Ngày 07-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:11 07/05/2009

TÙ NHÂN VÀ TIẾNG TĂM



N2T


Thị trưởng đi thị sát nhà tù của thành phố, và nói chuyện với một người lang thang bị tù xin xá miễn án.

- “Chỗ này có gì là không tốt chứ ? Từ trước đến nay ông không có chỗ nào giống như bây giờ, ở đây rất ổn định, phải không ?”

- “Vâng, thưa ngài thị trưởng, nhưng tôi vẫn cứ hy vọng được ra bên ngoài.”

- “Họ không để cho ông ăn no sao ?”

- “Họ cho tôi ăn rất no, nhưng đó không phải là vấn đề.”

- “Vậy thì, xét cho cùng là tại sao ?”

- “Thưa ngài thị trưởng, tôi có chút không đồng ý ở nơi này, tức là tiếng tăm của nó bay khắp toàn thành phố.”


(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Nhà tù, dù có là nơi sung sướng, đầy đủ mọi tiện nghi, hưởng thụ mọi thứ trên đời, thì vẫn cứ là nhà tù, bởi vì mất đi tự do của mình. Trái lại, dù có trong mái nhà tranh, thiếu thốn mọi thứ thì vẫn cứ sung sướng hạnh phúc hơn ở trong nhà tù, bởi vì đang được hưởng tự do...

Thế gian là nhà tù của tội lỗi được thống trị bởi sa tan, nhưng Thiên Chúa là tình yêu đã chiến thắng những hận thù do tội lỗi đem đến, để nhân loại được sống trong yêu thương hòa bình; thế gian là cõi tạm nơi mà tất cả mọi người đều phải chết, nhưng nhờ sự chết của Chúa Giê-su mà những ai tin vào thì sẽ được sống đời đời.

Tự do là quà tặng của Thiên Chúa ban cho nhân loại ở thế gian này, nhưng nếu con người quá lạm dụng tự do để sống trác táng, gian dâm, tham nhũng, hối lộ, ghét ghen, kiêu ngạo, hưởng thụ, vu khống.v.v...thì tự do sẽ trở thành án phạt cho họ, không những ngay ở đời này mà còn ở đời sau nữa.

Ai hiểu thì hiểu...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:13 07/05/2009
N2T


7. Con cần phải làm một người thánh thiện, như Thiên Chúa muốn con thánh thiện.

(Thánh Bonavita)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:14 07/05/2009
N2T


108. Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.

 
Paraguay: viết cho Mẹ nhân ngày Hiền Mẫu
LM. Trần Xuân Sang, SVD
03:14 07/05/2009
Theo lịch phụng vụ Công giáo thì tháng Năm được gọi là tháng Hoa, tháng kính nhớ Đức Mẹ. Người Công giáo khắp nơi trên thế giới, cách riêng là ở Việt Nam có nhiều hoạt động để tôn vinh người Mẹ Thiên quốc từ mẫu là Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh cũng là Mẹ của các Kitô hữu.

Tháng Năm cũng là tháng dành để tôn vinh các người mẹ từng sinh nặng đẻ đau và giáo dục các con nên người. Mẹ! Tiếng gọi thân thương mà ngàn đời mỗi người con không bao giờ quên. Mẹ đã mang nặng đẻ đau và không ngại vất vả gian lao để dưỡng dục chúng ta khôn lớn nên người.

Người Hung-ga-ri, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha mừng ngày của Mẹ vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng năm. Người Mỹ, người Canada và dân một số nước khác như Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và Bỉ … kỷ niệm Ngày của mẹ vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng Năm. Người Pháp, Algeria, Thuỵ Điển… kỷ niệm Ngày của mẹ vào Chủ Nhật cuối cùng của tháng Năm. Trong bữa tối của gia đình, những người con dâng tặng mẹ chiếc bánh mô phỏng hình bó hoa để bày tỏ lòng thành kính. Nói chung các nước trên thế giới dù văn minh hay lạc hậu cũng đều có một ngày đặc biệt để tôn vinh và tưởng nhớ đến công đức sinh thành và dưỡng dục của các bà mẹ.

Người Paraguay mừng lễ của mẹ vào ngày 15 tháng Năm hàng năm và đây cũng là ngày quốc lễ. Những người con ở xa quê hương thường có những món quà gởi tặng cho mẹ, còn những người con sống trong đất nước thì dù muốn dù không cũng phải trở về để thăm người mẹ sinh thành ra mình dù chỉ là một cuộc gặp ngắn ngủi.

Tôi đã đến Paraguay làm việc truyền giáo được vài năm. Lúc đầu tôi hơi thắc mắc là tại sao anh em linh mục tu sĩ người Paraguay lại không thể xa quê hương làm việc lâu dài như các nhà truyền giáo người Âu châu hay Bắc Mỹ, mà tối đa chỉ làm việc ở nước ngoài khoảng 7 năm là xin quay về lại quê hương phục vụ. Các anh em linh mục trong nước người Paraguay thì cứ hàng tháng hay hai tuần lại xin phép về thăm gia đình. Thỉnh thoảng tôi lấy cái lý thuyết suông của mình để dè bỉu các anh em là thiếu sự hy sinh, từ bỏ mà chỉ biết bám víu cái tạm thời chóng qua. Nhưng dần dần tôi đã hiểu tình gia đình ruột thịt, tình cảm mẹ con của người dân xứ này là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp nhất mà thiếu nó con người không thể sống cho ra người được.

Paraguay nói riêng và các quốc gia vùng Nam Mỹ nói chung rất sùng kính Mẹ. Bởi thế nếu có lễ nào liên quan đến Đức Mẹ đều có rất đông người tham dự. Cũng vì thế vai trò của người mẹ trong gia đình cũng rất quan trọng. Người mẹ luôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho những đứa con vì người đàn ông ở Paraguay rất thờ ơ trong việc quan tâm và dạy dỗ con cái hay phó mặc cho mẹ của mấy sắp nhỏ muốn làm gì thì làm. Tỷ lệ người những người mẹ không chồng ở Paraguay chiếm đến hơn 60% nên việc mục vụ cũng phải mềm dẻo và linh động vì nếu chiếu theo luật khi con cái được rửa tội có đầy đủ cả cha mẹ thì có lẽ các linh mục bị thất nghiệp mất! Rất nhiều ứng sinh tu sĩ linh mục chỉ khai trong giấy tờ chỉ có mẹ mà không có cha thì thử hỏi các nhà đào tạo và hữu trách sẽ ứng xử thế nào trong những quốc gia thiếu ơn gọi như Paraguay này.

Từ đầu năm nay tôi lãnh trách nhiệm huấn luyện các chủng sinh. Một số anh em chủng sinh đã nhỏ tôi với tôi rằng họ có thế ở lại bất kỳ ngày nào trong năm ngoại trừ ngày 15 tháng 5 là cho phép họ về thăm mẹ. Nếu tôi không cho phép thì họ cứ về và cũng chẳng cần tu hành nữa. Tôi biết điều họ nói ra là điều sẽ xảy ra thật nếu tôi cấm đoán họ vì đây là cũng là một nét văn hoá đẹp của họ. Qua những nghĩa cử tốt đẹp đó của người dân Paraguay nói chung và của các chủng sinh của tôi nói riêng đã nhắc nhở tôi nhớ đến những người mẹ thân thương của mình.

Mùa mừng lễ mẹ trong tháng 5 này của nhiều nước trên thế giới chẳng ăn nhằm gì với văn hoá Việt Nam vì người Việt nhớ đến ngày của Mẹ được là Rằm Tháng Bảy trong ngày Vu Lan báo hiếu, nhưng hôm nay tôi muốn viết một chút tâm tình để mừng hai người mẹ trần gian của tôi mà tôi đã từng mang ơn trong Tháng Hiền Mẫu của Tây phương và của người Nam Mỹ.

Tôi được sinh ra trong một gia đình mà người mẹ ruột từng là Phật tử nhưng xin trở thành một tín hữu Công giáo vì những lý do riêng mặc dù bị những người thân trong gia đình phản đối và xa lánh. Cũng chính vì lý do đó mà mấy lần tôi không được nhập ứng sinh chủng viện giáo phận với lý do là tôi có người mẹ tân tòng. Dù là người đạo mới nhưng má tôi (tôi gọi mẹ tôi là má) rất đạo đức nên từ nhỏ tôi đã bị lây cái đạo đức nhà quê của bà. Trong thời bao cấp cơm không đủ no, co không đủ ấm, má tôi thường đánh thức tôi vào lúc 4 giờ sáng để đi lễ với bà dù có những lúc trời lạnh thấu xương. Cậu bé tội nghiệp như tôi thuở ấy cứ cằn nhằn và nhiều lần muốn ngủ nướng thêm cho đã giấc trên chiếc giường tre và cái mền rách bên cạnh cái bếp than. Vào lúc ấy tôi nào hiểu được ước nguyện của người mẹ là mong ước tôi trở thành một linh mục của Chúa.

Ngày tôi vào Dòng rồi vài năm sau đó tôi được tuyên khấn lần đầu, má tôi mừng lắm mặc dù phía bên ngoại là những người bà con của má tôi dè bỉu và cho tôi là thằng khùng không có đứa con gái nào thèm nên mới đi tu. Không hiểu vì sao những người bà con phía bên má tôi lại hằn học với người Công giáo nên cũng ghét lây cả má tôi và gia đình tôi. Mãi đến bây giờ người dì ruột của tôi đang sống ở Texas bên Bắc Mỹ cũng chẳng hề nhắc đến tôi vì nói rằng gia đình tôi là người Công giáo nên chẳng còn nhớ đến ông bà tổ tiên gì ráo trọi. Tôi cũng đã cố gắng thăm những người bà con phía ngoại khi tôi có dịp về thăm nhà để hàn gắn những hiểu lầm và giải thích cho những người bà con bên Phật của tôi hiểu rằng đi tu bên Công giáo không hề từ bỏ tổ tiên. Ngày tôi khấn trọn đời rồi nhận chức phó tế vài ngày sau đó, má tôi đã mừng khôn tả và bà đã cầu nguyện với Chúa cho bà sống cho đến ngày thấy tôi được chịu chức linh mục rồi bà chết cũng mãn nguyện.

Ngày tôi chịu chức linh mục và nhận bài sai đi truyền giáo ở Paraguay, tôi hỏi đùa má tôi rằng bây giờ má sẽ cầu nguyện gì với Chúa nữa đây vì má đã mãn nguyện rồi. Bà cười nhưng hơi buồn vì biết rằng tôi sẽ đi xa và không biết ngày nào mới gặp được tôi. Trong chuyến chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất- Sài Gòn ngày tôi ra đi, má tôi đã rất buồn vì bà sẽ không được gặp mặt đứa con yêu dấu của bà trong một thời gian dài.

Kể từ ngày tôi rời Việt Nam, tôi được một người mẹ thiêng liêng ở Bắc Mỹ mà khi tôi còn ở Việt Nam bà đã tế nhị để hoàn toàn cho người mẹ ruột tôi lo lắng. Người mẹ thiêng liêng này cũng đã từng sống nơi đất khách quê người nên bà hiểu hoàn cảnh mới của tôi mà luôn quan tâm, động viên tôi để tôi có thể vượt qua những khó khăn ban đầu nơi đất khách. Những lúc tôi buồn và chán nản muốn buông xuôi vì dị biệt văn hoá thì người mẹ thiêng liêng này đã điện thoại thăm hỏi và trấn an tôi. Bà đã gởi cho tôi những món quà và những món ăn thuần Việt mà nếu từ Việt Nam gởi qua phải mất vài tháng và tốn kém rất nhiều. Bà luôn xem tôi như người con ruột của bà dù tôi và người mẹ thiêng liêng này chỉ được gặp nhau một lần khi tôi còn ở Việt Nam. Bà luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với tôi. Tôi luôn yêu thương và quý trọng người mẹ thiêng liêng này như người mẹ ruột tôi vậy.

Ở đất nước truyền giáo Nam Mỹ xa xôi này thỉnh thoảng tôi có điện thoại thăm gia đình và thăm người mẹ yêu dấu của mình ở Việt Nam nhưng không thể nào hình dung ra được người mẹ mình lúc này như thế nào. Tôi sợ lắm khi nghe những tin không tốt về tình trạng sức khoẻ của má tôi mặc dù sự thật là má tôi lúc này không được khoẻ lắm. Không biết bây giờ má đang làm gì nhỉ? Má có còn đủ sức khoẻ để đi nhà thờ như ngày xưa nữa không? Má có còn ai để đánh thức đi lễ như ngày xưa nữa không? Má ơi, con thương má lắm! Con cảm ơn những gì má đã làm cho con.

Tôi viết những dòng này để mừng các người mẹ thân thương của tôi. Má ơi dù con ở bất cứ nơi đâu thì các má sẽ là chỗ dựa vững chắc của đời con, từng lời kinh nguyện má cầu cho con mỗi ngày là vũ khí giúp con chiến đấu để vượt qua những cơn cám dỗ. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành với má để má luôn có sức khoẻ và đợi ngày con trở về gặp má nhé. Con xin mừng lễ các má.

Paraguay, nhân ngày mừng lễ Mẹ
 
Để sinh hoa kết trái xum xuê
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
04:51 07/05/2009
Chúa nhật V Phục Sinh B

Đức cố giáo hoàng Phaolô VI đã từng nhấn mạnh rằng phát triển là hình thức truyền giáo của thời đại hôm nay. Phát triển bản thân, xã hội cũng như Giáo Hội là một đòi hỏi có tính tất yếu để sống còn. Kitô hữu chúng ta vốn quen thuộc với dụ ngôn “những nén vàng hay nén bạc” mà Chúa Giêsu kể trong Tin mừng ( x.Mt 25,14-30; Lc 19,12-27 ). Không làm sinh lợi những gì chúng ta đã lãnh nhận là một thái độ không chỉ đáng trách mà còn đáng trừng phạt. Ngay đêm Tiệc ly, trước khi chịu tử nạn, Chúa Kitô đã khẳng định: “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” ( Ga 15,16 ). Người còn nói rõ: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” ( Ga 15,8 ).Qua hình ảnh cây nho, Chúa Kitô cho ta thấy hai điều kiện không thể thiếu nếu muốn đơm hoa kết trái. Đó là gắn bó và cắt tỉa.

Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã làm nổi rõ chân lý này khi tự ví mình là thân nho, còn chúng ta là cành nho. Tách lìa khỏi thân nho thì cành nho sẽ chết. Mọi sự đều là ân sủng Chúa. Sự hiện hữu của chúng ta là do ân ban từ trời. Để tồn tại và phát triển, không một ai có thể tách lìa khỏi nguồn mạch tác tạo nên chính mình. Đã là người, chúng ta dễ chân nhận rằng thái độ sống kiểu “vong bản”, hay “mất gốc”, không chóng thì chầy cũng sẽ bị huỷ diệt. Người ta cũng dễ đồng thuận với nhau về những nguồn gốc tự nhiên là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là nơi chôn nhau cắt rốn, là tổ quốc, quê hương. Tuy nhiên, nguồn gốc của mọi nguồn gốc tự nhiên ấy là gì, là ai, là Đấng nào thì còn tuỳ ở quan điểm, ở niềm tin của mỗi người.

Như thế, nền tảng và động lực của sự gắn bó này đó là sự nhìn nhận nguồn gốc, xuất xứ của bản thân mình. Một trong những nét trỗi vượt của con người trên các loài thụ tạo hữu hình khác chính là biết hướng về cội nguồn. Thực tế cho ta khẳng định điều này. Các loài vật càng lớn lên thì chúng càng như quên mất cội nguồn sinh ra chúng. Với con người thì trái lại, càng thêm tuổi thì khao khát truy về nguồn càng mãnh liệt. Không kể các anh em vô thần hay vô tín, nói chung, nhân loại xưa nay vốn có tâm thức hướng về Đấng Tạo Thành, Đấng tác sinh mọi vật, mọi loài. Một trong những biểu hiện tâm thức này là lòng biết ơn, sự cảm tạ. Vào mỗi dịp năm hết, Tết đến hay vào các dịp lễ tiết theo phong tục tập quán như khởi đầu công việc, sau vụ mùa…những nén hương được thắp lên cùng các lễ vật bày ra cách này cách khác, chính là tấm lòng cảm tạ, biết ơn được dâng lên Đấng là cội nguồn các ơn lành đã lãnh nhận.

Với Kitô giáo, hình thức gắn bó với Thiên Chúa có thể gọi là căn bản, đó là sự thờ phượng. Cầu nguyện bằng nhiều hình thức là cách thế biểu lộ sự thờ phượng. Tuy nhiên một trong các tâm tình cầu nguyện nói lên sự gắn bó của chúng ta với Đấng là cội nguồn của mọi sự, mọi loài, đó là tâm tình cảm tạ, tri ân. Vừa qua, có anh bạn gửi cho tôi đoạn video clip thật cảm động trình bày một cảnh sống có thật như sau: Một anh nhà nghèo, làm nghề thu dọn thức ăn thừa trong một quán ăn ( theo cảnh quay thì có lẽ là ở nước Mỷ ). Các thực khách ăn uống rất phí phạm. Đồ ăn thừa đáng gọi là ê hề. Trong khi đổ các thức ăn thừa vào thùng rác thì anh nhà nghèo này không quên lọc, giữ lại những thức ăn có thể dùng được như là những đùi thịt gà mà người ta chỉ ăn một tí, qua loa hay chỉ ăn có một nửa và chí ít là còn một phần ba, phần tư thịt thừa. Cuối giờ làm anh ra về với bọc thức ăn thừa. Đó là mấy cái đùi thịt gà mà khách ăn còn dư chút thịt ít nhiều. Vào bàn dùng bữa, anh đổ các đùi thịt gà thu lượm được ra trước mặt vợ và bốn đứa con đang hăm hở chép miệng chờ ăn. Cả nhà ngồi vào bàn. Bổng cô con gái nhỏ, khoảng 8 tuổi, cầm vội một đùi thịt gà hầu như chỉ còn là xương, may ra còn dính chút thịt mà khách ăn còn dư. Cũng có thể vì quá đói, mà cũng có thể vì bé nghĩ rằng miếng này ít thịt nên cả nhà không tính số. Bổng người cha lấy tay ngăn em bé lại. Tôi ngạc nhiên, nhưng sự ngạc nhiên ấy lại tiếp nối bằng sự ngỡ ngàng cùng vài giọt lệ ngấn trên khoé mắt khi thấy người cha ra hiệu cho cả nhà làm dấu Thánh Giá, dâng lời cám ơn Chúa trước khi dùng những miếng thịt gà thừa mà khách ăn đã bỏ đi.

Kitô hữu chúng ta hiểu rằng đỉnh cao của việc thờ phượng là Thánh Lễ. Tham dự Thánh Lễ là tham dự vào hy tế tạ ơn mà Chúa Kitô đã hiến dâng trên thập giá xưa nay được hiện tại hoá trên các bàn thờ. Chúa Kitô nhìn nhận mọi sự của Người là do Chúa Cha trao ban. Trên thập giá, Người trao dâng lại cho Chúa Cha tấm xác thân và linh hồn mà Cha ban cho Người khi Người vào trần gian. Hành vi tự hiến này nói lên sự gắn bó thiết thân của Người với Cha trên trời. Người đã khẳng định rằng Người với Cha là một ( x.Ga 10,30 ). Sự tạ ơn là một động thái thờ phượng tuyệt hảo, biểu lộ sự gắn bó của chúng ta với cội nguồn của mình. Và khi gắn bó với nguồn của mọi ân sủng thì chuyện sinh hoa kết trái là chuyện đương nhiên sẽ đến.

Cắt tỉa: Để đơm bông kết trái ngày càng nhiều và tươi tốt, Chúa Giêsu còn đề cập đến sự cắt tỉa. Nói đến sự cắt tỉa thì nông gia rất dễ am tường. Sự thưòng của cây trồng, khi giảm phát sinh thì tăng phát dục. Cứ đến kỳ, đến vụ, nhà nông lại làm cành, tỉa cây để mong có mùa màng bội thu.. Để lớn lên, con rắn cần phải lột bỏ lớp da cũ. Để tung bay giữa trời xanh cánh bướm phải giả từ cái kén ấm êm. Cuộc đời con người cũng tương tự, dù là cá nhân hay tập thể, để tồn tại và phát triển, rất cần đến sự cắt tỉa, nói cách khác là cần sự dứt bỏ, đoạn tuyệt. Tuy nhiên, phải làm rõ những gì cần dứt bỏ và đoạn tuyệt.

Trước hết, cần dứt bỏ những yếu tố không còn sự sống hay những yếu tố tật bệnh làm ảnh hưởng đến sự sống, sự phát triển. Người ta dễ dàng loại bỏ các cành khô của cây, nhưng lại rất khó để đoạn tuyệt với tội lỗi của bản thân mình, dù tội lỗi được đồng hoá với sự chết. Dưới cái nhìn luân lý học ngày nay, thì chỉ có tội trọng mới được gọi là tội nguy tử, gây ra cái chết đời đời. Người phạm tội nguy tử là lỗi phạm luật Chúa trong một điều nặng, có ý thức đầy đủ và tự do hoàn toàn. Là Kitô hữu bình thường thì ít ai dám to gan ở lì trong tình trạng nguy tử này. Nhưng chúng ta có thể dây dưa trong tình cảnh chẳng chết mà chẳng sống. Có thể xem tình trạng này như những cành cây đang bị sâu bệnh. Nhà nông thì không tiếc xót gì khi cắt tỉa chúng, còn chúng ta thì quả là khó dứt bỏ những lỗi mọn. Xin hãy nhớ lại những lần chúng ta đến toà cáo giải, hình như đang có đó nhiều tội mà bản thân cứ mãi xưng thú đi, xưng thú lại không biết bao nhiêu lần.

Trở lại với nghề nông, các nông gia chuyên nghiệp vẫn không ngần ngại cắt tỉa những cành lá không sâu bệnh, có khi là xanh tốt, nhưng chúng không có khả năng sinh hoa trái, lại còn ảnh hưởng đến sự sinh hoa trái của các cành khác, chẳng hạn như những chồi vượt sát gốc thân cây…Đọc sách Công vụ tông đồ, chúng ta cần chân nhận sự can đảm của các nghị phụ Công đồng Giêrusalem. Đoạn tuyệt với lễ nghi cắt bì, một nghi lế gia nhập Da Thái giáo ( tương tự với bí tích Thánh Tẩy của Kitô giáo ), đúng là một quyết định kiên cường, dĩ nhiên sẽ phải hứng chịu nhiều điều không như ý: bị cho là bội giáo, mất gốc, vong bản, phản bội…

Vừa phải biết trở về nguồn để đi theo đường lối tông truyền, khỏi phải chệch hướng, nhưng cũng phải biết cắt tỉa những yếu tố nhân loại cho dù đã thành truyền thống của thời đã qua mà nay không còn phù hợp cho sự phát triển. Vuông trong hai nhiệm vụ này quả là không mấy dễ. Trong thực tế, nhiều khi khó phân biệt rõ ràng các yếu tố tông truyền nghĩa là được truyền từ Chúa Kitô qua các tông đồ đến chúng ta và các yếu tố của truyền thống cha ông một thời mà nay đã “lỗi thời”. Bên cạnh đó tâm lý hoài cổ hoặc cho rằng “rượu cũ thì ngon hơn” vẫn còn đó ảnh hưởng.

Xin được bỏ qua lãnh vực lớn là xã hội và Giáo Hội, để nhấn mạnh đến đời sống cá nhân. Có nhiều điều mà chúng ta cần phải cắt tỉa để phát triển và sinh hoa kết trái trong đời sống nhân bản lẫn tâm linh. Tuy nhiên xin được nhấn mạnh đến một điều rất cần cắt tỉa đó là thái độ tự cao, tự đại cho rằng: “bàn tay ta làm nên tất cả…”. Kiêu ngạo là mối tội đầu tiên trong bảy mối tội lớn, và cũng là đầu mối của của mọi sự tội.

Khi đã cho rằng mọi sự ta có, ta là, đều do bởi tay ta thì ta chẳng cần đến bất cứ ai và dĩ nhiên chẳng cần đến Đấng Tạo thành. Một điều tất yếu, khi ta tự tách lìa khỏi nguồn cội thì phải lãnh lấy hậu quả là sự chết. Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian không phải để luận phạt hay xét xử thế gian, nhưng để những ai tin vào Người Con, gắn bó với Người Con thì sẽ được sống muôn đời và sinh trái đơm hoa ( x. Ga 3,16; 15,5). Xin đừng quên: cành nào lìa cây sẽ khô héo liền ( x. Ga 15,6 ).

Cắt tỉa sự tự cao, tự đại để thêm gắn bó với Đấng mà nhờ Người mọi vật mọi loài được tác thành ( x. Col 1,15-16 ). Gắn bó với Người thì chắc chắn ta sẽ đơm hoa, kết trái trĩu cành. Và rồi khi Chúa đến, Người sẽ nói với ta: “ Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi” ( Mt 25,21 ). Ngoài việc chuyên chăm tham dự Thánh Lễ, thì theo thiển ý, những thực hành đạo đức như cầu nguyện trước, sau các bữa ăn, cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy và mối tối trước khi buông màn, làm dấu Thánh giá khi vào sân bóng hay sau khi ghi được bàn thắng…sẽ giúp ta cắt tỉa những điều xấu xa, tồn tại, để ngày càng gắn bó với Đấng mà nếu không có Người thì ta sẽ không làm được sự gì tốt đẹp ( x. Ga 15,5 ).
 
Cây nho và cành nho
Lm Giuse Đinh lập Liễm
04:56 07/05/2009
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH B

A. DẪN NHẬP

Trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn cây nho và cành nho để dạy các Tông đồ ý nghĩa sự hiệp nhất giữa Đức Giêsu và các Tông đồ, cũng như giữa các Tông đồ với nhau.

Theo dụ ngôn đó, cành nho phải luôn kết hợp với cây nho để lấy được sức sống và sinh hoa kết quả. Cành nào không tháp nhập vào cây sẽ bị cằn cỗi và khô héo dần, chỉ còn quăng vào lửa. Vì thế, để là môn đệ đích thực của Chúa Kitô, điều cần thiết là phải sống kết hợp với Ngài và sống chính cuộc sống của Ngài.

Cành nho có nhiệm vụ phải sinh hoa kết quả. Cành nào không sinh trái sẽ trở nên vô ích, làm hại sức sống của cây, phải được chặt bỏ đi. Cắt tỉa cành nho không có mục đích làm cho thân nho phải đau đớn nhưng là để cho cây giữ được sức sống mạnh mẽ và sinh được nhiều trái hơn. Do đó, sống kết hợp với Chúa không có nghĩa là hoàn toàn loại trừ mọi đau khổ vì chính đau khổ làm cho con người được trưởng thành, gắn bó với Chúa hơn và sinh nhiều công phúc.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Cv 9,26 -31: Thánh Phaolô được ơn Chúa cho trở lại trên đường đi Damas khi ông đi lùng bắt các Kitô hữu về Giêrusalem hành hình. Sau khi được ơn trở lại cách lạ lùng, Phaolô đã đến Giêrusalem trình diện các Tông đồ và xin được ơn chính thức công nhận sứ mạng rao giảng Tin mừng của ông.

Nhưng bước đầu thật khó khăn vì mọi người vừa không tin vừa còn sợ ông. Người ta còn nhớ lại tại Giêrusalem những cuộc truy lùng bách hại ráo riết những Kitô hữu của ông. Nhờ Barnaba đứng ra bảo lãnh nên Phaolô mới được đón nhận. Thế là Phaolô bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng, trước hết từ Giêrusalem, rồi đến Tac-sê. quê hương của ông.

+ Bài đọc 2: 1Ga 3,18-24: Trong đoạn thư này, thánh Gioan Tông đồ cho chúng ta biết làm thế nào để Kitô hữu biết được rằng mình sống kết hiệp với Chúa ? Ngài nói rõ: là nếu họ tin nơi Chúa Kitô bằng một đức tin sống động, và đức tin này được biểu lộ ra bằng một tình yêu thương chân thành với những việc làm cụ thể trong đời sống.

Ngài nhấn mạnh: “Tình yêu phải sinh hoa trái”, nghĩa là yêu thương không phải chỉ bằng lời nói trên đầu môi chót lưỡi mà phải bằng việc làm như cảm thông trong phục vụ, bác ái và bằng việc tuân giữ các điều răn của Chúa Kitô.

+ Bài Tin mừng: Ga 15,1-8: Đức Giêsu muốn dùng dụ ngôn cây nho để nói lên sự thông hiệp chặt chẽ giữa Ngài và các môn đệ. Cũng như cành nho phải tháp nhập vào cây nho thì mới có sự sống và sinh hoa trái, thì Kitô hữu cũng phải kết hợp, gắn bó với Chúa Kitô để có được sức sống thiêng liêng của Ngài và mới có thể mang lại hoa trái ân sủng, sự thánh thiện, sức sống thiêng liêng...

Đức Giêsu còn cho biết thêm: để cành nho cho những hoa trái có chất lượng, cần phải được cắt tỉa, loại bỏ những mầm vô ích. Cũng vậy, Thiên Chúa Cha là người trồng nho thật, cũng cắt tỉa tâm hồn và con tim chúng ta bằng những việc xẩy ra không đúng ý mình muốn, làm cho mình đau khổ, để có thể sinh nhiều hoa trái hơn.

Đức Giêsu cũng còn hứa một điều tốt đẹp khi Ngài nói:”Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin thì sẽ được”(Ga 15,7).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thầy là cây nho đích thực.

Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu đã tự ví mình như Mục tử nhân lành, chăm sóc đoàn chiên và sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên đã được giao phó. Trong bài Tin mừng hôm nay, Ngài lại tuyên bố:”Thầy là cây nho đích thực” để nhắc nhở cho chúng ta phải kết hợp với Ngài để sinh hoa kết quả trong đời sống thiêng liêng.

I. HÌNH ẢNH CÂY NHO TRONG THÁNH KINH.

1. Cây nho trong Cựu ước.

Trong Thánh kinh, nho là một hình ảnh, một biểu tượng quen thuộc. Có người nói đó là”Cây sự sống”trồng ở giữa vườn địa đàng (St 2,9).

Nhiều lần Cựu ước mô tả dân Israel như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa: ”Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel”(x. Is 5,1-7).

Qua Giêrêmia, thông điệp của Thiên Chúa đã truyền đến cho Israel rằng:”Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt” nhưng vườn nho đã sinh ra quả đắng đót (Gr 2,21).

Tiên tri Ôsê nói: ”Israel là cây nho tươi tốt”(Os 10,1).

Hằng năm dân chúng mừng lễ mùa nho. Isaia sáng tác một bài dân ca mừng vườn nho xinh tươi của người bạn (Is 5,1-2) để ám chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài. Và khi sự việc tệ hại xẩy ra, tác giả Thánh vịnh vẫn xướng lên một bài ca hy vọng:”Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng”(Tv 80,15-16).

Cây nho đã trở nên biểu tượng của dân tộc Israel. Huy hiệu trên các đồng tiền hồi Maccabê là cây nho. Một trong những kỳ công chói lọi trong Đền thờ là cây nho bằng vàng thật lớn đặt trước Nơi Thánh. Nhiều vĩ nhân kể mình có vinh dự lớn khi được phép dâng một số vàng để đúc thêm một chùm trái mới cho cây nho ấy. Cây nho là một hình ảnh đặc trưng của người Do thái và là biểu tượng của dân Israel.

2. Cây nho trong Tân ước.

Tại sao trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu lại tuyên bố:”Ta là cây nho đích thật”(Ga 15,1) ? Từ ngữ Alethnos có nghĩa là thật, có thật, đích thực chứ không phải giả tạo.

Sở dĩ, Đức Giêsu xưng mình là cây nho “thật” vì trong Cựu ước, như các tiên tri đã phàn nàn, biểu tượng cây nho luôn luôn được gắn liền với ý niệm về suy thoái.

Trong bức tranh của Isaia, vườn nho đã trở thành vườn nho hoang.

Giêrêmia đã than phiền vì dân tộc ông đã biến thành một cây nho lạ, thoái hóa thành một cây khác.

Ôsê thì kêu lên:”Israel là cây nho trơ trụi”.

Dường như Đức Giêsu muốn nói: các ngươi tưởng vì thuộc về dân Israel nên các ngươi là cành nho thật của Thiên Chúa. Dân Do thái là một cây nho, nhưng là một cây nho thóai hóa y như các tiên tri đã nhìn thấy. Chính Ta mới là cây nho thật.

II. ĐỨC GIÊSU LÀ CÂY NHO THẬT.

1. Bối cảnh của dụ ngôn.

Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn này sau bữa Tiệc ly lúc tình yêu Thầy trò thật chan chứa. Có người cho rằng lúc ấy Đức Giêsu dẫn các môn đệ ra khỏi thành xuống khe suối Cédron. Ngồi giữa khung cảnh đó, họ thấy nho mọc khắp vùng, rồi Ngài nói:”Thầy là cây nho thật... Các con là cành”. Đồng thời họ cũng nhìn thấy trong thung lũng đêm tối những đám cháy đang thiêu rụi những cành nho đã bị cắt quẳng đi lúc ban ngày. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu nói thêm:”Ai kết hợp với Thầy... thì người ấy sinh hoa trái dồi dào... Ai không kết hợp với Thầy, thì bị quẳng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo, người ta sẽ ném nó vào lửa cháy đi”.

Khi Đức Giêsu khẳng định:”Thầy là cây nho đích thực và Cha Thầy là người trồng nho”(Ga 15,1) thì Ngài muốn các môn đệ nhận ra Ngài là cây nho Chúa Cha đã đưa từ trời xuống trồng cho thế gian được sống nhờ kết hợp với Ngài. Khác với thứ cây nho là dân Do thái được bứng từ Ai cập về như Thánh vịnh 80 đã mô tả: Thứ nho có bóng rậm cả núi non, nhánh vươn tới biển khơi và chồi lan tới sông cả. Nhưng nó chỉ hào nhoáng bên ngoài như cây nho bằng vàng giả tạo đúc trên cổng Đền thờ, nó vô tâm, vô hồn, được người ta ca tụng nó, nhưng nó không biết ca tụng Thiên Chúa, nên Ngài đã để cho kẻ qua lại dầy đạp nó, cho heo rừng và dã thú phá hủy nó. (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm C, tr 80)

2. Liên hệ giữa cây nho và cành nho.

Khi Đức Giêsu nói:”Thầy là cây nho, các con là cành” thì Ngài có ý nói lên sự cần thiết chúng ta phải kết hợp với Ngài. Theo kinh nghiệm trồng nho của người Do thái: vào mùa xuân, những cành nho tràn ngập sức sống, dưới hình thức của những chiếc lá và nụ hoa. Vào mùa thu, chúng trĩu nặng những chùm nho. Nhưng chúng có được sự sống này, và có khả nặng tạo ra được quả, chỉ vì chúng nối kết với thân cây. Khi bị cắt khỏi thân cây, chúng sẽ không chỉ trở nên cằn cỗi, mà còn nhanh chóng bị khô héo và chết rục. Giống như những cành cây cần đến thân cây, chúng ta rất cần đến Đức Kitô. Khi bị tách lìa khỏi Ngài, thì chúng ta không có sự sống, và không có khả năng sinh hoa kết quả.

