Ngày 14-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Do đâu tông đồ Gioan nhận ra Chúa
LM An-phong Nguyễn Công Minh, ofm
21:39 14/04/2013
Một số người trong chúng ta, đã hơn một lần giơ tay vặn nút dò đài trên chiếc Radio : rà tới chỗ 19m, 25m, 31m, 41m... Quay đi quay lại cũng ngần ấy làn sóng. Nhất là làn sóng 31m. Nhưng mà rà tới đó rồi còn phải xê đi xích lại đôi chút mới bắt được đúng đài mà mình muốn (tiếng Anh gọi là Fine tuning : tinh chỉnh). Bởi lẽ cũng 31m đó, nhưng có biết bao nhiêu là đài : VN, BBC, VOA, Úc,… Mỗi đài trên làn sóng 31m đó có 1 tần số riêng, ví dụ : Hà Nội 31m tần số 10.060 KiloHetz, VOA 31m 9890 KHz, BBC 9605 KHz… . Những máy thu thanh nào có bộ rà đài bằng tần số, thì chỉ cần bấm nút : td. 10060 là có ngay đài HN. Vì thế chúng ta hay nghe thông báo : “Chương trình chúng tôi được phát trên làn sóng 31m, tức là 9710 Kilô chu kỳ… .” Phải đúng tần số thì mới bắt được đài mà ta cần.

Máy thu hình cũng vậy. Mỗi kênh có một tần số hình riêng, một tần số tiếng riêng. Rà đúng là hình rõ, tiếng trong. Rà lệch là hình mờ tiếng đục.

Chúa Giêsu chịu chết tại Giêrusalem. Khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ cũng tại Giêrusalem, phía nam Palestine. Nhưng có một lần hiện ra với chị Maria Mađalêna tại Giêrusalem, Chúa Giêsu nhờ chị đi báo với các môn đệ là hãy trở về Galilê, họ sẽ được gặp Chúa tại đó. Từ Giêrusalem về lại Galilê, chặng đường hơn trăm cây số, có lẽ phải 3 ngày đường mới trở về đó được…

Trong khi chờ gặp Thầy mình hiện ra tại Galilê, họ rủ nhau đi đánh cá : 7 người tất cả: Phêrô, Tôma, Nathanael, 2 người con của Zebeđê : Gioan và Giacôbê và 2 môn đệ khác… Họ thức trắng đêm nhưng vẫn trắng tay : đêm ấy họ không bắt được gì cả ! Sáng ra khi đã có thể nhận biết được người và thuyền, chứ không phải còn mờ mờ tối, Chúa Giêsu hiện ra. Nhưng không ai nhận ra Chúa, mặc dầu họ từ Giêrusalem trở về Galilê là để gặp Chúa. Nói theo ví dụ trong phần mở đề, thì họ đã cố ý tiến đến làn sóng 31m, nhưng vẫn chưa tinh chỉnh cho đúng tần số để có thể bắt gặp được Chúa. Họ chỉ mới thấy (Chúa) Giêsu đứng trên bờ, như một chàng thanh niên nào đó. Chúa Giêsu gợi ý để họ bắt đúng tần số : Ngài phát tín hiệu : Các chú có gì ăn không ? : ngôn ngữ miền biển có nghĩa là “Có đánh được con cá nào không ?” Họ trả lời “Không.” Chán nản, mệt mỏi. Vẫn chưa nhận đúng tần số. Chúa lại phát tín hiệu mới như là một lệnh: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, anh em sẽ bắt được cá !”

Bên phải và bên trái thì khác gì đâu. Nhưng giống như một mật hiệu, khi cá thu được nhiều, Gioan nhận đúng tần số và báo liền cho Phêrô : “Chúa đó !” Còn các môn đệ khác, kéo lưới lên bờ đếm được 153 con cá to, lưới không rách, lại thấy than hồng có cá đang nướng bên trên, cộng thêm ít bánh bên cạnh, kèm theo lời mời nghe rất quen của Chúa : Anh em hãy đến mà ăn ! Họ mới thật sự là rà đúng tần số… Không ai dám hỏi “Người là ai,” vì các ông lúc đó biết rằng chính là Chúa.

Do đâu Gioan nhận ra được ngay “chính Chúa đó !” (cũng như chính Gioan là vị tông đồ duy nhất nhìn ngôi mộ trống là tin Chúa sống lại ngay, chứ không cần đòi Chúa hiện ra rồi mới tin từ từ như các tông đồ khác). Do đâu Gioan nhận ra ngay được Chúa (tức là, rà đúng tần số nhanh nhất) ? Có 2 giải đáp :

1. Do Gioan có lòng trong sạch.

Phúc thứ 6 trong Bát Phúc ghi : Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa. Những tâm hồn trong sạch, nhìn thấy Chúa nhanh hơn vì con mắt họ trong sáng. Có người còn nói mạnh, vì Gioan theo truyền thống là tông đồ duy nhất không lập gia đình, ở độc thân, giữ “đức trong sạch,” nên ông dễ nhận ra Chúa hơn các tông đồ khác. Nhưng lý do này không đủ mạnh cho bằng lý do sau đây :

2. Do Gioan yêu Chúa và được Chúa yêu.

Truyền thống xưa xem Gioan là người có biệt hiệu “Người Chúa yêu”. Nhất là trước khi nhận ra “chính Chúa đó” và thông báo cho Phêrô, thì biệt hiệu “người Chúa yêu” được sách Tin Mừng nhấn mạnh : “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với Phêrô : Chúa đó !”

“Từ trái tim đi tới trái tim” là con đường nhanh nhất. Khi hai tim cùng rung một nhịp, một tần số, thì dù cách xa nghìn trùng cũng “thấy nhau.” Đã mấy lần, có một phái bộ nhân đạo Mỹ giúp VN mang tên gọi rất ý nghĩa “Trái tim tới trái tim” (Heart to heart), cho nên đi đến đâu cũng nhận ra nhau.

Trong vở tuồng "Tiếng hò Sông Hậu" có hai anh em sinh đôi tên Chơn và Chất, giống hệt nhau từ nét mặt, tướng đi đến giọng nói. Trong một cuộc tranh đấu với địa chủ, Chơn bị bắt đày đi Côn Đảo. Nhưng một thời gian sau anh vượt ngục trở về thăm mẹ già khi ấy đã mù lòa cả hai con mắt. Trong lúc Chơn đang ở nhà thì tên Hương Quản đến, Chơn nhanh trí giả làm Chất nên không bị lộ, nhưng ngay sau khi tên Hương Quản đi thì bà mẹ mù lòa ấy nói ngay : "Phải mày là thằng Chơn đó không?" Chơn chưa muốn cho mẹ biết nên trả lời "Không, con là thằng Chất đây mà, anh Chơn con còn đang ngồi tù". Nhưng bà mẹ nói "Thôi mà, con gạt ai được chứ gạt mẹ làm sao được, con chính là thằng Chơn của mẹ mà !" Chính tình yêu đã giúp cho người mẹ mù lòa ấy nhận ra con mình trong khi mọi người đều không nhận ra. Trường hợp của thánh Gioan cũng vậy : trong khi mọi người đều không nhận ra Chúa Giêsu thì chỉ mình Gioan đã nhận ra, vì Gioan yêu thương Chúa nhiều.

Hoàng thi Thơ có làm bài hát “Khi tình yêu đến” với những lời lẽ thật ý nghĩa : Khi tình yêu tình yêu tới, tuy có đông người, đôi mắt đôi mắt ta buồn cười, một người ta thấy thôi. Bàn về chữ “thấy,” liên quan tới tình yêu trong lần Chúa hiện ra, ta có ví dụ này:

Một giọt nước nếu nhìn bằng mắt thường thì cũng chỉ là một giọt nước, nhưng nếu nhìn bằng kính hiển vi thì lại là cả một thế giới sống động. Một cái hồ nếu được nhìn bởi một người nông dân thì cũng chỉ là một cái hồ, nhưng dưới mắt của một nghệ sĩ thì lại là cả một cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời không thể nào tả xiết.

Như thế nghĩa là gì ? Nghĩa là cùng một sự việc nhưng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy những cách nhìn khác nhau. Sự việc đã xảy ra trên hồ Tibêria cũng thế : lúc ấy trời còn tờ mờ tối, Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến với các tông đồ đang lúc các ông thả lưới đánh cá. Các ông tưởng là ma nên run sợ và định chạy trốn. Riêng có Gioan là nhận ra ngay ấy là Thầy. Do đâu mà Gioan đã nhận định sắc sảo được như thế ? Chúng ta đã trả lời: Thưa vì Gioan là tông đồ yêu mến Chúa nhiều nhất. Chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh sức, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.

Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi (tuy là bằng xe đạp) ? Thích lặn lội mưa nắng tìm đến nhau ? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại ! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu ! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ !

Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác : Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng : “Ubi amatur, non laboratur” : khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.

Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì Đạo trở thành gánh nặng, và làm những việc bổn phận trong Đạo chẳng khác nào con trâu kéo cày trưa.

Trong bài Tin Mừng, Chúa dọn sẵn cá, bánh : một cách thức biểu lộ tình thương. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Ai sống cũng trong tình yêu thì nhận ra ngay.

Chính Phê-rô, cuối bài Tin Mừng cũng được thử thách bằng 3 câu hỏi : Có yêu mến Chúa không ?

Một nhà kinh doanh ở Chicago có môn giải trí vui vui, là cứ cuối tuần, ông chọn 5, 7 em bé của các gia đình nghèo cho các em bộ đồ mới, dẫn các em đi công viên giải trí, rồi đi ăn. Cứ vậy, tuần này qua tuần kia. Một hôm, sau bữa ăn thịnh soạn, một em bé 8 tuổi chỉ vào nhà kinh doanh và nói : Thưa ông, ông là Giêsu ! Em bé này nói câu y như Gioan nói với Phêrô “Chính Chúa đó !”

