Ngày 10-04-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/04: Vinh dự được loan báo Tin Mừng Phục Sinh – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:57 10/04/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:35 10/04/2023

33. Đức Mẹ yêu mến chúng ta vượt qua sự yêu mến của tất cả các thiên thần và các thánh hợp lại dành cho chúng ta.

(Thánh Nilus de Elder)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:38 10/04/2023
20. HƯỞNG LỢI THÍCH KHOÁC LÁC

Cầu Âm và Hưởng Lợi đang học việc trong một tiệm nhỏ. Một hôm chúng nó đi qua một vườn rau. Cầu Âm nói:

- “Bạn xem nè, cây cải bắp này rất lớn và rất đẹp.”

Hưởng Lợi là đứa trẻ thích nói khoác, nó nói:

- “Có gì mà tốt chứ, hồi trước tớ đi du lịch ở ngoại quốc có một cây bắp cải lớn hơn cái vườn này.”

Cầu Âm là một thợ rèn, nó nói:

- “Vậy thì nhất định rất đáng coi, nhưng tớ còn nhớ có một lần tớ có giúp người ta làm một cái thùng bằng đồng lớn hơn cái nhà thờ.”

Hưởng lớn la lớn:

- “Trời ạ, cái thừng lớn như thế dùng để làm gì?”

Cầu Âm trả lời:

- “Dùng để nấu cây cải bắp của bạn đó.”

Hưởng Lợi nghe xong thì rất là mắc cở, nó nói:

- “Tớ hiểu rõ ý của bạn, bạn thường nói với tớ những lời chân thật, cho nên khi bạn dùng lời lẽ này để nói thì tớ liền biết ý của bạn, bạn muốn tôi tốt hơn, muốn tôi thay đổi thói quen xấu là thích nói khoác và nói dối ấy.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 20:

Nói khoác là chứng tỏ một tâm hồn trống rỗng, là người không biết đầu tư cho mình những tư tưởng và suy nghĩ tốt, người thích nói khoác thì thường là những người thích chỉ tay năm ngón thích ăn trên ngồi trước.

Trái ngược lại với người khoác lác là người sống nội tâm, những người này thường luôn nói bằng hành động, và tâm hồn họ thì đầy những tư duy tích cực có ích cho mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Luôn muốn nhiều hơn
Lm Minh Anh
14:35 10/04/2023
LUÔN MUỐN NHIỀU HƠN

“Đừng động đến Ta!”.

Alexander MacLaren, nhà chú giải Thánh Kinh lỗi lạc Scotland, có lần viết, “Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tuỳ thích! Chúa Kitô trao chìa khoá kho tàng vào tay bạn, bạn có thể lấy tất cả những gì bạn muốn. Nếu một người được vào kho vàng thỏi của ngân hàng, được phép lấy bao nhiêu tuỳ ý; nhưng anh ấy chỉ lấy một xu, thì lỗi tại ai mà anh ta nghèo? Hãy muốn thật nhiều! Và đừng quên, Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”. Đó cũng là những gì Ngài muốn cho Maria trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho Maria như một người làm vườn, cô muốn ôm chân Ngài; nhưng Ngài nói, “Đừng động đến Ta!”. Tại sao? Chỉ vì Ngài muốn Maria thay đổi cách nhìn, cách ứng xử với Ngài một cách hoàn toàn khác! Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là sự hiện diện của cô dưới chân thập giá; phải chăng, do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô! Mặc dù sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu rất đẹp đẽ và thánh thiện, tuy chưa hoàn thiện, Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn. Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói, “Đừng động đến Ta!”.

Khi nói, “Đừng động đến Ta!”, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, ‘Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn. Nó không còn ở cấp độ con người! Ta sẽ không chỉ là bạn đồng hành của con; Ta ‘luôn muốn nhiều hơn!’. Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn” và Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta. Ta sẽ ngự trong trái tim con, nên một với con, và trở thành Đức Lang Quân của con cho đến đời đời!’. Đây là ‘một cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất’, ‘một hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa’, ‘một tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với tội nhân’ mà ai ai cũng được mời gọi đến chia sẻ. Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên’; và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên dương thế!

“Đừng động đến Ta!”. Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta đọc lại những lời này với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được động đến’ hơn bao giờ hết! Ngài muốn chúng ta ôm chặt Ngài với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha! Giờ đây, Ngài mời chúng ta dính trết với Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân. Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở của mình; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người chúng ta để biến đổi từng người theo cách thức riêng của Ngài. Maria Mađalêna đang tận hưởng vĩnh viễn hạnh phúc này; và quà tặng này cũng đang được trao cho mỗi chúng ta ngay hôm nay chứ không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Đừng động đến Ta!”. Chúa Phục Sinh ‘luôn muốn nhiều hơn’, Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi”, đừng nhặt “mấy đồng cắc”. Ngài muốn bạn và tôi yêu Ngài hơn từng ngày, tha thiết hơn từng giờ; bởi lẽ, với tình yêu, không bao giờ đủ! Từ đó, chúng ta sống cho Ngài từng giây, từng phút. Ngài không chỉ ‘luôn muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cả những tội lỗi cùng những gì hơi hướng thế tục nơi mỗi người. Đó là tất cả những gì Chúa Phục Sinh đang chờ, và đang muốn nhất nơi bạn và tôi. Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá. Phải, cả những thập giá! Thú vị thay, đôi khi, thập giá đó là chính sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và cả tội lỗi của bạn và tôi nữa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, cho con biết yêu mến Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ, để thoả lòng mong mỏi của Đấng ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho con từng giây!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ước Mong Niềm Vui Phục Sinh Sẽ Phá Tan Đi Mọi Tăm Tối Chiến Tranh
Thanh Quảng sdb
01:21 10/04/2023
Ước Mong Niềm Vui Phục Sinh Sẽ Phá Tan Đi Mọi Tăm Tối Chiến Tranh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thinh lặng đôi giây phút sau khi Tin Mừng bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp được công bố và sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các Kitô hữu cảm nghiệm được niềm vui của lễ Phục sinh và mở lòng cho sức sống phục sinh của Chúa trở thành “ánh sáng soi vào bóng tối và sự u ám mà thế giới của chúng ta đang bị trùm phủ!”

“Trong Chúa Giêsu, nhân loại đã trải qua một chặng đường mang tính quyết định: vượt qua sự chết đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sợ hãi đến tự tin, từ cô đơn đến hiệp thông,” Đức Thánh Cha nói hôm 9 tháng 4 sau khi cử hành Thánh lễ sáng Phục sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong thông điệp Phục sinh của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho cuộc chiến ở Ukraine được chấm dứt và nhớ đến các Kitô hữu cử hành Lễ Phục sinh “trong những hoàn cảnh đặc biệt,” đặc biệt ĐTC nhớ đến Nicaragua, nơi chính phủ áp đặt các hạn chế đối với các Thánh lễ công cộng, đã trục xuất hàng chục linh mục và bắt tù Giám mục Rolando Álvarez de Matagalpa.

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không giảng lễ trong Thánh lễ buổi sáng mà cúi đầu và suy niệm vài phút trong thinh lặng sau khi lắng nghe Tin Mừng, được công bố bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp.

Đánh dấu năm thứ 38, Hà Lan cung cấp hoa Phục sinh cho Quảng trường Thánh Phêrô; những người trồng hoa Hà Lan đã gửi 38.000 củ hoa Tulip đang nở rộ, hoa Thuỷ tiên vàng và Dạ lý hương về Vatican. Món quà hoa, được các công nhân Hà Lan và Vatican sắp xếp tại quảng trường, cũng có 6.000 bông hồng Avalanche, cũng như hàng trăm bông Hồng, Hoa Ivy và hoa Cúc. Hoa Đỗ quyên, dây leo xuân tươi và Celosia đã tạo thành khu vườn Phục sinh tuyết đẹp trên những ban công tiến vào Đền thờ và các khu vực xung quanh bàn thờ và ban công của đền thờ.

Khoảng 45.000 người đã có mặt tại quảng trường để tham dự Thánh lễ sáng Chúa nhật và giờ kinh trưa qui tụ cả 100.000 người trong và ngoài quảng trường để nghe thông điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha và nhận phép lành "urbi et orbi" (cho thành phố và thế giới).

Đức Hồng Y Hoa Kỳ James M. Harvey, tổng quản Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành Rôma, đã đứng bên cạnh Đức Thánh Cha Phanxicô trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để ban phép lành, công bố một ơn toàn xá dành cho mọi người hiện diện, nghe đài hoặc hiệp thông qua các trang mạng hoặc đài phát thanh truyền hình hoặc "các phương tiện truyền thông khác."

ĐTC cầu chúc mọi người một lễ Phục sinh vui vẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện rằng ngày này sẽ đánh dấu “một bước chuyển từ đau khổ sang an ủi” cho tất cả mọi người, đặc biệt là “những người bệnh tật và nghèo đói, người già và những người đang trải qua những giây phút thử thách và mệt mỏi”.

“Chúng ta không quên cầu xin Chúa Giêsu, Đấng hằng sống, ở với chúng ta mãi mãi”. “Giáo hội và thế giới, hãy vui mừng, vì hôm nay hy vọng của chúng ta không còn dựa vào bức tường tử thần nữa, vì Chúa đã xây cho chúng ta một cây cầu dẫn đến sự sống.”

ĐTC nói: “Vâng, thưa anh chị em, vào lễ Phục sinh, vận mệnh của thế giới đã thay đổi, và vào ngày này, cùng với ngày phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta có thể vui mừng cử hành, nhờ ân sủng thuần khiết, ngày quan trọng và đẹp đẽ nhất của lịch sử."

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý cách các tường thuật Tin Mừng khác nhau về Lễ Phục sinh đề cập đến những người theo Chúa Giêsu hối hả hoặc vội vã chia sẻ tin tức về sự phục sinh của Ngài, được thúc đẩy bởi niềm vui và được đổi mới trong hy vọng.

“Vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình trở thành một cuộc đua, vì nhân loại giờ đây nhìn thấy mục tiêu của cuộc hành trình của mình, ý nghĩa của vận mệnh của mình là Chúa Giêsu Kitô, và được kêu gọi mau mắn đến gặp Người, Đấng là niềm hy vọng của thế giới.”

Ngài cầu nguyện cho mọi người sẽ “nhanh chóng tiến trên hành trình tin tưởng lẫn nhau: tin tưởng giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia,” vượt qua các xung đột và chia rẽ và mở lòng với những người gặp khó khăn.

Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Chúng ta hãy nhanh chóng theo đuổi con đường hòa bình và huynh đệ. Hãy giúp đỡ những người dân Ukraine thân yêu tiến tới hòa bình và chiếu ánh sáng Phục sinh cho người dân Nga. Xin Chúa an ủi những người bị thương và tất cả những người đã mất người thân trong cuộc chiến, và ban cho các tù nhân có thể trở về nhà bình an với gia đình của họ."

“Lạy Chúa, trong ngày hôm nay, chúng con phó thác thành Giêrusalem cho Chúa, chứng nhân đầu tiên về sự phục sinh của Chúa, đồng thời chúng con ý thức về các cuộc tấn công đang xảy ra ở Đất Thánh trong những ngày qua, dẫn đến tử vong, thương tích và làm gia tăng căng thẳng giữa các phe phái!

ĐTC nói, các cuộc tấn công gây khó khăn cho việc nối lại “đối thoại, trong bầu khí tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, giữa người Israel và Palestine, để hòa bình có thể ngự trị ở Thành phố Thánh và trong toàn bộ khu vực.”

Đức Thánh Cha cũng dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho Syria, Lebanon, Haiti, Tunisia, Congo, Myanmar và các quốc gia khác đang gặp khó khăn và bất ổn.

Ngài cầu xin Chúa “an ủi những người tị nạn, những người bị trục xuất, những tù nhân chính trị và những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như những nạn nhân của nạn đói, nghèo khổ và của nạn buôn bán ma túy, buôn người và tất cả các hình thức nô lệ khác nhau!"

ĐTC kết thúc: “Xin Chúa truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo các quốc gia để họ đảm bảo không một người dân nào bị đối xử phân biệt và bị xúc phạm đến phẩm giá; để các vết thương xã hội có thể được chữa lành; lợi ích chung của mọi người luôn được tôn trọng và sống trong hòa bình và ước chi sự đối thoại và chung sống hòa bình luôn được đảm bảo."
 
Vị Giáo hoàng mau phục hồi chủ trì Tuần Thánh rõ ràng có tính đa phương
Vu Van An
15:03 10/04/2023

John L. Allen Jr., chủ bút tạp chí mạng CruxNow, ngày 10 tháng 4 năm 2023, nhận định rằng:



Về mặt phụng vụ và tâm linh, Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh là những thời kỳ linh thiêng nhất trong lịch Kitô giáo hàng năm. Từ quan điểm giao tế nhân sự, những ngày lễ cũng thể hiện khả năng hiển thị cao nhất đối với Đức Giáo Hoàng, vì đó là thời điểm mà mọi phương tiện truyền thông trên hành tinh sẽ tập trung vào Rome.

Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần chiếc bục đó để phóng chiếu sức mạnh, kể từ khi ngài bước vào Tuần Thánh sau một lần nhập viện bất ngờ gây ra mối lo ngại về sức khỏe. Trên mặt trận đó, Đức Giáo Hoàng đã thành công, vì đã chứng tỏ được sự mau phục hồi và phong độ tốt trong suốt lịch trình mệt mỏi của ngài.

Tuy nhiên, đó không phải là thông điệp duy nhất. Cả trong phong cách minh nhiên và sâu sắc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã củng cố một xác tín chính trị và ngoại giao cốt lõi – nghĩa là Vatican dưới sự giám sát của ngài hoàn toàn cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại đa phương.

Nói một cách trừu tượng, điều hợp lý là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ phương nam hoàn cầu nên định vị lại Vatican như một chủ thể đa phương thực sự, tránh xa liên minh truyền thống với các cường quốc phương Tây. Quá trình chuyển đổi đó đã rõ ràng trong một thời gian và Tuần Thánh 2023 đã củng cố thông điệp đó.

Biểu tượng công khai của buổi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh Đàng Thánh Giá (Via Crucis) liên quan đến Nga và Ukraine đã chứng minh quan điểm đó.

Ngay từ đầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cố gắng duy trì một lập trường cân bằng trong cuộc xung đột mà về cơ bản gần với ranh giới của Trung Quốc, Ấn Độ và Ba Tây hơn là của Hoa Kỳ và NATO.

Ở một mức độ nào đó, đó chỉ là Vatican vẫn là Vatican, cố gắng duy trì tư thế truyền thống của mình là siêu đảng phái, super partes “đứng trên các bên”, và do đó có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Tuy nhiên, cũng có một yếu tố đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cách ngài bác bỏ rõ ràng chẩn đoán của phương Tây về cuộc xung đột, lên án việc tuôn vũ khí vào Ukraine, không đích danh lên án Putin và thậm chí còn gợi ý rằng Nga có những lo ngại về an ninh chính đáng.

Năm ngoái, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, nỗ lực không đứng về phía nào của Vatican được thể hiện bằng việc có hai người phụ nữ tình cờ là bạn của nhau, một người Ukraine và một người Nga, cùng nhau vác thánh giá tại một trong các trạm của nghi lễ Via Crucis truyền thống. Cử chỉ này đã tạo ra những lời chỉ trích, kể cả từ Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp của Ukraine, người đã nói: “Tôi cho rằng một ý tưởng như vậy là không đúng lúc, mơ hồ và không tính đến bối cảnh cuộc xâm lược quân sự của Nga đối với Ukraine.”

Không nản lòng, năm nay Vatican lại làm điều đó. Mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô không có mặt tại buổi Via Crucis do thời tiết lạnh trái mùa ở Rome, được coi là không phù hợp với một vị giáo hoàng vẫn đang hồi phục sau bệnh viêm phế quản, nhưng dấu ấn của ngài vẫn được cảm nhận rõ ràng, vì chặng đường thứ mười của Chặng Đàng Thánh giá năm nay đã được đồng hành, bởi những thông điệp từ những thanh niên Ukraine và Nga giấu tên, mỗi người đều bày tỏ sự mất mát trong cuộc xung đột.

Một lần nữa, nhiều người Ukraine không hài lòng. Đại sứ của nước này tại Tòa thánh, Andrii Yurash, đã gửi một dòng tweet đầy thách thức.

Lưu ý rằng thanh niên Nga thương tiếc cái chết của anh trai mình trong chiến tranh và nói rằng anh ấy không liên lạc được với cả cha và ông của mình, những người đã được gọi ra mặt trận, Yurash viết: “Anh ấy quên nói rằng người thân của anh ấy đã đi đến Ukraine không chỉ để giết cha của thanh niên Ukraine mà cả gia đình anh ta, chứ không phải ngược lại.”

Rõ ràng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhóm Vatican của ngài phải biết rằng việc làm sống lại biểu tượng của năm 2022 sẽ gây phản cảm cho Ukraine, cũng như các đồng minh phương Tây của nước này, tất cả đều sẽ coi một cử chỉ như vậy là một hành động nói lên sự đồng giá trị về mặt đạo đức. Dù sao việc họ vẫn được tiến hành cho thấy mức độ tin tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về vấn đề này.

Chủ nghĩa đa phương của Đức Giáo Hoàng cũng được thể hiện trong bài diễn văn nhân dịp ban phép lành Urbi et Orbi [cho Thành phố và Thế giới] của ngài vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Liên quan đến Ukraine và Nga, Đức Thánh Cha một lần nữa bày tỏ lòng cảm thương đối với cả hai bên trong cuộc xung đột mà không nói về kẻ xâm lược và nạn nhân.

Ngài nói: “Hãy giúp đỡ những người dân Ukraine thân yêu trên hành trình hướng tới hòa bình và mang ánh sáng Phục sinh đến cho người dân Nga. Hãy an ủi những người bị thương và tất cả những người đã mất người thân vì chiến tranh, và ban ơn để các tù nhân có thể trở về bình an vô sự với gia đình của họ.”

Để phù hợp với truyền thống, Đức Phanxicô đã nhắc đến một loạt các điểm nóng hoàn cầu khác, bao gồm Israel và Palestine, Syria, Myanmar, Nicaragua, Nigeria, Haiti, Nam Sudan, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Lebanon, Eritrea, Burkina Faso, Mali và Mozambique – một gần như Liên Hợp Quốc của các mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng, tất cả đều là một phần của điều mà Đức Phanxicô coi là “chiến tranh thế giới thứ ba” đang diễn ra theo kiểu từng phần và có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trong một cử chỉ hùng hồn khác về mối quan tâm hoàn cầu, Đức Phanxicô, trong bài phát biểu, đã được sự hộ tống của Đức Hồng Y Ernest Simoni, 94 tuổi, người Albania, người đã bị chế độ độc tài của đất nước mình dưới thời Enver Hoxha bắt giữ và trải qua 28 năm lao động khổ sai trước khi cuối cùng được giải thoát.

Tuy nhiên, có lẽ sự khởi sắc đa phương đáng nói nhất của Đức Phanxicô đến từ điều ngài không nói hoặc không làm: trong bài phát biểu Urbi et Orbi, không có chút ám chỉ nào đến Trung Quốc và Đài Loan, bất chấp căng thẳng gia tăng gần đây sau cuộc gặp giữa Tổng thống Đài Loan, Tsai Ing-wen và Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy, bất chấp việc Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự giả một cuộc tấn công vào đảo quốc này.

