Ngày 04-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 5/5: Thầy là cây nho, anh em là cành - Lm. Phêrô Trần Văn Thanh. Kính Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
02:20 04/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 04-May-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Đó là lời Chúa.
 
Nhân chứng bình an
Lm. Minh Anh
04:50 04/05/2021
NHÂN CHỨNG BÌNH AN

“Thầy để lại bình an cho các con”; “Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”.

Nhiều năm trước, một bức tượng Chúa Kitô cao lớn được dựng trên dãy núi Andes giữa biên giới Argentina và Chilê. Tượng Chúa Kitô tượng trưng cho một cam kết giữa hai quốc gia rằng, chỉ cần tượng đứng vững, sẽ có hoà bình giữa hai nước. Ngay sau khi tượng được dựng, người Chilê bắt đầu phản đối rằng, họ bị coi thường; vì tượng quay lưng về phía Chilê. Ngay khi sự phẫn nộ lên cao nhất ở Chilê, một nhà báo Chilê đã cứu được ngày tai hoạ đó. Trong một bài xã luận, ông không chỉ làm hài lòng mọi người mà còn khiến họ bật cười; ông chỉ đơn giản viết, “Để có được bình an, người dân Argentina cần phải nhìn lên Chúa nhiều hơn người Chilê”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện người dân Argentina cần nhìn lên Chúa hơn, một cách thú vị, đưa chúng ta về với câu chuyện của những con người cần Chúa như những ‘nhân chứng bình an’ qua hai bài đọc hôm nay.

Sách Công Vụ Tông Đồ kể chuyện sống chết của Phaolô, mà mới nghe qua, tưởng như chuyện đùa. Phaolô bị ném đá, “Tưởng ngài đã chết, họ lôi ông ra ngoài thành”; ngài chỗi dậy, bò vào thành. Và như không có chuyện gì xảy ra, “Hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê rao giảng”; rồi ‘qua Lystra, Icôniô, Antiôkia, Pisiđia, Pamphylia… củng cố các giáo đoàn’; “Sau khi giảng dạy tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó, lấy tàu về Antiôkia”. Không thể tin được, làm sao một người bị ném đá lại có thể bình an đến thế! Sách Công Vụ Tông Đồ nói, dù phải bắt bớ và bách hại, “Hội Thánh sống trong bình an của Chúa”. Trước những ‘nhân chứng bình an’, chư dân phải ngỡ ngàng như lời Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa”.

Câu chuyện của Phaolô, câu chuyện của một ‘chứng nhân bình an’ chứng tỏ cho điều mà Tin Mừng hôm nay nói đến. Biết mình sắp bỏ thế gian để về với Cha, Chúa Giêsu không trối lại cho các môn đệ của cải, tri thức, quyền năng… nhưng ban cho họ sự bình an như một kho tàng quý giá, bền vững, vượt bao thách đố, chết chóc; nhờ đó, họ trở nên những sứ giả, những ‘nhân chứng bình an’.

Tất cả chúng ta đều muốn bình an; khát khao bình an nội tâm được viết trên chính bản chất của mỗi người. Và mặc dù nhiều người vạch cho mình những lựa chọn, nhưng đó chỉ là những lựa chọn vốn dẫn đến rối loạn, thậm chí hỗn loạn nội tâm; những lựa chọn đó thường sản sinh từ một cảm giác sai lầm về những gì thực sự cung cấp cho họ sự thoả mãn. Ví dụ, những người chọn ma tuý hoặc rượu thường bắt đầu từ một khát khao sai lầm về hạnh phúc. Việc khắc phục tạm thời thường mang lại cảm giác hạnh phúc tạm thời; nhưng cách khách quan, rất rõ ràng rằng, ‘bình an’ tạm thời cuối cùng đều dẫn đến việc đánh mất chính điều mà họ mong muốn. Và khi lựa chọn này trở thành nghiện ngập, người đó thấy mình bị mắc kẹt trong một vòng xoáy đi xuống. Đó là những bình an giả tạo, nhất thời của thế gian vốn từ bên ngoài mà đến.

Bình an của Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Bình an của Ngài là quà tặng bên trong, một sự bình an vĩnh cửu không bao giờ mất; đó là bình an được chính Đấng tối cao ở cùng khi Ngài chính là bình an đích thực. Nói cách khác, ban cho chúng ta sự bình an, là Ngài ban chính Ngài. Như thế, chúng ta chỉ bình an thật sự khi chọn làm theo ý muốn của Thiên Chúa; những lựa chọn đó, ban đầu, có thể rất khó khăn và đòi hỏi nhiều hy sinh, nhưng đó là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và đang quyết định đúng đắn. Tình yêu có những khó khăn; trung thành với luật Chúa có thể là một thách thức; cũng như từ chối tội lỗi là điều không dễ… thế nhưng, việc lựa chọn ý muốn của Thiên Chúa sẽ sản sinh trong chúng ta bình an của chính Ngài.

Anh Chị em,

Quà tặng của Đức Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta là sự bình an. Bình an dẫn chúng ta đến ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn của Thiên Chúa lại dẫn chúng ta đến sự bình an. Hiệu ứng tuần hoàn này sẽ là cấp số nhân và sẽ là một trong những con đường rõ ràng nhất dẫn đến hạnh phúc cho những ‘nhân chứng bình an’ của Chúa. Bình an của người môn đệ là chính Chúa, Ngài được gọi là Hoàng Tử Bình An. Mỗi ngày, đến với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta múc lấy nguồn mạch bình an; và sống với Ngài mỗi ngày, chúng ta trở nên những ‘nhân chứng bình an’ của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, bình an của con ở trong thánh ý Chúa. Xin cho con biết mau mắn tuân hành ý Chúa để con mãi mãi giữ được bình an và thanh thản của tâm hồn; ngõ hầu cuộc sống của con luôn trở nên cuộc sống của một ‘nhân chứng bình an’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:42 04/05/2021

20. Thiên đàng không phải được chuẩn bị cho người lười biếng.

(Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:44 04/05/2021
36. CHỬI NGƯỜI ĐÁNH RẮM

Một đám bạn bè ngồi lại với nhau, đột nhiên có người đánh rắm, không biết là ai, mọi người đều hoài nghi một người nọ, bèn cùng nhau chửi anh ta.

Thực ra người ấy không đánh rắm nhưng cũng không thèm cải lại, mà chỉ cười ha ha.

Mọi người hỏi:

- “Có gì đáng cười?”

Trả lời:

- “Tôi cười là cười người đánh rắm cũng hùa với mọi người để chửi tôi.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 36:

Ở đời, con người ta thường mắc bệnh “hùa”: hùa với nhau để hạ bệ anh em, hùa với nhau để chế nhạo người khác, hùa với nhau để đấu đá tranh giành quyền lực, hùa với nhau để hại người…

Có hai lý do để người ta hùa với nhau: một là quyền lợi cá nhân, bởi vì không ai dại gì bán rẽ lương tâm khi không có lợi cho mình và hai là để che giấu cái xấu xa tội lỗi của mình, bởi vì không ai ngu gì nói cái xấu của mình ra khi người khác không biết.

Những người hiền lành ít nói, những người nghèo khổ và cô thế cô thân, những người ngay thẳng thường bị kẻ khác hùa lại với nhau để làm hại và chế giễu, bởi vì họ là những người sống thật thà không muốn tranh chấp với người khác.

Người Ki-tô hữu của mọi thời đại đều bị vua chúa quan quyền cho đến người dân hùa lại với nhau để chế nhạo, bách hại vu khống và để diệt trừ, bởi vì cuộc sống bác ái yêu người và phục vụ tha nhân của người Ki-tô hữu, đã là bằng chứng hùng hồn tố cáo những ai sống sa đọa vô luân, sống tàn ác, sống bất công với mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Năm 6/5: Người ơi, người ở, đừng rời – Suy Niệm của linh mục Anthony Nguyễn Thế Nhân
Giáo Hội Năm Châu
21:40 04/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 5g chiều ngày 05-May-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 15, 9-11

“Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chính phủ Sri Lanka đề xuất lệnh cấm burqa
Đặng Tự Do
17:58 04/05/2021


Bất chấp những lo ngại từ các nhóm vận động quyền tôn giáo, chính phủ Sri Lanka đang có kế hoạch ban hành lệnh cấm mặc các loại quần áo che kín mặt ở nơi công cộng, chẳng hạn như burqas.

Theo UCA News, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Đại chúng Keheliya Rambukwella cho biết lệnh cấm này là để phản ứng lại với những lo ngại về an ninh.

“Nội các đã phê duyệt dự thảo lệnh cấm hoàn toàn đối với việc che kín mặt ở những nơi công cộng trong nước”, Rambukwella cho biết hôm 27 tháng 4.

“Nhiều quốc gia cụ thể đã thực hiện các biện pháp như vậy vì an ninh quốc gia. Đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này trong quá khứ. Vào thời điểm mà an ninh quốc gia là quan trọng, chúng tôi quyết định phải tập trung vào vấn đề này”.

Trước khi đề xuất này trở thành luật, nó phải được gửi đến Bộ Tư Pháp và sau đó được quốc hội thông qua.

Vào tháng 4 năm 2019, các vụ đánh bom ở Sri Lanka đã giết chết hàng trăm người tại một số nhà thờ và khách sạn vào Chúa Nhật Phục sinh. Cảnh sát gần đây đã bắt giữ một cựu bộ trưởng nội các và anh trai của ông này vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ đánh bom. Luật sư của họ tuyên bố các vụ bắt giữ có động cơ chính trị.

Cộng đồng Hồi giáo của Sri Lanka, chiếm 10% trong tổng số 22 triệu dân, đã phản đối đề xuất cấm burqa.

Nhà hoạt động Hồi giáo Saheel cho biết cộng đồng của ông là nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo, bao gồm việc bắt giữ một số nhà hoạt động và chính trị gia Hồi giáo.

“Các cửa hàng Hồi giáo và nhà cửa bị tấn công chỉ một vài ngày sau các cuộc tấn công Chúa Nhật Phục Sinh năm 2019”, bà nói.

“Trong năm 2019, các Phật tử cực đoan đã tấn công vào những nơi người Hồi giáo sở hữu như các đền thờ Hồi Giáo, các doanh nghiệp và gia cư tại một loạt các thành phố trên toàn quốc chỉ 22 ngày sau vụ thảm sát Lễ Phục Sinh, nhưng không có thủ phạm nào trong các vụ tấn công này đã bị trừng phạt”, bà nói.

“Đã có một số vụ việc tương tự như vậy xảy ra trong vài năm gần đây và đây có thể chỉ là một vụ khác”.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Pell nhận định rằng: Nhiệm vụ của các giám mục Đức là bảo vệ những lời dạy của Kinh thánh
Đặng Tự Do
17:59 04/05/2021


Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y George Pell nói rằng tình hình của Giáo Hội ở Đức xem ra “rất đáng lo ngại,” và nhấn mạnh rằng các giám mục Đức phải làm tròn bổn phận của mình là bảo vệ những lời dạy của Kinh Thánh.

“Tôi nghĩ rằng có một phần nhất định của Giáo hội Đức dường như kiên quyết đi sai hướng”, Đức Hồng Y Pell nói trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn được phát sóng trên EWTN ngày 27 tháng 4.

“Khi nói thế, tôi có ý nói là rõ ràng ở Đức có một Kitô Giáo tháo thứ, cho dù đó là Công Giáo tháo thứ hay Tin lành tháo thứ, tồn tại hàng thế hệ hoặc lâu hơn, trộn lẫn với thuyết bất khả tri. … Nếu bạn áp dụng các chính sách của thế giới và chỉ làm theo để họ vừa lòng, thì sẽ không ai buồn quan tâm đến Kitô Giáo đó”.

