Ngày 09-04-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/04: Phụ Nữ là những người truyền giáo đầu tiên – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:30 09/04/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:28 09/04/2023

32. Chúng ta cầu cứu Đức Mẹ là nhờ vào địa vị cao quý của Mẹ để cầu cứu, thay cho những thiếu sót của chúng ta.

(Thánh Anselm of Canterbury)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:33 09/04/2023
19. CÂY CẢI BẮP

Một người mẹ rất cần mẫn, trong vườn rau nhà mình trồng rất nhiều loại rau. Một hôm, bà nói với con gái:

- “Bối Đế, con qua đây, con nhìn xem những đốm vàng trên mấy cây cải bắp này, chúng nó là trứng sâu đó, sau này nở ra những con trùng đẹp làm hại hoa, chiều hôm nay, con phải đi kiểm tra một lược tất cả cây bắp cải, được không? Đem tất cả trứng sâu đó giết sạch, làm như thế là con giúp đỡ rất lớn đó, sau này chúng ta có thề ăn được bắp cải lớn, lá càng xanh thì cây bắp cải càng tốt.”

Bối Đế trong lòng nghĩ, đây căn bản không phải là công việc gì to lớn, sau đó nó quên sạch sành sanh chuyện này cách dứt khoác.

Mẹ nó bị bệnh mấy ngày nên không thể ra vườn làm việc, ngày bà vừa khỏi bệnh thì liền đi ra vườn, dẫn Bảo Đế cùng đi theo. Trời ạ, thật là một cảnh tượng rất đáng sợ, mỗi bẹ bắp cải đều bị sâu ăn sạch chỉ lưu lại thân cây trơ trụi. Bảo Đế sợ hãi nên hối hận khóc lớn, mẹ nó nói:

- “Việc hôm nay thì hôm nay phải làm cho xong, đạo lý này con nên hiểu, còn nữa, khi việc xấu vừa mới phát sinh thì phải triệt nó đi, bằng không thì sẽ không kịp, loại hậu quả này không ai lường trước được đâu.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 19:

Việc làm hôm nay thì phải làm cho xong, đừng để qua ngày mai kẻo hậu quả không thể lường trước được, nhất là những việc thuộc về đời sống thiêng liêng của mình: phải sửa chữa ngay những khuyết điểm nhỏ hôm nay, bằng không nó sẽ trở thành tội trọng ngày mai; phải làm việc bác ái ngay hôm nay, đừng để ngày mai mới làm thì sẽ ân hận trong lòng.

Ai làm tốt việc của ngày hôm nay thì tâm hồn họ luôn bình an vui vẻ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một trải nghiệm đáng ao ước
Lm Minh Anh
14:28 09/04/2023

MỘT TRẢI NGHIỆM ĐÁNG AO ƯỚC
“Các bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng”.

Cha William thăm một cô gái sắp mổ mắt. Nỗi sợ phải mù loà ám ảnh cô! Quay về phía cha xứ, cô nói, “Ôi, Chúa đang lấy đi thị giác của con!”. Cha William nghiêng mình thì thầm, “Đừng để Ngài lấy nó! Con hãy dâng nó cho Ngài!”. Khuôn mặt cô gái rạng rỡ, “Con ước ao được như vậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ hãi xen chút vui mừng, dẫu ít ỏi, nơi cô gái trẻ đưa chúng ta về câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Hai phụ nữ ra khỏi mồ Chúa Giêsu, “vừa sợ” lại vừa “hớn hở vui mừng”. Thật thú vị, hai trạng thái tâm lý đan xen! Làm sao một người “vừa sợ” lại vừa “hớn hở vui mừng?”. Không phải sợ hãi xói mòn niềm vui sao? Không phải niềm vui chẳng triệt tiêu được sợ hãi sao? Đặt mình vào tâm trạng của hai cô vốn đã có ‘một trải nghiệm đáng ao ước’, chúng ta sẽ có câu trả lời!

Làm sao có thể không sợ khi một thi hài nát bươm của một người đã chết nay hiện ra sừng sững trước mặt họ? Làm sao có thể không sợ khi một ‘thây ma’ trong mồ nay lên tiếng chào họ? Ấy thế, nỗi sợ tự nhiên đã được thế chỗ bởi niềm vui của ân sủng! “Chào các bà!” tiếng Latin là “Exsultet”, có nghĩa là “Mừng vui lên!”. Đây cũng là lời Gabriel nói với Đức Mẹ trong ngày truyền tin, “Mừng vui lên, đấng đầy ân sủng!”. Giờ đây, không phải là lời của sứ thần nhưng là lời của ‘Chúa các sứ thần’. “Mừng vui lên!”, lời Đấng Phục Sinh nói cho cả nhân loại biết rằng, nó đang được đầy ân sủng!

Đây không phải là một nỗi sợ thông thường; đúng hơn, một nỗi sợ đầy tôn kính, kinh ngạc và choáng ngợp. Họ kinh ngạc tột độ, một kinh ngạc gây sốc thánh thiện; và cùng lúc, ngập tràn niềm vui. Bỗng nhiên, một sự hiểu biết chợt đến khiến họ đầy ắp hy vọng rằng, Thầy đã sống lại, ra khỏi mồ! ‘Trải nghiệm đáng ao ước’ này cho phép họ tin chắc một điều gì đó rất phi thường vừa mới xảy ra.

Đây còn là ‘một trải nghiệm đáng ao ước’ nơi bạn và tôi! Ngày Phục Sinh, ‘ngày Chúa biến đổi tôi’, ‘ngày Chúa đã làm ra’, ngày mà tôi sẽ hoan hỷ mừng kính trong tám ngày liên tiếp và cao điểm là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế, trong tám ngày tiếp theo, chúng ta sẽ cố gắng ‘cùng trải nghiệm một kinh nghiệm’ mà các phụ nữ thánh thiện ấy đã trải qua. Rằng, Chúa Giêsu không còn trong mộ và tôi cũng đã ‘ra khỏi mộ’ với Ngài. Hãy chìm sâu vào mầu nhiệm Phục Sinh; học biết nó đúng như ý nghĩa tràn đầy của nó! Chúa Phục Sinh đã tiêu diệt hậu quả của tội lỗi; Ngài huỷ diệt cái chết, sự ác; đồng thời, đang huỷ diệt tội lỗi của tôi, ban cho tôi sự sống mới trong sức mạnh Phục Sinh của Ngài. ‘Tác động Phục Sinh’ mời gọi tôi tham gia vào sự sống mới mẻ ‘hôm nay và lúc này’. Đó là ‘một trải nghiệm đáng ao ước’ sinh ích nhất, cấp bách nhất. Không thể tuyệt vời hơn!

Anh Chị em,

“Họ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng”. Chúa Phục Sinh ước ao bạn và tôi có được trải nghiệm ấy mỗi ngày trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, trong những con người, trong các biến cố lớn nhỏ. Ngài ‘đón đường’ từng người chúng ta, nói với chúng ta, “Mừng vui lên!” vì cả vũ trụ này đang được đổi mới; và nhất là, ‘Con đang được đổi mới!’. Nhưng hãy cam kết một điều, như các cô, bạn và tôi phải ra khỏi nhà, ‘ra khỏi mồ’, ra khỏi những gì thuộc tầm thấp, ra khỏi những ước muốn thế tục; nhờ đó, có thể nhận ra ‘Đấng đón đường’ đầy yêu thương, quyền năng. Được như thế, chúng ta mới thật sự có được ‘một trải nghiệm đáng ao ước’ mà Đấng Phục Sinh mang lại, cũng là Đấng sai đi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết dìm mình sâu hơn trong mầu nhiệm Phục Sinh vào những ngày hôm nay; nhờ đó, con có được ‘một trải nghiệm đáng ao ước’; con được biến đổi và được sai đi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
05:23 09/04/2023


Vào lúc 12 giờ trưa, từ ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ Điệp Phục Sinh “Urbi et Orbi” cho dân thành Rôma và thế giới cho các tín hữu hiện diện tại Quảng Trường Thánh Phêrô và cho những người lắng nghe ngài qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Tiếp theo lời công bố về việc ban ơn toàn xá của Đức Hồng Y James Michael Harvey, Giám quản Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Thánh Cha đã ban Phép lành “Urbi et Orbi”.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã sống lại!

Hôm nay chúng ta tuyên xưng rằng Ngài, Chúa của đời ta, là “sự sống lại và là sự sống” của thế gian (x. Ga 11:25). Hôm nay là Phục sinh, Lễ Vượt Qua, một từ ngữ có nghĩa là “cuộc vượt qua”, bởi vì nơi Chúa Giêsu, cuộc vượt qua mang tính quyết định của nhân loại đã được thực hiện: đó là cuộc vượt qua từ cái chết đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sợ hãi đến tin tưởng, từ cô đơn đến hiệp thông. Trong Ngài, Chúa tể của thời gian và lịch sử, tôi muốn nói với tất cả mọi người với niềm vui chân thành trong tâm hồn: cầu chúc lễ Phục sinh hạnh phúc cho tất cả anh chị em!

Anh chị em thân mến, xin cho mỗi người trong anh chị em, đặc biệt là cho những người đau yếu và nghèo khổ, những người già cả và những người đang trải qua thời gian thử thách và mệt mỏi, một cuộc vượt qua từ gian khổ đến an ủi. Chúng ta không đơn độc: Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, ở với chúng ta mãi mãi. Giáo hội và thế giới hãy vui mừng, vì hôm nay niềm hy vọng của chúng ta không còn bị dội lại trước bức tường sự chết, nhưng Chúa đã mở ra một nhịp cầu dẫn đến sự sống cho chúng ta. Vâng, thưa anh chị em, vào lễ Phục sinh, số phận của thế giới đã thay đổi, và ngày này, cũng trùng với ngày phục sinh rất có thể của Chúa Kitô, chúng ta có thể vui mừng cử hành, nhờ ân sủng thuần khiết, ngày quan trọng nhất và đẹp nhất trong lịch sử.

“Chúa Kitô đã sống lại, thực sự đã sống lại”, như các Giáo Hội Đông Phương đã loan báo. Từ “thực sự” nhắc nhở chúng ta rằng hy vọng của chúng ta không phải là ảo vọng, nhưng đó là sự thật! Và cuộc hành trình của nhân loại từ lễ Phục sinh trở đi, được đánh dấu bằng niềm hy vọng, tiến bước nhanh hơn. Những nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh cho chúng ta thấy điều này qua tấm gương của họ. Các sách Tin Mừng thuật lại sự vội vã mà vào Ngày Phục Sinh “các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ” (Mt 28:8). Và, sau khi bà Maria Mađalêna “chạy đến với ông Simon Phêrô” (Ga 20:2), thì chính ông Gioan và ông Phêrô “cả hai cùng chạy” (x. câu 4) để đến nơi chôn cất Chúa Giêsu. Và rồi vào chiều Phục Sinh, khi gặp Đấng Phục Sinh trên đường Emmau, hai môn đệ “lên đường không chậm trễ” (Lc 24:33) và vội vã đi vài dặm lên đồi trong bóng tối, xúc động bởi niềm vui Phục Sinh không thể kìm nén được đang bừng cháy trong tâm hồn của họ (xem câu 32). Cũng chính niềm vui đó mà Phêrô, trên bờ biển Galilêa, khi nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh đã không thể nấn ná trong thuyền với những người khác, mà lập tức nhảy xuống nước bơi thật nhanh để gặp Người (x. Ga. 21:7). Nói tóm lại, vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình tăng tốc và trở thành một cuộc chạy đua, bởi vì nhân loại nhìn thấy mục tiêu của cuộc hành trình, ý nghĩa của định mệnh của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và được mời gọi để vội vã gặp gỡ Ngài, niềm hy vọng của thế giới. Chúng ta cũng hãy mau chóng lớn lên trên con đường tin cậy lẫn nhau: tin cậy giữa người với người, giữa các dân tộc và các quốc gia. Chúng ta hãy ngạc nhiên trước tin vui của lễ Phục sinh, trước ánh sáng soi rọi bóng tối và u ám mà thế giới thường thấy mình bị bao trùm trong đó.

Chúng ta hãy nhanh chóng vượt qua những xung đột và chia rẽ và mở rộng trái tim của chúng ta với những người đang cần giúp đỡ nhất.

Chúng ta hãy nhanh chóng bước đi trên con đường hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta hãy vui mừng trước những dấu chỉ cụ thể của niềm hy vọng đến với chúng ta từ rất nhiều quốc gia, bắt đầu từ những quốc gia giúp đỡ và chào đón những người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.

Tuy nhiên, trên đường đi, vẫn còn nhiều hòn đá vấp ngã, khiến cho việc tiến về Đấng Phục Sinh của chúng ta trở nên gian nan và vất vả. Chúng con cầu xin Ngài: xin giúp chúng con chạy đến gặp Ngài! Xin giúp chúng con mở lòng ra!

Xin giúp đỡ nhân dân Ukraine thân yêu trên con đường tiến tới hòa bình, và đổ ánh sáng Phục sinh lên nhân dân Nga. Xin an ủi những người bị thương và những người mất người thân trong chiến tranh, và giúp các tù nhân trở về với gia đình họ một cách an toàn. Hãy mở rộng trái tim của toàn thể cộng đồng quốc tế để họ có thể làm việc để chấm dứt cuộc chiến này và tất cả các cuộc xung đột làm vấy máu thế giới, bắt đầu từ Syria, quốc gia vẫn đang chờ đợi hòa bình. Xin hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và chính Syria. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã mất gia đình và bạn bè và bị bỏ rơi vô gia cư: xin cho họ nhận được sự an ủi từ Chúa và sự giúp đỡ từ đại gia đình của các quốc gia.

Vào ngày này, lạy Chúa, chúng con xin phó thác cho Chúa thành Giêrusalem, chứng nhân đầu tiên về sự Phục sinh của Chúa. Tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công trong những ngày vừa qua đe dọa bầu không khí tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau được trông đợi, vốn cần thiết để nối lại đối thoại giữa người Israel và người Palestine, cầu xin hòa bình có thể ngự trị tại Thành phố Thánh và khắp Khu vực.

Lạy Chúa, xin giúp Libăng vẫn đang tìm kiếm sự ổn định và thống nhất, để quốc gia này có thể vượt qua sự chia rẽ và mọi công dân cùng nhau làm việc vì thiện ích chung của đất nước.

Anh chị em đừng quên những người dân Tunisia thân yêu, đặc biệt là giới trẻ và những người đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội, để họ không mất hy vọng và cùng nhau hợp tác để xây dựng một tương lai hòa bình và tình huynh đệ.

Hãy hướng cái nhìn của anh chị em đến Haiti, quốc gia đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị xã hội nghiêm trọng trong nhiều năm, đồng thời ủng hộ nỗ lực của các bên tham gia chính trị và cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp dứt khoát cho nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến dân tộc bị thử thách nặng nề đó.

Xin Chúa củng cố các tiến trình hòa bình và hòa giải được thực hiện ở Ethiopia và Nam Sudan, đồng thời chấm dứt bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu cử hành Lễ Phục sinh hôm nay trong những hoàn cảnh đặc biệt, như ở Nicaragua và Eritrea, và xin nhớ đến tất cả những người bị ngăn cản không được tự do, không được công khai tuyên xưng đức tin của mình. Xin Chúa an ủi các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Mozambique và Nigeria.

Xin Chúa giúp Miến Điện đi trên con đường hòa bình và soi sáng trái tim của những người có trách nhiệm để những người Rohingya bị thương tổn có thể tìm thấy công lý.

Xin Chúa an ủi những người tị nạn, những người bị trục xuất, những tù nhân chính trị và những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như tất cả những ai đang phải chịu đói, nghèo và những tác động bất chính của việc buôn bán ma túy, buôn người và mọi hình thức nô lệ. Lạy Chúa, xin truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để không một người đàn ông hay phụ nữ nào có thể bị phân biệt đối xử và bị chà đạp lên phẩm giá của mình; để trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người và dân chủ, những tai họa xã hội này có thể được chữa lành, lợi ích chung của các công dân có thể luôn luôn được tìm kiếm, và an ninh cũng như các điều kiện cần thiết cho đối thoại và chung sống hòa bình có thể được bảo đảm.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy khám phá lại niềm hân hoan của cuộc hành trình, chúng ta hãy đập nhanh nhịp đập của hy vọng, chúng ta hãy nếm trước vẻ đẹp của Thiên Đàng! Hôm nay chúng ta hãy thu hết nghị lực để tiến bước trong sự thánh thiện hướng về Đấng tự bản chất là Thánh Thiện, không làm chúng ta thất vọng. Và, như một Giáo Phụ xưa đã viết, “tội lỗi lớn nhất là không tin vào các quyền năng của Sự Phục Sinh” (Thánh Isaac of Nineveh, Sermones ascetici, I,5), thì hôm nay chúng ta hãy tin và tuyên xưng rằng, “Chúa Kitô đã sống lại thật” (Ca tiếp liên). Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào Chúa, chúng con tin rằng với Chúa niềm hy vọng được tái sinh, cuộc hành trình vẫn tiếp tục. Lạy Chúa của sự sống, xin khuyến khích chúng con trên con đường của chúng con và cũng lặp lại với chúng con, như với các môn đệ vào chiều Phục sinh, “Bình an cho anh em! Bình an cho anh em! Bình an cho anh em!” (Ga 20:19, 21).
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tuần Thánh nơi Thánh Địa - Gaza, Tuần Thánh dưới bom đạn, nhưng Giáo hội tiếp tục loan báo sự sống lại quang vinh của Chúa Phục Sinh
Thanh Quảng sdb
19:16 09/04/2023
Tuần Thánh nơi Thánh Địa - Gaza, Tuần Thánh dưới bom đạn, nhưng Giáo hội tiếp tục loan báo sự sống lại quang vinh của Chúa Phục Sinh

Gaza (Agenzia Fides) - Các Kitô hữu ở Gaza đã trải qua một Tuần Thánh dưới bầu trời bị xé nát bởi tia chớp bom đạn.

Vào đêm giữa Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh, các cuộc không kích của lực lượng vũ trang Israel đã nã bom vào vùng đất của người Palestine, một hoạt động được coi là phản ứng trước các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel từ các vùng lãnh thổ của Palestine.

Cha Gabriel Romanelli, chánh xứ nhà thờ Thánh Gia Latinh nói với Fides: “Ở đây tại Gaza, nhờ ân sủng của Chúa, chúng tôi tiếp tục tuyên xưng đức tin của mình: Đấng Phục sinh đã không trở lại với ngôi mộ trống, Người đã không trở lại để chết. Người là Chúa của lịch sử và của các thế hệ. Và chiến thắng của Người trước sự dữ và tội lỗi đã nuôi dưỡng niềm hy vọng vào những chiến thắng của con người cho điều thiện hảo và chính nghĩa. Chiến thắng cho hòa bình, chống lại chiến tranh và chống lại bất công".

Trong suốt Mùa Chay, các Kitô hữu ở Gaza đã có nhiều cơ hội để cùng nhau chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ được thuật lại trong Tin Mừng. Sau Thứ Tư Lễ Tro, các ngày thứ Sáu hàng tuần, nhiều người đã được rửa tội tham gia vào việc đạo đức là đi “Đàng Thánh Giá”.

Vào Thứ Năm Tuần Thánh, sau Thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa, tiếng gào thét của tên lửa và các cuộc không kích đã hủy bỏ cuộc rước theo kế hoạch đến "bảy nhà tạm", bảy nơi - bao gồm cả nhà thờ Chính thống giáo - ở Gaza, nơi được lưu giữ Bí tích Thánh Thể.

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nếu có điều kiện, sau phần Phụng Vụ Thương Khó, một đám tang, khiêng tượng Chúa đặt nằm nơi nghĩa trang nhỏ của giáo xứ. Sau đó, trên đường trở về, một cây thánh giá được trang trí bằng hoa được dựng trước nhà thờ, và những lời cầu nguyện được dâng lên cho Mẹ Sầu Bi.

Giữa những cuộc xung đột đang xé nát Trung Đông, Cha Romanelli, nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, lặp đi lặp lại rằng điều cấp bách là “cầu nguyện cho hòa bình và hành động vì hòa bình, cố gắng làm cho các ốc đảo được hòa bình và công lý phát triển“.