Nói chung, Đức Phanxicô coi Trung Quốc là một đồng minh tiềm năng trên nhiều mặt trận, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine, và coi thỏa thuận của ngài với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục là mở ra một đường dây thông đạt quan trọng. Hơn nữa, ngài không bị cuốn vào cuộc cạnh tranh siêu cường mới chớm nở giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ – tất cả những điều này giúp giải thích quyết định của Vatican, trước sự kinh ngạc của những người chỉ trích, những người muốn vị giáo hoàng có đường lối rõ ràng hơn về những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của Trung Quốc.

Đối với những người tinh mắt, thậm chí còn có một phiên bản tinh tế hơn về lựa chọn chủ nghĩa đa phương trong việc Đức Phanxicô lựa chọn trở lại Casal del Marmo của Rome để chủ trì Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa vào Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi đã đến thăm nhà tù thanh thiếu niên này ở ngoại ô thành phố lần đầu tiên vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, chỉ 15 ngày sau cuộc bầu cử của ngài.

Lý do cơ bản của chuyến thăm là để ôm lấy các tù nhân trẻ tuổi tại cơ sở, rửa chân cho 12 người trong số họ, bao gồm hai phụ nữ trẻ, một người Hồi giáo và một thanh niên da màu. Tuy nhiên, đối với những người trong cuộc, có một mối liên hệ khác với Casal del Marmo mà Đức Phanxicô biết rõ: Mối liên hệ của nó với cố Hồng Y Agostino Casaroli, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Vatican và là Ngoại trưởng đầu tiên dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Casaroli là kiến trúc sư của chính sách Ostpolitik [bình thường hóa liên hệ Đông Tây] của Vatican, hay đối thoại với phía đông của Liên Xô, trong thời kỳ của Giáo hoàng Phaolô VI. Ngài là lực lượng chủ chốt trong hiệp định Helsinki năm 1975, hiệp định tập hợp tất cả các quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng ở cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Tiến trình Helsinki đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi là nguồn cảm hứng cho các giải pháp đa phương đối với các vấn đề đương thời, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine.

Trong những năm dài phục vụ ở Vatican, Casaroli cũng thường xuyên đến thăm Casal del Marmo và đóng vai trò là tuyên úy không chính thức cho cư dân của nó, tự giới thiệu mình đơn giản là “Don Agostino”. Do đó, khi chọn đến đó một lần nữa vào năm nay, Đức Phanxicô không chỉ gắn bó với những cư dân hiện tại của cơ sở, mà còn với ký ức về Casaroli và di sản ngoại giao của ngài.

Đương nhiên, trọng tâm chính trong Tuần Thánh 2023 là sức khỏe của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, sau khi xác định rằng ngài có khả năng tiếp tục lãnh đạo, câu hỏi đặt ra là ngài dự định làm gì với thời gian và sức lực mà ngài vẫn có – và Tuần Thánh dường như gợi ý rằng việc theo đuổi giấc mơ về một thế giới đa cực thực sự của ngài gần đạt đến đỉnh cao của danh sách.
 
Người Ukraine cử hành Chúa nhật Lễ Lá trong nhà thờ đang tranh chấp
Đặng Tự Do
17:19 10/04/2023


Tay cầm cành liễu, người dân Ukraine đánh dấu Chúa Nhật Lễ Lá tại địa điểm Chính thống giáo được kính trọng nhất của đất nước, vốn là trung tâm của một cuộc tranh chấp tôn giáo diễn ra song song với cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Hàng chục tín hữu đã lấp đầy nhà thờ chính tòa hai thánh Antôn và Thêôđôsiô nằm bên trong khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra. Nhiều người khác đợi bên ngoài trong khoảng sân rộng rãi và quan sát buổi lễ ở đó.

Sự kiện này đánh dấu buổi lễ tôn giáo quan trọng đầu tiên được tổ chức trong khu phức hợp sau lệnh trục xuất ngày 29 tháng 3 do chính phủ Ukraine ban hành đối với các tu sĩ Chính thống giáo cư trú trong tu viện vì cáo buộc họ có liên hệ với Nga. Các tu sĩ đã từ chối rời khỏi cơ sở trước thời hạn trục xuất.

Các cử hành hôm Chúa Nhật diễn ra yên bình với sự hiện diện của một số cảnh sát ở các lối vào của khu phức hợp.

Kyiv-Pechersk Lavra có nghĩa là Tu viện Hang động, bao gồm có một nhà thờ, các tòa nhà tu viện và bảo tàng. Những phần lâu đời nhất của nó có từ buổi bình minh của Kitô giáo cách đây một thiên niên kỷ.

Nó thuộc sở hữu của chính phủ Ukraine và cơ quan nhà nước giám sát tài sản đã thông báo cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, vào tháng 3 rằng họ sẽ chấm dứt hợp đồng thuê. Động thái này diễn ra trong bối cảnh UOC bị đàn áp rộng rãi hơn do các mối quan hệ lịch sử của tổ chức này với Nhà thờ Chính thống Nga, vì Thượng phụ Kirill lãnh đạo của Giáo hội Chính Thống Nga đã công khai ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Sau buổi lễ, Đức Tổng Giám Mục Epiphanius, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống thân Kyiv của Ukraine, đã ban phước cho các tín hữu bên ngoài cửa nhà thờ bằng nước thánh.

Yulia Sencuk phát biểu bên ngoài nhà thờ: “Tôi rất vui vì điều này cuối cùng cũng xảy ra, rằng Kyiv-Pechersk Lavra đã không còn gốc rễ ở Mạc Tư Khoa và nó được đổi mới và đi vào cuộc sống. Bằng chính những sự kiện này, chúng ta có nhiều khả năng mang chiến thắng đến gần hơn.”

Trong khi người Công Giáo và các hệ phái khác dùng lịch Grêgôriô cử hành Lễ Phục sinh, các Giáo Hội Chính Thống cử hành Chúa Nhật Lễ Lá đánh dấu sự khởi đầu của một tuần thánh cầu nguyện và suy tư cho các Kitô hữu.

Thay vì cầm những cây cọ tượng trưng, nhiều người cầm cành liễu vào Chúa Nhật theo truyền thống ở Ukraine.

Nhân viên của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã có mặt, cùng với dân thường, để đánh dấu sự kiện này trong nhà thờ.

“Đó là một ngày lễ rất quan trọng đối với tôi vì đó là truyền thống của chúng ta, và đó là về hòa bình, độc lập của chúng ta, niềm tin của chúng ta vào Chúa, vào hòa bình, vào... chiến thắng của chúng ta,” Irina, một nữ quân nhân tham dự, cho biết.


Source:Los Angeles Time
 
Du khách chết ở Ấn Độ hiến tạng cứu 5 người
Đặng Tự Do
17:20 10/04/2023


Các con của bà đã tôn vinh mong muốn hiến tặng nội tạng của bà, một bác sĩ đã nghỉ hưu, một hành động khiến nhiều người ở Ấn Độ bị sốc.

Teresa Fernández, một bác sĩ đã nghỉ hưu từ Tây Ban Nha, đang đi nghỉ ở Ấn Độ vào Tháng Giêng năm ngoái. Bà ấy thích đi du lịch, đôi khi một mình và đôi khi theo nhóm. Trên thực tế, đó là chuyến đi thứ tư của cô đến Ấn Độ.

Nhưng lần này, một ngày sau khi đến Mumbai, bà bị đột quỵ khiến bà hôn mê. Câu chuyện về những gì xảy ra tiếp theo đã được đưa tin trên El Faro de Ceuta cùng với các hãng tin khác ở Tây Ban Nha và Ấn Độ.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Jaslok, nơi bà nhập viện, đã liên lạc với các con của bà, Arturo và Aitana, để cảnh báo về tình trạng nguy kịch của mẹ họ. Con gái bà, cũng là một bác sĩ chuyên nghiệp, đã tham khảo các hình ảnh máy quét do các bác sĩ Ấn Độ gửi cho cô và nhận ra rằng tình hình thực sự rất nghiêm trọng.

Vì vậy, cô và anh trai ngay lập tức rời Tây Ban Nha đến Ấn Độ. Aitana nhớ lại rằng “ngay khi tôi nhìn thấy mẹ tôi trên giường trong ICU, tôi biết mẹ tôi sẽ không tỉnh dậy. Chúng ta chơi các bài hát của Louis Armstrong, nhạc cổ điển, (…) và giọng nói của những người bạn gửi sức mạnh cho mẹ tôi… Nhưng không có gì cả.”

Cuối cùng, Teresa qua đời vào ngày 11 Tháng Giêng tại Ấn Độ sau 6 ngày hôn mê. Các xét nghiệm y tế lặp đi lặp lại đã xác nhận cái chết của cô.

Vào thời điểm đó, các con của bà đã thông báo với các bác sĩ rằng mẹ của họ muốn hiến tặng nội tạng của mình. Teresa Fernández luôn bày tỏ mong muốn được hiến tặng, vì vậy mặc dù đó là một quyết định khó khăn đối với họ nhưng họ đã thực hiện mong muốn của bà.

Aitana giải thích: “Mẹ tôi luôn nói rằng bà muốn hiến tặng nội tạng của mình. Vì vậy, khi chúng ta nói điều đó ở bệnh viện, mọi thứ đơn giản hơn. Sự thật là các bác sĩ Ấn Độ đã rất ngạc nhiên khi tôi nói với họ, như thể đó là một điều kỳ lạ. Tôi đã nói với họ rằng ở Tây Ban Nha, việc hiến tặng nội tạng là rất bình thường.”

Trên thực tế, số liệu của Tổ chức Cấy ghép Quốc gia Tây Ban Nha cho thấy vào năm 2022, có 2.196 người chết hiến tạng ở Tây Ban Nha (tỷ lệ 46,3 trên một triệu dân), nhưng ở Ấn Độ chỉ có 552 trường hợp (tức là 0,4 ca trên một triệu dân). Tây Ban Nha đã dẫn đầu thế giới về hiến tạng trong nhiều năm.

Tuy nhiên, thật không may, Ấn Độ lại là thiên đường buôn bán nội tạng của thế giới. Ở đó, các đường dây buôn người đã bị triệt phá, trong đó người ta bị buôn bán từ Nepal để bị ép buộc hoặc lừa gạt đưa đến Ấn Độ, đến các trung tâm cụ thể để cấy ghép nội tạng của họ cho những người giàu có, những người có đủ khả năng chi trả.

Thực tế này khiến các con của Teresa rất mất lòng tin vào hệ thống. Họ bắt đầu nghi ngờ. “Những người nhận sẽ không trả tiền cho nội tạng, phải không?” “Có một danh sách chờ người nhận và những trường hợp khẩn cấp nhất sẽ được giải quyết trước, phải không?” “Nội tạng sẽ không đến tay người có nhiều tiền nhất, phải không?” Đây là những câu hỏi xuất hiện trong đầu họ, nhưng câu trả lời từ đội ngũ y tế đã trấn an họ rằng mọi việc sẽ được thực hiện đúng.

Cuối cùng, vào lúc nửa đêm từ ngày 11 đến ngày 12 tháng Giêng, Teresa được đưa vào phòng mổ, và sáng hôm sau, đến phòng hỏa táng.

Theo báo The Hindustan Times và Tổ chức cấy ghép mô & nội tạng quốc gia của Ấn Độ, phổi, gan và thận của bà đã được trao cho ba bệnh nhân Ấn Độ, trong khi trái tim được trao cho một người quốc tịch Li Băng và gan của cô cho một người 54 tuổi, một bác sĩ già từ Mumbai. Tổng cộng, Teresa đã kéo dài sự sống cho 5 người.

Cơ quan quốc gia Ấn Độ chịu trách nhiệm điều chỉnh việc hiến tặng nội tạng đã bày tỏ sự kính trọng đối với Teresa và gia đình cô như một tấm gương để noi theo.

Cô ấy cũng đã hiến tặng xương và gân của mình. Aitana tự hào nói rằng gia đình thậm chí còn được trao bằng tốt nghiệp vì Teresa đã trở thành người hiến tạng đầu tiên từ bên ngoài Á Châu và là người nước ngoài thứ hai hiến tặng nội tạng ở Ấn Độ. Năm 2019, một công dân Nepal là nhà tài trợ quốc tế đầu tiên tại quốc gia này.


Source:Aleteia
 
Andrea Bocelli hát “Amazing Grace” tại Quảng trường Times
Đặng Tự Do
17:22 10/04/2023


Andrea Bocelli đã lên sân khấu tại một trong những địa điểm đông dân nhất trên trái đất, Quảng trường Times, nơi ước tính có khoảng 330.000 người đi qua mỗi ngày. Sự kiện này nhằm quảng bá cho The Journey: A Music Special của Andrea Bocelli, một vở nhạc kịch đặc biệt hiện đang được chiếu tại rạp.

Trong bộ phim “The Journey”, Andrea và vợ Veronica đi trên con đường hành hương nổi tiếng của Ý, Via Francigena, trên lưng ngựa, gặp gỡ các ca sĩ khách mời và các thành viên trong gia đình trên đường đi. Nhiều màn trình diễn âm nhạc đẳng cấp thế giới của bộ phim được kết hợp với kỹ thuật quay phim phẩm chất cao để tạo ra một sự kiện điện ảnh độc đáo mang đến cho người xem cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống cá nhân của một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất trên trái đất.

Bocelli đã có một màn trình diễn tuyệt vời “Amazing Grace,” để quảng cáo cho việc phát hành bộ phim ở thành phố New York, nơi sân khấu được trang trí bằng các áp phích của The Journey. Ở tuổi 64, Bocelli chẳng hề suy giảm giọng nam cao đặc trưng của mình, giọng hát bay bổng trước đám đông mà dường như không cần nỗ lực gì cả. Bài thánh ca, luôn cảm thấy sâu lắng hơn một chút khi được trình bày bởi một ca sĩ mù, là một trong những giai điệu nổi bật của bộ phim, mặc dù người hâm mộ có thể mong đợi một sự sắp xếp hoành tráng hơn nhiều khi họ xem nó trên màn bạc.

Veronica, người sản xuất và đóng chung trong phim, giải thích lý do tại sao “Amazing Grace,” là một bài hát quan trọng đối với đôi vợ chồng người Ý:

“Đó là câu chuyện về một cuộc hoán cải, đó là tiếng nói của một người đã chọn Sự Thiện,” cô nói thêm. “Tính tuyến tính được chiếu sáng của giai điệu nhắc nhở chúng ta rằng chính bằng cách theo đuổi sự đơn giản và chân thực, chúng ta có thể hiểu được sự phức tạp và thậm chí có thể là ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta.”

Cô ấy giải thích rằng Andrea đã hát “Amazing Grace” nhiều lần trong suốt chuyến hành hương của họ, với buổi biểu diễn yêu thích của cô ấy diễn ra tại tu viện San Galgano, một nhà thờ cổ kính vùng. Đây chỉ là một trong nhiều điểm dừng xuyên suốt bộ phim “The Journey”, là bối cảnh cho một số vở nhạc kịch của bộ phim.

Veronica cũng nhận xét về việc phát hành trong Tuần Thánh của bộ phim:

“Lễ Phục Sinh tôn vinh niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu chiến thắng tất cả. Và thiên nhiên nhắc nhở chúng ta về điều đó, bởi vì - nếu bạn biết cách đọc nó - sự phục sinh ở bất cứ nơi nào bạn nhìn thấy. Tôi hy vọng rằng đề xuất khiêm tốn của chúng ta có thể góp phần phản ánh bí ẩn ngọt ngào mà chúng ta, những cư dân của trái đất, chia sẻ.”


Source:Aleteia
 
Cuộc khủng hoảng Kitô giáo thập niên 1960, tiếp theo
Vu Van An
17:22 10/04/2023
Ảnh hưởng của Kitô giáo bảo thủ

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong giải trình của McLeod về những năm sáu mươi là việc nó loại bỏ tầm quan trọng của Kitô giáo bảo thủ. Trong nghiên cứu so sánh chi tiết, trên phạm vi rộng lớn và độc đáo của mình, McLeod đưa ra làm giả thuyết trung tâm nổi bật của mình việc cuộc khủng hoảng phát sinh chủ yếu không phải do các mối đe dọa bên ngoài đối với Kitô giáo, mà do các xung lực cải cách bên trong. Trong bối cảnh của những thay đổi về tâm lý và mô hình sinh hoạt gia đình và khu phố, đó là công việc của những người được ông gọi là những người cấp tiến và “những Kitô hữu thực dụng”, những người thách thức bên trong các Giáo Hội Thệ phản và Công Giáo Rôma, đã kích hoạt sự đổi mới thần học và hiện đại hóa Giáo Hội, các phong trào chính trị và các lý tưởng mới, mà theo ông, “có thể được tóm tắt trong chữ 'năm 1968.'” Tầm nhìn của ông về cuộc khủng hoảng gần như là một cuộc nổi dậy nội bộ, cấp tiến hóa và (với một số ngoại lệ) chiến thắng của cải cách: “Sự phát triển bên trong các Giáo Hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc khủng hoảng.” Câu truyện của ông là một trong những câu truyện cấp tiến hóa Kitô giáo.