Bình luận của Đức Hồng Y Pell được đưa ra khi các thành viên của Giáo hội ở Đức đang lên kế hoạch vào ngày 10 tháng 5 để tổ chức một ngày chúc phúc cho những người đồng giới, mặc dù Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho những kết hiệp đồng tính như thế.

Con số kỷ lục người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội Đức trong những năm gần đây vẫn không dừng lại. 272,771 người đã chính thức rời bỏ Giáo Hội vào năm 2019.

Đức Hồng Y Pell nói: “Nhiệm vụ của các giám mục Đức là tôn trọng những lời dạy của Kinh thánh, giữ vững những lời dạy của Giáo hội. Chúng ta phải bảo vệ những lời dạy đó. Các Giám Mục Đức không có quyền thay đổi các giáo huấn này - không ai trong chúng ta được phép làm như thế”.

“Điều quan trọng là phải dạy bảo những điều gì thuộc Lời Chúa, những điều gì thuộc truyền thống các Tông đồ. Và nếu họ thực hiện những gì họ đang nói, tôi không nghĩ rằng họ có thể quay trở lại.”

Đức Hồng Y đã theo dõi tình hình của Giáo hội ở Đức qua các bài báo trong thời gian bị giam cầm ở Úc, là điều ngài ghi nhận trong cuốn sách mới nhất của mình, “Nhật ký trong tù, Tập 2: Tòa án Tiểu bang bác bỏ kháng cáo”, được xuất bản bởi Ignatius Press.

Trong 404 ngày ở tù trước khi được tuyên bố trắng án, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài đã lưu giữ cuốn nhật ký như một “ghi chép lịch sử về một thời kỳ lạ lùng”.

Đức Hồng Y bị bắt giam vào năm 2019, năm mà các giám mục Đức đưa ra Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi của họ.

Đức Hồng Y Pell nói: “Vấn đề thực sự quan trọng đối với Giáo hội là: Chúng ta có giảng dạy công khai những gì Chúa Kitô đã dạy không? Giờ đây, một số giáo lý đó không được ưa chuộng, như sự tha thứ, những người không có quyền như các thai nhi chưa chào đời, những người ở dưới cùng của đống rác, như những tù nhân, và sau đó còn có các lĩnh vực gây tranh cãi hơn về gia đình và hôn nhân”.

Đức Hồng Y nói thêm rằng tất cả các nhà lãnh đạo trong Giáo hội phải dám lên tiếng bênh vực các giáo huấn chính thống vào những thời điểm mà những thông điệp đó có thể không được ưa chuộng.

“Có đủ loại tiếng nói đang cố gắng loại bỏ chúng ta khỏi bầu khí công cộng và nói rằng chúng ta không nên làm điều này điều kia. Một trong những điều tôi đang nói bây giờ và với tất cả những người kế nhiệm của tôi là: Dù thế nào, chúng ta vẫn phải tiếp tục nói”.

“Nếu không xã hội của chúng ta sẽ bị suy giảm sâu sắc đến mức nó hoàn toàn xa rời những nguyên tắc Kitô về tình yêu thương, sự phục vụ và sự tha thứ”.

Ngài cảnh cáo rằng:

“Chúng ta đã có thể thấy điều đó trong xã hội với những thay đổi đang diễn ra. Chúng ta thường tập trung vào những tổn thất đối với Giáo hội do sự sa sút của việc thực hành đạo và sự ra đi của các tín hữu. Điều đó chắc chắn đúng, nhưng điều đó có thể gây ra những hậu quả lớn cho xã hội nói chung, đặc biệt là trong những miền đa số dân theo Kitô Giáo”.

Đức Hồng Y Pell sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 8 tháng 6, do đó không đủ điều kiện để bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng trong tương lai. Khi được hỏi về cảm giác của ngài khi bước vào tuổi 80, vị Hồng Y cho biết ngài rất biết ơn vì đã nhận được nhiều phước lành trong cuộc đời mình.

“Niềm an ủi lớn nhất của tôi bây giờ là bất kể sự không hoàn hảo và ngu ngốc của tôi, tôi đã không vứt bỏ cuộc sống của mình vì một lý do vô nghĩa nào đó - như chỉ kiếm tiền cho bản thân, chẳng hạn. Tôi đã cống hiến cuộc đời mình cho Chúa Kitô, cho Giáo hội, dù không hoàn hảo và không hiệu quả, nhưng tôi nhận được một số niềm an ủi đáng kể từ điều đó”.
Source:Catholic News Agency
 
Ý cầu nguyện tháng 5 của Đức Thánh Cha: Tài chánh Thế Giới
Thanh Quảng sdb
18:15 04/05/2021
Ý cầu nguyện tháng 5 của Đức Thánh Cha: 'Tài chánh Thế Giới'

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra ý cầu nguyện tháng 5 năm 2021 và kêu gọi các nhà chứng khoán đầu tư thị trường tài chính quốc tế ý thức vai trò của mình và bảo vệ người dân thấp cổ bé miệng!...

(Tin Vatican - Devin Watkins)

ĐTC nhấn mạnh: “Nền kinh tế đích thực là một nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm nhất là trong giai đoạn khủng hoảng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra ý cầu nguyện tháng 5 năm 2021 với lời cảnh báo trên.

Trong “cuốn Video”, được phát hành vào thứ Ba (4/5/2021), ĐTC chia sẻ một sự mất mát kết nối rõ ràng giữa cuộc sống của những người dân bình thường với giá cả trên thị trường tài chính.

ĐTC nói: "Có biết bao người dân đang thất nghiệp! Nhưng thị trường tài chính chưa bao giờ lại tăng phát như bây giờ”.

Quy luật bắt buộc

Đức Thánh Cha tiếp tục lưu ý rằng tài chính lớn mạnh, nếu không được kiểm soát, nó sẽ trở thành một việc “đầu tư thuần túy do các chính sách tiền tệ khác nhau thúc đẩy!”

“Tình trạng này không đem lại sự bền vững, mà nó gây ra nhiều nguy hiểm! làm cho những người nghèo không những phải gánh chịu những hậu quả tệ hại từ hệ thống này, mà việc đầu tư tài chính còn không được quản lý đúng mức...”

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô quảng diễn việc nhấn đến thuật ngữ “đầu cơ”.

Tư pháp và kinh tế

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng tài chính có thể là một phương tiện để đáp ứng nhu cầu của mọi người.

“Có thể tài chính mặc lấy hình thức dịch vụ, và là một công cụ để phục vụ người dân và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta!”

ĐTC cũng kêu gọi mọi người hãy vun góp một hệ kinh tế công bằng và bền vững hơn, không loại bỏ một ai cả!

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: "Chung ta có thể làm được việc này". Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đảm trách tài chánh sẽ làm việc với các chính phủ điều chỉnh lại thị trường tài chính và bảo vệ cho người dân khỏi những nguy hiểm của nó."

Bất bình đẳng ngày càng tăng

Mạng lưới cầu nguyện trên toàn thế giới của Đức Thánh Cha, phát hành “Video cầu nguyện” mỗi tháng, kèm theo một tuyên bố báo chí về ý cầu nguyện của ĐTC.

Nó liên kết mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với các thị trường sôi động trước tình trạng suy xụp tồi tệ vì đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo, GDP toàn cầu (Tổng sản phẩm quốc tế) đã bị sụt giảm mạnh nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, với hàng triệu người mất việc làm.

Tài chính vì lợi ích chung

Trong một bức thư gần đây gửi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Đức Thánh Cha đã nêu nên thảm trạng của việc loại trừ những người sống bên lề xã hội ra khỏi thị trường tài chính.

Đó là lý do tại sao ĐTC đưa ra sự cần thiết phải điều chỉnh lại thị trường tài chính, để làm cho chúng hoạt động “vì mục tiêu xã hội” và lợi ích chung.

Như tuyên bố của báo chí cho hay: "Thị trường tự do và đầu cơ thuần túy không thể giải quyết vấn đề này, vì nó không để ý tới sự bất bình đẳng về cấu trúc xã hội."

Thay vào đó, các chính phủ cần nỗ lực hướng tới việc đặt “phẩm giá con người làm trung tâm” cho các mô hình và thị trường tài chính.

Toàn văn ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha:

"Nền kinh tế thực sự là nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm, nền kinh tế ấy đang gặp khủng hoảng. Bao nhiêu người hiện đang thất nghiệp! Nhưng thị trường tài chính lại chưa bao giờ tăng trưởng như lúc này.

Thế giới tài chính đã khác biệt, bỏ xa cuộc sống của những người dân bình thường thấp cổ bé miệng!

Nếu tài chính không được kiểm soát, nó sẽ trở thành một việc đầu tư thuần túy do các chính sách tiền tệ khác nhau thúc đẩy.

Tình trạng này là không mang lại một sự bền vững! Nó gây nên nhiều nguy cơ cho cuộc sống...

Để người nghèo không phải gánh chịu những hậu quả đau lòng từ hệ thống này, việc đầu tư tài chính phải được cải tổ lại cách cẩn thận.

Đầu tư, ĐTC muốn gạch dưới thuật ngữ này

Có thể tài chính mặc một hình thức dịch vụ, một công cụ để phục vụ mọi người, và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta!

Chúng ta vẫn còn thời gian để bắt đầu lại một quá trình làm thay đổi toàn cầu, để thực hiện một loại hình kinh tế khác, một loại hình kinh tế công bằng hơn, bao trùm và bền vững hơn và không bỏ sót và loại trừ một ai.

Chung ta có thể làm được việc này! Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người phụ trách tài chính sẽ làm việc với các chính phủ để điều chỉnh lại thị trường tài chính và bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ của nó."
 
Thư Mục vụ của Đức Cha Salvatore Joseph Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco về Nhân phẩm Trẻ Chưa sinh, Rước Lễ, và Các Người Công Giáo trong Đời sống Công cộng, tiếp theo
Vũ Văn An
19:52 04/05/2021
Phần 2. Hợp tác với điều ác luân lý

Những người tranh đấu cho việc phá thai cho rằng họ đang tranh quyền cho phụ nữ, nhưng trên thực tế, việc thực hành rộng rãi các biện pháp ngừa thai và phá thai đã tạo ra gánh nặng to lớn cho người phụ nữ mang thai. Trước đây, một người phụ nữ thấy mình có mang trong hoàn cảnh khó khăn đã dựa vào gia đình, bạn bè, các tổ chức tôn giáo và dịch vụ xã hội để được hỗ trợ và giúp đỡ; có một cảm thức trách nhiệm chung. Và, rất thường xuyên, người cha của đứa trẻ nhận trách nhiệm của mình đối với tình huống này và sẽ đáp ứng tương xứng. Ngày nay, nền văn hóa ngừa thai đã thay đổi tất cả những điều đó: mang thai đã trở thành “vấn đề của cô ấy”. Đáng lẽ ra, cô ấy phải ngăn cản nó xảy ra, thì bây giờ một mình cô ấy phải tự giải quyết lấy vấn nạn của mình. Tệ hơn nữa, không hiếm những người lẽ ra phải giúp đỡ cô ấy (bố đứa trẻ, gia đình và bạn bè của cô ấy) lại động viên, thậm chí gây áp lực buộc cô phải phá thai. Tình trạng đáng buồn này đưa tôi đến quan điểm thứ hai: phá thai không bao giờ chỉ là hành động của người mẹ. Những người khác, ở mức độ lớn nhỏ khác nhau, phải chia sẻ trách nhiệm bất cứ khi nào sự ác này được thực hiện. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội đã phát triển một giáo huấn đạo đức có sắc thái về điều chúng ta gọi là “hợp tác với điều ác luân lý”, và điều này có liên quan với câu hỏi khi nào sự tham gia như vậy ngăn cản người Công Giáo rước Thánh Thể, một điều vốn cũng có một ứng dụng đặc thù đối với những người Công Giáo trong đời sống công cộng.

