Ngày 12-05-2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô không trao Mình Thánh Chúa
Đặng Tự Do
08:41 12/05/2013
Bài của Sandro Magister – Chiesa News ngày 09/05/2013.

Có một điểm đặc biệt trong các Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành đã dấy lên một câu hỏi cho đến nay vẫn chưa được trả lời.

Đức Thánh Cha Phanxicô rất thân thiện với anh chị em tín hữu. Ngài nồng nhiệt chào đón họ, ôm hôn các trẻ em và người khuyết tật, mỉm cười với mọi người. Tuy nhiên, trong các thánh lễ Đức Thánh Cha không đích thân trao Mình Thánh Chúa, nhưng để các vị khác cho các tín hữu rước lễ. Ngài ngồi xuống và chờ đợi trước khi tiếp tục cử hành thánh lễ.

Các trường hợp ngoại lệ rất ít. Trong các Thánh Lễ trọng thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường trao Mình Thánh Chúa cho những người phụ giúp ngài tại bàn thờ. Và trong Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, tại các trại giam trẻ vị thành niên Casal del Marmo, ngài đã trao Mình Thánh Chúa cho những tù nhân trẻ muốn nhận lãnh.

Đức Thánh Cha không đưa ra lời giải thích chính thức về điều này kể từ khi trở thành giáo hoàng.

Nhưng có một trang trong một cuốn sách của ngài xuất bản năm 2010 có thể giúp suy đoán những động cơ của thực hành này.

Cuốn sách là một bộ sưu tập các cuộc trò chuyện với giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka ở Buenos Aires.

Vào cuối chương dành cho việc cầu nguyện, Đức Hồng Y Bergoglio, Tổng Giám Mục Buenos Aires nói:

"David là một kẻ ngoại tình và đã ra lệnh giết người, nhưng dù thế chúng ta vẫn tôn kính ngài như một vị thánh vì ngài có can đảm để nói: "Tôi đã phạm tội ' Ngài tự hạ mình trước mặt Thiên Chúa. Người ta có thể phạm sai lầm rất lớn, nhưng người ta cũng có thể nhìn nhận chúng, thay đổi cuộc sống của mình và đền bù cho những gì mình đã làm. Đúng là trong hàng ngũ các giáo dân có những người đã giết người không chỉ trên phương diện tinh thần hay thể lý nhưng mà còn giết người cách gián tiếp, qua việc quản lý vốn bất minh, trả lương không công bằng. Có những thành viên của các tổ chức từ thiện không trả lương xứng đáng cho nhân viên, hoặc bắt họ làm thêm giờ. Chúng tôi biết toàn bộ hành vi của một số người như thế, chúng tôi biết họ chỉ mượn danh là người Công Giáo, nhưng luôn làm các trò không đứng đắn như thế mà không chút ăn năn. Vì lý do này, trong một số trường hợp tôi không đích thân trao Mình Thánh Chúa, tôi ngồi xuống và để cho các trợ lý làm điều đó, bởi vì tôi không muốn những người này tiếp cận tôi để chụp một bức ảnh. Có thể từ chối không trao Mình Thánh Chúa cho một người tội lỗi công khai, khét tiếng, không có lòng ăn năn, nhưng rất khó khăn để chứng minh những điều này. Rước lễ có nghĩa là nhận Mình Thánh Chúa, với ý thức hình thành cộng đồng. Nhưng nếu một người, thay vì hiệp nhất dân Chúa, lại tàn phá cuộc sống của nhiều người, thì người ấy không thể nhận Mình Thánh Chúa, vì đó là một nghịch lý. Những trường hợp đạo đức giả như thế được thể hiện nơi nhiều người nương tựa Giáo Hội nhưng không sống theo công lý mà Chúa đã rao giảng. Và họ không thể hiện sự ăn năn. Đây là điều chúng ta thường gọi là một cuộc sống hai mặt. "

Trong cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô có lẽ càng muốn thận trọng hơn nữa để hình ảnh ngài không bị lợi dụng bởi những kẻ đạo đức giả.

Những tội lỗi Đức Hồng Y Bergoglio đã nêu lên làm ví dụ trong cuộc nói chuyện với giáo sĩ Do Thái là sự áp bức của người nghèo và việc khấu trừ tiền lương của người lao động. Đó là hai tội mà truyền thống Do Thái Giáo liệt kê là những tội "kêu thấu đến trời."

Nhưng lý do chính mà trong những năm gần đây đã được các giám mục đề cập đến là tội công khai hỗ trợ cho luật phò phá thai của các chính trị gia xưng mình là Công Giáo.

Đây là vấn đề có tâm địa chấn ở Hoa Kỳ.

Năm 2004, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin gởi cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ một lưu ý trong đó đề ra các "nguyên tắc chung" cho vấn nạn này.

Hội Đồng Giám Mục đã quyết định áp dụng trên cơ sở từng trường hợp các nguyên tắc được Đức Hồng Y Ratzinger nhắc nhở, theo đó các ngài để cho "mỗi giám mục quyết định theo phán đoán mục vụ thận trọng cuả các ngài."

Trong thực tế, các giám mục Hoa Kỳ không nhất trí với nhau. Một số vị trong đó có cả các vị nổi tiếng bảo thủ, như Đức Hồng Y Francis George và Patrick O'Malley, không muốn "làm cho Thánh Thể trở thành một chiến trường chính trị."

Những vị khác tỏ ra không khoan nhượng. Khi Joe Biden được chọn làm phó tổng thống cho Barack Obama, Đức Tổng Giám Mục của Denver lúc đó, là Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, bây giờ là Tổng Giám Mục Philadelphia, nói thẳng là Biden ủng hộ cho cái gọi là "quyền" để phá thai. Ngài nói: “Đó là một tội lỗi công khai và tôi nghĩ rằng tính liêm chính của một người phải ngăn họ đừng tiến lên nhận Mình Thánh Chúa”.

Sự thật là cuối cùng vào ngày 19 tháng 3, trong Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Hội Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô, Phó tổng thống Biden và Nancy Pelosi, phát ngôn viên Hạ Viện, đảng viên đảng Dân Chủ, một người Công Giáo công khai ủng hộ phá thai, đã là những thành viên của đoàn đại biểu chính thức của Hoa Kỳ.

Và cả hai đều đã nhận được Mình Thánh Chúa; nhưng không phải từ tay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đang ngồi phía sau bàn thờ.
 
Đức Hồng y Đức 'bị sốc' trước tình trạng sức khoẻ suy sụp của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16
Lã Thụ Nhân
00:47 12/05/2013
Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục Cologne
Theo tường thuật của Thông tấn xã Công Giáo Đức KNA, hôm 9 tháng 5, Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục Cologne, cho biết ngài đã bị sốc trước tình trạng sức khỏe suy giảm nhanh chóng của Đức Bênêđíctô thứ 16.

Theo bài báo của hãng Thông tấn xã Công Giáo Đức thì trong một cuộc hội kiến giữa hai vị hôm 18 tháng Ba tại Castel Gandolfo, Đức Hồng Y Meisner nói rằng ngài rất sửng sốt khi thấy Đức Bênêđíctô thứ 16 gầy ốm đến như vậy.

Đức Hồng Y Meisner cho hay ban đầu ngài phản đối tuyên bố thoái vị của Đức Bênêđíctô thứ 16 đưa ra hôm 11 tháng Hai. Trong thời cận đại, không vị Giáo Hoàng nào đã đơn phương tuyên bố thoái vị. Đức Giáo Hoàng cuối cùng từ nhiệm là Đức Gregory XII. Ngài tuyên bố thoái vị vào năm 1415.

Nhưng kể từ khi gặp vị Đức Giáo Hoàng Danh Dự 86 tuổi, Đức Cha Meisner khẳng định "sự dè dặt của tôi đã tan biến".

Đức Hồng Y nói thêm rằng, dù sức khoẻ ngài sút giảm nhưng trí tuệ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vẫn còn "rất tinh tường, như trước đây".

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã quay trở lại Vatican vào tuần trước sau khi trải qua hai tháng tĩnh tâm ở Dinh thự Castel Gandolfo.

Đây là lần đầu tiên hai vị giáo hoàng - một đã về hưu, một đang tại vị, Đức Thánh Cha Phanxicô - cùng sinh sống đằng sau tường thành Vatican.
 
Phương Tây đã trở thành một thứ phản văn hóa
Vũ Văn An
04:51 12/05/2013
Hình như Phương Tây đã dấn thân vào một cuộc thử nghiệm, nhưng đã thất bại, để tìm hiểu xem liệu một nền văn hóa có thể hiện hữu được chăng mà không cần tới một “cultus” (thờ phượng) chung. Nghĩa là liệu một viễn kiến chân thực và có tính hợp nhất mà ta vốn gọi là văn hóa có thể hiện hữu thực sự được chăng mà không cần đến bất cứ điều gì ở trên nó và ở ngoài nó, một điều vốn hợp nhất nó và bắt nó phải trả lẽ.

Chẳng may, hạn từ “cultus” vốn có một âm hưởng khá tiêu cực trong Anh Ngữ, có ý chỉ các hình thức cực đoan của việc tụ tập tôn giáo. Nhưng thực ra, nguyên tự La Tinh của "cultus" chỉ có nghĩa sự tôn sùng hay tôn thờ có tính tôn giáo dành cho Thiên Chúa hay toàn bộ các tín điều và viễn kiến tôn giáo mà thôi. Với nghĩa này, nó vốn được dùng làm nền tảng cho văn hóa và tạo nên chính trái tim của nó.

Tại Hoa Kỳ và một phần Âu Châu, hạn từ "cultus" không nhất thiết chỉ có âm hưởng bè phái. Bởi ở đấy, nói chung, vốn có một thỏa thuận căn bản đối với cái nhìn của Thánh Kinh về Thiên Chúa và đối với điều ta gọi là viễn kiến Do Thái – Kitô Giáo.

Nhưng một khi đã phần lớn bác bỏ tiền đề trên, nền văn hóa Phương Tây mau chóng chia thành nhiều phe phái càng ngày càng tự cô lập nhau và chống đối nhau, những phe phái không còn một căn bản chân thực nào để thảo luận, chứ đừng nói tới thỏa thuận một cách có ý nghĩa.

Thực vậy, ngày nay, nhiều người coi nền văn hóa Phương Tây như một thứ phản văn hóa, vì đã phạm thánh loại bỏ phần lớn những gì trước đây được coi là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Hầu như không còn điều gì trong “nền văn hóa” Phương Tây chịu cưỡng lại các cố gắng của những kẻ khinh suất muốn xé bỏ và hân hoan tiêu diệt bất cứ vết tích nào bị họ coi là kìm hãm tự do của họ hay dám nghi vấn tác phong của họ. Theo một nghĩa nào đó, đối với những kẻ đập phá thánh thiêng trong văn hóa, mọi sự phải biến đi. Và dù các cá nhân ít nhiều có cái chủ trương đập phá thánh thiêng này, nhưng xét về mặt cộng thể, sự đập phá quả là to tát và không cho thấy dấu hiệu nào ngưng lại cả.

Gần đây, trên trang mạng của Hội Bảo Thủ Mỹ, www.theamericanconservative.com, Rod Dreher có viết một bài tựa là Sex After Christianity. Trong bài này, ông trình bày chi tiết một số hành động triệt hạ văn hóa mà ta vừa kể trên đây. Đặc biệt, ông tập chú vào vấn đề làm thế nào và tại sao việc tái lên khuôn tính dục, nhất là vấn đề kết hợp đồng tính, đã trở thành đinh chốt chính của trục xe văn hóa.

Đức Ông Charles Pope, trên trang mạng của Tổng Giáo Phận Washington, http://blog.adw.org, đã nhân cơ hội này, có một số nhận định như sau.

Tầm quan trọng của tính dục

Ngài đặt câu hỏi: phải chăng tính dục được coi như đinh chốt trục xe (linchpin) chính trong trật tự văn hóa Kitô giáo? Có thực sự đúng khi loại bỏ giáo huấn Kitô Giáo về việc làm tình và về tính dục nói chung sẽ loại bỏ được nhân tố từng tạo nên và còn đang tạo nên sức mạnh xã hội của Kitô Giáo hay không?

Đức ông cho rằng hạn từ đinh chốt trục xe vốn dùng để chỉ cái đinh chốt gắn xuyên qua chiếc trục để giữ vững bánh xe. Từ đó, nó dùng để chỉ bất cứ điều gì có tác dụng duy trì các yếu tố khác nhau của một cơ cấu phức tạp để chúng được kết hợp với nhau. Dĩ nhiên, việc làm tình không phải là yếu tố duy nhất trong một nền văn hóa, nhưng nó quả là cốt yếu vì không những nó phục vụ tương lai của bất cứ cộng đồng hay quốc gia nào, mà nó còn nằm ở chính trung tâm của trật tự xã hội và việc nuôi dưỡng và dạy dỗ thế hệ kế tiếp nữa.

Những người cho rằng “việc làm tình chẳng quan trọng gì” chỉ là những người sống trong thế giới mộng mơ. Dĩ nhiên, làm tình là điều quan trọng, và làm cho đúng việc này là điều chủ yếu đối với việc thành công của bất cứ nền văn hóa nào… Vì hiểu cho đúng và thực hành một cách có định hướng, việc làm tình chính là chất keo đính kết sự vật với nhau, nghĩa là nếu chịu đồng hành nhịp nhàng với tình yêu, với lòng trung thành, với các dây liên kết gia đình, và với việc sinh sản hướng tới tương lai. Rút cái chốt ấy ra là toàn bộ bánh xe sẽ tan vỡ mau chóng.

Nhận diện nền văn hóa qua các ngăn cấm

Dreher trích dẫn tác giả Philip Rieff và cuốn sách nổi tiếng của ông này, xuất bản năm 1966, tựa là "The Triumph of the Therapeutic". Rieff là một người vô tín ngưỡng nhưng hiểu rằng tôn giáo là chìa khóa để hiểu bất cứ nền văn hóa nào. Đối với Rieff, yếu tính của mỗi một và mọi nền văn hóa được nhận diện bằng những gì nó ngăn cấm. Mỗi tôn giáo đều áp đặt một số đòi hỏi luân lý lên các tín hữu của mình, để phục vụ các mục tiêu cộng đoàn, và đều giúp họ đương đầu với các đòi hỏi ấy. Nền văn hóa nào cũng đòi phải có một thứ thờ phượng (cultus), tức ý thức về một trật tự thánh thiêng, một vũ trụ luận khơi nguồn cho các đòi hỏi kia bên trong cái khung siêu hình…

Đức ông Pope cho rằng điều ấy đúng. Và ta nên để ý xem những đòi hỏi luân lý cũng như các ngăn cấm kia phục vụ các mục tiêu của cộng đoàn ra sao. Việc bác bỏ các giới hạn một cách ấu trĩ và trâng tráo cũng như não trạng “không ai được bảo tôi phải làm gì hay phán đoán tôi” không hề ngừng lại để thấy rằng giới hạn là điều cần đối với bất cứ thực hành tự do nào. Tuyệt đối tự do là bất trị và hỗn loạn. Trong khi tự do xây dựng chỉ hiện hữu trong một phạm vi nào đó và với một số giới hạn nào đó. Tôi chỉ được tự do để truyền đạt nếu biết tuân thủ các giới hạn của văn phạm. Tôi chỉ được tự do lái xe nếu chịu tuân theo các luật đi đường.

Bởi thế, “ngăn cấm” hay nói tới các giới hạn hay đòi hỏi luân lý, một điều ngày nay bị coi là không đúng về chính trị, là điều cần thiết nếu muốn có văn hóa. Và nếu nhận rằng nền văn hóa nào cũng cần một thờ phượng, thì hẳn nhiên Kitô Giáo có vai trò đó trong nền văn hóa của chúng ta. Bây giờ, nếu đẩy viễn kiến Kitô Giáo ra bên lề, ta sẽ chẳng còn gì để trám vào chỗ trống cả. Mọi sự đều tan vỡ, chỉ còn lại đấu tranh quyền lực, tranh chấp nhau ở tòa án trở thành cơm bữa.

Chủ nghĩa cá nhân triệt để của Phương Tây, và tâm thức vị kỷ và ích kỷ nói chung của nhiều người thời nay ít dành thì giờ và cảm tình cho các mục tiêu cộng đoàn. Và nếu có chút cảm tình nào đó, thì nó cũng luẩn quẩn trong cái biệt ngữ “tập thể” (collective) theo nghĩa xã hội chủ nghĩa chứ không hẳn cộng đoàn. Tư duy xã hội chủ nghĩa chuyển nhượng trách nhiệm luân lý cho Nhà Nước và lấy nó khỏi cá nhân. Dù thế, nó vẫn có tính cá nhân chủ nghĩa, ít nhất cũng theo nghĩa thoái hóa của Phương Tây.

Tái điều hướng bản năng dục tính

Rieff cũng cho rằng bác bỏ sự tự lập tính dục và nhục cảm tính của nền văn hóa ngoại giáo là cốt lõi của nền văn hóa Kitô Giáo, một nền văn hóa chủ yếu không những từ bỏ mà còn tái điều hướng bản năng dục tính nữa…

Đối với đức ông Pope, “tự lập tính dục” là một điều tự mâu thuẫn với chính nó. Vì, từ bản chất, tính dục hướng về nhau và về người thứ ba, vì nó vốn có tính sinh sản. Từ bản chất, tính dục vốn là về người khác, và về người thứ ba, về toàn thể cộng đoàn, vì nó vốn có đó vì tương lai cộng đoàn, tương lai Giáo Hội và tương lai quốc gia.

Quan điểm của Thánh Phaolô về tính dục

Thực ra, Dreher cho rằng người Hoa Kỳ hiện nay khó có thể hiểu được tại sao tính dục lại là quan tâm lớn của cộng đồng Kitô Giáo buổi sơ khai. Sarah Ruden, phiên dịch viên các tác phẩm cổ điển được huấn luyện tại ĐH Yale, trong tác phẩm “Paul Among The People” xuất bản năm 2010, đã giải thích nền văn hóa trong đó Kitô Giáo xuất hiện. Bà cho rằng quả là thậm ngu dốt nếu coi Thánh Phaolô như một nhà thanh giáo (puritan) tiên khởi đầy chua chát chống báng những người lãng tử (hippies) ngoại giáo ưa khoái lạc, qua việc dạy họ phải chấm dứt vui chơi. Trên thực tế, giáo huấn của ngài về sự trong sạch tính dục và hôn nhân đã được chấp nhận như có tính giải phóng đối với nền văn hóa khiêu dâm, khai thác tính dục của nền văn hóa La Hy đương thời, nhất là khai thác nô lệ và phụ nữ… Như chính Thánh Phaolô từng nói một cách chi tiết, Kitô giáo đã làm một cuộc cách mạng văn hóa, qua việc giới hạn và định hướng dục tính của nam giới, nâng cao địa vị của cả phụ nữ lẫn thân xác con người, và thấm đượm hôn nhân, cũng như tính dục vợ chồng, bằng tình yêu.

Đây quả là một phân tích tuyệt vời. Kitô hữu chúng ta quá nhiều khi tự để mình bị xác định bởi những điều ta chống lại, thay vì chịu nhấn mạnh rằng nếu ta chống lại điều gì đó, thì việc này chỉ là vì một thiện ích lớn hơn thôi. Ở đây, đạo đức học tính dục của Kitô Giáo có đó để duy trì phẩm giá phụ nữ, phẩm giá gia đình, phẩm giá hôn nhân, phẩm giá con cái, phẩm giá thân xác con người, và cả phẩm giá của chính tính dục nữa. Chúng ta VÌ những điều đó chứ không chỉ vì những điều chống lại tính dục, theo nghĩa thanh giáo nào đó.

Không có những giới hạn này, tính dục rất dễ bị khai thác và kết cục bị kẻ quyền thế áp đặt chứ không phải là một hiến thân hỗ tương đặt căn bản trên lời hứa về một cam kết bền vững, có hoa trái và đầy tín trung, mà ta vốn gọi là Phép Hôn Phối. Không có sự tín trung và tôn trọng này, ta sẽ có rất ít căn bản để đạt được trật tự xã hội, chứ đừng nói tới văn hóa.

Kitô Giáo gặp gỡ thế giới La Hy đang tan vỡ vì vi phạm các cái nhìn thông sáng ấy. Nên đã tái khẳng định các cái nhìn thông sáng này để tái lên khuôn và phục hưng nền văn hóa cổ xưa. Vấn đề không phải chỉ là, hay chủ yếu là tái định nghĩa và tái lượng giá tính dục, nhưng bên trong nền nhân học Kitô Giáo, tính dục nhận được một ý nghĩa mới và khác hẳn… Trong Kitô Giáo, không thể tách biệt điều người ta làm cho tính dục với bản chất thực sự của con người nhân bản… Điều này tạo ra phương thế giúp điều hướng bản năng tính dục, đặt nó trong khung cảnh cộng đoàn, và điều hướng nó một cách tích cực… Điều văn hóa có bổn phận phải làm là giới hạn các đam mê cá nhân và điều hướng nó một cách sáng tạo về hướng mục tiêu cộng đoàn.

Đánh trống lảng

Đúng như nhận định của Dreher, điều đáng nói là thời hiện đại, người ta đã đảo ngược vai trò của văn hóa. Thay vì dạy ta phải lấy đi khỏi mình điều gì để trở thành văn minh, thì xã hội lại dạy ta đi tìm ý nghĩa và mục tiêu trong việc giải thoát mình khỏi các ngăn cấm xưa. Giải thích hiện tượng này là điều không dễ. Nhưng quả tình Phương Tây đang đánh mất cảm thức này là Kitô Giáo rất ăn có với trật tự văn minh… Trong thế kỷ 20, vất bỏ các lý tưởng Kitô Giáo có tính hạn chế tính dục là một việc càng ngày càng được đồng hóa với lành mạnh. Đến thập niên 1960, xác tín cho rằng phát biểu tính dục là điều lành mạnh và tốt đẹp, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và xác tín cho rằng thèm muốn tính dục là nội tại ngay trong căn tính bản vị con người đã đạt tới đỉnh cao với cuộc cách mạng tình dục, mà tinh thần sinh động của nó cho rằng sự tự do và tính chân thực của con người không hệ ở việc kìm hãm tính dục (theo nghĩa Kitô Giáo) nhưng ở việc phát biểu và khẳng định nó. Người Hoa Kỳ hiện đại đã bảo vệ sự tự do của họ theo nghĩa này.

Hiểu “lành mạnh” theo lối trên là điều lạ lùng. Nhiều người quả lên án giáo huấn Công Giáo về tính dục là “không lành mạnh”, là ức chế… Nhưng lạ lùng hơn nữa là nền văn hóa bệnh hoạn kia dám nói về sức khỏe của tôi. Sức khỏe thể lý đàng hoàng. Trong khi lối sống “lành mạnh” của những người phóng túng là gì, nếu không phải là việc bùng phát các bệnh đường tình dục (STD), AIDS, hoa liễu, vô sinh, phụ nữ ghiền hormones, chưa kể những vụ giết trẻ em, băm thây chúng bằng phá thai. Rồi còn những việc “không lành mạnh” khác của gia đình tan vỡ, tỷ lệ ly dị cao, làm mẹ đơn chiếc, làm mẹ lúc còn thiếu niên, ghiền khiêu dâm, và đủ thứ tệ nạn xã hội phát sinh từ những gia đình tan vỡ và kết hợp thiếu lành mạnh. Vậy mà họ vẫn kết tội tôi là “thiếu lành mạnh”, “bị ức chế”. Thử nêu vấn đề này với một người phóng túng mà xem, một là ông ta sẽ nhìn anh trừng trừng hay dùng chiến thuật đánh trống lảng như vạch ra các tội lỗi của một số giáo sĩ nào đó chẳng hạn…

Một trật tự xã hội ổn định

Dreher cho rằng vì không nhận cộng đoàn có khả năng nắm bắt các chân lý trói buộc vượt lên trên cá nhân, nên cuộc cách mạng tình dục đã không thể thiết lập được một trật tự xã hội vững ổn. Vì không thể có văn hóa, nếu không có thờ phượng là điều vượt trên cộng đoàn và có sức trói buộc. Không có thờ phượng, không thể lập ra văn hóa, lập ra trật tự vững ổn cho xã hội, vì một ai đó từ bên trên và từ bên ngoài phải điều hướng và tập chú vào nền văn, một ai đó mà ta gọi là Thiên Chúa.

Chính vì thế, Dreher cho rằng nền văn hóa hậu Kitô Giáo là nền văn hóa “phản văn hóa”… Cái chết của văn hóa bắt đầu khi các định chế tiêu bản của nó không còn truyền đạt được các lý tưởng có tính trói buộc từ bên trong nữa.

Tuy nhiên, trách nhiệm không hoàn toàn nằm trong những con người “phản thánh thiêng” (iconoclastic) hiện đại. Chính các Kitô hữu cũng đang thất bại trong việc truyền đạt các lý tưởng của ta một cách lôi cuốn từ bên trong. Bởi thế, tân phúc âm hóa đòi ta phải tái đề xuất Tin Mừng một cách mới mẻ và lôi cuốn hơn.
 
Loan báo Tin mừng bằng Tweeter
LM. Phan Du Sinh
08:38 12/05/2013
Kể từ bản tweet đầu tiên do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gởi vào ngày 12/12/2012, hơn 6 triệu người đã theo dõi. Tài khoản này, ngưng hoạt động khi trống ngôi, đã được mở lại sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô và con số tiếp tục gia tăng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục sáng kiến đầu tiên của Đức Bênêđíctô để vươn ra thế giới qua việc sử dụng các mạng lưới xã hội. Hiện nay tài khoản @Pontifex đăng các bản tweet bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, La Tinh, Ba Lan và Ả Rập.

Khi vươn tới biết bao nhiêu người như thế, Đức Thánh Cha đang lôi cuốn một cử toạ, cạnh tranh với nhiều ca sĩ, diễn viên và nhạc sĩ trên cùng một diễn đàn.

Đáng ngạc nhiên, tài khoản bằng tiếng La Tinh vượt xa các ngôn ngữ Ba lan và Ả Rập. Các ngôn ngữ khác như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng được thấy có sự tăng nhanh về những người theo dõi.

Dù Twitter đã được xem như là một kế hoạch tiếp thị cho phần đông các xí nghiệp và cơ quan để phổ biến thương hiệu, tài khoản @Pontifex được sử dụng cách cụ thể như là một dụng cụ của Tân phúc âm hoá, nhưng thích ứng với những hình thức truyền thông mới mẻ, không chỉ với các tín hữu, nhưng với mọi người.

Con số bản tweet do Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi đi đã gia tăng cách vững chắc, hầu như mỗi ngày một tweet. Với những sứ điệp như, “các bạn trẻ thân mến, đừng có chôn giấu các tài năng, các quà tặng mà Thiên Chúa ban cho các bạn! Đừng sợ mơ ước những điều vĩ đại!”, Đức Thánh Cha gởi những sứ điệp ngắn, nhưng cụ thể, đánh động sự tin tưởng và khát vọng của mọi người dầu bị giới hạn trong vòng 140 ký tự.

Nguồn Zenit 09/05/2013
 
Nội dung bài giảng của ĐTC trong ngày lễ phong thánh
Bùi Hữu Thư
08:58 12/05/2013

2013-05-12 Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho trên 800 vị thánh ngày Chúa Nhật 12 tháng 5, 2013, trong Thánh Lễ tại quảng trường Thánh Phêrô: Thánh Antonio Primaldo và các bạn tử đạo tại Otranto, Ý; Thánh Laura di Santa Caterina da Siena Montoya y Upegui, đồng trinh và lập Dòng; và Thánh Maria Guadalupe García Zavala, cùng thành lập Dòng. Sau đây là bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha nói bằng tiếng Ý và một phần bằng tiếng Tây Ban Nha

Anh chị em thân mến!

Trong ngày Chúa Nhật thứ 7 mùa Phục Sinh chúng ta tụ tập nơi đây để hân hoan mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Tạ ơn Chúa đã vinh hiển – bằng vinh quang của tình yêu – để chiếu sáng trên các vị Tử Đạo tại Otranto, trên Mẹ Laura Montoya và María Guadalupe García Zavala. Tôi chào đón tất cả các bạn đã đến tham dự - từ Ý, từ Colombia, Mexico, và các quốc gia khác – và tôi cám ơn các bạn! Chúng ta hãy nhìn các vị thánh mới này dưới ánh sáng của Tin Mừng được công bố: Lời Chúa mời gọi chúng ta trung thành với Chúa Kitô, ngay cả khi phải tử đạo; Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta về sự khẩn cấp và tuyệt vời của việc đem Chúa Kitô và Phúc Âm đến cho mọi người: Lời Chúa nói về nhân chứng cho tình bác ái, nếu không, ngay cả việc tử đạo và thi hành sứ mệnh sẽ mất đi hương vị Kitô giáo.

Sách Công Vụ Tông Đồ, khi viết về Thầy Phó Tế Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, đã nhấn mạnh khi nói với chúng ta rằng ngài là “một người đầy ơn Chúa Thánh Thần (6:5, 7:55).” Điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa là ngài có tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, toàn thể con người ngài, tất cả cuộc đời của ngài được Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh đánh động, để hoàn toàn trung thành đi theo Chúa Giêsu, ngay cả khi phải tự hiến thân mình

Hôm nay, Giáo Hội đề cử việc tôn kính một số các vị tử đạo đã cùng nhau được mời gọi để làm nhân chứng tối cao cho Phúc Âm năm 1480. Khoảng 800 vị đã sống sót cuộc vây hãm và xâm lăng thành Otranto, họ đã bị chém đầu gần thành phố này. Họ từ chối không từ bỏ đức tin và đã chết trong khi tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh. Họ đã tìm được ở đâu sức mạnh để trung thành như thế? Chính là trong đức tin, đức tin giúp chúng ta nhìn xa hơn giới hạn của con mắt loài người, vượt quá ranh giới của cuộc sống trần thế, để chiêm ngưỡng “Thiên Đàng rộng mở”– như Thánh Stêphanô đã nói – và Chúa Kitô hằng sống, ngự bên phải Chúa Cha.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy gìn giữ đức tin chúng ta nhận được, và đó chính là kho tàng thật sự của chúng ta, chúng ta hãy canh tân sự trung thành của chúng ta với Chúa Kitô, ngay cả trong những khi gặp trở ngại và hiểu nhầm; Thiên Chúa sẽ không bao giờ để chúng ta thiếu sức mạnh và sự thanh bình. Trong khi chúng ta tôn kính các vị tử đạo thành Otranto, chúng ta hãy cầu xin Chúa nâng đỡ rất nhiều Kitô hữu ngày nay và tại nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn đang chịu đựng những bạo tàn, xin ban cho họ lòng can đảm và trung thành để đáp trả sự dữ bằng sự lành.

Ý tưởng thứ hai có thể được trích ra từ Lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (Ga 17:20)” Thánh Laura Montoya là một công cụ của việc phúc âm hóa, trước hết như một cô giáo, rồi như mẹ linh hướng của những người bản xứ, mẹ đã đem đến cho họ niềm hy vọng, đón chào họ bằng tình yêu mà mẹ đã học hỏi từ Thiên Chúa, và đem họ đến với Người bằng một khoa sư phạm có hiệu quả, vì mẹ đã tôn trọng, và không chống lại nền văn hóa của họ. Trong công trình truyền giáo, Mẹ Laura trở nên, theo lời Thánh Phaolô, đúng là mọi sự cho mọi người (1 Cr 9:22). Ngay cả ngày nay, các con cái thiêng liêng của mẹ vẫn đang sống và đem Phúc Âm đến những nơi xa xôi và nghèo khó nhất, như một đội ngũ tiên phong của Giáo Hội.

Vị thánh đầu tiên sanh trên miền đất Colombia đẹp đẽ, dậy cho chúng ta biết quảng đại với nhau, và không sống đức tin một mình – nhưng phải truyền thông, phải chiếu tỏa niềm vui của Phúc Âm bằng lời nói và nhân chứng trong cuộc sống khắp mọi nơi. Bà dậy chúng ta thấy được gương mặt Chúa Giêsu phản ảnh trên người khác, để vượt thắng sự thờ ơ và chủ nghĩa cá nhân, để đón nhận tất cả mọi người không kỳ thị, không gượng ép, bằng tình yêu, cho đi những gì quý nhất của chúng ta và trên hết, chia xẻ với họ những gì quý giá nhất chúng ta có, không phải là việc làm hay tổ chức của chúng ta, mà là những gì quý giá nhất chúng ta có, đó là Chúa Kitô và Phúc Âm của Người.

Cuối cùng, một tư tưởng thứ ba. Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha bằng những lời này: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ con cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa (Ga 17:26)” Sự trung thành của các vị tử đạo cho đến chết, sự loan báo Tin Mừng được bắt rễ trong tình yêu Thiên Chúa đã đổ tràn đầy trong tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần (Rm 5:5), và trong chứng tá chúng ta gánh mang trong cuộc sống hàng ngày. Thánh Maria Guadalupe García Zavala biết rõ điều này. Bà đã từ bỏ một đời sống sung túc – có biết bao nhiêu tai hại một đời sống quá đầy đủ có thể gây ra? Sự quý phái hóa trái tim làm cho chúng ta tê liệt – và bà, khi từ bỏ cuộc sống sung túc để theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, dậy chúng ta biết yêu mến sự khó nghèo, để có thể yêu thương những người nghèo khổ và bệnh hoạn hơn. Mẹ Lupita quỳ trên sàn nhà thương trước những bệnh nhân, trước những người bị bỏ rơi, để phục vụ họ với sự dịu hiền và cảm thông. Đây chính là điều có nghĩa là chạm đến thân thể Chúa Kitô. Những người nghèo khó, bị bỏ rơi, và sống ngoài lề xã hội là thân thể của Chúa Kitô. Và Mẹ Lupita đã chạm đến thân thể Chúa Kitô và dậy chúng ta hành vi này: là không được e dè, sợ hãi, hay ghê sợ phải chạm đến thân thể Chúa Kitô. Mẹ Lupita hiểu việc “chạm đến thân thể Chúa Kitô” có ý nghĩa gì. Ngày nay các con cái thiêng liêng của mẹ cũng tìm cách phản ảnh tình yêu Thiên Chúa trong các công trình bác ái, và không quản ngại hy sinh, và đối phó các trở ngại và thử thách với lòng khiêm tốn và ý thức làm tông đồ thường trực.

Vị thánh Mễ Tây Cơ mới này mời gọi chúng ta yêu y như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, và điều này làm cho chúng ta không rút lui vào chính mình, vào chính những khó khăn của chúng ta, vào chính những ý tưởng của chúng ta, vào những gì chúng ta ưa thích trên trần thế nhỏ bé này đã gây nên biết bao nhiêu tai họa, để đứng giậy và đi gặp những ai cần được săn sóc, thông hiểu và trợ giúp, để đem sự gần gũi ấm áp của tình yêu Thiên Chúa đến cho họ bằng những cử chỉ tế nhị và yêu thương chân thành.

Trung thành với Đức Kitô và Phúc Âm của Người, để tuyên xưng bằng lời nói và hành động, làm nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta, với lòng bác ái đối với mọi người: các vị thánh chúng ta tôn phong hôm nay cho chúng ta những gương sáng và giáo huấn về điều này. Họ cũng đặt các câu hỏi về đời sống Kitô của chúng ta: tôi có trung thành với Chúa Kitô không? Chúng ta hãy suy tư về câu hỏi này trong ngày: Tôi có trung thành với Chúa Kitô không? Tôi có thể bầy tỏ đức tin của tôi một cách trân trọng và can đảm không? Tôi có chú ý đến người khác không, tôi có nhận biết khi có người thiếu thốn không? Tôi có coi tất cả mọi người như những anh chị em để yêu mến họ không? Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và của các vị thánh mới, để Người có thể đổ tràn trong chúng ta niềm vui của Tình yêu của Người, Amen.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành trọng thể lễ phong thánh
Lê Đình Thông
09:28 12/05/2013
ĐTC PHANXICÔ CỬ HÀNH TRỌNG THỂ LỄ PHONG THÁNH

Sáng nay (12/05/2013), ĐTC Phanxicô đã cử hành trọng thể đại lễ phong thánh đầu tiên trong triều đại giáo hoàng tại quảng trường thánh Phêrô trước một rừng tín hữu, trong số có nhiều người Ý, Colombia và Mêxicô. Ba vị tân phong là thánh Antonio Primaldo (người Ý) và 800 bạn vô danh tử đạo vào năm 1480 tại Otrante vì đã từ chối không chịu theo đạo Hồi, nữ thánh Laura de Santa Caterina da Siena Montoya y Upeguila (Colombia), nữ thánh Maria Guadalupe Garcia Zavala (Mêxicô). Cả hai là thánh lập dòng vào thế kỷ XX, tận hiến để giúp đỡ người nghèo và những người đau yếu bệnh tật. Các ngài có công truyền bá đức tin, đồng thời tôn trọng văn hóa bản địa. Hồ sơ phong thánh đã được Đức Bênêdictô XVI chuẩn nhận trong hội nghị Hồng Y ngày 11/02/2013 vừa qua.

Đức Phanxicô tôn vinh thánh Laura Montoya (1874-1949) là giáo chức có công truyền bá đức tin cho người nghèo trong môi trường giáo dục. Ngài sáng lập dòng Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm, được người Colombia coi là ‘‘Mẹ Laura’’ (Madre Laura). Hiện nay, nhà dòng có một ngàn nữ tu trong 21 quốc gia châu Mỹ la tinh, châu Phi và châu Âu.

‘‘Mẹ Lupita’’ (Madre Lupita) (1878-1963) là nạn nhân bách hại vào thời kỳ chống đạo ở Mexicô. Ngài cùng với linh mục Cipriano Iñiquez lập dòng các tôi tớ người nghèo của thánh Marguerita-Maria. Suốt đời thánh nhân hết lòng săn sóc bệnh nhân.

Thánh Antonio Primaldo bị quân lính Hồi giáo chém đầu. Thánh nhân dõng dạc tuyên xưng đức tin trước khi bị xử trảm: ‘‘Tôi tin thật Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật. Tôi thà bị chết chém hơn là chối đạo, theo đạo Hồi’’.

Vào tháng 10 sắp tới, có nhiều khả năng Đức Phanxicô sẽ phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II. Theo nguồn tin Tòa thánh, một ủy ban gồm 6 vị bác sĩ trực thuộc Thánh bộ Phong thánh do giáo sư Patrizio Polisca là chủ tịch tuyên bố không giải thích được việc một phụ nữ được khỏi căn bệnh không thể điều trị được vào chiều ngày 01/05/2011, ngày phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô II. Sau đó, một ủy ban gồm các nhà thần học công nhận phép lạ. Thánh bộ Phong thánh sẽ họp phiên khoáng đại trình hộ sơ lên ĐTC Phanxicô. Theo nhật báo Công Giáo La Croix, Đức Phanxicô sẽ ký sắc lệnh phong thánh vào tháng 10 sắp tới. Theo báo Aleteia, ĐHY Dziwisz, tổng giám mục Cracovie (Ba Lan), nguyên là bí thư của Đức Gioan-Phaolô II, cho rằng việc Đức Gioan-Phaolô II được phong thánh vào tháng 10 kỷ niệm 35 năm ngài được bầu làm giáo hoàng là một sự kiện lịch sử trọng đại trong Năm Đức tin 2013. Ngài là vị thánh thứ hai của thế kỷ XX, sau thánh Piô X.

Paris, ngày 12/05/2013

Lê Đình Thông
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hơn 800 Hiển Thánh
LM. Trần Đức Anh OP
11:16 12/05/2013
VATICAN. Sáng Chúa Nhật 12-5-2013, ĐTC Phanxicô đã ghi vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội hơn 800 vị Hiển Thánh mới. Đây là lễ tôn phong Hiển Thánh đầu tiên trong triều đại của Đức Phanxicô.

- Đứng đầu là thánh Antonio Primaldo và 800 vị tử đạo tại thành phố Otranto, nam Italia. Các vị bị người Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo giết hại cách đây hơn 530 năm vì không chịu bỏ đức tin Công Giáo để theo Hồi giáo.

Hồi đó, quân Ottoman Thổ Nhĩ kỳ hùng hậu vây hãm thành Otranto và chiếm được thành vào ngày 11-8-1480. Nhiều người bị giết chết và 3 ngày sau đó viên chỉ huy ra lệnh tảo thanh càn quét tất cả những người còn sống sót trong thành Otranto, những người nam từ 15 tuổi trở lên. Tổng cộng có 800 người bị bắt. Họ bị đặt trước hai lựa chọn: một là bỏ đạo Kitô để theo Hồi giáo, hay là chịu chém đầu. Cụ già Antonio Pezzulla, cũng gọi là Primaldo, làm nghề thợ may, thay mặt tất cả mọi người trả lời: ”Chúng tôi tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và vì Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi sẵn sàng chịu chết. Cho đến nay chúng tôi đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc và cứu vãn tài sản cũng như mạng sống của chúng tôi; giờ đây chúng tôi cần chiến đấu cho Chúa Giêsu Kitô, để cứu vãn thiện ích và linh hồn của chúng tôi”.

Thế là các tù nhân bị chia thành từng nhóm 50 người và dẫn lên đồi Minerva ở ven thành, nay được gọi là ”Đồi các vị tử đạo”. Tại đây tất cả đều bị chém đầu, trước sự hiện diện của những người thân thích họ hàng. Lịch sử còn ghi lại rằng trong cuộc tàn sát các vị tử đạo, một người Thổ nhĩ kỳ tên là Bersabei đã trở lại đạo khi chứng kiến lòng can đảm của những người thành Otranto chịu chết vì đức tin. Cả ông Bersabei cũng chịu tử đạo do tay của các bạn đồng ngũ.

- Đứng thứ hai trong danh sách là nữ chân phước là Laura thánh nữ Catarina Siena Montoya, người Colombia, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Nữ Catarina, qua đời năm 1949 tại Belencito-Medellín, thọ 75 tuổi.

Khi được 35 tuổi, chị Laura, được mẹ tháp tùng, đã cùng với 4 nữ thừa sai giáo lý viên cho thổ dân rời bỏ thành Medellín để đi tới Dabeiba hẻo lánh vào ngày 5-5-1914, thi hành công tác giáo dục và giảng dạy giáo lý cho các thổ dân thuộc bộ lạc Cuna.

Mặc dù bị bệnh và phải ngồi xe lăn trong 9 năm cuối đời, Mẹ Laura thánh nữ Catarina tiếp tục hướng dẫn và linh hoạt hội dòng. Mẹ qua đời năm 1949. Lúc đó dòng đã được 500 nữ tu và khoảng 100 nữ tập sinh, phục vụ 22 sắc tộc thổ dân khác nhau. Về sau số nữ tu gia tăng quá gấp tội và hiện nay dòng có 850 nữ tu hoạt động tại 21 quốc gia, phần lớn tại Mỹ châu la tinh, nhưng cũng có tại hai nước Phi châu và Âu Châu như Italia và Tây Ban Nha.
- Sau cùng là nữ chân phước Maria Guadalupe García Zavala, người Mêhicô, đồng sáng lập dòng các nữ tỳ thánh thánh nữ Margarita Maria và người nghèo, qua đời năm 1963 thọ 85 tuổi.

Thánh nữ quen gọi là Lupita, sinh trong trong một gia đình thân phụ là một thương gia. Vốn là một thiếu nữ đẹp và dễ thương, đính hôn năm 23 tuổi, nhưng rồi Lupita cảm thấy tiếng gọi dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì, đặc biệt quan tâm đến những người bệnh tật và nghèo khổ. Với sự trợ giúp của cha linh hướng, chị Lupita thành lập dòng nữ ”Nữ tỳ Thánh Nữ Margarita Maria và người nghèo”.

Chị Lupita rất quan tâm đến các bệnh nhân và thường dạy các nữ tu ”hãy săn sóc người bệnh như săn sóc chính Chúa Kitô”. Mẹ cũng là một phụ nữ tốt lành, khiêm tốn và có lòng kính mến Thiên Chúa hết lòng, và tôn sùng Thánh Tâm và Thánh Thể Chúa.

Trong thời bách hại tại Mêhicô, Mẹ Lupita cùng với một số nữ tu đã liều mạng giấu kín trong nhà thương một số LM và cả Đức Cha Francisco Orozco y Jimenez, TGM giáo phận Guadalajara là giáo phận lớn thứ hai tại Mêhicô. Lúc sinh thời, Mẹ Lupita đã thành lập 11 cơ sở của dòng tại Mêhicô, và sau khi Mẹ qua đời, dòng tiếp tục phát triển và hiện nay dòng các nữ tỳ thánh Margarita và người nghèo có 22 cơ sở tại Mêhicô, Perù, đảo Iceland, Hy Lạp và Italia.
Mẹ Lupita là phụ nữ thứ hai người Mehicô được phong hiển thánh.

Thánh lễ tôn phong

Thánh lễ phong thánh bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 12-5-2013, trước sự hiện diện của hơn 100 ngàn tín hữu. Có 60 vị đồng tế với ĐTC gồm các HY, GM và các linh mục liên hệ đặc biệt với các vị được tôn phong.

Trước khi bắt đầu thánh lễ, cộng đoàn đã hát kinh cầu các thánh tiếp đến ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, Angelo Amato đã thỉnh cầu ĐTC ghi vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội các chân phước Primaldo và các bạn tử đạo, chân phước Laura Montoya và chân phước Maria Guadalupe García Zavala. Tiếp đến cộng đoàn đã hát kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Rồi ĐTC long trọng đọc công thước phong thánh:

”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi và tuyên dương đức tin Công Giáo và phát triển đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, sau khi suy nghĩ chín chắn, khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định là Hiển Thánh các vị chân phước Antonio Primaldo và các bạn, Laura thánh Catarina Siena Montoya y Upegui, và Maria Guadalupe García Zavala, và chúng tôi ghi tên các vị vào sổ bộ các thánh, đồng thời quy định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các vị phải được tôn kính với lòng sùng mộ giữa các thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Cộng đồng hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa, rồi hài cốt các thánh được rước lên ĐTC hôn kính trước khi được đặt trên giá cao cạnh bàn thờ.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi gợi lại vài nét nổi bật trong cuộc đời của các vị thánh mới: trung thành với Chúa Kitô cho đến độ đổ máu đào; lòng hăng say truyền giáo, và làm chứng tá bác ái, ĐTC rút ra những hệ luận thực hành cho đời sống của các tín hữu. Ngài nói:

”Hôm nay, Giáo Hội đề nghị cho chúng ta tôn kính một đoàn binh các vị tử đạo, đã được cùng nhau kêu gọi đạt tới chứng tá tột đỉnh về Tin Mừng vào năm 1480. Khoảng 800 người, sống sót sau cuộc bao vây và xâm lăng của quân Ottoman ở thành Otranto, đã bị chém đầu gần thành phố ấy. Họ khước từ không chối bỏ đức tin và đã chịu chết trong lúc tuyên xứng Chúa Kitô phục sinh. Từ đâu họ tìm được sức mạnh để trung thành như thế? Thưa là chính nơi đức tin, làm cho họ nhìn xa hơn những giới hạn của cái nhìn con người, vượt xa hơn biên cương của đời sống trần thế, đức tin làm cho họ chiêm ngắm ”các tầng trời mở rộng” như thánh Stephano đã nói - và Chúa Kitô sống động ở bên hữu Chúa Cha”.

”Các bạn thân mến, chúng ta hãy bảo tồn đức tin chúng ta đã nhận lãnh, và là kho tàng đích thực của chúng ta, chúng ta hãy canh tân lòng trung thành với Chúa, dù giữa những chướng ngại và không được thông cảm; Thiên Chúa không bao giờ để cho chúng ta thiếu sức mạnh và sự thanh thản. Trong khi chúng ta tôn kính các vị tử đạo thành Otranto, chúng ta hãy cầu xin Chúa nâng đỡ bao nhiêu tín hữu Kitô ngày nay và tại nhiều nơi trên thế giới đang còn phải chịu bạo lực và xin Chúa ban cho họ lòng can đảm trung thành và đáp lại sự ác bằng sự thiện.”
ĐTC nói tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha và nhắc đến thánh nữ Laura Montoya mẫu gương truyền giáo, vị thánh đầu tiên của Giáo Hội tại Colombia:

”Thánh nữ là ”dụng cụ ruyền giáo trước tiên như một giáo viên rồi như người mẹ tinh thần của các thổ dân, những người mà Mẹ mang lại hy vọng cho họ, đón tiếp họ với tình thương đã học từ Thiên Chúa và đưa họ đến cùng Chúa bằng một phương pháp sư phạm hữu hiệu, tôn trọng nền văn hóa của họ và không chống lại nền văn hóa ấy.

Trong công trình truyền giảng Tin Mừng, Mẹ Laura thực sự trở nên mọi sự cho mọi người, như lời thánh Phaolô (Xc 1 Cr 9,33). Cả ngày nay, các con cái tinh thần của thánh nữ đang sống và mang Tin Mừng đến những nơi xa xăm nhất và túng thiếu, như một thứ tiền tuyến của Giáo Hội. Vị thánh đầu tiên sinh ra tại đất nước Colombia tươi đẹp này dạy chúng ta hãy quảng đại với Thiên Chúa, và không sống đức tin một mình, như thế có thể sống đức tin một cách cô lập, nhưng biết thông truyền đức tin, mang niềm vui Tin Mừng bằng lời nói và chứng tá cuộc sống trong mọi môi trường chúng ta sống. Tại bất kỳ nơi nào chúng ta sinh sống, hãy chiếu tỏa cuộc sống Tin Mừng. Thánh nữ dạy chúng ta nhìn tôn nhan Chúa Giêsu phản ánh nơi tha nhân, vượt thắng sự dửng dưng và cá nhân chủ nghĩa, làm hao mòn cộng đồng Kitô và tâm hồn chúng ta, đón nhận mọi người không thành kiến, không cưỡng bách, nhưng với tình thương, trao ban những gì tốt đẹp nhất của chúng ta cho họ và nhất là chia sẻ với họ điều mà chúng ta có quí giá nhất, không phải là công trình của chúng ta, và điều mà chúng ta sở hữu, nhưng chỉ mình Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài”.

Tiếp tục bài giảng trong lễ phong thánh sáng hôm qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đề cập đến ý tưởng thứ ba: trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu cầu nguyện với những lời này: ”Con đã và sẽ làm cho cho họ biết danh Cha, để tình thương mà Cha đã cho con cũng được ở nơi họ và con ở trong họ” (Ga 17,26). Lòng trung thành của các vị tử đạo cho đến chết và việc công bố Tin Mừng cho mọi người ăn rễ sâu nơi tình thương của Thiên Chúa được phú vào tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Linh (Xc Rm 5,5), và trong chứng tá mà chúng ta phải trình bày về tình thương này trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Thánh nữ María Guadalupe García Zavala đã biết rõ điều đó. Khi từ bỏ một cuộc sống tiện nghi thoải mái - cuộc sống này và thái độ trưởng giả của tâm hồn mang lại bao nhiêu thiệt hại - khi từ bỏ cuộc sống tiện nghi như thế để theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, thánh nữ dạy ta yêu mến sự thanh bần, để có thể yêu mến người nghèo và bệnh nhân hơn nữa. Mẹ Lupita đã quì xuống trên nền nhà thương trước những bệnh nhân và người bị bỏ rơi để phục vụ họ với lòng dịu dàng và cảm thương. Và điều này có nghĩa là động chạm đến thân xác Chúa Kitô. Cac bệnh nhân, người nghèo, người sắp chết là thân mình Chúa Kitô. Cả ngày nay con cái tinh thần của Mẹ cũng đang tìm cách phản chiếu tình thương của Thiên Chúa qua các hoạt động bác ái, không nề quản hy sinh và đương đầu với bất kỳ chướng ngại nào bằng dịu dàng, kiêm trì tông đồ và can đảm:

”Vị tân thánh nữ người Mêhicô này mời gọi chúng ta hãy yêu mến như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, và điều này có nghĩa là không co cụm vào mình, trong những vấn đề, các ý tưởng, tư lợi của mình, nhưng đi ra ngoài và gặp gỡ những người đang cần được quan tâm, cảm thông, giúp đỡ, để mang lại cho họ sự gần gũi nồng nhiệt của tình yêu Thiên Chúa, qua những cử chỉ tế nhị và yêu thương chân thành.

Và ĐTC kết luận với lời mời gọi tất cả mọi người:

”Lòng trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, để loan báo bằng lời nói và cuộc sống, làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa bằng tình thương của chúng ta, bằng đức bác ái của chúng ta với tất cả mọi người: đó là những tấm gương sáng ngời và giáo huấn mà ba vị thánh được tôn phong hôm nay cống hiến cho chúng ta, và cũng gợi lên những câu hỏi cho đời sống Kitô của chúng ta: Tôi trung thành với Chúa Kitô như thế nào? Chúng ta hãy mang theo mình câu hỏi này trong ngày hôm nay. Tôi có khả năng làm cho thấy đức tin của tôi trong niềm tôn trọng, nhưng với lòng can đảm hay không? Tôi có chú ý đến tha nhân, tôi có nhận ra người đang ở trong tình trạng túng quẫn, tôi có thấy nơi mọi người là những anh chị em của tôi cần được yêu thương hay không? Chúng ta hãy cầu xin, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh mới, xin Chúa làm đầy cuộc sống của ta bằng niềm vui tình thương của Ngài. Amen”.

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đang

Trước khi kết thúc thánh lễ, ĐTC đã chủ sự buổi kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Ngài nhắc lại giá trị buổi tôn phong các thánh hôm nay và thêm lời kêu gọi ủng hộ sự sống và quyền của các phội thai người, nhân dịp cuộc tuần hành cho sự sống ở Roma sáng hôm qua. Ngài nói:

”Tôi mời gọi hãy duy trì sự chú ý của tất cả mọi người về một đề tài rất quan trọng là sự tôn trọng sự sống con người từ lúc mới được thụ thai. Về vấn đề này tôi vui mừng nhắc đến việc thu thập các chữ ký diễn ra Chúa Nhật hôm nay tại nhiều giáo xứ Italia có mục đích ủng hộ sáng kiến Âu Châu ”một người trong chúng ta” để bảo đảm việc bảo vệ pháp lý cho các phôi thai, bảo vệ mọi người từ lúc đầu tiên của cuộc sống. Một giai đoạn đặc biệt đối với những người quan tâm bảo vệ thính chất thánh thiêng của sự sống con người là ”Ngày Tin Mừng sự sống” sẽ diễn ra tại Vatican trong khuôn khổ Năm Đức Tin vào ngày 15 và 16-6 tới đây.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu trong niềm hân hoan của mọi người, ĐTC đã cởi bỏ áo lễ, bắt tay chào thăm tất cả các HY hiện diện, rồi ngài lên xe díp mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các tín hữu. Thỉnh thoảng xe dừng lại để ngài hôn và chúc lành cho các hài nhi được các nhân viên an ninh tháp tùng bế lên cao và trao cho ngài. Xe chở ĐTC chạy cả ra Đại lộ Hòa Giải nối liền quảng trường Thánh Phêrô tới gần gờ sông Tevere để chào các tín hữu đứng hai bên đường vì không còn chỗ cho họ trong quảng trường.
Cảm động nhất trong giai đoạn chót, ĐTC xuống xe chúc lành thăm hỏi mấy chục anh chị em tàn tật và bệnh nhân ngồi trên các xe lăn.

Cũng nên nói thêm rằng hiện diện trong thánh lễ phong thánh sáng hôm qua, cũng có các phái đoàn chính thức của 3 quốc gia có các vị thánh mới được tôn phong. Phái đoàn Colombia do Tổng thống Juan Manuel Santos Calderón và toàn tùy tùng, tổng cộng 20 người; tiếp đến là phái đoàn Italia do Bà Bộ trưởng tư pháp Anna Maria Cancellieri hướng dẫn và đoàn tùy tùng gồm 6 người. Sau cùnglà Phái đoàn của chính phủ Mêhicô do ông Roberto Herrera Mena, Phó Tổng Giám đốc tôn giáo vụ thuộc Phủ Tổng thống và đoàn tùy tùng.
 
Giải đáp phụng vụ: Có cung điệu dễ hát cho bài ca Tin Mừng không?
Nguyễn Trọng Đa
17:23 12/05/2013
Giải đáp phụng vụ: Có cung điệu dễ hát cho bài ca Tin Mừng không?

Bài Alleluia được hát thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: "Tôi không có khả năng phân biệt chính xác các nốt nhạc khác nhau, nhưng rất thích hát bài Tin Mừng, ít là cho lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Liệu có phiên bản âm nhạc rất đơn giản nào cho các giáo sĩ trong tình hình không may của tôi hay không? Nếu không, chúng tôi sẽ tạo một sự sám hối nặng nề cho cộng đoàn vào một thời điểm không phù hợp trong niên lịch phụng vụ" - Một linh mục


Đáp: Trên nguyên tắc, tất cả các bài hát Tin Mừng phải là khá đơn giản. Trong thực tế Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã cấm phó tế hát các giai điệu thánh vịnh phức tạp và khá tự do, và giới hạn họ vào các cung điệu đơn giản của bài Tin Mừng, như vậy là không được phô trương trong phụng vụ. Ngài nói rằng ca viên phục vụ bàn thờ sẽ làm Thiên Chúa tức giận bằng thói quen của mình, mặc dù người ấy (ca viên) mê hoặc mọi người với các giai điệu trầm bổng của mình.

Tuy nhiên, nếu một người không có khả năng làm chủ ngay cả các bài hát đơn giản, tốt hơn nên đề nghị sự giúp đỡ của một giáo sĩ khác, hoặc kiềm chế không nên gây sự khó chịu và đau khổ. Thật là đáng tiếc nếu mọi người đều nói rằng vị linh mục đã hết sức cố gắng trong mọi ý nghĩa của từ ngữ.

Liên quan đến điều này, một độc giả ở Melbourne, Úc, hỏi về hát Alleluia: "Khi tôi lớn lên, tôi nhớ cả cộng đoàn đều hát hoặc đọc Alleluia (hoặc thánh ca Mùa Chay), người đọc hoặc ca viên sẽ đọc hoặc hát câu quy định (hoặc đôi khi cả ca đoàn cùng hát) và sau đó tất cả mọi người sẽ hát hoặc đọc Alleluia một lần nữa. Việc thực hành mới, vốn hiện nay dường như là một qui định ít hay nhiều được chấp nhận ở hầu hết các giáo xứ, là toàn cộng đoàn hát hay đọc cả câu qui định và Alleluia. Tôi cảm thấy không hoàn toàn thoải mái với việc thực hành này, và tôi miễn cưỡng tham gia câu hát, nhưng tôi không chắc chắn liệu sự miễn cưỡng của tôi là đặt nhầm chỗ không. Tôi hiểu rằng Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM, số 62, “Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát Alleluia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát”) cho biết rằng câu riêng được dành cho một ca viên hay ca đoàn, và tôi cho rằng, bằng cách nói mở rộng, nó là dành cho người đọc hoặc người hát Thánh vịnh đọc. Tôi quá thận trọng và bối rối về điều này chăng? Liệu tôi chỉ hiểu nghĩa đen khi đọc Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma chăng, hoặc là sự lựa chọn được mô tả ở trên được nói trong một tài liệu nào mà tôi không biết chăng?"

Đáp: Tôi xin nói rằng cả hai hình thức là hoàn toàn chấp nhận được, phù hợp với khả năng của cộng đoàn để hát. Nếu cộng đoàn có khả năng hát toàn câu, thì nên làm như vậy. Nếu cộng đoàn chỉ có khả năng hát câu Alleluia, nhưng một ca viên có thể hát câu qui định, thì toàn cộng đoàn đọc câu ấy thì tốt hơn.

Nói cách khác, giải pháp cho phép hát là được ưa thích hơn.

Các câu alleluia của nhạc bình ca dành cho lễ trọng là rất phức tạp, được sáng tác cho toàn ca đoàn (hay cộng đoàn Dòng tu) hát, do đó việc hát toàn bộ Alleluia là chắc chắn bắt nguồn từ truyền thống.

Các alleluia này vẫn có thể dùng được, nhưng đòi hỏi ca đoàn hoặc cộng đoàn tập dượt kỹ để hát cho tốt. (Zenit.org 7-5-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Câu chuyện truyền giáo: Paraguay - Chút tâm tình dâng mẹ trong tháng hoa
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
09:29 12/05/2013
PARAGUAY – CHÚT TÂM TÌNH DÂNG MẸ TRONG THÁNH HOA

Tháng cổ võ ơn gọi

Tháng 5, tháng Hoa- Tháng Kính Đức Mẹ. Đây cũng là tháng dành riêng để tôn vinh những người mẹ đã sinh thành và dưỡng dục nên chúng ta. Trong khi các quốc gia châu Á và Bắc Mỹ đang kết thúc niên học và chuẩn bị bước vào kỳ Hè với thời tiết oi bức thì trái lại, bên các nước chây Mỹ La-tinh đang là mùa Thu để chuẩn bị bước vào một mùa khắc nghiệt nhất trong năm – mùa Đông.

Dịp lễ Chúa Chiên Lành năm nay nhóm liên tu sĩ chúng tôi đã tổ chức tháng ơn gọi từ chiều thứ Bảy áp lễ Chúa Chiên Lành đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với những hoạt động thiết thực để gây ý thức cho giới trẻ Paraguay và cũng để cổ võ ơn gọi. Vì đang đảm trách mục vụ ơn gọi và đào tạo các tu sĩ tương lai của Dòng ở Paraguay và cộng tác chung với các Dòng tu khác nên chúng tôi phân công nhau để đến các giáo xứ miền quê thiếu vắng linh mục và tu sĩ nhằm giúp mọi người ý thức và cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ.

Cùng đi với chúng tôi lần này có 2 Nữ tu thuộc hai Dòng Tu khác nhau. Chúng tôi đến một giáo xứ thôn quê mà gần 10 năm qua không có cha xứ vì thiếu linh mục, chỉ có một cộng đoàn Nữ tu điều hành ở đây từ nhiều năm qua và được xem như các “Mẹ Xứ” bởi vì các Soeurs làm tất cả mọi việc mục vụ ngoài trừ dâng lễ, xức dầu và giải tội. Nhìn thấy các Nữ tu làm việc hăng say và điều hành rất giỏi, đơn sơ trong cách quản trị giáo xứ mà mình thầm bái phục. Các Nữ tu này bắt chước vị Mục tử Giê-su khi chăn dắt đoàn chiên. Những ngày lễ lớn hay bổn mạng giáo xứ hay giáo họ, các Soeurs phải chạy ngược chạy xuôi tìm linh mục để cử hành các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể.

Nghe các Soeurs chia sẻ mục vụ truyền giáo mà mình cứ trố mắt. Giáo xứ này có đến 48 giáo điểm truyền giáo cách xa nhau và đường xá thì gập ghềnh mà nhiều ụ mối. Chúng tôi cũng từng kinh nghiệm về giáo xứ thôn quên trong những năm đầu truyền giáo nên rất hiểu công việc của các Soeurs đang làm. Chính các Soeurs đã lái xe tải đưa chúng tôi đến các giáo điểm và tập họp các nhóm trẻ, già khác nhau để chúng tôi có dịp dạy dỗ, cử hành thánh lễ và giải tội. Cũng may là nhờ có các Soeurs thông dịch vì có nhiều giáo điểm truyền giáo là người thổ dân không thông thạo tiếng Tây Ban Nha chứ nếu không thì những gì chúng tôi chuẩn bị và giảng dạy đều vô nghĩa vì chẳng ai hiểu gì.

Chúng tôi còn nhớ cách đây không lâu khi chúng tôi đến dâng lễ ở một xứ đạo miền quê ở phía Nam Paraguay. Thánh lễ có rất đông người tham dự vì là lễ bổn mạng giáo xứ nên chúng tôi rất hứng thú và giảng rất hùng hồn. Nhiều người vỗ tay hoan hô tán thưởng vì một ông cha Á châu nói ngôn ngữ của họ. Sau thánh lễ, có một người thổ dân đến chào và chúc mừng chúng tôi bằng thổ ngữ của ông mà chúng tôi có hiểu chút ít, ông nói: “Pa’i, felicitations! Nde homilia iporã, pero naentendei.” (Cha ơi, chúc mừng Cha! Bài giảng cha hay lắm nhưng con không hiểu gì cả). Chúng tôi cũng bật cười vì sự đơn sơ và chân thành của người thổ dân này vì nhiều khi giới nhà tu chúng ta cứ nghĩ là những gì chúng ta nói, chúng ta giảng và được vỗ tay hoan hô làm chúng ta khoái chí và tự cho mình là Number One. Nhưng có một điều mà chúng ta thường quên là đối tượng lắng nghe chúng ta thuộc nhiều thành phần khác nhau nên người rao giảng cần phải ý tứ trong cách giảng dạy. Cũng từ ngày đó chúng ta đã rút ra được bài học nho nhỏ trong việc chia sẻ hay thuyết trình cho các cử tọa khác nhau.

Những ngày mục vụ truyền giáo ở các giáo điểm miền quê thật lý thú vì người ta rất khao khát lắng nghe Lời Chúa và tham dự Thánh Lễ vì nơi đây thiếu vắng linh mục nên họ thấy Thánh Lễ thật là quí giá. Nhân cơ họi này, chúng tôi đã mời gọi các bậc cha mẹ và các bạn trẻ hãy quảng đại dâng cho Chúa những ơn gọi linh mục, tu sĩ để có thể nối tiếp những công việc của Chúa. Nhiều bạn trẻ đã ghi danh để tìm hiểu ơn gọi trong những kỳ tĩnh tâm sắp đến mà chúng tôi dự định tổ chức trong tháng 6 và tháng 7. Đó cũng là một trong những niềm vui truyền giáo trong những ngày cổ võ ơn gọi ở các giáo điềm miền quê.

Tâm tình dâng Mẹ

Người Paraguay rất sung kính Đức Mẹ nên trong thánh Năm này chúng tôi đã lợi dụng các lễ kính Đức Mẹ như lễ Đức Mẹ Lujan (8/5), lễ Mẹ Fa-ti-ma (13/5), ngày của Mẹ (15/5), Lễ Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (24/5), Lễ Mẹ Thăm Viếng (31/5) để mời gọi mọi người cầu nguyện với chuổi Mân Côi và tham dự các Thánh Lễ. Bên này họ không có thói quen dâng hoa như bên Việt Nam vì hoa cũng là thứ quí hiếm ở đây.

Đối với người Paraguay thì tháng 5 mang rất nhiều ý nghĩa cả chiều kích tâm linh lẫn chiều kích lịch sử vì tháng 5 là tháng để tôn vinh các người mẹ dù họ không theo chế độ mẫu hệ nhưng lại rất gắn kết với mẹ. Có một anh em linh mục cùng Dòng người Paraguay từng đi truyền giáo ở Phi châu, nhưng sau kỳ nghĩ hè lần thứ hai để thăm gia đình thì người mẹ của anh em này đã khóc lóc thảm thiết và buộc người anh em này không được đi truyền giáo xa nữa, nếu không bà sẽ chết. Nhà Dòng hiểu được văn hóa của người Paraguay nên đã giải quyết cho anh em này ở lại. Hình như chưa có một anh em truyền giáo người Paraguay nào ở nước ngoài nhiều năm như các nhà truyền giáo Âu châu và Bắc Mỹ vì họ rất gắn bó với gia đình, nhất là với người mẹ. Họ cũng có một phong tục hơi lạ là trong một gia đình nếu có nhiều anh chị em thì người đi tu phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già vì họ cho rằng người đi tu không vướng bận gia đình, con cái. Bởi thế hầu như mỗi tháng hai lần, các tu sĩ, linh mục người Paraguay đều về thăm gia đình và luôn mua một cái gì đó cho mẹ. Đây là một nghĩa cử thiêng liêng mà chúng tôi, những người ngoại quốc đang sống ở Paraguay phải mặc nhiên chấp nhận.

Paraguay vừa trải qua một cuộc tổng tuyển cử để bầu Tổng Thống, Lưỡng Viện và các Thống Đốc Bang. Phải công nhận rằng tuy là một quốc gia chỉ khoảng 7 triệu dân nhưng rất dân chủ và các cơ quan như hành pháp, lập pháp và tư pháp làm việc đâu ra đó. Phải nói rằng cuộc chạy đua chính trị ở các quốc gia dân chủ thật là mạo hiểm vì bên thắng sẽ có được tất cả, còn bên thua sẽ mất thất cả. Vị tổng thống đắc cử lần này là một thương gia trọc phú mới bắt đầu tham gia chính trường 4 năm nay nay và bị phe đối lập tố giác là rửa tiền và thân cận với mafia nhưng ông đã chiến thắng áp đảo nhờ lá phiếu của người dân. Sau cuộc đảo chính của quốc hội vào tháng 6 năm 2012 vừa qua để lật đổ vị tổng thống bị cho là thiếu trách nhiệm khi để xảy ra cuộc thảm sát giữa nông dân và cảnh sát khiến gần 20 người thiệt mạng, người dân đã chín chắn hơn và đã bầu lại vị cựu tổng thống bị lật đổ từng là một giám mục của một giáo phận nghèo nhất Paraguay vào vai trò thượng nghị sĩ để cân bằng cán cân quyền lực vì đảng mới của ông đã giành vị trí thứ 3 trong quốc hội. Trước đây chúng tôi chẳng hiểu gì hay nói đúng hơn là không muốn hiểu hay không muốn biết về chính trị vì sợ bị chụp mũ, nhưng vì sống ở đây hàng ngày chúng tôi phải đối diện với nó qua báo chí, truyền thanh, truyền hình và những cuộc vận động tranh cử ngay trong giáo xứ, bên cạnh chủng viện đã giúp chúng tôi có một cái nhìn bao quát hơn. Nhìn thấy người dân Paraguay còn lạc hậu và cù lần hơn nước mình nhưng họ được hưởng bầu khí tự do dân chủ thật sự mà mình thất đau lòng cho dân Việt mình. Biết bao giờ người dân Việt Nam mình mới có một nền dân chủ thật sự khi người dân dám nói, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm với những gì mình làm.

Hôm nay nhiều quốc gia trên thế giới mừng ngày lễ mẹ. Hôm nay cũng là ngày tròn 6 tháng ngày mà Chúa đã gọi người mẹ thân yêu của chúng tôi ra đi mãi mãi. 6 tháng đã trôi qua nhưng kể từ ngày má ra đi nhưng lòng chúng tôi vẫn còn thổn thức, xót xa. Xin Chúa và Mẹ Maria ban ơn cho Má con được hưởng phúc thiên đàng với các thần thánh trên trời.

Hôm nay sau thánh lễ chúng tôi đã viếng thăm một trại dưỡng lão hay nói đúng hơn là một “Nhà Già” để xức dầu và trao mình thánh chúa cho các cụ ông, cụ bà bị những người con bỏ rơi và đang đợi ngày ra đi. Nhìn thấy những tấm thân gầy gò, gương mặt nhăn nheo của các cụ mà trong lòng mình thầm trách những người con bất hiếu đã bỏ rơi cha mẹ của mình cách tàn nhẫn. May mà trên đời này còn nhiều tấm lòng hảo tâm sẵn sàng đón nhận những người già neo đơn không nơi nương tựa và bị ruồng rầy để giúp họ có được một nơi ở xứng đáng trước khi từ giã cõi đời.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của tất cả những người mẹ trên trần gian này ban ơn cho những người phụ nữ được thiên chức làm mẹ luôn biết sống xứng đáng với vai trò làm mẹ của mình để thế giới này nhờ đó mà mỗi ngày có thêm những người con hữu ích hơn. Happy Mothers’ Day. Feliz Día de la Mamá.

Paraguay, Chúa Nhật 12/05/2013

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
 
CĐCGVN TGP Sydney mừng kính Ngày Thánh Mẫu Tháng Hoa
Diệp Hải Dung
09:46 12/05/2013
Sáng Chúa Nhật 12/05/2013 nhân ngày Mother’s Day khoảng 3000 người và có những người không Công Giáo và các tiểu bang khác đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly hành hương mừng kính Đức Mẹ với chủ đề Về Bên Mẹ.

(Xem hình ảnh)

Đúng 10 giờ 30 mọi người trong tập trung trước tượng đài Đức Mẹ. Ban Tây Nhạc Cecilia trình tấu Bài Chào Mừng chào đón mọi người đồng thời Cha Paul Văn Chi điều hợp hướng dẫn mọi nguời dâng giờ đền tạ lên Đức Mẹ, nguyện cầu xin Mẹ ban ơn cho bản thân, cho gia đình và Cộng Đồng. Kế tiềp mọi người cùng dâng lên trước tượng đài Mẹ những đóa hoa tươi thắm và nghinh đón kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang. Sau đó kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ La Vang về Lễ đài. Cuộc rườc kiệu rất long trọng và trang nghiêm gồm các Hội đoàn Legio Mariae, Huynh Đoàn Đaminh, Phong Trào Tôn Nữ Vương, Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Liên Đoàn Thiếu Thánh Thể, quý Sơ Dòng Trinh Vương, Ban Tây Nhạc Cecilia, Thiếu Nhi Cung Thánh, đội Thánh Vũ và đoàn Phụng Vụ. Tất cả mọi người đều dâng lên Mẹ đóa Hoa Mân Côi Mùa Mừng nguyện cầu cho Cộng Đồng, cho Giáo Hội và đất nước Việt Nam.

Kiệu Thánh tượng Mẹ La Vang về đến Lễ đài, Cha Tuyên úy Trưởng ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người nhân ngày Mother’s Day và Cha ngỏ lời chúng ta dâng Thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho những người Mẹ chúng ta không còn sống nữa, xin tình yêu Thiên Chúa và lòng thứ tha vô bờ bến của Người giúp cho những người Mẹ chúng ta được hưởng nhan Thánh Chúa, với những người Mẹ còn sống chúng ta dâng Thánh lễ này để cầu nguyện cho các Ngài, xin cho các Ngài được bình an sức khỏe để sống thánh thiện đạo đức và làm gương sáng cho mỗi chúng ta. Hiện diện trong Thánh lễ hôm nay ngoài qúy Cha trong Cộng Đồng: Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền còn có sự hiện diện quý báu của qúy Cha Phạm Hanh tiểu bang Texas Hoa Kỳ, Cha Trương Công Đan Chánh xứ Thái Hòa địa phận Long Xuyên, và Cha Nguyễn Thái Hòa địa phận Nha Trang

Trong bài giảng Thánh lễ, Cha Đặng Đình Nên đã nói về tình mẫu tử của người mẹ rất là cao trọng tuyệt vời. Đối với người mẹ, con của mẹ là trên hết, cho dù người con đó có lầm lỗi, lạc đường, vô ơn, người mẹ vẫn yêu thương vô điều kiện. Về Bên Mẹ trong ngày Mother’s Day hôm nay cũng là ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, Chúa Giêsu về Trời, chúng ta biết rằng Đức Giệsu về Trời, Người không còn hiện diện với chúng ta bằng xương bằng thịt, nhưng Người luôn hiện diện với chúng ta một cách linh thiêng trong Lời của Ngài, trong Mình Máu của Ngài. Trong Thánh lễ hôm nay chúng ta đặc biệt nhớ đến người mẹ của mình, nhớ đến Mẹ Maria của mình. Chúng ta cám ơn các người mẹ mình đã hy sinh dưỡng dục luôn yêu thương mình, mọi người chúng ta tự hứa với lòng mình rằng; mình sẻ sống một đời sống KiTô Hữu tốt lành, nhất là để cho mẹ vui và Thiên Chúa chúc phúc…

Đặc biệt trong Thánh lễ, với nghi thức dâng Lễ Vật rất long trọng đặc sắc do các em Thiếu Nhi Thánh Vũ tiến dâng với vũ khúc “Thượng Tiến Lên Yavê.”

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney ngỏ lời chào mừng cám ơn mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Lễ mừng kính Ngày Thánh Mẫu và chúc mừng các bà mẹ nhân ngày Mother’s Day hôm nay. Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn cũng ngỏ lời cám ơn qúy Hội Đồng Mục Vụ và những thiện nguyện viên bỏ công sức làm khang trang Lễ đài để mọi người cùng tham dự Thánh lễ, Cha cám ơn Ca đoàn Alleluia Giáo đoàn Marrickvile, đặc biệt cám ơn ông Phạm Văn Khang Trưởng Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Bringelly, và 2 anh Minh và anh Nghĩa, đã giúp Cộng Đồng thực hiện nhà mát bên cạnh Nhà Xứ để làm nơi sinh hoạt phụ cho các sinh hoạt của Cộng Đồng.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ghé qua các gian hàng bán thực phẩm và thăm viếng Trung Tâm.
 
Năm Đức Tin - Hành hương Châu Âu: Assisi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:08 12/05/2013
NĂM ĐỨC TIN 2013 - HÀNH HƯƠNG CHÂU ÂU - ASSISI

Từ Rotoldo đến Assisi khoảng 190km, đường lên dốc và lắm đèo cao uốn lượn, xe đi qua rất nhiều hầm xuyên núi. Tuyết vẫn còn phủ trắng nhiều ngọn núi cao. Thị trấn Assidi chìm trong sương mù, phố xá chập chùng theo triền núi, phong cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc. 7giờ tối chúng tôi đến nơi. Mưa rả rích và khí trời lạnh buốt.

Xem hình ảnh

Sau một đêm ngủ ngon lấy lại sức, sáng hôm sau chúng tôi đi tham quan nhiều Nhà thờ liên quan về cuộc đời 2 vị thánh nổi tiếng tại Assisi là Phanxicô và Clara.

Trên xe, hướng dẫn viên kể lại câu chuyện Thánh Phanxicô được nhận Năm Dấu Thánh.

“Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ. Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy”. Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống. Sáu cánh chói loà. Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân. Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá. Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô. Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến. Phanxicô, quỵ xuống, ngất đi. Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua. Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân. Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân. Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài”.

Hướng dẫn viên cũng kể giai thoại về cuộc gặp gỡ giữa thánh nhân và con chó sói hung bạo tại Agodio.

“Khi thánh Phanxicô cư ngụ tại Agodio, có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc tai hoạ cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng phải trang bị khí giới sẳn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ thánh nhân quyết định đến chạm chán với con thú dữ, Ngài làm dấu thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân không lùi bước. Ngài tiến lại gần, làm dấu thánh giá và gọi nó lại. Ngài nói với nó như trò chuyện với một con người như sau:

- Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.

Như một phép lạ, con chó sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên thánh nhân, thánh nhân lại tiếp tục bài giảng như sau:

- Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài, anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người, ai cũng ca thán kêu ca vì anh. Nhưng tôi, tôi muốn giàn hoà giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa.

Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con sói vặn mình ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của Ngài, thánh nhân nói tiếp:

- Này anh sói, hẳn anh thích được làm hoà với mọi người. tôi hứa rằng: bao lâu anh còn sống anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không ?

Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời Ngài vừa hứa với con chó sói.

Con chó sói đã được sống 2 năm tại Agodio, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không làm hại ai mà cũng chẳng ai hãm hại nó, sau 2 năm, con vật qua đời giữa tiếng thương khóc của dân Agodio.

Giai thoại về con chó sói Agodio và bài ca vạn vật của thánh Phanxicô chứng minh ngài là hiện thân của hoà bình, là sứ giả của bất bạo động. Ngài giao hoà với vạn vật, với thiên nhiên, với chim trời, với núi rừng, với không khí, với nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà với thiên nhiên với con người như thế mới có thể xây dựng hoà bình. Thánh Phanxico chính là vị sứ giả hoà bình.

Đến trạm dừng xe, chúng tôi thấy nổi bật tượng Đức Mẹ đứng trên cao mặt tiền Nhà thờ. Bức tượng mạ vàng Madonna degli Angeli "Đức Mẹ các Thiên Thần".

1. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MARIA CÁC THIÊN THẦN

Vương cung Thánh đường nằm ở vùng đồng bằng dưới chân đồi Assisi. Sau khi chụp tấm hình chung đoàn tiến vào Nhà thờ. Bề ngoài trông đơn sơ nhưng bên trong rất rộng cùng với nhiều nhà nguyện nhỏ và nhiều bức tượng tranh ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp.

Trong lòng Nhà thờ có “The Portiuncola”, nơi đây được coi như là nhà mẹ đầu tiên, nơi Thánh Phanxicô lập dòng Anh em hèn mọn.

Ngôi Nhà thờ nhỏ từ thế kỷ thứ 9 là Porziuncola, nơi linh thánh nhất đối với các tu sĩ Phanxicô. Đây là nơi Thánh Phanxicô thời thanh niên tìm hiểu ơn gọi rồi từ bỏ thế gian để sống nghèo khó giữa những người nghèo và bắt đầu phong trào Phan Sinh.

Sau khi thánh nhân qua đời năm 1226, các tu sĩ xây dựng những túp lều nhỏ chung quanh Porziuncola. Năm 1230, một phòng ăn và một số tòa nhà kế cận được thêm vào. Theo dòng thời gian, những mái cổng nhỏ và những phòng ở của các tu sĩ được thêm vào chung quanh Porziuncola. Từ năm 1967 và 1969, trong khi khai quật, người ta đã phát hiện một số cơ sở dưới nền của ngôi Vương cung Thánh đường hiện tại.

Khi khách hành hương đến Assisi ngày càng đông để lãnh nhận “ân xá Assisi", không gian nhỏ bé của Porziuncola đã không còn đủ sức chứa. Nhu cầu là cần phải xây dựng một ngôi nhà thờ mới kết hợp với Porziuncola. Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô V (1566-1572), các tòa nhà chung quanh Đền thánh bị tháo gỡ, trừ nguyện đường Transito và căn phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời.

Ngày 25 tháng 3 năm 1569, khởi công.Vương cung Thánh đường này được xây dựng theo phong cách Mannerist đến 1679 mới hoàn thành.

Phong cách Mannerist, tiền thân của phong cách Baroque. Hai kiến trúc sư nổi tiếng là Galeazzo Alessi và Vignola thiết kế. Công trình xây dựng tiến triển chậm chạp do thiếu tiền liên tục vì chỉ nhờ vào sự đóng góp địa phương. Mái vòm nằm trên cái trống hình bát giác với tám cửa sổ và những đường gờ trang trí chạy chung quanh, được hoàn thành năm 1667. Công trình xây dựng cuối cùng đã được hoàn thành vào năm 1679. Đến năm 1684, một tháp chuông đã được thêm vào. Ban đầu dự định có một tháp đôi, nhưng tháp thứ hai không được xây dựng.

Ngày 15 tháng 3 năm 1832, động đất đã phá hủy một phần nhà thờ. Đến năm 1836 tái thiết lại dưới sự điều khiển của kiến trúc sư Luigi Poletti. Công trình hoàn thành vào năm 1840. Ông sửa lại mặt tiền theo phong cách tân cổ điển. Khoảng năm 1924 - 1930, Cesare Bazzani đã đưa mặt tiền thánh đường trở lại phong cách Baroque ban đầu. Điêu khắc gia Colasanti đã tạc bức tượng mạ vàng Madonna degli Angeli và đặt trên đỉnh đầu của mặt tiền nhà thờ vào năm 1930.

Ngày 11 Tháng 4 năm 1909, Nhà thờ đã được Đức Giáo Hoàng Piô X nâng lên hàng "Vương Cung Thánh Đường thượng phụ và là nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng".

Nhà thờ với 126 mét dài, 65 mét rộng và mái vòm cao 75 mét.

Bên trong Thánh đường có gian giữa và lối đi hai bên với 10 nhà nguyện. Porziuncola nằm dưới mái vòm.

Nội thất Nhà thờ đơn giản nhưng thanh lịch với ít đồ trang trí, hoàn toàn trái ngược lối trang trí các nhà nguyện phụ. Gian giữa và các lối đi được xây dựng lại theo phong cách Doric tân cổ điển do Luigi Poletti thực hiện. Phần bán nguyện phía sau cung thánh là chỗ ca đoàn được làm bằng gỗ vào năm 1689 và được các tu sĩ Phanxicô tạc hình Nhà thờ Chính tòa và bàn thờ Giáo hoàng. Nhà nguyện của Transito có phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời, vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Các nghệ sĩ lừng danh đã trang trí các nhà nguyện hai bên vào nhiều thời kỳ khác nhau. Antonio Circignani đã họa các bức tranh trong Nhà nguyện Thánh Anna (1602-1603). Francesco Appiani trang trí hai Nhà nguyện Thánh Antôn và Thánh Phêrô bị xiềng (1756-1760). Ventura Salimbeni trang trí Nhà nguyện Loại trừ Chúa (1602).

a. Đôi nét về cuộc đời Thánh Phanxicô.

Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma. Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ. Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức.Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát !”. Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi. Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula.Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24-2-1208, đang dữ lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy...” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19,21; Lc 9,1-6; Mt 16,24). Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ.Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.

Ngài qua đời vào ngày 3-10-1226. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.

b. Dòng nhất, dòng nhì và dòng ba

Gương sáng của anh em Phanxicô đã lôi cuốn Clara, cô thiếu nữ quí tộc mười tám xuân xanh. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm 1212, cô trốn khỏi nhà thân phụ. Phanxicô cắt tóc cho cô như một dấu chỉ cô đã dâng hiến cho Chúa tại ngôi nhà nguyện nhỏ Porziuncula. Nhiều chị em khác đã theo gót Clara. Năm 1218-1219, Clara và chị em được Đức Giáo Hoàng chấp thuận cho sống trong sự khó nghèo của bậc tu kín. Dòng nhì Thánh Phanxicô đã phát sinh như thế, đó là dòng Chị em Thanh bần.

Giữa năm 1210 và 1211, hoạt động của Phanxicô phát triển lan rộng. Ngài gửi các bạn đồng môn đi khắp nơi để loan báo Đức Kitô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, đồng thời mang đến hòa giải và bình an cho mọi người.

Năm 1221, một thương gia người Flôren Lukêgiô cùng vợ là Bônađôna đã được gương Phanxicô cuốn hút và xin được chia sẻ cuộc sống của các Anh em Hèn mọn trong khi vẫn ở lại trong bậc hôn nhân. Như vậy dòng ba Phan Sinh Tại Thế đã ra đời.

Căn tính của phong trào Phan Sinh là sống Phúc âm trong Giáo Hội theo thể thức mà Phanxicô đã đề ra và tuân giữ, và đi rao giảng cho mọi tạo vật.

Dòng nhất Phan sinh đã trải qua một cuộc cải tổ sâu rộng. Từ đó dẫn đến ba khuynh hướng, làm phát sinh ba nhánh có pháp nhân độc lập nhưng theo cùng một luật sống. Ba nhánh có sự quản trị và cơ cấu riêng: Anh em Hèn mọn, Anh em Hèn mọn Tu viện và Anh em Hèn mọn Lúp dài.

Ba gia đình này đã phát triển như ba nhánh trên một cây vĩ đại duy nhất, với thật nhiều công tác, nhiều cuộc truyền giáo, nhiều vị tử đạo và nhiều công trạng. Sự kiện cả ba nhánh đều có các thánh và các chân phước đã nói lên điều đó.

Hiện nay Dòng Phan sinh có: 17.224 Anh em Hèn mọn trong đó 104 là Giám mục, hơn 586 tập sinh; 11.343 Anh em Lúp dài trong đó 86 là Giám mục; 4.514 Anh em Tu viện trong đó 11 là Giám mục. (x.ofmvn.org).

Rời Vương Cung Thánh Đường chúng tôi theo hướng Foligno đi khoảng 3 km đến Đền thờ Đức Maria Rivotorto là ngôi nhà đầu tiên của các tu sĩ Phanxicô.

2. NHÀ THỜ RIVOTORTO, gọi là Đền thánh Đức Maria ở Rivotorto.

Bước vào bên trong Nhà thờ, đang có thánh lễ. Thinh lặng tham quan. Ngay cửa chính, chúng tôi thấy có hai ngôi nhà cũ kỹ xây bằng đá, trần lợp tôn ximăng rất thấp. Đây là nơi các môn đệ đầu tiên của thánh Phanxicô trú ngụ, sau đó họ di chuyển đến Porziuncola.

Trong ngôi nhà nhỏ bé này, Thánh Phanxicô đã triển khai, áp dụng và viết luật Dòng theo tinh thần đơn sơ, khó nghèo và cầu nguyện.

Năm 1209, từ nơi này, thánh nhân đã khởi hành cùng với 11 người bạn đến Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng Innocentê III. Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận bằng miệng Luật dòng của ngài. Đến năm 1223, Đức Giáo Hoàng Onorio III đã chuẩn y Luật dòng.

Hai ngôi nhà nhỏ này có lẽ không phải là hai ngôi nhà nguyên thủy vào năm 1200, nhưng là kết quả của việc tái cấu trúc lại ngôi nhà từ năm 1445 do tu sĩ Monk Francecso Saccardo thực hiện. Linh mục Tổng đại diện ở Assisi đã cho phép xây dựng ngôi nhà nguyện để cử hành Thánh Lễ.

Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng lại theo phong cách Gothic sau trận động đất năm 1854, nó thuộc quyền sở hữu của dòng Phanxicô thuộc phái Conventual (tuân thủ) có nhà dòng nằm bên cạnh.

Các cánh cửa được trang trí rất đẹp và trình bày những phép lạ của Rivotorto: Thánh Phanxicô đang chờ đợi để được hầu chuyện với Giám mục Guido II với hình ngài đang bay trên một toa xe ánh sáng từ các tu sĩ ở Rivotorto.

Chúng tôi tiếp tuc thăm nhà thờ Thánh Đamianô, nơi thánh Phanxicô lập tu viện cho dòng Clara. Xuôi theo con dốc gần cây số, 2 bên đường là vườn ôliu, tôi thấy tu viện Đamianô đơn sơ và thanh thoát.

3. NHÀ THỜ THÁNH ĐAMIANÔ

Nơi đây, Thánh Phanxicô gặp gỡ Chúa Giêsu. Thánh nhân đã cầu nguyện tại San Đamiano ngay tại thời điểm Nhà thờ bị hư hại. Thánh Phanxicô đã nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh sống động. Chúa với ngài: "Phanxicô, con không thấy ngôi nhà của Ta đổ nát hay sao, hãy đứng lên và khôi phục nó lại!". Thánh Phanxicô đã sửa chữa lại nhà thờ San Đamiano. Sau đó, thánh nhân hiểu rằng sứ điệp của Chúa nói với ngài là phục hồi lại Giáo Hội hơn là sửa chữa ngôi thánh đường San Đamiano.

Cây Thánh Giá mà từ đó Chúa Giêsu nói với Thánh Phanxicô được coi như là cây Thánh giá Thánh Đamiano. Hiện nay cây Thánh giá đang được treo tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Clara.

Nhà thờ Thánh Đamiano nối liền với tu viện. Đây là Tu viện đầu tiên của Dòng Thánh Clara, nơi Thánh nữ thiết lập cộng đoàn tiên khởi.

Chúng tôi thăm phòng nguyện, thăm nhà cơm nơi đặt bình hoa là chỗ ngồi hàng ngày của Clara. Lên gác thăm phòng ngũ thấy các Nữ tu sống khổ hạnh trong những phòng quá nhỏ bé nghèo nàn.

Từ Tu viện đi bộ lên dốc cao, rồi đi thang cuốn lên một dốc cao hơn chúng tôi đi đến Vương cung Thánh đường Clara.

4. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH CLARA

a. Đền thờ

Vương cung Thánh đường Thánh Clara được xây dựng theo phong cách Gothic Ý giữa 1257 và 1265. Vật liệu kiến trúc là loại đá màu hồng được chiết xuất từ các mỏ đá của núi Subasio. Trong Đền thờ có những bức bích họa quý giá với niên đại vào khoảng từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV.

Bên phải có nhà nguyện, nhiều người đang chiêm ngắm tượng Chúa chịu nạn. Theo truyền thống, tượng chịu nạn này đã mời gọi Phanxicô “vực dậy Giáo Hội” ở Nhà thờ Thánh Đamiano.

Nhà nguyện này là di tích còn lại của ngôi Nhà thờ trước đó kính Thánh Giorgio.

Từ bên trái cung thánh có lối xuống tầng hầm. Nơi đây có phần mộ đặt thi hài thánh Clara. Ở đây lưu giữ một số di tích đặc biệt, trong đó có áo dòng của Thánh Phanxicô và tu phục của Thánh nữ Clara.

Từ quảng trường phía trước Đền thờ chúng tôi ngắm nhìn thung lũng Umbrian từ Montefalco tới Perugia trong ánh nắng lên đuổi bớt gió se lạnh đang thổi.

b. Tiểu sử Thánh nữ

Sinh năm 1194 trong một gia đình quý tộc, Thánh nữ được rửa tội mang tên thánh Clara tại Nhà thờ Chính tòa Rufino. Vài ngày trước khi sinh, mẹ của Clara khi đang cầu nguyện bổng nghe một giọng nói với mình “con bà sẽ đem lại một luồng sáng, soi chiếu cho thế giới”. Vào đêm Chúa Nhật Lễ lá ngày 18-03-1212, Clara một thiếu nữ xinh đẹp vừa tròn 18 tuổi đã lén theo thánh Phanxicô đến Porziuncola. Ngài cương quyết noi gương các tu sĩ Phanxicô, thề sống khó nghèo, tận hiến cho Thiên Chúa. Gia đình ngài hoảng sợ, dùng võ lực ép buộc ngài phải trở về nhà; nhưng một đêm kia, trong một hành động vừa có tính cách khôn khéo và vừa có ý nghĩa, ngài lẻn ra khỏi nhà qua "cánh cửa người chết" (cánh cửa nhỏ để khiêng người chết ra ngoài), và đến với các tu sĩ Phanxicô. Trong một nhà nguyện nhỏ bé ở ngoại ô, thánh Phanxicô đã cắt mái tóc của Clara và trao cho ngài chiếc áo nâu thô kệch làm chiếc áo dòng. Sau đó, thánh nữ sống với các nữ tu dòng Bênêđíctô cho đến khi có thêm sự gia nhập của các phụ nữ khác, trong đó có cả người mẹ goá bụa của ngài và các phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Florence.Cộng đoàn nhỏ bé ấy dần dà được biết đến dưới tên Các Chị Em Hèn Mọn.

Năm 1212, Phanxicô đã giúp Clara thành lập “dòng kín Thánh Clara”, còn gọi là dòng nhì Phanxicô hay dòng Các chị em nghèo khó Thánh Clara. Khi hội dòng được thành lập, thánh Phanxicô đề nghị Clara làm bề trên, nhưng ngài từ chối cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Các nữ tu trong dòng tận tụy trong việc cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và thi hành việc bác ái cho người nghèo và người bị ruồng bỏ.Họ sống theo một quy luật khắc khổ hơn bất cứ nữ tu hội nào khác trong thời ấy, và tuyệt đối khó nghèo, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ đi chân đất, không có giường, mà nằm trên các khúc gỗ được kết lại và chăn mền là vỏ cây gai dệt thành. Gió mưa tha hồ lọt qua các vết nứt ở mái nhà cũng như vách gỗ. Họ ăn rất ít và không bao giờ ăn thịt. Thực phẩm của họ là tất cả những gì xin được. Bất kể sự khắc khổ của đời sống, những người theo Thánh Clara lại là những thiếu nữ xinh đẹp nhất Assisi và lúc nào họ cũng có niềm vui vì được sống gần Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã gìn giữ họ khỏi sự nguy hiểm khi bọn lính hung dữ đến tấn công Assisi và dự định bố ráp tu viện này trước hết. Lúc ấy, dù đang đau nặng, Thánh Clara đã gắng gượng quỳ xuống trước cổng, tay nâng Mình Thánh trong mặt nhật và ngài cầu xin, "Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ các nữ tu mà con không thể nào bảo vệ nổi." Sau đó, dường như có tiếng trả lời: "Ta sẽ luôn gìn giữ họ," và đồng thời ngay lúc ấy, quân lính cảm thấy vô cùng sợ hãi và họ chạy tán loạn. Ngày nay vẫn còn lưu giữ câu chuyện kể này qua hình ảnh cửa sổ trên căn gác.

Thánh Clara làm bề trên tu viện trong 40 năm, nhưng có đến 29 năm ngài luôn đau yếu. Vậy mà lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói: "Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo hay không?"

Thánh Clara là người nữ đầu tiên viết luật dòng cho chị em mình. Năm 1252, Đức Giáo Hoàng Innocentê IV đã chính thức phê chuẩn luật dòng của Thánh nữ khi ngài tới ban phép lành cho Dòng "Clarisse" vào ngày 9-8-1253.

Thánh nữ qua đời vào ngày 11-8 -1253. Đức Giáo Hoàng Innocentê IV cử hành lễ tang cho ngài. Chính Đức Giáo Hoàng không muốn hát bộ lễ cầu hồn, ngài cử hành nghi thức thánh lễ các trinh nữ. Chỉ hai năm sau, Clara đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV phong thánh.

c. Dòng Thánh Clara ở Việt Nam

Hiện nay hội dòng có khoảng 20.000 Nữ tu trong gần 900 đan viện trên toàn thế giới.

Năm 1935, có 8 Nữ tu từ đan viện Roubaix (miền bắc nước Pháp) sang lập đan viện tại Vinh. Các thiếu nữ từ từ tìm đến xin gia nhập đan viện. Năm 1950 vì chiến tranh nên các Mẹ và một số chị em Việt nam phải trở về đan viện Roubaix.Sau 22 năm tá túc tại Pháp, 4 chị Việt nam và 1 chị người Pháp đã trở lại tái lập đan viện Thánh Clara tại Thủ đức vào ngày 27-9-1972. Đầu năm 2005 đan viện Thủ đức ( Quận 9) đã có một nhà con ở Xuân Sơn thuộc giáo phận Bà Rịa.

Linh đạo: sống theo thể thức Thánh Phúc âm trong Giáo Hội, hoàn toàn sống đời chiêm ngưỡng, khó nghèo và huynh đệ.

Bổn mạng: Lễ Thánh Clara, ngày 11 tháng 8.

Địa chỉ: 35 đường Đình Phong Phú - Kp 1 – P. Tăng Nhơn Phú B.Q 9 – Tp HCM - ĐT: 08 38 969 805

5. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH RUFINÔ

(Có giếng rửa tội nơi thánh Phanxicô và Clara đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; trong Nhà thờ còn có tượng Pietà theo nghệ thuật của Đức vào thế kỷ XV).

Vương cung Thánh đường Thánh Rufino có tầm mức quan trọng trong lịch sử của dòng. Thánh Phanxicô, Thánh Clara và nhiều đệ tử ban đầu của Thánh nhân đã được rửa tội tại đây khi nghe Thánh Phanxicô rao giảng trong nhà thờ này. Năm 1209, Clara cảm động trước sứ điệp của Phanxicô rao giảng và thực hiện lời kêu gọi của ngài.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Umbrian Roman và được xây dựng trên địa điểm có lưu giữ di tích của Giám mục Rufino tại Assisi, chịu tử đạo vào thế kỷ thứ III. Công trình khởi công từ năm 1140 theo thiết kế của Giovanni da Gubbio. Các dòng chữ ở bên trong vòng cung sau cung thánh đã chứng thực điều này. Có thể cũng chính Giovanni là người đã thiết kế các cửa sổ hoa hồng trên mặt tiền của Nhà thờ Đức Maria Maggiore vào năm 1163.

Năm 1228, trong khi đến Assisi để phong thánh cho Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Gregoriô IX đã thánh hiến bàn thờ. Đức Giáo Hoàng Innocent IV đã khánh thành Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1253.

Mặt tiền Nhà thờ theo phong cách Roma được xây dựng bằng đá lấy từ núi Subasio. Đây là một ví dụ điển hình của phong cách các nhà thờ vào thế kỷ thứ 12 ở vùng Umbria.

Ở bên trong Nhà thờ, giếng rửa tội được đặt ở đầu cánh bên phải Nhà thờ, Thánh Phanxicô đã được rửa tội ở đây vào năm 1182. Thánh nữ Clara được rửa tội ở đây vào năm 1193. Giếng rửa tội được làm bằng một miếng đá granit cổ đại và có một cái đai sắt. Nhà tạm bằng đất nung đỏ có từ năm 1882 nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô.

Cánh bên phải là Nhà nguyện Mình Thánh Chúa theo phong cách Baroque (bắt đầu năm 1541 và mở rộng năm 1663), 9 bức tranh tường được cho là vào thế kỷ 17 do họa sĩ Andrea Carlone thực hiện.

Ngôi Nhà nguyện Đức Mẹ An Ủi được xây dựng vào năm 1496.

Vào thế kỷ XIX, bàn thờ chính ở dưới mái vòm hình bát giác thời phục hưng nằm trên di tích của Thánh Rufinô. Ở hai bên có tượng cẩm thạch của Thánh Phanxicô và Thánh Clara do Giovanni Dupré thực hiện.

Có một vài bức tranh do Dono Doni vẻ: Các Thánh thờ lạy Đức Kitô (1555), ở hai bàn thờ hai bên có hai tác phẩm: Hạ xác Chúa (1562) và Chúa bị đóng đinh (1563).

Dưới Vương cung Thánh đường là hầm mộ với quan tài của một người Roma ngoại giáo từ thế kỷ thứ III. Nơi đây có hài cốt của Thánh Rufinô.

6. FRANCESCO PICCOLINO (nơi sinh của Thánh Phanxicô).

Nơi sinh của Thánh Phanxicô được xem như là một nơi linh thiêng. Sau năm 1250 một thời gian ngắn, Piccardo, con trai của Angelo và là cháu của thánh nhân, đã biến căn phòng lưu trữ này trong ngôi nhà của Thánh Phanxicô thành một nguyện đường. Đến năm 1281, ông đã tôn tạo bên ngoài với một mái vòm lớn. Vào khoảng đầu Thế kỷ thứ 14, dòng chữ Latin được khắc trên mái vòm theo phong cách Gothic này dòng chữ: Đây là nguyện đường có thời là chỗ cho bò và lừa, nơi đó Thánh Phanxicô, tấm gương của thế giới được sinh ra. Bên trong có những bức bích họa chồng lên nhau có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 13 và hai thế kỷ kế tiếp đó.

7.VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHANXICÔ, di sản thế giới.

Từ vương cung Thánh đường Clara đi bộ hơn cây số là đến Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô. Nổi bật trước mặt tiền Thánh đường là quãng trường rộng xanh mướt những thảm có.

Trong tư liệu từ trang web: ofmvn.org, tôi tìm thấy tư liệu lịch sử về Đền Thờ này.

Thánh Phanxicô Assisi qua đời ngày 3-10-1226 tại Porziuncula. Ngày hôm sau, 4-10, xác ngài được đưa về Assisi, và tạm thời được an táng trong nhà thờ thánh Georgiô. Anh Êlia đã viết một lá thư luân lưu cho Dòng, trong đó anh loan tin buồn về cái chết của Thánh Phanxicô.

Anh Êlia đã là Phó Tổng Phục vụ từ Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1221. Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1227, ngày 30-5, anh Gioan Parenti, Tỉnh Phục vụ Tỉnh Dòng Tây Ban Nha đã được bầu lên thay anh Êlia và trở thành người kế vị Thánh Phanxicô trong vai trò Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn.

Cùng năm ấy, ngày 19-3-1227, Đức Hồng Y Hugôlinô, Hồng Y Bảo trợ Dòng, được bầu làm Giáo Hoàng, lấy hiệu là Grêgôriô IX. Một trong các ưu tiên của ngài là tôn vinh Thánh Phanxicô. Ngày 29-4-1228, ngài ra sắc dụ "Recolentes" trong đó ngài loan báo ý định của ngài là cho xây cất một ngôi "nhà thờ đặc biệt" để tôn vinh Thánh Phanxicô, trong đó thi hài Thánh nhân sẽ được cất giữ. Anh Elia được chỉ định làm kiến trúc sư điều hành công trình vĩ đại này, xây một tầng hầm đặt ngôi mộ và một ngôi nhà thờ tu viện.

Ngày 16-7-1228, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX long trọng phong thánh cho Thánh Phanxicô tại Assisi, và ngày 19-7, sắc dụ phong thánh "Mira circa nos" đã được phổ biến. Trong cùng thời gian ấy, ngài đã đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường mới mà ngài tuyên bố là sở hữu của Đức Giáo Hoàng, và ngài xin anh Tôma Xêlanô viết một cuốn tiểu sử chính thức về Thánh Phanxicô.

Năm 1230, tầng hầm mộ hoặc ngôi thánh đường tầng dưới đã hoàn tất. Hài cốt Thánh Phanxicô được rước về ngôi thánh đường mới ngày 25-5-1230 cách trọng thể. Anh Elia vội vã cất giữ hài cốt trong ngôi thánh đường mới mà Đức Giáo Hoàng tuyên bố là "caput et mater" (đầu và mẹ) của Dòng Anh em Hèn mọn.

Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1230, anh Êlia toan tính nắm lấy việc quản trị Dòng, nhưng anh em bầu lại Anh Gioan Parenti. Một ủy ban đã được thành lập trong đó có anh Antôn Padua, đi Rôma xin Đức Giáo Hoàng Grêgôgiô IX một lời giải thích chính thức về Bản luật và Di chúc của Thánh Phanxicô. Đức Giáo Hoàng trả lời bằng sắc dụ "Quo elongati" (28-9-1230), qua đó, cùng với nhiều điều khác, ngài tuyên bố rằng bản Di chúc không buộc anh em phải tuân giữ như một bổn phận, và anh em được phép có một "người trung gian" (nuntius) và "những bạn thiêng liêng" để họ cung cấp cho anh em những nhu cầu cần thiết hằng ngày như Bản luật chung kết ấn định, tuy nhiên anh em không được sở hữu gì, nhưng chỉ được "sử dụng hợp với lời khấn nghèo khó" (usus pauper) những gì anh em đã nhận được.

Tại Tổng Tu nghị Riêti, 1232, Anh Êlia Bombarone được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh đã hoàn tất việc xây cất Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô. Một tổng thể kiến trúc to lớn gồm cả một Tu viện rộng rãi cho anh em (Sacro Convento), và nhà ở của Đức Giáo Hoàng.

Chiều dài Đền thờ 80 mét, chiều rộng 50 mét, chiều rộng gian giữa 18 mét. Từ năm 2000, Unesco đã công nhận Đền thờ này là Di sản thế giới.

Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng mang tên Thánh Phanxicô (Basilica Sancti Francisci Assisiensis) là Nhà thờ Mẹ của Dòng Phanxicô tại Assisi. Kế cận với Đền thờ là Tu viện Dòng Phanxicô.

Năm 1228 khởi công xây dựng Đền thờ bên cạnh một ngọn đồi gồm hai phần: Nhà thờ trên và Nhà thờ dưới. Có hầm mộ nơi để phần mộ của Thánh nhân. Phần trang trí bên trong của ngôi Nhà thờ trên theo phong cách Gothic ở Ý. Cả hai nhà thờ trên và dưới được trang trí với các bức bích họa do các danh họa thuộc trường phái La mã và Tuscan vào cuối thời Trung cổ, bao gồm các tác phẩm của Cimabue, Giotto, Simone Martini, Pietro Lorenzetti và của cả Pietro Cavallini. Đặc điểm này nói lên sự phát triển nghệ thuật Italia vào thời kỳ này.

Kiến trúc Đền thờ là một tổng hợp hai phong cách Roman và Gothic. Đền thờ có kiến trúc hình thập giá đơn giản, bên hông trái Nhà thờ có một tháp chuông theo phong cách Roman.

Nhà thờ dưới được xây dựng hoàn toàn theo phong cách Roman, không gian của Nhà thờ đã được mở rộng với một số nhà nguyện ở hai bên. Lối vào chính của gian giữa nhà thờ thông qua một ô cửa Gothic trang trí công phu được xây dựng giữa những năm 1280 và 1300.

Nhà thờ trên với mặt tiền gạch trắng và có một cánh cửa chính lớn theo phong cách Gothic. Phần phía trái của mặt đứng ta có thể nhìn thấy từ cả hai sân trước của Nhà thờ trên và Nhà thờ dưới thì lại theo phong cách Baroque, khi Đền thờ này được nâng lên hàng Vương cung Thánh đường vào năm 1754.

Bên trong của Nhà thờ trên vẫn mang hình chữ thập theo sự thiết kế của thầy Elias

Đền thờ này mang đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Ý, những bức bích họa có sớm nhất nằm ở Nhà thờ dưới. Có nhiều nghệ sĩ trong đó có những người nổi tiếng như Cimabue và Giotto, nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ không được biết đến thực hiện những công trình nghệ thuật này.

Trên cung thánh mái vòm cung thứ hai có những bức tượng bán thân Chúa Giêsu đối diện với Thánh Phanxicô và Đức Trinh nữ đối diện với Thánh Gioan Tẩy Giả. Mái vòm cung ở cửa ra vào có bốn vị Tiến sĩ Giáo Hội: Thánh Gregoriô đối diện với Thánh Giêrônimô, Thánh Ambrosio đối diện với Thánh Augustinô.

Phía tây của cánh ngang có nhiều bức bích họa của Cimabue trong đó có bức bích họa tráng lệ mang tên cuộc đóng đinh, trong đó Thánh Phanxicô quỳ gối tại chân cây Thánh Giá để tôn thờ cuộc Khổ nạn của Đức Kitô.

Có một loạt 28 bức bích họa do họa sĩ Giotto thời trẻ thực hiện dọc theo phần dưới của gian giữa. Họa sĩ này dựa theo tác phẩm Legenda Maior của thánh Bonaventure viết tiểu sử thánh Phanxicô (1266) để tái tạo lại những sự kiện lớn trong đời sống của thánh nhân. Những bức họa này mang nét sinh động như thể Giotto là chứng nhân những sự kiện chính này. Nhưng việc coi Giotto là tác giả những bức họa này còn đang trong vòng tranh cãi, người ta nghĩ rằng ít nhất có 3 họa sĩ riêng biệt sử dụng khái niệm nguyên thủy của Giotto để vẽ những bức họa này.

Mặt tiền của Vương cung Thánh đường có một cổng ra vào theo phong cách Gothic

Tu sĩ Êlia đã thiết kế Nhà thờ dưới như là một hầm mộ rất lớn giống như những phần mộ bằng đá cứng ở Syria.

Trên các cửa ra vào là một cửa sổ lớn kiểu hoa hồng, hai bên là hai cửa nhỏ hơn, người ta gọi chúng là "con mắt của ngôi nhà thờ đẹp nhất trên thế giới". Ugolinuccio da Gubbio (khoảng năm 1550) đã trang trí phần bên trái cánh cửa gỗ, còn một nghệ sĩ vô danh vùng Umbrian thực hiện phần cửa bên phải vào năm 1573. Chúng miêu tả những câu chuyện về đời sống của Thánh Phanxicô, Thánh Clara, Thánh Louis và Thánh Antôn. Trên bức tường bên trái của mái hiên là tượng bán thân của Đức Giáo Hoàng Benedict XIV đã ban cho nhà thờ này tước hiệu Vương Cung Thánh Đường Thượng phụ. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đổi tên Đền thờ này là Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng của Thánh Phanxicô.

Cổng chính Nhà thờ dưới ăn thông ra một Quảng trường nhỏ, dọc hai bên quảng trường là hai hành lang có mái che và có hàng cột. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến tổ chức buổi cầu nguyện liên tôn mỗi năm một lần tại quảng trường này. Ngài mời đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới đến cùng cầu nguyện với nhau cho hòa bình thế giới. Truyền thống được các đấng kế vị tiếp tục cho đến ngày nay. Nhờ đó, nhiều người trên thế giới biết đến quảng trưởng nhỏ này trong khu vực nhà dòng cạnh Đền thờ.

Chúng tôi dâng lễ tại Nhà thờ trên. Cha Hoàng, đặc trách Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao Phan Thiết chủ tế và giảng lễ. Sau đó mọi người thinh lặng xuống Nhà thờ dưới quỳ cầu nguyện trước phần mộ thánh Phanxicô. Tham quan nhiều nhà nguyện nhỏ và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Từ trang web: ofmvn.org, tôi đọc thấy những tư liệu kể về những đóng góp của Dòng Phanxicô trong các đại học và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

7. Anh Em Phan Sinh trong các Đại Học

Giữa thế kỷ XIII, Dòng Phan sinh đã trở nên một trong những tổ chức có trình độ bậc nhất của thế giới. Vào thời ấy, chức vụ "Lector" (giáo sư) là một trong những chức vụ được thiết lập trong Dòng. Toàn bộ các Tu viện đều nhắm trở thành những học viện cho anh em, nhất là ở các thành phố Đại học của Châu Âu.

Anh em đã đến Anh quốc năm 1224. Năm 1229, anh em đã có trường riêng ở Oxford. Anh em đã đến Paris từ năm 1219, và cũng năm 1219 anh em đã có trường riêng ở đây. Ở cả hai nơi này, anh em sớm bắt liên hệ với các giáo sư triều trong các Đại học. Họ đã coi các tu sĩ hành khất Đa Minh và Phan Sinh như một cản trở cho sự tiến thân của chính họ. Quả thực, các tu sĩ hành khất có một kiểu "Đại học" riêng của mình, với những giáo sư và sinh viên, những buổi thuyết giảng và tranh luận riêng. Chẳng bao lâu, Anh em Thuyết giáo và Anh em Hèn mọn đã đạt được những ghế giáo sư trong Đại học, khi một số giáo sư triều như Gioan Thành Giles và Alexandre Halès lần lượt trở thành anh em Đa Minh và anh em Phan Sinh.

Năm 1250, Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV truyền cho Đại học Paris phải trao "licentia docendi" (quyền dạy học) cho các tu sĩ có khả năng, những anh em này có thể trở thành những giáo sư đứng lớp. Các giáo sư triều chần chừ không chịu vâng phục, họ lo sợ vì cách thức anh em Đa- Minh và anh em Phan Sinh thu hút các sinh viên đến trường mình. Anh Gioan Parma đã cố gắng làm dịu tình hình năm 1254. Nhưng vấn đề về những khuynh hướng theo Gioakim Flora trong Dòng Phan sinh đã phá hỏng các cố gắng của anh, nhất là sau khi anh Gêrarđô Borgô San Donninô xuất bản cuốn "Liber introductorius". Guillaume Saint Amour đã tấn công các tu sĩ hành khất và đã được Tôma Aquinô và Bônaventura trả lời. Năm 1269, Gêrađô Abbeville cũng làm như thế và được trả lời bằng cuốn "Apologia pauperum" của anh Bônaventura và cuốn "Tractatus pauperis" của anh Gioan Peckham (1269-1270). Nicôla Lidiơ khơi lại cuộc tranh luận năm 1271 và anh Peckham đã đáp trả. Các giáo sư triều này phi bác sự nghèo khó tự nguyện, coi đó như một chọn lựa nguy hiểm, trái với những gì Đức Kitô và các Tông đồ đã dạy. Họ tấn công các tu sĩ hành khất, cho rằng các tu sĩ không có sở hữu của cải, nhưng sử dụng chúng thì cũng vậy.

Anh Raymond Faversham đã gia nhập Dòng Phan sinh ngay những năm đầu tiên anh em có mặt ở Paris. Sau khi trở thành anh em Phan sinh năm 1235, anh Alexandre Halès kéo theo một số sinh viên, trong đó có Rochella, Eudes Rigaud, Guillaume Melitôna và Bônaventura. Những anh em này đương nhiên kế vị anh làm giáo sư. Anh em ở tại St. Denis năm 1228, nhưng năm 1231 họ dời về khu phố Đại học và xây ngôi Tu viện lớn Cordeliers.

Các giáo sư Phan sinh ở Paris đạt được những vị trí quan trọng trong Giáo Hội và Dòng. Anh Gioan Peckham trở thành Tổng Giám mục Cantobery và các anh Bônaventura, Matthêu Aquasparta, Arlottô Pratô và Gioan Murrôvallê trở thành Tổng Phục vụ, anh Phêrô Gioan Olieu là một trong những lãnh tụ của Anh em Thiêng liêng.

Trường Phan sinh ở Oxford phát triển với sự quan tâm riêng của anh Anbertô Pisơ, Tỉnh Phục vụ Anh quốc, và với kinh nghiệm học vấn của anh Rôbertô Grossetête, Giám mục tương lai của Lincoln. Anh lãnh đạo trường phái Phan sinh từ năm 1229 đến 1235 và đã để lại cho anh em cả thư viện phong phú của anh. Trong số những anh em giáo sư Phan sinh nổi tiếng của Oxford phải kể đến anh Ađam Marsh, Tôma York, Gioan Peckham, Richard Middletown, Guillaume Ockham, Roger Bacon. Anh em đến Cambridge năm 1225 và mở trường ở đó năm 1230.

Anh Antôn Pađua dạy thần học cho anh em ở Đại học Bôlôgna. Anh Raymond Faversham và Gioan Parma cũng là những giáo sư tại học viện này, nó luôn độc lập với Đại học, nơi không có phân khoa thần học. Nhiều học giả khác cũng ở tại Đại học Pađua năm 1222.

Ở Koln, anh em Phan sinh cũng có một học viện nơi đó anh Gioan Đun Scốt đã dạy một thời gian trước khi qua đời ngày 8-11-1308. Anh Gioan sinh tại Tô Cách Lan năm 1266 và gia nhập Dòng Phan sinh ở Dumfries. Anh học ở Oxford và đã được thụ phong linh mục ngày 17-3-1291 do tay Đức Giám Mục Oliver Sutton ở Northampton. Anh sang Paris tiếp tục học từ 1293 đến 1297. Anh giảng dạy ở Oxford, Paris và Cabridge. Trong thời gian ở Paris, anh không ký vào một "libellus" chống lại Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII nhằm bênh vực vua nước Pháp. Bởi đó, anh phải rời Đại học, nhưng anh trở lại vào năm 1266 theo chỉ thị của anh Gonsalvus Tây ban nha, Tổng Phục vụ, thầy cũ của anh. Năm 1308, anh được thuyên chuyển về Koln và qua đời ở đó. Việc tôn kính anh như một chân phước đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô xác nhận qua tông thư "Ab immemorabile" ngày 6-6-1991. Anh Gioan Đon Scốt nổi tiếng với giáo thuyết liên quan đến vai trò phổ quát đã được tiền định của Đức Kitô và đặc ân vô nhiễm thai của Đức Maria.

8. Những cuộc truyền giáo đầu tiên của Anh Em Phan Sinh

Suốt hai thế kỷ XIII và XIV Châu Âu rơi vào tình trạng nguy hiểm khủng khiếp. Hồi giáo đã tiến chiếm toàn bộ Bắc Phi, Đất Thánh và bán đảo Ibêria. Một mối hiểm họa mới nổi lên từ trung tâm Châu Á, đó là đế quốc Mông cổ. Để tránh mối hiểm họa này, Giáo Hội được dùng làm công cụ để rao giảng sự cần thiết phải tổ chức các cuộc thập tự quân chống lại ngoại giáo. Đất Thánh đã thất thủ và bị chiếm. Vương quốc Latinh Giêrusalem kéo dài cách èo uột thêm một thế kỷ (1099-1187). Một thế kỷ sau, năm 1291, thành trì cuối cùng của Kitô giáo ở Palestin, thành Acre, cũng bị thất thủ. Hình như chinh phục bằng vũ khí không phải là giải pháp cho sự ổn định chính trị và tôn giáo ở Châu Âu. Một phương pháp mới đã được đề nghị, phương pháp đối thoại và cùng chung sống trong hòa bình với người "Hồi giáo". Năm 1219-1220, Thánh Phanxicô sang Trung Đông với sứ mạng đem lại hòa bình. Trong Luật Dòng, Ngài dành một chương cho chủ đề về những anh em đến với người Hồi giáo và các dân ngoại khác.

Lịch sử các cuộc truyền giáo của anh em Phan sinh là một trong những thành công vẻ vang nhất của Dòng. Ở đây chúng tôi có thể nói sơ qua những bước đầu khiêm tốn và những anh hùng đi tiên phong làm nên lịch sử đó mà thôi.

Sự hiện diện của anh em Phan sinh ở Đất Thánh bắt đầu từ năm 1217, khi Tỉnh Dòng Syria đã được thiết lập, với anh Elia là Giám tỉnh. Chắc chắn vào năm 1229, anh em đã có một ngôi nhà nhỏ cạnh chặng thứ năm của Con đường Thương Khó. Năm 1272, quốc vương Bibars cho phép anh em Phan sinh được lập cư ở Nhà Tiệc Ly trên núi Sion. Về sau, năm 1309, anh em cũng lập cư ở Mộ Thánh và ở Giêrusalem. Năm 1335, vua Rôbertô Napôli và hoàng hậu Sanxia Majoca đã mua Nhà Tiệc Ly và ban tặng cho anh em Phan sinh. Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI, qua trọng sắc "Gratias agimus" và "Nuper charissimae" (1342), đã công bố anh em Phan sinh là những người bảo quản chính thức các Nơi Thánh nhân danh Giáo Hội Công Giáo. Năm này đánh dấu sự khởi đầu chính thức của Hạt Dòng Thánh Địa của Anh em Phan sinh.

Sứ mạng này luôn vẫn là sứ mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Dòng. Danh sách dài các anh em đã chịu tử đạo, bắt đầu vào năm 1391, với anh Nicôla Tavêlic và các bạn. Anh em Phan sinh bị trục xuất khỏi Nhà Tiệc Ly năm 1552, nhưng họ lập cư ở nhiều nơi Thánh khác nhau qua các thời đại.

Anh em Phan sinh đặt chân đến Bắc Phi năm 1219, khi anh Êgiđiô đi Tunisi. Năm 1219, một nhóm sáu anh em lên đường đi Tây ban nha và Môrôcô. Sau khi anh Vitalis, người dẫn đầu, phải ở lại vì bệnh, anh Bêrađô và các anh em khác tiếp tục hành trình, đầu tiên họ đến Bô đào nha, rồi đến Môrôcô. Ngày 16-1-1220, họ chịu tử đạo ở Marrakesh. Thi hài của họ được rước về Coimbre, ở đây anh Antôn người Lisbonne, một linh mục kinh sĩ Dòng Thánh Augustinô, đã ngưỡng mộ chứng tá anh hùng của họ và đã quyết định gia nhập Dòng Phan sinh. Anh đã trở thành một trong những vị Thánh biết đến nhiều nhất, đó là Thánh Antôn Padua. Ít năm sau, một nhóm khác do anh Đaniel dẫn đầu, từ Calabia ra đi, đã chịu tử đạo ở Ceuta.

Ở Angêri, tại cảng Bugia, một nhà truyền giáo Phan sinh khác, đã chịu tử đạo năm 1315. Lần này là một anh Phan sinh tại thế, anh Ramond Lulle, sinh tại đảo Majoca năm 1232. Anh thông thạo tiếng Ả rập, đi lại khắp vùng Cận Đông, thành lập các trường truyền giáo. Năm 1292, anh tự mình đi Bắc Phi lần đầu tiên. Anh trở về năm 1307 khi đã bị tra tấn dã man. Năm 1314-1315, anh quay trở về Bugia vào tuổi 82, để nhận phúc tử đạo.

Sự bành trướng của vương quốc Mông cổ là một mối nguy hiểm to lớn cho Châu Âu Kitô giáo. Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn chinh phục Trung quốc, tây bắc Ấn Độ, Afghanistan, Georgia và miền nam Liên xô. Năm 1222 quân Mông cổ tiến vào Hungari, Ba lan và cả dọc duyên hải Đalmati. Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV quyết định bắt liên lạc ngoại giao với Mông cổ, hy vọng ký kết được những thỏa ước hòa bình với họ. Để thực hiện công tác này, ngài đã chọn một anh em Phan sinh, anh Gioan Capistranô, là đặc sứ của ngài. Năm 1245-1246, anh Gioan khởi sự một chuyến đi dài sang Mông cổ và gặp Đại Đế. Anh đi qua con "đường nhung lụa" nổi tiếng để đến Trung quốc. Đại Đế Quỳnh Khê (Kujuk) phái anh trở về với Đức Giáo Hoàng, mang theo một bức thư riêng của ông. anh Gioan viết nhật ký về chuyến đi, gọi là "Lịch sử Mông cổ", giống như các nhà truyền giáo Phan sinh khác thường làm sau các chuyến đi sau này của họ.

Một nhà truyền giáo khác đi sang Viễn-Đông là anh Guillaume Rubruck. Anh lên đường năm 1253 theo đường bộ, băng qua Constantinốp và Crimê. Anh đến Karakorum, và anh nhận thấy đã có một số Kitô hữu phái Nestôriô ở trong vương quốc ấy rồi. Sau khi đã yết kiến Đại-Đế, anh Guillaume ra về. Anh ghi lại cuộc hành trình của anh để dâng lên vua Luy IX của nước Pháp, người đã phái anh đi và chịu mọi phí tổn. Trong thời gian đó, anh em Phan sinh cũng đã lập cư ở Georgia và Armênia.

Năm 1291 lại có một anh em Phan sinh khác, anh Gioan Montêcorvinô, đã đến với Đại Đế Mông cổ như một sứ thần của Đức Giáo Hoàng. Anh rời Riêti năm 1289. Lần này, anh đi theo con đường từ vịnh Ba Tư sang Ấn Độ, rồi đi đường biển vào Trung quốc. Đến Khambalik (nay là Bắc Kinh), anh được tin Đại Đế Kubilai đã qua đời, nhưng anh được vị hoàng đế mới tiếp đón tử tế. Anh Montêcorvinô ở lại thành phố ấy 34 năm, và được coi là sáng lập Giáo Hội ở Trung quốc. Năm 1309 anh được tấn phong là Tổng Giám mục Khambalik. Khi anh qua đời năm 1328, anh để lại một cộng đồng Kitô hữu rất phồn vinh.

Anh Ôđôricô Pardenone sang Mông cổ năm 1322, qua ngã Biển Đen, Armênia và Ba Tư, rồi sau đó theo đường biển từ Hormuz. Anh đến Khambalik và ở lại đó 6 năm. Trên đường trở về qua ngã Tibet và dãy núi Pamir, anh viết lại cuộc hành trình của anh.

Người cuối cùng trong danh sách những nhà tiên phong Phan sinh nổi tiếng đi sang Trung quốc, đó là anh Gioan Marinolli. Anh được phái sang vương quốc Cathay năm 1339 với tư cách là Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XII.

9. Dòng Phanxicô tại Việt Nam

Năm 2009, Dòng Phanxicô mừng kỷ niệm 800 năm thành lập. Tại Việt Nam, Dòng mừng 80 năm hiện diện.

Phỏng vấn linh mục Nguyễn Xuân Quý nhân dịp Năm Thánh Dòng Phanxicô (x.Vietcatholic 16-6- 2009).

PV: Mừng 800 năm Thành lập Dòng và 80 Dòng hiện diện trên đất Việt, xin cha cho biết đôi nét về sự thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Việt Nam?

Cha Quý: Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam được Linh mục Maurice Bertin OFM thành lập tại Vinh năm 1929. Sau nhà Dòng Vinh và Thanh Hóa, Cha Maurice Bertin OFM xây dựng tu viện Phanxicô Cù Lao năm 1939. Và Ngài ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1968, hiện nay lăng mộ Ngài vẫn còn tồn tại bên đồi Cù Lao. Dòng tiếp tục phát triển theo hướng Nam và hiện nay, dòng đã trở về Vinh trên con đường tiếp tục phát triển về hướng Bắc. Trụ sở chính hiện nay đặt tại tu viện Phanxicô Đakao.

PV: Tình hình nhân sự của Dòng ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Cha Quý: Toàn Tỉnh Dòng Việt Nam có được 193 Linh mục và Tu sĩ gồm: 140 khấn trọn, trong đó có 93 Linh mục. Số Tu sĩ khấn tạm là 53 và Tập viện trung bình mỗi năm đón nhận trên dưới 10-15 người. Con số tìm hiểu tập trung hàng năm khoảng 70 em. Gia đình Phan Sinh tại thế Việt Nam có khoảng 5.000 thành viên.

PV: Tại Nha Trang, Dòng đã thành lập và phát triển thế nào?

Cha Quý: Trước năm 1975, tại Giáo Phận Nha Trang, dòng Phanxicô có tu viện trên đồi và 3 trung tâm người Thượng tại Diên Khánh, Suối Dầu và Khánh Dương. Nhà Dòng cũng đã từng thành lập giáo xứ Thanh Hải và giáo xứ Vĩnh Phước, và từng thời gian đã phục vụ các giáo xứ Đồng Hộ, Ngọc Thủy, Lương Sơn. Các cơ sở từ thiện là nhà dưỡng lão Rù Rì và trại phong Núi Sạn. Về văn hóa, có trường Hưng Đạo.

Sau năm 1975, tu viện trên đồi tiếp tục sinh hoạt cùng với 03 Cộng Đoàn nhỏ Đồng Dài, Suối Dầu và Cư Thịnh. Dịp lễ Noel 1978, tu viện trên đồi trở thành cơ quan nhà nước. Cùng với 03 Cộng Đoàn vừa nói, Giáo Xứ Vĩnh Phước và Giáo họ Ngọc Thanh được củng cố bởi hai Cộng Đoàn mới thiết lập, và có thêm 02 Cộng Đoàn khác được thiết lập tại nhà thờ Phù Sa và tại Giáo xứ Thanh Hải. Một thời gian ngắn, nhà dòng được sai đến phục vụ Giáo xứ Dục Mỹ. Dòng đã chuyển giao Lương Sơn, Dục Mỹ, Phù Sa cho Giáo Phận.

Hiện nay, Anh Em Phanxicô hiện diện trong 07 Cộng Đoàn, phục vụ 04 Giáo xứ, 03 Giáo Họ, 02 điểm truyền giáo cho người sắc tộc. Dòng tại Nha Trang, như đã mô tả ở trên, có các sinh hoạt đa dạng, đúng với Linh Đạo của Dòng là không lựa chọn một công việc chuyên biệt cố định, nhưng đáp ứng mọi nhu cầu của Giáo Hội và xã hội địa phương ưu tiên phục vụ người nghèo về mọi phuơng diện.

PV: Hướng phát triển, kế hoạch thực hiện của Dòng miền Nha Trang trong thời gian sắp tới?

Cha Quý: Củng cố những gì đang thực hiện và đẩy nhanh hơn công tác Phúc Âm hóa. Tìm kiếm ơn gọi, đặc biệt vì lý do các cơ sở huấn luyện của dòng đều tập trung những nơi khác ngoài Giáo Phận Nha Trang như ở Sài Gòn, Thủ Đức, Bà Rịa, Đà Lạt…

PV: Xin cám ơn cha và kính chúc Hội Dòng tiếp tục phát triển để phục vụ Giáo Hội và anh chị em như Thánh Sáng Lập Dòng hằng mong muốn.

Rời Assisi, chúng tôi đi Pađova, nơi có Thánh Antôn hay làm phép lạ.

(còn tiếp)
 
Văn Hóa
Chuyện Vợ Chuyện Chồng: Có Chúa Vôi Nồng
Nguyễn Trung Tây, SVD
02:07 12/05/2013
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Chuyện Vợ Chuyện Chồng:
Có Chúa Vôi Nồng


Chuyện thời bây giờ kể rằng, ở thung lũng điện tử Silicon, San Jose, California của Hoa Kỳ có một đôi vợ chồng, con trai tên Bòn, bốn tuổi, con gái tên Bon, mười tháng. Chồng là Kỹ Sư điện. Vợ làm Assembler trong hãng điện tử. Cả hai vợ chồng là những thành viên trung thành trong Ban Giáo Lý giáo xứ Việt Nam.


Xin hãy làm trầu không,
Để tình mình xanh mãi,
Xin hãy làm cau tròn,
Để ngọt ngào yêu nhau.

Xin có Chúa vôi nồng,
Đề tình mình đỏ thắm
Thắm tình anh yêu em,
Đỏ tình em vợ anh...

NTT




Chiều Nhật của những bà mẹ đã tới, Bòn đứng trước cửa phòng mẹ, gõ cánh,

— Mommy! Mommy ơi! Bố nói mommy lè lẹ lên một chút. Bố đói bụng lắm rồi!

Vợ nói vọng ra,

— Bòn ơi! Con nói với bố đợi mommy một phút, một phút nữa thôi nhé, please.

Chồng từ ngoài phòng khách, nói vọng vào,

— Vợ tôi đẹp sẵn rồi, trang điểm thêm làm chi cho tốn phí son phấn...

Bên trong yên lặng không tiếng đáp trả. Chồng sốt ruột ngáp, giơ tay nhìn kim đồng hồ,

— Hôm nay tiệm đông người lắm. Mình tới trễ, coi chừng mất bàn…

Bên trong, vợ lại năn nỉ,

— Một phút nữa thôi, please...

Chồng bế bé Bon trên tay nhún vai, miệng nói với con trai,

— Hôm nay ngày của mommy, ba bố con mình tặng cho mẹ con thêm một phút nữa thôi nhé, một phút nữa thôi, đồng ý không?

— …

Một phút đều đặn của sáu mươi giây rồi cũng đã trôi qua. Ba bố con vẫn còn đứng ở giữa phòng khách tiếp tục ngớ ngẩn đợi chờ.

Hai phút nữa lại trôi qua.

Năm phút phù du bước chân vào phòng khách liếc nhìn bộ mặt thểu não của chồng và con. Chồng nhìn đồng hồ, lần này thiệt tình sốt cả ruột,

— Năm phút rồi đấy nhé…

Cánh cửa gỗ vẫn im lìm. Ba bố con thằng Bòn ngồi xuống ghế, mặt bố buồn thiu, miệng con ngáp dài. Thằng Bòn than,

— Bố ơi, con đói bụng...

Thời gian tiếp tục nhịp đếm. Một phút, hai phút, bốn phút. Lần này cả ba bố con cùng ngáp chỉ đề vừa kịp nhìn thấy vợ từ trong phòng bước ra, với chút phấn hồng trên hai gò má, với váy đầm màu nâu đậm, và áo sơ mi (fashion vải nhún) xanh xanh màu xanh non lá chuối. Nhìn thấy mẹ tươi đẹp với mùi nước hoa thơm nhè nhẹ, thằng Bòn quên cả đói, hứng chí nhảy tưng tưng,

— Mommy đẹp quá! Mommy thơm quá!

Chồng đứng đằng sau, lấy tay đẩy đẩy lưng con trai ra hiệu. Chợt nhớ tới vai đã được đạo diễn bố tập dượt kỹ càng, thằng Bòn hét to, tay đưa ra gói quà dấu sau lưng,

— Happy Mother’s Day!

Vợ trợn mắt nhìn, cúi xuống nhận gói quà từ tay con trai. Chồng cầm tay bé Bon nói hộ cho con gái,

— Bé Bon cũng nói, “Happy Mother’s Day”.

Tới phiên chồng chúc vợ,

— Happy Mother’s Day.

Chồng bấm vào lưng thằng Bòn. Nhận được dấu hiệu của đạo diễn, diễn viên thằng Bòn đóng tròn vai,

— Mommy ơi, cám ơn mommy là mẹ của con.

Chồng nói với bé Bon,

— Bé Bon cũng nói với mẹ, “Mẹ ơi, cám ơn mẹ đã là mẹ của con”. Nói, nói đi…

Bé Bon nhìn miệng bố, nhìn mẹ, không hiểu chi, nhưng toét miệng cười. Chồng đưa cho vợ món quà,

— Đây là quà của ba bố con tặng mẹ.

Vợ rút ra từ gói quà một cái khăn choàng cổ màu xanh Đức Mẹ,

— Khăn này anh cậy cục nhờ người ta mua hộ cho đó. Ở mãi tận bên Nazareth lận.

Vợ o tròn miệng, quàng khăn vào cổ,

— Really? Bố nói thật hay nói giỡn chơi đó? Đẹp quá anh ơi. Anh nhìn coi, em quàng cái khăn cổ Đức Mẹ vào nhìn đẹp quá hả. Anh cho em một phút nữa thôi được không?

Vợ dợm bước, tính quay lại vào phòng. Chồng lắc đầu quầy quậy,

— Nope, nope! Thôi, thôi anh lậy em. Một phút nữa của em là nhà hàng đóng cửa luôn. Bố con anh là thúi hẻo luôn. Cho tôi xin…

Vợ dừng lại bước chân, toét miệng cười,

— Well, khăn đẹp thật. Anh đến là biết ý của em.

Chồng ngứa mình, móc giò lái nhè nhẹ,

— Sướng nhé! Vậy còn dám càm ràm than thở là sao ông chồng của tôi không còn ga-lăng như hồi mới cưới nữa hay không?

Đụng tới vết thương lòng vẫn còn sưng đỏ chưa mọc da non, vợ sừng cổ cò, quên mất ngày hôm nay là ngày của Từ Mẫu, nói ngay,

— Thế mà cũng nói được!... Em nói bao giờ?

Chồng nhắc nhở,

— Nè, nè, đừng có quên. Mới tháng trước thôi, hôm ăn đám cưới của chị Liên, lúc ở nhà hàng đó.

Vợ thanh minh thanh nga,

— Bữa hôm đó em không có nói như vậy. Em chỉ nói là…

Thấy bố và mommy có vẻ “quyến luyến”, nhất định không muốn dứt “chuyện”, thằng Bòn đứng bên cạnh nắm áo bố giật giật, tay ôm bụng, mặt nhăn lại,

— Bố ơi, con đói bụng quá bố ơi!

Cả hai vợ chồng nhìn nhau. Tự nhiên cả hai cùng tung tóe toét miệng cười toe toe. Những thớ thịt căng thẳng trên hai khuôn mặt chùng xuống. Chồng đưa ra nhánh hồng nhung nụ đỏ tươi tặng vợ,

— Happy Mother’s Day!...

Vợ e lệ, mặt đỏ ửng hồng cúi đầu nhận hoa, nói,

— Cám ơn ông xã!


Lời Chúa
(1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. (2) Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". (4) Ðức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến". (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". (6) Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Ðức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ". (11) Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (12) Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày (Gioan 2:1-12).



Lời Nguyện
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã ban cho chúng con những người mẹ ngọt ngào, một đời hy sinh, dầm mưa giãi nắng, cực khổ vì chồng vì con.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thiền Hành
Nguyễn Ngọc Liên
21:32 12/05/2013
THIỀN HÀNH
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh nhìn trần thế
Mây trắng hỏi đường qua..
(Thiền Sư Ấn Độ)