Ngày 01-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa nhật I mùa chay A 2020: Không phải thứ bánh mì rẻ tiền
LM. Giuse Trương Đình Hiền
09:15 01/03/2020
Sứ điệp Phụng Vụ Chúa Nhật thứ I Mùa Chay hôm nay đưa thẳng chúng ta vào “chương trình hành động” và cũng là tiêu đích của “40 ngày chay thánh” đã được khắc ghi ngay từ lời kinh Tổng Nguyện của Hội Thánh: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh để tôi luyện hồn xác chúng con”. Cuộc “tôi luyện hồn xác”, phải chăng, cũng chính là một “cuộc chiến nội tâm” hay là cuộc chiến đấu với 3 cơn cám dỗ: “trái cấm bánh mì”, “trái cấm thành đạt” và “trái cấm giàu sang thế tục” đến từ “3 kẻ thù truyền thống”: thế gian, xác thịt và ma quỷ.

Nhưng cuộc chiến đấu thiêng liêng của người Kitô hữu lại không quy chiếu hay đặt trọng tâm trên “sức mạnh tự thân của ý chí con người để được giải thoát” (như con đường “Diệt dục” của Phật giáo hay các chủ trương nên thánh của hai lạc thuyết Ngộ Đạo và Pelagio), mà cốt yếu là tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua – Chết và Phục Sinh của Đức Kitô như lời dạy của ĐGH Phanxicô trong Sứ Điệp Mùa Chay 2020 của Ngài: “Năm nay, một lần nữa, Chúa ban cho chúng ta một thời gian thuận tiện để chuẩn bị cử hành, với trái tim được canh tân, Mầu nhiệm vĩ đại về sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, là mấu chốt đời sống Kitô hữu với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn...” (SĐMC 2020).

Nói cách khác, như lời kinh Tổng Nguyện đã nêu bật, Mùa Chay Kitô giáo đó chính là “sống những ngày khắc khổ ấy để học biết Đức Kitô và dõi theo gương Người hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ”.

Thế nhưng, để “học biết Đức Kitô và dõi theo gương Người”, cộng đoàn dân Chúa lại được chính Lời Chúa hướng dẫn để truy nguyên và nhận diện chính cái nguồn cội đã xô đẩy thân phận con người vào trong cõi tăm tối và sự chết; nguồn cội đó, lý do cốt yếu đó chính là tội lỗi, như xác quyết của thánh Tông Đồ Phaolô trong trích đoạn thư gởi giáo đoàn Rôma trong Bài đọc 2 hôm nay: “tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi đã gây nên sự chết”. Cử hành hay tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong mùa Chay thánh nầy nào chẳng phải là cuộc chiến tinh thần để chiến thắng tội lỗi đó sao?

Và Lời Chúa hôm nay đã nói về tội lỗi như sau:

Ngay từ đầu, Kinh Thánh đã cho biết ma quỷ đã ra tay cám dỗ con người (BĐ 1) và con người, thay vì chiến thắng để ngước lên cao kiếm tìm một cái gì cao cả, gặp gỡ một ai đó toàn năng, đã thất bại não nề khi đã cúi xuống để “nắm bắt trái cấm tầm thường, và kiêu căng dựa vào mình, khước từ sáng kiến và tình thương của Thiên Chúa”.

Quả thật, tổ tông loài người, A-đam, E-Va đã thất bại thảm thương; và hậu quả là cả hai đã “cúi gầm mặt xuống và lủi thủi dắt nhau đi khỏi địa đàng” trong đắng cay tủi nhục, để lại một hậu quả tai hại khôn lường cho chính mình và cho con cháu đó là sự chết: chết về thể xác và, bi đát hơn, đó là chết về tâm linh: “tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi đã gây nên sự chết”.

Trong sứ điệp Mùa Chay 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhận định và cảnh báo nhân loại hôm nay trước những lời cám dỗ đường mật của “cha kẻ dối trá”: “Ngược lại, nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói dụ dỗ của “cha kẻ dối trá” (x. Ga 8,45), chúng ta có nguy cơ chìm trong vực thẳm vô nghĩa, khi trải nghiệm địa ngục ngay ở đây trên trái đất, như chúng ta chứng kiến nhiều biến cố bi thảm trong kinh nghiệm cá nhân và tập thể của con người.” (SĐMC 2020).

Ngày hôm nay, có biết bao anh chị em chúng ta đang trên đường đi tới cái chết tâm linh đó, khi sống trong sự “lầm than luân lý hay băng hoại tinh thần” mà từ đó dẫn đến bao nhiêu hệ lụy đắng cay cho chính mình và cho những người chung quanh, như hiện trạng “bi đát” đang diễn ra ngay trong những ngày nầy trước đại dịch “Corona Vũ Hán”, như nhận xét sau: “Ngày hôm nay, người dân Vũ Hán đang liều mình trốn chạy, trong khi các vùng lân cận lại tìm cách ngăn chặn trong tuyệt vọng. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng Vũ Hán vốn là trung tâm vùng dịch, mà giới nhà giàu trên khắp Trung Quốc cũng đang tìm con đường đào thoát khỏi quê hương. Đến bất cứ nơi đâu ta cũng thấy một cảnh tượng thê lương hỗn loạn: Người bên trong giẫm đạp lên nhau mà tháo chạy, còn người bên ngoài thì đóng cửa, quay lưng…. Thì ra thống khổ lớn nhất của những người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồn, một tâm hồn héo úa không có tín ngưỡng, không có niềm tin.”

Như thế, con đường Mùa Chay hôm nay hay cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu mỗi ngày chính là cuộc chiến đấu để chính mình và để anh chị em xung quanh chiến thắng cơn cám dỗ “trái cấm”, ra khỏi lối mòn của sự “lầm than tinh thần” để hân hoan bước đi trên lộ trình của Lời Chúa.

Và hành trang bảo đảm cho cuộc chiến thắng thường xuyên và cuối cùng đó chính là sức mạnh của Lời Chúa. Đây cũng chính là điều được ĐTC Phanxicô nhấn mạnh trong sứ điệp Mùa Chay năm nay: “Do đó, trong thời gian thuận tiện này, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn như Israel trong sa mạc (Hs 2,16), để cuối cùng chúng ta có thể nghe tiếng nói của vị Hôn phu của chúng ta và để nó vang vọng sâu sắc hơn trong chúng ta. Càng gắn bó với Lời Ngài, chúng ta càng cảm nghiệm hơn lòng thương xót Ngài ban cho chúng ta cách nhưng không. Chúng ta đừng để cho thời gian ân sủng này trôi qua cách vô ích, trong ảo tưởng khờ dại rằng chúng ta có thể kiểm soát thời gian và cách thế chúng ta hoán cải trở về với Ngài…” (SĐMC 2020).

Và “tiếng nói của vị Hôn Phu” trong Tin Mừng Matthêô vừa được công bố chính là những lời nầy: “Đã có có lời chép rằng”. Vâng, Đức Kitô đã không chọn một “chiến lược phản công” nào khác, một “vũ khí sát thương tối tân” nào khác, mà giản đơn, chỉ dựa hẳn vào Lời Chúa:

- “Đã có lời chép rằng”: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh...

- “Đã có lời chép rằng”: Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa...

- “Đã có lời chép rằng”: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi...

Nếu đặt những lời nầy vào trong bối cảnh khi Ngôi Hai chính thức bước vào đời để xông vào cuộc chiến giải thoát nhân loại mà “tuyên ngôn ra trận” đó là “Nầy Con xin đến để thực thi thánh ý Cha”, thì đó chính là thái độ “vâng lời Thiên Chúa” như cách cắt nghĩa của Thánh Phaolô trong thư Rôma được trích đọc trong Bài đọc 2 hôm nay: “nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”.

Vâng, cuộc chiến sinh tử của Đức Kitô để giải thoát con người và Ngài cũng muốn con người cùng tham dự cuộc chiến của chính Ngài đó chính là tiếng “vâng” nói không với ma quỷ và nói có với Thiên Chúa”; tiếng “vâng đầu tiên” khi vừa chập chững vào đời: “nầy con xin đến để thực thi ý Chúa…” hay tiếng “vâng nhức nhối” với nước mắt và mồ hôi máu trong vườn Giết sê-ma-ni: “xin vâng ý Cha đừng theo ý Con”, cho đến tiếng “vâng cuối cùng”: “con xin phó mọi sự trong tay Cha”. Và sau cuộc “vượt Qua” với những tiếng “Vâng” trọn hảo đó, Ngài đã đem về chiến thắng lẫy lừng cho Thiên Chúa và cho toàn thể nhân loại mà khúc dạo đầu của bài Thánh thi Phụng vụ giờ Kinh Sáng Mùa Chay phần nào đã nói lên:

Lạy Đức Kitô Mặt Trời công chính

Chúa thật là ngày mới đã lên ngôi !

Ngài phá tan đêm tối phủ lòng người

Cho đức hạnh lại chói ngời kiều diễm…

Với chúng ta, những người Kitô hữu hôm nay, Hội Thánh hôm nay, cũng chỉ với con đường duy nhất đó, con đường của Đức Kitô, chúng ta mới có khả năng chiến thắng, tiến bước trên con đường nên thánh và làm chứng cho mọi người giá trị tuyệt vời của Tin Mừng, chứ không phải những giải pháp thuần tuý con người như chủ trương của hai lạc thuyết Ngộ đạo và Pelagio mà Đức Phanxicô đã lưu ý trong tông huấn Gaudete et Exsultate: “Ở đây, tôi muốn lưu ý hai hình thức thánh thiện sai lệch có thể làm chúng ta lạc lối: thuyết Ngộ đạo (Gnosticismo) và thuyết Pêlagiô (Pelagianesimo)....Chúng ta cùng xem xét hai hình thức bảo đảm mang tính giáo thuyết hay kỷ luật này, vốn làm nổi lên “một tầng lóp ưu tú tự yêu và độc đoán (elitarismo narcisista e autoritario), theo đó, thay vì loan báo Tin Mừng thì người ta lại phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì mở rộng cửa cho ân sủng người ta lại tốn hao sức lực cho việc thẩm tra. Trong cả hai trường hợp, người ta không thật sự quan tâm đển Đức Kitô Giêsu hay tha nhân”.

Đây cũng chính là nội dung cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Giáo Hội tại Đức quốc khi Giáo Hội địa phương nầy chuẩn bị mở tiến trình Công nghị với hiệu quả ràng buộc trong bức thư vào tháng 6/2019: “Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” [dựa vào sức riêng của mình] khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”

Mặc cho thế giới đầy dẫy những thứ “bánh mì rẻ tiền”, và những “lời rao giảng hấp dẫn mang sắc màu loè loẹt của sự giàu có thế gian”, chúng ta tin vào một “Đức Kitô đang sống”, một Đức Kitô trước khi đi vào cuộc khổ nạn, đã hiến mình thành tấm bánh và ly rượu để nuôi sống chúng ta trên cuộc hành trình dương thế. Sự hạ mình tận cùng và thẳm sâu của Ngài trong mầu nhiệm Thánh Thể đã khiến cho con người được nên giàu sang và sung túc khi được “cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống” chính Thân Mình Ngài. Hôm nay, giờ nầy, chúng ta cũng được mời gọi đến đón nhận Lời và Mình Máu Thánh Chúa trong Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, như Lời Nguyện kết thúc của Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay: “Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết. Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Đức Kitô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy Lời Chúa làm lương thực hằng ngày.”

Ước gì “bánh trường sinh đích thực” nầy (chứ không phải thứ “bánh mì rẻ tiền”) sẽ thôi thúc chúng ta lên đường để cùng chiến thắng với Chúa Ki-tô trong Mùa Chay thánh nầy. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
20:01 01/03/2020
12. Nếu con không làm việc thiện thì không thể hoan lạc. (sách Gương Đức Chúa Giê-su )

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
20:21 01/03/2020
NỖI OAN THẠCH SÙNG

Thạch sùng và thằn lằn có vài điểm giống nhau, nhưng chúng nó là hai loại động vật khác nhau.

Tục gọi thằn lằn và rồng là thông gia nên có thể cầu cứu làm mưa.

Vào thời Tống Thần Tông, năm nọ trời hạn hán nên phải cầu mưa, nhưng tìm không thấy thằn lằn nên có người bắt thạch sùng thay thế và đem bỏ vào trong chậu nước để trẻ em cầm cành liễu cầu nguyện, có một em bé biết như thế liền niệm:

- "Oan khổ oan khổ, tôi là thạch sùng, tối sầm như ông (ám chỉ đến ông quan chủ trì cầu mưa) làm sao cầu được mưa ngọt chứ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 59:

Ở đời có những cái giống nhau nhưng khác nhau, như con thằn lằn và con thạch sùng, như con ba ba và con rùa, như con mực và con bạch tuột, như hai anh em sinh đôi...

Ở đời cũng có những cái khác nhau nhưng lại giống nhau, như các dòng tu nam nữ tuy khác nhau nhưng lại giống nhau về ba lời khấn tức là ba lời khuyên của Phúc Âm, như các linh mục triều và linh mục dòng dù là khác nhau nhưng thiên chức linh mục vẫn giống nhau, như người Ki-tô hữu dù là khác nhau về dân tộc sắc tộc màu da hay quốc tịch, thì họ vẫn là người Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội...

Cái giống nhau nhưng khác nhau thường làm cho con người ta bị hiểu lầm, vì ai cũng thích nhìn cái dáng vẽ bên ngoài để phán đoán và để dò xét nhau; trái lại, cái khác nhau nhưng lại giống nhau thì thường làm cho người khác để ý hơn và thích thú hơn, vì họ khám phá ra những chổ tương đồng trong đời sống khác biệt của nhau, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa thôi thúc họ sống yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su, cái dáng vẽ bên ngoài khác nhau thì không quan trọng nếu trong tâm của chúng ta có chữ Yêu của Thiên Chúa.

