Ngày 02-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bánh Sự Sống Hằng Ngày
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
08:24 02/04/2008
Bánh Sự Sống Hằng Ngày # 43

CẦN NHỮNG BANABA HÔM NAY (Cv 9, 27)

Một thanh niên đến dự thánh lễ trong nhà thờ tôi gần đây. Anh này để tóc dài, nhuộm nhiếu màu, đầu đinh. Anh mặc y phục màu sặc sỡ, thân thể có nhiều hình xăm và đeo vòng tai.

Một số người nhìn anh chằm chằm, người khác thì mỉm cười ngụ ý: “Gặp anh ở nhà thờ thì cũng tốt; nhưng xin đừng ngồi kế bên tôi.” Nhưng cũng có một số chào thăm sau giờ lễ, họ bước ra vui vẻ hỏi han và chấp nhận anh. Họ là những người xây cầu như Banaba.

Một phút suy tư: Banaba là người xây cầu cho Sao-lô (cũng gọi là Phaolô) đến gặp các tông đồ. Khi Sao-lơ tới Giêrusalem ở đây 3 năm sau khi trở lại đạo, nhiều môn đệ nghi ngờ về sự biến cải của ông. (Cv 9, 26). Sau-lơ bị tai tiếng quá nhiều về sự bắt đạo Chúa. Nhưng ông Banaba một Tín hữu Do thái đã can đảm bão lãnh cho ông Phaolô với các Tông Đồ ở Giêrusalem. (Cv 9, 27). Vì tin tưởng ở quyền năng và ân sủng của Chúa và đã trở thành chiếc cầu nối giữa Sao-lô và các Tông đồ.

Hai ông cộng tác với nhau trong hành trình truyền giáo. Các Tông đồ tiếp nhận ông Phaolô và sẵn sàng cho ông giảng và gặp gỡ các Tín hữu. Ông được là chứng nhân vì đã được thấy Đức Giêsu hiện ra và đã được sai đi. Sau đó ông có cơ hội đi loan báo Tin Mừng ở ngoài xứ Palestine, đúng như lệnh truyền của Chúa. (Cv 9, 15)

Saolô cần có người bên cạnh để khích lệ và chỉ dạy mình, cũng như giới thiệu ông với các Tín hữu khác. Banaba chính là chiếc cầu nối kết ấy; kết qủa là Saolô được thi hành sứ vụ với các Tông đồ tại Giêrusalem và có khả năng mạnh dạn giảng Phúc âm tại đó.

Các người Tân Tòng rất cần một Banaba trong cuộc đời của họ. Bạn hãy tìm hoàn cảnh thích hợp để làm cầu nối kết trong cuộc đời của các người khác, để họ trở thành mộn đệ của Đức Kitô hôm nay.

Bánh Sự Sống tôi ghi nhớ: Banaba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Saolô đến gặp các Tông Đồ… (Công vụ 9, 27)

Phó tế: JB Nguyễn Định/Huyền Đồng * johndvn@yahoo.com
 
Sống sứ điệp Lòng Thương Xót là để Chúa làm chủ đời mình
Phaolô Phạm Xuân Khôi
13:38 02/04/2008
SỐNG SỨ ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT LÀ ĐỂ CHÚA LÀM CHỦ ĐỜI MÌNH

Tín Thác là nhân đức căn bản và cần thiết cho những ai muốn sống Sứ Ðiệp Lòng Thương Xót. Chúa muốn chúng ta trở nên bình chứa đựng sự thương xót. Nhưng cái bình này có khả năng chứa đựng và tỏa ra nhiều hay ít tùy thuộc vào lòng tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Tín thác không chỉ có nghĩa là tin rằng Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy; mà còn có nghĩa là phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa, để cho Ngài điều khiển cuộc đời mình. Tín Thác đòi hỏi sự hối cải tận trái tim và linh hồn. Tín thác đem lại cho chúng ta sự khôn ngoan để hiểu biết sự cần thiết của việc cầu xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để xót thương tha nhân, và để Thiên Chúa làm chủ đời mình. Tín Thác vào Chúa đem lại cho tâm hồn chúng ta bình yên thật, sự bình yên của Đức Kitô Phục Sinh.

Tín Thác đòi chúng ta khiêm nhường. Người kiêu ngạo cho rằng những thành công là do tài năng của mình và họ cảm thấy không cần tín thác vào Thiên Chúa. Làm tông đồ của Chúa mà chỉ biết tin vào tài năng của mình, và không cậy vào Chúa, không những chỉ đưa đến thất bại trong việc phục vụ, mà còn vô hiệu hóa tất cả mọi việc lành mình làm. "Trừ khi Chúa xây căn nhà, vô ích thay những ai dùng sức mình mà xây" (TV 127:1).

Chúa nói rõ cho Thánh Faustina rằng càng tín thác nhiều vào Chúa và cố gắng sống theo ý Chúa, chứ không theo ý mình, thỉ chúng ta càng được Người ban cho nhiều ân sủng. Người nói:

"Con hãy nói [cho mọi người], Cha chính là Tình Yêu và Lòng Thương Xót. Khi một linh hồn đến cùng Cha với một lòng tín thác, Cha sẽ đổ tràn đầy ân sủng xuống đến nỗi nó không thể chứa đựng nổi mà phải tỏa ra cho các linh hồn khác" (Nhật Ký, 1074).

Dịp khác, Người nói cùng Chị:

"Hãy để cho những linh hồn cố gắng trở nên hoàn thiện tôn thờ Lòng Thương Xót Cha, vì những ân sủng dồi dào mà Cha ban phát ra từ Lòng Thương Xót. Cha muốn những linh hồn đó nổi bật vì sự tín thác vô cùng vào Lòng Thương Xót Cha. Chính Cha sẽ chăm lo công việc thánh hóa các linh hồn đó. Cha sẽ ban cho họ mọi sự họ cần để nên thánh. Ân sủng của Lòng Thương Xót Cha được lãnh nhận qua một phương tiện mà thôi, đó là tín thác. Linh hồn nào tín thác nhiều sẽ nhận được nhiều. Những linh hồn tín thác vô hạn là niềm an ủi lớn cho Cha, vì Cha đổ tất cả kho tàng ân sủng Cha trên họ. Cha thích thú vì họ cầu xin nhiều, vì chính Ý Cha là cho nhiều, rất nhiều. Ngược lại, Cha buồn khi họ cầu xin quá ít, khi tim họ hẹp lại" (Nhật Ký, 1578).

Chúa yêu cầu Chị Faustina cầu nguyện cho các linh hồn:

"Hãy chiến đấu cho việc cứu rỗi các linh hồn, thúc đẩy họ tín thác vào lòng thương xót Cha, như là nhiệm vụ của con ở đời này và đời sau" (Nhật Ký, 1452).

"Hôm nay, Chúa đến cùng tôi và nói, 'Con ơi, giúp Cha cứu rỗi các linh hồn. Con sẽ đến cùng một người tội lỗi đang hấp hối, và con tiếp tục lần chuỗi (thương xót), và bằng cách này, con sẽ làm cho họ tín thác vào Lòng Thương Xót Cha. Vì họ đã tuyệt vọng'" (Nhật Ký, 1797).

Chúa muốn chúng ta tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa trong khi cầu nguyện cho mình và cho các linh hồn. Khi chúng ta sa ngã phạm tội, chúng ta lại càng phải hạ mình xuống xin Chúa thương xót. Đôi khi chúng ta trong mang nặng trong linh hồn tội lỗi, tức giận, tủi hổ, và thiếu tha thứ cùng với sự thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, là chính Lòng Thương Xót, và chúng ta suy nghĩ, "Làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi?” Đừng bao giờ tuyệt vọng vì tội lỗi mình. Chúa luôn xót thương và mong chờ chúng ta trở về gieo mình vào vòng tay âu yếm của Người. Ðể minh chứng hùng hồn cho Lòng Thương Xót Chúa, Thánh Faustina kể:

"Vào chiều ngày sau cùng trước khi tôi đi Vilnius, một chị lớn tuổi cho tôi biết tình trạng linh hồn chị. Chị nói rằng chi đã phải đau khổ trong lòng vài năm, dường như chị đã xưng tội không nên, và chị nghi rằng Chúa Giêsu không tha tội cho chị. Tôi hỏi chị xem chị có nói với cha giải tội điều đó không. Chị trả lời rằng chị đã nói với cha các giải tội nhiều lần và... "cha giải tội luôn luôn nói tôi cứ an tâm, nhưng tôi vẫ quá lo buồn, và không gì làm tôi khuây khỏa, tôi luôn cảm thấy rằng Thiên Chúa chưa tha thứ cho tôi.” Tôi trả lời, “Chị nên vâng lời cha giải tội, và hãy hoàn toàn bình an, vì đây chắc chắn là một cám dỗ."

Nhưng chị rớt lệ nài nỉ tôi hỏi Chúa Giêsu xem Chúa đã tha cho chị chưa và chị đã xưng tội nên hay không. Tôi trả lời cách quyết liệt, "Chi cứ tự mình hỏi Người, nếu chị không tin cha giải tội!” Nhưng chị nắm tay tôi và không bỏ ra đến khi tôi trả lời chị, và chị tiếp tục xin tôi cầu nguyện cho chị và cho chi biết Chúa Giêsu nói gì về chị với tôi. Chị khóc lóc thảm thiết và không để tôi đi cùng nói: “Tôi biết Chúa Giêsu nói với chị.” Vì chị nắm chặt tay tôi và tôi không gỡ ra nổi, tôi hứa cầu nguyện cho chị. Buổi chiều, trong lúc Chầu Thánh Thể, tôi nghe những lơi này trong lòng: "Con hãy nói với chị ấy rằng sự không tin của chị làm tim Ta đau nhiều hơn các tội chị ấy đã phạm."

Khi tôi nói cho chị biết điều này, chị bắt đầu khóc như một em bé, và một niêm vui lớn lao xâm chiếm hồn chị. Tôi hiểu rằng Thiên Chúa muốn dùng tôi để an ủi linh hồn này. Dầu tôi bị thiệt hại nhiều, tôi đã làm cho Ý Chúa được thể hiện
" (Nhật Ký, 628).

Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm lời Chúa; "Con hãy nói với chị ấy rằng sự không tin của chị làm tim Ta đau nhiều hơn các tội chị ấy đã phạm." Một khi chúng ta đã xưng tội và ăn năn, chúng ta không còn lý do gì để tiếp tục có mặc cảm tội lỗi và hổ thẹn, vì Chúa Giêsu là một Lương Y tài giỏi có thể chữa lành hết mọi vết thương lòng và trái tim đầy thẹo của chúng ta. Thánh Faustina viết:

Hôm nay, Chúa nói với tôi, "Ta đã mở trái tim Ta ra như một Suối Thương Xót hằng sống. Tất cả các linh hồn hãy múc sinh lực từ đó. Hãy để chúng đến gần biển Thương Xót này với lòng tín thác lớn lao. Người tội lỗi sẽ được trở nên công chính, và người công chính sẽ được thêm sức trong sự thiện. Ai tín thác vào Lòng Thương Xót Ta sẽ được tràn đầy bình an của Thiên Chúa trong giờ chết" (Nhật Ký, 1520).

"Vậy chúng ta hãy dạn bước lại gần ngai tòa của ân sủng, để chúng ta lãnh nhận ơn thương xót và tìm thấy ơn trợ giúp khi cần thiết" (DT 4:16).

Tín thác vào Chúa khi mọi việc trôi chảy thì dễ. Nhưng tín thác khi gặp khó khăn mới là điều cần thiết. Nghi ngờ sẽ nảy ra khi chúng ta bị thử thách và đau khổ. Khi ấy chúng ta sẽ nghi ngờ và tự hỏi "Thiên Chúa ở đâu?" hoặc "Thực sự có Thiên Chúa không?" Nếu chúng ta cầu nguyện, nhận ra, và tin rằng chúng ta đang thực thi Thánh Ý Chúa, thì chúng ta cần phải cầu xin Chúa ban cho mình ơn can đảm, sức mạnh và đức tin sâu đậm hơn nữa. Vì đôi khi chúng ta quen thói chủ quan, cho rằng chính mình đang làm việc lành, và sau đó mới nhận ra rằng chính Thiên Chúa đã mở cửa cho mình.

Trong lúc phải chiến đầu và thất bại, chúng ta cần noi gương Thánh Phêrô mà thưa cùng Chúa rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã vất vả thâu đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Nhưng nếu Thầy bảo thế, con sẽ thả lưới." Sau khi họ làm vậy, họ bắt được nhiều cá đến nỗi lưới gần rách. Nên họ phải làm hiệu cho đồng nghiệp từ thuyền khác đến giúp ho." (Lc 5:5-7).

Thái độ này đòi hỏi một đức tin lớn lao. Nhưng, trong lúc bị thử thách, đức tin của chúng ta cũng bị thử thách, và đây chính là lúc chúng ta cần phải tín thác vào Chúa nhiều hơn nữa. Như một chiến sĩ tinh thần, chúng ta phải "tiến bước nhờ đức tin, chứ không bằng thị giác" (2 Cor 5:7).

Ôi lạy Chúa, xin chạm đến linh hồn con và để Ánh Sáng Chúa đốt cháy lòng con. Xin giúp con nhận ra rằng chỉ qua việc tín thác và phó dâng cuộc đời trong tay Chúa mà con có thể hiểu được bình an thật, bình an mà chỉ có Chúa có thể ban cho, là gì. Amen

(Viết Theo Nhật Ký của Thánh Faustina và Cẩm Nang Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa)
 
Hành trình Emmau - Đamas
LM Giuse Nguyễn Hữu An
14:30 02/04/2008
HÀNH TRÌNH EMMAU – ĐAMAS

Có thể nói đường đi Emmau nào có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.Tiếc thương Đức Giêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đamas, cả hai đều chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Họ đều cần ơn “trở lại” để đổi mới cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ trở lại bằng sự hiện diện đồng hành, bằng đòn quật ngã khỏi yên ngựa.

Dưới tác động của ân sủng, họ được biến đổi trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh.

Hành trình Emmau:

Ai đã từng có một lần thất bại trong tình yêu hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng buồn phiền chán nản, nặng trĩu ưu sầu của hai môn đệ trên đường Emmau. Mộng vàng tan bay, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng dưng đổ vỡ tan tành. Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng, họ luôn ôm ấp hoãi bảo lớn lao. Thầy sẽ lập quốc,đánh đuổi đế quốc La mã.Thầy sẽ là vua. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối họ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục.

Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang cùng đi với họ. Ưu tư duy nhất là ưu tư về chính mình. Thái độ ấy đã bịt mắt, đã che đi nguồn sáng nên họ đã không nhận ra sự hiện diện đầy thân tình của Đấng Phục Sinh.

Đức Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Ngài chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh ”Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn thánh kinh”. Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Ngài và chỉ có ý nghĩa vì Ngài. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của Đức Kitô. Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi.

Trong quán trọ, họ nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Mắt họ mở ra khi ”Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho họ”. Đó là cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly, một dấu ấn đã in sâu vào tâm hồn các môn đệ. Cảm nhận bừng cháy trong tâm hồn khi Đức Giêsu ngõ lời, nhưng Ngài đã biến đi. Hai ông đã phục hồi niềm tin, đã tìm lại được Chúa, Đấng Hằng sống trên đường đời của họ.Từ nay, Chúa ở với họ,tỏ ra cho họ qua những dấu chỉ niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm Phục sinh.

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục sinh.

Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.

Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Hành trình Đamas:

Trước khi trở lại, đối với Phaolô,Tin mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất chưa từng nghe nói bao giờ. Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại.

Nghe bài diễn văn của Simon-Phêrô, người dân chài rao truyền rằng:Giêsu Nazareth, người mà Thiên Chúa đã uỷ thác bằng các phép lạ tuyệt diệu, người mà các ông đã bắt và đã kết tội tử hình,đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài.Phải, Thiên Chúa đã cho cho sống lại…chúng tôi đã chứng kiến, tất cả chúng tôi đã là nhân chứng tại chỗ..

Saolô với tư cách là người có học, một biệt phái mộ đạo. Ông có thông biết thánh kinh bằng hay hơn kẻ chài lưới có bàn tay chai cứng ? Phêrô, Gioan đã nhân danh Đức Giêsu đặt tay lên người bệnh và người bệnh được khoẻ mạnh. Phêrô và Gioan đã bị nhốt trong ngục tối, cửa sắt khoá chặt, quân đội súng ống canh gác ngày đêm trước dãy tường kiên cố. Thế nhưng, Phêrô, Gioan đã được thả tự do bởi một bàn tay kỳ diệu. Người lạ gặp thấy hai ông đang lên tiếng to trong hành lang của đồn là Đức Giêsu đã sống lại, hai ông đã chứng thực về những phép lạ các ông cử hành nhân danh Thầy Chí Thánh.

Saolô không thể chấp nhận như thế mãi được, phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Nhận lệnh từ Giêrusalem, Saolô lên đường đi Đamas. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, bụi tung mịt mù, trời nóng như thiêu đốt. Không quan trọng ! Saolô ra đi, điều cần thiết nhất là nhanh chóng bắt hết bọn tà đạo về Giêrusalem.

Và bỗng chốc, một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ lấy Saolô làm ông ngã ngựa. Ong không còn thấy gì nữa. Ong nghe có tiếng gọi ông:”Sa-un,Sa-un,sao ngươi lại bắt bớ Ta?”

Ong hỏi lại:”Thưa Ngài, Ngài là ai?”Tiếng nói lại âm vang:”Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại”( Cv 9,5) Saolô hoàn toàn bối rối. Ong nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi ! Thê rồi ông chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ ngài là một, và Saolô đã khuất phục:”Lạy Chúa,Chúa muốn con làm gì?”.Chúa truyền cho Saolô vào thành gặp Khanania. ( Cv 9,5-8). Saolô đứng dậy, ông chớp mắt mà không thấy gì. Ong được đưa về Đamas. Sau ba ngày,có một người Dothái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo:”Saolô,người anh em,hãy nhìn thấy lại”.Phép lạ đã xảy ra, Saolô lại thấy được. Saolô đã chịu phép rửa bởi tay Khanania. Ong cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện.Thế là ông rời bỏ Đamas để sang vùng Ảrập sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị ba năm (Gal 1,17). Ba năm trời ông nghiền ngẫm thánh kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin mừng. Ba năm trời đã cho ông tâm tình của Chúa Kitô,đã đồng hoá ông với Đức Kitô đến nổi ông phải tuyên bố:” Không phải tôi sống,nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” ( Col 2,20).

Kể từ lúc sáng mắt, Saolô đã hoàn toàn đổi mới. Ong nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã ra đi khắp chân trời góc biển rao giảng Tin mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại lừng danh. Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).

Hành trình Đamas đã làm thay đổi cuộc đời Phaolô. Sống và chết cho Đức Kitô trong tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ (Rm 8,35-39).

Đọc lại hành trình Emmau, hành trình Đamas để nhận thấy người Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự khi khởi đi từ niềm tin Chúa Kitô sống lại.

Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Đức Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.

Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.

Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.

Với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, nhất định người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của sự sống, chứng nhân của niềm vui.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 02/04/2008
NỮ OA TẠO NGƯỜI

N2T


Sau khi ông Bàn Cổ khai thiên lập địa thì các loại chim trời thú vật côn trùng và cá biển đầy cả mặt đất, thiên thần Nữ Oa nhìn thấy tình cảnh trên mặt đất như thế, thì muốn sáng tạo một loại sinh mệnh thông minh, có năng lực suy nghĩ để coi sóc chim trời thú vật côn trùng cá biển và các loài thảo mộc, khiến cho trên mặt đất đẹp tươi hơn.

Nữ Oa đi đến bên đầm nước, thuận tay bốc một nắm bùn, nhìn dung mạo của mình phản chiếu trong nước mà nặn ra thêm mấy hình Nữ Oa khác, sau đó thổi một hơi vào các mô hình ấy thì các mô hình ấy lập tức biết nói biết đi. Nữ Oa đặt tên cho các mô hình ấy là Người﹝人﹞ý nghĩa là có hai chân và một cái chóp đầu, có thể đứng thẳng mà đi.

Nữ Oa dạy người mà bà ta vừa tạo dựng phải biết tương thân tương ái, cháu chắt đông đàn đầy lũ, do đó mà con người gọi bà Nữ Oa là vị thần của hôn nhân.

(Phong tục thông nghĩa)

Gợi ý:

Dù là chuyện thần thoại, nhưng người Trung Quốc cổ xưa cũng đã có một sự tin tưởng là con người không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do loài vượn siêu đẳng tiến hóa mà thành, nhưng là được tạo dựng cách độc lập và độc đáo, bởi vì theo câu chuyện thần thoại trên đây, thì sau khi ông Bàn Cổ khai thiên lập địa thì trên mặt đất dầy những loài muông thú chứ không thấy có con người, thần Nữ Oa thấy như thế mới tạo dựng nên con người...

Trong sách Thánh Kinh cựu ước Sáng Thế Ký, Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết con người được Thiên Chúa tạo dựng trong ngày thứ Sáu (Stk 1, 24-31)–ngày cuối của việc tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng con người cách đặc biệt là: lấy bùn đất nặn lên hình người và thổi hơi làm cho nó sinh động biết nói biết đi và biết suy nghĩ, nhưng đặc biệt hơn là:

- “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.

- Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.

- Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (Stk 1, 27)


Con mèo là con mèo, con khỉ là con khỉ, con vượn là con vượn.v.v...cả ngàn năm sau chúng nó vẫn là con mèo, là con khỉ và con vượn, chúng nó –loài vật- không thể tiến hóa thành con người được; nhưng con người là con người, cả ngàn năm sau thì vẫn là con người, không thể tiến hóa thành con gì khác, có khác chăng là con người vì tham lam quá độ, vì sống buông tuồng mà nên giống con vật mà thôi.

Các em thực hành:

- Luôn nhớ mình là con cái của Thiên Chúa được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài.

- Luôn cám ơn Chúa và bố mẹ, vì qua bố mẹ mà Thiên Chúa đã chọn em làm người để hưởng phúc thiên đàng mai sau.

- Sống vui vẻ hòa thuận với các bạn, vì bạn bè cũng đều là con cái của Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 02/04/2008
N2T


11. Lạy Chúa của chúng con, chúng con ăn Thịt của Chúa và uống Máu của Chúa thì sẽ không nuốt không (uổng công), nhưng nhờ Ngài mà chúng con được sự sống đời đời.

(Thánh Ephraem)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám mục GP Erie bỏ chuyến thăm trường Công Giáo vì trường này mời bà Hillary Clinton đến nói chuyện
Thúy Dung
09:39 02/04/2008
Bất chấp những giáo huấn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, hiệu trưởng trường Mercyhurst College, một trường Công Giáo, đã mời bà Hillary Clinton đến nói chuyện tranh cử.

Anh chị em giáo dân giáo phận Erie đã tổ chức một buổi biểu tình phản đối vào chiều hôm thứ Ba, 2 giờ trước khi bà Hillary Clinton nói chuyện. Ông Tim Broderick, người lãnh đạo cuộc biểu tình cho biết việc Hillary Clinton xuất hiện trong một trường Công Giáo sẽ “dẫn dư luận chung đến chỗ sai lầm về Hillary và Bill Clinton, những kẻ quá khích trong việc cổ vũ phá thai tại Hoa Kỳ và trên thế giới”.

Đức Cha Donald W. Trautman, Giám Mục giáo phận Erie đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách hủy bỏ chuyến viếng thăm tại trường này vào tháng Năm. Trong thông báo do Tòa Giám Mục Erie đưa ra hôm qua, Đức Cha Trautman cho biết ngài lấy làm thất vọng vì một trường mang danh Công Giáo đã không phản ánh lập trường Giáo Hội chống lại phá thai. Ngài quyết định hủy bỏ cuộc thăm viếng nhà trường trong lễ tốt nghiệp diễn ra vào tháng tới để phản đối Ban Giám Hiệu nhà trường.
 
Tổng thống Colombia tin Đức Mẹ cứu ba nước trong vùng thoát họa chiến tranh
Nguyễn Việt Nam
10:04 02/04/2008
Tờ El Tiempo của Colombia, trong số ra ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, cho biết tổng thống nước này, ông Alvaro Uribe tin Đức Mẹ đã cứu ba nước Colombia, Ecuador và Venezuela thoát họa chiến tranh.

Khủng hoảng đã xảy ra khi quân đội Colombia bất ngờ tấn công vào một căn cứ của phiến quân cộng sản FARC nằm sâu trong lãnh thổ Ecuador hôm 1/3. Cố nhiên, Ecuador phản ứng cáo buộc Colombia vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Tổng thống Ecuador ông Rafael Correa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia. Chính quyền Chávez của Venezuela cũng nhào vô hô hoán chống lại Colombia và đưa quân áp sát biên giới.

Tổng thống Alvaro Uribe
Cha Julio Solórzano, tuyên úy Công Giáo tại phủ tổng thống cho biết khi tình trạng căng thẳng lên cực độ, hôm 5/3, tổng thống Alvaro Uribe đã yêu cầu tổ chức một buổi lần chuỗi Mân Côi tại dinh tổng thống với sự hiện diện của toàn thể nội các, và các nhân viên trong phủ tổng thống. Buổi đọc kinh Mân Côi đã cầu xin Đức Mẹ Chiquinquira, Đức Mẹ Coromoto và Đức Mẹ Đầy Lòng Thương Xót bổn mạng các nước Colombia, Venezuela, và Ecuador.

Đức Hồng Y Pedro Rubiano Saenz, Tổng Giám Mục Bogota, cũng đã đưa ra sự hậu thuẫn của ngài cho tổng thống Alvaro Uribe trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa nước này với Ecuador và Venezuela. Theo đề nghị của Đức Hồng Y, Colombia đã dành ra một phút để cả nước đọc kinh Lạy Cha vào buổi trưa Thứ Sáu 7/3 vừa qua.

Trong lời kêu gọi, Đức Hồng Y viết:

“Chúng ta xin Thiên Chúa giúp tất cả chúng ta được sống trong hòa bình. Vào lúc 12 giờ trưa chúng ta hãy đứng dậy và đọc kinh Lạy Cha cho đất nước Colombia”.

Đức Cha Fabio Suescun Mutis, Giám Mục Quân Đội hỗ trợ lời kêu gọi của Đức Hồng Y và 173 vị tuyên uý Công Giáo đã chủ sự các buổi cầu nguyện lúc 12 giờ trưa thứ Sáu với các quân nhân Colombia.

“Kinh Lạy Cha là lời kinh chúng ta dùng cho một nhu cầu đặc biệt. Do đó, chúng tôi kêu gọi mọi người dân Colombia hiệp nhất trong lời kinh này, để cầu cho một căn cớ chung là hòa bình, hiệp nhất, huynh đệ, sự cùng tồn tại giữa các nước chị em với nhau”. Đức Cha Suescun đã nói như trên qua làn sóng điện.

Hai ngày sau buổi đọc kinh Mân Côi tại phủ tổng thống, ba vị nguyên thủ quốc gia đã gặp nhau tại Rio và đồng ý tìm giải pháp hòa bình.

Cha Solórzano cho biết: “Tổng thống là một người ngoan đạo. Ông luôn mang trong người xâu chuỗi Mân Côi với chiếc thánh giá gỗ. Tôi thường thấy ông lần chuỗi trong khi ngồi trên máy bay và những lúc rảnh rỗi”.
 
Những hoạt động người dân Ba Lan tưởng nhớ ĐGH Gioan Phaolô II nhân lễ giỗ 3 năm
Đức Long
13:28 02/04/2008
BA LAN - Sau ba năm ĐGH J.P II qua đời, hôm nay thứ tư, người dân Ba Lan cử hành tưởng nhớ ĐGH của họ, trong khi đang chờ đợi Ngài được phong thánh, thì họ đã tôn kính Ngài như một vị thánh.

Đêm canh thức cầu nguyện tối thứ ba qui tụ hàng trăm bạn trẻ tại giáo đường thánh Anne- Varsovie, nơi ĐGH đã từng đến và có nhiều cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ lúc Ngài có những chuyến Tông Du Ba Lan.

Giáo dân đến tĩnh nguyện và thắp nến tại quảng đường chiến thắng Varsovie, tại đây năm 1979, Ngài có lời cầu xin Chúa Thánh Thần nổi tiếng “Xin Ngài đến canh tân bộ mặt trái đất nay”. Những lời này được người dân hiểu như là một lời động viện chống chế độ cộng sản: hơn một năm sau, một phong trào chống cộng sản, có tên Calidarnosc ra đời.

Tại Cracovie, thành phố mà ĐGH từng làm tổng giám mục trước khi được bầu làm Giáo Hoàng và có những cuộc du viễn trên hồ Mazurie miền bắc Ba Lan, nhiều bạn trẻ nối vòng tay nhau cùng xuống phố.

Một cuộc tụ hợp lớn theo dự tính sẽ diễn ra vào tối nay tại toà tổng giám mục Cracovie, dưới cửa sổ mà ĐGH có thói quen trò chuyện với đám đông

Vào lúc 21 giờ 37 phút ngày 02/04/05 là giây phút giã đời của ĐGH, tối nay người ta sẽ thắp sáng nến hướng lên trời với ý nguyện cho Ngài sớm được phong thánh.

Tại Wadowie, miền nam Ba Lan, quê hương của Ngài cũng diễn ra nghi thức tương tự. Ngay từ buổi sáng, đã có cử hành lời kinh phụng vụ với lời cầu cho Ngài được phong thánh.

Rất nhiều thánh lễ, triển lãm, văn nghệ, hòa nhạc, các hoạt động thể thao diễn ra khăp Ba Lan để tưởng nhớ ĐGH kính yêu của họ.

(Nguồn: La Croix 02/04 /08)
 
Giáo phận Shreveport ở TB Lousiana có tân giám mục
Peter Nguyễn Minh Trung
13:40 02/04/2008
VATICAN (CNA) 01/04/2008 - Giáo phận Shreveport, bang Louisiana với dân số Công giáo khoảng 40,000 người, hôm nay đã có tân Giám mục. Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ sáng nay đã công bố: "Đức ông Michael Duca của giáo phận Dallas sẽ trở thành tân Giám mục của giáo phận Shreveport."

Đức ông Michael Duca sẽ là vị Giám mục thứ 2 của giáo phận Shreveport đang trống tòa, thay thế cho Đức Cha William Friend đã nghỉ hưu vào tháng 12 năm 2006.

Ứng cử viên Giám mục Duca đã nói sau khi được bổ nhiệm: "Tôi thật hèn mọn khi vinh dự được Đức Thánh Cha chỉ định làm Giám mục giáo phận Shreveport. Thật là một hồng ân lớn lao không thể ngờ được, nhưng không phải không có một số cảm xúc lẫn lộn. Ba mươi năm linh mục của tôi tại giáo phận Dallas là kinh nghiệm rất phong phú. Tôi có cơ hội được phục vụ tại các giáo xứ và làm việc với những chủng sinh mà tương lai sẽ trở thành linh mục trong giáo phận Dallas với cương vị hiệu trưởng Chủng viện Chúa Ba Ngôi. Điều ấy thực sự giúp tôi nhiều trong việc trở thành vị mục tử của Chúa."

Đức Cha Kevin Farrell - Giám mục giáo phận Dallas đã chúc mừng Giám mục tân cử Duca: "Tôi vui sướng và cảm động về việc cha Duca được bổ nhiệm làm Giám mục. Giáo phận sẽ được lợi với sự bổ nhiệm này nhờ khả năng lãnh đạo và nhiều tài năng khác của ngài. Tôi sẽ nhớ mãi những gì ngài đã để lại nơi đây, tôi cũng vui mừng vì giáo phận Shreveport sắp có một nhà lãnh đạo tinh thần mạnh mẽ và có năng lực như vậy. Tất cả chúng ta sẽ cầu nguyện cho hạnh phúc và thành công của ngài.

Cha Duca, năm nay 55 tuổi, là người gốc Dallas, gia nhập chủng viện Chúa Ba Ngôi ở Irving, Texas nơi mà sau này ngài trở thành hiệu trưởng. Thụ phong linh mục năm 1978, ngài phục vụ trong cương vị giám đốc về ơn gọi cho giáo phận, hiệu trưởng đại học Công giáo Southern Methodist và coi xứ tại một số giáo xứ của Dallas.

Cha Duca chỉ vừa được chỉ định làm Giám mục một tháng sau lễ kỷ niệm 30 năm linh mục của ngài.

Theo văn phòng TGM Dallas, Thánh lễ thụ phong Giám mục dự tính sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 05.
 
Tín hữu Kitô và tín đồ Hồi giáo: Với những tín điều khác biệt, làm thế nào để sống chung.
Phụng Nghi
15:39 02/04/2008
Nhận định của Samir Khalil Samir, Dòng Tên.

Beirut (AsiaNews) – Ngày 20 tháng 3 vừa qua, nhiều cơ quan thông tấn đã loan tin sau đây từ Riyadh: "Không nên cho phép xây cất nhà thờ nào tại Saudi Arabia, trừ khi Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI công nhận tiên tri Mohamet.” Đây là đề nghị đưa ra do một số người trung gian tại Riyadh đang thương thảo với các giới chức Vatican về khả năng có thể xây cất một chỗ thờ phượng cho người Công giáo trong vương quốc Ả rập Saudi.

Anwar Ashiqi, chủ tịch Trung tâm Saudi Nghiên cứu Chiến lược vùng Trung Đông, phát biểu quan điểm này trong cuộc phỏng vấn trên mạng lưới của hệ thống Truyền hình vệ tinh Ả rập, al-Arabiya.

Ông nói: “Tôi đã tham dự nhiều cuộc họp liên quan đến cuộc đối thoại Hồi giáo-Thiên Chúa giáo, và đã có những thương thảo về vấn đề này. Có thể tiến hành những cuộc hiệp thương chính thức về việc xây cất một thánh đường tại Saudi Arabia chỉ sau khi nào Giáo hoàng và tất cả các Giáo hội Thiên Chúa công nhận tiên tri Mohamet.” (*)

* * *

Có một số hiểu lầm cần phải làm cho sáng tỏ. Anwar Ashiqi nói: “Bởi vì đạo chúng tôi công nhận đạo Kitô và các nhân vật như Giêsu, Môise và các vị tiên tri khác…”

Hồi giáo có công nhận đạo Kitô và nhân vật Giêsu hay không?

“Công nhận Kitô giáo” có nghĩa như thế nào? Nếu có nghĩa là “công nhận chân lý của đạo Kitô như tôn giáo này tự xác định”, thì Hồi giáo không còn phải là Hồi giáo nữa. Làm sao Anwar Ashiqi có thể công nhận Chúa Ba ngôi, Nhập thể, Cứu chuộc và mọi tín điều của Kitô giáo được, trong khi kinh Koran rõ rệt phủ nhận những điều đó?

Hồi giáo phủ nhận Ba Ngôi: (“Hỡi những người tin theo Kinh Sách! Đừng đi quá mức trong tôn giáo mình, đừng nói (điều gian dối) chống lại đức Allah, nhưng (nói) sự thật; đấng Messia, Giêsu con của Meriem chỉ là một môn đồ của đấng Allah và Lời của Người mà Người thông truyền cho Meriam và một thần linh đến từ Người; vì vậy hãy tin đức Allah và các môn đồ của Người, và đừng nói, có Ba. Chấm dứt đi, đó là điều tốt hơn cho các con; Đức Allah là Thượng đế duy nhất; không khi nào từ vinh quang của Người mà Người lại có con trai.” Koran 4:171).

Hồi giáo phủ nhận thiên tính của Đức Kitô: (“Hỡi Giêsu con của Meriam! Ông đã có nói cho người ta điều này không: Hãy nhận ta và mẹ ta làm hai thần linh ngoài đức Allah?” Koran 5:116).

Hồi giáo phủ nhận sự chết của Đức Kitô trên thập giá: (“chúng không thực giết ông ta, cũng không đóng đinh ông ta, nhưng dường như đối với chúng là như vậy.” Koran 4:157).

Tóm lại, kinh Koran và người Hồi giáo phủ nhận những tín điều căn bản của Thiên Chúa giáo. Và đó là quyền tuyệt đối của người theo đạo Hồi!

Nói rằng Hồi giáo “công nhận nhân vật Giêsu, Môisê và các tiên tri khác” thì có nghĩa như thế nào? Kinh Koran trình bày một Giêsu của riêng sách này, tuy có trùng hợp với các sách Tin Mừng ở một vài khía cạnh, nhưng không ở những khía cạnh khác. Ngay cả một số người có thể thấy một phiên bản Giêsu trong kinh Koran đẹp đẽ hơn là Giêsu trong các sách Tin mừng. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là hình ảnh này không trùng hợp với Đức Giêsu ta thấy trong các sách Tin mừng. Và đó là quyền tuyệt đối của người theo đạo Hồi, với điều kiện rõ rệt là chúng ta đang nói về một nhân vật Giêsu theo kinh Koran mô tả.

Và cũng như thế khi nói về những vị mà người Hồi giáo gọi là “tiên tri”, nghĩa là những nhân vật không nhất thiết là các tiên tri trong Kinh thánh. Còn về các vị đại ngôn sứ trong Kinh thánh (Isai, Giêrêmia, Giacaria, v.v.) thì cả trong kinh Koran lẫn Sunnah đều không nói tới.

Đức giáo hoàng và người Kitô giáo có thể công nhận Mohamet là một vị tiên tri?

Nói rằng “Đức giáo hoàng và mọi Giáo hội Thiên Chúa” phải công nhận “tiên tri Mohamet” có nghĩa như thế nào? Đức giáo hoàng có liên quan gì đâu với “tất cả mọi Giáo hội Thiên Chúa” khi mà vấn đề ở đây chỉ là xây cất một thánh đường cho người Công giáo, đó là yêu cầu đặt ra ngày 6 tháng 12 trong cuộc họp giữa Đức giáo hoàng và vua Abdallah. Vậy chứ Đức giáo hoàng có quyền hành gì đối với các Giáo hội khác….và ngược lại?

Nhưng chuyện kỳ lạ nhất trong mọi chuyện là yêu cầu Đức giáo hoàng công nhận tính cách ngôn sứ của Mohamet. Làm sao mà như thế được? Làm cách nào mà bạn công nhận rằng ông ta là “dấu ấn của các tiên tri”, trưng dẫn theo lối nói trong kinh Koran xuyên suốt truyền thống Hồi giáo? Làm sao người Kitô giáo có thể cùng một lúc tin rằng Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa, là sứ điệp sau cùng của Thiên Chúa ban cho nhân loại, là Ngôi Lời nhập thể, mà rồi cũng tin rằng sau đó Thiên Chúa, Cha của Ngài, lại sai một tiên tri khác để đóng dấu ấn khép lại Mạc khải, nghĩa là hoàn tất, sửa chữa, phủ nhận những gì đã nói về Ngài trong các sách Tin mừng?

Ngoài những vấn đề về tín lý, còn có một nguyên tắc về cố kết mạch lạc và không tự mâu thuẫn, ngăn không cho Đức giáo hoàng cũng như một tín hữu bình thường xác nhận rằng Mohamet được Thiên Chúa sai xuống toàn thể thế gian (chứ không phải chỉ riêng cho người Ả rập) để tuyên xưng Sứ điệp thần linh đã được đặt trong lòng Abraham (theo kinh Koran, ông là một người Hồi giáo) và được mạc khải hoàn toàn nơi ông ta.

Tôi có thể hiểu được chuyện người Hồi giáo cảm thấy bực bội về sự kiện là không người Kitô giáo nào, trong tâm tưởng ngay thực, lại có thể tuyên xưng rằng, sau Đức Kitô, Thiên Chúa đã sai những sứ giả khác nữa, trừ phi là chỉ để đi theo Đức Kitô, noi gương Người và tuyên dương sứ điệp của Người. Quả thực đối với tín đồ Hồi giáo thì đây có thể coi như là một thứ bất công. Suy cho cùng, vì “chúng tôi công nhận Giêsu là tiên tri của Thượng đế, tại sao các ông lại không thể công nhận Mohamet là tiên tri của Thượng đế?”

Câu trả lời là: đây không phải là vấn đề trao đổi, có qua có lại: “Tôi cho anh cái này còn anh cho lại tôi cái kia!” Chúng ta không phải đang ở chợ búa. Vấn đề là về đức tin của riêng chúng ta, được gìn giữ chân thành và ngay thẳng, không có nghĩa là tấn công hoặc mạ lỵ ai, nhưng chỉ là tránh rơi vào sự trá nguỵ hoặc lối nói nước đôi.

Là người Kitô hữu, tôi không thể yêu cầu người Hồi giáo tin vào thiên tính của Đức Kitô để đổi lại việc công nhận tính cách tiên tri của Mohamet. Nếu một người Hồi giáo sẵn sàng làm như vậy, thế thì người đó nên được rửa tội để thành một Kitô hữu. Theo cùng lý lẽ đó, nếu một tín hữu Thiên Chúa giáo công nhận Mohamet là một tiên tri, người đó nên được công nhận là người theo Hồi giáo.

Tại sao vậy? Bởi vì một người được coi là theo đạo Hồi nếu người đó tuyên xưng một đức tin kép: “Tôi xác nhận rằng không có vị thần nào đáng tôn thờ ngoài Thượng đế (Allah), và tôi xác nhận rằng Mohamet là thiên sứ của Thượng đế.”

Hiện giờ, hàng ngày chúng ta xác nhận đức tin thứ nhất; nếu tôi thêm đức tin thứ hai vào, tôi chắc chắn trở thành tín đồ Hồi giáo.

Một người có thể vừa là tín đồ Hồi giáo vừa là Kitô hữu?

Tôi rất muốn vừa là tín đồ Hồi giáo vừa là Kitô hữu, nhưng không thể được, vì ở một số điểm hai tôn giáo này không chỉ khác biệt mà còn đối chọi nhau. Và đây không phải là điều gì xấu xa cả. Như Mohamet đã nói với những người không tin theo trong kinh Koran: “Các bạn hãy theo tôn giáo các bạn, còn tôi hãy theo đạo của tôi.” Điều quan trọng là sự tôn kính chúng ta phải có đối với nhau. Và hơn cả kính trọng, là tình yêu thương trìu mến.

Người anh em Hồi giáo thân mến, Thiên Chúa yêu thương bạn cũng như yêu thương tất cả mọi người khác. Hãy trung thành với đức tin của bạn, và thúc đẩy tôi trung thành với đức tin của tôi. Cả tôi nữa cũng có bổn phận trung thành với đức tin của tôi và thúc đẩy bạn trung thành với đức tin của bạn. Nhưng bạn không thể o ép ai hết nếu bạn nói: “Không được phép có nhà thờ nào cả ở Saudi Arabia, trừ khi Giáo hoàng Bênêđictô XVI công nhận tiên tri Mohamet!” Cũng tương tự như thế, không ai phải bị o ép với câu nói: “Nếu những tín đồ Hồi giáo không công nhận con người Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, thì sẽ không có ngôi đền Hồi giáo nào ở phương Tây cả.”

Lòng khoan dung chân thật có nghĩa là công nhận người khác đúng như là con người họ, không phải là con người theo như ý muốn của tôi! Các bạn không thể công nhận thiên tính của Đức Kitô (dù đó là tín điều căn bản đối với người Kitô giáo) và tôi không thể công nhận tính cách tiên tri của Mohamet (mặc dầu đó là tín điều căn bản đối với người Hồi giáo).

Tuy nhiên tôi có thể cố gắng tìm biết tại sao điều này lại là căn bản đối với bạn: Mohamet là tiên tri của Thượng đế, quả thực là “dấu ấn của các tiên tri”, và vì lý do này tôi sẽ kính trọng nhân vật Mohamet. Còn bạn, bạn có thể cố gắng tìm hiểu tại sao lại là điều căn bản đối với tôi khi tin rằng Đức Kitô là “Con Thiên Chúa”, và vì lý do này bạn sẽ kính trọng con người Giêsu. Đây nên là trường hợp chúng ta có thể chung sống với nhau như bè bạn tốt, hoặc ngay cả như anh em, cùng công nhận rằng chúng ta có khác biệt nhau mà vẫn vui vẻ vì sự khác biệt đó.

(*)http://www.adnkronos.com/AKI/English/Religion/?id=1.0.1993520344
 
Lễ giỗ 3 năm Đức Gioan Phaolô II
Linh Tiến Khải
17:35 02/04/2008
Vatican - Sáng thứ tư 2-4-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cử hành thánh lễ trước thềm đền thờ thánh Phêrô nhân lễ giỗ 3 năm của vị tôi tớ Chúa Đức Gioan Phaolô II.

Toàn cảnh lễ giỗ 3 năm Đức Gioan Phaolô II
Các vị Hồng Y trong thánh lễ
Các nữ tu và tập sách về Đức Gioan Phaolô II
Đông đảo anh chị em đứng chật quảng trường Thánh Phêrô
Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 30 Hồng Y, trong đó có Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, nguyên Bí thư của Đức Gioan Phaolô II. Cùng với hàng chục Tổng Giám Mục và Giám Mục, đã có hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự thánh lễ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người nâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội người tôi tớ trung thành và can đảm là Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài cũng mời gọi mọi người chúc tụng Đức Trinh Nữ Maria vì đã liên lỉ che chở con người và sứ vụ của Đức Gioan Phaolô II vì ích lợi của dân Chúa và toàn nhân loại. Gợi lại biến cố Đức Gioan Phaolô II qua đời cách đây 3 năm Đức Thánh Cha nói:

Ngày mùng 2 tháng 4 đã in sâu trong ký ức của Giáo Hội như là ngày ra đi khỏi thế giới này của vị tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chúng ta xúc động sống lại các giờ phút của chiều thứ bẩy ấy, khi tin người qua đời được một đám đông lớn tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để cầu nguyện tiếp nhận. Trong nhiều ngày đền thờ và quảng trường thánh Phêrô đã thực sự trở thành con tim của thế giới. Một dòng sông tín hữu hành hương liên tục đến kính viếng thi hài của vị Giáo Hoàng đáng kính, và lễ nghi an táng đã ghi dấu chứng tá cuối cùng của sự kính trọng và lòng qúy mến mà người đã chinh phục được trong tâm lòng của biết bao nhiêu tín hữu và con người thuộc mọi phần đất trên thế giới này.

Cũng như cách đây ba năm hôm nay con tim của Giáo Hội vẫn còn chìm sâu trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa. Và chúng ta có thể đọc tất cả cuộc sống của Vị Tiền Nhiệm qúy yêu của tôi, đặc biệt là sứ vụ Phêrô của người, trong dấu chỉ của Chúa Kitô Phục Sinh. Người đã nuôi dưỡng một lòng tin ngoại thường nơi Chúa Phục Sinh và đặc biệt thân tình liên lỉ đàm đạo với Chúa. Trong biết bao nhiêu đức tính nhân bản và siêu nhiên Đức Gioan Phaolô II đặc biệt có sự nhậy cảm thiêng liêng và thần bí: chỉ cần nhìn người cầu nguyện và cử hành Thánh Lễ để thấy người hoàn toàn chìm đắm trong mầu nhiệm của Chúa như thế nào. Thánh Lễ là trung tâm của mỗi ngày sống và toàn cuộc đời người. Thực tại ”sống động và thánh thiện” của Bí tích Thánh Thể trao ban cho người nghị lực tinh thần để hướng dẫn Dân Chúa trên con đường lịch sử.

Đức Gioan Phaolô II đã tắt thở ngày áp Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh... Triều đại của người, cuộc sống của người cùng với biết bao nhiêu thời điểm khác xem ra là một dấu chỉ và một chứng tá của sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Sự năng động phục sinh biến cuộc sống của Đức Gioan Phaolô II trở thành một câu trả lời hoàn toàn cho lời mời gọi của Chúa, không thể được diễn tả mà không có sự tham dự vào các khổ đau và cái chết của Thầy Chí Thánh và Đấng Cứu Thế. Thánh Phaolô khẳng định rằng: ”Đây là lời đáng tin cậy: Nếu chúng ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2,11-12). Ngay từ ngày còn bé Karol Wojtyla đã sống thực tại của các lời này, khi gặp gỡ thập giá trên đường đi của mình, trong gia đình và nơi dân tộc mình. Người đã quyết định cùng Chúa Giêsu vác thập giá và theo chân Chúa. Người đã muốn là tôi tớ trung thành của Chúa cho tới chấp nhận ơn gọi linh mục như ơn thánh và sự dấn thân suốt đời.

Nhắc lại lời mời gọi ”đừng sợ hãi” Đức Gioan Phaolô II đã nói lên ngay đầu triều đại của người Đức Thánh Cha nói:

Ước chi các bài Kinh Thánh vừa được tuyên đọc ”Đừng sợ hãi” (Mt 28,5) hướng dẫn chúng ta trong suy tư này. Các lời sứ thần phục sinh nói với các phụ nữ gần mộ trống, mà chúng ta vừa mới nghe, đã trở thành một loại khẩu hiệu trên môi miệng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngay từ đầu sứ vụ Phêrô của người. Người đã lập lại nhiều lần với Giáo Hội và nhân loại trên đường tiến tới năm 2000 và vượt xa hơn vào bình minh của ngàn năm thứ ba nữa. Người đã luôn luôn nói lên các lời đó với sự cương quyết cứng rắn, trước hết bằng cách rung cây gậy mục tử có Thánh Giá, rồi khi sức lực thể lý suy yếu, bằng cách hầu như bám vào thập giá cho tới ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi từ nhà nguyện riêng người tham dự vào cuộc đi đàng Thánh Giá bằng cách ôm Thánh Giá trong tay. Chúng ta không thể nào quên được chứng tá cuối cùng và thinh lặng đó của tình yêu của người đối với Chúa Giêsu. Cả cảnh khổ đau nhân loại và lòng tin trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng ấy cũng đã chỉ cho các tín hữu và thế giới thấy bí quyết của toàn cuộc sống Kitô.

Lời mời gọi ”Đừng sợ” của người đã không dựa trên các sức mạnh của con người, cũng không dựa trên các thành công đã đạt được, nhưng chỉ dựa trên Lời Chúa nói trên Thập Giá và trên sự Sống Lại của Chúa Kitô. Từ từ người đã bị lột bỏ tất cả, sau cùng là cả tiếng nói nữa, nhưng sự tín thác nơi Chúa Kitô gia tăng cho đến chỗ tận hiến chính mình và cái chết là dấu ấn của một cuộc sống hoàn toàn hiến dâng cho Chúa Kitô và đồng hình đồng dạng với Chúa cả trong các nét của khổ đau và sự phó thác.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào mấy ngàn tham dự viên hội nghị quốc tế lần đầu tiên về Lòng Thương Xót Chúa khai diễn hôm 2-4-2008 tại Roma. Lòng Thương Xót Chúa là chìa khóa giúp đọc hiểu triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Người muốn Lòng Từ Bi của Chúa đến với tất cả mọi người và khuyến khích tín hữu làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế Đức Gioan Phaolô II đã nâng nữ tu Faustina Kowalska, tông đồ Lòng Thương Xót Chúa lên hàng hiển thánh. Vị tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II đã biết và sống các thảm cảnh của thế kỷ XX và tự hỏi cái gì có thể loại bỏ được thủy triều của sự dữ. Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy trong tình yêu của Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới có thể giới hạn sự dữ; chỉ có tình yêu toàn năng của Thiên Chúa mới có thể đánh bại quyền năng của các kẻ gian ác và sức mạnh tàn phá của lòng ích kỷ và thù hận. Vì thế trong chuyến viếng thăm Ba Lan lần cuối cùng người đã nói: ”Không có suối nguồn hy vọng nào khác cho con người hơn là Lòng Thương Xót Chúa”.

Kết thúc bài giảng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói: trong khi chúng ta dâng Hiến Lễ cứu độ đễ cầu cho linhh hồn người, chúng ta cũng cầu xin người tiếp tục bầu cử cho từng người trong chúng ta từ trên Trời, đặc biệt là cho tôi mà Chúa Quan Phòng đã muốn mời gọi tiếp nhận gia tài tinh thần vô giá của người. Ước chi Giáo Hội có thể tiếp tục sứ mệnh truyền giáo của mình một cách trung thành và không giàn xếp, bằng cách nghe theo giáo huấn và noi gương người, không mỏi mệt phổ biến tình yêu thương từ bi của Chúa Kitô, suối nguồn hòa bình đích thật cho toàn thế giới.

Các lời cầu nguyện giáo dân đã được tuyên đọc bằng 6 thứ tiếng Pháp, Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Anh và Tây Ban Nha. Đức Thánh Cha đã cho một số người rước lễ, trong khi 120 linh mục khác phân phát Mình Thánh Chúa cho giáo dân. Vào cuối thánh lễ Đức Thánh Cha đã chào tìn hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi ban phép lành cuối lễ cho mọi người.
 
Sợ Hòa Bình
Vũ Văn An
23:51 02/04/2008

Cản trở cho Hòa bình Trung Đông chính là do 'sợ Hòa bình



Rôma, 1 tháng Tư, 2008 (Zenit.org): Thượng Phụ Giêrusalem, Tổng Giám Mục Michel Sabbah, vừa hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo Giáo Hội La-tinh tại Đất Thánh, một nhiệm vụ ngài đã đảm nhận suốt 20 năm qua, từ năm 1987. Trước khi về hưu, TGM Michel Sabbah dành cho báo chí một cuộc phỏng vấn về cuộc tranh chấp từng gây căng thẳng cho vùng đất này. Vị giáo phẩm, vốn xuất thân tại Nadarét cách nay 75 năm, cho rằng cản trở chính tiến đến hòa bình cho vùng đất được ngài mệnh danh là Lãnh Thổ Phục Sinh này chính là lòng người sợ hòa bình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, nhân dịp Lễ Phục Sinh, ngài muốn nhắn gửi điều chi đối với người Do Thái và người Pa-lét-tin?

ĐTGM Sabbah: Đối với Kitô hữu, Phục Sinh là cử hành việc sống lại của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa là (mừng) chiến thắng đối với sự chết và mọi sự ác.

Chủ tịch Palestine Abbas gặp Thượng phụ Michel Sabbah
Tại đây trong xứ sở này, tức xứ sở của Phục Sinh, lãnh thổ của Thiên Chúa, Đất Thánh, chúng ta lại vẫn tiếp tục sống giữa tâm điểm của tranh chấp, của trạng huống chết chóc và thù nghịch. Chúng tôi muốn nhắn gửi người Do Thái và người Pa-lét-tin điều này: “Cho đến lúc này, và gần như suốt 100 năm qua, các bạn đã bước đi trong các ngả đường bạo lực và mặc dù thế, sau 100 năm, các bạn vẫn chưa đạt được hòa bình hoặc an ninh. Các bạn hãy chọn những nẻo đường khác, các bạn hãy tìm kiếm những phương thức khác, những phương thức mà chắc chắn các bạn đã biết: thương thảo, đối thoại, hiểu biết các nhu cầu của người khác, đặt mình vào vị trí người khác để đạt tới một thỏa thuận mà các bạn tìm ra và đem lại cho từng bên mọi điều họ đáng được”.

Người Do Thái muốn có an ninh và hòa bình.; người Pa-lét-tin muốn có độc lập, và cả an ninh lẫn hòa bình nữa. Và cả hai đều có khả năng đạt tới những điều ấy. Ấy thế nhưng vẫn có chống đối chỉ vì những lý do ý thức hệ, những lý do chính trị của lòng sợ hòa bình. Theo thiển ý, trở ngại chính của hòa bình chính là lòng sợ hòa bình.

Ở Israel, hòa bình là điều rủi mà người Do Thái cho là quá sớm không nên tiến tới. Nó là một điều rủi vì đã để mình cho phép người Pa-lét-tin nên mạnh hơn, phát triển được các phương tiện đề kháng và bạo lực hơn. Đó là lý do tại sao người Do Thái sợ hòa bình.

Tôi khuyên họ không nên sợ như thế. Sợ sẽ không cho phép ai hay dân tộc nào sống cuộc sống họ cách trọn vẹn được. Đơn giản thôi, ta phải chấp nhận cái run rủi của hòa bình. Vì đó là cách duy nhất để đạt được an ninh thực sự và toàn diện. Các thế lực chính trị phải chọn lựa: hoặc là hòa bình, và họ sẽ được an ninh, hoặc không hóa bình và chủ nghĩa cực đoan sẽ lớn mạnh và bất an ninh sẽ gia tăng. Họ bắt buộc phải chọn lựa. Và chọn lựa hòa bình.

Bây giờ, chọn lựa hòa bình có thể là một điều rủi cho cuộc sống bản thân của người đứng đầu quốc gia ký kết thoả ước hòa bình. Nhưng nếu một nhà lãnh đạo chính trị có nhiệm vụ phải phục vụ nhân dân mình, chứ không phải để giữ chiếc ghế cho riêng mình, thì ông phải chấp nhận cái run rủi trong việc hiến thân cho nhân dân ấy.

Hỏi: Trong tư cách thượng phụ Latinh người Pa-lét-tin đầu tiên trong nhiều thế kỷ, ngài có lời giải thích nào khác đối với những gì đang diễn ra tại vùng này hay không?

ĐTGM Sabbah: Tôi chỉ có lời giải thích sau đây về các sự kiện đang xẩy ra. Người Do Thái có các nhu cầu riêng của họ mà người Pa-lét-tin cũng đang có những nhu cầu riêng của họ. Đối với tôi, trong cả hai trường hợp ấy, họ đều là những con người nhân bản có cùng những nhân phẩm, quyền lợi và bổn phận. Là một người Pa-lét-tin và là một Kitô hữu, (tôi nghĩ) mỗi người phải có được điều họ có quyền đòi hỏi: (Đối với) Israel, tư cách quốc gia của họ, nền an ninh và hòa bình của họ phải được nhìn nhận, không cần tới lính tráng và quân trừ bị để giết người và để bị người ta giết nữa. Đối với người Pa-lét-tin, cũng thế thôi. Đây là vấn đề tiến bước về hướng hòa bình, chấm dứt mọi điều liên hệ tới dân quân, tới các lực lượng quân sự không thường trực và mọi hình thức bạo lực ở cả hai phe.

Hỏi: Giờ đây lúc ngài sắp kết thúc sứ mệnh là Thượng Phụ La-tinh, liệu có hy vọng hòa bình gì chăng?

ĐTGM Sabbah: Luôn luôn có hy vọng, vì chúng ta vốn tin vào Thiên Chúa, và ở đây tại xứ sở này, tại toàn bộ Trung Đông này, mọi người, trước nhất và đầu hết, đều là người tôn giáo, đều là tín hữu, dù không phải ai ai cũng thực hành. Người Do Thái trước hết là người theo Do Thái Giáo, trước khi là người Do Thái, người Pa-lét-tin trước nhất là người Hồi Giáo rồi mới là người Pa-lét-tin. Kitô hữu trước nhất là Kitô hữu rồi mới là Pa-lét-tin. Chúng tôi tin vào Thiên Chúa. Chúng tôi hy vọng vì chúng tôi tin Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Người đang chăm sóc chúng tôi, Người là Đấng Quan Phòng.

Hỏi: Ngài nói rằng muốn kiến tạo hòa bình, cần có lòng can đảm. Người Do Thái có phải là người cần can đảm hơn không?

ĐTGM Sabbah: Cả hai đều cần, nhưng quyết định lớn nhất nằm trong tay người Do Thái. Nếu người Do Thái chịu nói: “Chúng tôi đã quyết định thực hiện hòa bình” thì liền có hòa bình. Người Pa-lét-tin đang sẵn sàng. Thế giới Ả-rập đang sẵn sàng bình thường hóa các mối liên hệ với nhà nước Israel. Vì người Pa-lét-tin đã chọn hòa bình rồi. Họ đang tổ chức những cuộc thương thảo để đạt hòa bình. Israel cần phải quyết định. Hiện vẫn còn chống đối về một quyết định như thế.

Hỏi: ở Israel, liệu có một ý chí chính trị để thực hiện hòa bình chăng?

ĐTGM Sabbah: Không, không có. Hiện chưa có. Người Do Thái vẫn còn sợ hòa bình, vì họ vẫn còn nghĩ đó là điều rủi. Vì như thế là tự gieo mình vào nơi chưa biết và điều ấy tạo bất an ninh cho họ. Theo thiển ý, tương lai duy nhất của Israel hệ ở hòa bình. Bạo lực là mối đe dọa thường trực đối với nền an ninh của họ và đối với cả sự sinh tồn của họ nữa. Dân số Pa-lét-tin đang gia tăng. Hai mươi phần trăm dân Do Thái gốc Ả-rập với đầy đủ quyền công dân là người Pa-lét-tin. Ngày mai, 20% người Pa-lét-tin đó sẽ thành 40% hay 50% và đặc tính Do Thái của nhà nước sẽ mất đi, do đó, Israel như một quốc gia Do Thái sẽ không còn. Cho nên quyết định là ở họ, và sự cứu rỗi của họ chỉ có trong hòa bình. Cái rủi của chết chóc hay mất an ninh nơi họ không hệ ở hoà bình mà ở chỗ tiếp tục tình thế chiến tranh hiện nay.

Hỏi: Ngài có nghĩ diễn trình hòa bình Annapolis thực sự không đưa lại bất cứ hy vọng hòa bình nào?

ĐTGM Sabbah: Nó đưa lại chứ; cần phải nhìn nhận và chấp nhận diễn trình ấy. Hoa Kỳ muốn điều ấy. Tổng Thống Bush rất quyết tâm. Nhưng ta tự hỏi liệu Israel đã quyết tâm chưa. Người Pa-lét-tin đã sẵn sàng rồi.

Hỏi: Lúc gặp Olmert [Thủ Tướng Do Thái Ehud, trước Giáng Sinh], ngài có cảm tưởng là ông ta có ý chí chính trị không?

ĐTGM Sabbah: Ông Olmert quả có một ý chí chính trị thực sự. Ông ấy đã cương quyết thực hiện hòa bình, nhưng, như chính ông ta nói, ông ta đang gặp trở ngại. Nhiệm vụ của ông là thuyết phục phe chống đối ông ta, thì lúc ấy ta sẽ có hòa bình.

Hỏi: Đó là những trở ngại gì?

ĐTGM Sabbah: Phe cực hữu, hay những nhà cực đoan tôn giáo, tức chính đảng tôn giáo cho rằng toàn bộ lãnh thổ phải tiếp tục là của người Do Thái không để người Pa-lét-tin hưởng dù chỉ là một tấc đất. Mà chính đảng tôn giáo này có thực lực chính trị, họ có nhiều ghế trong Quốc Hội. Họ là phe chống đối mà ông Olmert phải xử lý.

Hỏi: Ngài nói rằng thế giới Ả-rập đã sẵn sàng bình thường hóa bang giao với Israel. Nhưng chúng ta không thể làm ngơ điều này, và Israel nữa cũng không làm ngơ nó, là Hamas vẫn tiếp tục từ khước không nhìn nhận Israel. Mặt khác, phe Hồi Giáo cực đoan đang lớn mạnh tại các nước Ả-rập.

ĐTGM Sabbah: Hamas đang hiện hữu. Hezbollah cũng đang hiện hữu. Họ đều là những mối đe dọa. Nhưng cái làm cho Hamas hiện hữu và lớn mạnh chính là cái tình trạng chiến tranh hiện nay trong đó đầy rẫy bất công, nghèo nàn và khốn khó và bao lâu tình trạng ấy còn, thì sẽ luôn có Hamas và các tuyên ngôn của nó và cái ý chí cương quyết hủy diệt Israel của nó. Nhưng khi có hòa bình nghiêm chỉnh và kéo dài, thì ảnh hưởng của Hamas và Hezbollah sẽ giảm và cuối cùng cái ý chí kia sẽ mất đi.

Về phía Pa-lét-tin, cũng như về phía Do Thái, luôn luôn có những người cực đoan, nhưng những nhóm đó sẽ trở thành thiểu số không gây ảnh hưởng gì tới tương lai của xứ sở. Cứ có hòa bình là con số cực đoan sẽ ít đi và người ta không còn cần đến họ nữa.

Hỏi: Ngài có nghĩ Israel sẽ nói chuyện với Hamas không? Liệu có đối thoại với Hamas từ phía Israel, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu không?

ĐTGM Sabbah: Israel, Liên Hiệp Âu Châu và cộng đồng quốc tế phải nói chuyện với Nhà Cầm Quyền Pa-lét-tin và nhìn nhận để Nhà Cầm Quyền Pa-lét-tin hòa giải với Hamas. Nhưng ngay lúc Hamas gia nhập chính phủ Pa-lét-tin, cộng đồng quốc tế lại tẩy chay mọi điều dính dáng tới Pa-lét-tin. Vấn đề là phải nhìn nhận rằng Nhà Cầm Quyền Pa-lét-tin có khả thể lập được liên minh một lần nữa, vì hòa bình không thể thực hiện được bởi chỉ một bên của dân Pa-lét-tin mà thôi.

Hiện có hơn một triệu dân tại Gaza. Cần phải để ý đến sự kiện ấy. Cho nên, hai nhóm phải thống nhất và trở thành một thực thể Pa-lét-tin duy nhất, cùng đại diện cho ý chí Pa-lét-tin để cộng đồng quốc tế và Israel có thể thực hiện các thỏa hiệp hòa bình. Nhưng bao lâu Hamas còn bị tẩy chay dù đã chịu tham gia chính phủ, thì đó là sự tẩy chay toàn bộ dân tộc Pa-lét-tin, và chúng ta vẫn luẩn quẩn trong đường hầm.

Hỏi: Khi ngài gặp Abu Mazen [Chủ Tịch Pa-lét-tin Mahmoud Abbas], ngài có khuyên ông ta tái tục đối thoại với Hamas hay không?

ĐTGM Sabbah: Có, tôi có khuyên như thế. Hai phe thuộc nhân dân Pa-lét-tin phải được đem trở lại với nhau một lần nữa. Liên minh này không chỉ tùy thuộc Abu Mazen, mà còn tùy thuộc cộng đồng quốc tế nữa. (Vì) một khi sự kết hợp này được thực hiện và vì Hamas có quyền tham dự chính phủ này, cộng đồng quốc tế dám lại tẩy chay một lần nữa.

Hỏi: Ngài có lời khuyên nào đối với cộng đồng quốc tế?

ĐTGM Sabbah: Hãy để người Pa-lét-tin được bình an, hãy để họ thống nhất và cùng nhau hành động. Và nếu Hamas có tham gia chính phủ, thì ý muốn của người Pa-lét-tin phải được kính trọng.

Hỏi: Ngài đã làm Thượng Phụ 20 năm qua. Đâu là lúc khó khăn nhất?

ĐTGM Sabbah: Lúc nào cũng khó khăn cả vì không lúc nào chúng tôi không sống trong cùng một cuộc tranh chấp hết. Mỗi ngày đều là lặp lại của ngày qua. Mỗi năm đều là lặp lại của năm trước: bạo lực và nạn nhân cho cả hai phía Pa-lét-tin và Do Thái.

Có những lúc ngưng chiến thật đó; (nên) chúng tôi đã có thể cử hành Năm Thánh 2000, được Đức Giáo Hoàng tới thăm. Đó là lúc ít khó khăn nhất. Ngoài ra, ở mọi thời điểm khác, chúng tôi đều phải kinh qua khó khăn và cuộc sống khó khăn ấy đã trở thành ơn gọi và thói quen hàng ngày của mình.

Hỏi: Trong thư mục vụ của ngài, ngài nói rằng ngài không có tiền bạc cũng chẳng có trương mục ngân hàng. Làm sao ngài sống đây?

ĐTGM Sabbah: Tôi sẽ sống ngay tại tòa thượng phụ. Tôi không có lương hay trương mục ngân hàng, nhưng cơ chế thượng phụ sẽ lo việc ấy cũng giống như đối với mọi linh mục khác của tòa thượng phụ. Chính tòa này chăm lo sức khỏe, miếng ăn miếng uống, nhà cửa v.v…cho các linh mục về hưu. Chúng tôi là thành phần của một cộng đoàn chưa bao giờ bỏ rơi bất cứ thành viên nào của mình.

Hỏi:Ngài có hối tiếc khi về hưu không?

ĐTGM Sabbah: Hối tiếc ấy hả? Nhưng phục vụ Thiên Chúa đâu phải là một việc làm! Chúng tôi sống một sứ mệnh. Một sứ mệnh đã được ủy thác cho chúng tôi. Khi sứ mệnh ấy đã hoàn thành, chúng tôi chỉ đơn giản trao nó vào tay Đấng đã ủy nhiệm nó cho chúng tôi. Giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo và một nhà lãnh đạo chính trị, điểm khác nhau là ở chỗ đó.

Hỏi: Ngài là vị thượng phụ đầu tiên gốc Pa-lét-tin kể từ thời Thập Tự Chinh, liệu là một thượng phụ Pa-lét-tin có thay đổi được gì hay không?

ĐTGM Sabbah: Có thay đổi được một điều theo nghĩa Giáo Hội đã có được một mục tử do hàng giáo sĩ của mình lựa chọn. Có một thượng phụ Pa-lét-tin trong một giáo hội Pa-lét-tin chỉ là một sự kiện bình thường, chứ chả ngoại thường chi. Hiện nay đó là tình thế chung của mọi giáo hội trên thế giới. Các mục tử được hàng giáo sĩ và giáo dân của mình lựa chọn.

Điều thay đổi trong hoàn cảnh của chúng tôi, nghĩa là hoàn cảnh tranh chấp, là (tuy) người Pa-lét-tin ở một phía, người Do Thái ở phái khác, mà thực tế thì mọi người Pa-lét-tin, Kitô giáo và Hồi Giáo đều cảm thấy được nâng đỡ… thẩy đều cảm thấy rằng có một khuôn mặt mới nói thế cho họ, chia sẻ với họ và hành động cho hòa bình.

Nhưng luôn phải thận trọng. Vì nếu chúng ta nói với người Do Thái: “Các bạn có toàn quyền phục vụ và bảo vệ nhân dân các bạn”, (thì cũng phải) nói với người Pa-lét-tin: “Các bạn là người Pa-lét-tin, các bạn có toàn quyền phục vụ và bảo vệ nhân dân các bạn”. Một linh mục, một giám mục, bất kể là người Pa-lét-tin hay một sắc tộc nào khác, là để phục vụ mọi người.

Ngài không bị trói buộc vào dân mình, ngài có vì dân tộc mình thật đấy, nhưng đồng thời ngài cũng phục vụ mọi con người ngài sống với; mà ở đây, chúng tôi sống với hai dân tộc. Do đó, trách nhiệm giám mục và Kitô hữu của chúng tôi phải trải dài, bao trùm và bao hàm cả người Pa-lét-tin lẫn Do Thái. Giờ đây, người Pa-lét-tin là người bị áp chế, họ đang sống dưới sự chiếm đóng nên chúng tôi bảo họ: “Cuộc chiếm đóng này phải được kết liễu”. Trong khi với người Do Thái, chúng tôi bảo họ: “Các bạn là người chiếm đóng nên các bạn phải kết liễu sự chiếm đóng này”.

Hỏi: Giờ đây vai trò của ngài ra sao?

ĐTGM Sabbah: Giám mục có ba nhiệm vụ: thánh hóa, dạy dỗ và quản trị. Khi về hưu, chức năng quản trị sẽ trao cho người khác; hai chức năng kia thì vẫn còn; thánh hóa và dạy dỗ. Nên còn khá việc phải làm.

Hỏi: Liệu ngài có đem lại cho sứ mệnh của mình một vai trò chính trị nhiều hơn không?

ĐTGM Sabbah: Không nhiều chính trị hơn là Kitô hữu. Nhưng là một Kitô hữu sẵn sàng bước vào lãnh vực chính trị. Vì ở đây, chính trị là sinh hoạt nhân bản. Nó không phải thứ chính trị đảng phái tả hay hữu khuynh; nó là những mạng sống con người đang bị đe dọa. Dù đó là mạng sống Pa-lét-tin hay Do Thái. Nó tiếp tục là một cam kết đối với mọi con người nhân bản của xứ sở này, cả Do Thái lẫn Pa-lét-tin.
 
Top Stories
Connecticut liturgical supplier gets ready for papal Masses
Catholic News Service
17:48 02/04/2008
HARTFORD, Conn. (CNS) -- The visit of Pope Benedict XVI to the United States will be a memorable event for all Catholics, but it will be especially so for one busy Connecticut religious supplies and church goods firm. Patrick Baker and Sons Inc., with retail showrooms in Southington and Fairfield, is supplying vestments, candles and other items and will refurbish chalices to be used in the celebration of papal Masses in New York. Pope Benedict will visit New York April 18-20, following a visit to Washington April 15-17. His schedule includes addressing the United Nations April 18. He will celebrate Mass at St. Patrick's Cathedral April 19 with priests, deacons and members of religious orders. He also will meet with youths and seminarians and a small group of youngsters with disabilities at a rally and prayer service at St. Joseph's Seminary in Yonkers, N.Y. Sean Baker, a salesman for the company's Fairfield store, has been coordinating efforts for the past several months with the Archdiocese of New York. Although the pope will have his own robes for the visit, thousands of priests and deacons, including those from the Hartford Archdiocese, will need coordinated chasubles and stoles. The vestments were designed by Baker and Sons and manufactured in the Netherlands, said Baker.
 
Five children from non-Christian faiths will give pope gifts
Catholic News Service
17:49 02/04/2008
WASHINGTON (CNS) -- When Pope Benedict XVI meets with religious leaders of non-Christian faiths in Washington April 17, five young people representing major non-Christian faiths will give him gifts representative of their traditions. The pontiff also will speak privately with 10 leaders of those traditions, after a delivering a speech on the Catholic Church's interreligious relations, said Father Dennis McManus, a visiting professor of theology at Jesuit-run Georgetown University and a consultant on Catholic-Jewish relations for the U.S. Conference of Catholic Bishops. During a press briefing at USCCB headquarters in Washington March 27, Father McManus and Paulist Father Ronald Roberson, a specialist in Catholic-Orthodox relations for the USCCB, discussed Pope Benedict's interfaith meeting in Washington April 17 and his New York session with other Christian leaders the next day. Of the interreligious meeting, to take place at the Pope John Paul II Cultural Center near The Catholic University of America, Father McManus said, "It's customary, beginning with Pope John Paul II, that when the pope travels on an apostolic visit outside of Italy, he meets with heads of significant religious communities in those countries he visits." In Washington he will be meeting "with religious leaders of Jewish, Muslim, Buddhist, Hindu and Jain communities," he said.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hướng về những người nghèo tại Thủ đô Hà Nội
Gioan Đình Sơn
00:43 02/04/2008
HÀ NỘI - Sau khi bài viết: “Chủng sinh Đại chủng viện Hà nội đến với những gia đình nghèo tại khu bãi giữa sông Hồng” được đăng trên website daichungvienhanoi, VietCatholic… chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin khích lệ cho chương trình mục vụ của nhà trường. Đặc biệt, một ân nhân người Việt nam sống tại Mỹ đã gửi 100$ chia sẻ cho những người đang sống ở khu này.

Sáng Chúa nhật II Phục Sinh, ngày 30/03/2008 cha Giuse Nguyễn Chấn Hưng, đặc trách sinh hoạt của Đại chủng viện Hà nội đã đồng hành cùng nhóm mục vụ khu người nghèo đến thăm và trao quà cho các gia đình.

Với số tiền của vị ân nhân chúng tôi đã sử dụng mua toàn bộ mì ăn liền (mì tôm) làm quà cho các gia đình khu này. Mọi người vui mừng đón nhận những món quà trong cảm động. Họ không chỉ vui vì được nhận quà mà niềm vui lớn hơn là họ được người khác chia sẻ trong tình yêu thương. Cảm động, bác Trọng trưởng khu nói: “Tôi xin thay mặt 23 hộ gia đình sinh sống ở đây cảm ơn cha và các thầy, chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn tới những ân nhân đã giúp đỡ chúng tôi bằng cách này hay cách khác từ trước tới giờ. Tôi thật cảm động khi nhìn thấy niềm vui chia sẻ của mọi người.…”

Nhìn đời sống của khu, tôi nhận thấy hiện trạng cuộc sống của họ hiện nay càng khốn khó hơn khi nước bị rút gần như cạn kiệt. Những chiếc “thùng phi” để tạo nên những “cái phao” mà mọi người vẫn quen gọi là “nhà” giờ đây đã bị chìm xuống đất bùn, dễ bị hỏng (thủng). Khi nước về thì những “ngôi nhà” của họ sẽ bị chìm nếu không có kinh phí để thay các “thùng phi” giữ cho “ngôi nhà”.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, “áo lành đùm áo rách”… là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, chúng tôi ước mong mỗi người cùng hướng về những con người, những gia đình đang sống trong cảnh nghèo khó giữa lòng thủ đô Hà Nội. Chúng ta khởi đầu bằng những chia sẻ vật chất cũng như tinh thần để cuộc sống cuả những người nghèo sớm được cải thiện. Như Chúa Giêsu nói: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." (Mt 25, 35-36). Như vậy, chúng ta cùng chung tay giúp đỡ những người bần cùng chính là giúp đỡ chính Chúa Giêsu vậy…

Mọi thông tin và liên lạc cộng tác với Ban bác ái của Đại chủng viện Hà nội kính mong quý vị gửi về:

Cha Cosma Hoàng Văn Đạt,

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội,

40 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam.

Điện thoại: +84 (16) 88319796.


Email: Cosmahvdat@yahoo.com

Nguyện Chúa Phục Sinh ban ơn lành Hồn- Xác cho quý vị và những ân nhân đã, đang và sẽ cộng tác với chúng tôi trong chương trình mục vụ của Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.
 
Tu đoàn Truyền Tin: ''người có nghe xôn xao ngàn tinh tú...''
ĐXT
14:26 02/04/2008
HÀ NỘI - Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đặt câu hỏi với sứ thần Gáp-ri-en: “Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gáp-ri-en, khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ (Ma-ri-a), Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời, Người có nghe náo động cả muôn trời, Người có nghe xôn xao ngàn tinh tú…?” Câu trả lời chắc chắn là có vì sứ thần sẽ nghe tất cả điều ấy bằng đôi tai thiêng liêng, còn loài người chúng ta không thể nghe ra những điều kì diệu này, ngoại trừ bằng tâm hồn và lòng tin.

Đây cũng là điều mà tu đoàn Truyền Tin mời gọi mọi người tham dự thánh lễ Truyền Tin ngày 31 tháng 3 vừa rồi tại nhà thờ xứ Vân Đình (Hà Tây) qua bài ca nhập lễ: hãy vận dụng lòng tin và tâm hồn để nhỉn xuyên qua thiếu nữ đơn sơ kia là Thánh Mẫu Thiên Chúa cao vời, nhìn xuyên qua cuộc gặp gỡ kín đáo kia là cuộc giao duyên vĩ đại giữa Trời và Đất, nhìn xuyên qua lời mời chào hiền hòa kia của thiên sứ Gáp-ri-en là lời kính bái một mẫu nghi thiên hạ, nhìn xuyên qua câu trả lời nhẹ nhàng kia của đức Ma-ri-a là quyết định quan trọng tới mức chi phối không chỉ định mệnh một con người mà là lịch sử của cả một nhân loại.

Xa hơn nữa, mọi người được mời gọi hãy nhìn xuyên qua khung cảnh chung quanh hoang sơ, ngôi nhà thờ lợp tôn tồi tàn, dúm giáo dân cử hành thánh lễ… là cả một vườn địa đàng, một cung điện Thiên Chúa và một nhân loại bao la… Không phải chỉ vì ở đây có sự hiện diện của đức tổng giám mục giáo phận, của các linh mục trong khu vực, của các anh chị em tu đoàn Truyền Tin, mà chính vì có Tin Mừng của Thiên Chúa vẫn tiếp tục vang vọng và có Thánh Thể Chúa Ki-tô vẫn tiếp tục hiến dâng…

Khi chọn danh hiệu “Tu Đoàn Truyền Tin” và ngày bổn mạng là ngày Đức Ma-ri-a được truyền tin, hẳn đức hồng y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng và những người tiếp tục sự nghiệp ấy của ngài đều mong muốn học tập được thái độ của sứ thần Gáp-ri-en và nhất là của Đức Ma-ri-a: tập nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin, tập nghe mọi sự bằng đôi tai đức tin và tập truyền tin cũng bằng miệng lưỡi đức tin. Nếu không có lòng tin ấy thì ai dám khởi sự và tiếp nối một công trình rất đỗi mong manh với những con người rất ư khiêm tốn? Nếu không có lòng tin ấy thì ai dám tham gia vào công cuộc đội đá vá trời như vậy – truyền bá Tin Mừng Nước trời cho những con người đang đói khát và dường như chỉ đói khát những thứ nước vật chất khác?

Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, trong ngày bổn mạng của mình các thành viên Tu Đoàn Truyền Tin sẽ có dịp cảm nghiệm rất rõ sự thật kì diệu ấy, bằng cách đối chiếu tình hình hiện tại với buổi ban đầu của tu đoàn chẳng hạn. Chỉ riêng trong tu đoàn nữ thôi: hiện nay số cộng đoàn đã tăng từ 1 lên 4 (Phúc Lâm, Nghĩa Ải, Vân Đình và Nhà Chung giáo phận), số thành viên đã là 39 chị em trong đó 13 chị em đã cam kết, 17 chị em đang trong năm tập. Không kể những chương trình học tập và tĩnh tâm riêng của mình, Tu Đoàn cũng đã nỗ lực gởi các chị em tham gia các khóa bồi dưỡng thần học và tu đức (2 khóa hè tại Sài gòn, 1 khóa tại Bùi Chu, 1 khóa tại Hà Nội) bên cạnh các tu sĩ các dòng khác.

Ngoài ra, cho tới nay đã có 3 chị em tham gia lớp trung cấp y tế cổ truyền, 1 chị em đang học trường cao đẳng sư phạm. Hoạt động của chị em cũng đa dạng, ứng với đòi hỏi phải truyền bá Tin Mừng cho con người hôm nay dưới đủ mọi hình thức như phục vụ các bếp ăn Giáo Hội, chăm sóc các cháu nhà trẻ, dạy giáo lý các độ tuổi, dạy hát và nhạc, tham gia các khóa đào tạo giáo lí viên, thăm viếng các người bất hạnh (già nua, bệnh tật, đặc biệt các bệnh nhân nhiễm HIV)… và còn nhiều hoạt động khác nữa đang dự tính. Và dĩ nhiên, khi ôn lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai, chị em không thể quên các khuôn mặt đáng kính như các đấng bản quyền trước đây và hiện tại, cha Trịnh Việt Yên đã qua đời, sơ Elizabeth Quỳnh Giao… và nhiều người khác – những người cũng có chung thái độ căn bản như các thành viên tu đoàn Tuyền Tin: đó là chính nhờ luôn tập nhìn, nghe và hành động trong đức tin mà các vị ấy mới có thể khởi sự và theo đuổi không mệt mỏi sự nghiệp của tu đoàn Truyền Tin này.
 
Nghĩ gì về cao trào Giáo dân?
LM Anrê Đỗ xuân Quế, OP
18:51 02/04/2008
NGHĨ GÌ VỀ CAO TRÀO GIÁO DÂN?

Phải nói là cao trào, vì tư sau Công đồng đến nay, giáo dân được đề cao và khuyến khích tham gia vào các công việc của Hội thánh, chung vai sát cánh với các linh mục. Nhà thần học Yves Congar đã coi linh mục và giáo dân như cặp bài trùng và trong tác phẩm Những chặng đường tiến tơi một nền thần học giáo dân (Jalons pour une théologie du laicat) tác giả đã vạch ra những cột mốc cho giao dân dựa vào để hoạt động. Hồng Y Suénens người Bỉ cũng đã viết một cuốn sách đề là Giáo dân đứng hàng đầu để cho thấy vai trò và vi trí của người giáo dân trong Hội thánh ngày nay. Rồi việc phục hồi chức thầy sáu vĩnh viễn cũng là một hành vi và cử chỉ coi trọng vai trò giáo dân, nghĩa là lựa chọn từ trong giáo dân những thành phân đích đáng có khả năng làm công việc này.

Như vậy, từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II đã có nhiều thay đổi với giáo dân. Bây giờ họ là những người được thức tỉnh và sự thức tỉnh ấy là một dấu chỉ mới trong Hội thánh. Nghĩa là thế nào? Thưa nghĩa là giáo dân thấy rằng mình cùng có trách nhiệm với hàng giáo sĩ và cùng cảm thông với Hội thánh trong công việc tông đồ. Có nhiều sự việc xẩy ra làm chứng điều này.

1. Các sự việc

1.1 Các Hội thánh địa phương, đa số là những Hội thánh trẻ có một sức sống mạnh mẽ, phần lớn là nhờ ở tinh thần cùng chia sẻ trách nhiệm của giáo dân nam nữ. Các giáo dân này hiểu biết bổn phận là người có đạo của mình, và bằng lòng nhận làm những công việc tông đồ thích hợp với giới của mình. Các cố gắng tạo bầu khí mới, cải tiến nội bộ, đổi mới đường lối truyền giáo đã được khơi lên và đem ra thực hành, thường là nhờ giáo dân biết đối thoại và hợp tác với các linh mục có trách nhiệm.

1.2 Sự kiện giáo dân ngày càng nhận làm nhiều công việc trong các cộng đồng Ki-tô hữu có một tầm quan trọng đặc biệt. Số giáo dân làm những công việc này mỗi ngày một tăng thêm. Phần đông các linh mục có trách nhiệm về họ đều công nhận và tán thành những công việc của ho. Cũng đang tăng thêm các giáo dân dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng bằng nhiều hình thức khác nhau, học hỏi và dạy thần học, hướng dẫn và linh hoạt cộng đoàn, quản trị tài chánh và làm công tác xã hội.

1.3 Về mặt thần học, giáo hội học và mục vụ, sự gia tăng con số giáo dân ở các nước tiên tiến đóng vai trò lãnh đạo thật rất có ý nghĩa. Đây hoàn toàn không phải là một công việc lãnh đạo để bù vào sự thiếu vắng linh mục, hay gạt linh mục ra bên lề mà là sự lãnh đạo của những người giáo dân, nhờ ơn thánh đặc biệt làm cho họ cảm thấy mình được mời gọi trở nên những người dơn đốc sinh hoạt trong các cộng đồng Ki-tô hữu, bằng sự cầu nguyện, chia sẻ lời Chúa và dấn thân vào các lãnh vực xã hội và chính trị.

1.4 Trong cuộc thức tỉnh của người giáo dân, sự hiện diện của phụ nữ sau nhiều thế kỷ phải im hơi lặng tiếng và đứng bên lề, có một tầm quan trọng đáng lưu tâm đặc biệt. Những tài năng tự nhiên và đặc sủng của họ đang thổi một luồng sinh khí mới vào cộng đồng và cho thấy một bộ mặt mới của Ki-tô giáo. Nhận th?c tinh tế của họ về những gi` la` thực tiễn, khả năng nhậy cảm của nữ tính, bản năng làm mẹ, sức kiên trì chịu đựng, tất cả đều biểu lộ những góc cạnh bấy lâu còn bị ẩn giấu.

Những hiện tượng trên đã tạo ra một sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa giáo dân, tu sĩ và linh mục về các lãnh vực khác nhau trong đời sống của Hội thánh. Các tu sĩ nam nữ năng chia sẻ những chương trình hoạt động tông đồ của Dòng mình với các tu sĩ khác, với các giáo dân nam nữ có gia đình hay sống độc thân. Gíáo dân không còn đơn thuần là những người đón nhận sứ vụ của linh mục mà chia sẻ với linh mục và linh mục chia sẻ với họ trách nhiệm đích thực này trong cộng đồng Ki-tô hữu.

Trước thực tại này của Hội thánh, thiết tưởng các linh mu?c nên đặt ra cho mình một số câu hỏi như:

* Phải đón nhận và phản ứng thế nào trước sự thức tỉnh của giáo dân?

* Có vui lòng đón nhận những sự kiện đó không hay làm ngơ vì tự mãn? Có chối bỏ vì sợ hãi không?

* Có những thái độ và hành động nào trong các mối liên lạc với giáo dân? * Giáo dân có vị trí nào trong tác vụ tông đồ của linh mục?

2. Phải làm gì với giáo dân?

Phải khai mở và củng cố những thực hành mới của Hội thánh nhằm đưa giáo dân vào cộng tác trong sứ vụ của Hội thánh. Việc cầu nguyện chung với giáo dân cung cấp cho họ sự phong phú của một hình thức cầu nguyện từng được bảo đảm qua bao thế kỷ, đồng thời cũng rút ra được từ nơi ho sự mới mẻ và tươi sáng của những kinh nghiệm trong đời sống Ki-tô hữu. Một số cộng đoàn tu sĩ có thể được tăng sinh lực trong việc cầu nguyện, nếu để cho giáo dân cùng tham dự.

Cũng cần phải biết bắt đầu và nâng đỡ những kiểu cách mới trong việc nghiên cứu học hỏi với sự hợp tác của giáo dân. Công việc này không thể hướng theo một chiều như thể linh mục là thày và giáo dân là môn sinh mà phải cùng chia sẻ và tương trợ lẫn nhau. Lời Chúa không th? bị trói buộc mà phải mở ra cho mọi tín hữu lắng nghe và tìm hiểu. Các linh mục có thể đem lại cho giáo dân sự phong phú của khoa thần học mình đã được hấp thụ, nhưng cũng phải học cho biết nghe để làm cho mình nên phong phú nhờ đối thoại với tín hữu.

Như vậy, sự hợp tác giữa linh mục và giáo dân là cần thiết và bổ ích..Giáo dân đón nhận sự tín nhiệm và lời mời gọi của linh mục một cách chân thành và khiêm tốn. Linh mục coi trọng khả năng chuyên môn và lòng tận tâm của giáo dân. Cả hai cùng đồng lao cộng tác trong việc phụng thờ Chúa và muu ích cho các linh hồn.
 
Phỏng vấn các thí sinh thi vào ĐCV thánh Giuse Hà Nội
Gioan Đình Sơn
23:44 02/04/2008
HÀ NỘI - Kì thi tuyển sinh vào Đại chủng viện Thánh Giuse Hà nội năm 2008 vừa kết thúc, tôi đã có dịp gặp gỡ các “sĩ tử” tại điểm thi Tòa Tổng Giám mục Hà nội để nghe các anh tâm sự. Mời quý vị cùng theo dõi.

PV: Anh đã chuẩn bị cho kì thi này như thế nào?

Anh Phêrô TQC đến từ giáo phận Lạng Sơn (cử nhân xã hội học trường đại học Mở TP HCM) (TQC): Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại TP HCM em đã về giáo phận và được Bề trên cho phép đi giúp xứ, hơn năm nay rồi. Một tháng trước kì thi em nhận được chương trình tuyển sinh của Đại chủng viện Hà nội nhưng lại gặp khó khăn từ phía chính quyên địa phương. Cho đến một tuần trước ngày thi mới có quyết định để em đi nên việc ôn thi thật gấp rút. Em chỉ biết “phó thác”.

Anh Giuse NVL đến từ giáo phận Hà Nội (cử nhân khoa âm nhạc hiện đại của nhạc viện HN) (NVL): Để bước vào kì thi này, em phải vào Tòa Giám mục ở tập trung với các anh khác trong giáo phận theo chương trình của Bề trên. Trong thời gian khoảng một năm tụi em được sống cùng nhau, làm việc cùng nhau và đặc biệt là thay nhau đi giúp các xứ trong nội thành. Ở nơi đó chúng em được học hỏi rất nhiều điều bổ ích. Chương trình ôn thi chỉ ra trước một tháng nhưng không phải vì thế mà chúng em không ôn cho cả năm sống ở đây. Chúng em cũng được các cha trong giáo phận giúp một số còn lại anh em tự học là chính như các môn: Lịch sử cứu độ, Thánh Kinh, ngoại ngữ…

PV: Một thanh niên có trình độ như anh sẽ dễ dàng lựa cho mình những con đường lí tưởng khác ngoài xã hội, vậy lí do gì dẫn anh quyết định đến với con đường này?

TQC: Trong cuộc sống thì mỗi người có những lựa chọn riêng cho mình, ai mà chẳng muốn chọn cho mình một con đường lí tưởng, tương lai rạng ngời. Sau khi tốt nghiệp đại học em cũng có nhiều cơ hội lựa cho mình những con đường khác vì xã hội đang mời gọi nhưng em cho rằng đây là một lựa chọn tốt nhất của mình. Em gọi đó là một “ơn gọi”.

NVL: Như anh nói, em và tất cả các anh ở đây đều đã tốt nghiệp đại học, đều có thể chọn cho mình một con đường, một công việc tốt… Riêng em thì sau khi tốt nghiệp khoa âm nhạc hiện đại tại Nhạc viện Hà nội được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Nếu ở lại thì đương nhiên bây giờ em đang học cao học nhưng vì tình yêu của ơn gọi mà em đã quyết định từ bỏ tất cả để bước vào con đường này, mặc dù ít nhiều biết đây không phải là một con đường thênh thang….Hơn khi nào em cảm nhận đây là một ơn gọi đặc biệt.

PV: Tôi thấy các anh đều nhắc đến từ “ơn gọi”, vậy anh hiểu thế nào về ơn gọi linh mục?

TQC: Em hiểu đơn giản “ơn gọi” là một cái gì đó thúc bách trong tâm hồn và nhu cầu của con người. Những nơi em đến giúp xứ, học tập… em cảm thấy họ cần gì đó nơi mình. Chính lí do đó đã thúc bách em quyết định đi theo con đường này để sau này có cơ hội phục vụ mọi người tốt hơn.

NVL: Ơn gọi linh mục là một ơn gọi rất thiêng liêng vì có những người muốn mà không được, còn có những người không nghĩ đến thì Chúa lại gọi. Em tạm gọi đó là một mầu nhiệm vì không thể hiểu hết tại sao Chúa lại gọi mình. Với em thì “ơn gọi” phải có từ hai phía, Thiên Chúa và người Chúa muốn gọi. Cũng như lễ Truyền Tin vừa rồi cho thấy, dù dựng nên con người nhưng Thiên Chúa vẫn phải chờ sự vâng lời, chờ lời “Xin Vâng” của Đức Maria thì mới có thể thực hiện được công trình của Chúa. Em nghĩ rằng nếu ai được gọi, được chọn thì đó quả là diễm phúc cho bản thân người đó.

PV: Trong lúc này anh có thao thức gì cho con đường ơn gọi của bản thân?

TQC: Hiện giờ em mong muốn được là một chủng sinh, một linh mục để đáp ứng được nhu cầu thúc bách nơi mà em đã từng đi qua, giáo phận gửi em đến…

NVL: Vừa thi xong thì ai cũng muốn mình đậu để được vào chủng viện, sớm được làm linh mục và em cũng không ngoại lệ. Hiện tại tụi em đang sống tại Tòa giám mục ngay sát Đại chủng viện nên mỗi lần nhìn thấy các thầy bên đó đọc kinh, chầu Thánh thể…. thì em cứ hướng về bên đó và ước mong được vào Đại chủng viện để cùng được sinh hoạt, tham dự các giờ Phụng vụ sốt sáng như các thầy. Hơn nữa, em cũng ước mong vào Đại chủng viện để được đào luyện, tô luyện về ơn gọi của mình để có thể phục vụ Giáo Hội và mọi người tốt hơn.

Xin chân thành cảm ơn các anh với những lời tâm sự ngay sau kì thi tuyển sinh, mến chúc các anh sớm đạt được những thành quả tốt đẹp trong đợt thi và suốt hành trình ơn gọi.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thái Hà vẫn sáng rực Lưả Thiêng!
Bs Vũ Linh Huy
13:42 02/04/2008
Thái Hà vẫn sáng rực Lưả Thiêng!

Lưả Thiêng vẫn sáng tại Thái Hà,
Trải bao mưa rét với sương sa.
Ngắm Đàng Thánh Giá, Đường Nhà Chuá,

Nguyện Kinh Giờ Khấn, Phố Đức Bà
Mẹ già canh thức không mệt mỏi,
Thiếu Nhi cầu nguyện thật thiết tha.
Mong sao Công Lý mau hiển trị,
Để toàn dân Việt hưởng thái hoà!

Boston, ngày 2 tháng 4 năm 200
 
Nhà nước phản pháo
Lữ Giang
17:11 02/04/2008
Nhà nước phản pháo

Trước khi đại lễ Vesak được tổ chức tại Hà Nội, báo Thanh Niên đã mở cuộc phỏng vấn Thiền Sư Lê Mạnh Thát, Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế (IOC) đồng thời là Tổng Thư Ký Ủy Ban Điều Phối Quốc Gia Đại Lễ Phật Đản LHQ, để thổi ông lên như một lá bài mới của Đảng CSVN. Nhưng những câu trả lời của ông về lịch sử Việt Nam và thuyết Phật Giáo là dân tộc được đăng trên 7 số báo Thanh Niên đã gây khá nhiều phản ứng gay gắt ở trong nước. Các báo Nhà Nước đã lên tiếng phản bác.

Trước khi trình bày biến cố này, chúng tôi xin nói qua việc nhà cầm quyền đứng ra đăng cai tổ chức lể Vesak 2008 để độc giả dễ theo dõi hơn.

NHÀ NƯỚC BAO SÂN TẤT CẢ

Vào ngày 10.11.2008, Nhà Nước CSVN đã chính thức tuyên bố đăng cai tổ chức Đại Lễ Vesak LHQ và Hội Thảo Phật Giáo Quốc Tế lần thứ 5 từ ngày 13 đến ngày 17.5.2008 tại thủ đô Hà Nội với chủ đề “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Nơi tổ chức là Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Như chúng tôi đã trình bày, VESAK là tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch Ấn Độ. Người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak là tháng linh thiêng vì theo truyền thuyết, vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện quan trọng gắn với thân thế và sự nghiệp Đức Phật: Phật đản sinh, Phật thành Đạo và Phật nhập Niết bàn. Theo đề nghĩ của 34 quốc gia, ngày 15.12.1999 Đại Hội Đồng LHQ đã chính thức công nhận lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ.

Một câu hỏi được đặt ra: Nhà cầm quyền CSVN đăng cai tổ chức lể Vesak để làm gì? Trong cuộc họp báo vào chiều 28.11.2007 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ và là Trưởng Ban Điều Phối Quốc Gia Tổ Chức Đại Lễ Vesak 2008 khẳng định rằng Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (tức Giáo Hội Nhà Nước), Uỷ Ban Tổ Chức Quốc Tế (IOC) tổ chức thành công đại lễ này tại Việt Nam. Ông nói:

"Sự kiện này góp phần thể hiện đường lối đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".

Nói cách khác, việc nhà cầm quyền CSVN đăng cai tổ chức lễ Vesak là nhắm mục tiêu chính trị chứ không phải văn hóa và tôn giáo như LHQ muốn. Mục tiêu của chính quyền là tuyên truyền cho chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà Nước, một chính sách thường bị lên án là vi phạm quyền tự do tôn giáo. Như vậy, lễ Vesak, đã bị Đảng CSVN biến thành một công cụ tuyên truyền chính trị.

Tuy nói chính phủ chỉ “hơp tác và hổ trợ”, nhưng ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ được Nhà Nước cử đứng ra làm Trưởng Ban Điều Phối Quốc Gia Tổ Chức Đại Lễ Vesak. Đây là nhân vật có thẩm quyền cao nhất.

Mặc dầu trong Giáo Hội Nhà Nước có rất nhiều cao tăng có khả năng và kiến thức như Hòa Thượng Thích Trí Quảng, một đảng viên Đảng CSVN, Trưởng Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo Sài Gòn chẳng hạn, nhưng Nhà Nước không chọn họ mà chọn Thiền Sư Lê Mạnh Thát làm Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế đồng thời là Tổng Thư Ký Ủy Ban Điều Phối. Nói cách khác, sau ông Nguyễn Thế Doanh là Thiền Sư Lê Mạnh Thát!

Để chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2008, Ban Điều Phối Quốc Gia đã hình thành các tiểu ban giúp việc và phân công công việc cụ thể như sau:

- Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước và Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế phụ trách: Lễ tân - Giao tế; Khánh tiết - Trang trí; Nội dung; Nghi lễ - Văn hóa.

- Các cơ quan Nhà Nước nắm giữ các công tác: Tuyên truyền, An ninh, Tài chính - Hậu cần.

ĐÃ ĐỂ LỘ CON TẨY QUÁ SỚM!

Như chúng ta đã biết, Thiền Sư Thích Mạnh Thát đã bị bắt giam và bị tuyên án tử hình vào tháng 10 năm 1988. Nhưng đến tháng 9 năm 1998, ông được ân xá và phóng thích cùng với Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ. Tuy nhiên, ông là người “trá hàng VC để làm văn hóa, hoằng pháp...” (nói theo nhóm Thân Hữu Già Lam được Thượng Tọa Không Tánh lặp lại) rất sớm và hiện nay đang được Nhà Nước trọng dụng.

1.- Thay thế Nhất Hạnh?

Nhiều người tin rằng Đảng CSVN đang “thổi” Thiến Sư Lê Mạnh Thát lên để dụ các thành phần trí thức khác của Giáo Hội Ấn Quang quay lại “hợp tác” với Giáo Hội Nhà Nước, đồng thời dùng ông để thay thế vai trò của Thiền Sư Nhất Hạnh không còn ăn khách nữa,

Trong thời gian từ năm 2005 đến nay, Thiền Sư Nhất Hạnh đã được giao sứ mạng về Việt Nam hai lần để kết hợp Giáo Hội Ấn Quang với Giáo Hội Nhà Nước nhưng thất bại. Đầu năm 2005 ông đã về Việt Nam dưới dạng một “Đoàn Múa Lân” . Ông muốn gặp các cao tăng của Giáo Hội Ấn Quang nhưng không được tiếp. Ông liền đến Huế dàn xếp để hai phe ngồi lại với nhau. Hai bên đã đồng ý một cách gượng gạo sẽ “Bồ Tát chung vĩnh viễn” tại tổ đình Linh Quang. Nhưng khi Thiền Sư đi rồi, ai ở nhà nấy. Năm 2007 Thiền Sư lại trở về Việt Nam trong nữa năm đầu dưới chiêu bài tổ chức “Trai Đàn Chẩn Tế” để cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự. Ông hy vọng lễ cầu siêu được tổ chức dưới dạng thức “lên đồng” này sẽ thu hút hai bền cùng đến tham gia và ông sẽ cột lại với nhau. Nhưng bên Giáo Hội Ấn Quang cũng không đến.

Vì lá bài Nhất Hạnh không còn hiệu nghiệm, Đẳng CSVN cố gắng biến Thiến Sư Lê Mạnh Thát thành một huyền thoại để thay thế, coi ông như là một học giả, một siêu nhân của Phật Giáo.

2.- Bắt đầu lớn lối và để lộ ra hậu ý

Nằm trong mục tiêu đó, báo Thanh Niên của Nhà Nước đã mở cuộc phỏng vấn Thiền Sư Lê Mạnh Thát và đăng trên 7 số báo từ 26/2 đến 6.5.2008 dưới một đầu đề rất hấp dẫn: “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động” . Vì được thổi lên quá cao, ông bắt đầu lớn lối và để lộ thâm ý của mình nên bị Nhà Nước nhận diện và phản ứng.

Qua cuộc phỏng vấn của Hoàng Hải Vân, ông đưa ra một số dẫn chứng đề cho rằng có nhiều điều ghi trong cổ sử là sai như truyền thuyết An Dương Vương không có thật, nó là phiên bản của một câu chuyện Ấn Độ; Triệu Đà chưa từng xâm lược nước Việt cổ, v.v. Ông đưa ra “Lục Độ Tập Kinh” , được nói là xuất hiện vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch, và nói lịch sử dân tộc được bảo tồn trong kinh Phật. Ông khẳng định rằng tập kinh này là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn. Tăng Khương Hội là người đã dịch bản kinh đó. Theo ông, “Lục Độ Tập Kinh” chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng. Truyền thuyết đó được ghi vào sử bắt đầu từ bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên.

Bây giờ chúng ta chưa tranh luận về các thuyết mà Thiền Sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra để đòi sửa lại lịch sử. Chúng ta chỉ thử tìm hiểu ông muốn gì khi đưa ra các thuyết đầy tranh luận này.

Qua các bài phát biểu trên báo Thanh Niên, Đảng CSVN và nhiều người đã nhận ra rằng Thiền Sư Lê Mạnh Thát đang cố gắng chứng minh thuyết “Phật Giáo là siêu việt và Phật Giáo là dân tộc và dân tộc là Phật Giáo” . Đây là chủ thuyết mà nhóm Phật Giáo cực đoan và hoạt đầu chính trị đã đưa ra từ năm 1963 với chủ trương Phật Giáo phải nắm chính quyền. Chủ thuyết này cũng đã được ghi lại trong “Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI” ngày 21.2.2001 của Giáo Hội Ấn Quang. Thông điệp này đã nhắc lại một câu trong Lục Độ Tập Kinh, một bửu bối do Thiền Sư Lê Mạnh Thát dịch, để chứng minh theo kinh Phật, các tăng sĩ phải đứng ra lãnh đạo quốc gia. Câu đó như sau: "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than". Đây cũng là chủ trương của nhóm Thân Hữu Già Lam hiện nay.

Tuy nhiên, nước Việt Nước có đến 4 ngàn năm văn hiến. Phật Giáo mới du nhập vào Việt Nam khoảng 2 ngàn năm. Vậy 2 ngàn năm trước ai dựng nước và giữ nước? Trong 2 ngàn năm có mặt Phật Giáo, đã có đến 1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, 30 năm nội chiến từng ngày, 33 năm dưới gông cùm Cộng Sản... Những lúc đó Phật Giáo đi đâu? Ông chưa có câu trả lời!

Thật ra, không phải chỉ với loạt bài nói trên chúng ta mới thấy ý đồ của Thiền Sư Lê Mạnh Thát. Năm 1999, khi hay tin ông sắp xuất bản bộ “Lịch sử Phật Giáo Việt Nam” , chúng tôi rất vui mừng vì tin rằng có thể tìm thấy trong đó những sự kiện lịch sử mới và chính xác về Phật Giáo. Nhưng chúng tôi đã thất vọng khi đọc Tập I. Chúng tôi có cảm tưởng ông đã viết sử theo đường lối của Đảng CSVN: chỉ đưa ra các sự kiện để chứng minh “Đảng ta” luôn anh minh, sáng suốt và thắng lợi..., còn các phần sai lầm, thất bại, hay “không có lợi” đều bỏ đi hết. Thiền Sư Lê Mậnh Thát đã viết sử Phật Giáo Việt Nam cũng gióng hệt như vậy. Ông chỉ đi tìm những tài liệu để chứng minh Phật Giáo là siêu việt và Phật Giáo là dân tộc. Ông cho rằng Phật Giáo đã truyền vào nước ta từ đời Hùng Vương. Nhưng các đời Hùng Vương thường được ước lượng kéo dài khoảng từ năm 696 đến 258 trước công nguyên. Do đó, ông tìm cách kéo dài đời Hùng Vương ra đến năm 43 sau công nguyên! Phần thực sử nói về Phật Giáo trong cổ sử bị coi là “không có lợi” cho Phật Giáo, ông đều gạt ra ngoài, không ghi lại một chữ nào. Giáo Sư Trương Thái Du đã phải phê phán: “Thứ gì có lợi cho thuyết của ông, thì ông xem như chân lý và không nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ...”

NHÀ NƯỚC PHẢN PHÁO

Trước hết, hai tờ báo lớn nhất trong nước là báo Nhân Dân và báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng hai bài chống lại những quan điểm về lịch sử của Thiền Sư Lê Mạnh Thát dựa vào Kinh Phật. Những báo khác cũng đăng nhiều bài góp ý thêm hay đăng lại hai bài nói trên.

Vì hai bài báo đăng trên báo Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng quá dài, nên trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ ghi lại những điểm chính.

I.- Phản ứng trên báo Nhân Dân

Dưới đầu đề “Về cái gọi là... những phát hiện lịch sử chấn động” báo Nhân Dân ngày 10.3.2008 đã giới thiệu bài của ông Trương Thái Du như sau:

“Từ ngày 27-2 đến ngày 6-3, một tờ báo đã đăng bài viết nhan đề "Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động". Một số điều trong bài viết đã gây phản ứng gay gắt trong bạn đọc, nhất là những người nghiên cứu khoa học lịch sử. Vì thế, đã có rất nhiều thư và ý kiến phản ứng gửi tới báo Nhân Dân.

“Chúng tôi xin đăng bài viết của tác giả TRƯƠNG THÁI DU... để góp phần chia sẻ thông tin cùng bạn đọc.”


Ông Trương Thái Du, nhà nghiên cứu cổ sử ở Sài Gòn, đã mở đầu bài báo bằng câu sau đây:

“Vì yêu thích cổ sử và ít nhiều đã có một số công trình biên khảo nhỏ, tôi đặc biệt chú ý và theo dõi rất kỹ vấn đề ông Lê Mạnh Thát theo đuổi. Từ việc đọc bài báo "Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động" đăng trên một tờ báo, kết hợp với tìm hiểu quyển Lục Độ Tập Kinh (LĐTK) và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2006) của tác giả Lê Mạnh Thát, tôi xin trình bày một số ý kiến...”

Sau đó, ông Du đã tóm lược một số điểm nổi bật mà Thiền Sư Lê Mạnh Thát đã nêu ra:

1. Truyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con có nguồn gốc từ nước Phật.

2. Truyền thuyết An Dương Vương không có thật, nó là phiên bản của một câu chuyện Ấn Độ.

3. Triệu Đà chưa từng xâm lược nước Việt cổ.

4. Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước thời Hai Bà Trưng là những quận mà triều đình Hán "đoạt khống", tức đặt tên trên bản đồ nhưng không chiếm đóng trực tiếp.

Ông Du nói rằng kết hợp với việc giải mã lịch sử ẩn trong kinh Phật, ông Thát chứng minh từ Vua Hùng đến Hai Bà Trưng, nước ta hoàn toàn độc lập, có đầy đủ chữ viết, luật tục, thi thơ, lễ nhạc. Quan điểm của ông Lê Mạnh Thát thiên về tính bản địa của văn minh Việt Nam, tương đồng với các nghiên cứu của nhiều sử gia lớn như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn... Truyền thuyết An Dương Vương có cái vỏ Mahãbhãrata. Tuy vậy, ông Thát đã bỏ qua những chi tiết rất quan trọng, góp phần tạo dựng truyền thuyết An Dương Vương: Tích Trương Nghi theo đường rùa bò xây thành tại nước Thục (thế kỷ thứ 4 trước công nguyên). Theo sách Đông Kinh Hoa Mộng Lục, thời Hậu Chu (951 - 959), tại Trung Quốc có xây dựng Loa thành hình xoáy trôn ốc, có ba vòng là Thành ngoại, Thành nội và Hoàng thành. Thành này hiện vẫn còn di tích tại thành cổ Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đó là chưa kể, truyện dân gian Thần cung bảo kiếm của người Choang ở Quảng Tây có mô-tip rất giống "An Dương Vương".

Bằng việc rút mắt xích An Dương Vương và Triệu Đà khỏi chuỗi Vua Hùng - An Dương Vương - Triệu Đà - Hai Bà Trưng, ông Thát bẻ cong sử liệu để nối Vua Hùng trực tiếp với Hai Bà Trưng.

Tiếp đến ông Du bàn đến chuyện Tàu chỉ “đoạt khống” đất Việt Nam chứ không có chiếm thực. Ông Du viết:

“Gút mắc lớn nhất và "chấn động" lớn nhất, theo tôi, là việc ông Lê Mạnh Thát khẳng định ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là "... "đoạt khống" đất đai nhằm thỏa mãn não trạng và ao ước bành trướng của nhà Hán mà thôi". Lập luận trong bài báo là: Tượng Quận nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam hiện đại. Bài báo nói trên viết: "Một số tài liệu Trung Quốc có chép một cách lầm lạc rằng nó là Nhật Nam (nước ta) sau này, nhưng đối chiếu với những tài liệu tin cậy cũng của chính Trung Quốc, từ rất sớm người ta đã biết Tượng Quận nằm giữa hai quận Uất Lâm và Tường Kha của Trung Quốc chứ không phải nước ta".

Nhưng ông Du nói rằng Tượng Quận mà ông Thát nêu lên là Tượng Quận của đời Hán chứ không phải của đời Tần. Quyển Lính Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi có đoạn nói Hán Vũ Đế chiếm Nam Hải đã tách Tượng Quận của Tần làm ba Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, lại cắt một ít Nam Hải và Tượng Quận để thành Hợp Phố.

Về sử liệu mà ông Lê Mạnh Thát xử dụng, ông Du có nhận xét như sau:

“Sử liệu về cổ sử Việt Nam thật ít ỏi, phần lớn là sách Trung Quốc và truyền thuyết dân gian. Đến thời đại văn minh mạng máy tính hôm nay, chúng ta không những có nhiều công trình biên khảo của người Việt xuất bản liên tục, mà còn có thể truy đến nguyên văn Hoa ngữ khá đầy đủ, hệ thống và khoa học trên các trang web của Trung Quốc, trong đó có của Đài Loan. Tiếc là, phần lớn nội dung Lục Độ Tập Kinh của ông Thát viết cách đây đã 40 năm, sử liệu Trung Hoa ông dùng thiếu độ liền mạch, thiếu đầy đủ cũng như không được cập nhật.”

Về phương diện lựa chọn sử liệu để xử dụng, ông Du đã phê phán Thiền Sư Lê Mạnh Thát khá nặng. Ông nói “ông Lê Mạnh Thát đã khai thác một chiều sử liệu Trung Hoa. Trong Lục Độ Tập Kinh ông sử dụng khá nhiều văn bản Trung Quốc, nhưng đáng tiếc phương pháp của ông rất cảm tính. Thứ gì có lợi cho thuyết của ông, thì ông xem như chân lý và không nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ...”

Trong phần tạm kết, ông Du nói “có thể việc tiến hành nhiều cày xới, đưa ra nhiều suy biện thì người đọc càng có cơ hội tiếp cận gần nhất sự thật lịch sử. Song, sự cày xới phải được tiến hành trên cơ sở của luận chứng khoa học, và hiển nhiên, khoa học không phải là nơi dung chứa các suy biện cảm tính, làm nhiễu loạn nhận thức chung của xã hội và công chúng về vấn đề lịch sử được đặt ra. Đáng nói hơn, những suy biện cảm tính đó lại được đưa ra trước công luận với những lời lẽ tùy tiện trong bài báo, xúc phạm các nhà sử học tiền bối đáng kính trọng của dân tộc.”

II.- Phản ứng trên báo Sài Gòn Giải Phóng

Với đầu đề: “Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”- Kết luận quá vội vàng, chưa đủ chứng cứ khoa học và thiếu sức thuyết phục” , báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng bài phỏng vấn Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam của Trần Lưu. Trong cuộc phỏng vấn này, Giáo Sư Lê đã nêu lên nhiều điểm sai lầm hay nhận xét quá đáng của Thiền Sư Lê Mạnh Thát. Ông nói:

“Thiền sư Lê Mạnh Thát là người mà đã gần như dành toàn bộ thời gian và công sức để đi sâu vào việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam và theo tôi đó là một việc làm rất có ý nghĩa. Với những công trình nghiên cứu về các bộ kinh Phật, về lịch sử và văn học Phật giáo Việt Nam, Thiền sư là một người chuyên sâu nhất về lĩnh vực này và rất đáng trân trọng.

“Tuy nhiên từ nghiên cứu Phật giáo chuyển sang nghiên cứu lịch sử dân tộc, thì có nhiều vấn đề cần phải bàn thêm. Đây là hai đối tượng nghiên cứu quan hệ rất mật thiết với nhau, nhưng không phải là một. Phật giáo đã sớm gắn bó với dân tộc và đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm, và Phật giáo đã có những cống hiến rất lớn cho lịch sử dân tộc.

“Tuy nhiên văn hóa Phật giáo là một dòng, một bộ phận của văn hóa dân tộc, chứ không thể coi là toàn bộ văn hóa dân tộc...”

Tiếp theo, ông nói đến một số vấn đề được Thiền Sư Lê Mạnh Thát nêu ra: “Khẳng định thời kỳ An Dương Vương là không có, không có cuộc xâm lược của Triệu Đà cũng như không có thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất kể từ cuộc xâm lược của Triệu Đà cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và vì thế cuộc khởi nghĩa này được coi là một cuộc kháng chiến. Như thế nước Văn Lang của các vua Hùng kéo dài cho đến năm 43 sau Công nguyên!?”

Ông đã phê phán những khẳng định nói trên của Thiền Sư Lê Mạnh Thát như sau:

“Khẳng định không có Thục Phán, không có thời kỳ An Dương Vương, thì Thiền sư giải thích như thế nào về sự ghi chép tương đối thống nhất về sự tồn tại của An Dương Vương trong thư tịch Trung Quốc và Việt Nam? Tất nhiên, xung quanh vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc có những vấn đề cần nghiên cứu và xác minh thêm như nguồn gốc của Thục Phán, niên đại của nước Âu Lạc...

“Thiền sư phủ nhận tất cả những tư liệu trên mà không chứng minh được những bộ sử đó chép sai như thế nào. Đặc biệt luận điểm đó khó đứng vững trước một nguồn tư liệu mà theo tôi giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong nghiên cứu cổ sử, đó là khảo cổ học. Tôi có cảm giác, Thiền sư đã bỏ qua, không khai thác và không cập nhật nguồn tư liệu khảo cổ học, nhất là những kết quả khai quật và nghiên cứu gần đây...”

“Bằng những phương pháp khoa học, từ kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học có thể xác định được niên đại tương đối và tuyệt đối của các di tích với những sai số chấp nhận được, có thể góp phần phục dựng trên một số phương diện nào đó diện mạo của nền văn hóa, cuộc sống của cư dân và một số công trình xây dựng đã sụp đổ...

“Phủ nhận nước Âu Lạc và An Dương Vương thì tác giả giải thích như thế nào về thành Cổ Loa? Thiền sư cho rằng đó chỉ là tòa “Kiển thành” do Mã Viện xây mà trước đây đã từng có người đề xuất, nhưng những kết quả khảo cổ học gần đây đã cho phép xác định tòa thành này được xây dựng trước hết từ thời An Dương Vương rồi sau đó, được tiếp tục sử dụng và có thể có những bồi trúc nhất định.

“Hơn nữa chúng ta còn tìm ra được ở Cổ Loa hàng vạn mũi tên đồng ba ngạnh được coi là “mũi tên đồng Cổ Loa”, rồi tìm thấy trống đồng, gần 100 lưỡi cày đồng cùng hàng loạt di vật của nền văn hóa Đông Sơn.

“Các nhà khảo cổ học còn cắt một đoạn thành để nghiên cứu và khai quật một số hố trong khu Thành Nội gần đền thờ An Dương Vương. Tại đây đã phát hiện một hệ thống những lò nung và khuôn đúc mũi tên đồng gồm ba mang bằng đá rất khớp với “mũi tên đồng Cổ Loa”, khuôn đúc mũi giáo...

“Đáng lưu ý nhất là An Dương Vương đã dùng một phần Thành Nội để sản xuất vũ khí, chứng tỏ đây là loại vũ khí cực kỳ quan trọng cần được bảo vệ chặt chẽ...”

Về phần nghiên cứu lịch sử của Thiền Sư Lê Mạnh Thát, Giáo Sư Phan Huy Lê đã đi đến kết luận:

“Từ vài dẫn chứng trên, tôi nghĩ rằng, một số kết luận của Thiền sư Lê Mạnh Thát là chưa đủ chứng cứ khoa học, chưa đủ sức thuyết phục. Ở đây, có vấn đề khai thác và sử dụng tư liệu, có vấn đề phương pháp luận sử học chưa được sử dụng một cách nghiêm túc.”

RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Ngày xưa Việt Vương Câu tiển sang làm con tin cho Ngô Phù Sai, đã chấp nhận “nằm gai nến mật”, kể cả nếm phân của Ngô Phù Sai, để nhà Ngô tin rằng ông là người tầm thường, không nuôi ý chí lớn. Nhờ vậy ông đã sống sót và tìm cách phục thù. Còn Thiền Sư Lê Mạnh Thát “trá hàng để làm văn hóa” , xây dựng thuyết “Phật Giáo siêu việt và Phật Giáo là dân tộc và dân tộc là Phật Giáo” mà lại thích huênh hoang để chủ nhân nhận ra mưu đồ của mình, làm sao hoàn thành sứ mạng được? Nhiều người tin rằng sau lễ Vesak, Đảng CSVN sẽ để cho hình bóng của Thiền Sư Lê Mạnh Thát lu mờ dần và kiếm một con gà khác thay thế.

Dù không có biến cố nói trên, nhiều người đồng ý Thiền Sư Lê Mạnh Thát, dù có được thổi lên và huyền thoại hóa, cũng không thể thay thế Thiền Sư Nhất Hạnh được. Thiền Sư Nhất Hạnh làm việc và viết lách có phương pháp, nhưng chỉ vì lãnh các “missions impossibles” mà tan tành sự nhiệp. Còn Thiền Sư Lê Mạnh Thát làm việc thiếu khoa học, viết và nói lung tung, lại quá tự phụ, nên không thể thay thế Thiền Sư Nhất Hạnh được.

Theo con đường của Lê Mạnh Thát, liệu Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ và nhóm trí thức Phật Giáo như Trần Quang Thuận, Bùi Ngọc Đường, Cao Huy Thuần, Trần Chung Ngọc, Hồng Quang... có thể “trá hàng để làm văn hóa” rồi xâm nhập vào Giáo Hội Nhà Nước, chiếm dần giáo hội này và thống lãnh Phật Giáo Việt Nam không?

Có lẽ ai cũng có thể trả lời câu hỏi này.
 
Ý kiến độc giả: Thư gửi Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam
Tư Hiến
18:29 02/04/2008
Ý kiến độc giả: Thư gửi Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam

Kính thưa Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục

Mấy tuần qua trên một số trang web, tôi thấy có nhiều bài nói về vụ trường học biến thành vũ trường ở 32 bis Nguyễn Thị Diệu, Q.3. Tp HCM. Tôi cũng được đọc bản Thông Cáo Chung ký ngày 15/10/1975 giữa Sở Giáo Dục Thành Phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Giáo Dục & Thanh Niên và Uỷ Ban Liên Lạc Giáo Dục Công Giáo đại diện Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn. Đọc xong bản thông cáo chung này tôi cảm thấy cần phải viết thư cho Bộ trưởng.

Tôi rất ngưỡng mộ những gì Bộ trưởng đã làm cho cho nền giáo dục nước nhà trong những năm qua, ví dụ như chủ trương kiên quyết “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Gần đây hẳn Bộ Trưởng là một trong những người có thiện chí thao thức vực dậy nền đạo đức, nhân bản đang tụt dốc trong học đường. Để đạt được mục tiêu này Bộ Trưởng đã ban hành chỉ thị số 2516/CT-BGDĐT ngày 18/5/2007; phát động trong toàn ngành cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" từ 19/5/2007, hằng năm sơ kết vào dịp sinh nhật Bác (19/5) và tổng kết vào dịp 03/02/2011 nhằm “đẩy lùi sự suy thoái về chính trị đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội”. Nội dung: “…tập trung vào các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Như thế, Bộ Trưởng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc các thầy cô, những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục phải là người đi đầu trong việc sống các giá trị đạo đức và nhân bản. Bởi không thể giáo dục đạo đức cho học sinh khi chính bản thân giáo viên chưa mẫu mực. Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, nói: Gương thầy cô là bài học lớn nhất vì như nhà giáo dục Pháp Jean Jaures nói: “người ta chỉ và chỉ có thể dạy bằng chính con người (nhân cách) của mình”. Bác Hồ thì nói một cách nôm na dễ hiểu hơn: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.

Với tư cách là một phụ huynh học sinh, tôi xin được thưa với Bộ trưởng môt số suy nghĩ và đề nghị của tôi nhân vụ Trường mẫu giáo Măng Non đã trở thành vũ trường VIP- CLUB.

- Tôi nghĩ rằng Bộ Trưởng cần lên tiếng khi Giám Đốc một Sở Giáo Dục lớn như Thành Phố Hồ Chí Minh đứng ra mượn cơ sở để dạy học, nay chẳng biết vì lý do thôi không dạy nữa, biến mảnh đất thiêng liêng mượn của tôn giáo ấy thành vũ trường. Sở Giáo Dục muốn dạy cho người có đạo một bài “công dân giáo dục” chăng? Quý nhà giáo mẫu mực muốn dạy cho các em học sinh rằng đất đai tôn giáo chỉ đáng để làm vũ trường? Xin Bộ trưởng đừng quên chuyện mượn cơ sở này là nhân danh Bộ Giáo dục và Thanh niên (xem Thông Cáo Chung 1975)! Bộ trưởng có thể nói đây là chuyện của quá khứ không liên can gì đến tôi! Không, tôi nghĩ nó gắn liền với vấn đề trường lớp hiện nay và đạo làm người trong giáo dục. Cụ thể, Bộ trưởng có thể kiểm chứng được hiện nay đang có bao nhiêu ngôi trường mà ngành giáo dục đang sử dụng là mượn của tôn giáo. Đã đến lúc chúng ta cần giáo dục cho học sinh biết ơn về những gì mà tôn giáo đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, thay thế cho những bài học chính trị chê bai tôn giáo! Nói thế không phải vì các Vị chức sắc trong tôn giáo cần đến lời cám ơn của con em chúng ta, nhưng để người thụ ơn xứng đáng là người hơn! Tôi thiết nghĩ, Bộ trưởng cũng đã làm điều gì đó, nhưng tôi vẫn không thể không viết thư này. Tôi muốn Bộ trưởng và Giám Đốc Sở giáo dục TP HCM không làm gương cho con em chúng ta về sự dối trá, phủ nhận việc đã có một Vị đi trước mình đã ký mượn các trường tư thục của Giáo Hội Công Giáo. Tôi nghĩ những vị đứng đầu trong ngành giáo dục phải lên tiếng đồng thuận với việc trả lại trường cho tôn giáo khi đã không còn sử dụng đúng mục đích mà mình đã cam kết trên giấy trắng mực đen. Và quý vị sẽ bằng mọi cách không để xảy ra một trường hợp khác tương tự. Các Vị mang trong mình thiên chức giáo dục không thể cố tình vi phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc tôn trọng quyền sở hữu của người khác. Rõ ràng việc Vũ trường mọc lên trên mảnh đất mượn để làm trường học là có phần lỗi của cán bộ ngành giáo dục. Đất nước này chẳng lẽ không cần chỗ để dạy học nữa mà chỉ cần chỗ phục vụ ăn chơi? Thầy cô giáo đạo mạo mượn chỗ nói là để dạy học sao bây giờ lại thành chỗ nhảy đầm cấm con nít không được thấy?

Tất cả những điều ấy cần được công khai nói lên, như thế chúng ta mới có thể làm gương cho con em chúng ta về sự: “liêm, chính, tinh thần trách nhiệm” như nội dung phong trào của Chỉ Thị Bộ trưởng đã ban hành. Xin Bộ trưởng thứ lỗi vì những điều tôi nói quá thẳng thắn có thể làm Bộ trưởng phiền lòng. Thật vậy, những ngày qua tôi từng chứng kiến sự tranh luận và bất bình của con tôi cùng các bạn học của nó về sự kiện vườn trẻ thành vũ trường. Mong Bộ trưởng lên tiếng cho chúng nó thấy thầy cô giáo luôn là những người gương mẫu trong giảng dạy hơn là xuất sắc trên sàn nhảy, nhất là chuyện này lại có liên hệ đến các thầy cô cao cấp trong trong ngành giáo dục. Đó sẽ là bài đạo đức thuyết phục và sống động đối với con em chúng tôi.

Xin trân trọng kính chào và chúc sức khoẻ đến ngài Bộ trưởng!

Cà Mâu ngày 2/4/2008
 
Văn Hóa
Nguyễn Khắc Dương - Người tìm mình qua những xung đột văn hóa
Đỗ Lai Thúy
17:17 02/04/2008
Nguyễn Khắc Dương - Người tìm mình qua những xung đột văn hóa

1. Nguyễn Khắc Dương sinh năm 1925, tôi biết Nguyễn Khắc Dương vào năm 1982, nhân một chuyến đi công tác với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vào Quảng Nam. Nghỉ một đêm ở Huế, sáng hôm sau lên đường thì thấy trên xe có thêm một người khách lạ. Bác Viện giới thiệu: chú Dương nhà tôi, đi nhờ xe đến Đà Nẵng. Rồi ông quay xuống chỗ chúng tôi, hạ giọng: tôi đã gàn, nhưng chú Dương còn gàn gấp mấy! Tôi chưa hiểu chữ "gàn" ông dùng ở đây theo nghĩa nào. Khi xe qua đèo Hải Vân, bác Viện bảo dừng cho mọi người ngắm cảnh. Trong khi ai nấy còn đang tíu tít trò chuyện, tôi chợt thấy Nguyễn Khắc Dương đứng một mình trước biển. Với mái tóc dài bù xù, ông giống tượng đài một triết gia.

Nguyễn Khắc Dương, ảnh Nguyễn Khắc Phê
Đầu năm 1990, một hôm bác Viện bảo tôi: ngày mai chú Dương nói chuyện về Kitô giáo ở Đại học Văn hóa, Thúy nên đi nghe, nhớ mang theo cả máy ghi âm. Chú Dương hiện nay có lẽ là người am hiểu Kitô giáo hơn cả. Chiều hôm ấy, khi đi làm về, tôi thấy một ông già ngồi ngoài cửa, chơi với thằng Hải Anh, con trai tôi, ở trong cửa. Nhìn kỹ hóa ra Nguyễn Khắc Dương. Tôi vội vàng mở khóa, mời ông vào nhà. Ông nói, nghe anh Viện bảo ông Huỳnh Khái Vinh, hiệu trưởng nhà trường, muốn tôi nói chuyện nội bộ. Sợ Thuý đi mất công, tôi hỏi chỗ ở, đến để báo lại. Trong lúc chờ, bác cháu tôi vừa ăn bỏng cốm vừa chơi với nhau rất vui. Tôi thực sự ngạc nhiên, chỉ vì chuyện nhỏ ấy, ông cất công đi bộ đến nhà tôi, lại còn ngồi chơi với cháu qua cửa sắt, để chờ. Đấy là người gàn, hoặc một triết nhân. Lúc ấy, quả thực, tôi còn chưa biết Nguyễn Khắc Dương là một Kitô hữu.

Từ đó, con người Nguyễn Khắc Dương cứ ám ảnh tôi hoài. Sinh ra trong một gia đình Nho giáo chính thống vậy mà ông lại muốn theo Kitô giáo làm tu sĩ. Rồi khi tâm nguyện đã thành, ông lại cứ chuyển đổi dòng tu, để, cuối cùng, xuất tu làm cư sĩ. Làm một ông thầy tài tử ở Văn khoa Đại học Đà Lạt. Những năm sau này, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn, tôi đều đến thăm ông ở một ngôi nhà nữ tu nhỏ, gần cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức. Căn phòng ông ở nằm cuối sân tu viện, cạnh một chiếc ao con.

Cuộc đời Nguyễn Khắc Dương là một hành trình tìm kiếm bản thân. Ông là người đa văn hóa. Trong ông, các văn hóa khác nhau xung đột nhau. Và cứ mỗi lần một xung đột được hóa giải, thì một xung đột mới lại nổi lên như mây mưa tụ ở chân trời. Cứ như thế, sau mỗi lần một xung đột được hóa giải, phác thảo chân dung con người ông dần dần hiện rõ hơn. Nhưng, hình như, không bao giờ có bức tranh cuối cùng.

2. Với mọi trí thức Việt Nam, kể từ khi người phương Tây đầu tiên đặt chân lên xứ này, đều thấy có một xung đột văn hóa. Trước đây, người ta không trải nghiệm cảm giác này, bởi ta với Tàu, dẫu sao, cũng là những nước đồng chủng đồng văn. Còn Tây thì khác, khác cả nòi giống lẫn văn hóa. Sự xung đột văn hóa Đông Tây là không tránh khỏi. Với nhiều nhà trí thức Nho học và Tây học, sự xung đột này có thể quy vào xung đột giữa Nho giáo và Kitô giáo. Với Nguyễn Khắc Dương, do hoàn cảnh gia đình và cá nhân, lại càng như vậy.

Tôi đã đọc cuốn Tây dương Gia Tô bí lục được viết vào thế kỷ XVIII. Hai tác giả của nó, mặc dù là cha cố, lại được tu nghiệp tại La Mã, mà vẫn nhìn Kitô giáo bằng con mắt kỳ thị của nhà nho. Các ông Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký, hẳn theo đạo từ nhỏ, lại chỉ là những nhà nho tự học, không hấp thụ nền giáo dục khoa cử chính thống, nên tránh được những mâu thuẫn ấy chăng? Nguyễn Khắc Dương, tuy theo Tây học, nhưng được sinh ra trong một gia đình Nho học đại quan chính thống, nên từ nhỏ đã nhiễm cái tinh thần Nho giáo. Bởi, văn hóa Nho giáo đào luyện con người không chỉ có học, mà còn phải có đức, không chỉ có đức mà còn phải có lễ, nghĩa được thể hiện trong nếp sống hàng ngày. Hơn nữa, ngoài cái nho quyển ấy, cậu bé Dương còn cảm nghiệm Nho giáo qua hình ảnh người cha.

Cụ Nguyễn Khắc Niêm là một thần đồng Nho học, 18 tuổi đỗ tú tài, 19 tuổi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến hàm nhất phẩm. Nhưng cụ sinh bất phùng thời: nước mất, Nho giáo suy tàn. Yêu nước, nhưng vì sinh kế gia đình buộc phải ra làm quan, không theo được "đại sự", tức tham gia vào các hoạt động chống Pháp bấy giờ; muốn làm học cũng không được, phải làm quan cai trị; về già theo đạo Phật, và cũng chủ yếu ở cạnh khía đạo đức. Đó là hình ảnh một người cha có nhiều nét khả ái, đáng kính, nhưng cũng gợi lên một cái gì đó bất túc, không hoàn hảo. Có lẽ, chính cái nhìn (hay đúng hơn, sự cảm nhận?) lưỡng giá này về người cha đã khiến Nguyễn Khắc Dương, khi lớn lên, có hướng tìm một cái gì khác và hơn cái lý tưởng Nho giáo thời mạt vận.

Và, một sự tình cờ đã đưa Nguyễn Khắc Dương đến với thế giới Kitô giáo. Năm 1938, do hỏng thi vào Quốc học Huế vì môn dictée, ông được mẹ gửi vào học ở Providence (Thiên Hựu) để rèn luyện tiếng Pháp. Qua những giáo sư - linh mục giảng dạy ở trường, qua nền học vấn nhân văn Tây phương trong tinh thần Công giáo, đặc biệt qua nhà tư tưởng, nhà triết học tự nhiên, nhà văn, nhà thần hiệp Kitô giáo Pascal, ông thấy được ở Kitô giáo nhiều điều khác với Nho giáo. Nếu Nho giáo là thế giới của nghi thức, nghiêm trang và có phần lạnh lùng, tức thiên về tính, thì thế giới Công giáo ân cần, thân mật và nghiêng về tình. Bởi, Kitôgiáo đề cao tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu.

Mỗi Kitô hữu đều cảm nhận được tình yêu của Chúa, thậm chí được yêu một cách khủng khiếp, si mê, một thái độ như đối với người tình duy nhất, và được mời gọi đáp lại bằng một tình yêu tương tự. Sống một tình yêu như vậy, người được yêu thấy mình là một giá trị độc nhất vô nhị đối với người yêu mình, tức mình là một ngã vị, một phẩm giá người. Điều này thật khác với đức thương người của Nho giáo, một tình thương có phần trừu tượng, nghiêng về lý trí, như "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", hoặc "thương người như thể thương thân". Nguyễn Khắc Dương tìm thấy ở Jésus những gì còn thiếu ở Khổng Tử. Hình ảnh người cha trong ông lúc này có thêm những nét của người mẹ, một hiền mẫu chứ không phải một mẫu nghi. Và, hẳn cũng vì thế, cái nhìn của Nguyễn Khắc Dương về những "người cha khác" cũng thay đổi, hoặc trở nên sâu sắc hơn nhờ sự đối lập.

Nguyễn Khắc Dương rất quen thân với một tu sĩ Phật giáo là Thượng tọa Thích Mật Thể. Ông là một bậc chân tu, đạo cao đức trọng. Về phương diện này hẳn ít tu sĩ Công giáo sánh kịp. Vậy mà mỗi lần tiếp xúc Thượng tọa, Nguyễn Khắc Dương vẫn cảm thấy ở thái độ của ông có một cái gì đó lạnh nhạt. Có lẽ, tình thương của người tu sĩ Phật giáo với một con người cụ thể nào đó là thương trong cái đại từ bi vô ngã đối với một chúng sinh cũng vô ngã như bất cứ chúng sinh nào! Thậm chí, có thể nói, đó là sự xót thương cho cái chấp ngã hiện hữu của người đó, thay vì vui mừng vì hiện hữu của anh ta như một ngã vị. Và khi chiêm ngưỡng tượng Đức Thích Ca điềm nhiên ngồi trên tòa sen, ông cũng có cảm tưởng như vậy. Thật khác với Thánh Âu Cơ Tinh, khi ngài nói" "Tình yêu là niềm vui của tôi vì sự hiện hữu của anh".

Con người cá nhân muốn hình thành và, quan trọng hơn, tồn tại phải có môi trường của nó. Trường Thiên Hựu và sau này là Trường Công giáo Hương Sơn quê nhà đã cho Nguyễn Khắc Dương một không khí gia đình. Nhưng khác với gia đình gia trưởng Nho giáo coi trọng tính cộng đồng, duy trì tôn ty trật tự, mỗi thành viên tồn tại bằng cái phận vị của mình, môi trường Công giáo là một cộng đồng liên ngã vị. Ở đây cái thân phận không quan trọng bằng cái con người, con người như một cá nhân, như một ngã vị. Điều này được biểu trưng bằng hình ảnh Ba Ngôi. Mỗi Ngôi là một tồn tại độc lập, tự thân. Sống - cùng, sống - với người khác chứ không phải sống - như người khác, là người khác. Như vậy, người Kitô hữu giải phóng mình khỏi con người chức năng, ứng xử với nhau như là những ngã vị, con người này. Trong bối cảnh văn hóa tiểu nông Khổng giáo bấy giờ, đây không chỉ là một cái nhìn mới về con người, mà còn đưa ra một phẩm chất mới của cộng đồng.

Quyết định trở thành một tu sĩ Kitô giáo là một "lựa chọn khó khăn nhưng tất yếu" của Nguyễn Khắc Dương. Nhưng điều làm cho ông băn khoăn hơn cả là quyết định ấy đánh một đòn nặng vào gia đình. Nhất là trong hoàn cảnh Nguyễn Khắc Viện, người anh cả đang ốm đau ở Pháp, người anh thứ hai thì mới mất, lại sinh toàn con gái, nên trách nhiệm nối dõi tông đường, gánh vác gia đình, phụng dưỡng bố mẹ già đặt cả vào vai Nguyễn Khắc Dương. Đấy là chưa kể trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp bấy giờ, hành động ấy không thể không gây hiểu lầm, ngộ nhận về chính trị. Nếu không thoát khỏi con người bổn phận Nho giáo, không phát triển đến một mức độ nào đó ý thức cá nhân, con người cá nhân, hẳn Nguyễn Khắc Dương đã không thể dứt áo ra đi. Mặc dù ông theo Công giáo là để đi tu. Và đi tu với ông là đi tìm một lý tưởng sống phù hợp với bản thân mình, hướng về một cuộc sống xa hẳn việc đời, hiến thân cho Chúa trong một đời tu nghiêng về ẩn dật và khổ hạnh.

3. Như vậy, với việc trở thành một tu sĩ Công giáo ở Nguyễn Khắc Dương, Kitô giáo đã chiến thắng Khổng giáo. Nhưng dần dà ông cảm thấy dòng Phanxicô có một cái gì đó không phù hợp với bản chất người sâu xa của ông. Vốn là một người bề ngoài thì rất kỷ luật, biết vâng lời, đúng giờ giấc, nhưng bên trong thì cháy bỏng một khát vọng sống ngoài vòng bất kỳ sự cương tỏa hay rập khuôn nào. Vậy mà, dòng tu Phanxicô lại có rất nhiều những khuôn khổ, quy chế, luật lệ hết sức gò bó. Hơn nữa, lối tu cộng đoàn này lại còn có xu hướng bộc phát ra bên ngoài. Điều này trái với quan niệm tu hành của ông. Ông chỉ thích lối tu đơn độc của các tu sĩ Công giáo trước thời có lối tu cộng đoàn, thích hình ảnh các thiền sư, đạo sĩ chỉ một mình mình, nếu có đệ tử thì cũng chỉ là đệ tử tâm truyền. Họ theo thầy một thời gian, rồi lại ra đi theo con đường riêng của mình. Tu như vậy là theo kiểu tung gieo hạt giống, chứ không thành luống thành hàng, thành dòng thành dõi. Đọc sách, ông thấy dòng tu Cát Minh của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, có lẽ, hợp với ông hơn.

Vào đầu những năm 60, sau khi tốt nghiệp Cử nhân triết học ở Sorbonne, Nguyễn Khắc Dương ghi danh làm tiến sĩ cho có chuyện, ông chủ yếu dành thời gian tìm một nếp tu. Ông kiếm tìm một hình thức tu nhỏ gọn và âm thầm. Được giới thiệu đến một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc nước Pháp, ông tu trong một nhóm nhỏ thuộc đan viện cổ truyền Bouveret dòng Biển Đức. Nửa năm ở đấy khác nào như cá trong nước. Nhưng khi được đưa sang Thuỵ Sĩ, nơi có đan viện chính, để chuẩn bị vào nhà tập, ông lại thấy nặng nề, gò bó, sức khoẻ lại giảm sút nghiêm trọng. Hơn nữa, đan viện này lại không thuộc về một liên-đan-viện phụ trách các dòng tu ở Việt Nam, nên mộng ước sau này về nước thiết lập và phổ biến lối đan tu nhỏ gọn không thể thực hiện được. Thế là, một lần nữa, Nguyễn Khắc Dương lại ra khỏi dòng tu. Ông quyết định rời Pháp về Việt Nam làm một cư sĩ, một tu hụt.

Sự "vụng đường tu" của Nguyễn Khắc Dương ảnh xạ một xung đột trong nội bộ văn hóa Kitô giáo. Nói rõ hơn là giữa tinh thần Kitô và cái gọi là Kitô-chế. Hay nói khác giữa tính tôn giáo và tổ chức tôn giáo như là một thiết chế văn hóa - xã hội. Ông gần với tinh thần Kitô và xa lạ với Kitô-chế, thậm chí dị ứng với nó. Ông thấy Kitô giáo thời kỳ còn khốn khó giàu tinh thần Kitô hơn thời kỳ đã nắm quyền, đặc biệt là thế quyền. Các tu sĩ Kitô giáo thanh bần bao giờ cũng nhiều tinh thần Kitô hơn các tu sĩ đầy quyền bính. Bởi lẽ, quyền bính nào, nhất là những quyền bính nhờ quyền bính, cũng là sự sa đoạ. Nếu chỉ chứng kiến cảnh những tu sĩ béo tốt đi xe vào dinh quan Sứ như trước Cách mạng tháng Tám, nếu không thấy các tu sĩ đi bộ cùng các Kitô hữu trong nhiều nẻo đường kháng chiến, hẳn Nguyễn Khắc Dương đã không thể đi tu. Tinh thần Kitô khuyến khích con người tự mình trực tiếp đối diện trước Chúa: một mình mình biết, một mình mình hay. Ở cạnh khía này, ông có vẻ gần với người anh em Tin Lành hơn.

Có lẽ, cũng do ảnh hưởng của tinh thần Kitô, Nguyễn Khắc Dương có một cái nhìn "không giống ai" về văn minh phương Tây. Ông rất coi trọng nền văn hóa trung đại mang tinh thần Công giáo, thời kỳ mà chúng ta, những đầu óc duy lý và duy tiến bộ, vẫn coi là "đêm trường trung cổ". Bởi thế, ông phê phán nền văn hóa Phục Hưng vì đã khôi phục lại tinh thần duy lý Hy Lạp, duy luật La Mã và mở đầu cho thời đại duy khoa học và kỹ thuật. Từ đó, Nguyễn Khắc Dương dị ứng với mọi thứ triết học duy hệ thống. Platon, Aristote, Kant, Hegel với những Tinh thần, Lịch sử, Nhân loại viết hoa làm ông nghẹt thở. Ông chỉ tiếp tu được những tư tưởng triết học đề cao con người, con người cá nhân cá thể, con người như là một ngã vị. Ông yêu thích các triết gia hiện sinh hữu thần như Kierkegaard, Jaspers, Marcel...

4. Cuối năm 1965, Nguyễn Khắc Dương về nước. Sau một năm dạy học ở Sài Gòn, ông được mời lên dạy triết học ở Đại học Công giáo Đà Lạt. Lúc này, linh mục, nhà ngôn ngữ học Lê Văn Lý làm trưởng khoa Văn, còn linh mục Lê Tôn Nghiêm làm trưởng ban Triết. Cuộc sống của một cư sĩ, một ông thầy tài tử có vẻ thích hợp hơn với ông. Đặc biệt làm một ông thầy Triết.

Nhớ lại những năm học Triết ở Sorbonne. Bấy giờ Nguyễn Khắc Dương chủ yếu đi tìm một lối sống, một nếp tu, chứ không phải một triết lý, nên ông trở nên hững hờ với Triết, thật khác xa với anh chàng tú tài háo triết thuở nào. Bởi vậy, những điều ông tiếp tu được ở trường không phải là những tri thức cao siêu, mà chính là thái độ trí thức của những giáo sư Sorbonne. Họ rất khiêm tốn, liêm khiết trí tuệ, thận trọng và trung thực trong phán đoán, không a dua theo phong trào. Bài giảng của họ chỉ là sự trình bày một cách từ tốn, giản dị những gì họ tìm kiếm được. Đó là thái độ của người đang đi tìm chân lý chứ không phải đã sở hữu chân lý trong tay. Mà, nói cho cùng, chân lý là đạo, là con đường, mãi mãi là cái đang - là, chứ không phải cái đã - là; lại càng không phải một đồ vật để người ta tranh giành và hễ chiếm được thì độc quyền ban bố, phân phát.

Làm ông thầy tài tử ở Đà Lạt, Nguyễn Khắc Dương không coi mình như một giáo sư, mà chỉ như người phụ giảng, anh trưởng tràng giúp đỡ sinh viên. Bởi thế, ông không viết giáo trình hay cho in sách vở gì cả. Bài ông giảng cho sinh viên, có ai ghi chép lại mà muốn nhân lên để anh em khác cùng lớp dùng, ông chỉ sửa chữa vài chỗ rồi cho họ tự ý muốn làm gì thì làm. Ngoài giờ học, thầy trò quây quần quanh quán phở, tiệm cà phê cũng là thường. Ông muốn là người đồng hành với thế hệ trẻ. Bởi, ông quan niệm, không có ai dạy triết cho ai, không có ai học triết với ai được cả. Chỉ là kẻ trước người sau đi tìm chân lý cho mình và do mình; gặp nhau thì giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Trở về làm một cư sĩ, sống tận cùng với cá nhân mình, Nguyễn Khắc Dương, nhất là những năm sau 1975, như trở lại giai đoạn anh nhi của cuộc đời. Nhưng đứa trẻ thông thái ấy tưởng như đã "biết tuốt", đã "tri thiên mệnh", vậy mà vẫn có điều băn khoăn. Có lần, ông nói với tôi, mà như nói với chính mình, là cả đời ông chưa một lần được gặp Chúa, dĩ nhiên là gặp theo lối thần hiệp. Ông là người dành trọn tình yêu cho Chúa, hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa, tin tưởng vào mọi sự xếp đặt huyền bí của Chúa, kể cả những năm 1955 - 56 đi làm quân dịch và 16 tháng gối hai năm 1975-76 trong trại học tập. Vậy mà chưa một lần được nhận Thiên Ân. Hẳn là lỗi ở cái óc duy lý đã bị ông tống ra cửa chính mà nó vẫn vào bằng cửa sổ. Đây có lẽ là xung đột sau cùng ở một con người: niềm tin và trí óc, tôn giáo và khoa học.

5. Trước khi mất không lâu, một hôm, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bảo tôi: chú Dương là người suốt đời tìm đường mà không thấy. Còn ông, tôi nghĩ, hẳn ngay từ đầu đã thấy đường rồi. Đó là con đường của người sĩ phu hiện đại. Nhưng, cũng như bao sĩ phu truyền thống, sau một đời hoạt động bận rộn, ông cũng phải tìm về với chữ Tâm. Như vậy, giống như sự "lại giống", một đại trí thức Tây học như Nguyễn Khắc Viện mà vẫn đi lại con đường "vào Nho ra Phật", "trẻ Nho già Lão" của người trí thức Nho học ngày xưa. Và, cho đến nay, trên con đường đó, hẳn ông không độc hành.

Nguyễn Khắc Dương, cũng vậy, sớm khao khát một cuộc sống có lý tưởng, cái lý tưởng hành đạo giúp đời theo kiểu Nho giáo mà người cha, người anh đã vạch sẵn. Nhưng rồi sự tiếp xúc và, sau đó, trở thành người Kitô hữu, cái lý tưởng đẳng cấp ấy ở Nguyễn Khắc Dương trở thành một lý tưởng cá nhân của riêng ông. Đó là nguyện vọng thực hiện một đời sống tu hành. Và, oái oăm thay, lý tưởng cá nhân này trong con mắt số đông người ở thời kỳ đó lại như là sự "phản bội" lại lý tưởng của gia đình, vùng đất, thậm chí dân tộc. Nếu không có một ý thức cá nhân phát triển cao, không tự coi mình như một ngã vị có giá trị tự thân thì không thể bứt được khỏi truyền thống người cha, khỏi vô thức tập thể. Trợ lực cho điều đó, ngoài nền học vấn nhân văn thế kỷ XVII của Pháp, ngoài văn chương lãng mạn Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước, hẳn Kitô giáo giữ một vai trò quyết định.

Con người cá nhân Nguyễn Khắc Dương, dù phát triển cao như vậy, mà vẫn không phải là con người thuần nhất. Đằng sau người trí thức Tây học là một tu/cư sĩ Công giáo; đằng sau con người tu/cư sĩ Công giáo là một anh "đồ Nho", mà lại là "đồ Nghệ", gàn đến ba đời. Những con người trong con người này khập khiễng nhau, tranh chấp nhau, ảnh xạ những khác biệt, những xung đột về văn hóa, triết học, tôn giáo và kiểu tư duy. Những khác-xung-biệt-đột này ở Nguyễn Khắc Dương thúc đẩy một loạt các lưỡng phân giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, giữa văn hóa phương Tây duy kỹ thuật và văn hóa phương Tây tâm linh, giữa lối tu cộng đoàn có tổ chức chặt chẽ và lối tu đơn độc, tự do và, cuối cùng, khi chỉ là một cư sĩ, thì giữa lòng tin và đầu óc, giữa sự phó mình để bước ra ngoài ngọn sào và sự phân tích, lý giải, so sánh, bình luận đời mình như một nhà phê bình văn học mổ xẻ một văn bản. Sự lưỡng phân, có lẽ, không có tận cùng. Và hình như càng lưỡng phân bao nhiêu thì nguyện vọng hợp nhất trong ông càng tha thiết bấy nhiêu. Hợp nhất Đông và Tây, hợp nhất Nho giáo và Kitô giáo, hợp nhất đoàn thể và cá nhân, trái tim và đầu óc, hợp nhất những gì tưởng như không thể hợp nhất nổi, để có được một Kitô giáo Việt Nam, và những Kitô - Việt - hữu. Bởi thế, Nguyễn Khắc Dương là một trường lữ đi trên con đường không có đường.

Chùa Thầy, Xuân Mậu Tý

(Nguồn: Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội, số 2/2008)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cái Cò
Lm. Tâm Duy
00:15 02/04/2008

CÁI CÒ



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Cái cò trắng bạch như vôi,

Cô kia có lấy chú tôi thì về.

Chú tôi chẳng mắng chẳng chê,

Thím tôi thì mổ lấy mề nấu canh.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền