Ngày 10-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:08 10/04/2009
THIÊN ÂN

N2T


Một thanh niên đến trước mặt đại sư nói: “Con muốn trở thành người khôn ngoan, vậy con phải làm thế nào mới có thể đạt đến nguyện vọng đó ?”

Đại sư thở dài nói: “Đã từng có một thanh niên giống như con, cũng muốn trở thành người khôn ngoan, vả lại khát vọng rất lớn. Một hôm anh ta thấy anh ta ngồi ngay tại chỗ ta ngồi bây giờ, mà trước mặt anh ta là vị trí của con bây giờ, người ngồi là một thanh niên, người thanh niên ấy nói: “Con muốn trở thành một người khôn ngoan.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Đại sư cũng là người đi tìm kiếm sự khôn ngoan như người thanh niên ấy, cho nên phát hiện anh ta cũng là người đi tìm sự khôn ngoan như hồi mình còn trẻ.

Khi còn trẻ thì chúng ta háo thắng thích tìm cái anh hùng, nhưng khi đến tuổi già thì chúng ta thấy đó là chuyện nực cười, bởi vì sự khôn ngoan có được là bởi những ê chề, đau khổ chồng chất trên cuộc sống của mình. Muốn có sự khôn ngoan thì phải trải qua nhiều kinh nghiệm, mà phải là kinh nghiệm đau khổ, đó là cách hay nhất để có sự khôn ngoan của người đời mà ai cũng mong muốn.

Nhưng sự khôn ngoan mà người Ki-tô hữu tìm kiếm thì không những phải trải qua đau khổ, mà còn phải qua lời cầu nguyện nữa, bởi vì nguồn gốc của mọi sự khôn ngoan chính là từ nơi Thiên Chúa mà đến.

Đó là thiên ân vậy, ai hiểu được thì thực hành.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:08 10/04/2009
N2T


135. Mất đi sự bền chí thì không thể nào đạt được ân sủng, có anh dũng cũng tranh không được sự tán thưởng.

(Thánh Bernardus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:10 10/04/2009
N2T


80. Dịp may đối với sự lười biếng thì không được gì, nhưng đối với sự cần cù thì có thể khiến cho sự bình thường nhất biến thành dịp may.

 
Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (6)
Vũ Văn An
02:26 10/04/2009
VI. Tin Vui Hy Vọng (Mc 16:1-8)

Đoàn quân của Napoleon chỉ còn cách Feldkirch, một thị trấn Áo, 6 dặm. Ông ta chuẩn bị tấn công thị trấn vào sáng hôm sau. Thị trấn vốn không được bảo vệ, nếu viện binh không tới cấp cứu, chắc chắn sẽ bị tràn ngập. Dân thị trấn tụ họp cầu nguyện trong ngôi thánh đường giữa trung tâm thị trấn. Hôm đó là đêm trước lễ Phục sinh năm 1805. Sáng hôm sau, chuông thánh đường bắt đầu đổ, vọng tới tai Napoleon. Ông tướng này không bao giờ có ý niệm hôm đó là hôm Phục Sinh. Nên nghe tiếng chuông, ông tưởng đó là tiếng chuông chào mừng đoàn quân Áo. Lập tức ông hủy bỏ kế hoạch tấn công Feldkirch và ra lệnh cho đoàn quân của mình rút qua ngả khác. Feldkirch thoát nguy, nhờ kẻ địch nghe tiếng chuông Phục Sinh. Cuối phúc âm Máccô, ta cũng được nghe chuông Phục Sinh hân hoan reo vang và kẻ thù xưa của ta là Thần Chết cũng đang rút lui.

1. Từ Thất Vọng Đến Khoái Chí

1.1 Tia hy vọng đã vươn lên trong thế giới tràn trề thất vọng. Đó là chủ đề chương 16 phúc âm Máccô. Xem Mc 16: 1-8. Hết ngày Sa-bát, 3 phụ nữ đem dầu thơm tính xức xác Chúa Giêsu. Đến nơi, đá chắn mồ đã được lăn qua một bên, còn xác Người thì không thấy. Chỉ thấy một thanh niên vận áo trắng lên tiếng: Người đã sống lại, không còn ở đây. Mấy người đàn bà ra khỏi mồ, không nói với ai điều gì. Nhiều người cho Phúc âm Máccô chấm dứt ở đấy ở câu 16:8. Vì thủ bản Hy Lạp cổ xưa nhất và cũng đáng tin cậy nhất không có các câu từ 9 đến 20 và hầu như chắc chắn Máccô không viết các câu từ 9 đến 20 này. Tuy nhiên, tạ ơn Chúa, câu 9 đến 20 đã có trong phúc âm của ngài. Ta sẽ xem sét việc này trong bài sau.

1.2 Trình thuật phục sinh của Máccô bắt đầu bằng câu “Hết ngày Sa-bát”. Phúc âm Luca không nhắc đến ngày Sa-bát (Thứ Bẩy). Có thể vì ngày đó gợi lại sự thảm sầu của niềm hy vọng tả tơi, của giấc mộng tan vỡ, của mặc cảm tội lỗi, của xấu hổ, của đớn đau sợ hãi. Một ngày xem ra tương lai như bức tường trống rỗng, sạch bách hy vọng và khả thể. Cần gì tiếp tục? Cần chi ráng sống? Chúa của họ đã chết, và các môn đệ của Người đã bỏ Người mà tháo chạy. Hết cả vương quốc, vua quan. Còn chăng chỉ là mặc cảm bỏ thầy giầy vò tâm can họ. Ấy thế nhưng Thiên Chúa đang biến Thứ Bẩy buồn thành Chúa Nhật vui. Chiếc mồ trống của bạn đang xuất hiện. Phúc âm Máccô nhắc đến ngày Sa-bát, cái Thứ Bẩy buồn ấy. Và cũng chỉ nhắc qua có thế, chứ không nhắc gì thêm. Điều ấy cho thấy khi ngồi xuống viết ra các phúc âm, các phúc âm gia quá vui mừng trước ngày Chúa Nhật vui đến quên khuấy, hay gần như quên khuấy, cả Thứ Bẩy buồn.

1.3 Máccô chương 16 bắt đầu bằng ngày thảm sầu nhất trong lịch sử con người, nhưng kết thúc với việc tìm ra ngôi mồ trống. Mấy người đàn bà tìm ra ngôi mồ trống, bước ra hân hoan đến không nói nên lời. Ta nên xem kỹ hai mệnh đề (16:8) trong đoạn này: Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía (Tiếng Hy lạp: ekstasis). Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi (tiếng Hy Lạp, phobeo)”. Các bản dịch Thánh Kinh đều dịch đại cương như thế. Thiết tưởng nên chú ý đến các từ ngữ Hy Lạp được chua trên đây. Dịch phobeo là sợ hãi không hẳn sai, vì động từ này quả có nghĩa là sợ hãi. Nhưng nó cũng có nghĩa như kính sợ, kinh ngạc (awe, amazement) theo nghĩa tôn giáo của cung kính, thờ kính và kính phục (reverence, worship and pious obedience). Câu trước cũng vậy dịch là “run lẩy bẩy, hết hồn hết vía” không hẳn đã chỉnh. Run thì có, nhưng lẩy bẩy là thứ run tiêu cực quá. Còn hết hồn hết vía để dịch chữ ekstasis thì không hẳn đúng, vì từ ekstasis ta có ecstasy của tiếng Anh, có nghĩa mạnh nhất chỉ tình trạng quá vui đến xuất thần, quên cả thực tại chung quanh, nhẹ nhất cũng là kinh ngạc (amazed), một tình trạng tích cực chứ không tiêu cực chút nào. Mấy người đàn bà này làm sao sợ hãi cho được khi họ khám phá ra điều kỳ diệu: Chúa Giêsu đã sống lại! Sự thật ấy chỉ có thể làm họ vui ngất! Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một lối đọc phúc âm Máccô. Bản Phổ Thông cũng như Tân Phổ Thông (Nova Vulgata) đều theo nghĩa tiêu cực: Et exeuntes fugerunt de monumento; invaserat enim eas tremor and pavor, et nemini quidquam dixerunt, timebant enim. Tuy nhiên, phúc âm Mátthêu (28:8) thì cho hay: “Các bà vội vã rời khỏi mộ, vừa sợ hãi vừa rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay”. Chú giải phúc âm Mátthêu, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho hay: “sự sợ hãi của các bà phải coi như là một phản ứng có ý nghĩa thần học hơn là tâm lý: một cảm nghiệm siêu nhiên về cuộc thần hiện, một sự gặp gỡ Thiên Chúa” (Bốn Sách Tin Mừng, tr.129). Thiển nghĩ ta nên lấy cái ớn lạnh và run sợ của Hàn Mạc Tử mà hiểu cái run sợ của các phụ nữ trong Máccô: “Maria linh hồn tôi ớn lạnh, run như run thần tử thấy tôn nhan, run như run hơi thở chạm tơ vàng, nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến!". Người em ruột của thi sĩ là Nguyễn Bá Tín cho rằng khi viết những câu thơ bất hủ này, Hàn Mạc Tử còn rùng mình nghĩ tới biến cố “súyt chết” của mình bên bãi biển Qui Nhơn mà ông vốn coi là nhờ Đức Mẹ mà ông sống thoát (coi Hàn Mặc Tử Anh Tôi). Rất có thể người em này hiểu anh ruột hơn ai hết, nhưng nếu “linh hồn tôi ớn lạnh” có hơi hướm đôi chút tiêu cực, thì câu sau “run như run thần tử thấy long nhan” và nhất là “run như run hơi thở chạm tơ vàng” không hề có nét nào tiêu cực mà chỉ là cái run sung sướng của một thần tử thấy long nhan, một Đấng Nữ Vương ông “thấm nhuần ơn trìu mến”, nhưng chỉ sợ Ngài biến mất, hay không xứng đáng với Ngài như hơi thở chạm tơ vàng. Thiển nghĩ không còn chiêm niệm thần bí nào cao siêu hơn thế, một chiêm niệm thần bí trong truyền thống Máccô!. Hãy tiếp tục đọc trình thuật Máccô để thấy lối đọc tích cực không hẳn là sai, và tìm ra nhờ đâu những người đàn bà kia đã đột nhiên tiến từ thất vọng ê chề qua cái vui ngất run rẩy khi thấy ngôi mồ trống.

2. Ngôi Mộ và Khăn Liệm

2.1 Trước nhất hãy xem tảng đá chắn mộ (16:1-4). Khi tới mộ, mấy người đàn bà thấy tảng đá đã được lăn qua một bên. Bạn hãy đi thăm Ngôi Mộ Trong Vườn ở Giêrusalem mà các học giả tin là mộ của Chúa Giêsu. Tảng đá nói trên không còn nữa, nhưng đường rãnh nhỏ đục vào đá trước cửa mồ thì còn đó. Khối đá chắn mồ được lăn khít vào đường rãnh này để mở ra đóng vào. Căn cứ vào đó thì tảng đá phải nặng đến ngàn cân Anh. Bởi thế, mấy người đàn bà mới lo âu không biết nhờ ai lăn nó ra. Nhưng khi tới nơi, nó đã được lăn ra rồi. Mồ đã mở sẵn. Phúc âm Mátthêu (28:2) nói rõ chính một thiên thần lăn tảng đá đó ra. Sắc diện thiên thần sáng láng đến làm lính canh sợ hãi chết ngất. Chắc sau đó bọn chúng bỏ trốn hết. Vì khi các phụ nữ tới, không thấy ai ngoài cửa mồ.

2.2 Ngôi mồ trống từng cung cấp câu trả lời cho những kẻ hoài nghi suốt hơn hai mươi thế kỷ qua. Không ai từng giải thích được nó. Mỗi thế hệ đều đã cố gắng. Như Hugh Schonfield trong The Passover Plot, được phụ ghi là A New Interpretation of the Life and Death of Jesus, có lối giải thích xưa nhất. Ông cho rằng không có sống lại, dựa vào lời dối trá được phổ biến trong binh lính La Mã thế kỷ thứ nhất, theo đó, xác của Chúa bị đánh cắp. Nhưng cả Schonfiled cũng không giải thích truyện đánh cắp ấy xẩy ra cách nào. Nếu kẻ thù của Kitô giáo đánh cắp thì họ đã đem ra làm bằng chứng để chối phắt việc Chúa sống lại. Còn môn đệ của Người thì làm sao cướp được xác khi lính canh La Mã ở đó và mồ thì được đóng kín.

2.3 Sự kiện lạ lùng nhất đối với các bà là khăn liệm. Xác thì mất, nhưng khăn liệm còn kia. Luca 24:12 và Gioan 20:6-8 miêu tả kỹ về khăn liệm này. Khăn che đầu được gấp ngay ngắn và để tách khỏi băng vải liệm, là tấm khăn không bị mở ra, vẫn nguyên hình như lúc liệm, làm người ta có cảm giác như thân xác Người biến khỏi từ bên trong. Các phúc âm kia cho hay: các phụ nữ về kể cho các môn đệ, và Phêrô cùng Gioan chạy ra mồ. Khi họ thấy khăn liệm, họ tin chắc Chúa đã sống lại. Sự hiện diện của vải liệm và cách thức chúng được sắp xếp chưa bao giờ được giải thích.

2.4 Sức mạnh của chứng cớ, kể cả chứng cớ ngôi mộ trống là một trong những lý do giúp Kitô giáo truyền bá rất nhanh. Ai cũng có thể đến đó để kiểm chứng, để thấy tận mắt chứng cớ vật lý hiển nhiên cho các lời giảng của các Tông Đồ. Chính vì thế, sử gia Do Thái là Flavius Josephus, một sử gia có uy tín, chắc chắn đã dựa vào các nhân chứng tận mắt mà viết ra những giòng như sau:

“Bây giờ xin nói về thời gian Ông Giêsu, một hiền nhân, nếu được phép gọi ông là một con người, vì ông là người làm nhiều việc lạ lùng, một bậc thầy của những người tiếp nhận chân lý một cách hân hoan. Ông lôi kéo nhiều người Do Thái, và Dân Ngoại. Ông là Đấng Kitô; và khi Philatô, theo gợi ý của những người chủ chốt giữa chúng ta, kết án ông chịu thập giá, những người kính yêu ông nhất định không từ bỏ ông, vì ông hiện ra với họ vào ngày thứ ba như các thánh tiên tri đã tiên đoán những điều ấy và hàng chục ngàn những điều lạ lùng khác về ông; còn chi tộc Kitô giáo, được gọi theo tên ông, ngày nay vẫn chưa bị diệt” (Josephus, The Antiquities of the Jews 18.3.3, trích trong The Works of Josephus, do William Whiston (Peabody, Mass.: Hendrickson, 1987) dịch).

Phục sinh vì thế không phải là chuyện huyền thoại mà là sự kiện chính trong lịch sử con người.

3. Sứ Điệp Của Thiên Thần

3.1 Thế là Chúa Giêsu không có trong mồ. Máccô ghi thêm (16:5-7): Bước vào mồ, các bà thấy một thanh niên vận đồ trắng, nên sợ. Nhưng thanh niên ấy bảo các bà đừng sợ. Vì Chúa đã sống lại và sẽ đến Galilê gặp gỡ mọi người. Sứ điệp của thiên thần nhằm nói với những kẻ hoài nghi suốt hơn 20 thế kỷ qua. “Các bà đi tìm Giêsu Nadarét, đấng bị đóng đinh”. Những kẻ hoài nghi phục sinh nói rằng các phụ nữ vào lầm mồ. Nhiều người khác bảo: các tông đồ làm giả một Chúa Giêsu khác khi huyền thoại phục sinh đổ bể. Rồi: Chúa Giêsu không chết, chỉ bất tỉnh thôi, và điều kiện lành lạnh trong mồ đã làm Người thức dậy. Tất cả lý thuyết ấy làm sao phù hợp với lời thiên thần trong đoạn này khi xác nhận ông Giêsu Nadarét, từng bị đóng đinh, nay đã sống lại rồi. Căn cước của người nằm trong mồ ấy được long trọng xác nhận.

3.2 Thiên thần cũng cho hay: “Người đã sống lại, Người không còn ở đây”. Chúa Giêsu sống lại không phải là một linh thể không xác (disembodied spirit). Phục sinh không phải là một phục sinh linh thể mà là phục sinh xác thể. Thân xác Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Nhiều nhóm giáo phái cho rằng chỉ có tinh thần Đức Giêsu chỗi dậy, và do đó hiện sống như một hữu thể thuần linh. Thánh Kinh không cho phép một giải thích như thế.

3.3 Hơn nữa, thiên thần cho hay Người sẽ đến Galilê gặp gỡ các tông đồ. Thiên thần chỉ định rõ cả khu vực địa dư làm nơi người ta sẽ gặp Đức Giêsu trên mặt đất. Ngoài khía cạnh xác nhận tính cách “thể xác” của phục sinh trong mấy câu này, ta còn thấy cả một dư âm thân tình âu yếm nhắn gửi tới tông đồ Phêrô, người dân chài trở thành môn đệ hàng đầu. Lần cuối cùng ta gặp Phêrô là lúc ông đang đứng sưởi ấm trong sân dinh thầy cả thượng phẩm, run sợ cả những tên tớ gái thầy cả đến phải chối phéng Thầy. Nhưng giờ đây: “Hãy nói với các môn đệ và Phêrô”! Chỉ có ông được nêu đích danh trong lời nhắn gửi. Chẳng lạ gì sau này ông hân hoan khi người ta hành hạ ông vì danh Người và chịu đóng đinh ngược vì Người bị ông chối phéng nhưng vẫn thương ông.

Qua trình thuật này, ta thấy Chúa Giêsu lưu tâm đến từng cá nhân, chứ không hẳn chỉ có nhóm hay tổ chức hay phong trào hay giáo hội hay thế giới mà thôi. Chúa lưu tâm tới Phêrô, đến cá nhân, đến tôi đến bạn. Sự quan tâm có tính bản vị của Người đối với các cá nhân đã trở thành dấu kiểm tra (hallmark) Kitô giáo từ đấy. Mỗi người trong chúng ta có thể biết Người cách tư riêng và thân thiết, chứ không phải chỉ như một nhân vật lịch sử, hay một vị quân vương, một lãnh tụ tôn giáo mà là trong một hiệp thông một gặp một và tình bằng hữu thân mật.

4. Tin Vui Loan Truyền

4.1 Mồ trống, khăn liệm trống và sứ điệp của thiên thần đã gây tác động lớn trên các phụ nữ. Chúng đổ đầy tâm hồn họ niềm hy vọng, niềm vui, niềm phấn khích. Trong khoảnh khắc, họ được chuyên chở từ lũng sâu chán chường thất vọng tới nỗi vui ngất quá sức tưởng tượng. Bởi thế, họ hân hoan ra đi bắt đầu loan truyền tin vui hy vọng kia, như các thiên thần nhắn gửi, một tin vui lâu bền duy nhất thế gian chưa bao giờ biết đến.

4.2 Tin vui trên được củng cố bởi nhiều lần hiện ra với hết nhân chứng này đến nhân chứng khác. Trước nhất là Maria Mađalêna. Phúc âm Gioan (20:11-18) cho hay: sau khi các phụ nữ kia ra về, Maria Mađalêna rán ở lại và được gặp Chúa Giêsu. Bà lầm tưởng đó là người làm vườn, nhưng khi nghe Người gọi đúng tên mình, bà biết ngay đó chính là Chúa. Như thế, Maria là người đầu tiên gặp Chúa phục sinh. Và nhờ báo tin của bà, mà Phêrô và Gioan, tuy chỉ thấy mồ và khăn liệm trống, nhưng đã tin chắc Người đã sống lại.

4.3 Trong phúc âm Luca (24:13-35), vào buổi chiều hôm đó, Người cũng xuất hiện với hai môn đệ trên đường đi Emmaus. Trong cuộc kỳ ngộ này, Người dùng Thánh Kinh mà nói về chính Người với họ. Lạ một điều, họ không nhận ra Người, cho đến mãi khuya, lúc Người bẻ bánh với họ, họ mới nhận ra Người. Cũng là lúc, Người biến mất. Lòng chúng ta chẳng lửa bập bùng lúc Người giảng Thánh Kinh cho ta đó sao?

4.4 Phúc âm Gioan (20:19-25) tiếp tục cho hay chiều Chúa Nhật thứ nhất Phục Sinh, các môn đệ họp nhau tại Phòng Trên Lầu. Bỗng nhiên, Chúa Giêsu xuất hiện giữa các ông và cho họ thấy Người đang sống. Một tuần sau, Chúa trở lại căn phòng ấy lần nữa và cho Tôma hoài nghi thấy các thương tích của Người, để Tôma thấy mà tin.

4.5 Gioan chương 21 cho thấy, đúng như lời thiên thần loan báo cho các phụ nữ, Chúa Giêsu xuất hiện tại Galilê, ở biển hồ Tibêria (tên khác của hồ Galilê), đang khi phần lớn các môn đệ đang đánh cá ở đó. Hết mộng “chài người” rồi chăng, nay trở về nhà cũ làm… chài cho xong! Lòng vẫn còn áy náy chả hiểu Chúa Giêsu muốn họ, và nhất là riêng ông, ông Phêrô, làm gì. Vâng, có Phêrô trong số này. Ông tin Người sống lại, nhưng vẫn đi đánh cá. Chả lẽ mắc hội chứng kiểu Seven-Year Itch? Không một ai nhận ra Người, phải đợi đến lúc được mẻ cá lớn nhờ “mách nước” của Người, mới có người nhận ra Người. Người ấy không phải là Phêrô, nhưng rất may là người cùng vào mồ trống với ông, tức Gioan. “Chúa đó”. Điều hay là không phải Gioan nhẩy xuống nước, mà là Phêrô. Ông nóng lòng gặp thầy đến không thể chờ thuyền vào tới bến. Và tất cả các ông chắc mẩm về Chúa đến độ không ai lên tiếng hỏi “ngài là ai?”.

Cũng chính trên bãi biển này, sau bữa sáng với nhau, Chúa hỏi Phêrô một câu ba lần. Con có yêu thầy không? Làm ông thấy “hơi quá”! Với mỗi câu trả lời: có của Phêrô, Chúa lại bảo ông: “hãy chăn dắt chiên của thầy”. Không đâu rõ bằng ở chỗ này: Phêrô được phục hồi hoàn toàn. Và nhiệm vụ ông thật rõ như ban ngày. Có đủ cả job description nữa. Không còn chài người hay chài cá gì cả, anh là mục tử, chăn dắt đoàn chiên Thầy. Chính bởi vậy, thiên thần mới nhắn đích tên ông, để ông tới Galilê nhận bài sai.

4.6 Theo thánh Phaolô (1 Cor 15:6), Chúa còn xuất hiện một lần nữa với hơn 500 người trên núi Galilê. Phúc âm Luca (24:50-53) kể lại biến cố sau cùng, lúc Chúa xuất hiện với các môn đệ và dẫn các ông tới gần làng Bêtania, nơi Người về trời.

5. Tin Là Thấy

5.1 Ấn tượng mạnh mẽ phúc âm Máccô để lại cho ta từ trình thuật phục sinh là: các phụ nữ tin, dù không thấy Chúa Phục Sinh. Họ chỉ thấy ngôi mồ trống. và khăn liệm trống. Họ vui ngất vì họ tin. Dĩ nhiên, như đã thấy, Maria rán lại thêm và đã đích thân được thấy Chúa Sống Lại. Còn các phụ nữ kia tin dù không thấy Chúa. Có thể sau này, khi hiện diện tại Phòng Trên Lầu, họ sẽ được thấy Chúa. Nhưng họ đã tin rồi, dù chưa thấy. Đối với họ, tin là thấy rồi.

5.2 Tất nhiên thấy Chúa Phục Sinh quả là tuyệt diệu. Những người có diễm phúc ấy được cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi nhìn với lòng kính trọng thật cao. Phần lớn cộng đoàn này không được diễm phúc ấy. Tuy nhiên, lúc xuất hiện với Tôma, Người cho biết: con tin vì con thấy, phúc cho ai không thấy mà tin (Ga 20:29). Nói cách khác: con nghĩ thấy là tin. Con lầm rồi, tin là thấy. Nói câu này, Người quả đã nhìn thấu qua muôn thế hệ đến sau, kể cả thế hệ chúng ta. Người nhìn thấu muôn triệu tín hữu, gồm bạn gồm tôi, và Người khẳng định rằng ta yêu Người và tin vào Người, dù ta chưa bao giờ thấy Người.

5.3 Phêrô là người đã ba bốn cái “cùng” với Người: cùng sống, cùng đi, cùng nói cùng ăn với Người, nhưng ông vẫn muốn cho ta hay: tin là thấy. Ông viết: “Dù bạn không thấy Người, bạn vẫn yêu Người; và dù bạn không thấy Người bây giờ, bạn vẫn tin Người và lòng bạn tràn ngập niềm vui vinh quang, không thể diễn tả được (1 Pr 1:8). Đó là cảm nghiệm của muôn triệu tín hữu từ những ngày đầu đến tận ngày nay. Ta không thấy Chúa Phục Sinh vì Người đã ra khỏi lãnh vực hữu hình lâu rồi. Nhưng ta có chứng tá, có chứng cớ. Thánh Luca viết trong Cv 1:3: “Người tỏ mình cho những người này và ban nhiều chứng cớ đầy thuyết phục rằng Người đang sống”. Các chứng cớ này có sức thuyết phục trí hiểu ta và thúc đẩy tâm hồn ta. Chúng khơi dậy trong ta niềm hy vọng. Chính từ niềm hy vọng này mà tin mừng phục sinh đã phát sinh.

Tin mừng trên là tin mừng duy nhất lâu bền trong lịch sử loài người. Ai chưa nghe tin mừng này, thì thế giới vẫn chỉ là nơi đen tối, vô hy vọng giống như Thứ Bẩy giữa thánh giá và phục sinh. Nhưng ta có tin mừng này để chia sẻ với họ. Tin mừng này như ánh sáng chói lọi giữa đêm khuya, như lương thực nơi đói khát. Nếu bạn không đem đi loan truyền, thì ai sẽ đi đây?
 