Sự khác biệt chính là giữa sự hợp tác mô thức (formal) và sự hợp tác chất thể (material) với điều ác. Chìa khóa của sự hợp tác mô thức là tôi muốn điều ác đang được thực hiện bởi người khác, và sự hợp tác của tôi được đưa ra để giúp mang lại điều đó. Điều này rõ ràng áp dụng vào những người sẵn sàng giết hoặc hỗ trợ giết đứa trẻ, nhưng cũng áp dụng vào những người khác gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, trả tiền cho việc này, cung cấp tài trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai hoặc hỗ trợ các ứng cử viên hoặc luật lệ làm cho việc phá thai dễ dàng hơn. Hợp tác mô thứ với điều ác không bao giờ được biện minh về mặt luân lý.
Trong nhiều thập niên qua, văn hóa phương Tây luôn phủ nhận thực tại khắc nghiệt của phá thai. Chủ đề này bị những người ủng hộ nó đưa vào những lời ngụy biện và việc thảo luận về nó bị cấm ở nhiều địa điểm. Tôi tin chắc rằng âm mưu thông tin sai lệch và im lặng này được nuôi dưỡng bởi nỗi sợ hãi về ý nghĩa của việc nhận ra thực tại mà chúng ta đang đối phó. Làm thế nào chúng ta có thể đối đầu với mức độ to lớn của sự vi phạm này? Cách duy nhất chúng ta có thể chịu làm thế là tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mà tình yêu thương xót tạo cơ hội cho chúng ta hoán cải và ăn năn. Chúa Kitô ban ơn tha thứ của Người một cách dồi dào, và ơn thánh của Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần sự hoán cải theo nhiều cách khác nhau. Sự ăn năn này là bước đầu tiên trong việc chữa lành cho tất cả những người có liên quan, chắc chắn cho người mẹ, nhưng cũng cho tất cả những người khác có tội. Chỉ khi chúng ta, trong tư cách cá nhân và trong tư cách xã hội, nhìn thấy điều ác ngay trong bản chất của nó, và thừa nhận phần có tội của mình và tìm kiếm sự hoán cải, chúng ta mới có thể bắt đầu việc chữa lành. Tôi khuyên nhủ, tôi nài nỉ các người đồng đạo Công Giáo của tôi, đang mắc tội trọng này, hãy hướng về Thiên Chúa trong bí tích Hòa giải, tiếp nhận ơn tha thứ của Người và làm việc đền tội. Sứ điệp hoán cải này là trọng tâm của Tin Mừng và sứ mệnh của Giáo hội.

Hợp tác chất thể có nghĩa là tôi không đồng ý hoặc nhằm đối tượng của hành vi, nhưng tôi đóng góp vào hành vi một cách nào đó. Hợp tác chất thể còn được phân biệt thêm là trực tiếp (immediate, hợp tác vào chính hành vi) hoặc gián tiếp (mediate, hợp tác liên quan đến việc có mặt trong hoàn cảnh của hành vi). Thí dụ, trong trường hợp phá thai, nếu một người không muốn người phụ nữ phá thai nhưng vẫn hỗ trợ trong thủ tục, thì đây là sự hợp tác chất thể trực tiếp. Nếu người này không tự mình tham gia vào hành vi, nhưng giúp chuẩn bị hoặc theo dõi, thì sự hợp tác này là gián tiếp. Sự hợp tác vật chất trực tiếp trong một điều ác nghiêm trọng không bao giờ được biện minh về mặt luân lý: người đó phạm tội đã tham gia vào hành động xấu xa, ngay cả khi người đó tin rằng hành động đó sai.

Hợp tác gián tiếp có thể thuộc nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào việc nó gần với chính hành vi hơn (cận kề) hay xa cách nhiều hơn (xa xôi). Thí dụ, hỗ trợ chuẩn bị cho bệnh nhân sẽ là sự hợp tác gián tiếp cận kề, trong khi xử lý các mẫu đơn tiếp nhận bệnh nhân vào bệnh viện, trong số nhiều việc khác, thực hiện phá thai sẽ là hợp tác gián tiếp xa xôi. Sự hợp tác như vậy có được phép không, và nếu có thì khi nào?

Tất cả chúng ta đều có bổn phận luân lý là tránh hợp tác với điều ác càng nhiều càng tốt, nhưng thần học luân lý Công Giáo thừa nhận rằng có thể có những hoàn cảnh trong đó được phép hợp tác một cách chất thể gián tiếp với một hành vi xấu xa. Như là tính phức tạp của cuộc sống và sự liên kết qua lại với nhau của xã hội nhân bản khiến chúng ta không thể tránh khỏi một số mối liên hệ với điều ác. Phải thực hiện các phán đoán thận trọng, và các hoàn cảnh có thể gợi ý rằng tôi được hợp tác theo cách chất thể gián tiếp để đạt được một điều tốt nào đó hoặc để ngăn chặn việc mất một điều tốt nào đó. Sự hợp tác như thế phải liên quan đến những hành động tự chúng là tốt hoặc trung lập về mặt luân lý, và chúng phải có sự tương xứng giữa tính nghiêm trọng của điều ác và mức độ tham gia của tôi vào đó. Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy cơ sở đôi của việc biện phân luân lý: chính hành động và ý định của người thực hiện nó. Về cơ sở thứ nhất, mức độ nghiêm trọng của hành vi sai trái càng lớn, thì lý do hợp tác chất thể càng phải nghiêm túc để có thể đưa ra. Đối với cơ sở thứ hai, mức độ nghiêm trọng của hành vi sai trái càng lớn, thì sự hợp tác càng phải xa xôi nếu muốn được cho phép về mặt luân lý.

Việc xác định khi nào được phép hợp tác chất thể gián tiếp vào điều ác đòi hỏi sự suy tư cẩn thận và đánh giá trung thực các hoàn cảnh. Sự hợp tác như vậy có thể được cho phép, chẳng hạn, trong thí dụ ở trên liên quan đến nhân viên tiếp tân trong một cơ sở chăm sóc sức khỏe thực hiện phá thai trong số nhiều thủ thuật y tế khác (mặc dù cá nhân này cũng nên chủ động tìm việc làm ở nơi khác nếu có thể). Một thí dụ khác và thậm chí rõ ràng hơn là của một nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua một đạo luật về sự đồng ý của cha mẹ: mặc dù luật này giả định trước tính hợp pháp của việc phá thai, nhưng luật này hạn chế phần nào quyền truy cập điều ác này và nhà lập pháp có thể phán đoán rằng điều tốt này cung cấp một sự biện minh cho việc hợp tác chất thể gián tiếp. Thánh Gioan Phaolô II đã đề cập đến chính vấn đề này trong thông điệp Evangelium vitae (số 73) của ngài, một văn kiện mà tôi muốn thúc giục mọi người đọc.

Tóm lại: về mặt luân lý, không bao giờ được phép hợp tác một cách mô thức với một hành vi xấu xa. Về mặt luân lý, không bao giờ được phép hợp tác một cách chất thể trực tiếp với chính hành vi đó. Có thể có những hoàn cảnh trong đó, được phép hợp tác một cách chất thể gián tiếp với một hành vi xấu xa và điều này được xác định bởi mức độ nghiêm trọng của điều ác và sự cận kề hay xa xôi với nó. Tuy nhiên, vì thực tại phá thai vi phạm nguyên tắc luân lý căn bản nhất, tức chính quyền sống, nên giáo huấn đức tin của chúng ta rất rõ ràng: những ai giết hoặc hỗ trợ giết đứa trẻ (ngay cả khi bản thân mình phản đối việc phá thai), những ai gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, những ai trả tiền cho nó, những ai cung cấp tài trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai, hoặc những ai hỗ trợ các ứng cử viên hoặc luật lệ nhằm mục đích làm cho việc phá thai trở thành một “sự lựa chọn” sẵn có hơn, tất cả đều đang hợp tác với một điều ác rất nghiêm trọng. Việc hợp tác mô thức và việc hợp tác chất thể trực tiếp với điều ác không bao giờ được biện minh về mặt luân lý.

Phần 3. Vấn đề lãnh nhận Thánh Thể

Giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội về việc xứng đáng được Rước Lễ đã nhất quán trong suốt lịch sử của Giáo hội, từ thuở ban đầu. Lời tường thuật sớm nhất về Bữa Tiệc Ly được tìm thấy trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, được viết trong vòng ba mươi năm diễn ra biến cố này. Ngay sau khi mô tả việc Chúa chúng ta thiết lập Bí tích Thánh Thể, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên nhủ này:

Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không biện phân được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình [1 Cr 11: 27–29].

Ăn và uống “mà không biện phân được thân thể” có nghĩa là không biện phân được thực tại của Thân thể Chúa Kitô. Điều này vừa chỉ Nhiệm thể bí tích của Chúa Kitô, tức Bí tích Thánh Thể, vừa chỉ Thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo hội. Chúa Giêsu Kitô không thể bị tách biệt khỏi Thân thể Người; lãnh nhận Mình và Máu Thánh Thể của Người trong khi bác bỏ các tín lý thiết yếu về Nhiệm Thể của Người là ăn và uống án phạt chính mình. Thánh Phaolô thúc giục các thành viên trong các cộng đoàn của ngài tạm thời loại trừ những người phạm tội nghiêm trọng ra khỏi giữa họ (thí dụ, 1Cr 5: 1–5), Thư thứ nhất của Thánh Gioan đã viện dẫn thực hành này (1Ga 1:10), và chính Chúa Giêsu cũng nói về điều này trong trường hợp những người không chịu lắng nghe Giáo hội (Mt 18:17). Mục đích của việc loại trừ như vậy là để chữa lành: nó nhằm giúp người phạm tội nhận ra rằng họ đã đi lạc khỏi đoàn chiên của Chúa Kitô bởi tác phong xấu xa tiếp diễn của họ.

Mô tả sớm nhất về phụng vụ Thánh Thể Công Giáo của chúng ta ở Rôma được tìm thấy giữa thế kỷ thứ hai. Thánh Justinô Tử đạo mô tả thứ tự việc thờ phượng Chúa Nhật, và cũng giải thích các tiêu chuẩn để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể: “Không ai được tham dự Bí tích Thánh Thể với chúng ta, trừ khi người ấy tin những gì chúng ta dạy là đúng; trừ khi người ấy được rửa sạch trong nước tái sinh của phép rửa để được tha tội, và trừ khi người ấy sống phù hợp với các nguyên tắc mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta” (4). Để áp dụng những yêu cầu cổ xưa này vào chủ đề hiện nay, những ai bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về sự thánh thiêng của sự sống con người và những ai không tìm cách sống phù hợp với giáo huấn đó sẽ không được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Về căn bản, đây là một vấn đề về tính liêm chính: lãnh nhận Bí tích Cực Thánh trong phụng vụ Công Giáo là tán thành công khai đức tin và các giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo, và mong muốn sống phù hợp theo. Tất cả chúng ta đều thiếu sót theo nhiều cách khác nhau, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc đấu tranh để sống theo những lời dạy của Giáo hội và việc bác bỏ những lời dạy này.

