói với những người bên tả của Ngài trong ngày phán xét:“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”(Mt 25, 42-43).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có tinh thần thống hối. Thống hối về tội lỗi trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Thống hối về những tội thiếu sót. Đồng thời, xin Chúa cho chúng ta luôn tránh xa tội lỗi và cố gắng “sinh hoa trái” là những việc lành phúc đức. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mùa chay thời kỳ ăn chay sám hối và làm việc thiện
LM. Đan Vinh
21:18 26/02/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY C

Xh 3,1-8a.13-15 ; 1 Cr 10,1-6.10-12 ; Lc 13,1-9.

MÙA CHAY THỜI KỲ ĂN CHAY SÁM HỐI VÀ LÀM VIỆC THIỆN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 13,1-9

(1) Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. (2) Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao ? (3) Tôi nói cho các ông biết: “Không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. (4) Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? (5) Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. (6) Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, (7) nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? (8) Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. (9) May ra sang năm nó có trái. Nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay gồm hai ý chính như sau:

- NẾU KHÔNG CẤP THỜI SÁM HỐI THÌ SẼ PHẢI CHẾT: Khi ấy có một số người Galilê đã bị quân Rôma giết chết khi đang dâng lễ trong Đền thờ, và mười tám người khác ở Giêrusalem đã bị tháp Silôa đổ sập đè chết. Nhiều người cho rằng những kẻ đó là người xấu nên đã bị Chúa phạt. Nhưng Đức Giêsu lại quả quyết: Không phải như vậy! Nhưng nếu người ta không cấp thời sám hối thì mọi người cũng đều phải chết như thế!

- SÁM HỐI LÀ PHÁT SINH HOA TRÁI: Tội của cây vả trong bài dụ ngôn là hình ảnh của dân Ítraen không phải là đã sinh ra trái chua độc hại, nhưng là tình trạng già cỗi không sinh ra hoa trái. Sở dĩ cây chưa bị chặt là nhờ người làm vườn tượng trưng Đức Giêsu đã xin chủ vườn khoan dung gia hạn thêm thời gian một năm. Nếu vẫn không ra trái thì bấy giờ cây đó sẽ bị chặt đi. Cũng vậy, mỗi chúng ta nếu không muốn bị tiêu diệt thì ngay từ bây giờ đã phải sám hối tội lỗi và làm các việc bác ái phục vụ tha nhân.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Người Galilê: Là những người Do thái sống tại miền Bắc có lòng yêu nước, đã nổi lên chống lại với quân Rôma đang cai trị. + Khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng: Câu chuyện xảy ra ngay trong Đền thờ Giêrusalem, nơi giết chiên bò làm lễ vật dâng tiến Đức Chúa. Có lẽ những người Galilê này hành hương về Giêrusalem và đã lợi dụng nơi tôn nghiêm để khích động dân chúng chống lại nhà cầm quyền Rôma. Nhưng họ đã bị Tổng trấn Philatô phát hiện, sai quân đến vây bắt và giết chết ngay trong Đền thờ, làm cho máu họ đổ ra hòa lẫn với máu các con vật mà họ vừa sát tế. + Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác, bởi lẽ họ chịu đau khổ như vậy sao?: Có lẽ người thuật lại câu chuyện muốn biết quan điểm của Đức Giêsu để coi Người có phải là Đấng Thiên Sai mà họ đang mong đợi hay không. Nhưng sứ vụ của Đức Giêsu không phải làm Vua Mêsia theo nghĩa trần tục. Nên Người đã không lộ ra quan điểm chính trị, mà cố tình lái vấn đề sang phạm vi tôn giáo. + “Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”: Người ta thường cho rằng: đau khổ, bệnh tật và sự chết là hậu quả của tội lỗi đã phạm. Nhưng Đức Giêsu lại phủ nhận điều ấy. Theo Người những người bị giết kia không phạm tội nhiều hơn những người khác ở Galilê, nhưng đây là dịp để mỗi người suy nghĩ và hồi tâm sám hối, hầu tránh cho mình khỏi bị tiêu diệt như vậy (x. Ga 9,2-3).

- C 4-5: + Tháp Silôa: Là ngọn tháp cao được xây trên đỉnh đồi ở phía Tây Nam thành Giêrusalem. + “Mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết...”: Đau khổ và chết chóc không phải luôn luôn là sự trừng phạt của Thiên Chúa về tội lỗi của loài người, nhưng là cơ hội để mọi người duyệt xét lại bản thân và hồi tâm sám hối hầu tránh khỏi bị tiêu diệt sau này. Chính vì thế mà Đức Giêsu đã tuyên bố: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

- C 6-9: + Một cây vả trồng trong vườn nho: Theo Cựu ước, cây vả tượng trưng cho dânH Ítraen (x. Gr 24,2-10), và vườn nho cũng ám chỉ dân này (x. Is 5,1-7). + Đã ba năm nay tôi ra cây vả tìm trái mà không thấy: Ba năm tương ứng với thời gian giảng đạo của Đức Giêsu. Dân Ítraen được Người ưu tiên rao giảng Tin mừng Nước Trời, nhưng họ lại từ chối tiếp nhận vì không tin Người là Đấng Thiên Sai Mêsia. + Người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái. Nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”: Khác với Tin mừng Mátthêu (x. Mt 21,19) và Máccô (x. Mc 11,21), trong Tin mừng Luca số phận của cây vả được xử khoan dung hơn. Do lòng kiên nhẫn của chủ vườn là Thiên Chúa, và nhờ lời cầu bầu của người làm vườn là Đức Giêsu, mà cây nho không sinh trái là các tội nhân, có thêm thời gian để sám hối. Sau đó nếu họ vẫn cứng lòng không chịu hoán cải thì sẽ bị tiêu diệt.

4. CÂU HỎI: 1) Người Galilê trong Tin Mừng là những ai ? 2) Tại sao mấy người Galilê lại bị quân Rôma giết chết trong Đền thờ ? Tại sao Thiên Chúa quyền năng lại không can thiệp để cứu họ thóat khỏi bàn tay của quân thù ? 3) Theo Đức Giêsu thì các tai ương họan nạn người ta gặp phải trong cuộc đời, phải chăng đều là hình phạt nhãn tiền của Thiên Chúa đã trừng phạt tội lỗi của họ ? 4) So sánh đoạn Tin mừng Luca hôm nay với hai Tin mừng Mátthêu và Máccô thì số phận của cây vả trong Tin mừng nào được đối xử khoan dung hơn ? Tại sao ? 5) Phải chăng tội nhân có thể lợi dụng sự khoan dung ấy để không sám hối mà cứ tiếp tục phạm tội ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,3).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIÁ TRỊ THỰC SỰ CỦA CÂY VĨ CẦM:

Trong một buổi bán đấu giá, người điều khiển chương trình cầm một cây vĩ cầm xấu xí đã bị nhiều vết nứt nẻ. Ông ta nghĩ cây vĩ cầm không mấy giá trị nên chẳng cần phí thời giờ sửa sọan cho cây đàn này làm chi. Ông giơ cây vĩ cầm cổ lên cho mọi người xem và rao bán: “Thưa quý vị, ai sẽ bắt đầu trả giá cho cây đàn này đây? Một đồng, hai đồng... Ai sẽ trả giá 3 đồng? À, một người đã trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng. Không còn ai nữa ư?”. Bỗng từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm từ từ bước tới gần bục và cầm lấy cây đàn đang rao bán. Ông ta lau sơ bụi bặm bám trên chiếc đàn cũ kỹ và siết chặt lại các sợi dây đàn đã bị lỏng. Sau đó, ông tấu lên một khúc nhạc thật êm dịu và ngọt ngào. Tiếng đàn nghe du dương thánh thót giống như bài ca của các thiên thần trên trời. Sau khi ngưng đàn, mọi người hiện diện đều nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng. Sau đó, người bán đấu giá tiếp tục hỏi: “Bây giờ tôi phải định giá lại cây vĩ cầm có âm thanh rất tuyệt vời này trị giá bao nhiêu cho xứng đây? Một ngàn... hai ngàn... Có ai chịu tăng lên ba ngàn không? À, một người chịu giá ba ngàn rồi. Hai người chịu giá ba ngàn. Và còn ai nữa không? Thôi, như vậy cây đàn dứt giá là ba ngàn đô-la! Lúc đó một bé gái ghé sát bên tai mẹ và hỏi: “Sao lạ vậy hả mẹ? Tại sao cây đàn kia lại đột nhiên tăng giá lên gấp cả ngàn lần như thế hả mẹ?” Bấy giờ bà mẹ mới ôn tồn giải thích cho con gái cưng như sau: “Chính nhờ đôi tay tài hoa của ông nhạc sĩ kia mà cây đàn đã tăng giá trị lên gấp cả ngàn lần đấy con ạ!”.

2) PHƯƠNG CÁCH CÁM DỖ KHÔN NGOAN NHẤT? :

Ngày nọ trong hỏa ngục ba con quỷ nhỏ cùng đến chào tướng quỷ là Xatan trước khi lên trần gian tập sự việc cám dỗ loài người phạm tội. Chúng lần lượt trình bày cho Xatan về mưu chước cám dỗ của mình để chủ tướng đánh giá.

Quỷ nhỏ thứ nhất nói: “Em sẽ bảo với con cái loài người rằng: Ngoài loài người ra không còn một thần minh nào khác, nên loài người cứ yên tâm sống mà không phải mất nhiều thời giờ đọc kinh thờ phượng Chúa”. Xatan liền trả lời rằng: “Nói như thế sẽ chẳng lừa được mấy người tin theo đâu, vì họ dư biết phải có ông Trời tạo dựng vạn vật muôn loài, sẽ ban thưởng cho kẻ lành và trừng phạt kẻ gian ác”.

Quỷ nhỏ thứ hai liền tiến lên trình bày về sách lược cám dỗ của mình: “Em sẽ rỉ tai người ta là không có hoả ngục gì đâu. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu đầy tình yêu thương con cái loài người, nên Ngài không bao giờ tạo dựng nên hoả ngục để trừng phạt loài người !”. Nghe thế Xatan nói: “Khá khen cho nhà ngươi đã nghĩ ra một kế hoach tốt. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ lừa được một ít người nhẹ dạ mà thôi, vì ai ai cũng đều biết rõ Thiên Chúa còn là Đấng Công minh vô cùng, sẽ ban thưởng hạnh phúc cho người ăn ngay ở lành, và trừng phạt kẻ ăn ở gian ác tùy theo công phúc đã làm nơi trần gian.

Quỷ nhỏ thứ ba tiến lại tâu với thủ lãnh Xatan: “Em sẽ nói với loài người rằng: Có Thiên Chúa, cũng có thiên đàng để thưởng kẻ lành và có hỏa ngục để phạt kẻ dữ. Tuy nhiên các ngươi không cần gì phải vội, vì còn lâu các người mới phải chết. Lúc còn sống hãy cứ ăn chơi cho thỏa thích đi, đợi đến khi sắp chết sẽ ăn năn sám hối cũng không muộn”. Nghe xong kế sách này, tướng quỷ Xatan liền đứng lên khen ngợi: “Hay lắm, với phương kế này thì chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh và sẽ có thêm nhiều kẻ gia nhập!!!”

3) GIÁ TRỊ CỦA VIỆC TĨNH TÂM:

Một hôm vị đạo sĩ già tập trung các học trò của ông trong một cái sân rộng trước căn nhà mình để dạy đạo. Ông ta lệnh cho gia nhân đặt một cái chậu đầy nước ở giữa sân. Khi mọi người đã tập trung, Ông đạo sĩ liền quậy nước trong chậu rồi yêu cầu học trò lần lượt đến nhìn mặt mình bên trong chậu nước. Sau đó, ông hỏi họ đã thấy gì trong chậu nước? Học trò liền đáp: “Thưa thầy, chúng con chỉ thấy lờ mờ khuôn mặt của chúng con ở trong đó”. Chờ một lát đến khi thau nước phẳng lặng, ông lại yêu cầu họ đến nhìn mặt mình trong chậu nước lần thứ hai và hỏi lại cũng một câu hỏi như trước. Học trò thi nhau trả lời: “Tất cả chúng con đều đã nhìn thấy rõ mặt mình ở trong chậu nước”. Vị đạo sỹ liền giải thích cho học trò như sau: “Chỉ khi nào nội tâm chúng con thật sự tĩnh lặng, thì chúng con mới thấy rõ con người của mình”.

