Ngày 23-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Điều kiện kèm theo
Lm Vũđình Tường
05:24 23/03/2017
Mù loà thể lí

Cuộc sống luôn có những điều kiện kèm theo, ngay cả khi nhìn ngắm mắt ta cũng bị điều kiện hoá. Chính những điều kiện hoá này là nguyên nhân gây nên những cái nhìn khác nhau. Bởi nhìn khác nhau dẫn đến phán đoán khác nhau. Phán đoán khác nhau đưa đến hành động khác nhau. Điều kiện ảnh hưởng đến nhìn ngắm bên ngoài cũng lắm mà điều kiện bên trong cũng nhiều. Bên ngoài ảnh hưởng đến cách nhìn như tuổi tác, di truyền. Chính vì thế mà trong câu chuyện Đức Kitô mở mắt sáng cho người mù từ lúc mới sinh đưa ra những quan điểm khác nhau. Đại chúng cho là người mù là người từng ăn mày trong xóm nay được sáng mắt; số khác lại cho là một người nào đó giống anh ta mà không phải chính anh ta. Trong khi anh ta xác nhận là chính anh trước đây mù nay được sáng mắt.

Mù loà về lương tâm

Về phương diện lương tâm, tâm trí ta bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán và chủ thuyết hay quan điểm chính trị. Những điều kiện này ảnh hưởng lớn tới cách suy luận, phán đoán của cá nhân. Kinh Thánh ghi nhận rõ ràng là những người Pharisiêu bị ảnh hưởng bởi phong tục của họ khi họ phê phán Đức Kitô là người tội lỗi vì đã phạm vào luật cấm làm việc ngày lễ nghỉ. Họ suy luận, phán đoán và tin chắc họ đúng. Số khác cãi lại không chú trọng vào ngày lễ nghỉ nhưng chú trọng vào thành quả tốt lành của người mù mắt sáng khi họ đáp. Nếu là người tội lỗi thì không thể làm điều kì lạ, mở mắt người mù từ lúc mới sinh. Lối giải thích này không được nhóm lãnh đạo chấp nhận.

Cha mẹ của người mù bị ảnh hưởng của điều kiện xã hội. Hai ông bà sợ bị phán xét và cấm đoán của tập đoàn lãnh đạo nên họ đành cay đắng nói dối lương tâm mình. Hai ông bà chối không biết vì sao con họ được mắt sáng. Thay vì vui mừng, họ lo sợ đáp với những người thẩm vấn họ. Chúng tôi xác nhận, nó là con chúng tôi, nó bị mù từ lúc nó mới sanh. Còn làm sao nó sáng mắt, ai chữa cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, quí vị hỏi nó thì tốt hơn. Kinh thánh thuật rõ. Hai ông bà nói thế vì sợ tập đoàn lãnh đạo hành hạ. Họ không thể kêu oan và có kêu rất có thể không được giải đáp thoả đáng còn bị tư thù hãm hại.

Mù loà về đức tin

Ánh sáng tâm linh đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được các điều kiện về cả thể lí lẫn phong tục tập quán. Ánh sáng tâm linh được sách Samuel diễn tả rất rõ khi Samuel đuợc chỉ định đi xức dầu tấn phong vương quyền cho David, trở thành vua tương lai của Israel. Samuel gặp tất cả các con của Jesse. Ông vẫn chưa thấy yên tâm và tiếp tục hỏi cho đến khi gặp David đang chăn chiên ngoài đồng và ông xức dầu cho David bởi tâm ông được Thánh Thần hướng dẫn làm việc đó. Cái nhìn tâm linh đòi buộc chúng ta nhìn bằng con tim với tấm lòng yêu mến. Đừng để khối óc ảnh hưởng, phong tục, tập quán kiềm chế, ngoại hình lung lạc khi quyết định nhưng phán đoán sự việc dựa vào tình yêu và lòng mến để nhận định sự việc. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô cho biết chúng ta cần ánh sáng Đức Kitô soi đuờng, dẫn lối trong cuộc sống. Cần có ánh sáng Đức Kitô khi nhận định và phán đoán. Để làm được điều này cần dứt khoát loại bỏ bóng tối, đón nhận ánh sáng Đức Kitô với tất cả tấm lòng chân thành. Tin thờ các tà thần là dấu chỉ mù loà về đức tin; tôn thờ cá nhân, nhân vật lịch sử là mù loà về đức tin. Không chịu tìm hiểu về Kinh Thánh dẫn đến hậu quả mù mờ về đức tin Kitô giáo; biếng nhác lãnh nhận các bí tích sẽ biếng nhác việc phụng thờ Thiên Chúa và nguôi ngoai về đức tin. Chính vì lười biếng trong việc học hỏi về Kinh Thánh mà người ta coi bệnh tật là hình phạt do tội gây ra. Cây cối có tội gì, con vật có tội chi. Chúng cũng già nua, cũng ốm đau, bệnh tật. Như thế bệnh tật, già nua là một phần của tất cả các sinh vật.

Mở mắt người mù Đức Kitô giúp chúng ta nhận biết mù đức tin nguy hiểm hơn mù thể lí bởi mù đức tin dẫn đến con đường chết, con đường tối tăm ngàn thu. Nhờ lòng tin người mù nhìn nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trong khi người mắt sáng lại không nhìn nhận biết Đức Kitô. Bước đầu tiên để nhận ánh sáng đức tin là lòng khiêm nhường. Thiếu khiêm nhường không thể tiến bước trên đường tin theo Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Xin Cho Con Đừng Thấy !
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:50 23/03/2017
Xin Cho Con Đừng Thấy !

(Chúa Nhật IV Mùa Chay A)

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). Lời khẳng định của Chúa Giêsu xem ra khó nghe thậm chí thật khó hiểu nếu không ở trong ngữ cảnh lúc bấy giờ. Cùng với anh mù từ thưở mới sinh, chúng ta chân thành tin nhận “Người là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Dưới cái nhìn đức tin này chúng ta có thể hiểu phần nào lời tuyên bố của Đấng Cứu Độ.

1. Người làm cho kẻ tự cho mình là thấy, là sáng, là am hiểu, trở nên đui mù, nghĩa là nhận ra sự lệch lạc, sai lầm của mình.

Xem quả thì biết cây. Không ai hái được trái nho nơi bụi gai. “Trong nhóm Pharisiêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbat”, kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi thì làm sao có thể làm đựơc những dấu lạ như vậy?”. Thế là họ đâm ra chia rẽ. Một dấu lạ vượt quá khả năng bình thường của con người là làm cho kẻ mù từ thưở mới sinh được trông thấy. Đúng là một dấu lạ tốt đẹp. Một hành vi tự nó là tốt đẹp được thực hiện trong một hoàn cảnh trái với quy định của luật lệ thì có còn là tốt đẹp chăng? Nếu luật lệ ấy thuộc hàng thiên luật (như luật tự nhiên, luật mạc khải) thì nói chung là không còn là tốt đẹp vì “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Giúp kẻ nghèo là việc tốt, lo lắng cho gia đình là việc tốt, nhưng không thể biện minh cho cách thế kiếm tiền để làm những điều ấy bằng việc ăn cắp, tham ô, hối lộ…được. Tuy nhiên nếu luật đó thuộc hàng nhân luật (như luật quốc gia, luật Hội Thánh…), thì các việc tốt đẹp cao cả như việc cứu sống người hay mở mắt người mù thì luôn ở trên các quy định của nhân luật. Chúa Kitô không chỉ một lần như trong câu chuyện hôm nay mà đã nhiều lần vạch trần sự sai lầm của một số người biệt phái, luật sĩ khi họ tuyệt đối hoá nhân luật như luật Lễ nghỉ hay các tập tục tiền nhân mà xem nhẹ và bỏ qua lề luật của Thiên Chúa như đức công bình và đạo yêu thương, lòng từ bi và tình thương xót.