Nổi oan của thạch sùng không có gì là ghê gớm vì bên ngoài nó giống thằn lằn, nhưng nổi oan của người Ki-tô hữu mới là đáng nể hơn, vì chính họ đang trở nên giống Đức Chúa Giê-su hơn khi bị người đời bắt bớ, đánh đập, trù dập và giết chết...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đừng bao giờ thèm đối thoại với ma quỷ!’
Thanh Quảng sdb
19:32 01/03/2020
'Đừng bao giờ thèm đối thoại với ma quỷ!’

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 1/3/20 tuần thứ I Mùa Chay, nói về các cơn cám dỗ chúng ta phải cảnh tỉnh để trung thành bước đi trên con đường của Chúa.
(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với những người hành hương quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về Tin mừng của Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay thánh tường thuật việc Chúa Giêsu, sau khi chịu thanh tẩy tại sông Jordan, được Thánh Linh đưa vào sa mạc để ăn chay và bị ma quỷ cám dỗ.
Đức Thánh Cha nhắc nhớ cho tất cả biết Chúa Giêsu đã chuẩn bị sứ mệnh rao giảng Nước Trời bằng cách ăn chay bốn mươi đêm ngày.
Và khi mãn 40 ngày ăn chay, quỷ dữ đã cám dỗ Chúa.

Ba cơn cám dỗ
Đức Thánh Cha đề cập đến cơn cám dỗ đầu tiên, sau 40 ngày ăn chay, Chúa Giêsu cảm thấy đói, nên ma quỷ đã cám dỗ: Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những viên đá này thành bánh mà ăn... Nhưng Chúa Giêsu đã không để cho Ngài mắc bẫy ma quỉ, Ngài đã đối đáp với nó một cách mạnh mẽ bằng dùng chính lời Kinh thánh: ‘Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bởi mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa!’
Cám dỗ thứ hai, một cách tinh sảo hơn, ma quỉ thách thức Chúa, khi đưa Chúa lên đỉnh cao của đền thờ và trích dẫn Kinh thánh ‘Ông hãy gieo mình xuống, vì có lời Chúa, Ngài sẽ sai thiên thần bảo vệ ông để chân ông không vấp vào đá!... Chúa Giêsu một lần nữa chiến thắng ma quỉ bằng trả lời “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa!”...

Đức Thánh Cha tiếp: Cuối cùng trong nỗ lực thứ ba, ma quỉ muốn đánh lạc hướng Chúa Giêsu để quên đi sứ mệnh của mình bằng vẽ ra một viễn cảnh vinh quang trần thế cho Đấng Mết-sia... Nhưng Chúa Giêsu đã thẳng thừng bác bỏ quyền lực và vinh quang trần thế và quở mắng “Satan! Hãy xéo đi!” Vì có Lời viết: Ngươi phải tôn thờ Chúa và một mình Người mà thôi!”.

Đừng thèm đối thoại với Ma Quỷ
Đức Thánh Cha kết luận: Chúa Giêsu, không cần đối đáp với ma quỷ mà dùng chính Lời của Thiên Chúa, chứ không phải lời của chính Ngài! Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu hãy luôn cảnh giác, cẩn trọng và làm như Chúa đã làm!...

Satan đột nhập vào cuộc sống của ta
Hôm nay cũng vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói Sa-tan đột nhập vào cuộc sống chúng ta hầu cám dỗ chúng ta bằng những lời đừng mật lôi cuốn...
Đức Thánh Cha nói quỷ dữ dùng nhiều biện chứng thuyết phục lương tâm chúng ta; cho nên kinh nghiệm của Chúa Giêsu khiến chúng ta luôn xác tín rằng cám dỗ luôn ẩn nấp trong cuộc hành trình của chúng ta… ĐTC mô tả những cám dỗ mang lại cho chúng ta cảm xúc tự mãn, tận hưởng cuộc sống như đó là cùng đích của trần thế!

Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng, qua nhanh, làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, cảm thấy bất lực khi phải đối diện với những vấn đề thiêng liêng...
Đức Thánh Cha kết luận bằng lời kêu cầu Mẹ Chúa, Người đã đạp dập đầu con rắn, phù giúp chúng ta, trong Mùa Chay thánh này biết cảnh giác trước những cám dỗ, không để bị khuất phục trước bất kỳ thần tượng nào của thế giới này! Hay noi gương Chúa Giêsu mà chống lại tội lỗi gian tà của ma quỷ! Đức Thánh Cha quả quyết: ‘chúng ta sẽ chiến thắng với Chúa Kitô’.
 
Chung quanh các khám phá mới về Jean Vanier
Vũ Văn An
23:33 01/03/2020
Sinh thời và lúc vừa nằm xuống hồi tháng 5 năm 2019, Jean Vanier được mọi người hết lòng ca tụng, không những vì những gì ông làm cho những người khuyết tật về tri thức khắp thế giới mà còn về niềm tin, chứng tá, giáo huấn và lối sống gương mẫu của ông.

Vốn xuất thân từ một gia đình nổi tiếng trong ngành ngoại giao Gia Nã Đại, thiếu thời đã gia nhập Hải Quân Hoàng Gia Anh, sau đó, theo đuổi giáo dục đại học và giảng dạy tại trình độ này, Jean Vanier năm 1964 đã thành lập L’Arche, một mạng lưới hiện gồm trên 150 cộng đồng rải rác gần khắp 40 quốc gia trên thế giới, chuyên chào đón các người khuyết tật tri thức. Song song với công trình này, ông còn viết vào khoảng 30 tác phẩm nhấn mạnh tới nền thần học khuyết tật, gợi hứng cho rất nhiều người. Việc làm của ông, tất nhiên, được nhiều người truyền tụng và ca ngợi. Ông được trao tặng nhiều huy chương quốc tế: Companion of the Order of Canada (1986), Grand Officer of the National Order of Quebec (1992), Legion of Honour (2003), Community of Christ International Peace Award (2003), Pacem in Terris Peace and Freedom Award (2013), và Templeton Prize (2015). Cuộc đời ông, năm 2017, cũng đã được trình chiếu trên phim ảnh (“Summer in the Forest” của Randall Wright).

Rất nhiều người coi ông như thánh sống cùng tầm cỡ với Mẹ Têrêsa Canquýtta. Khi ông qua đời hồi tháng 5 năm 2019, không báo chí thế giới nào không ca tụng ông. Lời ca ngợi đáng lưu ý nhất là của Đức Phanxicô, phát biểu trong cuộc họp báo trên không, trên đường từ Bắc Macedonia trở về Rôma: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với chứng tá của ông. Ông là một con người có khả năng đọc thấy ơn gọi Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết, thập giá, bệnh tật, mầu nhiệm của những người bị khinh miệt và vứt bỏ”, nhất là ông sẵn sàng đứng lên vì những người “có nguy cơ bị án tử ngay trước khi được sinh ra đời. Nói một cách đơn giản, tôi muốn cám ơn ông và cám ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta con người này với một chứng tá vĩ đại đến thế”.

Ấy thế mà chưa đầy một năm sau, chính Hệ Thống Nhà Tầu (L’Arche) Thế Giới, hệ thống do ông sáng lập, đã công bố phúc trình cho thấy lời của 6 phụ nữ tố cáo ông lạm dụng họ về tình dục là có cơ sở và lên tiếng chính thức nhận trách nhiệm và xin lỗi.

Tin ấy làm cả thế giới sững sờ, khiến những người vốn ngưỡng mộ ông gãi đầu gãi tai không thể nào hiểu nổi và họ bắt đầu tìm cách giải thích hiện tượng đầy nghịch lý này.



Phúc trình của L’Arche Quốc tế

Tuy nhiên, trước khi xem xét các giải thích nói trên, tưởng nên biết qua bản tóm lược Phúc Trình điều tra của L’Arche Quốc Tế vừa công bố ngày 22 tháng 2 vừa qua. Bản tóm lược này lướt qua bối cảnh cuộc điều tra: Năm 2014, nhân cuộc điều tra theo giáo luật đối với các lời tố cáo Cha Thomas Philippe, người cha tinh thần và cùng hoạt động với Jean Vanier tại L’Arche từ những ngày mới thành lập, lạm dụng tình dục một số phụ nữ được Cha hướng dẫn linh đạo, một cuộc điều tra đưa đến phán kết: vị linh mục này quả đã dùng thủ thuật linh đạo để xâm phạm tình dục các phụ nữ, câu hỏi được nêu ra là: Jean Vanier biết gì về những lời tố cáo này.

Chính L’Arche Quốc Tế đã nêu thẳng câu hỏi ấy với Jean Vanier và được Jean Vanier trả lời liên tiếp trong hai thư hồi tháng 5 năm 2015 và tháng 10 năm 2016, đại ý: ông không biết gì về các hành vi tội lỗi của Cha Philippe. Rồi năm 2016, L’Arche nhận được lời tố cáo của 1 phụ nữ về tác phong của chính Jean Vanier. Ông thừa nhận nhưng cho hay liên hệ này là “thuận tình”. Nhưng đến tháng 3 năm 2019, chỉ 2 tháng trước khi Jean Vanier qua đời, L’Arche lại nhận được môt lời tố cáo tương tự và họ quyết định mở cuộc điều tra độc lập.

Ngay tháng 4 năm đó, L’Arche thuê công ty tham vấn GCPS, một công ty có trụ sở ở Anh, chuyên về phòng ngừa việc khai thác tình dục, để tiến hành cuộc điều tra. Đồng thời họ thành lập Ủy Ban Giám Sát Độc Lập gồm hai nhân vật từng giữ các chức vụ cao cấp trong chính phủ Pháp để duyệt xét tính trung thực và đáng tin cậy trong các khám phá của GCPS. Chính Ủy Ban này, ngày 11 tháng 2 năm 2020 đã thừa nhận giá trị các khám phá của GCPS và coi các kết luận của họ là có cơ sở vững chãi.

Phúc trình đề cập đến nhiều vấn đề trong đó có mối liên hệ giữa Jean Vanier và cha thiêng liêng của ông là Thomas Philippe, nhưng chúng tôi chỉ xem xét phần trực tiếp nói đến các sai phạm của Jean Vanier. Sau đây là nội dung một số khám phá:

Các liên hệ cho là có giữa Jean Vanier và một số phụ nữ

Ngoài những người nghi vấn tác phong của Jean Vanier, các phụ nữ khác cũng đã được phỏng vấn, coi như một phần của cuộc điều tra. Tất cả những người này đều mô tả các mối liên hệ của họ với Jean Vanier. Trong khi một số người nói một cách tích cực, những người khác nói tới tác phong lạm dụng, qua đó, họ đã đặt niềm tin của họ vào Jean Vanier và ông đã dùng quyền của mình trên họ để lợi dụng họ bằng nhiều loại tác phong tình dục khác nhau.

Nhóm điều tra đã điều tra một số lời tố cáo tấn công tình dục tất cả đều phát xuất từ những phụ nữ đã trưởng thành và không có khuyết tật. Các liên hệ này liên quan đến nhiều loại tác phong tình dục đa dạng thường được nối kết bằng điều gọi là các biện minh “huyền nhiệm và linh đạo” đối với tác phong này. Các liên hệ được cho là đã diễn ra trong các điều kiện được nhóm điều tra gọi là “cầm tù tâm lý” (psychological hold) và được mô tả là lạm dụng về xúc cảm và có đặc tính bất cân bằng đáng kể về quyền lực, qua đó, các người bị coi là nạn nhân cảm thấy bị tước hết ý chí tự do của họ và do đó, sinh hoạt tình dục là cưỡng ép và diễn ra trong các điều kiện thúc bách. Trong đó, có các lời tố cáo cho rằng một số sinh hoạt tình dục diễn ra trong bối cảnh đồng hành linh đạo trong đó, Jean Vanier là người có quyền lực và thẩm quyền đáng kể cung cấp hướng dẫn cho một số phụ tá ông chọn để đồng hành. Một số phụ nữ quả quyết rằng họ dễ bị thương tổn vào lúc ấy và Jean Vanier biết điều đó.

Nhóm điều tra nhận được những trình thuật đáng tin và được kiểm chứng (corroborating) bao trùm một thời kỳ hơn 30 năm (1970 tới 2005), từ nhiều người được coi là nạn nhân. Họ thuộc nhiều bối cảnh khác nhau (độc thân, có gia đình, khấn giữ độc thân) và khung thời gian này được các tuyên bố của họ bao trùm. Tuy nhiên, tất cả mọi người trong số họ đều mô tả các biến cố giống nhau, cung cấp các chứng cớ đầy đủ để thiết lập điều này: Jean Vanier can dự vào các mối liên hệ có tính thao túng tình dục với ít nhất 6 phụ nữ trưởng thành (không khuyết tật). Con cố này không giả thiết không có những trường hợp khác nhưng có bao trùm chứng từ nhận được một cách tự phát.

Khám phá này cũng được sự hỗ trợ của nhiều chứng cớ tài liệu và ngôn từ cho thấy Jean Vanier biết rõ về và cũng biểu lộ cùng một tác phong bất xứng về tình dục như của Cha Thomas Philippe. Chứng cớ cho thấy:

• Giống như Cha Thomas Philippe, Jean Vanier đã vượt ranh giới vốn được chờ mong và cần thiết khi người ta đang ở trong một liên hệ tin cậy, thí dụ được đồng hành về linh đạo bởi hoặc một linh mục hoặc một người có thẩm quyền.

• Jean Vanier đã có các mối liên hệ với các phụ nữ, một số liên hệ ấy ít nhất không thích đáng và được hình thành dưới điều kiện của một cuộc cầm tù tâm lý.

• Đối với một số phụ nữ, các liên hệ này được cảm nghiệm một cách ép buộc và không thuận tình từ trong bản chất.

• Mọi phụ nữ đều diễn tả tác phong gây tác động tiêu cực lâu dài đối với cuộc sống bản thân, liên ngã cũng như các liên hệ vợ chồng của họ.

• Phần lớn các phụ nữ nhận được sự hỗ trợ tâm lý trong nhiều năm để vượt qua các hậu quả bị lạm dụng được họ mô tả.

Tất cả các người cho là nạn nhân đã mô tả tính dễ bị tổn thương của họ vào lúc xẩy ra các biến cố, đôi khi phát xuất từ các bối cảnh khó khăn của gia đình hay muốn tìm khuôn mặt của người cha, hoặc tìm cách được ca tụng hay nhìn nhận hoặc tìm sự hướng dẫn thiêng liêng. Họ cũng mô tả các ngăn trở đáng kể, không cho họ nêu vấn đề, vì nhân cách đầy lôi cuốn của Jean Vanier và vị trí nổi bật của ông trong L’Arche.

Phúc trình ghi lại một số chứng từ của các nạn nhân, trong đó, có lời thuật lại rằng trong những lần lạm dụng, chính Jean Vanier nói với một người đàn bà ông với Chúa Giêsu là một và hành động của ông là hành động của Chính Chúa Giêsu.

Kết án

Nếu đúng như trên thì sự sai phạm của Jean Vanier nghiêm trọng đến mức độc nhất vô nhị, một sự phạm thượng không biết phải dùng ngôn từ nào để lên án.

Những người đầu tiên lên tiếng kết án ông chính là Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch của L’Arche International, Stephan Posner và Stacy Cates-Carney. Trong lá thư đề ngày 22 tháng 2 năm 2020 gửi cho tất cả các cộng đồng của L’Arche khắp thế giới, hai người này viết rằng “chúng tôi ngỡ ngàng trước các khám phá này và không ngần ngại lên án các hành động ấy, chúng hoàn toàn mâu thuẫn với các giá trị mà Jean, về mặt khác, vốn chủ trương và bất tương hợp với các qui luật căn bản về việc tôn trọng và tính liêm chính của con người, và trái với các nguyên tắc nền tảng mà L’Arche vốn dựa vào”.

Ngỏ lời với các nạn nhân, hai nhân vật trên viết “Vì các biến cố này diễn ra trong bối cảnh L’Arche và một số được gây ra bởi người sáng lập của chúng tôi; với tất cả các bạn, chúng tôi xin sự tha thứ”.

Nhưng L’Arche International vẫn không thể quên được những mặt tích cực của Jean Vanier. Lá thư viết “Đối với nhiều người chúng ta, Jean là một trong những người chúng ta yêu mến và kính trọng nhất. Jean gợi hứng và khích lệ nhiều người trên khắp thế giới, cả trong lẫn ngoài L’Arche... Những điều tốt đẹp hết sức đáng kể ông đã thực hiện trong đời ông không hề bị nghi vấn...”.

Lá thư cũng nhấn mạnh chính vì sự lưỡng nghĩa này, “sẽ cần nhiều thời gian và việc làm nữa, với sự giúp đỡ từ bên ngoài L’Arche, để cố gắng hiểu được... cội rễ các tác phong này”. L’Arche vì thế hy vọng sẽ có thêm thông tri để hiểu rõ các biến cố này. Họ hứa sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tri cho các cộng đồng thành viên các khám phá tìm được.

Lá thư cũng ngầm cho hiểu Jean Vanier và L’Arche là hai thực thể riêng biệt. Nên tai tiếng của ông chỉ có thể giúp “tương lai của L’Arche với nhiều công lý, thông sáng và tự do hơn” mà thôi.

Lá thư viết tiếp “Nếu lời lẽ của những người làm chứng mang ra ánh sáng cái phần rắc rối của lịch sử chúng ta, thì các cố gắng của họ đem lại cho L’Arche một cơ may để tiếp tục cuộc hành trình của mình, trở nên ý thức được lịch sử của chúng ta nhiều hơn, và, sau cùng, có nhiều khả năng hơn để đương đầu với các thách đố thời nay. Chúng ta hiểu đây cũng là ý hướng của họ, và chúng ta biết ơn vì điều đó".

Ký giả Jamie Manson của National Catholic Reporter (xem No, Jean Vanier is not 'like all of us' , Feb 25, 2020) dường như dứt khoát hơn trong việc lên án Jean Vanier và cả L’Arche nữa. Ký giả này cho rằng “Vanier vốn không phải là người tôi trông mong để được gợi hứng thiêng liêng” và tuy Vanier không phải là một linh mục nhưng ông vẫn coi ông ta thuộc nhóm “giáo sĩ trị” và ông vốn không ưa khuynh hướng của người Công Giáo hay tôn thờ những đấng anh hùng, nhất là những người đàn ông cao niên xuất chúng.

Ký giả này cũng xếp Vanier vào loại “cult leader” (trưởng tà phái) chuyên dụ dỗ đàn bà để lạm dụng tình dục: “Loại lạm dụng tình dục này thường được rao bán như một cách để được gần gũi hơn với thần thánh. Nó được trình bầy với tín đồ như không hề là ái tình lăng nhăng (“sex”), mà là một hình thức thực hành tâm linh”.

Tệ hơn nữa, theo Manson, Vanier còn có cả hàng thế kỷ học thuyết Công Giáo để chống đỡ tác phong của ông ta. Manson muốn nói đến cơ cấu lãnh đạo và nền thần học hoàn toàn có tính tộc trưởng (patriarchal) vốn nằm ở gốc rễ phần lớn các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.

Thực vậy, theo Manson, trong chế độ tộc trưởng, những người đàn ông quyền thế thống trị phụ nữ, trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương. Điều này có thật, nhưng Manson hơi quá đáng khi cho rằng mọi trường hợp lạm dụng và che đậy lạm dụng trong Giáo Hội gần đây đều có mẫu số chung: niềm tin tộc trưởng cho rằng loại người tâm linh đặc biệt có quyền sử dụng đàn bà, trẻ em và các người đàn ông dễ bị tổn thương khác để thoả mãn tình dục của họ.

Ký giả này còn cho rằng “Khi hệ thống tộc trưởng này được phối hợp với ý niệm thần học về tính bổ túc giới tính (gender complimentarity), một ý niệm cho rằng Thiên Chúa mời gọi người đàn ông lãnh đạo, còn người đàn bà thì phải tùng phục, nó đã tạo nên mảnh đất ươm trồng hoàn hảo loại lạm dụng ta thấy trong vụ Vanier.

Manson bác bỏ hoàn toàn điều người ta bàn tán về Jean Vanier, coi ông ta giống mọi người chúng ta, có cả thiện lẫn ác. Vì một lẽ đơn giản là “phần lớn chúng ta không hành động theo lối hành động của Vanier, lạm dụng quyền lực thiêng liêng của mình, bóp méo thần học để ép buộc phụ nữ vào việc lạm dụng tình dục theo nghi thức...”.

Giải thích

Cũng căn cứ vào học thuyết Công Giáo để giải thích trường hợp lưỡng nghĩa của Jean Vanier, Cha Dwight Longenecker, một linh mục từ Anh Giáo trở lại Công Giáo, đi theo con đường khác với Manson (xem Jean Vanier and total Depravity). Cha không dựa vào chủ nghĩa giáo sĩ trị cũng như tính bổ túc nam nữ mà dựa vào học thuyết “hoàn toàn đồi trụy” (total depravity) vốn là nền tảng của Phái Thệ Phản Calvin, một học thuyết quả có đứng đàng sau các nhận định của Manson về Jean Vanier. Theo học thuyết này, không những “không có ai công chính cả, không một ai” (Rm 3:10-12) mà “mọi sự công chính của các ngươi chỉ là giẻ rách hôi thối” (Is 64:6).

Luther vốn bảo con người chỉ là đống phân, may mắn lắm, đống phân này được phủ tuyết trắng tức ơn thánh Thiên Chúa, nhưng tận đáy hữu thể, con người chỉ là đống giẻ rách hôi thối. Ngược với quan điểm này là quan điểm tự do cấp tiến của xã hội đương thời coi mọi sự và mọi người đều tốt lành. Cả hai, theo Cha Longenecker, đều không nhìn ra thực tại nên khi thấy Vanier, hay bất cứ người anh hùng nào, sai phạm một là họ coi như chuyện đương nhiên hai là họ ngã lòng, thất vọng. Đến độ hoàn toàn kết án họ, ném họ xuống bùn, tuyệt thông họ hoàn toàn.

Trái lại quan điểm Công Giáo có tính duy thực (realist): bản chất con người không hoàn toàn đồi trụy như Phái Calvin dạy cũng không tốt lành hoàn toàn đến nỗi không ai phải xuống hỏa ngục như chủ nghĩa cấp tiến hiện đại vốn nghĩ. Con người có cái tốt và cái xấu của họ. Nhờ thế khi thấy những người như Jean Vanier sai phạm, ta không ngạc nhiên và thất vọng đến độ lên án họ không thương tiếc. Vì ta biết ngay từ đầu rằng không ai trong chúng ta chỉ bị định nghĩa bằng những điều xấu ta làm.

Theo Cha Longenecker, “người ta có thể phạm những hành vi khủng khiếp... nhưng cùng một lúc rất có thể làm nhiều điều tốt lành và là người tốt lành hơn ta tưởng”.

Cha Raymond J. de Souza (xem The Great Fruit of L’Arche Came Despite Jean Vanier’s Sins) coi tai tiếng của Jean Vanier là một trong các tai tiếng tình dục tồi tệ nhất trong Giáo Hội, dù tai tiếng này không liên quan tới các vị thành niên hay người khuyết tật”.

Theo Cha de Souza, trong suốt cuộc hiện hữu của L’Arche, người sáng lập ra nó sống trong tình trạng tội trọng. Khó có thể nói rằng ông không biết điều đó, cho nên không mắc tội vì không biết. Cũng khó có thể nói ông hoang tưởng, mắc chứng tâm thần nào đó.

Dù sao, thì với trường hợp Vanier, quan điểm thông thường trong Giáo Hội vẫn coi tính sinh hoa trái của một sứ vụ bắt nguồn từ sự thánh thiện của vị sáng lập, quan điểm ấy không đúng chút nào. Tính sinh hoa trái dồi dào của L’Arche phát sinh bất chấp tội lỗi và bất trung thực của Vanier. Theo Cha, Giáo Hội hiện chưa có các phạm trù thỏa đáng để giải thích hiện tượng này: tính sinh hoa trái muc vụ đồng hiện hữu với việc thiếu liêm chính bản thân.

Ông có phải là một tội nhân thống hối ăn năn, một tội nhân đang chiến đấu, một người có đời sống phần lớn chính trực nhưng có những lần sa ngã phạm tội nặng? Chỉ những ai biết linh hồn ông từ bên trong mới có thể trả lời được. Nhìn từ bên ngoài khó mà trả lời tích cực vì đây là “một con người trong một thời gian dài dẹp bỏ sự thật về chính mình và bác bỏ sự thật về người khác”.

Có điều, theo Cha de Souza, Vanier phần lớn được cử tọa thế tục ca ngợi. Điều này phần lớn vì, không như Mẹ Têrêxa, ông quyết định không nói đến các vấn đề gây tranh cãi về luân lý. Thánh Têrêxa thành Canquýtta nói về phá thai khi nhận Giải Nobel và về ngừa thai tại Bữa Điểm Tâm Cầu Nguyện Toàn Quốc tại Washington. Vanier phần lớn tránh các chủ đề ấy và thích nói đến các vấn đề tan nát và bé bỏng cùng bị thương tích, và việc học cách yêu thương từ những người, trong chính sự yếu đouối của họ, tùy thuộc hoàn toàn vào những người họ tin tưởng. Dù bắt nguồn sâu xa từ truyền thống Công Giáo, ông tự phát biểu một cách rất dễ nuốt đối với phe tả văn hóa”.

Nhưng không ai chối cãi sự tốt lành của L’Arche, của các cuốn sách ông viết, những buổi nói chuyện của ông, hàng chục ngàn người được ông gợi hứng. “Con người rõ ràng thiếu liêm chính, nhưng các công trình tốt đẹp của ông thì còn đó và là công trình của ông”.

Thành thử theo Cha de Souza, có thể ví Vanier với Mục sư Martin Luther King Jr. Các tiết lộ sau khi Mục sư qua đời về đạo văn và hàng loạt các vụ ngoại tình đã làm danh tiếng của ông như một mẫu mực gương sáng mất đi khá nhiều, nhưng không gây hại chi tới khuôn mặt chính trị có ảnh hưởng của ông. Cuộc sống hai mặt của mục sư có thể khiến danh tính đệ nhất đẳng của ông, tức mục sư của Giáo Hội Baptist, bị hạ thấp nhưng hoạt động dân quyền của ông được nhấn mạnh thêm.

Có lẽ đã đến lúc coi Vanier cách đó, một con người khai phá đường lối mới để tôn trọng phẩm giá các người khuyết tật về tri thức và gợi hứng cho hàng ngàn người sống liên đới với họ. Nhưng ông không còn được coi như một người thánh thiện, một ông thánh, mà, đúng hơn, một con người có tì vết đã làm nhiều điều thánh thiện và gợi hứng nhiều người khác sống thánh thiện.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Trẻ Sống Mùa Chay Theo Tông Huấn Christus Vivit
Gioan Lê Quang Vinh
09:17 01/03/2020
Tông huấn “Christus vivit, Đức Kitô đang sống” được Đức Thánh Cha Phanxicô ký ban hành ngày 25/3/2019, gởi đến “người trẻ và toàn dân Chúa”, là một Tông huấn phong phú về nhiều mặt. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin gợi lên vài điểm trong Tông huấn liên quan đến cách sống Mùa Chay của giới trẻ, nhất là giới trẻ tại Việt Nam ngày nay.

Mùa Chay được định nghĩa là mùa chuẩn bị mừng kỷ niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian. Việc chuẩn bị ấy được thực hành cụ thể bằng việc sám hối, chay tịnh, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Chúng ta cùng nhau đọc lại vài đoạn trong đó Đức Thánh Cha dạy người trẻ quay trở về cùng Thiên Chúa, sống thánh thiện và sống khác biệt với thế gian, nhất là đời sống cầu nguyện.

TRỞ VỀ

Mùa Chay luôn nhắc nhở con người quay về với Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót. Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc người trẻ ra đi và quay về khi ngài nói đến “đứa con thứ, đứa con trẻ hơn”. Tông huấn viết về người con thứ và cũng là về giới trẻ hôm nay như sau: “Nhưng giấc mơ tự lập của cậu đã biến thành cuộc sống phóng đãng trụy lạc, và cậu đã phải nếm trải nỗi cay đắng của cô đơn và nghèo đói (x. Lc 15,14-16). Nhưng rồi cậu đã biết hồi tâm để bắt đầu lại (x. cc. 17-19) và cậu quyết tâm đứng dậy trở về (x. c. 20). Đó là đặc điểm của con tim trẻ trung, sẵn sàng thay đổi, có khả năng đứng dậy và học hỏi từ cuộc sống”. (CV số 12).

Như thế, quay trở về trước hết là nhận ra sự cô đơn, sự thiếu hụt của tình trạng mình đang sống. Nhưng như thế chưa đủ, cần tìm thấy sức mạnh và rồi quyết tâm đứng dậy.

Đặc tính của người trẻ là tự lập và quyết đoán để vươn lên, chứ không phải là việc tự ý phá vỡ rào cản, phá vỡ lề luật và sống ương bướng trong tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Giáo Hội muốn người trẻ vươn lên và sẵn sàng vất bỏ xiềng xích trói buộc mình. Mùa Chay là “thời kỳ thuận tiện” (x 2Cor 6,2) để người trẻ chứng minh quyết tâm trở về của mình, và nhờ đó họ được sống trong tự do chân chính, sự tự do mà Thiên Chúa ban cho con người trong ngày sáng tạo.

SỐNG THÁNH THIỆN

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thánh thiện nơi người trẻ: “Dầu thơm thánh thiện phát sinh từ cuộc sống tốt đẹp của rất nhiều người trẻ có thể chữa lành các vết thương của Giáo hội và thế giới”.

Giáo Hội tin tưởng vào giới trẻ một cách đặc biệt biết bao. Chỉ có người cha người mẹ mới tin con mình thật sự tốt lành. Cho nên chúng ta có thể hiểu rằng khi Đức Thánh Cha nói mạnh mẽ về giới trẻ như thế, ngài không chỉ diễn tả sự tin tưởng của mình vào giới trẻ, mà còn cho thế giới thấy Giáo Hội thật sự là người mẹ hiểu con, thương con và tha thiết muốn con nên người.

Bạn trẻ có thể thờ ơ trước lời mời gọi đầy niềm tin và tình yêu như thế sao? Giáo Hội trình bày cho chúng ta những người trẻ đi trước đã đáp lại tiếng Chúa một cách quyết tâm đầy tích cực. Tông huấn viết: “Có những vị thánh chưa là người lớn, nhưng đã để lại cho chúng ta chứng tá về việc sống tuổi trẻ theo một cách khác.” (CV số 50).

Các vị thánh trẻ được nêu lên làm gương cho giới trẻ là Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh đã “sống theo con đường bé nhỏ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Chúa và quyết tâm dùng lời cầu nguyện quạt cho ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong lòng Giáo hội”; chân phước Ceferino Namuncurá, một chủng sinh Salêdiêng, tràn đầy ước mong trở về bộ lạc của mình, mang Chúa Kitô đến với họ và một số các vị khác nữa.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha có nhắc đến vị chân phước đồng hương Việt nam của người trẻ chúng ta: “Chân phúc Anrê Phú Yên là một chàng trai trẻ người Việt ở thế kỷ XVII. Ngài là một giáo lý viên và trợ giúp các nhà truyền giáo. Ngài bị cầm tù vì đức tin, và vì không chịu từ bỏ nó, ngài đã bị giết. Anrê chết khi thốt ra tên Chúa Giêsu”.

Tông huấn định nghĩa sống thánh thiện là “hiến mạng sống mình cho Chúa Kitô”, “phản chiếu quý giá của Chúa Kitô trẻ trung” (CV 49) như các thánh mà Tông huấn đề cập đến. Nói cách khác, sống thánh thiện là sống theo Chúa Giêsu, sống chết không rời Danh Thánh Chúa Giêsu.

SỐNG KHÁC BIỆT

Trong khi Tông huấn nhắc chúng ta “không được tách biệt với những người khác”, thì đồng thời cũng mời gọi chúng ta “phải dám khác biệt, có những ước mơ khác mà thế gian không có, dám làm chứng cho vẻ đẹp của sự quảng đại, tinh thần phục vụ, sự trong sạch, dũng cảm, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, của cầu nguyện, tranh đấu cho công lý và công ích, yêu thương người nghèo và tình thân hữu với mọi người.” (CV 36).

Sống tinh thần Mùa Chay là gì nếu không phải là sống khác biệt như thế? Chúng ta đọc lại xem thử: “quảng đại, phục vụ, trong sạch, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, cầu nguyện, tranh đấu cho công lý và công ích, yêu thương người nghẻo, tình thân hữu…”. Sống khác biệt chính là sống những lý tưởng này, chính là sống thánh thiện như Chúa Giêsu dạy.

Mỗi bạn trẻ chúng ta thử ghi nhớ những giá trị ấy và mỗi ngày thực hành một điểm thôi cũng được, đến hết mùa Chay có lẽ chúng ta đã có chút quà mừng Chúa Phục Sinh.

Để sống các giá trị ấy, chúng ta cần ơn Chúa, và “lời cầu nguyện” được Đức Thánh Cha nhắc nhở như “chìa khóa” cho việc sống khác biệt này. Bạn hãy kiên trì thưa chuyện với Chúa, và lởi tỉ tê với Đấng là Tình Yêu chắc chắn sẽ biến đổi chúng ta nên “tình yêu giữa lòng Hội Thánh” như Thánh trẻ Têrêxa.

SỐNG MÙA CHAY VỚI MẸ MARIA

Chúng ta có một mẫu gương tuyệt với là Mẹ Maria. Các văn kiện của Giáo hội thường nhắc đến Mẹ, chẳng hạn Mẹ là “vừa là Mẹ vừa là môn đệ của Chúa” (Tông huấn Giáo Lý Catechesi Tradendae), Mẹ là “ngôi sao của công cuộc Tân Phúc m hóa” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng - Evangelii Gaudium). Tông huấn Christus Vivit nói rõ hơn: “Đức Maria ngời sáng ở trung tâm của Hội Thánh. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Hội Thánh trẻ trung muốn quảng đại và ngoan hiền bước theo Đức Kitô.” (CV 43)

Đức Thánh Cha viết: “Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ! Mẹ đã mạo hiểm và vì thế Mẹ trở nên mạnh mẽ, trở nên một influencer (người có uy thế). Mẹ là một influencer của Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” và mong muốn phục vụ thì mạnh mẽ hơn những nghi nan và khó khăn”.” (CV 44). Một trong những đặc tính của tuổi trẻ là mạo hiểm, dám làm, dám sông cho chân lý và lý tưởng. Ước chi trong Mùa Chay này và trong suốt đời mình, chúng ta biết sẵn sàng mạo hiểm vì đức tin như Mẹ yêu dấu của chúng ta mà Đức Thánh Cha diễn tả như sau:

“Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngời sáng ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiêm ngắm cuộc đời bằng đức tin và lưu giữ mọi sự trong lòng (x. Lc 2,19.51). Đó là người phụ nữ ân cần, mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình, chẳng bận tâm về các kế hoạch của mình, nhưng “vội vã” ra đi đến miền đồi núi (Lc 1,39).” (CV 46).

Sẵn sàng lên đường vì xin vâng ý Chúa, vì muốn thi hành sứ mạng Chúa trao và vì muốn ra khỏi con người ích kỷ của mình, chính là sống tinh thần Mùa Chay, đi vào sa mạc với Đức Kitô để cùng chiến thắng cám dỗ và cùng hưởng vinh quang Phục Sinh với Người

Gioan Lê Quang Vinh
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Con Là Cát Bụi
Trà Lũ
10:01 01/03/2020
Tháng Hai tây đã qua, ai cũng mừng vì như vậy mùa đông sắp hết, mùa xuân như đang lấp ló chân trời. Sáng nay anh hàng xóm da trắng của tôi gõ cửa rủ tôi đi chơi xa. Tôi cứ nghĩ anh rủ đi câu cá mùa đông như mọi năm, nhưng không phải. Anh bảo mùa đông dài thế này ta không nên ru rú trong nhà cả ngày mà nên ra ngoài chơi. Bây giờ ai cũng sợ dịch cúm Covina, nơi nào cũng có bóng dáng nó, chỉ còn hai nơi là bắc cực và nam cực, con Covina sợ lạnh là chưa tới. Tên anh là Mike. Tôi có nhiều bạn da trắng nhưng chưa có ai đáng yêu và đáng quý bằng anh Mike này. Lời anh đầy tính thuyết phục. Thế là tôi rủ thêm được vợ chồng Anh John và Chị Ba Biên Hòa cùng đi. Đoàn tôi gồm 4 vĩ nhân, lên đường vào giữa tháng Hai tây, bằng máy bay. Có tới tận nơi mới thấy cái tiểu bang 49 của Hoa Kỳ này thật là vĩ đại. Alaska có 3000 con sông và hơn 1 triệu cái hồ, diện tích bằng 1/5 nước Mỹ. Alaska là tiếng Da Đỏ, có nghĩa là ‘miền đất vĩ đại’. Quả đúng. Nơi miền Barrow cực bắc, mỗi năm 3 tháng mặt trời mọc cả ngày cả đêm, và 2 tháng mặt trời ngủ, cũng ngủ cả ngày cả đêm luôn.

Ngày xưa Alaska thuộc Nga. Họ đi săn bắn và bẫy thú và lập các thương điếm ở đây. Rồi người Mỹ ở phía nam cũng lên đây, cũng săn bắn và tranh chấp về lãnh thổ. Cuối cùng thì Nga bán Alaska cho Mỹ năm 1867 với giá 7 triệu mỹ kim. Tính ra mỗi mẫu đất có 2 xu ! Hiện nay Canada và Hoa Kỳ vẫn còn tranh chấp về biên giới ở đây. Có một điều đáng ngạc nhiên là thủ đô Alaska của Mỹ mà lại mang tên một người Canada, đó ông Joseph Juneau, người đầu tiên đã tìm thấy vàng ở miền băng gía này. Nhờ ông mà năm xưa hàng hàng lớp lớp người đã tiến lên đây tìm vàng, và vàng đã mang sự giầu có cho miền đầy tuyết này.

Nơi đầu tiên mà nhóm tứ nhân quân tử chúng tôi đặt chân tới là Anchorage, thủ đô kinh tế và kỹ nghệ của Alaska. Chúng tôi tới thăm trung tâm của người Da Đỏ. Họ gồm 5 sắc dân chính. Nét mặt họ là nét mặt Á châu rõ ràng. Anh John bao giờ cũng cười hì hì bảo rằng cái thuyết người da đỏ là con cháu Mẹ u Cơ ngày xưa của cụ Trà Lũ là đúng lắm vì mặt mũi họ giống y như người VN, họ cũng đội mũ lông chim và múa hát thì cũng đánh trống tùng tùng. Mẹ u Cơ ngày xưa đã dẫn đàn con tới đây. Gặp eo biển Bering khô ráo nên đã tiến xuống vùng Alaska này.

Bering nổi tiếng về con đường di dân lịch sử, còn nổi tiếng về cua biển. Cua biển Bering hay Alaska rất lớn và thịt rất ngon. Con cua này cũng mang tên là cua Canada. Các cụ nhớ nha, Canada nổi tiếng về tôm hùm ở miền đông và nổi tiếng về cua biển ở miền Alaska này nữa nha.

Anh Mike dẫn chúng tôi vào chợ mua cua biển mà anh đâu có ngờ anh đã đưa chúng tôi vào cái bếp của thiên đàng. Anh đâu có ngờ Chị Ba nấu cua ngon như vậy. Hôm đó chúng tôi đã ăn một bữa cua hấp ngon vô cùng. Tôi nói hấp nha, không phải luộc vì nếu luộc thì những chất bổ dưỡng và chất ngọt tinh tuý của con cua sẽ tan vào nước luộc hết. Chuyện này dài, nếu có dịp tôi sẽ trình các cụ sau.

Sau khi thăm thủ đô Juneau và ăn cua, chúng tôi đi thăm thành phố Ketchikan là thủ dô nổi tiếng về cá hồi. Tới đây tôi mới biết nhiều loại cá nổi tiếng cũng có mặt ở đây, như cá Herring trông như con cá cơm mà quê mình bắt làm nước mắm, như cá rockfish trông như con cá rô của mình nhưng bự hơn, có con nặng tới 5 kí lô, như cá Tuna tức cá ngừ, như cá Cod tức cá thu, như cá Flounders tức cá bơn. Riêng con cá bơn này ở dạng bẹt nên 2 mắt của nó ở cùng một bên, lạ quá chứ. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Các con cá trên đây khi còn ở miền dưới thì nhỏ như ta vẫn thường thấy ngoài chợ, nhưng khi chúng lên tới miền cực bắc gần cửa thiên đàng này thì con nào cũng to tổ chảng và nặng tổ bố !

Và 4 vĩ nhân chúng tôi đã say mê thăm viếng Alaska hơn một tuần lễ, về tới nhà Toronto mà vẫn còn cảm thấy thích thú. Nhưng rồi chẳng bao lâu sự thích thú này bỗng tan biến vì nhiều chuyện thời sự. Chuyện đầu tiên ở Canada là sau tết con chuột, người Da Đỏ cản đường xe lửa xuyên bang. Lý do họ phản đối là vì chính quyền liên bang Canada đang cho thiết lập đường ống dẫn dầu và khí đốt từ bang Alberta sang bang Bristish Columbia ở miền tây, việc này vừa xâm phạm các đặc khu của họ, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ban đầu thì chỉ có nhóm Da Đỏ ở miền tây, bây giờ có thêm sự ủng hộ liên đới của Da Đỏ ở miền đông như Toronto và Montreal. Chính quyền hiện đang gặp rắc rối về đường xe lửa xuyên bang này, vì nó là huyết mạch cho nên kinh tế tài chính quốc gia.

Sau chuyện xe lửa là chuyện dịch Corona. Tuy nó chưa lan tới Canada nhưng nó đã bao trùm hết các chuyện và tin thời sự trên đài trên báo. Cụ B.95 nghe tới đây thì hỏi anh John: Mấy tháng trước tên nó là dịch Côrô, bây giờ lại đổi ra là Côvít, tại sao vậy? Anh John đáp ngay: Thưa ban đầu tên nó là Corona, vì hình dáng nó trông tựa như cái triều thiên, cái triều thiên tiếng Latin là corona, xưa nay các tên về khoa học ưa lấy tiếng Latin làm gốc. Gần đây cơ quan Y tế quốc tế mới đặt cho nó cái tên chính thức là Covid-19, viết tắt bởi co=corona, vi=virus, d=disease, 19=2019. Ông bồ chữ ODP nghe đến đây thì cười hà hà. Ông bảo không phải vậy đâu. Mấy ông Y tế quốc tế chơi hoả mù đấy, ý họ muốn tố cáo cho cả thế giới biết rằng Tàu Cộng đã đẻ ra con dịch ghê gớm này vào tháng 12 năm 2019: China Originated Virus In December 2019 ! Và chưa hết ý ấy đâu. Bìa báo Time thượng tuần tháng Hai có in hình vua Tập Cận Bình đeo khẩu trang, ai tinh ý nhìn tấm hình bià báo này thì đều thấy 2 cái mỏm chữ M của tên báo ở ngay trên đầu Vua Tập, trông vua Tập như là thằng qủy có 2 cái sừng. Hà hà, chắc Vua Tàu giận lắm mà không làm gì được tờ báo lớn này. Cả làng phá ra cười. Ông ODP nói tiếp: Hai chuyện trên đây nghe như chuyện đùa, nhưng quả thực vua Tập là quái qủy và còn hơn qủy nữa cơ. Kìa xem, mới đây các nhà khoa học vừa Nga vừa Mỹ đều công bố Covid-19 là nhân tạo, do phòng thí nghiệm của Tàu chế ra. TC chế con virus này để làm gì? Thưa làm khí giới thay cho bom đạn. Nơi TC cho nổ quả bom này chính là ở Vũ Hán, nơi có quá nhiều kẻ thù mà đảng CS phải diệt như Pháp luân Công, như Thiên Chúa Giáo, như các tàn dư của Thiên An Môn năm xưa, như những nhà bất đồng chính kiến còn đang kín tiếng...

Thấy cả làng say sưa nghe, ông ODP giảng tiếp: Nói đến đây thì tôi nhớ tới bài thơ tuyệt mệnh của bác sĩ Lý Văn Lượng. Các bạn biết BS này là ai chứ? Thưa là một bác sĩ trẻ người Tàu đầu tiên ở Vũ Hán đã nhìn ra con dịch Covina này và đã lên tiếng. Tức thì ông bị chính quyền TC bịt miệng và khiển trách. Ít lâu sau, chính ông đã chết vì con Corona này. Trước khi chết ông đã để lại một bài thơ tuyệt mệnh rất cảm động. Bài này khá dài, tôi chỉ xin trích một đoạn đầu và đoạn cuối, lời thơ của người dịch tiếng Việt trên mạng rất hay, tôi xin phép dịch giả để được trích dẫn:

...Tôi không muốn trở thành anh hùng.

Tôi vẫn còn có cha có mẹ

Và các con thơ

Người vợ đang mang thai sắp sinh

Và nhiều bệnh nhân trong phòng khám

Mặc dù sự trung thực của tôi không được tưởng thưởng

Mặc dù con đường đã tới ngõ cụt...

..............................

Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa

Người ta học được đứng thẳng

Không còn để những người tử tế

Phải chịu đau khổ vô tận

Tôi đã đánh trận thành công

Tôi đã xong cuộc chạy

Tôi đã giữ được Đức Tin

Mũ triều thiên về công bằng đã có sẵn cho tôi (Tim 4:7-8)

Cụ B.95 lên tiếng xin thôi nói về Cô Rô và Cô Vít, cụ xin nghe những chuyện gì vui. Anh John lên tiếng ngay: Chỉ có chuyện Vua Trump bên Mỹ là vui thôi. Vua Trump đã thoát nạn truất phế của Đảng Dân Chủ, vua đã ra trước lưỡng viện quốc hội và đọc bài diễn văn liên bang. Tôi là người nghiên cứu nhiều bài diễn văn lịch sử vì các bài loại này tóm lược các thành công của chính phủ. Đây là bài thứ 3 cũng là bài chót trong nhiệm kỳ này của Vua Trump. Ông nói dài 80 phút, nói thao thao bất tuyệt, có dẫn chứng, Tôi không hề thấy ông nhìn xuống giấy, thế có nghĩa là ông nói từ trong tim trong óc, từ trong lòng của ông. Chỉ trừ các đảng viên Dân Chủ là ngồi yên, còn cả hội trường quốc hội thì mỗi khi ông ngưng nói là mọi người đều dứng dậy vỗ tay hoan hô. Bài ông nói 80 phút này đã được in ra giấy, đọc kỹ trên giấy thì thấy ông là một thiên tài, văn chương, rõ ràng, khúc chiết. Bài diễn văn lịch sử hay như thế, ấy thế mà phe báo chí của giới truyền thông đa số đã im re không hề khen một tiếng vì họ ngả theo phe Dân Chủ. Ấy thế mà bà Pelosi chủ tịch Hạ Viện thuộc Đảng Dân Chủ cũng im re, bà không hề vỗ tay lại còn xé bài diễn văn mà Vua Trump trao cho bà ngay lúc đầu. Thật là một hành dộng đáng khinh vì quá khích.

Bây giờ Đảng Dân Chủ đang tìm ứng viên tổng thống để tranh với Vua Trump cho mùa bầu cử sắp tới. Cho đến bây giờ Đảng Dân Chủ chưa tìm ra ứng viên nào sáng gía ngang tầm với Vua Trump. Các nhà quân tử trong làng tôi ai cũng tin là Vua Trump sẽ đại thắng trong kỳ bầu cử cuối năm nay. Ngày xưa Vua Reagan đã hạ gục Liên Xô, bây giờ Vua Trump cũng đang hạ gục Trung Cộng. God bless America.

Thôi, tôi không bàn về chuyện Vua Trâm và chuyện Vua Tập nữa, cũng không bàn chuyện CôRô và CôVít nữa, xin kể chuyện làng An lạc của tôi. Sau chuyến đi Alaska trên, về tới nhà là chúng tôi mời cả làng đến nghe chuyện đi xa. Mỗi người một đề tài. Cả làng ai nghe chuyện Cua Alaska hấp của Chị Ba thì cũng thèm nhỏ rãi. Chị Ba cười cười rồi bảo cứ theo cái điệu này thì có lẽ sang năm tất cả làng chúng ta sẽ kéo đi Alaska lần nữa. Mấy năm xưa cả làng tôi đã đi miền đông ăn tôm hùm lobster no kềnh bụng, lần tới này sẽ đi ăn cua cũng cho no kềnh bụng luôn. Vì còn mệt vì chuyến đi, bữa nay chúng tôi không nấu ăn mà đi mua thức ăn nấu sẵn từ nhà hàng về. Bây giờ làng tôi không ăn thịt đỏ, mà ăn thịt trắng như tôm cá và gà. Bữa nay Anh chị John mua món gà xào mì và gà kho gừng, ăn với cơm gạo lứt và thịt gà chiên hiệu KTC. Bữa ăn thật là lành mạnh theo đúng sách vở dưỡng sinh bây giờ. Rồi nhớ chuyện cua đực cua cái ở Alaska, anh John đố mọi người thịt gà chúng ta đang ăn là thịt gà trống hay gà mái. Cái này thì cả làng chịu. Các cụ phương xa ăn thịt gà mà biết là thịt gà trống hay gà mái thì xin mách cho chúng tôi nha. Cụ Chánh tiên chỉ làng khi nge bàn về gà, liền góp chuyện: Rằng về ăn uống thì lão không có ý kiến, nhưng về cúng tế, con gà được chọn thì phải là con gà trống. Mấy bà mấy cô nghe đến đây thì lắc lắc cái đầu ra điều không chịu về sự kỳ thị này. Cụ Chánh liền giải thích: tổ tiên ta xưa rất có lý khi chọn gà trống vì con gà trống có rất nhiều đức tính. Chuyện dân gian còn kể lời quan đại thần Lê Văn Duyệt trình vua Gia Long về việc cúng con gà trống trên bàn thờ tổ tiên: Vì con gà trống có 5 đức tính của một vị anh hùng: Văn Nhân Đức Dũng Tín, và ông giải thích như sau:

Văn: lúc nào đầu tóc áo mão cũng tươm tất chỉnh tề

Nhân: lúc chiến đấu, địch thua bỏ chạy, không bao giờ đuổi theo

Đức: tìm thấy mồi thì gọi cả đàn tới ăn, không bao giờ đánh gà mái và gà con

Dũng: không bao giờ sợ kẻ mạnh, luôn chiến đấu tới cùng

Tín: sáng nào cũng gáy đúng giờ.

Ông bồ chữ ODP nghe đến đây thì cũng xin góp chuyện. Ông bảo bữa ăn hôm nay có món gà chiên KTC, nên ông xin kể chuyện về món ăn có gốc từ Hoa Kỳ này. Đó là chuyện Colonel Sanders. Colonel là tên riêng chứ không phải là tên chức tước trong quân đội. Chàng này mồ côi cha lúc 5 tuổi, 16 tuổi bỏ học và đi làm thì bị đuổi hoài, 18 tuổi lấy vợ và có con nhưng 2 năm sau vợ bỏ. Rồi chàng đi làm phu đường sắt, rồi bị đuổi. Rồi đi làm nghề bán bảo hiểm nhưng thất bại. Sau cùng xin được chân rửa chén ở nhà hàng. Anh làm việc này cho tới năm 65 tuôi thì bị cho nghỉ. Anh chán đời và muốn tự tử. Bữa anh ngồi dước gốc cây định viết di chúc thì chợt nhớ ra mình còn một nghề nữa mà chưa thử, đó là nghề nấu ăn. Với số tiền trợ cấp xã hội $105, anh bèn đi mua gà và chiên gà theo khẩu vị của mình. Anh đem món gà chiên này đi bán cho dân xóm quanh vùng Kentucky. Ai cũng khen ngon. Thế là được khích lệ, anh, à bây giờ tôi phải gọi là ông, ông bèn tiêu chuẩn món gà này với 11 gia vị khác nhau, và rồi thần tài giúp sức, năm 1939 ông đã phát triển, biến ra một chuỗi nhà hàng có tên là KFC, Kentucky Fried Chicken, nổi tiếng khắp thế giới, hiện nay chỉ đứng sau McDonalds. Bài học từ ông già 65 tuổi tên Colonel Sanders ở Kentucky: không bao giờ là quá trễ cho việc làm ăn. Không bao giờ là qúa muộn để khởi đầu lại. Tổ tiên ta đã bảo có chí thì nên.

Rồi ông ODP xin hết chuyện gà KTC, và ông xin Cụ Chánh kể những chuyện khác về gà. Cụ Chánh lắc đầu ngay. Cụ bảo cụ không còn khoẻ như ông Sanders lúc 65 tuổi mà nghĩ ra món gà rán nổi tiếng kia, cụ chỉ xin chia sẻ mấy kinh nghiệm sống lúc ngoài 90 này. Cụ bảo tuần qua cụ đi nhà thờ dự Lễ Tro. Khi ông cha chủ lễ xức tro lên trán của lão và nói: ‘Chúng ta hãy nhớ mình là tro bụi sẽ trở về tro bụi’, lão thấy lời này cảm động quá, đúng quá, và hay một cách thấm thiá. Lão đã xúc động muốn khóc. Chúc cả làng sống cho đúng ý nghĩa tro bụi của kiếp người, với mình và với tha nhân. Đừng hứa khi đang vui, Đừng trả lời khi đang nóng giận, Đừng quyết định khi đang buồn. Cái gì mua được bằng tiền cái đó rẻ. Ba năm học nói, một đời học cách lắng nghe. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Hãy luôn luôn cho nhau tiếng cười. Cuối đời mà còn có được bạn bè chân tình và vui cười như thế này, lão thấy mình hạnh phúc như đang ở trên thiên đàng vậy.

Cả làng, không ai bảo ai, cùng tự động đứng lên vái cụ Chánh và cùng thưa Amen.

TRÀ LŨ
 
Văn Tế Kính Á Thánh Anrê Phú Yên
Sơn Ca Linh
22:16 01/03/2020
Văn Tế Kính Á Thánh Anrê Phú Yên

Nhân ngày Giáo Phận Qui Nhơn mừng “kỷ niệm 20 năm” ngày thầy giảng Anrê Phú Yên được phong Chân Phước (5.3.2000 – 5.3.2020).

