Ngày 24-03-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hai cách nhìn và hai lối sống
Jos.Vinc. Ngọc Biển
09:10 24/03/2014
HAI CÁCH NHÌN VÀ HAI LỐI SỐNG

(Chúa Nhật 4 Mùa Chay, A)

Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”; còn đối với các nhà thi sĩ thì con mắt là một cái gì đó rất thơ mộng! Nó luôn gợi hứng cho những ai yêu mến thơ văn có thể nảy sinh sáng tác... vì thế, có câu: “Mắt em là một dòng sông, thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” (Lưu trọng Lư); hay đối với những nhà nhân tướng học thì: “Con mắt là phản ảnh của tâm hồn”. Nên nhìn con mắt, người ta có thể đoán bắt được tính tình; hoặc với các nhà khoa học thì: “Con mắt được coi như một chiếc máy chụp rất nhỏ nhưng rất tinh vi và phức tạp, chưa có một máy kỹ thuật số nào sánh kịp[...]. Con mắt thâu 80% số vốn kiến thức mà con người hấp thụ được...”

Vì thế, con mắt được gọi là “cửa sổ của linh hồn”. Tuy nhiên, trong đời sống đức tin, cái mù lòa về mặt thể lý không đáng sợ cho bằng cái mù tâm linh.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa người mù từ lúc mới sinh. Nhưng điều đặc biệt là nhờ con mắt đức tin của anh mù sáng, nên con mắt thể lý cũng nhờ đó mà được trông thấy. Trong cuộc sống thực tế, hình ảnh của anh mù đối lập với nhiều người. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì có rất nhiều người hiện nay sáng mắt về thể lý, nhưng lại mù lòa về tâm hồn.

Qua câu chuyện Đức Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh, đã nảy sinh hai cách nhìn, hai lối hiểu khác nhau giữa Thiên Chúa, mà cụ thể là nơi Đức Giêsu và những người sống cùng thời với Ngài.

1. Hai cách nhìn và hai lối sống

Điều trước tiên, chúng ta cần nhận thấy là Thiên Chúa nhìn con người, sự vật hoàn toàn khác lối suy hiểu của con người. Nếu con người nhìn bề ngoài, thì Thiên Chúa nhìn thấu tận tâm can. Chuyện người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp tuần trước là một chứng minh cụ thể, khi Đức Giêsu biết người phụ nữ này có quá nhiều đời chồng, mặc dù chị ta không nói (x. Ga 4,5-42). Nếu các Pharisêu và phần đông người Dothái giữ luật chỉ vì giữ luật mà sẵn sàng trở nên vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của anh em đồng lại, thì Đức Giêsu đã vượt lên trên luật để giải phóng con người, hầu đem lại cho con người được hạnh phúc, tự do đích thực, và dẫn đưa người ta vào trong đường lối nhân hậu, bao dung của Thiên Chúa. Vì thế: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta”(Is 55, 8).

Thật thế, ngay cả tiên tri Samuel, ông đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn và gọi, rồi ông cũng đã phục vụ Thiên Chúa rất nhiều năm trong vai trò là người thông ngôn cho Người, ấy vậy mà ông vẫn còn có thái độ rất đời, vẫn không có cái nhìn của Thiên Chúa (x. Sm 16, 1b. 6-7. 10-13a). Rồi đến lượt chính các môn đệ, khi gặp thấy anh mù, các ông cũng nhao lên hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" (Ga 9,2). Như vậy, từ Samuel, đến các môn đệ là những người sống bên cạnh Chúa, vậy mà vẫn còn đó cái nhìn không có “chất Chúa” khi nhận xét một thực tại!

Như vậy, đâu lạ gì khi chúng ta thấy những người Biệt Phái cũng có cái nhìn rất đời như vậy. Phải chăng có khác nhau chút ít khi Samuel cũng như các môn đệ là do chưa hiểu hết được ý định của Thiên Chúa, nhưng khi đã nhận ra, các ngài đã trung thành theo ý của Thiên Chúa. Còn những người Biệt Phái thì do ghen tương, ích kỷ, kiêu ngạo và cố chấp, cho nên họ khước từ chứng tích của anh mù về tình thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, đồng thời, họ tìm cách loại trừ chính Đức Giêsu và ngay cả anh mù ra khỏi cộng đồng, xã hội của họ. Nếu Đức Giêsu đã không chữa bệnh ngày Sabát, và anh mù kia nếu không xuất hiện thì đã không có chuyện...

Trước mặt những người Pharisêu và người Dothái cũng như theo lỗi suy diễn của họ thì: Thiên Chúa, hay người của Thiên Chúa phải là Đấng tốt lành, thánh thiện, trung thành với Lề Luật và không bao giờ có thể gần gũi với những người tội lỗi... (x. Ga 9,16). Thật ra, nói như vậy thì không sai, nhưng chưa đủ, bởi vì nếu tách tình thương của Thiên Chúa ra khỏi xã hội, cuộc sống, cụ thể là những nơi, những người cần được cứu độ thì mâu thuẫn nội tại với Người, bởi vì: “Thiên Chúa là tình yêu”.

Tuy nhiên, thái độ của Đức Giêsu thì khác hẳn. Khi chữa cho anh mù được sáng đúng ngày cấm kị của người Dothái theo luật Môsê, Đức Giêsu đã khẳng định về sứ vụ Thiên Sai của mình, Ngài nói: “Chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu, Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian" (Ga 9,4-5). Và, Ngài cũng ngầm cho mọi người biết rằng Ngài đến từ Thiên Chúa, nên làm chủ luôn ngày Sabát và mặc cho nó một ý nghĩa đúng đắn khi nói: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát" (Mc 2,27-28). Vì thế, nếu đã là phương tiện, thì nó chỉ đóng vai trò là phục vụ, nên không thể không cứu người, hoặc làm việc tốt chỉ vì vụ luật.

2. Sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa ngày hôm nay nhắc chúng ta một vài điều:

Trước tiên, nếu chỉ suy nghĩ đơn giản hay bề ngoài, mỗi người chúng ta rất dễ có nhận định là tại sao Samuel đã được Chúa gọi, chọn và được đặc ân sống thân tình với Thiên Chúa, đại diện Chúa, mà vẫn không nhận ra thánh ý của Người?

Thứ đến, chúng ta cũng không ngần ngại trách các môn đệ khi các ông có nhận định sai lầm về việc chàng thanh niên bị mù được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay khi các ông thắc mắc với Đức Giêsu về việc có phải anh ta bị mù là do tội của anh hay của cha mẹ anh?

Tiếp theo, chúng ta rất dễ kết án những người Biệt Phái vì có một quan điểm nguy hiểm và cho rằng những ai bị tật là do tội và bị Thiên Chúa trừng phạt! Đồng thời kết án họ vì cố chấp bởi vì trong tim và khối óc luôn có sẵn một định kiến, chống đối và thù ghét cũng như khinh thường những người thấp cổ bé họng, ốm đau bệnh tật, và kết án nữa là vị họ sống hình thức, vụ luật...;

Cuối cùng, một lối suy nghĩ đáng thương hại cho những người Dothái thời bấy giờ, vì họ đã có chính Đức Giêsu là hiện thân của Thên Chúa ở cùng mà lại không nhận ra. Nên họ đã bất đồng ý kiến và nảy sinh mâu thuẫn chỉ vì câu nói: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" (Ga 19,6). Tuy nhiên, suy cho cùng, chúng ta phải thương lấy chính chúng ta, bởi vì vẫn còn đâu đó những nghi kỵ, thành kiến và gán mặc cho người khác những điều mà cả cuộc đời của họ không sao ngóc đầu lên được, chỉ vì một lần trong đời họ bị lỡ...

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Thật vậy, vì ích kỷ, nghi kỵ và kiêu ngạo, nên đã không ít lần chúng ta không thể bỏ qua những sai sót cho anh chị em chúng ta, dẫu vẫn biết rằng, nhiều khi chính chúng ta tội lỗi hơn họ, nhưng chỉ vì chúng ta khôn khéo, lèo lái cách tinh vi mà người đời không biết, nên chúng ta vẫn “bình chân như vại” mà sẵn sàng lên án người khác. Vì thế, vẫn còn đó những chuyện đau lòng như:

Nếu ai đó một thời vướng vào cái tội gọi là “đầu trộm đuôi cướp” thì cả đời không thể thoát ra khỏi những ánh mắt coi thường, khinh khi, dẫu giờ này con người đó tốt lành, hoàn lương! Hay một cô gái nào đó chỉ vì trót dại, và cũng có thể vì hoàn cảnh bị ép buộc phải làm gái điếm... thì mặc cho cô ta đã hối hận, quay đầu trở về và hướng thiện, thì cũng không bao giờ tránh được sự dè bửu, chê bai và cả đời không bao giờ rửa hết nỗi nhục bán thân. Hoặc như một bạn trẻ nào đó, thời thanh niên, vì thiếu sự suy nghĩ, ham chơi, nên sa ngã vào con đường nghiện ngập, hút trích... những người này, dưới con mắt của chúng ta, họ là đồ bỏ, mà ngay cả những người có lòng giúp đỡ họ cũng bị khinh thường theo.

Chỉ đưa ra chừng ấy thôi thì cũng đủ cho chúng ta thấy là đã biết bao lần ta bỏ lỡ cơ hội như Chúa, đã đánh mất vai trò đồng hành, nâng đỡ và tỏa gương sáng cho anh chị em chúng ta để dìu họ bước lên. Không những thế, nhiều khi chúng ta lại cho rằng nếu tạo điều kiện thuận lợi cho họ, thì chẳng khác gì “vẽ đường cho voi chạy”; hay như một cơ hội để họ lợi dụng lòng tốt, rồi “ngựa quen đường cũ”, nên đôi lần chúng ta đã thẳng tay vùi dập, làm cho cuộc đời của họ bi đát hơn và không thể ngẩng đầu để tiến về phía trước với hy vọng thay đổi cuộc đời. Thực ra, lối suy nghĩ trên có cơ sở hay nhiều người đã quá kinh nghiệm nên mới có những nhận định như thế! Tuy nhiên, nếu chúng ta thinh lặng và hồi tâm đôi chút, thì có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy cuộc đời của mình cũng nhem nhuốc hay còn tệ hơn như thế nữa. Nhưng điều nguy hiểm hơn cả, đó là chúng ta đã tước mất quyền phán xét của Thiên Chúa, và trở thành một vị thẩm phán mù lòa, ác đức, không giống Đức Giêsu. Lời của thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma đáng để cho chúng ta suy nghĩ: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2,1). Đồng thời tự cho mình là đạo đức, tốt lành, nên không thuộc về hàng ngũ những tội nhân cần được đón nhận ơn tha thứ. Thực ra, không ai là người vô tội trước mặt Chúa cả: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1, 8).

Vì thế, ta sẵn sàng bỏ qua những thiếu xót của mình, nhưng lại tìm mọi cách bôi nhọ những thiếu xót của anh em. Những người như thế, Đức Giêsu đã cảnh báo: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6,42). Đây phải chăng cũng là tình trạng mù tâm linh!

Hình ảnh của Đức Giêsu, vị mục tử nhân từ, đấng giàu lòng thương xót không hề có một thái độ như thế. Ngài sẵn sàng tháp nhập vào dòng người đến xin Gioan làm phép rửa thống hối, mặc dù Ngài vô tội. Nhưng thái độ đó của Ngài cho chúng ta thấy rằng: Con Thiên Chúa sẵn sàng trở nên một con người khiêm tốn, liên đới để cứu độ những người tội lỗi. Tinh thần ấy đã được Ngài sống và giảng dạy: “...giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc 15,10); Và sứ mạng của Ngài là đến để cứu chữa những người tội lỗi, ốm đau, bệnh tật, vì người khỏe mạnh thì không cần đến thầy thuốc. Như vậy, những người thấp cổ bé họng, tội lỗi và bị loại ra bên lề lại là đối tượng số một của sứ vụ Thiên Sai nơi Đức Giêsu.

Nếu chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu đúng nghĩa, thì chúng ta cũng phải coi những người anh em đó là đối tượng trọng yếu của Tin Mừng và sứ vụ nơi chúng ta.

Thật thế, là môn sinh của Thầy Chí Thánh, ánh mắt của ta là ánh mắt nhân từ để cảm thông; đôi chân của ta luôn tiến về phía người tội lỗi, bất hạnh để cùng đồng hành với họ và đôi tay biết dang rộng để nâng dạy những người tội lỗi, giúp họ đứng lên và cùng ta tiến về phía trước. Được như thế, hẳn sẽ không thiếu những vị thánh xuất thân từ hàng ngũ của người tội lỗi!

Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều đó. Trong số rất nhiều vị thánh mà một thời đã “thượng vàng hạ cám”, chúng ta xin đưa ra một số nhân vật tiêu biểu đã được cải hóa nhờ lòng nhân từ của Thiên Chúa như: Mátthêu, người thu thuế; Phêrô, người trối Chúa; người phụ nữ ngoại tình; người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp; Augutinô... và còn biết bao vị thánh lỗi lạc khác mà trước đó họ là những côn đồ, gái điếm, trối Chúa, bỏ đạo...! Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên thập giá đáng để chúng ta suy ngẫm: “Lạy Cha, xin tha cho họ...". Thử hỏi rằng trên trần gian này có tội gì nguy hại và đáng phạt cho bằng tội giết con Đức Chúa Trời? Nhưng Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ cho cả kẻ giết mình.

Như vậy, Mùa Chay, mỗi người chúng ta hãy để cho Lời Chúa như ánh mặt trời chiếu rọi vào tận thâm sâu tâm hồn của mình, để con mắt đức tin của chúng ta sáng lên như anh mù khi xưa, hầu tránh đi tình trạng sáng con mắt thể lý, nhưng lại mù con mắt tâm linh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu thương, cảm thông và tha thứ cho anh chị em, xin cho chúng con được nhạy bén với Thánh Ý của Chúa, để không bị tình trạng sáng mắt thể lý, nhưng lại mù về đời sống đức tin, đời sống tâm linh. Amen.
 
