Ngày 28-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy xé lòng chứ đừng xé áo
Lm. Đan Vinh
00:23 28/02/2022

THỨ TƯ LỄ TRO A.B.C.
Ge 2,12-18; 2 Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18
HÃY XÉ LÒNG CHỨ ĐỪNG XÉ ÁO

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 6,1-6.16-18
(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

2. Ý CHÍNH :
Đức Giê-su đòi môn đệ phải làm các việc đạo đức như bố thí, cầu nguyện và ăn chay theo tinh thần mới của Người :
Điều quan trọng là phải làm các việc này trong sự khiêm tốn : Tránh khua chiêng đánh trống khi bố thí để được khen có lòng bác ái; Tránh cầu nguyện ở chỗ đông người để được đánh giá là có lòng đạo đức; Tránh ăn chay với vẻ mặt thiểu não để được ca tụng có tinh thần hy sinh hãm mình.

3. CHÚ THÍCH :
- C 2-4 : + Bố thí : Thời Đức Giê-su, bố thí là việc công chính bậc nhất (x. Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới thái độ phô trương bề ngoài, nhằm để được người khác ca tụng. + Đừng có khua chiêng đánh trống : Rất có thể những người Pha-ri-sêu thời bấy giờ dùng chiêng trống để loan báo cho người ăn xin nghèo khó tập trung lại nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó ta có thể coi đây chỉ là một ví dụ có tính phóng đại để khuyến cáo môn đệ phải khiêm tốn khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi : Lời khen của người đời chính là phần thưởng dành cho những ai làm việc bố thí chỉ nhằm khoe khoang. Do đó, họ sẽ không được công phúc thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa sau này. + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm” : Là một kiểu nói có nghĩa là cần phải giữ kín, không cho người khác biết việc tốt mình đang làm.
- C 5-6 : + Cầu nguyện : Chính Đức Giê-su đã làm gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo Người thì lời cầu nguyện phải có những đặc tính sau : Phải khiêm tốn trước Thiên Chúa và người đời (x. Lc 18,10-14; Mt 6,5-6); Phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x. Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa (x. Mt 6,8; 7,7-11) và phải kiên trì nài xin (x. Lc 11,5-8; 18,1-8). Lời cầu nguyện sẽ chỉ được nhận lời khi cầu xin với lòng tin mạnh (x. Mt 21,22), cầu xin nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20), và cầu xin những ơn thực sự ích lợi cho phần rỗi đời đời (x. Mt 7,11). + Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy : Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai và cộng đồng (x. Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ trích ý đồ của người cầu nguyện là muốn phô trương công đức để được người đời ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh : Đức Giê-su gợi lại cách thức của ngôn sứ Ê-li-a cầu nguyện khi làm phép lạ (x. 2V 4,33).
- C 16-18 : + Ăn chay : Đã từ rất lâu, dân Ít-ra-en có tục ăn chay mỗi khi có tang chế (x. 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2Sm 12,16). Ăn chay theo luật Mô-sê là nhịn ăn uống vào ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta không được tắm rửa, phải để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo bằng vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do thái chỉ buộc phải ăn chay trong ngày lễ Xá tội (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), và trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá hoặc trong những lúc gặp thiên tai. Riêng các người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12). + Còn anh, khi ăn chay... : Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải ăn chay trong sự khiêm tốn: thay vì rắc tro lên đầu, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn...như người Biệt phái thường làm, thì họ cứ rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm như mọi ngày khác, để cho người ta không biết mình đang ăn chay.

4. CÂU HỎI :
1) Hãy cho biết ba việc đạo đức người Do thái đạo đức quen làm là những việc gì?
2) Theo Đức Giê-su: cầu nguyện đúng đắn phải có những đặc tính nào? Muốn đạt được hiệu quả thì lời cầu nguyện phải có những điều kiện nào?
3) Luật Mô-sê dạy dân Do thái ăn chay như thế nào?
4) Thời Đức Giê-su, dân Do thái buộc ăn chay những ngày nào? Và người Pha-ri-sêu thì ăn chay những ngày nào?
5) Đức Giê-su dạy môn đệ phải ăn chay cách nào để làm đẹp lòng Thiên Chúa?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,4).

2. CÂU CHUYỆN :

1) ĂN CHAY LÀ QUẢNG ĐẠI BỎ TIỀN GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHÈO :
Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang trong nhà thờ để kiếm cái gì ăn cho đỡ đói. Bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn như nó. Thế là hai con chuột liền làm quen với nhau và hỏi thăm chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự : “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong ngôi nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ !”. Nghe vậy, chuột thứ hai tỏ ra thông cảm với bạn và nói : “Vậy thì bồ hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị người ta quấy rầy !” Chuột thứ nhất ngạc nhiên hỏi : “Có một chỗ ở như thế thật ư? Vậy bạn hãy cho tớ biết là chỗ nào vậy? “. Chuột thứ hai liền đáp : “Đó là trong thùng quyên góp giúp người nghèo. Nó nằm ngay tại cuối nhà thờ này đấy !”

2) ĂN CHAY LÀ HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI BIẾT NGHĨ ĐẾN THA NHÂN :
Một vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Ðể thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi nào ông ít ăn chay và không cầu nguyện thì ngôi sao bị lu mờ đi. Khi ông gia tăng ăn chay cầu nguyện thì ngôi sao lại rực sáng lên.
Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng với ông lên núi. Thày trò hăng hái lên đường. Đường càng lên cao thì càng dốc và khó đi. Mặt trời mỗi lúc càng nắng gắt. Hai thày trò đều bị ướt đẫm mồ hôi và khát nước, nhưng theo luật ăn chay nghiêm ngặt nên không ai dám uống nước. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ phá chay mất công phúc trước mặt Chúa. Nhưng khi thấy em bé mỗi lúc mệt thêm, vị ẩn tu thương hại em nên mở chai nước ra uống. Lúc ấy em bé mới dám mở chai của mình ra uống. Uống nước xong, em cảm thấy khỏe hơn và mỉm cười rất tươi để tỏ lòng cám ơn thày. Thày ẩn tu ngước mắt nhìn lên ngôi sao trên đỉnh núi vì sợ ngôi sao kia biến mất vì mình đã không hãm mình. Nhưng lạ thay, trên đầu núi thày thấy không phải một mà lại có đến hai ngôi sao sáng cùng xuất hiện. Thì ra, để thưởng công lòng bác ái yêu thương người khác của thày, Chúa đã cho thêm một ngôi sao nữa.

3) ĂN CHAY LÀ THÀNH TÂM SÁM HỐI VÀ GIÚP TỘI NHÂN HOÁN CẢI :
Thời ngôn sứ Gio-na, Đức Chúa truyền cho ông hãy đi loan báo cho dân thành Ni-ni-vê đang sống bê tha tội lỗi về các tai ương mà Ngài sắp giáng xuống trên cả thành nếu họ không cấp thời sám hối. Lúc đầu Gio-na chạy trốn Đức Chúa nên con thuyền ông đi trốn Chúa đã gặp bão lớn. Khi ông bị các người trên thuyền quăng xuống biển thì cơn bão mới yên. Sau đó một con cá lớn đã đớp lấy ông nuốt vào bụng và ba ngày sau nó nhả ông ra nằm trên bãi biển. Tỉnh dậy ông biết mình đang nằm trên bãi cát thuộc địa giới thành Ni-ni-vê. Ông đã tuân phục ý Chúa và bắt đầu sứ mạng rao giảng kêu gọi dân thành Ni-ni-vê ăn năn sám hối. Nghe ông rao giảng và chứng kiến phép lạ ông ở trong bụng cá ba đêm ngày, thì từ vua đến dân đều ăn năn sám hối : “Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro” (Gn 3, 6). Nhờ đó thành Ni-ni-vê đã được Đức Chúa xá tội và không giáng phạt.

4) ĂN CHAY LÀ TÍCH CỰC GÓP PHẦN XÂY DỰNG HOÀ BÌNH :
Ngày 22/01/2008, O-mar O-sa-ma Bin La-den, người con trai thứ tư của ông trùm khủng bố O-sa-ma Bin La-den đã nhắn tin yêu cầu cha hãy chấm dứt bạo động mà ông là người xướng xuất. Loại bạo động của Al-Qaeda là thực hiện hàng loạt vụ khủng bố trên khắp thế giới. Các vụ khủng bố này đã giết chết rất nhiều thường dân vô tội, bao gồm cả trận tấn công nổi tiếng ngày 11-9-2001 bằng việc cướp phi cơ và buộc phi công lái đâm vào toà nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại Hoa Kỳ.
O-mar nói rõ : “Bom là không tốt để sử dụng với bất cứ ai. Cha hãy thay đổi cách hành động”. Ðó chính là thông điệp mà con trai của ông trùm khủng bố O-sa-ma Bin La-den muốn gửi đến cha mình. Anh không muốn chiến tranh. Anh không muốn thế giới này tiếp tục nhuốm máu người dân vô tội. Anh muốn cha anh hãy cải tà quy chính để sống đúng với phẩm giá làm người.

3. THẢO LUẬN : Trong kinh “cải tội bảy mối có bảy đức”, bạn thấy mình thường hay sai phạm mối tội đầu nào nhất? Bạn sẽ làm gì để chừa bỏ thói xấu ấy trong Mùa Chay năm nay?

4. SUY NIỆM :
Hội thánh cử hành nghi thức làm phép và xức tro để khai mạc Mùa Chay Thánh. Trong nghi lễ xức tro, Hội Thánh nhắc nhở mọi tín hữu : “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”. Khi lãnh tro lên đầu là chúng ta nhận mình chỉ là tro bụi như tổ phụ Áp-ra-ham xưa đã cầu nguyện với Đức Chúa : “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27), đồng thời chúng ta cũng bày tỏ lòng sám hối và tin vào Tin Mừng của Đức Giê-su như lời Người dạy : “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14).

1) BA VIỆC NÊN LÀM MÙA CHAY LÀ BỐ THÍ, CẦU NGUYỆN VÀ ĂN CHAY :
a) Bố thí kín đáo :
- Các việc đạo đức cần phải đi đôi với lòng mến Chúa yêu người mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa như lời thánh Phao-lô : “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).
- Bố thí là chia sẻ cơm bánh vật chất cho những người nghèo đói. Nhưng cần tránh phô trương, mà làm cách kín đáo : “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”.
b) Cầu nguyện âm thầm :
- Cầu nguyện là dấu hiệu của đức tin. Bao lâu người ta còn cầu nguyện thì còn chứng tỏ họ đang có đức tin. Khi thôi không cầu nguyện nữa cho thấy đức tin của họ đã chết như lời thánh Gia-cô-bê dạy : “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).
- Lời cầu nguyện cần mang đặc tính khiêm tốn, chân thành, tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa và với sự kiên trì. Lời cầu nguyện chỉ được Chúa chấp nhận nếu cầu xin kèm theo đức tin mạnh, cầu xin nhân danh Đức Giê-su và cầu xin các ơn lành hồn xác thực sự mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời (x. Mt 7,11).
c) Ăn chay hãm mình :
- Ngay từ thời các vua, dân Ít-ra-en đã có thói quen ăn chay mỗi khi có tang chế (x. 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2 Sm 12,16), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá hoặc trong những lúc gặp thiên tai. Đến thời Chúa Giê-su, các người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12).
- Về cách thức ăn chay : Luật Mô-sê quy định ăn chay là tự nguyện nhịn ăn uống vào ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta không được tắm rửa, phải để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo đặc biệt bằng vải thô. Luật buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9). Đức Giê-su dạy môn đệ phải ăn chay trong sự khiêm hạ : thay vì rắc tro lên đầu, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn...như người Biệt phái thường làm, thì hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm như các ngày khác, để người ngoài không biết mình đang hãm mình đền tội. Chỉ cần Thiên Chúa thấu suốt và sẽ ban ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.

2) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
a) Tránh ăn chay hình thức vụ luật và phô trương :
- Có những người ăn chay vụ luật hoặc vì sợ bị Chúa phạt : Những người này ăn chay để khỏi mắc tội. Do đó nếu trong ngày chay lỡ quên ăn vặt, ăn không đúng giờ... thì đâm ra lo lắng áy náy. Họ tính toán : Ngày mai ăn chay thì hôm nay sẽ ăn uống no say như thói tục “Thứ Ba Béo” của một số dân các nước Âu châu.
- Cũng có người trong ngày giữ chay tuy không ăn thịt, nhưng lại ăn đồ hải sản, tôm hùm, cá hồi… còn mắc tiền hơn thịt. Họ tuy giữ luật ăn chay nhưng thiếu tinh thần chay là hãm mình đền tội, nên việc ăn chay của họ không đẹp lòng Thiên Chúa.
b) Hãy thực thi công bình bác ái :
- Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Đức Chúa : “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em?
- Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm, như mạch suối không cạn nước bao giờ” (Is 58,6-11).

3) MỘT SỐ VIỆC LÀM THIẾT THỰC :
a) Trong ngày Thứ Tư Tro, hãy đến nhà thờ để NHẬN TRO TRÊN ĐẦU. Trong nghi thức xức tro, Hội Thánh nhắn nhủ : “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi một mai người sẽ trở về bụi tro”; Hoặc : “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”.
Nhận tro trên đầu như vậy là để bày tỏ lòng sám hối và quyết tâm cải tà quy chánh : Hãm dẹp các đam mê bất chính, các thói hư tật xấu, loại bỏ những hành vi ám muội làm mất lòng Chúa và phiền lòng anh em.

b) Luật Hội Thánh quy định việc ăn chay mỗi năm còn hai ngày là Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Không phải Hội Thánh coi thường việc ăn chay, nhưng muốn các tín hữu chú trọng nhiều hơn đến TINH THẦN CHAY TỊNH như sau :
Nhịn ăn một chén cơm không bằng nhịn nói một lời xúc phạm người khác.
Nhịn ăn một miếng thịt không bằng nhịn một cử chỉ khinh thường anh em.
Nhịn ăn một bữa cơm ngon không bằng nhường nhịn, tha thứ, sẵn sàng làm hòa với nhau.
Kiềm chế cơn đói không bằng kiềm chế cơn nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc, nghiện chơi games trên máy tính...
Kiềm chế cơn khát không bằng kiềm chế các dục vọng, loại bỏ thói tham lam và tính tự ái kiêu ngạo, tính thích gây hấn với người khác.

c) Ngôn Sứ Giô-en kêu gọi dân Do thái : “HÃY XÉ LÒNG CHỨ ĐỪNG XÉ ÁO”. Người Do-thái có tục lệ xé áo để biểu lộ lòng thống hối khi ăn chay. Người tín hữu hôm nay cần ý thức :
- Xé áo bề ngoài không bằng xé lòng khỏi thói tham lam, ăn ở bất công.
Xé lòng ra khỏi sự lười biếng, khô khan, nguội lạnh.
Xé lòng khỏi những dính bén danh lợi thú trần gian.
Xé lòng khỏi thói gian dối, đạo đức giả như người Biệt Phái.
Chỉ khi thực sự xé lòng như thế, ta mới gạt bỏ được những chướng ngại ngăn cản ta đến với Chúa; Mới đến gần Chúa, sống thân mật với Chúa và hưởng được tình thương bao dung của Chúa.

d) Ngoài ra, chúng ta hãy biến việc ăn chay thành HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI CỤ THỂ. Mỗi ngày trong Mùa Chay, hãy bớt chi tiêu để gửi tiền giúp những nơi nghèo khổ, vùng bị thiên tai lũ lụt, vùng bị cách ly do dịch cúm Covid-19, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa… Nhờ thế, việc ăn chay của ta sẽ không chỉ dừng lại ở hình thức bề ngoài, nhưng là những hy sinh hãm mình và những việc bác ái cụ thể phục vụ tha nhân.

5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cùng với toàn thể Hội thánh, chúng con đã bước vào Mùa Chay. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một thời kỳ thuận tiện để duyệt xét cuộc đời chúng con, hầu bù đắp những thiếu sót, sửa chữa những lệch lạc nơi con người chúng con. Xin Chúa hãy chiếu ánh sáng của Chúa trên chúng con, để chúng con quyết tâm đổi mới nên môn đệ đích thực của Chúa.- AMEN.
 
Không cần ngã giá
Lm. Minh Anh
00:30 28/02/2022

KHÔNG CẦN NGÃ GIÁ
“Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.

Trong cuốn “Ơn Cứu Độ Quá Vĩ Đại”, “So Great Salvation”, Charles C. Ryrie viết, “Ân sủng không hề rẻ, nó rất đắt! Nó miễn phí cho người nhận, nhưng tốn kém cho người ban. Sử dụng từ ‘rẻ’ trong cùng hơi thở với ân sủng cứu độ của Thiên Chúa dường như quá phạm thượng! Chúa Con ‘không cần ngã giá’, Ngài trả bằng mạng sống Ngài. Một số có thể xúc phạm ân sủng, từ chối nó, chà đạp nó, làm ô nhục nó… nhưng điều đó không làm giảm giá trị vô hạn của nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Để mang ơn cứu độ cho nhân loại, Con Thiên Chúa không hề tính toán mà sẵn sàng trả giá bằng chính máu Ngài. Tin Mừng hôm nay đề cập ‘cái giá’ của ơn cứu độ đó; đúng hơn, Tin Mừng đề cập ‘một thương vụ lớn’ giữa một thanh niên giàu có và Chúa Giêsu. Thật xúc động, anh quỳ trước Ngài, người mà anh gọi là “Thầy nhân lành”, xin Ngài nhượng cho anh cái mà anh biết, chỉ mình Ngài sở hữu, một cái gì đó mà anh không có! Anh muốn có nó, mua nó bằng được, mà ‘không cần ngã giá’.

Nó là cái gì? Thưa, sự sống đời đời! Có lẽ biết anh quá giàu, thật thú vị, Chúa Giêsu ra giá! “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi!”. Ngài thầm nói, kho tàng ấy vô giá; Ngài nói đúng giá, để anh ‘không cần ngã giá’. “Nghe lời đó, anh sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi”. Anh không ngờ, Ngài hát ‘giá trên trời!’; và cũng không ngờ, Ngài muốn dẫn anh và mỗi người chúng ta buông bỏ mọi sự, ngay cả chính mình, để thanh thoát hướng cả đôi mắt lẫn tâm hồn lên ‘tận trời’; Ngài đề nghị chúng ta đừng quá ‘bám đất’, để tin cậy hơn vào ‘Cha trên trời’. Đức Bênêđictô 16 nói, “Các bạn trẻ thân mến! Đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy gì đi, Ngài cho bạn mọi thứ. Khi phó toàn thân cho Ngài, chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở ra, hãy mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô, và bạn sẽ tìm thấy cuộc sống đích thực!”.

Rất dễ dàng để chúng ta tập trung vào cái giá phải trả cho một thứ gì đó! Khuôn mặt chàng trai tiu nguỷu vì anh ta nhìn vào cái giá phải trả nhiều hơn là kho tàng được hứa; giá cả là một cái gì đó mà anh cảm thấy bây giờ, đang khi kho tàng là một cái gì đó sẽ đến sau này. Trong cuộc sống, đã bao lần chúng ta trải nghiệm sự thật này! Thế giới chúng ta sống luôn tìm kiếm thoả mãn tức thì mà không muốn trả giá. Thay vì tập trung vào ‘phí’ phải trả, chúng ta nên tập trung vào ‘phúc’ Chúa hứa. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng, cái giá phải trả hôm nay luôn luôn ‘hời’ so với phúc lợi Thiên Chúa tặng ban vốn tồn tại mãi. Hãy nhìn vào mặt tốt bên kia! Và một khi biết giá trị, chắc chắn, chúng ta sẽ khát khao, và sẽ dám đặt cược mọi sự mà ‘không cần ngã giá’.

Thật trùng hợp, Phêrô hôm nay cũng nói đến một “Gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời”, một gia nghiệp mà chúng ta ‘không cần ngã giá’, dẫu nó đang được trả giá bằng hy sinh và thử thách. ‘Đức Thánh Cha tiên khởi’ an ủi, “Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ phải buồn sầu ít lâu giữa trăm chiều thử thách”. Bởi lẽ, Thiên Chúa luôn giữ lời hứa; Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”.

Anh Chị em,

Những thứ chúng ta cần cho cuộc sống trần gian này quả là không đáy, kể cả những điều phi lý! Nhân loại đang nghiệm ra điều đó trong chiến sự Nga - Ukraine. Chiến tranh rồi cũng kết thúc, nhưng kẻ thắng, người thua sẽ được gì? Tất cả đều quá tạm bợ! Chớ gì chúng ta khôn ngoan hơn người bạn trẻ kia, khi biết rằng, chỉ có Chúa Giêsu mới sở hữu một cái gì đó vĩnh cửu mà nhân loại không thể tìm thấy; bấy giờ, chúng ta sẽ can đảm bán hết mọi sự để tậu nó bằng được mà ‘không cần ngã giá’. Điều quan trọng bây giờ, là tôi dám buông tay cho Thiên Chúa, mở rộng tâm hồn cho Ngài, tín thác nơi Ngài, luôn tìm kiếm và làm theo ý Ngài. Sẽ không có chỗ cho Thiên Chúa trong một trái tim vốn đã đầy ắp những gì thuộc về thế tục; chỉ tách rời chúng, may ra chúng ta mới có thể đến với niềm vui thực sự. Và Thiên Chúa sẽ trao mình cho ai không có bất kỳ một ràng buộc nào khi họ tìm kiếm Ngài, cho ai ‘không cần ngã giá’ với Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự giàu có của con nơi “kho tàng Giêsu”, sự sống đời đời; để từ đó, con dám đầu tư cả cuộc sống con mà ‘không cần ngã giá’, dù chỉ một lần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:25 28/02/2022

2. Lưỡi của người vu cáo thì độc hơn rắn, rắn chỉ cắn làm tổn thương một người, nhưng một lời vu cáo thì tổn thương ba người, đó là: người nói lời vu cáo, người nghe lời vu cáo và người bị vu cáo. Người vu cáo thì lòng ghen ghét mà phạm tội, người nghe lời vu cáo thì lòng vui vẻ mà phạm tội, người bị vu cáo thì lòng thù hận mà phạm tội.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 01/03: Theo Chúa được gì? - Suy Niệm: Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
04:27 28/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Đức Giê-su rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:28 28/02/2022
8. PHẢI LÀM CHÓ MẸ

Có một thầy giáo tư (gia sư) chuyên môn đọc sai chữ, diêm vương muốn phạt ông ta làm con chó, thầy giáo ấy kiên quyết xin làm chó mẹ, hỏi ông ta tại sao thì ông ta trả lời:

- “Gặp tiền không tùy tiện được, gặp nạn không được tránh”.

(Quảng Đàm Trợ)

Suy tư 8:

Thầy giáo đọc sai chữ thì học trò chắc là không nhận được mặt chữ; thầy giáo đọc sai chữ đến nỗi trở thành “chuyên môn đọc sai”, thì học trò có lẽ trở thành người chăn trâu chuyên nghiệp, cho nên thầy bị diêm vương phạt làm con chó là đúng quá rồi. Thầy nào trò nấy...

Có một vài người Ki-tô hữu đọc không sai chữ trong Thánh Kinh, nhưng lại là “chuyên gia” giải thích Thánh Kinh theo suy nghĩ kiêu ngạo của mình, cho nên đời sống của họ pha tạp nhiều ảnh hưởng, làm cho họ không nhìn thấy được ý muốn của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, cũng như không làm cho họ thấy được tầm quan trọng trong giáo huấn của Giáo Hội...

Diêm vương không phải là Thiên Chúa, nên phạt thầy giáo đọc sai chữ đầu thai lại thì làm con chó.

Thiên Chúa không phải là diêm vương nên Ngài không phạt người đọc sai làm con chó con mèo gì cả, nhưng Ngài sẽ cảnh cáo và có khi phạt nặng ở đời này và đời sau, những người cố tình giải thích Lời của Ngài theo ý muốn kiêu căng của mình, làm nên cớ cho những người tin vào Ngài phải vấp phạm.

Đọc sai Lời Chúa thì chẳng tội vạ gì cả, nhưng giải thích sai và làm theo ý riêng mình thì sẽ thành họa cho mình và gây gương mù cho người khác, thì không phải làm chó mẹ chó con gì cả, mà làm quỷ trong hỏa ngục.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đầu Tư Đúng Địa Chỉ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:48 28/02/2022
Đầu Tư Đúng Địa Chỉ

(Thứ Ba sau Chúa Nhật VIII TN – Mc 10,28-31)

Sau khi chứng kiến chuyện một thanh niên không dám về bán tất cả tài sản để đến theo Chúa Giêsu như lời Người mời gọi để được sự sống đời đời (x.Mc 10,17-22), ông Phêrô đã nói: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”(Mc 10,28). Thử hỏi, động cơ và mục đích của Phêrô và các tông đồ khác khi từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu là gì? Dữ liệu Tin Mừng cho chúng ta thấy các vị không phải là những người nghèo khổ, nhưng đáng được xếp vào hạng trung lưu. Đa số các vị là ngư phủ. Làm nghề đánh cá mà có thuyền riêng, lại có thuê người làm công nữa thì chắc chắn nếu không quá giàu thì cũng hơn rất nhiều người. Có vị như Lêvi xuất thân là thu thuế thì tài sản hầu chắc đáng kể.

Vậy khi bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu hẳn các vị có chủ đích rõ ràng. Nhận thấy một vị thầy có quyền năng trong lời nói và hành động, đang được dân chúng mến mộ như một vị đại ngôn sứ thì chắc chắn thầy sẽ làm cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ ngoại bang là đế quốc Rôma hiện giờ. Thầy sẽ làm vua và các vị sẽ chia nhau các ghế cao trong triều đại mới, sẽ hưởng vinh hoa phú quý gấp nhiều lần sự sung túc hiện nay. Chúng ta đừng quên rằng trong ba năm theo Thầy Giêsu các vị thường xuyên tranh cãi nhau quanh chủ đề đó là ai sẽ được ngồi ghế cao nhất trong triều đại mới, khi Thầy lên ngai vua vinh hiển.

Như thế việc từ bỏ của các tông đồ thực chất là đầu tư (investing). Đầu tư là bỏ ra một để mong thu được lại nhiều lần hơn. Khi Chúa Giêsu trả lời ông Phêrô: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng ai hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin mừng mà ngay ở đời này lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 28-30). Tin Mừng Matthêu và Luca cũng tường thuật dữ kiện này nhưng phần thưởng thu được thì không nói rõ là gấp trăm mà chỉ nói là “gấp bội”, và có nói đến sự sống vĩnh cửu nhưng không đề cập đến chi tiết “sự ngược đãi” (x.Mt 19,27-30; Lc 18,28-30). Không hiểu vì sao khi kể ra những điều sẽ được nhận lại gấp trăm thì Chúa Giêsu chỉ nói “mẹ” mà không nói “cha”? Có ý kiến cho rằng tất cả chúng ta chỉ có một “Cha” trên trời mà thôi.

Trong sản xuất kinh doanh, trong việc làm ăn kinh tế hay nói chung trong việc thực hiện hoài bão, lý tưởng sống của mình, để gặt hái thành công thì phải biết đầu tư, nghĩa là phải bỏ ra những gì đó như là sức khỏe, thời giờ, tiền bạc, sự rèn luyện, việc học tập…Đầu tư là việc cần thiết như ắt có, tuy nhiên phải đầu tư đúng địa chỉ mới là điều tối quan trọng. Các phần bỏ ra phải quy hướng đúng về mục tiêu muốn đạt thì mới có thể hy vọng thành công.

Theo viễn kiến này thì cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều cho thấy cái địa chỉ đúng mà Chúa Kitô nói đó là “vì Thầy, vì Tin Mừng, vì Nước Thiên Chúa”. Hạn từ “vì” trong tiếng Việt có nhiều nghĩa tùy theo từng ngữ cảnh. Từ “vì” ở đây được hiểu theo nghĩa tích cực là “để cho” (for – pour). Kitô hữu chúng ta từ bậc giáo dân đến hàng giáo sĩ, khi đã trưởng thành và khôn ngoan thì sẽ biết đầu tư nghĩa là sẵn sàng “bỏ ra” những gì mình có hầu mong thu lại được gấp bội phần. Tuy nhiên cái địa chỉ chúng ta đầu tư có phải là vì Tin Mừng, vì Nước Trời, nghĩa là để cho Danh Chúa được cả sáng, cho tha nhân được sống và sống dồi dào trong hạnh phúc viên mãn không mới là vấn đề.

Chúa Giêsu đã dần dần điều chỉnh cho chính xác cái địa chỉ mà các tông đồ và các môn đệ muốn đầu tư là từ bỏ “mọi sự” khi đi theo Người. Chúng ta có thể sẵn sàng lao tâm tổn trí và cả của cải vật chất để xây tòa giám mục, xây nhà thờ… nhưng cần phải tự hỏi là vì cái gì, để cho cái gì? Chúng ta sẵn sàng từ bỏ nhiều sự như tình cảm riêng, nghề nghiệp đang ổn định, chút tự do…để chọn sống đời tu trì, nhưng cũng phải tự hỏi là vì cái gì, để cho sự gì? Kitô hữu chúng ta sẵn sàng chấp nhận chút thua thiệt trong kinh doanh buôn bán, sẵn sàng dâng cúng của cải cho nhà Chúa …nhưng là để cho sự gì và vì điều chi? Nếu có chút thiện tâm và khiêm nhu trả lời thì chắc hẳn chúng ta phải điều chỉnh cái địa chỉ mà mình vốn mất công và cả mất của để đầu tư. Đầu tư sai địa chỉ thì lắm khi mất cả chì lẫn cả chài.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Cám Dỗ Được Xức Tro
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:54 28/02/2022
Cám Dỗ Được Xức Tro

( Thứ Tư Lễ Tro )

Vừa đọc cái tựa bài viết, hẳn nhiên không ít người phân vân tự hỏi: người viết có ấm đầu chăng hay người viết đã lạc đạo? Để có thể phân bua hay gọi là giải thích cho sự thắc mắc thường tình ở trên, xin được cùng nhau xem xét một vài hiện tượng rất phổ biến trong sinh hoạt nhà đạo chúng ta. Đó là việc người người tranh nhau hôn kính Thánh Giá Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và người người đua nhau đến để được xức chút muội than trên đầu vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày khởi đầu mùa Chay Thánh.

Nói rằng người người thì cũng chẳng hàm hồ, vì ngay một trong những hình ảnh của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã từng ví là các bé thơ trong trắng vẫn được bố mẹ hay anh chị bồng đến để lãnh nhận chút tro hay được bố mẹ “dí mũi” vào tượng chuộc tội để chúng được hôn chân Chúa. Nói rằng người người thì cũng chẳng là phóng đại theo hình thái văn chương ngoa ngữ, vì không ít người đang ngần ngại đến toà cáo giải nhưng vẫn không thể bỏ việc hôn chân Chúa hay cúi đầu nhận tro. Vậy thử hỏi cớ nguyên nào có các hiện tượng ấy? Xin được mạo muội vạch ra một vài lý do, cho dù chưa hẳn là xác đáng nhưng hy vọng có thể giúp chúng ta suy nghĩ thêm chút gì.

1.Tâm lý chung thường xem cái gì hiếm thì quý: Mỗi năm chỉ một lần được hôn chân Chúa giữa cộng đoàn. Cũng thế mỗi năm chỉ một lần cử hành nghi thức xức tro. Tượng chuộc tội, có thể nói là không còn hiếm với ngày nay. Đã là Kitô hữu Công Giáo thì hầu như nhà nào cũng có tượng chuộc tội vì dư khả năng để mà có. Các tượng đời mới lại xem ra có mỹ quan hơn so với trước đây. Trừ một số người có thói quen đạo đức, thì ít có ai “hôn Chúa” dăm bảy lần trong năm chứ đừng nói gì là hằng ngày. Cái tượng mà hằng năm được trưng ra để tín hữu hôn chân vẫn để hay treo đâu đó trong phòng thánh, nhưng thử hỏi có mấy ai đến “hôn chân” ngoài ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Giả như nghi thức xức tro diễn ra hằng ngày hay hằng tuần, giả như nghi thức “hôn chân Chúa” cũng được cử hành hẳng tuần hay hằng ngày thì chắc chắn có chăng chuyện người người tranh dành nhau vì không thể bỏ?

2.Tâm lý không muốn bị mất phần trong những sự gọi là của chung: “Một miếng giữa làng bằng cả sàng trong bếp”. Câu ngạn ngữ này dù chưa phản ánh cách sít sao nhưng cũng nói lên cái tâm lý không muốn bị mất phần. Đêm tiệc ly, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng nếu không để Chúa rửa chân thì sẽ không được dự phần với Người thì dù chẳng biết là phần gì, Phêrô đã sợ mất phần nên vội xin không chỉ rửa chân mà rửa cả tay và đầu! (x.Ga 13,6-11). Trong một cuộc họp hay hội chung, có phát một tờ giấy tài liệu đơn giản, nếu mình không có thì cũng cảm thấy thiếu thiếu gì đó. Đúng là chuyện bình thường kiếp người cho dù bản thân là linh mục hay tu sĩ.

3.Tâm lý muốn biểu hiện tâm tình cách chung chung, như mọi người: để biểu lộ tâm tình sám hối cách chung chung như lên chịu chút tro thì hầu như rất dễ thực hiện. Vừa nhanh, vừa chẳng cần xưng thú điều gì cách cụ thể, thì việc chịu tro đã trở thành “một cám dỗ” khó bỏ qua. Giả như Hội Thánh thay đổi hình thức lãnh nhận bí tích hoà giải bằng việc chịu tro thì người người, nhà nhà sẽ nô nức lãnh nhận “bí tích hoà giải kiểu này” hằng ngày không chừng. Cái tâm tình chung chung tuy vẫn có tác dụng của nó nhưng hiệu quả thì hạn chế và chóng qua. Sám hối là để đổi thay, không biết có được bao nhiêu người nhận tro bày tỏ sự sám hối đã có được quyết tâm thay đổi? Yêu mến Chúa là để dõi theo chân Chúa, nên một với Chúa, sống như Chúa sống. Không biết có được bao nhiêu người bày tỏ sự mến yêu Chúa qua việc hôn chân Chúa đã có được nỗ lực đi theo chân Chúa, sống và yêu thương như Chúa đã sống và yêu thương?

Mùa chay thánh lại về. Các nghi thức, nghi lễ, các cách thức sống đạo được lập ra nhằm giúp ta sám hối ăn năn, thay đổi cuộc sống như xức tro, ăn chay, hôn chân Chúa, ngắm đàng Thánh Giá, ngắm nguyện các sự thương khó Chúa Giêsu…quả là tốt đẹp đáng trân trọng và phát huy. Những tâm tình đạo đức vốn có giá trị và chỗ đứng của chúng trong đời sống đạo, đời sống đức tin. Tuy nhiên, lời dạy của Mẹ Hội Thánh về việc tôn kính Đức Maria chắc chắn cũng không thể sai khi áp dụng với những hình thức đạo đức của mùa Chay. “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật…” (GH 67).

Chước cám dỗ luôn có đó. Ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta như tìm mồi cắn xé (x.1P 5,8). Chước cám dỗ mà ẩn sâu trong các hình thức đạo đức thì lại càng khó nhận diện để chống trả. Nếu chỉ hài lòng với một vài tình cảm đạo đức như “thấy thương Chúa”, “thấy mình là kẻ tội lỗi”…mà thôi chứ không thay đổi cuộc sống để nên tốt hơn, quảng đại hơn, thánh thiện hơn…thì cũng rất dễ sa chước cám dỗ. Quả thật, những câu chuyện thật như bịa “cười ra nước mắt” về việc sống đạo mùa chay vẫn chưa có hồi kết.

“Tên kia, đứng lại, lấy tiền ra, nộp ông đây”. Cha thánh Gioan Vianey nhân một buổi đi kẻ liệt trong ngày thứ Tư Lễ Tro về, cảm thấy có cái gì lành lạnh như con dao nhọn dí ở sau lưng, ngài nói: “Tôi không có tiền, nhưng hôm nay trời lạnh qua, mời anh điếu thuốc”. “Ồ, xin lỗi cha, trời tối quá, con không nhận ra cha. Xin cám ơn cha, hôm nay thứ Tư lễ Tro, ngày ăn chay, con không dám hút thuốc, kẻo phá chay”.

Một chuyện khác: “Sao chúng con đánh nhau?” Cha xứ hỏi hai thiếu niên. Một em thút thít trả lời: “Thưa cha, bạn ấy dành hôn chân Chúa, xô con té”.

Lại một chuyện khác nữa: Đêm thứ Tư Lễ Tro năm nọ sát liền sau Tết Nguyên Đán chỉ mấy ngày, cha xứ thấy đèn một phòng học giáo lý còn sáng, ngài đến để tắt đèn bỗng thấy năm, sáu giáo lý viên còn ở đó. “Sao giờ này chúng con còn ở đây? Họp hành gì khuya thế! “ Thưa cha - Một giáo lý viên gãi đầu thú nhận - dạ chúng con chờ đồng hồ điểm 12 giờ đêm để nhậu mà khỏi phá chay. Đang còn Xuân mà cha”. Cha xứ chào thua, tuy nhiên, vốn quá cẩn thận việc giữ luật, ngài căn dặn: “Nhưng cha cấm chúng con không được vặn đồng hồ chạy nhanh đó nghen, nhanh một phút cũng không được! Nhậu trước 12 giờ đêm là phá chay đó nghen!”. Chuyện mùa chay còn tiếp…

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột.
 
Thân phận bụi tro
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
19:51 28/02/2022


"Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, mai sau người sẽ trở về với bụi tro"

- Cách đây trăm năm, mỗi người chúng ta là gì?

- Khi đó, chúng ta chỉ là hư không. Một cọng cỏ lúc bấy giờ còn có ích cho đời hơn chúng ta, vì những cọng cỏ có thể nuôi được con cừu con dê, còn chúng ta, chưa thể mang lại lợi ích gì cho ai.

Bấy giờ, gạch đá còn có ích lợi hơn chúng ta, vì gạch đá có thể được dùng để xây dựng nhà ở, cầu cống và bao nhiêu công trình hữu ích khác, còn chúng ta lúc đó chỉ là hư không!

Bấy giờ bùn đất hữu dụng hơn chúng ta, bởi bùn đất còn có thể làm cho những bụi lúa mọc lên, trong khi vào lúc đó, chúng ta chỉ là hư không, chẳng có tác dụng, chẳng có lợi ích gì.

Thế rồi, do tình thương lạ lùng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta và cho chúng ta bước vào cuộc đời, để chúng ta trở thành con người cao cả trổi vượt hơn hết muôn loài muôn vật. Thiên Chúa đã phú ban cho chúng ta tài năng, trí tuệ và nhiều ơn huệ tuyệt vời… khiến chúng ta trở thành thụ tạo siêu đẳng.

Chúng ta trở nên siêu đẳng không do tài năng, sức lực, trí tuệ… của mình mà là do tình thương và ân huệ của Chúa.

Thế nhưng, con người chúng ta hôm nay với thân xác nầy, trí tuệ nầy, tài năng nầy… mai đây sẽ trở về bụi tro, như lời thánh vịnh 102 sau đây:

"Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong,

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình." (TV. 102, 6)

Rồi mai đây, bảy chục năm hay may lắm là trăm năm sau, chẳng ai còn biết đến chúng ta đang hiện diện nơi đây, bởi vì lúc bấy giờ chúng ta chỉ còn là những hạt bụi bị vùi dưới mộ sâu, như lời nhà thơ Nguyễn Gia Thiều:

"Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!"

Nếu Chúa không cứu chuộc chúng ta, thì mai đây, chúng ta cũng sẽ trở về cát bụi như lời nhắc nhở trong nghi thức bỏ tro hôm nay: "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, mai đây người sẽ trở về với bụi tro."

Nghi thức rắc tro được cử hành hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ đến thân phận bụi tro của mình, để không tự kiêu tự đắc, vì ý thức rằng tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở thành người khiêm tốn và luôn biết tạ ơn Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và ban tất cả cho chúng ta.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cập nhật tình hình Giáo Hội tại Ukraine
Đặng Tự Do
16:22 28/02/2022


Cập nhật tình hình từ những người Công Giáo ở Ukraine giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình hình đang phát triển ở đó. Chiến tranh ảnh hưởng đến các thành phố như thế nào?

Khi Nga đưa chiến tranh đến Ukraine, các linh mục đang phục vụ tại các thành phố bị tấn công của Ukraine cung cấp thêm báo cáo về những gì các ngài thấy trên mặt đất trong thừa tác vụ của các ngài.

Nhiều người đang hỏi: tình hình ở các vùng khác nhau của đất nước như thế nào? Điều gì tiếp theo cho những nỗ lực mục vụ của Giáo hội được thực hiện ở đó? Những linh mục này giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

LVIV - “Chúng tôi sẽ không rời con cái của chúng tôi!”

“Chúng tôi đang ở đây, chúng tôi không thể bỏ mặc những khu vực này, ngôi nhà, hoặc những đứa trẻ tàn tật của chúng tôi. Họ chỉ có chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem tình hình sẽ phát triển như thế nào”, các cha dòng Chúa Quan Phòng từ Lviv viết trong một thông báo đăng trên trang web của cộng đoàn.

“Cuộc tấn công vẫn tiếp tục trên khắp đất nước, còi báo động phòng không đã vang lên từ sáng. Chúng tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng nổ, nhưng tôi nghĩ rằng sân bay có thể bị đánh bom vì điều đó đã xảy ra ở các thành phố khác ở Ukraine, có nguy cơ xảy ra ở các thành phố khác nữa”. Cha Egidio Montanari báo cáo. Cộng đồng của ngài có sự tham gia của hai linh mục dòng Chúa Quan Phòng và một chủng sinh đến từ Kiev. Người chủng sinh này chỉ có nửa thùng nhiên liệu, nửa đường hết xăng phải bỏ xe đi bộ và được cộng đoàn ở Lviv đón trên xa lộ.

Tình hình tại Charków - “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi các mẹ và người nghèo!”

Các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng cũng quyết định ở lại Ukraine với trách nhiệm của họ. “Sáng nay, các Nữ tu dòng Tiểu muội Bác ái Truyền giáo đã tìm cách thiết lập liên lạc với các chị em ở Kharkiv, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc tấn công của Nga, và ở Korotycza gần đó,” bản tin của cộng đoàn viết.

Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan không nhưng họ đều chọn ở gần các bà mẹ, trẻ em và những người nghèo mà họ chăm sóc.

“Chị Kamila ở Kharkiv báo cáo rằng trong đêm họ bị đánh thức bởi những tiếng nổ súng. Tình hình rất bấp bênh. Đức Hồng Y đã yêu cầu các chị em dòng Chúa Quan Phòng từ cả hai cộng đồng tập trung ở Korotycza vì ở đó an toàn hơn. Các chị em ở đó có tầng hầm mà họ có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp nguy hiểm. Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan hay không nhưng họ đều chọn ở lại để tiếp tục phục vụ.”

Tình hình tại Mariupol - “Chúng tôi không còn biết chạy đi đâu?”

“Tiếng nổ đã được nghe thấy vào buổi sáng, điều này gây ra sự hoảng loạn. Nhưng các nhà chức trách Ukraine đã yêu cầu người dân không được hoảng sợ. Điều này rất khó. Tuy nhiên, trong thành phố, sự hoảng loạn là điều hiển nhiên. Có những hàng chờ khổng lồ tại các trạm xăng và ga đường sắt. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta đi đâu đây? Bạn không thể rời khỏi thành phố một cách dễ dàng, thiết quân luật đang có hiệu lực. Tất cả chúng tôi đều lo lắng” Cha Paul Tomaszewski, một linh mục dòng Thánh Phaolô, nói với Đài phát thanh Vatican.

“Ngoài trận chiến còn có trận địa thông tin, trận địa tuyên truyền. Người ta nói rằng xe tăng được bố trí ở thành phố của chúng tôi, ở Donetsk, họ nói rằng lá cờ của nước cộng hòa ly khai đã bay trên thành phố. Nhưng bây giờ nó là bình thường, yên bình, các hoạt động của thành phố vẫn diễn ra như thường lệ. Mọi người biết rằng mỗi dãy căn hộ đều có một số loại hầm trú ẩn, chủ yếu là ở các tầng hầm, rất khó để tìm được một nơi trú ẩn thực sự. Tôi mời mọi người đến nhà thờ, ai có thể thì hãy đến, chúng tôi sẽ cầu nguyện”.

Tình hình tại KOLOMYJA – Thánh lễ đông nghẹt

“Chúng tôi được đánh thức sáng nay bằng máy bay đang bay qua thành phố,” Cha Michal Machnio, cha sở của giáo xứ Thánh Ignatius Loyola ở Kolomyia thuộc tổng giáo phận Lviv, đã báo cáo trong một cuộc phỏng vấn với Radio Plus. Cha sở, là một linh mục của Giáo phận Radom, thông báo rằng một sân bay cách thành phố 60 km (gần 40 dặm) đã bị đánh bom. Sân bay quân sự ở Kolomyia cũng bị cháy.

“Đó là một tình huống khó khăn cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện mỗi ngày. Chúng tôi khuyến khích mọi người cầu nguyện cho hòa bình. Chúng tôi hát những lời cầu xin mỗi ngày sau khi thánh lễ. Chính quyền thành phố yêu cầu anh chị em bình tĩnh. Nếu không có nhu cầu, anh chị em nên ở nhà. Ngoài ra, các sơ đã đóng cửa trường mẫu giáo mà họ điều hành”, vị linh mục nói thêm.

Tôi không có ý định bỏ đi, tôi đang ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cuối cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.

“Có một số lượng lớn người bất thường trong thánh lễ sáng hôm nay. Bạn có thể cảm thấy căng thẳng, nhưng mọi người đều cố gắng giữ bình tĩnh. Mọi người đang mua nhiều thứ hơn ở cửa hàng vì họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Tôi xin những lời cầu nguyện rằng Ukraine sẽ không còn bị xâm lược”, cha Machnio nói. Vị linh mục tuyên bố rằng ngài sẽ không rời giáo xứ của mình. “Tôi không rời đi, tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.”

Tình hình tại Kiev - “bảo vệ Mình Thánh Chúa”

“Vào buổi sáng, tôi bị đánh thức bởi một vụ nổ, có thể là từ hướng Boryspol - cách chúng tôi khoảng 30 km (khoảng 18 dặm). Chúng tôi quyết định cùng với những người bạn của mình chuẩn bị di tản. Chúng tôi muốn bảo đảm các thiết bị có giá trị nhất từ studio truyền hình và đưa nó đi theo hướng Lviv; chúng tôi cũng cần bảo bảo đảm Mình Thánh Chúa. Tôi mang theo tài liệu tiếng Ba Lan và một số nhu yếu phẩm để phòng trường hợp chúng tôi phải trốn trong các trại tạm trú,” Cha Błażej Gawliczek, người làm việc cho đài truyền hình Công Giáo EWTN ở Kiev tường thuật trong một cuộc phỏng vấn với Sunday Guest.

“Bạn không thể nhìn thấy quân đội trên đường phố, nhưng có một sự náo động rất lớn. Một trong những người bạn của tôi đã ra ngoài cửa hàng để mua thức ăn và đổ xăng cho chiếc xe của anh ấy - có những hàng dài không thể tưởng tượng được tại các trạm xăng,và ở các cửa hàng. Tại thời điểm này, chúng tôi nhận được tin rằng quân Nga đã tiến vào vùng Chernihiv, cách Kiev 150 km (90 dặm) về phía bắc. Thành thật mà nói - đã lâu rồi tôi không cảm thấy sợ hãi và hoang mang như thế này. Trước đó tôi đã phần nào đánh giá thấp mối đe dọa này của Nga, nhưng bây giờ tôi cảm thấy lo lắng vô cùng,” vị linh mục cho biết thêm.
Source:Aleteia
 
Tòa Thánh Công Bố Danh Tính Tân Tổng Giám Mục Paris
Lê Đình Thông
16:27 28/02/2022
Tòa Thánh Công Bố Danh Tính Tân Tổng Giám Mục Paris

Trong số báo xuất bản ngày 27/02, tuần báo Paris-Match đã đăng bài viết của đặc phái viên Caroline Pigozzi cạnh Tòa Thánh theo đó,vào này 17/04, Tòa Thánh sẽ công bố danh tính vị tân TGM Paris.

Danh tính của ba vị đã được ĐHY Ouellet, Bộ trưởng Thánh bộ Giám mục đệ trình ĐTC Phanxicô là Đức TGM Jean-Marc Aveline (Marseille), LM François Boëdec, giám tỉnh dòng Tên và ĐGM François-Xavier Bustillo (Corse, hình trên đây).

Nhật báo Corse Matin đã trích thuật nguồn tin của Paris-Match dưới tựa đề : ‘‘TGM Paris : tên tuổi của Đức Cha Bustillo được nói tới ở Vatican’’.

Đức Cha Bustillo sinh năm 1968 là linh mục dòng Phanxicô ở Padoue (Ý). Năm 1997, Ngài có bằng cử nhân Thần học tại Đại Học Công Giáo Toulouse. Sau đó, ngài gia nhập dòng Phanxicô tại Narbonne. Ngày 11/05/2021, ngài được bổ nhiệm là giám mục Corse.

Lê Đình Thông
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ Ơn Và Cầu Bình An Năm Nhâm Dần VietCatholic.
VietCatholic Media
05:27 28/02/2022


Trong tâm tình Tạ Ơn và cầu Bình An trong năm Nhâm Dần, Đồng thời, với tấm lòng tri ân và nhớ đến Quý Cộng Tác Viên, Quý Ân Nhân, và Quý Đọc Giả VietCatholic toàn cầu còn sống hay đã qua đời, Ban Điều Hành VietCatholic đã Cử Hành Thánh Lễ Tạ Ơn và cầu Bình An Năm Nhâm Dần tại Sydney chi tiết như sau:

1. Thánh Lễ Tạ Ơn vào lúc 8.30pm giờ Sydney vào Chúa Nhật 27/2/2022. Cha Paul Văn Chi Đại Diện Ban Điều Hành chủ tế theo giờ của các địa phương như sau:

• Tại Sydney Melbourne là 8.30pm, Perth 5.30pm Chúa Nhật 27/2/2022.

• Tại Los Angeles USA là 1.30am Chúa Nhật 27/2/2022.

• Tại Việt Nam là 4.30pm Chúa Nhật 27/2/2022.

• Tại Paris Âu Châu là 10.30am Chúa Nhật 27/2/2022.

2. Mục Đích để Cầu nguyện cho các Cộng Tác Viên và Đọc Giả cũng như Ân Nhân VietCatholic còn sống hay đã qua đời.

3. Các Bài Hát thông dụng do các Ca Sĩ Liên Ca Đoàn Sydney phụng vụ.

4. Phụng Vụ theo Thánh Lễ Chúa Nhật 8 Thường Niên C.

Từ 7 giờ tối Chúa Nhật ngày 27/2/2022, Anh Khanh Lai, anh Khang, anh Vinh cùng nhiều người trong nhóm kỹ thuật VietCatholic Sydney đến Nhà Thờ St Luke’s Revesby Sydney để chuẩn bị Thánh Lễ Tạ Ơn và Cầu Bình An với chủ đề Tâm Tình Tạ Ơn. Lúc 7.15pm, anh chị em đại diện Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh đến chuẩn bị phụng vụ Thánh Ca với tiếng đàn Cathedral Organ. Thêm vào đó, anh chị em Ban Mục Vụ Giáo Đoàn với anh Huynh và anh Hòa cũng có mặt để chuẩn bị Bàn Thờ và âm thanh trong Nhà Thờ.
Ca Sĩ Liên Ca Đoàn phụng vụ Thánh Ca.


Tất cả các nhóm đều rộn rã vui tươi để chuẩn bị cho Thánh Lễ Tạ Ơn và Cầu Bình An theo như Thông Báo của Ban Điều Hành VietCatholic. Cây mai Mùa Xuân Nhâm Dần vàng lên rực rỡ với những bánh pháo đỏ vui tươi trong Tâm Tình Tạ Ơn và Cầu Bình An...Tất cả đã sẵn sàng...

Đúng 8 giờ 30 tối, hồi chuông bắt đầu Thánh Lễ vang lên, Linh Mục Văn Chi, Giám Đốc VietCatholic, Đại diện Ban Điều Hành, chủ tế Thánh Lễ để Cầu nguyện cho Quý Cộng Tác Viên, Quý Ân Nhân, và Đọc Giả VietCatholic còn sống hay đã qua đời trong tiếng pháo hân hoan chào mừng và Tạ Ơn...
Thánh Lễ Tạ Ơn và Cầu Bình An Chúa Nhật 27/2/2022


Ngoài Tâm Tình Tạ Ơn và Cầu Bình An, Linh Mục Văn Chi cũng nhắc tới hành trình VietCatholic sinh hoạt đã hơn 25 năm 1996-2021, để cùng Tạ Ơn Thiên Chúa, Hiền Mẫu La Vang, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đã luôn chúc lành cho VietCatholic...Đồng thời, Ban Điều Hành VietCatholic cám ơn Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Tổng Giám Mục, Quý Giám Mục, Quý Cha và Tu Sĩ Nam Nữ, cũng như toàn thể Cộng Đồng dân Chúa và anh chị em Đồng Hương Việt Nam toàn cầu, đã nâng đỡ và góp chung bàn tay xây dựng và gắn bó với VietCatholic xuyên suốt 25 năm qua...Trong bài chia sẻ, Cha Giám Đốc nhắc tới tinh thần Tạ Ơn và VietCatholic luôn tuân theo Ơn Gọi Sai Đi của Truyền Thông Công Giáo qua Mục Đích Rao Giảng Tin Mừng và tuân theo Giáo Huấn của Giáo Hội trong Sứ Mạng Truyền Thông Công Giáo: “Ban Điều Hành VietCatholic, Quý Cộng Tác Viên, và Quý Đọc Giả toàn cầu xin Tạ Ơn Thiên Chúa, Hiền Mẫu La Vang, và các Thánh Tử Đạo Viêt Nam, đã luôn phù trợ và chúc lành cho VietCatholic trong Ơn Gọi Truyền Thông. Chúng con chân thành cám ơn Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Tổng Giám Mục, Quý Giám Mục, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Cộng Tác Viên, Quý Độc Giả toàn cầu, và toàn thể Cộng Đồng dân Chúa, đã luôn nâng đỡ và đồng hành với chúng con bằng nhiều cách khác nhau, để Vietcatholic được dưỡng nuôi và loan truyền Tin Mừng đến Quý Vị qua những thông tin cần thiết trong thời đại hiện tại, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô: “Chúng con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mk. 16:15).

VietCatholic đã luôn theo Tôn Chỉ và Mục Đích của Truyền Thông Xã Hội Công Giáo qua Sắc Lệnh Inter Mirifica năm 1963 mời gọi: “Giáo Hội có quyền sử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô Hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn.” Đồng thời, VietCatholic luôn gắn bó với Giáo Huấn của Giáo Hội qua Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cao sự tôn trọng phẩm giá và giá trị của nhân vị: “Nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất bao dung, những gì làm giảm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn.”
Cha Giám Đốc Cám ơn và chúc mừng


Thánh Lễ Trực Tuyến sốt sắng tràn đầy ân tình quyện với tiếng hát Thánh Ca du dương đã tạo nên khung cảnh của Tâm Tình Tạ Ơn. Kết thúc Thánh Lễ là những tiếng pháo Tạ Ơn và chúc mừng lại vang lên với Tâm Tình Tạ Ơn và Cầu Bình An...

Sau Thánh Lễ Tạ Ơn, đoàn Phụng Vụ chụp hình lưu niệm và dọn dẹp mãi đến 10 tối mới từ giã Nhà Thờ trong Tâm Tình Tạ Ơn...
Những người phục vụ trong Thánh Lễ Tạ Ơn và Cầu Bình An.


Những người phục vụ trong Thánh Lễ Tạ Ơn và Cầu Bình An.

Nguyện xin Thiên Chúa Yêu thương qua sự bầu cử của Hiền Mẫu La Vang chúc lành cho VietCatholic và toàn thể Quý Vị.

Đinh Nhung ghi nhanh và photo Khanh Lai.
 
Tưởng nhớ một nhà truyền giáo vừa đổ máu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:06 28/02/2022

TƯỞNG NHỚ MỘT NHÀ TRUYỀN GIÁO VỪA ĐỔ MÁU

Lẽ thường, tháng hai không có ngày 29. Có thể xem hôm nay, ngày cuối tháng 2.2022 là ngày tưởng niệm tròn một tháng:

VỊ LINH MỤC NHIỆT THÀNH CỦA CHÚA;
NGƯỜI ANH EM TRONG LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN KONTUM;
NGƯỜI ANH EM THƯƠNG QUÝ CỦA CỘNG ĐOÀN TU SĨ ĐAMINH;
ÂN NHÂN CỦA NHIỀU CỘNG ĐOÀN SẮC TỘC;
NHÀ TRUYỀN GIÁO TÂM HUYẾT CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM;
TẤM GƯƠNG HY SINH CỦA HÀNG LINH MỤC;
NIỀM THƯƠNG TIẾC VÔ HẠN CỦA MỌI TÍN HỮU VIỆT NAM;
NIỀM KÍNH PHỤC CỦA BAO NHIÊU NGƯỜI THIỆN CHÍ,
CHA GIUSE TRẦN NGỌC THANH O.P. về Nhà Cha (29.1 - 2022 - 28.2) sau khi dâng tặng dòng máu của mình trên chính nơi mà Cha đêm ngày miệt mài truyền giáo, gắn bó, yêu thương và tự nguyện làm nơi hiến dâng đời tu.

Như Chúa Kitô đã sống cho trần gian, đã chết cho trần gian, chết tại trần gian, cũng vậy, Cha Giuse Thanh đã sống cho mảnh đất mà Cha chọn làm nơi vinh danh Chúa, để cũng đã chết cho nơi đó và chết tại chính nơi đó.

Cái chết của Cha khiến không ít người bàng hoàng, rúng động. Cái chết của Cha cũng làm cho những ngày Tết vừa qua không trọn niềm vui. Cái chết của Cha khiến nhiều người không giữ được im lặng nhưng đã lên tiếng theo cách của họ...

Trên hết, theo những dòng chữ tôi đọc được từ rất nhiều người yêu mến Cha, tôi thấy Cha để lại quá nhiều dang dở nơi cánh đồng truyền giáo. Điều đó chứng minh cho mọi người, Cha nhiệt thành và không mệt mỏi cho sáng danh Chúa, Cha yêu mến Giáo Hội, yêu mến đất nước này, đặc biệt là yêu mến những con người ở rẻo cao mà Cha đảm nhận trách vụ phục vụ họ.

Dẫu công trình của Cha còn dang dở, nhưng không một ai cảm thấy lo lắng, vì tất cả đều hiểu, không một chiến sĩ chính danh, đích thực và đúng nghĩa nào của Chúa Kitô lại bạc nhược, chùn bước, khiếp sợ trước những bão bùng của cuộc đời và của thế gian.

Một GIUSE TRẦN NGỌC THANH này ngã xuống sẽ có nhiều Giuse Trần Ngọc Thanh khác đứng lên trám vào chỗ bỏ trống của ngài.

Gọi là trám vào, nhưng chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn, bất khuất hơn, táo bạo hơn, kiên vững hơn. Chẳng những mọi chiến sĩ của Chúa Kitô không bao giờ khiếp sợ, mà vì cái chết oan nghiệt của người anh em mình, họ sẽ để cho lòng họ quyết tâm hơn, trưởng thành hơn, đi đến cùng con đường thánh giá mà Chúa Kitô, Thầy của họ đã đi.

Hình ảnh thánh giá của Chúa Kitô và dòng máu của người anh em mà họ đã chứng kiến sẽ làm cho lý tưởng dâng hiến của họ càng được thúc bách, càng được nung đốt. Nói cho đúng, cái chết ấy chẳng những vô phương trói tay, trói chân mà còn trở thành tiếng gọi thúc giục lên đường, trở thành niềm gợi hứng, nguồn cảm hứng cho vô vàn những chiến sĩ cùng lý tưởng đang ở lại trần thế. Đó chính là lời sai đi dữ dội giúp họ chân cứng đá mềm nhằm đạp đầu sóng gió trong một tinh thần quật khởi, và quật khởi ngày một hơn mà thôi...

Bởi có Giáo Hội địa phương nào, từ khi đặt nền móng đến lúc hình thành và phát triển mà không đóng góp xương máu, công sức, tài năng, trí tuệ, lòng quả cảm, tình yêu... của con cái mình!

Cám ơn Cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Mãi mãi Cha là tấm gương sáng của chúng tôi, những tín hữu Kitô nói chung và những người anh em trong lý tưởng thánh chức nói riêng.

Chúng tôi chỉ là những con người yếu hèn mà còn rung lòng trước cái chết vinh phúc của Cha, thì chắc chắn lòng yêu thương của Đấng thánh thiện và toàn năng, Cha chung của tất cả chúng ta, sẽ ấp ủ Cha ấm áp đến dường nào!

Chúng tôi tin rằng, Ngài đang dìu Cha về bên Ngài như đã từng dìu đưa trùng trùng lớp lớp những người con đã vì Ngài mà đổ máu thấm cả lịch sử, thấm cả dải đất mênh mông của quê hương này.

Kính chào Cha quý yêu. Cha cứ bình yên ngơi nghỉ nơi lòng Đấng Hằng Sống. Xin hằng cầu nguyện cho đất nước, cho từng con dân đất Việt, cho Hội Thánh Việt Nam đang còn nhiều thách thức phải vượt qua và cho tất cả chúng tôi.

Xin được một lần nữa, cho tôi ghi khắc tên của người anh em, một nhà truyền giáo nhiệt thành vừa ngã xuống tròn một tháng: CHA GIUSE TRẦN NGỌC THANH!...

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lịch sử Mùa Chay Thánh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Ðộ
09:49 28/02/2022
Lịch sử Mùa Chay Thánh

Tứ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Ðông, thay đổi tuần hoàn luân vòng chuyển đổi. Niên lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo cũng nằm trong chu kỳ ấy. Phụng vụ Giáo Hội cũng có các Mùa như: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Thường Niên, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Chúng ta đang chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh. Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu? Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay có ý nghĩa thế nào? Mùa Chay đến rồi lại đi, chúng ta làm gì để Mùa Chay có ý nghĩa và không trở nên nhàm chán?

Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu?

Vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, để sống đạo và thực hành đạo, các Kitô hữu tiên khởi đã quan sát những người chung quanh xem họ sống đạo và thực hành đạo thế nào, cụ thể như việc người Do thái giữ ngày Sabát, hay lên Ðền thờ cầu nguyện. Tuy các Kitô hữu tiên khởi họp nhau thành một cộng đoàn tế tự, cử hành phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần theo một công thức tuyên xưng đức tin; nhưng khi cử hành các ngày đại lễ như Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, dù vẫn giữ nguyên những ngày lễ của người Do thái nhưng lại mặc cho các ngày lễ ấy một ý nghĩa mới, chẳng hạn: khi cử hành, họ không chỉ nhắc lại các biến cố Xuất Hành Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ.

Mãi đến thế kỷ IV, trong Giáo Hội mới nảy sinh những ý kiến khác nhau như: Liệu có cử hành lễ Phục Sinh vào ngày lễ Vượt Qua của người Do thái không? Tại các giáo đoàn thuộc Tiểu Á vẫn giữ nghi lễ chiên vượt qua. Riêng giáo đoàn Antiokia lại ấn định Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa nhật sau Lễ Vượt Qua của người Do thái, trong khi đó, các Kitô hữu tại Alexandria do các nhà chiêm tinh tính toán nên đã chuyển dời Lễ Phục Sinh vào dịp xuân phân.

Cho dù có sự khác nhau về ngày cử hành các ngày lễ, nhưng Lễ Phục Sinh vẫn là lễ chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, vì Lễ Phục Sinh dựa trên nền tảng đức tin. Trước Lễ Phục Sinh, có một khoảng thời gian chuẩn bị tương đối dài gọi là Mùa Chay hay "40 ngày", để tưởng nhớ Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày.

Việc thực hành Mùa Chay đã có ngay ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm, mãi đến thế kỷ II, thời thánh Irênê, Giám mục thành Lyon, việc giữ chay ngắn hạn từ 2 đến 3 ngày, không ăn bất kỳ thức ăn nào mới được phổ biến. Sang thế kỷ III, tại Alexandria, người ta kéo dài việc ăn chay ra hết 1 tuần. Những dấu tích của Mùa Chay hay "40 ngày" được tìm thấy ở thế kỷ IV, trong lễ quy của Công đồng Nicêa. Ðây là thời gian chuẩn bị mừng lễ, nhưng ưu tiên vẫn là việc giúp những người dự tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa tội vào Ðêm Vọng Phục Sinh.

Cuối thế kỷ IV, giáo đoàn tại Giêrusalem bắt đầu giữ chay 40 ngày hay còn gọi là Mùa Chay 8 tuần, người ta ăn chay suốt thời gian này, trừ thứ Bảy và Chúa nhật. Sang thế kỷ V, tại Ai cập, người ta cũng giữ chay, tiếp đến là xứ Gôlơ, người ta ăn chay ngày thứ Bảy và thứ Sáu trong Mùa Chay. Trong khi giữ chay, các Kitô hữu chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thức ăn gồm có bánh, rau và nước. Giữ nghiêm ngặt nhất là ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh, người ta không ăn một chút thức ăn nào. Giờ ăn chay được quy định tuỳ theo sự khác nhau của mỗi giáo đoàn. Vì Mùa Chay gồm 6 tuần không thể tương ứng với 40 ngày được. Nên sang thế kỷ VII, người ta đã lùi về trước Mùa Chay mấy ngày, cụ thể như bắt đầu từ ngày thứ Tư cho đến ngày thứ Bảy của tuần trước khi bước vào Mùa Chay, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày chay tịnh, tức ăn chay. Ðồng thời, ba Chúa nhật trước Mùa Chay, gồm tóm thời gian chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh, cách Lễ Phục Sinh 9 tuần. Việc giữ chay ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như buộc chỉ ăn bữa tối. Nhưng đến thế kỷ VIII, việc giữ chay được nới rộng ra, nghĩa là cho phép những người ốm đau bệnh tật được ăn trứng, bơ, sữa, cá và cả rượu nữa. Sang thế kỷ XII và XIII, bữa ăn ngày chay được ấn định là trước giờ trưa 3 giờ, tức 9 giờ sáng, tiếp theo được ăn "bữa ăn nhẹ" vào buổi tối. Sang thế kỷ XVII, việc ăn chay giảm dần và Giáo Hội cho phép được ăn cháo, sữa và cá nhỏ. Trong ngày chay, tại các hoàng gia, nhà bếp thi nhau trổ tài với những thực đơn sao cho dồi dào phong phú hơn ngày thường.

Từ năm 1949, Giáo Hội Công Giáo quy định việc giữ chay và kiêng thịt là ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Lý do vì hai ngày đó là ngày tưởng nhớ sự chết: Ngày Thứ Tư lễ Tro, linh mục chính thức làm phép tro được đốt từ những cành lá đã làm phép vào ngày Lễ Lá năm trước rồi vẽ hình thánh giá trên trán người nhận tro và nhắc lại rằng "ngươi là tro bụi, và người sẽ trở về tro bụi", nhắc lại cái chết của mỗi người chúng ta, tiếp đến, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá.

Trong phụng vụ của Giáo Hội Chính thống, thời gian chuẩn bị bước vào Mùa Chay kéo dài 5 tuần liền, mỗi tuần đọc một đoạn Tin Mừng riêng, với cách thức sám hối sâu xa. Tuần thứ tư, được ấn định là ngày kiêng thịt và ăn chay trong toàn Giáo Hội. Chúa nhật thứ năm được gọi là Chúa nhật Hoà giải, mỗi người hoà giải với người bên cạnh trước khi toàn thể cộng đoàn xin lỗi Chúa.

Cảm tưởng chung là một bầu không khí "vui và buồn". Mỗi tín hữu, với sự hiểu biết có giới hạn và khác nhau về phụng vụ, nên khi bước vào nhà thờ với các kinh nguyện của Mùa Chay, mỗi người mỗi cảm tưởng khác nhau. Một phần vì những lời kinh tiếng hát mang đậm nét buồn, màu áo tím, những bài đọc dài hơn, đơn điệu hơn ngày thường, và hầu như không có nét vui tươi. Một nét đẹp nội tâm rực sáng, tựa như ánh sáng ban mai chiếu rọi từ thung lũng tối tăm lên tận đỉnh cao của núi đồi.

Niềm vui âm thầm, êm dịu và toàn bộ các bài Sách Thánh trong Mùa Chay nghe thật đơn điệu cho thấy sự bình an đã dẫn đưa người ta tới những điệp ca hoà tấu Allêluia trong Ðêm Vọng Phục Sinh.

Chúa nhật Lễ Lá là thời gian không còn dành riêng cho việc tưởng niệm Cuộc Khổ nạn nữa, bước vào một Tuần Thánh, với những bài đọc nhắc lại những ngày sau hết của Chúa Kitô trên trần gian và sự Phục sinh của Ngài.

Tại sao lại gọi là 40 ngày chay thánh?

Từ "Mùa Chay" là một từ tương phản với từ gốc La-tinh là "quadragesima", có nghĩa là 40. Trong Kinh Thánh, con số 40 có ý diễn tả một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Ðất Hứa của Dân Do thái kéo dài 40 năm. Ông Môsê đã ở trên núi Chúa 40 ngày (x. Xh 24,18; 34,28). Những người trinh sát đã ở trong vùng đất 40 ngày (x. Ds 13,25). Êlia đã đi 40 ngày trước khi tới được hang ở đó ngài được thị kiến (x. 1 V 19,8). Ninivê đã được cho 40 ngày để sám hối (x. Gn 3,4). Và quan trọng nhất là Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa 40 đêm ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (x. Mt 4,2).

Như vậy, Mùa Chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Do thái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu. Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Ðây là thời gian phụng vụ cao điểm thuận tiện thích hợp cho các Kitô hữu noi gương Ðức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Ðấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Mùa Chay mang lại cho chúng ta điều gì?

Khi nói về Mùa Chay, người ta thường hiểu một cách không tích cực lắm. Ðại đa số dân chúng cho rằng trong Mùa Chay việc kiêng ăn, kiêng uống, giữ chay chiếm vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là đại đa số người Kitô hữu không thực hành đạo trong đời sống vẫn đến nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro. Ðây là một nghi thức giàu tính biểu tượng, nó tác động đến tận đáy lòng con người, nhắc nhớ người ta suy nghĩ về thân phận của mình khi nhận tro và mời gọi con người trở về với Chúa. Vì nhiều khi con người quên đi thân phận yếu hèn, mỏng dòn của mình, dẫn đến đau thương và đổ vỡ. Bi kịch cuộc đời con người đều từ đó mà ra. Con người phạm tội, tội cắt đứt sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, làm cho con người mất đi hạnh phúc, phải đau khổ và phải chết. Chuyện sa ngã của Nguyên tổ đã chứng minh điều đó. Lịch sử cứu độ của dân Chúa, tội thì Chúa phạt, hối cải thì Chúa tha và cứu. Nên mỗi khi lâm vào hoàn cảnh bi đát đau thương hay thất vọng, dân Chúa đều nhận ra rằng cần phải sám hối trở về giao hoà với Thiên Chúa để được chữa lành. Mùa Chay là mùa sám hối, chúng ta hãy ra sức làm những việc cần thiết để được giao hoà và hiệp thông với Chúa, hầu được Chúa ban ơn.

Trong đời sống người Kitô hữu, nhiều khi lắng nghe Lời Chúa xong, chúng ta đã có quyết tâm đi xưng tội, làm việc đền tội, nhưng rồi kết quả không mấy khả quan, thì Mùa Chay là cơ hội rất thuận lợi. Thư Thánh Phaolô nói với chúng ta: "Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ." (2Cr 6,2). Ðây là thời gian khẩn trương trong Năm Phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu nhiệm Phục Sinh. Vậy chúng ta hãy tin tưởng điều đó và bước vào Mùa Chay Thánh.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Ðộ
 
Bụi Tro bụi Đất
Phạm Bá Nha
16:56 28/02/2022
Bụi Tro bụi Đất

Phạm Bá Nha

Bụi Tro và Bụi Đất của người quá cố là chất liệu trăng trắng. Đối với người ngoài cuộc là bình thường, nhưng với Công Giáo hay gia đình người ra đi mang nhiều ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Bản thánh ca ‘‘Hỡi Người’’ được hát trong lễ Tro, đơn sơ da diết, buồn mênh mang, ray rứt và thấm thía lâu dài. Mỗi khi nhớ đến, nhìn kỷ vật hay di ảnh.

Người ơi hãy nhớ mình là bụi tro Một mai người sẽ trở về bụi tro

1. Ôi thân phận con người tựa bông hoa nở tươi

Một làn gió nhẹ lay, biến tan sắc mầu.

2. Ôi muôn sự đều hão huyền giả trá và đảo điên

Một điều vững bền thiên thu, đức kính yêu Chúa Trời

3. Mau quay về cùng Chúa Trời, lòng hân hoan nhảy vui

Đường tội lỗi nguyện lui xa. Chúa sẽ thương, Chúa hải hà. (Lm Kim Long)

Trong sách Sáng Thế, nhắc thân xác được được tạo thành bởi bùn đất, rồi con người sẽ trở về với đất vì từ đất mà ra.

Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một sinh vật. (St 2, 7)

Xót thương người Ra Đi

Đã từng một lần chứng kiến người thân từ giã vội vã hay có chuẩn bị, đều xót thương, không tả được. Giữa sống và chết. Vô cùng đau xót.

Chính Chúa Giêsu cũng buồn, thổn thức, xúc động, khóc, bỏ công việc về thăm tang quyến hai chị em có Lazaro qua đời. Quá thương Chúa đã chữa lành anh (Ga 11,32-45). Chúa chạnh lòng nói với người mẹ khóc và chữa lành con bà goá ở Nain (Lc 7, 11-15). Chúa chữa lành người đầy tới quan đội trưởng, không cần đến nhà, vì ông khẩn khoản đặt tin tưởng vào quyền năng của Ngài (Lc 7, 4-9). Chúa hứa dọn sẵn Nước Trời cho những ai sống theo Đường lối Ngài (x. Ga 14, 1-6). Chúa lau sạch nước mắt họ. Sự chết không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ, bởi vì việc cũ đã qua đi. (Kh 21, 1-4)

Nhắc nhở Nggười còn sống

Đức tin và giáo lý Công Giáo hướng dẫn thân xác mỏng dòn, linh hồn trường tồn. Sách Khôn Ngoan cho biết qua thời kỳ thanh luyện, người chết sẽ được diễm phúc bình an. Sau khi chịu sửa phạt chút ít, các ngài được hưởng muôn vàn ân phúc.Vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa.Và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu (Kn 3, 5-6)

Thời Cựu Ước, Ông Gióp muốn cho mọi người hiểu rõ : Cuối cùng tôi sẽ đứng dậy trên bụi đất. Sau khi lớp da tôi bị tan nát. Từ xác này tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ thấy Ngài, mắt tôi sẽ nhìn Ngài, và nhận ra Ngài chứ không phải ai khác (G 19, 25-27)

Và tiên tri Daniel loan báo : Giữa những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ thức dậy cho nhiều người biết sống công chính sẽ giống như những vì sao tồn mãi muôn đời (Dn 12, 2-3)

Nghĩ đến kẻ chết bằng lời cầu nguyện và xin lễ : Những người đã an nghỉ với lòng đạo đức sẽ nhận được phần thưởng riêng, một quà tặng của ân sủng. Đó là tư tưởng thánh thiện và đạo đức Vì thế ông xin lễ xá tội cho người quá cố, để họ được tha thứ tội lỗi. (2Mcb 12, 45-46)

Công Đức Danh Thơm Để lại

Của cải vật chất nhờ việc làm do tài năng, trí thông minh Chúa ban để hưởng dùng làm tôi Chúa và phục vụ người khác. Chết không mang theo. Vào các nhà quàn hay nghĩa trang khu đặt các hũ tro... Không hũ nào ghi chức tước, địa vị mà chỉ thấy tên, năm sinh và qua đời :

Thánh Phaolô xác nhận :

Chúng ta tin tưởng và có ý muốn tốt lành là lìa xa thân xác và được bên Chúa. VÌ thế, dù ở trong xác hay ra khỏi, chúng ta cố gắng sống đẹp lòng Chúa...mỗi người lãnh phần thưởng tương xứng với việc tốt hay xấu đã làm khi còn trong thân xác. (2Cr 5, 8-10)

Thánh nhân còn cho hay : Tôi nói cho anh em một mầu nhiệm : Thật ra, mọi người chúng ta sẽ chết, nhưng sẽ biến đổi...Người chết sống lại không hư nát...mặc lấy sự bất tử (1Cr 15, 51-54)

Người an ủi những người còn sống : Dựa vào Lời Chúa, nói với anh em : Chúng ta là người sống, còn lại. Khi Chúa đến, chúng ta không đi trước người đã an nghỉ...Khi có lệnh của Tổng lãnh Thiên Thần, thì chính Chúa từ trời ngự xuống...những người còn lại...sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi (1Ts 4, 14-17)

Nếu sống và giữ đạo tốt, Chúa sẽ biến đổi thân xác hèn hạ chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người (x. Pl 3, 20-21). Và nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người (x. 2Tm 2, 8-13)

Thánh Gioan Tông Đồ cắt nghĩa : Chúng ta từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta yêu nhau. Ai không yêu thương thì còn trong cõi chết. Bất cứ ai ghét anh em là kẻ sát nhân. Anh em biết kẻ sát nhân Không có sự sống đời đời. (1Ga 3, 14-15)

Thánh Tông Đồ chúc phúc : Chúc cho,những ai chết trong Chúa. Họ nghỉ ngơi khỏi vất vả vÀ gian lao. Vì các việc họ làm đều theo họ (Kh 14, 13)

Sau khi chết, Thánh nhân mô tả : Thiên Chúa lau sạch nước mắt họ. Sự chết không còn nữa. Cũng không còn than khóc, kêu la, đau khổ, bởi vì các việc cũ đã qua đi...Thiên Chúa đổi mới mọi sự, cho kẻ khát được uống từ mạch nước sự sống, không trả tiền. (Kh 21, 4-5)

Cuối cùng, ai chết cũng bị xét xử tùy theo tùy theo công việc mình làm, thưởng hay phạt (x. Kh 20, 11-21)

Người Việt Nam chân thành tin tưởng nếp sống nhân bản, nên có câu : Hổ chết để da, người chết để tiếng

Dân ưa thích và qúi mến:

Ở hiền thì gặp lành

Những người nhân đức trời dành phúc cho

- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người

- Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ

- Thức lâu mới biết đêm dài

Ở lậu mới biết là người có nhân

Có vất vả mới thành nhân

Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.

- Thương người, người lại thương ta

Ghét người, người lại hóa ra ghét mình.

- Làm người phải đắn phải đo

Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu

Những từ tiếng, đẹp, bia, nhân, thương, là lòng nhân hậu, đạo hạnh con người. Một người sống tốt lành, mưu ích công ích. Tên tuổi còn lưu mãi cho hậu thế. Như Thánh Giáo Hoàng Jean Paul II (tên Karol Wojtyla), Chân Phước Mẹ Teresa Calcutta (tên Agnès Gonxha Bojaxhiu), L’Abbé Pierre (tên Henri Grouès), TinTin, (tên Hergé). Restos du Coeur (người sáng lập : Coluche)...Nước Pháp đã dành điện Pantéon để chôn cất những danh nhân như ông bà bác sỹ Pierre Marie Curie.

Nhớ đến những người Bụi Đất và Bụi Tro

Trước kia, họ đẹp, thế lực, giàu có, sức khỏe tốt...Trở thành tro rất nhanh. Chỉ sau hơn tiếng đồng hồ, từ khi liệm. Bây giờ họ không là gì. Chỉ còn ngước mắt lên :

Chúa từ bi và công chính

Thiên Chúa chúng ta đầy lòng thương xót

Chúa gìn giữ những ai bé mọn

Tôi yếu hèn, Ngài đã cứu tôi. (Tv 114, 5)

- Từ vực sâu, con kêu lên Ngài, lạy Chúa

Lạy Chúa, xin thương nghe tiếng con

Dám xin Chúa lắng tai

Nhậm lời con van nài

Lạy Chúa, nếu Chúa chấp tội

Chúa ôi, nào ai đứng vững

Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ

Để chúng con luôn kính sợ Ngài

Lạy Chúa, con trông cậy vào Chúa

Hồn con trông cậy ở Lời Ngài

Hồn con mong đợi Chúa

Hơn lính gác mong đợi trời rạng đông (Tv 129, 1-6)

Nhìn vào những việc của người thân đã làm khi còn sống.

Và nhất là tin vào lời Chúa hứa, chúng ta đêm ngày mong chờ :

Ai đã làm việc lành thì sống lại để được sống. Còn ai đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử (x. Ga 5, 29)

Hỡi những người Cha Ta chúc phúc, hãy đến nhận Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ (Mt 25, 34)

Đây là ý của Cha Tôi, là tất những ai tin vào Người Con, thì được sống đời đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,40)

Hãy vui mừng hoan hỷ, vì phần thưởng sung mãn dành cho các con trên trời
 
Văn Hóa
Cho Một Ngày Buông Súng Để Nhặt Hoa
Sơn Ca Linh
09:52 28/02/2022
Cho Một Ngày “Buông Súng Để Nhặt Hoa”

(Một chút ước nguyện cho Ukraina)

Hướng dương, hoa “mặt trời”,
Là “Quốc hoa” của đất nước Ukraina xinh đẹp.
Là biểu tượng yên vui, ấm áp mặn nồng…
Của sức sống tràn trào từ vầng sáng thái dương,
Của thủy chung đậm đà tình yêu đôi lứa…

Sắc vàng rực thắm như mặt trời rực lửa,
Hướng dương gọi mời cả dân tộc đi lên.
Qua những ngàn năm dâu bể thác ghềnh,
Dẫu nằm xuống, mắt vẫn đăm đăm mặt trời xán lạn.

Ai không muốn
nhặt cành hướng dương trao nhau mùa ước vọng,
Ai không thèm
dạo bước giữa mùa xuân ngợp cánh đồng hoa?
Nhưng kẻ thù máu lạnh mang đổ nát can qua,
Buộc ai đó bỏ lại cành hoa ôm cây súng !

Rồi trên những hoang tàn,
Hạt giống hướng dương sẽ đâm chồi đứng vững,
Lại sắc vàng rực thắm khắp nẻo quê hương.
Các anh sẽ về
buông cây súng và nhặt lấy những cành hướng dương,
Để trao em… và cùng hướng mặt trời ta chung bước !

Sơn ca Linh (28.2.2022)




 
VietCatholic TV
Toàn bộ diễn từ lên án chiến tranh của Đức Thánh Cha. Thế giới cảm kích tiếng nói đạo lý của ngài
VietCatholic Media
04:34 28/02/2022

Chúa Nhật 27 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 8 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy xét mình cẩn thận.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về cách nhìn và cách nói. Cái nhìn của chúng ta và ngôn từ của chúng ta.

Trước hết là cái nhìn của chúng ta. Chúa nói, rủi ro mà chúng ta gặp phải là chúng ta tập trung nhìn vào cái rác trong mắt anh em mình mà không để ý đến cái xà của chính mình (x. Lc 6, 41). Nói cách khác, chúng ta rất chú ý đến lỗi lầm của người khác, ngay cả những lỗi nhỏ như một hạt bụi, thản nhiên coi nhẹ lỗi của mình, cho rằng chúng chẳng đáng chi. Điều Chúa Giêsu nói rất chí lý: chúng ta luôn tìm lý do để đổ lỗi cho người khác và biện minh cho chính mình. Và rất thường chúng ta phàn nàn về những điều sai trái trong xã hội, trong Giáo hội, trên thế giới, mà không tự vấn bản thân trước và không nỗ lực thay đổi bản thân trước. Mọi thay đổi tích cực, hiệu quả đều phải bắt đầu từ chính chúng ta. Nếu không, sẽ không có thay đổi. Chúa Giêsu giải thích, khi chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, chúng ta nhìn một cách mù quáng. Và nếu chúng ta bị mù, chúng ta không thể tự nhận mình là người hướng dẫn và giảng dạy cho người khác: quả thật, Chúa nói một người mù không thể dẫn dắt một người mù khác (xem câu 39).

Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta thanh tẩy cái nhìn của mình, làm sạch ánh nhìn của chúng ta. Trước tiên, Ngài yêu cầu chúng ta nhìn vào bên trong bản thân để nhận ra những thất bại của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta không có khả năng nhìn thấy những khuyết điểm của chính mình, chúng ta sẽ luôn có xu hướng phóng đại những khuyết điểm của người khác. Trái lại, nếu chúng ta thừa nhận những sai lầm và khuyết điểm của chính mình, thì cánh cửa của lòng thương xót sẽ mở ra cho chúng ta. Và sau khi nhìn vào bên trong chính mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn người khác như cách Ngài làm - đây là bí quyết, hãy nhìn người khác như cách Chúa nhìn - trước tiên không phải nhìn vào điều ác, nhưng nhìn vào điều thiện. Thiên Chúa nhìn chúng ta theo cách này: Ngài không nhìn thấy những lỗi lầm không thể sửa chữa được trong chúng ta, nhưng như những đứa trẻ mắc lỗi. Đó là một sự thay đổi trong cách nhìn: Ngài không tập trung vào những sai lầm, mà tập trung vào những đứa trẻ mắc lỗi. Thiên Chúa luôn luôn phân biệt người đó với lỗi của người ấy. Ngài luôn cứu người. Ngài luôn tin tưởng vào con người và luôn sẵn sàng tha thứ cho những sai sót. Chúng ta biết rằng Chúa luôn tha thứ. Và Ngài mời gọi chúng ta cũng làm như vậy: đừng tìm điều ác nơi người khác, nhưng hãy tìm điều thiện.

Sau cách nhìn của chúng ta, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy ngẫm về ngôn từ của mình. Chúa giải thích rằng “lòng đầy miệng mới nói ra” (câu 45). Đúng thế, từ cách nói của một người, bạn có thể nói thẳng được điều gì trong lòng họ. Những từ ngữ chúng ta sử dụng nói lên chúng ta là ai. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta ít chú ý đến lời nói của mình và sử dụng chúng một cách hời hợt. Nhưng lời nói có sức nặng: chúng cho phép chúng ta bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, nói lên những nỗi sợ hãi mà chúng ta có và những kế hoạch chúng ta dự định thực hiện, để chúc tụng Chúa và tán dương những người khác. Tuy nhiên, thật không may, thông qua ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng những định kiến, nâng cao rào cản, gây hại và thậm chí phá hủy; chúng ta có thể tiêu diệt anh em của mình bằng ngôn ngữ. Tin đồn làm tổn thương và vu khống có thể sắc hơn dao! Ngày nay, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số, ngôn từ di chuyển nhanh chóng; nhưng có quá nhiều người trong số họ truyền tải sự tức giận và hung hăng, đưa ra những tin tức sai sự thật và lợi dụng nỗi sợ hãi của tập thể để tuyên truyền những ý tưởng xuyên tạc. Một nhà ngoại giao, người từng là Tổng thư ký Liên hợp quốc, nói rằng “'lạm dụng lời nói là khinh miệt con người' (D. HAMMARSKJÖLD, Waymarks, Magnano BI 1992, 131).

Như thế, chúng ta hãy tự hỏi mình loại ngôn từ nào chúng ta sử dụng: ngôn từ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, hiểu biết, gần gũi, lòng trắc ẩn hay những ngôn từ chủ yếu nhằm mục đích khiến chúng ta trông đẹp hơn trước mặt người khác? Và chúng ta nói nhẹ nhàng hay chúng ta làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo rắc nọc độc: chỉ trích, phàn nàn, gây hấn trên diện rộng?

Xin Đức Mẹ, Mẹ Maria, người mà Thiên Chúa đã nhìn đến lòng khiêm nhường của Mẹ, Đức Trinh Nữ của sự thinh lặng mà chúng ta đang cầu nguyện, giúp chúng ta thanh tẩy cái nhìn và lời nói của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày gần đây, chúng ta đã bị chấn động bởi một thứ bi thảm: là chiến tranh. Chúng ta đã cầu nguyện hết lần này đến lần khác rằng người ta sẽ không chọn con đường này. Và xin chúng ta đừng ngừng nói; đúng thế, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa cách mãnh liệt hơn. Vì lý do này, tôi xin tiếp tục với lời mời gọi ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, là một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraine, để cảm thấy rằng tất cả chúng ta là anh chị em, và cầu xin Chúa kết thúc chiến tranh.

Những kẻ gây chiến đã quên đi tình nhân loại. Họ không bắt đầu từ nhân dân, họ không nhìn vào cuộc sống thực của người dân, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên hết. Họ tin tưởng vào logic ma quỷ và sự biến thái của vũ khí, thứ xa cách với logic của Chúa nhất. Và họ xa cách với những người dân thường, những người muốn hòa bình, và những người bình thường - là nạn nhân thực sự trong mọi cuộc xung đột, những người phải trả giá cho những kẻ gây chiến tranh bằng chính làn da của mình. Tôi nghĩ đến những người già, đến những người tìm kiếm nơi nương tựa trong những thời điểm này, những bà mẹ chạy trốn cùng con cái của họ. Họ là những anh chị em, những người cần các hành lang nhân đạo mở ra cho họ và là những người phải được chào đón. Với trái tim tan nát bởi những gì đang xảy ra ở Ukraine - và chúng ta đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Yemen, Syria, Ethiopia. Tôi xin nhắc lại: hãy bỏ vũ khí xuống! Thiên Chúa ở với những người tạo dựng hòa bình, không phải với những người sử dụng bạo lực. Bởi vì những người yêu chuộng hòa bình, như Hiến pháp Ý khẳng định, “hãy bác bỏ chiến tranh như một công cụ xâm lược chống lại tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Hôm qua, linh mục Gaetano Giménez Martín và mười lăm bạn đồng hành tử đạo, bị giết vì lòng thù hận đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo vào những năm 1930 ở Tây Ban Nha, đã được tuyên phong chân phước ở Granada, Tây Ban Nha. Ước gì chứng tá của những môn đệ anh hùng này của Chúa Kitô khơi dậy trong mọi người lòng khao khát phục vụ Tin Mừng với lòng trung thành và can đảm. Một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Tôi xin chào đặc biệt các cô gái mừng sinh nhật thứ 15 của Panama, các sinh viên đại học trẻ từ giáo phận Porto, các tín hữu của Mérida-Badajoz và Madrid, Tây Ban Nha, những người đến từ Paris và Ba Lan, các nhóm từ Reggio Calabria, Sicilia và đơn vị mục vụ Alta Langa, xác nhận và từ Urgnano và những người trẻ tuổi từ Petosino, thuộc giáo phận Bergamo.

Một lời chào đặc biệt gửi đến những người đã đến nhân Ngày Bệnh Hiếm, diễn ra vào ngày mai. Tôi khuyến khích các Hiệp hội khác nhau dành cho người bệnh và gia đình của họ, cùng với các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực này. Tôi gần gũi với bạn! Tôi nhiệt liệt chào mừng các dân tộc có mặt ở đây ngày hôm nay. Và tôi thấy nhiều lá cờ Ukraine! Bằng tiếng Ukraine, Đức Thánh Cha nói: Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành, một bữa trưa ngon miệng và xin chào. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Source:Holy See Press Office
 
Cảm động: Thánh Lễ tưởng niệm Cha Giuse Thanh và cầu nguyện cho quê hương tại Orange, California
VietCatholic Media
04:36 28/02/2022
 
Chiến lược gia Úc: Nga khựng lại trước sức đề kháng của Ukraine. Ba sai lầm của Putin
VietCatholic Media
04:46 28/02/2022


Phân tích gia Matthew Sussex vừa có bài tường thuật nhan đề “Russia's invasion of Ukraine has exposed Vladimir Putin's three critical miscalculations”, nghĩa là “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã phơi bày ba tính toán sai lầm nghiêm trọng của Vladimir Putin”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cuộc xâm lược gần đây nhất của Nga vào Ukraine vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng nó đã đưa ra những bài học chính. Vladimir Putin đã đưa ra ba đánh giá sai lầm nghiêm trọng.

Đầu tiên là hắn đã tính toán sai khả năng giành chiến thắng một cách nhanh chóng và sạch sẽ.

Thứ hai hắn nghĩ rằng đối phương Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Thứ ba, hắn rõ ràng cho rằng phản ứng của phương Tây sẽ rời rạc và mang tính chiếu lệ.

Trong tất cả những điều này, hắn đã được chứng minh là sai, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với diễn biến tương lai của cuộc chiến, đối với vị thế quốc tế của Nga và đối với vận mệnh chính trị của chính hắn ta.

Liệu Putin có sử dụng chiến thuật tàn bạo nhất trong kịch bản quân sự của Nga không?

Đã dấn thân vào con đường chỉ có thể dẫn đến sự thay đổi chế độ ở Kiev /ki-ép/ và chiếm đóng nhiều phần rộng lớn lãnh thổ Ukraine, lựa chọn duy nhất của Putin lúc này để khởi động lại cuộc tiến quân chậm chạp của quân đội là quay lại chiến thuật tàn bạo nhất trong kịch bản của quân đội Nga: đó là san bằng các thành phố bằng cách phóng hoả tiễn bừa bãi, ném bom và pháo binh.

Khi hàng triệu người đang phải trú ẩn tránh trọng pháo và tên lửa hành trình của Nga tấn công vào các thành phố của Ukraine, nhiều người đã phản ứng trên mạng xã hội bằng những câu chuyện cười và những ý tưởng, hành vi, phong cách lan truyền nhanh trong xã hội.

Putin đã có thể không phải tàn bạo như thế ở Chechnya và thậm chí ở Syria. Nhưng sự hủy diệt kinh hoàng mà giờ đây hắn ta sẽ cần đến để có được con đường của mình sẽ làm cho tất cả mọi người - ngay cả những người Nga chỉ đều đặn thuần tuý nghe theo chế độ tuyên truyền của nhà nước – hiểu ra rằng cuộc chiến của hắn khác xa với chiến dịch hạn chế và chớp nhoáng mà hắn vạch ra ban đầu.

Nếu các lực lượng Nga thành công trong việc đánh chiếm sân bay Hostomel gần Kiev vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, họ sẽ có thể chuyên chở một số lượng lớn quân tiếp viện, áp sát nhanh chóng vào thủ đô và có khả năng bắt giữ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hoặc buộc ông ta phải chạy trốn. Khi đó, phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhún nhường và thực hiện một số biện pháp trừng phạt nhằm giữ thể diện, trong khi Putin tiếp tục nắm quyền trong nước như một bằng chứng thêm về khả năng làm chủ chiến lược của mình.

Điều đó đã không xảy ra.

'Tôi cần đạn dược, không cần di tản’

Thay vào đó, sự tự tin thái quá của người Nga và sự phản kháng kiên cường của người Ukraine đã củng cố tinh thần và biến Zelenskyy trở thành một anh hùng.

Phản ứng của ông ấy trước lời đề nghị di tản từ Mỹ là “Tôi cần đạn dược, không cần di tản” đã nhanh chóng trở thành biểu tượng cho tinh thần của đất nước ông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã thể hiện tinh thần của đất nước mình và nó đã biến ông thành một anh hùng.

13 người bảo vệ Ukraine trên Đảo Rắn cũng vậy, đó là một núi đá không quan trọng về mặt chiến lược gần bờ biển Rumani. Tất cả đều được báo cáo là đã thiệt mạng sau khi phản ứng trước việc hải quân Nga khăng khăng yêu cầu họ đầu hàng với dòng chữ “Tàu chiến Nga, hãy bắn đi”.

Càng thấm thía hơn nữa là đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ Ukraine khẳng định rằng những người lính Nga xâm lược đã bỏ hạt hướng dương vào túi của họ để chúng có thể mọc lên từ xác chết của họ khi họ bị giết.

‘Âu Châu mới’ đã cảnh báo ‘Âu Châu cũ’ về Nga trong nhiều năm

Sự phản kháng của Ukraine cuối cùng cũng đã khuấy động Liên Hiệp Âu Châu trước đây tự mãn và uể oải phải hành động.

Được hỗ trợ bởi những nỗ lực của “Âu Châu mới” - là Ba Lan, Estonia, Litva và Latvia - những quốc gia mà cảnh báo về sự xâm lược của Nga của họ đã bị phớt lờ trong nhiều năm, các cường quốc lớn hơn ở “Âu Châu cũ” đã nhận ra sự cần thiết phải có hành động cụ thể.

Một nỗ lực phối hợp nhằm ngăn chặn các ngân hàng Nga, cấm Nga tham gia SWIFT, nhắm mục tiêu vào vòng trong của Điện Cẩm Linh, cũng như chính Putin, và kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt hàng hóa từ hàng không đến khai thác năng lượng sẽ có tác động sâu hơn đến nền kinh tế Nga so với Putin đã dự đoán trước.

Đúng là quỹ tài sản có chủ quyền khổng lồ của Nga trị giá khoảng 630 tỷ Euro (871 tỷ đô la Mỹ) sẽ chịu đòn, nhưng gói trừng phạt đang phát triển sẽ được cảm nhận bởi cả các công ty lớn nhất của Nga, cũng như người dân của họ - nhiều người trong số họ ít nhất phải nói là thoạt đầu đã mơ hồ với chiến tranh.

Có những bài học cho phương Tây

Cuộc chiến của Putin ở Ukraine cũng có bài học cho phương Tây. Liên Hiệp Âu Châu đã thúc đẩy Nga có thể đi xuống con đường này quá lâu và trong nhiều trường hợp, đã đồng lõa trong việc tài trợ cho việc tái trang bị vũ khí của Nga.

Hiện nay Âu Châu và Mỹ Châu đã nhận ra rằng trong tương lai gần, quan hệ với Mạc Tư Khoa sẽ mang tính cạnh tranh và xung đột trong hầu hết mọi lĩnh vực. Đây sẽ là một cú sốc đối với nhiều công dân Âu Châu, những người sẽ cần phải tiếp thu chi phí quốc phòng tăng mạnh để cuối cùng cung cấp cho Âu Châu khả năng an ninh mà họ đã dựa vào sự cung ứng của Mỹ.

Những tác động đối với Điện Cẩm Linh là gì?

Cuối cùng, có những tác động đối với chế độ ở Điện Cẩm Linh và đối với chính Putin. Đã có những dấu hiệu cho thấy việc tấn công Ukraine đã được lên kế hoạch từ lâu - khiến việc điện Cẩm Linh giả vờ ngoại giao càng trở nên khốn nạn hơn - nhưng lại có rất ít sự cân nhắc về việc liệu sự thay đổi chế độ [ở Ukraine] sẽ hoạt động như thế nào.

Nhiều cơ quan chủ chốt của Nga đã hoàn toàn mù tịt về quyết định này, điều này nói lên nhiều điều cho thấy Putin đã trở nên cô lập và mất liên lạc như thế nào.

Giờ đây, ý tưởng rằng các lực lượng xâm lược của hắn sẽ được người dân Ukraine chào đón như những người hùng đã được tiết lộ như một ảo tưởng tuyên truyền, Putin phải đối mặt với những thử nghiệm thực sự về địa chính trị, kinh tế và đối nội.

Về mặt bên ngoài, hắn đã thành công trong việc biến Belarus thành một vùng đệm và có khả năng cũng sẽ thành công trong việc cài đặt một con rối ở Kiev.

Nhưng với việc Thụy Điển và Phần Lan hiện đang nghiêm túc cân nhắc tư cách thành viên NATO, hắn đang phải đối mặt với một phương Tây đoàn kết hơn - sau nhiều năm kiên nhẫn cố gắng chia rẽ nó. Áp lực cũng sẽ gia tăng đối với các cố vấn của hắn ta, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu, khi cuộc tìm kiếm vật tế thần bắt đầu.

Và sự kết hợp giữa sự thất vọng của các nhà tài phiệt Nga và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như sự không hài lòng của công chúng đối với vận mệnh kinh tế của Nga, sẽ bắt đầu chống lại cỗ máy tuyên truyền khoa trương tinh thần quốc gia của Putin.

Đừng quên thảm kịch đang diễn ra

Một bản đồ cho thấy các khu vực của Ukraine đã xảy ra giao tranh.

Giao tranh đã được chứng kiến khắp các thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Kiev.

Nhưng mặc dù cuộc chiến của Putin ở Ukraine bộc lộ khả năng phán đoán kém cỏi của hắn, nó cũng là một bi kịch khủng khiếp.

Thật là một bi kịch khi Putin được phép có được quá nhiều ảnh hưởng đối với một phương Tây mà lẽ ra có thể cản trở hắn ta.

Đó là một bi kịch cho những người Nga, những người sẽ tiếp tục phải chịu đựng trong một thời gian dài dưới sự cai trị độc đoán của hắn ta.

Và trên hết, đó là một bi kịch đối với người Ukraine, những người cuối cùng đã trở thành vật hy sinh cho sự kiêu ngạo của Putin và sự tự mãn của phương Tây.

Xin đừng để nó ra vô ích.
Source:ABC News
 
Các diễn biến mới tại Ukraine. Khựng lại trên chiến trường, Putin đe dọa thế giới bằng hạt nhân
VietCatholic Media
16:10 28/02/2022

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói rằng những tù nhân có kinh nghiệm chiến đấu thực tế sẽ được thả ra khỏi tù và sẽ có thể “đền bù cho tội lỗi của họ ở những điểm nóng nhất của chiến tranh”.

Ông đưa ra thông báo trên khi các đại biểu từ Ukraine và Nga gặp nhau tại Belarus để đàm phán hòa bình.

Vụ tấn công chết người vào trường mầm non Ukraine

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm nay cho biết một trường mầm non ở miền đông bắc Ukraine đã bị trúng đạn chùm bị cấm ngặt trong khi dân thường trú ẩn bên trong, giết chết 3 người, bao gồm một trẻ em và làm bị thương một trẻ em khác.

Cuộc tấn công dường như được thực hiện bởi các lực lượng Nga đang hoạt động gần đó.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã xác nhận rằng một tên lửa 220mm Uragan đã thả bom bi xuống nhà trẻ và mẫu giáo Sonechko ở thị trấn Okhtyrka ở Sumy Oblast, nơi người dân địa phương đang tìm kiếm sự an toàn trong cuộc giao tranh.

Ân xá Quốc tế nói rằng cuộc tấn công có thể cấu thành một tội ác chiến tranh.

Hơn nửa triệu người đã rời khỏi Ukraine

Người đứng đầu một cơ quan của Liên Hợp Quốc hôm thứ Hai cho biết hơn 500,000 người đã rời Ukraine sang các nước láng giềng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tuần trước.

Filippo Grandi, người đứng đầu Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNHCR, đã đưa ra nhận xét trên khi giám đốc cơ quan toàn cầu này cho biết các nhóm của họ đang đẩy mạnh các nỗ lực nhân đạo trong bối cảnh tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng leo thang.

Điện Cẩm Linh nói: Nga sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt đối với ngành hàng không

Theo báo cáo của Reuters, người phát ngôn Điện Cẩm Linh là Dmitry Peskov cho biết, Mạc Tư Khoa sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào ngành hàng không của Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

“Nguyên tắc hướng dẫn sẽ là có qua có lại, và lợi ích của chúng tôi sẽ được đặt lên hàng đầu”, ông nói với các phóng viên trong một cuộc gọi tại hội nghị.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông sẽ trả tự do cho những tù nhân có kinh nghiệm chiến đấu khỏi nhà tù để bảo vệ đất nước.

Ông Zelenskyy cho biết: “Theo lệnh thiết quân luật, những người tham gia chiến sự - những người Ukraine có kinh nghiệm chiến đấu thực tế - sẽ được thả ra khỏi nơi giam giữ và có thể đền bù cho tội lỗi của họ ở những điểm nóng nhất của chiến tranh.

“Tất cả các lệnh trừng phạt đều được dỡ bỏ đối với những người tham gia hoạt động chống khủng bố. Vấn đề mấu chốt bây giờ là phòng thủ”.

Ukraine cũng đang dạy cho người dân cách chế tạo bom lửa.

Với việc quân đội Nga đóng quân xung quanh Kiev, thành phố có gần 3 triệu dân, thị trưởng thủ đô bày tỏ nghi ngờ rằng dân thường có thể được di tản.

Các nhà chức trách đã giao vũ khí cho bất cứ ai sẵn sàng bảo vệ thành phố.

Ông Zelenskyy cũng cho biết 16 trẻ em Ukraine đã thiệt mạng và 45 người khác bị thương trong cuộc xâm lược của Nga.

Tổng thống Ukraine cho biết, hơn 4,500 lính Nga đã thiệt mạng và kêu gọi binh lính Nga hạ vũ khí và bỏ về.

“Đừng tin tưởng chỉ huy của các bạn, đừng tin vào bộ máy tuyên truyền của các bạn, hãy cứu lấy mạng sống của các bạn”.

Theo báo cáo của Associated Press, Ông Zelenskyy ca ngợi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây giáng vào Nga, nói rằng chúng đã khiến đồng tiền Nga tuột giá.

Các cuộc hội đàm đang diễn ra giữa các đại biểu Ukraine và Nga tại Belarus

Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết mục tiêu chính của họ trong các cuộc đàm phán là ngừng bắn và Nga rút quân, trong khi Nga nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải vì lợi ích của 'cả hai bên'.

Ukraine yêu cầu được cấp tốc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu Liên minh Âu Châu cho phép Ukraine trở thành thành viên theo một thủ tục đặc biệt ngay lập tức vì nước này đang tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược của các lực lượng Nga.

“Mục tiêu của chúng tôi là hòa nhập với tất cả người dân Âu Châu và quan trọng nhất là bình đẳng. Tôi chắc rằng điều đó là công bằng. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi xứng đáng với điều đó,” ông nói trong một bài phát biểu video được chia sẻ trên mạng xã hội.

Liên Hiệp Âu Châu đã không phản hồi yêu cầu, nhưng tiết lộ rằng các kế hoạch đang được tiến hành để cho phép người tị nạn Ukraine ở lại các nước thành viên của khối 27 quốc gia này trong 3 năm.

Các quan chức cho biết, ít nhất 300,000 người tị nạn Ukraine đã vào Liên Hiệp Âu Châu cho đến nay và khối này cần chuẩn bị cho hàng triệu người nữa.

“Nhiệm vụ của chúng ta là đón nhận những người chạy trốn chiến tranh”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin nói với France 2 TV hôm thứ Hai, cho biết Bộ trưởng Nội vụ Liên Hiệp Âu Châu hôm Chúa Nhật đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Âu Châu chuẩn bị các dự thảo đề xuất để ban cấp cho họ sự bảo vệ.

Báo cáo của Reuters cho biết các bộ trưởng sẽ gặp lại nhau vào thứ Năm để thống nhất các chi tiết.

Tòa nhà Quốc hội Úc Đại Lợi bừng sáng trong màu sắc của Ukraine

Đầu ngày hôm nay, Bộ Dịch vụ Quốc hội cho biết toà nhà sẽ được thắp sáng bằng màu cờ của Ukraine mỗi đêm cho đến thứ Tư để thể hiện sự ủng hộ đối với người dân và chính phủ Ukraine.

Chuyên gia cho biết mối đe dọa hạt nhân của Putin đã vượt qua ngưỡng mới

Bộ Quốc phòng Nga đã đăng một đoạn video ghi lại cảnh một hàng dài các xe phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang lao trên đường cao tốc với những lá cờ Nga bay phất phới, và nó đã làm tăng nhịp tim đập cũng như khiến người xem phải nhíu mày.

Nhưng Michael Kimmage, cựu cố vấn về Ukraine và Nga cho Bộ Ngoại giao Mỹ thời Obama, nói rằng Putin hiện đã vượt qua ngưỡng chưa từng thấy trong Chiến tranh Lạnh.

Hơn 280,000 người tị nạn đã chạy sang Ba Lan

Tài khoản trên Twitter của Lực lượng Biên phòng Ba Lan đã đăng một số con số khá đáng kinh ngạc do phóng viên Sean Rubinsztein-Dunlop của ABC News dịch ra tiếng Anh.

Lệnh giới nghiêm của Kiev được dỡ bỏ

Sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, cư dân của Kiev lần đầu tiên được ra ngoài kể từ hôm thứ Bảy.

Bên ngoài các siêu thị, hàng trăm người xếp hàng để mua các mặt hàng thiết yếu, hy vọng rằng các kệ hàng sẽ không trống vào thời điểm họ vào bên trong.

Theo báo cáo của Reuters, hôm thứ Bảy, thị trưởng thành phố cho biết lệnh giới nghiêm đã được áp dụng từ 5:00 chiều tối thứ Bảy 'liên tục' để 'làm sạch thành phố', nơi đang bị pháo kích và súng đạn, khỏi “các nhóm trinh sát và phá hoại của kẻ thù”.

Liên Hiệp Quốc cho biết: 102 thường dân thiệt mạng nhưng con số thực có thể 'cao hơn đáng kể'

Ít nhất 102 thường dân ở Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào tuần trước, với 304 người khác bị thương, nhưng con số thực tế được cho là “cao hơn đáng kể”, người đứng đầu Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho biết.

Bachelet nói trong khi phát biểu tại phiên khai mạc của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva: “Hầu hết những thường dân này đã thiệt mạng bởi vũ khí gây nổ có phạm vi tác động rộng, bao gồm pháo kích từ pháo hạng nặng và hệ thống tên lửa phóng nhiều lần, và các cuộc không kích”.

“Tôi sợ rằng số liệu thực tế cao hơn đáng kể.”

Khoảng 422,000 người Ukraine đã rời bỏ quê hương của họ, với nhiều người khác phải di dời trong nước, bà nói trên diễn đàn Geneva, nơi trước đó đã đồng ý tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp về Ukraine vào cuối tuần này.

Đây là nơi các phái đoàn sẽ họp

Các cuộc hội đàm giữa phái đoàn Ukraine và Nga sẽ diễn ra ở một địa điểm khoảng 10 phút lái xe khi bắt đầu vào địa giới Belarus.

Họ sẽ gặp nhau tại Dinh thự Rumyantsev-Paskevich ở Gomel.

Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và rút các lực lượng của Nga, Tổng thống Ukraine cho biết trong một tuyên bố.

Phái đoàn Ukraine bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov và cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak.

Bên trong trại tị nạn cho người Ukraine ở Ba Lan

Reuters đã chia sẻ một số bức ảnh về những người Ukraine đã chạy trốn khỏi đất nước và đang tìm kiếm nơi ẩn náu tại một trại ở Ba Lan.

Ước tính hơn 300,000 người Ukraine đã vượt biên sang Ba Lan và các nước láng giềng khác cho đến nay, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên trong những ngày tới khi cuộc xâm lược của Nga gia tăng.

Vương quốc Anh nhận định Bước tiến của Nga vào Kyiv bị chậm lại bởi 'sự kháng cự kiên quyết của người Ukraine'

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, bước tiến của Nga vào Kiev đã bị chậm lại do những thất bại về hậu cần và sự kháng cự quyết liệt của Ukraine.

“Phần lớn lực lượng trên bộ của Tổng thống Vladimir Putin vẫn cách Kiev hơn 30 km về phía bắc, bước tiến của họ đã bị chậm lại bởi lực lượng Ukraine bảo vệ sân bay Hostomel, một mục tiêu quan trọng của Nga trong ngày đầu của cuộc xung đột”.

“Những thất bại về mặt hậu cần và sự kháng cự kiên quyết của người Ukraine tiếp tục cản trở bước tiến của Nga.”

Bộ Quốc phòng cho biết trong một bản cập nhật tình báo đăng trên Twitter, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn xung quanh Chernihiv, một thành phố ở miền bắc Ukraine và thành phố Kharkiv ở đông bắc Ukraine.

Cả hai thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, gọi tắt là ICBM - loại có thể mang đầu đạn hạt nhân - thường chỉ xuất hiện trong các cuộc duyệt binh và trong các cuộc thử nghiệm từ xa được lên kế hoạch trước.

Vì vậy, khi Bộ Quốc phòng của Vladimir Putin đăng một đoạn video ghi lại cảnh một hàng dài các xe phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang lao trên đường cao tốc với những lá cờ Nga bay phất phới, nó đã làm tăng nhịp tim đập cũng như khiến người xem phải nhíu mày.

Vài giờ sau, Tổng thống Nga có bài phát biểu trước quân đội quốc gia của mình.

Ông nói: “Tôi đang ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng chuyển lực lượng răn đe của quân đội Nga sang chế độ cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu”.

Điều quan trọng cần lưu ý là video các ICBM trên đường cao tốc cho biết chúng đang hướng tới một cuộc duyệt binh, nhưng ba cảnh báo hạt nhân của ông Putin trong nhiều tuần đã khiến các nhà phân tích quân sự ớn lạnh.

Michael Kimmage, cựu cố vấn về Ukraine và Nga của Bộ Ngoại giao Mỹ thời Obama, cho biết: “Putin đã vượt qua ngưỡng chưa từng có trong Chiến tranh Lạnh.

“Thông điệp thời Chiến tranh Lạnh từ Liên Xô, từ Hoa Kỳ, về vũ khí hạt nhân có kỷ luật hơn nhiều so với những gì Putin đã làm trong vài tuần qua”.

“Hắn ta đã đưa ra một lời đe dọa trắng trợn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu tình hình không theo ý mình”.

“Rõ ràng, bạn không muốn vướng vào một cuộc khẩu chiến, hay kiểu ăn miếng trả miếng, hay một kiểu leo thang chính trị nào đó với Putin. Nhưng tôi nghĩ bạn không thể để điều đó tiếp tục mà không đáp lại”.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã trả lời. “Vladimir Putin cũng phải hiểu rằng Liên minh Đại Tây Dương là một liên minh hạt nhân,” ông nói với kênh truyền hình Pháp.

Giáo sư Kimmage nói :“Người Pháp đã không tìm ra công thức hoàn hảo. Nhưng phản ứng lại, và giữ một mức độ ngang với Putin, là điều đối với tôi hoàn toàn có ý nghĩa vào lúc này”.

“Nếu Putin hùng hổ kiểu đó, bạn không cần hùng hổ lại, nhưng bạn phải nhắc nhở hắn ta rằng cái giá phải trả của kiểu đe dọa này sẽ là hai chiều”.

“Nếu hắn vi phạm các quy tắc, sẽ có một số loại hậu quả nhất định.”

Tại thời điểm khủng hoảng quốc tế này, Nga và Mỹ phải giữ các đường dây liên lạc cởi mở, ông nói.

Giáo sư Kimmage nói: “Những gì đã xảy ra trong vài tuần qua đã khiến cho rất ít kênh liên lạc giữa Washington và Mạc Tư Khoa còn hoạt động.

“Điều đó không hoàn toàn không có tiền lệ, nhưng nó quan trọng”.

“Liên Xô và Mỹ chỉ tránh được chiến tranh hạt nhân trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba bằng cách liên lạc với nhau”.

Một hiệu ứng domino mới đang diễn ra và nó không mang lại điềm báo tốt.

Giáo sư Kimmage đã phát biểu như thế này: “Thông điệp lặp đi lặp lại của Putin về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đến vào thời điểm gần như hoàn toàn không có sự tin tưởng giữa các nhà lãnh đạo phương Tây và nhà lãnh đạo Nga,” ông nói.

“Điều đó kết hợp với ngày càng ít các kênh liên lạc, và các lệnh trừng phạt leo thang và cam kết quân sự từ phương Tây đối với Ukraine, [làm tăng thêm áp lực lên Nga] trong khi cuộc tấn công của Nga bị chựng lại.

“Tất nhiên không có nghĩa là Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân - tôi nghi ngờ hắn tự sát nếu làm thế - nhưng hiện tại đây là một cuộc khủng hoảng không có lối thoát”.
Source:ABC News
 
Rôma lên tiếng về vụ sách nhiễu thánh lễ Đức Tổng Giám Mục Hà Nội cử hành. Tình hình Giáo Hội Công Giáo Ukraine
VietCatholic Media
16:17 28/02/2022


1. Truyền thông Tòa Thánh tiếp tục quan ngại về tình hình tại Việt Nam

Hôm thứ Bẩy, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc có bài nhan đề “Letter to the authorities: the Archdiocese of Hanoi calls for respect for religious freedom”, nghĩa là “Thư gửi chính quyền: Tổng giáo phận Hà Nội kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Giáo Hội Công Giáo tại thành phố Hà Nội đã gửi thư khiếu nại khẩn cấp đến các cấp lãnh đạo, các giới hữu trách, chính quyền cấp tỉnh và cấp quốc gia, yêu cầu “Ủy ban nhân dân” tỉnh Hòa Bình tôn trọng quyền tự do tôn giáo và các hoạt động mục vụ của đồng bào Công Giáo trên địa bàn tỉnh. Báo cáo gửi cho Fides có chữ ký của Cha Anphongsô Phạm Hùng, Chánh Văn phòng Toà Tổng Giám mục.

Bức thư cho biết có liên quan đến sự việc đáng tiếc xảy ra vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 20 tháng 2, khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Giuse Vũ Văn Thiên, đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, thuộc miền Tây Bắc Việt Nam. Vào thời khắc Rước lễ, hai người vào nhà thờ, lấy micro trên bục giảng và ra lệnh cho những người tham dự thánh lễ giải tán. Theo báo cáo được gửi cho Fides, những người này là Phạm Hồng Đức, Bí thư Chi Bộ Vụ Bản và Phạm Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn.

Tổng Giáo phận Hà Nội cho rằng: “Đây là hành vi thiếu tôn trọng, lạm quyền, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do tôn giáo, quyền hành đạo của giám mục, linh mục và giáo dân, bôi nhọ nghi thức Thánh Thể. là phụng vụ thiêng liêng và quan trọng nhất đối với đức tin của người Công Giáo. Cử chỉ này là không thể chấp nhận được ở một đất nước mà pháp quyền chiếm ưu thế; nó đã khơi dậy sự phẫn nộ và nỗi đau của những người tham dự cũng như tất cả những ai nhìn thấy những hình ảnh trên mạng và mạng xã hội”. Tuyên bố của Giáo hội tại Hà Nội cũng đã được gởi đến tất cả các tín hữu của Tổng Giáo phận.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên xin “cầu nguyện để những khó khăn về thực hành đức tin của các Linh mục và giáo dân trong tỉnh Hòa Bình mau chóng được giải quyết.”.

Hòa Bình là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, có diện tích 4,595.2 km2, tổng dân số khoảng 854 nghìn người thuộc sáu dân tộc Mường, Kinh (Việt), Thái, Dao, Tày, Mông. Theo thống kê năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 21,000 giáo dân, một phần thuộc Giáo phận Hưng Hóa và một phần thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Trong số 11 giáo xứ trực thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, có giáo xứ Vụ Bản, nơi có 450 giáo dân được Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Liêm coi sóc mục vụ.
Source:Fides

2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đáp lại Lời kêu gọi Cầu nguyện và Ăn chay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho Ukraine

Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố về Ukraine:

“Thay mặt cho các giám mục anh em của tôi, tôi lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc cầu nguyện và nhịn ăn để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Trong lúc khó khăn này, chúng ta kêu cầu lòng thương xót dịu dàng của Thiên Chúa hướng dẫn đôi chân nhân loại chúng ta đến con đường bình an (Lc 1: 78-79). Mong những lời cầu nguyện của chúng ta, cùng với những người trên khắp thế giới, giúp hướng dẫn những người đang tiến hành chiến tranh hãy chấm dứt đau khổ phi nghĩa và khôi phục hòa bình. Lạy Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con”.
Source:USCCB

3. Đức Thánh Cha Phanxicô hứa với nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine: 'Tôi sẽ làm mọi thứ có thể' để giúp chấm dứt xung đột

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ địa phương hôm thứ Sáu rằng ngài sẽ làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt xung đột Ukraine.

Đức Giáo Hoàng đã gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, có trụ sở tại thủ đô Kiev của Ukraine, vào cuối buổi chiều thứ Sáu ngày 25 tháng 2. Thư ký của Đức Tổng Giám Mục Ukraine đang ở Rôma cho biết như trên.

“Trong cuộc điện đàm, Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm đến tình hình ở thành phố Kiev và nói chung trên toàn lãnh thổ Ukraine. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng: 'Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm được'“.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk dự kiến sẽ đến thành phố Florence của Ý để tham gia một cuộc họp của các giám mục từ các quốc gia xung quanh Biển Địa Trung Hải. Nhưng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục đã hủy chuyến đi để ở lại với đàn chiên của mình.

Trang web Il Sismografo đưa tin quân Nga đang tiến vào Kiev. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã cùng với những người khác trú trong một hầm trú ẩn dưới Nhà thờ Phục sinh ở Kiev để tránh các đợt không kích.

Trong cuộc điện đàm, Đức Giáo Hoàng đã hỏi thăm về các linh mục và giám mục tại các khu vực đang có giao tranh gay gắt giữa các lực lượng Ukraine và Nga.

Đức Thánh Cha cảm ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo phương Đông hiệp thông hoàn toàn với Rôma, vì sự gần gũi của hàng giáo phẩm và anh chị em tín hữu với người dân Ukraine.

“Đặc biệt, Đức Giáo Hoàng ca ngợi quyết định ở lại giữa người dân và phục vụ những người khó khăn nhất, thậm chí còn cung cấp tầng hầm của Nhà thờ Phục sinh của Công Giáo nghi lễ Đông phương ở Kiev để làm nơi trú ẩn cho mọi người”.

Trước khi gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, trong một hành động bất chấp các giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh vào sáng thứ Sáu để phản đối cuộc xâm lược của Nga và bày tỏ mối quan tâm của mình về cuộc chiến.

Ngài đã kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay để hòa bình vào Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng Ba.

Đức Giáo Hoàng bảo đảm với Đức Tổng Giám Mục Shevchuk về sự gần gũi, ủng hộ và những lời cầu nguyện của ngài cho Ukraine. Ngài cũng gửi lời chúc phúc đến những người dân Ukraine đang đau khổ.
Source:Catholic News Agency

4. Cập nhật tình hình tại Ukraine

Cập nhật tình hình từ những người Công Giáo ở Ukraine giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình hình đang phát triển ở đó. Chiến tranh ảnh hưởng đến các thành phố như thế nào?

Khi Nga đưa chiến tranh đến Ukraine, các linh mục đang phục vụ tại các thành phố bị tấn công của Ukraine cung cấp thêm báo cáo về những gì các ngài thấy trên mặt đất trong thừa tác vụ của các ngài.

Nhiều người đang hỏi: tình hình ở các vùng khác nhau của đất nước như thế nào? Điều gì tiếp theo cho những nỗ lực mục vụ của Giáo hội được thực hiện ở đó? Những linh mục này giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

LVIV - “Chúng tôi sẽ không rời con cái của chúng tôi!”

“Chúng tôi đang ở đây, chúng tôi không thể bỏ mặc những khu vực này, ngôi nhà, hoặc những đứa trẻ tàn tật của chúng tôi. Họ chỉ có chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem tình hình sẽ phát triển như thế nào”, các cha dòng Chúa Quan Phòng từ Lviv viết trong một thông báo đăng trên trang web của cộng đoàn.

“Cuộc tấn công vẫn tiếp tục trên khắp đất nước, còi báo động phòng không đã vang lên từ sáng. Chúng tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng nổ, nhưng tôi nghĩ rằng sân bay có thể bị đánh bom vì điều đó đã xảy ra ở các thành phố khác ở Ukraine, có nguy cơ xảy ra ở các thành phố khác nữa”. Cha Egidio Montanari báo cáo. Cộng đồng của ngài có sự tham gia của hai linh mục dòng Chúa Quan Phòng và một chủng sinh đến từ Kiev. Người chủng sinh này chỉ có nửa thùng nhiên liệu, nửa đường hết xăng phải bỏ xe đi bộ và được cộng đoàn ở Lviv đón trên xa lộ.

Tình hình tại Charków - “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi các mẹ và người nghèo!”

Các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng cũng quyết định ở lại Ukraine với trách nhiệm của họ. “Sáng nay, các Nữ tu dòng Tiểu muội Bác ái Truyền giáo đã tìm cách thiết lập liên lạc với các chị em ở Kharkiv, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc tấn công của Nga, và ở Korotycza gần đó,” bản tin của cộng đoàn viết.

Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan không nhưng họ đều chọn ở gần các bà mẹ, trẻ em và những người nghèo mà họ chăm sóc.

“Chị Kamila ở Kharkiv báo cáo rằng trong đêm họ bị đánh thức bởi những tiếng nổ súng. Tình hình rất bấp bênh. Đức Hồng Y đã yêu cầu các chị em dòng Chúa Quan Phòng từ cả hai cộng đồng tập trung ở Korotycza vì ở đó an toàn hơn. Các chị em ở đó có tầng hầm mà họ có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp nguy hiểm. Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan hay không nhưng họ đều chọn ở lại để tiếp tục phục vụ.”

Tình hình tại Mariupol - “Chúng tôi không còn biết chạy đi đâu?”

“Tiếng nổ đã được nghe thấy vào buổi sáng, điều này gây ra sự hoảng loạn. Nhưng các nhà chức trách Ukraine đã yêu cầu người dân không được hoảng sợ. Điều này rất khó. Tuy nhiên, trong thành phố, sự hoảng loạn là điều hiển nhiên. Có những hàng chờ khổng lồ tại các trạm xăng và ga đường sắt. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta đi đâu đây? Bạn không thể rời khỏi thành phố một cách dễ dàng, thiết quân luật đang có hiệu lực. Tất cả chúng tôi đều lo lắng” Cha Paul Tomaszewski, một linh mục dòng Thánh Phaolô, nói với Đài phát thanh Vatican.

“Ngoài trận chiến còn có trận địa thông tin, trận địa tuyên truyền. Người ta nói rằng xe tăng được bố trí ở thành phố của chúng tôi, ở Donetsk, họ nói rằng lá cờ của nước cộng hòa ly khai đã bay trên thành phố. Nhưng bây giờ nó là bình thường, yên bình, các hoạt động của thành phố vẫn diễn ra như thường lệ. Mọi người biết rằng mỗi dãy căn hộ đều có một số loại hầm trú ẩn, chủ yếu là ở các tầng hầm, rất khó để tìm được một nơi trú ẩn thực sự. Tôi mời mọi người đến nhà thờ, ai có thể thì hãy đến, chúng tôi sẽ cầu nguyện”.

Tình hình tại KOLOMYJA – Thánh lễ đông nghẹt

“Chúng tôi được đánh thức sáng nay bằng máy bay đang bay qua thành phố,” Cha Michal Machnio, cha sở của giáo xứ Thánh Ignatius Loyola ở Kolomyia thuộc tổng giáo phận Lviv, đã báo cáo trong một cuộc phỏng vấn với Radio Plus. Cha sở, là một linh mục của Giáo phận Radom, thông báo rằng một sân bay cách thành phố 60 km (gần 40 dặm) đã bị đánh bom. Sân bay quân sự ở Kolomyia cũng bị cháy.

“Đó là một tình huống khó khăn cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện mỗi ngày. Chúng tôi khuyến khích mọi người cầu nguyện cho hòa bình. Chúng tôi hát những lời cầu xin mỗi ngày sau khi thánh lễ. Chính quyền thành phố yêu cầu anh chị em bình tĩnh. Nếu không có nhu cầu, anh chị em nên ở nhà. Ngoài ra, các sơ đã đóng cửa trường mẫu giáo mà họ điều hành”, vị linh mục nói thêm.

Tôi không có ý định bỏ đi, tôi đang ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cuối cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.

“Có một số lượng lớn người bất thường trong thánh lễ sáng hôm nay. Bạn có thể cảm thấy căng thẳng, nhưng mọi người đều cố gắng giữ bình tĩnh. Mọi người đang mua nhiều thứ hơn ở cửa hàng vì họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Tôi xin những lời cầu nguyện rằng Ukraine sẽ không còn bị xâm lược”, cha Machnio nói. Vị linh mục tuyên bố rằng ngài sẽ không rời giáo xứ của mình. “Tôi không rời đi, tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.”

Tình hình tại Kiev - “bảo vệ Mình Thánh Chúa”

“Vào buổi sáng, tôi bị đánh thức bởi một vụ nổ, có thể là từ hướng Boryspol - cách chúng tôi khoảng 30 km (khoảng 18 dặm). Chúng tôi quyết định cùng với những người bạn của mình chuẩn bị di tản. Chúng tôi muốn bảo đảm các thiết bị có giá trị nhất từ studio truyền hình và đưa nó đi theo hướng Lviv; chúng tôi cũng cần bảo bảo đảm Mình Thánh Chúa. Tôi mang theo tài liệu tiếng Ba Lan và một số nhu yếu phẩm để phòng trường hợp chúng tôi phải trốn trong các trại tạm trú,” Cha Błażej Gawliczek, người làm việc cho đài truyền hình Công Giáo EWTN ở Kiev tường thuật trong một cuộc phỏng vấn với Sunday Guest.

“Bạn không thể nhìn thấy quân đội trên đường phố, nhưng có một sự náo động rất lớn. Một trong những người bạn của tôi đã ra ngoài cửa hàng để mua thức ăn và đổ xăng cho chiếc xe của anh ấy - có những hàng dài không thể tưởng tượng được tại các trạm xăng,và ở các cửa hàng. Tại thời điểm này, chúng tôi nhận được tin rằng quân Nga đã tiến vào vùng Chernihiv, cách Kiev 150 km (90 dặm) về phía bắc. Thành thật mà nói - đã lâu rồi tôi không cảm thấy sợ hãi và hoang mang như thế này. Trước đó tôi đã phần nào đánh giá thấp mối đe dọa này của Nga, nhưng bây giờ tôi cảm thấy lo lắng vô cùng,” vị linh mục cho biết thêm.
Source:Aleteia