Tin Mừng Phục Sinh
LM. Giacôbê Tạ Chúc
06:04 10/04/2009
TIN MỪNG PHỤC SINH ( Lm Giacôbê Tạ Chúc )

Khi nói về sự kiện Phục sinh, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, trong tác phẩm: “Đức Giêsu thành Nazareth “ có nhận định: “ Sự Phục sinh, như người ta nói là một ẩn dụ, nhưng ý nghĩa của ẩn dụ ấy, như P. Ricoeur đã làm sáng tỏ không phải là nói một sự việc khác với thực tại, mà nói về thực tại, điều không thể nói khác được. Sự Phục sinh tự nó được đặt ở thềm biên giới hay thậm chí ngòai thời gian, ngòai không gian và do đó ngòai lịch sử, nhưng có một cái gì đó xảy ra trong thời gian và trong không gian mà nhà sử học phải giải thích.

Có hai sự kiện để cung cấp cho nhà sử học xem xét và cho phép ông nói về sự phục sinh: trước hết đó là đức tin của các môn đệ, một đức tin bất thần và không thể giải thích, ngoan cường đến mức kháng cự lại cả mọi thử thách trong tử đạo để làm chứng; thứ đến là sự giải thích về đức tin mà những kẻ trong cuộc, tức là các môn đệ, đã để lại cho chúng ta “( trang 16 ).

Đức tin của các môn đệ: Cả bốn Tin mừng đều thuật lại biến cố phục sinh, ngôi mộ trống, và những lần Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với họ. ỞThánh sử Matthêu, chương cuối cùng, ngài đã thuật lại sự kiện ngôi mộ trống (Mt 28,1–8 ); Đức Giêsu hiện ra với mấy chị em phụ nữ trên đường các bà ra viếng mộ ( Mt 28, 9 – 10 ); Tại biển hồ Ga-li-lê, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ ( Mt 28, 16 – 20 ). Tin mừng của thánh sử Marcô cũng nói về sự kiện ngôi mộ trống và các phụ nữ được thấy Chúa Giêsu Phục sinh ( Mc16,1-8 ). Phúc âm của Marcô còn tóm tắt lại các cuộc hiện ra của chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại để minh chứng cho sứ điệp Phục sinh ( Mc 16, 9 – 19 ). Còn Luca, ngòai những biến cố mà tin mừng Matthêu và Marcô đã ghi lại ( ngôi mộ trống, hiện ra với các phụ nữ, với các Tông đồ ), Luca còn thuật lại một câu chuyện rất ấn tượng của hai môn đệ trên đường đi về làng Em-mau ( Lc 24, 13 – 35 ). Sau cùng là sứ điệp phục sinh từ đôi cánh chim phượng hòang, Thánh Gioan tông đồ, mà khi nhắc đến ngài, ai cũng biết đó là “ người học trò cưng của chúa Giêsu “. Cũng như các Thánh sử khác, Gioan cũng ghi nhận sự kiện phục sinh qua Ngôi mộ trống ( Ga 20, 1 – 9 ), Đấng Phục sinh hiện ra với Maria Mác-đa-la ( Ga 20, 11-18 ). Khác với tin mừng Nhất lãm, Gioan thuật lại hai lần hiện ra sau cùng cũng vào ngày sabath, một lần Tô-ma vắng mặt và một lần có mặt Tô-ma ( Ga 20, 19 – 28 ).

Những kẻ trong cuộc giải thích: Thật vậy, phải có một cái gì đó bất thường xảy đến với những con người nhát đảm và yếu tin, để thay đổi cả một não trạng sợ sệt của họ. Đức Giêsu chết đã đặt vào cuộc đời của họ một dấu kết, như trong phần kết của một bản nhạc. Nếu không có một cuộc gặp gỡ diện đối diện với Đấng phục sinh thì e rằng một dòng chữ để lại cũng khó chứ phương chi cả một kho tàng như bốn phúc âm của các ngài. Quả thực Đức Giêsu đã đụng chạm đến các Tông đồ, sau khi từ cõi chết trở về. Có như thế các tông đồ mới đủ bản lãnh để công bố tin mừng phục sinh cho nhân lọai, sách Công Vụ Tông Đồ chứng tỏ cho chúng ta thấy rõ điều đó, bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô đã dẫn đưa hơn ba ngàn người gia nhập Hội thánh ( Cvtđ 2, 37 – 41 ).

Mãi mãi biến cố Phục sinh vẫn sống động và hùng hồn trôi theo dòng chảy của thời gian và không gian, trên dòng chảy bất tận của các tư tưởng, các trào lưu, các ý thức hệ mà con người đặt vào, thì vĩnh cửu Đức Giêsu Kitô vẫn là một: Alpha và Ômêga nghĩa là: khởi nguyên và cùng tận của lịch sử cứu độ.
 
Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu và đời sống đức tin Kitô Giáo
Lm. Nguyễn Hữu Thy
16:39 10/04/2009
Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu và đời sống đức tin Kitô Giáo

Chúng ta cử hành Ðại Lễ Phục Sinh. Chúng ta lại được nghe Tin Mừng tường thuật về sự Phục Sinh của Ðức Giêsu. Chúng ta lại tuyên xưng đức tin rằng: Ðức Giêsu vẫn sống! Thực vậy, có rất nhiều lý do để nhân loại hôm nay hoan hỉ mừng vui. Và trọng tâm sự vui mừng của chúng ta chính là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã sống lại từ trong cõi chết.

Nhưng nếu thành thật với chính mình, chúng ta sẽ phải công nhận rằng nếu chỉ vì sự kiện Ðức Giêsu phục sinh từ cõi chết mà thôi, chắc chắn nhân loại sẽ không dễ dàng vui mừng hoan hỉ như thế được. Vâng, câu chuyện mà chúng ta nghe cũng như niềm tin mà chúng ta tuyên xưng có liên quan đến sự Phục Sinh, không phải là «những món ăn dễ nuốt», nhất là đối với não trạng con người ngày nay. Nhiều người đương thời ngày nay thường nêu lên vấn nạn: Người ta còn có thể nghe lọt tai được những câu chuyện nói về kẻ chết sống lại như thế chăng? Người ta còn có thể chấp nhận được một đức tin đại loại như thế chăng? Phải chăng đó không phải là một điều vô trách nhiệm? v.v…

Phải chăng đó không phải là những vấn nạn của chính chúng ta ư? Vì thế, nếu một người chưa hề thắc mắc hay chưa hề đặt ra cho mình những vấn nạn về Tin Mừng Phục Sinh cũng như đức tin Phục Sinh, người ta có thể nói được rằng người đó chưa hề hiểu biết và chưa hề quan tâm đến hai vấn đề được nêu lên. Nhiều người đã phủ nhận câu chuyện Phục Sinh của Ðức Giêsu và không chấp nhận một đức tin như thế. Lý do là họ không nhìn thấy được ý nghĩa đích thực của sứ điệp và đức tin Phục Sinh. Họ không biết làm cách nào và không biết tìm đâu ra được một chỗ trong cái thực tại của thế giới «văn minh» hôm nay để có thể làm cho ít là một điều gì đó trong cuộc đời Ðức Giêsu thành cụ thể được.

Vậy, ở đâu cuộc đời và sứ điệp của Ðức Giêsu còn có thể trở nên cụ thể được?

Trong thực tế, cuộc sống hằng ngày của những người Kitô hữu phải là phản ảnh cuộc đời Ðức Giêsu. Vâng, trong cuộc sống của chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta với tư cách là những người Kitô hữu, chúng ta phải làm sáng tỏ được rằng Ðức Giêsu Kitô vẫn sống, chứ không phải đã chết, và vì thế mọi hành động của người Kitô hữu phải được định hướng theo Ðức Giêsu và theo các hành động của Người. Nhờ thế cuộc sống và tư cách của người Kitô hữu phải là những bằng chứng củng cố và nói lên được rằng cả trong thế giới hôm nay Ðức Giêsu vẫn đang sống, như lời Người đã nói: «Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20b).

Chúng ta tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðức Chúa hằng sống. Thánh Danh của Người trở nên biểu tượng của một con người đặc biệt. Sinh ra ở Bét-lê-hem, lớn lên ở Na-da-rét. Qua thái độ và tư cách sống của mình, Người đã gây được sự chú ý của mọi người. Ðiều hoàn toàn mới mẻ và đã gây nên kinh ngạc nơi người đương thời qua thái độ của Người là sự tự do! Với sự tự do đó Ðức Giêsu đã phá bỏ mọi biên giới và hàng rào ngăn cách xã hội lúc bấy giờ, để gần gũi với hết mọi tầng lớp dân chúng, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp xã hội, màu da hay chủng tộc. Những trẻ em là tầng lớp ít được quan tâm tới, lại được Người quan tâm đón nhận. Những người phụ nữ mang tai tiếng, từng bị loại bỏ, khử trừ như cặn bã của xã hội, lại được Người bênh vực chở che. Các người đau ốm bệnh hoạn bị xua đuổi và bị trục xuất ra khỏi khu vực sống của người đồng loại đã được Người thăm viếng và chữa lành. Những người sống ngoài lề xã hội, từng bị xã hội khinh bỉ và xa lánh, lại nhờ được gần gũi với Người mà ý thức được nhân phẩm của mình. Những kẻ tội lỗi, bị xã hội kết án, đã cảm nghiệm được nơi Người thế nào là lòng thương xót và sự tha thứ.

Thái độ của Ðức Giêsu là nhắm tới việc canh tân đổi mới con người toàn diện, nghĩa là giúp cho con người biết ý thức được phẩm giá của mình và sống một cuộc sống đúng với nhân bản. Vì thế Người đã chỉ trích những luật lệ và phong tục của xã hội cũng như của tôn giáo làm nô lệ hóa con người vào một hệ thống cổ hủ và lệch lạc (x. Mt 5,38-48; 15,1-9; 23,1-32).

Qua tình thương của Ðức Giêsu, con người cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa. Bởi vì mọi thái độ và tư cách của Ðức Giêsu phản ảnh tuyệt đối trung thực thái độ và tư cách của Thiên Chúa. Vâng, Ðức Giêsu hành động mọi sự đều hoàn toàn thể theo thánh ý Chúa Cha, như khi Người mở rộng vòng tay đón nhận các con trẻ, các người bệnh tật, các kẻ sống ngoài lề xã hội và các kẻ tội lỗi. Ý định và khả năng của Người khi chấp nhận tất cả mọi người nhân danh Thiên Chúa như thế, phải là lý do và bảo chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa chấp nhận. Vì thế, Người đã nói về Chúa Cha như Người Cha yêu dấu của mình, Ðấng luôn muốn cho Người gặp gỡ nhân loại. Bởi vì Thiên Chúa luôn gần gũi bên Người như chưa từng có ai được diễm phúc như thế, nên khi Người để cho con người được đến gần và tiếp cận với Người, họ cũng được gần gũi Thiên Chúa, Ðấng mà theo bản tính không ai có thể đến gần được.

Qua đức tin vào sự phục sinh của Ðức Giêsu nhờ quyền năng của Thiên Chúa, các Kitô hữu xưng nhận rằng Thiên Chúa đã chứng nhận Ðức Giêsu và các thái độ của Người. Qua đức tin vào sự phục sinh của Ðức Giêsu nhờ quyền năng của Thiên Chúa, các Kitô hữu ý thức cách chắc chắn rằng các quan điểm của Ðức Giêsu cùng sống với Người, các quan điểm về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, và nhờ thế giúp cho con người trở thành con người thực sự và được sống một cuộc sống như con người. Qua đức tin vào sự sống lại của Người nhờ quyền năng Thiên Chúa, người Kitô hữu có bổn phận phải nói những điều chính Người đã dạy và thực hiện những điều chính Người đã làm. Qua đức tin vào sự phục sinh của Ðức Giêsu, người Kitô hữu muốn nói lên rằng họ đã gặp gỡ được Người như Ðức Chúa hằng sống.

Nhờ vậy, việc chúng ta vui mừng cử hành biến cố Phục Sinh của Ðức Giêsu, đồng thời cũng là sự hoan hỉ xưng nhận rằng Người là Chúa hằng sống và quan điểm của Người luôn sống động; cũng như chúng ta được giao phó cho một trách nhiệm mới đối với Ðức Chúa hằng sống và việc thực hiện quan điểm của Người trong cuộc sống của chúng ta.
 
Chúa Giêsu Phục Sinh
Tuyết Mai
17:09 10/04/2009
Chúa Giêsu Phục Sinh

Hỡi toàn thể nhân loại hãy tấu lên ca khúc " Alleluia, Alleluia, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Ngài đã Phục Sinh. Ngài đã từ cõi chết mà sống lại. Alleluia, Alleluia". Ôi! Còn gì hạnh phúc và vui mừng cho bằng tin loan báo mau chóng cùng khắp bờ cõi rằng: " Chúa Giêsu Ngài đã sống lại và hiển trị muôn đời. Phúc cho những ai đã được gặp Ngài từ cõi chết mà sống lại ". Tử thần chẳng những đã không làm hại được Ngài mà chính Ngài đã chiến thắng Tử Thần để trở nên vinh hiển và vinh quang chiếu rọi cùng trên khắp tầng trời và khắp cõi địa cầu, đều phải tung hô và ca tụng vì Chúa Giêsu Ngài đã Phục Sinh.

Bà Maria ơi! Trên đường bà thấy những gì, hãy kể cho chúng tôi nghe! Hãy kể cho chúng tôi nghe! Mỗi một năm chúng ta đều có dịp để nghe đi nghe lại bài hát quen thuộc này! Và các người đàn bà thật diễm phúc được Chúa Giêsu cho thấy liền sau khi Ngài Phục Sinh. Sự việc Chúa Giêsu Phục Sinh, tin tức này được lan rộng đi nhanh chóng và cùng khắp mọi nơi, là một sự việc hay là một tin tức nghe Long Trời Lở Đất thật, vì lịch sử của con người từ rất ngàn xưa chưa từng ai nghe nói có kẻ chết mà tự sống lại được bao giờ!?? Ngoài Chúa Giêsu người Nazarét! Được nghe kể lại và ghi nhận lại rằng:

"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Đây Ta đã báo trước cho các bà hay". Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta". (Mt 28, 1-10).

Cảm tạ Thiên Chúa vô cùng vì tình yêu thương hải hà, độ lượng, và có Trái Tim luôn Thương Xót tất cả nhân loại là con cái của Ngài. Vì bản tính luôn yếu đuối, dễ sa ngã, và hay phạm tội đến Thiên Chúa, nên Chúa Cha đã phải lập nên một thể thức mà chỉ có Chúa Con Giêsu mới có thể thực hiện được mà thôi! Đó là một thể thức hiến tế mạng sống mình làm Lễ Vật Toàn Thiêu, tự hiến, để mang lại sự sống muôn đời cho nhân loại trần gian hư đốn và đáng chết này! Vì tình yêu vô bờ bến mà Chúa Cha đã phải hy sinh con một yêu dấu nhất của Ngài cho nhân loại. Đã bỏ Cha Ngài từ Trời cao mà trở thành một con người phàm với thân xác cũng vô cùng yếu đuối, với cuộc sống cũng thật nghèo khổ từ lúc sơ sinh, và với cha mẹ nuôi trong xã hội không được ai biết đến!??

Vì con người nhân loại luôn vô ơn, bội phản, và không có ai có thể làm gương tốt để con người biết sống tốt, cho bằng Chúa cha đã cho con yêu quý của mình xuống trần gian mà làm Gương Sống động để giảng dậy, đem Giáo Lý mới, một giáo lý mà chỉ có Chúa Con Giêsu của Ngài mới có thể hoán cải và thánh hóa tất cả con người tội lỗi, để trở nên một con người mới có trái tim mới tốt đẹp giống như Chúa Giêsu mà thôi! Nhất là qua Bí Tích Rửa Tội dầu Ngài là Con Thiên Chúa chẳng vướng tội tổ tông truyền, nhưng Ngài đã phải làm thế, để làm Gương cho nhân loại con cái của Ngài. Có ai trên đời yêu người thân của mình mà dám hy sinh mạng sống của mình để cho người yêu hay người thân của mình được sống, và sống có ích lợi cho chính bản thân mình, hay cho đồng loại? Quả thật tình thì có chứ không phải là không nhưng chỉ thấy trên phim ảnh đại loại như những chuyện tình của Romeo and Juliet hay Love Story, và còn rất nhiều chuyện nổi tiếng khác cũng rất hay, rất cảm động, rất bán chạy, và rất tình người này! Nhưng chúng ta phải công nhận rằng chỉ có mối tình Nổi Tiếng của Ngài Giêsu đã chọn cái chết trên Thập Giá vì tội lỗi của toàn nhân loại là bi đát nhất, là đau khổ nhất, là tang thương nhất, đã bỏ mình hy sinh để được mang lại niềm Hy Vọng và sự sống muôn đời cho con người tội lỗi của trần gian tạm bợ này!

Ngài đã Chết và Sống Lại để cho chúng ta thấy rằng Ngài sẽ Lên Trời và Ngài ra đi để dọn chỗ cho tất cả con cái của Ngài. Ngài muốn tất cả con cái là chúng ta đây cũng sẽ được dự phần với Ngài trên Quê Trời, được hưởng mọi phước hạnh giống Ngài bên Thiên Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ, tất cả triều thần trên Thiên Quốc, cùng các Thánh, và anh chị em chung hưởng một niềm vui sung mãn, trường sinh, bất tử, đời đời vô cùng. Amen.
 
Suy niệm tam nhật vượt qua
Lm. Phêrô Nguyễn Hương
17:34 10/04/2009

Suy niệm Tam Nhật Vượt Qua



Lễ Tiệc Ly

Anh Em hãy yêu thương nhau

Trong thánh lễ Tiệc Ly hôm nay Lời Chúa giúp chúng ta suy niệm chủ đề rất quan trọng, đó là: Yêu thương và Phục Vụ.

Thánh Gian ở trong bài Tin Mừng nói rằng: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian và về với chúa Cha. Người vẫn yêu thương họ những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

“Người yêu thương họ đến cùng” có nghĩa là gì?

Nicholas Cabasilas, một tác giả Đông Phương rất nổi tiếng, cho rằng có hai cách thể hiện tình yêu với người khác. Cách thứ nhất bao gồm làm điều tốt cho người mình yêu. Cách thứ hai đòi hỏi hy sinh hơn nhiều, đó là dám chịu đau khổ vì người mình yêu.

Thưa anh Chị em, Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng cả hai hình thức đó: Cách thứ nhất, Thiên Chúa đã yêu chúng ta với một tình yêu hào phóng khi tạo dựng nên ta, ban cho ta biết bao hồng ân bên trong, bên ngoài, tinh thần và vật chất. Như thế vẫn chưa đủ, Thiên Chúa cũng đã yêu chúng ta bằng cách thức thứ hai, khi Người ban Con Một của Người cho chúng ta. Thánh Gioan nói rằng: “Quả thế, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,15). Thiên Chúa chịu đau khổ với chúng ta khi Đức Giêsu trở nên người tôi tớ, người phục vụ, (x. Is 52,14-15), chịu khổ nhục và chết trên thập giá một cách đau đớn nhất, vì ơn cứu độ và hạnh phúc của chúng ta. Cái chết trên thập giá tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất. (x. Thông Điệp Deus caritas est, s. 12), một tình yêu dám hiến mạng vì người mình yêu. Chiều hôm nay Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể và Chức linh mục để nối dài sự hiện diện của Người mãi mãi giữa trần gian. Như thế, ta hiểu được câu “Người yêu thương họ đến cùng” là như thế nào.

Sống yêu thương và phục vụ

Chúa nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga, 13,34). Tất cả chúng ta được mời gọi sống yêu thương và phục vụ nhau như Đức Giêsu đã yêu thương và phục vụ chúng ta. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa cho người xung quanh. Ước gì trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta, đừng có ai là cớ gây chia rẽ nhau, là “con sâu làm sầu nồi canh”. Nhưng cùng nhau cộng tác theo tinh thần Phúc Âm để phục vụ nhau và phục vụ Giáo Hội. Ước gì mỗi người đừng là khố giá cho người khác, nhưng hãy vác thập giá cho nhau, nâng đỡ và khích lệ nhau. Ước gì mỗi người biết chia sẽ với niềm vui và gánh nặng cuộc đời của nhau. Và nói như Đức Hồng Y Thuận, cả cuộc đời hãy học yêu thương. Như thế, chúng ta đang đi vào con đường của Chúa đó là con đường yêu thương và phục vụ, con đường này sẽ mang lại hạnh phúc và niềm vui cho mỗi người chúng ta. Amen

Thứ Sáu Tuần Thánh

Thập Giá, lời chứng về tội lỗi và ơn Tha Thứ

Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng: “Nơi thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa đã nói hết tất cả những gì cần phải nói với con người”.

Ngày hôm qua Chúng ta đã cùng nhau suy về Tình Yêu Của Chúa qua Thập giá Đức Kitô. Hôm này suy niềm về đề tài Thập Giá nói với ta về tội lỗi và ơn Tha Thứ.

1. Trước hết, Thập giá nói về tội lỗi chúng ta

Nếu Thập Giá là mạc khải lớn nhất về tình yêu vô biên của Thiên Chúa, thì thập giá cũng là lời chứng rõ ràng nhất về tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, khi người Do Thái phạm tội chống lại Thiên Chúa, họ bị rắn cắn. Thiên Chúa truyền cho ông Môisê hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được lành. Việc treo con rắn là nhắc nhở cho họ nhớ lại tội lỗi mà họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa.

Cũng thế, Thập giá Đức Kitô nhắc nhở chúng ta ý thức rằng: Chúa Chết vì Tội lỗi của con người thật lớn lao và nặng nề.

Người Tôi Tớ Đau Khổ được mô tả trong bài đọc I là hình ảnh về Đức Giêsu chịu đóng đinh: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưu thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền mien và nếm mùi bệnh tật… Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt… Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 2-5).

Như thế, Đức Kitô đã chết thay, chết vì tội chúng ta (1Cr 15,3). Tuy không mắc tội tình gì nhưng Người đã phải chết trên Thập giá, một cái chết nhục nhã, đau đớn và tức tưởi. Mọi tội lỗi Người đã gánh trên vai Người. Mọi đau khổ Người đã hứng chụi thay cho chúng ta! Thánh Catêrina thành Siena chiêm ngắm thập giá và thốt lên rằng: “Thập giá của Chúa không phải là một sự đùa giỡn”. Không là sự đùa giỡn vì Thiên Chúa đã nộp mạng vì tội của chúng ta!

2. Nhưng thập giá nói với chúng ta về sự tha thứ của Thiên Chúa

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ và oán thù, thì thập giá của Đức Kitô là biểu tượng của lòng tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta.

Thập giá không có Đức Kitô trở thành khổ giá, nhưng thập giá có Đức Kitô trở thành thánh giá, là nguồn ơn cứu độ, là công cụ hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với nhau. Qua thánh giá Đức Kitô chứng tỏ rằng tình yêu chiến thắng tất cả, lòng tha thứ lớn lao hơn sự hận thù và khỏa lấp mọi tội lỗi.

Thánh Edit Stein trong đêm tối lao tù của đế quốc xã, suy ngắm thập giá Chúa và thốt lên rằng: “Tôi thấy bình minh của thế giới đang bắt đầu ló dạng qua thập giá Đức Kitô”. Nhờ thánh giá mà chúng ta được tha thứ, được cứu độ và được làm con cái của Thiên Chúa.

Sống trong thế giới hôm nay, một thế giới chạy theo văn hóa vật chất, hưởng lạc và cá nhân chủ nghĩa. Con người đang rơi vào chủ nghĩa duy tương đối về luân lý. Cái tội lớn nhất của con người hôm nay là đánh mất cảm thức về tội lỗi, đánh mất ý thức về tội. Người kitô hữu được mời nhìn vào Thập giá Đức Kitô để sống có trách nhiệm, và trung thành với lề luật của Chúa, với các giá trị Tin Mừng: đó là biết làm lành lánh dữ, biết cam đảm xa tránh con đường tội lỗi và sống xứng đáng phẩm giá con người và Con Thiên Chúa. Nếu ai trong chúng ta cảm thấy yếu đuối và tội lỗi của mình như rừng như núi, thì cũng nên ý thức rằng Tình Yêu Tha Thứ của Chúa Chúa như đại dương bao la không bờ không bến. Tội chúng ta lớn lao, nhưng lòng tha thứ của Chúa còn lớn lao hơn. Amen.

Thư Bảy Đêm Vọng Phục Sinh

Tam Vượt Qua

Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày trong sự thinh lặng sâu xa, Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương và tín thác nơi Chúa của Mẹ Maria. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến Thánh Lễ vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui Chúa Sống Lại bùng lên. Trong đêm nay, chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết sẽ được công bố và Giáo Hội vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô sống lại.

Vì thế, Đêm này được gọi là Đêm Canh Thức Vượt Qua. Lời Chúa nói tới ba cuộc Vượt Qua.

1. Cuộc vượt qua của Dân tộc Do thái

Dân Do Thái sống lưu đày ở Ai cập khổ sở vì cảnh nô lệ. Thiên Chúa muốn giải thoát Dân riêng của Người. Qua Môise, Chúa dẫn đưa họ vượt qua Biển đỏ về Đất Hứa. Thiên Chúa đã tỏ uy quyền mà giải thoát họ trong cuộc Vượt Qua này. Vì thế hằng năm người Do thái kỷ niệm mừng lễ Vượt Qua này để nhắc nhớ việc Thiên Chúa đã cứu thoát họ. Biến cố này là hình ảnh của cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu.

2. Cuộc vượt Qua của Đức Giêsu.

Để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu đã tự nguyện đi con đường thập giá với cái chết nhục nhã trên thập giá. Đức Giêsu đi vào lòng đất và chốn âm phủ, nơi sâu thẳm nhất kiếp người. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã vượt qua cái chết đó để khai mở một cuộc sống mới trong vinh quang bất diệt cho chúng ta. Người đã chiến thắng sự dữ và thần chết. Người đã chổi dậy từ cõi chết. Như vậy, thế lực sự chết cho dù có mạnh cũng không cầm giữ được Đức Kitô, như lời khẳng định của thánh Phaolô: “Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát với tội lỗi, mà khi Người sống là sống cho Thiên Chúa”. Nhờ cuộc vượt qua của Đức Giêsu, chúng ta có cuộc vượt qua thứ ba, đó là cuộc vượt qua của Giáo hội

3. Cuộc vượt qua của Giáo hội hay cụ thể hơn là mỗi người chúng ta

Khi chúng ta chịu phép Rửa tội, chúng ta đã tham dự vào một cuộc vượt qua của Chúa Kitô: từ nô lệ tội lỗi tới ơn cứu độ, từ sự chết tới sự sống trong Thiên Chúa, từ tội nhân tới việc làm con cái Thiên Chúa.

Như thế, qua thánh lễ hôm nay Giáo hội tuyên xưng rằng: Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Kitô chổi dậy từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã phục sinh đó là niềm tin, niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta đặt hy vọng vào Người là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta xác tín rằng: Tình yêu mạnh hơn cái chết. Sự Thiện sẽ chiến thắng sự dữ. Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành, Thiên Chúa có thể vẽ những đường thẳng trên những đường cong. Vì không có gì là không có thể đối với Thiên Chúa. Dù trời âm u mây mù nhưng mặt trời vẫn chiếu sáng trên đó. Dù cuộc đời có nhiều thất bại ê chề, mõi mệt cuộc sống, gánh nặng đau khổ, sự dữ lan tràn. Nhưng Đức Kitô đã phục sinh, Thiên Chúa vẫn hiện diện và lèo lái cuộc sống chúng. Thiên Chúa vẫn mãi mãi chiến thắng sự dữ!
 
Chúng ta định hướng hoàn thành tâm nguyện cùng Chúa Giêsu
Jos. Tú Nạc, NMS
17:37 10/04/2009
CHÚNG TA ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THÀNH TÂM NGUYỆN CÙNG CHÚA JESUS

Easter Sunday – Year B (Acts 10: 34, 37-43; Psalm 118; Colossians 3: 1-4; John 20: 1-18)

Tại sao Lễ Phục sinh khởi thủy là sự công bố “Tin Mừng” (good news)? Nó có ý nghĩa gì đối với những ai lần đầu tiên nghe thông điệp này? Vào năm 2009 nó còn được duy trì hiệu quả như nó đã thể hiện vào thời kỳ bình minh của Lễ Phục sinh không? Nếu không, thì tại sao?

Đó là những câu hỏi mà chúng ta luôn phải mang đến kỷ niệm Lễ Phục sinh của chúng ta, vì thông thường nó vẫn chỉ là ngày lễ khác về lịch trình nghi thức tế lễ với chút ít tác động đến thực tế đời sống cá nhân. Peter liên hệ sự công bố ban đầu với một cảm giác kỳ diệu, hân hoan. Câu chuyện ấy nói về một người đầy quyền năng Thiên Chúa khó tin này có tên là Jesus cùng tất cả những điều kỳ diệu Người đã nói và đã làm. Những gì có thể có một kết thúc tràn trề bi thảm đã được thực hiện để biến đổi bởi bàn tay Thiên Chúa, người mà đã phục sinh Chúa Jesus từ cõi chết. Và giờ đây, Chúa Jesus đứng lên trên tất cả lịch sử nhân loại vì quyền năng ban trao sự sống và là vị thẩm phán cuối cùng.

Nội dung những đoạn không được nhắc đến trong bài đọc từ sách Acts, Peter cũng liên hệ đến một mẩu tin sinh động về câu chuyện tuyệt vời này: nhân loại đang khám phá trong Chúa Jesus rằng Thiên Chúa không thiên vị. Không phải là tài sản của bất kỳ một người nào hoặc một nhóm người nào, Thiên Chúa ban ơn huệ và lòng nhân từ cho tất cả - chúng ta không phải sợ bất cứ điều gì – thậm chí ngay tự cái chết. Thiên chúa đã chỉ ra rằng loài người không có cách nào khác để thoát ra khỏi nỗi thống khổ và chiến đấu thuộc điều kiện con người, nhưng bằng cách nào vượt qua chúng để biến đổi.

Vì họ đã nắm bắt ý nghĩa sâu sắc hơn về sự phục sinh của Chúa Jesus, những môn đệ đầu tiên đã bỏ mọi công việc, gia đình, bổn phận xã hội, nhưng yêu cầu văn hóa để bắt đầu sống theo một cách sống mới một cách căn bản. Để lời công bố có hiệu lực thực tế cho năm 2009, chúng ta phải suy ngẫm và cầu nguyên ý nghĩa của nó đối với chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới vô vàn bất trắc, bấp bênh và sợ hãi. Thiên chúa củng cố việc giảng dạy và mẫu mực tượng trưng của Chúa Jesus trong một hướng đi đầy kịch tính – bằng cách phục sinh người từ cõi chết. Việc Con Một thiên Chúa phục sinh chiếu sáng con đường tự do và hạnh phúc loài người với lời răn dạy của Người và tấm gương của Người. Nhưng hầu hết tất cả, Thiên Chúa đã chứng minh bằng hình ảnh Chúa Jesus rằng chúng ta không bị cô đơn hoặc trôi dạt lênh đênh trong vũ trụ bao la. Cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa, mục đích và định hướng để hoàn thành trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ bất ngờ gặp Chúa Jesus phục sinh – nếu chúng ta là những người của niềm tin và hy vọng.

Một trong những cách mà chúng ta đang sống sự phục sinh là để “cố đạt được những điều cao cả.” Điều này không có nghĩa ngoảnh mặt làm ngơ tất cả đó là dương bản trên trần thế - hoặc vì vấn đề đó mà quay lưng lại với những nỗ lực để chạy chữa và chiến thắng âm bản. cố gắng để đạt những điều cao cả là sự nhận thức và chấp nhận mà yếu tố tinh thần là thực chất của đời sống và là lý do cho sự sống của chúng ta hôm nay. Tất cả những liên quan khác thuộc con người – hợp pháp khi chúng có thể là – bị phụ thuộc yếu tố tinh thần. Khi chúng ta vượt qua khỏi thế gian này, hành trang của chúng ta chỉ là những bài học thiêng liêng chúng ta đã biết (hoặc không biết). Sự độc nhất vô nhị của Thiên Chúa, hiệp nhất loài người và thẩm mỹ yêu thương cùng sự sống ý vị là cao quý nhất.

Một nấm mồ trống vắng và những bao bọc nguy hiểm bỏ lại: điều này chẳng dễ dàng để tin vào thế kỷ thứ nhất hơn bây giờ, và những tín đồ đầu tiên cũng hoàn toàn không biết điều gì đã tạo ra nó. Chỉ sau những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên về sự kiên Chúa Ki-tô phục sinh thjì họ mới có thể nhận ra những khả năng có thể, nhưng thậm chí rồi họ lại ngớ ngẩn, chậm hiểu về những sự việc bí ẩn liên quan của nó. John đã biểu đạt nó vô cùng trong sáng rằng Chúa Jesus chỉ vừa hoàn thành trần gian và bắt đầu cho sự trở về với người cha qua cánh cổng mà chúng ta gọi là sự chết. Điều này là vì mục đích – để khám phá nhân loại của Thiên Chúa đã không bao giờ được biết một cách hoàn toàn – thiên Chúa đã định nghĩa như cuộc sống, ánh sáng và tình yêu. Những mối lo sợ, đe dọa, trừng phạt và bạo lực có thể tìm thấy rất nhiều trong thần học và giáo lý cũng sẽ được xóa sạch trong sự tiến triển. Chúa Jesus có một thông điệp sâu sắc, sáng sủa và mạch lạc về Mary Magdalene để thông báo: ta đang vươn tới Cha của ta và Cha của các người, thiên Chúa ta và Thiên Chúa của các người. Thiên Chúa của hiệp nhất và Thiên Chúa của hiệp thông.

Nấm mồ trống rỗng, lẻ loi không phải là vô nghĩa – nhiều người nhìn nấm mồ và họ không hiểu hoặc không tin. Nhưng nếu nhìn dưới lăng kính của đức tin và hy vọng nó trở thành nguồn lực tinh thần ban trạo sự sống và mời gọi của Thiên chúa để chia sẻ thần khí của Người.

Regis College – The School of Theology
 
Đức Kitô không chỗi dậy: Niềm tin Kitô hữu thành trống rỗng
Anmai, Cssr
17:39 10/04/2009
ĐỨC KITÔ KHÔNG CHỖI DẬY: NIỀM TIN KITÔ HỮU THÀNH TRỐNG RỖNG !

Thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”. (1 Cr 15, 14).

Không phải đơn giản để thánh Phaolô xác tín niềm tin này.

Nói thì dễ, tuyên xưng ngoài miệng cũng dễ nhưng sống lòng tin mà mình tuyên xưng không phải là chuyện đơn giản chút nào.

Trở lại cuộn phim cuộc đời của Chúa Giêsu và cuộc đời của thánh Phaolô, ắt hẳn chúng ta sẽ thấy con người của Phaolô thật là lạ và kỳ diệu. Phaolô chính hiệu là người Do Thái và theo phái Pharisêu, đời nào mà người Pharisêu tin vào Chúa Giêsu – Ngôi Hai Con Thiên Chúa – làm người chứ huống hồ gì chết và sống lại. Thuở còn trai tráng, Phaolô là một trong những “anh hùng dân tộc” đứng lên chống đối đạo Chúa. Chống không chỉ bằng mồm như đám đông Do Thái ngày xưa nhưng còn thể hiện bằng hành động là bắt và xử trảm luôn những ai đi theo “Ông Giêsu”. Bỗng nhiên, với biến cố đặc biệt trong cuộc đời, Phaolô đã thay đổi niềm tin của mình. Từ người hăng hái bắt đạo trở thành người rao giảng Tin mừng. Thực sự không đơn giản chút nào với niềm tin ấy. Đặc biệt là sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Phaolô lại càng xác tín hơn về lòng tin của mình và cả cuộc đời còn lại Phaolô đã sống trọn vẹn niềm tin ấy.

Với người Pharisêu, không tin Chúa Giêsu nhập thể, sống ở cái làng Nagiaret nghèo huống hồ tin Chúa Giêsu sống lại. Phải nói là điều nghịch lý không thể nào tưởng tượng được chứ không đơn giản chút nào. Số người tin vào Chúa Giêsu chỉ là một dúm nhỏ thôi và từ cái dúm nhỏ ấy mới lan rộng cho đến ngày hôm nay. Ngay từ ban đầu, từ Hội Thánh sơ khai, lòng tin ấy đã bị thử thách. Ngày hôm nay, lòng tin ấy vẫn bị thử thách từng giây từng phút, từng cuộc đời.

Thật là bí nhiệm và khó hiểu nơi Con Người Giêsu. Đúng như Chúa Giêsu nói là “Thầy đến để đem lửa vào thế gian, Thầy đến để gây chia rẽ …” Phải nói là Con Người Giêsu đến mang rắc rối thật. Tự nhiên sinh ra nơi háng đá máng cỏ, âm thầm nơi làng quê Nagiaret nghèo làm con của bác phó mộc Giuse và mẹ là bà Maria quê mùa. Rồi lớn lên chút bắt đầu đi rao giảng về Nước Trời … rồi tự nhận mình là Con được Cha sai đến … rồi dám “ngạo mạng” nói là phá Đền Thờ này đi và 3 ngày sẽ xây dựng lại !!! Đúng là toàn những điều nghịch lý xảy ra trên cuộc đời này khi Giêsu hiện diện. Và như chúng ta thấy đó, Giêsu như là tâm điểm của sự cãi vả, của sự chống báng. Chết cũng chưa yên, người ta cũng tranh cãi về cái chết của Giêsu và sống lại cũng có yên thân đâu. Người ta vẫn náo loạn trước sự sống lại của anh chàng Giêsu.

Thế nhưng, giữa những cái nghịch lý mà Giêsu gây ra có một dúm người tin, trong đó có Phaolô. Lòng tin ấy không chỉ đơn giản là bi ba bi bô ngoài miệng mà còn được minh chứng bằng cái chết của chính mình và có những cái chết nhục nhã như Thầy Chí Thánh vậy. Mầu nhiệm ở chỗ là một dúm người đấy nhưng ngày nay trên thế giới có nhiều tỷ người tin vào Chúa - Đấng đã sinh ra làm người, đã chết vì tội lỗi con người và cũng đã sống lại để mang phần phúc cho con người.

Có lẽ cú sốc nhất cho những người Do Thái ấy chính là biến cố Phục Sinh. Ai mà tin nổi cái thân xác nặng nề của Giêsu mà lại Phục Sinh ! Và sự Phục Sinh của Chúa vẫn là điều thử thách của nhân loại.

Tự nhiên cái sinh ra làm người, chết và Phục Sinh. Vậy thì cái chết và sự Phục Sinh của Giêsu ấy mang ý nghĩa gì ? Chúng ta nghe thánh Phaolô tông đồ nói với giáo đoàn Rôma về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu.: “Vậy phải nói sao ? Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư ? Không phải thế! Chúng ta là những kẻ đã chết đối với tội lỗi, thì làm sao còn sống mãi trong tội được. Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.

Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.

Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su. (Rm 6, 1-11)

Không chỉ có Phaolô mà con Phêrô, vị tông đồ Trưởng của Nhóm Mười Hai đã xác tín việc Chúa sống lại: “Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội." Cv 10, 34a.37-43

Phêrô mạnh dạn làm chứng vì ngày Thứ Nhất trong tuần, sau khi Thầy mình chết thì Phêrô cùng môn đệ Chúa yêu chạy ra mộ để thăm Thầy. Thánh Phêrô, có lẽ già yếu hơn nên chạy chậm hơn chàng môn đệ Chúa yêu nhưng vị “tôn ti trật tự”, môn đệ Chúa yêu đã “nhường” cho Anh Trưởng vào huyệt mộ. Và điều lạ lùng đã xảy đến như Thánh Gioan Tông Đồ đã kể lại cho chúng ta: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. (Ga 20, 1-9).

Biến cố Phục Sinh hay nói đúng hơn Mầu Nhiệm Phục Sinh vẫn là thách thức về lòng tin của con người suốt lịch sử cứu độ. “Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một” thì Đức Giêsu Kitô, chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại mãi mãi là thách đố của những người tin và những người không tin.

Thế đấy, sau biến cố Phục Sinh, lòng tin của những người theo Chúa, đặc biệt là những môn đệ thân tín thay đổi. Cuộc đời của các ông cũng đã biến đổi từ dạo ấy. Từ ngày ấy, ngày Thầy Chí Thánh Phục Sinh, các ông đã cao rao lòng tin của mình vào Đấng Phục Sinh.

Lời cao rao về Đấng Phục Sinh ấy, chúng ta vừa nghe Thánh Phaolô nói: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang”. (Cl 3, 1-4)

Thế đấy ! Chúa đã sống lại thật, chúng ta là những kitô hữu thật nhưng chúng ta diễn tả lòng tin thật của chúng ta vào Chúa như thế nào thì tự chúng ta, chúng ta biết.

Nếu chúng ta tin vào Chúa thật thì cuộc đời này nó nhẹ nhàng, nó thanh thoát với chúng ta cho dù chúng ta gặp phong ba bão táp, đau khổ. Tất cả những gì ở hạ giới này chỉ là hành trình dẫn chúng ta đến để kết hợp với Đức Kitô, đến kết hợp với Đức Kitô nơi mà Ngài đang ngự bên hữu Cha của Ngài.

Chúa đã sống lại thật ! Xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta để chúng ta biết từ bỏ bớt những cái gì làm vướng bận con đường của ta đến với Thiên Chúa.
 
Chuyện Tình
Gioan Lê Quang Vinh
23:55 10/04/2009
Người về đồi cao
Trên vai Thập giá
Đòn roi xối xả
Người bước cô liêu

Rúng động trời chiều
Vang rền cõi đất
Người buông tiếng nấc
Chết Đấng Cứu đời

Rồi ngày tháng trôi
Từ ngày sống lại
Lời Người vọng mãi
Khúc nhạc yêu thương

Có một con đường
Khởi từ dạo ấy
Bàn tay Người vẫy
Từng khách lữ hành.

Thuyền lướt tròng trành
Đường đời muôn ngả
Đầu xuân cuối hạ
Lữ khách bâng khuâng.

Chiều vọng tiếng ngân
Hồi chuông thánh thót
Lời kinh nhật một
Tự ngàn xưa vang

Lữ khách dừng chân
Ngước nhìn Thập tự
Nhớ thiên tình sử
Muôn thuở còn ghi

Từng bước chân đi.
Với Người khắp chốn,
Dù đời dậy sóng,
Thuyền về bình an.
 
Sự hợp nhất và liên đới giữa Chúa Kitô Phục Sinh và các Kitô hữu
LM Phan Long, ofm
23:58 10/04/2009
Con đường Đamát – Đường đời Kitô hữu (2)

Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?... Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,4-5). Câu nói này, Saul không chỉ nghe một lần là xong, nó vẫn vang đi dội lại trong tâm khảm ông.

Chiều nay, chúng ta suy ngẫm về sự hợp nhất và liên đới giữa Chúa Kitô Phục Sinh và các Kitô hữu.

Thị kiến trên đường Đamát đã tỏ cho Saun thấy các tín hữu được kết hợp với Chúa Giêsu mật thiết đến độ nào: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9,4-5). Saun đang đi tróc nã những người đi theo và phổ biến Danh Giêsu, còn Đức Giêsu, Người đã sống lại, đã được tôn vinh trên trời, thế mà bây giờ Người lại nói là Saun đang bắt bớ Người.: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”! Như thế nghĩa là gì? Phải chăng đây chỉ là lời diễn tả mối quan tâm đầy hảo ý, phải nói là thiên vị nữa, của Chúa Giêsu đối với các môn đệ Người, y như người ta nói xúc phạm đến tôi tớ là xúc phạm đến ông chủ? Đó là cách đơn giản nhất để giải thích lời nói ấy của Đức Giêsu. Nhưng Saun đã khám phá ra là không chỉ đơn giản như thế; ông nhận ra rất nhanh rằng các lời này phải được hiểu theo nghĩa chặt nhất, chứ không chỉ theo nghĩa bóng bảy. Ông hiểu là Chúa Giêsu Phục Sinh đã thông ban trọn vẹn sự sống của Người cho các tín hữu đến nỗi tất cả và từng người có thể lặp lại điều mà sau này Phaolô sẽ viết trong Thư Galát: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ở chỗ khác, cũng vẫn trong Thư Galát, ông sẽ nói rằng sau khi đã mặc lấy Chúa Kitô nhờ phép rửa tội, các tín hữu từ nay chỉ là một trong Người (x. Gl 3,27-28). Thế nhưng nói như thế không có nghĩa là tính cách cá nhân của họ bị suy suyển, bị giảm thiểu đi, không có nghĩa là họ bị hấp thụ hoàn toàn vào Chúa Kitô đến mức đánh mất hẳn nhân cách của mình, đến nỗi họ không còn là mình nữa. Phaolô muốn nói là có một sự hợp nhất sâu xa và sự liên đới chặt chẽ giữa Chúa Kitô và các tín hữu do chỗ họ được thông dự vào sự sống và tư cách Con Thiên Chúa của Chúa Kitô, và họ sẽ tiếp tục sống những sinh hoạt đời thường rất tầm thường trong tư cách cao quý đó.

Ngay trong bức thư đầu tiên, Thư 1 Thêxalônica, viết trước cả các Tin Mừng, Phaolô đã đảm bảo rằng cuộc phục sinh của Chúa Kitô sẽ lôi kéo theo sự sống lại của những người chết và cuộc quy tụ mọi người với Chúa Kitô (1 Tx 4,16-17). Khởi đi từ biến cố Đamát, Phaolô hiểu rằng sự hợp nhất các Kitô hữu mạnh đến nỗi cái chết cũng không thể phá vỡ, và sự hợp nhất này sẽ được hoàn tất trong cuộc sống vĩnh cửu.

1. Các Kitô hữu liên đới với nhau trong Chúa Kitô

Khám phá căn bản này đưa đến những xác quyết khác, và soi sáng cho Phaolô trong các giáo huấn của ông sau này:

- Khi các tín hữu Côrintô chia ra năm bè bảy mối, người thì bảo là mình thuộc về Phaolô, người thì bảo là thuộc về Apôlô, người lại bảo là thuộc về Kêpha (Phêrô), thậm chí có người nói họ thuộc về Đức Kitô (x. 1 Cr 1,12). Phaolô đã viết mộ câu như một tiếng kêu than: “Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy rồi ư?” (1 Cr 1,13). Ông đã đồng hóa các Kitô hữu với Chúa Kitô: họ chia rẽ là Đức Kitô bị phân chia.

- Lần nọ, khi nói đến vấn đề thịt cúng thần bán ở ngoài chợ, tuy Phaolô vẫn nghĩ là không tin các thần minh là có thật, thì thịt cúng cho thần cũng chẳng khác gì các loại thịt không cúng, nên cứ việc mua về mà dùng, nhưng ông đã tuyên bố rằng dứt khoát không được ăn thịt ấy, kẻo gây cớ vấp phạm cho người anh em thiếu sáng suốt, còn yếu đức tin; họ nghĩ rằng ta ăn thịt ấy là ta tin các thần thánh ngoại giáo. Ông không nói: miễn là tôi không tin thần linh là được! Chuyện tôi tôi biết, nếu có gì tôi chịu! Ông nói rất mạnh: “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1 Cr 8,12). Làm sao mà không nghe ra tiếng vọng của lời Đấng Cứu Thế vào ngày tận thế: tất cả những gì được làm hay bị từ khước cho người anh em nhỏ bé nhất là đã được làm hay từ chối cho chính Người (Mt 25,40.45)?

- Ở một chỗ khác trong Thư 1 Cr, Phaolô khẳng định bằng một câu hỏi: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1 Cr 6,15). Những lời của vị tông đồ rất có ý tứ: “phần thân thể của Đức Kitô”! Các Kitô hữu là chi thể thuộc về thân mình Chúa Kitô; vậy họ phải sống thánh thiện và tránh đừng bao giờ làm rạn vỡ sự hợp nhất với Chúa Kitô, Đấng đang thông ban cho họ sự sống của Người và Thánh Thần ở mức viên mãn. Vì khi gây chia rẽ trong gia đình, giáo xứ, thôn xóm, chúng ta đã xúc phạm đến chính Chúa Kitô.

- Khi nói về các ơn đặc biệt được ban cho một số người, gọi là “đoàn sủng”, Phaolô cũng lập luận cùng một kiểu như thế để khẳng định sự liên đới siêu nhiên của các Kitô hữu (1 Cr 12,14-26). Trong thân thể con người, có nhiều chi thể, đầu, tay chân, tai mắt. Không một chi thể nào có thể nói rằng nó không thuộc về thân thể, hay làm thành toàn thân, hoặc nó không cần những chi thể khác. Tất cả các chi thể đều cần thiết. Đi từ đó, Phaolô nói đến các chức năng chính do Đức Kitô thiết lập trong Hội Thánh: tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, v.v.; chức năng nào cũng cần thiết cho chức năng khác; chức năng nào cũng cần đến chức năng khác.

Phải chăng sự liên đới này cũng chỉ giống như sự liên đới tinh thần nối kết các thành viên của một xí nghiệp, một công ty? Không bao giờ Phaolô chỉ hiểu như thế. Đức Kitô là Đức Kitô cá thể, thân mình Đức Kitô là thân xác thể lý của Người, và chúng ta được kết hợp chặt chẽ vào thân xác đó, để rồi được thân xác chan hòa sự sống đó thông ban sự sống cho (x. 1 Cr 15,45). Thân xác của Đức Kitô, xưa kia bị đóng đinh và bây giờ được tôn vinh, không tách rời với bản thân Người, nay gắn kết các tất cả các tín hữu vào; họ trở thành các chi thể của Người khi được rửa tội trên thân xác, nghĩa là khi nhận dòng nước thánh tẩy trên người. Chúng ta không sinh hoa kết trái tự sức chúng ta. Chúng ta không phải là thân thể, nhưng là một đống những cành nằm chơ vơ, chẳng có ích cho bất cứ chuyện gì, chỉ còn đáng quẳng vào lửa mà đốt đi. Nhưng ghép những cành vô tích sự ấy lên thân cây, nó sẽ sinh hoa trái. Chúa Kitô đã cho chúng ta được ghép vào Thân mình của Người, để chúng ta sống dồi dào và sinh hoa kết quả.

Chúng ta liên đới với nhau trong Thân Thể Chúa Kitô, nên gây ảnh hưởng lên nhau: một ngón tay đau thì cả thân mình đau, một cái răng buốt, cả thân thể ta đau đớn. Và vì thế, cứu một chi thể là vì thương cả thân mình. Không ai được phép nói: đó là chuyện của riêng tôi!

2. Đối với những kẻ thù nghịch

Không những chỉ gắn bó với những anh chị em đạo đức tốt lành thánh thiện, người tín hữu còn được kêu gọi yêu thương những kẻ làm khốn cho mình. Như vậy, họ được kêu gọi tìm cách kiến tạo một nền văn hóa tình thương. Nếu anh chị em bị ai làm khổ, muốn trả thù, xin học lấy cách trả thù của Phaolô: “Đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: ‘Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả’. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà báo ác” (Rm 12,19-21). Phaolô cũng rất đáo để, “đanh đá”!

