Ngày 04-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không cho bất cứ điều gì khác lấp đầy
Lm. Minh Anh
03:13 04/05/2022
KHÔNG CHO PHÉP BẤT CỨ ĐIỀU GÌ KHÁC LẤP ĐẦY

“Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai!”.

“Tôi có cảm tưởng dường như trong trái tim tôi có một lỗ hổng lớn; và tôi không thể lấp đầy nó bằng bất cứ thứ gì!”. Đó là cảm thán của một cô gái trẻ đã trở lại với các Bí tích sau nhiều năm. Cô đang khao khát, một cơn khát cháy bỏng Chúa Kitô. May thay, Ngài đã ‘không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy’ lỗ hổng trong trái tim cô! Nó vốn đã thuộc về Ngài và chỉ một mình Ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

Hẳn cô gái trẻ may mắn ấy đã hiểu rất rõ câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai!”. Gặp lại Chúa Kitô, ngụp lặn trong lòng thương xót của Ngài, cô trải nghiệm được những lợi ích Chúa Kitô đã hứa, “Ai thấy người Con, và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”.

Ai trong chúng ta, sang hay hèn, quyền thế hay cùng đinh… đều có một khát khao bên trong; khát khao đó còn được gọi là ‘lỗ hổng trong tim’. Dù nhỏ hay không quá nhỏ, đó là một lỗ hổng có kích cỡ bằng kích cỡ Chúa Kitô! Nó thuộc về Ngài, chỉ một mình Ngài; và Chúa Kitô sẽ ‘không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy’ nó. Như thiếu nữ kia, để chào đón Chúa Kitô trở lại trong tâm hồn mình, chúng ta cũng hãy tìm kiếm lòng thương xót và ân sủng nuôi dưỡng của Ngài.

Vậy nếu điều chúng ta cần là Chúa Kitô, điều chúng ta thực sự khao khát là Chúa Kitô, thì thử hỏi, điều gì có thể ngăn cản chúng ta đến với Ngài? Có thể đó là niềm kiêu hãnh, có thể đó là một sự lười biếng tinh thần, hoặc có thể là một sự hời hợt thiêng liêng? Nhưng đằng sau những lý do ấy, thường là một nỗi sợ hãi rằng, nếu mở lòng cho Chúa Kitô, thì cách nào đó, chúng ta sẽ thua cuộc; chính xác, đó là nỗi sợ đụng chạm đến cái tôi của mình! Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cập đến nỗi sợ này trong bài giảng đầu tiên của ngài trên cương vị Giáo Hoàng, “Đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy gì đi, và Ngài ban cho bạn tất cả. Dâng mình cho Ngài, chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở ra, hãy mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô và bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực!”.

Trải nghiệm ‘mở ra’ này cũng là trải nghiệm của thánh Phaolô. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay bóc trần người biệt phái này, đó là một con người đã từng lầm lạc, giết chóc Hội Thánh; một con người cuồng tín, hãnh tiến, kiêu ngạo và mù quáng. Thế nhưng, một khi biết Chúa Kitô, Phaolô không còn là mình, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi”. Phaolô đã trở nên lợi khí của Ngài, nên nguồn ân phúc cho các Giáo Hội non trẻ, và nên một trong những trụ cột đầu tiên của Kitô giáo. Hội Thánh vui mừng, dân ngoại vui mừng; một nỗi vui mừng được Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Toàn trái đất, hãy tung hô mừng Chúa!”.

Anh Chị em,

“Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai!”. Không ai nói được như thế ngoài Đấng đã đổ máu mình để chuộc lấy một nhân loại đã hư mất; không ai nói được như thế ngoài Đấng hiến mình để nên thần lương thoả mãn cơn đói của muôn triệu con tim. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vô biên, chỉ có thể thoả mãn với Đấng Vô Cùng, Đấng ‘không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy’ trái tim nó! Thú vị thay, đây cũng là ước muốn và là giấc mơ của Thiên Chúa dành cho bạn và tôi, Ngài mơ lấp đầy chúng ta! Hãy để giấc mơ của Ngài thành hiện thực; đừng cố tìm bất cứ điều gì khác để lấp đầy nó ngoại trừ Đức Kitô. Hãy làm rỗng trái tim bạn, hãy để Ngài tự do yêu bạn, sử dụng bạn như Ngài kỳ vọng. Càng đến với Chúa Kitô, tương quan với Ngài càng sâu đậm, chúng ta càng khát khao Ngài. Đừng sợ đến gần Ngài, vì chỉ Ngài mới hoàn tất ơn gọi làm người nơi bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, không được Chúa lấp đầy, trái tim con sẽ phải lấp đầy bằng những thứ khác; xin cho con biết, con thuộc về ai. Lạy Chúa, hãy lấp đầy con, con yêu mến Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 05/05: Ta là bánh từ trời xuống – Lm. An tôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:24 04/05/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:13 04/05/2022
Chương 54:

KINH MÂN CÔI


“Đức Mẹ Fatima nhắn nhủ: “Các con hãy luôn cầu nguyện, siêng năng lần hạt Mân Côi, để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình.”

Đức Mẹ Ma-ri-a vì muốn khuyến khích chúng ta nhiệt thành cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi, nên đã hiện ra với bà thánh Alan de la Roche và hứa ban 15 ơn cho những ai yêu mến thành tâm lần chuỗi Mân Côi.

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:16 04/05/2022
68. THU DỌN XƯƠNG

Ông chủ mỗi khi ăn thịt thì ăn thịt sạch sành sanh, trong bát chỉ còn lại xương.

Đầy tớ không có thịt ăn thì không vui, bèn nhìn trời niệm kinh:

- “Cầu cho tướng công sống lâu trăm tuổi, cầu cho tiểu nhân thọ đến một trăm lẻ một tuổi”.

Ông chủ hỏi hắn ta tại sao lại nói như thế, đầy tớ trả lời:

- “Tiểu nhân sống nhiều hơn một tuổi để thu dọn xương của tướng công”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 68:

Người ta nói: “uống nước chừa cặn”.

“Uống nước chừa cặn” là câu nói đầy tính triết lý sống nhân ái của người xưa, có nghĩa là khi ăn uống thì phải luôn nhớ đến những người nghèo khó, những người không có gì để ăn cả.

Có những người chơi sang khoe ta đây giàu có, nên khi ăn cơm thì chỉ nhúng đũa vào dĩa cá dĩa thịt, rồi sau đó kêu người cho chó ăn; có người chỉ ăn thức ăn có một lửa, tức là thức ăn buổi trưa đã ăn thì không ăn lại vào buổi chiều, dù thức ăn đó chỉ mới nếm sơ sơ. Những người này không biết đến người nghèo là ai, họ cũng không nhìn thấy nỗi khổ cực của những người đói ăn, và chính Thiên Chúa sẽ xét xử họ trong ngày phán xét về sự phung phí không có đức bác ái này.

Đầy tớ cũng là con người, cũng là anh chị em với ông chủ trong Đức Chúa Giê-su, và cũng là con cái của Cha ở trên trời như chúng ta.

Ai uống nước không chừa cặn thì coi chừng bị bệnh, có khi bệnh nặng; ai ăn uống mà không nhớ đến người nghèo để hy sinh và làm bác ái, thì coi chừng sẽ có ngày trở thành ma đói trong hỏa ngục: đói tình yêu của Thiên Chúa.

Đến lúc đó thì hối hận cũng không kịp.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mục tử nhân lành cho thế giới hôm nay
Lm. Đan Vinh
05:41 04/05/2022

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C
Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30
MỤC TỬ NHÂN LÀNH CHO THẾ GIỚI HÔM NAY

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 10,27-30
(27) “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. (29) “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi với Chúa Cha là một !”.

2. Ý CHÍNH :
Tin mừng của Gio-an hôm nay ghi lại những lời tâm sự của Chúa Giê-su với các môn đệ. Người đã tự ví mình là Mục Tử nhân lành, được Chúa Cha sai đến để thay quyền Cha mà chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên đã được trao cho Người. Người và Chúa Cha chỉ là Một”.

3. CHÚ THÍCH :
- C 27-28 : + Con chiên và Mục Tử : Trong Thánh kinh, hình ảnh con chiên mang một ý nghĩa tốt đẹp: Đức Chúa đã trao đàn chiên Ít-ra-en cho một số mục tử chăn dắt (Tv 100,3) như: Mô-sê, A-ha-ron (x. Tv 77,21), Giô-su-ê (x. Ds 27,18-21), Đavít (x.Tv 78,70-72)... Đến thời Tân ước, Chúa Giê-su đã tự xưng mình là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11) và duy nhất của Thiên Chúa (x.Ga 10,16). Người lại trao quyền mục tử ấy cho các Tông đồ, Giám mục, Linh mục... để các vị này thay Người tiếp tục chăn dắt dân Ít-ra-en Mới là Hội thánh. + Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi : Vào mỗi buổi tối, các mục tử thường đưa chiên về một cái chuồng lớn để nhốt chung với các bầy chiên khác. Sáng đến, mục tử đứng ở cửa chuồng gọi chiên của mình ra. Chiên sẽ nhận ra tiếng của mục tử và đi theo ông ra đồng ăn cỏ. Các mục tử thực sự là chủ của đoàn chiên thì sẽ chăm sóc cho chiên của mình, biết rõ tính của mỗi con để săn sóc và bảo vệ chúng cách hữu hiệu.

Ba thái độ mà các tín hữu cần phải thực hành để trở thành chiên ngoan của Mục Tử GIÊ-SU là Nghe, Biết và Theo Người như sau:
* NGHE : Lắng nghe là khởi đầu của đức tin như Chúa Cha đã nhắn nhủ các môn đệ của Đức Giê-su : “Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người” (Mt 17,5) và thánh Phao-lô đã khẳng định: “Đức tin là bởi nghe” (Rm 10,17).
* BIẾT : Biết ở đây không phải là biết về tri thức, nhưng là về đời sống. Biết điều gì tức là có kinh nghiệm cụ thể về điều ấy. Biết một người nào là có liên hệ thân tình với người đó, như liên hệ giữa hai vợ chồng (x. Lc 1,34). Cũng vậy, Đức Giê-su biết rõ từng con chiên của Người.
* THEO : Chiên của Đức Giê-su có nhiệm vụ phải đáp trả lời mời gọi của Người bằng việc dứt khóat đi theo, quyết tâm vâng nghe lời dạy và sống theo gương lành của Người.
+ Tôi ban cho chúng sự sống đời đời : Đức Giê-su dẫn các tín hữu đi từ việc được nuôi sống (x. Ga 10,9) đến chỗ được sống dồi dào (x. Ga 10,10) và sống muôn đời (x. Ga 10,28). + Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi : Là mục tử có trách nhiệm và đầy quyền năng, không bao giờ Đức Giê-su để chiên của Người bị giết hại hay bị cướp đoạt. Chỉ có chiên tự bỏ đàn để đi hoang. Còn Chúa thì không bao giờ bỏ mặc họ. Người là Mục Tử tốt lành, sẵn sàng đi tìm các chiên lạc để đưa về đoàn tụ trong một đoàn chiên duy nhất (x. Lc 15,4-7).
- C 29-30: + Tôi với Chúa Cha là một ! : Lời tuyên bố này nói đến sự hiệp thông thân mật giữa Chúa Cha và Chúa con. Công đồng Ni-xê-a năm 325 đã dựa trên lời này để tuyên tín : “Chúa Cha và Chúa con đồng một Bản tính Thiên Chúa, nhưng là hai Ngôi vị khác nhau”, để chống lại lạc thuyết A-ri-ô (thế kỷ thứ IV) không công nhận Thần tính của Chúa Giê-su. Chính nhờ mang Bản tính Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã hứa ban cho các tín hữu được sự sống đời đời. Người cũng nhiều lần tự xưng: “Ta là” giống như Đức Chúa khi xưa. Sau cùng Người đã bị tử hình thập giá và ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho lòai người chúng ta.

4. CÂU HỎI :
1) Hãy kể tên một số vị Mục tử thời Cựu ước đã được Thiên Chúa trao quyền mục tử để thay Người chăn dắt đòan chiên là dân Ít-ra-en. 2) Ba thái độ mà các con chiên ngoan của mục tử Giê-su phải có là gì?
3) Chúa Giê-su hứa ban những quyền lợi gì cho các con chiên của Người?
4) Công đồng Ni-xê-a đã dựa vào đâu để tuyên bố tín điều về Thần Tính của Chúa Giê-su chống lại lạc thuyết A-ri-ô?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MỤC TỬ TỐT LÀNH SẴN SÀNG THÍ MẠNG SỐNG VÌ ĐOÀN CHIÊN :
Vào cuối thế chiến thứ II, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Cha-ni, miền bắc nước Ý năm 1943. Thế là viên tướng chỉ huy Đức Quốc Xã liền bắt 50 người có địa vị nhất của thành phố mang ra xử bắn để răn đe.
Hai Đức Giám Mục chánh và phó của thành phố cố gắng can thiệp nhưng không có hiệu quả. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Rồi sau thời gian chờ đợi căng thẳng, viên sĩ quan ra lệnh cho quân lính chuẩn bị nhắm bắn. Bấy giờ hai vị giám mục đã yêu cầu viên chỉ huy cho phép ôm hôn từ biệt từng người và được chấp thuận. Các ngài đã lợi dụng giây phút quý báu để ban phép giải tội cho họ. Sau đó hai vị giám mục đã không về chỗ mà lại tình nguyện đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Giám Mục chính tòa đã nói với viên chỉ huy : “Không phải 50, nhưng là 52 người trong đó có chúng tôi. Ông vẫn quyết định bắn chúng tôi, thì hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.”
Khi ngài vừa dứt lời, thì bầu khí đang nặng nề sự chết chóc đột nhiên biến mất và thay vào bằng những tiếng reo hò vang dậy, vì quân lính Đức đang nhắm bắn tử tội đã được viên sĩ quan ra lệnh hạ vũ khí. Hôm đó trên đường từ pháp trường về, cả hai vị mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng dâng Chúa lời Thánh vịnh : “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán : Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !” (Tv 126,1-2).

2) “GIAI ĐIỆU HẠNH PHÚC” :
Trong một cuốn phim tựa đề là “Giai điệu hạnh phúc” (La mélodie du bonheur), cô ME-RI là một người đang đi tìm hiểu ơn gọi tại một tu viện nữ. Một hôm bà bề trên sai cô đi làm gia sư trong một gia đình quí tộc. Ông đại uý chủ nhà là người giàu có, góa vợ và luôn tỏ ra nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái. Ông muốn chúng có tinh thần kỷ luật giống như người lính trong quân đội. Khi mới đến nhận việc, cô Me-ri đã bị bọn trẻ cố tình trêu chọc. Nhưng nhờ tình thương của một thầy giáo, kèm theo sự hiểu biết tâm lý và cách ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết, cùng những bài hát vui tươi và vũ điệu lôi cuốn của cô...
Cuối cùng cô đã chinh phục được tình cảm của lũ trẻ, biến chúng trở nên những trẻ em ngoan ngoãn dễ dạy. Chúng luôn vâng lời cô giáo, không cần cô phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo kiểu người cha của chúng. Cuối cùng cô còn chinh phục được tình cảm của chính ông đại uý chủ nhà. Câu chuyện kết thúc bằng việc cả gia đình ông đại úy đã khôn ngoan thoát khỏi sự ruồng bắt của chính quyền phát xít Đức lúc đó. Họ cùng nhau vượt qua biên giới an toàn để bước vào một cuộc sống mới đầy yêu thương và hạnh phúc.

