Ngày 08-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/05: Bình an Đức Ki-tô ban tặng không theo kiểu thế gian – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:15 08/05/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

“Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:22 08/05/2023

57. Các thánh chỉ thực hiện một vài đức hạnh đặc biệt: có người thì trinh tiết, có người thì khiêm nhượng, có người thì nhân từ. Đức Mẹ Ma-ri-a chính là mô phạm của tất cả các đức hạnh ấy.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:24 08/05/2023
44. SÓI ĐẾN RỒI

Nhạc Hán là một đứa trẻ chăn cừu, nó thường để cừu ăn cỏ bên triền núi.

Một hôm, nó không có chuyện gì làm, chán chết được, nó muốn làm một trò đùa. Nó đột nhiên la lớn:

- “Sói đến rồi, sói đến rồi”

Rất nhiểu người chăn cừu nghe tiếng kêu lập tức vác gậy gộc chạy tới để đánh chết sói, nhưng Nhạc Hán thì cười ha ha nói nó chỉ đùa mọi người chút xíu thôi.

Buổi sáng hôm sau, nó lại la lớn tiếng thì lập tức có rất nhiểu người chăn cừu chạy đến bên triền núi, nhưng phát hiện nó lại trêu đùa, mọi người đều nổi giận trở xuống núi làm việc.

Qua ngày thứ ba, sói đến thật, Nhạc Hán vội vàng la lớn, nhưng không có một người nào nghe lời nó nữa. Sói yên tâm cắn chết rất nhiều cừu, Nhạc Hán không có cách gì cả, nó đứng trân trân nhìn con cừu trắng mà nó yêu thích nhất cũng bị sói tha về hang của nó.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 44:

Nếu anh muốn tìm kiếm một người bạn chân chính thì không có gì khó, chỉ cần anh khiêm cung lịch sự lễ phép với mọi người và luôn luôn nói lời chân thực.

Dối trá là con dẻ của ma quỷ, lấy dối trá làm trò đùa trêu vui là xúc phạm đến người ngay thẳng thật thà,.không ai chấp nhận được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để có thể trải nghiệm niềm vui
Lm. Minh Anh
15:10 08/05/2023

ĐỂ CÓ THỂ TRẢI NGHIỆM NIỀM VUI
“Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi!”.

Andrew Murray viết, “‘Để có thể trải nghiệm niềm vui’, chớ gì không một giây phút nào trong đời tôi nằm ngoài ánh sáng, tình yêu và sự hiện diện của Chúa! Như chiếc bình rỗng, tôi phó toàn thân cho Ngài, Ngài sẽ đổ đầy vào đó tình yêu và Thánh Thần!”.
Kính thưa Anh Chị em,

Không được ‘rỗng’ như Andrew Murray, chúng ta thường là những ‘chiếc bình đầy’; vì thế, bạn và tôi thường thiếu bình an, mất tự do và ít niềm vui. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến bí quyết ‘để có thể trải nghiệm niềm vui’: “Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi!”.

Một trái tim sợ hãi và xao xuyến không phải là điều Chúa Giêsu muốn; nó không phải là của Ngài! Sợ hãi và xao xuyến là những gánh nặng tì đè, đóng chặt cửa tâm hồn con người. Chúa Giêsu muốn bạn tự do, thoát khỏi gánh nặng đó. Vậy đâu là gánh nặng ‘nặng nhất’ của bạn? Hoặc gánh nặng đó dẫu có thể không khiến bạn ngắc ngoải; nhưng nó thường xuyên đeo bám, dai dẳng và có thể là một gánh nặng khá khó khăn khi nó kéo dài từ năm này qua năm khác!

Để được tự do, bước đầu tiên không thể thiếu là bạn cần nhận ra gánh nặng đó là gì; xác định nó, gọi tên nó, và tìm cách truy nguyên nó! Vậy nếu nguyên nhân là một tội lỗi, bạn hãy ăn năn và đi xưng tội; đây là cách tốt nhất để trải nghiệm tự do nhanh nhất. Tuy nhiên, nếu gánh nặng của bạn là do người khác, hoặc do một số tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, bạn cứ yên tâm! Chỉ cần quy phục Chúa, trao phó toàn thân cho Ngài, và tự do sẽ đến khi bạn hoàn toàn phó mình cho Chúa dù hoàn cảnh đó có là gì!

Câu chuyện bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ cho sự tín thác đó, Phaolô gặp phải một tình huống hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Bị ném đá, người ta tưởng Phaolô đã chết; nhưng biết mình còn sống, Phaolô không xao xuyến, chẳng sợ hãi. Và thay vì trốn chạy, ông lập tức vào thành, đi đến các địa danh khác nhau để rao truyền Phúc Âm; nhờ đó, “Các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca báo trước.

Anh Chị em,

“Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!”. Đấng thuyết phục chúng ta là Đấng đã từng xao xuyến, sợ hãi và buồn phiền đến chết được; cũng là Đấng từng bị nhục mạ, bị giết chết và vùi sâu trong đất đến ba ngày. Nhưng Ngài đã phục sinh, và nay đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng ta. Vậy, bao lâu “nằm ngoài ánh sáng, tình yêu và sự hiện diện của Ngài”, chúng ta vẫn tiếp tục xao xuyến và sợ hãi! Hãy phó toàn thân cho Ngài “như chiếc bình rỗng”, Ngài sẽ đổ vào đó “Thánh Thần và tình yêu!”. ‘Để có thể trải nghiệm niềm vui’, hãy chạy đến Thánh Thể và Lời của Ngài; chạy đến với các Bí Tích, đặc biệt, Bí Tích Hoà Giải, suối nguồn thứ tha và chữa lành. Ngài sẵn sàng đổ đầy chúng ta; ân sủng Ngài sẽ trả lại cho chúng ta tất cả những gì đã mất, băng bó những gì thương tổn và chữa lành mọi lở loét của linh hồn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể bay bổng và trải nghiệm niềm vui, xin lửa Thánh Thần Chúa thiêu rụi những gì tì đè lương tâm của con và ân sủng thứ tha của Bí Tích Hoà Giải tẩy sạch con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Trong cái rủi có cái may
Lm. Đỗ Xuân Quế O.P.
21:15 08/05/2023
Trong cái rủi có cái may



Ở đời có những trường hợp như thế. Đó là điều đã xẩy ra vào năm 44 tại An-ti-ô-khi-a bên Hy Lạp, cho những người tin theo dạo Chúa.

Số là nhân vụ ông Tê-pha-nô bị ném đá, một cuộc bách hại các tín hữu đã nổ ra, khiến họ phải tản mác đi khắp nơi, dến tận miền Phê-ni-xi (nước Li-băng ngày nay) đảo Sýp và thành phố An-ti-ô-khi-a (nước Hy lạp bây giớ). Cái rủi là bị bách hại, còn cái may là cơ hội đem đạo Chúa đi giảng ở nơi xa. Những người rao giảng ở đây không phài là các Tông Đồ mà là một nhóm tín đồ. Họ là những người giáo dân đầu tiên làm việc truyền giáo mà ngày nay gọi là Tông Đồ Giáo Dân, một công việc rất được Hội Thánh coi trọng và cổ vũ. Nhờ những người này, cùng với sự trợ giúp của Chúa, “một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa”.

Việc làm của họ đến tai Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem. Ông Ba-na-ba được cử đi đến với họ. Thấy kết quả công việc họ làm, ông rất vui mừng và nhiệt tình khuyến khích họ “bền lòng gắn bó cùng Chúa”. Niềm phấn khởi khi đươc tận mắt chứng kiến thành công của những tín đồ này đã khiến ông “trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô” để cùng hợp tác. Tìm được ông Sao-lô rồi, ông đua ông này về An-ti-ô-khi-a, làm việc và trong một năm rao giảng cho rất nhiều người. Tại dây, các tín đồ được người ta gọi là Ki-tô hữu. (Cv 11,19-26)

Ki-tô hữu là người thuộc về Đức Ki-tô, mang danh Người, theo giáo huấn và lối sống của Người với niềm tin và lòng trung thành không lay chuyển. Có lẽ vì thấy những tín đồ này sống như thế nên người ta đã dùng danh xưng nay để goi họ.

Danh xưng này rất có ý nghĩa; nó biểu lộ con người mang danh đó. Vậy con người đó là ai và ý nghĩa là gì? Thưa là Đức Ki-tô, từ phiên âm chữ Khristos trong tiếng Hy Lạp và có nghĩa là người được được xức dầu. Trong Do Thái giáo, có ba hạng người được xức dầu: đó là vua, tư tế và ngôn sứ. Vì là người được xức dầu nên nơi Đức Ki-tô qui tụ cả ba chức danh đó. Mà Ki-tô hữu là những người thuộc về Đức Ki-tô, đi theo Người nên cũng được thừa hưởng danh vị này.

Ki-tô hữu lại chia làm ba loại người. Những người này cùng mang danh là Ki-tô hữu, nhưng lại thuôc ba Giáo Hôi khác nhau. Kỳ cựu nhất là Giáo Hội Công Giáo Rô-ma, rồi đến Giáo Hội Chính Thống Giáo và cuối cùng là Giáo Hội Cải Giáo {Thệ Phản). Ban đầu chỉ có Giáo Hội Công Giáo Rô-ma thôi; thế kỷ X mới có Giáo Hội Chính Thống Giáo rồi thế kỷ XVI, Giáo Hội Cải Giáo.

Tuy cùng tin và xưng danh Chúa Ki-tô, nhưng kỷ luật, tổ chức, lễ nghi, khác nhau. Sự khác nhau này là một điều “nhức nhối” cho cả ba Giáo Hội nên hiện nay đang có phong trào Đại Kết để mong thu hẹp các khác biệt mà đi đến sự hợp nhất như ý Chúa muốn.

Vậy phải kết luận thế nào?

Trước hết, khi gặp tai ương hoạn nạn thì nên lấy đức tin mà bảo mình rằng trong cái họa cũng có thẻ có cái may do Chúa an bài.

Tiếp đến là hợp tác vào công việc loan báo Tin Mừng như các Ki-tô hữu phải di tản sau cơn bách hại ở Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ I.

Cuối cùng là ăn ở thế nào để người ta nhận thấy mình là Ki-tô hữu, những người theo và thuộc về Chúa Ki-tô.

Lm.. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
 
Sự Sống Mới
Lm. Thái Nguyên
22:17 08/05/2023


SỰ SỐNG MỚI

Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm A: Ga 14, 15-21.

Suy niệm

Một người kia nằm mơ gặp một thiên thần đi bộ xuống phố. Một tay ngài cầm bó đuốc, tay kia cầm một xô nước. Anh ta liền hỏi thiên thần: “Ngài đi xuống phố kia làm chi vậy?”. Thiên thần đáp: “Ta được sai đến để tìm xem ai là người có đức tin và có lòng mến Chúa thực sự”.

Anh ta hỏi tiếp: “Sao Ngài lại phải cầm theo bó đuốc và xô nước?” Thiên thần đáp: “Ta muốn dùng bó đuốc để thiêu hủy các tòa nhà trên thiên đàng, và dùng xô nước để dập tắt ngọn lửa dưới hỏa ngục”. Anh lại hỏi: “Nhưng tại sao Ngài lại phải làm như thế?”

Thiên thần trả lời: “Để biết ai thực sự có đức tin và lòng mến Chúa. Một người có đức tin thực sự thì sẽ tuân giữ các giới răn, cho dù ta có phá hủy hy vọng sau này của họ là lên thiên đàng, và phá hủy nỗi sợ của họ sau này sẽ bị sa hỏa ngục đi nữa”.

Câu chuyện giấc mơ trên cho ta hiểu thế nào là đức tin và lòng mến Chúa thực sự. Lòng mến Chúa đích thực thì không đặt ra vấn đề thiên đàng hay hỏa ngục, vì như thế thì động lực của tình yêu mến không còn tinh ròng nữa. Đối với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, được yêu Chúa là đủ rồi, dù ở đâu, làm gì, đi đâu, ngay cả khi phải ở trong hỏa ngục mà vẫn được yêu Chúa thì cũng đủ cho chị rồi.

Ta chỉ lo âu sợ hãi khi mình không có tình yêu. Khi đã có tình yêu thì lo âu sợ hãi không còn, vì chỉ còn lo sống cho tình yêu, như Harry Emerson đã phát biểu như sau: “Sợ hãi thì đe dọa, còn tình yêu lại gọi mời. Sợ hãi thì cầm tù, còn tình yêu lại giải phóng. Sợ hãi thì chua chát, còn tình yêu lại ngọt ngào. Sợ hãi thì gây ra thương tích, còn tình yêu lại chữa lành. Sợ hãi thì luôn lẩn tránh còn tình yêu lại hiện diện”.

Đã yêu thì chỉ còn có một điều là mong sống thật nhiều cho người mình yêu, cụ thể là làm những gì mà người yêu mong đợi. Đó cũng chỉ là một tình yêu đáp trả, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người. Và Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho các môn đệ biết: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Hay nói một cách khác phổ quát cho tất cả mọi người: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”.

Bài Phúc Âm hôm nay là một lời an ủi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi Ngài sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Lời an ủi này không chỉ là một sự động viên khích lệ, mà là một lời hứa chắc chắn Người không để các ông mồ côi, Người sẽ xin Chúa Cha ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Người là Thần Khí Sự Thật, sẽ đến ở giữa các ông và trong các ông. Nhưng điều quan trọng là tình yêu mến trong lòng họ qua việc giữ lệnh truyền của Thầy. Tình yêu ấy làm cho Chúa Cha thương mến họ, cả Ba Ngôi đều ở trong họ, làm cho sự sống linh thiêng ngập tràn trên họ, và chính Chúa sẽ tỏ mình cho họ, khiến họ vững vàng trước mọi thử thách gian nan.

Mùa Phục sinh nhắc nhở ta nhìn lại sự sống của Chúa trong mình: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh, nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô. Sự thông hiệp này làm nên một sức sống mới và một kinh thiêng liêng mà thánh Phaolô đã nói lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Quả thật, sự sống của Chúa bắt đầu bừng lên khi ta bắt đầu sống yêu thương. Ngài sẽ tỏ mình cho ta khi ta dám cúi xuống tỏ tình thương với mọi người.

Thực tế cho thấy, lắm khi ta sống èo uột, khô khan, cằn cỗi, tầm thường, chỉ vì không dám sống giới răn yêu thương, không dám xả thân phục vụ anh chị em, chỉ quanh quẩn với bản thân, và loay hoay với những gì mình muốn để được an nhàn thư thái. Còn đời sống đạo thì nhiều khi chỉ lo giữ những điều tối thiểu và vừa đủ để được lên thiên đàng. Nếu như vậy chỉ là một thứ đạo thực dụng, như chuyện trao đổi ở đời, và như vậy ta xem Đức Kitô cũng chỉ là một vị thần đóng vai trò thưởng phạt, chẳng khác nào chuyện thần thoại Hy lạp.

Không lạ gì mà những người lương dân thấy một số người có đạo mà không thấy có Chúa. Điều này có nguy cơ trở thành một thứ đạo mà con người dựng nên Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa dựng nên con người. Làm sao cho người khác nhận ra Đức Kitô đang sống, đang hành động trong ta, đang có mặt ngay trong cuộc sống hôm nay giữa mọi người? Cuộc đời chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh lại tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta: một thái độ mở ra, bao dung, đón nhận, vui tươi và nhiệt tình với mọi người, đem lại tự do và bình an cho nhau.

Cầu nguyện

Lạy Cha!

Ki-tô giáo là đạo Đấng đã sống lại,

nên Ki-tô hữu là người đã phục sinh,

đã đón nhận sự sống của Thánh Linh,

nhờ chính Đức Ki-tô hiến thân mình.

Sự sống lại là hồng ân Chúa ban,

nhưng con phải tuân giữ các luật điều,

và phải làm tất cả vì tình yêu,

không so đo hay tính toán chi nhiều,

không phàn nàn vì những điều con thiếu,

không quan trọng mình có được bao nhiêu.

Yêu mến đâu phải là tình cảm tự nhiên,

được đo lường theo mối dây thân thiện,

nhưng biểu hiện bằng hành động dấn thân,

với tự do và tinh thần quả cảm,

luôn dám sống dám yêu và dám làm,

dám đi ngược với lối sống thế gian.

Đức tin không hành động, đức tin chết,

tình yêu cũng không chỉ ở trong lòng,

nhưng còn là sáng lên trong hành động,

khơi sâu và mở rộng sự hiệp thông.

Cho con nghe được tiếng Chúa gọi mời,

để con biết sống một cuộc đời phấn khởi,

biết nhiệt tâm đem an hòa cho thế giới,

đem niềm vui thương mến đến mọi nơi.

Xin cho con đừng ngồi đó để chờ thời,

nhưng ra khơi tạo nên nguồn sống mới,

cho bao người còn đang sống chơi vơi,

đang khốn khó nguy nan giữa biển đời.

Xin cho con ghi nhớ lời Chúa phán,

biết thực thi những điều mà Chúa dạy,

để nêu cao một tình mến mỗi ngày,

cho tới lúc được xum vầy bên Chúa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai vợ chồng kỷ niệm 67 năm hôn phối có 147 hậu duệ
Đặng Tự Do
17:01 08/05/2023


Leo và Ruth Zanger vừa kỷ niệm 67 năm ngày cưới. Họ có 12 người con và 135 cháu chắt.

Với 12 người con, 55 người cháu, 73 chắt và 7 chút, Leo và Ruth Zanger đến từ Quincy, Illinois, vừa chào đón hậu duệ thứ 147 của họ trên thế giới. Leo nói với tờ Today khi họ đã đạt mốc 100 đứa cháu vào năm 2015: “Chúng tôi yêu tất cả chúng và chúng đều rất quý giá.

Vào ngày 18 tháng 4 vừa qua, hai vợ chồng kỷ niệm 67 năm ngày cưới. Con gái lớn Linda của họ hiện 66 tuổi và con út Joe 38 tuổi, sinh năm 1984 và lúc đó đã có 10 cháu gái lớn hơn Joe rất nhiều.

Các thành viên trong gia đình rất thân thiết với nhau. Hầu hết họ sống gần đó và gặp nhau thường xuyên. Mỗi dịp lễ Giáng Sinh hoặc Phục sinh đều cần phải thuê một sảnh lớn của nhà thờ và thường mua khoảng 25 kg giăm bông, 10 con gà tây, 50 ổ bánh mì và 10 gallon đồ uống. Hậu cần của những buổi họp mặt gia đình này thường rất suôn sẻ. Những người thân chia sẻ trách nhiệm với nhau.

“Khi chúng tôi gặp nhau, đó là một cuộc tụ họp lớn, rất lớn,” một trong những cô con gái của hai vợ chồng, Donna Zanger-Lane, người ghi chép biên niên sử không chính thức của gia đình, nói với Today. “Có rất nhiều người - rất nhiều trẻ em - nhưng tất cả chỉ có thế thôi. Chúng tôi luôn có khoảng thời gian thực sự vui vẻ.”

Cô thừa nhận để nhớ được tất cả các ngày sinh đòi hỏi trí nhớ rất tốt.

“(Các thành viên khác trong gia đình) luôn nói, 'Vì bạn đã có tất cả các số điện thoại, bạn có thể nhắn tin (hoặc gọi) cho họ và cho họ biết về bất kỳ sự kiện nào không?'“ Donna giải thích với Herald-Whig. Thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều cháu của Zanger trưởng thành và lập gia đình riêng. “Chúng tôi có thể thành lập thị trấn của riêng mình. Tôi mong đợi sẽ có nhiều hơn nữa. Tôi không ngạc nhiên chút nào vì có rất nhiều gia đình trẻ mới bắt đầu ở đó,” người ông tự hào nói thêm. Ông nói với Today rằng họ chào đón mỗi đứa cháu mới “như thể đó là đứa đầu tiên của họ.”

Ruth nhấn mạnh rằng cô ấy không biết rằng gia đình họ sẽ đông đúc như vậy. Tuy nhiên, hai vợ chồng rất hài lòng về điều đó. “Chúa tốt lành vẫn tiếp tục gửi họ,” cô ấy nói với Herald-Whig. Và về việc liệu họ có muốn mở rộng gia đình hơn nữa hay không, Ruth nói: “Luôn có chỗ cho thêm một người nữa”.

Ông bà Zanger luôn dạy các con về tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình. “Tất cả chúng tôi đều rất thân thiết. Chúng tôi gặp nhau rất nhiều. (…) Chúng tôi dành nhiều thời gian cho nhau. Tôi biết có rất nhiều gia đình chỉ bằng nửa số người của chúng tôi chỉ gặp nhau có thể một hoặc hai lần một năm,” Austin nói với Whig. “Lúc nào cũng vui,” Kelly Sanger, vợ của Daniel, nói.


Source:Aleteia

 
Vatican công bố con tem với Đức Giáo Hoàng cầm cờ Ukraine
Đặng Tự Do
17:03 08/05/2023


Các dịch vụ bưu chính của Vatican sẽ phát hành hai con tem: một dành riêng để thúc đẩy hòa bình và tình đoàn kết với Ukraine và một để kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới.

Dịch vụ bưu chính và tem thư của Vatican sẽ phát hành ba con tem mới vào ngày 16 tháng 5 năm 2023, trong đó có một con tem in hình Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 4 năm 2022 cầm lá cờ Ukraine đến từ thành phố Bucha.

Cũng sẽ có một con tem dành riêng cho Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8.

Con tem đầu tiên thể hiện Đức Thánh Cha Phanxicô cầm cờ Ukraine trong buổi tiếp kiến chung vào tháng 4 năm 2022. Lá cờ đến từ thành phố Bucha, nơi có nhiều thường dân thiệt mạng.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung vào ngày 6 tháng 4 năm 2022, gần hai tháng sau khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giương cao lá cờ màu vàng và xanh lam đến từ Bucha. Thành phố Ukraine này đã trải qua một cuộc thảm sát trong tháng Ba, trong khi nó bị quân đội Nga xâm lược. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OHCHR, ước tính rằng khoảng 73 đến 178 thường dân đã thiệt mạng trong thời kỳ đó.

“Lá cờ này đến từ chiến tranh, chính xác là từ thành phố bị chiến tranh tàn phá đó, Bucha,” Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến, đồng thời tố cáo “sự tàn ác khủng khiếp.”

“Họ là những nạn nhân mà dòng máu vô tội của họ kêu thấu đến Thiên đàng và van xin: hãy chấm dứt cuộc chiến này!” ngài nói, trước hàng trăm tín hữu tập trung tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican.

Bức ảnh của Đức Giáo Hoàng với lá cờ rách nát này đã được chia sẻ khắp thế giới. Chính thời điểm này mà dịch vụ bưu chính của Vatican đã chọn để minh họa tình đoàn kết của vị giáo hoàng người Á Căn Đình với “Ukraine tử vì đạo”, một cách diễn đạt mà ngài đã sử dụng gần như hàng tuần kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trên con tem mới có dòng chú thích: “Cùng với người Ukraine, một dân tộc cao quý và tử vì đạo”.

Con tem được phát hành như một phần của sáng kiến có tên EUROPA, được thúc đẩy bởi hiệp hội PostEurop, đại diện cho 55 dịch vụ bưu chính trên lục địa. Kể từ năm 1956, tổ chức có trụ sở tại Brussels đã đề xuất một chủ đề mỗi năm cho các dịch vụ bưu chính quốc gia để sản xuất một số loại tem nhất định. Trang web PostEurop giải thích rằng chủ đề năm 2023, “HÒA BÌNH – giá trị cao nhất của nhân loại,” được chọn để “thể hiện tình đoàn kết với Ukraine” và thúc đẩy hòa bình.

Con tem còn lại do Vatican phát hành như một phần của EUROPA mô tả “Nút thắt hòa bình”, một tác phẩm đã giành chiến thắng trong cuộc thi do PostEurop tổ chức để chọn biểu trưng đẹp nhất minh họa cho chủ đề năm 2023. Cả hai con tem dự kiến sẽ được phát hành vào ngày 16 tháng 5.

Sẽ có 135.000 bản in con tem có hình Đức Thánh Cha Phanxicô đang ôm người Ukraine hân hoan. Nó sẽ có giá 0,10 euro (khoảng 0,11 đô la). Đồng thời, 44.000 bản tem có “Nút thắt hòa bình” sẽ được in và chúng sẽ có giá 1,25 euro mỗi chiếc (khoảng 1,37 đô la)

Một con tem hướng tới WYD ở Lisbon

Vào ngày 16 tháng 5, các dịch vụ bưu chính và in tem của Vatican cũng sẽ phát hành một con tem mới để kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được tổ chức tại Lisbon từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8. Con tem có hình Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn đầu một nhóm thanh niên tiến lên “Đài tưởng niệm của những khám phá”, là một tác phẩm điêu khắc lớn về một chiếc thuyền buồm nằm gần sông Tagus chảy qua Lisbon. Tượng đài được xây dựng vào năm 1960 và kỷ niệm thời đại khám phá của người Bồ Đào Nha trong thế kỷ 15 và 16.

Tuyên bố do bưu điện Vatican đưa ra giải thích rằng “Trong con tem, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn những người trẻ tuổi và Giáo hội, được đại diện bởi con thuyền của Thánh Phêrô, khám phá ra 'sự thay đổi của thời đại này',”. Đức Thánh Cha hướng dẫn những người trẻ tuổi đừng “ngầm cam chịu thói quen” đến mức không nhìn thấy “thực tế của bến cảng đang chờ đợi họ”.

Con tem sẽ có giá 3,1 euro (khoảng 3,41 đô la) và 45.000 bản sẽ được in.


Source:Aleteia
 
Súng ống bên Mỹ, trong 4 tháng qua đã xảy ra 191 vụ xả súng, vụ mới nhất xảy ra tại trung tâm mua sắm ở Allen - Dallas
Thanh Quảng sdb
21:07 08/05/2023
Súng ống bên Mỹ, trong 4 tháng qua đã xảy ra 191 vụ xả súng, vụ mới nhất xảy ra tại trung tâm mua sắm ở Allen - Dallas



Đức cha Edward J. Burns dâng lễ cầu nguyện cho 9 nạn nhân của cộng đồng Công Giáo địa phương với gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng bởi cô Lisa Zengarini mới đây!

Đức Giám Mục Edward J. Burns của Dallas đã bày tỏ sự gần gũi với gia đình các nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt ở Allen, Texas, vào Thứ Bảy, ngày 6 tháng Năm.

Tám người, trong đó có một trẻ em, đã thiệt mạng và bảy người khác bị thương bởi một tay súng xả đạn vào lúc 3 giờ 30 chiều tại cửa hàng Allen Premium Outlets, một trung tâm mua sắm ở khu vực Dallas, trước khi cô bị hạ gục bởi một sĩ quan cảnh sát tình cờ có mặt tại hiện trường.

Theo chính quyền địa phương, thì các nạn nhân ở độ tuổi từ 5 đến 61 tuổi.

Hiệp thông với các gia đình nạn nhân

Trong bài giảng, Đức cha chia sẻ với các tín hữu “với trái tim buồn đau”, Đức Giám Mục Burns cho biết “cộng đồng Công Giáo luôn hiệp nhất và liên đới với những gia đình đã mất người thân trong thảm kịch này”.

“Giống như các bạn, tôi vô cùng đau xót trước vụ xả súng ở cộng đồng Allen và sự coi thường mạng sống một cách vô nghĩa đã xảy ra trong cộng đồng chúng ta”, Đức cha nói trong một tuyên bố sau vụ thảm sát, và ngài cầu xin Chúa “an ủi, ban sức mạnh cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện bi thảm này và an ủi cộng đồng địa phương, các nạn nhân và gia đình của họ”.

Chúng ta phải cầu nguyện cho sự an hòa trong cộng đồng và chúng ta phải có can đảm đứng lên chống lại các thế lực của sự dữ và nền văn hóa sự chết.

Vụ nổ súng ở Allen xảy ra chỉ vài giờ sau khi một tài xế SUV cố tình đâm vào một nhóm người di cư Venezuela đang chờ đợi ở trạm xe buýt bên ngoài một trung tâm dành cho người di cư ở thành phố Brownsville, Texas, khiến 8 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương.

Vụ mới nhất trong loạt bạo lực súng đạn ở Mỹ

Đây là vụ mới nhất trong một loạt bạo lực súng đạn dường như bất tận trên đất nước Hoa Kỳ, nhắm vào các trường học, siêu thị, nơi làm việc và các địa điểm công cộng và trỗi sóng mỗi khi cuộc tranh luận quốc gia về cải cách súng đạn được bàn cãi mà cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả nào.

Các Giám mục Hoa Kỳ cũng đã tham gia cuộc tranh luận và liên tục kêu gọi các biện pháp kiểm soát súng hợp lý, lặp lại lời van xin của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đã đến lúc nói ‘không’ đối với việc buôn bán vũ khí bừa bãi”.

Vào tháng 6 năm 2022, chủ tịch của bốn ủy ban của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã đưa ra một tuyên cáo kêu gọi tất cả các thành viên của Quốc hội hãy hành động để “giải quyết tất cả các khía cạnh của cuộc khủng hoảng, bao gồm sức khỏe tâm thần, tha hóa gia đình, giá trị của cuộc sống, ảnh hưởng của ngành công nghiệp giải trí và trò chơi, hù dọa và súng ống.”

Ít nhất có 191 vụ xả súng hàng loạt kể từ ngày 1 tháng 1

Kể từ đầu năm đến nay, Hoa Kỳ đã ghi nhận ít nhất 191 vụ xả súng hàng loạt (mặc dù định nghĩa về vụ xả súng hàng loạt vẫn đang được tranh luận).

Vụ việc gây chết người nhiều nhất cho đến nay vẫn là vụ xả súng ở Las Vegas năm 2017, khi một tay súng 64 tuổi xả súng vào đám đông tham dự lễ hội âm nhạc khiến 60 người thiệt mạng.

Những cái chết liên quan đến súng gây ra bởi các vụ xả súng hàng loạt thêm vào những cái chết do giết người, tự sát, bạo lực gia đình và tai nạn.

Súng gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em và thiếu niên Mỹ

Tính trung bình, Hoa Kỳ chứng kiến hơn 39.000 ca tử vong do súng mỗi năm kể từ năm 2014 và tính đến ngày 8 tháng 5 năm 2023, hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong các vụ việc liên quan đến súng ống trong năm nay, theo dữ liệu từ Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng.

Dữ liệu gần đây cũng cho thấy súng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên Hoa Kỳ và vào năm 2022, số trẻ vị thành niên bị bắn ở Hoa Kỳ nhiều hơn bất kỳ năm nào khác được ghi nhận.

ĐTC đã thường xuyên tố cáo nạn buôn bán súng, kể cả trong bài phát biểu năm 2015 của Ngài trước một phiên họp chung của Quốc Hội Hoa kỳ: “Tại sao vũ khí chết người lại được bán cho những kẻ có kế hoạch gây ra những đau buồn không kể xiết cho cá nhân và xã hội?” ĐTC hỏi các nhà lập pháp Hoa Kỳ. “Đáng buồn thay, câu trả lời, như tất cả chúng ta đều biết, chỉ đơn giản là vì tiền: tiền thấm đẫm máu, thường là máu của những người vô tội.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Thánh mẫu Lavang IV của CĐCG VN Melbourne
Thanh Quảng sdb
01:04 08/05/2023
Đại Hội Thánh mẫu Lavang IV của CĐCG VN Melbourne

Coi hình ảnh ĐH Thánh Mẫu kỳ IV
(Hình ảnh do Khắc Thái, Phóng viên Vietcatholic)

Sau hơn hai năm Đại dịch, CĐCG VN Melbourne đã tổ chức lại Đại hội Lavang với chủ đề “Cùng Mẹ Lavang, Tạ ơn Chúa”.

Ban đại diện Cộng đồng cùng các ban ngày đã ráo riết sửa soạn trong suốt cả năm nay với hai lần Gây quỹ để có ngân quỹ tổ chức. Nét son của CĐCG VN Melbourne rất quảng đại cho các công cuộc bác ái, và đặc biệt những gì làm cho Mẹ Maria, bà con không nề quản… Cho nên ngân quỹ có sẵn và Ban Đại Diện thì năng nổ, sốt sắng nên Đại hội Lavang và các dịp lễ lớn cho cả cộng đoàn khối người Việt của tiểu bang đều được tổ chức lớn và bà con hăng say tham dự, như Lễ các Thánh tử đạo Việt Nam, được cử hành tại Nhà thở Chính Tòa và Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Trung tâm thánh Vinh Sơn Liêm, đặc biệt mỗi hai hoặc ba năm thì Đại hội Thánh mẫu Lavang được tổ chức tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang Kyesborough…

Chủ đề Đại hội Lavang kỳ IV này: “Cùng Mẹ Lavang, tạ ơn Chúa”. Đại hội luôn được Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Giáo phận Paramatta đồng hành và Đại hội luôn mời một Giám mục Việt Nam tham dự, như dấu chỉ hiện diện và liên kết với Giáo hội Mẹ Việt Nam, Đại hội này hân hạnh được chào đón Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Cần Thơ đến chia sẽ và dâng lễ… Đại hội còn mời được linh mục Mathêu Nguyễn Khắc Hỷ PSS, một nhà Thần học và giảng thuyết lừng danh từ Hoa kỳ tới để chia sẻ…

Dù thời tiết mưa lạnh nhưng Mẹ thương những lúc quan trọng của Đại hội như được tay mẹ che mưa cho con cái Mẹ thực hiện một cuộc cung nghinh Mẹ về lễ đài vô cùng tranh trọng với thánh lễ khai mạc sốt sắng thu hút cả 3000 người tham dự…

Các bài giảng thuyết và đêm Diễn nguyện rất đặc sắc được phối hợp của 16 cộng đoàn diễn tả chường trình cứu chuộc của Thiên Chúa và bàn tay phù trợ của Mẹ, đặc biệt trong hai năm đại dịch…

Ngày thừ 3 như một phép lạ, đêm mưa gió cả đêm, nhưng khoảng 10 giờ sáng, mặt trời ló diện, mang nắng ấm tới cho vùng đất lạnh Melbourne… Bà con đổ về tham dự ngày thuyết giảng, đặc biệt bài “Thông điệp Mẹ Lavang cho con dân Việt Nam”; sau đó hơn 150 chị đại diện của các cộng đoàn dâng hoa cho Mẹ và thánh lễ đại trào với hàng ngũ 40 linh mục Việt Nam tại Melbourne và quí cha khách đồng tế.

Đức cha Giuse Trần Văn Toản chủ tế và Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, giảng thuyết, Đức cha đã nhắc nhớ lại các ơn Mẹ ban qua bốn ký Đại hội…

Trong phần cám ơn, ông Anton Trương Tấn Phát, rất cảm động gửi lên Mẹ tâm tình tạ ơn và gửi tới mọi thành phần dân Chúa lời cám ơn vì sự hiện diện đông đảo đã làm nên ba ngày Đại hội thật kỳ diệu như phép lạ Chúa và Mẹ thương ban…

Cha Peter Hoàng Kim Huy, điều hợp viên Ban Tuyên Úy Thường vụ đã công bố Đại hội Lavang IV được khép lại nhưng Ngài cũng hỏi ý kiến bà con về mốc điểm 2025 kỷ niệm 50 năm viễn xứ, cộng đoàn có muốn tổ chức Đại hội không, tất cà cộng đoàn cùng hô to “có” với những tràng pháo tay vang dội…

Mọi người ra về với những hợp đồ ăn cho ấm bụng và hứa hẹn một Đại hội đặc biệt của 50 năm viễn xứ vào năm 2025.
 
Thánh lễ đồng tế trọng thể bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần IV tại Melbourne.
Trần Văn Minh
17:24 08/05/2023
Mặc dù tuyết trời lạnh giá, nhưng bù lại, trời có nắng đẹp và không mưa. Ngày sinh hoạt bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần IV đã được Linh mục Peter Hoàng Kim Huy SDB Trưởng ban điều hợp tuyên úy đoàn của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Melbourne đã long trọng công bố bế mạc đại hội sau Thánh lễ đồng tế thật trọng thể. Lúc 5 giờ 30 chiều Ngày 7 Tháng 5 /2023, tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang thuộc TGP Melbourne.
Xem hình
Sau hai ngày sinh hoạt, sáng 7/5/23. Trong lúc đợi các cộng đoàn từ xa về tham dự ngày cuối của đại hội, Đúng 9 giờ 30 sáng, trong những ngày trái gió trở trời, đợt lạnh kéo không khí tụt xuống 10 độ C. Các Soeur Dòng Mến Thánh Giá đã cùng giới trẻ Cộng đoàn Holy Eucharist, sinh hoạt thật vui nhộn như để hâm nóng bầu không khí đại hội ấm lên ngay từ buổi sáng sớm.
Theo chương trình, thì buổi sáng lúc 10 – 11 giờ sẽ có bài Thuyết Giảng chung cho cộng đồng do Đức Giám Mục Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Long Xuyên Việt Nam giảng thuyết với đề tài: ‘Giêsu hiện thân Chúa Cha, Hiện thân Chúa Con chính là chúng ta!’
Và từ 11:00am – 12:00pm là giờ sinh hoạt của giới trẻ do các Nhóm Giới trẻ Cộng đồng vẫn do Soeur Yến Mến Thánh Giá và Thiếu Nhi Thánh Thể vv phụ trách, để mọi người có những phút thư giãn và sức khỏe không bị mỏi mệt vì bị ngồi lâu. Trước khi dùng bữa trưa chung với cộng đồng. Một trong những sinh hoạt không thể thiếu trong các kỳ đại hội chung của cộng đồng.

Từ 1:30pm – 2:30pm
Thêm một bài thuyết giảng chung cho cộng đồng của Lm. Mát-thêu Nguyễn Khắc Hy
Với đề tài: ‘Thông điệp của Đức Mẹ Lavang cho con dân Việt Nam.’ Sau đó Cha Nguyễn Khắc Hy PSS đã dành ít phút để trả lời một số câu hỏi của một số người muốn biết rõ hơn về tín lý đức tin Công Giáo khi kết hôn với người khác tôn giáo. Mọi câu hỏi đã được cha giải đáp thỏa đáng, làm vui lòng mọi người hiện diện và những người dự qua trực tuyến.

Từ 3:00pm – 3:30pm
Dâng Hoa Bế Mạc Đại Hội – Đoàn Dâng Hoa Cộng Đồng do bà Hồ Thanh một ủy viên của cộng đồng, với tài điều khiển, đã kết hợp sắc mầu cho các cộng đoàn cùng đóng góp vào một buổi dâng hoa rất công phu, sinh động để mỗi người, mỗi cộng đoàn trong cộng đồng kết hiệp thành bó hoa thiêng liêng cùng dâng lên Đức Mẹ.

Và đỉnh điểm của ngày bế mạc là một thánh lễ đồng tế do: Đức Giám Mục Giuse Trần Văn Toản chủ tế.
Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, O.F.M. Conv. Chia sẻ lời Chúa.
Cùng với 40 quý cha khách và quý cha Việt Nam đang làm nhiệm vụ mục vụ tại các cộng đoàn, các dòng tu tại Melbourne đồng tế.
Cùng quý tu sỹ nam nữ Việt Nam đang sinh hoạt trong Tổng Giáo Phân Melbourne và hằng ngàn giáo dân trong và ngoài Thành phố Melbourne về dâng lễ.
Phụng vụ thánh ca do Liên Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam phụ trách thật xuất sắc. Âm thanh, ánh sáng do UB phụ trách rất tốt phục vụ đại hội.

Trước khi đại hội bế mạc, ông Trương Tấn Phát Trưởng Ban Tổ Chức đã có lời cám ơn. Từ quý Đức Cha, quý cha, quý tu sỹ nam, nữ, quý cộng đoàn, đoàn thể hội đoàn. Từ quý anh trong các ban trật tự, vệ sinh, ẩm thực, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, truyền thông và đặc biệt anh Phao Lô Nguyễn Ngọc Trúc đã hết mình giúp đỡ cho ban tổ chức. Riêng lời cảm ơn chỉ thiếu sót vì đức khiêm nhường là đã quên cảm ơn đến ông trưởng ban, phải đợi cô MC Phượng Chi thay mặt cộng đồng cảm ơn dùm.
Hội trống cộng đồng đã nổi hồi trống Bế Mạc Đại hội Thánh Mẫu La Vang kỳ IV.
Đại Hội tuyên bố Bế Mạc vào lúc 5:30pm, Mọi người lưu luyến chia tay nhau ra về, và hẹn gặp nhau vào Năm 2025, cũng là mốc điểm 50 năm viễn xứ. Để vẫn đến nhờ cậy Mẹ - tạ ơn Chúa.

Trần Văn Minh tường trình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, chương năm, tiếp theo
Vũ Văn An
15:29 08/05/2023
Tuy thế, vẫn còn một số vấn đề tôi cần giải quyết. Tôi lấy sổ ghi chép của tôi ra và sẵn sàng thách thức McRay với ba điều khó hiểu lâu đời mà tôi nghĩ khảo cổ học cũng thấy khó giải thích.

Điều khó hiểu 1: Kiểm tra dân số

Các trình thuật về việc Chúa Giêsu sinh ra cho rằng Đức Maria và Thánh Giuse bị cuộc kiểm tra dân số buộc phải trở về thị trấn quê hương là Bêlem. Tôi nói, “Tôi xin phép nói thẳng thừng: điều này ngay bề ngoài xem ra phi lý. Làm thế nào chính phủ lại có thể buộc mọi công dân phải trở về nơi sinh quán? Có bằng chứng khảo cổ nào cho thấy loại kiểm tra dân số này đã xẩy ra?”



McRay thanh thản rút một bản cuốn sách của ông, vừa lần dở từng trang vừa trả lời, “thực sự, việc khám phá ra các hình thức kiểm tra dân số có rõi một chút ánh sáng về thực hành này”. Tìm được tài liệu tham khảo, ông trưng dẫn một lệnh chính thức của chính phủ vào khoảng năm 104 CN.

“Gaius Vibius Maximus, Thái thú Ai Cập (nói): thấy rằng thời giờ đã đến để tổ chức cuộc kiểm tra dân số từ nhà này sang nhà nọ, điều cần thiết là phải buộc tất cả những người vì bất cứ lý do gì cư ngụ ở ngoài tỉnh của họ trở về quê hương của họ, để họ có thể thi hành lệnh kiểm ta dân số thường lệ và cũng cần cù cày cấy mảnh đất đã cấp cho họ” (6).

Gấp cuốn sách lại, ông nói với tôi, “như ông thấy đấy, thực hành này được xác nhận bởi tài liệu này, dù cho kiểu đếm người đặc thù này có thể xem ra kỳ dị đối với ông.Và một tờ giấy cói khác, tờ này có từ năm 48 CN cho thấy rằng toàn bộ gia đình tham dự cuộc kiểm tra”.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa hoàn toàn giải quyết xong vấn đề. Luca nói rằng cuộc kiểm tra mang Đức Maria và Thánh Giuse tới Bêlem được tiến hành thời Quirinô là thống đốc ở Syria và dưới thời Đại vương Hêrốt.

Tôi nhấn mạnh, “Điều đó nêu ra một câu hỏi, vì Hêrốt chết năm 4 TCN, còn Quirinô mãi đến năm 6 CN mới làm tổng trấn Syria... Có cả một khoảng cách lớn ở đó; làm thế nào ông có thể giải quyết khoảng cách lớn như thế về niên đại được?”

McRay biết tôi sẽ nêu một vấn đề từng làm cho khoa khảo cổ loay hoay nhiều năm. Ông đáp bằng cách nói rằng: “một nhà khảo cổ lỗi lạc tên Jerry Vardaman đã làm việc nhiều trong khía cạnh này. Ông đã tìm được đồng tiền trên đó, có tên Quirinô bằng chữ rất nhỏ, điều người ta quen gọi là chữ “vi đồ họa” (micrographic). Điều này đặt ông vào vị thế thống đốc (proconsul) Syria và Cilicia từ năm 11 TCN tới sau cái chết của Hêrốt”.

Tôi thấy hơi lộn xộn, bèn hỏi, “điều đó có nghĩa gì?”

Ông trả lời, “Nó có nghĩa xem ra có hai Quirinô. Không lạ khi có nhiều người trùng tên La Mã với nhau, thành thử không có lý do gì để hoài nghi việc có hai người tên Quirinô. Xét vì chu kỳ cứ 14 năm lại có một lần kiểm tra dân số, thì việc này là điều rất có thể đã diễn ra”.

Điều trên, đối với tôi, có vẻ suy đoán, nhưng thay vì bị sa lầy trong cuộc đàm đạo này, tôi quyết định dẹp vấn đề này khỏi tâm trí để sau này hãy tính cách phân tích thêm. Khi tôi thực hiện một số tìm tòi thêm, tôi thấy Ngài William Ramsay, nguyên khảo cổ gia và giáo sư tại cả Đại Học Oxford lẫn Đại Học Cambridge bên Anh, đã xuất hiện với một lý thuyết tương tự. Từ một số bản khắc, ông kết luận rằng dù chỉ có một Quirinô, ông này cai trị Syria ở hai dịp khác nhau, bao trùm thời gian của cuộc kiểm tra dân số trước đó (7).

Các học giả khác nhấn mạnh rằng bản văn Luca có thể phiên dịch như sau: “Cuộc điều tra dân số lần này diễn ra trước khi Quirinô cai trị Syria”, điều này có lẽ sẽ giải quyết được vấn đề (8).

Vấn đề đã không được giải đáp như tôi mong đợi. Tuy nhiên, tôi phải nhìn nhận rằng McRay và nhiều người khác đã cung cấp một số giải thích có giá trị. Tôi có thể kết luận một cách tin tưởng rằng các cuộc kiểm tra dân số được tổ chức trong khung thời gian Chúa Giêsu sinh ra và quả người dân có bị buộc phải trở về nơi sinh quán, điều mà tôi vẫn lấy làm lạ!

Điều khó hiểu 2: Sự hiện hữu của Nadarét

Nhiều Kitô hữu không biết việc những người hoài nghi từ lâu vốn quả quyết rằng Nadarét không hề hiện hữu vào thời Tân Ước nói Chúa Giêsu sống tuổi thơ của Người tại đó.

Trong một bài báo tựa là “Những nơi Chúa Giêsu chưa bao giờ đi qua”, nhà vô thần Frank Zindler nhận định rằng Nadarét không được nhắc tới trong Cựu Ước, bởi Tông đồ Phaolô, bởi Talmud (mặc dù 63 thị trấn Galilê khác đã được trưng dẫn), hoặc bởi Josephus (người từng liệt kê 45 các làng mạc và thành phố của Galilê, kể cả Japha chỉ cách Nadarét ngày nay khoảng một dặm). Không sử gia nào hay nhà địa dư nào nhắc đến Nadarét trước đầu thế kỷ thứ tư (9). Tên này lần đầu tiên xuất hiện trong văn chương Do Thái qua bài thơ viết vào khoảng thế kỷ thứ 7 CN (10).



Việc thiếu bằng chứng này vẽ nên một bức tranh nghi ngờ. Nên tôi nêu vấn đề này với McRay: “Có bất cứ xác nhận nào của khoa khảo cổ cho thấy Nadarét hiện hữu vào thế kỷ thứ nhất không?”

Vấn đề này không mới lạ gì đối với McRay, ông trả lời ngay, “Tiến sĩ James Strange của Đại Học Nam Florida là một chuyên viên về khu vực này, và ông mô tả Nadarét như một nới rất nhỏ, khoảng 60 mẫu Anh, với tổng dân số tối đa là khoảng 480 người vào đầu thế kỷ thứ nhất.

Tuy nhiên, đó chỉ là kết luận, tôi muốn có bằng chứng nên tôi hỏi, “Làm thế nào ông ta biết như thế?”

“À, Strange nhận xét rằng khi Giêrusalem thất thủ năm 70 CN, các tư tế không còn được cần đến nữa trong đền thờ vì nó đã bị hủy diệt, thành thử họ được phái tới các địa điểm khác, tới cả Galilê. Các nhà khảo cổ đã tìm được cả một danh sách bằng chữ Aram mô tả 24 gia đình các tư tế được thuyên chuyển, và một trong số họ được chuyển tới Nadarét. Điều này chứng minh rằng ngôi làng nhỏ bé này phải hiện hữu ở đó vào lúc đó”.

Hơn nữa, ông cho hay có những cuộc đào xới khảo cổ đã khám phá các ngôi mộ ở thế kỷ thứ nhất ở gần Nadarét; điều này xác nhận ranh giới của làng vì theo luật Do Thái, các vụ chôn cất phải diễn ra ở ngoài thị trấn. Hai ngôi mộ chứa các đồ vật như đèn gốm, bình thủy tinh, và lọ từ các thế kỷ thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư.

McRay với lấy một cuốn sách của nhà khả cổ nổi danh Jack Finegan, do Princeton University Press xuất bản. Ông lật qua, và đọc phân tích của Finegan: “Từ các ngôi mộ... người ta có thể kết luận Nadarét là một khu định cư của người Do Thái thời đế quốc La Mã” (11).

McRay nhìn tôi và nói, “đã có tranh luận về địa điểm của một số nơi ở thế kỷ thứ nhất như chính xác thì ngôi mộ của Chúa Giêsu ở đâu, nhưng giữa các nhà khảo cổ, chưa bao giờ thực sự có hoài nghi lớn lao về địa điểm của Nadarét. Trách nhiệm cung cấp bằng chứng thuộc về những người tranh luận sự hiện hữu của nó”.

Điều đó xem ra hợp lý. Ngay người hay hoài nghi là Ian Wilson, trưng dẫn các phế tích tìm được năm 1955 dưới Nhà thờ Truyền tin tại Nadarét ngày nay, cũng đã thừa nhận, “những phát hiện này cho thấy Nadarét có thể đã hiện hữu vào thời Chúa Giêsu, nhưng chắc chắn nó chỉ là một nơi rất nhỏ và vô nghĩa” (12).

Vô nghĩa đến nỗi lời của Nathanaen ở Gioan 1:46 nay càng có nghĩa hơn nữa. Ngài nói, “làm sao có gì tốt phát xuất từ Nadarét cho được?”

Điều khó hiểu 3: Tàn sát tại Bêlem

Tin mừng Mátthêu vẽ ra một khung cảnh rùng rợn: Hêrốt đại vương, vua Giuđa, vì cảm thấy bị đe dọa bời việc sinh ra đời của một hài nhi ông sợ cuối cùng sẽ tiếm ngai vàng của ông, nên đã phái quân đội của ông đến Bêlem sát hại mọi trẻ em dưới hai tuổi. Tuy nhiên, được thiên thần báo mộng, Thánh Giuse đã đem Đức Maria và Hài nhi Giêsu trốn qua Ai Cập. Chỉ sau khi Hêrốt đã chết, các ngài mới trở về định cư tại Nadarét, toàn bộ tình tiết này đã ứng nghiệm ba lời tiên tri xưa về Đấng Mêxia (Xem Mt 2:13-23).



Vấn đề là: không có sự xác nhận độc lập nào là vụ sát hại hàng loạt này đã diễn ra. Không có gì trong các trước tác của Josephus và các sử gia khác. Không có sự hỗ trợ nào của khoa khảo cổ. Không hề có hồ sơ hay tài liệu nào.

Tôi nhấn mạnh, “chắc chắn một biến cố lớn lao như thế này phải được một ai đó ngoài Mátthêu ghi nhận chứ. Với việc hoàn toàn vắng bóng bất cứ sự chứng thực nào của lịch sử hay của khoa khảo cổ, há không hợp lý hay sao khi kết luận rằng vụ thảm sát này không hề xẩy ra?”

McRay trả lời, “tôi có thể thấy tại sao ông nói vậy, vì ngày nay, một biến cố như thế chắc chắn sẽ được chiếu khắp CNN và mọi cơ sở truyền thông khác.”.

Tôi đồng ý. Thật vậy, năm 1997 và 1998, đã có hàng loạt tin tức về những người cực đoan Hồi giáo không ngừng lùng sục và sát hại gần như toàn bộ các làng mạc, kể cả đàn bà và trẻ em, tại Algeria. Toàn thế giới ai cũng biết.

McRay nói thêm, “nhưng ông nên đặt mình vào thế kỷ thứ nhất và lưu ý một vài điều. Thứ nhất, Bêlem có lẽ chẳng lớn hơn gì Nadarét, nên thử hỏi, có bao nhiêu trẻ sơ sinh cở tuổi ấy ở đó trong một ngôi làng dân số chỉ năm hay sáu trăm người? Chắc chắn không phải hàng nghìn, hàng trăm, dù chắc chắn vài em là cùng.

“Thứ hai, Hêrốt đại vương, là ông vua khát máu: ông ta giết cả các thành viên trong gia đình ông ta; ông ta hành quyết bất cứ ai có thể thách thức ông ta. Nên sự kiện ông ta giết một vài trẻ sơ sinh ở Bêlem làm sao thu hút được sự chú ý của người ta trong thế giới La Mã.

“Và thứ ba, hồi ấy làm gì có truyền hình, truyền thanh hay báo chí. Cần phải có thời gian lâu, lời truyền miệng về việc này mới đi xa, nhất là từ ngôi làng nhỏ bé ở một vùng đồi núi xa xăm gần như không ai lưu ý, còn các sử gia, họ có biết bao chuyện lớn lao cần phải viết về”.

Là một nhà báo, điều ấy khá khó để chấp nhận. Tôi tỏ vẻ hoài nghi, “Chuyện này không đáng được kể lại hay sao?”

Ông nói, “tôi không nghĩ nó đáng, ít nhất trong lúc ấy. Một thằng điên sát hại mọi người xem ra có tiềm năng đe dọa nó, đó là chuyện thường tình đối với Hêrốt. Dĩ nhiên, sau đó, khi Kitô giáo phát triển, biến cố này mới trở nên quan trọng, nhưng tôi sẽ ngạc nhiên nếu chuyện này gây sôn sao dư luận lúc ấy”.

Có thể như vậy, nhưng điều này khá khó để tưởng tượng đối với một nhà báo từng được huấn luyện để đánh hơi tin tức trong thời đại kỹ thuật cao với truyền thông nhanh và cùng khắp thế giới. Đồng thời, tôi phải thừa nhận rằng từ những gì tôi biết về khung cảnh đẫm máu của Palestine xưa, giải thích của McRay xem ra hợp lý.

Điều ấy để lại một phạm vi khác tôi muốn được thăm dò. Và với tôi, nó là phạm vi lôi cuốn hơn cả.

Điều khó hiểu về Sách Cuộn Biển Chết

Ai cũng phải nhận, khảo cổ học có sức hấp dẫn của nó. Những ngôi mộ cổ, những bản khắc vào đá hay nguệch ngoạc vào giấy cói khó hiểu, những mảnh đồ gốm vỡ tan, những đồng tiền cũ kỹ, tất cả đều là những manh mối trêu ngươi đối với một nhà điều tra cố đế. Nhưng ít có di tích nào của quá khứ đã sản sinh ra nhiều hứng thú cho bằng Các Sách Cuộn Biển Chết, hàng trăm bản chép tay có từ năm 250 TCN tới năm 68 CN được tìm thấy năm 1947 trong các hang động cách đông Giêrusalem khoảng 20 dặm. Dường như nó đã được giáo phái Do Thái Giáo có tên là Essenes cất giấu trước khi người La Mã hủy diệt cơ sở của họ.



Một số chủ trương kỳ lạ đã được phát biểu về các sách cuộn này, trong đó, có cuốn sách phi lý của John Marco Allegro, trong đó, ông cho rằng Kitô giáo phát sinh từ phái thờ sinh sản trong đó, các tín hữu phiêu diêu nhờ các thứ nấm gây ảo giác (13). Trong một quả quyết chính đáng hơn nhưng vẫn đáng ngờ vực, chuyên gia về tài liệu giấy cói, Jose O’Callaghan, nói rằng các mảnh Biển Chết là một phần của một thủ bản xưa nhất từng tìm thấy của tin mừng Máccô, được định niên biểu vào năm thứ 17 hay 20 sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Tuy nhiên, nhiều học giả tiếp tục hoài nghi lời giải thích của ông (14).

Dù sao, không cuộc tìm tòi khảo cổ nào về thế kỷ thứ nhất đầy đủ nếu không tìm hiểu các sách cuộn. Nên tôi hỏi McRay, “Chúng có cho chúng ta hay bất cứ điều gì trực tiếp về Chúa Giêsu không?”

Ông trả lời, “À, không, Chúa Giêsu không chuyên biệt được nhắc đến trong bất cứ sách cuộn nào. Chủ yếu, các sách cuộn này cung cấp cho chúng ta các tầm nhìn thông suốt về đời sống và phong tục Do Thái”. Rồi ông rút ra một số giấy tờ và chỉ vào một bài báo được công bố năm 1997, và nói thêm, “Mặc dù, có một sự phát triển rất đáng lưu ý liên hệ tới bản chép tay có tên là 4Q521 cho chúng ta thấy điều gì đó về việc Chúa Giêsu tự coi mình là ai”.

Điều đó gây chú ý nơi tôi, tôi nói với một giọng rất khẩn trương, “Nói cho tôi hay về điều đó đi”.

McRay bật mí mầu nhiệm. Tin mừng Mátthêu mô tả thánh Gioan Tẩy giả, bị giam cầm và đang vật lộn với nhiều nỗi hoài nghi dai dẳng về căn tính của Chúa Giêsu, đã sai các môn đệ tới hỏi Chúa Giêsu câu hỏi trọng đại này: “ngài có phải là đấng phải đến, hay chúng tôi vẫn phải chờ một vị khác?” (Mt 11:3). Thánh nhân muốn tìm một câu trả lời thẳng thắn về việc liệu Chúa Giêsu có thực sự là Đấng Mêxia hằng mong chờ hay không.

Qua nhiều thế kỷ, Kitô hữu vẫn thắc mắc về câu trả lời khó hiểu của Chúa Giêsu. Thay vì trực tiếp nói có hay không, Chúa Giêsu lại trả lời, “hãy trở về và tường trình cho Gioan hay những điều các ông nghe và thấy: người mù trông thấy, người què bước đi, người phong cùi được chữa khỏi, người điếc nghe thấy, người chết sống lại, và tin mừng được giảng dậy cho người nghèo” (Mt 11:4-5).

Câu trả lời của Chúa Giêsu có ý nhắc đến Isaia 61. Nhưng vì một lý do nào đó, Chúa Giêsu thêm vào câu “người chết sống lại” là câu hiển nhiên không có trong bản văn Cựu Ước.

Đó là chỗ 4Q521 can thiệp. Bản chép tay không phải là KinhThánh thuộc bộ Sách Cuộn Biển Chết này, được viết bằng tiếng Do Thái, có niên biểu 30 năm trước khi Chúa Giêsu sinh ra đời. Nó có chứa một ấn bản Isaia 61 trong đó có câu “kẻ chết sống lại”.

McRay cho hay, “[Học giả sách cuộn Craig] Evans đã chỉ ra rằng câu này trong 4Q521 chắc chắn được lồng vào ngữ cảnh Mêxia. Nó có ý nói đến những kỳ công mà Đấng Mêxia sẽ làm khi Người xuất hiện và khi trời và đất vâng lời Người. Nên khi Chúa Giêsu trả lời Gioan, Người không hề hồ đồ. Gioan lập tức sẽ nhận ra lời lẽ của Người như một công bố rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia”.

McRay thẩy cho tôi bài báo trong đó Evans được trích dẫn phát biểu rằng, “4Q521 làm sáng tỏ điều này: việc Chúa Giáng Sinh nại đến Isaia 61 quả tình có tính Mêxia. Trong yếu tính, Chúa Giêsu muốn nói cho Gioan, qua các môn đệ của ngài là, những điều có tính thiên sai đang diễn ra. Cho nên điều trả lời cho câu hỏi [của Gioan] là: Đúng, Người là Đấng phải đến” (15).

Tôi ngả lưng vào ghế. Với tôi, khám phá của Evans đã xác nhận căn tính của Chúa Giêsu một cách đáng lưu ý. Điều làm tôi ngạc nhiên là khoa khảo cổ hiện đại đã có thể mở khóa ý nghĩa của một câu nói trong đó, Chúa Giêsu mạnh bạo quả quyết gần hai ngàn năm trước đây rằng Người quả thật là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa.

“Một cuốn sách có nguồn chính xác rất đáng kể”

Việc khảo cổ học liên tiếp khẳng định tính chính xác của Tân Ước cung cấp việc chứng thực quan trọng cho tính đáng tin cậy của nó. Điều này trái ngược sắc nét với việc khoa này tự chứng minh mình gây tai họa ra sao cho giáo phái Mormon.

Mặc dù Joseph Smith, người sáng lập ra giáo phái Mormon, cho rằng Sách Mormon của ông là “sách chính xác nhất trên trái đất” (16), khoa khảo cổ đã liên tiếp không thể chứng minh được các tuyên bố của ông về các biến cố cho rằng đã diễn ra rất lâu trước đây ở Mỹ Châu.



Tôi nhớ từng viết cho Viện Smithsonian để hỏi xem liệu có bất cứ bằng chứng nào nâng đỡ các tuyên bố của phái Mormon hay không, để chỉ nhận được câu trả lời không hàm hồ rằng các nhà khảo cổ của nó thấy “không có kết nối trực tiếp nào giữa khoa khảo cổ của Tân Thế Giới và vấn đề chủ đề của cuốn sách”.

Như các tác giả John Ankerberg và John Weldon đã kết luận trong cuốn sách về chủ đề, “Nói cách khác, không có các thành phố của Sách Mormon nào được định vị trí, không một người, nơi chốn, quốc gia hay tên tuổi nào của Sách Mormon đã được tìm thấy, không một đồ tạo tác nào của Sách Mormon, không một sách thánh nào của Sách Mormon, một một bản khắc nào của Sách Mormon... Không một điều gì chứng minh Sách Mormon là gì ngoại trừ là huyền thoại hay sáng chế đã từng được khám phá” (17).

Tuy nhiên, câu truyện hoàn toàn khác đối với Tân Ước. Các kết luận của McRay đã được nhắc lại bởi nhiều khoa học gia khác, trong đó, có nhà khảo cổ lỗi lạc người Úc, Clifford Wilson, người từng viết, “nay, những ai biết sự kiện đều thừa nhận rằng Tân Ước phải được chấp nhận là sách nguồn chính xác rất đáng kể” (18).

Với Craig Blomberg đã xác lập tính đáng tin cậy từ trong yếu tính của các tài liệu Tân Ước, Bruce Metzger đã xác nhận việc lưu truyền chúng một cách chính xác trong lịch sử, Edwin Yamauchi đã chứng minh sự chứng thực rộng dài của các sử gia cổ thời và nhiều người khác, và nay John McRay đã chứng minh việc khoa khảo cổ nhấn mạnh tính đáng tín thác của chúng, tôi phải nhất trí với Wilson. Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, dù không đầy đủ, nhưng đã được xây dựng trên nền đá vững chắc.

Đồng thời, tôi biết có một vài vị giáo sư nổi tiếng không đồng ý với lượng định này. Qúy bạn từng thấy họ được trích dẫn trên Newsweek và được phỏng vấn trên tin tức buổi tối, nói tới việc tái lượng định về Chúa Giêsu. Nay đã đến lúc để tôi trực diện đối đầu với các phê phán của họ trước khi tôi tiến xa hơn trong cuộc điều tra của tôi. Điều này có nghĩa tôi phải tới Minesota để phỏng vấn một học giả hăng hái, được Yale giáo dục, có tên là Tiến sĩ Gregory Boyd.

Tài liệu đọc thêm:

Finegan, Jack. The Archaeology of the New Testament [Khảo cổ học của Tân Ước], Princeton: Princeton Univ. Press, 1992

McRay, John. Archaeology and the New Testament [Khảo cổ học và Tân Ước]. Grand Rapids: Baker 1991.

Thompson, J.A. The Bible and Archaeology [Kinh Thánh và Khảo cổ học]. Grand Rapids: Eerdmans, 1975.

Yamauchi, Edwin. The Stones and the Scriptures [Những Viên đá và Sách Thánh]. New York: J.B. Lippencott, 1972.

Ghi chú

(1) Muốn biết trọn câu truyện, xin xem Joe McGinnis, Fatal Vision [Viễn kiến Chết người] (New York: New American Library, 1989). Muốn có mô tả bằng chứng khoa học, xin xem Colin Evans, The Casebook of Forensic Detection [Sách Những Trường hợp Điển hình của Khám phá pháp y](New York: John Wiley & Sons, 1996) 277-80

(2) Lc 18:35; Mc 10:46.

(3) Norman Geisler và Thomas Howe, When Critics Ask [Khi các Nhà Phê bình hỏi] (wheaton, Ill.: Victor,1992) 385.

(4) John Ankerberg and John Weldon, Ready with an Answer [Sẵn sàng có Câu Trả lời] (Eugene, Ore.: Harvest House, 1997) 272.

(5) Michael Martin, The Case Against Christianity [Lý lẽ Chống Kitô giáo](Philadelphia: Temple Univ. Press, 1991) 69.

(6) John McRay, Archaeology and the New Testament [Khảo cổ học và Tân Ước].(Grand Rapids: Baker 1991) 155

(7) Robert Boyd, Tells, Tombs, and Treasure [Những truyện kể, những ngôi mộ và kho báu](Grand Rapids: Baker 1969), 175, trích dẫn trong Habermas, The Historical Jesus, 172.

(8) Geisler and Howe, When Critics Ask[Khi các Nhà Phê bình hỏi], 185.

(9) Frank Zindler, “Where Jesus Never Walked [Nơi Chúa Giêsu không bao giờ lui tới]”, American Atheist (Winter 1996-1997) 34.

(10) Ian Wilson, Jesus: The Evidence [bằng chứng](1984, in lại, San Francisco: HarperSanFrancisco 1988) 67.

(11) Jack Finegan, The Archaeology of the New Testament [Khảo cổ học của Tân Ước](Princeton: Princetom Univ. Press, 1992), 42.

(12) Wilson, Jesus: Evidence[Chúa Giêsu: Bằng chứng].

(13) Wilkins and Moreland, Jesus Under Fire [Chúa Giêsu bị tấn công], 209.

(14) Ibid., 211.

(15) Kevin D. Miller, “The War of the Scrolls” [Cuộc chiến Sách Cuộn], Christianity Today, (6 tháng 10, 1997), 44.

(16) Joseph Smith, History of the Church [Lịch sử Giáo hội]8 cuốn (Salt Lake City: Deseret, 1978) 4:461, trích dẫn trong Donald S. Tingle, Mormonism (Downers Grove Ill.: InterVarsity Press, 1981) 17.

(17) John Ankerberg and John Weldon, The Facts on the Mormon Church [Các sự kiện về Giáo hội Mormon](Eugene, Ore.: Harvest House, 1991), 30.

(18) Clifford Wilson, Rocks, Relics and Bible Reliability [Các Di tích và Tính đáng tin của Kinh thánh](Grand Rapids: Zondervan; Richardson, Tex.:Probe, 1977) 120, trích dẫn trong Ankerberg and Weldon, Ready with an Answer{ Sẵn sàng có câu trả lời], 272.
 
VietCatholic TV
Liều: Su-35 Nga lao vào F-18 NATO. Moscow cháy lớn. Nga nói bắt được biệt kích. Wagner không rút lui
VietCatholic Media
03:04 08/05/2023


1. Nga tấn công tàn bạo vào miền Nam Ukraine để ngăn cản tổng phản công

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 8 tháng Năm, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết các máy bay chiến đấu của Nga đã bắn ba hỏa tiễn vào thành phố Mykolaiv ở miền nam Ukraine. Còi báo động không kích và tiếng nổ vang lên vào khoảng 1 giờ sáng Chúa Nhật. Cư dân đã kịp trú ẩn trong boongke và tầng hầm.

Một trong những hỏa tiễn X-22 đã hạ cánh xuống một nhà máy sản xuất xúc xích ở làng Sebyny, phía bắc thành phố. Nó tông vào đỉnh của một tòa nhà và đập vào cơ sở sản xuất chính.

Vào chiều Chúa Nhật, địa điểm này là một biển đống đổ nát và các mảnh vụn xoắn lại. Công nhân kiểm tra phần bê tông còn sót lại. Không ai bị thương. Nhưng thiệt hại quá lớn nên có rất ít triển vọng công ty có thể sớm hoạt động trở lại.

Cuộc tấn công mới nhất này của Nga diễn ra sau cuộc tấn công vào ban đêm trước đó vào ngày 27 tháng 4. Nó gây ra thiệt hại lớn cho một tòa nhà ở trung tâm thành phố. Trong phần lớn thời gian của năm ngoái, Mykolaiv bị oanh tạc hàng ngày, với tiền tuyến chỉ cách đó 20 km.

Tháng 11 năm ngoái, quân Nga rút khỏi thành phố Kherson và phần lớn tỉnh Kherson, để lại lãnh thổ bên hữu ngạn sông Dnipro. Nhiều cư dân đã quay trở lại Mykolaiv, nơi hiện đã nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Nga.

Theo Đại Tá Yurii Ihnat, các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật là một lời nhắc nhở rằng Nga vẫn có khả năng bắn hỏa tiễn tầm xa vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.

2. Video cho thấy nước Nga đang bốc cháy khi những đám cháy lớn hoành hành

Trong suốt lịch sử của mình, Nga - và Liên Xô trước đó - đã sử dụng các hoạt động “cờ giả”, tự tát vào mặt mình rồi la làng lên cáo gian cho người khác.

Năm 1999, chỉ vài tháng trước khi Putin đắc cử tổng thống lần đầu tiên, Nga hứng chịu làn sóng đánh bom chung cư khiến hơn 300 người thiệt mạng. Thủ tướng Putin khi đó viện dẫn các vụ đánh bom để biện minh cho việc phát động Chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Hôm Chúa Nhật vừa qua, Nga rộ lên các đám cháy, ngay tại Mạc Tư Khoa và nhiều thành phố cũng như vùng quê. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Videos Show Russia Burning as Massive Fires Rage”, nghĩa là “Video cho thấy nước Nga đang bốc cháy khi những đám cháy lớn hoành hành.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một số video được lan truyền trực tuyến vào Chúa Nhật cho thấy khói đen khổng lồ bao trùm Thủ đô Nga được cho là do đám cháy tại một công trường xây dựng ở Mạc Tư Khoa gây ra. Cùng ngày cũng có những đám cháy rừng tàn phá các khu vực khác trong nước.

Euromaiden Press đưa tin, trích dẫn báo cáo từ người dân thành phố, một vụ hỏa hoạn đã bùng phát vào Chúa Nhật tại một công trường xây dựng thuộc Tập đoàn PIK, một công ty xây dựng bất động sản của Nga có trụ sở tại Mạc Tư Khoa. Địa điểm được cho là đang cháy nằm cách Học viện Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, khoảng 5 dặm.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ cháy, nhưng các phương tiện truyền thông đưa tin rằng ngọn lửa bùng phát sau khi rác và vật liệu xây dựng bốc cháy. Euromaiden Press đã đăng một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh khói đen cuồn cuộn bao trùm các tòa nhà ở Mạc Tư Khoa.

Một đoạn video về vụ hỏa hoạn đã được chia sẻ trên Twitter bởi nhà phân tích Feher Junior, nhà báo người Ái Nhĩ Lan Jason Corcoran và cựu Dân biểu Adam Kinzinger, người đã viết, “Phải chăng những giấc mơ về sự bành trướng của Nga đang bốc cháy?” Đoạn clip cũng được chia sẻ trên một kênh Telegram có tên là “Các lực lượng vũ trang đang hoạt động”, kênh này đăng các tin tức về hoạt động của quân đội Ukraine, theo tiểu sử của kênh này trên nền tảng truyền thông xã hội.

Trong khi đó, một ngôi làng nhỏ ở vùng Sverdlovsk của đất nước đã phải di tản sau khi cháy rừng lan sang một kho thuốc súng, các quan chức địa phương cho biết vào tối thứ Bảy. Theo thông tin sơ bộ, không có thương vong nào được báo cáo, nhưng ngọn lửa đã lan rộng trên 960 mét vuông, bộ khẩn cấp của khu vực cho biết trên kênh Telegram.

Theo Reuters, Yevgeny Kuyvashev, thống đốc vùng Sverdlovsk, mô tả tình hình cháy rừng là “nguy kịch”. Cháy rừng lan rộng khắp khu vực khi nó trở nên tồi tệ hơn bởi gió khô và mạnh.

Kuyvashev cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại một số khu vực ở Sverdlovsk, nơi có 55 đám cháy bùng phát tính đến hôm Chúa Nhật. Ông xác nhận tin tức của các phương tiện truyền thông theo đó hai kho chứa thuốc súng đã bị thiêu rụi cùng với 18 tòa nhà, nơi cất giữ chất nổ. Cũng có nguy cơ cháy rừng lan rộng khắp làng Pervomaysky, nơi đã được di tản cùng với làng Krasnoarmeysky.

Cư dân tại thành phố Asbest ở vùng Sverdlovsk, nơi được cho là có bốn đám cháy lớn lan rộng, không có nước hoặc điện sau khi các cơ sở cấp nước và điện bị ảnh hưởng.

Khu vực này cũng chứng kiến một đám cháy - chưa xác định được nguồn gốc - vào tuần trước, quét qua một ngôi làng, khiến một người thiệt mạng và hàng trăm người mất nhà cửa.

Các báo cáo về các vụ hỏa hoạn ở Nga được đưa ra vài ngày sau khi hai máy bay không người lái tấn công điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa vào tuần trước. Một vụ nổ nhỏ của máy bay không người lái phía trên mái vòm của tòa nhà đã được ghi lại trên video lan truyền trực tuyến, nhưng vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm về nỗ lực tấn công này. Nga cáo buộc Ukraine thực hiện “cuộc tấn công khủng bố” và cố gắng ám sát Tổng thống Nga Vladimir Putin, là điều mà Kyiv bác bỏ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng đất nước của ông sẽ không tấn công Putin hay Mạc Tư Khoa, đồng thời nói thêm rằng đất nước của ông không có “các vũ khí cho việc này.”

Newsweek đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Nga và Tập đoàn PIK để bình luận.

3. Cơ quan an ninh Nga tuyên bố đã ngăn chặn âm mưu của Ukraine sử dụng máy bay không người lái để tấn công một sân bay quân sự ở miền trung nước Nga.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng mục tiêu của cuộc tấn công là một chiếc máy bay A-50 – được thiết kế để hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm trên không – tại sân bay Severnyy ở vùng Ivanovo.

Sân bay này cách Mạc Tư Khoa 250 km về phía đông bắc và cách biên giới Ukraine khoảng 700 km.

FSB tuyên bố trong một hoạt động phối hợp với Bộ Nội vụ Nga các đặc vụ của họ đã phá vỡ âm mưu này.

Tuyên bố cho biết phi công của một chiếc máy bay hạng nhẹ và các thành viên khác của cái mà cơ quan này gọi là “nhóm phá hoại” đã bị giam giữ ở vùng Tula, phía nam Mạc Tư Khoa, sau khi bay đến từ Ukraine.

Tờ The Guardian đã không thể xác minh độc lập các tuyên bố.

4. Trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin và Bộ Quốc Phòng Nga đang đóng kịch, nhưng Ukraine rất tỉnh táo

Thông tấn xã CNN có bài nhận định nhan đề “Analysis: Wagner head Prigozhin is acting on his boss' wishes”, nghĩa là “Phân tích: Người đứng đầu Wagner Prigozhin đang hành động theo mong muốn của ông chủ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trùm Wagner, Yevgeny Prigozhin đang phục vụ một ông chủ, là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bất cứ điều gì ông ấy nói về Bakhmut nên được hiểu trong bối cảnh đó.

Hôm thứ Sáu, ông đe dọa sẽ rút quân, đổ lỗi cho các chỉ huy quốc phòng của Putin vì đã để các chiến binh của ông ta thiếu đạn dược. Nếu chiến tranh của Putin thất bại trước mắt ông ta, Prigozhin đã nói với người Nga rằng họ nên đổ lỗi cho ai.

Đánh giá của Kyiv là trùm du đảng Wagner Prigozhin đang bảo vệ ân nhân lâu năm của mình, là kẻ đã biến anh ta từ một tên du đảng, thành ông chủ cung cấp thực phẩm, rồi thành một tỷ phú lính đánh thuê. Tên trùm du đảng đang cứu ân nhân mình khỏi những hậu quả của thất bại quân sự ở Ukraine.

Vào đêm sau khi Prigozhin tuyên bố thiếu đạn dược, Nga đã ồ ạt tăng cường pháo kích vào Bakhmut, trút xuống 25.000 quả đạn, tăng so với mức trung bình 20.000 quả, theo quân đội Ukraine.

Ở các thị trấn gần đó, sau đó và kể từ đó, không khí đêm tĩnh mịch mang theo âm thanh gần như liên tục của những quả đạn pháo hạng nặng “lục cục” vào các chiến hào và cây cối. Cơ quan tình báo SBU của Ukraine đã công bố đoạn video mà họ nói cho thấy Bakhmut được thắp sáng bởi những ngọn lửa do hỏa tiễn gây cháy đang phóng hỏa.

Prigozhin vẫn có thể rút khỏi Bakhmut. Nhiều tháng trước, quân đội Ukraine cho biết nếu cứ để mất chiến binh với tỷ lệ ước tính khoảng 100 hoặc hơn một ngày, thì họ sẽ tiêu diệt hết kho dự trữ tù nhân của Wagner và các chiến binh đánh thuê khác. Họ nói rằng Prigozhin đang đạt đến giới hạn đó.

Nhưng hiện tại, thay vì rút lui và nhường lại vùng đất khó giành được, mà Putin rất thèm muốn, Prigozhin đang nung nấu một kế hoạch để quân đội của nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov bước vào nơi những người lính đã chết của ông ta đã từng đứng.

Đây là sự xác nhận cho quân đội Ukraine rằng Prigozhin sẽ không dám từ bỏ điều mà ông chủ Putin của ông ta mong muốn: đó là có thể nhắc đến Bakhmut khi Putin đứng trên Quảng trường Đỏ tham dự Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hàng năm của Nga vào hôm thứ Ba tới đây.

Một chút ngạc nhiên là Bộ trưởng Quốc phòng của Putin, ông Sergei Shoigu, cũng tham gia vào màn kịch này, thề sẽ cung cấp đạn dược cho cuộc chiến. Đó là cách Putin duy trì quyền lực quá lâu, khi để các bộ trưởng, các chỉ huy và các nhà tài phiệt chống lại nhau để ông ta hưởng lợi.

Tổng thống Nga cũng sẽ thấy những gì mà các chỉ huy Ukraine thấy: Prigozhin đang tập hợp các tay chân trong bộ chỉ huy cấp cao của quân đội, cuối tuần này, ông ta đã thuê được cựu thứ trưởng quốc phòng, người đã bị Điện Cẩm Linh sa thải vào tuần trước, làm một trong những cấp phó của mình.

