Ngày 15-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ơn bền đỗ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
15:04 15/04/2013
Chúa nhật 4 Phục Sinh (Tđcv 13, 11.43-52; Kh 7, 9.14b-17; Ga 10, 27-30).

Chia sẻ tâm tình của một Kitô hữu: Mỗi khi im lặng quanh tôi, dù ban ngày hay ban đêm, tôi thường giật mình vì một lời than. Lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng than, tôi ra tìm kiếm và thấy một người đang đau đớn bị đóng đinh trên thánh giá. Và tôi nói: Xin Ngài để tôi đem Ngài xuống. Rồi tôi cố gắng tháo gỡ đinh nơi chân Ngài. Nhưng Ngài nói: Thôi hãy để vậy, vì Ta không xuống được cho đến khi nào mọi người đàn ông, đàn bà và con trẻ cùng đến gỡ Ta xuống. Tôi thưa Ngài: Vậy tôi phải làm gì? Hãy đi khắp thế gian loan báo cho mọi người rằng ngươi đã gặp thấy một người chịu đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc họ.

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã gom tụ các tông đồ và sai các Ngài tiếp tục đi rao giảng tin mừng Chúa Kitô chịu chết và đã sống lai. Đã có nhiều người được ơn trở lại tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng ta biết tâm hồn của con người rất sâu thẳm và khó lường. Đôi khi có những tâm hồn nhẹ dạ cả tin và tin đủ mọi thứ. Có khi tâm linh cứng cỏi và chối từ tin mừng sự thật. Cũng có khi tin cuồng nhiệt và không phân biệt phải trái, đúng sai. Đức tin là nhân đức đối thần và là ân sủng được trao ban. Mỗi người hãy mở cửa tâm hồn để đón nhận. Ngay từ buổi sơ khai, đã có nhiều người tòng giáo đi theo các Tông đồ: Tan buổi họp, có nhiều người Do-thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa (Tđcv 13, 43). Vâng lời Thầy, các ông đã ra đi chài lưới từng tâm hồn. Đây là một sứ mệnh đòi hỏi sự kiên trì, bền đỗ và xả thân.

Tâm hồn con người vốn yếu đuối và mỏng manh dễ bể. Những ảnh hưởng cuộc sống xã hội, truyền thống, văn hóa và các thế lực chống đối ghen tương thù ghét luôn rình rập để ngăn cản và phá hủy. Ngay thuở ban đầu, Giáo Hội bé nhỏ đã gặp rất nhiều những khó khăn bách hại và ngăn trở trong việc rao giảng tin mừng: Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông (Tđcv 13, 45). Chúng ta biết dân tộc Do-thái được chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế, nhưng không phải tất cả mọi người đều đồng lòng chấp nhận tin mừng cứu độ. Các nhân chứng phục sinh đã đối diện với rất nhiều khó khăn phức tạp ngay cả với các đồng hương. Thánh giá cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vẫn chưa có thể thuyết phục vì còn nhiều tâm hồn vẫn còn khép kín.

Ngay thời Giáo Hội sơ khai, người đời đã biết sự ảnh hưởng lớn lao của những phụ nữ đạo đức giầu có. Người ta đã biết cách rỉ tai xúi giục và lấy lòng các bà để tạo sức ép: Nhưng người Do-thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Barnaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ (Tđcv 13, 50). Dù phải rời nơi này sang nơi khác, các Tông đồ luôn kiên trì bền đỗ trong ơn gọi. Đây chính là những thách thức trong công việc truyền giáo. Xưa cũng như nay, các nhà truyền giáo luôn phải đối diện với các khó khăn và thử thách. Chúng ta rất vui mừng, trong Giáo Hội luôn luôn có những tâm hồn nhiệt thành dám hy sinh và xả thân cho Nước Chúa.

Trong sứ vụ, vai trò của các phụ nữ ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống Giáo Hội. Người phụ nữ mang tâm tình của một người mẹ luôn biết yêu thương, hy sinh chăm lo cho gia đình và Giáo Hội. Chúng ta phải trân trọng những gia sản quý báu nơi tâm hồn các người nữ. Qua đức bác ái, sự kiên nhẫn, lòng đạo đức, tính nhiệt thành, ơn bền đỗ và sự khôn ngoan đích thực, người phụ nữ đang đóng góp phần rất quan trọng trong đời sống đức tin và các sinh hoạt của Giáo Hội. Trong Giáo Hội, đa số các phụ nữ tham gia một cách tích cực vào mọi sinh hoạt trong các Dòng tu, Nhóm hội và Cộng đoàn giáo xứ. Các phụ nữ đã khơi dậy niềm tin yêu trong đời sống của Giáo hội một cách rất sinh động. Thánh lễ Tiệc Ly, Tuần Thánh năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành nghi thức rửa chân cho 12 phạm nhân trong Nhà Giam, trong đó có hai người phụ nữ. Đây là một dấu chỉ mới!

Người Do-thái theo Đạo Do-thái (Môisen). Họ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Họ tuân giữ các giới răn, chỉ thị và các huấn lệnh trong Sách Luật. Họ vẫn tiếp tục chờ đón Đấng Cứu Thế theo quan điểm của họ. Họ sống trung thành với lề luật của các tiên tri. Thế nên, muốn thay đổi từ Đạo Do-thái của cha ông để tin vào Chúa Kitô phục sinh là một sự vượt qua rất quan trọng. Sự thăng tiến niềm tin, cải đổi não trạng và thay đổi quan niệm sống luôn là vấn đề rất tế nhị và nan giải. Chúng ta cũng không thể xét đoán bất cứ ai, vì có thể họ chưa sẵn sàng hay tâm trí chưa được thuyết phục. Chính Chúa Giêsu cũng đã kiên nhẫn dong duổi đi tìm kiếm từng con chiên lạc. Khi gặp được, Ngài vác chiên trên vai đem chúng về: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi (Ga 10, 27). Sứ vụ của các mục tử là tìm kiếm, dẫn dắt và qui tụ mọi kẻ tin về một mối.

Chúng ta học biết rằng ơn trở lại là một tiến trình và là một cuộc đổi đời toàn diện. Thay thế một niềm tin cho một niềm tin là một cuộc vượt qua mới. Chúa Giêsu đã vượt qua từ cõi chết đến sự sống. Ngài đã mở ra một kỷ nguyên mới trong tin yêu hy vọng. Giúp chúng ta vượt qua sự hận thù và ghen ghét đến yêu thương. Vượt qua sự đam mê lầm lạc đến sự ăn năn hối cải. Vượt qua sự nô lệ cho sự dữ và tội lỗi tới sự tự do của tình yêu. Vượt qua sự kết án luận tội đến sự tha thứ. Vượt qua bóng tối đêm đen tới ánh sáng. Vượt qua sự chết tới sự sống lại. Sự phục sinh của Chúa là lời mời gọi mỗi người chúng ta phải vượt qua. Vượt qua chính mình nơi những đam mê lầm lạc, những thói hư tật xấu và những nghiện ngập chôn vùi để mở ra một hướng mới tỏa sáng cuộc đời. Chúa Giêsu phục sinh đã hứa ban ân sủng cho những kẻ biết đặt niềm tin vào Ngài: Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi (Ga 10, 28). Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy can đảm lên đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian.

Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Ngài đã bước vào cõi sống vĩnh hằng. Thánh Gioan đã diễn tả thị kiến: Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế (Kh 7, 9). Chúng ta không thể đi con đường tắt để được lãnh nhận triều thiên vinh quang. Phải trải qua gian khó, thử thách, kiên tâm, chịu đựng, sống đạo và hành đạo mỗi ngày, chúng ta mới hy vọng chia phần vinh quang với Chúa. Gioan đã vẽ lối chỉ đường cho chúng ta. Tôi trả lời: "Thưa Ngài, Ngài biết đó." Vị ấy bảo tôi: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên (Kh 7, 14). Những ai đặt trọn niềm tin tưởng vào Chiên Thiên Chúa, Chúa sẽ dẫn họ vào cuộc sống hạnh phúc miên trường: Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ."(Kh 7, 17).

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Tin là đổi đời. Tin là hướng lên thượng giới. Nhiều lúc chúng con tuyên xưng niềm tin ngoài môi miệng nhưng lòng chúng con lại rời xa Chúa. Xin cho đức tin thấm nhập vào tâm hồn, để chúng con biết sống niềm tin mỗi ngày. Chúng con tin thờ Chúa Giêsu là Chúa. Chính Chúa đã mạc khải cho chúng con: Tôi và Chúa Cha là một (Ga 10, 30). Lạy Chúa, con tin.
 
Chúa Giêsu Phục Sinh đi chọn một người chăn dắt chiên của Chúa
Lm. Nguyễn Công Đoan, SJ
18:46 15/04/2013
Chúa Giêsu Phục Sinh đi chọn một người chăn dắt chiên của Chúa

(Sách Tin Mừng Gio-an, chương 21)

Sách Tin Mừng Gioan kể chuyện thánh Phêrô chối Chúa (Ga 18,15-17) với mấy đặc điểm sau đây:

Khi bọn sai nha đến bắt Chúa, Chúa ra đón và hỏi: các anh tìm ai? Họ đáp: Giêsu Nadaret.

Chúa trả lời: « Ta Là». Họ ngã ngửa. Họ đứng lên, Chúa hỏi nữa. Rồi Chúa nói : Tôi đã bảo các anh : « Ta Là». Trong bản văn Hy Lạp (Ego eimi : Ta Là) đây là Thánh Danh Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê (Xh 3,14). Trong Sách Tin Mừng Gioan nhiều lần Chúa Giêsu dùng danh xưng này để nói về mình.

Khi ông Simon Phêrô vào sân dinh Thượng Tế và ngồi sưởi ké bên đống lửa than của bọn sai nha, ba lần bị chỉ mặt là môn đệ của Chúa Giêsu thì ba lần ông chối : Không phải (oukh eimi : tôi không là ngược với lời Chúa Giêsu khẳng định: Ta Là !

Hôm nay, người môn đệ mà trong bữa Tiệc Ly ông đã nhờ hỏi nhỏ Chúa xem ai là kẻ phản nộp Chúa, nói với ông :« Chúa đấy ». Nghe thế ông liền lấy áo quấn ngang lưng, vì ông đang trần truồng, và ông nhảy xuống nước.

Trong sách Sáng Thế, sau khi trái cấm mở mắt cho Adam +Evà thấy mình trần truồng, họ lấy lá vả (là thứ lá cây lớn nhất thường thấy) quấn ngang lưng ; rồi khi nghe tiếng bước chân Thiên Chúa thì họ núp vào lùm cây. Thiên Chúa gọi : « Ađam, người ở đâu ? ».

Sách Tin Mừng Gioan không kể chuyện gì xảy ra với ông Simon Phêrô sau tiếng gà gáy, như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng để dành đến hôm nay mới trở lại câu chuyện. Ông Simon Phêrô phản ứng giống Ađam. Ađam ở trong vườn thì có lùm cây mà núp, Phêrô đang trên thuyền thì chỉ có cách nhảy xuống nước mà núp.

Vào bờ ông cũng thấy một đống lửa than, Chúa Giêsu dọn cho ông và các bạn, lại có bánh và cá đặt trên. Đống lửa than này làm sao mà không gợi cho ông Phêrô nhớ lại đống lửa than của của bọn sai nha trong sân dinh Thượng Tế cái đêm tăm tối kia.

Chúa bảo : hãy đến mà ăn. Chúa đến, cầm lấy bánh và cá trao cho các ông. Cảnh này gợi lại hôm Chúa ngồi trên núi, trao bánh và cá cho đám đông (ch.6).

Sau bữa Chúa đãi đám đông trên núi, tại Ca-phac-na-um, khi nhiềumôn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi nhóm Mười Hai : « Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ? » (6,67) thì ông Phêrô thay mặt nhóm Mười Hai khẳng khái : « Bỏ Thầy chúng con đi với ai… ».

Sau bữa ăn sáng quanh đống lửa than bên hồ, Chúa gọi đích danh và hỏi : « Simon con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn những người này không ? » Sự so sánh này làm cho ông phải nhớ lại lời ông cam kết trong bữa Tiệc Ly : « Con sẽ hy sinh mạng sống con vì Thầy » (13,37). Hôm nay thì ông không còn dám vỗ ngực tự phụ như thế nữa. Ông dựa vào Chúa : « Thưa Thầy, Thầy biết… ». Phiền nỗi là Chúa lặp lại cùng một câu hỏi hai lần nữa, nhưng tế nhị bỏ cái vế so sánh cho ông đỡ ngượng. Đến lần thứ ba thì ông hết chịu nổi, ông buồn, và ông nại đến sự thông biết vô cùng của Chúa : « Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết… » (x.Tv 139).

Bên đống lửa than trong sân dinh Thượng Tế, ba lần trong một đêm ông nhận rằng ông chẳng là gì.

Sáng nay ông và các bạn nhận mình là những kẻ đánh cá vô tích sự, suốt đêm chẳng được gì để ăn.

Sáng nay ông vừa nhận ra mình là kẻ trần truồng và đi núp, giống như Ađam.

Bên đống lửa than của Chúa ở bờ hồ, khi trả lời câu Chúa hỏi ba lần, ông chỉ còn biết dựa vào sự thông biết, sự thông biết vô cùng của Chúa.

Bây giờ thì Chúa có thể an tâm trao cả chiên mẹ. chiên con của Chúa cho ông chăn nuôi, và Chúa cũng đòi ông giữ cả lời hứa hy sinh mạng sống, nhưng không phải thay cho Chúa, mà để tôn vinh Thiên Chúa giống như Thầy Giêsu, vị Mục Tử kiểu mẫu, hiến mạng sống vì đoàn chiên.

Ngày đầu, ông nghe lời Thầy của ông là vị Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu và đi theo.

Hôm nay, sau khi đã cho ông biết rõ sứ mạng và số phận của ông, chính Chúa Giêsu trực tiếp gọi ông : « Hãy theo Thầy ».

Trong nghi thức bầu Giáo Hoàng, sau khi đắc cử, vị tân cử phải trả lời hai câu hỏi theo nghi thức: « Ngài có nhận kết quả bầu cử này không ? » và « Ngài nhận tông hiệu là gì ? »

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi thứ nhất như sau: « Tôi là kẻ tội lỗi và tôi ý thức điều đó, nhưng tôi rất tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì các vị đã bầu tôi, đúng hơn, vì Chúa đã chọn tôi, tôi nhận ». (ĐHY Philippe Barbarin kể lại trong lời tựa cuốn sách « Amour, Service et Humilité » (Bài giảng tĩnh tâm của ĐHY Jorge Mario Bergoglio S.J., cho các Giám Mục Tây Ban Nha năm 2006)

Nội dung câu trả lời thâu tóm câu chuyện của thánh Phêrô.

Lm. Nguyễn Công Đoan, SJ.

---------------------------------------------------------------

Ghi Chú :

Cha Nguyễn Công Đoan hiện là Giám Đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh tại Giêrusalem. Ngài sẽ là Thuyết Trình Viên chính ở Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc (Hoa Kỳ) được tổ chức tại Baton Rouge từ ngày 21-23 tháng 6, 2013. Muốn biết thêm chi tiết xin vào http://www.giaoly.org/vn/category/dh-giao-ly-xii/
 
Vị mục tử nhân lành
Lm Giuse Đinh lập Liễm
17:29 15/04/2013
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C
VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật thứ tư mùa Phục sinh của ba chu kỳ niên lịch phụng vụ được mệnh danh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Nghệ thuật Kitô giáo thuở xưa thường phác họa Đức Giêsu như Đấng Chăn Chiên Lành. Hình ảnh người chăn chiên đã được mô tả trong Cựu ước về Thiên Chúa như là Đấng chăn dắt dân Người (Tv 22). Người Do thái cổ xưa là dân du mục, vì thế văn chương của họ là những sách Cựu ước cũng thường đề cập đến đời sống chăn nuôi, du mục. Chính Đức Giêsu cũng dùng những hình ảnh về chăn nuôi quen thuộc để dạy ta những chân lý thiêng liêng về đạo giáo.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xưng mình là Chủ Chăn. Ngài có đàn chiên để chăn dắt. Đàn chiên của Ngài có những đặc tính như Ngài đã tuyên bố :”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Đàn chiên của Ngài có những đặc tính khác với đàn chiên của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái lúc bấy giờ. Những đặc tính đàn chiên của Ngài là : biết lắng nghe chủ chăn, nhận biết chủ chăn và bước theo chủ chăn.

Đức Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, không trực tiếp điều khiển đoàn chiên dưới thế này, Ngài dùng các vị đại diện trong Giáo hội là Đức Giáo hoàng, các Giám mục và các Linh mục mà hướng dẫn thay cho Ngài. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Vì thế, nếu chúng ta đã gọi các vị lãnh đạo trong Giáo hội là chủ chăn, chúng ta có trách nhiệm phải yêu mến, thành tâm lắng nghe sự hướng dẫn của các ngài để đến với Chúa, và nhờ đó, sẽ được dẫn tới cuộc sống đời đời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 13,14.43-52

Một khúc quanh quyết định cuộc đời tông đồ của thánh Phaolô. Trước tiên Phaolô và Barnabê loan báo Tin mừng cho người Do thái tại Antiochia miền Pysidia, nhưng rồi các ngài đã phải sớm chấm dứt việc rao giảng vì người Do thái tỏ ra “ghen tức” khi thấy một số đông dân ngoại cũng quan tâm đến Tin mừng (Cv 13,45).

Hai vị Tông đồ quyết định rời hội đường và dứt khoát đến với dân ngoại, không quên nhắc lại lời tiên tri về sứ mạng toàn cầu của Người Tôi Tớ đau khổ (Cv 13,47)

Do vậy, dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin mừng và tôn vinh Thiên Chúa. Lời Chúa được lan tràn ra khắp miền ấy.

+ Bài đọc 2 : Kh 7,9.14b-17

Trong một cuộc thị kiến, thánh Gioan tông đồ đã thấy một đoàn người thật đông đảo. Họ là dân Thiên Chúa đã khải hoàn. Đoàn người đông đảo này :

- Họ rất đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.
- Họ đứng trước ngai Con Chiên, Đấng đã cứu độ muôn dân qua cái chết của Ngài.
- Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.

+ Bài Tin mừng : Ga 10, 27-30

Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một vị Mục tử, một vị Mục tử tuyệt vời. Ngài biết rõ từng người chúng ta, Ngài bảo vệ và sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Vấn đề là : chúng ta có tin tưởng bước theo Ngài không ?

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bước theo vị Mục tử

I. ĐỨC GIÊSU LÀ MỤC TỬ

1. Bối cảnh

Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn, được trích ra từ cuộc tranh luận với người Do thái trong dịp Lễ Lều, nhân dịp kỷ niệm ngày thanh tẩy Đền thờ thời Maccabêô.

Đức Giêsu đang ở Giêrusalem trong dịp lễ này. Tại đây xẩy ra cuộc tranh luận với người Do thái về vấn đề Người có phải là Đấng Thiên Sai không, và cuối cùng Người đã xưng mình là Con Thiên Chúa bằng cách tuyên bố rằng : Cha Người ở trong Người và Người ở trong Cha trong sự hiệp thông trọn vẹn đời sống và việc làm (Lc 10,22-41).

Bài Tin mừng hôm nay là một phần trích trong cuộc tranh luận và ghi lại lời Đức Giêsu quả quyết Người đồng bản tính với Chúa Cha.

Trước khi trả lời dứt khoát Người đồng bản tính với Chúa Cha, Đức Giêsu tuyên bố sự khác biệt nhau giữa người Do thái và “chiên của Người”, tức là những kẻ tin theo Người.

Đối với người Do thái, những lời Người nói và những việc Người làm là các phép lạ, không đủ thuyết phục họ, vì xét cho cùng họ có dã tâm và không muốn tin. Ngược lại, chiên của Người là những người biết ngoan ngoãn đón nhận, vì họ không cần đến nhiều dấu lạ bên ngoài để làm điều kiện cho việc đi theo Người.

Như vậy, Đức Giêsu khẳng định Người là Mục tử và Người có đàn chiên để chăn dắt và Người đưa họ đến cuộc sống đời đời mà không ai có thể cướp khỏi tay Người được.

2. Hình ảnh người chăn chiên trong Cựu ước

Hình ảnh người chăn chiên không chỉ là một hình ảnh đẹp ở vùng thôn quê mà nó còn có ở trong Thánh Kinh. Trong khắp vùng Đông phương cổ, các vua chúa thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai cập :”Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc” (Tv 78,52).

Đavít, một trong những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Israel, là một cậu chăn chiên tại Belem (1Sm 17,34-35). Ông Vua lý tưởng của tương lai, Đức Messia, Đavít mới, cũng được loan báo như một “Mục tử” : “Ta sẽ chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavít, tôi tớ của Ta” (Ed 34,23).

Chăn nuôi súc vật từng bầy là nghề chính của dân Do thái. Các tổ phụ vĩ đại của họ từ Abraham, Isaác, Giacob, Maisen, Đavít… đều là mục tử.

Do đó, người Do thái đã diễn tả về Thiên Chúa như là một mục tử nhân hậu, luôn hết tình yêu thương đàn chiên (Tv 22; Gr 31,10; Ed 24,11-16). Và Đức Giêsu đã tự mạc khải như là một Mục tử tuyệt vời (Ga 10,11-14). Rồi đi xa hơn nữa, Người đã bầy tỏ cho nhân loại biết chính Người là Thiên Chúa (Ga 10,27-30).

II. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA MỤC TỬ

Những đặc tính của vị Mục tử được tóm gọn trong câu nói của Đức Giêsu :”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người : nghe, biết và theo.

1. Chiên nghe tiếng người chủ chăn
Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến 2000 năm qua. Cảnh những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên của họ trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ.
Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên bị lạc. Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga 10,27) (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171).

Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng nơi tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết :”Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17) hay “Đức tin nhờ nghe : Fides ex auditu (Ga 3,2).

2. Chiên và chủ chiên biết nhau

Chiên rất thân thiện với chủ chăn. Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả. Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên. Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc. Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa.

“Biết” trong Kinh Thánh, từ ngữ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự thân mật, sự hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thể xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4,1).

Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà là hiểu biết sâu xa, yêu thân tình đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực, đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.

Sự biết chí tình chí thiết này thực sự đã được thể hiện với hai thánh nữ Catarina và Têrêsa Hài đồng Giêsu. Catarina là người mù chữ chỉ học nơi Thánh tâm Chúa Giêsu và trở thành tiến sĩ Hội thánh. Têrêsa cũng chẳng học trường nào, chỉ học nơi tình yêu Chúa Giêsu Hài Đồng, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm tiến sĩ Hội thánh tháng 08/1997 trong đại hội giới trẻ tại Paris.

3. Chiên thì theo chủ chăn

Những người chăn bò thường đi sau đàn bò dùng roi quất lên mình bò để lùa chúng đi thành đàn với nhau. Đối với chiên thì hoàn toàn khác hẳn. Người mục tử luôn đi trước để hướng dẫn đàn chiên theo sau. Nếu người chăn chiên đi đàng sau đàn chiên giống như chăn bò, chiên sẽ chạy tán loạn vì không biết đường đi. Chúng muốn được hướng dẫn, được bảo vệ và che chở.

“Theo” đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do : đính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với Đức Giêsu mời gọi :”Hãy theo Ta”(Ga 1,42).

Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng là từ bỏ như Phêrô bỏ chài lưới, vợ con, cha mẹ và mọi sự để theo Thầy; như Matthêu bỏ địa vị, tiền của để theo Chúa; như Mađalena bỏ đường tội lỗi bước vào đời sống mới. Đó là đổi đời, từ bỏ nếp sống cũ, một cuộc tái sinh vào đời sống mới.

III. TÂM TÌNH VỊ CHỦ CHĂN

1. Tận hiến cho đoàn chiên

Người chủ chăn rất tha thiết với đàn chiên, họ coi đàn chiên như một phần trong thân thể mình. Họ không yên tâm khi một con chiên đi lạc. Họ không đành lòng bỏ con chiên bị thương mà không băng bó. Họ đã sẵn sàng vác chiên trên vai khi không đi được hoặc khi bị đi lạc.

Khi kẻ làm thuê trông coi con chiên, thì lũ cho sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là cứu thoát bản thân mình mà thôi. Người chủ tốt của đàn chiên không làm như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của chó sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.

Đức Giêsu, Chúa chiên nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Mạng sống của Người không bị lấy đi, cũng không phải theo lệnh Chúa Cha. Chính Người đã tự ý trao ban, và trao ban một cách vui lòng. Người tự hiến cho đoàn chiên để mang chúng về đồng cỏ của sự sống đời đời. Hình ảnh cha thánh Damien, tông đồ người hủi, đã nói lên tình thần tận hiến cho đàn chiên, những con người phong cùi xấu số bị bỏ rơi.

2. Chiến đấu bảo vệ đàn chiên

Người mục tử Đông phương là một người du mục đáng gờm, một thứ lính chiến, có khả năng bảo vệ đàn vật mình khỏi thú dữ… gấu hay sư tử đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (1Sm 17,34-35).

Đavít kể lại cho vua Saulê trước khi giết được tướng Goliat của quân Philitinh :”Hồi tôi tớ bệ hạ chăn chiên cho thân phụ, hễ sư tử hay gấu đực tha con chiên nào, tôi liền rượt bắt, đánh nó và cướp con chiên khỏi miệng nó. Nếu nó cự lại, tôi liền nắm lấy râu đánh và giết nó tức khắc. Tôi tớ bệ hạ đã giết sư tử cũng như gấu đực thì cũng sẽ thanh toán tên Philitinh không cắt bì này như vậy vì nó đã dám nhục mạ đạo quân của Thiên Chúa hằng sống”( 1Sm 17tt).

Đavít đã nêu gương hy sinh, vật nhau với sư tử, với gấu đực, để cướp lại một con chiên bị đem đi. Đavít vì tha thiết với bầy chiên, nên không ngần ngại đánh nhau với sư tử và gấu đen để cướp lại chiên. Đức Giêsu khi nói :”Không ai cướp được chúng” đã nghĩ đến cuộc giao chiến khốc liệt mà Người phải đương đầu trong cuộc khổ nạn, để đối phương “không cướp được” một chiên nào khỏi tay Người. Khác với kẻ chăn thuê, thường chạy trốn trước sói dữ, Đức Giêsu sẽ phó nộp và đành mất mạng sống mình vì chiên của Người (Ga 10,12-15).

3. Không bỏ rơi đàn chiên

Người chăn chiên rất tha thiết với đàn chiên, lo lắng cho đàn chiên hết mình, không bao giờ để một con chiên nào bị bỏ rơi. Dụ ngôn con chiên lạc đã chứng tỏ điều đó :”Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”(Lc 15,4-7).

Chung quanh chúng ta hay ngay trong đời sống chúng ta có những hiện tượng rời bỏ hàng ngũ, bất trung thường xẩy ra, thì chúng ta nghĩ thế nào ? Thưa đó là những hiện tượng tự nhiên vì đó là mầu nhiệm của tự do. Nhưng một điều chúng ta cần biết đó là không khi nào Chúa ruồng bỏ ! Chỉ có con người rời bỏ bàn tay Chúa. Và ngay khi con người rời bỏ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tìm liên hệ lại : dụ ngôn đứa con hoang đàng đã chứng tỏ điều đó (x. Lc 15).


4. Ban cho chiên sự sống đời đời

Con chiên đi theo chủ chăn thì sẽ được dẫn đến đồng cỏ xanh tươi đảm bảo sự sống. Cũng vậy, những ai thực sự đi theo Chúa, tức là để Chúa dẫn dắt, thì sẽ được bảo đảm đưa đến sự sống đời đời.

Sự sống này, một đàng không thể mất được, vì đã được chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống bảo đảm. Đàng khác, cũng không bị ai cướp đi được, vì một khi đã được Chúa dẫn dắt thì không còn sợ vấn đề Người không đủ khả năng chăm sóc và bảo vệ sự sống của đàn chiên nữa.

Trong một bài giảng, thánh Cyrillô thành Alexandria đã giải nghĩa câu “Ta ban cho chúng sự sống đời đời” như sau :”Đừng hiểu sự sống này chỉ là chuỗi ngày nối tiếp nhau mà chúng ta dù là người tốt hay xấu cũng đều sở hữu sau khi sống lại, nhưng phải hiểu đây là sống trong niềm vui. Ta cũng có thể hiểu “sự sống” này theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô tháp nhập chúng ta vào chính sự sống của Người, các tín hữu được thông phần vào chính xác thịt Người, như lời Người phán :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời”(Ga 6,54).

IV. NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN CHIÊN

Chúa Giêsu không thể trực tiếp hướng dẫn mọi Kitô hữu, nhưng Người đã dùng các vị đại diên là hàng giáo phẩm và giáo sĩ để thay quyền Chúa mà hướng dẫn. Vì Chúa đã nói với các tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy”(Lc 10,16).

Chúng ta hãy đọc một đoạn mà công đồng Vatican II nói về các Linh mục :”Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Đầu và là Chủ chăn theo phận vụ mình, các Linh mục nhân danh Giám mục tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha. Để thi hành thừa tác vụ này cũng như các thừa tác vụ khác, các Linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo hội. Trong việc kiến thiết này, các Linh mục phải theo gương Chúa Kitô mà đối xử rất nhân đạo với hết mọi người…(Sắc lệnh về Linh mục, số 4)

Chúng ta thường gọi những người lãnh đạo trong Giáo hội là mục tử hay chủ chăn. Chúng ta đang sống dưới sự hướng dẫn của các ngài, chúng ta hãy tin tưởng các ngài, vì đức tin bảo cho chúng ta biết : Chính Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành đích thực, đang trực tiếp chăn dắt chúng ta qua những người lãnh đạo trong Giáo hội, là Đức Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục. Vì thế, chúng ta có bổn phận nghe theo sự hướng dẫn của các ngài, công tác với các ngài, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta, để duy trì và xây dựng đoàn chiên nhỏ bé là gia đình mình, tập thể mình đang sống, đang làm việc và đoàn chiên rộng lớn hơn là Giáo hội.

Một lần nữa chúng ta hãy lặp lại lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Qua câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể khẳng định rằng vâng nghe các vị lãnh đạo trong Giáo hội là vâng nghe Chúa, và như vậy, đây là một nhiệm vụ không thể thiếu được, vì như người ta nói :
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.



 
Nữ vương thiên đàng
+ GM Giuse Vũ Duy Thống
19:12 15/04/2013
Bài giảng tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao ngày 13/4/2013

Trong Mùa Phục Sinh, Đức Maria được Giáo Hội xưng tụng bằng một danh hiệu vừa đặc biệt vừa trang trọng: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia ”. Danh xưng “Nữ Vương Thiên Đàng” thoạt nghe có vẻ như gắn bó với chế độ quân chủ, trong đó vua chúa hoặc nữ hoàng cầm quyền, và như muốn tô đậm quyền uy của Đức Mẹ trên cả chín tầng trời. Nhưng thực ra đây là một danh xưng tuyệt vời bao trùm cả vận mệnh của Đức Mẹ từ khi bước vào tầm nhắm tuyển chọn của Thiên Chúa, để gắn bó trọn vẹn với Đức Giêsu, từ mầu nhiệm Nhập Thể cho đến hết mầu nhiệm Khổ Nạn - Phục Sinh. Tất cả nền tảng và tâm tình đã được giãi bày đầy đủ qua Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”.

1. Nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể

Mầu nhiệm Nhập Thể là bước đầu tiên Đức Maria đi vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng cũng là bước quyết định qua đó Đức Maria sẵn sàng đón nhận và hợp tác trọn vẹn với hồng ân Thiên Chúa. Trên lý thuyết, trong buổi Truyền Tin, Đức Maria có toàn quyền tự do từ chối lời đề nghị của sứ thần Gabriel để không dính dáng gì đến việc mang thai và hạ sinh Đấng Cứu Thế; nhưng trên thực tế, Đức Maria đã thưa lời “xin vâng” với cả tự do và trách nhiệm đời mình, để từ đó Ngôi Lời có thể làm người ở cùng chúng ta; đồng thời cũng từ đó, Đức Maria là mẹ thật của Chúa Giêsu vì đã sinh ra Người và thực sự là Mẹ Thiên Chúa vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.

Mối liên hệ gắn bó tình mẫu tử giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu tự nhiên và hiển nhiên đến thế nên khi đã hoàn tất công cuộc cứu đời, Chúa Giêsu lên trời trong vinh quang làm Vua các vua, thì Đức Mẹ khi kết thúc cuộc sống trần thế, cũng được đưa về trời cả hồn lẫn xác trong vinh quang làm Nữ Vương Thiên Đàng, làm Nữ Hoàng Thiên Quốc. Các giáo phụ đông phương coi mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu như tiềm lực cứu rỗi toàn thể nhân loại, theo quan điểm tổng hợp: “Con Thiên Chúa làm người cho con người được làm con Thiên Chúa”.

Chỉ dựa trên nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể thôi, danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng dành cho Đức Maria cũng là thuận lý và thích hợp. Vì vậy khi vừa xướng lên “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia ”, Giáo Hội đã đưa ra ngay lý do là mầu nhiệm cưu mang sinh hạ “Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng, Alleluia ”.

2. Nền tảng mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh

Theo các giáo phụ tây phương, mầu nhiệm Nhập Thể dẫu cơ bản nhưng mới là bước đầu, làm điều kiện để Thiên Chúa thực hiện những bước xa hơn trong giấc mộng cứu rỗi nhân loại. Chỉ qua công cuộc Tử Nạn - Phục Sinh, khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại rồi, Người mới xuất hiện trọn vẹn là Đấng Cứu Thế, Đấng chết để đền bồi tội lỗi thay cho muôn người và sống lại để người người được bước vào cuộc sống mới trong tình thân ngàn đời với Thiên Chúa. Đức Maria cũng vậy, suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, luôn luôn hiện diện tích cực trong mọi biến cố, bằng vất vả cảm thông như ba ngày lạc mất và tìm lại Chúa Giêsu trong Đền Thánh, bằng cộng tác vun bồi như tại đám cưới Cana rượu ngon lai láng, và nhất là bằng hiệp thông trong chiều thứ sáu tuần thánh dưới chân Thánh Giá đứng thẳng đón nhận ngành lá tử đạo. Trong bước hành trình dương thế của Chúa Giêsu, Mẹ đã gắn bó kiên cường thế nào, thì trong cuộc hành hình của Người khi thực hiện ơn cứu rỗi, Mẹ cũng gắn bó keo sơn như vậy: chết lặng cùng với con mình. Chính vì thế Giáo Hội đã không ngại gọi Mẹ là Đấng Hiệp công cứu đời.

Nếu với sự hợp tác trong mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, được nhìn trong toàn bộ công ơn Thiên Chúa ban tặng, thì với việc thông phần khổ nạn cứu đời, Mẹ được đánh giá trong tất cả công sức đóng góp của mình. Vì thế, khi Chúa Giêsu như Kinh Tin Kính diễn tả “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”, Mẹ cũng được thông phần sự sống Phục Sinh vinh quang ấy, để trần thế được hân hoan xưng tụng Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng. Không lạ gì lời kinh xưng tụng sau khi đưa ra nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể, đã đề cập ngay đến mầu nhiệm Phục Sinh: “Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa, Alleluia ”.

3. Trong tình mẫu tử, Nữ Vương Thiên Đàng gần gũi con cái loài người

Nghe trình bày như thế về danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng dành cho Đức Maria trong Mùa Phục Sinh với nền tảng là mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, có thể có ai đó trong chúng ta thấy Đức Mẹ quá cao sang nên e ngại không dám đến gần Mẹ. Xin thưa ngay rằng: Nếu đứng trên cao người ta thấy bao quát thế nào, thì Đức Mẹ hôm nay trên đỉnh trời trong tư cách là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Mẹ còn thấy bao quát gấp bội với độ rộng phủ sóng trên mọi tâm hồn. Đừng ngại đến với Mẹ và cũng đừng ngại cầu nguyện với Mẹ. Mẹ ngự trời cao không phải để xa cách cuộc sống nhân gian, mà trái lại để gần gũi lòng người hơn cả bao giờ. Nhận thức mình có Mẹ trên trời là một niềm hạnh phúc lớn lao; nhận biết mình có Mẹ bên đời để được yêu thương nâng đỡ khi ngã quỵ, giúp đỡ khi trống vắng ơn thánh và bênh đỡ trước tòa Chúa còn là niềm hạnh phúc cụ thể hơn; và nhất là tin tưởng rằng Mẹ Thiên Quốc với tấm lòng nhân hậu, với uy quyền rộng rãi luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu những lời tâm sự, những tiếng khấn xin của đoàn con cái chừng như còn là niềm hạnh phúc đầy tràn hơn nữa. Vì thế Giáo Hội, vẫn trong tâm tình ca ngợi tung hô, đã tin tưởng dâng lên Nữ Vương Thiên Đàng, lời kêu xin trông cậy: “Xin cầu cùng Chúa cho chúng con, Alleluia ”.

Như vậy, là Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Mẹ đã đạt tới ơn cứu độ viên mãn, cận kề Chúa Kitô Phục Sinh, nên cũng đầy kinh nghiệm thương đau để chỉ bảo, đầy trọn hảo vinh quang để nâng đỡ và đầy hỗ trợ từ bi để chuyển cầu cho mọi nhu cầu trần thế. Nếu ngày xưa sống giữa trần thế, Mẹ đã có niềm vui thiên đàng, thì hôm nay giữa thiên đàng, Mẹ cũng sẵn sàng gieo vui vào lòng nhân thế. “Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria, hãy hỷ hoan khoái lạc, Alleluia ”.

Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao hàng tháng có cho phổ biến một tờ bướm với tên gọi “Bên Mẹ Tàpao”, nơi trang 3 là chứng từ về ơn lành Mẹ đã ban cho những mảnh đời cụ thể. Mời cộng đoàn hãy nhận lấy và đọc để thấy tấm lòng Mẹ thương yêu con cái thế nào, rồi tới phiên mình khi gặp những khó khăn trắc trở hay những nghịch cảnh ngang trái, cũng biết sống phó thác cậy trông náu nương bên Mẹ. Và từ trên cao, Mẹ yêu dấu từ thuở nào đã sẵn sàng lắng nghe và ban ơn như lòng con cái thế nhân khẩn nài. Để thể hiện lòng cậy trông gắn bó với Mẹ, giờ đây mời cộng đoàn thành tâm chung lời ca khen.

“Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc! Vì Thánh Tử Bà được phúc cưu mang, Đã phục sinh như lời Người phán trước. Cầu Chúa cho đoàn con, lạy Nữ Hoàng ”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cải tổ giáo triều Roma đã bắt đầu
Nguyễn Long Thao
07:40 15/04/2013
Cải tổ giáo triều Roma đã bắt đầu

Rome 13/4/2013.- Nguồn tin tại Tòa Thánh Vatican hôm nay cho biết Đức Thánh Cha Francis đã bổ nhiệm 8 vị Hồng Y thuộc 5 châu vào ủy ban đặc nhiệm cải tổ Giáo Hội Công Giáo, ĐHY Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, người Honduras, được trao trách nhiệm điều hợp Ủy ban. Uỷ ban gồm các vị:

1. Châu Âu:
- Hồng Y Giuseppe Bertello, Ý,
- Hồng Y Reinhard Marx, Đức, thành viên

2. Châu Mỹ:
- Hồng Y Sean O'Malley, Mỹ, thành viên
- Hồng Y Francisco Javier Errazuriz Ossa, Chile, thành viên
- Hồng Y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, Honduras, Chủ tịch ủy ban.

3. Châu Phi:
- Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, thành viên

4. Úc Châu:
- Hồng Y George Pell, Úc, thành viên.

5. Châu Á:
- Hồng Y Oswald Gracias, Ấn Độ, thành viên.

ĐTC cũng bổ nhiệm Giám Mục Marcello Semeraro, người Ý, làm Thư Ký Uỷ Ban.

Nhiệm vụ của Uỷ Ban là nghiên cứu để cải tổ hiến pháp của Vatican có tên là Pastor Bonus (mục tử tốt lành). Hiến pháp Vatican, cũng như hiến pháp của các nước trên thế giới, quy định các nguyên tắc điều hành Giáo Triều Roma.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho biết Uỷ Ban chỉ có tính cách tư vấn chứ không có quyền quyết định các nguyên tắc điều hành Tòa Thánh Vatican.

Theo nhận định của các cơ quan truyền thông quốc tế, việc ĐGH Francis lập ra Ủy Ban Đặc Nhiệm nghiên cứu cải tổ hiến pháp Giáo Hội là do kết quả sau các cuộc thảo luận của các đức Hồng Y diễn ra trước khi bầu Giáo Hoàng.

Uỷ Ban sẽ họp phiên đầu tiên từ 1 đến 3 tháng 10 năm 2013. Theo tin, ĐTC sẽ liên lạc thường xuyên với các vị này và người ta cũng không được biết Uỷ Ban sẽ hoạt động trong bao lâu thì chấm dứt.

Tưởng cũng nên nói thêm hiến pháp có tên là Pastor Bonus do ĐGH Gioan Phaolô II ban hành năm 1988 sẽ là tài liệu căn bản để Uỷ Ban dựa vào đó viết lại hiến pháp mới và đề nghị lên ĐTC Francis phê chuẩn.Bản Hiến Pháp Pastor Bonus dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II cũng là bản sửa lại hiến pháp năm 1967 dưới thời ĐGH Phaolô VI.

Nguyễn Long Thao
 
Tông Thư “Pacem in Terris” hướng dẫn các nỗ lực xây dựng hòa bình thế kỷ 21
Jos. Tú Nạc, NMS
13:43 15/04/2013
WASHINGTON (CNS) – Nhận thức được phẩm giá vốn có của mỗi người là vũ khí quan trọng nhất đối với bất kỳ ai để chống lại chiến tranh và bạo lực. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội dồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, đã phát biểu tại một hội nghị đánh dấu kỷ niệm ngũ thập chu niên Tông Thư “Pacem in Terris (“Hòa bình trên Trái đất”) của Chân Phước Gioan XXIII.

Hòa bình là sự liên quan mật thiết đến việc thực hiện công lý, nếu không sẽ rất khó để vượt qua bạo lực, ĐHY Turkson đã nói trong bài phát biểu của mình ngày 10 tháng 4 tại Trường Đại học Công Giáo Hoa Kỳ trước khoảng 150 đại biểu tham dự hội nghị được tài trợ bởi Catholic Peacebuilding Network.

“Vì hòa bình không chỉ đơn thuần là sự khiếm diện của chiến tranh và xung đột, mà nó còn là sự hiện diện … món quà của Thiên Chúa,” ĐHY Turkson nói.

“Hòa bình là một thuộc tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự bình an. Sự sáng tạo khao khát hòa bình,” ngài nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn của Catholic News Service, ĐHY Turkson nói Tông thư “Pacem in Terris” đối với thế giới hôm nay vẫn hết sức quan trọng như lần đầu tiên xuất hiện.

“Nếu bất kỳ nhân tố nào trong xã hội bằng bất cứ phương thức nào giẫm lên hoặc làm suy thoái giá trị hoặc tạo khó khăn cho con người để nhận thức phẩm giá của họ, phúc lợi công cộng để con người hưng thịnh, để con người phát triển dành cho chúng ta thì đó là một thời điểm khủng hoảng. Nếu chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để thăng tiến sự phát triển của xã hội loài người thì đó là những gì mà chúng ta ủng hộ,” ngài nói.

Cuộc hội nghị kéo dài hai ngày này đã kiểm tra các khía cạnh khác nhau của thông điệp, đã được Chân Phước Gioan XXII ban hành ngày 11 tháng 4 năm 1963 sau cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba đưa thế giới đến bờ vực thẳm của chiến tranh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết cũ. Những diễn giả nhìn vào phần còn lại của thông điệp này trong số những bộ phận cấu thành quan trọng nhất của xã hội Công Giáo nghĩ như thế nào.

Vào thời điểm đó, mối quan tâm của Chân Phước Gioan XXIII dành cho thế giới mở rộng hơn đến việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi những kho vũ khí của các siêu cường. ngài mở rộng quan điểm của Giáo Hội rằng nhân quyền và nhân phẩm phải được coi trọng đối với sự sống hòa bình như kết thúc chiến tranh trong một viễn cảnh tích cực toàn bộ dành cho nhân loại. Lời giáo huấn của ngài được xây dựng trên những nguyên tắc đã được nêu trong Tuyên Ngôn Thế Giới Nhân Quyền được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948.

Chân Phước Gioan XXIII đã xác định những xu hướng chính trị và xã hội đang nổi lên mà sau đó di chuyển về phía trước với một tốc độ nhanh chóng chẳng hạn như trao quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới, toàn cầu hóa kinh tế và xã hội và sự phát triển của các quốc gia mới độc lập như chủ nghĩa thực dân Âu châu bắt đầu suy giảm. Thông điêp đã thừa nhận các quyền của tất cả mọi người đối với lương thực thực phẩm, nước uống, an toàn, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, tham gia vào đời sống công cộng và liên kết với các nhóm để thúc đẩy phúc lợi của họ, từ các công đoàn lao dộng đến các tổ chức dân sự.

Một số diễn giả lưu ý rằng việc sự dụng rộng rãi thuật ngữ “phúc lợi công ích” trong tông thư có nghĩa là công việc đó không chỉ giải quyết cho người Công Giáo mà còn cho “những người từ tâm” không có vấn đề đức tin hoặc di sản của họ.

Ông John Carr, nguyên giám đốc Sở Tư pháp, Hòa bình và phát triển con người của hàng giám mục Hoa Kỳ đã trích dẫn những đoạn từ trang 163 đến 164 của thông điệp này như nền tảng của những nỗ lực xây dựng hòa bình trong việc kêu gọi những Ki-tô hữu là một “điểm sáng cùa ánh sáng trong thế giới, một hạt nhân của tình yêu, một chất men của cả một tập thể.”

Đó là bản chất công việc của Giáo Hội nhân danh cho đời sống và phẩm giá con người, ông nói, “Chúng ta có thể hành động y như đây là một tin mừng.”

Các buổi hội nghị kiểm tra những vấn đề chính trị cũng như xã hội ảnh hưởng đến hòa bình thế giới mà Tông Thư “Pacem in Terris đề cập từng vấn đề như thế nào. Cử tọa đã thảo luận về lý thuyết chủ chiến, sự phát triển của chính sách vũ khí hạt nhân từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, vai trò của các trường cao đẳng và đại học Công Giáo cũng như các dòng tu trong việc giáo dục sinh viên thực thi hòa giải và bất bạo động, vai trò của hội đoàn trong việc giảm thiểu bạo lực và đẩy mạnh sự hiểu biết trong các vùng xung đột trên thế giới, và những chương trình của Catholic Relief Services là cách tiếp cận tốt nhất dành cho những người có nhu cầu trên toàn thế giới.

Bất bình đẳng giữa con người, quản trị kém cỏi, vi phạm nhân quyền, xung đột về tài nguyên và suy thoái môi trường là những cản trở đối với hòa bình mà Chân Phước Gioan đã hình dung, bà Carolyn Woo, chủ tịch và CEO của CRS nói.

“Hãy nhớ rằng công việc của hòa bình thì rất khó,” bà nói. “Đó là công viêc của Đức Ki-tô.”

Trong một phiên họp về vũ khí hạt nhân, Cha J. Bryan Hehir, một nhà thần học và là giảng viên của trường Đại học Harvard, nói thế giới tiếp tục đối phó với những nguy hiểm nhiều loại vũ khi hạt nhân đưa ra những năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Chân Phước Gioan đã thấy một thế giới nơi mà ở đó hai siêu cường có thể dễ dàng can dự vào chiến tranh hạt nhân, khiến ngài phải viết tông thư này, ông giải thích. Hôm nay, thay vì hai quốc gia với những vũ khí hạt nhân, và tập trung vào việc phổ biến vũ khí hạt nhân khi nhiều quốc gia và những nhà hoạt đông phi chính phủ tìm kiếm những loại vũ khí như vậy.

Cha Hehir đôn đốc người Công Giáo phải thận trọng và tiếp tục kêu gọi việc cắt giảm nhưng vũ khí mới và giới hạn phổ biến vũ khí với mục tiêu cuối cùng là “đi đến số không.”
 
Thử nghiệm tiền sinh
Vũ Văn An
05:58 15/04/2013
Cha mẹ nào cũng hy vọng và cầu xin cho đứa con chưa sinh của mình được lành mạnh. Và với sự trợ giúp của y khoa hiện đại, việc chăm sóc tiền sinh (pre-natal care) đối với sản phụ và thai nhi tiếp tục có những tiến bộ mới mẻ và đầy ngạc nhiên. Nếu người mẹ hay thai nhi có tiềm năng gặp trắc trở về sức khỏe trong thai kỳ, thì những vấn đề này thường được nhận diện trước khi đứa trẻ ra đời và được chữa trị hữu hiệu bao nhiêu có thể. Siêu âm rất hữu dụng trong các hoàn cảnh như thế và đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc thai nhi.

Tuy nhiên, với sự gia tăng việc kiểm tra tiền sinh (pre-natal screening) để tìm ra dấu hiệu của hội chứng Down (Trisomy 21) và hội chứng Edwards (Trisomy 18) nơi trẻ chưa sinh, các sản phụ mỗi ngày mỗi tự đặt cho mình câu hỏi mà mẹ hay bà của họ chưa bao giờ phải đặt ra: “Liệu mình có nên kiểm tra hay không?”

Kiểm tra tiền sinh và thử nghiệm chẩn bệnh đã và đang gia tăng theo cấp số nhân trong thập niên qua. Theo khuyến cáo của các hiệp hội bác sĩ sản khoa ở Anh, Mỹ và Úc, việc kiểm tra này nay đã được thường xuyên cung cấp cho các sản phụ, dù 99.7% thai nhi không hề mắc hội chứng Down, còn hội chứng Edwards thì lại càng hiếm hoi hơn.

Ngày nay, nhiều sản phụ cảm thấy bị áp lực phải qua những cuộc kiểm tra này. Nhưng họ cũng bối rối bất an bởi các sứ điệp ẩn tàng ngay trong loại kiểm tra này và nhất là trong các hậu quả của nó. Họ tự hỏi “nếu đứa con của tôi mắc hội chứng Down, thì điều này có nghĩa nó không nên sống nữa hay sao? Và như thế thì có nên trục thai nó hay không?”. Thảm họa thay, đã có chứng cớ cho thấy việc kiểm tra tiền sinh và thử nghiệm chẩn bệnh đã đưa tới hậu quả chết người cho rất nhiều thai nhi; một cuộc nghiên cứu tại Queensland, Úc, vào năm 2004 cho thấy: sau cuộc kiểm tra tiền sinh, 90% các thai nhi mang hội chứng Down đã bị trục thai.

Thử nghiệm tiền sinh bao gồm những gì?

Thử nghiệm tiền sinh thường được dùng để chỉ chung cả kiểm tra tiền sinh lẫn thử nghiệm định bệnh (diagnostic testing). Nhưng thực ra hai loại kiểm tra và thử nghiệm này khác nhau. Kiểm tra tiền sinh hiện rất phổ thông tại nhiều vùng của Úc Châu. Trong vòng 12 tuần lễ đầu của thai kỳ, bất cứ sản phụ nào cũng được đề nghị cuộc thử nghiệm có tên là “Thử Nghiệm Tổng Hợp” (Combined Test) hay “Kiểm Tra Tổng Hợp Huyết Thanh Mẹ Trong Tam Cá Nguyệt Thứ Nhất” (Combined First Trimester Maternal Serum Screening). Cuộc thử nghiệm này bao gồm:

* Thử máu, vào các tuần 10-12. Song song với việc kiểm tra sức khỏe nói chung của bà mẹ, chuyên gia bệnh học (pathologist) sẽ thử nghiệm mẫu máu của bà để tìm hiểu hai protein đặc biệt mà mức tăng hay giảm của chúng có thể cho thấy thai nhi mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards hay không; và

* Thử siêu âm đặc biệt có tên là Nuchal Translucency Scan (thử độ mờ của gáy) thường giữa tuần thứ 11 và thứ 13 của thai kỳ. Thử nghiệm này nhằm đo độ dầy của chất lỏng ở gáy thai nhi. Nếu độ đặc của chất lỏng này cao thì đây là dấu chỉ thai nhi có nguy cơ cao mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards.

Tín liệu tổng hợp nhận được từ các thử nghiệm trên sẽ được cung cấp cho bà mẹ. Bà mẹ nào không được thử nghiệm tổng hợp vào tam cá nguyệt đầu của thai kỳ, sẽ được cung cấp cuộc thử máu vào tam cá nguyện thứ hai, gọi là Kiểm Tra Ba Thứ (Triple Screen) hoặc Kiểm Tra Bốn Thứ (Quad Screen).

Tất cả các thử nghiệm trên đều không thể nói chính xác là thai nhi mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards; chúng chỉ cho biết “nguy cơ thấp” hay “nguy cơ cao” của các hội chứng này nơi thai nhi mà thôi. Sau cuộc thử nghiệm ở tam cá nguyệt đầu, 1 trong 25 sản phụ sẽ được thông báo “có nguy cơ cao”, nghĩa là thai nhi của họ có khả thể mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards theo sác xuất 1/300 hoặc cao hơn.

Chuyện gì sẽ xẩy ra?

Sản phụ nào được thông báo “có nguy cơ cao” sẽ được đề nghị thử nghiệm định bệnh, như Xét Nghiệm Nhung Mao Màng Đệm (Chorionic Villus Sampling, tắt là CVS) hay thông dụng hơn, Thử Nghiệm Mẫu Nước Ối (Amniocentesis). Những thử nghiệm này cung cấp một định bệnh có độ chính xác lên tới 98%, tuy nhiên, chúng bị coi là xâm phạm đời tư và có nguy cơ gây xẩy thai (khoảng 1%).

Thử siêu âm trễ hơn trong thai kỳ có giá trị hơn và được coi là ít xâm phạm đời tư hơn. Từ khoảng 20 tuần trở đi, nhiều vấn đề sức khỏe nơi sản phụ hoặc nơi thai nhi có thể được nhận diện và đưa ra kế hoạch điều trị. Các trường hợp như hội chứng Down, khiếm khuyết ở ống thần kinh và bệnh tim có thể tìm ra ở tam cá nguyệt thứ hai bằng siêu âm hay các thử nghiệm khác đã thành tiêu chuẩn trong ngành chăm sóc sức khỏe hiện nay. Điều này giúp các gia đình có thì giờ chấp nhận việc chẩn bệnh và chuẩn bị chăm sóc và hỗ trợ cho đứa con của mình.

Như thế thì tại sao người ta lại đưa ra việc thử nghiệm quá sớm trong thai kỳ như hiện nay? Câu trả lời đáng buồn là: việc định bệnh sớm, tức trước tuần thứ 20 của thai kỳ, cho người ta cơ hội tốt để phá thai, một cuộc phá thai “ít thương đau hơn” cho mọi người liên lụy… ngoại trừ chính thai nhi.

Các tiêu chuẩn của Giáo Hội đối với việc thử nghiệm tiền sinh

Dựa trên đức công bình tự nhiên, Giáo Hội dạy rằng thử nghiệm và định bệnh tiền sinh sẽ được chấp nhận nếu mọi tiêu chuẩn sau đây được thỏa mãn:

1. Tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của thai nhi;

2. Nhằm duy trì hoặc chữa trị cho thai nhi như một cá thể;

3. Cung cấp cho cha mẹ thai nhi đủ tín liệu để họ cân nhắc các nguy cơ và phúc lợi của việc thử nghiệm và đưa ra các quyết định tự do và có hiểu biết; và

4. Nguy cơ đối với sự sống hay sức khỏe của thai nhi phải tương xứng với phúc lợi mà đứa trẻ có thể nhận được từ việc thử nghiệm.

Bởi đó, cung cấp việc thử nghiệm tiền sinh với ý định sau đó cung cấp cho sản phụ cơ hội trục thai nếu kết quả thử nghiệm thấy có nguy cơ cao là đi “ngược lại luật luân lý một cách trầm trọng”. Những thăm dò tiền sinh phải nhằm cung cấp các giải pháp chữa trị phò sinh. Việc chẩn đoán hội chứng Down hay bất cứ điều kiện nào khác “không thể tương đương với bản án tử hình”.

Không ích lợi gì cho thai nhi

Dù cách chữa trị trong dạ mẹ đối với một số điều kiện, trong đó có hội chứng Down, đang được triển khai, vấn đề chủ yếu đối với việc thử nghiệm tiền sinh quá sớm là nó hiện chưa cung cấp được lợi ích điều trị nào cho thai nhi. Giải pháp duy nhất dành cho cha mẹ để “chữa trị” tình trạng của thai nhi là phá thai. Các thực hành nhằm loại bỏ thai nhi có khuyết tật hay ngăn cản chúng không sống sót để sinh ra đều bị Giáo Hội kết án và coi là tội ác trầm trọng, đi ngược lại phẩm giá con người, chống lại sự qúy giá của sự sống nhân bản và quyền của đứa trẻ được yêu thương và chăm sóc, bất kể điều kiện của nó có ra sao. Việc kiểm tra tiền sinh vào lúc từ 10 tới 12 tuần của thai kỳ hiện không đem lại bất cứ phúc lợi y khoa nào cho cả bà mẹ lẫn thai nhi, nhưng thường tạo đà cho việc phá thai ngay sau đó.

Khi nào thì được thử nghiệm tiền sinh?

Một số cha mẹ muốn biết liệu đứa con của mình có mắc hội chứng Down hay một chứng nào khác hay không, vì việc chẩn đoán này có thể giúp họ có thì giờ để chuẩn bị về thể lý lẫn xúc cảm để chào đón đứa con ra đời. Điều này tốt và có lý lẽ vững chắc vì theo lời Đức Gioan Phaolô II, nó giúp họ sẵn sàng “chấp nhận đứa trẻ sắp sinh một cách thanh thản và hiểu biết”.

Tuy nhiên, vào lúc này, việc tiến hành cuộc thử nghiệm định bệnh vẫn đem lại nguy cơ thực sự và nghiêm trọng đối với sự sống của thai nhi. Nguy cơ cho thai nhi càng cao, thì việc thử nghiệm càng cần phải được biện minh nhiều hơn. Việc thử nghiệm mẫu nước ối chỉ được biện minh bởi nhu cầu thật khẩn thiết và kết quả thử nghiệm phải vì lợi ích của thai nhi. Điều đáng buồn là hiện chưa có cách điều trị tiền sinh nào cho các hội chứng Down hoặc hội chứng Edwards, nên thai nhi chưa rút được bất cứ lợi ích nào từ cuộc thử nghiệm. Nó chỉ đang đặt mạng sống của thai nhi vào thế nguy hiểm hơn, hoặc qua việc xẩy thai do hậu quả của thử nghiệm hay do cố ý phá thai.

Chấp nhận đứa trẻ là trách nhiệm của mọi người

Sự xuất hiện của việc thử nghiệm tiền sinh, thảm họa thay, đã dẫn tới một bầu khí trong đó việc chấp nhận đứa trẻ chưa sinh tùy thuộc ở việc người ta có trân qúy và chăm sóc sự sống của nó hay không nếu sự sống ấy “khiếm khuyết” hay mắc một nan đề nào đó về sức khỏe. Là môn đệ Chúa Kitô, ta được mời gọi công bố Tin Mừng Sự Sống để yêu thương và chấp nhận con cái ta một cách vô điều kiện và khuyến khích người khác cũng làm như vậy. Giáo Hội thấu hiểu các thách đố lớn lao mà các gia đình đang gặp phải trong việc chào đón và nuôi dưỡng con cái có khuyết tật. Là cộng đồng Kitô Giáo, ta được mời gọi cung cấp sự hỗ trợ thực tiễn, tình bằng hữu, lời cầu nguyện và khích lệ để bảo đảm rằng các gia đình sẽ không mang gánh nặng của họ một mình. Như một người cha từng mơ ước: “chúng tôi chỉ cần một ai đó cho chúng tôi hay: ông bà có thể chịu đựng được. Ông bà có thể nuôi dưỡng được đứa con này. Ông bà sẽ không sao”.

Thiện ích chân thực của đứa con

Mọi đứa trẻ đều là ơn phúc Chúa ban, để ta trân qúy và che chở từ những giây phút đầu tiên. Giáo Hội thừa nhận ơn gọi cao cả của nghề thầy thuốc trong việc chữa trị bệnh tật và khuyết tật, nhưng họ phải thực hành việc này trong khung cảnh tôn kính sâu xa đối với giá trị cốt lõi của sự sống đứa trẻ. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nhắc nhở ta: “Mọi can thiệp của y khoa phải luôn tập chú vào việc thực hiện cho bằng được thiện ích chân thực của đứa trẻ, phải coi em trong chính phẩm giá một con người nhân bản với đầy đủ mọi quyền lợi của em. Như thế, điều cần thiết là phải chăm sóc em một cách yêu thương, giúp em đương đầu với đau đớn và bệnh tật, ngay cả trước khi em sinh ra, khi tình thế của em đòi hỏi”.

Có rất nhiều gia đình, nhiều tổ chức và nhiều nhà chuyên nghiệm chăm sóc y khoa và chăm sóc sức khỏe thật tuyệt vời. Họ sẵn lòng giúp đỡ và nâng đỡ các cha mẹ trong việc chào đón con cái có nhu cầu đặc biệt của họ. Giáo Hội hết sức quan tâm về phương diện mục vụ và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để hỗ trợ các gia đình này qua các giáo xứ, các trường học, các dịch vụ y tế và tạm thế (respite). Với lòng tôn trọng, dưỡng dục, tạo cơ hội và yêu thương, trẻ em mắc hội chứng Down và những điều kiện bẩm sinh khác đã có thể lớn lên, sống một đời sống khỏe mạnh, vui tươi và thỏa mãn. Sự hiện diện của các em giữa chúng ta là niềm hy vọng đẹp nhất để xã hội thay đổi và phục hồi đầy đủ được một nền đạo đức chân thực cho việc chữa trị và lưu ý tới việc thử nghiệm tiền sinh.

Gia đình lớn lên trong tình yêu

Richards Wilkin là một người cha hãnh diện có đứa con mắc hội chứng Down. Ông đồng thời là một ký giả nổi tiếng từng đoạt giải của kỹ nghệ giải trí. Ông từng lên tiếng công khai nói về giá trị lớn lao của sự sống con trai mình, là Ađam, và tác động mà đứa con trai 39 tuổi này đem lại cho cuộc sống của gia đình ông. “Tôi không biết tôi sẽ làm gì khi biết trước Ađam mắc hội chứng Down. Có lẽ tôi biết tôi sẽ làm gì, nhưng đó sẽ là một lỗi lầm khủng khiếp. Phúc lành đến thật bất ngờ và cháu quả là niềm vui lớn. Các đứa con của tôi cũng đã lớn lên và hiểu ra rằng đời sống có thể khác nhưng thật kỳ diệu. Ađam dạy chúng biết thực sự khoan dung. Mọi đứa con của tôi đều là những thành tựu vĩ đại nhất của tôi ở trong đời và tôi hết sức hãnh diện vì tất cả những đứa con ấy” (Wonman’s Day, 2 tháng 7 năm 2012).

Câu truyện của Lisa

Tôi tan nát cả cõi lòng khi nghe kết quả thử nghiệm. Nét mặt của bác sĩ và giọng nói của ông làm tôi có cảm tưởng có đứa con mắc hội chứng Down là một chuyện gì đó thật khủng khiếp. Lúc đó, tôi không biết có nguồn giúp đỡ và nâng đỡ mình; chính bác sĩ cũng không cho tôi hay việc đó. Và trên hết, tôi không biết tấm tình yêu mà tôi cảm nhận được khi tôi ôm đứa con trong tay lần đầu.

Nhìn lui, ước chi tôi đừng làm cho tôi và chồng tôi phải lo sợ về kết quả cuộc thử nghiệm như thế. Ngày nào tôi cũng cám ơn Chúa đã cho chúng tôi đứa con gái qúy hóa này. Tình yêu vô điều kiện của cháu giúp chúng tôi kiên nhẫn hơn và tha thứ cho nhau nhiều hơn. Khi đời sống trở nên khó khăn, nụ cười của cháu khiến mọi sự trở thành dễ chịu và tinh thần hiền dịu của cháu giúp chúng tôi mạnh mẽ hẳn lên. Chẳng cần chờ đợi, tôi cũng thấy các kế hoạch Chúa dành cho cháu.

Tài liệu của Trung Tâm Sự Sống, Hôn Nhân và Gia Đình, Tổng Giáo Phận Sydney
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi 2013
Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ
08:41 15/04/2013
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN GỌI 2013


Anh chị em thân mến,

Nhân dịp lần thứ 50 ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi, được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 2013, Ngày Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, tôi muốn mời gọi các bạn phản tỉnh về chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng đặt nền tảng trên đức tin”, được diễn ra trong năm Đức Tin cùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc công Đồng Vaticano II. Trong khi Công Đồng đang họp, Tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI, đã thiết lập ngày toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho ơn gọi. Vào ngày này, mọi người được mời gọi để cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, xin Ngài tiếp tục sai các thợ gặt đến với Giáo Hội (x. Mt 9,38). Tại thời điểm đó, Ngài nói rằng: “Vấn đề có đủ số lượng các linh mục có một ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tín hữu, không chỉ vì linh mục là nền tảng của xã hội Kitô giáo trong tương lai, nhưng hơn thế, việc có đủ số linh mục là một dấu chỉ rõ ràng của sức sống đức tin và là dấu chỉ tình yêu thương của mỗi giáo xứ cũng như các cộng đoàn giáo phận, đồng thời nó cũng là dấu chỉ rõ ràng về một đời sống luân lý lành mạnh nơi các gia đình Kitô hữu. Nơi đâu ta càng thấy có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, nơi đó người ta đang sống Tin Mừng với sự quảng đại lớn lao” (Đức Phaolô VI, Sứ Điệp truyền thanh, 11 tháng 4 năm 1964).

Trong suốt nhiều thế kỷ qua, các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau từ khắp nơi trên thế giới quây quần bên nhau vào ngày Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh và cùng nhau cầu nguyện để xin Thiên Chúa những món quà ơn gọi linh thánh, đồng thời gợi ý cho mọi người tiếp tục phản tỉnh về nhu cần khẩn thiết trong việc đáp trả lời mời gọi linh thánh. Thực vậy, hàng năm sự kiện quan trọng này đã giúp các Kitô hữu thấy được tầm quan trọng của ơn gọi linh mục và tu sĩ, và nhờ đó giúp họ ý thức về điều này trong đời sống thiêng liêng, cầu nguyện và tông đồ của mình.

Hy vọng là một sự trông mong về một điều gì đó tích cực trong tương lai, nhưng mặt khác nó cũng nuôi dưỡng hiện tại thường bị ghi dấu bởi những bất mãn và thất bại. Vậy, đâu là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta? Nhìn vào lịch sử của dân tộc Do thái, được tường thuật lại trong Cựu Ước, chúng ta thấy một yếu tố luôn xuất hiện, đặc biệt là trong những thời điểm khó nhăn như thời Lưu Đày, một yếu tố được tìm thấy đặc biệt nơi các bài viết của các Ngôn Sứ, đó là việc Thiên Chúa luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa với các Tổ Phụ: Một sự ghi nhớ mời gọi chúng ta bắt chước mẫu gương sáng chói của Tổ Phụ Abraham, ngài “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: "Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế" (Rm 4,18). Một chân lý đầy an ủi và có tính soi sáng luôn hiển lộ trong toàn bộ lịch sử cứu độ, đó chính là sự trung tín của Thiên Chúa đối với Giao Ước. Ngài luôn đi vào Giao Ước và đổi mới nó, bất chấp con người đã phá vỡ nó khi bất trung và phạm tội, từ thời lụt hồng thủy (St 8,21-22) đến lúc xuất hành và ngang qua cuộc hành trình qua sa mạc (x. Dt 9,7).

Sự trung tín đó khiến cho Thiên Chúa tiếp tục ký kết một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu với con người, nhờ vào máu của Người Con, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Trong mỗi giây phút, đặc biệt là trong những lúc khó khăn, sự trung tín của Thiên Chúa luôn là nguồn sức mạnh đích thực của lịch sử cứu độ. Sức mạnh này khơi nên trong trái tim của những người nam và người nữ một niềm xác tín vững chắc vào niềm hy vọng rằng một ngày họ sẽ đạt đến “Đất Hứa”. Đây chính là nơi chúng ta tìm thấy nền tảng chắc chắn của mọi hy vọng: Thiên Chúa chưa bao giờ từ bỏ chúng ta và Ngài vẫn luôn trung tín với Lời của mình. Vì lý do đó, trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay khó khăn, chúng ta vẫn có thể nuôi dưỡng một niềm hy vọng chắc chắn và cầu nguyện với Thánh Vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến (Tv 62, 6). Như thế, để có hy vọng, chúng ta cần tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài luôn giữ lời hứa đã giao ước. Vì thế, đức tin và hy vọng có mối liên hệ mật thiết với nhau. “Thực ra, ‘hy vọng’ là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ ‘đức tin’ và ‘hy vọng’ dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Vì thế Thư Do Thái liên kết chặt chẽ “sự viên mãn của đức tin” (10,22) với “sự tuyên xưng cách quả quyết niềm hy vọng của chúng ta” (10,23). Cũng thế, trong thư Thứ Nhất, khi Thánh Phêrô khích lệ các Kitô hữu hãy luôn luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do – cho niềm hy vọng của họ (x. 3,15), thì từ ‘hy vọng’ là tương đương với từ ‘đức tin’” (Spe Salvi, 2).

Anh chị em thân mến,

Chính xác thì sự trung tín của Thiên Chúa là gì mà chúng ta có thể đặt để niềm hy vọng của mình? Thưa, đó chính là tình yêu của Ngài. Ngang qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa là Đấng đã đổ tràn tình yêu vào nơi sâu thẳm nhất trong mỗi chúng ta (xem Rm 5,5). Và tình yêu này, được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, đã thấm sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta và đòi hỏi một lời đáp trả ngang qua cách thức mà mỗi cá nhân muốn chọn lựa cách sống cho riêng mình. Tình yêu Thiên Chúa đôi lúc dẫn người ta tới nơi mà mình chưa bao giờ tưởng tượng, nhưng tình yêu này cũng luôn dẫn ta đến với những con người mà ta muốn tìm gặp. Như thế, hy vọng được dưỡng nuôi bởi sự xác tín này: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16).

Tình yêu sâu xa và mang tính đòi hỏi này đã thấm sâu vào chúng ta và trao ban cho chúng ta một niềm can đảm. Tình yêu này cũng trao cho ta niềm hy vọng vào cuộc hành trình của mình, vào lịch sử và tương lai. Cách riêng, cha muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, cha muốn nhắc lại rằng: “Sự sống của các con sẽ là gì nếu thiếu tình yêu này? Thiên Chúa chăm sóc mọi người nam và người nữ từ khi tạo dựng đến khi thời gian tới hồi viên mãn, khi Ngài hoàn tất kế hoạch cứu độ của mình. Nơi Thiên Chúa Phục Sinh, chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn” (Bài Huấn dụ dành cho Các Bạn Trẻ Giáo phận San Marino – Montefeltro, 19 tháng 6 năm 2011).

Như xưa Đức Giêsu đã sống cuộc đời dương thế như thế nào, thì hôm nay Đức Giêsu Phục sinh cũng đồng hành trong cuộc sống của chúng ta như vậy. Ngài dìm mình vào hành động của chúng ta, với tất cả khao khát và nhu cầu của ta. Giữa mọi hoàn cảnh, Đức Giêsu tiếp tục nói với chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta sống với Ngài, vì chỉ duy Ngài là Đấng có thể thỏa đáp được mọi khát vọng nơi ta. Giờ đây, Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn các môn đệ chính là Giáo Hội, và Ngài vẫn mời gọi mọi người bước theo mình. Lời mời gọi này có thể đến bất kỳ lúc nào. Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục cất lời: “Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Chấp nhận lời mời gọi này nghĩa là không còn chọn lựa con đường của riêng mình nữa. Theo Ngài nghĩa là đặt để ý muốn của chúng ta nơi Ý muốn của Đức Giêsu, trao ban cho Ngài chính mình, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích riêng và chính bản thân mình. Theo Đức Giêsu cũng có nghĩa là giao nộp chính chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và cũng là với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống với Đức Giêsu là một “tình trạng” đặc ân, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó đời sống chúng ta trở nên tròn đầy và tự do.

Ơn gọi linh mục và tu sĩ được nảy sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, từ một cuộc đối thoại chân thành và đầy tin tưởng với Ngài, nhờ đó đi vào trong ý muốn của Ngài. Do đó, điều cần thiết là phải lớn lên trong kinh nghiệm về đức tin, được hiểu như là một mối liên hệ sâu xa với Đức Giêsu, như là một sự lắng nghe nội tâm đối với tiếng nói của Ngài vốn âm vang trong sâu thẳm cõi lòng chúng ta. Tiến trình này, một tiến trình mà ngang qua đó chúng ta đáp trả một cách tích cực đối với lời mời gọi của Thiên Chúa, chỉ khả thi nơi những cộng đoàn Kitô hữu sống đức tin một cách mạnh mẽ và quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nơi có một cảm thức truyền giáo mạnh mẽ đến nỗi thúc đẩy người ta hiến mình cho Nước Thiên Chúa. Tiến trình này được nuôi dưỡng bởi các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và ngang qua một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Đời sống cầu nguyện, “một đàng là cái gì đó rất riêng tư, là một cuộc gặp gỡ giữa thâm sâu của chính tôi với Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Đàng khác, lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện quý giá của Giáo Hội và của các thánh, và bởi lời cầu phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào cầu nguyện cho xứng hợp” (Spe Salvi, 34).

Đời sống cầu nguyện sâu xa và bền bỉ giúp tăng trưởng đức tin nơi cộng đoàn Kitô hữu. Đồng thời đời sống cầu nguyện cũng giúp đổi mới không ngừng niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân Ngài và luôn nuôi dưỡng họ bằng cách trao ban những ơn gọi đặc biệt – ơn gọi linh mục và tu sĩ – để họ có thể là dấu chỉ hy vọng cho thế giới. Thực vậy, linh mục và tu sĩ được mời gọi để trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Thiên Chúa, trong một sự phục vụ yêu thương cho Tin Mừng và Giáo hội, với niềm xác tín vào niềm hy vọng vốn chỉ có thể đến từ một sự mở ra đối với Thiên Chúa. Do đó, ngang qua những chứng tá về đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ, họ có thể thông truyền, đặc biệt với các thế hệ trẻ, một khao khát mạnh mẽ để quảng đại và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng mời gọi họ bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Khi một người môn đệ của Đức Giêsu chấp nhận lời mời gọi thần linh để dâng hiến chính mình trong đời sống linh mục hay tu trì, chúng ta chứng kiến một hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn Kitô hữu, giúp chúng ta nhìn vào tương lai của Giáo Hội và sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội trong niềm tin tưởng và hy vọng. Điều này đòi hỏi cần có những người thợ gặt mới để công bố Tin Mừng, để cử hành Thánh Lễ và bí Tích Hòa Giải. Vì thế, không thể thiếu những linh mục nhiệt thành, những người luôn ở bên người trẻ với tư cách là “những người bạn đồng hành”, giúp đỡ họ, trong bước đường đời đầy khó khăn và cam go, nhận ra Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Ga 14,6). Các linh mục cũng là người nói cho người trẻ về lòng can đảm của Tin Mừng, về vẻ đẹp của việc phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô hữu và anh chị em của mình! Các linh mục là hiện thân của hoa trái phát sinh từ một sự dấn thân nhiệt thành vốn trao ban ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của họ, vì đời sống này được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. Ga 4,19).

Các bạn trẻ thân mến, dẫu các con đang phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, cha hy vọng các con vẫn có thể nuôi dưỡng khao khát về điều gì có giá trị đích thực với những mục đích cao cả, những lựa chọn triệt để trong việc phục vụ tha nhân và bắt chước Đức Kitô. Các con đừng sợ bước theo Đức Giêsu và bước đi trên những con đường có tính đòi hỏi, can đảm sống đức ái và quảng đại dấn thân. Trên hành trình này, các con sẽ hạnh phúc để phục vụ và làm chứng về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban, các con sẽ là những ngọn lửa sống động về một tình yêu vô hạn và vĩnh cửu, và các con sẽ học để “sẵn sàng đưa ra câu trả lời cho niềm hy vọng nơi các con” (1Pr 3,15).

Vatican, ngày 6 tháng 10 năm 2012
+ Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
 
Các thời mới cho cuộc sống của Giáo Hội
Linh Tiến Khải
11:14 15/04/2013
Một số nhận định của Đức Hồng Y Claudio Hummes về Đức Thánh Cha Phanxicô
Một tháng đã trôi qua kể từ ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Tân Giám Mục của Giáo Hội Roma, kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ. Càng ngày các lời nói và nhất là các cử chỉ của ngài càng thu hút cảm tình của nhiều người. Tên gọi Phanxicô đã khiến cho mọi người ngạc nhiên và cảm phục, vì nó như nói lên tất cả tinh thần và đường hướng mục vụ của Đức Bergoglio.

Trong sứ điệp đăng trên tuần báo ”Công dân” của tổng giáo phận Genova, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, bầy tỏ niềm vui của giáo phận và của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ trước việc Đức Bergoglio được bầu làm Tân Giáo Hoàng. Tên Phanxicô mà Đức Tân Giáo Hoàng chọn vì lòng kính mến thánh Phanxicô thành Assisi là một vinh dự cho đất nước Italia. Đức Hồng Y Bagnasco viết: cùng với niềm vui chúng ta bầy tỏ lòng sùng mộ Đức Giáo Hoàng, là đặc tính của Giáo Hội tại Genova. Lời cầu sốt sắng của toàn dân kitô và của các chủ chăn bao bọc Đức Thánh Cha Phanxicô và sẽ tiếp tục nâng đỡ người với lòng trìu mến và ngoan ngoãn lắng nghe huấn quyền và các chỉ dẫn mục tử của của người.

Trong một bài phỏng vấn dành cho tờ “Tiếng vang Bergamo”, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giám Mục, cho biết Đức Bergoglio đã được đại đa số phiếu của các Hồng Y cử tri. Tới phiếu số 77 là phiếu định đoạt, các Hồng Y đã đồng loạt vỗ tay chúc mừng Đức Tân Giáo Hoàng rất lâu. Trong tư cách là Hồng Y cử tri lớn tuổi nhất khi Đức Hồng Y Re hỏi Đức Tân Giáo muốn lấy tên hiệu là gì, thì Đức Bergoglio trả lời ”Tôi sẽ lấy tên là Phanxicô, vì muốn vinh danh thánh Phanxicô thành Assisi”. Đức Tân Giáo Hoàng tỏ ra rất thanh thản và chắc chắn, không mảy may bối rối. Việc chọn tên Phanxicô đã khiến cho các Hồng Y ngạc nhiên, mặc dù đã không có ai xì xèo gì.

Đức Hồng Y Ennio Antonelli, nguyên Tổng Giám Mục Perugia và nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình, nêu bật các cung cách hành xử hiền lành và thanh thản của Đức Tân Giáo Hoàng. Với cung cách hành xử đơn sơ của ngài Đức Phanxicô sẽ là một vị Giáo Hoàng được lắng nghe, kể cả bởi những người không đồng ý với Giáo Hội. Đức Hồng Y Antonelli nói ngài đã ước mong Đức Tân Giáo Hoàng là một con người của Thiên Chúa một cách hữu hình, trong sáng và mạnh mẽ. Và Đức Bergoglio là con người ấy. Người dân muốn trông thấy Chúa Kitô, bởi vì chỉ nghe nói đến Chúa thôi thì không đủ.

Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo ”Người đưa tin chiều” Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh văn hóa, cho biết trong Mật Nghi Hồng Y đã xuất hiện một Giáo Hội nhanh chóng có các quyết định sau các căng thẳmg cuối cùng. Một Giáo Hội có khả năng gây ngạc nhiên, và cung cách truyền thông đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và vì thế có ảnh hưởng, để lại trong con tim một dấu chỉ sâu xa và không thể xóa nhòa được. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brasil, dòng Anh em hèn mọn Phanxicô về Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Hồng Y Hummes đã cùng với Đức Hồng Y Agostino Vallini xuất hiện trên bao lơn đền thờ Thánh Phêrô cùng với Đức Tân Giáo Hoàng để chào tín hữu đứng dưới quảng trường. \

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y giải thích đặc ân này như thế nào?

Đáp: Đây đã đơn sơ là ý muốn của Đức Tân Giáo Hoàng, nhưng là một cử chỉ tự phát. Trong nhà nguyện Sistina khi các Hồng Y bắt đầu rước Đức Tân Giáo Hoàng ra bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin Đức Hồng Y Giám Quản Roma đứng gần ngài, rồi ngài quay qua tôi và nói: ”Xin đến, tôi muốn Đức Hồng Y đứng gần tôi, vì Đức Hồng Y đã luôn luân gần gũi tôi”. Và thế là tôi đã đứng bên ngài.

Hỏi: Sự kiện Đức Hồng Y thuộc dòng Phanxicô và Đức Thánh Cha lại chọn tên là Phanxicô có liên quan gì với nhau không?

Đáp: Việc Đức Thánh Cha chọn tên là Phanxicô đã khiến cho tất cả mọi người, kể cả các Hồng Y chúng tôi rất ngạc nhiên. Có lẽ đó cũng đã là một lý do khác khiến cho Đức Thánh Cha muốn tôi đứng gần ngài. Tôi không biết, nhưng tôi đã rất sung sướng về sự kiện này.

Hỏi: Đức Hồng Y đã có cảm tưởng nào, khi trông thấy quảng trường thánh Phêrô đầy tín hữu như thế?

Đáp: Đó đã thật là một điều ngoại thường. Và sự đơn sơ, lòng khiêm tốn cũng như sự sâu sắc của các sứ điệp của Đức Tân Giáo Hoàng cũng rất là ngoại thường. Thế rồi ngài còn xin dân chúng cầu xin Chúa cho ngài nữa, bởi vì đúng thật là các chủ chăn cần các phước lành của Chúa và lời cầu nguyện của đân chúng. Rồi cả việc chọn tên Phanxicô nữa, là một tên gọi đầy các ý nghĩa và sứ điệp. Một tên gọi duy nhất trong lịch sử của các Giáo Hoàng. Ngài đã chọn nó và điều này có gía trị hơn biết bao nhiêu bút tích và các diễn văn. Tất cả mọi người đều đã hiểu điều này. Trong nghĩa nó thúc đẩy thử nghiệm các phương pháp mới trong việc rao truyền Tin Mừng, như Đức Tân Giáo Hoàng đã nói với các Hồng Y, và nó mở ra các con đường mới cho cuộc sống của Giáo Hội.

Hỏi: Mở ra các con đường mới cho Giáo Hội trong hướng nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết về một Giáo Hội đơn sơ hơn, nghèo hơn, và nhất là đối với các người nghèo. Trao ban cho người nghèo chỗ đứng mà Chúa Giêsu đã dành để cho họ: thật ra chính họ là những người đầu tiên được lãnh nhận Tin Mừng và tình yêu thương của Giáo Hội.

Hỏi: Đức Hồng Y đã từng là chủ chăn trong nhiều năm bên Brasil, tại Santo André, Fortalezza và Sao Paolo, nhưng cũng đã có một vai trò trách nhiệm trong các Cơ Quan Trung Ương Tòa Thánh, như là Tổng trưởng Bộ giáo sĩ. Đức Hồng Y có cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ mở ra một cánh cửa mới, cả trong cấu trúc cai guản trung ương của Giáo Hội hay không?

Đáp: Đề tài các Cơ Quan Trung Ương Tòa Thánh đã được các Hồng Y chúng tôi thảo luận rất nhiều trong các phiên nhóm khoáng đại, trước Mật Nghị. Rất nhiều Hồng Y chờ mong một cải tổ Trung Ương Tòa Thánh, và tôi khá chắc chắn là Đức Tân Giáo Hoàng sẽ làm điều này, và sẽ làm dưới ánh sáng Lời Chúa, tính cách nền tảng, sự đơn sơ và khiêm tốn, như Tin Mừng đòi hỏi. Luôn luôn theo dấu chân của thánh Phanxicô mà ngài đã chọn làm tên gọi. Thánh Phanxicô đã có một tình yêu lớn lao đối với Giáo Hội phẩm trật, đối với Giáo Hoàng. Thánh nhân đã muốn rằng các tu sĩ của dòng là công giáo, và tuân phục ”Ngài Giáo Hoàng” như thánh nhân đã nói.

Hỏi: Nhiều người đã nhấn mạnh sự kiện Đức Phanxicô đã nêu bật việc ngài là Chủ Chăn của Giáo Hội đại đồng trong cương vị là Giám Mục Roma, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Điều này nói với chúng ta về tính cách Giám Mục Đoàn, về ý nghĩa cao cả của tình huynh đệ của Đức Giáo Hoàng đối với các Giám Mục. Đức Phanxicô cảm thấy ngài là một người trong Giám Mục Đoàn, nhưng cũng là thủ lãnh của Giám Mục Đoàn này. Và ngài đã nhấn mạnh một cách đúng đắn cả hai khía cạnh của Giám Mục Đoàn, cũng như sự hiệp nhất và sự khác biệt của nó.

Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ sao về sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô là Giáo Hoàng đầu tiên người châu Mỹ Latinh?

Đáp: Và châu Mỹ Latinh đã rất vui sướng về sự lựa chọn này. Nhưng toàn thể Giáo Hội đều vui sướng, vì sự lựa chọn này đã chứng minh cho thấy hơn nữa rằng Giáo Hội công giáo thật sự đại đồng. Giáo Hội không phải là một thực thể âu châu có cành ở nơi khác. Giáo Hội đã luôn luôn là như vậy, nhưng việc lựa chọn một vị Giáo Hoàng ”trong vùng ngoại ô” của thế giới cho tất cả mọi người thấy rằng Giáo Hội là một thực thể đại đồng trong cả các sự kiện nữa.

Hỏi: Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013 sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro bên Brasil vào tháng 7 và tháng 8 tới đây. Đức Hồng Y hình dung ra cuộc găp gỡ này của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ như thế nào?

Đáp: Tôi chắc chắn là Đức Thánh Cha sẽ đi Rio de Janeiro, mặc dù chưa có xác nhận rõ ràng nào, nhưng tôi biết ngài muốn đi. Đức Thánh Cha sẽ ban tặng cho Brasil và toàn thế giới ơn và niềm vui lớn lao này, bởi vì sẽ có sự hiện diện của rất nhiều bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Và tôi tin rằng vì tò mò sẽ không chỉ có các bạn trẻ nam nữ, mà cả những người ít trẻ hơn nữa.

Hỏi: Đức Hồng Y quen biết Đức Thánh Cha Phanxicô một cách cá nhân, Đức Hồng Y định nghĩa ngài là người như thế nào?

Đáp: Ngài là một người có một nền tu đức, và cầu nguyện rất sâu xa, sống vì Phúc Âm, và sống tương quan của ngài với Chúa Giêsu Kitô với sự đơn sơ, sâu thẳm. Thật thế, một người càng đến gần Thiên Chúa, thì cuộc sống tinh thần của người đó càng trở thành đơn sơ. Thế rồi trong những ngày này ngài đã có cách cho tất cả mọi người thấy sự thanh thản rất lớn trong tâm hồn. Rồi Đức Thánh Cha đã chào các Hồng Y chúng tôi từng người một, ngài đã làm điều đó với tất cả sự tự nhiên, như thể đã không có gì ngoại thường xảy ra đối với ngài, mặc dù ngài rất hiểu biết điều gì đã xảy ra đối với mình. Bởi vì khi một Hồng Y được bầu làm Giáo Hoàng, thì chính Thiên Chúa xức dầu cho ngài.

Hỏi: Đức Hồng Y có thấy xem ra mâu thuẫn đó là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử thuộc dòng Tên và cũng là người đầu tiên mang tên gọi Phanxicô hay không?

Đáp: Đúng thế. Đức Thánh Cha thuộc dòng Tên, nhưng đã là Tổng Giám Mục Buenos Aires, nơi ngài đã yêu thương dân chúng và người nghèo. và được mọi người yêu lại. Chính ở đó đã nảy sinh ra Phanxicô. (Avvenire 16-3-2013)
 
ĐTC tiếp kiến thủ tướng đầu tiên của Châu Âu
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
12:48 15/04/2013
VATICAN- Hôm nay Thứ Hai 15/04/2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy Brey, tại dinh Tông Tòa. Cuộc nói chuyện diễn ra trong khoảng 20 phút, trong đó hai vị trao đổi về tình hình kinh tế, tài chính thế giới đang trong giai đoạn không mấy dễ dàng và ảnh hưởng trực tiếp đến Tây Ban Nha cũng như các nước khác tại Âu Châu. Trong bối cảnh ấy, thông cáo báo chí Tòa Thánh cho hay, Giáo Hội biểu lộ sự gần gũi của mình và có việc làm thiết thực thông qua tổ chức Caritas cũng như các hiệp hội bác ái khác dành cho những người có nhu cầu.

Cách riêng Đức Giáo Hoàng và Thủ Tướng Mariano Rajoy Brey bày tỏ sự quan tâm đến tình hình của Tây Ban Nha, trong đó nêu bật « sự quân bình thể chế chính trị » của đất nước, nhìn nhận tính cần thiết của đối thoại trong xã hội. « Một đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tính đến những giá trị như công bằng, liên đới, và kiếm tìm lợi ích chung ».

Cuộc gặp gỡ thể hiện mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Tây Ban Nha dựa trên tinh thần của thỏa ước năm 1979 và luôn luôn được củng cố. Cả hai cũng đã trao đổi với nhau về những vấn đề thời sự của quốc gia này mà Giáo Hội quan tâm, như thể chế hôn nhân và gia đình, tầm quan trọng của giáo dục tôn giáo, đồng thời cũng quy chiếu với tình hình quốc tế với sự đặc biệt chú ý đến Châu Mỹ La Tinh.

Cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh cha Phanxicô đã tặng thủ tướng Tây Ban Nha một chiếc bút được chế tạo bởi Viện Bảo Tàng Vatican. Phần mình, thủ tướng Mariano Rajoy Brey cũng tặng ngài một cuốn sách được sao chép lại từ một tác phẩm quý giá của thư viện quốc gia Madrid. Ngoài ra, cá nhân thủ tướng cũng mang đến cho Đức Thánh cha một chiếc áo phông có in hình đội tuyển bóng đá quốc gia Tây Ban Nha cùng với chữ ký của tất cả cầu thủ trong đội. Đức Thánh Cha đã biểu lộ niềm vui bằng một nụ cười. Mới đây ngài cũng nhận được một chiếc áo của câu lạc bộ San Lorenzo de Almagro tại Argentina mà trước đây ngài từng là cổ động viên.

Đây là Thủ tướng tại Châu Âu đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến.

Trong chuyến thăm Vatican lần này, Thủ tướng Mariano Rajoy Brey cũng đến gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cùng Ngoại Trưởng Tòa Thánh, Tổng Giám Mục Dominique Mamberti.
 
Top Stories
Pope Francis meets with Latin Patriarch of Jerusalem
Vatican Radio
11:46 15/04/2013
The Holy Father met this morning with the Latin Patriarch of Jerusalem, Fouad Twal, with an official delegation from the Patriarchate.

This audience gave Pope Francis an opportunity to become more acquainted with the Church in Jerusalem and its pastoral problems.

“He is a very humble man. He has the time, the patience to listen to what we have to say,” said Patriarch Twal, speaking to Vatican Radio after his meeting with the Pope. He said Pope Francis was very well informed about the situation of Christians who have fled the middle east. The Patriarch noted that many Christians who have left the region had settled in Latin America; some, in Argentina were under the pastoral care of then Cardinal Bergoglio. “He is very aware about. . . the Christians from the middle east who are living and working in the diaspora. He knows very well their situation.”

After Pope Francis spoke privately for a time with Patriarch Twal, he received the other members of the delegation. “He encouraged us to put our hope in the Lord, to pray for him, and he would pray for us.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Mẹ Fatima chầu Thánh Thể thay mặt GP Phan Thiết
Thục Oanh
19:09 15/04/2013
Chúa nhật ngày 14-4-2013 Cộng đoàn Gx. Mẹ Fatima hân hoan vui mừng được chầu Mình Thánh Chúa. Đến để suy tôn và chiêm ngắm Thánh Thể Chúa còn có Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, quý Cha: Giuse barnabê Lê Xuân Ánh( gx Châu Thủy), Lm. GiuSe Đặng Văn Nam(gx Thánh Linh). Lm Antôn Đinh Bá Cẩn cùng quý Nữ Tu - Tu Hội Bác Ái và Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá trong tinh thần tràn đầy ơn Đức KiTô phục sinh. Giờ chầu được khai mạc với thánh lễ lúc 5h30 sáng do cha chánh xứ Fx. Hồ Xuân Hùng dâng lễ. Sau lễ Cha đặt Mình Thánh Chúa cho các hội, đoàn..chầu tiếp tục. Sau giờ chầu liên Xứ là giờ chầu chung do Đức Cha Phaolô chủ tế.

Xem hình ảnh

Qua bài Tin mừng với chủ đề “Cái chết của Đấng toàn năng yêu thương” hôm nay, Đức Cha chia sẻ tội lỗi của con người quá nhiều, phản bội Chúa quá nhiều, hết lần này đến lần khác, thế nhưng Chúa lại giành phần thắng thuộc về con người. Vì sao vậy ? Vì Chúa là tình yêu. Con người là một giá trị tạo vật vô song mà Ngài kính trọng nên Ngài yêu thương như yêu thương chính mình. Thay vì sống yêu thương, bác ái con người tìm cách mại thánh, ngược đãi, thống trị lẫn nhau... Ngài vẫn hiện diện bằng sự quảng đại của mình để phục hồi giá trị yêu thương. Bí tích Thánh Thể đã ban cho chúng ta biết lấy tình yêu đáp lại hận thù. Trên cây thập tự giá, Chúa vui mừng hát bài chiến thắng tình yêu, lời cuối Ngài chỉ nói một câu “Mọi việc đã hoàn tất’’ và tắt thở. Bí tích thánh thể không dừng lại ở cái chết mà là sự phục sinh. Cái chết và sự sống lại là con đường đầy ánh sáng mặc khải cho chúng ta sự vĩnh cửu của Ngài, Ngài mãi mãi ở trong Bí tích Thánh Thể hiện diện với Giáo Hội để mang ơn lành, hồn xác đến tất cả mọi người. Tình thương của Ngài được bộc lộ một cách trọn vẹn không giới hạn.

Đức Cha còn nhắc nhở yêu thương, bác ái không chỉ dừng lại ở sự yêu thương mà còn phải biết tôn trọng. Tôn trọng những quyền sống căn bản của con người, tôn trọng sự thật, biết sống hòa bình và bao dung dù đó là người gây ra nhiều tội lỗi. Cái gì thuộc về tình yêu thì nó sẽ phát triển tự nhiên khiến ta được sống bình an với chính mình và trong mối liên hệ với tha nhân như lời Chúa ta đã dạy “Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”. Bí tích Thánh Thể đã ban cho chúng ta nhiều ơn sủng để trở thành người Kitô hữu dũng cảm, biết được đâu là điều toàn hảo đích thực vượt qua được trăm ngàn lao khổ của sự cám dỗ, gian nan từ cuộc sống.

Sau khi suy tôn Mình Thánh Chúa bà con đã cùng dâng lời cầu nguyện xin cho tất cả mọi người luôn sùng kính Bí Tích để thấm nhuần Tin mừng, xin Chúa gần gũi hơn để chúng con biết Đấng là duy nhất đã cứu chuộc nhân loại trong những cuộc chiến lầm than.

Cha quản xứ hôm nay được chứng kiến đức tin tràn đầy của anh chị em trong ngôi thánh đường thân yêu đã nguyện xin Thánh Thể Chúa luôn đồng hành với tất cả mọi người trong cuộc sống và chắc chắn rằng ân sủng mà mọi người nhận được sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái trong tâm hồn mỗi người. Sự chuẩn bị chu đáo của Cha chính xứ hôm nay và sự hiện diện của quý Cha đã được cộng đoàn dâng hoa tươi thắm cùng lời tạ ơn chân thành.

Cuối giờ chầu, Đức Cha kêu gọi cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ vụ lãnh đạo giáo Hội và chúc anh chị em ra về vui vẻ trong mùa phục sinh đầy lòng bác ái, bình yên trong Chúa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam 08/04 - 14/04/2013
VietCatholic Network
08:33 15/04/2013

 
Thiết Nham kính nhớ bốn vị đầu mục tử đạo
BTT Bắc Ninh
11:24 15/04/2013
Thiết Nham: 09h00 Sáng Chúa Nhật III Phục Sinh (14.04), Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã đến Thiết Nham chủ sự Thánh Lễ kính nhớ 4 vị đầu mục của giáo xứ chịu phúc tử đạo tại cổng tả Thành Bắc Ninh năm 1862. Hiệp dâng trong thánh Lễ, có đông đảo quý Cha và bà con giáo dân trong cũng như ngoài giáo xứ.

Xem hình ảnh

Ngỏ lời cùng cộng đoàn, Đức Giám mục giáo phận đã chia sẻ niềm tự hào với bà con giáo dân Thiết Nham vì có bốn chứng nhân anh dũng đã hy sinh để làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Ngài cũng hy vọng những thế hệ cháu con sẽ noi theo gương sáng của các bậc tiền nhân mà làm cho đất chúng ta trổ sinh hoa trái.

Trước Thánh Lễ, nghi thức tưởng nhớ bốn vị đầu mục tử đạo đã được tổ chức long trọng theo truyền thống văn hóa của người Việt đã làm cho nhiều người tham dự xúc động. Nghi thức tưởng nhớ đã nêu bật lên công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã dám đổ cả máu mình ra để làm bằng chứng cho tỉnh yêu Chúa.

Giáo xứ Thiết Nham hiện có trên một ngàn ba trăm nhân danh gồm có bốn giáo họ đều nằm trên địa bàn huyện Việt Yên – Bắc Giang. Đây là một giáo xứ truyền thống khá lâu đời của giáo hạt Bắc Giang – giáo phận Bắc Ninh. Ngay từ những ngày đầu đón nhận đạo Chúa, bốn vị đầu mục của Thiết Nham đã kiên dũng bảo vệ Đức tin Kitô giáo.

Tuy mới về coi sóc Thiết Nham chưa đầy một năm, nhưng Cha xứ Đa minh Nguyễn Văn Tuyên đã miệt mài củng cố truyền thống Đức tin của mọi thành phần Dân Chúa, cũng như kiến thiết thêm nhiều cơ sở vật chất khang trang. Các hội đoàn trong giáo xứ đã ổn định và phát triển không ngừng.

Được biết, cách đây hơn một năm vào dịp Lễ Lá 2012, Đức Cha Cosma cũng đã đến Thiết Nham khai mạc Tuần Thánh và làm phép tượng lòng Chúa Thương xót. Bức tượng Lòng Thương xót Chúa nguy nga của họ nhà xứ Thiết Nham được Cha xứ tiền nhiệm xây dựng ngay giữa cánh đồng chiêm trũng nằm đối diện với cửa chính của nhà thờ đã trở thành một biểu tượng sống động cho Đức tin của bà con giáo dân Thiết Nham. Sau hơn một năm làm phép, bức tượng Lòng Thương xót Chúa của Thiết Nha đã trở thành một địa điểm lý tưởng để mọi người lui đến cầu nguyện và sẻ chia.

Một vị đại diện ban hành giáo chia sẻ, hằng năm giáo xứ vẫn thường xuyên tổ chức Lễ giỗ bốn vị đầu mục tử đạo, nhằm nhắc nhớ công ơn trời biển của các bậc tiền nhân và nêu gương sáng cho các thế hệ cháu con. Niềm vui và tự hào của giáo dân Thiết Nham hôm nay chính là những hoa trái trổ sinh từ gốc rễ bốn vị tử đạo xưa kia.
 
Chúa nhật 4 Phục Sinh - Cầu nguyện cho các Ơn gọi
VP TGM Đà Lạt
08:45 15/04/2013
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI 21.4.2013


Khai mạc

1. Đặt Mình Thánh Chúa (quỳ).

Hát kính Thánh Thể : Con thờ lạy.

2. Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là nguồn mạch tình yêu và là cùng đích cho cuộc đời chúng con. Chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con trên bàn thờ. Chúa đang nhìn đến chúng con, với cái nhìn của vị Mục Tử nhân lành, cái nhìn yêu thương và biết từng người chúng con. Chúng con xin cúi đầu thờ lạy và ngợi khen Chúa với tất cả tấm lòng mến yêu.

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ và tri ân. Vì yêu thương, Chúa đã tỏ lộ cho chúng con biết về Chúa Cha. Xin Chúa ở lại với chúng con, soi sáng và sưởi ấm tâm hồn chúng con, để chúng con có thể nhận biết và cảm mến tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng con lớn lao là dường nào. Đặc biệt trong ngày hôm nay, chúng con quỳ nơi đây để cùng tuyên xưng và tôn thờ Chúa chính là vị Mục tử nhân lành của chúng con. Chúa đã yêu thương chọn chúng con vào đoàn chiên của Chúa. Không chỉ có thế, Chúa còn luôn mong muốn chúng con đến với Chúa, bước theo Chúa và đi vào cửa chuồng chiên là chính Chúa, để chúng con được chăm sóc, nuôi dưỡng, được sống và sống dồi dào. Trong tâm tình này, chúng con xin dâng lên Chúa những khát vọng và ước ao của Hội Thánh. Xin Chúa ban cho Hội Thánh Chúa luôn có nhiều tâm hồn quảng đại, dấn thân dâng hiến cuộc sống cho Chúa và cho tha nhân, trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Chúng con cũng nhớ đến các vị mục tử đang chăm sóc và nuôi dưỡng chúng con, là các giám mục, linh mục và tu sĩ. Xin Chúa đón nhận và gìn giữ các ngài trong tình yêu của Chúa.

Giờ đây, xin Chúa mở con mắt đức tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang ở bên và đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Xin Chúa mở đôi tai để chúng con nhận ra tiếng Chúa, nhận ra ý Chúa trong cuộc đời. Và xin Thánh Thần của Chúa hãy đến với chúng con, khai mở lòng trí, để chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, biết luôn khiêm tốn để cho Lời Chúa uốn nắn, hướng dẫn cuộc đời chúng con, cho chúng con mỗi ngày có thể lớn lên trong ân sủng, trong niềm vui có Chúa ở cùng và mạnh dạn ra đi rao truyền tình yêu Chúa cho mọi người.
(thinh lặng giây lát)
Lắng nghe Lời Chúa – suy niệm và cầu nguyện

3. Hát (đứng) : Lắng nghe Lời Chúa 4

4. Lời Chúa : Cv 2,14a.36-41 (ngồi)

Trích sách Công vụ tông đồ
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng : "Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô". Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?". Ông Phê-rô đáp : "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi". Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ". Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Ðó là lời Chúa.

5. Suy niệm 1 : (ngồi)

Bài trích sách Công vụ tông đồ lấy bối cảnh trong ngày lễ Ngũ Tuần và ông Phêrô đã mạnh dạn loan báo về Tin mừng Phục Sinh cho mọi người. Tại sao ông có thể thay đổi một cách nhanh chóng như thế? Điều gì đã khiến ông từ một Phêrô yếu đuối chối Chúa đến ba lần mà giờ đây đầy tràn nhiệt huyết, can đảm và mạnh dạn tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người. Câu trả lời chỉ có một đó chính là Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã hoạt động trong ông và biến ông trở thành một người có lòng tin vững vàng sẵn sàng dấn thân vì Chúa.
Khi còn ở với các môn đệ Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa ban cho họ một đấng Bảo trợ. Đấng Bảo trợ này sẽ chỉ đến khi Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha. “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm” (Ga 16,8), “Người sẽ dẫn tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ tôn vinh Thầy vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14). Chúa Giêsu đã nhiều lần nói cho các môn đệ về vai trò của Thánh Thần. Người sẽ hướng dẫn mọi sự trong Hội Thánh và sẽ ban sức mạnh cho nhiều người. Chính Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa tại sông Giođan thì Chúa Thánh Thần cũng ngự xuống trên Người dưới dạng chim bồ câu. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu là biểu hiện của một người đã được thánh hóa cho Thiên Chúa. Hơn thế nữa sau khi Chúa Giêsu sống lại Ngài cũng đã ban Chúa Thánh Thần xuống cho các môn đệ dưới hình lưỡi lửa và sai họ đi loan báo tin mừng cho muôn dân.
Khi các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng thì các ngài cũng ban Thánh Thần cho những người được các ngài tuyển chọn làm lãnh đạo và những người được các ngài rửa tội. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà công cuộc thiết lập hội Thánh của các tông đồ mới dần trở nên hoàn thiện. Người hoạt động trong Hội thánh một cách nào đó mà không ai hiểu được. Ngay cả Phaolô cũng đã phải thừa nhận trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô “ cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25). Khi Phaolô mới được ơn trở lại ông đã cố gắng đi rao giảng cho người Do Thái để đem họ trở về với Chúa nhưng Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy ông đi đến với dân ngoại. Ông đã trăn trở rất nhiều về ý định này nhưng sau cùng ông đã làm theo thánh ý Chúa và đã đưa được rất nhiều người ngoại giáo đi theo Chúa.
Chính Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng trong Hội Thánh và làm cho Hội Thánh phát triển. Ngài đã không ngừng nâng đỡ Hội thánh trong mọi cơn gian nan thử thách. Nhìn lại trong lịch sử của hội thánh chúng ta có thể thấy rõ ràng là có bàn tay của Chúa Thánh Thần can dự vào. Trải qua bao biến cố của lịch sử mà Hội Thánh vẫn còn tồn tại được đến ngày nay đó không phải là do bàn tay của Chúa can dự vào thì làm sao mà Hội Thánh tồn tại như thế được. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong Hội Thánh bằng các đặc sủng mà ngài ban cho các dòng tu để họ có thể hoạt động trong Hội Thánh.
Hơn thế nữa Chúa Thánh Thần cũng hiện diện với từng người trong chúng ta vì mỗi người chúng ta là đền thờ của Ngài. Ngài làm cho chúng ta như những khí cụ của Ngài. Trong kinh nguyện Kitô giáo, người Kitô hữu thường bắt đầu công việc của minh bằng cách cầu xin Chúa Thánh Thần. Vì chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp họ hoàn thành công việc.
(thinh lặng giây lát)

6. Hát (đứng) : Thần Linh Chúa

7. Suy niệm 1 (tt) : (quỳ)

Lạy Chúa Thánh Thần xin tác động đến từng người trong chúng con, là những kẻ đang dấn thân theo Chúa. Xin Chúa hãy dẫn chúng con đi theo con đường mà Ngài đã định cho chúng con. Xin Ngài ban thêm ân sủng trợ lực cho chúng con để chúng con có đủ sức mạnh mà đem tin mừng đến cho mọi người. Xin giúp con có thể mạnh dạn thưa lên “Veni, Sante Spiritus”. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Xin hãy biến đổi chúng con và giúp chúng con trở thành những chứng nhân của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.
(thinh lặng giây lát)

8. Hát (đứng) : Lời Chúa

9. Tin Mừng Ga 10,1-10
: (đứng)

+ Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
"Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ". Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy, Đức Giê-su lại nói : "Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào".
Ðó là lời Chúa.

10. Suy niệm 2 : (ngồi)

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Chúa Giêsu đã tự ví mình như mục tử khi đưa ra hình ảnh đoàn chiên. Khi nhìn vào lịch sử dân Do Thái ta có thể thấy dân Do Thái rất quen thuộc với hình ảnh này vì họ là những người dân du mục. Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc này để nói về liên hệ giữa Người với người ta và giữa người ta với Người. Người là người mục tử nhân lành hiến mạng cho đoàn chiên chẳng tiếc. Chúng ta là đoàn chiên của Người, Người lãnh đạo chúng ta không phải bằng kỷ luật hay bằng hình phạt nhưng mà người lãnh đạo chúng ta bằng tình yêu. Tình yêu của Người được thể hiện qua việc quan tâm chăm sóc và hy sinh cho chúng ta.

Tình yêu của Chúa Giêsu được thể hiện trước hết qua việc Người quan tâm chăm sóc chúng ta. Khi chúng ta yêu mến một ai đó thì biểu hiện đầu tiên của chúng ta đó là quan tâm chăm sóc cho họ. Chúa Giêsu cũng thế, vì yêu thương chúng ta nên Người mới quan tâm chăm sóc cho chúng ta. Người quan tâm đến những nhu cầu nhỏ nhất của chúng ta. Người biết chúng ta cần gì trước cả khi chúng ta xin với Người. Người chăm sóc chúng ta không phải với sự ràng buộc nhưng Người để cho chúng ta tự do. Người chăm sóc chúng ta không phải để chúng ta lệ thuộc vào Người nhưng Người giúp chúng ta trưởng thành hơn. Tình yêu của Người không phải là tình yêu ích kỷ như chúng ta thường thấy ở đời. Tình yêu của chúng ta thường là ích kỷ và muốn chiếm hữu. Nếu so với tình yêu của Chúa Giêsu thì tình yêu của chúng ta chẳng là gì cả. Thế mà chúng ta vẫn cứ tự hào về tình yêu của mình nhất là khi chúng ta làm điều gì tốt cho một ai đó. Chúng ta muốn cho mọi người biết việc tốt của mình làm. Chúng ta không sẵn sàng yêu mọi người bằng tình yêu quan tâm chăm sóc. Nếu có thì cũng chỉ là vì một lợi ích nào đó của chúng ta mà thôi. Nếu so với tình yêu quan tâm chăm sóc của Chúa thì tình yêu của chúng ta thật nhỏ bé chẳng đáng là gì. Tình yêu của Chúa đôi lúc dẫn người ta tới nơi mà mình chưa bao giờ tưởng tượng, nhưng tình yêu này cũng luôn dẫn ta đến với những con người mà ta muốn tìm gặp. Như thế, hy vọng được dưỡng nuôi bởi sự xác tín này : “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16). Kinh thánh đã chưng dẫn rất nhiều ví dụ tình yêu của Chúa Giêsu. Người đã đưa rất nhiều tội nhân quay trở về với đường công chính. Người đã cung cấp cho họ lương thực lành mạnh. Người đưa họ đến những đồng cỏ non đến những dòng suối trong. Người mang đến cho họ lương thực là lời Chúa và thánh ý Chúa Cha. Những lương thực này sẽ giúp cho họ được sống và được sống dồi dào.

Tình yêu của Chúa Giêsu cũng là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất cho một tình yêu. Càng yêu nhiều thì càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến mức độ cho đi mạng sống là tình yêu không gì so sánh được. Chính Chúa Giêsu đã nói “không có tình yêu cao cả nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Khi nhìn lại trong tin mừng chúng ta thấy chính Chúa Giêsu đã thực hành những điều này. Vì yêu thương chúng ta Người đã từ bỏ địa vị làm con Thiên Chúa sống kiếp phàm nhân như chúng ta. Người đã nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Không những thế người đã chấp nhận chết vì chúng ta để đưa chúng ta từ những con người tội lỗi trở về với địa vị làm con Chúa. Ôi tình yêu của chúa thật là cao cả biết bao. Chúng ta có thật sự xứng đáng với tình yêu này không? Khi nhìn lại con người của mình, chúng ta cảm thấy chúng con quá bất xứng với Chúa. Chúng ta chưa thực sự chia sẻ được tình yêu của Chúa cho những người anh em của chúng ta. Nhiều khi chúng ta nhìn những anh em của chúng ta đang sống trong cảnh bất hạnh vì nghèo đói, bệnh tật hay chiến tranh thì chúng ta lại lờ đi. Chúng ta thật quá hờ hững và vô tâm. Chúng ta chưa dám từ bỏ mình để sống theo tình yêu của Chúa, một tình yêu hy sinh bỏ mình. Lạy Chúa chúng con cảm thấy mình thật quá xa vời với tình yêu đó Chúa ơi. Chúng con không biết làm sao để có thể xứng đáng với tình yêu đó Chúa ơi.
(thinh lặng giây lát)

11. Hát (đứng) : Tình Chúa cao vời

12. Suy niệm 2 (tt) : (quỳ)


Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hạnh phúc của Chúa chính là việc chăm sóc, an ủi và yêu thương đoàn chiên của mình. Xin Chúa ban cho các linh mục luôn dấn thân theo con đường của Chúa, luôn biết chia sẻ cảm thông với giáo dân của mình và giúp họ trong cuộc hành trình tiến về đời sau. Xin Chúa cũng ban cho Giáo Hội có thật nhiều ơn gọi đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Thời đại mà cuộc sống văn minh và phát triển đã làm tình trạng ơn gọi đã giảm sút rất nhiều. Cuối cùng, một cách đặc biệt hơn hết chúng con xin cầu nguyện cho những bạn trẻ đang dấn thân trên con đường ơn gọi cũng như những bạn trẻ đang hướng mình theo ơn gọi đi theo Chúa. Xin Chúa ban cho các bạn trẻ đó có một tình thần nhiệt thành và hăng say theo Chúa để họ có thể trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước và làm cho nước Chúa được loan báo khắp hoàn vũ… như ước mong của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu cho Ơn Gọi lần thứ năm mươi năm 2013 đã ngỏ lời các bạn trẻ : “Các bạn trẻ thân mến, dẫu các con đang phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, cha hy vọng các con vẫn có thể nuôi dưỡng khao khát về điều gì có giá trị đích thực với những mục đích cao cả, những lựa chọn triệt để trong việc phục vụ tha nhân và bắt chước Đức Kitô. Các con đừng sợ bước theo Đức Giêsu và bước đi trên những con đường có tính đòi hỏi, can đảm sống đức ái và quảng đại dấn thân. Trên hành trình này, các con sẽ hạnh phúc để phục vụ và làm chứng về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban, các con sẽ là những ngọn lửa sống động về một tình yêu vô hạn và vĩnh cửu, và các con sẽ học để “sẵn sàng đưa ra câu trả lời cho niềm hy vọng nơi các con” (1Pr 3,15). Amen.
(thinh lặng giây lát)

13. Lời kinh Cầu cho ơn gọi (quỳ)
(Đức thánh cha Phaolô VI, 1964)
Lạy Chúa Giê-su là Vị Mục Tử đích thực, – là Đấng chăn dắt các tâm hồn, – Chúa đã chọn các Tông Đồ theo nghề chài lưới người – và không ngừng lôi cuốn các bạn trẻ – có tâm hồn sốt sắng và quảng đại, – để biến họ nên môn đệ Chúa – và thừa tác viên của Hội Thánh ; – xin rèn luyện con người họ – biết chia sẻ nỗi khát khao của Chúa – trong sứ vụ cứu độ phổ quát mà Chúa đã hoàn tất – qua cái chết hồng phúc trên thập giá – và hằng ngày tái diễn nơi Hy Tế Bàn Thờ.
Lạy Chúa là Vị Thượng Tế hằng sống – để chuyển cầu cho nhân loại chúng con, – xin mở ra cho người trẻ chân trời của thế giới hôm nay, – nơi đang vang lên lời cầu nguyện chân thành của biết bao anh chị em, – để họ được ánh sáng chân lý soi dẫn – và có tâm hồn nồng cháy lửa mến yêu – mà quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi : – tiếp nối sứ vụ cứu thế và xây dựng Hội Thánh – là Thân Thể huyền nhiệm của Chúa ; – xin cho họ trở nên “muối đất và ánh sáng trần gian” – làm dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện ngay ở đời này, – hầu tôn vinh Danh Chúa và hướng tới lợi ích mọi người.
Lạy Chúa, xin cho lời đáp trả ơn gọi – cũng trải rộng đến các phụ nữ – có tâm hồn thanh khiết và đầy sức sống, – để họ biết khao khát đời sống trọn lành theo Phúc Âm – và thực hiện tinh thần phục vụ Hội Thánh – một cách cụ thể nơi các anh em mình – là những con người cần đến sự trợ giúp và đức ái của họ. – Chúng con cầu xin, – vì Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn thuở muôn đời. A-men

14. Hát (đứng) : Một đời theo Chúa

15. Lời cầu.
Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta hãy dâng lên Chúa Giêsu Kitô là mục tử nhân lành, hằng luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc và hiến mạng sống vì chúng ta. Trong tâm tình cầu nguyện cho các ơn gọi trong Hội Thánh, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin.
1. Cầu cho Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, các linh mục, phó tế của Hội Thánh : xin Chúa gìn giữ các ngài trong sự bình an và tình yêu của Chúa, để các ngài luôn chan chứa niềm vui hướng nhìn về Chúa, trở nên giống Chúa là Vị Mục Tử nhân lành, hy sinh và can đảm dâng hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Chúng ta cùng cầu nguyện !
2. Cầu cho các gia đình là vườn ươm các ơn gọi : xin Chúa ban ơn cho các bậc cha mẹ luôn sống đạo đức thánh thiện, nêu gương sáng và quảng đại dâng hiến con cái cho Chúa, để phục vụ Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện !
3. Cầu cho các người trẻ hôm nay : xin Chúa gìn giữ và uốn nắn cuộc đời họ luôn phù hợp với Thánh ý của Chúa, để với ơn Chúa giúp, Hội Thánh luôn có nhiều tâm hồn sẵn sàng đáp lại tiếng gọi tình yêu của Chúa, dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và sống niềm vui yêu thương phục vụ mọi người. Chúng ta cùng cầu nguyện !
4. Cầu cho công cuộc đào tạo linh mục của Hội Thánh : xin Chúa chúc lành và khơi dậy nơi các thành phần dân thánh ý thức góp phần nuôi dưỡng và nâng đỡ những người được Chúa kêu gọi. Chúng ta cùng cầu nguyện !
Lạy Cha chúng con…

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
toàn thân thể Hội Thánh được thánh hóa và cai quản
do Thánh Thần của Chúa ;
xin nhậm lời chúng con khẩn cầu cho các thừa tác viên của Chúa ;
để mọi người, nhờ ơn Chúa giúp,
biết vì Chúa mà trung thành phụng sự Hội Thánh.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

16. Hát : Kinh Hòa Bình

Kết thúc
- hát Này con là Đá ! - Lời nguyện cầu cho Đức Giáo hoàng.
- hát Đây nhiệm tích. - Lời nguyện và phép lành MTC.
Kinh Trông Cậy : (quỳ)
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê, chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Đ/ Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
*Các câu lạy
Lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Đ/ Thương xót chúng con.
Lạy Trái Tim cực thanh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đ/ Cầu cho chúng con.
Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Đ/ Cầu cho chúng con.
 
Mời tham dự Đại lễ kỉ niệm ngày tìm được Linh Ảnh Mẹ La Mã – Bến Tre
Trung Tâm Hành Hương
12:25 15/04/2013
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã – Bến Tre mừng đại lễ kỷ niệm 63 năm tìm lại được Linh Ảnh của Mẹ (05/05/1950). Thứ Bảy ngày 04 tháng 05 năm 2013, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục Giáo phận Vĩnh Long sẽ về Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã – Bến Tre chủ tế Thánh Lễ khai mạc trong dịp trọng đại này.

Chương trình mừng lễ kỷ niệm 63 năm tìm được Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp:

I. Thứ Bảy, 04.05, Thánh Lễ Khai Mạc

8g30: Diễn nguyện

9g00: Tập hát và Giờ Hành Hương kính ĐM HCG.

10g00: Chuẩn bị Thánh Lễ đồng tế do ĐGM Giáo phận chủ tế

10g30: Thánh Lễ Đồng tế trọng thể tại lễ đài.

Sau Thánh Lễ có Làm phép Ảnh và Chuỗi Mân Côi.

II. Chúa Nhật, 05.05, Lễ Kỷ Niệm Ngày Tìm Được Ảnh Mẹ

9g30: Tập hát và Giờ Hành Hương kính ĐM HCG.

10g00: Chuẩn bị Thánh Lễ đồng tế

10g30: Thánh Lễ Đồng tế trọng thể

Sau Thánh Lễ có Làm phép Ảnh và Chuỗi Mân Côi.

Khi đến trung tâm hành hương trong những ngày này:

- Xe từ 25 chỗ trở xuống, xin chạy thẳng vào trung tâm hành hương

- Xe trên 25 chỗ, xin dừng tại ngã ba Sơn Đốc và đi xe ôm vào.

- Xin quý Cha mang lễ phục trắng

Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho ngày lễ được mọi sự tốt đẹp theo ý Chúa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đời Nữ Tu
Tấn Đạt
16:26 15/04/2013
ĐỜI NỮ TU
Ảnh của Tấn Đạt (Hình chụp tại Tu viện Carmel Huế)
Quên đi lạc thú trần đời
Theo chân Thánh giá, sống lời Phúc Âm.
(nđc)