3) MỘT BÀ MẸ SẴN SÀNG HY SINH CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG :
Trong thiệp báo tin Ma-ri-a Cris-ti-na qua đời không mang màu đen tang chế nhưng được viền một màu xanh hy vọng. Chính giữa thiệp nổi lên hình một bông hoa hồng, có đọng những giọt sương mai óng ánh. Giữa bông hoa là ảnh chân dung của Cris-ti-na đang tươi cười duyên dáng trong chiếc áo cưới rất đẹp. Bên dưới bức ảnh là lời nguyện rút ra từ nhật ký của Cris-ti-na : “Lạy Cha, xin dâng Cha niềm vui của con như ca khúc chúc tụng Cha, trái tim con như căn nhà tiếp đón Cha và cuộc đời con để Cha thực hiện điều Cha muốn.”
Cuộc đời của Cris-ti-na đã kết thúc vào năm 26 tuổi. Bệnh ung bướu ác tính tại tử cung đã mắc vào năm 18 tuổi, tưởng đã được chữa lành, giờ lại xuất hiện. Nàng đã có hai con một trai một gái. Cris-ti-na đang chờ sinh con thứ ba. Khi nghe bác sĩ thông báo hung tin : "Cris-ti-na, tôi rất tiếc phải cho bà biết chứng ung thư ác tính đã tái xuất hiện". Sau khi im lặng một giây, Cris-ti-na đã nhìn thẳng vào mắt vị bác sĩ và nói : “Tôi đang mang thai, bác sĩ ạ !”. Viên bác sĩ đã hiểu và không dám đề ra lối trị liệu hóa chất sẽ giết chết bào thai ! Mà chỉ kê toa thuốc dưỡng thai.
Sau đó đến tháng 8 năm 1994 thì Ma-ri-a Cris-ti-na đã sinh hạ bé Riccardo. Ngay sau khi sinh, chị mới bắt đầu dùng phương pháp trị liệu bằng hóa chất, nhưng đã quá trễ, bướu ung thư đã ăn sâu vào các cơ quan nội tạng. Người mẹ trẻ đã êm ái trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-1995, để lại 3 con thơ dại. Cái chết anh dũng của Cris-ti-na để bảo vệ thai nhi đã cho thấy một tình thương vô bờ của một bà mẹ trẻ đối với đứa con thân yêu của mình. Chị đã thực hành lời Chúa : “Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên”.

4) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỦA MỤC TỬ GIÊ-SU :
Một ngày kia, Chúa Giê-su đã hiện ra cho thánh Hi-ê-rô-ni-mô và hỏi : “Này Hi-ê-rô-ni-mô, hôm nay con có gì để dâng cho Thầy không?”
Hi-ê-rô-ni-mô đáp : “Con dâng cho Chúa tất cả những bộ sách con đã viết và nhất là bộ Kinh Thánh con mới dịch xong.”
Chúa Giê-su mỉm cười chấp nhận nhưng vẫn chưa thỏa mãn, Người hỏi tiếp : “Con còn có gì khác để dâng cho Ta nữa không?”
Hi-ê-rô-ni-mô không chút do dự trả lời : “Con xin dâng cho Chúa tất cả những hy sinh, khổ cực con gặp thường ngày từ trước cho tới bây giờ. Con dâng cho Chúa trọn cả cuộc đời tu trì của con đây.”
Chúa Giê-su chấp nhận nhưng vẫn chưa hoàn toàn mãn nguyện, Người lại hỏi lần thứ ba : “Con cố nghĩ xem còn có gì thêm để dâng cho Ta nữa không?”
Lần này, Hi-ê-rô-ni-mô suy nghĩ và đã thưa cùng Chúa : “Con nghĩ con đã dâng cho Chúa tất cả mọi sự của con rồi, Không còn gì khác xứng đáng để dâng cho Chúa.”
Bấy giờ Chúa Giê-su đã âu yếm nhìn Hi-ê-rô-ni-mô và nhỏ nhẹ phán : “Hi-ê-rô-ni-mô, tại sao con không dâng cho Ta những tội lỗi cùng những thói hư của con? Con giữ chúng lại làm gì? Ta đã xuống thế, chịu chết trên cây thập tự chính là để đền mọi tội lỗi của con đó”.
Bấy giờ Hi-ê-rô-ni-mô đã thành kính dâng lên Chúa tất cả, kể cả mọi tội lỗi của mình.

3. THẢO LUẬN :

1) Hãy cho biết Chúa Giê-su trong Tin Mừng đã tự xưng là mục tử tốt lành, phân biệt với các đầu mục dân Do thái là các kinh sư, Biệt phái và Tư tế đền thờ như thế nào?
2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để tích cực cộng tác với các vị chủ chăn trong giáo xứ trong việc phục vụ cộng đoàn?
3) Mỗi người chúng ta cần làm gì để thêm nhiều bạn trẻ tình nguyện hiến thân phụng sự Chúa trong các chủng viện hay dòng tu nam nữ?

4. SUY NIỆM :

1) Hình ảnh Mục Tử trong Cựu Ước và Tân Ước :
- Trong Cựu Ước, hình ảnh Mục Tử Nhân Lành đã được các ngôn sứ dùng để ám chỉ Đức Chúa như sau : “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,1-4). Hình ảnh người mục tử cũng được dùng để ám chỉ các vị lãnh đạo thời bấy giờ. Nhưng thật đáng buồn khi các vua chúa đã không sống đúng vai trò mục tử của mình như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm Lời Đức Chúa quở trách họ : “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! … Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng chạy tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất… thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6).
- Sang thời Tân Ước, Đức Giê-su cũng khẳng định : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Kẻ làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh ta, nên khi thấy sói đến, anh ta liền bỏ chiên mà chạy trốn. Sói vồ lấy chiên và làm cho đoàn chiên tan tác, vì anh ta chỉ là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến đoàn chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử." (Ga 10,11-16).

2) Hai loại mục tử :
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã phân biệt ra hai loại mục tử như sau:
- Mục tử nhân lành : Đức Giê-su nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Đức Giê-su đã thể hiện sứ vụ mục tử của loài người : Trong thời gian giảng đạo, Người đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, dạy cho người ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và đòi chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng việc yêu thương tha nhân bên cạnh, nhất là yêu thương những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi (x Mt 13,1-9). Người đến để cho «chiên được sống và sống dồi dào» (10,10). Đây cũng là sứ vụ mà các mục tử hôm nay cần quan tâm thực hiện, là lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào qua việc chuyên tâm dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dồi dào qua việc tích cực góp phần chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của dân (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), chia sẻ cơm bánh (x. Mt 14,15-21), phục sinh kẻ chết (x. Ga 11,43-44).
- Mục tử giả hiệu : Là người chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pha-ri-sêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này «không thiết gì đến chiên» (10,13), vô trách nhiệm trước sự an nguy của đoàn chiên : «khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa : «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).

3) Thế nào là một mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô? :
- Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quan niệm mục tử lý tưởng phải là "người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống. Là những người không có "tâm lý của các ông hoàng". Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên. Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.
- Cuối cùng vị mục tử có ba vị trí trong đoàn chiên khi thi hành sứ vụ chăn dắt đoàn chiên như sau :
Một là ở đàng trước để dẫn đường.
Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và động viên tinh thần của đoàn chiên.
Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới cho đoàn.
- Trong kinh Năm Thánh “Lòng Chúa thương xót” có đoạn cầu cho các mục tử trong Hội Thánh như sau : “Xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh. Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.”

4) Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu :
- Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi tín hữu chúng ta : Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân tình thương của Chúa Giê-su trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ Công Giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và làm tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh cách hữu hiệu hơn.
- Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 cũng nhắc đến vai trò của giáo xứ trong việc vun trồng ơn thiên triệu như sau : “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mạng cứu độ của Người”.

5. NGUYỆN CẦU :

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa qua các ngài. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành, giàu lòng từ bi thương xót noi gương Chúa xưa, Đấng đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.
- LẠY CHÚA. Xin cho các gia đình Công giáo trở thành một môi trường tốt ươm trồng ơn thiên triệu, bằng việc tạo bầu khí đạo đức và yêu thương giữa các thành viên với nhau. Xin cho chúng con luôn kính trọng yêu mến các linh mục coi sóc chúng con, thành tâm cộng tác với các ngài, sẵn sàng giúp đỡ các ngài chu toàn nhiệm vụ. Ước gì giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn luôn hiệp thông giữa chủ chăn và đàn chiên, là điều kiện để giáo xứ phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn được sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Ta ban cho chiên được sống dồi dào
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
17:41 04/05/2022
Ta ban cho chiên được sống dồi dào

Suy Niệm Chúa Nhật Iv Phục Sinh – C

(Ga 10, 27-30)

Bước vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, chúng ta có dịp đọc lại dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Phụng vụ mỗi năm trình bày cho chúng ta một khía cạnh. Năm nay, với vỏn vẹn 4 câu (Ga 10, 27-30), cũng đủ làm nổi bật Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành, thí mạng sống mình vì đàn chiên, Người đến để cho chiên được sống dồi dào (x.Ga 10, 28); “dẫn chiên đến nguồn nước sự sống và sẽ lau hết mọi giọt lễ nơi mắt họ” (Kh 7,...). Người qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất như lời Người phán : “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất” ( Cvtđ 13,...). Người là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa (x.Ga, 10,30).

Chúa là Mục Tử

“Mục tử” là hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của dân du mục vùng Trung Đông, được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan “dễ thương” giữa Người và chúng ta. Dân Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử của mình (St 49, 24 – 31; Gr 31, 10; Mk 7,14 v.v...), vì khởi đầu lịch sử thánh, dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước tiên là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môsê, kẻ chăn cừu, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.

Chúa là mục tử đích thực của dân Israel kể từ khi Chúa chọn họ làm dân riêng và hứa không để dân bị phân tán như đàn chiên không người chăn dắt. Chính Chúa chăn dắt dân Chúa: “Này đây Ta chăm sóc chiên Ta” (x. Ed 34). Trách nhiệm mục tử này được trao cho các vị lãnh đạo dân Chúa.

Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên

Trong hang toại đạo, người ta tìm thấy hình ảnh Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, cho dân chẳng những uống nguồn nước trong lành và bổ sức dân, hơn thế nữa còn “cho chúng được sống đời đời” (Ga 10, 27). Chúa biết chiên, nên hy sinh mạng sống :“Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta” (Ga 10, 27 - 28).

Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu nguyện rằng : “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17, 19). Khi tự do vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự hiến tế mình trên Thập Giá, Người trở thành “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Đúng là Chiên con cứu chuộc đàn chiên mẹ (x. Ca tiếp liên lễ PS). Bằng tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến, Người hiến tế chính mình làm của ăn của uống cho chúng ta. Đó là lý do hôm nay chúng ta mừng kính Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành vào Chúa nhật thứ IV sau Đại lễ Phục Sinh, nên Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành.

Mục tử tốt lành vác chiên trên vai, ôm chúng vào lòng như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế : hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh, giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52), đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người. Thật là hình ảnh tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài.

Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có nghe tiếng Chúa không? Chúa nói : “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10, 27). Tiếng ở đây chính là Lời Chúa. Tiếng để chúng ta nhận biết Chúa, như Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa khi đi viếng mộ Chúa.

Chúng ta có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” được diễn tả qua việc làm, như thánh Gioan viết : “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).

Vậy ai nghe, biết và chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với các công dân Nước Trời.

Cầu cho các mục tử

Hằng năm, Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh – Chúa Chiên Lành được chọn làm ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử thân yêu : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài ! Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo hội có thêm nhiều linh mục lành thánh.

Trước hết, cầu nguyện để có thêm nhiều ơn gọi dâng hiến, có thêm số các mục tử. Đặc biệt là ơn gọi linh mục, để trở thành mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa. Tuy nhiên, không chỉ cầu nguyện như một thói quen hay truyền thống là: Đọc vài kinh, hát vài bài mà thôi, nhưng cần phải cầu nguyện một cách ý thức hơn. Nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, chúng ta hãy mở rộng cõi lòng để đón lấy những hồng ân mà Chúa dành sẵn cho mỗi người, đó cũng chính là sức sống mới trong hành trình ơn gọi.

Lạy Mẹ Maria, mẫu gương ơn gọi của chúng con, Mẹ đã không sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, xin đồng hành và dẫn dắt chúng con bước theo con Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 04/05/2022

1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách lần chuỗi Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 04/05/2022
69. TÚ TÀI ĐÁNH VỢ

Có một tú tài vừa ngu lại vừa đa nghi, vì để khảo nghiệm coi vợ còn trinh tiết không, nên lợi dụng đêm về núp trong bóng tối, đợi vợ đi qua thì đột nhiên nhảy ra ôm vợ, bà vợ không biết là ai, nên vừa sợ vừa giận mở miệng chửi. Tú tài vui vẻ nói:

- “Gia đình của ta xuất hiện một người phụ nữ trinh tiết”.

Tú tài này rất thích đọc sách lịch sử, mỗi lần đọc đến chỗ bất bình thì đập bàn chửi mắng.

Một hôm anh ta đọc đến đoạn Tần Cối mưu hại Nhạc Phi thì bất giác giận dữ, bèn đập bàn chửi mãi không thôi, vợ khuyên, nói:

- “Trong nhà chỉ có mười cái bàn, ông đã đập hư tám chín cái rồi, nên chừa cái bàn này lại để ngồi ăn cơm”.

Tú tài trừng mắt nhìn vợ chửi:

- “Có lẽ mày thông dâm với Tần Cối chăng?”

Bèn đánh vợ, vợ nghe không hiểu cái gì là tần, cái gì là cối, nên bị đánh mà không hiểu ra sao cả !

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 69:

Tú tài là người có học vấn, mà tú tài ngày xưa thì chắc chắn phải thuộc nằm lòng các lời dạy của thánh hiền, mà thánh hiền dạy trước hết là phải tu thân rồi đến tề gia rồi đến trị quốc và đến nữa là bình thiên hạ.

Tú tài đánh vợ là tú tài ngu, tú tài nghi lòng chung thủy của vợ là tú tài dại, ngu và dại thì trở thành nỗi bất hạnh của vợ và con cái.

Có một vài người Ki-tô hữu hồ nghi về tình thương của Thiên Chúa dành cho họ, họ thường thử thách Thiên Chúa như ma quỷ đã thử thách Đức Chúa Giê-su, họ nói rằng nếu Chúa cho gia đình tôi giàu có thì đó là bằng chứng Chúa yêu tôi; nếu Chúa cho tôi được trúng số độc đắc thì tôi mới tin Chúa; nếu Chúa cho con tôi thoát khỏi tội tù đày thì tôi mới tin là Chúa thương tôi.v.v...những người này thử thách Thiên Chúa đủ kiểu, mà không nghĩ rằng chính sự họ hiện diện trên thế gian hôm nay, là một tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho họ.

Đừng trở thành đứa con ngu và hồ nghi tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, đối với Thiên Chúa cũng vậy, coi chừng bị Ngài đánh đòn vì tội hồ nghi đấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Được lôi kéo
Lm. Minh Anh
22:12 04/05/2022

ĐƯỢC LÔI KÉO
“Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy”.


Một nhà chiêm niệm nói, “Lo lắng là lãng phí thời gian hôm nay, để làm lộn xộn các cơ hội của ngày mai, với những rắc rối của ngày hôm qua! Đang khi điều đáng lo nhất, là bạn nghĩ, bạn đang ở một mình! Bạn quên Chúa, Đấng trợ giúp bạn; bạn đang ‘được lôi kéo’ về phía Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn đang ‘được lôi kéo’ về phía Ngài!”, đó cũng là một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay; qua đó, một nguyên tắc thiêng liêng tuyệt vời mà chúng ta cần hiểu, cần sống, nếu muốn đến gần Thiên Chúa. Đó là, bạn đang ‘được lôi kéo’ bởi Chúa Cha! Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó, “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy”.

Khi nói, “Chẳng ai đến với Tôi được”, Chúa Giêsu muốn nói, việc đến với Ngài trong đức tin, lớn lên trong đức tin đó, lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa để bước theo Ngài, không phải là điều mà con người có thể làm một mình. Chúa Cha luôn đi bước trước; Ngài khơi lên cơn khát tâm linh trong trái tim con người. Phần chúng ta, là đáp lại. Tất nhiên, chúng ta không thụ động chờ Chúa ra tay, không! Thiên Chúa không ngừng vươn tới, không ngừng nói và không ngừng lôi kéo chúng ta về phía Ngài. Vì vậy, biết mình ‘được lôi kéo’, trách nhiệm của chúng ta là hoà mình vào lời ‘tán tỉnh’ nhẹ nhàng của Ngài; điều này xảy ra dưới hình thức ân sủng, vốn tinh tế, thúc giục, mời gọi chúng ta hướng về Ngài, phó thác trọn vẹn cho Ngài.

Trong một thế giới bận rộn, chúng ta dễ phân tâm bởi nhiều tiếng nói cạnh tranh. Thế giới khá giỏi trong việc thâm nhập những khoảng thời gian chú ý ngắn ngủi của chúng ta; nó đưa ra những thoả mãn tức thời đầy mê hoặc, nhưng rốt cuộc, chỉ khiến chúng ta trống rỗng. Tiếng nói của Chúa Cha và lời mời của Ngài hoàn toàn khác! Chúng được tìm thấy qua sự im lặng bên trong, dẫu chúng ta không cần ở trong một tu viện; thay vào đó, nhờ trung thành cầu nguyện mỗi ngày và hình thành thói quen hướng về Chúa trong mọi sự, chúng ta sẽ cảm nhận mình ‘được lôi kéo’ và nghe được tiếng Ngài. Điều này đạt được khi chúng ta làm đi làm lại điều đó!

Câu chuyện viên thái giám trong bài đọc hôm nay là một ví dụ. Ngồi trên xe, ông đọc sách Isaia. Thần Khí nói với Philipphê, “Tiến lên, theo kịp xe kia!”. Những gì xảy ra sau đó quả là việc của Thánh Thần. Philipphê giảng giải, nói về Chúa Giêsu cho ông… sau cùng, làm phép rửa. Rõ ràng, vị quan này ‘được lôi kéo’ bởi Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần và vị tông đồ. Thật thú vị, bản thân Philipphê cũng ‘được lôi kéo’; ông tiếp tục hành trình, lòng hỷ hoan; mọi thành ông đi qua được nghe Tin Mừng. Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Toàn trái đất, hãy tung hô mừng Chúa!”.

Anh Chị em,

“Chẳng ai đến được với Tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy”. Được Chúa Cha lôi kéo đến với Chúa Giêsu, con người được ăn bánh thần linh, bánh ban sự sống đời đời, thoả mãn mọi khát khao mà nó không thể tìm ở đâu khác. Tiến trình này vẫn cần được Thiên Chúa thúc đẩy, ban ơn, lôi kéo. Tại sao? Rất dễ hiểu! Tiếng nói của dễ dãi, của vật chất bao giờ cũng hấp dẫn hơn tiếng nói của hy sinh, thiêng thánh; tiếng của thần dữ bao giờ cũng dễ nghe hơn tiếng của thần lành. Vì thế, Thiên Chúa phải đi bước trước, Ngài không ngừng vươn tới, không ngừng nói và không ngừng lôi kéo chúng ta về phía Ngài. Vấn đề là liệu chúng ta có lắng đọng đủ để nghe ngóng và hoà mình trong lời ‘tán tỉnh’ của Ngài không; lời ‘tán tỉnh’ này có khi êm ái, nhẹ nhàng, nhưng lắm lúc lại nổ tung như tiếng sấm. Chớ gì chúng ta bình tâm đủ trước mọi biến cố, mọi vấn đề; luôn ý thức, “tôi không bao giờ ở một mình”, hầu có thể cảm nghiệm được sự chèo kéo của Ngài. Hãy tin tôi, nếu bạn không cảm nhận ‘được lôi kéo’ bởi Chúa Cha, bạn sẽ dễ dàng buông mình cho vô vàn chèo kéo thế tục!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hãy lôi con, kéo con gần Chúa mỗi ngày. Xin giúp con đáp lại tiếng Chúa với lòng quảng đại. Cuộc sống của con sẽ sinh ích biết bao khi con ‘được lôi kéo’ bởi Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Làm Ngơ
Lm Vũđình Tường
23:15 04/05/2022
Lắng nghe và đi theo là hai điều kiện căn bản trong việc trở thành môn đệ Đức Kitô.

Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta'. Gn 10,27.

Nghe biết mà không tin theo thì không thể trở thành môn đệ Đức Kitô bởi có nhiều người nghe biết Đức Kitô nhưng không tin, không theo. Tin theo mà không lắng nghe sẽ trở thành người gây rối trong Giáo Hội, bởi họ chỉ dùng Danh Đức Kitô. Họ không nghe lời Giáo Hội; trái lại hành xử theo tiếng nói riêng của họ. Thiếu một vế sẽ là môn đệ 'tàn phế'. Vì thế lắng nghe và tin theo phải chung đôi.

Ai cũng muốn tiếng nói của mình được người khác lắng nghe. Ngay cả trẻ em cũng thế. Em bé khóc bởi em muốn mẹ quan tâm đến nhu cầu của em. Trong thực tế, ít nhiều ai cũng có kinh nghiệm khi thì mình lắng nghe nhu cầu của người khác; khi thì làm lơ như không nghe biết. Điều này không phải chỉ xảy ra cho con người với con người. Con người áp dụng lối sống này với ngay cả Thiên Chúa. Đôi khi ta nghe Lời Chúa mời gọi cách sốt sắng, tích cực, lúc khác ta cũng nghe Lời Chúa, nhưng vì một lí do nào đó, chúng ta để Lời đó ngoài tai, làm ngơ, không đáp trả.

Ai cũng có kinh nghiệm cầu nguyện mà không nhận được tiếng Chúa đáp trả. Thiên Chúa im lặng không đáp lại tiếng ta hay chính ta làm ngơ đáp lại lời Chúa mời gọi. Ai từ chối ai? Bài đọc hôm nay kêu gọi ta xét mình, tự vấn lương tâm, xem ai làm ngơ ai?

Lời kêu gọi, nhắc nhớ chúng ta là chiên của Thiên Chúa. 'Chiên Ta thì nghe tiếng Ta'. Lời này nhắc chúng ta nghe tiếng Chúa kêu gọi. Đức Kitô không chủ tâm nhắc lại lời Chúa Cha phán bảo khi Đức Kitô biến hình trên núi thánh.

'Đây là Con Yêu Dấu Ta, các ngươi hãy nghe Lời Ngài'. Mc 8,9.

Đức Kiô mặc khải cho biết mối liên kết không thể tháo gỡ, cũng như không thể sứt mẻ giữa Chúa Cha và Chúa Con. Mối liên kết toàn thiện, toàn mĩ này được câu kế tiếp xác thực thêm một lần nữa.

'Cha Tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một' c.29

Câu này cho biết mối liên kết bền vững giữa Chúa Cha và Chúa Con. Câu này cũng cho biết quyền lực nhiệm mầu của Chúa Cha. Quyền lực tối thượng đó cả tầng trời lẫn trần thế đều quy phục, bởi đó không phải là quyền lực trần thế trong bàn tay con người mà chính là sức mạnh thiên tính, vô song, toàn năng của Đấng từ trời cao thể hiện. Vì thế không thế lực nào có thể thắng nổi.

Kitô hữu hãy vui mừng bởi biết rõ chúng ta thuộc về Thiên Chúa, được Chúa Cha trao cho Chúa Con là Đức Kitô, bảo vệ, che chở, hướng dẫn, được chính Chúa Con dẫn đường đi về nhà Chúa Cha.

Thay vì lắng nghe Lời Chúa, nhiều khi chúng ta muốn Chúa lắng nghe và chiều theo í ta. Lắng nghe í kiến người khác không dễ bởi hầu như ai cũng muốn người khác lắng nghe, chấp nhận í kiến của mình. Cản trở lớn nhhất của lắng nghe chính là chọn điều muốn nghe. Hầu như ta thích chọn nghe những gì ta thích nghe, còn bỏ qua những gì ta không thích nghe, ngay cả khi lời đó tốt lành, hữu dụng ta cũng từ chối lắng nghe. Ngoài ra, còn có nhiều tiếng gọi khác nhau, kêu gọi chúng ta theo chúng. Vì thế, con người thường thích nghe lời ngọt bùi, câu nói dễ nghe lọt tai, mà từ chối lời chân chính, ngay thẳng. Con người thích theo đường lối trần gian bởi đường lối đó dễ, bén nhậy, khêu gợi tình cảm và nhận biết kết quả ngay tức khắc. Đường lối Chúa đòi phấn đấu, khắc phục, kiên tâm và khiêm nhường. Đường lối trần gian giúp con người tiến vào trần gian, ngoài ra chúng không còn gì hơn để ban tặng. Đường lối Chúa nâng con người lên Thiên Chúa. Bởi con đường nâng ta lên cao nên con người cảm thấy bấp bênh, chơi vơi trong việc tin theo. Vì thế cần phấn đấu, chiến thắng khỏi cám dỗ dừng lại giữa đường. Điều chắc chắn đi theo con đường Chúa dậy sẽ dẫn ta tới gần Chúa và cuối đời liên kết với Chúa như điều Đức Kitô phán dậy.

Tuần trước chúng ta nhận biết Lời Chúa có sức mạnh biến lưới không cá thành mẻ lưới đầy cá hảo hạng. Tuần này bài đọc cho biết thêm về sức mạnh Lời Chúa. Lời đó có sức mạnh ban phát, bảo vệ, hướng dẫn, chỉ bảo, giúp Kitô hữu vượt qua được khó khăn, nguy hiểm cạm bẫy trần gian. Lời Chúa luôn gần kề, có sẵn trong nhà, tìm thấy trong Kinh Thánh. Cần đón nhận Lời Chúa với tâm tình cởi mở, nhẹ nhàng, dành thời gian cho Lời Chúa, cầm giữ và suy gẫm trong lòng. Hình ảnh đáng kính, đáng nhớ, đáng phục, đáng học, đáng bắt chước, đáng tin theo khi suy gẫm Lời Chúa chính là hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Hai lần Kinh thánh ghi lại Đức Trinh Nữ ghi nhớ Lời Chúa trong lòng để suy gẫm. Lần đầu xảy ra khi mục đồng đến bái kính Hài Nhi bởi họ được sứ thần soi sáng.

'Đức Trinh Nữ ghi nhớ sự việc ấy và suy gẫm trong lòng' Lc 2,19.

Lần thứ hai là lần tìm gặp Đức Kitô sau ba ngày thất lạc. Đức Kitô nói với hai ông bà. Cha mẹ vất vả, lo lắng tìm Con làm chi, bởi Con có bổn phận làm việc của Cha Con. Kinh Thánh ghi lại,

'Riêng Mẹ Người, thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng' Lc 2,51.

Niềm tin không đòi hiểu cặn kẽ, nhưng đòi lòng mến. Ta tin Chúa bởi ta mến Người. Ta không thấu hiểu Người nhưng ta mến Người và tin theo.

Học từ Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta ghi nhớ và suy gẫm Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

TiengChuong.org

Treasure God's Word

Both listening and following are active words. 'My sheep listen to my voice and they follow me' Jn 10,27. Listening to God's voice without action is not good enough, because many people listen to God's voice, but are not His disciples. To be a true disciple of Jesus, one must both listen and follow. The two go hand in hand. We all want our voice heard; even an infant cries out aloud to have attention. We all want to be heard, but in reality, we sometimes respond to other's people calling; other times we ignore them. We do the same thing to God's voice. We sometimes are very active in responding to God's voice; other times, for some reasons or another, we are inactive to it. There is no denial in encountering silence in prayers. The absence of God in prayers makes us feel that our voice is not heard. 'My sheep listen to my voice' is the calling to examine ourselves for how often we ignore God's voice. Because we sometimes don't take God's word seriously, God the Father reminds us to listen to God's only Son.

'This is my Son, the Beloved, listen to Him'. Mk 9,8.

The saying 'My sheep listen to my voice' is not the reiteration of the Father's calls us to listen, but rather, it reflects the unique unity between the Father and the Son. This exceptional unity is clearer in the following verse when Jesus said:

The Father Who gave them to me is greater than anyone' v. 28.

This sentence reveals the unique unity between the Father and the Son, and the power of God, that the Father is the most powerful person. He is greater than anyone. There is no power on earth or in heaven that could match God's power, because nothing can match the Father's Divine power.

Instead of listening and following Jesus, we often want Jesus to listen to us and accept our way. Listening is not easy. We would love others to listen to us rather than we listen to them. We are very much selective in listening. We only want to hear what pleases us, rather than to listen to what we need to hear. Furthermore, there are different voices that invite us to follow, and we are tempted to choose the easy, less demanding way, rather than to choose the narrow and difficult one. We prefer the earthly way over the heavenly way, because the earthly way is easy with instant effects. The earthly way only leads us to the world, and nothing else; while the heavenly way has power both on earth and in heaven, and is recognized by the most powerful heavenly Father.

Last week, we knew God's word had the power to fill the empty net with high quality fish. This week reveals more about the power of God's word. It has the power to give utmost security, and to guide us from the harmful way of life. God's word has the power to keep us from any earthly power that lures us away from God. God's word is available in the Scriptures. We need to read it slowly, and carefully, and read it daily. We need to ponder upon the Word and mull over it. The historical and classic example of pondering upon God's word would be from Mary, Mother of Jesus. Mary treasured God's word in her heart. When the shepherds told Mary and Joseph what God's angels had told them about the birth of Jesus. 'Mary treasured all these things and pondered them in her heart' Lk 2,19.

The second time when Jesus was presented in the Temple. They lost Him for three long days, finally they found Him in the Temple. They told Him of their concern. Jesus replied that He had to do His Father's business. 'They did not understand what He meant... His mother stored up all these things in her heart'. Lk 2,51.

Trusting requires not understanding, but loving. We trust someone because we love that person. We may not understand but we trust because we love.

Like Mary we pray to treasure and ponder God's word in our heart.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúng ta thấy cách người ta xua đuổi hàng loạt những người con trai và con gái của Ukraine ra khỏi đất của họ
Đặng Tự Do
05:09 04/05/2022


Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã trình bày các suy nghĩ của ngài liên quan đến Tám Mối Phúc thật của Chúa Giêsu Kitô trong thông điệp hàng đêm gởi các tín hữu Công Giáo Ukraine.

“Phúc cho ai hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Con đường khiêm nhường và hạ mình như vậy tạo ra một không gian nội tâm cho một người, khiến người ấy có thể đón nhận các ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt là ân sủng phục sinh và sự sống vĩnh cửu, và hơn thế nữa, khiến người ấy có thể biết sự thật về mình.

Trái lại, tự hào là một ảo tưởng cụ thể về bản thân, về khả năng, và nguồn gốc của một người. Nó đối lập với sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng như một niềm hạnh phúc, cho chúng ta thấy sự thật về bản thân và nguồn gốc của chúng ta.

Khi đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta là con gái và con trai của Thiên Chúa, là những người thuộc quyền thừa kế. Vì vậy, Chúa Kitô nói: “Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp.” Đất này, Chúa của chúng ta, Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta ban cho chúng ta giống như một cơ nghiệp từ Cha cho các con trai và con gái.

“Dân tộc bị trục xuất khỏi mảnh đất của họ, những đứa trẻ bị tước đoạt quyền thừa kế đất đai của họ, trở thành những người xa lạ, những người lưu vong trên mảnh đất đó. Nhưng Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp’. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho chúng con khám phá ra trong tâm hồn chúng con quyền năng, ân sủng, di sản của Ngài. Xin ban cho chúng con sự khiêm tốn để biết sự thật về bản thân, và do đó có thể chấp nhận những gì Ngài ban cho chúng con. Bởi vì chúng con biết rằng Ngài đã cho chúng con đất đai, Tổ quốc, nhà nước của chúng con như gia nghiệp của chúng con. Vì vậy, chúng tôi muốn giống như Chúa – hiền lành và khiêm nhường, và được thừa hưởng một cách công bình, bởi quyền của Thiên Chúa, đất mà Chúa muốn ban cho chúng con”.
Source:UGCC
 
Bộ trưởng Bộ Tôn giáo muốn mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Indonesia
Đặng Tự Do
16:40 04/05/2022


Indonesia mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm nước này: Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Menag RI Yaqut Cholil Qoumas thông báo với Sứ thần Tòa thánh là Đức Tổng Giám Mục Pietro Pioppo và các Giám mục Công Giáo Indonesia nhân dịp lễ tấn phong giám mục của tân Giám mục Giáo phận Amboina, Đức Cha Senno Ngutra, ngày 23 tháng 4 vừa qua.

Tại cuộc gặp với sứ thần, các giám mục và linh mục Indonesia tại Trung tâm Cộng đồng Công Giáo ở trung tâm thành phố Ambon trước khi cử hành trọng thể lễ tấn phong giám mục, Ông Menag RI đã thông báo với các quan chức Giáo Hội có mặt về chuyến đi sắp tới của ông tới Vatican, nơi ông sẽ đưa ra một lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Indonesia.

Tòa thánh trước đó đã chính thức thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có kế hoạch thăm Indonesia và Đông Timor sớm nhất là vào tháng 9 năm 2020, nhưng chuyến đi dự kiến đã phải bị hủy bỏ vào thời điểm đó do đại dịch Covid 19.

Bộ trưởng cũng báo cáo về vấn đề này rằng chính phủ Indonesia dự định khởi động việc xây dựng một nhà thờ chính tòa mới ở IKN Nusantara, thủ đô mới của Indonesia, ở Đông Kalimantan. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang phối hợp việc này với giám mục địa phương của Tổng giáo phận Samarinda, là Đức Cha Yustinus Harjosusanto.
Source:Fides
 
Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Tuổi già Chung thủy với Đức tin
Vũ Văn An
17:18 04/05/2022
Theo tin Tòa Thánh, tại Hội trường Phaolô VI, thứ 4, ngày 4 tháng 5 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trên hành trình các bài giáo lý về tuổi già, hôm nay chúng ta gặp một nhân vật trong Kinh thánh - và là một ông già - tên là Eleazar, sống vào thời kỳ bách hại của Antiochus Epiphanes. Ngài là một nhân vật tuyệt vời. Nhân cách của ngài cho chúng ta một chứng từ về mối quan hệ đặc biệt giữa lòng chung thủy của tuổi già và vinh dự của đức tin. Ngài là một người đáng tự hào, hỉ? Tôi muốn nói đến chính vinh dự của đức tin, chứ không chỉ nói đến sự kiên định, sự tuyên xưng và sự phản kháng của đức tin. Vinh dự của đức tin thường xuyên bị áp lực, thậm chí là áp lực bạo lực, từ nền văn hóa của những người cai trị, những người tìm cách làm suy yếu nó bằng cách coi nó như một phát hiện khảo cổ, hoặc một sự mê tín cổ xưa, một sự sùng bái lạc hậu, v.v.

Câu chuyện trong Kinh thánh - chúng ta đã nghe một đoạn ngắn, nhưng đọc hết thì thấy hay - kể về đoạn người Do Thái bị lệnh của vua buộc phải ăn thịt hiến tế cho ngẫu thần. Khi đến lượt Eleazar, một người đàn ông lớn tuổi được mọi người kính trọng, ở độ tuổi 90; rất được mọi người tôn kính - một người có uy tín - các quan chức của nhà vua khuyên ngài nên dùng một cách giả vờ, tức là giả vờ ăn thịt mà không thực sự ăn. Đạo đức giả. Đạo đức giả tôn giáo. Ngày nay nhiều lắm! Rất nhiều đạo đức giả tôn giáo, đạo đức giả giáo sĩ, rất nhiều. Những người này nói với ngài, “Ông hãy đạo đức giả một chút, không ai nhận ra đâu”. Bằng cách này, Eleazar sẽ được cứu, và - họ nói - nhân danh tình bạn, ngài nên chấp nhận cử chỉ từ bi và tình âu yếm của họ. Một lối thoát đạo đức giả. Sau cùng, họ quả quyết, đó chỉ là một cử chỉ nhỏ, giả vờ ăn nhưng không ăn, một cử chỉ tầm thường.

Đó là một điều nhỏ nhặt, nhưng phản ứng bình thản và cương quyết của Eleazar dựa trên một lập luận khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Điểm chính là đây: việc làm ô nhục đức tin ở tuổi già, để có thêm một ít ngày sống, không thể so sánh với di sản mà nó sẽ để lại cho lớp trẻ, cho cả thế hệ mai sau. Và Eleazar làm tốt lắm! Một người đàn ông già cả đời sống gắn bó với đức tin của mình, mà nay phải tự thích nghi với việc giả vờ từ bỏ nó, lên án thế hệ sắp tới phải nghĩ rằng toàn bộ đức tin chỉ là một thứ giả tạo, một lớp vỏ bọc bên ngoài có thể bị cởi bỏ, tưởng tượng rằng nó có thể được bảo quản ở bên trong. Nhưng Eleazar nói, sự việc không phải như vậy. Tác phong như thế không tôn vinh đức tin, thậm chí không tôn vinh Thiên Chúa. Và tác động của sự tầm thường hóa bên ngoài này sẽ tàn phá đời sống nội tâm của những người trẻ tuổi. Và sự kiên định của người đàn ông này đã coi trọng giới trẻ! Ngài coi trọng di sản tương lai của mình, ngài nghĩ đến người dân của mình.

Đó mới chính là tuổi già - và điều này thật đẹp đối với tất cả anh chị em già, phải không! - điều đó xuất hiện ở đây như một nơi quyết định, một nơi không thể thay thế cho chứng từ này. Một người cao tuổi, vì tính dễ bị tổn thương, nếu chấp nhận rằng việc thực hành đức tin là không thích hợp, sẽ khiến những người trẻ tin rằng đức tin không có mối quan hệ thực sự nào với cuộc sống. Đối với họ, ngay từ đầu, nó sẽ xuất hiện như một mớ tác phong, nếu cần, có thể thực hành giả hoặc che giấu, bởi vì không có tác phong nào trong số đó là đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống.

Lạc giáo “ngộ đạo” thời cổ xưa, vốn là một cái bẫy rất mạnh và rất quyến rũ đối với Kitô giáo sơ khai, đã lý thuyết chính về điều này, đây là một điều xưa cũ: rằng đức tin là một linh đạo, không phải là một thực hành; một sức mạnh của tâm trí, không phải là một hình thức sống. Theo lạc giáo này, lòng trung thành và vinh dự của đức tin không liên quan gì đến các tác phong của cuộc sống, các thể chế của cộng đồng, các biểu tượng của cơ thể. Không có gì liên quan với nó. Sự quyến rũ của quan điểm này rất mạnh mẽ, bởi vì nó giải thích, theo cách riêng của nó, một sự thật không thể chối cãi: rằng niềm tin không bao giờ có thể bị giản lược vào một tập hợp các quy tắc ăn kiêng hoặc thực hành xã hội. Niềm tin là một điều khác hẳn. Rắc rối là thế này sự cực đoan hóa chân lý này của Ngộ đạo đã vô hiệu hóa chủ nghĩa hiện thực của đức tin Kitô giáo, bởi vì đức tin Kitô giáo có tính thực tiễn. Đức tin Kitô giáo không chỉ nói tín điều: nó còn nghĩ tới Kinh Tin Kính, hiểu Kinh Tin Kính và thực hiện Kinh Tin Kính. Làm việc với đôi tay của chúng ta. Thay vào đó, đề xuất theo thuyết ngộ đạo này giả vờ, nhưng [lại tưởng tượng] rằng điều quan trọng là anh chị em có một linh đạo ở bên trong, và sau đó anh chị em có thể làm bất cứ điều gì anh chị em muốn. Và đấy không phải là Kitô giáo. Đấy là lạc giáo đầu tiên của những người ngộ đạo, rất thịnh hành vào thời điểm lúc đó, ở rất nhiều trung tâm linh đạo, v.v. Nó làm vô hiệu việc làm chứng của dân tộc này, một việc làm chứng vốn cho thấy những dấu chỉ cụ thể của Thiên Chúa trong đời sống cộng đồng và chống lại những biến thái của tâm trí qua các cử chỉ của cơ thể.

Sự cám dỗ của ngộ đạo là một trong những lạc giáo - chúng ta hãy sử dụng từ này -, một trong những lệch lạc tôn giáo thời nay; sự cám dỗ của thuyết ngộ đạo vẫn luôn hiện hữu như bao giờ. Trong nhiều xu hướng trong xã hội và văn hóa của chúng ta, việc thực hành đức tin đang chịu nhiều mô tả tiêu cực, đôi khi dưới hình thức nghịch lý về văn hóa, đôi khi với việc đẩy sang bên lề một cách che đậy. Việc thực hành đức tin đối với những người theo thuyết ngộ đạo này, đã có vào thời Chúa Giêsu, được coi là điều ở bên ngoài, vô dụng và thậm chí có hại, một thứ tàn dư lỗi thời, như một sự mê tín trá hình. Trong ngắn hạn, là một điều dành cho những người già cả. Áp lực mà sự chỉ trích bừa bãi này gây ra cho các thế hệ trẻ là rất mạnh mẽ. Tất nhiên, chúng ta biết rằng thực hành đức tin có thể trở thành một thực hành bên ngoài vô hồn. Đây là mối nguy hiểm khác, ngược lại, phải không? Và nó đúng sự thật, phải không? Nhưng trong chính nó, nó không phải như vậy. Có lẽ đối với chúng ta, những người lớn tuổi hơn - và vẫn còn một số người ở đây - trả lại vinh dự cho đức tin, làm cho nó mạch lạc, đó là chứng tá của Eleazar: sự kiên định đến tận cùng. Việc thực hành đức tin không phải là biểu tượng của sự yếu đuối của chúng ta, không, mà là dấu hiệu của sức mạnh của nó. Chúng ta không còn là những người trẻ tuổi. Chúng ta không đùa cợt khi bắt đầu hành trình trên con đường của Chúa!

Đức tin đáng được tôn trọng và vinh dự cho đến tận cùng: nó đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, nó đã thanh tẩy tâm trí của chúng ta, nó đã dạy chúng ta sự thờ phượng Thiên Chúa và tình yêu thương người lân cận. Đó là một phúc lành cho mọi người! Nhưng đức tin như một toàn bộ, chứ không chỉ một phần của nó. Giống như Eleazar, chúng ta sẽ không đánh đổi đức tin của mình lấy một vài ngày yên tĩnh. Chúng ta sẽ chứng tỏ, bằng tất cả sự khiêm tốn và kiên định, chính ở tuổi già của chúng ta, rằng tin tưởng không phải là điều gì đó “dành cho người già”. Không. Đó là một vấn đề của cuộc sống. Tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mọi sự trở nên mới mẻ, và Người sẽ sẵn lòng giúp đỡ chúng ta.

Anh chị em lớn tuổi thân mến - không nói là già, chúng ta thuộc cùng một nhóm - xin anh chị em nhìn những người trẻ tuổi: họ đang quan sát chúng ta. Họ đang quan sát chúng ta. Anh chị em đừng quên điều đó. Tôi nhớ lại bộ phim tuyệt vời về thời hậu chiến đó: Các trẻ em đang quan sát chúng ta. Chúng ta có thể nói điều tương tự với những người trẻ tuổi: những người trẻ đang quan sát chúng ta và sự kiên định của chúng ta có thể mở ra một con đường sống tươi đẹp cho họ. Mặt khác, đạo đức giả sẽ gây hại rất nhiều. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những người già chúng ta. Cảm ơn anh chị em.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Doanh nhân Công Giáo TGP Hà Nội mừng lễ Thánh Giuse Thợ quan thầy 2022
Doanh nhân Công giáo TGP Hà Nội
08:33 04/05/2022
Cộng đoàn Doanh nhân Công Giáo TGP Hà Nội mừng lễ Thánh Giuse Thợ quan thầy 2022

Chiều Chúa nhật ngày 01/5/2022, anh chị em trong Cộng đoàn Doanh nhân Công Giáo Tổng Giáo Phận (TGP) đã quy tụ về Nhà thờ Chính tòa Hà Nội tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse Thợ quan thầy.

Trước đó, vào lúc 17h00, anh chị em doanh nhân đã hiệp cùng Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên, quý Cha và toàn thể cộng đoàn tham dự giờ dâng hoa và cung nghinh Đức Mẹ

Thánh lễ mừng kính thánh quan thầy do Đức TGM Giuse cử hành. Hiệp thông trong Thánh lễ có sự hiện diện của Cha Tổng Đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng, Cha linh hướng Phêrô Nguyễn Đức Toản, quý Cha và đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Ngỏ lời cùng anh chị em doanh nhân trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức TGM Giuse khẳng định “Anh chị em đang là người thành đạt trong lãnh vực doanh nghiệp và thương mại, những người diễn tả sự thành công của những ai tin vào Chúa Giêsu”. Từ đó, Đức TGM Giuse mời gọi các thành viên trong cộng đoàn doanh nhân cũng như cộng đoàn phụng vụ noi gương Thánh Giuse, nhiệt thành cộng tác với Thiên Chúa ngang qua các công việc lao động, để làm cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa đạt tới mức hoàn mỹ hơn.

Nhờ lời Thánh Giuse Thợ chuyển cầu, xin Chúa chúc lành cho mọi hoạt động của Cộng đoàn Doanh nhân Công Giáo, và giúp mỗi thành viên biết trở nên những chứng nhân lan tỏa Tin Mừng Phục sinh trong mọi lĩnh vực mà anh chị em đang thi hành.

Doanh nhân Công Giáo TGP Hà Nội
 
VietCatholic TV
Nga kinh ngạc: Ukraine dùng máy bay không người lái đánh tan sở chỉ huy, nhận chìm hai chiến thuyền
VietCatholic Media
03:27 04/05/2022


1. Máy bay không người lái Bayraktar phá hủy sở chỉ huy của Nga trên đảo Zmiinyi

Lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái Bayraktar để tấn công Đảo Zmiinyi, đang bị quân xâm lược Nga chiếm giữ, và phá hủy sở chỉ huy của quân Nga.

Theo tuyên bố của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái Bayraktar để đánh một kho đạn, và một sở chỉ huy.

Sáng sớm ngày 2 tháng 5, quân trú phòng Ukraine đã phá hủy hai thuyền của đối phương gần Đảo Zmiiny.

Vào ngày 30 tháng 4, các lực lượng Ukraine đã tấn công các mục tiêu của đối phương trên đảo Zmiinyi, phá hủy ba khẩu pháo phòng không, một hệ thống hỏa tiễn phòng không Strela-10, và một phương tiện thông tin liên lạc.

Bayraktar đời TB2 là một máy bay chiến đấu không người lái bay ở độ cao trung bình có khả năng thực hiện các hoạt động bay tự động hoặc điều khiển từ xa. Nó được sản xuất bởi công ty Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Makina Sanayi.

Là một phần của chương trình hiện đại hóa quân đội, Lực lượng vũ trang Ukraine đã mua 12 chiếc Bayraktar TB2 vào năm 2019. Sau khi thử nghiệm thành công loại máy bay này, Hải quân Ukraine đã đặt hàng riêng sáu chiếc TB2, được giao vào năm 2021

Ngày 9 tháng 4 năm 2021 lần đầu tiên lực lượng Ukraine sử dụng loại máy bay này trong khu vực đang có xung đột.

Trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga, máy bay không người lái TB2 đã được các lực lượng vũ trang của Ukraine sử dụng để chống lại các lực lượng và thiết bị của Nga. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói: “Ukraine có khoảng 20 máy bay không người lái Bayraktar, nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại ở đó”.

Vào ngày 27 tháng 2, lực lượng không quân của Ukraine đã xác nhận hai cuộc tấn công của TB2 vào các đoàn tàu vận tải của Nga ở khu vực Kherson và Zhytomyr.

Chỉ huy trưởng lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk gọi hệ thống UAV là “thiết bị sống còn”. Sự phổ biến của máy bay không người lái ở Ukraine đã dẫn đến một bài hát, “Bayraktar” được viết về máy bay không người lái với những lời lăng mạ quân đội Nga và cuộc xâm lược.

2. Quân phòng thủ Ukraine đẩy lùi 12 cuộc tấn công của quân Nga trong khu vực miềm Đông

Các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi 12 cuộc tấn công của quân Nga, trong khu vực diễn ra Chiến dịch Liên hợp trong ngày thứ Ba, 3 tháng Năm.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Vào ngày 3 tháng 5, các binh sĩ của một nhóm Lực lượng Liên hợp đã đẩy lùi thành công 12 cuộc tấn công của kẻ thù. Nhờ những hành động khéo léo của họ, các chiến binh của chúng ta đã gây ra tổn thất nặng nề cho quân xâm lược Nga”

Đặc biệt, quân trú phòng Ukraine đã phá hủy 6 xe tăng, 5 hệ thống pháo, trong đó có 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 15 xe chiến đấu bọc thép, và 9 xe vận tải của đối phương.

Lực lượng phòng không Ukraine cũng bắn hạ một hỏa tiễn hành trình, và ba máy bay không người lái Orlan-10.

Theo ước tính của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 3 tháng 5, 24.200 binh sĩ Nga đã thiệt mạng

3. Thủ tướng Anh tiết lộ viện trợ quân sự mới cho Ukraine

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố khoản viện trợ quân sự mới, trị giá 300 triệu euro, tức là 376 triệu USD cho Ukraine, và nói với Quốc hội Ukraine rằng, nước này “sẽ thắng” Nga.

Thủ tướng Johnson nói:

“Chúng tôi ở Vương quốc Anh sẽ làm bất cứ điều gì có thể để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh này, và trong thời điểm đầy những điều bất định, liên tục sợ hãi, và nghi ngờ, tôi có một thông điệp cho các bạn hôm nay: Ukraine sẽ chiến thắng. Ukraine sẽ được tự do”.

Viện trợ quân sự bao gồm “radar để xác định chính xác pháo binh đang bắn phá các thành phố của các bạn, máy bay không người lái hạng nặng để cung cấp cho lực lượng của các bạn, và hàng nghìn thiết bị nhìn ban đêm.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine, cùng với những người bạn khác của các bạn, vũ khí, tài trợ, và viện trợ nhân đạo, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu dài hạn của mình, là củng cố cho Ukraine để không ai còn dám tấn công các bạn một lần nữa”.

Tổng thống Ukraine đã có mặt tại Quốc Hội Ukraine, và hoan hô nhiệt liệt bài phát biểu của Thủ tướng Johhnson.

4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Putin nói chuyện với nhau hơn 2 giờ đồng hồ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Vladimir Putin kéo dài hơn hai giờ, Điện Élysée cho biết hôm thứ Ba.

Macron cảnh báo Putin về hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, và kêu gọi chấm dứt “hành động xâm lược tàn khốc”, theo một tuyên bố từ Điện Elysée. Macron cũng “bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình về Mariupol”, và tình hình ở khu vực Donbas. Ông cũng “kêu gọi Nga cho phép di tản thêm tại nhà máy Azovstal”.

Theo Điện Cẩm Linh, Putin đã nói với tổng thống Macron về tiến độ của “cuộc hành quân đặc biệt để bảo vệ Donbas”, và di tản dân thường “do những người theo chủ nghĩa dân tộc nắm giữ” khỏi nhà máy Azovstal ở Mariupol, sử dụng các luận điệu cố hữu để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine.

Putin nhấn mạnh rằng Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại, bất chấp sự “không sẵn sàng” của chính quyền Kyiv. Tuy nhiên, điều đó không đúng, vì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nói rằng ông muốn nói chuyện trực tiếp với Putin.

Theo tuyên bố của Điện Cẩm Linh, Macron nêu vấn đề bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Đáp lại, ông Putin nói rằng tình hình đang phức tạp là do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt. Điều đó cũng không đúng. Lúa mì của Ukraine chất đầy các hải cảng nhưng không chuyên chở được vì Nga phong tỏa Hắc hải. Điều này đang gây ra nạn đói ở Phi Châu, và làm tăng giá lương thực trên toàn thế giới.

5. Nga tấn công hỏa tiễn nhằm chặn đường tiếp tế của Hoa Kỳ, và Liên Hiệp Âu Châu

Các quan chức Ukraine đã thông báo về các cuộc tấn công hỏa tiễn ở một số vùng của đất nước.

Trong báo cáo sáng ngày thứ Tư 4 tháng 5, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

Hai hỏa tiễn bay qua thành phố Vinnytsia ở Tây Nam Ukraine đã bị bắn hạ. Hai vụ nổ mà người dân Vinnytsia nghe thấy “là do phòng không chúng tôi bắn trúng hỏa tiễn.” Một cuộc tìm kiếm đang được tiến hành để tìm mảnh vỡ của hỏa tiễn.

Một hỏa tiễn hành trình khác nhắm vào Kyiv bị hệ thống phòng không bắn hạ rớt xuống khu vực đường cao tốc Odessa.

Thị trưởng Dolynska, một thị trấn ở miền trung Kirovohrad, cho biết đã có các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn trong khu vực, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Xa hơn về phía tây, gần với biên giới Slovakia, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết, đã có một cuộc tấn công hỏa tiễn ở khu vực miền núi. “Chúng tôi đang làm rõ thông tin về thương tích, và các nạn nhân nếu có “

Một số mục tiêu trong các cuộc tấn công hỏa tiễn hôm thứ Ba, dường như có liên quan đến việc vận chuyển thiết bị quân sự vào Ukraine. Nga đã đe dọa sẽ nhắm mục tiêu vào các lô hàng vũ khí, và các tuyến đường của chúng.

Tại Lviv, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine ghi nhận rằng, ba trạm biến áp điện đã bị hư hỏng.

Cơ quan Biên phòng Ukraine, cho biết một khu vực biên giới ở vùng Sumy, cực đông bắc của đất nước đã bị tấn công bằng nhiều bệ phóng hỏa tiễn, và súng cối.

Chủ tịch đường sắt Ukraine, ông Oleksandr Kamyshin, nói rằng, hỏa tiễn của Nga đã tấn công sáu địa điểm dọc theo các tuyến ở miền trung, và miền tây Ukraine vào tối thứ Ba.

Ông cho biết không có thương vong trong số các nhân viên hoặc hành khách.

Ông nói, ít nhất 14 chuyến tàu chở khách đã bị hoãn lại, và thiệt hại về cơ sở hạ tầng là nghiêm trọng.

6. Các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga sẽ không ngăn chặn nổi viện trợ quân sự cho Ukraine

Nga đang cố gắng ngăn chặn viện trợ quân sự đến Ukraine từ các đối tác phương Tây, bằng các cuộc tấn công hỏa tiễn, nhưng họ sẽ không thể làm như vậy. Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống, Andriy Yermak, đã đưa ra lập trường trên vào sáng ngày thứ Tư 4 tháng 5, sau khi quân Nga pháo kích dữ dội trong đêm 3 tháng 5.

“Nga thực sự muốn ngăn chặn viện trợ của phương Tây bằng hỏa tiễn – ngăn chặn các vũ khí mới, và mạnh mẽ của chúng tôi. Nhưng họ sẽ không thành công. Mọi thứ sẽ đến tay người Ukraine,” ông nói.

Cuối ngày 3 tháng 5, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn trên khắp Ukraine.

7. Tổng thống Zelenskiy tin rằng Ukraine sẽ có thể cứu tất cả người dân khỏi nhà máy Azovstal

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết chính quyền Ukraine đang làm việc hàng ngày về vấn đề di tản người dân khỏi thành phố Mariupol bị bao vây, bao gồm cả từ nhà máy thép Azovstal.

Ông Zelenskiy cho biết như trên, trong bài nói chuyện hàng đêm với quốc dân đồng bào.

Ông kể lại rằng 156 người di tản từ Mariupol đã đến Zaporizhzhia vào ngày 3 tháng 5. Ông cảm ơn tất cả những người đã tham gia quá trình di tản.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ để đưa tất cả những người của chúng ta ra khỏi Mariupol, và Azovstal. Thật khó. Nhưng chúng tôi cần tất cả những người đang bị kẹt lại ở đó: dân thường, và quân đội. Không có ngày nào mà chúng tôi không giải quyết vấn đề này, không có ngày nào mà người của chúng tôi không cố gắng giải quyết vấn đề này. Đúng vậy, chúng tôi đã cố gắng đạt được một lệnh ngừng bắn trong gần ba ngày để hành lang nhân đạo hoạt động. Hiện tại, quân đội Nga không tuân thủ các thỏa thuận. Họ tiếp tục tấn công dữ đội vào Azovstal. Họ đang cố gắng xông vào khu phức hợp. Tôi đã được nghe nói nhiều lần rằng không ai có thể được cứu. Đó là điều không thể. Nhưng ngày hôm nay 156 người đang ở Zaporizhzhia. Đây chưa phải là một chiến thắng, nhưng đây đã là một kết quả., và tôi tin rằng có một cơ hội để cứu những người khác của chúng tôi “.

8. Nga cáo buộc Israel ủng hộ “chế độ tân phát xít ở Kyiv”, lặp lại tuyên bố sai về chính phủ Ukraine

Hôm thứ Ba Nga, đã cáo buộc Israel ủng hộ “chế độ tân phát xít ở Kyiv”, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mạc Tư Khoa, và nhà nước Do Thái về vấn đề Ukraine, chủ nghĩa bài Do Thái, và Adolf Hitler.

Cáo buộc này có khả năng làm tăng bất mãn tại Israel đối với Nga.

Israel đã bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc để lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và Ngoại trưởng Yair Lapid đã cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, Nhà nước Do Thái đã không tham gia đầy đủ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Mạc Tư Khoa hoặc cung cấp vũ khí cho Ukraine, và Thủ tướng Naftali Bennett đã cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Nga, và Ukraine.

Nga đã tung ra một cáo trạng hàng ngàn từ, trong đó sử dụng các ví dụ về việc người Do Thái buộc phải hợp tác với Đức Quốc xã, và các trường hợp bài Do Thái xảy ra ở Ukraine để bảo vệ cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin.

Các quan chức Israel cũng đáp trả bằng sự giận dữ hôm thứ Hai trước Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vì ông này khẳng định rằng Hitler có “dòng máu Do Thái”.

Ngoại trưởng Lavrov đang cố gắng làm chệch hướng câu hỏi về lý do tại sao Nga khẳng định rằng Ukraine đang nằm trong tay chủ nghĩa tân Quốc xã trong khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy là người Do Thái.

Bộ trưởng Ngoại giao Lapid đã trả lời hôm thứ Hai rằng “những nhận xét của Ngoại trưởng Lavrov vừa là một tuyên bố không thể tha thứ, và phiến diện cũng như một sai lầm lịch sử khủng khiếp,”, và Thủ tướng Bennett gọi tuyên bố của Lavrov là “dối trá”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, khi trả lời phỏng vấn trong chương trình Zona Bianca trên kênh truyền hình Ý Rete 4, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho rằng Adolf Hitler có “dòng máu Do Thái”, và rằng những “người bài Do Thái hăng hái nhất thường là người Do Thái.”

Luận điểm này của ông ta đã gây ra một sự tức giận rất lớn tại Israel. Cho đến nay, Israel đã tìm cách đi hàng hai, duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mạc Tư Khoa, và Kyiv kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Những tuyên bố mới đây nhất của Sergey Lavrov có một tác dụng rõ ràng là đẩy người Do Thái đứng hẳn về phía mặt trận chống Nga của Ukraine.
 
Tâm sự của ĐTGM Shevchuk, Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trước tình cảnh của đồng bào
VietCatholic Media
05:07 04/05/2022


1. Kết thúc khóa họp của các đại diện Hội đồng Giám mục Đức và Ba Lan

Hôm 28 tháng Tư vừa qua, khóa họp của các đại diện Hội đồng Giám mục Đức và Ba Lan, gọi là nhóm Liên lạc, đã kết thúc khóa họp ba ngày tại thành phố Gliwice, bên Ba Lan, trong đó các vị ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến tự vệ chống lại các lực lượng Nga.

Thông cáo do Văn phòng Hội đồng Giám mục Đức phổ biến cho biết việc tự vệ chống lại kẻ gây hấn có liên hệ tới Âu châu, tự do và phục vụ cho nền hòa bình của toàn thể đại lục này.

Cả các Giáo hội cũng muốn tiếp tục dấn thân trợ giúp những người tị nạn Ukraine. Đức Cha Bertram Meier, Giám mục giáo phận Augsburg, hướng dẫn phái đoàn giám mục Đức tại khóa họp, đã cám ơn các tín hữu Công Giáo Ba Lan vì tình liên đới nổi bật với những người bị lâm vào cái vòng chiến tranh hoặc đang bị đe dọa. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Ba Lan tỏ ra là “một cường quốc tế mặt nhân đạo” và thách thức các lực lượng tàn phá và phản lại tình người”.

Một vấn đề khác được bàn tới trong khóa họp và tiến trình cải tổ gọi là “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức cũng như tiến trình đồng nghị do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xướng, để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2023. Phía các giám mục Ba Lan khẳng định rõ ràng rằng một số ý tưởng trong Tiến trinh Công nghị của Công Giáo Đức được dư luận tại Ba Lan cảm thấy bất đồng.

Đồng thời, Giáo hội tại Ba Lan cũng đang phải đương đầu với một loạt các vấn đề khiến cho Giáo hội cảm thấy cần phải tiến hành những cải tổ thích hợp. Điều này được biểu lộ qua sự kiện Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đang tích cực tham gia tiến trình đồng nghị trong Giáo hội do Đức Thánh Cha Phanxicô đề ra. Đức Cha Meier nói: “Chúng tôi đã cố gắng hiểu nhau hơn và tôi nghĩ chúng tôi đã thành công trong việc này. Chúng tôi muốn học hỏi nhau trong một Giáo hội đối thoại”.

Ngày 09 tháng Tám tới đây là kỷ niệm lần thứ 80 ngày qua đời của thánh nữ Edith Stein, người Đức gốc Do thái, bị Đức quốc xã sát hại trong trại tập trung Auschwitz. Nhân dịp này, các giám mục Đức và Ba Lan thuộc nhóm liên lạc, đã viếng thăm Bảo tàng viện Edith Stein ở Lublimiec và cử hành một thánh lễ tưởng niệm.

Phái đoàn Ba Lan trong cuộc gặp gỡ do Đức Cha Jan Kopiec hướng dẫn, ngoài ra có sự tham dự của Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Varsava, và hai giám mục khác người Đức và Ba Lan.

2. Đức Thánh Cha tiếp Ngân quỹ Giáo hoàng ở Mỹ

Sáng ngày 28 tháng Tư năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Ban lãnh đạo và Hội đồng quản trị Ngân quỹ Giáo hoàng và ngài nhiệt liệt cám ơn sự hỗ trợ của Quỹ này dành cho các hoạt động bác ái, giáo dục, văn hóa và đặc biệt giúp đỡ Tòa Thánh.

Ngân quỹ Giáo hoàng được thành lập năm 1988 tại Mỹ và cho đến nay đã tài trợ 200 triệu Mỹ kim, cung cấp các học bổng trên thế giới và tài trợ 2.000 dự án được các Đức Giáo Hoàng chọn. Quỹ tài trợ 358 nhà thờ và nhà nguyện, 170 chủng viện, 404 tu viện và đan viện, 273 trường học và 104 nhà thương.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Qua dòng thời gian, Quỹ Giáo hoàng đã giúp đỡ trên bình diện thế giới sự phát triển toàn diện của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đặc biệt sự đáp ứng của anh chị em đối với nhiều lời thỉnh cầu trợ giúp, qua các dự án giáo dục, từ thiện và Giáo hội. Qua đó, anh chị em hỗ trợ sự dấn thân liên lỉ của Giáo hội để xây dựng một nền văn hóa liên đới và hòa bình. Về vấn đề này, hoạt động bác ái của anh chị em trải rộng tới những người ở bên lề xã hội và sống trong nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần. Đồng thời trong những ngày này, chúng ta đang chứng kiến những hậu quả tàn phá của chiến tranh và những xung đột khác. Anh chị em quan tâm nhận ra những nhu cầu cần cung cấp sự chữa trị và trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân, những người tị nạn và những người buộc lòng phải rời bỏ quê hương để đi tìm một tương lai tốt hơn cho bản thân và những người thân yêu. Vì những dấn thân đó, tôi cám ơn và cầu nguyện để anh chị em được canh tân trong lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ những người rốt cùng trong các anh chị em, như chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”. (Xc Mt 25,40)

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ngay từ đầu, tình liên đới với người Kế vị thánh Phêrô là một trong các đặc tính của Ngân quỹ Giáo hoàng. Vì vậy, tôi biết mình có thể tín thác nơi lời cầu nguyện của anh chị em cho tôi và sứ vụ của tôi, cho các nhu cầu của Giáo hội, việc loan báo Tin mừng và sự hoán cải các tâm hồn”.

3. Chúng ta thấy cách kẻ thù xua đuổi hàng loạt những người con trai và con gái của Ukraine ra khỏi đất của họ

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã trình bày các suy nghĩ của ngài liên quan đến Tám Mối Phúc thật của Chúa Giêsu Kitô trong thông điệp hàng đêm gởi các tín hữu Công Giáo Ukraine.

“Phúc cho ai hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Con đường khiêm nhường và hạ mình như vậy tạo ra một không gian nội tâm cho một người, khiến người ấy có thể đón nhận các ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt là ân sủng phục sinh và sự sống vĩnh cửu, và hơn thế nữa, khiến người ấy có thể biết sự thật về mình.

Trái lại, tự hào là một ảo tưởng cụ thể về bản thân, về khả năng, và nguồn gốc của một người. Nó đối lập với sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng như một niềm hạnh phúc, cho chúng ta thấy sự thật về bản thân và nguồn gốc của chúng ta.

Khi đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta là con gái và con trai của Thiên Chúa, là những người thuộc quyền thừa kế. Vì vậy, Chúa Kitô nói: “Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp.” Đất này, Chúa của chúng ta, Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta ban cho chúng ta giống như một cơ nghiệp từ Cha cho các con trai và con gái.

“Dân tộc bị trục xuất khỏi mảnh đất của họ, những đứa trẻ bị tước đoạt quyền thừa kế đất đai của họ, trở thành những người xa lạ, những người lưu vong trên mảnh đất đó. Nhưng Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp’. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho chúng con khám phá ra trong tâm hồn chúng con quyền năng, ân sủng, di sản của Ngài. Xin ban cho chúng con sự khiêm tốn để biết sự thật về bản thân, và do đó có thể chấp nhận những gì Ngài ban cho chúng con. Bởi vì chúng con biết rằng Ngài đã cho chúng con đất đai, Tổ quốc, nhà nước của chúng con như gia nghiệp của chúng con. Vì vậy, chúng tôi muốn giống như Chúa – hiền lành và khiêm nhường, và được thừa hưởng một cách công bình, bởi quyền của Thiên Chúa, đất mà Chúa muốn ban cho chúng con”.
Source:UGCC
 
Putin báo hại: Lữ đoàn thiết giáp Nga tại Oleksandrivka bị Ukraine xoá sổ. Hàng trăm xe tăng ra đi
VietCatholic Media
16:35 04/05/2022


1. Ukraine tấn công các vị trí của Nga ở Oleksandrivka

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Quân đội Ukraine đã phá hủy một số phương tiện quân sự của Nga ở Oleksandrivka, phía nam đông nam Izium.

Dữ liệu vệ tinh cảm biến từ Hệ thống Quản lý Tài nguyên Thông tin Hỏa hoạn của NASA đã phát hiện một số đám cháy trong làng, và xung quanh khu vực, kể từ ngày 27 tháng 4, là ngày bắt đầu xảy ra giao trao dữ dội.

Hôm Chúa Nhật, Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang di chuyển về phía nam từ khu vực Kharkiv để đến Oleksandrivka.

Theo báo cáo tóm tắt, người Nga đang cố gắng tiến vào Lyman, một thành phố chiến lược, và có nhiều tranh chấp ở ngay phía nam của ngôi làng.

Trong những tuần gần đây, quân đội Nga đã liên tục tiến hành các cuộc không kích quân sự nhằm vào Lyman, bao gồm cả cơ sở hạ tầng đường sắt của nước này.

Bộ Quốc phòng Nga cũng thừa nhận có hoạt động quân sự gần Oleksandrivka.

Đầu ngày thứ Tư 4 tháng 5, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết đã xoá sổ các đơn vị thiết giáp dẫn đầu tại Oleksandrivka.

Izium là chiến trường lớn trong những tuần gần đây, nơi quân Nga đã chịu tổn thất kinh hoàng.

Các nguồn tin tình báo cho biết Tổng Tham Mưu Trưởng Nga Valery Vasilyevich Gerasimov đã đến Izium để đích thân chỉ huy cuộc tấn công của Nga trong khu vực, sau các tổn thất kinh hoàng của quân Nga. Tờ Defence Express của Ukraine, quân đội Ukraine đã bắn Gerasimov bị thương vào ngày 1/5 gần Izium.

Tuy nhiên, hôm thứ Hai 2 tháng 5 một tướng lĩnh Ukraine phủ nhận việc quân Ukraine bắn Gerasimov bị thương, và nói rằng khi biệt kích đánh vào đài chỉ huy, Gerasimov đã lên đường trở về Nga.

2. Ukraine đã phá hủy một số lớn phương tiện quân sự của Nga ở khu vực Kharkiv

Các cuộc không kích của quân đội Ukraine, được ghi lại trên các cảnh quay bằng máy bay không người lái, đã phá hủy một số phương tiện quân sự của Nga ở làng Sulyhivka - cách Izium khoảng 11 km về phía nam của Izium trong khu vực Kharkiv.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết giao tranh dữ dội đã xảy ra trong khu vực trong vài tuần qua, khi các lực lượng Ukraine cố gắng chống lại một cuộc tấn công bằng thiết giáp lớn vào khu vực Izium, và Sloviansk.

Pháo binh Ukraine, và máy bay không người lái của Ukraine đã gây thiệt hại rất nặng cho các đơn vị thiết giáp của Nga.

3. Tướng Milley: Người Ukraine sử dụng hiệu quả vũ khí do các đối tác phương Tây cung cấp -

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley đã lên tiếng ca ngợi Quân đội Ukraine đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng vũ khí phương Tây do các đối tác cung cấp, trong đó có Mỹ.

Tuyên bố được đưa ra khi Milley đang phát biểu tại phiên điều trần tại Thượng viện vào hôm thứ Ba, ngày 3 tháng 5

“Quý vị đang thấy việc sử dụng phổ biến các loại vũ khí chính xác, quý vị đang thấy việc sử dụng máy bay không người lái, các thiết bị không cần người điều khiển, quý vị đang thấy việc sử dụng rất hiệu quả các hệ thống phòng không,” Milley nói, và nói thêm rằng điều này có nghĩa là chặn đứng người Nga làm chủ không phận Ukraine.

Ông lưu ý rằng vũ khí hiệu quả nhất mà người Ukraine sử dụng cho đến nay là vũ khí chống tăng.

“, và tất nhiên, Javelin là thứ chúng tôi có, nhưng nhiều quốc gia đang cung cấp tất cả các loại NLAW, các loại Gustafs, và RPG, nhiều loại vũ khí chống tăng,” Tướng Milley nhấn mạnh.

Vì “sự kết hợp của tất cả những thứ đó lại với nhau đã khiến người Nga không đạt được những thành công như họ nghĩ”.

Ngũ Giác Đài tuyên bố rằng Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine hơn 5.000 hỏa tiễn Javelin kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga, cũng như hệ thống máy bay không người lái Phoenix Ghost, và các hỗ trợ khác, bao gồm cả trọng pháo M777 Howitzers. Quân đội Ukraine cũng đã nhận được “gần như tất cả” các radar phản công như một phần của viện trợ quân sự của Mỹ.

4. Tướng Mỹ nói: Cuộc xâm lược của Ukraine có nguy cơ phá hoại sự ổn định trên toàn thế giới, không chỉ ở Âu Châu

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đã điều trần trước Tiểu ban Quốc phòng của Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện vào hôm Thứ Ba, ngày 3 tháng 5 năm 2022 tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, DC.

Tướng Mark Milley cho biết thế giới đang chứng kiến “mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, và an ninh của Âu Châu, và có lẽ là của thế giới” trong nhiều thập kỷ do cuộc xâm lược Ukraine.

Milley nói: “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang đe dọa phá hoại không chỉ hòa bình, và ổn định của Âu Châu, mà còn là hòa bình, và ổn định toàn cầu mà cha mẹ tôi, và các thế hệ người Mỹ đã chiến đấu hết mình để bảo vệ”.

Milley cho biết Hoa Kỳ đang ở “một điểm uốn cong địa chiến lược lịch sử, và rất quan trọng”, nơi quân đội Hoa Kỳ phải “duy trì sự sẵn sàng, và hiện đại hóa cho tương lai”.

“Nếu chúng ta không làm điều đó, thì chúng ta đang mạo hiểm với an ninh của các thế hệ tương lai,” Milley nói thêm.

Ông nói với các nhà lập pháp rằng thế giới đang trở nên “bất ổn hơn” trong tuyên bố khai mạc của mình tại phiên điều trần của Tiểu ban Chuẩn chi Thượng viện về Ngân sách Quốc phòng hôm thứ Ba.

“Khả năng xảy ra xung đột quốc tế đáng kể giữa các cường quốc đang gia tăng chứ không hề giảm”.

5. Quan chức an ninh quốc gia Mỹ: Chính quyền Biden sẽ không cho phép Nga “cướp công” Ngày Chiến thắng ở Âu Châu

Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc về Âu Châu Amanda Sloat nói với CNN hôm thứ Ba rằng chính quyền Biden không muốn cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin “cướp công” Ngày Chiến thắng hôm thứ Hai tới đây, và gắn nó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

“Điều đầu tiên mà tôi muốn nói là Ngày Chiến thắng ở Âu Châu không phải là điều chỉ thuộc về nước Nga, và ngày lễ này sẽ được tổ chức trên toàn Âu Châu vào ngày 8 tháng 5, và ngày 9 tháng 5 để kỷ niệm ngày mà những nỗ lực thống nhất cùng nhau đã đánh bại được Đức Quốc xã vào cuối Thế chiến thứ hai - bao gồm Hoa Kỳ, nhiều đồng minh Âu Châu của chúng tôi, cũng như Liên Xô cũ, bao gồm cả người Nga, và Ukraine. Đây là một ngày nghỉ có ý nghĩa rộng lớn mà chúng ta không nên để Putin lợi dụng vào ngày mùng 9 tới đây”.

Amanda Sloat từ chối bình luận về thông tin tình báo chỉ ra rằng Putin có thể sử dụng ngày lể này để tập hợp sự ủng hộ cho cuộc xâm lược Ukraine, bao gồm các bước có thể xảy ra là chính thức tuyên chiến với nước láng giềng hoặc sáp nhập các vùng Donbas, và Luhansk.

Amanda Sloat nói: “Tôi sẽ không suy đoán về những gì Putin có thể làm, nhưng rõ ràng là ông ấy đã phát động một hành động gây hấn vô cớ, và phi lý đối với Ukraine, và lập trường của chúng tôi vào ngày 9 tháng 5 sẽ giống như mọi ngày trong hai tháng rưỡi qua, điều này là tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ an ninh mà nước này cần để tự vệ. “

Sloat cũng chỉ ra chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Troy, Alabama hôm nay, nơi ông nhấn mạnh về khoản viện trợ an ninh mà chính quyền đã cung cấp cho Ukraine.

“Tổng thống Biden hiện đang ở Alabama, nói chuyện với các công nhân tại nhà máy Javelin, đây là một trong những yếu tố quan trọng của hỗ trợ an ninh mà chúng tôi đã đưa ra. Tổng thống đã gửi một yêu cầu bổ sung tới Quốc hội vào tuần trước yêu cầu tài trợ để tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh, và chiến lược của chúng tôi là đưa ra các công cụ để cho phép Ukraine bảo vệ bản thân chống lại sự xâm lược của Nga. “

6. Tại sao Putin để mắt đến ngày 9 tháng 5 cho bước đi lớn tiếp theo có thể xảy ra đối với Ukraine

Nga đã xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhưng Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng quân đội của ông ta đang thực hiện một “cuộc hành quân đặc biệt” thay vì tuyên bố chiến tranh.

Tuy nhiên, các quan chức, và nhà phân tích phương Tây tin rằng điều đó có thể thay đổi vào ngày 9/5, một ngày mang tính biểu tượng đối với Nga, với một lời tuyên chiến chính thức sẽ mở đường cho Putin đẩy mạnh nỗ lực chiến tranh của mình.

Ngày 9 tháng 5 là gì?

Ngày 9 tháng 5, được gọi là “Ngày Chiến thắng” bên trong nước Nga, kỷ niệm chiến thắng của nước này trước Đức Quốc xã vào năm 1945.

Nó được đánh dấu bằng một cuộc duyệt binh ở Mạc Tư Khoa, và các nhà lãnh đạo Nga theo truyền thống đứng trên lăng của Vladimir Lenin ở Quảng trường Đỏ để quan sát nó.

James Nixey, giám đốc Chương trình Russia-Eurasia tại Chatham House nói với CNN: “Ngày 9 tháng 5 được thiết kế để thể hiện với khán giả quê nhà, để đe dọa phe đối lập, và làm hài lòng nhà độc tài”.

Các quan chức phương Tây từ lâu đã tin rằng Putin sẽ tận dụng ý nghĩa biểu tượng, và giá trị tuyên truyền trong ngày để công bố một thành tựu quân sự ở Ukraine, một sự leo thang nghiêm trọng của các hành động thù địch - hoặc cả hai.

Tổng thống Nga rất quan tâm đến chủ nghĩa tượng trưng, đã phát động cuộc xâm lược Ukraine một ngày sau Ngày Bảo vệ Tổ quốc, một ngày quân sự quan trọng khác ở Nga.

Chuẩn bị động viên?

Theo Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Crisis Group, Putin có nhiều lựa chọn trên bàn. Ông nói: “Tuyên bố chiến tranh là kịch bản quyết liệt nhất”.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy - người chưa chính thức tuyên chiến với Nga - đã áp đặt thiết quân luật ở Ukraine khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Một lựa chọn khác cho Putin là ban hành luật động viên của Nga, luật này có thể được sử dụng để bắt đầu một cuộc tổng động viên quân sự tổng thể hoặc từng phần “trong các trường hợp gây hấn chống lại Liên bang Nga hoặc một mối đe dọa xâm lược trực tiếp, bùng nổ xung đột vũ trang chống lại Liên bang Nga. “

Điều đó sẽ cho phép chính phủ không chỉ tập hợp quân đội mà còn đưa nền kinh tế của đất nước vào tình thế chiến tranh.

Ông Ignatov cho biết việc huy động có thể có nghĩa là mở rộng nghĩa vụ quân sự cho các binh sĩ hiện đang trong lực lượng vũ trang, động viên những người trong lực lượng dự bị hoặc bắt nhập ngũ những người đàn ông trong độ tuổi chiến đấu đã qua đào tạo quân sự.

Nhưng theo Ignatov, nó thể hiện một rủi ro lớn đối với chính phủ của Putin.

7. Putin ký sắc lệnh trừng phạt trả đũa phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công bố các biện pháp kinh tế trả đũa nhằm đáp trả “các hành động không thân thiện” của các quốc gia, và các tổ chức quốc tế vào hôm thứ Ba, theo tài liệu được công bố trên trang web chính thức của chính phủ Nga.

Sắc lệnh của Putin nghiêm cấm thực hiện các giao dịch, và các nghĩa vụ đối với các cá nhân, và pháp nhân nước ngoài bị áp dụng lệnh trừng phạt, chẳng hạn như kinh doanh, và xuất khẩu các sản phẩm, và tài nguyên, mà không chỉ rõ cá nhân hoặc tổ chức nào có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp này.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức, và cá nhân của Nga bị cấm “thực hiện các giao dịch (bao gồm cả việc ký kết các hợp đồng ngoại thương) với các pháp nhân, cá nhân, và tổ chức dưới sự kiểm soát của họ, đối với các biện pháp kinh tế đặc biệt được áp dụng; thực hiện trước mọi người, theo chế tài, nghĩa vụ theo giao dịch đã hoàn thành (bao gồm cả hợp đồng ngoại thương đã giao kết), nếu nghĩa vụ đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ “, văn bản nêu.

Theo sắc lệnh, đây là những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga “liên quan đến các hành động không thân thiện của Hoa Kỳ, và các quốc gia nước ngoài, và các tổ chức quốc tế đã tham gia, trái với luật pháp quốc tế, và nhằm hạn chế bất hợp pháp hoặc tước đoạt của Liên bang Nga, công dân Liên bang Nga, và các pháp nhân Nga quyền đối với tài sản. “

Nghị định cho biết nó có hiệu lực cho đến khi các biện pháp kinh tế bị hủy bỏ.

8. Tòa án Fiji phán quyết Mỹ có thể thu giữ siêu du thuyền được cho là thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga

Tòa án cấp cao của Fiji đã cho phép Mỹ thu giữ một siêu du thuyền mà họ cho rằng thuộc về nhà tài phiệt người Nga Suleiman Kerimov.

Con tàu có tên Amadea đã bị cấm không được rời khỏi vùng biển Fiji kể từ giữa tháng 4 sau khi Văn phòng Giám đốc Công tố của Fiji đệ đơn yêu cầu bắt giữ, và thông báo cho Hoa Kỳ.

Chánh án Deepthi Amaratunga đã ra phán quyết cho phép Hoa Kỳ thu giữ siêu du thuyền vào hôm thứ Ba cho biết.

Kerimov, một thành viên của Hội đồng Liên bang Nga, đã bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt từ năm 2018 do ủng hộ hoạt động của Nga ở Crimea, và ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Anh ta cũng đã bị Vương quốc Anh, và Liên minh châu Âu trừng phạt vì hành động xâm lược Ukraine của Nga.

Tin tức này được đưa ra gần một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra đề xuất có thể gây áp lực hơn nữa đối với các nhà tài phiệt Nga về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng tiền từ tài sản bị tịch thu của họ để tài trợ cho quốc phòng Ukraine.

“Nó sẽ tạo ra các thủ tục khẩn cấp mới để tịch thu, và phát mãi các tài sản này, và nó sẽ bảo đảm rằng khi tài sản của các nhà tài phiệt được bán đi, quỹ có thể được sử dụng trực tiếp để khắc phục thiệt hại mà Nga gây ra, và giúp xây dựng lại Ukraine”, Biden nói.
 
Nga dựng tượng Lênin ở các nơi chiếm được. Ukraine thề sẽ giật xuống hết. Nhận định của ĐTGM Chaput
VietCatholic Media
16:38 04/05/2022


1. Bộ trưởng Bộ Tôn giáo muốn mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Indonesia

Indonesia mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm nước này: Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Menag RI Yaqut Cholil Qoumas thông báo với Sứ thần Tòa thánh là Đức Tổng Giám Mục Pietro Pioppo và các Giám mục Công Giáo Indonesia nhân dịp lễ tấn phong giám mục của tân Giám mục Giáo phận Amboina, Đức Cha Senno Ngutra, ngày 23 tháng 4 vừa qua.

Tại cuộc gặp với sứ thần, các giám mục và linh mục Indonesia tại Trung tâm Cộng đồng Công Giáo ở trung tâm thành phố Ambon trước khi cử hành trọng thể lễ tấn phong giám mục, Ông Menag RI đã thông báo với các quan chức Giáo Hội có mặt về chuyến đi sắp tới của ông tới Vatican, nơi ông sẽ đưa ra một lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Indonesia.

Tòa thánh trước đó đã chính thức thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có kế hoạch thăm Indonesia và Đông Timor sớm nhất là vào tháng 9 năm 2020, nhưng chuyến đi dự kiến đã phải bị hủy bỏ vào thời điểm đó do đại dịch Covid 19.

Bộ trưởng cũng báo cáo về vấn đề này rằng chính phủ Indonesia dự định khởi động việc xây dựng một nhà thờ chính tòa mới ở IKN Nusantara, thủ đô mới của Indonesia, ở Đông Kalimantan. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang phối hợp việc này với giám mục địa phương của Tổng giáo phận Samarinda, là Đức Cha Yustinus Harjosusanto.
Source:Fides

2. Nga tăng cường nỗ lực để xóa bỏ bản sắc Ukraine khi Lenin xuất hiện trở lại ở miền nam đất nước

Một siêu thị nổi tiếng của Ukraine ở khu vực phía nam Zaporizhzhia đã thông báo mở cửa lại vào thứ Bảy dưới sự quản lý mới của người Nga. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy những nỗ lực của các lực lượng đang chiếm đóng của Mạc Tư Khoa nhằm xóa bỏ bản sắc của người Ukraine trong các vùng lãnh thổ do nước này kiểm soát.

Trước đây, cửa hàng ở Melitopol là một phần của chuỗi ATB, một doanh nghiệp có trụ sở tại Dnipro. Nhưng một bài được đăng trên kênh Telegram của đài truyền hình địa phương cho biết siêu thị hiện là một phần của chuỗi MERA, có trụ sở chính tại St.Petersburg, bên Nga.

Bài báo hứa hẹn rằng những người mua sắm chi tiêu ít nhất 500 hryvnia (khoảng 16 đô la) sẽ được tham gia vào một “siêu giải thưởng” - mặc dù chi tiết về những gì người chiến thắng có thể mang về nhà không được tiết lộ.

Ở những nơi khác trong khu vực, một quốc huy lớn của Ukraine đã được dỡ bỏ trước văn phòng thị trưởng ở thị trấn Tokmak. Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy biểu tượng đặc biệt của Ukraine - một chiếc đinh ba màu vàng trên nền xanh lam – đang dựa vào lối vào của tòa nhà. Một bức ảnh trước đó trên cùng một kênh Telegram cho thấy một người đàn ông đang leo lên thang dường như đang làm việc để nới chiếc đinh ba ra khỏi vị trí của nó.

Và như để nhấn mạnh cảm giác đồng hồ quay ngược, video đã xuất hiện từ khu vực lân cận Kherson - cũng đang bị Nga chiếm đóng – cho thấy bức tượng cựu lãnh đạo Liên Xô Vladimir Lenin được dựng lại ở thị trấn Nova Kakhovka.

Một video khác ghi lại bức tượng của nhà cách mạng Nga và nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên Xô được chở trên một chiếc xe tải qua thành phố.

Một bức ảnh sau đó cho thấy bức tượng được dựng lên một cái giá đỡ trước tòa nhà hội đồng thành phố.

“Trong khi Ukraine là quốc gia đầu tiên trên thế giới giới thiệu hộ chiếu điện tử, thì 'Orc' đang khôi phục tượng đài của Lenin ở Nova Kakhovka bị chiếm đóng tạm thời,” Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov, cho biết trong một bài đăng trên Telegram dưới bức ảnh.

Orc là nhân vật hình người đầu thú trong các chuyện của J.R.R. Tolkien. Người Ukraine dùng chữ Orc, như một thứ tiếng lóng chỉ người Nga, hàm ý khinh miệt một bọn nửa người, nửa ngợm.

Những bức tượng của Vladimir Lenin là một dấu ấn đặc trưng của các thị trấn và thành phố trên khắp Liên Xô, nhưng nhiều bức tượng đã bị dỡ bỏ khỏi các địa điểm của Ukraine trong những năm gần đây do quan hệ với Nga ngày càng xấu đi.

3. Đức Tổng Giám Mục Chaput kêu gọi: Hãy đốt lửa lên cho thế giới

Tạp chí First Things vừa cho đăng tải một bài báo của Đức Cha Charles J. Chaput, Tổng Giám Mục hưu trí của Philadelphia, dựa vào bài phát biểu của ngài tại Buổi Phát Thưởng của Viện Benedictine Leadership ở Belmont Abbey College. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Sự khinh thường đối với đức tin tôn giáo đã ngày càng gia tăng trong các tầng lớp lãnh đạo của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên, như các học giả Christian Smith và Christopher Lasch đã chỉ ra. Nhưng trong những năm gần đây, áp lực của chính phủ đối với các thực thể tôn giáo ngày càng gia tăng. Nó liên quan đến việc can thiệp vào quyền lương tâm của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, người sử dụng lao động tư nhân và cá nhân công dân. Nó bao gồm các cuộc tấn công vào các chính sách, hoạt động tuyển dụng và tình trạng thuế của các tổ chức bác ái tôn giáo, bệnh viện và các thừa tác vụ khác. Những cuộc tấn công này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đặc điểm tôn giáo của Mỹ suy yếu đi.

Điều này đang xảy ra vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta đưa ra một sự pha trộn kỳ lạ giữa sự cao ngạo và trả thù ở trong nước, và sự thiếu khả năng ở nước ngoài. Với tư cách là một quốc gia, chúng ta đã biến việc phá thai thành một quyền thiêng liêng. Chúng ta đã mất quyền kiểm soát biên giới phía nam của mình. Chúng ta bị ám ảnh bởi các đại danh từ và tình dục lẫn lộn. Cha mẹ được nhận diện như những kẻ khủng bố trong nhà. Các người Công Giáo tự cho mình là các nhà lãnh đạo công cộng hành động đạo đức giả đáng kinh ngạc. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc - như chúng ta đã thấy ở Ukraine và Hồng Kông, và có thể sẽ sớm thấy ở Đài Loan – tri nhận chúng ta như những kẻ yếu ớt, mất tập trung và vấp ngã. Nếu tôi phóng đại những vấn đề này, thì quả việc phóng đại này không có bao nhiêu. Chúng ta ngày càng có vẻ là một thứ bá chủ đang suy tàn, và các quốc gia khác có thể cảm nhận được điều đó.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong tư cách Kitô hữu và công dân?

Hệ thống chính trị truyền thống của chúng ta giả định một xã hội dân sự vốn hiện hữu trước và đứng ngoài sự kiểm soát hoàn toàn của nhà nước. Trong mô hình của Mỹ, nhà nước hiện đang (hoặc đã) có nghĩa là có phạm vi khiêm tốn và bị hạn chế bởi chính sách kiểm tra và cân bằng. Các thể chế trung gian, chẳng hạn như gia đình, Giáo Hội và các tổ chức huynh đệ, nuôi sống cộng đồng công dân. Họ đứng giữa cá nhân và nhà nước. Và khi họ rút lui, nhà nước lấp đầy khoảng chân không. Do đó, việc bảo vệ các thể chế trung gian này là điều cần thiết đối với quyền tự do chính trị của chúng ta. Nhà nước hiếm khi sợ hãi các cá nhân, vì các cá nhân có thể bị cô lập hoặc làm ngơ. Các cộng đồng có tổ chức là một vấn đề khác. Họ có thể chống lại. Và không ai có thể làm ngơ họ.

Đây là lý do tại sao, nếu người ta muốn sửa đổi câu chuyện của Mỹ thành một loại thí nghiệm xã hội khác, một vấn đề như Giáo Hội Công Giáo có thể gây nhiều khó chịu. Giáo Hội ấy là một cộng đồng rất lớn. Giáo Hội ấy có niềm tin mạnh mẽ. Và Giáo Hội ấy có một cấu trúc quyền lực khó bị phá vỡ — kiểu cấu trúc dường như tồn tại qua mọi định kiến và sự ngược đãi, thậm chí cả những tội lỗi tầm thường và tồi tệ nhất của những người lãnh đạo chính nó.

Là các Kitô hữu, hầu hết chúng ta đều có một tình yêu sâu sắc đối với đất nước của mình. Nhưng nước Mỹ không phải là ngôi nhà cuối cùng của chúng ta. Không hề có sự hòa hợp tự động giữa đức tin Kitô giáo và nền dân chủ Hoa Kỳ. Đối với tất cả các điểm mạnh của nó, nền dân chủ có tiềm năng tạo ra một loại hình chuyên chế đặc biệt và rất mạnh mẽ của riêng nó. Theo lời của nhà triết học chính trị Robert Kraynak, dân chủ đẩy mạnh “sức mạnh của văn hóa đại chúng, một nền văn hóa làm hạ thấp giọng điệu của xã hội... bằng cách hạ thấp các mục tiêu của cuộc sống từ vẻ đẹp cổ điển, các đức tính anh hùng và sự siêu việt của thế giới khác thành việc theo đuổi công ăn việc làm, tiêu dùng vật chất và giải trí.” Cuộc sống của con người bị giản lược thành “chủ nghĩa duy vật một chiều và [một] hiện hữu động vật làm suy yếu phẩm giá con người và cuối cùng dẫn đến ‘việc hủy diệt con người’”.

Nói cách khác: Quyền mưu cầu hạnh phúc của người ta không bao gồm quyền bào chữa hoặc làm ngơ điều xấu trong chính chúng ta hoặc bất cứ ai khác. Khi chúng ta tách rời nền chính trị khỏi nền tảng đạo đức và sự thật, chúng ta biến đất nước của mình từ một cơ thể sống có đạo đức thành một thực thể đần độn (golem [*]) của bộ máy pháp lý vô hồn.

Hạnh phúc, hạnh phúc thực sự, gắn liền với khôn ngoan, và khôn ngoan phát triển từ rủi ro và đau khổ, vẻ đẹp và những góc cạnh khó khăn của việc trải nghiệm đời thực. Nó không bao giờ là kết quả của thương mại. Chúng ta không thể “sở hữu” hạnh phúc. Và nó không bao giờ đơn độc. Hạnh phúc cần có người khác. Niềm vui của người mẹ trẻ được liên kết với hồng phúc sự sống mà bà ấy tạo ra cho một linh hồn mới và không thể lặp lại trong hành vi sinh hạ - với nỗi đau và nỗ lực mà bà ấy phải trải qua khi sinh con. Hạnh phúc hoặc được tạo ra và chia sẻ với những người khác ở đây và bây giờ, hoặc được ghi nhớ như những khoảnh khắc được chia sẻ với những người khác trong quá khứ. Đây là lý do tại sao, ngay cả khi bị đánh đập và bỏ đói trong trại tử thần của Đức Quốc xã, Viktor Frankl, người sống sót sau thảm họa Holocaust, vẫn có thể biết được hạnh phúc và sự tự do nội tâm mà nó mang lại khi tưởng nhớ đến tình yêu của vợ mình.

“Thoải mái” là một điều khác hẳn. Theo nghĩa lịch sử của nó, từ ngữ này - gốc Latinh của nó là fortis - biểu thị sự củng cố hoặc tăng cường, có thể là cho hành động tâm linh, có lẽ thông qua các trợ giúp của Đấng An ủi, Đấng Bảo trợ. Ý nghĩa hiện đại bị suy giảm nhiều hơn: một điều gì đó tạo ra sự thoải mái về thể chất. Trong thời đại tiêu dùng của chúng ta, “sự thoải mái” là chất làm mềm mà chúng ta đặt giữa bản thân và các sự kiện của cuộc sống hàng ngày. Đó là vật cách nhiệt, thuốc giảm đau của chúng ta. Thế giới có thể là một nơi khó chịu và không khoan nhượng. Không ai muốn lạnh giá trong mùa đông khi có thể được sưởi ấm, hoặc đói khi có thể ăn bít tết. Thoải mái, theo nghĩa này, tự nó không phải là một điều xấu. Nhưng nó trở thành “hạnh phúc” chỉ trong một trường hợp: khi chúng ta cung cấp nó cho người khác; khi chúng ta giảm bớt đau khổ hoặc gánh nặng của người khác.

Nước Mỹ vào năm 2022 đã trở thành một nền văn hóa tiêu dùng dựa trên tiếp thị, bán, mua và tiêu dùng thoải mái. Chúng ta thích và muốn được thoải mái bởi vì chúng ta là những tạo vật có cơ thể biết trải nghiệm khoái cảm và đau đớn. Nhưng chúng ta khao khát hạnh phúc. Và trong nội thẳm, chúng ta đều biết điều nào là điều nào, điều nào quan trọng hơn. Chúng ta được tạo ra cho một điều gì khác với gây mê. Đây là lý do tại sao một nền văn hóa lạc thú và buông thả, một nền văn hóa tập trung chủ yếu vào việc theo đuổi sự sung túc về vật chất, không bao giờ thực sự là một nền văn hóa của niềm vui. Thoải mái là về bản thân ta, về việc làm cho mọi sự dễ dàng hơn hoặc thoát khỏi sự bất tiện. Và khi đó là quy trình chính của một cuộc sống và một nền văn minh, trước tiên, nó sẽ làm thui chột ham muốn hạnh phúc và sau đó thay thế nó hoàn toàn.

Văn hóa tiêu dùng làm giảm bớt khó nhọc, nhưng nó cũng hạ thấp tầm nhìn của chúng ta ở đây và bây giờ. Thoải mái là một thói quen tốn kém để nuôi dưỡng và một thói quen khắt khe để duy trì. Như Coco Chanel thích nói, những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống đều miễn phí; nhưng những thứ tốt thứ hai lại rất, rất đắt. Con người càng có nhu cầu về sự thoải mái, thì họ càng phải mất mát nhiều hơn, nỗi sợ hãi mất nó càng lớn và họ càng bị ràng buộc chặt chẽ hơn với thế giới này và những bất ổn của nó.

Một nền văn hóa cam kết với và có tổ chức xung quanh việc theo đuổi sự thoải mái không bao giờ có thể thực sự trân quí sự cao quý, danh dự, lòng dũng cảm hay sự hào hùng — những phẩm chất giúp phân biệt chúng ta như những con người —vì những điều này đòi hỏi việc từ bỏ mình, mạo hiểm và niềm tin vào một điều gì đó hoặc Ai đó vĩ đại hơn chúng ta. Sự thoải mái khi được sống như một sự thèm thuồng có tính hướng dẫn, sẽ tạo ra sự tầm thường. Nó là thuốc an thần của linh hồn. Kết quả là sự thù ghét đối với bất cứ mục đích cao hơn nào ở trong đời như một sự phân tâm không mong muốn — hoặc tệ hơn, một sự xâm nhập thù địch. Sẽ là điều hữu ích khi so sánh loại làm suy yếu tâm linh này với tham vọng hung hãn và đạo đức học làm việc không ngừng của các bộ phận lớn trong ngành quốc phòng, phần mềm và các ngành kỹ nghệ chủ chốt khác của Trung Quốc. Việc làm bắt đầu sớm và kết thúc trễ. Và chế độ này, cuối cùng phải giải trình trước Đảng, phục vụ một mục đích cao hơn: quyền lực và uy tín của quốc gia. Các từ ngữ “suy yếu” và “suy tàn” không có trong từ vựng Trung hoa đương thời.

Tôn thờ cái tôi và những thoải mái của nó, và tôn thờ nhà nước và uy thế của nó, đều là những hình thức thờ ngẫu tượng. Nhưng không cần một thiên tài để biết hình thức thờ phượng nào hấp dẫn hơn và mạnh mẽ hơn.

Chúng ta phải làm gì với tình huống của chúng ta? Cách để tạo ra cuộc sống mới trong bất cứ nền văn hóa nào là sống cuộc sống của chúng ta theo những niềm tin lớn hơn chính chúng ta và chia sẻ với những người chúng ta biết và yêu thương. Con đường này rất đơn giản và đồng thời rất khó. Đó là cách duy nhất để tạo nên một cuộc cách mạng đáng kể.

Khi những người trẻ hỏi tôi làm thế nào họ có thể thay đổi thế giới, tôi bảo họ yêu nhau, kết hôn, chung thủy với nhau, sinh nhiều con và nuôi dạy những đứa con đó thành những người nam và người nữ có tư cách Kitô giáo. Niềm tin là một hạt giống. Nó không nở hoa qua đêm. Cần có thời gian và tình yêu và nỗ lực. Tiền bạc là quan trọng, nhưng không bao giờ là thứ quan trọng nhất. Tương lai thuộc về những người có con, chứ không phải có những sự vật. Mọi thứ đều sẽ rỉ sét và vỡ nát, nhưng mỗi đứa con là một vũ trụ có khả năng vươn tới vĩnh cửu, kết nối ký ức và hy vọng của chúng ta thành dấu hiệu của tình yêu thương của Thiên Chúa qua nhiều thế hệ.

Muốn thấy bộ mặt của châu Âu trong một trăm năm, hãy nhìn vào khuôn mặt của những người nhập cư Hồi giáo trẻ tuổi. Hồi giáo có tương lai vì Hồi giáo tin vào trẻ em. Nếu không có một đức tin siêu việt làm cho cuộc sống đáng sống thì không có lý do gì để sinh con. Và nơi không có trẻ em, không có trí tưởng tượng, không có lý do để hy sinh, và không có tương lai. Ít nhất sáu trong số các nhà lãnh đạo quốc gia nổi bật và gần đây nhất của châu Âu không có con. Thật khó để tránh cảm giác rằng phần lớn châu Âu đã chết hoặc đang chết dần và không có gì ngăn cản chúng ta làm điều tương tự.

Nước Mỹ mà chúng ta đang thấy đang trỗi dậy — một nước Mỹ không biết hoặc hoài nghi đối với tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng — không thực sự khiến ai ngạc nhiên. Đó là một nước Mỹ mới, được sản xuất tại Mỹ. Các Kitô hữu — bao gồm cả những người Công Giáo — đã giúp tạo ra nó với sự háo hức của chúng ta muốn thích ứng vào, sự xao lãng và đức tin hâm hấp của chúng ta.

Quá nhiều người tự xưng là Kitô hữu chỉ đơn giản là không biết Chúa Giêsu Kitô. Họ không thực sự tin vào Tin Mừng. Họ cảm thấy xấu hổ vơi tôn giáo của mình và lỡ nhịp với thời đại. Họ có thể giữ tôn giáo của mình vì giá trị thoải mái của nó, hoặc điều chỉnh nó để phù hợp với những nghi ngờ của họ. Nó không định hình lại cuộc sống của họ, bởi vì nó không có thực chất. Và bởi vì nó không có thực chất, nó không có tác dụng biến đổi tác phong của họ, không có sức mạnh xã hội và ít hậu quả công cộng. Đức tin của họ, bất kể nó từng là gì, giờ đây đã chết.

Chúng ta tạo ra lịch sử, chứ không phải ngược lại. Chúng ta không phải là nạn nhân, hay những tạo vật bất lực của các thế lực lịch sử không thể tránh khỏi. Không có gì là không thể tránh khỏi ngoại trừ chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô — và điều này bao gồm những gì lịch sử cuối cùng sẽ nói về đặc tính của quốc gia mà chúng ta gọi là Hoa Kỳ.

Nếu chúng ta không biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô, phó thác cuộc đời mình cho Người, và hành động theo những gì mình tuyên bố tin tưởng, thì mọi điều khác đều trống rỗng. Nhưng nếu chúng ta làm như vậy, thì rất nhiều điều có thể xảy ra - bao gồm cả việc hoán cải ít nhất một phần thế giới xung quanh chúng ta. Câu hỏi duy nhất cuối cùng quan trọng là câu mà Chúa Giêsu đã đặt ra cho các tông đồ: “Các con gọi Thầy là ai?” Đức tin dẫn theo một hướng; thiếu nó theo một hướng khác. Nhưng vấn đề luôn là đức tin — luôn luôn và khắp mọi nơi, cho dù chúng ta là học giả hay bác sĩ hay giáo sĩ hay luật sư hay thợ máy. Chúng ta có thực sự tin vào Chúa Giêsu Kitô hay không? Và nếu chúng ta thực sự tin, chúng ta sẽ làm gì với nó?

Ơn gọi của người môn đệ Kitô hữu là nuôi linh hồn cũng như trí óc; cung cấp cho thế giới một viễn tượng về đàn ông và đàn bà được làm nên trọn vẹn nhờ tình yêu của Thiên Chúa, sự hiểu biết sáng thế và thực tại của những điều không nhìn thấy; nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới dưới ánh sáng của vĩnh cửu; lấy lại sự cao quý của câu chuyện con người, và phẩm giá của nhân vị.

Đây là công việc thắp lửa cho trái tim con người. Nó bắt đầu một cuộc cách mạng duy nhất thực sự thay đổi bất cứ điều gì: một cuộc cách mạng của tình yêu. Chúa Giêsu phán rằng: Ta đến để đốt lửa trái đất, và lửa ấy đã thắp sáng rồi. Nhiệm vụ của chúng ta là thắp lên ngọn lửa đó, và sau đó sử dụng tất cả sức mạnh của mình để giúp nó phát triển.


Source:First Things
 
Tin Vui: Giữa thời khắc hiểm nghèo của thế giới, phép lạ máu thánh Gennaro hóa lỏng đã xảy ra
VietCatholic Media
20:22 04/05/2022


Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine quá sức kinh hoàng, vật giá leo thang đến chóng mặt, coronavirus vẫn chưa hoàn toàn biến mất, nhiều người đã dán mắt vào các phương tiện truyền thông để theo dõi buổi truyền hình trực tiếp các cử hành tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Napoli vào lúc 5g chiều ngày 30 tháng Tư.

Theo truyền thông địa phương, váo lúc 5g chiều, Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia và Đức Ông Vincenzo de Gregorio, Giám Đốc Nhà nguyện Thánh Gennaro, đã mở một chiếc két sắt chứa thánh tích.

Hai vị hết sức kinh ngạc khi nhận ra máu khô trong lọ máu đã hoàn toàn hóa lỏng.

Các vị cầm lọ máu đã hóa lỏng ra cho cộng đoàn chứng kiến trước sự vui mừng của mọi người.

Sau khi thánh lễ kết thúc, một đoàn rước đã được hình thành tự phát, dẫn đầu là Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia. Đã ba năm rồi mới có một cuộc rước kiệu hoành tráng như thế. Những năm trước không có rước kiệu vì đại dịch coronavirus hay vì phải chờ đợi rất lâu máu mới hóa lỏng.

Mới gần đây thôi, vào lúc 9 giờ sáng ngày 16 tháng 12, các vị cũng mở két sắt lấy lọ máu khô ra. Cuối thánh lễ được kênh truyền hình Canale 21 của Ý truyền hình trực tiếp, máu được kiểm tra lại nhưng vẫn đặc, không có bất kỳ dấu chỉ hóa lỏng nào, một giọt cũng không có. Vị chủ tế thúc giục cộng đoàn tăng cường cầu nguyện, nhưng đừng sợ hãi. Nhiều người tỏ ra mất bình tĩnh nhưng đa số đã tiếp tục cầu nguyện trong suốt cả ngày để phép lạ xảy ra.

Tờ Il Messaggero cho biết cuối cùng phép lạ đã diễn ra mang đến một niềm hân hoan cho người dân Ý. Trích thuật tuyên bố từ tổng giáo phận Napoli, tờ báo cho biết như sau:

“Sau cả ngày cầu nguyện và liên tục khẩn thiết ca hát những bài hát cổ, 'những người thân' của Thánh Gennaro, là những người từ sáng sớm đã cầu nguyện để làm tan cục máu đông, đã chứng kiến phép lạ của Thánh Gennaro diễn ra lúc 5:59 chiều hôm nay”.

Theo truyền thống, phép lạ Máu Thánh Gennaro hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm Napoli được cứu khỏi vụ phun trào năm 1631 của Núi Vesuvius gần đó.

Máu Thánh Gennaro, vị giám mục sống ở thế kỷ thứ ba, đựng trong một lọ kín hình tròn, hóa lỏng trong cả tháng 5 và tháng 9 năm nay, nhưng không thay đổi trạng thái vào tháng 12 năm 2020.

Khi phép lạ xảy ra, khối màu đỏ đã khô tích tụ ở một bên của lọ máu trở thành máu lỏng như bình thường, bao phủ toàn bộ tấm kính. Trong truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của Thánh Gennaro không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Napoli làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennaro. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói:

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh Gennaro thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”
Source:Catholic News Agency