Đó là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người chúng ta cần phải liên kết với Đức Giêsu, thì chúng ta mới sống và sống mạnh được. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, nghĩa là chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Điều này phải hiểu một cách tuyệt đối.

Tuy thế, cây nho cũng cần đến cành nho, chính những cành nho tạo ra hoa quả. Điều này có nghĩa là Đức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là những cành nho của Ngài. Cây nho và cành nho cần đến nhau. Bên nhau, chúng tạo ra một sự hợp nhất. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng sự tin tưởng mà Ngài đặt để nơi chúng ta vĩ đại như thế nào. Chúng ta có thể cảm thấy mình không được đầy đủ, nhưng chúng ta phải ghi nhớ rằng cây nho cứng cáp và đầy sức sống. Đức Kitô tùy thuộc vào chúng ta, để tạo ra hoa quả trong thế giới này.

Như vậy chúng ta phải kết hợp với Chúa để được thông ban sự sống, nếu không chúng ta sẽ trở nên những cành cây khô héo, trở nên những con người cô đơn, không giúp ích gì cho mình và cho kẻ khác.

Truyện: Con người cô đơn.

Khắp trên thế giới, nơi đâu cũng có bán máy chụp Kodak. Người ta có thể nói:”Các cửa hiệu bán máy chụp hình và phim Kodak không bao giờ đóng cửa”. Khi các cửa tiệm Đông phương đóng cửa nghỉ, thì các tiệm ở Tây phương mở cửa bán.

Ông chủ hãng phim Kodak sống ở toà nhà sang trọng bậc nhất New York, có không biết bao nhiêu tiền của ký gửi trong các ngân hàng lớn trên khắp thế giới, muốn lấy ra lúc nào tùy thích. Tài khoản thâu nhập của ông không tính theo mỗi năm, mỗi tháng, mà tính theo mỗi giây đồng hồ. Ông muốn gì cũng có, ông hưởng hết phúc lộc của con người. Người nào muốn ra tranh cử Tổng thống cũng đều phải nhờ ông làm hậu thuẫn, giúp đỡ tiền bạc. Mọi thứ trên đời này ông đều có, duy chỉ có một điều vô cùng quan trọng thì ông lại không có. Đó chính là Thiên Chúa. Vì không có Chúa nên lúc nào ông cũng cảm thấy cô đơn trống vắng. Mọi người thấy ông, cứ nghĩ là ông được sung sướng, nhưng thực ra ông rất đau khổ.

Ông dùng tiền của quá dư thừa của mình mà đi chu du vòng quanh thế giới, hưởng muôn sự khoái lạc thế gian, hầu khỏa lấp nỗi cô đơn, trống vắng trong cõi lòng. Nhưng một tâm hồn không có Chúa thì tất cả vũ trụ cũng không thể làm cho họ được hạnh phúc.

Kết thúc chuyến du lịch vòng quanh thế giới mà cõi lòng ông vẫn hoang vắng, buồn bã. Vì quá tuyệt vọng, ông đã lao mình xuống đại dương mênh mông tìm sự giải thoát.

3. Muốn nhiều hoa quả, cần cắt tỉa.

Người ta trồng nho để lấy quả, cành nào không sinh hoa quả thì trở nên vô ích, cần phải cắt bỏ. Chúa bảo chúng ta là cành phải sinh hoa kết quả thì mới phát triển theo thánh ý Chúa. Chúng ta trổ sinh hoa quả, bằng cách phát triển, xử dụng và chia sẻ năng khiếu đó cho nhau vì mỗi người chúng ta đều có một số năng khiếu mà Chúa ban cho. Thế giới đang chờ đợi hoa quả của chúng ta. Đó là gieo rắc tình thương để mọi người biết yêu Chúa và yêu thương nhau.

Cắt tỉa cây nho là một điều cần thiết và là điều kiện để sinh nhiều hoa trái. Một cây nho tơ trong ba năm đầu chưa có trái, mỗi năm nó phải được tỉa thật sạch để có thể phát triển và giữ được sinh lực. Khi đến độ trưởng thành, người ta cắt tỉa nó vào mùa đông.

Có hai loại cành nho, một loại sinh trái và một loại không sinh trái. Loại cành không sinh trái phải chịu cắt bỏ không thương tiếc, để lại, chúng hút mất sinh lực của cây nho. Cây nho sẽ không cho trái đúng mức nếu không bị cắt tỉa thật kỹ. Chúa Giêsu biết rõ điều đó.

Nhưng cắt tỉa là một quá trình gây đau thương cho một cây ăn quả. Đây là một thực tế không thể chối cãi được. Nhưng mục đích của việc cắt tỉa này không phải là bắt thân cây phải chịu đựng đau đớn, mà là để giúp cho thân cây tạo ra nhiều quả hơn, và quả được ngon hơn.

Nói tới việc cắt tỉa là chúng ta phải nói đến vấn đề đau khổ. Vấn đề đau khổ là một thực tại ngàn đời tồn tại và luôn luôn đòi được giải đáp. Đau khổ đến với ta dưới mọi hình thức: tinh thần, thể xác, bên ngoài, bên trong, cá nhận, tập thể, cộng đoàn. Ta có cảm tưởng đó là một lực lượng đến phá hủy tiềm năng phát triển con người. Nhưng với ánh sáng Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy được một khía cạnh của đau khổ. Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để thanh luyện chúng ta, để cho ta sinh hoa trái tươi tốt về đàng thiêng liêng. Điều cần thiết là phải lãnh nhận đau khổ với tinh thần đức tin và sự cậy trông ở lòng thương vô biên của Thiên Chúa.

III. KẾT HỢP VỚI CHÚA KITÔ.

Đọc dụ ngôn cây nho và cành nho, chúng ta thấy rõ ý Đức Giêsu là Ngài muốn chúng ta kết hợp với Ngài. Mầu nhiệm cây nho được Đức Giêsu tóm lại trong hai sự việc sau đây: kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa muốn dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa, có kết hợp với Chúa mới đem lại kết quả thiêng liêng cho kẻ khác và cho chính mình.

Chúng ta nên để ý đến câu Đức Giêsu nói với các môn đệ “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin mừng này. Đây là bổn phận của một cành nho. Điều kiện này không thể thiếu được, nếu không muốn đời sống siêu nhiên của mình bị héo tàn và vô dụng, vì Chúa nói rõ:”Không có Thầy, các con không thể làm được gì”(Ga 14,5) hoặc: ”Không ở trong Thầy, các con không thể sinh hoa trái”.

Nếu chúng ta được ở trong Đức Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Ngài cũng ở trong Thiên Chúa nên khi chúng ta kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi. Tư tưởng này đã được thánh Hilariô trình bầy trong bài khảo luận về Chúa Ba Ngôi mà chúng ta trích dẫn sau đây:

“Nếu Người chỉ muốn ta hiểu về sự hiệp nhất theo ý chí, thì tại sao Người lại trình bầy sự hiệp nhất phải được hoàn thành theo một tiến trình và một trật tự ? Đó là vì chính Đức Kitô ở trong Chúa Cha theo bản tính Thiên Chúa, và chúng ta ở trong Đức Kitô theo bản tính nhân loại Người đã lãnh nhận; do đó, chúng ta tin rằng Đức Kitô ở trong chúng ta nhờ bí tích Thánh Thể. Nhờ vậy, chúng ta biết được sự hiệp nhất trọn hảo do Đấng Trung gian thực hiện: Khi chúng ta ở trong Đức Kitô, thì Người vẫn ở trong Chúa Cha, và khi Người ở trong Chúa Cha thì Người cũng ở trong chúng ta nữa. Như thế, chúng ta ngày càng tiến triển trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, bởi vì Chúa Con vẫn ở trong Chúa Cha theo bản thể do được sinh ra từ thuở đời đời, và chính chúng ta cũng ở trong Đức Kitô theo bản thể, đang khi Người ở trong chúng ta theo bản thể” (Trích Các bài đọc Kinh sách, Mùa chay và phục sinh, tr.26).

Đó là sự kếp hợp giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa cây nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao ? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, không ai chủ trương “Mỗi người là một hòn đảo” mà sống tốt được. Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi, khô héo và rời rụng đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác.

Truyện: Kết hợp với Chúa.

Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn độ Rabindranath Tagore đã viết như sau:

“Trên bàn tôi là sợi dây Guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào. Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn Guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc.

Cũng thế, trong cách trồng cây cà chua, cây yếu ớt ngã xoài trên mặt đất, nhiều khi lá bị héo úa dập nát. Nhưng nếu cây được cột vào một cọc dựng đứng, mọi phần tử của cây được phơi ra ánh nắng, cây sẽ mơn mởn và đâm nhiều bông trái. Chính vì bị ràng buộc mà cây đã có nhiều triển vọng sinh hoa kết quả”(Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 39).

Chúng ta cần lặp lại lời Đức Giêsu đã nói với chúng ta: ”Không có Thầy các con không làm được gì”(Ga 14,5). Chúng ta sống được là nhờ có ơn Chúa, mọi sự phải nằm trong tay Chúa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi có ơn Chúa nâng đỡ, ngoài Chúa ra không ai có thể giúp đỡ chúng ta làm được việc gì sinh ơn ích cho phần rỗi chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng phải cần đến nhau vì, theo Thomas Merton, “Không ai là một hòn đảo”. Mọi người phải liên đới với nhau, hành động của người này ảnh hưởng đến công việc của người kia. Vì thế, muốn hưởng tự do của mình, ta phải tôn trọng tự do kẻ khác. Nói cách khác, tự do của mỗi chúng ta ràng buộc lẫn nhau và giúp đỡ lẫn nhau nữa.
 
Để được sống sung mãn và sinh hoa kết quả dồi dào
Lm Inhaxiô Trần Ngà
04:58 07/05/2009
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH B (Gioan 15, 1-8)

Từ lâu nay có những cá voi, khi thì một vài con, khi thì cả đàn lên đến bảy, tám chục con, không biết vì lý do gì lại từ bỏ đại dương như lòng mẹ hằng đùm bọc ấp ủ chúng để bơi ngược vào bờ rồi trườn mình lên bãi nằm chờ chết. Những người bảo tồn sinh vật biển nỗ lực cứu mạng chúng, dùng những chiếc tàu kéo đưa chúng ra khơi, trả chúng về với lòng mẹ đại dương, nhưng rồi sau đó chúng lại bơi vào bờ, trườn mình lên bờ để rồi nằm chết thối trên cạn. Đó là những cái chết tự chọn thật khó hiểu và có vẻ điên rồ!

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su tha thiết mời gọi chúng ta ở lại trong đại dương tình yêu sâu thẳm của Người, đừng lìa bỏ Người như cá lìa nước, nhưng hãy ở lại với Người để khỏi phải chết như những chú cá voi rồ dại trên đây, nhưng được sống dồi dào sung mãn.

Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn gọn (Gioan 15, 1-8), Chúa Giê-su đã lặp lại cụm từ “ở lại” đến tám lần như những lời van lơn nài nỉ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.”

* Tách lìa Chúa thì phải hư vong

Như những chú cá voi tách rời lòng mẹ đại dương hằng bao bọc, chở che, nuôi sống chúng để bơi vào bờ rồi phải giẫy chết trên cạn, như những cành nho lìa thân để rồi phải ủ rũ héo tàn và sẽ bị đem đi thiêu đốt, số phận những ai không ở lại với Chúa Giê-su thì cũng vậy. Chúa Giê-su cảnh báo: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Gioan 15, 6)

* Ở lại với Chúa thì được sống sung mãn dồi dào

Chúa Giê-su còn tha thiết kêu mời chúng ta ở lại trong Người như cành nho liên kết khắng khít với thân nho, để được nhận lãnh dồi dào sức sống Người ban và được sinh nhiều hoa trái: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Gioan 15, 4-5)

* Làm sao để ở lại với Chúa Giê-su?

Chúa Giê-su cho ta câu đáp: đó là tuân giữ lệnh Người truyền: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Gioan 15, 10) và các điều răn ấy đã được Chúa Giê-su tóm gọn trong quy luật yêu thương: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Gioan 15, 12)

Thế là hôm nay, Chúa Giê-su đã tỏ cho chúng ta biết bí quyết tuyệt vời:

Ai yêu thương tha nhân thì người ấy đang ở lại trong Chúa, đang được kết hợp với Chúa như cành liền cây; nhờ đó, người ấy sẽ nhận được sung mãn “nhựa sống” Chúa ban và được sinh hoa kết quả dồi dào.

Trái lại, ai không yêu thương tha nhân là tự tách lìa mình khỏi “Thân Nho Giê-su” và hậu quả là phải tàn lụi muôn đời.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin thương ban ơn phù trợ, giúp chúng con luôn tuân giữ những điều Chúa dạy, đặc biệt là giới luật yêu thương, để được ở lại với Chúa luôn mãi, nhờ đó chúng con sẽ được sống dồi dào và trổ sinh nhiều hoa trái đẹp tươi. Amen.
 
Hoa lòng dâng Mẹ
Longhai,TCL
13:34 07/05/2009
Tiến Hoa:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của chúng con. Mẹ xinh đẹp rạng ngời, Mẹ tươi xinh hơn muôn vàn sắc hoa xinh. Ôi, làm sao diễn tả được tình Mẹ bao la như cả một trời sao sáng, muôn trùng rộng lớn hơn cả đại dương…

Mẹ ơi, Mẹ là nguồn suối ngọt ngào, êm đềm dịu mát như sương mai. Chúng con là những bông hoa bé mọn mong được tắm mình trong nguồn suối ngọt ngào ấy. Mong được giọt sương tình yêu của Mẹ thấm đượm trong cuộc đời chúng con, để chúng con như cây rừng kia được biến đổi từ cằn cỗi trở nên non mượt xanh tươi. Lạy Mẹ Maria, chúng con biết lấy gì đền đáp cho cân xứng với tình yêu cao vời của Mẹ đã dành cho chúng con. Chúng con chỉ biết kính dâng Mẹ những đoá hoa lòng đơn sơ, nhỏ bé; những đoá hoa đã được Mẹ nâng niu chở che, những đoá hoa của lòng mến và yêu kính Mẹ… Xin Mẹ nhận lấy và ban ơn để chúng con luôn noi gương Mẹ sống xứng đáng là con Mẹ, Mẹ ơi.

Mẹ ơi, đây là những đoá hoa chúng con thành kính dâng lên Mẹ. Mỗi bông hoa tượng trưng cho tấm lòng của chúng con, những người con trong Đội Quân Áo Xanh cung tiến Mẹ.

*Dâng lên Mẹ những bông Hoa Trắng, mầu trắng trong tinh khiết tựa ánh nắng ban mai của tâm hồn chúng con. Mầu trắng trong được tuôn tràn từ Trái Tim Chúa, là Con Mẹ, được Mẹ sinh ra và Mẹ đã đồng công cứu chuộc. Chúng con kính dâng lên Mẹ bằng tất cả tình yêu trong trắng của chúng con. Xin Mẹ vui nhận và nâng đỡ tâm hồn đơn sơ trong sáng của chúng con, cho chúng con luôn được sống trong vòng tay hiền dịu của Mẹ.

*Dâng lên Mẹ những Bông Hồng khoe sắc, mầu hồng của sự ngọt ngào và đầy hương thơm. Mẹ ơi, tình Mẹ thật ngọt ngào biết bao, hiến ban cho đoàn con muôn vàn ân sủng của Chúa, để hôm nay chúng con đón nhận và tận hưởng sự ngọt ngào là ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Con Mẹ. Xin cho tâm hồn mỗi người chúng con trở nên tươi trẻ hơn để luôn sống trong vòng tay thương yêu của Mẹ.

*Dâng lên Mẹ những bông Hoa Vàng, sắc vàng thắm đượm tình yêu. Chúng con ca ngợi tâm hồn thanh cao quý trọng của Mẹ. Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ trinh trắng trọn đời, Mẹ của Giáo Hội và mẹ của chúng con. Mầu vàng mới biểu hiện cho cuộc đời mới. Cầu xin Mẹ luôn đổi mới tâm hồn chúng con, để chúng con sống xứng đáng với tấm lòng cao cả của Mẹ.

*Dâng lên Mẹ những sắc Hoa Xanh. Xanh tươi thắm mang màu hy vọng và đổi mới. Như màu áo Xanh của chúng con dâng lên, hoà vào nền trời trong màu áo Mẹ, làm Mẹ thêm rạng rỡ đẹp ngời giữa muôn vàn sắc hoa. Mẹ ơi, ước mong nhỏ bé của chúng con là luôn hy vọng Mẹ mỉm cười hài lòng về những việc làm giản dị, nhỏ bé nhưng thắm đượm tình con yêu kính Mẹ.

*Dâng lên Mẹ những bông Hoa Tím, mầu tím của lòng thuỷ chung son sắt vững bền. Tim tím mầu hoa diễn tả tấm lòng Mẹ đó! một tấm lòng sắt son cùng Thiên Chúa. Mẹ vâng phục Thiên Chúa bằng cả tình yêu và trong nghịch cảnh. Mẹ xin vâng Ý Chúa trọn cả cuộc đời. Xin Mẹ thương giúp Giáo hội chúng con, để mỗi người con Mẹ luôn biết trung thành yêu thương phục vụ anh em mình như Chúa Giêsu con Mẹ đã dạy.

*Dâng lên Mẹ những bông Hoa Đỏ, màu thắm đỏ của Trái tim Chúa chảy tràn như nguồn mạch sống. Cùng Trái tim Mẹ đã bị đâm thâu vì tội lỗi loài người chúng con. Trái tim Mẹ thắm máu đỏ tình yêu cao quý, ban cho con sự sống mỗi ngày. Xin Mẹ hãy mở rộng tâm hồn chúng con, để cho trái tim Mẹ hoà nhịp đập với trái tim chúng con. Mẹ mãi là Mẹ tình yêu, Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ của mỗi tâm hồn nhỏ bé chúng con.

Kết Hoa:

Lạy Mẹ Maria, mỗi lời ca nhịp nhàng nhóm Áo Xanh chúng con dâng lên Mẹ đều mang con tim và tấm lòng yêu mến Mẹ.

Maria, tiếng gọi êm ái diệu vời.

Maria, nguồn suối ngọt ngào an vui.

Maria, Là mạch sống tình yêu tuôn chảy, cho con sống trong mẹ từng ngày.

Xin Mẹ nhận lấy những bông hoa lòng của chúng con, cũng chính là những cánh hoa đời chúng con đó! Chúng con nguyện nên những bông hoa thắm tươi để thêm hương sắc cho vườn hoa yêu thương của Mẹ. Mẹ ơi, chúng con tin rằng, Con yêu dấu của Mẹ đang hiện diện và mỉm cười với chúng con là Chúa Giêsu – Đấng giàu Lòng Thương Xót sẽ ban cho chúng con dư tràn ơn phúc như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, tình Mẹ đối với chúng con thật bao la, sâu nặng, cao cả và đẹp lạ lùng. Mẹ là từ mẫu yêu thương, chúng con thật hạnh phúc khi được sống trong tình Mẹ và luôn có Mẹ đồng hành trên mỗi bước đường đi.

Chúng con xin hứa, sống hiếu thảo trọn tình với Chúa, trong nguồn hạnh phúc vô biên của tình Mẹ. Nguyện giữ trọn màu áo Xanh của Mẹ, sẵn sàng hy sinh với lòng chân thành tín thác nơi Mẹ. Giữa muôn ngàn nguy khốn trên đời, chúng con mong muốn luôn gặp được tâm tình trìu mến của Mẹ, được Mẹ thương ủ ấp chở che, ủi an trong những lúc nguy khốn và được sống yên vui trong nguồn an vui hạnh phúc với Mẹ: AVE MARIA.

Tháng 5. 2009
 
Cắt tỉa
Lm. Minh Anh
13:36 07/05/2009
Chúa Nhật V Phục Sinh

“Thương con cho roi cho vọt…”. Hẳn Thiên Chúa Tình Yêu cũng áp dụng nguyên tắc này khi muốn cho con cái mình được gắn kết với Ngài cách mật thiết, lớn lên cách mạnh mẽ, và sinh hoa kết trái cách dồi dào. Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa áp dụng mọi phương thức và không loại trừ một giải pháp nào. Ngài thanh luyện, Ngài đẽo gọt, Ngài cắt tỉa.

Nhưng có sự cắt tỉa nào mà không ray rứt, có cuộc sinh nở nào mà không thương tổn?

Bạn thân mến,

Thật trớ trêu, khi nói đến mầu nhiệm sự sống thần linh thông chuyển cho những ai nên một với Ngài, Chúa Giêsu không dùng hình ảnh nào khác ngoài hình ảnh thân nho và cành nho, một biểu tượng của sự gắn bó, gần gũi và xoắn xít lẫn nhau; đồng thời Ngài cũng nói đến việc cắt tỉa: Thầy là cây nho, chúng con là cành, cành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái, và "cành nào sinh trái, Cha Thầy, người trồng nho, sẽ cắt tỉa để nó sinh trái nhiều hơn”.

Vậy thì, để cành nho có thể gắn bó mật thiết với thân nho, có thể hưởng nhận sức sống hầu có thể có được một mùa bội thu, cắt tỉa là điều không thể miễn trừ; và lạ thay, càng được cắt tỉa, càng có cơ may sinh nhiều hoa trái.

Những tháng mùa đông, các cây trồng cần được cắt tỉa, một quá trình gây thương tổn nhưng không có nó, chủ vườn sẽ không loại được những chồi dư, cành thừa vốn sẽ làm tiêu tốn sức sống của cây. Mục đích của việc cắt tỉa không phải là bắt cành cây phải chịu đau đớn nhưng là giúp cây có cơ may trổ sinh nhiều hoa lộc.

Ấy thế, mỗi chúng ta, mỗi cành nho của thân mình Đức Kitô, Cây Nho Đích Thực, đều cần được cắt tỉa. Thiên Chúa Chủ Vườn, người Cha khôn ngoan đang cắt tỉa chúng ta mỗi ngày:

* Cắt tỉa bằng Lời Chúa, vì Lời Ngài sắc bén tựa gươm hai lưỡi, xé nát tâm hồn và dò xét tâm can.
* Cắt tỉa bằng sự thiêu rụi của Thánh Thần, vì mọi sự sẽ phải qua lửa.
* Cắt tỉa bằng những biến cố lớn nhỏ trong đời, vì mỗi sự kiện có thể là một cuộc thi luyện lòng quảng đại.
* Cắt tỉa bằng những con người, những cộng đoàn, vì tha nhân là dụng cụ Thiên Chúa dùng để mài giũa ta.
* Cắt tỉa bằng tiếng kêu ơi ới mỗi ngày của lương tâm, vì ở đó có vị Thẩm Phán Tối Cao.

Cắt tỉa được thực hiện mỗi ngày, mỗi giờ và nhiều lúc Chủ Vườn phải chuẩn bị hàng năm, đôi khi cả hàng chục năm. Đến thời đến buổi, Ngài ra tay. Và một khi Ngài ra tay, có thể bấy giờ không còn đơn thuần là cắt tỉa chăm chút, nhưng đôi lúc, đó thực sự là một cuộc đại phẩu bán sống bán chết, một mất một còn cho niềm hy vọng vụ mùa bội thu mai ngày.

Lần giở các trang Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy biết bao lần Thiên Chúa đã cắt tỉa: cắt tỉa cá nhân, cắt tỉa cộng đoàn, cắt tỉa cả một dân tộc, cắt tỉa mọi con cái loài người Ngài đã dựng nên. Với Abraham, “Hãy đem Isaac con một ngươi lên núi hiến tế Ta”; với ông Job, Ngài lột sạch, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng”; với Đavid, Đức Chúa đã bóp mũi đứa con đầu lòng của ông với bà Batseva, vợ Uria; với Phaolô, Ngài vật ngã ông trên đường Đamas, cho ông tơi bời ê ẩm đến mù cả mắt; và với Giêsu Con Một Yêu Dấu, Ngài cũng không miễn trừ, ngược lại, đã để Con mình thành mẫu mực bị cắt tỉa đến độ phải thốt lên trên cây thánh giá: “Cha ơi, Cha ơi, sao Cha bỏ con?”.

Này bạn,

Bằng cách nầy cách khác, Thiên Chúa Tình Yêu nhân từ và khôn ngoan sẽ bứng cho bằng được cái ung bướu xơ cứng mãn tính vốn đang di căn nơi nhân cách, nơi linh hồn, nơi con tim hoá thạch của mỗi người chúng ta. Đau đớn thay! Xót xa thay! nhưng không còn chọn lựa nào khác, Ngài buộc phải làm. Ngài xô con người xuống tận vực sâu, nhận nó xuống bùn đen, tung nó lên như tung bóng; Ngài lột trần nó ra, phơi bày tô hô dưới ánh mặt trời những gì vay mượn, những gì che đậy và những gì trói buộc khiến nó không thể sinh hoa kết trái như Ngài hằng chờ mong.

Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa quyết định ra tay. Ngài thấy rằng, qua bao mùa nho, trái trăng Ngài mong chỉ toàn là những quả giả: mơn mởn nhưng ít ỏi, bóng loáng nhưng chua lè, tất cả chỉ vừa đủ để tô điểm một khu vườn bát ngát của ích kỷ, mênh mông của vụ lợi, và đại ngàn của hám danh… đang khi điều Ngài chờ mong lại là hoa của công chính, trái của bình an và quả của hoan lạc trong Thánh Thần.

Nói đến đây, ai trong chúng ta khỏi phải rùng mình sởn gai ốc khi nhớ lại ít nữa một lần trong đời được Thiên Chúa cách nầy cách khác cắt tỉa và chặt phăng. Ngài chặt phăng không tiếc xót một cái gì đó, một ai đó mà Ngài thấy cần thiết cho linh hồn, cho nhân cách, cho sự lớn lên và nhất là cho chúng ta được nên một với Ngài. Một cái gì đó, một ai đó vốn đã làm thất thoát hay làm tắc nghẽn mạch sống thần linh của Con Một Ngài khiến chúng ta không tiếp nhận được nhựa sống đó và rốt cuộc, không sinh được hoa bác ái, không kết được trái yêu thương.

Bạn thân mến,

Bằng mọi cách, Thiên Chúa đã cắt tỉa, uốn nắn mỗi người chúng ta. Hãy thâm tín rằng, dù có nhức nhối đến đâu, dù có thương tổn đến mấy thì Ngài vẫn là một Thiên Chúa từ ái và khôn ngoan, kiên nhẫn và đại lượng. Ngài làm mọi sự chỉ để mưu ích cho phần rỗi chúng ta, hầu chúng ta có thể gắn kết mật thiết với Ngài; sung mãn nhựa sống của Ngài hầu sinh hoa kết trái. Để rồi, khi nhìn lại, chúng ta ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình còn đây, tại sao Ngài vẫn nương tay? Và chúng ta sẽ thấy, thì ra, Ngài thật tuyệt vời, thật nhân hậu và bấy giờ, chỉ còn một việc, một việc mà thôi: quỳ gối mà tạ ơn.

Lạy Chúa, Chúa luôn nhắm điều tốt nhất cho con, con sẽ không lãng phí những đau thương trong đời. Xin cho con biết lãnh hội những bài học ngàn vàng rút ra từ những kinh nghiệm rướm máu mỗi khi được cắt tỉa; cho con biết gieo mình vào vòng tay yêu thương và khôn khéo của Chúa cả khi không còn gì để mất; biết khiêm tốn nhận ra thánh ý Chúa qua từng biến cố, từng con người được Chúa phái đến để cắt tỉa con, hầu con có thể sinh hoa kết trái, hoa trái của Thánh Thần, hoa trái của lòng yêu mến mà Chúa và anh chị em con đang mỏi mắt trông chờ, Amen.
 
Thân nho và cành nho
Lm Giacôbê Tạ Chúc
13:38 07/05/2009
Bất cứ lòai cây cỏ nào, muốn sinh trưởng và phát triển tốt, thì cần:” Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Ở môi trường và điều kiện thuận lợi, cây sẽ cho nhiều bông hạt. Nếu sống ở đất nước Việt Nam, chắc Chúa Giêsu sẽ dùng hình ảnh cây lúa, cây ngô, cây mì, cây thanh long… thay vì là cây nho.

Người nông dân xứ sở Palestina chắc không xa lạ gì với nghề trồng nho và ép rượi. Cây nho muốn tốt tươi thì cần chăm bón và cắt tỉa. Cành nho muốn có sức sống tràn trề thì không có cách nào khác hơn là gắn liền với thân nho. Thực tại tự nhiên là thế, thực tại siêu nhiên cũng vậy. Đức Giêsu dùng hình ảnh thân thuộc này để diễn tả một Mầu nhiệm Hiệp thông trong Nước trời. Ngài sánh ví Ngài là cây nho, còn các môn đệ là cành:” Thầy là cây nho, anh em là cành”( Ga 15, 5a). Cành chỉ sống được khi tháp nhập vào thân cây, nếu không cành sẽ chết. Các môn đệ cũng vậy nếu không kết chặt vào thân mình của Chúa Giêsu thì như cành nho sẽ khô héo:” Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho”( Ga 15, 4b). Muốn cành nho ra trái nhiều thì người nông dân cần cắt tỉa, cắt đi những cành sâu bệnh, cắt để cành cây cho ra nhiều cành mới, vào ngày mùa kết quả sẽ gấp bội. Khi chịu để cắt tỉa, chắc chắn cành nho phải trải qua nhiều đau đớn, máu từ nhựa cây sẽ tuôn trào. Người nông dân cũng hiểu được điều này, nhưng đây là cách tốt nhất để giúp cây nho được sai trái. Người môn đệ theo Chúa Giêsu cũng phải chịu “cắt tỉa”, để nên đồng hình với Đức Kitô Phục sinh. Cắt tỉa những thói xấu, tội lỗi và những đam mê trần thế. Những chướng ngại ngăn trở người môn đệ trên đường nên Thánh, chúng như những ung nhọt, cần bác sĩ giải phẫu để thân thể mạnh khỏe hơn:”Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa”( Ga 15, 1-2). Các môn đệ được ở lại trong tình yêu của chúa, họ sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong từng giây, từng phút. Mối liên hệ thẳm sâu này được Thánh sử Gioan sánh ví như cành nho gắn liền với cây nho.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài chính là hơi thở của chúng con. Tình yêu Ngài cao vời không gì sánh bằng. Ngài là nguồn sống, từ nơi Ngài ân sủng được trao ban, sự sống được tác thành. Mỗi ngày chúng con đón nhận sự sống đầy sung mãn của Thân mình Chúa Giêsu, trong Bí tích Thánh Thể, lương thực vĩnh cửu cho xác hồn mỗi người.
 
Chức năng của Thánh Nhạc
Lm An-rê Đỗ xuân Quế, OP.
14:11 07/05/2009
CHỨC NĂNG CỦA THANH NHẠC

Mấy năm gần đây, Thánh nhạc được lưu tâm và thường hay được nhắc tới trong các cuộc hội thảo, nhưng xem ra sự hiểu biết từ trên xuống dưới chưa thuần nhất. Thông thường, người ta vẫn hiểu Thánh Nhạc là những bài hát đạo về Chúa, Đức Mẹ và các Thánh để hát trong nhà thờ. Hát thế nào cũng được, miễn là tưng bừng vui vẻ, có kèn trống phụ họa thêm càng tốt.

Từ sự hiểu biết và nhận định như thế, thật không lạ gì trong các nhà thờ Việt Nam, ở trong nước cũng nhu ngoài nước, người ta hát và cho hát các bài gần với loại nhạc trên sân khấu, đài truyền hình và trong các phòng trà. Họ cho như thế mới hơp thời. Nhiều vị mục tử nghĩ rằng thời buổi nào, kỷ cương nấy, nên cũng đồng tình cho như vậy. Đàng khác, một số vị lại nghĩ rằng có như thế mới lôi cuốn, thu hút được giới trẻ di nhà thờ. Quả thật, những người trẻ thích loại nhạc này và họ đến nhà thờ cũng vì loại nhạc đó. Nhưng như vậy, họ đến nhà thờ là đễ nghe đàn hát cho vui chứ chưa chắc gì đến đó để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tâm hồn mình. Vì không nghĩ và hiểu như thế, nên người ta hiểu và đánh giá sai về Thánh Nhạc. Vậy, Thánh Nhạc chính ra là để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu.

1. Tôn vinh

Mục đích chính của Thánh Nhạc là tôn vinh Thiên Chúa bằng lời ca tiếng hát, và âm thanh của các nhạc cụ. Thiên Chúa là đối tượng mà người ta không thể dùng lời lẽ nào hay hơn, ý nghĩa hơn lời Kinh thánh để tôn vinh. Dùng những lời đó kết hợp với âm nhạc là hình thức thông dụng từ bao đời nay Hội thánh vẫn sử dụng đế ca tụng Người. Mà vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả xứng muôn lời ca ngợi, nên lời ca và âm nhạc cũng phải cố hết sức để đạt tới một mức độ vừa cao đẹp vừa xứng đáng chừng nào có thể. Chính vì vậy, âm nhạc phải hay, lời ca phải đẹp và thánh thiện, lại phổ cập nghĩa là ở đâu và bao giờ cũng được công nhận như thế. Do đó, người ta không thể theo cảm tính, thích hay không thích vì những lý do cá nhân mà phê bình hay thẩm định, vì Thánh Nhạc là loại nhạc riêng dựa trên những nguyên tắc rõ rệt đã được Hội thánh qui định qua các giáo huấn như:

1,1 Lời ca phải phù hợp với giáo lý công giáo, nhất là trích ra từ Kinh thánh và các nguồn phụng vụ (HCPV 121)

1.2 Bài hát càng gắn liền với động tác phụng vụ bao nhiêu càng thánh thiện bấy nhiêu (HCPV 112 c)

1.3 Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa nên phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thúc nghệ thuật cao (HTTN 4 a)

1.4 Thánh nhạc khác với nhạc đời ở chỗ khi hát lên, lời ca phải được nghe và hiểu rõ ràng chứ không bị đòng nhạc át đi (x HTTN 15 b, 26, 51 và 64)

1.5 Bài hát bằng tiếng nước nào phải hợp với tâm tình và ngôn ngữ của tiếng nước ấy (HCPV 119, 129)

Riêng về điểm cuối cùng này, Hội thánh đã có Huấn thị số 5 khuyến khích việc hội nhập văn hóa. Hiện nay có khuynh hướng và nỗ lực đưa nhạc dân tộc và những làn điệu dân ca vào trong Thánh Nhạc. Chúng ta đã có sẵn những cung kinh, cung ngắm, cung sách. Những thứ này một thời thịnh hành rồi sau bị quên lãng, nhưng nay đang bắt đầu được phục hồi và sử dụng lại, vì đó là gia sản quí giá do cha ông chúng ta để lại, với tất cả tâm tình và kiểu cách thích hợp cho việc thờ phượng. Vậy chúng ta nên tìm cách dùng lại, thay vì dùng những điệu cỏ lả, quan họ Bắc Ninh, Lý con sáo, ngựa ô v.v…, vì những thứ đó không phải là nhạc nhà thờ. Có chăng là tìm hiểu, nghiên cứu rồi chắt lọc lấy phần tinh hoa của những thứ ấy cho nhuần nhuyễn để thành của mình, rồi mới đưa vào thánh ca.