Điều quan trọng là phải nói rõ rằng “sự xứng đáng” trong vấn đề này không liên quan đến trạng thái bên trong của linh hồn người ta: chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh giá điều này. Không ai trong chúng ta thực sự xứng đáng để lãnh nhận chính Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng Thiên Chúa, trong lòng thương xót và hạ cố cao cả của Người mời gọi chúng ta đón nhận và làm cho chúng ta xứng đáng để làm điều đó. Chính Bí tích Thánh Thể là một liều thuốc và là một máng chuyển ơn Thiên Chúa tha thứ cho những tội lỗi nhẹ hơn của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết mình có tội trọng, chúng ta phải chạy đến bí tích Hòa giải trước khi lãnh nhận Ơn Phúc này. Sự tin cậy nơi Thiên Chúa không được nhường chỗ cho sự cao ngạo. Chúng ta là một Giáo hội của các người tội lỗi, và chúng ta cần tận dụng nhiều ơn thánh mà Chúa Kitô ban cho chúng ta trong các bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Chính Chúa Kitô đã ban cho chúng ta hai bí tích này và chúng ta nên thường xuyên lãnh nhận ơn tha thứ của Người trong phép xưng tội.

Khi xét lương tâm của người ta về việc được chuẩn bị đúng cách để rước Thánh Thể, các định nghĩa liên quan đến loại và mức độ hợp tác với một hành vi xấu xa đóng vai trò nguyên tắc hướng dẫn cần thiết. Phần lớn, đây là một vấn đề riêng tư. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh trong đó không phải như vậy, những dịp khi những người trong đời sống công cộng vi phạm ranh giới của sự hợp tác được biện minh. Trong trường hợp các nhân vật công cộng tuyên bố mình là Công Giáo nhưng lại cổ súy việc phá thai, chúng ta không phải đối diện với một tội vi phạm vì sự yếu đuối của con người hoặc do sa sút luân lý: mà đây là một vấn đề trì chí, ương ngạnh và công khai bác bỏ giáo huấn Công Giáo. Việc này càng làm tăng thêm trách nhiệm lớn hơn đối với vai trò của các mục tử của Giáo hội trong việc chăm sóc phần rỗi của các linh hồn.

Phần 4. Người Công Giáo trong Đời sống Công cộng

Là những người theo Chúa Kitô, tất cả chúng ta phải lưu ý đến lời nài nỉ của Thánh Phaolô: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12: 2). Điều này không dễ dàng đối với bất cứ ai, nhưng đặc biệt thách thức đối với người Công Giáo trong đời sống công cộng, những người mà sự nghiệp của họ phụ thuộc phần lớn vào sự được lòng dân. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người Công Giáo trong đời sống công cộng, những người đã lao công để bảo vệ nhân phẩm của mỗi người và mọi người, đặc biệt của các thai nhi không được bảo vệ. Nỗ lực này đòi hỏi sự can đảm lớn lao trong nền văn hóa của chúng ta, và qúy vị là nguồn cảm hứng và niềm tự hào cho các đồng đạo Công Giáo của mình.

Đối với những người Công Giáo trong đời sống công cộng tham gia vào việc phá thai hoặc tìm cách thúc đẩy nó qua luật lệ hoặc vận động, chính vì đây là những hành động mà nhiều người nhận thức được việc nó dẫn đến một sự xem xét khác: tai tiếng. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa tai tiếng là “một thái độ hoặc tác phong dẫn người khác làm điều ác” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 2284). Những nhân vật nổi bật trong xã hội giúp lên khuôn các phong hóa của xã hội đó, và trong nền văn hóa của chúng ta, việc họ thúc đẩy phá thai dứt khoát dẫn người khác làm điều ác. Điều này phải được tuyên bố một cách rõ ràng: bất cứ ai tích cực hoạt động để thúc đẩy việc phá thai đều chia sẻ một phần cảm thức tội lỗi đối với các vụ phá thai thực hiện vì hành động của họ.

Nhưng có một nguồn gây tai tiếng khác liên quan chuyên biệt tới người Công Giáo trong đời sống công cộng: nếu việc tham gia vào điều ác phá thai của họ không được các mục tử của họ đề cập một cách thẳng thắn, thì điều này có thể dẫn các người Công Giáo (và những người khác) đến chỗ cho rằng giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo về tính thánh thiêng bất khả xâm phạm của sự sống con người không cần được coi trọng. Giáo huấn thường hằng của Giáo Hội Công Giáo từ thuở sơ khai, các lời khuyến dụ lặp đi lặp lại của mọi Giáo hoàng trong thời gian gần đây cho đến và bao gồm Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các tuyên bố thường xuyên của các giám mục Hoa Kỳ, tất cả đều làm rõ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, liên quan đến việc phá thai. Khi các nhân vật công cộng tự nhận mình là người Công Giáo nhưng lại tích cực chống đối một trong những tín lý căn bản nhất của Giáo hội - phẩm giá cố hữu của mỗi và mọi con người và do đó lệnh cấm tuyệt đối việc lấy đi mạng sống người vô tội - thì các mục tử chúng tôi có trách nhiệm đối với chính họ và đối với những người còn lại trong dân Chúa của chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi đối với họ là kêu gọi họ hoán cải và cảnh báo họ rằng nếu họ không sửa đổi cuộc sống của mình, họ phải trả lời trước tòa án của Thiên Chúa vì máu vô tội đã đổ ra. Trách nhiệm của chúng tôi đối với phần còn lại của cộng đồng Công Giáo là bảo đảm với họ rằng Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô thực sự coi trọng sứ mệnh của mình là chăm sóc “những người nhỏ bé nhất trong số này,” như Chúa đã truyền cho chúng ta, và sửa chữa những người Công Giáo cổ súy cho việc phá thai một cách sai lầm, và đôi khi ngoan cố.

Việc sửa chữa này có nhiều hình thức, và đúng khi bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện riêng giữa người Công Giáo sai lầm và cha xứ hoặc giám mục của họ. Kinh nghiệm của một số người trong chúng ta trong vai trò lãnh đạo Giáo hội trong nhiều năm cho thấy sự thật đáng buồn này là những can thiệp như vậy thường không có kết quả. Có thể xảy ra việc các cuộc trò chuyện có xu hướng không đi đến đâu, do đó khiến cá nhân dễ dàng tiếp tục tham gia trọn vẹn vào đời sống của Giáo hội. Tình trạng như vậy là nguyên nhân gây ra tai tiếng cho nhiều tín hữu.

Bởi vì chúng ta đang đối phó với những nhân vật công cộng và những điển hình công khai về sự hợp tác với điều ác luân lý, nên việc sửa sai này cũng có thể mang hình thức công khai của việc không cho rước lễ. Như đã thấy ở trên, kỷ luật này vốn được thực hiện trong suốt lịch sử của chúng ta, từ thời Tân Ước. Khi các nẻo đường khác đã được dùng hết, mục tử chỉ còn lại phương tiện duy nhất là liều thuốc công cộng tạm thời loại trừ khỏi Bàn tiệc của Chúa. Đây là một liều thuốc đắng, nhưng tính trầm trọng của điều ác phá thai đôi khi cần điều đó. Nói cho riêng mình, tôi luôn giữ trước mặt tôi lời lẽ của tiên tri Êdêkien: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” ”(Edk 33: 8). Tôi run sợ vì nếu tôi không thẳng thắn thách thức những người Công Giáo dưới sự chăm sóc mục vụ của tôi, những người thúc đẩy phá thai, thì cả tôi và họ sẽ phải trả lời với Chúa về máu vô tội.

Đối với những người Công Giáo công khai ủng hộ tính hợp pháp của việc phá thai, tôi nài nỉ qúy vị hãy lưu ý đến lời kêu gọi hoán cải muôn thuở mà chính Thiên Chúa ngỏ với dân Người qua các thời đại: “Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em) : tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, nghĩa là hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Chúa đã thề với cha ông anh (em), là ông Ápraham, ông Ixaác và ông Giacóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Đnl 30: 19–20). Các lý tưởng Công Giáo của qúy vị đã truyền cảm hứng cho qúy vị trong công việc giúp đỡ những người bị kỳ thị, bạo lực và bất công, và qúy vị xứng đáng được sự biết ơn của các đồng đạo Công Giáo và đất nước chúng ta vì việc phục vụ này. Nhưng chúng ta không thể dành quyền cho kẻ yếu bằng cách đè bẹp kẻ yếu nhất! Một xã hội biết cảm thương, hòa nhập phải dành chỗ ở bàn ăn cho những người thiếu khả năng tự vệ nhất, và nó phải giúp một người đàn bà giữ lại đứa con chưa chào đời của họ, chứ không giết chết nó. Nếu qúy vị thấy rằng qúy vị không muốn hoặc không thể từ bỏ việc thúc đẩy phá thai, thì qúy vị không nên tiến lên để rước lễ. Công khai khẳng định đức tin Công Giáo trong khi cùng một lúc công khai bác bỏ một trong những tín lý căn bản nhất của nó đơn giản chỉ là bất trung thực. Lưu tâm đến lời kêu gọi hoán cải muôn thuở này là cách duy nhất để sống đức tin Công Giáo một cách chính trực.

Kết luận

Một số người có thể đặt câu hỏi tại sao chủ đề phá thai nên được đề cập vào thời điểm này, trong khi đất nước chúng ta đang phải đối đầu, ngay lúc này,với đủ thứ khủng hoảng khác: sự tàn phá kéo dài của một đại dịch chưa từng có, vết sẹo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc một lần nữa hiện lên cái đầu xấu xí của nó, hậu quả của một cuộc bầu cử gây tranh cãi, bạo lực leo thang và lan rộng, sự chia rẽ và phân cực ngày càng tăng ở đất nước chúng ta, v.v. Dù sao, phá thai vốn là một chủ đề gây tranh cãi trong nhiều thập niên qua. Nhưng vì lý do chính đáng, các giám mục Hoa Kỳ đã gọi nó là vấn đề trổi vượt của thời đại chúng ta, vì phá thai là một hành động chuyên biệt duy trì một điều ác luân lý nghiêm trọng. Nó không phải là một thái độ có thể tự biểu lộ theo những cách nghiêm túc ít nhiều khác nhau, cũng không phải là vấn đề của phán xét thận trọng trong đó người ta quyết định nẻo đường tốt nhất để đạt được điều tốt. Thật vậy, khi nhìn thẳng vào những gì thực sự xảy ra trong một vụ phá thai, khó có thể tưởng tượng được điều gì xấu xa khủng khiếp hơn thế. Một trong những điều như vậy là diệt chủng. Nhưng với gần một trong số năm trường hợp mang thai ở Hoa Kỳ kết thúc bằng phá thai, điều chúng ta đang mục kích, thực sự là một tội ác diệt chủng đối với các thai nhi.

Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc gỡ quốc gia của chúng ta ra khỏi tai họa này, và xây dựng một xã hội tôn trọng mọi sự sống. Một số thành viên trong xã hội có vai trò đặc biệt quan yếu. Tôi muốn ngỏ lời với qúy vị vào lúc này.

Gửi những người Công Giáo trong đời sống công cộng đang vận động cho sự sống: cảm ơn qúy vị đã can đảm làm chứng! Lập trường mạnh dạn và kiên định của qúy vị khi đối mặt với điều thường là phản đối gay gắt đem can đảm cho những người khác biết điều gì là đúng nhưng có thể cảm thấy quá nhút nhát không dám tuyên bố điều đó bằng lời nói và hành động. Điều tôi đã nói ở trên nên được nhắc lại ở đây: qúy vị là nguồn cảm hứng và niềm tự hào cho tất cả chúng ta trong cộng đồng Công Giáo!

Gửi những người cung cấp phá thai hoặc can dự bất cứ cách nào vào kỹ nghệ phá thai: Qúy vị hãy nhìn thẳng vào điều ác mà qúy vị đang vi phạm: Qúy vị hãy thừa nhận đúng bản chất của nó, chấp nhận nó và quay lưng lại với nó. Nhiều đồng nghiệp cũ của qúy vị đã làm điều này, họ đang tìm được sự bình an và đang sửa chữa cuộc sống của họ bằng cách tiết lộ các sự khủng khiếp của kỹ nghệ phá thai từ trong ra ngoài.