Tĩnh tâm là đi vào sự thinh lặng nội tâm, là đặt mình trước mặt Chúa hầu có thể thấy rõ con người thật của mình. Chúng ta không thể nhận ra con người thật của chúng ta khi tâm hồn chúng ta đang bị giao động do những tiếng động ồn ào bên ngoài, sự lôi cuốn của lối sống hưởng thụ khoái lạc, những lo toan về cơm áo gạo tiền, những tính toán tham lam làm giàu bằng bất cứ giá nào… nên chúng ta không thể nhận biết rõ về con người thật của mình.

4) PHẢI SÁM HỐI TRƯỚC HẾT TỪ BẢN THÂN:

Một triết gia Ấn Độ khi về già đã chia sẻ kinh nghiệm sống với học trò như sau:

- Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà bấy giờ tôi dâng lên Thượng Đế là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con đổi mới thế giới”.

- Đến tuổi trung niên, tôi đã nhận ra rằng, phân nửa cuộc đời của tôi đã trôi qua mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để biến đổi mọi người con gặp hằng ngày, nhất là những người thân trong gia đình ruột thịt của con. Và như vậy là con đã thỏa mãn rồi”.

- Nhưng giờ đây, đến khi tóc bạc răng long, số ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận ra rằng, tôi là kẻ khờ dại nhất vì đã chẳng biến đổi được một ai cả. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện với Thượng Đế như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con biến đổi chính bản thân con”. Giả như tôi đã biết cầu nguyện như trên ngay từ khi còn trẻ, thì tôi đã không bỏ phí mất quãng thời gian tươi đẹp nhất đời mình.

3. THẢO LUẬN: 1)Tội “Những điều thiếu sót” trong kinh “Tôi thú nhận” là tội gì ? 2) Có khi nào bạn phạm tội khô khan cằn cỗi, không chịu phát sinh hoa trái như cây vả trong Tin Mừng hôm nay không ?

4. SUY NIỆM:

1) PHẢI CẤP THỜI SÁM HỐI:

- Nội dung Tin Mừng hôm nay: Khi nghe một người gian ác gặp nạn, chúng ta thường nói: “Ác giả ác báo”. Đúng là “gieo gió thì phải gặt bão”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người đồng thời với Đức Giêsu cũng đã đồng quan điểm như thế khi kể cho Người nghe câu chuyện mới xảy ra về mấy người thuộc xứ Galilê khi đang dâng lễ trong Đền Thờ bị quan Philatô sai quân đến giết chết tại bàn thờ, làm cho máu của họ đổ ra hòa lẫn với máu các con vật họ vừa sát tế. Theo những người này thì chắc là mấy người Galilê kia đã ăn ở bất nhân thất đức nên mới bị chết thảm khốc như vậy khi đang dâng lễ trong Đền thờ. Đức Giêsu đã sửa sai quan niệm đó khi cho rằng: Không phải chỉ mấy người đó mới bị tiêu diệt, mà đây cũng là lời cảnh báo chung tất cả mọi người. Nếu không chịu hồi tâm sám hối cũng đều có thể bị tiêu diệt như thế. Sau đó, Đức Giêsu đã nêu ra dụ ngôn về một cây vả được trồng trong vườn nho, đã bị chủ vườn than phiền vì không sinh trái dù đã được chăm sóc vun trồng cẩn thận. Con số ba năm tương ứng với thời gian ba năm Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho dân Ítraen. Lẽ ra, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã giáng xuống những con người vô tín ương bướng kia rồi, giống như lời cảnh báo của Gioan Tẩy Giả: “Cái rìu đã đặt sẵn gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Tuy nhiên, Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót, vẫn luôn tỏ thái độ bao dung khi nghe lời cầu bầu của người làm vườn là Đức Giêsu, đã gia hạn cho họ thêm một năm để cấp thời hồi tâm sám hối và phát sinh hoa trái. Nếu không sinh trái tốt, năm tới số phận của họ là sẽ bị chặt đi để quăng vào lò lửa.

- Hãy sám hối để khỏi bị tiêu diệt: Có lẽ chúng ta hôm nay cũng giống như cây vả trong bài Tin Mừng: Chúng ta thường mải mê lo lắng việc kiếm cơm áo gạo tiền rồi lại tìm cách hưởng thụ… mà lơ là với việc bổn phận đôiú với Chúa và tha nhân. Nhiều tín hữu theo đạo nhiều năm mà lối sống vẫn đầy tính ích kỷ tự mãn gian tham… không những không tốt hơn mà có khi còn tệ hơn người lương. Họ đã không phát sinh hoa trái là các việc lành phù hợp với đức công bình bác ái và khiêm nhường phục vụ. Chúng ta cần phải cấp thời ăn năn sám hối trong Mùa Chay này nếu không muốn bị tiêu diệt.

2) PHẢI SÁM HỐI THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA ?:

- Tín thác vào tình thương tha thứ của Chúa: Sám hối không những là nhân biết mình tội lỗi yếu đuối để thành tâm sám hối, mà còn phải biết tin cậy vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa, giống vua Đavít xưa như sau: Sau khi lỡ sa ngã phạm tội ngoại tình và mượn tay quân địch ngoài mặt trận gián tiếp giết chết tướng Urigia để chiếm đoạt vợ của ông này là nàng Bétsêva xinh đẹp, vua Đavít vẫn coi như không có gì xảy ra. Nhưng rồi, đến khi ngôn sứ Nathan được Đức Chúa sai đến tuyên sấm lời Chúa với nhà vua. Nathan đã kể lại câu chuyện về một nhà phú hộ đã đối xử bất công với người nghèo, vua Đavít đã xé áo mình ra biểu lộ sự tức giận và đòi phải tức khắc trừng trị tên nhà giàu gian ác bất công tàn nhẫn kia. Bấy giờ ngôn sứ Nathan đã chỉ thẳng vào mặt nhà vua mà nói: "Con người bất nhân thất đức đó chính là ngài". Vua Đavít nghe vậy đã bừng tỉnh, ông nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình và quyết tâm ăn năn sám hối tội lỗi quay về làm hòa với Đức Chúa. Về sau Đavít đã sáng tác nhiều bài thơ trong đó có Thánh Vinh 50 bày tỏ sự thành tâm sám hối của ông (x. II Sm 11,1 tt).

- Sám hối là sẵn sàng tha thứ anh em để xứng đáng được Chúa thứ tha: Chúng ta hôm nay cũng thường có lối hành xử không ý thức về các tội đã phạm, nhưng lại nhạy cảm sẵn sàng lên án tha nhân giống như vua Đavít xưa. Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hồi tâm sám hối, nhận ra mình cũng là tội nhân, rồi tin cậy phó thác vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Sau khi đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta cũng phải biết thể hiện lòng khoan dung tha thứ những xúc phạm của kẻ khác đối với mình như trong dụ ngôn về tên được tha nợ đã không có lòng thương xót. Vua chủ nợ đã trách mắng tên đầy tớ như sau: “Hỡi tên đầy tớ bất lương! Ta đã tha bổng cho ngươi tất cả nợ nần chỉ vì ngươi đã nài xin ta. Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” (Mt 18,32-33).

3) HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI:

- Sám hối là thay đổi cách đánh giá về bản thân: Cần nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với tha nhân. Hãy biết đấm ngực mình chứ đừng đấm ngực người khác để xứng đáng được Chúa tha thứ như trong kinh cáo mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…”. Muốn được sống và được hưởng hạnh phúc Nước Trời, mỗi người chúng ta phải biết dùng thời giờ và ân huệ Chúa ban để hồi tâm xét mình và ăn năn sám hối. Các tội lỗi chúng ta phạm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm là các thói hư, giống như khối u ác tính cần được phát hiện sớm để loại trừ. Sám hối là cắt khối u ra để cứu toàn thân, vì nếu không, thì toàn thân sẽ phải chết. Con người phạm tội cũng giống như một ngôi nhà bị bén lửa, nếu không kịp thời khống chế, ngọn lửa lan nhanh và sẽ thiêu rụi cả ngôi nhà; Sám hối chính là dập tắt ngọn lửa để có thể cứu toàn bộ ngôi nhà khỏi bị cháy thiêu.

- Sống công bình bác ái mới là sám hối đích thực: Sự sám hối trở về không chỉ là hành vi đấm ngực ăn năn về các tội đã phạm mà còn phải sống theo lời Chúa: "Hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối". Hoa trái của sự thánh thiện là các việc lành phúc đức, giữ sự công bằng bác ái, là sống yêu thương và phục vụ mọi người. Điều khó của hối nhân là phải phát sinh hoa trái tốt là các việc lành như: Gieo tình thương bằng nụ cười thân ái, quan tâm giúp đỡ phục vụ tha nhân, xoá bỏ những bất công và lòng thù hận tha nhân, suy bụng ta ra bụng người và thực hành cho tha nhân điều mình muốn họ làm cho mình như lời Chúa phán: "Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy" (Lc 6,31).

4) SÁM HỐI LÀ QUYẾT TÂM TRỞ NÊN NGƯỜI TỐT:

Hành trình Mùa Chay không chỉ nhằm dẫn chúng ta quay trở lại quá khứ để ăn năn khóc lóc tội lỗi mình hay đến toà giải tội xưng thú tội lỗi mình… nhưng còn muốn dẫn chúng ta đến cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Mùa Chay phải trở thành mùa đổi mới cuộc sống và cải thiện môi trường chung quanh, là mùa nở hoa kết trái tình thương và thực thi các việc lành phúc đức… nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt.

- Sám hối bao gồm cả những điều thiếu sót: Mỗi lần xét mình xưng tội, chúng ta thường chỉ xét những tội đã làm hại kẻ khác, mà quên không xét những tội đã bỏ qua không giúp đỡ tha nhân. Như cây vả trong bài Tin mừng hôm nay tuy không sinh hoa trái độc hại, cũng không trực tiếp làm hại chủ vườn... nhưng tội của nó là không chịu phát sinh hoa trái trong một thời gian lâu dài. Nhiều người chúng ta cũng vậy: Ta cảm thấy yên tâm khi thấy mình không cướp của giết người, không tà dâm ngoại tình, không dối trá lừa gạt ai... Nhưng ta lại quên không xét những tội khô khan nguội lạnh khi dự lễ đọc kinh; Tội không quan tâm làm việc tốt để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em đồng lọai; Tội cố tình làm ngơ khi tha nhân đang cần sự trợ giúp; Tội không chịu làm lợi thêm nén bạc được Chúa trao (x. Mt 25,18); Tội không có lòng thương xót, không an ủi động viên và chia sẻ cơm áo giúp đỡ những người đói khát bệnh tật và đau khổ (x. Mt 25,42)... Chính khi không làm điều tốt cho tha nhân là chúng ta đã để cho sự gian ác có điều kiện hoành hành. Sống đạo không phải chỉ là siêng năng đến nhà thờ dự lễ đọc kinh và không xúc phạm đến tha nhân... nhưng còn là tích cực phát huy các điều thiện để giúp tha nhân được sống cuộc tốt đẹp hơn cả về vật chất cũng như tinh thần.

- Hãy hành động tích cực cụ thể để tỏ lòng sám hối: Câu chuyện sau đây cho thấy thế nào là ăn năn sám hối trong Mùa Chay này:

Một hôm, khi đi học về đến nhà, bé Tâm chạy ngay vào bếp rồi nũng nịu nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con đói bụng quá !”. Mẹ ôn tồn nói với con: “Con hãy ráng chờ mẹ một chút sẽ có cơm ăn liền. Hôm nay mẹ đi làm về trễ nên bị trễ giờ nấu cơm”. Nhưng bé Tâm lại tỏ thái độ vùng vằng khó chịu với mẹ, rồi em bỏ lên lầu chơi, chờ đến khi mẹ gọi mới chịu xuống nhà ăn cơm. Sau khi ăn xong, mẹ mới ôn tồn nói với bé Tâm như sau: “Con năm nay đã lớn và học lên lớp năm rồi. Con phải có trách nhiệm giúp mẹ lo việc nhà mới phải. Khi đi học về, thấy mẹ làm cơm chưa xong lẽ ra con phải xuống phụ mẹ lo lặt rau, lau chùi chén đũa và dọn bàn ăn chứ. Con không được tỏ thái độ giận dỗi mẹ có được không con ?” Bé Tâm đã nhận ra thái độ giận mẹ khi nãy là không đúng làm cho mẹ buồn. Em tỏ ra hối hận thưa với mẹ rằng: “Thưa mẹ, con đã biết lỗi rồi. Từ nay con hứa sẽ quan tâm giúp đỡ mẹ và sẽ không làm gì khiến mẹ phải buồn lòng nữa”. Thế là mẹ liền ôm Tâm vào lòng và âu yếm nói: “Con ngoan của mẹ. Mẹ cảm thấy rất vui vì con đã biết lỗi và hy vọng từ nay con sẽ trở thành đứa con ngoan hiếu thảo của mẹ”.

Cũng vậy, trong Mùa Chay này, để xứng đáng được Chúa tha thứ tội lỗi, chúng ta hãy hồi tâm sám hối các tội đã phạm, hãy quan tâm tìm ra thói hư của mình và quyết tâm chừa bỏ bằng cách tập làm việc tốt đối nghich với thói hư. Mỗi tối sẽ dành ít phút xét mình về điều đã dốc quyết, ăn năn sám hối các lỗi mới phạm và xưng tội mỗi tháng để được ơn giao hòa với Chúa.

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU. Con thuờng hay đổ lỗi cho Thiên Chúa khi gặp phải thất bại: Khi bị mất mùa, con đổ lỗi tại Trời không ban cho mưa thuận gió hòa. Khi một người con đang ác cảm gặp phải tai ương hoạn nạn, con cho rằng họ bị Chúa phạt và họ bị như thế là đáng đời! Nhưng hôm nay nhờ Lời Chúa soi dẫn, con sẽ không dám tiếp tục hiểu một chiều như thế nữa. Trong thực tế, con thấy có nhiều người tốt lành thánh thiện nhưng vẫn gặp phải nhiều tai nạn rủi ro. Ngay chính Chúa vốn là Con Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng, thế mà Chúa cũng từng chịu bao đau thương và cuối cùng còn bị chết cách nhục nhã bất công trên cây thập giá.

- LẠY CHÚA. Xin cho con luôn nhận ra tình thương của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của cuộc đời con. Con biết rằng: Sở dĩ Chúa để con phải chịu đau khổ là để con có dịp sám hối và lập công đền tội, hầu ngày một nên tốt hơn. Xin cho con dù gặp phải những điều trái ý, vẫn nhẫn nại chịu đựng để đền tội bản thân con và góp phần với Chúa đền tội cho tha nhân. Xin cho con luôn phó thác tương lai cuộc đời con trong tay Chúa quan phòng, vì biết rằng: Tất cả những điều may lành hay rủi ro xảy đến cho con, đều không ngoài thánh ý Chúa, được Chúa cho xảy ra để mưu ích cho phần rỗi đời đời của con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng viện Ý đã thông qua luật hợp thức hóa “hôn nhân đồng tính” với tỷ số áp đảo
Đặng Tự Do
05:54 26/02/2016
Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ số áp đảo 173-71, Thượng viện Ý đã thông qua luật hợp thức hóa “hôn nhân đồng tính”.

Dự luật được thông qua sau khi những người bảo trợ cho dự luật loại bỏ một điều khoản theo đó các cặp đồng tính được nhận con nuôi hợp pháp.
 
Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Ấn Độ tìm cách xin trả tự do cho tối thiểu 1,000 tù nhân trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Đặng Tự Do
06:02 26/02/2016
Như một cử chỉ cụ thể trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Ấn đã thông qua một dự án tìm cách bảo lãnh cho tối thiểu 1,000 tù nhân được trả tự do trong năm 2016 này.

Trong các cuộc đàm phán với các quan chức dân sự, các tu sĩ Phanxicô sẽ tập trung vào những "người sống mòn mỏi trong các nhà tù trong nhiều năm qua vì những tội không nghiêm trọng như tội trộm cắp". Trang tin tức trực tuyến MattersIndia.com đã cho biết như trên.
 
Cha Raniero Cantalamessa trình bày bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ hai cho các thành viên của Giáo triều Rôma
Đặng Tự Do
06:16 26/02/2016
Sáng thứ Sáu 26 tháng Hai, giảng thuyến viên phủ Giáo Hoàng là Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchin Phanxicô đã trình bày bài giảng Mùa Chay thứ hai cho các thành viên của Giáo triều Rôma tại nhà nguyện Redemptoris Mater.

Tiếp tục những suy tư của ngài về các tài liệu quan trọng của Công đồng Vatican II, Cha Cantalamessa nói về ý nghĩa của Lời Chúa qua các văn bản của Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa “Dei Verbum”.

Dei Verbum là một trong bốn Hiến Chế của Công Đồng Vatican II, bàn về Mặc Khải, được bỏ phiếu ngày 8 tháng Chín, 1965 và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục long trọng công bố ngày 18 tháng 11 năm 1965. Hiến Chế gồm sáu chương bàn về : Bản tính Mặc Khải, Truyền thông Mặc Khải, Linh hứng và chú giải Kinh Thánh, Cựu Ước, Tân Ước, Kinh thánh trong đời sống Giáo Hội.

Bắt đầu với việc tìm hiểu cách thế Thiên Chúa đã phán qua các tiên tri trong Cựu Ước, Cha Raniero Cantalamessa đã đi dần đến cách thức Lời đã trở nên nhục thể nơi Chúa Giêsu Kitô.

Ngài đã tập trung những suy tư của ngài về việc đọc Kinh Thánh như một con đường để thánh hóa cá nhân, đặc biệt là thông qua việc thực hành "lectio divina" – nghĩa là “đọc sách thánh trong tinh thần cầu nguyện” vừa đọc vừa suy gẫm Thánh Kinh và đưa Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống của chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video Cộng Đoàn CGVN ở Vista thuộc Giáo xứ Saint Francis of Assisi mừng Xuân Bính Thân
Barth Nguyễn
09:21 26/02/2016
 
Linh mục đoàn GP Huế dâng thánh lễ đồng tế kết thúc tuần tĩnh tâm
Trương Trí
09:37 26/02/2016
LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN HUẾ HÀNH HƯƠNG QUA CỬA NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT DÂNG THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ TẠ ƠN KẾT THÚC TUẦN TĨNH TÂM MÙA CHAY

Từ ngày 22 tháng 2, toàn thể Linh mục thuộc Tổng Giáo phận Huế đã tập trung về Tòa Tổng Giám mục để bắt đầu tuần Tĩnh tâm Mùa Chay. Sáng hôm nay 26 tháng 2, kết thúc tuần Tĩnh tâm, Linh mục đoàn Giáo phận Huế do Đức Tổng Giám mục dẫn đầu đã hành hương về Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, bước qua Cửa Năm Thánh Lòng Thương xót để dâng Thánh lễ đồng tế tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tuần Tĩnh tâm kết thúc tốt đẹp.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục thay mặt Linh mục đoàn cảm ơn Cộng đoàn đã hiệp dâng lời cầu nguyện cho các Linh mục sốt sắng trong suốt tuần Tĩnh tâm.

Trước đó, trong Thánh lễ sáng thứ Hai 22 tháng 2, Cha An tôn Nguyễn Văn Tuyến, Hạt trưởng hạt Thành phố, Quản xứ Chính tòa đã mời gọi cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho các Cha trong tuần Tĩnh tâm mùa Chay này. Ngài nói đây là dịp để các Linh mục nhìn lại mình, trong suốt thời gian qua đã thực hiện Lòng Thương xót của Chúa cho anh em chưa, đồng thời cũng hướng về Lòng Thương xót của Chúa hầu có thể mang đến cho mọi người được hưởng Lòng Thương xót của Chúa.

Trong bài giảng lễ, Cha Giuse Ngô Sĩ Định, nguyên Bề trên Tĩnh dòng Đa Minh chia sẻ, qua bài đọc và bài Tin mừng hôm nay: Ngài nhấn mạnh về sự ghen ghét dẫn đến sự hận thù của các anh em ông Giuse vì được cha là ông Gia Cóp yêu thương. Từ sự ghen tỵ mà đành lòng đem bán em ruột của mình cho những người thương buôn mang sang Ai Cập. Để rồi 14 năm sau, khi nạn đói hoành hành, các anh em của ông Giuse phải đi mua lương thực tại Ai Cập thì gặp ông Giuse lúc này đã là Tễ tướng. Tuy nhiên ông Giuse vẫn độ lượng và nhân từ vì tin rằng đây là sự an bài sắp xếp của Thiên Chúa. Long Thương xót của Chúa đã sắp đặt để cứu gia đình ông Gia Cóp khỏi cơn đói.

Trong phần tạ lễ, Đức Tổng Giám mục cùng Linh mục đoàn đồng tế và Cộng đoàn sốt sắng đọc Kinh Lòng Thương xót. Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục ban ơn Toàn xá cho Cộng đoàn tham dự Thánh lễ.

Trương Trí
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ông Trọng đã có cờ để phất chưa ?
Phạm Trần
13:23 26/02/2016
ÔNG TRỌNG ĐÃ CÓ CỜ ĐỂ PHẤT ?

Âm mưu chà đạp lên Hiến pháp để cướp quyền được biểu tình của dân và tranh quyền Lập pháp với Quốc hội đang diễn ra trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyện này đã được bạch hóa tại phiên họp ngày 17/02/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội hõan thảo luận dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp cuối cùng (thứ 11) của Quốc hội khóa XIII, dự trù diễn ra từ ngày 21/3 đến 6/4/2016.

Theo lời ông Hà Hùng Cường thì trong Chính phủ “vẫn còn những ý kiến khác nhau về nhiều nội dung của dự án luật” do Bộ Công an chủ động sọan thảo có hợp tác của hai Bộ Tư Pháp và Quốc Phòng.

Ông Cường không cho biết “còn khác nhau” ỡ chỗ nào, nhưng tại một phiên họp với Quốc hội cuối năm 2015, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: “ Bộ Công an được Chính phủ giao soạn thảo Luật Biểu tình để trình Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật Biểu tình đã xây dựng xong và đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, về một số vấn đề nhạy cảm, hiện các bộ liên quan chưa cho ý kiến, như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

Do vậy, nếu đưa Luật Biểu tình vào để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tập hợp ý kiến các bộ liên quan.” (Báo Người Lao Động/ ngày 11/12/2015)

Tuy nhiên, Tướng Nam không nói ra hay báo chí Việt Nam không được phép viết ra những vấn đề được gọi là “nhạy cảm”. Hai bộ Công An và Quốc Phòng vẫn thường nêu ra nỗi lo người biểu tình sẽ lợi dụng Luật để chống đảng, chống nhà nước và chống luôn cả Trung Quốc nên đã tìm mọi cách trì hõan trình ra Quốc hội, dù Bộ Công An được giao trách nhiệm sọan Luật biểu tình.

Dự Luật này đã bị Chính phủ xin lùi thêm từ kỳ họp thứ 9 tháng 6/2015 sang kỳ họp 11 năm 2016 nên tại phiên họp ngày 17/2 (2016),Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã nói thẳng : “Dự án Luật Biểu tình đã lùi quá nhiều lần. Chỉ một ngày trước phiên họp này, Chính phủ lại gửi tờ trình xin tiếp tục lùi nữa. Đề nghị UBTVQH có ý kiến chính thức với Chính phủ về việc này”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đặt vấn đề: “Chính phủ ý kiến thế nào về vấn đề này? Tại sao cứ lùi mãi thế, không làm được hay không chịu làm, cứ bàn ra bàn vào mãi rồi. Quốc hội, Bộ chính trị đã quyết định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi?".

Ông Hùng, người sẽ nghỉ hưu khi Quốc hội Khóa XIII chấm dứt nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV ngày 22/05/2016 nói thêm: “Tôi thấy chương trình kỳ họp thứ 11 đã khá nặng rồi, không nên bổ sung thêm nữa. Nhưng Luật Biểu tình thì đã có trong chương trình và cũng đã điều chỉnh thời hạn nhiều lần rồi, nay không trình được phải báo cáo rõ trách nhiệm trước Quốc hội, chứ UBTVQH không thể quyết nghị cho lùi được. Phải có lý do rất chính đáng cho việc này” (Báo Giáo dục Việt Nam, 17/02/2016)

Đáng chú ý, theo lời Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thì không những Quốc hội mà cả Bộ Chính trị cũng đã đồng ý đem Dự Luật Biểu tình ra thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp chót của Quốc hôi XIII, nhưng Chính phủ vẫn không tuân thì coi như Cơ quan Hành pháp đã “bóp chết” nó mà chưa có hy vọng sẽ được hồi sinh tại nhiệm kỳ khóa Quốc hội XIV (2016-2021).

Vậy trách nhiệm trì hõan Luật Biểu tình có quy về Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nguyễn Tấn Dũng hay nằm gọn trong sân của 3 Bộ Công An, Quốc Phòng và Tư Pháp ?

Không thấy phiá Chính phủ giải thích nó đang bị nghẽn ở đâu, nhưng ai cũng biết hai Bộ Quốc Phòng và Công An có tiếng nói lớn nhất trong công tác sọan thảo.

Người đứng đầu Bộ Công An Trần Đại Quang đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa đảng XII đồng ý đề cử vào chức Chủ tịch nước, chỉ còn chờ được Quốc hội chấp thuận. Nhưng Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ nghỉ hưu, sau ngày Quốc hội chấp thuận người thay thế.

Tuy vậy, trách nhiệm trì hõan Luật biểu tình của hai ông Quang và Thanh không nhỏ vì là những người đứng đầu. Cũng chẳng ai tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu cả hệ thống lãnh đạo đảng và nhà nước, không can dự gì vào quyết định xin Quốc hội đừng vội thảo luận Luật biểu tình.

Và có ai dám đánh cá rằng Ban Tuyên giáo và Quân Ủy Trung ương của Quân đội không quan tâm đến Luật biểu tình, bởi vì Dự luật biểu tình cũng quan hệ đến công tác chống “diễn biến hòa bình” và chống “các thế lực thù địch” của đảng và quân đội.

Đảng cũng đang lo Luật biểu tình sẽ mở đường cho tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên tăng nhanh và giúp cho các Tổ chức xã hội dân sự lớn mạnh để đe dọa đảng cầm quyền.

QUỐC PHÒNG NGỒI LÊN HIẾN PHÁP

Cũng nên biết, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng còn kiêm nhiệm chức Bí thư Quân ủy Trung ương nên chuyện hai phe bảo vệ tư tưởng đảng và trong quân đội chưa đồng tình với Dự luật biểu tình cũng không ai ngạc nhiên.

Vì vậy việc nại cớ còn “một số vấn đề nhạy cảm” mà hai Bộ Quốc Phòng và Tư Pháp còn rụt rè, hay “vẫn còn những ý kiến khác nhau” trong Chính phủ về Luật Biểu tình nên chính phủ xin hõan trình ra Quốc hội đã chứng minh có một thế lực trong đảng không muốn cho dân được biểu tình theo quy định của Hiến pháp.

Nhưng chẳng nhẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không biết Điều 25 của Hiến pháp đã viết:”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” ?

Do đó chừng nào chưa có Luật cho dân thực hành quyền biểu tình thì đảng và nhà nước đã công khai chà đạp lên Hiến pháp.

Bằng chứng này đã được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) của Quốc hội, Nguyễn Kim Khoa, phê phán có “nhiều nội dung không hợp lý” trong văn thư giải trình chống Luật biểu tình của Bộ Quốc phòng.

Đó là:

“Thứ nhất, Bộ Quốc phòng cho rằng đây là đổi mới về chính trị. Chúng tôi cho rằng nhận thức như vậy là không đúng. Đây là đảm bảo về quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là đổi mới chính trị.

Thứ hai, Bộ Quốc phòng cho rằng chờ bao giờ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới làm. Chúng ta đang làm cái này để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chứ không phải là chờ ổn định rồi làm.

Thứ ba, Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Nghị định trước, tổng kết Nghị định rồi mới xây dựng luật. Chúng tôi thấy rằng, Nghị định 38 bây giờ đã trái với Hiến pháp. Chúng ta mà làm Nghị định thì càng trái với Hiến pháp, không phù hợp với Hiến pháp, trong đó rất nhiều nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Ông Khoa nói thẳng: “Văn bản Bộ Quốc phòng gửi, nhiều nội dung các đồng chí kiến nghị không hợp lý. Tôi cũng đề nghị các đồng chí bên Chính phủ nghiên cứu trình tự xây dựng pháp luật ưu tiên thực hiện Hiến pháp. Chúng ta hiện nay không có trình tự rõ ràng, kể cả các luật liên quan tới quốc phòng.”

Báo chí Việt Nam trích lời ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng:” Biểu tình là quyền tự do công dân được Hiến pháp quy định và là nội dung được luật hóa cuối cùng nên sự cần thiết là hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

“Nghị định 38 là hạn chế quyền công dân và con người. Nếu cứ dùng để quản lý an ninh quốc gia và trật tự xã hội, hạn chế quyền công dân là trái với Hiến pháp. Tôi đi khảo sát các đơn vị của Bộ công an đều yêu cầu phải làm ngay.”

Ông Khoa nói:”Qua nghiên cứu thẩm tra dự thảo Luật Biểu tình của Bộ Công an gửi sang, chúng tôi thấy rất công phu và có thể trình ra được, không có gì phức tạp…Chúng ta không thể chỉ sửa nóc nhà. Cái chúng ta không làm, cái không cần thì các đồng chí lại làm”.

NGUYỄN TẤN DŨNG-LUẬT BIỂU TÌNH

Thì ra Bộ Quốc phòng là thủ phạm chính của âm mưu bóp chết Dự án Luật biểu tình trong trứng nước. Bộ này đã cố ý diễn giải với chủ tâm chống ”đổi mới về chính trị” để không cho dân thực thi quyền làm chủ đất nước.

Và khi Bộ Quốc phòng đặt điều kiện phải “chờ bao giờ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới làm” luật Biểu tình là hành động cực kỳ phản động và phản dân chủ. Nhưng lấy tiêu chuẩn nào để đo lường, hay cơ chế nào của nhà nước có khả năng và thẩm quyền đánh gía mức độ chính xác Việt Nam đã được “bảo đảm an ninh quốc gia” và “trật tự an tòan xã hội” ?

Còn chuyện Bộ Quốc phòng đề nghị ra thêm Nghị định hay tu sửa Nghị định 38/2005/NĐ-CP, ban hành ngày 18 tháng 3 năm 2005 (thời Thủ tướng Phan Văn Khải) “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công” thì Tướng Phùng Quang Thanh và Tướng Công an Trần Đại Quang hãy banh tai ra mà nghe câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 25/11/2011.

Ông Dũng nói:”Chính phủ đã ban hành nghị định số 38 để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này nhưng Nghị định của chính phủ hiệu lực thấp chưa đáp ứng yêu cầu, tầm vóc như Hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Chính phủ mới thấy phải kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có bộ luật, một luật biểu tình. Luật đó phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật, đồng thời luật đó có yêu cầu ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, nhân dân.” (ViệtNamNet, 25/11/2011)

Nếu ý của ông Dũng chưa chọc thủng được những cái đầu tăm tối của hai Bộ Công an và Quốc phòng thì họ hãy giương mắt to ra để hình dung khi ông Thủ tướng giải thích Chính phủ đã căn cứ vào đâu để đề nghị Luật Biểu tình.

Bắt đầu bằng câu hỏi của Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình):” Xin đồng chí Thủ tướng Chính phủ cho cử tri biết rõ thêm về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật có Luật biểu tình ?”

Ông Dũng đáp:”Về căn cứ đề nghị xây dựng Luật Biểu tình, thái độ, chủ trương của Chính phủ khi dân bày tỏ lòng yêu nước.

Căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH đưa vào chương trình xây dựng Luật biểu tình, có mấy căn cứ Chính phủ thảo luận, đề nghị:

Thứ nhất, thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp (1992) điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có luật biểu tình. Như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu xây dựng luật biểu tình. Tôi muốn nói ngắn gọn là căn cứ thực hiện Hiến pháp.

Thứ hai, trên thực tế, các vị đại biểu Quốc hội ngồi đây đều chắc thấy rõ một thực tế trong cuộc sống của chúng ta đã có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Có thực tế như thế. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền mà được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Đã khó như vậy sẽ nảy sinh những lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, đã xuất hiện những việc lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại xã hội.

Thứ ba, trước thực trạng như thế, Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa trước, Quốc hội khóa trước đã ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này. Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét ý kiến của Chính phủ.” (ViệtNamNet, 25/11/2011)

Bây giờ sự việc đã đi ngược lời giải trình rất được lòng dân thời 2011 của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng chẳng nhẽ vì ông Dũng đã mất quyền và hết cả thế trong hệ thống cai trị sau Đại hội đảng XII nên ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người thắng cuộc, đã lật ngược thế cờ để phất ? -/-

Phạm Trần

(02/016)



 
Thông Báo
Phân ưu cùng tang quyến Bà Cụ Maria Nguyễn thị Nhiẽm qua đời tại Chino Hills, Caliofornia
LM Trần Công Nghị và Ban Giám Đốc
14:30 26/02/2016
PHÂN ƯU:
Chúng tôi vừa nhận được ai tín
Bà MARIA NGUYỄN THỊ NHIỄM
(thân mẫu Anh chị Nguyễn Thanh - Minh Hà, cộng tác viên VietCatholic)
vừa qua đời chiều ngày 16 tháng 02 năm 2016 tại tư gia, Thành Phố Chino Hills, California
Hưởng thọ 93 tuổi.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
Thứ Sáu ngày 26/02/2016:
Phát tang và thăm viếng từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối
Tại Heritage Dilday Memorial, 17911 Beach Blvd, Huntington Beach, CA 92647

Thứ Bảy ngày 27/02/2016:
Thánh Lễ An táng lúc 10 giờ sáng,
Tại Nhà Thờ Bless Sacrament Church, 14072 Olive St, Westminster CA 92683.
Sau Thánh Lễ Linh Cửu Cụ Bà Maria sẽ được yên nghỉ tại Nghĩa Trang nhà Thờ Kitô
(Crystal Cathedral) 13280 Chapman Avenue, Garden Grove, CA 92840

Xin Thiên Chúa thưởng công ban sự sống muôn đời cho Linh hồn Maria
và xin Ngài ủi an nâng đỡ người chồng thân yêu là Cụ Ông Nguyễn minh Xuân
và Anh Chị Thanh Hà và những người con thân yêu trong đại gia đình họ Nguyễn.

Thành kính phân ưu
LM Gioan Trần Công Nghị
và Ban giám đốc VietCatholic
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Đẹp Cuối Đông
Nguyễn Đức Cung
20:20 26/02/2016
NGÀY ĐẸP CUỐI ĐÔNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Tao hoá thương ban nhân loại bốn mùa
Xuân hoa, Hạ nắng, Thu vàng, Đông tranh.
(nđc)