Ngày 26-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật thứ Tám Mùa Quanh Năm 27/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:04 26/02/2022

BÀI ĐỌC 1 Hc 27:4-7

Bài trích sách Huấn Ca.

Sàng rồi, trấu ở lại sàng,

nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay.

Có thử lửa mới biết bình thợ gốm,

nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.

Xem quả thì biết vườn cây,

nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.

Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng:

muốn biết người, phải nghe miệng nói năng.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA Tv 91: 2-3, 13-14, 15-16

Đáp: Lạy Chúa thiện hảo thay việc khen ngợi Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Cr 15:54-58

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Pl 2:15d,16a

Alleluia. Alleluia.

Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 6:39-45

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này:

“Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.

Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?

Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra,’ trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?

Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!

Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

Đó là Lời Chúa.
 
Gieo và gặt
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:15 26/02/2022

“Gieo và gặt”
Suy niệm từ Sứ Điệp Mùa Chay 2022

Lời đầu của Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: Trong hành trình Mùa Chay 2022, chúng ta sẽ suy gẫm về lời khích lệ của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galát: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a).

1. Gieo và gặt.

“ ‘Gieo và gặt’. Bằng những lời này, thánh Tông đồ gợi lên hình ảnh gieo và gặt, rất đỗi thân thương với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một dịp hay một thời cơ thích hợp để gieo vãi điều tốt, hướng nhìn về một vụ mùa tương lai” (Sứ điệp Mùa Chay).

Nhạc sĩ Thông Vi Vu viết ca khúc “Gieo và Gặt” với ca từ đậm chất thơ và nhiều ý nghĩa nhân quả.

Gieo thành thật, gặt được niềm tin.
Gieo lòng tốt, gặt về thân tình.
Gieo kiên nhẫn, sẽ gặt quang vinh.
Gieo tha thứ, sẽ gặt được an bình.

Gieo dối trá, sẽ ra ngờ vực.
Gieo ích kỷ, sẽ chỉ cô đơn.
Gieo kiêu hãnh, sẽ lãnh đau thương.
Gieo đố kỵ, là ky cóp muộn phiền.

Gieo cay đắng, sẽ tăng hủy diệt.
Gieo biếng lười, ra người buông trôi.
Gieo lo lắng, tay trắng âu lo.
Gieo tội lỗi, suốt đời gặt tội lỗi.

Có gieo thì mới có gặt. Gieo giống nào thì gặt giống đó. Thánh Phaolô viết: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6,7-9).

Hạt giống tốt mới có thể nảy mầm tốt, lớn thành cây tốt và sinh hoa trái tốt. Chúa Giêsu xác định: “Xem quả thì biết cây” (Mt 12,33; Lc 6,44). Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây sâu không thể sinh trái ngọt. Đời sống tinh thần cần có “hạt giống tâm hồn”. Đời sống tâm linh rất cần “hạt giống Lời Chúa”.

Chúa Giêsu ví lời giảng dạy của Ngài như hạt giống trong tay người nông dân. Hạt giống gieo trên những loại đất khác nhau, số phận các hạt giống khác nhau. Lời Chúa cũng có nhiều số phận khác biệt. Có lời sinh lợi muôn vàn lời. Có lời sống èo uột bị bóp nghẹt. Có lời làm tròn sứ mạng được uỷ thác. Có lời biến mất như rơi vào cõi hư không. Khác biệt về thành quả không hệ tại bởi hạt giống mà bởi phẩm chất ruộng đất. Thửa ruộng mà Chúa Giêsu nói đến không phải ruộng trên mặt đất mà là cõi lòng con người.

Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11). Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm hồng ân Thiên Chúa chan hòa như mưa móc: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65,10-12).

Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa gặt phong nhiêu…Còn nhiều lắm những mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận Lời Chân Lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”.

Nếu gieo điều lành, sự thiện, yêu thương thì gặt về cũng gấp nhiều lần điều tốt, điều hay, sự lành. Mỗi người đều là quà tặng của Thiên Chúa cho nhau, vì mỗi người đều có hạt giống của sự tốt lành Thiên Chúa ban. Sống sự tốt lành của Thiên Chúa thì được sống dồi dào và phong phú.

2. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha khai triển một số khía cạnh trong câu nói của thánh Phaolô tông đồ.

“Đừng quản ngại từ nan khi tích cực làm các việc bác ái đối với những người thân cận. Trong suốt Mùa Chay này, chúng ta hãy vui vẻ thực hành bố thí (x. 2 Cr 9,7). Thiên Chúa là “Ðấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo, và bánh nuôi mình cho họ” (2 Cr 9,10), ban cho mỗi người chúng ta không chỉ có lương thực để ăn, mà còn để quảng đại làm điều tốt cho người khác. Dù đúng là chúng ta có cả cuộc đời để gieo vãi sự tốt lành, nhưng chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để quan tâm đến những người thân cận với chúng ta, để làm cho những anh chị em đang bị tổn thương trên đường đời trở thành những người thân cận với chúng ta (x.Lc 10,25-37).

Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm gặp, chứ không phải để lảng tránh những người thiếu thốn; để tiếp cận, chứ không phớt lờ những người muốn được lắng nghe và cần một lời nói tử tế; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời mời gọi làm điều tốt lành với tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người nghèo hèn và yếu đuối, những người bị bỏ rơi và khinh miệt, những người bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “chính khi gieo vãi để mưu ích cho tha nhân, chúng ta tham gia vào lòng đại đảm của Thiên Chúa… Sự gieo vãi mưu ích cho tha nhân giải thoát chúng ta khỏi những tiêu chuẩn hẹp hòi của lợi lộc bản thân và mang lại cho hành động của chúng ta sắc thái nhưng không, quảng đại, tháp nhập chúng ta vào chân trời tuyệt diệu của những kế hoạch từ nhân của Thiên Chúa”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Nếu trọn cuộc sống của chúng ta là thời kỳ gieo vãi điều thiện, chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay để chăm sóc những người ở gần, trở nên gần gũi với những anh chị em bị thương tổn trên đường đời (Lc 10,25-37).

3.“Hãy làm điều thiện cho mọi người”

Điều thiện đầu tiên đó là bác ái được được biểu lộ cụ thể qua hành động cho đi, dù không phải đòi hỏi những thứ vật chất lớn lao, nhưng quan trọng hơn hết là ở tấm lòng của người đem cho. Chúng ta hãy cho bằng cả tấm lòng chân thành, bằng tình yêu xuất phát từ chính Thiên Chúa chứ không vì tư lợi. Mẫu gương của bà goá nghèo bỏ tiền vào thùng dâng cúng trong đền thờ. Chúa Giêsu khen ngợi bà: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết” (Lc 21,3).

Điều thiện thứ hai là bác ái trong lời nói. Người ta thường nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói ra 4 con ngựa cũng không đuổi kịp. Trong mùa chay này, chúng ta nên tập luyện chuyện miệng lưỡi để. Không nói trong khi tức giận, vì lời nói lúc ấy không thể kiểm soát được, thường khó nghe, đôi khi sẽ làm tổn thương đến người khác. Không nên nói những lời tiêu cực, cuộc sống và những người xung quanh đang cần những điều tích cực; có rất nhiều người đang cần được cổ vũ, động viên và khích lệ. Không nên nói những lời oán trách, vì khi đó sẽ dẫn tới nhiều bất hòa, nghi ngờ, và gây ra chia rẽ. Không nên nói những lời tổn thương người khác, bởi khi ấy chúng ta đang đánh mất tình yêu tha nhân. Không nên nói những lời khoe khoang, vì mình đang phóng đại công trạng, tự mãn dễ trở thành kiêu ngạo. Cũng không nên tiết lộ những chuyện riêng tư của người khác, đó là giữ uy tín; bởi lẽ, khi được nghe những tâm tư của người khác, là chúng ta đang được tin tưởng, chính vì thế đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng chỉ bằng một lời nói.(Jos Lưu Hành, SDB).

Gieo gì gặt nấy. Gieo bác ái chúng ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập đời sống hàng ngày.

Ba thực hành đạo đức, bác ái ăn chay và cầu nguyện là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình, không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa (x.Mt 6,1-6).

Mùa Chay là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năn sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên sẽ tạo cho ta một nội lực một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình vào bất cứ điều gì.

Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn. Chúng ta sẽ trổ sinh những hoa quả của Thánh Linh (Gal 5,22). Một trong những hoa trái của Thánh Linh là đức ái.

Đức bác ái Kitô giáo là tình yêu đối với Thiên Chúa giáu lòng xót thương được cụ thể hóa bằng hành động yêu thương phục vụ tha nhân.
Làm việc bác ái, chúng ta gieo và gặt được cuộc sống thánh thiện của Mùa Chay

Mùa Chay thánh thiện là mùa xuân tâm hồn cho những ai sống vững vàng trong đức tin và dạt dào lòng yêu mến.
 
Chỉ thiếu có một điều
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:14 26/02/2022
Chỉ thiếu có một điều

(Thứ Hai sau CN VIII TN – Mc 10,17-27)

“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người thanh niên trong câu chuyện Tin Mừng tường thuật chắc hẳn khi đặt câu hỏi trên với Chúa Giêsu thì anh ta cách nào đó cảm nghiệm rằng số gia tài kếch xù của anh hiện nay chưa phải là hạnh phúc thật. Dù có sở hữu của cải thế trần bao nhiêu đi nữa thì cũng chưa phải là có được sự sống đời đời.

Chúng ta phải ngạc nhiên về mức đạo hạnh của người thanh niên khi anh khẳng định rằng anh ta đã giữ các giới răn mà Chúa Giêsu kể ra đó là: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian”. Anh ta còn “không làm hại ai và còn biết thảo kính cha mẹ”, thế mà Chúa Giêsu vẫn nói với anh rằng: “Anh chỉ còn thiếu một điều…”. Và điều còn thiếu mà Chúa Giêsu nói đó là “hãy đi bán tất cả những gì anh có mà tặng cho người nghèo rồi đến mà theo Người”.

Phải chăng Chúa Giêsu đòi hỏi điều quá khó? Dĩ nhiên theo cái nhìn bình thường thì đó là quá khó, nhưng thực ra đó là điều cần phải có để được sự sống đời đời. Nếu tin nhận sự sống đời đời là khác với sự sống đời này, nếu nhìn nhận hạnh phúc vĩnh cửu là khác với những thiện hảo đời này thì chúng ta cách nào đó đồng cảm với anh em Phật tử trong câu chuyện như là điển tích “qua sông chớ có lụy đò”. Hiểu và tin nhận hạnh phúc vĩnh cửu, sự sống đời đời là đằng sau cánh cửa sự chết thì việc “từ bỏ” đúng hơn là sống tự do với những thiện hảo đời này là điều tất yếu phải có.

Chúng ta cảm thông với anh đạo đức trong câu chuyện Tin Mừng tường thuật. Anh ta phần nào đó hiểu rằng sự sống đời đời là vượt trên sự sống đời này, tuy nhiên để “từ bỏ” những thiện hảo anh đang có là khối gia tài kếch sù anh đang sở hữu thì quả không mấy dễ. Chúa Giêsu hiểu hiện thực này và Người bày tỏ sự cảm thông qua cái nhìn trìu mến nhưng Người vẫn mạnh mẽ khẳng định rằng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”.

Nói đến giàu có thì chúng ta thường nghĩ đến sự sung túc tiền của vật chất. Tuy nhiên có đó tình trạng giàu có về công lao đạo đức về quyền uy và chức vị. Nhiều người biệt phái thời Chúa Giêsu xem ra quá “lụy đò” với công trạng đức hạnh của mình, dù rằng có nhiều trường hợp chỉ là đạo đức hình thức bên ngoài. Nhiều Thượng tế và kỳ lão Do Thái giáo cũng như các kinh sư bấy giờ cũng dường như quá ‘lụy đò” với chức vị và quyền uy, khối kiến thức và nhất là truyền thống của mình.

“Qua sông chớ có lụy đò”. Đã đến bờ mà còn vương vẫn, dính chặt vào con thuyền rồng lộng lẫy, đầy uy quyền và vàng bạc châu báu thì mãi sẽ không lên bờ được. Với thân phận con người thì việc sống tự do với những thiện hảo đời này thật quá khó. Và như thế việc hưởng được sự sống đời đời, được hạnh phúc vĩnh cửu đối với loài người thì như là không thể. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho chúng ta niềm hy vọng đó là “đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể”, vì hạnh phúc vĩnh cửu là quà tặng Thiên Chúa thương ban cho chúng ta chứ không phải là điều chúng ta chiếm hữu.

Dù có lụy đò mấy đi nữa thì thuyền đến lúc cũng cập bến nghĩa là cánh cửa sự chết vẫn mở ra với mọi người. Thiên Chúa có cách của Người để đưa chúng ta đến bờ bình an. Với người này thì bồng ẵm trên tay, với người kia thì chỉ bày cho giác ngộ, với người nọ thì kéo mạnh tay và cũng có thể với ai đó thì Người đánh đắm con thuyền và họ phải “lóp ngóp” lên bờ thôi. Hy vọng rằng chẳng có một ai khi thuyền đã đắm (nghĩa là cánh cửa sự chết mở ra) mà vẫn không chịu lên bờ.

Ước gì chúng ta tập thói quen tốt là dọn mình chết lành mỗi khi đêm về. Đây là một trong những cách thế mà các nhà tu đức khuyên dạy chúng ta để biết tập sống tự do hơn với con thuyền đang đi dù nó có sang trọng hay đắt giá đến đâu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:37 26/02/2022
Chương 46:

VU CÁO, GHEN GHÉT



“Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tuông cùng mọi lời nói xấu gièm pha.”(1 Pr 2, 1)

1. Muốn người ta hành động xấu thì làm ô uế lòng mình; nói chuyện xấu của người ta thì làm ô uế miệng mình; lấy đồ nhơ bẩn của người ta thì làm ô uế tay mình.

(Thánh Christopher)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:43 26/02/2022
7. CHẾT NHẦM NGƯỜI

Mẹ vợ của người nọ chết, ông ta muốn truy điệu bèn nhờ thầy giáo tư (gia sư) viết văn tế cho mình, thầy giáo chiếu theo sách cổ viết một bài văn truy điệu cho cha vợ.