Những ai làm ơn lành cho ta, có lẽ ta dễ nhận ra: “Chính Chúa đó !” Nhưng Chúa Giêsu không chỉ ở nơi những ân nhân, Ngài còn ở nơi cộng đoàn, nơi người linh mục, nơi Mình Máu Chúa, và nhất là nơi những người cùng khổ.

Đó là những cách hiện diện của Chúa, những hiện thân của Ngài : nhiều người trong chúng ta biết điều đó. Nhưng chúng ta không dễ gì nhận diện được Ngài. Như chúng ta biết làn sóng 31m đó… nhưng không thấy Ngài, vì tần số yêu thương ta chưa rà tới. Nói khác đi, ta chưa thật sự sống yêu thương nên không dễ gì nhận ra Chúa.

Phải sống thế nào như nữ tu tập sự của mẹ Têrêxa Calcutta. Sau khi chăm sóc cho một người đói khổ hấp hối, trở về chị báo cáo với Mẹ : Thưa Mẹ, hôm nay con đã đụng chạm tới thân thể Chúa Kitô.

Phải có tình thương yêu thật sự mới nhận ra được “chính Chúa đó” như Gioan môn đệ Chúa Giêsu yêu và yêu Chúa Giêsu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khánh thành tượng ĐGH John Paul II cao nhất thế giới tại Ba Lan
Đồng Nhân
17:27 14/04/2013
Czestochowa, Ba Lan (AP) - Một bức tượng khổng lồ của cố Đức Giáo Hoàng John Paul II được cho là cao nhất thế giới đã được hoàn thành ở miền nam Ba Lan.

Đức Tổng Giám mục Waclaw Depo công bố bức tượng thứ bảy của vị giáo hoàng Ba Lan ở thành phố phía nam của Czestochowa, nhà của địa điểm hành hương Công giáo nổi tiếng nhất đất nước này, đó là Tu viện Jasna Gora.

Tượng được làm bằng fiberglass thủy tinh trắng, chiều cao bằng khoảng ngôi nhà 5 lầu, hoặc chừng gần 14 mét (hơn 45 feet), đặt trên một ngọn đồi nhìn ra thành phố.

Tượng này được tài trợ bởi một doanh nhân, ông Leszek Lyson. Ông muốn ghi ơn cho việc ông tin là nhờ sự cầu nguyện với Đức Cố Giáo Hoàng mà con trai ông chết đuối của ông đã được cứu sống.

ĐGH John Paul II, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã trong 27 năm trước Ngài qua đời vào năm 2005, vẫn là một người được qúi mến và tôn trọng tại quê hương của mình.



 
ĐTGM Havana chia sẻ những ghi chú từ bài phát biểu của Hồng Y Bergoglio trong cuộc họp tiền mật viện
LM. Phan Du Sinh
16:48 14/04/2013
Tổng Giám mục Argentina cảnh báo chống lại một ‘Giáo Hội Thế Tục”.

Tổng Giám mục Havana nói rằng bài phát biểu của Hồng Y Jorge Bergoglio (bây giờ là Giáo hoàng Phanxicô) tại cuộc họp tiền mật viện của các Hồng Y thì “xứng bậc thầy dạy” và “rõ ràng”.

Hồng Y Jaime Lucas Ortega y Alamino đã nói về bài phát biểu của Hồng Y Bergoglio trong một Thánh lễ ngày thứ Bảy ở Cuba, khi trở về quê hương sau chuyến đi tới Rôma chào từ biệt Đức Bênêđíctô, tham dự mật viện và chào đón Đức Phanxicô.

Hồng Y Ortega nói rằng Hồng Y Bergoglio đã trao cho ngài những ghi chú chép tay bài phát biểu và cho phép ngài chia sẻ cho người khác nội dung của nó.

Hồng Y Ortega nói: “Cho phép tôi chia sẻ với anh chị em tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, hầu như là hoa quả đầu tiên của ngài, về sứ vụ của Giáo Hội,”

Orlando Marquez, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Havana, nói với Zenit rằng, trong Thánh lễ thứ Bảy, Tổng Giám mục Havana xem bài phát biểu như thể “xứng bậc thầy dạy, khai sáng, mời gọi một sự dấn thân, và quả là chân thực”.

Sau đó, ngài đọc toàn bộ bản văn mà vị Giáo Hoàng tương lại cho ngài. Trong bản văn đó, vị Giáo Hoàng tương lai này tóm tắt trong bốn điểm các tư tưởng mà ngài muốn chia sẻ với các Hồng Y, và trình bày viễn ảnh của cá nhân ngài về Giáo hội hiện nay.

Điểm đầu tiên là về Phúc Âm hóa, và ngài nói rằng “Giáo Hội phải đi ra khỏi chính mình và đến với vùng ngoại biên”, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh, được tỏ lộ trong mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công và ngu dốt.

Điểm thứ hai là một lời phê bình về một Giáo Hội “qui ngã”, nhìn vào chính mình theo kiểu “tự yêu mình” (theological narcissism), tách biệt khỏi thế giới và “giữ Đức Giêsu Kitô bên trong Giáo Hội và không cho phép Ngài đi ra ngoài”.

Như là hậu quả của điều đó, có hai hình ảnh về Giáo Hội, theo điểm thứ ba trong bài phát biểu của Hồng Y Bergoglio: một “Giáo Hội phúc âm hóa, đi ra khỏi mình” và “một Giáo Hội trần tục, sống đóng khung trong chính mình, vì mình và cho mình”. Và nhận xét này phải “đem lại ánh sáng cho những thay đổi và cải cách khả thi, cần thực hiện” trong Giáo hội.

Ở điểm cuối cùng, Hồng Y Bergoglio nói với các Hồng Y về điều ngài mong chờ nơi vị sẽ được tuyển chọn để lãnh đạo Giáo hội: “Một con người, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô… sẽ giúp Giáo Hội đi ra khỏi chính mình hướng về những vùng ngoại biên hiện sinh.”

Tổng Giám Mục Havana giải thích trong bài giảng của mình rằng, vì ngài đồng ý với nét phác thảo đó về Giáo Hội, ngài đã hỏi Hồng Y Bergoglio có bản viết về bài phát biểu đó không, vì ngài muốn giữ nó. Hồng Y Bergoglio trả lời là ngài không có.

Tuy nhiên, Hồng Y Ortega nói tiếp rằng, sáng ngày hôm sau, “với sự cân nhắc kỹ lưỡng”, Hồng Y Bergoglio đã cho ngài bản viết tay bài phát biểu đúng như những gì người còn nhớ.

Khi ấy, Hồng Y Ortega đã xin và nhận được sự chấp thuận của Hồng Y Bergoglio cho phép ngài chia sẻ những tư tưởng đó trong Giáo Hội.

Sau khi đức Phanxicô được bầu chọn, Hồng Y Ortega lại xin phép để chia sẻ bài phát biểu, và Đức Phanxicô lại đã đồng ý. Hồng Y Ortega nói rằng ngài đang giữ bản gốc bài phát biểu như là một kho báu đặc biệt của Giáo hội và là vật kỷ niệm quý báu của vị Giáo hoàng hiện nay của Giáo Hội.

Palabra Nueva, tạp chí của Tổng Giáo phận Havana do Orlando Marquez điều hành, đã đăng những ghi chú mà Hồng Y Bergoglio trao cho Hồng Y Ortega.

Niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc phúc âm hóa

Nói về phúc âm hoá. Đó là lý do hiện hữu của Giáo hội -- "niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc phúc âm hóa" (Đức Phaolô VI). Chính Đức Giêsu thúc đẩy chúng ta tự bên trong.

1. Phúc âm hóa bao hàm lòng nhiệt thành tông đồ. Phúc âm hóa bao hàm một ước muốn trong Giáo Hội đi ra khỏi chính mình. Giáo Hội được mời gọi đi ra khỏi chính mình và đến với những vùng ngoại biên, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh: những vùng liên hệ tới mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công, ngu dốt, của những hành động không có tính tôn giáo, của tư tưởng và của mọi cảnh khốn cực.

2. Khi Giáo Hội không ra khỏi chính mình để phúc âm hóa, Giáo Hội trở nên “qui ngã” và sau đó bị nhuốm bệnh (x. người đàn bà còng lưng trong Tin Mừng). Những điều xấu xa theo thời gian xảy ra trong thể chế Giáo Hội có nguồn gốc từ sự qui ngã và một thứ “tự yêu mình” (theological narcissism). Trong sách Khải Huyền, Đức Giêsu nói rằng Ngài đứng ở cửa và gõ. Rõ ràng bản văn liên hệ tới việc Ngài gõ cửa từ bên ngoài để vào bên trong, nhưng tôi nghĩ về những lần Đức Giêsu gõ cửa từ bên trong để chúng ta cho Ngài đi ra bên ngoài. Giáo Hội qui ngã giữ Đức Giêsu bên trong mình và không để Ngài đi ra ngoài.

3. Khi Giáo hội qui ngã nhưng không ý thức điều đó, Giáo Hội tin rằng mình có ánh sáng của riêng mình. Giáo Hội hết là mầu nhiệm mặt trăng (the mysterium lunae) và mở đường cho sự dữ lớn lao là sự thế tục hóa tinh thần (spiritual worldliness) (Theo De Lubac, đây là sự dữ tồi tệ nhất có thể tấn công Giáo Hội). Giáo Hội qui ngã sống chỉ để làm vinh danh cho nhau. Nói cách đơn giản, có hai hình ảnh về Giáo Hội: Giáo Hội phúc âm hóa đi ra khỏi chính mình, lắng nghe Lời của Thiên Chúa và loan báo cách trung thành, và Giáo Hội thế tục sống đóng khung trong chính mình, vì mình, và cho mình. Điều này phải đem lại ánh sáng cho những thay đổi và cải cách khả thi, cần thực hiện để cứu rỗi các linh hồn.

4. Nghĩ về vị Giáo Hoàng tương lai, ngài phải là một con người, nhờ việc chiêm ngưỡng và tôn thờ Đức Giêsu Kitô, giúp Giáo Hội ra đi, đến những vùng biên hiện sinh, giúp Giáo Hội trở nên người mẹ sinh hoa trái, sống niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc phúc âm hóa.

Nguồn Zenit 26/3/2013
 
ĐTC Phanxicô: Một tháng trong cương vị Giáo Hoàng
Nguyễn Minh Triệu sj
16:32 14/04/2013
Thế là đã một tháng trôi qua, sau ngày vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công giáo cất tiếng chào toàn thể thế giới tại quảng trường thánh Phê-rô. Chỉ với một thời gian ngắn, nhưng cái tên Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi vào trái tim của nhiều người. Ngài đã làm rung động trái tim họ với sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân hậu. Tất cả tín hữu Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Thánh Cha Phanxicô cho Giáo hội trong thời điểm khó khăn này. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài để lại dấu ấn trong lòng mọi người khi xin những người hiện diện tại Quảng trường thánh Phê-rô cầu nguyện cho vị Giám Mục Rô-ma của họ, trước khi ban phép lành cho họ.

Một ngày sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha đã đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để cầu nguyện. Vị Giám Mục Rô-ma mang theo một bó hoa nhỏ để dâng kính Đức Mẹ. Một cử chỉ đơn sơ nhưng thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của vị Tân Giáo hoàng. Vào buổi chiều hôm đó, đức Tân Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Sistina với các Hồng y tham dự Mật nghị. Trong bài giảng của mình, ngài nói về ba động từ: bước đi, xây dựng và tuyên xưng. Ngài khẳng định rằng: trung tâm điểm đời sống của người môn đệ chính là thập giá Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh:

Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa. (Bài giảng trong thánh lễ với các Hồng y, ngày 14 tháng 3- Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm)

Trong những ngày sau đó, khi giải thích lý do tại chọn Thánh Phanxicô Át-xi-di làm đấng bảo trợ cho triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã cho thấy tình yêu đặc biệt của mình dành cho người nghèo, những người nghèo khổ nhất.

Và hai chữ “người nghèo” đã nhập cuộc ở đây. Rồi bỗng nhiên sự liên hệ tới người nghèo làm tôi nghĩ tới thánh Phanxicô At-xi-di. Rồi tôi nghĩ tới chiến tranh, …Và Phan-xi-cô là người của hòa bình. Và như thế cái tên Phan-xi-cô đã đi vào lòng tôi: Phan-xi-cô At-xi-di (Gặp gỡ các nhà báo, ngày 16 tháng 03- Bản dịch của Cha Nguyễn Công Đoan, sj).

Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua Chúa Nhật đầu tiên như một cha xứ bình thường. Ngài dâng lễ tại một giáo xứ nhỏ trong khuôn viên của Tòa thánh. Sau thánh lễ, ngài đã đứng ở cửa ra vào khoảng 30 phút để chào thăm tất cả mọi người tham dự thánh lễ. Dù thời gian đã khá muộn, nhưng ngài vẫn muốn nán lại để gặp gỡ hết mọi người. Dường như ngài khao khát ôm trọn toàn thể con chiên của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối nhất. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, trong buổi đọc Kinh truyền tin đầu tiên, trước hơn 100 ngàn tín hữu, Ngài đã say sưa nói về lòng thương xót Thiên Chúa – một chân lý đức tin tuyệt đẹp đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta (Angelus, 17 tháng 3).

Hai ngày sau đó, vào ngày lễ kính thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Khai Mạc sứ vụ Phê-rô của mình. Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha đi bằng xe jeep mui trần để chào thăm các tín hữu. Thỉnh thoảng ngài dừng lại để chúc mừng các tín hữu và ôm hôn các trẻ em. Rồi khi nhận ra có một người khuyết tật phía trước, ngài đã bước xuống xe, ôm hôn và chúc lành cho anh. Đức Thánh Cha thật gần gũi, ngài như một người cha, muốn ôm hôn con mình với tất cả tình yêu mến. Trong bài giảng, khi nói về sứ mạng của thánh Giuse, ngài liên hệ đến sứ mạng của chính ngài, đó là sứ mạng bảo vệ con người, bảo vệ nhau và bảo vệ toàn thể tạo vật. Và như thế, quyền bính của Giáo Hoàng cũng như toàn thể chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa là để phục vụ.

“Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ, và cả Giáo Hoàng nữa, để thi hành quyền bính, cũng phải ngày càng tiến sâu hơn vào sự phục vụ đó với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh Giá”(Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc sứ vụ Phê-rô, ngày 19 tháng 3 - Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm).

Một trong những công việc phục vụ con người mà ngài phải thực thi đó là trở thành người bắc nhịp cầu, người thăng tiến hòa bình. Thánh Phanxicô At-xi-di là người xây dựng hòa bình, và khi chọn danh hiệu Phanxicô, Đức Thánh Cha đã muốn đi theo con đường của thánh nhân. Đây là điều mà ngài tâm niệm và ao ước thực thi với trọn con tim mình. Trong buổi tiếp kiến với các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, ngài đã chia sẻ:

Chính vì thế tôi ước mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp xây dựng nhịp cầu nối kết con người, theo cách thức mà mọi người có thể nhận ra nơi người khác không phải là kẻ thù, không phải là một địch thủ, nhưng là một người anh, người chị được chào đón và yêu thương (Gặp gỡ các Đoàn ngoại giao, ngày 22 tháng 3).

Một ngày sau, một sự kiện đã đi vào sử sách: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Biển Đức 16 tại Castel Gandolfo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội một Giáo hoàng ôm hôn Giáo hoàng danh dự. “Lần đầu hai Giáo Hoàng chung một bàn quỳ trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi nói chuyện với nhau, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi ăn với nhau”. Cuộc gặp gỡ này trở nên đặc biệt hơn khi nó diễn ra vào thứ bảy trước khi bước vào tuần thánh. Hôm sau, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, với sự hiện diện đông đảo các tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng khích lệ họ:

Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta! (Chúa Nhật Lễ lá, 24 tháng 03).

Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, tại một nhà nguyện nhỏ và đơn sơ trong nhà tù, Đức Thánh Cha đã tự mình làm những cử chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện hơn 2000 năm trước. Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho 12 thiếu niên, trong đó có hai thiếu nữ và hai người Hồi giáo. Sau khi rửa chân, ngài lau sạch và hôn chân của các em, ngài đã thực hiện một cách hữu hình và sống động điều ngài đã từng nói: “người làm lớn nhất, phải là người phục vụ”. Vào buổi sáng hôm đó, Đức Thánh Cha đã dâng thánh Lễ Dầu với hàng giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Trong bài giảng, ngài mời gọi mọi người hãy ra khỏi mình để đi vào các biên cương, nơi con người phải chịu đau khổ nhất. Một người mục tử tốt lành phải là người biết và hiện diện với con chiên của mình.

Đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận (Bài giảng trong Thánh lễ Dầu, ngày 28 tháng 03).

Và một người mục tử cần biết rằng “Thập giá của Đức Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa đã chiến thắng sự dữ của thế gian”. Đó là lời Đức Thánh Cha đã nói tại buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí trường Colosseo vào ngày thứ sáu Tuần thánh. Đó chính là nguồn mạch hy vọng của mọi người Kitô hữu, vì nhờ tình yêu, Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết. Và trong niềm vui Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố cho toàn thể thế giới rằng: Đức Giê-su đã sống lại. Và ngài nhắn nhủ với mọi tín hữu rằng, hãy để Đức Giê-su phục sinh biến đổi đời sống mình.

Chúng ta hãy đón nhận ân sủng của Đức Giê-su phục sinh! Hãy để cho lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới chúng ta, hãy để cho Đức Giê-su yêu thương chúng ta, hãy để cho đời sống chúng ta được biến đổi nhờ vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Và chúng ta hãy trở thành khí cụ của lòng từ bi ấy, trở thành những máng thông chuyển qua đó Thiên Chúa tưới gội trái đất, bảo vệ toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công chính và hòa bình được nở hoa (Sứ Điệp Phục Sinh, ngày 31 tháng 03).

Trong niềm vui phục sinh, Ngài mời gọi mọi tín hữu hãy đi truyền giảng Tin Mừng, đó là sứ mạng của mọi người. Trong buổi Yết kiến chung ngày 3 tháng 4, ngài nhắn nhủ cách riêng với các người nữ rằng:

Điều này thật đẹp, và điều này nói lên sứ mạng của những người nữ, các bà mẹ. Hãy nêu chứng tá cho con cháu của mình rằng Chúa Giê-su đang sống, Ngài hằng sống, Ngài đã chỗi dậy. Các bà mẹ và các chị phụ nữ, hãy tấn tới với chứng tá ấy! (Yết kiến Chung, ngày 03 tháng 04).

Cuối cùng, vào ngày hôm qua, 12 tháng 4, sau một tháng trên cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cảm ơn Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh, với những lời lẽ đơn sơ diễn tả tâm tình biết ơn của ngài như sau:

Tôi biết rằng trong những ngày này – ngày mai là tròn một tháng – anh chị em đã phải làm việc cật lực hơn, và cũng làm thêm nhiều giờ hơn. Và anh chị em không được trả thêm cho những giờ “tăng ca” này, vì anh chị em đã làm việc bằng cả tấm lòng mình và điều ấy chỉ có thể được trả bằng lời “cảm ơn”, một lời “cảm ơn” đến từ sâu thẳm con tim, đúng không? Vì thế hôm nay tôi muốn đến đây để chào thăm và cảm ơn từng người một vì tất cả công việc mà anh chị em đã làm.

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Giáo Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, xin Chúa đồng hành và chúc lành cho ngài và cho sứ mạng của ngài trọng nhiệm vụ dẫn dắt Giáo hội là Hiền thê của Đức Giê-su. Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn gìn giữ và nâng đỡ Đức Thánh Cha.
 
ĐTC Phanxicô chủ sự thánh lễ tại mộ thánh Phaolô
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
18:00 14/04/2013
VATICAN- Vào lúc 17h30 chiều nay Chúa Nhật thứ ba Phục Sinh 14.04.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành trong chương trình tiếp nhận giáo phận Rôma, như ngài đã thực hiện vào Chúa Nhật tuần trước tại vương cung thánh đường thánh Gioan Latêranô. Tại Rôma có bốn vương cung thánh đường chính, trong đó cũng kể đến vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành. Tại đây, vị tông đồ dân ngoại được an táng.

Đây là một trong những vương cung thánh đường cổ nhất tại Rôma và được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV trên nền nghĩa địa, ở đó thánh Phaolô được mai táng sau khi chịu tử đạo. Vào thời ấy, địa điểm này nằm ngoài thành phố Rôma và ngày ngay cũng còn khá biệt lập cách dòng sông Tibre không xa, lại thuộc trục đường Ostiense, con đường quan chấp chính Lamã cổ đại dẫn đến Ostie, cửa ngõ của thành Rôma

Kể từ 1300 năm, một cộng đoàn đan tu Biển Đức được thành lập tại đây để lo cho việc tiếp đón khách hành hương và các giờ cầu nguyện kinh phụng vụ.

Một đám hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào năm 1823, vương cung thánh đường được xây dựng lại giống như trước và hai bức họa bằng tranh đá mosaic được phục chế. Chỉ có riêng phần trang trí bằng các bức tranh tường là khác trước. Đan viện và khu nội vi thời trung đại được gìn giữ thoát khỏi đám cháy. Khách hành hương đặt chân đến đây phải đi vòng quanh một đường vào bốn phía được dựng lên bằng 146 cột và thấy ngay một tượng thánh Phaolô cỡ lớn. Ở giữa cánh ngang của vương cung thánh đường là nơi phần một thánh Phaolô, nơi hội tụ của khách hành hương trong hành trình thăm viếng các nhà thờ chính tại Rôma.

Ngoài dáng vẻ và kiểu kiến trúc đặc biệt, vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành còn là địa điểm của đại kết. Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô giáo theo truyền thống được bế mạc tại đây quy tụ người Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống. Tất cả đều ghi nhận công lao của vị tông đồ dân ngoại. Đặc biệt khi khởi công xây dựng lại vương cung thánh đường vào thế kỷ thứ XIX, sa hoàng Nga đã dâng cúng một số lượng lớn đá quý. Ngày nay các vị giới chức các Kitô giáo anh em cảm thấy thật dễ chịu khi đặt chân đến nơi đây.
 
Xông hương trong Thánh lễ
Lm. Giuse Thiện Tĩnh
18:10 14/04/2013
XÔNG HƯƠNG TRONG THÁNH LỄ

Hương trong Kinh Thánh, ý nghĩa thần học, lịch sử và nghi thức.

Một số bạn trẻ hỏi: xông hương khi nào và xông như thế nào trong thánh lễ? Khi cử hành thánh lễ ở nhiều nơi, vị chủ tế hay thừa tác viên giúp lễ đã thực hiện nghi lễ xông hương khác nhau. Điều đó đã gây ra nhiều thắc mắc cho những người trẻ, thậm chí cho cả các tu sĩ, chủng sinh và linh mục. Sách Lễ Roma được Đức Thánh Cha Gioan Paolo II chấp thuận những điểm tu chính và chuẩn nhận ấn bản mẫu năm 2002, tái bản lần III tính từ sau Công Đồng Chung Vaticano II. Trong sách đó số 276 và số 277 thuộc Quy Chế Tổng Quát qui định nghi thức xông hương trong thánh lễ. Bài viết này dựa vào 2 số nói trên, mong giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn trẻ về nghi thức này. Vậy trước khi muốn biết xông hương khi nào và xông hương như thế nào trong thánh lễ cũng nên biết hương được nói đến trong Kinh Thánh, ý nghĩa thần học và vài nét lịch sử của nó trong phụng vụ.

Hương được nói đến trong Kinh Thánh

Thời cựu ước, Giavê Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê xây một bàn thờ đặc biệt dành riêng để dâng hương thờ phượng Ngài. Sách Xuất Hành chương 30 ghi lại rằng:

"Ngươi sẽ làm một bàn thờ để đốt hương; ngươi sẽ làm bằng gỗ keo. Hương án đó sẽ dài nửa thước, rộng nửa thước - nghĩa là hình vuông - và cao một thước; các góc hình sừng làm thành một khối với hương án… Trên đó, A-ha-ron sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc A-ha-ron thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan Ðức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30, 1-2, 7-8).

Hương được đặt trên lễ vật toàn thiêu tại bàn thờ như là việc dâng hy lễ tưởng niệm. “hương thơm êm dịu dâng lên Chúa” (x. Lv 2). Sau này, trong đền thờ Giêrusalem, vào ngày lễ xá tội vị thượng tế vén tấm màn ngăn đi vào nơi cực thánh để đốt cháy 2 nắm hương bột có mùi thơm. Lúc bấy giờ khói hương dày đặc và hương thơm tỏa khắp nơi cực thánh, trong đó có đặt hòm bia giao ước (x. Lv 16, 12-13). Tại Israel, người ta xông hương cho những người, những đồ vật và những nơi dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa duy nhất. Tất cả họ tham gia vào việc thờ phượng Thiên Chúa, họ được mời gọi loan truyền hương thơm tinh thần êm dịu: “các ngươi hãy nghe, các con trai thánh … các ngươi hãy tỏa như hương trầm thơm tho tốt lành” (Hc 39,13-14).

Xông hương buộc thực hiện trong tôn giáo của người Israele nhưng các ý nghĩa biểu tượng thì xuất hiện muộn hơn, kể cả trong phụng vụ Kitô giáo, trước hết là trong giáo hội Đông phương.

Trong tin mừng Matthêu, đã miêu tả lòng sùng kính đối với Chúa Giêsu Hài Đồng của các đạo sĩ, người ta gọi họ là 3 vua. Họ đến từ vùng đất Đông Phương xa xôi để gặp vua dân Do Thái. Họ dâng cho Ngài những thứ quý giá đựng trong hộp, là: vàng, mộc dược và nhũ hương (x. Mt 2, 11).

Thánh Phaolô huấn dụ tín hữu Kitô rằng: "Tôi nài van anh em, trong tình thương của Thiên chúa: hãy hiến dâng toàn thân và đời sống anh em như hy lễ thánh thiện, thơm tho lên cùng Thiên chúa" (Roma 12, 1). Theo thánh Paolo, tất cả các tín hữu, với chứng tá đức tin của mình họ làm lan tỏa trên thế giới hương thơm của Đức Kitô và dâng lên Chúa Cha “trong hiến lễ thơm tho diệu vợi” (x. 2 Cor 2,14-16; Ef 5,2).

Ý nghĩa thần học

Thánh Vịnh 142 câu 2 nói việc xông hương là dấu chỉ diễn đạt sự cung kính và như lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa.

“Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan,

và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141, 2).

Con người nối kết với Thiên Chúa và thờ phượng Đấng Tối Cao qua các lễ nghi. Các lễ nghi đó được diễn đạt và thể hiện qua các biểu tượng, những dấu hiệu, những cử chỉ vật lý trong lãnh vực của con người. Việc thờ phượng Thiên Chúa được diễn đạt không chỉ trong tâm hồn nhưng cả ngoài thể xác. Mùi thơm êm dịu của trầm hương, chắp tay, cúi đầu... chúng làm cho người ta cảm nhận và dễ dàng đi vào bầu khí của mầu nhiệm thánh đang cử hành.

Lý thuyết của việc xông hương có một dấu hiệu đặc thù hy tế như của lễ toàn thiêu. Đốt hương, xông hương giống như việc đốt cháy một vật quý giá với ý hướng dâng hiến nó cho Thiên Chúa. Khói hương trầm thơm bay lên gợi lại không gian đền thờ Giêrusalem nơi người ta thờ phượng Giavê Thiên Chúa, với Ngài người ta dâng tế vật toàn thiêu cùng với hương thơm êm ái. Ý nghĩa này hiển nhiên vẫn còn đầy đủ nội dung trong nghi thức dâng hiến lễ vật và xông hương trong thánh lễ.

Vài nét lịch sử về việc dùng hương trong phụng vụ

Tại dân ngoại, hương được đốt cháy trước những tượng ảnh của các vị thần hay trước hoàng đế để nhìn nhận và tôn kính họ. Trong những thế kỷ đầu của kitô giáo, đông đảo các tín hữu bị tử đạo vì đã từ chối thực hiện những cử chỉ sùng bái hoặc xông hương cho hoàng đế hay ngẫu tượng. Những sức mạnh lôi cuốn không hay từ những cuộc bách hại đạo hay những cuộc bắt bớ các tín hữu đi lưu đày, để phân biệt giữa kitô giáo và dân ngoại, việc dùng hương trong phụng vụ bị bãi bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên việc dùng hương được phục hồi sau khi hoàng đế Constantino ra chỉ dụ Milano năm 313 công nhận đạo kitô hợp pháp, chấm dứt các cuộc thảm sát các kitô hữu trong toàn đế quốc và bắt đầu sự suy tàn của dân ngoại. Tại Roma người ta không dùng bình hương, đỉnh hương hay cây hương như ở đông phương mà sử dụng một ít hương trong một cái hộp thích hợp để tỏa mùi thơm.

Thế kỷ thứ tư (thời kỳ vàng của phụng vụ), những cuộc hành hương Egeria nổi tiếng đến viếng Mộ Thánh tại Giêrusalem, đã mô tả sự phát triển của phụng vụ. Mỗi khi cộng đoàn “hát 3 thánh vịnh thì 3 lần dùng bình hương xông bên trong Mộ Thánh, và như thế tất cả vương cung thánh đường Mộ Thánh tràn đầy mùi hương thơm” (Nhật Ký Hành Hương 24, 10) [1]. Việc xông hương trọng thể nơi Đức Kitô được an táng và đã phục sinh đã duy trì và về sau được ghi vào trong sách nghi lễ của các giám mục. Tập tục xông hương nơi Mộ Thánh gợi lại hình ảnh mấy phụ nữ mang dầu thơm đến để ướp xác Chúa nhưng trái lại họ đã được thiên thần báo cho hay Chúa đã Phục Sinh Vinh Quang (x. Mc 1,6).

Việc xông hương lễ vật được đưa vào trong phụng vụ Carolingia (thời Charlemagne) từ thế kỷ thứ IX và thực sự đưa vào phụng vụ Roma từ thế kỷ XI.

Trong các Sách Lễ Nghi Rôma cổ có quy tắc chặt chẽ, ấn định việc dùng hương trong các thánh lễ, đặc biệt trong các lễ kính và lễ trọng không thể thiếu việc xông hương. Nhưng trong sách lễ “Missale Romanum” các ấn bản được ban hành sau Công Đồng Chung Vaticano II thì việc dùng hương được mở rộng và tự do. Việc mở rộng và tự do dùng hương trong phụng vụ đã có giai đoạn người ta hiểu và áp dụng chưa đúng với tinh thần của Công Đồng do việc dịch những ẩn ý của các chỉ dẫn chữ đỏ trong sách phụng vụ.

Ví dụ số 276 trong phần Tổng tắc lễ qui Roma: Việc sử dụng hương trong tiếng latinh là ad libitum, trong các sách lễ bằng tiếng bản xứ người ta đã dịch thuật ngữ này với nhiều ý khác nhau:

Trong Sách Lễ Roma bản văn tiếng việt dịch theo bản Missale Romanum 1975 trang 57 số 235 quy chế tổng quát, thì dịch là “có thể tùy nghi dùng hương” trong bất cứ hình thức thánh lễ nào. Trong Sách Lễ Roma bản văn tiếng anh dịch theo bản Missale Romanum 1970 trang lviii (58) số 235 quy chế tổng quát, thì dùng từ “optional” nghĩa là việc dùng hương thì nhiệm ý không bắt buộc trong bất cứ hình thức thánh lễ nào. Trong sách lễ Roma bằng tiếng ý bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Italia (Conferenza Episcopale Italiana: CEI) thì dùng từ “a piacere” có nghĩa là tùy thích dùng hương. Và như vậy việc dùng hương trong tất cả các thánh lễ đã trở nên một cách đơn giản tùy nghi không bắt buộc. Người ta đã đi quá xa tinh thần canh tân phụng vụ của Công Đồng. Phong trào tương đối hóa và giản lược hóa các nghi lễ đã tác động và đã đánh mất đi những vẻ đẹp phụng vụ truyền thống. Với các nội dung trong các bản dịch như thế nó đã in sâu vào trong tâm thức của hàng giáo sĩ, việc dùng hương trong thánh lễ là tùy ý với ý nghĩa là đừng làm. Thậm chí có người còn cho rằng đó là việc hào nhoáng vô ích.

Trái lại Ad libitum, thành ngữ latinh này có nghĩa chính xác là thích, tùy ý. Nghĩa khác là không bắt buộc, nhiệm ý, không đòi hỏi. Nhưng đó là tùy ý trong nghĩa tích cực. Nghĩa là người ta có quyền dùng nó, sử dụng nó, nhưng nghĩa này trong tiếng Việt, tiếng Anh hay nhiều tiếng khác không diễn đạt để hiểu thấu được.

Nghi thức xông hương trong thánh lễ

Sách Lễ Roma, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticano II, được Đức Thánh Cha Phaolo VI chuẩn nhận ấn bản mẫu năm 1970, tu chính và tái bản lần II năm 1975. Đức Thánh Cha Gioan Paolo II chấp thuận những sửa đổi và chuẩn nhận ấn bản mẫu năm 2002 tái bản lần III [2]. “Ngày nay, Hội đồng Giám mục đang cho tu chính lại Sách lễ Rôma (1992) và hiện thời đang xem xét lại bản văn này và sẽ cập nhật hóa theo Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu lần thứ III” [3]. Nhiều cộng đoàn người việt tại hải ngoại hay tại Việt Nam khi cử hành thánh lễ vẫn còn dùng Sách Lễ Roma dịch theo ấn bản 1975).

Số 276 và 277 trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma năm 2002 quy định nghi thức sử dụng hương trong thánh lễ như sau:

Xông hương khi nào

Số 276 Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma

Việc xông hương có thể tùy nghi sử dụng trong bất cứ nghi thức thánh lễ nào. Có thể sử dụng trong các thánh lễ nhớ buộc hay lễ nhớ tùy và cả trong các thánh lễ thường ngày.

- Trong khi đi rước ra bàn thờ.
- Lúc đầu thánh lễ xông hương thánh giá và bàn thờ.
- Khi đi rước sách Tin Mừng và trước khi công bố Tin Mừng.
- Khi bánh rượu đặt trên bàn thờ, xông hương của lễ, Thánh Giá, bàn thờ, linh mục chủ tế (linh mục đồng tế nếu có) và dân chúng.
- Khi giơ Mình Thánh và Chén Thánh lên sau truyền phép.

Xông hương thế nào

Số 277 Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma
Linh mục khi bỏ hương vào bình thì thinh lặng và làm phép bằng một dấu thánh giá.
Người xông hương, trước và sau khi xông thì cúi đầu đối với những người, những sự vật được xông hương, nhưng không cúi đầu đối với bàn thờ và của lễ để hiến tế trong thánh lễ.

Ba lần đưa bình hương lên xông [7] đối với:

- Mình Thánh Chúa
- Tượng chịu nạn (Thánh Giá).
- Các tượng hay ảnh Chúa khi trưng bày công khai để tôn kính
- Những của lễ trên bàn thờ để hiến tế trong thánh lễ.
- Thánh giá trên bàn thờ
- Sách Tin Mừng
- Nến Phục Sinh
- Linh mục
- Cộng đoàn.

Hai lần đưa bình hương lên xông đối với:

- Các di tích của các thánh (ví dụ: di hài các thánh...)
- Các ảnh, tượng các thánh được đặt công khai tôn kính.

Và chỉ xông một lần vào lúc bắt đầu cử hành thánh lễ, tức là khi xông hương bàn thờ.

Đối với bàn thờ thì xông đơn [8], theo cách thức sau:

Nếu bàn thờ tách rời với vách tường thì linh mục xông xung quanh bàn thờ.

Nếu bàn thờ một mặt gắn liền hay sát với vách tường thì linh mục xông bên phải rồi xông bên trái bàn thờ.

Đối với tượng chịu nạn: nếu tượng chịu nạn được đặt trên bàn thờ hay kế cận bàn thờ, thì xông tượng chịu nạn trước khi xông bàn thờ, nếu không thì sẽ xông tượng chịu nạn khi linh mục đi ngang qua.

Linh mục xông hương những lễ vật trước việc xông hương tượng chịu nạn và bàn thờ với ba cú, mỗi cú hai lắc; hoặc xông với việc lắc bình hương theo hình thánh giá và hình tròn trên lễ vật [9].

Cũng nên lưu ý rằng, tại Việt Nam Ủy Ban Giám mục về Phụng Vụ, ngày 25-09-1974 đã ra thông cáo như sau [10]:

“Ủy ban Giám mục về Phụng vụ xin trân trọng thông báo: Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong phiên họp ngày 12-6-1974, tại Tu viện Phước Sơn, Thủ Đức, đã đồng ý cho các nơi thí nghiệm những điểm sau đây:

1) Có thể bái gối hoặc cúi mình.
2) Có thể sử dụng tiếng tôi, chúng tôi, hoặc chúng con.
3) Có thể xông hương như xưa nay, hoặc bỏ hương vào lư, hoặc đốt hương nén (nhang), và cắm vào bát hương.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông báo 3 nội dung trên đây khi cử hành thánh lễ, nói lên tính thời sự, cập nhật, theo sát với tinh thần Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo Roma [11] và việc hội nhập văn hóa theo Hiến Chế Phụng Vụ [12] của Công Đồng Chung Vaticano II.

Sơ đồ theo nghi thức của Đức Thánh Cha Phaolo VI
(Incensum - Istud - A te - Benedictum - Ascendat - Ad te Domine)
(Et descendat super nos - Misericordia - Tua)


Tham chiếu và chú thích:
[1] EGERIA, Diario Di Viaggio, Paolile Editoriale Libri, Roma 21999, (24, 10).
[2] Missale Romanum, Typis Vaticanis 3MMII, 4; http://www.ewtn.com/library/CURIA/cdwlgrm.htm
[3] Các Bản Văn Phụng Vụ. http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx, tra cứu ngày 14 tháng tư năm 2013.
[4] Missale Romanum, Missale Romanum, Institutio Generalis Missalis Romani 276, Typis Vaticanis 3MMII, tr 63.
De incensatione
“Thurificatio seu incensatio reverentiam exprimit et orationem, ut in Sacra Scriptura significatur (cf. Ps. 140, 2; Apoc. 8, 3).
Incensum ad libitum adhiberi potest in qualibet forma Missae:
a. durante processione ingressus;
b. initio Missae, ad crucem et altare thurificandum;
c. ad processionem et ad proclamationem Evangelii;
d. pane et calice super altare depositis, ad thurificanda oblata, crucem et altare, necnon sacerdotem et populum;
e. ad ostensionem hostiae et calicis post consecrationem”.
[5] Missale Romanum, Missale Romanum, Institutio Generalis Missalis Romani 277, Typis Vaticanis 3MMII, tr 64.
“Sacerdos, cum incensum ponit in thuribulum, illud benedicit signo crucis, nihil dicens.
Ante et post thurificationem fit profunda inclinatio personae vel rei quae incensatur, altari et oblatis pro Missae sacrificio exceptis.
Tribus ductibus thuribuli incensantur: Ss.mum Sacramentum, reliquia sanctae Crucis et imagines Domini publicae venerationi expositae, oblata pro Missae sacrificio, crux altaris, Evangeliarium, cereus paschalis, sacerdos et populus.
Duobus ductibus incensantur reliquiae et imagines Sanctorum publicae venerationi expositae, et quidem initio tantum celebrationis, cum incensatur altare.
Altare incensatur singulis ictibus hoc modo:
- si altare est a pariete seiunctum, sacerdos illud circumeundo incensat;
- si vero altare non est a pariete seiunctum, sacerdos transeundo incensat primo partem dexteram, deinde partem sinistram.
Crux, si est super altare vel apud ipsum, thurificatur ante altaris incensationem, secus cum sacerdos transit ante ipsam.
Oblata incensat sacerdos tribus ductibus thuribuli, ante incensationem crucis et altaris, vel signum crucis super oblata thuribulo producens”.
[6] Có nơi gọi là ba cú, mỗi cú hai lắc.
[7] Lắc bình hương về phía đối tượng được xông. Trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma không ấn định mấy lần lắc bình hương, nhưng thực hành trong các thánh lễ đại triều tại Roma thường chủ tế lắc hai lần.
[8] Một cú, mỗi cú hai lắc.
[9] Sơ đồ xông hương theo nghi thức của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, Sách Lễ Roma .
[10] GM. GIUSE PHẠM VĂN THIÊN, «Thông cáo số 06/74 của Ủy ban Giám mục về Phụng vụ», trong Phụng Vụ 24 (1974) 7.
[11] Congregazione per il Culto Divino e la disciplina dei Sacramenti, La Liturgia Romana e l’Inculturazione, Libera Editrice Vaticana, 1994, số 37-40.
[12] CONCILIUM VATICANUM II, Constitutio de sacra liturgia Sacrosanctum concilium n. 37-40, (6 decembris 1963), Acta apostolicae sedis 56 (1964) 97-138.
 
Như một lời tiên tri
Gioan Lê Quang Vinh
18:16 14/04/2013
Khi Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đắc cử Giáo Hoàng, lấy tông hiệu Phanxicô thì nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì trong nhiều triều đại Giáo Hoàng trong Hội Thánh Công Giáo suốt hai ngàn năm chưa bao giờ có vị nào chọn tông hiệu ấy.

Chúng tôi cũng ngạc nhiên như bao nhiêu người khác trên thế giới này. Nhưng có một điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn. Trong một buổi gặp mặt thân tình, chúng tôi chợt khám phá ra điều đáng kinh ngạc này. Đó là việc Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dường như đã tiên đoán được tông hiệu các Đấng kế vị mình.

Trong bài diễn văn gửi những người tham dự Hội nghị về “Môi trường và Sức Khoẻ” ngày 24/3/2007, có đăng trên L’Osservatore Romano ngày 09/4/1997, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “văn hoá Kitô giáo luôn nhìn nhận các thụ tạo chung quanh con người cũng là những ân huệ Chúa ban để con người nuôi dưỡng và bảo vệ như một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hoá. Cách riêng, linh đạo Beneđictô và Phanxicô đã cho thấy sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”.

Đọc đoạn văn trên, chắc hẳn nhiều người kinh ngạc khi trong triều đại của mình, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến linh đạo của hai vị thánh, hai dòng tu, mà kỳ lạ thay, hai Đấng kế vị ngài đã lấy tông hiệu là Beneđictô và Phanxicô.

Điều ngạc nhiên không kém là vị Tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, trong công trình tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, khi trích dẫn bài diễn văn, đã trích ngay đoạn trên, trong đó có câu “linh đạo Beneđictô và Phanxicô đã cho thấy sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”. (số 464)

Phải chăng vị Chân Phúc và vị Tôi Tớ Chúa đã có cái nhìn tiên tri, hay ít ra là việc “nhìn xa trông rộng” (như lời Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino nói về Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)?

Nhưng người đọc sẽ tự hỏi: Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn nói lên điều gì khi nhắc đến linh đạo Beneđictô và Phanxicô trong bài diễn văn của mình. Đức Chân Phúc Giáo Hoàng viết: “chính mối quan hệ của con người với Thiên Chúa xác định mối quan hệ của con người với đồng loại và môi trường”. Như thế, khi con người chối bỏ Thiên Chúa, thì mối tương quan giữa họ và đồng loại, cũng như tương quan giữa họ với môi trường bị phá vỡ ngay tức khắc.

Trong bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: “Cách nhìn về con người và sự vật mà không tham chiếu chút nào tới sự siêu việt sẽ dẫn tới chỗ chối bỏ luôn khái niệm sáng tạo và dẫn tới việc gán cho con người và thiên nhiên một sự hiện hữu hoàn toàn độc lập. Như thế, mối liên kết thế giới với Thiên Chúa đã bị cắt đứt. Sự chia cắt này cũng gây ra tình trạng tách con người ra khỏi thế giới, và triệt để hơn, làm con người nghèo đi tự trong bản sắc của mình.” (số 464)

Cứ nhìn những quốc gia mà ở đó chính phủ chối bỏ Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy những thực trạng đau lòng. Việc khai thác tài nguyên vô tội vạ, việc phá huỷ môi trường sinh thái và việc sử dụng bừa bãi các chất gây ô nhiễm làm cho môi trường sống ngày càng bị tiêu diệt.

Huấn Quyền Hội Thánh cảnh báo: “Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề ấy có thể là tham vọng của con người muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện, không chú ý tới bất kỳ đòi hỏi nào về mặt luân lý, mà trái lại, những đòi hỏi này mới chính là yếu tố giúp phân biệt các hoạt động của con người”.

Chúng ta ngạc nhiên về tính tiên tri của một bài diễn văn của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và của công trình Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Nhưng sự ngạc nhiên này không chỉ là do tò mò hay thích khám phá. Đó phải là sự thôi thúc chúng ta thi hành huấn giáo của Hội Thánh: “Hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một đồ vật không hơn không kém mà con người được sử dụng và khai thác tuỳ ý. Đồng thời, chúng ta cũng không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người” (số 463)

Hội Thánh Chúa quan tâm bảo vệ môi trường vì thế giới này là công trình của Thiên Chúa Tạo Hoá, là Đấng mà Hội Thánh tôn thờ. Hội Thánh coi môi trường là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người, đồng thời là gia sản mà con người phải gìn giữ và xây đắp.

Trong khi đất nướ đang gặp bao vấn đề nan giải về tài nguyên, về môi trường, về chủ quyền, thì lời Hội Thánh vọng đến, chỉ cho chúng ta một con đường. Con đường ấy chính là “ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác – như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên – hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, HTXHCG số 466).

Thật đau lòng khi thấy tài nguyên mà Thiên Chúa ban cho dân tộc chúng ta cứ bị bào mòn dần dần bởi những điều không đâu vào đâu. Nhưng sẽ chẳng có giải pháp nào hữu hiệu hơn là việc giúp con người thời đại nhìn thấy điều mà Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận thấy và chỉ cho chúng ta cách thực hành.

Và như thế, trách nhiệm của mỗi Kitô hữu không phải chỉ là phản ứng cùng với những người có lương tri trong xã hội, mà còn phải sâu sắc hơn: áp dụng linh đạo Beneđictô và Phanxicô vào trong đời sống của chính mình.

Linh đạo ấy có thể tóm lại bằng chính Huấn Quyền Hội Thánh, chúng tôi xin phép được nhắc lại: đó là “sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”
 
80.000 tín hữu tham dự buổi đọc kinh với Đức Thánh Cha
LM. Trần Đức Anh OP
21:24 14/04/2013
VATICAN. 80 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với ĐTC Phanxicô trưa chúa nhật 14-4-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đây là lần thứ 7 ngài xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của các ĐGH trong dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh với các tín hữu hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã quảng diễn bài đọc sách Tông Đồ công vụ về tấm gương can đảm của các Tông Đồ vui mừng chịu đau khổ vì rao giảng Chúa Kitô và ngài mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới. ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em!

Tôi muốn dừng lại một chút về trang sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đọc trong Phụng Vụ chúa nhật thứ ba Phục Sinh này. Đoạn văn nói về bài giảng đầu tiên của các Tông Đồ ở Jerusalem, làm cho thành này tràn đầy tin Chúa Giêsu đã sống lại thật, theo Kinh Thánh, và Ngài là Đấng Messia đã được các tiên tri báo trước. Các thượng tế và thủ lãnh dân thành tìm cách chặn đứng từ trong trứng nước cộng đoàn các tín hữu Kitô và bỏ tù các Tông Đồ, truyền cho các vị không được giảng dạy nhân danh Người nữa. Nhưng thánh Phêrô và 11 Tông Đồ trả lời: ”Cần phải vâng lời Thiên Chúa thay vì vâng lời người phàm. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Đức Giêsu sống lại.. Chúa đã nâng Người lên ngự bên hữu Ngài như thủ lãnh và là Đấng Cứu Thế.. Chúng tôi và Thánh Linh là chứng nhân về những sự kiện ấy” (Cv 5,29-32). Bấy giờ họ ra lệnh đánh đòn các Tông Đồ và tái ra lệnh cho các vị không được nói về danh Chúa Giêsu nữa. Và các ông ra đi, ”vui mừng vì được coi là xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu” (c.41)

”Từ đâu các môn đệ đầu tiên tìm được sức mạnh để làm chứng như vậy? Không những thế: từ đâu các vị tìm được niềm vui và can đảm để loan báo, mặc dù có những chướng ngại và bạo lực? Chúng ta đừng quên rằng các Tông Đồ là những người đơn sơ, không phải là các kinh sư hoặc các nhà thông luật, cũng chẳng thuộc giai cấp tư tế. Làm sao họ có thể làm đầy thành Jerusalem bằng những giáo huấn như thế, mặc dù có những giới hạn và bị nhà cầm quyền chống đối? (Xc Cv 5,28). Hiển nhiên là chỉ có sự hiện diện của Thánh Linh mới có thể giải thích được sự kiện ấy. Niềm tin của các vị dựa trên một kinh nghiệm bản thân rất mạnh mẽ về Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại, khiến các vị không sợ hãi điều gì và sợ ai, và thậm chí các vị coi những bách hại như một điều vinh dự, để theo vết Chúa Giêsu và trở nên giống Ngài qua việc làm chứng tá bằng chính cuộc sống.

”Lịch sử về cộng đồng Kitô đầu tiên nói với chúng ta một điều rất quan trọng, có giá trị cho Giáo Hội trong mọi thời đại, và cho cả chúng ta: đó là khi một ngừơi thực sự biết Chúa Giêsu Kitô và tin nơi Chúa, cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và sức mạnh sự phục sinh của Chúa, thì không thể không thông truyền kinh nghiệm ấy. Và nếu họ gặp phải những thái độ thiếu cảm thông hay chống đối, thì họ cư xử như Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn: lấy tình thương và sức mạnh của chân lý để đáp lại.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta cùng nhau cầu khẩn Nữ Vương Thiên Đàng, xin Mẹ Maria chí thánh phù trợ để Giáo Hội ở các nơi trên thế giới thẳng thắn và can đảm loan báo sự sống lại của Chúa và làm chứng tá hữu hiệu bằng những dấu chỉ tình yêu thương huynh đệ. Chúng ta đặc biệt cầu cho các tín hữu Kitô đang bị bách hại ở rất nhiều nước trên thế giới: xin cho họ cảm thấy sự hiện diện sinh động và an ủi của Chúa Phục Sinh.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói thêm rằng: ”Hôm qua, tại thành Venezia, đã có lễ phong chân phước cho Cha Luca Passi, LM miền Bergamo hồi thế kỷ 19, sáng lập Hội thiện giáo dân thánh nữ Dorotea, và Dòng các nữ tu giáo viên Thánh Dorotea. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì vị Linh mục tốt lành này.

”Hôm nay tại Italia là Ngày Đại Học Công giáo Thánh Tâm với chủ đề là ”Các thế hệ trẻ vượt qua khủng hoảng”. Đại học này, nảy sinh từ tâm trí của Cha Agostino Gemelli, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của dân chúng, đã đào tạo hàng ngàn ngàn người trẻ trở thành những công dân có khả năng và trách nhiệm, những người xây dựng công ích. Tôi mời gọi luôn luôn hỗ trợ Đại học này, để tiếp tục cống hiến cho các thế hệ trẻ một nền huấn luyện tốt đẹp nhất, hầu đương đầu với những thách đố hiện nay.

”Tôi thân ái chào thăm tất cả các tín hữu hành hương hiện diện nơi đây, đến từ bao nhiêu nước! Các gia đình, các nhóm giáo xứ, các phong trào, và người trẻ. Đặc biệt tôi chào đoàn hành hương của Giáo phận Siena-Colle Val d'Elsa-Montalchino, với Đức TGM Buoncristiani. Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ nam nữ đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích thêm sức. Tôi cầu chúc tất cả anh chị em chúa nhật tốt đẹp và dùng bữa trưa ngon.
Chiều hôm qua vào lúc 5 giờ chiều, ĐTC đã đến Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, để dâng thánh lễ và nhận thánh đường này.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ đầu tiên tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành.
LM. Trần Đức Anh OP
21:25 14/04/2013
ROMA. Chiều chúa nhật 14-4-2013, ĐTC Phanxicô đã đến viếng mộ Thánh Phaolô Tông Đồ và cử hành thánh lễ đầu tiên trong Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Hiện diện trong thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi, có hàng ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường, đặc biệt là các Đan sĩ dòng Biển Đức, đông đảo các sinh viên thuộc đại học Roma 3, cũng với nhiều chức sắc và tín hữu, trong đó có 12 Hồng y và một số Giám Mục.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY James Harvey, người Mỹ, Giám quản Đền thờ này, và hai vị nguyên giám quản là ĐHY Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, ĐHY Francesco Monterisi, cùng với Cha Edmund Power, Viện Phụ Đan viện Biển Đức cạnh Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Khi đoàn rước tiến đến bàn thờ chính, ĐTC đã xuống mộ của Thánh Tông Đồ dân ngoại, xông hương tôn kính và cúi mình thật lâu để cầu nguyện trước mộ thánh nhân.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã nêu bật 3 ý tưởng dựa theo các bài đọc của Phụng vụ: loan báo, làm chứng và thờ lạy Chúa. Ngài nói:

Anh chị em thân mến

Thật là một niềm vui cho tôi được cử hành Thánh Lễ với anh chị em trong Vương cung thánh đường này. Tôi mến chào ĐHY Giám quản Đền thờ, James Harvey, và cám ơn ĐHY vì những lời đã bày tỏ với tôi; cùng với ĐHY, tôi chào thăm các tổ chức khác nhau của Đền thờ này và tất cả các anh chị em. Chúng ta ở tại mộ của thánh Phaolô, một tông đồ vừa khiêm hạ vừa vĩ đại của Chúa, thánh nhân đã rao giảng Chúa bằng lời nói, đã làm chứng cho Chúa bằng cuộc tử đạo và đã thờ lạy Chúa với trọn tâm hồn. Tôi muốn suy tư về 3 động từ này dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe: loan báo, làm chứng và thờ lạy.

1. Trong bài đọc thứ I, ta thấy nổi bật sức mạnh của thánh Phêrô và các Tông Đồ khác. Trước lệnh truyền phải im lặng, không được giảng dạy nhân danh Đức Giêsu nữa, không được loan báo Sứ điệp của Chúa nữa, các Tông Đồ trả lời minh bạch rằng ”Cần phải vâng lời Thiên Chúa, thay vì vâng lời loài người”. Dù bị đánh đòn, các vị vẫn không ngừng rao giảng, dù bị lăng mạ và cầm tù cũng thế. Phêrô và các Tông Đồ can đảm loan báo trong tất cả sự thật điều mà các vị đã nhận lãnh, đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có khả năng đưa Lời Chúa tới các môi trường cuộc sống của chúng ta hay không? Chúng ta có biết nói về Chúa Kitô, về vị thế của Chúa đối với chúng ta trong gia đình, với những người thuộc về cuộc sống của chúng ta hay không? Đức tin nảy sinh từ sự lắng nghe, và được củng cố trong việc rao giảng.

2. Nhưng chúng ta hãy tiến thêm một bước: việc loan báo của thánh Phêrô và các Tông Đồ không phải chỉ bằng lời nói, nhưng sự trung thành với Chúa Kitô còn liên hệ tới trọn cuộc sống của các vị, một cuộc sống được biến đổi, được một hướng đi mới, và chính bằng cuộc sống mà các vị làm chứng về đức tin và loan báo Chúa Kitô. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu 3 lần yêu cầu thánh Phêrô chăn dắt đoàn chiên của Ngài, và chăn chiên với lòng yêu mến, và Chúa báo cho Phêrô biết trước: ”Khi con già nua, con sẽ giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho con và đưa con đến nơi con không muốn” (Ga 21,18). Đó là một lời được gởi đến tất cả chúng ta là những mục tử: ta không thể chăn dắt đoàn chiên Chúa nếu không chấp nhận để thánh ý Chúa dẫn đưa tới nơi mà chúng ta không muốn, nếu ta không sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô bằng sự hiến chính bản thân chúng ta, không do dự, không so đo, nhiều khi phải trả bằng chính mạng sống chúng ta. Nhưng điều này cũng giá trị đối với tất cả mọi người: Tin Mừng cần được rao giảng và làm chứng. Mỗi người phải tự hỏi: làm thế nào tôi làm chứng về Chúa Kitô bằng đức tin của tôi? Tôi có lòng can cảm của thánh Phêrô và các Tông đồ khác để suy nghĩ, chọn lựa và sống như Kitô hữu, vâng phục Thiên Chúa hay không? Chắc chắn là việc làm chứng tá đức tin có bao nhiêu hình thức khác nhau, như trong một bức bích họa to lớn, có nhiều mầu sắc và sắc thái khác nhau; nhưng tất cả những điều ấy đều quan trọng, cả những điều không trổi lên. Trong kế hoạch bao la của Thiên Chúa, mỗi chi tiết đều quan trọng, cả chứng tá bé nhỏ, khiêm hạ của bạn, của tôi, cả những chứng tá âm thầm của người sống đức tin đơn sơ của mình trong những quan hệ thường nhật của gia đình, nơi làm việc, với bạn bè, đều là điều quan trọng. Có những vị thánh hằng ngày, những vị thánh 'âm thầm', một thứ ”giai cấp trung của sự thánh thiện” mà tất cả chúng ta có thể là thành phần. Nhưng tại nhiều nơi trên thế giới, cũng có những người đang chịu đau khổ như thánh Phêrô và các Tông đồ, vì Tin Mừng; có những người hiến mạng sống để trung thành với Chúa Kitô bằng chứng tá được đánh dấu bằng giá máu. Tất cả chúng ta hãy nhớ điều này: ta không thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô mà không làm chứng tá cụ thể bằng cuộc sống. Ai nghe và nhìn chúng ta phải có thể đọc được trong những hoạt động của chúng ta điều mà họ nghe từ miệng chúng ta và chúc tụng vinh danh Thiên Chúa! Thái độ bất nhất của các tín hữu và các mục tử giữa điều họ nói và điều họ làm, giữa lời nói và lối sống làm thương tổn uy tín của Giáo Hội.

3. Nhưng tất cả những điều đó chỉ có thể nếu chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô, vì chính Ngài đã kêu gọi chúng ta, đã mời gọi chúng ta tiến theo con đường của Ngài, đã chọn chúng ta. Loan báo và làm chứng là điều chỉ có thể nếu chúng ta gần gũi Chúa, như thánh Phêrô, Gioan và các tông đồ khác trong đoạn Phúc âm ngày hôm nay, quanh Chúa Giêsu Phục Sinh; có một sự gần gũi hằng ngày với Chúa, và các vị biết rõ Ngài là ai, họ biết Ngài. Thánh Sử Phúc Âm nhấn mạnh rằng ”không ai dám hỏi Ngài ”Thầy là ai?”, vì họ biết rõ Ngài là Chúa” (Ga 21,12). Đó là điểm quan trọng đối với chúng ta; sống một quan hệ khẩn trương với Chúa Giêsu: một cuộc sống thân mật trong đối thoại đến độ có thể nhìn nhận Ngài là ”Chúa”, thờ lạy Ngài. Đoạn sách Khải Huyền mà chúng ta đã nghe nói về sự thờ lạy: vô số các thiên thần, toàn thể các thụ tạo, các sinh vật, các kỳ lão, phủ phục thờ lạy trước Ngai Thiên Chúa và Chiên Con bị sát tế, là Đức Kitô, lời chúc tụng, vinh dự và vinh quang dành cho Người (Xc Kh 5,11-14). Tôi muốn tất cả chúng ta tự hỏi: Bạn, tôi, chúng ta có thờ lạy Chúa hay không? Chúng ta đến cùng Chúa phải chăng chỉ để cầu xin, cám tạ hay chúng ta cũng đến nơi Chúa để thờ lạy Ngài? Thờ lạy Chúa như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là ở với Chúa, dừng lại đối thoại với Chúa, cảm thấy rằng sự hiện diện của Chúa là chân thực nhất, tốt lành nhất, quan trọng hơn tất cả mọi sự. Mỗi người chúng ta, trong cuộc sống của mình, một cách ý thức, và có lẽ nhiều khi không ý thức, có một thứ tự chính xác nơi những điều được coi là hơn kém quan trọng. Thờ lạy Chúa có nghĩa là dành cho Chúa chỗ thuộc về Ngài; thờ lạy Chúa có nghĩa là khẳng định, tin, nhưng không phải chỉ bằng lời nói, rằng chỉ có Chúa thực sự hướng dẫn cuộc sống chúng ta; thờ lạy Chúa có nghĩa là chúng ta xác tín trước Chúa rằng chỉ mình Ngài là Thiên Chúa, Chúa Tể đời sống và lịch sử của chúng ta.

Điều này có một hệ luận trong cuộc sống chúng ta: cởi bỏ bao nhiêu thần tượng lớn nhỏ mà chúng ta có và nương náu trong đó, chúng ta tìm kiếm trong đó và nhiều lần chúng ta đặt niềm tín thác nơi chúng. Đó là những thần tượng mà nhiều khi chúng ta giấu kín: đó có thể là tham vọng, ham muốn thành công, sự nghiệp, đặt mình ở trung tâm, xu hướng muốn trổi vượt hơn người khác, tự nhận mình là chủ tể độc nhật của đời mình, đó là vài thứ tội mà chúng ta gắn bó, và nhiều tội khác nữa. Chiều tối hôm nay tôi muốn một câu hỏi được vang dội trong tâm hồn mỗi người chúng ta và chúng ta hãy thành thật trả lời: tôi có nghĩ đến thần tượng nào ẩn náu trong cuộc sống của tôi hay không, thứ thần tượng cản trở tôi thờ lạy Chúa? Thờ lạy là cởi bỏ những thần tượng của chúng ta, cả những thần tượng thầm kín nhất, và chọn Chúa làm trung tâm, như con đường chủ yếu của đời ta.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, Chúa kêu gọi chúng ta mỗi ngày hay can đảm theo Ngài trong niềm trung thành; Chúa ban cho chúng ta hồng ân lớn lao, Ngài chọn chúng ta như những môn đệ của Ngài; Ngài sai chúng ta đi loan báo Ngài trong niềm vui tươi như Đấng Phục Sinh, nhưng Chúa yêu cầu chúng ta thi hành điều đó bằng lời nói, và bằng cuộc sống chứng tá thường nhật. Chúa là Thiên Chúa duy nhất của đời ta và Ngài mời gọi chúng ta hãy cởi bỏ bao nhiêu thần tượng và thờ lạy một mình Chúa. Xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Phaolô Tông Đồ giúp chúng ta trong hành trình này và chuyển cầu cho chúng ta”.
 
Top Stories
Church authenticates interpretation of Scripture, Pope reminds Biblical Commission
Catholic World News
10:16 14/04/2013
The Word of God is “the soul of theology as well as the inspiration of all Christian existence,” Pope Francis told the members of the Pontifical Biblical Commission in an April 12 private audience.

In his address the Pope said that a proper approach to the interpretation of Sacred Scripture requires the faithful “to place ourselves within the great Tradition that has, with the Holy Spirit's assistance and the Magisterium's guidance.” Citing the Vatican II document Verbum Dei, he said that the Bible is a treasury of divine revelation, but not the entirety of that revelation.

The Pope explained that “the Word of God precedes the Bible and surpasses it. That is why the center of our faith isn't just a book, but a salvation history and above all a person, Jesus Christ, the Word of God made flesh.” The Church’s tradition hands down the truth that Jesus disclosed to his disciples, and authenticates the texts of the Bible.

Therefore, the Pope said: “The interpretation of Sacred Scriptures cannot be just an individual academic effort, but must always be compared to, inserted within, and authenticated by the living tradition of the Church.”
 
Pope Francis celebrates Mass at Papal Basilica of St Paul Outside the Walls
Vatican Radio
21:28 14/04/2013
Pope Francis celebrated Mass on Sunday evening in the Papal Basilica of St Paul Outside the Walls. The Archpriest of the Basilica, Cardinal James Harvey, greeted the Holy Father before Mass, saying, “All those who make up the Basilica of St. Paul Outside the Walls rejoice in welcoming the new Bishop of Rome in this solemn moment,” and noting that, “[i]t is on the faith of the two apostles and martyrs Peter and Paul, called ‘the pillars of the Church,’ that the Church of Rome traces its origins.”

Proclamation, witness, and worship were the three key ideas on which Pope Francis focused in his homily, with especial emphasis on those who suffer for their witness to the Faith. “There are the saints of every day,” said Pope Francis, “the ‘hidden’ saints, a sort of ‘middle class of holiness’ to which we can all belong.”In many parts of the world, however, “[T]here are also those who suffer, like Peter and the Apostles, on account of the Gospel; there are those who give their lives in order to remain faithful to Christ by means of a witness marked by the shedding of their blood.” Pope Francis called on all the faithful to remember that one cannot proclaim the Gospel of Jesus without the tangible witness of one’s life. He said, “Those who listen to us and observe us must be able to see in our actions what they hear from our lips, and so give glory to God!” He went on to say, “Inconsistency on the part of pastors and the faithful between what they say and what they do, between word and manner of life, is undermining the Church’s credibility.”

Pope Francis then turned to the theme of worship. “What does it mean, then, to worship God?” he asked, answering, “[w]orshipping the Lord means giving him the place that he must have; worshipping the Lord means stating, believing – not only by our words – that he alone truly guides our lives; worshipping the Lord means that we are convinced before him that he is the only God, the God of our lives, the God of our history.”“Dear brothers and sisters,” concluded Pope Francis, “each day the Lord calls us to follow him with courage and fidelity; he has made us the great gift of choosing us as his disciples; he sends us to proclaim him with joy as the Risen one, but he asks us to do so by word and by the witness of our lives, in daily life. The Lord is the only God of our lives, and he invites us to strip ourselves of our many idols and to worship him alone. May the Blessed Virgin Mary and Saint Paul help us on this journey and intercede for us.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo đoàn Marrickville Sydney mừng Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
18:47 14/04/2013
Chiều Chúa Nhật 14/04/2013 đông đủ giáo dân thuộc Giáo đoàn Thánh Tử Đạo Đaminh Vũ Đình Tước Marrickville Sydney và các quan khách thuộc các Giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Britgid Mariickville tham dự Thánh lễ mừng kính lễ Quan Thầy của Giáo đoàn.

Xem hình ảnh

Đúng 4 giờ tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên nhà thờ và Cha John Chính xứ Marrickville xông hương tượng Thánh Tử Đạo Đaminh Vũ Đình Tước và sau đó ban Tây Nhạc Cecillia hợp tấu nhạc phẩm Nhạc Chào Mừng và Con Đường Nào Chúa Đã Đi Qua rất hoành tráng đồng thời kiệu cung nghinh tượng Thánh Tử Đạo Đaminh Vũ Đình Tước rước vào nhà thờ an vị trên cung thánh,

Kế tiếp phần đọc tiểu sử của Thánh Đaminh Vũ Đình Tước, Ngài rất can trường và hiên ngang bất chấp mọi thủ đoạn của đám quan quân triều đình. Ngài vẫn một mực kiên trì trung thành với Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết năm 1839 để vinh danh Thiên Chúa và Ngài đã nêu một tấm gương anh dũng sáng ngời cho hậu thế. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên hàng Thánh Tử Đạo ngàý 19/06/1988 với 116 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. Sau khi chấm dứt phần tiểu sử quý Cha Paul Văn Chi, Cha Mai Đào Hiền, Cha John Chính xứ, Cha Hoàng Đức Luyến Bề Trện Dòng Thánh Antôn Giáo phận Vinh và Cha Trần Văn Thành Giáo phận Vinh Việt Nam cùng đồng tế dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Jonh Chính xứ Marrickville ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn Mariickville. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney thay mặt cho Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của Giáo đoàn, tiếp đến anh Vũ Tiến Hưng Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách, quý Hội đoàn Đoàn thể đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo đoàn Marrickville hôm nay. Đặc biệt anh chúc mừng Huynh Đoàn Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước, Ca đoàn Alleluia và Ca đoàn Vô Nhiễm đã phối hợp hát rất hay giúp cho Thánh lễ thêm phần sốt sắng và sau cùng Cha Paul Văn Chi cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ và tất cả mọi ngưòi đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy Giáo đoàn Marrickville.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, mọi người ở lại và tham dự bữa tiệc liên hoan và văn nghệ do Ca Đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trình diễn với những tiết mục Ca, Vũ, Hoạt Cảnh và tham gia cuộc vui xổ số may mắn lấy hên. Sau đó kết thúc bế mạc vào lúc 7pm