Một nền văn hóa mà không nghĩ tới ưu tiên dành cho các quan hệ thì thế nào cũng trở thành một nền văn hóa của bạo lực, của sự chết và trả thù. Một nền văn hóa như thế chỉ biết có hai cách nhìn tới người khác: hoặc họ là mối đe dọa cho cuộc theo đuổi hạnh phúc của tôi, nên họ là kẻ thù của tôi, hoặc họ hữu ích trong việc giúp tôi đạt hạnh phúc, khi đó họ chỉ là dụng cụ để tôi tận dụng. Đấy là một nền văn hóa yêu chính mình, và loại trừ bất cứ tình yêu chân chính nào khác. Đức Kitô cống hiến một nền văn hóa đối trọng, nền văn hóa của tình yêu, của sự sống và sự hoà giải. Chính “việc canh tân tâm trí” (Rm 12,2) trong đức tin làm cho chúng ta có thể thấy điều Thiên Chúa thấy nơi bất cứ “người khác” nào, dù là một kẻ thù. Một kẻ thù hôm nay có thể là một người bạn mai sau, điều đó đã xảy ra với chính Saun, và như thế kẻ ấy cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng nhắm làm cho cuộc đời tôi nên phong phú nhờ người anh em hoặc chị em đối nghịch với tôi đó. Tôi mà thiếu mất tương quan đó, thì Hội Thánh cũng thiếu mất những phong phú của người ấy. Đức tin giúp tôi hiểu rằng tôi khốn khổ, không hẳn do kẻ thù gây khó khăn, mà có khi là do thiếu sự qua lại trong hiệp thông vào điều chân thật và tốt lành, và do đó tôi không được làm cho nên phong phú. Thế là Hội Thánh bót phong phú!

Chúng ta được kêu gọi yêu thương kẻ thù bởi vì Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19) trong Đức Kitô “ngay khi chúng ta còn là thù địch” (Rm 5, 10). Đau khổ Đức Kitô đã chịu suốt đời, và đặc biệt trên thập giá, cho thấy rằng tiếng nói cuối cùng không được dành cho các hành vi và thái độ loại trừ tình yêu. Việc Đức Kitô yêu thương “đến cùng” (Ga 13,1) về thời gian và về mức độ đã chinh phục được điều gian ác: hành vi xấu xa là loại trừ tình yêu đã bị thắng vượt bởi điều tốt lành là một tình yêu mạnh mẽ cho đến tận cùng về mức độ và tận cùng về thời gian.

Để có thể yêu thương kẻ thù, chúng ta phải học biết rằng lòng từ bi và tha thứ tỏ ra cho một kẻ thù cũng là lòng từ bi ta nhận được. Người cha của đứa con hoang đàng đã tỏ ra từ bi thương xót với con mình, và thế là ông được nhận lại đứa con. Đứa con nhận lại một người cha, và người cha cũng nhận lại một người con. Khi tình yêu của chúng ta đối với kẻ làm ác (kẻ thù) chúng ta là một sự thông dự vào đau khổ của Đức Kitô, khi đó nó trở thành đủ mạnh để có thể chinh phục được sự gian ác bằng sự tốt lành.

Đôi khi chỉ cần tập luyện trên bình diện nhân bản, cũng tránh đi được những phản ứng phiến diện, có thể gây rạn nứt trong lòng cộng đoàn Hội Thánh lớn hay nhỏ:

Một giáo viên đưa lên cho các học sinh của mình coi một tờ giấy trắng có một điểm đen nhỏ. Ông hỏi họ thấy gì; tất cả trả lời: Thấy vết đen! Dĩ nhiên vết đen nổi rõ trên nền tờ giấy trắng. Thông thường người ta hay chú ý đến một vết đen trên trang giấy trắng, hơn là thấy cả một tờ giấy trắng chỉ có một vết đen nhỏ. Nhưng ta nhận ra có hai cách nhìn, một cách tiêu cực và một cách tích cực. Cách nhìn của tiêu cực hướng người ta về vết đen, để rồi không nhìn thấy trang giấy trắng. Cách nhìn tích cực hướng người ta đến trang giấy trắng còn lại một vết đen. Cách nhìn tiêu cực là cách nhìn tẩy chay, phê phán. Cách nhìn tích cực là biết mình chưa thành toàn, nhưng sẵn sàng tiến tới để mà nên chín chắn dần, trong ân sủng, trong cách ứng xử, trong cách suy nghĩ và lấy quyết định. Cái nhìn tiêu cực gây bế tắc, làm hỏng cuộc đời ta đã đành, mà có khi còn làm hỏng cả cuộc sống người khác. Câu chuyện "Hai viên gạch" sau đây là một minh hoạ.

"Ðến miền đất mới, cácnhà sư phải tự xây dựng mọi thứ. Họ mua đất, gạch, mua dụng cụ và bắt tay vào việc.

Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú hết sức kỹ lưỡng. Nhưng chú rất vui, vì nghĩ rằng sẽ để lại cho đời một tuyệt tác. Cuối cùng, chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có cái gì đó đập vào mắt, và cảm thấy lòng tê tái: mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường, song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú! Thể là từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng. chú mặc cam, chú muốn che giấu điểm bất toàn.

Một hôm, có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên: "Ồ, bức tường gạch đẹp ghê!". Chú tiểu ngạc nhiên kêu lên: "Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia sao?" Vị sư già từ tốn trả lời: "Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường hết sức tuyệt vời".

Ðôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm từng lỗi lầm mà ta đã mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là 2 viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo. Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có dịp, hễ ai nhắc đến tên người đó, ta lại lôi tất cả hồ sơ đen của họ ra, mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm từ đó đến nay.

Cần học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ. Một thế giới tình thương là một thế giới trong đó dù thế nào, mỗi người vẫn được đón nhận. Bởi vì nơi chính bản thân Người, Đức Giêsu Phục Sinh đã giao hòa mọi người lại với Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện để kết thúc giờ suy niệm.

Lạy Chúa Cha chí thánh, chúng con đang sống, đang chuyển động trong Thần Khí của Cha. Xin ban cho chúng con sự khiêm nhường để trở thành những chi thể sống động của Hội Thánh, hầu chúng con có thể sinh hoa kết quả đức tin, đức cậy, và đức mến, mà tôn vinh thánh danh Cha. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mễ Tây Cơ: Nhóm thờ Satan kêu gọi “thánh chiến” chống lại Giáo Hội Công Giáo
Nguyễn Việt Nam
00:40 10/04/2009
Hôm thứ Hai, hàng trăm người theo nhóm thờ Thần Chết đã bao vây Vương Cung Thánh Đường thủ đô Mễ Tây Cơ kêu gào “thánh chiến chống lại Giáo Hội Công Giáo”. Diễn biến này đã xảy ra theo sau cuộc hành quân của quân đội Mễ Tây Cơ triệt hạ các nơi thờ phụng Thần Chết bị nghi ngờ là nơi ẩn náu của các nhóm tội phạm tại miền Bắc Mễ Tây Cơ.

David Romo Guillen, lãnh tụ của giáo phái thờ Thần Chết, một giáo phái đang có nguy cơ bành trướng rất mạnh trong giới buôn bán ma tuý và tội phạm các loại đã quy trách nhiệm các cuộc hành quân của quân đội cho các nhà lãnh đạo Công Giáo. Các Đức Giám Mục tại Mễ Tây Cơ đã liên tục lên án trào lưu thờ Thần Chết và cảnh cáo các tín hữu Công Giáo về trào lưu tôn thờ Satan này.

Cha Hugo Valdemar, phát ngôn viên của Tòa Tổng Giám Mục Mễ Tây Cơ hôm thứ Tư đã cảnh giác dư luận về “bản chất khủng bố” của lời kêu gọi thánh chiến chống Giáo Hội Công Giáo do Romo đưa ra.

“Chỉ có bọn khủng bố và lãnh đạo của các giáo phái cực đoan mới kêu gọi thánh chiến như Bin Laden hay Taliban. Thật là nhục nhã khi ông Romo đặt mình ngồi cùng hàng với những thứ như Bin Laden và Taliban.”

“Không ai có quyền kêu gọi thánh chiến, nổi dậy hay làm loạn. Theo ý kiến của tôi, đó là tội phạm.” Cha Hugo nói tiếp “Tuần Thánh không phải là thời điểm phù hợp cho những kiểu phản đối như thế này. Đó là thời điểm của trân trọng và hòa bình.”.

Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ cũng ra thông báo nhắc nhở anh chị em giáo dân. “Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và phục sinh khải hoàn. Việc tôn thờ Thần Chết là nghịch lại với đạo lý Kitô.”

Giáo Hội Công Giáo tại Mễ Tây Cơ đang phải đối phó với những thủ đoạn nguy hiểm chuyên chiêu dụ người Công Giáo thờ lạy Satan. Hiện tượng tôn sùng “santa muerte” - thần chết- đã có mặt tại Mễ Tây Cơ từ trước thời Kha Luân Bố nhưng chuyên hoạt động trong bóng tối nay đột nhiên phát triển mạnh mẽ tại Mễ Tây Cơ.

Nhiều người Công Giáo gia nhập vào giáo phái này và cúc cung thờ lạy trước một pho tượng thần chết với chiếc lưỡi hái tử thần. Những pho tượng này trước đây chỉ thấy sau những cánh cửa đóng kín hay tại các miếu cô hồn được dựng bất hợp pháp trên đường phố. Nay thì những pho tượng này được trang trọng thờ lạy nơi các thánh đường của giáo phái này lẫn tại các tư gia chung với ảnh Chúa và Đức Mẹ.

Từ năm 1999, giáo phái thần chết này được mở cửa hoạt động hợp pháp và xưng mình là Giáo Hội Công Giáo Truyền Thống. Giáo phái này đang trên đà bành trướng mạnh mẽ và các “linh mục” của giáo phái này cho hay họ sắp khánh thành một nhà thờ tại Hoa Kỳ.

Trong khi các Giám Mục Công Giáo lên án giáo phái này thờ lạy Satan, những người theo giáo phái này cho rằng thần chết cũng là một vị thánh “bán chính thức” như hằng hà sa số những vị thánh khác của Mễ Tây Cơ chưa được Giáo Hội chính thức phong Thánh. Nhiều người Công Giáo theo giáo phái này vì những trò mê tín, cầu tài, cầu phước do giáo phái này bày vẽ ra.

Ngày 15/2/2005, bộ trưởng Nội Vụ Mễ Tây Cơ cho biết chính quyền đang xem xét việc đóng cửa giáo phái này vì những trò ma thuật, vì việc đăng ký gian dối và những hoạt động bất hợp pháp khác.

David Romo Guillen, "tổng giám mục" của giáo phái này cho biết sẽ chống tới cùng quyết định rút giấy phép hoạt động của chính quyền Mễ Tây Cơ. Chỉ trong vòng 5 năm qua, riêng tại thủ đô Mễ Tây Cơ, giáo phái này đã xây dựng được 30 nhà thờ và đang trên đà phát triển rất mạnh.

Thần Chết hay St. Death của giáo phái này là nữ giới và ngày lễ kính dành cho “thánh nữ” được cử hành vào ngày 15 tháng 8 hàng năm đúng ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Những người theo giáo phái này giải thích rằng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Quốc - hàm ý xa xôi lắm - trong khi Thần Chết là Mẹ Trần Thế lo lắng cho các tín hữu những nhu cầu thiết thực trong đời sống hàng ngày. Các tượng thần chết như trong ảnh bên cạnh được trang điểm áo dài rất giống Đức Mẹ. Việc chọn ngày lễ kính "thánh nữ" Thần Chết trùng vào lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và cách trang điểm Thần Chết giống Đức Mẹ đều nằm trong tính toán loại Đức Mẹ ra khỏi tâm hồn các tín hữu và thay thế bằng Satan.

Điều đáng lo ngại là nhiều tín hữu Công Giáo Mễ Tây Cơ dung nạp được những thứ giáo thuyết quái đản này. Nhiều người “chuộc” tượng Thần Chết với giá lên tới 200 Mỹ Kim để mang về nhà thờ kính trên bàn thờ chung với các ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ. Một số tuy vẫn tham dự thánh lễ tại các nhà thờ Công Giáo nhưng khi có vấn đề khó khăn thì không ngại chạy đến các nhà thờ của giáo phái này để khấn xin cùng Satan.

Ngay trước đền Đức Mẹ Guadalupe, nhiều hàng quán có bán những T-shirt in hình Thần Chết với dòng chữ “Hãy cầu nguyện cùng Thần Chết”! Bàn thờ dành cho Thần Chết mọc lên nhan nhãn ngay cả tại những chỗ bất ngờ nhất như tại cửa hàng quý kim Pardo dành cho du khách trong khu trung tâm thương mại Zocalo.

Tại tiền đường của ngôi nhà thờ Lòng Thương Xót của giáo phái này nằm giữa thủ đô Mexico, cảnh tượng thường thấy là các cảnh sát viên dừng lại trước pho tượng của Thần Chết, cao to hơn người thật với chiếc lưới hái tử thần trông rất dữ tợn, để làm dấu thánh giá và cầu nguyện. Ít phút sau, một người trông có vẻ là tay anh chị, mặt đầy thẹo và những vết xâm, cũng dừng lại làm dấu thánh giá và cầu nguyện. Một người bộ hành đi qua cũng dừng lại, chạm vào lồng kính bao quanh pho tượng, quỳ xuống ngay bên vệ đường và cầu nguyện.

Tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm gần đó, người ta bán những bức tượng Pieta nổi tiếng của Michelangelo nhưng thay vì Đức Mẹ ôm xác Chúa thì là Thần Chết ôm xác Chúa.
 
Đức Thánh Cha giải thích về Tam Nhật Thánh
LM Trần Đức Anh, OP
03:49 10/04/2009
VATICAN -. Trong buổi tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư tuần thành, 8-4-2009, tại Vatican, ĐTC đã giải thích về ý nghĩa Tam Nhật Thánh và mời gọi các tín hữu sống trọn vẹn những ngày Thánh này.

Trong số các tín hữu hiện diện có 4.300 sinh thuộc thuộc nhiều đại học trên thế giới về Roma tham dự Hội nghị quốc tế đại học Univ 2009 do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức hằng năm vào dịp Tuần Thánh và Phục Sinh.

Sau bài đọc một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê về việc Chúa Kitô, tuy là đồng hàng với Thiên Chúa, đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ, chịu khổ hình và chịu chết, ĐTC nói về ý nghĩa tam nhật thánh:

”Anh chị em thân mến, trong tam nhật vượt qua, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn, các chết và sự sống lại của Chúa. Các nghi thức trong lễ dầu cử hành sáng thứ năm tuần thánh, biểu lộ sự viên mãn chức linh mục của Chúa Kitô cũng như sự hiệp thông Giáo Hội phải linh hoạt cộng đồng dân Chúa tụ họp để cử hành hy tế Thánh Thể và được sinh động hóa trong tình hiệp nhất nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Trong thánh lễ chiều thứ năm tuần thánh, Giáo Hội kính nhớ việc lập phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác và giới răn mới về đức bác ái Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của Ngài. Việc cử hành này mời gọi chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân Thánh Thể, hồng ân mà chúng ta phải cung kính đón nhận và thờ lạy trong đức tin. Khi chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày đau buồn, nhưng đồng thời là thời điểm thuận tiện để khơi dậy niềm tin của chúng ta, để củng cố niềm hy vọng và lòng can đảm của chúng ta trong việc khiêm tốn và tin tưởng vác thập giá của chúng ta, xác tín chắc chắn về sự nông đỡ của Chúa và chiến thắng của Ngài. Trong sự thinh lặng sâu xa của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương và tín thác nơi Chúa của Mẹ Maria. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến buổi Canh Thức vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui Chúa Sống Lại bùng lên. Trong đêm đó, chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết sẽ được công bố và Giáo Hội vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa.

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý

Trước các bài tóm lược bằng 4 thứ tiếng, ĐTC đã diễn giải bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn về tam nhật thánh.. Ngài nói:

”Đối với các tín hữu Kitô chúng ta, Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong năm, tuần này mang lại cho chúng ta cơ hội đi sâu vào trong các biến cố trọng yếu của công trình cứu độ, sống lại mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm cao cả của đức tin. Từ chiều thứ năm Tuần Thánh, với thánh lễ Chúa lập phép Thánh Thể, các lễ nghi phụng vụ trọng thể giúp chúng ta suy niệm một cách sống động về cuộc thương khó, sự chết và sống lại của Chúa trong tam nhật Vượt Qua, là nòng cốt của năm phụng vụ. Ước gì ơn Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để hiểu hồng ân khôn lường là ơn cứu độ mà sự hy sinh của Chúa Kitô đạt được cho chúng ta. Hồng ân vô biên này, chúng ta thấy được mô tả một cách tuyệt vời trong bài ca nổi tiếng trình bày trong thư gửi tín hữu Philiphê (2,6-11), mà chúng ta suy niệm nhiều lần trong mùa chay này. Thánh Tông đồ gợi lại một cách xúc tích và hữu hiệu toàn thể mầu nhiệm lịch sử cứu độ, ngài nhắc đến tội kiêu ngạo của Adam, là người tuy không phải là Thiên Chúa mà lại muốn như Thiên Chúa. Và đối nghịch với sự kiêu ngạo của con người đầu tiên ấy, mà tất cả chúng ta đều cảm thấy phần nào trong con người của chúng ta, là sự khiêm hạ của Người Con đích thực của Thiên Chúa, khi làm người, Ngài đã không ngại nhận lấy tất cả những yếu đuối của thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi, và ngài đi tới mức độ sâu thẳm của cái chết. Tiếp theo sự hạ mình trong chiều sâu tột cùng của cuộc khổ nạn và cái chết, là sự tôn vinh, vinh quang đích thực, vinh quang của tình yêu thương cho đến tột độ. Vì thế, như thánh Phaolô đã nói, 'Khi nghe danh Chúa Giêsu mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, mọi gối phải bái quì và mọi miệng lưỡi phải tôn vinh: Đức Giêsu Kitô là Chúa!” (2,10-11). Qua những lời ấy Thánh Phaolô nhắc đến lời ngôn sứ của Israel trong đó Chúa nói: Ta là Chúa, mọi đầu gối đều phải gập xuống trước mặt Ta trên trời và dưới đất (xc Is 45,23). Thánh Phaolô khẳng định rằng điều này được áp dụng cho Chúa GIêsu Kitô. Trong sự khiêm tốn của ngài có sự cao cả đích thực của tình yêu của ngài, ngài thực là Chúa tể của trần gian và mọi gối phải bái quì thực sự trước mặt Ngài”.

ĐTC nói thêm rằng: Thật là tuyệt vời và lạ lùng dường nào, mầu nhiệm ấy. Chúng ta không bao giờ có thể suy niệm cho đủ về thực tại này. Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, đã không muốn coi những đặc quyền thần linh của ngài như một điều sở hữu tuyệt đối, ngài không muốn dùng bản tính Thiên Chúa, phẩm giá vinh quang và quyền năng của Ngài như một phương thế chiến thắng và như một dấu hiệu xa cách chúng ta. Trái lại, Ngài đã tự hủy mình, nhận lấy thân phận lầm than yếu đuối của con người. Về điểm này, thánh Phaolô dùng một động từ Hy Lạp để chỉ sự “kénosis”, sự hạ cố của Chúa Giêsu. Hình thái thần linh tiềm ẩn trong Chúa Kitô dưới hình người, hoặc dưới thực tại của chúng ta, ghi đậm đau khổ, nghèo đói, và những giới hạn của con người, cũng như chết chóc. Sự chia sẻ tột cùng bản tính loài người của chúng, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi, đã đưa Chúa Giêsu đến biên giới dấu hiệu sự hạn hữu của chúng ta, tức là cái chết. Nhưng tất cả những điều ấy không phải là kết quả của một động cơ tăm tối hoặc định mệnh mù quáng, đúng hơn đó lạ sự tự do chọn lựa của Chúa, là sự quảng đại gắn bó với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói thêm rằng cái chết mà Chúa Giêsu chấp nhận chính là cái chết trên thập giá, là cái chết ô nhục nhất người ta có thể tưởng tượng được. Tất cả những điều ấy vị Chúa tể vũ trụ đã chấp nhận vì yêu thương chúng ta: vì yêu thương ngài đã tự hủy mình, trở nên người anh chúng ta, vì yêu thương ngài chia sẻ thân phận của chúng ta, thân phận của mỗi người. Một đại chứng nhân của truyền thống đông phương, là Teodoro Ciro đã viết: ”Tuy là Thiên Chúa và có bản tính Thiên Chúa, đồng hàng với thiên Chúa, Ngài không giữ lại cho mình điều gì cao cả, như những người đã nhận được vài vinh dự cao hơn huân công của họ, trái lại Chúa dấu đi những công phúc của Ngài, đã chọn sự khiêm hạ sâu thẳm nhất, và mặc lấy hình dạng một người” (Commento all'epistola ai Filippesi, 2,6-7).
 
Đức Thánh Cha chủ sự lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể
LM Trần Đức Anh, OP
03:50 10/04/2009
ROMA -. Lúc 5 giờ rưỡi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, 9-4-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma, để mừng kính biến cố Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể trong bữa tiệc ly.

Cùng đồng tế với ĐTC còn có 100 vị gồm các HY, GM và hàng Linh mục giáo phận Roma. Các tín hữu ngồi chật thánh đường.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa một số câu trong kinh nguyện thánh thể thứ I và áp dụng vào đời sống của LM và tín hữu. Như câu: ”Ngước mắt lên trời hướng về Chúa, là Thiên Chúa Cha toàn năng của Ngài..”, ĐTC nói: Chúa dạy chúng ta ngước mắt lên, nhất là nâng tâm hồn lên. Ngước mắt lên, đưa cái nhìn khỏi những sự vật trần thế, hướng chúng ta trong kinh nguyện về Thiên Chúa và nâng mình lên. Trong một thánh ca của Phụng vụ các giờ kinh, chúng ta cầu xin Chúa giữ gìn đôi mắt chúng ta, nếu nó không đón nhận hoặc để cho những sự phù vân, hư vô, những sự bề ngoài xâm nhập vào chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để sự ác đừng đi qua đôi mắt vào trong chúng ta, làm biến tính và làm nhơ bẩn con người chúng ta. Nhưng chúng ta hãy cầu nguyện để đôi mắt nhìn thấy tất cả những gì là chân thật, sáng ngời và tốt lành, để chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới”.

ĐTC cũng giải thích cử chỉ bẻ bánh như một cử chỉ chia sẻ: bẻ bánh là cử chỉ của một người cha gia đình lo lắng cho những người thân trong nhà và cung cấp cho họ những gì cần thiết cho cuộc sống. Đó cũng là một cử chỉ hiếu khách đói với người lạ, khách được đón tiếp trong gia đình và được tham gia vào cuộc sống của gia đình. Trong bánh được bẻ ra, Chúa phân phát chính mình Ngài. Cử chỉ bẻ bánh ám chỉ cái chết và tình thương đến tột cùng của Chúa. Ngài phân phát chính mình, là bánh thực sự cho thế giới được sống (Ga 6,51).

Sau bài giảng, ĐTC đã cử hành nghi thức rửa chân cho 12 kinh sĩ đền thờ thánh Gioan Laterano, trong lúc đó cũng tiến hành việc lạc quyên nơi các tín hữu tham dự thánh lễ để trao cho ĐTC rồi ngài chuyển tới giúp cộng đoàn Công Giáo tại miền Gaza. Tại Gaza chỉ có 1 giáo xứ Công Giáo bé nhỏ với khoảng 200 tín hữu trên tổng số 1 triệu 500 ngàn, hầu hết là tín hữu Hồi Giáo. Miền Gaza đã bị thiệt hại nặng nề vì cuộc tấn công trong 22 ngày của quân đội Israel (SD 9-4-2009)
 
Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa chức linh mục
LM Trần Đức Anh, OP
03:51 10/04/2009
VATICAN. Trong thánh lễ làm phép dầu sáng thứ Năm Tuần Thánh, 9-4-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa chức linh mục, và mời gọi các linh mục sống trọn những lời đã hứa khi chịu chức.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 9 giờ 30 sáng, có lối 30 Hồng Y và 30 GM thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và tòa Giám Quản Roma, cùng với 1 ngàn Linh mục, trước sự hiện diện của gần 7 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng về chủ đề “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi và vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi”, ĐTC nói: ”Anh chị em thân mến, trong nhà Tiệc Ly, ban tối trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ quây quần quanh Ngài, đồng thời Ngài cũng nhìn thấy trước cộng đoàn các môn đệ trong mọi thời đại, ”những người sẽ tin nơi Ngài nhờ lời các môn đệ” (Ga 17,20). Trong lời cầu cho các môn đệ mọi thời đại, Chúa cũng đã thấy và cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta hãy nghe xem Ngài xin gì cho 12 Tông Đồ và cho chúng ta tụ tập nơi đây: ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến trong trần gian, con cũng sai họ đến trong trần gian; vì họ, con thánh hiến bản thân, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (17,17ss).

Linh Mục được thánh hiến cho Chúa

Trọn bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa câu nói này của Chúa Giêsu và áp dụng vào đời sống linh mục. Ngài giải thích ý nghĩa từ thánh hiến (consacratio) và thánh hóa (sanctificatio).. Thánh hiến là đưa ra khỏi thế gian và dâng cho Thiên Chúa hằng sống. Một sự vật hoặc một người được thánh hiến không còn thuộc về chúng ta và cũng không thuộc về chính mình nữa, nhưng được dìm sâu trong Thiên Chúa... Trong Cựu Ước, sự dâng hiến một người cho Thiên Chúa, nghĩa là thánh hóa người ấy, cũng đồng nghĩa với việc truyền chức tư tế, và qua đó, chúng ta cũng thấy chức tư tế hệ tại điều gì: đó là một sự chuyển giao quyền sở hữu, một sự cất khỏi thế gian và dâng cho Thiên Chúa... Trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu xin Chúa Cha ”thánh hiến các môn đệ trong sự thật”: đó là một sự tháp nhập các tông đồ vào trong chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, thiết lập chức tư tế mới cho cộng đoàn các tín hữu thuộc mọi thời đại. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”: đó là lời cầu nguyện thánh hiến đích thực cho các tông đồ. Chúa Giêsu xin chính Thiên Chúa lôi kéo họ về với Ngài, trong sự thánh thiện của Ngài. Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha kéo họ về với Ngài và nhận họ như sở hữu của Ngài để từ Ngài, họ có thể thi hành chức vụ tư tế cho thế giới.

Từ những nhận xét trên đây, ĐTC đặt câu hỏi: ”Vậy thì, sự việc diễn ra thế nào trong đời sống chúng ta? Chúng ta có thực sự được Lời Chúa tràn ngập hay không? Lời Chúa có thực sự là lương thực nuôi sống chúng ta, hơn là cơm bánh và những sự vật đời này hay không? Chúng ta có biết Lời Chúa thực sự hay không? Chúng ta có quan tâm đến Lời Chúa trong nội tâm đến độ Lời Chúa thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống và hình thức tư tưởng của chúng ta hay không? Hay là tư tưởng của chúng ta luôn được rập theo khuôn khổ những gì người ta nói và làm? Phải chăng nhiều khi những ý kiến thịnh hành là tiêu chuẩn hành động của chúng ta? Xét cho cùng, phải chăng chúng ta chỉ cư xử hời hợt theo những gì người ta áp đặt cho con người ngày nay? Chúng ta có để cho mình thực sự được Lời Chúa thanh tẩy trong nội tâm hay không? Friedrich Nietzsche đã chế riểu nhân đức khiêm nhường và vâng phục như những nhân đức nô lệ, qua đó con người bị áp bức đè nén. Thay vào các nhân đức đó, ông ta đặt sự kiêu hãnh và tự do tuyệt đối của con người. Quả thực có những sự chế nhạo sự khiêm tốn sai lầm và một sự tùng phục sai trái mà chúng ta không muốn bắt chước. Nhưng cũng có sự kiêu hãnh hủy hoại và sự tự phụ làm băng hoạt mọi cộng đoàn và đưa tới bạo lực. Chúng ta có biết học từ Chúa Kitô sự khiêm nhường ngay chính, tương ứng với sự thật về bản tính chúng ta, và sự vâng phục, tùng phục sự thật và thánh ý của Thiên Chúa hay không? ”Xin Cha thánh hóa họ trong sự thật; lời Cha là sự thật”: lời này về sự hội nhập vào chức tư tế soi sáng cuộc sống chúng ta và kêu gọi chúng ta ngày càng trở thành môn đệ của sự thật, được mở rộng trong Lời Chúa”.

Linh Mục gia tăng kết hiệp với Chúa Kitô

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói với các GM và LM rằng: “Bản chất linh mục của chúng ta không là gì khác hơn là một cách thức mới để kết hiệp với Chúa Kitô. Sự kết hiệp này được ban cho chúng ta mãi mãi trong bí tích truyền chức. Nhưng dấu tích mới này có thể trở thành một án phạt cho chúng ta nếu đời sống chúng ta không tiến triển và đi vào sự thật của bí tích. Những lời hứa mà hôm nay chúng ta lập lại nói rằng ý chí chúng ta phải hướng về sự kết hiệp ngày càng mật thiết hơn và trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu. Kết hiệp với Chúa Kitô đòi hỏi phải từ bỏ, đòi chúng ta không được áp đặt con đường và ý chí của chúng ta, chúng ta không được muốn trở thành điều này hay điều khác, nhưng phó thác cho Chúa, bất cứ ở đâu và theo thể thức nào Chúa muốn sử dụng chúng ta. Về điểm này, thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Trong lời thưa xin vâng khi chịu chức linh mục, chúng ta đã thực hiện sự từ bỏ cơ bản ý muốn được tự trị, tự thể hiện chính mình. Nhưng ngày qua ngày, cũng cần phải thực hiện lời thưa xin vâng cao cả ấy trong nhiều sự xin vâng nhỏ bé và những việc từ bỏ nhỏ mọn. Những sự từ bỏ bé nhỏ này chỉ có thể thực hiện không cay đắng, không tự cảm thương mình, nếu Chúa Kitô thực sự ở trung tâm đời sống chúng ta, nếu chúng ta sống thân mật thực sự với Chúa. Như thế, giữa những từ bỏ thoạt đầu có thể gây ra đau đớn, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui gia tăng nhờ tình bạn với Chúa.. ”Ai mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được”. Ai dám mất mạng mình vì Chúa, thì sẽ cảm nghiệm được Lời Chúa chân thực dường nào.”

ĐTC đề cao việc cầu nguyện trong đời sống linh mục và nói rằng: ”Chìm đắm trong Sự Thật, trong Chúa Kitô, đó là điều thuộc về kinh nguyện, trong đó chúng ta tập luyện trong tình bạn với Chúa và học biết Ngài: học biết cách sống, cách tư tưởng và hành động của Chúa. Cầu nguyện là bước đi trong sự hiệp thông bản thân với Chúa Kitô, trình bày cho Ngài cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những thành công và thất bại, những cơ cực vất vả và vui mừng - tóm lại là trình bày chính bản thân chúng ta trước mặt Chúa. Nhưng để cho hành động này khỏi trở thành một sự tự chiêm ngắm, điều quan trọng là chúng ta cần liên tục học cách cầu nguyện với Giáo Hội. Cử hành Thánh Lễ có nghĩa là cầu nguyện. Chúng ta cử hành Thánh Lễ một cách đúng đắn nếu qua tư tưởng và lối sống, chúng ta đi vào những lời mà Giáo Hội đề nghị cho chúng ta. Trong những lời ấy có kinh nguyện của mọi thế hệ, mang chúng ta đi trên con đường hướng về Chúa...

Sau cùng, ĐTC kể lại rằng: ”Hôm trước ngày thụ phong linh mục cách đây 58 năm, tôi đã mở Kinh Thánh, vì tôi muốn nhận được một lần nữa một Lời Chúa cho ngày hôm ấy và cho con đường linh mục tương lai của tôi. Tôi đọc thấy đoạn này: ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật; Lời Cha là sự thật”. Bấy giờ tôi biết rằng Chúa đang nói với tôi. Chính điều ấy sẽ xảy ra ngày mai cho tôi. Xét cho cùng, chúng ta không được thánh hiến nhờ các nghi thức, tuy cũng cần phải có các nghi thức. Bể tắm rửa mà Chúa dìm chúng ta vào trong, là chính Ngài, là hiện thân của Sự Thật. Thụ phong linh mục có nghĩa là được chìm đắm trong Chúa, trong Sự Thật. Tôi thuộc về Chúa một cách mới mẻ và cho tha nhân, để Nước Chúa được hiển trị. Các bạn thân mến, trong giờ lập lại những lời hứa khi chịu chức linh mục, chúng ta hãy cầu xin Chúa biến chúng ta thành những con người của sự thật, của tình thương, những con người của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ngày càng lôi kéo chúng ta vào trong Ngài, để chúng ta thực sự trở thành những Linh Mục của Tân Ước. Amen.

Lập lại lời hứa

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. ĐTC hỏi: ”Anh em có muốn kết hiệp thâm sâu hơn với Chúa Giêsu là mẫu gương linh mục của chúng ta, bằng cách từ bỏ chính mình và quyết tâm thi hành các nghĩa vụ thánh, mà anh em đã tự nguyện đảm nhận đối với Giáo Hội, do tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy hay không? ”Anh em có muốn là những người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa, nhờ việc cử hành Thánh Lễ và các hoạt động phụng vụ khác, chu toàn sứ vụ lời cứu độ noi gương Chúa Kitô, là Đầu và là Mục Tử, không để cho những lợi lộc phàm nhân hướng dẫn, nhưng theo sự hướng dẫn của tình yêu đối với anh em đồng loại hay không? Sau mỗi câu hỏi, các vị hiện diện đều thưa: ”Có, con muốn!”.

Rồi ĐTC ngỏ lời với các giáo hữu hiện diện, xin họ cầu nguyện cho các linh mục để các vị là những thừa tác viên trung thành của Chúa Kitô, và cầu cho chính Ngài nữa, để Ngài trung thành thi hành công tác phục vụ tông đồ đã được ủy thác. Tiếp đến, ĐTC đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Đầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”, rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật”. Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn để trong Thiên Chúa.

Liên đới với giáo phận L'Aquila bị động đất

Cuối thánh lễ, trước khi ban phép lành, ĐTC tái bày tỏ liên đới với Tổng giáo phận L'Aquila ở Italia bị động đất:

”Tôi muốn chuyển các dầu thánh này như dấu chỉ hiệp thông sâu xa và sự gần gũi tinh thần tới người anh em quí mến là Đức Cha Giuseppe Molinari, TGM giáo phận L'Aquila, vì những thiệt hại rất lớn do động đất gây ra, không thể tụ họp linh mục đoàn trong giáo phận để cử hành lễ làm phép dầu. Ước gì những dầu thánh này tháp tùng thời gian tái sinh và tái thiết, chữa lành những vết thương và nâng đỡ niềm hy vọng”.

Mặt khác, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: ”Chấp nhận lời thỉnh cầu của chính quyền và giáo quyền, ĐTC đã cử ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, chủ sự thánh lễ thứ sáu tuần thánh 10-4 này để an táng các nạn nhân động đất tại thủ phủ miền Abruzzo và vùng phụ cận. ”Xét vì tính chất đặc biệt của biến cố này, Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích đã ban phép chuẩn để cử hành thánh lễ cầu hồn, mặc dù theo luật, phụng vụ ngày thứ sáu Tuần Thánh không dự trù một nghi thức nào khác, ngoài lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô”.

Và như một dấu chỉ sự gần gũi bản thân của ngài với những người đau khổ vì trận động đất, Đức Ông Georg Gaenswein, bí thư riêng của ĐTC, sẽ tham dự thánh lễ an táng các nạn nhân. Số nạn nhân động đất ở thành phố L'Aquila và vùng phụ cận đã lên tới 280 người. Lễ quốc táng cho họ được cử hành ngày 10-4-2009.
 
Đàng Thánh Gía tại giáo xứ St Margaret Mary, Brunswick
Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
03:55 10/04/2009
ĐÀNG THÁNH GÍA TẠI ST MARGARET MARY’S BRUNSWICK

Hòa tâm tình với các nạn nhân của cơn cháy rừng tàn khốc mới đây tại tiểu bang Victoria, nhóm trẻ của giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick đã diễn lại đàng Thánh gía với chủ đề “Chúa vác Thập gía cùng các nạn nhân của cơn cháy rừng”. Các diễn viên diễn tả rất xuất sắc giúp mọi người thông dự vào cuộc khổ nạn của Chúa. Giáo xứ St Margaret Mary’s có nhiều sắc tộc trong đó có cộng đoàn Việt Nam nữa.
Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh gía
Chúa GIêsu sinh thì
Chúa GIêsu vác Thánh giá
 
Các hình ảnh chặng đàng Thánh Giá tại St Margaret Mary's Brunswick
Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
05:21 10/04/2009
 
Video chặng đàng thánh giá ở Greenwood, Perth, Australia
Thúy Dung
08:34 10/04/2009
 
Bất chấp tình hình an ninh tồi tệ, hàng ngàn người đi Đàng Thánh Giá tại Cổ Thành Giêrusalem
Đặng Tự Do
15:58 10/04/2009
Đàng Thánh Giá vượt qua những con đường dốc
Cây thánh giá của Tòa Thượng Phụ Công Giáo La Tinh
Một người trong vai Chúa Giêsu
Cuộc rước của các hiệp sĩ hôm Thứ Năm Tuần Thánh
Hàng ngàn người Công Giáo trên thế giới đã đổ về thành Thánh Giêrusalem để tham dự Đàng Thánh Giá dọc theo con đường Via Dolorosa, đường thương khó nơi Chúa đã vác thánh giá lên đồi Golgotha. Đây là Đàng Thánh Giá truyền thống đã được các hiệp sĩ Thánh Mộ tổ chức từ thế kỷ thứ 14 cho đến nay.

Đàng Thánh Giá năm nay hoàn toàn chỉ có người Công Giáo tham dự vì Giáo Hội Chính Thống theo lịch Julian sẽ mừng Lễ Phục Sinh một tuần sau.

Tình hình an ninh tại Giêrusalem đã trở nên nguy hiểm sau khi quân Do Thái cho xe ủi đến ủi sập một số căn nhà người Palestine tại khu vực Sur Bahir ở khu phía Đông Giêrusalem. Hôm 7/4, cảnh sát Do Thái lại bắn chết một người Palestine vì cho rằng người này tấn công vào họ khi họ đang canh gác cho các xe ủi hoạt động.

Tuy tình hình an ninh nguy hiểm và chỉ có người Công Giáo tham dự, Đàng Thánh Giá năm nay đã lôi cuốn một con số đông đảo chưa từng thấy từ sau cuộc nổi dậy Intifada của người Palestine vào năm 2000.

Dưới trời nắng đẹp, cuộc đi Đàng Thánh Giá đã khởi sự tại tu viện Flagellation nơi Chúa Giêsu chịu khạc nhổ và đánh đòn. Đoàn rước đã đi theo con đường dốc chật hẹp qua những nơi Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ, Chúa ngã xuống đất nhiều lần và được ông Simon vác đỡ thánh giá, Chúa gặp các phụ nữ thành Giêrusalem than khóc người…Đàng Thánh Giá kết thúc tại nhà thờ Mộ Thánh nơi Chúa Giêsu chịu táng xác trong mồ.

Cuộc đi Đàng Thánh Giá quốc tế này vang vọng những lời kinh tiếng hát bằng tiếng La Tinh, tiếng Ả rập, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý đôi khi lại bị trộn lẫn với những tiếng cầu kinh phát ra từ một đền thờ Hồi Giáo đang thúc giục các tín hữu của họ đến đền thờ cầu kinh buổi trưa.

Khu vực cổ thành Giêrusalem trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh đầy chật người như đi trẩy hội. Ngoài số đông người Công Giáo đang đi Đàng Thánh Giá, còn có các tín hữu Do Thái Giáo đang tấp nập trên đường đến nguyện đường và bức tường than khóc. Do Thái Giáo mừng Lễ Vượt Qua vào đúng dịp này.

Khi các tín hữu đến chặng cuối là nhà thờ Thánh Mộ, hai người Hồi Giáo được trao giữ chìa khóa nhà thờ đã mở cửa cho họ. Sau khi các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô vào bên trong nhà thờ, các tín hữu đã trật tự bước vào bên trong. Nhiều người đã cung kính hôn các phiến đá nơi táng xác Chúa.

Chiều ngày hôm trước, các hiệp sĩ Thánh Mộ cũng đã có một cuộc rước trọng thể bên ngoài và bên trong nhà thờ Mộ Thánh để kỷ niệm ngày Chúa lập bí tích Thánh Thể.
 
Đức Thánh Cha sẽ đến thăm khu vực động đất Abruzzi ngay khi có thể
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
17:02 10/04/2009
Vatican (AsiaNews) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ đến thăm khu vực động đất Abruzzi "Ngay khi có thể", chính Đức Thánh Cha đã đưa ra thông cáo nhắc lại "sự gần gũi về tinh thần" của ngài đối với các nạn nhân trước khi ngài chào mừng những người Ý đến dự buổi triều yết chung hôm thứ Tư 08/04/2009.

Ngài đưa ra diễn từ: "Anh chị em thân ái nhất của cha, cha hy vọng có thể đến để gặp gỡ anh chị em càng sớm càng tốt. Anh chị em nên biết rằng Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện cho mọi người, đang nài xin Chúa mở lòng nhân từ cho những người đã khuất, cho gia đình họ cùng những người sống sót và ban cho họ nguồn an ủi từ mẫu của Đức Maria và hưởng nhờ niềm hy vọng Kitô giáo. Một lần nữa cha muốn thốt lên lời chia sẻ những đau đớn và âu lo cùng với anh chị em".

Sự nhanh nhẹn mà giới hữu trách, cảnh sát, các thiện nguyện viên và những người khác trong việc cứu hộ những anh chị em lâm nạn của chúng ta cho thấy tầm quan trọng của tình liên đới ra sao trong việc vượt thắng thử thách đau đớn như thế.

Cha Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha "sẽ diễn ra rất sớm nhưng không phải ngay lập tức. Ngày tháng chưa được nêu ra".

Đức Thánh Cha đã bày tỏ niềm thương cảm của ngài đối với những đau đớn của của các nạn nhân và của toàn thể đất nước vào buổi sáng xảt ra trận động đất. Ngài cũng đã gửi một toán cứu hỏa gồm tám thành viên gia nhập vào các đội cứu hộ khác.
 
ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự lễ an táng các nạn nhân động đất
LM Trần Đức Anh, OP
20:58 10/04/2009
L'AQUILA. Sáng 10-4-2009, ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ an táng tập thể các nạn nhân trận động đất hôm 6-4 trước đó tại thành phố L'Aquila và vùng phụ cận ở miền trung Italia.

ĐHY Quốc Vụ Khanh đi thăm các quan tài
ĐHY Quốc Vụ Khanh rảy nước thánh trên các quan tài
Tổng thống Ý
Thánh lễ được cử hành đúng ngày Thứ sáu Tuần Thánh với sự chuẩn chước đặc biệt của Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích.

205 quan tài được xếp thành 4 hàng trước lễ đài. Một số quan tài màu trắng của các trẻ em được đặt trên quan tài của mẹ các em. Một số quan tài khác không hiện diện vì thi hài chưa được xác nhận, hoặc vì thân nhân muốn cử hành riêng tại nơi khác.

Hiện diện trong thánh lễ lúc 11 giờ tại khuôn viên quân trường quan thuế gần L'Aquila có hàng chục ngàn người, đặc biệt là tổng thống, hai vị chủ tịch lưỡng viện quốc hội, thủ tướng và nhiều vị bộ trưởng Italia. Đồng tế với ĐHY Quốc vụ khanh có tất cả 20 GM miền Abruzzo và hằng trăm Linh mục. Đặc biệt ĐTC đã cử Đức Ông Georg Gaenswein, bí thư riêng của ngài, như dấu chỉ sự gần gũi tinh thần đặc biệt của ngài với các nạn nhân.

Đầu thánh lễ, Đức Ông Georg đã đọc sứ điệp phân ưu của ĐTC trong đó ngài viết: ”Trong những thời điểm như lúc này, nguồn ánh sáng và hy vọng vẫn là đức tin, chính trong những ngày này, đức tin nói với chúng ta về sự đau khổ của Con Thiên Chúa làm người vì chúng ta: ước gì cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa là nguồn an ủi cho tất cả mọi người và mở rộng tâm hồn mỗi người chiêm ngắm nguồn mạch sự sống, trong đó ”sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, khóc than và cơ cực, vì những sự trước đây đã qua rồi” (Kh 21,4).

ĐTC viết thêm rằng: ”Tôi tin chắc với sự dấn thân của tất cả mọi người, chúng ta có thể đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất. Bạo lực động đất đã gây ra những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi đã theo dõi những biến chuyển của hiện tượng động đất ngay từ lần đất rung đầu tiên, ở Vatican này cũng cảm thấy, và tôi hài lòng nhận thấy làn sóng liên đới ngày càng gia tăng, nhờ đó những hoạt động cứu trợ đầu tiên được tổ chức, để tiến tới hoạt động ngày càng quyết liệt hơn của Nhà Nước cũng như từ các tổ chức của Giáo Hội, cũng như của tư nhân”.

Và như một cử chỉ liên đới và gần gũi trong tinh thần với những đau khổ của dân chúng bị động đất, ĐTC đã tặng cho giáo phận L'Aquila một chén lễ đặc biệt để cử hành thánh lễ an táng này. Tòa GM L'Aquila cho biết thêm sau đó rằng, ĐHY Quốc vụ khanh đã trao cho Đức TGM giáo phận này một số tiền đặc biệt của ĐTC để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất. Thêm vào đó, chúa nhật phục sinh 12-4-2009 này, ĐTC sẽ cho chuyển tới các em bé đang phải sống trong các lều tạm trú nhiều trứng Sô-cô-la.

Theo thông cáo chính thức, cho đến sáng 10-4-2009, người ta đã kiểm kê được 289 thi hài nạn nhân, trong đó có 15 trẻ em. Đất vẫn còn rung nhiều lần sau ngày 6-4-2009.
 
Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
LM Trần Đức Anh, OP
21:05 10/04/2009
VATICAN. Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 10-4-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ tọa nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, gần 30 Hồng Y và 40 GM tại Tòa Thánh.

Bài giảng của Cha Cantalamessa

Đền thờ Thánh Phêrô chiều thứ Sáu Tuần Thánh
Đức Thánh Cha phủ phục trước bàn thờ
Đức Thánh Cha tôn vinh Thánh Giá
Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài ”Vì chúng ta, Chúa Kitô đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá”.

Đối với thánh Phaolô, thập giá mang một chiều kích vũ trụ. Trên thập giá, Chúa Kitô đã phá đổ bức tường chia cách, đã hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau, tiêu diệt sự hận thù (Xc Ep 2,14-16). Nhưng đồng thời thập giá cũng là một biến cố rất bản thân: ”Chúa đã yêu thương tôi và đã hiến mạng vì tôi!” (Gl 2,20). Thánh Tông Đồ đã viết: mỗi người đều là ”một người mà Chúa Kitô đã chết cho” (Rm 14,15).

Trong khuôn khổ năm thánh Phaolô Tông Đồ, Cha Cantalamessa mời gọi mọi người hãy học nơi Thánh Phaolô cách thức trả lời cho những thách đố ngày nay về đức tin. Một trong những thách đố ấy, ngày nay có lẽ được biểu lộ công khai hơn bao giờ hết, được biểu lộ qua một khẩu hiệu trong chiến dịch tuyên truyền được viết trên các phương tiện chuyên chở công cộng ở Luân đôn và các thành phố khác ở Âu Châu: ”Có lẽ Thiên Chúa không hiện hữu, vậy bạn đừng lo lắng gì và hãy vui hưởng cuộc sống” (There's probably no God. Now stop worrying and enjoy your life). Ngụ ý của các biểu ngữ này nói rằng niềm tin nơi Thiên Chúa ngăn cản việc vui sống, đức tin là kẻ thù của vui mừng. Nếu không có đức tin thì sẽ có hạnh phúc nhiều hơn trên thế giới”.

Cha Cantalamessa lần lượt bác bỏ luận cứ của những tuyên truyền ấy, đồng thời nêu bật ý nghĩa tích cực của thập giá Chúa Kitô, dựa trên kinh nghiệm và giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ. Cha nhìn nhận rằng trong các nước có đức tin Kitô kỳ cựu, người ta luôn liên kết ý tưởng đau khổ và thập giá với ý tưởng hy sinh và đền tội: người ta nghĩ, đau khổ là điều cần thiết để đền bù tội lỗi và làm nguôi công lý của Thiên Chúa. Chính điều đó, trong thời hiện đại, đã tạo nên tự chối bỏ mọi ý tưởng hy sinh dâng lên Thiên Chúa, để rồi đi đến sự chối bỏ chính ý tưởng về Thiên Chúa.

”Ta không thể phủ nhận rằng đôi khi các tín hữu Kitô chúng ta đã hỗ trợ cho lời cáo buộc ấy. Nhưng đó là một sự ngộ nhận mà sự hiểu biết rõ hơn về tư tưởng của thánh Phaolô đã làm sáng tỏ chung kết. Ngài viết rằng Thiên Chúa đã tiền định Chúa Kitô ”phục vụ như một dụng cụ đền tội” (Rm 3,25), nhưng sự đền tội ấy không tác động trên Thiên Chúa để làm Ngài nguôi ngoai, nhưng trên tội lỗi để loại trừ tội lỗi. Người ta có thể nói rằng chính Thiên Chúa chứ không phải con người, đền bù tội lỗi... Chúa Kitô đã mang lại một nội dung hoàn toàn mới mẻ cho ý tưởng hy sinh. Trong đó ”không phải con người tạo ảnh hưởng trên Thiên Chúa để Ngài nguôi ngoai. Đúng hơn, chính Thiên Chúa tác động để con người từ bỏ sự hận thù đối với Ngài và đối với tha nhân. Ơn cứu độ không khởi sự với lời xin hòa giải từ phía con người, nhưng với lời yêu cầu của Thiên Chúa: ”Anh chị em hãy hòa giải với Chúa” (1 Cr 2,6ss).

Trong bài giảng, Cha Cantalamessa cũng nhắc đến sự trống rỗng và bất toàn của những điều người ta coi là hạnh phúc: lo âu, trống rỗng thường đi sau khoái lạc: việc sử dụng ma túy, lạm dụng tinh dục, bạo lực giết người, chúng mang lại khoái lạc nhất thời, nhưng dẫn đến sự băng hoại luân lý và cả thể lý cho con người. Chúa Kitô, qua cuộc khổ nạn và cái chết, ngài đã lật ngược quan hệ giữa khoái lạc và đau khổ. Không còn là khoái lạc chấm dứt trong đau khổ, nhưng là một đau khổ đưa tới sự sống và vui mừng.. Chúa Kitô không đến để gia tăng đau khổ cho nhân loại, hoặc rao giảng sự cam chịu đau khổ, Ngài đến để mang lại cho đau khổ một ý nghĩa, loan báo sự chấm dứt và vượt thắng đau khổ.

Và Cha Cantalamessa nói rằng: ”Hỡi người anh em không tin tưởng, nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì tôi chẳng mất gì cả; trái lại, nếu Ngài hiện hữu thì bạn mất tất cả! Hầu như chúng ta phải cám ơn người đã cổ võ chiến dịch tuyên truyền quảng cáo ấy: nó phục vụ cho chính nghĩa Thiên Chúa hơn là bao nhiêu lý luận hộ giáo của chúng ta. Nó chứng tỏ sự nghèo nàn của những lý lẽ trong chiến dịch tuyên truyền ấy và đã góp phần đánh động bao nhiêu lương tâm ngủ yên”.

Tóm lại, ”thập giá Chúa Kitô là động lực hy vọng cho tất cả mọi người và năm Thánh Phaolô là một cơ hội ân phúc cho cả những người không tin và đang tìm kiếm. Một điều đang nói với họ trước mặt Chúa, đó là sự đau khổ. Cũng như phần còn lại của nhân loại những người vô thần cũng đang chịu đau khổ trong cuộc sống, và đau khổ, từ khi Con Thiên Chúa gánh lấy trên mình, có một quyền năng cứu độ hầu như bí tích. Đức Gioan Phaolô 2 đã viết trong Tông Thư ”Khổ đau cứu độ” (Salvifici doloris) rằng đau khổ là một cái máng qua đó năng lực cứu độ của thập giá Chúa Kitô được chuyển cho nhân loại”.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.
 
Top Stories
Ecumenical Stations of the Cross Good Friday Service at Bayswater, Perth Australia
Nguyen Viet Nam
05:53 10/04/2009
Good Fridays in recent years have been marked with Ecumenical Stations of the Cross between Catholics and Anglicans as an intimate witness to the common faith in the one Lord and Saviour Jesus Christ who gave His life on the Cross for our salvation.

At 10 am on Good Friday, Catholic and Anglican youth took turns carrying the Cross in the Stations of the Cross. The ecumenical service, organized by both St. Columba Catholic Church and St. Augustine Anglican Church drew hundreds who walked and prayed down the streets of Bayswater, Perth, Australia.

Father Minh Thuy Nguyen, the parish priest of St. Columba’s, said he and his Anglican counterpart Father Patrick Speed organized the ecumenical Stations of the Cross "to bear witness to our common hope."

The service started at the Anglican church and ended at the Catholic Church, where Father Speed gave his blessing to both Catholic and Anglican attendees. Catholic and Anglican took turn giving a short reflection at each station.

Ecumenical Stations of the Cross Good Friday Service at Bayswater, an initiative of Catholic Fr. Huynh Nguyen and his Anglican counterpart, Fr. Peter Manuel, three years ago, was warm welcomed by members of both the communities who believed that by walking and praying together, they could show people they confess the one faith, and keep the fraternal harmony of the family of God.

More pictures of the event can be seen here.
 
Nepal: Les catholiques du Népal sont invités à lutter contre l'hindouisation de leur société
Eglises d'Asie
16:53 10/04/2009
La communauté catholique du Népal a organisé début avril à Godavari, petite ville de la vallée de Katmandou, un séminaire de formation à l’évangélisation, en vue de préparer une mission dans l’ouest de l’Etat himalayen. De nombreux prêtres, religieux et laïcs s’y sont rendus, à l’invitation de Mgr Anthony Sharma, vicaire apostolique du Népal. « Nous mettons particulièrement l’accent sur la mission dans l’ouest du pays parce que nous avons déjà beaucoup progressé dans la partie est », explique le prélat (1).
Mgr Thomas Menamparampil, archevêque de Guwahati en Assam, un Etat indien proche du Népal, a été chargé de mener cette préparation à la mission, en tant que président de la Commission pour l’Evangélisation de la Fédération des Conférences Episcopales d’Asie (FABC). Le prélat âgé de 72 ans, qui fait partie de nombreuses commissions et organismes au sein de l’Eglise, est connu pour son travail en faveur de la paix et du dialogue, y compris dans son archidiocèse où les conflits inter-tribaux et religieux sont endémiques. Il a été cette année chargé par le pape Benoit XVI d’écrire la méditation du Chemin de croix du Vendredi saint au Colisée, en union avec les chrétiens persécutés dans le monde et en particulier les victimes des violences antichrétiennes en Orissa des mois derniers (2).
Pendant ce séminaire de trois jours, Mgr Menamparampil a insisté tout particulièrement sur les dangers de la « safranisation » de la société, phénomène actuellement en pleine expansion dans le sous-continent indien, et qui s'appuie sur le système brahmanique des castes (3). Il a fait remarquer que malheureusement, les minorités religieuses commençaient à être touchées. Cependant, « les bouddhistes, les jaïns […], ainsi que les peuples aborigènes qui vivent dans la région sub-himalayenne, sont déterminés à préserver leur philosophie égalitaire en dépit des pressions exercées par le brahmanisme », a rappelé le prélat salésien. « Afin de sauver leur culture et leurs traditions, les communautés opprimées et les populations rurales cherchent un nouveau Moïse qui puisse les aider à redéfinir leur identité », a expliqué Mgr Menamparampil, ajoutant qu'il incombait aux chrétiens, bien qu’ils ne soient qu’une petite minorité au Népal, de mener ces communautés à « une nouvelle traversée de la Mer Rouge ».

Depuis l’instauration du nouveau régime maoïste il y a un an et les différentes tentatives de celui-ci pour séculariser la société népalaise, l’hindouisme sous sa forme extrémiste a fait un retour en force, bon nombre d'hindous s’estimant avoir été dépossédés de leurs prérogatives passées. En 2008, le NDA (Nepal Defence Army), une organisation paramilitaire hindoue, a attaqué des mosquées, menacé des églises et envoyé des déclarations télévisées indiquant que « de telles attaques allaient continuer jusqu’à ce que le Népal soit de nouveau une nation hindoue ». En juillet, le même groupe avait assassiné un prêtre salésien, le P. John Prakash, à Sirsiya.

Mgr Sharma avait à l’époque déclaré que le motif principal du meurtre avait été l’argent et non pas la religion, soulignant que l’Eglise au Népal « était en général bien considérée par la population » qui la voyait plutôt comme une organisation d’assistance. Au Népal, pays hindou à 86 %, l’Eglise catholique qui ne compte que 8 000 membres environ, dirige une trentaine d’écoles et collèges et de nombreux centres d’aide sociale (4).


(1) AsiaNews, 7 avril 2009.
(2) EDA 504. Mgr Menamparampil est entre autres, président de la Conférence régionale des évêques du Nord-Est de l’Inde, responsable de la Commission pour l’Education et la culture de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde (CBCI) ainsi que membre de nombreuses commissions au sein du Vatican.
(3) Le jaune safran, couleur sacrée de l’hindouisme est traditionnellement celle du vêtement des brahmanes. Les partis en faveur d’une hindouisation de la société comme les organisations extrémistes du BJP ou du RSS, sont également appelés en Inde les « partis safran » (voir dépêche du 9 avril 2009 ).
(4) AED, 20 octobre 2008. AsiaNews, 7 avril 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 10 avril 2009)
 
VIETNAM: L'Eglise veut perpétuer et amplifier la tradition d'action caritative et sociale propre au catholicisme dans le pays
Eglises d'Asie
17:36 10/04/2009
Dans le but de mieux faire connaître l'association Caritas Vietnam, tout récemment officialisée (1), le père Antoine Nguyên Ngoc Son, vient de présenter un long rapport de 54 pages (2) sur l'oeuvre caritative et sociale de l'Eglise du Vietnam dans les différentes périodes de son histoire récente. Il rappelle que les activités de l'Eglise en ce domaine ont connu leur apogée au cours de la deuxième guerre du Vietnam. Il souligne les nouvelles possibilités offertes à l'Eglise en ce domaine depuis la fin des années 80 et les besoins particuliers de la société vietnamienne à ce moment de son histoire.

La reprise de l'action caritative au Vietnam par l'Eglise catholique date du grand ébranlement du monde communiste occidental de la fin des années 80, ébranlement qui s'est traduit au Vietnam par ce qu'on a appelé la politique du « renouveau » (dôi moi). À l'économie centralisée d'État succéda alors une économie à plusieurs composantes puis finalement, l'économie de marché. En même temps, le pouvoir central relâchait son emprise sur la société civile et sollicitait même une certaine collaboration privée dans le domaine de l'éducation, de la culture, de la santé et de la société. Paradoxalement, cette nouvelle orientation s'est appelée politique de « socialisation ». Dans une certaine mesure, du moins dans les principes, le droit devait prendre la place de l'arbitraire. Les résultats furent rapides, même spectaculaires, concrétisés par une économie en croissance régulière, des exportations de matières premières, de produits agricoles et manufacturés.

Ce développement économique fut malheureusement accompagné de certains déséquilibres dont quelques-uns très graves. Même si la proportion des foyers en dessous du seuil de pauvreté a diminué depuis 1990, l'écart entre riches et pauvres n'a cessé de s'élargir. Divers dysfonctionnements sociaux se sont aggravés, tels que la corruption, la bureaucratie administrative, la sclérose et la passivité du système éducatif, auxquels il faut ajouter ces fléaux récurrents que sont la drogue, l'alcool, la prostitution, l’avortement, et un nombre toujours plus grand de séropositifs...

Cependant, cette nouvelle politique dite de « socialisation » n'a pas véritablement favorisé l'action sociale de l'Eglise. Dans le domaine éducatif, encore aujourd'hui, les paroisses et les congrégations religieuses ne peuvent ouvrir que des écoles maternelles ou des jardins d'enfants. Depuis 1975, l'Eglise catholique a perdu l'ensemble des écoles secondaires et universitaires qu'elle gérait jusqu'alors. L'autorisation de prendre en charge ce genre d'institutions est quelquefois accordée par l'État à des individus de religion catholique, mais jamais à l'Eglise en tant que telle. En 2007, on ne comptait que 883 jardins d'enfants, écoles maternelles et « classes d’affection » (destinées à recycler des enfants ayant interrompu leurs études primaires ou ne les ayant pas entamées).

Pour ce qui concerne l'action caritative, les catholiques et plus particulièrement les religieux, s'emploient aujourd'hui dans quelque 123 dispensaires et infirmeries, 13 léproseries, ainsi que des centres pour malades psychiatriques, pour drogués ou encore pour malades du sida. Il faut aussi compter les 169 institutions au service des handicapés, des orphelins, des personnes âgées. Parmi les dernières initiatives des catholiques, on trouve aussi des foyers pour migrants, pour étudiants et scolaires, pour mères célibataires. Cet engagement de l'Eglise est au total, relativement modeste. La politique de « socialisation » pourrait donner aux fidèles catholiques la possibilité de prendre des initiatives, dans le domaine de la santé par exemple. Mais, la plupart du temps, ils en sont empêchés par leur manque de ressources financières.

Alors qu’à partir de 1954, l'Etat du Nord Vietnam avait obligé la communauté catholique à se retirer de la plupart des œuvres éducatives et sociales, au Vietnam du Sud, dans toute la période qui a précédé le changement de régime de 1975, l'Eglise s'était particulièrement investie dans de multiples domaines de la sphère sociale. Dès 1965, l'association Caritas Vietnam avait été fondée. Un an plus tard elle exerçait ses services dans les 11 diocèses de l'époque, jusque dans les paroisses les plus reculées. Elle jouera un grand rôle dans l'accueil et le soutien des migrants fuyant les régions dévastées par la guerre. En 1972, elle fut secondée dans cette tâche par l'association COREV (Cooperation pour la Réédification du Vietnam), qui, sous la présidence du futur cardinal, Mgr François-Xavier Nguyên Van Thuân, permit, en bien des endroits, de réparer les désastres de la guerre.

À cette époque, les institutions caritatives et sociales se sont multipliées, comme les écoles pour handicapés, les orphelinats, les dispensaires, les hôpitaux, les léproseries... Selon l'annuaire catholique de 1964, il y avait alors 465 établissements caritatifs et sociaux. Mais ce fut sans doute dans l'éducation que la communauté catholique consacra le plus de forces. En 1962, le réseau éducatif de l'Eglise catholique comptait 1060 écoles primaires avec 29 000 élèves, 145 écoles secondaires avec plus de 62 000 élèves. En 1975, il y avait deux universités catholiques, fréquentées par quelque 8000 étudiants.

(1) Voir EDA 494

(2) VietCatholic News, 8 avril 2009

(Source: Eglises d'Asie, 10 avril 2009)
 
Up to death and death on a cross
Fr. Raniero Cantalamessa
21:11 10/04/2009
“Christus factus est pro nobis oboediens usque ad mortem, mortem autem crucis” “For us Christ made himself obedient up to death, and death on a cross.” On the two thousandth anniversary of the birth of the Apostle Paul, let us listen to his burning words on the mystery of Christ’s death which we are celebrating. No one can help us understand its significance and importance like he can.

His words to the Corinthians are a sort of manifest: “While the Jews demand miracles and the Greeks look for wisdom, we are preaching a crucified Christ: to the Jews an obstacle they cannot get over, to the gentiles foolishness, but to those who have been called, whether they are Jews or Greeks, a Christ who is both the power of God and the wisdom of God.” (1 Corinthians 1:22-24) Christ’s death bears universal importance. “One man died for all, then all have died” (2 Corinthians 5:14) His death has given new meaning to the death of every man and every woman.

In Paul’s eyes the cross assumes a cosmic significance. Christ has torn down the wall of separation with it, he has reconciled men with God and with each other, destroying hatred (cf. Ephesians 2:14-16). Based on this, primitive tradition developed the theme of the cross as a cosmic tree that joins heaven and earth with the vertical branch and unites the different peoples of the world with the horizontal branch. It is both a cosmic and a very personal event at the same time: “He loved me and gave himself up for me!” (Galatians 2:20) The Apostle writes, every man is “one for whom Christ died” (Romans 14:15).

From all of this arises the sense of the cross, no longer as a punishment, admonishment, or reason for affliction, but rather, a glory and the boast of a Christian, that is a joyful security, accompanied by heartfelt gratitude, to which man rises in faith: “But as for me, it is out of the question that I should boast at all, except of the cross of our Lord Jesus Christ” (Galatians 6:14).

Paul has planted the cross at the center of the Church like the mainmast at the center of the ship. He has made it the foundation and the center of gravity of everything. He has established the permanent framework of the Christian message. The gospels, written after him, follow his framework, making the story of Christ’s passion and death the fulcrum toward which everything is oriented.

It is incredible to see the work accomplished by the Apostle. It is relatively easy for us today to see things in this light, since, as Augustine said, Christ’s cross has filled the earth and now shines on crowns off kings.[1] When Paul wrote, the cross was still synonymous with the most terrible ignominy, something that shouldn’t even be discussed among educated people.

The goal of the Year of St. Paul is not so much to know the Apostle’s thinking better (researchers are always doing that, without even counting that scientific research takes longer than a year); rather, as the Holy Father has recalled on a number of occasions, it is to learn from Paul how to respond to the current challenges of the faith.

One of these challenges, maybe the most open challenge known till know, has become a publicity slogan plastered on public transport vehicles in London and other European cities: “There’s probably no God. Now stop worrying and enjoy your life.”

The most striking element about this slogan is not the premise, “God doesn’t exist,” but rather the conclusion: “Enjoy your life!” The underlying message is that faith in God keeps you from enjoying life; it is an enemy of happiness. Without it there would be more happiness in the world! Paul helps us answer this challenge, explaining the origin and meaning of all suffering, starting with Christ’s suffering.

Why “was it necessary that the Christ suffer so as to enter into his glory?” (Luke 24:26) This question receives what might be a “weak” answer, and in a certain sense, reassuring. Christ, revealing the truth of God, necessarily provokes the apposition of the forces of evil and darkness, and these forces, as happened to the prophets, will lead to his refusal and elimination. “It was necessary that the Christ suffer” would then be understood in the sense of “it was inevitable that the Christ suffer.”

Paul provides a very “strong” response to that question. The need is not of the natural order, but rather the supernatural. In the countries of historic Christian faith the idea of suffering and cross is almost always associated with sacrifice and expiation. Suffering, it is believed, is needed to expiate for sins and placate God’s justice. This is what has provoked, in the modern world, the rejection of every idea of sacrifice offered to God, and in the end, the very idea of God.

It can’t be denied that we Christians have possibly exposed ourselves to this accusation. But we are dealing with a mistake that a better understanding of Saint Paul’s thought has already definitively clarified. He writes that God has preordained Christ “to serve as an instrument of expiation.” (Romans 3:25) But such expiation is not applied to God in order to placate him; rather it is applied to sin to eliminate it. “It can be said that it is God himself, not man, who expiates sin… the image is more like that of removing a corrosive stain or neutralizing a lethal virus than that of anger that is placated by punishment.”[2]

Christ has given a radically new meaning to the idea of sacrifice. In it, “It is no longer man who exercises influence on God in order to placate him. Rather it is God who works to make man stop hating him and his neighbor. Salvation does not start with man asking for reconciliation; rather it begins with God’s request: “Let yourselves be reconciled with God.” (1 Corinthians 2:6)[3]

The fact is that Paul takes sin seriously, does not make light of it. Sin is, for him, the principal cause of man’s unhappiness, the refusal of God, not God himself! This encloses the human creature within “lies” and “injustice” (Romans 1:18; 3:23) condemns the very cosmic material to “vanity” and “corruption” (Romans 8:19) and it is the final cause also of the social evils that afflict humanity.

Unending analysis is conducted of the economic crisis underway in today’s world and of its causes but who dares put the axe to the roots and speak about sin? The Apostle defines insatiable avarice as “idolatry” (Colossians 3:5) and he points to “root of all evil” in the unbridled desire for money (1 Timothy 6:10). Can we say he is wrong? Why are there so many families out on the streets, throngs of workers who have lost their job, if not because of some people’s insatiable thirst for profit? The elite members of the financial and economic world turned into a runaway train that steamed ahead without brakes, without stopping to think about the rest of the train that had come to a standstill on the tracks. We were headed in the completely wrong direction.

Through his death, Christ has not only denounced and conquered sin, he has also given new meaning to suffering, even to that which does not depend on anyone’s sin, like the one caused by the terrible earthquake which in last days hit the bordering region of Abruzzi. He has made it an instrument of salvation, a path to resurrection and life. His sacrifice exercises its effects not through death, but rather thanks to the conquering of death, that is the resurrection. “He died for our sins, he rose for our justification.” (Romans 4:25): the two events are inseparable in the mind of Paul and the Church.

It is a universal human experience: in this life pleasure and pain follow each other with the same regularity with which, when a wave arises in the ocean, a trough follows a crest and pulls down the shipwrecked sailor. “Full from the fount of Joy's delicious springs Some bitter o'er the flowers its bubbling venom springs.”[4] Drug use, the abuse of sex, and homicidal violence, all provide intoxicating pleasure in the moment, but lead to the moral dissolution, and often even the physical ruin of the person.

Christ, with his passion and death, has inverted the relationship between pleasure and pain. He, “in exchange for the joy which was placed before him, submitted himself to the cross” (Hebrews 12:2). No longer is it a pleasure which ends in suffering, but rather suffering that leads to life and joy. It is not just a different order of events; it is joy, in this way, that has the last word, not suffering, and a joy that will last for eternity. “Christ risen from the dead will die no more; death no longer has power over him” (Romans 6:9). And it will not have power over us either.

This new relationship between suffering and pleasure is reflected in the way in which time marches on in the Bible. According to human calculations, day starts in the morning and ends at night; in the bible day starts at night and ends with daytime: “It was night and it was day: the first day” says the story of creation (Genesis 1:5). It is not meaningless that Christ died in the evening and rose in the morning. Without God, life is a day that ends at night; with God it is a night that ends with day, and a day without a sunset.

So Christ did not come to increase human suffering or preach resignation to suffering; he came to give meaning to suffering and to announce its end and defeat. That slogan on the bus in London and in other cities is also read by parents who have sick children, by lonely people, the unemployed, refugees from war zones, people who have suffered grave injustices in life… I try to imagine their reaction to reading the words: “There’s probably no God. Now enjoy your life!” How?

Suffering is certainly a mystery for everyone, especially the suffering of innocent people, but without faith in God it becomes immensely more absurd. Even the last hope of rescue is taken away. Atheism is a luxury that only those with privileged lives can afford; those who have had everything, including the possibility to dedicate themselves to study and research.

This is not the only incongruity of that publicity stunt. “God probably doesn’t exist:” so, he might exist, you can’t completely exclude the possibility that he might exist. But, my dear non believing brother, if God doesn’t exist I have not lost anything; if on the other hand he does exist, you have lost everything! We should almost thank the people who promoted that advertising campaign; it has served God’s cause more than so many of our apologetic arguments. It has demonstrated the poverty of their reasons and has helped stir so many sleeping consciences.

But God has a different measure of justice than we do and if he sees good faith, or inculpable ignorance, he saves those who struggle in their lives to combat him. We believers should prepare ourselves for surprises in this regard. “How many sheep are outside of the flock, exclaims Augustine, and how many wolves inside! “Quam multae oves foris, quam multi lupi intus!”[5]

God is capable of turning those who most persistently deny him into his most impassioned apostles. Paul is the example of it. What has Saul of Tarsus done to merit that extraordinary encounter with Christ? What had he believed, hoped or suffered? What Augustine said about every divine choice can be applied to him: “Look for merit, look for justice, reflect and see if you find anything but grace.”[6] This is how he explains his own calling: “I am not really fit to be called an apostle, because I had been persecuting the Church of God; but what I am now, I am through the grace of God” (1 Corinthians 15:9-10).

Christ’s cross is a cause for hope for everyone and the year of St. Paul is an occasion of grace also for those who don’t believe and are searching for truth. One thing speaks in their favor before God: suffering! Just like the rest of humanity, even atheists suffer in life, and suffering, since the Son of God took it on himself, has redemptive and almost sacramental power. In “Salvifici Doloris” John Paul II wrote, it is a channel through which the saving powers of the cross of Christ are offered to humanity.[7]

In a moment, after we are invited to pray “for those who do not believe in God,” there will follow a touching prayer in Latin by the Holy Father; translated into English it reads: “Everlasting and eternal God, you have put into the hearts of men a deep nostalgia for you, that only once they find you will they have peace: grant that, overcoming every obstacle, all may recognize the signs of your goodness, and, moved by the witness of our life, they may have the joy of believing in you, the one true God and Father of all mankind. Through Christ our Lord.

[1] St. Augustine, Enarr. in Psalmos, 54, 12 (PL 36, 637).
[2] J. Dunn, La teologia dell’apostolo Paolo, Paideia, Brescia 1999, p. 227.
[3] [3] G. Theissen – A. Merz, Il Gesù storico. Un manuale, Queriniana, Brescia 20032, p. 573.
[4] Lucrezio, De rerum natura, IV, 1129 s.
[5] St. Augustine, In Ioh. Evang. 45,12.
[6] ST. Augustine, De praed. sanctorum, 15, 30 (PL 44, 981).
[7] Cf. “Salvifici doloris”, 23.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin thuyên chuyển các linh mục tại Giáo phận Phan Thiết
LM. Giuse Hồ Sĩ Hữu
02:06 10/04/2009
Tin thuyên chuyển các linh mục tại Giáo phận Phan Thiết

Ngày Thứ Tư Tuần Thánh 8.4.2009, Linh mục đoàn Phan thiết Tĩnh Tâm Quý tại Toà Giám Mục.

Nhằm đáp ứng các nhu cầu mục vụ trong Giáo phận, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đã thông báo về việc thuyên chuyển các linh mục trong Giáo phận Phan thiết như sau:

Thứ Ba, 21/04/2009: Lm Phêrô Nguyễn Huy Hồng, Quản xứ Tân lý, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm.

Thứ Tư, 22/04/2009: Lm Giuse Nguyễn Kim Anh, Quản xứ Kim Ngọc, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Tân Lý.

Thứ Năm, 23/04/2009: Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Quản xứ Mẹ Vô nhiễm, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Kim Ngọc.

Thứ Sáu,24/04/2009: Lm Giuse Nguyễn Việt Huy, Chủng viện Nicolas, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Phêrô Cao..

Thứ Hai, 27/04/2009: Lm Phêrô Đỗ Sự, Phó xứ Hoà Vinh, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Mân Côi.

Thứ Ba, 28/04/2009: Lm Giuse Hồ Văn Thiện, Quản xứ Tân Tạo, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Vinh Thanh.

Thứ Tư, 29/04/2009: Lm Phêrô Hoàng Vĩnh Linh, Quản xứ Vinh Thanh, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Tân Tạo.

Thứ Năm, 30/04/2009:Lm Phaolô Nguyễn Văn Linh, Phó xứ Hiệp đức, thuyên chuyển làm Quản xứ Giáo xứ Tàmon.

Cuối ngày Tĩnh tâm, Đức Cha Phaolô đã trao Bài Sai đến các Linh mục thuyên chuyển.
 
Đại Lễ Truyền Dầu tại giáo phận Xuân Lộc
Giuse Khổng Hữu Nguồn
17:30 10/04/2009
ĐẠI LỄ TRUYỀN DẦU GIÁO PHẬN XUÂN LỘC NĂM 2009

Sáng Thứ Năm ngày mùng 09.4.2009, Giáo Phận Xuân Lộc tổ chức lễ truyền dầu tại nhà thờ Tân Triều, Hạt Biên Hòa, Nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập giáo xứ và mừng 150 năm ngày tử đạo Thánh Phaolo Hạnh, quê quán Tân Triều.

Cùng đống tế với Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh Giám Mục Giáo Phận, có Cha Tổng Đại Diện Vicente Đặng Văn Tú, quý Cha quản Hạt và hơn 300 Cha. Tham dự lễ có rất đông quý tu sỹ nam nữ và hơn 3000 giáo dân khắp nơi trong giáo phận.

Đặc biệt chúng tôi nhận thấy có nhiều vòng hoa tươi của các cấp chính quyền từ địa phương, thành phố và Tỉnh, của các tôn giáo bạn, đến chúc mừng ngày Lễ Truyền Dầu của Giáo Phận được đặt trang trọng nơi tiền sảnh nhà thờ Tân Triều.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến !

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay chính thức dẫn chúng ta vào Mầu Nhiệm Vượt Qua cao cả mà chúng ta sẽ cử hành trong ba ngày sắp tới, chúng ta hãy hoàn toàn chăm chú hướng nhìn về Đức Kito, Ngài chính là trung tâm của mọi cử hành phụng vụ, Ngài là nguồn suối mang lại nguồn ơn cứu độ bất tận cho loài người.

Thật vậy, trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giesu đã tự gán cho mình lời sấm của tiên tri Isaia “ Thần trí Chúa ngự trên tôi, Ngài xức dầu thánh hiến tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó “. Ngài là Đấng được xức dầu thánh hiến, để sai vào trần gian rao giảng tin mừng.

Dầu biểu tượng Chúa Thánh Thần, là sức mạnh thánh hóa của Thiên Chúa, là tình yêu của Thiên Chúa, là sự sống của Thiên Chúa, nhờ đó cuộc đời Chúa Giesu được diễn tả dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngài hành động bằng năng lực Chúa Thánh Thần, Ngài rao giảng trong sức mạnh Chúa Thánh Thần, Ngài yêu thương bằng chính tình yêu Chúa Thánh Thần, sứ điệp Ngài rao giảng là chính lời trao ban Thánh Thần tình yêu cho mọi người.

Trong những ngày cuối đời, Ngài đã được Thánh Thần thúc đẩy dâng mình tự hiến trên thập giá như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa, và cuối cùng Ngài kết thúc sứ mạng cứu thế bằng cách trao ban Thánh Thần cho giáo hội.

Như thế được xức dầu chính là để vào trần gian thi hành sứ mạng cứu thế mà Thiên Chúa Cha đã trao phó, và khi Ngài về trời sứ mạng ấy được tiếp nối trong Giáo Hội; Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Giesu, là Đấng được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần, sai đi rao giảng tin mừng cứu độ, nên giáo hội cũng được xức dầu Thánh Thần như Chúa, và giáo hội lại dùng Dầu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần mà xức Dầu cho mọi thành phần dân Chúa, để tất cả mọi người được tham dự vào sứ mạng của Chúa Giesu, đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người, vì thế Thánh lễ truyền dầu cũng là thánh lễ của toàn thể dân Chúa, của tất cả chúng ta vì tất cả chúng ta cũng là những người đã được xức dầu Thánh Thần.

Trước hết giáo hội sức dầu dự tòng và dầu hiến thánh cho những người chịu phép rửa để họ được hiến thánh, được thuộc về Thiên Chúa, được kết hiệp với Chúa Kito và được nhận lãnh Chúa Thánh Thần, được thông phần sự sống mới của Chúa Kito phục sinh, họ được gia nhập giáo hội và trở thành môn đệ của Chúa Kito, và là anh em với nhau, do đó họ được thông phần chức danh Tư Tế - Tiên Tri – và Vương Đế của Chúa Kito.

Cùng với giáo hội họ được dâng hiến lễ tế của Chúa Kito lên Thiên Chúa Cha, để làm vinh danh Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho chính mình và mọi người. Giáo hội xức dầu hiến thánh cho những ai nhận lãnh bí tích them sức để củng cố đức tin và lòng mến nơi họ, làm cho họ trở nên những tín hữu trưởng thành hơn, có thể tham gia cách tích cực vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng của giáo hội, họ cũng nhận được thêm bẩy ơn của Chúa Thánh Thần, để cuộc đời họ tỏa lan hương thơm nhân đức hương vị ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa, đặc biệt, sức mạnh Chúa Thánh Thần vẫn tràn đến họ để trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa.

Thánh Phaolo Hạnh là một trong những chứng nhân anh dũng như trên, dù thử thách trăm chiều, Ngài không hề chối bỏ đức tin, và trái lại, đau khổ thử thách càng làm cho Ngài can đảm trung thành với đức tin cho đến cuối cùng, Ngài đã nêu gương sống đức tin cho chúng ta.

Các nhà thờ trên thế giới, hôm nay lễ của các Giám Mục và các Linh Mục, thật vậy giáo hội xức dầu hiến thánh cho các giám mục là những vị đã được Thiên Chúa chọn, giám mục là những người kế vị các thánh Tông Đồ, các Ngài cũng là những nhà giáo dục theo gương Đức Kito, là chủ chiên lành và thánh thiện sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, các Ngài có thể đảm nhận chức vụ giảng dậy, thánh hóa các thành phần dân Chúa theo lòng Chúa mong muốn.

Các Linh mục cũng được thông phần vào chức thánh này trong ngày lãnh nhận bí tích truyền chức, các Ngài là những người cộng tác đắc lực theo ý của giám mục trong việc thánh hóa, dậy dỗ và dẫn dắt đoàn chiên, chính vì lý do đó, ngày lễ hôm nay là ngày lễ đặc biệt của các Linh mục, những người đã được xức dầu để thông phần vào cương vị làm đầu của Chúa Kito, làm đầu không phải để ăn hiếp nhưng để phục vụ, để săn sóc phần hồn cho các tín hữu.

Anh em Linh mục thân mến ! Tình yêu và lòng thương xót Chúa chấp nhận các khuyết điểm của chúng ta, và Thiên Chúa cũng vì tình yêu mà chấp nhận những giới hạn của chúng ta, nhưng chắc chắn Chúa, và dân Chúa đều ước mong cho chúng ta mỗi ngày trở nên thánh thiện giống Chúa Giesu hơn, xứng tầm với cương vị của chúng ta là những ơn huệ thánh thiêng mà chúng ta cử hành, chính vì thế, trong thánh lễ này trước khi anh em lập lại lời hứa khi chịu chức Linh mục, anh em phải xác tín lại lần nữa ơn cao cả mà Chúa thương ban cho chúng ta cũng như trách nhiệm nặng nề mà chúng ta phải gánh vác, anh em hãy ý thức rõ ràng rằng làm Linh mục có nghĩa là làm Linh mục theo chân Đức Kito và với Đức Kito.

Theo chân Đức Kito, anh em không có một ngăn cản và bổn phận nào khác hơn là tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kito, anh em phải biết đón nhận điều Thiên Chúa tin yêu, để hết lòng gắn bó với sứ mạng Người trao phó, Thiên Chúa gọi những kẻ Người thương, và sẵn sàng ban ơn cho họ, chính vì thế anh em hãy tự nguyện phó thác cho quyền năng Thiên Chúa hướng dẫn anh em, và anh em hãy tự dâng những hoàn cảnh tốt nhất của mình để hoàn thành sứ mạng đó, anh em hãy bắt chước Thánh Tông đồ Phaolo nói nên niềm xác tín trong sứ mệnh tông đồ của mình “ Không ai có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kito, dù là gian truân, đói khát, hiểm nguy, hay gươm giáo “ Ngài luôn lúc nào coi sứ mệnh tông đồ là một ân huệ mà Thiên Chúa thương ban cho Ngài, vì chính sự tin tưởng tuyệt đối vào công việc ấy đã cho Ngài dấn bước theo Đức Kito trước bao sóng gió cuộc đời tông đồ.

Thế nên làm Linh mục với Đức Kito, có nghĩa là anh em không cô đơn trên đường sứ vụ nhưng được bảo đảm bằng chính sự hiện diện của Chúa Kito ở bên chúng ta, Ngài đã hứa điều đó với các tông đồ trước khi về với Chúa Cha “ Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế “ từ những lời thân thiện ấy sẽ khiến cho anh em an tâm, và đồng thời làm cho tâm hồn và cuộc sống của anh em thuộc trọn về Chúa, đến nỗi anh em có thể nói như Thánh Phaolo “ Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là chính Chúa Giesu sống trong tôi “. Đời sống trong sự kết hiệp với Đức Kito là nền tảng thánh hóa anh em và phát huy thành quả sứ vụ tông đồ của anh em.

Phần anh chị em giáo dân thân mến !

Ước gì anh chị em đừng dừng lại ở nơi khiếm khuyết của chúng tôi, nhưng hãy tin công việc thánh mà chúng tôi cử hành, anh chị em sẽ nhận lãnh được nhiều ơn ích từ đó và có sức mạnh của Chúa trong cuộc đời anh chị em, anh chị em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi chu toàn nhiệm vụ và anh chị em được hưởng nhờ.

Cuối cùng chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa thương nâng đỡ những anh chị em đang hiệp thông với chúng ta trong hy sinh, trong bệnh tật, trong già yếu, những đau khổ của họ chính là hy lễ đẹp lòng Chúa nhất, sự hiện diện dưới chân thập giá và kết hiệp mật thiết với đau khổ của Đức Kito.

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa nâng đỡ ủi an tăng sức cho họ được luôn xứng đáng với ân sủng thập giá mà họ được mời gọi lãnh nhận, xin tình yêu và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sức mạnh của việc xức dầu bệnh nhân cứu giúp họ trong mọi hoàn cảnh, để của lễ họ dâng lên tạo cơ hội đem lại nhiều hồng ân cứu độ cho mọi người.

Xin hồng ân Thánh Thần Chúa, Đấng ngự xuống trên Đức Kito, đã Thánh hóa giáo hội, bằng Dầu bí tích hướng dẫn tất cả mọi người chúng ta bước vào Tam Nhật Vượt Qua một cách sốt sáng.

Xin Người đổ tràn đầy sức sống mới cho toàn thể giáo phận chúng ta trong Mùa Phục Sinh này Amen

Sau lễ, nhiều người ghé thăm ngôi nhà trưng bày những “ Hiện vật cổ “ của nhà thờ Tân Triều.

Ông Phaolo Nguyễn Văn Xanh, Trưởng Ban Hành Giáo, Giáo Xứ Tân Triều cho biết: “ giáo dân trong xứ có khoảng 900 người, ở rải đều trong bốn xã, địa bàn rộng lớn. đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu là nghề nông, trồng bưởi, trồng bắp “.

Và quả thật ! xung quanh nhà thờ, hai bên đường lộ vào “ Hòn đảo Tân Triều “ tôi thấy một mầu xanh cây Bưởi.

Vâng ! 300 năm đức tin Tân Triều, nơi một thời có Tòa giám mục và chủng viện, nay mới được một Thánh Lễ Truyền Dầu, Tân Triều bắt đầu hồi sinh và phát triển.

 
Đàng Thánh Gía và Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu tại nhà thờ Phủ Cam Huế
Trương Trí
17:53 10/04/2009
HUẾ - Tối thứ sáu tuần thánh, linh mục Anrê Nguyễn Văn Chiến chủ sự lễ Tưởng niệm Cuộc thương khó của Chúa Kitô, cùng đồng tế có linh mục Phaolô Nguyễn Văn Chững, linh mục quản xứ Antôn Dương Quỳnh và hai linh mục phó xứ. Hai anh em linh mục Anrê và Phaolô là hai người con của giáo xứ Chính tòa từ Mỹ về thăm quê hương trong những ngày qua.

Không như những năm trước, hễ đến ngày thứ sáu Tuần Thánh là trời chuyển mưa. Năm nay thời tiết tạnh nắng nên bên trong cũng như bên ngoài nhà thờ đều kín chỗ. Mặc dù đông đúc nhưng buổi lễ luôn trang nghiêm và sốt sắng. Sau bài Thương khó tưởng niệm Cuộc khổ nạn, linh mục Phaolô Nguyễn Văn Chiến với cây thập giá trên tay đã có một bài giảng như một diễn giả hùng hồn minh chứng tình yêu thương bao la của Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả mọi sự để nhận lấy cái chết trên cây thập giá để cứu chuộc loài người. Có thể nói cả ngôi thánh đường rộng lớn đều im phắc để chú ý lắng nghe từng lời nói của ngài. Sau đó, các linh mục đồng tế đã suy tôn và hôn kính Thánh Giá.

Sau lễ tưởng niệm Cuộc thương khó của Chúa Giêsu là đi đàng Thánh Giá ngoài trời do linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thương, phó xứ giáo xứ Chính tòa vác Thánh Giá. Theo thứ tự chặng thứ nhất do Hội đồng Giáo xứ phụ trách, tiếp theo là Lễ Sinh, lớp Giáo lý và Gia trưởng, phòng Giáo lý, nhóm Monica và tôi tớ Đức Maria, Hướng đạo, các Ca đoàn, các Mẹ Anna, Hội Ái hữu hùng dũng, Chiến sĩ Chúa Kitô, Lêgio Maria, Hội Ái hữu Nghĩa binh Thánh Thể, Phan Sinh tại thế và chặng thứ mười bốn là Ban Chung sự hiếu đạo. Những chặng đường Thánh Giá thật sôt sắng và trật tự.

Sau khi đi đàng Thánh Giá, cộng đoàn lần lượt tiến vào nhà thờ hôn kính Thánh Giá và hôn chân Chúa Giêsu.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ông Tổng biên tập khổng lồ
Đào Hiếu (BBC)
01:06 10/04/2009
Khi tôi còn làm việc ở nhà xuất bản Trẻ có lần ra Hà Nội chơi, ở khách sạn. Bữa nọ, điện thoại reo, có giọng lảnh lót của cô sếp:

-Anh còn ở Hà Nội không? Em cũng đang ở Hà Nội. Ra xin "duyệt kế hoạch đề tài" nhưng gặp trục trặc ở Cục xuất bản. Hiện giờ chỉ có anh là người duy nhất giúp được em việc này thôi.

Tôi thấy lạ. Vì tôi chỉ là một biên tập viên quèn. Nàng là "phó giám đốc". Cỡ như nàng mà còn bó tay, sao tôi có thể giúp được?

Hẹn gặp ở quán cà phê, nàng nói:

-Em đem ra một danh sách dài, mấy trăm cái "tựa sách", nhưng có hơn một chục cái không ghi chú "nội dung" vì thế Cục bắt bổ sung mới chịu duyệt.

Đoạn văn trên đây người ngoài nghề đọc, có lẽ hơi khó hiểu. Vậy xin giải thích thêm:

Một bản thảo muốn được nhà xuất bản cấp giấy phép, phải được Cục xuất bản "duyệt kế hoạch đề tài". Kế hoạch đề tài thực ra chỉ là danh sách các "nhan đề sách" (ví dụ như Đợi em mùa lá rụng, Vĩnh biệt tuổi ô-mai, Phấn đấu theo gương anh Lê Văn Tám, Vụ án đêm giao thừa...). Đính kèm theo những nhan đề này là vài dòng tóm tắt nội dung bản thảo, ví dụ như "Vụ án đêm giao thừa" thì phải được ghi tóm tắt: "một tiểu thuyết hình sự ca ngợi chiến công của các chiến sĩ công an..." nhờ những dòng chữ ấy mà các quan chức trong Cục xuất bản "yên tâm" về phần nội dung tư tưởng của bản thảo, và có thể ký duyệt trong vòng 16 phút hàng trăm bản thảo mà họ chưa hề nhìn thấy bao giờ.

Các cán bộ trong ngành xuất bản như chúng tôi ai cũng rất buồn cười về chuyện duyệt kế hoạch đề tài kiểu ấy vì nó "hình thức" nó "chiếu lệ", nó quan liêu và nó giả dối. Có những bản thảo anh đọc đi đọc lại vài ba lần còn chưa hiểu rõ thâm ý của tác giả, sao anh có thể sẵn sàng bật đèn xanh cho một bản thảo chỉ vì vài dòng tóm tắt mơ hồ?

Các quan chức trong Cục cũng biết điều đó nhưng họ vẫn làm việc trong nhiều chục năm nay, vẫn có trụ sở, có phẩm hàm, có chức danh, có lương bổng, xe pháo mã đủ bộ.

Người trong ngành đều nói đó là một cơ quan thừa, một cái "cục" thừa, chẳng dùng được vào việc gì. Cái "cục" ấy cũng chẳng đem đi bón cây được. Rõ khổ!

Trở lại quán cà phê. Cô phó giám đốc năn nỉ tôi:

-Giúp em đi. Chuyện này em không thể nhờ người ngoài được. Họ sẽ chê cười, sẽ đồn đại, quê lắm!

Tôi bảo sếp đưa cho tôi cuốn sổ tay và một cây bút bi. Rồi bảo sếp ngồi đợi. Cấm cười. Tôi viết lia lịa. Tôi "phịa" ra mười hai cái nội dung của mười hai cái nhan đề bản thảo mà tôi không hề biết nó từ đâu đến? Của ai? Do tay đầu nậu nào bỏ vốn? Xong việc, coi đồng hồ đúng 31 phút.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là chính quyền Việt Nam coi nhẹ việc kiểm duyệt nội dung sách. Sở dĩ Cục xuất bản làm việc chiếu lệ như vậy là vì họ hiểu rằng việc kiểm duyệt (thường được gọi một cách âu yếm là "biên tập") bản thảo trước khi in đã được các nhà xuất bản thực hiện rất chặt chẽ. Đó là chưa kể tác giả phải tự kiểm duyệt trong lúc viết vì anh ta hiểu rằng nếu mình viết sơ xuất thì tác phẩm sẽ bị loại ngay từ vòng biên tập.

Trong quá trình biên tập, biên tập viên cũng phải tự nhắc mình: coi chừng để lọt lưới sẽ bị kiểm điểm, làm bản giải trình và phải đích thân đi giải trình cho cơ quan chủ quản, cho cục xuất bản, hoặc mất lao động tiên tiến (có nghĩa là mất tiền thưởng trong các dịp lễ Tết), nếu nặng hơn có thể phải ra tòa, bị đuổi việc. Trong suốt 25 năm làm cái nghề gác cổng cho Đảng tôi cũng đã bị kiểm điểm, bị giải trình, bầm dập nhiều lần.

Viết đến đây lại nhớ anh Huỳnh Bá Thành, cố tổng biên tập báo Công an TPHCM, một người bạn cũng ở trong phong trào sinh viên chống Mỹ ngày xưa.

Năm ấy thấy tôi sống vất vả quá, anh bảo tôi làm "ngoài giờ", phụ anh sửa bài. Có lần báo anh có một sơ xuất gì đó, anh bị thành ủy gọi lên nhắc nhở, khi trở về, anh nói oang oang trong cuộc họp (có tôi dự):

-Các anh chị biết tôi đã nói gì với thành ủy không? Tôi nói: Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!

Một người khác là nhà thơ châm biếm nổi tiếng, cũng là đảng viên, gốc sinh viên tranh đấu, từng là cán bộ có cỡ của một tờ báo lớn của TPHCM, bữa kia anh nhậu với tôi, kể:

-Có thằng nhà báo Pháp gặp tao, nó hỏi: "Việt Nam hiện nay có mấy tờ báo và tạp chí?" Tao đáp: "Có chừng 700." "Ô, thế thì báo chí Việt Nam thật là phong phú." Tao nói: "Coi vậy mà không phải vậy. Vì có 700 tờ báo nhưng chỉ có một ông tổng biên tập."

Thằng Tây nó cười gần chết.

Vậy có thể nói các Ban biên tập báo, nhà xuất bản chính là những "sát thủ" của những bài báo và những tác phẩm văn học "đi chệch lề bên phải" của Đảng không?

Câu trả lời là không.

Vì các nhà báo, các biên tập viên, thậm chí các ông tổng biên tập hay giám đốc nhà xuất bản cũng chỉ là những kẻ biết vâng lời cấp trên. Và theo cách nói của cố tổng biên tập báo công an Huỳnh Bá Thành thì họ cũng chỉ là những người "suốt đời nịnh Đảng" để giữ cái ghế của mình, giữ nồi cơm của mình mà thôi. Họ không có chọn lựa nào khác. Hoặc anh làm việc trong ngành báo chí xuất bản thì anh phải cầm cái kéo, cái đục để "cắt xén" "đục bỏ" "vứt sọt rác" những gì trái ý Đảng, hoặc anh không thích các ngành ấy thì anh nghỉ việc, đi làm chuyện khác.

Tôi cũng vậy thôi. Khi tôi làm cán bộ biên tập nhà xuất bản Trẻ tôi cũng cắt xén, đục bỏ như ai. Đôi khi nổi máu giang hồ cho lọt lưới vài quyển (như tập thơ của Nguyễn Quốc Chánh và năm ba cuốn gì đó không còn nhớ) thì cũng bị làm kiểm điểm, bị phê bình, làm giải trình gởi ra Cục xuất bản... không dưới một chục lần!

Ngay cả những vị tổng biên tập có quyền thế dường ấy nhưng thực chất cũng chỉ là những kẻ "sai vặt" của cái ông Tổng biên tập khổng lồ mà anh bạn nhà thơ, tôi vừa kể trên đây, đã từng khép nép gọi tên.
 
Bộc lộ lo sợ
Đan Tâm
21:25 10/04/2009
“Khoảng 16 giờ ngày 7-4, tại trường huấn luyện khu vực nước suối Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra một vụ tai nạn khi huấn luyện dân quân tự vệ làm một người bị đứt nguyên bàn tay.

Anh Lê Văn Thắng, cán bộ Chi nhánh Điện Phan Rí Cửa, trong khi thực hành môn ném thuốc nổ TNT đã để thuốc nổ trên tay làm đứt lìa bàn tay trái. Những gói thuốc nổ này do học viên tự tạo để thực hành, có cán bộ chuyên môn hướng dẫn và kiểm tra an toàn.

Đây là đợt huấn luyện tự vệ khối cơ quan hành chính sự nghiệp năm 2009 do Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong tổ chức”.

Thoạt tiên, đọc sơ qua bản tin thấy rất bình thường, thì cũng là một trong vô vàn vụ tai nạn trong lao động hay giao thông vẫn đăng nhan nhản trên mặt báo hàng ngày ấy mà. Nạn nhân bị mất một bàn tay trái vẫn còn may mắn, có những người còn mất cả hai bàn tay, mất hai chân, mất cả mảng da đầu, hoặc mất cả mạng sống vì tai nạn lao động.

Nhưng đọc kỹ hơn sẽ thấy rằng nạn nhân Lê Văn Thắng không phải là công nhân ở các cơ sở sản xuất, không phải công nhân vận hành, kỹ thuật điện mà là công chức ngồi bàn giấy (cơ quan hành chính sự nghiệp) và anh bị tai nạn cũng không phải trong lúc đang làm công việc chuyên môn của mình, mà là bị thương trong giờ làm việc vì được “huấn luyện tự vệ”.

RFI (Pháp quốc) ngày 9/4/2009 trích đăng nguồn tin của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) cho biết: Có hai người đàn ông tộc Duy Ngô Nhĩ đã bị xử bắn hôm 09/04/2009 tại Khách Thập thuộc tỉnh Tân Cương. Họ đã bị Toà án Khách Thập kết án tử hình về tội khủng bố vì “lao thẳng chiếc xe tải vào nhóm công an biên phòng khiến cho 17 người thiệt mạng” và “ném bom tự tạo vào lực lượng giữ gìn trật tự”. Với hai hành vi trên của hai người Duy Ngô Nhĩ chắc chắn ở bất cứ quốc gia nào cũng đều bị xử về tội khủng bố chớ không riêng gì Trung Quốc.

Tự vệ là chống lại sự tấn công trái pháp luật của ai đó nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản hợp pháp của mình hay của người khác. Người tự vệ có quyền chống đỡ sự tấn công một cách tương xứng, khống chế, bắt giữ kẻ phạm tội nhưng không được gây thiệt hại, nguy hiểm đến người xung quanh.

Ném bom tự tạo bằng thuốc nổ là hành vi tấn công bằng vũ khí nguy hiểm, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là sát thương nhiều người một lúc, hoặc phá hủy tài sản trong bán kính lớn, chớ không phải là hành động tự vệ.

Ai cũng biết rằng TNT là một loại thuốc nổ có sức công phá cực mạnh có tên trong danh mục vũ khí quân dụng, chỉ có quân đội mới được quyền sử dụng, người nào tàng trữ, sử dụng là phạm tội hình sự. Tại sao Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong “huấn luyện tự vệ” mà lại cung cấp thuốc nổ TNT và dạy cách làm bom tự tạo để ném cho cán bộ công chức cơ quan hành chính sự nghiệp?

Người am hiểu bộ máy quân đội và nhà nước Việt Nam đều hiểu rằng không phải Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong được tự ý làm cái việc cung cấp thuốc nổ, cử cán bộ quân đội dạy cho học viên làm bom tự tạo và kiểm tra an toàn, mà giáo án “vượt qua pháp luật” này đã có báo cáo và được sự đồng thuận của cấp trên Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong, ít nhất là Ban chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện, UBND tỉnh, Huyện ủy, Đảng ủy tỉnh Bình Thuận, nếu không thì làm gì Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong điều động được công chức hành chính sự nghiệp của nhà nước ra “huấn luyện” trong giờ làm việc? Còn các cơ quan nói trên có báo cáo lên “trên” đến cỡ nào nữa thì chưa biết.

Việc ngấm ngầm huấn luyện cho công chức bàn giấy tự tạo bom và tấn công khủng bố (ném thuốc nổ) cho thấy nhà cầm quyền CSVN đã bộc lộ sự lo sợ, rúng động trước tình hình ngày càng bị người dân ghét bỏ, và họ sẳn sàng điên cuồng làm bất cứ điều gì để bảo vệ quyền lực thống trị xã hội của mình. Lo sợ đến mức độ ngay cả lực lượng quân đội, công an đông nghịt trong tay, vũ khí trang bị tận răng (nhìn họ phô trương lực lượng trong hai lần xét xử giáo dân Thái Hà thì biết) mà cũng thấy chưa đủ, không thể tin tưởng được hai lực lượng này, đành phải cố công vơ vét thêm các anh hành chính “tay ngang” như nạn nhân Lê Văn Thắng.
 
Dự án beauxite
BBC
21:29 10/04/2009
Kết thúc Hội thảo về khai thác bauxite tại Tây Nguyên hôm thứ Năm 09/04, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải nói chủ trương khai thác bauxite và sản xuất alumina của Đảng và Chính phủ là "đúng đắn".

Ông cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai (Lâm Đồng) và tiến hành nghiên cứu bổ sung về tác động môi trường trong dự án Nhân Cơ (Đắk Nông).

Cả hai dự án này trên thực tế đều đã được triển khai.

Ông Hải đã chủ trì hội thảo một ngày ở Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu xã hội đóng vai trò phản biện cho các dự án bauxite gây tranh cãi tại khu vực Tây Nguyên.