Trong Mùa Chay, các việc từ thiện và giúp đỡ những người nghèo khổ cũng được các Kitô hữu chia sẻ với người Hồi giáo, những người cũng đang trải qua tháng ăn chay Ramadan, là thời gian ăn chay và cầu nguyện. (Agenzia Fides, 4/7/2023)
 
Cuộc khủng hoảng Kitô giáo thập niên 1960
Vu Van An
20:28 09/04/2023

Đứng trước sự phân hóa hay phân cực rõ rệt trong Giáo Hội Công Giáo hiện nay, nhiều người Công Giáo tỏ ra bi quan, không hiểu trong tương lai, điều gì sẽ xẩy ra cho Giáo Hội mà họ hằng thiết tha yêu mến nhưng dường như đang lao xuống vực thẳm. Tuy nhiên, xét theo lịch sử, Giáo Hội Công Giáo từng trải qua nhiều giai đoạn có khi còn bi đát hơn hiện nay nhiều.

Callum G. Brown Callum, giáo sư lịch sử tôn giáo và văn hóa tại Phân Khoa Nhân Văn của Đại Học Dundee, Tô Cách Lan, trong bài “What was the Religious Crisis of the 1960s?”, đăng trên Journal of Religious History, bộ 34 số 4, Tháng Mười Hai năm 2010, đã tỉ mỉ vẽ lại cuộc khủng hoảng của Kitô giáo và nhất là Giáo Hội Công Giáo trong thập niên 1960, một cuộc khủng hoảng có tác giả gọi là “cuộc khủng hoảng sau cùng của Thế giới Kitô Giáo” (xem nguyên văn tại:https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1467-9809.2010.00909.x).

Trong lời giới thiệu, ban biên tập của Journal of Religious History cho rằng cuộc khủng hoảng của những năm 1960 giờ đây là trung tâm của các cuộc tranh luận về sự thay đổi tôn giáo và thế tục hóa trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, bản chất của cuộc khủng hoảng vẫn còn gây tranh cãi. Sử dụng cuốn sách The Religious Crisis of the 1960s (2007) của Hugh McLeod làm điểm khởi đầu, bài viết này khám phá những vấn đề khiến các học giả chia rẽ — nguồn gốc và thời gian của cuộc khủng hoảng (đó là cuộc cách mạng hay sự tiến hóa? ); nó được tạo ra nhiều hơn bởi sự phát triển bên trong các Giáo Hội Kitô giáo hay bởi sự phát triển bên ngoài chúng; và tầm quan trọng tương đối của Kitô giáo cấp tiến so với Kitô giáo bảo thủ trong sự phát triển và di sản của cuộc khủng hoảng là gì? Nó lập luận rằng sự thế tục hóa của thời kỳ này nên được coi chủ yếu là một sự kiện bất ngờ và gây sốc, dựa trên các mối đe dọa từ bên ngoài, và được phản ảnh trong các giáo hội, sự phân chia giữa những người cấp tiến và những người bảo thủ theo những cách ngày càng trở nên hiếu chiến hơn khi thế kỷ trôi qua.



Sự sụp đổ hiện đại của văn hóa và thực hành Kitô giáo ở châu Âu chắc chắn là một trong những thay đổi lịch sử lớn nhất. Trọng tâm của nó là một cuộc khủng hoảng vào những năm 1960, một cuộc khủng hoảng đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng vì vai trò của nó trong việc khởi xướng các xu hướng trong tôn giáo đương thời.(1)Tuy nhiên, mặc dù có sự nhất trí đáng kể về tầm quan trọng và thậm chí mức độ nghiêm trọng của tác động đối với Kitô giáo trong thập niên đó, có sự bất đồng đáng kể về bản chất chính xác của những gì đã thực sự xảy ra.

Trong cuốn sách The Religious Crisis of the 1960s của mình, Hugh McLeod cho đến nay đã cung cấp bản tường trình chi tiết nhất, có tính so sánh và ở nhiều khía cạnh, là giải trình có sắc thái nhất về những gì đã xảy ra với Kitô giáo ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Úc. Ông mô tả “những năm sáu mươi kéo dài” từ năm 1958 đến năm 1975 là “cuộc khủng hoảng cuối cùng của Thế giới Kitô giáo”. Ông viết: “Trong lịch sử tôn giáo của phương Tây, những năm này có thể được coi là đánh dấu một sự rạn nứt sâu xa như sự rạn nứt do Phong trào Cải cách gây ra.” (2) Mặc dù ông vẽ những hình ảnh rất chi tiết về từng quốc gia (và đôi khi theo từng khu vực) của các sự kiện trong thời kỳ đó, tường thuật của ông có ba đặc điểm quan trọng. Đầu tiên, ông tìm cách xác định “cuộc khủng hoảng” của những năm 60 trong các xu hướng cải cách, chủ nghĩa cấp tiến, tư tưởng chính trị và thần học cấp tiến bên trong các Giáo Hội Kitô giáo, mặc dù liên quan đến một số xu hướng tương tự trong xã hội “thế tục”, nhưng đã tạo nên sự sôi nổi của một Kitô giáo nhân văn nhân từ. Đồng thời, mặc dù ông xem xét những thách thức bên ngoài đối với vị trí của Kitô giáo ở những quốc gia này, nhưng về tổng thể, ông lại đánh giá thấp chúng; ông làm thế đặc biệt trong tương quan với tác động của cuộc cách mạng tình dục và giải phóng phụ nữ. Thứ hai, có một sự căng thẳng trong giải trình của McLeod giữa yếu tố đột ngột — đặc điểm “đứt đoạn” mà ông mô tả ở trang đầu tiên, và được ông quay đi quay lại liên tục — và tầm nhìn duy tiệm tiến dài hạn về quá trình thế tục hóa làm nền tảng cho giải trình ở nhiều điểm khác nhau và trong đó ông là người quảng bá nhất quán nhất trong cộng đồng lịch sử trong ba mươi lăm năm. (3)Và bao lâu còn phát hiện ra một sự đứt đoạn, ông định vị nó trong vòng “những năm sáu mươi kéo dài” vào hai năm, 1967 và 1968, thay vì sớm hơn trong giai đoạn này. Thứ ba và cũng là cuối cùng, ông hạ thấp ảnh hưởng của Kitô giáo bảo thủ trong thời kỳ này. Điều này được thấy rõ nhất khi ông bác bỏ tầm quan trọng của nhà vận động nổi tiếng người Anh cho có những chương trình truyền hình “sạch”, Mary Whitehouse, người mà ông mô tả là “không phải là người đại diện.” (4) Mặc dù ông thừa nhận rằng kết quả của cuộc khủng hoảng là “sự kết liễu của Thế giới Kitô giáo,” trong đó “ngôn ngữ chung” của tôn giáo đang không còn thịnh hành ở những quốc gia này, kết quả là một cuộc xuất hành từ quốc gia Kitô giáo sang quốc gia thế tục—một cuộc xuất hành được McLeod dường như tán thành.

Điều cực kỳ quan trọng là phải xem xét có phê phán cách miêu tả phức tạp và có lập luận chặt chẽ của McLeod về cuộc khủng hoảng của những năm sáu mươi. Xét về nhiều mặt nó có sức thuyết phục cao. Nhưng trong một số khía cạnh, nó có thể thiếu sót.

Cách mạng hay biến hóa

Cảm thức về sự thay đổi đột ngột đối với vị thế của tôn giáo trong xã hội, văn hóa và chính trị trong thập niên 1960 đã được phần lớn các tác phẩm nghiên cứu chứng thực. David Hilliard, trong số những người đầu tiên điều tra “cuộc khủng hoảng tôn giáo”, thấy rằng cảm thức giảm sút tôn giáo ở châu Úc đã lên cao sau một giai đoạn tăng trưởng tôn giáo rất mạnh trong thập niên 1950. Ở tiểu bang Victoria, chẳng hạn, tỷ lệ dân chúng của các Giáo Hội Thệ phản hàng đầu tăng từ 11.9 phần trăm năm 1947 lên 12.5 phần trăm năm 1961, nhưng rồi giảm xuống còn 10.7 phần trăm năm 1971 và 8.9 phần trăm năm 1976. (5) Ở Gia Nã Đại, Stuart Macdonald cho thấy 3 trong các hệ phái Thệ phản lớn đã theo mô hình giống như ở Anh, đó là sự thay đổi đột ngột từ sự phát triển của thập niên 50 sang sự suy giảm thường trực của thập niên 60. (6) Peter van Rooden lưu ý rằng vào đầu những năm 1960, người Hòa Lan là những người đi nhà thờ nhiều nhất trong số các dân tộc châu Âu, với 80 phần trăm tuyên bố thuộc về một Giáo Hội và gần ba phần tư tuyên bố tham dự ít nhất một buổi lễ vào Chúa nhật mỗi tháng; tỷ lệ người Hoà Lan tuyên bố không theo Giáo Hội nào đã tăng từ dưới 25% năm 1971 lên gần 50% năm 1986, một xu hướng mà ông cho là bắt nguồn từ cuộc cách mạng văn hóa những năm 1960, dẫn đến việc người Hòa Lan, theo ông, là quốc gia thế tục hóa nhất châu Âu vào đầu những năm 1990. (7) McLeod trình bày một loạt dữ kiện cho thấy sự suy giảm trên khắp châu Âu: những người Công Giáo tham dự thánh lễ giảm từ 43% xuống 33% ở Bỉ từ năm 1967 đến 1976, giảm từ 23% xuống 17% ở Pháp từ năm 1966 đến 1972, Người Anh rước lễ vào Phục Sinh giảm xuống còn 24%, và theo Giáo hội của những người rước lễ Tô Cách Lan giảm xuống còn 11%. (8) Có một số luật trừ đối với hình ảnh thay đổi đột ngột khởi đầu trong thập niên 1960, đặc biệt trong Đạo Công Giáo, nơi mặc dù có sự sút giảm về số các linh mục và nữ tu, nhưng nói chung, mười năm sau,(9) và tại Hoa Kỳ, có sự hồi sinh tôn giáo từ giữa những năm 1970 trở đi, khác với kinh nghiệm của châu Âu.(10) Ngoài ra, nhiều chỉ số ở các nước châu Âu cho thấy sự sút giảm dài hạn hơn về lòng đạo; không những vì sự sút giảm chậm hơn so với thập niên 1960, mà đại đa số việc sút giảm tổng thể về con số thành viên, phép rửa và phép cưới sau năm 1850 chỉ xẩy ra sau năm 1960. Patrick Pasture chắc chắn đã đúng khi mô tả tác động của những năm 1960 đối với châu Âu: “Điều thực sự xảy ra chủ yếu là một sự đứt đoạn có tính nền tảng đối với lịch sử.” (11)

Bất chấp những khác biệt này, những năm 60 chắc chắn là một cú sốc đối với Thệ phản và Công Giáo ở cả châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng giải trình của McLeod về cuộc khủng hoảng Kitô giáo chứa đựng sự căng thẳng giữa sự rạn nứt đột ngột và tính tiệm tiến. Mặc dù nói tới “sự kết liễu của Thế giới Kitô giáo” và “sự đứt đoạn” trong lịch sử tôn giáo trong tương quan với những năm sáu mươi, McLeod đã lập luận rằng tác giả bài này và Patrick Pasture mỗi người đã phóng đại những gì đã xảy ra bằng cách “thổi phồng sự nổi bật của Kitô giáo” trong thế kỷ XIX và trong nửa đầu thế kỷ XX. Ngược lại, McLeod nhấn mạnh “lịch sử tiền thân của sự xa lánh Giáo Hội của các bộ phận quan trọng của dân số đã bắt đầu từ thế kỷ thứ mười tám.”(12) Giải trình được McLeod sử dụng là sự kết hợp của hai cách tiếp cận. Ông viết, “Tôi từng lập luận rằng những biến động tôn giáo của những năm 1960 phải được nhìn trong bối cảnh của những phát triển dài hạn hơn nhiều ở các xã hội phương Tây, bao gồm một cách đáng chú ý sự gia tăng khoan dung tôn giáo kể từ thế kỷ XVII, những lời chỉ trích Kitô giáo đã có từ thế kỷ 18, các phong trào giải phóng chính trị từ năm 1789, và các thay đổi trong suy nghĩ về đạo đức và đạo đức tình dục, đặc biệt là từ khoảng năm 1890.” Ngoài ra, ông coi cuộc cách mạng lập pháp cấp tiến về phá thai, ly hôn, quyền của người đồng tính và tránh thai có từ thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. (13) Trong việc lần trở lại các thời kỳ sớm hơn, McLeod nhấn mạnh vị trí của các ý tưởng được lưu hành giữa các nhóm trí thức cấp tiến, cả bên trong lẫn bên ngoài các Giáo Hội, những người đã vận động để thay đổi cả Giáo Hội lẫn nhà nước. Mặc dù tác giả bài này có xu hướng đồng ý với quan niệm chung của ông về việc thế tục hóa (14), nhưng việc ông dành ưu thế trong đó cho hiện tượng trí thức do giới tinh hoa lãnh đạo sẽ có xu hướng làm xói mòn các khía cạnh cách mạng và tác nhân lịch sử của những người “bình thường”, khỏi giải trình lịch sử. Cuốn sách của McLeod đề cao nhưng cuối cùng lại loại bỏ sức mạnh của quần chúng trong sự thay đổi tôn giáo, chuyển nhân quả từ các lực lượng xã hội sang các cuộc cách mạng trí thức đã được lên khuôn. Thật vậy, trong giải trình của McLeod, có một cảm thức tiềm ẩn về một âm mưu cấp tiến trong nhiều thập niên để thành lập một xã hội Kitô giáo mới. Có lẽ âm mưu đó đã xảy ra, nhưng nó có phải là nguyên nhân của kết cục không?

Nếu người ta chuyển viễn ảnh từ việc thế tục hóa dựa trên ý tưởng sang sự thay đổi văn hóa dựa trên đại chúng, thì ở hầu hết các quốc gia từng trải qua “cuộc khủng hoảng tôn giáo”, chúng ta phải chuyển từ việc nghĩ đến biến hóa sang việc nghĩ đến cách mạng. Sự thay đổi thế tục trong văn hóa đại chúng có vẻ đột ngột hơn nhiều so với sự biến hóa của thần học cấp tiến.

Chắc chắn, một số khía cạnh của sự thay đổi có tính dài hạn. Sự suy giảm số người đi nhà thờ bắt đầu ở Anh, Đức và Bắc Âu từ cuối thế kỷ 19, chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược vào những năm 1940 và 1950, nhưng ở các quốc gia khác bao gồm Hòa Lan và hầu hết các quốc gia Công Giáo, bất cứ sự suy giảm nào về số người đi nhà thờ đều do những năm 1960 hoặc 1970. Clive Field lập luận rằng bằng chứng thăm dò dư luận về việc đi nhà thờ ở Luân Đôn từ năm 1947 đến 1994 cho thấy hầu như không có thay đổi nào về tỷ lệ tuyên bố đi nhà thờ hàng tuần (khoảng 12–16%) và tỷ lệ tuyên bố không bao giờ hoặc gần như không bao giờ đi nhà thờ (vào khoảng 46–60 phần trăm).(15) Tuy nhiên, phải nói rằng cảm thức khủng hoảng mạnh đến mức hàng giáo phẩm hoàn toàn xác tín rằng số người tham dự đã xuống dốc vào những năm sáu mươi; một hội nghị đặc biệt của Giáo hội Anh ở Oxford vào năm 1964 để xem xét sự canh tân đã được thông báo rằng chỉ còn lại “một số ít” trên băng ghế nhà thờ.(16) Một số kết quả nghiên cứu minh họa các khía cạnh khác của sự suy giảm của Kitô giáo kể từ năm 1945, nhưng chúng không nhất thiết trực tiếp đồng nhất với thập niên 1960.(17)

Nhưng việc đi nhà thờ chỉ là một chỉ số trong việc thực hành Kitô giáo; dường như tất cả các chỉ số khác của Kitô giáo do Anh tổ chức đều cho thấy sự thay đổi rõ rệt hơn, chủ yếu là vào những năm 1960. Trong giai đoạn 1963–1969, số thêm sức của Anh giáo trên đầu người giảm 32% và số người được phong chức giảm 25%, trong khi số thành viên giảm 24% trong giai đoạn 1960–1975. Đây là một cú sốc đối với các Giáo Hội, như Adrian Hastings đã nhận xét, bởi vì số liệu thống kê về Giáo Hội trong thời kỳ giữa hai thế chiến đã bị đảo ngược “một cách chắc chắn” vào những năm 1950. (18) Phép rửa trong Giáo Hội Anh Giáo đạt tới tuyệt đỉnh vào năm 1927 và vẫn còn rất cao cho tới những năm hậu chiến; thậm chí vào năm 1950, nó còn cao hơn (ở mức 632 trên 1,000 ca sinh còn sống) so với hầu hết các năm trong quý đầu tiên của thế kỷ. (19) Dữ kiện về số thành viên của Giáo hội cho thấy hiệu suất mạnh mẽ hơn nhiều trong những năm 1940 và 1950. Phần trăm dân số rước lễ trong Ngày lễ Phục sinh của Giáo Hội Anh cho thấy mức giảm lớn nhất trong thế kỷ xảy ra vào những năm 1962–1964. Tỷ lệ các cuộc hôn nhân được tổ chức long trọng theo tôn giáo, mặc dù cho thấy sự thay đổi dần dần từ đầu thế kỷ, nhưng, ở Anh và xứ Wales, đã trải qua sự sụt giảm đáng kể đầu tiên sau chiến tranh trong giai đoạn 1962–1967, trong khi ở Tô Cách Lan nó diễn ra trong các năm 1961–1962. Trong khi tỷ lệ đăng ký học trường Chúa nhật trên đầu trẻ em của Giáo hội Anh giảm nhẹ trong suốt những năm cuối thập niên 40 và 50, thì tỷ lệ bất đồng tăng lên cho đến năm 1951 và chỉ bắt đầu giảm mạnh vào năm 1956; các học giả tại các trường Giáo hội Trưởng lão Tô Cách Lan đã tăng tỷ lệ trẻ em cho đến năm 1956, khi tỷ lệ này bắt đầu giảm, bước vào một sút giảm mạnh vào đầu những năm 1970. Những dữ kiện này và các dữ kiện khác chứng minh bản chất khá toàn diện của sự sụp đổ của nền văn hóa Kitô giáo vào những năm 1960.

Trong những năm sáu mươi, những ngày quan trọng “được ưa chuộng” đã được đưa ra. Trong trường hợp của Anh, có rất nhiều lựa chọn thay thế. Đối với các nhà bình luận văn hóa, phiên tòa xét xử Lady Chatterley năm 1960, hay điều mà Bernard Levin gọi là “cơn thịnh nộ thần thánh” đối với một phụ nữ khỏa thân tại một hội nghị văn học ở Edinburgh năm 1963, nổi bật hẳn. (20) Các nhà bình luận khác đã chọn năm 1963 làm bước ngoặt văn hóa – một số lấy hứng từ dòng mở đầu bài thơ “Annus Mirabilis” [năm tuyệt vời] của nhà thơ Anh Philip Larkin về quan hệ tình dục không bắt đầu cho đến năm 1963, một số lấy cảm hứng từ vụ tai tiếng Profumo, trong đó ngoại trưởng Anh bị buộc phải từ chức vì nói dối trước Quốc hội về việc ngoại tình với một phụ nữ có liên quan với tùy viên quân sự tại đại sứ quán Liên Xô, và một số người như Robert Hewison cảm thấy những năm sáu mươi thậm chí không bắt đầu cho đến năm 1963. (21) Tác giả bài này lấy năm 1963 khi nền văn hóa Kitô giáo, trong tư cách nét bá chủ của xã hội Anh, chết yểu và thúc đẩy nhiều tuột dốc sắc nét cho lòng đạo và tính bảo thủ xã hội. (22) Ngược lại, Hugh McLeod từng nói rằng “nếu chọn một năm để đánh dấu bước ngoặt thì đó phải là năm 1967,” mặc dù ông cũng đưa ra cả một chương có tựa đề “1968” trong đó ông cổ vũ lòng yêu thích “những người 68” vì những di sản của họ trong năm mở chiến dịch đó, đặc biệt là dựa trên các biến ở Paris. (23) Sự thay đổi bước ngoặt này rất quan trọng. Càng được xác định muộn, nó càng có vẻ như ngụ ý dành ưu tiên cho các ý tưởng, giới tinh hoa cấp tiến và sự thay đổi lập pháp, khi tích lũy, dẫn đến một thách thức cộng hưởng đối với chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo và chính trị vào cuối những năm 1960. Nhưng lý lẽ bênh vực phải là các ý tưởng được dẫn dắt bởi các hành động của quần chúng. Điểm này càng được nhận diện sớm thì nó càng làm nổi bật nguồn gốc bình dân của ý nghĩa những năm sáu mươi – càng làm nổi bật hành động của những người bình thường trong việc phát triển một nền văn hóa thế tục mới bao gồm tự do xã hội, âm nhạc đại chúng và quyền tình dục và phái tính.



Mặc dù đặc điểm cuộc nổi dậy của những năm sáu mươi khác nhau giữa các quốc gia, lý lẽ bênh vực sự thay đổi đầu những năm sáu mươi chắc chắn là mạnh mẽ. Theo cách nói của nhà sử học Adrian Hastings, từ chỗ bảo thủ, sự thay đổi đã trở thành “cấp tiến vô định hình hơn” — điều mà ông mô tả là “chống chủ nghĩa tinh hoa, thoải mái, thậm chí ngây ngất, tự thỏa mãn, tự do”: chữ đúng là “‘buông thả’ [permissive]— về phương diện tình dục, nghệ thuật, toàn bộ thế giới của đời sống xã hội và trí thức.” Ông cho rằng điều này một phần là do chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hoài nghi đang gia tăng, và quan điểm chống Giáo hội và “thế giới giai cấp có cấu trúc” của nhóm The Beatles. (24) Trong sự thay đổi đó, dường như ông đổ lỗi một phần cho chủ nghĩa Mác, nhưng ông cũng thừa nhận “một phong trào thế tục hóa căn bản - sự suy giảm trong bất cứ hình thức cam kết nào với Giáo hội của những người bình thường.” (25) Vai trò đó của những người bình thường chắc chắn là điều khiến những năm 60 trở thành một cuộc cách mạng chứ không phải chỉ là sự biến hóa đơn thuần.

Khủng hoảng bên trong và bên ngoài

Phần lớn các bài viết có tính lịch sử về cuộc khủng hoảng tôn giáo đều tiếp nhận “cái nhìn nhà thờ” khá mạnh mẽ. Viễn ảnh là nói về cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến các Giáo Hội Kitô giáo. Trong bài báo tiên phong của David Hilliard phân tích cuộc khủng hoảng tôn giáo vào những năm 1960 ở Úc, phần lớn trong đó nhấn mạnh đến việc cải cách thần học, các cuộc tranh luận của Giáo Hội Công Giáo về thuốc tránh thai, sự suy giảm việc đi nhà thờ và việc tham dự các cuộc gặp gỡ thánh chiến của Billy Graham. Theo cách tương tự, Hugh McLeod nhấn mạnh việc cải cách giáo hội, thêm vào cảm thức khủng hoảng một lượng lớn thúc đẩy từ bên trong Kitô giáo. Đây là một hiện tượng khá phổ biến của việc viết về sự thay đổi tôn giáo, có lẽ không hoàn toàn vô lý. Nhưng trong giải trình này, Giáo Hội trở thành tác nhân chính dẫn đến sự suy tàn của chính nó - một hậu quả thậm chí còn nặng nề hơn khi thành quả của cuộc khủng hoảng tôn giáo được xác định là “không nhất thiết xấu xa”, hoặc thậm chí hơn thế nữa, thực sự còn là “những điều tốt lành” nữa.

Điểm cuối cùng này có thể được chứng minh chủ yếu thông qua ba đặc điểm của các giải trình về “khủng hoảng tôn giáo”: thứ nhất, ưu tiên coi nền thần học cấp tiến (đặc biệt là tác phẩm Honest to God [Trung thực với Thiên Chúa] năm 1963 của John Robinson và các ý tưởng Công Giáo cấp tiến cổ vũ cho Vatican II năm 1962–1965) như là sự báo trước và, qua ngụ ý, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng; thứ hai, tầm quan trọng của các Kitô hữu cấp tiến trong việc lãnh đạo các cuộc tấn công vào “tệ nạn” lớn của thời đại (đặc biệt là trong Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân (CND), phản đối chiến tranh Việt Nam và Biafran, và phong trào chống phân biệt chủng tộc); và thứ ba, sự xói mòn của những hạn chế đối với các quyền tự do dân sự (chẳng hạn như kiểm duyệt, luật hình sự chống phá thai, đồng tính luyến ái và cờ bạc, và bãi bỏ các luật lệ về Chúa nhật và bắt buộc đi nhà thờ) qua việc loại bỏ ảnh hưởng chính trị bảo thủ của Kitô giáo. Các nét của giải trình này có một số biến thể phù hợp với các câu chuyện theo chủ đề và giáo phái; chẳng hạn, ở những chỗ khác McLeod sử dụng sự thay đổi thần học cấp tiến lâu dài để giải thích cho việc bãi bỏ án tử hình vào những năm sáu mươi. (26)

Điểm khởi đầu cho giải trình về cuộc khủng hoảng nội bộ thường là phiên tòa xét xử Lady Chatterley năm 1960. Sự kiện này được McLeod hình dung như một sự kiện trong đó những người cấp tiến và bảo thủ xung đột với nhau - gần như là một cuộc đấu đá nội bộ của người Anh giáo. (27) Nhưng điều này đã làm ngơ ý nghĩa mạnh mẽ hơn rằng nền văn hóa Kitô giáo thống trị đang bị thử thách. Mark Roodhouse gần đây đã cho thấy phiên tòa đã dẫn đến sự khác biệt như thế nào trong thần học đạo đức Anh giáo, phân cực Giáo hội Anh trong hơn một thập niên, và “làm suy yếu thẩm quyền đạo đức của Giáo hội và đẩy nhanh sự sụp đổ của những gì Ross McKibbin xác định là 'quy tắc nghi lễ' đặt căn bản trên Giáo lý Kitô giáo một cách lỏng lẻo.” (28) Vấn đề kiểm duyệt nằm ở trung tâm của nền văn hóa Kitô giáo cưỡng chế ở Anh. Các phiên tòa xử các cuốn sách trong những năm 1940 và 1950 diễn ra thường xuyên và phổ biến; vào năm 1950–1960, mười bảy tòa án khác nhau đã ban hành lệnh tiêu hủy đối với các ấn bản của riêng Lady Chatterley (và chín trường hợp khác không được chấp thuận vì lý do kỹ thuật). (29) Ngay cả sách của các tác giả y khoa cũng bị đưa ra xét xử. Năm 1941, bác sĩ tâm thần gốc Tô Cách Lan, Eustace Chesser, xuất bản cuốn Love Without Fear [yêu không sợ sệt], một tập sách được nhiều người đọc nhằm mục đích cải thiện đời sống hôn nhân thông qua việc loại bỏ sự thiếu hiểu biết về tính dục; nó đã bị truy tố vào năm sau vì tội tục tĩu, nhưng không bị kết tội bởi phiên tòa xét xử của bồi thẩm đoàn. (30) Ở cội rễ của kiểm duyệt có ba điều — tính dục, tôn giáo và sự ổn định xã hội. Hầu như tất cả các vụ truy tố đều dựa trên nội dung tình dục và cơ sở lập luận là hành vi tục tĩu trái với quy tắc tôn giáo của một quốc gia Kitô giáo. Động cơ xét xử được coi là để bảo vệ trật tự xã hội tốt đẹp của nhà nước; như công tố viên Mervyn Griffith-Jones của Lady Chatterley đã hỏi bồi thẩm đoàn, "Đó có phải là cuốn sách mà bạn muốn vợ hoặc người hầu của mình đọc không?" Văn hóa tôn giáo giữ nguyên hiện trạng. Theo cách này, bất kể các Kitô hữu cấp tiến như John Robinson đưa ra bằng chứng ủng hộ nhà xuất bản Penguin và những người khác trên cơ sở “có giá trị văn học”, thì ý nghĩa chính của Lady Chatterley vẫn là một thách thức đối với giới lãnh đạo Kitô giáo. (31)

Cảm thức thách thức bên ngoài này đối với nền văn hóa thống trị của Kitô giáo lan rộng như ngọn lửa trong những năm sáu mươi. Các cơ sở đang bị đe dọa ở nhiều nơi. Một hình thức đặc biệt ở Hòa Lan là sự sụp đổ của các “trụ cột” tôn giáo vốn ngăn cách “các thế giới” của người theo Calvin và người Công Giáo, theo đó, hầu như tất cả các khía cạnh của xã hội, chính trị và giải trí của Hòa Lan đã được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Peter van Rooden viết rằng “Sự ủng hộ phổ biến đối với những ranh giới rõ ràng như vậy đã bị hủy hoại bởi cuộc cách mạng văn hóa quốc tế vào những năm 1960, cuộc cách mạng bác bỏ các hình thức của thẩm quyền tổ phụ, vai trò phái tính truyền thống và đạo đức tính dục nghiêm khắc. Các phong trào tân Calvin và Công Giáo đã không thành công trong việc hội nhập nền văn hóa mới của giới trẻ....” (32) Áp lực cải cách bên trong và bên ngoài vào những năm 1960, thể hiện rõ ở Hòa Lan, cũng khuyến khích quá trình tan rã của các trụ cột Công Giáo, xã hội chủ nghĩa và cấp tiến ở Bỉ, trong khi ở Áo, Đức, Ý và Thụy Sĩ, những trụ cột Công Giáo chủ yếu xuất hiện ở thế kỷ 19 để bảo vệ đức tin trong môi trường Tin Lành cũng bắt đầu tan rã từ thập niên 1960.(33)

Quay trở lại Anh, Lady Chatterley vào năm 1960 đã báo trước thách thức lớn hơn đối với “giới lãnh đạo” – tức mạng lưới tích hợp nhà nước, cơ quan tư pháp, Giáo Hội, các giai cấp sở hữu đất đai và những người khác được coi là bóp nghẹt tự do và thay đổi. Chính cơ sở này đã được những người cấp tiến đánh dấu là cần lật đổ như một phần của thách thức đối với Kitô giáo có tổ chức. Chính việc xác định “tôn giáo” như một phần của quyền sở hữu đã tạo cho cuộc khủng hoảng tôn giáo cảm giác bị đe dọa từ bên ngoài. Tôn giáo đang là mục tiêu của nhiều thế lực khác nhau vì nó được coi là một phần của giai cấp lãnh đạo. Đằng sau nó là một hiện tượng xã hội thậm chí còn lan rộng và mạnh mẽ hơn - sự thờ ơ tôn giáo của giới trẻ, vốn là khách hàng của sự giễu cợt chống tôn giáo của hài kịch và âm nhạc đại chúng của thập niên trong các chương trình châm biếm bao gồm That Was the Week That Was Monty Python's Flying Circus và các album nhạc rock như Aqualung của Jethro Tull. Nhưng việc đả kích Kitô giáo có tổ chức ít báo hiệu sự lớn mạnh của chủ nghĩa thế tục chống tôn giáo có tổ chức cho bằng sự bác bỏ quyền kiểm soát của Giáo Hội và của cha mẹ. Như Hilliard đã kết luận về Úc: “Xa lạ với tôn giáo của cha mẹ họ, gần như cả một thế hệ thanh thiếu niên và thanh niên dường như đã rời bỏ các Giáo hội Thệ phản. Quá trình xã hội hóa theo đó sự thống thuộc tôn giáo truyền từ cha mẹ sang thế hệ tiếp theo đã bị phá vỡ.” (34)

Tình cảm này là phổ biến trong trước tác lịch sử gần đây, nhưng được phân tích không đầy đủ một cách kỳ lạ. Trong khi thần học mới và mối hiềm khích nội bộ về phá thai và thuốc tránh thai được thảo luận chi tiết, động lực thực sự của sự thay đổi trong giới trẻ phương Tây hiếm khi được xem xét kỹ lưỡng. Điều này kỳ lạ vì một số lý do. Đầu tiên, trong hầu hết các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng tôn giáo, một vị trí quan trọng đã được dành cho những yếu tố bên ngoài góp phần vào cuộc khủng hoảng. Sự sung túc và “cuộc nổi dậy” của những người trẻ tuổi được trưng dẫn trong hầu hết các cuộc tranh luận (kể cả một số chi tiết trong cuốn sách của McLeod), nhưng thường được giới thiệu như “bối cảnh” hoặc thành quả mặc nhiên của cuộc khủng hoảng nội bộ của Giáo Hội. Điều thiếu sót là việc phân tích lịch sử có tính điều tra về lòng thờ ơ, xa lánh và thù địch tôn giáo từ bên ngoài. Và cơ chế qua đó sự sung túc có thể đã làm xói mòn nền văn hóa Kitô giáo bằng sự bất nhất như vậy - vào những năm 70 và 80 ở Châu Âu, nhưng không phải ở Hoa Kỳ, và không đồng đều trong suốt thế kỷ ở bất cứ đâu - vẫn chưa được thăm dò.

Nếu nguyên nhân bên ngoài của cuộc khủng hoảng tôn giáo được xem xét một cách nghiêm túc, thì cần phải xem xét chi tiết bằng chứng được thu thập bởi các cuộc điều tra của Giáo Hội và xã hội vào thời điểm đó, nhiều cuộc điều tra trong số này lấy yếu tố bên ngoài của cuộc khủng hoảng làm điểm xuất phát. Thí dụ, một loạt năm cuộc điều tra mở rộng đã được thực hiện bởi Geoffrey Gorer, Eustace Chesser và Martin Schofield trong khoảng thời gian từ 1951 đến 1972, coi cuộc cách mạng tình dục là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái tôn giáo ở Anh. (35) Bernice Martin, vào đầu những năm 1980, đã đưa ra phân tích xã hội học mang tính suy đoán rằng “cuộc cách mạng diễn cảm” kết hợp nghệ thuật và âm nhạc của giới trẻ, cũng như các phong trào tôn giáo mới, là rất quan trọng để vẽ lại bản đồ tôn giáo của những năm 1960: ở tâm điểm nền văn hóa phản kháng là cuộc tấn công thường cuồng tín vào các ranh giới và cấu trúc, một cuộc thập tự chinh để giải phóng Ariel, sự hỗn loạn bất tận, rõ ràng của thế giới hàng ngày.” (36) Điều này xứng đáng được một cuộc điều tra lịch sử thích hợp — qua phân tích diễn ngôn (một công cụ được sử dụng nhiều trong lịch sử xã hội và văn hóa, nhưng vẫn còn khá ít được sử dụng liên quan đến lịch sử tôn giáo của cuối thời cận đại), và qua lịch sử truyền miệng (bao gồm cả phân tích có tính phản xạ về sự thay đổi diễn ngôn). Một số nghiên cứu đã được thực hiện, bao gồm cả của McLeod, nhưng việc ông sử dụng các cuộc phỏng vấn khái quát của các học giả khác ít quan tâm đến tôn giáo, một số có từ những năm 1960 và 1970, sẽ không thay thế cho cuộc nghiên cứu tập trung mới về cách thế tục hóa đã xảy ra với đại đa số người trẻ. Cuối cùng, số liệu thống kê về sự suy giảm tôn giáo được trích dẫn nhiều nhưng, bất chấp các phương pháp thống kê tiên tiến được sử dụng bởi Giáo sư David Voas, (37) đã có sự xem xét lịch sử chặt chẽ không đáng kể về thời điểm và các mối tương quan qua lại. Liên quan đến các thời điểm, với các dữ kiện hàng năm về tư cách thành viên Giáo Hội, các phép rửa, các phép thêm sức và thậm chí trong một số trường hợp đối với việc tham dự nhà thờ hoặc thánh lễ, có thể nhận diện thời điểm và các khuynh độ [gradients] thay đổi rất chính xác. Các mối tương quan giữa các xu hướng tôn giáo và “thế tục” hoặc nhân khẩu học có thể được thăm dò về mặt thống kê, nhưng hiếm khi được thăm dò. (38)

Những người đã xem xét cuộc cách mạng văn hóa của những năm 1960 thường không đề cập đến tôn giáo và Giáo Hội một cách chi tiết. (39) Điều này càng đáng tiếc hơn khi các Giáo Hội là nạn nhân của một số thay đổi chuyên biệt được xem xét trong các nghiên cứu như vậy. Thí dụ, Willmott và Young đã nhận diện việc di cư ra thành thị là nguyên nhân phá vỡ mối liên hệ với Giáo Hội ở London, xác định chính xác sức mạnh của mối quan hệ mẹ và con gái trong một số lĩnh vực, một trong số đó có liên quan đến việc truyền lại tôn giáo. (40) Nhân khẩu học là một lĩnh vực kém khai triển đối với các nhà sử học xem xét quá trình phi Kitô hóa trong giai đoạn 1950–1975. Các sản phẩm lớn nhất của cuộc khủng hoảng tôn giáo thực sự có tính nhân khẩu học từ bản chất - sự suy giảm trong hôn nhân, hôn nhân tôn giáo, lễ rửa tội và tuân thủ Chúa nhật, và sự nở rộ của tự do tình dục, xu hướng tình dục mới, thay đổi phái tính và quyền của phụ nữ. Những điều này cần được thừa nhận như là một phần của giải trình. Đối với một nhà sử học về văn hóa, thế tục hóa không đứng ngoài những xu hướng này, mà là một phần chủ yếu của chúng. Đối với sử gia về tôn giáo, việc không truy tìm những mối tương quan nhân quả này có vẻ làm giảm bớt việc sự suy tàn của Thế giới Kitô giáo không chịu đi tìm các mối tương quan nhân quả này.

Còn 1 kỳ
 
Tiến Sĩ George Weigel: Phục Sinh Và Lịch Sử
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
21:01 09/04/2023


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “EASTER AND HISTORY”, nghĩa là “PHỤC SINH VÀ LỊCH SỬ”.

Ngày xửa ngày xưa, trước khi Nghệ Thuật Xào Nấu của tư duy giáo dục tiên tiến biến lịch sử, địa lý và giáo dục công dân thành những môn “nghiên cứu xã hội” vô vị, câu chuyện về loài người được dạy theo kiểu tuyến tính, và dưới các tiêu đề có nội dung như thế này: Các nền văn minh cổ đại, Hy Lạp và Rôma, Thời kỳ Đen tối, Thời Trung cổ, Phục hưng và Cải cách, Thời đại của Lý trí, Thời đại Cách mạng, Thời đại Dân chủ, Thời đại Không gian, v.v. Những tiêu đề này không phải là không có khuyết điểm: Cái gọi là “Thời kỳ đen tối” chẳng có gì là “đen tối” hết cả; bên cạnh đó, có nhiều thời kỳ “Cải cách,” chứ không chỉ có một; còn “Thời đại của lý trí” thường không hợp lý khi đề cập đến bề rộng khả năng hiểu biết mọi thứ của con người; “Thời đại Dân chủ” đã phải đối mặt với các chế độ toàn trị thuộc loại này hay loại khác, một trong số đó phát triển từ một nền dân chủ sai lầm, Weimar Đức.

Tuy nhiên, việc dạy lịch sử thế giới theo cách đó đã mang lại cho người ta cảm giác về bức tranh toàn cảnh rộng lớn về thành tựu của con người (bên cạnh sự sa đọa của con người) và đã làm như vậy theo cách tạo ra ý nghĩa đáng kể về lý do tại sao mọi thứ lại xảy ra khi chúng xảy ra.

Lịch sử luôn rõ ràng hơn, và thậm chí còn thuận lợi hơn cho một mức độ lạc quan nào đó, khi được nhìn qua gương chiếu hậu; lịch sử khó đọc nhất là lịch sử của Right Now – Ngay Bây Giờ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ít người sẽ phản đối tuyên bố cho rằng, đọc về những gì chúng ta thấy xung quanh chúng ta ngày nay, không có nhiều điều thú vị. Hoa Kỳ dường như đang trên bờ vực của một cuộc chạy đua tổng thống khác giữa hai ông già, không ai trong số họ có những năng lực cần thiết để lãnh đạo có thẩm quyền, và có tầm nhìn xa hơn. Người Pháp đang phát cuồng vì viễn cảnh làm việc đến sáu mươi bốn tuổi. Mễ Tây Cơ đang trở thành một quốc gia thất bại nếu nó chưa đến mức đó. Những tên bạo chúa nhỏ mọn cai trị ở Venezuela và Nicaragua, và Cuba vẫn là một nhà tù trên đảo. Israel đang tự xé nát chính mình vào đúng thời điểm mối đe dọa do các giáo sĩ Hồi giáo ngày tận thế ở Tehran đang ở cường độ mạnh nhất. Con quái vật đạo đức ở Điện Cẩm Linh dường như muốn hủy diệt thêm ở Ukraine, và người bạn thân thiết của anh ta ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình, đang tăng gấp đôi các biện pháp kiểm soát xã hội hà khắc và diệt chủng. Không ai có kế hoạch nghiêm túc để đối phó với các vấn đề toàn cầu như dòng người di cư khổng lồ, biến đổi khí hậu và khủng bố ma túy.

Vậy hy vọng được tìm thấy ở đâu?

Thưa: Nó được tìm thấy trong việc đọc lịch sử theo cách khác, như những tín hữu Kitô thường làm.