Chước cám dỗ muốn tuyệt đối hoá các chỉ thị, các quy định hay luật lệ của mình, dù chỉ là phàm nhân, vẫn còn đó dưới mọi hình thức. Tình trạng “phép vua thua lệ làng hay đạo trời còn dưới ý con người” vẫn đang tồn tại cách này cách khác ngoài xã hội và có khi cả trong các tập thể tôn giáo. Xin cho ánh sáng Đấng Cứu Độ chiếu soi sự u minh của những người tự cho mình là sáng nhưng thực ra đang ở trong mê lầm. “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41).

2. Người làm cho người không xem thấy được thấy: Con người thường xem xét dựa vào cái bên ngoài, còn Thiên Chúa thì thấy tận cõi sâu tâm hồn con người. Chính vì thế, để có một cái nhìn quân bình và toàn diện, cần phải biết nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa. Đức Kitô, cuộc đời, những lời giảng dạy và các hoạt động của Người chính là cách thế giúp ta nhìn nhận cuộc đời, con người, các sự vật, hiện tượng cách đúng đắn và chuẩn mực.

Chúa Kitô không chỉ dùng quyền năng làm cho anh mù từ thưở mới sinh được thấy ánh sáng tự nhiên, Người còn khai mở con mắt đức tin của anh khiến anh can đảm nhìn nhận và tuyên xưng Người là một vị Ngôn sứ cho dù phải bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Các môn đệ vốn mù tối lầm lạc khi cho rằng anh mù từ thưở mới sinh là do tội của anh ta hoặc do tội của cha mẹ anh ta. Chúa Kitô đã mở mắt cho các ngài để các ngài nhận ra rằng có nhiều sự dữ là do tội lỗi con người gây ra nhưng cũng có nhiều sự dữ xảy ra mà chẳng do bởi lỗi của người này hay người kia. “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể được” (Mt 19,26). Qua các sự dữ, Thiên Chúa có thể làm nổi rõ quyền năng và tình yêu của Người.

3. Là ánh sáng thế gian, Chúa Kitô thúc bách ta phải thấy cả những điều ta không muốn thấy. Quả thật, rất nhiều khi ta bị cám dỗ “được không nhìn thấy” để khỏi phải vất vả, khỏi phải hy sinh hay khỏi phải dấn thân, chia sẻ… Mở cửa ra, nhìn thấy người tàn tật, thế là được mời gọi chia sẻ. Một đôi lần thì có thể được, nhưng một ngày mà đến ba bốn lần nhìn thấy thì sao đây? Thấy chuyện bất công là được mời gọi săn tay áo để tạo lập sự công bằng… Không nguyên chỉ vất vả mà còn biết bao điều phiền toái có thể ập đến. Lắm khi chưa được mạ thì má đã sưng hoặc cảnh ai thổi lữa người đó bỏng môi là điều dường như khó tránh.

Lạy Chúa xin cho con đừng thấy. Một lời cầu xin để mình được an phận. Ánh sáng đã đến thế gian. Chúa Kitô đã đến thế gian, Người làm cho kẻ mù được thấy và bắt kẻ không thích nhìn thấy cũng phải thấy, ngoại trừ chính họ tự ý bịt mắt không muốn nhìn. Không cứu sống là đang giết chết. Không làm điều lành là đã làm điều dữ (x.Mc 3,1-5). Phải làm ngay hôm nay những gì ta thấy phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…Một lời cầu xin thật chính đáng và phải đạo mà Kitô hữu thường xuyên đọc. Thế nhưng khi Chúa cho ta thấy, cho ta biết việc phải làm thì sao đây? Có khi nào ta bị cám dỗ “ước gì đừng thấy, ước gì đừng biết” chăng?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban mê Thuột.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:17 23/03/2017
34. CÁI VÁY BỊ CHÁY
Ở huyện Tín Châu có một cô gái tính tình phóng đãng, thích ca múa và uống rượu, nhưng bình nhật thì ngay cả ăn mặc cũng rất là túng thiếu.
Một hôm có người mời cô ta làm một bức bản đồ của Tín Châu, cô ta lấy phẩm màu nhuộm cái váy của mình nhưng không cho phẩm màu đều nhau để thành một bức bản đồ.
Vừa mới bỏ cái váy trong nồi nhuộm thì người hàng xóm mời cô ta đi uống rượu, vừa ngồi vào bàn rượu thì cô ta quên mất chuyện nhuộm váy.
Qua một lúc lâu, đầy tớ gái của nhà rượu vừa chạy vừa la:
- “Không xong rồi, cái váy của cô cháy rồi”.
Cô gái hỏi:
- “Nó cháy ở chỗ nào ?”
Đầy tớ gái nói:
- ”Đang cháy ở cửa chùa Đại Vân”.
(Nụ cười Quần Cư)

Suy tư 34:
Thông thường tính tình phóng đãng thì chỉ có cánh đàn ông thanh niên con trai mới có, chứ con gái thì rất hiếm.
Người phóng đãng là người sống không có kỷ luật, người sống rất tự do đến độ hoảng loạn, thích thì làm mà không cần phải nghĩ đến hậu quả của việc làm.
Người phóng đãng là người không chấp nệ tiểu tiết, thái độ quá trớn làm khó chịu những người chung quanh, vì không chấp nệ chuyện nhỏ nên cung cách thái độ và lời nói của họ rất ít người kính trọng và nghe theo.
Có những cô gái phóng đãng ăn nói bạt mạng như đàn ông, uống rượu ngang cơ và có khi muốn trội hơn đàn ông, những cô gái này thường mang một tâm trạng chán đời và bất cần đời, cho nên họ rất dễ bị lợi dụng bởi những người vô lương tâm.
Có lẽ không cô gái nào phóng đãng và tội lỗi như bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na trong Tin Mừng, nhưng chính bà đã được Đức Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật tâm hồn, và trao cho một sứ mạng đặc biệt là đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ của Ngài, xét cho cùng, Chúa đã đem sứ mệnh đặc biệt này trao cho chị Ma-ri-a Ma-da-lê-na trước các Tông Đồ, phải chăng đây là một tiền lệ của Chúa dành cho những người tội lỗi đã ăn năn trở lại: lập tức loan báo Tin Mừng phục sinh của Chúa cho mọi người biết qua sự đổi thay cuộc sống của mình.
Dù cuộc sống của chúng ta có phóng đãng đến đâu chăng nữa, thì ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa càng hào phóng hơn chúng ta tưởng, nếu chúng ta có lòng khiêm tốn và quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình như chị Ma-ri-a Ma-da-lê-na đã làm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:19 23/03/2017

6. Nếu một người cầu nguyện thì giống như gieo hai hạt lúa mì sẽ thu hoạch bốn bông lúa; nếu không cầu nguyện thì dù cho gieo bốn hạt lúa mì, thì cũng chỉ có thể thu hoạch hai bông lúa mà thôi.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phép lạ của hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta
Lm. Trần Đức Anh OP
11:00 23/03/2017
VATICAN. Hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta Marto được công nhận phép lạ và sắp được phong Hiển thánh.

Với phép của ĐTC, hôm 23-3-2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai Chân Phước đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cách đây 100 năm cùng với chị họ Lucia, đó là Phanxicô Marto, sinh ngày 11-6-1908, qua đời ngày 4-4-1919, và Giacinta Marto, sinh ngày 11-3-1910, qua đời ngày 20-2-1920.

Hai thiếu nhi đã được thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng tôn phong chân phước tại Đền thánh Fatima ngày 13-5 Năm Thánh 2000.

Nhiều người hy vọng ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự lễ phong Hiển Thánh cho hai vị trong thánh lễ ngày 13-5-2017 tới đây tại Fatima, tuy nhiên chưa có thông cáo chính thức nào của Tòa Thánh về vấn đề này.

Cũng ngày 23-3-2017, Bộ Phong Thánh đã công bố 6 sắc lệnh khác liên quan đến các án phong khác:
- Sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Angelo da Acri, LM thuộc dòng Capucino (1669-1739)
- Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Cha Giuse Maria Fernández Sánchez, và 32 bạn thuộc dòng Lazzariste và 6 giáo dân thuộc Hội Ảnh Vảy Đức Mẹ Maria tử đạo năm 1936 trong thời nội chiến Tây Ban Nha.
- Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Nữ tu Regina Maria Vattalil, dòng Clarissa Phanxica, tử đạo ngày 25-2-1995.

3 sắc lệnh còn lại nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 3 vị tôi tớ Chúa.

Sau cùng, ĐTC chấp thuận đề nghị của các Hồng Y và GM thành viên Bộ phong thánh về việc phong hiển thánh cho
- 30 vị tử đạo ở Brail ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, đứng đầu là cha Andrea de Soveral và Matteo Moreira.
- 3 thiếu niên tử đạo: Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529.
 
Bộ Tuyên Thánh đã thừa nhận phép lạ qua sự can thiệp của hai em chứng kiến Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Nguyễn Long Thao
11:30 23/03/2017
Bộ Tuyên Thánh của Vatican đã thừa nhận một phép lạ qua sự can thiệp của Francisco và Jacinta Marto là hai thiếu nhi đã được chứng kiến Đức Mẹ hiện ra tại Fatima vào năm 1917.

Sắc lệnh của bộ Tuyên Thánh được công bố ngày 23 tháng 3 năm 2017 đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê duyệt. Như thế là đầy đủ diều kiện cho việc phong thánh hai anh em ruột người Bồ Đào Nha. Hai em nhỏ này đã chết khi còn trẻ và đã được ĐGH Gioan Phaolô II phong chân phước vào năm 2000.

Sắc lệnh ký ngày 23 tháng 3 nói trên tạo cơ hội thuận tiện để ĐGH Phanxicô có thể chủ toạ lễ phong thánh cho hai em nhỏ vào tháng 5 năm 2017 khi Ngài đến thăm đền thờ Đức Mẹ Fatima nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ nhỏ là Francisco, Jacinta và Lucia. Francisco và Jacinta Marto chết sớm, còn Lucia Santos vào tu ở dòng kín Carmelite và mất năm 2005. Vào năm 2008 , Toà Thánh mở án phong chân phược cho chị Lucia và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã miễn trừ điều kiện chờ 5 năm sau mới được mở án phong chân phước.
 
Phản ứng của Tòa Thánh về vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn
Đặng Tự Do
16:40 23/03/2017
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một điện tín bày tỏ sự chia buồn của mình với các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố tại Tòa nhà Quốc hội ở Luân Đôn hôm thứ Tư. Trong điện tín viết thay mặt cho Đức Thánh Cha; Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, viết:

Kính gởi Đức Hồng Y Vincent Nichols

Tổng giám mục Westminster

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Anh Quốc và Xứ Wales


Đau buồn sâu sắc khi hay tin nhiều người thiệt mạng và bị thương trong cuộc tấn công tại trung tâm Luân Đôn, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự liên đới trong kinh nguyện của ngài với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bi kịch này. Đức Thánh Cha phó dâng những người đã chết cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn Năng, và khẩn cầu sức mạnh cũng như bình an của Chúa trên các gia đình của họ đang chịu đau buồn, và ngài bảo đảm lời cầu nguyện cho Anh quốc vào thời điểm này.

Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh


Lúc 2:40 chiều thứ Tư, tên khủng bố Khalid Masood, 52 tuổi, lái một chiếc xe Hyundai Tucson, tông vào khách bộ hành trên cầu Westminster, cùng một kiểu cách tấn công như đã diễn ra tại Nice và Berlin, giết chết 2 người và làm bị thương 29 người khác; trong đó có 7 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Tên khủng bố sau đó, tông xe vào tòa nhà Quốc Hội Anh. Ra khỏi xe với hai con dao, y tấn công một viên chức cảnh sát không vũ trang tên là Keith Palmer, 48 tuổi. Trong cuộc giằng co với tên khủng bố, anh Keith Palmer bị đâm nhiều nhát vào bụng và lưng; nên đã thiệt mạng vì mất nhiều máu.

Cảnh sát đã bắn chết hung thủ.

Hai người khác bị thiệt mạng là cô Aysha Frade, một giáo viên người Tây Ban Nha, đang dạy học tại Westminster; và Kurt Cochran, một người Mỹ sinh sống tại Utah, Hoa Kỳ. Anh Kurt Cochran cùng với vợ là Melissa sang Luân Đôn nhân kỷ niệm 25 năm ngày cưới của họ. Ngày thứ Tư 22/3 là ngày cuối trong chuyến du lịch của họ. Vợ anh là Melissa bị thương nặng.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố trách nhiệm về cuộc tấn công này qua một tuyên bố đưa ra bởi Amaq, một cơ quan thông tin tuyên truyền của chúng. Bọn khủng bố ca ngợi kẻ tấn công như “một người lính của Nhà nước Hồi giáo”.
 
Chương trình Tuần Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
17:09 23/03/2017
Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá vào lúc 10 giờ sáng tại quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 9 tháng Tư. Theo truyền thống, ngài sẽ chủ sự cuộc rước lá từ ngọn tháp ở giữa quảng trường tới bàn thờ chính.

Trong Thánh lễ này, Thánh Giá Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được các bạn trẻ Ba Lan chuyển giao cho các bạn trẻ Panama để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quốc tế tiếp theo vào năm 2019. Như thường lệ, Đức Thánh Cha cũng công bố thông điệp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở cấp địa phương trong năm nay với chủ đề “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều vĩ đại, và danh Ngài là thánh” trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca, chương 1, câu 49.

Sáng thứ Năm 13 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 9:30 sáng, cùng với các Hồng Y, các vị thượng phụ, các vị tổng giám mục, giám mục và các linh mục thuộc giáo phận Rôma.

Vào buổi chiều cùng ngày ngài sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại một địa điểm sẽ được công bố trong những ngày tới. Thông thường, Đức Thánh Cha chọn cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly trong một nhà tù hoặc một trung tâm dành cho người đau ốm và tàn tật. Năm ngoái, ngài cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại một trung tâm chào đón người tị nạn ở ngoại ô Rôma.

Lúc 5h chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức Tôn Vinh Thánh Giá, tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng sẽ trình bày bài suy niệm.

Lúc 9 giờ 15 phút tối Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí Trường Colosseum và ban phép lành cho tất cả mọi người hiện diện.

Lúc 8 giờ 30 tối, thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong thánh lễ, ngài sẽ ban bí tích Rửa Tội và Thêm Sức cho các tân tòng.

Sáng Chúa Nhật ngày 16 tháng 4, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 10 giờ sáng. Ngay sau đó, ngài sẽ đọc thông điệp “Urbi et Orbi” gởi Rôma và thế giới; và ban phép lành Tòa Thánh kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.
 
Top Stories
Vietnam: Les manifestations des catholiques touchés par la catastrophe environnementale se poursuivent et inquiètent les autorités
Eglises d'Asie
11:43 23/03/2017
Près d’une année s’est écoulée depuis les premiers signes de pollution de l’environnement maritime des provinces du centre du pays et la catastrophe écologique qui s’est abattue sur plusieurs provinces. La population côtière affectée continue de manifester son mécontentement. Pas une semaine ne se passe sans que, ici et là, un groupe de protestataires, le plus souvent des catholiques accompagnés par leurs prêtres, ne manifestent publiquement contre l’absence ou la faiblesse des indemnisations, l’absence de mesures de restauration de l’environnement et la présence sur les côtes vietnamiennes de l’usine taïwanaise Formosa, responsable d’être à l’origine de la catastrophe.

Tout récemment, mardi 21 mars, ce sont des centaines de pêcheurs de la commune de Ky Nam (province de Ha Tinh) qui protestaient contre l’insuffisance de l’indemnisation qui leur a été allouée après la catastrophe écologique. Portant leurs filets de pêcheur, les manifestants se sont rassemblés devant le siège du Comité populaire municipal. On y a exposé les injustices commises dans l’attribution et la répartition des indemnisations. Certaines personnes, appartenant à la parenté de l’administration locale, n’exerçant pas la profession de pêcheurs, obtiennent de fortes sommes, tandis que d’autres, véritables victimes de la catastrophe écologique, sont totalement oubliées.

Pour la circonstance, les autorités locales avaient mobilisé tout autour de la manifestation des forces de l’ordre en nombre. Selon certaines informations diffusées par les blogs, il y aurait eu des heurts avec les forces de police.

Des manifestations pacifiques violemment réprimées par les forces de l'ordre

Ce type de manifestations inquiète les autorités provinciales du Nghe An, qui ont publié une note officielle condamnant la manifestation menée le 14 février dernier par un prêtre et ses paroissiens de la paroisse de Song Ngoc. La manifestation, en route vers le Tribunal populaire pour y déposer des plaintes, avait été violemment réprimée par les forces de l’ordre. Plusieurs manifestants, dont le prêtre, avaient été blessés. Leurs photos diffusées sur Internet avaient vivement ému l’opinion catholique.

Le 20 mars dernier, le P. Dang Huu Nam, curé de Phu Yên, qui, lui aussi, a conduit une manifestation de protestation, a fait connaître la réponse qu’il a adressée au Comité populaire provincial. Il y affirme que la manifestation du 14 février était absolument justifiée et les manifestants se sont conduits avec discipline. Ils devraient être loués pour leur comportement, ajoute le P. Nam. (eda/jm)

(Source: Eglises d'Asie, le 23 mars 2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tòa liên bang đã kết tội Đức Ông Nguyễn Minh Hiền ở San Jose 14 tội danh gian lận ngân hàng và trốn thuế.
Nguyễn Long Thao
01:55 23/03/2017
Tòa liên bang đã kết tội Đức Ông Nguyễn Minh Hiền ở San Jose 14 tội danh gian lận ngân hàng và trốn thuế.

Trong ngày thứ Ba vừa qua, tòa án liên bang khu vực San Jose đã kết án Linh Mục Nguyễn Minh Hiền 14 tội danh gian lận ngân hang và chuyển tiền của giáo dân dâng tặng cho giáo xứ vào trương mục ngân hàng của mình

Thẩm phán Beth Labson Freeman của tòa án liên bang kết luận Linh Mục Nguyễn Minh Hiền 57 tuổi là có tội, trong một phiên xử không có bồi thẩm đoàn vào tháng 2. Khoản tiền được cho là của giáo dân tặng cho Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại San Jose trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2007 tổng cộng lên tới 19,000 Mỹ kim.

Linh Mục Nguyễn Minh Hiền trước đó đã nhận bốn tội danh trốn thuế trong các năm từ 2008 đến 2011. Linh Mục nhìn nhận trong thỏa thuận nhận tội hồi tháng 8 rằng, Linh Mục đã chuyển các tiền tặng vào trương mục cá nhân trong các năm đó, và không đóng thuế trên các số tiền này.

Vào ngày 30 tháng 6 tới đây Thẩm phán Freeman sẽ tuyên án cho Linh Mục Nguyễn Minh Hiền về hai nhóm tội danh trốn thuế và gian lận ngân hàng.

Theo luật, mức phạt tối đa là 30 năm tù đối với mỗi tội danh gian lận ngân hàng, và 5 năm tù đối với mỗi tội danh trốn thuế.

Được biết Linh Mục Nguyễn Minh Hiền là Linh Mục của giáo phận San Jose từ năm 1995, từng được Đức Giám Mục bổ nhiệm làm Chánh Xứ Giáo Xứ St. Patrick’s và bây giờ đổi là giáo xứ Đức Mẹ La Vang San Jose. Từ năm 2001 đến 2011, là Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, được giáo phận thăng chức Đức Ông và bổ nhiệm chức vụ đặc trách mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam tại San Jose.

Linh mục Hiền đã bị bắt tại Fort Lauderdale, bang Florida vào tháng 4 năm 2015.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Xuân
Tấn Đạt
20:14 23/03/2017
HOA XUÂN
Ảnh của Tấn Đạt
Mùa Xuân về trước hiên nhà
Khoác màu áo mới điệu đà thanh tân
Ngoài kia hoa nở đầy sân
Gió xuân hây hẩy trong ngần trinh nguyên.
( Trích thơ của Toàn Tâm Hòa)