Niềm vui Kitô hữu : Lễ Truyền Tin
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:59 24/03/2014
NIỀM VUI KITÔ HỮU : LỄ TRUYỀN TIN

Thiên Sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria là một cuộc đối thoại. Các nhà chú giải đã chia ra ba sườn chính về thể văn mà thánh Luca sử dụng trong cuộc đối thoại của khung cảnh Truyền Tin.

- Thể văn báo tin việc sinh hạ : *Thiên sứ hiện ra – Phản ứng của người được thị kiến là sợ hãi – Lời loan báo về việc thụ thai và sinh hạ, đặt tên cho con trẻ, tương lai của con trẻ – Chất vấn: làm thế nào được? – Thiên sứ khẳng định điều loan báo với một dấu hiệu. *Ví dụ: báo tin về sự sinh ra của Isaac (St 17), Samson (Tl 13, 1-23), Samuel (1Sm 1), Gioan Tẩy Giả (Lc 1, 5-25). *Nội dung sứ điệp là loan báo về việc Thiên Chúa can thiệp lạ thường nơi một phụ nữ sinh ra một người con làm vị cứu tinh dân tộc.

- Thể văn kêu gọi vào một sứ mạng : *Thiên sứ hiện ra – Ơn gọi sứ mạng – Giải thích và dấu hiệu – Kết luận. *Ví dụ: Maisen (Xh 3, 1-12), Geđeon (Tl 6, 11-23) *Thiên sứ hiện ra trực tiếp cho người được Chúa gọi.

- Thể văn giao ước, hay lập lại giao ước Một người trung gian như Ngôn Sứ, Vua, Tư Tế trình bày ý định của Thiên Chúa và toàn dân đáp lại “Chúng tôi sẽ thực hành điều Ngài dạy” (Xh 19, 7; 24, 3-7; Er 10, 12; Nkm 5, 12).

Cả ba thể văn bổ túc cho nhau diễn tả sắc thái độc đáo có một không hai trong lịch sử qua biến cố Truyền Tin. Để thấy được sự trang trọng, độc đáo của cuộc đối thoại Truyền Tin, cần so sánh khung cảnh truyền tin của Thiên sứ Gabriel cho ông Zacaria và cho Đức Maria.

- Về địa điểm : Thiên sứ hiện ra với Zacaria ở đền thờ Giêrusalem, trung tâm tôn giáo của Israel, giữa làn khói hương nghi ngút. Với Đức Maria, Thiên sứ đến gặp Mẹ tại Nazareth, một thôn làng chẳng mấy ai biết đến (Ga1,46; 7,41). Nazareth thuộc miền đất Galilê, gần vùng dân ngoại (Is 8, 23; Mt 4,14).

- Về nhân vật : Zacaria là tư tế thuộc giòng Abia, Isave thuộc giòng Aaron. Cả hai ông bà thuộc thành phần có địa vị xã hội. Hai ông bà tuân giữ lề luật chu đáo (Lc 1, 6). Họ tượng trưng cho người công chính theo Cựu ước. Còn Maria chỉ là một thôn nữ tầm thường, một người nghèo của Giavê.

- Đi vào nội dung đối thoại thì hoàn toàn đảo ngược. Thái độ của Thiên sứ : * Với Zacaria : Thiên sứ coi mình như chủ nhà. Giọng nói Thiên sứ như ra lệnh, thị oai. Thiên sứ phạt Zacaria khi ông tỏ dấu nghi ngờ. * Với Maria : Thiên sứ là khách, đi đến nhà của Maria, một làng quê hẻo lánh. Thiên sứ tỏ vẻ kính cẩn vì nhìn thấy nơi thôn nữ mộc mạc dáng vẻ oai nghi của “Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng ”

- Công trạng và ân huệ * Với Zacaria: Thiên sứ bảo rằng: Lời cầu nguyện của ông đã được Chúa chấp nhận, vợ ông sẽ thụ thai (Lc 1, 13). Như vậy tất cả đều dựa trên công trạng phúc đức của con người, đúng theo tinh thần Cựu ước. * Với Đức Maria: Tất cả đều là Ân huệ của Chúa. Thiên sứ chào Maria là “người được Thiên Chúa yêu thương chiếu cố” (Lc 1,28). Mọi sự đều là ân huệ và tình thương của Chúa.

- Kết quả : Zacaria bị quở trách vì “không chịu tin vào Lời Chúa” (Lc 1, 20). Maria được ca ngợi vì “đã tin rằng Lời Chúa sẽ thực hiện” (Lc 1, 45. 38). Isave được cưu mang Gioan “sẽ làm lớn trước mặt Chúa ” (Lc 1, 15). Maria cưu mang “Con Đấng Tối Cao ” (Lc 1, 32), “Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Đức Maria, ta thấy rằng: công cuộc vĩ đại của Thiên Chúa là cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời được bắt đầu một cách rất âm thầm. Một cuộc đối thoại Truyền Tin tại một làng quê, giữa Thiên Sứ với một thôn nữ chẳng mấy người biết. Chúa Giêsu đã diễn tả sự khởi đầu bé nhỏ nhưng thành quả lại lớn lao qua dụ ngôn hạt cải: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4, 31-32). Thiên Chúa thường khởi sự những việc hết sức lớn lao bằng những việc hết sức bé nhỏ, với những con người cũng hết sức nhỏ bé. Như thế người ta mới thấy quyền năng của Ngài, mới thấy Ngài là một Thiên Chúa vĩ đại: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ”( 1Cr 1, 27). Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Thiên Chúa chọn những ai sống đẹp lòng Ngài. Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Ngài chọn Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9, 12. 16), và cũng vì Maria đẹp lòng Thiên Chúa. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ân huệ nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận. Thiên sứ nói với Đức Maria: “Quyền năng của Đấng tối cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế Đấng Thánh con của bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc. 1, 35). Tiếng quan trọng ở trong câu đó là “bao trùm lên” hay “bao phủ lên”. Lều tạm nơi dân Do Thái để hòm Giao Ước. Câu Xh 40, 34 nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ lều tạm thì “lều tạm có Thiên Chúa hiện diện”. Việc Luca chọn và dùng từ “bao trùm lên” có ý nghĩa thâm sâu. Luca so sánh thân thế Đức Maria với lều tạm nơi đặt Hòm Giao Ước của Thiên Chúa. Luca so sánh cung lòng Đức Maria nơi Đức Giêsu sẽ tới cư ngụ với Hòm Giao Ước nơi đặt hai phiến đá có ghi 10 điều răn của Thiên Chúa. Như vậy nghĩa là khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria thì có “Thiên Chúa hiện diện ” trong Mẹ. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn sự hiện diện của Ngài trong “lều tạm”. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria chính là sự hiện của Đức Giêsu bằng xương bằng thịt. Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Đức Maria đã tự do đáp tiếng “Xin vâng ”. Trong Hiến Chế Lumen Gentium số 56, Công Đồng Vatican II đã giải thích ý nghĩa quan trọng của câu chuyện Truyền Tin và sự ưng thuận tự do của Đức Maria: “Các thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại ”. Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân phục của bà Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria ; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”. Và so sánh với Evà, các Giáo phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh ” và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống ”. Trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Lần Thứ 18 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ rằng: Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria trao ban bản tính nhân loại cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ với lời tự do chấp nhận: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Dưới chân Thánh Giá, nơi thánh Gioan, Đức Maria đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn mình : “Hỡi bà, này là con bà”. Là Mẹ Thiên Chúa ngay từ lúc đầu tiên của biến cố Nhập Thể, Mẹ đã trở thành Mẹ loài người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, Con Mẹ. Cuộc đối thoại Truyền Tin là khoảnh khắc Thiên Chúa “bật mí” cái bí mật từ ngàn đời. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi muốn trở thành một con người giữa nhân loại. Và Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là để Ngài sai Con Một đến giữa chúng ta, thực hiện chương trình cứu độ của Ngài đối với trần gian. Giây phút Mẹ tự do đáp lời “Xin vâng” là khởi đầu bình mình ơn cứu độ cho thế nhân. Một lời thật ngắn nhưng âm vang cả đời. Một lời vừa biểu lộ sự hiến dâng cộng tác tích cực, vừa thể hiện niềm yêu mến tin tưởng phó thác. Mẹ Maria đã đáp “Xin vâng” không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong đời. Mẹ Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa. Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể để trở nên điều có thể. Vì “cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23).

Ngắm thứ nhất Mùa Vui: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai.

Lời kinh mỗi người chúng ta dâng lên từ mầu nhiệm này là xin cho mình được sống khiêm nhường.

Đức Maria vâng lời Chúa qua trung gian của Thiên thần. Mẹ biểu lộ nhân đức khiêm nhường tuyệt vời. Vâng phục Chúa, qua “xin vâng” như lời Thiên thần truyền. Mẹ nhận mình là một người tôi tá. Rõ ràng, trong sự vâng phục, trong tiếng xin vâng của Mẹ là một niềm trông cậy. Mẹ tin tưởng phó thác cả đời sống cho Đấng đã tuyển chọn mình. Là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ nhân loại, để từ đó một cách thường hằng, Mẹ nên Hiền Mẫu chuyển cầu che chở nâng đỡ ủi an mọi người trên đường lữ thứ trần gian. Và một cách đặc biệt, Mẹ nên nguồn cậy trông cho tất cả những ai, không phân biệt lương giáo, đang gặp phải những nỗi đau trong đời như đau đớn xác thân vì bệnh tật, đau khổ tinh thần vì thất vọng thử thách, đau buồn vì cảnh gia đình tan tác hay đau thương vì nỗi vĩnh quyết chia xa hoặc đau điếng mãn tính cấp tính vì tình đời đen bạc… Hãy bền lòng cậy trông ký thác, phần còn lại là kiên tâm làm theo hướng dẫn của Mẹ.

Đức khiêm nhường là nhân đức nền tảng, từ đó mới có thể xây dựng lâu đài các nhân đức khác. Giữa lòng Mùa Chay Thánh, mừng lễ Truyền Tin, học nơi Mẹ nhân đức khiêm nhường.

Mùa Chay là mùa sám hối để canh tân. Mùa Chay là mùa đổi đời, trút bỏ đi những gì là cồng kềnh, những gì là cũ kỹ, những gì là tăm tối, những gì là tội lỗi để khoác vào đời sống của mình một tấm áo mới trong niềm tin yêu Chúa. Lòng khiêm tốn, sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Luôn thưa xin vâng với Chúa trong khiêm nhường của người tôi tớ, để cảm nghiệm mình được hân hạnh cộng tác với Chúa và thấy Chúa đang làm biến chuyển tâm hồn sẵn sàng cưu mang Chúa trong tâm hồn mình. Đó là niềm vui muôn thưở của người Kitô hữu hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Lịch phụng vụ tháng 4 /2014
LM. An Phong Trần Đức Phương
16:18 24/03/2014
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 4/2014

Trong tháng 4 này chúng ta sẽ mừng lễ các Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay (Năm A), Lễ Lá, Tuần Thánh, Chúa Nhật Phục Sinh và Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh.

Chúa Nhật 5 Mùa Chay (Ngày 6/4): Bài Đọc 1 ( Ezekiel 37:12-14) ghi lại lời Tiên Tri Ezekiel nói về lòng thương yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài là Israel. Trong Bài Đọc 2 (Rôma 8:8-11), Thánh Phaolo nhắc nhở chúng ta " đừng sống theo xác thịt", nhưng hãy sống theo sự hướng dẫn thánh thiện của Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho "Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng sẽ cho xác phàm hay chết của chúng ta được sống, nhờ Thánh Thần của Người ngự trong chúng ta." Bài Phúc Âm (Gioan 11: 1-45) ghi lại việc Chúa Giêsu cho ông Lagiarô, là em của bà Martha và bà Maria, ở làng Betania , đã chết và táng trong mồ được bốn ngày, sống lại và đem muôn ơn an ủi cho bà Martha và Maria. Sau đó Chúa Giêssu nói " Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Vậy ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ." Ở đây Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta là nếu chúng ta sống và tin theo Chúa, chúng ta sẽ được sống đời đời.

Chúa Nhật LỄ LÁ (Ngày 13/4), Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật Thương Khó, nhưng thường được gọi là Chúa Nhật Lễ Lá, vì có phần làm phép lá và rước lá trước Thánh Lễ.

Phần Rước Lá: Giáo Dân cầm sẵn lá trên tay, Chủ Tế mặc phẩm phục màu đỏ tiến ra cùng với đoàn giúp lễ, chào cộng đoàn, đọc lời dẫn giải về ý nghĩa Thánh Lễ hôm nay, rồi đọc Lời Cầu Nguyện làm phép lá và rảy Nước Thánh trên cộng đoàn ; đoạn đọc Bài Phúc Âm (Năm A: Matthêu 21:1-11) nói về việc Chúa Giêsu cưỡi lừa và long trọng tiến vào thành Giêrusalem và dân chúng trải áo và cành lá trên đường, hân hoan tung hô, chào đón Chúa. Sau Bài Phúc Âm và dẫn giải, bắt đầu đi kiệu tiến vào Thánh Đường để cùng dâng Thánh Lễ.

Các Bài Đọc trong Thánh Lễ: Bài Đọc 1 (Isaia 50: 4-7) là những lời Tiên Tri Isaia nói về sự Thương Khó Đấng Cứu Thế sẽ phải chịu để chuộc tội nhân loại. Trong Bài Đọc 2 (Philiphê 2: 6-11) Thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: " Dầu là Thiên Chúa thật, nhưng Ngài đã hạ mình xuống làm người" và chịu những khổ nạn và chết trên Thánh Giá để cứu chuộc loài người chúng ta; vì thế "Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài" và mọi loài thụ tạo phải thờ lạy Ngài. Bài Phúc Âm (Năm A) là Bài Thương Khó trích trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu (26:14 - 27:66), nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ lúc Ngài ăn Bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ và lập Bí Tích Thánh Thể và truyền chức Linh Mục cho các Tông Đồ, rồi cùng với các Tông Đồ ra đi cầu nguyện tại Vườn Cây Dầu, rồi để cho quân lính bắt, trói và dẫn đi, rồi chịu hành hạ thật đau đớn, sau đó bị đóng đinh vào Thánh Giá, chịu chết, và táng trong mồ. Thánh Lễ hôm nay mở đầu Tuần Thương Khó (Tuần Thánh), đặc biệt với Tam Nhật Thánh: Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) và Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday).

THỨ NĂM TUẦN THÁNH (Ngày 17/4) (Kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh).

Thánh Lễ Buổi Sáng: Hôm nay, buổi sáng, trong các Giáo Phận chỉ có một Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa, gọi là Thánh Lễ Làm Phép Dầu, vì có phần làm phép Dầu: Dầu Dự Tòng, Dầu Thánh, Dầu Bệnh Nhân. Thánh Lễ này cũng là dịp các Linh Mục trong toàn Giáo Phận tụ họp về Nhà Thờ Chính Tòa để tỏ lòng hiệp thông với Đức Giám Mục và anh em Linh Mục trong Giáo Phận, trước sự hiện diện của Giáo Dân cùng dâng lễ. CÁC BÀI DỌC: Bài Đọc 1: (Isaia 61:1-3,6,8,9) là những lời Tiên Tri về Đấng Kitô sẽ được Chúa Thánh Thần thánh hiến và ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ và đem nguồn an ủi cho mọi người đau khổ trên thế giới. Bài Đọc 2 (Khải Huyền 1:5-8) nói về Chúa Giêsu Kitô đã chịu nạn chịu chết để chuộc tội nhân loại, và đã sống lại, và lên trời vinh hiển để mở đường về quê trời cho chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 4:16-21) ghi lại việc Chúa Giêsu về thăm quê hương Nagiarét, và ngày Sabat, Ngài vào Hội Đường để giảng dạy cho dân chúng về chính đoạn sách tiên tri Isaia (Xin xem Bài Đọc 1) nói trước về Ngài.

Trong bài giảng sau Phúc Âm, Đức Giám Mục sẽ mời gọi các Linh Mục hãy trung thành với chức Linh Mục đã lĩnh nhận, và cố gắng chu toàn các bổn phận Đức Giám Mục đã trao phó để chăn dắt đoàn chiên Chúa trong Giáo Phận. Sau đó Đức Giám Mục hỏi các Linh Mục những câu hỏi để các Linh Mục đáp lại lời đã hứa khi chịu chức Linh Mục. Và Đức Giám Mục mời gọi Giáo Dân đang hiện diện hãy luôn nhớ cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho các Linh Mục; Đức Giám Mục cũng xin các Linh Mục và Giáo Dân hãy cầu nguyện cho Ngài để nhờ ơn Chúa giúp, Ngài có thể chu toàn nhiệm vụ của mình. Sau đó, Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ.

Tại Hoa Kỳ, trong các giáo phận rộng lớn, thường tổ chức Lễ Chầu Dầu vào Thứ Năm trước Thứ Năm Tuần Thánh một tuần, và vào buổi chiều, để các Linh Mục và Giáo Dân các nơi có thể đến dâng Thánh Lễ dễ dàng hơn, đông đủ hơn.

Thánh Lễ buổi chiều: Tại mọi Giáo Xứ cũng chỉ có một Thánh Lễ để quý Cha và Giáo Dân trong Giáo Xứ cùng hiệp Dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, Giáo Xứ nào quá rộng lớn và số Giáo Dân quá đông, thì Cha Xứ xin phép Đức Giám Mục Giáo Phận để dâng thêm Thánh Lễ tại các Nhà Thờ các "Họ Lẻ" để Giáo Dân có thể đến cùng dâng Thánh Lễ. Thánh Lễ chiều nay để kỷ niệm việc Chúa Giêsu và các Tông Đồ ăn bữa tối cuối cùng trước khi Chúa Giêsu chia tay với các Tông đồ để đi vào cuộc khổ nạn cứu chuộc nhân loại; vì thế gọi là Thánh Lễ Tiệc Ly. Trong Thánh Lễ chiều nay có đọc (hoặc hát) Kinh Vinh Danh, nhưng không đọc Kinh Tin Kính. Khi đọc (hoặc hát) Kinh Vinh Danh thì rung chuông, sau đó không rung chuông nữa cho đến Lễ Phục Sinh. Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 ( sách Xuất Hành 12: 1-8,11-14) nói về các luật lệ Cứu Ước phải giữ khi mừng Lễ Vượt Qua hằng năm của người Do Thái để kỷ niệm việc Thiên Chúa đã làm những phép lạ kỳ diệu để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ để về lại Quê Hương Palestine. Bài Đọc 2 (1 Côrintô 11: 23-26) ghi lại Bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu cùng ăn với các Tông Đồ. Trong bữa ăn đó, Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh, và truyền chức Linh Mục cho các Tông Đồ (trừ Giuda; đã ra đi để dẫn quân lính đến bắt Chúa Giêsu). Bài Phúc Âm (Gioan 13: 1-15) ghi lại việc Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly và dạy các Ngài bài học yêu thương và khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Trong Bài Giảng, Chủ Tế sẽ đề cập đến việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh , và cũng nói đến việc Chúa Giêsu hạ mình xuống rửa chân cho các Tông Đồ để dạy chúng ta bài học yêu thương, khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Sau Bài Giảng, Chủ Tế làm nghi thức rửa chân cho các vị đại diện Giáo Dân trong Giáo Xứ. Tiếp theo là Lời Nguyện Giáo Dân. Rồi Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ. Sau Thánh lễ sẽ kiệu Mình Thánh Chúa về Bàn Thờ cạnh hoặc Nhà Nguyện và chầu Mình Thánh Chúa cho đến nửa đêm.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH (Ngày 18/4) (Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu)

Hôm nay đặc biệt tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để chuộc tội nhân loại. Hôm nay ăn chay và kiêng thịt. Đặc biệt nên suy ngắm Đàng Thánh Gía trọng thể vào buổi chiều. Hôm nay không có Thánh Lễ, chỉ có cuộc cử hành nghi Thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vào buổi chiều; nếu có thể được nên cử hành vào lúc 3 giờ chiều. Các nghi thức gồm có 3 phần:

Phần 1: Phụng Vụ Lời Chúa và các Lời Cầu Nguyện. Chủ Tế mặc phẩm phục đỏ cùng với đoàn giúp lễ, tiến ra trước Bàn Thờ, quỳ gối cầu nguyện một lúc, rồi đứng lên và về ghế Chủ Tế, quay về phía Giáo Dân, đọc lời Cầu Nguyện; tiếp theo là các Bài Đọc do Giáo Dân đọc. Bài đọc 1 (Isaia52:13-53:12). Bài Đọc 2 (Thơ Do Thái 4:14-16;5:7-9). Bài Phúc Âm là Bài Thương Khó (Phúc Âm Gioan 18:1-19:42). Sau Bài Giảng là những lời cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Đức Giáo Hoàng, cho hàng Giáo Sĩ và Giáo dân, cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, cho những người không tin Chúa Kitô, cho những người vô thần, cho chính quyền, cho những người đau khổ.

Phần 2: Suy Tôn Thánh Giá: Chủ tế và đoàn tùy tùng đi xuống cuối Nhà Thờ rước Thánh Giá lên Bàn Thờ, quỳ xuống thờ lạy và hôn kính Thánh Giá Chúa; rồi Giáo Dân tuần tự đi lên, quỳ gối hôn kính Thánh Giá.

Phần 3: Rước Mình Thánh Chúa; sau đó Chủ Tế đọc Lời Cầu Nguyện kết thúc, không ban phép lành; mọi người yên lặng ra về.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH (ngày 19/4): (Kỷ niệm Chúa Giêsu nằm trong mồ). Hôm nay cũng không có Thánh Lễ cho đến Thánh Lễ Vọng Phục Sinh vào ban tối; thường là vào nửa đêm.

Thánh Lễ Vọng Phục Sinh gồm 4 phần: Phần 1: Làm phép Nến Phục Sinh tại cuối Nhà Thờ và rước Nến Phục Sinh lên cung thánh; rồi tuyên bố Tin Mừng Phục Sinh. Phần 2: Phụng Vụ Lời Chúa, gồm các Bài Đọc trích trong Cựu Ước, kèm theo những Lời Cầu Nguyện; rồi Bài Thánh Thư (Rôma 6: 3-11), Bài Phúc Âm (Năm A) (Matthêu 28:1-10). Làm Phép Nước Thánh, lập lại lời tuyên hứa khi chịu phép Rửa Tội, ban phép Rửa Tội cho các Dự Tòng (nếu có), vẩy Nước Thánh trên dân chúng. Phần 4: Lời Nguyện Giáo Dân. Sau lời nguyện Giáo Dân, Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ.

Chúa Nhật PHỤC SINH (Ngày 20 /4): Bài Đọc 1 (Công Vụ 10: 10:34,37-43) ghi lại Bài Giảng của Thánh Phêrô tóm tắt cuộc đời Chúa Giêsu từ khi ra đi rao giảng Tin Mừng cho dân chúng, rồi bị bắt, bị hành hạ và bị giết trên Thánh Giá; nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại và hiện ra với các Tông Đồ và nhiều người khác; rồi sai các Tông Đồ đi rao giảng. Trong Bài Đọc 2 (Côlôssê 3: 1-4), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời vinh hiển, vậy chúng ta hãy luôn "hướng tâm trí về quê trời, chứ đừng đam mê những sự dưới đất." Qua cái chết, chúng ta cũng sẽ được về hưởng vinh quang Nước Chúa.(Cũng có thể đọc 1 Côrintô 5: 6-8). Bài Phúc Âm (Gioan 20: 1-9) ghi lại vào sáng sớm ngày đầu tuần, các bà đạo đức đi xức xác Chúa Giêsu mà không thấy xác Chúa, liền chạy vội về báo tin cho ông Pherô và Gioan, hai ông liền chậy vội ra mộ để xem và thấy mộ trống; lúc đó Gioan "đã thấy và đã tin" Chúa đã sống lại thật như lời Người đã hứa. Nếu dâng Thánh Lễ vào ban chiều thì có thể lấy Bài Phúc Âm theo Thánh Luca (24: 13-35) nói về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi về làng Emmau; hai ông vội trở lại Giêrusalem báo tin cho các Tông Đồ.

Tuần Lễ tiếp theo Chúa Nhật Phục Sinh được gọi là Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, đặc biệt cầu nguyện cho các Tân Tòng được ơn vững mạnh trong Đức Tin và sống Đức Tin trong cuộc sống hằng ngày. Cũng là Tuần Lễ để chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta được luôn biết cảm tạ Chúa đã ban Bí Tích Rửa Tội cho chúng ta, để chúng ta chết đi với tội lỗi và luôn sống xứng đáng các Tín Hữu của Chúa, và lo chu toàn bổn phận truyền giáo, tìm mọi dịp để đem Chúa đến cho mọi người chung quanh chúng ta.

Chúa Nhật 2 MÙA PHỤC SINH (Ngày 27/4):

Chúa Nhật hôm nay cũng được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót; đặc biệt để kính lòng Chúa thương xót chúng ta thật sâu xa đến nỗi đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian, mặc lấy thân phận con người để chia sẻ cuộc sống của chúng ta, để rao giảng Tình Chúa Thương Xót cho chúng ta, đã chịu nạn chịu chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta, đã sống lại và về trời để mở đường về trời cho chúng ta (Chúng ta nhớ lại Kinh Tin Kính); tất cả là vì tình yêu thương đối với chúng ta, đúng nhứ lời Thánh Gioan nói: "Thiên Chúa là Tình Yêu!" (1 Gioan 4:8).

Các Bài Đọc: Chúng ta nên lưu ý, trong Mùa Phục Sinh , Bài Đọc 1 thường được trích trong Sách Tông Đồ Công Vụ, là cuốn sách ghi lại các hoạt động truyền giáo của các Tông Đồ, sau khi Chúa Giêsu đã lên trời. Bài Đọc 2 thường được trích trong Sách Khải Huyền, là cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh, viết theo thể văn Khải Huyền (thường thịnh hành vào thời đó ), gồm những thị kiến tác giả đã được lĩnh nhận và ghi lại để an ủi các Tín Hữu đang bị bách hại vào thời các Thánh Tông Đồ. Bài Phúc Âm thường được trích trong sách Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Bài Đọc 1 hôm nay (Cv 2:42-47) nói đến tinh thần sống đạo rất cao của các Tín Hữu thời đó: "Mọi người đều sống hòa hợp với nhau, để mọi sự làm của chung ....Hằng ngày họ hiệp nhất một lòng một ý cùng nhau trong Đền Thờ, bẻ Bánh ở nhà..." Các Tông Đồ thì làm nhiều phép lạ thật phi thường.....Hằng ngày Chúa cho gia tăng số các tín hữu." Bài Đọc 2 (1 Phêrô 1: 3-9) ghi lại những lời của Thánh Phêrô ca ngợi lòng Chúa thương xót : "Nhờ việc Đức Chúa Giêsu từ cỏi chết sống lại, người tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hề hư nát..." và "mặc dầu bây giờ chúng ta còn phải sầu khổ ít lâu, giữa trăm chiều thử thách, để Đức Tin của chúng ta được tôi luyện, trở nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần..." Bài Phúc Âm (Gioan 20: 19-31) ghi lại lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ (mà không có mặt Tôma ở đó), và Chúa chúc bình an cho các ông, rồi cho các ông "xem tay và cạnh sườn của Chúa" để củng cố niềm tin vào việc Chúa đã sống lại, rồi Chúa Giêsu ban ơn Chúa Thánh Thần cho các ông và ban quyền tha tội cho các ông : " Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc." Tiếp theo là lần Chúa hiện ra có cả Tôma và bảo ông hãy xỏ ngón tay con vào đây, và đừng cứng lòng nữa!" Rồi Chúa Giêsu cũng nói: "Hỡi Tôma, vì con trông thấy Thầy, nên con mới tin; nhưng phúc cho ai không thấy mà tin!" Đó là điều chúng ta phải ghi nhớ luôn trong tâm trí và dâng lời cảm tạ Chúa, vì " chúng ta không thấy mà tin."

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn giữ vững Đức Tin, vượt qua mọi gian nan khốn khó trên đường tiến về Nước Chúa để hưởng hạnh phúc đời đời. Xin Chúa cũng giúp chúng ta đoàn kết thương yêu nhau và tìm mọi dịp để đem Đức Tin đến cho mọi người chung quanh chúng ta, giữa gia đình, tại Cộng Đoàn, ở sở làm.

Xin Chúa, nhờ lời Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và các Thánh chuyển cầu, ban muôn ơn lành cho chúng ta, và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn. Chúng ta cũng cầu nguyện cho toàn thể Giáo Hội; đặc biệt cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam và các nơi đang bị bách hại.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:48 24/03/2014
YÊU VÀ HAY QUÊN
N2T

Chồng nói:
- “Tại sao bà cứ nhắc mãi chuyện cũ của tôi, tôi nghĩ rằng bà đã quên rồi chứ, không phải bà đã tha thứ cho tôi rồi hay sao ?”
Vợ nói:
- “Quả thật là tôi đã tha thứ cho ông rồi và cũng đã quên mất chuyện đó, tôi chỉ muốn xác định chút xíu là ông không quên cái chuyện mà tôi đã tha thứ cho ông rồi.”

Suy tư:
Có mẫu đối thoại như thế này:
- “Môn đồ nói: Lạy Chúa, xin đừng nhớ những tội của con.”
- Thiên Chúa trả lời: Tội, tội gì, con bất tất phải kích động trí nhớ của Ta, bởi vì Ta đã quên nó từ rất lâu rồi.”

Thiên Chúa là Đấng hay quên những tội lỗi của những tâm hồn thống hối ăn năn, và mau mắn ban ơn cho những kẻ thành tâm tìm kiếm Ngài.
Chúng ta thường hay quên những việc tốt đẹp mà tha nhân đã làm cho mình, và nhớ dai những gì mình đã làm cho tha nhân; chúng ta thường hay quên những khuyết điểm to lớn của mình và nhớ mãi những khuyết điểm nhỏ của tha nhân, đó không phải là việc không công bằng đó sao ?
Nhớ mãi những khuyết điểm của mình để sửa đổi, quên ngay khuyết điểm của anh em để tha thứ.
Yêu và hay quên là bí quyết của người môn đệ của Đức Chúa Giê-su vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:52 24/03/2014
N2T

5. Công hiệu của năng lực cầu nguyện là đến từ đức ái, nhưng năng lực để cầu nguyện cho được hiệu quả, vẫn là do đức tin và đức cậy của mình.

(Thánh Thomas de Aquino)
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế
LM. G. Trần Đức Anh OP
12:05 24/03/2014
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 24-3-2014, dành cho Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, ĐTC đề cao cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như ”trường học lớn nhất dành cho những ai dấn thân phục vụ anh chị em bệnh nhân và người đau khổ.

80 tham dự viên, gồm các HY, GM, LM và nhiều chuyên gia cố vấn tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế về đề tài ”Làm điều thiện với đau khổ và làm điều thiện cho người đau khổ”, một câu trích tứ Tông thư Salvifici doloris, Khổ đau cứu độ, của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 (n.30), công bố cách đây 30 năm.

ĐTC Phanxico khẳng định rằng: ”Thực sự là cả trong đau khổ, không ai bị đơn độc, vì Thiên Chúa trong tình yêu thương từ bi của Ngài đối với con người và thế giới đã ấp ủ cả những hoàn cảnh vô nhân đạo nhất, trong đó hình ảnh của Đấng Tạo Hóa hiện diện nơi mỗi người bị lu mờ hoặc biến dạng. Chúa Giêsu cũng chịu như thế trong cuộc khổ nạn. Nơi Chúa, mọi đau khổ, lo âu đau đớn của con người được đón nhận với lòng yêu mến, với ý muốn được gần gũi và ở với chúng ta. Chính nơi đây, trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có trường học lớn nhất đối với bất kỳ người nào muốn dấn thân tận tụy phục vụ anh chị em bệnh nhân và ngừơi đau khổ”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Kinh nghiệm về sự chia sẻ huynh đệ với người đau khổ mở cho chúng ta vẻ đẹp đích thực của cuộc sống con người, trong đó có bao gồm cả sự dòn mỏng. Khi bảo vệ và thăng tiến sự sống con người, ở bất kỳ giai đoạn và thân phận nào, chúng ta có thể nhận ra phẩm giá và giá trị của mỗi người, từ lúc mới được thụ thai cho đến lúc chết”. (SD 24-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP
 
Một số nhận định của linh mục Antonio Spadaro, giám đốc Nguyệt san ”Văn minh công giáo” của dòng Tên
Linh Tiến Khải
15:00 24/03/2014
Một số nhận định của linh mục Antonio Spadaro, giám đốc Nguyệt san ”Văn minh Công Giáo” của dòng Tên

Từ khi lên giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ cách đây một năm, Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên lập đi lập lại ý niệm ”gặp gỡ”, và mời gọi mọi thành phần dân Chúa và cơ cấu Giáo Hội ra khỏi chính mình, để đi đến gặp gỡ tha nhân trong các vùng ngoại biên của cuộc sống. Ngài cũng hay nói tới ”nền văn hóa gặp gỡ” và đối chọi nó với ”nền văn hóa loại bỏ” trong tâm thức của con người sống trong xã hội tiêu thụ hưởng thụ ngày nay. Có thể nói gặp gỡ là ”phạm trù chìa khóa” trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngay trong phần đầu của chương thứ nhất Tông huấn ”Niềm vui của Tin Mừng” Đức Thánh Cha đã trình bầy hình ảnh một Giáo Hội được mời gọi ra đi, tới nơi Thiên Chúa chỉ cho, như Thiên Chúa đã làm với tổ phụ Abraham, với ông Môshê, với ngôn sứ Giêrêmia. ”Hãy ra đi” cũng là lệnh Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho các môn đệ. Nó bao gồm các quang cảnh và các thách đố luôn mới mẻ trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Và chúng ta tất cả đều được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng: ra khỏi các khung cảnh tiện nghi dễ dãi của cuộc sống để can đảm đi đến tất cả các vùng ngoại biên cần ánh sáng của Tin Mừng. Cộng đoàn Giáo Hội được mời gọi ra đi để gặp gỡ mọi người và loan báo Chúa Kitô cho họ.

Để có thể rao truyền Tin Mừng một cách hữu hiệu, mọi tín hữu phải tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, sống mối dây thân tình với Người để noi theo gương sống và hành xử của Người: kiểu người gặp gỡ tiếp đón người nghèo, các cử chỉ lời nói và việc làm của Người, sự quảng đại đơn sơ và hoàn toàn tận tụy trong cuộc sống thường ngày của Chúa đối với tất cả mọi người. Kiểu găp gỡ của Chúa Giêsu phải là mẫu gương cho kiểu gặp gỡ của chúng ta với nhau giữa các kitô hữu và với tất cả mọi người khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của linh mục Antonio Spadaro, Giám đốc nguyệt san ”Văn minh Công Giáo” của dòng Tên về điểm này.

Hỏi: Thưa cha Spadaro, tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô hay dùng từ ”gặp gỡ” như vậy: gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân, gặp gỡ nhau... ?

Đáp: Đức Thánh Cha Phanxicô có một quan niệm thừa sai về Giáo Hội: ngài đang làm việc và sẽ làm việc cho một sự biến đổi truyền giáo của Giáo Hội. Điều này có nghĩa là Giáo Hội, như ngài thấy, là tuyệt đối hướng tới thế giới, rộng mở cho thế giới, bởi vì Đức Thánh Cha muốn rằng Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người, cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào trong đó tín hữu sinh sống. Như thế, ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô là một thứ ngôn ngữ tự nhiên, bình thường. Mục đích của ngài là đến với tất cả mọi người.

Hỏi: Sự chú ý tới châu Mỹ Latinh, chiều kích tin mừng mục vụ, cải tổ các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, cải tổ các tương quan với các Giáo Hội khác: đó là vài điểm đặc thù trong năm đầu tiên triều đại của ngài. Theo cha, chúng ta có thể thấy trước được một sự thay đổi bước đi trong các lãnh vực nào nữa trong các tháng tới hay không?

Đáp: Chúng ta không biết được. Và có lẽ cả Đức Thánh Cha cũng không biết, trong nghĩa triều đại của ngài không có trong trí các tư tưởng trừu tượng cần áp dụng cho thực tại, bằng cách nhào nặn nó theo quan điểm riêng của mình. Thực ra, Đức Thánh Cha tiến tới từng bước một, bằng cách phân định lịch sử, đồng hành với các tiến trình đang có trong Giáo Hội, đương nhiên là trong tương quan với cuộc sống của thế giới. Điều này có nghĩa là điều quan trọng nhất đối với Đức Thánh Cha là theo dõi những gì xảy ra và duyệt xét tiến trình cải tổ như là một cuộc canh cải từ bên trong. Chắc chắn là có một dữ kiện rất hiển nhiên nơi sự kiện ngày nay trong sự phát triển của nó Giáo Hội rất gắn bó với các Giáo Hội trẻ, và như thế đang có sự thay đổi viễn tượng, sự thay đổi quan niệm. Đó là ơn ngôn sứ hiện diện trong cuộc sống của các Giáo Hội trẻ đang bước vào tràn đầy trong cuộc sống bình thường của Giáo Hội, và như thế cũng qua các vị đại diện của nó trong các cơ cấu ở trung ương nhất.

Hỏi: Có điều gì là của thánh Ignazio và điều gì là của thánh Phanxicô trong triều đại của Đức Bergoglio thưa cha?

Đáp: Đức Bergoglio đã được đào tạo một cách triệt để theo linh đạo của thánh Ignazio ngay từ khi còn trẻ, vì thế kiểu ngài hành xử, nhìn và duyệt xét thực tại một cách triệt để được gắn liền với linh đạo này. Đó là một linh đạo hiển nhiên theo tinh thần Tin Mừng, chú ý rất nhiều tới sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Nó không phải là một linh đạo lạc quan - Đức Thánh Cha không thích từ này - nhưng chắc chắn nó là một linh đạo tràn đầy niềm hy vọng. Điều này có nghĩa là đối với Đức Thánh Cha, Chúa đã hành động trong thế giới, vì thế chúng ta luôn luôn tới sau, và chúng ta phải thừa nhận sự hiện diện của Người. Và đó là sự phân định. Như thế, trước hết tôi sẽ nói rằng triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một triều đại của sự phân định xem Chúa đang di chuyển trong thế giới như thế nào, trong nghĩa này thì nó theo tinh thần của thánh Iganzio và dòng Tên một cách sâu xa. Và nó cũng theo tinh thần của thánh Phanxicô trong nghĩa Ignazio nhất của từ này, bởi vì linh đạo của thánh Phanxicô được sống bên trong linh đạo của thánh Ignazio. Điều này chắc chắn đưa Đức Thánh Cha tới chỗ rất chú ý đến sự nghèo khó và điều nòng cốt. Tuy nhiên, cũng có một chiều kích khác rất hiện diện nơi thánh Phanxicô đó là chiều kích của sự tái thiết. Chúng ta biết rằng giấc mơ đã ghi đậm dấu trong cuộc đời của thánh Phanxicô đó là giấc mơ tái thiết Giáo Hội, giấc mơ sự hiện diện của các đổ nát trong thế giới. Khi đó hình ảnh ”bệnh xá chiến trường”, hình ảnh của các tình trạng trong đó cần tái thiết, rất hiện diện trong triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Vào tháng tư tới đây sẽ có lễ phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II; rồi tháng 5 có chuyến viếng thăm Thánh Địa và tháng 8 có chuyến công du Nam Hàn, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới Trẻ Á châu lần thứ 6. theo cha có sợi chỉ nào nối liền ba biến cố xem ra khác nhau này không?

Đáp: Gặp gỡ là phạm trù chìa khóa của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có sự gặp gỡ với lịch sử, với các gương mặt lớn của qúa khứ mới đây. Ngoài ra cũng thật là hay việc phối hợp hai triều đại giáo hoàng vĩ đại này trong một cách thức rất khác biệt nhau. Thế rồi còn có cuộc gặp gỡ với thực tại của vùng Trung Đông, vô cùng phức tạp; rồi tới cuộc gặp gỡ lớn với Đại Hàn, nghĩa là cuộc gặp gỡ với giới trẻ của đại lục Á châu, ngày nay là đại lục có năng lực rất to lớn, có tiềm năng lớn đối với cả cuộc sống của Giáo Hội nữa.

Hỏi: Theo cha, Đức Thánh Cha Phanxicô có gặp phải vài khó khăn nào trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của ngài hay không?

Đáp: Chắc hẳn là có biết bao nhiêu là khó khăn chứ; tuy nhiên, điều đánh động tôi và tôi cũng đã nói chuyện với ngài, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 năm ngoái - đó là Đức Thánh Cha ý thức được các vấn đề đó, nhưng ngài sống thái độ nền tảng rất thanh thản. Chính ngài đã nói lên đều này: ngài ăn ngủ ngon, nghĩa là ngài cảm thấy một sự bình an nội tâm rất lớn, khiến cho ngài khỏe mạnh và cũng cho phép ngài đương đầu với các khó khăn với sự rất đơn sơ và ngay lập tức. Có lẽ sự mới mẻ trong kiểu sống của ngài có thể gây vài khó khăn cho vài người, trong khi trái lại ngài muốn là một con số của cuộc sống tin mừng.

Hỏi: Nếu cha có phải phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô ngày mai, thì cha sẽ hỏi ngài cái gì?

Đáp: Tôi không biết, bởi vì phỏng vấn ngài thực sự đã là một kinh nghiêm tinh thần lớn, một kinh nghiệm hoàn toàn cởi mở. Vì vậy tôi sẽ nói rằng tôi đứng trước mặt ngài, và bắt đầu từ điều Đức Thánh Cha muốn nói. Và đối với tôi đó sẽ là điều hay nhất.

(RG 13-3-2014)

Linh Tiến Khải
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Giám mục Guinea Conakry
LM. G. Trần Đức Anh OP
15:04 24/03/2014
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Giám mục Guinea Conakry

VATICAN. Sáng 24-3-2014, ĐTC đã tiếp kiến 3 GM nước Guinea Conakry và ngài khích lệ Giáo Hội địa phương kiên cường trước công tác truyền giáo mênh mông, đoàn kết và làm chứng tá cho các giá trị Tin Mừng bằng chính cuộc sống.

Guinea Conakry ở miền tây Phi châu, rộng gần bằng 2 phần 3 Việt Nam với gần 250 ngàn cây số vuông. Trong số 10 triệu rưỡi dân cư nước này, có tới 85% là tín hữu Hồi giáo, và chỉ có 250 ngàn tín hữu Công Giáo.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao một người con nổi bật của Giáo Hội Guinea đang phục vụ tại Tòa Thánh là ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm. Ngài cũng nói rằng:

”Nhìn dưới con mắt con người, những phương diện truyền giáo của Giáo Hội anh em không có gì đáng kể, nhưng thay vì nản chí anh em không bao giờ được quên rằng việc loan báo Tin Mừng là công trình của chính Chúa Giêsu, vượt lên trên tất cả những gì chúng ta có thể khám phá và hiểu (Xc Evangelii Gaudium, n.12)... Tuy nhiên để Tin Mừng đánh động và hoán cải các tâm hồn trong chiều sâu, chúng ta phải nhớ rằng chỉ khi nào hiệp nhất trong tình yêu thương thì chúng ta mới có thể làm chứng về chân lý của Tin Mừng như lời Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: ”Ước gì chúng nên một để thế gian tin” (Ga 17,21)... Những bất hòa giữa các tín hữu Kitô là chướng ngại lớn nhất cản trở việc loan báo Tin Mừng. Chia rẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của những nhóm lợi dụng sự nghèo đói và dễ tin của dân chúng để đề nghị cho họ những giải pháp dễ dàng, nhưng là ảo tưởng, đối với các vấn đề của họ”.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Trong một thế giới bị thương tổn vì các cuộc xung đột bộ tộc, chính trị và tôn giáo, các cộng đoàn của chúng ta phải có đặc tính huynh đệ đích thực và được hòa giải, điều này luôn luôn là một ánh sáng thu hút” (Evangelii Gaudium, n.100)... Để việc loan báo Tin Mừng mang lại thành quả, toàn thể cuộc sống của chúng ta phải phù hợp với Tin Mừng mà chúng ta loan báo”.

ĐTC không quên ca ngợi sự sống động trong đời sống của các giáo phận ở Guinea Conakry về nhiều phương diện, đặc biệt là sự dấn thân của các giáo lý viên trong việc mục vụ (SD 24-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP
 
Đừng phán xét kẻ khác .
Pt Huỳnh Mai Trác
16:39 24/03/2014

Tôi là ai mà phán xét kẻ khác ? Đó là câu hỏi cần đặt ra cho chính mình để nhường chổ cho lòng thương xót, một thái độ công chính để xây dựng hòa bình giữa con người, giữa những quốc gia và chính trong nội tâm .Và để có lòng thương xót thì phải biết thú nhận mình là người tội lỗi và mở rộng cỏi lòng để quên đi những điều người khác xúc phạm đến mình .

“Muốn có lòng thương xót cần hai điều kiện” .Việc đầu tiên là tìm hiểu chính mình .Như vậy đó là bước đầu tiên, nhận biết chính mình cũng đã làm nhiều điều xằng bậy : chúng ta là những kẻ tội lỗi !” Cũng cần nhận thức và nói lên rằng : “Lạy Chúa, con lấy làm hổ thẹn những việc xấu con đã làm trong cuộc đời của con “ .

Thái độ thứ hai để có lòng thương xót là mở rộng con tim” . Đó là sự hổ thẹn cùng lòng sám hối hòng mở rông con tim nhỏ nhen, ích kỷ, để nhường chổ cho lòng thương xót của Chúa tha thứ cho chúng ta” Mở rộng con tim là gì ? Việc trước tiên là nhìn nhận mình là người tội lỗi và đừng nhìn đến việc làm của người khác .

Và câu hỏi căn bản là như vầy : “Tôi là ai mà đi phán xét kẻ kihác ? Tôi là ai mà dám nói như thế ? Tôi là ai, bởi vì tôi cũng đã làm nhều điều còn tệ hơn thế nữa ? Lại nữa Chúa Kitô cũng đã nói trong Phúc Âm: Đừng phán xét để khỏi bị Thiên Chúa phán xét; đừng kết tội ai để khỏi bị Thiên Chúa kết tội, hãy tha thứ thì Thiên Chúa cũng tha thứ cho anh em . Hãy cho đi thì Thiên Chúa cũng sẽ ban cho nhiều thêm: hãy đong đầy đấu, chặt chẻ, tràn đầy thì Thiên Chúa cũng sẽ ban cho anh em như vậy” .

Đó là sự rộng lượng của con tim mà Chúa đã diễn tả qua hình ảnh của những người đi gặt lúa mà trải bị ra và Chúa đã ban cho tràn đầy” . BởI vậy nếu bạn có một con tim quảng đại thì bạn sẽ được nhận lãnh rất nhiều điều giàu có !.

Một quả tim rộng lượng không dòm ngó vào đời sống kẻ khác, không kết tội nhưng luôn tha thứ và quên đi “, như Thiên Chúa đã quên đi mọi tội lỗi của tôi và tha thứ tất cả” .

Muốn có được lòng thương xót, thì phải kêu nài đến Chúa “vì đó là một ân sủng” và muốn có hai thái độ này : nhận biết tội lỗi của chính mình và có lòng biết hổ thẹn “ và quên đi những nhục mạ xúc phạm của kẻ khác đối với mình . Người có lòng thương xót đại lượng, luôn xin lỗi kẻ khác và suy tư về tội lỗi của chính mình”. Và khi một ai nói với họ : Anh chị có thấy người đó làm điều xấu ấy không ? và họ đại lượng trả lời rằng : Những điều tôi đã làm cũng đủ cho tôi suy nghĩ rồi “.

Đây chính là con đường của lòng thương xót mà chúng ta cần đi theo” .Nếu chúng ta, mọi người , mọi quốc gia, mọi gia đình, mọi làng xóm cùng có thái độ như vậy, Đức Giáo Hòang than lên thì thế giới này sẽ sống trong hòa bình . Ước gì hòa bình ngự trị trong tim của chúng ta, bởi lòng thương xót chắc chắn sẽ mang lại sự an bình trong tâm hồn của chúng ta !(Nguồn Tin: News.va)

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Yên Linh, GP Vinh mừng lễ bổn mạng thánh Giuse
Hoàng Đức Nguyên
10:12 24/03/2014
GIÁO XỨ YÊN LĨNH GP VINH MỪNG BỔN MẠNG THÁNH GIUSE

Để tạo điều kiện thuận tiện cho mọi công việc của giáo xứ cũng như thuận lợi cho bà con và quan khách xa gần đến chia sẻ niềm vui mừng lễ quan thầy của Giáo họ. Năm nay, giáo xứ Yên Lĩnh nói chung, cách riêng là bà con giáo họ nhà xứ Yên Lĩnh long trọng mừng lễ Thánh Giuse quan thầy vào ngày 24 tháng 03 năm 2014 (Thứ 2 sau Chúa Nhật III Mùa Chay). Thánh lễ bắt đầu vào lúc 08h00, do cha Giuse Nguyễn Xuân Phương chủ sự, đồng tế với Ngài có cha quản xứ Antôn Lê Xuân Trường, quý cha trong và ngoài Giáo Hạt Bột Đà, cùng đông đảo giáo dân trong ngoài giáo xứ quy tụ nơi đây để hiệp dâng thánh lễ và chung chia niềm vui với bà con giáo họ trị sở.

Xem Hình

Giáo họ Yên Lĩnh gồm 60 hộ dân thuộc địa bàn của hai xã Lĩnh Sơn và Cao Sơn. Tuy là giáo họ trị sở nhưng hầu hết các gia đình ở cách xa nhà thờ giáo xứ. Nhưng không vì thế mà đời sống đạo đi xuống, trái lại mỗi một gia đình luôn biết sống đoàn kết, bác ái yêu thương nhau, xây dựng đời sống Đức Tin một cách lớn mạnh, hăng say trong các công việc của giáo họ và của giáo xứ. Và để chuẩn bị cho ngày lễ Thánh Quan Thầy, Cha chánh xứ Antôn Lê Xuân Trường đã dành một tuần để tĩnh tâm, giải tội cho bà con, hầu cho mọi tín hữu của mình múc trọn những ơn lành của Chúa trong ngày lễ Quan Thầy.

Khởi đầu thánh lễ cha chủ tế Giuse mời gọi mọi người trong giáo họ phải luôn biết noi gương Thánh Giuse mà sống và làm chứng cho Chúa, cho Giáo Hội trong chính môi trường sống của mọi người. Cũng trong bài chia sẽ của cha Giuse Ngô Văn Hậu (Quản xứ Quan Lãng) Ngài nhấn mạnh mọi người, mọi gia đình hãy sống đúng với tinh thần của Năm Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình, biết noi gương gia đình Thánh Gia để sống Đức tin qua bao thử thách, biết hy sinh phục vụ, biết tín thác, sống công chính để làm chứng và đem Chúa đến với mọi người xung quanh, hầu cho thánh ý Chúa được thể hiện, trên mọi người, trên mọi gia đình để Nước Chúa luôn được hiển thị và và Danh Chúa được tỏa sáng.

Noi gương bắt chước thánh Quan Thầy, cầu mong cho mọi thành phần trong giáo họ trị sở luôn biết noi gương bắt chước thánh nhân, và sống đúng tinh thần của người kitô hữu, để mọi người luôn là chứng nhân sống động của Chúa giữa những thách đố của thế giới hôm nay.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trưởng thành nhân cách để điều trị vô cảm
Tạ Ân Phúc
10:04 24/03/2014
Trưởng thành nhân cách để điều trị vô cảm

Trong cuộc sống hôm nay, không ai có thể sống thu mình vào trong vỏ ốc mà không có mối tương quan với những người xung quanh. Tuy nhiên, trong các mối tương quan đó, đôi lúc chúng ta chỉ chú tâm vào những gì có lợi cho mình mà không để ý đến lợi ích cho cộng đồng và những người xung quanh. Trước một sự việc xảy ra trước mắt, lắm lúc chúng ta cho rằng đó không phải là chuyện của mình và chọn cách tránh qua một bên, kẻo rước họa vào thân. Hoặc ngược lại, lắm khi chỉ vì vị kỷ cá nhân mà chúng ta thực hiện những hành động trái với lương tâm, trái với các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa, không cần biết đến phẩm giá của người khác. Có thể nói cả hai thái cực này đều là triệu chứng của “căn bệnh” vô cảm đã tràn lan trong xã hội hôm nay.

Với mong muốn góp phần thăng tiến con người và phát triển xã hội, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức buổi trò chuyện chuyên đề mang tên: "VÔ CẢM VÀ CÁCH CHỮA TRỊ" do Thầy Giuse Phạm Quang Thùy, Chuyên viên đào tạo nguồn nhân lực và kỹ năng sống, thuyết trình vào chiều thứ Bảy ngày 15/03/2014, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.

Trước khi bước vào đề tài, thầy Giuse đã lược sơ qua một vài hình ảnh, video clip nói lên thực trạng vô cảm trong xã hội ngày nay. Đó là những hình ảnh một vụ tại nạn xe cộ làm một xe gắn máy té ngã, xảy ra trước mắt của một người đi xe ngay sau đó, người này dừng lại trong tích tắc, sau đó tránh qua một bên và đi tiếp. Đoạn video clip có vẻ như rất bình thường mà mỗi người có thể đã gặp trong quá trình lưu thông trên đường hằng ngày ở Việt Nam. Tiếp theo là đoạn video cho thấy một em bé bị xe tải nhẹ cán đi, cán lại hai lần liên tiếp rồi bỏ chạy, sau đó người qua kẻ lại cứ thế tránh sang một bên và ngoảnh mặt làm ngơ mặc cho em bé bị thương bên vệ đường ra sao thì ra.

Cảm xúc là gì?

Trước khi nói đến vô cảm, cần hiểu thế nào là tình cảm hay cảm xúc. Đó là những thái độ thể hiện sự rung cảm của con người đối với sự vật, hiện tượng có liên quan đến nhu cầu và động cơ của họ. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách. Có 7 trạng thái tình cảm, cảm xúc của con người: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (mừng, giận, yêu, ghét, buồn, vui, muốn).

Từ khái niệm về cảm xúc, có thể hiểu vô cảm là tình trạng không có cảm xúc của một người nào đó trước một hiện tượng xảy ra. Có nhiều mức độ khác nhau liên quan đến sự vô cảm như: trơ, thờ ơ, làm ngơ, dửng dưng, lãnh đạm, lạnh lùng, bàng quan, mackeno (mặc kệ nó), vô tình, vô ơn, vô phép, vô hạnh, vô sỉ, vô tri, vô giáo dục, vô hồn, vô luân, vô lương, vô đạo, vô nhân tính, vô nhân đạo, vô dụng, vô phúc.

Thực trạng xã hội

Theo dòng thời sự, Việt Nam xếp hạng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc (vô cảm) nhất. Tai nạn xe cộ luôn là nỗi ám ảnh của mỗi người khi phải bước ra đường tham gia giao thông. Có thể nói đó là điều không mong muốn đối với người gây ra tai nạn cũng như người bị tai nạn. Thế nhưng, nó không còn là chuyện không mong muốn nữa khi một tài xế xe bus đã tiết lộ một bí mật gây sốc: “Các lái xe thường truyền nhau câu chuyện rằng khi chẳng may họ cán người bị thương, hãy cán cho đến chết. Bởi nếu cán chết người, tài xế chỉ phải chịu đền bù một lần khoảng 30 triệu đồng là xong. Nhưng nếu để nạn nhân sống mà bị tàn tật, không những phải chịu tội mà họ còn có thể phải nuôi cả đời nạn nhân từ tai nạn do họ gây ra”. Sinh mạng con người đã bị xem nhẹ hết sức, và đã có những vụ việc xảy ra: 22g00 ngày 3/3/2014, Đỗ Tú Anh cán qua người chị Nguyễn Thị Quyên (21 tuổi, quê TP Vinh, Nghệ An) 2 lần liên tiếp; ngày14/5/2008, Nguyễn Thị Hội (SN 1993) là nạn nhân đã bị tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn (25 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM) điều khiển xe container cán qua người 3 lần.

Trong lĩnh vực y tế, chúng ta đã quá ngán ngẫm với tình trạng quá tải bệnh viện, bệnh nhân không được chăm sóc đúng mực để có thể giúp họ vượt qua bệnh tật, tuy nhiên điều đó cũng không nguy hiểm bằng việc y đức không được chú trọng, câu nói “lương y như từ mẫu” có vẻ như đã được trả lại cho khuôn viên trường y. Nhan nhản ra đó những vấn đề về y đức: Bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác của khách hàng, nhân bản phiếu xét nghiệm, sản phụ và thai nhi tử vong bất thường do sự tắc trách của bác sĩ đỡ đẻ. Phải chăng y đức nằm trên tờ giấy bạc khi mà người chồng của sản phụ qua đời tiếc nuối một cách đau đớn: “Xưa nay, vào viện sinh đẻ là phải có phong bì bồi dưỡng cho cán bộ, lần này do không có nên tôi không đưa. Giá như tôi đưa phong bì cho họ thì có lẽ Xuân đã không chết…”

Học đường là môi trường giáo dục cho thế hệ tương lai của xã hội, nhưng chính trong môi trường học đường cũng nhan nhản chuyện bạo lực và thái độ thờ ơ, vô cảm trước bất hạnh của người khác: Đó là câu chuyện một nữ sinh bị nhóm bạn học 3 nữ sinh tra tấn trong khi những bạn khác trơ mắt đứng nhìn, hay clip nữ sinh bị buộc cởi áo, làm nhục rồi bị đánh. Sinh viên thì bị trói ngoài đường chỉ vì trộm cắp, rõ ràng phẩm giá con người không được tôn trọng. Cứ mỗi độ sau thi cử thì tài liệu quay cóp trắng xóa sân trường, có trường còn thu được cả 5 bao tải sau thi.

Khi nói đến bạn trẻ vô cảm, không thể không nhắc đến vấn đề tình yêu đôi lứa, nhất là tình trạng sống thử, tình dục trước hôn nhân. Yêu không đúng đối tượng, thời điểm, đạo lý, giáo lý Công Giáo, không đúng chuẩn mực xã hội, họ không cần biết tương lai chính mình, của người bạn đời, của đứa con ra sao. Điều đó dẫn đến sự vô cảm trong việc tôn trọng sự sống con người: nạn nạo phá thai đã được báo động từ lâu nhưng tình trạng có vẻ như không suy giảm mà còn tăng lên trong những năm qua, độ tuổi phá thai ngày càng trẻ hóa, những người nam thì vô cảm chối bỏ trách nhiệm đối với nạn phá thai. Vấn nạn này còn thể hiện sự vô cảm của những chuyên viên tư vấn, những bác sĩ siêu âm khi tìm cách xúi giục các sản phụ phá thai đối với những trường hợp khó khăn trong thai kỳ như nghi ngờ thai nhi bị down, nước ối có vấn đề… từ những tư vấn này các bà mẹ tương lai đã sẵn sàng bỏ đi đứa con của mình.

Còn biết bao chuyện xảy ra hằng ngày thể hiện sự vô cảm: ăn tiệc búp phê thì bốc tay giành giật đồ ăn, chỉ trong phút chốc là hết, người ta chỉ biết làm sao để ăn cho no chứ không học cách ăn sao cho có nhân cách. Trước cơn hoạn nạn của người khác, không những người ta không giúp đỡ mà còn làm tăng thêm nỗi đau của họ, đó là những câu chuyện về “hôi bia” hay giành nhau lượm tiền của người bị cướp xổ ra bay tung tóe. Chuyện vô cảm không chỉ xảy ra ở những trẻ em, nông dân, người thất học mà còn xảy ra ở khắp mọi nơi, từ học sinh, sinh viên mà đến cả những người trí thức, thành thị.

Chúng ta có vô cảm?

Martin Luther King đã từng nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt”. Sự im lặng của người tốt lành trước những sự việc đáng ra phải lên tiếng, phải hành động cũng có nghĩa là đồng lõa với sự dữ.

Con người trưởng thành nhờ có nhân cách, trong đó cảm xúc là một trong những nhân cách cao quý nhất của con người, nếu không có nó chúng ta không còn là con người nữa. Chúng ta đã bị những kềm kẹp của xã hội bóp nghẹt con tim, làm tan nát con tim và có khi làm cho con tim biến mất. Người ta bị tiền tài, danh vọng, địa vị cuốn hút, chỉ biết chăm lo những vấn đề đó mà không còn quan tâm đến con tim yêu thương nữa.

“Không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ” (Đời Thừa, Nam Cao).

Vô cảm không chỉ là không có cảm xúc mà còn là không quan tâm, không tôn trọng cảm xúc, không tôn trọng tình yêu của người khác và làm mất đi tình yêu, không thể hiện tình yêu của mình, không để cảm xúc của mình hòa vào cảm xúc của những người xung quanh.

Ngày nay, người ta thường đắm mình vào máy vi tính, làm bạn với máy vi tính, thiếu mối quan hệ giao tiếp thực tế, không có sự chia sẻ tình cảm, cảm xúc, không có sự đồng cảm với nỗi đau của người khác bằng cảm xúc của trái tim mà chỉ qua màn hình. Đã có người dùng một cái chết, một hiện trường giả nhằm đưa mình lên Facebook để nổi danh qua hình “like” (thích) trước một người nằm trên vũng máu, hay like trước nỗi đau của người khác. Lắm lúc chúng ta vào Facebook để chứng tỏ mình, đưa ra một bức ảnh, một bình luận nào đó chỉ nhằm để xem có bao nhiêu lượt thích.

Căn nguyên của vô cảm xuất phát từ đâu?

Gia đình là nơi chịu trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, vô cảm xuất hiện nơi chính bản thân mỗi người, nó không chỉ là vấn đề gia đình mà thôi. Chỉ khi nào bản thân trưởng thành, lúc ấy cảm xúc sẽ được lan tỏa từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Nếu không có tình cảm, cảm xúc trong gia đình thì không có tình cảm, cảm xúc bên ngoài gia đình được; không có tình cảm, cảm xúc trong gia đình thì cũng không có tình cảm, cảm xúc ngoài xã hội. Chỉ khi nào gia đình vững vàng thì xã hội mới vững chắc.

Liệu pháp chữa trị vô cảm

Trước đây ít lâu đã xảy ra câu chuyện người bán vé số “chê” 6,6 tỉ đồng: chị Phạm Thị Lành bán thiếu “bằng miệng” 20 tờ vé số cho một khách quen, đến khi số vé này trúng giải lên tới 6,6 tỉ đồng, người bán vé số nghèo vẫn giao đủ số vé cho người trúng. Qua sự việc này, chúng ta có thể thấy, đối với chị Lành, 6,6 tỉ đồng không bằng danh dự, phẩm chất, giá trị của một con người, không bằng uy tín của một lời hứa khi chị nói: “Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!”

Để chữa trị “căn bệnh” vô cảm không thể trị bằng thuốc thông thường mà phải dùng liệu pháp “tâm bệnh” bằng cách giáo dục, nghĩa là phải dạy dỗ cho trẻ em, trẻ vị thành niên, người trẻ để chúng ngày càng trưởng thành nhân cách thì mới giải quyết được vấn đề.

Giáo dục (education), gốc la-tinh là e-ducere có nghĩa là khơi dậy những gì vốn đã có sẵn ở mỗi người, những gì là chân, là thiện, là mỹ nơi mỗi con người.

Ngày nay, người ta chỉ dạy kỹ năng sống chứ không dạy giá trị sống. Giá trị sống là hệ thống giá trị cá nhân ảnh hưởng đến suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và hành vi. Giá trị giống như gốc rễ của một thân cây, nếu gốc rễ được chăm sóc tốt, thì cây sẽ phát triển mạnh mẽ. Giá trị sống là những nguyên tắc hướng dẫn, giúp ta chọn đường đi đúng.

Những giá trị xã hội cốt lõi đối với Giáo Hội Công Giáo: “Mọi giá trị xã hội đều nằm sẵn trong phẩm giá con người, và chúng tạo điều kiện cho con người được phát triển thực sự. Các giá trị chủ yếu ấy là sự thật, tự do, công bằng và yêu thương” (CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-266)

Đối với xã hội, các giá trị sống được mô tả bằng cây giá trị, bao gồm 12 giá trị: bình an, khoan dung, yêu thương, trung thực, khiêm tốn, đoàn kết, hợp tác, tận trung, giản dị, trách nhiệm, hạnh phúc, tự do. Từ những giá trị này những chất bổ dưỡng sẽ được đưa lên thân cây với những thái độ, suy nghĩ, cảm xúc, hành động. Sở dĩ con người ta vô cảm vì bộ rễ không đủ hoặc èo uột, không hút được nhựa là những giá trị mà người ta đã bón, hoặc không có gì để mà hút. Từ cảm xúc sẽ đưa đến hành động, từ đó mới đưa ra sử dụng các kỹ năng, sử dụng thời gian, trạng thái tâm trí, tình trạng sức khỏe và chất lượng các mối quan hệ. Không có giáo dục thì không tạo ra được bộ rễ các giá trị để dùng làm chất bổ nuôi cái cây.

Kỹ năng sống

Kỹ năng sống là “Sự thay đổi trong hành vi hay một sự phát triển hành vi nhằm tạo sự cân bằng giữa kiến thức, thái độ và hành vi” (Theo UNICEF).

Kỹ năng sống đòi hỏi phải có kiến thức, kiến thức đó phải được thể hiện qua thái độ và hành vi. Khi nói đến kỹ năng là phải có sự luyện tập, rèn luyện cho thành thạo, nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp (kiến thức + thái độ -> hành động). Kỹ năng sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh, tích cực giúp chúng ta đối mặt với những thách thức của cuộc sống hằng ngày. Kỹ năng sống bao gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.

Kỹ năng cứng (hard skills): Những kỹ năng “cứng” thường xuất hiện trên bản lý lịch, là khả năng học vấn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn. Kỹ năng này liên quan đến chỉ số thông minh (IQ) của cá nhân.

Kỹ năng mềm (soft skills): Kỹ năng “mềm” là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng thuộc về trí tuệ cảm xúc (EQ) của con người. Ví dụ: một số nét tính cách (quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới), sự tế nhị, kỹ năng ứng xử, thói quen, sự lạc quan, chân thành, kỹ năng làm việc đồng đội… Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự xác lập mối quan hệ với người khác.

Trong môi trường giáo dục của thế giới, UNICEF đưa ra một chuẩn để giáo dục cho một con người trưởng thành. Các lãnh vực phát triển cho con người trưởng thành gồm: thể chất, trí tuệ, tính khí, cảm xúc, xã hội, tâm linh. Cảm xúc là một trong sáu mục tiêu để giáo dục cho một con người trưởng thành.

- Giáo dục thể chất là làm phát triển đầy đủ về thể lý, biết tự lực bản thân, quý trọng bản thân: đừng uống rượu, đừng sống thử trước hôn nhân, đừng xem thường, dày vò, bán sức khỏe…

- Trí tuệ: học để biết, để làm, học để sống chung và học để làm người. Phải có khả năng thực hiện, khả năng truyền đạt: nói để người khác nghe, hiểu và làm được và có phán đoán khoa học.

- Về tính khí: giáo dục ý thức trách nhiệm, có kế hoạch cá nhân, biết cách sử dụng thời gian, có tinh thần lạc quan, có cái nhìn về tương lai tươi sáng, đẹp đẽ và có óc khôi hài để chuyển lạc quan đến cho người khác, đem nhiều niềm vui mang tính xây dựng cho người khác.

- Cảm xúc: định hướng cảm xúc, làm chủ bản thân, làm chủ nhu cầu bản năng: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, làm chủ bản năng trong chuyện nam nữ; tôn trọng nhân phẩm: không xúc phạm đến người khác, không mắng nhiếc, chửi rủa người khác; biết yêu: biết chọn bạn trăm năm, xây dựng hạnh phúc gia đình, quan tâm đến những gì xảy ra trước mắt, đưa bàn tay ra giúp đỡ người khác dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất vì “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Bên cạnh đó, cần cảm nhận được cảm xúc của người khác. Thể hiện cảm xúc trước mọi việc chung, trưởng thành về cảm xúc.

- Xã hội: Biết tự lập để không sống bám vào người khác. Sống tự do để không bị nô lệ vào rượu chè, cờ bạc, tiền bạc, ma túy, những thứ vật chất tầm thường… mà phải làm chủ chúng. Hợp tác, cộng hưởng, chia sẻ để sống, làm việc chung với nhau. Sống là phải biết giúp đỡ người khác nhằm triệt tiêu vô cảm, vị kỷ, chỉ biết mình. Bên cạnh đó, cần biết phục vụ, đó là bổn phận của mỗi người đối với xã hội, để đáp trả cho xã hội những gì mình nhận được từ xã hội.

- Tâm linh: Nếu trưởng thành về các mặt trên mà không trưởng thành về mặt tâm linh, đạo đức thì cũng sẽ bằng không. Trước tiên, người trưởng thành phải là người có lý tưởng sống, là ước mơ cao đẹp nhất cần phải nỗ lực để thực hiện suốt cuộc đời. Người trưởng thành là men, là muối, làm chất xúc tác cho đời, động lực thúc đẩy mọi người cùng làm việc. Phải có lòng nhân giúp người khác trưởng thành. Phải có niềm tin vào tôn giáo, có niềm tin vào Đấng Tối Cao. Cuối cùng, để có được chìa khóa trị “căn bệnh” vô cảm, cần phải có lòng nhân ái, yêu thương trong sự thật, tự do, công bằng. Tình yêu thương này cần được trang bị, đào luyện thường xuyên.

Tóm kết

Thành đạt thì dễ, thành nhân thì khó, xã hội hôm nay chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng để con người thành công, có được địa vị trong xã hội chứ không chú trọng đến phát triển con người toàn diện. Chính vì thế, những vấn nạn cuộc sống, lối sống vị kỷ cá nhân, vô cảm trước nỗi đau của người khác cứ xuất hiện nhan nhản trên báo chí hằng ngày. Đã từ lâu, ngành giáo dục nhận ra lỗ hổng trong việc giáo dục con người và có chủ trương cải cách, nhưng bao lâu những nhà giáo dục không có được trái tim biết yêu thương, đau với nỗi đau của những nạn nhân của “vô cảm” thì công cuộc giáo dục sẽ vẫn còn loay hoay với kỹ năng, kiến thức mà thôi. Mong lắm thay một nền giáo dục để phát triển con người trưởng thành toàn diện.

Tạ Ân Phúc
 
Hôn nhân bất khả tiêu: trả lời luận điểm muốn xét lại vấn đề (4)
Vũ Văn An
21:09 24/03/2014

Học lý của Tin Mừng về tính bất khả tiêu



Theo RG, Chúa Giêsu dạy rằng ly dị và tái hôn kết cục là ngoại tình (xem Mt 5:32, 19:9; Mc 10:11–12; Lc 16:18). Nếu ly dị tiêu hủy hôn nhân, thì tái hôn đâu còn là ngoại tình nữa. Do đó, hẳn Chúa Giêsu có ý nói rằng ai ly dị mà mưu toan tái hôn sẽ không thành công, vì hôn nhân là bất khả tiêu. HC thừa nhận rằng hiện đang có “sự đồng thuận rộng rãi giữa các học giả Thánh Kinh Công Giáo” rằng “Chúa Giêsu chống đối ly dị và coi tái hôn là ngoại tình” (101) nhưng lại bác bỏ việc Chúa Giêsu “đưa ra một tuyên bố có tính hữu thể học về bản chất của dây hôn phối” (102). Sau khi xem sét lời giải thích của HC về giáo huấn của Chúa Giêsu, RG sẽ luận giải rằng lời nói của Người về ly dị chỉ có thể đọc một cách hợp lý như một tuyên bố về bản chất của dây hôn phối, và các đoạn Thánh Kinh có liên hệ phải được giải thích là nhất quán với nhau.

Lời giải thích của HC đối với giáo huấn của Chúa Giêsu về “tái hôn”

HC nói rằng câu porneia của Thánh Mátthêu đưa ra “một thứ ngoại lệ nào đó đối với lệnh cấm tuyệt đối của Chúa Giêsu” và dù Chúa Giêsu chống đối ly dị, Thánh Phaolô đã cho phép ly dị khi cuộc hôn nhân của một Kitô hữu với một người không có đức tin là một “trở ngại cho bình an và thánh hóa” (103). Họ chủ trương rằng vì “không có giáo huấn nào của Chúa Giêsu tách biệt với Giáo Hội… [nên người ta không thể giả dụ rằng] ‘điều nền nghiên cứu học giả coi như là chính lời Chúa Giêsu phán nhất thiết phải có tính quyết đáp đối với Giáo Hội” hơn luật trừ của Thánh Mátthêu và hình như của cả Thánh Phaolô nữa (104). Tuy không minh nhiên nói rằng giáo huấn của Chúa Giêsu mâu thuẫn, nhưng HC quả có nói rằng “các lời nói khác nhau” cho thấy các cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi tin rằng “‘thẩm quyền của Chúa Thánh Thần cho phép họ cải biến khi áp dụng các lời nói này của Chúa Giêsu’. Giáo huấn của Chúa Giêsu không y hệt giáo huấn của Giáo Hội tiên khởi” (105).

HC nhấn mạnh rằng các lời Chúa Giêsu nói về ly dị “không được tách khỏi ngữ cảnh và không được đọc chúng như các qui phạm luật pháp hoặc ngay cả các phương châm luân lý” (106) vì chúng diễn ra khi “Người đang dạy các môn đệ ý nghĩa của nước Chúa” (107). Họ nhận định rằng: “Chúa Giêsu, trong Mátthêu 5, được mô tả như một người giảng dạy một Torah đã được triệt để hóa đến nỗi nhìn thèm thuồng cũng bị coi là ngoại tình (5:27-28), và dịch bản của Thánh Máccô thì nằm giữa giáo huấn về việc tự cắt bỏ phần thân thể còn hơn là gây gương mù và lệnh truyền phải từ bỏ giầu sang, quyền thế, và tiếng tăm để theo Chúa Giêsu” (108). Như thế, các lời nói về ly dị phải được đọc như những câu tuyên bố có tính tiên tri, triệt để, như “những cách có tính biểu tượng để quả quyết rằng các đòi hỏi của nước Trời đụng đến các khía cạnh thân thiết nhất của đời người” (109), và nếu tách chúng ra khỏi ngữ cảnh ấy là “biến một lối minh họa tính triệt để của nước Chúa thành qui phạm tuyệt đối” (110).

Mặc dù thế, HC vẫn nghĩ rằng lời nói của Chúa Giêsu khi cho rằng ly dị kết cục là ngoại tình có sức mạnh qui luật. Tin Mừng kêu gọi tín hữu “sống một cách khác vì tương lai Thiên Chúa đã tới gần”. Vào thời Chúa Giêsu, một số người “đã trở thành quá nhân nhượng đối với ly dị. Chúa Giêsu rõ ràng chống lại chiều hướng phát triển này”. Với sự xuất hiện của Nước Trời, sáng thế phải được tái tạo trong sự tốt lành nguyên thủy của nó, và “ly dị không phải là thành phần trong ý hướng nguyên thủy mà Thiên Chúa có đối với sáng thế” (111). Do đó, HC nghĩ rằng rất có thể “Chúa Giêsu lịch sử dạy rằng ly dị chống lại thánh ý Thiên Chúa và người ta không nên thực hành điều ấy”. Trên căn bản này, họ kết luận: “đây là ý nghĩa giáo huấn của Chúa: ly dị là sai lầm và không nên xẩy ra, chứ không phải ly dị là sai lầm và không thể xẩy ra” (112).

Giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và ngoại tình

Lý luận của HC hình như muốn ám chỉ: khi tuyên bố rằng tái hôn sau khi ly dị là ngoại tình, Chúa Giêsu chỉ sử dụng ngôn từ hình ảnh mà thôi, giống như lúc Người khuyên người ta tự cắt bỏ một phần thân thể để tránh tội lỗi. Tuy nhiên, theo RG, các lời triệt để của Người về việc yêu thương kẻ thù, đừng phán đoán người khác, và phải tha thứ không ngừng thường vẫn được coi như các hướng dẫn luân lý, và chính HC cũng cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn là một qui luật luân lý. Thực thế, câu “con người không được phân ly” quả có tính qui phạm và, trong ngữ cảnh lời Chúa Giêsu, nó hàm chứa qui luật chống ly dị và tái hôn. HC hình như cũng đồng ý như thế nhưng lại cho rằng lời Chúa Giêsu ở đây chỉ là ngôn từ hình ảnh.

Tuy nhiên, theo RG, trong Tin Mừng Mátthêu, sở dĩ Chúa Giêsu long trọng quả quyết (“Và tôi cho các ông hay”) rằng ly dị là ngoại tình chính là để giải thích tại sao phải coi ly dị là bất hợp pháp. Người sẽ sai lầm và khiến người khác sai lầm khi đặt cơ sở cho qui luật này trên một chủ trương bề ngoài xem ra nghiêm chỉnh nhưng thực ra lại chỉ là ngôn từ hình ảnh. Hơn nữa, ngay dù ta có lý khi giả thiết rằng theo Chúa Giêsu, người ta có thể tiêu hủy điều Thiên Chúa đã kết hợp, thì quả khó mà có lý khi giả thiết rằng Chúa Giêsu không nhận ra sự sai lầm trong luận chứng của mình và lời Người có thể bị hiểu lầm. Và chắc chắn Người không cố ý đề xuất một lý luận sai lầm để dẫn các môn đệ đến chỗ sai lầm trong một vấn đề trầm trọng như vậy (113).

HC hình như muốn phản bác rằng người ta không thể an tâm gán cho Chúa Giêsu những lời về ly dị hoàn toàn bác bỏ việc tiêu hủy hôn nhân. Vì họ quả quyết rằng “Không thể nào tái tạo được các lời nói chính xác của Chúa Giêsu, dù các học giả xác quyết rằng Chúa Giêsu chống đối ly dị và coi tái hôn là ngoại tình” (114). Tuy nhiên, Meier thoạt đầu chấp nhận “sự đồng thuận của các học giả khi cho rằng một cách nào đó, trong một trình bày rõ ràng nào đó, Chúa Giêsu lịch sử đã ngăn cấm ly dị (và tái hôn)” nhưng sau đó lại cho rằng “việc Chúa Giêsu lịch sử dạy về lời cấm ly dị và tái hôn một cách toàn diện không hề có một song hành rõ rệt nào tại Qumran” (115). Fitzmyer cũng nhận diện hai câu nói về ly dị “có thể có lý coi như phát xuất từ Chúa Giêsu”; và một trong hai câu đó là “ai ly dị vợ mình và cưới người khác là phạm tội ngoại tình, và ai cưới người đàn bà bị ly dị cũng phạm tội ngoại tình” (116).

Câu “Porneia” của Thánh Mátthêu

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, khi có hai điều kiện sau đây, thì những người bước vào cuộc “hôn nhân” mới sẽ phạm tội ngoại tình: 1) các người phối ngẫu đã được Thiên Chúa kết hợp nay “ly dị”; 2) một trong hai người mưu toan tái hôn. Tuy nhiên, trình thuật của Thánh Mátthêu về giáo huấn này hình như có đưa ra một luật trừ trên cơ sở dâm ô hay porneia (117). Nếu câu này tạo nên một luật trừ thực sự, chắc chắn nó có ý nói tới các trường hợp trong đó, cả hai điều kiện trên đều hiện diện, ấy thế nhưng việc giao hợp trong cuộc hôn nhân thứ hai lại không phải là ngoại tình. Tuy nhiên, giải thích cách nào, thì câu này cũng không tạo ra một luật trừ thực sự. Một cách cho rằng porneia nói tới việc tội ngoại tình vi phạm tới hôn nhân đích thực; nhưng câu này chỉ cho phép ly thân mà thôi, chứ không phải mưu toan tái hôn. Dựa trên lối giải thích này, điều kiện thứ hai không có. Cách khác cho rằng porneia có ý nói tới hoạt động tính dục ngay bên trong một cuộc “hôn nhân” mà thực sự chưa bao giờ là hôn nhân đích thực. Dựa vào lối giải thích này, điều kiện thứ nhất không có.

Trừ phi porneia tạo nên một luật trừ thực sự, nó không thể sửa đổi giáo huấn của Chúa Giêsu rằng tái hôn sau khi ly dị là ngoại tình, và nhiều nhà chú giải đáng kính đã quả quyết rằng porneia không tạo ra một luật trừ thực sự. Trong những đoạn song hành, lời tuyên bố của Chúa Giêsu không có chi thêm bớt (xem Mc 10:2-12; Lc 16:18). Trong Tin Mừng Mátthêu, câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho các môn đệ sửng sốt “nếu người chồng phải đối xử như thế với vợ mình, thì tốt hơn không nên kết hôn” (19:10) cho thấy họ coi lời tuyên bố của Người không có thêm bớt chi cả (118). Một số nhà chú giải cho rằng câu porneia chỉ cho phép ly thân chứ không cho phép tái hôn (119). Nhiều người khác cho rằng câu này có nghĩa: “cuộc hôn nhân” đầu không phải là cuộc hôn nhân giao ước như Thiên Chúa tạo nên (120). Nếu Thánh Mátthêu đưa ra một luật trừ thực sự, nghĩa là cho rằng một số cuộc hôn nhân giao ước có thể tiêu hủy được, thì ngài đâu có khai triển giáo huấn của Chúa Giêsu mà chắc hẳn sẽ bác bỏ lý luận của Chúa Giêsu, là giáo huấn cho rằng, vì hôn nhân có tính giao ước, nên ly dị và “tái hôn” sẽ phạm tội ngoại tình (121).

Dù vậy, RG cho rằng quan điểm của HC không tùy thuộc việc câu “ngoại trừ vì dâm ô” có tạo nên một luật trừ thực sự hay không; thực vậy, hình như họ ít chú tâm tới việc đó. Vì như ta đã thấy, họ không chấp nhận rằng Chúa Giêsu dạy: ly dị là việc không thể có. Bởi thế họ bảo: “dù hiểu porneia ra sao”, bất cứ thích ứng nào của Thánh Mátthêu chỉ đơn giản nhằm cho thấy “các môn đệ phải trung thành ra sao trong các hoàn cảnh không bao gồm trong lời mô tả về nước Thiên Chúa của Đấng Mêxia” (122).

Tuy nhiên, chủ trương như HC rằng Chúa Thánh Thần cho phép các tác giả Thánh Kinh sửa đổi đáng kể các giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn là chủ trương rằng Chúa Thánh Thần giúp các môn đệ của Chúa Giêsu không những biến làm của riêng và khai triển những gì Thiên Chúa mạc khải nơi Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu, mà còn tạo nên các luật trừ thực sự đối với tính bất khả tiêu tuyệt đối được Người giảng dạy, và như thế mâu thuẫn với giáo huấn của Người. Như HC từng chỉ rõ: “các thích ứng [nghĩa là các quả quyết] của Thánh Phaolô và của Thánh Mátthêu đều là giáo huấn linh hứng, giống như các lời Chúa Giêsu phán” (123). Do đó, nếu Thánh Mátthêu và Thánh Phaolô nói ngược với Chúa Giêsu, thì Chúa Thánh Thần tự mâu thuẫn với Người và với Chúa Giêsu.

HC cảnh cáo chống lại việc “đọc các phạm trù sau này thành ngôn từ và giáo huấn của Chúa”. Họ quả quyết rằng “hai điều kiện làm hôn nhân thành bất khả tiêu trong tâm trí Giáo Hội, tức nó vừa có tính bí tích vừa đã hoàn hợp, chưa bao giờ được Chúa Giêsu hay các tác giả Tân Ước nhắc tới ở chỗ nào”. Họ cho rằng trừ khi Chúa Giêsu có ý nói “không thể có ly dị khi một cặp đã chịu phép rửa, đã tỏ lời ưng thuận theo đúng hình thức giáo luật, và sau đó giao hợp tính dục”, thì “giáo huấn Công Giáo hiện thời quả không phù hợp với lệnh cấm ly dị của Chúa Giêsu” (124).

RG cho rằng lẽ dĩ nhiên, giáo huấn do Giáo Hội khai triển về hôn nhân không được dự ứng trong mạc khải được Tân Ước làm chứng. Chúa Giêsu có bao giờ nói tới một hôn nhân hoàn hợp, có tính bí tích đâu; Người chỉ nói tới sự hiệp thông thành một thân xác của vợ chồng, những người dính kết với nhau, được Thiên Chúa kết hợp với nhau. Khi bênh vực và áp dụng điều ấy và nhiều điểm gây ngạc nhiên khác của Thánh Kinh, Giáo Hội đã khai triển ra giáo huấn của mình về hôn nhân. Việc khai triển chân chính như thế chỉ đòi hỏi điều này: những gì được minh nhiên bác bỏ lúc được mạc khải nói lên từ đầu thì nay vẫn bị bác bỏ nhưng được hiểu tốt hơn, và những gì lúc đó được minh nhiên quả quyết thì vẫn được quả quyết nhưng được hiểu tốt hơn. Đây là trường hợp Giáo Hội khai triển giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân, vì Giáo Hội vẫn bác bỏ điều cho rằng ly dị tiêu hủy tính nên một do Thiên Chúa đem tới và vẫn quả quyết điều cho rằng mưu toan tái hôn sau khi ly dị là tạo ra mối liên hệ ngoại tình. Việc khai triển này liên quan tới vấn đề điều gì chính xác được kể là đã kết hôn và điều gì chính xác được kể là mưu toan tái hôn.
____________________________________________________________________________________________________________________
Ghi chú

[101] HC 466.
[102] HC 468.
[103] HC 465–66.
[104] HC 469; trích từ George MacRae, “New Testament Perspectives on Marriage and Divorce,” trong Divorce and Remarriage in the Catholic Church, ed. Lawrence Wrenn (New York: Paulist, 1973) 1–15, tại 11.
[105] HC 470; trích từ Mary Rose D’Angelo, “Remarriage and the Divorce Sayings Attributed to Jesus,” trong Divorce and Remarriage: Religious and Psychological Perspectives , ed. William Roberts (Kansas City: Sheed &Ward, 1990) 78–106, tại 79.
[106] HC 466.
[107] Ibid., trích Donahue, “Divorce” 5.
[108] HC 466.
[109] HC 467, trích Donahue, “Divorce” 5.
[110] HC 467.
[111] Ibid.
[112] HC 468.
[113] HC rất có thể nhấn mạnh rằng giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị, như trong cách trình bày của các Tin Mừng Nhất Lãm, không nên được hiểu theo nghĩa đen vì nó chịu ảnh hưởng của phong trào triệt để và cánh chung. Tuy nhiên, John P. Meier cho hay rằng: các nhà chú giải đã từ bỏ quan điểm này. Sau khi nhắc lại sự kiện: các chú giải xưa hơn thường cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị đứng cùng phe “với Nhà Shammai có chủ trương chặt chẽ hơn, chống lại Nhà Hillel”, còn các công trình gần đây thì thường cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu phản ảnh “lối giải thích triệt để và cánh chung đối với Torah như đã thấy trong các sách cuộn Biển Chết tại Qumran”. Ông kết luận: “Bỏ ra ngoài Qumran và Mishna, lời Chúa Giêsu ngăn cấm ly dị xem ra không phát xuất bất cứ từ đâu trong Do Thái Giáo và cũng không đi tới đâu trong tôn giáo này” (“The Historical Jesus and the Historical Law: Some Problems within the Problem,” Catholic Biblical Quarterly 65 [2003] 52–79, tại 69–70 và 79).
[114] HC 466.
[115] Meier, “Historical Jesus” 69 số. 38, và 75.
[116] Fitzmyer, “Matthean Divorce Texts” 223. HC nhắc tới (466 số 40) Fitzmyer và hai nhà chú giải khác như sau: “J. Fitzmyer và G. MacRae tin rằng bản văn Luca gần nhất đối với các lời Chúa Giêsu thực sự nói, còn R. Collins thì cho rằng Mt 5:32 nếu bỏ câu ngoại trừ ra, sẽ gần gũi hơn với tuyên bố nguyên thủy”. Tuy nhiên, theo RG, HC chỉ chú ý tới các dị biệt của các nhà chú giải, mà không để ý sự kiện này: điều được các nhà chú giải nhất trí, tức việc Chúa Giêsu nói rằng tái hôn sau khi ly dị là ngoại tình, đã bác bỏ chủ trương cho rằng Chúa Giêsu chỉ coi ly dị là sai lầm.
[117] Các đoạn này là: “nhưng tôi nói cho các ông hay ai ly dị vợ, ngoại trừ trên cơ sở dâm ô [porneia], là làm nàng thành người ngoại tình”(Mt 5:32); “và tôi nói cho các ông hay: ai ly dị vợ, ngoại trừ vì dâm ô [porneia], và cưới một người khác, là phạm tội ngoại tình” (Mt 19:9).
[118] Thường được nhiều người khác đưa ra, điểm này đôi khi được các học giả Thánh Kinh chấp nhận: “Ta thấy rõ việc Thánh Mátthêu hiểu nghĩa tuyệt đối của lệnh cấm này qua sự ngỡ ngàng của các môn đệ. Nếu Chúa Giêsu chỉ đơn thuần cổ vũ chủ trương của Shammai hơn chủ trương của Hillel, thì khó có nguyên cớ cho lời tán thán đầy ngỡ ngàng ấy đến độ cho rằng thà không lấy vợ còn hơn” (John P. Meier, Matthew [Wilmington, Del.: Michael Glazier, 1980] 216).
[119] Collins (năm 1992) nhận định rằng một số nhà chú giải đương thời đã “mạnh mẽ đề xuất” quan điểm này (Divorce in the New Testament 199–200). Tuy nhiên, HC bác bỏ quan điểm này, coi nó như “eisegesis” (diễn giải, tức thêm ý của mình vào) (470 số 53). Nhưng Luz, một học giả tinh tường của Thệ Phản, người vốn nhất trí với HC rằng hôn nhân có thể bị tiêu hủy, đến năm 2001, lại bênh vực quan điểm này và đưa ra kết luận: “Khoa chú giải vốn chứng minh rằng tập tục Công Giáo bác bỏ ly dị nhưng lại cho phép các người phối ngẫu có những sắp xếp sống ly thân có lẽ phù hợp hơn cả đối với ý hướng của tin mừng Mátthêu” (Matthew 8–20 494; xem 492–94).
[120] Fitzmyer cho rằng giải thích porneia là ngoại tình “là mở cửa cho phản bác hiển nhiên này là: nếu Thánh Mátthêu muốn hiểu như thế, hẳn ngài phải viết là moicheia, một từ ngữ ngài từng biết và từng sử dụng” (“Matthean Divorce Texts” 209). Tác giả này quả quyết: “Trong thế kỷ thứ nhất đã có sự hỗ trợ rõ ràng đối với lối giải thích coi porneia trong Mt 5:32 và 19:9 có nghĩa chuyên biệt của chữ zenut tức các cuộc kết hợp hôn nhân bất hợp pháp (illicit) giữa những người có liên hệ họ hàng gần” (221). Cũng xin xem Aloysius M. Ambrozic, “Indissolubility of Marriage in the New Testament: Law or Ideal?” Studia canonical 6 (1972) 269–88.
[121] Đạt tới cùng một cốt lõi kết luận, Witherington, khi bình luận về cả hai đoạn văn của Tin Mừng Mátthêu (và cả đoạn Mc 10 và 1Cor 7), đã quả quyết rằng “Quan điểm nền tảng của Chúa Giêsu là không có ly dị”. Giống nhiều nhà chú giải khác, Witherington chủ trương rằng porneia có lẽ nói tới “các cuộc hôn nhân” không hợp lệ (tức những cuộc hôn nhân được GH Công Giáo coi là vô hiệu). Ông kết luận: “việc tiêu hủy các cuộc hôn nhân này không vi phạm gì tới liên hệ hôn nhân được Chúa vinh danh. Ngoài ra, hình như Chúa Giêsu nói rằng khi Thiên Chúa đã kết hợp hai con người lại với nhau, mà người chồng lại ly dị vợ, thì Thiên Chúa vẫn coi họ như những người lấy nhau, bởi đó mới có ngôn từ mạnh mẽ về người vợ tái giá bị buộc phạm tội ngoại tình” (Matthew 134).
[122] HC 469. Như đã thấy, các học giả Thánh Kinh, trong đó, nhiều người được HC trích dẫn, quan tâm tới việc xác định xem câu “ngoại trừ vì dâm ô” thực sự có nghĩa gì. Trước nhất, trên danh sách của HC liệt kê các học giả thỏa hiệp được một “đồng thuận theo nghĩa rộng… khi thảo luận 5 bản văn Tân Ước bàn đến thái độ của Chúa Giêsu đối với ly dị” (HC 465) có Raymond F. Collins, là người nhấn mạnh rằng nhiều nhà chú giải đương thời cho rằng porneia “có nghĩa một cuộc hôn nhân trong vòng liên hệ bị cấm đoán” (Divorce in the New Testament [Collegeville, Minn.: Liturgical, 1992] 202). Tuy nhiên, bất chấp nhiều lý do được ông diễn dịch để kết luận cách khác (202–3), Collins vẫn cho rằng porneia có nghĩa ly dị (211–13). Nhưng xin xem Luz (số 119 ở trên) và Fitzmyer (số 120 ở trên).
[123] HC 469–70.
[124] HC 468.
 
Thông Báo
Cáo phó : Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí qua đời
Toà GM Quy Nhơn
09:05 24/03/2014

CÁO PHÓ



Tòa Giám mục Qui Nhơn
vô cùng thương tiếc báo tin

Cha GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG TRÍ





Thuộc hàng linh mục Giáo phận Qui Nhơn, đã qua đời vào lúc 6 giờ 30 ngày 24 tháng 03 năm 2014 tại nhà xứ giáo xứ Kim Châu.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Nghi thức nhập quan:

- 8 giờ 00 ngày 25.03.2014
- Tại nhà thờ Kim Châu

(Sau nghi thức nhập quan có thánh lễ cầu nguyện cho cha Gioakim do Đức Cha giáo phận chủ sự. Vì ngày 25.03 lễ Truyền Tin, lễ trọng, không được dâng thánh lễ cầu hồn, vì thế xin quý cha dâng thánh lễ Truyền Tin với ý cầu nguyện cho linh hồn cha Gioakim (lễ phục trắng)

Thánh lễ an táng:

- 8 giờ 00 ngày 26.03.2014
- Tại nhà thờ Kim Châu

An táng:

- Tại nghĩa địa các linh mục ở Làng Sông, xã Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định

Xin hiệp dâng Thánh Lễ và cầu nguyện cho linh hồn Cha Gioakim sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Văn phòng Tòa Giám Mục Qui Nhơn


*Xin quý cha trong Giáo phận dâng 3 Thánh lễ cầu nguyện cho cha Gioakim


TIỂU SỬ CHA GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG TRÍ

Sinh ngày : 20.07.1945
Tại : Giáo xứ Vườn Vông, thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định
Cha : Anrê Nguyễn Thảng
Mẹ : Maria Huỳnh Thị Nhơn

1955 – 1960 : Học Tiểu Chủng Viện Làng Sông.
1960 – 1964 : Học Tiểu Chủng Viện Hà Nội, Sài Gòn (di cư).
1964 – 1966 : Học Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế.
1966 – 1967 : Giúp Tiểu Chủng Viện Qui Nhơn.
1967 – 1968 : Giúp trường Kim Thông, Quảng Ngãi.
1968 – 1972 : Học Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế.
09- 05- 1972 : Thụ phong Linh Mục, tại Qui Nhơn
Do Đức Cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn.
1972 – 1975 : Cha phó giáo xứ Tuy Hòa.
1975 – 2001 : Cha sở giáo xứ Sông Cạn.
2001 – 24.3.2014 : Cha sở giáo xứ Kim Châu.
24.03.2014 : Qua đời tại nhà xứ giáo xứ Kim Châu. Lúc 6 giờ 30.

Lm. Giuse Võ Tá Hoàng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Độc Ẩm
Richard Drysdale
21:09 24/03/2014
ĐỘC ẨM
Ảnh của Richard Drysdale
Chén rựơu ngon
thiếu người tri kỷ
Vị nhạt phèo
dù cạn vài ly.
(nđc)