Hôm nay tàn nhật 12, trung tuần tháng 2, Canh Tý niên,
Nhằm ngày 5 tháng 3 năm dương lịch 2020.
Cộng đoàn dân Chúa Qui Nhơn,
Hội nhau tưng bừng hoan hỷ,
Cùng muôn Chư Thánh thiên đàng,
Hoà câu chúc tụng tôn vinh.
Nhân ngày kỷ niệm giáp 20 năm,
Chứng nhân Anrê Phú Yên được Giáo Hội tuyên phong Chân phước.
Cộng đoàn dân Chúa hợp ý tạ ơn,
Một dạ tâm thành đồng thanh khải tấu.

Vinh phúc thay, dân Đất Việt, nghìn năm văn hiến,
Cơ duyên thuộc ý trời.
Chữ tín trung, lẽ hiếu nghĩa, tiết tháo nhân hiền,
Đường đi của chính nhân.
Cây vốn lành thì liền sinh trái ngọt.
Đất đã thánh ắt phải trỗ người hiền.

Còn nhớ mãi buổi khai sinh Hội Thánh Việt Nam,
Làm sao quên đất Đàng Trong đang thời mở cõi.
Cha Ông tiên tổ,
Nhờ phúc thiên ân, mở dạ đón Tin Vui.
Thương đau khổ luỵ,
Do đời oan nghiệt, đưa tay lãnh gông cùm.

Á Thánh Anrê Phú Yên,
Chứng Nhân Việt Nam tiên khởi.
Mười chín xuân xanh, đòi phen gian lao cơ khổ,
Ba năm giảng đạo, trung trinh một dạ tín thành.
Vang danh một đấng anh hùng,
Tuổi xuân tươi trẻ, gương tông đồ nghìn thu.
Rạng ngời bốn cõi dương gian,
Tình yêu thắm nồng, máu chứng nhân bất diệt.

“Với Chúa Giêsu yêu dấu,
Người đã lấy tình yêu đáp trả tình yêu.
Vì Chúa Giêsu tử nạn,
Người quyết đem mạng sống báo đền mạng sống” (1)

Những nhát gươm đâm nơi gò Thành Chiêm năm ấy,
Một ngọn lưỡi đòng trên đồi Núi Sọ ngày xưa.
Sống đời chứng nhân, chết làm hy lễ,
Bài ca huyết lệ vang mãi vô cùng.
Thế mới biết, đường Thập Giá phải liều thân mới đặng,
Giờ mới hay, phúc thiên đình, dám hy sinh tất thành.

Hôm nay,
Nhân ngày kỷ niệm Giáo Hội tuyên phong,
Chúng con khấu đầu thành tâm kính bái.
Thắp nén hương lòng hiếu thảo,
Cùng nhau biểu lộ lòng thành.
Khấn xin Á Thánh, trên cõi trời cầu thay nguyện giúp,
Thương đến chúng con, chốn trần gian chiến thắng vượt qua.
Muôn chúc tụng xin dâng về Thiên Chúa,
Là Ba Ngôi muôn muôn thuở quang vinh.
Hy vọng ngày mai trong cõi phúc thiên đình,
Cùng Á Thánh,
Chúng con vui hưởng tiệc trường sinh muôn thuở. Amen.

SƠN CA LINH
________________________________
(1) Những lời sau cùng của Á Thánh Anrê Phú Yên
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Đường Mẹ Đi
Joseph Ngọc Phạm
23:22 01/03/2020
CON ĐƯỜNG MẸ ĐI
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Con đường trần thế mẹ đi,
Gian truân, khổ ải cũng vì đàn con.
Nắng mưa, dâu bể lách lòn,
(KD)
 
VietCatholic TV
Tiến trình công nghị Đức đang trên đà tan rã sau sự ra đi của ĐHY Marx và Cha Tổng thư ký HĐGM Đức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:29 01/03/2020

Ai cũng biết vai trò nổi bật của Đức Hồng Y Marx trong cái gọi là “tiến trình công nghị” đang diễn ra tại Đức. Vị Hồng Y này đã tuyên bố không ra tranh cử chức chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức nữa và trong kỳ họp sắp tới của Hội Đồng Giám Mục này, một vị tân chủ tịch sẽ được bầu để thay thế Đức Hồng Y Marx. Dù ngài tuyên bố vẫn tích cực làm việc để “tiến trình công nghị” đi đến thành công. Nhưng người ta có quyền hoài nghi viễn ảnh ấy khi vị thư ký lâu năm và gây nhiều ảnh hưởng của Hội Đồng là Cha Hans Langendörfer cũng vừa tuyên bố rời khỏi chức vụ.

Thực vậy, theo Edward Pentin, Cha Hans Langendörfer, Dòng tên, một trong những nhân vật gây nhiều ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội Đức, vừa bất ngờ công bố việc ngài sẽ không còn đứng đầu văn phòng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Đức nữa.

Tin tức về việc ra đi của ngài hôm thứ Ba vừa qua tiếp liền ngay sau quyết định cũng bất ngờ không kém của Đức Hồng Y Reinhard Marx, người, ngày 11 tháng Hai, đã công bố sẽ thôi làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục.

Giống Đức Hồng Y Marx, vị linh mục 68 tuổi này, người từng làm tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục từ năm 1996, cho hay ngài tin rằng “nay đã đến lúc phải trao văn phòng này vào tay những người trẻ tuổi hơn”.

Theo hãng tin Katholisch.de, ngài cũng cho biết một nam giáo dân hay một nữ giáo dân có thể là người kế nhiệm ngài, một việc, nếu được tiến hành, sẽ là “lần đầu tiên” trong lịch sử 172 năm của Hội Đồng, một thừa tác viên không thụ phong giữ chức vụ này.

Là tổng thư ký hơn 1 phần tư thế kỷ nay, cha Langendörfer được nhiều người coi là nhân vật gây nhiều ảnh hưởng đàng sau phần lớn các quyết định lớn lao của hàng giáo phẩm Đức.

Vốn là cựu phụ tá nghiên cứu cho nguyên thủ tướng Đức Helmut Kohl, Cha Langendörfer nổi tiếng là chiến thuật gia thông minh, nổi tiếng về kỹ năng chính trị, và một người nắm quyền kiểm soát đáng kể đối với bộ máy truyền thông của Giáo Hội.

Gần đây, ngài là nhân vật hàng đầu đứng đàng sau Giáo Hội trong tiến trình công nghị kéo dài 2 năm ở Đức, một con đường nhằm xử lý “những vấn đề then chốt” phát xuất từ cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, nhưng các nhà phê bình thì cho là đe dọa giáo huấn của Giáo Hội và có thể dẫn Giáo Hội Đức tới chỗ ly giáo.

Ngay trước tiến trình công nghị vào tháng trước, ngài nói với một nhật báo Đức rằng “không thể nào chấp nhận được việc mọi vấn đề có liên quan tới hội đồng phải được quyết định ở Rôma và được đưa ra mà không có sự tham gia của các Giáo Hội địa phương. Ngài cũng nói rằng “không có chuyện ngăn cấm nói đến việc phong chức cho phụ nữ” trong diễn trình đồng nghị, bất chấp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dứt khoát loại trừ khả thể này trong văn kiện Ordinatio Sacerdotalis năm 1994.

Ngài cũng có tiếng gây ảnh hưởng đáng kể đối với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon mới đây, một Thượng Hội Đồng, phần lớn nhờ các cố gắng của ngài, đã được Giáo Hội Đức hỗ trợ rất nhiều, nhằm mục đích du nhập các nữ phó tế và giáo sĩ có gia đình vào Giáo Hội Đức.

Năm 2015, Cha Langendörfer đứng phía sau các thay đổi gây tranh cãi đối với luật lệ lao động của Giáo Hội Đức, khi, lần đầu tiên, cho phép các định chế Công Giáo được sử dụng các nhân viên Công Giáo ly dị và tái hôn theo dân luật và những người sống trong các cuộc kết hợp đồng tính.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Catholic Register năm 2017, ngài bênh vực việc thay đổi trên. Ngài nói rằng điều quan trọng “là giữ các tiêu chuẩn của luật lao động ở Đức” và “không cần thiết” phải đòi hay phải mong chờ cùng một tác phong nơi một y tá ở một bệnh viện Công Giáo y như nơi một giáo dân phục vụ trong một giáo xứ.

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ngài bênh vực thuế nhà thờ của Đức, vốn là nguồn tạo nên sự giầu có mênh mông của Giáo Hội Công Giáo tại một quốc gia nhưng cũng là điều các nhà phê bình cho là đã dẫn tới việc giảm đi nhà thờ, nhiều người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội hàng năm, và tha hóa về tín lý.

Cha Langendörfer nói rằng “không tùy thuộc cá nhân” tự quyết định không trả thuế chỉ vì họ bất đồng với các quyết định của Giáo Hội”. Ngài cho biết thêm “nếu bạn tự loại bỏ bạn, bạn sẽ loại bỏ bạn khỏi tư cách thành viên của Giáo Hội”.

Là tổng thư ký, ngài cũng là người đứng đầu Hiệp Hội Các Giáo Phận Đức (VDD), một cơ quan công cộng được thành lập năm 1968 và hoạt động như một cơ quan dân chính của Hội Đồng Giám Mục Đức và gây nhiều ảnh hưởng đối với các vấn đề luật lệ và kinh tế của giáo phận.

Năm 2011, Cha Langendörfer phải đối diện với các tiết lộ gây tai tiếng cho rằng Hiệp Hội Các Giáo Phận Đức sở hữu cơ sở Verlagsgruppe Weltbild GmbH, một cơ sở bán sách lớn nhất ở Đức, chỉ thua Amazon, nhưng đã in ấn nhiều sách khiêu dâm và có đầu tư buôn bán trong kỹ nghệ khiêu dâm.

Cha Lagendörfer, người cũng là thành viên trong hội đồng quản trị của nhóm Weltbild, sống thoát tai tiếng sau khi nhân viên của Hiệp Hội phát biểu việc họ “hoàn toàn tin tưởng” ở cha, tuy nhiên chủ tịch của Hiệp Hội là Klaus Donaubauer phải từ chức.

Về các vấn đề hàng ngày, Cha Lagendörfer làm việc chặt chẽ với phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Đức, Matthias Kopp, người vốn học việc với Cha Langendörfer. Theo một nguồn tin thân cận với Giáo Hội Đức, hai người này điều hành các phương tiện truyền thông trong Giáo Hội Đức “một cách rất tinh tế và đầy chính trị, ẩn đàng sau các bức màn”. Theo nguồn tin này, Cha Langendörfer có sự kiểm soát đặc biệt đối với trang mạng của Giáo Hội Đức, Katholisch.de.
 
Tin đặc biệt về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha và tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:38 01/03/2020
Trong một diễn biến đáng lo ngại, vì tình trạng sức khoẻ, Đức Thánh Cha đã không thể tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” của tu đoàn thánh Phaolô ở Ariccia, thuộc giáo phận Albano, cách Rôma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng Ba, tức là Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài tại dinh Tông Tòa của Vatican để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong dịp này, đích thân Đức Thánh Cha đã cho biết ngài không thể tham gia tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay của giáo triều Rôma.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã đưa ra bài huấn đức sau:

Anh chị em thân mến!

Vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay, Tin Mừng (x Mt 4: 1-11) nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, sau khi được rửa tội trên sông Giócđan, “được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để bị ma quỷ cám dỗ” (c. 1). Ngài chuẩn bị bắt đầu sứ mệnh của mình như người loan báo Nước Trời, và cũng như đã xảy ra với ông Môisê và tiên tri Êlia (x. Xh 24:18; 1 V 19:8), trong Cựu Ước, Chúa Giêsu chuẩn bị điều này bằng cách chay tịnh trong bốn mươi ngày.

Vào cuối thời kỳ chay tịnh này, tên cám dỗ, là ma quỷ, đột nhập và cố gắng ba lần để thử thách Chúa Giêsu. Cám dỗ đầu tiên được truyền cảm hứng bởi thực tế là Chúa Giêsu đang đói; ma quỷ gợi ý với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (câu 3.) Đó là một thách thức. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (4: 4) Ngài liên hệ đến ông Môisê khi nhắc nhở mọi người về cuộc hành trình dài trên sa mạc, trong đó người ta học được rằng cuộc sống của mình phụ thuộc vào Lời Chúa (x. Dt 8:3).

Sau đó, ma quỷ thực hiện một nỗ lực thứ hai, (câu 5-6) sắc sảo hơn khi cũng trích dẫn Kinh thánh. Chiến lược của nó rất rõ ràng: nếu ông vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì hãy chứng minh niềm tin của ông đi. Nó nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (câu 6). Nhưng ngay cả trong trường hợp này, Chúa Giêsu không để cho mình bị bối rối, bởi vì bất cứ ai vững tin nơi Chúa thì không thử thách Ngài, nhưng tín thác hoàn toàn vào lòng nhân hậu của Người. Chính vì thế, Chúa Giêsu trả lời với một trích dẫn khác từ Kinh Thánh để đáp lại thử thách của Satan: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (câu 7.).

Cuối cùng, nỗ lực thứ ba (câu 8-9) cho thấy suy nghĩ thực sự của ma quỷ: Nó biết rằng sự quang lâm của Nước Trời đánh dấu cho sự khởi đầu thất bại của nó, cho nên nó muốn chuyển hướng Chúa Giêsu, ngăn cản Ngài thực hiện sứ mệnh của mình, bằng cách đưa ra một quan điểm chính trị về vai trò của Đấng Mêsia khi nó đưa Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy. Nhưng Chúa Giêsu khước từ ngẫu tượng là sức mạnh và vinh quang của con người và cuối cùng, xua đuổi kẻ cám dỗ bằng cách nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (câu 10). Và tại thời điểm này, các thiên thần đã đến hầu hạ Người (xem câu 11).

Điều này dạy chúng ta một điều: Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỷ. Chúa Giêsu đáp lại ma quỷ bằng Lời của Thiên Chúa, không phải bằng lời của Người. Trong cám dỗ nhiều lần chúng ta bắt đầu đối thoại với sự cám dỗ, khi đối thoại với ma quỷ: “Vâng, nhưng tôi có thể làm điều này... sau đó tôi nhượng bộ, điều này, điều kia...” Đừng bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Chúa Giêsu làm hai việc này với ma quỷ: Ngài đuổi nó đi hoặc như trong trường hợp này, Ngài đáp lại bằng Lời Chúa. Anh chị em hãy cẩn thận: đừng bao giờ đối thoại với cám dỗ, đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ.

Thậm chí ngày nay Satan đột nhập vào cuộc sống của mọi người để cám dỗ họ bằng những đề nghị hấp dẫn của nó. Nó hoà lẫn tiếng nói của nó với nhiều tiếng nói trong cố gắng chế ngự lương tâm chúng ta. Biết bao các thông điệp đến từ mọi ngóc ngách của cuộc sống chào mời mọi người “để cho mình bị cám dỗ” để trải nghiệm những cảm giác lạ lùng khi phạm tội. Kinh nghiệm của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng cám dỗ là nỗ lực của ma quỷ nhằm đưa ra một con đường khác thay thế cho con đường của Thiên Chúa: “Nhưng, cứ làm điều này đi, không sao đâu, rồi Thiên Chúa sẽ tha thứ cho! Cứ có một ngày vui cái đã. Nhưng đó là một tội lỗi! Ồ, không sao đâu.” Những con đường khác thay thế này, những con đường tạo cho chúng ta cảm giác tự túc, hưởng thụ cuộc sống như một mục đích chung cuộc. Nhưng tất cả điều này chỉ là ảo tưởng: chúng ta sớm nhận ra rằng chúng ta càng xa cách Chúa, chúng ta càng cảm thấy vô phương tự vệ và bất lực trước những vấn đề lớn của cuộc sống.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Ngài, Đấng đã nghiền nát đầu con rắn, giúp chúng ta trong thời gian Mùa Chay này để biết cảnh giác trước những cám dỗ, không chịu khuất phục trước bất kỳ ngẫu tượng nào trên thế giới này, để theo Chúa Giêsu trong cuộc chiến chống lại ma quỷ, và chúng ta cũng sẽ chiến thắng như Chúa Giêsu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu và khách hành hương như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi chào tất cả các anh chị em, các tín hữu từ giáo phận Rôma và khách hành hương từ Ý và các quốc gia khác.

Đặc biệt, tôi xin chào các bạn trẻ của phong trào Formentera, các tín hữu của giáo phận Ostuni và những anh chị em thuộc giáo xứ San Pio da Pietrelcina ở Rome.

Tôi cầu chúc cho anh chị em cuộc hành trình Mùa Chay, vừa mới bắt đầu, được sinh hoa trái trong Thánh Linh và phong phú trong các việc lành phúc đức.

Tôi hơi buồn trước tin tức theo đó đang có nhiều người di tản phải ra đi, gồm nhiều đàn ông, phụ nữ, trẻ em bị xua đuổi khỏi quê hương mình vì chiến tranh, nhiều người di cư phải tìm nơi ẩn náu và sự giúp đỡ trên thế giới. Những ngày này, làn sóng ấy đã trở nên rất mạnh mẽ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Tôi cũng yêu cầu anh chị em nhớ cầu nguyện cho tuần tĩnh tâm Mùa Chay sẽ bắt đầu vào tối nay ở Ariccia. Thật không may, tôi không thể tham gia trong năm nay vì bị cảm lạnh: tôi sẽ theo dõi các bài giảng thuyết từ đây. Tôi tham gia trong tinh thần cùng giáo triều và tất cả những người đang trải nghiệm những giây phút cầu nguyện, và thực hiện tuần tĩnh tâm tại nhà.

Chúc anh chị em Chúa Nhật vui vẻ và ăn trưa ngon miệng!


Source:Holy See Press Office
 
Vui mừng và hy vọng: Giáo Hội có thêm 2 tân Hiển thánh, 4 tân Chân phước và 4 Đấng đáng kính
Giáo Hội Năm Châu
16:29 01/03/2020
1. Thứ Tư Lễ Tro: Người Công Giáo Nigeria được huy động mặc y đen để phản đối bất công bạo lực

Người Công Giáo Nigeria tham gia nghi thức xức tro Thứ Tư Lễ Tro với trang phục mầu đen để đồng lòng phản đối những bất công bạo lực!

Các Giám mục Công Giáo Nigeria yêu cầu tín hữu hãy mặc y phục đen, hoặc ít nhất là băng tay màu đen như một dấu hiệu đồng tâm nhất trí đoàn kết, chia sẻ với các nạn nhân của vụ bắt cóc và các tội ác bạo lực khác.

Trong tuyên cáo với ấn ký của Đức Tổng Giám Mục, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria mời gọi các tín hữu tham gia một Ngày cầu nguyện vào lễ Tro, bắt đầu mùa Chay thánh năm nay, để phản đối tình trạng bất an ở nước này.

Tuyên bố, được Đức Tổng Giám Mục Augustine Akubeze, chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Nigeria (CBCN), ký và được đọc trong tất cả các nhà thờ vào Thứ Tư Lễ Tro, mô tả cuộc tuần hành là một phần của trách nhiệm đạo đức của Giáo Hội.

Cuộc tuần hành được tổ chức vào Thứ Tư Lễ Tro, nhằm lên án và chống lại những vụ bắt cóc và hành quyết dã man các Kitô hữu do quân nổi dậy Boko Haram và các vụ tống tiền do nhóm này chủ mưu!

Tuyên bố này đã công khai lên án các kẻ gây ra những tội ác, những mối đe dọa thường xuyên trên cộng đồng mà chính phủ không mạnh tay bắt giữ và ngăn chặn các tội ác này!

Không có hòa bình nếu không có an ninh

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, tuyên cáo có đoạn viết: Không có hòa bình nếu không có an ninh! Chính phủ của Nigeria và các nhà hữu trách có trách nhiệm tiên quyết là bảo vệ dân chúng trước mọi tính toán phát triển và tăng trưởng của quốc gia.

Hội Đồng Giám Mục Nigeria (CBCN) cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ chính phủ Nigeria trong cuộc chiến nhằm khôi phục an ninh và ổn định cho quốc gia này.

Nigeria đã không ngừng giao chiến chống lại quân nổi dậy Boko Haram! Vào năm 2014, quân nổi dậy Boko Haram này đã bắt cóc các nữ học sinh của một trường trung học ở Chibok, miền bắc Nigeria. Trong thời gian gần đây, chúng bắt cóc và gây bạo lực cho nhiều cộng đồng địa phương không ủng hộ chúng!

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: Mùa Chay - cuộc đối thoại thân tình với Chúa

Tòa thánh Vatican đã phát hành Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về Mùa Chay 2020, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy hướng về mầu nhiệm Vượt qua như là trung tâm của tiến trình hoán cải.

Trong Thông điệp Mùa Chay 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra mầu nhiệm Vượt qua - mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu nạn, Cái chết và Phục sinh - làm nền tảng cho sự hoán cải. Thông điệp mang tiêu đề “Chúng ta cầu xin cho nhau nhờ danh Chúa Kitô để được hòa giải cùng Thiên Chúa”, trích từ Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrinhtô.

Lời mời gọi thân tình với Thiên Chúa

Đức Thánh Cha viết: Lời mời gọi hoán cải (Kerygma) là trọng điểm của thông điệp Tin Mừng, một tổng hợp mầu nhiệm của tình yêu 'chân thật, rất thật, cụ thể đến nỗi nó mời chúng ta tới một mối liên hệ cởi mở và đối thoại thân tình với Chúa Kitô (Christus vivit, 117).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngài muốn mời gọi mọi tín hữu trong Mùa Chay này, hãy hướng mắt nhìn lên Chúa bị đóng đinh, nhờ đó mà chúng ta được vực dậy hết lần này đến lần khác. Chúa Giêsu Phục sinh không phải là một sự kiện quá khứ; nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn là một sự kiện sống động hiện tại, nhờ đức tin cho phép chúng ta nhìn nhận và đụng chạm tới một Chúa Kitô hiện thân chịu khổ nạn.

Tầm quan trọng của cầu nguyện

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của lời cầu nguyện trong Mùa Chay, như một phương tiện để đáp lại tình yêu của Chúa, một tình yêu yêu thương chúng ta trước và mãi mãi! Chúng ta cũng được mời gọi để nghe và đáp lại Lời Chúa Giêsu, để trải nghiệm về lòng thương xót của Ngài, Ngài tự nguyện hiến thân vì chúng ta.

Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa luôn lắng nghe và đối thoại trao ban ơn cứu rỗi của người cho tín hữu của Người, dù chúng ta đầy những khuyết điểm và lỗi phạm. Vì muốn cứu chuộc chúng ta mà Thiên Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến gánh lấy tội lỗi của chúng ta, như Đức Benedict XVI, đã nói vì thương xót chúng ta tội lỗi mà ‘Thiên Chúa đã tự chống nghịch lại chính Ngài (Deus caritas est, 12).

Cam kết xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Trước cuộc khổ nạn bi thương của Chúa Kitô bị đóng đinh giúp chúng ta nhận ra hình ảnh của Ngài nơi những người vô tội của các cuộc chiến, của các cuộc tấn công cướp sự sống của những thai nhi, đến những hất hủi người già neo đơn và nạn nhân của bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đức Thánh Cha nói: Điều này thúc đẩy mỗi người chúng ta phải cam kết tham gia vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Để tán dương và khích lệ những công cuộc từ thiện mà Đức Thánh Cha đã triệu tập một cuộc họp với các nhà kinh tế, doanh nhân và giới trẻ với mục đích phát triển và thành hình một mô hình cho một nền kinh tế công bằng và toàn diện hơn cho thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc sứ điệp của mình bằng lời cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria, ước mong trong suốt mùa Chay này, chúng ta sẽ mở rộng tâm hồn để nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa đến hòa giải với chính Ngài, giúp chúng ta nhìn về mầu nhiệm vượt qua, và mong được hoán cải cuộc sống kết hợp mật thiết cùng Chúa với một tâm hồn rộng mở và chân thành.

3. Hai tân Hiển thánh, 4 tân Chân phước và 4 Đấng đang kính

Thứ Sáu 21/2/20, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn các phép lạ của hai Chân phước để nâng các ngài lên bậc Hiển thánh, đó là Chân phước Devasahayam Pillai, người Ấn Độ sống vào thế kỷ thứ 18 và Chân phước Maria Francesca di Gesù, người Ý sống vào thế kỷ thứ 19. Đức Thánh Cha cũng châu phê hồ sơ của 8 tân Chân phước.

Thánh Devasahayam

Tân hiển thánh Lazarus, hay được gọi là Devasahayam, một người theo Ấn giáo (Hindu) sống ở thế kỷ 18, người gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo.

Tân hiển thánh sinh ngày 23 tháng 4 năm 1712 với tên Neelakanda Pillai, ở làng Nattalam, Devasahayam phục vụ cho quốc vương Travancore, phía nam Ấn Độ, bao trùm cả thành phố Kanyakumari ngày nay, ngay tại Cochin thuộc tiểu bang Kerala.

Khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy năm 1745, ngài nhận tên thánh là 'Lazarus' hoặc 'Devasahayam' theo ngôn ngữ địa phương, nghĩa là ‘Chúa nâng đỡ tôi. Tuy nhiên, sự trở về của Ngài không được suôn sẻ với những đầu mục của tôn giáo bản địa. Họ cáo buộc Ngài với nhiều sai trái như phản quốc, làm gián điệp để chống lại Ngài và tống khứ Ngài khỏi các chức vụ trong hoàng gia. Ngài bị cầm tù và được phúc tử đạo... Được làm con Chúa đúng 7 năm, nhưng từng bị bắt, cầm tù và cuối cùng bị bắn chết trong rừng Aralvaimozhy vào ngày 14 tháng 1 năm 1752.

Các trang web viết về cuộc sống và cuộc tử đạo của Ngài được đăng trên trang web của Giáo phận Kottar, thành phố Kanyakumari của tiểu bang Tamil Nadu. Ngài được chôn tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Nagercoil, nơi mà nhiều tín hữu thường hành hương về cầu nguyện.

Devasahayam được tuyên phong Chân Phước ngày 2 tháng 12 năm 2012 tại Kottar, đúng vào dịp mừng 300 năm ngày sinh của Ngài.

Trong bài phát biểu nhân dịp phong Chân phước cho Ngài, trong buổi đọc kinh Truyền tin tại Quảng trường thánh Phêrô năm xưa, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gọi Devasahayam là một giáo dân trung thành. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng mời gọi các Kitô hữu hãy chia sẻ niềm vui với Giáo hội Ấn Độ và cầu xin Chân phước phù giúp các Kitô hữu của đất nước rộng lớn này luôn gìn giữ và phát huy đức tin.

Thánh nữ Maria Francesca di Gesù

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thừa nhận phép lạ của Chân phước Maria Francesca di Gesù (tên trên giấy khai sinh là Anna Maria Rubatto), để nâng Ngài lên bậc Hiển thánh. Nữ thánh được sinh ra tại Carmagnola (Ý) ngày 14 tháng 2 năm 1844 và qua đời tại Montevideo (Uruguay) vào ngày 6 tháng 8 năm 1904. Ngài thành lập cộng đoàn nữ tu Capuchin tại Loano

Lễ nghi phong thánh cho hai Tân hiển thánh sẽ được quyết định vào một ngày gần đây.

4. Các Tân Chân phước

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phê duyệt các phép lạ của các Chân phước mới:

Chân phước Carlo Acutis là một giáo dân sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991, tại Luân Đôn (Anh Quốc) và qua đời ngày 12 tháng 10 năm 2006 tại Monza (Ý).

Ngài là một Giáo lý viên trẻ có lòng sùng kính đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria. Ngài là một trang thanh niên sống rất bình thường chăm chỉ học hành và thích bóng đá cũng như giúp những người vô gia cư và yêu thích nấu ăn...

Ngài được biết đến qua việc tìm hiểu các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới và ghi chép lại và đưa lên trang web mà Ngài tạo ra trong những tháng trước khi chết vì bệnh bạch cầu ở tuổi 15. Ngài sẽ được nâng lên hàng Chân phước.

Chân phước tử đạo Cha Grande và hai bạn đồng hành

Chân phước tử đạo Rutilio Grande García là một linh mục Dòng Tên, được tử đạo cùng 2 người bạn, bị giết vì lòng căm thù đức tin ở El Salvador vào ngày 12 tháng 3 năm 1977.

Bị giết trước khi cuộc nội chiến ở Salvador bùng nổ, Cha Grande là một người bạn thân tín của thánh Giám mục Oscar Romero, đã trở thành một làn sóng, một ngọn lửa tranh đấu cho quyền làm người khắp miền Châu Mỹ Latinh.

Ngài được biết đến qua những công việc bảo vệ người nghèo, là một linh mục lão thành Dòng Tên; Ngài đã bị nhóm Phiến quân cực tả bắn chết cùng với một thiếu niên khác đang hành trình trên một chiếc xe gần ngôi làng nơi ngài được sinh ra.

Nỗi kinh hoàng của vụ ám hại cha Grande đã thúc đẩy Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero ở San Salvador can đảm đứng lên bênh vực cho người cô thân cô thế nghèo khổ! Ba năm sau, chính Đức Tổng Giám Mục Romero cũng bị những phát đạn của những kẻ ám sát Ngài bắn gục trước những lời chỉ trích thẳng thắn quân đội và việc làm bất chính áp bức dân lành vô tội của chính quyền El Salvador.

Sắc lệnh về sự tử đạo của cha Grande và hai người bạn đồng hành với Ngài không cần phép lạ để nâng các ngài lên bậc chân phước! Chỉ bước cuối cùng lên bậc Hiển thánh, thì cần phải có phép lạ. Ngày phong chân phước sẽ được công bố vào một ngày gần đây...

5. Thừa nhận các Đức tính anh hùng

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng châu phê các kiến nghị về đức tính anh hùng của bốn ứng viên sau:

- Tôi tớ của Chúa Emilio Venturini, một linh mục triều và sáng lập Hội dòng nữ Đức Mẹ Sầu Bi. Ngài sinh ra ở Chioggia (Ý) vào ngày 9 tháng 1 năm 1842 và qua đời tại đó vào ngày 1 tháng 12 năm 1905.

- Tôi tớ của Chúa Pirro Scavizzi, một linh mục triều, được sinh ra ở Gubbio (Ý) vào ngày 31 tháng 3 năm 1884, qua đời tại Rome vào ngày 9 tháng 9 năm 1964.

- Tôi tớ của Thần Emilio Recchia của Tu hội Năm Dấu Thánh Chúa, sinh ra ở Verona (Ý) vào ngày 19 tháng 2 năm 1888 và qua đời tại đó vào ngày 27 tháng 6 năm 1969.

- Tôi tớ Chúa Mario Hiriart Pulido, là một giáo dân, sinh ra tại Santiago de Chile (Chile) vào ngày 23 tháng 7 năm 1931, và qua đời tại Milwaukee (Hoa Kỳ) vào ngày 15 tháng 7 năm 1964.

Cả bốn vị được nhìn nhận là các Đấng Đáng kính của Thiên Chúa.

6. Công đồng Toàn thể Úc 2020

Đức Tổng Giám Mục Coleridge đến Rôma để hội ý về ấn tín giải tội, Công đồng Toàn thể và Đức Hồng Y Pell

Theo tin của tờ The Catholic Leader, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc đã tới và sẽ ở lại Rôma trong 2 tuần lễ để hội ý với Tòa Thánh về ba vấn đề quan trọng đó là công đồng toàn thể 2020, Đức Hồng Y George Pell và ấn tín tòa giải tội. Cụ thể, ngài sẽ hội ý với Phủ Quốc Vụ Khanh, Bộ Giáo Lỳ Đức Tin và Bộ Giám Mục.

Về vấn đề Đức Hồng Y George Pell thì ai cũng biết Tòa Án Tối Cao Úc đã định sẽ xử vụ kháng án của ngài vào ngày 11 và 12 tháng Ba này. Tùy ở phán quyết của Tòa này mà Tòa Thánh sẽ phải quyết định mở cuộc điều tra riêng.

Về Công đồng Toàn thể 2020, theo chương trình, sẽ có phiên đầu tiên họp tại Adelaide vào tháng 10 năm nay. Phiên thứ hai sẽ họp tại Sydney đầu năm sau. Phúc Trình Sau Cùng của Giai Đoạn Lắng Nghe và Đối Thoại của Công đồng Toàn thể nhắc đến việc độc thân của các giáo sĩ, vai trò phụ nữ và việc bao gồm các người Công Giáo ly dị và tái hôn. Các đề tài này là các đề tài “được thảo luận mạnh mẽ” đại diện cho tiếng nói của hơn 222,000 người tham dự.

Các ý kiến đệ nạp cũng kêu gọi cho có nhièu minh bạch và trách nhiệm giải trình hơn liên quan tới cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, và cũng có lời kêu gọi hàn gắn và vượt qua tai tiếng.

Chủ đề thứ ba được Đức Tổng Giám Mục Coleridge tham khảo ý kiến Tòa Thánh là vấn đề giáo luật liên quan tới ấn tín giải tội, một điều hiện bị luật lệ của tiểu bang Victoria công khai thách thức.

7. Tổng quan Phúc Trình Sau Cùng của Giai Đoạn Lắng Nghe

Cũng theo tờ The Catholic Leader, Phúc trình Sau cùng của Giai Đoạn Lắng Nghe và Đối Thoại của Công Đồng Toàn Thể Úc Châu nắm bắt tiếng nói của hơn 222,000 người tham dự, cung cấp nhiều cái nhìn thông sáng được phân tích thành 17,457 đệ trình cá nhân và nhóm trình bầy trong một phúc trình dài 314 trang.

Theo vị Chủ tịch Công đồng, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của Perth, đây là thành quả của diễn trình lắng nghe đem lại “một kho tàng phi thường gồm nhiều ý niệm và đề nghị nói lên đáp ứng tận đáy lòng của nhiều người”.

“Thách thức lớn của chúng ta hiện nay là ‘nắm bắt’ tiếng nói của Chúa Thánh Thần bên trong nhiều giọng nói say sưa, đầy hy vọng nhưng đôi khi mâu thuẫn nhau của dân Chúa.”

Trong số rất nhiều những đệ trình, ta thấy có những đệ trình kêu gọi phải có cách cải thiện các bí tích để gia tăng việc tham dự Giáo Hội và “cho phép sự viên mãn của đời sống Kitô Giáo bừng nở” và giải quyết tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em.

Cơ cấu sinh hoạt của Giáo Hội cũng lôi cuốn nhiều chú ý đối với việc lãnh đạo và quản trị, nhu cầu cần lắng nghe nhiều hơn giữa giới lãnh đạo và giới giáo dân, và nhu cầu “hiện đại hóa các giáo huấn của Giáo Hội để đem chúng cùng đường với xã hội Úc trong thế kỷ 21”.

8. Brisbane dẫn đầu các đệ trình

Tổng giáo phận Brisbane có con số cao nhất về đệ trình cá nhân (1890) và khoảng 44 phần trăm các đệ trình cá nhân là từ những người trên 50 tuổi.

Nhiều người trả lời nói tới nhu cầu phải vươn tay ra nhiều hơn để truyền giảng Tin Mừng, nhất là nơi giới trẻ.

Được kể là “quan yếu” ước muốn đáng kể được thấy Giáo Hội khiêm nhường hơn dưới ánh sáng cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em và cần phải làm nhiều hơn nữa để hàn gắn và phục hồi những người bị ảnh hưởng, bao gồm việc ăn năn thống hối đối với việc giáo sĩ lạm dụng tình dục và quan tâm hơn với các nạn nhân và người sống sót.

Phúc trình viết “các tham dự viên có nhiều đề nghị để Giáo Hội công khai tổ chức các hành vi tạ lỗi đối với các nạn nhân và người sống sót nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục”.

“Điều này bao gồm ‘ngày toàn quốc hòa giải’ đối với các nạn nhân và ‘lời xin lỗi công khai toàn quốc trên báo chí’ khắp Nước Úc”

Cũng có các đề nghị nói rằng Giáo Hội nên tổ chức các buổi phụng vụ công khai cho các nạn nhân song song với các hành vi tạ lỗi qua các Thánh Lễ và Buổi Cầu Nguyện của các tín hữu.

Các tham dự viên kêu gọi phải có sự minh bạch và trách nhiệm giải trình nhiều hơn của Giáo Hội liên quan đến cuộc khủng hoảng. Nhưng một số tham dự viên cũng lên tiếng muốn việc báo cáo khủng hoảng phải cân bằng hơn.

Cũng có những lời kêu gọi phải hàn gắn và vượt qua tai tiếng. Nhiều người lo âu trước việc “dán nhãn hiệu ấu dâm lên toàn thể Giáo Hội Công Giáo”. Sau cùng, nhiều tham dự viên tin rằng điều quan trọng là phải hỗ trợ và chăm sóc các linh mục lạm dụng bị kết án. Việc này bao gồm việc lưu ý đến bối cảnh của từng vụ và bảo đảm việc mỗi vị linh mục bị kết án duy trì được dây nối kết với Thiên Chúa.

9. Nhiều tiếng nói của một Giáo hội đồng nghị

Nhân quyền cũng có trong số đệ trình của những người tham gia, kể cả việc hỗ trợ người tị nạn và người tầm trú, người vô gia cư và người bị đói ăn.

Nhiều người tham gia cảm thấy Giáo hội cần phải cổ vũ các cộng đồng ở Úc và ở nước ngoài sống trong hòa bình và hòa hợp.

Đối với một số người tham gia, cách quan yếu để cải thiện các thành quả công bằng xã hội là giảm biên tế giữa người giàu và người nghèo, và cách để đạt được điều này là qua một cộng đồng Giáo hội trở nên quảng đại hơn nhằm giúp tạo ra một xã hội Úc hòa nhập và công bằng nhiều hơn.

Theo phúc trình, “một số người tham gia cũng thúc giục mọi chi thể của cộng đồng Giáo hội chăm sóc nhiều hơn đối với môi trường”.

Phúc trình cho biết “Có một niềm tin cho rằng Giáo hội cần chứng tỏ việc lãnh đạo trong cộng đồng về biến đổi khí hậu”.

“Ngoài ra, mọi người Công Giáo nên ủng hộ suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài cho rằng chăm sóc môi trường là điều nền tảng đối với Tin Mừng, đặt trách nhiệm thay đổi khí hậu lên mọi thành viên của giáo xứ”.

10. Thành phần nhân khẩu học

Trong số những người viết đệ trình, khoảng 72 phần trăm cá nhân tham gia là Công Giáo, với 3 phần trăm tự nhận là các Kitô hữu khác. Trong số những người Công Giáo, 76 phần trăm những người tham gia cho biết họ thường xuyên tham dự Thánh lễ và các hoạt động khác của Giáo Hội.

Mười ba phần trăm cho biết đôi khi họ dự Thánh lễ và các hoạt động của nhà thờ, trong khi 12 phần trăm còn lại cho thấy ít tham gia hơn hoặc không cung cấp câu trả lời.

Công đồng toàn thể năm 2020 đang được tổ chức theo ba giai đoạn - chuẩn bị, cử hành và thực thi.

Ở giai đoạn Lắng nghe và Đối Thoại như một phần của việc chuẩn bị cho công đồng toàn thể, những người có liên hệ với Giáo Hội Công Giáo được mời suy nghĩ về câu hỏi: Bạn nghĩ Thiên Chúa đang yêu cầu điều gì nơi chúng ta ở Úc vào thời điểm này?”

Sau khi kết thúc việc đệ trình vào tháng 3, các câu trả lời đã được phân tích bởi Trung tâm Nghiên cứu Mục vụ Toàn Quốc.

Giám đốc của trung tâm này, Trudy Dantis, đã mô tả công đồng toàn thể như “một trong những dự án nghiên cứu có tham vọng nhất mà Giáo hội từng đảm nhiệm”.

Tiến sĩ Dantis cho rằng “để các giám mục mời dân Chúa tại Úc trả lời một câu hỏi rộng như vậy là một động thái can đảm và việc đáp ứng quả là áp đảo”.

“Chúng tôi vốn không dự đoán con số các giọng nói mà chúng tôi sẽ nghe được, nhưng chúng tôi có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu và phân tích cao cấp để hiểu các sợi chỉ xuyên suốt và các chủ đề được mọi người nói tới.

“Phúc trình này trung thành với những câu chuyện được kể, những câu hỏi được hỏi và những ý kiến được chia sẻ”.

Phối trí viên của công đồng toàn thể là Lana Turvey-Collins cho biết giai đoạn chuẩn bị thứ hai – tức giai đoạn Lắng nghe và Biện phân - sẽ bắt đầu ngay trong tháng này.

Thời gian biện phân này sẽ diễn ra trong vài tháng, và sẽ lên khuôn cho chương trình nghị sự của công đồng.

Đức Tổng Giám Mục Costelloe cho biết, công đồng toàn thể là một thao tác mở lòng ra với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, với chủ đề của công đồng trích từ Sách Khải Huyền: “Hãy lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói”.

Việc cử hành công đồng toàn thể sẽ được tổ chức trong hai phiên họp vào tháng 10 năm 2020 tại Adelaide và vào tháng 5 năm 2021 tại Sydney.