Sự hiểu biết của Kitô hữu về “lịch sử thế giới” mở ra dưới một tập hợp các tiêu đề khác với những tiêu đề đã được lưu ý ở trên. Theo quan điểm của Kitô giáo về sự vật, câu chuyện của con người mở ra dưới các tiêu đề sau: Sáng tạo, Sa ngã, Lời hứa, Lời tiên tri, Nhập thể, Cứu chuộc, Thánh hóa, Vương quốc của Thiên Chúa (hoặc, nếu bạn thích, Tiệc cưới của Chiên Con). Hơn nữa, Kitô hữu hiểu—hoặc phải hiểu—rằng lịch sử này, lịch sử cứu rỗi, không chạy song song với “lịch sử thế giới” như các chủ đề đã từng được dạy. Không, lịch sử cứu rỗi là những gì đang xảy ra bên trong “lịch sử thế giới” từ vụ nổ Big Bang cho đến bây giờ—và cho đến tương lai, chừng nào còn có “thời gian” như chúng ta nhận thức được. Lịch sử cứu rỗi là động lực bên trong của “lịch sử thế giới”, được đọc ở chiều sâu thực sự của nó và dựa trên chân trời rộng rãi thích hợp của nó.

Lịch sử cứu độ đó xoay quanh điều mà người Công Giáo gọi là Tam Nhật Vượt Qua của Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Đêm Vọng Phục Sinh: một hành động phụng vụ liên tục với đỉnh cao là lời công bố Sự Phục Sinh của Chúa, là sự mặc khải dứt khoát về ý nghĩa và mục đích của lịch sử. Vào lễ Phục sinh, những tín hữu Kitô tuyên bố với thế giới rằng những gì chúng ta nhìn thấy trên bề mặt lịch sử không phải là tất cả. Bên trong lịch sử đó, hướng lịch sử đó tới sự hoàn thành mà Thiên Chúa đã định cho việc tạo dựng của Người ngay từ đầu, là Ngôi Lời, Đấng nhờ đó mà vạn vật được hình thành; Ngôi Lời nhập thể của Đức Trinh Nữ Maria; Ngôi Lời nhập thể rao giảng, chữa lành và đau khổ; Ngôi Lời trở thành Chúa Phục Sinh, Đấng, bằng cách bày tỏ cho những người bạn của mình một dạng sống mới và dồi dào dành cho tất cả những ai tán thành chính nghĩa của Ngài, đã truyền cảm hứng cho những người bạn đó ra đi và hoán cải thế giới.

Nhìn vào Chúa Kitô bị đóng đinh và sống lại từ cõi chết, nhìn thấy nơi Người là Ánh sáng của thế giới, các Kitô hữu biết lịch sử - câu chuyện cá nhân của chúng ta và câu chuyện của thế giới - sẽ diễn ra như thế nào. Nó sẽ không kết thúc ở sự tan vỡ của vũ trụ hay một lỗ đen khổng lồ (bất kể “vũ trụ” mà chúng ta biết kết thúc như thế nào). Nó sẽ kết thúc trong Lễ Cưới Chiên Con, nơi tạo vật được cứu chuộc vui hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Đó là nơi lịch sử đang diễn ra.

Biết được điều đó, chúng ta có thể thực hiện nhiệm vụ của mình tại đây và ngay bây giờ với niềm hy vọng, bất kể những cơn bão đang tập trung ở phía chân trời có đen tối đến mức nào đi nữa.
Source:First Things
 
Tranh cãi chung quanh Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Côlôsêô ở Rôma
Đặng Tự Do
21:04 09/04/2023
Ngay cả khi Đức Giáo Hoàng vắng mặt hôm thứ Sáu, Vatican đã tìm cách can thiệp vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine trong Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Côlôsêô ở Rôma, với sự góp mặt của người dân từ cả hai quốc gia kêu gọi hòa bình trong năm thứ hai liên tiếp.

Và, trong năm thứ hai liên tiếp, cử chỉ này đã gây ra sự phản đối từ Ukraine, cho rằng những cử chỉ xoa dịu như vậy đã bỏ qua thực tế về cuộc xâm lược của Nga.

Mặc dù đã chủ sự buổi Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào chiều thứ Sáu trước đó, nhưng một tuyên bố của Vatican cho biết “do thời tiết lạnh giá trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ theo dõi Đàng Thánh Giá vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh từ Nhà nguyện Thánh Marta, hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô và lời cầu nguyện của những người sẽ quy tụ với Giáo Phận Rôma.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được xuất viện từ bệnh viện Gemelli của Rôma vào thứ Bảy tuần trước, sau khi nhập viện vào thứ Tư vì khó thở. Ngài được điều trị bằng kháng sinh cho bệnh viêm phế quản và trở về Vatican kịp thời để cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô.

Cho đến nay, Đức Thánh Cha đã chủ sự mỗi cử hành đã được lên lịch trong Tuần Thánh của ngài, bao gồm Thánh Lễ Truyền Dầu vào sáng Thứ Năm và Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa tại một nhà tù vị thành niên vào tối Thứ Năm, cũng như buổi Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa vào chiều Thứ Sáu, khiến Đàng Thánh Giá trở thành nghi thức đầu tiên ngài đã bỏ lỡ.

Đức Hồng Y người Ý Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã chủ sự Chặng Đàng Thánh Giá thay cho Đức Thánh Cha, dẫn đầu hàng ngàn tín hữu quy tụ trong buổi cầu nguyện Mùa Chay truyền thống.

Với chủ đề “Những tiếng nói của hòa bình trong một thế giới có chiến tranh”, các bài suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay chứa đựng những chứng từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe trong các chuyến tông du quốc tế khác nhau của ngài và trong các dịp khác. Chúng được biên soạn bởi một số bộ phận giáo triều của Vatican, mặc dù bộ phận nào đã biên soạn không được nêu rõ.

Các bài suy niệm bao gồm lời chứng của những người đến từ Phi Châu, Trung và Nam Mỹ, Á Châu, Thánh địa và những nơi khác ở Trung Đông, cũng như vùng Balkan và các quốc gia khác ở Âu Châu.

Những câu chuyện mô tả chi tiết những bi kịch và khó khăn của chiến tranh và xung đột bạo lực, các cuộc tấn công của những kẻ cực đoan, cuộc sống trong các trại tị nạn và hành trình đau khổ của người di cư, bao gồm cả những chuyến đi nguy hiểm qua Địa Trung Hải vào Âu Châu.

Chặng thứ mười bao gồm chứng từ của những người trẻ tuổi từ Nga và Ukraine. Một thanh niên Ukraine giấu tên đã kể chi tiết về cuộc chạy trốn ban đêm của gia đình họ khỏi thành phố Mariupol và một chuyến xe buýt kéo dài nhiều ngày trước khi cuối cùng lên đường đến Ý để gặp bà của họ.

Tuy nhiên, gia đình đã trở về Ukraine, và theo lời kể của người thanh niên, “Tình hình tiếp tục khó khăn: có chiến tranh ở tất cả các bên, thành phố bị phá hủy. Tuy nhiên, trong trái tim tôi vẫn còn đó xác tín mà bà tôi thường nói với tôi khi tôi khóc: 'Mọi thứ rồi sẽ qua, con sẽ thấy. Và với sự giúp đỡ của Chúa nhân lành, hòa bình sẽ trở lại.'“

Thanh niên người Nga, giấu tên, cho biết anh ấy hoặc cô ấy cảm thấy “có cảm giác tội lỗi, nhưng đồng thời tôi không hiểu tại sao và tôi cảm thấy tồi tệ gấp đôi. Tôi cảm thấy bị tước đoạt hạnh phúc và ước mơ cho tương lai.”

“Tôi đã chứng kiến bà và mẹ tôi khóc suốt hai năm. Một lá thư cho chúng tôi biết rằng anh cả của tôi đã chết” sau khi anh ấy khởi hành “một chuyến đi dài,” người thanh niên nói và cho biết nhiều người nói với họ rằng họ nên tự hào, “nhưng ở nhà chỉ có nhiều đau khổ và buồn bã.”

Thanh niên này cho biết cha và ông của họ cũng đã bỏ nhà ra đi và “chúng tôi không biết gì nữa,” và rằng họ đã cầu nguyện Chúa cho hòa bình, xin rằng “có hòa bình trên toàn thế giới và tất cả chúng ta hãy là anh chị em của nhau”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây xôn xao trong Chặng Đường Thánh Giá khi yêu cầu một phụ nữ Ukraine và một phụ nữ Nga cùng vác thánh giá trong chặng thứ 13, “Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi Thánh Giá.” Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của người Ukraine và thậm chí cả đại sứ quán Ukraine tại Tòa thánh.

Trong khi Vatican không đảo ngược quyết định để các phụ nữ vác thánh giá cùng nhau, họ đã loại bỏ văn bản của bài suy niệm, thay vào đó để các tín hữu cầu nguyện trong thinh lặng.

Cử chỉ năm nay cũng vấp phải sự chỉ trích từ Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, Andrii Yurash, người đã gửi một Tweet nói rằng thanh niên Nga “quên đề cập: người thân của anh ta đến Ukraine để giết không chỉ cha của cậu bé Ukraine, mà tất cả gia đình anh ta, chứ không phải là ngược lại.”

Vatican không tiết lộ quốc tịch của những người vác thánh giá, nhưng một nhóm thanh niên đã vác thánh giá cho chặng thứ 10, trong đó có một cậu bé và một cô gái, mỗi người đều đeo một lá cờ Ukraine buộc quanh cổ.

Các bài suy niệm năm nay kết thúc với một loạt mười bốn lời “cảm ơn,” một lời cho mỗi chặng, cảm ơn Chúa Giêsu vì sự hiền lành, can đảm, bình an và tình yêu của Ngài; vì đã “biến nước mắt thành nụ cười,” vì sự tha thứ của Ngài, và vì niềm hy vọng và lòng thương xót mà Ngài mang lại trong những lúc đau khổ.

“Cảm ơn Chúa Giêsu vì ánh sáng mà Ngài đã thắp lên trong đêm tối của chúng con. Trong việc hòa giải mọi chia rẽ, bạn đã làm cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em, con của cùng một Cha trên trời”.

Nhiều người đã lên tiếng than phiền về việc các bản văn của Đàng Thánh Giá năm nay tại Côlôsêô không được công bố trước và chỉ được biết vào giờ chót. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra. Không có gì như thế đã từng xảy ra trong quá khứ. Cũng có những người khác lo ngại rằng, Đàng Thánh Giá tại Côlôsêô ngày càng chú trọng vào các vấn đề chính trị gây tranh cãi hơn là chính cuộc thương khó Chúa và những đau khổ nhân sinh, đặc biệt là những đau khổ của các tín hữu Kitô bị bách hại trên thế giới.
Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh 2023 tại Giáo Xứ Maria Goretti, San Jose
Thái Phạm
09:05 09/04/2023
 
Đại Lễ Phục Sinh và Tuần Cửu Nhật Lòng Chúa Thương Xót tại Sydney
Diệp Hải Dung
09:09 09/04/2023
Đại Lễ Phục Sinh và Tuần Cửu Nhật Lòng Chúa Thương Xót tại Sydney

Chúa Nhật Phục Sinh 09/04/2023 mọi người trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ St Thetrese Fairfield Heights Sydney tham dự Thánh lễ Phục Sinh và Tuần Cửu Nhật Lòng Chúa Thương Xót.

Xem Hình

Sau giờ nguyện kinh Lòng Chúa Thương Xót. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Đặc tràch Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney thuyết giảng về đề tài “ Nói đến Lòng Chúa thương xót chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria. Mẹ của lòng thương xót” Ngay ngưỡng cửa của Tân Ước, Thánh sử Luca đã làm nổi bật ý nghĩa về Thiên Chúa thương xót qua hình ảnh của Đức Mẹ Maria khi viếng thăm bà Elizabeth. Đức Maria đã tuyên xưng ở ngưỡng cửa nhà người chị em họ của mình “ Đời nọ tới đời kia. Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” Đức Maria là người có kinh nghiệm đặc biệt hơn ai hết về lòng thương xót và trong một cách thức phi thường, nhờ lễ tế lòng mình. Mẹ đã đích thân góp phần vào việc mạc khải lòng Chúa thương xót. Lễ tế đó được nối kết chặt chẽ với Thánh giá Con của Mẹ ở trên núi Sọ. Chúng ta có quyền tin rằng cả thế hệ của chúng ta cũng được bao hàm trong những lời của Mẹ Thiên Chúa, khi Mẹ tán dương lòng thương xót mà tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa đều được hưởng phần “từ đời nọ đến đời kia”. Những lời trong kinh Magnificat của Đức Maria có một nội dung tiên tri liên quan không những tới qúa khứ của Israel, mà còn tới tương lai của dân Thiên Chúa trên trần thế này….

Kết thúc giờ thuyết giảng Cha FX Nguyễn Văn Tuyết dâng Thánh lễ tạ ơn mừng kính Chúa Phục Sinh. Nhóm Lòng Chúa Thương Xót thuộc Giáo đoàn Miller phụng vụ Thánh lễ.

Kết thúc Thánh lễ, Cha thông báo giờ nguyện kinh Lòng Chúa Thương Xót và Thánh lễ ngày mai thứ Hai vào lúc 6 giờ chiều.

Diệp Hải Dung.
 
Giáo xứ Đông Lao Hà Nội cung nghinh Chúa Phục Sinh
BTT Gx. Đông Lao
09:55 09/04/2023
Giáo xứ Đông Lao cung nghinh Chúa Phục Sinh

Hân hoan trong niềm vui ngày mừng Chúa sống lại, sáng 9/4/2023, Giáo xứ Đông Lao long trọng cung nghinh và mừng Đại lễ Chúa Phục Sinh.

Xem Hình

Đúng 7h30, Cha xứ Giu-se Đỗ Hữu Thỏa khai mạc cuộc rước trọng thể với sự háo hức và mừng vui của toàn thể bà con giáo dân. 32 hội đoàn thuộc 7 giáo họ cùng nhau quy tụ về sân chính nhà thờ Giáo xứ Đông Lao để chuẩn bị cho cuộc rước long trọng. Trong niềm tin tưởng Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, cộng đoàn dâng lên những lời ca và kinh cầu trên chặng đường rước Chúa Phục sinh.

Kết thúc cuộc rước, Cha xứ Giu-se cùng cộng đoàn tập trung tại quảng trường Đức Mẹ để chuẩn bị bước vào Thánh lễ. Trong bài giảng, Cha xứ Giu-se đã chia sẻ về ý nghĩa của biến cố Phục sinh qua những dẫn chứng thánh Gio-an đưa ra về niềm tin của các tông đồ khi Người trỗi dậy từ cõi chết. Cha Giu-se nhắc lại lời của thánh Phao-lô: “Nếu Chúa Giê-su không sống lại thì niềm tin vào Thiên Chúa sẽ trở nên vô ích” (1Cr 15,12-19). Cha Giu-se khẳng định, sự sống lại của Chúa Giê-su là sự sống thật, Người sống lại từ cái chết và hoàn toàn chiến thắng cái chết, sự chết không thể làm gì được, không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Người. Qua đó, Cha xứ mời gọi mỗi người cộng tác với Chúa, tẩy trừ sự chết ra khỏi tâm hồn để đón nhận ơn Phục sinh và để ơn Phục sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn mỗi người.

Thánh lễ kết thúc sau khi Cha xứ ban phép lành của Chúa Phục sinh. Các tín hữu ra về với niềm vui và sự bình an của Chúa Phục sinh.

BTT Gx. Đông Lao
 
Tam Nhật Thánh và lễ Vọng Phục Sinh Năm 2023 tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne.
Trần Văn Minh
15:22 09/04/2023
Melbourne, Hòa vào niêm vui chung của Giáo Hội Hoàn Vũ, Mừng Lễ Chúa Phục Sinh Năm 2023. Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã tổ chức các nghi thức trọng thể trong Tam Nhật Thánh và lễ Vọng Chúa Phục Sinh Vinh Hiển trong các Ngày Thứ Năm, từ 8 giờ tối. Thứ Sáu 5 giờ chiều, và Thứ Bảy Tuần Thánh 10 giờ sáng có Đàng Thánh Giá ngoài trời. Và đỉnh điểm là đêm Vọng Chúa Phục Sinh lúc 8 giờ tối Thứ Bảy 8/4/2023.

Xem hình

Tất cả các buổi lễ đều bắt đầu vào buổi chiều. Riêng sáng Thứ Bảy có Đàng Thánh Giá lúc 10 giờ sáng.
Các thánh lễ và nghi thức trong Tam Nhật Thánh được cử hành ngoài trời. Năm nay, do thời tiết không thuận tiện, mưa tuy không lớn nhưng rơi nhẹ vào đúng giờ lễ, cũng may là cộng đoàn cũng có chỗ ngồi đủ cho số đông đảo giáo dân về dự, không bị ướt, không bị lạnh mà vẫn sốt sắng tham dự thánh lễ và các nghi thức trọn vẹn.
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Lễ Tiệc Ly và nghi thức rửa chân với Ca đoàn Babylon phụng vụ Thánh Ca rất xuất sắc. Về âm thanh do gia đình anh chị Khổng Thành phụ trách. Đặc biệt hơn, các em huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đã hoàn tất rất đáng khen trong công việc cầm ô dù giúp đi lại từ lễ đài tới cộng đoàn được dễ dàng, trong những lúc dâng của lễ và giúp các thừa tác viên lên đọc thánh thư và khi đi trao Mình Thánh Chúa luôn được các em cầm dù bảo bọc không bị mưa làm ướt. Phần chầu lượt buổi tối cũng được các em Thiếu Nhi Thánh Thể và Giới Trẻ sốt sắng tham dự giờ chầu canh thức cùng cộng đoàn để dự phần mình vào cuộc khổ nạn của Chúa.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, mưa nhẹ hơn. Bắt đầu sớm lúc 5 giờ chiều, nên Nghi thức Tôn Vinh Thánh Giá cũng đã không bị mưa bắt phải dùng ô dù phục vụ. Ca đoàn Cecilia xuất sắc trong phần phụng vụ thánh ca của buổi lễ. Phần hai của buổi tối Thứ Sáu Tuần Thánh. Cộng đoàn có buổi ngắm cổ truyền 15 sự thương khó của Chúa. Sau đó, là dâng hạt, tháo đanh và táng xác Chúa trong khu hang đá mà Cộng đoàn đặt tên là đường vào cõi phúc.
Thứ Bảy, vào lúc 10 giờ sáng. Như thông lệ hằng năm, một buổi đi đàng Thánh Giá ngoài trời, chung quanh khu phía ngoài nhà thờ để các hội đoàn, đoàn thể cùng với quý Cha Tuyên úy vác chung thánh giá đi trọn 15 chặng đàng để suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa. Quý anh phục vụ âm thanh và cắm bảng đã phục vụ rất tốt âm thanh ngoài trời, đưa các lời suy niệm đến mọi người cùng đón nhận và suy niệm, đọc theo.
Buổi tối Thứ Bảy 8/4/23. Đúng 8 giờ tối, đèn điện trong khuôn viên nhà thớ và khu vực hành lễ đều được tắt, bóng tối bao phủ một mầu đen, hai Cha tuyên úy và quý vị tông đồ, quý vị thừa tác viên và các em lễ sinh quây quần bên hai cha đồng tế để dự nghi thức làm phép lửa.
Trời đêm Melbourne đổi gió, không khí lạnh tràn về, những người đến dâng lễ mặc y phục mùa Đông ấm áp, đã ngồi được ngoài sân trước lễ đài, mọi người cùng đứng quay về nơi ngọn lửa đầu tiên được thắp lên và được làm phép, được ghim năm dấu thánh Chúa vào niên đại 2023 để thấy Chúa làm chủ thời gian và không gian. Từ khởi thủy đến muôn muôn đời.
Khi Cha Chủ Tế Phạm Minh Ước SJ công bố: Ánh sáng Chúa Kitô, mọi người đáp tại với lòng biết ơn: tạ ơn Chúa. Khi Chủ tế công bố lần ba ánh sáng Chúa Kitô, ánh sáng mới được bật chan hòa cùng với những ngọn nến mọi người cầm trên tay trong niềm vui trong đêm lễ Vọng Chúa Phục Sinh khi Cha Phạm Văn Ái SJ công bố niềm vui: Nào vui lên.
Cộng đoàn được mời tắt nến để nghe công bố các bài đọc: Sách Sáng Thế, Xuất Hành, vv. Sau đó, là khăn bàn thờ, hoa được trưng, và đèn được thắp lên, Kinh Vinh danh được đọc trong tiếng chuông mới mừng Chúa Sống lại. Thánh lễ Vọng Phục Sinh tiếp tục được cử hành theo lời truyền của Chúa là: Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế.
Cha Tuyên úy, chủ tế đã cảm ơn sự đóng góp của nhiều người, đã hy sinh, quảng đại bỏ công sức để chung tay tổ chức cho Đại lễ Phục Sinh năm 23. Sự đóng góp tuy âm thầm, nhưng rất tích cực. Sau đó là phép lành cuối lễ, cộng đoàn đón nhận phép lành Chúa Phục Sinh. Sau đó, chung tay thu dọn trong niềm vui Chúa Phục Sinh, cùng chúc nhau những điều tốt lành: Happy Easter, Alleluia! Alleluia!
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh - Giáo Đoàn Thánh Đaminh Vũ Đình Tước Marrickville. Sydney - 9/4/2023
Khanh Lai
19:58 09/04/2023
Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh

Giáo Đoàn Thánh Đaminh Vũ Đình Tước Marrickville.


Chúa Nhật ngày 9/4/2023, Phóng viên Vietcatholic có mặt tại Giáo Đoàn Thánh Đaminh Vũ Đình Tước, Marrickville số 293 Marrickville Rd, Marrickville, NSW 2204. Thánh đường nằm trên con đường chính nên rất đông xe cộ qua lại. Đây là một Giáo Đoàn khá sùng đạo.

Đôi nét về lịch sử Giáo Đoàn Thánh Đaminh Vũ Đình Tước. Đầu tiên, Giáo đoàn Marrickville với tên gọi là Giáo Đoàn Micae Marrickville. Giáo Đoàn trải qua nhiều giai đoạn.

Đầu năm 1980 nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Endervour Hostel, thuộc miền Nam Coogee, Sydney. Mang theo một số gia đình Công Giáo, họ giống như những nhóm người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới, gặp nhiều khó khăn về phong tục tập quán và ngôn ngữ địa phương. Sau một thời gian ngắn định cư tại Hostel, số người này đã lần lượt ra đi để tìm cách sinh sống và chọn Marrickville là chỗ khởi dựng cuộc sống mới. Người đến sau tiếp nối người đi trước cũng tìm ra Marrickville sinh sống. Lúc đầu một nhóm 5, 7 người sau lên mươi mười lăm người và con số lên dần gần 100 người vào cuối năm đó. Cha Terry và Brother Damian đã dành rất nhiều cảm tình cho người Việt tỵ nạn nói chung và người Việt Công Giáo nói riêng, đặc biệt thày Brother Damian đã thật gần gũi với mọi người, Ngài đến thăm hỏi dùng bữa cho dù có khác khẩu vị, Ngài như một người cha trông coi đàn con dại. Cuối năm 1981 Cha chính Xứ ngỏ ý cho mọi người biết tháng sau Ngài sẽ dành riêng cho người Việt một Thánh Lễ, nếu đông người tham dự Ngài sẽ có 1 Thánh lễ hàng tháng hoặc Ngài sẽ xin cho 1 Linh mục Việt Nam, thật là một điều vui mừng cho những quan tâm trên của Cha Terry và Thày Damian. Tin trên được loan truyền mau chóng đến mọi người kể cả những vùng phụ cận, mọi người rủ nhau cùng tham gia ngày ấy cho thật đông.

Tháng 5/1981 Thánh Lễ Việt Nam đầu tiên với sự Chủ Tọa của Đức Cha John Heaps Giám Mục Phụ Tá Sydney cùng các Cha Chính xứ Terry, Cha Dominico Nguyễn Văn Đồi và Cha Giuse Vũ Đức Thông cùng đồng tế. Không sao tả xiết được nỗi vui mừng của mọi người Việt Công Giáo trong vùng lúc đó. Đi đến đâu cũng thấy mọi người xôn xao vui sướng kể cho nhau nghe về Thánh Lễ Việt Nam tại nhà thờ Marrickville. Vào tháng 10 cùng năm Cha Giuse Vũ Đức Thông chính thức làm Tuyên Úy Giáo hạt Marrickville. Công việc đầu tiên của Ngài là thành lập Ban Mục Vụ Giáo Hạt với nhiệm kỳ 2 năm.

Sau đó, các đoàn thể lần lượt ra đời như: Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ đoàn Hiển Linh, Legio Mariae, Ca đoàn Alleluia và Đoàn Thanh Niên Công Giáo, tất cả mọi người trong Giáo Hạt đều hăng say gia nhập các Hội Đoàn hoặc Đoàn thể tùy theo lứa tuổi của mình. Thánh Lễ Giáng Sinh 1982 được tổ chức trọng thể.

Các Phong Trào Đoàn Thể Đoàn trong Giáo Đoàn đa dạng như Legio Mariae với 3 Preasidia, 8 nhóm Tôn Nữ Vương Gia Đình Marrickville, Newtown, Waterloo và Glebe với những sinh hoạt đều đặn hàng tuần. 2 Ca đoàn phụ trách 2 Thánh lễ cuối tuần và Lễ Trọng trong năm, Lòng Chúa Thương Xót, Hội Bà Mẹ Công Giáo, Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trong Giáo đoàn sinh hoạt hàng tuần.

Hôm nay Chúa Nhật Mừng Chúa Phục Sinh Giáo đoàn tổ chức Mừng Chúa Sống Lại với một nét đặc biệt theo truyền thống Giáo Phận Hải Phòng mà các Giáo Đoàn khác không có. Đó là nghi thức chào kiệu Chúa Sống Lại. Lúc 3.30 chiều khi chúng tôi tới nơi đã thấy rất nhiều anh chị em tới trước, để chuẩn bị cho Thánh Lễ chiều nay, với một đội ngũ các em Thiếu Nhi Cung Thánh, xếp thành hàng ngang, một nhóm các chị mặc áo dài truyền thống Việt Nam, xếp thành 2 hàng dài khoảng 50m. Họ mặc đủ mọi mầu sắc rực rỡ. Bên phài Nhà thờ là kiệu tượng Chúa Giêsu Phục Sinh, với 4 thanh niên mặc đồng phục. Bên trái Nhà thờ là tượng Đức Mẹ, theo hình phụ nữ Việt Nam trên đầu có đội triều thiên.





Đúng 4 giờ, một đại diện Ban Mục Vụ Giáo đoàn đọc ý lễ xin hôm nay. Sau đó giới thiệu Cha Chủ tế: Lm Phêrô Trần Văn Trợ chủ tế Thánh Lễ hôm nay và Lm Simon Nguyễn Bá Kiện đồng tế, 2 Cha được mời ngồi trước sân Nhà thờ. Nghi thức Chào Kiệu bắt đầu. Quý chị đọc lời Mẹ Mừng Con Sống Lại, trên tay mỗi người cầm một quạt giấy. Đoàn đi thành vòng tròn, quỳ gối 3 lần lạy Mẹ Maria, rồi đứng lên đi vòng qua kiệu Chúa Giêsu Phục Sinh cũng quỳ gối 3 lần miệng đọc lời ca tụng Chúa và Mẹ Maria. Đây là cách dâng hoa theo phong tục Giáo Phận Hải Phòng bên Việt Nam. Giào Đioàn Marrickville với đa số giáo dân thuộc Xứ Trà Cổ Giáo Phận Hải Phòng Việt Nam.









Đến phần các em Thiếu Nhi Cung Thánh mặc đồng phục, mỗi tay cầm một cây nến cháy, cũng đi qua Mẹ Maria dâng nến cho Mẹ, rồi qua bên kiệu Chúa Phục Sinh, các em quỳ gối đứng lên múa nến mừng Chúa Sống Lại.

Sau đó, nghi thức rước kiệu vào nhà thờ bắt đầu với Thánh Giá nến cao, các em Thiếu Nhi Cung Thánh, quý chị dâng hoa, Giáo dân đi kế tiếp, sau cùng là 2 Cha tiến vào Nhà thờ. Ban Lễ nghi đặt kiệu Đức Mẹ bên phải, kiệu Chúa Phục Sinh bên trái cung thánh và Thánh lễ bắt đầu.









Cha chủ tế cất tiếng hát Kinh Vinh Danh, hòa nhịp với tiếng đàn, ca đoàn, và Giáo dân cùng hát chung với tiếng trống nổi lên, tiếng chuông reo vang mừng Chúa Phụa Sinh.

Một chị lên đọc Sách Thánh bài 1, với ca đoàn hát Đáp Ca Phục Sinh. Bài đọc 2 tiếp nối ca đoàn hát bài Hoan Ca Phục Sinh do Nhạc Sĩ Hùng Lân sáng tác. Cha Simon Nguyễn Bá Kiện công bố Tin Mừng Phục Sinh. Lm Trần Văn Trợ giảng thuyết về Chúa Phục Sinh.

Đặc biệt hơn nữa, Lm Trần Văn Trợ rửa tội cho anh Simon Đào Quang Việt, một thanh niên trẻ, xin gia nhập vào cộng đòan dân Chúa. Cha rửa tội cho anh, trao khăn trắng. Sau đó ngài xức dầu và ban Bí Tích Thêm Sức. Ngài công bố và giới thiệu một thành viên mới trong Giáo đoàn Marrickville.













Thánh Lễ tiếp tục với lời nguyện giáo dân, dâng của lễ gồm 8 chị dâng hoa hôm nay, khi cha dâng bánh và rượu, 9 tiếng trống được vang lên.

Phần Rước lễ cho anh chị em tham dự Thánh lễ. Sau Rước Lễ, phần thông báo quan trọng trong những ngày kế tiết. Sau đó, Trưởng Ban Mục Vụ kính mời tất cả mọi người tới tham dự Thánh Lễ quan thầy Giáo đoàn vào ngày 7 tháng 5 năm 2023.

Thánh lễ kết thúc với phần cha ban Phép Lành Chúa Phục Sinh và phát trứng Phục Sinh cho mọi người mừng Chúa đã sống lại Aleluia…





Khanh Lai tường trình
 
Đại Lễ Đêm Vọng Phục Sinh. - Thứ Bảy Tuần Thánh 8/9/2023. - CĐCGVN - TGP Sydney.
Khanh Lai
20:16 09/04/2023
Đại Lễ Đêm Vọng Phục Sinh.

Thứ Bảy Tuần Thánh 8/9/2023.

CĐCGVN - TGP Sydney.


Đại Lễ Đêm Vọng Phục Sinh do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney đã diễn ra lúc 7.30 tối thứ bảy ngày 8/4/2023 tại Mt Joseph Catholic College, số 273 Horsley Rd, Milperra NSW 2214.

Xem hình đại lễ

Đại Lễ Vọng Phục Sinh gồm 4 phần:

Phần thứ nhất: Nghi thức làm phép và thắp Nến Phục Sinh bao gồm việc thánh hóa lửa mới, thắp nến, kiệu Nến Phục Sinh. Trọng tâm Đại Lễ là công bố Tin Mừng Phục Sinh và Thánh Lễ Đêm Phục Sinh. Phóng viên Vietcatholic có mặt tại cuối sân của lễ đài. Chúng tôi nhận thấy có 3 Cha Tuyên Úy, Lm Paul Văn Chi, Lm Phêrô Trần Văn Trợ, và Lm FX Nguyễn Văn Tuyết, ngài Chủ tế Thánh Lễ hôm nay. Linh mục Chủ tế làm phép lửa mới, bỏ hương vào bình và sông hương. Sau đó, ngài đốt Nến Phục Sinh, chuyển Ánh Sáng Chúa Kitô cho Linh Mục, các Thừa TácViên Thánh Thể, các em Thiếu Nhi Cung Thánh. Lm Paul Văn Chi rước Nến Phục Sinh đi từ cuối sân tiến lên lễ đài và dừng lại 3 lần để Cộng Đồng dân Chúa thắp lên Ánh Sáng Chúa Kitô. Mỗi khi dừng lại, Lm hát: “Ánh Sáng Chúa Kitô,” mọi người đáp lại “Tạ Ơn Chúa” Các Thừa Tác Viên Thánh Thể và các em Thiếu Nhi Cung Thánh nhanh tay chuyển lửa Phục Sinh Ánh Sáng Chúa Kitô cho mọi người tham dự Thánh Lễ đêm nay. Sau lần thứ 3, tất cả nến, ánh sáng Bàn Thờ, và Lễ đài bừng sáng, chan hòa Ánh Sáng Chúa Kitô Phục Sinh oai nghiêm rực rỡ cả khung trời. Đại Lễ Vọng Phục Sinh đêm nay có khoảng hơn 3000 Giáo dân quy tụ về tham dự Thánh Lễ, dù thời tiết không mưa nhưng gió se lạnh làm cho quý bác cao niên phải ngồi dưới mái che.

Đoàn rước Nến Phục Sinh tiến lên tới lễ đài. Mọi người thắp lên Ánh Sáng Chúa Kitô… Tới Bàn thờ, Linh mục bỏ hương vào bình và dâng hương ngọn Nến Phục Sinh, tượng trưng cho Chúa Kitô Phục Sinh.

Trước Nến Phục Sinh, cùng với toàn thể Giáo Hội, Linh Mục Công Bố Tin Mừng Phục Sinh Exultet truyền thống với giai điệu trang trọng và oai nghiêm diễn tả Mầu Nhiệm Chúa Sống Lại. Bài Ca Exultet Mừng Vui Lên trang trọng, mời gọi Cộng Đồng dân Chúa hân hoan Mừng Chúa Phục Sinh. Lời ca diễn tả lịch sử Ơn Cứu Độ từ khi Thiên Chúa tạo dựng. Bản trường ca Exultet Mừng Vui Lên nhắc lại những biến cố lịch sử của Ơn Cứu Độ. “Mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh Thiên Thần trên trời…Mừng reo chiến công khải hoàn Vua nhân trần…Vì đây là Lễ Vượt Qua, Lễ mà Chiên thật bị sát tế…Đây là đêm Đức Kitô khải hoàn chiến thắng vinh quang…Ôi đêm hồng phúc, đêm Đức Kitô từ cõi chết đã vinh thăng…Người thống trị hằng sống, đến muôn đời muôn kiếp vinh quang. Amen.”

Phần thứ hai: Phụng vụ Lời Chúa với 3 Bài Đọc Cựu Ước suy gẫm các việc kỳ diệu Chúa đã làm cho dân Người từ đầu, và dân Chúa tin tưởng vào lời hứa của Người. Giáo hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào Lời Chúa phán và điều Chúa hứa. Giáo hội suy niệm những kỳ công Người đã thực hiên cho dân Người ngay từ Khởi Nguyên Sáng Thế, trải qua Thời Kỳ Xuất Hành, đến đời các Tiên Tri loan báo Thời Đại Cứu Thế, và Triều Đại Cứu Thế tiến tới tột đỉnh là sự kiện Chúa Giêsu Kitô chịu chết và sống lại để cứu độ trần gian.

Thừa Tác Viên Lời Chúa lên đọc Bài đọc một Sách Sáng Thế với đáp ca, và Cha chủ tế đọc lời nguyện. Thừa Tác Viên Lời Chúa đọc bài đọc 2 Sách Xuất Hành, Ca đoàn hát đáp ca với bài ca của Moisen và Dân Do Thái ca ngợi Chúa khi vượt qua Biển Đỏ về Hứa Địa. Cha chủ tế đọc lời nguyện. Bài đọc 3 Sách Tiên Tri Ezechiel nói về trái tim mới Thiên Chúa trao ban cho con người. Sau bài đọc 3 cả cộng đồng cùng hát đáp ca “Ôi Lạy Chúa, Xin tạo cho con quả tim trong sạch.”

Cha chủ tế đọc lời nguyện khi mọi người đứng dậy. Sau đó nến trên Bàn thờ được thắp sáng.

Linh Mục FX Nguyễn Văn Tuyết Chủ Tế xướng kinh Vinh Danh, chiêng, trống, chuông vang rền cùng với đàn và ca đoàn hân hoan vang tấu lời chúc tụng vinh danh Thiên Chúa trong Niềm Vui Phục Sinh.

Phần thứ ba: Thánh Lễ, Cha Chủ tế đọc lời nguyện Thánh Lễ. Sau Bài Thánh Thư, Lm xướng và hát 3 lần Alleluia, mỗi lần Lm hát xong thì cộng đoàn lập lại Alleluia. Phần đọc Phúc Âm và giảng thuyết hôm nay do Lm Phêrô Trần Văn Trợ, ngài đã khẳng định sự sống lại của Chúa Giêsu đã mang lại những hồng ân đổi mới nơi các Tông Đồ, các Thánh Nhân, và hàng trăm ngàn các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Cha Chủ tế FX Nguyễn Văn Tuyết dâng Thánh Lễ với nghi thức lặp lại Lời Hứa khi chịu Phép Rửa Tội và rảy Nước Thánh cho Cộng đoàn dân Chúa bằng cành lá dừa. Ca đoàn và cộng Đoàn đồng hát bài: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra…” Sau đó một thừa tác viên lên đọc lời nguyện giáo dân

Đại Lễ Phục Sinh tiếp tục…Sau phần Rước Lễ, Ca đoàn hát Hiệp Lễ. Sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, Đại diện HĐMV, anh Phó Ban Ngoại Vụ, Giuse Nguyễn Trường Giang, chúc mừng Phục Sinh tới quý Cha, quý HĐMV và tất cả anh chị em Giáo dân. Anh cũng cám ơn các vị ân nhân, Ban Mục Vụ các Giáo Đoàn, Ban Kỹ Thuật, Ban Khánh Tiết, Ca đoàn, cùng tất cả quý anh chị em đã giúp đỡ tổ chức, trang trí và trật tự cho Đại Lễ Phục Sinh hôm nay thành công tốt đẹp.

Lm Paul Văn Chi đại diện Ban Tuyên Uý Chúc Mừng Phục Sinh mọi người trong CĐCGVN TGP Sydney. Nguyện cầu Chúa Phục Sinh ban tràn đầy hồng ân và kính chúc anh chị em một mùa Phục Sinh đầy tràn niềm vui, yêu thương, và ân sủng Chúa Phục Sinh. Happy Easter. Alelluia. Alleluia

Đại Lễ bế mạc với Niềm Vui Phục Sinh,

Khanh Lai tường trình.
 
Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh tại Giáo Đoàn Thánh Anrê Phú Yên Revesby. Sydney - 9/4/2023
Khanh Lai
22:27 09/04/2023
Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh tại Giáo Đoàn Thánh Anrê Phú Yên Revesby.

Hôm nay toàn thể giáo hội mừng Chúa Sống lại, Giáo đoàn Thánh Anrê Phú Yên Revesby cũng tưng bừng mừng Chúa sống lại. Các em Thiếu Nhi Cung Thánh, Thanh Niên Công Giáo và các Thừa Tác Viên Thánh Thể đều mặc đồng phục thật nghiêm trang.. Đây cũng là một Giáo Đoàn đông giáo dân và được thành lập trên 20 năm trong CĐCGVN – TGP Sydney. Hiện nay, Lm. Paul Văn Chi là Tuyên Úy Đặc Trách Giáo đoàn. Chúng ta nhìn lại lịch sử của Giáo đoàn với thông báo thành lập Giáo đoàn Revesby của Ban Tuyên Úy.

Thông Báo Thánh Lễ Tại Revesby.





Vì nhu cầu của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney NSW, Ban Tuyên Úy sau khi đã cầu nguyện, suy nghĩ, và bàn thảo, đồng thời liên lạc với Cha Xứ Revesby, quyết định sẽ dâng Thánh Lễ sáng Chúa Nhật hằng tuần:

• Địa Điểm: Nhà Thờ St Luke, 1 Beaconsfield St REVESBY, bên cạnh Văn Phòng Mục Vụ.

• Thời gian: 11.00 sáng Chúa Nhật.

• Thánh Lễ đầu tiên sẽ bắt đầu vào lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật ngày 3/2/2002.

Cha Xứ cũng đồng ý tạo mọi sự dễ dàng việc mượn các phòng ốc nhà trường cho các sinh hoạt Cộng Đồng.

Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, đồng thời cầu nguyện cho Thánh Lễ Việt Nam tại Revesby mang lại nhiều hồng ân trong việc mục vụ cho Cộng Đồng chúng ta.

Xin Thiên Chúa qua bàn tay Mẹ La Vang chúc lành cho công việc Mục Vụ của Cộng Đồng chúng ta.

Trân trọng thông báo.

Ban Tuyên Úy.

