Ngày 27-04-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hơn một triệu người dự lễ phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II
Vũ Văn An
11:25 27/04/2014
Hôm nay, Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI đã tôn vinh Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II lên hàng hiển thánh. Các khách hành hương Ba Lan mang cờ đỏ trắng của quê hương Đức Gioan Phaolô II là những người đầu tiên tới Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Phần lớn những người đến đầu tiên đã cắm trại qua đêm dọc theo những con phố dẫn tới Công Trường. Những người khác thì thức trắng đêm để dự canh thức tại hàng chục nhà thờ tại Rôma.

Hình ảnh

Đó là tường trình của Mark Duell của Mail Online.

Hôm nay, 27 tháng 4 năm 2014, hàng trăm ngàn người đã đứng chật Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô để tham dự ngày lịch sử có liên hệ tới 4 vị giáo hoàng. Với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô đã công bố Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II là hiển thánh, trong một buổi lễ phong hiển thánh đầu tiên có sự cử hành của hai vị giáo hoàng.

Đức Bênêđíctô, nay đã 87 tuổi, ngồi xa xa, cạnh các vị Hồng Y tại Công Trường trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Theo sự ước tính của cảnh sát Ý, khoảng một triệu người đã tham dự Thánh Lễ phong hiển thánh tại Công Trường, trên các đường phố chung quanh và các công trường gần đó với các màn ảnh TV lớn được đặt tại những nơi này.

Đức Phanxicô đọc công thức phong thánh bằng tiếng La Tinh rằng sau khi bàn tính, tham khảo và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa, “ta tuyên bố và xác định rằng các Chân Phúc |Gioan XXIII và Gioan Phaolô II là các hiển thánh và ta sẽ ghi danh các ngài vào số các thánh và truyền rằng các ngài được tôn kính như thế bởi toàn thể Giáo Hội”.

Các khách hành hương Ba Lan mang cờ đỏ trắng của quê hương thân yêu Đức Gioan Phaolô là những người đầu tiên kéo nhau vào Công Trường trước lúc hừng đông. Họ bị chận lại bởi hàng rào người gồm các nhân viên bảo vệ dân sự mặc áo vét có lân tinh đứng giữ trật tự.

Phần lớn những người đến đầu tiên đã phải cắm trại ngoài trời qua đêm dọc theo các con phố dẫn và Công Trường. Những người khác thức suốt đêm tham dự các buổi canh thức do hàng chục nhà thờ ở trung tâm Rôma tổ chức.

Davit Halfer, một người Ba Lan, phát biểu: “bốn vị giáo hoàng trong một buổi lễ, quả là tuyệt vời để thấy và hiện diện với, đây là lịch sử đang được viết ra dưới mắt chúng tôi”. Ngày hôm qua, Tòa Thánh đã chấm dứt một tuần lễ suy đoán bằng cách xác nhận rằng: Đức GH hưu trí sẽ thực sự tham dự lễ phong hiển thánh.

Đức Bênêđíctô vốn hứa sẽ “ẩn dật khỏi thế gian” sau khi từ nhiệm vào năm ngoái, nhưng Đức Phanxicô đã thuyết phục ngài ra khỏi cảnh hưu trí và mời ngài tham dự sinh hoạt công cộng của Giáo Hội. Từ trước đến nay, Giáo Hội Công Giáo không hề được thấy vị giáo hoàng đang trị vì và vị giáo hoàng hưu trí cùng cử hành một Thánh Lễ công cộng chung với nhau.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, có lễ phong hiển thánh cho hai vị giáo hoàng cùng một lúc. Quyết định của Đức Phanxicô phong hiển thánh cho hai nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là một hành vi cân bằng khá tế nhị, đem lại cho cả bên bảo thủ lẫn bên cấp tiến trong Giáo Hội mỗi bên một vị thánh mới.

Đức Gioan XXIII trị vì từ năm 1958 tới năm 1963, trong khi Đức Gioan Phaolô II có một triều đại kéo dài một phần tư thế kỷ, từ năm 1978 tới năm 2005. Ngôi vị giáo hoàng chu du khắp thế giới và từng phát động Ngày Giới Trẻ Thế Giới của vị sau đã lên sinh lực cho cả một thế hệ Công Giáo mới. Và việc ngài bênh vực các giáo huấn nòng cốt của Giáo Hội đã làm ấm lòng phe bảo thủ sau thập niên 1960 đầy sóng gió.

Therese Andjoua, một y tá 49 tuổi từ Librevill, Gabon tới đây với khoảng 300 khách hành hương, cho hay “Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng của chúng tôi”. Bà mặc chiếc áo dài Châu Phi cổ truyền có hình hai vị thánh mới. Bà kể lại: “Năm 1982, khi tới Gabon, ngài hôn đất và nói chúng tôi ‘hãy chỗi dậy, tiến bước và đừng sợ hãi’”. Vừa nghỉ tựa vào đống chai nước, bà vừa bảo “Khi nghe tin ngài được phong hiển thánh, chúng tôi đã chỗi dậy”.

Các vị vua và hoàng hậu, các tổng thống và thủ tướng của hơn 90 quốc gia đã tham dự lễ phong hiển thánh. Trong số các vị vọng, người ta thấy TT Ý Giorgio Napolitano và vợ là Clio; TT Zimbabwe Robert Mugabe và vợ là Grace Mugabe, TT Ba Lan Bronislaw Komorowski và vơ5 là Anna Komorowski, và cựu TT Ba Lan Aleksander Kwasniewski…

Khoảng 20 nhà lãnh đạo Do Thái Giáo từ Hoa Kỳ, Israel,Ý và quê hương Argentina của Đức Phanxicô và Ba Lan cũng đã tham dự.

Đây là dấu chỉ việc họ đánh giá cao các tiến bộ thực hiện được trong các liên hệ Công Giáo – Do Thái dưới thời hai Đức Gioan và Gioan Phaolô cũng như các vị kế nhiệm các ngài đang cử hành Thánh Lễ hôm nay.

Sơ lược tiều sử Đức Gioan Phaolô II:

1920: Sinh ra với tên Karol Wojtyla tại Poland

• 1946: Chịu chức linh mục

• 1964: Trở thành TGM Krakow

• 1978: Được bầu làm giáo hoàng lúc 58 tuổi

• 1981: Bị bắn trọng thương.

• 2001: Chẩn đoán mắc chứng Parkinson

• 2003: Cử hành Lễ Bạc tại Vatican

• 2004: Trở thành triều giáo hoàng dài thứ ba xưa nay

• 2005: Qua đời vì nhồi máu cơ tim

Đức Gioan Phaolô giúp phá sập chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan qua việc ngài ủng hộ Phong Trào Đoàn Kết. Ngôi vị giáo hoàng chu du khắp thế giới và từng phát động Ngày Giới Trẻ Thế Giới của ngài đã lên sinh lực cho cả một thế hệ Công Giáo mới. Và việc ngài bênh vực các giáo huấn nòng cốt của Giáo Hội đã làm ấm lòng phe bảo thủ sau thập niên 1960 đầy sóng gió.

Sơ lược tiều sử Đức Gioan XXIII:

1881: Sinh tại Ý với tên Angelo Roncalli

• 1904: Chịu chức linh mục

• 1953: Được cử làm Thượng Phụ Venice.

• 1958: Kế nhiệm Đức Piô XII lúc 77 tuổi.

• 1962: Triệu tập Công Đồng Vatican II.

• 1962: Được Time nêu danh là Người Của Năm.

• 1963: Qua đời vì bệnh dạ dầy.

• 2000: Dưới danh nghĩa “Giáo Hoàng Tốt Lành”, được Đức Gioan Phaolô II phong chân phúc.

Đức Gioan là người anh hùng của người Công Giáo cấp tiến vì đã triệu tập Công Đồng Vatican II. Công đồng này đem Giáo Hội vào thời hiện đại bằng cách cho phép Thánh Lễ được cử hành bằng ngôn ngự địa phương và bằng việc khích lệ đối thoại nhiều hơn với người thuộc các tín ngưỡng khác, nhất là người Do Thái Giáo.

Hai vị giáo hoàng hiện còn sống tôn vinh hai vị giáo hoàng quá cố: điều bạn cần biết về lễ nghi tại Vatican hôm nay

Trong một nghi lễ có tính lịch sử xưa nay, Đức GH Phanxicô và Đức GH hưu trí Bênêđíctô đã tôn vinh hai Đức GH Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II lên hàng hiển thánh trong một buổi lễ phong thánh đầu tiên có hai vị giáo hoàng hiện diện.

Với một dịp trọng đại như thế, nghi thức lại khá vắn vỏi và rất dễ hiểu, ơn một ơn phúc phụ là di hài của hai vị thánh mới đã được trưng bày cho toàn thể Giáo Hội tôn kính lần đầu tiên.

Sau đây là 4 điều đáng lưu ý.

1. Nghi lễ

• Phần sơ khởi bắt đầu với các lời cầu nguyện, thánh ca, và đỉnh cao là hát Kinh Cầu Các Thánh với câu đáp “Ora pro nobis” (cầu cho chúng con).

• Sau khi Đức GH Phanxicô và các vị đồng tế tiến lênbàn thờ, nghi thức phong thánh bắt đầu ngay sau đó.

• Vị đứng đầu bộ phong thánh, tức Đức HY Angelo Amato yêu cầu Đức GH ba lần ghi danh Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vào số các thánh.

2. Tuyên bố

• Sau đó, Đức GH Phanxicô tuyên bố “Để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa, để hiển dương đức tin Công Giáo và gia tăng đời sống Kitô Giáo, do thẩm quyền của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, và của các Thánh Ti6ng Đồ Phêrô và Phaolô, và do thẩm quyền của ta, sau khi đã suy tính cẩn thận và liên lỉ cầu xin Chúa phù giúp, và sau khi đã tham khảo nhiều anh em trong hàng giám mục, ta tuyên bố và xác định rằng chân phúc Gioan XXIII và chân phúc Gioan Phaolô II là các hiển thánh và ta ghi danh các ngài vào số các thánh, đồng thời ra chỉ sắc rằng các ngài được tòan thể Giáo Hội tôn kính như thế. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”

3. Các di hài

• Di hài của hai vị thánh mới sau đó được rước lên bàn thờ. Trường hợp Đức Gioan Phaolô, cùng một di hài là hộp đựng máu của ngài, từng được dùng trong nghi thức phong chân phúc, đã được rước lên.

• Đối với Đức Gioan XXIII, một mảnh da nhỏ lấy từ thi thể ngài từng được khai quật cho lễ phong chân phúc cho ngài năm 2000 đã được rước lên.

• Đức HY Amato sau đó cám ơn Đức GH Phanxicô và xin ngài công bố văn kiện chính thức làm chứng cho lễ phong hiển thánh.

• Đức GH Phanxicô thưa: ‘Ta ra sắc chỉ như thế’ và nghi thức kết thúc với việc hát Kih Sáng Danh.

• Sau đó là Thánh Lễ Đại Trào.

4. Con số

• Toàn thánh cho hay: Đức Phanxicô chủ tọa Thánh Lễ với Đức Bênêđíctô đồng tế cùng với 150 Hồng Y và gần 1 ngàn giám mục. Đây là lần đầu tiên Đức Bênêđíctô tham gia với Đức Phanxicô cử hành Thánh Lễ công khai từ ngày ngài từ nhiệm vào năm 2013. Hồi tháng Hai, Đức Bênêđíctô tham dự nghi thức phong Hồng Y cho 19 vị tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô nhưng trong vai trò “quan sát viên”.

• Khoảng 600 linh mục đã cho rước lễ tại Công Trường và khoảng 250 phó tế cho rước lễ tại cá ckhu vực chung quanh.

• 93 phái đoàn chính thức đã tham dự trong đó có khoảng 24 vị đứng đầu quốc gia. Ba Lan gửi phái đoàn đông đảo nhất với đương kim tổng thống và hai cựu tổng thống, trong đó có Lech Walesa, người sáng lập của Phong Trào Đoàn kết từng được Đức Gioan Phaolô II hỗ trợ. Các vua và hoàng hậu của Tây Ban Nha và của Bỉ, cũng như các thành viên hoàng gia của Andorra, của Anh, và Lục Xâm Bảo cũng đã tham dự. Sau nghi lễ, Đức Phanxicô đã gặp tất cả các vị vọng này.
 
Thánh lễ và bài giảng trong Lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2
Lm. Trần Đức Anh OP, Mai Anh
11:36 27/04/2014
Thánh lễ và bài giảng trong Lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2

Thánh Lễ

Lúc quá 9 giờ 30, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tiến vào địa điểm hành lễ, giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Ngài ngồi ở ghế đầu dành cho các Hồng Y, phía sau đã có 700 GM trong phẩm phục đồng tế ngồi sẵn.

Các tín hữu cũng cảm động vỗ tay như vậy khi tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, và phu nhân đến chào ngài, khi đến khu vực dành cho các vị nguyên thủ quốc gia.

10 giờ kém 5 phút, trong khi ca đoàn và mọi người hát kinh cầu các thánh, đoàn 150 Hồng Y đồng tế bắt đầu tiến từ bên trong đền thờ Thánh Phêrô tiến ra lễ đài, đi trước là các vị Thượng Phụ và TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. Đi sau cùng là ĐTC Phanxicô. Ngài xông hương bàn thờ xong và tiến lại chào vị tiền nhiệm Biển Đức 16 của ngài, trước khi tiến đến bái kính tượng Đức Mẹ và đến ngai tòa.

Nghi thức phong hiển thánh bắt đầu với 3 lần ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên hai chân phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 vào Sổ Bộ các thánh. Sau lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin Thiên Chúa toàn năng nhờ Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh điều mà chúng ta sắp thực hiện. Sau lời thỉnh cầu thứ hai, ĐTC mời gọi cộng đoàn hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Linh. Sau lời xin thứ 3 của ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ĐTC đã tuyên đọc công thức phong thánh:

”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 là Hiển Thánh, và chúng tôi ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo (Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa), trong khi đó, thánh tích của hai vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ. Thánh tích của Đức Gioan 23 là một mảnh da của Người, và của Đức Gioan Phaolô 2 là một ống nhỏ đựng máu của thánh nhân.

Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về việc Thánh Tôma tông đồ được Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi động chạm đến những vế thương để tin và đừng cứng lòng nữa. ĐTC nói đến lòng can đảm của hai vị thánh Giáo Hoàng không hổ thẹn về những vết thương của Chúa, ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh trong việc hướng dẫn Dân Chúa, và ĐTC đặc biệt cầu xin Đức Gioan Phaolô 2, vị Giáo Hoàng của gia đình, hướng dẫn hành trình của Thượng Hội đồng GM về gia đình.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

”Nơi trọng tâm Chúa Nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.

”Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài. 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

”Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: ”Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).

”Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn. Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một ”niềm hy vọng sinh động”, cùng với một ”niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.

”Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ bi, trong đơn sơ và huynh đệ.

”Và đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican 2 đã có trước mắt. Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian 2, Đức Gioan 23 đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh.

”Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng HĐGM về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng HĐGM này, Giáo Hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương”.
 
Tiểu sử hai Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II
Bản dịch của VietCatholic
17:31 27/04/2014
VATICAN - Trong nghi lễ tuyên thánh cho hai vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II hôm nay (27.4.20014) tại quảng trường Thánh Phêrô, Thánh lễ bắt đầu như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô vừa làm dấu thánh giá khai mạc buổi lễ.

Trước hết, Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Phong Thánh sẽ tuyên đọc tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Sau đó, Đức Thánh Cha và cộng đoàn sẽ cùng quỳ gối đọc kinh cầu các thánh xin Chúa đoái thương và gìn giữ Hội Thánh của Ngài trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Lễ nghi sẽ được tiếp nối với việc các cáo thỉnh viên của án phong thánh tiến lên xin Đức Thánh Cha Phong Thánh cho hai vị là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô II.

Phần quan trọng nhất trong lễ nghi ngày hôm nay sẽ diễn ra sau đó với việc Đức Thánh Cha Phanxicô long trọng đọc công thức Phong Thánh và tuyên bố hai vị Chân Phước Giáo Hoàng là Thánh.

Sau đó, các phần của Thánh Lễ ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa sẽ diễn ra như thường lệ.

Kính thưa quý vị và anh chị em, sau đây là phần tiều sử 2 vị Thánh chính thức được công bố hôm nay:

Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Phong Thánh đang tiến lên trước Đức Thánh Cha và tuyên đọc tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

Tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan XXIII

Angelo Giuseppe Roncalli sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881, tại Sotto il Monte, thuộc giáo phận và tỉnh Bergamo. Là con thứ tư của gia đình, ngài được rửa tội cùng ngày. Dưới sự dìu dắt của vị linh mục chính xứ xuất chúng, Cha Francesco Rebuzzini, ngài được đào tạo sâu sắc về phương diện Giáo Hội, một sự đào tạo sẽ nâng đỡ ngài trong lúc khó khăn và gợi hứng cho ngài trong các công tác tông đồ.

Ngài được thêm sức và rước lễ lần đầu năm 1889 và gia nhập chủng viện Bergamo năm 1892. Ngài tiếp tục học cổ điển và thần học tại đây cho tới năm thứ hai thần học. Mới chỉ là một thiếu niên 14 tuổi, ngài đã bắt đầu viết nhật ký thiêng liêng và lưu giữ chúng dưới nhiều hình thức khác nhau cho tới ngày qua đời. Sau này, tất cả các nhật ký này đã được gom lại thành cuốn Nhật Ký Của Một Linh Hồn. Chính tại nơi này, ngài bắt đầu thực hành đều đặn việc linh hướng. Ngày 1 tháng 3 năm 1896, vị linh hướng của Chủng Viện Bergamo, Cha Luigi Isacchi, ghi danh cho ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô; ngài khấn luật dòng này ngày 23 tháng 5 năm 1897.

Từ năm 1901 tới năm 1905, ngài theo học Giáo Hoàng Chủng Viện Rôma, nơi ngài được giáo phận Bergamo cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú. Trong khoảng thời gian này, ngài hoàn tất một năm nghĩa vụ quân sự. Ngài được truyền chức linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1904 ở Rôma, tại nhà thờ Santa Maria in Monte Santo in Piazza del Popolo. Năm 1905, ngài được cử làm thư ký cho tân giám mục của giáo phận Bergamo, là Đức Cha Giacomo Maria Radini Tedeschi. Ngài giữ vai trò này cho tới năm 1914, tháp tùng Đức Cha đi thăm viếng mục vụ và tham gia nhiều sáng kiến mục vụ khác như hội đồng giám mục, viết xã luận cho nguyệt san giáo phận tên là La Vita Diocesana (Sinh Hoạt Giáo Phận), đi hành hương và nhiều công trình xã hội khác nhau. Ngài cũng dạy các môn lịch sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện. Năm 1910, khi duyệt lại qui chế của Công Giáo Tiến Hành, Đức Cha giáo phận trao cho ngài việc chăm sóc mục vụ cho các phụ nữ Công Giáo (phân bộ V). Ngài thường xuyên viết cho nhật báo Công Giáo của giáo phận Bergamo. Ngài cũng là một diễn giả cần mẫn, sâu sắc và hữu hiệu.

Đó là những năm ngài tiếp xúc sâu sắc với các vị thánh giám mục: Thánh Charles Borromeo (mà tác phẩm Atti della Visita Apostolica, được hoàn thành tại Bergamo năm 1575, sẽ được chính ngài phát hành sau này), Thánh Phanxicô de Sales và chân phúc Gregorio Barbarigo. Đó cũng là những năm tháng hoạt động mục vụ vĩ đại bên cạnh Đức Cha Radini Tedeschi. Khi vị này qua đời vào năm 1914, Cha Roncalli tiếp tục thừa tác vụ linh mục của mình trong vai trò giáo sư chủng vidện và phụ tá linh hướng cho nhiều hiệp hội Công Giáo.

Khi Ý tham chiến vào năm 1915, ngài bị gọi thục hành nghĩa vụ quân sự trong tư cách trung sĩ quân y. Một năm sau, ngài trở thành tuyên úy quân đội, phục vụ tại các bệnh viện quân sự tại hậu phương, và phối hợp việc chăm sóc thiêng liêng và luân lý cho các binh sĩ. Lúc chấm dứt chiến tranh, ngài mở một Cư Xá Cho Các Sinh Viên và chính ngài cũng phục vụ làm tuyên úy cho sinh viên. Năm 1919, ngài được cử làm linh hướng cho chủng viện.

Năm 1921 đánh dấu giai đoạn hai trong cuộc đời của ngài: phục vụ Tòa Thánh. Được Đức Bênêđíctô XV triệu về Rôma làm chủ tịch hội đồng trung ương Hội Truyền Bá Đức Tin của Ý, ngài đi thăm nhiều giáo phận và nhiều giới truyền giáo có tổ chức của Ý. Năm 1925, Đức Piô XI cử ngài làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Bulgaria, nâng ngài lên chức giám mục, hiệu tòa Areopolis. Ngài chọn khẩu hiệu giám mục là Oboedentia et Pax (vâng lời và bình an), một khẩu hiệu được dùng làm chương trình cho đời ngài.

Được phong chức giám mục ngày 19 tháng 3, năm 1925, ngài tới Sophia ngày 25 tháng 4. Sau đó, được cử làm Đại Diện Tòa Thánh đầu tiên tại Bulgaria, Đức Tổng Giám Mục Roncalli tiếp tục phục vụ tại đây cho tới năm 1934, thăm viếng các cộng đoàn Kitô Giáo và phát huy các mối liên hệ tương kính đối với các cộng đoàn Kitô Giáo khác. Ngài có mặt và cung cấp nhiều trợ giúp bác ái trong vụ động đất năm 1928. Ngài âm thầm chịu đựng các hiều lầm cũng như các khó khăn của một thừa tác vụ lúc tiến ngừng. Ngài phát triển việc hiểu mình và niềm tự tin cũng như phó thác trong tay Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Ngày 27 tháng 11 năm 1934, Ngài được cử làm Đại Diện Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trách nhiệm mới của ngài bao trùm một khu vực khá rộng. Giáo Hội Công Giáo hiện diện nhiều cách tại Cộng Hòa non trẻ Thổ Nhĩ Kỳ; Cộng Hòa này đang trong diễn trình đổi mới và tự tổ chức. Thừa tác vụ của ngài đối với người Công Giáo khá đòi hỏi và ngài được tiếng trong cung cách kính trọng của ngài và trong việc đối thoại với người Chính Thống Giáo và Hồi Giáo. Lúc Thế Chiến Hai bùng nổ, ngài đang có mặt tại Hy Lạp, lúc ấy đang bị chiến trận tàn phá. Ngài tìm cách thâu lượm tin tức về tù binh chiến tranh và ra tay cứu sống nhiều người Do Thái bằng cách phát hành nhiều chiếu khán quá cảnh cho họ. Ngày 6 tháng 12 năm 1944, ngài được Đức Piô XII cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Paris.

Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh và trong những ngày đầu của hòa bình, Đức TGM Roncalli trợ giúp các tù binh chiến tranh và góp tay phục hồi ổn định cho sinh hoạt của Giáo Hội Pháp. Ngài thăm viếng các đền thờ của Pháp và tham dự các lễ lạy bình dân cũng như các biến cố tôn giáo có ý nghĩa hơn. Ngài chăm chú, khôn ngoan và đáng tin trong cách tiếp cận với các sáng kiến mục vụ mới do các linh mục và giám mục Pháp đưa ra. Ngài không ngừng tìm cách nhập thân tính đơn giản của Tin Mừng, cả khi phải đương đầu với những vấn đề ngoại giao phức tạp nhất. Ý muốn trở thành linh mục luôn nâng đỡ ngài trong mọi hoàn cảnh. Lòng đạo đức sâu sắc của ngài được phát biểu rõ ràng trong các thời điểm cầu nguyện và suy ngắm.

Ngày 12 tháng 1 năm 1953, ngài được tấn phong Hồng Y và ngày 25 tháng 1, ngài được cử làm Thượng Phụ Venic e. Ngài hân hoan được tận hiến quãng đời sau cùng của ngài cho thừa tác vụ mục vụ trực tiếp, một nguyện vọng ngài luôn trân quí trong đời linh mục. Ngài là một mục tử khôn ngoan và đầy sinh lực, sẵn sàng bước theo chân các vị giám mục thánh thiện mà ngài hằng ngưỡng mộ: Thánh Lorenso Giustiniani, thượng phụ tiên khởi của Venice và thánh Piô X. Càng có tuổi, ngài càng tín thác nơi Chúa Kitô, trong bối cảnh một thừa tác vụ tích cực, mạnh dạn và đầy hân hoan.

Sau khi Đức Piô XII qua đời, ngài đựợc bầu làm giáo hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958, lấy tên là Gioan XXIII. Trong 5 năm làm giáo hoàng, ngài xuất hiện với thế giới như là hình ảnh đích thực của Người Chăn Chiên Tốt Lành. Khiêm nhường và hiền lành, tháo vát và đảm lược, đơn sơ và luôn tích cực, ngài đảm nhiệm nhiều công trình bác ái phần xác và phần hồn, thăm viếng tù nhân và người bệnh, chào đón người thuộc mọi quốc gia và tôn giáo, biểu lộ một cảm thức phụ tử tuyệt diệu với mọi con người. Huấn quyền xã hội của ngài chứa đựng trong thông điệp Mẹ và Thầy (1961) và Hoà Bình Trên Trái Đất (1963).

Ngài triệu tập công đồng Rôma, thiết lập Ủy Ban Duyệt Xét Bộ Giáo Luật, và triệu tập Công Đồng Vatican II. Là giám mục Rôma, ngài đi thăm các giáo xứ và các nhà thờ trong trung tâm lịch sử và các khu ngoại thành. Nơi ngài, dân chúng nhận ra sự phản ảnh của benignitas evangelica (lòng nhân hậu của tin mừng) nên đã gọi ngài là “vị giáo hoàng nhân hậu”. Một tinh thần cầu nguyện sâu sắc luôn nâng đỡ ngài. Là sức mạnh lèo lái đứng đàng sau phong trào canh tân Giáo Hội, ngài nhập thân sự bình an của một người luôn tín thác hoàn toàn nơi Chúa. Ngài cương quyết tiến bước trên con đường phúc âm hóa, đại kết và đối thoại, và biểu lộ một quan tâm phụ tử muốn vươn tay ra cho tất cả những con cái cơ cực nhất.

Ngài qua đời tối ngày 3 tháng 6 năm 1963, ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong một tinh thần phó thác sâu xa cho Chúa Giêsu, tha thiết được nằm trong vòng tay Người, và được bao bọc bằng lời cầu nguyện của toàn thế giới; dừng như cả thế giới đang quây quần cạnh giường ngài để cùng ngài thở hơi thở yêu thương Chúa Cha.

Đức Gioan XXIII được Đức Gioan Phaolô II phong chân phúc ngày 3 tháng 9 năm 2000 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, trong năm cử hành Năm Đại Thánh 2000.

Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Phong Thánh đang tuyên đọc tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Karol Józef Wojtyla, được bầu làm giáo hoàng ngày 16 tháng 10 năm 1978, sinh tại Wadowice, Ba Lan, ngày 18 tháng 5 năm 1920.

Ngài là con thứ ba trong số ba người con của ông Karol Wojtyla và bà Emilia Kaczorowska, người đã qua đời năm 1929. Anh trai của ngài là Edmund, một y sĩ, qua đời năm 1932, và cha ngài, ông Karol, một viên hạ sĩ quan của lục quân, qua đời năm 1941.

Lên 9, ngài được rước lễ lần đầu. Và lên 18, ngài được thêm sức. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Wadowice, ngài ghi danh học tại Đại Học Jagellonian ở Krakow năm 1938.

Khi lực lượng chiếm đóng của Quốc Xã đóng cửa trường đại học vào năm 1939, Karol làm việc trong một hầm đá và sau đó trong nhà máy hóa chất Solvay (1940-1944) để kiếm kế sinh nhai và tránh khỏi bị phát vãng qua Đức.

Cảm nhận mình được kêu gọi làm linh mục, năm 1942, ngài bắt đầu theo học đại chủng viện chui của giáo phận Krakow, do Đức TGM Adam Stefan Sapieha điều khiển. Trong thời gian này, ngài là một trong những người tổ chức ra Ban Kịch Sống Động, hoạt động trong bóng tối.

Sau chiến tranh, Karol tiếp tục việc học tại đại chủng viện mới được mở lại, và tại trường thần học của Đại Học Jagellonian cho tới khi được thụ phong linh mục tại Krakow ngày 1 tháng 11 năm 1946. Sau đó, tân linh mục Wojtyla được Đức HY Sapieha gửi tới Rôma, nơi ngài đậu bằng tiến sĩ thần học năm 1948. Ngài viết luận án về đức tin như đã được hiểu trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá. Lúc còn học ở Rôma, ngài dành kỳ nghỉ làm mục vụ cho các các di dân Ba Lan ở Pháp, ở Bỉ và ở Hòa Lan.

Năm 1948, Cha Wojtyla trở về Ba Lan và được cử làm phó xứ tại nhà thờ Niegowic, gần Krakow, và sau đó tại nhà thờ Thánh Florian ở trung tâm thành phố. Ngài là tuyên úy đại học cho tới năm 1951, lúc ngài đi học triết học và thần học một lần nữa. Năm 1953, Cha Wojtyla trình luận án tại ĐH Jagellonian về việc có thể đặt cơ sở cho đạo đức học Kitô Giáo trên hệ thống đạo đức của Max Scheller. Sau đó, ngài trở thành giáo sư thần học luân lý tại Đại Chủng Viện Krakow và tại phân khoa thần học của ĐH Lublin.

Ngày 4 tháng 7 năm 1958, Đức Piô XII cử Cha Wojtyla làm giám mục phụ tá của giáo phận Krakow, hiệu tòa Ombi. Đức TGM Eugeniusz Baziak tấn phong ngài tại Nhà Thờ Chính Toà Wawel (Krakow) ngày 28 tháng 9 năm 1958.

Ngày 13 tháng 1 năm 1964, Đức Phaolô VI của Đức Cha Wojtyla làm Tổng Giám Mục Krakow và sau đó, ngày 26 tháng 6 năm 1967, ngài được phong Hồng Y.

Đức Cha Wojtyla tham dự Công Đồng Vatican II (1962-1965) và đưa ra nhiều đóng góp có ý nghĩa trong việc soạn thảo hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng. Ngài cũng tham dự 5 kỳ họp của Thượng HỘi Đồng Giám Mục trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đức HY Wojtyla được bầu làm giáo hoàng và ngày 22 tháng 10, ngài bắt đầu thừa tác vụ của ngài như là Mục Tử của toàn thể Giáo Hội.

Đức Gioan Phaolô II thực hiện 146 cuộc tông du tại Ý, và trong tư cách Giám Mục Rôma, ngài thăm 317 trong tổng số 322 giáo xứ Rôma. Các cuộc tông du quốc tế của ngài lên tới 104; các cuộc tông du này nói lên quan tâm mục vụ thường hằng của Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô đối với mọi Giáo Hội.

Các văn kiện chính của ngài bao gồm 14 thông điệp, 15 tông huấn, 11 tông hiến và 45 tông thư. Ngài cũng viết 5 cuốn sách: Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng (10/1994); Hồng Phúc và Mầu Nhiệm: Kỷ Niệm Lần Thứ 15 Tôi Được Thụ Phong Linh Mục” (tháng 11 năm 1996), Tranh Ba Bức Rôma: Suy Niệm Trong Thi Ca (tháng 3, 2003), Đứng Dậy, Nào Ta Lên Đường (Tháng 5, 2004) và Ký Ức Và Bản Sắc (tháng 2, 2005).

Đức Gioan Phaolô II cử hành 147 lễ phong chân phúc, trong đó, ngài đã phong chân phúc cho 1,338 vị, và cử hành 51 lễ phong thánh cho tất cả 482 vị. Ngài triệu tập 9 mật nghị viện Hồng Y, trong đó ngài tấn phong Hồng Y cho 231 vị (và 1 vị in pectore). Ngài cũng chủ tọa 6 phiên họp toàn thể Hồng Y Đoàn.

Từ năm 1978, Đức Gioan Phaolô II triệu tập 15 phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới: 6 phiên khoáng đại thông thường (1980, 1983, 1987, 1990, 1994 và 2001), 1 phiên khoáng đại bất thường (1985) và 8 phiên đặc biệt (1980, 1991, 1994, 1995, 1997, 1998 [2] và 1999). Ngày 3 tháng 5 1981, một vụ mưu sát Đức Gioan Phaolô II đã diễn ra tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Được bàn tay từ mẫu của Mẹ Thiên Chúa cứu chữa, sau một kỳ dưỡng thương dài tại bệnh viện, ngài đã tha thứ cho kẻ mưu toan sát nhân và, vì ý thức rằng mình đã lãnh nhận một hồng ân vĩ đại, nên ngài đã tăng cường các cam kết mục vụ của ngài một cách quảng đại anh hùng.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã biểu lộ quan tâm mục vụ của ngài qua việc thiết lập khá nhiều giáo phận và giáo hạt, và qua việc công bố các bộ giáo luật cho các Giáo Hội La Tinh và Đông Phương, cũng như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Ngài công bố Năm Cứu Chuộc, Năm Thánh Mẫu và năm Thánh Thể cũng như Năm Đại Thánh 2000 để cung cấp cho Dân Thiên Chúa những trải nghiệm thiêng liêng hết sức nồng đậm. Ngài cũng lôi cuốn giới trẻ bằng cách khởi sự cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Không có vị giáo hoàng nào khác từng gặp gỡ nhiều người như Đức Gioan Phaolô II. Hơn 17 triệu 6 trăm nghìn khách hành hương đã tham dự các buổi yết kiến chung vào ngày thứ Tư (tổng cộng 1,160 buổi). Đó là chưa tính các buổi yết kiến đặc biệt cũng như nhiều nghi thức tôn giáo khác (hơn 8 triệu khách hành hương nguyên trong Năm Đại Thánh 2000). Ngài gặp hàng triệu tín hữu trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại Ý và trên khắp thế giới. Ngài cũng tiếp nhiều viên chức các chính phủ tới yết kiến, trong đó, có 38 cuộc viếng thăm chính thức và 738 cuộc yết kiến và gặp mặt các quốc trưởng, cũng như 246 cuộc yết kiến và gặp mặt các vị thủ tướng.

Đức Gioan Phaolô II qua đời tại Tông Điện lúc 9 giờ 37 đêm thứ Bẩy, ngày 2 tháng Tư năm 2005, hôm vọng Chúa Nhật Áo Trắng (in albis) hay Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, mà chính ngài thiết lập. Ngày 8 tháng Tư, lễ an táng ngài cách long trọng đã được cử hành tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và xác ngài được chôn cất trong hầm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Đức Gioan Phaolô II được Đức Bênêđíctô XVI, vị kế nhiệm cận kề của ngài và là người cộng tác được ngài trân quí trong tư cách tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, phong chân phúc tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ngày 1 tháng 5 năm 2011.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại Sydney
Diệp Hải Dung
11:09 27/04/2014
Sáng Chúa Nhật 27/04/2014 rất đông đủ Giáo dân trong trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney mừng kính Lòng Chúa Thương Xót rất trọng thể, đặc biệt mừng kính 2 vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phalô II được phong hiển Thánh.

Hình ảnh

Tất cả mọi người đều tập trung trước tượng đài Đức Mẹ. Cha Tuyên úy Trưỏng Phêrô Dương Thanh Liêm xông hương kiệu Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót và mọi người cùng dâng giờ đền tạ kính Đức Mẹ. Sau đó 3 hồi chiêng trống cổ truyền bắt đầu kiệu cung nghinh Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót về hội trường trung tâm. Cuộc kiệu rất long trọng và trang nghiêm, mọi người sốt sắng dâng Chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót dâng lên Đức Giêsu KiTô nguyện xin Ngài dũ lòng thương xót tha thứ mọi lỗi lầm và ban ơn lành đến mọi người và Cộng Đồng.

Khi kiệu Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót về đến hội trường và an vị trên bàn thờ và Cha Linh hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney FX. Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời chào mừng quý Cha, quý Sơ và tất cả mọi người đồng thời Cha giới thiệu trong Thánh lễ hôm nay có Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Mai Đào Hiền và Cha Nguyễn Hồng Ánh đến từ tiểu bang Melbourne cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Tuyết nói đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ấn định ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh là nền tảng của ngày Đại Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót và theo truyền thống của Giáo Hội là 8 ngày sau Chúa Giêsu Phục Sinh là Chúa tuôn đổ Lòng Thương Xót của Người cho toàn thể nhân loại. Ngoài ra Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất thân thiện với người Việt Nam. Cha còn kể một vài mẫu truyện để mọi người suy tư và cảm nghiệm…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Hà Pi Liến Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Đại lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót và cũng là ngày mừng kính phong Thánh cho 2 vị Giáo Hoàng. Kế tiếp bà Nguyễn Thị Kim Nhẫn Hội trưởng lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, và tất cả mọi người đã đến trung tâm tham dự ngày Đại Lễ mừng kính Lòng Chúa Thương Xót và mừng kính hai vị Thánh Giáo Hoàng. Đặc biệt cám ơn quý Ban Mục Vụ Giáo đoàn Fairfield đã trợ giúp cho Phong Trào tổ chức Tuần Cửu Nhật vừa qua rất tốt đẹp và cũng xin cám ơn quý ân nhân cũng đã đóng góp công của trợ giúp cho Phong Trào có phương tiện tổ chức mừng ngày Đại Lễ hôm nay được tốt đẹp. Sau cùng Cha Tuyên Úy Trưỏng Dương Thanh Liêm ngỏ lời cám ơn và chúc mừng Phong Trào mừng ngày Đại Lễ.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng kính Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót và mừng kính hai vị Thánh Giáo Hòang tại nhà ăn trung tâm.
 
Kì thi giáo lý học kì I Năm học 2013 - 2014 tại giáo hạt Bột Đà
Phạm Anh
21:30 27/04/2014
Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, gần 2367 em học sinh của 7 lớp thuộc 3 khối Căn Bản, Kinh Thánh, Vào Đời của toàn giáo hạt Bột Đà đã bước vào kỳ thi giáo lý học kỳ I năm học 2013-2014. Đây chính là "đợt thu hoạch đầu tiên" mùa giáo lý trong năm học của các em cũng như của các thầy cô giáo lý viên trong toàn Giáo hạt.

Hình ảnh

Với tinh thần đó, từ sáng sớm các em đã có mặt tại sân nhà thờ các giáo xứ để chuẩn bị tinh thần cho "ngày thu hoạch" có được kết quả tốt nhất. Chính tinh thần đó đã làm cho Kỳ thi giáo lý ở Giáo hạt năm nay trở nên sôi động và hào hứng, phần nào nói lên tinh thần hăng say học tập Giáo lý của con em trong các Giáo xứ, cũng như toàn giáo hạt.

Kỳ thi lần này, Ban giáo lý hạt đã có sự chuẩn bị rất là chu đáo từ công tác ra đề thi đến công tác tổ chức kỳ thi ở các giáo xứ, cũng như phần cắt cử các thầy trong Ban giáo lý hạt về tận các giáo xứ để làm giám khảo kỳ thi.

Cũng như nhiều kỳ thi trước, năm nay, Ban giáo lý hạt cũng tổ chức thi 3 chung: chung đề, chung ngày và chung giờ thi. Với việc tổ chức kỳ thi 3 chung, Ban giáo lý hạt sẽ dễ dàng so sánh và đánh giá được chất lượng dạy và học giáo lý của các giáo xứ.

Số lương thí sinh dự thi buổi sáng ở các giáo xứ:

Giáo xứ Bột Đà: 135, giáo xứ Quan Lãng: 260, giáo xứ Sơn La: 129, giáo xứ Lãng Điền: 136, giáo xứ Yên Lĩnh: 88, giáo xứ Đồng Lam: 70, giáo xứ Trung Hòa: 94.

Cơ cấu đề thi lần này, các lớp khối Căn Bản có 20 câu trắc nghiệm và 2 câu học thuộc, và 1 câu lẽ, còn các lớp của khối Kinh Thánh và Vào Đời có 20 câu trắc nghiệm và 3 câu lẽ.

Kỳ thi được chia thành 2 buổi: buổi sáng thi các lớp Căn Bản 2, Căn Bản 3, Kinh Thánh 1, Kinh Thánh 3. Buổi chiều thi 3 lớp: Căn bản 1, Kinh Thánh 2, Vào Đời.

Thi buổi sáng tại giáo xứ Bột Đà.

Buổi sáng, đúng 7h30’, các em từ các giáo họ xa như: Yên Lạc, Đại Đồng hay những giáo họ gần như Phúc Đồng, Linh Sơn, Bột Đà, Phú Thọ, Phượng Kỷ, Thuần Hậu cũng đã tập trung tại sân nhà thờ, và háo hức tìm số báo danh cho mình cũng như chuẩn bị tinh thần cho bài thi. 8h30’, hội đồng coi thi bắt đầu đọcThi số báo danh cho các em; đồng thời cũng dặn dò và đọc Quy chế kỳ thi học kỳ I năm 2013-2014 cho các em nắm bắt và thi hành trong Kỳ thi.

Sau khi hát kinh Chúa Thánh Thần, ông Giuse Phùng Trọng Sáng chủ tịch Hội Đồng giám khảo đã phát biểu khai mạc. Ông đã nêu lên tầm quan trọng của vấn đề học giáo lý của em nhất là trong thời đại ngày nay, nhiều bạn trẻ dần đánh mất đức tin của mình thì việc học giáo lý lại càng cần thiết. Ông cũng nhắc nhở các em nghiêm túc làm bài, để có thể đạt kết quả tốt nhất. Thầy Giuse Nguyễn Trọng Công thành viên ban giám khảo của Ban giáo lý hạt đã phát biểu và động viên các em bình tĩnh tự tin để làm bài có kết quả tót nhất.

Kết thúc bài phát biểu, các ông trong Hội đồng coi thi đã trao đề thi đã được niêm phong cho em thí sinh kiểm tra. Đề thi được niêm phong chặt thể hiện sự tuyệt đối bí mật và sự trung thực trong thi cử.

Sau khi đã kiểm tra túi đề thi, hội đồng coi thi đã phát đề thi cho cho các thí sinh.

Đúng 9h hồi kẻng vang lên báo hiệu giờ làm bài bắt đầu. Các em học sinh, trăm người như một, lặng lẽ nghiêm túc làm bài thi của mình.

Sau 70 phút thi chính thức bài thi được thu lại đầy đủ và kết thúc vào lúc 10h10’ cùng ngày.

Khi được hỏi về cơ cấu đề thi cũng như chất lượng các đề thi, nhiều em học sinh đã không ngần ngại trả lời đề thi năm nay không khó lắm và các câu hỏi được ra sát trong nội dung các bài học trong sách giáo khoa của các em.

Buổi sáng, các em nghiêm túc làm bài và có rất nhiều em đã làm bài xong trước thời gian khoảng 20 phút.

Buổi chiều

Số lượng thí sinh dự thi ở các giáo xứ:

Giáo xứ Bột Đà: 91, giáo xư Lãng Điền: 81, giáo xứ Sơn La: 133, giáo xứ Yên Lĩnh: 30, giáo xứ Đồng Lam: 53, giáo xứ Trung Hòa: 102

Tại giáo xứ Bột Đà

Đúng 13h30’, các thí sinh đã có mặt đông đủ tại sân nhà thờ của giáo xứ để nhận số báo danh và nghe phổ biến quy chế của kỳ thi.

Sau khi vào phòng thi nhận số báo danh và ổn định chỗ ngồi, Hội đồng giám khảo và các thí sinh đã xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để các em làm bài tốt hơn.

hội đồng coi thi đã trao đề thi đã được niêm phong cho các thầy trong ban giám khảo và các em học sinh xác nhận đề thi vẫn được giữ bí mật cho đến lúc này.

Đúng 14h, sau một hồi kẻng vang lên, các em bắt đầu nhận bài thi và bước vào làm bài.

Do làm tốt công tác tổ chức kỳ thi nên trong buổi sáng cũng như buổi chiều không có học sinh nào vi phạm quy chế thi.

Đúng 15h10’, thời gian làm bài đã hết, tiếng kẻng báo kết thúc kỳ thi vang lên, các em đã tập trung nộp bài cho ban giám khảo và ra về trong niềm phấn khởi hân hoan. Có lẽ các em đã hoàn thành tốt bài làm của mình, sau những ngày học tập vất vả bầy giờ là ngày thu hoạch những thành quả của mình.

Kỳ thi giáo lý giáo đã diễn ra cách tốt đẹp và trang nghiêm. Một mùa gặt hái những thành quả của các em học sinh cũng như niềm phấn khích của các thầy cô giáo lý viên. Hy vọng một kết quả bội thu, và sẽ tạo niềm tin cho học kỳ II đạt kết quả cao hơn và nhất là tạo nền tảng vững chắc cho đời sống đức tin, luân lý và bí tích cho các em sau này.
 
Đại hội Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa GP Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:53 27/04/2014
ĐẠI HỘI CỘNG ĐOÀN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA GP PHAN THIẾT

Thánh Nữ Faustina Kowalska khởi xướng việc tôn sùng “Lòng Thương Xót Chúa” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh vào ngày 30 tháng 4 năm 2000 tại Giáo đô Rôma. Thánh Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố: "Trên khắp thế giới, Chúa Nhật thứ 2 sau Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa".

Hình ảnh

Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Thánh Bộ Phượng Tự đã đưa vào lịch phụng vụ Giáo Hội, ngày Chúa Nhật II Phục Sinh là ngày Chúa Nhật “Chúa Thương Xót”, để các tín hữu trên toàn thế giới dùng Chúa Nhật này suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với mỗi người và toàn thể nhân loại.

Hôm nay ngày 27/4/2014, Chúa Nhật II Phục Sinh, Hội Lòng Thương Xót Chúa Giáo Phận Phan Thiết tổ chức đại hội lần thứ 5, mừng lễ bổn mạng, hiệp thông cùng Giáo Hội Hoàn Vũ trong ngày tuyên thánh của hai Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Hơn 2.500 hội viên và đông đảo các em Tông đồ nhỏ từ các cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa trong Giáo phận đã tề tựu về Nhà thờ Cà Tang từ sáng sớm.

Cha Linh hướng Giuse Bạch Kim Tri khai mạc và chủ trì nghi thức làm phép phù hiệu và tuyên hứa. Cùng hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu đang hướng về đại lễ phong thánh, cộng đoàn quì gối đọc kinh lạy Cha, kính mừng, tin kính, chuỗi 10 kinh thương xót, kinh lòng thương xót Chúa.Sau đó, cha Linh hướng tổng kết hoạt động của hội LTXC Giáo phận trong năm qua.

Đến 10giờ, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đến chủ tế thánh lễ đồng tế. Trong bài giảng, ngài suy niệm Tin mừng Ga 20,19-31.

1. Ý nghĩa Tin mừng

“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Đó là lời nói cuối cùng của Chúa trong Tin mừng Thánh Gioan. Sự kết thúc đột ngột này có ý nhường chỗ lại cho Giáo Hội với một Đức tin mạnh mẽ, Giáo Hội lên đường làm chứng cho mầu nhiệm Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết. Ngài là Đấng cứu độ nhân loại bằng quyền năng của tình yêu vô biên của Ngài.

Nếu ta nhớ lại hai bài đọc trước Tin mừng, ta sẽ thấy phong trào làm chứng đầy xác tín, đầy can trường của các Tông đồ. Và các Tín hữu lớp đầu tiên đã làm nổi bật lý tưởng cộng đoàn Kitô Giáo là cộng đoàn của Tình yêu, tình yêu bao trùm lên cả cuộc sống của họ. Để của chung, ăn uống chung trong ngày của Chúa, người nghèo, người già cả bệnh tật được chăm sóc chu đáo.

Để yểm trợ cho công cuộc rao giảng và niềm tin của các anh em vừa trở lại, Chúa lại ban cho Cộng Đoàn nhiều điềm thiêng dấu lạ. Càng chứng kiến các dấu lạ, họ càng yêu thương nhau hơn tỏa sáng Tin mừng càng lâu càng xa hơn khiến nhiều người chưa vào đạo cũng ca ngợi.

2. Tin mừng và phong trào lòng thương xót Chúa.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em. Phong trào “Lòng thương xót Chúa” một cách nào đó cũng giống với phong trào loan báo Tin mừng của thời kỳ sơ khai của Giáo Hội. Trong phong trào đó, mọi người đoàn kết thương yêu nhau. Chúa cũng ban cho phong trào nhiều điềm thiêng dấu lạ. Và nhờ nhiều phương tiện thông tin của các chứng nhân, phong trào phát triển mau chóng. Tình thương Chúa dành cho các cộng đoàn Lòng Chúa thương xót cũng là tình thương Ngài ban cho Giáo Hội thời sơ khai.

Phong trào Lòng Chúa thương xót bắt nguồn từ tình yêu Chúa, xuất phát từ những soi sáng Chúa dành cho một Nữ Tu đơn sơ đạo đức người Ba Lan là Thánh nữ Foustina. Phong trào cũng mang tính chất bình dân của người Việt Nam, vốn rất thích chuyện phép lạ, rất tình cảm cho nên thu hút nhiều người.

Chúng ta hãy nhớ, Chúa đã cảnh báo người Do Thái khi họ ùa nhau bám chặt lấy Ngài sau khi Ngài làm phép lạ bánh hóa nhiều. Ngài nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy những dấu lạ nhưng vì các ông đã được ăn uống no nê”. Nghĩa là tìm Chúa sai mục đích.

Khi chúng ta tham gia một phong trào như phong trào Lòng Thương xót Chúa, đó là điều đúng đắn và Chúa muốn như vậy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trước dịp phong thánh chị Foustina, ngài đã gửi cho toàn Giáo Hội một Tông thư với chủ đề: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”. Vì Thiên Chúa là Tình yêu, Chúa đến trần gian để bày tỏ tình yêu nhiệm mầu đó bằng cái chết trên thập giá của Ngài. Đặc điểm của tình yêu thương xót là Tình yêu Chúa dành cho những người tội lỗi, người bị loại trừ, người bất hạnh, người nghèo khổ…

Chúng ta biết nhận mình là người nhiều thiếu sót, chúng ta cần đến tình yêu Chúa. Chúng ta gặp bao nhiêu cảnh đời đau khổ, chúng ta chia sẻ với họ như Chúa đã thương yêu chúng ta. Tình yêu đích thực không thể dừng lại ở các dấu lạ, mà phải từ dấu lạ đi tới niềm tin, đi tới phục vụ, đi tới đại gia đình Giáo Hội làm cho Giáo Hội càng ngày càng thêm con cái của tình yêu.

Những hình thức bề ngoài kể cả phép lạ cũng phải nhường chỗ cho tình yêu. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI coi Giáo Hội là cơ quan của Tình yêu. Cộng đồng Vaticanô II xét lại bản chất của mình đã kêu gọi phải quan tâm đặc biệt đến chiều kích tình yêu trong các hoạt động Giáo Hội hôm nay.

Đặc biệt ngày nay, phong trào Tân Phúc Âm hóa. Phong trào phong trào Tân Phúc Âm hóa là loan Tin mừng bằng tình yêu, là tổ chức cuộc sống Giáo Hội cho phù hợp với tình yêu, là hợp tác với mọi người thiện chí để cổ vũ cho hòa bình, làm sao cho cuộc sống xã hội đầy tính nhân văn. Và ưu tiên dành nhiều quyền lợi cho người nghèo, là quan tâm tới những thành phần dễ bị tổn thương nhất.

Như vậy, để cùng với Giáo Hội đi vào thời đại mới, thời đại loại trừ rất nhiều hạng người, phong trào “Lòng thương xót Chúa” không chỉ đọc kinh cầu nguyện mà còn dấn thân xây dựng một xã hội, đặt con người làm căn bản, lấy tình yêu làm lý tưởng, lấy tinh thần phục vụ vô vị lợi làm phương châm hành động. Cuộc phán xét chung vào ngày tận thế là cuộc phán xét theo tiêu chuẩn yêu thương bác ái.

Cuối thánh lễ, vị đại diện dâng lời tri ân Đức Cha, quý cha. Lòng Chúa Xót Thương là một hội đoàn sinh hoạt thuần túy bằng các việc đạo đức như lần chuỗi xót thương, cầu nguyện, làm việc bác ái, đi đàng thánh giá, hành hương Đức Mẹ Tàpao, vâng phục các chủ chăn, xin được nâng đỡ và tạo điều kiện cho hội sinh hoạt. Cám ơn giáo xứ Cà tang đã ưu ái tạo điều kiện để đại hội được tổ chức thật tốt đẹp và sốt sắng.

Đức Cha ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn với Ơn Toàn Xá.

Ngày 04.08.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định ban ơn Toàn xá trong ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương xót Chúa với 4 ý chỉ sau:

1. Ơn Toàn xá được ban với những điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, cho những tín hữu nào trong ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, có tâm từ bỏ mọi quyến luyến tội lỗi và tham dự vào các việc đạo đức tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa.

2. Ân xá một phần được ban cho những tín hữu nào, với tâm tình thống hối dâng lên Chúa Thương Xót một trong những lời cầu khẩn được phê chuẩn hợp pháp, như “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

3. Ơn Toàn xá được ban cho Những người đau yếu và những người săn sóc họ, nhưng phải - Có quyết tâm từ bỏ tội lỗi. - Có ý hướng thi hành 3 điều kiện thường lệ một khi có thể. Là đọc trước ảnh Chúa thương xót một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính và một lời cầu xin Lòng từ bi Chúa.

4. Vào ngày này, Đức Giám Mục giáo phận có thể ban phép lành Tòa Thánh với Ơn Toàn xá, khi cử hành long trọng tại Nhà Thờ Chính Tòa, hay tương đương Nhà Thờ Chính Tòa.

Giờ ăn trưa, mỗi người một hộp cơm đơn giản theo vị trí từng giáo hạt.

Chương trình buổi chiều bắt đầu bằng giờ hội thảo về kế hoạch sinh hoạt của hội và xen kẻ các tiết mục văn nghệ từ các giáo hạt. Sau đó, cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc Chủng viện Nicôla trình bày đề tài “Cảm nhận về việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa”.

Đúng vào lúc 3 giờ chiều, tất cả cộng đoàn qùy gối dang tay lên trời sốt mến đọc giờ kinh thương xót.

Đến 4g chiều, cung nghinh và rước kiệu. Hội LTXC Hạt Hạt Hàm Tân II, kiệu Đức Thánh Gioan Phaolô II - LTXC Hạt Hạt Hàm Tân I và LTXC Hạt Bắc Tuy, kiệu thánh nữ Faustina - LTXC Hàm Thuận Nam, kiệu Đức Mẹ - Hội LTXC Hạt Phan Thiết, Hội LTXC Hạt Đức Tánh, đoàn giúp lễ và cha chủ sự, kiệu Chúa Thương Xót. Cuộc rước dài hơn giờ đồng hồ, đoàn kiệu xếp hàng bốn di chuyển quanh khuôn viên nhà thờ trong lời kinh hạt, lần chuỗi 10 kinh thương xót và chuỗi Mân Côi cùng với những suy niệm và những bài thánh ca ngợi khen chúc tụng.

Đến lễ đài trước tiền sảnh Nhà thờ, cha chủ sự đọc Tin mừng Mt 28,16-19 và suy niệm.

Sau nghi thức sai đi, mọi người ra về lòng tràn đầy tình thương và ân sủng của lòng thương xót Chúa.

Mỗi hội viên lòng thương xót Chúa luôn tâm niệm với lời cầu nguyện hàng ngày:

Lạy Chúa, xin cho mắt con biết thương xót, để con không bao giờ nghi ngờ hay xét đoán tha nhân theo bề ngoài, nhưng biết nhận ra vẻ đẹp trong tâm hồn họ để giúp đỡ họ.

Xin cho tai con biết thương xót, để con biết lắng nghe những nhu cầu của tha nhân và không dửng dưng trước những đau đớn và than van của họ.

Xin cho lưỡi con biết thương xót, để con không bao giờ nói tiêu cực về tha nhân, nhưng biết nói lời an ủi và tha thứ cho mọi người.

Xin cho tay con biết thương xót và làm việc lành, để con chỉ làm điều tốt cho tha nhân và dám nhận những công việc khó khăn và vất vả hơn.

Xin cho chân con biết thương xót, để con mau mắn đến giúp tha nhân và vượt thắng cơn mệt mỏi chán nản, để nơi con an nghỉ thật sự là việc phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho con tim của con biết thương xót, để con cảm nhận được nỗi đau khổ của tha nhân, để con không từ khước yêu thương bất cứ ai, để con chân thành ngay cả với kẻ lạm dụng lòng tốt của con. Xin cho con đặt trái tim con trong trái tim vô cùng thương xót của Chúa Giêsu, để con biết giữ sự khổ đau của con trong thinh lặng.

Nguyện xin Lòng Chúa Thương Xót ở cùng con luôn mãi. Amen.
 
Nhật ký: Ngày Phong Thánh 2 Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolo II. .
LM Văn Chi
23:30 27/04/2014
VATICAN - Buổi chiều Thứ 7 ngày 26.4.2014, tữ giã Foyer Phát Diệm, chúng tôi lại tiến về Đền Thờ Thánh Phêrô. Đoàn khách hành hương các nơi đang đổ về tham dự những buổi kinh nguyện và hát Thánh Ca tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Xem video Cha Văn Chi và xướng ngôn viên Thanh Thảo tường trình từ Roma

Sao đó, tôi tiếp tục hành trình đến Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô II đến cầu nguyện khi được bầu làm Giáo Hoàng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã luôn yêu mến và dâng hiến thế giới cho Mẹ Maria. Thờ Đức Bà Cả chật ních những khách hành hương đến dâng lễ vọng Mừng Kính Lòng Chúa Thương Xót và chuẩn bị cho Đại Lễ Phong Thánh hôm Chúa Nhật ngày 27.4.2014. Chúng tôi đứng và cầu nguyện với Mẹ Maria theo gương Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thánh Lễ xong, chúng tôi vội vã đến Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Nhà Dòng Chúa Cứu Thế tại Roma. Nơi đây, anh chị em giáo dân Việt Nam từ nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Canada, Bỉ,

Chúng tôi tay bắt mặt mừng gặp nhau của những người con Việt Nam về đây. Chúng tôi gặp gỡ nhau và chia sẻ những bước đường hành hương tham dự Thánh Lễ Phong Thánh cho 2 Vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cha Giáo Quý tại Đức Chủ Tế chủ tế và có khoảng hơn 17 anh em Linh Mục Việt Nam đồng tế. Chúng tôi thấy có Cha Huỳnh Chánh từ Luân Đôn, Cha Trường Luân từ Roma, Cha Nguyễn Nhuệ, Giáo Sư Kinh Thánh tại Roma giảng thuyết, Cha Trần Đức Anh, Đài Vatican, Cha Nguyễn Văn Khải Dòng Chúa Cứu Thế, và một số Quý Cha từ các Dòng Tu. Cha Giáo Quý, cựu Giám Đốc Đại Chủng Viện Long Xuyên nói với tôi:

- Cha Văn Chi cũng sang đây được tốt quá.

Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót bắt đầu lúc 8 tối. Sau đó, chúng tôi chia tay nhau và một số người vội vã về Quảng Trường Thánh Phêrô tham dự những sinh hoạt chuẩn bị và canh thức đón chờ Thánh Lễ Phong Thánh.

Rất nhiều khách hành hương từ khắp nơi đổ về Quảng Trường Thánh Phêrô. Nhiều khách hành hương đến tối nay họ ngủ ngay tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Nhóm Ba Lan, nhóm Ý, nhóm Đức. Đạc biệt là các bạn trẻ đã vang hát những bài Thánh Ca tại đây. Rất nhiều lính cảnh sát và an ninh chung quanh khu vực Quảng Trường Thánh Phêrô. Đức Ông Hoàng Minh Thắng và Thầy Lê Văn Nam đài Radio Vatican nói với chúng tôi:

- Trên nóc các mái nhà chung quanh Quảng Trường Thánh Phêrô đều có nhũng người lính đặc biệt về an ninh cho buổi Đại Lễ Phong Thánh.

4.15 sáng Chúa Nhật ngày Phong Thánh, VietCatholic đi taxi từ Hotel Clodio về Quảng Trường Thánh Phêrô. Hàng hàng lớp lớp khách hành hương từ muôn nẻo đường Roma và thế giới đổ về. Khách hành hương đi từng đoàn với cờ quốc gia của nước mình. Nào là Ba Lan, đây là nhóm Tây Ban Nha, kia là nhóm Pháp, nhóm Ý. Đường phố quanh Quảng Trường Thánh Phêrô ồn ào tấp nập trong buổi sáng sớm chật ních những người. Mọi người đều cố gắng đến Quảng Trường Thánh Phêrô sớm để có chỗ.

Chúng tôi chen lấn khó khăn. Nhờ tấm thẻ của Báo Chí Tòa Thánh Vatican, đoàn phong viên VietCatholic được cảnh sát giúp đỡ đi vào nhũng con đường đặc biệt để đến Quảng Trường Thánh Phêrô nhanh hơn. Hầu hết các con đường chung quanh Quảng Trường Thánh Phêrô bị đóng lại, chỉ dành cho người đi bộ. Một số đường cũng cấm cả người đi bộ.

Chúng tôi đến Quảng Trường Thánh Phêrô khoảng 5 giờ sáng. Khắp các ngả đường tràn ngập khách hành hương. Họ đứng san sát vào nhau. Cảnh sát chưa cho vào Quảng Trường Thánh Phêrô. Chúng tôi vào bên trong được. Các cổng vào Quảng Trường Thánh Phêrô chưa mở. Chúng tôi giơ thẻ Báo Chí, người cảnh sát nói với chúng tôi:

- Không thể vào được lúc này. Phải chờ đến 5.30 mới mở cổng”.

Chung quanh chúng tôi, những khách hành hương vòng ngoài chen lấn nhau ồn ào buổi sang sớm. Một số Hồng Y và Giám Mục, cũng như rất đông Linh Mục đã ghi danh trước cũng phải chờ. Những đoàn Báo Chí nổi tiếng như AP, Rai, Reuter. Tất cả đều phải chờ phía ngoài Quảng Trường Thánh Phêrô.

Đúng 5.30 sáng, các cửa vào Quảng Trường Thánh Phêrô mở ra. Quý Hồng Y, Giám Mục và các phái đoàn Báo Chí đã ghi danh trước được vào trong Quảng Trường Thánh Phêrô. Chúng tôi nhanh chân đi như chạy vào địa điểm dành riêng cho Báo Chí và Video. Nhờ tấm thẻ Báo Chí của Tòa Thánh Vatican, chúng tôi được cảnh sát hướng dẫn vào Quảng Trường Thánh Phêrô và đến chỗ đặc biệt dành riêng cho Báo Chi và Camera.

Khi lên tới địa điểm dành riêng. Chúng tôi vội vã đi kiếm chỗ đặt máy video. Phóng viên Báo Chí rất đông. Chật hết mọi chỗ. Thanh Thảo và Peter Nguyễn nói:

- Không biết họ lên lúc nào mà nhanh quá. Có lẽ họ ngủ đêm tại đây chăng?

Những camera với máy to, máy nhỏ đặt kín cả tường thành phía trên những bức tượng Thánh phía bên trái nóc Đền Thờ Thánh Phêrô. Tìm mãi mới được một chỗ đặt máy camera tạm ưng ý, không còn chỗ nào khác.

Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi. Mới có 6.30 sáng.

- Cha ơi, mình phải chờ 3 tiếng rưỡi nữa.

- Phải thế chứ biết làm sao.

Thế là mọi người chờ đợi trong kiên nhẫn. Khoảng 8 giờ sáng. Tôi xuống phía dưới trong nội cung Đức Giáo Hoàng, gặp gỡ một số anh em Linh Mục Việt Nam từ Hoa Kỳ, từ Âu Châu, được ghi danh đồng tế Thánh Lễ Phong Thánh.

Trời buổi sang mây vần vũ và khá lạnh trên nóc Đền Thờ. Chúng tôi chịu trận. Những hạt mưa bắt đầu rơi. Những đoàn người tấp nập tiến vào Quảng Trường Thánh Phêrô như những thảm người lấp kín dần Quảng Trường Thánh Phêrô. Gió lạnh quá. Sợ bị mưa. Tất cả máy camera đề được trùm kín bằng dù hay áo mưa.

Chờ đợi trong lạnh lẽo. Chúng tôi ghi những tấm hình thảm người đang dệt kín dần Quảng Trường Thánh Phêrô. Tiếng chuông Đền Thờ Thánh Phêrô vang vọng. Chuông lớn, chuông nhỏ, đua nhau vang xa cả Quảng Trường Thánh Phêrô. Báo hiệu chuẩn bị giờ Đại Lễ sắp bắt đầu.

Đoàn Phụng Vụ với Quý Linh Mục sắp sẵn trong nội cung Đức Giáo Hoàng. Quý Giám Muc dần dần tiến vào hàng ghế dành riêng. Quý Hồng Y cũng bắt đầu vào những hàng ghể đỏ dọn sẵn. Các quan khách đặc biệt của hơn 121 quốc gia cũng đang tiến vào các hàng ghế danh dự. Chúng tôi nhận thấy có Vua Carlos, Tổng Thống Ý, rất nhiều các Thủ Tướng. Những nhân vật quan trọng trong các quốc gia tham dự. Thảm người khoảng 800,000 người đan kín Quảng Trường Thánh Phêrô. Trải dài hun hút hết Công Trường Hòa Giải tới tận bên Giòng Sông Tibere. Theo Đức Ông Hoành Minh Thắng cho biết, còn khá nhiều những phái đoàn từ Ba Lan với trên 1800 xe bus không vào được phía Quảng Trường Thánh Phêrô. Nhiều đoàn hành hương không vào được, phải đứng phía ngoài tại các quảng trường khác như Circus Maximus với khoảng 200,000 người, các công trường khác khoảng 100,000 người. Họ theo dõi Đại Lễ Phong Thánh qua màn hình vĩ đại do ban tổ chức sắp xếp. Con số tổng cộng tất cả từ Quảng Trường Thánh Phêrô, các vùng phụ cận và các công trường khác và cả ngoài ngoại ô Thành Phố Roma có thể lên tới cả 2 hay 3 triệu người tham dự.

Đúng 10 giờ, Tiếng hát của ca đoàn Đền Thờ vang lên.. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiến lên Lễ Đài của Quảng Trường Thánh Phêrô. Ngài ôm hôn Đức Giáo Hoàng Emeritus Benedictô cùng đồng tế. Khoảng 150 Đức Hồng Y, 700 Giám Mục, và đầy 2 ô dành cho Linh Mục khoảng trên 7000 Linh Mục Đồng Tế. Chúng tôi thấy những bàn sắp xếp cả 700 chén thánh cho Giáo Dân rước lễ tới cả Giòng Sông Tibere.

Nghi thức Phong Thánh 2 Vị Giáo Hoàng bắt đầu. Tiếng hát Kinh Cầu Các Thánh, Cầu Xin Chúa Thánh Thần- Veni, Creator Spiritus vang vọng nghiêm trang và sốt sắng. Sau khi nghe các Cáo Thỉnh Viên trình bày, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đáp:

“Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen”.

Sau khi Vị Cáo Thỉnh Viên xin Phong Thánh cho 2 Vị Giáo Hoàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô long trọng đọc công thức phong thánh và tuyên bố:

“Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư Huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô II là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng các vị tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.”


Lúc đó khoảng 10.15 sáng Chúa Nhật ngày 27.4.2014, thảm người trong Quảng Trường Thánh Phêrô. Trải dài hun hút hết Công
LM Văn Chi và Thanh Thảo tường trình từ Vatican
Trường Hòa Giải tới tận bên Giòng Sông Tibere. Tất cả đều vỗ tay chúc mừng hân hoan và tôn kính 2 Vị Tân Thánh của thế Kỷ 20 và 21: Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô II. Thánh Lễ tiếp tục với Kinh Vinh Danh. Thánh Lễ cử hành rất trang nghiêm sốt săng và tốt đẹp.

Thánh Lễ kết thúc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi xe xuống thăm thảm người với nụ cười thân thương và yêu mến.

Chúng tôi vội vã ra về. Phải đi bộ cả hơn 3 km mới tìm được taxi. Vì các đường phố chung quanh Quảng Trường Thánh Phêrô đều bị cấm xe cộ lưu thông.

Về tới nhà viết phóng sự. Tôi tiếp tục mạo hiểm lại thăm Vatican Radio với Đức Ông Hoàng Minh Thắng và Thầy Lê Văn Nam. Sau khi phỏng vấn cảm tưởng của Đức Ông và Thầy Nam, chúng tôi đều có một suy nghĩ:

Thánh Lễ Phong Thánh cho 2 Vị Tân Thánh của thế Kỷ 20 và 21: Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô II là một biến cố rất đặc biệt trong thời đại chúng ta. Cảm tạ Chúa. Đức Giáo Hoàng Phaxicô và Đức Giáo Hoàng Emeritus Benedictô cùng với 850 Hồng Y Giám Mục, đã tuyên phong Hiển Thánh cho 2 Vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, đã làm việc chung với nhau trong thời gian khá lâu dài xưa kia. Nay được phong Hiển Thánh. Cùng với lòng tôn kính và yêu mến của cả Giáo Hội đối với 2 Vị Tân Thánh Giáo Hoàng được phong thánh hôm nay.

Các báo chí, truyền thanh truyền hình, các thông tấn xã quốc tế trên thế giới, đều viết bài về biến cố trọng đại này.

Đặc biệt đối với Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam, 2 Vị Tân Thánh Giáo Hoàng đã thương mến Dân Tộc và Quê Hương Việt Nam. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam năm 1960. Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô II đã phong Thánh cho 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam vào năm 1988 và phong Thánh cho Thánh Trẻ An-Rê Phú Yên năm 2000. Ngài đã nhiều lần nhắc đến Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam, và rất ước mơ đến thăm viếng con dân Việt Nam, nhưng ước mơ không được toại nguyện.

Lạy 2 Thánh, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô, chúng con, Dân Tộc Việt Nam, những người con mà Quý Ngài hằng thương mến, xin chúc lành cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam được sống trong yêu thương, hạnh phúc, và an bình thật sự.

Văn Chi ghi nhanh từ Roma. Ngày 27 và 28.4.2014.
 
Văn Hóa
Phận người - chút suy tư về sự ra đi của anh Anphongsô Phạm Văn Hiệp
Thanh Quảng sdb
09:23 27/04/2014
PHẬN NGƯỜI “ANPHONSÔ PHẠM VĂN HIỆP”

Thanh Quảng SDB

Anh Hiệp và BBT Dân Chúa họp báo hàng tháng
Những kỷ niệm vui buồn cùng Dân Chúa Úc Châu
Hôm nay mừng đại lễ “Lòng Chúa Thương Xót” mà lòng tôi cứ trầm lắng lâng lâng vì tin một người bạn, một người đồng chí cùng gắn bó làm việc trong lãnh vực truyền thông lâu năm đã ra đi về cõi vĩnh hằng…

Ở Melbourne chắc nhiều người biết tới danh viedo “Huy Hoàng”. Hai anh chị Hiệp Hạnh. Một người đạo Chúa, một người đạp Phật nhưng rất nhiệt thành trong mọi công tác truyền thông, quay video, chụp hình, rửa ảnh làm phim cho các cộng đoàn không phân biệt đạo đời, tôn giáo… Với tờ Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu từ ngày tái bản 1994 ở Melbourne Hiệp Hạnh đã cộng tác trong ban biên tập. Tháng tháng cha con anh chị em họp mặt hàn huyên cùng nhau đọc và sửa bài. Một thời dài Hiệp Hạnh đã cáng đáng cái khâu layout bận rộn, nhưng cả hai đã miệt mài phục vụ… Mấy năm gần đây, dù nghỉ chức vụ layout nhưng lại đảm trách việc đi phân phối báo ở Melbourne…

Về lãnh vực phim ảnh, video, DVD thì Huy Hoang hay Hiệp Hạnh có mặt trên từng cây số: từ công việc từ thiện chỗ này sang chỗ khác; từ sinh hoạt cộng đồng tới nhà thờ nhà chùa… Nơi nào cần kêu một tiếng là Huy Hoàng có mặt. Quay cho từ thiện không cần tới thù lao ngay cả đến chi phì vật tư! Rất nhiều chương trình phỏng vấn tường thuật các sinh hoạt tại Melbourne là do Huy Hoàng quay phim và upload lên cho Vietcatholic… Ngay cả mấy ngày trước khi qua đời anh còn lo edit phim “Đàng Thánh Gía” cho nhà thờ St Margaret Mary’s Brunswick…

Anh chị đã rất sốt sắng phổ biến việc suy tôn “Lòng Chúa Thương Xót”, sinh hoạt trong phong trào Cursillo v.v… Trong những ngày nằm bệnh viện, theo bác sĩ thì để chích thuốc giảm đau cho anh bớt cái đau đớn của căn bện ung thư hủy phá… Còn anh thì ráng sức để làm sao cho mau khỏi hầu có thể về tham dự giờ chầu, việc cung nghinh rước kiệu và Thánh lễ của đại lễ “Lòng Chúa Thương Xót”!... Sáng hôm nay khi nhận điện thoại lúc 4.30 sáng, xin chúng tôi chạy vào nhà thương xức dầu ban bí tích và cầu nguyện cho anh! Thông thường các linh mục ít chạy đi xức dầu vào các giờ như thế này, thế mà không thắc mắc hỏi han xem có nguy tử hay không! Chúng tôi nói sẽ có mặt ở đó rất sớm… Khi tới chúng tôi cũng ngạc nhiên là anh đã mệt, không còn nói được và đang đi vào hôn mê, dù có nhận ra chúng tôi và gật đầu chào... Chúng tôi đã cầu nguyện, đặt tay xức dầu và ban ơn toàn xá cho anh… Chúng tôi tự nghĩ anh có thể ra đi hôm nay để mừng đại lễ “Lòng Chúa Thương Xót” trên trời… Điều mà cách đây hai ngày, anh nói sẽ xin bác sĩ về giáo xứ của chúng tôi dự lễ!

Chúng tôi bàng hoàng khi nghe tin anh đã ra đi vào 8.30 sáng nay. Thật vậy anh ra đi vào ngày đại lễ mừng Lòng Chúa Thương Xót. Chúng tôi thương tiếc anh và cảm thấy thiếu và mất đi một cộng sự viên đắc lực cho chúng tôi trong lãnh vực truyền thông Vietcatholic.net và Dân Chúa Úc Châu!

Chúng tôi thương tiếc anh, nhưng lại cảm thương cho chị một mình đơn côi ở lại! Chúng tôi tự hỏi “Sao phận người hẩm hiu vậy?” Anh chị có một người con gái duy nhất thì Chúa lại lấy đi qua một tại nạn hãi hùng lúc cô bé đang đi sửa soạn cho một trại hè của Legio Mariae tổ chức…đã bị một xe chạy lỗi luật đâm vào xe của bé và cướp đi sinh mạng của bé một cách tất tưởi! Cả hơn chục năm nay nỗi buồn này không nguôi trong gia đình tâm hồn của anh chị! Mới cách đây 2 tuần người cha của anh đã ra đi cùng một chứng bệnh “ung thư” như anh!

Nhiều khi chúng ta không tìm được một giải đáp nào thích đáng cho những hoàn cảnh trớ trêu có một không hai ở trên… Nói Chúa định để ta an lòng! Nhưng thực sự chúng ta không có câu trả lời như tựa đề của một cuốn sách “Tại Sao Ngài Im Lặng!” của linh mục Đinh Thanh Bình khi người em bị ngộ nạn xe hơi đã cướp đi hai sinh mạng của người em và của cô bạn gái! Trong trường hợp này chúng ta cũng có thể thân thưa với Chúa: “Lòng Thương Xót Chúa vô bờ… nhưng con không hiểu được ‘tại sao’?

Cũng như anh đã chụp hình quay phim cho người ta rất nhiều, nhưng hình và đoạn phim ngắn về anh cũng khó mà kiếm được!

Ngày 27/4/2014 Hiệp đã ra đi về với Chúa.

Thanh Quảng sdb
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Quê Tôi Miệt Vườn
Nguyễn Ngọc Liên
21:06 27/04/2014
QUÊ TÔI MIỆT VƯỜN
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Hò ơi! Tiền Giang cây cối xanh tươi
Có dòng sông đục có người tôi mong
Ai về chợ Lách Vĩnh Long
Hay đi Bến Đức, Gò Công, Định Tường..
Xin ghi tâm sự quê nhà Tiền Giang.
(Trích ca khúc của Trung Nhật)