Ngày 07-03-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một cách tiếp cận khắc nghiệt
Lm Minh Anh
02:13 07/03/2021
MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHẮC NGHIỆT
“Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho thấy một tính cách rất lạ thường nơi Thiên Chúa, Đấng từ bi nhân ái, nổi tiếng “chậm bất bình và rất mực khoan dung”; ấy thế, Người còn là một Thiên Chúa ‘hay ghen’. Thú vị thay! Không chỉ nói rõ ‘điểm yếu’ ‘hay ghen’ của mình, Thiên Chúa còn hành động, Chúa Giêsu đã đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, một hành động hiếm hoi vốn có thểđược mỹ từ hoá là ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’.

Qua sách Xuất Hành, Thiên Chúa nói rất thật, “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta”; “Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời những kẻ ghét Ta”. Trừng phạt cho đến ba bốn đời! Những lời này thật khắc nghiệt! Isaia nói, “Chọn Thiên Chúa anh em sẽ sống, bằng không, sẽ phải ăn gươm, ăn giáo”.

Tại sao Thiên Chúa lại khắc nghiệt, ‘hay ghen’ đến thế? Phải, Thiên Chúa ghen vì yêu; không chỉ ghen, Người còn hành động để độc chiếmcon người. Tự mình, chính Người phải chấp nhận một mất mát cực kỳ khắc nghiệt là trao ban Con Một cho nhân loại. Người liều lĩnh để Con Một chết đi hầu cứu lấy nhân loại, một nhân loại mà Người đã trót yêu đến ‘dại khờ’ hoặc đến “điên rồ” như biểu cảm của Thánh Phaolô hôm nay, “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”; “Vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người”. Quá khắc nghiệt!

Lòng ghen yêu đó thể hiện nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay khi Ngài đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, lại ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’. Chứng kiến việc này, các môn đệ nhớ lại lời Thánh Vịnh, “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”. Chính sự nhiệt thành; đúng hơn, chính sự ‘ghen yêu thần linh’ mà Chúa Giêsu ra tay. Đền thờ là nhà Chúa, Ngài xua đuổi những ai đang biến nó thành nơi buôn bán. Một cách biểu tượng, Ngài dạy rằng, đức tin của chúng ta cũng phải trong sạch khỏi mọi ích kỷ và các mối bận tâm thực dụng; linh hồn mỗi người phải được thanh tẩy để lớn lên trong tình bạn với Đấng Kitô. Ngài chỉ ra con đường thanh tẩy nội tâm, đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua, “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”, đó là chìa khóa của sự thanh tẩy. Để được sống, mỗi người phải chết cho các mối bận tâm và ‘các thương vụ’ vốn chi phối cõi lòng và tâm trí, ngay cả nơi chốn cũng như về thời gian phượng thờ; bởi lẽ, chỉ qua sự thanh luyện, chúng ta mới có thể nghe được tiếng nói của Thánh Thần.Bấy giờ, sự thanh luyện cần thiết cho linh hồn sẽ là ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’ của Ngài.

Sau Kinh Truyền Tin ngày 04/3/2018, Đức Thánh Cha nói, “Thật là tai hại khi Hội Thánh đi chệch hướng, biến ‘nhà Thiên Chúa’ thành nơi buôn bán. Những lời này giúp chúng ta loại bỏ nguy cơ biến linh hồn, nơi Thiên Chúa ngự, thành chỗ buôn bán, khikhông ngừng tìm kiếm những lợi ích cá nhân thay vì yêu thương, quảng đại và xây dựng. Đó là một cám dỗ rất phổ biến; người này người kiacó thể trục lợi từ cương vị hợp pháp của mình mà vun vén cho những lợi ích riêng tư, nếu không nói là hoàn toàn trái pháp luật. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã sử dụng ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’ hầu lay chuyển chúng ta khỏi mối hiểm nguy chết người này”.

Triết gia Bernard Shaw, nhà tư tưởng tự do, đã viết những dòng cuối cùng này, “Khoa học, mà tôi đã ghim vào niềm tin của mình, giờ đây đã phá sản. Những lời khuyên của nó, lẽ ra đã thiết lập một thiên niên kỷ vĩ đại; thay vào đó, đã trực tiếp dẫn đến sự tự sát của Âu Châu. Tôi đã tin chúng, nhân danh chúng; tôi đã phá hủy niềm tin của hàng triệu tín đồ; phá huỷ đền thờ của các tín điều. Giờ đây, họ nhìn tôi và chứng kiến thảm kịch lớn của một người vô thần đã mất đức tin của mình”.

Anh Chị em,

Để chuẩn bị con cái bước vào cuộc thương khó với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta thanh tẩy lòng mình, đặt Chúa Giêsu vào trung tâm đời sống,ngõ hầu khỏi đi chệch đường. Hãy để Chúa Giêsu trên hết, trước hết trong mọi chọn lựa; ngưng tìm kiếm lợi ích cá nhân để yêu thương, quảng đại và xây dựng tình Chúa, tình người. Thật tiếc cho Bernard Shaw, ông đã để khoa học chiếm ngự thay vì Chúa Giêsu! Mùa Chay, mùa dừng lại, xem có vị thần nào đang điều khiển tôi không? Cuộc sống bấp bênh hôm nay khiến chúng ta có nhiều bận tâm; Lời Chúa mời gọi chúng ta đặt ‘bận tâm Giêsu’ trên hết. Hãy để Chúa Thánh Thần bước vào lòng, Ngài sẽ thanh tẩy để chúng ta xứng đáng trở nên đền thờ di động của Chúa Ba Ngôi. Ngài sẽ làm mọi cách để tiếp cận, để thanh tẩy, dẫu đó là ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’, nhưng sẽ là một cuộc tiếp cận cứu sống.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con bị đè nặng thế nào với những bận tâm nhân loại; nhưng Chúa lại muốn nhiều hơn cho con. Xin hãy tiếp cận con, thanh tẩy con, dù con phải đau đớn khi trải qua ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’ Chúa dành cho con;nhưng nhờ đó, con sẽ được sống”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sứ Điệp Ngọn Roi Của Đức Kitô
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:25 07/03/2021
Chúa Nhật III MC năm B 2021

Nếu thời gian Xuất Hành của Israel xưa luôn là điểm qui chiếu cho cuộc hành trình Mùa Chay của “Dân Mới”, thì Giao Uớc Sinai với Thập Điều luôn là tiêu đích để dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay định hướng mối quan hệ với Chúa và anh em.

Thật vậy, thời gian phụng vụ Mùa Chay quả thật là “thời thuận tiện” để cộng đoàn dân Chúa hồi tâm trở về, soi cuộc sống vốn đã lệch lạc, chệch hướng theo “tấm bản chỉ đường” “Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời” mà nội dung cô đọng chính là Mến Chúa -Yêu người.

Trước hết, Bàn Tiệc Lời Chúa hôm nay (CN 3 MC năm B) được khai mở với trích đoạn sách Xuất Hành tường thuật việc Thiên Chúa đích thân truyền cho dân Israel các điều khoản của Thập Điều” trong cuộc thần hiển uy hùng tại núi Sinai: Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta,… Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu. (Xh 20,1-17).

Nếu tính từ thời điểm xuất hiện (1250 trước Công Nguyên) thì cho đến hôm nay, tấm “bảng chỉ đường” Mười Điều Răn Đức Chúa Trời đã sừng sững qua bao chặng đường lịch sử trên 3 ngàn năm. Một “bản Hiến Pháp”, một “bản quy luật” dành cho tất cả loài người đã tồn tại trên 30 thế kỷ mà vẫn luôn hợp thời, cần thiết, mới mẻ và bất khả thay thế. Chỉ có Thiên Chúa mới làm nên một công trình tuyệt hảo đến thế.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên: ngày xưa, khi dân Israel vừa nghe ông Môsê công bố lại Thập điều đã đồng thanh tuyên bố: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3); nhưng sau đó, khi Môsê lên núi Sinai để tiếp tục diện kiến và nhận thêm các chỉ thị của Thiên Chúa, thì dân Israel ở dưới núi đã xin ông Aharon đúc một con bò vàng để họ tôn thờ ! Cũng vậy, vừa mới nghe công bố điều răn thứ nhất: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp…để mà thờ” (Xh 20,4) và cũng vừa tuyên bố cứng: “…Chúng tôi sẽ thi hành”, nhưng dân Israel đã vội cúi đầu trước thần tượng vật chất …. Rõ ràng điều đầu tiên mà Lời Chúa hôm nay muốn nhắc bảo chúng ta đó là: hãy tỉnh táo, khiêm nhượng. Điều Răn tốt, Lời thánh thiêng vẫn sờ sờ ra đó. Nhưng vì bản chất mỏng dòn yếu đuối của phận người, chúng ta có thể một sớm một chiều, như dân Israel, “cúi đầu thờ lạy bò vàng” lúc nào không hay. Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để chúng ta trở về hồi tâm xét mình về việc thực thi Thập Điều; nhất là nghiêm chỉnh uốn nắn lại, làm mới lại thái độ và tinh thần, không phải như những người “Biệt phái”: biến “Thập Điều” thành một thứ “trang trí bên ngoài” để “giả hình tôn giáo” như lời khiển trách của chính Chúa Giêsu: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’” (Mt 23,5-7).

Với thái độ và tinh thần đó, “Thập Điều” đã trở thành những dòng chữ chết để trong điện thờ, chứ không còn là dấu chỉ của tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa; và một khi biến “Thập Điều” trở thành những “dòng chữ chết trong điện thờ”, không còn “ăn nhập gì” với đời thường cuộc sống, thì sẽ tới một lúc, điện thờ sẽ bị tục hoá; hay như ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: biến “nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Thật ra, hiện tượng “bò vàng tục hóa” của dân Israel thời Xuất Hành không phải chỉ diễn ra có một lần, mà gần như xuất hiện triền miên trong lịch sử nhân loại muôn nơi và muôn thuở.

Thật vậy, khi con người đem những giá trị thần linh, thiêng thánh xuống khỏi bệ thờ, khi hạ giá những đối tượng cao khiết thánh thiêng xuống nơi “bùn lầy nước đọng”, như Tin Mừng hôm nay mô tả: “Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc…”,..., thì đó chính là lúc “hiện tượng bò vàng xuất hiện” hay là sự tục hóa. Ngày hôm nay, đã có không biết bao nhiêu cái “điện thờ” đã bị tục hoá: “Điện thờ gia đình”: con giết cha, vợ giết chồng, bạo lực gia đình, bất nghĩa bất hiếu; “Điện thờ hôn nhân”: ly thân, ly dị, đồng tính…; “Điện thờ sự sống”: phá thai, khủng bố, chiến tranh đủ kiểu; “Điện thờ tôn giáo”: chùa chiền thành trung tâm du lịch, thương mại; các chức sắc biến chất, suy đồi…

Ngày nay, hiện tượng tục hóa mặc những hình thức “quyến rủ ngọt ngào” mà theo Đức Thánh Cha Phanxico định nghĩa trong Sứ Điệp Mùa Chay 2018 là “những kẻ thổi kèn dụ rắn” hay những “tiên tri giả”, rủ rê con người kiếm tìm những “giá trị ảo”, thể hiện một cuộc “sống ảo”…

Mùa Chay đúng là thời thuận tiện để chúng ta tỉnh táo nhận ra “những mưu ma chước quỷ” của những kẻ “thổi kèn dụ rắn” đó để quay trở về nhà Cha, để hoán cải đổi đời.

Riêng với Đức Kitô trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, thì Ngài không chỉ mời gọi cách nhẹ nhàng (bằng lời) như lời gọi mời trong những ngày đầu khai trương sứ vụ “hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), nhưng đã hành động quyết liệt: “người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.”. (Ga 2,14-15).

Quả thật đây là một điều “mới mẻ” trong cách hành xử của Đức Kitô mà Thánh Gioan đã nhận xét chí lý khi liên kết sự kiện nầy với cuộc khổ nạn sắp xảy đến không xa: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17); và sau hành động quyết liệt đó lại là lời mang tính “tiên tri” về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Ngài sắp dấn thân cử hành và hoàn tất: “các ông cứ phá hủy Đền Thờ nầy đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”; và cũng chính Thánh Gioan đã chú giải: “Nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài” (Ga 21).

Như vậy có thể nói được rằng: sứ điệp “Ngọn roi” mà Đức Kitô dùng để thanh tẩy đền thờ Giêrusalem hôm nay có liên quan mật thiết đến việc thanh tẩy tâm hồn của chúng ta và của các anh chị em Dự tòng để tiến về cuộc cử hành long trọng Mầu nhiệm Vượt Qua: cái chết và sự sống lại của Đức Kitô; để cùng chết và cùng sống lại với Ngài trong một cuộc sống mới, với một con người mới, trong một “điện thờ mới” mang tên PHỤC SINH.

Và vì thế, những ngày Mùa Chay này chính là dịp để “ngọn roi của Đức Kitô” chạm đến cõi lòng, cuộc sống và việc thực hành niềm tin của mỗi người chúng ta, để:

- một lần nữa ta biết quỳ xuống nơi Tòa Giải Tội mà gội sạch tâm hồn khỏi những rác rưới tội lỗi đã làm biến dạng tâm hồn là chính “cung điện của Thiên Chúa”.

- một lần nữa ta biết Dâng Thánh lễ mỗi ngày như cùng tham dự bữa tiệc huynh đệ; biến cộng đoàn thành địa chỉ của yêu thương (chứ không phải là cuộc “tập họp bất đắc dĩ của những con người xa lạ; và mỗi cái tôi, mỗi nhân vị trở thành một “pháo đài” kiên cố của bất khoan dung, hẹp hòi, kiêu ngạo…).

- một lần nữa ta biến giáo lý của Chúa, lề luật của Giáo Hội, hay những lời cam kết (Thêm Sức, Hôn Nhân, Truyền chức, Khấn Dòng…) luôn trở thành một Tin Mừng của niềm vui và sự sống, chứ không còn là “những vòng kim cô vô hồn khắc nghiệt”, những nguyên tắc xa lạ rỗng tuếch, hay những lời giả trá ngoài đầu môi chót lưỡi…

- một lần nữa ta chuẩn bị thường xuyên một “tâm hồn cầu nguyện” để Chúa hiện diện và thường xuyên gặp gỡ Ngài; một “trái tim luôn mở ngõ để yêu thương và gặp gỡ tha nhân”; đó chính là “ngôi nhà” đối lập với những “hang trộm cướp”, địa chỉ của tham lam, dục vọng, oán thù, ghanh ghét…

Và một khi đã có được một cuộc đời là “cung thánh”, một trái tim xứng đáng là “đền thờ”, thì những giá trị của Tin Mừng Đức Kitô sẽ trở thành thuyết phục, con đường cứu độ của Kitô giáo sẽ là giải đáp và lựa chọn duy nhất của con người; và “Thập giá điên rồ sẽ biến thành khôn ngoan” như Thánh Phaolô phát biểu trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha” (BĐ 2).

Như vậy “sứ điệp ngọn roi” của Lời Chúa trong Chúa Nhật III Mùa Chay (năm B) nầy không chỉ cần thiết cho hôm nay của Mùa Chay, mà cho xuyên suốt hành trình đức tin của người Kitô hữu. Vâng, mỗi ngày, chúng ta hãy để “ngọn roi” của Đức Kitô “quất mạnh” trên chính cuộc đời mình. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 07/03/2021

40. Sự tàn nhẫn của con người thật là nông nỗi. Đức Chúa Giê-su yêu con người rất thâm sâu, rất muốn được muốn ngự vào trong tâm hồn của con người, để ôm họ cứu họ, vậy mà con người vẫn cứ lấy oán trả ơn.

(Thánh nữ Jutta)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:37 07/03/2021
82. ĂN TRỘM NÓI CHUYỆN TÀO LAO

Hai tên trộm Giáp và Ất sau khi đào tường xong, từ nơi cái lổ mới đào chui vào trong phòng người ta, tên Giáp bị bọ cạp chích cho một phát bất chợt lớn tiếng nói: “Đau quá”.

Tên Ất sợ chủ nhà nghe được nên dùng hết sức đánh tên Giáp một cú, tên Giáp đánh trả lại một cú đấm, cả hai đánh qua đánh lại không nhường nhau, đánh qua đánh lại vang lên những tiếng bịch bịch, khiến chủ nhà tỉnh lại và cả hai tên trộm đều bị bắt.

Giáp oán hận Ất:

- “Tất cả vì mày, thiệt thòi cũng vì mày, muốn nói sao không nói, tại sao lại đánh tao?”

Ất nói:

- “Thằng trộm chết, đến chết mà cũng không giác ngộ, đã làm tên trộm rồi còn ở đó mà nói nữa à?”

(Tiếu Tán)

Suy tư 82:

Thường kẻ trộm khi ăn trộm thì im hơi lặng tiếng bí mật, nếu không thì sẽ người ta phát hiện và có khi bị tù.

Ngày giờ của Con Người (Đức Chúa Giêsu) đến thì không ai biết được vì nó đến như kẻ trộm; nhưng trái lại ma quỷ đến cám dỗ thì làm rùm beng chuyện: nào là đèn xanh đèn đỏ nơi các nhà hàng vũ trường, nào là rượu bia đầy bàn, nào là các em mắt xanh mắt đỏ, nào là tiền bạc bày ra, nào là chức quyền danh vọng.v.v...tất cả đều là những thứ mà con người ta đều thấy đều biết, vậy mà vẫn có rất nhiều người không chịu cảnh giác nên bị ma quỷ cám dỗ mất linh hồn.

Đã làm tên ăn trộm rồi thì không còn gì phải chửi rủa nhau nữa vì đều là cá mè một lứa mà thôi, nhưng những người Kitô hữu với nhau thì chắc chắn không phải là cá mè một lứa để nói hành nói xấu người khác, ném đá giấu tay, cũng như không thể cùng nhau trở thành kẻ phê bình giáo hội, chửi bới các mục tử vì danh dự hảo huyền của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày thứ ba Đức Phanxicô tại Iraq
Vũ Văn An
03:45 07/03/2021

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Erbil

Theo VaticanNews, ngày thứ ba trong chuyến thăm Iraq của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Erbil, nơi ngài gặp Tổng thống và Thủ tướng của khu tự trị Kurdistan thuộc Iraq. Hành trình của Đức Giáo Hoàng hôm Chúa nhật bao gồm các cuộc viếng thăm Mosul và Qaraqosh.



Thực vậy, hôm Chúa nhật, khi bắt đầu ngày thứ ba của Hành trình Tông đồ đến Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bay từ Baghdad đến Erbil, nơi khi ngài đến, ngài đã được chào đón bởi Tổng thống, Thủ tướng của vùng tự trị người Kurd thuộc Iraq cũng như các thẩm quyền dân sự và tôn giáo.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã gặp Tổng thống khu tự trị người Kurd ở Iraq, Nechirvan Barzani, và Thủ tướng Masrour Barzani tại Phòng chờ Thượng Khách dành cho Tổng thống tại phi trường.

Thành phố Erbil

Còn được gọi là Hewlêr trong tiếng Kurd và Arbīl trong tiếng Ả Rập, thành phố Erbil là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của khu tự trị Kurdistan thuộc Iraq. Nó nằm cách Mosul khoảng 88 km về phía đông và chỉ cách biên giới Syria chưa đầy 300 km.

Được coi là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới, các khu định cư đô thị đầu tiên của Erbil có niên đại từ năm 2300 trước Công nguyên. Qua nhiều thế kỷ, nhiều dân tộc bao gồm người Sumer, người Assyria, người Babylon, người Medes, người La Mã Abbassids và người Ottoman đã sống trong thành lũy của thành phố cổ xưa này.

Thành lũy Erbil nổi tiếng, được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2014, có diện tích khoảng 110,000 mét vuông và nằm cao hơn khoảng 30 mét so với khu vực kế cận xung quanh. Bên trong nó có Đại Đền thờ Hồi giáo và Bảo tàng Hàng Dệt của người Kurd. Các bảo tàng quan trọng của thành phố - Bảo tàng Văn minh Erbil và Bảo tàng Di sản Syriac - là nơi trưng bày một số hiện vật của khu vực.

Các địa điểm tham quan khác ở Erbil bao gồm Mudhafaria Minaret (Choly Minaret) được xây dựng vào thế kỷ 12 và được cho là phần còn lại của một đền thờ Hồi giáo cổ xưa; Đền thờ Hồi giáo Jalil Khayat - lớn nhất trong thành phố - được hoàn thành vào năm 2007, Phòng trưng bày Minaret, và phòng trưng bày Shanidar. Ngoài ra còn có Chợ Qaysari thế kỷ 12, cũng như các công viên Minare, Shanadar và Sami Abdulrahman.

Cũng nằm ở Erbil là Nhà thờ Chính tòa Chaldean kính Thánh Giuse, Ankawa, - một trong những lãnh thổ nội phận (enclaves) Kitô giáo lớn nhất ở Trung Đông gồm các Kitô hữu phần lớn là người Assyria nói ngôn ngữ Tân-Aram.

Trong những năm gần đây, Erbil đã trở thành nơi cư trú của hàng nghìn người tị nạn, phần lớn phát xuất từ Qaraqosh và Mosul, những người đã chạy trốn trong thời kỳ cai trị của cái gọi là Nhà nước duy Hồi giáo. Thành phố đã chào đón khoảng 540,000 người tị nạn Iraq cùng với những người tị nạn Syria khác vào các trại trong khu vực.

Khu tự trị của người Kurd thuộc Iraq

Được chính thức công nhận với sự ra đời của hiến pháp được thông qua vào năm 2005, khu vực tự trị của người Kurd thuộc Iraq, nằm ở phía đông bắc của Iraq bao gồm bốn tòa thống đốc Dohuk (Dihok), Erbil (Hewlêr), Halabja (Helebce) và Sulaymaniyah ( Silêmanî). Khu tự trị này có phía đông giáp Iran, phía bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ và phía tây giáp Syria.

Đức Giáo Hoàng tại “các dấu đinh của chiến tranh”

Theo hãng tin Zenit, ấn bản tiếng Pháp, vào ngày thứ ba trong chuyến hành hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Iraq, ngày 7 tháng 3 năm 2021, sau một ngày ở Nadjaf và Ur, Đức Giáo Hoàng đi đến miền bắc của đất nước, đến vùng tự trị của người Kurd ở Iraq, nơi các Kitô hữu đã tị nạn trong cuộc tiến công của Nhà Nước Duy Hồi Giáo và một phần bị chiếm đóng bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng đã đáp trực thăng đến Mosul, trung tâm của thảm kịch, nơi đã đến lúc để hồi hương và tái thiết: Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện ở đó cho các nạn nhân của chiến tranh.

Sau đó, vẫn luôn bằng trực thăng, Đức Giáo Hoàng đã đến Qaraqosh "Kitô giáo", trong nhà thờ đã được phục hồi: một thành phố do người Kurd bảo vệ vào năm 2014, nhưng đã rơi vào tay ISIS vào ngày 7 tháng 8. Chỉ trong một đêm, nó đã bị trống trơn, không còn một dân cư nào và 14 nhà thờ trong tỉnh đã bị phá hủy, 7 trong số đó có từ thế kỷ 5, 6 và 7.

Ngày này sẽ được kết thúc với một biến cố lớn tại sân vận động Franso Hariri ở Erbil, với sự tham dự của khoảng 10,000 người (thay vì 30,000 như sức chứa của sân vận động).

Hơn bao giờ hết, Đức Giáo Hoàng đang thực hiện những gì ngài khuyến nghị với toàn thể Giáo hội: trở thành một "Giáo hội đi ra ngoài", tới "các vùng ngoại vi", và "bệnh viện dã chiến", như Tổng thống Barham đã nói, hôm Thứ Sáu ngày 5 tháng 3 năm 2021: "cùng chúng tôi chữa lành các vết thương". Điều này cũng là điều được Anan Alkass Yousif làm chứng. Đây là “Thánh Phêrô” đến “để củng cố anh em mình”.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Chaldean của Mosul và Aqra, Đức Cha Najeeb Michaeel, nói với AFP-TV5 Monde rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được chào đón "trong niềm vui", ngay cả khi ba năm chiếm đóng của nhóm Nhà nước Duy Hồi giáo (IS), từ mùa hè năm 2014, để lại “nhiều dấu đinh”: “cây thánh giá bị gãy trên cột nhà thờ, chén thánh hoặc bức ảnh biến dạng trên cửa sổ kính mầu … Quá nhiều bằng chứng được lưu giữ nguyên trạng để “vượt thắng quá khứ ”, bằng cách “tha thứ nhưng không quên”.

Chính Đức Tổng Giám Mục đã "cứu các bản thảo cổ khỏi nanh vuốt của ISIS trong thành trì của chúng ở Iraq, phía bắc đất nước, bằng cách đưa chúng đến vùng Kurdistan vào ban đêm trên những con đường mấp mô”.

Đức Giáo Hoàng viếng vùng phía bắc tan nát vì chiến tranh

Trong khi ấy, hãng A.P. tường trình rằng Chúa nhật, 7 tháng 3, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến miền bắc Iraq, nơi ngài dự định cầu nguyện giữa đống đổ nát của các nhà thờ bị tàn phá hoặc phá hủy bởi các phần tử Nhà nước duy Hồi giáo cực đoan và cử hành thánh lễ ngoài trời vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm đầu tiên của Giáo hoàng tới đất nước này.

Vatican hy vọng rằng chuyến thăm mang tính bước ngoặt sẽ tập hợp các cộng đồng Kitô hữu của đất nước và khuyến khích họ ở lại bất chấp nhiều thập niên chiến tranh và bất ổn. Đức Phanxicô cũng đã đưa ra thông điệp về lòng khoan dung và tình huynh đệ liên tôn cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo, kể cả trong cuộc gặp gỡ lịch sử vào thứ Bảy với vị giáo sĩ Shia hàng đầu của Iraq, Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani.

Đức Phanxicô đã đến thành phố Mosul ở phía bắc, nơi bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến chống IS, để cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh của Iraq. Khung cảnh sẽ là một quảng trường thành phố được bao quanh bởi tàn tích của bốn nhà thờ bị hư hại thuộc một số nghi lễ và giáo phái Kitô giáo của Iraq.

Ngài đã di chuyển bằng trực thăng qua vùng bình nguyên Ninievê đến cộng đồng Kitô giáo nhỏ ở Qaraqosh, nơi chỉ một phần nhỏ các gia đình đã hồi hương sau khi chạy trốn khỏi cuộc tấn công của IS vào năm 2014. Ngài cũng nghe những lời chứng của cư dân và cầu nguyện trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nơi đã bị IS đốt cháy và được khôi phục trong những năm gần đây.

Ngài kết thúc ngày này bằng một thánh lễ tại sân vận động ở Irbil, trong khu vực bán tự trị phía bắc của người Kurd, với sự tham dự của khoảng 10,000 người. Ngài đến Irbil vào sớm hôm Chúa nhật, nơi ngài được chào đón bởi các trẻ em trong trang phục truyền thống và một em mặc trang phục như một giáo hoàng.

Iraq tuyên bố chiến thắng IS vào năm 2017, và trong khi nhóm cực đoan không còn kiểm soát bất cứ vùng lãnh thổ nào, nó vẫn tiến hành các cuộc tấn công lẻ tẻ, đặc biệt là ở phía bắc. Nước này cũng đã chứng kiến một loạt các vụ tấn công bằng tên lửa gần đây của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào các mục tiêu của Mỹ, một bạo lực được liên kết với các căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Sự cai trị tàn bạo trong ba năm của nhóm IS đối với phần lớn miền bắc và miền tây Iraq, và chiến dịch chống lại nó, đã để lại một vùng đất rộng lớn bị hủy diệt. Các nỗ lực tái thiết đã bị đình trệ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính kéo dài nhiều năm, và toàn bộ khu phố vẫn còn trong đống đổ nát. Nhiều người Iraq đã phải xây dựng lại nhà cửa bằng chi phí của họ.

Nhóm thiểu số Kitô giáo của Iraq bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Các chiến binh buộc họ phải lựa chọn giữa việc trở lại đạo, tử hình hoặc trả một loại thuế đặc biệt đối với những người không theo đạo Hồi. Hàng nghìn người đã bỏ chạy, bỏ lại những ngôi nhà và nhà thờ bị phá hủy hoặc bị những kẻ cực đoan trưng dụng.

Dân số Kitô giáo gần 2,000 năm tuổi của Iraq đã nhanh chóng giảm sút, từ khoảng 1,5 triệu người trước cuộc xâm lăng do Hoa Kỳ dẫn đầu năm 2003, một cuộc xâm lăng khiến đất nước rơi vào hỗn loạn, xuống chỉ còn vài trăm nghìn người ngày nay.

Đức Phanxicô hy vọng sẽ chuyển tới một sứ điệp hy vọng, một sứ điệp được làm nổi bật nhờ bản chất có tính lịch sử của chuyến viếng thăm và sự kiện đây là chuyến du hành quốc tế đầu tiên của ngài kể từ lúc bùng nổ đại dịch coronavirus.

Các chuyên gia y tế công cộng đã bày tỏ lo ngại trước chuyến đi; họ cho rằng các cuộc tụ họp đông người có thể là các biến cố siêu lây lan vi rút coronavirus tại một quốc gia đang trải qua đợt bùng phát ngày càng trầm trọng, nơi có rất ít người được tiêm chủng phòng ngừa.
Vatican cho biết họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, gồm cả việc tổ chức Thánh lễ ngoài trời trong một sân vận động chỉ đầy một phần. Nhưng trong suốt chuyến thăm, đám đông đã tụ tập gần nhau, với nhiều người không đeo khẩu trang. Đức Giáo Hoàng và các thành viên trong phái đoàn của ngài đã được tiêm chủng nhưng hầu hết người dân Iraq thì chưa.
 
ĐTC Phanxicô Trước Hoang Tàn Tại Mossoul : Vị Sứ Giả Của Chúa Thực Thi Tâm Nguyện ‘‘Kinh Hòa Bình’’
Lê Đình Thông
10:37 07/03/2021


Sáng Chúa nhật 07/03, ĐTC đã dùng trực thăng đi từ Erbil đến cổ thành Mossoul, thủ phủ ‘‘califat’’ áp đặt từ 2014 đến 2017. ‘'Califat’’ là phần đất do nguyên thủ hồi giáo (carife) lãnh đạo, áp đặt chặt chẽ luật lệ hồi giáo. Trong thời gian này, hơn 70 gia đình Công Giáo phải sống trốn tránh nhưng vẫn kiên trì giữ đạo.

Cổ thành Mossoul hoang tàn đổ vỡ, ‘‘đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn chau mặt với tang thương’’. Vị lãnh đâo tinh thần đã thực hiện trọn vẹn tâm nguyện Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô :

‘‘Lạy Chúa từ nhân

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người

Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù

Đem thứ tha vào nới lăng nhục

Đem an hòa vào nơi tranh chấp

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan

Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng

Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm

Đem niềm vui đến chốn u sầu.’’

Vào năm 1205, thánh Phanxicô đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa. Ngài thường lui tới các thánh đường và nguyện đường cổ kính ở Assise. Khi cầu nguyện trước cây thánh giá trong nguyện đường thánh Damien, ngài nghe tiếng Chúa phán : ‘‘con hãy xây lại nhà nguyện đổ nát này.’’ Thánh nhân vâng theo ý Chúa, kiến tạo ngôi nguyện đường Damien và trùng tu Hội thánh Chúa. Thánh nhân đã trước tác ‘‘Bài Ca Tạo Vật’’ trong ngôi nguyện đường này.

Cũng như thánh Phanxicô đã cầu nguyện trong nguyện đường thánh Damien đổ nát, trước cổ thành Mossoul hoang phế, ĐTC Phanxicô đã đọc kinh nguyện cầu an như sau :

‘‘Lạy Chúa là Thiên Chúa đời sống, Ngài không cho phép giết hại anh em đồng loại nhân danh Ngài.

Lạy Chúa là Thiên Chúa hòa bình, Ngài không cho phép người ta gây chiến nhân danh Ngài.

Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài không cho phép người ta ghét bỏ đồng loại.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh, nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng ban cuộc sống trường sinh và bình an vĩnh cửu cho những người quá cố, đón nhận họ trong vòng tay từ ái của Ngài.

Xin Chúa cho chúng ta vượt trên khác biệt tôn giáo, có thể sống hài hòa, bình an; với niềm xác tín rằng đối với Chúa, chúng ta đều là anh chị em một nhà.

Chúng con xin phó thác những sinh linh vắn số vì bàn tay bạo lực của đồng bào ruột thịt.

Lạy Thiên Chúa Tối Cao là Chúa tể thời gian và lịch sử, xin mở lượng hải hà chống lại cả một đại dương khổ đau và chết chóc, những cám dỗ của bạo lực, bất công, làm giàu bất chính.

Chúng con bội bạc trước những ân sủng của Chúa, bị lôi cuốn bởi những quan tâm và tham vụng trần tục, làm quên đi Thánh ý hòa bình và hòa hợp của Ngài.

Lạy Chúa, khi phó thác trong tay Ngài những nạn nhân của sự hận thù chống lại nhau, chúng con khấn xin Ngài ban ơn tha thứ và hồng ân hoán cải.’’

Cũng tại Mossoul, ĐTC nói đến con số tín hữu tại Irak cũng như tại Trung Đông giảm thiểu đáng kể, là tổn thất khôn lường, không những trên bình diện cá nhân và cộng đồng, mà cho toàn xã hội.

Từ 2014 đến 2017, tổ chức Daech chiếm đóng một phần ba lãnh thổ Irak khiến hàng vạn tín hữu phải di tản. Ngày nay chỉ còn 400 000 người Công Giáo tại Irak. Chỉ riêng tại tỉnh Ninive bao gồm cả Mossoul, đã có 14 thánh đường bị phá hủy, trong đó phân nửa được xây dụng từ thế kỷ thứ V. Thánh đường Tahira ở Mossoul có từ 1 000 năm.

Đám đông tung hô ‘‘Viva papa’’ trong khi lực lượng an ninh được tăng cường tối đa để ngăn chận âm mưu khủng bố.

ĐTC Phanxicô đã tặng cộng đổng Công Giáo ở Mossoul và Qaraqosh giây các phép (étole) mà ngài đã mang ở Bagdad, với ý nguyện Thiên Chúa sẽ ban ơn tái sinh cho Hội thánh Irak.

Chiều chủ nhật 07/03, ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ đại triều tại sân vận động Erbil, thủ phủ Kurdistan. Trong chuyến tông du, ĐTC thường tiếp cận các tín hữu và dân chúng chào đón ngài, bất chấp các biện pháp bảo vệ an ninh

Lê Đình Thông
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại quảng trường Hosh-al-Bieaa, Mosul
J.B. Đặng Minh An dịch
12:11 07/03/2021


Vào lúc 10g10 theo giờ địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Hosh-al-Bieaa, nghĩa là quảng trường chung của bốn nhà thờ bao gồm nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syriac, nhà thờ Chính Thống Giáo của người Armenia, nhà thờ Chính Thống Giáo nghi lễ Syriac, và nhà thờ Công Giáo nghi lễ Chanđê. Cả 4 ngôi nhà thờ đều bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy từ năm 2014 đến 2017.

Khi đến Mosul, Đức Thánh Cha đã được Đức Tổng Giám Mục Najeeb Michaeel của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê Mosul và Aqra đón tiếp và cùng đi với ngài đến quảng trường Hosh-al-Bieaa.

Sau lời chào giới thiệu của Đức Tổng Giám Mục, và chứng tá của một linh mục và một người Hồi Giáo Sunni, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ ngắn trước khi đọc lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em và các bạn thân mến,

Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Najeeb Michaeel vì những lời chào đón ân cần của ngài và tôi đặc biệt biết ơn Cha Raid Kallo và ông Gutayba Aagha về những chứng từ xúc động của họ.

Cảm ơn Cha Raid rất nhiều. Cha đã cho chúng tôi biết về việc nhiều gia đình Kitô hữu buộc phải bỏ lại nhà cửa sau lưng. Sự giảm sút bi thảm của các môn đệ của Chúa Giêsu ở đây và trên khắp Trung Đông gây tác hại khôn lường không chỉ cho các cá nhân và cộng đồng liên quan mà còn cho xã hội mà họ bỏ lại phía sau. Thật vậy, một cấu trúc văn hóa và tôn giáo đa dạng phong phú như thế này bị suy yếu do mất đi bất kỳ thành viên nào, dù nhỏ đến đâu. Như trong những tấm thảm được thiết kế phức tạp của các bạn, một sợi chỉ nhỏ bị rách có thể làm hỏng phần còn lại. Thưa cha, cha đã cho chúng tôi biết về mối quan hệ huynh đệ của mình với người Hồi giáo sau khi trở về Mosul. Cha đã được chào đón, tôn trọng và hợp tác. Cảm ơn Cha vì đã chia sẻ những dấu chỉ này cho thấy Thánh Linh đang nở hoa trong sa mạc, và đã cho chúng ta thấy rằng có thể hy vọng vào sự hòa giải và cuộc sống mới.

Thưa Ông Aagha, ông đã nhắc chúng tôi rằng bản sắc thực sự của thành phố này là sự chung sống hài hòa giữa những người thuộc các nền văn hóa và nguồn gốc khác nhau. Vì vậy, tôi đặc biệt hoan nghênh lời mời của ông đưa ra cho cộng đồng Kitô Giáo, mời họ trở lại Mosul và đảm nhận vai trò quan trọng của họ trong quá trình chữa lành và đổi mới.

Hôm nay, tất cả chúng ta cùng cất lên tiếng cầu nguyện với Thiên Chúa Toàn năng cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh và xung đột vũ trang. Ở đây, ở Mosul, hậu quả bi thảm của chiến tranh và sự thù địch đã quá rõ ràng. Thật tàn nhẫn biết bao khi đất nước này, cái nôi của nền văn minh, lại phải hứng chịu một trận đòn dã man như vậy, với những nơi thờ tự cổ kính bị phá hủy và hàng ngàn người – cả người Hồi giáo, các tín hữu Kitô, người Yazidi, là những người đã bị những kẻ khủng bố giết hại một cách tàn nhẫn, và những người khác - bị cưỡng bức di dời hoặc bị giết!

Tuy nhiên, hôm nay, chúng ta tái khẳng định niềm tin rằng tình huynh đệ lâu dài hơn cảnh huynh đệ tương tàn, hy vọng mạnh hơn hận thù, hòa bình mạnh hơn chiến tranh. Niềm xác tín này nói lên một cách hùng hồn hơn những tiếng nói của hận thù và bạo lực, và nó không bao giờ có thể bị dập tắt bởi cảnh đổ máu do những kẻ xuyên tạc danh Chúa gây ra để theo đuổi những con đường hủy diệt.

Cuối buổi cầu nguyện, sau khi khánh thành tấm bảng kỷ niệm cuộc viếng thăm, ban tổ chức đã thả một số chim bồ câu trắng, biểu tượng cho hòa bình. Sau đó, Đức Thánh Cha đã ban phép lành.

Trước khi rời Mosul, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm những tàn tích xung quanh Hosh-al-Bieaa, và dừng lại cầu nguyện trước đống đổ nát của Nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syriac. Sau đó, ngài di chuyển bằng xe hơi đến sân trực thăng và sau khi từ giã Đức Tổng Giám Mục Mosul và viên Thống đốc của Mosul, ngài đã lên trực thăng bay đến Qaraqosh.
Source:Holy See Press Office
 
Toàn văn lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho các nạn nhân chiến tranh
J.B. Đặng Minh An dịch
12:14 07/03/2021


Vào sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Hosh al-Bieaa, nghĩa là quảng trường nhà thờ ở Mosul, nơi ngài cầu nguyện, giữa đống đổ nát và cùng với người dân Iraq, cho tất cả các nạn nhân chiến tranh trong nước và khắp Trung Đông.

Mosul, cùng với đồng bằng Ninivê gần đó, là một trong những trung tâm lịch sử của người Assyriô và các Giáo Hội của họ bao gồm Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương của người Assyriô. Bên cạnh đó, còn có lăng mộ của một số nhà tiên tri trong Cựu ước như tiên tri Giôna, một số đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy vào tháng 7 năm 2014.

Trong trận chiến tại Mosul, quân Iraq thiệt mất 1,200 quân và 5,000 quân nhân bị thương. Quân Kurd tham chiến bên cạnh quân Iraq thiệt mất 30 quân và 100 quân nhân bị thương. Hoa Kỳ có 2 quân nhân bị giết và 20 người khác bị thương, Quân Iran chiến đấu bên cạnh lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite có 3 người bị giết.

Về phía thường dân có 6,400 người thiệt mạng và 17, 124 người bị thương.

Theo các tài liệu chính thức của chính quyền Iraq, có 16,467 quân khủng bố IS bị giết trong trận chiến giải phóng Mosul.

Trước khi phát biểu trước đám đông nhỏ đang tụ tập giữa đống đổ nát được đưa về đây từ bốn nhà thờ xung quanh địa điểm gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Tổng Giám Mục Najeeb Michaeel của Mosul, chào đón. Sau đó, ngài nghe chứng tá của một linh mục Công Giáo và một người Hồi giáo Sunni, nạn nhân của vụ khủng bố hoành hành khắp thành phố Mosul.

Trước khi cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng đã chia sẻ những suy nghĩ của mình, tập trung vào ba ý tưởng chính:

Nếu Thiên Chúa là Chúa của sự sống - vì Ngài thực sự là vậy - thì việc chúng ta giết anh chị em mình nhân Danh Ngài là sai.

Nếu Thiên Chúa là Chúa của hòa bình - vì Ngài thực sự là vậy - thì chúng ta sai khi gây chiến nhân Danh Ngài.

Nếu Thiên Chúa là Chúa của tình yêu - vì Ngài thực sự là vậy - thì thật sai lầm khi chúng ta ghét bỏ anh chị em của mình.

Sau đó, Đức Thánh Cha mời tất cả những người hiện diện, dù ở gần hay xa, hãy “tham gia cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh”, và cho chính chúng ta. “Cầu mong cho tất cả chúng ta, bất kể theo truyền thống tôn giáo nào, đều biết sống hòa thuận và bình an, với ý thức rằng trước mắt Chúa, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau”.

Lời cầu nguyện

Dưới đây là toàn văn lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho các nạn nhân chiến tranh:

Lạy Chúa Chí Tôn, Chúa của mọi thời đại, Chúa đã tạo ra thế giới trong tình yêu và không ngừng chúc phúc cho các tạo vật của Chúa. Giữa chập chùng khổ đau và cái chết, giữa mọi cám dỗ bạo lực, bất công và tư lợi bất chính, Chúa luôn đồng hành với các con trai và con gái của Chúa bằng tình yêu dịu dàng của một người Cha.

Tuy nhiên, nhân loại chúng con, từ chối những ân sủng của Chúa và bị cuốn hút bởi những mối quan tâm quá trần tục, thường quên mất những lời khuyên về hòa bình và hòa hợp của Chúa. Chúng con chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích hạn hẹp của chúng con. Thờ ơ với Chúa và với những người khác, chúng con đã chặn cánh cửa dẫn đến hòa bình. Điều mà tiên tri Giôna đã nói về Ninivê đã được lặp lại ở đây: sự gian ác của loài người đã thấu đến trời cao (xem Giô-na 1: 2). Chúng con đã không giơ những bàn tay trong sạch lên trời (x. 1 Ti 2: 8), nhưng từ dưới đất lại một lần nữa phát ra tiếng kêu đòi của máu người vô tội (x. St 4:10). Trong Sách Giôna, các cư dân thành Ninivê đã nghe theo lời vị tiên tri của Chúa và được cứu rỗi trong sự ăn năn. Lạy Chúa, giờ đây chúng con giao phó cho Chúa rất nhiều nạn nhân của lòng căm thù con người đối với con người. Chúng con cũng cầu xin sự tha thứ của Chúa và cầu xin ân sủng của sự ăn năn: Xin Chúa thương xót chúng con! Xin Chúa thương xót chúng con! Xin Chúa thương xót chúng con!

Sau một lúc yên lặng, Đức Thánh Cha nói:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, tại thành phố này, chúng con thấy có hai dấu chỉ thể hiện mong muốn thường hằng của con người là được gần gũi với Chúa: đó là đền thờ Hồi Giáo Al-Nouri, với tháp Al-Hadba, và Nhà thờ Đức Mẹ Thời Gian, có chiếc đồng hồ hơn một thế kỷ qua đã nhắc nhở những người qua đường rằng cuộc đời thật ngắn ngủi và thời gian thật quý giá. Xin dạy chúng con nhận ra rằng Chúa đã giao phó cho chúng con kế hoạch yêu thương, hòa bình và hòa giải của Chúa, và buộc chúng con phải thực hiện nó trong thời đại của chúng con, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc sống trần thế của chúng con. Xin hãy làm cho chúng con nhận ra rằng chỉ bằng cách này, bằng cách áp dụng kế hoạch yêu thương đó vào thực tế ngay lập tức, thành phố này và đất nước này mới có thể được xây dựng lại, và những trái tim bị xé nát bởi đau buồn mới được chữa lành. Xin giúp chúng con không mất thời gian trong việc thúc đẩy các mối quan tâm ích kỷ của chúng con, dù với tư cách cá nhân hay phe nhóm, nhưng biết phục vụ kế hoạch yêu thương của Chúa. Và bất cứ khi nào chúng con đi chệch hướng, xin hãy cho chúng con có thể chú ý đến tiếng nói của những người nam nữ đích thực của Chúa và ăn năn đúng lúc, kẻo chúng con lại một lần nữa bị choáng ngợp bởi sự hủy diệt và chết chóc.

Chúng con giao phó cho Chúa tất cả những ai mà tuổi thọ trên dương thế đã bị cắt ngắn bởi bàn tay bạo lực của anh chị em của họ; chúng con cũng cầu nguyện cho những người đã gây ra những tổn hại như vậy cho anh chị em của họ. Cầu mong cho họ biết ăn năn, và cảm động trước sức mạnh của lòng thương xót của bạn.

Lạy Chúa, xin cho họ được yên giấc và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi họ.

Cầu xin cho họ có thể an nghỉ trong bình an. Amen.

Hosh al-Bieeya, nghĩa là Quảng trường Nhà thờ ở Mosul là nơi lưu giữ tàn tích của bốn nhà thờ Kitô Giáo, được Đức Giáo Hoàng nhắc đến trong lời cầu nguyện của mình. Bốn nhà thờ của cộng đồng Kitô Giáo cổ đại đã bị phá hủy bởi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Chỉ riêng ở Mosul đã có hơn 30 nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. Do những chèn ép của người Hồi Giáo, đến nay chưa có ngôi nhà thờ nào trong thành phố Mosul được xây dựng lại.

Từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 7 năm 2017, Mosul bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng. Ước tính có khoảng nửa triệu người, trong đó có hơn 120,000 Kitô hữu, đã chạy trốn khỏi Mosul. Vào năm 2004, dân số Kitô lên đến 1,846,500 người. Thành phố đã bị tàn phá có hệ thống, tiêu biểu là việc phá hủy nhà thờ lăng mộ của tiên tri Giôna và một phần các bức tường của thành cổ Ninivê, cũng như của các bản thảo quý hiếm và hơn 100,000 cuốn sách được bảo quản trong Thư viện thành phố Mosul, các phát hiện khảo cổ học và nhiều bức tượng trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Ninivê.

Vào tháng 6 năm 2017, Nhà nước Hồi giáo, bị quân chính phủ bao vây và chỉ kiểm soát được thành phố cổ. Chúng đã phá hủy nhà thờ Hồi giáo Mūr ad-dīn trước khi thất thủ. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, người Iraq đã tái chiếm được ngôi đền này, cùng với một phần khu vực thời trung cổ của thành phố.

Vào tháng 7 năm 2017, sau chín tháng chiến đấu, Mosul đã được giải phóng.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha khi thăm Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội tại Qaraqosh
J.B. Đặng Minh An dịch
12:56 07/03/2021


Khi đến Qaraqosh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Tổng Giám Mục Yohanna Petros Moshe của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Syriac Mosul đón tiếp cùng Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, và một số nhà chức trách dân sự và tôn giáo. Sau đó, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nơi vào lúc 12g30 theo giờ địa phương, ngài đã gặp gỡ cộng đồng Qaraqosh.

Tại lối vào nhà thờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan Đệ Tam là Thượng phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Syriac đón tiếp. Đức Thượng Phụ đã trao cây thánh giá và nước thánh cho ngài. Hai trẻ em đã dâng hoa lên Đức Thánh Cha. Sau lời giới thiệu của Đức Thượng Phụ, và chứng từ của một phụ nữ giáo dân và một linh mục, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ sau.

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi biết ơn Chúa vì đã có cơ hội ở giữa anh chị em sáng nay. Tôi đã mong chờ lần gặp gỡ cùng nhau này từ lâu. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan vì những lời chào mừng của Ngài, và Bà Doha Sabah Abdallah cũng như Cha Ammar Yako vì những chứng từ của họ. Khi tôi nhìn vào anh chị em, tôi có thể thấy sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của người dân Qaraqosh, và điều này cho thấy một điều gì đó về vẻ đẹp mà toàn bộ khu vực này mang đến cho tương lai. Sự hiện diện của anh chị em ở đây là một lời nhắc nhở rằng vẻ đẹp không phải là đơn sắc, mà là sự đa dạng và khác biệt.

Đồng thời, với nỗi buồn lớn, chúng ta nhìn xung quanh và thấy những dấu hiệu khác, những dấu hiệu cho thấy sức mạnh tàn phá của bạo lực, hận thù và chiến tranh. Biết bao nhiêu thứ đã bị phá hủy! Cần phải xây dựng lại biết là ngần nào! Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây hôm nay cho thấy rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Lời cuối cùng thuộc về Thiên Chúa và Con Ngài, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên cái chết. Trước mặt anh chị em là gương của những người cha, người mẹ của anh chị em trong đức tin, những người đã thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa tại nơi này. Họ kiên trì với niềm hy vọng vững chắc trong suốt cuộc hành trình trên dương thế, tin cậy nơi Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm chúng ta thất vọng và luôn nâng đỡ chúng ta bởi ân sủng của Ngài. Di sản tinh thần to lớn mà tiền nhân anh chị em để lại vẫn tiếp tục sống trong anh chị em. Hãy giữ lấy di sản này! Đó là sức mạnh của anh chị em! Bây giờ là lúc để xây dựng lại và bắt đầu lại từ đầu, dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn số phận của tất cả các cá nhân và dân tộc. Anh chị em không đơn độc! Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em, với những lời cầu nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và trong khu vực này, có rất nhiều người đã mở cửa cho anh chị em vào lúc cần thiết.

Anh chị em thân mến, đây là thời điểm để khôi phục không chỉ các tòa nhà mà còn là các mối dây liên kết cộng đồng gắn kết cộng đoàn và gia đình, người già và người trẻ lại với nhau. Tiên tri Giôen nói: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến”. (x. Giôen 3: 1). Khi người già và người trẻ xích lại gần nhau, điều gì sẽ xảy ra? Người già ước mơ, họ mơ một tương lai cho lớp trẻ. Và những người trẻ có thể thực hiện những giấc mơ và lời tiên tri đó, biến chúng thành hiện thực. Khi già và trẻ đến với nhau, chúng ta giữ gìn và truyền lại những ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta nhìn con cái của mình, biết rằng chúng sẽ không chỉ được thừa hưởng một vùng đất, một nền văn hóa và một truyền thống, mà còn cả những thành quả sống động của đức tin là những phước lành của Chúa trên mảnh đất này. Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em: đừng quên anh chị em là ai và anh chị em đến từ đâu! Đừng quên những ràng buộc đã giữ anh chị em lại với nhau! Đừng quên bảo tồn gốc rễ của anh chị em!

Chắc chắn, sẽ có những khoảnh khắc mà đức tin có thể bị lung lay, khi dường như Chúa không nhìn thấy hoặc không hành động. Điều này đúng trong trường hợp của anh chị em trong những ngày đen tối nhất của chiến tranh, và nó cũng đúng trong những ngày khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và nỗi bất an kinh hoàng. Những lúc như thế này, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Đừng mất hy vọng! Từ trên trời, các thánh đang che chở cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện với các ngài và đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sự chuyển cầu của các vị. Ngoài ra còn có các thánh bên cạnh, là “những người, sống ở giữa chúng ta, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 7). Vùng đất này có rất nhiều người các vị thánh bên cạnh chúng ta, bởi vì đó là một vùng đất của nhiều người nam nữ thánh thiện. Hãy để họ đồng hành cùng anh chị em đến một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai đầy hy vọng.

Một điều mà Doha nói đã khiến tôi vô cùng xúc động. Cô ấy nói rằng sự tha thứ là cần thiết từ phía những người sống sót sau cuộc tấn công khủng bố. Tha thứ; đó là một từ ngữ cốt yếu. Sự tha thứ là cần thiết để duy trì tình yêu, để tiếp tục là Kitô hữu. Con đường để hồi phục hoàn toàn có thể còn rất dài, nhưng tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Điều cần thiết là khả năng tha thứ, nhưng cũng cần có dũng khí để không bỏ cuộc. Tôi biết rằng điều này là rất khó khăn. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa có thể mang lại hòa bình cho vùng đất này. Chúng ta tin tưởng vào Ngài và cùng với tất cả những người thiện chí, chúng ta nói “không” với khủng bố và sự thao túng tôn giáo.

Cha Ammar, khi nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh, cha cảm ơn Chúa đã luôn đổ tràn đầy niềm vui cho cha, lúc thuận lợi cũng như lúc gian truân, lúc ốm đau cũng như khi thịnh vượng. Lòng biết ơn được sinh ra và lớn lên khi chúng ta nhớ đến những ân sủng và lời hứa của Thiên Chúa. Ký ức về quá khứ định hình hiện tại và dẫn chúng ta tới tương lai.

Trong mọi lúc, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những món quà nhân từ của Người và xin Người ban sự bình an, tha thứ và tình huynh đệ cho vùng đất này và dân tộc này. Chúng ta hãy cầu nguyện không mệt mỏi cho sự hoán cải của trái tim và sự thành tựu của một nền văn hóa sự sống, hòa giải và tình yêu huynh đệ giữa mọi người nam nữ, tôn trọng sự khác biệt và các truyền thống tôn giáo đa dạng, trong nỗ lực xây dựng một tương lai hiệp nhất và hợp tác giữa tất cả những người có thiện chí. Một tình yêu huynh đệ công nhận “những giá trị nền tảng của nhân loại chúng ta, những giá trị trên đó chúng ta có thể và phải hợp tác với nhau, xây dựng và đối thoại, tha thứ và trưởng thành” (Fratelli Tutti, 283).

Khi tôi đến đây trên trực thăng, tôi nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria trên Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Tôi đã phó thác sự tái sinh của thành phố này cho Đức Mẹ. Mẹ không chỉ che chở chúng ta từ trên cao, nhưng xuống với chúng ta bằng tình yêu của Mẹ. Hình ảnh của Mẹ ở đây đã gặp phải sự ngược đãi và thiếu tôn trọng, nhưng khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhìn chúng ta với tình yêu thương. Đó là những gì các bà mẹ làm: họ an ủi, họ vỗ về và họ trao ban cuộc sống. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những người mẹ và những người phụ nữ của đất nước này, những người phụ nữ dũng cảm, những người tiếp tục cống hiến cuộc sống, bất chấp những sai lầm và đau đớn. Cầu mong những người phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ! Mong họ được tôn trọng và được trao cho cơ hội!

Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Mẹ của chúng ta, khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ cho những nhu cầu và kế hoạch tương lai của anh chị em. Tôi đặt tất cả các anh chị em dưới sự cầu bầu của Đức Mẹ. Và tôi xin anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Kết thúc buổi gặp gỡ, sau khi Sổ Lưu Niệm, Đức Thánh Cha chào cộng đoàn và đã di chuyển bằng xe hơi về Chủng viện Thánh Phêrô thành Erbil nơi ngài dùng bữa trưa.
Source:Holy See Press Office
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại sân vận động Franso Hariri ở Erbil
J.B. Đặng Minh An dịch
15:17 07/03/2021


Sau bữa trưa tại Chủng viện Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil để cử hành Thánh lễ.

Sau một vài vòng trên chiếc pope mobile mui trần giữa các tín hữu, vào lúc 16g30 theo giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã chủ tế Thánh Thể Chúa nhật thứ ba Mùa Chay trước một cộng đoàn 10,000 tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng “Đức Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1: 22-25). Chúa Giêsu đã mạc khải sức mạnh và sự khôn ngoan đó trên hết bằng cách trao ban sự thứ tha và bày tỏ lòng thương xót. Ngài đã chọn làm như vậy không phải bằng cách phô trương sức mạnh hay bằng cách nói với chúng ta từ trên cao, bằng những bài diễn văn dài dòng và uyên bác. Ngài đã làm như vậy bằng cách hiến mạng sống của mình trên thập tự giá. Ngài đã bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng của mình bằng cách cho chúng ta thấy, cho đến cùng, sự trung tín trong tình yêu của Chúa Cha; lòng thành tín đối với giao ước của Thiên Chúa, Đấng đã đưa dân Người ra khỏi ách nô lệ và dẫn dắt họ vào một cuộc hành trình tự do (x. Xh 20, 1-2).

Thật dễ dàng rơi vào bẫy khi nghĩ rằng chúng ta phải chứng tỏ cho người khác thấy rằng chúng ta mạnh mẽ hay khôn ngoan. Thật dễ dàng rơi vào cái bẫy tạo ra những hình ảnh giả tạo về Thiên Chúa có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn (x. Xh 20, 4-5). Tuy nhiên, sự thật là tất cả chúng ta đều cần đến sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu mạc khải trên thập tự giá. Trên đồi Canvê, Người đã dâng lên Chúa Cha những vết thương mà chỉ nhờ những vết thương ấy chúng ta mới được chữa lành (xem 1 Pr 2:24). Ở Iraq này, biết bao nhiêu anh chị em, bạn bè và đồng bào của anh chị em đang mang vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương cả hữu hình và vô hình! Chúng ta bị cám dỗ để phản ứng lại với những điều này và những trải nghiệm đau đớn khác bằng sức người, bằng trí tuệ của con người. Trái lại, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa, con đường mà Ngài đã đi, con đường mà Ngài kêu gọi chúng ta đi theo Ngài.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Ga 2:13-25), chúng ta thấy cách Chúa Giêsu xua đuổi những người đổi tiền và mọi kẻ mua người bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa Giêsu lại làm một điều đầy bạo lực và khiêu khích như thế? Ngài đã làm điều đó bởi vì Chúa Cha đã sai Ngài đến để thanh tẩy đền thờ: không chỉ là Đền thờ bằng đá, nhưng trên hết là đền thờ tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không thể chấp nhận việc nhà của Cha Người trở thành một cái chợ (x. Ga 2,16); Ngài cũng không muốn trái tim chúng ta trở thành một nơi xáo trộn, rối loạn và hoang mang. Trái tim của chúng ta phải được làm sạch, sắp đặt ngăn nắp và thanh tẩy. Thanh tẩy những gì? Thưa: thanh tẩy khỏi sự giả dối làm vấy bẩn tâm hồn chúng ta, khỏi thói hai lòng đạo đức giả. Tất cả chúng ta đều có những thứ này. Chúng là những căn bệnh gây hại cho trái tim, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và khiến cuộc sống của chúng ta trở nên thiếu chân thành. Chúng ta cần phải tẩy sạch những bảo đảm lừa đảo có thể đánh đổi đức tin của chúng ta nơi Chúa bằng những thứ chóng qua, bằng những lợi thế tạm thời. Chúng ta cần quét sạch khỏi tâm hồn chúng ta và khỏi Giáo hội những cám dỗ tầm thường về quyền lực và tiền bạc. Để thanh tẩy lòng mình, chúng ta cần phải làm bẩn bàn tay của mình, cần cảm thấy có trách nhiệm và không được thờ ơ khi anh chị em của chúng ta đang đau khổ. Làm thế nào để chúng ta thanh lọc trái tim của chúng ta? Thưa: bằng nỗ lực của chính mình, chúng ta không thể; chúng ta cần Chúa Giêsu. Ngài có quyền năng để chiến thắng những điều xấu xa của chúng ta, để chữa lành bệnh tật của chúng ta, để xây dựng lại ngôi đền của trái tim chúng ta.

Để chỉ ra điều này, và như một dấu chỉ nói lên sức mạnh của mình, Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại” (câu 19). Chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô có thể tẩy sạch chúng ta khỏi những công việc của ma quỷ. Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại! Chỉ có Chúa Giêsu, chỉ có Chúa!

Anh chị em thân mến, Chúa không để chúng ta chết trong tội lỗi. Ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài, Ngài không bao giờ lìa xa và bỏ mặc chúng ta. Ngài tìm kiếm chúng ta, chạy theo chúng ta, để kêu gọi chúng ta ăn năn và tẩy rửa tội lỗi của chúng ta. Chúa phán: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Êgiêkien 33:11). Chúa muốn chúng ta được cứu và trở thành những đền thờ sống động của tình yêu của Ngài, trong tình huynh đệ, trong sự phục vụ, trong lòng thương xót.

Chúa Giêsu không chỉ tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan của chính Ngài. Ngài giải phóng chúng ta khỏi những quan niệm hẹp hòi và tranh cãi về gia đình, đức tin và cộng đồng là những điều gây chia rẽ, chống đối và loại trừ, để chúng ta có thể xây dựng một Giáo hội và một xã hội rộng mở cho mọi người và quan tâm đến những anh chị em đang cần chúng ta. Đồng thời, Ngài củng cố chúng ta để chống lại sự cám dỗ tìm kiếm sự trả thù, là thứ chỉ đẩy chúng ta vào vòng xoáy của những cuộc trả thù trả oán bất tận. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người sai chúng ta ra đi, không phải với tư cách là những người truyền đạo, nhưng với tư cách là những môn đệ truyền giáo, những người nam nữ được kêu gọi để làm chứng cho sức mạnh chuyển hóa cuộc sống của Tin Mừng. Chúa Phục sinh làm cho chúng ta trở thành công cụ của lòng thương xót và hòa bình của Thiên Chúa, những nghệ nhân kiên nhẫn và can đảm của một trật tự xã hội mới. Như thế, nhờ quyền năng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, những lời tiên tri của Tông đồ Phaolô nói với các tín hữu thành Côrintô được ứng nghiệm: “Sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn sự mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1: 25). Các cộng đồng Kitô Giáo gồm những người đơn sơ và thấp hèn trở thành dấu chỉ cho thấy vương quốc của Ngài sắp đến, một vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình.

“Cứ phá hủy đền thờ này, và trong ba ngày, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại” (Ga 2,19). Chúa Giêsu đang nói về đền thờ của thân thể Ngài, và của cả Giáo hội nữa. Chúa hứa với chúng ta rằng, nhờ quyền năng phục sinh, Ngài có thể dựng lại chúng ta, và các cộng đồng của chúng ta, khỏi đống đổ nát do bất công, chia rẽ và hận thù để lại. Đó là lời hứa mà chúng ta cử hành trong Bí tích Thánh Thể này. Với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa bị đóng đinh và phục sinh ở giữa chúng ta. Và chúng ta học cách đón nhận trí tuệ giải thoát của Ngài, để an nghỉ trong vết thương của Ngài, và tìm thấy sự chữa lành và sức mạnh để làm cho vương quốc của Ngài xuất hiện trong thế giới của chúng ta. Nhờ vết thương của Ngài, chúng ta đã được chữa lành (xem 1 Phi 2:24). Trong những vết thương đó, anh chị em thân mến, chúng ta tìm thấy sự xoa dịu của tình yêu thương xót của Người. Vì Ngài, giống như người Samaritanô nhân hậu của nhân loại, muốn xức dầu cho mọi tổn thương, muốn chữa lành mọi ký ức đau buồn và truyền cảm hứng cho một tương lai hòa bình và tình huynh đệ trên vùng đất này.

Giáo hội ở Iraq, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, đã làm rất nhiều để công bố sự khôn ngoan tuyệt vời này của thập tự giá bằng cách truyền bá lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa Kitô, đặc biệt là đối với những người cần nhất. Ngay cả trong bối cảnh nghèo khó và gian truân, nhiều anh chị em đã hào phóng giúp đỡ cụ thể và liên đới với những người nghèo túng và đau khổ. Đó là một trong những lý do khiến tôi đến như một người hành hương ở giữa các anh chị em, để cảm ơn và xác nhận anh chị em trong đức tin và chứng tá. Hôm nay, tôi có thể thấy tận mắt rằng Giáo hội tại Iraq đang rất sống động, rằng Chúa Kitô đang sống và đang hoạt động trong dân tộc thánh thiện và trung tín này của Ngài.

Anh chị em thân mến, tôi phó dâng anh chị em, gia đình và cộng đồng của anh chị em cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã kết hợp với Con của Mẹ trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người, và đã chia sẻ niềm vui phục sinh của Người. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta và dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Đấng là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

Vào cuối Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê của Erbil, là Đức Cha Bashar Matti Warda đã đọc một bài diễn văn cám ơn Đức Thánh Cha. Trước khi ban phép lành cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô có đôi lời chào mừng các tín hữu và khách hành hương hiện diện.

Đức Thánh Cha nói:

Tôi nồng nhiệt chào đón Đức Thượng Phụ Gewargis Đệ Tam, Giáo chủ Giáo Hội Assyriô Đông phương, cư trú tại thành phố này và tôn vinh chúng ta với sự hiện diện của ngài. Cảm ơn Đức Thượng Phụ.

Đức Thượng Phụ thân mến! Cùng với ngài, tôi chào đón các Kitô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau: rất nhiều người trong số họ đã đổ máu của mình trên đất này! Do đó, các vị tử đạo của chúng ta cùng nhau tỏa sáng như những vì sao trên cùng một bầu trời! Từ đó các ngài kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến bước, không ngại ngần, hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn.

Kết thúc buổi cử hành này, tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Bashar Matti Warda cũng như Đức Cha Nizar Semaan và các Giám mục anh em khác của tôi, những người đã làm việc rất chăm chỉ cho chuyến tông du này. Tôi biết ơn tất cả các bạn, những người đã chuẩn bị và đồng hành cùng chuyến thăm của tôi với lời cầu nguyện và chào đón tôi rất nồng nhiệt. Cách riêng, tôi chào những người Kurd yêu quý. Tôi đặc biệt biết ơn chính phủ và các cơ quan dân sự vì sự đóng góp không thể thiếu của họ, và tôi cảm ơn tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã hợp tác trong việc tổ chức toàn bộ chuyến tông du này ở Iraq, chính quyền Iraq - tất cả mọi người - và nhiều tình nguyện viên. Tôi cảm ơn tất cả các bạn!

Trong thời gian ở giữa các bạn, tôi đã nghe thấy những tiếng nói vang lên nỗi buồn và mất mát, nhưng cũng có những tiếng nói chứa chan hy vọng và an ủi. Điều này phần lớn là do hoạt động bác ái không mệt mỏi được thực hiện bởi các tổ chức tôn giáo của mọi truyền thống, các Giáo hội địa phương của các bạn và các tổ chức bác ái khác nhau hỗ trợ người dân đất nước này trong công cuộc tái thiết và hồi sinh xã hội. Đặc biệt, tôi cảm ơn các thành viên của ROACO và các cơ quan mà họ đại diện.

Bây giờ sắp đến lúc tôi trở lại Rôma. Tuy nhiên, Iraq sẽ luôn ở bên tôi, trong trái tim tôi. Tôi yêu cầu tất cả các bạn, anh chị em thân mến, hãy cùng nhau hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ lại ai và không phân biệt đối xử với ai. Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi cầu nguyện xin cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, có thể làm việc cùng nhau để xây dựng tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ thiện ích chung và hòa bình salam, salam, salam. ! Sukrán, cảm ơn các bạn! Xin Chúa chúc lành cho tất cả! Xin Chúa phù hộ cho Iraq! Allah ma’akum! Chúa ở cùng anh chị em!

Sau đó, Đức Thánh Cha đã gặp ông Abdullah Kurdi, cha của cậu bé Alan, người bị đắm tàu cùng với anh trai và mẹ của mình trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9 năm 2015, trong khi đang cố gắng đến Âu Châu.

Sau khi chào từ biệt Đức Tổng Giám Mục Erbil, Tổng thống và Thủ tướng của Khu tự trị người Kurdistan của Iraq, Đức Thánh Cha rời Sân vận động “ Franso Hariri” và đi xe đến Sân bay Erbil và lên một chiếc máy bay của Hãng hàng không Iraq để đến Sân bay Baghdad. Sau đó, ngài lên xe trở lại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Phanxicô cử hành thánh lễ cuối cùng ở Iraq, giữa hoang tàn đổ nát của chiến tranh
Vũ Văn An
18:39 07/03/2021

Theo bản tin ngày 7 tháng 3 của tờ The Catholic Herald, Đức Giáo Hoàng đã kết thúc ngày trọn vẹn cuối cùng của cuộc hành hương lịch sử tới Iraq bằng cách cử hành thánh lễ tại một sân vận động túc cầu trước hàng ngàn tín đồ Kitô giáo sốt mến, những người đã đến đó từ khắp đất nước để nhận được phước lành của ngài.



Sân vận động Franso Hariri ở Erbil có sức chứa 25,000 người nhưng chưa đến một nửa số đó đã có thể tham dự biến cố có phát vé do các quy định gián cách xã hội.

Nhiều người trong cộng đoàn đã ngồi cách xa nhau trên những chiếc ghế trắng trên sân, phần còn lại cũng được đặt cách quãng tương tự trên khán đài.

Thánh lễ có một bức tượng Đức Mẹ Đồng trinh đã được phục hồi sau khi các chiến binh thánh chiến IS chặt đầu và tay.

Đức Giáo Hoàng đã làm phép bức tượng, được vận chuyển từ nhà thờ ở Keramlis, một ngôi làng Kitô giáo trên Bình nguyên Ninivê, đến chỗ tôn vinh trên bàn thờ trong Thánh lễ Chúa nhật.

Keramlis, một thị trấn cổ của Assyria cách Mosul chưa đầy 30 km về phía đông nam, đã rơi vào tay cái gọi là Nhà nước duy Hồi giáo vào tháng 8 năm 2014, hai tháng sau khi những kẻ cực đoan chiếm Mosul và các khu vực xung quanh, khiến hầu hết cư dân phải chạy trốn.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyết giảng về sức mạnh và sự khôn ngoan thần thiêng, trái ngược với sự điên rồ của con người tin rằng bản thân mình đã đủ, nhất là khi họ có sức mạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nói: “Tại đây, tại Iraq này, biết bao anh chị em, bạn bè và đồng bào của anh chị em phải chịu đựng những vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương cả hữu hình lẫn vô hình! Cơn cám dỗ là phản ứng lại những trải nghiệm này và những đau đớn khác bằng sức mạnh của con người, bằng khôn ngoan của con người”.

Vào cuối thánh lễ, Đức Giáo Hoàng đã khiến đám đông kinh ngạc khi ngài thực hiện một vòng danh dự trong một chiếc xe trượt gôn trước mặt Tổng thống của Chính quyền Khu vực Người Kurd.

Trước đó, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm một khu vực từng chứng kiến một số hành động tàn bạo và tàn phá tồi tệ nhất của các chiến binh thánh chiến IS sau khi chúng từ Syria xâm chiếm bắc Iraq.

Ở Mosul, nơi người dân địa phương nổi tiếng về việc sống cuộc sống trọn vẹn và đầy nụ cười qua suốt nghịch cảnh, các thanh thiếu niên rạng rỡ trong bộ quần áo Chúa nhật đẹp nhất của mình, hòa cùng bố và mẹ trong bài hát và vẫy cành lá cọ để dành cho Đức Giáo Hoàng một cuộc chào đón hân hoan giữa đống đổ nát hoang tàn và các tòa nhà bị ném bom.



Một Tweeter Kitô hữu viết, “Ôi lạy Chúa, ngài đang đứng ở trung tâm Mosul, Đức Thánh Cha ơi, con không thể tin vào mắt con!”.

Có thể cho rằng khoảnh khắc mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhất diễn ra khi Đức Giáo Hoàng dẫn đầu các buổi cầu nguyện ở Quảng trường Nhà thờ, ngồi trên chiếc ghế màu trắng trên một bục trải thảm đỏ được nâng cao, trở thành tí hon giữa các tòa nhà sụp đổ. Cây thánh giá được ngài nâng cao đã được làm từ gỗ của các nhà thờ đổ nát.

Đề cập đến những ngày đen tối của cuộc chiếm đóng của IS, Đức Giáo Hoàng nói: “Thật xót xa biết bao khi quốc gia này, cái nôi của nền văn minh, lại phải gặp rắc rối bởi một trận đánh dã man, với các địa điểm thờ phượng lịch sử bị phá hủy và hàng trăm cá nhân - Người Hồi giáo, người Kitô giáo, người Yazidis và nhiều người khác - buộc phải di tản hoặc bị giết".

Đức Giáo Hoàng đã thả một con chim bồ câu hòa bình vào bầu trời Mosul và lần đầu tiên trong chuyến đi này, tình hình an toàn đủ để ngài bỏ chiếc xe bọc thép để tham quan Thành phố Cổ trong một chiếc xe đánh gôn, để tận mắt chứng kiến sự tàn phá gây ra bởi ISIS và cuộc xung đột cuối cùng đã lật đổ họ, bao gồm cả nhà thờ Công Giáo Syriac Al-Tahera đổ nát.

Tiếp tục chủ đề của toàn bộ sứ vụ của ngài, hôm nay, Đức Giáo Hoàng nói về mối hận thù có tính hủy diệt giữa các cộng đồng: “Tất cả chúng ta đều là anh em. Tình anh em bền chặt hơn việc huynh đệ tương tàn”.

Đức Giáo Hoàng hẳn phải rất vui khi biết những cây thánh giá được trang trí bằng vàng sử dụng trong buổi lễ ở Quảng trường Nhà thờ được tạo ra bởi nhà điêu khắc Omar, 22 tuổi, một trong hàng trăm tình nguyện viên Hồi giáo đã làm việc để khôi phục các nhà thờ Kitô giáo trong hơn hai năm qua.

Anh nói, “Thật vinh dự rất nhiều khi được đón tiếp Đức Giáo Hoàng ở Mosul. Các tín ngưỡng khác nhau phải làm việc với nhau”.

Qaraqosh, cách Mosul 35 km về phía đông, bị ISIS xâm chiếm vào ngày 6 tháng 8 năm 2014. Mọi gia đình có thể chạy trốn đều đã rời khỏi thành phố, nhiều người trong số những người ở lại và từ chối cải đạo qua phiên bản Hồi giáo cực đoan của các chiến binh thánh chiến đã bị bắn hoặc chặt đầu. Phụ nữ và các cô gái trẻ bị bắt làm nô lệ tình dục. Các nhà thờ bị phạm thánh, các biểu tượng và chén thánh được sử dụng cho mục tiêu trần tục.

Đức Giáo Hoàng đã di chuyển bằng trực thăng qua vùng bình nguyên Ninivê để đến Qaraqosh nghe chứng từ các gia đình và cầu nguyện trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Hàng ngàn người đã tập trung trên tuyến đường của đoàn xe hộ tống có phong cách tổng thống hơn là giáo hoàng.

Khi chiếc xe limousine bọc thép của Đức Giáo Hoàng và các xe hộ tống từ từ tiến vào thị trấn, một dàn gồm khoảng 30 vệ sĩ đi từng bước ở hai bên - một nhắc nhở ớn lạnh rằng cái gọi là Nhà nước duy Hồi giáo vẫn hoạt động cách Qaraqosh chưa đầy 40 km, và có thể có các đơn vị nằm sẵn trong thành phố.

Nhiều chim bồ câu hòa bình được thả ra khi đám đông hô vang: “Hallelujah! Papa Francis” lúc Đức Giáo Hoàng đi ngang qua. Những người không thể đến gần phải xem trên màn TV khổng lồ.

Trong buổi lễ ở nhà thờ, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo không để mất hy vọng bất chấp những nỗi kinh hoàng mà họ phải chịu đựng.

Ngài nói: “Chắc chắn, sẽ có những khoảnh khắc trong đó đức tin có thể chao đảo, khi dường như Thiên Chúa không chịu nhìn hoặc hành động. Điều này đúng với anh chị em trong những ngày đen tối nhất của chiến tranh, và điều này cũng đúng trong những ngày khủng hoảng sức khỏe hoàn cầu và sự bất an lớn lao. Những lúc như thế, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ. Đừng bỏ cuộc. Đừng mất hy vọng".

Như một sự thúc đẩy hơn nữa đối với các Kitô hữu ở Qaraqosh, Đức Giáo Hoàng đã trả lại một bản chép tay thánh thiêng được cứu khỏi các chiến binh thánh chiến ISIS và đã được khôi phục ở Ý.

Cuốn Sidra, được viết bằng ngôn ngữ Aram cổ xưa và có niên đại vào thế kỷ 14 và 15, là một trong những cuốn sách cổ nhất của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, và đã được các linh mục địa phương cứu. Nó chứa các lời cầu nguyện phụng vụ dành cho các buổi lễ Phục sinh.

Về số lượng, Đức Giáo Hoàng đã thu hút được đám đông lớn nhất từ trước đến nay trong chuyến đi này, một phần vì có nhiều Kitô hữu hơn ở phía bắc Iraq, nơi hiện là quê hương của hàng nghìn người tìm kiếm nơi tạm trú ở đó.

Và Chính phủ bán tự trị của người Kurd cũng đã ban hành các khu tạm trú cho các Kitô hữu chạy trốn các cuộc giao tranh đang tiếp diễn ở Syria.

Đức Giáo Hoàng quay trở lại Baghdad và lên đường trở lại Rôma vào thứ Hai, sau khi kết thúc những gì sẽ được coi là cuộc hành hương lịch sử rất thành công kéo dài bốn ngày, đạt được mục tiêu của ngài là mang lại hy vọng cho các cộng đồng Kitô giáo đang bị vây khốn ở Iraq và đặt nền tảng quan trọng cho sự hòa hợp gần gũi hơn giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo.
 
Bài Giảng Mùa Chay thứ hai của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa trước Giáo triều Rôma ngày 5/3/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
23:07 07/03/2021


Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 5 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ hai tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?” - Chúa Giêsu Kitô là người thật.

Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Sự trỗi dậy của tư tưởng hiện đại bắt nguồn từ thời Khai sáng và được mô tả tiêu biểu qua châm ngôn về cách sống “etsi Deus non dámtur”, nghĩa là sống như thể Chúa không tồn tại. Mục sư Dietrich Bonhoeffer đã tiếp thu câu châm ngôn này để cố gắng tạo cho nó một hàm ý Kitô giáo tích cực. Trong ý định của ông, đó không phải là sự nhượng bộ chủ nghĩa vô thần, mà là một kế hoạch cho đời sống tâm linh: hãy làm nhiệm vụ của mình ngay cả khi Chúa có vẻ như xa xăm; nói cách khác, chúng ta không biến Thiên Chúa thành một Thần sửa chữa – Đấng luôn sẵn sàng đến giải cứu bất cứ nơi nào con người gặp thất bại.

Ngay cả trong phiên bản này, câu châm ngôn vẫn còn gây tranh cãi và đã bị chỉ trích một cách đúng đắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta quan tâm đến nó vì một lý do hoàn toàn khác. Giáo hội có nguy cơ diệt vong khi sống như “etsi Christus non dámtur”, nghĩa là như thể Chúa Kitô không tồn tại. Đó là giả định mà thế giới và các phương tiện truyền thông nói về Giáo hội mọi lúc. Mối quan tâm của họ tập trung vào lịch sử của Giáo Hội (trên hết là một lịch sử tiêu cực, không phải là một lịch sử thánh thiện), tổ chức của Giáo Hội, quan điểm của Giáo Hội về các vấn đề hiện tại, các sự kiện nội bộ và những câu chuyện phiếm về Giáo Hội. Chúa Giêsu, nếu có được nhắc đến đi nữa, thì thỉnh thoảng mới được đề cập đến. Một đề xuất đã được đưa ra ở Ý cách đây nhiều năm - và vẫn đang được áp dụng ở một số quốc gia – đó là về một liên minh có thể có giữa những người tin và những người vô thần dựa trên các quyền dân sự và đạo đức chung, dựa trên căn cội Kitô Giáo của nền văn hóa của chúng ta, v.v. Nói cách khác, một thỏa thuận như vậy không dựa trên những gì đã xảy ra trên thế giới khi Chúa Kitô đến, nhưng dựa trên những gì xảy ra sau đó, sau Ngài.

Một mục tiêu khác - và đáng tiếc là không thể tránh khỏi - là sự kiện Chúa Kitô không đóng vai trò nào trong ba cuộc đối thoại sống động nhất được thực hiện giữa Giáo hội và thế giới. Ngài không được đề cập đến trong cuộc đối thoại giữa đức tin và triết học, bởi vì đối tượng của triết học là các khái niệm siêu hình, chứ không phải là các thực thể lịch sử, như con người của Đức Giêsu thành Nazareth; Ngài cũng không tham gia vào cuộc đối thoại với khoa học, nơi mà người ta chỉ có thể thảo luận về sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa và một “thiết kế thông minh” bên dưới sự tiến hóa; cuối cùng, Ngài cũng không tham gia vào cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, nơi mà người ta đặt trọng tâm là những gì các tôn giáo có thể làm cùng nhau, nhân danh Chúa, vì lợi ích của nhân loại.

Ngay cả trong các mối quan tâm công bằng nhất về việc đáp ứng các nhu cầu và thách thức khiêu khích của lịch sử và văn hóa, tất cả chúng ta, bao gồm cả chúng ta là những người tin Chúa, phải đối mặt với nguy cơ diệt vong khi hành xử “etsi Christus non dámtur”, nghĩa là như có thể nói về Giáo hội trong khi loại trừ Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Tôi đã bị ấn tượng sâu sắc bởi những lời của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 25 tháng 11 năm ngoái. Ngài nói - và qua nhịp điệu trong giọng nói của ngài, bạn có thể nói rằng chủ đề này đã khiến ngài vô cùng xúc động:

Chúng ta tìm thấy ở đây [trong Tông đồ Công vụ 2:42] bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống Giáo Hội: trước hết là lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ; thứ hai là việc bảo vệ sự hiệp thông lẫn nhau; thứ ba, là việc bẻ bánh; và thứ tư, là lời cầu nguyện. Những đặc điểm này nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại của Giáo hội có ý nghĩa nếu Giáo Hội vẫn được kết hợp vững chắc với Chúa Kitô, nghĩa là trong cộng đoàn, trong Lời của Người, trong Bí tích Thánh Thể và trong lời cầu nguyện. Đó là cách chúng ta kết hợp mình với Chúa Kitô. Việc rao giảng và dạy giáo lý làm chứng cho những lời nói và hành động của Thầy chúng ta; sự tìm kiếm liên tục cho tình hiệp thông huynh đệ che chắn chúng ta khỏi sự ích kỷ giữa chúng ta với nhau. Chúa sẽ không bao giờ vắng mặt; đó thực sự là Người trong Bí tích Thánh Thể. Người sống và bước đi với các chi tiết cụ thể; việc bẻ bánh làm viên mãn bí tích về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Và cuối cùng, cầu nguyện, là không gian đối thoại với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Mọi thứ trong Giáo hội phát triển bên ngoài “tọa độ” này đều thiếu nền tảng.

Như có thể thấy, theo lời của Đức Giáo Hoàng, bốn tọa độ của Giáo hội được giản lược chỉ còn một: đó là neo vào Chúa Kitô. Tất cả những điều này đã khiến tôi muốn dành những suy niệm Mùa Chay này cho con người của Chúa Giêsu Kitô. Chính cá nhân tôi là người đầu tiên phải vượt qua một sự phản đối có thể xảy ra. Nhìn lướt qua mục lục các tài liệu của Công đồng Vatican II, dưới mục ‘Chúa Giêsu Kitô’, hoặc lướt nhanh qua các tài liệu của Đức Giáo Hoàng trong vài năm qua cho chúng ta biết nhiều điều hơn những gì chúng ta có thể nói trong những bài suy niệm Mùa Chay ngắn ngủi này. Vậy thì việc chọn đề tài này có ích gì? Vấn đề là ở đây chúng ta sẽ nói về một mình Chúa Giêsu Kitô, như thể chỉ có một mình Ngài tồn tại và chỉ đáng để đề cập đến một mình Ngài mà thôi (mà suy cho cùng, đó là chân lý!).

Chúng ta có thể làm điều đó vì chúng ta không bị ép buộc, như trong trường hợp Huấn quyền là phải giải quyết các vấn đề khác như các vấn đề mục vụ, luân lý, xã hội, môi trường, cũng như những thách thức do đại dịch gây ra ngày nay. Sẽ là hoàn toàn sai nếu chúng ta chỉ làm những gì chúng ta làm ở đây, nhưng cũng sai không kém nếu chúng ta không bao giờ làm điều này. Từ kinh nghiệm của tôi với truyền hình, tôi đã học được một điều. Có nhiều cách khác nhau để tạo khung hình cho một đối tượng: một ‘cảnh quay rộng’, khi người nói được đóng khung với mọi thứ khác xung quanh anh ta và ‘cận cảnh’, khi chỉ người nói được nhìn thấy và cuối cùng, cái gọi là ‘cận cảnh cực độ’, khi chỉ khuôn mặt của người nói hoặc thậm chí đôi mắt của họ được đưa lên phim. Trong những bài suy niệm này, chúng tôi đề xuất, với sự giúp đỡ của Chúa, hãy quay ‘cận cảnh cực độ’ để tập chú vào con người của Chúa Giêsu Kitô.

Mục đích của chúng ta không phải là hộ giáo, nhưng là linh đạo. Nói cách khác, chúng ta không nói để thuyết phục những người khác, những người không tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, nhưng để làm cho Ngài có thể trở nên ngày càng thực sự là Chúa của cuộc đời chúng ta, là điểm quy chiếu toàn diện của chúng ta, đến độ cảm nhận được, giống như người Tông đồ, ‘được Chúa Kitô chiếm hữu’ (Pl 3:12) và có thể nói với Người - ít nhất là như một ước muốn – ‘đối với tôi sự sống là Đức Kitô’ (Pl 1:21). Vì vậy, câu hỏi đi kèm với chúng ta sẽ không phải là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong thế giới và trong Giáo hội?’, mà là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong cuộc đời tôi?’ Hơn nữa, đây sẽ là cách tốt nhất để khơi dậy sự quan tâm của người khác đối với Chúa Kitô, đó là cách truyền giáo hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ một điều. Chúng ta muốn nói đến Chúa Kitô nào? Thực sự có nhiều ‘Chúa Kitô’ khác nhau: có Chúa Kitô của các sử gia, của các nhà thần học, của các nhà thơ, và thậm chí là Chúa Kitô của những người vô thần. Chúng ta muốn nói về Chúa Kitô của các Phúc âm và của Giáo hội, chính xác hơn là về Chúa Kitô của tín điều Công Giáo được xác định bởi Công đồng Chalcedon năm 451. Thỉnh thoảng chúng ta nên nghe lại định nghĩa đó, ít nhất là trong một phần của văn bản gốc:

Theo gương các Giáo phụ thánh, chúng ta đồng tâm nhất trí dạy bảo và tuyên xưng một và cùng một Chúa Con: Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi… Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất

Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh của một tam giác tín lý về Chúa Kitô: hai cạnh là nhân tính và thần tính của Chúa Kitô và đỉnh là sự hợp nhất của chính bản thể của Ngài.

Đạo lý Kitô học không có ý định là một bản tóm tắt tất cả các dữ liệu Kinh thánh, như một dạng sản phẩm chưng cất chứa vô số các tuyên bố về Chúa Kitô có thể được đọc trong Tân Ước, bằng cách rút gọn chúng thành những công thức đơn giản và khô khan: ‘hai bản tính, một hữu thể’. Làm như vậy, thì tín lý ấy sẽ bị giản lược một cách khủng khiếp và thậm chí là nguy hiểm. Tuy nhiên, trường hợp này không phải như thế. Hội thánh tin và rao giảng về Chúa Giêsu Kitô tất cả những gì Tân ước nói về Ngài, không có bất kỳ sự thiếu sót nào. Qua các tín điều, Giáo hội chỉ cố gắng phác thảo một khung tham chiếu, để soạn thảo một loại ‘luật cơ bản’ mà bất kỳ tuyên bố nào về Chúa Kitô đều phải tuân theo. Tất cả những gì được nói về Chúa Kitô bây giờ phải tôn trọng sự thật chắc chắn và không thể chối cãi đó: sự thật rằng Ngài đồng thời là Thiên Chúa và là con người; hay nói rõ hơn, là trong cùng một hữu thể.

Các tín lý là ‘cấu trúc mở’ (Bernhard Lonergan), sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều mới lạ và những thực tại chân chính mà mỗi thời đại khám phá ra trong Lời Chúa. Các tín lý sẵn sàng phát triển từ bên trong, với điều kiện là chúng luôn tiến hành ‘theo cùng một ý nghĩa và theo cùng một hướng’. Có nghĩa là cách giải thích được đưa ra trong một thời đại không được mâu thuẫn với cách giải thích của thời đại trước đó. Do đó, tiếp cận Chúa Kitô bằng con đường tín lý không có nghĩa là lặp đi lặp lại những điều tương tự một cách mệt mỏi, hay chỉ thay đổi cách diễn đạt. Nó có nghĩa là đọc Kinh thánh trong Truyền thống, với con mắt của Giáo hội, tức là đọc Kinh thánh theo một cách thức cổ xưa và luôn mới mẻ.

Chúa Kitô, một nhân tính hoàn hảo

Chúng ta hãy xem tất cả những điều này có ý nghĩa gì, nếu chúng ta áp dụng điều đó vào tín điều về nhân tính hoàn hảo của Chúa Kitô, đó là ‘cận cảnh cực độ’ mà chúng ta muốn sử dụng để trình bày Chúa Giêsu trong bài suy niệm hôm nay.

Trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu trên dương thế, không ai nghĩ đến việc đặt câu hỏi về thực tại nhân tính của Chúa Kitô, Ngài thực sự là một người như những người khác. Khi Tân Ước đề cập đến nhân tính của Chúa Kitô, mối quan tâm của Tân Ước tập trung nhiều hơn vào sự thánh khiết của nhân tính này hơn là sự thật hay thực tại của nhân tính ấy, nghĩa là sự hoàn hảo hơn là sự hoàn chỉnh về phương diện bản thể học.

Vào thời của Công đồng Chalcedon, khái niệm này về Chúa Kitô không thay đổi, nhưng trọng tâm không còn như cũ. Để chống lại lạc thuyết Huyễn Ảnh [Doceism – xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 1 đến đầu thế kỷ thứ 2, chủ trương đời sống nhân tính của Chúa Giêsu tại trần gian, nhất là đau khổ và sự chết của ngài chỉ là huyễn ảnh mà thôi, không có thật – chú thích của người dịch], Giáo hội phải xác nhận rằng Chúa Kitô đã có một thân xác con người thật; cũng như chống lại lạc giáo Apollinarian cho rằng Chúa Kitô cũng có linh hồn con người như chúng ta, và sau đó, vào thế kỷ thứ bảy, Giáo hội sẽ phải chiến đấu chống lại lạc thuyết Nhất Chí (Monothelite), và khẳng định rằng Chúa Kitô cũng có ý chí, và do đó là một con người tự do thực sự. Do những dị giáo mà chúng ta vừa đề cập đến, tất cả sự quan tâm đến Chúa Kitô với tư cách là một ‘con người’ đã chuyển từ vấn đề về tính mới mẻ và sự thánh thiện của nhân tính này, sang vấn đề về sự hoàn thiện hay sự viên mãn về bản thể học.

Như tôi đã nói, Tân Ước không quan tâm nhiều đến việc tuyên bố rằng Chúa Giêsu là một người ‘đích thực’, cho bằng việc Ngài là một nhân loại ‘mới’. Thánh Phaolô định nghĩa Chúa Giêsu là ‘Adong cuối cùng’ (eschatos), tức là ‘con người tối thượng’ (xem 1 Cor 15: 45ss; Rm 5:14). Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta nhân loại mới, nhân loại ‘được tạo dựng theo đường lối Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện của chân lý’ (Ep 4; 24; x. Cl 3,10). Chúa Giêsu Kitô là ‘Đấng Thánh của Thiên Chúa’: đây là Đấng mà Người được long trọng tuyên xưng trong hai thời khắc của cuộc đời trần thế (Lc 4:34; Ga 6:69). Chúa Giêsu không phải là con người giống như những con người khác, giống như con người mà tất cả những con người khác phải giống. Ngài là người duy nhất trong số những người mà các nhà triết học Hy Lạp thường nói một cách tổng quát về nhân loại: Ngài là ‘thước đo của vạn vật’!

Một khi thực tế về tín lý và bản thể học về nhân tính hoàn hảo của Chúa Kitô đã được bảo đảm, ngày nay chúng ta có thể một lần nữa đề cao ý niệm cơ bản này trong Kinh thánh. Chúng ta cũng phải làm như vậy vì một lý do khác. Ngày nay, không ai phủ nhận rằng Chúa Giêsu là một con người, như những người ủng hộ thuyết Huyễn Ảnh và những người khác là những kẻ đã phủ nhận nhân tính đầy đủ của Chúa Kitô. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng lạ lùng và đáng kinh ngạc: nhân tính ‘thật’ của Chúa Kitô đang được âm thầm khẳng định như một sự thay thế cho thần tính của Ngài, như một kiểu phản công. Đây là một cuộc thi chung để xác định ai đi xa nhất trong việc khẳng định nhân tính ‘trọn vẹn’ của Chúa Giêsu thành Nagiarét, bằng cách đi xa đến mức khẳng định rằng ngài không chỉ đau khổ, thống khổ và bị cám dỗ, mà còn có cả những hoài nghi và thậm chí cả khả năng phạm sai lầm.

Vì vậy, tín điều về Chúa Giêsu là ‘người thật’ đã trở thành một chân lý bị coi thường đến mức không làm ai bận tâm hay khó chịu, hoặc thậm chí còn tệ hơn, điều đó đã trở thành một chân lý nguy hiểm được dùng để biện minh thay vì phê phán tư tưởng thế tục. Khẳng định nhân tính trọn vẹn của Chúa Kitô ngày nay giống như bắn cá trong thùng.

Sự thánh khiết của Chúa Kitô

Do đó, chúng ta hãy dành thời gian còn lại để chiêm ngưỡng (đây là một từ ngữ rất đúng) sự thánh khiết của Chúa Kitô và để mình bị lóa mắt bởi điều đó, trước khi rút ra bất kỳ hậu quả thực tế nào. Đây là ‘cận cảnh cực độ’ đầu tiên về Chúa Giêsu mà chúng ta muốn sử dụng trong bài suy niệm này: để bản thân mình bị mê hoặc bởi vẻ đẹp vô hạn của Chúa Kitô, là ‘người đẹp trai nhất trong số các chàng trai của nhân loại’.

Quan sát các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện của Chúa Giêsu không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng, hay một suy diễn siêu hình, nhưng đó là sự thánh thiện đích thực, được sống qua từng khoảnh khắc và trong những tình huống cụ thể nhất trong cuộc sống. Để nêu một ví dụ, các Mối Phúc không chỉ là một kế hoạch sống đẹp đẽ mà Chúa Giêsu phác thảo cho người khác; đó là chính cuộc sống của Người và kinh nghiệm của Người khi được mạc khải cho các môn đệ, bằng cách kêu gọi họ tiếp cận với cùng một bầu khí thánh thiện. Các Mối Phúc là bức chân dung tự họa của Chúa Giêsu.

Ngài dạy những gì chính Ngài thực thi; đó là lý do tại sao Người có thể nói: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường’ (Mt 11:29). Người nói rằng người ta phải tha thứ cho kẻ thù của họ, nhưng chính Người còn đi xa hơn khi tha thứ cho những kẻ đang đóng đinh Người bằng câu ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm’ (Lc 23:34). Trên thực tế, không phải một tình tiết này hay một chi tiết nọ giúp nêu lên sự thánh thiện của Chúa Giêsu, mà là mọi việc làm, và mọi lời do miệng Ngài phán ra.

Bên cạnh yếu tố tích cực của sự vâng phục trọn vẹn và liên tục theo thánh ý Chúa Cha, sự thánh khiết của Chúa Kitô cũng cho thấy một yếu tố ‘tiêu cực’, đó là sự thiếu sót tuyệt đối của bất kỳ tội lỗi nào, ‘Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?’ Chúa Giêsu chất vấn các đối thủ của Người (Ga 8:46). Về điểm này, tất cả các chứng tá của các Tông đồ đều đồng thanh khẳng định: Ngài ‘không biết đến tội lỗi’ (2 Cr 5:21); ‘Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối’(1 Pt 2:22); ‘Người đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội’ (Dt 4:15); ‘Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân’(Dt 7:26). Thánh Gioan, trong bức thư đầu tiên của mình, không mệt mỏi khi tuyên bố rằng ‘Người trong sáng... trong Người không có tội lỗi..; Người là Đấng công chính’ (1 Ga 3: 3-7).

Lương tâm của Chúa Giêsu là một viên pha lê trong suốt. Ở đó tuyệt đối không chấp nhận tội lỗi, cũng không có nỗi hối tiếc phải cầu xin sự tha thứ trước mặt Chúa hay con người. Ở đó luôn luôn ngự trị sự xác tín thanh thản của chân lý, công chính, và đức hạnh, là điều không giống như giả định của con người về công bình. Không một nhân vật nào khác trong lịch sử dám nói điều tương tự như thế về họ.

Tình trạng hoàn toàn không vướng mắc tội lỗi - và không chấp nhận tội lỗi - như thế không được kết nối với một hành động hay câu nói nào trong Tin Mừng, tính lịch sử của điều đó có thể bị nghi ngờ, nhưng toàn bộ Tin Mừng đều toát lên điều đó. Đó là một lối sống được phản ánh trong mọi thứ. Bạn có thể nhìn vào góc xa nhất của các sách Phúc âm và kết quả luôn giống nhau. Ý tưởng về một con người đặc biệt thánh thiện và gương mẫu là chưa đủ. Ý tưởng này sẽ mâu thuẫn với lối sống đó. Sự tự tin như thế, sự bác bỏ tội lỗi như vậy, như ta có thể nhận thấy nơi Chúa Giêsu, chắc chắn sẽ cho thấy một con người phi thường, nhưng phi thường về mặt kiêu hãnh, chứ không phải về sự thánh thiện. Nhận thức về bản chất đó có thể là tội lỗi lớn nhất từng phạm phải, lớn hơn cả tội lỗi của Lucifer, nhưng cũng có thể là một sự thật tuyệt đối. Sự phục sinh của Chúa Kitô cung cấp bằng chứng cụ thể rằng đó là một chân lý tuyệt đối.

‘Được thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô’

Bây giờ chúng ta chuyển sang xem xét sự thánh khiết của Chúa Kitô có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Và ở đây chúng ta ngay lập tức bắt gặp một số tin tốt lành. Quả thật có một số tin mừng, một lời công bố hân hoan, cũng liên quan đến sự thánh khiết của Chúa Kitô. Không liên quan quá nhiều đến thực tại Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, hay chúng ta cũng được tiền định để trở nên thánh khiết và vô nhiễm. Không, điều bất ngờ hạnh phúc là Chúa Giêsu thông truyền, ban cho, trao tặng cho chúng ta sự thánh thiện của Ngài cách nhưng không! Nghĩa là sự thánh thiện của ngài cũng là của chúng ta. Thậm chí hơn thế nữa: rằng chính Ngài là sự thánh thiện của chúng ta

Mỗi bậc cha mẹ trên đời này đều có thể trao cho con cái những gì họ có, nhưng không thể trao cho con họ những gì họ là. Nếu họ là nghệ sĩ, nhà khoa học, hay thậm chí là thánh, không nhất thiết con cái của họ cũng là nghệ sĩ, nhà khoa học hay thánh nhân. Cha mẹ có thể dạy chúng những kỹ năng đó hoặc cho chúng một tấm gương, nhưng vô phương mà truyền lại cho chúng như một kiểu thừa kế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, trong Phép Rửa của chúng ta, không chỉ ban cho những gì Người có, mà ban cả những gì Người là. Ngài là thánh và làm cho chúng ta nên thánh; Ngài là Con của Thiên Chúa và làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.

Công đồng Vatican II cũng nói điều đó:

‘Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh’ (Hiến chế tín lý Lumen gentium, 40).

Sự thánh thiện của Kitô hữu, trước khi là một nghĩa vụ, là một ân sủng.

Chúng ta sẽ làm gì để đón nhận món quà này và biến nó thành một trải nghiệm được sống cụ thể, chứ không chỉ được tin tưởng? Câu trả lời cơ bản đầu tiên là đức tin. Không chỉ là bất kỳ đức tin nào, mà là đức tin mà qua đó chúng ta tự làm nên điều mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta. Một đức tin táo bạo đã chắp cánh mới cho đời sống Kitô của chúng ta. Thánh Phaolô đã viết:

Đức Kitô Giêsu đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, là Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, phù hợp với lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. (1Cr 1, 30-31).

Những gì Chúa Kitô đã trở thành ‘cho chúng ta’ - sự công bình, sự thánh hoá và ơn cứu chuộc - thuộc về chúng ta; thuộc về chúng ta nhiều hơn là nếu chúng ta đã tự làm những điều đó! Như bậc thầy vĩ đại của Byzantine, Cabasilas đã nói: ‘Vì chúng ta không còn thuộc về chính chúng ta nữa, mà thuộc về Chúa Kitô, Đấng đã mua lại chúng ta với giá cao, thì những gì thuộc về Chúa Kitô cũng thuộc về chúng ta hơn những gì đến từ chúng ta.’ Về vấn đề này, tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi lặp lại những gì Thánh Bernard đã viết:

Thật vậy, tôi vững dạ lấy làm của mình [trong nguyên tác, tôi chiếm đoạt!] những gì tôi thiếu từ ruột của Chúa, bởi vì chúng tràn đầy lòng thương xót. […] Vì vậy, công lao của tôi là lòng nhân từ của Chúa. Chắc chắn công lao của tôi sẽ không được mong muốn cho đến khi Chúa muốn vì lòng thương xót. Nếu sự nhân từ của Chúa nhiều, tôi cũng rất vĩ đại về công lao của mình. […] Liệu tôi cũng sẽ được hát về sự công chính của mình chứ? ‘Lạy Chúa, chỉ mình Ngài chính trực công minh’. (x. Tv 71:16). Sự công chính ấy cũng thực sự là của tôi; vì Ngài là Đấng đã làm cho tôi trở nên công chính (xem 1 Cor 1:30 ).

Chúng ta không được thối chí trong việc thực hiện, hoặc đổi mới, kiểu ‘đảo chính’ do thánh Bernard khuyến nghị. Đó thật là một sự trơ tráo thánh thiện!

Thánh Phaolô thường kêu gọi các Kitô hữu ‘từ bỏ cái tôi cũ kỹ’ và ‘mặc lấy Chúa Kitô’. Hình ảnh cởi bỏ và mặc quần áo không chỉ cho thấy một hoạt động khổ hạnh, bao gồm việc vứt bỏ ‘quần áo’ hoặc ‘thói quen’ nào đó và thay thế chúng bằng những thứ khác, đó là loại bỏ các tính hư nết xấu và đạt cho được các nhân đức. Hoạt động đó trước hết được thực hiện bằng đức tin. Trong giây phút cầu nguyện, trong Mùa Chay này, ta có thể ngồi trước Thánh Giá và với một hành động đức tin, giao nộp cho Người tất cả tội lỗi của ta, những đau khổ trong quá khứ và hiện tại của ta, khi ta lột và ném vào lửa những bộ quần áo bẩn thỉu của ta; rồi ta lại mặc lấy sự công bình mà Chúa Kitô đã mua cho ta. Người làm như thế, như người thu thuế trong đền thờ, sẽ nói: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!’ và người ấy khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính (x. Lc 18: 13-14).

Một số Giáo phụ đã tóm lược bí mật lớn lao này của đời sống Kitô hữu trong một hình ảnh. Các ngài nói: Hãy tưởng tượng rằng một trận đấu hào hùng vừa diễn ra trong sân vận động. Một người đàn ông dũng cảm đã phải đối mặt với tên bạo chúa tàn ác đang nô dịch thành phố với những vất vả và đau khổ to lớn và đã chiến thắng được hắn. Bạn đã ở trên khán đài, bạn không chiến đấu, hay làm việc nặng nhọc hay chịu bất kỳ vết thương nào. Tuy nhiên, nếu bạn ngưỡng mộ con người dũng cảm kia, nếu bạn vui mừng với anh ta về chiến thắng của anh, nếu bạn dệt vương miện hoa cho anh ta, nếu bạn hò hét kích động đám đông ủng hộ anh ta, nếu bạn cúi đầu vui mừng trước người chiến thắng, bạn hãy hôn đầu anh ấy và bạn bắt tay phải anh ấy; tắt một điều, nếu bạn phát cuồng vì anh ta đến mức coi chiến thắng của anh ta là của riêng bạn, thì tôi nói với bạn rằng bạn nhất định sẽ có phần của mình đối với giải thưởng của người chiến thắng.

Tuy nhiên, còn hơn thế nữa: giả sử người chiến thắng của bạn không cần giải thưởng mà anh ta giành được cho chính mình, nhưng mong muốn, hơn bất cứ điều gì khác, được thấy người ủng hộ của anh ta được vinh danh và coi giải thưởng trong cuộc chiến của anh ta là vương miện của bạn anh ta, thì trong trường hợp đó lẽ nào người ủng hộ viên của anh ấy lại không giành được vương miện, mặc dù người ấy không gặp khó khăn hay bị thương? Họ chắc chắn sẽ giành được nó! Những Giáo phụ này nói điều tương tự cũng xảy ra giữa Chúa Kitô và chúng ta. Chúa Kitô là người dũng cảm, trên thập tự giá đã chiến thắng bạo chúa vĩ đại của thế giới và ban cho chúng ta sự sống một lần nữa. Chúng ta được yêu cầu đừng là những ‘khán giả’ thờ ơ trước nỗi đau và tình yêu như vậy. Như thánh Gioan Kim Khẩu viết:

Kiếm của chúng ta không dính máu, chúng ta không tham gia vào cuộc chiến, chúng ta không bị thương, chúng ta thậm chí không nhìn thấy trận chiến, và này chúng ta giành được chiến thắng. Cuộc chiến là của riêng anh ấy, vương miện là của riêng chúng ta. Và vì chúng ta cũng đã chiến thắng, chúng ta hãy bắt chước những gì người lính làm trong những trường hợp này: với giọng nói vui mừng, chúng ta hãy ca ngợi chiến thắng của Chúa, chúng ta hãy hát những bài thánh ca ngợi khen Chúa.

Tất nhiên, đây không phải là kết thúc của câu chuyện. Từ chỗ đoạt được chúng ta cần chuyển sang bắt chước. Bản văn nói trên của Công đồng Vaticanô II về sự thánh thiện như một hồng ân đã tiếp tục nói rằng:

‘Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông Ðồ khuyên sống “xứng đáng như những vị thánh” (Eph 5:3) và mặc lấy “lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người đã được Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa và yêu thương” (Col 3,12), và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. Gal 5,22; Rom 6,22)’.

Tuy chúng ta còn rất nhiều cơ hội khác để nghe về bổn phận noi gương Chúa Giêsu Kitô và nuôi dưỡng các nhân đức, dừng lại ở chỗ nhắc đến một lần thôi là thích hợp. Một lý do khác là, nếu không thực hiện bước nhảy vọt ban đầu trong đức tin, để mở ra cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không tiến xa đến thế trong con đường bắt chước. Như thánh Grêgôriô Cả đã nói: ‘Bạn không đi từ nhân đức đến đức tin nhưng từ đức tin đến các nhân đức’.

Nếu chúng ta thực sự không muốn chia tay mà không có ít nhất một giải pháp thực tế nhỏ nào, thì đây là một giải pháp hữu ích. Sự thánh khiết của Chúa Giêsu bao gồm việc luôn làm những gì làm hài lòng Chúa Cha. Người nói: ‘Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người’ (Ga 8:29). Chúng ta hãy thử tự hỏi bản thân mình thường xuyên nhất có thể, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào và trả lời rằng: ‘Điều gì làm đẹp lòng Chúa Giêsu trong trường hợp hiện tại?’, và hãy làm điều đó ngay lập tức. Biết được ý muốn của Chúa Giêsu xem ra dễ hơn là biết theo nghĩa trừu tượng ‘thánh ý của Thiên Chúa’ là gì (mặc dù hai ý muốn trên thực tế trùng khớp). Để biết ý muốn của Chúa Giêsu, chúng ta không phải làm gì khác ngoài việc ghi nhớ những gì Ngài nói trong Phúc Âm. Chúa Thánh Thần ở đó, sẵn sàng nhắc nhở chúng ta.
1. http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_2020.11.25_udienza-generale.html.
2. x. Milan Machovec, Gesú per gli atei, Cittadella Editrice, Assisi 1973.
3.Denzinger - Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, nr. 301-302.
4.N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, IV, 6 (PG 150, 613).
5.Bernard of Claivaux, Bài giảng về Diễm Tình Ca, 61, 4-5 (PL 183, 1072).
6 x. Côlôsêô 3: 9; Rm 13:14; Ga-la-ti 3:27; E4: 24.
7. x. N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, 5 (PG 150, 516 s.).
8. Thánh Gioan Kim Khẩu, De coemeterio et de cruce (PG, 49, 396).
9. Thánh Gregorio Magno, Omelie su Ezechiele, II, 7 (PL 76, 1018).
Source:Cantalamessa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ngày phụ nữ thế giới 08.03.2021 : Hình ảnh người phụ nữ trong đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:41 07/03/2021
Hình ảnh người phụ nữ trong đời sống

Hằng năm thế giới dành ngày 08. Tháng Ba để vinh danh tưởng nhớ đến các người phụ nữ: Ngày phụ nữ thế giới!

Không biết loài thú vật có biết mẹ mình thuộc phái giống tính phụ nữ không. Nhưng con người khi lớn lên, ai cũng biết mẹ mình, các chị em gái là phụ nữ.

Kính trọng yêu mến, nhưng hầu như không mấy khi có thắc mắc về người phụ nữ. Vì chúng ta yêu mến mẹ mình là đủ rồi.

Nhưng trong dòng văn chương triết học, thần học, khoa học, xã hội, dẫu vậy cũng vẫn có những suy nghĩ bàn luận suy tư về họ.

1. Ðất mẹ

Trong dân gian chúng ta thường nói: quê cha, nhưng đất mẹ. Ðó là tâm tình của con người. Tâm tình này không xa lạ.

Kinh thánh diễn tả về đời sống con người từ lúc bắt đầu tới ngày sau cùng cũng như thế:„Từ bụi đất con đã được tạo thành và sau cùng con sẽ trở về với đất bụi!“(St 3,19 ).

Ðất mẹ là cái nôi sự sống. Duy chỉ người phụ nữ giữ vai trò và có khả năng sinh con. Họ là mẹ của sự sống. Thiên nhiên đã tạo dựng nên như thế ( St 3,20). Và như vậy ăn khớp đúng với suy nghĩ của con người: người phụ nữ được biểu hiệu là đất. Không ai từ xưa nay trồng cây cối, gieo lúa mạ trên sắt thép, gỗ đá xi măng bao giờ. Nhưng nhất thiết phải trên nền đất.

Ðất không do con người chế tạo làm ra. Nhưng do Thiên Chúa tạo dựng trong công trình sáng tạo ngay từ khởi đầu vào ngày sáng tạo thứ ba. Và Ngài cũng trao cho đất nhiệm vụ truyền sinh cùng nuôi dưỡng sự sống: „ Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là „đất“.... Ðất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống và cây trên mặt đất có trái...“ ( St 1,10-11).

Không dám qủa quyết „cung lòng hay thân thể người phụ nữ“ là một mảnh vườn thửa đất. Nhưng hình ảnh so sánh này nói lên điều gì căn bản, cùng sự thịnh vượng tươi tốt cho sự phát triển trong đời sống.

Trong ý tưởng tâm tình truyền sinh đó, bên Phi châu có câu ngạn ngữ: „ Qua người phụ nữ con người đi vào lòng thế giới. Qua người phụ nữ, con người trở về lòng thế giới bên kia!“.

Theo cung cách phân tích khoa học ngày nay, vai trò người phụ nữ mang bản chất truyền sinh, giữ vai trò trọng yếu trong đời sống xã hội, được diễn tả: „ Vấn đề dân số tăng giảm của một xã hội không hệ tại ở số người đàn ông, nhưng hệ tại ở số người phụ nữ“ ( Frank Schirrmacher, Minimum, München Blessing 2006, tr. 145).

2. Vai trò Phụ nữ trong niềm tin tôn giáo

Người phụ nữ, cũng như bao tạo vật khác, được Thiên Chúa dựng nên trong xã hội loài người trên trần gian. Không phải họ chỉ có chức năng sinh con cùng nuôi dưỡng con cái. Nhưng họ còn được Thiên Chúa phú bẩm ban cho những khả năng sống làm người cao qúi khác hơn nữa.

Không biết qủa quyết nói người phụ nữ có nhiều tâm tình tôn giáo có đúng không.

Nhưng thực tế đời sống trong mỗi gia đình đều nói lên: người mẹ lo lắng rất nhiều việc giáo dục con cái cháu chắt. Trẻ em, bạn trẻ biết đọc cầu kinh cầu nguyện, biết sống thế nào là lễ phép, tập thói quen tốt, học hành chữ nghĩa ABC, thế nào là sống bác ái tình người...hầu như do mẹ, do bà nội hay bà ngoại chỉ bảo dạy cho, ngay từ thuở còn thơ bé cũng như lúc đã khôn lớn.

Trong nhiều niềm tin tôn giáo người phụ nữ được ca ngợi có đặc sủng – Charisma- đặc biệt như nữ tiên tri Mirjam, Debora, Hanna, Ruth.

Người Polynesier tôn thờ người mẹ như thần thánh. Theo họ đất mẹ gần con người hơn trời cao. Ðất mẹ che chở, nuôi dưỡng và chữa lành con cái. Vì thế, trong nhiều nền văn hóa, người ta đặt người bệnh, người qua đời và người sinh con nằm trên đất.

Kính trọng tôn thờ đất mẹ, nên người Indianer từ chối cày bừa đất. Vì họ cho rằng, nếu cày bừa đất mẹ, chẳng khác gì đem dao rạch mổ bụng mẹ!

Người Igbo bên xứ Nigeria đặt Ðất (Ala) lên hàng đầu của các thần thánh. Hình ảnh Ðất là thần thánh không thể thiếu trong đời sống ở mỗi làng mạc.

Nhiều nơi còn cho người Mẹ thần thánh là một người, như bên Ấn Ðộ gọi là nữ thần Kali. Thành phố Kalkutta được đặt tên theo truyền thống tên niềm tin này. ( TRE 11, Berlin, New York 1983, tr. 421, số 30, 3.2).

Thánh Terexa thành Calcutta, đến cư ngụ sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa con người qua cách sống hy sinh chan chứa bác áí tình người ở thành phố người mẹ thần thánh Kali cho tới lúc qua đời, được cả thế giới kính trọng tôn vinh là Mẹ.

Trong Kinh Thánh Tân ước, Chúa Giêsu không phân biệt nam hay nữ. Người kêu gọi họ tất cả hãy đến cùng Ngài ( Mt 11,28).

Trong số những người tin theo Ngài làm môn đệ có cả những người phụ nữ như Maria Madalena, Maria mẹ các ông Giacobe, bà Salome. ( Mc 15,40-41)

Giảng giải cắt nghĩa về Nước Thiên Chúa, về khung cảnh đời sống, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người phụ nữ làm bếp nấu ăn ( Mt13,33), hình ảnh mười cô phụ nữ cầm đèn đi đón chú rể ( Mt 25, 1-12), người phụ nữ thắp đèn quyét nhà tìm đồng tiền bị mất ( Lc 15,,8), ông quan tòa và người phụ nữ. ( Lc 18,1-8)

Bênh vực ca ngợi lòng đạo đức tốt lành và thành tâm của phụ nữ, qua hình ảnh một người phụ nữ góa bụa nghèo túng bỏ đồng tiền cuối cùng của mình dâng cúng vào đền thờ. ( Mc 12, 41-44)

Không xa lánh, nhưng Chúa Giêsu đến gặp gỡ chữa bệnh cho bà mẹ ông Phero (Mc 1,29). Chữa bệnh cho người phụ nữ bị bệnh băng huyết kinh niên, và cho cô bé gái đã chết được khỏi bệnh sống lại. ( Mc 5, 25-42).

Chúa Giêsu không xa tránh người phụ nữ mang tiếng là người có đời sống tội lỗi hoang đàng, hay bị thất bại dở dang trong chuyện tình yêu gia đình. Trái lại Ngài tiếp xúc nói truyện với họ, tìm cách nâng cao nhân phẩm gía trị người phụ nữ, muốn mời gọi họ trở về với đời sống tốt lành làm người, và qua đó muốn xóa bỏ thái độ thù nghịch của luật lệ thời bấy giờ. (Lc 7,37-50- Ga 4, 7-27).

Nâng cao nhân phẩm và bảo vệ người phụ nữ là sứ điệp quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu: „ Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người có nam và có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình. Cả hai sẽ thành một xương một thịt....Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình. Ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.“ ( Mc 10, 6-12; Mt 19, 1-9).

Chúa Giêsu lập Hội Thánh Công Giáo trên nền tảng 12 Tông đồ, những người đàn ông. Nhưng ngay từ ngày sinh nhật đầu tiên của Hội Thánh Công Giáo, các người phụ nữ cùng với Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu, đã có mặt cùng đón nhận ân đức Chúa Thánh Thần. Và trong các buổi tập họp cầu nguyện thuở ban đầu, luôn luôn có mặt những người phụ nữ đạo đức cùng cầu nguyện sống đức tin giữa dòng đời. ( Cv 1, 14; 12,1-17)

Bà Tabitha, một phụ nữ đạo đức sống cuộc đời làm việc bác ái giúp người khác đóng góp đắc lực vào việc truyền giáo. ( Cv 9, 36-43). Bà Poritkila là một trong những giáo lý viên thời Hội Thánh lúc ban đầu. ( Cv 18,26)

Thánh Phaolô đã giới thiệu với giáo đoàn Kenkhore chị Phebe là nữ trợ tá cho Gíao đoàn này trong công việc truyền giáo lòng đạo đức và Diakonia ( trợ giúp bác ái).( Rm 16,1...)

3. Ðức tính người phụ nữ

Frank Schirrmacher ( Minimum, München 2006) đã đưa ra một vài nhận xét dựa trên những quan sát khảo nghiệm khoa học xã hội về vai trò người phụ nữ trong đời sống như sau:

- Người phụ nữ chịu đựng thời tiết lạnh, đói khát và có sức dẻo dai rất tốt. Họ có khả năng tạo ra sự tin tưởng và tình con người bạn bè, ngay cả nơi trách nhiệm bổn phận gia đình bị thiếu vắng.

- Người phụ nữ có óc tổ chức mạng lưới xã hội và làm sinh động mối dây ràng buộc xã hội lại, tạo nên sự tin tưởng, và đem lại sự bảo vệ không những cho người thân thuộc mà cả nơi những người xa lạ.

- Trong đời sống gia đình người mẹ là trung tâm. Người Mẹ cảm thấy mình có bổn phận trách nhiệm lo cho gia đình được tiếp tục phát triển tồn tại, nhất là trong hoàn cảnh gặp khủng hoảng.

- Nơi nào xã hội đang xuống dốc, như thiếu sự liên đới xã hội, sự nhậy cảm, sự hợp nhất liên lạc với nhau, sự cố gắng hy sinh, người phụ nữ có những khả năng đó. Và họ có thể giúp đời sống xã hội sinh động trở lại.

- Theo kết qủa của các cuộc thăm dò khảo nghiệm 50 năm vừa qua, người phụ nữ giữ vai trò chìa khóa trọng yếu giữ cho gia đình được đứng vững tồn tại, vào việc xây dựng cũng như làm vững chắc mạng lưới tình bạn bè con người. Ðiều này càng ngày càng trở nên quan trọng trong tương lai, một khi nó thay vào chỗ nếp sống gia đình theo truyền thống.

- Người phụ nữ có năng khiếu về ngôn ngữ. Nhờ năng khiếu năng này họ gần gũi với mọi người. Em bé gái biết nói sớm hơn một tháng trước em bé trai cùng trang lứa. Phụ nữ có trí nhớ về ngôn ngữ khá hơn đàn ông, dù khi họ đã cao niên. Phụ nữ dễ dàng gợi nói chuyện bàn thảo. Khả năng này giúp họ dễ dàng làm quen thân dấn thân vào sự liên đới trong xã hội, và cũng dễ dàng làm dịu bớt những căng thẳng trong đời sống.

- Tóm lại phụ nữ đóng vai trò ở ngay trung tâm của đời sống xã hội: họ sẽ được cần dùng đến khẩn thiết như nguồn lao động tay nghề cao cấp, họ là những người mẹ, người bà trong mọi gia đình nền tảng của xã hội, họ được xã hội mang ơn. Vì khả năng hội nhập xã hội của họ sẽ điền vào chỗ trống trong lao động của xã hội đang trên đà thiếu người và đang dần thu nhỏ hẹp lại. (xx. tr. 132 – tr.141)

Người phụ nữ được Tạo hóa phú bẩm khả năng sinh con làm mẹ. Nên họ nhậy cảm với sự đói khổ thiếu thốn, đời sống sạch sẽ vệ sinh của đời sống rất mạnh.

Họ gần gũi với đời sống. Nên cảm thấy trực tiếp nhanh chóng và sâu xa những gì cần cho đời sống.

Họ yêu mến sự sống và có nhiều cảm gíác nghiêng về đó, mhất là sự đẹp, sự tinh vi.

Họ có khả năng thích ứng tốt, và mềm dẻo rộng rãi. Nên cuộc sống của họ thanh thản có nhiều biến đổi.

Lòng hy sinh của người phụ nữ không thể phân chia tách rời. Nó bền bỉ, và trung thành. Công việc họ làm hướng về con người nhiều hơn quy về sự việc. Tình cảm nơi họ đóng vai trò quan trọng hơn lý trí, trái tim hơn lý luận, sự tốt lành hơn sự thật, thói quen hơn luật lệ, điều cụ thể có thể hiểu xem được hơn điều trừu tượng.

4. Người phụ nữ Maria, mẹ Thiên Chúa

Xưa nay trong Giáo hội ở khắp mọi nơi, lòng sùng kính Đức Mẹ Maria ăn rễ sâu trong đời sống niềm tin Công Giáo. Ðức Mẹ Maria là ngôi sao sáng phản chiếu ánh sáng từ Thiên Chúa, và gương đời sống Đức Mẹ Maria chỉ đường cho tâm hồn con người đi hướng về Ngài, Ðấng là nguồn sự sống, nguồn ánh sáng niềm tin cho con người.

Ðức thánh cha Benedicto thứ 16. trong Gott und die Welt, ein Gespräch mit Peter Seewald, Knaur Taschenbuch Verlag. München 2005- suy tư mẫu gương Đức Mẹ Maria nói lên sự gần gũi của Thiên Chúa. Vì Ðức Mẹ Maria là người mẹ của Chúa Giêsu. (tr. 318)

Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria trong Giáo hội đánh động tâm hồn con người cách đặc biệt. Ðánh động tâm hồn người phụ nữ. Vì họ cảm thấy được Đức Mẹ hiểu biết và gần gũi với mình. Ðánh động tâm hồn người đàn ông không mất lòng hướng về người mẹ và sự thanh khiết của người phụ nữ...Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria trong Giáo Hội Công Giáo không là gánh nặng. Nhưng là lòng tin tưởng, và sự trợ giúp an ủi cho đời sống hằng ngày. ( tr. 322).

Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin: Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria.

Chúng ta ai cũng trải qua thời gian thành hình sự sống trong cung lòng mẹ mình chín tháng. Sau khi ra đời những ba năm đầu tuổi thơ ấu lệ thuộc hoàn toàn vào tình thương yêu nuôi dưỡng săn sóc của mẹ. Rồi cả cuộc đời lúc nào tình thương yêu và sự giáo dục nhân bản cũng như niềm tin tôn giáo của mẹ vẫn hằng theo sát đời người con.

Chúa nhật ngày 07.03.2021 Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm thành phố Mossul bên Irak, nơi từ 2014-2017 bị phiến quân Hồi giáo IS chiếm đóng tàn phá, hành hung bắt cóc muốn xóa bỏ ảnh hưởng nền đạo Kitô giáo ở đây. Điều này khiến người dân nhất là những tín hữu Kitô giáo phải trốn bỏ quê hương đi tỵ nạn lẩn trốn.

Nhưng giữa cơn chao đảo thảm họa khốn cùng đó, một người phụ nữ, Sơ Autour đã sống can đảm dấn thân làm chứng cho tình bác ái chúa Kitô giúp con người. Và Đức Thánh Cha dịp này đã có lời tâm tình cám ơn đầy cảm động hướng về Sơ Autour :

„ Sơ Autour qúi mến,

Sơ đã tường thuật kể cho chúng tôi về biến cố những gia đình Kitô giáo bị bắt buộc phải di tản ra khỏi nhà của họ. Thảm họa đau buồn tang thương khủng khiếp phải di tản đi trốn của những người tín hữu Chúa Kitô nơi đây và trong toàn thể cùng Cận Đông không chỉ là một sự mất mát thiệt hại không thể đo lường được, nhưng còn cho cả chính cộng đồng xã hội, mà dấu vết còn để lại sau lưng.

Qủa vậy, khía cạnh văn hóa cùng tôn giáo như cánh chim giúp đời sống về nhiều phương diện vươn lên, cùng làm giầu. Bây giờ qua sự mất mát của mỗi thành phần khiến đời sống bị yếu kém đi, và bị thu nhỏ hẹp lạ.

Như nơi một tấm thảm được đan bện chất chứa tràn đầy nghệ thuật, nhưng nếu một sợi chỉ vải của nó bị rút xé ra, khiến làm cho toàn thể tấm thảm bị thiệt hại loang lổ phá vỡ nét đẹp nghệ thuật.

Sơ đã thuật lại cho chúng tôi kinh nghiệm đau buồn thê lương bị khủng bố bắt cóc dẫn độ. Dẩu vậy vẫn còn hoàn cảnh như có thể giữ vững đức tin vào Thiên Chúa, vào nhân phẩm, sự tôn trọng đồng đểu cho tất cả những trẻ em.

Xin cám ơn Sơ trong qúa khứ mới xảy diễn ra đây thôi, đã đốt thắp lên ngọn lửa chiếu sáng. Ngọn lửa chứng nhân đó chỉ cho chúng tôi, vẫn có thể gây nuôi niềm hy vọng vào sự hòa giải và vào một nếp sống mới. „( Lời chào mừng của Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm thánh phố Mossul, Chúa nhật 07.03., - kath.net 07.03.2021).

Không còn lời nào cảm động cùng chân thành hơn nữa để vinh danh một người phụ nữ với nếp sống can đảm tràn đầy niềm tin vào Thiên Chúa, và quảng đại chan chứa tình yêu thương dấn thân cho con người!

Ngày phụ nữ thế giới 08.03.2021

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Giữa các gọng kềm lịch sử, người Kurd mất nước nên rất xúc động được Đức Thánh Cha viếng thăm
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:50 07/03/2021


Giữa các gọng kềm và những bất hạnh của lịch sử, cũng như những tính toán bất công của các cường quốc, người Kurd đã mất nước. Cho nên, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một điều bất ngờ, một hạnh phúc ngập tràn đối với họ.

Thật vậy, lần đầu tiên có vị khách quý, có một tầm ảnh hưởng quốc tế lớn lao như Đức Giáo Hoàng đến thăm nên người Kurd không chỉ ở thành phố Erbil mà còn trên toàn thế giới đã bày tỏ nỗi niềm hân hạnh, vinh dự và biết ơn Đức Thánh Cha.

Người Kurd là một nhóm dân tộc có nguồn gốc từ một khu vực miền núi Tây Á được gọi là Kurdistan. Khu vực này trải dài từ phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, sang tây bắc Iran, bắc Iraq và bắc Syria. Ngoài ra, cũng có những nhóm người Kurd ở miền trung tỉnh Anatolia, Khorasan của Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Caucasus, cũng như các cộng đồng người Kurd đáng kể ở các thành phố phía tây Thổ Nhĩ Kỳ khác đặc biệt là ở thủ đô Istanbul, và Tây Âu, chủ yếu là ở Đức. Dân số người Kurd ước tính vào khoảng từ 30 đến 45 triệu người.

Khác với các dân tộc trong vùng, người Kurd không nói tiếng Ả rập nhưng chủ yếu nói các ngôn ngữ Kurd và ngôn ngữ Zaza thuộc hệ các ngôn ngữ Ba Tư trong ngữ hệ Ấn-Âu.

Trong chiều dài lịch sử của mình, Kurdistan đã bị Đế chế Ottoman, Mông Cổ và các nước khác xâm chiếm nên ngay trước thế chiến thứ nhất, người Kurd đã rơi vào tình trạng mất nước. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự thất bại của Đế chế Ottoman, các đồng minh phương Tây chiến thắng đã hứa hẹn tái lập một nhà nước của người Kurd trong Hiệp ước Sevres vào năm 1920. Tuy nhiên, ba năm sau đó, khi Hiệp ước Lausanne thiết lập ranh giới của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, lời hứa đó đã không được tôn trọng khiến người Kurd trở thành một dân tộc thiểu số ở tất cả các quốc gia mới được vẽ lại bản đồ. Lịch sử gần đây của người Kurd bao gồm nhiều cuộc diệt chủng và nổi dậy, cùng với các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra trong cộng đồng người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và Iraq. Người Kurd ở Iraq và Syria có các khu vực tự trị, trong khi các phong trào của người Kurd tiếp tục theo đuổi các quyền văn hóa, quyền tự chủ và độc lập lớn hơn trên khắp vùng Kurdistan cũ.

Vào đầu ngày thứ ba trong chuyến tông du Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thành phố Erbil, nơi ngài gặp Tổng thống và Thủ tướng của khu tự trị Kurdistan thuộc Iraq. Hành trình của Đức Giáo Hoàng cho ngày Chúa Nhật cũng bao gồm các chuyến thăm đến Mosul và Qaraqosh.

Sáng Chúa Nhật, lúc 7:30 Đức Thánh Cha đã khởi hành đến thành phố Erbil. Lúc 8:20 sáng, ngài đến nơi và được tổng thống khu tự trị người Kurdistan của Iraq đón tiếp cùng với các nhà lãnh đạo các cơ quan dân sự trong khu vực. Sau đó, ngài đã gặp riêng Tổng thống Nechirvan Barzani và Thủ tướng Masrour Barzani của khu tự trị trong phòng khánh tiết của Sân bay quốc tế Erbil.

Erbil còn được gọi là Hewlêr trong tiếng Kurd và Arbīl trong tiếng Ả Rập, thành phố Erbil là thủ đô và là thành phố lớn nhất của khu tự trị Kurdistan thuộc Iraq. Nó nằm cách Mosul khoảng 88 km về phía đông và chỉ cách biên giới Syria chưa đến 300 km. Khu tự trị này có phía đông giáp Iran, phía bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ và phía tây giáp Syria.

Được coi là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới, các khu định cư đô thị đầu tiên của Erbil có niên đại từ năm 2300 trước Chúa Giáng Sinh. Qua nhiều thế kỷ, nhiều dân tộc bao gồm người Sumer, người Assyriô, người Babylon, người Medes, người Rôma, Abbassids và người Ottoman đã sống trong thành phố cổ đại này.

Thành cổ Erbil nổi tiếng, được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2014 có diện tích khoảng 110,000 mét vuông và nằm cao hơn khoảng 30 mét so với khu vực xung quanh. Bên trong khu vực này có một đền thờ Hồi Giáo rất lớn và viện Bảo tàng công nghệ Dệt may của người Kurd. Các bảo tàng quan trọng của thành phố - Bảo tàng Văn minh Erbil và Bảo tàng Di sản Syriac – là những nơi trưng bày một số hiện vật từ khu vực.

Tại thành phố này, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê có nhà thờ chính tòa Thánh Giuse ở quận Ankawa, được xem là một trong những vùng đất Kitô Giáo lớn nhất ở Trung Đông gồm các tín hữu Kitô chủ yếu là người Assyriô nói ngôn ngữ Tân Aramaic.

Trong những năm gần đây, Erbil đã trở thành nơi cư trú của hàng nghìn người tị nạn, chủ yếu đến từ Qaraqosh và Mosul, những người đã chạy trốn bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Thành phố đã chào đón khoảng 540,000 người tị nạn Iraq cùng với những người tị nạn Syria khác đến các trại trong khu vực.

Hiến pháp của khu tự trị được chính thức công nhận và có hiệu lực vào năm 2005 quy định lãnh thổ Kurdistan Iraq là một quốc gia thế tục.

Khu vực tự trị của người Kurdistan thuộc Iraq, nằm ở phía đông bắc của Iraq bao gồm bốn thủ phủ Dohuk, Erbil, Halabja và Sulaymaniyah.
Source:Vatican News
 
Mosul: Ở nơi Chúa cũng ngậm ngùi, lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha khiến người rơi lệ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:49 07/03/2021


Vào lúc 10g10 sáng Chúa Nhật 7 tháng Ba, theo giờ địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Hosh-al-Bieaa, nghĩa là quảng trường chung của bốn nhà thờ bao gồm nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syriac, nhà thờ Chính Thống Giáo của người Armenia, nhà thờ Chính Thống Giáo nghi lễ Syriac, và nhà thờ Công Giáo nghi lễ Chanđê. Cả 4 ngôi nhà thờ đều bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy từ năm 2014 đến 2017.

Khi đến Mosul, Đức Thánh Cha đã được Đức Tổng Giám Mục Najeeb Michaeel của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê Mosul và Aqra đón tiếp và cùng đi với ngài đến quảng trường Hosh-al-Bieaa.

Sau lời chào giới thiệu của Đức Tổng Giám Mục, và chứng tá của một linh mục và một người Hồi Giáo Sunni, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ ngắn trước khi đọc lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em và các bạn thân mến,

Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Najeeb Michaeel vì những lời chào đón ân cần của ngài và tôi đặc biệt biết ơn Cha Raid Kallo và ông Gutayba Aagha về những chứng từ xúc động của họ.

Cảm ơn Cha Raid rất nhiều. Cha đã cho chúng tôi biết về việc nhiều gia đình Kitô hữu buộc phải bỏ lại nhà cửa sau lưng. Sự giảm sút bi thảm của các môn đệ của Chúa Giêsu ở đây và trên khắp Trung Đông gây tác hại khôn lường không chỉ cho các cá nhân và cộng đồng liên quan mà còn cho xã hội mà họ bỏ lại phía sau. Thật vậy, một cấu trúc văn hóa và tôn giáo đa dạng phong phú như thế này bị suy yếu do mất đi bất kỳ thành viên nào, dù nhỏ đến đâu. Như trong những tấm thảm được thiết kế phức tạp của các bạn, một sợi chỉ nhỏ bị rách có thể làm hỏng phần còn lại. Thưa cha, cha đã cho chúng tôi biết về mối quan hệ huynh đệ của mình với người Hồi giáo sau khi trở về Mosul. Cha đã được chào đón, tôn trọng và hợp tác. Cảm ơn Cha vì đã chia sẻ những dấu chỉ này cho thấy Thánh Linh đang nở hoa trong sa mạc, và đã cho chúng ta thấy rằng có thể hy vọng vào sự hòa giải và cuộc sống mới.

Thưa Ông Aagha, ông đã nhắc chúng tôi rằng bản sắc thực sự của thành phố này là sự chung sống hài hòa giữa những người thuộc các nền văn hóa và nguồn gốc khác nhau. Vì vậy, tôi đặc biệt hoan nghênh lời mời của ông đưa ra cho cộng đồng Kitô Giáo, mời họ trở lại Mosul và đảm nhận vai trò quan trọng của họ trong quá trình chữa lành và đổi mới.

Hôm nay, tất cả chúng ta cùng cất lên tiếng cầu nguyện với Thiên Chúa Toàn năng cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh và xung đột vũ trang. Ở đây, ở Mosul, hậu quả bi thảm của chiến tranh và sự thù địch đã quá rõ ràng. Thật tàn nhẫn biết bao khi đất nước này, cái nôi của nền văn minh, lại phải hứng chịu một trận đòn dã man như vậy, với những nơi thờ tự cổ kính bị phá hủy và hàng ngàn người – cả người Hồi giáo, các tín hữu Kitô, người Yazidi, là những người đã bị những kẻ khủng bố giết hại một cách tàn nhẫn, và những người khác - bị cưỡng bức di dời hoặc bị giết!

Tuy nhiên, hôm nay, chúng ta tái khẳng định niềm tin rằng tình huynh đệ lâu dài hơn cảnh huynh đệ tương tàn, hy vọng mạnh hơn hận thù, hòa bình mạnh hơn chiến tranh. Niềm xác tín này nói lên một cách hùng hồn hơn những tiếng nói của hận thù và bạo lực, và nó không bao giờ có thể bị dập tắt bởi cảnh đổ máu do những kẻ xuyên tạc danh Chúa gây ra để theo đuổi những con đường hủy diệt.

Mosul, cùng với đồng bằng Ninivê gần đó, là một trong những trung tâm lịch sử của người Assyriô và các Giáo Hội của họ bao gồm Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương của người Assyriô. Bên cạnh đó, còn có lăng mộ của một số nhà tiên tri trong Cựu ước như tiên tri Giôna, một số đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy vào tháng 7 năm 2014.

Trong trận chiến tại Mosul, quân Iraq thiệt mất 1,200 quân và 5,000 quân nhân bị thương. Quân Kurd tham chiến bên cạnh quân Iraq thiệt mất 30 quân và 100 quân nhân bị thương. Hoa Kỳ có 2 quân nhân bị giết và 20 người khác bị thương, Quân Iran chiến đấu bên cạnh lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite có 3 người bị giết.

Về phía thường dân có 6,400 người thiệt mạng và 17, 124 người bị thương.

Theo các tài liệu chính thức của chính quyền Iraq, có 16,467 quân khủng bố IS bị giết trong trận chiến giải phóng Mosul.

Trước khi cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng đã chia sẻ những suy nghĩ của mình, tập trung vào ba ý tưởng chính:

Nếu Thiên Chúa là Chúa của sự sống - vì Ngài thực sự là vậy - thì việc chúng ta giết anh chị em mình nhân Danh Ngài là sai.

Nếu Thiên Chúa là Chúa của hòa bình - vì Ngài thực sự là vậy - thì chúng ta sai khi gây chiến nhân Danh Ngài.

Nếu Thiên Chúa là Chúa của tình yêu - vì Ngài thực sự là vậy - thì thật sai lầm khi chúng ta ghét bỏ anh chị em của mình.

Sau đó, Đức Thánh Cha mời tất cả những người hiện diện, dù ở gần hay xa, hãy “tham gia cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh”, và cho chính chúng ta. “Cầu mong cho tất cả chúng ta, bất kể theo truyền thống tôn giáo nào, đều biết sống hòa thuận và bình an, với ý thức rằng trước mắt Chúa, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau”.

Lời cầu nguyện

Dưới đây là toàn văn lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho các nạn nhân chiến tranh:

Lạy Chúa Chí Tôn, Chúa của mọi thời đại, Chúa đã tạo ra thế giới trong tình yêu và không ngừng chúc phúc cho các tạo vật của Chúa. Giữa chập chùng khổ đau và cái chết, giữa mọi cám dỗ bạo lực, bất công và tư lợi bất chính, Chúa luôn đồng hành với các con trai và con gái của Chúa bằng tình yêu dịu dàng của một người Cha.

Tuy nhiên, nhân loại chúng con, từ chối những ân sủng của Chúa và bị cuốn hút bởi những mối quan tâm quá trần tục, thường quên mất những lời khuyên về hòa bình và hòa hợp của Chúa. Chúng con chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích hạn hẹp của chúng con. Thờ ơ với Chúa và với những người khác, chúng con đã chặn cánh cửa dẫn đến hòa bình. Điều mà tiên tri Giôna đã nói về Ninivê đã được lặp lại ở đây: sự gian ác của loài người đã thấu đến trời cao (xem Giô-na 1: 2). Chúng con đã không giơ những bàn tay trong sạch lên trời (x. 1 Ti 2: 8), nhưng từ dưới đất lại một lần nữa phát ra tiếng kêu đòi của máu người vô tội (x. St 4:10). Trong Sách Giôna, các cư dân thành Ninivê đã nghe theo lời vị tiên tri của Chúa và được cứu rỗi trong sự ăn năn. Lạy Chúa, giờ đây chúng con giao phó cho Chúa rất nhiều nạn nhân của lòng căm thù con người đối với con người. Chúng con cũng cầu xin sự tha thứ của Chúa và cầu xin ân sủng của sự ăn năn: Xin Chúa thương xót chúng con! Xin Chúa thương xót chúng con! Xin Chúa thương xót chúng con!

Sau một lúc yên lặng, Đức Thánh Cha nói:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, tại thành phố này, chúng con thấy có hai dấu chỉ thể hiện mong muốn thường hằng của con người là được gần gũi với Chúa: đó là đền thờ Hồi Giáo Al-Nouri, với tháp Al-Hadba, và Nhà thờ Đức Mẹ Thời Gian, có chiếc đồng hồ hơn một thế kỷ qua đã nhắc nhở những người qua đường rằng cuộc đời thật ngắn ngủi và thời gian thật quý giá. Xin dạy chúng con nhận ra rằng Chúa đã giao phó cho chúng con kế hoạch yêu thương, hòa bình và hòa giải của Chúa, và buộc chúng con phải thực hiện nó trong thời đại của chúng con, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc sống trần thế của chúng con. Xin hãy làm cho chúng con nhận ra rằng chỉ bằng cách này, bằng cách áp dụng kế hoạch yêu thương đó vào thực tế ngay lập tức, thành phố này và đất nước này mới có thể được xây dựng lại, và những trái tim bị xé nát bởi đau buồn mới được chữa lành. Xin giúp chúng con không mất thời gian trong việc thúc đẩy các mối quan tâm ích kỷ của chúng con, dù với tư cách cá nhân hay phe nhóm, nhưng biết phục vụ kế hoạch yêu thương của Chúa. Và bất cứ khi nào chúng con đi chệch hướng, xin hãy cho chúng con có thể chú ý đến tiếng nói của những người nam nữ đích thực của Chúa và ăn năn đúng lúc, kẻo chúng con lại một lần nữa bị choáng ngợp bởi sự hủy diệt và chết chóc.

Chúng con giao phó cho Chúa tất cả những ai mà tuổi thọ trên dương thế đã bị cắt ngắn bởi bàn tay bạo lực của anh chị em của họ; chúng con cũng cầu nguyện cho những người đã gây ra những tổn hại như vậy cho anh chị em của họ. Cầu mong cho họ biết ăn năn, và cảm động trước sức mạnh của lòng thương xót của bạn.

Lạy Chúa, xin cho họ được yên giấc và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi họ.

Cầu xin cho họ có thể an nghỉ trong bình an. Amen.

Hosh al-Bieeya, nghĩa là Quảng trường Nhà thờ ở Mosul là nơi lưu giữ tàn tích của bốn nhà thờ Kitô Giáo, được Đức Giáo Hoàng nhắc đến trong lời cầu nguyện của mình. Bốn nhà thờ của cộng đồng Kitô Giáo cổ đại đã bị phá hủy bởi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Chỉ riêng ở Mosul đã có hơn 30 nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. Do những chèn ép của người Hồi Giáo, đến nay chưa có ngôi nhà thờ nào trong thành phố Mosul được xây dựng lại.

Từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 7 năm 2017, Mosul bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng. Ước tính có khoảng nửa triệu người, trong đó có hơn 120,000 Kitô hữu, đã chạy trốn khỏi Mosul. Vào năm 2004, dân số Kitô lên đến 1,846,500 người. Thành phố đã bị tàn phá có hệ thống, tiêu biểu là việc phá hủy nhà thờ lăng mộ của tiên tri Giôna và một phần các bức tường của thành cổ Ninivê, cũng như của các bản thảo quý hiếm và hơn 100,000 cuốn sách được bảo quản trong Thư viện thành phố Mosul, các phát hiện khảo cổ học và nhiều bức tượng trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Ninivê.

Vào tháng 6 năm 2017, Nhà nước Hồi giáo, bị quân chính phủ bao vây và chỉ kiểm soát được thành phố cổ. Chúng đã phá hủy nhà thờ Hồi giáo Mūr ad-dīn trước khi thất thủ. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, người Iraq đã tái chiếm được ngôi đền này, cùng với một phần khu vực thời trung cổ của thành phố.

Vào tháng 7 năm 2017, sau chín tháng chiến đấu, Mosul đã được giải phóng.

Cuối buổi cầu nguyện, sau khi khánh thành tấm bảng kỷ niệm cuộc viếng thăm, ban tổ chức đã thả một số chim bồ câu trắng, biểu tượng cho hòa bình. Sau đó, Đức Thánh Cha đã ban phép lành.

Trước khi rời Mosul, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm những tàn tích xung quanh Hosh-al-Bieaa, và dừng lại cầu nguyện trước đống đổ nát của Nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syriac. Sau đó, ngài di chuyển bằng xe hơi đến sân trực thăng và sau khi từ giã Đức Tổng Giám Mục Mosul và viên Thống đốc của Mosul, ngài đã lên trực thăng bay đến Qaraqosh.
 
Thăm Bakhdida, xem thường khủng bố, Đức Thánh Cha đi xe hơi dọc Đại Lộ Kinh Hoàng trở về Erbil
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:59 07/03/2021


Khi đến Qaraqosh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Tổng Giám Mục Yohanna Petros Moshe của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Syriac Mosul đón tiếp cùng Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, và một số nhà chức trách dân sự và tôn giáo. Sau đó, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nơi vào lúc 12g30 theo giờ địa phương, ngài đã gặp gỡ cộng đồng Qaraqosh.

Tại lối vào nhà thờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan Đệ Tam là Thượng phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Syriac đón tiếp. Đức Thượng Phụ đã trao cây thánh giá và nước thánh cho ngài. Hai trẻ em đã dâng hoa lên Đức Thánh Cha. Sau lời giới thiệu của Đức Thượng Phụ, và chứng từ của một phụ nữ giáo dân và một linh mục, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ sau.

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi biết ơn Chúa vì đã có cơ hội ở giữa anh chị em sáng nay. Tôi đã mong chờ lần gặp gỡ cùng nhau này từ lâu. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan vì những lời chào mừng của Ngài, và Bà Doha Sabah Abdallah cũng như Cha Ammar Yako vì những chứng từ của họ. Khi tôi nhìn vào anh chị em, tôi có thể thấy sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của người dân Qaraqosh, và điều này cho thấy một điều gì đó về vẻ đẹp mà toàn bộ khu vực này mang đến cho tương lai. Sự hiện diện của anh chị em ở đây là một lời nhắc nhở rằng vẻ đẹp không phải là đơn sắc, mà là sự đa dạng và khác biệt.

Đồng thời, với nỗi buồn lớn, chúng ta nhìn xung quanh và thấy những dấu hiệu khác, những dấu hiệu cho thấy sức mạnh tàn phá của bạo lực, hận thù và chiến tranh. Biết bao nhiêu thứ đã bị phá hủy! Cần phải xây dựng lại biết là ngần nào! Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây hôm nay cho thấy rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Lời cuối cùng thuộc về Thiên Chúa và Con Ngài, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên cái chết. Trước mặt anh chị em là gương của những người cha, người mẹ của anh chị em trong đức tin, những người đã thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa tại nơi này. Họ kiên trì với niềm hy vọng vững chắc trong suốt cuộc hành trình trên dương thế, tin cậy nơi Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm chúng ta thất vọng và luôn nâng đỡ chúng ta bởi ân sủng của Ngài. Di sản tinh thần to lớn mà tiền nhân anh chị em để lại vẫn tiếp tục sống trong anh chị em. Hãy giữ lấy di sản này! Đó là sức mạnh của anh chị em! Bây giờ là lúc để xây dựng lại và bắt đầu lại từ đầu, dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn số phận của tất cả các cá nhân và dân tộc. Anh chị em không đơn độc! Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em, với những lời cầu nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và trong khu vực này, có rất nhiều người đã mở cửa cho anh chị em vào lúc cần thiết.

Anh chị em thân mến, đây là thời điểm để khôi phục không chỉ các tòa nhà mà còn là các mối dây liên kết cộng đồng gắn kết cộng đoàn và gia đình, người già và người trẻ lại với nhau. Tiên tri Giôen nói: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến”. (x. Giôen 3: 1). Khi người già và người trẻ xích lại gần nhau, điều gì sẽ xảy ra? Người già ước mơ, họ mơ một tương lai cho lớp trẻ. Và những người trẻ có thể thực hiện những giấc mơ và lời tiên tri đó, biến chúng thành hiện thực. Khi già và trẻ đến với nhau, chúng ta giữ gìn và truyền lại những ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta nhìn con cái của mình, biết rằng chúng sẽ không chỉ được thừa hưởng một vùng đất, một nền văn hóa và một truyền thống, mà còn cả những thành quả sống động của đức tin là những phước lành của Chúa trên mảnh đất này. Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em: đừng quên anh chị em là ai và anh chị em đến từ đâu! Đừng quên những ràng buộc đã giữ anh chị em lại với nhau! Đừng quên bảo tồn gốc rễ của anh chị em!

Chắc chắn, sẽ có những khoảnh khắc mà đức tin có thể bị lung lay, khi dường như Chúa không nhìn thấy hoặc không hành động. Điều này đúng trong trường hợp của anh chị em trong những ngày đen tối nhất của chiến tranh, và nó cũng đúng trong những ngày khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và nỗi bất an kinh hoàng. Những lúc như thế này, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Đừng mất hy vọng! Từ trên trời, các thánh đang che chở cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện với các ngài và đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sự chuyển cầu của các vị. Ngoài ra còn có các thánh bên cạnh, là “những người, sống ở giữa chúng ta, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 7). Vùng đất này có rất nhiều người các vị thánh bên cạnh chúng ta, bởi vì đó là một vùng đất của nhiều người nam nữ thánh thiện. Hãy để họ đồng hành cùng anh chị em đến một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai đầy hy vọng.

Một điều mà Doha nói đã khiến tôi vô cùng xúc động. Cô ấy nói rằng sự tha thứ là cần thiết từ phía những người sống sót sau cuộc tấn công khủng bố. Tha thứ; đó là một từ ngữ cốt yếu. Sự tha thứ là cần thiết để duy trì tình yêu, để tiếp tục là Kitô hữu. Con đường để hồi phục hoàn toàn có thể còn rất dài, nhưng tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Điều cần thiết là khả năng tha thứ, nhưng cũng cần có dũng khí để không bỏ cuộc. Tôi biết rằng điều này là rất khó khăn. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa có thể mang lại hòa bình cho vùng đất này. Chúng ta tin tưởng vào Ngài và cùng với tất cả những người thiện chí, chúng ta nói “không” với khủng bố và sự thao túng tôn giáo.

Cha Ammar, khi nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh, cha cảm ơn Chúa đã luôn đổ tràn đầy niềm vui cho cha, lúc thuận lợi cũng như lúc gian truân, lúc ốm đau cũng như khi thịnh vượng. Lòng biết ơn được sinh ra và lớn lên khi chúng ta nhớ đến những ân sủng và lời hứa của Thiên Chúa. Ký ức về quá khứ định hình hiện tại và dẫn chúng ta tới tương lai.

Trong mọi lúc, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những món quà nhân từ của Người và xin Người ban sự bình an, tha thứ và tình huynh đệ cho vùng đất này và dân tộc này. Chúng ta hãy cầu nguyện không mệt mỏi cho sự hoán cải của trái tim và sự thành tựu của một nền văn hóa sự sống, hòa giải và tình yêu huynh đệ giữa mọi người nam nữ, tôn trọng sự khác biệt và các truyền thống tôn giáo đa dạng, trong nỗ lực xây dựng một tương lai hiệp nhất và hợp tác giữa tất cả những người có thiện chí. Một tình yêu huynh đệ công nhận “những giá trị nền tảng của nhân loại chúng ta, những giá trị trên đó chúng ta có thể và phải hợp tác với nhau, xây dựng và đối thoại, tha thứ và trưởng thành” (Fratelli Tutti, 283).

Khi tôi đến đây trên trực thăng, tôi nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria trên Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Tôi đã phó thác sự tái sinh của thành phố này cho Đức Mẹ. Mẹ không chỉ che chở chúng ta từ trên cao, nhưng xuống với chúng ta bằng tình yêu của Mẹ. Hình ảnh của Mẹ ở đây đã gặp phải sự ngược đãi và thiếu tôn trọng, nhưng khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhìn chúng ta với tình yêu thương. Đó là những gì các bà mẹ làm: họ an ủi, họ vỗ về và họ trao ban cuộc sống. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những người mẹ và những người phụ nữ của đất nước này, những người phụ nữ dũng cảm, những người tiếp tục cống hiến cuộc sống, bất chấp những sai lầm và đau đớn. Cầu mong những người phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ! Mong họ được tôn trọng và được trao cho cơ hội!

Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Mẹ của chúng ta, khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ cho những nhu cầu và kế hoạch tương lai của anh chị em. Tôi đặt tất cả các anh chị em dưới sự cầu bầu của Đức Mẹ. Và tôi xin anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Kết thúc buổi gặp gỡ, sau khi Sổ Lưu Niệm, Đức Thánh Cha chào cộng đoàn và đã di chuyển bằng xe hơi về Chủng viện Thánh Phêrô thành Erbil nơi ngài dùng bữa trưa.

Ngày 12 tháng 6, 2014, 700 binh lính và cảnh sát Iraq cải trang thành thường dân bỏ chạy khỏi thành phố Mosul đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt tại Bartella khi đang cố gắng chạy về khu tự trị của người Kurd. Chúng bắt họ đào các hố chôn tập thể rồi dùng dao đâm chết họ rồi xô xuống những hố này. Trục lộ Mosul – Erbil từ đó được gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng nơi đã chứng kiến hàng dài người và xe cố gắng thoát thân khỏi những vùng vừa bị IS chiếm đóng.

Ngày 6 tháng 8, 2014, trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, toàn bộ dân chúng trong thành phố Bakhdida hay còn gọi là Qaraqosh dưới sự hướng dẫn của các linh mục cũng đã dắt nhau bỏ chạy về thành phố Erbil trên Đại Lộ Kinh Hoàng này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra xem thường khủng bố, vẫn còn lén lút hoạt động trong vùng khi ngài đi xe hơi dọc theo con đường này để đến dùng bữa trưa tại Chủng viện Thánh Phêrô. Và từ đây, ngài cũng đã di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil để cử hành Thánh lễ.
Source:Holy See Press Office
 
Bất kể Erbil vừa bị pháo kích, phó thác mọi sự, ĐTC đi xe mui trần chào các tín hữu trước thánh lễ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:07 07/03/2021

Sau bữa trưa tại Chủng viện Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil để cử hành Thánh lễ.

Sau một vài vòng trên chiếc pope mobile mui trần giữa các tín hữu, vào lúc 16g30 theo giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã chủ tế Thánh Thể Chúa nhật thứ ba Mùa Chay trước một cộng đoàn 10,000 tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng “Đức Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1: 22-25). Chúa Giêsu đã mạc khải sức mạnh và sự khôn ngoan đó trên hết bằng cách trao ban sự thứ tha và bày tỏ lòng thương xót. Ngài đã chọn làm như vậy không phải bằng cách phô trương sức mạnh hay bằng cách nói với chúng ta từ trên cao, bằng những bài diễn văn dài dòng và uyên bác. Ngài đã làm như vậy bằng cách hiến mạng sống của mình trên thập tự giá. Ngài đã bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng của mình bằng cách cho chúng ta thấy, cho đến cùng, sự trung tín trong tình yêu của Chúa Cha; lòng thành tín đối với giao ước của Thiên Chúa, Đấng đã đưa dân Người ra khỏi ách nô lệ và dẫn dắt họ vào một cuộc hành trình tự do (x. Xh 20, 1-2).

Thật dễ dàng rơi vào bẫy khi nghĩ rằng chúng ta phải chứng tỏ cho người khác thấy rằng chúng ta mạnh mẽ hay khôn ngoan. Thật dễ dàng rơi vào cái bẫy tạo ra những hình ảnh giả tạo về Thiên Chúa có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn (x. Xh 20, 4-5). Tuy nhiên, sự thật là tất cả chúng ta đều cần đến sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu mạc khải trên thập tự giá. Trên đồi Canvê, Người đã dâng lên Chúa Cha những vết thương mà chỉ nhờ những vết thương ấy chúng ta mới được chữa lành (xem 1 Pr 2:24). Ở Iraq này, biết bao nhiêu anh chị em, bạn bè và đồng bào của anh chị em đang mang vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương cả hữu hình và vô hình! Chúng ta bị cám dỗ để phản ứng lại với những điều này và những trải nghiệm đau đớn khác bằng sức người, bằng trí tuệ của con người. Trái lại, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa, con đường mà Ngài đã đi, con đường mà Ngài kêu gọi chúng ta đi theo Ngài.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Ga 2:13-25), chúng ta thấy cách Chúa Giêsu xua đuổi những người đổi tiền và mọi kẻ mua người bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa Giêsu lại làm một điều đầy bạo lực và khiêu khích như thế? Ngài đã làm điều đó bởi vì Chúa Cha đã sai Ngài đến để thanh tẩy đền thờ: không chỉ là Đền thờ bằng đá, nhưng trên hết là đền thờ tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không thể chấp nhận việc nhà của Cha Người trở thành một cái chợ (x. Ga 2,16); Ngài cũng không muốn trái tim chúng ta trở thành một nơi xáo trộn, rối loạn và hoang mang. Trái tim của chúng ta phải được làm sạch, sắp đặt ngăn nắp và thanh tẩy. Thanh tẩy những gì? Thưa: thanh tẩy khỏi sự giả dối làm vấy bẩn tâm hồn chúng ta, khỏi thói hai lòng đạo đức giả. Tất cả chúng ta đều có những thứ này. Chúng là những căn bệnh gây hại cho trái tim, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và khiến cuộc sống của chúng ta trở nên thiếu chân thành. Chúng ta cần phải tẩy sạch những bảo đảm lừa đảo có thể đánh đổi đức tin của chúng ta nơi Chúa bằng những thứ chóng qua, bằng những lợi thế tạm thời. Chúng ta cần quét sạch khỏi tâm hồn chúng ta và khỏi Giáo hội những cám dỗ tầm thường về quyền lực và tiền bạc. Để thanh tẩy lòng mình, chúng ta cần phải làm bẩn bàn tay của mình, cần cảm thấy có trách nhiệm và không được thờ ơ khi anh chị em của chúng ta đang đau khổ. Làm thế nào để chúng ta thanh lọc trái tim của chúng ta? Thưa: bằng nỗ lực của chính mình, chúng ta không thể; chúng ta cần Chúa Giêsu. Ngài có quyền năng để chiến thắng những điều xấu xa của chúng ta, để chữa lành bệnh tật của chúng ta, để xây dựng lại ngôi đền của trái tim chúng ta.

Để chỉ ra điều này, và như một dấu chỉ nói lên sức mạnh của mình, Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại” (câu 19). Chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô có thể tẩy sạch chúng ta khỏi những công việc của ma quỷ. Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại! Chỉ có Chúa Giêsu, chỉ có Chúa!

Anh chị em thân mến, Chúa không để chúng ta chết trong tội lỗi. Ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài, Ngài không bao giờ lìa xa và bỏ mặc chúng ta. Ngài tìm kiếm chúng ta, chạy theo chúng ta, để kêu gọi chúng ta ăn năn và tẩy rửa tội lỗi của chúng ta. Chúa phán: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Êgiêkien 33:11). Chúa muốn chúng ta được cứu và trở thành những đền thờ sống động của tình yêu của Ngài, trong tình huynh đệ, trong sự phục vụ, trong lòng thương xót.

Chúa Giêsu không chỉ tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan của chính Ngài. Ngài giải phóng chúng ta khỏi những quan niệm hẹp hòi và tranh cãi về gia đình, đức tin và cộng đồng là những điều gây chia rẽ, chống đối và loại trừ, để chúng ta có thể xây dựng một Giáo hội và một xã hội rộng mở cho mọi người và quan tâm đến những anh chị em đang cần chúng ta. Đồng thời, Ngài củng cố chúng ta để chống lại sự cám dỗ tìm kiếm sự trả thù, là thứ chỉ đẩy chúng ta vào vòng xoáy của những cuộc trả thù trả oán bất tận. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người sai chúng ta ra đi, không phải với tư cách là những người truyền đạo, nhưng với tư cách là những môn đệ truyền giáo, những người nam nữ được kêu gọi để làm chứng cho sức mạnh chuyển hóa cuộc sống của Tin Mừng. Chúa Phục sinh làm cho chúng ta trở thành công cụ của lòng thương xót và hòa bình của Thiên Chúa, những nghệ nhân kiên nhẫn và can đảm của một trật tự xã hội mới. Như thế, nhờ quyền năng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, những lời tiên tri của Tông đồ Phaolô nói với các tín hữu thành Côrintô được ứng nghiệm: “Sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn sự mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1: 25). Các cộng đồng Kitô Giáo gồm những người đơn sơ và thấp hèn trở thành dấu chỉ cho thấy vương quốc của Ngài sắp đến, một vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình.

“Cứ phá hủy đền thờ này, và trong ba ngày, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại” (Ga 2,19). Chúa Giêsu đang nói về đền thờ của thân thể Ngài, và của cả Giáo hội nữa. Chúa hứa với chúng ta rằng, nhờ quyền năng phục sinh, Ngài có thể dựng lại chúng ta, và các cộng đồng của chúng ta, khỏi đống đổ nát do bất công, chia rẽ và hận thù để lại. Đó là lời hứa mà chúng ta cử hành trong Bí tích Thánh Thể này. Với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa bị đóng đinh và phục sinh ở giữa chúng ta. Và chúng ta học cách đón nhận trí tuệ giải thoát của Ngài, để an nghỉ trong vết thương của Ngài, và tìm thấy sự chữa lành và sức mạnh để làm cho vương quốc của Ngài xuất hiện trong thế giới của chúng ta. Nhờ vết thương của Ngài, chúng ta đã được chữa lành (xem 1 Phi 2:24). Trong những vết thương đó, anh chị em thân mến, chúng ta tìm thấy sự xoa dịu của tình yêu thương xót của Người. Vì Ngài, giống như người Samaritanô nhân hậu của nhân loại, muốn xức dầu cho mọi tổn thương, muốn chữa lành mọi ký ức đau buồn và truyền cảm hứng cho một tương lai hòa bình và tình huynh đệ trên vùng đất này.

Giáo hội ở Iraq, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, đã làm rất nhiều để công bố sự khôn ngoan tuyệt vời này của thập tự giá bằng cách truyền bá lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa Kitô, đặc biệt là đối với những người cần nhất. Ngay cả trong bối cảnh nghèo khó và gian truân, nhiều anh chị em đã hào phóng giúp đỡ cụ thể và liên đới với những người nghèo túng và đau khổ. Đó là một trong những lý do khiến tôi đến như một người hành hương ở giữa các anh chị em, để cảm ơn và xác nhận anh chị em trong đức tin và chứng tá. Hôm nay, tôi có thể thấy tận mắt rằng Giáo hội tại Iraq đang rất sống động, rằng Chúa Kitô đang sống và đang hoạt động trong dân tộc thánh thiện và trung tín này của Ngài.

Anh chị em thân mến, tôi phó dâng anh chị em, gia đình và cộng đồng của anh chị em cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã kết hợp với Con của Mẹ trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người, và đã chia sẻ niềm vui phục sinh của Người. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta và dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Đấng là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

Vào cuối Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê của Erbil, là Đức Cha Bashar Matti Warda đã đọc một bài diễn văn cám ơn Đức Thánh Cha. Trước khi ban phép lành cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô có đôi lời chào mừng các tín hữu và khách hành hương hiện diện.

Đức Thánh Cha nói:

Tôi nồng nhiệt chào đón Đức Thượng Phụ Gewargis Đệ Tam, Giáo chủ Giáo Hội Assyriô Đông phương, cư trú tại thành phố này và tôn vinh chúng ta với sự hiện diện của ngài. Cảm ơn Đức Thượng Phụ.

Đức Thượng Phụ thân mến! Cùng với ngài, tôi chào đón các Kitô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau: rất nhiều người trong số họ đã đổ máu của mình trên đất này! Do đó, các vị tử đạo của chúng ta cùng nhau tỏa sáng như những vì sao trên cùng một bầu trời! Từ đó các ngài kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến bước, không ngại ngần, hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn.

Kết thúc buổi cử hành này, tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Bashar Matti Warda cũng như Đức Cha Nizar Semaan và các Giám mục anh em khác của tôi, những người đã làm việc rất chăm chỉ cho chuyến tông du này. Tôi biết ơn tất cả các bạn, những người đã chuẩn bị và đồng hành cùng chuyến thăm của tôi với lời cầu nguyện và chào đón tôi rất nồng nhiệt. Cách riêng, tôi chào những người Kurd yêu quý. Tôi đặc biệt biết ơn chính phủ và các cơ quan dân sự vì sự đóng góp không thể thiếu của họ, và tôi cảm ơn tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã hợp tác trong việc tổ chức toàn bộ chuyến tông du này ở Iraq, chính quyền Iraq - tất cả mọi người - và nhiều tình nguyện viên. Tôi cảm ơn tất cả các bạn!

Trong thời gian ở giữa các bạn, tôi đã nghe thấy những tiếng nói vang lên nỗi buồn và mất mát, nhưng cũng có những tiếng nói chứa chan hy vọng và an ủi. Điều này phần lớn là do hoạt động bác ái không mệt mỏi được thực hiện bởi các tổ chức tôn giáo của mọi truyền thống, các Giáo hội địa phương của các bạn và các tổ chức bác ái khác nhau hỗ trợ người dân đất nước này trong công cuộc tái thiết và hồi sinh xã hội. Đặc biệt, tôi cảm ơn các thành viên của ROACO và các cơ quan mà họ đại diện.

Bây giờ sắp đến lúc tôi trở lại Rôma. Tuy nhiên, Iraq sẽ luôn ở bên tôi, trong trái tim tôi. Tôi yêu cầu tất cả các bạn, anh chị em thân mến, hãy cùng nhau hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ lại ai và không phân biệt đối xử với ai. Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi cầu nguyện xin cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, có thể làm việc cùng nhau để xây dựng tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ lợi ích và hòa bình salam, salam, salam. ! Sukrán, cảm ơn các bạn! Xin Chúa chúc lành cho tất cả! Xin Chúa phù hộ cho Iraq! Allah ma’akum! Chúa ở cùng anh chị em!

Sau đó, Đức Thánh Cha đã gặp ông Abdullah Kurdi, cha của cậu bé Alan, người bị đắm tàu cùng với anh trai và mẹ của mình trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9 năm 2015, trong khi đang cố gắng đến Âu Châu.

Sau khi chào từ biệt Đức Tổng Giám Mục Erbil, Tổng thống và Thủ tướng của Khu tự trị người Kurdistan của Iraq, Đức Thánh Cha rời Sân vận động “ Franso Hariri” và đi xe đến Sân bay Erbil và lên một chiếc máy bay của Hãng hàng không Iraq để đến Sân bay Baghdad. Sau đó, ngài lên xe trở lại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.


Source:Libreria Editrice Vaticana