Bản thân McLeod đã dành thời gian đáng kể để thảo luận về một số Kitô hữu bảo thủ, đặc biệt là Mary Whitehouse, người đã lãnh đạo chiến dịch chống lại tình dục và ảnh khoả thân dựa trên cơ sở Kitô giáo trên truyền hình Anh. Nhưng ở nhiều điểm khác nhau trong cuốn sách của mình, ông đặc biệt tìm cách loại bà và những người bảo thủ khác ra khỏi tinh thần của thời đại. Có lúc, ông đã viết, “không có lý do gì khiến quan điểm bảo thủ của những người như Whitehouse hoặc Đức Giáo Hoàng Phaolô VI được coi là 'chân chính' hơn quan điểm của các Kitô hữu cấp tiến hoặc 'thực dụng' cùng thời với họ." Ở một chỗ khác, ông viết, “Whitehouse đại diện cho khúc cuối của quan điểm bảo thủ trong phạm vi rộng lớn của công luận Kitô giáo vào thời điểm đó, và còn xa mới là người đại diện.” Vì vậy, một mặt, ông thừa nhận Whitehouse là đại diện cho công luận Kitô giáo Bảo thủ, nhưng chính vì vậy, bà không phải là đại diện cho thời đại Kitô giáo nói chung. Đối với McLeod, thời đại đó là thời đại Kitô giáo cấp tiến xuất sắc nhất. Theo cách này, giải trình của ông về cuộc khủng hoảng Kitô giáo, về cơ bản, trở thành một bài ca ca ngợi các Kitô hữu trí thức cấp tiến của phái Giám lý [methodist] cấp tiến trong Chiến dịch Giải trừ Hạt nhân (CND) và chống phân biệt chủng tộc, và những Kitô hữu “thực dụng” như Michael Ramsey, người đã thương lượng để giảm thiểu sự xáo trộn đối với việc hợp nhất Kitô giáo. Ông lập luận rằng các Kitô hữu cấp tiến đã đấu tranh kể từ những năm 1920 để tạo ra sự thay đổi lớn đối với thần học và cấu trúc của Kitô giáo; những năm sáu mươi là “chiến thắng” của họ, một cuộc hành trình được ông tóm tắt là từ một đất nước Kitô giáo chuyển sang một đất nước thế tục. (41) Lập luận này đáng bị phê bình. Hoàn toàn chính đáng là việc McLeod mô tả cách trong đó, cho đến những năm 1960, Kitô giáo - theo cả truyền thống Thệ phản lẫn Công Giáo - đã bị phe bảo thủ thống trị, và điều này đã bị thách thức cả từ bên trong bởi những người cấp tiến lẫn từ bên ngoài bởi sự thất vọng do quần chúng thúc đẩy đối với việc áp đặt các áp bức văn hóa Kitô giáo nặng tay sau chiến tranh. Nhưng trong khi các Kitô hữu cấp tiến tìm cách cải cách, điều quan trọng là phải nghĩ rằng thách thức của phe cấp tiến đối với việc trụ cột hoá Kitô giáo bảo thủ và văn hóa Kitô giáo khắt khe sẽ không thành công nếu không có thách thức bình dân từ bên ngoài. Có một lập luận mạnh mẽ rằng yếu tính đơn giản của cấu trúc khủng hoảng tôn giáo những năm 60 là nó là một cuộc tấn công từ bên ngoài vào Kitô giáo nói chung vì những sai trái do cánh bảo thủ của nó gây ra đối với quyền tự do cá nhân của người ta - một cuộc tấn công chống lại điều bị coi như việc nó kiểm soát một cách không thể chấp nhận được hành vi bản thân và các cơ quan định chế của cuộc sống hàng ngày đã bị trụ cột hóa. Có cảm thức cho rằng nhà nước cấp tiến và người dân, phát điên vì bị Kitô giáo bảo thủ làm mất tự do một cách mạnh mẽ từ năm 1945 đến năm 1960, đã quyết tâm thoát khỏi sự ràng buộc của nó. Nhưng trong khía cạnh này, phải nhấn mạnh rằng nằm dưới tai họa của giáo hội một cuộc khủng hoảng ở bên ngoài hoặc, nếu bạn muốn, là cuộc khủng hoảng tôn giáo “thế tục” do sự xuất huyết của những người xuất phát từ Kitô giáo có tổ chức; đa số không cố gắng cải tổ Giáo Hội của họ, họ chỉ một mực rời bỏ các Giáo Hội này. Có thể nói nhiều điều hơn nữa về thành phần của các lực lượng bên ngoài và phương thức hành động của việc cam kết với nền văn hóa Kitô giáo. Nhưng người trẻ và phụ nữ là hai nhóm hàng đầu, và tự do tình dục là ưu tiên hàng đầu của nhiều người trong số họ. Cuộc nổi loạn tính dục chống lại Kitô giáo vào những năm 60 là tiền tuyến chống những Kitô hữu bảo thủ như Whitehouse và nhiều người khác, những người đã đấu tranh với sự chung chạ, buông thả và giải phóng đồng tính từ giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1970. Đối với đại đa số thanh niên, cuộc nổi dậy là sự từ chối tự phát, không có tổ chức đối với thẩm quyền Giáo Hội. Các Kitô hữu cấp tiến đã tham gia nó; Giám mục John Robinson đã nói vào năm 1969: “Tôi coi phản ứng dữ dội chống lại xã hội buông thả còn nguy hiểm hơn nhiều so với những biểu lộ của nó.” (42) Cuộc nổi loạn không nhất thiết dẫn đến việc bác bỏ niềm tin Kitô giáo, cũng không dẫn đến chủ nghĩa vô thần, nhưng nó có gây ra việc làm tan biến Thế giới Kitô giáo - nói cách khác, là nền văn hóa thống trị Kitô giáo. Các Kitô hữu bảo thủ đã nhận ra điều này đủ nhanh và đã phản ứng tương ứng. Whitehouse, Malcolm Muggeridge và Lord Longford đã lên tiếng bảo vệ hiện trạng trong các chiến dịch chống lại tình dục, nội dung khiêu dâm và biện pháp tránh thai dành cho học sinh. Những cá nhân này xuất hiện nhỏ bé trong nhiều giải trình của những năm sáu mươi, và không đáng bị như vậy. Bị giới trẻ, báo lá cải và các nhà bình luận cấp tiến chế giễu, chế nhạo và xô đẩy, họ đại diện cho chính quyền lực đàn áp của Kitô giáo mà cuộc cách mạng biểu cảm của những năm sáu mươi hướng tới. Hơn nữa, vì Kitô giáo có tổ chức đã thu hẹp quy mô kể từ những năm 1960, nên tầm quan trọng tương đối của những người bảo thủ bên trong nó đã tăng lên - dưới các hình thức Phái Ngũ tuần, phái cực đoan, Canh tân Đặc sủng và các nhóm vận động phản đối phá thai, đồng tính luyến ái và các thành quả được cho là “cấp tiến” khác của những năm sáu mươi. Năm 1969, những người tự cho là Ngũ Tuần chiếm 31% tổng số các người được thụ phong trong Giáo hội Anh, nhưng con số này đã tăng lên 45% vào năm 1977 và 52% vào năm 1986, sau đó tỷ lệ này ổn định và thậm chí giảm nhẹ, một phần là do việc phong chức cho phụ nữ. (43) Nhà sử học cần đặt các Kitô hữu bảo thủ trở lại sân khấu chính để đánh giá tốt hơn cuộc cách mạng văn hóa của những năm sáu mươi là gì và lịch sử tôn giáo đã phát triển như thế nào kể từ đó.

Kết luận

Adrian Hastings coi cuộc khủng hoảng mà Kitô giáo phải chịu đựng trong những năm 60 không tách biệt với thế giới: “nó thậm chí không phải là một cuộc khủng hoảng có tính tôn giáo chuyên biệt, mà đúng hơn là một cuộc khủng hoảng của nền văn hóa toàn diện,” ảnh hưởng đến nhiều thể chế thế tục theo cách có thể so sánh với các hậu quả của nó đối với các Giáo Hội. Ông nói, nó đã được biến đổi từ một sự hiện đại hóa bảo thủ sau Thế chiến thứ hai, “một nỗ lực để tái tạo một thế giới khá truyền thống,” thành một điều cấp tiến hơn. Hastings lưu ý rằng “sự thịnh vượng, tính lạc quan và cảm thức giải thoát của thập niên 50 hầu hết thuộc loại khá bảo thủ và được kiểm soát” tạo ra “sự hài lòng bình lặng” theo sau là “sự tràn trề hy vọng thế tục của đầu những năm 60”. Và ông kết luận: “Cuộc khủng hoảng tôn giáo những năm 1960 là cuộc khủng hoảng của ‘việc thế tục hóa.’” (44) Mô hình Hastings là một mô hình mà chúng ta nên chú ý nhiều hơn. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tôn giáo trong những năm 1960 có ba chiều kích. Đầu tiên, sự xa lánh ngày càng tăng của người ta, chủ yếu là người trẻ, đã đẩy Kitô giáo có tổ chức vào tình trạng suy giảm nhanh chóng và liên tục trong việc gắn kết, thực hành và bản sắc mà dường như cuối cùng, vào những thời điểm khác nhau trong năm thập niên sau đó, đã làm tiêu tan mọi dấu hiệu của lòng mộ đạo –kể cả các đám tang do Kitô giáo hướng dẫn trong những năm gần đây. Thứ hai, sự suy giảm số lượng Giáo Hội ngày càng tách biệt Giáo Hội khỏi nền văn hóa đại chúng; bất chấp tầm quan trọng của nền văn hóa đại chúng trong các Giáo Hội, ảnh hưởng ngược lại đã giảm dần sau mỗi thập niên kể từ những năm 1960. Thứ ba, có sự xuất hiện của nền văn hóa Kitô giáo còn sót lại và ngày càng bị cô lập thiên về phái ngũ tuần, phái bảo thủ và chủ nghĩa cực đoan bị đa số ở Anh và nhiều nước châu Âu ngày càng xa lánh; vào năm 1997, một cuộc khảo sát ước tính rằng trong khi 35 phần trăm dân số Hoa Kỳ có thể được tính là “theo Ngũ tuần”, thì con số tương đương ở Vương quốc Anh là 7 phần trăm. (45) Không có xu hướng nào trong số này có thể phát hiện được trong các thập niên 1940 và 1950. Chúng phát sinh như là di sản của thách thức phổ biến của những năm 1960 đối với quyền bá chủ của Kitô giáo trong văn hóa của nhiều nước phương Tây.

Ghi chú

1. Hãy xem, thí dụ, G. Lynch, New Spirituality: An Introduction to Belief Beyond Religion [Linh đạo mới: Dẫn nhập vào niềm tin ngoài tôn giáo] (London: IB Tauris, 2007), 17–8.

2. H. McLeod,The Religious Crisis of the 1960s [cuộc khủng hoảng tôn giáo của thập niên 1950] (Oxford: Oxford University Press, 2007), 1,265.

3. Xem mô tả về suy nghĩ của ông trong C.G. Brown và M. Snape, “Introduction: Conceptualising Secularisation 1974–2010: The Influence of Hugh McLeod” [Dẫn nhập: Việc lên khái niệm cho Thế tục hóa trong các năm 1974-2010: ảnh hưởng của Hugh McLeod], trong Secularisation in the Christian World [Thế tục hóa trong thế giới Kitô giáo], hiệu đính do C.G. Brown và M. Snape (Farnham: Ashgate, 2010), 1–12.

4. McLeod, Religious Crisis (Khủng hoảng tôn giáo), 89.

5. Các số liệu được tính toán từ các dữ kiện trong D. Hilliard, “The Religious Crisis of the 1960s: The Experience of the Australian Churches” [Cuộc Khủng hoảng Tôn giáo thập niên 1960: kinh nghiệm của các Giáo Hội châu Úc], Journal of Religious History 21 (1997): 209–27; xem tr. 226, bảng 1.

6. S. Macdonald, “Death of Christian Canada? Do Canadian Church Statistics Support Callum Brown’s Timing of Church Decline?” [Cái chết của Gia Nã Đại Kitô giáo? Liệu các con số thống kê Gia Nã Đại có hỗ trợ thời điểm của Callum Brown về sự suy giảm của Giáo Hội không] Historical Papers: Canadian Society of Church History, 2006: 135–56.

7. P. van Rooden, “Secularization, Dechristianization and Rechristianization in the Netherlands,” [Thế tục hóa, PhiKitô giáo hóa và Tái Kitô giáo hóa tại Hòa Lan] trong Dechristinisierung, Rechristianisierung im Neuzeitlichen Europe, do H. Lehmann biên tập (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1997), 131–53; xem các trang 131–2, 151–2. Cũng có sẵn trực tuyến tại http://www.xs4all.nl/~pvrooden/Peter/publicaties/1997a.htm.

8 H. McLeod, Religion and the People of Western Europe [Tôn giáo và Người dân Tây Âu], tái bản lần thứ hai. (Oxford: Oxford University Press, 1997), 138.

9. McLeod, Religion and the People, 139.

10. McLeod, Religious Crisis, 246; Grace Davie, Europe: The Exceptional Case [Châu Âu: Trường hợp ngoại lệ] (London:Darton, Longman and Todd, 2002).

11.P. Pasture, “Christendom and the Legacy of the Sixties: Between the Secular City and the Ageof Aquarius,” [Thế giới Kitô giáo và Di sản của Thập niên 1960] Review D'Histoire Ecclesiastique 99 (2004): 82–117; xem tr. 113.

12. H. McLeod, “The Crisis of Christian in the West,” [Cuộc Khủng hoảng của Kitô hữu ở phương Tây] trong The Cambridge History of Christianity Volume 9: World Christianities c.1914–c.2000, do H. McLeod biên tập (Cambridge:Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2006), 328– 9.

13. McLeod, Religious Crisis, 257.

14. McLeod, Religious Crisis, 16–8.

15. C.D. Field, “Faith in the Metropolis: Opinion Polls and Christianity in Post-war London,” [Đức tin ở Thủ đô: Các cuộc thăm dò ý kiến và Kitô giáo ở London thời hậu chiến], London Journal 24 (1999): 68–84; xem tr. 73.

16. Henry Stanhope, “Permissive Society a Step Towards Maturity, Bishop Says,” [Giám Mục nói: Xã hội buông thả một bước tới trưởng thành] The Times, ngày 22 tháng 9 năm 1969, 8, cột A đến F.

17. Hãy xem, thí dụ, C.D. Field, “The Observance of Easter in Post-war Britain” [Việc giữ Lễ Phục sinh ở Anh thời hậu chiến],Theology101(1998): 82–90.

18. A. Hastings, A History of English Christian [Lịch sử Kitô hữu Anh] 1920–1985(London: Collins, 1986), 551–2.

19. C.G. Brown, Religion and Society in Twentieth-century Britain [Tôn giáo và Xã hội ở Anh thế kỷ 20] (Harlow: Pearson, 2006), 33.

20. B. Levin, The PendulumYears: Britain in the Sixties [Các Năm Đu Đưa: Nước Anh thập niên 1960] (1970; tái bản, Cambridge: Icon, 2003), 21.

21. R. Hewison, Too much: Art and Society in the Sixties [Quá nhiều: Nghệ thuật và Xã hội thập niên 1960] 1960–75(London: Methuen, 1986), xiii.

22.C.G. Brown, The Death of Christian Britain: Understanding Secularisation [Cái chết của nước Anh Kitô giáo: Tìm hiểu thế tục hóa]1800–2000(London: Routledge, 2000), 1.

23. McLeod, Religious Crisis, 141–60, 259.

24. Hastings, English Christianity [Kitô giáo Anh], 515–6.

25. Hastings, English Christianity [Kitô giáo Anh], 551.

26. H. McLeod, “God and the Gallows: Christianity and Capital Punishment in the Nineteenthand Twentieth Centuries” [Thiên Chúa và giá treo cổ: Kitô giáo và hình phạt tử hình trong thế kỷ 19 và 20], trong Retribution, Repentance and Reconciliation, biên tập bởi K. Cooper và J. Gregory (London: Boydell Press, 2004), 330–56.

27. McLeod, Religious Crisis [Khủng hoảng tôn giáo], 68–9.

28. M. Roodhouse, “Lady Chatterley and the Monk: Anglican Radicals and the Lady Chatterley Trial of 1960,” [Chatterley Phu nhân và Đan sĩ: những người cấp tiến Anh và phiên xử Chatterley Phu nhân] Journal of Ecclesiastical History 59 (2008): 475–99; xem tr. 477.

29. A. McLeery, “Lady Chatterley’s Lover Re-covered,” [Người yêu Tái hồi của Chatterley Phu nhân] Publishing History 59 (2006): 62–84;xem tr. 62.

30. L.A. Hall, “Chesser, Eustace (1902–1973),” Oxford Dictionary of National Biography (Oxford University Press, 2004). Ấn bản trực tuyến năm 2008 có tại URL: http://via.oxforddnb.com/view/article/40923?docPos=2 (truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2010).

31. A. McLeery, “'Sophisticated Smut': The Penguin Edition of Lady Chatterley's Lover in NewZealand,” [Chuyện tục tĩu Tinh vi: Ấn bản Penguin Người Yêu của Chatterley Phu nhân tại Tân Tây Lan] Bulletin of the Bibliographical Society of Australia & New Zealand29 (2006): 192–204. Cũng có sẵn trực tuyến tại http://researchrepository.napier.ac.uk/2273/.

32. P. van Rooden, “Secularisation in the Netherlands,” [Thế tục hóa ở Hòa Lan] Kirchliche Zeitgeschichte11 (1998):34–41. Cũng có sẵn trực tuyến tại http://www.xs4all.nl/~pvrooden/Peter/publicaties/1998d.htm.

33. K. Dobbelaere, “Assessing Secularization Theory,” [đánh giá lý thuyết thế tục hóa] trong New Approaches to the Study of Religion Tập 2, biên tập bởi P. Antes, A.W. Geertz, và R.R. Warne (Berlin và New York: Walterde Gruyter, 2004), 235–6.

34. Hilliard, The Religious Crisis [Cuộc khủng hoảng tôn giáo], 221.

35. G. Gorer, Exploring English Character [Thăm dò tính cách người Anh] (New York: Criterion, 1955); G. Gorer, Sex and Marriage in England Today: A Study of the Views and Experience of the Under-45s [Tình dục và Hôn nhân ở Anh ngày nay: Nghiên cứu về quan điểm và kinh nghiệm của những người dưới 45 tuổi] (London:Nelson, 1971); E. Chesser, The Sexual, Marital and Family Relationships of the English Woman [Các mối quan hệ tình dục, hôn nhân và gia đình của phụ nữ Anh] (London: Hutchinson's, 1956); M. Schofield, The Sexual Behaviour of Young People [Hành vi tình dục của giới trẻ] (London:Longmans, 1965); M. Schofield, The Sexual Behaviour of Young Adults: A Follow-up Study to The Sexual Behaviour of Young People [Hành vi tình dục của thanh niên: Nghiên cứu tiếp theo về hành vi tình dục của thanh niên] (London: Allen Lane, 1973).

36. B. Martin, A Sociology of Contemporary Cultural Change [Xã hội học về sự thay đổi văn hóa đương thời] (Oxford: Basil Blackwell, 1981),15, 217–8.

37. Hãy xem, thí dụ, D. Voas và A. Crockett, “Religion in Britain: neither believing norbelonging,” [Tôn giáo ở Anh: không tin cũng không thuộc về], Sociology 39 (2005): 11–28.

38. C.G. Brown, “Sex, Religion and the Single Woman c.1950–1975: The Importance of a ‘Short’ Sexual Revolution to the English Religious Crisis of the Sixties,” [Tình dục, Tôn giáo và Đàn bà Đơn thân vào khoảng 195-1975: Tầm quan trọng của cuộc cách mạng tình dục ‘ngắn’ đối với cuộc khủng hoảng tôn giáo ở Anh thập niên 1960 ] Bản thảo chưa xuất bản.

39. Thí dụ, nghiên cứu tuyệt vời của John Foot về sự thay đổi văn hóa đô thị ở Ý đã bỏ tôn giáo gần như hoàn toàn khỏi phân tích của ông; J. Foot, Milan since the Miracle: City, Culture and Identity [Milan kể từ Phép lạ: Thành phố, Văn hóa và Bản sắc] (Oxford and New York: Berg, 2001).

40. M. Young and P. Willmott, Family and Kinship in East London [Gia đình và họ hàng ở Đông London] (Harmondsworth: Penguin,1962), 56–7.

41. McLeod, Religious Crisis [Khủng hoảng tôn giáo], 1, 89, 238–9, 256, 260.

42. “Watered Down Church Pop Music a Fail,” [nhạc dân gian trong Giáo Hội loãng dần thành một thất bại] The Times, 8 tháng 8 năm 1964, 8, cột C đến D.

43. M. Guest, Evangelical Identity and Contemporary Culture: A Congregational Study in Innovation [Bản sắc Ngũ tuần và Văn hóa Đương thời: Nghiên cứu Giáo đoàn về Đổi mới] (Paternoster: Milton Keynes, 2007), 26.

44. A. Hasting, A History of English Christian [lịch sử Kitô giáo Anh] 1920–1985(London: Collins, 1986), 580, 585.

45. Guest, Evangelical Identity, 22. Con số của Vương quốc Anh có thể bị coi là thổi phồng khi bao gồm Bắc Ireland.
 
Khảo sát cho thấy người Công giáo không có quan điểm bài Do Thái
Đặng Tự Do
17:23 10/04/2023


Một cuộc khảo sát mới đang xem xét quan điểm của người Công giáo Hoa Kỳ đối với đức tin của người Do Thái và các tín hữu Do Thái Giáo. Với tiêu đề “Thái độ của người Công giáo Hoa Kỳ đối với người Do Thái, Do Thái giáo và Xung đột Israel-Palestine,” báo cáo cho thấy rằng người Công giáo Hoa Kỳ có quan điểm chủ yếu thuận lợi đối với các tín hữu Do Thái bất kể họ có biết hay quân về giáo huấn cấm chủ nghĩa bài Do Thái của Giáo hội Công Giáo.

Nghiên cứu đã khảo sát hơn 1.200 người Công giáo từ Hoa Kỳ, trong đó hơn 54% cho biết họ có quan điểm “tốt” hoặc “rất tốt” về người Do Thái.

Hơn 41% bày tỏ quan điểm “trung lập” hoặc không chắc chắn. Như thế, chỉ có 4% có thể có một quan điểm tiêu cực.

Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được công bố vào ngày 22 tháng 3 trong một cuộc thảo luận nhóm với các tác giả của cuộc nghiên cứu, được tổ chức bởi Viện Quan hệ Công giáo-Do Thái, gọi tắt là IJCR, tại Đại học Thánh Giuse ở Philadelphia.

Khi các câu hỏi chuyển sang hướng thần học hơn, người ta tiết lộ rằng đa số những người được hỏi không đổ lỗi cho người Do Thái về việc đóng đinh Chúa Kitô, với 41% coi đó là “tội lỗi của loài người” và 28% cho rằng quan Phongxiô Philatô và đế quốc Rôma phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, 36% người Công giáo cho biết họ tin rằng người Do Thái “có mối quan hệ đặc biệt với Chúa” và 42% coi giao ước của Chúa với người Do Thái vẫn nguyên vẹn.

Nghiên cứu cho thấy rằng người Công giáo càng có nhiều tiếp xúc xã hội với người Do Thái, họ càng có nhiều khả năng có quan điểm thuận lợi. Nghiên cứu cho thấy hơn 60% số người được hỏi có bạn là người Do Thái có nhiều khả năng tin rằng người Do Thái có mối quan hệ đặc biệt với Chúa. Nhóm này cũng có nhiều khả năng tin rằng ơn cứu rỗi “không chỉ dành riêng cho Kitô hữu”.

Mặc dù cuộc khảo sát không đặc biệt quan tâm đến nhân khẩu học, nhưng nó đã phát hiện ra rằng những người Công giáo dưới 30 tuổi ít có khả năng biết về giao ước của Chúa với người Do Thái và ít có khả năng nuôi dưỡng tình cảm bài Do Thái. Nhóm được phát hiện là có nhiều khả năng giữ niềm tin bài Do Thái nhất là những người tuyên bố rất quen thuộc với giáo huấn của Giáo hội, những người có khả năng có quan điểm “tồi tệ” về người Do Thái cao hơn khoảng 20%. Báo cáo lưu ý rằng đây là một nghịch lý, vì giáo huấn của Giáo hội bài bác mạnh mẽ chủ nghĩa bài Do Thái.

Cuối cùng, cuộc khảo sát hỏi về việc người Công giáo Hoa Kỳ họ ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Trong khi nhiều người được hỏi đồng ý với quan điểm của Vatican rằng cả hai bên phải cố gắng đạt được một giải pháp công bằng và hợp lý, thì phần lớn người Công giáo Hoa Kỳ (~54%) vẫn “trung lập” hoặc “không chắc chắn”. Trong số những người được hỏi còn lại, khoảng 35% ủng hộ Israel và khoảng 13% ủng hộ người Palestine.
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Bo kêu gọi hòa bình, tự do ở Myanmar
Thanh Quảng sdb
17:48 10/04/2023
Đức Hồng Y Bo kêu gọi hòa bình, tự do ở Myanmar

Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon kêu gọi hòa bình và tự do cho Myanmar, nơi hàng chục ngàn người, bao gồm cả các Kitô hữu, tiếp tục gánh chịu sức nặng của cuộc nội chiến đang diễn ra giữa quân đội và các nhóm phiến quân sắc tộc.

“Là một quốc gia và một dân tộc, chúng ta hãy đẩy lui những tảng đá hận thù, đau khổ của con người và để cho sứ điệp của Chúa Giêsu, Vị Hoàng tử Hòa bình, nhóm lên trong trái tim chúng ta, và dẫn dắt chúng ta trên đường phố và trong từng ngôi nhà tại quốc gia này.” Đức Hồng Y Bo nói trong một thông điệp Phục Sinh vào ngày 9 tháng Tư.

Giống như “tảng đá đã được lăn ra khỏi ngôi mộ Chúa Giêsu, thì những tảng đá đang đè nặng chúng ta cũng có thể được dỡ bỏ, cho phép chúng ta trải nghiệm niềm vui và sự tự do của cuộc sống mới trong Đấng Phục sinh.”

Vị Hồng Y 74 tuổi nói thêm “hãy để sứ điệp Phục sinh mới được vang vọng ở đất nước này, hầu cho đất nước của tôi được trỗi dậy, được sống trong tự do và hòa bình.”

Đức Hồng Y Bo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Myanmar (CBCM), cho biết: “Chúng ta là những người con của sự sống, chúng ta là những người con của sự phục sinh.”

Lời kêu gọi của Đức Hồng Y được đưa ra khi quân đội Myanmar đẩy mạnh các chiến dịch không kích, pháo kích và đốt phá để đè bẹp các nhóm vũ trang sắc tộc nổi dậy và các Lực lượng Phòng vệ Nhân dân mới thành lập.

Các nhà thờ, bệnh viện và trường học tại các thành phố nơi có nhiều người Công Giáo ở các bang Kayah, Chin, Karen và Kachin vẫn là mục tiêu hàng đầu của chính quyền quân sự khi hàng nghìn người di cư nội bộ đã tị nạn ở đó, trong khi hàng nghìn người khác đã chạy sang các nước láng giềng Ấn Độ và Thái Lan.

Đức Hồng Y kêu gọi các Kitô hữu trở nên những người ủng hộ cho công lý và bình đẳng, và hành động như những người kiến tạo hòa bình.


Đức Hồng Y Bo, chủ tịch của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), cho hay: “Chúng ta phải đứng lên bảo vệ những người bị áp bức và bị gạt ra ngoài lề xã hội, đồng thời làm việc để loại bỏ các thế lực độc đoán đang giam giữ người dân trong cảnh nghèo đói và đau khổ, đồng thời chôn cất những người vô tội khi họ qua đời! Chúng ta phải là những người kiến tạo hòa bình. Chúng ta phải làm việc để giải quyết các xung đột và mang lại sự hòa giải, cả trong mối quan hệ cá nhân của đất nước chúng ta và trong thế giới rộng lớn hơn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nói về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, mà ngài rất thương mến, đặc biệt từ sau chuyến tông du đất nước này vào tháng 11 năm 2017.

Trong thông điệp Phục sinh truyền thống Urbi et Orbi (gửi cho Roma và toàn thế giới) ngày 9 tháng 4, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời kêu gọi hòa bình cho đất nước của chúng ta.
 
Văn Hóa
Mộ
Nguyễn Trung Tây
04:12 10/04/2023
Nguyễn Trung Tây
MỘ


Mộ, dù mộ trát vàng, thành lũy che chở, tượng lính xếp hàng dọc ngang, vẫn chỉ là ngôi mộ.
Từ những ngày đầu tiên khi người biết chôn người, chôn sâu lòng đất,
mộ vẫn cứ thế, nguồn của hôi thối, mùi bốc xông lên, thông thốc ngạt thở!
Người thân, người tình, người bạn, người lạ,
giờ tới, xác thân hạ sâu xuống mộ, đất đen lấp lên, che kín,
bởi thân xác đó máu đỏ đã ngưng lưu thông nuôi sống từng tế bào.
Xác hồng hồng biến đổi xác xanh xanh!
Ngày một ngày hai, thân thể rữa thối, mùi bốc cao cao, xô đuổi nhân thế.
Mộ, đêm đêm bập bùng ánh lửa!
Đi ngang qua mộ, người người ngần ngại những bước chân.

Nhưng,
từ giây phút Ngài, thân xác lạnh ngắt, cứng đơ tượng sáp, chôn ngôi mộ đá,
mộ thường tình nhân gian bỗng dưng chuyển mình.
Mộ ngưng hôi!
Mùi bốc xông lên từ mộ giờ này ngạt ngào tỏa hương thơm.
Thịt không rữa thối nữa!
Bởi thể xác vật lý chuyển đổi thể chất sang thể xác thần khí!
Thể xác thần khí đi ngang cửa đóng kín.
Thể xác thần khí ngồi ăn bánh mì, cá nướng, đàm đạo với người thân quen.

Bởi,
Ngài chết đi, chôn trong mộ, nhưng lại bước ra khỏi mộ, mộ Ngài biến thành mộ trống!
Ngài, Người đầu tiên bước chân dẫm lên thân xác Thần Chết, gốc nguồn của mùi tanh tưởi, thối hôi hôi.
Bắt đầu từ Ngài!
Trần gian vang vang bài ca, “vòng quay vẫn quay, quay thêm một vòng, vòng quay phục sinh!”
Vòng quay phục sinh của thể xác thần khí.
Người thôi không chết nữa, nhưng sống như Ngài, Người đã biến đổi ngôi mộ nhân gian.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho ngôi mộ con trở nên ngôi mộ trống!
https://www.youtube.com/watch?v=HImhyMtBdvU

 
VietCatholic TV
Putin tê tái: Nga kiệt quệ cả xe tăng lẫn kíp lái. Cẩm Linh dọa hạt nhân nếu Putin bị bắt hay ám sát
VietCatholic Media
03:03 10/04/2023


1. Tuyên truyền viên Điện Cẩm Linh đe dọa chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine cố gắng ám sát Putin

Sau vụ ám sát blogger người Nga ủng hộ chiến tranh Vladlen Tatarsky vào ngày 2 tháng Tư, nhiều người Nga ủng hộ Putin lo ngại rằng, các cơ quan tình báo Ukraine có thể sẽ lên kế hoạch để ám sát chính Putin. Một tuyên truyền viên Điện Cẩm Linh đe dọa rằng chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra nếu Ukraine cố gắng làm như thế.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Host Attacks 'Pacifists' Against Using Nuclear Weapons”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga tấn công những người theo chủ nghĩa hòa bình, chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Vladimir Solovyov, biệt danh là 'tiếng nói của Putin' vì mối quan hệ về ý thức hệ với tổng thống Nga, đã tấn công “những người theo chủ nghĩa hòa bình ở Nga”, là những người phản đối nước này triển khai vũ khí hạt nhân.

Solovyov đã đưa ra nhận xét trên chương trình phát thanh Polniy Kontakt, nghĩa là giao tiếp đầy đủ của ông ta, chương trình này cũng được phát trực tuyến, sau vụ ám sát blogger người Nga ủng hộ chiến tranh Vladlen Tatarsky vào ngày 2 tháng Tư.

Quân đội Nga đang vật lộn để đạt được bước tiến trong cuộc xâm lược Ukraine và đã dành vài tháng qua để cố gắng chiếm thành phố Bakhmut của Donbas trước một cuộc phản công được dự đoán trước của Kyiv. Nếu các lực lượng Ukraine thực hiện được các bước đột phá, họ có thể tiến đến Crimea do Nga xâm lược, nơi mà một đồng minh của Putin cảnh báo có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phát biểu trong chương trình của mình, Solovyov suy đoán rằng, sau cái chết của Tatarsky, những đối phương của Điện Cẩm Linh có thể cố gắng ám sát Tổng thống Putin. Ông nói thêm rằng nếu điều này được “thực hiện bởi các cơ quan tình báo nước ngoài” thì đó sẽ là một “casus belli, và một cuộc tấn công hạt nhân sẽ ngay lập tức xảy ra.”

Casus belli là một cụm từ tiếng Latinh nghĩa là một hành động hoặc tình huống kích động hoặc biện minh cho chiến tranh.

Solovyov sau đó đã công kích “những người theo chủ nghĩa hòa bình hư hỏng ở Nga”, những người lập luận rằng “trong mọi trường hợp” Mạc Tư Khoa không được triển khai vũ khí hạt nhân.

Đoạn video được ghi lại, dịch và đăng trên YouTube bởi Russian Media Monitor, một nhóm độc lập do nhà báo điều tra Julia Davis thành lập “trong nỗ lực chống lại tuyên truyền của Nga”.

Sau đó, Solovyov dự đoán Nga sẽ “hoàn toàn chuyển sang tư thế chiến tranh” nếu Ukraine đạt được “thành công chiến lược” bằng một cuộc phản công.

Tuyên bố rằng ông “không nghi ngờ gì” về cách Putin sẽ phản ứng, ông nói: “Nếu cần thiết, sẽ có sự huy động của toàn xã hội và các ngành công nghiệp của chúng ta. Tất cả dự trữ quân đội cần thiết sẽ được đưa vào.”

“Đất nước sẽ hoàn toàn chuyển sang trạng thái chiến tranh. Nó sẽ bị khuấy động hơn bao giờ hết và sẽ tiếp tục chiến đấu, bất chấp những tổn thất tạm thời, cho đến khi quốc gia Ukraine của Đức Quốc xã bị tiêu diệt hoàn toàn cùng với những kẻ cộng tác với nó, bao gồm Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và các nhóm tội phạm khác.”

Điện Cẩm Linh đã cáo buộc một cách vô căn cứ chính phủ Ukraine là tân Quốc xã, mặc dù chính phủ này được bầu cử dân chủ và đứng đầu là Volodymyr Zelenskiy, một người Do Thái.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

Hôm thứ Bảy, một đánh giá mới từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh,, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Washington DC, cho biết Nga đang “dựa nhiều vào pháo binh để bù đắp những thiếu sót chính” trong quân đội của họ ở Ukraine.

Tuy nhiên, ISW cảnh báo tình trạng thiếu đạn của Nga sẽ “làm suy yếu” cách chiến đấu này.

Cũng trong ngày thứ Bảy, quân đội Ukraine đã chia sẻ đoạn phim ghi lại cảnh pháo tự hành AHS Krab của họ được sử dụng để tấn công các vị trí của Nga. Ukraine đã được Ba Lan tặng 18 tăng pháo tự hành Krab vào năm 2022.

Một bài đăng kèm theo cho biết: “Hệ thống pháo tự hành Krab đã thể hiện tốt cả về tốc độ ngắm và tầm bắn.”

“Chúng tôi đã nghiên cứu tài nguyên và khả năng của những chiếc máy này và đang cung cấp cho các nhà sản xuất các đề xuất để họ cải tiến.”

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 5 Tháng Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì phiên họp đầy đủ của Hội đồng An ninh Nga, đây là sự kiện đầu tiên như vậy kể từ tháng 10 năm 2022.

Báo cáo chính do Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev trình bày và thảo luận về việc tái cấu trúc, thực thi pháp luật và trật tự công cộng tại các khu vực sáp nhập bất hợp pháp của Ukraine.

Việc chọn Kolokoltsev làm diễn giả chính có thể là một nỗ lực của Điện Cẩm Linh nhằm mô tả tình hình ở những vùng lãnh thổ đó đang được bình thường hóa.

Trên thực tế, phần lớn khu vực này vẫn là khu vực chiến đấu tích cực, chịu sự tấn công của các nhóm du kích và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của nhiều công dân là rất hạn chế.

3. Zelenskiy chỉ trích Nga về vụ tấn công ngày lễ khiến hai cha con thiệt mạng

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ trích Nga trong bài phát biểu hàng đêm hôm Chúa Nhật về vụ tấn công chết người được báo cáo bởi dịch vụ khẩn cấp của Ukraine ở Zaporizhzhia trong đêm.

“Đây là cách nhà nước khủng bố dành cho Chúa Nhật Lễ Lá này,” Zelenskiy nói, đề cập đến ngày lễ hôm nay theo truyền thống Chính thống giáo phía đông, khi các Kitô hữu khác cử hành Chúa Nhật Phục sinh.

Ít nhất hai người đã thiệt mạng khi các cuộc không kích của Nga tấn công thành phố phía nam trong đêm, theo Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine.

Một người đàn ông 50 tuổi và cô con gái 11 tuổi của ông đã thiệt mạng sau khi các cuộc không kích phá hủy một phần tòa nhà dân cư, các quan chức cho biết trên Telegram. Lực lượng cấp cứu đã kéo một phụ nữ 46 tuổi ra khỏi đống đổ nát.

“Đây là cách Nga tự đặt mình vào thế cô lập thậm chí còn lớn hơn với thế giới, với nhân loại,” Zelenskiy nói.

4. “Đó là địa ngục ở Bakhmut” nhưng các lực lượng của Kyiv vẫn đang giữ vị trí, chiến binh Ukraine nói

Serhiy Cherevaty, phát ngôn nhân của Cụm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết trên truyền hình quốc gia hôm Chúa Nhật: “Các trận chiến bên trong thị trấn phía đông Bakhmut, Ukraine, là “những trận khó khăn nhất vì chúng ta ở rất gần đối phương”.

“Tuy nhiên, tuyến đường tiếp tế vẫn mở và các lực lượng Ukraine đang giữ vị trí của họ,” ông nói.

Lính đánh thuê Wagner là “những kẻ hung hăng nhất ở hướng Bakhmut” nhưng lính dù và lính bộ binh Nga cũng đang chiến đấu ở Bakhmut và trong khu vực. Ông nói: “Người Nga vẫn nắm giữ lợi thế đáng kể về pháo binh ở những khu vực họ tấn công chính.

Cherevaty cho biết: “Chúng ta đang cung cấp cho Bakhmut đạn dược, thực phẩm và đồ tiếp tế, cũng như đưa những người bị thương của chúng ta ra ngoài.

Các lực lượng Nga tiếp tục nỗ lực để giành “toàn quyền kiểm soát” Bakhmut, quân đội Ukraine cho biết trong bản cập nhật hoạt động mới nhất vào chiều Chúa Nhật.

Các báo cáo không chính thức cho thấy các lực lượng Nga đang duy trì bước tiến rất chậm hướng đến trung tâm Bakhmut và vào các khu vực phía tây của thành phố, với nhà ga đường sắt là mục tiêu trọng điểm tiếp theo.

Yuriy Syrotyuk, một quân nhân trong quân đội Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia hôm Chúa Nhật rằng tình hình ở Bakhmut là “thực sự khó khăn” đối với các lực lượng của Kyiv, vì họ bị quân đội Nga và các chiến binh Wagner áp đảo.

“Bakhmut đứng vững; có một nguồn cung cấp” nhưng “Người Nga đông hơn chúng ta và nắm giữ nhiều đạn dược hơn,” Syrotyuk nói.

“Đó là địa ngục ở Bakhmut. Chúng ta hiện đang trấn giữ cánh phải phòng thủ của thành phố. Pháo binh địch đang bắn không ngừng, nhiều bệ phóng hỏa tiễn khai hỏa, và hàng không,” anh nói.

“Bây giờ thực sự khó khăn vì pháo binh và xe tăng của Nga đã kéo đến rất gần, họ đang cố gắng bắn mọi thứ. Lính nhảy dù với vũ khí đã đến. Thật không may, đối phương rất đông cùng với vũ khí. Ở Bakhmut, họ không thiếu nhân lực hay đạn dược,” anh nói thêm.

Syrotyuk cho biết cuộc tấn công của Nga vào sườn phía nam của thành phố đã suy yếu, “đó là lý do tại sao họ đang cố gắng tấn công trực diện vào thành phố”. Nga đã di chuyển các bệ phóng pháo và hỏa tiễn vào trong ranh giới của thành phố.

Syrotyuk nói: “Đối phương đang phá hủy mọi thứ và tiến qua đống đổ nát,” nhưng con đường tiếp tế tới Bakhmut vẫn mở.

“Tôi đã ở vùng ngoại ô phía nam của Bakhmut sáng nay. Chúng tôi có thể luân chuyển quân. Vâng, đối phương đang bắn phá con đường, vâng, nó rất nguy hiểm. Tuy nhiên, có nguồn cung cấp, phòng thủ được tổ chức hợp lý và thậm chí còn có sự luân chuyển quân. Hãy nhìn xem, chúng tôi đã có thể rời đi, tắm rửa sạch sẽ và sẽ quay lại,” anh ấy nói thêm, lưu ý rằng anh ấy đã tạm dừng cuộc chiến một thời gian ngắn để nghỉ ngơi và tham gia cuộc phỏng vấn.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 9 tháng Tư, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Nga đang tung một lực lượng lớn lính Dù vào chiến trường Bakhmut. Tuy nhiên, quân Nga không tiến lên được và thậm chí phải bỏ chạy trước các khí tài chiến tranh do Hoa Kỳ, Đức, Ba Lan và các đối tác khác. Cùng với các xe tăng Đức, tăng pháo Ba Lan AHS 'Krab' đang gây khiếp đảm cho quân Nga. Ông nhấn mạnh rằng 13 hệ thống pháo của Nga đã bị phá hủy trong 24 giờ qua bởi các tăng pháo Ba Lan AHS 'Krab'.

Sáng thứ Hai 10 Tháng Tư, chính phủ Ba Lan đã quyết định tặng thêm cho người Ukraine một số tăng pháo AHS 'Krab' do nước này sản xuất.

5. Hàng chục trẻ em Ukraine này đã bị Nga bắt cóc bất hợp pháp. Bây giờ họ đã trở về với gia đình ở Kyiv

Một ngày sau khi quay trở lại Ukraine, 31 trẻ em cuối cùng đã được đoàn tụ với gia đình, nhiều tháng sau khi chúng bị bắt khỏi nhà và chuyển đến các vùng lãnh thổ do Nga xâm lược.

Một nhóm CNN ở Kyiv hôm thứ Bảy đã chứng kiến cảnh những đứa trẻ cuối cùng bước xuống xe buýt để ôm những người thân trong gia đình đang chờ đợi, nhiều người không cầm được nước mắt khi những tháng ngày xa cách sắp kết thúc.

Bogdan, 13 tuổi, nói khi ôm mẹ mình: “Cháu đã khóc khi nhìn thấy mẹ từ trên xe buýt. Cháu rất vui khi được trở lại.”

Mẹ của Bogdan, Iryna, 51 tuổi, cho biết bà nhận được rất ít thông tin về con trai mình trong 6 tháng họ xa nhau.

“Không có kết nối điện thoại. Tôi đã rất lo lắng. Tôi không biết bất cứ điều gì, liệu con tôi có bị lạm dụng hay không, chuyện gì đang xảy ra với con tôi.... Tay tôi vẫn còn run,” bà nói.

Các cuộc đoàn tụ diễn ra ở thủ đô Ukraine và được điều phối bởi tổ chức nhân đạo Save Ukraine. Theo nhóm này, hiện họ đã hoàn thành 5 nhiệm vụ đưa những đứa trẻ Ukraine về nước.

“Nhờ công việc chung và phối hợp của chúng tôi mà chúng tôi một lần nữa được trải nghiệm những cảm xúc lạ thường này khi sau một thời gian dài xa cách, những đứa trẻ xa quê hương lại được ở trong vòng tay của gia đình. Khi bạn nhìn thấy những giọt nước mắt vui mừng trên khuôn mặt của những người Ukraine, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả không phải là vô ích,” Mykola Kuleba, người sáng lập Save Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo trước đó vào thứ Bảy.

Cũng trong cuộc họp báo đó, Kuleba cho biết thảm kịch đã xảy ra trong nhiệm vụ giải cứu mới nhất: Một trong những người phụ nữ đi cùng đoàn - một bà ngoại - đã qua đời trong cuộc hành trình. Người phụ nữ đáng lẽ sẽ đón hai đứa trẻ trong chuyến công tác, nhưng vì bà ấy đã qua đời nên hai đứa bé này không được phép quay trở lại Ukraine.

Các cáo buộc về việc bắt cóc trẻ em từ Ukraine sang Nga đã tạo cơ sở cho các cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin và một quan chức cấp cao, Maria Lvova-Belova, bởi Tòa án Hình sự Quốc tế vào tháng trước.

Một báo cáo được công bố vào tháng 2 nêu chi tiết các cáo buộc về một mạng lưới mở rộng gồm hàng chục trại nơi trẻ em trải qua “cải tạo chính trị”, bao gồm giáo dục văn hóa, học thuật lấy Nga làm trung tâm và, trong một số trường hợp, giáo dục quân sự.

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine gần đây ước tính tổng số trẻ em bị buộc rời khỏi nhà của chúng ít nhất là 20.000. Kyiv cho biết hàng ngàn trường hợp đã được điều tra.

6. Người Nga không chỉ cạn kiệt xe tăng—Họ cũng cạn kiệt kíp lái xe tăng. Và tình hình sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Russians Aren’t Just Running Out Of Tanks—They’re Running Out Of Tank Crews, Too. And It’s Going To Get Worse.”, nghĩa là “Người Nga không chỉ cạn kiệt xe tăng—Họ cũng cạn kiệt kíp lái xe tăng. Và tình hình sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mất ít nhất 2.000 xe tăng trong cuộc chiến kéo dài 14 tháng ở Ukraine và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn linh kiện công nghệ cao cần thiết để chế tạo xe tăng mới, Nga đã rút khỏi kho lưu trữ dài hạn hàng trăm chiếc xe tăng hàng 60 năm tuổi như T-62,T-70, T-55. Những chiếc xe tăng này đã lỗi thời cách đây hàng chục năm.

Một chiếc T-62 nặng 41 tấn với súng nòng trơn 115 ly, hay một chiếc T-55 nặng 40 tấn với súng nòng 100 ly, sẽ dễ dàng cho ngành công nghiệp Nga phục hồi hơn là T-90 hay T- 72 là—vì xét cho cùng, T-62 hoặc T-55 yêu cầu ít vòng bi và linh kiện điện tử hơn. Xe tăng cũ hơn cũng dễ dàng hơn cho kíp lái của nó vận hành.

Điều đó có ý nghĩa về phương diện đào tạo. Nhà bình luận người Ukraine Oleksandr Kovalenko cho biết: “Các tổ lái cho những chiếc T-55 và T-62 có thể được đào tạo trong một khung thời gian ngắn hơn.”

T-55 và T-62 thuộc thế hệ xe tăng Liên Xô trước khi có hệ thống nạp đạn tự động, trước khi có hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi và cách bố trí tổ lái cho phép xạ thủ và chỉ huy tìm kiếm mục tiêu một cách độc lập.

Ưu điểm là một kíp lái bốn người có thể học cách vận hành chiếc xe tăng cũ của nó một cách nhanh chóng—chẳng hạn như chỉ sau vài tuần huấn luyện. Tất nhiên, nhược điểm là kíp lái vẫn đang cưỡi trên một chiếc xe tăng lỗi thời. T-55 hoặc T-62 dễ sử dụng hơn vì công nghệ cũ, thô sơ.

Công nghệ cũ, thô sơ có thể không tồn tại lâu trong chiến đấu—và có thể khiến lính tăng mới bị giết nhanh hơn.

Tuy nhiên, người Nga dường như đánh giá cao yêu cầu huấn luyện ít khắt khe hơn của xe tăng cũ. Xét cho cùng, rất nhiều trong số 2.000 xe tăng mà họ bị mất ở Ukraine đã mang theo kíp lái khi chúng nổ tung. Có thể hàng ngàn lính xe tăng giàu kinh nghiệm của Nga đã chết trong cuộc chiến rộng lớn hơn; thay thế họ có thể khó khăn không kém việc thay thế xe tăng của họ.

Kovalenko ghi nhận tình trạng ngày càng thiếu hụt các đội xe tăng giỏi của Nga khi ông theo dõi một lô hàng chục chiếc T-72, T-80 và T-90 đã được phục hồi đến một đơn vị cơ giới của quân đội Nga gần Svatove ở miền đông Ukraine. “Điều thú vị nhất là không có tổ lái nào trong đơn vị có thể vận hành những chiếc xe tăng này,” Kovalenko nói.

Giao kíp lái mới cho xe tăng cũ có vẻ như là một giải pháp cho vấn đề này. Trên thực tế, đó là một phương tiện ngắn hạn — và là một phương tiện tự chuốc lấy thất bại.

Có thể nâng cấp hệ thống quang học trong T-55 hoặc T-62 bằng cách hoán đổi ống ngắm của xạ thủ TSh 2-22 đã 70 tuổi lấy ống ngắm tương tự 1PN96MT-02, mặc dù không tinh vi bằng loại hiện đại nhất. Sosna-U tầm nhìn kỹ thuật số, ít nhất là mới và đáng tin cậy. Cũng có thể tăng cường khả năng bảo vệ của xe tăng cũ hơn bằng cách lắp các khối giáp phản ứng nổ vào thân và tháp pháo.

Nhưng ngành công nghiệp Nga có thể làm rất ít để cải thiện súng chính, cách bố trí bên trong hoặc tích hợp tháp pháo của T-55 hoặc T-62. Và tất cả đều có vấn đề.

“Điểm yếu đáng kể nhất của T-62 là tốc độ bắn chậm,” Quân đội Hoa Kỳ giải thích trong một bản tin năm 1979. Khi tổ lái của T-64, Leopard 2 hoặc M-1 của Ukraine có thể bắn 10 hoặc thậm chí 12 phát một phút, thì tổ lái T-55 hoặc T-62 có thể bắn được ba hoặc bốn phát một phút.

Những lý do là vô số. Theo bản tin của Quân đội Hoa Kỳ: “Đạn được cất giữ một cách bất tiện để nạp nhanh. “Trong một số điều kiện nhất định, khẩu súng phải được nâng lên trước khi người nạp đạn có thể đặt một viên đạn mới vào khóa nòng. Hệ thống phóng tự động cần sáu giây để hoàn thành một chu kỳ.”

Trong khi T-55 và T-62 gặp phải những hạn chế khác, chẳng hạn như cơ chế di chuyển tháp pháo chậm, thì tốc độ bắn chậm là một hạn chế khiến rất nhiều lính tăng Nga thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trực tiếp với người Ukraine.

Trong trận chiến then chốt xung quanh Chernihiv ở miền trung bắc Ukraine vào mùa xuân năm 2022, Lữ đoàn xe tăng số 1 Ukraine đã giấu những chiếc T-64 của mình trong các khu rừng xung quanh thành phố. Khi xe tăng Nga lăn bánh, các tổ lái T-64 đã nổ súng.

Các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và các nhà phân tích của Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và các nhà phân tích cho biết: “Việc huấn luyện kíp lái tốt hơn kết hợp với các cuộc giao tranh tầm ngắn trong đó vũ khí của họ có tính cạnh tranh và bộ nạp tự động nhanh hơn trên T-64, cho phép các kíp lái xe tăng Ukraine gây được thiệt hại đáng kể và bất ngờ trước các đơn vị Nga”. Nick Reynolds giải thích trong một nghiên cứu cho Viện Royal United Services ở London.

Khi T-55 và T-62 thay thế T-72 trong đội hình của Nga, lợi thế về hỏa lực của Ukraine sẽ tăng lên.

Nhưng so sánh một chiếc xe tăng cũ của Nga với một chiếc xe tăng mới hơn của Ukraine thực sự là không đúng. Cuộc khủng hoảng xe tăng ở Điện Cẩm Linh là một lời nhắc nhở rằng, trong chiến tranh, con người quan trọng hơn máy móc. Đẩy nhanh các xe tăng mới thông qua một khóa đào tạo ngắn hạn để ép họ vào những chiếc T-55 và T-62 cũ và tăng tốc những chiếc xe tăng này ra tiền tuyến có thể tạo ra ấn tượng về sức mạnh của Nga. Nhưng nó sẽ không chiến thắng trận chiến.

Bởi vì những kíp lái đó — đặc biệt là chỉ huy xe tăng sẽ thiếu kinh nghiệm. Billy Burnside lưu ý trong một nghiên cứu năm 1979 cho Quân đội Hoa Kỳ: “Điều... quan trọng là những người quyết định trong kíp lái và trung đội trưởng phải có kinh nghiệm cần thiết để cho phép họ phản ứng với những chiến trường thay đổi nhanh chóng trong tương lai.

Khi 'giải quyết' tình trạng thiếu xe tăng của họ bằng cách trang bị cho các kíp lái những chiếc xe tăng lỗi thời, người Nga cuối cùng có thể tạo ra tình trạng thiếu xe tăng thậm chí còn trầm trọng hơn bằng cách khiến một nhóm bốn người T-55 và T-62 kíp lái thiệt mạng trong các trận chiến không cân sức với những chiếc xe tăng tốt hơn mà lực lượng Ukraine được trang bị và được huấn luyện tốt hơn.

7. Vương quốc Anh cho biết cuộc chiến mùa đông của Nga nhắm vào năng lượng của Ukraine đã thất bại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian campaign to destroy Ukraine's energy infrastructure has likely failed, UK defense officials say”, nghĩa là “Vương quốc Anh cho biết cuộc chiến mùa đông của Nga nhắm vào năng lượng của Ukraine đã thất bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Chiến dịch của Nga trong những tháng mùa đông nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine thông qua các cuộc tấn công không ngừng bằng hỏa tiễn “rất có thể đã thất bại”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một thông báo tình báo mới nhất về cuộc chiến.

Quân đội Nga đã ném bom các mục tiêu chiến lược trên khắp quốc gia bị chiến tranh tàn phá nhằm phá vỡ nỗ lực chiến tranh và làm mất tinh thần của công dân Ukraine. Trong khi các cuộc tấn công dẫn đến mất điện trên diện rộng, hôm thứ Sáu, bộ trưởng năng lượng của quốc gia tuyên bố xuất khẩu điện sẽ tiếp tục sau sáu tháng gián đoạn nhờ sửa chữa thành công lưới điện.

Ukraine từng là nhà cung cấp điện chính cho Liên minh Âu Châu và nước láng giềng Moldova, là quốc gia cũng bị mất điện tạm thời do làn sóng tấn công hỏa tiễn ban đầu. Theo số liệu từ Bộ Năng lượng Ukraine, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2022, nó đã bán được 2,6 tỷ kilowatt giờ—gần đủ năng lượng cho 1,6 triệu công dân Liên Hiệp Âu Châu.

Nga bắt đầu tấn công tầm xa vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào tháng 10 năm ngoái, với còi báo động không kích và đoàn người chạy đến boongke trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày trên khắp Ukraine. Nhưng tình báo phương Tây cho thấy các cuộc tấn công này đã trở nên hiếm hoi kể từ đầu tháng 3, trong khi các cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn vẫn tiếp tục.

Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Anh đã viết rằng “chiến dịch của Nga làm suy giảm nghiêm trọng hệ thống năng lượng thống nhất của Ukraine” đã không đạt được mục tiêu chính và lưu ý rằng tình hình của Ukraine liên quan đến sản xuất và truyền tải năng lượng “có thể sẽ được cải thiện với sự xuất hiện của thời tiết ấm áp hơn.”

“Các công ty điều hành mạng của Ukraine tiếp tục cung cấp máy biến áp thay thế và các bộ phận quan trọng khác,” Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nói thêm, mặc dù tuyên bố rằng việc vận chuyển và lắp đặt các bộ phận đó vẫn là “một thách thức lớn về hậu cần, đặc biệt là máy biến áp cao áp nặng ít nhất 100 tấn.”

Ukraine đã ngừng xuất khẩu điện sang Liên Hiệp Âu Châu sau khi Nga bắt đầu tấn công vào lưới điện của nước này, nhưng trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Năng lượng của quốc gia, German Galushchenko cho biết hệ thống này đã hoạt động bình thường trong khoảng hai tháng.

Ông nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã đạt được kết quả này nhờ vào công việc to lớn của các công nhân năng lượng, và các đối tác quốc tế của chúng ta, những người đã giúp khôi phục hệ thống.

“Mùa đông khắc nghiệt nhất đã qua,” Galushchenko nói thêm. “Bước tiếp theo là mở cửa xuất khẩu điện, điều này sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng rất cần thiết đã bị phá hủy.”

Bộ trưởng năng lượng đã ký một văn bản cho phép xuất khẩu 400 megawatt điện sang mạng lưới Âu Châu, nhưng các quan chức nhấn mạnh rằng khối lượng thực tế có thể dao động và nhu cầu điện của người tiêu dùng Ukraine sẽ vẫn là “ưu tiên tuyệt đối”.

Hiện tại, giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine vẫn tập trung vào các khu vực phía đông của đất nước, nơi các lực lượng xâm lược đang tìm cách chiếm giữ các khu vực mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã sáp nhập. Việc sáp nhập của ông không được quốc tế công nhận và được nhiều người mô tả là bất hợp pháp.

Ukraine tiếp tục bảo vệ các vị trí chiến lược ở phía đông, và Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner bán quân sự của Nga, được cho là đang dẫn đầu cuộc tấn công vào Bakhmut, đã chỉ trích các chiến thuật quân sự của Nga, và tuyên bố rằng “đối phương không đi đâu hết”.

Các quan chức tình báo phương Tây hiện tin rằng cả hai bên đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa xuân khi thời tiết tốt hơn, khi cuộc chiến kéo dài sang năm thứ hai.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận vào thứ Bảy.
 
Gay go: Đàng Thánh Giá Côlôsêô lại gây tranh cãi, Ukraine cảm thấy tủi thân. Hoa Hà Lan ở Vatican
VietCatholic Media
05:03 10/04/2023


1. Tranh cãi chung quanh Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Côlôsêô ở Rôma

Ngay cả khi Đức Giáo Hoàng vắng mặt hôm thứ Sáu, Vatican đã tìm cách can thiệp vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine trong Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Côlôsêô ở Rôma, với sự góp mặt của người dân từ cả hai quốc gia kêu gọi hòa bình trong năm thứ hai liên tiếp.

Và, trong năm thứ hai liên tiếp, cử chỉ này đã gây ra sự phản đối từ Ukraine, cho rằng những cử chỉ xoa dịu như vậy đã bỏ qua thực tế về cuộc xâm lược của Nga.

Mặc dù đã chủ sự buổi Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào chiều thứ Sáu trước đó, nhưng một tuyên bố của Vatican cho biết “do thời tiết lạnh giá trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ theo dõi Đàng Thánh Giá vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh từ Nhà nguyện Thánh Marta, hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô và lời cầu nguyện của những người sẽ quy tụ với Giáo Phận Rôma.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được xuất viện từ bệnh viện Gemelli của Rôma vào thứ Bảy tuần trước, sau khi nhập viện vào thứ Tư vì khó thở. Ngài được điều trị bằng kháng sinh cho bệnh viêm phế quản và trở về Vatican kịp thời để cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô.

Cho đến nay, Đức Thánh Cha đã chủ sự mỗi cử hành đã được lên lịch trong Tuần Thánh của ngài, bao gồm Thánh Lễ Truyền Dầu vào sáng Thứ Năm và Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa tại một nhà tù vị thành niên vào tối Thứ Năm, cũng như buổi Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa vào chiều Thứ Sáu, khiến Đàng Thánh Giá trở thành nghi thức đầu tiên ngài đã bỏ lỡ.

Đức Hồng Y người Ý Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã chủ sự Chặng Đàng Thánh Giá thay cho Đức Thánh Cha, dẫn đầu hàng ngàn tín hữu quy tụ trong buổi cầu nguyện Mùa Chay truyền thống.

Với chủ đề “Những tiếng nói của hòa bình trong một thế giới có chiến tranh”, các bài suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay chứa đựng những chứng từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe trong các chuyến tông du quốc tế khác nhau của ngài và trong các dịp khác. Chúng được biên soạn bởi một số bộ phận giáo triều của Vatican, mặc dù bộ phận nào đã biên soạn không được nêu rõ.

Các bài suy niệm bao gồm lời chứng của những người đến từ Phi Châu, Trung và Nam Mỹ, Á Châu, Thánh địa và những nơi khác ở Trung Đông, cũng như vùng Balkan và các quốc gia khác ở Âu Châu.

Những câu chuyện mô tả chi tiết những bi kịch và khó khăn của chiến tranh và xung đột bạo lực, các cuộc tấn công của những kẻ cực đoan, cuộc sống trong các trại tị nạn và hành trình đau khổ của người di cư, bao gồm cả những chuyến đi nguy hiểm qua Địa Trung Hải vào Âu Châu.

Chặng thứ mười bao gồm chứng từ của những người trẻ tuổi từ Nga và Ukraine. Một thanh niên Ukraine giấu tên đã kể chi tiết về cuộc chạy trốn ban đêm của gia đình họ khỏi thành phố Mariupol và một chuyến xe buýt kéo dài nhiều ngày trước khi cuối cùng lên đường đến Ý để gặp bà của họ.

Tuy nhiên, gia đình đã trở về Ukraine, và theo lời kể của người thanh niên, “Tình hình tiếp tục khó khăn: có chiến tranh ở tất cả các bên, thành phố bị phá hủy. Tuy nhiên, trong trái tim tôi vẫn còn đó xác tín mà bà tôi thường nói với tôi khi tôi khóc: 'Mọi thứ rồi sẽ qua, con sẽ thấy. Và với sự giúp đỡ của Chúa nhân lành, hòa bình sẽ trở lại.'“

Thanh niên người Nga, giấu tên, cho biết anh ấy hoặc cô ấy cảm thấy “có cảm giác tội lỗi, nhưng đồng thời tôi không hiểu tại sao và tôi cảm thấy tồi tệ gấp đôi. Tôi cảm thấy bị tước đoạt hạnh phúc và ước mơ cho tương lai.”

“Tôi đã chứng kiến bà và mẹ tôi khóc suốt hai năm. Một lá thư cho chúng tôi biết rằng anh cả của tôi đã chết” sau khi anh ấy khởi hành “một chuyến đi dài,” người thanh niên nói và cho biết nhiều người nói với họ rằng họ nên tự hào, “nhưng ở nhà chỉ có nhiều đau khổ và buồn bã.”

Thanh niên này cho biết cha và ông của họ cũng đã bỏ nhà ra đi và “chúng tôi không biết gì nữa,” và rằng họ đã cầu nguyện Chúa cho hòa bình, xin rằng “có hòa bình trên toàn thế giới và tất cả chúng ta hãy là anh chị em của nhau”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây xôn xao trong Chặng Đường Thánh Giá khi yêu cầu một phụ nữ Ukraine và một phụ nữ Nga cùng vác thánh giá trong chặng thứ 13, “Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi Thánh Giá.” Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của người Ukraine và thậm chí cả đại sứ quán Ukraine tại Tòa thánh.

Trong khi Vatican không đảo ngược quyết định để các phụ nữ vác thánh giá cùng nhau, họ đã loại bỏ văn bản của bài suy niệm, thay vào đó để các tín hữu cầu nguyện trong thinh lặng.

Cử chỉ năm nay cũng vấp phải sự chỉ trích từ Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, Andrii Yurash, người đã gửi một Tweet nói rằng thanh niên Nga “quên đề cập: người thân của anh ta đến Ukraine để giết không chỉ cha của cậu bé Ukraine, mà tất cả gia đình anh ta, chứ không phải là ngược lại.”

Vatican không tiết lộ quốc tịch của những người vác thánh giá, nhưng một nhóm thanh niên đã vác thánh giá cho chặng thứ 10, trong đó có một cậu bé và một cô gái, mỗi người đều đeo một lá cờ Ukraine buộc quanh cổ.

Các bài suy niệm năm nay kết thúc với một loạt mười bốn lời “cảm ơn,” một lời cho mỗi chặng, cảm ơn Chúa Giêsu vì sự hiền lành, can đảm, bình an và tình yêu của Ngài; vì đã “biến nước mắt thành nụ cười,” vì sự tha thứ của Ngài, và vì niềm hy vọng và lòng thương xót mà Ngài mang lại trong những lúc đau khổ.

“Cảm ơn Chúa Giêsu vì ánh sáng mà Ngài đã thắp lên trong đêm tối của chúng con. Trong việc hòa giải mọi chia rẽ, bạn đã làm cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em, con của cùng một Cha trên trời”.

Nhiều người đã lên tiếng than phiền về việc các bản văn của Đàng Thánh Giá năm nay tại Côlôsêô không được công bố trước và chỉ được biết vào giờ chót. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra. Không có gì như thế đã từng xảy ra trong quá khứ. Cũng có những người khác lo ngại rằng, Đàng Thánh Giá tại Côlôsêô ngày càng chú trọng vào các vấn đề chính trị gây tranh cãi hơn là chính cuộc thương khó Chúa và những đau khổ nhân sinh, đặc biệt là những đau khổ của các tín hữu Kitô bị bách hại trên thế giới.


Source:Crux

2. Hàng giáo sĩ Công Giáo tại Trung Quốc ngày càng già nua

Giáo sĩ Công Giáo tại Trung Quốc ngày càng già nua vì con số tử vong do đại dịch, chết sớm, và giảm bớt ơn gọi.

Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, truyền đi ngày 03 tháng Tư vừa qua, nhắc đến lễ “Thanh Minh”, là ngày theo truyền thống tưởng nhớ ông bà và những người quá cố. Năm nay, lễ này vào ngày 05 tháng Tư. Trong Giáo hội tại Trung Quốc, lễ này là dịp để các tín hữu tưởng niệm các linh mục và nữ tu qua đời trong 12 tháng trước đó.

Năm nay, Lễ Thanh Minh nhắc nhớ con số cao các linh mục và nữ tu, phần lớn là cao tuổi, đã bị đại dịch Covid-19 lấy đi mạng sống. Và một khía cạnh khác cũng được đặc biệt chú ý, là ơn gọi linh mục và tu sĩ suy giảm khiến cho hàng giáo sĩ và tu sĩ tại Trung Quốc ngày càng trở nên già nua.

Trang mạng “Tín Đức” (Xinde.org) của Công Giáo Trung Quốc, đưa tin trong năm ngoái (2022), có ít nhất 13 giám mục và linh mục cùng bảy nữ tu Công Giáo tại nước này chết vì đại dịch. Trong số các giáo sĩ vừa nói, có bảy vị trên 75 tuổi, sáu vị dưới 65 tuổi. Có bốn nữ tu qua đời trên 75 tuổi, trong khi ba chị còn lại dưới 65 tuổi.

Các giáo sĩ và nữ tu đã từng trải qua những năm sầu muộn và đau khổ thời Cách mạng văn hóa dần dần qua đời, cùng với niềm tin và sức mạnh tinh thần. Họ tượng trưng những điểm tham chiếu quí giá và được các cộng đoàn Công Giáo kính mến. Giờ đây, vấn đề hàng giáo sĩ, tu sĩ ngày càng cao tuổi, đang trở thành một vấn đề hiển nhiên và cấp thiết, giữa lúc ơn gọi linh mục và tu sĩ trở nên khan hiếm.

Những năm gần đây, hiện tượng các giám mục, linh mục và nữ tu chết sớm cũng lưu ý về vấn đề cấp thiết cần chăm sóc điều kiện thể lý, sức khỏe phần xác và phần hồn của những người nhiều khi lơ là với sức khỏe của bản thân khi dấn thân chăm sóc tha nhân. Trong hai năm gần đây, việc các linh mục và nữ tu chết sớm đã làm chấn động một số cộng đoàn, như nữ tu Maria Dương Hoa Lâm (Yang Huilin), Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Nghi Huyện (Yixian), tỉnh Hà Bắc, qua đời lúc 50 tuổi vì bệnh về ruột không được chăm sóc chu đáo.

Ngày 10 tháng Ba năm ngoái (2022), Đức Cha Vũ Tuấn Duy (Wu Juanwei), Giám mục Giáo phận Văn Thành (Yuncheng), tỉnh Sơn Tây, qua đời lúc 59 tuổi vì bị nhồi máu cơ tim, sau những năm vất vả tổ chức các lớp giáo lý và xây cất các nhà thờ mới.

Tại cộng đoàn Công Giáo ở Tây Tạng, cha Giuse Mã Trát Tây (Ma Zhaxi), một người sống cô tịch, cầu nguyện, và thanh bần, qua đời hồi tháng Giêng năm 2020 lúc mới 39 tuổi. Cha không bao giờ từ nan vất vả, trải qua giá lạnh ở miền núi, đi xe môtô đến ban các bí tích cho các gia đình xa xăm nhất trong giáo xứ của cha.

3. Truyền thống về những bông hoa Hà Lan trong Thánh lễ Phục sinh của Đức Giáo Hoàng hồi sinh hoàn toàn trong năm nay

Năm ngoái, một số người Công Giáo Hà Lan đã rất thất vọng khi biết rằng truyền thống tặng hoa cho Tòa Thánh để trang điểm quảng trường Thánh Phêrô trong ngày Lễ Phục sinh, được kéo dài trong suốt 37 năm qua, sẽ không được tiếp tục vào năm 2022.

Hà Lan, nổi tiếng với những cánh đồng hoa, trong hơn ba thập kỷ đã tặng hoa tulip, hoa thủy tiên vàng và dạ lan hương đầy màu sắc để trang trí quảng trường Thánh Phêrô cho Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh của Đức Giáo Hoàng tại Vatican.

Phong tục này đã bị trì hoãn trong hai năm vì những hạn chế của coronavirus, và vào năm 2022, người bán hoa Hà Lan, người đã tổ chức sáng kiến này từ năm 2015 cho biết anh ta không còn có các nhà tài trợ để tiếp tục dự án.

Truyền thống dường như đã kết thúc. Nhưng những người Công Giáo Hà Lan ở Rôma và Hà Lan không dễ dàng nản lòng, và họ đã vào cuộc để bảo đảm rằng những bông hoa sẽ một lần nữa tô điểm cho quảng trường Thánh Phêrô cho lễ kỷ niệm sự Phục sinh của Chúa Kitô.

“Chúng ta thất vọng và nghĩ rằng: Đây là một truyền thống đẹp. Nếu ông Paul Deckers không tìm được nhà tài trợ nữa, tại sao không thử tìm một nghệ nhân cắm hoa khác làm công việc tương tự?” Cha Antoine Bodar nói với CNA qua email.

Ông nói với SIR, hãng thông tấn của các giám mục Ý, vào tháng Giêng, 2022: “Món quà hoa từ Hà Lan và của Giáo hội Hà Lan dành cho Đức Giáo Hoàng ở Rôma là quá đặc biệt đến mức không thể bị gián đoạn như thế.”

Cha Bodar là Cha Sở của nhà thờ Công Giáo Hà Lan ở Rôma, Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus, nằm trên một con phố nhỏ chỉ cách Vatican vài bước chân.

Ngài đã tập hợp những người đồng hương của mình và đầu tháng Tư, 2022, ngài thông báo rằng truyền thống “vẫn tiếp diễn” với giám đốc bán hoa Piet van der Burg, người sẽ sắp xếp các loại cây cảnh và hoa trước Thánh lễ Phục sinh.

“Vào lễ Phục sinh, vẻ đẹp lộng lẫy của hoa Hà Lan có thể được nhìn thấy một lần nữa tại quảng trường Thánh Phêrô,” Cha Bodar viết trên trang web của nhà thờ vào ngày 5 tháng 4.

“Bị choáng ngợp bởi những phản ứng tích cực từ những người trồng hoa, các nhà tài trợ và nhiều người khác, và sau khi tham vấn chuyên sâu với các bên liên quan khác nhau ở Hà Lan và Vatican, những nỗ lực của nhiều người đã cho thấy rằng năm nay, sau hai năm đại dịch, hoa Hà Lan sẽ một lần nữa có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma.”

Đó là năm ngoái, năm nay tình hình còn khả quan hơn. Những bông hoa và cây cảnh đã đến Vatican bằng xe tải vào tuần này, sau một chuyến hành trình dài một ngày từ Hà Lan. Trước khi bắt đầu chuyến đi dài, những bông hoa đã được Đức Cha Hans van den Hende của Rotterdam, chủ tịch hội đồng giám mục Hà Lan, chúc phúc.

“Những bông hoa và cây cỏ này đã được trồng với sự khéo léo,” vị giám mục cho biết tại Công viên Hoa Keukenhof ở Lisse, thủ đô hoa của Hà Lan.

Ngài nói, những bông hoa này, “hãy đến Rôma để dự đại lễ Phục sinh, khi chúng ta cử hành sự Phục sinh của Chúa Kitô. Những bông hoa sẽ tăng phần duyên dáng cho quảng trường Thánh Phêrô khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố 'Urbi et Orbi', lời chúc phúc của ngài đối với thành phố Rôma và toàn thế giới. Vào ngày lễ Chúa Phục Sinh, sự lộng lẫy của loài hoa này sẽ được thể hiện trọn vẹn”.

Ngài nói thêm: “Chúa ban cho sức mạnh nở rộ và tăng trưởng, và là con người, chúng ta được phép hợp tác với tạo vật thông qua các tài năng mà chúng ta đã được ban cho.”

4. Đức Tổng Giám Mục Cordileone cử hành Giờ Thánh cho Đức Hồng Y Quân, Jimmy Lai, và Hương Cảng

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco sẽ tổ chức Giờ Thánh Thể và chuỗi Mân Côi vào tối thứ Hai cho người dân Hương Cảng, hướng lời cầu nguyện đến những người ủng hộ tự do hàng đầu là Hồng Y Joseph Đức Hồng Y Quân và đặc biệt là Jimmy Lai.

Giờ Thánh sẽ diễn ra lúc 6:30 chiều giờ địa phương tại Nhà thờ St. Anne of the Sunset ở San Francisco.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng siết chặt mọi khía cạnh của văn hóa và đời sống ở Trung Quốc và Hương Cảng, tự do tôn giáo trong khu vực ngày càng bị đe dọa.

Bởi vì Hương Cảng là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc, người Hương Cảng trong lịch sử đã được hưởng quyền tự do tôn giáo nhiều hơn so với ở Trung Quốc đại lục, nơi các tín hữu tôn giáo thuộc mọi thành phần thường xuyên bị chính quyền cộng sản giám sát và hạn chế. Nhưng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát các hoạt động tôn giáo ở Hương Cảng dưới chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia.

Là cựu giám mục của Hương Cảng, Đức Hồng Y Quân, 91 tuổi, một người thẳng thắn ủng hộ dân chủ, đã bị chính quyền Hương Cảng bắt giữ vào tháng 5 năm 2022, bị kết tội ghi danh quỹ ủng hộ dân chủ một cách không phù hợp và bị yêu cầu nộp phạt, mà ông đã kháng cáo.

Jimmy Lai đã bị bỏ tù từ tháng 12 năm 2020 vì tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và đối mặt với khả năng bị kết án tù chung thân vì tội an ninh quốc gia. Lai là một doanh nhân và ông trùm truyền thông tỷ phú, người đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 1997. Tờ báo Apple Daily do ông sáng lập đã nổi bật trong nhiều năm là một ấn phẩm ủng hộ dân chủ mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh trước khi nó bị buộc phải đóng cửa..

Vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, một tòa án Hương Cảng đã hoãn phiên tòa xét xử an ninh quốc gia đối với Lai, ban đầu được lên kế hoạch vào tháng đó, sang đến tháng 9 năm 2023.

Cordileone, có tổng giáo phận nằm trong một khu vực đô thị với gần 30% là người Hoa, đã liên tục kêu gọi cầu nguyện cho người dân Trung Quốc và Hương Cảng.

Sau khi Đức Hồng Y Quân bị kết án vào tháng 11 năm 2022, Cordileone đã viết trên Twitter sự ủng hộ của mình, nói rằng: “Đức Hồng Y Quân, chúng tôi không biết điều gì đang chờ đợi Đức Hồng Y trong thế giới bất công này, nhưng hãy biết rằng chúng tôi yêu mến Đức Hồng Y và cầu nguyện cho ngài. Và chúng tôi biết rằng Chúa sẽ ban thưởng cho ngài trọng hậu”.


Source:Catholic News Agency
 
Tin buồn cho Putin: Mỹ giao hỏa tiễn laser dẫn đường cho Kyiv. Diễn biến vụ rò rỉ tài liệu Ukraine
VietCatholic Media
15:49 10/04/2023


1. Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ sẽ gửi vũ khí cho Ukraine 'bất chấp chi phí'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Will Send Ukraine Weapons 'No Matter the Expense': Pentagon”, nghĩa là “Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ sẽ gửi vũ khí cho Ukraine 'bất chấp chi phí'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ngũ Giác Đài cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine bất kể chi phí là bao nhiêu, vì Washington, DC, đang dẫn đầu nỗ lực chuẩn bị cho quân đội Kyiv đối phó với những gì họ hy vọng sẽ là một cuộc phản công quyết định vào mùa xuân.

Tại một cuộc họp báo của Ngũ Giác Đài, Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh đã cập nhật cho các phóng viên về gói vũ khí mới nhất của Mỹ - trị giá 2,6 tỷ đô la - hướng đến Kyiv, khi quân đội Ukraine bảo vệ chống lại các cuộc tấn công dồn dập của Nga ở Donbas và chuẩn bị nối lại các hoạt động tấn công.

“Chúng ta đang cung cấp cho người Ukraine những gì họ cần ngay bây giờ trên chiến trường,” Singh nói, “bất kể chi phí là bao nhiêu, như bạn có thể thấy từ cam kết của chúng ta. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đó. Tổng thống đã nói rằng chúng ta sẽ ở bên Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết, và vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục cung cấp cho họ những khả năng mà họ cần.”

Đợt viện trợ mới nhất sẽ được rút ra từ kho dự trữ của Hoa Kỳ để đẩy nhanh việc giao hàng cho Ukraine. Gói này bao gồm đạn dược mới cho HIMARS do Mỹ sản xuất, hỏa tiễn đánh chặn phòng không và đạn pháo rất cần thiết.

Ngoài ra, trong đợt giao hàng mới sẽ có đạn dược cho các hệ thống phòng không đất đối không Patriot - đã được nhiều đồng minh NATO cam kết, nhưng chưa được đưa vào hoạt động ở Ukraine, vũ khí chống tăng và đạn súng cối.

Hoa Kỳ sẽ gửi hai loại vũ khí mới — 9 xe chở súng 30 mm và 10 hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser C-UAS di động — được thiết kế để chống lại máy bay không người lái, vốn có ảnh hưởng đáng kể đến tiền tuyến và các thành phố của Ukraine dưới sự bắn phá của Nga. UAV Shahed do Iran sản xuất là mối quan tâm đặc biệt của Kyiv và các đối tác ở nước ngoài.

Singh nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Ngũ Giác Đài tin rằng vấn đề máy bay không người lái của Ukraine sẽ tiếp diễn. Cô nói: “Chúng ta đang chứng kiến việc sử dụng ngày càng nhiều máy bay không người lái do Iran sản xuất và việc vận chuyển những máy bay không người lái đó đến Nga. “Chúng ta đang thấy Nga sử dụng chúng trên chiến trường.”

“Về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta có thể dự đoán rằng Nga sẽ tiếp tục sử dụng những máy bay không người lái này, đó là lý do tại sao chúng ta cung cấp cho họ thiết bị chống UAS mà chúng ta đã làm,” Singh nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Có lẽ hệ thống được mong chờ nhất của Mỹ khi tới Ukraine là xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams. Tòa Bạch Ốc đã cùng với các quốc gia NATO khác đưa nền tảng bọc thép chính của mình vào cuộc chiến vào Tháng Giêng, mặc dù việc chuyển giao 31 hệ thống sẽ mất nhiều thời gian hơn so với xe tăng Leopard 2 đến từ các đồng minh Âu Châu, một số trong số đó đã nằm trong tay Ukraine.

Mặc dù ban đầu dự kiến sẽ không đến trong năm nay, nhưng Ngũ Giác Đài hiện cho biết họ hy vọng Abrams sẽ ra mắt vào cuối năm 2023. Một quan chức Ngũ Giác Đài nói với các phóng viên trong tuần này rằng việc đào tạo người Ukraine về hệ thống sẽ bắt đầu “tương đối sớm”.

Singh nói: “Việc đó sẽ mất một thời gian. Mục tiêu của chúng ta là đưa những chiếc xe tăng đó đến Ukraine trước cuối năm nay. Nhưng đó là khung thời gian duy nhất tôi có thể cung cấp cho bạn ngay bây giờ.”

2. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy cái nhìn sâu sắc của Hoa Kỳ về nỗ lực chiến tranh của Nga - và phơi bày các lỗ hổng của Ukraine

Các tài liệu mật của Ngũ Giác Đài bị rò rỉ trực tuyến trong những tuần gần đây đã cung cấp một cửa sổ hiếm hoi về cách Hoa Kỳ do thám các đồng minh cũng như đối phương, khiến các quan chức Hoa Kỳ vô cùng lo lắng, những người lo sợ những tiết lộ này có thể gây nguy hiểm cho các nguồn nhạy cảm và làm tổn hại các mối quan hệ đối ngoại quan trọng.

Một số tài liệu, mà các quan chức Mỹ cho là xác thực, tiết lộ mức độ nghe lén của Mỹ đối với các đồng minh chủ chốt, bao gồm Hàn Quốc, Israel và Ukraine.

Những tài liệu khác tiết lộ mức độ mà Hoa Kỳ đã thâm nhập vào Bộ Quốc phòng Nga và tổ chức lính đánh thuê Nga Wagner Group, phần lớn thông qua các nguồn thông tin liên lạc và các liên lạc viên, hiện có thể bị cắt đứt hoặc gặp nguy hiểm.

Vẫn còn những tài liệu khác tiết lộ những điểm yếu chính trong vũ khí, lực lượng phòng không, quy mô tiểu đoàn và sự sẵn sàng của Ukraine tại thời điểm quan trọng của cuộc chiến, khi các lực lượng Ukraine chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công chống lại người Nga –cũng giống như Mỹ và Ukraine đã bắt đầu phát triển một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau hơn là chia sẻ thông tin tình báo.

Ukraine đã thay đổi một số kế hoạch quân sự vì vụ rò rỉ, một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với CNN.

Các quan chức cho biết, vụ rò rỉ cũng khiến Ngũ Giác Đài thực hiện các bước để thắt chặt luồng tài liệu nhạy cảm cao như vậy, vốn thường được cung cấp vào bất kỳ ngày nào cho hàng trăm người trong chính phủ.

3. Bộ Quốc phòng Pháp phủ nhận sự hiện diện của binh sĩ Pháp ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Pháp đã phủ nhận sự hiện diện của binh lính Pháp ở Ukraine, như được tiết lộ trong các tài liệu được cho là của Ngũ Giác Đài và bị rò rỉ cho các mạng của Nga vào giữa tuần.

Phát ngôn nhân của Bộ trưởng Lực lượng vũ trang, Sébastien Lecornu, cho biết:

Không có lực lượng Pháp tham gia hoạt động ở Ukraine. Các tài liệu được trích dẫn không đến từ quân đội Pháp. Chúng tôi không bình luận về các tài liệu có nguồn không chắc chắn.

Các tài liệu tuyệt mật của Ngũ Giác Đài, được cho là chứa các biểu đồ và thông tin chi tiết về việc giao vũ khí dự kiến, sức mạnh của các tiểu đoàn và các thông tin nhạy cảm khác, đã được lan truyền trên Twitter và Telegram vào tuần trước.

Một tài liệu gợi ý rằng một nhóm nhỏ gồm dưới một trăm nhân viên hoạt động đặc biệt từ các thành viên NATO là Pháp, Mỹ, Anh và Latvia đã hoạt động ở Ukraine.

Theo các nhà phân tích quân sự, các tài liệu đã được thay đổi ở một số phần để phóng đại ước tính của Mỹ về số người chết trong chiến tranh ở Ukraine và ước tính thấp hơn về quân đội Nga thiệt mạng.

Kyiv cho biết các tập tin bị rò rỉ có chứa “thông tin hư cấu”.

4. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Nga đang sử dụng pháo binh để bù đắp 'những khiếm khuyết chính'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Using Artillery to Cover Up 'Key Shortcomings'—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Nga đang sử dụng pháo binh để bù đắp 'những khiếm khuyết chính'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, các lực lượng Nga đang sử dụng pháo binh để “bù đắp” khả năng đã bị “suy giảm” của họ trong các cuộc tấn công chống lại các chiến binh Ukraine.

“Nhu cầu cao” của Mạc Tư Khoa đối với đạn pháo cho thấy lực lượng của họ “vẫn phụ thuộc nhiều vào pháo binh để bù đắp những khiếm khuyết chính” trong quân đội của Điện Cẩm Linh, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington cho biết như trên.

ISW cho biết Nga đang sử dụng pháo binh để bù đắp cho việc thiếu lực lượng không quân, khả năng tấn công mặt đất và khả năng tấn công kém. Cơ quan nghiên cứu cho biết thêm những đợt tấn công bằng pháo dữ dội nhằm “san bằng các khu định cư” phải xảy ra trước khi lực lượng Nga chiếm được khu vực này bằng các cuộc tấn công trên bộ. Theo đánh giá của ISW, điều này sau đó làm giảm nhu cầu tiến hành các cuộc không kích chính xác, và tấn công bộ binh, đặc biệt trong bối cảnh các máy bay có nguy cơ bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

Tuy nhiên, nguồn cung cấp đạn pháo khan hiếm của Nga sẽ “phá hoại” chiến thuật này.

Cái gọi là “cơn đói đạn pháo” hay thiếu đạn dược từ lâu đã gây khó khăn cho quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine. Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner của lính đánh thuê Nga, trước đây đã đăng tải đoạn phim về một hàng dài quan tài các chiến binh Wagner ở Ukraine mà ông tuyên bố đã bị giết vì “cơn đói đạn pháo”. Vào tháng 2, ông cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga và các chỉ huy quân sự “phản quốc” vì đã không cung cấp đạn dược cho các chiến binh Wagner, là điều mà bộ quốc phòng bác bỏ.

Alexander Khodakovsky, cựu bộ trưởng an ninh của Cộng hòa Nhân dân Donetsk do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine, cho biết hôm thứ Bảy rằng việc thiếu đạn dược cho các lực lượng Nga là do chuẩn bị cho một cuộc phản công của Ukraine. Viết trên Telegram, ông cho biết các lực lượng Nga ở những khu vực không có hoạt động tấn công tích cực đã “gần như hoàn toàn” ngừng nhận đạn dược.

Vào giữa tháng 3, Bộ Quốc phòng Anh cho biết tình trạng thiếu đạn pháo của Nga “có thể trở nên tồi tệ hơn” trong những tuần qua. Bộ này cho biết trong bản cập nhật tình báo hàng ngày trên Twitter vào ngày 14 tháng 3 năm 2023: “Việc phân chia khẩu phần đạn pháo cực kỳ nghiêm nhặt có hiệu lực ở nhiều nơi trên mặt trận”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết các lực lượng Nga “gần như chắc chắn” chuyển sang sử dụng các loại đạn cũ trước đây được coi là không phù hợp để sử dụng.”

Nhưng quân đội Ukraine cũng đang phải đối mặt với tình trạng “thiếu đạn dược nghiêm trọng”, tờ Washington Post đưa tin hôm thứ Bảy. Nga có thể vẫn tiếp tục bắn gấp ba lần số lượng mà Ukraine đang sử dụng.

Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine “tấn công chính xác hơn”, ISW cho biết, cũng như đảm nhận các vị trí phòng thủ ở nhiều khu vực thường sử dụng ít pháo binh hơn.

Vào tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine đang sử dụng nhiều đạn dược hơn mức mà các nước phương Tây ủng hộ Kyiv có thể cung cấp cho các lực lượng vũ trang của họ.

Ông Stoltenberg cho biết: “Tỷ lệ chi tiêu đạn dược hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ sản xuất hiện tại của chúng ta.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

5. Với vũ khí thời Liên Xô, binh lính Ukraine trấn thủ vùng Kharkiv

Mặc dù tương đối yên tĩnh đối với những người lính Ukraine mà CNN đã nói chuyện ở khu vực phía đông bắc Kharkiv, họ vẫn cảnh giác với bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga.

“Chúng tôi có đủ đạn dược và chúng tatôi có đủ các vũ khí cũng như áo giáp, thiết bị khác nhau. Nhưng tất cả chỉ để phòng thủ, chứ không có vũ khí để phản công. Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi sớm giải phóng vùng đất của mình,” Oleskii, người từng là nhà vật lý hạt nhân, nói bằng tiếng Anh với Ben Wedeman của CNN.

Vũ khí họ có đã lỗi thời, với một bệ phóng hỏa tiễn do Thụy Điển sản xuất từ năm 1978.

Vào tháng 9 năm 2022, các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga khỏi phần lớn khu vực Kharkiv.

Nhưng nhiều chiến binh đã chứng kiến trận chiến trên tiền tuyến ở phía đông. Trong suốt mùa đông, “đó là một cơn ác mộng” ở vùng Donbas, một người lính tên Yevgen nói với CNN.

Vitali, 52 tuổi, trong thời gian ở trong quân đội Liên Xô, đã phục vụ trong quân đội Nga mà ông hiện đang chiến đấu chống lại. “Chúng tôi đã ăn cùng một nồi,” anh ấy nói, minh họa rằng đã có bao nhiêu thay đổi.

6. Hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser c-UAS là gì? Kyiv nhận vũ khí thử nghiệm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Are c-UAS Laser Guided Rocket Systems? Kyiv Gets Experimental Weaponry”, nghĩa là “Hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser c-UAS là gì? Kyiv nhận vũ khí thử nghiệm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ukraine sẽ nhận được các khả năng mới để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga trong gói viện trợ mới nhất của Hoa Kỳ.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã triển khai một đợt viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, trị giá khoảng 2,6 tỷ đô la. Ông cho biết Mỹ muốn “giúp Ukraine thăng tiến và giữ vị trí của họ trong điều mà chúng ta cho rằng sẽ là một cuộc phản công của Ukraine”.

Nó bao gồm 10 hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser c-UAS di động, có khả năng sẽ được lực lượng Ukraine sử dụng để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga.

Các hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser c-UAS đang được triển khai để chống lại các phương tiện bay không người lái hoặc máy bay không người lái. Tướng Kirby cho biết, chúng là một “mặt hàng mới” mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, và là “những năng lực quan trọng để phòng không và chống lại các hệ thống máy bay không người lái của Nga.”

Chúng sẽ “cho phép Ukraine bắn hỏa tiễn chính xác từ các vị trí di động”, khi sử dụng Hệ thống Vũ khí Tiêu diệt Chính xác Tiên tiến (APKWS) đã được cung cấp trước đó.

Cũng xuất hiện trong đợt viện trợ quân sự mới nhất là 9 xe tải chống UAS 30ly, và cũng như các hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser c-UAS, đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp cho Kyiv các hệ thống này.

Quân đội Ukraine sẽ nhận những xe chở súng này để “có thể phát hiện và đánh chặn máy bay không người lái, bao gồm cả những chiếc Shahed do Iran chế tạo”, Tướng Kirby nói với giới truyền thông.

Chuyên gia quân sự và công nghệ David Hambling nói với Newsweek rằng loại hỏa tiễn dẫn đường chính xác này có thể có hiệu quả chống lại cả mục tiêu trên không và mặt đất, trở nên “đặc biệt có giá trị khi đối mặt với làn sóng máy bay không người lái”.

Ông Hambling cho biết, các hỏa tiễn dẫn đường bằng laser đã được sử dụng trong nhiều năm để chống lại các mục tiêu trên mặt đất và gần đây đã được điều chỉnh để sử dụng làm vũ khí phòng không.

Hambling cho biết: các hỏa tiễn dẫn đường bằng laser “có thể được cung cấp với số lượng lớn hơn nhiều” các hỏa tiễn Patriot đắt tiền.

Ông lập luận rằng các hỏa tiễn dẫn đường chính xác c-UAS “sẽ tạo thành một phần của hệ thống phòng thủ nhiều lớp”. Tuy nhiên, mặc dù hữu ích đối với máy bay không người lái nhỏ, nhưng “vẫn còn phải xem liệu chúng có hiệu quả đối với máy bay không người lái kamikaze FPV thu nhỏ hiện được cả hai bên sử dụng hay không”.

Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách, nói với giới truyền thông vào tháng 8 rằng Mỹ trước đây đã cung cấp một hệ thống máy bay không người lái được gọi là VAMPIRE cho Ukraine. Hệ thống này “về cơ bản sử dụng các hỏa tiễn nhỏ để bắn các UAV trên bầu trời”.

Các loại máy bay không người lái đã trở thành một đặc điểm quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, được cả lực lượng của Kyiv và Mạc Tư Khoa sử dụng.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, trước đây đã nói với Newsweek rằng máy bay không người lái chiến đấu “là siêu vũ khí mới ở đây”.

“Cuộc chiến này là cuộc chiến của máy bay không người lái,” Gerashchenko nói.

Hôm thứ Tư, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đã tiến hành 17 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed trong đêm, 14 trong số đó đã bị đánh chặn.

Máy bay không người lái Shahed-131 và lớn hơn Shahed-136 do Iran sản xuất là hình ảnh phổ biến trên khắp Ukraine. Ban đầu, Tehran phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga, sau đó nói rằng họ đã gửi “một số lượng nhỏ máy bay không người lái vài tháng trước cuộc chiến Ukraine”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận qua email.

7. Các cuộc họp ở Washington mang đến cho Mỹ và các đồng minh cơ hội củng cố nỗ lực trừng phạt Nga

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với CNN rằng Mỹ và các đồng minh sẽ làm việc để khắc phục bất kỳ điểm yếu nào trong loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của họ đối với Nga khi các nhà lãnh đạo của hệ thống tài chính toàn cầu gặp nhau tại Washington, DC vào tuần tới.

Theo các quan chức, các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới sẽ là địa điểm mới nhất để Hoa Kỳ trao đổi các thông lệ tốt nhất nhằm ngăn chặn Mạc Tư Khoa tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của họ ở Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Mỹ và các đối tác đã áp đặt hàng ngàn biện pháp trừng phạt đối với Điện Cẩm Linh. Nhưng các nhà quan sát lưu ý rằng có khả năng Nga có thể định hướng lại các tuyến thương mại và có được những gì họ cần thông qua các nước láng giềng hoặc các khu vực pháp lý dễ dãi hơn, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết Mỹ đã có những nỗ lực lớn để chia sẻ thông tin với các quốc gia và doanh nghiệp đồng minh về cách Điện Cẩm Linh đang cố gắng trốn tránh các lệnh trừng phạt và gần đây đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trong khi Mỹ tìm cách tăng cường tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev - người hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia của đất nước - đã chỉ trích các chính phủ Washington và Âu Châu vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.

Trong một bài đăng dài hôm thứ Bảy trên mạng xã hội VKontakte của Nga, ông Medvedev tuyên bố sự ủng hộ dành cho Kyiv đã gây ra “địa ngục chính trị và tài chính thực sự” cho Âu Châu, đồng thời đổ lỗi cho lạm phát và chi phí tiện ích cao là do sự hỗ trợ của các chính phủ phươg Tây dành cho Ukraine “làm phương hại đến lợi ích của chính công dân họ.”

Ông cũng cho rằng Mỹ đang lãng phí tiền bạc cho cuộc xung đột trong khi lẽ ra nên tập trung vào các vấn đề trong nước.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022 chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch vi-rút corona. Nó đã đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu.

Một số đợt trừng phạt của phương Tây đã khiến thị trường thêm sôi động, đẩy giá hàng hóa như nhiên liệu lên cao. Trong khi đó, những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng đói toàn cầu bằng cách tăng cường nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đã khiến một số nông dân ở các nước Trung và Đông Âu tức giận, những người cho rằng họ không thể cạnh tranh được.

Tuy nhiên, các chính phủ phương Tây đổ lỗi sự bất ổn kinh tế hoàn toàn cho cuộc xâm lược vô cớ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và có những dấu hiệu cho thấy hơn một năm áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có do Mỹ dẫn đầu đã khiến Nga suy yếu, nếu không muốn nói là mất khả năng.

8. BBC báo cáo rằng nhà hoạt động người Nga Vitaly Votanovsky đã trốn thoát khỏi Nga sau khi điều tra về con số thương vong của quân Wagner

BBC báo cáo rằng nhà hoạt động người Nga Vitaly Votanovsky, người đã tiết lộ chi tiết về việc chôn cất những người lính đánh thuê Wagner bị giết ở Ukraine, đã rời Nga. Anh ta trốn khỏi đất nước vào ngày 4 tháng Tư.

Votanovsky, một cựu sĩ quan quân đội Nga, đã bị bắt vào ngày Nga xâm lược Ukraine sau khi ông ra ngoài và biểu tình vào ngày hôm đó trong bộ quần áo có dòng chữ: “Không với Putin!” và “Không có chiến tranh!”. Ông đã trải qua sinh nhật lần thứ 50 của mình trong tù.

Vào tháng 5 năm 2022, Votanovsky bắt đầu đi khắp Vùng Krasnodar, thăm từng nghĩa trang và ghi lại những người đã ngã xuống.

Ông nói với BBC rằng kể từ tháng 12 năm 2022, tổn thất trên chiến trường của Nga đã “nhân lên gấp nhiều lần”, trích dẫn số liệu thống kê mà ông thu thập được ở Krasnodar.

Votanovsky nói:

Những cái chết tăng vọt như hỏa tiễn. Và gần đây, tại các nghĩa trang, các ngôi mộ đều được dùng cho các tân binh bị gọi nhập ngũ và những người Wagner. Có rất ít quân nhân chuyên nghiệp.

Ông nói nói rằng đã nhận được những lời dọa giết và thậm chí còn được cung cấp “một vị trí tại nghĩa trang”. Nhưng khi một sĩ quan cảnh sát bảo ông “hãy sẵn sàng. Cái chết của mày đang đến,” ông đã quyết định bỏ trốn.

Votanovsky tin rằng viên cảnh sát đang đề cập đến phản ứng của nhà nước đối với các cuộc phỏng vấn mà ông thực hiện và rằng họ có đủ cơ sở để “mở một vụ án hình sự nghiêm trọng” chống lại ông”.

Ông đã trốn sang Armenia và dự định xin tị nạn chính trị ở Đức.

Votanovsky nói thêm:

Đối với nhà nước của chúng tôi, đây là những số liệu thống kê đáng sợ và người dân Nga không biết những con số thực sự. Tôi muốn cho mọi người thấy quy mô thực sự của thảm họa.

Nếu mọi người tìm ra con số thiệt hại thực sự trên chiến trường, họ sẽ phát điên.
 
Tấm lòng vàng: Người phụ nữ qua đời nhưng cứu được 5 người. Lễ Lá ở Kyiv nơi nhà thờ đang tranh chấp
VietCatholic Media
17:17 10/04/2023


1. Người Ukraine cử hành Chúa nhật Lễ Lá trong nhà thờ đang tranh chấp

Tay cầm cành liễu, người dân Ukraine đánh dấu Chúa Nhật Lễ Lá tại địa điểm Chính thống giáo được kính trọng nhất của đất nước, vốn là trung tâm của một cuộc tranh chấp tôn giáo diễn ra song song với cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Hàng chục tín hữu đã lấp đầy nhà thờ chính tòa hai thánh Antôn và Thêôđôsiô nằm bên trong khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra. Nhiều người khác đợi bên ngoài trong khoảng sân rộng rãi và quan sát buổi lễ ở đó.

Sự kiện này đánh dấu buổi lễ tôn giáo quan trọng đầu tiên được tổ chức trong khu phức hợp sau lệnh trục xuất ngày 29 tháng 3 do chính phủ Ukraine ban hành đối với các tu sĩ Chính thống giáo cư trú trong tu viện vì cáo buộc họ có liên hệ với Nga. Các tu sĩ đã từ chối rời khỏi cơ sở trước thời hạn trục xuất.

Các cử hành hôm Chúa Nhật diễn ra yên bình với sự hiện diện của một số cảnh sát ở các lối vào của khu phức hợp.

Kyiv-Pechersk Lavra có nghĩa là Tu viện Hang động, bao gồm có một nhà thờ, các tòa nhà tu viện và bảo tàng. Những phần lâu đời nhất của nó có từ buổi bình minh của Kitô giáo cách đây một thiên niên kỷ.

Nó thuộc sở hữu của chính phủ Ukraine và cơ quan nhà nước giám sát tài sản đã thông báo cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, vào tháng 3 rằng họ sẽ chấm dứt hợp đồng thuê. Động thái này diễn ra trong bối cảnh UOC bị đàn áp rộng rãi hơn do các mối quan hệ lịch sử của tổ chức này với Nhà thờ Chính thống Nga, vì Thượng phụ Kirill lãnh đạo của Giáo hội Chính Thống Nga đã công khai ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Sau buổi lễ, Đức Tổng Giám Mục Epiphanius, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống thân Kyiv của Ukraine, đã ban phước cho các tín hữu bên ngoài cửa nhà thờ bằng nước thánh.

Yulia Sencuk phát biểu bên ngoài nhà thờ: “Tôi rất vui vì điều này cuối cùng cũng xảy ra, rằng Kyiv-Pechersk Lavra đã không còn gốc rễ ở Mạc Tư Khoa và nó được đổi mới và đi vào cuộc sống. Bằng chính những sự kiện này, chúng ta có nhiều khả năng mang chiến thắng đến gần hơn.”

Trong khi người Công Giáo và các hệ phái khác dùng lịch Grêgôriô cử hành Lễ Phục sinh, các Giáo Hội Chính Thống cử hành Chúa Nhật Lễ Lá đánh dấu sự khởi đầu của một tuần thánh cầu nguyện và suy tư cho các Kitô hữu.

Thay vì cầm những cây cọ tượng trưng, nhiều người cầm cành liễu vào Chúa Nhật theo truyền thống ở Ukraine.

Nhân viên của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã có mặt, cùng với dân thường, để đánh dấu sự kiện này trong nhà thờ.

“Đó là một ngày lễ rất quan trọng đối với tôi vì đó là truyền thống của chúng ta, và đó là về hòa bình, độc lập của chúng ta, niềm tin của chúng ta vào Chúa, vào hòa bình, vào... chiến thắng của chúng ta,” Irina, một nữ quân nhân tham dự, cho biết.

Source:Los Angeles Time

2. Du khách chết ở Ấn Độ hiến tạng cứu 5 người

Các con của bà đã tôn vinh mong muốn hiến tặng nội tạng của bà, một bác sĩ đã nghỉ hưu, một hành động khiến nhiều người ở Ấn Độ bị sốc.

Teresa Fernández, một bác sĩ đã nghỉ hưu từ Tây Ban Nha, đang đi nghỉ ở Ấn Độ vào Tháng Giêng năm ngoái. Bà ấy thích đi du lịch, đôi khi một mình và đôi khi theo nhóm. Trên thực tế, đó là chuyến đi thứ tư của cô đến Ấn Độ.

Nhưng lần này, một ngày sau khi đến Mumbai, bà bị đột quỵ khiến bà hôn mê. Câu chuyện về những gì xảy ra tiếp theo đã được đưa tin trên El Faro de Ceuta cùng với các hãng tin khác ở Tây Ban Nha và Ấn Độ.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Jaslok, nơi bà nhập viện, đã liên lạc với các con của bà, Arturo và Aitana, để cảnh báo về tình trạng nguy kịch của mẹ họ. Con gái bà, cũng là một bác sĩ chuyên nghiệp, đã tham khảo các hình ảnh máy quét do các bác sĩ Ấn Độ gửi cho cô và nhận ra rằng tình hình thực sự rất nghiêm trọng.

Vì vậy, cô và anh trai ngay lập tức rời Tây Ban Nha đến Ấn Độ. Aitana nhớ lại rằng “ngay khi tôi nhìn thấy mẹ tôi trên giường trong ICU, tôi biết mẹ tôi sẽ không tỉnh dậy. Chúng ta chơi các bài hát của Louis Armstrong, nhạc cổ điển, (…) và giọng nói của những người bạn gửi sức mạnh cho mẹ tôi… Nhưng không có gì cả.”

Cuối cùng, Teresa qua đời vào ngày 11 Tháng Giêng tại Ấn Độ sau 6 ngày hôn mê. Các xét nghiệm y tế lặp đi lặp lại đã xác nhận cái chết của cô.

Vào thời điểm đó, các con của bà đã thông báo với các bác sĩ rằng mẹ của họ muốn hiến tặng nội tạng của mình. Teresa Fernández luôn bày tỏ mong muốn được hiến tặng, vì vậy mặc dù đó là một quyết định khó khăn đối với họ nhưng họ đã thực hiện mong muốn của bà.

Aitana giải thích: “Mẹ tôi luôn nói rằng bà muốn hiến tặng nội tạng của mình. Vì vậy, khi chúng ta nói điều đó ở bệnh viện, mọi thứ đơn giản hơn. Sự thật là các bác sĩ Ấn Độ đã rất ngạc nhiên khi tôi nói với họ, như thể đó là một điều kỳ lạ. Tôi đã nói với họ rằng ở Tây Ban Nha, việc hiến tặng nội tạng là rất bình thường.”

Trên thực tế, số liệu của Tổ chức Cấy ghép Quốc gia Tây Ban Nha cho thấy vào năm 2022, có 2.196 người chết hiến tạng ở Tây Ban Nha (tỷ lệ 46,3 trên một triệu dân), nhưng ở Ấn Độ chỉ có 552 trường hợp (tức là 0,4 ca trên một triệu dân). Tây Ban Nha đã dẫn đầu thế giới về hiến tạng trong nhiều năm.

Tuy nhiên, thật không may, Ấn Độ lại là thiên đường buôn bán nội tạng của thế giới. Ở đó, các đường dây buôn người đã bị triệt phá, trong đó người ta bị buôn bán từ Nepal để bị ép buộc hoặc lừa gạt đưa đến Ấn Độ, đến các trung tâm cụ thể để cấy ghép nội tạng của họ cho những người giàu có, những người có đủ khả năng chi trả.

Thực tế này khiến các con của Teresa rất mất lòng tin vào hệ thống. Họ bắt đầu nghi ngờ. “Những người nhận sẽ không trả tiền cho nội tạng, phải không?” “Có một danh sách chờ người nhận và những trường hợp khẩn cấp nhất sẽ được giải quyết trước, phải không?” “Nội tạng sẽ không đến tay người có nhiều tiền nhất, phải không?” Đây là những câu hỏi xuất hiện trong đầu họ, nhưng câu trả lời từ đội ngũ y tế đã trấn an họ rằng mọi việc sẽ được thực hiện đúng.

Cuối cùng, vào lúc nửa đêm từ ngày 11 đến ngày 12 tháng Giêng, Teresa được đưa vào phòng mổ, và sáng hôm sau, đến phòng hỏa táng.

Theo báo The Hindustan Times và Tổ chức cấy ghép mô & nội tạng quốc gia của Ấn Độ, phổi, gan và thận của bà đã được trao cho ba bệnh nhân Ấn Độ, trong khi trái tim được trao cho một người quốc tịch Li Băng và gan của cô cho một người 54 tuổi, một bác sĩ già từ Mumbai. Tổng cộng, Teresa đã kéo dài sự sống cho 5 người.

Cơ quan quốc gia Ấn Độ chịu trách nhiệm điều chỉnh việc hiến tặng nội tạng đã bày tỏ sự kính trọng đối với Teresa và gia đình cô như một tấm gương để noi theo.

Cô ấy cũng đã hiến tặng xương và gân của mình. Aitana tự hào nói rằng gia đình thậm chí còn được trao bằng tốt nghiệp vì Teresa đã trở thành người hiến tạng đầu tiên từ bên ngoài Á Châu và là người nước ngoài thứ hai hiến tặng nội tạng ở Ấn Độ. Năm 2019, một công dân Nepal là nhà tài trợ quốc tế đầu tiên tại quốc gia này.


Source:Aleteia

3. Andrea Bocelli hát “Amazing Grace” tại Quảng trường Times

Andrea Bocelli đã lên sân khấu tại một trong những địa điểm đông dân nhất trên trái đất, Quảng trường Times, nơi ước tính có khoảng 330.000 người đi qua mỗi ngày. Sự kiện này nhằm quảng bá cho The Journey: A Music Special của Andrea Bocelli, một vở nhạc kịch đặc biệt hiện đang được chiếu tại rạp.

Trong bộ phim “The Journey”, Andrea và vợ Veronica đi trên con đường hành hương nổi tiếng của Ý, Via Francigena, trên lưng ngựa, gặp gỡ các ca sĩ khách mời và các thành viên trong gia đình trên đường đi. Nhiều màn trình diễn âm nhạc đẳng cấp thế giới của bộ phim được kết hợp với kỹ thuật quay phim phẩm chất cao để tạo ra một sự kiện điện ảnh độc đáo mang đến cho người xem cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống cá nhân của một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất trên trái đất.

Bocelli đã có một màn trình diễn tuyệt vời “Amazing Grace,” để quảng cáo cho việc phát hành bộ phim ở thành phố New York, nơi sân khấu được trang trí bằng các áp phích của The Journey. Ở tuổi 64, Bocelli chẳng hề suy giảm giọng nam cao đặc trưng của mình, giọng hát bay bổng trước đám đông mà dường như không cần nỗ lực gì cả. Bài thánh ca, luôn cảm thấy sâu lắng hơn một chút khi được trình bày bởi một ca sĩ mù, là một trong những giai điệu nổi bật của bộ phim, mặc dù người hâm mộ có thể mong đợi một sự sắp xếp hoành tráng hơn nhiều khi họ xem nó trên màn bạc.

Veronica, người sản xuất và đóng chung trong phim, giải thích lý do tại sao “Amazing Grace,” là một bài hát quan trọng đối với đôi vợ chồng người Ý:

“Đó là câu chuyện về một cuộc hoán cải, đó là tiếng nói của một người đã chọn Sự Thiện,” cô nói thêm. “Tính tuyến tính được chiếu sáng của giai điệu nhắc nhở chúng ta rằng chính bằng cách theo đuổi sự đơn giản và chân thực, chúng ta có thể hiểu được sự phức tạp và thậm chí có thể là ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta.”

Cô ấy giải thích rằng Andrea đã hát “Amazing Grace” nhiều lần trong suốt chuyến hành hương của họ, với buổi biểu diễn yêu thích của cô ấy diễn ra tại tu viện San Galgano, một nhà thờ cổ kính vùng. Đây chỉ là một trong nhiều điểm dừng xuyên suốt bộ phim “The Journey”, là bối cảnh cho một số vở nhạc kịch của bộ phim.

Veronica cũng nhận xét về việc phát hành trong Tuần Thánh của bộ phim:

“Lễ Phục Sinh tôn vinh niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu chiến thắng tất cả. Và thiên nhiên nhắc nhở chúng ta về điều đó, bởi vì - nếu bạn biết cách đọc nó - sự phục sinh ở bất cứ nơi nào bạn nhìn thấy. Tôi hy vọng rằng đề xuất khiêm tốn của chúng ta có thể góp phần phản ánh bí ẩn ngọt ngào mà chúng ta, những cư dân của trái đất, chia sẻ.”


Source:Aleteia

4. Khảo sát cho thấy người Công Giáo không có quan điểm bài Do Thái

Một cuộc khảo sát mới đang xem xét quan điểm của người Công Giáo Hoa Kỳ đối với đức tin của người Do Thái và các tín hữu Do Thái Giáo. Với tiêu đề “Thái độ của người Công Giáo Hoa Kỳ đối với người Do Thái, Do Thái giáo và Xung đột Israel-Palestine,” báo cáo cho thấy rằng người Công Giáo Hoa Kỳ có quan điểm chủ yếu thuận lợi đối với các tín hữu Do Thái bất kể họ có biết hay quân về giáo huấn cấm chủ nghĩa bài Do Thái của Giáo Hội Công Giáo.

Nghiên cứu đã khảo sát hơn 1.200 người Công Giáo từ Hoa Kỳ, trong đó hơn 54% cho biết họ có quan điểm “tốt” hoặc “rất tốt” về người Do Thái.

Hơn 41% bày tỏ quan điểm “trung lập” hoặc không chắc chắn. Như thế, chỉ có 4% có thể có một quan điểm tiêu cực.

Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được công bố vào ngày 22 tháng 3 trong một cuộc thảo luận nhóm với các tác giả của cuộc nghiên cứu, được tổ chức bởi Viện Quan hệ Công Giáo-Do Thái, gọi tắt là IJCR, tại Đại học Thánh Giuse ở Philadelphia.

Khi các câu hỏi chuyển sang hướng thần học hơn, người ta tiết lộ rằng đa số những người được hỏi không đổ lỗi cho người Do Thái về việc đóng đinh Chúa Kitô, với 41% coi đó là “tội lỗi của loài người” và 28% cho rằng quan Phongxiô Philatô và đế quốc Rôma phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, 36% người Công Giáo cho biết họ tin rằng người Do Thái “có mối quan hệ đặc biệt với Chúa” và 42% coi giao ước của Chúa với người Do Thái vẫn nguyên vẹn.

Nghiên cứu cho thấy rằng người Công Giáo càng có nhiều tiếp xúc xã hội với người Do Thái, họ càng có nhiều khả năng có quan điểm thuận lợi. Nghiên cứu cho thấy hơn 60% số người được hỏi có bạn là người Do Thái có nhiều khả năng tin rằng người Do Thái có mối quan hệ đặc biệt với Chúa. Nhóm này cũng có nhiều khả năng tin rằng ơn cứu rỗi “không chỉ dành riêng cho Kitô hữu”.

Mặc dù cuộc khảo sát không đặc biệt quan tâm đến nhân khẩu học, nhưng nó đã phát hiện ra rằng những người Công Giáo dưới 30 tuổi ít có khả năng biết về giao ước của Chúa với người Do Thái và ít có khả năng nuôi dưỡng tình cảm bài Do Thái. Nhóm được phát hiện là có nhiều khả năng giữ niềm tin bài Do Thái nhất là những người tuyên bố rất quen thuộc với giáo huấn của Giáo hội, những người có khả năng có quan điểm “tồi tệ” về người Do Thái cao hơn khoảng 20%. Báo cáo lưu ý rằng đây là một nghịch lý, vì giáo huấn của Giáo hội bài bác mạnh mẽ chủ nghĩa bài Do Thái.

Cuối cùng, cuộc khảo sát hỏi về việc người Công Giáo Hoa Kỳ họ ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Trong khi nhiều người được hỏi đồng ý với quan điểm của Vatican rằng cả hai bên phải cố gắng đạt được một giải pháp công bằng và hợp lý, thì phần lớn người Công Giáo Hoa Kỳ (~54%) vẫn “trung lập” hoặc “không chắc chắn”. Trong số những người được hỏi còn lại, khoảng 35% ủng hộ Israel và khoảng 13% ủng hộ người Palestine.
Source:Aleteia
 
Thánh Ca
Xin lòng Chúa thương xót
Lm. Thái Nguyên
05:58 10/04/2023

CHÚA NHẬT II PS – CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Nhập lễ: Xin lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=P95O9dLcNrQ
Đáp ca- TV 117: https://www.youtube.com/watch?v=83GBz9jgAMk
Hiệp lễ 1. Tôn vinh lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=MyIiIuSvw6U
Hiệp lễ 2. Chúa vẫn trọn tình thương: https://www.youtube.com/watch?v=84lvz8Pqx8s
 
TV 117
Lm. Thái Nguyên
05:59 10/04/2023

CHÚA NHẬT II PS – CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Nhập lễ: Xin lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=P95O9dLcNrQ
Đáp ca- TV 117: https://www.youtube.com/watch?v=83GBz9jgAMk
Hiệp lễ 1. Tôn vinh lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=MyIiIuSvw6U
Hiệp lễ 2. Chúa vẫn trọn tình thương: https://www.youtube.com/watch?v=84lvz8Pqx8s
 
Tôn vinh lòng Chúa thương xót
Lm. Thái Nguyên
06:00 10/04/2023

CHÚA NHẬT II PS – CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Nhập lễ: Xin lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=P95O9dLcNrQ
Đáp ca- TV 117: https://www.youtube.com/watch?v=83GBz9jgAMk
Hiệp lễ 1. Tôn vinh lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=MyIiIuSvw6U
Hiệp lễ 2. Chúa vẫn trọn tình thương: https://www.youtube.com/watch?v=84lvz8Pqx8s
 
Chúa vẫn trọn tình thương
Lm. Thái Nguyên
06:03 10/04/2023

CHÚA NHẬT II PS – CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Nhập lễ: Xin lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=P95O9dLcNrQ
Đáp ca- TV 117: https://www.youtube.com/watch?v=83GBz9jgAMk
Hiệp lễ 1. Tôn vinh lòng Chúa thương xót: https://www.youtube.com/watch?v=MyIiIuSvw6U
Hiệp lễ 2. Chúa vẫn trọn tình thương: https://www.youtube.com/watch?v=84lvz8Pqx8s