Chủ nhân trách thầy giáo, thầy giáo mở trang giấy có lời tế văn ra nói:

- “Đây là sách cổ giấy trắng mực đen, in ra rất rõ ràng, sao lại sai được chứ? Chỉ sợ là nhà nhạc phụ của ngài chết lầm người mà thôi !”

(Quảng Đàm Trợ)

Suy tư 7:

Với người có đức tin Ki-tô giáo thì chết đi là một niềm vui, vì về với Đức Chúa Giê-su, Đấng mà họ trông đợi kết hợp với Ngài; nhưng với những người không có đức tin thì chết là một nỗi buồn không thể tả được, vì họ mất đi vĩnh viễn một người thân thiết...

Thời nay, người lương và người có đạo sống chung lẫn lộn, lương giáo kết bạn với nhau, làm việc với nhau, cùng nhau chia sẻ những vui buồn, nên việc tang chế họ đều có đến chia buồn với nhau, cho nên đừng làm cho họ hiểu lầm khi người Ki-tô hữu mất đi người thân yêu là chuyện đáng vui vẻ !?

Có những người khi đi truy điệu phúng điếu, trên bức liễn thêu một hàng chữ nổi bật: “Nhóm....Xin thành thật chia vui.” rồi chấm hết, họ đem giấy trắng mực đen ra nói rằng đây là thư thánh Phao-lô viết rất rõ ràng, rồi nói “quý vị không học Kinh Thánh nên không hiểu”...

Người không phải là Ki-tô hữu sẽ hiểu sao về câu “chia vui” ấy, người bên lương hiểu sao về câu ấy, những người Ki-tô hữu khác hiểu sao về câu “chia vui” cụt lủn ấy???

Người ta có ác cảm với đạo Công Giáo cũng có khi vì những câu cụt lủn ấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thật là quá đáng: Putin viện lý do tôn giáo để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine
Đặng Tự Do
05:13 26/02/2022


Kiev đang tiếp tục quấy rối giáo dân và giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lập trường trên hôm 21 tháng Hai.

“Kiev đang tiếp tục chuẩn bị một cuộc đàn áp đối với Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa,” ông nói trong một bài phát biểu trước quốc dân Nga.

Ông Putin lưu ý rằng đây không phải là một đánh giá cảm tính mà là một đánh giá dựa trên tài liệu.

Ông nói tiếp rằng:

“Các nhà chức trách Ukraine đã biến thảm kịch Giáo Hội bị chia cắt thành một công cụ của chính sách nhà nước. Lãnh đạo hiện tại của đất nước không đáp ứng yêu cầu của công dân Ukraine về việc bãi bỏ các luật xâm phạm quyền của các tín đồ”.

“Hơn nữa, các dự luật mới chống lại các giáo sĩ và hàng triệu giáo dân của Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã được đưa ra Quốc Hội Ukraine bàn thảo.”

Diễn biến này thật là quá đáng. Nó là dấu chỉ phản chứng cho niềm tin Kitô. Ông Putin tự xưng mình là Kitô Hữu nhưng lại xuyên tạc một sự thật tôn giáo để biện minh cho hành vi hiếu chiến của mình.

Trước ngày 5 tháng Giêng, 2019, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kiev và Toàn Ukraine.

Sau biến cố này, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa liên tục tấn công Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và các vị Thượng Phụ Chính Thống Giáo ủng hộ cho Giáo Hội Chính Thống Ukraine.

Đức Thượng Phụ Kirill cấm không cho các linh mục Chính Thống Giáo Nga hiệp thông thánh thể với các Giáo Hội Chính Thống Giáo ủng hộ Ukraine, và thời gian gần đây còn săn trộm các linh mục của họ và thiết lập Tòa Thượng Phụ Phi Châu ngay trên lãnh thổ của Tòa Thượng Phụ Alexandria.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Hai, Đức Thánh Cha nói: “Thật đáng buồn biết bao, khi có những dân tộc và con người tự hào là Kitô lại coi người khác là kẻ thù và nghĩ đến chuyện gây chiến với nhau! Thật đáng buồn.” Đó là một tham chiếu rõ rệt đến Putin, nước Nga và Chính Thống Giáo Nga.
Source:Interfax
 
HĐGM Ba Lan kêu gọi người dân mở rộng trái tim cởi mở và hiếu khách đối với những người tị nạn từ Ukraine
Đặng Tự Do
05:15 26/02/2022


Chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo của Ba Lan đã kêu gọi người Ba Lan thể hiện “trái tim cởi mở và hiếu khách” với những người tị nạn từ Ukraine trong trường hợp có thêm các hành động quân sự.

Trong một thông điệp ngày 21 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki than thở về sự leo thang căng thẳng ở Ukraine, bao gồm cả vụ pháo kích được báo cáo vào một trường mẫu giáo ở vùng Đông Nam Donbass.

“Trong hoàn cảnh này… tôi kêu gọi đồng bào hãy có trái tim rộng mở và hiếu khách đối với những người tị nạn từ Ukraine, những người muốn tìm nơi trú ẩn chiến tranh ở Ba Lan”

“Mọi người đều có quyền được sống trong hòa bình và an ninh. Mọi người có quyền tìm kiếm cho mình và người thân những điều kiện bảo đảm cuộc sống an toàn”.

Lời kêu gọi này là thông điệp mới nhất trong một loạt các biện pháp can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki, tổng giám mục của Poznań, miền tây Ba Lan.

Tháng trước, ngài là một trong những người ký thông điệp chung với các giám mục Công Giáo ở Ukraine và Ba Lan, trong đó nhấn mạnh rằng căng thẳng gia tăng với Nga gây ra “một mối nguy lớn” cho toàn bộ Âu Châu.

Vào ngày 12 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục đã kêu gọi các linh mục trên khắp Ba Lan cử hành các buổi cầu nguyện cho hòa bình.

Hai ngày sau, ngài kêu gọi các giám mục Chính thống giáo và Công Giáo của Nga và Ukraine đoàn kết cầu nguyện với Ba Lan để ngăn chặn một cuộc chiến quy mô lớn.

Tòa Bạch Ốc cho biết vào tối Chúa Nhật rằng Tổng thống Joe Biden đã đồng ý “về nguyên tắc” tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ba Lan là một quốc gia Trung Âu với dân số gần 38 triệu người có biên giới với cả Nga và Ukraine. Ước tính có khoảng hai triệu người Ukraine hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan.

Các quan chức Ba Lan tin rằng có tới một triệu người Ukraine, trong tổng dân số 44 triệu người, có thể tị nạn ở Ba Lan trong trường hợp bị Nga xâm lược toàn diện.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nói: “Lịch sử của Ba Lan cho thấy trong nhiều thế kỷ, quê hương của chúng ta là nơi ẩn náu của những người tôn trọng văn hóa và luật pháp Ba Lan, đã chạy trốn khỏi sự ngược đãi và thù hận”.

“Trong những năm gần đây, Ba Lan đã mở cửa cho những người mới đến từ Ukraine, những người sống giữa chúng ta, làm việc với chúng ta, cầu nguyện trong các nhà thờ Ba Lan và học tại các trường học ở Ba Lan.”

“ Mong lòng hiếu khách của chúng ta đối với người tị nạn được thể hiện cụ thể trong sự hỗ trợ mà chúng ta muốn cung cấp cho họ với sự giúp đỡ của các tổ chức bác ái của chúng ta – như Caritas Ba Lan, Caritas giáo phận và giáo xứ, và các hiệp hội khác.”

Đức Tổng Giám Mục nói rằng Caritas Ba Lan, tổ chức bác ái lớn nhất của đất nước, đang chuẩn bị hỗ trợ thêm cho những người tị nạn từ Ukraine.

Trong khi đó, Đại học Công Giáo Gioan Phaolô II Lublin, gọi tắt là KUL, ở miền đông Ba Lan, cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ cung cấp cho sinh viên Ukraine mọi sự trợ giúp có thể.

“Đối với tình hình hiện tại ở biên giới Ukraine-Nga và những mối đe dọa nghiêm trọng mà tình hình này gây ra, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với người dân Ukraine,” Hiệu trưởng KUL cho biết trong một tuyên bố ngày 21 tháng Hai.

“Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt tới hàng trăm sinh viên KUL từ Ukraine. Chúng tôi bảo đảm với bạn rằng trường đại học của chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ anh chị em bằng mọi cách mà chúng tôi có thể.”
Source:Catholic News Agency
 
Ngỡ ngàng: Hai thành viên trong Học viện Giáo hoàng về sự sống lại ủng hộ luật trợ tử
Đặng Tự Do
05:16 26/02/2022


Tờ National Catholic Register vừa có bài viết nhan đề “Pontifical Academy for Life Members’ Support for Assisted Suicide Draws Criticism” nghĩa là “Sự ủng hộ của các thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống gây ra chỉ trích”.

Đức Hồng Y Willem Eijk, một bác sĩ y khoa và là một thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống, kiên quyết bác bỏ sự ủng hộ này, và cho rằng trợ tử và an tử đều chịu 'trách nhiệm đạo đức như nhau' trong việc thực hiện một vụ giết người.

Hai thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống của Vatican đã bị chỉ trích vì công khai kêu gọi ủng hộ việc trợ tử như một chiến thuật nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa hành vi chết tự nguyện ở Ý.

Linh mục Dòng Tên Carlo Casalone, giáo sư thần học luân lý tại Đại học Giáo hoàng Gregôriô, đã đề xuất một đường lối, mà các nhà phê bình nhấn mạnh là hoàn toàn mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội, trong một bài báo ngày 15 tháng Giêng trên tờ La Civilta Cattolica, nghĩa là Văn Minh Kitô, của Dòng Tên - một tạp chí có các bài báo đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh duyệt xét.

Quan điểm của vị linh mục này được ủng hộ bởi thành viên học viện Marie-Jo Thiel, giáo sư đạo đức học tại Đại học Strasbourg, là người đã viết trên tờ Le Monde của Pháp vào ngày 31 tháng Giêng rằng gợi ý của Cha Casalone là một dấu hiệu của một sự thay đổi lớn hơn trong quan điểm của Giáo hội.

Cha Casalone, một bác sĩ cũng là người đứng đầu Tổ chức Hồng Y Carlo Martini, đã viết bài báo của mình trước khi Tòa án Hiến pháp Ý đưa ra quyết định về việc nước này có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về trợ tử tự nguyện hay không.

Tòa án đã hợp pháp hóa hỗ trợ tự tử trong những điều kiện rất cụ thể và được xác định rõ ràng vào năm 2019, nhưng điều đó đã dẫn đến việc các nhà vận động ủng hộ hành vi trợ tử thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về trợ tử tự nguyện.

Chiến dịch vận động của họ đã kết thúc tại Tòa án Hiến pháp trong tháng này, với sự ủng hộ của 1.2 triệu chữ ký từ những người ủng hộ quyền trợ tử, vượt xa con số 500,000 cần thiết để tổ chức một cuộc phổ thông đầu phiếu sửa đổi các luật hiện hành.

Nhưng tòa án đã bác bỏ yêu sách này vào ngày 15 tháng 2, phán quyết rằng một cuộc trưng cầu dân ý là “không thể chấp nhận được” và cho rằng sự thay đổi trong luật hình sự của đất nước để cho phép trợ tử tự nguyện sẽ không bảo đảm “sự bảo vệ tối thiểu cần thiết theo hiến pháp đối với cuộc sống con người nói chung và cách riêng khi đề cập đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương”.

Tự sát được hỗ trợ về mặt y tế liên quan đến việc một người mắc bệnh gần kề cái chết hoặc bệnh nan y muốn kết thúc cuộc sống của họ theo yêu cầu của chính họ bằng một liều thuốc gây chết người; luật trợ tử tự nguyện cho phép các bác sĩ giết một cách hợp pháp một bệnh nhân mắc bệnh nan y và đau đớn hoặc trong tình trạng hôn mê không thể hồi phục, với sự đồng ý của bệnh nhân.

Cha Casalone lập luận trong bài báo của mình rằng việc đưa ra “đánh giá tiêu cực tổng thể” về luật kêu gọi cho phép trợ tử tự nguyện sẽ có nguy cơ “ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý” và mục đích hợp pháp hóa điều đó của cuộc trưng cầu dân ý.

Do đó, ông đề nghị viện dẫn nguyên tắc “luật không hoàn hảo”, theo đó, trong một số trường hợp, một chính trị gia Công Giáo có thể bỏ phiếu ủng hộ một đạo luật hạn chế một đạo luật đã được thông qua trái với giáo huấn của Giáo hội, chẳng hạn như bỏ phiếu để giảm thời gian cho phép phá thai từ 24 xuống còn 16 tuần.

Trong trường hợp này, ông tin rằng nguyên tắc đó có thể áp dụng cho việc ủng hộ trợ tử tự nguyện, với mục đích là giảm bớt tội ác, để ngăn chặn tệ nạn lớn hơn là an tử tự nguyện - một gợi ý dường như cũng nhận được sự đồng cảm nào đó từ chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, là Đức Ông Renzo Pegoraro.

“Chúng ta đang ở trong một bối cảnh cụ thể, với một sự lựa chọn được đưa ra giữa hai lựa chọn, cả hai lựa chọn – trợ tử hay an tử - đều không đại diện cho quan điểm của Công Giáo,” Đức Ông Pegoraro nói với tờ báo Công Giáo Pháp Le Croix, và nói thêm rằng ngài tin rằng một luật nào đó là một chung cuộc không thể tránh khỏi.

Đức Ông Pegoraro, cũng là một bác sĩ, nói rằng, trong hai khả năng, “trợ tử là phương pháp hạn chế lạm dụng nhất vì nó sẽ đi kèm với bốn điều kiện nghiêm ngặt: người yêu cầu giúp đỡ phải có ý thức và có thể tự do bày tỏ điều đó, phải mắc một căn bệnh không thể hồi phục, phải trải qua những đau khổ không thể chịu đựng được và phụ thuộc vào các phương pháp điều trị duy trì sự sống chẳng hạn như một chiếc máy thở”.

Nhưng Đức Hồng Y Willem Eijk, cũng là một bác sĩ y khoa có bằng cấp và là thành viên của học viện, đã kiên quyết bác bỏ đề nghị và lập luận của Cha Casalone.

Vị Hồng Y tổng giám mục của Utrecht ở Hà Lan lập luận rằng “không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức” giữa tự tử được hỗ trợ về mặt y tế và hành vi an tử, “không phải từ phía bệnh nhân cũng không phải từ phía bác sĩ,” vì cả hai đều chịu “trách nhiệm đạo đức giống nhau” trong việc thực hiện một vụ giết người.

Vị Hồng Y nói với National Catholic Register rằng, khi cho phép trợ tử, “người ta bị ràng buộc để cũng cho phép hành vi an tử,” và do đó lập luận rằng bằng cách cho phép luật trợ tử, người ta có thể ngăn cản luật an tử “không có ý nghĩa gì”.

“Người ta sẽ đơn giản và tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử, bởi vì sự khác biệt về đạo đức giữa cả hai là không đáng kể,” ngài nói.

Đức Hồng Y Eijk cũng bác bỏ lập luận “luật không hoàn hảo”, nói rằng nó đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu ra trong thông điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống (số 73) của ngài trong bối cảnh hạn chế phá thai. Nhưng vị Hồng Y nói rằng “bỏ phiếu cho một đạo luật trợ tử bằng y khoa không hề dẫn đến hạn chế hợp pháp hóa an tử.”

Ngài nói: “Ngược lại, hợp pháp hóa trợ tử bằng y khoa tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử như một bước hợp lý tiếp theo, vì không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức giữa trợ tử bằng y khoa và an tử”.

Jacopo Coghe, phó chủ tịch của nhóm ủng hộ sự sống của Ý Pro Vita & Famiglia Onlus, đồng ý rằng “thật là vô luân khi ủng hộ luật về an tử hay trợ tử. Chấm hết.”

Ông nói thêm rằng những người nghĩ khác “đi ngược lại những cảnh báo được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha Phanxicô và Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.” Coghe cũng nói với tờ National Catholic Register rằng lập luận do Cha Casalone đưa ra là một “đường lối ảo tưởng” sẽ không thể “chịu được áp lực xã hội hoặc sự can thiệp của tư pháp”, như đã từng được chứng kiến với các đạo luật tương tự khác.

Coghe nói, đường lối hành động chính xác là “luôn luôn truyền giáo,” công bố tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới, “điều này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và luôn làm cho nó trở nên xứng đáng”. Ông nói thêm rằng “sự cấp bách của Giáo hội” không phải là “liệu có nên làm hay làm cách nào để thông qua luật hỗ trợ tự tử, mà là giúp hàng triệu người không có kiến thức, bị lừa dối và các tín hữu lầm đường lạc lối đương đầu với thời thế thay đổi và những khủng hoảng mà họ phải đối mặt”.

Jean-Marie Le Méné, chủ tịch của Lejeune Foundation, cho biết những tuyên bố công khai của Cha Casalone và Thiel ủng hộ việc lập pháp cho việc hỗ trợ tự tử đã “làm phiền” các thành viên khác của học viện. Tổ chức được đặt theo tên của Jérôme Lejeune, chủ tịch sáng lập của học viện.

Le Méné, cũng là một thành viên của viện hàn lâm, đã chỉ trích hai thành viên đồng nghiệp của mình trong một bài bình luận trên nhật báo Le Figaro của Pháp, nói rằng “mọi người bày tỏ quan điểm cá nhân là một việc; hoàn toàn khác là sử dụng các vị trí của họ để chính thức liên lụy Học viện Giáo hoàng về Sự sống”. Hơn nữa, ông nói rằng các thành viên khác cũng không hề được hỏi ý kiến, vì học viện không thể ủng hộ những quan điểm trái với huấn quyền của Giáo Hội.

Ông cũng lặp lại việc Hồng Y Eijk bác bỏ việc áp dụng số 73 của thông điệp Tin Mừng Sự Sống trong trường hợp này, vì ông nói rằng đó sẽ là vấn đề “cố tình ban hành một luật độc ác để tránh một điều luật khác trong tương lai, có thể tệ hơn.”

Ông cảnh báo: “Luật mà họ có ý định tránh sẽ được thông qua nhanh hơn. “Không có gì và sẽ không ai ngăn cản việc kéo dài sự vi phạm ban đầu, điều này khiến cho y khoa dẫn đến cái chết”.

Trong những bình luận với tờ Register, Le Méné nói rằng “không có lý do gì để nghĩ rằng giáo lý này có thể được thay đổi” và rằng việc cấm giết người “phần lớn có từ trước Kitô giáo; là một vấn đề của đạo đức tự nhiên”. Ông nói, bỏ phiếu cho một đạo luật vô luân, “không bao giờ có thể là sự lựa chọn của một Kitô hữu,” và nếu học viện “rơi vào bẫy của sự ác ít hơn [điều đó] sẽ khiến nó mất đi lý lẽ của mình.”

Le Méné cũng chỉ trích Thiel vì đã tuyên bố công khai trong bài báo của mình rằng cô là thành viên của học viện. Các thành viên của Học viện bị ràng buộc bởi các quy chế của nó, cụ thể là điều 5 §5 (b), trong đó quy định rằng các viện sĩ phải “cam kết thúc đẩy và bảo vệ các nguyên tắc liên quan đến giá trị cuộc sống và phẩm giá của con người, được giải thích theo cách phù hợp với huấn quyền của Giáo hội”.

Le Méné cho biết ủng hộ luật trợ tử “là một sự rời bỏ” khỏi tập quán đó.

Le Méné nói rằng những sự cố như vậy có thể tránh được nếu có sự cộng tác nhiều hơn giữa các viện sĩ và các quyết định cùng nhau đưa ra quyết định về tác phẩm nào là “đáng được xuất bản và tác phẩm nào không”.

National Catholic Register đã hỏi Học viện Giáo hoàng về Sự sống nếu họ muốn bình luận về sự vi phạm rõ ràng các quy chế của học viện và liệu có hành động nào để ngăn chặn những tuyên bố đó trong tương lai hay không, nhưng họ đã không trả lời.

Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 2, học viện “nhiệt liệt hoan nghênh [d]” quyết định của Tòa án Hiến pháp vào ngày 15 tháng 2, nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý “sẽ mở ra con đường cho an tử.” Học viện cũng nêu rõ quan điểm “nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, tái khẳng định giá trị và sự tôn trọng đối với cuộc sống của mỗi con người, phản đối tự sát, do đó cũng phản đối trợ tử, như được nhắc lại nhiều lần bởi Đức Giáo Hoàng.”

Le Méné nói với tờ Register ngày 18 tháng 2 rằng ông ca ngợi quyết định của thẩm phán, và nói thêm rằng ông không nghĩ rằng tòa án “cần bài báo của Cha Casalone để hiểu rằng cuộc trưng cầu dân ý về vụ giết người muốn chết là điên rồ và nó nên bị bác bỏ.”

Nhưng ông nói thêm rằng, trong trường hợp không có cuộc trưng cầu dân ý, quốc hội vẫn sẽ cố gắng thông qua luật này, và bài báo của Cha Casalone “đưa ra lời biện minh để nó được thông qua”.
Source:National Catholic Register
 
Khó khăn khi trừ tà cho một cô gái mãi dâm bị ma quỷ xúi giục thoát y
Đặng Tự Do
16:17 26/02/2022


Cha Stephen Joseph Rossetti là một linh mục Công Giáo người Mỹ, tác giả, nhà giáo dục, nhà tâm lý học được công nhận và là chuyên gia về các vấn đề sức khỏe tâm lý và tinh thần cho các linh mục Công Giáo. Ngài là giáo sư tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, giảng dạy tại Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo. Trong 13 năm qua, ngài cũng là nhà trừ quỷ của giáo phận Syracuse.

Đây là bài viết mới nhất của ngài: Exorcist Diary # 178: Demons of Lust, nghĩa là “Nhật Ký trừ tà số 178: Ác ma Sắc dục”

Cô “A” đã có một quá trình trưởng thành đầy rắc rối, với các tổn thương về tình dục. Là con của một gái điếm, cô đã bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Cô trở thành vũ công thoát y tại một câu lạc bộ địa phương. Cô đã bị hãm hiếp nhiều lần. Cô đã bị bán làm nô lệ tình dục, nhưng cô ấy đã trốn thoát.

Bất chấp cuộc sống của cô trong thế giới đen tối của sự trụy lạc tình dục, ở cô vẫn tiềm ẩn một tiềm năng to lớn về lòng tốt, thậm chí đến mức anh hùng. Cô ấy có một sức mạnh bên trong giúp cô ấy có thể tiếp tục quay trở lại, mặc dù liên tục bị đe dọa, đánh đập và hãm hiếp.

Nhờ các hoạt động tốt của một phó tế, cô ấy đã đến được các buổi trừ tà của chúng tôi. Cô ấy đã hoàn toàn bị ma quỷ chiếm hữu. Cô ấy thể hiện tất cả các dấu hiệu chính, bao gồm nhiều trường hợp về kiến thức huyền bí, phản ứng dữ dội đối với điều thánh thiêng, nói và viết bằng các thứ tiếng nước ngoài mà cô ấy không biết.

Khi các buổi trừ tà bắt đầu, cô ấy phản ứng lại rất nhanh và thể hiện những động tác dâm dục thô bỉ và các hành vi khiêu dâm. Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho cô ấy dừng lại nhưng không được. Chúng tôi phải quấn cô ấy trong một chiếc chăn nếu không cô ấy bắt đầu nhảy múa và thoát y.

Vào ban đêm, những con quỷ đang nhập cô ấy liên tục gửi những bức ảnh dâm dục về quá khứ của cô tại câu lạc bộ thoát y. Cả những tin nhắn mang tính chất khiêu khích tình dục và thực hiện những nỗ lực dụ dỗ thô bạo. Trong mỗi trường hợp, tôi đáp lại bằng một lời cầu nguyện và một bức ảnh của Đức Mẹ Đồng Trinh. Cuối cùng tôi đã tắt điện thoại của mình vào ban đêm để tiếng bíp của tin nhắn đến không làm tôi tỉnh giấc.

Tinh vi hơn, trước, trong và sau phiên trừ tà, những con quỷ thèm khát sẽ tấn công tình dục cả đội và cả tôi. Trong các buổi trừ tà, chúng tôi đã cẩn thận xem ai là những người có mặt trong phòng. Những người khác, những người dường như không ở trong tình trạng được ân sủng, đã cố gắng kết bạn với cô ấy và họ đã “đi chệch hướng” về mặt đạo đức.

Tất nhiên, thuốc giải độc cho thứ tạp chất thô bỉ đó là Đức Trinh Nữ. Chúng tôi liên tục khẩn khoản cầu cùng Đức Mẹ. Chúng tôi đã dâng cô “A” cho Đức Mẹ. Trong mỗi phiên trừ tà, cô “A” lớn tiếng cầu nguyện Đức Trinh Nữ xin đức tính khiết tịnh và trong trắng. Phó tế đổ hàng lít nước thánh lên đầu cô. Sự thanh tẩy tâm linh này đã gợi lên những tiếng la hét từ những con quỷ: “Dừng lại. Ngừng lại ngay. Mày đang giết chết tao!”

Có lẽ đây cũng là điều mà thế giới không trong sạch của chúng ta ngày nay cũng đang cần: dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria, nhiệt thành cầu nguyện cho nhân đức khiết tịnh, và thanh tẩy tâm linh qua các bí tích và á bí tích của Giáo Hội.
Source:Catholic Exorcisms
 
Các Giám mục Công Giáo của Tây Ban Nha nhượng bộ thuê Công ty Luật mở cuộc điều tra về Lạm dụng Tình dục của Giáo sĩ
Đặng Tự Do
16:19 26/02/2022


Trong bài “The Abuse of Abuse”, nghĩa là “Sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng”, tờ National Catholic Register nhận định rằng:

“Giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một tội ác kinh hoàng. Đó là một tai tiếng nghiêm trọng đến nỗi nó đã hoàn toàn làm suy yếu lòng tin của nhiều tín hữu nơi các nhà lãnh đạo Công Giáo của họ. Nó cũng đã làm tổn hại sâu sắc đến khả năng của Giáo hội trong việc thực hiện sứ mệnh truyền giáo căn bản của mình là cứu rỗi các linh hồn.

Đó là lý do tại sao thật đáng lo ngại khi thấy vấn đề này được lèo lái một cách bất kể đạo lý bởi một số người Công Giáo cấp tiến”

Họ tung ra hàng trăm ngàn Euros thuê các công ty luật mở các cuộc điều tra được gọi là độc lập nhằm tung ra những con số gây sốc theo ý muốn của họ và dùng các thống kê này như một công cụ để phỉ báng cá nhân những ai chống lại ý thức hệ của họ, và thúc đẩy các chương trình nghị sự mâu thuẫn với các giáo lý đã được thiết định của Giáo hội - như trong trường hợp bất đồng chính kiến về giáo lý hiện đang được vận động một cách công khai bởi ‘Tiến Trình Công Nghị’ có quá nhiều vấn đề của Giáo hội Đức.”

Trò điều tra độc lập hiện đã gây ra các tai hại vượt quá biên giới nước Đức. Thật vậy, các giám mục Công Giáo của Tây Ban Nha sau một thời gian quyết liệt chống đối, đã phải nhượng bộ thuê một công ty luật tiến hành một cuộc điều tra độc lập về hành vi lạm dụng tình dục của các thành viên Giáo hội.

Khi nhận ra cả Đức Bênêđíctô cũng bị tấn công, các thế lực chống Công Giáo nhận ra ngay tiềm năng to lớn của chiêu “Ủy ban độc lập” ấy, và phải cấp bách nhân “điển hình tiên tiến” này đại trà ở nhiều nơi trên thế giới để làm câm nín, và “thuần hóa” Giáo Hội.

Ban đầu, Đức Hồng Y Juan Jose Omella, Tổng giám mục Barcelona và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, gọi tắt là SEC, nhiều lần bác bỏ ý kiến thành lập “Ủy ban độc lập” kiểu Đức vì ngài thấy đó là chuyện nực cười. Các phúc trình do cái “Ủy ban độc lập” ấy đưa ra sớm bị công chúng cho rằng chẳng qua là “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà lại mất một số tiền lớn. Thành ra, ngài không muốn thành lập cái Ủy ban như thế, chứ không phải vì e ngại rằng Ủy ban ấy sẽ lôi ra các tội lỗi của hàng giáo sĩ.

Ngay sau khi vụ tấn công nhục mạ Đức Bênêđíctô nổ ra, liên minh cầm quyền của Tây Ban Nha lập tức đòi các vụ lạm dụng tình dục trong lịch sử tại nước này phải được điều tra. Thủ tướng Pedro Sánchez, của Đảng Công Nhân Xã Hội, với chủ trương bài Công Giáo ra mặt, chụp ngay cơ hội này.

Ba đảng cánh tả - Unidas Podemos, ERC và EH Bildu - đã trình đơn yêu cầu thành lập một ủy ban tại Quốc hội Tây Ban Nha để khởi động một cuộc điều tra về các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo.

Ba bên đã trình bản kiến nghị gọi đây là “những sự kiện đáng ghê tởm” và nói rằng họ coi những nỗ lực mà Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha thực hiện cho đến nay là không đủ.

Trong một tuyên bố được Europa Press trích dẫn, Jaume Asens, chủ tịch nhóm nghị sĩ của Unidas Podemos, giải thích rằng “đây là những sự thật đáng ghê tởm không chỉ là vấn đề đối với các nạn nhân mà còn cả xã hội như một nền văn minh khi đối mặt với sự từ chối của lãnh đạo Giáo hội Tây Ban Nha tuân theo các khuyến nghị của Giáo hoàng trong vấn đề này”.

Ông cáo buộc các giám mục có “thái độ cản trở” đối với một cuộc điều tra độc lập sẽ được thực hiện, như các trường hợp ở Pháp hoặc Đức. Ông lập luận rằng trước thái độ này, ủy ban phải được thiết lập nhằm mục đích biết “toàn bộ sự thật, để đền bù cho các nạn nhân, xác định trách nhiệm và điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Asens tuyên bố rằng Hội Đồng Giám Mục “đã giả điếc làm ngơ, đã nhìn theo hướng khác, và điều nghiêm trọng đối với chúng tôi, là ban lãnh đạo giáo hội đã không mở kho lưu trữ của mình, không thông báo dữ liệu về số lượng nạn nhân, đã từ chối trách nhiệm của mình, đã tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng của những sự kiện này bằng cách nói về những trường hợp nhỏ”.

Sánchez là lãnh đạo của Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha. Hai đảng lớn khác, PP và VOX, đã lên tiếng ủng hộ các Giám Mục và bác bỏ khả năng này.

Tuy nhiên, trước nguy cơ bị bôi lọ vì cái Ủy ban điều tra của Quốc Hội, các Giám Mục đành phải mở một cuộc điều tra của riêng mình để ngăn cản nguy cơ Ủy ban điều tra của Quốc Hội phóng đại các con số và tung ra các lời chỉ trích xuyên tạc đầy ác ý.

Thay vì dùng số tài nguyên chật vật cho sứ mệnh truyền giáo và các hoạt động bác ái, giáo dục và xã hội, giờ đây các Giám Mục Tây Ban Nha phải bấm bụng bỏ ra một số tiền lớn cho một điều các ngài luôn tin rằng là một điều vô ích.
Source:National Catholic Register
 
ĐGH Phanxicô gọi điện thoại cho Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy
Nguyễn Long Thao
17:04 26/02/2022
VATICAN CITY,- Thông tấn xã Reuters, trích dẫn nguồn tin của Đại Sứ Quán Ukraine tại Vatican cho biết thứ Bảy ngày 26 tháng 2 năm 2022 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi điện thoại cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ "nỗi đau sâu sắc nhất" đối với những đau khổ mà đất nước đang phải gánh chịu,

Đại sứ quán Ukraine tại Vatican loan báo cuộc trò chuyện trên đây trong một tweet và một quan chức đại sứ quán nói với Reuters rằng cuộc trò chuyện diễn ra vào khoảng 4 giờ chiều. (1500 GMT) nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Tweet của Đại Sứ Quán viết:"Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau sâu sắc nhất đối với những sự kiện bi thảm đang xảy ra ở đất nước chúng ta"

Vatican đã xác nhận cuộc điện đàm nói trên. Và trong tweet của riêng Tổng Thống Zelenskiy, ông nói ông cảm ơn Đức Giáo Hoàng "vì đã cầu nguyện cho hòa bình và ngừng bắn ở Ukraine. Người dân Ukraine cảm nhận được sự ủng hộ tinh thần của Đức Thánh Cha."

Cuộc trò chuyện diễn ra một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng có chuyến thăm bất ngờ tới đại sứ quán Nga ở Vatican để bày tỏ sự quan ngại của Ngài đối với việc Nga xâm lược Ukraine.

Giới quan sát tại Vatican đều cho rằng việc ĐGH tự động tới Tòa Đại Sứ Nga ở Vatican là một động thái chưa từng diễn ra bao giờ, vượt ra khỏi nghi thức ngoại giao.

Nguyễn Long Thao
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin Mừng Luca 4:
Vũ Văn An
19:53 26/02/2022

4. Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Tám Mùa Thường niên Năm C: Lc 6: 39-45

39Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42Sao anh lại có thể nói với người anh em : ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !
43Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! 45Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra


(Trích Tin Mừng Luca, từ trang mạng của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Chú thích

Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này. Cha Fitzmyer dịch là “châm ngôn” (proverb). Đức Ông Pellegrino cũng gọi đây là một câu cách ngôn (aphorism). Có lẽ đúng hơn là dụ ngôn. Dù sao, như Đức Ông Pellegrino giải thích: cách ngôn là một câu phát biểu ngắn gọn về sự thật. Ở đây, Chúa Giêsu đề cập tới 3 câu cách ngôn liên tiếp: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”; "Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?"; "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt, xem quả thì biết cây".

Mù mà lại dắt mù được sao?Các môn đệ phải là các nhà lãnh đạo, nhưng họ không thể là các nhà lãnh đạo mù quáng. Họ phải thấy đường trước. Trong bối cảnh “đừng xét đoán” (câu 37) mà Cha Fitzmyer coi là phần thứ 3 của Bài Giảng ở đất bằng, câu nói về mù lòa này có ý nói đến chính các lầm lỗi của mình. Nếu một người không học cách tự phê phán chính mình, thì không thể lãnh đạo người khác. Tuy nhiên việc cùng nói tới các điều tiếp theo, và mối liên kết giữa “mù” và “dắt” với “học trò” và “thầy” xem ra không làm cho lối giải thích vừa đề cập thích đáng. Ở đây phải hiểu là các thầy dạy. Đức Ông Pellegrino cũng nghĩ như thế và đề cập tới Giáo huấn của Giáo hội.

Học trò không hơn thầy. Câu song hành tìm thấy nơi Mt 10:24-25, trong đó, Luca bỏ phần nói đến chủ tớ vì muốn nối với “mù” và “dắt”. Thầy cần có viễn kiến sáng suốt, nhưng vì trò cần đến thầy, nên thầy càng cần phải có viễn kiến sáng suốt hơn. Đây chắc chắn nói về việc huấn giáo trong Kitô giáo.

Cái rác.... Cái xà. Câu nói rất gần với câu Mt 7:3-5. Câu này minh họa việc cần phải trung thực tự đánh giá mình và tự tu sửa mình cho tốt hơn; chỉ những ai đã vượt qua được các lầm lỗi của mình mới có thể thấy đường mà giúp người khác. Lời lẽ của Chúa Giêsu không cấm người ta phê phán người khác về hành vi của họ, nhưng chúng cấm các mưu toan sửa đổi người khác cho tốt hơn mà không áp dụng cùng những sửa đổi ấy cho chính mình.

Hỡi kẻ đạo đức giả!Chữ Hylạp hypokritēs dùng theo cách xưng hô cũng tìm thấy trong Mt 7:5. Thực ra nó có nghĩa “người trả lời” và trong Hy lạp cổ điển và thời thịnh của văn hóa Hy lạp (helenistic) nó không những chỉ người giải thích, người trình bầy, còn có nghĩa là diễn giả và thậm chí tài tử sân khấu. Theo nghĩa sân khấu này, nó từ từ có nghĩa là “người giả vờ” (pretender) tuy chưa có âm sắc đạo đức tiêu cực như thời tiền Kitô giáo. Trong bản Bẩy Mươi, nó xuất hiện trong Gióp 34:30; 36:13 như dịch từ chữ Hípri ḥanēp, vô thần (godless), và trong văn chương của người Do Thái ở các vùng định cư ngoài Do Thái, hypokrisis mang nghĩa dối trá và lừa đảo. Danh từ hypokritēs chỉ được Chúa Giêsu sử dụng trong các Tin mừng Nhất lãm, không có trong Gioan. Ta thấy nó trong Lc 12:56; 13:15; Máccô chỉ dùng ở 7:5 trong khi Mátthêu dùng nó 13 lần.

Không có cây nào tốt. Với câu này, Luca khởi đầu phần 4 của Bài giảng ở đất bằng (6:43-45). Song hành của nó thấy tại Mt 7:16-20 nhưng Mátthêu không có song hành với Lc 6:45. Mối tương quan của phần này với phần trước không khó nhận ra: con người xấu không thể đem người khác tới tác phong tốt bằng phê phán mà thôi; việc làm của họ phải đi trước và chứng tỏ mình là người thực sự tốt. Các minh họa ở các câu 43-44 nói lên một định luật có bản chất vật lý; và người ta dễ hiểu chúng là hình ảnh của tác phong luân lý. Có thể hiểu các hình ảnh này có ý nói tới các thầy dạy hay tiên tri giả trong cộng đồng Kitô hữu, thường bị coi là gai góc và bụi gai.

(Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 622-646)

Bình luận

Cha Anthony Kadavil (https://frtonyshomilies.com/) cho rằng trong đoạn văn này ta tìm được 4 lời khuyên quí giá:

1) Lời khuyên dành cho sinh viên và người dạy Kinh thánh: Các môn đệ Chúa Kitô được kêu gọi vừa là người hướng dẫn vừa là thầy dạy. Vì một giáo viên không thể dẫn dắt học sinh của mình vượt quá những gì chính họ đã được dạy, nên họ phải học từ người thầy giỏi nhất và sau đó tiếp tục học Kinh Thánh từ tất cả các nguồn sẵn có, tốt nhất là Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng Kinh Thánh. Sau đó, người học phải áp dụng những gì đã học vào cuộc sống của chính mình trước khi cố gắng dạy người khác. Mục tiêu của chúng ta trong đời sống Kitô hữu là phải trở nên giống như Thầy của chúng ta, Chúa Giêsu, trong suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.

2) Chúng ta không nên là người mù dẫn đường: Để dẫn đường cho người mù, người ta phải sáng mắt; để giảng dạy, người ta phải có kiến thức; nếu không, người mù và học sinh sẽ sai lạc. Tầm nhìn và kiến thức được chỉ rõ ở đây là những hiểu biết đến nơi đến chỗ (học hết chữ) nhờ Đức tin và Chúa Thánh Thần, và kiến thức phát xuất từ mối tương quan hệ đầy Đức tin với Chúa. Điểm mấu chốt của hình ảnh người mù dẫn người mù này là chúng ta phải cẩn thận khi chọn ai để đi theo, kẻo chúng ta sa chân vào hố cùng với người mù dẫn đường của chúng ta. Một hệ quả tất yếu là chúng ta không nên dấn thân vào việc hướng dẫn người khác trừ khi bản thân chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng. Đây là một thông điệp quan trọng trong một thời đại mà rất nhiều người tự bổ nhiệm mình làm đạo sư [gurus] tranh giành quyền kiểm soát các vấn đề tâm linh, các vấn đề tài chính, các vấn đề y tế, các vấn đề tình cảm và các vấn đề gia đình của chúng ta. Một số mù, nhưng những người khác thấy các điểm yếu của chúng ta — thấy chỗ họ có thể lợi dụng chúng ta. Khi chọn một người hướng dẫn — đặc biệt là một người hướng dẫn tâm linh — bạn phải hết sức cẩn thận. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải “khám mắt” thường xuyên. Mỗi ngày, Kitô hữu nên đến gặp Thiên Chúa, Bác sĩ Mắt thiêng liêng của chúng ta, để xin Người kiểm tra thị lực của chúng ta. Khi chúng ta đi vào Lời Chúa, lúc chúng ta cầu nguyện, Người sửa tầm nhìn của chúng ta và Người chỉ cho chúng ta những điều cần canh chừng. Điều tối quan trọng là chúng ta phải “khám mắt” thường xuyên, bởi vì chúng ta không ở trong xe một mình. Có những người tin tưởng chúng ta sẽ dẫn họ đến nơi an toàn. Đó có thể là con cái của chúng ta, hoặc vợ / chồng của chúng ta. Đó có thể là một người bạn. Đó có thể là những người trong Giáo hội hoặc cộng đồng đang theo bước vào nơi chúng ta dẫn dắt họ. Nếu chúng ta dẫn họ rơi xuống vách đá vì tầm nhìn kém, thì Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm. Hãy lắng nghe những lời của Thánh Phaolô trong Rôma 2: 19-23. “Bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù loà, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý : Vậy, bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình ! Bạn giảng : đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp ! Bạn nói : chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình ! Bạn gớm ghét ngẫu tượng, mà bạn lại cướp bóc đền miếu! Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!”

3) Chúng ta không có quyền chỉ trích và phán xét người khác: Lý do đầu tiên mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta là chúng ta không có quyền chỉ trích trừ khi bản thân chúng ta không có lỗi. Điều đó đơn giản có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không có quyền chỉ trích, bởi vì “có quá nhiều điều xấu trong những người tốt nhất của chúng ta và quá nhiều điều tốt trong những người tệ nhất của chúng ta, đến nỗi bất cứ ai trong chúng ta cũng bắt lỗi với những người còn lại”. Chúa Giêsu làm sáng tỏ quan điểm của Người bằng cách trình bầy một cách hài hước về một người với khúc gỗ mắc kẹt trong mắt mình cố gắng lấy một cái rác từ mắt người khác. Do đó, không nên cố gắng thực hiện nhiệm vụ sửa sai anh em (loại bỏ cái rác, v.v.), nếu không tự kiểm tra trước, mặc dù môn đệ không cần phải hoàn toàn không có khuyết điểm trước khi tiến trình có thể bắt đầu.

4) Chúng ta phải tốt trong lòng mới tốt trong việc làm: Để phân biệt cây tốt với cây xấu, chúng ta cần nhìn vào quả mà cây sinh ra (việc làm) chứ không phải ở tán lá (lời nói). St Bede giải thích: “Kho báu của trái tim cũng giống như rễ của cây. Một người có kho báu kiên nhẫn và bác ái hoàn hảo trong lòng sẽ sinh hoa kết trái tuyệt vời; họ yêu người lân cận và có tất cả những đức tính khác mà Chúa Giêsu dạy; họ yêu kẻ thù của mình, làm điều tốt cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ đã nói hành mình, không phản ứng lại kẻ đã tấn công hoặc cướp đoạt mình; họ cho những ai yêu cầu, không đòi lại những gì họ đã bị đánh cắp khỏi họ, không phán xét và không lên án, sửa sai một cách kiên nhẫn và trìu mến những người sai lầm. Nhưng người có ở trong lòng mình kho tàng điều ác thì hoàn toàn ngược lại: anh ta ghét bạn bè mình, nói xấu người yêu anh ta và làm tất cả những điều khác bị Chúa lên án”(Trong Lucae Evangelium Expositio, II, 6). Trong câu 46, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hành động nhất quán với tư cách là Kitô hữu và không tạo ra bất cứ sự tách biệt nào giữa Đức tin mà chúng ta tuyên xưng và cách chúng ta sống: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có mặc bộ áo tôn giáo hay không; đó là liệu chúng ta có cố gắng thực hành các nhân đức và trao phó ý chí của chúng ta cho Thiên Chúa và xếp đặt cuộc sống của chúng ta như Thiên Chú đã sắp đặt, và không muốn làm theo ý muốn của chúng ta mà là theo Thánh ý Người”(Thánh Têrêxa Avila, Interior Castle, II, 6).

Áp dụng vào cuộc sống, Cha Tony Kadavil cho rằng ta nên tránh thói giả hình. Chữ giả hình, được Cha Michael Tate, cựu bộ trưởng tư pháp của Chính Phủ John Howard và là cựu đại sứ của Úc bên cạnh Tòa Thánh (mtate.bigpond.com), trong bài giảng lễ hôm nay, quảng diễn thêm; theo đó, ở Hylạp xưa, các tài tử mang mặt nạ để che bộ mặt thực của mình. Người ta có thể nói họ là người “hai mặt” và được gọi là hypokritēs, và chúng ta lấy chữ giả hình và ý niệm giả hình từ đó. Chúa Giêsu cũng hiểu theo nghĩa này.

Hai mặt. Hay đúng hơn, mắt bị cái xà án ngữ, không nhìn rõ. Cha Kadavil kể câu truyện vui. Một cặp vợ chồng kia dọn vào một khu phố mới. Sáng hôm sau, trong khi ăn sáng, người đàn bà trẻ thấy người hàng xóm phơi đồ, nàng bèn nói, “đồ giặt kia không sạch. Cô ta không biết cách giặt cho đúng. Có lẽ cô ta cần một thứ xàbông giặt tốt hơn”. Người chồng nhìn lên nhưng không nói gì. Cứ mỗi lần người hàng xóm phơi đồ, người đàn bà trẻ đều lặp lại nhận xét của nàng về lối giặt không sạch ấy. Khoảng một tháng sau, người đàn bà trẻ ngạc nhiên thấy đồ giặt rất sạch treo trên sào phơi nhà hàng xóm. Nàng nói với chồng: “xem kìa anh, cô ta đã học được cách giặt đúng. Em thắc mắc không hiểu ai đã dạy cô ta?”. Người chồng ôn tồn bảo vợ: “sáng nay, anh dậy sớm và đã lau sạch các cửa sổ nhà mình”.

Cha cũng khuyên ta không nên phán đoán người khác một cách vội vàng và vô lý vì thứ nhất chỉ có Thiên Chúa mới tốt lành đủ để phán đoán người khác, vì Người biết trọn sự thật và chỉ có Người mới đọc được lòng người; thứ hai, chúng ta thường có thiên kiến khi phán đoán người khác và chúng ta khó mà có sự hợp tình hợp lý trong loại phán đoán này; hơn nữa, chúng ta không thấy hết sự kiện, hoàn cảnh hay sức mạnh của cám dỗ, thường dẫn con người đến chỗ làm bậy; cuối cùng, chúng ta không có quyền phán xét người khác vì mình cũng có cùng lầm lỗi, có khi còn tệ hơn người khác.

Thành thử, nên để Chúa phán xét, còn mình thì thực thi lòng nhân từ, tha thứ. Cha bảo các thánh thường khuyên ta “khi bạn chỉ một ngón tay kết án vào người khác, ba ngón kia chỉ vào bạn” hay nên theo lời khuyên của các giáo sĩ Do Thái: “ai phán xét người khác một cách thuận lợi, sẽ được Thiên Chúa phán xét một cách thuận lợi”.
 
VietCatholic TV
Úc cảnh báo thế chiến nếu TQ đánh úp Đài Loan. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk có nguy cơ bị bắt nếu Nga chiếm Kiev
VietCatholic Media
03:14 26/02/2022


1. Nếu Nga chiếm được Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Ukraine khó lòng sống nổi

Cha Volodymyr Malchyn, người làm việc trong Tòa Giám Mục Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine ở Kiev nói rằng nếu quân đội Nga chiếm được thủ đô, thì Giáo hội sẽ là “mục tiêu số hai” sau quân đội.

Cha giải thích: “Bạn biết lịch sử của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi không ảo tưởng về điều đó”.

Cha Malchyn nói chuyện với Aleteia vài giờ sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, tấn công Kiev và các thành phố khác bằng các cuộc không kích. Giống như hầu hết các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, là Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất hiệp thông với Rôma nhưng tuân theo các thực hành, phụng vụ và linh đạo của Chính thống giáo, Cha Malchyn có gia đình. Ngài nói rằng ngay khi ngài và vợ nghe thấy tiếng pháo kích bên ngoài thủ đô vào khoảng 5:30 sáng thứ Năm, họ đã quyết định di tản con cái của họ đến miền Tây Ukraine và để chúng lại với cha mẹ của cha Malchyn.

Gia đình này là một trong những gia đình đầu tiên lái xe ra khỏi thành phố. Cha Malchyn nói rằng khoảng một giờ sau đó, các con đường kẹt cứng với những người cố gắng chạy trốn.

Ngài cho biết nhiều xác suất ngài sẽ để gia đình ở lại vùng nông thôn gần Lviv, để quay trở lại với các nhiệm vụ của ngài ở thủ đô, bao gồm việc chăn dắt một giáo xứ và làm người đứng đầu văn phòng phát triển và truyền thông ở Tổng Giáo phận Kiev-Halych. Nhưng đây sẽ là một tình huống mong manh trong một thời gian.

“Nếu cuộc tấn công trở nên nghiêm trọng hơn vào Kiev, tôi nghĩ rằng tất cả các linh mục sẽ buộc phải di chuyển đến những nơi an toàn,” ngài nói thế và cho biết thêm rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Kiev-Halych, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, vẫn đang ở Kiev. “Nhưng tôi không biết ngài sẽ có thể ở đó bao lâu.”

Cha Malchyn cho biết ngài hiểu rằng một số tu viện ở miền Tây Ukraine sẽ mở cửa đón những người chạy trốn khỏi các hành động thù địch. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách cuộc chiến diễn ra, ngài nghĩ con số người phải di dời nội bộ chắc chắn sẽ hơn con số các nhà thờ và tu viện có thể tiếp đón. Ngài đang làm việc với một viên chức khác của Giáo hội để đưa ra một lá thư kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác viện trợ nhân đạo.

Ngài nói: “Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ từ các tổ chức tài trợ quốc tế, vì đây là thời điểm chưa từng có. Chúng tôi có kinh nghiệm giúp người dân chạy khỏi khu vực Donbas trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm với lực lượng ly khai Nga ở miền Đông Ukraine, nhưng đó là một khu vực tương đối nhỏ. Có 1.5 triệu người di tản ở đó, nhưng bây giờ con số có thể cao hơn nhiều. Các cuộc tấn công nghiêm trọng hơn và kinh khủng hơn”.

“Tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng tôi”

Khi Cha Malchyn nhận xét, “Bạn biết lịch sử của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi không có ảo tưởng”, ngài muốn đề cập đến thời kỳ ngay sau khi Liên Sô giành lại quyền kiểm soát Ukraine vào cuối Thế Chiến thứ hai. Bọn cầm quyền cộng sản ngay sau đó đã tiến hành đàn áp Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, giết hoặc bỏ tù các giám mục của họ và buộc các tín hữu phải trở thành một phần của Giáo hội Chính thống Nga. Giáo Hội Công Giáo Đông phương tồn tại dưới hình thức hầm trú cho đến cuối những năm 1980, và vị lãnh đạo của nó, Đức Hồng Y Josyf Slipyj, đã chết lưu vong ở Rôma.

Người kế nhiệm ngày hôm nay cho Đức Hồng Y Slipyj, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, có thể phải đối đầu với một cuộc lùng bắt tương tự trong những tháng tới, tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến này. Hôm nay, ngài đã hủy kế hoạch tham dự một diễn đàn quốc tế có tên “Địa Trung Hải - Biên giới của hòa bình” ở Florence để ở lại với đoàn chiên của mình ở Kiev. Hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã công bố một bức thư đầy xúc động, trong đó ngài bảo vệ quyền đấu tranh của đất nước mình cho quyền tự do và quyền tự quyết.

Đức Tổng Giám Mục viết “Kẻ thù xảo trá, bất chấp những cam kết và bảo đảm của chính mình, đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, với tư cách là một kẻ xâm lược phi nghĩa, họ đã bước lên đất Ukraine, mang theo cái chết và sự hủy diệt. Ukraine của chúng ta, mà thế giới công bằng gọi là 'vùng đất máu', nơi đã rất nhiều lần đổ máu các tử đạo và chiến sĩ cho tự do và độc lập của dân tộc mình, hôm nay đang kêu gọi chúng ta đứng lên vì quê hương - để bảo vệ phẩm giá của đất nước trước Thiên Chúa và nhân loại, quyền được hiện hữu và quyền được lựa chọn tương lai của nó”.

Ngài nói rằng “quyền tự nhiên và nghĩa vụ thánh thiêng” của người Ukraine là bảo vệ lãnh thổ, con người, nhà nước “và tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng ta: gia đình, ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử và thế giới tâm linh. Chúng ta là một quốc gia hòa bình yêu thương con cái của mọi quốc gia bằng tình yêu Kitô giáo, không phân biệt nguồn gốc hay tín ngưỡng, quốc tịch hay bản sắc tôn giáo”.

Đề cập đến sự giải phóng của Giáo hội khi Liên bang Xô viết sụp đổ, ngài nói rằng Giáo hội đã trải qua “cái chết và sự phục sinh”.

Đức Tổng Giám Mục viết tiếp, “Trong thời điểm đầy ấn tượng này, Giáo hội của chúng ta, với tư cách là một người mẹ và cô giáo sẽ ở với con cái của mình, sẽ bảo vệ chúng và phục vụ chúng nhân danh Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta long trọng tuyên bố: Linh hồn và thể xác của chúng ta, chúng ta hiến dâng cho tự do của chúng ta! Cùng một lòng, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, Đấng toàn năng vĩ đại, xin Chúa bảo vệ Ukraine thân yêu của chúng con!”

Tin giờ chót cho biết Đức Tổng Giám Mục đang trốn ở một ga tầu điện ngầm dưới lòng đất. Nếu Nga chiếm được Kiev, ngài là một trong số những người bị lùng bắt trước hết.

2. Nguy cơ thế chiến nếu Trung Quốc lợi dụng tình hình Ukraine đánh úp Đài Loan

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa thị trường nội địa cho hoạt động bán lúa mì không hạn chế của Nga. Tuyên bố này phản ánh việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga để đối phó với các áp lực địa chính trị của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Đối với Úc Đại Lợi, lập trường của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Hôm thứ Bẩy 26 tháng Hai, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có những thỏa thuận ngầm với Nga, và có khả năng nước này cũng đang có ý định lợi dụng tình hình Ukraine để có các hành động quân sự đối với Đài Loan và các quốc gia khác ở Biển Đông. Ông cảnh cáo một hành động như thế sẽ dẫn đến thế chiến.

Chính phủ Đài Loan nghĩ sao về tình hình hiện nay. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ một bài trên tờ The Diplomat.

Chính phủ Đài Loan đang cảnh giác về những tác động từ cuộc xâm lược của Nga dưới hình thức “chiến tranh tâm lý” và những khó khăn về kinh tế.

Khi căng thẳng - và quân số Nga - gia tăng dọc biên giới Ukraine trong những tuần gần đây, các nhà phân tích tập trung vào Á Châu đã tự hỏi về những tác động của tình hình này đối với Đài Loan. Một số người cho rằng việc Hoa Kỳ thiếu quyết tâm hoặc thiếu các hành động dứt khoát để đáp trả cuộc xâm lược của Nga sẽ thúc đẩy Trung Quốc giành quyền kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực. Những người khác, hạ thấp những điểm tương đồng, thì cho rằng Mỹ không đưa ra lập trường tích cực hơn về vấn đề chống đỡ cho Ukraine, vì Washington cần phải chú ý đến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nhưng chính phủ Đài Loan nghĩ gì về cuộc xâm lược của Nga và những tác động đối với Đài Loan?

Không có gì đáng ngạc nhiên, với bản sắc riêng của Đài Loan là một nền dân chủ hòa bình, tuân thủ các quy tắc và có mối quan hệ chặt chẽ, mặc dù không chính thức, với Hoa Kỳ, chính phủ Đài Loan đã lên tiếng phản đối các hành động của Nga ở Ukraine.

“Người dân và chính phủ của # Đài Loan lên án mạnh mẽ hành động xâm lược quân sự của # Nga đối với #Ukraine,” Bộ Ngoại giao Đài Loan đã tweet vào sáng ngày 24 tháng 2 khi quân đội Nga tiến vào Ukraine. Nó kết thúc dòng tweet với hashtag “#StandWithUkraine.” – “Ủng hộ Ukraine”.

“Đài Loan lên án hành vi xâm phạm chủ quyền Ukraine của Nga và khuyến khích tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp của họ một cách hợp lý & hòa bình,” Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã viết một tweet vào ngày 23 tháng 2, trước khi cuộc xâm lược quy mô lớn bắt đầu.

Lập trường đó là kết quả của cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi tắt là NSC, được tổ chức vào ngày 23 tháng 2. Theo bản tóm tắt cuộc họp NSC của người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Xavier Chang cho biết “Chính phủ của chúng tôi lên án sự xâm phạm của Nga đối với chủ quyền của Ukraine - hành vi xâm phạm đã dẫn đến gia tăng căng thẳng đối với Biên giới Nga-Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục làm việc hòa bình, hướng tới một giải pháp hợp lý cho tranh chấp để cùng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Đài Loan, cùng với các đồng minh và đối tác thân cận khác của Mỹ, đang xem xét các biện pháp trừng phạt có thể có để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược của mình. Theo tờ Thời báo Đài Bắc, Bộ Kinh tế đang xem xét các phương án trừng phạt, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn.

Tuy nhiên, hơn cả những tác động quốc tế, NSC đã thảo luận về khả năng cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp đến Đài Loan theo ba cách: về mặt thể lý, thông qua khả năng hành động quân sự ở eo biển Đài Loan, về mặt tâm lý, thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch và “chiến tranh tâm lý”; và về mặt kinh tế, thông qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thị trường chứng khoán và giá cả hàng hóa.

Một số nhà phân tích đưa ra kịch bản xấu nhất là Trung Quốc có thể sử dụng sự hỗn loạn và mất tập trung do Nga xâm lược Ukraine để cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Điều đáng chú ý là không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc tập trung quân đội ở bờ biển phía đông nhằm tiến hành bất kỳ hành động quân sự quy mô lớn nào. Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Thái Anh Văn đã tìm cách trấn an người dân của mình, và thế giới nói chung, rằng họ đang theo dõi cẩn thận tình hình ở eo biển Đài Loan trong khi bom của Nga rơi xuống Ukraine.

“Các cơ quan an ninh quốc gia và quân đội của chúng ta luôn quan tâm đến tình hình an ninh hiện tại ở eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung”, bản tóm tắt cuộc họp của NSC cho biết. “Tuy nhiên, các cơ quan an ninh quốc gia và quân đội của chúng ta phải tăng cường nỗ lực theo dõi và đưa ra cảnh báo sớm về các diễn biến quân sự ở eo biển Đài Loan và các khu vực xung quanh…”

Chính quyền tổng thống Thái Anh Văn muốn báo hiệu rằng họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ, nhưng tuyên bố của họ không cho thấy mối quan ngại ngay lập tức về hành động quân sự.

Một mối đe dọa có thể xảy ra hơn là khả năng Trung Quốc cố gắng sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để truyền bá thông tin sai lệch và gây ra sự bi quan về tương lai của Đài Loan. Bắc Kinh có một lịch sử lâu dài thực hiện các chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch nhắm vào Đài Loan - đôi khi với mục tiêu cụ thể là thu hút sự ủng hộ của công chúng trước cuộc bầu cử, nhưng đôi khi với mục đích chung chung hơn là gieo rắc sự chia rẽ và bất mãn chính trị.

Chính phủ Đài Loan dự đoán một chiến dịch tương tự sẽ xảy ra khi Trung Quốc tìm cách khai thác cuộc khủng hoảng Ukraine. Diễn biến cuộc họp của NSC đã nhấn mạnh rằng Đài Loan và Ukraine không giống nhau: “Xét về các yếu tố địa chiến lược, địa lý và tầm quan trọng của vai trò của chúng ta trong chuỗi cung ứng quốc tế, tình hình ở Đài Loan và Ukraine về cơ bản là khác nhau”. Như thế rõ ràng là, tài liệu này lưu ý khả năng cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến “tinh thần của người dân Đài Loan”.

Bản tuyên bố nói: “Các cơ quan chính phủ của chúng ta phải tăng cường cảnh giác chống lại cuộc chiến tranh nhận thức từ các thế lực bên ngoài cũng như các cộng tác viên địa phương của họ, và phải tăng cường nỗ lực làm rõ thông tin sai lệch để bảo đảm sự ổn định xã hội trong nước của Đài Loan”.

Cuối cùng, chính phủ Đài Loan cũng chia sẻ mối quan ngại tương tự với nhiều quốc gia Á Châu bị hạn chế về tài nguyên về khả năng cuộc xung đột Ukraine làm tăng giá, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Đài Loan phụ thuộc vào Nga với khoảng 17% nhập khẩu than và 14% nhập khẩu khí đốt.

Tại cuộc họp của NSC, tổng thống Thái Anh Văn đã chỉ đạo chính quyền của mình “tiếp tục phản ứng với các diễn biến kinh tế đồng thời bảo đảm sự ổn định của nguồn cung hàng hóa, giá cả hàng hóa và thị trường chứng khoán và ngoại hối của chúng ta.”

Bản tóm tắt cuộc họp của NSC nêu rõ rằng trong khi chính phủ Đài Loan muốn chuẩn bị cho tình huống quân sự, họ vẫn để mắt đến các tác động trực tiếp khác từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chúng ta không nên để khả năng xa vời rằng Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc xâm lược bắt chước Nga làm lu mờ khả năng cao hơn rất nhiều, và thực tế hơn mà cuộc chiến ở Ukraine sẽ tác động đến Đài Loan. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, bao gồm cả Đài Loan.


Source:The Diplomat

3. Thái độ thù địch của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn giữ một thái độ thù địch chống lại Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trước khi xảy ra vụ Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao Tomos cho Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập Ukraine, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã thường xuyên lên tiếng đòi hỏi rằng các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo toàn thế giới phải đưa ra thảo luận tình trạng của các Giáo Hội Đông Phương hiệp thông với Tòa Thánh. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi đó là điều kiện tiên quyết, miễn bàn cãi, nếu muốn tòa này tham dự các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo.

Tuy nhiên, trong một phản ứng ngược lại, Tòa Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople đã đưa ra một tuyên bố rất thân thiện đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine, và cám ơn vì sự hỗ trợ cho cuộc họp Liên Chính Thống Giáo gần đây ở Crete.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã phàn nàn rằng trong nhiều năm qua từ sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ tại Đông Âu, Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ukraine, đã tăng gấp đôi dân số. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã dùng tình cảm dân tộc và thái độ bài Nga để kích động tâm tình thù địch đối với Chính Thống Giáo Hội Ukraine liên minh với Mạc Tư Khoa.

Tuyên bố từ Mạc Tư Khoa ám chỉ một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng “Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa thường được sử dụng như một công cụ trong tay của kẻ xâm lược”. Đức Tổng Giám Mục thường lên án sự hỗ trợ mà Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dành cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng thái độ thù địch của Giáo Hội Công Giáo Ukraine đã tạo ra một tình trạng “khẩn cấp” mà cuộc họp tiếp theo của các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo trên thế giới nhất thiết phải đưa ra thảo luận.

Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô của Constantinople đã gửi một thông điệp cảm ơn đến Đức Tổng Giám Mục Shevchuk vì sự hỗ trợ của ngài cho cuộc họp Liên Chính Thống Giáo hồi tháng Sáu vừa qua ở Crete

Đáng chú ý, là tuyên bố từ Constantinople được gởi cho “Đức Thượng Phụ” Shevchuk, một danh xưng mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa thẳng thừng bác bỏ và chính Tòa Thánh cũng không dám gọi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bằng danh xưng ấy. Danh xưng chính thức Tòa Thánh dùng là Major Archbishop, nghĩa là, “Đức Tổng Giám Mục Trưởng”.

Trong thông điệp của ngài, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô hứa cầu nguyện cho “hòa bình và ổn định tại Ukraine.” Ngài cũng mạnh mẽ nêu rõ rằng sự thù địch mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa dành cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine không được chia sẻ bởi các Giáo Hội chính thống khác.

Đức Thượng Phụ Đại kết viết:

“Chúng tôi có thể bảo đảm với Đức Thượng Phụ rằng lập trường đối thoại với các Giáo Hội chị em của chúng tôi đã được hỗ trợ áp đảo trong các phiên họp công đồng và được ghi nhận trong các tài liệu chính thức. Điều này, theo ý kiến của chúng tôi, chắc chắn là rất quan trọng cho những chứng tá đáng tin cậy và nhất quán cho Tin Mừng trong một thế giới và một thời đại gặp quá nhiều khó khăn của chúng ta.”
 
Ngỡ ngàng: HY Hà Lan phản bác 2 thành viên Học viện sự sống. Cựu trùm KGB Putin lợi dụng tôn giáo
VietCatholic Media
05:12 26/02/2022


1. Thật là quá đáng: Putin viện lý do tôn giáo để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine

Kiev đang tiếp tục quấy rối giáo dân và giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lập trường trên hôm 21 tháng Hai.

“Kiev đang tiếp tục chuẩn bị một cuộc đàn áp đối với Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa,” ông nói trong một bài phát biểu trước quốc dân Nga.

Ông Putin lưu ý rằng đây không phải là một đánh giá cảm tính mà là một đánh giá dựa trên tài liệu.

Ông nói tiếp rằng:

“Các nhà chức trách Ukraine đã biến thảm kịch Giáo Hội bị chia cắt thành một công cụ của chính sách nhà nước. Lãnh đạo hiện tại của đất nước không đáp ứng yêu cầu của công dân Ukraine về việc bãi bỏ các luật xâm phạm quyền của các tín đồ”.

“Hơn nữa, các dự luật mới chống lại các giáo sĩ và hàng triệu giáo dân của Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã được đưa ra Quốc Hội Ukraine bàn thảo.”

Diễn biến này thật là quá đáng. Nó là dấu chỉ phản chứng cho niềm tin Kitô. Ông Putin tự xưng mình là Kitô Hữu nhưng lại xuyên tạc một sự thật tôn giáo để biện minh cho hành vi hiếu chiến của mình.

Trước ngày 5 tháng Giêng, 2019, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kiev và Toàn Ukraine.

Sau biến cố này, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa liên tục tấn công Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và các vị Thượng Phụ Chính Thống Giáo ủng hộ cho Giáo Hội Chính Thống Ukraine.

Đức Thượng Phụ Kirill cấm không cho các linh mục Chính Thống Giáo Nga hiệp thông thánh thể với các Giáo Hội Chính Thống Giáo ủng hộ Ukraine, và thời gian gần đây còn săn trộm các linh mục của họ và thiết lập Tòa Thượng Phụ Phi Châu ngay trên lãnh thổ của Tòa Thượng Phụ Alexandria.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Hai, Đức Thánh Cha nói: “Thật đáng buồn biết bao, khi có những dân tộc và con người tự hào là Kitô lại coi người khác là kẻ thù và nghĩ đến chuyện gây chiến với nhau! Thật đáng buồn.” Đó là một tham chiếu rõ rệt đến Putin, nước Nga và Chính Thống Giáo Nga.
Source:Interfax

2. Lãnh đạo Hội đồng Giám mục Công Giáo Ba Lan kêu gọi người dân mở rộng 'trái tim cởi mở và hiếu khách' đối với những người tị nạn từ Ukraine

Chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo của Ba Lan đã kêu gọi người Ba Lan thể hiện “trái tim cởi mở và hiếu khách” với những người tị nạn từ Ukraine trong trường hợp có thêm các hành động quân sự.

Trong một thông điệp ngày 21 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki than thở về sự leo thang căng thẳng ở Ukraine, bao gồm cả vụ pháo kích được báo cáo vào một trường mẫu giáo ở vùng Đông Nam Donbass.

“Trong hoàn cảnh này… tôi kêu gọi đồng bào hãy có trái tim rộng mở và hiếu khách đối với những người tị nạn từ Ukraine, những người muốn tìm nơi trú ẩn chiến tranh ở Ba Lan”

“Mọi người đều có quyền được sống trong hòa bình và an ninh. Mọi người có quyền tìm kiếm cho mình và người thân những điều kiện bảo đảm cuộc sống an toàn”.

Lời kêu gọi này là thông điệp mới nhất trong một loạt các biện pháp can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki, tổng giám mục của Poznań, miền tây Ba Lan.

Tháng trước, ngài là một trong những người ký thông điệp chung với các giám mục Công Giáo ở Ukraine và Ba Lan, trong đó nhấn mạnh rằng căng thẳng gia tăng với Nga gây ra “một mối nguy lớn” cho toàn bộ Âu Châu.

Vào ngày 12 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục đã kêu gọi các linh mục trên khắp Ba Lan cử hành các buổi cầu nguyện cho hòa bình.

Hai ngày sau, ngài kêu gọi các giám mục Chính thống giáo và Công Giáo của Nga và Ukraine đoàn kết cầu nguyện với Ba Lan để ngăn chặn một cuộc chiến quy mô lớn.

Tòa Bạch Ốc cho biết vào tối Chúa Nhật rằng Tổng thống Joe Biden đã đồng ý “về nguyên tắc” tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ba Lan là một quốc gia Trung Âu với dân số gần 38 triệu người có biên giới với cả Nga và Ukraine. Ước tính có khoảng hai triệu người Ukraine hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan.

Các quan chức Ba Lan tin rằng có tới một triệu người Ukraine, trong tổng dân số 44 triệu người, có thể tị nạn ở Ba Lan trong trường hợp bị Nga xâm lược toàn diện.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nói: “Lịch sử của Ba Lan cho thấy trong nhiều thế kỷ, quê hương của chúng ta là nơi ẩn náu của những người tôn trọng văn hóa và luật pháp Ba Lan, đã chạy trốn khỏi sự ngược đãi và thù hận”.

“Trong những năm gần đây, Ba Lan đã mở cửa cho những người mới đến từ Ukraine, những người sống giữa chúng ta, làm việc với chúng ta, cầu nguyện trong các nhà thờ Ba Lan và học tại các trường học ở Ba Lan.”

“ Mong lòng hiếu khách của chúng ta đối với người tị nạn được thể hiện cụ thể trong sự hỗ trợ mà chúng ta muốn cung cấp cho họ với sự giúp đỡ của các tổ chức bác ái của chúng ta – như Caritas Ba Lan, Caritas giáo phận và giáo xứ, và các hiệp hội khác.”

Đức Tổng Giám Mục nói rằng Caritas Ba Lan, tổ chức bác ái lớn nhất của đất nước, đang chuẩn bị hỗ trợ thêm cho những người tị nạn từ Ukraine.

Trong khi đó, Đại học Công Giáo Gioan Phaolô II Lublin, gọi tắt là KUL, ở miền đông Ba Lan, cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ cung cấp cho sinh viên Ukraine mọi sự trợ giúp có thể.

“Đối với tình hình hiện tại ở biên giới Ukraine-Nga và những mối đe dọa nghiêm trọng mà tình hình này gây ra, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với người dân Ukraine,” Hiệu trưởng KUL cho biết trong một tuyên bố ngày 21 tháng Hai.

“Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt tới hàng trăm sinh viên KUL từ Ukraine. Chúng tôi bảo đảm với bạn rằng trường đại học của chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ anh chị em bằng mọi cách mà chúng tôi có thể.”


Source:Catholic News Agency

3. Ngỡ ngàng: Hai thành viên trong Học viện Giáo hoàng về sự sống lại ủng hộ luật trợ tử

Tờ National Catholic Register vừa có bài viết nhan đề “Pontifical Academy for Life Members’ Support for Assisted Suicide Draws Criticism” nghĩa là “Sự ủng hộ của các thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống gây ra chỉ trích”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đức Hồng Y Willem Eijk, một bác sĩ y khoa và là một thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống, kiên quyết bác bỏ sự ủng hộ này, và cho rằng trợ tử và an tử đều chịu 'trách nhiệm đạo đức như nhau' trong việc thực hiện một vụ giết người.

Hai thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống của Vatican đã bị chỉ trích vì công khai kêu gọi ủng hộ việc trợ tử như một chiến thuật nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa hành vi chết tự nguyện ở Ý.

Linh mục Dòng Tên Carlo Casalone, giáo sư thần học luân lý tại Đại học Giáo hoàng Gregôriô, đã đề xuất một đường lối, mà các nhà phê bình nhấn mạnh là hoàn toàn mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội, trong một bài báo ngày 15 tháng Giêng trên tờ La Civilta Cattolica, nghĩa là Văn Minh Kitô, của Dòng Tên - một tạp chí có các bài báo đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh duyệt xét.

Quan điểm của vị linh mục này được ủng hộ bởi thành viên học viện Marie-Jo Thiel, giáo sư đạo đức học tại Đại học Strasbourg, là người đã viết trên tờ Le Monde của Pháp vào ngày 31 tháng Giêng rằng gợi ý của Cha Casalone là một dấu hiệu của một sự thay đổi lớn hơn trong quan điểm của Giáo hội.

Cha Casalone, một bác sĩ cũng là người đứng đầu Tổ chức Hồng Y Carlo Martini, đã viết bài báo của mình trước khi Tòa án Hiến pháp Ý đưa ra quyết định về việc nước này có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về trợ tử tự nguyện hay không.

Tòa án đã hợp pháp hóa hỗ trợ tự tử trong những điều kiện rất cụ thể và được xác định rõ ràng vào năm 2019, nhưng điều đó đã dẫn đến việc các nhà vận động ủng hộ hành vi trợ tử thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về trợ tử tự nguyện.

Chiến dịch vận động của họ đã kết thúc tại Tòa án Hiến pháp trong tháng này, với sự ủng hộ của 1.2 triệu chữ ký từ những người ủng hộ quyền trợ tử, vượt xa con số 500,000 cần thiết để tổ chức một cuộc phổ thông đầu phiếu sửa đổi các luật hiện hành.

Nhưng tòa án đã bác bỏ yêu sách này vào ngày 15 tháng 2, phán quyết rằng một cuộc trưng cầu dân ý là “không thể chấp nhận được” và cho rằng sự thay đổi trong luật hình sự của đất nước để cho phép trợ tử tự nguyện sẽ không bảo đảm “sự bảo vệ tối thiểu cần thiết theo hiến pháp đối với cuộc sống con người nói chung và cách riêng khi đề cập đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương”.

Tự sát được hỗ trợ về mặt y tế liên quan đến việc một người mắc bệnh gần kề cái chết hoặc bệnh nan y muốn kết thúc cuộc sống của họ theo yêu cầu của chính họ bằng một liều thuốc gây chết người; luật trợ tử tự nguyện cho phép các bác sĩ giết một cách hợp pháp một bệnh nhân mắc bệnh nan y và đau đớn hoặc trong tình trạng hôn mê không thể hồi phục, với sự đồng ý của bệnh nhân.

Cha Casalone lập luận trong bài báo của mình rằng việc đưa ra “đánh giá tiêu cực tổng thể” về luật kêu gọi cho phép trợ tử tự nguyện sẽ có nguy cơ “ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý” và mục đích hợp pháp hóa điều đó của cuộc trưng cầu dân ý.

Do đó, ông đề nghị viện dẫn nguyên tắc “luật không hoàn hảo”, theo đó, trong một số trường hợp, một chính trị gia Công Giáo có thể bỏ phiếu ủng hộ một đạo luật hạn chế một đạo luật đã được thông qua trái với giáo huấn của Giáo hội, chẳng hạn như bỏ phiếu để giảm thời gian cho phép phá thai từ 24 xuống còn 16 tuần.

Trong trường hợp này, ông tin rằng nguyên tắc đó có thể áp dụng cho việc ủng hộ trợ tử tự nguyện, với mục đích là giảm bớt tội ác, để ngăn chặn tệ nạn lớn hơn là an tử tự nguyện - một gợi ý dường như cũng nhận được sự đồng cảm nào đó từ chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, là Đức Ông Renzo Pegoraro.

“Chúng ta đang ở trong một bối cảnh cụ thể, với một sự lựa chọn được đưa ra giữa hai lựa chọn, cả hai lựa chọn – trợ tử hay an tử - đều không đại diện cho quan điểm của Công Giáo,” Đức Ông Pegoraro nói với tờ báo Công Giáo Pháp Le Croix, và nói thêm rằng ngài tin rằng một luật nào đó là một chung cuộc không thể tránh khỏi.

Đức Ông Pegoraro, cũng là một bác sĩ, nói rằng, trong hai khả năng, “trợ tử là phương pháp hạn chế lạm dụng nhất vì nó sẽ đi kèm với bốn điều kiện nghiêm ngặt: người yêu cầu giúp đỡ phải có ý thức và có thể tự do bày tỏ điều đó, phải mắc một căn bệnh không thể hồi phục, phải trải qua những đau khổ không thể chịu đựng được và phụ thuộc vào các phương pháp điều trị duy trì sự sống chẳng hạn như một chiếc máy thở”.

Nhưng Đức Hồng Y Willem Eijk, cũng là một bác sĩ y khoa có bằng cấp và là thành viên của học viện, đã kiên quyết bác bỏ đề nghị và lập luận của Cha Casalone.

Vị Hồng Y tổng giám mục của Utrecht ở Hà Lan lập luận rằng “không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức” giữa tự tử được hỗ trợ về mặt y tế và hành vi an tử, “không phải từ phía bệnh nhân cũng không phải từ phía bác sĩ,” vì cả hai đều chịu “trách nhiệm đạo đức giống nhau” trong việc thực hiện một vụ giết người.

Vị Hồng Y nói với National Catholic Register rằng, khi cho phép trợ tử, “người ta bị ràng buộc để cũng cho phép hành vi an tử,” và do đó lập luận rằng bằng cách cho phép luật trợ tử, người ta có thể ngăn cản luật an tử “không có ý nghĩa gì”.

“Người ta sẽ đơn giản và tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử, bởi vì sự khác biệt về đạo đức giữa cả hai là không đáng kể,” ngài nói.

Đức Hồng Y Eijk cũng bác bỏ lập luận “luật không hoàn hảo”, nói rằng nó đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu ra trong thông điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống (số 73) của ngài trong bối cảnh hạn chế phá thai. Nhưng vị Hồng Y nói rằng “bỏ phiếu cho một đạo luật trợ tử bằng y khoa không hề dẫn đến hạn chế hợp pháp hóa an tử.”

Ngài nói: “Ngược lại, hợp pháp hóa trợ tử bằng y khoa tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử như một bước hợp lý tiếp theo, vì không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức giữa trợ tử bằng y khoa và an tử”.

Jacopo Coghe, phó chủ tịch của nhóm ủng hộ sự sống của Ý Pro Vita & Famiglia Onlus, đồng ý rằng “thật là vô luân khi ủng hộ luật về an tử hay trợ tử. Chấm hết.”

Ông nói thêm rằng những người nghĩ khác “đi ngược lại những cảnh báo được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha Phanxicô và Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.” Coghe cũng nói với tờ National Catholic Register rằng lập luận do Cha Casalone đưa ra là một “đường lối ảo tưởng” sẽ không thể “chịu được áp lực xã hội hoặc sự can thiệp của tư pháp”, như đã từng được chứng kiến với các đạo luật tương tự khác.

Coghe nói, đường lối hành động chính xác là “luôn luôn truyền giáo,” công bố tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới, “điều này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và luôn làm cho nó trở nên xứng đáng”. Ông nói thêm rằng “sự cấp bách của Giáo hội” không phải là “liệu có nên làm hay làm cách nào để thông qua luật hỗ trợ tự tử, mà là giúp hàng triệu người không có kiến thức, bị lừa dối và các tín hữu lầm đường lạc lối đương đầu với thời thế thay đổi và những khủng hoảng mà họ phải đối mặt”.

Jean-Marie Le Méné, chủ tịch của Lejeune Foundation, cho biết những tuyên bố công khai của Cha Casalone và Thiel ủng hộ việc lập pháp cho việc hỗ trợ tự tử đã “làm phiền” các thành viên khác của học viện. Tổ chức được đặt theo tên của Jérôme Lejeune, chủ tịch sáng lập của học viện.

Le Méné, cũng là một thành viên của viện hàn lâm, đã chỉ trích hai thành viên đồng nghiệp của mình trong một bài bình luận trên nhật báo Le Figaro của Pháp, nói rằng “mọi người bày tỏ quan điểm cá nhân là một việc; hoàn toàn khác là sử dụng các vị trí của họ để chính thức liên lụy Học viện Giáo hoàng về Sự sống”. Hơn nữa, ông nói rằng các thành viên khác cũng không hề được hỏi ý kiến, vì học viện không thể ủng hộ những quan điểm trái với huấn quyền của Giáo Hội.

Ông cũng lặp lại việc Hồng Y Eijk bác bỏ việc áp dụng số 73 của thông điệp Tin Mừng Sự Sống trong trường hợp này, vì ông nói rằng đó sẽ là vấn đề “cố tình ban hành một luật độc ác để tránh một điều luật khác trong tương lai, có thể tệ hơn.”

Ông cảnh báo: “Luật mà họ có ý định tránh sẽ được thông qua nhanh hơn. “Không có gì và sẽ không ai ngăn cản việc kéo dài sự vi phạm ban đầu, điều này khiến cho y khoa dẫn đến cái chết”.

Trong những bình luận với tờ Register, Le Méné nói rằng “không có lý do gì để nghĩ rằng giáo lý này có thể được thay đổi” và rằng việc cấm giết người “phần lớn có từ trước Kitô giáo; là một vấn đề của đạo đức tự nhiên”. Ông nói, bỏ phiếu cho một đạo luật vô luân, “không bao giờ có thể là sự lựa chọn của một Kitô hữu,” và nếu học viện “rơi vào bẫy của sự ác ít hơn [điều đó] sẽ khiến nó mất đi lý lẽ của mình.”

Le Méné cũng chỉ trích Thiel vì đã tuyên bố công khai trong bài báo của mình rằng cô là thành viên của học viện. Các thành viên của Học viện bị ràng buộc bởi các quy chế của nó, cụ thể là điều 5 §5 (b), trong đó quy định rằng các viện sĩ phải “cam kết thúc đẩy và bảo vệ các nguyên tắc liên quan đến giá trị cuộc sống và phẩm giá của con người, được giải thích theo cách phù hợp với huấn quyền của Giáo hội”.

Le Méné cho biết ủng hộ luật trợ tử “là một sự rời bỏ” khỏi tập quán đó.

Le Méné nói rằng những sự cố như vậy có thể tránh được nếu có sự cộng tác nhiều hơn giữa các viện sĩ và các quyết định cùng nhau đưa ra quyết định về tác phẩm nào là “đáng được xuất bản và tác phẩm nào không”.

National Catholic Register đã hỏi Học viện Giáo hoàng về Sự sống nếu họ muốn bình luận về sự vi phạm rõ ràng các quy chế của học viện và liệu có hành động nào để ngăn chặn những tuyên bố đó trong tương lai hay không, nhưng họ đã không trả lời.

Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 2, học viện “nhiệt liệt hoan nghênh [d]” quyết định của Tòa án Hiến pháp vào ngày 15 tháng 2, nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý “sẽ mở ra con đường cho an tử.” Học viện cũng nêu rõ quan điểm “nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, tái khẳng định giá trị và sự tôn trọng đối với cuộc sống của mỗi con người, phản đối tự sát, do đó cũng phản đối trợ tử, như được nhắc lại nhiều lần bởi Đức Giáo Hoàng.”

Le Méné nói với tờ Register ngày 18 tháng 2 rằng ông ca ngợi quyết định của thẩm phán, và nói thêm rằng ông không nghĩ rằng tòa án “cần bài báo của Cha Casalone để hiểu rằng cuộc trưng cầu dân ý về vụ giết người muốn chết là điên rồ và nó nên bị bác bỏ.”

Nhưng ông nói thêm rằng, trong trường hợp không có cuộc trưng cầu dân ý, quốc hội vẫn sẽ cố gắng thông qua luật này, và bài báo của Cha Casalone “đưa ra lời biện minh để nó được thông qua”.
Source:National Catholic Register
 
Bi hùng: Tiếng hát cầu nguyện giữa tiếng bom. Người dân Ukraine cảm kích trước nghĩa cử của ĐTC
VietCatholic Media
16:09 26/02/2022


Như chúng tôi đã đưa tin, sáng Thứ Sáu, 25 tháng Hai, trong một diễn biến chưa từng có tiền lệ ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh để bày tỏ quan ngại của ngài đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Người dân Ukraine rất cảm kích trước nghĩa cử của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt khi họ biết rằng Đức Thánh Cha đang bị đau đầu gối đến mức ngài phải hủy bỏ chuyến viếng thăm đến Florence để gặp gỡ và bế mạc khóa họp của 58 giám mục và 65 thị trưởng từ khoảng 30 quốc gia Địa Trung Hải, vùng biển được coi “là cái nôi của nền văn minh,” nhưng ngày nay đã trở thành biểu tượng cho những vết thương của toàn thế giới.” Chứng đau đầu gối này cũng khiến Đức Thánh Cha phải hủy bỏ các cử hành vào ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Diễn biến tiếp theo là Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ địa phương hôm thứ Sáu rằng ngài sẽ làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt xung đột Ukraine.

Đức Giáo Hoàng đã gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, có trụ sở tại thủ đô Kiev của Ukraine, vào cuối buổi chiều thứ Sáu. Thư ký của Đức Tổng Giám Mục Ukraine đang ở Rôma cho biết như trên.

“Trong cuộc điện đàm, Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm đến tình hình ở thành phố Kiev và nói chung trên toàn lãnh thổ Ukraine. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng: 'Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm được'“.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk dự kiến sẽ đến thành phố Florence của Ý để tham gia một cuộc họp của các giám mục từ các quốc gia xung quanh Biển Địa Trung Hải. Nhưng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục đã hủy chuyến đi để ở lại với đàn chiên của mình.

Quân Nga đã tiến đến vùng ngoại ô của thủ đô Kiev, ngày 30 tháng Tư đen tối đang chụp xuống đầu dân tộc Ukraine. Tin tức cho biết nếu quân Nga chiếm được Kiev, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk sẽ là một trong những người đầu tiên bị lùng bắt. Ít người dám lạc quan về tương lai của Ukraine.

Tuy nhiên, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em hình ảnh rất cảm động khi các linh mục và nam nữ tu sĩ cùng họp nhau bên ngoài nhà thờ Phục sinh bên cạnh Tòa Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine để cầu nguyện và hát thánh ca nhằm nâng cao tinh thần binh sĩ và đồng bào, cùng xin Thiên Chúa giữ gìn quê hương của họ. Tiếng hát của các vị đã xen lẫn với tiếng bom nổ, tiếng súng giao tranh, và tiếng máy bay phản lực.

Sau đó, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em lịch sử cận đại của Ukraine để cho thấy niềm tin nơi Thiên Chúa là một đặc điểm rất nổi bật của người Ukraine, và niềm tin ấy đã hướng dẫn dân tộc này thoát được bao nhiêu hiểm nguy.
 
Nhà trừ tà tiết lộ những cám dỗ chập chùng khi trừ tà cho cô gái mại dâm. HĐGM Tây Ban Nha họp báo
VietCatholic Media
16:14 26/02/2022


1. Đức Hồng Y Bassetti nói: Địa Trung Hải là “biểu tượng cho những vết thương của toàn thế giới.

Khi 58 giám mục và 65 thị trưởng từ khoảng 30 quốc gia Địa Trung Hải chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Florence chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý tin rằng cuộc họp này “cần thiết hơn bao giờ hết”. Trên thực tế, “từ cái nôi của nền văn minh, Địa Trung Hải ngày nay đã trở thành biểu tượng cho những vết thương của toàn thế giới,” ngài đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn.

Đức Hồng Y thông báo rằng trong sự kiện này, “Công Đồng Địa Trung Hải non trẻ” này sẽ được chào đời; tác phẩm của nó sẽ được lấy cảm hứng từ chủ đề “tình anh em phổ quát”.

Đức Hồng Y giải thích thêm rằng thủ phủ của miền Tuscany đã được chọn cho cuộc gặp gỡ này bởi vì Florence là “sân thượng của nền văn minh Kitô giáo ở mọi hướng trên thế giới”.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha sẽ đến Florence vào ngày 27 tháng 2 để có cuộc gặp gỡ với các giám mục và thị trưởng Địa Trung Hải; và kết thúc cuộc gặp gỡ này.

Sau đó, ngài sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên trong năm 2022 bên ngoài nước Ý là đến thăm Malta từ ngày 2 đến 3 tháng Tư.
Source:Avvnire

2. Khó khăn khi trừ tà cho một cô gái mãi dâm bị ma quỷ xúi giục thoát y

Cha Stephen Joseph Rossetti là một linh mục Công Giáo người Mỹ, tác giả, nhà giáo dục, nhà tâm lý học được công nhận và là chuyên gia về các vấn đề sức khỏe tâm lý và tinh thần cho các linh mục Công Giáo. Ngài là giáo sư tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, giảng dạy tại Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo. Trong 13 năm qua, ngài cũng là nhà trừ quỷ của giáo phận Syracuse.

Đây là bài viết mới nhất của ngài: Exorcist Diary # 178: Demons of Lust, nghĩa là “Nhật Ký trừ tà số 178: Ác ma Sắc dục”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cô “A” đã có một quá trình trưởng thành đầy rắc rối, với các tổn thương về tình dục. Là con của một gái điếm, cô đã bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Cô trở thành vũ công thoát y tại một câu lạc bộ địa phương. Cô đã bị hãm hiếp nhiều lần. Cô đã bị bán làm nô lệ tình dục, nhưng cô ấy đã trốn thoát.

Bất chấp cuộc sống của cô trong thế giới đen tối của sự trụy lạc tình dục, ở cô vẫn tiềm ẩn một tiềm năng to lớn về lòng tốt, thậm chí đến mức anh hùng. Cô ấy có một sức mạnh bên trong giúp cô ấy có thể tiếp tục quay trở lại, mặc dù liên tục bị đe dọa, đánh đập và hãm hiếp.

Nhờ các hoạt động tốt của một phó tế, cô ấy đã đến được các buổi trừ tà của chúng tôi. Cô ấy đã hoàn toàn bị ma quỷ chiếm hữu. Cô ấy thể hiện tất cả các dấu hiệu chính, bao gồm nhiều trường hợp về kiến thức huyền bí, phản ứng dữ dội đối với điều thánh thiêng, nói và viết bằng các thứ tiếng nước ngoài mà cô ấy không biết.

Khi các buổi trừ tà bắt đầu, cô ấy phản ứng lại rất nhanh và thể hiện những động tác dâm dục thô bỉ và các hành vi khiêu dâm. Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho cô ấy dừng lại nhưng không được. Chúng tôi phải quấn cô ấy trong một chiếc chăn nếu không cô ấy bắt đầu nhảy múa và thoát y.

Vào ban đêm, những con quỷ đang nhập cô ấy liên tục gửi những bức ảnh dâm dục về quá khứ của cô tại câu lạc bộ thoát y. Cả những tin nhắn mang tính chất khiêu khích tình dục và thực hiện những nỗ lực dụ dỗ thô bạo. Trong mỗi trường hợp, tôi đáp lại bằng một lời cầu nguyện và một bức ảnh của Đức Mẹ Đồng Trinh. Cuối cùng tôi đã tắt điện thoại của mình vào ban đêm để tiếng bíp của tin nhắn đến không làm tôi tỉnh giấc.

Tinh vi hơn, trước, trong và sau phiên trừ tà, những con quỷ thèm khát sẽ tấn công tình dục cả đội và cả tôi. Trong các buổi trừ tà, chúng tôi đã cẩn thận xem ai là những người có mặt trong phòng. Những người khác, những người dường như không ở trong tình trạng được ân sủng, đã cố gắng kết bạn với cô ấy và họ đã “đi chệch hướng” về mặt đạo đức.

Tất nhiên, thuốc giải độc cho thứ tạp chất thô bỉ đó là Đức Trinh Nữ. Chúng tôi liên tục khẩn khoản cầu cùng Đức Mẹ. Chúng tôi đã dâng cô “A” cho Đức Mẹ. Trong mỗi phiên trừ tà, cô “A” lớn tiếng cầu nguyện Đức Trinh Nữ xin đức tính khiết tịnh và trong trắng. Phó tế đổ hàng lít nước thánh lên đầu cô. Sự thanh tẩy tâm linh này đã gợi lên những tiếng la hét từ những con quỷ: “Dừng lại. Ngừng lại ngay. Mày đang giết chết tao!”

Có lẽ đây cũng là điều mà thế giới không trong sạch của chúng ta ngày nay cũng đang cần: dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria, nhiệt thành cầu nguyện cho nhân đức khiết tịnh, và thanh tẩy tâm linh qua các bí tích và á bí tích của Giáo Hội.
Source:Catholic Exorcisms

3. Các Giám mục Công Giáo của Tây Ban Nha nhượng bộ thuê Công ty Luật mở cuộc điều tra về Lạm dụng Tình dục của Giáo sĩ

Trong bài “The Abuse of Abuse”, nghĩa là “Sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng”, tờ National Catholic Register nhận định rằng:

“Giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một tội ác kinh hoàng. Đó là một tai tiếng nghiêm trọng đến nỗi nó đã hoàn toàn làm suy yếu lòng tin của nhiều tín hữu nơi các nhà lãnh đạo Công Giáo của họ. Nó cũng đã làm tổn hại sâu sắc đến khả năng của Giáo hội trong việc thực hiện sứ mệnh truyền giáo căn bản của mình là cứu rỗi các linh hồn.

Đó là lý do tại sao thật đáng lo ngại khi thấy vấn đề này được lèo lái một cách bất kể đạo lý bởi một số người Công Giáo cấp tiến”

Họ tung ra hàng trăm ngàn Euros thuê các công ty luật mở các cuộc điều tra được gọi là độc lập nhằm tung ra những con số gây sốc theo ý muốn của họ và dùng các thống kê này như một công cụ để phỉ báng cá nhân những ai chống lại ý thức hệ của họ, và thúc đẩy các chương trình nghị sự mâu thuẫn với các giáo lý đã được thiết định của Giáo hội - như trong trường hợp bất đồng chính kiến về giáo lý hiện đang được vận động một cách công khai bởi ‘Tiến Trình Công Nghị’ có quá nhiều vấn đề của Giáo hội Đức.”

Trò điều tra độc lập hiện đã gây ra các tai hại vượt quá biên giới nước Đức. Thật vậy, các giám mục Công Giáo của Tây Ban Nha sau một thời gian quyết liệt chống đối, đã phải nhượng bộ thuê một công ty luật tiến hành một cuộc điều tra độc lập về hành vi lạm dụng tình dục của các thành viên Giáo hội.

Khi nhận ra cả Đức Bênêđíctô cũng bị tấn công, các thế lực chống Công Giáo nhận ra ngay tiềm năng to lớn của chiêu “Ủy ban độc lập” ấy, và phải cấp bách nhân “điển hình tiên tiến” này đại trà ở nhiều nơi trên thế giới để làm câm nín, và “thuần hóa” Giáo Hội.

Ban đầu, Đức Hồng Y Juan Jose Omella, Tổng giám mục Barcelona và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, gọi tắt là SEC, nhiều lần bác bỏ ý kiến thành lập “Ủy ban độc lập” kiểu Đức vì ngài thấy đó là chuyện nực cười. Các phúc trình do cái “Ủy ban độc lập” ấy đưa ra sớm bị công chúng cho rằng chẳng qua là “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà lại mất một số tiền lớn. Thành ra, ngài không muốn thành lập cái Ủy ban như thế, chứ không phải vì e ngại rằng Ủy ban ấy sẽ lôi ra các tội lỗi của hàng giáo sĩ.

Ngay sau khi vụ tấn công nhục mạ Đức Bênêđíctô nổ ra, liên minh cầm quyền của Tây Ban Nha lập tức đòi các vụ lạm dụng tình dục trong lịch sử tại nước này phải được điều tra. Thủ tướng Pedro Sánchez, của Đảng Công Nhân Xã Hội, với chủ trương bài Công Giáo ra mặt, chụp ngay cơ hội này.

Ba đảng cánh tả - Unidas Podemos, ERC và EH Bildu - đã trình đơn yêu cầu thành lập một ủy ban tại Quốc hội Tây Ban Nha để khởi động một cuộc điều tra về các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo.

Ba bên đã trình bản kiến nghị gọi đây là “những sự kiện đáng ghê tởm” và nói rằng họ coi những nỗ lực mà Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha thực hiện cho đến nay là không đủ.

Trong một tuyên bố được Europa Press trích dẫn, Jaume Asens, chủ tịch nhóm nghị sĩ của Unidas Podemos, giải thích rằng “đây là những sự thật đáng ghê tởm không chỉ là vấn đề đối với các nạn nhân mà còn cả xã hội như một nền văn minh khi đối mặt với sự từ chối của lãnh đạo Giáo hội Tây Ban Nha tuân theo các khuyến nghị của Giáo hoàng trong vấn đề này”.

Ông cáo buộc các giám mục có “thái độ cản trở” đối với một cuộc điều tra độc lập sẽ được thực hiện, như các trường hợp ở Pháp hoặc Đức. Ông lập luận rằng trước thái độ này, ủy ban phải được thiết lập nhằm mục đích biết “toàn bộ sự thật, để đền bù cho các nạn nhân, xác định trách nhiệm và điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Asens tuyên bố rằng Hội Đồng Giám Mục “đã giả điếc làm ngơ, đã nhìn theo hướng khác, và điều nghiêm trọng đối với chúng tôi, là ban lãnh đạo giáo hội đã không mở kho lưu trữ của mình, không thông báo dữ liệu về số lượng nạn nhân, đã từ chối trách nhiệm của mình, đã tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng của những sự kiện này bằng cách nói về những trường hợp nhỏ”.

Sánchez là lãnh đạo của Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha. Hai đảng lớn khác, PP và VOX, đã lên tiếng ủng hộ các Giám Mục và bác bỏ khả năng này.

Tuy nhiên, trước nguy cơ bị bôi lọ vì cái Ủy ban điều tra của Quốc Hội, các Giám Mục đành phải mở một cuộc điều tra của riêng mình để ngăn cản nguy cơ Ủy ban điều tra của Quốc Hội phóng đại các con số và tung ra các lời chỉ trích xuyên tạc đầy ác ý.

Thay vì dùng số tài nguyên chật vật cho sứ mệnh truyền giáo và các hoạt động bác ái, giáo dục và xã hội, giờ đây các Giám Mục Tây Ban Nha phải bấm bụng bỏ ra một số tiền lớn cho một điều các ngài luôn tin rằng là một điều vô ích.
Source:National Catholic Register