Giáo đoàn Thánh Anrê Phú Yên Revesby theo thông báo của Ban Tuyên Úy CĐCGVN Sydney, bắt đầu thành hình vào năm 2002 với Thánh Lễ đầu tiên vào ngày Chúa Nhật 3/2/2002 tại Nhà Thờ St Luke’s Revesby, 1 Beaconsfield St, Revesby NSW 2212 ngay bên Văn Phòng CĐCGVN TGP Sydney. Các Phong Trào Đoàn Thể trong Giáo Đoàn đa dạng như Legio Mariae, nhóm Tôn Nữ Vương Gia Đình Revesby với những sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Ca đoàn Anrê Phú Yên phụ trách Thánh lễ cuối tuần và Lễ Trọng trong năm, Lòng Chúa Thương Xót, Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể mới thành lập trong Giáo đoàn sinh hoạt hàng tuần.







Phóng viên Vietatholic có tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật Mừng kính Chúa Sống Lại vào lúc 11.15 sáng Chúa Nhật ngày 9/4/2023. 11 em Thiếu Nhi Cung Thánh, 3 Thừa Tác Viên Thánh Thể, 3 người đọc Sách Thánh và Lời Nguyện Giáo Dân cùng Linh Mục Chủ Tế Paul Văn Chi từ cuối nhà thờ tiến lên Cung Thánh. Lm. Chủ tế xông hương bàn thờ và Thánh lễ bắt đầu.





Cha Chủ Tế làm phép nước và đi vòng quanh Giáo dân rảy nước Thánh. Ca đoàn hát “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra.” Thừa Tác Viên đi song hành với Cha Chủ Tế để giúp đỡ.





Bài đọc 1 với Đáp ca, rồi bài đọc 2, kế đến Linh mục. đọc bài Phúc Âm. Trong phần giảng thuyết Thánh lễ hôm nay, Linh mục. Chủ tế nói về Nhân chứng Phục Sinh qua sự kiện thời các Tông Đồ gặp Chúa Sống Lại, các Thánh Nhân Maria Madalena, Phêrô, Phaolô, Tôma…Các Ngài đã là Chứng nhân rao giảng Chúa Kitô đã Sống Lại… Ngài kể lại những chứng tích của Sự kiện Chúa Phục Sinh tại Nhà Thờ Santa Croce, Nhà Thờ Thánh Giá tại Roma còn lưu giữ những Thánh Tích Phục Sinh do Thánh Helena mang từ Jerusalem về như Thánh Giá thật của Chúa với tấm bảng chữ INRI trên đầu Thánh Giá, INRI ý nghĩa Giêsu Nazareth Vua Dân Do Thái…tại đây còn trưng bày Ngón tay của Thánh Tôma, đinh nhọn đóng Chúa vào Thánh Giá, gai nhọn trên Mão Gai… như là những chứng tích Chúa đã Phục Sinh.

Dâng bánh và rượu hôm nay gồm 6 người tiến dâng. Tiếng hát ca đoàn Revesby vang lên làm cho cả Nhà thờ thấy Thánh Lễ hôm nay thật nghiêm trang sốt sắng. Kết Thánh Lễ với bài hát “Chúa nay thực đã Phục Sinh” thật hùng hồn.





Sau Thánh lễ, ông trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên cám ơn Cha Tuyên Úy đã vất vả lo cho giáo dân trong Tuần Thánh, quý anh chị em trong Ban Mục Vụ, Ca đoàn, các Phong Trào Đoàn Thể… đã cộng tác trong mọi công tác của Giáo đoàn, và kính chúc Cha cùng toàn thể anh chị em một mùa Phục Sinh tràn đầy hồng ân Chúa





Linh Mục Chủ tế đại diện Ban Tuyên Úy cũng chúc mừng tất cả cộng đoàn Happy Easter, Chúc Mừng Phục Sinh…Sau đó, Cha Chủ tế cùng các em Thanh Niên Công Giáo phát trứng Phục Sinh cho mọi người tham dự với bài ca: “Chúa nay thực đã Phục Sinh” với niềm hân hoan vui mừng của Đại Lễ Phục Sinh.







Sau Thánh Lễ, Linh mục Chủ Tế ban phép lành. Sau cùng là phát quà tăng Phục Sinh cho các em Thiếu Nhi Cung Thánh và các thành viên Ban Mục Vụ cùng các đại diện Phong Trào Đoàn Thể trong Giáo đoàn với những trái Trứng Phục Sinh là biểu tượng của mầm sống viên mãn của ý nghĩa Phục Sinh với đời sống mới trong ân sủng trong niềm hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Alleluia...









Khanh Lai tường trình
 
VietCatholic TV
Putin sửng sốt: Crimea trúng hỏa tiễn, nổ long trời. Nguy cơ Nga liều lĩnh tấn công hóa học Ba Lan
VietCatholic Media
03:02 09/04/2023


1. Lần đầu tiên Nga cáo buộc Ukraine phóng hỏa tiễn vào bán đảo Crimea

Theo Sergei Aksyonov, Thống Đốc Crimea do Nga dựng lên tại bán đảo Crimea bị tạm chiếm, chiều thứ Bẩy 8 Tháng Tư, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ một hỏa tiễn được bắn từ Ukraine vào cảng Feodosia trên bờ biển phía nam của bán đảo.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, các mảnh vỡ từ vụ nổ đã rơi xuống một khu dân cư nhưng không có thương vong. Các nguồn tin địa phương cho biết có thể nghe thấy những tiếng nổ rất lớn.

Các bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy một cột khói trắng lớn bốc lên từ phía sau một ngọn đồi, nhưng các bức ảnh dường như được chụp từ một vị trí không cho phép nhìn thấy bất kỳ điểm hoặc điểm nào tác động lên mặt đất. Cột khói trắng có thể các kho chứa các chất hóa học đã bị đánh trúng.

Chính quyền Ukraine đã không bình luận về một vụ phóng hỏa tiễn có thể xảy ra và CNN không thể xác minh các tuyên bố của Nga về một vụ đánh chặn.

Feodosia cách các vị trí quân sự gần nhất của Ukraine ít nhất 250 kilômét, khiến nó nằm ngoài tầm bắn của các hỏa tiễn được cho là đang phục vụ trong lực lượng Ukraine, dù chúng có nguồn gốc địa phương hay một phần từ viện trợ quân sự được Hoa Kỳ và các đối tác khác chuyển giao.

Đây là lần đầu tiên Nga cáo buộc Ukraine phóng hỏa tiễn vào bán đảo Crimea. Những lần trước họ nói là do máy bay không người lái hay những chiếc thuyền không người lái

2. Tuyên truyền viên trên truyền hình nhà nước Nga vạch ra cách Ukraine có thể tấn công Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Pundit Outlines How Ukraine Could Target Crimea”, nghĩa là “Tuyên truyền viên trên truyền hình nhà nước Nga vạch ra cách Ukraine có thể tấn công Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một tuyên truyền viên trên TV người Nga đã cảnh báo rằng Ukraine có thể nhằm vào Crimea, khu vực hiện do Nga kiểm soát, như một phần của cuộc chiến đang diễn ra.

Nhà bình luận truyền thông nhà nước Nga và cựu chỉ huy phòng không Mikhail Khodaryonok cho rằng các tàu và cơ sở của Nga có thể là mục tiêu của lực lượng Ukraine trong các cuộc tấn công hỏa tiễn tiềm tàng.

Bình luận của ông được đưa ra khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bước vào ngày thứ 409 mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ban đầu gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” chứng kiến Mỹ và các đồng minh phương Tây hỗ trợ đáng kể cho chính phủ Ukraine dưới hình thức viện trợ tài chính và vũ khí.

Khodaryonok đã cảnh báo về “các cuộc tấn công có thể xảy ra của Lực lượng vũ trang Ukraine nhằm vào các cơ sở trên lãnh thổ của bán đảo” trong một video về nhận xét của ông được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, chia sẻ trên Twitter hôm thứ Bảy.

Khodaryonok nói: “Rõ ràng Crimea sẽ nằm trong số các ưu tiên bao gồm cây cầu Crimea, bao gồm tất cả các phương tiện liên lạc khác được sử dụng để vận chuyển khí tài chiến tranh, mạng lưới sân bay, các trạm kiểm soát, các tàu của Hạm đội Hắc Hải đang di chuyển hay neo đậu.

“Tất cả các lực lượng và phương tiện của phía Ukraine sẽ được sử dụng để tấn công các cơ sở nhạy cảm này,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng các hệ thống hỏa tiễn của Ukraine “và các cơ sở khác có tầm bắn xa đến mức có thể tấn công các mục tiêu này chắc chắn sẽ được sử dụng.

Khodaryonok nói: “Vì vậy, về vấn đề này, chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đẩy lùi các cuộc tấn công có thể xảy ra của đối phương”. “Bởi vì nói cho cùng, bán đảo Crimea là ưu tiên hàng đầu đối với chúng ta.

“Và chúng ta không được cho phép đối phương thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào nhằm gây thiệt hại cho chính bán đảo hoặc các cơ sở được triển khai trên lãnh thổ của mình,” ông nói thêm.

Đáp lại các bình luận, Gerashchenko viết: “Tuyên truyền viên Nga đã đưa ra nhận định về cách cuộc phản công của Ukraine có thể tiến hành ở Crimea. Họ dường như đã suy nghĩ rất nhiều về chủ đề này.”

Nga chính thức sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 nhưng chính phủ Ukraine chưa bao giờ công nhận sự sáp nhập đó. Hoa Kỳ và phần lớn các chính phủ trên thế giới cũng đã từ chối công nhận các yêu sách của Nga đối với khu vực.

Khodaryonok đã gây chú ý vào tháng 5 năm ngoái khi ông cảnh báo tình hình đối với quân đội Nga “thực sự sẽ trở nên tồi tệ hơn” – đó là những bình luận rất khác với tường thuật chính thức của nhà nước vào thời điểm đó, và, vì thế, đã được xem và đưa tin rộng rãi.

Hai ngày sau, có lẽ chịu áp lực nặng nề, Khodaryonok dường như đã thay đổi quan điểm của mình, chỉ trích các lực lượng Ukraine và mô tả “sự vô hiệu” của những tuyên bố trước đó của chính ông ta rằng lực lượng của Kyiv đang “đạt được những thành công lớn” và sẵn sàng “tiến hành các cuộc phản công.”

Vào tháng 2, Khodaryonok cảnh báo rằng Nga cần chuẩn bị cho việc Ukraine nhận máy bay chiến đấu từ NATO.

“Chúng ta phải sẵn sàng ngay bây giờ,” Khodaryonok nói trong một chương trình hội thảo, đồng thời nói thêm rằng “sẽ có nhiều đợt chuyển giao máy bay chiến đấu.”

Ba Lan và Slovakia, cả hai thành viên của NATO, tháng trước tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine, trong khi Ukraine trước đó đã yêu cầu máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Chính quyền Biden đã từ chối cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine, viện dẫn những khó khăn xung quanh việc đào tạo phi công và bảo dưỡng máy bay.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine qua email để bình luận.

3. Chưa bắt được Putin, tình hình còn phức tạp: Tuyệt vọng ông ta có thể tung vũ khí hóa học vào Ba Lan

Ký giả Imogen Braddick của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “RED LINE How Mad Vlad could unleash chemical weapons on West in desperate bid to sabotage weapons being shipped to Ukraine”, nghĩa là “Lằn ranh đỏ: Cách thức Vladimir Putin điên loạn có thể tung ra vũ khí hóa học ở phương Tây trong nỗ lực tuyệt vọng để phá hoại vũ khí được chuyển đến Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các chuyên gia cảnh báo rằng Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hóa học ở phương Tây nhằm phá hoại nguồn cung vũ khí cho Ukraine.

Khi cuộc chiến ảm đạm của bạo chúa Nga tiếp tục diễn ra ác liệt với rất ít chuyển động ở tiền tuyến, người ta sợ rằng bạo chúa có thể thực hiện “các biện pháp cực đoan hơn” để làm gián đoạn dòng chảy vũ khí.

Hai cựu sĩ quan quân đội Anh cảnh báo rằng Vladimir Putin có thể chuyển sang phát động các cuộc tấn công hóa học vào chuỗi cung ứng vũ khí quan trọng.

Phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc chiến đã giúp trang bị cho Ukraine những vũ khí quan trọng mà họ cần để đánh trả Nga.

Và vì vậy, Putin có thể tìm cách cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược và chiến xa – và ông ta có khả năng làm điều đó bằng cách sử dụng một cuộc tấn công hóa học.

Những vũ khí như vậy được biết là có trong kho vũ khí của Putin - và ông ta đã sử dụng chúng trước đây, thường là với một nụ cười gượng gạo và một sự phủ nhận rõ ràng là sai sự thật.

Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiêu hủy tất cả vũ khí mà các quốc gia thành viên NATO cung cấp cho Ukraine.

Trong khi đó, một đường dây gián điệp của Nga đã bị triệt phá vào tháng trước sau khi bị cáo buộc âm mưu phá hoại các tuyến đường vận chuyển quan trọng được sử dụng để vận chuyển vũ khí từ Ba Lan đến Ukraine.

Khi Putin trở nên tuyệt vọng hơn, Chuẩn tướng Ben Barry nói rằng ông ấy có thể “làm chúng ta ngạc nhiên” bằng một cuộc tấn công gây sững sờ.

Ông cảnh báo các điệp viên Nga có thể gài chất độc thần kinh, chẳng hạn như Novichok, trên cổng một nhà máy vũ khí ở Âu Châu trong một nỗ lực liều lĩnh nhằm chặn các tuyến vận chuyển vũ khí.

Sân bay Rzeszow-Jasionka ở Ba Lan là cửa ngõ vận chuyển vũ khí vào Ukraine. Mỗi ngày có tới 10 máy bay chở quân nhu hạ cánh để tiếp tế cho Ukraine.

Vương quốc Anh đã gửi một phi đội gồm 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 trước một cuộc phản công có thể xảy ra vào mùa xuân chống lại quân xâm lược Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng đã nhận các khẩu lựu pháo và trực thăng từ Mỹ và xe bọc thép từ Đức.

Chỉ vài tuần trước, Hoàng tử William đã có chuyến thăm Rzeszow ở Ba Lan - một cửa ngõ hậu cần đến Ukraine và là nơi hầu hết vũ khí phương Tây đến trước khi được gửi qua biên giới.

Được bao quanh bởi hệ thống phòng không hỏa tiễn Patriot do Mỹ sản xuất, căn cứ này là nơi ở của 75 người Anh làm việc với các đồng minh Ba Lan và Mỹ, chỉ cách biên giới Ukraine 50 dặm.

Hàng tỷ bảng Anh vũ khí và đạn dược đã đi qua trung tâm này kể từ khi cuộc xâm lược hỗn loạn của Putin bắt đầu.

Chuẩn tướng Barry nói với The Sun Online: “Có một cơ sở hạ tầng rộng lớn ở Ba Lan và các nước Đông Âu khác đang tiếp nhận và chuyển giao vũ khí và thiết bị cho Ukraine.

“Hoàng tử William đã đến thăm nhà máy phòng không của Anh bảo vệ các sân bay chính mà những nguồn cung cấp này đang được chuyển đến.

“Nga có thể chọn tấn công vào đó.”

“Ví dụ như họ có thể đặt Novichok trên cổng của một nhà máy sản xuất vũ khí. Điều đó không nằm ngoài suy tưởng của Putin.”

Novichok được Liên Xô phát triển vào những năm 1970 và 1980 - và đã được sử dụng trong một số cuộc tấn công ở hải ngoại.

Ông cho biết việc sử dụng nó sẽ đánh dấu “một sự leo thang khá lớn” trong cuộc xung đột - và một cuộc tấn công như vậy từ các cơ quan an ninh của Nga ở phương Tây sẽ kéo theo sự gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Khi họ trở nên tuyệt vọng hơn, chúng ta phải tính đến việc họ liều lĩnh hơn, và xem xét các biện pháp cực đoan hơn

“Tôi nghĩ chúng ta không nên ảo tưởng rằng các cơ quan an ninh phương Tây đang bận rộn làm việc rất chăm chỉ để hạn chế quyền tự do hành động của các cơ quan mật vụ Nga,” Chuẩn tướng Barry nói.

Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy Trung đoàn Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân của Quân đội Vương Quốc Anh, cho biết việc Putin phát động một cuộc tấn công ở phương Tây bằng vũ khí hóa học là một “viễn cảnh rất thực tế” vì Putin đã từng sử dụng nó trên đất Anh.

Năm 2006, người Nga đào tẩu Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng polonium ở Luân Đôn - và tuyên bố Putin đã trực tiếp ra lệnh ám sát ông.

Sau đó vào năm 2018, cựu điệp viên GRU Sergei Skripal và con gái Yulia của ông ta bị đầu độc bằng Novichok ở Salisbury.

Cảnh sát chống khủng bố đã phát hiện ra chất độc thần kinh được sử dụng là Novichok cấp độ quân sự, được sản xuất tại Nga - làm dấy lên làn sóng lo ngại mới về việc sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học của nước này.

Và khi Putin trở nên “tuyệt vọng hơn” sau cuộc chiến Ukraine tồi tệ của mình, Bretton-Gordon cảnh báo Nga “sẽ tìm mọi cách có thể” để phá hoại nguồn cung cấp vũ khí.

Ông nói với The Sun Online: “Khi nói đến Vương quốc Anh, Putin đã sử dụng vũ khí hóa học ít nhất hai lần – polonium vào năm 2006 và Novichok ở Salisbury vào năm 2018.

“Khả năng phá vỡ tuyến hậu cần bằng cách sử dụng vũ khí hóa học chắc chắn là một khả năng mà tôi chắc rằng các cơ quan an ninh trên khắp Âu Châu đang xem xét rất kỹ lưỡng.

“Chúng ta cần hiểu rõ thực tế rằng khi Putin ngày càng tuyệt vọng hơn vì các lực lượng thông thường của ông ấy dường như không thể ngăn chặn thiết bị của phương Tây, họ sẽ tìm mọi cách khác có thể.

“Việc sử dụng vũ khí hóa học, chắc chắn là họ đang xem xét.

“Khi họ trở nên tuyệt vọng hơn, chúng ta phải mong đợi họ xem xét các biện pháp cực đoan hơn.

“Các lực lượng an ninh phương Tây do người Mỹ và người Anh lãnh đạo đang rất chú ý đến điều này và gây khó khăn cho họ khi thực hiện điều này.”

Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Vương quốc Anh James Heappey đã cảnh báo Anh và các đồng minh phương Tây có thể triển khai quân tới Ukraine nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học.

Nga tuyên bố công việc phát triển các chất độc thần kinh thời Liên Xô đã dừng lại vào năm 1992 – và các kho dự trữ hiện có đã bị phá hủy vào năm 2017.

4. Ukraine tăng cường phòng thủ dọc biên giới với Belarus

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đang nỗ lực củng cố các tuyến phòng thủ và vị trí dọc biên giới với Belarus và Nga.

Trung tướng Serhiy Nayev, chỉ huy lực lượng chung của các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết

“Việc mở rộng hệ thống hàng rào kỹ thuật ở các khu vực giáp biên giới Belarus và Nga đang được tiến hành. Các bãi mìn chống tăng đang được tạo ra ở những khu vực xe tăng có thể tiếp cận và những con đường có thể giúp đối phương tiến vào sâu trong lãnh thổ của chúng ta, đó là đường lộ, đường rừng, cầu, đường dây điện, v.v.”

Nayev cho biết thêm, các đơn vị công binh Ukraine đã trang bị hàng chục bãi mìn sử dụng hơn 6.000 quả mìn chống tăng trong tuần qua. Ông cho biết các binh sĩ Ukraine đang làm việc “suốt ngày đêm, bất chấp điều kiện thời tiết”.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã gặp nhà độc tài Belarus và đồng minh thân cận, Alexander Lukashenko, để hội đàm tại Mạc Tư Khoa hôm thứ Tư. Mạc Tư Khoa là người ủng hộ tài chính và chính trị thân cận nhất của Minsk.

Lukashenko cho phép Putin sử dụng lãnh thổ Belarus làm bệ phóng cho cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Tháng trước, Putin tuyên bố rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

5. Putin bị chế giễu sau bài phát biểu gặp phải sự im lặng khó xử

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Mocked After Speech Met With Awkward Silence”, nghĩa là “Putin bị chế giễu sau bài phát biểu gặp phải sự im lặng khó xử.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trải qua một khoảnh khắc khó xử trong tuần này khi ông gặp phải sự im lặng từ các đại sứ mà ông đang nói chuyện trong một bài phát biểu được trực tiếp truyền hình.

Khoảnh khắc này đã được ghi lại trên video và chia sẻ lên mạng xã hội, khiến nhiều người chế giễu Putin.