Gửi những người Công Giáo trong đời sống công cộng đang thực hiện hành việc phá thai hoặc thúc đẩy việc này: việc giết người phải dừng lại. Làm ơn, làm ơn, làm ơn: việc giết chóc phải dừng lại. Thiên Chúa đã giao phó cho qúy vị một địa vị có thanh thế trong xã hội. Qúy vị có quyền ảnh hưởng đến thực hành và thái độ của xã hội. Qúy vị hãy luôn nhớ rằng một ngày nào đó, qúy vị sẽ phải giải trình với Thiên Chúa về việc quản lý của qúy vị đối với sự tin tưởng này. Qúy vị đang ở trong một vị trí có thể làm điều gì đó cụ thể và có tính quyết định để ngăn chặn việc giết người này. Xin qúy vị hãy dừng việc giết người này lại. Và xin hãy ngưng đừng giả dụ cho rằng việc ủng hộ hoặc thực hành một điều ác luân lý nghiêm trọng - một tội ác cướp đi mạng sống con người vô tội, một tội ác phủ nhận quyền căn bản của con người - cách nào đó phù hợp với đức tin Công Giáo. Không phải vậy đâu. Xin qúy vị hãy trở về với tính trọn vẹn của đức tin Công Giáo của mình. Chúng tôi đang chờ qúy vị với vòng tay rộng mở để chào đón qúy vị trở về.

Gửi các phụ nữ đã phá thai và những phụ nữ khác bị ảnh hưởng bởi nó: Thiên Chúa yêu các chị. Chúng tôi yêu các chị. Chúa muốn các chị được chữa lành, và chúng tôi cũng vậy, chúng tôi có đủ nguồn lực để giúp các chị. Xin các chị hãy hướng về chúng tôi, vì chúng tôi yêu các chị, muốn giúp các chị và muốn các chị được chữa lành. Hơn bất cứ ai khác, do những gì các chị đã chịu đựng, các chị có thể trở thành một tiếng nói mạnh mẽ cho sự thánh thiêng của sự sống. Nhiều người đã thực hiện bước ngoặt này trong cuộc đời của họ. Các chị có thể dùng giai đoạn đau đớn và xấu xí này trong cuộc sống của mình và biến nó thành điều gì đó đẹp đẽ cho Thiên Chúa, với sự giúp đỡ của Người. Hãy để chúng tôi giúp các chị làm điều đó, để các chị có thể trải nghiệm sức mạnh chữa lành của tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Rỗi chúng ta.

Gửi tất cả những người có thiện chí: chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một nền văn hóa sự sống, bắt đầu ngay từ đầu. Chúng ta hãy làm việc cho một xã hội, trong đó mỗi em bé đều được đón nhận như một hồng ân quý giá từ Thiên Chúa và được chào đón vào cộng đồng nhân loại. Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sự cộng tác một cách tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có thể xây dựng một xã hội biết tôn trọng và khẳng định sự tốt lành của sự sống mỗi con người, chứ không vứt bỏ nó.

Ghi chú

(1)Marjorie A. England, Life Before Birth, 2nd ed. (Vương quốc Anh: Mosby – Wolfe, 1996), 31. Để biết danh sách đầy đủ các tài liệu tham khảo để tìm phôi học hiện đại chứng minh rằng sự sống của con người bắt đầu từ khi thụ tinh, hãy xem https://www.princeton.edu/~prolife/articles/embryoquotes2. html.

(2) Lời khai của Anthony Levatino, MD, JD trước Ủy ban Tư pháp, Hạ viện Hoa Kỳ, “ Vạch trần Planned Parenthood: Khảo sát Các Thủ tục Phá thai và Đạo đức học Y khoa tại Nhà cung cấp Phá thai Lớn nhất Quốc gia” ngày 8 tháng 10 năm 2015 (https://docs.house.gov/meetings/JU/JU00/20151008/104048/HHRG-114-JU00-Wstate-LevatinoA-20151008. pdf).

(3) Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, “Thư Dẫn nhập về việc Đào tạo Lương tâm cho Tư cách Công dân Trung tín” ngày 12 tháng 11 năm 2019 (https://www.usccb.org/about/leadership/usccb-general-assembly/upload/usccb-forming-consciences-faithful-citizenship-introductory-letter-20191112.pdf).

(4) Apologia, Cap. 66: 6, 427–431.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xứ Long Bình Tây Ninh Dâng Thánh lễ Mừng Kính Thánh Giuse Thợ - Bổn Mạng Giáo xứ.
Nguyễn Hữu Lộc
08:46 04/05/2021
Vào lúc 9g00 thứ 7 ngày 01/05/2021, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục Giáo phận Phú Cường đã về thăm viếng mục vụ Giáo xứ Long Bình và chủ sự Thánh lễ Mừng kính Thánh Giuse Thợ (bổn mạng Giáo xứ). Trong dịp này Đức Cha Giuse cũng cử hành ban bí tích Thêm Sức cho 16 em của Giáo xứ. Đồng thời, cho 17 em Rước lễ lần đầu và 12 em tuyên hứa Bao đồng. Các em thiếu nhi cùng cộng đoàn giáo xứ đã đứng xếp hàng thành đội ngũ chỉnh tề, trang trọng chào đón Đức cha Giuse, vị cha chung của Giáo phận.

Xem Hình

Đúng 8g30, Đức cha đã đến nơi, mọi người vui mừng chào đón ngài với tràng pháo tay nồng nhiệt. Và mọi người ai cũng rất vui mừng khi thấy được Đức cha vui cười ban phép lành cho mọi người. Cùng đồng tế với Đức cha, có cha Giaon Võ Hoàn Sinh, Hạt trưởng Hạt Tây Ninh; Cha chánh xứ An tôn Nguyễn Sĩ Quân, cùng Các Cha trong Giáo hạt Tây Ninh.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse chúc mừng Giáo xứ nhân ngày Lễ Quan thầy của Giáo xứ cùng tất cả các em được Thêm sức – Rước lễ lần đầu và Rước Lễ Bao Đồng hôm nay. Đức cha cũng nói lên ý nghĩa của nghi thức hôm nay, đồng thời ngài mời gọi cộng đoàn hiện diện hiệp ý cầu nguyện để ơn Chúa Thánh Thần xuống dồi dào trên các em, cũng như quý phụ huynh và những người đã hướng dẫn và dạy dỗ các em.

Trong phần giảng lễ, Đức cha chia sẽ với các em về mục đích và ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể và Nghi thức ban phép Thêm Sức, là ban ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người cũ trở thành con người mới. Đức cha mời gọi cộng đoàn giáo xứ cùng với các em thêm sức hôm nay hãy mở rộng tâm hồn các em tập sống yêu thương, thánh thiện và đạo đức. Hãy trở nên những chứng nhân cho Chúa Kitô bằng đời sống gương mẫu trong gia đình, Giáo xứ, Giáo phận và xã hội. Nhất là luôn luôn biết đón nhận Thiên Chúa là Cha toàn năng chứ đừng xem thường và ruồng bỏ Thiên Chúa như khi xưa con cái Ngài đã ruồng bỏ Ngài trên quê hương của Ngài như Bài phúc âm mà chúng ta đã được nghe.

Sau khi lập lại lời tuyên xưng đức tin, nghi thức ban bí tích Thêm Sức được cử hành thật trang nghiêm và sốt sắng. “Lạy Chúa Thánh Thần…”. Lời bài hát vang lên cũng chính là giây phút linh thiêng khi 29 em và cha mẹ đỡ đầu lần lượt tiến bước lên cung thánh để lãnh nhận Ấn Tín ơn Chúa Thánh Thần. Kể từ đây, các em được hiến thánh cho Thiên Chúa, được ban sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, ra đi làm chứng và bảo vệ đức tin bằng lời nói cũng như hành động, trở thành chiến sĩ của Đức Kitô. Đây còn là kỷ niệm đẹp mà các em mãi ghi nhớ trong suốt cuộc đời.

Thánh lễ tiếp tục với phần nghi thức Tuyên hứa Bao đồng. Tính cách trọng thể của lễ nghi này nằm ở chỗ các em sẽ cầm nến sáng trên tay, đích thân nói lên lời tuyên xưng đức tin mà trước đây, khi các em lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Cha mẹ và người đỡ đầu đã tuyên xưng thay cho các em. Qua lời tuyên hứa “Quyết tâm theo Chúa Giêsu đến trọn đời để trở nên người Kitô hữu trọn lành và sốt sắng.”

Với Nến sáng trên tay, xếp hàng ngay ngắn, cùng với cộng đoàn, các em nói lên quyết tâm từ bỏ tội lỗi, ma quỷ và những quyến rũ của chúng; đồng thời tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội của Người. Các em hứa trung thành với Chúa Giêsu, giữ trọn lề luật, thánh hoá ngày Chúa nhật, giữ mùa Phục Sinh, cầu nguyện sáng tối, vâng lời cha mẹ và yêu thương anh chị em. Đó là một quyết tâm đến trọn đời.

Sau đó, từng em tiến lên, xưng tên của mình và đặt tay lên Phúc Âm để cam kết điều này: “Con xin cam kết và thề hứa với Thiên Chúa, con luôn trung thành tin theo Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh của Người, để yêu thương và phục vụ mọi người cho đến trọn đời. Amen.” Sau đó Đức cha đã trao cho từng em quyển Kinh Thánh, để làm hành trang vào đời, làm chứng nhân cho Chúa và loan báo tin mừng của Chúa.

Trong thánh lễ này, ngoài miền vui của Các em thêm sức khi được lãnh nhận ơn Chúa Thánh thần, để trở thành những chiến sĩ của Đức Ki tô; Những em Bao đồng là đã được trưởng thành trong Hội thánh, đã biết tự mình Tuyên hứa với Thiên Chúa là quyết một lòng theo Chúa và giữ trọn lề luật Chúa. Thì còn có miền vui của các em Rước lễ lần đầu. Vì từ đây các em được rước Mình thánh thể vào lòng, đây là một miền hạnh phúc của mỗi người Ki tô giáo, vì: “Thánh Thể là một ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Đó không phải là một tấm bánh hay ly rượu bình thường như chúng ta thấy, nhưng đó chính là Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô đã ban cho con người chúng ta để con người chúng ta có được sự sống đời đời”. “Do đó, các con phải sống tốt, phải hiểu thảo, phải vâng lời ông bà, cha mẹ thì mới xứng đáng để được Chúa ngự vào lòng… ”. Đó là lời mà Đức Cha Giuse đã nhắc nhở các em Rước lễ lần đầu.

Cuối thánh lễ, sau lời cám ơn của Vị đại diện Giáo xứ gửi đến Đức Cha; Quý Cha; Quý Dì.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức cha Giuse có đôi lời cám ơn và chào chúc cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ. Mọi người ra về trong hân hoan vì được tham dự thánh lễ Tạ ơn Mừng Bổn Mạng Giáo xứ; cũng như được tham dự vào nghi thức ban Bí tích Thêm Sức rất long trọng do tay vị chủ chăn của Giáo phận. Nhất là các em được Rước lễ lần đầu và lãnh Bí tích Thêm Sức, lòng tràn ngập niềm vui vì đã được rước Chúa vào lòng và nhận được ơn Chúa Thánh Thần, để từ nay, các em sẽ là chiến sĩ của Chúa Kitô, làm chứng cho Ngài giữa lòng thế giới hôm nay.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Văn Hóa
Dâng Mẹ Năm Sắc Hoa Lòng
Đinh Văn Tiến Hùng
09:40 04/05/2021
Tháng Hoa Hiệp thông cùng ĐTC Phanxicô cầu xin cho đại dịch qua mau

*Tiến dâng năm sắc hoa tươi,
Mừng kính Đức Mẹ Chúa Trời cao sang.

Muôn hoa năm sắc cầu vồng,
Thơ vương ý nhạc sóng lòng dâng cao,
Hương thơm lan tỏa ngọt ngào,
Lòng con trùm phủ biết bao ân tình.

Hoa TRẮNG lóng lánh tuyết trinh,
Đồng Trinh Mẹ nguyện dâng mình tin yêu,
Vẹn toàn nhân đức mọi điều,
Tôn thờ Thiên Chúa thương yêu loài người.

Hoa VÀNG rực rỡ đẹp tươi,
Tình yêu Con Chúa mọi điều nêu cao,
Mẹ đẹp hơn cả ngàn sao,
Vững lòng tin cậy dạt dào mến yêu.

Hoa TÍM đằm thắm dịu hiền,
Cúi mình khiêm hạ sớm chiều Xin Vâng,
Chúa Con Cứu Thế xuống trần,
Mẹ dâng tâm hồn xác thân cho Người.

Hoa HỒNG rực rỡ gọi mời,
Mình Máu Thánh Chúa cứu đời trầm luân,
Mẹ đẹp lòng Chúa muôn phần,
Đồng Công Cứu Chuộc thế trần khổ đau.

Hoa XANH trời đẹp trong lành,
Kính mừng Vương Mẫu thánh danh rạng ngời,
Du dương ngây ngất nhạc trời,
Thánh Thần chào đón muôn lời tung hô.

Năm Hoa khoe sắc tươi xinh,
Lời thơ điệu nhạc câu kinh diệu huyền,
Bụi trần lọc suối tinh tuyền,
Biết trông cậy Mẹ ưu phiền sẽ tan.

Giờ đây đại dịch lan tràn,
Mẹ cầu cùng Chúa xin ban ơn lành,
Loài người muốn có an bình,
Hãy sống tốt đẹp trọn tình thế nhân.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Nét Đẹp Chân Tu
Lm Phêrô Hồng Phúc
21:25 04/05/2021
Nét Đẹp Chân Tu

Chân tu, chân lý, chân thành,
Ba chân đều quý, khởi hành chân tu.
Trở nên giống Chúa Giêsu
Tu là chỉnh sửa, đời dù nổi trôi.

Tu là gìn giữ tinh khôi
Con người bản thiện từ hồi sơ sinh (1)
Tu là nét đẹp nguyên trinh
Giống hình ảnh Chúa, Thánh Linh rạng ngời.
Chân tu diễn tả cuộc đời
Xoá đi nước mắt, nụ cười rạng lên.
“Đi ra, sống giữa ngoại biên” (2)
Êm đềm tình Chúa, an nhiên tình người.
Hài hoà sức sống đất trời
Bình an, hạnh phúc là đời chân tu.
Tới ngày hoà nhập thiên thu
Kết trong chân lý - Giêsu nhân lành.

Chân tu, chân lý, chân thành,
Ba chân đều quý, khởi hành chân tu!

Lm Phêrô Hồng Phúc

________________

(1) “Nhân chi sơ, tính bản thiện”
(2) Evangelii Gaudium số 20-24.

 
VietCatholic TV
Đáng sợ: Một Thiền sư Thái đã tự chặt đầu, vì cho đấy là việc tự hiến cho Đức Phật.
Giáo Hội Năm Châu
06:03 04/05/2021

1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Bác sĩ José Gregorio, một con người phục vụ cho mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới các Giám mục và người dân Venezuela nhân ngày phong chân phước cho bác sĩ José Gregorio Hernández Cisneros, được diễn ra ngày 30 tháng 4 tại Caracas. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ ý ước mong được đến thăm đất nước này. Vào trước lễ phong chân phước cho Vị bác sĩ người Venezuela, Bác sĩ Jose Gregorio Hernández Cisneros, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thong điệp video tới các Giám mục và người dân Venezuela mô tả bác sĩ José là “một mẫu gương về lòng nhân hậu và một công dân và một tín hữu tốt lành”. Vị Bác sĩ của người nghèo. Bác sĩ Hernández được biết đến như là một bác sĩ của người nghèo và thông qua các nghiên cứu của mình ở Paris, Berlin, Madrid và New York, ông đã trở thành một nhà vi khuẩn học nổi tiếng. Ông mất vào năm 1919 tại Caracas vì một tai nạn xe hơi.

Trong thông điệp video, Thánh Cha Phanxicô cho biết Giáo hội xác nhận một điều mà người dân Venezuela đều chấp nhận: Bác sĩ là một người bạn của dân luôn tín thác vào Chúa và Đức Mẹ Coromoto, ngày nay bác sĩ đang cầu bầu cho nhân dân của mình và cho tất cả chúng ta.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng ngài chưa gặp một người Venezuela nào ở Vatican cả, và cũng chưa bao giờ trò chuyện về việc đặt ra vấn đề: khi nào thì phong chân phước cho bác sĩ Gregorio?

Con người phục vụ cho toàn cầu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả bác sĩ José Gregorio như một tấm gương của một môn sinh mà Chúa Kitô tin tưởng, người đã lấy Tin Mừng làm tiêu chí cho đời mình, trở nên một mẫu gương của khiêm hạ và khiêm nhường.

Đức Thánh Cha nói: “Bác sĩ là một gương mẫu thánh thiện, dấn thân bảo vệ sự sống, trước những thách thức của thời đại và đặc biệt là một tấm gương phục vụ tha nhân, như người Samaritanô nhân hậu, đã không loại trừ ai”. “Bác sĩ là một người phục vụ cho toàn cầu.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng một trong những khía cạnh nổi bật và hấp dẫn nhất của vị bác sĩ này là “gương phục vụ mọi người”. ĐTC nói, đó là một sự phục vụ, “được hiểu theo mẫu gương mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài rửa chân cho các tông đồ… vì Ngài yêu thương mọi người.”

Những thách đố ở Venezuela

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Lễ Phong Chân Phước cho bác sĩ José Gregorio diễn ra vào một thời điểm đặc biệt và khó khăn đối với người dân ở Venezuela.

ĐTC nhấn mạnh tới nỗi đau khổ ngày càng trầm trọng bởi đại dịch Covid- 19, và ngài đặc biệt lưu tâm đến những người đã chết, họ đã phải trả giá bằng mạng sống của họ, để thực hiện nhiệm vụ của họ trong những điều kiện bấp bênh.

ĐTC thừa nhận sẽ có những giới hạn y tế có thể ảnh hưởng đến “ngày lễ hội quan yếu này của đức tin trong dịp phong chân phước”, nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh dù vậy đây cũng sẽ là một dịp lễ quan yếu... Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “tất cả những người đã rời bỏ đất nước để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, và cả những người bị tước đoạt tự do và những người thiếu thốn ngay cả những điều tối cần cho cuộc sống... Tất cả các bạn đều là con cái của Thiên Chúa, tất cả các bạn đều có quyền như nhau. Cha đồng hành cùng bạn trong tình yêu.”

“Việc tôn phong chân phước cho bác sĩ Hernández là một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa dành cho dân nước Venezuela,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh,“ và Ngài mời gọi tất cả hãy canh tân hoán cải, đoàn kết hơn với nhau, để cùng nhau xây dựng lợi ích chung cho đất nước, phục hồi, để được tái sinh sau cơn đại dịch với tinh thần hòa giải ”.

Tấm gương của Bác sĩ José Gregorio

Giữa những khó khăn hiện tại, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi người dân Venezuela hãy noi theo “tấm gương phục vụ quên mình vì người khác” của vị bác sĩ này. “Tôi tin rằng đây là một khoảnh khắc, để dân tộc này đoàn kết lại xung quanh hình ảnh của vị bác sĩ của dân tộc, hầu tạo nên một thời điểm đặc biệt cho dân nước Venezuela, mời gọi tất cả hãy vươn lên, cùng nhau thực hiện các bước tiến cụ thể để thống nhất, khắc phục mọi khó khăn trước mắt mà tiến tới!”

Hiệp nhất và hòa giải

Kết thúc thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Chúa cho sự hòa giải và hòa bình giữa những người Venezuela, đồng thời ngài bày tỏ ước muốn đến thăm đất nước này trong tương lai...

Đức Thánh Cha khẩn xin Thiên Chúa truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các chính trị gia và doanh nghiệp, thực hiện những cam kết cách nghiêm túc để đạt được sự hiệp nhất và cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Nhân dịp lễ phong chân phước cho Bác sĩ José Gregorio Hernández Cisneros ngày 30 tháng 4 tại Caracas, Bác sĩ José sẽ được đặt để là người đồng bảo trợ các chương trình nghiên cứu Khoa học Hòa bình tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Rome.

2. Vẻ vang Dân Việt: Vatican – Linh mục Nguyễn Đình Anh Nhuệ, Tân Tổng thư ký của Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Tòa Thánh Vatican.

Vatican –Theo Thông tấn xã Fides (1/5/2021) thì Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv, được chọn giữ chức Tổng thư ký của Hội Truyền giáo Giáo hoàng (PMU), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Cổ súy Truyền giáo Quốc tế (CIAM) và Giám đốc của Thông tấn xã Fides. Ngài là một Tu sĩ Việt Nam Dòng Phanxicô, ngài được Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo Muôn Dân bổ nhiệm vào các chức vụ trên ngày 1 tháng 5 năm 2021, nhiệm kỳ 5 năm.

Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv thừa kế cha Fabrizio Meroni, PIME, người hoàn tất nhiệm vụ vào ngày 30 tháng 11 năm 2020, sau đó được gia hạn cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2021. Trong lời chào mừng tới các vị tân Giám đốc thuộc các Quốc gia của PMS, cha Meroni, cám ơn về những hỗ trợ ngài đã nhận được trong thời gian 5 năm qua và ngài hy vọng rằng dưới sự hướng dẫn của một người từ Châu Á, với những góp mặt của những thành viên từ Châu Phi và Châu Đại Dương sẽ lãnh đạo tổ chức PMU vươn lên như một dấu hiệu cho thấy tính phổ quát của sứ mệnh Truyền giáo của Giáo hội.

Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv nói với TTX Fides: Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đức Thánh Cha, người hướng dẫn và truyền cảm hứng cho sứ mệnh của Giáo hội trong giai đoạn khó khăn này. Tôi xin chân thành cảm ơn Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo cho muôn Dân, và Đức Tổng Giám Mục Giampiero Dal Toso, Phụ tá Thư ký của Thánh bộ và Chủ tịch Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng (PMS), đã tin tưởng và bổ nhiệm ngài.

Tôi cảm ơn Chúa Kitô và Mẹ của các môn đệ Chúa, Thánh Cả Giuse và các đấng sáng lập ra Hội Truyền giáo, phù giúp chúng ta và xin tinh thần của các ngài giúp chúng ta hoàn tất được sứ vụ được trao phó cho chúng ta”.

Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv vị tiền nhiệm của tôi là Cha Fabrizio Meroni, PIME, vì công việc ngài đã thực hiện với tất cả tài trí và lòng nhiệt thành. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các vị Tổng thư ký của Hội Truyền giáo Giáo hoàng, Cha Tadeusz Nowak OMI, Sơ Roberta Tremarelli AMSS, Cha Guy Bognon PSS, cũng như các Giám đốc khác nhau từ các quốc gia khác nhau của PMS đã tiếp nhận và chào đón tôi trong tình huynh đệ. Tôi sẽ cố gắng hết sức hoàn thành những công việc chung là hoạt động truyền giáo tại các Giáo hội địa phương và hoàn vũ, với một một nhiệt tình, sáng tạo trong tinh thần hiệp thông và hợp tác... Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm.

Sinh năm 1970 tại Qui Nhơn (Việt Nam), là linh mục Dòng Phanxicô, cha thuộc tỉnh dòng Warszawa

(Ba Lan). Ngài là Giáo sư môn Chú giải và Thần học Kinh thánh tại Khoa Thần học Giáo hoàng Thánh Bonaventure ở Urbe (Seraphicum) và là giáo sư của Đại học Giáo hoàng Urbano và Đại học Giáo hoàng Gregoriano. Ngài là cũng là Cộng sự viên Nghiên cứu Danh dự của Đại học Divinity, Trường Thần học Công Giáo (Melbourne, Úc), nơi ngài đã giảng dạy từ năm 2006 đến năm 2011.

Ngài có bằng Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật tại Đại học Kỹ thuật Tula (1994, Nga). Sau khi gia nhập Dòng Phanxicô, ngài đã hoàn tất bằng cử nhân Thần học tại Khoa Thần học Giáo hoàng Thánh Bonaventure 2001, cũng là năm ngài khấn trọn đời, và theo học Kinh thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregoriano năm 2003, năm mà ngài được thụ phong linh mục ở Rôma. Năm 2006, ngài hoàn tất học vị Tiến sĩ Thần học Kinh thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregoriano.

Ngài lần lượt giữ các chức vụ là Trưởng khoa Thần học Giáo hoàng của Đại học Giáo hoàng thánh Bonaventure Seraphicum, từ năm 2016 đến năm 2021. Ngài là thành viên của Ủy ban Khoa học của AVEPRO (Cơ quan Định giá và Cổ súy của các Đại học và phân Khoa thuộc Giáo hội), do Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm 2018-2023. Ngài là Giám đốc sáng lập tổ chức FIATS - Viện nghiên cứu Thần học Châu Á của Dòng Phanxicô được thành lập vào năm 2015 tại Khoa Thần học Giáo hoàng Thánh Bonaventure. Ngài là tác giả của nhiều sách xuất bản cùng với các bài nghiên cứu khoa học. Ngài nói thông thạo bảy thứ tiếng.

3. Một Thiền sư Thái đã tự chặt đầu, vì cho đấy là việc tự hiến cho Đức Phật.

Theo các vị chức trách Phật giáo, một thiền sư Thái đã chặt đầu mình để tự hiến cho Đức Phật, là một ý niệm sai lầm trong việc giải thích giáo lý Phật giáo.

Thiền sư Dhammakorn Wangphrecha, 68 tuổi, một thiền sư được trọng vọng tại tu viện Wat Phuhingong ở tỉnh Nong Bua Lamphu, miền đông bắc Thái, đã tự chặt đầu mình bằng máy chém tự chế trong một nghi thức tôn giáo rùng rợn vào sáng sớm ngày 15/4. Dựa vào bức thư tuyệt mệnh mà thiền sư viết: Vị thiền sư tin rằng bằng cách hy sinh dâng hiến mạng sống mình như một của lễ toàn thiêu cho Đức Phật, ngài sẽ được tái sinh thành lên một đẳng cấp tâm linh cao hơn hoặc đạt đến giác ngộ, là mục tiêu của mọi Phật tử. Thiền sư Dhammakorn cho hay ông đã có kế hoạch cho hành động này 5 năm qua, thực hiện hành vi tự hiến tế này bên cạnh một bức tượng thạch cao của thần Indra, một vị thần Hindu đang ôm cái đầu bị chặt của mình trong vòng tay, y như một chuyện thần thoại cổ điển của Ấn Độ.

“Mong muốn của thiền sư là dâng cúng đầu và linh hồn mình để Đức Phật có thể giúp ngài tái sinh thành một đẳng cấp cao hơn ở kiếp sau”, Booncherd Boonrod, một người họ hàng của thiền sư cho một thông tấn xã Thái Lan hay như vậy.

Ông Booncherd còn cho biết thêm: “Trong bức thư tuyệt mệnh của mình, thiền sư viết “chặt đầu là cách ông bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật.” Đạo Phật không cổ súy tự sát vì bất cứ lý do gì, vì đó là hành động ác nghiệp! Vị thiền sư trụ trì này đã dạy những đồ đệ theo ông và các phật tử cộng đoàn thôn dã này rằng bằng cách dâng hiến mạng sống mình cho Đức Phật, họ sẽ được đảm bảo tái sinh tốt hơn cho kiếp sau. Trước khi hỏa táng thiền sư trong một khu rừng, thi thể của thiền sư Dhammakorn được đặt trong quan tài, nhưng đầu của ông được đặt trong một cái bình pha lê để mọi người chiêm ngắm và người thân của ông có thể tỏ lòng tôn kính.

Các tín đồ Phật giáo Thái Lan thường phóng thích chim, cá và các loài động vật khác để mong công đức và mong đạt được một kiếp tốt đẹp hơn qua việc cứu mạng cho các động vật...

Theo thông báo của một hiền sư Phật giáo nổi tiếng, không đồng quan điểm với thiền sư tự sát Dhammakorn cho hay: “Hội đồng Phật giáo ra lệnh cho các thiền sư Thái Lan phải thanh luyện để có những thiền sư chân chính tại các chùa chiền viện tu; vì tự tử không thể là điều kiện để lập công”.

Thiền sư Phramaha Paiwan Warawanno, một hiền sư ở Bangkok, người có đông phật tử cho biết trong một bài đăng trên Facebook như sau: “Không có lời dạy nào, Đức Phật nói bạn hãy tự chém đầu mình để cúng dường. Điều mà Đức Phật mong muốn là mọi người hãy sống theo lời dạy của Ngài làm sao cho cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn! Chứ Đức Phật không muốn bất cứ ai dâng hiến cuộc sống hay tự hiến mạng sống mình cho Đức Phật. Chúng ta cần phải chặn đứng những ý niệm sai lầm như vậy!”

Tuy nhiên, một số Phật tử Thái cũng lên tiếng bênh vực cho các nhà sư, cho rằng việc xuống tóc, cạo trọc đầu là một cách truyền thống để tìm đạt một trạng thái tâm linh và kiếp cao hơn trong đời.

Cũng có những lo ngại rằng sẽ có một số phật tử cuồng tín ngưỡng mộ sùng kính thiền sư Dhammakorn, có thể thúc đẩy những phật tử tiếp tục tin vào ma thuật đen tối mà thực hành những điều đáng tiếc tương tự...

Thiền sư Sipbowon Kaeo-ngam, người phát ngôn của Văn phòng Phật giáo Quốc gia cho hay: “Các thiền sư trụ trì và điều hành các chùa chiền và tu viện nên xem xét lại các việc thực hành và hãy quan tâm chăm sóc các nhà sư khác trong chùa của họ. Sự việc này có thể là bằng chứng cho thấy có sự sơ suất trong việc giảng dậy và điều hành… Chúng ta phải ngăn chặn những tình huống không chính đáng xảy ra một lần nữa.
 
7 lời cầu mới trong Kinh Cầu Thánh Giuse. Đức Hồng Y Pell lên tiếng về tình trạng ly giáo ở Đức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:53 04/05/2021


1. Chủ tịch miền Kurdistan cam kết bảo vệ các quyền của Kitô hữu

Ông Barzani bày tỏ lập trường trên đây, hôm 28 Tháng Tư vừa qua, trong buổi tiếp kiến Đức Tổng Giám Mục Mitjia Leskovar, Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq. Ông nói: “Các tín hữu Kitô là thành phần trọn vẹn của miền Kurdistan và giữ một vai trò quan trọng trong việc phục vụ, xây dựng, phát triển và thăng tiến một nền văn hóa sống chung hòa bình tại đây. Bảo đảm các quyền của Kitô hữu và các nhóm chủng tộc, tôn giáo đó là điều sẽ được bảo vệ trong hiến pháp mới đang được soạn thảo”.

Trong cuộc hội kiến, ông Chủ tịch Barzani và Đức Sứ thần Leskovar cũng đề cập đến tình trạng tại vùng bình nguyên Ninive, nơi có đông đảo các Kitô hữu sinh sống, vấn đề những người tị nạn ở Kurdistan, tương quan giữa miền tự trị này với chính quyền trung ương của Iraq tại Baghdad, nạn đại dịch và việc chích ngừa Covid-19.

Ngoài ra, ông chủ tịch Barzani cũng nhắc đến tầm quan trọng của đại học Công Giáo được thành lập năm 2015 ở thành phố Erbil, thủ phủ miền Kurdistan, do Đức Tổng Giám Mục Warda sở tại. Ông nói rằng các đại học trong vùng cần liên kết với nhau để trở thành một nhịp cầu đả thông, thăng tiến sự sống chung, tha thứ và chấp nhận nhau
Source:Rudraw

2. Chính phủ Sri Lanka đề xuất lệnh cấm burqa

Bất chấp những lo ngại từ các nhóm vận động quyền tôn giáo, chính phủ Sri Lanka đang có kế hoạch ban hành lệnh cấm mặc các loại quần áo che kín mặt ở nơi công cộng, chẳng hạn như burqas.

Theo UCA News, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Đại chúng Keheliya Rambukwella cho biết lệnh cấm này là để phản ứng lại với những lo ngại về an ninh.

“Nội các đã phê duyệt dự thảo lệnh cấm hoàn toàn đối với việc che kín mặt ở những nơi công cộng trong nước”, Rambukwella cho biết hôm 27 tháng 4.

“Nhiều quốc gia cụ thể đã thực hiện các biện pháp như vậy vì an ninh quốc gia. Đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này trong quá khứ. Vào thời điểm mà an ninh quốc gia là quan trọng, chúng tôi quyết định phải tập trung vào vấn đề này”.

Trước khi đề xuất này trở thành luật, nó phải được gửi đến Bộ Tư Pháp và sau đó được quốc hội thông qua.

Vào tháng 4 năm 2019, các vụ đánh bom ở Sri Lanka đã giết chết hàng trăm người tại một số nhà thờ và khách sạn vào Chúa Nhật Phục sinh. Cảnh sát gần đây đã bắt giữ một cựu bộ trưởng nội các và anh trai của ông này vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ đánh bom. Luật sư của họ tuyên bố các vụ bắt giữ có động cơ chính trị.

Cộng đồng Hồi giáo của Sri Lanka, chiếm 10% trong tổng số 22 triệu dân, đã phản đối đề xuất cấm burqa.

Nhà hoạt động Hồi giáo Saheel cho biết cộng đồng của ông là nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo, bao gồm việc bắt giữ một số nhà hoạt động và chính trị gia Hồi giáo.

“Các cửa hàng Hồi giáo và nhà cửa bị tấn công chỉ một vài ngày sau các cuộc tấn công Chúa Nhật Phục Sinh năm 2019”, bà nói.

“Trong năm 2019, các Phật tử cực đoan đã tấn công vào những nơi người Hồi giáo sở hữu như các đền thờ Hồi Giáo, các doanh nghiệp và gia cư tại một loạt các thành phố trên toàn quốc chỉ 22 ngày sau vụ thảm sát Lễ Phục Sinh, nhưng không có thủ phạm nào trong các vụ tấn công này đã bị trừng phạt”, bà nói.

“Đã có một số vụ việc tương tự như vậy xảy ra trong vài năm gần đây và đây có thể chỉ là một vụ khác”.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Pell nhận định rằng: 'Nhiệm vụ của các giám mục Đức là bảo vệ những lời dạy của Kinh thánh'

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y George Pell nói rằng tình hình của Giáo Hội ở Đức xem ra “rất đáng lo ngại,” và nhấn mạnh rằng các giám mục Đức phải làm tròn bổn phận của mình là bảo vệ những lời dạy của Kinh Thánh.

“Tôi nghĩ rằng có một phần nhất định của Giáo hội Đức dường như kiên quyết đi sai hướng”, Đức Hồng Y Pell nói trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn được phát sóng trên EWTN ngày 27 tháng 4.

“Khi nói thế, tôi có ý nói là rõ ràng ở Đức có một Kitô Giáo tháo thứ, cho dù đó là Công Giáo tháo thứ hay Tin lành tháo thứ, tồn tại hàng thế hệ hoặc lâu hơn, trộn lẫn với thuyết bất khả tri. … Nếu bạn áp dụng các chính sách của thế giới và chỉ làm theo để họ vừa lòng, thì sẽ không ai buồn quan tâm đến Kitô Giáo đó”.

Bình luận của Đức Hồng Y Pell được đưa ra khi các thành viên của Giáo hội ở Đức đang lên kế hoạch vào ngày 10 tháng 5 để tổ chức một ngày chúc phúc cho những người đồng giới, mặc dù Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho những kết hiệp đồng tính như thế.

Con số kỷ lục người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội Đức trong những năm gần đây vẫn không dừng lại. 272,771 người đã chính thức rời bỏ Giáo Hội vào năm 2019.

Đức Hồng Y Pell nói: “Nhiệm vụ của các giám mục Đức là tôn trọng những lời dạy của Kinh thánh, giữ vững những lời dạy của Giáo hội. Chúng ta phải bảo vệ những lời dạy đó. Các Giám Mục Đức không có quyền thay đổi các giáo huấn này - không ai trong chúng ta được phép làm như thế”.

“Điều quan trọng là phải dạy bảo những điều gì thuộc Lời Chúa, những điều gì thuộc truyền thống các Tông đồ. Và nếu họ thực hiện những gì họ đang nói, tôi không nghĩ rằng họ có thể quay trở lại.”

Đức Hồng Y đã theo dõi tình hình của Giáo hội ở Đức qua các bài báo trong thời gian bị giam cầm ở Úc, là điều ngài ghi nhận trong cuốn sách mới nhất của mình, “Nhật ký trong tù, Tập 2: Tòa án Tiểu bang bác bỏ kháng cáo”, được xuất bản bởi Ignatius Press.

Trong 404 ngày ở tù trước khi được tuyên bố trắng án, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài đã lưu giữ cuốn nhật ký như một “ghi chép lịch sử về một thời kỳ lạ lùng”.

Đức Hồng Y bị bắt giam vào năm 2019, năm mà các giám mục Đức đưa ra Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi của họ.

Đức Hồng Y Pell nói: “Vấn đề thực sự quan trọng đối với Giáo hội là: Chúng ta có giảng dạy công khai những gì Chúa Kitô đã dạy không? Giờ đây, một số giáo lý đó không được ưa chuộng, như sự tha thứ, những người không có quyền như các thai nhi chưa chào đời, những người ở dưới cùng của đống rác, như những tù nhân, và sau đó còn có các lĩnh vực gây tranh cãi hơn về gia đình và hôn nhân”.

Đức Hồng Y nói thêm rằng tất cả các nhà lãnh đạo trong Giáo hội phải dám lên tiếng bênh vực các giáo huấn chính thống vào những thời điểm mà những thông điệp đó có thể không được ưa chuộng.

“Có đủ loại tiếng nói đang cố gắng loại bỏ chúng ta khỏi bầu khí công cộng và nói rằng chúng ta không nên làm điều này điều kia. Một trong những điều tôi đang nói bây giờ và với tất cả những người kế nhiệm của tôi là: Dù thế nào, chúng ta vẫn phải tiếp tục nói”.

“Nếu không xã hội của chúng ta sẽ bị suy giảm sâu sắc đến mức nó hoàn toàn xa rời những nguyên tắc Kitô về tình yêu thương, sự phục vụ và sự tha thứ”.

Ngài cảnh cáo rằng:

“Chúng ta đã có thể thấy điều đó trong xã hội với những thay đổi đang diễn ra. Chúng ta thường tập trung vào những tổn thất đối với Giáo hội do sự sa sút của việc thực hành đạo và sự ra đi của các tín hữu. Điều đó chắc chắn đúng, nhưng điều đó có thể gây ra những hậu quả lớn cho xã hội nói chung, đặc biệt là trong những miền đa số dân theo Kitô Giáo”.

Đức Hồng Y Pell sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 8 tháng 6, do đó không đủ điều kiện để bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng trong tương lai. Khi được hỏi về cảm giác của ngài khi bước vào tuổi 80, vị Hồng Y cho biết ngài rất biết ơn vì đã nhận được nhiều phước lành trong cuộc đời mình.

“Niềm an ủi lớn nhất của tôi bây giờ là bất kể sự không hoàn hảo và ngu ngốc của tôi, tôi đã không vứt bỏ cuộc sống của mình vì một lý do vô nghĩa nào đó - như chỉ kiếm tiền cho bản thân, chẳng hạn. Tôi đã cống hiến cuộc đời mình cho Chúa Kitô, cho Giáo hội, dù không hoàn hảo và không hiệu quả, nhưng tôi nhận được một số niềm an ủi đáng kể từ điều đó”.
Source:Catholic News Agency
4. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích loan báo về 7 lời cầu mới trong Kinh Cầu Thánh Cả Giuse
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Thư gởi các Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục

Về một số lời cầu mới trong Kinh Cầu Thánh Giuse


Thành phố Vatican, ngày 1 tháng 5 năm 2021, Lễ Thánh Giuse

Thưa Quý Đức Hồng Y
Thưa Quý Đức Giám Mục,

Vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô, đã công bố Tông thư Patris corde – Trái Tim Người Cha, với mục đích “tăng cường tình yêu của chúng ta đối với vị thánh vĩ đại này, để khuyến khích chúng ta cầu khẩn xin Ngài cầu bầu, cũng như noi gương các nhân đức và lòng nhiệt thành của Ngài”.

Dưới ánh sáng này, đây có lẽ là cơ hội thích hợp để cập nhật Kinh cầu tôn vinh Thánh Giuse, đã được Tòa thánh phê chuẩn vào năm 1909 (xem Công Báo Tòa Thánh 1 [1909] 290-292), bằng cách thêm vào bảy lời khẩn cầu mới rút ra từ diễn từ của các Đức Giáo Hoàng, khi các ngài trình bày các khía cạnh của nhân vật bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ. Những lời này là: “Custos Redemptoris” Đấng Gìn Giữ Đấng Cứu Thế (xem Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Redemptoris Custos - Đấng Gìn Giữ Đấng Cứu Thế; “Serve Christi” Đấng Phụng Sự Chúa Kitô (xem Thánh Phaolô VI, Bài giảng ngày 19.3.1966, được tham chiếu trong Redemptoris custos n. 8 và Patris corde n. 1); “Minister salutis” Thừa Tác Viên Ơn Cứu Độ (Thánh Gioan Kim Khẩu, được tham chiếu trong Redemptoris custos, n. 8); “Fulcimen in difficultatibus” Đấng Hướng Dẫn Trong Thời Gian Truân (xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Thư Patris corde, Lời Dẫn Nhập); và “Patrone exsulum, afflictorum, pauperum” Đấng Bảo Trợ Kẻ Lưu Đày, Người Đau Khổ, Kẻ Nghèo Khó (Patris corde, n. 5).

Những lời kêu cầu mới đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã chấp thuận việc đưa thêm vào Kinh Cầu Thánh Giuse, như trong văn bản đính kèm với bức thư này.

Các Hội đồng Giám mục sẽ có trách nhiệm xem xét việc dịch và công bố Kinh Cầu bằng các ngôn ngữ trong khả năng của các ngài; những bản dịch này không cần sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Theo sự phán xét thận trọng của các ngài, các Hội đồng Giám mục cũng có thể đưa ra những lời kêu cầu khác mà Thánh Giuse được tôn vinh tại các quốc gia của các vị. Những bổ sung như vậy cần được thực hiện ở vị trí thích hợp và bảo tồn thể loại văn học của Kinh Cầu.

Trong khi vui mừng thông báo cho quý chư huynh về điều khoản này để quý chư huynh tường tận và thực hiện, xin cho phép tôi nhân cơ hội này để bảo đảm với các chư huynh những lời chúc tốt nhất của tôi.

Trân trọng trong Chúa,

+ X Arthur Roche

Tổng giám mục thư ký Bộ


Cha Corrado Maggioni, SMM

Phụ tá thư ký Bộ


Nội dung Kinh Cầu Thánh Giuse Mới Cập Nhật

Xin Chúa thương xót chúng con.
- Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
- Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
- Xin Chúa thương xót chúng con.
Chúa Kitô nghe cho chúng con.
Chúa Kitô nhậm lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.
Thưa: Thương xót chúng con.
(Câu nào cũng thưa như vậy)
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
Rất Thánh Đức Bà Maria.
Thưa: Cầu cho chúng con.
(Câu nào cũng thưa như vậy)
Thánh Giuse.
Thánh Giuse là Đấng sang trọng bởi dòng Đavít.
Thánh Giuse là sự sáng láng các Thánh Tổ Tông.
Thánh Giuse là bạn Đức Mẹ Chúa Trời.
Thánh Giuse là Đấng Gìn Giữ Đấng Cứu Thế.
Thánh Giuse là Đấng thanh sạch giữ gìn Đức Nữ Đồng Trinh.
Thánh Giuse là Đấng dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời.
Thánh Giuse là Đấng ân cần gìn giữ Chúa Kitô.
Thánh Giuse là Đấng Phụng Sự Chúa Kitô.
Thánh Giuse là Thừa Tác Viên Ơn Cứu Độ.
Thánh Giuse là Đấng cai quản Thánh Gia Thất xưa.
Thánh Giuse gồm no mọi nhân đức.
Thánh Giuse cực thanh cực tịnh.
Thánh Giuse cực khôn cực ngoan.
Thánh Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ.
Thánh Giuse chịu lụy mọi đàng.
Thánh Giuse rất ngay chính thật thà.
Thánh Giuse là gương nhân đức nhịn nhục.
Thánh Giuse yêu chuộng sự khó khăn.
Thánh Giuse là kiểu thức thợ thuyền noi theo.
Thánh Giuse là Đấng làm cho sáng danh gia đạo.
Thánh Giuse che chở kẻ giữ mình đồng trinh.
Thánh Giuse là Đấng nâng đỡ gia thất chúng con.
Thánh Giuse là Đấng Hướng Dẫn Trong Thời Gian Truân.
Thánh Giuse là Đấng an ủi kẻ mắc gian nan.
Thánh Giuse là nơi cậy cho kẻ liệt lào.
Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Kẻ Lưu Đày.
Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Người Đau Khổ
Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Kẻ Nghèo Khó

Thánh Giuse là bổn mạng kẻ mong sinh thì.
Thánh Giuse làm cho quỷ thần kinh khiếp.
Thánh Giuse là quan thầy bàu chữa Hội Thánh.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu nhậm lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu thương xót chúng con.
Chúa đã đặt Thánh Giuse làm chủ nhà Chúa.
Đáp: Cùng quản cai gia nghiệp Chúa.

Lời nguyện

Lạy Đức Chúa Giêsu là Chúa chúng con, Chúa đã khấng toan liệu cách khôn ngoan, lưỡi khen chẳng xiết, mà chọn Thánh Giuse làm bạn thanh sạch Đức Mẹ thân sanh Chúa. Xin Chúa hãy khấng ban cho chúng con như đã cung kính Thánh Giuse làm quan thầy bàu chữa dưới đất, thì cũng được nhờ Người cầu thay nguyện giúp trên trời, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị đời đời. Amen.
Source:Holy See Press Office