Thánh Nhạc cấm không cho đặt lời đạo vào các bài hát đời như Wedding, One day, Love story… hay một khúc trong Symphonie số 5 của Beethoven, như có nơi đã làm. Cũng không được hát những bài như Ơn nghĩa sinh thành của Dương thiệu Tước hay Lòng mẹ của Y Vân trong các lễ tang, lễ giỗ. Cùng lắm là hát ở nhà tư trước bàn thờ gia tiên, vì khi sáng tác những bài đó, các tác giả không có ý để dùng hát trong nhà thờ và đó cũng không phải là loại thánh ca.

Để tôn vinh Thiên Chúa, loài người không có cách nào cho cân xứng, vì Thiên Chúa vô cùng cao cả và trổi vượt. Bởi thế, chỉ có cách là đem tất cả tấm lòng thành ra mà cử hành cho xứng đáng và “Nên nhớ rằng tính long trọng đích thật của một buổi cử hành phụng vụ không tùy thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ, hay phô diễn các lễ nghi cho bằng dựa vào phong cách cử hành xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức.” (ANTPV 9,11)

2. Thánh hóa các tín hữu

Chức năng thứ hai của Thánh Nhạc là thánh hóa các tín hữu, nghĩa là dùng lời ca tiếng hát đưa tâm hồn họ lên cùng Thiên Chúa, làm cho họ cảm nghiệm được rằng Người là Đấng tốt lành, đầy yêu thương và thành tín. Qua ý nghĩa của lời ca và vẻ đẹp của dòng nhạc, họ như được cuốn hút bởi một động lực siêu nhiên làm cho họ say sưa kết hợp với Người. Mục đích của Thánh Nhạc là như thế và nhiệm vụ của Thánh Nhạc cũng là cố sao cho đạt mục đích này. Vì thế, mối bận tâm lớn của Thánh Nhạc là làm thế nào, khi sáng tác hay ca hát, phải có cái gì giúp giáo dân cầu nguyện và đánh động lòng tin cho người ta gắn bó và cậy dựa vào Thiên Chúa nhiều hơn. Vì thế, loại nhạc nào vô hồn, vô bổ, kém nghệ thuật, không có nội dung nuôi dưỡng lòng đạo đức sốt sắng, thì không nên và không được mang vào nhà thờ. Nói như thế xem ra có vẻ đòi hỏi. Mà thực sự là đòi hỏi. Tuy vậy, Hội thánh cũng không phế bỏ loại nhạc nào, miễn là những loại nhạc ấy hợp với phụng vụ và những phần đoạn trong thánh lễ và không ngăn trở người ta cầu nguyện cho đích đáng. Nếu hiểu như vậy, người ta sẽ rất cẩn thận khi ca hát trong nhà thờ và sẽ hát như thánh Âu-tinh dạy để thánh hóa tâm hồn mình và tâm hồn những người khác: “Hãy hát ra tiếng, hãy hát từ cõi lòng, hãy hát bằng miệng, hãy hát bằng tất cả cuộc sống. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung. Lời ngợi khen Đấng phải được hát mừng, chính là con người đang ca hát, Hãy sống như điều bạn hát. Bạn sẽ là lời ngợi khen Thiên Chúa, nếu bạn sống tốt lành.” Sách Các bài đọc GKPV, Mùa Phục sinh, Tuần III, ngày thứ ba, trang 175)

Kết luận

Trên đây là đôi dòng nhắc lại vắn tắt về chức năng của Thánh Nhạc. Sở dĩ phải nhắc lại vì nhiều người để ý đến những gì khác khi nói về Thánh Nhạc, mà ít để ý đến điều quan trọng này. Nếu không đặt trọng tâm vào đó, người ta sẽ hiểu biết, cảm nhận, phê bình Thánh Nhạc chỉ ở ngoại vi mà thôi chứ không phải ở phần cốt yếu. Thánh Nhạc liên quan trực tiếp đến việc thờ phượng và là thành phần không thể thiếu. Vì vậy, phải hiểu cho đúng mới thờ phượng tốt được.
 
Mẹ ơi, xin thứ lỗi - nguyên tác Mama của Il Divo
DH chuyển dịch
14:22 07/05/2009

Mẹ




Cám ơn mẹ những gì con được
Và những gì từ trước vẫn. .. chưa
Bao lần ngần ngại chẳng thưa. ..
Xin mẹ tha lỗi. .. từ xưa đến giờ !

Con vẫn nhớ. .. tuổi thơ bé dại
Yêu con nhiều, mẹ phải hy sinh
Cho con luôn có niềm tin
Cho con nương tựa, an bình lớn khôn !

Con cũng biết: mẹ luôn tin tưởng
Cả giấc mơ, cũng hướng về con
Vì con đời mẹ hao mòn
Nuôi con khôn lớn vẹn tòan trí nhân !

Con vẫn nhớ bao lần mẹ khóc
Mẹ buồn rầu, cực nhọc vì con
Vì con, bạc tóc lưng còng
Mẹ ơi, tha lỗi. .. cho lòng con yên !!!

... Con mong ước mẹ hiền chẳng giận
Với nụ cười, mẹ vẫn thứ tha
Đời con, mẹ cũng thấy ra:
Bước con vẫn chọn: thái hòa êm trôi

Con như có mẹ ngồi kế cận
Những lúc con lận đận gian lao
... Mẹ ơi, . .. nhớ mẹ biết bao
Công ơn sinh dưỡng, đời nào trả xong ?!!
 
Lắng nghe và thực thi Lời Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
15:25 07/05/2009
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (B)

Cv: 9: 26-31; Tv: 22; I Ga 3: 18-24; Ga 15: 1-8

Anh chị em thân mến,

Ông Bà tôi là chủ đất ở thành phố Brooklyn. Nói là chủ đất cũng hơi quá đáng, thật ra Ông Bà chỉ có miếng vườn sau nhà thôi. Giữa vườn có một chỗ tráng xi măng có che mái gọi là chái nhà sân sau. Chung quanh đó, ông tôi trồng ít rau cải, và cây ăn trái gồm 2 cây vã và một cây đào. Cây vã là loại thích hợp với khí hậu vùng Địa Trung hải, nên khi mùa đông có gió bấc lạnh thổi xuống, chúng tôi cột cố định các cành cây vào thân cây và bọc nó lại với giấy sốp đen, với hy vọng màu đen sẽ giữ được một ít hơi ấm của mặt trời mùa đông. Trong suốt mùa đông, chúng ta có thể thấy hai cây vã ở vườn sau nhà. Vì cành được cột chặt vào thân cây và trùm kín lại, nên cây trông như một tấm thảm đen bao bọc một cái thùng lớn. Đôi khi, tuyết phủ dầy cả vườn đến hết mùa đông.

Nhưng sau một mùa đông rét giá nọ, đã làm 2 cây vã gần như chết. Ông tôi muốn trồng 2 cây đào với một cây vã thôi. Ông tháo bao một cây ra rồi mổ tách vỏ. Xong ông chặt một cành đào và tháp vào thân cây vã đã chặt hết cành. Ông bao chặt chổ tháp cành đào vào cây vã rồi bảo chúng tôi hãy đợi xem chỗ tháp sẽ ra sao. Nếu tháp không tốt thì cành đào sẽ chết. Chúng tôi tự hỏi, nếu cánh đào tháp sống được thì chúng tôi sẽ nhận được trái cây gì từ cành đào tháp này. Và cành tháp đã sống được, để đến mùa hè sau đó bắt đầu cho trái: trái đào. Gốc vã đã cung cấp cho cành đào nhựa sống để sinh hoa và cho trái ăn ngon. Nếu không có nhựa sống từ gốc vã, cành đào sẽ chết và chúng tôi không được ăn mứt và bánh đào do bà tôi làm. Trong lúc tháp, hai cây đều chịu cắt tỉa khó khăn và đau đớn; một cây bị chặt cành và một cành đào bị chặt lìa cây. Đốn chặt cây là biện pháp phải chịu đau đớn một thời gian ngắn để sinh hoa trái tốt theo ý muốn.

Chúng ta cũng giống như cành tháp vào gốc chủ. Theo cách của nhà nông khi nói về cây nho, Chúa Giêsu cũng nói cho chúng ta biết phải sống liên kết với Ngài nếu muốn sinh hoa trái. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được tháp vào Chúa Giêsu, và chúng ta hưởng sự sống từ Ngài. Cành đào thì cho trái đào. Nếu ông tôi tháp cành mận thì chúng tôi sẽ có trái mận. Bà tôi sẽ có mận để làm mứt. Chúng ta được tháp vào Chúa Giêsu thật, nhưng chúng ta vẫn giữ bản chất của chúng ta với những tài năng riêng của mình như năng khiếu về nhạc, kể chuyện, nấu nướng, viết sách, tổ chức, săn sóc, lôi cuốn thuyết phục,.v.v...

Chúng ta mỗi người mỗi khác. Nhưng chúng ta vẫn cùng hưởng sức sống từ Chúa Kitô là cội nguồn sự sống của các Kitô hữu nơi trần gian. Chúng ta không có những cặp Kitô hữu sinh đôi, mỗi chúng ta đều đặc biệt. Nhưng nguồn gốc của sức sống trong mỗi chúng ta là một. "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở trong anh em". Nếu có đứa nào trong chúng tôi gở cành đào tháp ra khỏi gốc vã, chắc sẽ bị ông tôi trách phạt, vì chỉ còn một cành cây khô không lá, dĩ nhiên là không mong gì có mứt và bánh đào để ăn. Mỗi chúng ta đều được tháp vào Chúa Kitô, và sinh hoa trái. Hầu giúp cho những người cần chúng ta giúp đỡ và tha thứ cho họ.

Mỗi khi chúng ta cùng nhau cử hành Phụng vụ, là chúng ta bày tỏ niềm ao ước được gắn liền với Chúa Kitô và với tất cả mọi người. Nhờ Phụng vụ, qua việc lắng nghe Lời Chúa trong sách Thánh, trong sự xướng đáp lời kinh Thánh Thể, cùng với cộng đoàn, chúng ta rước Thánh Thể. Và cùng ý nghĩa đó, trong khi cử hành Phụng vụ các Bí Tích, giúp chúng ta hiệp thông với nhau.

Trong lúc quan sát ông tôi làm việc, chúng tôi biết ông tôi có ý tốt, là cho chúng tôi sẽ được hưởng thành quả của những việc ông làm. Dù vậy, khi ông đốn cây và chặt cành, chắc hai cây bị đau lắm. Vậy khi Thiên Chúa đốn chặt chúng ta, chúng ta có bị đau không? Và đau như thế nào? Trong Bí Tích Thánh Thể này, có việc đốn và chặt trong chúng ta không khi nghe Lời Chúa được đọc trong cộng đoàn? Chúa Giêsu nói "anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em"(Ga.15,3). Lời Chúa luôn nói với chúng ta, và khi nghe Lời ấy, đó là cách để "sống liền với cây nho". Chúng ta đang lắng nghe Lời Chúa, vì Lời đó nhắc nhở chúng ta tình thương của Ngài, và Chúa hằng sẵn lòng tha thứ cho chúng ta.

Nếu Thiên Chúa cần "đốn chặt" để chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, hầu sinh hoa trái tốt tươi, đó chính là lúc chúng ta lắng nghe Lời Chúa. Những điều chúng ta nghe, có thể giúp chúng ta thấy được là đã bao nhiêu lần quên, hay không để ý đến Lời mời gọi của Chúa. Cũng như nhiều khi chúng ta cảm thấy khó chịu, sượng sùng, khi có người bạn làm điều gì tốt cho chúng ta, nhưng chúng ta lại quên đi, không để ý đến hay không cảm nhận được lòng tốt ấy. Những trường hợp đau lòng này nhắc chúng ta không nên để xảy ra nữa, vì nó làm hại đến tình bằng hữu. Cũng vậy, việc "đốn chặt" của Thiên Chúa là luôn làm theo Lời Người. Khi nghe Lời Chúa, chúng ta có thể chấp nhận, và đáp lại một cách mật thiết hơn tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Mỗi tuần, chúng ta họp nhau để gắn liền chúng ta vào gốc nho và với các cành nho khác. Chúng ta cùng cầu xin và quyết tâm là kể từ hôm nay chúng ta sẽ để ý nghe và đáp lại Lời Chúa.

Ngoài việc Phụng vụ ra, chúng ta có thể nghe Lời Chúa bằng cách nào khác nữa để được "sống trong Ngài"? Có nhiều cách để mở lòng rộng rãi đón Chúa. Có những dịp như: Vào các nhóm cầu nguyện và dự lớp học Thánh Kinh. Nhờ đó, chúng ta có được những lúc cầu nguyện riêng, đọc Thánh Kinh và suy gẫm những bài sách thiêng liêng v.v... Đó chính là lúc chúng ta nghe Lời Chúa và được “sống trong Ngài”

Thiên Chúa lại còn nói với chúng ta qua tha nhân như: Những lúc chúng ta nói chuyện trong gia đình, với bạn bè, với những người tư vấn hay những nhóm tình nguyện, những người chúng ta gặp thường ngày v.v... Chúng ta hãy nhớ, Chúa Giêsu đã nói là Ngài ở trong những người bị ruồng bỏ, và những người nghèo. Mỗi khi chúng ta gặp họ, chúng ta nên cố gắng lắng nghe tiếng Chúa qua họ. Ngoài những dịp đối thoại với họ, có những dịp khác như khi chúng ta đọc những bài tường trình hay các mạng tin tức về những vấn đề khó khăn của xã hội hiện nay. Các phương tiện truyền thông có thể là dụng cụ của Chúa Giêsu dùng để nói với chúng ta và nhắc chúng ta nên ở với "Ngài" để được sinh "hoa trái tốt tươi".

Trong bài đọc hai hôm nay, thánh Gioan cho chúng ta biết hoa trái của chúng ta có được là nhờ gắn liền cuộc sống với Chúa Giêsu: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm." (1Ga.3,18)

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Phải chăng vẫn còn cơ may để cứu vãn lý trí ?
LM. Nguyễn Hữu Thy
15:59 07/05/2009
Phải chăng vẫn còn cơ may để cứu vãn lý trí ?

Bài phát biểu thời danh của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tại đại học Regensburg ngày 12.9.2006 mãi đến hôm nay vẫn luôn là «ngòi châm» cho các cuộc trao đổi bàn tán. Nhưng lại được bàn đến rất ít trong thế giới đại học. Phải chăng nguyên nhân là do đoạn trích dẫn về hoàng đế Manuel II, một đoạn văn đã từng gây nên những sóng gió ồn ào, những những phản ứng tiêu cực trong thế giới Ả Rập Hồi giáo? Hay: Đức Thánh Cha đã chọc mũi nhọn trí thức và tinh thần của ngài vào vết thương đang cần phải được để yên hầu chóng hàn gắn lại, tức nền hòa bình vốn mong manh giữa thế giới Hồi giáo và thế giới Âu Mỹ?

Là một nhà trí thức uyên thâm lỗi lạc, chắc hẳn Đức Thánh Cha đã quá hiểu rõ những điều đó, nhưng đối với ngài vấn đề chủ chốt được đề cập tới trong bài phát biểu của ngài là những vấn nạn đầy bức xúc hiện nay trên thế giới, mà ngài với tư cách là Vị Đại Diện của Đấng đã khẳng định «Ta là sự thật» không thể bỏ qua được, dù với bất cứ lý do hay hậu quả nào. Vâng, đó là vấn đề quyền tự do tôn giáo của con người, nghĩa là quyền được tự do lưa chọn cho mình một tôn giáo thích hợp với nhu cầu tâm linh của mình. Dĩ nhiên, ở đây còn bao gồm cả vấn đề đầy gáy cấn còn đang làm rúng động cả thế giới, đó là liệu các tín đồ thuộc các tôn giáo có được phép lấy tôn giáo làm ý thức hệ, làm lý do chính đáng để biện minh cho các cuộc khủng bố, các cuộc ám sát liều chết hay các cuộc chiến tranh do họ gây ra để giết hại bao người vô tội khác hay không. Và trong tình huống này thì sự tương quan giữa đức tin và lý trí đóng một vai trò trọng yếu, vì đây là một trong những chủ đề quan trọng nhất về cuộc sống của nhà thần học thời danh Josef Ratzinger.

Bởi vậy, hiện nay đã xuất hiện một cuốn sách bằng tiếng Đức với tựa đề hết sức độc đáo: «Gott, rette die Vernunft!» ( Lạy Chúa, xin Chúa hãy cứu vớt lý trí). Nội dung bao gồm những cuộc luận bàn mang tính cách triết học về bài phát biểu của ĐTC Bênêđíctô XVI tại đại học Regensburg như đã nhắc đến ở trên. Phải chăng lý trí cần phải được cứu vớt, cần phải được bào toàn, hay ở đây còn muốn đề cập tới một điều gì đó còn sâu sắc thầm kín hơn? Câu trả lời cho câu hỏi trên các độc giả sẽ tìm gặp ngay ở trang đầu của cuốn sách, bởi vì thật may mắn là bản văn bài phát biểu của Đức Bênêđíctô XVI ở Regensburg cũng như hai bài giảng quan trọng của ngài trong chuyến tông du Đức quốc (một bài tại Islinger Feld ở Regensburg và một bài ở Neuen Messe München) đều đã được in ra. Bài giảng của vị « Giáo sư-Giáo Hoàng» Josef Ratzinger với đề tài «Đức tin thì đơn sơ giản dị» trình bày sự thấm nhập đơn giản, hay nói đúng hơn, sự thấm nhập sơ đẳng đầy hấp dẫn vào trong lãnh vực hết sức phức tạp của Đức tin và lý trí, của bạo động và hòa bình.

Ở đây, Đức bênêđíctô XVI dựa trên nguyên tắc sự tuyên tín của các Tông đồ để khám phá ra nền tảng đức Kitô giáo. Ở đây, mỗi người đều có thể hiểu rõ được một cách trực tiếp tại sao lý trí con người vốn là ơn lành của Tạo Hóa trao ban, vốn là «logos», không ai được phép khinh thường và loại bỏ. Đức tin có những lý do mà trí năng con người cũng có thể dễ dàng hiểu được, đúng là «fides quaerens intellectum». Ngược lại, ai đòi hỏi một «đức tin mù quáng», tức tin một cách tối mặt, nhắm mắt tin, chứ không cần tới sự can thiệp của trí năng, v.v… thì sẽ ngụp lặn trong sự sai lạc và cuối cùng sẽ không tránh khỏi được chủ nghĩa cuồng tín.

Bởi vì đức tin và lý trí có thể được coi như hai chị em song sinh, tuy khác biệt nhau, nhưng không hề tách rời nhau. Bởi vậy, người ta có thể phản đối chủ trương của phong trào «cải cách» về một «lý trí thuần túy», một lý trí chỉ chấp nhận những điều cụ thể hiển nhiên và khả nhận thức được một cách hữu lý và do đó chối bỏ thế giới đức tin, thế giới linh thiêng, thế giới của những chân lý và của những thực tại vô hình. Nếu những người vô thần vì do sợ hãi trước Thiên Chúa và vũ trụ đã tìm mọi cách chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa trong vũ trụ là dư thừa, không cần thiết, như Đức Bênêđícto XVI nhấn mạnh, thì trên thực tế những người vô thần đó đã vô tình hay hữu ý mở ra một con đường mới cho một thế giới phản nhân bản.

Những luận bàn có tính cách triết học về bài phát biểu ở Regensburg của Đức Bênêđíctô XVI đã tập hợp được năm nhà triết học nổi danh hay chưa được nổi danh lắm thuộc các nước khác nhau: Mỹ, Ai Cập, Pháp, Đức và Do Thái. Nguyên sự kiện các tác giả của năm nước khác nhau này cùng chung nhau đưa một quan điểm đã là nói lên tầm quan trọng của cuốn sách. Hơn nữa, khác với khuynh hướng bình thường của các nhà xuất bản tại Đức trong những tác phẩm đặc biệt, ở đây tiêu chuẩn lựa chọn rõ ràng không phải quan điểm mang tính cách phê bình chỉ trích Rôma, nhưng là danh tiếng quốc tế và môi trường sống thực tiễn của các tác giả. Tất cả họ đều nghiên cứu và làm sáng tỏ những gợi ý của Đức Thánh Cha trong bài phát biểu của ngài một cách thành tâm và đầy nhiệt huyết, dựa theo các nền văn hóa, các tôn giáo, các quan niệm hay các hệ thống tư tưởng khác nhau của họ. Và tất cả những điều đó cũng quá đầy đủ để nói lên tính cách đa phức cũng như những giá trị hết sức quan trọng và cần thiết trong các bài viết của các nhà tư tưởng ấy.

Đúng vậy, trong bài viết của tác giả Wael Farouq, giáo sư văn chương Ả Rập tại đại học Cairo ở Ai Cập, người đọc sẽ cảm nhận được cách sâu xa «Những căn nguyên của nền văn hóa Ả Rập» và tính cách độc đáo của nền văn minh ấy, một nền văn minh mà theo các phân tích minh bạch của giáo sư Farouq đã được dựa trên những rường cột của sự xuất xứ, của ngôn ngữ và của những phong tục tập quán tốt. Do đó, cả là một sự dự định không tưởng và khó chấp nhận được khi người ta quá dễ dàng đem trồng vào cánh đồng thế giới Trung đông những «cây văn minh» của thế giới Tây phương, chứ không thèm quan tâm tìm hiểu và sống va chạm một cách thực tiễn với thế giới ấy trước đã.

Còn tác giả André Gluckmann, một người tuy tự xưng mình một cách mỉa mai là một «triết gia tùy hứng nguyên xi» (ein eigenbrötlerischer Hobbyphilosophe), được coi là một trong những nhà trí thức người Pháp quan trọng nhất. Bài viết của ông trong cuốn sách nói trên được để cập tới «Bóng ma khủng khiếp của cơn bão» là cả một lược khảo hội tụ tuyệt vời giữa triết học Hy Lạp và tín lý Kitô giáo. Câu kết luận của bài viết là: «Chủ thuyết hư vô hằng ra công tạo nên sự dữ vô hình, không thể diễn tả hết và không thể nghĩ tới được. Để chống lại một sự tàn phá về mặt thiêng liêng và lan rộng khắp thế giới như thế, bài phát biểu Regensburg đòi hỏi «đức tin được đặt nền tảng trên Thánh Kinh» và «các vấn nạn Hy Lạp» cần phải thận trọng, để không còn do dự kết hợp thành một liên minh mới mà tôi mong ước là liên minh đó sẽ có thể dành được chiến thắng huy hoàng sau cùng».

Trong khi đó, sự nhấn mạnh của tác giả Sari Nusseibeh trong toàn diện chủ đề nằm ở sự tổng hợp giữa triết học Hy Lạp và triết học Hồi giáo, một sự tổng hợp đã được phát huy ngay từ thời trung cổ. Giáo sự Nusseibeh là người Palestin và dạy triết học ở đại học Al-Quds ở Đông Giêrusalem. Trong bài viết của ông, giáo sư Nusseibeh phân biệt về «Bạo lực: tính cách hợp lý và lý trí» hai cách nhận thức về thế giới được dựa trên lý trí hay trên thần bí học. Theo ý kiến của ông thì sự «sự lạc đề không cần thiết» của Đức Giáo Hoàng, của một «vị truyền bá cái hay đẹp của tôn giáo» về hoàng đế Manuel đã không hề ngăn cản ông trong việc tìm kiếm những điều kiện khả dĩ cho một sự sống chung hài hòa giữa các tôn giáo và các ý thức hệ.

Tiếp đến, trong bài khảo lược của ông, triết gia người Đức Robert Spaemann đã cống hiến cho người đọc một trải nghiệm về một cuộc hành trình chớp nhoáng nhưng đầy đủ trong suốt lịch sử triết học. Đúng vậy,được cảm hứng bởi bài phát biểu của Đức Thánh Cha ở Regensburg, giáo sư Spaemann đã trình bày một tri thức sâu sắc về các bối cảnh triết học nhân loại, từ Platon đến Nietzsche, từ các nhà thần học kinh viện thời trung cổ đến các nhà duy vật, các nhà cải cách vào thế kỷ XVIII-XIX và các người vô thần tân thời. Sự phân tích quan niệm về Thiên Chúa trong Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo hay sự phân biệt của ông giữa bạo lực chính trị và bạo lực nhân danh Thiên Chúa cũng như tình yêu kẻ thù của Kitô giáo đã dẫn đưa người đọc có được một cái nhìn bao quan và tiến rất xa trong mọi lãnh vực cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở lãnh vực trí thức mà thôi.

Sau cùng, tác phẩm «Gott, rette die Vernünft» đã kết luận với bài viết của ông Joseph Weiler, người Do Thái, giáo sư về khoa nhân chủng học và luật pháp Âu Châu tại đại học New York/Hoa Kỳ, không hề có ý quảng cáo cho việc «Nói không với Thiên Chúa» (Neinsagen zu Gott) như tựa đề bài viết của ông có thể làm người đọc hiểu lầm như thế. Vấn đề trọng yếu của tác giả bài viết là sự tự do nền tảng và được xây dựng trên nhân chủng học của con người trong việc được quyền lựa chọn, thay đổi hay cả việc nói không với một định hướng tôn giáo. Dĩ nhiên, giáo sư Weiler không hề biện hộ cho một sự tự do tôn giáo theo nghĩa là một thái độ khoan dung chung chung hay là một sự dửng dưng đối với Thiên Chúa. Theo ông, tầm quan trọng mang tính cách quyết định nằm trong câu phát biểu của Đức Giáo Hoàng «Đức tin chỉ có thể xảy ra trong sự tự do mà thôi». Vâng, theo giáo sư Weiler, câu phát biểu trên chứa đựng cả «sự tự do nói không với Thiên Chúa» như là mặt trái của lời phát biểu. Và nếu quả thực, đúng như những người Do Thái tin tưởng: «Tất cả đều nằm trong tay Thiên Chúa, trừ sự kính sợ Người», thì ở đây quả thực đã nêu lên một đề tài quan trọng, mà rất đáng tiếc là người ta ít khi được nghe trong các bài giảng ở các nhà thờ.

_______________________

Sách tham khảo:

«Gott: rette die Vernunft» - Die Regensburger Vorlesung in der philosophischen Discussion. Nhà xuất bản St. Ulrich, Ausburg, 2008, 192 trang.

Đồng tác giả: ĐGH Bennedikt XVI, Wael Farouq, André Gluckmann, Sari Nusseibeh, Robert spaemann, Joseph Weiler,
 
Cây nho và cành nho
Giuse Đinh Lập Liễm
16:03 07/05/2009
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH B

CÂY NHO VÀ CÀNH NHO

+++

A. DẪN NHẬP

Trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn cây nho và cành nho để dạy các Tông đồ ý nghĩa sự hiệp nhất giữa Đức Giêsu và các Tông đồ, cũng như giữa các Tông đồ với nhau.

Theo dụ ngôn đó, cành nho phải luôn kết hợp với cây nho để lấy được sức sống và sinh hoa kết quả. Cành nào không tháp nhập vào cây sẽ bị cằn cỗi và khô héo dần, chỉ còn quăng vào lửa. Vì thế, để là môn đệ đích thực của Chúa Kitô, điều cần thiết là phải sống kết hợp với Ngài và sống chính cuộc sống của Ngài.

Cành nho có nhiệm vụ phải sinh hoa kết quả. Cành nào không sinh trái sẽ trở nên vô ích, làm hại sức sống của cây, phải được chặt bỏ đi. Cắt tỉa cành nho không có mục đích làm cho thân nho phải đau đớn nhưng là để cho cây giữ được sức sống mạnh mẽ và sinh được nhiều trái hơn. Do đó, sống kết hợp với Chúa không có nghĩa là hoàn toàn loại trừ mọi đau khổ vì chính đau khổ làm cho con người được trưởng thành, gắn bó với Chúa hơn và sinh nhiều công phúc.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 9,26 -31

Thánh Phaolô được ơn Chúa cho trở lại trên đường đi Damas khi ông đi lùng bắt các Kitô hữu về Giêrusalem hành hình. Sau khi được ơn trở lại cách lạ lùng, Phaolô đã đến Giêrusalem trình diện các Tông đồ và xin được ơn chính thức công nhận sứ mạng rao giảng Tin mừng của ông.

Nhưng bước đầu thật khó khăn vì mọi người vừa không tin vừa còn sợ ông. Người ta còn nhớ lại tại Giêrusalem những cuộc truy lùng bách hại ráo riết những Kitô hữu của ông. Nhờ Barnaba đứng ra bảo lãnh nên Phaolô mới được đón nhận. Thế là Phaolô bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng, trước hết từ Giêrusalem, rồi đến Tac-sê. quê hương của ông.

+ Bài đọc 2: 1Ga 3,18-24

Trong đoạn thư này, thánh Gioan Tông đồ cho chúng ta biết làm thế nào để Kitô hữu biết được rằng mình sống kết hiệp với Chúa ? Ngài nói rõ: là nếu họ tin nơi Chúa Kitô bằng một đức tin sống động, và đức tin này được biểu lộ ra bằng một tình yêu thương chân thành với những việc làm cụ thể trong đời sống.

Ngài nhấn mạnh: “Tình yêu phải sinh hoa trái”, nghĩa là yêu thương không phải chỉ bằng lời nói trên đầu môi chót lưỡi mà phải bằng việc làm như cảm thông trong phục vụ, bác ái và bằng việc tuân giữ các điều răn của Chúa Kitô.

+ Bài Tin mừng: Ga 15,1-8

Đức Giêsu muốn dùng dụ ngôn cây nho để nói lên sự thông hiệp chặt chẽ giữa Ngài và các môn đệ. Cũng như cành nho phải tháp nhập vào cây nho thì mới có sự sống và sinh hoa trái, thì Kitô hữu cũng phải kết hợp, gắn bó với Chúa Kitô để có được sức sống thiêng liêng của Ngài và mới có thể mang lại hoa trái ân sủng, sự thánh thiện, sức sống thiêng liêng...

Đức Giêsu còn cho biết thêm: để cành nho cho những hoa trái có chất lượng, cần phải được cắt tỉa, loại bỏ những mầm vô ích. Cũng vậy, Thiên Chúa Cha là người trồng nho thật, cũng cắt tỉa tâm hồn và con tim chúng ta bằng những việc xẩy ra không đúng ý mình muốn, làm cho mình đau khổ, để có thể sinh nhiều hoa trái hơn.

Đức Giêsu cũng còn hứa một điều tốt đẹp khi Ngài nói:”Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin thì sẽ được”(Ga 15,7).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thầy là cây nho đích thực.

Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu đã tự ví mình như Mục tử nhân lành, chăm sóc đoàn chiên và sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên đã được giao phó. Trong bài Tin mừng hôm nay, Ngài lại tuyên bố:”Thầy là cây nho đích thực” để nhắc nhở cho chúng ta phải kết hợp với Ngài để sinh hoa kết quả trong đời sống thiêng liêng.

I. HÌNH ẢNH CÂY NHO TRONG THÁNH KINH

1. Cây nho trong Cựu ước

Trong Thánh kinh, nho là một hình ảnh, một biểu tượng quen thuộc. Có người nói đó là”Cây sự sống”trồng ở giữa vườn địa đàng (St 2,9).

Nhiều lần Cựu ước mô tả dân Israel như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa: ”Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel”(x. Is 5,1-7).

Qua Giêrêmia, thông điệp của Thiên Chúa đã truyền đến cho Israel rằng:”Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt” nhưng vườn nho đã sinh ra quả đắng đót (Gr 2,21).

Tiên tri Ôsê nói: ”Israel là cây nho tươi tốt”(Os 10,1).

Hằng năm dân chúng mừng lễ mùa nho. Isaia sáng tác một bài dân ca mừng vườn nho xinh tươi của người bạn (Is 5,1-2) để ám chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài. Và khi sự việc tệ hại xẩy ra, tác giả Thánh vịnh vẫn xướng lên một bài ca hy vọng:”Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng”(Tv 80,15-16).

Cây nho đã trở nên biểu tượng của dân tộc Israel. Huy hiệu trên các đồng tiền hồi Maccabê là cây nho. Một trong những kỳ công chói lọi trong Đền thờ là cây nho bằng vàng thật lớn đặt trước Nơi Thánh. Nhiều vĩ nhân kể mình có vinh dự lớn khi được phép dâng một số vàng để đúc thêm một chùm trái mới cho cây nho ấy. Cây nho là một hình ảnh đặc trưng của người Do thái và là biểu tượng của dân Israel.

2. Cây nho trong Tân ước

Tại sao trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu lại tuyên bố:”Ta là cây nho đích thật”(Ga 15,1) ? Từ ngữ Alethnos có nghĩa là thật, có thật, đích thực chứ không phải giả tạo.

Sở dĩ, Đức Giêsu xưng mình là cây nho “thật” vì trong Cựu ước, như các tiên tri đã phàn nàn, biểu tượng cây nho luôn luôn được gắn liền với ý niệm về suy thoái.

Trong bức tranh của Isaia, vườn nho đã trở thành vườn nho hoang.

Giêrêmia đã than phiền vì dân tộc ông đã biến thành một cây nho lạ, thoái hóa thành một cây khác.

Ôsê thì kêu lên:”Israel là cây nho trơ trụi”.

Dường như Đức Giêsu muốn nói: các ngươi tưởng vì thuộc về dân Israel nên các ngươi là cành nho thật của Thiên Chúa. Dân Do thái là một cây nho, nhưng là một cây nho thóai hóa y như các tiên tri đã nhìn thấy. Chính Ta mới là cây nho thật.

II. ĐỨC GIÊSU LÀ CÂY NHO THẬT

1. Bối cảnh của dụ ngôn

Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn này sau bữa Tiệc ly lúc tình yêu Thầy trò thật chan chứa. Có người cho rằng lúc ấy Đức Giêsu dẫn các môn đệ ra khỏi thành xuống khe suối Cédron. Ngồi giữa khung cảnh đó, họ thấy nho mọc khắp vùng, rồi Ngài nói:”Thầy là cây nho thật... Các con là cành”. Đồng thời họ cũng nhìn thấy trong thung lũng đêm tối những đám cháy đang thiêu rụi những cành nho đã bị cắt quẳng đi lúc ban ngày. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu nói thêm:”Ai kết hợp với Thầy... thì người ấy sinh hoa trái dồi dào... Ai không kết hợp với Thầy, thì bị quẳng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo, người ta sẽ ném nó vào lửa cháy đi”.

Khi Đức Giêsu khẳng định:”Thầy là cây nho đích thực và Cha Thầy là người trồng nho”(Ga 15,1) thì Ngài muốn các môn đệ nhận ra Ngài là cây nho Chúa Cha đã đưa từ trời xuống trồng cho thế gian được sống nhờ kết hợp với Ngài. Khác với thứ cây nho là dân Do thái được bứng từ Ai cập về như Thánh vịnh 80 đã mô tả: Thứ nho có bóng rậm cả núi non, nhánh vươn tới biển khơi và chồi lan tới sông cả. Nhưng nó chỉ hào nhoáng bên ngoài như cây nho bằng vàng giả tạo đúc trên cổng Đền thờ, nó vô tâm, vô hồn, được người ta ca tụng nó, nhưng nó không biết ca tụng Thiên Chúa, nên Ngài đã để cho kẻ qua lại dầy đạp nó, cho heo rừng và da thú phá hủy nó. (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm C, tr 80)

2. Liên hệ giữa cây nho và cành nho

Khi Đức Giêsu nói:”Thầy là cây nho, các con là cành” thì Ngài có ý nói lên sự cần thiết chúng ta phải kết hợp với Ngài. Theo kinh nghiệm trồng nho của người Do thái: vào mùa xuân, những cành nho tràn ngập sức sống, dưới hình thức của những chiếc lá và nụ hoa. Vào mùa thu, chúng trĩu nặng những chùm nho. Nhưng chúng có được sự sống này, và có khả nặng tạo ra được quả, chỉ vì chúng nối kết với thân cây. Khi bị cắt khỏi thân cây, chúng sẽ không chỉ trở nên cằn cỗi, mà còn nhanh chóng bị khô héo và chết rục. Giống như những cành cây cần đến thân cây, chúng ta rất cần đến Đức Kitô. Khi bị tách lìa khỏi Ngài, thì chúng ta không có sự sống, và không có khả năng sinh hoa kết quả.

Đó là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người chúng ta cần phải liên kết với Đức Giêsu, thì chúng ta mới sống và sống mạnh được. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, nghĩa là chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Điều này phải hiểu một cách tuyệt đối.

Tuy thế, cây nho cũng cần đến cành nho, chính những cành nho tạo ra hoa quả. Điều này có nghĩa là Đức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là những cành nho của Ngài. Cây nho và cành nho cần đến nhau. Bên nhau, chúng tạo ra một sự hợp nhất. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng sự tin tưởng mà Ngài đặt để nơi chúng ta vĩ đại như thế nào. Chúng ta có thể cảm thấy mình không được đầy đủ, nhưng chúng ta phải ghi nhớ rằng cây nho cứng cáp và đầy sức sống. Đức Kitô tùy thuộc vào chúng ta, để tạo ra hoa quả trong thế giới này.

Như vậy chúng ta phải kết hợp với Chúa để được thông ban sự sống, nếu không chúng ta sẽ trở nên những cành cây khô héo, trở nên những con người cô đơn, không giúp ích gì cho mình và cho kẻ khác.

Truyện: Con người cô đơn.

Khắp trên thế giới, nơi đâu cũng có bán máy chụp Kodak. Người ta có thể nói:”Các cửa hiệu bán máy chụp hình và phim Kodak không bao giờ đóng cửa”. Khi các cửa tiệm Đông phương đóng cửa nghỉ, thì các tiệm ở Tây phương mở cửa bán.

Ông chủ hãng phim Kodak sống ở toà nhà sang trọng bậc nhất New York, có không biết bao nhiêu tiền của ký gửi trong các ngân hàng lớn trên khắp thế giới, muốn lấy ra lúc nào tùy thích. Tài khoản thâu nhập của ông không tính theo mỗi năm, mỗi tháng, mà tính theo mỗi giây đồng hồ. Ông muốn gì cũng có, ông hưởng hết phúc lộc của con người. Người nào muốn ra tranh cử Tổng thống cũng đều phải nhờ ông làm hậu thuẫn, giúp đỡ tiền bạc. Mọi thứ trên đời này ông đều có, duy chỉ có một điều vô cùng quan trọng thì ông lại không có. Đó chính là Thiên Chúa. Vì không có Chúa nên lúc nào ông cũng cảm thấy cô đơn trống vắng. Mọi người thấy ông, cứ nghĩ là ông được sung sướng, nhưng thực ra ông rất đau khổ.

Ông dùng tiền của quá dư thừa của mình mà đi chu du vòng quanh thế giới, hưởng muôn sự khoái lạc thế gian, hầu khỏa lấp nỗi cô đơn, trống vắng trong cõi lòng. Nhưng một tâm hồn không có Chúa thì tất cả vũ trụ cũng không thể làm cho họ được hạnh phúc.

Kết thúc chuyến du lịch vòng quanh thế giới mà cõi lòng ông vẫn hoang vắng, buồn bã. Vì quá tuyệt vọng, ông đã lao mình xuống đại dương mênh mông tìm sự giải thoát.

3. Muốn nhiều hoa quả, cần cắt tỉa.

Người ta trồng nho để lấy quả, cành nào không sinh hoa quả thì trở nên vô ích, cần phải cắt bỏ. Chúa bảo chúng ta là cành phải sinh hoa kết quả thì mới phát triển theo thánh ý Chúa. Chúng ta trổ sinh hoa quả, bằng cách phát triển, xử dụng và chia sẻ năng khiếu đó cho nhau vì mỗi người chúng ta đều có một số năng khiếu mà Chúa ban cho. Thế giới đang chờ đợi hoa quả của chúng ta. Đó là gieo rắc tình thương để mọi người biết yêu Chúa và yêu thương nhau.

Cắt tỉa cây nho là một điều cần thiết và là điều kiện để sinh nhiều hoa trái. Một cây nho tơ trong ba năm đầu chưa có trái, mỗi năm nó phải được tỉa thật sạch để có thể phát triển và giữ được sinh lực. Khi đến độ trưởng thành, người ta cắt tỉa nó vào mùa đông.

Có hai loại cành nho, một loại sinh trái và một loại không sinh trái. Loại cành không sinh trái phải chịu cắt bỏ không thương tiếc, để lại, chúng hút mất sinh lực của cây nho. Cây nho sẽ không cho trái đúng mức nếu không bị cắt tỉa thật kỹ. Chúa Giêsu biết rõ điều đó.

Nhưng cắt tỉa là một quá trình gây đau thương cho một cây ăn quả. Đây là một thực tế không thể chối cãi được. Nhưng mục đích của việc cắt tỉa này không phải là bắt thân cây phải chịu đựng đau đớn, mà là để giúp cho thân cây tạo ra nhiều quả hơn, và quả được ngon hơn.

Nói tới việc cắt tỉa là chúng ta phải nói đến vấn đề đau khổ. Vấn đề đau khổ là một thực tại ngàn đời tồn tại và luôn luôn đòi được giải đáp. Đau khổ đến với ta dưới mọi hình thức: tinh thần, thể xác, bên ngoài, bên trong, cá nhận, tập thể, cộng đoàn. Ta có cảm tưởng đó là một lực lượng đến phá hủy tiềm năng phát triển con người. Nhưng với ánh sáng Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy được một khía cạnh của đau khổ. Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để thanh luyện chúng ta, để cho ta sinh hoa trái tươi tốt về đàng thiêng liêng. Điều cần thiết là phải lãnh nhận đau khổ với tinh thần đức tin và sự cậy trông ở lòng thương vô biên của Thiên Chúa.

III. KẾT HỢP VỚI CHÚA KITÔ

Đọc dụ ngôn cây nho và cành nho, chúng ta thấy rõ ý Đức Giêsu là Ngài muốn chúng ta kết hợp với Ngài. Mầu nhiệm cây nho được Đức Giêsu tóm lại trong hai sự việc sau đây: kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa muốn dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa, có kết hợp với Chúa mới đem lại kết quả thiêng liêng cho kẻ khác và cho chính mình.

Chúng ta nên để ý đến câu Đức Giêsu nói với các môn đệ “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin mừng này. Đây là bổn phận của một cành nho. Điều kiện này không thể thiếu được, nếu không muốn đời sống siêu nhiên của mình bị héo tàn và vô dụng, vì Chúa nói rõ:”Không có Thầy, các con không thể làm được gì”(Ga 14,5) hoặc: ”Không ở trong Thầy, các con không thể sinh hoa trái”.

Nếu chúng ta được ở trong Đức Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Ngài cũng ở trong Thiên Chúa nên khi chúng ta kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi. Tư tưởng này đã được thánh Hilariô trình bầy trong bài khảo luận về Chúa Ba Ngôi mà chúng ta trích dẫn sau đây:

“Nếu Người chỉ muốn ta hiểu về sự hiệp nhất theo ý chí, thì tại sao Người lại trình bầy sự hiệp nhất phải được hoàn thành theo một tiến trình và một trật tự ? Đó là vì chính Đức Kitô ở trong Chúa Cha theo bản tính Thiên Chúa, và chúng ta ở trong Đức Kitô theo bản tính nhân loại Người đã lãnh nhận; do đó, chúng ta tin rằng Đức Kitô ở trong chúng ta nhờ bí tích Thánh Thể. Nhờ vậy, chúng ta biết được sự hiệp nhất trọn hảo do Đấng Trung gian thực hiện: Khi chúng ta ở trong Đức Kitô, thì Người vẫn ở trong Chúa Cha, và khi Người ở trong Chúa Cha thì Người cũng ở trong chúng ta nữa. Như thế, chúng ta ngày càng tiến triển trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, bởi vì Chúa Con vẫn ở trong Chúa Cha theo bản thể do được sinh ra từ thuở đời đời, và chính chúng ta cũng ở trong Đức Kitô theo bản thể, đang khi Người ở trong chúng ta theo bản thể” (Trích Các bài đọc Kinh sách, Mùa chay và phục sinh, tr.26).

Đó là sự kếp hợp giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa cây nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao ? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, không ai chủ trương “Mỗi người là một hòn đảo” mà sống tốt được. Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi, khô héo và rời rụng đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác.

Truyện: Kết hợp với Chúa.

Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn độ Rabindranath Tagore đã viết như sau:

“Trên bàn tôi là sợi dây Guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào. Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn Guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc.

Cũng thế, trong cách trồng cây cà chua, cây yếu ớt ngã xoài trên mặt đất, nhiều khi lá bị héo úa dập nát. Nhưng nếu cây được cột vào một cọc dựng đứng, mọi phần tử của cây được phơi ra ánh nắng, cây sẽ mơn mởn và đâm nhiều bông trái. Chính vì bị ràng buộc mà cây đã có nhiều triển vọng sinh hoa kết quả”(Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 39).

Chúng ta cần lặp lại lời Đức Giêsu đã nói với chúng ta: ”Không có Thầy các con không làm được gì”(Ga 14,5). Chúng ta sống được là nhờ có ơn Chúa, mọi sự phải nằm trong tay Chúa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi có ơn Chúa nâng đỡ, ngoài Chúa ra không ai có thể giúp đỡ chúng ta làm được việc gì sinh ơn ích cho phần rỗi chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng phải cần đến nhau vì, theo Thomas Merton, “Không ai là một hòn đảo”. Mọi người phải liên đới với nhau, hành động của người này ảnh hưởng đến công việc của người kia. Vì thế, muốn hưởng tự do của mình, ta phải tôn trọng tự do kẻ khác. Nói cách khác, tự do của mỗi chúng ta ràng buộc lẫn nhau và giúp đỡ lẫn nhau nữa.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Phẩm giá cao đẹp của Phụ Nữ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:11 07/05/2009
PHẨM GIÁO CAO ĐẸP CỦA PHỤ NỮ

Tin Mừng đại lễ Phục Sinh đã dành cho giới phụ nữ một vị thế đáng trân trọng. Họ là những người nhận được tín hiệu Phục Sinh đầu tiên. Họ là những người được Đấng Phục Sinh cho gặp mặt trước hết. Và chính họ còn là những người được trao nhiệm vụ lớn lao là đem Tin Vui Phục Sinh đến cho các Tông đồ.

Tại sao phụ nữ lại có được ưu thế ấy mà không phải là các Tông Đồ ? Phải chăng chỉ vì họ là phụ nữ ? Tất nhiên không phải thế, mà vì những lý do khác.

VÌ HỌ CHÂN THÀNH

Phúc Âm kể: từ sáng sớm khi trời còn tối ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ đã đến thăm mồ Chúa Giêsu. Chiều thứ Sáu, sau khi Chúa Giêsu chịu chết, người Do thái đến xin Philatô cho hạ xác những người bị đóng đinh xuống. Họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày Sabat. Phép tắc thủ tục xong, xác Chúa Giêsu được hạ xuống thì đã chiều tà, và theo phong tục của người Do thái, họ tính ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời lặn, khi mỗi người với mắt thường nhìn thấy được ít nhất vì sao lấp lánh trên bầu trời. Vì thế Đức Mẹ cùng với bà Maria Mađalêna và các môn đệ phải hối hả lo chôn xác Chúa Giêsu cho xong để về nhà trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật tôn giáo, vì ngày Sabat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi. Vì hối hả nên các bà về nhà, rồi nhận thấy mình không cẩn thận đủ với Thầy kính yêu của mình, nên bà nán lòng chờ đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, đem thuốc thơm đến mồ để ướp lại xác Chúa. Theo định luật tâm lý: trái tim giới nữ chỉ có một ngăn duy nhất, một khi ngăn ấy đã dành cho ai thì chỉ có yêu một mình người ấy mà thôi. Các phụ nữ này rất yêu mến Chúa Giêsu. Chứng kiến cuộc khổ nạn, các bà càng yêu mến Thầy mình hơn. Họ bất chấp tất cả. Bất chấp sự chết, bất chấp mồ bị niêm phong, bất chấp cả lính canh. Miễn là họ được ở gần vị Thầy tôn quý. Thiết tưởng, một trái tim chân thành như thế, ở giới nữ cũng như ở bất cứ ai, cũng xứng đáng nhận được Tin Mừng Phục Sinh.

VÌ HỌ TRUNG THÀNH

Trước thảm kịch ngày thứ sáu tuần thánh, chẳng ai bảo ai, các Tông đồ trốn chạy mỗi người một ngả. Mạnh miệng như ông Tôma có lần hạ quyết tâm “Nào cùng lên Giêrusalem chịu chết cả đám”, thế mà trong ngày thương khó của Chúa, ông là “người thợ lặn” giỏi nhất, lặn biệt tăm. Sôi nổi như ông Phêrô có lúc đã quyết liệt “Dẫu mọi người bỏ Thầy, con đây xin đồng sinh đồng tử với Thầy”. Thế mà sau đó chính ông trở thành kẻ chối Chúa táo bạo nhất, không chỉ một lần mà những ba lần. Giuđa bán Thầy giá rẻ bằng 1 tên nô lệ. Đầu Bin Lađen còn được treo giải 5 tirệu đôla. Đầu Sađam Hussein tới 36 triệu đôla. Trong khi cái đầu của Thầy chỉ đáng giá …một tháng lương. Các môn đệ trốn chui trốn nhủi vì sợ liên luỵ.

Trong khi ấy, phụ nữ lại là những người gắn bó trung thành với Chúa Giêsu hơn bất cứ ai. Họ có mặt bên Chúa trong cuộc khổ nạn. Họ đứng gần dưới chân thánh giá cùng với Mẹ Maria. Họ góp sức trong lúc an táng. Và dẫu Chúa đã ba ngày bị vùi chôn trong ngôi mộ niêm phong, họ vẫn trung thành đến viếng thăm ngay từ khi bình minh ló rạng. Và thế là cửa mồ đã mở toang và họ được hạnh phúc là những người đầu tiên ghi nhận sự kiện phục sinh. Nếu hạnh phúc không phải từ trời rơi xuống, mà “như ngọc trong đá không có cho ai đi qua hững hờ”, thì rõ ràng gặp được Tin Vui Phục sinh chính là hạnh phúc cho họ và cho tất cả những ai đã trung thành gắn bó với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn đời sống hằng ngày, bất luận họ là giới nữ hay giới nam.

VÌ HỌ NHIỆT THÀNH

Hình ảnh người nữ nêu lên trong Phúc âm Phục sinh rất lạ. Thay vì dáng vẻ yểu điệu thục nữ, thay vì những bước chuyển động nhẹ nhàng dịu dàng, thì phụ nữ lại chạy, chạy vội vàng, chạy hớt hải, cắm đầu mà chạy. Nhưng đó chính là hình ảnh sinh động minh họa cho một chuyển động nhiệt thành. Lòng nhiệt thành chính là điều kiện cần thiết để loan tin vui Phục sinh đến với mọi người.

Chẳng phải vì muốn chơi đẹp như phép lịch sự phương Tây, cũng chẳng phải vì tình cờ ngẫu hứng mà Đức Kitô đã dành cho giới nữ ưu tiên ấy. Mà chỉ vì muốn thông qua họ, Ngài cho thấy một chân lý. Đó là tất cả những ai chân thành tin, trung thành hy vọng và nhiệt thành yêu mến gắn bó với Đức Kitô, dù phải trải qua những khổ nạn trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, họ sẽ là những người hạnh phúc biết sống do và cho Đấng Phục sinh.

Đức Kitô là đấng giải phóng. Một trong các chiều kích giải phóng của Ngài là giải phóng phụ nữ. Có người còn cho rằng chính Ngài là người đã khởi xướng phong trào giải phóng phụ nữ. Trong xã hội Do Thái của thời Ngài, người nữ chỉ là một con số không, thế mà Ngài đã đối xử với họ một cách thật trân trọng. Chúa đã quí mến Matta và Maria. Trong nhóm người theo Ngài vẫn có những phụ nữ. Dưới thập giá Ngài, ngoài thánh Gioan ra, chỉ toàn là phụ nữ.

Phụ nữ chân thành, trung thành và nhiệt thành. Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số nhân loại. Phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trên mọi lãnh vực xã hội.

Hình như trong mọi tôn giáo, phụ nữ chiếm đa số thành phần tín hữu giữ đạo. Thế nhưng quyền bính về tôn giáo thì hầu hết lại do người nam nắm giữ. Phải chăng mọi tôn giáo đều mang cái mầm ‘ghét phụ nữ’ (misogynic) hay vì các tôn giáo được khai sinh vào thời đại mà quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong tổ chức tôn giáo?

Nhưng cũng bởi vì chúng ta vừa là người Việt Nam vừa là Kitô hữu, nên chúng ta mang trong trong lòng mình cùng một lúc hai truyền thống: truyền thống Việt Nam với nhiều dấu ấn của Tam giáo, và truyền thống Kitô giáo với nhiều vết tích của Do Thái giáo. Vì thế, khi nói đến người nữ, một số quan niệm - có thể rất lỗi thời, nhưng vẫn âm ỷ sống - cứ chực trào lên. Về phía Khổng giáo: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Về phía Do Thái giáo, sách Talmud ghi: “Thà đốt sách Torah còn hơn là trao sách ấy cho một phụ nữ”.

Xuyên qua dòng lịch sử thăng trầm, chỗ đứng của người phụ nữ trong các tôn giáo như thế nào?

1- Phụ nữ trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo

a. Trong Do Thái giáo

Trải qua một thời gian thật dài, người phụ nữ Do Thái chẳng những không có quyền lên tiếng ở Hội Đường; mà ngay cả trong tổ chức của các cộng đồng Do Thái, họ cũng không được quyền tham dự. Hai mươi năm trở lại đây, trong các cộng đoàn Do Thái giáo ở ngoài Israel, người ta đã thấy người nữ bắt đầu học hỏi về Talmud. Một số phụ nữ đã trở thành luật sư trong các tòa án cộng đồng Do Thái. Một số người đã được công nhận là rabbi, nghĩa là tiến sĩ luật Do Thái (hiện nay ở Mỹ có hơn 500 nữ rabbi). Tuy nhiên họ chỉ can thiệp vào những công việc toà án và hành chánh. Trong Hội Đường, trước sau như một, Luật Do Thái, Halakhah, vẫn cấm họ lên tiếng; nghĩa là dù họ có tài giỏi và đạo đức đến đâu, thì họ vẫn không có quyền đọc và giải thích Lời Chúa trong Hội Đường.

b. Trong Hồi Giáo

Luật Hồi Giáo Charia không nhẹ nhàng gì đối với người nữ. Họ luôn phải phục tùng chồng, hoặc cha hoặc anh em trai. Ngay về vấn đề thừa kế họ cũng không có quyền được chia gia sản đồng đều với anh hoặc em trai mình. Giá trị của họ chỉ bằng một nửa người nam. Ví dụ về giá trị của một lời chứng, Kinh Coran nói rõ ràng: lời nói của một người nam có giá trị bằng hai người nữ, vì nếu một người quên, thì người kia sẽ nhắc (II, 282). Tuy nhiên cánh cửa về quyền bính tôn giáo không hoàn toàn đóng đối với họ. Kinh Coran vẫn cho họ được bình đẳng với tư cách là tín hữu. Cho tới nay một số phụ nữ đã được học thần học, và có thể nói về đạo ngoài xã hội. Còn trong đền thờ Hồi Giáo thì người nữ không có quyền lên tiếng. Dĩ nhiên, người nữ chưa thể nào giữ chức vụ imam, nghĩa là trưởng một cộng đoàn cầu nguyện, người có thể xướng kinh cho cộng đoàn. Vào thế kỷ thứ XIV, triết gia Ibn Khaldoun - một người được tôn trọng như Thomas d’Aquin đối với Công giáo -, đã khẳng định rằng người nữ không thể nào giữ được chức vị ấy vì không bao giờ đáp ứng được bốn điều kiện sau: kiến thức, sự công minh, khả năng chuyên môn và sức mạnh thể lý. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng: dù sao đi nữa, chức vụ này không thể trao cho phụ nữ vì sứ điệp Coran chỉ dành cho người nam.

c.Trong Phật Giáo

Phật Giáo khó lòng chấp nhận người nữ bằng hàng với người nam. Giáo lý chấp nhận rằng người nữ ‘cũng’ có khả năng đi đến giác ngộ... nhưng phải thông qua một số điều kiện, mà một trong các điều kiện là phải đầu thai làm một người nam. Ví dụ, truyền thuyết về vị công chúa, con vua Sagara (ngay tên công chúa cũng không được ghi, mà chỉ ghi tên cha mình). Cô ở vào tình trạng sắp giác ngộ. Khi nghe một môn sinh của Đức Phật giảng rằng người nữ cũng có thể trở thành Bồ Tát, cô bèn nhập vào hình hài một người nam (!) và giác ngộ. Qua các thời đại, người nữ đã bắt đầu lên tiếng. Tuy tại Việt Nam và tại Trung Quốc không thấy một sự phản kháng nổi bật nào từ phía phụ nữ, thì tại Kampuchia, tại Sri Lanka, tại Đài Loan, tại Thái Lan, một số phong trào phụ nữ đã nổi lên đòi quyền bình đẳng giữa các thượng tọa và các ni cô, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Quả thật, Đức Dalai Lama có kêu gọi để cho người nữ được quyền giữ các chức vị trong tôn giáo như các thượng tọa ở Tây Tạng, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được thực hiện. Năm 1966 một lãnh đạo phong trào phụ nữ đề xuất một bộ luật nhằm đem đến sự bình đẳng trong chức vụ trong Phật Giáo giữa nam giới và nữ giới. Giới thẩm quyền trong đạo đã dứt khoát: “Không có luật đời nào có quyền thay đổi giáo huấn của Đức Phật.” Một tạp chí đăng tải như sau: “Than van về vấn đề kỳ thị nam nữ chỉ là công dã tràng: sự phân biệt ấy là một thực tại gắn liền với kiếp đàn bà.”

2 - Phụ nữ trong Kitô Giáo

a. Hoài bão của phụ nữ

Trong Kitô giáo thì chỗ đứng của phụ nữ có vẻ thuận lợi hơn. Những nền thần học hướng về quyền phụ nữ đã được khởi xướng từ hậu bán thế kỷ 20, cùng với những sự thăng tiến về vai trò phụ nữ trong xã hội. Những tiếng nói đòi hỏi quyền bình đẳng phụ nữ khởi đầu với hai biến cố, đó là sự ra đời của phong trào giải phóng phụ nữ và Thần Học Giải Phóng. Tuy nhiên đòi hỏi này từng gặp sự nghi ngờ của hàng giáo phẩm. Dù sao đi nữa, các nhà thần học nữ trong thế kỷ này có một hoài bão cao hơn: họ muốn được tham gia trọn vẹn vào đời sống các Giáo Hội, mà không chỉ dựa vào những khuôn mẫu do người nam đề ra mà thôi. Muốn làm như thế, họ bắt đầu đọc lại Kinh Thánh. Con đường đến với Kinh Thánh vẫn mở rộng đối với phụ nữ hơn là con đường chức vụ quyền bính trong các Giáo Hội Kitô giáo. Họ nối tiếp truyền thống các nữ ngôn sứ thời xa xưa và tìm kiếm trong Kinh Thánh vai trò của họ với tư cách là người nữ. Họ tin rằng cảm nghiệm người nữ hoàn toàn khác biệt với cảm nghiệm của người nam, và họ có bổn phận phải đón nhận gia sản Kinh Thánh cho chính mình.

b. Những hướng đọc Kinh Thánh dưới cái nhìn phụ nữ

Có ít nhất là ba hướng đọc lại Kinh Thánh dưới cái nhìn phụ nữ.

- Một trong phương hướng nghiên cứu là tìm cách đọc lại những đoạn Kinh Thánh hầu cho thấy rằng người phụ nữ đã từng bị coi thường. Ví dụ năm 1984, Phyllis Tribble nêu lên vài câu chuyện điển hình, và viết lại trong một tác phẩm của bà dưới nhan đề là Tragic Destinies (Những số phận bi đát): số phận của Haggar, nữ tì của Sarah, đem hiến cho Abraham rồi sau đó bị đuổi đi; số phận của Thamar, con gái của David, bị người anh cùng cha khác mẹ với mình là Amnon hãm hiếp; hay số phận của người con gái Jephté, mà thậm chí ta không biết tên: cô là nạn nhân vì một lời nguyền của cha mình là sẽ tế sát người đầu tiên ông gặp khi ông trở về trong chiến thắng. Đối với Phyllis Tribble, đó không phải là ‘chuyện đời xưa’, nhưng đó vẫn còn là điều đang xảy ra trong thời đại chúng ta: số phận của người nữ bị áp bức.

- Hướng nghiên cứu thứ hai là tìm lại những vị trí của phụ nữ mà cách đọc của nam giới đã làm mờ nhạt đi. Điển hình là Elisabeth Schussler-Fiorenza. Trong tác phẩm In Memory of Her (Để tưởng nhớ đến Bà), bà đã nhắc lại vị trí của người phụ nữ bằng cách lập lại lời sau đây của Chúa: “Nơi nào Phúc âm được rao giảng, trên khắp thế gian, thì người ta sẽ kể lại điều bà đã làm, để tưởng nhớ đến bà”. Qua đó bà cho thấy rằng phụ nữ là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình hình thành Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng.

- Một trào lưu thứ ba là xét lại ngôn từ trong Kinh Thánh. Ví dụ Virginia Molenkott liệt kê những từ ngữ giống cái mà ngôn ngữ Do Thái dùng để chỉ định Thiên Chúa: như Shekina (Đấng Hiện Diện) hoặc Ruah (Thần Khí). Điều này cho thấy rằng Thiên Chúa là Cha nhưng đồng thời Người cũng là Mẹ; nói cách khác, Thiên Chúa cũng có nữ tính, và nữ tính này đã bị các giáo phụ làm mờ đi qua các thời đại. Do đó, chỉ có người nữ, với sự nhạy cảm và lối tiếp cận hoàn toàn mang nữ tính mới cân bằng lại quan điểm đầy nam tính từ trước đến giờ đối với Kinh Thánh.

c. Bước thăng tiến của phụ nữ

Tất cả những cố gắng của phong trào bình đẳng nữ giới đã mang nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô giáo. Từ hai thập kỷ qua, người nữ đã có mặt trong mọi lãnh vực giáo hội: từ giáo lý viên đến giáo sư thần học, từ vai trò linh hoạt viên đến những chức vụ trong các hội đồng cao cấp. Riêng trong lãnh vực phụng tự, phụ nữ được cử hành phụng vụ lời Chúa như người nam, mà không có một sự phân biệt nào. Tuy nhiên, trong vấn đề chức thánh thì còn có giới hạn. Dù Giáo Hội Tin Lành tại Pháp đã có mục sư từ 1966 và Anh giáo chấp thuận cho phụ nữ được phép nhận chức linh mục, thì số lượng người có chức thánh này cũng còn rất ít so với người nam, trong khi đó số tín hữu giữ đạo thì nữ giới lại chiếm tuyệt đại đa số. Riêng trong giáo hội Chính Thống và Công Giáo, người nữ không thể nhận chức linh mục.

3 - Người nữ và chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo

a. Một giai thoại

Tháng 10 - 1987, một năm sau ngày Đức Gioan Phaolô II được tấn phong giáo hoàng, Ngài thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại Mỹ và có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Washington. Lối chừng 50 nữ tu không mặc tu phục cầm khẩu hiệu: ‘Nếu phụ nữ có khả năng làm bánh, thì họ cũng có khả năng bẻ bánh’. Nữ tu Theresa Kane được cử lên tiếp kiến Đức Giáo Hoàng và bà tuyên bố trong máy vi âm. “Thưa Đức Thánh Cha, Giáo hội phải đáp ứng những thiệt thòi của phụ nữ bằng cách xét xem khả năng của họ trong ngay cả việc lãnh nhận chức thánh.” Đám đông hoan hô, nhưng Đức Giáo Hoàng không phát biểu gì cả.

Vài tuần sau, nữ tu này đến Vatican và được một cha trong Tòa Thánh tiếp kiến cùng với lời yêu cầu: ‘Đề nghị xơ làm sáng tỏ lời phát biểu của mình’. Bà đã khẳng định: ‘Con muốn cha hiểu rằng con bao hàm luôn cả việc thụ phong linh mục cho nữ giới; đúng, cả việc thụ phong nữa.’ Tòa Thánh vẫn không nói gì, nhưng sau này, khi nữ tu Theresa Kane xin yết kiến Đức Giáo Hoàng, thì được văn phòng Toà Thánh phúc đáp rằng “cuộc gặp gỡ sẽ không thích hợp”

Hiện nay nhiều nhóm người ở Âu Mỹ có khuynh hướng xem Đức Gioan Phaolô II là một Giáo Hoàng ‘ghét phụ nữ’ (misogynic). Những luận cứ họ đề ra như một bằng chứng là vì Ngài luôn chống đối việc phá thai và việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Sự thật thế nào?

Quan điểm của Đức Gioan Phaolô II đối với phụ nữ.

Có lẽ nên trở về với những lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng, mà mọi người chắc chắn là những lời nói xuất phát tự đáy lòng Ngài.

Những lời hay nhất mà Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ xuất hiện trong Thư gởi phụ nữ (tháng 6-1995). Những lời cảm động nhất nằm trong một đoạn của Vita consecrata (tháng 3-1996) [Đời sống thánh hiến], nói lên rằng phụ nữ là ‘dấu chỉ lòng trìu mến của Thiên Chúa đối với nhân loại”. Những lời thi vị nhất nằm trong Mulieris dignitatem (tháng 9-1988) [Phẩm giá người nữ]: ‘Tiếng reo của người nam đầu tiên khi thấy người nữ vừa được tạo thành là một tiếng reo ngưỡng mộ và vui mừng, và tiếng reo ấy đã xuyên qua suốt dòng lịch sử nhân loại ở trần gian’.

Trong Thư gửi phụ nữ, ta có thể đọc:

“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa người và người.

Nhưng, tôi biết rằng chỉ cám ơn mà thôi thì chưa đủ. Đau lòng là chúng ta đã kế thừa từ lịch sử nhiều yếu tố tác động khiến cho, ở mọi thời và mọi nơi, con đường của phụ nữ thật khó đi: người ta coi nhẹ phẩm giá của họ, bỏ qua quyền hạn của họ, thường gạt họ ra ngoài lề xã hội và thậm chí biến họ thành nô lệ...

Nhân loại đã mắc một món nợ khổng lồ vì cái “truyền thống” trọng nam khinh nữ ấy. Biết bao phụ nữ đã và đang bị đánh giá dựa trên ngoại hình hơn là dựa trên khả năng, trình độ nghiệp vụ, hoạt động trí thức, sự nhạy cảm phong phú của họ, và tóm lại, dựa trên chính cái phẩm giá của con người họ !” (Thư gửi phụ nữ, 29-06-1995)

Trong tông huấn Vita consecrata, ta không thể nào bỏ qua đoạn này: “Từ kinh nghiệm về Giáo hội và lối sống của người nữ trong Giáo hội, nữ tu góp phần xóa đi một số quan niệm một chiều; những quan niệm ấy ngăn cản không cho ta nhận thấy phẩm giá của họ, phần đặc thù mà họ đóng góp vào đời sống và hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo hội. Như vậy, quả là chính đáng nếu nữ tu ao ước được nhìn nhận rõ ràng hơn chân tính, khả năng, sứ mạng và trách nhiệm của họ, trong nhận thức của Giáo hội cũng như trong đời thường. [...] Do đó, khẩn thiết phải thực thi vài bước cụ thể, khởi sự bằng cách mở ra cho người nữ những không gian để họ tham gia vào nhiều khu vực khác nhau và ở mọi mức độ, kể cả trong tiến trình soạn thảo các quyết nghị, nhất là những quyết nghị liên quan đến họ.” (Tông huấn Vita consecrata, tháng 3-1996).

Từ nữ tu, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với toàn bộ phụ nữ, và đề cao giá trị của họ. Trong một số đoạn của Mulieris dignitatem (1988), Ngài đã sửa sai thánh Phaolô (chưa một giáo hoàng nào làm như vậy trước đây) và sửa sai cả lịch sử Giáo hội, về vấn đề người nam “là chủ nhân” của người nữ và về tội lỗi của bà Eva: “Một cách nào đó, lời mô tả của Kinh Thánh về tội nguyên tổ trong sách Khởi nguyên (chuơng 3) “đã phân chia vai trò” của người nữ và người nam. Sau này, một số đoạn Kinh Thánh khác cũng qui chiếu lại, ví dụ như trong thư Thánh Phaolô gửi ông Timôthê: “Chính Adam đã được tạo dựng trước, rồi mới đến Eva. Cũng không phải Adam đã sa ngã khi bị dụ dỗ, mà là người đàn bà.” (1 Tm 2,13-14). Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, dù cho bài mô tả của Kinh Thánh có “có phân chia các vai trò”, thì tội đầu tiên này vẫn là tội của loài người, mà Thiên Chúa đã dựng nên có nam có nữ. Đấy cũng là tội của những “cha mẹ tiên khởi”, kèm theo tính chất cha truyền con nối. Và vì thế mà ta gọi là tội nguyên tổ.” (Mulieris dignitatem, tháng 9-1988, số 9)

Có lẽ không cần phải quảng diễn lâu dài về những điều mà mọi người đều đọc được và hiểu được về quan điểm của Đức Thánh Cha. Nhưng Đức Thánh Cha cũng là người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo, vì thế hơn ai hết, Ngài phải trung thành với lập trường Giáo Hội.

b. Lập trường Giáo Hội

Về chức linh mục, Giáo Luật chỉ có một câu duy nhất liên quan đến người nữ, hay đúng hơn chỉ có một câu nói lên điều kiện mà phụ nữ không thể có được. Điều 1024 ghi một cách ngắn gọn: ‘Chỉ người thuộc nam giới đã nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy mới được nhận lãnh thành sự chức thánh.’

Có nhiều văn bản nói lên lập trường của Giáo Hội, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ nhắc lại ba văn bản gần chúng ta nhất. Văn bản thứ nhất là tuyên ngôn Inter Insignores mà Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố năm 1967, dưới triều đại của Đức Phaolô VI. Đây là văn bản với nhiều luận cứ và khá ôn hòa, vì trong thời gian Công Đồng Vatican II, vấn đề chức linh mục của phụ nữ đã được đề ra và ý kiến phản đối cũng như ý kiến ủng hộ đều có cơ sở vững vàng. Tuy nhiên lời kết luận của văn kiện ấy thật rõ ràng. Trong phần này có một câu mà người ta đã gán một cách sai lầm cho Đức Gioan Phaolô II: “Giáo hội... cảm thấy rằng mình không được phép chấp thuận việc thụ phong linh mục cho phụ nữ.” Để chấm dứt sự tranh luận kéo dài mãi không ngơi, vào tháng năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã công bố Tông Thư Ordinatio sacerdotalis. Văn kiện này là một trong những văn kiện ngắn nhất, chỉ dài có 6 trang. Và dù Ngài là một Giáo Hoàng thao thức nhất từ trước đến giờ đối với vai trò phụ nữ, lập trường vào cuối thư vẫn dứt khoát: “Tôi tuyên bố rằng Giáo Hội không thể nào có quyền trao chức linh mục cho phụ nữ và lập trường này phải được mọi tín hữu xem là lập trường vĩnh viễn”. Vĩnh viễn! Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục bàn ra tán vào. Đến năm 1997, cũng chính Giáo Hoàng đã phê chuẩn một văn kiện nữa của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và ra lệnh công bố văn kiện ấy. Văn bản ngắn gọn nhưng rõ ràng: ‘Dựa trên Lời Chúa (nên người ta phải xem lập trường Giáo Hội về vấn đề chức linh mục của phụ nữ) là một tín điều thuộc Kho Tàng đức tin... do Huấn Quyền đề ra một cách bất khả ngộ. .. Huấn Quyền yêu cầu mọi người qui thuận một cách vĩnh viễn” (Người viết nhấn mạnh). Văn bản này là văn bản tối hậu và mang tính chất tín lý. Nhưng rồi những phong trào đòi quyền thăng tiến phụ nữ vẫn tiếp tục âm ỷ bàn tán, đặc biệt là ở Mỹ châu.

4- Nam nữ bình đẳng và bổ túc cho nhau.

Nhìn lại các tôn giáo, ta thấy rằng phụ nữ luôn bị thiệt thòi. So với các tôn giáo bạn, thì hình như Kitô Giáo dành cho người nữ sự tôn trọng cao hơn.

Cám dỗ lớn của người nữ là tự coi mình như người nam hạ cấp, để tự đánh giá mình với lòng ganh tị, thèm được giống người nam. Do đó, họ có khuynh hướng tự ty, trong khi họ chỉ khác người nam thôi. Vậy trước hết, phải dứt bỏ lòng ganh tị và chấp nhận nữ tính của mình. Chúng ta chỉ trưởng thành khi tự biết mình khác biệt và chấp nhận chính mình, vai trò đặc thù của mình, cách thức sống làm người của mình. Nhưng làm thế nào chấp nhận mình là khác ? Ngày nay, người ta có khuynh hướng đặt câu hỏi này trên bình diện công ăn việc làm. Một số người đòi cho phụ nữ được làm những công việc y như đàn ông, một số khác từ chối không chịu vậy. Thật ra, tự nó, có lẽ công việc không phải là của đàn ông hay của đàn bà. Người ta nói: đời sống ở xưởng không hợp với đàn bà. Tự nó, đời sống ở xưởng có hợp với đàn ông hơn không ? Người ta nói: đàn bà phải có mặt trong gia đình. Vậy đàn ông không cần có mặt sao ? Ngược lại, nơi công cộng, trong giới chính trị và kinh doanh, đàn bà không có tiếng nói của mình sao ? Một tiếng nói mà chỉ có họ biết nói lên, và có khả năng biến đổi bộ mặt của xã hội biết bao ! Vậy vấn đề không phải là nhận hay từ chối công việc, mà là cung cách chu toàn công việc. Cùng làm một việc, có cách làm của đàn ông và cách làm của đàn bà. Chính điều này mới là quan trọng. Vì thế, không nên cố làm cho phụ nữ hoàn toàn “bình đẳng” theo nghĩa làm bằng và làm giống hệt người nam. Hai bên phải là tương xứng và bổ sung cho nhau. Trong Giáo Hội như ngoài xã hội, không phải là nữ sẽ thế vai cho nam, mà là góp phần của mình, theo cách thức nữ của mình. Bằng không, Giáo hội cũng như xã hội chỉ bị thiệt mà thôi.

Kết luận:

Các bậc nữ trung trên trường quốc tế nhiều vô kể. Tại Việt Nam, có lẽ không ai là không biết đến gương sáng và đời sống của các nữ anh hùng dân tộc nổi tiếng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân… mà đời sống của họ đủ cả tam tòng tứ đức lẫn công dung, ngôn hạnh, đáng để cho con cháu mọi đời noi theo.

Ngày hôm nay, những người nữ tài khéo, đảm đang vẫn tiếp tục làm rạng danh non sông, tiếp tục cống hiến khả năng và sức lực của mình để dựng xây quê hương đất nước. Họ có mặt trong đủ mọi địa vị và ngành nghề. Họ là những nữ giáo viên, nữ y sĩ, nữ công nhân, nữ thương gia, nữ học sinh, sinh viên vv… nhiều lễ hội tôn vinh những vị nữ trung đó.

Nhiều Phụ Nữ Tông Đồ trong Tân Ước, rồi dọc dài lịch sử Giáo hội nhiều Thánh Nữ góp phần vào sự thánh thiện của Giáo hội như thánh Catarina Sienna, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng, Têrêxa Calcutta...

Một biến cố lịch sử trong Giáo Hội Việt Nam, sau 500 năm, có thêm người phụ nữ thứ hai được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ.

Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, trước ba ngày kỷ niện Ngày Phụ Nữ Quốc Tế, tại giáo xứ Tân Định, một trong những giáo xứ lớn hàng đầu của giáo phận Sàigòn, Linh mục chính xứ Gioan Baotixita Võ Văn Ánh, đã bắt tay và trao chứng chỉ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ xứ Tân Định cho bà Têrêxa Đinh Thụy Miên. Buổi lễ đã diễn ra rất trang trọng, có hơn 1000 người, kể cả những đồng bào không Công Giáo được mời tham dự.

Linh Mục Võ Văn Ánh, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dân thuộc Tổng Giáo Phận Sàigòn nói với cộng đoàn trong buổi lễ rằng Bà Miên là phụ nữ đầu tiên của giáo xứ giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Tại Giáo Phận Sàigòn với hơn 650,000 tín hữu, thuộc 200 giáo xứ lớn nhỏ khác nhau, không giáo xứ nào có Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ là phụ nữ mà từ trước tới nay, chức vụ này vẫn được trao cho qúy ông.

Cha Ánh tuyên bố: “Đây là cuộc cách mạng trao quyền cho phụ nữ”. Bà Miên đã được các thành viên Hội Đồng Mục Vụ và các đoàn thể trong giáo xứ Tân Định bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ trong một phiên họp diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 2009. Nhiệm kỳ của bà sẽ mãn vào năm 2011.

Theo cha chính xứ Tân Định, đây mới chỉ là một phần Giáo Hội muốn trao quyền cho phụ nữ để họ thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ngài nói “Tôi muốn các vị phụ nữ trong xứ đạo được trao quyền để họ đảm trách các sinh hoạt của giáo xứ. Hiện nay Hội Đồng Giáo Xứ có 33 thành viên, trong đó một nửa là qúy bà, họ đang cố vấn và giúp đỡ tôi trong việc điều hành giáo xứ”.

Bà Đinh Thụy Miên: Ông thân sinh của Bà Miên trước đây là Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Bà Miên có ba người con. Trong 26 năm qua bà là kế toán viên và sau này là Giám Đốc trung tâm cai nghiện của nhà nước.Trong giáo xứ, Bà cũng là thành viên trong tổ chức hỗ trợ ơn kêu gọi tu trì. Hiện nay bà đang điều hành cơ sở kinh doanh sửa sắc đẹp.

Bà Miên đã ngỏ lời với công đoàn trong buổi lễ. Bà nói “Xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi hoàn thành tốt sứ vụ được trao phó. Tôi rất lo lắng vì chức vụ này đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ năng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy an tâm và tin tưởng vì có cha chính xứ và giáo dân trong xứ đạo hỗ trợ tôi”

Bà Catherine Đỗ Thị Liễu, 53 tuổi, người giáo xứ Tân Định phát biểu: “ Là phụ nữ, tôi rất hãnh diện vì bà Miên đã được Giáo Hội trao quyền. Rất nhiều phụ nữ đã đang giữ những chức vụ quan trọng trong nhiều tổ chức. Do vậy Giáo Hội nên để cho phụ nữ Công Giáo đảm nhận những chức vục có ảnh hương trong Giáo Hội. Tôi tin bà Miên sẽ chu toàn được sứ vụ và tôi sẽ cầu nguyện cho bà”.

Tưởng cũng nên giải thích thêm, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ hay Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là danh xưng mới xuất hiện gần đây, sau Công Đồng Vatican II. Trước đó chức vụ này ở miền Bắc trong các xứ lớn gọi là Chánh Trương, xứ nhỏ gọi là Trùm Chánh. Tại miền Nam Hội Đồng Giáo Xứ gọi là Qưới Chức, và người đứng đầu là ông Câu.

Sự kiện bà Miên được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là một biến cố lịch sử của Giáo Hội Việt Nam vì trong gần 500 năm đạo Công Giáo có mặt tại đây, người ta chỉ thấy chức vụ này dành cho qúy ông.

Theo Linh Mục Đinh Huy Hưởng, Giám Đốc Caritas Sàigòn, giáo xứ Hòa Bình hạt Gò Vấp thuộc giáo phận Sàigòn đã có Nữ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ cách đây khoảng trên 20 năm và các Linh Mục rất khâm phục quyết định của giáo xứ Hòa Bình. Tuy nhiên, tin tức này đã không được chính thức loan ra thành ra giới sử học không biết gì về tin này.

Về sách vở Công Giáo không thấy mấy tác giả để cập vấn đề phụ nữ tham gia hội đồng giáo xứ. Mãi tới những năm của thập niên 80 của thế kỷ trước, Linh Mục, Ngô Phúc Hậu, trong tác phẩm Nhật Ký Truyền Giáo mới đề cập đến vấn đề này một cách đại cương khi ngài thấy 1000 người trong ban mục vụ về họp tại Tòa Giám Mục giáo phận Hưng Hóa chỉ toàn đàn ông và Ngài đã đặt câu hỏi: “ Ủa ! 1000 thành viên hội đồng giáo xứ mà không có người phụ nữ nào sao? Có bình thường không nhỉ? (theo web: saigonecho.com; bài ngày 10/3/09- Nguyễn Long Thao).

Có câu chuyện huyền thoại kể rằng: Một hôm Thiền Sư già kia, nói với đệ tử của mình rằng: “Này anh bạn, ta có một điều tệ nhất là: ta không hiểu biết gì về người phụ nữ cả. Hãy nói cho ta biết phụ nữ là gì đi ?”

Người học trò mỉm cười nói rằng:

“Thuở mới sinh ra trái đất, ông thợ Tạo Hóa chỉ dựng nên có một mình ông Ađam, ông lang thang một mình trong vườn địa đàng mênh mông rộng lớn, trong khi các loài vật khác đều có cặp có đôi quấn quýt bên nhau. Thấy ông cô đơn hiu quạnh, thơ thẩn đi vào đi ra. Tạo Hóa thấy thế mà thương, bèn nghĩ rằng: mình phải tạo dựng cho Ađam một người bạn đường thôi, để nó sống một mình cũng không tốt. Lúc ấy Tạo Hóa mới nhớ ra rằng: lúc trước mình tạo dựng muôn vật từ hư vô, nay mọi sự đã trở nên hiện hữu, sao mình không lấy chính cái hiện hữu để tạo thêm một vật nữa nhỉ ?

Trong lúc nan giải, Tạo Hóa suy nghĩ một hồi lâu, rồi quyết định rằng sẽ tập trung tất cả vạn vật lại lấy mỗi thứ một tí để chế tạo ra người phụ nữ. Và Tạo Hóa đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng tròn 16, đường cong của các loại dây leo, dáng run rẩy của hoa cỏ, nét mảnh khảnh của lau sậy, màu sắc rực rở trên cánh bướm, sự nhẹ nhàng của chiếc lá, sự tinh tế ở đầu vòi voi, cái nhìn ngây thơ của nai tơ, cái xúm xít của đàn ong mật, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, nét xa xăm của tầng mây, sự lay động của làn gió, sự lộng lẫy kiêu sa của chim công, chất cứng rắn của kim cương, vị ngọt ngào của trái chín, lòng tàn nhẫn của hùm beo, sức thiêu đốt của ngọn lửa, khí lạnh lẽo của băng tuyết, tiếng kêu khắc khoải của chim quyên, tính nết dối trá của cò vạc v.v..., nói chung, tất cả mọi thứ, mỗi thứ một tí.

Tạo Hóa đem hết thảy những thứ đó, nhào nặn với khúc xương sườn của Ađam để tạo thành người phụ nữ ( người phụ nữ phức tạp, với đầy đủ mọi sắc thái, mọi tinh chất của vũ trụ; nên không thiếu một thứ gì mà không có trong con ngườiphụ nữ ấy ) rồi tặng cho Ađam”.

Người học trò vừa kể đến đây, chưa kịp đưa ra câu kết, thì ông thầy già liền vội vàng ngăn lại: “Đừng nói gì thêm nữa... điều tệ nhất của ta đã hết hạn !”

Vâng, người phụ nữ với đầy đủ mọi sắc thái, cá tính, không thiếu một tính chất gì của vũ trụ như thế; nên đã làm cho biết bao nhiêu người trong giới đàn ông, không biết phải đối xử thế nào cho phải, hay suốt đời đàn ông cứ phải chiều phụ nữ ăn đi ăn lại quả trái cấm... Mình nói như thế không biết có quá đáng không nhỉ ?

Nhân loại ngày nay đang biến chuyển nhiều, đang từ từ trả lại cho phụ nữ chỗ đứng và phẩm giá của mình. Mặc khải trong Kinh Thánh cũng đã phần nào soi sáng chúng ta về quá trình biến chuyển trên. Là “Ađam mới”, là “Trưởng Tử trong mọi loài thọ sinh”, Chúa Giêsu qui tụ mọi người lại thành một khối -đàn ông cùng với đàn bà, vượt lên trên mọi ranh giới mà xã hội loài người đã dựng lên trước đó.

Nhờ vậy, con người dù là nam hay nữ hằng ngày khám phá rằng mình nằm trong một mạng lưới gồm vô số tương quan với thế giới xung quanh, trong đó có Thiên Chúa và có anh em. Trong mạng lưới ấy, mỗi người, nam hay nữ, đều góp phần của mình. Bước thăng tiến này của nhân loại là do Đức Ki-tô dẫn đầu và điều khiển, vì Người là “Anpha và Ômêga”. Nhờ vậy, “không còn chuyện Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả chỉ là một, trong Đức Kitô” ( Gl 3, 28 ). Trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, Đức Maria là người phụ nữ tuyệt vời hơn mọi người phụ nữ "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 42 ). Đức Maria là gương mẫu của mọi người phụ nữ, nét đẹp từ trong tâm hồn, lời nói và đời sống của Mẹ nâng cao phẩm giá giới phụ nữ.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có Phúc hơn mọi người phụ nữ. Mẹ là Nữ Hoàng của mọi người phụ nữ...Người Phụ Nữ được Thiên Chúa ưu ái đặc tuyển của muôn đời đã từng rất thương đau, nhưng cuối cùng vẫn uy hùng bước vào vinh quang như đạo binh xếp hàng vào trận. Dòng dõi của Người Nữ Diễm Phúc luôn mãi ngời sáng giữa lòng nhân loại hôm nay.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc tông du tới Đất Thánh (3)
Vũ Văn An
04:11 07/05/2009
Chuẩn bị chào mừng

Theo tin tờ The Jerusalem Post, ngày 4 tháng Năm vừa qua, Thị Trưởng Giêrusalem là Nir Barkat lên tiếng chào mừng du khách tới Giêrusalem trước ngày Đức GH Bênêđíctô XVI tới đó. Trong lời chào mừng này, Nir Barkat viết rằng: “Thật là một vinh dự lớn cho tôi được nhân danh dân chúng Giêrusalem chào đón Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, và hàng ngàn khách hành hương từ khắp thế giới tới thăm Giêrusalem”.

Lời chào mừng còn thêm: “Giêrusalem là trái tim và linh hồn dân tộc Do Thái và là một thành phố đặc biệt đối với hơn ba tỷ người có đức tin trên khắp thế giới. Lịch sử phong phú của Giêrusalem tiếp tục hội tụ các tôn giáo vĩ đại và các nhà lãnh đạo các tôn giáo này từ nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Giêrusalem quả là một thành phố đích thực của hòa bình, nơi người thuộc mọi hậu cảnh có thể tự do thực hành các niềm tin tôn giáo của mình”.

Sau đó, Barkat tiếp tục đặc biệt chào mừng Đức GH, cũng như “mỗi và mọi khách hành hương bằng một sứ điệp nhẫn nại vì hòa bình. Với cuộc viếng thăm có tính lịch sử và quan trọng tại Giêrusalem, thủ đô của Quốc Gia Do Thái này, tôi biết rằng chúng ta đã thực hiện một bước tiến gần hơn tới tự do tôn giáo và khoan dung mà hết thẩy chúng ta từng cố gắng đạt cho bằng được trên khắp thế giới và ở đây tại Thành Thánh này. Tôi kính chúc Đức Thánh Cha và mọi khách qúy của chúng tôi một cuộc thăm viếng đầy hân hoan và thoải mái tại Giêrusalem”.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Ngoại Giao Do Thái đã khánh thành một trang mạng dành riêng cho chuyến tông du của Đức GH Bênêđíctô XVI, địa chỉ ở tại http://popeinisrael.org.il. Trang mạng này sử dụng 8 thứ tiếng khác nhau: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Ý, Đức và Hy Bá Lai. Nó gồm các tín liệu viết và thính thị nói về cuộc viếng thăm của Đức GH, về các mối liên hệ Do Thái và Vatican, các cộng đồng Kitô Giáo tại Do Thái và các thánh điểm của Kitô giáo khắp lãnh thổ.

Trang mạng này cũng cung cấp những cập nhật thường xuyên trong suốt cuộc thăm viếng, cũng như những buổi phát sóng trực tiếp các biến cố trong cuộc hành hương của Đức GH, như cuộc viếng thăm Yad Vashem, các thánh lễ tại Vườn Diệtsimani và Đồi Vực Thẳm, các cuộc thăm viếng tại Nhà Thờ Tiệc Ly và Nhà Thờ Mộ Thánh.

Đại nhạc hội hòa bình để vinh danh Đức Giáo Hoàng

Tờ Israel Culture ngày 4 tháng Năm có bài của Merav Yudilovitch cho hay: một buổi đại nhạc hội sẽ được tổ chức tại hí viện Beit She’an để chào mừng Đức Bênêđíctô XVI với chủ đề hoà giải và sống chung, do nhiều nghệ sĩ nổi danh trong vùng và của Ý tham dự.

Với sứ điệp hoà bình và huynh đệ, các nghệ sĩ địa phương và Ý thuộc mọi tôn giáo sẽ trình diễn một buổi đại nhạc hội để vinh danh Đức GH nhân cuộc viếng thăm Do Thái của ngài. Buổi đại nhạc hội này được tổ chức vào ngày 13 tháng Năm tại đại hí viện Rôma tại thành phố miền Bắc có tên là Beit She'an.

Buổi đại nhạc hội này bao gồm các nhạc sĩ, ca sĩ và vũ viên và sẽ được trực tiếp phát tuyến tới 26 quốc gia qua đài truyền hình SAT của Ý. Các phóng viên của đài này sẽ tháp tùng Đức Thánh Cha trong suốt cuộc viếng thăm Đất Thánh của ngài.

Một khán đài sẽ được dựng tại đại hí viện dành cho biến cố này, do Piono Leoni người Ý thiết kế. Khán đài này dự tính sẽ được dựng để hòa điệu với khung cảnh cổ xưa. Các xướng ngôn viên của buổi trình diễn sẽ là nữ tài tử kiêm người mẫu Do Thái Moran Atias và Julio Bazo.

Buổi trình diễn này sẽ được bắt đầu với Nhóm Nhà Hát Cộng Đồng của Qũy Beresheet LaShalom, một tổ chức ở miền Bắc Do Thái có thành viên thuộc mọi tầng lớp trong xã hội Do Thái, gồm cả người Do Thái lẫn Ả Rập, Hồi Giáo, người Druze và Kitô Hữu, cả đạo lẫn đời. Nhóm này do Angelica Edna Calo Livne thành lập. Bà vốn sinh tại Rôma và đậu tiến sĩ văn chương Ý. Nhóm sẽ trình diễn cùng với sự phụ họa của các vũ viên thuộc Công Ty Fresco Dance. Công ty này được thành lập năm 2002 bởi vũ sư và biên đạo múa Yoram Carmi. Họ sẽ trình diễn một vở nói về sống chung, vũ theo điệu nhạc được đặc biệt sáng tác cho dịp này, do Dàn Đại Hòa Tấu Raanana và Nhóm Gaya trình tấu.

Các tham dự viên khác sẽ là ca sĩ Ai Cập Samira Said, ca sĩ Ý Lucio Dalla, ban nhạc rốc Do Thái Rockfour, ca đoàn của Viện Magnificent Institute, gồm các ca viên Do Thái, Hồi Giáo Palestine và Kitô Giáo, danh vĩ cầm Francesco D'Orazio, và giọng nam cao nổi tiếng Alessandro Safina.

Biến cố chính của buổi trình diễn này sẽ là phép lành bình an và hòa giải của Đức GH. Cuối cùng, toàn bộ các nghệ sĩ sẽ cùng nhau trình diễn bài “We Are the World" (Chúng Ta Là Thế Giới) do Michael Jackson và Lionel Richie sáng tác.

Không cần thanh minh thanh nga nữa

Hãng AP thì tường trình rằng phát ngôn viên của Đức GH cho hay: Tòa Thánh đã “giải thích và làm sáng tỏ đủ mọi điều” liên quan tới bài diễn văn năm 2006 của Đức GH, một bài diễn văn bị nhiều người Hồi Giáo coi là xúc phạm đến tôn giáo của họ.

Đức Thánh Cha dịp đó nhấn mạnh rằng bản văn Trung Cổ được ngài trích dẫn từng coi một số giáo huấn của tiên tri Muhammad là “xấu xa và bất nhân” đã không hề phản ảnh quan điểm riêng của ngài. Nhưng tổ chức Huynh Đoàn Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) của Gio-đăng vừa đây đã lên tiếng đòi Đức Giáo Hoàng phải xin lỗi trước khi ngài khởi sự cuộc viếng thăm Đất Thánh vào Thứ Sáu này, trong đó trạm đầu tiên sẽ là Gio-đăng.

Phát ngôn viên của Đức GH là Cha Federico Lombardi cho hay: “có lẽ đây là vấn đề thế giới Hồi Giáo cần hiểu rõ điều Đức GH muốn nói. Chúng tôi không thể tiếp tục nhắc lại cho đến tận thế cùng những lời đã minh xác”.

Vua Gio-đăng phá lệ để nghênh đón Đức Giáo Hoàng

Theo tin Zenit ngày 5 tháng Năm, Vua Gio-đăng Abdallah II dự tính, vào Thứ Sáu này, sẽ phá lệ nghi lễ khi ông nghênh đón Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Theo Cha Lombardi, Nhà Vua Gio-đăng sẽ thân hành ra tận phi trường để nghênh đón Đức Thánh Cha vào lúc 2 giờ 30 chiều. Và với một nghĩa cử chưa bao giờ có, ông sẽ cùng hoàng hậu Rania tháp tùng Đức Thánh Cha ra phi trường lúc ngài rời vương quốc của ông vào ngày Thứ Hai.

Cha Lombardi nhận định rằng nhà vua muốn đóng góp đặc biệt vào cuộc đối thoại liên tôn bằng nhiều sáng kiến khác nhau. Cha nhắc lại Thông Điệp Amman của nhà vua trong đó ông khuyến khích thế giới Hồi Giáo hãy từ bỏ chủ nghĩa cực đoan, và Thông Điệp Liên Tín Ngưỡng Amman, chủ yếu nhắn gửi người Kitô Giáo và người Do Thái Giáo và kêu gọi việc cổ vũ hòa bình và các giá trị chung nơi các tôn giáo.

Phát ngôn viên Tòa Thánh còn ghi nhận thêm rằng một trong các cố vấn của Vua Abdallah chính là Ghazi bin Muhammad, người đã phối hợp 138 học giả Hồi Giáo lên tiếng trả lời các tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng vì bài diễn văn Regensburg của ngài. Nhóm này đã viết “Lời Chung” mà cuối cùng đã dẫn tới việc thành lập ra Nghị Hội Công Giáo và Hồi Giáo tại Rôma.

Một cuộc tông du xây nền

Zenit ngày 5 tháng Năm cũng thuật lại nhận định của Đức HY Leonardo Sandri, Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, về chuyến đi sắp tới của Đức Bênêđictô qua Đất Thánh. Theo Đức HY, Đức GH muốn thực hiện chuyến đi này ngay lúc mới khởi đầu triều giáo hoàng của ngài. Sở dĩ đến nay, vào năm thứ năm triều đại giáo hoàng, ngài mới thực hiện được dự tính đó, là vì các cuộc tông du trước đây phần lớn đã được lên chương trình từ thời giáo hoàng trước, đặc biệt là Ngày Giới Trẻ tại Cologne và Cuộc Gặp Mặt Các Gia Đình tại Tây Ban Nha.

Đức HY Sandri nhấn mạnh rằng: Đức Thánh Cha muốn được dành chuyến đi đầu hết, chuyến đi mang ý nghĩa toàn bộ cho triều giáo hoàng của ngài hướng về Chúa Giêsu, về Ngôi Lời Thiên Chúa, là tới Đất Thánh, một chuyến đi chính nhằm đặt để sắc thái cho toàn bộ triều giáo hoàng của ngài.

Nhân dịp này, Đức HY Sandri cũng nhắc lại ý định của Đức Bênêđíctô XVI muốn tới Đất Thánh để cổ vũ cho hòa bình. “Qua sự hiện diện của ngài, Đức GH là sứ giả của thanh thản và hòa bình và là một thúc đẩy đối với mọi người đang có trách nhiệm về thời cuộc hay tình thế các dân tộc. Trong trường hợp tại Đất Thánh, sự hiện diện ấy bao hàm một khuyến khích đối với diễn trình hòa bình đã có từ lâu và hiện gặp nhiều khó khăn”

Con số thống kê tại Đất Thánh

Cơ sở Catholic Culture (Văn Hóa Công Giáo), ngày 5 tháng Năm, trình bày một số thống kê của chính Vatican về Đất Thánh.

Mặc dù người Kitô hữu đang rời bỏ vùng này, do bầu khí kinh tế và chính trị không thuận tiện, nhưng người Công Giáo vẫn chiếm gần 2% dân số các quốc gia được Đức Giáo Hoàng viếng thăm. Tại Gio-đăng, trạm đầu tiên của chuyến tông du, hiện có 109,000 người Công Giáo trong tổng số 5.7 triệu dân, và gần 31,000 trẻ em ghi danh học tại 123 trường Công Giáo. Tại Do Thái và các lãnh thổ Palestine, có 130,000 người Công Giáo trong số 7.2 triệu cư dân, với gần 44,000 học sinh ghi danh tại 192 trường Công Giáo đủ các cấp từ vườn trẻ tới đại học. Giáo Hội cũng quản lý 36 bệnh viện, bệnh xá, viện mồ côi, nhà trẻ, và các viện bác ái khác.

Tin của Hãng CNA còn cho hay thêm: tại Gio-đăng, hiện có ba giáo tỉnh và 64 giáo xứ, với 4 giám mục, 103 linh mục, 258 tu sĩ và 7 đại chủng sinh. Tại Do Thái và các lãnh thổ Palestine, hiện có 9 giáo tỉnh, 78 giáo xứ và 3 trung tâm mục vụ, với 11 giám mục, 406 linh mục, 1,171 tu sĩ, 1 nhà truyền giáo giáo dân, 14 tiểu chủng sinh và 110 đại chủng sinh.

Do Thái phát hành tem thư đánh dấu chuyến tông du

Theo tin ngày 4 tháng Năm của NECN/APTV, sở bưu điện Do Thái đã phát hành một tá tem thư đặc biệt để kỷ niệm chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Đất Thánh.

Các tem thư này, được bán cho công chúng bắt đầu từ Thứ Hai tới, trình bày 12 thánh điểm Kitô Giáo trong vùng được Đức Giáo Hoàng dự tính viếng thăm nhân chuyến tông du tại đây từ ngày 11 tới ngày 15 tháng Năm. Sở bưu điện này cho biết họ cũng sẽ phát hành một tá tem thư khác trình bày cuộc tông du thực sự của Đức Giáo Hoàng tới các thánh điểm này.

Hội Mộ Thánh gánh vác phí tổn chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng

Cindy Wooden của tờ BostonPilot cho hay Hội Mộ Thánh góp phần gánh vác chi phí của chuyến tông du tới Đất Thánh. Hẳn mọi người còn nhớ: Hội Hiệp Sĩ Mộ Thánh ở Giêrusalem (the Equestrian Order of the Holy Sepulcher of Jerusalem) được chân phước GH Piô IX lập năm 1847 để hỗ trợ Tòa Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem và các người Công Giáo khác sống tại Đất Thánh.

Cuộc tông du từ ngày 8 tới ngày 15 tháng Năm này sẽ giúp Đức Giáo Hoàng thấy kết quả cụ thể của việc hỗ trợ trên và nhu cầu tiếp diễn của người Kitô hữu trong vùng, nhưng chính cuộc tông du này một phần có được cũng là nhờ sự hảo tâm của các hiệp sĩ.

Đức Hồng Y John P. Foley, người Mỹ và là hiệp sĩ tối cao của Hội, cho hay: các hiệp sĩ và mệnh phụ đã dâng cho Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal mỗi vị khoảng 325,000 mỹ kim để giúp trang trải chi phí cho chuyến tông du. Ngài cũng cho biết: 50 hiệp sĩ của Hội sẽ lập thành một hàng rào danh dự cho suốt chuyến đi của Đức Giáo Hoàng. Theo Đức Hồng Y, hỗ trợ cuộc tông du bằng lời cầu nguyện và bằng tài chánh là hỗ trợ Đức Thánh Cha trong sứ mệnh thừa nhiệm Thánh Phêrô của ngài. “Ngài sẽ làm điều Thánh Phêrô vốn làm là khích lệ các tín hữu, thừa nhận họ, đem lại cho họ cảm thức tươi mới rằng họ có giá trị và cho họ biết Giáo Hội hoàn vũ đánh giá cao chính họ và tầm quan trọng trong đức tin của họ biết là dường nào”.

Hiện nay, Hội có chừng 24,000 hội viên trong 32 quốc gia. Các hội viên đoan hứa hàng ngày cầu nguyện cho Giáo Hội, cho công việc của tòa thượng phụ Latinh ở Giêrusalem và các thánh điểm có liên hệ tới cuộc đời Chúa Giêsu và cho bản thân họ đủ sức mạnh thực thi bổn phận bác ái của mình, nhất là đối với “người nghèo và người bệnh tại Đất Thánh”.

Về vấn đề quyên góp, Đức Hồng Y Foley cho hay: “mục tiêu của chúng tôi là quyên góp mỗi hội viên chừng 600 mỹ kim một năm” nhưng đóng góp thiếu không phải là cơ sở để chấm dứt tư cách hội viên. Vì hội được lập “chủ yếu để phát triển hội viên về phương diện thiêng liêng” qua cầu nguyện, học hỏi và dấn thân cụ thể nhằm “hỗ trợ Giáo Hội tại Đất Thánh để Giáo Hội ấy không trở thành một bảo tàng viện, mà là một Giáo Hội sống động”.

Các người Công Giáo tại Đất Thánh, mà phần lớn là người Palestine, vốn là “dòng dõi những người đầu hết bước chân theo Chúa Giêsu Kitô và hiện nay thuộc nhiều nghi lễ khác nhau, và chẳng may, cũng thuộc nhiều giáo hội khác nhau” dù phần lớn là Công Giáo và Chính Thống Giáo. Kể từ năm 2000, các thành viên của hội đã dâng cúng gần 65 triệu mỹ kim để yểm trợ Tòa Thượng Phụ Latinh, chủng viện, các giáo xứ và trường học cũng như các cơ quan bác ái của Tòa này và nhiều cơ sở khác như Bệnh Viện Thánh Giuse ở Giêrusalem và Đại Học Bêlem, do các Sư Huynh Dòng Chúa Kitô (Christian Brothers) đảm trách.

Mặc dù phần lớn sự yểm trợ của hội được dành cho Tòa Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, nhưng các hiệp sĩ cũng làm việc với cơ quan phối trí của Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương để hỗ trợ các dự án có giá trị liên hệ tới các giáo hội Melkite, Maronite, Chaldean và Công Giáo Armenian tại Do Thái và tại Gio-đăng.

Vào khoảng một nửa số học sinh ghi danh theo học các trường Công Giáo trong vùng là Kitô hữu. Các trường này cung cấp việc giáo dục tôn giáo tùy theo tôn giáo của học sinh. Nên các học sinh Hồi Giáo có thể đem thầy Hồi Giáo vào dạy về Hồi Giáo cho các em, nhưng triết lý sống (ethos) của trường, theo Đức HY Foley, thì là Công Giáo. Mục tiêu của việc mở rộng việc ghi danh là để cổ vũ tinh thần tương kính, khoan dung và hòa bình. Bất cứ điều gì có thể góp phần vào hòa bình cũng đều quan trọng. Nên Đức HY Foley hy vọng người Do Thái tỏ ra hiểu biết nhiều hơn đối với những người Palestine biết điều và con số những người Palestine biết điều sẽ mỗi ngày một gia tăng.

Đức Hồng Y cũng tiết lộ rằng mọi trường học tại Do Thái, kể cả trường Công Giáo, đều được chính phụ tài trợ. Nhưng việc tài trợ ấy không có tại Palestine và Gio-đăng. Chính vì thế, nhiều trường tại hai nơi đó phải tiếp nhận tài trợ từ Hội Mộ Thánh. Hội cũng giúp tiền học phí nữa vì Hội không muốn bất cứ trẻ em Công Giáo nào không được hưởng nền giáo dục Công Giáo chỉ vì gia đình các em không đóng được lệ phí.

Đối với Đức HY Foley, giáo dục là chìa khóa giúp người nghèo trong vùng thoát khỏi cảnh nghèo, giúp cổ vũ việc chung sống hòa bình và tạo ra các điều kiện cần thiết để thuyết phục các Kitô hữu đừng di cư. Nếu các cộng đồng Công Giáo không còn sinh sống và làm việc tại Đất Thánh nữa, thì theo Đức Hồng Y, “ta sẽ đánh mất sợi dây liên kết với các gốc rễ của chúng ta”.

Thay đổi quan điểm với Do Thái

Jeff Abramowitz, của Deutsche Presse-Agentur, ngày 4 tháng Năm, cho rằng cuộc tông du của Đức Bênêđíctô XVI tới Do Thái lần này cho thấy rõ một thay đổi rất tích cực và rõ ràng trong mối liên hệ Do Thái và Vatican.

Thực vậy, vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Do Thái đã không thừa nhận chính thức là ngài đến thăm quốc gia đó. Hẳn mọi người còn nhớ, năm 1964, Đức Phaolô VI từ Gio-đăng dừng chân một ngày tại Do Thái, nhưng ngài đã thận trọng không nhắc đích danh quốc gia Do Thái trong chuyến dừng chân ấy. Vì vào lúc ấy, Do Thái và Vatican chưa lập liên hệ ngoại giao. Khi đã trở về Vatican, Đức Phaolô VI có gửi cho Tổng Thống Do Thái, lúc ấy là Zalman Shazar, một thư cám ơn, nhưng đã gửi thư ấy cho “Ông Shazar” tại Tel Aviv, chứ không phải tại Giêrusalem, là nơi ở chính thức của Ông Shazar.

Đến lượt Đức Gioan Phaolô II, không những ngài nhắc đích danh quốc gia Do Thái trong hành trình đến Đất Thánh năm 2000, mà còn gặp tổng thống, thủ tướng và hai trưởng giáo sĩ của Do Thái. Cuộc thăm viếng của vị giáo hoàng thứ ba tới Đất Thánh lần này được Daniel Rossing, Giám Đốc Trung Tâm Do Thái về Các Liên Lạc Do Thái và Kitô Giáo, cho là một bước nhẩy vọt. Ông nói: “Ta không nên quên sự kiện này là trong 50-60 năm nay, đã có những bước tiến hết sức đáng kể trong các mối liên hệ Do Thái và Kitô Giáo, nhất là các liên hệ Do Thái và Công Giáo”.

Phần lớn các nhà bình luận và các học giả đều nhất trí rằng thái độ của Vatican đối với Do Thái chịu ảnh hưởng bởi hai nhân tố chính sau đây: Thứ nhất là thần học, tức thái độ của người Công Giáo đối với người Do Thái Giáo, và thứ hai là chính trị thực tiễn (realpolitik) vì phần lớn Kitô hữu đang sống tại Đất Thánh là người Ả Rập tự nhận mình có tinh thần quốc gia Palestine.

Ai cũng biết các giáo huấn của Giáo Hội Tiên Khởi thường lên án người Do Thái Giáo đã bác bỏ Chúa Giêsu, và coi việc phá hủy Đền Thờ Giêrusalem vào năm 70 cũng như việc tứ tán của người Do Thái Giáo như là hình phạt của Chúa đối với việc bác bỏ kia và vai trò của họ trong vụ việc đóng đinh Con Yêu Dấu của Người. Mãi đến năm 1965, não trạng ấy mới thay đổi với tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II cởi bỏ cái tội giết Chúa (deicide) của dân tộc này. Giáo trưởng David Rosen, người từng đóng một vai trò hàng đầu trong việc thăng tiến các mối liên hệ giữa Do Thái và Vatican, thì tuyên ngôn trên "đem đến một cuộc cách mạng tích cực trong giáo huấn của Giáo Hội”.

Khai triển cách mạng trên đã được Đức GH Gioan Phaolô II tiếp tục. Ngài được coi là vị giáo hoàng đóng góp nhiều hơn tất cả các vị tiền nhiệm cho việc cổ vũ các liên hệ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo, rẫy bỏ hoàn toàn nền thần học bài Do Thái. Năm 1993, dưới triều đại của ngài, Vatican và Do Thái chính thức thiết lập các liên hệ ngoại giao đầy đủ.

Việc thiết lập liên hệ ngoại giao này thật là một bước can đảm, bởi cho đến lúc đó, Giáo Hội vẫn có nhiều e ngại đối với các Kitô hữu gốc Ả Rập trong vùng. Thực vậy, như trên đã nói, phần lớn người Công Giáo sống tại Do Thái và các lãnh thổ bị Do Thái chiếm đóng đều đứng về chính nghĩa Palestine, ít có ai chịu chấp nhận việc Vatican xích lại gần nhà nước Do Thái, ít nhất thì Vatican cũng nên chờ cho tới lúc giới lãnh đạo Palestine chịu làm như thế.

Rất may, cơ hội ấy đã xẩy ra trong năm 1993 lúc Do Thái và Tổ Chức Giải Phóng Palestine ký bản tuyên bố lịch sử các nguyên tắc chung, làm phát sinh ra diễn trình hòa bình. Nhờ thế mà liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Do Thái đã được thiết lập.
 
Đức Thánh Cha Benedito XVI mới bổ nhiệm Tân Giám Mục Giáo Phận Port Pirie, Úc Châu
Jos. Vĩnh SA
14:58 07/05/2009
Giáo Phận Port Pirie, thuộc Tổng Giáo Phận Adelaide, Úc Châu mới có Tân Giám Mục


Đức Thánh Cha Benedicto XVI vừa bổ nhiệm Đức Cha Greg. O’Kelly Sj. giám mục phụ tá TGP Adelaide, lên làm giám mục chính toà giáo phận Port Pirie.

ĐGM Greg. O’Kelly 67 tuổi, thụ phong giám mục tháng 8 năm 2006 là vị giám mục Dòng Tên đầu tiên tại Úc Châu. Sau khi thụ phong giám mục, Đức Cha Gregory O’Kelly được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá TGP Adelaide.

Giám Mục Greg. O’Kelly Sj. là một nhà giáo và là vị mục tử rất nhân từ, đã giúp đỡ các học sinh tỵ nạn VN rất nhiều, Ngài đã tặng học bổng và đồng phục miễn phí 100% cho các em học sinh VN theo học trường St Ignatius, Adelaide vào thời điểm từ năm 1979 đến 1982, khi Ngài đang làm hiệu trưởng trường trung học St. Ignatius.

Nhiều học sinh VN theo học trường Saint Ignatius giờ đây đã trở thành những chuyên gia như: Bác sĩ, kỹ sư và nhiều ngành nghề khác, ngay cả một số chủng sinh tỵ nạn VN, cũng đã trở thành các linh mục đang phục vụ trong TGP Adelaide và Dòng Tên nữa.

Giáo phận Port Pirie được thành lập do một nhóm linh mục tiên phong Dòng Tên qui tụ lại. Họ gồm những linh mục Dòng Tên người Áo, đến Úc truyền giáo, lội bộ băng rừng, khai khẩn phá hoang, lên khu đồi Seven Hills thành lập nhà Dòng, trồng nho, sản xuất các loại rượu vang, nổi tiếng nhất thế giới là rượu Lễ Seven Hills đã được ĐTC John Paul II trao bằng khen.

Một số tu sĩ đã tiến xa hơn, vượt qua vùng Seven Hills lên mãi trên phía tây bắc của tiểu bang Nam Úc, cách xa thành phố Adelaide khoảng 3 - 4 trăm cây số, thành lập giáo phận Port Augusta năm 1888, gồm 11 linh mục, trong đó có 7 linh mục Dòng Tên. Các Ngài đã xây dựng trên 30 nhà thờ, 27 trường học cho giáo phận. Sau này đổi tên thành giáo phận Port Pirie.

Tòa thánh đã bổ nhiệm Giám Mục tiên khởi cho giáo phận Port Pirie năm 1889 là Đức Cha tiến sĩ John O’Reilly. Toà giám mục được đặt tại trung tâm thành phố thành phố Port Pirie, cách Adelaide 250Km. Cảng Port Pirie là một thành phố có nhiều kỹ nghệ lọc quặng mỏ lớn vào hạng thứ II của Úc Châu.

Thành phố Port Pirie toạ lạc ở vùng tây, bắc tiểu bang Nam Úc. Giáo phận Port Pirie có diện tích khoảng 980.000 cây số vuông, lớn gấp 2 lần đất nước Tây Ban Nha và có ranh giới giáp 4 tiểu bang: Western Australia, Queensland, New South Wales và Victoria, bao gồm cả vùng cao nguyên Uluru có hòn đá đổi màu lớn nhất ở giữa Úc Châu.

Giáo phận Port Pirie bị trống ngôi, từ khi tòa thánh thuyên chuyển vị giám mục tiền nhiệm, Đức Cha Eugene Hurley lên Nothern Territory làm giám mục chính tòa, giáo phận Sao Biển Darwin, vùng cực bắc của Úc Châu, từ tháng 7 năm 2007. Giáo phận Port Pirie và giáo phận Darwin đều thuộc về Giáo Tỉnh Adelaide, do ĐTGM Philip Wilson

Đức Cha Greg. O’Kelly Sj. sẽ chính thức nhận giáo phận vào ngày 02 tháng 6 năm 2009 và thánh lễ đồng tế, đại trào nhận chức sẽ được cử hành tại nhà thờ chính tòa St. Mark, trung tâm thành phố Port Pirie lúc 02:00 giờ chiều, thứ Tư, ngày 10 tháng 6 năm 2009.

Đức Cha Greg. O’Kelly Sj cho biết: Phục vụ ở giáo phận Port Pirie, tức nhiên là Ngài đang trở về cội nguồn, theo bước chân đầu tiên của các anh em tiền bối Dòng Tên. Hơn thế nữa, tổ tiên, giòng họ nội, ngoại của Đức Cha O’Kelly đều sinh sống ở vùng phía bắc tiểu bang Nam Úc. Ông bà Nội và Thân phụ của Ngài đã là những cư dân vùng Jamestown, ngay kế bên Port Pirie. Tuy nhiên Ngài được sinh ra và lớn lên trong thành phố Adelaide.

Cảm tưởng của ĐC O'Kelley: là Ngài rất buồn và lưu luyến khi phải rời xa giáo phận Adelaide, với những khuôn mặt rất thân thương của giáo dân và những học sinh quí mến của Ngài. Nơi mà Ngài đã từng phục vụ trong suốt chặng đường dài, đã qua 30 năm tại Adelaide. Nhưng là bước chân Chúa mời gọi, Ngài sẵn sàng lên đường làm sáng danh và làm những việc cần thiết cho giáo phận, để đẹp lòng Chúa hơn.

Đức Cha Greg. O’Kelly là vị giám mục thứ 11 của giáo phận Port Pirie.,
 
Vua Jordan phá tiền lệ để đón tiếp Đức Thánh Cha
Bùi Hữu Thư
15:50 07/05/2009

Vua Jordan phá tiền lệ để đón tiếp Đức Thánh Cha



VATICAN CITY, Ngày 5 tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Vua Jordan dự trù phá tiền lệ về thủ tục ngoại giao ngày thứ sáu này khi ông tiếp đón Đức Thánh Cha Benedict XVI.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Vatican đã họp báo hôm thứ hai về chuyến đi một tuần của Đức Thánh Cha tại Đất Thánh.

Phát ngôn viên này ghi nhận việc Vua Abdallah II sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường khi ngài được dự trù đến vào lúc 2:30 chiều. Và với một nghi thức đặc biệt bất thường, nhà vua và hoàng hậu Rania sẽ lại tiễn đưa Đức Thánh Cha ra phi trường khi ngài rời nơi đây ngày thứ hai..

Cha Lombardi cho hay vị vua này đang đóng góp đáng kể vào việc đối thoại liên tôn qua nhiều sáng kiến khác nhau. Cha nhắc đến Điệp Văn Amman, khuyến khích thế giới Hồi Giáo bỏ qua những thái độ quá khích, và Điệp Văn Liên Tôn Amman, gửi cho Kitô hữu và người Do Thái mời gọi họ vổ võ cho hòa bình và việc chia sẻ các giá trị giữa hai tôn giáo.

Phát ngôn viên Tòa Thánh cũng ghi nhận thêm là một trong các cố vấn của Vua Abdallah là Ghazi bin Muhammad, người đã phối hợp hành động của 138 học giả Hồi Giáo phản ứng lại việc chống đối Đức Thánh Cha năm 2006 sau khi ngài đọc diễn văn tại Regensburg.

Chính nhóm này đã viết "Một Thế Giới Của Chung”, khiến cho có được việc thiết lập Diễn Đàn Công Giáo-Hồi Giáo tại Rôma.
 
Lịch sử Ngày Các Bà Mẹ - Mothers' Day
Trần Minh Tiến
17:08 07/05/2009
"Và càng về già, tôi càng cảm thấy gần Mẹ Thiên Chúa hơn" (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI)

Chúc mừng và tôn vinh tất cả những người nữ nhận từ Thiên Chúa thiên chức làm Mẹ
Xin tạ ơn Chúa. Xin tạ ơn người Mẹ của chúng con, dù sống hoặc đã về bên Chúa


MOTHERS’DAY - LỊCH SỬ “NGÀY CÁC BÀ MẸ”

Trên cả thế giới,có hơn 46 quốc-gia dành một ngày đặc-biệt để tôn vinh các Bà Mẹ,nhưng không phải mọi quốc-gia đều mừng cùng một ngày.Chúng ta mừng các Bà Mẹ với thiệp mừng,kẹo bánh,hoa và những bửa ăn ở ngoài. Nhưng các bạn có biết làm sao ngày nầy đã trở thành một ngày nghỉ hợp-pháp ở Mỹ chăng?

NGÀY CÁC BÀ MẸ được JULIA WARD HOWE đề-xuất lần đầu tại Mỹ. Bà là người đã sáng tác Ca Khúc Hành Quân của Nền Cộng-Hoà (Battle Hymn for the Republic). Cô gợi ý rằng ngày nầy được dâng hiến cho Hòa-bình.Cô Howe đã tổ-chức những cuộc Họp Ngày Bà Mẹ hằng năm.Năm 1877,Bà Juliet Calhoun Blakely không ngờ mình đã lập ra Ngày Các Bà Mẹ.Vào Chuá Nhật,ngày 11/5/1877, ngày sinh nhật của Bà,Vị Mục-sư Giáo Hội Trưởng Lão của Bà thình lình rời toà giảng,quẫn trí vì tư cách đạo đức của đứa con trai.Bà Blakely bước lên bục giảng để tiếp tục phần còn lại của buổi phụng vụ và kêu gọi các bà mẹ khác cùng theo Bà.Hai đứa con của Bà Blakely bị đánh động bởi hành động của Bà,đến nỗi chúng thề sẽ trở lại thành phố sinh trưởng ở Albion,Mich,mỗi năm để mừng sinh-nhật của Bà và đóng góp tiền cho Bà.

Thêm vào đó,hai anh em cố gắng thuyết phục những người cùng cộng tác kinh doanh và những người họ gặp khi đi giao dịch,để cùng TÔN VINH CÁC BÀ MẸ VÀO CHÚA NHẬT THỨ HAI CỦA THÁNG NĂM.Họ cũng đề xuất Giáo Hội Trưởng Lão ở Albion dành riêng Chúa Nhật thứ hai của mỗi tháng Năm để tôn vinh TẤT CẢ CÁC BÀ MẸ.

Trong khi có những ngày tổ chức mừng ở địa phương,sự thưà nhận Ngày Các Bà Mẹ như một ngày nghỉ quốc gia (Mỹ)lại là kết quả của những nổ lực của Anna Jarvis. Mẹ của Cô,Bà Anna M.Jarvis,đã dùng biểu diễn âm nhạc để phát-triển “Ngày Ai Hữu Các Bà Mẹ”,một phần của tiến-trình chữa lành vết thương cuộc Nội Chiến. Để tỏ lòng tôn kính mẹ của Cô,Cô Jarvis muốn dành hẳn một ngày để tôn vinh tất cả mọi bà mẹ,CÒN SỐNG và ĐÃ QUA ĐỜI. Năm 1907,Cô Anna Jarvis bắt đầu cuộc vận động để thiết lập Ngày Các Bà Mẹ toàn quốc. Cô thuyết phục Nhà Thờ của cô ở Grafton mừng Ngày các Bà Mẹ vào ngày giỗ thứ hai của Mẹ Cô,vào Chúa Nhật thứ hai Tháng Năm.Năm kế đó,Ngày các Bà Mẹ cũng được mừng ở thành phố của Cô ở Philadelphia.Cô Jarvis và những người ủng-hộ cô bắt đầu viết cho các mục sư,doanh nhân,các nhà chính-trị trong cuộc vận động lớn nầy,để thành-lập Ngày Các Bà Mẹ Toàn Quốc. Chiến-dịch thành-công. Năm 1911,Ngày Các Bà Mẹ được cử hành trong hầu hết các quốc gia trong Hợp-chủng-quốc. Năm 1914,tổng thống Woodrow Wilson đã chính thức công bố Ngày Các Bà Mẹ là NGÀY LỄ NGHỈ QUỐC GIA và được tổ-chức mỗi năm vào Chúa nhật thứ hai Tháng Năm. Cuộc vận động do một người đàn bà khởi xướng như Anna Jarvis thường bị coi nhẹ trong các sách lịch sử,bởi vì đầu những năm 1900, phụ nữ dấn thân vào vô số cố gắng cải tổ khác,nhưng có vẽ như những cải tổ ấy giúp dọn đường để Anna Jarvis thành công trong chiến dịch vận động của Cô cho NGÀY CÁC BÀ MẸ.

Xin nhớ rằng: Ngày Các Bà Mẹ [Mothers’ Day]cũng dành cho các Bà Nội Ngoại [Grand-Mothers’ Day].

TÔI MUỐN CON TÔI SỐNG

Đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại.

Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu?

Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.

Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: "Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước". Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: "Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm". Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa... Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: "Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống".
 
Top Stories
BIRMANIE: Un an après le passage du cyclone Nargis, l’Eglise catholique réunit les différentes confessions religieuses du pays pour une célébration commémorative
Eglises d'Asie
01:56 07/05/2009
Il y a un an, dans la nuit du 2 au 3 mai 2008, un cyclone particulièrement violent s’abattait sur le delta de l’Irrawaddy, le traversant d’ouest en est. Le cyclone amenait avec lui une vague immense qui balayait près de 5 000 km2 de terres, rayant de la carte des villes et des villages entiers. Le bilan a été officiellement évalué à plus de 140 000 morts ou disparus, et deux millions de sinistrés. Selon les Nations Unies, toujours présentes dans le delta de l’Irrawaddy, des centaines de milliers de rescapés vivent toujours aujourd’hui dans des conditions très précaires (1).

A l’approche de la date anniversaire du drame, la plupart des survivants ont commencé à se préparer aux cérémonies du souvenir, d’une très grande importance pour les bouddhistes birmans. Nombre d’entre eux, qui ont pourtant tout perdu dans le cataclysme, se sont endettés pour faire les dons aux bonzes prévus par les rites, afin de donner aux défunts la possibilité de se réincarner dans une vie meilleure. Malgré le traumatisme national, la junte au pouvoir n’a cependant prévu aucune commémoration officielle, mais des cérémonies privées ont eu lieu à travers tout le pays, dans les monastères bouddhistes, sur les lieux du drame, et dans les églises chrétiennes.

L’Eglise catholique, très minoritaire en Birmanie (2), s’était particulièrement investie dans les secours aux sinistrés, s’appuyant sur les associations locales et les diocèses – les deux diocèses les plus touchés avaient été ceux de Rangoun et de Pathein –, alors que l’aide internationale était bloquée par la junte (3). Mgr Charles Maung Bo, archevêque de Rangoun, s’était alors réjoui de la solidarité qui avait surgi, églises chrétiennes et monastères bouddhistes accueillant indistinctement tous les réfugiés, l’ampleur du drame effaçant les anciens antagonismes. « La compassion a explosé comme une forme de guérison après le déluge du mal, avait-il déclaré à l’agence Fides, le 18 juin 2008, (…) et des gestes spontanés de charité ont conduit des bouddhistes et des chrétiens à se nourrir et à s’aider les uns les autres. »

C’est ce thème de la compassion « langage commun de la population birmane », que le prélat a repris lors du grand rassemblement interreligieux organisé le 2 mai dernier à la cathédrale St Pierre de Pathein, afin de commémorer la catastrophe survenue il y a un an, jour pour jour. Le prélat a ainsi rappelé comment des moines bouddhistes avaient risqué leur vie pour sauver des chrétiens emportés par les eaux en furie, pendant que des volontaires catholiques apportaient des colis de première urgence, de l’aide alimentaire et des médicaments dans les villages bouddhistes. Tout autant d’actions qu’il aurait semblé impossible d’imaginer avant le cataclysme.

Les autres minorités religieuses avaient également participé au même élan de solidarité: « Nos frères musulmans de Rangoun ont organisé l’une des plus grandes distributions d’aide alimentaire d’urgence. Les temples hindous ont fourni des repas communautaires. Nous étions Un, nous étions une seule et même famille », a déclaré Mgr Bo devant l’assistance présente à la cathédrale, comprenant de nombreux représentants catholiques, dont Mgr John Hsane Hgyi, évêque de Pathein, des responsables des communautés protestantes, musulmanes, hindoues, bouddhistes, ainsi que les autorités locales. « Nous sommes rassemblés ici pour affirmer notre humanité commune, une humanité qui a été capable d’être émue par la douleur d’autrui, qui s’est empressée d’aider ses frères et sœurs atteints, démontrant le pouvoir sans limites de la compassion », a-t-il poursuivi.

Rappelant que le cyclone avait frappé sans distinction ethnique ou religieuse, le prélat a souligné que la compassion était une composante essentielle des religions, citant à l’appui, le Sermon sur la montagne donné par le Christ à ses disciples, la Karuna, « l’une des Nobles Vérités du bouddhisme », ou encore, dans l’islam, l’une des dénominations de Dieu « miséricorde et compassion ».

Mgr Bo concluait: « La compassion a unifié la nation, brisant toutes les frontières qui nous divisaient (…). Aujourd’hui, nous pleurons nos proches, mais nous savons que leur mort n’a pas été vaine. Désormais, partout où des êtres humains souffrent, nous nous rappellerons ceux qui sont morts l’an dernier et nous nous souviendrons que nos actes charitables envers ceux qui souffrent sont l’acte le plus méritant rendu à leur mémoire. » S’adressant à l’ensemble d’une population à majorité bouddhiste, les termes d’« actes de mérite » choisis par le prélat ont un sens bien précis pour les disciples birmans du Bouddha, pour lesquels l’acquisition de « mérites » de la part des vivants est primordiale pour le repos de leurs défunts.

(1) Courrier International, 30 avril 2009; Le Monde, 2 mai 2009.
(2) Au Myanmar, nom donné par la junte en 1989 à l’ancienne Union de Birmanie, les chrétiens ne représentent que 4 % (dont seulement un quart de catholiques) d’une population à 89 % bouddhiste.
(3) Voir EDA 485.

(Sourcer: Eglises d'Asie, 6 mai 2009)
 
CHINE: Au sanctuaire marial de Sheshan, en dépit des restrictions mises en place par les autorités, l’affluence des pèlerins a été forte
Eglises d'Asie
01:56 07/05/2009
Le 1er mai, en la basilique Notre-Dame de Chine, à Sheshan, l’évêque « officiel » du diocèse de Shanghai, Mgr Aloysius Jin Luxian, âgé de 92 ans, a célébré la messe, en présence d’une vingtaine de prêtres et devant une foule estimée à plus de 3 000 catholiques. Pour cette messe en l’honneur de Marie Secours des chrétiens, à qui le sanctuaire de Sheshan est consacré, les pèlerins étaient nombreux, trois fois plus nombreux que lors de la messe célébrée à la même date l’an dernier; ils étaient d’autant plus nombreux que les autorités chinoises avaient très clairement découragé les catholiques à prendre part au premier des grands pèlerinages du mois de mai.



La procession de la statue de la Vierge de Sheshan (Photo: Ucanews)
Situé dans le diocèse de Shanghai, le sanctuaire de Sheshan est l’un des grands sites de pèlerinages mariaux de Chine. A ce titre, il est fréquenté chaque année par des dizaines de milliers de fidèles. Son rayonnement a encore augmenté lorsque le pape Benoît XVI, dans sa lettre aux catholiques de Chine, diffusée le 30 juin 2007, a mentionné la Vierge Marie Secours des chrétiens, « vénérée avec une grande dévotion au sanctuaire marial de Sheshan, à Shanghai » et institué le 24 mai comme journée de prière pour l’Eglise en Chine. Les autorités chinoises ont interprété l’appel du pape à prier pour l’Eglise en Chine comme si le chef de l’Eglise catholique avait une perception défavorable de la situation en Chine et qu’il était donc nécessaire de prier pour changer cette situation. Quant à la mention de Sheshan par le pape, les autorités ont immédiatement compris que, si les catholiques se rendaient en nombre dans ce sanctuaire, ils le feraient très certainement en réponse à l’appel de Benoît XVI et sans doute contre la politique religieuse du régime. En mai 2008, diverses mesures avaient donc été prises par la police pour restreindre au minimum l’affluence populaire au sanctuaire de Sheshan. Avec un certain succès: si, en 2007, pour les deux journées du 30 avril et du 1er mai, plus de 11 000 pèlerins avaient été comptés à Sheshan, l’année suivante, ils n’étaient plus que mille (1).



Cette année, les organes chapeautant les structures « officielles » de l’Eglise ont réitéré les mesures prises en 2008. Ainsi, le 14 avril dernier, l’Association patriotique des catholiques chinois et la Conférence des évêques (« officiels ») de l’Eglise catholique en Chine ont publié une note appelant les diocèses à organiser localement les célébrations mariales du mois de mai. A l’attention des pèlerins néanmoins désireux de se rendre à Sheshan et résidant en-dehors de la municipalité de Shanghai, il était spécifié qu’ils devaient se conformer aux règlements fixés par leurs diocèses et provinces d’origine. En clair, pour se rendre à Sheshan, un catholique des provinces entourant Shanghai, telles l’Anhui, le Fujian, le Jiangsu ou le Zhejiang, devait obtenir l’autorisation de son diocèse, de sa province, du diocèse de Shanghai et enfin du sanctuaire de Sheshan. Interrogé par l’agence Ucanews (2), le vice-président de l’Association patriotique, Anthony Liu Bainian, a déclaré que la note en question « n’interdi[sait] pas » les pèlerinages de province à province, mais avait pour objet de rappeler aux pèlerins qu’il leur était nécessaire de contacter les sanctuaires à l’avance afin d’assurer les meilleures conditions d’accueil et de sécurité.



Du côté des autorités municipales de Shanghai, la Sécurité publique a annoncé que des restrictions à la circulation en voiture particulière autour de Sheshan étaient édictées pour la période allant du 30 avril au 31 mai, ces restrictions étant modulables en fonction de l’importance du trafic constaté. L’an dernier, les autorités avaient eu recours à des mesures exactement semblables pour empêcher toute affluence dans le sanctuaire. De plus, des caméras de surveillance avaient été mises en place et la présence policière renforcée.



Parmi les éléments nouveaux de cette année, on peut noter le fait qu’Anthony Liu Bainian a précisé que instances « officielles » de l’Eglise, au niveau national, suggéraient désormais les intentions de prière que les catholiques chinois pouvaient adopter pour les célébrations du mois de mai. De telles suggestions « pourront, à partir de maintenant, devenir habituelles », a-t-il précisé. En la matière, il semble que ce soit le diocèse de Pékin qui donne le la, avec la publication récente d’une note invitant à la prière pour les victimes des tremblements de terre et d’autres catastrophes naturelles, ainsi que pour leurs sauveteurs. De même, les catholiques chinois sont invités à prier pour rester fermes dans la foi et déterminés dans l’action face à la présente crise économique. Enfin, relevant que l’Eglise dans le monde va entrer, le 19 juin prochain, dans une année sacerdotale, il est demandé de prier pour les vocations religieuses et sacerdotales en Chine, et pour conforter les prêtres et les religieuses dans leur choix de vie. Les prières pour la mission d’évangélisation ne doivent pas être oubliées, est-il encore précisé.



Face à toutes ces consignes, certains diocèses ont obtempéré. Celui de Tianjin a ainsi annulé à la dernière minute un pèlerinage de 40-45 personnes qui devaient se rendre à Sheshan du 22 au 27 mai prochain. La même chose s’est produite dans le diocèse « officiel » du Jiangxi. Mais tous ne semblent pas avoir agi de même: parmi les 3 000 pèlerins présents à Sheshan le 1er mai, se trouvaient des catholiques de Shanghai mais aussi bon nombre d’autres, venus de l’Anhui, du Fujian, du Jiangsu ou bien encore du Zhejiang.



(1) Voir EDA 483, 484, 486.

(2) Ucanews, 6 mai 2009.

(Sourcer: Eglises d'Asie, 6 mai 2009)
 
VIETNAM: Lettre de la Conférence épiscopale à la communauté du peuple de Dieu concernant la préparation de l’année sainte 2010
Eglises d'Asie
02:03 07/05/2009
VIETNAM: Lettre de la Conférence épiscopale à la communauté du peuple de Dieu concernant la préparation de l’année sainte 2010

NDLR:
Lors de leur première réunion annuelle qui a eu lieu au Cap Saint-Jacques du 13 au 17 avril 2009, les évêques catholiques du Vietnam avaient placé la préparation de l’année sainte 2010 au centre de leurs débats. A l’issue de cette assemblée, dont EDA 506 a rendu compte, une lettre commune a été composée et envoyée à l’ensemble des fidèles. Elle souligne l’importance pour l’avenir de l’Eglise du Vietnam de cette période de temps qui sera marquée par de nombreuses manifestations dont la plus importante est la convocation d’une grande assemblée du peuple de Dieu au Vietnam. Le texte a été mis en ligne sur le site Internet de la Conférence épiscopale du Vietnam. Nous publions ci-dessous la traduction française réalisée par la rédaction d’Eglises d’Asie.

TEXTE

Frères et sœurs bien-aimés,

Du 13 au 17 avril 2009, la Conférence épiscopale du Vietnam a tenu sa première session annuelle à Vung Tau (Cap Saint-Jacques). Depuis le sanctuaire marial de Bai Dâu, nous vous envoyons nos salutations affectueuses et, dans le cadre de cette première semaine de Pâques, nous prions pour que la paix du Christ ressuscité vous soit toujours donnée en abondance.

Comme vous le savez, le 24 novembre 1960, le pape Jean-XXIII, par la publication du décret Venerabilium nostrorum, établissait la hiérarchie de l’Eglise du Vietnam. Aussi bien, en 2010, nous fêterons le 50ème anniversaire de cet événement, qui nous rappellera une étape de notre histoire et sera un signe du développement de l’Eglise. Le 29 septembre 2008, nous avions envoyé une requête auprès du Saint-Père Benoît XVI demandant l’autorisation d’ouvrir une année sainte en 2010. Nous avons la joie de vous annoncer que, par une lettre du 11 février 2009, le Souverain Pontife a accepté la requête des évêques du Vietnam et autorisé la célébration de l’année sainte 2010. Elle commencera le jour de la fête des saints martyrs du Vietnam, le 24 novembre 2009, et s’achèvera le 6 janvier 2011, le jour de la fête de l’Epiphanie. L’Eglise du Vietnam fêtera solennellement l’ouverture de l’année sainte à Hanoi. La clôture coïncidera avec un pèlerinage au sanctuaire marial de La Vang. Plus particulièrement, au mois de novembre 2010, une grande assemblée du peuple de Dieu sera organisée à Hô Chi Minh-Ville. Elle rassemblera des représentants de tous les diocèses et de toutes les composantes du peuple de Dieu, pour déterminer, avec la Conférence épiscopale, l’orientation de l’Eglise dans les années à venir. En dehors des rassemblements communs à tout le pays, chaque diocèse aura, sur place, ses propres rassemblements afin de donner l’occasion à la totalité des fidèles de participer à la célébration de cette année sainte et de la vivre pleinement.

La célébration de l’année sainte 2010 sera pour nous une occasion de réviser le chemin déjà parcouru, dans un sentiment de gratitude pour les grâces accordées par Dieu en abondance, pour les sacrifices consentis par nos prédécesseurs, nos bienfaiteurs et les témoins de la foi. En même temps, nous demanderons pardon pour n’avoir pas encore montré une image de l’Eglise telle que le Seigneur la souhaite. Ce sera aussi l’occasion d’examiner la situation présente avec les yeux de la foi, pour y découvrir les défis et les occasions favorables que rencontrent aujourd’hui la vie et la mission de l’Eglise. Cette année sainte constituera une période durant laquelle nous serons entraînés à regarder vers l’avenir, résolus à édifier l’Eglise comme la famille de Dieu, comme une communauté fraternelle, annonçant la bonne nouvelle du Christ au service de la vie et de la dignité de tous les hommes et surtout des plus pauvres.

Afin de créer les conditions permettant à toutes les composantes du peuple de Dieu de participer positivement à l’année sainte, nous vous enverrons en permanence des informations par l’intermédiaire de Hiêp Thông (‘Communion’), bulletin de la Conférence épiscopale du Vietnam, ainsi que des bulletins des paroisses et des associations. Nous souhaitons ardemment votre participation positive à la célébration de l’année sainte sous de nombreuses formes: en priant d’ores et déjà pour que la célébration de l’année sainte porte beaucoup de fruits, en s’efforçant de participer à l’édification de la communauté paroissiale où vous êtes présents, en faisant connaître vos opinions et en les envoyant au comité d’organisation de l’année sainte. Nous souhaitons aussi que vous participiez à l’année sainte en aidant l’Eglise à recueillir le budget nécessaire aux dépenses occasionnées par les grandes manifestations qui marqueront cette année. Pour exprimer la communion de toute l’Eglise, nous proposons une date pour une contribution commune dans toutes les paroisses et les associations: la fête de la Trinité, le 7 juin 2009. En dehors de cette date, vous pouvez envoyer votre aide au comité d’organisation de l’année sainte à n’importe quel moment de l’année. Nous vous remercions sincèrement de toutes les formes d’aide que vous pourrez apporter pour la célébration de cette année sainte. Ce sera une façon concrète pour vous d’exprimer votre communion et votre participation à la vie de l’Eglise.

Du 20 juin au 5 juillet 2009, la Conférence des évêques du Vietnam accomplira un voyage à Rome pour se rendre sur les tombeaux des apôtres Pierre et Paul et rendre visite au Saint-Père. Certainement, nous lui ferons part de vos sentiments filiaux et lui demanderons pour vous sa bénédiction. Nous sollicitons vos prières pour nous aider dans ce voyage. Par l’intercession de la Sainte vierge et des saints martyrs du Vietnam, nous prions le Seigneur qu’il accorde sa grâce à tous, à chacune de vos familles et de vos communautés.

Fait au sanctuaire de la Vierge, Bai Dâu, le 17 avril 2009.

+ Pierre Nguyên Van Nhon, évêque de Da lat,
président de la Conférence épiscopale

+ Joseph Ngô Quang Kiêt, archevêque de Hanoi
secrétaire général de la Conférence épiscopale

(Sourcer: Eglises d'Asie, 6 mai 2009)
 
INDONESIE: L’Eglise catholique défend ses enseignants catéchistes
Eglises d'Asie
12:55 07/05/2009
Dans les écoles publiques indonésiennes, où les cours de religion sont obligatoires pour tous les élèves, quelle que soit leur appartenance religieuse, bon nombre de professeurs qui enseignent la foi catholique sont considérés comme des enseignants à temps partiel et, à ce titre, reçoivent un salaire peu élevé. C’est ce qu’explique le P. Fransiskus Xaverius Adi Susanto, jésuite et secrétaire de la Commission pour la catéchèse de la Conférence des évêques d’Indonésie (1), à l’issue d’une rencontre à Bintaro, au sud de Djakarta, les 5 et 8 avril dernier, rassemblant une cinquantaine d’enseignants catholiques de la province de Banten (2).

Ce rassemblement, organisé sous l’égide du BIMAS Katholik, le département pour les catholiques du ministère aux Affaires religieuses, avait pour but de permettre aux enseignants catéchistes d’échanger sur les problèmes auxquels ils doivent faire face dans leur travail et s’intitulait: « Développons la compétence spirituelle des enseignants catholiques de Banten ».

Le P. Susanto a demandé, dans le cadre de ce séminaire de trois jours, que le gouvernement accorde le statut de fonctionnaires aux enseignants catéchistes, statut qui est celui des professeurs laïcs. Un tel changement aurait pour conséquence une augmentation de leur salaire. Les enseignants à temps plein reçoivent environ 1,5 million de roupies par mois (environ 100 euros) alors que les professeurs-catéchistes reçoivent moins d’un million de roupies.

Les revendications des enseignants concernaient également le problème des fournitures scolaires pour lesquelles les commissions de catéchèses diocésaines sont prêtes à proposer leur aide. Comme le rapporte le prêtre jésuite, le BIMAS Katolik a bien « fourni des manuels scolaires catholiques aux écoles, [mais] certaines d’entre elles, situées dans les régions éloignées, ne les ont toujours pas reçus. »

Le P. Bernardus Hardijantan Dermawan, qui dirige la Commission pour la catéchèse de l’archidiocèse de Djakarta, reconnaît que les professeurs qui enseignent la religion catholique ne bénéficient pas d’un grand soutien de la part des prêtres, qui, la plupart du temps, n’ont pas connaissance des difficultés auxquelles ils doivent faire face.

Quant au secrétaire de la commission, Marcus Leonhard Suparna, il explique que les élèves catholiques des écoles publiques sont souvent si peu nombreux que « les écoles ne réussissent pas à leur accorder l’attention nécessaire ». Dans de nombreux établissements, souligne-t-il, les écoliers catholiques doivent assister aux classes de religion dans la cantine scolaire ou dehors, sous un arbre. « Dans quelques paroisses, les prêtres fournissent même les catéchistes et les salles pour les cours. »

Durant la réunion de Bintaro, Petrus Kanisisu Kebaowolo, qui dispense ses cours à une quinzaine d’élèves catholiques âgés de 7 à 12 ans de l’école élémentaire publique Tanah Tinggi III à Tangerang, dans la province de Banten, a témoigné qu’il enseignait dans la salle de prière de l’établissement (mushola, petite mosquée). Cela ne s’est pas fait cependant sans difficultés et l’enseignant garde en mémoire l’épisode où, trois ans plus tôt, il s’est retrouvé pendant une heure, enfermé à double-tour dans la salle de prière. « Je pense que la personne qui m’a enfermé était quelqu’un qui n’aimait pas l’idée que j’utilise la mushola pour enseigner le catéchisme, raconte-t-il, mais j’avais pourtant reçu l’autorisation du responsable. Et il y avait aussi un autre professeur qui utilisait la salle de prière pour enseigner l’anglais. »

Le P. Xaverian Daniel Cambielli, ancien responsable de la Commission pour la jeunesse du diocèse de Padang, est venu encourager les participants. « Bien qu’il y ait des problèmes, vous ne devez pas abandonner », leur a-t-il dit, leur rappelant de s’appuyer sur leur foi dans le Christ.

(1) Ucanews, 30 avril 2009.

(2) La province de Banten, sur l’île de Java, compte une population majoritairement musulmane. Elle fait partie de l’archidiocèse de Djakarta.

(Source: Eglises d'Asie, 7 mai 2009)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giám mục Thái Bình tố cáo: ''các cơ quan an ninh đe dọa... chặn các lối đi hành hương... gây nên tình trạng kỳ thị tôn giáo chia rẽ dân tộc
+ GM F.X Nguyễn Văn Sang
02:17 07/05/2009
BỨC THƯ NGỎ
của Đức Cha F.X. Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Giáo phận Thái Bình


V/v HÀNH HƯƠNG CỦA CỘNG ĐOÀN NGƯỜI CÔNG GIÁO THÁI BÌNH
TỚI VIẾNG ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP TẠI THÁI HÀ


Ngày 2 -5 - 2009

Kính gửi:
Ông Trưởng Ban Tôn giáo của Chính Phủ tại Hà Nội,
Ông Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình,
Ông Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình,
Ông Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Y ên,
Ông Chủ tịch Uỷ Ban Mặt Trận tỉnh Thái Bình,
Ban Tôn Giáo - Sở Nội Vụ tỉnh Thái Bình,
Ông Giám đốc Công An tỉnh Thái Bình,
Ông Giám đốc Công An tỉnh Hưng Yên,
Đức Cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam.
Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt -
Tổng Thư ký HĐGM Việt Nam - Tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội.

Kính thưa các ngài:

Tôi là Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Giáo phận Thái Bình, xin đệ lên các ngài những tâm tư sau đây:

Trước hết, tôi là Giám mục đã về phục vụ nhân dân Tỉnh Thái Bình được hơn 20 năm. Mặc dầu đã bước vào tuổi 80 (đời đã xế bóng), đã có đơn xin nghỉ hưu tại Tòa Thánh và đang tìm người kế nhiệm, nhưng trước khi nhắm mắt lìa đời thấy một nỗi bức xúc kêu lên cùng các vị như sau:

Trong công cuộc phục vụ Giáo Hội và nhân dân, tôi thường được mọi người trong đạo ngoài đời gắn cho là một vị Giám Mục biết đối thoại để tìm ra lối sống chung hài hòa và giải quyết các vấn đề hợp tình hợp lý để mọi người trong xã hội đều được sống bình an và hạnh phúc. Do đó, phần nào Giáo phận Thái Bình, mặc dù cũng có những khó khăn phức tạp nhưng đa số đã được giải quyết một cách êm thấm. Song hiện nay có nhiều sự việc bùng lên do một vài hành động của Giáo dân cũng như Chính quyền khiến tôi lo ngại sẽ dẫn đến sự mất ổn định trong xã hội chúng ta đang sống, nhất là tại Thái Bình.

Trong dịp đầu xuân Kỷ Sửu vừa qua, tôi đã đến dâng lễ minh niên tại Giáo xứ Thái Hà, nơi Dòng Chúa Cứu Thế đang hiện diện. Đây là nơi không bị tổ chức luật pháp nào cấm hoạt động Tôn giáo, nhất là trong khu vực Thánh đường vẫn còn tồn tại và được các vị trong phía nhà thờ cũng như an ninh trật tự bên ngoài giúp đỡ trong bình an trật tự. Cũng trong dịp này, tôi được biết Tòa Thánh đã châu phê cho Đức Tổng Giám Mục Hà Nội kết hợp với Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà mở Năm Thánh nhân kỷ niệm 80 năm hiện diện của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội.

Nhân dịp tháng 5 (tháng hoa), tháng mà Giáo Hội Công Giáo dành riêng để kính Đức Mẹ. Tôi có đăng ký với Cha Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà để cùng với Giáo Phận (Linh mục, Nam Nữ Tu sĩ và Giáo dân) đến hành hương tại Đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp để được lãnh ơn Toàn xá như Tòa Thánh đã ban và cổ vũ mọi người đến hành hương nơi này.

Tôi là một Giám mục rất trân trọng danh xưng là một Giám Mục Việt Nam, nhưng là một vị Giám mục được Vatican bổ nhiệm làm Giám Mục Thái Bình với sự thỏa thuận của Nhà nước. Do đó, tôi phải vâng lời Tòa Thánh hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và Cha Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội có nhiệm vụ, bổn phận phải động viên những người thuộc về mình, chứ không bắt buộc, nên tự do đến hành hương và tạo điều kiện cho mọi giáo dân tại Thái Bình đến địa điểm trên để được lãnh ơn Toàn xá.

Để làm được việc này theo đúng Giáo luật, tôi đã ra thông cáo công khai trong Giáo phận và mời gọi mọi thành phần Dân Chúa tại Thái Bình và một số huyện ở Hưng Yên đến ngày 02/05/2009 là ngày trong tháng Đức Mẹ, sẽ đi hành hương, dâng Thánh lễ do tôi chủ tế và giảng lễ để được lãnh ơn Toàn xá.

Được sống trong Đất nước mà nhiều người vẫn tự hào là có nền tự do và ổn định nhất thế giới, được tổ chức các cuộc hội họp minh nhiên theo Hiến pháp và rất thành công trong nhiều lãnh vực, huống chi là một cuộc hành hương nho nhỏ của Thái Bình được công bố công khai và được mời gọi tham gia cách tự do chứ không bị ép buộc như trong Thông cáo đã nói: “Tự túc trong mọi công việc và tiến hành trong trật tự và trang nghiêm, thể hiện tinh thần yêu thương”. Các thành phần Dân Chúa ở Giáo phận Thái Bình hồ hởi vui mừng với kỳ vọng được lãnh ơn Toàn xá nên đã thu xếp để lên đường bằng nhiều thể thức, nhiều cách khác nhau. Nhưng than ôi, việc hành hương này không những không được cổ vũ như các cuộc hành hương về Chùa Hương, đến núi Phật hoặc những tổ chức ngoài đời khác như: xem hoa hậu, xem hoa anh đào,v.v... mà còn bị cấm đoán nhiều thể nhiều cách mà nhiều khi xúc phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của con người, nhất là những người được cho là chân yếu tay mềm như đàn bà, trẻ em, v.v...

Cụ thể: Các nhân viên an ninh của các Huyện Tiền Hải, Vũ Thư, Kiến Xương… trắng trợn đến từng gia đình bà con Giáo dân đe dọa không cho họ lên hành hương Đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà ngày 02/05/2009 do chính Đức Giám Mục của họ chủ tế và giảng thuyết. Hơn nữa, họ còn xuyên tạc là: lên đấy có biểu tình lớn tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Không hiểu: “Biểu tình” nghĩa là gì? Phải chăng Thánh lễ do một Giám Mục đã 80 tuổi đời giảng thuyết cho mọi người nghe những giá trị của việc Tôn sùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được phát động công khai trên mọi phương tiện cho mọi người được biết là một cuộc biểu tình?

Đặc biệt hơn nữa các vị trong các cơ quan an ninh đe dọa, thu bằng lái của những tài xế nào chở đoàn hành hương; cho Công an chặn các lối đi hành hương trên ngã đương 1A, đường số 5 yêu cầu ai là người có đạo phải xuống khỏi xe, gây nên tình trạng kỳ thị tôn giáo chia rẽ dân tộc, gây bức xúc cho mọi người ngay trên mảnh đất thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thậm chí ngay trong Thành phố Hà Nội, trên những con đường dẫn tới Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, công an bắt một số người (trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em) trên xe hoặc chung, hoặc riêng, phải xuống xe giữa cánh đồng hoang vắng cô quạnh.

Sau buổi lễ còn triệu tập một số người đã tham dự buổi lễ hôm đó sách nhiễu làm cho mọi người lo ngại.

Tôi thiết nghĩ, công việc tôi đã làm là đúng luật của Giáo hội và xã hội. Địa điểm tôi Dâng lễ chưa hề bao giờ bị Nhà nước cấm đoán đối với những người ở đó và những nơi khác. Cho nên tôi nghĩ, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về tất cả những ai đến địa điểm Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội dâng lễ hôm 02/05/2009, và khẳng định nếu có bị sách nhiễu, kết án một cách bất công vô tội thì chúng ta xin nhận mọi hình phạt chứ không phải những người bé mọn trong đoàn chiên của tôi, vì trước hết, tôi là người ra thông cáo mời mọi người để vâng lời Đức Thánh Cha ban ơn Toàn Xá, và cả chính quyền đã mặc nhiên đồng ý (không cấm đoán theo luật pháp). Một điều đáng buồn hơn là trong quá trình hoạt động của tôi được mọi người đánh giá là thân thiện, đối thoại với tất cả mọi người, kể cả các vị trong Chính quyền các cấp, vì sự kiện vừa mới xảy ra mà nhiều người đã mỉa mai tôi trên báo điện tử rằng, có được cái gì không mà đối thoại với chính quyền,v.v...

Kính thưa các vị trong các cấp chính quyền:

Xin các vị giúp các vị dưới quyền hiểu: Những công việc họ làm trong những biến cố kể trên, không đem lại ích lợi nào trong Xã hội và cho Đất nước, mà chỉ gây nên sự chia rẽ của toàn dân, của đồng bào có tín ngưỡng cũng như không có tín ngưỡng, làm hại đến tinh thần đoàn kết dân tộc và gây đau lòng cho những người vẫn tin tưởng vào chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước.

Chúng tôi xin phản đối những hành vi nói trên và xin can thiệp để ngưng các vụ sách nhiễu đồng bào Công giáo Thái Bình vì đã đi dâng lễ hôm 02/05/2009 tại Nhà thờ Thái Hà – Hà Nội.

Với tư cách là một Giám Mục Việt Nam trung thành với đất nước của mình cũng như đạo giáo, tôi xin viết đôi dòng chân thành để các vị thông cảm và giúp đỡ cho một vị Giám Mục già yếu như tôi, được thanh thỏa tâm hồn tiếp tục phục vụ Đất nước và Giáo hội, phục vụ con người thêm ấm no Hạnh phúc, cho đến khi lìa bỏ cõi đời.

 
Tâm tình Kính thưa Đức Cha F.X Nguyễn Văn Sang: “Tự Do- Hạnh Phúc” của Việt Nam là vậy đó!
An Bình
02:23 07/05/2009
Kính thưa Đức Cha!

Đọc thư của Đức Cha trên mạng, ai là người Công giáo mà không cảm thấy nao lòng. Còn con thì rất cảm động bởi lẽ:

Qua bức thư của Đức Cha, đàn chiên của Cha đã nhìn thấy hình ảnh vị mục tử đã dám lên tiếng để bảo vệ mình trước bầy sói hung dữ. Trong quá khứ và cả hiện tại, bầy sói này đã từng làm không ít vị chăn chiên phải bỏ mạng hoặc bỏ chạy.

Qua bức thư của Đức Cha cũng đã làm lóe lên ánh sáng của niềm tin, hy vọng cho cộng đoàn dân Chúa xác tin vào tình yêu của Thiên chúa dành cho con cái Người thông qua hành động của các đấng bậc trong Giáo Hội Việt Nam.

Thật đáng tự hào, Địa phận Thái Bình chúng ta được Đức Cha dẫn đầu là Giáo phận đầu tiên hành hương cấp Giáo phận về với Mẹ Công lý Thái Hà. Chúng con tự hào về điều đó và hi vọng sẽ càng ngày càng có nhiều Giáo phận khác đưa đàn chiên của mình về với Mẹ Công lý, để được hưởng trọn ơn phúc Năm Thánh.

Trong bối cảnh hiện nay, những tiếng nói của Đức Cha quả là một hồng ân Của Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam. Chúng con ước mong gì sẽ có được nhiều hồng ân như thế nữa. Chúng con những con chiên trong đàn xin tạ ơn Chúa vì điều đó và cũng biết ơn các Đấng bậc nhiều lắm.

Để giữ được một giáo phận như Thái Bình hôm nay cộng Đoàn dân Chúa đã vất vả nhiều lắm, đặc biệt là Đức Cha, người chèo lái con thuyền giáo phận. Cha là người chăn chiên nên vất vả hơn thế vì Cha và tất cả các Đấng bậc tại Việt Nam phải chăn chiên trên cánh đồng đầy sói. Để giữ được Giáo phận Thái Bình như hôm nay Cha đã bỏ ra bao công sức và cả những tế nhị, nhún nhường. Dân Chúa biết và lẽ ra cả nhà cầm quyền nữa cũng phải ghi nhận công lao này. Nhưng với bản chất xảo trá chính quyền này chỉ dành cho chúng ta – những người Công giáo, công dân hạng hai - những lừa phỉnh và độc ác.

Đọc thư Đức Cha, con cảm nhận được tình yêu của Đức Cha dành cho con cái và sự thất vọng của Đức Cha vì cách đối xử của nhà nước này. Trong tâm tình Cha với con, chúng con càng kính mến Đức Cha, thì càng thương Đức Cha và các đấng bậc trong Giáo hội Việt Nam và muốn tâm sự đôi điều để vơi bớt phần nào chăng? Xin Đức Cha lượng thứ nếu con nói điều chưa đúng về Đức Cha, nhưng còn phải nói thế này:

Sở dĩ Đức Cha thất vọng là vì Đức Cha tin chế độ này, nhà nước này nên khi nó bộc lộ bản chất hèn hạ, Đức Cha mới thất vọng. Con còn nhớ trong bài giảng gần đây tại Thái Hà, có lần Đức Cha nói: “Đấy không phải chủ trương chính sách của nhà nước”? Vậy xin Đức Cha cho con hỏi đó là chủ trương của ai? Tại sao đồng loạt công an các nơi lại làm như vậy? (Cả công an Hà Nội và Thái Bình) Nếu không có chủ trương từ “trên” tức là nhà nước thì có anh công an viên nào dám tự ý làm không? Vả lại họ - công an này chẳng phải là công cụ của nhà nước hay sao?

Chúng con thấy thật khổ thân Đức Cha quá đỗi. Ngay cả đến Đức Cha còn phải trốn đi lên Thái Hà từ đêm hôm trước mà không biết có thoát nạn hay không, thì đàn chiên của cha bị sói dữ ngăn chặn, cắn xé dọc đường là điều quá bình thường.

Chúng con cũng thấy khi tình hình căng thẳng, nhà cầm quyền lo sợ trước sự giận dữ của giáo dân và những người có lương tâm bởi hành động cướp bóc nơi Toà Khâm sứ, Thứ trưởng bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng còn gọi điện cho Đức Cha cả đêm để đề nghị giúp đỡ. Vậy mà khi Đức Cha cần, họ trở mặt trấn áp. Những “tình cảm tốt đẹp của người cộng sản” đâu rồi?

Kể cả “ông phó Chủ tịch Hoàng Đình Thạch. Nghe nói, ông là người tri thức, có bằng cấp cao, điệu bộ và ăn nói mềm dẻo, nhã nhặn” đã ca ngợi sự “hòa hợp giúp đỡ lẫn nhau giữa chính quyền và Tôn giáo ở Thái Bình” (như lời tác giả Tông Đồ đã viết), nay ông ta ở đâu? Hay ông ta đang nấp sau cánh gà lệnh cho đàn em trấn áp, ngăn chặn đàn chiên của Đức Cha.

Đó mới đúng bản chất của người cộng sản, thưa Đức Cha.

Những người sống hiền lành thánh thiện thường dễ cả tin. Họ nghĩ ai cũng như mình. Chính vì thế mà mới bị cộng sản lợi dụng, lừa phỉnh. Cả dân tộc này đã và đang bị lừa như vậy. Khi họ được nghe đài báo nhà nước nói chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, các nước theo chủ nghĩa này là xấu xa tội lỗi thì thực tế đã chứng minh khi có điều kiện là các công dân xã hội chủ nghĩa tìm cách trốn khỏi thiên đường cộng sản tươi đẹp để đến định cư tại các địa ngục tư bản, chứ không bao giờ có chyện ngược lại.

Nếu bây giờ có một công dân Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… trốn khỏi nước mình để sang định cư tại Bắc Hàn, Cu Ba hoặc Việt Nam thì chắc không ai nghe mà không nhận xét: Tâm thần.

Chúng con biết, qua những sự việc đã diễn ra, những người cả tin, những người đã và đang bị lừa bịp, chắc chắn sẽ được một bài học lớn: Bài học về việc phải đặt niềm tin đúng chỗ. Nhiều giáo dân cứ tưởng rằng, với “mối quan hệ, tốt đạo, đẹp đời ” như ở Thái Bình chúng ta, thì chỉ một cuộc điện thoại của Đức Cha, chẳng sói nào dám đến hăm doạ đàn chiên của Đức Cha nữa.

Nhưng tất cả đã nhầm. Họ chưa hiểu bản chất của người cộng sản. Hãy xem việc cộng sản làm, đó là điều cần nhớ.

Khi những người cộng sản nói chế độ ta tươi đẹp thì ngày họ tiếp quản miền Bắc cũng là ngày làn sóng di dân ào ạt và Nam. Còn ngày họ đến miền Nam thì cả triệu người bỏ chạy khỏi quê cha đất tổ vượt qua muôn trùng hiểm nguy nơi biển khơi sóng dữ và hải tặc. Đó chẳng phải là cuộc bỏ phiếu bằng chân tín nhiệm chế độ này sao.

Khi cộng sản nói tự do, dân chủ tức là người dân chỉ có quyền tự do ca ngợi đảng cộng sản còn những quyền căn bản làm người ư? hãy đợi đấy! Đến biểu lộ tình yêu Tổ quốc mình, chống nước ngoài xâm chiếm bờ cõi cha ông, mà còn bị bắt vào tù thì nói gì đến thể hiện bất đồng chính kiến với họ. Còn bầu cử ư? Năm người chọn bốn (Chỉ có điều cả năm đều do đảng cử đến và giống nhau như một về bản chất) thế đấy cứ bầu vô tư đi.

Còn khi họ nói đến bình đẳng, kiểu như người Công giáo cũng như mọi thành phần dân khác trong đất Việt đều bình đẳng như nhau nhưng thử hỏi có bao nhiêu người Công giáo được đưa vào những chức vụ, công việc của chính quyền vốn đồ sộ nặng nề đang đè lên đầu lên cổ nhân dân? Khi tuyển dụng vào các ngành cơ bản như công an, hải quan, phi công… có được người Công giáo nào không?

Bấy nhiêu thôi cũng đủ để hiểu rằng tại sao họ cứ bắt dân phải viết “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” lên mọi loại giấy tờ. Những điều người ta nói ra, chỉ là những điều họ không có, cái nhãn mác bên ngoài đang che đậy một sự thối rữa bên trong.

Kính thưa Đức Cha !

Càng thấy người ta đàn áp dân Chúa, thì cộng đoàn dân Chúa lại càng thương nhau hơn và đàn chiên lại càng yêu kính chủ chăn của mình. Chúng con mong chờ có nhiều hơn nữa tiếng nói của các cha như ở Dòng Chúa cứu thế Hà Nội, như tâm thư của Đức Cha, và đặc biệt là của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Xin các vị khác hãy nghe tiếng kêu của Đức Cha, đừng ngủ quên trên chiếc ghế của mình để đàn chiên bơ vơ lạc lõng và bị đe doạ.

Nguyện xin ân sủng của Thiên Chúa ban cách riêng đặc biệt cho Tổ quôc Việt Nam, cho cộng đoàn dân Chúa ngày càng có nhiều vị mục tử nhân lành theo đúng nghĩa “Ta biết các chiên ta, và các chiên ta biết ta”.

Chúng con xin cách riêng Chúa ban đầy ơn phúc xuống nơi Đức Cha để Đức Cha làm một ngọn nến sáng soi đường cho những nơi còn tăm tối, cho chúng con noi theo!

Ngày 6/5/2009
 
Tẩu tán tài sản công, cờ sắp tàn cuộc?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
03:27 07/05/2009
Chỉ trong một buổi sáng (5/5/2009), tờ điện tử VietnamNet đã đưa lên mạng những hai bản tin liền nhau về việc các quan chức Hà Nội đang hạ quyết tâm ‘giải phóng’ cho khoảng 8.355 địa chỉ nhà và đất công sớm thoát khỏi sự quản lý của nhà nước. Điều đáng chú ý của các bản tin này là ngoài sự thay đổi ‘cực nhanh’ trong các phương án mà Tp.Hà Nội đang toan tính, đó là phương án sau lại gây thiệt hại cho ngân sách nhiều hơn cái trước (để lợi cho ai thì chắc khỏi cần nói ra) trong khi mục đích của việc ‘thanh lý’ theo họ là để tạo thêm nguồn thu dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng cho ngân sách.

Bản tin Hà Nội quyết số phận hàng loạt nhà, đất "kim cương" lúc 07:13' cho biết “sau những nhùng nhằng, "mang tiếng" kéo dài, Hà Nội vừa cương quyết lên kế hoạch cụ thể từ nay đến hết quý IV/2009 sẽ thu hồi dứt điểm hơn 100 địa điểm nhà, đất (đa phần là các cửa hàng mặt tiền đang "hái ra tiền" tại nội đô).. .”.

Con số chính xác trong bản tin là 104 căn nhà ‘đắc địa’ nhất Hà Nội đang “hái” ra tiền tỷ, nhưng được họ đánh giá “sử dụng không có hiệu quả” (?). vì vậy chúng đã được các lãnh đạo ‘chấm điểm’ lên danh sách từ trong năm để sẵn sàng “thực thi "nghiêm lệnh" của Thủ tướng Chính phủ…”. Và theo họ thì bước chuẩn bị đang có những “kết quả bước đầu” !

Vậy “Kết quả bước đầu” này ra sao?

Đó là sau khi “Rà soát 8.355 địa điểm… Các doanh nghiệp đều muốn giữ lại nhà, đất. Trưởng Ban Chỉ đạo 09 Thành phố Hà Nội còn cho báo giới biết thêm “…rất khó khăn, phức tạp khiến quá trình rà soát, xử lý nhà, đất công của Thủ đô rất mất thời gian, nhiều vướng mắc. Kể cả những địa điểm rất nhỏ lẻ, kinh doanh kém hiệu quả - nhiều doanh nghiệp cũng không muốn "buông"! Nghe mà cứ tưởng nhà nước đang đùa với dân!!!

Đâu rồi cái “kỷ cương phép nước” mà nhà nước đã từng dựa vào đó để huy động tới những vài trăm công an, cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, súng đạn, phương tiện cơ giới hùng hổ và cả lũ giang hồ ra để giải quyết sòng phẳng với giáo hội trong vụ Thái Hà Tòa Khâm Sứ? Những kẻ đang cố chiếm giữ những nơi này chưa hề là chủ nhân thật sự như giáo hội sao chẳng dám lôi cái “kỷ cương phép nước” ấy ra để mà trị tội nếu chẳng phải chính họ là người nhà các quan nên mới dễ dàng chịu thua như vậy? Lúc xảy ra vụ TKS- Thái Hà sao chẳng ai nghe quan nào than thở “rất khó khăn, rất phức tạp… rất mất thời gian, nhiều vướng mắc” mà tất cả chỉ cần sau một buổi gầm gừ của con người, gầm rú của các phương tiện máy móc là mọi thứ biến thành bình địa ngay?

Nay chỉ vì chuyện “nhiều doanh nghiệp không muốn buông” như trên, mà Hà Nội liền hạ sách để giải quyết bằng cách “Hà Nội muốn "bán chỉ định" nhà, đất công cho người thuê” lúc 11:34’, theo đó thì “Sau đợt rà soát nhà, đất công qui mô lớn vừa qua, đồng thời với việc dự kiến thu hồi hơn 100 địa điểm "đắc địa", UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho phép Thành phố được bán chỉ định (không đấu giá) một số nhà, đất này...

Vậy là chỉ trong có hơn 4 tiếng đồng hồ, từ ‘thân phận Osin’ sắp bị “thu hồi” , 104 căn nhà “đắc địa” nhất Hà Nội trị giá mỗi căn nhiều tỷ đồng đã được các quan chức thành phố này ‘nhá’ ra cho bàn dân thiên hạ xem chơi đặng… ‘phát thèm’, rồi họ ‘thu hồi’ về (cũng là ‘thu hồi’ cả mà) để thay cho chúng bằng chiếc áo “bán chỉ định” khác.

Lo sợ giờ ‘G’ đang đến gần?

Tại sao lại có chuyện thay đổi nhanh ‘chớp nhoáng’ như vậy. Phải chăng giới lãnh đạo Hà Nội đang toan tính chuyện tẩu tán tài sản công trên địa bàn thủ đô, biến chúng thành của riêng, vì họ thấy quyền lực đảng đang bị giảm sút nhanh thê thảm thời gian gần đây với một loạt các vụ tham những lớn, các vụ đàn áp những người yêu nước chống TQ, bắt bớ các trí thức yêu nước, các nhà báo chống tham những, đàn áp giới công giáo trong các vụ Tòa Khâm Sứ - Thái Hà, trận lụt lịch sử 11/2008 và đặc biệt là vụ bauxite đang nóng bỏng hiện nay v.v….tất cả những điều này cùng với việc họ cũng rất thường xuyên theo dõi đài địch trên mạng (đừng tưởng chỉ có chúng ta mới vượt tường lửa để xem báo ‘phản động’) mà cảm thấy hoang mang, lo lắng về sự tồn tại của đảng Csvn liệu còn được bao lâu?

Bằng chứng gần đây nhất là các vụ xây khách sạn ‘Novotel Hanoi on the Park’ trong công viên Thống Nhất, biến công viên Con Voi thành chợ, vụ Bauxite Tây Nguyên v.v… ban đầu đảng ta nói rất là ‘cứng cựa’ nhưng khi thấy dân chúng nổi giận lên quá thì vội co vòi lại xuống nước cầu an.

Với người dân đây là những biến chuyển tốt nhưng với những cái đầu độc tài, hẹp hòi ích kỷ, chỉ thích đè đầu cưỡi cổ dân chúng của nhiều quan chức cấp cao, những diễn biến gần đây chắc chắn đã khiến họ không khỏi lo ngại.

Về chủ trương chiếm đoạt tài sản công bằng mỹ từ ‘hóa giá’ (giá bèo gần như cho không) thật ra đã được đảng CSVN bật đèn xanh cho thi hành trên cả nước từ thời ông Khải còn làm thủ tướng với Nghị Định 61/CP năm 2006.

Theo một bản tin của VnMedia thì tại sàigòn có 79.360 hộ đang ở nhà nhà nước nhưng chưa mua. Trong đó, có khoảng 48.863 hộ gia đình đang ở nhà thuộc diện được bán trong năm 2006. Còn tại Hà Nội con số là hơn 8 ngàn nêu trên, nhưng sau khi để xảy ra vụ “ồn ào” về nhà đất với các ông cựu chủ tịch Hoàng Văn Nghiên và cựu thống đốc Lê Đức Thúy, dường như nó đã được lệnh tạm dừng lại để xoa dịu dư luận. Nay trước những biến chuyển trong suy nghĩ của nhiều người về vai trò của đảng csvn gần đây, cộng thêm nhiều biến động mới liên quan đến vận mệnh quốc gia, khiến giới lãnh đạo Hà Nội sợ chậm trễ nên nay phải tiếp tục ‘bổn cũ soạn lại’?

Không giống như các nước văn minh tiến bộ, tài sản công ở VN được phong cho cái chức “tài sản XHCN” nghe rất oai phong lẫm liệt. Hiến pháp VN 1992 cũng có hẳn điều khoản “bảo vệ tài sản XHCN” để che chở chúng (thay vì dân!) để ‘đầy tớ’ sẵn sàng kết tội bất cứ ‘ông chủ’ nào đụng chạm đến những tài sản này. Tám giáo oan Thái Hà vụ trọng án xô ngã ba mét “tường cổ” vừa qua chính là nạn nhân điển hình của loại tội danh này. Nhưng trên thực tế như bản tin của VietNamNet ở trên, đây chính là những ‘nồi cơm’, những ‘con gà đẻ trứng vàng’ của các quan chức khắp nơi trên cả nước nên mới có chuyện ‘khó đòi’ là vậy!

Liên quan đến giáo hội công giáo chúng ta. Trong lần phát biểu ngay tại UBND Tp.Hà Nội cuối năm 2008, Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng có nhắc đến vài trăm cơ sở tài sản của giáo hội còn đang nhà nước chiếm giữ, trong đó có những cái đang sử dụng không đúng mục đích làm nhà hàng khách sạn. Nay trước tin chiến dịch ‘hô biến’ tài sản công lớn sắp diễn ra tại Hà Nội, liệu sẽ có bao nhiêu tài sản của giáo hội trong danh sách 8.355 điạ chỉ trên sẽ bị đem đi tẩu tán?

Sàigòn, 06/5/2009
 
Một cảnh tượng chưa từng có tại Thái Hà sáng ngày 7-5-2009
CTV CSsR
03:41 07/05/2009
HÀ NỘI - Sáng nay Thái Hà khác hẳn mọi ngày. Trời mát dịu với những hạt mưa lây phây. Ngay từ sớm Thái Hà đã tràn ngập người với người.

Thánh lễ sáng nay lúc 6h có những thành phần dân Chúa rất đặc biệt, có lẽ là có một không hai kể từ trước tới nay. Những người con từ Bắc chí Nam, từ cao nguyên đến đồng bằng đã về với Thái Hà trong ngày lễ tạ ơn 80 năm thành lập Tu viên – Giáo xứ.

Những màu áo vàng rực rỡ của những người con dân tộc H’Mông hoà với màu áo đỏ sẫm của người con dân tộc J’rai Tây Nguyên sáng sớm nay trước Mẹ Nữ Vương Công Lý đã làm cho Thái Hà có một nét đẹp hiếm có.

Được biết, sau chặng đường dài đầy gian khổ và nhọc nhằn, những con cái Chúa từ Tây Nguyên lần đầu tiên về được Thái Hà sáng sớm nay để cùng với mọi người dâng lời tạ ơn và hiệp thông cầu nguyện cho quê hương đất nước được bình an, hạnh phúc thực sự. Tây Nguyên đã biết đến Thái Hà từ những ngày nước sôi lửa bỏng. Tây Nguyên cũng biết ơn Thái Hà trong cái ngày Thái Hà nhóm lửa cầu nguyện cho Tây Nguyên thoát khỏi hoạ bauxite đỏ. Bây giờ Tây Nguyên về với Thái Hà để dâng lên Chúa và Đức Mẹ Công Lý lời tạ ơn đặc biệt.

Tiếng hát của người con dân tộc J’rai hoà quyện trong tiếng hát của người con dân tộc H’Mông khiến cho lòng người nâng nâng, dưng dưng lệ khẩn cầu Đức Nữ Trinh Vương che chở, phù trì đoàn con Việt trên bước đường mưu cầu bình an, sự thật và công lý cho quê hương, cho dân tộc.

 
VN 'tạm giam hàng triệu lượt người'
BBC
04:58 07/05/2009
VN 'tạm giam hàng triệu lượt người'

Một hội nghị tổng kết của ngành công an Việt Nam tiết lộ con số "hàng triệu lượt người" bị tạm giam trong 10 năm qua nhưng kết luận rằng chế độ giam giữ tại nước này "từng bước nâng cao chất lượng".

Theo báo Công an Nhân dân, bản trên mạng hôm 05/05, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam ở Việt Nam đã kết luận công an thực hiện "quản lý hữu hiệu".

Như để ca ngợi sự vất vả của ngành trước khối lượng công việc lớn báo Công an Nhân dân nói "Trong 10 năm qua, tổng số người bị tạm giam là hàng triệu lượt người."

Đầu tư phương tiện

Đặc biệt, như để đáp ứng với con số lớn như vậy, các trại giam của công an Việt Nam đã "được đầu tư về phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm vào công tác quản lý."

Tuy không nói rõ hiện Việt Nam có bao nhiêu trại giam và số người thường xuyên bị giam giữ trong cả nước là bao nhiêu nhưng bài báo cho hay trong 10 năm đã có 71.066 phạm nhân được tha hết án, hơn 50.000 phạm nhân được giảm án, hơn 15.000 phạm nhân được tha tù trước thời hạn.

Các con số được nêu ra tại hội nghị trực tuyến trong hai ngày 4 và 5/5 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của các lãnh đạo công an như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thượng tướng Lê Thế Tiệm v.v.

Bài báo cũng nói gần 20.000 phạm nhân thi hành án ở các trại tạm giam được đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước trong ṃột thập niên qua.

Từ nhiều năm qua, giới quan sát ghi nhận hệ thống công an, tòa án, kiểm sát ở Việt Nam có các vụ sai phạm trong việc bắt giữ và xét xử mà báo chí gọi là "án oan sai".

Bài trên Công an Nhân dân không nêu trong các vụ "tạm giam" rồi được thả có bao nhiêu thuộc trường hợp "oan sai" như vậy, cho dù các cáo buộc ban đầu mang tính kinh tế hay hình sự.

Điều đáng chú ý là Việt Nam không công nhận có tù chính trị nên cũng không thể biết ch́ắc chắn bao nhiêu người bị tạm giam rồi được thả vì các lý do chính trị, tôn giáo.

Tổ chức Ân xá Quốc tế, có trụ sở tại London, thường xuyên kêu gọi gọi Hà Nội cải cách ngay lập tức các điều trong Luật Hình sự 1999 liên quan tới "an ninh quốc gia" để chúng phù hợp hơn với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế.

Ân Xá Quốc tế phê phán tình trạng chính quyền Việt Nam bất giữ bất cứ ai bị cho là nguy hiểm cho an ninh quốc gia và giam tới hai năm không cần tòa án xét xử.
 
Tiếng hát Cao Nguyên vang vọng tại Thái Hà
Phóng viên Hà Nội
05:09 07/05/2009
HÀ NỘI - Trời Hà Nội lúc đang hểnh nắng. Tuy nhiên, những làn mưa bay làm cho con người như thêm phấn khởi, nhẹ nhàng.

Xem hình ảnh

Đặc biệt, lúc này tiếng cồng chiêng Tây Nguyên đang vang rền nơi Thái Hà. Tiếng hát của người con dân tộc J’rai cao vút cuốn hút lòng người tụ họp về với nhau.

Ngay cả cha Bề trên chánh xứ Matthêu Vũ Khởi Phụng tuy đang bận rộn tiếp các phái đoàn, nhưng nghe thấy tiếng hát, tiếng cồng chiêng của con cái Chúa Tây Nguyên đang thánh thót trước tượng Nữ Vương Công Lý, thì ngài quên hết mọi chuyện khách khứa để mà hoà vào cái du dương của tiêng hát, của tiêng cồng chiêng Tây Nguyên. Trông ngài hôm nay rạng rỡ đến lạ thường. Cái gian lao, vất vả, cái trầm tư, suy nghĩ của tháng ngày nước sôi lửa bỏng hình như không còn đọng lại trên gương mặt ngài nữa. Lo lắng, ưu tư dường như không còn chiếm chỗ trong tâm hồn ngài nữa. Bây giờ chỉ có nét tươi dạng với nụ cười tươi, với ánh mắt ngời sáng.

“Ơi những người con Tây Nguyên, sao Chúa làm cho chúng tôi những việc lạ lùng thế này qua các bạn” - Một cụ già thầm thốt lên.

Tiếng hát hoà với tiếng cồng chiên của núi rừng Tây Nguyên đã nối kết mọi người với nhau, không phân biệt già, trẻ, không còn phân biết đâu là H’Mông, đâu là Kinh, đâu là J’rai nữa. Tất cả tay trong tay với điệu xoang (nhảy múa) của núi rừng giữa đất Hà Thành.

Này đây tiếng hát, này đây nụ cười, này đây vòng tay, này đây tiếng kèn đồng, này đây tiếng công chiêng… Tất cả đang đan quyện với nhau cho Thái Hà hôm nay càng trở nên đặt biệt đến say ngã lòng người.
 
Hãy cảnh giác với con sóng lặng
Song Hà
23:36 07/05/2009
Mấy ngày gần đây, như có một gáo nước lạnh dội vào bầu “nhiệt huyết” của dàn báo chí nhà nước. Chiến dịch hội đồng đánh tôn giáo, giáo dân, tu sĩ đã giảm xuống đột ngột.

Ngay tại Thái Hà các cuộc hành hương, cầu nguyện tại linh địa, hồ Ba Giang… của dân muôn nơi tứ xứ kéo về được đưa lên mạng đầy đủ. Người ta thấy lạ khi xem những hình ảnh ở đó mấy hôm nay không có những lực lượng cảnh sát mặc sắc phục, dân phòng, quần chúng… đến “canh giữ trật tự hộ” như những ngày trước đây. Những ngày trước không có khi nào lực lượng này không được huy động đông đúc. Thậm chí cả những ngày ở Thái Hà chẳng có việc gì cũng thấy xuất hiện đàn đống cảnh sát, dân phòng... và họ đã đánh nhầm vào không khí. Chỉ xót tiền dân.

Vì sao vậy? Nhiều người nêu câu hỏi thắc mắc về thái độ của nhà cầm quyền mà không tìm được câu trả lời chính xác. Hình như dạo này họ biết điều hơn, họ đã hành động đúng theo Hiến pháp, pháp luật quy định là tôn trọng quyền tự do của công dân, của tôn giáo. Hay họ đã nghĩ lại và biết những việc làm của họ là thời gian qua là thừa, là vô ích khi đưa đám cảnh sát, dân phòng, quần chúng “tự phát… tiền” đến Thái Hà chẳng được ích gì chỉ tốn công, tốn của của dân. Chẳng những không ích gì, lại còn thêm muối mặt trước quan khách trong và ngoài nước với một nơi được tự ca ngợi là “Tự do tôn giáo được bảo đảm” như bản báo cáo nhân quyền Việt Nam mới đưa lên mấy hôm trước?

Hay họ đã nắm được ý chí của giáo dân Thái Hà trù liệu họ có thể làm càn mà bắt một trong các chủ chăn hoặc bất cứ giáo dân nào của họ vì công lý và sự thật thì tất cả toàn thể sẽ xuống đường bất chấp cả cái chết?

Xin trả lời là không phải thế. Bản chất người cộng sản không thay đổi, có chăng chỉ thay đổi cách và thời điểm thực hiện mà thôi.

Những người cộng sản vẫn biết lắng nghe đấy, vấn đề là họ lắng nghe theo cách của họ, không phải để thấy những sai trái đặng sửa chữa mà lắng nghe để tìm cơ hội thực hiện bằng được ý đồ mục đích của họ mà thôi.

Tại thời điểm trước ngày nhà cầm quyền Việt Nam phải “trả bài thi trước Liên Hợp quốc” về nhân quyền ngày 8/5/2009 có đại diện của 192 quốc gia. Do vậy mà dàn báo chí, cả hệ thống chính trị từ công an, cán bộ… sẽ được lệnh tạm im, “nín thở qua sông” đợt này.

Đợt báo cáo nhân quyền này: “Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, cơ sở thực hiện báo cáo kiểm điểm định kỳ dựa trên 5 tiêu chuẩn, trong đó có 3 tiêu chuẩn quan trọng. Đó là Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, các Công ước nhân quyền mà quốc gia là thành viên”. “Báo cáo dự kiến sẽ được một số nước phương Tây quan tâm, trong đó có thể hướng các câu hỏi phản biện liên quan đến các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam”.

Đây là một “kỳ thi” khó khăn và họ đã chuẩn bị “Bản báo cáo do Bộ Ngoại giao xây dựng đã nêu rõ các quyền dân sự và chính trị được ghi rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau” (Báo VietnamNet ngày 21/4/2009).

Liên hợp Quốc và các nước đã thừa biết những văn bản pháp luật, chính sách của Việt Nam luôn luôn đầy đủ và thậm chí là thừa. Nhưng ở cuộc thi này người ta đang xem xét “Những điều cộng sản làm” chứ không chỉ xem xét “Những lời Cộng sản nói”.

Bản tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và các công ước về nhân quyền, Việt nam ký kết rất sớm, rồi để đó cho vui. Những văn bản chính họ đưa ra còn chưa thực hiện thì huống chi những văn bản công ước thế giới. Để biện minh điều này, họ thường tự cho là mình khác với thế giới nên không thể áp dụng các tiêu chuẩn của thế giới được. Hẳn là vì “tính hơn hẳn” của Chủ nghĩa xã hội khác với phần còn lại thế giới chăng?

Điển hình là Hiến pháp Việt Nam quy định “Những cơ sở tôn giáo, thờ tự được nhà nước bảo hộ” họ đã ngang nhiên chà đạp không thương tiếc, thế mới nảy sinh chuyện ở Thái Hà bị cướp đất đến tận cùng và nay còn tiếp tục chiến dịch “cướp, cướp nữa, cướp mãi”.

Do vậy, trả bài kỳ thi này họ thừa biết thế giới không thích nghe những con vẹt mà chỉ thích những việc làm cụ thể, thế mới là khó khăn.

Vì kỳ thi này mà tình hình tạm yên. Dàn báo chí được cái gậy điều khiển hạ xuống nên tạm thời nín lại các vụ việc xuyên tạc sự thật, bôi xấu và bóp méo hình ảnh cộng đồng tôn giáo trong nước và ở Thái Hà nói riêng.

Đó là lý do chính của sự lặng sóng những ngày qua.

Vụ Hồ Ba Giang cũng được kịp thời chỉ thị tạm đình chỉ nhanh chóng để đừng xảy ra những vấn đề làm nhà cầm quyền thêm muối mặt trước cả hội đồng giám khảo. Khi Thái Hà chuẩn đốt nến cầu nguyện cho Tây nguyên, thì rung động đến cả Bộ Chính trị cũng vội vàng họp lại để tìm cách xoa dịu và hạ nhiệt.

Nhưng đừng nghĩ vì thế mà của Xê da được trả lại cho Xê da, của Thiên Chúa được trả về cho Thiên Chúa.

Những mưu kế đang được suy tính để đạt bằng được sự cưỡng chiếm theo đúng “chủ trương lớn của đảng và nhà nước”.

Khi kỳ thi này đi qua, dù bị điểm liệt hay điểm ưu thì chiếc khăn quàng đỏ vẫn cứ phải gỡ ra để sói hiện nguyên hình sói.

Vì vậy, tất cả giáo dân cần phải thận trọng, cảnh giác và chuẩn bị tinh thần đón những trận đòn hội chợ mới.

Hà Nội ngày 7/5/2009
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Augustinô Nguyễn Hữu Trọng đã qua đời tại Saigòn
Nguyễn Văn Hậu
16:58 07/05/2009

CÁO PHÓ


Đức Kitô đã nắm giữ lấy tôi (Pl 3,12)

Trong niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:

LM. AUGUSTINO NGUYỄN HỮU TRỌNG

Sinh ngày 15 - 12- 1911 tại Hải Phòng
Về nhà Cha lúc 13 giờ 30 thứ năm ngày 07/05/2009 (nhằm ngày 13/04/2009)
tại tư gia số 195/10E Điện Biên Phủ, P15, Q. Bình Thạnh, Saigòn

Lễ nhập quan lúc 19 giờ ngày 07 tháng 5 năm 2009.
Lễ viếng từ 8 giờ – 21 giờ ngày 8 – 5 -2009.
Di quan tới nhà nguyện Lasan Mai Thôn lúc 6 giờ ngày 09 – 5 - 2009

Thánh lễ an táng sẽ cử hành tại nhà nguyện Lasan Mai Thôn
lúc 8 giờ 30 ngày 09-05-2009.
An táng tại nghĩa trang nhà hưu dưỡng Lasan Mai Thôn
số 970 (XVNT cũ), phường 28, quận Bình Thạnh, Tp HCM.
Xin qúy Đức Cha, qúy Cha, các Dòng, thân bằng quyến thuộc,
ân nhân cầu nguyện cho linh hồn linh mục Augustino.

Qúy Cha dâng lễ cầu nguyện cho Lm. Augustino xin vui lòng liên hệ trước
số điện thoại: 0918.918.774. 08 22440852
* (Xin miễn phúng điếu dưới mọi hình thức)

Thay mặt gia đình
 
Văn Hóa
Tâm sự của những loài hoa
Lm Giacôbê Tạ Chúc
02:20 07/05/2009
Bạn thân mến!

Nếu một ngày nào đó, không có chúng tôi trong cuộc đời, chắc hẳn buồn lắm bạn nhỉ! Chúa đất trời đã tác sinh muôn lòai, và Ngài dùng chúng tôi, những bông hoa trang điểm cho đời thêm hương sắc.

Chúng tôi chỉ là những lòai vô danh tiểu tốt, có đáng gì đâu so với bạn là hình ảnh của Đấng Tạo thành. Thế nhưng trong thế giới kỳ diệu này, chúng tôi vẫn thấy mình đóng góp cho đời bao nhiêu là nét đẹp. Thử hỏi sau một ngày vất vả với biết bao nhiêu công việc, nhọc nhằn mồ hôi sáng trưa chiều tối. Nếu không có chúng tôi, bạn sẽ không thưởng thức được những kỳ công vô tận của vũ trụ này. Trong ngôi nhà bạn, nơi phòng khách hay phòng làm việc, chúng tôi giúp bạn giảm đi cơn “stress” của một ngày sống. Trong thế giới muôn lòai, tên của chúng tôi vô cùng phong phú, chẳng vậy mà người ta thường bảo:”trăm hoa đua nở”. Ở mỗi Thánh đường, trong những thánh lễ hằng ngày, chúng tôi luôn có mặt cùng với bạn, làm cho các cử hành phụng vụ được thêm phần sốt sắng. Bên cạnh ánh đèn chầu,chúng tôi cũng lấy làm vinh dự khi được cận kề bên Chúa Giêsu Thánh Thể, thay cho bạn những phút giây không ở được bên Ngài. Nếu nói nhiều thì chúng tôi trở nên nhiều chuyện, thế nhưng câm lặng thì biến chúng tôi thành những lòai vô tri, không biết mở miệng mà ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa. Nực cười bạn nhỉ? Những lòai hoa dại như chúng tôi mà còn biết nhận ra công trình sáng tạo đầy quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, phương chi bạn là con người có trí khôn và lý trí. Trong tháng năm, chúng tôi được dùng để dâng lên Mẹ Maria, cám ơn Mẹ, đầy tình Mẫu tử, vì nhờ Mẹ mà kẻ hèn mọn trở nên có giá và cao quý vô cùng. Trong thế giới này, với những thăng trầm và phồn thịnh, chúng tôi vẫn đêm ngày cầu mong cho mọi người được an cư lạc nghiệp.

Chúc bạn gặt hái nhiều thành quả, để trổ sinh hoa trái cho đời. Phần anh em nhà, chúng tôi sẽ làm hết khả năng mình, để cho trái đất này thắm đượm và ấm nồng muôn sắc hương.
 
Mother’s Day, tâm tình với người Mẹ đã mất
Đặng Xuân Hường
13:32 07/05/2009
Mẹ ơi! Ngày Mother’s Day lại sắp đến, đây là ngày những người con trên nước Mỹ sung sướng nói lời chúc mừng đến người Mẹ yêu quí của mình. Còn riêng con thì không còn Mẹ nữa!

Mấy ngày trước đây, con đi shopping ở Walmart, Target… thấy bày bán những tấm card rất đẹp gởi cho các bà Mẹ, con đi qua đứng lại nhìn mà cảm thấy nhớ thương Mẹ vô cùng!

Mẹ ơi! Biết bao giờ con mới được gọi lại tiếng “Mẹ” ngọt ngào đầy yêu thương này! Ngày Mẹ còn sống, gọi tiếng Mẹ đã thấy ấm lòng, đã thấy chứa chan tình cảm, bây giờ Mẹ không còn nữa, tiếng Mẹ làm con xót xa tận cõi lòng, chẳng bao giờ con còn có dịp ngồi bên Mẹ, nắm lấy tay Mẹ rồi nói với Mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ có khoẻ không?”

Những ngày đầu tháng Năm này, hầu hết những người Mẹ ở nước Mỹ đều nhận được thiệp, quà cho ngày Lễ Mother’s Day, còn Mẹ, con gởi đến Mẹ những lời tâm tình này với niềm tin linh thiêng là Mẹ sẽ nhận biết được lòng con.

Đã hơn ba năm từ ngày Mẹ bỏ con ra đi, con vẫn còn ôm ấp nhiều điều chưa một lần tỏ bày với Mẹ…Ngày con làm thủ tục giấy tờ để xin xuất cảnh, Mẹ hỏi con:

-Con tính đi thật à?

Con nghe nghẹn ngào trong lòng. Con hiểu vì sao Mẹ hỏi con điều đó. Con cũng không muốn xa Mẹ, nhưng tính đến chuyện tương lai thì con đành phải quyết định.

Ngày gia đình con giã từ Mẹ để lên đường đi Mỹ, Mẹ trìu mến nhìn từng người, rơm rớm nước mắt rồi chỉ nói:

-Mẹ mong vợ chồng con hạnh phúc, gia đình êm đẹp! Sống giữ lễ nghĩa, bảo bọc lấy nhau.

Thế rồi chúng con ra đi.

Mẹ ơi! Chẳng bao giờ con nói thật rõ cho Mẹ biết tâm lòng của con khi tính chuyện ra đi. Con ra đi, phần lớn chỉ vì con lo nghĩ đến tuổi già của Mẹ, nghĩ đến người vợ của con. Con lo nghĩ một ngày nào đó, với cuộc sống có nhiều khó khăn, nhiều giới hạn ngoài xã hội, cộng thêm thiếu thốn vật chất tạo nên một tâm lý bất ổn, có thể giữa Mẹ và vợ con có xung khắc. Mẹ chồng nàng dâu, “bên tình bên hiếu” con là người đứng giữa sẽ chẳng biết làm gì! Con là con trai út còn ở lại trong gia đình với Mẹ, con có bổn phận và trách nhiệm nuôi dưỡng Mẹ cho đến cuối đời. Mặc dù đã nhiều lần Mẹ nói với con:

-Vợ chồng con cứ dọn ra ở riêng cho thoải mái. Có gì thì Mẹ con cũng ở gần nhau đây chứ xa xôi gì!

Nhưng con không đành lòng dọn ra ở riêng, để Mẹ thui thủi sống một mình được. Gần mười năm con lấy vợ và ở chung với Mẹ, tuy chưa có điều gì xảy ra làm sứt mẻ tình Mẹ con, nhưng trong lòng con vẫn lo lắng, con nghĩ đến một ngày Mẹ sẽ già nua tuổi tác. Mẹ sẽ không còn minh mẫn, lúc đó vợ của con có là người vợ biết nhẫn nhục nữa hay không?

Đã có một lần, vợ con nói điều không phải phép với Mẹ, Mẹ chẳng hề nói gì cả. Con cũng không hay biết cho đến một buổi tối, Mẹ gọi hai vợ chồng con ra ngồi vào bàn rồi Mẹ mới nói rõ điều đó. Mẹ đã bao dung nói cái sai sót của vợ con, chẳng la mắng trách móc mà chỉ nhẹ nhàng:

-Mẹ mong là chuyện này đừng bao giờ xảy ra nữa!

Và rồi chẳng bao giờ Mẹ nhắc đến chuyện cũ, cho dù giữa con và Mẹ có rất nhiều lần ngồi riêng tâm sự, kể chuyện xưa nay…Mẹ ơi! Tha thứ cho chúng con đã làm Mẹ buồn lòng!

Con đã đọc bao nhiêu sách vở, cuốn “Đắc Nhân Tâm” như là sách gối đầu giường, nhưng thú thật, con chẳng ứng xử được như Mẹ trong chuyện đó. Mẹ là người Mẹ quê mùa, chất phác nơi đồng quê, mà Mẹ làm được điều “những người trí thức cũng biết, lại khó lòng làm được”!

Mẹ ơi! Con biết là còn anh chị em để Mẹ nương nhờ nên con đã ra đi. Và chẳng bao giờ con có dịp để nói với Mẹ những điều này.

Người ta nói “sinh con rồi mới hiểu lòng Cha Mẹ”, còn con có lẽ ngay từ khi vừa khôn lớn, con đã hiểu Mẹ được nhiều rồi. Con quấn quít bên Mẹ, ngủ với Mẹ cho đến khi đã hơn mười lăm tuổi đầu, mặc dù còn có một em gái nữa.

Làm sao con quên được những đêm mưa, Mẹ nằm bên con, nhẹ nhàng vuốt tóc con dỗ con đi vào giấc ngủ. Những đêm hè nóng bức, với chiếc quạt cầm tay, Mẹ quạt mát cho con ngủ ngon!

Làm sao con quên được đêm đêm, con nằm đầu gối lên tay Mẹ, dùng chiếc quạt nhỏ Mẹ xua muỗi cho con ngủ yên!

Làm sao con quên được những lần Mẹ về chợ, vẫn có cho con chiếc bánh, cái kẹo. Cả đến khi con đã lớn, những ngày mưa gió lạnh, đi làm về, Mẹ đã nấu sẵn nước nóng cho con tắm rửa!

Mẹ ơi! Chẳng bao giờ con có thể gặp lại Mẹ để nói với Mẹ những điều này! Con hiểu Mẹ rất nhạy cảm trong tình thương, vì chính con cũng thừa hưởng Mẹ điều đó. Cái nhạy cảm đó nơi Mẹ đã phát sinh ra một sự hy sinh, chịu khó vô cùng bao la. Một mình Mẹ là người đã lo lắng cho Bác, cho Chú và cho Cha trong những năm cuối đời. Con ra đi chẳng được bao lâu, thì chị dâu bạo bệnh mất, Mẹ lại giúp anh con lo toan cho các cháu còn nhỏ dại.

Trước khi gia đình con đi Mỹ, có một lần Mẹ đi dự đám cưới ở Phan-Thiết, đó là lần đầu tiên Mẹ đi xa gần một tuần lễ, con ở nhà cùng vợ và các con. Lúc đó con đã cảm thấy thiếu vắng, thấy nhớ Mẹ, và những ngày xa Mẹ như vậy, nhìn lại quá khứ con thấy có lỗi với Mẹ rất nhiều. Con đã viết một bài thơ cho Mẹ trong những ngày đó, rồi chẳng bao giờ đưa cho Mẹ xem, con tiếc mãi đến lúc phải nói anh em bên nhà khắc vài câu lên mộ bia của Mẹ, như một lời tạ lỗi với Mẹ:

“Dâng Mẹ một bài thơ,
Thuở con còn dại khờ,
Chưa hiểu tình thương Mẹ,
Nhiều khi thực hững hờ!

Dâng Mẹ những nụ cười,
Khi con vừa khôn lớn,
Để nói lên một lời,
Thương Mẹ mãi không thôi.

Dâng Mẹ nỗi nhớ thương,
Khi con, Mẹ xa đường,
Ôi! Đêm dài nhớ Mẹ!
Mẹ là suối tình thương!

Dâng Mẹ một bài thơ,
Vài giòng chữ ngẩn ngơ,
Nói lên tình thương Mẹ,
Bao la thực không bờ!

Dâng Mẹ những lời thơ,
Ôi! Cho đến bao giờ!
Con đáp đền ơn Mẹ,
Dẫu chỉ là trong thơ!” (1985)

Mẹ ơi! Bia đá chỉ là hình thức, thơ văn cũng chỉ là mỹ từ, làm sao con nói được với Mẹ một lời tự tâm lòng con đây!

Bài thơ duy nhất con gởi về Mẹ lúc còn ở Philipine, đó là những ngày tháng đầu tiên con và Mẹ xa nhau lâu nhất:

“Chiều buồn ra ngõ đứng trông,
Trông về quê Mẹ mà lòng tái tê.
Xa đưa tiếng sóng vỗ về,
Biển xanh thăm thẳm, lê thê nỗi buồn.
Buồn cho kiếp sống tha phương,
Quê Cha, đất Mẹ nẻo đường xa xăm.
Những lần gió buốt lạnh căm,
Hoang vu, bão tố, âm thầm xót xa.
Quê hương có biết đâu là,
Mẹ ơi! Xa Mẹ, xa nhà nhớ thương! (1993)

Những lần ở Mỹ con gọi phôn về thăm Mẹ, Mẹ luôn hỏi:

-Bên Mỹ bây giờ là mấy giờ rồi?

Khi biết giờ bên Mỹ đã khuya, Mẹ nhắc nhẹ nhàng:

-Thôi, được rồi, Mẹ vẫn khoẻ, đừng lo. Ngủ đi mai mà đi làm, đừng có thức khuya mà mệt lại sinh bệnh.

Mẹ vẫn coi con như đứa con bé bỏng của Mẹ ngày xưa. Mỗi lần con hỏi Mẹ có cần thêm tiền uống thuốc hay làm gì không, Mẹ trả lời:

-Đừng có lo, Mẹ còn anh chị em bên này mà. Khi nào cần Mẹ nói. Con cứ để mà lo cho gia đình con.

Và Mẹ chẳng bao giờ hỏi con về chuyện tiền bạc cả. Mẹ ơi! Mẹ đã cho con một bài học cho cuộc đời: “Chẳng bao giờ tiền bạc, vật chất có thể đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục được”, chỉ có “tình cảm mới đáp đền được tình cảm” mà thôi!

Ngày xưa có lần Mẹ nói với con:

-Lo cho Cha Mẹ là lo lúc còn sống, chứ lúc chết rồi, “mộ to giổ lớn” cũng chỉ bằng thừa! Con không bao giờ quên điều đó.

Khi Mẹ bệnh nặng, con về Việt-Nam đưa Mẹ đi bệnh viện Chợ Rẫy nằm lại điều trị. Mẹ ơi! Lần đó con nằm ngủ ngoài hành lang bệnh viện với Mẹ. Có người biết bảo con:

-Ở Mỹ về tội gì chịu cực vậy! Ra ngoài mướn khách sạn ở cho thoải mái, tốn chẳng bao nhiêu đâu.

Mẹ bảo con:

-Về dưới quê mà chơi với anh em, bè bạn. Mẹ ở đây với một người được rồi. Ở đây hoài cũng chán!

Nhưng con biết Mẹ hiểu con, con muốn chia sẻ nỗi đau với Mẹ. Con không thể nằm ngủ yên trong một căn phòng tươm tất ở khách sạn, hay vui chơi với bè bạn trong quán cà-phê, còn Mẹ đang nằm đau đớn trên giường của bệnh viện. Con không bao giờ quên được những lần con đưa thuốc hay đưa sữa cho Mẹ uống, có một lần Mẹ mỉm cười nói:

-Mi về Mỹ rồi là tau quăng hết, chẳng thuốc thang chi nữa!

Mẹ ơi! Lời nói đó của Mẹ làm con sung sướng vô cùng. Con hiểu là Mẹ thương con rất nhiều! Con hiểu rằng Mẹ cũng mong muốn luôn được gần bên con, như con luôn mong được gần bên Mẹ!

Ngày con được tin Mẹ mất, là một buổi tối thứ Bảy tháng Mười Một vào lúc nửa đêm ở Mỹ. Con đã lặng người! Chỉ ước muốn làm sao về được với Mẹ ngay lúc ấy! Mẹ ơi! Con nghĩ là Mẹ đã linh thiêng mà giúp cho con về kịp để nhìn Mẹ lần cuối, vì chỉ trong buổi sáng Chủ-nhật là con đã mua được vé máy bay, thủ tục cũng sẵn sàng. Tối Chủ-nhật đó con lên máy bay về với Mẹ. Từ Mỹ về Việt-Nam, khoảng đường xa, lòng con cũng rất trăn trở:

“Mẹ ơi! Ngàn dặm với đau thương,
Con nghẹn ngào thao thức đoạn trường…
“…Mẹ ơi! Tiếng Mẹ từ nay hết,
Đời con mất trọn một niềm thương.” (2002)

Về nhìn thấy Mẹ, niềm đau trong lòng con dịu bớt, Mẹ như ngủ yên. Từ lúc Mẹ nhắm mắt đến lúc con về gặp Mẹ trọn vẹn hai ngày. Hai ngày đó thật dài thăm thẳm. Con đã nói với anh chị em, bất cứ giá nào con cũng về với Mẹ, và anh chị em đã lo liệu để có thể Mẹ chờ con. Mẹ ơi! Đừng giận gì con, đến lúc Mẹ mất mà con cũng nói Mẹ chờ con! Nếu trước đó con đã không về thăm Mẹ mấy lần thì có lẽ lần cuối Mẹ cũng chẳng chờ con phải không Mẹ!

Rồi đến giổ một trăm ngày của Mẹ, vào cuối tháng Hai, chỉ sau Tết vài tuần. Nhớ lời Mẹ lúc trước, con nghĩ là nhớ đến Mẹ, nguyện cầu cho Mẹ là đủ. Nhưng rồi cuối cùng con vẫn xếp đặt để về với Mẹ. Con tin là Mẹ biết những gì con làm với tất cả lòng thành. Trên chuyến bay đó, con đã viết những giòng này cho Mẹ:

“Con về thăm Mẹ một chiều Xuân,
Mây trắng tung bay quyện nắng vàng,
Hương thơm ngày Tết còn vương vấn,
Mà Mẹ đâu rồi chẳng gặp con!

Con về thăm Mẹ, Mẹ biết không?
Trăm ngày trôi qua một nỗi lòng,
Mẹ mất đời con thành vô vị,
Có nghĩa gì đâu nữa mà mong!

Con về thăm Mẹ với nỗi buồn
Từ nay đồng vọng tiếng xa thôn
Gió đưa mây đẩy hồn viễn xứ
Vạn dặm về đây Mẹ chẳng còn!

Con về thăm Mẹ, rồi lại đi,
Quê hương yêu dấu tuổi xuân thì,
Hơn nửa cuộc đời bên cánh Mẹ,
Giờ phút này đây, thực chia ly! (2003)

Mẹ ơi! Con chẳng còn nhỏ bé gì, tình thương của Mẹ dành cho con đã quá đủ, nhưng sao tận cõi lòng con vẫn luôn thấy mất mát một điều gì thật to lớn. Không thể nào con tìm lại được niềm vui có Mẹ, không thể nào con tìm đâu ra một tình thương như của Mẹ trên cuộc đời này nữa!

Tết Âm-lịch, Lễ Vu-Lan rồi Mother’s Day, những ngày đó luôn làm cho con nhớ Mẹ thật nhiều!

Mẹ ơi! Mother’s Day năm nay, con viết những lời tâm tình này cho Mẹ, như là tấm card Mother’s Day gởi đến cho Mẹ nhé. Con tin là Mẹ vẫn ở gần bên con và những lời con viết làm cho Mẹ vui lòng, phải không Mẹ?

Con luôn nhớ đến Mẹ,
 
34 Năm Quốc Hận - 27 Xa Xứ
NTT - Perth - WA
22:22 07/05/2009
34 Năm Quốc Hận - 27 Năm Xa Xứ

Tri Ân Đất Nước Úc 1982-2009

Ngày tôi mới đặt chân đến Úc,

Cảnh thái bình an lạc hiện ra.

Dân ở đây vui vẻ hài hòa

Lại hiếu khách với lòng cởi mở.

Tôi cảm thấy mình hơi bở ngỡ,

Nên nói năng cũng phải lựa lời.

Chưa việc làm bỏ cửa đi chơi,

Không trộm cắp, lo âu gì cả.

Dân ở Perth thật thà tao nhã,

Lời nói ra lịch sự dịu dàng.

Lại ân cần giúp đỡ lo toan,

Cho đủ thứ bạc tiền để sống.

Nơi xứ lạ thân mình trống rỗng,

Ở trong lưng không có một đồng.

Áo quần thời hai bộ thong dong,

Đôi dép ‘Nhựt’ cũ rồi muốn đứt.

Có bạn mới lăng xăng tìm việc,

Chạy đó đây hâm hở mỗi ngày.

Cuối tuần thời ăn tiệc lai rai,

Bia, nước ngọt ôi thôi nhiều quá.

Tình thương đó chan hòa lai láng,

Nghĩa đồng hương thấm đậm quê người.

Nó làm cho nước mắt tuôn rơi,

Ôi cảm động thương nhau nhiều lắm.

Tôi cảm thấy đời còn đáng sống,

Rủi mà may khi bị đổi đời.

Tấm thân nầy trôi dạt xứ người,

Mà lại có tình yêu chan chứa.

Tôi nhớ ơn, nhớ ơn ‘Nước Úc’

Và cảm ơn ‘Người Úc’ cưu mang.

Người tị nạn - cộng sản hung tàn

Có đời sống ‘Tự Do Hạnh Phúc’.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Biết Đâu Nguồn Cội
Lm. Trần Cao Tường
17:53 07/05/2009

BIẾT ĐÂU NGUỒN CỘI



Ảnh của Cao Tường

"Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy,

anh em chẳng làm gì được."

(Gioan 15:5)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền