Ngày 11-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 12/5: Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật - Suy Niệm của Lm Nguyễn Trọng Thiên, SVD – Kinh Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
02:32 11/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 11-May-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 16, 12-15

“Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Đó là lời Chúa.
 
Mới mẻ và đầy sức sống
Lm. Minh Anh
15:27 11/05/2021
MỚI MẺ VÀ ĐẦY SỨC SỐNG
“Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát”.

Steve Goodier viết, “Cả chim ruồi và kền kền đều bay qua các sa mạc. Tất cả những gì kền kền nhìn thấy là thịt thối rữa, bởi đó là thứ chúng kiếm tìm; chúng sống nhờ những thức ăn đó. Nhưng chim ruồi lại phớt lờ mùi thịt của những con vật chết; thay vào đó, chúng tìm kiếm những bông hoa rực rỡ của thực vật sa mạc, các đoá xương rồng. Kền kền sống bằng những gì đã có; chúng sống trên quá khứ; lấp đầy bản thân bằng những gì đã chết và hư thối. Nhưng chim ruồi, sống bằng những gì đang có; chúng tìm kiếm cuộc sống mới, lấp đầy bản thân với sự ‘mới mẻ và đầy sức sống’. Mỗi con chim tìm thấy những gì nó đang tìm kiếm. Đó cũng là những gì con người phải làm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, chủ đề ‘mới mẻ và đầy sức sống’ cũng toát lên một cách bất ngờ trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay; cách riêng bài đọc Công Vụ Tông Đồ, khi “Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát”, dù họ đã bị đánh đập và đang bị tống vào ngục thất sâu nhất, tối tăm nhất. Đây là một bằng chứng cho thấy Đấng Phục Sinh đang hiện diện và hoạt động cùng Thánh Thần của Ngài nơi những kẻ Ngài yêu, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất của họ; một sự hiện diện và hoạt động hoàn toàn ‘mới mẻ và đầy sức sống’.

Không ai trong chúng ta cảm thấy dễ dàng để cất lời ngợi khen Thiên Chúa trong những hoàn cảnh như thế; có chăng, chỉ là một lời cầu xin cứu giúp hay những lời kinh trong tuyệt vọng vốn sẽ ‘đậu xuống’ trên môi miệng chúng ta hơn là một lời chúc khen trong hoàn cảnh này. Như vậy, những lời tán tụng của Phaolô và Sila trong nhà tù là một bằng chứng hùng hồn, tiết lộ một niềm xác tín bên trong của hai ông rằng, Thiên Chúa mạnh hơn thế lực ác tâm của con người; và nếu Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết, thì Ngài cũng có thể giải cứu Phaolô và Sila khỏi tình huống tưởng chừng như vô vọng này.

Quả vậy, câu chuyện kết thúc một cách tuyệt vời với việc viên cai ngục và gia đình ông đáp lại lời giảng của Phaolô! Bấy giờ, “Viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa”. Và như thế, xem ra, Đấng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài thực sự đang hoạt động một cách ‘mới mẻ và đầy sức sống’ trong những tình huống bất trắc nhất, nghiệt ngã nhất nơi những môn đệ Ngài; để từ đó, Phaolô và Sila có thể tiếp tục hát ca ngợi khen với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, rằng, “Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành”.

Đây cũng là thông điệp Chúa Giêsu nhắn gửi trong Tin Mừng hôm nay, khi các môn đệ của Ngài buồn sầu vì Ngài đã nói với họ việc Ngài ra đi và rời bỏ họ. Tuy nhiên, cũng trong bữa ăn cuối cùng ấy, Ngài đã đem ‘một chút ánh sáng vào trong nỗi buồn’ của bóng tối tâm linh nơi họ, bằng cách bảo đảm với họ rằng, việc Ngài rời họ để về với Chúa Cha là một mối lợi cho họ. Sự ra đi này dường như đang chứa đựng bên trong nó ‘những hạt giống’ của một cuộc sống mới; tạo nên ‘một cơ hội mới’ để Thiên Chúa có thể hoạt động một cách ‘mới mẻ và đầy sức sống’ nơi họ. Ngài nói đến một sự hiện diện mới của Thánh Thần, Đấng được sai đến từ Chúa Cha vốn sẽ tiếp tục hoạt động không chỉ ‘qua họ, trong họ và cùng họ’ nhưng còn ‘qua những ai nối tiếp họ’; trong đó, có chúng ta.
Anh Chị em,

Đấng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài cũng đang hoạt động một cách ‘mới mẻ và đầy sức sống’ nơi chúng ta trong những ngày dịch bệnh này. Ngài mời gọi chúng ta đến và ở lại lâu giờ hơn với Ngài; Ngài chờ đợi chúng ta thống hối trở về để từ bỏ một tội lỗi nào đó; Ngài mong mỏi chúng ta ra khỏi chính mình để chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn; Ngài ước trông chúng ta cảm thông và thương xót nhau hơn; và Ngài cũng muốn khơi lên nơi chúng ta lòng khao khát cháy bỏng hơn chính Thánh Thể của Ngài khi chúng ta không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ được. Đó chính là sự ‘mới mẻ và đầy sức sống’ mà Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới xem ra cũng đang sống trong ‘ngục tối’ của bất ổn vì dịch bệnh; xin cho con xác tín rằng, Chúa đang ở cùng con, Thánh Thần đang hoạt động trong con, qua con; nhờ đó, như loài chim nhỏ bé kia, con biết chỉ tìm kiếm những bông hoa hoan lạc và bình an của Thánh Thần, đó cũng là tất cả những gì ‘mới mẻ và đầy sức sống’ cho con; và qua con, cho anh chị em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 11/05/2021

26. Hoặc là đời này chịu khổ để được hạnh phúc vĩnh viễn; hoặc là đời này hạnh phúc để chịu đau khổ đời đời, tất cả là do sự lựa chọn của con.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 11/05/2021
42. RĂNG ĐEN RĂNG TRẮNG

Có hai kỷ nữ, một người răng đen như quạ, người kia thì răng trắng như tuyết. Một người thì dùng trăm phương ngàn kế để che giấu răng đen, một người thì luôn tìm cách để khoe ra răng trắng.

Có người hỏi người kỷ nữ răng đen tên gì, người kỷ nữ này ngậm miệng không nói, gõ vào hai quai hàm, nói lí nhí trong cổ họng:

- “Cố.”

Lại hỏi mấy tuổi, cô ta gõ quai hàm trả lời:

- “Mười lăm.”

Cuối cùng lại hỏi có tài năng gì, cô ta lại đáp trong cổ họng:

- “Biết đánh trống.”

Có người khác hỏi kỷ nữ răng trắng họ gì, người kỷ nữ ấy há miệng to trả lời:

- “Thái.”

Lại hỏi mấy tuổi, cô ta lại há to miệng nói:

- “Mười bảy.”

Hỏi cô ta biết làm những gì, cô ta bèn há miệng thật lớn để bày ra hàm răng trắng, nói:

- “Biết đánh đàn.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 42:

Người ta thường nói xấu thì giấu đẹp thì khoe, thật đúng như vậy.

Ở đời ai cũng thích đẹp và ai cũng muốn mình đẹp hơn người khác, cho nên ai cũng muốn khoe khoang mình, cái khoe khoang này, theo tu đức học mà nói là kiêu ngạo hoặc là tự ái﹝自愛﹞, tự ái tức là yêu mình..

Đẹp không phải là tội kiêu ngạo, có tài năng không phải là tội kiêu ngạo, nhưng nó sẽ trở thành tội kiêu ngạo khi chúng ta dùng sắc đẹp của mình để hại người, dùng tài năng của mình để làm những điều trái với lương tâm và luân lý; cũng vậy, xấu không phải là nhân đức khiêm nhường, vô tài bất tướng cũng không phải là sự khiêm hạ, bởi vì có nhiều người hình dáng không được đẹp cho lắm, nhưng vẫn cứ kiêu ngạo cho mình là đẹp hơn người khác, rồi thì cứ sống vênh váo không nhận ra được mình là ai…

Đối với người Ki-tô hữu thì đẹp hay xấu cũng đều tốt cả, cái nên giấu nên cất nên diệt trừ là cái khuyết điểm của mình; cái nên bày ra cho mọi người thấy là đức ái và tinh thần phục vụ của mình đối với tha nhân, với anh em đồng loại bằng sự khiêm tốn của mình.

Có hàm răng trắng mà cứ há miệng cho lớn để khoe khoang khi trò chuyện với người khác, thì chẳng đẹp tí nào cả, xấu thêm thì có, nhưng trái lại, có hàm răng đen nhưng ăn nói nhỏ nhẹ dễ thương thì lại đẹp và duyên dáng hơn, bởi vì không ai ghét cái xấu bẩm sinh của người khác, mà chỉ ghét cái làm điệu làm bộ với thái độ kiêu ngạo mà thôi.

Có răng trắng thì vui mà có răng đen cũng nên vui, vì răng đen hay răng trắng cũng đều sẽ rụng sẽ gãy, và khi về già thì tất cả đều móm mém như nhau mà thôi, ha ha ha…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Năm ngày 13/5 – Lễ Đức Mẹ Fatima – Suy niệm: Linh mục Xuân Đường CSsr.
Giáo Hội Năm Châu
23:42 11/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 12-May-2021 theo giờ Việt Nam

(13.5.2020 – Lễ Đức Mẹ Fatima)
Lời Chúa: Lc 11, 27-28
Khi Ðức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: “Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”,
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Antony Anandarayar qua đời vì coronavirus
Đặng Tự Do
06:57 11/05/2021
Trong một diễn biến thật đáng buồn, Đức Cha Antony Anandarayar, là Tổng Giám Mục hiệu tòa của Pondicherry-Cuddalore, Ấn Độ, đã qua đời vì COVID-19 hôm thứ Ba, ở tuổi 76. Cái chết của ngài xảy ra trong bối cảnh gia tăng ở mức kinh hoàng các trường hợp COVID trên tiểu lục địa này.

Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, gọi tắt là CCBI, cho biết:

“Đức Tổng Giám Mục Anandarayar qua đời khi đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện St. Thomas, ở Chennai. Ngài đã nhập viện để điều trị COVID-19 và tình trạng sức khỏe của ngài xấu đi rất nhanh vào sáng thứ Ba”.

Đức Tổng Giám Mục được an nghỉ vào ngày hôm sau, ngày 5 tháng 5, tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Pondicherry.

Hôm thứ Ba 4 tháng 5, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ hai, sau Hoa Kỳ, vượt quá 20 triệu trường hợp nhiễm COVID-19. Tính đến thứ Năm, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy cả nước có hơn 21 triệu trường hợp mắc bệnh. Số người chết hàng ngày bắt đầu tăng vào đầu tháng 4, nâng tổng số bây giờ lên hơn 230,000 người. Các bệnh viện đã phải vật lộn để tiếp nhận bệnh nhân và cung cấp oxy.

Hôm thứ Ba, Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông, gọi tắt là CNEWA, đã công bố một chiến dịch viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ để giúp Giáo hội địa phương ứng phó với cuộc khủng hoảng đang ngày càng leo thang.

Chủ tịch CNEWA Peter Vaccari cho biết trong một lời kêu gọi các nhà tài trợ: “Chúng ta không thể nhìn thảm họa này diễn ra mà lại dửng dưng, không chia sẻ nỗi đau”.

Cordula Wasser, Trưởng phòng Á Châu của Hội Hiệp sĩ Malta cho biết: “Tin tức chúng tôi nhận được từ Ấn Độ thật đáng sợ. Mọi người đang chết trước các bệnh viện vì không có sức chứa. Thiếu oxy, thiếu giường chăm sóc đặc biệt và thiết bị y tế. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp đỡ ngay bây giờ”.
Source:Aleteia
 
Toàn văn Tự Sắc Antiquum Ministerium thiết lập Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
14:29 11/05/2021

Hôm thứ Ba 11 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc Antiquum Ministerium, nghĩa là Thừa Tác Vụ Cổ Kính, nhằm thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên trong Giáo Hội Công Giáo.

Tự sắc được giới thiệu trong cuộc họp báo, do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin mừng chủ tọa tại Phòng báo chí Tòa thánh.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

1. Giáo lý viên trong Hội thánh là một Thừa Tác Vụ cổ kính. Các nhà thần học thường cho rằng những ví dụ đầu tiên [về thừa tác vụ này] đã có mặt trong các bản văn Tân Ước. Sứ vụ dạy giáo lý có thể truy nguyên đến những “thầy dạy” mà Tông đồ Phaolô đã đề cập trong thư gửi cộng đoàn Côrinhtô: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả”. (1 Cr 12: 28-31).

Thánh Luca bắt đầu Tin Mừng của ngài bằng cách nói rõ: “Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài Thêôphilô, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.” ( Lc 1: 3-4). Vị Thánh Sử dường như nhận thức rõ rằng các bài viết của ngài đưa ra một hình thức hướng dẫn cụ thể có thể bảo đảm chắc chắn cho những người đã được rửa tội. Về phần mình, Tông đồ Phaolô nói với các tín hữu thành Galát rằng: “Người được học Lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình” (Gal 6: 6). Rõ ràng là văn bản này cung cấp thêm một chi tiết khác; nó đề cập đến sự hiệp thông trong cuộc sống như một dấu chỉ cho thành quả của việc dạy giáo lý đích thực.

2. Ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu được đặc trưng bởi nhiều hình thức thừa tác vụ khác nhau do những người nam và những người nữ thực hiện, là những người vâng phục công việc của Chúa Thánh Thần, đã hiến dâng cuộc đời của mình cho việc xây dựng Giáo Hội. Đôi khi, những đặc sủng mà Thánh Linh không ngừng tuôn đổ trên những người được rửa tội đã được thể hiện dưới những hình thái hữu hình và cụ thể trong công việc phục vụ trực tiếp cho cộng đồng Kitô hữu, và được công nhận như một thừa tác vụ không thể thiếu đối với cộng đồng. Tông đồ Phaolô chứng thực điều này một cách có thẩm quyền khi ngài nói rằng “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.” (1Cr 12: 4-11).

Do đó, trong truyền thống đặc sủng rộng rãi hơn của Tân Ước, chúng ta có thể thấy rằng một số người được rửa tội nhất định đã thi hành sứ vụ truyền đạt giáo huấn của các thánh tông đồ và các thánh sử dưới một hình thức hữu cơ và ổn định hơn liên quan đến các tình huống khác nhau trong cuộc sống (xem Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 8). Giáo Hội muốn nhìn nhận việc phục vụ này như là một biểu hiện cụ thể của một đặc sủng cá nhân góp phần to lớn vào việc thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình. Cái nhìn này về đời sống của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tham gia vào việc truyền bá Phúc âm cũng khuyến khích Giáo Hội trong thời đại chúng ta đánh giá cao những cách thức mới khả thi để Giáo Hội luôn trung thành với lời Chúa sao cho Tin Mừng của Ngài có thể được rao giảng cho mọi tạo vật..

3. Lịch sử truyền giáo trong hơn hai thiên niên kỷ qua cho thấy rõ hiệu quả của sứ vụ các giáo lý viên. Các giám mục, linh mục và phó tế, cùng với nhiều nam nữ tu sĩ sống đời thánh hiến, đã cống hiến cuộc đời của mình cho việc hướng dẫn giáo lý để đức tin trở thành một hỗ trợ hữu hiệu cho cuộc sống của mỗi con người. Một số người trong số họ cũng tập hợp xung quanh mình những người khác trong số anh chị em của họ có cùng đặc sủng, và thành lập các dòng tu chuyên trách việc dạy giáo lý.

Chúng ta cũng không thể quên vô số anh chị em nam nữ giáo dân đã trực tiếp tham gia vào việc rao truyền Tin Mừng qua việc dạy giáo lý. Họ là những người nam và người nữ có đức tin sâu sắc, những chứng nhân đích thực của sự thánh thiện, và trong một số trường hợp, họ cũng là những người sáng lập các cộng đoàn Giáo Hội và cuối cùng chết như những người tử vì đạo. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, nhiều giáo lý viên có năng lực và tận tụy là những người lãnh đạo cộng đồng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới và thực hiện một sứ mệnh vô giá là truyền bá và tăng trưởng đức tin. Hàng dài các chân phước, các thánh và các vị tử đạo là giáo lý viên đã nâng cao đáng kể sứ mệnh của Giáo Hội và xứng đáng được ghi nhận, vì nó tiêu biểu cho một nguồn tài nguyên phong phú không chỉ cho việc dạy giáo lý mà còn cho toàn bộ lịch sử linh đạo Kitô giáo.

4. Bắt đầu từ Công Đồng Chung Vatican II, Giáo Hội đã đánh giá lại tầm quan trọng của việc giáo dân tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Các Nghị Phụ Công Đồng đã nhiều lần nhấn mạnh đến nhu cầu lớn lao đối với các tín hữu giáo dân phải tham gia trực tiếp, bằng nhiều cách khác nhau tùy theo đặc sủng của họ, trong việc hình thành cộng đoàn Giáo Hội (“plantatio Ecclesiae”) và sự phát triển của cộng đồng Kitô hữu. “Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi Muôn Dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.”(xem Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 17).

Cùng với giáo huấn quan trọng của Công đồng, cần đề cập đến sự quan tâm thường xuyên của các Đức Giáo Hoàng, các Thượng hội đồng Giám mục, các Hội đồng Giám mục và cá nhân các Giám mục, là những người, trong những thập kỷ gần đây đã góp phần vào việc đổi mới đáng kể việc dạy giáo lý. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Tông huấn Catechesi Tradendae - Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, Chỉ Nam Việc Dạy Giáo Lý, Hướng dẫn Tổng quát về Dạy Giáo lý và Chỉ Nam Giáo Lý gần đây, cũng như nhiều sách Giáo lý cấp quốc gia, khu vực và giáo phận, đã xác nhận tính trung tâm của một nền huấn giáo dành ưu tiên cho việc giáo dục và đào tạo liên tục các tín hữu.

5. Dù không đánh giá thấp sứ mệnh của Giám mục với tư cách là giáo lý viên chính trong Giáo phận của ngài, là nhiệm vụ mà ngài chia sẻ với linh mục đoàn của ngài, cũng không coi nhẹ trách nhiệm cụ thể của các bậc cha mẹ đối với việc đào tạo đức tin Kitô cho con cái của họ (xem Giáo luật nghi lễ Latinh, gọi tắt là CIC, số 774 §2; Giáo luật nghi lễ Đông phương, gọi tắt là CCEO, số 618), chúng ta cũng nên công nhận những người nam và nữ giáo dân cảm thấy được kêu gọi nhờ phép rửa tội của họ để hợp tác trong công việc dạy giáo lý (xem CIC số 225; CCEO số 401 và 406). Ngày nay, sự hiện diện này càng cấp thiết hơn vì chúng ta ngày càng nhận thức được nhu cầu truyền giáo trong thế giới đương đại (xem Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Phúc Âm, 163-168), và sự trỗi dậy của một nền văn hóa toàn cầu hóa (xem Thông điệp Fratelli Tutti, 100, 138). Điều này đòi hỏi sự tương tác thực sự với những người trẻ, đó là chưa kể đến nhu cầu phải có các phương pháp luận sáng tạo và các nguồn lực có khả năng thích ứng việc loan báo Tin Mừng với sự biến đổi truyền giáo mà Giáo Hội thực hiện. Trung thành với quá khứ và trách nhiệm với hiện tại là những điều kiện cần thiết để Giáo Hội thực hiện sứ mệnh của mình trên thế giới.

Đánh thức lòng nhiệt thành cá nhân từ phía tất cả những người đã được rửa tội và làm sống lại ý thức về lời kêu gọi của họ để thực hiện một sứ mệnh thích hợp trong cộng đồng đòi hỏi sự chú ý lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh, Đấng luôn hiện diện và sinh hoa trái (xem CIC số 774 §1; CCEO số 617). Ngày nay, Thánh Linh cũng đang kêu gọi những người nam và người nữ lên đường và gặp gỡ tất cả những ai đang chờ đợi để khám phá vẻ đẹp, sự tốt lành và chân lý của đức tin Kitô giáo. Các mục tử có nhiệm vụ hỗ trợ họ trong tiến trình này và làm phong phú đời sống của cộng đồng Kitô thông qua việc công nhận các thừa tác vụ giáo dân có khả năng đóng góp vào sự biến đổi xã hội thông qua việc “thâm nhập các giá trị Kitô vào các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế.” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 102).

6. Hoạt động tông đồ giáo dân chắc chắn là “thế tục”. Nó đòi hỏi giáo dân “tìm kiếm Nước Trời bằng cách tham gia vào các công việc trần thế và hướng dẫn chúng theo ý muốn của Thiên Chúa” (xem Công Đồng Chung Vatican II - Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 31). Trong cuộc sống hàng ngày, đan xen với các mối quan hệ gia đình và xã hội, người giáo dân nhận ra rằng họ “được ban cho ơn gọi đặc biệt này: đó là làm cho Giáo Hội hiện diện và sinh hoa kết quả trong những nơi và những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ, Giáo Hội mới có thể trở thành muối của thế gian” (thượng dẫn, 33). Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng ngoài việc tông đồ này, “giáo dân có thể còn được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm, giống như những tín hữu nam nữ đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ Tông đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm (thượng dẫn)

Vai trò của các giáo lý viên là một hình thức phục vụ cụ thể giữa những công việc khác trong cộng đồng Kitô. Các giáo lý viên trước hết được kêu gọi trở thành chuyên gia trong công tác mục vụ truyền đạt đức tin khi đức tin phát triển qua các giai đoạn khác nhau, từ việc công bố Tin Mừng ban đầu, cho đến việc hướng dẫn nhằm trình bày cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô, và chuẩn bị cho các bí tích khai tâm Kitô, và sau đó là việc đào tạo tiếp tục ngõ hầu mỗi người có thể giải thích về niềm hy vọng bên trong tâm hồn họ (xem 1 Pr 3:15). Đồng thời, mỗi giáo lý viên phải là một chứng nhân cho đức tin, một người thầy và một nhà khai tâm đức tin, một người bạn đồng hành và một nhà sư phạm, là người giảng dạy cho Giáo Hội. Chỉ qua cầu nguyện, học tập và tham gia trực tiếp vào đời sống của cộng đoàn, họ mới có thể lớn lên trong căn tính này cũng như trong sự chính trực và trách nhiệm mà nó đòi hỏi (x. Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc âm hóa, Chỉ Nam Giáo lý, 113).

7. Với tầm nhìn xa trông rộng, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã ban hành Tông thư Ministeria Quaedam - Một Số Thừa Tác Vụ - với ý định không chỉ nhằm điều chỉnh các thừa tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi (xem Tông thư Spiritus Domini – Thần Khí Chúa), mà còn khuyến khích các Hội đồng Giám mục cổ vũ cho các các thừa tác vụ khác, bao gồm thừa tác vụ Huấn Giáo. “Bên cạnh các thừa tác vụ chung cho toàn thể Giáo Hội Latinh, không có gì ngăn cản các Hội đồng Giám mục yêu cầu Tòa thánh thiết định những thừa tác vụ khác, vì những lý do cụ thể, mà các ngài cho là cần thiết hoặc rất hữu ích trong khu vực của các vị. Trong số này, ví dụ, có các tác vụ Giữ Cửa [Nhà thờ], Trừ Tà và Huấn Giáo”. Lời mời gọi khẩn thiết tương tự cũng được tìm thấy trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi - Loan Báo Tin Mừng; trong việc kêu gọi phân định các nhu cầu hiện tại của cộng đồng Kitô hữu trong sự liên tục trung thành với nguồn gốc của nó, Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích việc phát triển các hình thức thừa tác vụ mới cho việc canh tân hoạt động mục vụ. “Những thừa tác vụ như thế, tuy có vẻ mới mẻ, nhưng gắn liền với những kinh nghiệm mà Giáo Hội đã trải qua trong suốt lịch sử. Chúng ta có thể kể đến thừa tác vụ dạy giáo lý… rất quý báu cho việc thành lập và tăng trưởng của Giáo Hội cũng như cho việc soi sáng cho những người chung quanh và cả đến những người ở xa Giáo Hội.” (Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Tông huấn Evangelii Nuntiandi – Loan Báo Tin Mừng, 73).

Chắc chắn, “ngày càng có nhiều nhận thức về bản sắc và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội. Quả thật chúng ta có thể trông cậy vào nhiều giáo dân, mặc dù vẫn chưa đủ, những người có ý thức sâu xa về cộng đồng và trung thành tuyệt đối với các nhiệm vụ bác ái, dạy giáo lý và cử hành đức tin” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 102). Theo đó, việc tiếp nhận một thừa tác vụ giáo dân như Giáo lý viên sẽ nhấn mạnh hơn nữa đến cam kết truyền giáo thích hợp cho mỗi người đã được rửa tội, tuy nhiên, đó là một dấn thân phải được thực hiện một cách hoàn toàn “thế tục”, tránh mọi hình thức giáo sĩ hóa.

8. Mục vụ này có một khía cạnh chuyên nghiệp nhất định, được chứng minh qua Nghi thức Trao Tác Vụ, và do đó, đòi hỏi Giám mục phải có sự phân định thích đáng. Trên thực tế, đó là một hình thức phục vụ ổn định được cung cấp cho Giáo Hội địa phương phù hợp với các nhu cầu mục vụ được xác định bởi đấng bản quyền địa phương, nhưng là một hình thức được thực hiện như một công việc của giáo dân, theo yêu cầu của chính bản chất thừa tác vụ này. Thật phù hợp khi những người được gọi vào thừa tác vụ Giáo lý viên là những người nam và người nữ có đức tin sâu sắc và sự trưởng thành nhân bản, là những người tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu, có khả năng chào đón người khác, quảng đại và sống một đời sống hiệp thông huynh đệ. Họ cũng cần được đào tạo phù hợp về kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm để trở thành những người truyền đạt có năng lực cho chân lý đức tin và họ phải có một số kinh nghiệm trước đây về việc dạy giáo lý (xem Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 14; CIC số 231 §1; CCEO số 409 §1). Điều cần thiết là họ phải là những người cộng tác trung thành với các linh mục và phó tế, chuẩn bị thi hành chức vụ của mình ở bất cứ nơi nào có thể thấy cần thiết và được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tông đồ thực sự.

Vì vậy, sau khi đã cân nhắc mọi sự, và theo thẩm quyền tông đồ của mình

Tôi quyết định thành lập Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên

Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích trong thời gian ngắn tới đây sẽ lo liệu công bố Nghi thức trao thừa tác vụ giáo dân giáo lý viên.

9. Tôi mời gọi các Hội đồng Giám mục hãy hữu hiệu hóa thừa tác vụ giáo lý viên, thiết định chương trình huấn luyện cần thiết và những tiêu chuẩn lựa chọn để tín hữu có thể lãnh nhận thừa tác vụ này, và tìm ra những hình thức thích hợp nhất cho việc phục vụ mà các giáo lý viên được kêu gọi thi hành, phù hợp với nội dung của Tông thư này.

10. Thượng Hội đồng của các Giáo Hội Phương Đông hoặc các Hội Đồng Giáo Phẩm có thể chọn lọc những gì được thiết lập ở đây cho các Giáo Hội thuộc thẩm quyền của các vị, và phù hợp với luật cụ thể của các ngài.

11. Các giám mục nên cố gắng hết sức để tuân theo lời khuyến dụ của các Nghị phụ Công đồng: “Các mục tử… phải biết mình được Chúa Kitô thiết định không phải để một mình lãnh nhận tất cả gánh nặng sứ vụ cứu độ của Giáo hội đối với thế giới. Thay vào đó, họ phải đánh giá cao nhiệm vụ cao cả của mình là chăn dắt các tín hữu, đồng thời nhìn nhận các tác vụ và đặc sủng của anh chị em giáo dân để tất cả theo những cách riêng biệt, nhưng đồng tâm nhất trí, hợp tác trong nhiệm vụ chung” (Lumen Gentium, 30 ). Ước gì việc phân biệt những ân sủng mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban cho Giáo Hội sẽ duy trì nỗ lực của các ngài trong cố gắng làm cho thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân có hiệu quả đối với sự phát triển cộng đoàn của các ngài.

Những gì tôi đã đề cập đến trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc này, tôi truyền rằng nó có sức mạnh vững chắc và ổn định, bất chấp bất cứ điều gì ngược lại, ngay cả khi điều đó đáng được đề cập đặc biệt, và truyền công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma, và có hiệu quả thi hành ngay lập tức, và sau đó được xuất bản trong công báo chính thức của Tòa Thánh Acta Apostolicae Sedis.

Làm tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Rôma vào ngày 10 tháng 5 năm 2021, Lễ Thánh Gioan Thành Avila, Linh mục và Tiến sĩ Hội Thánh, trong năm thứ chín triều Giáo hoàng của tôi.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Source:Holy See Press Office
 
Tám người bị giết trong vụ nổ súng ở một trường học Nga
Thanh Quảng sdb
16:10 11/05/2021
Tám người bị giết trong vụ nổ súng ở một trường học Nga

Nhà chức trách Nga cho hay một tay súng trẻ tuổi đã tấn công vào một trường học ở thành phố Kazan Nga, giết chết 8 người - 7 học sinh lớp 8 và một giáo viên. Khoảng 21 người khác bị thương. Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ sự phẫn nộ về vụ tấn công đẫm máu này và ra lệnh nghiêm ngặt về các quy định cho phép xử dụng vũ khí.

(Tin Vatican - Stefan J. Bos)

Kazan một thành phố nằm về phía đông thủ đô Moscow khoảng 700 cây số.

Ông Rustam Minnikhanov, Thống đốc của Tiểu bang Tatarstan, mà Kazan là thủ phủ cho biết có 4 học sinh nam và 3 nữ, tất cả là học sinh lớp 8, đã thiệt mạng trong vụ xả súng. Phòng báo chí của Minnikhanov sau đó cho biết thêm có một giáo viên cũng bị thiệt mạng.

Thống đốc Tiểu bang cho hay tay súng 19 tuổi, người mà ông liệt vào hạng khủng bố, đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, động cơ nào khiến hắn hành động như thế thì chưa được biết tới!

Thống đốc cũng xác nhận một khẩu súng đã được đăng ký dưới tên của thanh niên ấy. Ông ta cho rằng những đồng phạm khác chưa được xác định nhưng "một cuộc điều tra đang được tiến hành."

Trong vụ xả súng, một số học đã tìm chỗ trốn, và nhiều học sinh còn mắc kẹt ở những nơi ẩn núp, trước khi lực lượng an ninh cảnh sát Nga tiến vào trường.

Tổng Thống Puttin ngỡ ngàng

Khi số người chết tăng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi những phân ưu chia buồn tới gia đình các nạn nhân của vụ xả súng vào trường học gây chấn động đất nước này! Ông ra lệnh cho chính phủ hãy hỗ trợ các gia đình nạn nhân và người bị thương.

Tổng thống Putin cũng yêu cầu tướng Victor Zolotov, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, hãy tu chính lại các quy định về việc xử dụng vũ khí của dân sự.

Các nhà chức trách cho biết các biện pháp an ninh bổ sung ngay lập tức được áp dụng tại tất cả các trường học ở Kazan.

Bộ Y tế của Nga đã khẩn cấp cử một máy bay cùng các bác sĩ và thiết bị y tế đến Kazan. Hai quan chức hàng đầu, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko và Bộ trưởng Giáo dục Sergei Kravtsov, cũng bay tới hiện trường!

Các vụ xả súng vào các trường học là rất hiếm ở Nga, dù có một số vụ tấn công bạo lực nhằm vào các trường học trong những năm gần đây! Và các vụ xả súng vào trường học chủ yếu do học sinh thực hiện.
 
Hỏi đáp về Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên - Cuộc họp báo tại Vatican
Đặng Tự Do
17:22 11/05/2021
Hôm thứ Ba 11 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên, qua Tông Thư dưới dạng Tự Sắc Antiquum Ministerium, nghĩa là “Thừa Tác Vụ Cổ Kính”

Bạn có thể thắc mắc thừa tác vụ này là gì và nó dành cho ai. Trong phần giải thích này, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, tóm tắt những câu trả lời về thừa tác vụ mới này từ cuộc họp báo do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella chủ tọa.

Thừa tác vụ giáo lý viên mới được thiết lập có nghĩa là gì?

Thưa: Một thừa tác vụ được thiết đặt là một loại hình thái phục vụ chính thức, chuyên nghiệp trong Giáo Hội Công Giáo. Thừa tác vụ ấy có thể dành cho giáo dân, chẳng hạn như đọc sách hoặc giúp lễ, hoặc được dành cho những người được thụ phong, chẳng hạn như phó tế hoặc linh mục.

Thừa tác vụ giáo lý viên mới được thành lập dành cho những giáo dân có ơn gọi đặc biệt phục vụ Giáo Hội Công Giáo với tư cách là người giảng dạy đức tin.

Thừa tác vụ này là “ổn định” có nghĩa là nó tồn tại trong suốt cuộc đời, không phụ thuộc vào việc người đó có tích cực thực hiện hoạt động đó trong mọi phần của cuộc đời mình hay không.

Nhưng các giáo lý viên đã tồn tại. Điều này khác biệt như thế nào?

Thưa: Nhiều giáo lý viên ngày nay phục vụ Giáo hội ở cấp giáo xứ, nhưng thừa tác vụ giáo lý viên được thiết lập sẽ gắn liền với giáo phận và do giám mục giáo phận quản lý.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella giải thích trong một cuộc họp báo ở Vatican ngày 11 tháng 5 rằng “qua việc thiết lập một thừa tác vụ, Giáo hội xác nhận rằng người được trao cho đặc sủng đó đang thực hiện cho cộng đồng một sự phục vụ giáo hội đích thực”.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, là cơ quan giám sát các thừa tác vụ được thiết lập trong Giáo hội.

Việc thiết lập thừa tác vụ này, cùng với các tác vụ đọc sách và giúp lễ, “sẽ giúp cho anh chị em giáo dân được chuẩn bị tốt hơn trong việc truyền đạt đức tin”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng giáo lý viên được trao tác vụ chuyên lo việc truyền đạt đức tin qua việc rao truyền và giảng dạy - họ không có bất kỳ trách nhiệm phụng vụ nào.

Giáo lý viên cộng tác với giám mục địa phương và các linh mục trong việc giảng dạy đức tin cho cộng đồng địa phương. Và điều đó có thể là một lợi ích rất lớn ở những nơi khan hiếm linh mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô “nhận thức rõ rằng nhiều khu vực ở Mỹ Châu Latinh và Phi Châu ngày nay vẫn có các giáo lý viên đứng đầu cộng đồng”, Đức Giám Mục Fisichella nói. Ngài nhấn mạnh tính chất độc đáo của mỗi thừa tác vụ, lưu ý rằng chúng không thể thay thế cho nhau.

“Ở đây có rất nhiều điều mới trong thừa tác vụ này. Những người nam nữ được kêu gọi để thể hiện ơn gọi rửa tội của họ theo cách tốt nhất có thể, không phải để thay thế cho các linh mục hay những người thánh hiến, nhưng với tư cách là những giáo dân đích thực, trong bản chất đặc biệt nơi thừa tác vụ của họ, có thể trải nghiệm đầy đủ ơn gọi làm chứng nhân và phục vụ hữu hiệu các ơn gọi từ phép rửa của họ trong cộng đồng và thế giới”.

Ai đủ tiêu chuẩn để được gia nhập thừa tác vụ giáo lý viên?

Thưa: Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng một giáo dân được kêu gọi để trở thành giáo lý viên phải có “đức tin sâu sắc và sự trưởng thành nhân bản”, là một người tích cực tham gia vào đời sống của cộng đồng Kitô, và “có khả năng chào đón người khác, quảng đại và sống đời sống hiệp thông huynh đệ”.

Các Hội đồng Giám mục sẽ chịu trách nhiệm quyết định “tiến trình hình thành cần thiết và các tiêu chuẩn để được nhận vào thừa tác vụ mới”.

Từng cá nhân các giám mục được giao nhiệm vụ xác định các ứng viên thích hợp trong lãnh thổ riêng của các ngài, và bảo đảm họ được chuẩn bị thích hợp thông qua “sự đào tạo phù hợp về kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm”.

Kinh nghiệm dạy giáo lý trước cũng là một điều kiện tiên quyết.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella nói rằng “điều hiển nhiên là không phải tất cả những ai là giáo lý viên ngày nay đều có thể được trao thừa tác vụ giáo lý viên”.

“Quan trọng nhất chính là chiều kích chuyên nghiệp trong đó hàm ý một sự sẵn sàng để phục vụ Giáo Hội nơi vị giám mục coi là có lợi nhất. Các chức vụ không được ban cho để thỏa mãn cá nhân, nhưng để phục vụ cho Giáo hội địa phương, nơi giám mục cho rằng sự hiện diện của giáo lý viên là cần thiết”.

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican sẽ công bố Nghi thức Trao Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên. Nghi thức này sẽ được công bố “trong một thời gian ngắn”.

Ý tưởng thừa tác vụ giáo lý viên xuất phát từ đâu?

Thưa: Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh lịch sử của giáo lý viên, bắt đầu với Thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho tín hữu Côrinhtô, đề cập đến “những thầy dạy” trong cộng đồng Kitô tiên khởi

Ngài nói rằng các giáo lý viên đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng việc truyền giáo của Giáo hội trong những thế kỷ tiếp theo và ghi nhận sự đánh giá mới đối với các giáo lý viên giáo dân trong công cuộc loan báo Tin Mừng sau Công Đồng Vatican II.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết Hội Đồng Giáo Hoàng của ngài, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nghiên cứu thể chế của thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân trong hơn năm năm với sự cộng tác của các Hội Đồng Giám Mục và các chuyên gia.
Source:Catholic News Agency
 
Tổng kết hội nghị Vatican về Khám phá Tâm trí, Thân xác và Linh hồn, Hợp nhất để Phòng ngừa, Hợp nhất để Chữa trị
Vũ Văn An
18:53 11/05/2021

Hội nghị ảo về Khám phá Tâm trí, Thân xác và Linh hồn, Hợp nhất để Phòng ngừa, Hợp nhất để Chữa trị, do Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hóa và Qũy Cura đứng ra tổ chức đã kết thúc vào Chúa nhật qua, sau 3 ngày sinh hoạt.

Dù Edward Pentin của National Catholic Register phê phán về thành phần tham dự và nguồn tài trợ đáng nghi ngờ vì có dính dáng đến đại họa phá thai, nhưng bình tâm mà xét, hội nghị này nói lên thái độ nhập cuộc và đề cao nguyên tắc đa nguyên, một nguyên tắc được Tòa Thánh hết lòng cổ vũ. Ngoài nền tảng yêu thương phổ quát, cũng còn lý do thực tiễn: mình đang bị thế tục đẩy vào phòng riêng, bị hạn chế tối đa ở quảng trường công cộng, không tự ý có sáng kiến đi vào quảng trường công cộng, hòa nhập với thế tục, thì ngày càng bị cô lập mà thôi. Vả lại, đề tài này là một tổng hợp mà mọi người, bất cứ ai cũng có thể đóng góp.



Ngày thứ nhất

Quả thế, ngày đầu tiên, 6 tháng 5, Anthony Fauci và Deepak Chopra đã đóng góp. Theo hãng tin CNA, Fauci nói về sự diễn biến trong đáp ứng của cộng đồng khoa học đối với sự bùng phát của coronavirus và sự khác nhau giữa việc hành động dựa trên bản năng và hành động dựa trên dữ kiện. Trả lời một câu hỏi của ký giả Sanjay Gupta của CNN, Fauci thừa nhận phải bắt đầu bằng một niềm tin nào đó “khi bạn bắt đầu từ số không”. Tuy nhiên, “khi có sẵn nhiều thông tin khoa học hơn, bạn phải rút lui một chút khỏi kinh nghiệm, bản năng, và đi vào thực tại của bằng chứng bạn có”.

Dĩ nhiên, chủ tịch của Qũy Cura, Robin Smith, và chủ tịch Hội Đồng Văn hóa, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, đã có những nhận định khai mạc. Đức Hồng Y nói rằng “thân xác là thực tại nền tảng của hiện hữu và thông đạt nhân bản” và nhắc đến mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo, mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài nói hội nghị được tổ chức xoay quanh 3 chủ đề được ngài mô tả như 3 ngôi sao lấp lánh trên bầu trời: thân xác, linh hồn và tâm trí. Ngài cũng nói thêm rằng hội nghị sẽ bao gồm cuộc đối thoại với các nhà chuyên môn và nhiều người khác nhau về các chủ đề này, và viễn kiến của người ta về các chủ đề này dĩ nhiên là khác nhau.

Deepak Chopra, nhân vật hàng đầu trong phong trào Tân Đại (New Age) tham dự cuộc thảo luận với bác sĩ Rudolf Tanzi về chứng viêm và bộ não do nhà giải phẫu và nhân tài truyền hình, Bác sĩ Mehmet Oz, phối hợp. Trong bối cảnh các căn bệnh thần kinh như Alzheimer, Lou Gehrig, và Parkinson, Chopra cho các lời khuyên về lối sống để giảm thiểu chứng viêm do căng thẳng, trong đó, có giấc ngủ tốt, phối hợp tâm trí và thân xác, luyện tập, linh động xúc cảm, thức ăn, có ý có tứ (mindfulness), và yoga.

Oz hỏi Chopra về “vai trò của tâm trí trong việc chữa lành thân xác”. Chopra trả lời: “một trong các vấn đề nền tảng trong khoa học có tên là ‘vấn đề khó hiểu về ý thức’ [consciousness]: Chúng ta trải nghiệm ra sao các tư tưởng, cảm giác, xúc cảm, cái nhìn thông sáng, trực giác, cảm hứng, óc sáng tạo, viễn kiến, thậm chí lòng kính sợ Thiên Chúa?” Vấn đề, theo ông, là “bộ não làm tất cả những điều đó ra sao? Tâm trí thúc đẩy bộ não hay bộ não thúc đẩy tâm trí? Hiện nay, cuộc đàm luận dường như là chẳng có cái nào thúc đẩy cái nào”.

Theo Chopra, “ý thức có tính nền tảng hơn. Chúng ta trải nghiệm nó một cách chủ quan như là tâm trí và chúng ta trải nghiệm nó một cách khách quan như là thân xác và bộ não, nhưng bộ não là một phần của thân xác”.

Ông cho rằng “ý thức” là điều “các truyền thống tâm linh gọi là linh hồn và các nhà khoa học về nhận thức gọi là tác nhân hữu thức (conscious agent).

Oz hỏi Chopra “điều gì mang lại cho ông yếu tính đó, linh hồn đó? Trong vũ trụ học của ông, nó phát xuất từ đâu?”

Chopra trả lời: “hiện nay, các nhà khoa học về nhận thức, tức những người tin vào khuôn mẫu này, nói rằng linh hồn, hay tác nhân hữu thức này, là một khía cạnh của ý thức phổ quát mà các tôn giáo có lẽ gọi Thiên Chúa. Ông gọi nó là gì, điều ấy không quan trọng... có một lãnh vực hữu thức, ý thức nằm ở bên dưới, nó tự điều biến (modulate) và tự dị biệt hóa thành các tác nhân hữu thức mà chúng ta gọi là linh hồn”.

Ngày thứ hai

Hai diễn giả được chú ý vào ngày thứ hai là Chelsea Clinton và Francis Collins. Theo CNA, Clinton kêu gọi phải ra qui định cho “nội dung chống vắcxin” trên các phương tiện truyền thông xã hội nhân cuộc thảo luận về việc xây dựng một hệ thống sức khỏe công bình hơn sau đại dịch coronavirus.

Chelsea, phó chủ tịch của qũy Clinton, suy tư về con số đông đảo những người không chịu chích vắcxin chống Covid-19. Cô cho rằng trong số này có những người chưa chịu chích lúc này và những người bác bỏ việc chích ngừa. Và cô cho biết Qũy Clinton tìm cách vươn tới cả hai loại người này. Cô nói: “chúng tôi vốn làm việc với một số cộng đồng tôn giáo khác nhau, trong đó có nhiều cộng đồng Công Giáo, để thực sự giúp bảo đảm rằng bất cứ ai có thể đàm thoại cũng có thể đánh phủ đầu hay trả lời bất cứ câu hỏi nào của người ta, thậm chí đối với những người hiện đang ở trong nhóm bác bỏ tiếp nhận một sứ điệp như ‘vắcxin đang chờ đợi các bạn, và những người chích vắcxin cũng thế,bất cứ lúc nào các bạn cảm thấy thoải mái. Và chúng tôi tiếp tục vươn tay ra giúp các bạn cảm thấy thoải mái’”.

Sở dĩ cô nhấn mạnh đến việc quốc tế phải ra qui định về nội dung của các phương tiện truyền thông xã hội về vắcxin, vì “các video phổ biến nhất khắp Châu Mỹ Latinh trong ít tuần qua và hiện có cả hàng chục triệu người coi, hoàn toàn có tính cách chống vắcxin, chống khoa học được trình chiếu mà YouTube không chịu lấy xuống”.

Cô cho biết thêm “nội dung chống vắcxin tạo ra ở Hoa Kỳ, chẳng may, đã trăm hoa đua nở khắp thế giới, qua các ngả như WhatsApp, Facebook, Instagram...Và chúng ta biết rằng, như chính tôi đã thử, kêu gọi ban lãnh đạo các công ty này làm đúng đã không thành công, nên chúng ta cần ra qui định”.

Trước đó, Bác sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) và là thành viên của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học đã phát biểu rằng cuộc khủng hoảng y tế là điều hiển nhiên xét về số người bị nhiễm virút và chết vì nó.

Nhưng, ông nói “Nó cũng làm gián đoạn chúng ta về tâm linh, vì nó tạo ra rất nhiều lao đao, về mặt sức khỏe tâm thần, lo lắng, trầm cảm, kể cả cảm thức sáo trộn căng thẳng hậu chấn thương (Post-traumatic stress disorder) của những người mắc đi mắc lại chứng này”.

Lên tiếng từ văn phòng của mình, nơi ông cho hay ông sống như một “vị ẩn tu”, Collins cho biết dù khoa học xem ra cung cấp cho ta hy vọng tốt nhất để thoát khỏi đại dich, nhưng nó không thể trả lời mọi câu hỏi sâu xa nhất của con người về ý nghĩa của đau khổ.

Ông nói, “niềm hy vọng mà chúng ta muốn cung ứng hiện nay phát xuất nhiều cách từ khoa học, nhưng có một điều tôi vốn ngụp lặn hàng ngày: việc khai triển các vắcxin này sở dĩ tiến triển nhanh chóng phi thường, với hiệu năng và an toàn cao một cách bất ngờ và hết sức đáng chú ý chính là một đáp ứng của cầu nguyện, ta có thể nói như thế”.

“Nhưng còn có nhiều lao đao khác mà người ta đang chịu đựng, những lao đao mà các vắcxin mà thôi không đương đầu nổi... Cảm thức vô vọng mà nhiều người đã và đang cảm nghiệm, sợ sệt, đó là chỗ tôi nghĩ đức tin là giải pháp tốt hơn nhiều so với những gì người ta vốn dành cho nó”.

Collins, một Kitô hữu tin lành, trước đây là một người vô thần, vốn giám sát việc chính phủ hợp tác với các công ty dược phẩm và các cơ quan chính phủ khác trong việc khai triển vắcxin chống Covid-19.

Ông nhận định rằng ông trải nghiệm nhiều khoảnh khắc khó khăn khi thấy virút lan tràn khắp thế giới, nhưng tìm được an ủi trong Kinh Thánh. Ông nói: “Trong suốt 15 tháng qua, tôi từng có nhiều khoảnh khắc cảm thấy ngã lòng, có lẽ cả một chút vô vọng nữa, rằng virút này tiếp tục thắng cuộc chiến chúng ta đang thua. Và tôi không biết làm gì hơn là cầu xin Thiên Chúa: ‘Sao lại xẩy ra việc này? Liệu có điều gì Chúa có thể làm về nó hay không?’”

“Nhưng khi đọc qua các trang sách Lời Chúa ấy, tức Kinh Thánh, tôi thấy thích dừng lại nhiều ở các Thánh vịnh. Vì nếu qúy vị nghĩ rằng thời ta và việc mình bị lao đao là điều mới lạ, thì, xin qúy vị đi đọc các Thánh vịnh, qúy vị sẽ thấy Đavít và các tác giả khác tạo ra các Thánh vịnh ấy cũng đã đương đầu với chúng rồi”.

“Và tôi tiếp tục trở lại với chúng nhất là các Thánh vịnh như Thánh vịnh 46, một Thánh vịnh xem ra đặc biệt viết cho thời ta. Thánh vịnh 46 bắt đầu như thế này ‘Thiên Chúa là nơi ẩn nàu và sức mạnh của chúng ta, sự trợ giúp mãi mãi trong cơn bĩ cực”. Bĩ cực. Chúng ta đã gặp bĩ cực. Chúng ta vẫn còn đang gặp bĩ cực. Nhưng có lời hứa hẹn này là Thiên Chúa biết điều đó và Người ở với chúng ta, và ở với chúng ta như nơi trú ẩn và sức mạnh”.

Ông nói tiếp: “Nên tôi vui mừng vì vắcxin. Tôi vui mừng vì các tiến bộ lớn lao trong các kỹ thuật chẩn đoán để hiểu rõ virút này ở đâu và ai bị lây nhiễm, và tôi vui mừng vì các tiến bộ điều trị đang diễn ra”.

“Nhưng tôi cũng vui mừng là tôi có lời hứa của một vị Thiên Chúa hiểu nỗi đau khổ, chết trên thập giá trong một kinh nghiệm đau dớn mà không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được bao giờ, và là Đấng làm nơi trú ẩn và sức mạnh cũng như sự trợ giúp mãi mãi của chúng ta trong cơn bĩ cực”.

Ngày thứ hai của hội nghị còn được nghe Brandon Marshall, người từng chơi NFL 13 mùa. Anh suy tư về cuộc tranh đấu của anh với hiện tượng bất ổn nhân cách và mô tả các cố gắng của anh trong việc giúp đỡ những người có nguy cơ tự tử.

Ngày cuối cùng

Chúa nhật 8 tháng 5, ngày kết thúc hội nghị “tâm trí, thân xác và linh hồn” do Tòa Thánh đứng ra tổ chức, Đức Phanxicô và Jane Goodall đều nói về “làm con người có nghĩa gì”.

Theo CNA, trong một sứ điệp video gửi Hội nghị, Đức Phanxicô nói rằng lời của Thánh Augustinô trong cuốn “Tự Thú” quả là vượt thời gian: “Con người tự họ là một hố thẳm [great deep]”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng “Sách thánh, và suy tư triết học và thần học cách riêng, đã sử dụng quan niệm ‘linh hồn’ để định nghĩa sự độc đáo của chúng ta như các hữu thể nhân bản và tính chuyên biệt của nhân vị, vốn bất khả giản lược vào bất cứ sinh vật nào khác và bao gồm sự cởi mở của chúng ta đối với chiều kích siêu nhiên và do đó với Thiên Chúa”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “việc cởi mở đối với thể siêu việt này” có tính nền tảng và “làm chứng cho giá trị vô tận của mỗi nhân vị”

Trong khi đó, nhà nhân chủng học Jane Goodall, nổi tiếng nhờ việc làm của bà với loài tinh tinh (chimpanzees), cũng đặt tựa đề cho bài nói chuyện của bà là “làm người nghĩa là gì?”

Bà phát biểu, “Tôi nghĩ chỗ chúng ta thích đáng với hình ảnh các linh trưởng (primates) là chúng ta là con vượn vĩ đại thứ năm, và bà con gần gũi nhất trong số các con vượn vĩ đại khác... vâng, thực sự có hai con, con tinh tinh và con tinh tinh lùn (bonobo). Về phương diện di truyền, chúng ta chỉ khác nhau chưa quá 1%.”

Bà đưa ra điển hình: có thể dạy tinh tinh ngôn ngữ dấu hiệu, sử dụng máy vi tính và vẽ. Bà nói, trong diễn trình biến hóa, con người học thông đạt bằng lời nói, ngôn ngữ, và chữ viết giúp con người được phân biệt bởi khả năng tạo kế hoạch cho tương lai và chế tạo hỏa tiễn.

“Nhưng rồi, khi hiểu ra các tinh tinh giống chúng ta như thế nào, tuy nhiên, chúng ta khác ra sao nhờ việc phát triển đột phá trí hiểu, việc phát triển trí hiểu này không hề cho chúng ta lý do để tự khoác cho mình nhãn hiệu Homo sapiens, con vượn khôn ngoan. Chúng ta không khôn ngoan. Chúng ta đã thấy Sao Hoả trông ra sao. Chúng ta không muốn sống trên đó. Chúng ta chỉ có hành tinh duy nhất này, ít nhất trong đời ta, thế mà chúng ta lại hủy diệt nó”.

Bà nói thêm, “Mọi tôn giáo lớn đều có chung luật vàng, hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho bạn. Nếu chúng ta áp dụng câu đó cho loài vật, cũng như cho nhau, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ tiến gần hơn việc có thể tự định nghĩa mình như Homo sapiens”.

Các phát biểu của những người như Fauci, Chopra, Clinton, Goodall là các phát biểu của những người được coi là chuyên gia trong lãnh vực của họ, tất cả không hẳn được Giáo hội thừa nhận, nhưng sẵn sàng lắng nghe. Và song song với các phát biểu của họ là các phát biểu phản ảnh quan điểm chính thống Kitô Giáo mà cao điểm là sứ điệp video của người được coi là đại biểu sáng chói của tôn giáo này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Kỳ sau, chúng tôi xin phổ biến nguyên văn sứ điệp đó, sứ điệp ngài dùng để không ngần ngại trình bầy trung thực quan diểm chính thức của Kitô giáo, dù quan điểm này có khác với quan điểm của một số người tham dự.
 
Các chứng nhân Giáo lý viên qua các thời đại trên thế giới
Thanh Quảng sdb
20:44 11/05/2021
Các chứng nhân Giáo lý viên qua các thời đại trên thế giới

Vatican (Agenzia Fides) - Có nhiều giáo lý viên, ở khắp các châu lục, đã trung thành với sứ mệnh chứng nhân cho Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng dù phải hy sinh chính mạng sống của họ. Họ là những người nam nữ và thậm chí cả trẻ em, được Thần Linh Chúa hối thúc trở nên những “chứng nhân bằng máu” cho Chúa Kitô.

Nhìn vào “một số trường hợp”, chúng ta nhớ đến một số vị đã được phong chân phước:

- Vào ngày 24 tháng 5 năm 2014, cha Mario Vergara và một giáo lý viên tên là Isidoro Ngei Ko Lat, đã được phong chân phước, các ngài là những người đã đổ máu đào tại Miến Điện vào tháng 5 năm 1950. Vào ngày 21 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: "Ước gì lòng trung thành anh dũng của họ với Chúa Kitô là một khích lệ và gương mẫu của các nhà truyền giáo và đặc biệt của các giáo lý viên đang thi hành công việc tông đồ cao quý và không thể thiếu trong các xứ truyền giáo".

Không có nhiều sử liệu về cuộc đời của giáo lý viên Isidoro Ngei Ko Lat, người Miến Điện đầu tiên được phong chân phước. Anh được rửa tội vào ngày 7 tháng 9 năm 1918, Isidoro thuộc một gia đình nông dân Công Giáo. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã thường xuyên lui tới các nhà truyền giáo và thường đi theo các ngài. Anh đã nhập tiểu chủng viện Toungoo, và sốt sắng dấn thân, nhưng vì sức khỏe, nên anh phải về với gia đình. Anh quyết tâm dấn thân cho Chúa, anh đã không kết hôn, đã mở một trường tư thục miễn phí trong làng, nơi đó anh dùng để dạy giáo lý. Năm 1948, anh gặp cha Vergara, người đã mời anh làm giáo lý viên ở Shadaw. Isidore theo cha cho đến khi anh được phúc tử đạo.

- Chân phước tử đạo Davide Okelo và Gildo Irwa là hai giáo lý viên trẻ người Uganda sống vào đầu thế kỷ 20. Họ thuộc bộ tộc Acholi, ngày nay đa số bộ tộc này sống ở miền bắc Uganda. Cuộc tử đạo của hai giảng viên giáo lý này xảy ra sau ba năm Trung tâm truyền giáo Comboni ở Kitgum (1915) được thành lập. Hai bạn trẻ này đã gắn kết với nhau bằng một tình bạn sâu sắc và mong muốn cho đồng bào của họ biết đến đạo Chúa. Ngày sinh chính xác của họ không được ghi lại, chúng ta chỉ biết họ được rửa tội (ngày 6 tháng 6 năm 1916), được xác nhận (ngày 15 tháng 10 cùng năm) và tử đạo (ngày 19 tháng 10 năm 1918). Lúc đó Davide khoảng 16/18 tuổi và Gildo 12/14 tuổi. Vào đầu năm 1917, giáo lý viên ở làng Paimol qua đời, Davide hỏi cha bề trên của giáo điểm Kitgum xem có thể thay thế người đó được không. Anh đã được giao cho Gildo Irwa trẻ tuổi làm trợ lý. Nhà truyền giáo nêu lên những khó khăn của việc dấn thân, nhưng Đa-vít trả lời: «Con không sợ chết. Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta!» Ở Paimol, họ đã dấn thân không mệt mỏi cho sứ mệnh của mình, ngoài việc lo kiếm sống bằng lam lũ trên các cánh đồng. Họ dạy giáo lý, cầu nguyện và tập hát cho dân chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã được mọi người đón nhận và yêu quí. Khoảng ngày 18 đến ngày 20 tháng 10 năm 1918, họ bị đâm chết, dưới mũi giáo của hai người Adwis, là những người vũ trang chống lại sự áp đặt của các nhà lãnh đạo thuộc địa. Trước khi bị giết, họ yêu cầu cho họ được rời khỏi làng và dạy giáo lý chỗ khác, nhưng họ bị từ chối. Cả hai được phong chân phước vào ngày 20 tháng 10 năm 2002, nhân ngày Chủ Nhật Truyền giáo Thế giới.

- Chân phước Peter ToRot (1912-1945), giáo lý viên giáo dân, tử đạo, Chân phước đầu tiên của Papua New Guinea, đã bị ám sát trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, vì từ chối chấp nhận chế độ đa thê. Ông được nhớ đến như một người can đảm và mạnh mẽ trong đức tin, siêng năng cầu nguyện, cũng như quyết tâm theo Chúa Giêsu Kitô. Peter ToRot là một "Kitô hữu thế hệ thứ hai" nối gót theo cha mẹ. Ông là một người cha của một gia đình, là một giáo lý viên, một giáo viên đã chết vì đạo để bảo vệ đức tin Kitô giáo của mình. Kết hôn, ông đã sống một cuộc sống hôn nhân gia đình mẫu mực theo những lời khuyên của Phúc âm.

Ông bảo vệ các giá trị hôn nhân và chống lại văn hóa đa thê và luật của quân đội đế quốc Nhật Bản, ông chết để bảo vệ đức tin. Ông đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 17 tháng 1 năm 1995 trong chuyến tông du Papua.

- Vào ngày 23 tháng 4 năm 2021 mới đây là lễ phong chân phước cho mười vị tử đạo của giáo phận Quiché, thuộc nước Guatemala được cử hành tại Santa Cruz del Quiché. Vùng đất này, cũng như phần lớn châu Mỹ Latinh, đã được tưới gội trong máu thắm của nhiều vị tử đạo, những “nhân chứng trung thành cho Thiên Chúa” và Tin Mừng của Người, đã cam kết xây dựng cộng đồng và xã hội theo các giá trị của Nước Trời. Trong số các vị tử đạo này có 3 linh mục truyền giáo và 7 giáo dân, trong đó có một cậu bé 12 tuổi, đã bị giết vì hận thù đức tin, vào các năm 1980 đến 1991. Họ can cường chết cho tình yêu Chúa và cho những người nghèo khổ của họ, trong thời gian Giáo hội bị bách hại và bạo lực hoành hành khắp đất nước! Ngoài các linh mục Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu, đến từ Tây Ban Nha, số còn lại là 7 giáo dân được phong chân phước đó là: Domingo del Barrio Batz, một giáo dân lập gia đình, bị giết cùng với Cha Cirera; Juan Barrera Méndez, 12 tuổi, là thành viên của Phong trào Thanh Sinh Công; Tomás Ramírez Caba, một giáo dân lập gia đình; Nicolás Castro, giáo lý viên và thừa tác viên đặc biệt; Reyes Us Hernández, có gia đình, tham gia vào các hoạt động mục vụ; Rosalío Benito, giáo lý viên và nhân viên mục vụ; Miguel Tiu Imul, có gia đình, giám đốc Công Giáo và giáo lý viên. Trong thông điệp phong chân phước, các Giám mục Guatemala viết: "Máu các tử đạo tưới gội mảnh đất quê hương và cho chúng ta thấy tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô có ý nghĩa... Phúc cho các vị tử đạo của xứ sở chúng ta, vì họ đã cho chúng ta thấy những mẫu gương hiến mạng của các giáo lý viên và của các nhà truyền giáo…" (SL) (Agenzia Fides, 11/5/2021)

Riêng tại quê hương Việt Nam chúng ta, ngoài 117 vị thánh Tử đạo; chúng ta còn có Chân phước Anrê Phú Yên, một trang thanh niên, một thầy giảng, một giáo lý viên kiên cường đã tử đạo đầu tiên trên quê hương đất nước Việt Nam ta vào những ngày đầu khi Tin mừng được đem loan truyền trên quê hương đất nước chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn LM Gioan Trần Công Nghị do Gia Đình Vietcatholic San Jose tổ chức
Thái Phạm
09:11 11/05/2021
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Đức Mẹ Fatima: Tất Cả Thuộc Về Mẹ
LM. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
08:49 11/05/2021
Lễ Đức Mẹ Fatima: “Tất Cả Thuộc Về Mẹ”

Rôma, 11/05/2021

Ngay sau biến cố mặt trời nhảy múa hay còn gọi là phép lạ tỏ tường xảy ra tại đồi Cova da Iría, Fatima, Bồ Đào Nha ngày 13 tháng 10 năm 1917, chi tiết về các thị kiến và thông điệp do Đức Trinh Nữ Maria gửi đến cộng đồng nhân loại lần lượt được các đấng bản quyền trong Hội Thánh lượng giá và cho phép phổ biến vì lợi ích thiêng liêng của các linh hồn. Nhờ những thông điệp này, nhân loại có dịp nhận ra sự khẩn thiết của việc hoán cải và cấp bách cải thiện bản thân để cứu thế giới khỏi cảnh kinh hoàng có nguy cơ xảy đến và tìm lại được ơn bình an cho chính mình, cho gia đình, cho đất nước và cho cả thế giới. Đây không chỉ đơn giản là một biến cố 100 năm về trước, mà dường như đó còn là câu truyện của chúng ta hôm nay.

Thế giới hiện nay đang trong tình cảnh hết sức ngặt nghèo, một lần nữa tiếng vọng Fatima lại có dịp ngân vang. Gần hai năm qua, virút Corona Vũ Hán không ngừng giáng xuống trên nhân loại những tác động ghê gớm và tổn thất kinh hoàng trên mọi phương diện. Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với các vị chủ chăn Hội Thánh đã không ngừng kêu gọi tín hữu khắp nơi cầu nguyện liên lỉ. Không chỉ khấn nguyện cách thụ động mà còn tích cực làm việc hy sinh, hãm mình, thực thi bác ái và nhất là sám hối ăn năn. Tháng Năm lại về, ngoài những vũ khúc dâng hoa rình rang bên ngoài, chúng ta còn được mời gọi làm mới lại lòng trìu mến thảo hiền của chúng ta đối với Mẹ Maria. Chúng ta cẩn phải củng cố lại niềm tin của chúng ta dành cho Mẹ. Mẹ không bao giờ đề chúng ta một mình chèo chống trong cơn gian nan thử thách và Mẹ vẫn không ngừng hướng dẫn bảo ban chúng ta. Mẹ đã và đang làm mọi cách để đưa chúng ta đến gần với Chúa Giêsu Con của Mẹ hơn. Mẹ chỉ cho chúng ta cách nhận biết thánh ý Chúa; và cũng chính Mẹ sẽ giúp chúng ta bước đi trên đường Chúa muốn để chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc viên mãn. Nói như thánh Louis de Montfort, chóp đỉnh của lòng sùng mộ sẽ thôi thúc chúng ta dâng hiến bản thân cho Trái Tim Mẹ Maria, và qua Mẹ chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Qua Mẹ Maria…

Ngày 13 tháng Chín năm 1949, cha Donald O’Callaghan, Dòng Cát Minh, vinh hạnh được phỏng vấn nữ tu Lucía là một trong ba thị nhân Fatima còn sống sót và lúc bấy giờ là Đan Sĩ Dòng Kín Carmel tại Coimbra. Cha Donald muốn biết thêm rằng trong lần hiện ra sau cùng đó, Đức Mẹ Fatima đã nói với Sơ những gì về Áo Đức Bà của Dòng Cát Minh. Sơ Lucía cho biết rằng, ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra không chỉ một lần mà những ba lần với diện mạo dáng vẻ khác nhau. Lần đầu Mẹ xuất hiện với danh hiệu Nữ Vương rất thánh Mân Côi, lần thứ hai với danh hiệu Đức Mẹ Sầu Bi, và lần thứ ba với diện mạo của Đức Mẹ Núi Cát Minh. Khác với những lần hiện ra trước đó, lần này Mẹ hiện đến còn có cả Hài Nhi Giêsu và Thánh Cả Giuse. Sơ Lucía nhấn mạnh chi tiết, ba Đấng Thánh đã trìu mến đưa tay chúc lành cho nhân loại. Riêng Mẹ Maria thì trong những lần xuất hiện ngày hôm ấy, Mẹ đã cầm Tràng Chuỗi Mân Côi và mẩu Áo Đức Bà nâu trên tay.

Nữ đan sĩ còn cho biết, tuy Đức Mẹ đã không nói gì về Áo Đức Bà nhưng cử chỉ của Mẹ lại nói lên rất nhiều điều. Cầm tấm áo màu nâu gồm có hai mẩu vải nhỏ trên tay, Mẹ Maria âu yếm nhìn và đưa tấm áo ấy hướng về đám đông trên dưới 70.000 người đang quy tụ trên đồi Cova da Iría ngày hôm ấy. Mặc dù chỉ có Sơ Lucia được thấy cảnh tượng nói trên nhưng Sơ xác tín đó là thông điệp sống động nhất mà Sơ đã từng nhận được từ Mẹ Maria liên quan đến Áo Đức Bà Cát Minh. Sơ truyền lại thông điệp hành động của Đức Mẹ bằng những lời sau đây: “Mẹ Maria không những hài lòng với thực hành đạo đức này mà còn mong muốn Áo Đức Bà ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn nữa.” Mẹ ước mong sao ngày càng có thêm nhiều người mang lấy Áo Mẹ trên mình như dấu hiệu hữu hình của việc họ thành tâm tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.

Trước vấn nạn là có nhiều người cho rằng thông điệp Fatima chủ yếu xoay quanh Kinh Mân Côi mà thôi, Sơ Lucía phản bác ý kiến đó. Sơ xác nhận rằng Chuỗi Mân Côi và Áo Đức Bà là hai phương thế đạo đức liên kết chặt chẽ với nhau làm nên một phần không thể thiếu của thông điệp Fatima. Nói cách khác, khi nhắc đến ba mệnh lệnh Fatima thì không ai có thể không nhắc đến Tràng Hạt Mân Côi và Áo Đức Bà Cát Minh. Trong thông điệp đầy tình mẫu tử, Đức Maria tha thiết kêu gọi chúng ta “cải thiện đời sống, siêng năng cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi, và tận hiến bản thân chúng ta cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ” với ý chỉ cầu nguyện cho ơn hoán cải toàn thế giới. Cả Tràng Chuỗi Mân Côi và Áo Đức Bà đều là biểu tượng của một đời sống liên lỉ cầu nguyện, liên lỉ yêu mến và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Chính sự thật này đã được Sơ Lucía làm chứng trong cuộc phỏng vấn và được lưu lại trong các ghi chép của Sơ. Ít lâu sau, tức là năm 1950, Đức Pio XII (là vị Giáo Hoàng đã thánh hiến thế giới cho Mẹ Maria vào năm 1942) đã xác nhận lời chứng của nữ tu Lucía và truyền dạy rằng “trong những thực hành sùng kính Đức Maria thì Áo Đức Bà cần phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Thực hành đạo đức này thực sự đã trở nên rất phổ biến nơi đời sống của các tín hữu và đã sản sinh ra vô vàn hoa trái hữu ích.”

Chúng ta đón nhận và mang lấy Áo Thánh Mẹ là vì chúng ta nhận thấy “kỷ vật” này chứa đựng lời hứa bảo trợ của Mẹ dành cho chúng ta. Không phải vì Mẹ hứa bảo trợ mà chúng ta có quyền ỷ lại vào việc mang Áo Đức Bà hoặc có tình xem nhẹ ý nghĩa thần học nền tảng của thực hành đạo đức này. Chúng ta không nên lầm tưởng Áo Đức Bà như một thứ “bùa hộ mệnh”, và không được phép trở nên biếng nhác chểnh mảng trong việc lo lắng cho phần rỗi của mình và của người khác. Thánh Phaolô Tông Đồ đã từng lưu ý điều này khi ngài nói: “Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Phil 2, 12). “Gắng sức lo” ở đây thể hiện một ý thức trách nhiệm, là thái độ chủ động dâng hiến bản thân cho Chúa để thuộc trọn về Người và để trở nên khí cụ trong tay Chúa. “Gắng sức lo” ở đây là “Fiat” như Mẹ Maria vẫn hằng “xin vâng” cho kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa được thành toàn. Theo ý nghĩa này, việc ngày đêm mang Áo Đức Bà trên mình chính là lời nhắc nhớ cho chúng ta về bổn phận “gắng sức lo” cho mình và cho người khác. Chân Phước Titus Brandsma Dòng Cát Minh đã tâm niệm rằng ai mang Áo Thánh Mẹ thì có bổn phận noi gương bắt chước Mẹ thông truyền sự sống thánh thiêng cho anh chị em xung quanh. Việc mang Áo Đức Bà không chỉ nói lên mối dây liên lạc thắm thiết giữa chúng ta và Mẹ Maria mà còn là cam kết “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô” (x. Rm 8:29).

… tận hiến cho Chúa Giêsu.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một chiến sĩ nhiệt thành trong việc cỗ võ lòng sùng kính Đức Mẹ, đã nhắc đến sứ điệp Tin Mừng này khi ngài long trọng thánh hiến thế giới hiện đại cho Đức Mẹ Maria ngay sau Thánh lễ ngài cử hành tại Đền Thánh Fatima cách đây gần 40 năm (13/05/1982). Lời nguyện thánh hiến còn nói rõ thêm: Chúa Cha yêu mến thế gian như thế nào thì Chúa Con cũng yêu mến chúng ta như thế. Tình yêu đã thôi thúc Chúa Giêsu thánh hiến chính bản thân Ngài cho toàn thể nhân loại chúng ta: “Lạy Cha, vì thế gian, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (x. Ga 17. 19). Nhờ sự tự hiến của Chúa Giêsu, chúng ta những môn đệ của Người thời đại hôm nay được mời gọi xả thân vì ơn cứu độ thế giới. Chúng ta được mời gọi mang vào mình dấu tích cuộc khổ nạn của Đức Kitô nhằm mangg lại ơn ích cho thân mình của Chúa, tức là Hội Thánh của Người (x. 2 Cr 12, 15; Cl 1, 24). Ý thức rõ ràng và đầy đủ về sứ mạng này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong tình hiệp thông với các giám mục khác, đã hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Ngài nài xin Mẹ giúp các Kitô hữu sống xứng đáng với sứ mạng “xả thân vì thế giới” mà Chúa Giêsu Con Mẹ đã tín nhiệm trao phó cho Hội Thánh.

Vị thủ lãnh Giáo Hội hoàn vũ khẩn khoản nài xin: “Ôi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội! Xin giúp chúng con chiến thắng sự đe dọa của sự dữ là thứ rất dễ bén rễ trong trái tim của con người ngày nay, và những tác động khôn lường của chúng đã đè nặng lên thế giới hiện đại của chúng con và dường như còn chặn đứng cả tương lai của chúng con nữa… Một lần nữa xin hãy để cho tình yêu vô biên của Mẹ được tỏ hiện trong thế giới hôm nay. Nguyện cho tình yêu ấy chăn đứng mọi sự dữ và hoán cải lương tâm chúng con.” Không còn nghi ngờ gì nữa, hành động thánh hiến cho trái tim Mẹ Maria luôn đi kèm với ước nguyện xin ơn hoán cải, xin ơn ngụp lặn trong tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ tận hiến cho khiết tâm Mẹ Maria, chúng ta được bao bọc và dìm mình vào đại dương tình yêu của Chúa Giêsu. Để rồi từ đó mọi hành vi và lời nói của chúng ta sẽ làm chứng cho sự hiện diện từ ái của Chúa trong trần gian này. Chỉ có lòng thương xót của Chúa mới có sức mạnh chữa lành mọi vết thương, an ủi mọi ưu phiền và thắng vượt mọi sự dữ.

Có thể nói Thánh Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của Fatima vì cuộc đời và sứ vụ Tông Tòa Phêrô của ngài gắn liền với thông điệp Fatima. Ngài không chỉ nêu gương cho các tín hữu về việc liên lỉ cầu nguyện bằng kinh Mân Côi mà ngài còn là một tín hữu sùng mộ Á Bí Tích Áo Đức Bà một cách đặc biệt. Kể từ khi được rước Chúa lần đầu cho đến khi lìa thế, thậm chí trong lúc cấp cứu vì bị ám sát hụt ngày 13 tháng Năm 1981, ngài đã liên tục mang trên mình Áo Đức Bà Cát Minh với tâm niệm “Totus tuus – Tất cả thuộc về Mẹ”. Sau khi hồi phục khỏi các vết thương, Đức Gioan Phaolô II đã viết thư cho cha sở giáo xứ Traspontina -Rôma do các linh mục Dòng Cát Minh coi sóc để yêu cầu nhận một cỗ Áo Đức Bà mới vì cỗ Áo Đức Bà cũ giờ đây đã bị nhuốm máu. Ước muốn tiếp tục mang Áo Thánh Mẹ và lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày phần nào nói lên tâm niệm thánh thiện của vị giáo hoàng: Sứ vụ Phêrô của ngài tiếp tục và mãi mãi được đặt dưới sự chở che chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh.

Lòng sùng mộ của Thánh Gioan Phaolô II dành cho Đức Mẹ Núi Cát Minh còn được thể hiện qua việc ngài biên soạn những lời kinh trang trọng nhất dâng kính Đức Mẹ Áo Nâu. Trong đó, ngài ca ngợi Đức Nữ Trinh Maria Núi Cát Minh như “Mẹ Niềm Cậy Trông” và là “Ánh Bình Minh đầy hy vọng” báo trước sự xuất hiện tươi sáng của Vầng Hồng Giêsu Kitô. Nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ Fatima giữa bao ngổn ngang của mùa dịch, chúng ta hãy mượn lời kinh này mà dâng lên Mẹ Maria tâm tình tin tưởng sùng mộ của chúng ta đối với tình thương vĩ đại và ơn che chở hộ phù của Mẹ. Có Mẹ đồng hành, chúng ta không đánh mất niềm trông cậy mà ngược lại ngày càng tin tưởng vào lòng thương xót hải hà của Cha trên trời:

Kinh Kính Đức Mẹ Cát Minh

(Trích từ lời thánh hiến nước Chilê cho Đức Mẹ Cát Minh, 03/04/1987)

Lạy Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh, Mẹ của Niềm Cậy Trông, xin Mẹ hãy dang rộng tà áo mà che phủ hết các thành thị và thôn xóm, che chở hết cả mọi người; từ nam, phụ, lão, ấu, cho đến những kẻ ốm đau muộn phiền và trẻ em cô thế cô thân. Xin Mẹ bảo vệ chở che cho đoàn con cái trung thành lẫn những con chiên đang lầm đường lạc bước.

Hỡi Ngôi Sao Biển rạng ngời! Hỡi Ánh Bình Minh tươi sáng, xin dẫn đưa chúng con trên hành trình dương thế đầy lận đận gian truân, để trong bình an và với tinh thần hòa hợp, chúng con tiến bước trên đường Phúc Âm Chúa dạy và trên những con đường của thăng tiến, công lý và tự do.

Xin Mẹ hóa giải mọi xung khắc và thay vào đó một tình huynh đệ thắm thiết chan hòa. Để rồi đây mọi hận thù oán giận sẽ tiêu tan, mọi chia rẽ và rào cản sẽ được vượt qua, mọi xung đột sẽ sớm được xoa dịu và mọi thương tích sẽ được chữa lành.

Nguyện xin Mẹ mở lòng cho mọi người thuộc mọi nước mọi dân để họ nhận ra rằng: họ không chỉ có cùng nguồn cội mà còn đang tiến về cùng một đích đến. Ai ai cũng cần phải tôn trọng và quý mến nhau như anh chị em con cùng một Cha, trong Chúa Giêsu Kitô – Đấng Cứu Độ duy nhất, nhờ ơn canh tân của Chúa Thánh Thần, hầu vinh danh một Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh hiển trị muôn đời. Amen.

* Chú thích:

Hình 1: Tượng Đức Mẹ Cát Minh theo mô tả của Nữ Tu Lucía, đặt trong nguyện đường Tu Viện Dòng Cát Minh tại Rôma.

Hình 2: Đức Pio XII cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Cát Minh.

Hình 3: Đức Gioan Phaolo II tiếp kiến phái đoàn Dòng Cát Minh tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 12/09/2001, ngài mang Áo Đức Bà trước ngực.
 
Văn Hóa
Thiên Đường Nầy Mơ Ước Bao Lâu
Sơn Ca Linh
08:41 11/05/2021
Ôn lại chuyện đời,
Thời của tuổi thơ, một “lâu đài mơ ước”…
Ước hạ về, nghỉ học, nghe tiếng ve ca,
Ước lúa lên xanh và vạn thọ vàng khắp muôn nhà,
Để mặc áo mới, ăn bánh in, mừng tuổi Tết…

Bên bờ ao theo con bướm nhấp nhô ngủ sắc,
Ước bắt được về ép lại giữa trang vở học trò…
Trên đỉnh keo xanh, ngắm con dồng dộc hàng giờ,
Nghĩ kế làm sao bắt mẹ và con tất cả !

Ước con mương quê nước trong veo đầy cá,
mỗi trưa hè, men bờ tre tắm mát thả câu.
Ước cơn mưa tháng mười nặng hạt thêm lâu,
Để nước ra đầy đồng thả bè rong nước bạc…

Ước bữa chiều, cơm lúa mới thơm ngào ngạt,
canh bồ tơi, bồ ngót… miễn đầy chén ăn no.
Kệ hạ nắng rủ nhau ra bóng mát hàng tre nhảy cò,
Rồi u mọi, đánh trổng, chơi bi, giựt lá…

Ước lại thấy bờ ruộng cỏ bọt lia thia tìm cá,
Mưa tháng ba soi đèn nghe ếch nhái kêu vang…
Chạng vạng con trăng sớm treo trên đỉnh cau làng,
trong gió thoảng mùa thu nghe “bắt cô trói cột”…

Ước khói lên xanh đầu làng tháng Chạp,
Hương bánh xèo, mùi thịt chó quê ta.
Xóm dưới làng trên đi giẫy mả ông bà,
Chén tạc chén thù râm ran ly rượu gạo…

Ước nghe lại tiếng chuông nhà thờ xóm đạo,
Tiếng trống kinh cầu Đức Mẹ tháng Năm…
Tiếng trẻ em cười vang rộn rã dưới trăng rằm,
Rằm tháng Tám Trung Thu nghe mùi kẹo ú…

Trái thị, trái nhàu, hoa dủ dẻ vừa chớm nụ,
Biết bao giờ tìm lại chút hương phai?
Mùa mía lên, che cút kít, nước chè hai…
Trưa nắng gắt ghé lò đường ăn đường dẻo…

Ước nghỉ hè theo đàn bò lẽo đẽo,
Gò hoang xanh tha hồ chơi cút kiếm, giựt cờ…
Trái bồ lời, súng thụt… trận đánh tuổi thơ,
Chỉ có thắng, chỉ nụ cười không ai chết !

Ước nghe gánh mẹ mỗi chiều về kĩu kịt,
Và một lần được thấy mồ hôi nhễ nhại đẫm trán ba.
Ước cuộc đời rộn rã tiếng cười và những câu ca,
Xanh của cỏ, thắm của hoa trải đầu làng cuối ngõ…

Sơn Ca Linh (tháng 5.2021)
 
VietCatholic TV
Đại nghịch bất đạo: Nghe theo tin giả, giáo dân tấn công phá phách Tòa Giám Mục Enugu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:05 11/05/2021


1. Các Giám mục Nigeria đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức

Các Giám mục Nigeria đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức. Diễn biến này xảy ra sau hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ Công Giáo, các cộng đồng Kitô hữu của hai nhóm khủng bố Hồi Giáo Boko Haram và Fulani. Bên cạnh đó còn có hàng loạt các vụ bắt cóc tống tiền nhắm vào các linh mục và giáo dân.

Ông Muhammadu Buhari, một người Hồi Giáo, đã nhậm chức tổng thống từ ngày 29 tháng 5 năm 2015. Sau một thời gian chiến tranh dai dẳng với bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, với khát vọng hòa bình, dân chúng đã chọn ông làm tổng thống vì ông từng là một vị tướng trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, lựa chọn này có lẽ là một sai lầm tai hại. Tổng thống Muhammadu Buhari tỏ ra bất lực không thể dẹp tan được Boko Haram. Đồng thời, quốc gia này lại còn gánh chịu thêm nhiều tang tóc gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani. Tình hình tại Nigeria xấu đi một cách nhanh chóng.

Ông Muhammadu Buhari còn đưa ra nhiều chính sách sai lầm trong đó có việc giải giới các đơn vị tự vệ do dân chúng hình thành nên để bảo vệ họ. Về điểm này các Giám Mục viết:

“Chính phủ liên bang, có trách nhiệm chính là bảo vệ cuộc sống của dân chúng, đã cáo buộc rằng những người dân nào yêu cầu được tự vũ trang để tự bảo vệ mình là những kẻ kích động việc hành xử luật pháp trong tay họ. Tuy nhiên, chính phủ liên bang lại không làm gì để trừng phạt các cơ quan an ninh cố tình làm ngơ trước tiếng kêu và tiếng khóc của những công dân bất lực và vô phương thế tự vệ, những người bị giết khi đang ngồi trong nhà, nông trại, xa lộ, và ngay cả trong những nơi thờ phượng thiêng liêng của họ?”

“Là các nhà lãnh đạo tinh thần, chúng tôi đã liên tục yêu cầu người dân của mình giữ gìn hòa bình và tuân thủ pháp luật, ngay cả khi phải đối mặt với những hình thức khiêu khích tồi tệ nhất. Nhưng ngày nay, các Kitô hữu cảm thấy bị bỏ rơi và phản bội trong một quốc gia mà tất cả chúng tôi vẫn tiếp tục hy sinh và cầu nguyện. Chính chúng tôi cũng cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội.”
Source:CFR

2. Đại nghịch bất đạo: Giáo dân tấn công Tòa Giám Mục

Một linh mục của Giáo phận Enugu, là người có ảnh hưởng chính trị rất lớn, đã tái xuất hiện vài giờ sau khi những người hâm mộ ngài xông vào Tòa Giám Mục phá phách để yêu cầu được biết vị linh mục của họ đang ở đâu.

Những người hâm mộ Cha Ejike Mbaka đã phá phách tài sản của Tòa Giám Mục địa phương vào ngày 5 tháng 5.

Cha Benjamin Achi, giám đốc truyền thông của giáo phận Enugu, mô tả vụ phá phách này là do những người hâm mộ Cha Mbaka bị “thông tin sai lệch”.

“Cha ấy đã xuất hiện trở lại lúc 2:40 chiều, sau khi một đám đông tấn công Tòa Giám Mục vào buổi sáng phá hủy rất nhiều, rất nhiều thứ”.

Những người biểu tình cho rằng Đức Giám Mục Callistus Onaga của Enugu đã mời Cha Mbaka đến tham dự một cuộc họp vào ngày 2 tháng 5 và kể từ đó Cha Mbaka đã mất tích. Có thể là Đức Cha đã yêu cầu ngài rút lui vào nơi nào đó để tĩnh tâm sau các tuyên bố chính trị gây tranh cãi của ngài.

Tuần trước, Cha Mbaka đã kêu gọi các thành viên Quốc hội Nigeria luận tội Tổng thống Muhammadu Buhari nếu ông ta không từ chức vì tình trạng bất an ngày càng gia tăng ở Nigeria. Thật ra, như chúng tôi vừa loan tin, Đức Giám Mục Callistus Onaga và các Giám mục Nigeria cũng đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức.

Theo Thông tấn xã Nigeria, Cha Mbaka không hề mất tích, ngài đã đến Tòa Giám Mục Enugu vào chiều ngày 5 tháng 5 “trong một đoàn xe hộ tống rầm rộ của các tín hữu hâm mộ ngài” sau khi được biết là các giáo dân ủng hộ ngài đã phá phách Tòa Giám Mục vào buổi sáng.
Source:Catholic News Agency

3. Phái đoàn Tòa thánh đến Budapest chuẩn bị cho chuyến tông du Hung Gia Lợi

Hôm 5 tháng 5 vừa qua, một phái đoàn của Tòa thánh đã đến Budapest để chuẩn bị cho chuyến tông du Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, để chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại đây, nhân dịp Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 52 sẽ tiến hành từ ngày 5 đến 12 tháng 9 năm nay.

Đại hội này lẽ ra đã được tiến hành hồi tháng Chín năm ngoái, nhưng bị dời lại một năm vì đại dịch coronavirus.

Trên chuyến bay hôm 8 tháng 3 năm nay, từ thủ đô Iraq về Roma, Đức Thánh cCa nói: “Năm thứ tám làm Giáo hoàng, tôi không biết các cuộc tông du sẽ bị chậm lại hay không, tôi chỉ nói với anh chị em rằng cuộc viếng thăm Iraq này làm tôi mệt hơn nhiều so với các cuộc viếng thăm khác. 84 tuổi không tự nhiên mà đến! Năm nay tôi sẽ phải đi tới Hung Gia Lợi để chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc tế. Đó không phải là cuộc viếng thăm đất nước Hung Gia Lợi, nhưng là chủ sự thánh lễ. Nhưng mà Budapest chỉ cách Bratislava thủ đô Slovak hai giờ xe hơi: vậy tại sao không viếng thăm người Slovak?”

Hôm 6 tháng 5, các viên chức trong phái đoàn Tòa thánh bắt đầu tiếp xúc với các vị hữu trách Hung Gia Lợi, thăm nơi Đức Thánh Cha có thể đến. Rồi đoàn sẽ sang Bratislava. Trong thời gian tới đây, có lẽ người ta sẽ biết thêm các chi tiết về chuyến tông du vào tháng Chín năm nay của Đức Thánh Cha.
Source:Cute
 
Tin Vui: Tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới sắp được khánh thành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:41 11/05/2021


1. Tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới sắp được khánh thành

Phi Luật Tân sẽ sớm khánh thành tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới. Tượng đài này được gọi là “tượng đài Đức Mẹ toàn Á châu”, và cao 96m. Trong năm nay, Phi Luật Tân dự định sẽ tổ chức một buổi lễ tại địa điểm này nhân dịp kỷ niệm 500 năm đạo thánh Chúa đến với quốc gia này.

Theo trang web Montemaría, việc xây dựng đã hoàn thành và địa điểm đã sẵn sàng để khánh thành. Thật không may, đại dịch thế giới đã ngăn cản các quan chức ấn định ngày tổ chức buổi lễ. Hiện tại, địa điểm hành hương Montemaría vẫn đóng cửa do COVID-19.

Tên gọi “Đức Mẹ Toàn Á Châu” được lấy từ lời cầu nguyện năm 2017 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI dành cho Đức Mẹ Xà Sơn, Mẹ của Giáo hội ở Trung Quốc và Toàn Á Châu. Tượng đài Đức Mẹ cao chót vót ngang với một tòa nhà 33 tầng. Đây là bức tượng lớn thứ 9 trên thế giới.

Tác giả của bức tượng này là ông Eduardo De Los Santos Castrillo, một nhà điêu khắc nổi tiếng khắp Phi Luật Tân. Ông mắc một căn bệnh hiểm nghèo nhưng đã cầu nguyện để có thể sống cho đến khi hoàn tất các hạng mục căn bản của bức tượng này. Ông sinh ngày 31 tháng 10 năm 1942, và đã được Chúa gọi về vào ngày 18 tháng Năm, 2016. Những người kế thừa ông đã có thể hoàn thành bức tượng như lòng mong muốn của ông.

Dưới chân bức tượng là đền thánh “Đức Mẹ là Mẹ Toàn Cõi Á Châu” với diện tích hơn 12,000 mét vuông. Tượng được xây trên núi Monte María, nghĩa là Núi Đức Mẹ Maria, thuộc thành phố Batangas của Phi Luật Tân.

Sau khi hoàn tất tượng đài, hiện nay các hạng mục khác đang được xây dựng bao gồm đền thờ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và 12 nhà nguyện Thánh Mẫu ở tầng ba; một nhà hàng ở tầng bốn; một nhà hát nhỏ và các phòng hội nghị, và thậm chí có cả một trung tâm thương mại và khách sạn từ tầng 5 đến tầng 16. Ở tầng 17 là một đài quan sát có thể nhìn toàn cảnh thành phố Batangas.

Trước khi bức tượng Đức Mẹ này được hoàn thành, tượng đài Đức Mẹ Nữ Vương Hòa bình tại thành phố Trujillo, Venezuela, được xây dựng năm 1983 được kể là cao nhất thế giới với chiều cao là 47m. Như thế, tượng đài “Đức Mẹ là Mẹ Toàn Cõi Á Châu” cao hơn gấp đôi tượng đài của Venezuela.

Sau khi thoát được đại họa cộng sản, trong một hành động để tạ ơn, tôn vinh, và đền tạ trái tim Đức Mẹ người dân Bulgaria hay còn gọi là Bảo Gia Lợi, đã cùng nhau xây dựng lên tượng đài Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cao đến 31m và được khánh thành vào năm 2003. Tượng đài này là tượng đài cao thứ ba trên thế giới sau tượng đài của Venezuela và Phi Luật Tân.
Source:Aleteia

2. Đức Tổng Giám Mục Antony Anandarayar qua đời vì coronavirus

Trong một diễn biến thật đáng buồn, Đức Cha Antony Anandarayar, là Tổng Giám Mục hiệu tòa của Pondicherry-Cuddalore, Ấn Độ, đã qua đời vì COVID-19 hôm thứ Ba, ở tuổi 76. Cái chết của ngài xảy ra trong bối cảnh gia tăng ở mức kinh hoàng các trường hợp COVID trên tiểu lục địa này.

Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, gọi tắt là CCBI, cho biết:

“Đức Tổng Giám Mục Anandarayar qua đời khi đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện St. Thomas, ở Chennai. Ngài đã nhập viện để điều trị COVID-19 và tình trạng sức khỏe của ngài xấu đi rất nhanh vào sáng thứ Ba”.

Đức Tổng Giám Mục được an nghỉ vào ngày hôm sau, ngày 5 tháng 5, tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Pondicherry.

Hôm thứ Ba 4 tháng 5, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ hai, sau Hoa Kỳ, vượt quá 20 triệu trường hợp nhiễm COVID-19. Tính đến thứ Năm, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy cả nước có hơn 21 triệu trường hợp mắc bệnh. Số người chết hàng ngày bắt đầu tăng vào đầu tháng 4, nâng tổng số bây giờ lên hơn 230,000 người. Các bệnh viện đã phải vật lộn để tiếp nhận bệnh nhân và cung cấp oxy.

Hôm thứ Ba, Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông, gọi tắt là CNEWA, đã công bố một chiến dịch viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ để giúp Giáo hội địa phương ứng phó với cuộc khủng hoảng đang ngày càng leo thang.

Chủ tịch CNEWA Peter Vaccari cho biết trong một lời kêu gọi các nhà tài trợ: “Chúng ta không thể nhìn thảm họa này diễn ra mà lại dửng dưng, không chia sẻ nỗi đau”.

Cordula Wasser, Trưởng phòng Á Châu của Hội Hiệp sĩ Malta cho biết: “Tin tức chúng tôi nhận được từ Ấn Độ thật đáng sợ. Mọi người đang chết trước các bệnh viện vì không có sức chứa. Thiếu oxy, thiếu giường chăm sóc đặc biệt và thiết bị y tế. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp đỡ ngay bây giờ”.
Source:Aleteia

3. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế di dân lần thứ 107

Đức Thánh Cha Phanxicô tái kêu gọi các tín hữu Công Giáo và toàn thể nhân loại nỗ lực thực hiện giấc mơ và xác tín, theo đó mọi người cùng thuộc một gia đình duy nhất, là anh chị em với nhau, được Thiên Chúa dựng nên, và vượt lên trên mọi bức tường chia cách.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp được công bố hôm 6 tháng 5, nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 107, sẽ được cử hành vào ngày 26 tháng 9 năm nay, với chủ đề là: “Verso un ‘noi’ sempre più grande”, nghĩa là, “Tiến tới ‘một chúng ta’ ngày càng rộng lớn hơn”.

Sứ điệp đã được Đức Hồng Y Michael Czerny, Phó Tổng thư ký đặc trách Phân Bộ di dân và tị nạn, thuộc Bộ phát triển nhân bản toàn diện và các vị liên hệ khác công bố trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nhắc đến mối quan tâm và mong ước ngài đã bày tỏ trong Thông điệp “Fratelli tutti”, theo đó “sau cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, phản ứng tệ hại nhất là rơi vào thái độ duy tiêu thụ mạnh mẽ hơn và những hình thức mới tự bảo vệ một cách ích kỷ. Ước gì sau cùng sẽ không còn phân biệt giữa chúng ta và những kẻ khác nữa, nhưng tất cả là một đại cộng đồng “chúng ta duy nhất”. (s.35).

Đức Thánh Cha nhận xét rằng thời nay cho chúng ta thấy cộng đồng nhân loại duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn đã bị tan vỡ và phân tán, bị tổn thương và biến dạng. Tình trạng này càng thấy rõ, nhất là trong những lúc khủng hoảng trầm trọng như đại dịch hiện nay. Chủ nghĩa quốc gia khép kín và gây hấn (Ft 11), cá nhân chủ nghĩa cực đoan (ibid. 105), làm sứt mẻ và chia rẽ cộng đoàn chúng ta, trên thế giới cũng như trong Giáo hội. Phải trả giá nặng nhất do tình trạng này, chính là những người dễ trở thành “những kẻ khác”: những người ngoại quốc, người di dân, những người bị gạt ra ngoài lề, ở ngoại ô của cuộc sống”.

Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh Cha tái bày tỏ mong ước một Giáo Hội Công Giáo ngày càng có tính chất Công Giáo, đại đồng hơn nữa, trở thành một “thân thể và một tinh thần duy nhất” (Ep 4,4-5). “Các tín hữu Công Giáo được kêu gọi dấn thân, mỗi người từ cộng đoàn mình đang sống, để Giáo hội ngày càng trở nên bao gồm hơn, tiếp nối sứ mạng đã được Chúa Giêsu Kitô ủy thác cho các tông đồ (Xc Mt 10,7-8).”

Đức Thánh Cha viết: “Ngày nay, Giáo hội được kêu gọi ra ngoài đường phố, ở các khu ngoại ô của cuộc sống để chữa lành, săn sóc người bị thương và tìm kiến người lạc hướng, không thành kiến và sợ hãi, không chiêu dụ tín đồ, nhưng sẵn sàng nới rộng căn lều của mình để đón tiếp mọi người. Trong số những người ở các khu ngoại ô ấy, chúng ta sẽ thấy bao nhiêu người di dân và tị nạn, người di tản và các nạn nhân nạn buôn người, những người mà Chúa muốn biểu lộ tình thương của Ngài cho họ và loan báo ơn cứu độ...”

Với cùng chiều hướng trên đây, trong sứ điệp, Đức Thánh Cha kêu gọi tái hợp nhất gia đình nhân loại, để cùng nhau xây dựng một tương lai công lý và hòa bình, làm sao để không ai bị loại trừ. Đó là lý tưởng một thành Jerusalem mới (Xc IS 60; Kh 21,3), trong đó mọi dân tộc đều hiệp nhất, trong an bình và hòa hợp, chúc tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa và những kỳ công được tạo dựng”.

Đức Thánh Cha viết: “Để đạt tới lý tưởng đó, tất cả chúng ta phải dấn thân phá đổ những bức tường chia cách chúng ta và xây dựng những cây cầu tạo điều kiện cho nền văn hóa gặp gỡ, với ý thức về sự liên hệ hỗ tương chặt chẽ giữa chúng ta. Trong viễn tượng đó, những cuộc di cư hiện nay cống hiến cho chúng ta cơ may vượt lên trên những sợ hãi và để cho mình được phong phú hóa nhờ những năng khiếu khác nhau của mỗi người. Khi ấy, nếu muốn, chúng ta có thể biến các biên cương thành những nơi ưu tiên để gặp gỡ, nơi tươi nở phép lạ một đại gia đình nhân loại ngày càng rộng lớn hơn”.
Source:Holy See Press Office