Tuy nhiên cho tới sáng thứ Sáu 10/06, các báo Việt Nam không nói gì nhiều về sự kiện này.

Ông phó thủ tướng được VietnamNet trích lời nói tiềm năng bauxite của Việt Nam rất to lớn, nhưng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, không thể phát triển bằng mọi giá. Để phát triển thành công các dự án bauxite, cần có giải pháp quản lý, thực hiện chặt chẽ và hiệu quả và không để tiềm năng này biến Tây Nguyên thành đói nghèo".

Cũng vẫn VietnamNet đưa tin ông Hoàng Trung Hải cho hay Chính phủ sẽ điều chỉnh quy hoạch ngành bauxite và đánh giá lại hiệu quả kinh tế của các dự án.

Trước đó, trong phần tham luận, nhiều đại biểu đã khuyến cáo Chính phủ xem lại các khía cạnh kinh tế- xã hội - môi trường của các dự án được cho là nằm trong "chủ trương lớn" của Đảng và Nhà nước.

Một số chuyên gia cũng kiến nghị chỉ nên thực hiện thí điểm dự án Tân Rai.

Có ý kiến cũng đề cập tới vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên là nơi triển khai các dự án.

Thư Tướng Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng được trao trách nhiệm chỉ đạo chương trình khảo sát khai thác bauxite Tây Nguyên trong khuôn khổ hợp tác với khối COMECON của các nước xã hội chủ nghĩa những năm 1980, đã gửi điện tới cuộc hội thảo hôm thứ Năm.

Ông Giáp một lần nữa can ngăn "không nên khai thác" bauxite vì "đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng".

Đại tướng cho đây là "vấn đề cực kỳ hệ trọng" và hồi đầu năm đã gửi thư khuyến cáo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng triển khai các dự án bauxite.

Ông cũng cho biết bức thư gửi ngày 05/01 "chưa được trả lời".

Chủ đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, địa bàn được coi là vị trí chiến lược, "nóc nhà Đông Dương", gần đây đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận người Việt trong và ngoài nước.

Quy hoạch bauxite Tây Nguyên

Các chi tiết về quy hoạch bauxite Việt Nam 2007-2015, được Thủ tướng phê duyệt từ ngày 01/11/2007, cũng đã được công bố.

Quy hoạch này chia làm ba giai đoạn: 2007-2010; 2011-2015 và tầm nhìn tới 2025.

Theo đó, trong giai đoạn trước 2010, Việt Nam tập trung khai thác quặng, sản xuất alumina xuất khẩu và sản xuất hydroxide nhôm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong giai đoạn này, Việt Nam dự kiến triển khai ba dự án alumina ở Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và dự án hydroxide nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Hai dự án Tân Rai và Đắk Nông thực tế đã được triển khai và đã đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo quy hoạch, hai dự án này tổng cộng có 13 mỏ bauxite với diện tích thăm dò hơn 1.811 km vuông với tổng chi phí thăm dò dự kiến hơn 590 tỷ đồng.

Mỗi dự án có công suất dự kiến khoảng 600.000 tấn alumina/năm.

Dự án Tân Rai do nhà thầu Trung Quốc Chalieco, công ty con của tập đoàn khổng lồ Chalco, làm thầu PCE trọn gói.

Nay quy hoạch tổng thể ngành bauxite có thể sẽ được điều chỉnh dựa trên các dự báo kinh tế cập nhật và nghiên cứu tác động môi trường.
 
TV, Đài, Báo bị tẩy chay ở Việt Nam
Yêu Sự Thật
21:32 10/04/2009
Sau khi đọc bài “truy cập internet tăng, xem TV giảm” của báo điện tử (dantri.com.vn, tác giả Lan Hương đăng 06/04/2009). Tôi thấy tác giả đã có những nhận định rất đúng nhưng chưa đủ. “Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông số. Với con số hơn 21 triệu người sử dụng như hiện nay, sẽ có thêm nhiều người Việt Nam lên mạng để liên lạc với gia đình và bạn bè, giải trí, và tìm hiểu thông tin khi internet trở nên ngày càng dễ tiếp cận trên khắp đất nước”, (dantri.com.vn).

Cách đây chỉ một năm về trước tôi vẫn coi TV, đài tiếng nói VN, báo chí. Đối với tôi lúc ấy, đó là những phương tiện thông tin hữu dụng nhất, vừa tìm kiếm thông tin dễ dàng, ngồi ở nhà có thể biết hết mọi chuyện xẩy ra trên thế giới, vừa là phương tiện để giải trí. Nhưng tôi cảm thấy nghi ngờ từ khi xẩy ra vụ cán bộ nhà nước cộng sản cướp đất của nhà thờ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ của Tòa Gíam Mục Hà Nội để chia chác.

Hóa ra sau khi bị phát giác, bị tố cáo nhiều lần, không nuốt trôi, họ đã cướp để làm vườn hoa. Mọi người lương, giáo ai đã đến Hà Nội thì đều biết đó là chuyện có thật 100%. Thế mà các đài truyền thanh, truyền hình và báo chí của đảng, của nhà nước đều tuyên truyền, đưa tin bịa đặt, cắt xén bóp méo lời nói, vu cáo Đức Cha Ngô Quang Kiệt, các linh mục DCCT và giáo dân công giáo là: “vi phạm pháp luật”. Chưa xét xử mà các đài báo vẫn nói là “vi phạm pháp luật”. Ngày nào các đài, báo cũng rêu rao, nói xấu hàng giáo sĩ và giáo dân Công giáo.

Nhiều người không kìm hãm được nỗi bức xúc, đã đập cả tivi, radio thì quăng vào sọt rác, không thèm xem cũng chẳng thèm nghe. Nhiều người không đến nỗi phải đập tivi nhưng chẳng thèm xem. Vì tivi, radio, báo chí của nhà nước đưa tin hoàn toàn không đúng với sự thật. Cho đến khi nhà nước CS mở phiên toà sơ thẩm ngày 8.12.2008 xét xử 8 giáo dân Thái Hà, rõ ràng họ đã không có tội, không nhận tội, thế mà các đài báo của nhà nước đưa tin là: “cúi đầu nhận tội”. Ngay lập tức bị cáo đã đồng loạt đưa đơn kiện các đài báo của đảng đưa tin sai sự thật và làm đơn kháng cáo buộc chính quyền Hà Nội phải mở phiên toà phúc thẩm ngày 27.3.2009, không có lý do gì để buộc tội, phiên toà phúc thẩm đã giữ nguyên bản án mà toà sơ thẩm đã đưa ra, các đài báo lại được phen nịnh hót: “đây là chính sách khoan hồng của nhà nước”.

Đó chỉ là chuyện mấy miếng đất nhỏ nhoi, xét xử mấy người dân chân yếu tay mềm, mà còn đưa những thông tin bịa đặt, cắt xén, vu khống, bôi nhọ, nói xấu, lên án, huống chi những chuyện lớn lao hơn và bao nhiêu chuyện khác xẩy ra hàng ngày, chuyện gì có lợi cho cán bộ thì nói hay, chuyện gì không có lợi cho cán bộ thì không nói hoặc có nói thì cắt xén, bóp méo để xu nịnh cấp trên, vậy làm sao mà tin được. Có người nói: “từ khi biết TV, đài báo là công cụ tuyên truyền của đảng và nhà nước chỉ đưa thông tin một chiều, họ sẵn sàng chê bai, nói xấu, bịa đặt, vu cáo những ai không cùng quan điểm sai trái với đảng, với chính quyền. Gia đình tôi không xem TV, không nghe đài tiếng nói VN, không đọc báo, không mất thêm khoản chi cho việc mua báo hàng ngày. Chúng tôi tìm kiếm các nguồn thông tin trên những trang web có uy tín, những trang web dám nói lên sự thật để bênh vực cho công lý, đưa những thông tin hai chiều để người dân còn biết mà phân định phải trái”.

Truy cập Internet tăng, xem TV giảm không chỉ là lên mạng để liên lạc với gia đình bạn bè, để giải trí và tìm kiếm thông tin. Nó còn một lý do hết sức quan trọng đó là vì TV, đài tiếng nói VN, báo chí nhà nước không nói lên tiếng nói của sự thật, mà luôn xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bóp méo sự thật, làm cho người dân không còn tin vào đảng, vào chính quyền, vào các phương tiện truyền thông của đảng và nhà nước. Nhiều người đã tẩy bỏ các phương tiện truyền thông của nhà nước ra khỏi đời sống của họ.
 
Văn Hóa
Đêm Hòa Giải
Phêrô Phạm Bắc Hải
16:57 10/04/2009
Đêm Hòa Giải

Qùy thinh lặng tìm nguồn ơn Dấu Thánh,
Hồn vươn cao trí diễn suốt đường trần,
Đời bao phen vấp ngã bước lụy thân,
Từ thơ ấu và nay con đang sống.
Mang thể xác… hồn đây nào xứng đáng,
Đã ngập tràn hoang lạc tuổi thanh xuân,
Chúa thương tình chấp nhận đón thi ân,
Bằng giá máu, ôi tình Cha nhân ái.
Con thầm ngước trông thập hình đẫm máu,
Lẽn hồn vào Nhà Tạm Chúa cô liêu…
Lửa Tình Yêu Chúa thiêu xác tiêu điều !
Ban sức sống Hồng Ân nguồn Thánh Đức.
Dòng châu ngọc tự lòng riêng kính tiến,
Suối ân tình máu rữa sạch tội khiên,
Phút giao hòa lệ cùng máu kết liên,
Hồn ngây ngất gục đầu bên gối Chúa.
Như buổi ấy… dựng con là hoa cỏ,
Sắc quyện hương dâng Chúa thưở tươi mầu,
Chẳng vương tì tội lỗi phận bể dâu,
Làm Thánh Thể hy sinh thân hiến tế.
Nhưng Ơn Chúa xiết bao nguồn cảm mến,
Biết rỏ con Ngài vẫn tỏ chân tình,
Đặt hình hài sống trọn kiếp nhân sinh,
Cho Thần Khí thổi chan hòa trời đất.
Được thụ hưởng công trình Cha sáng tạo,
Niềm tự do khám phá cảnh địa đàng,
Giử hồn con ấm mãi mối tình thiêng,
Thông trí hiểu vì sao Tình Thiên Chúa ?
Hồn thống hối lệ trào bên Nhan Thánh,
Đốt tim hồng rực lửa Mến Cậy Tin,
Chúa cho con ơn tái tạo huyền linh,
Đưa trọn bước đường về Cha Chí Thánh.
Rồi ngày đó… con về nơi Chính Cửa,
Dẫn con vào hôn nhẹ cánh tay Cha,
Cùng vũ trụ tấu hòa khúc hoan ca,
Con sống mãi bên vòng tay che chở.
Bơi thỏa chí trong suối hồng Máu Thánh,
Thả hồn bay kết hiệp ở bên Người,
Cảm tạ, cảm tạ Nguồn Suối Thánh,
Nâng hồn lên Chúa bến tựa nương.


Tình Tuyệt Đối

Tình nồng nhuộm thắm đỉnh đồi Gôn,
Tuyệt đối hy sinh thập giá nguồn.
Chói rạng nhân gian: Chân Thiện Mỹ,
Soi đời tội lỗi… máu hồng tuôn.
Gương Người chính trực lòng tha thứ,
Hiến lễ treo Thân bóng lặng buông.
Nhắc nhở nhân trần: Tin Cậy Mến,
Tâm hồn phó thác vững tin luôn.


Maria

Maria áng Mẹ tuyệt tinh tuyền,
Rực rở bầu trời cõi thượng nguyên.
Lấp lánh ngôi sao đơm sắc mão,
Lung linh tinh tú kết bào nguyên.
Tơ lòng vẹn sạch dâng Thiên Chúa,
Chẳng vướng tì nhơ vết tội truyền.
Phó thác nương Thân trong bóng Mẹ,
Giơ tay trợ giúp dẫn đưa thuyền.
 
Nước mắt bên cây thập tự!
Đặng Xuân Hường
17:07 10/04/2009
Nước mắt bên cây thập tự!

Buổi chiều hôm ấy, hồn nhỏ thơ thẩn lang thang đi xa mãi! Con đường đầy hoa lá xôn xao, nó mời gọi hồn nhỏ đi xa nữa vào cõi mộng mơ. Bước chân trên đường, lòng cố gắng lãng tránh những lôi cuốn phù phiếm, nhưng dù đã cố gắng đến mấy hồn nhỏ vẫn hướng về con đường đang vang lên âm thanh ngọt ngào có hương hoa quyến rũ!

Khi hồn nhỏ sắp sửa bước qua ngưỡng cửa phiêu bồng thì tự nhiên bước chân rơi hẫng xuống! Hồn nhỏ đã đặt bàn chân lên một dấu chân trên con đường rất lạ lùng, nó lún sâu xuống như biểu lộ một cái gì đó rất mạnh mẽ, nhưng cũng rất đau khổ, nghèo hèn. Điều khó hiểu là dấu vết bàn chân trần trụi đó lại có vẻ rất vừa vặn với giày dép mình đang mang.

Không chỉ có một dấu chân mà còn nhiều vết khác tiếp nối nữa. Hồn nhỏ có một cảm giác kỳ diệu vừa muốn bước đi nương theo những dấu chân vừa muốn để yên cho lòng mình như được an nghỉ trên dấu chân đó. Một sự thôi thúc vô hình đẩy hồn nhỏ dẫm lên những bước chân và cứ thế đi mãi. Càng bước đi càng thấy nhẹ nhàng thoải mái. Nhìn những dấu chân in hằn trên đất, hồn nhỏ cảm thấy như gần gũi như có một sợi dây thiêng liêng ràng buộc, ẩn hiện đâu đó một sự âu yếm thân thương thật tuyệt vời làm hồn nhỏ không thể tách rời ra khỏi những dấu chân.

Có lúc những dấu chân hình như khác thường giữa khoảng cách, có lúc trượt đi như bị lôi kéo…một cảm giác đau xót dâng lên, hồn nhỏ như cảm nhận được sự không thoải mái của những dấu chân. Con đường thật dài, lên dốc, nhưng không mỏi mệt. Hồn nhỏ như đồng cảm với “ai đó” qua những dấu chân, sự tha thiết với bước đi làm hồn nhỏ quên hết tất cả những gì chung quanh, chỉ còn có dấu vết bàn chân trên đường như một người bạn đồng hành. Người bạn vô hình nhưng lại rất hiển hiện qua dấu chân, tất cả cảm tình của người bạn đồng hành cũng biểu lộ trên những dấu chân đó.

Hồn nhỏ vừa ca hát vừa say sưa bước đi và cứ bước đi không ngưng nghỉ!

Cho đến khi hồn nhỏ đặt bàn chân vào dấu chân cuối cùng mới giật mình! Trước mặt là một cây giá gỗ màu xám xịt, có vẻ tang thương! Hồn nhỏ ngẩn ngơ! Sao lại thế này?

Không nghĩ rằng người bạn đồng hành bỏ rơi mình, vì cảm giác gần gũi thân yêu như đang quyện chặt trong hồn nhỏ.

Nhìn cây giá gỗ, thấy những vệt máu chảy dài từ trên xuống theo thân gỗ, hồn nhỏ ngước lên, một khuôn mặt đẫm máu với đôi mắt tha thiết đầy cảm tính, rồi đôi môi mấp máy:

-“Ta yêu con!”

Hồn nhỏ sung sướng! Người yêu tôi đây rồi! Những dấu chân thân thương và đôi mắt trìu mến đã chứng minh cho tình cảm của người đã yêu tôi, đã dẫn tôi tới nơi này, còn nỗi niềm nào hơn! Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi! Mở mắt thật lớn, hồn nhỏ thấy người yêu mình đang giãy chết, đang trong cơn hấp hối, ai đó đã đóng đinh tay chân người vào cây giá gỗ, ai đó đã đánh đập tàn nhẫn người đến nỗi thân hình đầy những vết bầm dập!

Hồn nhỏ run rẩy! Làm thế nào để cứu người ra khỏi chỗ này. Hồn nhỏ yếu đuối quá, làm sao đây? Ngước nhìn lên, mồ hôi trên trán người ướt đẫm hoà lẫn với máu, ánh mắt người như van xin, như cầu khẩn hãy làm mọi cách đem người xuống! Thương cảm quá, hồn nhỏ gục đầu ôm chân giá gỗ khóc nức nở!

Những giọt mồ hôi lẫn máu từ thân thể người rơi xuống trên lưng hồn nhỏ làm mọc lên một đôi cánh, như cảm nhận một sức mạnh nào đó thúc đẩy tìm cách phải cứu người. Hồn nhỏ đứng bật dậy, thấy người hơi thở thoi thóp, run run nở một nụ cười trong đau đớn:

-“Hãy đi! Ta yêu con!”

Hồn nhỏ vội vã bay đi! Với đôi cánh niềm tin, một sức mạnh thiêng liêng không bờ bến, hồn nhỏ bay đến khắp mọi miền trên thế gian, những mong sẽ tìm được nhiều sự quan tâm giúp đỡ để cứu người khỏi chết!

Tới một thành phố lớn, hồn nhỏ gặp những người giàu có, họ đang hưởng thụ những gì thoải mái nhất do tiền bạc đem đến. Họ chỉ nghĩ đến hiện tại, cái sung sướng vật chất mà họ đang đụng chạm được. Họ chẳng nghĩ gì đến tâm linh, đến những giá trị thiêng liêng của linh hồn con người hay nghĩ đến một người đang hấp hối trên giá gỗ! Một thanh niên trông giàu có trí thức, đứng tần ngần trước cửa một ngôi giáo đường, nhưng rồi anh ta đã bỏ đi! Có lẽ anh ta tiếc chút thì giờ! Không thể mong gì nơi những người này!

Hồn nhỏ bay tới một nơi khác, ở đây bom đạn đang thi nhau nổ vang rền! Người ta đang ra sức chế tạo những thứ giết người cho mau chóng. Người ta dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng, ngay cả dùng mạng sống mình để giết người khác! Họ làm bất cứ điều gì để gây chiến tranh, trong chiến tranh và thủ lợi. Họ còn nhân danh Thượng Đế để làm chuyện đó nữa! Họ tạo ra sự sợ hãi kinh hoảng chết chóc cho người khác và cho chính họ! Cũng không mong được giúp đỡ gì nơi những người này!

Hồn nhỏ bay đi tới một chỗ có rất nhiều ngôi nhà đẹp mắt, tụ họp người đông đảo tấp nập, nhưng ai nấy đều đang mải mê cuộc đỏ đen, họ đang vận dụng tất cả mọi mánh khoé để hy vọng thắng cuộc, ôm về những khoản tiền lớn. Đàng sau đám người mê mải đó, lại còn có những người bán, người mua vui qua thân xác, tìm đến những thứ kích động mạnh mẽ hơn để được những cảm giác chóng qua. Ở chỗ này chẳng mấy ai nghĩ đến người khác! Họ còn bán buôn cả con người để làm nô lệ! Hồn nhỏ chợt thấy cha con ông Lót đang vội vã chạy trên đường vắng dẫn ra ngoại ô, có lẽ họ sợ một cơn hậu hoạ nào đó chăng? Hồn nhỏ cũng vội vàng rời khỏi chỗ này!

Hồn nhỏ ra đi lại gặp một cảnh tượng thật xót xa, những cha mẹ không là những cặp vợ chồng bình thường, họ đều cùng là đàn ông, hay cùng là đàn bà, làm sao lại gọi họ là “cha mẹ” được! Trông họ chẳng có chút gì là mạnh khoẻ, họ dẫn những đứa con mang triệu chứng của mù loà bệnh hoạn đi trên những con đường đầy cạm bẫy, đầy những thứ rác rưởi tanh hôi. Bên vệ đường, Salomon và đám thê thiếp đang quỳ than khóc cho số phận! Họ cũng chẳng ngó ngàng gì vẫn vô tình đi qua! Hồn nhỏ thấy họ đang đi đến con ngõ cụt của cuộc sống, vậy mà đoàn người tiếp nối càng lúc càng đông đảo. Cũng có những người khác tìm cách giúp họ rời khỏi nơi đó, nhưng họ không muốn!

Đến một nơi khác, hồn nhỏ thấy những con bò đúc bằng vàng, bằng đồng, bằng bạch kim, bằng sành sứ… rất nhiều người đang thờ lạy những con bò đó. Họ tưởng đó là Thượng Đế thần linh của họ! Hồn nhỏ thắc mắc tại sao họ lại có thể ngây thơ như thế, Thượng Đế sáng tạo ra con người chứ sao lại có chuyện con người nhào nặn ra Thượng Đế! Hồn nhỏ thấy ông Maisen đang buồn rầu ôm hai cái Bia đá đứng bên dốc núi ngẩn ngơ nhìn đám người cuồng tín cúng tế bầy bò! Dưới chân ông, một cặp Bia đá khác đã vỡ tan tành!

Qua một khu phố nhộn nhịp, nơi mấy toà nhà cao lớn, có rất nhiều người đi lại, hồn nhỏ thoảng nghe những tiếng trẻ thơ khóc, tiếng khóc mang vẻ oằn oại oán than! Hồn nhỏ chợt cảm thấy rùng mình khi nhận ra tiếng khóc phát xuất từ nơi những thùng rác trong toà nhà. Có rất nhiều con quỉ không có đuôi mặc áo trắng đang hành hình những thai nhi chưa lọt lòng mẹ! Đau đớn thay, chính những bà mẹ mang con mình tới đây để giết nó! Bên kia đường là ngôi nhà thờ bé nhỏ, có trang trí một cái hang đá, trong hang đá có hình tượng của một hài nhi vừa sinh ra nằm trong máng cỏ, người cha và người mẹ phúc hậu quỳ bên hài nhi săn sóc cho con mình. Hồn nhỏ nghĩ đến người đang bị treo trên giá gỗ, người đó cũng với ánh mắt tha thiết của người cha nhân hiền, đã nói lên một điều với hồn nhỏ mà đáng lẽ những bà mẹ thay vì mang con đến toà nhà đó phải nói với con mình“Mẹ yêu con!”

Lòng thất vọng vì tất cả những cảnh tượng vừa trải qua. Chẳng tìm thấy được bao nhiêu người sẵn sàng giúp đem người thoát khỏi cảnh treo trên giá gỗ! Chẳng tìm thấy ở đâu có một tình cảm sâu xa, bao la như tình của người đang treo trên giá gỗ! Hồn nhỏ vội vàng quay gót trở về với người vì muốn được nghe lại lời lời nói âu yếm yêu thương quý giá đó, “Ta yêu con!”

Khi trở về bên giá gỗ, hồn nhỏ bàng hoàng, người đã chết! Chẳng những không tìm được sự trợ giúp nào để cứu người cả, mà những gì đang xảy ra có lẽ làm cho người càng đau đớn hơn! Hồn nhỏ ôm chân giá gỗ khóc thương cho sự cô đơn buồn thảm của người. Một ai đó chẳng thương tình người đã không còn sống nữa vẫn đâm mũi giáo vào bên sườn. Máu và nước chảy xuống ướt cả lưng hồn nhỏ!

Nhưng bỗng nhiên, từ những giọt nước và máu từ cạnh sườn người rơi xuống thấm vào lòng đất, những cây lúa miến mọc lên đơm bông một cách nhanh chóng! Hồn nhỏ ngẩng lên, trên giá gỗ trống không!

Lần theo những dấu chân cũ trở về! Không còn những giọt nước mắt thương đau nữa! Lòng thơ thới hân hoan! Lời nói “Ta yêu con” cứ vang mãi trong những bước chân nhịp nhàng đầy hy vọng. Hai bên đường những cánh đồng lúa chín vàng, mùa gặt đến! Hồn nhỏ với tâm tình yêu mến người chết trên giá gỗ, đã hòa nhập với dòng người lên đường gặt hái những vụ mùa trên đồng lúa bao la!
 
Khoảng cách- cuộc chết và sự sống lại
Hiền Thạch
17:43 10/04/2009
KHOẢNG CÁCH - CUỘC CHẾT VÀ SỰ SỐNG LẠI

Khoảng cách hai độ cao
khó xử và nan giải
Khoảng cách hai đoạn dài
Dễ điều chỉnh dung sai

Khoảng cách giữa đêm ngày
Đã có ánh mặt trời
Khoảng cách giữa nụ cười
Phải chăng giọt lệ rơi ?!

Khoảng cách của ngày mai
Được tính bằng quá khứ
Khoảng cách của lịch sử
Phải tính từ hôm nay

Còn khoảng-cách-con-người ?!
Biết lấy gì tính đây
Lật sấp ngữa bàn tay
Đo lui rồi nhẫm tới
Bàn tay không trả lời

Đành lặng lẽ quỳ gối
Trí hồn vọng trời cao
Và đã gặp lời giải
Giữa cuộc trần xôn xao
Khoảng cách người với người
Ẩn tàn trong cuộc chết:
Của giai cấp phân biệt
Của vực thẳm sân si
Của chế độ "độc trị"
Chà đập cả lương tri

Chỉ cuộc-chết-từ-bi
Từ Giêsu-thập-giá
Đảo lộn mọi nghĩ suy
Của loài người lâm lụy:

Một cuộc chết trao đổi
Từ Giêsu vô tội
Thành suối nguồn cứu rỗi
Hôm qua và ngày mai

Nhờ Ngài đã sống lại
Giữa chúng ta lâu nay
Và Ngài đang sống mãi
Đến cùng tận đời đời
Cho chúng ta vui sống
Trong TIN YÊU rạng ngời. Amen
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Lửa Thập Giá
Lm. Tâm Duy
06:16 10/04/2009

LỬA THẬP GIÁ



Ảnh của Lm. Tâm Duy

“..Mãi đến giờ thứ chín. Mặt Trời ngưng chiếu sáng.

Bức màn trướng trong đền thờ bị xé ngay chính giữa…

…và Người đã tắt thở!”

(Mt 45,46)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền