Ngày 13-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy ngước nhìn lên
Lm. Minh Anh
02:39 13/03/2022

HÃY NGƯỚC NHÌN LÊN!
“Y phục Ngài trắng tinh chói loà”.

Trong một con mương nhỏ, có cây tầm xuân mọc lặng lẽ… cho đến một buổi sáng, một người làm vườn đào quanh và nâng nó lên. Tầm xuân vùng vằng, “Anh làm gì vậy? Anh không biết tôi là một kẻ vô dụng sao?”. Người làm vườn vẫn lặng lẽ mang nó về vườn hoa nhà mình, trồng nó giữa những bông hoa. Nó càu nhàu, “Thật là sai lầm!”. Sau đó, người làm vườn trở lại; và với một con dao sắc, anh rạch một đường trên thân tầm xuân; tháp vào đó một mảnh hồng. Hè đến, những bông hồng xinh xắn đã nở trên chiếc áo cũ kỹ. Người làm vườn nói, “‘Hãy ngước nhìn lên!’. Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì tôi tháp vào!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì tôi tháp vào!”. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta ‘hãy ngước nhìn lên’, ngắm xem vẻ đẹp và sự sống của Thiên Chúa, Đấng đã tháp ‘mảnh Giêsu’ vào linh hồn mỗi người! Đừng nhìn xuống nữa! Hãy nhìn lên vẻ huy hoàng của Con Thiên Chúa, Đấng vượt qua bóng tối sự chết để bước vào Phục Sinh vinh quang; cũng như hôm nay, Ngài rạng ngời trên núi, “Y phục Ngài trắng tinh chói loà”.

Bài đọc Sáng Thế kể chuyện Thiên Chúa ‘tháp nhập' với Abraham. Một đêm kia, Ngài dẫn ông ra ngoài và bảo, ‘hãy ngước nhìn lên’ và đếm các ngôi sao, “Miêu duệ ngươi sẽ đông như thế!”. Abraham ngước lên, một vị Thần cao cả đã thương xót cúi xuống nhìn ông; ông tin lời Ngài đã hứa. Vì thế, Abraham trở thành cha các kẻ tin; và chúng ta hôm nay, ‘những ngôi sao’ được đếm trên bầu trời xưa, trở thành hậu duệ đã được tháp vào đức tin của Abraham!

Thánh Phaolô trong thư Philipphê hôm nay cũng mời gọi chúng ta thôi đừng nhìn xuống nữa, nhưng ‘hãy ngước nhìn lên’, để biết rằng, “Quê hương chúng ta ở trên trời; nơi đó, chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô. Ngài sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Ngài”. Phaolô cho thấy, bao lâu chúng ta biết nhìn lên, được Đức Giêsu tháp nhập vào, chúng ta sẽ được biến đổi. Đặc biệt với bài Tin Mừng, không chỉ ‘hãy ngước nhìn lên’, chúng ta được mời đi lên với Chúa Giêsu như ba môn đệ. Trên đỉnh núi, cùng Ngài cầu nguyện, họ được Ngài tỏ cho thấy vinh quang chói ngời thần tính của Con Thiên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu chói lọi hôm nay là một hình ảnh đầy hy vọng! Các môn đệ thấy Thầy mình vinh hiển, rạng ngời trong tư cách Ngài là Con Thiên Chúa, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh. Khuôn mặt Ngài toả sáng, y phục Ngài trắng tinh, chói lọi. Biến cố này xảy ra khi tâm hồn các ông đang rối ren vì cuộc thương khó Ngài đã tiên báo. Mùa Chay, mùa chúng ta vượt qua những khó khăn khi nhìn xuống lòng mình; ở đó, chỉ toàn tội lỗi yếu hèn; ở đó, cuộc sống vạy vò, rối ren... và điều đó có thể đưa đến cám dỗ chán nản, ngã lòng, và thậm chí, tuyệt vọng. Vì thế, để khắc phục tốt nhất có thể, chúng ta ‘hãy ngước nhìn lên’, và cho phép mình được Chúa Giêsu tháp nhập. Ngài, Đấng hiển vinh, quyền năng, cũng là Đấng sẽ ôm lấy tội lỗi chúng ta, chịu đựng mọi hậu quả của nó; Ngài sẽ nhúng linh hồn chúng ta trong máu châu báu của Ngài, tẩy sạch chúng ta bằng sự chết và sống lại của Ngài, để chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển như Ngài. Đó là ý nghĩa của đại lễ Phục Sinh mà Mùa Chay hướng đến. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là sự sáng và là Đấng Cứu Độ tôi!”.

Anh Chị em,

“Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì tôi tháp vào!”. Đấng tháp vào chúng ta, một Giêsu vừa là người, vừa là Chúa! Là người, Ngài hiểu tất cả những yếu hèn của phận người; vì thế, Ngài mời gọi chúng ta ‘hãy ngước nhìn lên’ Thánh Giá của Ngài; ở đó, Chúa của nhân loại, trong vỏ bọc của đau khổ và sỉ nhục đang treo lơ lửng. Cũng thế, là Chúa, Đấng đã phục sinh, chiến thắng sự chết và thập giá; nhờ Ngài, chúng ta được hạnh phúc, bình an nội tâm khi biết tháp nhập đời mình vào trong cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài. Dẫu đau đớn, rướm máu như những gì cây tầm xuân đã chịu, hãy cứ để Ngài tháp nhập!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con ngước nhìn lên Chúa với niềm tin vào quyền năng Chúa; để con không chỉ được thứ tha, mà còn để được biến đổi và ‘nở hoa’, nhờ được tháp nhập với Ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Ngày 14/03: Những Lời răn dạy của Chúa: Lm. Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
03:18 13/03/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Hành Trang Trong Dấu Lạ Biến Hình
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:14 13/03/2022
Hành Trang Trong “Dấu Lạ Biến Hình”

(Chúa Nhật 2 MC Năm C 2022)

Một cuộc “lên đường”, một chuyến “đi xa” bao giờ cũng ẩn chứa một chút gì xót xa của từ bỏ, một chút gì tiếc nuối của giã từ. Cho nên, một thi sĩ người Pháp, Edmond Haraucourt (1856-1941) trong bài thơ “Rondel de l’ adieu” (Khúc ca ly biệt) đã từng cảm nhận: Partir c’est mourir un peu (Đi là chết một ít) để sau nầy thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã thốt lên:

Người đi một nửa hồn tôi mất,

một nữa hồn tôi bỗng dại khờ !

Và trong những ngày nầy, cả thế giới ai cũng rơi nước mắt khi xem đoạn video chiếu cảnh chia ly vợ và con thơ để lên đường ra tiền tuyến của của một anh lính chiến Ukraina…; đứa bé vừa khóc vừa đánh vào cổ vào má của người cha cách tức tưởi trước cuộc chia tay khắc nghiệt nầy ! Vâng, “đi là chết…” không phải “một ít”, mà đôi khi, “chết cả tâm hồn”, “chết cả vũ trụ xung quanh” đến độ “sỏi đá không còn”… như cách cảm nhận của thi sĩ Nguyễn Tâm, trong bài thơ “Ngày em ra đi”:

Chiều sân ga tiễn em anh thầm hỏi

Mai trong đời sỏi đá có còn không?

Nhưng trong viễn cảnh Lời Chúa, lên đường, ra đi đó lại là một biểu tượng đẹp của đức tin, của một “chuyển động tích cực” nói lên sự dấn thân để hướng đến, để thuộc về, để dứt khoát “vượt qua chính mình và thuộc về Thiên Chúa”, để “giã từ quá khứ và hướng đến tương lai”; để “vượt thoát cũ mòn, xơ cứng và tiến tới cuộc sống mới tốt lành thiện lương”…

Hình ảnh Chúa đưa cụ Tổ Abram “nhìn lên bầu trời đầy sao” để rồi nói với ông rằng: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”… Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”, là một dấu chỉ sống động cho mọi ơn gọi trong dân Chúa: ơn gọi ra đi của niềm tin và vì niềm tin, như chính lời sách Sáng Thế xác định: “Abraham tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính”.

Phải chăng, Lời Chúa hôm nay muốn khơi gợi lên dấu chỉ nầy, lời réo gọi nầy trong tâm hồn mọi tín hữu để sống trọn vẹn ý nghĩa sâu xa của Mùa Chay; và đặc biệt hơn, để “dấu chỉ nầy, lời réo gọi nầy” vang vọng cách sâu xa và mãnh liệt nơi tâm hồn của những anh chị em Dự tòng, những kẻ đã được Thiên Chúa kêu gọi vào niềm tin vào Ngài và sắp sửa chính thức nói lên cách trang trọng và dứt khoát “TIN và TỪ BỎ” trong cử hành Bí tích Nhập Đạo đêm Vọng Phục Sinh sắp tới !

Thật vậy, đối với những người đã từng gắn bó với một “thành UR” nào đó của tín ngưỡng cũ, của niềm tin ngoại đạo trước đây, của thói tục xa lạ với Tin Mừng, thì việc “bước vào một đức tin mới”, tin thờ một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn mới mẻ, và gia nhập vào một cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo bao gồm những anh chị em xa lạ… không là một cuộc “đi xa, bức phá” của một Abraham lên đường theo tiếng gọi đó sao?

Và không riêng họ mà cả chúng ta, những người đã từng theo Chúa, tin Chúa dài lâu, lại không đã từng trải qua những kinh nghiệm trăn trở, ưu tư của các Thánh Tông Đồ trong những ngày gặp gỡ rồi đi theo Đức Kitô: Niềm tin nầy sẽ dẫn mình đi đâu, tới đâu? Sẽ mang lại điều gì giá trị hơn, hay ho hơn chăng? (Mc 10,28-30). Chẳng lẽ rồi tất cả sẽ dẫn tới một đích điểm “tối om”, buồn rực…? như chính Thầy Giêsu đã từng tiên báo không phải một mà nhiều lần: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống dậy.” (Mc 8,31; 9,31;10,33).

Không. Để củng cố niềm tin và trả lời dứt khoát cho những môn đệ ngày xưa, hay để nói cho muôn thế hệ Kitô hữu muôn nơi muôn thuở, và cho riêng các anh chị em dự tòng hôm nay biết rằng: ở cuối đường thập giá là Phục sinh, tiêu đích của “con đường Kitô”, của sự chọn lựa niềm tin vào Đức Kitô, chính là chiến thắng vinh quang, là rạng ngời vinh hiển của phận người, là cuộc “Biến hình, lột xác” của cái tôi xác thịt nặng nề tội lỗi để trở nên “một con người mới” trong vương quốc rạng ngời thánh thiện của Thiên Chúa !

Như chúng tá biết, theo “ngữ cảnh Tin Mừng”, sự kiện “Chúa Biến Hình trên núi” không là một câu chuyện tình cờ, “ngẫu hứng” trên con đường đi về Giêrusalem của Chúa Giêsu, mà là một mạc khải quan trọng soi chiếu vào con đường dài lịch sử cứu độ; nhất là làm rực sáng lên như một “chân trời đích điểm”, một “focus” của huyền nhiệm thập giá. Bởi vì, xuyên qua “sự kiện Biến Hình”, chúng ta có thể thấy một sự đối xứng trong “mạc khải của chính Đức Kitô” đi liền trước như một khúc dạo đầu: “Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Lời tiên tri trên chẳng phải ngụ ý:

- Bên kia “Đồi Sọ” của thương đau khổ nạn, đã vươn lên “Núi Ta-bo” của rạng ngời Phục sinh:

- Đằng sau một Giêsu Nadarét tội nhân xác thân trần truồng, rách nát, chết tủi nhục thương đau trên thập giá, là một Đức Kitô vinh hiển rạng ngời.

Chúng ta đừng quên, trong “diễn cảnh Biến Hình”, Tin Mừng đã nhắc tới cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu “biến hình” với hai nhân vật tượng trưng cho hai truyền thống vĩ đại và nền tảng của Cựu ước: Môsê (Lề Luật), Êlia (Ngôn Sứ), lại xoay quanh câu chuyện “cái chết (hay cuộc ra đi) của Người tại Giêrusalem”: “Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem”. Chi tiết nầy càng củng cố thêm:

- Trong cuộc “xuất hành” thời Môsê, bên nầy Biển Đỏ với sa mạc chết chóc và nô lệ đoạ đầy, đã thấp thoáng bến bờ “Đất Hứa”; Đức Kitô, một “Môsê mới” sắp sửa tái diễn cuộc Vượt Qua Mới qua mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh để dẫn đưa đoàn Dân Mới vào “Đất Hứa quê trời”.

- Trong cuộc lưu đày thời các Ngôn sứ, đã sáng lên niềm hy vọng “trở về và tái thiết Salem”. Nhà đại ngôn sứ Giêsu cũng đang đồng hành với Dân Mới trong cuộc Vượt Qua của Ngài để canh tân và biến đổi Giáo Hội hay tái dựng những “đền thờ Giêrusalem mới” là tâm hồn các tín hữu.

Như vậy, dưới ánh sáng của các “diễn trình Lời Chúa” vừa được công bố đó, chúng ta một lần nữa lắng nghe lời mời gọi tha thiết của Mùa Chay đó là: định hướng lại nhịp sống đức tin có thể đang trên đà sai lệch, và làm mới lại những thực hành sống đạo có nguy cơ đang ngủ vùi trong trạng thái cũ mòn xơ cứng. Đó là cuộc gọi mời không ngừng biết vươn cao và đi xa.

Để áp dụng vào cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra rằng: khi chọn lựa sự phân định trong viễn tượng “Biến Hình” hay “vươn cao và đi xa” nầy, các linh mục sẽ sẵn sàng với “bài sai mới” và thanh thản với những cuộc hoán chuyển mục vụ; các tu sĩ nam nữ sẽ hân hoan đón nhận mọi gian nan và thách đố của sứ vụ từ Bề Trên và luôn trung thành với lời cam kết Khấn Dòng trong mọi hoàn cảnh; các các bậc cha mẹ, con cháu trong gia đình sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong hy sinh phục vụ, trong túng quẩn khó nghèo, tật nguyền bệnh hoạn…; các bạn trẻ sẽ tìm được lý tưởng và ý nghĩa khi để Chúa Giêsu đồng hành trên mọi nẻo đường hướng đến tương lai…

Nếu đặt cuộc sống và sự chọn lựa đức tin trong viễn tượng cuộc “ra đi giã từ quê hương cũ của Abraham” và sự “lên núi cao để biến hình của Đức Kitô” như sứ điệp Lời Chúa hôm nay minh hoạ, thì tất cả chúng ta, đặc biệt, mỗi anh chị em dự tòng, không chỉ trong Mùa Chay nầy, mà xuyên suốt cuộc đời, đều có những cuộc “ra đi” và “lên cao”, những cuộc hành trình của riêng mình để liên tục hoán cải, để không ngừng đổi mới, canh tân.

Không thể chối cải, với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, quả thật, toàn thế giới đang sống trong một bối cảnh xã hội, đạo cũng như đời, đầy dẫy những “vấp phạm”, những lực kéo và cám dỗ con người quay lưng lại với những giá trị đạo đức thanh cao để ươn hèn trụ lại trong vũng lầy của biếng lười, ích kỷ, dục vọng…; một thế giới hùa nhau chống lại Hội Thánh Chúa Kitô, và loại bỏ những giá trị của Tin Mừng bằng nhiều phương thế hiện đại để tự tung tự tác…; một thế giới mà Thánh Phaolô đã từng trải nghiệm nơi cộng đoàn Philipphê: “có những người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng…” (Bđ 2). Và vì thế, lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô luôn mãi vẫn hợp thời: “Hãy vững vàng trong Chúa” và luôn đặt niềm trông cậy vững vàng vào cuộc gặp gỡ cuối cùng nơi quê hương Nước Trời “ở đó có Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”. (Bđ 2).

Sau hết, trong cuộc “biến hình” hay “vươn cao và đi xa” nầy, chắc chắn chúng ta không cô độc, mà Đức Kitô luôn là một “khách bộ hành” đang chen vai sát cánh đồng hành với ta trên mọi “nẻo đường emmau trần thế”; và thi thoảng, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được cái “vỗ vai thân thương” của Ngài như cách cảm nhận của thi sĩ Trăng Thập Tự trong bài thơ “Leo Nuối”:

Ngài vỗ vai tôi ướm hỏi

Theo Ngài lên tận đỉnh kia chăng?

Ngài rõ lòng tôi, còn phải nói !

Vội vàng tôi xếp gọn hành trang…

Và gói hành trang mà ta phải mang theo và giữ mãi chính là Lời của Chúa Cha trong dấu lạ “Biến Hình”: “Hãy vâng nghe Lời Người”.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền
 
Một so sánh không tưởng
Lm. Minh Anh
22:13 13/03/2022

MỘT SO SÁNH KHÔNG TƯỞNG
“Các con hãy thương xót, như Cha các con là Ðấng thương xót!”.

Ngày kia, Paderewski đến London công diễn. Joseph Parker, một nhạc sĩ tài năng, đến nghe. Vì quá cảm kích thiên tài Paderewski, khi về nhà, Parker đứng bên cây đàn piano, gọi người hầu, “Mang cây rìu cho tôi! Tôi chưa bao giờ được nghe một bản nhạc tuyệt vời đến thế; nếu phải so sánh, dẫu là ‘một so sánh không tưởng’, những gì tôi có thể làm chẳng là gì cả! Phải bổ cây đàn của tôi toác thành từng mảnh”. Dẫu không làm thế, nhưng Parker nhận ra rằng, không bao giờ ông có thể trở thành một Paderewski, may lắm là nên giống người nhạc sĩ trẻ! Để được như vậy, ông cần Paderewski. Vâng, ông cần một trái tim như trái tim của người nhạc sĩ vĩ đại!

Kính thưa Anh Chị em,

Joseph Parker “Cần một trái tim như trái tim của người nhạc sĩ vĩ đại!”. Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều hết sức thú vị, rằng, Thiên Chúa cũng có một trái tim vĩ đại! Và sẽ thú vị hơn, nếu phải so sánh về mức độ thương xót nơi trái tim của chúng ta, dẫu là ‘một so sánh không tưởng’, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta lấy trái tim của mình đem so với trái tim của Thiên Chúa! Ngài nói, “Các con hãy thương xót, như Cha các con là Ðấng thương xót!”.

Nó không phải là một câu chót lưỡi đầu môi, mà là một cam kết sống! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa là một tình yêu không ngưng nghỉ, không mệt mỏi, dành cho nhân loại. Còn hơn một người cha, người mẹ, Thiên Chúa yêu thương với một tình yêu không thể hiểu thấu, tràn đầy trên mọi tạo vật. Cái chết trên thập giá của Chúa Con là đỉnh cao của câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, một tình yêu lớn đến nỗi chỉ mình Ngài mới có thể hiểu được! Rõ ràng, so với tình yêu vô bờ bến này, tình yêu của con người sẽ luôn què quặt, dẫu đó là một ‘một so sánh không tưởng’. Dù vậy, khi kêu gọi chúng ta thương xót như Chúa Cha, Chúa Giêsu không có ý chỉ về số lượng, Ngài muốn chúng ta trở nên những dấu chỉ, những dòng chảy, những nhân chứng thương xót của Ngài. Và đó là tất cả trong trái tim Ngài!

Trái tim con người thì sao? Chúa Giêsu không ngại cảnh báo những gì chúng ta thường va vấp, “Đừng xét đoán!”, “Đừng kết án!”; Ngài biết, trái tim chúng ta là một chiến trường thực sự! Hãy xem, mặc dù rất khó, nhưng chúng ta thường có thể tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để bào chữa cho sự bất công đã chịu đựng; và mặc dù đã quên những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn tìm cách ‘cung phụng’ vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn để tha thứ nếu chúng ta biết nhìn vào trái tim người xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Đó là đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, điều thiện, cuối cùng, hấp dẫn trái tim con người hơn là cái ác được thần tượng hoá. Chúa Giêsu luôn nhìn vào trái tim, Ngài đặt cược vào mặt tốt!

Vậy đâu là thái độ đúng đắn của chúng ta? Đaniel trong bài đọc hôm nay là một mẫu gương tuyệt vời! Lời cầu nguyện sám hối của ông ‘mang tính quốc gia’, mô tả sự trọn hảo của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người; một lời cầu nguyện chứa đựng sự khiêm nhường, thờ phượng, xưng thú và cầu xin sự xót thương của Thiên Chúa, “Chúng con đã phạm tội, chúng con đã làm điều gian ác”. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.

Anh Chị em,

Chúng ta “Cần một trái tim như trái tim của Thiên Chúa!”, và Chúa Giêsu đã làm người, với một trái tim, cho con người noi theo! Ngài đã từ bỏ áo trong áo ngoài, từ bỏ danh lợi, từ bỏ tất cả. Trên thập giá, Ngài phơi bày một trái tim thoi thóp và rồi, bị đâm thủng, những giọt máu, giọt nước cuối cùng nhỏ xuống cho đến khi trái tim khô đét; bởi lẽ, trong đó, chỉ có xót thương. Thông thường, chúng ta cảm thấy hài lòng khi tự so mình với người khác; thế mà, không phải với họ, chính Chúa Giêsu mới là ‘người mẫu’ để chúng ta so với chính mình, mặc dù đây là ‘một so sánh không tưởng’. Trong sự tha thứ và thương xót, sự rộng lượng của Chúa Giêsu là không thể đo lường được. Tắt một lời, Ngài đã chuộc lấy nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta, bằng chính bửu huyết của Ngài; vì thế, trái tim Ngài đáng cho chúng ta ao ước để bắt chước!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới cần nhiều hơn những người không phán xét và không lên án; xin giúp con trở nên một trong những người đó, khi trái tim con nên giống trái tim Chúa mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng giáo phận Los Angeles quyên tiền giúp nạn nhân chiến cuộc Ukraine
Nguyễn Long Thao
15:56 13/03/2022
Washington, D.C.-2 /3/ 2022 Tổng giáo phận Los Angeles đã yêu cầu các giáo xứ cho quyên tiền lần thứ hai trong các thánh lễ vào cuối tuần 12-13 / 3 và 19-20 / 3/2022, để giúp những những nạn nhân chiến cuộc ở Ukraine. Bức thư do ông Terrance Fleming, Giám đốc điều hành của Văn phòng Truyền giáo của Tổng giáo phận ký, đã được gửi đến tất cả các giáo xứ trong Tổng giáo phận Los Angeles

Bức thư có đoạn: “Qua những sự kiện gần đây ở Ukraine cho thấy sự tàn phá mà các anh chị em của chúng ta đang phải gánh chịu với những bất ổn ở đất nước của họ, đã diễn ra từ tháng trước và hơn 1,5 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa sang các nước lân cận tránh những cuộc giao tranh. Hơn 2.000 sinh mạng đã mất và hàng nghìn người khác bị thương.

Bức thư viết tiếp “Trong thời gian này, Ukraine đang rất cần những lời cầu nguyện và hỗ trợ của chúng ta trong khi dân chúng phải đối mặt với mất mát và thảm kịch tàn khốc. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích mọi người giúp đỡ cho người dân Ukraine. Ngài nói với chúng ta, “Trong Thiên Chúa, không một hành động yêu thương nào, dù nhỏ bé, và không nỗ lực quảng đại nào sẽ bị mất đi.”

Các khoản quyên góp sẽ được văn phòng của Hiệp hội Truyền bá Đức tin của tổng giáo phận Los Angeles quản lý.

Để đóng góp trực tuyến nhằm hỗ trợ người dân Ukraine, độc giả có thể truy cập trang Donate Today của Hiệp hội Truyền giáo Giáo Hoàng ở Los Angeles và ghi rõ Thảm họa Ukraine. Toàn bộ tiền quyên góp sẽ để cứu trợ những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Ukraine.

Để biết thêm thông tin, xin gọi Văn phòng Truyền giáo của Tổng giáo phận, 213-637-7223 hoặc gửi email tới missionoffice@la-archdintic.org.

Nguyễn Long Thao
 
Thư của Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
17:03 13/03/2022


Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thúc giục tiếp tục cầu nguyện và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và các nước xung quanh

Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tiếp tục, Đức Cha David J. Malloy của Rockford và là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau:

“Vào ngày 24 tháng 2, thế giới kinh hoàng theo dõi khi Nga tiến hành các cuộc không kích và bắt đầu pháo kích vào Ukraine. Số người chết đã lên đến hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn và đang tăng lên. Hơn một triệu người Ukraine đã lánh nạn khỏi các cuộc giao tranh sang các nước Âu Châu láng giềng và hàng triệu người khác có thể trở thành người tị nạn.

“Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng tôi lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người 'có trách nhiệm chính trị hãy xem xét lương tâm của mình một cách nghiêm túc trước Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của chiến tranh... Người muốn chúng ta là anh em chứ không phải kẻ thù.' Chúng tôi cùng với Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng 'tất cả các bên liên quan kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể gây ra đau khổ hơn nữa cho người dân, làm mất ổn định sự chung sống giữa các quốc gia và khiến luật pháp quốc tế trở nên bất ổn.' Chúng tôi cũng tham gia đoàn kết với các Giáo hội Chính thống Ukraine và Giáo Hội Công Giáo Ukraine tại Hoa Kỳ, những người đang đoàn kết cầu nguyện cho người dân và quê hương của họ.

“Trước tình hình khủng hoảng nhân đạo đang phát triển, tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho người dân Ukraine và hợp tác chặt chẽ với các đối tác dựa trên đức tin, những người đã sẵn sàng cung cấp viện trợ khẩn cấp. Tôi khuyến khích mọi người hào phóng đóng góp cho các tổ chức như Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo và quỹ bác ái của USCCB cho Giáo hội ở Trung và Đông Âu, những tổ chức đang mang lại sự cứu trợ hữu hình và niềm hy vọng của Chúa Kitô cho những người cần.

“Những người đau khổ ở Ukraine và ở khu vực xung quanh sẽ vẫn còn gần gũi trong trái tim của chúng tôi trong cuộc xâm lược này. Trong Mùa Sám Hối này, với Đức Mẹ Fatima là người hướng dẫn, chúng ta đừng quá mệt mỏi trong việc cầu nguyện cho hòa bình, công lý và sự cứu rỗi của toàn thế giới.”
Source:USCCB

 
Trách nhiệm trong cuộc tấn công này phải được đặt trên vai của Vladimir Putin
Đặng Tự Do
17:04 13/03/2022


Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine của Chính Thống Giáo tại Hoa Kỳ: Trách nhiệm trong cuộc tấn công này phải được đặt trên vai của Vladimir Putin

Một thông điệp đặc biệt về vấn đề Nga mở cuộc xâm lược Ukraine đã được Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo thuộc tòa Constantinople tại Hoa Kỳ là Đức Cha Elpidophoros công bố.

Ngài đặc biệt nhấn mạnh, trách nhiệm trong “cuộc tấn công này phải được đặt trên vai của Vladimir Putin, người đang mạo hiểm hòa bình toàn cầu cho chương trình nghị sự chính trị ích kỷ của riêng mình”.

Đề cập đến người Ukraine và người Nga, Đức Tổng Giám Mục Elpidophoros lưu ý rằng “họ là những đứa trẻ được nuôi dưỡng từ cùng một bầu ngực. Họ là anh chị em trong Chúa Kitô. Làm sao lại có thể xảy ra một tình huynh đệ tương tàn trên Thánh địa của Kievan Rus? Là Kitô hữu, chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể làm gì?”

Gửi tới các Giám Mục, các Linh mục và Phó tế, các Tu sĩ Nam Nữ, các Thành viên của Hội đồng Giáo xứ, và toàn thể anh chị em tín hữu của Tổng giáo phận Hoa Kỳ.

Tất cả các con đều là anh em. (Mt 23: 8)

Anh chị em yêu dấu của tôi trong Đấng Christ,

Chúng tôi thấy mình đau đớn sâu sắc và buồn bã trong tâm hồn trước nỗi kinh hoàng xảy ra sau cuộc xâm lược Ukraine. Tôi không nói: “Nước Nga” bởi vì hàng nghìn người dân Nga đang phản đối cuộc tấn công vô cớ và phi lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tự do của họ.

Cuộc tấn công này phải được đặt trên vai của Vladimir Putin, người đang mạo hiểm hòa bình toàn cầu cho chương trình nghị sự chính trị ích kỷ của mình.

Chúng ta đang chứng kiến một thảm kịch vô cùng đau khổ của con người: mục tiêu là thường dân, ám sát và khủng bố, và cái chết của những người vô tội, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng người Ukraine và người Nga là những đứa trẻ được nuôi dưỡng từ cùng một bầu ngực.

Họ là anh chị em trong Chúa Kitô. Làm sao lại có thể xảy ra một cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên Thánh địa Kievan Rus? Là Kitô hữu Chính thống giáo, chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể làm gì? Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã trả lời dứt khoát:

“… Kết thúc chiến tranh ngay bây giờ! Ngừng ngay lập tức mọi hành động bạo lực, bất cứ điều gì làm lan truyền nỗi đau và cái chết. Hãy để lý trí thắng thế, yêu thương đồng loại, hòa giải và đoàn kết, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, quà tặng sự sống “. (Ngày 27 tháng 2 năm 2022)

Chúng ta cùng hiệp nhất trong tinh thần với Đức Thượng Phụ và khuyến khích tất cả những tín hữu của chúng ta: hãy cầu nguyện và hỗ trợ hữu hình cho tất cả người dân Ukraine: những tín hữu của Giáo Hội Chính thống Ukraine và các tín hữu của Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, những tín hữu của cộng đồng Công Giáo và Do Thái Ukraine, và tất cả những người thấy mình trong hoàn cảnh tàn khốc của chiến tranh.

Chúng ta được kêu gọi không chỉ tha thứ cho kẻ thù của mình mà còn yêu kẻ thù của mình (Mat 5:44). Nhưng chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúng ta không nên thấy có kẻ thù trong bất kỳ anh chị em nào của chúng ta. Tình yêu của Chúa Kitô có thể biến đổi chúng ta thành một gia đình duy nhất có thể chống lại sự dữ, và chữa lành những vết thương mà Giáo hội của chúng ta đang phải gánh chịu vào chính lúc này. Vì hòa bình, hỡi anh chị em yêu dấu của tôi, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa.

Trong Chúa Giêsu Kitô,

† ELPIDOPHOROS

Tổng giám mục Hoa Kỳ
Source:Orthodox Times
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13 tháng Ba
J.B. Đặng Minh An dịch
17:36 13/03/2022


Chúa Nhật 13 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố biến hình của Chúa Giêsu khi đang cầu nguyện.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng Phụng vụ Chúa nhật thứ hai Mùa Chay thuật lại cuộc Biến hình của Chúa Giêsu (x. Lc 9:28-36). Khi đang cầu nguyện trên đỉnh núi cao, Ngài thay đổi diện mạo, áo choàng trở nên sáng chói và rạng rỡ, và dưới ánh sáng vinh quang của Ngài, Môisê và Êlia xuất hiện, nói với Ngài về Lễ Vượt Qua đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Các nhân chứng cho sự kiện phi thường này là các Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, là những người đã lên núi với Chúa Giêsu. Chúng ta tưởng tượng họ tròn mắt trước cảnh tượng có một không hai đó. Và, chắc chắn, nó phải là như vậy. Nhưng thánh sử Luca lưu ý rằng “Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê”, và họ “chợt tỉnh dậy” và nói về sự vinh hiển của Chúa Giêsu (xem câu 32). Sự buồn ngủ của ba môn đệ dường như là một nốt nhạc ngang cung. Sau đó, các tông đồ cũng ngủ quên tại vườn Giệtsimani, trong lúc Chúa Giêsu đau khổ cầu nguyện, dù Ngài đã yêu cầu các ông tỉnh thức (x. Mc 14: 37-41). Sự im lặng này trong những thời điểm quan trọng như vậy thật đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, chúng ta thấy rằng Phêrô, Giacôbê và Gioan ngủ quên trước khi cuộc Biến hình bắt đầu, tức là trong khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở Giệtsimani. Đây rõ ràng là một lời cầu nguyện được kéo dài trong một thời gian khá lâu, trong im lặng và tập trung. Chúng ta có thể nghĩ rằng lúc đầu họ cũng đang cầu nguyện, cho đến khi sự mệt mỏi chiếm ưu thế.

Anh chị em thân mến, liệu giấc ngủ không đúng lúc này có giống với nhiều giấc ngủ của chúng ta xảy ra vào những thời điểm mà chúng ta biết là quan trọng không? Có lẽ vào buổi tối, khi chúng ta muốn cầu nguyện, để dành chút thời gian với Chúa Giêsu sau một ngày vội vã và bận rộn. Hoặc đến lúc trao đổi vài lời với gia đình mà chúng ta không còn sức nữa. Chúng ta muốn tỉnh táo, tập trung, tham gia nhiều hơn nữa, không bỏ lỡ những cơ hội quý giá nhưng không thể, hoặc chúng ta cố gắng cách nào đó nhưng không được.

Thời gian mạnh mẽ của Mùa Chay là một cơ hội về mặt này. Đó là giai đoạn mà Thiên Chúa muốn đánh thức chúng ta khỏi sự uể oải bên trong, khỏi cơn buồn ngủ không để cho Thánh Linh thể hiện chính mình. Bởi vì - chúng ta hãy ghi nhớ điều này - giữ cho trái tim tỉnh táo không phụ thuộc vào một mình chúng ta: đó là một ân sủng và phải được kêu cầu. Ba môn đệ của Tin Mừng cho thấy điều này: họ tốt, họ đã theo Chúa Giêsu lên núi, nhưng bằng sức mình, họ không thể thức được. Điều này cũng xảy ra với chúng ta. Tuy nhiên, các ngài thức dậy chính xác trong quá trình Biến hình. Chúng ta có thể nghĩ rằng chính ánh sáng của Chúa Giêsu đã đánh thức họ. Giống như họ, chúng ta cũng cần ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng khiến chúng ta nhìn mọi thứ theo một cách khác: nó thu hút chúng ta, nó đánh thức chúng ta, nó khơi dậy ước muốn và sức mạnh của chúng ta để cầu nguyện, nhìn vào bên trong bản thân và dành thời gian cho người khác. Chúng ta có thể vượt qua sự mệt mỏi của cơ thể với sức mạnh của Thánh Linh Thiên Chúa. Và khi chúng ta không thể vượt qua được điều này, chúng ta phải nói với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con. Xin giúp con: Con muốn gặp gỡ Chúa Giêsu, con muốn tập trung chăm chú, tỉnh thức”. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đưa chúng ta ra khỏi cơn buồn ngủ khiến chúng ta không thể cầu nguyện.

Trong Mùa Chay này, sau những vất vả của mỗi ngày, chúng ta sẽ tốt hơn nếu chúng ta đừng tắt đèn trong phòng mà không đặt mình trong ánh sáng của Chúa. Hãy cầu nguyện một chút trước khi ngủ. Hãy cho Chúa cơ hội để làm chúng ta ngạc nhiên và đánh thức trái tim của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta có thể làm điều này bằng cách mở sách Tin Mừng và để mình ngạc nhiên trước Lời Chúa, bởi vì Kinh Thánh soi sáng bước đi của chúng ta và thổi bùng ngọn lửa trong tâm hồn. Hoặc chúng ta có thể nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh và ngạc nhiên về tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm chúng ta mệt mỏi và có quyền năng thay đổi ngày tháng của chúng ta, mang đến cho chúng một ý nghĩa mới, một ánh sáng mới, bất ngờ.

Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng con luôn tỉnh thức để đón thời gian hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng con.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Thưa anh chị em, chúng ta vừa cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria. Cuối tuần này, thành phố mang tên Đức Mẹ, Mariupol, đã trở thành một thành phố bị tàn phá bởi cuộc chiến tàn khốc đang tàn phá Ukraine. Đối mặt với sự man rợ của việc giết hại trẻ em và những công dân vô tội và không được bảo vệ, không có lý do chiến lược nào có thể chấp nhận được: điều duy nhất cần làm là chấm dứt các cuộc xâm lược vũ trang không thể chấp nhận được trước khi thành phố bị biến thành một nghĩa trang. Với trái tim đau đớn, tôi thêm tiếng nói của mình vào tiếng nói của những người bình thường, những người cầu xin sự kết thúc của chiến tranh. Nhân danh Thiên Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ, và chấm dứt các vụ đánh bom và các cuộc tấn công! Hãy tập trung thực sự và dứt khoát vào các cuộc đàm phán, và để các hành lang nhân đạo hoạt động hiệu quả và an toàn. Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu các bạn: hãy dừng cuộc thảm sát này lại!

Tôi muốn một lần nữa thúc giục sự chào đón của nhiều người tị nạn, trong đó Chúa Kitô đang hiện diện, và cảm tạ vì mạng lưới đoàn kết tuyệt vời đã hình thành. Tôi yêu cầu tất cả các cộng đồng giáo phận và tôn giáo hãy gia tăng những giây phút cầu nguyện cho hòa bình. Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của hòa bình, Ngài không phải là Thần chiến tranh, và những kẻ ủng hộ bạo lực đã xúc phạm danh ngài. Bây giờ, chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện cho những người đau khổ, và xin Chúa chuyển đổi trái tim họ thành một ý chí kiên định cho hòa bình.

Tôi chào tất cả các bạn, những người ở Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của các giáo phận Napoli, Fuorigrotta, Pianura, Florence và Carmignano; cũng như phái đoàn của Phong trào Bất bạo động.

Tôi cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật may mắn, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Một chuyên viên quân sự Hoa Kỳ nhận định về bước tiến bị khựng lại của Nga tại Ukraine
Vũ Văn An
19:14 13/03/2022

Ivan F. Ingraham là một sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu. Ông phục vụ 24 năm trong tư cách Sĩ quan Hành quân Đặc biệt hầu khắp thế giới tại các vùng tranh chấp ở 3 lục địa. Theo ông, người ta có thể gọi tình huống của quân đội Nga tại Ukraine hiện nay là một bước tiến bị khựng lại (nguyên văn bài viết của ông có thể đọc tại https://taskandpurpose.com/analysis/russia-invasion-ukraine-strategic-failures/).



Tôi đã phục vụ 24 năm với tư cách là Sĩ quan Hành quân Đặc biệt trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Bài viết này dựa trên nghiên cứu thực tế và quan điểm của riêng tôi sau khi thực hiện các phái bộ Hành quân Đặc biệt trên khắp thế giới, bao gồm các nghiên cứu chi tiết về những kẻ thù tiềm tàng.

Vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh quân đội nước ông tấn công Ukraine, huênh hoang cho là để giải cứu nó khỏi những kẻ xâm lược phương Tây. Cuộc xâm lược không chỉ là về chính trị và tái thiết kế các nước thuộc Liên Xô cũ để một lần nữa vẽ lại các biên giới châu Âu. Ukraine rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên và Nga muốn kiểm soát những tài nguyên này cùng với việc có thể sử dụng chúng. Đó là một động thái kinh tế cũng như chính trị thông qua các phương tiện quân sự.

Nga không gây chiến một cách thanh lịch. Quân đội của họ rất nặng nề và nặng tay với sự hỗ trợ và nhấn mạnh đặt vào đơn vị đạt được tiến bộ tốt nhất. Hai tuần sau khi xâm lược, cuộc chiến của Nga cho đến nay có thể coi là một tiến bộ bị đình trệ; chứng tỏ thiếu hậu cần; một bước tiến gãy khúc; và sự kháng cự mạnh mẽ của người Ukraine.

Bài viết này cung cấp phân tích về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine thông qua ba Nhân tố Chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ (thời gian, không gian và lực lượng); và sáu Chức năng Chiến đấu (chỉ huy và kiểm soát; tình báo; hỗ trợ hỏa lực; di chuyển và cơ động; duy trì; và bảo vệ lực lượng).

Nhân tố: Thời gian

Nga mong đợi một cuộc giao tranh nhanh chóng, sau đó là sự đầu hàng nhanh chóng của chính phủ Ukraine vì họ vốn nổi tiếng là kẻ bắt nạt châu Âu. Danh tiếng không chiến thắng các cuộc chiến. Chiến đấu hết mình, nhanh chóng và để giành chiến thắng mới thắng. Nga đã phớt lờ điều này và dùng đến các cuộc tấn công vào thường dân nhằm phá vỡ quyết tâm của dân tộc Ukraine. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự phẫn nộ về phía những người bị chiếm đóng nếu Nga chinh phục được Ukraine. Một chu kỳ trả đũa có thể diễn ra với những hậu quả kinh hoàng như đã chứng kiến trong cuộc nội chiến Nam Tư đầu những năm 1990.

Nhân tố: Không gian

Ukraine có diện tích bằng Texas, giáp với Nga ở phía đông và với Belarus, thân Putin và là chư hầu của Nga, ở phía bắc. Ukraine lẽ ra đã bị chiếm đóng chỉ trong vài ngày với một cuộc tấn công hỗ trợ lẫn nhau và từ nhiều phía, từ trên không, trên biển và trên bộ nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Ukraine. Điều này đã không xảy ra.

Nga đã không thiết lập ưu thế đổ bộ thông qua bộ chỉ huy SLOC (đường giao thông trên biển) bằng cách thống trị Biển Đen và eo biển Bosporus. Nga phải sở hữu được phương tiện đổ bộ vào Ukraine. Họ cũng không có ưu thế trên không do lực lượng Ukraine kiên cường bảo vệ không phận của mình.

Nhân tố: Lực lượng

Có những điểm tương đồng với cuộc xâm lược Afghanistan năm 1979 của Nga. Giống như sự thất bại quân sự đó, Nga đã tiếp cận cuộc chiến với Ukraine với quá ít loại quân phù hợp và đang dựa vào những loại quân sai lầm mà không có một chiến lược chặt chẽ. Nga xâm lược Afghanistan để củng cố biên giới trong bối cảnh bất ổn ở Iran. Họ vào đây với các đội hình binh lính cơ giới và đã sử dụng các Lực lượng Dù và Hành quân Đặc biệt đến mức tối đa.

Nhưng họ lại không sử dụng Lực lượng Hành quân Đặc biệt để tạo ra sự tàn phá ở các khu vực phía sau và phá vỡ các nút chỉ huy và kiểm soát chính. Điều này cho phép các lực lượng Ukraine tiếp tục với bộ máy chỉ huy và kiểm soát của riêng họ để phát huy tác dụng tốt.

Trước bất cứ hành động nào, Nga cũng đã không tiến hành chiến tranh mạng hữu hiệu, cũng như trên diện rộng chống lại cấu trúc thông tin liên lạc của Ukraine, đặc biệt là mạng internet, radar và mạng cảnh báo sớm.

Chức năng: Chỉ huy và Kiểm soát

Lãnh đạo là vấn đề của cả hai bên. Vladimir Putin ngày càng xa rời các cố vấn và tướng lĩnh của mình. Ngược lại, Tổng thống Zelensky đã nổi tiếng là một nhà lãnh đạo làm việc không mệt mỏi để duy trì sự đoàn kết yêu nước của người Ukraine bằng cách lãnh đạo tại tuyến đầu. Ông thường xuyên nói với những người đồng hương của mình một cách mạnh mẽ và quyết tâm. Mặc dù chiến đấu trong một chiến dịch khó khăn, ông không chịu dao động khi đối đầu với nghịch cảnh.

Các đơn vị Ukraine được trao quyền hoạt động ở mức thấp nhất để giao chiến với lực lượng Nga. Sự phân quyền đó cho phép người Ukraine có những hành động nhanh chóng để ngăn chặn những bước tiến của Nga. Kiểu chỉ huy và kiểm soát nặng ở phía trên, vốn là đặc trưng của quân đội Nga, đã cản trở việc ra quyết định của họ ở những cấp thấp nhất, nơi lãnh đạo các đơn vị nhỏ là điều tối quan trọng.

Chức năng: Tình báo

Nga dường như không đưa ra bằng chứng về việc tiến hành các ước tính tình báo sâu sắc về đối phương hoặc bất cứ hoạt động chuẩn bị nào về môi trường hoặc không gian chiến đấu. Nếu có, thì sự tập chú của họ dường như tập trung vào các địa điểm có lực lượng nhỏ khác nhau và không làm suy giảm đáng kể khả năng xây dựng một lực lượng kháng chiến đầy tinh thần của Ukraine.

Chức năng: Di chuyển và Cơ động

Những quan niệm của người Westphalia về việc chiếm giữ các thành phố thủ đô để hạ bệ một quốc gia là lạc hậu. Các thành phố ở Ukraine không quan trọng bằng cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp và duy trì hoạt động của chúng. Một chiến dịch cô lập và vượt qua những cơn ác mộng chiến đấu ngoại ô này sẽ cho phép người Nga bỏ đói đối thủ của họ và giảm các cuộc xâm nhập tốn kém trong môi trường đô thị, một điều người Nga đã thất bại, không học được ở Chechnya. Hiện tại, các bước tiến của Nga trên khắp Ukraine không liên kết cũng như không hỗ trợ lẫn nhau khi họ tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao. Sự kháng cự của người Ukraine trước sức mạnh của Nga rất có ấn tượng.

Chức năng: Duy trì

Nhiều đơn vị của Nga đang thiếu nhiên liệu và đạn dược. Một đoàn xe dài bốn mươi dặm trên những con đường một làn xe là một giấc mơ tấn công vũ trang có kết hợp. Tôi chỉ có thể tưởng tượng một đoàn xe lê thê như thế thật dễ để pháo binh hay không quân tiêu diệt.

Chức năng: Bảo vệ lực lượng

Vì lực lượng của Nga trải dài trên một khu vực rộng lớn, nên việc bảo vệ lực lượng cũng trở nên khó khăn. Họ đã đánh giá thấp các tuyến đường tiếp tế của họ sẽ phải dài đến đâu và sẽ mất bao lâu để duy trì các đơn vị của họ tiếp tục chiến đấu.

Chức năng: Hỗ trợ hỏa lực

Nga có nhiều vũ khí nặng hơn mà nước này có thể mang theo, nhưng liệu có phải vậy không? Rất có thể. Quân đội Nga, dưới thời Putin, không có vấn đề gì với việc nhắm vào thường dân và trước đây đã từng sử dụng vũ khí hóa học để chống lại các mục tiêu dân sự, bao gồm người Kurd ở Syria, người Afghanistan và các phiến quân Syria khác. Một thí dụ nổi bật là việc sử dụng khí Clorine chống lại quân nổi dậy Syria ở Umm Hawsh vào tháng 9 năm 2016, cũng như những người Afghanistan, để chống lại họ, Nga đã sử dụng khí mù tạt và xyanua trong thệp niên 1980 với những hiệu quả đáng ngờ.

Cho đến nay, phần lớn hỗ trợ hỏa lực của Nga được tiến hành dưới dạng hỏa tiễn và bom không vận, thường là một cách bừa bãi. Điều này có thể nhanh chóng thay đổi dựa trên tính chất linh hoạt của cuộc chiến và phản ứng của Putin đối với các lệnh trừng phạt của thế giới chống lại Nga.

Tình hình hôm nay

Thế giới đã thay đổi do hậu quả của cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Các cường quốc phương Tây đang làm tất cả những gì có thể, trừ việc can thiệp quân sự, để hỗ trợ chính phủ Ukraine và khiến Nga gần như không thể phát triển như một quốc gia.

Tuy nhiên, trong khi các biện pháp trừng phạt kinh tế và liên mạng có thể được đưa ra ngay lập tức, nó vẫn có thể quá ít, quá muộn. Các biện pháp trừng phạt cần có thời gian - Iran đã bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ trong 50 năm. Triều Tiên vẫn không hề nao núng trước các lệnh trừng phạt do quốc tế áp đặt. Cuba và Fidel Castro tồn tại lâu hơn tám chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ. Người bình thường ở những quốc gia này không thấy có gì khác biệt. Người nghèo vẫn nghèo và người giàu vẫn như vậy, hoặc thậm chí họ còn giàu hơn. Người dân Nga sẽ không phải chịu đựng quá nhiều.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Ba Lan sẽ mở rộng khi họ chấp nhận những người dân Ukraine chạy trốn. Khó có quốc gia nào có thể chịu đựng được gần 2 triệu người một cách hợp lý mà không có sự hỗ trợ. Hoa Kỳ đang dẫn đầu những nỗ lực này thông qua USAID và các tổ chức hỗ trợ nhân đạo khác. Cuộc khủng hoảng đang nổi lên này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm của Ba Lan muốn chiến tranh kết thúc nhanh chóng. Về cơ bản, Nga chỉ đang gieo mầm cho những người nổi dậy thêm theo ngày tháng trôi qua.

Ngay cả khi cuộc xâm lược của Nga thành công, họ sẽ tạo ra một môi trường chín muồi cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm bởi các thực thể bên ngoài, và sau đó họ sẽ phải đối phó với một cuộc nổi dậy chắc chắn sẽ được sự hỗ trợ của phương Tây. Tôi sẽ không suy đoán chính xác điều đó sẽ xảy ra như thế nào, nhưng người Nga rất tệ trong việc chống nổi dậy, được chứng minh bằng màn trình diễn của họ ở Afghanistan, dẫn đến việc họ phải rút quân vào năm 1989 sau một thập niên cố gắng khuất phục đất nước đó.

Đây cũng là khúc rẽ quan trọng đối với NATO. Từ việc Đức tăng chi tiêu quốc phòng, cho đến các quốc gia mới tìm cách gia nhập trong tương lai, châu Âu cuối cùng có thể coi trọng việc chi tiêu quốc phòng như Mỹ đã làm, và các quốc gia khác như Moldova dự đoán một cuộc xâm lược khác của Nga vào một quốc gia có chủ quyền.

Còn bây giờ, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Putin là người có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Các nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại Putin phải được tính toán kỹ lưỡng.
 
Đức Thánh Cha khẩn thiết: Nhân danh Thiên Chúa, hãy chấm dứt cuộc thảm tại Ukraine!
Thanh Quảng sdb
21:15 13/03/2022
Đức Thánh Cha khẩn thiết: 'Nhân danh Thiên Chúa, hãy chấm dứt cuộc thảm tại Ukraine!'

Tưởng nhớ tới các nạn nhân của cuộc xâm lăng Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẩn thiết kêu gọi ngừng bắn ở tại quốc gia bị xâm lăng này.

(Tin Vatican)

Kết thúc buổi Triều Yết hôm Chúa Nhật 13/3/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin các tín hữu hãy khẩn cầu cùng Đức Trinh Nữ Maria, cho thành phố mang tên Mẹ là Mariupol, đang "trở thành thành phố của những người tử vì đạo trước cuộc chiến khủng khiếp xâm lăng Ukraine."

Đức Thánh Cha bày tỏ sự kinh hoàng trước sự man rợ của việc giết hại trẻ thơ, người vô tội và thường dân không vũ trang, đồng thời kêu gọi chấm dứt hành động xâm lược vũ trang không thể chấp nhận này, trước khi biến các thành phố thành một bãi tha ma!

ĐTC nói: “Với nỗi đau thẳm sâu trong trái tim, tôi kêu mời anh chị em và mọi người thiện tâm hãy nguyện xin cho cuộc chiến được chấm dứt...

“Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đang lắng nghe những tiếng kêu thống thiết của những người đau khổ trước các cuộc mưa bom và tấn công không ngừng nghỉ! Các phe phái hãy ngồi lại và đàm phán, và để các hành lang nhân đạo được hoạt động hiệu quả và an toàn. Nhân danh Chúa, tôi xin các bạn: hãy dừng lại cuộc thảm sát này!”

Chúa Giêsu Kitô đang đồng hành với những người đau khổ

Đức Thánh Cha đã khẩn xin "Chúa Giêsu Kitô, xin Ngài hiện diện và đồng hành" với những người dân Ukraine đang trốn chạy chiến tranh!

ĐTC cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với mạng lưới toàn cầu đang ra sức cứu giúp hàng triệu người di tản khỏi cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine.

Đức Thánh Cha tha thiết khấn xin các cộng đồng giáo phận và mọi tổ chức tôn giáo hãy tăng cường nỗ lực giúp đỡ và cầu nguyện cho hòa bình.

“Thiên Chúa là Chúa của hòa bình, Ngài không phải là Thần của chiến tranh, cũng như của những kẻ ủng hộ bạo lực”.

Để kết thúc buổi triều yết, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi người có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho những người đau khổ và khấn xin Thiên Chúa hoán cải trái tim con người để biết xây dựng hòa bình.
 
VietCatholic TV
Mất đến 3 danh tướng, thiệt hại nặng, Putin bắt toàn bộ lãnh đạo phản gián Nga để trút trách nhiệm
VietCatholic Media
03:31 13/03/2022


1. Thiệt hại của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine cho đến nay

Hôm thứ Bẩy, Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đã phá hủy hơn 5 tỷ Mỹ Kim thiết bị quân sự của Nga.

Kể từ khi Nga tuyên chiến vào ngày 24 tháng 2, quân đội Nga đã mất 58 máy bay, 362 xe tăng, 83 trực thăng, 135 cỗ pháo, 1,205 thiết giáp, 62 dàn phóng hỏa tiễn di động, 585 xe chở binh lính, 60 xe chở nhiên liệu, 33 hệ thống phòng không.

Theo báo cáo này, Nga cũng đã mất hơn 12,000 binh sĩ, trong đó có 3 tướng lĩnh.

Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Thiếu tướng Andrei Kolesnikov và Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, đã bị giết ở Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga.

Cuộc xâm lược gần đây nhất của Nga vào Ukraine vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng nó đã đưa ra những bài học chính. Vladimir Putin đã đưa ra ba đánh giá sai lầm nghiêm trọng.

Đầu tiên là hắn đã tính toán sai khả năng giành chiến thắng một cách nhanh chóng và sạch sẽ.

Thứ hai hắn nghĩ rằng đối phương Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Thứ ba, hắn rõ ràng cho rằng phản ứng của phương Tây sẽ rời rạc và mang tính chiếu lệ.

Trong tất cả những điều này, hắn đã được chứng minh là sai, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với diễn biến tương lai của cuộc chiến, đối với vị thế quốc tế của Nga và đối với vận mệnh chính trị của chính hắn ta.

Nếu các lực lượng Nga thành công trong việc đánh chiếm sân bay Hostomel gần Kiev vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, họ sẽ có thể chuyên chở một số lượng lớn quân tiếp viện, áp sát nhanh chóng vào thủ đô và có khả năng bắt giữ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hoặc buộc ông ta phải chạy trốn. Khi đó, phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhún nhường và thực hiện một số biện pháp trừng phạt nhằm giữ thể diện, trong khi Putin tiếp tục nắm quyền trong nước như một bằng chứng thêm về khả năng làm chủ chiến lược của mình.

Tất cả những điều đó đã không xảy ra.

2. Cục phó, Cục trưởng gián điệp Nga, bị bắt

Các nhà lãnh đạo hệ thống phản gián của Nga đã bị bắt giữ. Đó là một dấu hiệu cho thấy Vladimir Putin đang tìm cách đổ lỗi cuộc xâm lược của ông ta vào Ukraine cho những người khác.

Sergey Beseda, người đứng đầu chi nhánh tình báo nước ngoài thường được gọi là FSB, đã bị bắt cùng với Anatoly Bolyukh, là cấp phó của ông ta, tờ The Times of London đưa tin.

Andrei Soldatov, đồng sáng lập Agentura, một trang web điều tra các hoạt động của FSB, nói với The Times rằng các nguồn tin từ bên trong cơ quan gián điệp xác nhận rằng cả hai người đàn ông đã bị giam giữ. Putin tin rằng mình đã được cung cấp thông tin sai lệch. “Putin cuối cùng đã hiểu rằng ông ấy đã bị lừa,” Soldatov nói.

Vladimir Osechkin, một nhà hoạt động nhân quyền người Nga lưu vong, cũng nói với The Times rằng các sĩ quan FSB đã khám xét nhà của hơn 20 đồng nghiệp xung quanh Mạc Tư Khoa, là những người bị tình nghi có liên hệ với các nhà báo.

“Cơ sở chính thức để tiến hành các cuộc khám xét này là cáo buộc biển thủ các khoản tiền dành cho các hoạt động lật đổ ở Ukraine,” Osechkin nói. “Lý do thực sự là thông tin không đáng tin cậy, không đầy đủ và một phần sai lệch về tình hình chính trị ở Ukraine.”

3. Thị trường chứng khoán của Nga sẽ đóng cửa cho đến ngày 21 tháng 3

Thị trường chứng khoán Nga sẽ đóng cửa vào tuần tới và dự kiến sẽ tiếp tục đóng cho đến ngày 21 tháng 3, Ngân hàng Trung ương nước này thông báo hôm thứ Bảy.

Cổ phiếu được giao dịch lần cuối trên thị trường chứng khoán Nga vào ngày 25 tháng 2, theo một phóng viên tài chính từ tờ Mạc Tư Khoa Times.

Tổng thống Biden cho biết trước các lệnh trừng phạt đã áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine, ông kỳ vọng thị trường chứng khoán Nga sẽ sụp đổ lần thứ hai khi nó mở cửa trở lại.

“Bạn biết giá trị của một đồng rúp so với một đô la là bao nhiêu? Bạn cần 200 rúp để mua 1 đô la ngày hôm nay. 200”, Biden đã cho biết như trên trước một hội nghị của Đảng Dân chủ ở Philadelphia vào hôm thứ Sáu. “Toàn bộ các biện pháp trừng phạt và kiểm soát kinh tế của chúng tôi đang đè bẹp, nghiền nát nền kinh tế Nga”.

Đồng tiền Nga tính cho đến hôm thứ Bẩy 12 tháng Ba đã giảm mất hai phần ba giá trị so với đồng đô la Mỹ và dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm mạnh nếu cuộc xâm lược của Nga không kết thúc.

Ông Biden nói tiếp:

“Sở giao dịch chứng khoán Mạc Tư Khoa đóng cửa vì một lý do đơn giản. Tại sao nó bị đóng cửa? Bởi vì trong hai tuần gần đây, nếu nó mở thì nay vào thời điểm nó mở cửa, nó sẽ bị sụp đổ. Các bạn có nghe tôi nói không? Nó sẽ nổ tung. Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã hạ cấp chính phủ Nga xuống tình trạng rác rưởi. Tình trạng rác rưởi.”

Trong phát biểu của mình, tổng thống cũng bảo vệ quan điểm của mình là không mở vùng cấm bay trên không phận Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng một động thái như vậy “sẽ là Chiến tranh thế giới thứ ba.”

4. Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny kêu gọi lật đổ Putin từ sau song sắt

Alexei Navalny, kẻ thù lớn nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã liên tục đưa ra những lời bình luận chống lại cuộc xâm lược Ukraine và gọi Putin là “sa hoàng điên rồ”. Ông đưa ra lập trường trên từ sau song sắt trong một nhà tù được bảo vệ an ninh tối đa.

Navalny đăng lên tài khoản Instagram của mình: “Cuộc chiến này nhằm che đậy các hành vi cướp bóc công dân Nga và chuyển sự chú ý của họ khỏi các vấn đề nội bộ của đất nước, khỏi sự suy thoái của nền kinh tế”.

Ông viết: “Cuộc chiến đã được mở ra bởi băng đảng Cẩm Linh để giúp chúng dễ dàng ăn cắp hơn”.

Hôm thứ Sáu, Navalny, 45 tuổi, đã lên tiếng phản đối cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine trong một đoạn video nhiễu loạn trong quá trình xét xử của tòa án ở Pokrov, cách Mạc Tư Khoa 60 km về phía đông, nơi ông đã bị giam giữ hơn một năm.

Tờ Sunday Times of London đưa tin Navalny nói trong clip đã thu được hơn 2 triệu lượt người thích rằng “Tôi phản đối cuộc chiến này. Tôi thấy điều đó là vô đạo đức, gây tử vong và tội phạm.”

Anh ấy đã kêu gọi 6,3 triệu người theo dõi mạng xã hội của mình “xuống đường và đấu tranh cho hòa bình. Ông viết trong tuần này: “Bạn cần phải đi đến các cuộc mít tinh phản đối chiến tranh vào mỗi cuối tuần, ngay cả khi có vẻ như mọi người đã yên lặng hoặc sợ hãi. Ngay cả khi bạn đơn độc, bạn vẫn phải là trụ cột của phong trào chống chiến tranh và chết chóc”.

Navalny, người sống sót sau một vụ đầu độc rõ ràng vào năm 2020, đang bị giam giữ vì cáo buộc chuyển tiền từ Quỹ chống tham nhũng của mình cho mục đích sử dụng cá nhân - một cáo buộc có thể khiến anh ta phải ngồi tù trong ba thập kỷ.

5. Putin vẫn 'quyết tâm' tiếp tục chiến tranh: nhà ngoại giao

Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn “quyết tâm” tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, theo một nguồn tin từ các chính phủ Pháp và Đức. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm ba chiều hôm thứ Bảy với nhà lãnh đạo Nga.

Tuy nhiên, Putin “không loại trừ khả năng có một giải pháp ngoại giao hoàn toàn” vì ông đang tiếp tục đối thoại với các nhà lãnh đạo Âu Châu, theo nguồn tin từ chính phủ Pháp. Theo CNN, trước đó, Putin cũng đã nói chuyện với hai nhà lãnh đạo Âu Châu hôm thứ Năm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu tổng thống Pháp Macron gây sức ép buộc Putin phải ngừng bắn và nêu vấn đề về việc giam giữ thị trưởng Melitopol, người đã bị những người có vũ trang bắt cóc hôm thứ Sáu.

Macron và Scholz đã làm như vậy trong cuộc gọi và nói với Putin rằng các biện pháp trừng phạt khác đang được Liên minh Âu Châu lên kế hoạch chống lại Nga.

6. Nga pháo kích gần Kiev; Mariupol tiếp tục bị bao vây

Các lực lượng Nga đã tấn công thành phố cảng Mariupol của Ukraine vào thứ Bảy, pháo kích vào trung tâm thành phố của nó khi người dân ẩn náu trong nhà thờ Hồi giáo mang tính biểu tượng của thành phố và các nơi khác để tránh các vụ nổ. Giao tranh cũng nổ ra ở ngoại ô thủ đô Kiev khi Nga tiếp tục bắn phá một số thành phố kháng cự.

Mariupol, một thành phố với 446,000 dân, đã phải chịu đựng một số tình trạng khốn khổ tồi tệ nhất của Ukraine kể từ khi Nga xâm lược. Các vụ tấn công không ngừng của quân Nga đã ngăn cản những nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ Ukraine để đưa thức ăn, nước uống và thuốc men vào thành phố và di tản dân thường bị mắc kẹt. Ngay cả nỗ lực của thành phố để vội vàng chôn cất người chết trong những ngôi mộ tập thể cũng bị ngừng trệ vì các cuộc pháo kích dữ dội của quân Nga.

Chính phủ Ukraine hôm thứ Bảy cho biết Nhà thờ Hồi giáo Sultan Suleiman đã bị tấn công. Khoảng 80 cư dân, bao gồm cả trẻ em, được cho là đang ẩn náu bên trong.

“Họ đang ném bom Mariupol 24 giờ một ngày, phóng cả tên lửa. Đó là sự hận thù. Họ giết trẻ em”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói trong một bài phát biểu qua video.

7. Cơ quan mật vụ Ukraine cho biết quân đội Nga được lệnh bắn vào thường dân và trẻ em

Quân đội Nga được cho là đã được lệnh nhắm vào dân thường và trẻ em, theo các cuộc gọi bị Cơ quan Mật vụ Ukraine nghe được.

Người Nga đã bắn vào một hàng các phụ nữ và trẻ em gần thủ đô Kiev. Cả nhóm đang cố gắng di tản dọc theo một hành lang an toàn đã được thỏa thuận trước đó.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết 7 người đã thiệt mạng cùng với một đứa trẻ.

https://nypost.com/2022/03/12/russia-ukraine-news-live-updates-and-coverage/
 
Phóng sự đặc biệt: Kỷ niệm 400 Năm Tuyên Thánh Cho Vị Sáng Lập Dòng Tên
VietCatholic Media
04:02 13/03/2022

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên, còn được gọi là nhà thờ “Gesù” ở Rôma, nhân kỷ niệm 400 năm ngày phong thánh cho các Thánh Y Nhã thành Loyola, Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Isidore Nông Gia, và Thánh Philip Neri.

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi đến trung tâm của Rôma, đến nhà thờ Gesù, nhà thờ mẹ của Dòng Tên ở Rôma, nơi ngài tham dự Thánh lễ và thuyết giảng nhân kỷ niệm 400 năm ngày phong thánh cho vị sáng lập Dòng Tên.

Thánh Inhaxiô thành Loyola, hay còn được gọi là Thánh Y Nhã, được phong thánh vào ngày 12 tháng 3 năm 1622, cùng với các đồng đạo Dòng Tên là Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Isidore Nông Gia, và Thánh Philip Neri, còn được biết đến như Vị Tông đồ thứ hai của Rôma.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Bài Tin Mừng Chúa Biến Hình hôm nay trình bày cho chúng ta bốn hành động của Chúa Giêsu. Chúng ta rất nên chú ý suy tư về các hành động này, để khám phá nơi các cử chỉ này những hướng đi rõ ràng trong hành trình của chúng ta với tư cách là môn đệ của Ngài.

Động từ đầu tiên, hành động đầu tiên trong những hành động này của Chúa Giêsu, là mang theo với Người. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan” lên núi với Người (9:28). Chúa Giêsu “đưa” các môn đệ, và đưa cả chính chúng ta nữa đi cùng “với Ngài”. Chúa Kitô đã yêu chúng ta, đã chọn chúng ta và gọi chúng ta. Mọi thứ bắt đầu với mầu nhiệm của một ân sủng, một sự lựa chọn, một “cuộc bầu chọn”. Quyết định đầu tiên không phải của chúng ta; đúng hơn, Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta, chẳng phải vì bất kỳ công đức nào về phần chúng ta. Trước khi trở thành những người biến cuộc đời mình thành một món quà trao ban, chúng ta là những người đã nhận được một món quà được ban tặng một cách nhưng không: đó là món quà nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Hành trình của chúng ta, thưa anh chị em, cần phải bắt đầu lại mỗi ngày từ ân sủng ban đầu này. Như đã làm với Phêrô, Giacôbê và Gioan, Chúa Giêsu đã gọi tên chúng ta và dẫn chúng ta đi cùng. Ngài đã nắm lấy tay chúng ta. Đi đâu? Thưa: Đến núi thánh của Ngài, nơi mà ngay cả bây giờ chúng ta vẫn thấy mình đang ở với Ngài mãi mãi, và được biến hình bởi tình yêu của Ngài. Ân sủng, ân sủng đầu tiên này, dẫn chúng ta đến đó. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy cay đắng hoặc thất vọng, khi chúng ta cảm thấy bị coi thường hoặc bị hiểu lầm, chúng ta đừng đi lạc vào những lời phàn nàn hoặc hoài niệm về những khoảng thời gian đã qua. Đây là những cám dỗ ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta, khiến chúng ta chẳng đi đến đâu. Thay vào đó, chúng ta hãy nắm lấy cuộc sống của mình, bắt đầu lại một lần nữa với ân sủng, trung thành với ơn gọi của chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận ân sủng biết nhìn mỗi ngày là một bước trên con đường hướng tới mục tiêu cuối cùng của chúng ta.

Chúa Giêsu dẫn theo Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chúa dẫn dắt các môn đệ lại với nhau; Ngài coi họ như một cộng đồng. Ơn gọi của chúng ta có nền tảng là sự hiệp thông. Để bắt đầu lại mỗi ngày, chúng ta cần cảm nghiệm một lần nữa mầu nhiệm được tuyển chọn của chúng ta và ân sủng của việc được sống trong Giáo hội, trong Giáo Hội Mẹ phẩm trật của chúng ta, và sống cho Giáo hội, là người phối ngẫu của chúng ta. Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, và chúng ta thuộc về Người với tư cách là một Hội Dòng. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sức mạnh để hình thành và thúc đẩy sự hiệp thông, để trở thành men huynh đệ cho Giáo hội và cho thế giới. Chúng ta không phải là nghệ sĩ độc tấu để tìm kiếm khán giả, mà là những người anh em được sắp xếp như một dàn hợp xướng. Chúng ta hãy suy nghĩ với Giáo hội và từ chối sự cám dỗ để quan tâm đến thành công hoặc thành tựu cá nhân của chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị cuốn vào một chủ nghĩa giáo quyền dẫn đến cứng nhắc hoặc một ý thức hệ dẫn đến chia rẽ. Các vị thánh mà chúng ta kính nhớ ngày nay là những cột trụ của sự hiệp thông. Các ngài nhắc nhở chúng ta rằng, bất kể tất cả những khác biệt về tính cách và quan điểm, chúng ta đã được kêu gọi ở bên nhau. Nếu chúng ta sẽ vĩnh viễn được hợp nhất trên thiên đàng, tại sao không bắt đầu ở đây? Chúng ta hãy trân trọng vẻ đẹp của việc được Chúa Giêsu “đưa” xích lại gần nhau, mời gọi với nhau. Đây là động từ đầu tiên: đưa đi.

Động từ thứ hai là đi lên. Chúa Giêsu “lên núi” (câu 28). Con đường của Chúa Giêsu là một con đường đi lên, không phải đi xuống. Ánh sáng của sự biến hình không được nhìn thấy trên đồng bằng, mà chỉ được nhìn thấy sau khi đi lên một cách vất vả. Khi bước theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần phải rời xa những vùng đất tầm thường và những chân đồi của sự tiện lợi; chúng ta cần từ bỏ các thói quen yên tâm của mình và bắt đầu một cuộc di cư. Sau khi lên núi, Chúa Giêsu nói với Môisê và Êlia một cách chính xác về “cuộc xuất hành mà Ngài sẽ hoàn thành tại Giêrusalem” (câu 31). Môisê và Êlia đã đi đến Sinai và Horeb sau hai lần “xuất hành” trong sa mạc (xem Xh 19; 1 Các Vua 19); bây giờ họ nói chuyện với Chúa Giêsu về cuộc xuất hành dứt khoát, cuộc Vượt qua của Ngài. Thưa anh chị em, chỉ có sự đi lên của thập tự giá mới dẫn đến mục tiêu là vinh quang. Đây là con đường: từ thập giá đến vinh quang. Cám dỗ thế gian là tìm kiếm vinh quang khi bỏ qua thập tự giá. Chúng ta thích những con đường quen thuộc, trực tiếp và êm ái, nhưng để gặp được ánh sáng của Chúa Giêsu, chúng ta phải liên tục bỏ lại phía sau và đi theo Ngài về phía trước. Như chúng ta đã nghe, Chúa, Đấng đã “đưa Ápraham ra ngoài” (Stk 15: 5), cũng mời gọi chúng ta hướng ra ngoài và hướng lên trên.

Đối với các tu sĩ Dòng Tên chúng ta, hành trình di chuyển ra ngoài và đi lên này theo một con đường cụ thể, được biểu tượng độc đáo bởi ngọn núi. Trong Kinh thánh, đỉnh núi tượng trưng cho sự cực độ, cho độ cao, cho biên giới giữa trời và đất. Chúng ta được kêu gọi đi chính xác đến đó, đến biên giới giữa trời và đất, nơi nhân loại “đối đầu” với Thiên Chúa với những khó khăn của họ, để đến lượt chúng ta có thể đồng hành với họ trong cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ và sự hoài nghi tôn giáo của họ. Đó là nơi chúng ta cần phải có mặt, và để làm được như vậy, chúng ta phải đi ra ngoài và hướng lên. Kẻ thù của bản chất con người sẽ thuyết phục chúng ta đi theo con đường của những thói quen trống rỗng nhưng thoải mái và những cảnh quan quen thuộc, trong khi Thánh Linh thúc giục chúng ta cởi mở và đến một nền hòa bình không bao giờ khiến chúng ta yên ổn. Ngài gửi các môn đệ đến những giới hạn cực độ. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến Thánh Phanxicô Xaviê.

Trong cuộc hành trình này, khi đi theo con đường này, tôi nghĩ cần phải đấu tranh. Hãy nghĩ đến Ápraham già đáng thương, ở đó với của lễ hiến tế của mình, chiến đấu với những con chim săn mồi đang muốn nuốt chửng của lễ (xem Stk 15: 7-11). Với quyền trượng của mình, ông đuổi chúng đi. Ông già tội nghiệp. Chúng ta hãy nghĩ về điều này: đấu tranh để bảo vệ con đường này, hành trình này, và sự dâng mình này của chúng ta cho Chúa.

Trong mọi thời đại, các môn đệ của Chúa Kitô thấy mình đứng trước ngã ba đường này. Chúng ta có thể hành động như Phêrô, người đáp lại lời tiên đoán của Chúa Giêsu về cuộc xuất hành của Ngài bằng cách nói, “Thật tốt khi được ở đây” (câu 33). Đây là nguy cơ của một đức tin tĩnh, một đức tin “đậu lại ngay ngắn”. Tôi sợ loại đức tin “đậu lại” này. Chúng ta có nguy cơ coi mình là những môn đệ “đáng kính”, nhưng thực tế chúng ta không đi theo Chúa Giêsu; thay vào đó, chúng ta thụ động ở yên một chỗ, và không nhận ra điều đó, ngủ gật như các môn đệ trong Tin Mừng. Trong vườn Giệtsimani các môn đệ cũng ngủ gật. Hỡi anh chị em, chúng ta hãy nghĩ rằng đối với những người theo Chúa Giêsu, bây giờ không phải là lúc để ngủ, để tâm hồn mình bị an thần, bị mê hoặc bởi văn hóa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân ngày nay, bằng thái độ “cuộc sống là tốt miễn là tốt cho tôi”. Bằng cách đó, chúng ta có thể tiếp tục nói và đưa ra các lý thuyết, trong khi đánh mất đi thực tại của anh chị em mình, và tính cụ thể của Tin Mừng. Một trong những bi kịch lớn của thời đại chúng ta là từ chối mở mắt nhìn thực tại và thay vào đó là nhìn theo hướng khác. Thánh Têrêxa giúp chúng ta vượt lên khỏi chính mình, lên núi với Chúa, để nhận ra rằng Chúa Giêsu cũng tỏ mình ra qua những vết thương của anh chị em chúng ta, những cuộc đấu tranh của nhân loại, và những dấu chỉ của thời đại. Đừng sợ chạm vào những vết thương đó: chúng là những vết thương của Chúa.

Phúc Âm cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu lên núi “để cầu nguyện” (câu 28). Đây là động từ thứ ba: cầu nguyện. “Khi Ngài đang cầu nguyện, sắc mặt của Ngài đã thay đổi, và quần áo của Ngài trở nên sáng chói” (c. 29). Sự biến hình được sinh ra từ sự cầu nguyện. Chúng ta hãy tự hỏi mình, ngay cả sau nhiều năm thánh chức, ngày nay cầu nguyện có ý nghĩa gì đối với chúng ta, đối với tôi? Có lẽ sức ép của thói quen hoặc một nghi lễ hàng ngày nào đó đã khiến chúng ta nghĩ rằng lời cầu nguyện không thay đổi cá nhân hay lịch sử. Tuy nhiên, cầu nguyện thay đổi thực tế. Cầu nguyện là một sứ mệnh tích cực, một sự chuyển cầu không ngừng. Nó không phải là xa cách thế giới, nhưng thay đổi thế giới. Cầu nguyện là mang trái tim đang đập của các vấn đề hiện tại vào sự hiện diện của Thiên Chúa, để ánh mắt của Người soi rọi lịch sử. Cầu nguyện có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Hôm nay chúng ta nên tự hỏi bản thân xem liệu lời cầu nguyện có làm chúng ta chìm đắm trong sự thay đổi này hay không. Nó có làm sáng tỏ những người khác và biến đổi tình huống của họ không? Vì nếu lời cầu nguyện là sống động, thì nó “khơi dậy” chúng ta từ bên trong, thắp lại ngọn lửa sứ mệnh, khơi lại niềm vui của chúng ta, và liên tục thúc giục chúng ta phải biết lo lắng trước những lời cầu xin của tất cả những ai đang đau khổ trong thế giới của chúng ta. Chúng ta cũng hãy hỏi: làm thế nào chúng ta đưa cuộc chiến hiện tại đến với những lời cầu nguyện của chúng ta? Chúng ta có thể nhìn vào lời cầu nguyện của Thánh Philip Neri, lời cầu nguyện đã mở rộng trái tim của ngài và khiến ngài mở rộng cửa với những đứa trẻ đường phố của thành Rôma vào thời của ngài. Hoặc là của Thánh Isidore, người đã cầu nguyện trên cánh đồng và mang công việc đồng áng của mình đến với lời cầu nguyện của mình.

Mỗi ngày, hãy làm mới lại lời kêu gọi của cá nhân chúng ta và lịch sử dòng của chúng ta; rồi đi lên những đỉnh cao mà Chúa chỉ ra cho chúng ta; và cầu nguyện để thay đổi thế giới mà chúng ta đang đắm chìm trong đó.

Tuy nhiên, cũng có một động từ thứ tư, xuất hiện trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Chúa Giêsu ở lại một mình” (câu 36). Ngài vẫn ở lại, trong khi mọi thứ khác đã qua đi ngoại trừ dư âm của “lời chứng” của Chúa Cha: “Hãy lắng nghe người” (câu 35). Tin Mừng kết thúc bằng cách dẫn chúng ta trở lại điều cốt yếu. Chúng ta thường bị cám dỗ, trong Giáo hội và trên thế giới, trong tâm linh và trong xã hội của chúng ta, coi các nhu cầu thứ yếu là chính. Một cám dỗ hàng ngày là biến mọi nhu cầu thứ cấp trở thành chính yếu. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta có nguy cơ tập trung vào các phong tục, tập quán và truyền thống khiến tâm hồn chúng ta đổ dồn vào những điều phù du chóng qua và khiến chúng ta quên đi những gì còn mãi. Điều quan trọng biết bao là chúng ta phải rèn luyện tâm hồn mình, để chúng có thể phân biệt giữa những điều vĩnh hằng của Thiên Chúa và những điều thuộc về thế gian chóng qua!

Anh chị em thân mến, xin Cha Thánh Inhaxiô giúp chúng ta giữ gìn sự sáng suốt, di sản quý giá của chúng ta, như một kho tàng luôn kịp thời đổ ra cho Giáo hội và trên thế giới. Vì sự phân định cho phép chúng ta “nhìn thấy mọi sự mới mẻ trong Chúa Kitô”. Thật vậy, sự phân định là điều cần thiết, để như Thánh Peter Faber đã viết, “điều tốt có thể đạt được, suy nghĩ hoặc tổ chức, có thể được thực hiện với một tinh thần tốt chứ không phải ác tâm” (xem Memorial, Paris, 1959, n (51). Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Lẽ phải: Các nhà trí thức Chính Thống Nga xin mọi người tha thứ cho tội Nga xâm lăng Ukraine
VietCatholic Media
07:34 13/03/2022


1. Giáo chủ Maronite ủng hộ Ukraine

Tờ L'Orient le Jour của Li Băng đưa tin rằng vào ngày Nga xâm lược Ukraine, một thông cáo của Bộ Ngoại giao Li Băng đã lên án hành động xâm lược của Nga. Đó là một quan điểm không được sự nhất trí trong tầng lớp chính trị, vì một số người coi đó là vi phạm nguyên tắc trung lập.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Béchara Raï, Giáo chủ Công Giáo Maronite, một người nhiệt thành bảo vệ sự trung lập của Li Băng trên bình diện quốc tế, đã đứng về phía Ukraine. Ngài giải thích rằng “tất cả các quốc gia trung lập trên thế giới đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với nền độc lập của nhà nước Ukraine và quyền tự do của người dân.”

Ngài nói thêm: “Ngay cả khi chúng ta muốn tăng cường mối quan hệ với Nga, thì trước đây chúng ta cũng đã từng lên án tất cả các cuộc chiến tranh xảy ra chống lại người dân Trung Đông và vi phạm biên giới quốc tế.”


Source:.lorillionsjour.com

2. Một cái nhìn của người Ý về sự phát triển của Giáo hội ở Đức: theo hướng cách mạng hay ly giáo?

Như chúng tôi đã đưa tin, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Bunte của Đức xuất bản vào ngày 4 tháng 3, Giám mục Georg Bätzing đồng ý với khẳng định của nhà báo rằng “không ai” tuân theo giáo huấn của Giáo hội rằng chỉ nên thực hành tình dục trong hôn nhân, ông nói: “Điều đó đúng. Và chúng ta phải thay đổi phần nào Giáo lý về vấn đề này. Tình dục là một món quà của Thiên Chúa. Và không phải là một tội lỗi”.

Khi được hỏi liệu các mối quan hệ đồng giới có được phép hay không, vị Giám Mục người Đức trả lời: “Được, nếu nó được thực hiện với lòng trung thành và trách nhiệm thì không sao cả. Nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Chúa”.

Bätzing, giám mục của Limburg, miền tây nước Đức, nói thêm: “Làm thế nào một người sống cuộc sống cá nhân thân mật của họ không phải là việc của tôi.”

Nhà báo Franco Manzitti gọi đó là một “cơn bão đang ập đến Giáo hội ngày nay”. Trong số tất cả những sóng gió mà Giáo hội ngày nay phải đối phó, “nỗi sợ hãi mạnh nhất là sự ly giáo của người Đức,” mà ông tin rằng có thể trở thành một sự giả hình thực sự. Tiến Trình Công Nghị, được đưa ra vào năm 2019, đã dẫn đến các đề xuất “chứa đựng các yêu cầu cải cách cực đoan, được thực hiện bởi một lực lượng quyết liệt”, chẳng hạn như chia sẻ quyền lực, ý thức hệ giới tính, chấm dứt độc thân linh mục, bầu cử giám mục, phong chức cho phụ nữ.

Nói rộng hơn, đó là “quyền ưu tiên của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô” của Giám mục Rôma dường như đang bị thách thức. Hiện tại, Tòa thánh đã đưa ra phản ứng “cực kỳ thận trọng” đối với cuộc khủng hoảng này, bởi vì người Đức là “đầu tàu” của một cuộc chuyển đổi hiện đang lan sang Mỹ Latinh, Úc Đại Lợi và Tây Ban Nha.

https://www.blitzquotidiano.it/opinioni/franco-manzitti-opinioni/chiesa-cattolica-la-spinta-tedesca-verso-rivoluzione-o-scisma-donne-prete-sposati-divorziati-omo-trans-3452681/[Kim Thúy]

3. Các nhà trí thức Chính Thống Nga xin mọi người tha thứ cho tội Nga xâm lăng Ukraine

Andrey Chernyak là nhà xây dựng phi thuyền không gian Xô Viết. Ông trở lại Chính Thống Giáo thập niên 1980 và trở thành cộng tác viên thân cận nhất của Cha Alexander Mien, người bị sát hại năm 1990. Trong nhiều năm sau đó, ông làm việc trong tư cách một khoa học gia vi tính, tham gia nhiều công trình truyền bá Tin Mừng và đối thoại đại kết. Vợ ông, Bà Karina, là sáng lập viên của câu lạc bộ “Hosanna” ở Moscow, chuyên tổ chức các sinh hoạt truyền bá Tin Mừng nơi người trẻ. Hai vợ chồng đã nhiều năm liên hệ với giáo xứ Thánh Alexander Nevsky của Cha Alexander Borisov, người qui tụ giới ưu tú trí thức và nghệ sĩ của Moscow. Hiên họ sống ở Vilnius. Hãng thông tấn Công Giáo của Ba Lan Katolicka Agencja Informacyjna [KAI] vừa có cuộc phỏng vấn họ; cuộc phỏng vấn này đã được tập san Aleteia đăng tải

KAI: Với tư cách là những Kitô hữu Chính thống giáo Nga, ông bà cảm nhận như thế nào về cuộc tấn công của quân đội Nga vào quốc gia Ukraine độc lập?

Karina và Andrei Czerniakow: Chúng tôi cảm thấy đau đớn, cay đắng, sợ hãi, xấu hổ và tức giận do những gì đang xảy ra. Gần như không thể tin được. Chúng tôi không biết làm cách nào để giúp người Ukraine trong tình huống này ngoài lời cầu nguyện. Tất cả các suy nghĩ của chúng tôi hiện nay hướng về Ukraine, và chúng tôi nhận ra rằng đây là một thảm kịch cho cả hai quốc gia, Ukraine và Nga. Các quốc gia của chúng tôi là anh em, và thảm kịch này đã chia rẽ chúng tôi và sẽ tiếp tục chia rẽ chúng tôi trong nhiều thập niên, có lẽ trong nhiều thế hệ. Chúng tôi cảm thấy rất hối hận đối với những người phải chịu đựng những cuộc tấn công dữ dội này, những cuộc không kích này. Chúng tôi rất hối hận đối với những người Ukraine đang hấp hối, đặc biệt là trẻ em, và cả những người Nga đang chết một cách vô nghĩa, dẫn tới cái chết bởi một người điên.

Ông bà giải thích thế nào về các phát biểu của Vladimir Putin, trong đó ông ta thực sự không những chỉ phủ nhận quyền độc lập của Ukraine, mà còn cho rằng Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga và bị cai trị bởi nhóm Quốc xã, những kẻ phải bị loại bỏ?

Các phát biểu của Vladimir Putin đối với chúng tôi là những lời nói của một người đàn ông không có học. Chúng là những lời vô nghĩa khủng khiếp đầy rẫy tuyên truyền, những lời tuyên truyền không đem lại cho nước Nga một con đường rõ ràng nào để tiến lên phía trước. Tuyên truyền có tác động rất mạnh đến não bộ của người ta. Rất tiếc, rất nhiều người Nga tin vào điều đó. Điều này cũng tương tự như ở nước Đức của Hitler, nơi tuyên truyền gieo rắc ý thức hệ vô nghĩa vào đầu người ta. Ngày nay, điều y như thế cũng đang xảy ra ở Nga.

Ukraine là gì đối với ông bà? Đâu là vị thế và vai trò của nó trong khu vực này của Châu Âu?

Ukraine là một đất nước thân yêu đối với trái tim chúng tôi. Chúng tôi có nhiều người gần gũi với chúng tôi ở đó, thân yêu với chúng tôi, những người đã quan trọng đối với chúng tôi trong suốt cuộc đời của chúng tôi. Chúng tôi mang ơn rất nhiều người trong số họ vì họ là những bậc thầy và thầy dạy của chúng tôi. Đó là một đất nước tuyệt vời với một nền văn hóa tuyệt vời, độc lập và phong phú. Ukraine hoàn toàn phải được quyền tự định đoạt số phận của mình, kể cả quyền gia nhập NATO hay Liên minh châu Âu. Dù sao, Ukraine có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa của toàn châu Âu và trong nền chính trị châu Âu. Nó chỉ cần được phép làm như vậy.

Chúng ta có thể đánh giá ra sao thái độ của Tòa Thượng phụ Moscow và chính Thượng phụ Kirill đối với hành động xâm lược Ukraine?

Chúng tôi rất đau lòng vì Giáo hội Chính thống giáo, mà chúng tôi thuộc về, đã không phản đối hành động xâm lược. Cả Giáo hội nói chung và bản thân Thượng phụ Kirill đều không làm như vậy. Sự gây hấn này là vi phạm tất cả các điều răn của Thiên Chúa.

Điều gì giải thích cho việc các giám mục Chính thống giáo Nga không lên án hành vi xâm lược này?

Sự kết hợp giữa Giáo Hội và Nhà nước của Nga. Sợ một số biện pháp trừng phạt của giáo hội hoặc thiếu lợi ích bản thân. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả các giám mục và tất cả các linh mục. Nhiều người, đặc biệt là các linh mục, đã lên tiếng phản đối. Ngoài ra, một số giám mục không đồng ý với những gì đang xảy ra, mặc dù họ không nói công khai như vậy. Những người bất đồng chính kiến này đang dẫn đầu những buổi cầu nguyện long trọng (tuần cửu nhật) cho việc hòa giải và chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này.

Các giới Chính thống giáo khác ở Nga, chẳng hạn như các đệ tử cũ của Fr. Aleksandr Mien, mà ông bà thuộc về, nghĩ gì về tình hình này?

Chúng tôi không thể nói về tất cả các giới Chính thống giáo ở Nga; có nhiều ý kiến khác nhau, đa dạng chồng chéo lên nhau. Chúng tôi chỉ có thể nói về chính chúng tôi, những người gần gũi với chúng tôi, trong đó, thật không may, cũng có những ý kiến khác nhau, mặc dù hầu hết bạn bè của chúng tôi, anh chị em Kitô hữu của chúng tôi lên án chiến tranh, cầu nguyện cho hòa bình và làm những gì họ có thể làm để hòa giải và giúp đỡ những người đau khổ ở Ukraine.

Có bất cứ Kitô hữu Chính thống giáo nào ở Nga đưa ra sáng kiến để chấm dứt chiến tranh, giúp Ukraine hoặc đưa ra những cử chỉ liên đới với nước này không?

Sáu nghìn người Nga đã bị bỏ tù vì tham gia vào các hành động đình công và biểu tình phản đối chiến tranh. Mọi nỗ lực, ngay cả khi không có bất cứ dấu hiệu phản kháng nào bên ngoài, luôn bị dẹp bỏ, và những người tham gia sẽ bị tống vào tù. Do đó, tôi không biết có thể làm gì khác. Ở Mỹ thì hoàn toàn khác, khi hàng ngàn người lên tiếng phản đối chiến tranh ở Việt Nam, nhưng không ai bắt họ ở đó.

Ở đất nước chúng tôi, nhiều người mặc dù không tán thành chủ trương của Putin, ngại ra đường biểu tình nhưng họ vẫn cầu nguyện vì trong thâm tâm họ muốn chiến tranh dừng lại, họ muốn hòa bình. Họ cảm thấy xấu hổ, cảm thông cho người Ukraine, và cảm giác tội lỗi.

Tôi biết những người Nga này rất muốn giúp đỡ về vật chất cho người Ukraine, nhưng không thể gửi tiền, họ muốn nhận người tị nạn, nhưng người tị nạn không trốn sang Nga, họ muốn gửi viện trợ nhân đạo, nhưng điều này cũng không thể có được. Do đó, chúng tôi không nhìn thấy khả năng hỗ trợ. Nó chỉ có thể từ bên ngoài nước Nga. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang quyên góp mọi thứ, quần áo ấm, tiền bạc, thực phẩm, để giúp đỡ những người Ukraine ở đất nước của họ và cả những người bị buộc phải ra nước ngoài.

Là các Kitô hữu ở Nga, ông bà muốn gửi thông điệp gì đến các Kitô hữu khác ở Châu Âu và trên thế giới?

Trước hết, Putin và những người thân cận nhất của ông ta không phải là hoàn toàn Nga. Xin đừng nghĩ rằng đây là hành động gây hấn của cả nước Nga. Chúng tôi nhớ lại lời của một linh mục người Ý, Cha Romano Scalfi, người sáng lập và giám đốc của “Russia Cristiana” và đã làm nhiều việc để khôi phục Kitô giáo, Chính thống giáo ở Nga. Cha Romano ngay trước khi qua đời (mất năm 2016) đã nói: “Bất chấp mọi điều, hãy yêu nước Nga.”

Tôi không biết ngài đã nhìn thấy trước được bao nhiêu về cơn ác mộng đang xảy ra ngày hôm nay và những gì khác mà nước Nga có thể mang lại cho thế giới. Nhưng cụm từ “Bất chấp mọi điều, hãy yêu nước Nga”, đối với tôi là một dấu hiệu cho thấy ngài có thể thấy trước khả năng đó. Nước Nga không chỉ có Putin, mà còn có Pushkin, Tolstoy, các nhạc sĩ, họa sĩ, nền văn hóa Nga rộng lớn, và rất nhiều người đơn giản tốt lành, tử tế, cũng như các Kitô hữu chính thống đầy đức tin. Tôi tưởng tượng rằng nếu Cha Alexander Mien còn sống hôm nay, lời nói vang dội của ngài chắc chắn sẽ là: “Đừng có chiến tranh!”

Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng chúng tôi rất mong muốn những điều như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa ở châu Âu hoặc trên toàn thế giới.

Xin tha thứ cho chúng tôi!

https://aleteia.org/2022/03/06/orthodox-russian-intellectuals-forgive-us-for-what-russia-is-doing-today-interview/
 
Những bức ảnh cảm động lan truyền nhanh về những chiếc xe nôi không em bé ở ga xe lửa
VietCatholic Media
17:01 13/03/2022


1. Những bức ảnh cảm động lan truyền nhanh về những chiếc xe nôi không em bé ở ga xe lửa

Các bà mẹ Ba Lan đang giúp đỡ những phụ nữ Ukraine và con cái của họ đến Ba Lan với những bàn tay trắng.

Phong trào xe đẩy bắt đầu ở thị trấn biên giới Przemyśl của Ba Lan. Thành phố này nhanh chóng được tham gia bởi những thành phố khác. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập hình ảnh của những chiếc xe nôi trống rỗng bị bỏ lại tại các nhà ga. Nhưng câu chuyện này là gì?

Các bà mẹ Ba Lan giúp các bà mẹ Ukraine

“Các bà mẹ Ba Lan để xe đẩy của họ tại ga tàu cho phụ nữ Ukraine và con cái của họ,” chúng ta có thể đọc thấy ý định này dưới một bức ảnh. Bức ảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Những chiếc xe nôi bị bỏ tại đây là ý tưởng của các bà mẹ Ba Lan nhằm giúp đỡ những người phụ nữ Ukraine và con cái của họ. Đây cũng là một cách đầy biểu tượng để thể hiện tình đoàn kết với phụ nữ và con cái của những người đang lánh nạn khỏi Ukraine bị chiến tranh tàn phá.

Bức ảnh được Gianna Kouka chia sẻ trên mạng xã hội. “Có lẽ cuối cùng cũng có tia an ủi và hy vọng trong bóng tối,” cô viết.

Một cử chỉ đoàn kết với phụ nữ Ukraine

Hiện có hàng nghìn người tị nạn từ Ukraine tại Przemyśl. Đa số họ là phụ nữ và trẻ em. Vượt qua biên giới Ba Lan, họ thường không được mang theo thứ gì họ. Vì vậy, họ cần rất nhiều sự giúp đỡ. Người Ba Lan đã tổ chức thu gom thực phẩm, đồ vệ sinh, nhu yếu phẩm… Những chiếc xe nôi để lại ở ga tàu không chỉ là một hình thức cứu trợ mà còn là một cử chỉ biểu tượng của tình đoàn kết với phụ nữ Ukraine.

Phụ nữ Ukraine cũng có thể yêu cầu xe đẩy cho con của họ tại các cửa khẩu biên giới ở Medyka, Krościenko và tại các cơ sở nhập cư. Các bà mẹ có nhu cầu cũng có thể tìm được xe đẩy ở các thành phố khác.

Warsaw, Lublin: Xe đẩy trống ở ga xe lửa

Xe đẩy trống không nhanh chóng xuất hiện ở các thành phố khác của Ba Lan. Sáng kiến từ Przemyśl đã được thực hiện bởi các công dân của Warsaw. Những chiếc xe nôi, được sắp xếp thành hàng, xuất hiện tại Dworzec Wschodni gần lối ra nhà ga.

Các bà mẹ Ba Lan cũng để xe nôi cho phụ nữ Ukraine ở các thành phố khác, ví dụ như ở Lublin. Ngược lại, ở Lodz, trong vòng vài giờ, người dân không chỉ mang theo xe đẩy mà còn những đồ dùng cần thiết khác cho trẻ sơ sinh như bàn thay tã, ghế ăn cho trẻ em và bồn tắm.
Source:Aleteia

2. Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thúc giục tiếp tục cầu nguyện và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và các nước xung quanh

Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tiếp tục, Đức Cha David J. Malloy của Rockford và là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau:

“Vào ngày 24 tháng 2, thế giới kinh hoàng theo dõi khi Nga tiến hành các cuộc không kích và bắt đầu pháo kích vào Ukraine. Số người chết đã lên đến hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn và đang tăng lên. Hơn một triệu người Ukraine đã lánh nạn khỏi các cuộc giao tranh sang các nước Âu Châu láng giềng và hàng triệu người khác có thể trở thành người tị nạn.

“Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng tôi lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người 'có trách nhiệm chính trị hãy xem xét lương tâm của mình một cách nghiêm túc trước Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của chiến tranh... Người muốn chúng ta là anh em chứ không phải kẻ thù.' Chúng tôi cùng với Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng 'tất cả các bên liên quan kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể gây ra đau khổ hơn nữa cho người dân, làm mất ổn định sự chung sống giữa các quốc gia và khiến luật pháp quốc tế trở nên bất ổn.' Chúng tôi cũng tham gia đoàn kết với các Giáo hội Chính thống Ukraine và Giáo Hội Công Giáo Ukraine tại Hoa Kỳ, những người đang đoàn kết cầu nguyện cho người dân và quê hương của họ.

“Trước tình hình khủng hoảng nhân đạo đang phát triển, tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho người dân Ukraine và hợp tác chặt chẽ với các đối tác dựa trên đức tin, những người đã sẵn sàng cung cấp viện trợ khẩn cấp. Tôi khuyến khích mọi người hào phóng đóng góp cho các tổ chức như Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo và quỹ bác ái của USCCB cho Giáo hội ở Trung và Đông Âu, những tổ chức đang mang lại sự cứu trợ hữu hình và niềm hy vọng của Chúa Kitô cho những người cần.

“Những người đau khổ ở Ukraine và ở khu vực xung quanh sẽ vẫn còn gần gũi trong trái tim của chúng tôi trong cuộc xâm lược này. Trong Mùa Sám Hối này, với Đức Mẹ Fatima là người hướng dẫn, chúng ta đừng quá mệt mỏi trong việc cầu nguyện cho hòa bình, công lý và sự cứu rỗi của toàn thế giới.”
Source:USCCB

3. Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine của Chính Thống Giáo tại Hoa Kỳ: Trách nhiệm trong cuộc tấn công này phải được đặt trên vai của Vladimir Putin

Một thông điệp đặc biệt về vấn đề Nga mở cuộc xâm lược Ukraine đã được Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo thuộc tòa Constantinople tại Hoa Kỳ là Đức Cha Elpidophoros công bố.

Ngài đặc biệt nhấn mạnh, trách nhiệm trong “cuộc tấn công này phải được đặt trên vai của Vladimir Putin, người đang mạo hiểm hòa bình toàn cầu cho chương trình nghị sự chính trị ích kỷ của riêng mình”.

Đề cập đến người Ukraine và người Nga, Đức Tổng Giám Mục Elpidophoros lưu ý rằng “họ là những đứa trẻ được nuôi dưỡng từ cùng một bầu ngực. Họ là anh chị em trong Chúa Kitô. Làm sao lại có thể xảy ra một tình huynh đệ tương tàn trên Thánh địa của Kievan Rus? Là Kitô hữu, chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể làm gì?”

Gửi tới các Giám Mục, các Linh mục và Phó tế, các Tu sĩ Nam Nữ, các Thành viên của Hội đồng Giáo xứ, và toàn thể anh chị em tín hữu của Tổng giáo phận Hoa Kỳ.

Tất cả các con đều là anh em. (Mt 23: 8)

Anh chị em yêu dấu của tôi trong Đấng Christ,

Chúng tôi thấy mình đau đớn sâu sắc và buồn bã trong tâm hồn trước nỗi kinh hoàng xảy ra sau cuộc xâm lược Ukraine. Tôi không nói: “Nước Nga” bởi vì hàng nghìn người dân Nga đang phản đối cuộc tấn công vô cớ và phi lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tự do của họ.

Cuộc tấn công này phải được đặt trên vai của Vladimir Putin, người đang mạo hiểm hòa bình toàn cầu cho chương trình nghị sự chính trị ích kỷ của mình.

Chúng ta đang chứng kiến một thảm kịch vô cùng đau khổ của con người: mục tiêu là thường dân, ám sát và khủng bố, và cái chết của những người vô tội, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng người Ukraine và người Nga là những đứa trẻ được nuôi dưỡng từ cùng một bầu ngực.

Họ là anh chị em trong Chúa Kitô. Làm sao lại có thể xảy ra một cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên Thánh địa Kievan Rus? Là Kitô hữu Chính thống giáo, chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể làm gì? Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã trả lời dứt khoát:

“… Kết thúc chiến tranh ngay bây giờ! Ngừng ngay lập tức mọi hành động bạo lực, bất cứ điều gì làm lan truyền nỗi đau và cái chết. Hãy để lý trí thắng thế, yêu thương đồng loại, hòa giải và đoàn kết, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, quà tặng sự sống “. (Ngày 27 tháng 2 năm 2022)

Chúng ta cùng hiệp nhất trong tinh thần với Đức Thượng Phụ và khuyến khích tất cả những tín hữu của chúng ta: hãy cầu nguyện và hỗ trợ hữu hình cho tất cả người dân Ukraine: những tín hữu của Giáo Hội Chính thống Ukraine và các tín hữu của Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, những tín hữu của cộng đồng Công Giáo và Do Thái Ukraine, và tất cả những người thấy mình trong hoàn cảnh tàn khốc của chiến tranh.

Chúng ta được kêu gọi không chỉ tha thứ cho kẻ thù của mình mà còn yêu kẻ thù của mình (Mat 5:44). Nhưng chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúng ta không nên thấy có kẻ thù trong bất kỳ anh chị em nào của chúng ta. Tình yêu của Chúa Kitô có thể biến đổi chúng ta thành một gia đình duy nhất có thể chống lại sự dữ, và chữa lành những vết thương mà Giáo hội của chúng ta đang phải gánh chịu vào chính lúc này. Vì hòa bình, hỡi anh chị em yêu dấu của tôi, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa.

Trong Chúa Giêsu Kitô,

† ELPIDOPHOROS

Tổng giám mục Hoa Kỳ
Source:Orthodox Times
 
Thảm kịch Putin: Thương vong của Nga ở Ukraine trong 16 ngày đã cao hơn trong 9 năm ở Afghanistan
VietCatholic Media
17:07 13/03/2022

1. Tổn thất nhân mạng của Nga đã vượt quá thương vong trong cuộc chiến 9 năm tại Afghanistan

Trong 16 ngày đầu của cuộc xâm lược tại Ukraine, tổn thất nhân mạng của Nga đã vượt quá thương vong trong cuộc chiến tại Afghanistan trong hơn 9 năm.

Hôm thứ Bẩy, Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đã phá hủy hơn 5 tỷ Mỹ Kim thiết bị quân sự của Nga.

Kể từ khi Nga tuyên chiến vào ngày 24 tháng 2, trong vòng 16 ngày quân đội Nga đã mất 58 máy bay, 362 xe tăng, 83 trực thăng, 135 cỗ pháo, 1,205 thiết giáp, 62 dàn phóng hỏa tiễn di động, 585 xe chở binh lính, 60 xe chở nhiên liệu, 33 hệ thống phòng không.

Theo báo cáo này, Nga cũng đã mất hơn 12,000 binh sĩ, trong đó có 3 tướng lĩnh.

Các quan sát viên nhận định rằng nếu các con số này là đúng, trong 16 ngày đầu của cuộc xâm lược tại Ukraine, tổn thất nhân mạng của Nga đã vượt quá thương vong trong cuộc chiến tại Afghanistan trong hơn 9 năm.

Thật thế, trong cuộc chiến tại Afghanistan, kéo dài từ ngày 24 tháng 12 năm 1979 đến ngày 15 tháng Hai, 1989, tức là 9 năm, một tháng, 3 tuần và một ngày, Liên Xô đã thiệt mất 111 máy bay, 147 xe tăng, 333 trực thăng, 433 cỗ pháo, 1,314 xe thiết giáp và 9,500 quân nhân thiệt mạng.

2. Chính quyền Lviv cho biết cuộc không kích nhắm vào căn cứ quân đội gần Ba Lan chỉ trúng vào nhà dân gây thương vong cao

Nhà chức trách quân sự khu vực Lviv cho biết một cuộc không kích đã được thực hiện nhằm vào một căn cứ quân sự ở Yavoriv của Ukraine ở phía tây đất nước, gần biên giới Ba Lan.

“Những kẻ xâm lược đã tiến hành một cuộc không kích vào Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế. Theo dữ liệu sơ bộ, chúng đã bắn tám hỏa tiễn.”

Trung tâm này cách biên giới Ba Lan chưa đầy 25 km, không cho biết liệu căn cứ của họ có bị tấn công hay không. Thống đốc cho biết ít nhất 35 người thiệt mạng trong cuộc tấn công này.

Theo thống đốc Maksym Kozytskyy, ít nhất 35 người đã thiệt mạng và 134 người bị thương trong cuộc không kích của Nga nhằm vào một khu huấn luyện lớn của quân đội Ukraine gần biên giới Ba Lan.

Số người chết trước đó được công bố là chín người.

Một nhân chứng của Reuters cho biết 19 xe cấp cứu với còi hụ đã được nhìn thấy lái từ hướng căn cứ quân sự Yavoriv của Ukraine gần biên giới Ba Lan, sau khi các quan chức địa phương cho biết cơ sở này đã bị tấn công bởi một cuộc không kích của Nga.

Bảy chiếc xe cứu thương khác đã được nhìn thấy đang chạy về phía cơ sở sau cuộc tấn công có vẻ như là cuộc tấn công xa nhất về phía tây cho đến nay.

3. Tình báo Anh cho biết Quân đội Nga cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine ở phía đông

Theo Bộ Quốc phòng Anh, các lực lượng Nga đang cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine ở phía đông đất nước khi họ tiến từ hướng Kharkiv ở phía bắc và Mariupol ở phía nam.

Bộ Quốc Phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo đăng trên Twitter: “Các lực lượng Nga tiến quân từ Crimea đang cố gắng vượt qua Mykolaiv khi họ tìm cách lái xe về phía Tây hướng đến Odesa.

4. Người đứng đầu NATO nói rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học

Theo một cuộc phỏng vấn trên tờ báo Đức Welt am Sonntag, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học sau cuộc xâm lược Ukraine và hành động như vậy sẽ là tội ác chiến tranh.

“Trong những ngày gần đây, chúng ta đã nghe thấy những tuyên bố vô lý về các phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học,” ông Stoltenberg nói và cảnh giác rằng Điện Cẩm Linh đang phát minh ra các chiêu bài giả để biện minh cho những gì không thể biện minh được.

“Bây giờ những tuyên bố sai sự thật này đã được đưa ra, chúng ta phải cảnh giác vì rất có thể chính Nga có thể lên kế hoạch cho các hoạt động vũ khí hóa học dưới sự ngụy tạo này. Đó sẽ là một tội ác chiến tranh.”

Ông nói thêm rằng mặc dù người dân Ukraine đã dũng cảm chống lại cuộc xâm lược của Nga, nhưng những ngày sắp tới có thể sẽ còn rất nhiều khó khăn hơn nữa.

5. Người Anh nhận 350 bảng mỗi tháng để mở cửa nhà mình cho người tị nạn Ukraine

Anh sẽ trả tiền để người dân mở cửa nhà cho những người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga khi chính phủ Anh tìm cách chia sẻ khó khăn với các quốc gia khác trước cuộc khủng hoảng tị nạn gia tăng nhanh nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến thứ hai.

Chính phủ cho biết kế hoạch mới có tên “Những ngôi nhà cho Ukraine” sẽ cho phép những người tị nạn đến Anh ngay cả khi họ không có người thân nào ở Anh.

Nước Anh sẽ trả 350 bảng Anh, hay 456 Mỹ Kim, một tháng cho những ai có thể cung cấp cho người tị nạn một phòng trống trong thời gian tối thiểu sáu tháng.

6. Zelenskyy cảnh báo sẽ tan hoang nếu Nga cố gắng chiếm Kiev

Khi tiếng còi báo động cuộc không kích một lần nữa đánh thức người dân vào sáng Chúa Nhật, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cảnh báo các lực lượng Nga rằng họ sẽ phải chiến đấu đến chết nếu cố gắng chiếm thủ đô Kiev.

“Nếu họ quyết định ném bom rải thảm và đơn giản là xóa bỏ lịch sử của khu vực này… và tiêu diệt tất cả chúng ta, thì họ sẽ tiến vào Kiev. Nếu đó là mục tiêu của họ, hãy để họ vào, nhưng họ sẽ phải sống trên mảnh đất này một mình,” tổng thống Zelenskyy nói.

Ông cho biết khoảng 1,300 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, và kêu gọi phương Tây tham gia nhiều hơn vào các cuộc đàm phán hòa bình.

7. Các giáo sĩ Chính thống của Amsterdam tách khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Các giáo sĩ của Nhà thờ Chính thống Nga ở thành phố Amsterdam của Hà Lan đã tuyên bố sẽ tách khỏi Giáo Hội Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của mình, nhà thờ nói rằng sau cuộc họp “các giáo sĩ đồng thanh thông báo rằng họ không thể hoạt động trong Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa nữa và mong muốn cung cấp một môi trường an toàn về mặt tinh thần cho các tín hữu của chúng tôi”.

Họ nói rằng “với một trái tim nặng trĩu”, bốn linh mục của nhà thờ Thánh Nicholas thành Myra ở Amsterdam đã đi đến quyết định này.