Tuy nhiên, đối với người Ukraine, những gì xảy ra ở Bakhmut mới là quan trọng nhất, chứ không phải là hành động đâm chém nhau ở Điện Cẩm Linh, mặc dù họ nói rằng bất kỳ sự hỗn loạn nào ở Mạc Tư Khoa luôn là tin đáng hoan nghênh.

5. Các quan chức Ba Lan cho biết máy bay phản lực Nga suýt va chạm với máy bay tuần tra biên giới Liên Hiệp Âu Châu trong quá trình đánh chặn “hung hăng”.

Theo các nhà chức trách Rumani, một máy bay chiến đấu của Nga đã chặn một máy bay của lực lượng biên phòng Ba Lan đang thực hiện một nhiệm vụ trên Hắc Hải gần biên giới Rumani hôm thứ Sáu, điều này suýt dẫn đến một vụ va chạm.

Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết trên Twitter rằng chiếc Su-35 của Nga đã bay vào khu vực mà không có liên lạc vô tuyến và thực hiện các thao tác “hung hăng và nguy hiểm”.

Vụ việc xảy ra vào thứ Sáu lúc 6:20 sáng theo giờ địa phương, cách không phận Rumani khoảng 60 km về phía đông, Bộ Quốc phòng Rumani cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật.

“Các động tác hung hăng và nguy hiểm được các máy bay chiến đấu Nga liên tục thực hiện gần máy bay Ba Lan đã gây ra tình trạng hỗn loạn cao và khó khăn trong việc điều khiển máy bay”.

Máy bay Ba Lan đã ở đó như một phần của nhiệm vụ chung được điều phối bởi hệ thống tuần tra biên giới của Liên minh Âu Châu Frontex.

Theo Bộ Quốc phòng Rumani, nhiệm vụ này sẽ kéo dài đến giữa tháng 12, tập trung vào việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, đánh bắt cá trái phép, ô nhiễm biển và chống tội phạm xuyên biên giới khác ở phía tây Hắc Hải.

Bộ Quốc phòng Rumani cho biết, do sự việc, hai máy bay chiến đấu của Không quân Rumani cũng như hai máy bay của Không quân Tây Ban Nha đã được chuẩn bị để can thiệp bởi Trung tâm Điều hành Không quân Liên hợp NATO ở Torrejon, Tây Ban Nha, nhưng sự can thiệp của họ là không cần thiết vì các máy bay Nga đã rút lui.

6. Quân đội Nga đang di tản cư dân tại Zaporizhzhia vì lo ngại một cuộc tổng phản công của quân Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 8 tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết lực lượng Nga đang di tản cư dân khỏi thị trấn quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga xâm lược ở miền nam Ukraine.

Ông cho biết các lực lượng Nga đang di tản những người mang hộ chiếu Nga tại địa phương đến thành phố cảng Berdyansk và thị trấn Prymorsk, cả hai đều nằm trên bờ biển Azov.

“Những người đầu tiên được di tản là những người chấp nhận quốc tịch Nga trong những tháng đầu tiên bị xâm lược,” ông nói.

Người đứng đầu cơ quan giám sát năng lượng hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Bảy rằng tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân, lớn nhất Âu Châu, đã trở nên “nguy hiểm”.

Cả hai bên đã cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy và nỗ lực bảo đảm một khu vực an toàn xung quanh nhà máy đã thất bại.

7. Sáu nhân viên cấp cứu thiệt mạng ở Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 8 tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết 6 thành viên của Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine đã thiệt mạng do trúng đạn ở khu vực phía nam Kherson.

Cô cho biết quân xâm lược Nga đã thả một quả đạn pháo từ một máy bay không người lái gần khu vực đông dân cư hôm Chúa Nhật. Cô thêm rằng hai nhân viên cấp cứu khác đã được đưa đến bệnh viện với những vết thương nghiêm trọng.

“Một cuộc điều tra trước khi xét xử đã được bắt đầu trong thủ tục tố tụng hình sự vì vi phạm luật pháp và phong tục chiến tranh, kết hợp với tội cố ý giết người,” cô nói.

Cô cũng cho biết thêm trong một diễn biến khác 5 người đã bị thương trong một cuộc tấn công ở thành phố Balaklia khi một hỏa tiễn đã hạ cánh gần một bãi đậu xe vào Chúa Nhật.

Cô cho biết hai phụ nữ 75 tuổi và một phụ nữ 50 tuổi đã bị “chấn thương do nổ” và hai người đàn ông, 20 và 85 tuổi, bị thương nhẹ hơn.

8. Phát ngôn nhân quân đội cho biết Nga đang cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 8 tháng Năm, Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk nhận định rằng các lực lượng Nga đang cố gắng phá vỡ hệ thống phòng không của Ukraine.

“Quân xâm lược đang thử nghiệm và cố gắng làm cạn kiệt hệ thống phòng không của chúng ta. Họ đang cố gắng tìm một cách làm điều này. Và họ cũng đang mở rộng các chiến thuật của mình, bởi vì họ không có nguồn phương tiện ổn định để có thể hoạt động”, Natalia Humeniuk nói.

Theo cô, người Nga đang cố gắng “kiểm tra và tìm ra vị trí của các hệ thống phòng không”.

Cô cũng bình luận về việc quân xâm lược Nga gần đây đã di tản dân thường khỏi vùng Zaporizhzhia. Cô cho biết đây là một thông lệ tiêu chuẩn đã được người Nga sử dụng trước đây.

“Họ đang cố gắng di tản người dân đến những nơi họ thiết lập tuyến phòng thủ mới của mình và nơi họ bố trí các đơn vị của mình để sử dụng dân thường địa phương làm lá chắn”.

Các nhà phân tích cho rằng khu vực phía nam có thể là mục tiêu chính trong cuộc phản công được dự đoán trước của Ukraine.

9. Chuyên gia truyền hình Nga kêu gọi xúi giục tấn công bạo lực vào Tòa Bạch Ốc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian TV Pundit Calls for Fomenting Violent Attacks Against White House”, nghĩa là “Chuyên gia truyền hình Nga kêu gọi xúi giục tấn công bạo lực vào Tòa Bạch Ốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Chuyên gia truyền hình Nga và chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin kêu gọi kích động các cuộc tấn công bạo lực vào Tòa Bạch Ốc để đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào Điện Cẩm Linh.

Một đoạn clip từ một phân đoạn truyền hình của Nga được đăng lên Twitter vào thứ Sáu với phụ đề tiếng Anh của phóng viên BBC Giám sát Francis Scarr cho thấy Shurygin giải thích cách Nga nên phản ứng với cuộc tấn công.

Nhận xét của ông được đưa ra sau khi hai máy bay không người lái tấn công điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa vào sáng sớm thứ Tư. Một vụ nổ nhỏ của máy bay không người lái phía trên mái vòm của tòa nhà đã được ghi lại trên video lan truyền trực tuyến. Vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng Nga cáo buộc Ukraine về “cuộc tấn công khủng bố” và cố gắng ám sát Tổng thống Nga Vladimir Putin, là điều mà Kyiv bác bỏ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng đất nước của ông sẽ không tấn công Putin hay Mạc Tư Khoa, đồng thời nói thêm rằng Ukraine không có “các vũ khí cho việc này.” Trong khi đó, đã có suy đoán rằng Điện Cẩm Linh có thể đã dàn dựng vụ tấn công để biện minh cho những nỗ lực huy động quân đội của Putin trong cuộc chiến ở Ukraine trong tương lai. Tuy nhiên, những người khác tin rằng một động thái như vậy sẽ là quá nhục nhã đối với nhà lãnh đạo Nga.

Nga cũng cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã chỉ đạo cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, mà Tướng John Kirby, Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi là “lố bịch”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ không biết ai đứng sau vụ tấn công và nói với The Washington Post hôm thứ Tư, “Tôi sẽ lấy bất cứ thứ gì ra khỏi Điện Cẩm Linh bằng một lọ muối lớn,” đó là cách nói bóng bẩy ngụ ý nghi ngờ tất cả những tuyên bố từ Điện Cẩm Linh.

Trong lần xuất hiện trên truyền hình của mình, Shurygin đã đề xuất những cách mà Điện Cẩm Linh nên phản ứng trước cuộc tấn công.

“Chắc chắn thành thật mà nói trong trường hợp này, tôi luôn là một người theo chủ nghĩa quân phiệt và những phản hồi từ bộ ngoại giao của chúng ta luôn khiến tôi đau răng. Bởi vì tôi tin rằng chúng ta nên hành động theo một cách hoàn toàn khác và rằng trong một thời gian dài, đất nước cần Bộ Ngoại giao hơn là cần cựu trung tướng từ thời Liên Xô Pavel Sudoplatov, người trong trường hợp này sẽ có phản ứng thích hợp và trực tiếp,” ông nói, Shurygin có tên trong danh sách trừng phạt của Ukraine vì biện minh cho cuộc xâm lược của Nga và bóp méo thông tin về chiến tranh, theo War & Sanctions.

Shurygin sau đó gợi ý rằng Nga nên phản ứng trước cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bằng cách đẩy một số “nhóm Báo đen” “bất ngờ tấn công Tòa Bạch Ốc bằng thứ gì đó”, đồng thời nói thêm rằng bằng cách đó, họ sẽ trả thù “nô lệ Phi Châu hàng thế kỷ”. Đảng Black Panther Party for Self-Defense, gọi tắt là BPP, được thành lập vào năm 1966 để ủng hộ chủ nghĩa dân tộc của người Da đen và vũ trang để tự vệ trước sự tàn bạo của cảnh sát. Sau đó nó bị giải thể vào năm 1982 một phần vì sự khác biệt trong nhóm.

“Đó sẽ là cách trả lời chính xác, bạn biết đấy. Mọi thứ khác chỉ là lời nói,” ông nói và thêm rằng “khi họ nhận ra mái nhà của Tòa Bạch Ốc đang bốc cháy, họ sẽ suy nghĩ nhiều hơn về việc có nên kiểm soát những chú chó Ukraine của mình hay không.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết hôm thứ Tư rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể đã được tiến hành nội bộ và do Nga dàn dựng “nhằm mang chiến tranh về nhà cho khán giả trong nước Nga và tạo điều kiện cho việc huy động xã hội rộng lớn hơn”.

Trong khi đó, David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, nói với Newsweek hôm thứ Năm rằng cuộc tấn công có mục đích “có thể là một hoạt động cờ giả của Nga” để biện minh cho các nỗ lực huy động thêm của Nga.

“Họ đã cố gắng ám sát Zelenskiy. Logic răn đe tương tự với vũ khí hạt nhân vẫn được áp dụng,” ông nói trong các bình luận gửi qua email.

Ukraine hiện đang chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân dự kiến nhằm giành lại các lãnh thổ đã bị Nga xâm lược kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái. Khả năng quân sự của đất nước đã được củng cố nhờ viện trợ của phương Tây trong những tháng gần đây, bao gồm các thiết bị quân sự tiên tiến, xe tăng và pháo binh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Tòa Bạch Ốc để bình luận.

10. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng cơn thịnh nộ của Prigozhin có thể có nghĩa là Nga sẽ ném Bakhmut lại sau lưng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin's Rage May Mean Russia Put Bakhmut on Back Burner: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng cơn thịnh nộ của Prigozhin có thể có nghĩa là Nga sẽ ném Bakhmut lại sau lưng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết loạt video tức giận của người sáng lập Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, nhằm vào giới lãnh đạo Nga trong tuần này có thể là dấu hiệu cho thấy Bộ Quốc phòng Nga đã “hạ bậc” cuộc chiến giành Bakhmut, Ukraine..

Lính đánh thuê tư nhân của Prigozhin đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga giành thành phố công nghiệp phía đông Ukraine, nơi đã xảy ra thương vong nặng nề và các trận chiến bế tắc trong nhiều tháng. Đồng minh thân thiết một thời của Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng bắt đầu cắt đứt quan hệ với giới lãnh đạo Điện Cẩm Linh, và thường công khai chỉ trích các chính sách của quân đội Nga và ca ngợi thành công của Wagner hơn quân đội Mạc Tư Khoa trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài 14 tháng.

Trong cơn thịnh nộ công khai mới nhất của mình, Prigozhin đã phát hành một đoạn video tấn công Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Liên bang Nga Valery Gerasimov, gọi cả hai người đàn ông là “cặn bã” và cáo buộc họ đã giữ lại “kho dự trữ đạn dược” từ các chiến binh Wagner đang chiến đấu ở tiền tuyến.

Trong một đoạn clip khác, Prigozhin thề sẽ rút lính đánh thuê của mình khỏi Bakhmut vào thứ Tư tới đây nếu Mạc Tư Khoa không cung cấp hỗ trợ quân sự bổ sung cho những người lính đánh thuê, đồng thời nói rằng quân đội của ông “sẽ chết một cách vô nghĩa” nếu không có đạn dược.

ISW đã viết trong bản đánh giá mới nhất hôm thứ Sáu rằng “sự tuyệt vọng có thể cảm nhận được” của Prigozhin trong loạt video là một dấu hiệu cho thấy Bộ Quốc phòng Nga đã “xóa bỏ ưu tiên cuộc tấn công Bakhmut để chuẩn bị phòng thủ trước một cuộc phản công dự kiến của Ukraine.”

Đánh giá của ISW viết: “Có thể cảm nhận được sự tuyệt vọng của Prigozhin trong các video, một trong số đó cho thấy xác của những chiến binh Wagner vừa qua đời, đánh dấu một sự thay đổi hùng biện đáng kể trong lời cầu xin liên tục của anh ta về việc tăng cường hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Nga cho Wagner ở Bakhmut. Sự tức giận có thể nhìn thấy và nó cho thấy rằng Bộ Quốc phòng Nga có khả năng đã tước bỏ ưu tiên của Bakhmut và chuyển trọng tâm hoạt động sang nơi khác trên chiến trường theo những cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động hiệu quả của Wagner.”

Nhóm chuyên gia cố vấn nói thêm rằng bất chấp cuộc đấu tranh giành viện trợ quân sự, Prigozhin đã không cho thấy “sẵn sàng” từ bỏ nỗ lực chiếm Bakhmut của mình. ISW trước đây đã đánh giá rằng các lực lượng Nga đang ngày càng giành được nhiều lợi ích trong khu vực, nhưng những bước tiến đã bắt đầu chậm lại.

Chiến đấu cho Bakhmut đã dẫn đến thương vong nặng nề và cái chết cho cả hai bên của cuộc chiến, đặc biệt là giữa các lực lượng Wagner và các tù nhân Nga được tuyển dụng chiến đấu dọc theo chiến tuyến. Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đã báo cáo hôm thứ Hai rằng Nga đã phải chịu hơn 100.000 thương vong trong bốn tháng qua.

ISW lưu ý rằng “những tổn thất mà Wagner phải gánh chịu ở Bakhmut, cùng với việc Bộ Quốc phòng Nga có khả năng không ưu tiên nỗ lực ở Bakhmut, có thể khiến Prigozhin và Wagner rơi vào tình thế đặc biệt tồi tệ” nếu anh ta vẫn ngoan cố đạt được mục tiêu của mình ở thành phố này.

Newsweek đã gửi email cho Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Ukraine từ lâu đã được dự đoán sẽ phát động một cuộc phản công trong những tháng tới, khiến quân đội của Putin phải xáo trộn các vị trí phòng thủ gần một số mục tiêu chiến tranh quan trọng của Kyiv, chẳng hạn như Bán đảo Crimea và lãnh thổ do Nga xâm lược ở miền nam Ukraine.

Thời điểm phản công của Ukraine vẫn chưa được biết chắc chắn, nhưng quân đội của họ đã tiếp tục cho thấy dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công đang đến gần, bao gồm thông báo hôm thứ Sáu rằng Kyiv đã đào tạo thành công 10.000 phi công máy bay không người lái khi họ tìm cách giải phóng những vùng đất do Nga xâm lược.
 
Hoa Kỳ xin Tòa Thánh điều tra một sự kiện lạ lùng được tin là phép lạ cả thể. Huấn Đức của Đức Thánh Cha
VietCatholic Media
05:37 08/05/2023


1. Tổng giáo phận Hartford xin Tòa Thánh điều tra về hiện tượng lạ lùng có thể là phép lạ Thánh Thể

Hôm mùng 04 tháng Năm vừa qua, ông David Elliot, phát ngôn viên của tổng giáo phận Hartford, tiểu bang Connecticut nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổng giáo phận đã xin Bộ Giáo lý đức tin hướng dẫn mở cuộc điều tra về một sự kiện lạ lùng có thể là phép lạ Thánh Thể xảy ra ở địa phương.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Một đài truyền hình địa phương ở Connecticut đưa tin rằng Tổng giáo phận Hartford đang điều tra một phép lạ Thánh Thể có thể xảy ra trong khi cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo St. Thomas ở Thomaston.

Vào ngày 5 tháng 3 vừa qua, khi kết thúc Thánh lễ, Cha Joseph Crowley thông báo rằng một thừa tác viên Thánh Thể đã chứng kiến một điều gì đó không thể giải thích được khi ông cho rước lễ.

“Một trong những thừa tác viên Thánh Thể của chúng tôi đã hết bánh thánh và đột nhiên có thêm bánh thánh trong bình thánh. Chúa vừa tự nhân bản mình trong bình thánh,” Cha Crowly xúc động nói với các tín hữu.

Vị linh mục nói: “Thật là tuyệt vời khi Chúa làm những điều này, và thật tuyệt vời khi chúng ta nhận ra những gì Ngài đã làm và nó mới xảy ra ngày hôm nay.”

“Rất mạnh mẽ, rất tuyệt vời, rất thật, rất gây sốc. Nhưng nó đã xảy ra, và hôm nay nó đã xảy ra,” ngài nói. Khi phép lạ xảy ra vị linh mục thường ngày có tài thuyết giảng đã tỏ ra lúng túng, lắp bắp, trước khi có thể giải thích một cách rành mạch với cộng đoàn của ngài chuyện gì đã xảy ra.

“Họ đã hết bánh thánh và đột nhiên có thêm nhiều bánh thánh ở đó. Vì vậy, hôm nay chúng ta không chỉ có phép lạ Thánh Thể, mà chúng ta còn có một phép lạ lớn hơn nữa là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Rất tuyệt vời” vị linh mục nói.

Tổng giáo phận lưu ý rằng Nhà thờ Công Giáo St. Thomas ở Thomaston là thánh đường nơi chân phước Michael McGivney sinh năm 1852 và qua đời năm 1891, vị sáng lập Hội Hiệp Sĩ Colombo, đã làm cha sở và qua đời tại đây năm 1890 lúc mới 38 tuổi.

Ngày 28 tháng Ba vừa qua, Tòa Tổng giám mục Hartford ra thông cáo nói rằng: “Là những người có đức tin, chúng ta biết các phép lạ có thể và thực sự xảy ra, như trong cuộc sống trần thế của Chúa Kitô. Các phép lạ là những dấu hiệu của Chúa mời gọi chúng ta hãy tin tưởng hoặc đào sâu đức tin của chúng ta. Các tín hữu Công Giáo cảm nghiệm một phép lạ hằng ngày vì mỗi lần thánh lễ được cử hành, bánh trở thành Mình Chúa Kitô và cũng vậy rượu trở thành Máu Chúa”.

“Điều được kể lại đã xảy ra tại giáo xứ chúng ta ở Thomaston, nơi chân phước Michael McGivney làm cha sở. Nếu được xác nhận thì sẽ là một dấu chỉ hoặc một phép lạ chỉ có thể là do quyền năng của Chúa để củng cố đức tin vào phép lạ Thánh Thể hằng ngày. Đây cũng là một phúc lành thiên quốc cho cố gắng mà các giám mục Mỹ đang thực hiện để canh tân và đào sâu đức tin và việc hành đạo của các tín hữu Công Giáo đối với bí tích cao cả này”.

2. Lễ phong vương của Vua Charles III, bước ngoặc trong liên hệ Công Giáo-Anh Giáo

Elise Ann Allen, trên tờ CruxNow ngày 6 tháng 5, 2023 cho rằng Khi Vua Charles III và vợ của ông, Hoàng hậu Camila, đăng quang vào thứ Bảy, sự kiện này sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Công Giáo-Anh giáo, vì đây sẽ là lần đầu tiên một giám mục Công Giáo tham gia buổi lễ trong bốn thế kỷ.

Trong một tuyên bố ngày 5 tháng 5, Đức Hồng Y Vincent Nichols, đã gọi lễ đăng quang hôm thứ Bảy là “một sự kiện lịch sử đối với quốc gia, và cũng đối với cộng đồng Công Giáo”.

“Lần đầu tiên sau hơn 400 năm, một Tổng Giám mục Công Giáo sẽ tham gia Lễ đăng quang ở đất nước này”.

Các đại diện Công Giáo khác tại lễ đăng quang là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican người Ý và Sứ thần Tòa Thánh mới được bổ nhiệm tại Vương quốc Anh, Đức Tổng Giám Mục người Tây Ban Nha Miguel Maury Buendía, cũng như Đức Tổng Giám Mục Mark O'Toole của Cardiff, Đức Giám Mục Hugh Gilbert của Aberdeen, Scotland, và Tổng giám mục của Armagh và Giáo chủ của toàn bộ Ái Nhĩ Lan, Eamon Martin.

Đức Hồng Y Nichols nói rằng ngài “có vinh dự” được tham gia lễ đăng quang, nói rằng ngài sẽ đứng bên cạnh Tổng Giám mục Canterbury và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác “để cầu xin Chúa ban phước lành cho Nhà vua”.

Đại sứ Anh tại Tòa thánh, Chris Trott, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Đức Hồng Y Parolin sẽ đại diện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Lễ đăng quang,” lưu ý rằng vị Hồng Y cuối cùng làm như vậy “có lẽ là Reginald Pole. Năm 1553.”

Vua Charles lên ngôi vào mùa thu năm ngoái sau cái chết của mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II, người đã trị vì 70 năm, lập kỷ lục lịch sử khi trở thành vị quân chủ trị vì lâu nhất nước Anh. Bà vừa kỷ niệm Năm Bạch kim khi bà qua đời ở tuổi 94.

Vua Charles đã chính thức được đăng quang trong một buổi lễ Anh giáo do Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, chủ trì tại Tu viện Westminster ở London vào ngày 6 tháng Năm.

Căng thẳng lịch sử giữa Công Giáo và Anh giáo bắt đầu từ năm 1534, khi Henry VIII ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo và tuyên bố mình là người đứng đầu Giáo hội Anh. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Nichols và nhiều nhà quan sát khác đã nói rằng sự rạn nứt và những căng thẳng xảy ra sau đó cuối cùng đã phai nhạt trong thời gian Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi.

Triều đại 70 năm của bà trải qua bảy triều giáo hoàng khác nhau, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Piô XII. Bà đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2014. Vị giáo hoàng cuối cùng gặp bà ở Vương quốc Anh là Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến thăm của ngài vào năm 2010.

Khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào năm 1953, bối cảnh tôn giáo của đất nước khác hẳn, và căng thẳng giữa người Công Giáo và Anh giáo trở nên gay gắt hơn.

Theo tuyên bố của Tổng giáo phận Westminster, vào năm 1953, “bất cứ người Công Giáo nào cũng không được phép vào nhà thờ Tin Lành, chứ đừng nói đến việc tham gia lễ Đăng quang. Bước quan trọng này là kết quả của nhiều thập kỷ quan hệ đại kết”.

Trước lễ đăng quang vào Thứ Bảy, các nhà thờ trên khắp Vương quốc Anh đã được mời tổ chức ba ngày cầu nguyện, đại loại như vậy, cho Vua Charles từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Năm. Đức Hồng Y Nichols đã mời những người Công Giáo tham gia bằng cách dâng các công việc hàng ngày của họ và thông qua những lời cầu nguyện chính thức như chuỗi Mân côi và Thánh lễ.

Sáng kiến cầu nguyện kéo dài ba ngày đã kết thúc vào tối thứ Sáu khi, theo yêu cầu của các giám mục Anh và xứ Wales, mỗi cộng đồng Công Giáo được yêu cầu dâng một Thánh lễ đặc biệt để vinh danh Nhà vua trước lễ đăng quang hôm thứ Bảy.

Đức Hồng Y Nichols và các Chủ tịch của các Giáo Hội Với nhau ở Anh kêu gọi các Kitô hữu thuộc mọi tín ngưỡng tham gia vào khoảnh khắc cầu nguyện, gọi đó là “thời điểm vô cùng quan trọng và niềm vui cho quốc gia này.”

Tuyên bố của Tổng giáo phận Westminster hôm thứ Sáu dẫn lời Đức Hồng Y Nichols nói rằng lễ đăng quang sẽ mang tính biểu tượng, “bởi vì nó tôn trọng lịch sử của chúng ta, nó xây dựng trên lịch sử của chúng ta và nó bổ sung cho lịch sử, theo cách này, cũng như với sự hiện diện và lời chào mừng của các nhà lãnh đạo đức tin từ các tôn giáo lớn khác hiện đang có mặt tại đất nước này.”

Bất kể sự kiện lễ đăng quang là một nghi lễ của Anh giáo, Đức Hồng Y Nichols cho biết vẫn còn dấu vết của Công Giáo, và chỉ ra ba thời điểm cụ thể mà ngài nói làm nổi bật “bản chất Kitô giáo sâu sắc” của sự kiện.

Ngài cho biết, đầu tiên là việc nhà vua giữ một khoảnh khắc im lặng cầu nguyện, “Tôi được biết đây là cách nhà vua bày tỏ lòng trung thành đầu tiên của mình với Thiên Chúa Toàn năng. Và rồi, sau khi điều đó đã được thực hiện, ngài mới dám chấp nhận lòng trung thành của người khác.”

Lần đầu tiên trong một buổi lễ đăng quang, sau Lời thề Hiến pháp, Nhà vua sẽ cầu nguyện lớn tiếng nhân danh mình, đại diện cho một 'thời điểm công khai' trong buổi lễ.

Đức Hồng Y Nichols cho biết khoảnh khắc thứ hai là việc xức dầu của Nhà vua, điều mà ngài gọi là “biểu hiện hữu hình của ơn Chúa Thánh Thần, có từ thời Cựu Ước,” và là một điều “quý giá và trong bối cảnh lễ đăng quang này rất thân mật và do đó riêng tư.”

Phần này của buổi lễ sẽ diễn ra đằng sau một bức bình phong, và dầu dùng để xức cho Vua Charles đã được làm phép ở Giêrusalem. Tại thời điểm này của buổi lễ, Tổng Giám Mục Welby sẽ xức dầu cho Nhà vua trên đầu, tay và ngực, một hành động cũng phản ảnh hành động xức dầu của Công Giáo trong các bí tích Rửa tội, Truyền chức thánh và Xức dầu Bệnh nhân.

Đức Hồng Y Nichols nói, khía cạnh thứ ba của buổi lễ mang ý nghĩa Công Giáo là khi Vua và Hoàng hậu rước lễ.

Đề cập đến lời tuyên thệ mà Vua Charles sẽ thề duy trì sự kế tục Thệ phản trong khi các giám mục Công Giáo tham gia buổi lễ, Đức Hồng Y Nichols cho biết lời tuyên thệ là một hành động hợp hiến, phản ảnh “mong muốn của chúng ta về sự liên tục” và rất quan trọng đối với “sự ổn định và trưởng thành hiến pháp” của đất nước, vì Nhà vua là một quân chủ lập hiến.

Ngoài đại diện Công Giáo tại lễ đăng quang, các nhà lãnh đạo của các truyền thống tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái, Hồi giáo và các nhà lãnh đạo đạo Sikh, cũng đã được mời tham dự.

Sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng tín ngưỡng khác đã được ca ngợi rộng rãi như một phần trong cam kết của Nhà vua nhằm duy trì lối sống ở một đất nước đa dạng về tôn giáo hơn nhiều so với khi mẹ ông lên ngôi vào những năm 1950.

Bảy mươi năm trước, hơn 80% dân số nước Anh theo Kitô giáo, nhưng chủ nghĩa thế tục và sự di cư ồ ạt trong nhiều thập niên qua đã thay đổi điều đó. Theo Tạp chí Fortune, số người theo Kitô giáo ở Anh hiện chưa đến một nửa, với số liệu điều tra dân số mới nhất cho biết 37% nói rằng họ không có tôn giáo, trong khi 6.5% tuyên bố mình là người Hồi giáo và 1.7% theo Ấn độ giáo.

Sự thay đổi này được cảm nhận sâu sắc nhất ở Luân Đôn, nơi có hơn một phần tư công dân theo một tín ngưỡng không phải là Kitô giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn nổi tiếng vào những năm 1990, khi vẫn còn giữ vai trò là Hoàng tử xứ Wales, Vua Charles đã đưa ra tuyên bố lịch sử rằng ông muốn được biết đến với tư cách là “người bảo vệ đức tin [không viết hoa]”, đánh dấu một sự khác biệt nhỏ nhưng có ý nghĩa sâu sắc đối với danh hiệu lịch sử của quốc vương Anh là “người bảo vệ Đức Tin [viết hoa]”, có nghĩa là Kitô giáo và đặc biệt là Giáo hội Anh.

Sự nhấn mạnh của ông về sự đa dạng tôn giáo đã được ca ngợi là đặc biệt quan trọng trong một quốc gia ngày càng đa dạng, nơi xung đột giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau như người Ấn giáo và người Hồi giáo vẫn đang diễn ra, nơi mà chủ nghĩa bài Do Thái đã trở thành một vấn đề chính trị, và nơi mà những khác biệt lịch sử giữa người Công Giáo và người Tin lành vẫn còn được cảm nhận ở Bắc Ái Nhĩ Lan.

Ngoài việc cử Đức Hồng Y Parolin làm đại diện của mình từ Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tặng cho Vua Charles thánh tích được cho là Thánh giá thật mà trên đó, Chúa Kitô bị đóng đinh, thánh tích này sẽ được đính vào một Thánh giá rước kiệu mới của xứ Wales để sử dụng tại Lễ đăng quang của vua Charles.

Trong tuyên bố của mình hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Nichols cho biết ngài thấy sự tham gia đa dạng trong lễ đăng quang hôm thứ Bảy là một phần trong cam kết của Vua Charles về sự cởi mở đối với tất cả các tín ngưỡng và biểu hiện tự do của họ trong xã hội Anh, bên cạnh nguồn gốc Kitô giáo của đất nước.

Đề cập đến đề nghị của Tổng Giám mục Canterbury trong buổi lễ rằng mọi người cam kết trung thành với Nhà vua, Nichols cho biết đó là một lời mời, không phải mệnh lệnh.

Ngài nói “Đó là một lời mời đáng yêu và tôi hy vọng mọi người sẽ đón nhận nó theo cách riêng của họ để bày tỏ rằng họ cầu mong sự phù hộ của Thiên Chúa cho Vua Charles, và họ cầu chúc ông mọi điều tốt đẹp trong tinh thần phục vụ tốt mà ông mang đến cho lễ đăng quang này”.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 7 Tháng Năm

Chúa Nhật 7 Tháng Năm, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 5 Mùa Phục Sinh.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì

Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”

Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 14,112) được trích từ diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi chịu chết. Lòng các môn đệ xao xuyến, nhưng Chúa nói với các ông những lời trấn an, mời gọi các ông đừng sợ, đừng kinh hãi. Ngài không bỏ rơi họ, nhưng sẽ chuẩn bị một chỗ cho họ và hướng dẫn họ đến đích. Do đó, Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta tất cả những nơi tuyệt vời để đến, đồng thời cho chúng ta biết làm thế nào để đến đó, Ngài chỉ cho chúng ta con đường. Ngài nói cho chúng ta biết phải đi đâu và làm thế nào để đến đó.

Trước hết, đi đâu. Chúa Giêsu nhìn thấy nỗi đau khổ của các môn đệ, Người nhìn thấy nỗi sợ hãi bị bỏ rơi của họ, điều như thế cũng xảy ra với chúng ta khi chúng ta buộc phải xa cách người mà chúng ta chăm sóc. Và vì thế, Người nói: “Thầy đi dọn chỗ cho các con… để Thầy ở đâu các con cũng ở đó” (c. 23). Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc về gia đình, nơi của những tương quan và mật thiết. Chúa Giêsu nói với các bạn của Ngài, và với mỗi người chúng ta rằng trong nhà của Cha có chỗ cho các con, các con được chào đón, các con sẽ luôn được đón nhận bằng một cái ôm ấm áp, và Ta ở trên Thiên Đàng để chuẩn bị một chỗ cho anh em! Ngài chuẩn bị cho chúng ta cái ôm với Chúa Cha, nơi vĩnh cửu.

Anh chị em thân mến, Lời này là nguồn an ủi và là nguồn hy vọng cho chúng ta. Chúa Giêsu không tách rời chúng ta, nhưng đã mở đường cho chúng ta, báo trước điểm đến cuối cùng của chúng ta: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Cha, Đấng có chỗ cho mỗi người chúng ta trong trái tim của Ngài. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, hoang mang và thậm chí thất bại, chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời mình đang hướng về đâu. Chúng ta không được đánh mất đích đến, ngay cả khi chúng ta có nguy cơ bỏ qua nó, quên đi những câu hỏi cuối cùng, những câu hỏi quan trọng: tôi sẽ đi đâu? Tôi đang đi về đâu? cuộc sống để làm gì? Không có những câu hỏi này, chúng ta nén cuộc sống của mình vào hiện tại, chúng ta nghĩ rằng mình phải tận hưởng nó càng nhiều càng tốt và kết thúc cuộc sống ngày qua ngày, không mục đích, không mục tiêu. Trái lại, quê hương của chúng ta ở trên trời (x. Pl 3,20); chúng ta đừng quên sự vĩ đại và vẻ đẹp của điểm đến của chúng ta!

Khi đã tìm ra mục tiêu, chúng ta cũng như tông đồ Tôma trong bài Tin Mừng hôm nay, tự hỏi: làm sao để đến được đó, đâu là đường đi? Đôi khi, đặc biệt là khi có những vấn đề lớn phải đối mặt và có cảm giác rằng cái ác mạnh hơn, chúng ta tự hỏi: tôi nên làm gì, tôi nên đi theo con đường nào? Chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). “Thầy là đường”. Chính Chúa Giêsu là con đường phải theo để sống trong sự thật và có sự sống dồi dào. Ngài là con đường và do đó niềm tin vào Ngài không phải là một “gói ý tưởng” để tin, mà là một con đường phải đi, một hành trình phải đảm nhận, một con đường cùng với Ngài. Đó là đi theo Chúa Giêsu, vì Người là con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Theo Chúa Giêsu và noi gương Người, nhất là bằng những việc làm gần gũi và thương xót người khác. Đây là kim chỉ nam để đến Thiên Đàng: hãy yêu mến Chúa Giêsu, là con đường, và hãy trở thành dấu chỉ tình yêu của Người trên trái đất.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy sống hiện tại, chúng ta hãy nắm lấy hiện tại, nhưng đừng để chúng ta bị choáng ngợp; chúng ta hãy nhìn lên, chúng ta hãy nhìn lên Thiên Đàng, chúng ta hãy nhớ đến mục tiêu, chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta được mời gọi đến cõi vĩnh hằng, đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và, từ Thiên đường cho đến tâm hồn, hôm nay chúng ta hãy lập lại sự lựa chọn Chúa Giêsu, sự lựa chọn yêu mến Người và bước theo Người. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng theo Chúa Giêsu đã đến đích, nâng đỡ niềm hy vọng của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua hai lễ tuyên Chân Phước đã được cử hành. Tại Montevideo, Uruguay, Đức Cha Jacinto Vera, sống vào thế kỷ 19, đã được phong chân phước. Là một mục tử chăm lo cho giáo dân của mình, ngài đã làm chứng cho Tin Mừng với lòng nhiệt thành truyền giáo quảng đại, thúc đẩy sự hòa giải xã hội trong bầu không khí căng thẳng của cuộc nội chiến. Ở Granada, Tây Ban Nha, cô gái trẻ Maria de la Concepción Barrechegurn y García đã được phong chân phước. Nằm liệt giường vì một căn bệnh hiểm nghèo, cô ấy đã chịu đựng những đau khổ của mình bằng nghị lực tinh thần to lớn, khiến mọi người ngưỡng mộ và an ủi. Cô qua đời năm 1927 ở tuổi 22. Xin một tràng pháo tay cho hai Chân phước!

Tôi chân thành chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là các tín hữu từ Úc, Tây Ban Nha, Anh và các sinh viên từ trường Saint Thomas College ở Lisbon.

Tôi xin chào Hiệp hội Đồng hồ đo và người sáng lập Don Fortunato Di Noto, những người tiếp tục cam kết ngăn ngừa và chống lại bạo lực đối với trẻ vị thành niên; hôm nay họ mừng ngày thứ 27 các nạn nhân trẻ em; trong 30 năm họ đã bảo vệ tuổi thơ khỏi lạm dụng và bạo lực. Tôi gần gũi với anh chị em, và tôi đồng hành với anh chị em bằng những lời cầu nguyện và tình cảm của tôi. Đừng bao giờ mệt mỏi khi đứng về phía nạn nhân, Chúa Hài Đồng đang chờ anh chị em, cảm ơn anh chị em!

Tôi chào nhóm bệnh nhân đau xơ cơ của Khu vực Y tế của Giáo phận Rôma; các nữ tu của Thánh Joseph Benedict Cottolengo; Hiệp hội Giáo dân Lòng Thương Xót; Gia đình Dòng Ba Camilô; tín hữu của Pozzuoli, Caraglio và Valle Grana; và dàn hợp xướng Empoli và Ponte Buggianese.

Xin gửi lời chào đặc biệt tới các tân Vệ binh Thụy Sĩ, gia đình và bạn bè của họ, và các nhà chức trách Thụy Sĩ đã tham gia lễ kỷ niệm Quân đoàn xuất sắc này. Một tràng pháo tay cho các Vệ binh nào mọi người!

Ngày mai tại Pompeii, Kinh Cầu Đức Mẹ Mân Côi theo truyền thống sẽ được cử hành, trong Đền Thờ mà Chân Phước Bartolo Longo muốn cung hiến cho hòa bình. Trong tháng Năm này, chúng ta hãy lần chuỗi Mân Côi, cầu xin Đức Trinh Nữ ban ơn hòa bình, đặc biệt cho Ukraine đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Xin các nhà lãnh đạo các quốc gia hãy lắng nghe nguyện vọng của những người dân đau khổ và những người muốn hòa bình!

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Trận chiến khốc liệt nhất lịch sử cận đại: 9 tháng, 100.000 lính Nga tử trận. Mỹ nhận định về Wagner
VietCatholic Media
16:57 08/05/2023


1. Trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử cận đại: 100.000 lính Nga tử trận trong 9 tháng

Ngày 8 tháng 5 là thời hạn chót Putin ra lệnh cho quân đội Nga và quân Wagner phải chiếm cho bằng được thành phố Bakhmut. Trong những giờ cuối cùng của hạn chót này, một báo cáo đã được đưa ra trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai mùng 8 tháng Năm.

Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, cho biết “Trong 9 tháng qua, ít nhất 100.000 binh sĩ Nga đã tử trận trong và xung quanh Bakhmut”.

“Nhưng đây là những tính toán sơ bộ. Tôi chắc chắn rằng việc xác minh thêm sẽ chỉ cho thấy con số này tăng lên. Điều này là tự nhiên vì đối phương sử dụng cái gọi là các cuộc tấn công biển người như là phương pháp chính để tiến hành chiến tranh”.

Khi đến gần thời hạn chót mà Putin ra lệnh cho họ, những kẻ xâm lược đã tung ra một số lượng rất lớn các cuộc tấn công bằng pháo binh: 415 cuộc tấn công bằng trọng pháo và hỏa tiễn trong ngày qua.

“Trong 24 giờ qua, 29 cuộc giao tranh đã diễn ra, 415 cuộc tấn công bằng trọng pháo và hỏa tiễn và sáu cuộc không kích đã được thực hiện vào các vị trí của quân phòng thủ Ukraine.”

Theo ông, trong 3 ngày qua, trung bình mỗi ngày, đối phương bắn khoảng 25.000 quả đạn vào hướng Lyman và Bakhmut, so với con số 20.000 quả đạn mỗi ngày trước đó, tức là quân Nga không gặp phải tình trạng thiếu đạn bất chấp tuyên bố của lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin.

“Những tuyên bố như vậy của lãnh đạo Tập đoàn Wagner rất có thể liên quan đến việc ông ta đã hứa hẹn quá nhiều về việc chiếm được Bakhmut và bịa ra điều vô nghĩa này về tình trạng thiếu đạn vì ông ta không có 'chiến thắng' nào khác ngoài tổn thất về nhân lực. Hơn nữa, cả giới lãnh đạo quân đội Nga và tù nhân Nga đều không sẵn sàng gia nhập hàng ngũ của tổ chức này vì họ hiểu rằng đây là tấm vé một chiều”, Đại Tá Serhiy Cherevatyi nói.

Andriy Yusov, đại diện của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết các trận chiến ở Bakhmut đã trở thành thảm họa đối với quân xâm lược về tổn thất nhân lực và thiết bị.

2. Nga phát động làn sóng tấn công mới trên khắp Ukraine nhắm vào dân thường

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai mùng 8 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy tất cả 35 máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất mà Nga đã phóng vào Ukraine trong một làn sóng tấn công trên khắp đất nước vào đầu ngày thứ Hai.

Cô cho biết Nga cũng đã tiến hành 16 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các thành phố và khu vực bao gồm Kharkiv, Kherson, Nikolaev và Odessa cũng như 61 cuộc không kích. Cô cũng cho biết có 52 trường hợp quân xâm lược pháo kích và than thở rằng “Thật không may, đã có thường dân thiệt mạng và bị thương, tòa nhà cao tầng, nhà ở tư nhân và các cơ sở hạ tầng dân sự khác bị hư hại.”

“Khả năng tiếp tục các cuộc không kích và hỏa tiễn của Nga trên khắp Ukraine vẫn còn cao,” Maliar nói.

Cũng trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết khoảng 8 hỏa tiễn hành trình Kh-22 đã được Nga bắn vào Odesa trong đêm.

Yurii Ihnat nói rằng “một số họ đã không đạt được mục tiêu.” Ông nhấn mạnh rằng tất cả các hỏa tiễn phóng vào Odesa đều là những hỏa tiễn cũ từ thời Liên Xô.

Nga đã sử dụng cùng một hỏa tiễn như thế trong cuộc tấn công vào một tòa nhà dân cư ở Dnipro vào ngày 14 Tháng Giêng, giết chết 40 thường dân và làm bị thương hơn 70 người.

Ông cho biết các lực lượng Nga đã tấn công Odesa bằng cách sử dụng máy bay ném bom tầm xa Tu-22 M3 từ Mũi Tarkhankut ở Crimea do Nga xâm lược.

Liên quan đến tình hình tại thành phố Bakhmut, cô cho biết trái với các tuyên bố của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, quân Nga không hề thiếu đạn pháo. Kể từ sau khi Prigozhin tuyên bố thiếu đạn dược, quân Nga đã bắn một ngày ít nhất là 25.000 quả đạn pháo, so với mức 20.000 trước đó, tức là tăng ít nhất 25%. Tinh thần quân Nga xuống thấp, khả năng tác chiến hạn chế do được huấn luyện sơ sài, quân Nga không thể cầm cự được nếu không có pháo binh yểm trợ.

Trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã đẩy lùi 55 cuộc tấn công của quân xâm lược, kết quả là 540 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 7 xe tăng, 5 xe thiết giáp, 8 hệ thống pháom và 6 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến mùng 8 Tháng Năm, 194.970 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy hay bắt giữ 3.730 xe tăng Nga, 7.253 xe thiết giáp, 3.018 hệ thống pháo, 554 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 306 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 294 máy bay trực thăng, 2.614 máy bay không người lái tác chiến và chiến thuật, 947 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.958 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 384 thiết bị chuyên dụng.

3. Giám đốc tình báo Ukraine nhận định rằng Nga 'không có khả năng' tiến hành một cuộc tấn công lớn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has 'No Potential' for Large Offensive: Ukraine Intelligence Chief”, nghĩa là “Giám đốc tình báo Ukraine nhận định rằng Nga 'không có khả năng' tiến hành một cuộc tấn công lớn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Giám đốc tình báo của Kyiv cho biết Nga không có khả năng tiến hành “một nỗ lực khác cho một cuộc tấn công nghiêm trọng ở bất cứ đâu tại Ukraine”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo News, được đăng vào hôm thứ Bảy, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraine, nói rằng “cho đến hôm nay, Nga không có tiềm năng quân sự, kinh tế hay chính trị để tạo ra một nỗ lực khác một cuộc tấn công nghiêm trọng ở bất cứ đâu tại Ukraine”.

Budanov tuyên bố rằng kho hỏa tiễn của Nga đang cạn kiệt, nhưng nói thêm rằng Mạc Tư Khoa vẫn “hoàn toàn có khả năng tiến hành các hoạt động phòng thủ nghiêm trọng”.

Ông nói: “Đây chính là vấn đề mà chúng tôi sắp phải đối mặt. Họ đang cố gắng tích lũy một số lượng dự trữ nhất định và chuẩn bị sẵn sàng để cố gắng phá vỡ cuộc tấn công của chúng tôi, nhưng sự thật là họ đã sử dụng lượng dự trữ của mình đến mức gần như chẳng còn gì.”

Ukraine từ lâu đã được cho là sẽ phát động một cuộc phản công mùa xuân chống lại các lực lượng Nga, mặc dù Kyiv vẫn kín tiếng về chiến lược quân sự của mình.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết hôm thứ Bảy rằng Nga có khả năng tập trung vào hậu cần và các cân nhắc khác cho “các hoạt động phòng thủ” trên khắp Ukraine trước sự thúc đẩy phối hợp này từ Kyiv.

Người ta không biết hình thức phản công sẽ diễn ra như thế nào, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, cho biết vào cuối tháng 4 rằng “công tác chuẩn bị sắp kết thúc, ngoài vũ khí và thiết bị quân sự, còn phải huấn luyện cho quân đội của chúng tôi, các quân nhân về cách sử dụng chúng.”

Reznikov nói với giới truyền thông: “Chúng tôi đã nhận được các hệ thống hiện đại nhất.”

Vào đầu tháng 5, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu lực lượng bán quân sự của Tập đoàn Wagner chiến đấu thay mặt Điện Cẩm Linh ở Ukraine, cho biết ông tin rằng “cuộc phản công của quân đội Ukraine đã bắt đầu”.

“Tôi tin rằng tất cả sẽ bước vào giai đoạn tích cực trong tương lai rất gần, có thể là vài ngày,” Prigozhin nói.

Chỉ huy lính đánh thuê trước đây gọi cuộc phản công là “không thể tránh khỏi”. Kyiv từ lâu đã nói rằng họ cam kết chiếm lại lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea đã sáp nhập, mà Mạc Tư Khoa đã tuyên bố chủ quyền từ năm 2014.

Nhưng Petr Pavel, tổng thống Cộng hòa Tiệp, đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào Chúa Nhật rằng giới lãnh đạo Ukraine “vẫn có cảm giác rằng họ không có mọi thứ để bắt đầu thành công một chiến dịch”.

Phát biểu với The Guardian, ông Pavel cho biết “sẽ cực kỳ có hại cho Ukraine nếu cuộc phản công này thất bại, bởi vì họ sẽ không có cơ hội nào khác, ít nhất là trong năm nay.”

“Kỳ vọng từ chiến dịch phản công của chúng tôi được đánh giá quá cao trên thế giới,” Reznikov nói với The Washington Post trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm thứ Bảy.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

4. Cơ quan An ninh Liên bang Nga vội vã kết tội một người đàn ông với tội danh khủng bố. Bộ Ngoại Giao Nga cáo buộc Hoa Kỳ chủ mưu.

Các nhà điều tra Nga đã buộc tội một người đàn ông với tội danh khủng bố, sau vụ đánh bom xe làm bị thương một blogger quân sự khét tiếng diều hâu của Nga.

Zakhar Prilepin, một người ủng hộ nhiệt thành chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đã bị gãy cả hai chân trong cuộc tấn công hôm thứ Bảy ở Nizhny Novgorod. Người cộng sự thân thiết của anh ta, ngồi trong xe với anh ta, đã thiệt mạng.

Người bị bắt là anh Alexander Permyakov bị buộc tội thực hiện “hành động khủng bố” và sở hữu chất nổ trái phép, văn phòng tổng công tố cho biết trong một tuyên bố.

Một tòa án đã ra phán quyết giam giữ anh ta trong hai tháng.

Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc Ukraine và các quốc gia phương Tây ủng hộ nước này, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong cuộc tấn công vào Prilepin.

Các dịch vụ an ninh của Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận sự tham gia. Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết ông tin rằng chính quyền Nga đã dàn dựng vụ tấn công.

Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về vụ việc.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời các nguồn tin an ninh cho biết nghi phạm là “người gốc Ukraine”.

Prilepin là nhân vật ủng hộ chiến tranh nổi bật thứ ba trở thành mục tiêu của một quả bom kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Nga cũng đổ lỗi cho Ukraine về cái chết của nhà báo Darya Dugina và blogger chiến tranh Vladlen Tatarsky trong hai vụ tấn công trước đó. Kyiv đã phủ nhận cáo buộc của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo mới nhất, các nhà tuyển dụng quân sự của Nga đang tấn công vào các công nhân nhập cư Trung Á ở Nga để phục vụ tại Ukraine.

Nhà văn nổi tiếng ủng hộ Điện Cẩm Linh Zakhar Prilepin đã viết mô tả về vụ đánh bom xe giết chết trợ lý của ông và khiến ông bị thương nặng, trong những bình luận đầu tiên sau khi tỉnh lại từ vụ tấn công hôm thứ Bảy.

Prilepin cho biết anh ta đang lái xe và trợ lý của anh ta đang ngồi ở ghế hành khách khi quả bom phát nổ dưới gầm xe phía bên trợ lý anh ta. Prilepin cho biết anh ta đã cho cô con gái xuống xe chỉ năm phút trước khi vụ nổ xảy ra.

5. Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hăm dọa dùng luật giang hồ đối với những người tấn công các bloggers quân sự phò Điện Cẩm Linh

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đe dọa bất cứ ai bị kết tội thực hiện vụ tấn công hôm thứ Bảy nhằm vào blogger dân tộc chủ nghĩa cực đoan Zakhar Prilepin.

Medvedev, hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, nói rằng bất kỳ nghi phạm nào, “giống như những tên tội phạm khác, sẽ bị xét xử vì tội tấn công và bị kết án tù dài hạn”.

“Nhưng điều quan trọng là họ và những người như họ phải nhận ra một điều đơn giản: ngay cả đối với những người bị kết án tù chung thân, trong tình trạng hoãn thi hành án tử hình, các sự việc và tai nạn trong tù đôi khi vẫn xảy ra,” ông nói ám chỉ tình trạng dùng tù nhân đánh chết tù nhân ngay trong tù.

“Và sau đó một bản án dài nhanh chóng bị gián đoạn vì những lý do tự nhiên do cái chết của tù nhân. Và nó cũng có giá trị giáo dục lớn cho những tên khốn mới được thuê để thực hiện các vụ ám sát.”

Prilepin, một người ủng hộ nổi bật cho cuộc chiến ở Ukraine, đang ở vùng Nizhny Novgorod của Nga hôm thứ Bảy thì chiếc xe của ông phát nổ, khiến ông bị thương và người lái xe thiệt mạng.

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu cực đoan.

6. Ông chủ Wagner đề nghị lực lượng của ông ta có thể ở lại khu vực Bakhmut sau khi được hứa hẹn nhiều đạn dược hơn

Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner, rõ ràng đã rút lại lời đe dọa rút lực lượng của mình khỏi thành phố Bakhmut miền đông Ukraine sau khi được hứa hẹn cung cấp thêm đạn dược.

Trong một cơn thịnh nộ bùng nổ, nặng nề vào tuần này, Prigozhin trước đó đã tuyên bố rằng người của ông ta sẽ rời khỏi khu vực trước ngày 10 tháng 5 vì thương vong nặng nề và nguồn cung cấp không đủ.

Nhưng một tin nhắn âm thanh mới được đăng vào Chúa Nhật trên Telegram cho thấy ông ta đã thay đổi quyết định sau những nhượng bộ từ chính phủ Nga.

“Điểm mấu chốt là như sau: họ hứa sẽ cung cấp cho chúng tôi đạn dược và vũ khí, nhiều như chúng tôi cần để tiếp tục các hành động tiếp theo. Họ thề với chúng tôi rằng mọi thứ cần thiết sẽ ở bên sườn để đối phương không thể cắt đứt chúng tôi. Chúng tôi được thông báo rằng chúng tôi có thể hành động ở Bakhmut khi chúng tôi thấy phù hợp,” Prigozhin nói.

Bộ Quốc phòng Nga đã không bình luận ngay lập tức về tuyên bố mới nhất của Prigozhin.

Ông chủ của Wagner đã nói rằng các vị trí của Wagner trong và xung quanh Bakhmut sẽ được chuyển giao cho lực lượng của nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov từ ngày 10 tháng Năm.

Prigozhin cũng đã đưa ra khả năng rằng Wagner có thể bị giải tán, nhưng dường như cũng rút lại những gợi ý này trong tin nhắn âm thanh.

“Tôi đặc biệt đặt một câu hỏi cho tất cả các chỉ huy cấp dưới, đó là một câu hỏi ngay lập tức thu hút sự chú ý của các chiến binh: nếu ai đó muốn, họ có thể chuyển sang các đơn vị quân sự khác. Mọi người đều trả lời dứt khoát là 'Không'“.

7. Trung đoàn cầu phao của Ukraine có thể bắc cầu qua một con sông dài 230 mét trong 8 phút

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s Pontoon Regiment Could Bridge A 750-Foot River In Eight Minutes”, nghĩa là “Trung đoàn cầu phao của Ukraine có thể bắc cầu qua một con sông dài 750 feet hay 230 mét trong 8 phút.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Khi các lực lượng Ukraine chờ đợi những cơn mưa mùa xuân dịu đi và cảnh quan lầy lội khô đi—là điều kiện tiên quyết cho cuộc phản công được mong đợi từ lâu của Ukraine vào năm 2023—chúng ta hãy theo dõi sát sao Trung đoàn cầu phao 808. Đơn vị cầu phao lâu đời nhất và có thể là tốt nhất của quân đội Ukraine.

Nếu các lữ đoàn Ukraine thành công trong việc chọc thủng các công sự của Nga, họ sẽ muốn tiến càng xa càng tốt, càng nhanh càng tốt để giải phóng càng nhiều lãnh thổ Ukraine bị xâm lược càng tốt trước khi quân Nga có thể ổn định chiến tuyến.

Các con sông và khả năng vượt qua chúng của người Ukraine có thể quyết định tốc độ của cuộc tiến công. Người Nga biết điều này. Trong khi rút lui, họ có xu hướng cho nổ tung những cây cầu phía sau họ.

Quân đội Ukraine, giống như bất kỳ quân đội hiện đại nào, có một số lựa chọn để xây dựng một nhịp cầu tạm thời. Các xe đặt cầu trông giống như xe tăng có thể nhanh chóng thả cầu nhôm dài 60 feet hay 18m có khả năng đỡ nổi xe tăng 60 hoặc 70 tấn.

Bên cạnh đó còn có các cầu phao trung bình bằng nhôm—dài 100 feet hay 30m với sức tải ít nhất 70 tấn—mà vài chục kỹ sư có thể lắp ráp trong vòng chưa đầy 10 phút. Ngoài ra còn có những cây cầu hỗ trợ hậu cần bằng thép dài tới 240 feet hay 73m với sức tải tối thiểu 70 tấn, nhưng cần khoảng một trăm kỹ sư và hàng giờ để dựng lên.

Có một lựa chọn thứ tư, một trong đó là tên của Trung đoàn cầu phao 808. Các phao nổi bằng thép, xếp từ đầu đến cuối bên cạnh nhau, tạo thành một cây cầu từ bờ này sang bờ kia, hoặc tạo thành một chiếc phà mà các tầu kéo cơ giới có thể kéo qua lại từ bờ này sang bờ kia.

Trung đoàn 808 không nhất thiết là đơn vị cầu nối duy nhất của Ukraine. Có những lữ đoàn, tiểu đoàn và đại đội công binh khác—có khả năng bắc cầu. Nhưng Trung Đoàn 808 chuyên về cầu phao và có lợi thế về kinh nghiệm. Nó đã có từ thời Xô Viết.

808 đã bận rộn trong cuộc chiến hiện tại. Năm ngoái, người Nga thậm chí đã bắt giữ một số binh sĩ của trung đoàn, cuối cùng đổi họ lấy một số tù nhân Nga đang bị giam giữ ở Ukraine.

Trung đoàn 808 có thể vận hành bốn cây cầu phao mới mà Hà Lan và Cộng hòa Tiệp cùng nhau quyên góp cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine. Một bức ảnh về buổi huấn luyện của trung đoàn vào tháng 4 mô tả các kỹ sư vẫn đang phải làm việc với một cây cầu phao PMP cổ điển do Liên Xô sản xuất, là thứ mà họ có nhiều.

Một bộ PMP đầy đủ bao gồm 32 phao trung tâm và bốn phao dốc có thể gập lại và di chuyển trên xe tải KRAZ-255B. Một đội xe tải thả một chiếc phao xuống nước, nơi nó tự động mở ra. Các kỹ sư trên một tầu kéo điều động các phần thành một dây xích dài 750 feet hoặc hai dây xích dài 375 feet song song và bắt vít chúng lại với nhau bằng các đoạn dốc ở mỗi đầu. Cây cầu đầy đủ sẽ cho phép các xe tăng vượt qua.

Một lựa chọn thứ ba là một tổ hợp phao nhỏ hơn có thể hoạt động như một chiếc bè — có động cơ đẩy nó đi.

Tốc độ làm việc của các kỹ sư phụ thuộc vào quá trình đào tạo, khả năng lãnh đạo và động lực của họ—cũng như thời tiết và liệu có ai bắn vào họ hay không. Quân đội Hoa Kỳ báo cáo: “Bằng chứng trong thế giới thực chỉ ra rằng cây cầu có thể được lắp ráp nhanh tới 30 phút”.

Người ta có thể tin chắc rằng Trung Đoàn 808 có thể làm việc nhanh chóng hơn với các cầu phao tiên tiến của phương Tây. Toàn bộ các lữ đoàn Ukraine có thể đang đợi trung đoàn triển khai phao để họ có thể kéo dài bước tiến của mình.

8. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Prigozhin và Kadyrov dàn dựng để cho thấy quân đội Nga thất bại

Khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, Putin đã không cử một tổng tư lệnh chiến trường nhằm điều phối các mặt trận khác nhau. Putin đánh giá rằng cuộc xâm lược Ukraine sẽ kết thúc nhanh chóng, 3 ngày hoặc một tuần là cùng. Ông ta không cử một tổng tư lệnh chiến trường là để một mình ông ta hưởng hết hào quang chiến thắng, để lịch sử sẽ ghi nhận ông ta và chỉ một mình ông ta là người đã chinh phục Ukraine. Tham vọng của ông ta là muốn trở thành một thứ cha già dân tộc. Bây giờ, mộng không thành, không làm được cha già dân tộc, Putin không muốn trở thành một tên tội đồ của đất nước. Khi cuộc xâm lược bế tắc, ông ta chỉ đạo cho trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu Bộ Quốc Phòng Nga. Đó là quan điểm của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, trong bài tường trình trên tờ Newsweek với nhan đề “Prigozhin and Kadyrov Setting Russian Military up to Fail: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Prigozhin và Kadyrov dàn dựng để cho thấy quân đội Nga thất bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một đánh giá mới của ISW, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin và lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đang đặt cơ sở để đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng Nga về “bất kỳ thất bại nào của Nga ở khu vực Bakhmut”.

Prigozhin và Kadyrov hy vọng có thể tô vẽ cho người ta thấy rằng Bộ Quốc phòng Nga và quân chính quy của họ là “không hiệu quả” và tạo cơ sở để “đổ lỗi” cho cơ quan chính phủ về các hoạt động thất bại xung quanh Bakhmut, ISW, có trụ sở tại Washington cho biết hôm thứ Bảy.

Hôm thứ Bảy, Prigozhin cho biết trong một tuyên bố rằng vào nửa đêm ngày 10 tháng 5, lực lượng Wagner sẽ được thay thế bằng lực lượng đặc biệt Chechnya ở Bakhmut, đó là “thời điểm mà theo tính toán của chúng tôi, chúng tôi sẽ cạn kiệt hoàn toàn tiềm năng chiến đấu của mình”.

Viết trên Telegram, Kadyrov cho biết các chiến binh “Akhmat” của ông đã “sẵn sàng tiến quân” đến thành phố đổ nát Bakhmut và rằng ông đã liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông ấy “đã bắt đầu phát triển chiến lược hành động của chúng tôi” với Bộ Quốc phòng Nga,” Kadyrov nói và cho biết thêm: “Các binh sĩ đang trong tình trạng báo động, chúng tôi chỉ chờ lệnh”.

Nhóm lính đánh thuê Wagner đóng vai trò then chốt trong các hoạt động của Nga ở Bakhmut, thành phố bị bao vây ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng của Kyiv đã đối đầu với các chiến binh của Mạc Tư Khoa trong nhiều tháng. Nhưng Prigozhin đã chỉ trích nặng nề Bộ Quốc phòng Nga và các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của nước này về điều mà ông gọi là thiếu nguồn cung cấp đạn dược.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố riêng được đăng vào Chúa Nhật, sau đó được truyền thông nhà nước Nga đưa tin, Prigozhin cho biết các chiến binh đánh thuê sẽ nhận được “đạn dược và vũ khí nhiều nhất mà chúng ta cần để tiếp tục chiến sự”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

ISW cho biết Prigozhin đã miêu tả trận chiến giành thành phố Donetsk “là mối quan tâm của Wagner - và bây giờ là Akhmat -” và loại trừ vai trò của lực lượng Dù Nga ở Bakhmut.

Tổ chức tư vấn nhận định rằng tuyên bố của Prigozhin cho rằng không được cung cấp đạn dược chứng minh với người Nga rằng nhóm của ông ta đã bị loại khỏi quân đội Nga, và điều đó sẽ giúp Prigozhin “giữ thể diện” nếu lực lượng Wagner không giành được quyền kiểm soát Bakhmut.

ISW lập luận: “Việc chuyển từ quân đội Wagner sang Akhmat cũng có thể đặt ra các điều kiện để đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng Nga về những thất bại trong tương lai.

“Nếu lực lượng Akhmat gặp khó khăn tương tự như Wagner và không thể chiếm hoàn toàn Bakhmut, Prigozhin và Kadyrov có thể đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng Nga vì đã không hỗ trợ đầy đủ cho những nỗ lực của họ”. ISW nhận xét rằng nếu Bộ Quốc phòng Nga không ủng hộ kế hoạch của họ, họ có thể dễ bị cáo buộc rằng họ kèn cựa, và lo sợ lực lượng Chechnya sẽ nhanh chóng chiếm được Bakhmut.

Tuy nhiên, Prigozhin và Kadyrov đã “phóng đại quá mức” những tuyên bố về sức mạnh chiến đấu của họ, ISW cho biết.

Các chiến binh Chechnya đã hiện diện ở Ukraine với số lượng nhỏ, nhưng họ không đảm nhận vai trò chiến đấu chính trong các chiến dịch của Nga.

Họ là “một nhóm nhỏ cốt lõi của quân đội sẵn sàng chiến đấu, dường như rất sẵn sàng thực hiện bạo lực và áp bức chống lại bạn bè hoặc đối phương,” viện nghiên cứu Royal United Services Institute có trụ sở tại London cho biết hồi tháng 11.

9. Nhận xét của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ về các động thái gần đây của Ramzan Kadyrov

Theo đánh giá của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov rất vui khi giúp ông chủ Wagner, Yevgeny Prigozhin “tống tiền” Bộ Quốc phòng Nga. Kadyrov làm như thế nhằm thiết lập lại vị trí của ông ta trong vòng quyền lực ở Điện Cẩm Linh. ISW viết:

Kadyrov trước đây đã giữ một vị trí có ảnh hưởng trong vòng thân cận của Putin cho đến khi dường như mất đi sự ủng hộ gần đây, có thể là do lực lượng của ông ta đóng một vai trò hạn chế trong các hoạt động chiến đấu ở Ukraine trong suốt cuối mùa thu năm 2022 và mùa đông năm 2023.

Putin đã coi thường Kadyrov trong cuộc gặp của họ vào ngày 13 tháng 3, khi Kadyrov tỏ ra lo lắng khi báo cáo về vai trò của các chiến binh Chechnya ở Ukraine.

Kadyrov có thể coi lời đe dọa rút khỏi Bakhmut của Prigozhin là cơ hội để phát huy hiệu quả lực lượng của mình trong bối cảnh Gerasimov và Shoigu không thể mang lại những chiến thắng quyết định trong cuộc tấn công Đông Xuân.

Ramzan Kadyrov đã bị các nhà quan sát quốc tế và độc lập cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Cha của ông ta là Akhmad Kadyrov, bị đặc vụ Nga giết chết vào ngày 9 Tháng Năm, 2004 trong cuộc tuần hành ngày Chiến Thắng, theo lệnh của Putin. Ramzan Kadyrov hoàn toàn không mơ hồ về điều đó, nhưng đã bay sang Mạc Tư Khoa, hứa trung thành với Putin để giữ mạng sống của mình.

Nhà lãnh đạo Chechnya, không từ bỏ cơ hội nào để chứng minh cho Putin thấy lòng trung thành của mình, đã cho biết trực tuyến hôm thứ Sáu rằng anh ta sẽ rất vui khi tiếp quản các vị trí của “anh trai” Prigozhin nếu Wagner quyết định rời Bakhmut, và anh ta đã nhắc lại tuyên bố đó trong một bài đăng khác vào thứ Bảy.

Các binh sĩ trong lực lượng của Kadyrov đã bị các nhà quan sát quốc tế và độc lập cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Các đơn vị Kadyrov thường được giao làm nhiệm vụ quân cảnh và thiếu khả năng tác chiến. Trong vai trò này, họ bị cáo buộc ngược đãi lính Nga, cướp bóc và hãm hiếp các phụ nữ Ukraine trong các vùng bị tạm chiếm. Các nhà bình luận cho rằng vì không có khả năng tác chiến hiệu quả, ngay từ đầu Bộ Quốc Phòng Nga đã không giao cho họ bất cứ nhiệm vụ gì ở các chiến trường trọng điểm như tại thành phố Bakhmut. Cái mà Kadyrov gọi là Lữ Đoàn Akhmat có lẽ không tồn tại được lâu sau khi bị ném vào chiến trường Bakhmut.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cảnh báo người Nga đang dụ dỗ các công nhân nhập cư Á Châu

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Các nhà tuyển dụng quân sự của Nga đã tấn công các công nhân nhập cư Trung Á ở Nga để phục vụ tại Ukraine. Các nhà tuyển dụng đã đến thăm các nhà thờ Hồi giáo và văn phòng nhập cư để tuyển dụng. Tại các văn phòng nhập cư, nhân viên nói tiếng Tajik và Uzbek thường cố gắng tuyển dụng người di cư.

Đài Âu Châu Tự do đã báo cáo rằng các nhà tuyển dụng cung cấp tiền thưởng khi ghi danh là 2.390 đô la Mỹ và mức lương lên tới 4.160 đô la Mỹ một tháng. Những người di cư cũng được cung cấp một lộ trình nhập quốc tịch Nga nhanh chóng từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì 5 năm như thông thường.

Mức lương hàng tháng cao và tiền thưởng khi ghi danh sẽ lôi kéo một số lao động nhập cư ghi danh. Những tân binh này có khả năng được gửi đến tiền tuyến của Ukraine, nơi tỷ lệ thương vong là rất cao.

Tuyển dụng người di cư là một phần trong nỗ lực của Bộ Quốc phòng Nga nhằm hoàn thành mục tiêu 400.000 tình nguyện viên chiến đấu ở Ukraine.

Các nhà chức trách gần như chắc chắn đang tìm cách trì hoãn bất kỳ đợt huy động bắt buộc công khai mới nào càng lâu càng tốt để giảm thiểu bất đồng chính kiến trong nước.
 
Ukraine cảm động trước con tem mới của Tòa Thánh. Buổi lễ tuyên thệ đầy mầu sắc của các Ngự Lâm Quân
VietCatholic Media
17:00 08/05/2023


1. Hai vợ chồng kỷ niệm 67 năm hôn phối có 147 hậu duệ

Leo và Ruth Zanger vừa kỷ niệm 67 năm ngày cưới. Họ có 12 người con và 135 cháu chắt.

Với 12 người con, 55 người cháu, 73 chắt và 7 chút, Leo và Ruth Zanger đến từ Quincy, Illinois, vừa chào đón hậu duệ thứ 147 của họ trên thế giới. Leo nói với tờ Today khi họ đã đạt mốc 100 đứa cháu vào năm 2015: “Chúng tôi yêu tất cả chúng và chúng đều rất quý giá.

Vào ngày 18 tháng 4 vừa qua, hai vợ chồng kỷ niệm 67 năm ngày cưới. Con gái lớn Linda của họ hiện 66 tuổi và con út Joe 38 tuổi, sinh năm 1984 và lúc đó đã có 10 cháu gái lớn hơn Joe rất nhiều.

Các thành viên trong gia đình rất thân thiết với nhau. Hầu hết họ sống gần đó và gặp nhau thường xuyên. Mỗi dịp lễ Giáng Sinh hoặc Phục sinh đều cần phải thuê một sảnh lớn của nhà thờ và thường mua khoảng 25 kg giăm bông, 10 con gà tây, 50 ổ bánh mì và 10 gallon đồ uống. Hậu cần của những buổi họp mặt gia đình này thường rất suôn sẻ. Những người thân chia sẻ trách nhiệm với nhau.

“Khi chúng tôi gặp nhau, đó là một cuộc tụ họp lớn, rất lớn,” một trong những cô con gái của hai vợ chồng, Donna Zanger-Lane, người ghi chép biên niên sử không chính thức của gia đình, nói với Today. “Có rất nhiều người - rất nhiều trẻ em - nhưng tất cả chỉ có thế thôi. Chúng tôi luôn có khoảng thời gian thực sự vui vẻ.”

Cô thừa nhận để nhớ được tất cả các ngày sinh đòi hỏi trí nhớ rất tốt.

“(Các thành viên khác trong gia đình) luôn nói, 'Vì bạn đã có tất cả các số điện thoại, bạn có thể nhắn tin (hoặc gọi) cho họ và cho họ biết về bất kỳ sự kiện nào không?'“ Donna giải thích với Herald-Whig. Thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều cháu của Zanger trưởng thành và lập gia đình riêng. “Chúng tôi có thể thành lập thị trấn của riêng mình. Tôi mong đợi sẽ có nhiều hơn nữa. Tôi không ngạc nhiên chút nào vì có rất nhiều gia đình trẻ mới bắt đầu ở đó,” người ông tự hào nói thêm. Ông nói với Today rằng họ chào đón mỗi đứa cháu mới “như thể đó là đứa đầu tiên của họ.”

Ruth nhấn mạnh rằng cô ấy không biết rằng gia đình họ sẽ đông đúc như vậy. Tuy nhiên, hai vợ chồng rất hài lòng về điều đó. “Chúa tốt lành vẫn tiếp tục gửi họ,” cô ấy nói với Herald-Whig. Và về việc liệu họ có muốn mở rộng gia đình hơn nữa hay không, Ruth nói: “Luôn có chỗ cho thêm một người nữa”.

Ông bà Zanger luôn dạy các con về tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình. “Tất cả chúng tôi đều rất thân thiết. Chúng tôi gặp nhau rất nhiều. (…) Chúng tôi dành nhiều thời gian cho nhau. Tôi biết có rất nhiều gia đình chỉ bằng nửa số người của chúng tôi chỉ gặp nhau có thể một hoặc hai lần một năm,” Austin nói với Whig. “Lúc nào cũng vui,” Kelly Sanger, vợ của Daniel, nói.


Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha tiếp các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ

Sáng ngày 06 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 23 tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, nhân dịp họ tuyên thệ vào ban chiều cùng ngày. Ngài đánh giá cao sự sẵn sàng và quyết tâm của họ, biểu lộ sự trung thành với người kế vị thánh Phêrô hằng ngày.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có các vị chỉ huy và cha tuyên úy của các vệ binh, cũng như thân nhân của các vệ binh, và một số vệ binh khác.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng đoàn Ngự Lâm Quân là một đại gia đình, một cộng đoàn sinh động và huynh đệ, trong lúc phục vụ cũng như lúc rảnh rỗi. Trong bầu không khí ấy, đoàn vệ binh cũng là một nơi tăng trưởng, nơi học hỏi bao nhiêu điều hữu ích về mặt nhân bản và Kitô cho cuộc sống. Đặc biệt các tân vệ binh, đừng đánh mất can đảm và lòng hăng say khám phá những điều mới mẻ!

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Sứ mạng của anh em tại Vatican này là một con đường mà Chúa đã mở ra cho anh em để sống bí tích Rửa tội và hân hoan làm chứng tá về niềm tin nơi Chúa Kitô. Niềm tin mà anh em đã học từ trong gia đình, được vun trồng trong giáo xứ và biểu lộ sự liên hệ nồng nhiệt của các tín hữu Công Giáo Thụy Sĩ với Giáo hội Roma. Anh em được kêu gọi làm chứng về niềm tin này, cả trong việc phục vụ ở các vị trí khác nhau. Nơi những người đến gần anh em mỗi ngày, dù là các thành viên của giáo triều hoặc các tín hữu hành hương và du khách. Anh em hãy nhận ra những lời mời nhìn nhận và chia sẻ tình thương của Thiên Chúa đối với mỗi người...”

Ban chiều, các vệ binh đã tuyên thệ trung thành và bảo vệ Đức Giáo Hoàng đương nhiệm và các Đấng kế vị, trong buổi lễ do Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, chủ tọa, trước sự tham dự của nhiều quan khách từ Thụy Sĩ và Vatican.

Ngày 6 tháng Năm năm nay cũng đã được đánh dấu bằng lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.

3. Vatican công bố con tem với Đức Giáo Hoàng cầm cờ Ukraine

Các dịch vụ bưu chính của Vatican sẽ phát hành hai con tem: một dành riêng để thúc đẩy hòa bình và tình đoàn kết với Ukraine và một để kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới.

Dịch vụ bưu chính và tem thư của Vatican sẽ phát hành ba con tem mới vào ngày 16 tháng 5 năm 2023, trong đó có một con tem in hình Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 4 năm 2022 cầm lá cờ Ukraine đến từ thành phố Bucha.

Cũng sẽ có một con tem dành riêng cho Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8.

Con tem đầu tiên thể hiện Đức Thánh Cha Phanxicô cầm cờ Ukraine trong buổi tiếp kiến chung vào tháng 4 năm 2022. Lá cờ đến từ thành phố Bucha, nơi có nhiều thường dân thiệt mạng.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung vào ngày 6 tháng 4 năm 2022, gần hai tháng sau khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giương cao lá cờ màu vàng và xanh lam đến từ Bucha. Thành phố Ukraine này đã trải qua một cuộc thảm sát trong tháng Ba, trong khi nó bị quân đội Nga xâm lược. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OHCHR, ước tính rằng khoảng 73 đến 178 thường dân đã thiệt mạng trong thời kỳ đó.

“Lá cờ này đến từ chiến tranh, chính xác là từ thành phố bị chiến tranh tàn phá đó, Bucha,” Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến, đồng thời tố cáo “sự tàn ác khủng khiếp.”

“Họ là những nạn nhân mà dòng máu vô tội của họ kêu thấu đến Thiên đàng và van xin: hãy chấm dứt cuộc chiến này!” ngài nói, trước hàng trăm tín hữu tập trung tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican.

Bức ảnh của Đức Giáo Hoàng với lá cờ rách nát này đã được chia sẻ khắp thế giới. Chính thời điểm này mà dịch vụ bưu chính của Vatican đã chọn để minh họa tình đoàn kết của vị giáo hoàng người Á Căn Đình với “Ukraine tử vì đạo”, một cách diễn đạt mà ngài đã sử dụng gần như hàng tuần kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trên con tem mới có dòng chú thích: “Cùng với người Ukraine, một dân tộc cao quý và tử vì đạo”.

Con tem được phát hành như một phần của sáng kiến có tên EUROPA, được thúc đẩy bởi hiệp hội PostEurop, đại diện cho 55 dịch vụ bưu chính trên lục địa. Kể từ năm 1956, tổ chức có trụ sở tại Brussels đã đề xuất một chủ đề mỗi năm cho các dịch vụ bưu chính quốc gia để sản xuất một số loại tem nhất định. Trang web PostEurop giải thích rằng chủ đề năm 2023, “HÒA BÌNH – giá trị cao nhất của nhân loại,” được chọn để “thể hiện tình đoàn kết với Ukraine” và thúc đẩy hòa bình.

Con tem còn lại do Vatican phát hành như một phần của EUROPA mô tả “Nút thắt hòa bình”, một tác phẩm đã giành chiến thắng trong cuộc thi do PostEurop tổ chức để chọn biểu trưng đẹp nhất minh họa cho chủ đề năm 2023. Cả hai con tem dự kiến sẽ được phát hành vào ngày 16 tháng 5.

Sẽ có 135.000 bản in con tem có hình Đức Thánh Cha Phanxicô đang ôm người Ukraine hân hoan. Nó sẽ có giá 0,10 euro (khoảng 0,11 đô la). Đồng thời, 44.000 bản tem có “Nút thắt hòa bình” sẽ được in và chúng sẽ có giá 1,25 euro mỗi chiếc (khoảng 1,37 đô la)

Một con tem hướng tới WYD ở Lisbon

Vào ngày 16 tháng 5, các dịch vụ bưu chính và in tem của Vatican cũng sẽ phát hành một con tem mới để kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được tổ chức tại Lisbon từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8. Con tem có hình Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn đầu một nhóm thanh niên tiến lên “Đài tưởng niệm của những khám phá”, là một tác phẩm điêu khắc lớn về một chiếc thuyền buồm nằm gần sông Tagus chảy qua Lisbon. Tượng đài được xây dựng vào năm 1960 và kỷ niệm thời đại khám phá của người Bồ Đào Nha trong thế kỷ 15 và 16.

Tuyên bố do bưu điện Vatican đưa ra giải thích rằng “Trong con tem, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn những người trẻ tuổi và Giáo hội, được đại diện bởi con thuyền của Thánh Phêrô, khám phá ra 'sự thay đổi của thời đại này',”. Đức Thánh Cha hướng dẫn những người trẻ tuổi đừng “ngầm cam chịu thói quen” đến mức không nhìn thấy “thực tế của bến cảng đang chờ đợi họ”.

Con tem sẽ có giá 3,1 euro (khoảng 3,41 đô la) và 45.000 bản sẽ được in.


Source:Aleteia