Những hình ảnh khác từ sự kiện cho thấy nhà lãnh đạo Nga nói chuyện cách xa các đại sứ rất nhiều bước chân, dẫn đến suy đoán rằng ông vẫn cực kỳ sợ hãi COVID-19.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được quay video trong tuần này khi trải qua một khoảnh khắc khó xử khi ông dường như dừng lại trong một bài phát biểu để nhận những tràng pháo tay không bao giờ vang lên.

Khoảnh khắc được chia sẻ trực tuyến bởi những người chỉ trích Putin, xảy ra hôm thứ Tư tại Cung điện Grand của Điện Cẩm Linh trong buổi lễ trình Ủy nhiệm thư của 17 đại sứ nước ngoài mới được bổ nhiệm.

Trong bài phát biểu của mình, Putin đã nêu đích danh các đại sứ mới của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu và nói rằng họ phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ trong quan hệ với Nga sau quyết định xâm chiếm Ukraine của ông ta vào tháng 2 năm ngoái. Phát biểu trước tân Đại sứ Mỹ tại Nga Lynne Tracy, Putin chỉ ra rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc cách mạng Ukraine năm 2014 “cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraine ngày nay”.

Khi Putin kết thúc bài phát biểu của mình, ông dường như chờ đợi những tràng pháo tay, nhưng các đại sứ đều im lặng. Điện Cẩm Linh và các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga đã chỉnh sửa khoảnh khắc này khỏi các video của họ, nhưng nhiều người dùng mạng xã hội đã chụp được sự im lặng khó chịu và đăng nó lên mạng.

“Không ai hoan nghênh Putin sau khi ông ấy kết thúc bài phát biểu của mình tại buổi lễ các đại sứ trình ủy nhiệm thư tại Điện Cẩm Linh,” Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã viết trong một tweet có chứa một đoạn clip lấy từ hãng tin độc lập của Nga, Medza. “Putin đợi tiếng vỗ tay khi ông ấy nói xong nhưng không có tiếng vỗ tay nào.”

Trong video, có thể thấy tổng thống Nga hơi mỉm cười khi kết thúc bài phát biểu của mình. Nhà lãnh đạo Nga và các đại sứ trao đổi những cái gật đầu ngắn, và ông chúc họ “mọi điều tốt lành” bằng tiếng Anh trước khi rời khỏi phòng.

Blogger người Nga Rustem Adagamov đã chia sẻ một đoạn video được ghép nối cho thấy cảnh quay từ buổi lễ đón các đại sứ mới năm 2021 xen kẽ với các thủ tục tố tụng của tuần này. Điểm khác biệt đáng chú ý nhất là hai năm trước các đại sứ đã vỗ tay tán thưởng.

Kevin Rothrock, chủ biên của Meduza, đã viết trong một tweet rằng các đại sứ cũng không vỗ tay trong buổi lễ năm ngoái, “nhưng video của Điện Cẩm Linh đã bị cắt trước khi sự im lặng khó xử thực sự bắt đầu.”

“Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời. Putin rõ ràng mong đợi một tràng pháo tay lịch sự, nhưng ông không nhận được gì. Các đại sứ – một số đã bị la mắng – mong đợi ít nhất một cái bắt tay, nhưng họ không nhận được gì cả,” nhà kinh tế Thụy Điển Anders Åslund viết trên Twitter rằng điều này “chỉ cho thấy rằng không cần phải duy trì bất kỳ đại sứ quán hay lãnh sứ quán nào ở Mạc Tư Khoa. Về nhà thôi!”

Olga Lautman, một nhà báo và thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, gọi tắt là CEPA, viết trên Twitter: “Khoảnh khắc khó xử khi kẻ tội phạm chiến tranh đang bị tầm nã kết thúc bài phát biểu của mình trong im lặng.”

Những người khác trên phương tiện truyền thông xã hội đã chỉ ra cách các đại sứ đứng cách xa Putin, với các tờ báo của Anh như Daily Mirror và Metro đưa tin bục của nhà lãnh đạo Nga được đặt cách nhóm 60 feet hay 18mét.

Các phương tiện truyền thông suy đoán rằng khoảng cách này có lẽ là do Putin thận trọng về COVID-19. Đầu tuần này, trang web điều tra Dossier Center đăng tải một cuộc phỏng vấn với một cựu cận vệ Điện Cẩm Linh, người này cho rằng Putin sợ mắc bệnh.

Người cận vệ, được xác định là Gleb Karakulov, đã làm việc trực tiếp cho Putin trong suốt 13 năm làm việc cho Lực lượng Bảo vệ Liên bang, gọi tắt là FSO, trước khi đào tẩu sang phương Tây.

“Chúng tôi phải tuân thủ quy định cách ly nghiêm ngặt trong hai tuần trước bất kỳ sự kiện nào, kể cả những sự kiện kéo dài 15 đến 20 phút,” anh nói với Trung tâm Hồ sơ. “Có hàng loạt các nhóm nhân viên đã được thanh tẩy — tức là những người đã trải qua quá trình cách ly hai tuần này. Họ được coi là 'sạch sẽ' và có thể làm việc cùng phòng với Putin.”

Trong phần cuối bài phát biểu hôm thứ Tư, Putin thừa nhận giao thức COVID-19 đang được thực thi bằng cách nói rằng vì “các hạn chế về vệ sinh vẫn có hiệu lực” nên ông sẽ “không thể liên lạc trực tiếp” với các đại sứ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

6. RT France đã bị tòa án Pháp đưa ra quyết định thanh lý.

Chi nhánh Pháp của đài truyền hình RT của Nga đã bị đóng băng vì cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin. RT là từ viết tắt của Russia Today, nghĩa là Nước Nga Ngày Nay.

Xenia Fedorova, cựu chủ tịch RT France, đã tweet: “Tòa án Nanterre đã đưa ra quyết định thanh lý RT France - một cơ quan truyền thông đã không làm hài lòng Emmanuel Macron kể từ khi ra mắt và đã bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt một năm trước như một biện pháp phòng ngừa do cuộc xung đột ở Ukraine.”

Fedorova nói thêm rằng hơn 100 nhân viên sẽ bị sa thải.

Liên Hiệp Âu Châu đã cấm các hãng truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát là RT và Sputnik vào tháng 3 năm 2022 trong nỗ lực trấn áp thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine.

7. Truyền thông nhà nước Nga tuyên bố nghi phạm trong vụ đánh bom St. Petersburg đang hợp tác với các nhà điều tra

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin hôm thứ Bảy rằng Daria Trepova, nhà hoạt động phản chiến, người mà Nga chính thức cáo buộc về vụ đánh bom giết chết một blogger nổi tiếng tại một quán cà phê ở St. Petersburg vào cuối tuần trước, đang hợp tác với các nhà điều tra.

Trong khi đó, chồng của Trepova, Dmitry Rylov, đã nói với một ấn phẩm độc lập của Nga rằng anh tin rằng cô ấy đã bị gài bẫy.

Những gì chúng ta biết cho đến nay: Blogger quân sự Nga Vladlen Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, nhiệt thành ủng hộ cuộc chiến nhưng đôi khi cũng là một nhà phê bình, dù khá hiếm hoi, về những thất bại và chiến lược của Cẩm Linh.

Anh ta đang xuất hiện với tư cách là khách của một nhóm ủng hộ chiến tranh tại quán cà phê trong đó anh ta bị giết bởi một vụ nổ. Một quả bom rõ ràng đã được giấu bên trong một bức tượng nhỏ, được tặng cho anh ta như một món quà tại sự kiện này.

Các nhà điều tra Nga chính thức buộc tội Trepova tội khủng bố liên quan đến vụ sát hại Tatarsky và bắt giữ cô trong tuần này.
 
Tăng pháo Ba Lan gây kinh hoàng cho quân Nga ở Bakhmut. Vụ rò rỉ lần thứ hai tài liệu mật về Ukraine
VietCatholic Media
15:33 09/04/2023


1. Tăng pháo Ba Lan làm mưa làm gió trên chiến trường Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 9 tháng Tư, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Nga đang tung một lực lượng lớn lính Dù vào chiến trường Bakhmut. Tuy nhiên, quân Nga không tiến lên được và thậm chí phải bỏ chạy trước các khí tài chiến tranh do Hoa Kỳ, Đức, Ba Lan và các đối tác khác. Cùng với các xe tăng Đức, tăng pháo Ba Lan AHS 'Krab' đang gây khiếp đảm cho quân Nga. Ông nhấn mạnh rằng 13 hệ thống pháo của Nga đã bị phá hủy trong 24 giờ qua bởi các tăng pháo Ba Lan AHS 'Krab'.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Ukraine's AHS 'Krab' Howitzers Laying Waste to Russian Targets”, nghĩa là “Video cho thấy tăng pháo AHS 'Krab' của Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga”.

Quân đội Ukraine đã chia sẻ đoạn phim quay cảnh tăng pháo tự hành AHS Krab được sử dụng trên tiền tuyến chống lại lực lượng Nga.

“Các binh sĩ của chúng ta đã nhanh chóng làm chủ các thiết bị của phương Tây,” Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết như trên. Warsaw đã gửi 18 tăng pháo tự hành Krab tới Ukraine vào tháng 5 năm 2022. Quân đội Ukraine đã sử dụng các hệ thống pháo này từ mùa hè năm 2022.

“Hệ thống tăng pháo tự hành Krab đã thể hiện tốt cả về tốc độ nhắm bắn và tầm bắn. Chúng ta đã nghiên cứu tài nguyên và khả năng của những chiếc máy này và đang cung cấp cho các nhà sản xuất các đề xuất để họ cải tiến.”

Đoạn phim cho thấy các quân nhân Ukraine nạp và bắn tăng pháo, cũng như các đoạn phỏng vấn những người điều khiển nó trên thực địa.

Vào ngày 9 tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết ông “rất vui” được thông báo rằng các đơn vị AHS Krab “đã sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở tiền tuyến”.

Tăng pháo tự hành Krab bánh xích 155ly có tầm bắn tối đa khoảng 25 dặm hay 40 km với tổ lái năm người. Với trọng lượng khoảng 48 tấn, nó được thiết kế để “triệt hạ và tiêu diệt”, theo nhà sản xuất Huta Stalowa Wola của Ba Lan.

Nhà sản xuất quốc phòng cho biết thêm rằng, tăng pháo tự hành Krab chủ yếu được sử dụng để chống lại các khẩu đội pháo, các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng, các đơn vị cơ giới hóa và máy bay đang đậu trên bãi đáp. Theo dịch vụ quân sự Army Technology, vũ khí chính của nó là nòng súng chính 155 ly, với tốc độ bắn ba phát mỗi mười giây. Đạn pháo của nó tương thích với đạn tiêu chuẩn NATO.

Bộ Tổng tham mưu hôm Chúa Nhật cho biết các lực lượng Nga đã phóng 4 hỏa tiễn và 40 cuộc không kích vào lãnh thổ Ukraine trong 24 giờ qua. Các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang tập trung nỗ lực vào các khu vực xung quanh các khu định cư Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Maryinka của Donetsk, Bộ Tổng tham mưu cho biết, quân Ukraine đã đẩy lùi hơn 50 cuộc tấn công ở các khu vực này.

Hôm Chúa Nhật, chính quyền Ukraine cho biết một người cha và con gái của ông đã thiệt mạng tại thành phố Zaporizhzhia, phía đông nam của đất nước, sau khi lực lượng của Điện Cẩm Linh tiến hành các cuộc tấn công.

Anatoliy Kurtev, thư ký hội đồng thành phố Zaporizhzhia, đã viết trên Telegram rằng người mẹ đã phải nhập viện sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thành phố.

Kurtev viết: “Chúng ta gửi lời chia buồn chân thành tới người thân của người chồng và cô gái đã khuất, đồng thời chúc người mẹ bị thương nhanh chóng bình phục.”

Bộ Tổng tham mưu cho biết các lực lượng của Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục chiến đấu trong vô vọng với các tay súng của Kyiv tại thành phố Bakhmut.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 9 tháng Tư, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, 470 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 4 xe thiết giáp và 13 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 9 Tháng Tư, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 178.150 quân Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch bao gồm 3.636 xe tăng, 7.024 xe thiết giáp, 2.740 hệ thống pháo, 533 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 282 hệ thống phòng không, 307 máy bay, 292 trực thăng, 2.312 máy bay không người lái, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.602 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 309 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Ngũ Giác Đài và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật về Ukraine

Cả Ngũ Giác Đài và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang điều tra vụ rò rỉ một tài liệu tình báo mới rõ ràng là của Hoa Kỳ, sau vụ rò rỉ đã được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội trong những tuần gần đây.

Cuộc điều tra diễn ra khi các tài liệu mới xuất hiện hôm thứ Sáu bao gồm mọi thứ từ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine đến thông tin về các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, mở rộng thêm hậu quả từ vụ rò rỉ vốn đã đáng báo động. Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Năm rằng họ đang xem xét vấn đề khi các báo cáo xuất hiện.

Các tài liệu bị rò rỉ bổ sung mà các nhà nghiên cứu tình báo mã nguồn mở cho rằng xuất hiện hôm thứ Sáu dường như đã được đăng trực tuyến trong vài tuần qua. Các tài liệu dường như chứa thông tin mật về một loạt các chủ đề, bao gồm:

Hoạt động của tập đoàn lính đánh thuê Wagner ở Phi Châu

Con đường cung cấp vũ khí sát thương của Israel cho Ukraine

Thông tin tình báo về mối quan hệ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với Nga

Hàn Quốc lo ngại cung cấp đạn dược cho Mỹ sử dụng ở Ukraine

CNN không thể xác minh độc lập liệu các tài liệu đã bị thay đổi hay chưa. Nhưng chúng tương tự như một loạt tài liệu mật về Ukraine đã được lưu hành trực tuyến trong những tuần gần đây, mà các quan chức Hoa Kỳ vào sáng thứ Sáu đã xác nhận với CNN là xác thực.

Giống như những tài liệu đó, khám phá hôm thứ Sáu là những bức ảnh của các tài liệu được in ra, nhăn nheo. Tất cả đều mang dấu hiệu mật, một số tối mật – là cấp độ phân loại cao nhất. Tất cả chúng dường như đều được sản xuất từ giữa tháng Hai đến đầu tháng Ba.

Không rõ ai đứng sau vụ rò rỉ và nguồn gốc chính xác của chúng bắt nguồn từ đâu.

Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết: “Bộ Quốc phòng đang tích cực xem xét vấn đề và đã chính thức chuyển hồ sơ tới Bộ Tư pháp để điều tra”.

Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp nói với CNN rằng bộ đã “liên lạc với Bộ Quốc phòng liên quan đến vấn đề này và đã bắt đầu một cuộc điều tra,” nhưng từ chối bình luận thêm.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng ông tin rằng Nga đứng sau vụ rò rỉ có chủ đích.

Podolyak cho biết các tài liệu được phổ biến là không trung thực, “không liên quan gì đến kế hoạch thực sự của Ukraine” và dựa trên “một lượng lớn thông tin hư cấu.”

Hình ảnh của một số tài liệu – bao gồm ước tính thương vong của Nga và danh sách các hệ thống vũ khí phương Tây có sẵn cho Ukraine – đã được đăng lên nền tảng truyền thông xã hội Discord vào đầu tháng 3, theo ảnh chụp màn hình của các bài đăng được CNN xem xét.

3. Ukraine đưa ra cảnh báo về bom trên không FAB-500 đổi mới của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Issues Warning About New Modified Russian FAB-500 Aerial Bombs”, nghĩa là “ Ukraine đưa ra cảnh báo về bom trên không FAB-500 đổi mới của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine hôm thứ Bảy đã đưa ra cảnh báo về mối đe dọa mới từ quân đội Nga khi nước này tìm cách khởi động một cuộc phản công mới để giành lại các khu vực quan trọng trong những tháng tới.

Cảnh báo này được đưa ra hơn một năm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Các nhà lãnh đạo quân sự của Điện Cẩm Linh ban đầu hy vọng vào một chiến thắng nhanh chóng trước Ukraine, quốc gia vào thời điểm đó được cho là có quân đội nhỏ hơn và yếu hơn. Tuy nhiên, nỗ lực phòng thủ của Ukraine mạnh mẽ hơn mong đợi, được hỗ trợ bởi vũ khí do các đồng minh chủ chốt cung cấp, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã cản trở lợi ích quân sự của Nga.

Cuộc xâm lược của Nga đã bị đình trệ trong suốt mùa đông và các nhà lãnh đạo quân sự Ukraine trong những tuần gần đây cho thấy họ có thể tiến tới việc phát động một cuộc phản công mới, mặc dù rất ít thông tin chi tiết, bao gồm cả những khu vực nào sẽ được tấn công cụ thể, vẫn chưa được công khai.

Các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine hiện đang cảnh báo rằng các lực lượng Nga đang sử dụng bom trên không FAB-500 đã được cải tiến để tấn công các khu vực gần chiến tuyến.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cảnh báo rằng quân đội Nga đã chuyển đổi bom hàng không có sức nổ cao FAB-500 thành hỏa tiễn hành trình. Theo một báo cáo từ Ukrainska Pravda, một tờ báo trực tuyến của Ukraine, họ đang sử dụng những quả bom này “từ một khoảng cách mà lực lượng phòng không Ukraine không thể tiếp cận được”.

Ihnat nói thêm rằng Ukraine tin rằng Nga có thể đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất những quả bom này, chúng sẽ được trang bị cánh và định vị GPS.

Mykola Oeshchuk, chỉ huy Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cũng cảnh báo về việc sử dụng những quả bom như thế.

“Đối phương ngày càng sử dụng bom không khí dẫn đường nặng 500 kg dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Có dấu hiệu chuẩn bị cho việc sử dụng hàng loạt các loại bom KAB nặng 1.500 kg”, Olishchuk cảnh báo trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Bảy. “Các máy bay của Nga không đi vào khu vực phòng không của chúng ta, chúng tấn công từ xa vào các thành phố tiền tuyến và gần tiền tuyến. Những cư dân yên bình ở các khu vực phía bắc, phía nam và phía đông đang phải chịu đựng.”

Oleshchuk nhận định rằng máy bay chiến đấu F-16 sẽ giúp Ukraine chống lại những quả bom này hiệu quả hơn.

Ukraine đã hối thúc các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Mỹ, cung cấp cho nước này các máy bay chiến đấu mạnh hơn để tăng cường nỗ lực phòng thủ. Đất nước bị chiến tranh tàn phá đã đặc biệt thúc đẩy các máy bay phản lực F-16 “Fighting Falcon”. Tuy nhiên, chính quyền Biden cho đến nay đã từ chối cung cấp chúng cho Ukraine.

“F-16 được trang bị hỏa tiễn không đối không với tầm bắn lên tới 180 km. Điều này sẽ giúp có thể xua đuổi máy bay địch ra khỏi biên giới và giới tuyến của chúng ta, điều này sẽ giảm thiểu khả năng sử dụng bom dẫn đường và các loại vũ khí phóng từ trên không khác”, Oleshchuk nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận qua email.

4. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng các tài liệu bị rò rỉ của Hoa Kỳ làm dấy lên nỗi sợ hãi trong cộng đồng blog ủng hộ cuộc chiến của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Leaked U.S. Documents Spark Fear in Russian Pro-War Blogging Community: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng các tài liệu bị rò rỉ của Hoa Kỳ làm dấy lên nỗi sợ hãi trong cộng đồng blog ủng hộ cuộc chiến của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, các blogger ủng hộ chiến tranh Nga đã phản ứng trước vụ rò rỉ những gì được cho là tài liệu quân sự bí mật của Hoa Kỳ đề cập đến một cuộc phản công có thể xảy ra của Ukraine với “những lo lắng xuất phát từ suy đoán”.

Tổ chức cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu rằng một số blogger nổi tiếng của Nga “đã cả quyềt rằng có khả năng các tài liệu được công bố là thông tin sai lệch” được cố tình rò rỉ để gây nhầm lẫn cho quân đội Nga.

Ngày càng có nhiều đồn đoán rằng quân đội Ukraine sẽ tiến hành một cuộc phản công trong những tháng tới nhằm giành lại lãnh thổ từ tay lực lượng Nga đang xâm lược. Quân đội Nga đã dành vài tháng qua để cố gắng chiếm thành phố Bakhmut của Ukraine, với thành công hạn chế. Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của tình báo Anh, Mạc Tư Khoa đã “lấy lại được một số động lực” trong những ngày gần đây.

Nó xuất hiện sau khi một bộ tài liệu được cho là bí mật thứ hai, không chỉ đề cập đến Ukraine mà còn cả quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc và các cường quốc khác ở Trung Đông, đã được đăng trên bảng tin 4chan vào hôm thứ Sáu.

Bộ tài liệu đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm Telegram và Twitter, nhưng dường như đã được “sửa đổi”, tờ New York Times đưa tin hôm thứ Năm. Tờ báo cho biết thêm, điều này có thể “chỉ ra nỗ lực tung thông tin sai lệch của Mạc Tư Khoa”, trong điều mà tờ báo mô tả là “sự vi phạm đáng kể thông tin tình báo của Mỹ trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine”. Các tài liệu có trong vụ rò rỉ cũng cho thấy cuộc thảo luận về huấn luyện, vũ khí và khả năng tấn công của các đơn vị quân đội Ukraine khác nhau.

Trong khi đó, trong báo cáo của mình, ISW đã viết rằng các phiên bản của những tài liệu bị rò rỉ này “được chứng minh rõ ràng là đã bị sửa đổi để làm giảm tổn thất được báo cáo của Nga và thổi phồng con số thương vong của Ukraine,” đã được lan truyền trên mạng xã hội Nga. Chi tiết về việc Ukraine chi tiêu cho đạn dược HIMARS, thứ mà Kyiv đã sử dụng để gây hậu quả nghiêm trọng cho Nga kể từ khi được Mỹ cung cấp lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái, cũng được đưa vào các bài báo.

Hôm thứ Sáu, văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ các tài liệu này là “chỉnh sửa ảnh và 'rò rỉ giả mạo'. Hiện vẫn chưa biết ai đã công bố các tài liệu trực tuyến và tính xác thực của chúng chưa được Newsweek xác minh độc lập.

Trong một tuyên bố trước đó được gửi tới Newsweek, Sabrina Singh, phó thư ký báo chí tại Ngũ Giác Đài, cho biết: “Chúng tôi biết về các báo cáo về các bài đăng trên mạng xã hội và Bộ Quốc Phòng đang xem xét vấn đề”.

Mặc dù ISW từ chối đưa ra kết luận về tính xác thực của các bài báo bị rò rỉ, nhưng họ tuyên bố rằng chúng đã gây ra “sự lo lắng xuất phát từ suy đoán” trong giới blogger quân sự Nga, nhấn mạnh “nỗi sợ hãi về các cuộc phản công tiềm tàng của Ukraine đang diễn ra”.

ISW viết: “Một người viết blog tuyên bố rằng vụ rò rỉ tài liệu có thể là một phần trong chiến dịch lớn hơn của Ukraine nhằm đánh lừa lực lượng Nga trước một cuộc phản công”. “Một blogger người Nga khác lưu ý rằng đã có tiền lệ trong lịch sử về việc quân đội phổ biến thông tin lập kế hoạch sai trước khi bắt đầu các cuộc tấn công bất ngờ.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận qua email.

5. Nga tấn công mạng lưới điện của Ukraine với hơn 1.200 hỏa tiễn và máy bay không người lái, công ty năng lượng cho biết

Các lực lượng Nga đã sử dụng hơn 1.200 hỏa tiễn và máy bay không người lái để tấn công hệ thống năng lượng của Ukraine, theo một tuyên bố từ công ty năng lượng Ukrenergo của Ukraine.

Ukrenergo không chỉ ra khoảng thời gian cụ thể trong tuyên bố của mình.

Kể từ tháng 10, các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã phóng hàng trăm hỏa tiễn và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng năng lượng cách xa tiền tuyến, gây gián đoạn trong việc cung cấp điện, nhiệt và nước cho hàng triệu người.

Trong số 1.200 hỏa tiễn, 250 quả đã đánh trúng các địa điểm của Ukrenergo, gây thiệt hại cho 43% lưới điện chính của Ukraine. Tất cả các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đều chịu mức độ thiệt hại khác nhau.

Ukrenergo cho biết: “Trong sáu tháng lạnh nhất trong năm, đối phương đã cố gắng lấy đi năng lượng và nhiệt của chúng ta bằng cách phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng.

Tuyên bố trích dẫn ước tính của Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết chi phí sửa chữa khẩn cấp lưới điện sẽ lên tới hơn 1 tỷ USD.

Ukrenergo cho biết họ đã nhận được gần 500 thiết bị thay thế và nhiều thiết bị khác sẽ được sản xuất và gửi đến Ukraine.

6. Các quan chức quốc phòng Anh cho biết chiến dịch phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine có thể đã thất bại

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Bảy rằng chiến dịch của Nga nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine “có khả năng” đã thất bại.

Nga đã tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào lưới điện của Ukraine kể từ tháng 10 năm 2022.

Cuộc tấn công không ngừng vào lưới điện đã tước đi điện, nhiệt, nước và các dịch vụ thiết yếu khác của hàng triệu người trên khắp đất nước khi nhiệt độ giảm xuống, nhưng như CNN đã đưa tin trước đây, người dân Ukraine đã kiên trì.

Theo Liên Hiệp Quốc, các cuộc tấn công của Nga vi phạm luật nhân đạo quốc tế, cấm tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.

“Chiến dịch của Nga nhằm làm suy giảm nghiêm trọng hệ thống năng lượng thống nhất, gọi tắt là UES của Ukraine trong mùa đông 2022-2023 có thể đã thất bại,” tuyên bố của Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh viết.

Theo tuyên bố, “các cuộc tấn công quy mô lớn” nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã trở nên hiếm hoi kể từ đầu tháng 3 năm nay.

Tuyên bố tiếp tục: “Các cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn vẫn tiếp tục, nhưng rất có thể sẽ ít ảnh hưởng hơn nhiều đến UES”.

Các công ty Ukraine đang tiếp tục tìm nguồn cung cấp máy biến áp thay thế và các bộ phận quan trọng khác, tuy nhiên việc vận chuyển và lắp đặt các bộ phận này là một “thách thức hậu cần lớn”.

Theo Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh, tình hình năng lượng của Ukraine có thể sẽ được cải thiện khi thời tiết ấm hơn, và “việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho mùa đông tới có thể đã bắt đầu.”

7. Nga tăng gấp ba thời hạn hợp đồng cho các tù nhân chiến đấu trong chiến tranh Ukraine

Các tù nhân Nga hiện đang ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga để chiến đấu ở Ukraine sẽ phải tham chiến trong một thời gian dài. Theo nhà hoạt động vì quyền của tù nhân Nga, Olga Romanova, điều này cho thấy cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể kéo dài thêm một năm nữa.

Romanova, giám đốc nhóm quyền của tù nhân Nga có tên là Russia Behind Bars, đã viết trên Telegram hôm thứ Bảy rằng Bộ Quốc phòng đã tuyển mộ các tù nhân để chiến đấu ở Ukraine kể từ tháng Hai. Các tân binh sẽ ký hợp đồng với Bộ để chiến đấu trong 6 tháng, nhưng thời hạn này hiện đã được kéo dài lên 18 tháng, Romanova cho biết khi trích dẫn báo cáo từ các vùng Sverdlovsk và Yaroslavl ở Nga.

“Thay đổi trong việc tuyển tù nhân tham gia chiến đấu. Kể từ tháng Hai, việc tuyển mộ này chủ yếu được thực hiện bởi Bộ Quốc phòng. Các báo cáo từ hai khu vực, Sverdlovsk và Yaroslavl: cho thấy Bộ Quốc Phòng bắt đầu ký hợp đồng với các tù nhân không phải 6 tháng như trước đây, mà là 18. Tức là họ cũng mong đợi cuộc chiến sẽ kéo dài trong suốt năm tới, 2024” nhà hoạt động viết trên Telegram.

Newsweek không thể xác minh độc lập liệu thời hạn của hợp đồng có được gia hạn hay không.

“ Đây là cuộc chiến mãi mãi của Nga,” Francis Scarr, một nhà báo của BBC Monitor, đã viết trên Twitter hôm thứ Bảy

Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, với sự tự tin rằng đất nước của ông sẽ giành được chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu. Tuy nhiên, Ukraine đã phản ứng bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự kiến, chủ yếu được hỗ trợ bởi viện trợ của phương Tây đã ngăn cản các mục tiêu quân sự của Nga và hạn chế bước tiến của họ. Hơn một năm đã trôi qua kể từ cuộc xâm lược, với chiến sự vẫn tập trung ở các vùng cực đông của Ukraine, với các nhà phân tích cho rằng các nỗ lực tấn công mùa đông của Nga phần lớn đã thất bại.

Mặc dù cuộc chiến ban đầu đã lan rộng khắp các thành phố lớn của Ukraine, bao gồm Kyiv, Odessa, Kherson và gần đây nhất là ở Bakhmut, quân đội Nga đã trải qua một số thất bại bao gồm thiếu đạn dược và lãnh đạo phù hợp cũng như thiếu quân.

Tuy nhiên, quân đội Nga đã được hỗ trợ bởi Tập đoàn Wagner do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, một đơn vị bán quân sự được thành lập bởi Yevgeny Prigozhin, một đồng minh của Putin. Prigozhin đã thông báo vào tháng trước rằng hơn 5.000 cựu tù nhân đã được trả tự do kể từ mùa hè năm ngoái, sau khi hoàn thành hợp đồng với nhóm, theo trang tin độc lập Meduza. Trong khi đó, hơn 50.000 tù nhân đã được Tập đoàn Wagner tuyển dụng trong mùa đông năm 2022, theo Russia Behind Bars.

Vào tháng Hai, Prigozhin nói rằng Tập đoàn Wagner không còn tuyển mộ tù nhân Nga để chiến đấu trong chiến tranh.

Ông nói với hãng tin Live24 vào thời điểm đó: “Việc tuyển mộ tù nhân của công ty quân sự tư nhân Wagner đã hoàn toàn chấm dứt. Hiện tại chúng tôi đang thực hiện tất cả nghĩa vụ của mình với những người làm việc cho chúng tôi.”

Một làn sóng tuyển mộ tù nhân mới cũng đã được báo cáo vào tháng trước bởi Bộ Quốc phòng Ukraine và được Russia Behind Bars báo cáo. Bộ Quốc Phòng báo cáo rằng “các nữ tù nhân” đã được đưa lên một chuyến tàu để chiến đấu ở khu vực Donetsk.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết “Trong bối cảnh tổn thất lớn về nhân sự trong chiến tranh, đối phương sử dụng các nguồn bổ sung nhân lực thay thế,.Tuần trước, một đoàn tàu với các toa hạng nhất để vận chuyển tù nhân đã được ghi nhận hướng tới khu vực Donetsk. Một trong những toa xe chứa các nữ tù nhân.”

Việc tuyển dụng diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thương vong được báo cáo cao trong quân đội Nga. Vào tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hơn 1.100 binh sĩ Nga đã thiệt mạng tại thành phố Bakhmut trong vòng chưa đầy một tuần. Cùng tháng đó, phát ngôn nhân quân đội Ukraine Oleksandr Shtupun nói rằng 1.090 chiến binh Nga đã chết trong một ngày mà một số người cho rằng có thể là ngày nguy hiểm nhất đối với Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.
 
Sứ điệp Phục Sinh gởi dân thành Rôma và toàn thế giới, kèm Ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha Phanxicô
VietCatholic Media
17:29 09/04/2023

Vào lúc 12 giờ trưa, từ ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ Điệp Phục Sinh “Urbi et Orbi” cho dân thành Rôma và thế giới cho các tín hữu hiện diện tại Quảng Trường Thánh Phêrô và cho những người lắng nghe ngài qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Tiếp theo lời công bố về việc ban ơn toàn xá của Đức Hồng Y James Michael Harvey, Giám quản Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Thánh Cha đã ban Phép lành “Urbi et Orbi”.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã sống lại!

Hôm nay chúng ta tuyên xưng rằng Ngài, Chúa của đời ta, là “sự sống lại và là sự sống” của thế gian (x. Ga 11:25). Hôm nay là Phục sinh, Lễ Vượt Qua, một từ ngữ có nghĩa là “cuộc vượt qua”, bởi vì nơi Chúa Giêsu, cuộc vượt qua mang tính quyết định của nhân loại đã được thực hiện: đó là cuộc vượt qua từ cái chết đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sợ hãi đến tin tưởng, từ cô đơn đến hiệp thông. Trong Ngài, Chúa tể của thời gian và lịch sử, tôi muốn nói với tất cả mọi người với niềm vui chân thành trong tâm hồn: cầu chúc lễ Phục sinh hạnh phúc cho tất cả anh chị em!

Anh chị em thân mến, xin cho mỗi người trong anh chị em, đặc biệt là cho những người đau yếu và nghèo khổ, những người già cả và những người đang trải qua thời gian thử thách và mệt mỏi, một cuộc vượt qua từ gian khổ đến an ủi. Chúng ta không đơn độc: Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, ở với chúng ta mãi mãi. Giáo hội và thế giới hãy vui mừng, vì hôm nay niềm hy vọng của chúng ta không còn bị dội lại trước bức tường sự chết, nhưng Chúa đã mở ra một nhịp cầu dẫn đến sự sống cho chúng ta. Vâng, thưa anh chị em, vào lễ Phục sinh, số phận của thế giới đã thay đổi, và ngày này, cũng trùng với ngày phục sinh rất có thể của Chúa Kitô, chúng ta có thể vui mừng cử hành, nhờ ân sủng thuần khiết, ngày quan trọng nhất và đẹp nhất trong lịch sử.

“Chúa Kitô đã sống lại, thực sự đã sống lại”, như các Giáo Hội Đông Phương đã loan báo. Từ “thực sự” nhắc nhở chúng ta rằng hy vọng của chúng ta không phải là ảo vọng, nhưng đó là sự thật! Và cuộc hành trình của nhân loại từ lễ Phục sinh trở đi, được đánh dấu bằng niềm hy vọng, tiến bước nhanh hơn. Những nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh cho chúng ta thấy điều này qua tấm gương của họ. Các sách Tin Mừng thuật lại sự vội vã mà vào Ngày Phục Sinh “các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ” (Mt 28:8). Và, sau khi bà Maria Mađalêna “chạy đến với ông Simon Phêrô” (Ga 20:2), thì chính ông Gioan và ông Phêrô “cả hai cùng chạy” (x. câu 4) để đến nơi chôn cất Chúa Giêsu. Và rồi vào chiều Phục Sinh, khi gặp Đấng Phục Sinh trên đường Emmau, hai môn đệ “lên đường không chậm trễ” (Lc 24:33) và vội vã đi vài dặm lên đồi trong bóng tối, xúc động bởi niềm vui Phục Sinh không thể kìm nén được đang bừng cháy trong tâm hồn của họ (xem câu 32). Cũng chính niềm vui đó mà Phêrô, trên bờ biển Galilêa, khi nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh đã không thể nấn ná trong thuyền với những người khác, mà lập tức nhảy xuống nước bơi thật nhanh để gặp Người (x. Ga. 21:7). Nói tóm lại, vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình tăng tốc và trở thành một cuộc chạy đua, bởi vì nhân loại nhìn thấy mục tiêu của cuộc hành trình, ý nghĩa của định mệnh của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và được mời gọi để vội vã gặp gỡ Ngài, niềm hy vọng của thế giới. Chúng ta cũng hãy mau chóng lớn lên trên con đường tin cậy lẫn nhau: tin cậy giữa người với người, giữa các dân tộc và các quốc gia. Chúng ta hãy ngạc nhiên trước tin vui của lễ Phục sinh, trước ánh sáng soi rọi bóng tối và u ám mà thế giới thường thấy mình bị bao trùm trong đó.

Chúng ta hãy nhanh chóng vượt qua những xung đột và chia rẽ và mở rộng trái tim của chúng ta với những người đang cần giúp đỡ nhất.

Chúng ta hãy nhanh chóng bước đi trên con đường hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta hãy vui mừng trước những dấu chỉ cụ thể của niềm hy vọng đến với chúng ta từ rất nhiều quốc gia, bắt đầu từ những quốc gia giúp đỡ và chào đón những người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.

Tuy nhiên, trên đường đi, vẫn còn nhiều hòn đá vấp ngã, khiến cho việc tiến về Đấng Phục Sinh của chúng ta trở nên gian nan và vất vả. Chúng con cầu xin Ngài: xin giúp chúng con chạy đến gặp Ngài! Xin giúp chúng con mở lòng ra!

Xin giúp đỡ nhân dân Ukraine thân yêu trên con đường tiến tới hòa bình, và đổ ánh sáng Phục sinh lên nhân dân Nga. Xin an ủi những người bị thương và những người mất người thân trong chiến tranh, và giúp các tù nhân trở về với gia đình họ một cách an toàn. Hãy mở rộng trái tim của toàn thể cộng đồng quốc tế để họ có thể làm việc để chấm dứt cuộc chiến này và tất cả các cuộc xung đột làm vấy máu thế giới, bắt đầu từ Syria, quốc gia vẫn đang chờ đợi hòa bình. Xin hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và chính Syria. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã mất gia đình và bạn bè và bị bỏ rơi vô gia cư: xin cho họ nhận được sự an ủi từ Chúa và sự giúp đỡ từ đại gia đình của các quốc gia.

Vào ngày này, lạy Chúa, chúng con xin phó thác cho Chúa thành Giêrusalem, chứng nhân đầu tiên về sự Phục sinh của Chúa. Tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công trong những ngày vừa qua đe dọa bầu không khí tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau được trông đợi, vốn cần thiết để nối lại đối thoại giữa người Israel và người Palestine, cầu xin hòa bình có thể ngự trị tại Thành phố Thánh và khắp Khu vực.

Lạy Chúa, xin giúp Libăng vẫn đang tìm kiếm sự ổn định và thống nhất, để quốc gia này có thể vượt qua sự chia rẽ và mọi công dân cùng nhau làm việc vì thiện ích chung của đất nước.

Anh chị em đừng quên những người dân Tunisia thân yêu, đặc biệt là giới trẻ và những người đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội, để họ không mất hy vọng và cùng nhau hợp tác để xây dựng một tương lai hòa bình và tình huynh đệ.

Hãy hướng cái nhìn của anh chị em đến Haiti, quốc gia đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị xã hội nghiêm trọng trong nhiều năm, đồng thời ủng hộ nỗ lực của các bên tham gia chính trị và cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp dứt khoát cho nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến dân tộc bị thử thách nặng nề đó.

Xin Chúa củng cố các tiến trình hòa bình và hòa giải được thực hiện ở Ethiopia và Nam Sudan, đồng thời chấm dứt bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu cử hành Lễ Phục sinh hôm nay trong những hoàn cảnh đặc biệt, như ở Nicaragua và Eritrea, và xin nhớ đến tất cả những người bị ngăn cản không được tự do, không được công khai tuyên xưng đức tin của mình. Xin Chúa an ủi các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Mozambique và Nigeria.

Xin Chúa giúp Miến Điện đi trên con đường hòa bình và soi sáng trái tim của những người có trách nhiệm để những người Rohingya bị thương tổn có thể tìm thấy công lý.

Xin Chúa an ủi những người tị nạn, những người bị trục xuất, những tù nhân chính trị và những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như tất cả những ai đang phải chịu đói, nghèo và những tác động bất chính của việc buôn bán ma túy, buôn người và mọi hình thức nô lệ. Lạy Chúa, xin truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để không một người đàn ông hay phụ nữ nào có thể bị phân biệt đối xử và bị chà đạp lên phẩm giá của mình; để trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người và dân chủ, những tai họa xã hội này có thể được chữa lành, lợi ích chung của các công dân có thể luôn luôn được tìm kiếm, và an ninh cũng như các điều kiện cần thiết cho đối thoại và chung sống hòa bình có thể được bảo đảm.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy khám phá lại niềm hân hoan của cuộc hành trình, chúng ta hãy đập nhanh nhịp đập của hy vọng, chúng ta hãy nếm trước vẻ đẹp của Thiên Đàng! Hôm nay chúng ta hãy thu hết nghị lực để tiến bước trong sự thánh thiện hướng về Đấng tự bản chất là Thánh Thiện, không làm chúng ta thất vọng. Và, như một Giáo Phụ xưa đã viết, “tội lỗi lớn nhất là không tin vào các quyền năng của Sự Phục Sinh” (Thánh Isaac of Nineveh, Sermones ascetici, I,5), thì hôm nay chúng ta hãy tin và tuyên xưng rằng, “Chúa Kitô đã sống lại thật” (Ca tiếp liên). Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào Chúa, chúng con tin rằng với Chúa niềm hy vọng được tái sinh, cuộc hành trình vẫn tiếp tục. Lạy Chúa của sự sống, xin khuyến khích chúng con trên con đường của chúng con và cũng lặp lại với chúng con, như với các môn đệ vào chiều Phục sinh, “Bình an cho anh em! Bình an cho anh em! Bình an cho anh em!” (Ga 20:19, 21).
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana