Ngày 17-05-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:06 17/05/2013
THẦN NÔNG THỊ VÀ THẦN GẬY
N2T

Khi con người trên mặt đất càng ngày càng đông, đại thần Viêm đế xuống trần gian dạy con người cuốc đất cày ruộng gieo giống, do đó, con người tôn kính gọi ông ta là thần Nông Thị.
Dần dần, con người không còn lo lắng đến cái ăn nữa, thì thần Nông Thị lại phát hiện có rất nhiều bệnh tật làm cho con người khốn khổ, thế là ông ta đích thân nếm thảo mộc muốn tìm ra thảo dược có thể trị bệnh, vì vậy mà mỗi ngày thần Nông Thị bị trúng độc bảy mươi lần, lại còn làm cho ruột của ông ta bị hư hoại.
Thiên đế sau khi biết chuyện thì rất cảm động bèn tặng cho ông ta một cây gậy thần, bất cứ loại thảo mộc nào hể cây gậy thần đụng vào thì tính dược của nó sẽ hiện trên cây gậy thần, nhờ vậy mà thần Nông Thị biết dược tính của thảo mộc nào để có thể trị bệnh nào.
Từ đó về sau ông ta không cần dùng miệng để nếm thử trăm loại thảo dược nữa.
(Tây Hán, Lưu An “Chuẩn Nam tử)

Suy tư:
Tình yêu chân chính thường làm cảm động người khác hơn là tình yêu giả dối đầu môi chót lưỡi; tình yêu thật là tình yêu dám hy sinh cho người mình yêu, mà thần Nông Thị trong thần thoại là một điển hình: ông ta muốn cứu chữa con người khỏi bệnh tật nên nếm thử hằng trăm các loại thảo mộc, đương nhiên là có nhiều thứ cây độc...
Đức Chúa Giê-su đã nói không có tình yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống cho người mình yêu, bởi vì con người ta quý nhất là mạng sống, đem mạng sống của mình để đổi mạng sống cho bạn hữu thì đó là tình yêu cao quý nhất vậy, và chính Đức Chúa Giê-su đã thực hành điều đó khi vì yêu thương nhân loại mà chịu chết trên thập giá.
Phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành vết thương trong linh hồn ủa chúng ta là bí tích Giải Tội, và bí tích Thánh Thể là lương thực bổ dưỡng linh hồn được khỏe mạnh, như thánh Bê-na-đô nói: “Chúa Giê-su không những có tình yêu, mà chính là tình yêu; Thánh Thể không những là bí tích tình yêu, mà chính là tình yêu.”
-------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:11 17/05/2013
Chương 45:

THÁNH KINH

THÁNH THƯ


“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, giáo dục để trở nên công chính.” (2 Tm 3, 16)
N2T

1. Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

(Thánh Jerome)
--------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Vai trò của Chúa Thánh Thần
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
06:44 17/05/2013
LỄ HIỆN XUỐNG C
VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

A. DẪN NHẬP

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Theo Tin mừng của Gioan, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay chiều ngày Phục sinh :”Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”(Ga 20,22). Tuy nhiên chúng ta nên tránh xa cảm tưởng có sự xẩy ra hai lần việc Thánh Thần được ban cho long trọng lúc ban đầu. Luca và Gioan nói về cùng một việc : Chúa sống lại ban ơn Chúa Thánh Thần và khai mạc sứ mạng của Giáo Hội. Sự khác nhau của hai ông về thời điểm là do quan điểm thần học của mỗi ông. Hay nói khác đi, lễ Hiện xuống là ngày Đức Giêsu đặc biệt giới thiệu Giáo Hội cho muôn dân muôn nước.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ hãy ở lại trong thành chờ đợi Chúa Thánh Thần. Vâng lệnh Chúa, 120 môn đệ cùng với Đức Maria tụ họp nhau cầu nguyện trong nhà, có lẽ nhà Tiệc ly. Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông với tiếng gió thổi ào ào và những hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ông. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các ông nói được nhiều thứ tiếng lạ, ai cũng có thể hiểu được và sau đó các ông can đảm đi rao giảng Đức Kitô Phục sinh cho mọi người.

Ngày nay, lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn trong Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội vì Ngài là Đấng soi sáng, đổi mới, ban bình an và niềm vui cho mọi người. Ngài là hồn sống của Giáo Hội. Nếu không có Ngài thì mọi hoạt động trở nên trống rỗng. Ngài cũng vẫn hoạt động trong mỗi người chúng ta với Bảy ơn cả của Ngài để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 2,1-11.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Vâng theo lời căn dặn của Chúa Phục sinh, ngày lễ Ngũ tuần, các môn đệ tụ họp tại nhà Tiệc Ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.

Sáng hôm đó, đang khi các môn đệ cầu nguyện cùng Đức Maria, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông. Mọi người nhận thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống với hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ông. Và sau đó các ông nói được những thứ tiếng lạ, mọi khách hành hương đều thấy họ nói được tiếng bản xứ của mình một cách thành thạo.

Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã nhiệt thành rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Đức Kitô khắp mọi nơi.

+ Bài đọc 2 : 1Cr 12,3b-7.12-13.

Thánh Phaolô nhắc nhở cho tín hữu Côrintô một số điều :
- Nguồn gốc mọi đặc sủng là Chúa Thánh Thần. Ngài ban các đặc sủng ấy cho từng người tùy nhu cầu, không ai giống ai.
- Tuy nhiên các đặc sủng ấy không phải để phục vụ cho cá nhân, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.
- Hội thánh được coi như một thân thể, cần phải có sự hợp nhất các chi thể. Vì thế, mọi tín hữu phải tránh sự chia rẽ để cùng hợp lực xây dựng thân thể Hội thánh.

+ Bài Tin mừng : Ga 20,19-23.

Theo Gioan làm chứng, việc trao ban sứ mạng và ban Thánh Thần đã xẩy ra ngay lần đầu tiên Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày Phục sinh. Như vậy, căn bản mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống đã được biểu lộ trọn vẹn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Luca thì Thánh Thần được ban hôm lễ Ngũ tuần. Theo bài Tin mừng, Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông đồ những ơn :
- Ơn Bình an, đặc trưng của thời Messia.
- Ơn Tha tội, nhờ đó con người được hưởng niềm vui và bình an.
- Ơn Trợ giúp, nhờ đó Giáo Hội ra đi để loan báo Tin mừng cứu độ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thánh Thần biến đổi các môn đệ

I. BỐI CẢNH NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG


1. Ý nghĩa bài Tin mừng hôm nay

Phụng vụ chọn lựa bài Tin mừng này trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho cả ba năm A,B,C là vì trong bài này thánh sử Gioan đã kể lại việc Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các Tông đồ :“Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Việc ban Thánh Thần biểu lộ ý nghĩa : Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của các Tông đồ. Vì thế qua việc mừng lễ này Giáo Hội muốn cho chúng ta xác tin hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta tha thiết hơn trong việc cảm tạ và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày.

2. Tại nhà Tiệc Ly

Ngày lễ Phục sinh Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20,21-23). Nhưng ngày lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày khai sinh Giáo Hội hay ngày giới thiệu Giáo Hội cho muôn dân (Cv 2,1-13). Cũng như qua bí tích Rửa tội, chúng ta nhận Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm sức, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách long trọng và dồi dào để trở thành chiến sĩ Chúa Kitô.

Lễ Ngũ Tuần là một trong ba đại lễ của người Do thái. Lễ này được mừng 50 ngày sau lễ Vượt qua, là để tạ ơn Chúa vì mùa thu hoạch lúa mì vừa kết thúc và cũng là để kỷ niệm Thiên Chúa ban Lề luật trên núi Sinai.
Trước khi về trời Đức Giêsu đã ra lệnh cho môn đệ đi rảo giảng Tin mừng, rồi Ngài thêm :”Nhưng hãy đợi trong thành cho đến khi các con được mặc lấy quyền năng bởi trời”, và 120 người ấy đã hoàn toàn vâng theo. Dầu phần lớn trong số họ không có nhà cửa gì tại thủ đô, nhưng vẫn trung thành họp nhau cầu nguyện để trông chờ ứng nghiệm điều Đức Giêsu đã hứa.

Trong số 120 người tụ họp tại nhà Tiệc Ly, có Đức Maria, các Tông đồ và một số người khác. Theo như thánh Phaolô đã kể lại trong thư thứ nhất Côrintô 15,6 thì 500 người đã cùng được gặp Chúa khi Ngài hiện đến sau Phục sinh, chúng ta không hiểu tại sao họ lại không hiện diện trong dịp họp mặt này. Sách Công vụ Tông đồ cũng ghi đặc điểm của cuộc hội họp này là "Tất cả đều kiên tâm nhất trí cầu nguyện liên tục cùng với Đức Maria”.

Sách Công vụ Tông đồ còn ghi :”Mọi người đang tề tựu tại một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”(Cv 2, 1-4).

Trong Kinh Thánh, lửa cũng được dùng để chỉ về chức vụ của Chúa Thánh Thần. Như gió thổi và làm cho loài người tươi mát thế nào, thì lửa lại tiêu sạch rơm rác hôi thối chung quanh nhà chúng ta, khiến xóm giềng dễ chịu. Chúa Thánh Thần sẽ tác động để đời sống tốt lành của chúng ta tỏa hương, gây ảnh hưởng tốt, và Chúa đưa tới vinh quang đời sống tốt đẹp của chúng ta.

Tiếng gió động ào ào tượng trưng sức sống thần khí, khi Thiên Chúa dựng nên con người, Thiên Chúa đã thổi hơi vào thẳng người được dựng nên bằng bùn đất. Hơi thở thần khí đã biến bùn đất thành Adong sống động. Từ đó Adong trở thành người đầy sức sống tốt lành và tràn đầy sinh lực hạnh phúc. Luồng gió mới của thần khí nay cũng thổi vào khắp các cơ thể xác thịt của Tông đồ biến đổi các ông thành chi thể mới của Đức Kitô chứa đầy những đặc sủng để các ông phục vụ nhiều việc khác nhau vì ích chung nhờ Thánh Thần đang hoạt động nơi các ông.

Qua các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chúng ta có thể gọi lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Giáo Hội, hay ngày Đức Giêsu giới thiệu Giáo Hội cho muôn dân, nhưng đồng thời Chúa cũng cho biết lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động mạnh mẽ bên trong Giáo Hội, ví dụ : Công đồng Vatican II là một lễ Hiện xuống mới. Công đồng đã quyết định một cách bất ngờ và đã canh tân Giáo Hội cho phù hợp với bước tiến của thế giới ngày nay.

II. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

1. Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng

Tuy đã ở với Đức Giêsu gần 3 năm trời, các môn đệ cũng chưa hiểu thấu được những lời Ngài dạy, những việc Ngài làm. Chẳng hạn một ngày nọ Đức Giêsu nói với các môn đệ :”Con người sẹ phải bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết Ngài nhưng ba ngày sau khi chết Ngài sẽ sống lại”. Thánh Marcô liền chú thích thêm :”Nhưng các môn đệ chẳng hiểu điều Ngài muốn nói và họ sợ hãi không dám hỏi Ngài”(Mc 9,31-32).
Tương tự như thế, sau khi mô tả Đức Giêsu cỡi lừa tiến vào thành Giêrusalem vào Chúa Nhật lễ lá, thánh Gioan nói rằng :”Thoạt tiên các môn đệ Ngài không hiểu được điều này, nhưng sau khi Đức Giêsu được vinh hiển thì họ nhớ lại những điều này đã được viết về Ngài”(Ga 12,16).

Hoặc dịp khác, có lần Đức Giêsu bảo các nhà cầm quyền ở Giêrusalem :”Hãy tiêu hủy đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Đoạn thánh Gioan chú thích thêm :”Tuy nhiên Đức Giêsu có ý nói về đền thờ thân xác Ngài. Do đó, khi Ngài từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều này, và nhờ đó họ tin vào Kinh Thánh và những lời Đức Giêsu đã nói ra”(Ga 2,20-22).

Điều gì đã xẩy ra cho các môn đệ Đức Giêsu giúp họ thấu hiểu được những điều này ? Đó chính là điều Đức Giêsu đã từng nói :”Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con mọi sự và sẽ nhắc nhở cho các con mọi điều Thầy đã nói với các con”(Ga 14,26).

Nói cách khác, điều làm cho các Phúc âm có giá trị dường ấy là vì chúng đã được viết dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự đến vào dịp lễ Hiện xuống. Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ Đức Giêsu sự thấu hiểu mới mẻ về các lời dạy của Đức Giêsu. Chính sự thấu hiểu này đã được các Phúc âm ghi lại.

2. Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới

Khi được lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được đổi mới hoàn toàn. Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng về Đức Giêsu chịu Thương khó và Phục sinh. Có 3000 người xin được rửa tội. Giáo Hội được khai sinh từ đó vào ngày lễ Ngũ tuần. Thánh Thần đến, Giáo Hội khai sinh.

Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông đồ nhỏ, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin mừng Phục sinh. Các ngài được trang bị bằng quyền năng Chúa Thánh Thần để bẻ gẫy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.

Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một lòng tin vào Chúa. Các ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp, bách hại, Giáo Hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo Hội do người dân chài Galilê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.

Vậy bí quyết ẩn tàng trong đó và lý do tồn tại của Giáo Hội là gì nếu không phải chính là sức mạnh , là quyền năng của Chúa Thánh Thần ?

Truyện : Các nữ tu tại Vendée

Các chị dòng tại tu viện Vendée nước Pháp không quên rằng Chúa Thánh Thần là quan trọng. Trong thời kỳ cách mạng Pháp, nhiều linh mục và nữ tu bị giết. Toàn thể các chị ở tu viện Vendée bị kết án lên máy chém. Chị nào cũng hiểu lên máy chém ghê sợ chừng nào, nhưng không một chị nào tỏ ra sợ sệt chút gì hết. Trái lại, đứng sát bên nhau, các chị cất tiếng hát bài thực du dương. Đứng trước cái chết, các chị vẫn ca hát, và bài hát các chị hát là bài thánh ca “Xin Chúa Thánh Thần ngự đến” (Diamond, Đồng cỏ non, tr 93).

3. Chúa Thánh Thần, Đấng ban bình an

Khi Đức Giêsu đi vào cuộc Khổ nạn, các môn đệ buồn sầu lo lắng, tâm trạng hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông được bình an và niềm vui, không còn sợ sệt gì nữa, nhưng lòng rất thanh thản. Đức Giêsu đứng giữa các ông và nói :”Bình an cho các con”. Còn một niềm vui nữa là đem bình an và tha thứ cho những người khác :”Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”.

Nhiều khi chúng ta rơi vào tâm trạng sợ sệt, bất an, mặc cảm tội lỗi. Khi đó chúng ta co cụm lại, rút lui vào nỗi cô đơn của mình và không muốn gặp ai cả. Tình trạng này thật là buồn chán. Phải sống trong tình trạng này thì chẳng khác nào như đã chết. Do đó cần phải có ai đó giúp chúng ta thoát khỏi tâm trạng bất thường ấy. Người ấy là ai ? Thưa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng tái tạo những gì suy sụp và hư mất.

Truyện : Nhà biên kịch Henri Ghéon

Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích Giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau :”Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác…. Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi :”Hãy về Bình an. Thánh Thần đã ngự trong con” ! Tôi trẻ lại hai mươi tuổi; hai mươi năm tôi lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”…

III. CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG TRONG Giáo Hội


1. Phải hiểu biết về Chúa Thánh Thần


Chúng ta có thể nói khi Đức Giêsu lên trời là chấm dứt thời kỳ của Ngài ở trần gian và nhường chỗ cho thời kỳ của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã thực hiện và hoàn tất chương trình cứu độ nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng ban phát công nghiệp ấy cho chúng ta qua bí tích.

Chúa Thánh Thần vẫn còn tiếp tục những công việc của Đức Giêsu trong Giáo Hội, không những Ngài hoạt động một cách chung chung, mà Ngài còn hoạt động trong từng người, soi sáng, thúc đẩy mỗi khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta hành động.

Khi học giáo lý chúng ta học và biết nhiều về Chúa Cha cũng như về Chúa Con. Thế nhưng nếu có ai hỏi chúng ta về Chúa Thánh Thần, về những việc Ngài đã làm cũng như về vai trò của Ngài trong cuộc sống, thì rất có thể chúng ta sẽ trả lời không hơn gì những tín hữu Ephêsô thưở trước. Thực vậy, thánh Phaolô đã hỏi họ :”Các ngươi đã nhận Chúa Thánh Thần chưa” ? Và họ đã trả lời :”Chúng tôi chưa hề hay biết có một Chúa Thánh Thần”. Phải, Thánh Thần là Thiên Chúa đã bị quên lãng trong đời sống.

Sách giáo lý đã cho biết : Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính, cùng một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy. Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ngôi thứ Ba lại là Chúa Thánh Thần ? Sở dĩ chúng ta biết được là vì Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.

Thực vậy, khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sống Giorđan, thì Tin mừng đã ghi nhận : Bấy giờ trời mở ra, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu mà ngự xuống, rồi từ trời có tiếng phán :”Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”. Hoặc trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ:”Các con hãy đi giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Rất may công đồng Vatican II đã dành cho Chúa Thánh Thần một chỗ quan trọng khiến chúng ta tìm hiểu vai trò quan trọng của Ngài trong đời sống Giáo Hội và trong từng người.

Trong mạch sống Giáo Hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật vô cùng quan trọng cho Giáo Hội cũng như mỗi người chúng ta. Không những cần cho những thừa tác viên của Giáo Hội để chu toàn phận sự mà còn cần cho mọi người để sống đức tin và bác ái. Mọi cố gắng của Giáo Hội và của mỗi người đều cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nếu không sẽ trở nên lố bịch và vô vọng, như Đức Thượng phụ Athenagoras, Giáo chủ Constantinople đã nói : ”Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ. Tin mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo Hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.

2. Những ân ban của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta bằng những ân ban của Ngài mà chúng ta gọi là Bảy ơn cả của Chúa Thánh Thần với mục đích soi sáng, hướng dẫn và giúp ta nên thánh.Thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu từng ơn của Ngài.

Ơn Khôn ngoan là ơn giúp chúng ta nâng cao tâm hồn lên trên mọi sự vật mau qua trên mặt đất, để hướng về những sự không mau qua, những sự vĩnh cửu.

Ơn thông hiểu : như một đèn pha thần thánh, chiếu tỏa sáng làn chân lý Chúa tỏ ra cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa các chân lý ấy.

Ơn lo liệu : như một địa bàn ơn thần thánh, trong những khó khăn, bối rối trong đời sống. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phải làm gì để vinh danh Chúa và cứu vớt linh hồn chúng ta cũng như anh em chúng ta.

Ơn sức mạnh : nghĩa là can đảm. Chúa Thánh Thần cho chúng ta sự can đảm thiêng liêng cần thiết để giữ luật Chúa và luật của Giáo Hội. Tử đạo là điển hình cao nhất của ơn sức mạnh.
Ơn hiểu biết : là giúp ta phán đoán đúng đắn các tạo vật, giúp biết sử dụng kiến thức đúng đắn. Ơn hiểu biết không phải chỉ để thâu thập các sự kiện về thế gian, nhưng là đặt chúng ta trong liên quan và trật tự.

Ơn đạo đức : là tình yêu và lòng nhiệt thành của con người đối với Cha mình, là ước muốn của người con mong làm đẹp ý Cha mình. Như một ân huệ của Chúa Thánh Thần, ơn đạo đức giúp ta tôn kính và yêu mến Chúa là Cha chúng ta. Nó giúp ta thi hành những gì đẹp lòng Chúa, yêu giúp đỡ anh em, yêu cầu nguyện và yêu Lời Chúa.

Ơn kính sợ Chúa : là ơn giúp ta sợ làm mất lòng Chúa. Không phải sợ hãi như nô lệ sợ chủ, nhưng sợ làm phiền lòng Đấng yêu thương chúng ta. Đấng chúng ta yêu mến. Như Kinh Thánh nói :”Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan” (Arthur Tonne).

Đây là mầu nhiệm của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống : Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và đã sống lại. Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. TĐ Deus caritas est, số 33). Được qui tụ lại với Mẹ Maria lúc Giáo Hội mới được khai sinh, giờ đây Giáo Hội cầu nguyện như sau :”Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến ! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa”. Amen.


 
Lịch phung vụ tháng 6 /2013
Lm. Anphong Trần Đức Phương
09:13 17/05/2013
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 6/2013

Theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, Tháng Sáu là tháng dành đặc biệt để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, với lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu ngày 7, 2013.

Trong tháng này, chúng ta sẽ mừng Chúa Nhật Kính Mình và Máu Thánh Chúa, và các Chúa Nhật 10, 11, 12, 13 Thường Niên (Năm C). Ngoài ra chúng ta cũng mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Chúa Nhật KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU (Ngày 2 tháng 6): Vì yêu thương nhân loại nồng nàn không thể sánh ví được, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, làm của nuôi linh hồn chúng ta, và làm của lễ cao trọng dâng lên Đức Chúa Cha để đền tội nhân loại.

Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Sáng Thế 14:18-20) nói đến: "ông Menkixêđê là Thượng Tế của Thiên Chúa Tối Cao, gặp ông Abraham và xin Chúa là Đấng tạo thành trời đất chúc phúc lành cho ông Abram." Trong Bài Đọc 2 (1 Côrintô 11:23-26), Thánh Phaolô nhắc đến việc Chúa Giêsu "trong đêm bị nộp" đã truyền Phép Mình và Máu Thánh Chúa và truyền cho các Tông Đồ "hãy làm việc này mà nhớ đến Ta." Bài Phúc Âm (Luca 9: 11- 17) ghi lại việc Chúa Giêsu đã hóa 5 chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để cho dân chúng đến nghe Chúa Giêsu giảng, được ăn no nê. Phép lạ này là hình bóng việc Chúa Giêsu lập Phép Mình và Máu Thánh Chúa để nuôi linh hồn chúng ta trên cuộc hành trình trần thế tiến về quê hương nước Chúa.

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta thêm lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể, năng đi dâng Thánh Lễ , nhất là vào cuối tuần và các lễ trọng, siêng năng rước Mình và Máu Thánh Chúa, siêng năng đến chầu Mình Thánh Chúa. Tại Hoa Kỳ, có nhiều Thánh Đường có giờ chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày đêm.

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU (Ngày 7 tháng 6): Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã có lâu đời trong Giáo Hội; đặc biệt Thánh Gioan Eudes (1601-1680) đã có công rao giảng và cổ võ lòng tôn Sùng Thánh Tâm Chúa. Lễ Thánh Tâm Chúa nhắc nhở chúng ta về lòng yêu thương vô biên của Chúa đối với chúng ta là những kẻ tội lỗi, đến nỗi đã chịu bao nhiêu đau khổ và chết nhục nhã trên Thánh Giá để cứu chuộc tội lỗi chúng ta và làm hòa chúng ta với Thiên Chúa, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng được ơn cứu rỗi.

Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Êgiêkien 34:11-16) nói đến tình thương của Thiên Chúa đối với dân Israel và coi họ như đoàn chiên của Chúa: "Ta sẽ chăn dắt các chiên của Ta...Ta sẽ tìm những con chiên đã mất, đưa về những con chiên đi lạc, băng bó những con chiên bị thương tích..." Trong Bài Đọc 2 (Rôma 5:5-11), Thánh Phaolô nói đến tình yêu của Chúa đối với chúng ta thật là vô biên " vì trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết cho chúng ta... Phương chi bây giờ chúng ta đã được làm hòa với Thiên Chúa, ắt là chúng ta sẽ được ơn cứu độ, và được vinh hiển trong Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta." Trong Bài Phúc Âm (Luca 15: 3-7), Chúa Giêsu cũng gọi chúng ta là con chiên của Chúa mà Chúa rất yêu thương; dù là một con chiên lạc đàng. Ngài "như người chủ chiên sẵn sàng để chín mươi chín con khác trong hoang địa và đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm thấy. Khi tìm thấy thì vui mừng vác lên vai đưa trở về nhà.... Như vậy trên trời cũng sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải, hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải."

LỄ KÍNH TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ (ngày 8 tháng 6): Lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ đi cùng với lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa. Những đau khổ của Chúa Giêsu cũng là những đau khổ của Mẹ. Khi nhìn thấy con yêu dấu của Mẹ là Chúa Giêsu chết đau đớn trên Thánh Giá, thì trái tim Mẹ cũng đau đớn biết bao; nhưng Mẹ đã vâng chịu theo thánh ý Chúa, để cùng con đau khổ của Mẹ đồng công cứu chuộc nhân loại tội lỗi chúng ta. Thánh Gioan Eudes cũng có công cổ võ lòng tôn sùng Trái tim Đức Mẹ trong toàn thể Giáo Hội, cùng với lòng tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Piô XII, vào năm 1947 đã dâng thế giới cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Isaia 61:9-11) nói đến lòng thương xót của Chúa đối với dòng dõi của ông Abraham, và chúc phúc cho dòng dõi của ông, và làm cho dòng dõi của ông được vui mừng phấn khởi, hân hoan trong Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 2:41-51) ghi lại sự việc: khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cùng đi với cha mẹ lên lễ tại Đền Thánh Giêrusalem, nhưng sau ngày lễ, Chúa Giêsu đã ở lại Đền Thờ không cho cha mẹ biết, làm cho các Ngài phải vất vả tìm kiếm, sau ba ngày mới gặp Chúa ở trong Đền Thánh. Đức Mẹ đã trách Chúa Giêsu "Tại sao con để cha mẹ thật lo lắng tìm con?" Chúa Giêsu đã trả lời "Tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"

Chúa Nhật 10 THƯỜNG NIÊN (Ngày 9 tháng 6): Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta thấy chỉ có một mình Thiên Chúa có thể làm các phép lạ, kể cả cho người chết sống lại; nhưng đôi khi Ngài dùng bàn tay loài người, như trường hợp trong Bài Đọc 1 hôm nay (1 Các Vua 17:17-24), Tiên tri Êlia đã cầu nguyện với Chúa và Chúa đã cho con bà chủ nhà mà Tiên Tri ở trọ được hồi sinh. Trong Bài Phúc Âm ( Luca 7: 11-17), Chúa Giêsu, dù là người thật nhưng cũng là Thiên Chúa thật, đã làm phép lạ cho con duy nhất bà góa tại thành Naim được hồi sinh. Thánh Phaolô trong Bài Đọc 2 (Galata 1: 11-19), đã tường thuật trường hợp của chính Ngài, dù là một tín hữu Do Thái rất nhiệt thành, đã hăng say đi lùng bắt các người theo đạo Chúa; nhưng chính Chúa đã làm phép lạ đặc biệt để trong khi ông đi thành Đamas để bắt bớ các kitô hữu "ông đã ngã xuống đất " và rồi ăn năn trở về với Chúa, và trở nên một tông đồ nhiệt thành rao giảng Đạo Thánh Chúa (Xin xem thêm sách Công Vụ Tông Đồ 9:1-22).

Vậy chúng ta hãy xin Chúa thêm Đức Tin cho chúng ta, để chúng ta luôn tin vào quyền năng của Chúa, như trong ngắm thứ hai mùa Ánh Sáng: " Thứ hai thì ngắm, Chúa Giêsu hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana, ta hãy xin cho được tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời."

Chúa Nhật 11 THƯỜNG NIÊN (Ngày 16 tháng 6): các Bài Đọc Chúa Nhật hôm nay nói cho chúng ta là dù tội lỗi chúng ta có nặng nề đến đâu, nhưng nếu chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống, ăn năn sám hối và kêu cầu lòng thương xót Chúa thứ tha, và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, thì Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta. Trong Bài Đọc 1 (2 samuel 12:7-10,13) ghi lại việc Tiên Tri Nathan cho vua Đavid biết tội rất nặng nề của Vua là đã giết Uria và lấy vợ của ông. Vua Đavid đã nhìn nhận tội của mình thật nặng nề và khiêm nhường hạ mình xuống thật lòng kêu cầu xin Chúa thứ tha, và Chúa đã tha thứ cho nhà vua. Trong Bài Phúc Âm (Luca 7:36 - 8:3), Chúa Giêsu đã tha thứ cho người đàn bà nổi tiếng là người tội lỗi, nhưng đã đến sấp mình dưới chân Chúa, khóc than, nước mắt đầy cả chân Chúa, rồi lấy tóc mà lau chân Chúa, rồi hôn chân Chúa và xức dầu thơm. Chúa Giêsu đã tha thứ mọi tội lỗi cho bà và nói với mọi người hiện diện là "bà này rất nhiều tội lỗi, nhưng đã được tha rồi vì bà đã yêu mến nhiều." Rồi Chúa Giêsu nói với người đàn bà tội lỗi: "Đức tin của con đã cứu con, con hãy về bình an." Trong Bài Dọc 2 (Galata 2:16,19-21), Thánh Phaolô cũng nói "chúng ta được công chính hóa do lòng tin vào Đức Kitô , chứ không phải do các việc làm của lề luật dạy. Về phần mình Thánh Phaolô nói "Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi. Hiện giờ tôi sống trong xác phàm, là sống trong lòng tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng sống mình vì tôi."

Chúa Nhật 12 THƯỜNG NIÊN (Ngày 23 tháng 6): Các Bài Đọc Chúa Nhật hôm nay nêu cao ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói trong Bài Phúc Âm hôm nay (Luca 9:18-24): "Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình đi, vác Thánh Giá mình hằng ngày mà theo Ta. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mạng sống mình vì Ta thì sẽ cứu được mạng sống mình." Chúa Giêsu nói điều đó, sau khi Thánh Phêrô tuyên xưng "Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống" và Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó, rồi Chúa Giêsu nói thêm: "Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết." Đó là thân phận của Chủa Giêsu để cứu chuộc nhân loại, và nếu chúng ta muốn được ơn cứu chuộc, chúng ta cũng phải "vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo Chúa." Trong Bài Đọc 1 (Giacaria 12:10-11, 13:1), Tiên tri Giacaria đã được Thiên Chúa soi sáng để nói trước về thân phận của Đấng sẽ đến để cứu độ nhân loại là chịu đau khổ và "bị đâm thâu qua." Trong Bài Đọc 2 (Galat 3:26-29), Thánh Phaolô nhắc lại tư tưởng "Chúng ta đã được chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô tức là chịu phép rửa trong sự chết của Người," và được trở nên con cái Thiên Chúa. "Chúng ta được hợp nhất nên một với Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau, không còn phân biệt chủng tộc, hay nam nữ."

LỄ KÍNH THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ (Ngày 29 tháng 6): Thánh Lễ hôm nay kính đặc biệt hai Thánh Phêrô và Phaolô, là cột trụ của Giáo Hội, là hai Tông Đồ mà Chúa Giêsu đã chọn để làm nền tảng xây Hội Thánh Chúa.

Dù Phêrô đã nhát đảm đến nỗi chối Chúa tới ba lần, nhưng biết ăn năn xám hối và tin ở tình thương Chúa thứ tha; vì thế chẳng những Chúa Giêsu tha tội cho ông mà còn đặt ông làm Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Chúa.

Còn Thánh Phaolô là người đã chống phá Giáo Hội Chúa mạnh mẽ; nhưng Chúa đã cải hóa ông và làm ông trở nên một Tông Đồ nhiệt thành rao giảng danh Chúa cho bao nhiêu tín hữu lúc khởi đầu và cùng với Thánh Phêrô xây dựng nền tảng của Giáo Hội. Tất cả là do tình thương và sự nhiệm mầu của Thánh ý Chúa.

Các Bài Đọc (Thánh lễ Vọng): Bài Đọc 1: Cv. 3:1-10), Bài Đọc 2: (Thơ Galata 1:11-20), Bài Phúc Âm: Gioan 21:15-19).

Các Bài Đọc (Thánh Lễ trong ngày): Bài đọc 1: Cv 12:1-11, Bài đọc 2: 2 Timôtê 4:6-8,17-18; Bài Phúc Âm: Matthêu 16:13-19.

Chúa Nhật 13 THƯỜNG NIÊN (Ngày 30 tháng 6): Các Bài Đọc hôm nay nói đến việc Chúa gọi chúng ta đi làm việc tông đồ để rao giảng Danh Chúa. Trong Cựu Ước, Chúa gọi một số đi làm Tiên Tri cho Chúa để rao giảng cho dân Chúa nhận biết lề luật Chúa và tuân giữ. Như trong Bài Đọc 1 hôm nay (1 Các Vua 19:16,19-21), Thiên Chúa sai Tiên Tri Êlia đến gặp ông Êlisê, xức dầu và tấn phong ông làm Tiên Tri thay thế cho ông Êlia, và Êlisê đã từ bỏ gia đình, bà con để đi theo Elia. Trong Bài Phúc Âm (Luca 9: 51-62), Chúa Giêsu đã gọi mấy người đi theo Chúa và bảo họ hãy từ giã ngay gia đình để đi theo Chúa.

Ngày nay Chúa cũng gọi một số người làm Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ để hiến toàn thân phục vụ Chúa, rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta đã được Chúa gọi vào gia đình Giáo Hội, chúng ta cũng được Chúa trao phó cho nhiệm vụ lan truyền Phúc Âm tình thương của Chúa cho mọi người chung quanh chúng ta, ngay tại gia đình, khu xóm, sở làm; nhất là trong năm Đức Tin này. Trong Bài Đọc 2 (Galata 5:1,13-18), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Hãy sống theo ơn Chúa Thánh Thần, từ bỏ những đam mê tội lỗi theo thói thế gian, những đam mê tội lỗi theo tính xác thịt. Hơn nữa, chúng ta hãy yêu thương nhau như giới răn Chúa dạy: "Hãy yêu thương tha nhân như chính mình… Nếu anh em giận dữ, cắn xé lẫn nhau là anh em hủy diệt nhau." Chúng ta đang sống trong tháng Thánh Tâm, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và noi gương lòng nhân từ của Chúa, chúng ta biết đem tình thương của Chúa đến cho mọi người. Xin cho chúng ta biết yêu thương nhau, tha thứ cho nhau; nhất là các bậc vợ chồng để xây dựng những gia đình hòa thuận, hạnh phúc, đạo đức. Chúng ta hãy năng nhắc lại lời cầu xin "Lạy trái tim cực thánh Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con được lòng sùng kính Trái Tim Chúa một ngày một hơn… Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa."
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: các tín hữu không được rút lui vào “một đời sống thanh nhàn thoải mái”.
Bùi Hữu Thư
07:17 17/05/2013
Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ ngày 16/5/2013
2013-05-17 L’Osservatore Romano

Với nhân chứng cho sự thật của chúng ta, các Kitô hữu phải làm cho “cấu trúc thoải mái” của chúng ta không được dễ chịu, ngay cả cho đến mức phải gặp “khó khăn” vì chúng ta phải được kích động bời một “tinh thần lành mạnh nhưng kỳ khôi” trong mọi hình thức hiện sinh ngoài lề” (existential outskirts).

Theo gương Thánh Phaolô là người phải “chiến đấu hết trận chiến này đến trận chiến khác,” các tín hữu không được rút lui vào “một đời sống thanh nhàn thoải mái”.

Ngày nay có “quá nhiều Kitô hữu là những người học thức lại cứ sống trong các phòng khách ở trong nhà, những người “hâm hấp”, những người đối với họ “tất cả mọi sự đều tốt đẹp,” nhưng họ không có “tinh thần tông đồ nhiệt thành”.

Đây là tiếng gọi mạnh mẽ cho sứ mệnh — không chỉ ở những miến đất xa xôi, nhưng ngay trong thành thị — do Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đi ngày Thứ Năm 16 tháng 5, trong Thánh Lễ tại Nhà Nguyện Thánh Mác-ta.

Điểm khởi đầu cho suy niệm này được trích dẫn từ Sách Công Vụ Tông Đồ (22:30; 23:6-11) kể lại những trận chiến của Thánh Phaolô.

Chính “Thánh Phaolô là người làm cho cảm thấy khó chịu”. Thánh Phaolô là người, theo Đức Thánh Cha giải thích: “qua những lời giảng dậy và thái độ đã làm cho mọi người rất khó chịu vì ngài tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Và sứ điệp của Chúa GIêsu Kitô khiến cho cấu trúc thoải mái của chúng ta, kể cả những cấu trúc Kitô giáo cũng trở nên mất thoải mái.”

Đức Thánh Cha cũng cầu xin Chúa Thánh Thần để “Người ban cho chúng ta tình thần tông đồ nhiệt thành; xin Người cũng ban cho chúng ta ân sủng để cảm thấy khó chịu về một vài khía cạnh quá thoải mái của Giáo Hội; ân sủng để tiến bước trong sự hiện sinh bên ngoài lề. Giáo Hội rất cần điều này! Không chỉ ở những nơi xa xôi, trong các Giáo Hội trẻ trung, với những ai chưa biết đến Chúa Giêsu Kitô. Mà ngay tại đây trong các thành thị, ngay trong các thành phố, chúng ta vẫn cần đến sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho ân sủng của tinh thần tông đồ nhiệt thành. Và nếu chúng ta làm cho người khác cảm thấy khó chịu, thì tạ ơn Chúa. Chúng ta hãy cứ đi, và như Chúa Kitô nói với Thánh Phaolô: “hãy can đảm lên!”

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ngày Thứ Năm có Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson và Giám Mục Mario Toso, Chủ Tịch và Thư Ký của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình: Đức Ông Luigi Mistò, Thư Ký Uỷ Ban Hành Chánh Di Sản của Tòa Thánh; và linh mục Dòng Tên Hugo Guillermo Ortiz, trưởng ban tiếng Tây Ban Nha tại Đài Phát Thanh Vatican, cùng các nhân viên của Hội Đồng Iustitia et Pax và một nhóm nhân viên Radio Vatican.
 
Đức Thánh Cha khích lệ các Hội Giáo Hoàng truyền giáo
LM. Trần Đức Anh OP
10:22 17/05/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các Hội Giáo Hoàng truyền giáo trong công tác giáo dục, động viên tinh thần của các tín hữu trong công tác truyền giảng Tin Mừng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17-5-2013, dành cho gần 120 vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo đang nhóm khóa họp thường niên trong những ngày này tại Roma, trong số các vị cũng có Cha Ngô Quang Tuyên Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở Việt Nam.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Fernando Filoni Tổng trưởng Bộ truyền giáo, 2 vị TGM Tổng thư ký và nhiều chức sắc của Bộ.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt đề cao tầm quan trọng của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo và ngài cám ơn họ vì sự cộng tác vào sứ vụ của ngài. ĐTC cũng nhắn nhủ rằng:

”Anh chị em đừng bao giờ mệt mỏi trong việc giáo dục các tín hữu Kitô, từ thủa thơ ấu, về tinh thần truyền giáo hoàn vũ, giúp toàn thể cộng đoàn Giáo Hội nhạy cảm trong việc nâng đỡ và hỗ trợ các xứ truyền giáo theo nhu cầu của mỗi miền.”

ĐTC cảnh giác rằng: ”Đứng trước cám dỗ của nhiều cộng đoàn Giáo Hội muốn co cụm vào mình, chỉ bận tâm đến những vấn đề của mình, nghĩa vụ của anh chị em là nhắc nhở cho họ về việc truyền giáo cho dân ngoại, làm chứng như những ngôn sứ về cuộc sống của Giáo Hội hoàn vũ và của các Giáo Hội địa phương là truyền giáo, và việc truyền giáo này có tính chất hoàn vũ... Sứ vụ của Giám Mục và của tất cả các thừa tác vụ chắc chắn là làm sao để cộng đồng Kitô được tăng trưởng, nhưng tất cả đều nhắm phục vụ cho tình hiệp thông của các Giáo Hội để chu toàn sứ mạng truyền giảng Tin Mừng. Trong bối cảnh đó, tôi mời gọi anh chị em đặc biệt chú ý đến các Giáo Hội trẻ, nhiều khi đang hoạt động trong một bầu không khí khó khăn, bị kỳ thị và bách hại, để họ được nâng đỡ và trợ giúp trong việc làm chứng cho Tin Mừng bằng lời nói và việc làm”.

Trong những ngày họp, các vị Giám Đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo cũng cứu xét và quyết định về việc tài trợ cho các dự án hoạt động của Giáo Hội tại các xứ truyền giáo, dựa trên ngân khoản lạc quyên được tại các nước, nhất là trong dịp Ngày Thế Giới truyền giáo (Chúa Nhật thứ 3 của tháng 10), lễ Chúa Hiển Linh và một số dịp khác (SD 17-5-2013)
 
Đức Thánh Cha tố giác nền kinh tế tài chánh thiếu đạo đức
LM. Trần Đức Anh OP
10:22 17/05/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô tố giác tình trạng thiếu luân lý đạo đức trong lãnh vực kinh tế tài chánh, gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay và ngài kêu gọi cải tổ kinh tế này để mưu ích thực sự cho mọi người.

Đây là lần đầu tiên ĐTC Phanxicô lên tiếng về các vấn đề kinh tế chính trị, đặc biệc là cuộc khủng hoảng tài chánh trên thế giới. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 16-5-2013, dành cho các vị tân đại sứ 4 nước: Kirghizstan, Antigua và Barbuda, Luxemburg và Botwana đến trình ủy nhiệm thư.

Trong diễn văn chào các vị đại sứ mới, ĐTC ghi nhận và ca ngợi những kết quả tích cực, những tiến bộ góp phần vào thiện ích đích thực của nhân loại, như trong lãnh vực sức khỏe, giáo dục và truyền thông. Nhưng người ta cũng phải nhìn nhận rằng phần lớn nhân loại sống trong tình trạng bấp bênh hằng ngày với những hậu quả đau thương. Một số bệnh tật gia tăng, với những hậu quả tâm lý; sự sợ hãi và tuyệt vọng xâm chiếm tâm hồn nhiều người, kể cả tại những nước gọi là giầu có; niềm vui sống đang giảm bớt, sự vô luân và bạo lực gia tăng; nghèo đói trở nên hiển nhiên hơn. Người ta phải vật lộn để sống, và nhiều khi sống một cách không xứng đáng (..).

ĐTC nói: ”Theo ý tôi, một trong những nguyên do gây nên tình trạng này ở trong quan hệ của chúng ta với tiền bạc, chấp nhận sự thống trị của tiền bạc trên chúng ta và các xã hội chúng ta. Vì thế cuộc khủng hoảng tài chánh chúng ta đang trải qua, làm cho chúng ta quên căn cội đầu tiên của cuộc khủng hoảng hiện nay là do khủng hoảng sâu xa về nhân loại học, do sự phủ nhận vị thế tối thượng của con người. Chúng ta đã tạo ra những thần tượng mới..”

Tiếp tục những nhận xét về cuộc khủng hoảng của ngành tài chánh và kinh tế, ĐTC tố giác tình trạng con người bị thu hẹp vào một đòi hỏi duy nhất của họ, đó là sự tiêu thụ. Tệ hơn nữa, ngày nay con người bị coi như một sản phẩm tiêu thụ mà người ta có thể dùng và vất đi... Tình liên đới, vốn là một kho tàng của người nghèo, thường bị coi là không có lợi, trái ngược với những lý lẽ tài chánh và kinh tế.. Trong khi lợi tức của thiểu số gia tăng vượt bực, thì lợi tức của đại đa số bị suy giảm. Sự chênh lệch này xuất phát từ những ý thức hệ cổ võ sự tự trị tuyết đối của thị trường và sự đầu cơ tài chánh, và qua đó, người ta phủ nhận quyền kiểm soát của các chính quyền vốn được ủy thác nhiệm vụ lo lắng cho công ích. Người ta thiết lập một thứ bạo chúa mới vô hình, đôi khi tiềm thể, đơn phương áp đặt những luật lệ của chúng.”

Đi sâu hơn những hiện tượng trên đây, ĐTC nhận xét rằng ”Đằng sau thái độ đó có tiềm ẩn sự phủ nhận luân lý đạo đức, phủ nhận Thiên Chúa. Cũng như tình liên đới, luân lý đạo đức làm cho người ta khó chịu. Nó bị coi là gây thiệt hại, quá ”nhân bản” vì tương đối hóa tiền bạc và quyền hành; bị coi như một đe dọa vì phủ nhận sự lèo lái và tùng phục con người”.

Trong bối cảnh đó, ĐTC Phanxicô kêu gọi thực hiện một cuộc cải tổ tài chánh có tính chân luân lý đạo đức và bao gồm cuộc cải tổ kinh tế mưu ích cho tất cả mọi người. Điều này đòi giới lãnh đạo chính trị có can đảm thay đổi thái độ. ĐTC nói: ”Tôi khuyên họ hãy quyết liệt đương đầu với thách đố này một cách sáng suốt, để ý đến những đặc tính của mỗi hoàn cảnh. Tiền bạc phải phục vụ chứ không được thống trị”. (SD 16-5-2013)
 
Bạn có biết: Danh Sách 88 Vị Thánh Mang Tên Phanxicô
Xứ Phúc
20:51 17/05/2013

Bạn có biết: Danh Sách 88 Vị Thánh Mang Tên Phanxicô

ĐGH Phanxicô đã minh nhiên giải thích danh hiệu Giáo hoàng của Ngài, Phanxicô, là nhằm vinh danh Thánh Phanxicô thành Assisi. Tuy nhiên, phụng vụ Giáo hội ghi nhận có tất cả 88 vị thánh mang tên Phanxicô. Trong đó, có một người Việt Nam; đó chính là thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, thầy giảng. Thánh nhân sinh năm 1764 tại làng Trung lễ, giáo xứ Liên Thủy, thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài và chịu tử đạo cùng với Đức cha Đaminh Minh tên thật là Henares dưới triều vua Minh Mạng ngày 25 tháng 6 năm 1838. Sau đây là danh sách 88 vị thánh mang tên Phanxicô:

Frances Cabrini
Frances d’Ambrosia
Frances de Posadas
Frances of Rome
Frances Xavier Cabrini
Francesca of Gubbio
Francesca Salesia
Francesca Salesia Aviat
Francesco Antonio Fasani
Francesco Antonio Placidi
Francesco Fogolla
Francesco Forgione
Francesco Pianzola
Francesco Possenti
Francesco Saverio Seelos
Francesco Spoto
Francesco dei Maleficii
Francis Blanco
Francis Borgia
Francis Caracciolo
Francis Chieu Van Do (Phanxicô Đỗ Văn Chiểu
Francis Coll
Francis Dormore
Francis Fasani
Francis Ferdinand de Capillas
Francis Galvez
Francis Gil de Frederich
Francis Isidore Gagelin
Francis Jaccard
Francis Jerome
Francis Johnson
Francis Man
Francis Mary Paul Libermann
Francis Page
Francis Palau y Quer
Francis Patrizzi
Francis Pontillo
Francis Possenti
Francis Regis Clet
Francis Rogaczewski
Francis Seelos
Francis Solano
Francis Solanus
Francis Trung Von Tran
Francis Webb
Francis Xavier
Francis Xavier Bianchi
Francis Xavier Can Nguyen
Francis Xavier Mau
Francis Xavier Seelos
Francis de Capillas
Francis de Geronimo
Francis de Hieronymo
Francis de Montmorency Laval
Francis de Sales
Francis di Girolamo
Francis of Assisi
Francis of Girolamo
Francis of Nagasaki
Francis of Paola
Francis of Saint Michael
Francis of Sales
Francis, Caius
Francis, Gaius
Francisca Aviat
Francisca de Ambrosia
Francisca Salesia
Francisca Salesia Aviat
Francisco Castells Brenuy
Francisco Ferro, Ambrosio
Francisco José López-Caamaño García-Pérez
Francisco Marto
Francisco of the Child Jesus
Francisco Palau y Quer
Francisco Pascual Sánchez
Francisco Shoyemon
Franciscus de Hieronymo
François Peltier
Françoise Bellanger
Françoise Bonneau
Françoise Michau
Françoise Micheneau Gillot
Françoise Pagis Roulleau
Françoise Suhard Ménard
Franconia, Apostle of
Franczuk, Ignacy
Frans Fogolla
Franz Jägerstätter

Nguyện xin các thánh nhân luôn cầu bầu cùng Thiên Chúa cho ĐGH Phanxicô.

Xứ Phúc
 
Việc phong chân phước cho nhà truyền giáo lừng danh Matteo Ricci còn gặp trở ngại
Nguyễn Long Thao
21:48 17/05/2013
Việc phong chân phước cho nhà truyền giáo lừng danh Matteo Ricci còn gặp trở ngại về phía Trung Quốc.

Vatican 16-5-2013. - Tin từ Tòa Thánh cho biết việc phê chuẩn phong Chân Phước cho nhà truyền giáo dòng Tên Matteo Ricci tại Trung Quốc còn tuỳ vào mối liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Bắc Kinh.

Linh Mục Anton Witwer, cáo thỉnh viên vụ án phong chân phước cho cha Matteo Ricci tuyên bố “Vụ án phong chân phước, một phần còn tuỳ vào mức độ quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Bắc Kinh.”

Ngài nói tiếp: “ Cho dù mọi vấn đề được khai thông, nhưng cũng phải đợi đến khoảng 5 năm để xem tình hình chính trị có thay đổi thuận lợi cho vụ phong chân phước hay không”.

Giới sử học Trung Quốc đánh giá cao và tri ân Cha Matteo Ricci vì là người đã đóng góp kiến thức khoa học cho nhân dân Trung Quốc. Ngài là sứ giả văn hóa Đông Tây, giữa Trung Hoa với thế giới bên ngoài. Ngài đã góp phần vào việc phổ biến kiến thức toán học, vũ trụ học và thiên văn học cho triều đình Trung Quốc.

Ngài là nhà truyền giáo dòng Tên đến Trung Quốc vào thế kỷ 16.và là người Tây Phương đầu tiên được Hoàng Đế Trung Hoa mời vào Cấm Thành tức hoàng cung để trưng bày cho triều đình xem bản đồ Trung Hoa, Phi Châu, Âu Châu và Mỹ Châu.

Theo vị cáo thỉnh viên, tiến trình phong chân phước cho cha Matteo Ricci đã bắt đầu từ năm 1985 tại thành phố nơi sinh trưởng là Macerata ở nước Ý. Nhưng những sự kiện thu thập tại đây mới chỉ là bước đầu lịch sử, còn tùy thuộc nhiều sự kiện ở nơi cha đến truyền giáo tại Trung Quốc. Vì vậy tiến trình phong chân phước cho cha Matteo Ricci chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2010.

Theo cha Witwer, một số điều sau đây có thể ảnh hưởng đến việc phong chân phước cho nhà truyền giáo lừng danh của dòng Tên:

Thứ nhất, việc phong chân phước phải giúp Giáo Hội điạ phương, tức Trung Hoa, củng cố và phát triển đức tin. Nếu có trở ngại về chính trị thì cần phải chọn đúng thời điểm.

Thứ hai, để dễ dãi cho việc phong chân phước, Tòa thánh cũng yêu cầu cha Witwer lập hồ sơ phong chân phước cho một giáo dân Trung Quốc đã từng cộng tác với cha Ricci trong việc truyền giáo. Đó là ông Xu Guanqi

Cha Witwer tuyên bố như sau: “ Với Trung Quốc, có lẽ cách tốt nhất để họ chấp nhận là nếu một người Âu Châu và một người Trung Quốc cùng được tuyên phong chân phước một lúc. Như vậy họ dễ dàng chấp nhận hơn là chỉ phong chân phước cho một người Âu Châu. ”

Tuy nhiên, tiến trình phong chân phước cho ông Xu Guanqi, theo cha Witwer cũng còn phải chờ đợi vì phải bắt đầu từ giáo phận Thượng Hải, mà giáo phận này hiện giờ không có Giám Mục.

Về hồ sơ điều tra phong chân phước cho cha Matteo Ricci tại quê hương của Ngài là giáo phận Macerata đã hoàn tất từ tháng 10 năm 2012 và đã chuyền hồ sơ đến Bộ Phong Thánh ở Vatican. Hiện nay bộ đang tái xét các tài liệu này có trung thực hay không.

Theo kết luận của cha Witwer, hoàn tất hồ sơ phong chân phước cho cha Matteo Ricci cũng mất 2 năm, Tòa Thánh cứu xét hồ sơ mất vài năm, rồi phải chờ thêm vài năm nữa mới có thể chính thức tuyên phong chân phước cho cha Matteo Ricci.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đẹp thay 70 năm đời tận hiến của một Phó Tế
Anmai, CSsR
09:52 17/05/2013
ĐẸP THAY 70 NĂM ĐỜI TẬN HIẾN

Cơn mưa chiều hôm qua làm cho khí hậu ngày hôm nay dịu đi một tí giữa cái nắng nóng Sài Gòn. Thời tiết hôm nay như muốn hòa cùng niềm vui với cộng đoàn dân Chúa, thân nhân, ân nhân của thầy Phó Tế Gioan Trần Văn Thâm - Dòng Chúa Cứu Thế - để mừng đại thọ cửu tuần cũng như kỷ niệm ngọc khánh khấn dòng của Thầy.

Xem Hình

Dòng người ngược xuôi, đặc biệt là con cái của Thầy từ Vĩnh Long, Xoài Mút, cựu học sinh nhà may Nam Bắc, cựu học sinh DCCT Sài Gòn, các hội đoàn giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, nhóm bác ái Giêrađô cùng thân hữu, quý cha quý thầy trong Dòng cũng như ngoài dòng thân quen đã trở về giáo xứ Bùi Phát để mừng Lễ và dâng lên Chúa lời tạ ơn với Thầy. Đặc biệt, trong Thánh Lễ tạ ơn hôm nay, Thầy cũng như cộng đoàn được hân hoan chào đón sự hiện diện và chủ Lễ của Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - giám mục Giáo phận Cần Thơ - là người rất thân quen và gần gũi với Thầy.

Thánh Lễ tạ ơn chiều nay được cử hành tại Nguyện Đường giáo xứ Bùi Phát. Con cái, các nhóm, các hội đoàn, những người thân quen. .. muốn tổ chức ở đây bởi lẽ phần đông sinh sống tại giáo xứ này.

17 giờ 00, đoàn đồng tế tiến lên cung Thánh với bài ca "Cảm mến tình Ngài". Bầu khí trong ngôi nguyện đường ấm lên bởi sự hiện diện của người thân quen của Thầy chật kín cả Nguyện Đường. Mười một cha đồng tế, Đức Cha Stêphanô chủ Lễ và đặc biệt thầy phó tế Gioan giúp Lễ trong Thánh Lễ tạ ơn chiều nay.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Đức Cha Stêphanô gửi lời chào và chúc hết sức tốt đẹp đến thầy Gioan. Đức Cha gửi đến thầy Gioan hai món quà hết sức ý nghĩa: Bức ảnh Đức Mẹ Êphêsô và hộp chocolate.

Đức Cha giải thích về bức ảnh: Bức ảnh Đức Mẹ Êphêsô hết sức đặc biệt bởi vì Thánh Gioan sau khi Chúa Giêsu chết thì rước Đức Mẹ về ở Êphêsô và Ngài làm giám mục ở đó. .. và Mẹ Maria ở đó và cộng đoàn tôn kính Mẹ. Xin Đức Mẹ Êphêsô luôn ở cùng Thầy. Với hộp chocolate, Đức Cha giải thích rằng kính gửi đến Thầy để Thầy ăn vào để cảm thấy cuộc đời tận hiến ngọt ngào trong quãng đời còn lại.

Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng sám hối để dâng Lễ tạ ơn chiều nay.

Tin mừng được công bố trong Thánh Lễ tạ ơn chiều nay được lấy trong tin mừng theo Thánh Máccô chương 5 từ câu 18 đến 20.

Đức Cha dí dỏm trước khi chia sẻ lời Chúa rằng hôm nay lẽ ra anh em Dòng Chúa Cứu Thế phải giảng. .. nhưng rồi Đức Cha phải chia sẻ. Trước khi chia sẻ, Đức Cha hỏi Cha Giuse Tiến Lộc tại sao trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu không cho anh chàng được trừ quỷ đi theo Chúa mà bảo anh ta về nhà.

Cha Tiến Lộc đáp lại câu hỏi của Đức Cha: "Kính thưa Đức Cha, Chúa Giêsu không muốn chàng thanh niên này đi theo vì muốn anh ta đi loan báo Tin Mừng. Bằng chứng câu trả lời có trong Tin Mừng hôm nay đó là anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. ..

Đức Cha nói Cha Giuse trả lời rất chính xác. Có đoạn thì Chúa Giêsu mời gọi chàng thanh niên hãy về và bán của cải để đi theo Chúa nhưng hôm nay Chúa Giêsu lại không cho chàng thanh niên này đi theo để anh đi loan báo Tin Mừng. .. Chúa Giêsu cũng mời gọi một số người đi theo Chúa để loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm 70 đời tận hiến của Thầy Gioan. Đặc biệt là thầy cùng với quý cha sống 3 lời khuyên Tin Mừng: Khó nghèo - khiết tịnh - vâng lời. .. Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn rằng dù không khấn công khai như thầy Gioan và quý cha khấn dòng nhưng Đức Cha vẫn giữ những lời khấn đó mỗi ngày. 3 lời khấn như kho tàng của người tu sĩ và kho tàng ấy lại được đựng trong bình sành lọ đất. Xin Chúa thêm ơn cho thầy, cho chúng ta để chúng ta giữ kho tàng quý báu này. ..

Đại diện cộng đoàn gửi lời chúc đến Thầy và Thầy đáp từ bằng những lời cảm ơn thật dễ thương.

Sau khi nhận phép lành cuối Lễ, cộng đoàn cùng hướng về Mẹ và cất cao tâm tình: "Giờ đây con đến phó thác, lòng hèn von với tình mến thương. .." của linh mục Minh Đạo.

Những tấm hình lưu niệm được ghi lại để mừng ngày hồng phúc này.

Bữa cơm đạm bạc đầy tình nghĩa đã làm cho niềm vui nối tiếp niềm vui trong Thánh Lễ tạ ơn chiều nay.

Nguyện xin Chúa thương đổ những ơn cần thiết để Thầy sống trọn vẹn đời tận hiến làm tu sĩ trong Dòng Chúa Cứu Thế

Anmai, CSsR
 
Ngày Hiền Mẫu Của Giáo Xứ Tôi.
NKN.
08:16 17/05/2013
Ngày Hiền Mẫu Của Giáo Xứ Tôi.

Khác với thường lệ, Thánh Lễ chiều Thứ Bảy 11 tháng 5 của Giáo Xứ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Denver,Colorado được cử hành sớm hơn để kịp khai mạc bữa tiệc “Tình Cha, Nghĩa Mẹ” vào lúc 7 giờ. Tôi đến khuôn viên Giáo Xứ khoảng hơn 6 giờ, người qua kẻ lại nhộn nhịp hơn ngày thường. Bước vào hội trường Nữ Vương Hòa Bình, tiếng nhạc, tiếng người không nhộn nhịp nhưng êm đềm, ấm cúng.

Xem Hình

Đây là lần thứ 2, bữa tiệc mừng ngày Hiền Mẫu được giao cho Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Kitô Vua tổ chức. Các em được phân công phục vụ từ sắp xếp bàn ghế, tiếp tân, văn nghệ… Nhìn các em Thiếu Nhi trong các tiết mục hoà tấu, trình diễn thời trang áo dài mà thầm phục cho khả năng điều động khéo léo của các anh chị Huynh Trưởng.

Bữa tiệc kéo dài khoảng 10 giờ tối, thực khách ra về, chính các em thiếu nhi và những người thiện nguyện lại vất vả thu xếp bàn ghế để chuẩn bị cho Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mai vào lúc 11 giờ sáng. Trước giờ lễ, cuộc cung nghinh tượng Mẹ vòng quanh Thánh Đường, lần lượt các hội đoàn như Hội Bà Mẹ Công Giáo, Liên Minh Thánh Tâm, Legio Marie, Thiếu Nhi Thánh Thể… Dàn âm thanh bắt vòng quanh Thánh Đường, tiếng hát, tiếng lần hạt râm ran. Mọi người đều giữ trang nghiêm để cuộc rước Đức Mẹ được thêm phần sốt sắng.

Năm nay, đoàn dâng hoa khoảng 40 em tuổi từ 6 đến 15 xinh xắn trong những bộ áo dài trắng ngây thơ. Năm sắc hoa được cung kính dâng lên một cách nhịp nhàng theo lời ca, tiếng nhạc. Nhìn nét mặt nhân hậu của Mẹ, tôi thầm nghĩ chắc Mẹ sẽ vui khi nhìn những em thiếu nhi ngoan ngoãn vì yêu mến Mẹ đã hy sinh tập dợt trong nhiều ngày qua.

Đặc biệt trong Thánh Lễ, cộng đoàn dân Chúa còn chứng kiến lễ tuyên hứa của Ban Điều Hành Trường Giáo Lý và Việt Ngữ. Trải qua nhiều năm và qua nhiều tên gọi khác nhau, năm nay, Cha Chánh Xứ Phạm Hữu Độ đã quyết định thành lập Trường Giáo Lý và Việt Ngữ và chọn Thánh Đaminh-Saviô là bổn mạng. Nhìn các thầy, cô tiến lên đọc lời tuyên hứa, tôi thực sự cảm động vì chắc rằng với tuổi tác đó họ vẫn còn phải đi làm để lo cho cuộc sống gia đình, rồi cuối tuần lại hy sinh thời gian cho các em. Xin cảm tạ Chúa vì trong thời đại ngày nay vẫn còn có những tâm hồn quảng đại như thế.

Thánh Lễ bước sang phần kết thúc, trước khi nhận phép lành từ cha chủ sự và quý Cha đồng tế, các bà mẹ còn được các em thiếu nhi thay mặt giáo xứ tặng hoa nhân Ngày Hiền Mẫu như là một lời cảm ơn chân thành nhất. Vì thực sự chính Người Mẹ đã góp phần làm cho đời mãi thơm ngát hương hoa.

Denver, 12 tháng 5 năm 2013

NKN.
 
Năm Đức Tin - Hành hương Châu Âu: Padova - Venise - Milan
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:47 17/05/2013
NĂM ĐỨC TIN 2013, HÀNH HƯƠNG CHÂU ÂU:PADOVA – VENISE - MILAN

I. PADOVA

Từ Assisi đến Padova 400km, xe chạy 5 tiếng mới đến nơi. Hôm nay ngày thứ bảy, anh em linh mục chúng tôi nhớ những công việc mục vụ bận rộn ở Giáo xứ. Anh chị em giáo dân nhớ nhà, nhớ con nhớ cháu. Ai cũng có nổi nhớ để thao thức.

Xem hình ảnh

Sáng Chúa Nhật IV Phục Sinh, Lễ Chúa Chăn Chiên Lành, chúng tôi đến thăm Vương cung Thánh đường Thánh Nữ Giustina và dâng thánh lễ cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Sáng nay đến phiên tôi chủ tế và chia sẻ Lời Chúa.

1. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH GIUSTINA

Thánh nữ Giustina là vị thánh bổn mạng của thành phố Padova. Lịch sử thời trung cổ cho rằng ngài là môn đệ của Thánh Phêrô Tông Đồ.

Thánh nữ Giustina được phúc tử đạo trong cuộc bách hại của hoàng đế Diocletian vào khoảng năm 304.Thánh Prosdocimus, vị Giám mục tiên khởi của Padova là người cha tinh thần của ngài.

Câu chuyện “Từ Phù Thủy trở thành Giám Mục” xảy ra vào khoảng đầu thế kỷ III nơi thành Antiochia, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, kể về thánh nữ như sau.

Giustina, một thiếu nữ ngoại đạo, cô gái cưng của ông Edesio và bà Cledonia, say mê theo dõi các bài giảng của thầy phó tế Paralio. Cảm nhận được những xác tín Kitô, Giustina cùng cha mẹ xin gia nhập Kitô Giáo. Cả gia đình được Đức Cha Ottato rửa tội.

Nhưng nét đẹp vừa đoan trang vừa mỹ miều của Giustina đã lọt mắt xanh của chàng phù thủy trẻ tuổi nổi tiếng trong thành phố. Đó là Cipriano. Cipriano chính thức xin cưới Giustina làm vợ. Nhưng Giustina một mực từ chối. Cô giải thích cho Cipriano hiểu là cô đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và đã thề hứa giữ mình đồng trinh cho đến chết. Sau nhiều lần bị từ chối, Cipriano hăm dọa:

- Em hãy liệu coi chừng đó Giustina à. Bởi vì thần linh bảo vệ anh rất uy quyền. Thần sẽ khiến em thế nào cũng nhận lời anh cầu hôn.

Giustina dịu dàng giải thích:

- Chắc chắn không được. Nếu thần linh của anh thuộc về Trời Cao, thì thần linh ấy chỉ có thể muốn điều Thiên Chúa muốn. Mà Chúa chỉ muốn em giữ mình trinh khiết. Em cũng hy vọng rồi đây sẽ được phúc tử đạo. Do đó thần linh của anh không thể nào xúi dục em làm trái thánh ý Chúa. Trong trường hợp ngược lại, nếu thần linh của anh không thuộc về Trời Cao, thì không có một uy quyền nào đối với em cả. Bởi vì nơi em, có một ”dấu hiệu chiến thắng” bảo vệ. Trong trí óc, nơi con tim, trong tinh thần, trên xác thịt, nơi nào dấu hiệu này cũng thật sống động. Và xác thịt, trí khôn, con tim, tinh thần sẽ chiến thắng trên bất cứ tiếng nói nào không đến từ Thiên Chúa của em. Anh nên ra về bằng an và nguyện xin Thiên Chúa soi sáng để anh nhận ra sự thật.

Sau khi ra về, Cipriano gia tăng các buổi lên đồng, cầu xin thần linh tăm tối giúp chàng chiến thắng. Chàng dùng đủ mọi chước quỷ thuật, bắt buộc Giustina nhận lời cầu hôn của chàng. Nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Ma quỷ mà chàng tôn thờ, kêu khấn không có một chút quyền uy nào đối với cô thiếu nữ Công Giáo trong trắng mỹ miều cả!.

Trong khi đó, Giustina gia tăng lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa cho Cipriano từ bỏ con đường phù thủy lầm lạc, trở về với đức tin Công Giáo chân chính. Sau cùng, Cipriano nhận ra sự thật. Chàng giao nộp tất cả các sách phù thủy cho Đức Cha Antimo, Giám Mục Antiochia và xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cipriano được rửa tội vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh.

Một năm sau, Đức Cha Antimo truyền chức linh mục cho Cipriano và khi linh cảm giờ sau cùng gần đến, Đức Cha lại chỉ định cha Cipriano làm Giám Mục Antiochia, thay thế ngài.

Đây cũng là thời kỳ hoàng đế Diocleziano (245-313) trị vì đế quốc La Mã. Hoàng đế ra tay tiêu diệt Kitô Giáo, bắt bớ các tín hữu. Đức Cha Cipriano cùng bị bắt với Giustina và cùng bị giam nơi nhà tù thành phố Antiochia.

Trong ngục, trước khi bị đem ra hành quyết, Đức Cha Cipriano nhắc lại chuyện xưa. Ngài nói:

- Thánh Giá của em đã chiến thắng tôi, Giustina à. Em là cô giáo dạy tôi. Chính em đã giải thoát tôi khỏi sự dữ và đưa tôi về với Sự Sống. Khi ”thần tăm tối” mà tôi tôn thờ thú nhận hắn ta bất lực trong việc thuyết phục em, tôi liền hiểu ngay. Hắn nói với tôi:

- Cô ta chiến thắng nhờ Thánh Giá. Quyền lực của tôi chả làm gì được cô ta. Đức Kitô Chịu Đóng Đinh của cô ta quyền lực gấp trăm triệu lần cả hỏa ngục gọp lại. Đấng Ấy đã từng chiến thắng tôi triệu triệu lần và sẽ còn mãi mãi chiến thắng tôi. Ai tin nơi Đấng Ấy và nơi Dấu Hiệu của Ngài thì sẽ thoát khỏi mọi hiểm họa. Chỉ có kẻ nào không tin nơi Đấng Ấy và khinh thị Thánh Giá của Ngài thì mới bị rơi vào tròng của chúng tôi và sẽ trầm luân đời đời nơi lửa cháy của chúng tôi.

Đức Cha Cipriano nói tiếp với Giustina:

- Tôi không muốn rơi vào ngọn lửa trầm luân này. May mắn thay, nhờ em, tôi được diễm phúc biết Ngọn Lửa của Thiên Chúa, Ngọn Lửa đã làm cho em trở nên diễm lệ và trong trắng, uy quyền và thánh thiện. Em là hiền mẫu của linh hồn tôi, do đó, trong giờ phút trọng đại này, xin em hãy nuôi dưỡng sự yếu đuối của tôi bằng sức mạnh của em, để cả hai chúng ta cùng được đến trình diện trước Tòa Chúa.

Đức Cha Cipriano và Giustina được phúc tử đạo cùng một ngày, dưới thời quan Entolmio làm tổng trấn Antiochia. (”Bibliotheca Sanctorum / III”, trang 1281-1285; Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt).

Vương Cung Thánh Đường Thánh Giustina có phần mộ của thánh sử Luca và thánh tích của thánh sử Matthêu.Thánh đường nằm bên cạnh công viên Prato della Valle tuyệt đẹp ở ngay trung tâm thành phố. Khi chúng tôi đến nơi, đoàn duyệt binh danh dự đang thao diễn chuẩn bị Olympics người khuyết tật tại công viên.

Sau khi dâng lễ Chúa Nhật chúng tôi đi thăm ngôi mộ của Thánh Luca,các di tích của Thánh Matthêu.Trong Nhà thờ có một số phần mộ của các vị thánh: Prosdocimus, Maximus, Urius, Felicitê, Juliano, đặc biệt có bức tranh rất nổi tiếng của họa sĩ Bartolomeo Montagna.

Tu viện Thánh nữ Giustina nối liền với Nhà thờ. Tu viện được xây dựng vào thế kỷ thứ V trên mộ của Thánh nữ. Đến thế kỷ XV nơi đây đã trở thành một trong những tu viện quan trọng nhất của khu vực, cho đến khi bị hoàng đế Napoleon đàn áp và đóng cửa vào năm 1810. Năm 1919 tu viện được mở cửa trở lại.

Rời Nhà thờ Thánh Giustina, chúng tôi đến thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn. Mặt tiền và nội thất đang còn sữa chữa.

2. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH ANTÔN Ở PADOVA

Vương cung Thánh đường Giáo Hoàng Thánh Antôn là nơi hành hương thu hút nhiều người khắp nơi trên thế giới.

Vào năm 1232, một năm sau khi Thánh Antôn qua đời,Vương Cung Thánh Đường bắt đầu xây dựng và hoàn tất vào năm 1301.

Theo ước nguyện, Thánh Antôn muốn được chôn cất trong ngôi Nhà thờ nhỏ Santa Maria Mater Domini,bên cạnh có một tu viện được ngài thành lập năm 1229. Ngôi Nhà thờ này được sáp nhập vào Vương cung Thánh đường hiện tại và có tên Dark Madonna.

Nhìn từ phía Tây Bắc, đây là một công trình kiến trúc rất đẹp.Phong cách bên ngoài là sự pha trộn giữa yếu tố Romane và Byzantine, cộng thêm đôi nét Gothic và Hồi giáo.

Bên ngoài mặt tiền Nhà thờ phần trung tâm mang phong cách Romane. Mặt tiền cho thấy sự khác biệt nhỏ là gian giữa và lối đi hai bên với những trụ tường rộng với hình thức mang nét điêu khắc phong phú khi thánh đường được nhìn từ bên hông.

Các mái vòm của Đền thờ giống như mái vòm của Vương cung Thánh đường Thánh Maccô ở Venise. Bên ngoài, với chiều cao nổi bật lên mang dáng dấp cấu trúc Byzantine, với nhiều tháp chuông nhỏ bên cạnh mái vòm, với những tháp nhọn thon cao theo kiểu Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Phía ngoài những đầu hồi kết hợp với các mái vòm, các trụ tường Đền thờ to lớn và những tháp nhỏ tạo nên một tác phẩm điêu khắc đồ sộ vừa đa dạng vừa thống nhất tạo thành một khối những đặc điểm của cấu trúc Đền thờ.

Bước vào bên trong, phía bên phải là Nhà nguyện Thánh thể, nơi có phần mộ của Gattamelata nổi tiếng và của con trai của ông là Giannantonio.

Người ta tìm thấy di tích của thánh Antôn trong Nhà nguyện Kho báu theo phong cách Baroque từ năm 1691. Thi hài của thánh Antôn ở trong Nhà nguyện Đức Mẹ Mora từ năm 1350.

Phía bên trái có tượng Đức Mẹ Mora là bức tượng Đức Mẹ với Chúa Giêsu Hài đồng do điêu khắc gia người Pháp là Rainaldino di Puy-l'Evéque thực hiện, có niên đại từ 1396. Hình Đức Mẹ với mái tóc đen và nước da màu ô liu. Có bức họa tuyệt đẹp hình Đức Mẹ del Pilastro được họa sĩ Stefano da Ferrara, vẽ vào giữa thế kỷ XIV.

Chúng tôi lần lượt đi qua phần mộ Thánh Antôn, thinh lặng cầu nguyện.Sau đó di chuyển ra vòm phía sau cung thánh. Nhiều tác phẩm điêu khắc. Chân đèn Phục Sinh của nghệ nhân Andrea Briosco vào năm 1515 là một kiệt tác. Còn có 6 bức tượng các thánh và 4 phù điêu về các giai thoại trong cuộc đời thánh Antôn của Donatello.

Năm 1263, trong ngày lễ thánh nhân, hài cốt Thánh Antôn được đưa từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bonaventura. Khi khai quật phần mộ, da thịt ngài đã tiêu tan hết, đặc biệt lưỡi thì còn y nguyên. Thánh Bonaventura hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ”. Lưỡi ấy được đặt vào một bình bạc để trên cao cho mọi người tôn kính.Từ đó, khách hành hương từ khắp nơi đến viếng nhà thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn. Thánh Antôn hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về phần linh hồn. Chính thánh Bonaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: “Ai muốn nhờ phép lạ thì phải chạy đến cùng Thánh Antôn. Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực. Hãy hỏi dân thành Padua, hãy hỏi các khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy”. Chúng tôi cũng được chiêm ngắm và cầu nguyện trước “Lưỡi Thánh Antôn”.

Lối ra phía bên phải Nhà thờ, đối diện với phần mộ của Thánh Antôn là Nhà nguyện Thánh Giacôbê, có những bức bích họa trên tường miêu tả những câu chuyện của Thánh Giacôbê và bức họa Chúa chịu đóng đinh do Altichiero da Zevio thực hiện. Đây là một trong những bức họa quan trọng nhất của cuối thế kỷ XIV.

Thánh Antôn Pađua, linh mục tiến sĩ Hội Thánh (1195–1231)

Antôn Pađua sinh năm 1195 tại Lisbonne, thủ đô nước Bồ Ðào Nha, trong một gia đình quyền quý và đạo đức. Vốn được giáo dục theo tinh thần Phúc Âm nên ngài sớm ý thức được việc dâng mình cho Chúa.

Ðầu tiên, ngài nhập dòng thánh Augustinô và được chịu chức linh mục tại đó. Cảm thấy lý tưởng sống khiêm tốn và khắc kỷ hợp với mình hơn và nhất là ngài ao ước được truyền giáo cho dân ngoại và được tử đạo, nên ngài xin gia nhập dòng Phanxicô năm 1220. Tại đây, ngài được Bề Trên sai đi truyền giáo cho dân Sarrasins ở Phi Châu, thể theo ý nguyện của ngài.

Nhưng ý Chúa quan phòng lại định liệu cách khác. Vừa tới Phi Châu, ngài ngã bệnh nặng và phải trở về điều trị. Trên đường về quê, tàu ngài bị bão thổi dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý và ngài ở lại nhà dòng tại Monte Paulo.

Nhờ gương đạo đức và tài giảng thuyết, ngài được Bề Trên cử đi giảng khắp nơi và lo việc huấn luyện các tu sĩ trong dòng. Bất cứ ở đâu, lời giảng của ngài đều có sức lôi cuốn nhiều người đến nghe. Chúa còn minh xác lời ngài bằng nhiều phép lạ. Không những tại Ý, mà tại đất Pháp, ngài làm việc không biết mệt mỏi. Và người ta đã ghép cho ngài tên “Hòm Bia giao ước” và “Cái búa của bọn lạc giáo.” đúng như lời sách thánh:” Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở muôn đời”( Đn 12, 3 ).

Ngài trở về Pađua một năm trước khi chết. Ngài nổi tiếng vì công đức và các phép lạ đã làm. Ngày 13-6-1231, ngài về an nghỉ trong Chúa, khi mới 36 tuổi. Ngài được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232. Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

“ Muôn dân tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi các Ngài sẽ muôn đời tồn tại”( Hc 44, 14-15 ).Thánh Antôn Pađua qua đời rất trẻ, năm 36 tuổi nhưng ngài đã nổi tiếng về nhân đức,phép lạ và những tư tưởng cũng như tài hùng biện. Dòng Phanxicô dựa theo cuốn truyện “Ông Thánh Antôn” của Cố Phêrô Maria Lương, bằng chữ nôm, ấn hành năm 1910 tại Hà Nội, đã viết lại “Truyện Thánh Antôn Pađua”. (x.ofmvn.org). Tôi đọc thêm sách “Truyện Thánh Antôn Pađua”, tác giả Jean Rigauid ofm (x.lamhong.org) và được hiểu biết thêm nhiều về tài hùng biện và các phép lạ trong cuộc đời của thánh nhân.

Trời đang mưa, gió thổi lạnh buốt, chúng tôi mặc áo mưa đi bộ hơn cây số đến thăm Nhà thờ rất nổi tiếng như Nhà thờ Xứ Ars bên Pháp.

3. NHÀ THỜ THÁNH LEOPOLDO MANDIC

Cha Gioan Vienney bên xứ Ars giải tội ngày 18giờ. Cha Leopoldo Mandic giải tội 15 giờ mỗi ngày. Ngài tự nhủ đó chính là cuộc sống của mình, và ngài đã thi hành công việc linh thánh này ròng rã suốt 44 năm trời. Ngài nói rằng: "Vì Thiên Chúa không ban cho tôi ơn lợi khẩu để rao giảng, nên tôi muốn dâng hiến bản thân để đem về cho Chúa các linh hồn qua Bí tích Giải tội".

Ngài sinh tại Castelnuovo di Cattaro, ngày nay gọi là Herceg Novi nước Monténégro.

Leopold là tên rửa tội của ngài. Leopold nghĩa là Thiên Chúa ban cho. Ngài muốn gia nhập cộng đoàn Anh em Hèn mọn hệ Capucino để trở thành một Linh mục làm việc cho sự tái hợp nhất các Kitô hữu Đông phương và Tây phương. Ngài đến từ cảng biển Adriatique, nơi có nhiều tôn giáo cùng sống bên cạnh nhau trong một khu vực có nhiều mậu dịch hàng hải. Ảnh hưởng của Công Giáo bị yếu đi và ngài có khát vọng sâu xa tái hợp nhất các người Kitô hữu chia rẽ vào trong một Giáo Hội.

Vào tháng 11 năm 1882, ngài cùng với thân phụ đến tu viện dòng Phanxicô Capucino ở Udinese tại Italia. Tuy là một thiếu niên mảnh khảnh, nhỏ con, xanh xao, nói không lưu loát nhưng ngài luôn mạnh mẽ với quyết tâm trở thành Linh mục.

Sau khoảng 18 tháng được đào tạo, ngài được nhận vào tập viện của tu viện Bassano del Grappa vào ngày 20 tháng 4 năm 1884, được mặc tu phục và lấy tên là Leopold.

Hoàn thành chương trình tập viện, ngài học triết học ở Padova và thần học ở Venise.

Ngày 20 tháng 9 năm 1890, ngài được thụ phong linh mục.

Luôn luôn suy nghĩ về ơn gọi đầu tiên của mình và những sứ mạng trong tương lai nên ngài đã học các môn học thánh và các ngôn ngữ Đông phương như tiếng Hy Lạp, Croatia, Slovenia và Serbia.

Năm 1897, ngài được bổ nhiệm làm bề trên tu viện Dòng Phanxicô Capucino Zara ở Dalmatia, gần nơi quê hương của ngài. Ngài bắt đầu sứ mệnh bằng cách đón nhận những người ngoại quốc đến đó qua đường biển, và nói với họ về đức tin Kitô giáo nói chung và đạo Công Giáo nói riêng.Việc hoạt động Tông đồ của ngài tuy kín đáo nhưng rất hiệu quả.

Bề trên thuyên chuyển ngài đến Thiene (Đức), nơi có Đền thánh kính Đức Mẹ cho các Cha Dòng Phanxicô Capucinô coi sóc.

Đến năm 1906, ngài quay trở lại Padova và kết thúc cuộc đời ở đây.

Ở Padova, Cha Leopold Mandic được đánh giá rất cao trong vai trò cha giải tội. Đây là việc tông đồ ngài đã hoàn thành với lòng nhân từ, yêu mến tha nhân và đức tin sâu đậm. Lúc ấy, ngài nhận ra ơn gọi của mình không phải là việc rao giảng hay sứ mạng hướng về Phương đông nữa. Các hối nhân được ngài giải tội đều nói với ngài: "Thưa Cha, Đức Giêsu ra lệnh cho con nói với cha điều này: Phương đông của cha đó là mỗi linh hồn cha ban phép giải tội cho họ". Bản thân ngài cũng thừa nhận: "Vì Thiên Chúa không ban cho tôi ơn lợi khẩu để rao giảng, nên tôi muốn dâng hiến bản thân để đem về cho Chúa các linh hồn qua Bí tích Giải tội".

Ngài giải tội 15 giờ mỗi ngày. Ngài tự nhủ đó chính là cuộc sống của mình. Ngài đã thi hành công việc linh thánh này ròng rã suốt 44 năm. Ngài luôn luôn sẵn sàng giải tội với nụ cười trên môi và thái độ kiên nhẫn. Ngài cám ơn sự hiện diện của các tín hữu và sự tín nhiệm của họ. Chính vì thế ngài trở thành một vị cố vấn về đường thiêng liêng với thái độ hiểu biết và nhẫn nại.

Suốt mùa đông năm 1941, Cha Leopold đã chịu đau đớn trong dạ dày, ngài thấy tình trạng bệnh hoạn của mình xấu đi. Ngày 30 tháng 7 năm 1942, ngài lãnh nhận Bí tích Xức dầu và an nghỉ đang khi đọc lời kinh Salve Regina.

Cha Leopold Mandic được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong Chân phước ngày 02 tháng 5 năm 1976 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 16 tháng 10 năm 1983. Lễ Phong Thánh đã diễn ra trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới bàn về sự sám hối và hòa giải, và cũng vào ngày kỷ niệm 5 năm Đức Gioan Phaolô II được bầu làm Giáo Hoàng. Giáo Hội đã ấn định ngày lễ kính nhớ ngài ngày 12 tháng 5, sau đó lại chuyển sang ngày 30 tháng 7 hàng năm.

II. VENISE

Sáng hôm sau, tạm biệt Padova, chúng tôi đi thăm Venise, một thành phố du lịch nổi tiếng. Đến trạm xe bus, khách du lịch đi tàu trên sông Po ngắm cảnh đẹp phố xá tấp nập hai bên bờ. Nhiều Nhà thờ nằm sát mé sông dáng dấp cổ kính. Đến bến cảng, du khách đông vui, khung cảnh nhộn nhịp. Chúng tôi đi bộ vài trăm mét là đến quãng trường thánh Maccô.

Thánh sử Maccô là bổn mạng của thành phố Venise.

4. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH MÁCCÔ

Đây là Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Venise từ năm 1807. Gần đó có Tòa Giáo chủ Venise, nơi ở của vị Hồng Y Tổng Giám mục Giáo phận.

Quãng trường có rất nhiều chim bồ câu, chúng thích gần gũi với du khách như bên Tháp Eifen. Chúng tôi chiêm ngưỡng Nhà thờ cổ kính tuyệt đẹp.

Mặt tiền Nhà thờ có 2 tầng với 5 cổng. Ba cổng giữa dẫn vào tiền sảnh. Cổng chính được trang trí bằng đầu sư tử có 3 vòm với các tượng từ thế kỷ XIII. Trước cửa sổ tầng trên có bộ tứ mã nổi tiếng bằng đồng mạ vàng. Mỗi một con ngựa cao 1,6m và nặng 875kg, chúng đã có từ thế kỷ thứ IV. Đây là bộ tứ mã duy nhất còn lại của thời Cổ đại. Đầu tiên bộ tứ mã được dựng trên Khải hoàn môn của Hoàng đế Nêrôn ở Rôma. Sau đó Hoàng đế Constantinô đem chúng về Constantinople. Enrico Dandolo đem từ Constantinople về lại Venise như chiến lợi phẩm trong cuộc Thập tự chinh lần thứ tư. Năm 1798, Hoàng đế Napoléon đem chúng về Paris và trưng bày trong Viện bảo tàng Louvre. Năm 1815 chúng lại được trả về Venise.

Nhà thờ được chia làm 3 gian theo phong cách Byzantine. Có một gian tiền sảnh với các bức tranh khảm đá năm 1220-1290 mô tả các cảnh trong Kinh thánh Cựu ước. Trong số các phẩm nổi tiếng có tác phẩm Pala d'oro là màn che phía sau của bàn thờ chính từ thế kỷ X-XIV. Một vài cột của Nhà thờ (trong số tổng cộng 2.600 cột bằng đá quý đủ loại khác nhau ) bên trong cũng như bên ngoài có thể là cột của Đền thờ Salomon ngày xưa. Những cột của Đền thờ chủ yếu là để trang trí và là biểu tượng cho quyền lực của Venise.

Bên trái cung thánh có hài cốt của Thánh sử Maccô bổn mạng của thành phố Venise. Chính các thương gia tại Venise mang hài cốt thánh nhân từ thành Alexandria về đây.

Đền thờ đầu tiên được được xây dựng từ năm 828-832.

Năm 976, nhà thờ bị hỏa hoạn thiêu đốt và ngay trong năm đó vị tổng trấn Venise là Pietro I Orseolo đã cho xây dựng lại. Trải qua nhiều lần bị ngưng trệ, việc xây dựng Đền thờ kéo dài mãi đến năm 1094 mới hoàn thành.

Venise có liên hệ mật thiết với đế quốc Byzantine (Đế quốc La mã ở Phương Đông) nên kiến trúc Đền thờ mang phong cách Byzantine cho đến thế kỷ XIII. Mặt bằng Nhà thờ mang hình chữ thập vuông (Thánh giá Hy lạp). Đến thế kỷ XIV lại mang phong cách kiến trúc Gôtích.

Kiến trúc nhà thờ là bước phát triển cuối cùng của nghệ thuật kiến trúc của thời đầu Kitô giáo. Sau đó nghệ thuật kiến trúc chia thành hai hướng: kiến trúc Byzantine ở phương đông và kiến trúc ở phương tây dẫn đến kiến trúc theo phong cách Carolinge và Roman.

Trong nhà thờ có các bức tranh khảm đá trên nền mạ vàng, với diện tích tổng cộng 4.200m2 nên người ta đặt biệt danh cho Nhà thờ này là “Nhà thờ vàng”. Các bức tranh có niên hiệu từ thế kỷ XII và XIII.

a. Thánh Maccô

Thánh Máccô sinh tại Cyrene, thuộc Pentapolis, miền Tây nước Libya, Bắc Phi. Cha mẹ ngài là người Do Thái. Ngài sinh sau Chúa Giêsu khoảng trên dưới 10 năm. Tên cúng cơm của ngài là Gioan Máccô: “Ông Phêrô hoàn hồn và nói: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải chịu. Ý thức được như vậy, ông đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Máccô; ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện” (Cv 12,11-12); “Ông Banaba và ông Saolô, sau khi đã chu toàn công việc phục vụ tại Giêrusalem thì trở về, đem theo ông Gioan, cũng gọi là Mác-cô” (Cv 12:25); “Ông Banaba muốn đem theo cả ông Gioan cũng gọi là Máccô” (Cv 15,37).

Cha của Thánh Máccô là ông Aristopolos và mẹ là bà Maria, di trú tới Palestine không lâu sau khi sinh ngài, vì Berber tấn công thành phố và chiếm tài sản. Họ định cư tại Cana, miền Galilê, không xa Giêrusalem. Thánh Phêrô kết hôn với một người thân của Thánh Máccô. Vài năm sau, cha của Thánh Máccô mất, Thánh Phêrô chăm sóc Thánh Máccô và coi như con: “Hội Thánh ở Babylon, cũng được chọn như anh em, và Máccô, con tôi, gửi lời chào anh em” (1 Pr 5,13). Thánh Phêrô nhận thấy Thánh Máccô có giáo dục tốt, vì Thánh Máccô đã học luật và các tác phẩm kinh điển.

Truyền thống Giáo Hội nói rằng bà Maria, mẹ Thánh Máccô, là người ngưỡng mộ Chúa Giêsu và theo Ngài đi khắp nơi, Thánh Máccô là người phục vụ tại các buổi lễ ở Cana, miền Galilê, khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu (x. Ga 2,1-11).

Thánh Máccô là một trong 4 Thánh sử viết Phúc Âm (nguyên bản bằng tiếng Hy Lạp). Ngài là người sáng lập Hội Thánh ở Ai Cập hoặc ít ra là ở Alexandria. Ngài đến Alexandria khoảng năm 48. Theo một số nguồn, Thánh Phêrô rao giảng ở Babylon vào khoảng thời gian Thánh Máccô ở Alexandria, nhưng ngài tập trung vào người Do Thái ở Babylon (gần Memphis, Cairo ngày nay).

Thánh Máccô tử đạo năm 68 khi giáo phái Serapis (thần Serapion-Abbis Hy Lạp và Ai Cập) trói ngài vào đuôi ngựa và cho kéo lê trên đường phố ở quận Bokalia, thuộc Alexandria, suốt hai ngày khiến thi thể ngài tan nát.

Biểu tượng của Thánh Máccô là Sư Tử. Tên ngài được đặt cho một nhà thờ ở Alexandria. Thi hài ngài được đưa về nhà thờ ở Cairo, và nay được đặt tại Nhà thờ Thánh Máccô ở Venice (x. CopticChurch.net). Chúng tôi vinh dự được cầu nguyện trước phần mộ của ngài.

Sau khi mua quà lưu niệm, hướng dẫn viên dẫn đoàn đi thăm đảo Venise. Như một cù lao ở Miền Tây sông nước, các kênh rạch là đường giao thông. Các lối đi cho du khách hẹp theo hình bàn cờ. Có nhiều cây cầu nối các kênh rạch. Đẹp nhất là Cầu Rialto, một cây cầu cổ nhất và là đường phân chia các quận San Marco và San Polo.

b. Cầu Rialto

Cầu Rialto rộng 22,90m, cao 7,32m, dài 28,80m. Cầu được xây dựng từ năm 1588 và hoàn thành năm 1591.

Cây cầu phao đầu tiên bắc ngang qua con kênh được Nicolò Barattieri xây dựng vào năm 1181. Người ta gọi nó là Ponte della Moneta.

Sự phát triển và tầm quan trọng của chợ Rialto ở bờ phía Đông làm gia tăng việc lưu thông trên cây cầu nổi. Năm 1255 một cây cầu gỗ thay thế nó. Cấu trúc cầu có hai sườn nghiêng gặp nhau ở khúc trung tâm có thể nâng lên được để cho phép các tàu bè qua lại. Sự nối kết với khu chợ dẫn đến việc thay đổi tên cho cây cầu. Trong tiền bán thế kỷ XV, hai dãy cửa hàng được xây dọc theo hai bên cầu.

Việc bảo trì cây cầu gỗ là điều sống còn. Nó bị đốt cháy một phần trong cuộc nổi dậy của Bajamonte Tiepolo vào năm 1310. Năm 1444, nó bị sụp đổ dưới sức nặng của một đám đông đang coi cuộc diễu hành thuyền bè trên kênh Venise và nó lại sụp đổ một lần nữa vào năm 1524.

Ý tưởng xây dựng lại cây cầu bằng đá đã được đề xuất lần đầu vào năm 1503. Một vài dự án đã được xem xét vào những thập niên sau đó. Năm 1551, trong số các đề nghị, chính quyền yêu cầu làm mới lại cây cầu Rialto. Một số kiến trúc sư danh tiếng như Jacopo Sansovino, Palladio và Vignola đã đưa ra các bản vẽ, tất cả đều liên quan đến phương pháp xây dựng cổ điển với một vài vòng cung bị đánh giá là không phù hợp với địa thế. Michelangelo được coi như là người thiết kế cây cầu.

Cây cầu đá hiện nay được Antonio da Ponte thiết kế với một khẩu độ đơn, cuối cùng được hoàn thành vào năm 1591. Nó tương tự như cây cầu gỗ trước đó. Hai đường dốc dẫn đến một mái hiên trung tâm. Ở mỗi bên của mái hiên là một dãy các cửa tiệm. Kỹ thuật của cây cầu được coi như là táo bạo và kiến trúc sư Vincenzo Scamozzi dự đoán nó sẽ bị sụp đổ trong tương lai. Cây cầu đã thách đố những phê bình đối với nó để rồi nó trở thành một trong những biểu tượng kiến trúc của Venise.

Chụp những tấm hình lưu niệm bên cây cầu lịch sử này. Tạm biệt Venise, chúng tôi đi Milan với đường dài hơn 300km.

Milan có Đại Thánh Đường Chính Toà, có thánh Ambrôsiô và là nơi thánh Augustinô được rửa tội. Chúng tôi yêu thích Thành phố đặc biệt này với đội bóng đá nổi tiếng: A.C. Milan và F.C. Internazionale Milano.

III. MILAN

5. NHÀ THỜ CHÍNH TÒA MILAN


Đại Thánh Đường Milan có một kỷ lục xây dựng là hơn 5 thế kỷ để xây dựng và hoàn tất theo phong cách Gôtích. Đây là Nhà thờ lớn thứ tư trên thế giới.

Nhà thờ được bắt đầu xây dựng 1386 và mãi đến 1965 mới hoàn thành. Chiều dài Nhà thờ 157m, chiều ngang 92m, chiều cao 45m, lòng giữa nhà thờ là 16,75m, chiều cao vòng ngoài là 65,5m, chiều cao xoắn ốc là 106,5m

Nhà thờ Chính tòa chiếm vị trí trung tâm nhất của thành phố. Bố cục của Thành phố Milan với các đường phố phát xuất từ Nhà thờ hay bao quanh Nhà thờ Milan.

Ở khu vực này có Nhà thờ Thánh Ambrosio được xây dựng vào thế kỷ thứ V, tiếp giáp với một ngôi Nhà thờ được xây thêm vào năm 1386.

Năm 1386, Đức Tổng Giám Mục Antonio da Saluzzo bắt đầu khởi công xây dựng Nhà thờ Chính tòa. Việc khởi công xây dựng trùng khớp với việc nắm quyền lực ở Milan của Gian Galeazzo Visconti là anh em họ của Đức Tổng Giám Mục. Điều này có nghĩa như là phần thưởng dành cho tầng lớp quý tộc và lao động, là những người chịu đau khổ dưới sự cai trị độc tài của người tiền nhiệm là Barnabo. Trước khi công việc xây dựng được bắt đầu, ba tòa nhà chính bị phá hủy: dinh thự của Đức Tổng Giám Mục, dinh thự của đấng bản quyền và nhà rửa tội của Thánh Stêphanô. Sự hứng khởi cho việc xây dựng tòa nhà mới đã lan rộng trong dân chúng, cho nên Gian Galeazzo cùng với người anh em họ của mình là vị Tổng Giám mục đã quyên góp rộng rãi cho công việc đang được tiến hành. Chương trình xây dựng được điều hành một cách chặt chẽ theo sự điều khiển của "Fabbrica del Duomo", trong đó có 300 nhân viên do vị kỹ sư trưởng là Simone da Orsenigo điều động. Theo kế hoạch ban đầu Orsenigo xây dựng ngôi Nhà thờ Chính tòa bằng gạch theo phong cách Lombard Gothic.

Galeazzo có tham vọng xây cất theo xu hướng kiến trúc mới nhất của Châu âu. Năm 1389, một kỹ sư trưởng người Pháp, Nicolas de Bonaventure được bổ nhiệm, ông đã thêm vào Nhà thờ phong cách Gothic rực rỡ của Pháp, nhưng lại không phải là nét đặc trưng của Italia. Ông quyết định cấu trúc tòa nhà bằng gạch được lót đá cẩm thạch. Galeazzo cho Fabbrica del Duomo sử dụng độc quyền đá cẩm thạch từ quặng mỏ Candoglia và được miễn thuế. Mười năm sau, một kiến trúc sư người Pháp, Jean Mignot, được gọi đến từ Paris để đánh giá và cải tiến các công việc đã được thực hiện, như người thợ xây cần kỹ thuật mới hỗ trợ để nâng những phiến đá lên một độ cao chưa từng thấy. Mignot tuyên bố mọi công trình đã thực hiệncó nguy cơ bị hủy hoại. Trong những năm sau dự đoán của Mignot không đúng sự thật. Dù sao nó cũng thúc đẩy các kỹ sư của Galeazzo cải tiến phương tiện và kỹ thuật của mình. Công việc được tiến hành nhanh chóng. Năm 1402 Gian Galeazzo qua đời, thì gần một nửa Nhà thờ được hoàn tất. Tuy nhiên công trình xây dựng hầu như bị đình trệ hoàn toàn cho đến 1480 do thiếu tiền và thiếu ý tưởng kiến trúc: công trình đáng chú ý nhất của thời kỳ này là phần mộ của Marco Carelli và của Đức Giáo Hoàng Martinô V (1424) và những cánh cửa sổ ở vòm cung sau cung thánh năm 1470 miêu tả chân dung Thánh sử Gioan của Cristoforo de’ Mottis, và thánh Eligius và thánh Gioan Damasceno, của Niccolo da Varallo. Năm 1452, Francesco Sforza đã hoàn thành lòng giữa và lối đi hai bên thành sáu gian.

Năm 1500 -1510, Ludovico Sforza đã hoàn thành mái vòm hình bát giác và trang trí phần bên trong với bốn hàng cột mỗi hàng gồm 15 tượng hình các thánh, các tiên tri, và các sự kiện trong Kinh Thánh. Phần ngoài của mái vòm không có trang trí trừ tháp hình chóp Amadeo xây dựng năm 1507-1510. Đây là một kiệt tác thời Phục hưng, tuy nhiên nó vẫn hài hòa với dáng vẻ Gothic tổng quát chung của Nhà thờ.

Sau đó, dưới thời thống trị của Tây Ban Nha, ngôi Nhà thờ mới chứng minh cho thấy đã có thể sử dụng, cho dù phần bên trong một số lớn vẫn chưa hoàn thành, và một số gian Nhà nguyện ở lòng giữa và cánh ngang vẫn còn bỏ dở. Năm 1552, Giacomo Antegnati được ủy thác xây dựng một phần lớn cho phía bắc của ca đoàn, và Giuseppe Meda cung cấp bốn trong số mười sáu câu lơn để trang trí khu vực bàn thờ, chương trình đã được Federico Borromeo hoàn tất. Năm 1562, tượng thánh Tông đồ Batôlômêô của Marco d’Agrate và chân đèn Trivulziođê nổi tiếng được thêm vào.

Sau khi làm Tổng Giám Mục thành Milan, Thánh Carolo Borromeo đã can thiệp để bổ nhiệm Pellegrino Pellegrini làm kiến trúc sư trưởng vào năm 1571.

Thánh Borromeo và Pellegrini đã nỗ lực đem lại một diện mạo Phục hưng mới cho Nhà thờ Chính tòa nhấn mạnh đến tính chất Roman và Italia và loại bỏ phong cách Gothic lúc ấy bị người ta coi như tính chất ngoại lai. Phần lớn mặt tiền vẫn còn dang dở, Pellegrini đã thiết kế theo phong cách Roman, với hàng cột, bia tưởng niệm và một vòm cung lớn. Khi thiết kế của Pellegrini được tiết lộ, một cuộc thi thiết kế cho mặt tiền nhà thờ được loan báo, có khoảng gần một tá bản thiết kế trúng tuyển trong đó có bản của Antonio Barca.

Bản thiết kế này không bao giờ được thực hiện, nhưng phần trang trí bên trong vẫn tiếp tục: năm 1575-1585, gian cung thánh được xây dựng lại, trong khi những bàn thờ mới và giếng rửa tội được thêm vào ở gian giữa Nhà thờ.

Dàn hợp xướng cho ca đoàn bằng gỗ được Francesco Brambilla xây bàn thờ chính năm 1614.

Năm 1577 Thánh Borromeo thánh hiến toàn bộ Đền thờ như một ngôi Nhà thờ mới, phân biệt hẳn với Nhà thờ cũ Đức Bà Cả và Santa Tecla

Vào đầu thế kỷ XVII, Federico Borromeo đã có nền tảng cho mặt tiền mới của Nhà thờ dưới sự hướng dẫn của Francesco Maria Richini và Fabio Mangone. Công việc được tiếp tục cho đến 1638 với việc xây dựng 5 cổng và 2 cửa sổ giữa ở bên trên cổng chính. Tuy nhiên và năm 1649, vị tân kiến trúc sư trưởng Carlo Buzzi đã đưa vào một cuộc cách mạng nổi bật: mặt tiền trở lại phong cách Gothic nguyên thủy, kèm theo những họa tiết hoàn chỉnh với những hàng cột bổ tường hình chữ nhật theo phong cách Gothic và hai tháp chuông khổng lồ. Còn có những thiết kế khác của Filippo Juvarra (1733) và Luigi Vanvitelli (1745), nhưng lại không được ứng dụng. Năm 1682, mặt tiền của Nhà thờ Đức Bà Cả bị phá hủy và việc lợp mái cho Nhà thờ Chính tòa được hoàn thành.

Năm 1762, một trong những nét chính của Nhà thờ là ngọn tháp Madonnina vươn lên độ cao chóng mặt là 108,5m. Francesco Croce đã thiết kế ngọn tháp này và trang trí ở đỉnh tháp tượng Madonnina bằng hợp chất crôm nhiều màu. Việc thiết kế của Giuseppe Perego thích hợp với dáng nguyên thủy của Nhà thờ Chính tòa. Với khí hậu ẩm ướt và sương mù của Milan, khi tượng Madonnina được nhìn thấy từ xa thì người Milan coi thời tiết ngày hôm đó là tốt.

Ngày 20 tháng 5 năm 1805, Napoleon Bonaparte với ý đồ làm vua Italia nên đã ra lệnh phải hoàn thành mặt tiền. Với sự phấn khởi, ông đảm bảo ngân khố của Pháp sẽ lo mọi phí tổn. Cuối cùng, vỏn vẹn chỉ có 7 năm, mặt tiền Nhà thờ được hoàn thành. Vị kiến trúc sư mới Felice Soave, phần lớn vẫn theo dự án của Buzzi, ông thêm vào các cửa sổ phía trên những nét tân Gothic như là một hình thức tạ ơn. Một bức tượng của Napoleon được đặt ở trên đỉnh của một trong các ngọn tháp. Napoleon đã đội vương miện làm vua Italia tại Nhà thờ Chính tòa này.

Những chi tiết cuối cùng của Nhà thờ Chính tòa chỉ được hoàn tất vào thế kỷ 20: cuối cùng cổng Nhà thờ được khánh thành vào ngày 06 tháng 1 năm 1965. Người ta coi ngày này như là sự chấm dứt tiến trình xây dựng trước đây. Mặt tiền chính của Nhà thờ Chính tòa đã được nâng cấp từ năm 2003 đến đầu năm 2009. Tháng 2 năm 2009 mặt tiền nhà thờ mang màu sắc đá cẩm thạch Candoglia.

Trong lòng Nhà thờ có bốn lối đi hai bên và có một cánh ngang, còn có dàn đồng ca và vòm cung phía sau bàn thờ. Chiều cao của lòng giữa Nhà thờ khoảng 45 mét.

Lòng giữa Nhà thờ với năm gian dọc rộng, khoảng 40 cột, những cột ở lòng giữa Nhà thờ cao khoảng 24,5m, và những cửa sổ ở vòm cung sau cung thánh với kích thức 20,7m x 8,5m. Nhà thờ được xây dựng bằng gạch với mặt tiền bằng đá cẩm thạch.

Hiện nay, phía sau Nhà thờ đang còn sữa chữa. Trưa mưa to và lạnh buốt nhưng tôi phải tìm nhiều góc cạnh để chụp những tấm hình ưng ý. Sau khi tham quan và cầu nguyện bên trong Thánh đường, chúng tôi tiếp tục đi thăm Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô.

Đi ngang qua tượng đài Leonardo Da Vinci, chiêm ngưỡng một thiên tài của thế giới. Leonardo sinh ngày 15 tháng 4 năm 1452 tại Anchiano, Italia. Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và triết học tự nhiên.Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý. Tên gọi của thành phố Vinci là nơi sinh của ông, nằm trong lãnh thổ của tỉnh Firenze, cách thành phố Firenze 30 km về phía Tây gần Empoli, cũng là họ của ông. Người ta gọi ngắn gọn là Leonardo vì "da Vinci" có nghĩa là "đến từ Vinci", không phải là họ thật của ông. Tên khai sinh là Leonardo di ser Piero da Vinci có nghĩa là "Leonardo, con của Ser Piero, đến từ Vinci". Ông nổi tiếng với những bức hoạ cổ điển của mình như bức Mona Lisa, bức Bữa Tiệc Ly.

6. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH AMBRÔSIÔ
(Nơi lưu giữ thánh tích của thánh nhân)

a. Thánh Ambrôsiô, Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh (339–397)

Thánh Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc Rôma. Tới lúc trưởng thành, với trí khôn minh mẫn, tâm hồn ngay thẳng và tài hùng biện, ngài được ông hoàng Robus đề cử giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Êmilia phía bắc nước Ý.

Vào năm 33 tuổi, Thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan. Ngoài ra ngài còn là người bạn với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.

Và rồi vị giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội. Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị, người Công Giáo hay người của phe Arian? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.

Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải xô xát.

Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, "Bầu Ambrôsiô làm giám mục!" Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, "Ambrôsiô là giám mục!".

Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này. Nhưng Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy hiểm, một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo. Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn. Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục. Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.

Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng. Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.

Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám mục "của họ" vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian. Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc. Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện.

Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của mình để chuộc. Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy. Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc. Ngài nói, "Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản. Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người. Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn."

"Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: 'Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói? Vì con có vàng bạc, con phải cấp dưỡng cho họ'& Có thể nào chúng ta trả lời rằng: 'Vì con không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.' Nhưng những gì không mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc. Phương cách tốt nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn."

Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực. Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên người nghèo: "Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người. Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn? Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ. Trái đất thuộc về tất cả mọi người. Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn huệ."

Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi. Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc nên dự định tấn công. Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này. Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.

Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe Arian. Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên Chúa.

Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina. Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân chúng.

Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi. Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.

Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không được chống đối người Arian. Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.

Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ. Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng. Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.

Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, "Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực."

Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác. Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp. Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.

Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính. Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa. Sự vây hãm chấm dứt.

Vì biết quân triều đình đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi. Không biết trông vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa. Họ xin Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.

Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù. Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị. Justina và hoàng tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ. May mắn thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus. Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma. Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục Ambrôsiô.

Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần ngày 4-4-397. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng 12 là ngày ngài "bị" tấn phong giám mục.

Trong chức vụ chủ chăn, thánh Ambrôsiô đã mạnh dạn bênh vực chân lý và kỷ luật của Giáo Hội chống lại Ariô và các bè rối khác. Qua lời giảng thuyết cũng như các văn thư, ngài đưa nhiều người lạc giáo trở về làm con cái Giáo Hội, trong số đó phải kể đến thánh Augustinô.Ảnh hưởng của thánh Ambrôsiô đối với thánh Augustinô rất nhiều. Cuốn Tự Thuật (Confessions) của thánh Augustinô cho thấy điều đó. Do đó mà thánh Monica yêu quý thánh Ambrôsiô như thiên thần của Chúa đã hoán cải con trai bà. Chính thánh Ambrôsiô đã đặt tay trên vai thánh Augustinô khi đến giếng rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

b.Thánh Augustinô, Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Tagaste, hiện giờ là thành phố Souk-Ahras thuộc nước Algeria, nằm phía Bắc Phi Châu. Cha ngài là thị trưởng Patricius, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu Công Giáo, đạo hạnh, gương mẫu, và giàu nhân đức. Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con yêu quý của mình là Augustinô tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ. Ơn Chúa rất huyền nhiệm và linh động nơi cuộc đời Augustinô. Khi còn bé, ngài vốn là một cậu bé tinh nghịch, thông minh xuất chúng, nên cậu là niềm hãnh diện của ông Patricius. Sau mười sáu năm sống với gia đình tại Tagaste, ngài đã được cha mẹ cho đi học về văn khoa hùng biện tại Carthage vào cuối năm 370.Thành phố Carthage là một thành đô phồn thịnh, những toà nhà nguy nga lộng lẫy, thổ dân ở đây đa số là đa thần, và lối sống cao sa dễ đưa con người vào con đường sa hoa trụy lạc. Cuộc sống ở đô thành đã thu hút biết bao bạn trẻ và Augustinô không ngoại lệ.Tuy con đường học vấn trổi vượt hơn các bạn học, nhưng đời sống tâm linh và luân lý bị suy sụp. Năm 19 tuổi, ngài đã trở thành giáo sư triết học. Sự thành công trong học vấn đã tạo cho ngài một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Những kiến thức thâm thúy và sự khôn ngoan của triết gia Cicero đã gợi trong tâm thức Augustinô nỗi khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan chân thật. Khi nghe giáo chủ của giáo phái Manikê hùng biện về giáo thuyết của họ, ngài bị thu hút và đã gia nhập giáo phái này.Với tài hùng biện sẵn có, ngài đã thuyết phục được bao nhiêu người gia nhập vào giáo phái đó.

Sau những năm theo học tại Carthage, năm 373 ngài trở về quê Tagaste, nhưng mẹ ngài không thể đón nhận một người thuộc bè phái Manikê dù đó là con của mình. Nhưng tình yêu đã khiến Monica tha thứ và hết lời khuyên con trở về chính lộ. Thời gian ở Tagaste, ngài đã mở lớp dạy môn khoa Ngữ Văn để kiếm tiền sinh sống. Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành. Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý. Khi đến nơi, ngài đã lâm trọng bệnh và sau khi hồi phục ngài đã mở lớp dạy chuyên khoa văn hùng biện. Học sinh ở đây không trả lệ phí nên ngài nản lòng và bỏ dạy. Cuối cùng, ngài xin dạy tại đại học ở Milan. Là một giáo sư dạy triết học, ngài say mê tìm kiếm và đào sâu vào triết lý của Plato. Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô. Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan. Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.

Hè năm 387, Augustinô cùng với mẹ và các bạn đồng hành đến cảng Ostia. Ít lâu sau, mẹ ngài qua đời và được chôn cất tại đây. Năm 388, ngài trở về Tagaste. Cùng với người bạn Alypius, ngài đã thành lập đan viện để sống chiêm niệm. Năm 391, ngài được phong chức linh mục thành Hippo và ở đây cho đến chết.

Khi nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, ngài đã viết rất nhiều sách để phi bác các lạc thuyết thời bấy giờ. Năm 395, ngài được phong làm phụ tá Đức Giám Mục thành Hippo. Sau khi Đức Giám Mục Valerius thành Hippo băng hà năm 396, thánh Augustinô lên kế vị.

Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài. Khi mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã gọi ngài một lần nữa qua cơn bệnh trầm trọng và đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngài đã được phong thánh và nâng lên hàng Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1303. Ngài đã để lại cho Giáo Hội một kho tàng tài liệu, tuy đã bị huỷ đi nhiều do hoả hoạn tại Hippo, nhưng cũng còn lại 100 cuốn sách, 240 lá thư, và 500 bài giảng.

c. Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô.

Vương Cung Thánh Đường Thánh đầu tiên đã được chính Đức Giám Mục Ambrôsiô cho khởi công xây dựng vào năm 385 và được thánh hiến năm 386. Nhà thờ này được xây dựng với quy mô lớn trên một nghĩa trang, gần ngôi mộ tử đạo của thánh Victor. Hai vị tử đạo địa phương có Thánh tích nơi bàn thờ chính, và Thánh Ambrôsiô được mai táng cận bên sau khi ngài qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 397.

Vương cung Thánh đường nguyên thủy được khai quật nằm bên dưới ngôi Nhà thờ hiện hữu. Nền của thánh đường còn sót lại cho thấy có hai lối đi bên cạnh, một nền bằng đá cẩm thạch và vòm cung hình bán nguyệt sau cung thánh, và bốn cột lọng tán ở trên bàn thờ.

Vương Cung Thánh Đường theo phong cách Roman thế kỷ XI. Đây là tòa nhà còn sót lại cho đến ngày hôm nay. Những tài liệu lịch sử còn thiếu nên không biết được ngày chính xác, nhưng các học giả tin rằng có lẽ nó được bắt đầu khoảng năm 1080 dựa trên lịch sử kiến trúc và kỹ thuật ở vùng Lombardy.

Tài liệu cho thấy gian giữa ngày xưa vẫn còn được sử dụng vào năm 1067 và lòng giữa mới được sử dụng vào năm 1093. Vương cung Thánh đường được hoàn thành khoảng 1128.

Phía bên ngoài:

Vương cung Thánh đường có vẻ bên ngoài không thông dụng, có một khoảng trống lớn đặc biệt với hai ngọn tháp có độ cao khác nhau.

Mặt tiền phía tây có 6 cổng vòm cung có mái che. Ngọn tháp phía nam gọi là tháp Đan sĩ có từ thế kỷ thứ X. Còn phía bắc là ngọn tháp Kinh sĩ đẹp hơn xây từ năm 1123 và hoàn thành năm 1181. Cả các vị Đan sĩ lẫn Kinh sĩ luôn luôn ở gần đó để phục vụ Vương cung Thánh đường. Mỗi bên đều có Tu viện riêng của mình.

Lòng giữa Thánh đường

Bên trong Vương cung Thánh đường đầy những chi tiết nghệ thuật thời Trung cổ: có nhiều nét hoa văn ở đầu cột theo phong cách Roman, một cỗ áo quan vào thế kỷ thứ IV chạm khắc với những câu truyện trong Kinh Thánh. Một bàn thờ bằng bạc vào thế kỷ 9, và một phương du trên bàn thờ vào thế kỷ thứ 10. Gần lối vào phía bên phải của lòng giữa là "cột rắn": một con rắn bằng đồng thời Byzantine vào thế kỷ thứ X được đặt trên đỉnh một cột ngắn. Đối diện bên kia có “cột thập giá”.

Giảng đài:

Về phía bắc của gian giữa là giảng đài rộng bằng đá cẩm thạch, được làm vào giữa 1130 và 1143 và được xây dựng lại sau khi mái nhà sụp đổ vào năm 1196. Đây là một loại bục giảng đầu tiên được các vị Đan sĩ và Kinh sĩ đọc Tin Mừng. Nó được xây dựng trên đỉnh của cỗ áo quan Stilichone vào thế kỷ thứ IV.

Những bức phù điêu theo phong cách Lombard Roman trang trí cho giảng đài dựa theo những tác phẩm của Thánh Ambrôsiô tập trung về các đề tài tội lỗi và ơn cứu độ. Phía bắc trình bày một bữa tiệc nói về Bữa Tiệc Ly hay bữa ăn huynh đệ được người Kitô hữu cử hành vào mỗi Chúa Nhật. Hình ở góc tây nam có lẽ trình bày cảnh Daniel trong hang sư tử. Các phù điêu ở vòm cung trên đầu cột mô tả cảnh Ba vua diện kiến Hêrôđê và thờ lạy Chúa Hài Đồng, cảnh Adam và Eva lao động, và hai con chim uống từ nước từ chén thánh tượng trưng cho sự sống đời đời.

Ở phía đối diện với gian giữa, có hai tác phẩm điêu khắc bằng đồng đỏ mạ vàng có lẽ được gắn liền với giảng đài đầu tiên và niên đại của chúng vào đầu thế kỷ thứ VIII và được coi là ví dụ về luyện kim thời Trung cổ. Tác phẩm miêu tả con phượng hoàng, tượng trưng cho Thánh sử Gioan, thiên thần tượng trung cho Thánh sử Matthêu. Hai biểu tượng của hai thánh sử kia thì đã bị mất.

Áo quan Stililchone (thế kỷ thứ IV)

Được coi như một kho báu, là một công trình nghệ thuật tuyệt vời vào thời đầu của Kitô giáo. Tác phẩm được điêu khắc vào năm 385 vào thời thánh Ambrôsiô.

Có lẽ phần mộ này do một sĩ quan quân đội cao cấp ra lệnh xây, ông này cùng với bà vợ nằm ở phía bắc của phần mộ. Nó mang tên Stilichone, một vị tướng phục vụ hoàng đế La mã Honorius và đã qua đời năm 408.

Những tác phẩm điêu khắc trên cỗ quan tài mang một chất lượng tuyệt vời, được một nghệ sĩ Roma thực hiện. Phía nam của quan tài đối diện với cổng giữa nhà thờ mô tả cảnh Traditio Legis, trong đó Chúa Giêsu đưa chìa khóa Nước trời cho Thánh Phêrô. Phía bên kia diễn tả cánh Chúa Giêsu dạy dỗ các tông đồ, còn các phía ngắn hơn diễn tả những cảnh trong Kinh thánh Cựu Ước.

Bàn thờ vàng vào thế kỷ IX và lọng tán vào thế kỷ X

Bàn thờ vàng nằm ngay mặt tiền ở lòng giữa được làm vào năm 835. Nó mô tả cuộc sống của Chúa Kitô trên một lá bằng vàng ở mặt tiền và cuộc sống của Thánh Ambrôsiô được mạ bạc ở mặt sau. Bàn thờ được che phủ bởi một mái vòm với bốn cột cổ xưa và được trang trí với các phù điêu bằng vữa vào thế kỷ X. Một mặt đối diện với gian giữa Nhà thờ mô tả cảnh Chúa Giêsu trao Sách Luật cho Thánh Phaolô ở bên trái và chìa khóa Nước trời cho Thánh Phêrô.

Phần trung tâm của vòng cung khảm đá sau cung thánh mang phong cách Byzantine sau này và có từ năm 1200. Những cảnh ở hai bên có từ đầu thế kỷ IX vào thời Carolingian. Những điều này nối kết Thánh Ambrosiô và thành phố Milan với thánh Martinô và thành Tours ở Pháp. Cả hai vị Giám mục này là những người chống lại lạc giáo Arianisme.

Chúng tôi đi thăm thi hài của 3 vị Thánh phía sau cung thánh. Thánh Ambrôsiô,Thánh Gervasius và Thánh Protasius. Bộ xương của ngài được lồng kính với một lớp phủ bảo vệ và mặc phẩm phục Giám mục đầy đủ với mũ Giám mục màu trắng.

Những vị thánh chôn cùng với ngài là các vị tử đạo vào thế kỷ III được thánh Ambrosiô cải táng và đặt ở bàn thờ của Vương cung Thánh đường.

Phần mộ được xây cất vào cuối thế kỷ X như là một phần đại tu phần cuối phía đông của Vương cung Thánh đường. Một bình đựng di cốt lớn bằng bạc những thánh tích đó có niên hiệu năm 1897.

Ở phần cuối lối đi bên cánh phía nam là Sacello di San Vittore, là một Nhà nguyện mà nguồn gốc có trước Vương cung Thánh đường đầu tiên. Lúc đó nó vẫn còn là một nghĩa trang, đây một kiến trúc nhỏ được xây dựng để kính Thánh Victor, một vị tử đạo địa phương. Thánh Ambrosiô đã làm mới lại ngôi Nhà thờ có mộ thánh tử đạo và xây ngôi Vương cung Thánh đường ngay bên cạnh. Ngôi Nhà nguyện này đã được cải tạo một lần nữa vào năm 500.

Khi Vương cung Thánh đường được xây lại trên một bản thiết kế lớn hơn trong thế kỷ XI, thì ngôi Nhà nguyện có mộ thánh tử đạo trở thành một phần của Vương cung Thánh đường. Nó được bao phủ bởi những bức tranh khảm đá mạ vàng từ thế kỷ V, trong đó có bức chân dung của Thánh Ambrosiô. Bức chân dung này được thực hiện không lâu sau khi ngài qua đời vào năm 397, vì thế nó phản ánh diện mạo đương thời của ngài.

Rời Nhà thờ Thánh Ambrôsiô chúng tôi đến thăm Nhà thờ Santa Maria Delle Grazie, nơi có bức tranh Bữa Tiệc Ly gốc của Leonardo da Vinci.

7. NHÀ THỜ VÀ TU VIỆN DÒNG ĐAMINH MANG TÊN SANTA MARIA DELLE GRAZIE

Đây là Nhà thờ và là Tu viện Dòng Đaminh ở Milan đã được Unesco công nhận là di sản thế giới năm 1980. Tu viện này nổi tiếng vì có bức tranh tường Bữa Tiệc Ly do danh họa Leonado da Vinci vẽ trên tường của phòng ăn Tu viện.

Công tước Milan là Francessco I Sforza đã ra lệnh xây một Tu viện Dòng Đaminh và một ngôi Nhà thờ nơi đã có sẵn một nguyện đường nhỏ dâng kính Đức Mẹ Ban Ơn do kiến trúc sư Guiniforte Solari thiết kế. Tu viện được xây dựng hoàn tất 1469, còn ngôi nhà thờ phải kéo dài từ năm 1472 đến 1482 mới hoàn thành và được dâng kính Đức Mẹ Ban Ơn.

Bên trong Nhà thờ gồm có 3 gian dọc, gian chính ở giữa và 2 gian bên cạnh, chúng được ngăn với nhau bởi các cột bằng đá hoa cương. Các mũ cột theo phong cách Corinto.

Vị công tước sau này là Ludovico Sforza quyết định dùng Nhà thờ này làm nơi an táng các người thân trong gia đình của mình. Ông còn cho xây lại cung thánh và hành lang cánh ngang và phần vòm cung sau cung thánh vào năm 1492. Mái vòm Nhà thờ có đường kính 20m và cao 40m. Bà vợ của công tước này là Beatrice đã được chôn cất ở đây vào năm 1497.

Phần vòm cung sau cung thánh do kiến trúc sư Donato Bramate thực hiện vì ông đã từng sống tại Milan vào khoảng thời gian này. Ông là người đóng góp vào việc xây dựng Nhà thờ. Giữa năm 1886-1895 kỹ sư Luca Beltrami đã đại tu lại ngôi Nhà thờ này.

Đêm 15-08-1943, máy bay của không quân Hoa kỳ và Anh quốc đã ném bom trúng Nhà thờ và tu viện này nên phần lớn phòng ăn tập thể của tu viện đã bị phá hủy hủy nhưng may mắn còn sót lại vài bức tường trong đó có bức tường mang bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly của Leonado da Vinci nhờ được che chở bằng các bao cát.

Chúng tôi dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa đã ban bình an và mọi điều tốt đẹp qua những nơi hành hương trên đất Ý. Cha Lộc OP chủ tế và giảng lễ.

Sau cơm tối, chúng tôi ra Ga Milan đi tàu lửa để qua Paris.

(còn tiếp)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Các thánh tử đạo thăng hoa văn hóa Việt Nam: Tin Mừng Hóa Các Tinh Tuý Văn Hóa Việt Nam
Lm. Mai Đức Vinh
07:20 17/05/2013
TIN MỪNG HÓA CÁC TINH TÚY VĂN HÓA VIỆT NAM

Nhiều người than phiền và tự hỏi: Tại sao Giáo Hội lại thờ một cây Thập Giá, trên đó Đức Kitô chịu đóng đanh và chết treo, một cách khổ não chưa từng có trên đời, nom mà phát sợ? – Tôi xin trả lời: Thiên Chúa là tình yêu, Đức Kitô xuống trần gian là để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho loài người. Và vì thế, Kitô giáo là đạo tình yêu. Vì thế, cốt yếu của đời sống người Công Giáo là mến Chúa và yêu người.

Nhưng đâu là tột đỉnh của tình yêu? – Chính Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn kẻ hiến mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13). Đó là lý do Chúa Giêsu đã tự hạ mình chịu chết ô nhục trên Thập Giá. Và khi tôn kính Chúa Kitô tử nạn, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta về dấu chứng tình yêu của Chúa Giêsu: Vì yêu Chúa Cha, vì yêu nhân loại, Ngài đã chấp nhận cái chết đau thương và khổ nhục như vậy.

Từ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta nắm bắt được phần nào những ý nghĩa của cái chết mà các Thánh Tử Đạo tổ tiên chúng ta đã chấp nhận. Theo gương Chúa Giêsu chết trên thập giá, các thánh Tử Đạo chịu chết đau thương để tuyên chứng tình yêu chân thành, vừa dâng lên Thiên Chúa là Cha, vừa đổ xuống thấm nhuần đồng lúa truyền giáo của Giáo Hội, cách riêng đồng lúa truyền giáo tại Việt Nam. Nói cách khác, cái chết của các thánh Tử Đạo Việt Nam mang hai ý nghĩa thâm sâu: 1) Tử đạo là hiến mạng sống để tuyên chứng đức tin kiên vững vào Thiên Chúa tình yêu. – 2) Tử đạo là chết anh dũng để yêu thương đồng bào, của đất nước mình gắn bó và phục vụ, bằng cách đem Tin Mừng đốt sáng lên những giá trị tinh thần hay những tinh túy văn hóa của dân tộc Việt Nam, hầu làm lớn mạnh Giáo Hội tại Việt Nam.

Sau đây tôi xin gợi lên mấy điểm về ý nghĩa thứ hai qua câu hỏi: Các thánh Tử Đạo tiền nhân đã phúc âm hóa những tinh túy văn hóa của dân tộc Việt Nam như thế nào?

I. TINH TÚY VĂN HÓA VIỆT NAM

1. Khái niệm văn hóa:

Trước hết theo từ ngữ, văn hóa được hiểu như sau: ‘văn’ là ‘vẻ đẹp’, ‘giá trị’; ‘hóa’ là ‘trở nên’, ‘trở thành’. Vậy ‘văn hóa’ là ‘trở nên tốt đẹp’, ‘trở thành giá trị’. Từ ‘văn hóa’ mang nhiều ý nghĩa phong phú, tuỳ theo cái nhìn của mỗi người, tuỳ theo mức độ tiếp cận khác nhau của các chuyên ngành (1).

Giữa nhiều quan điểm khác nhau về văn hóa, ông Federico Mayor, tổng giám đốc UNESCO, cho biết: Cộng đồng quốc tế tại hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp năm 1970 tại Venise (Ý) đã nhất trí trên quan điểm: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động” (2).

2. Quan điểm của Công Đồng Vatican II.

Trong Hiến chế Mục Vụ ‘Giáo Hội trong thế giới ngày nay’, công đồng dành chương II của phần II, tức từ số 53-62 để nói về ‘Cổ võ và phát triển Văn Hóa’ (2). Công Đồng nêu bật những điểm:

• Từ ‘Văn Hóa’ chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác. Văn hóa mang nhiều sắc thái: văn hóa lịch sử, văn hóa xã hội, văn hóa chủng tộc (53).

• Thực trạng văn hóa hiện đại: Văn hóa được đổi mới và quốc tế hóa do ảnh hưởng khoa học gây nên (54). Đồng thời con người ý thức về quyền tự trị và về trách nhiệm trong lãnh vực văn hóa (55).

• Có nhiều xung đột giữa văn hóa mới và nếp sống cũ của các dân tộc, giữa các văn hóa ngày một phức tạp và việc dân chúng phải tham dự vào văn hóa, giữa quyền tự trị và đòi hỏi tôn giáo. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp văn hóa phải giúp con người phát triển về mọi phương diện (56).

• Những nguyên tắc để phát triển văn hóa: + Đức tin và văn hóa: Đức tin đòi chúng ta tự hoàn thiện hóa và phục vụ tha nhân, cổ võ việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Văn hóa giúp chúng ta thờ phượng Thiên Chúa và đón nhận đức tin. Tinh thần khoa học quá đáng có thể nguy hiểm cho đức tin, tuy nhiên không vì thế mà phủ nhận các giá trị của khoa học (57). + Phúc Âm và văn hóa: Chúa đã dùng văn hóa Do Thái để tỏ mình ra. Giáo Hội đã dùng các nền văn hóa khác nhau để phổ biến Tin Mừng. Và khi tiếp xúc với các nền văn hóa, Giáo Hội canh tân và tinh luyện mỗi văn hóa cũng như canh tân và tinh luyện chính Giáo Hội (58). + Điều kiện giúp cho văn hóa phát triển: cần biết chiêm ngưỡng và phán đoán - cần có quyền tự do văn hóa - cần có quyền tự do nghiên cứu, suy tư, phát biểu và thông tri. - cần có sự yểm trợ chính đáng của chính quyền (59).

• Nhiệm vụ của Kitô hữu: Mọi người phải được hưởng thụ văn hóa, đi vào các Trường Cao Đẳng. Mỗi người có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người khác, đặc biệt cho nữ giới đồng hưởng thụ văn hóa (60).

• Giáo dục văn hóa nhất thiết phải đề cao nhân vị, bảo vệ đời sống gia đình, xử dụng phương tiện truyền thông xã hội, tìm hiểu ý nghĩa chính xác của văn hóa (61).

• Vai trò của Giáo Hội: dấn thân hết mình vào công trình phát triển và tinh luyện văn hóa, đồng thời bảo toàn tinh thần Kitô giáo. Giáo Hội thận trọng trong những cách ứng xử với các nhà thần học, nghệ sĩ, văn chương, mỹ thuật… để điều hòa văn hóa với giáo lý (62) (3)

3. Tiến trình và thành tố của Văn Hóa Việt Nam.

Việt Nam là nước có nền Văn Hóa. ‘Nền văn hóa Việt Nam trải qua một tiến trình lâu dài với 6 giai đoạn: văn hóa thời tiền sử, văn hóa Văn Lang-Âu Lạc, văn hóa thời chống bắc thuộc, văn hóa Đại Việt, văn hóa Đại Nam và văn hóa hiện đại. Sáu giai đoạn này tạo thành ba lớp chồng chất lên nhau: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với Tây phương. Mỗi lớp văn hóa còn ứng với một thời kỳ phát triển khác nhau của văn tự Việt Nam’ (4).

Như mọi nền văn hóa trên thế giới, nền văn hóa Việt Nam được cấu trúc bởi 4 thành tố văn hóa cơ bản: văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội (5).

Có văn hóa là có tín ngưỡng và tôn giáo. Tôn giáo là bộ phận không thể thiếu trong nền văn hóa của một dân tộc. Không ai phủ nhận ảnh hưởng to lớn của tôn giáo trên nền văn hóa Việt Nam từ xưa tới nay. Vì thế, là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta có thể nói: Hạt giống Tin Mừng được gieo vào nền văn hóa Việt Nam với những tiến trình lâu dài, nối tiếp nhau, bén rễ và góp phần vào những thành tố cấu trúc của nền văn hóa Việt Nam. Chính các thánh Tử Đạo đã được sinh ra, lớn lên, giáo dục và góp phần đổi mới những tinh túy của nền văn hóa Việt Nam theo tinh thần Phúc Âm và giáo huấn của Giáo Hội.

4. Giáo Hội dạy phải tôn trọng văn hóa của Việt Nam.

Trong số 58 của hiến chế Mục Vụ, Giáo Hội dạy: “Cho dù không bị ràng buộc vào một nền văn hóa nào hay một lối sống tập tục nào, Giáo Hội luôn trung thành với truyền thống và ý thức về sứ mệnh phổ quát của mình nên Giáo Hội hòa mình với nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa đều được phong phú hơn”. Điều mà Công Đồng Vatican II nhắc đến trên đây, thì 400 năm về trước, chính Giáo Hội đã thi hành, khi ban chỉ thị cho hai vị Đại Diện Tông Tòa đầu tiên (1659) được gửi tới Việt Nam, Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Giáo Hội dặn dò: “Dù nhiệt tâm truyền giáo, quý ngài không được viện lý do nào khuất phục dân bản xứ phải thay đổi nghi lễ, phong tục và tập quán của họ, trừ những điều trái với tôn giáo và luân lý cách hiển nhiên… Quý ngài phải bảo tồn và che chở các nghi lễ và phong tục của bản xứ. Có thể nói, quý ngài phải khích lệ mọi người quý chuộng và yêu mến, phải cho cả thế giới biết những truyền thống tốt đẹp của bản xứ… Quý ngài phải mau mắn làm quen với phong tục bản xứ. Hãy thán phục và khen ngợi những cái gì đáng thán phục và khen ngợi” (6).

Là những người con ưu tú của Giáo Hội, các thánh Tử Đạo đã một trật sống trung thành với những gì là tốt lành của nền văn hóa quê hương và trung thành với giáo lý Phúc Âm, với tinh thần của Giáo Hội. Đây chính là nội dung của bài viết: là người Công Giáo Việt Nam, các thánh Tử Đạo đã đổi mới và tinh luyện văn hóa quê hương bằng chính nếp sống và mạng sống, bằng chính những giá trị Tin Mừng và những đòi hỏi của Đức Tin. Nói khác, các thánh Tử Đạo đã ‘Tin Mừng hóa các tinh túy của nền Văn Hóa Việt Nam’.

5. Tinh tuý của nền văn hóa Việt Nam.

Khuôn khổ bài viết không cho chúng ta trình bày hết mọi khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam. Vì thế, chúng ta cũng không thể nêu lên và đề cập đến hết mọi tinh tuý của nền văn hóa Quê Hương. Chúng ta hạn chế bài viết vào hai ‘tinh tuý’ cơ bản sau đây:

• Tinh tuý của nền văn hóa Việt Nam là ‘Đạo Cổ Truyền’: ‘thờ Trời’, ‘tôn kính tổ tiên’ và ‘linh hồn bất tử’.

• Tinh tuý của nền văn hóa Việt Nam là luân lý ‘ngũ thường’: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’.

II. TIN MỪNG HÓA ĐẠO CỔ TRUYỀN

Nói về đạo cổ truyền của Việt Nam, chúng ta dựa vào những truyền kỳ đời trước mà ước đoán rằng: tổ tiên Việt Nam ở thời thượng cổ đã theo tôn giáo đa thần, tin rằng mọi hiện tượng và quyền lực thiên nhiên trong vũ trụ, như trời đất, mưa gió, sông núi… đều có thần linh bá chủ. Tổ tiên ta cũng tin linh hồn bất tử và vẫn liên hệ với người còn sống trong gia đình. Đây là nguồn gốc tự nhiên của đạo thờ cúng ông bà. Về sau, những tín ngưỡng truyền thống này chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng của Trung Hoa.

Ba tôn giáo từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam là Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo. Ba tôn giáo này không những ảnh hưởng lẫn nhau cách mật thiết, còn dung hòa với những tín ngưỡng cổ truyền của Việt Nam. Những ảnh hưởng và những hình thức dung hòa thật phức tạp, đến độ nhiều điểm không thể phân biệt và nhận ra là thuộc về tôn giáo nào (7). Vào thế kỷ XVI (1533), khi Tin Mừng được bén rễ ở Việt Nam, thì tinh tuý chính yếu của tôn giáo cổ truyền ở Việt Nam là thờ Trời, tôn kính Tổ Tiên và tin Linh Hồn bất tử (8). Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu xem các thánh Tử Đạo Việt Nam đã Tin Mừng Hóa thế nào ba tinh tuý của đạo cổ truyền vừa nêu lên.

A. THỜ TRỜI

1. Theo văn hóa Việt Nam

Không riêng Việt Nam, các nước nông nghiệp vùng Đông Nam Á đều thờ Trời. Hầu hết các gia đình Việt Nam xưa đều có bàn thờ Trời. Về sau với đền Nam Giao, niềm tin vào Trời trở thành như ‘một tôn giáo quốc gia’. Trong văn hóa Việt Nam lòng tin tưởng vào Trời của dân gian được bày tỏ thật phong phú. Đọc ca dao tục ngữ, chúng ta thấy rõ, người Việt Nam tin: Trời dựng nên mọi sự, ‘gẫm suy mọi sự bởi trời’, - Trời lo cho mọi loài, ‘Trời sinh voi Trời sinh cỏ’, - Trời điều khiển vũ trụ và muôn loài, ‘Trời nắng cho lúa chín vàng’, ‘Trời cho hơn lo làm’, - Trời là Đấng Chí Công, ‘Tránh Trời không khỏi nắng’, - Trời nhân từ hay thương xót, ‘Trời đánh còn tránh bữa ăn’, ‘Khi nên trời giúp công cho’. Ngoài ra chúng ta còn đọc được những truyện cổ tích hay truyện lịch sử như chuyện An Tiêm, Thần sông Như Nguyệt, Đồng Tử và công chúa Tiên Dung… chứng tỏ lòng tin của dân Việt Nam vào Trời.

2. Tin Mừng hóa đạo thờ Trời

Trước khi là người Công Giáo, các thánh Tử Đạo đã là công dân Việt Nam, cùng chung niềm tin vào Trời với đồng bào của mình theo đạo cổ truyền. Niềm tin này càng mạnh hơn kể từ khi vào đạo Thiên Chúa. Lúc đó các ngài không chỉ tin vào Trời là Thiên Chúa ‘dựng nên mọi loài’ và ‘lo cho muôn vật’, nhưng còn tuyên xưng chỉ mình Thiên Chúa cao cả nhất, cao hơn đức Phật, cao hơn vua chúa, chỉ mình ngài có quyền tuyệt đối trên mọi quyền bính của vua quan. Do đó, là công dân, các ngài trung thành với vua nhưng trung thành với Thiên Chúa trên hết, vâng lời vua quan nhưng chỉ trong những điều phù hợp lương tâm, lẽ phải, vì luật của Thiên Chúa trọng hơn lệnh của vua quan. Đây chính là những điểm đạo lý các thánh Tử Đạo vừa cương quyết sống và tuyên chứng, vừa muốn đổi mới và tinh luyện đạo cổ truyền của dân tộc. Nói khác, các ngài đã Tin Mừng hóa đạo thờ Trời, vốn được coi là tinh túy cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Chúng ta nêu lên mấy trường hợp cụ thể làm tiêu biểu:

• Thiên Chúa là trên hết và đạo của Ngài là chân thật: Ông Phaxicô Kam (1723) đã tuyên xưng trước tòa án: “Chỉ mình Thiên Chúa là cao cả, chỉ luật của Thiên Chúa là chí thánh và đạo của Ngài là đạo thật. Tôi tin Thiên Chúa, tôi mến Thiên Chúa, tôi sẵn sàng đổ máu để tuyên xưng đạo Chúa trổi vượt trên các đạo khác” (DMAH 1tr.154) (9).

• Vâng lời và trung tín với vua chúa, nhưng trên hết là vâng theo đạo Thiên Chúa và trung tín với Thiên Chúa đến chết: Năm 1664, kỵ binh Phêrô Đang đã thưa với chúa Hiền Vương: ‘Tâu chúa thượng, hạ thần là công dân số một, là bề tôi trung tín của chúa thượng, nhưng trên hết, hạ thần là tôi trung của Chúa Trời Đất’. Ông Phêrô Đang đã chết vì đạo ngày 22.6.1664, lúc 40 tuổi (DMAH i, tr. 55). Năm 1861, khi quan tòa nói ‘Này Khang, đừng coi thường quốc gia và coi khinh đức vua!’, thày giảng Giuse Nguyễn Duy Khang đã khẳng định với quan tòa: ‘Tôi kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trước hết tôi yêu đức Chúa Trời và trọng lề luật của Ngài’ (DMAH 3, tr.283).

• Trung tín với Thiên Chúa cách trọn vẹn: Khi quan án khuyên dụ quan đội Phaolô Tống Viết Bường: ‘Này đội Bường, hãy theo thời mà sống. Bây giờ vua đang cơn thịnh nộ, thì hãy tạm bỏ đạo cho đẹp lòng vua và lấy lại cấp bậc rồi sau sẽ hay, chứ cứng cỏi mà làm gì’. Ông Phaolô Tống Viết Bường thưa: ‘Tôi cám ơn lòng tốt của quan lớn, nhưng xin để tôi trọn niềm trung tín với Thiên Chúa của tôi’ (DMAH 2, tr. 63)

B. THỜ KÍNH TỔ TIÊN

1. Trong văn hóa Việt Nam

Sau ‘thờ Trời’, ‘Thờ kính Tổ Tiên’ là điểm cốt lõi thứ hai của đạo cổ truyền. Theo ông Toan Ánh, ‘dân Việt Nam thờ cúng tổ tiên, nhưng việc thờ cúng tổ tiên không kể được là một tôn giáo. Đây chỉ là một hành động để chứng tỏ lòng hiếu thảo của con cháu’. Dân Việt Nam vốn rất trọng ‘lễ’, và trong ‘lễ’ có ân nghĩa. Vì thế, người ta ý thức rằng: ‘tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, và đã hiếu với cha mẹ, tất phải hiếu với ông bà, tổ tiên tức là nguồn gốc của mình’ (10). Quả thật, dân Việt Nam coi thờ kính tổ tiên là quan trọng, trọng hơn cả việc xuất gia đi tu ‘Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu’. Ông Đồ Chiểu đã cảnh báo nghiêm khắc những người không thờ cha kính mẹ, ‘Dầu đui mà giữ đạo nhà, con hơn sáng mắt mẹ cha không thờ’. Thờ Tổ Tiên là trở về nguồn gốc của gia tộc mình, vì ‘con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn’. Ca dao tục ngữ cũng như nhiều chuyện cổ tích chỉ dạy chúng ta nhiều cách thế thực hiện việc thờ cúng Tổ Tiên. Vì tin rằng ‘việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được’. Nên trong nhà phải có bàn thờ, và mỗi tuần tiết, hoặc ngày kỵ, đều làm lễ gia tiên, hoặc mùa có của mới, gạo mới, hoặc khi có việc hiếu hỷ… đều là dịp tốt tổ chức lễ cúng gia tiên. Hôm lễ, chủ nhà phải ‘Cung cúc bái trước bàn thờ, kính dâng lễ bạc, hương hoa, rượu trầu. Cùng là phẩm vật trước sau, lòng thành tâm nguyện, thỉnh cầu gia tiên…’ (11). Thật đẹp và ý nghĩa.

2. Tin Mừng hóa đạo thờ kính Tổ Tiên.

Hơn ai hết, các thánh Tử Đạo là những người thấm nhuần tinh thần đạo hiếu của dân tộc. Đọc tích truyện của mỗi vị chúng ta đều thấy nổi bật điểm son này. Không phải bây giờ chúng ta mới biện minh, nhưng ngay trong đời sống của mỗi vị Tử Đạo, các ngài đã làm chứng: ‘sống đạo Thiên Chúa không phải là bỏ cha bỏ mẹ, không phải là bất hiếu với tổ tiên, không phải là quên lãng cội nguồn’, như nhiều người đã vội vã hiểu lầm hay đã xấu miệng vu oan. Lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên là một tình yêu tự nhiên ông Trời đã phú bẩm cho con người. Tình yêu này trở nên mạnh mẽ và đòi buộc hơn đối với những ai tin nhận ‘Thiên Chúa là tình yêu và học biết ‘điều răn thứ bốn Ngài truyền dạy con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, người thụ ơn phải biết ơn người làm ơn cho mình và kẻ dưới phải kính trọng đấng bề trên’ (12). Đức hiếu thảo đã ăn vào xương tủy của các ngài, và một khi hiểu giáo lý của Đạo Chúa, đức hiếu thảo hay tinh thần thờ kính tổ tiên của dân tộc đang ở ‘bậc tự nhiên’ lại được đổi mới, tinh luyện, nâng cao và siêu nhiên hóa: Thiên Chúa là nguồn gốc mọi tình phụ tử (Ep 3,15), hiếu thảo với cha mẹ là ‘vâng lời Chúa’ (Hc 3,6), là ‘làm đẹp lòng Chúa’ (Cl 3,20). Đạo Công Giáo xén bỏ những điều không phù hợp với Giáo Lý với Niềm Tin, nhưng vẫn dạy giáo dân sống trung thành với những điều căn bản của luân lý cổ truyền về lòng hiếu thảo đối với tổ tiên. Chúng tôi đã đề cập đến những điểm này ở bài ‘Tôn kính Tổ Tiên’ đăng trong cuốn ‘Văn Hóa và Đức Tin’: cách thức thể hiện bề ngoài khác nhau, nhưng việc tôn kính tổ tiên của những người Kitô giáo sâu xa, đậm tình, và siêu nhiên (13). Công trình Phúc Âm hóa lòng hiếu thảo hay việc tôn kính tổ tiên trong văn hóa Việt Nam của các thánh Tử Đạo là như vậy. Các ngài đã lấy cái chết để đốt sáng lên nền đạo hiếu của người Việt Nam Công Giáo. Sau đây là ba lời chứng sống động:

• Càng hiếu thảo, tình thương mẹ con càng thắm thiết: Được bà mẹ già giả dạng hành khất vào tù thăm con, linh mục Tomas Đinh Viết Dụ vô cùng cảm động ‘tình thương mẹ con’. Ngài đã thưa với mẹ: ‘Mẹ ơi, từ tấm cám con vẫn hiếu thảo nhớ ơn mẹ... Nhưng giờ đây, xin mẹ đừng lo, tuy con yếu sức phần xác, con vẫn chịu đựng được nhờ Chúa Giêsu nâng đỡ. Thương con, xin mẹ cầu nguyện cho con’ (DMAH 2, tr.332).

• Còn hiếu thảo nào bằng?: Năm 1838 ông Micae Lý Mỹ cùng bị bắt với bố vợ là ông trùm Antôn Đích. Nhiều lần bị đánh đòn, ông Micae Lý Mỹ đã xin quan chịu đòn thế cho bố vợ, vì ông tuổi già sức yếu. Quan chấp nhận… Nhìn con rể bị đánh đòn dữ dằn, ông trùm Antôn Đích đã kêu lên: ‘Ôi con, các quan đánh con dữ thế này, thì con chết mất! Liệu con còn sống đến ngày được chết vì đạo không?’ (DMAH 2, tr. 201).

• Không thờ cúng, nhưng hằng ngày cầu nguyện cho tổ tiên: Khi quan tuần bĩu môi nói ‘đạo Công Giáo bất kính tổ tiên, đó là tội nặng’, linh mục Laurensô Nguyễn văn Hưởng trả lời thẳng thắn: ‘Thưa quan tuần, nói rằng bên đạo chúng tôi không thờ kính cha mẹ là điều vu khống và bỏ vạ. Người lương lấy cơm, cá thịt, trái cây mà cúng ông bà cha mẹ đã qua đời, còn chúng tôi không dùng những thức ăn mà cúng, vì ông bà cha mẹ đã chết rồi, thì không ai ăn được nữa. Nhưng chúng tôi nhớ đến ông bà cha mẹ sáng tối. Hằng ngày cầu xin cho các ngài được hạnh phúc trên thiên đàng. Hơn nữa, chúng tôi tuân giữ các lời ông bà cha mẹ răn dạy hầu giữ luật luân lý và làm vinh danh cho các ngài’ (DMAH 3, 114).

C. LINH HỒN BẤT TỬ

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Đức quốc trưởng Bảo Đại viết: “Đối với dân chúng Việt Nam cũng như đối với vua, Trời là bậc chí tôn, độc nhất vô nhị, không hình hài. Người ta khấn vái, nguyện cầu, vì tất cả đều nằm trong tay Ngài. Ngài là Đấng Tạo Hóa bất diệt và thuần nhất. Tín ngưỡng dân gian coi linh hồn là bất tử” (14). Ông Toan Ánh cũng viết: “Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là hết. Thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt” (15). Gần đây, ông Phan Thiết khẳng định thêm: “Một khía cạnh nổi bật trong đời sống tinh thần của dân tộc là người ta tin vào linh hồn hằng sống” (16). Thực tế hơn, người Việt Nam tin tưởng linh hồn của người quá cố vẫn liên hệ mật thiết với gia đình, đến độ cha L. Cadière quả quyết ‘gia đình theo nghĩa rộng không phải chỉ gồm người còn sống mà cả người chết nữa… Tóm lại, đối với đại đa số người dân Việt Nam, ông bà vẫn tiếp tục là thành phần, sống gần gũi với gia đình’. Rồi nếu ông Đào Duy Anh cho ‘việc tin có linh hồn bất diệt là gốc rễ tôn giáo ở Việt Nam’, thì cha L. Cadière lại nói thêm ‘linh hồn bất tử là đối tượng của đạo thờ cúng tổ tiên, và là yếu tố làm cho liên hệ giữa linh hồn người quá cố với gia đình tại thế thêm kiên vững và trường cửu’ (17). Chính vì mối liên hệ mật thiết này mà việc cúng kỵ, cúng giỗ ông bà cha mẹ rất quan trọng trong gia đình Việt Nam, như nhận định của cha Đắc Lộ: ‘Trên trái đất này có lẽ không một dân tộc nào chu toàn bổn phận tôn kính hồn xác người quá cố hơn người dân vương quốc Annam’ (18). Ngay như Phật Giáo, tuy tin nhận thuyết luân hồi, nhưng, để hội nhập với đạo cổ truyền, hầu như mọi chùa đều để bát nhang, bia hậu cho các linh hồn của người đã khuất, và chuyên cần nhắc nhở tín đồ giữ việc cúng giỗ.

2. Tin Mừng hóa niềm tin Linh Hồn bất tử.

Chung một xác tín với đồng bào mình ‘xác là thể phách hồn là tinh anh’, các thánh Tử Đạo đã đổi mới, tinh luyện và Tin Mừng hóa niềm tin linh hồn bất tử về ba khía cạnh cơ bản: Ai dựng nên linh hồn? Bản tính của linh hồn là gì? Ra khỏi xác con người, linh hồn đi về đâu? Các ngài tuyên chứng ‘linh hồn là do Thiên Chúa dựng nên’, ‘Bản tính của linh hồn hình ảnh linh thiêng của Thiên Chúa’. ‘Chết rồi, linh hồn được Chúa Giêsu phán xét, rồi tuỳ theo việc lành dữ đã làm khi còn sống ở đời này mà lên thiên đàng, xuống hỏa ngục hay vào luyện ngục’ (19). Chúng ta hãy nghe những lời tuyên chứng tiêu biểu của tập thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

• Linh hồn và thân xác con người đều do Chúa dựng nên: Ông Augustinô đã khẳng định với chúa Thượng Vương: “Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ. Ngài dựng nên cả thân xác và linh hồn của mỗi người chúng ta…” (DMAH 1, tr.40)

• Linh hồn là ‘quý trọng lắm’ không thể để mất: Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh thưa với quan án: “Bẩm quan lớn… Xác tôi hèn, xin quan lớn hành hạ mặc sức, còn linh hồn tôi quý trọng lắm, tôi không thể làm mất linh hồn cho vừa lòng hoàng đế được” (DMAH 3, tr.141)

• Sợ phán xét và sợ hỏa ngục: Thầy giảng Anrê Phú Yên nói với dân chúng đến xem Thầy bị xử trảm: “Quý ông bà thấy rõ… Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta bắt tôi phải chịu. Tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời… Xin anh chị em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời ban, phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời” (DMAH 1, tr.31).

• Linh hồn bay lên trời: Khi tổng đốc Trịnh Quang Khanh hỏi ông Martinô Thọ: “Nhà ngươi ước ao về trời lắm hả?”. Ông Thọ thưa “Dạ, thưa quan tổng đốc, khi nào quan thương cho tôi một lát gươm, bấy giờ linh hồn tôi sẽ bay thẳng về trời’ (DMAH 2, tr. 478).

• Mục đích việc truyền giáo là ‘cứu rỗi các linh hồn’: Năm 1736, cha Cratz đã nhân danh hai thày giảng và ba cha dòng Tên khác, nói với giáo dân trước khi ra pháp trường: “Anh chị em thân mến, chúng tôi sắp đổ máu mình ra làm chứng cho đức tin… Chúng tôi sửa soạn lên trời. Ở đó, chúng tôi biết sẽ cứu rỗi linh hồn anh chị em nhiều hơn, điều mà dưới thế gian này chúng tôi không làm được. Ở trên trời chúng tôi yêu mến anh chị em nhiều hơn” (DMAH 1, tr.164). Cũng năm đó cha Tế đã nói rõ với quan thẩm vấn: ‘Tôi giảng đạo với mục đích cứu rỗi các linh hồn’ (DMAH 1 168).

Thật hãnh diện khi chúng ta tìm đọc những sử liệu ghi lại đời sống và những lời chứng của các thánh Tử Đạo Tiền Nhân. Cái chết của mỗi vị nặng trĩu ý nghĩa thần học, truyền giáo và văn hóa. Máu các ngài đổ ra không chỉ ‘làm nẩy sinh các tín hữu’ mà còn ‘đổi mới và tinh luyện những tinh tuý đạo giáo của dân tộc, tinh tuý văn hóa của quê hương’. Đây là một sự thật cần đào sâu mà chiêm ngưỡng và bắt chước. Tiếp theo những phác họa về công nghiệp Tin Mừng hóa những cốt lõi của đạo cổ truyền, chúng ta sẽ tiếp tục đề cập đến công trình Tin Mừng hóa những nguyên tắc luân lý Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của các Thánh Tử Đạo Tiền bối.

III. TIN MỪNG HÓA LUÂN LÝ NGŨ THƯỜNG.

Ngay từ đầu công nguyên, Nho giáo đã du nhập vào Việt Nam nhờ các ‘quan thừa sai’ Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp. Dần dần Nho Giáo đã tạo được một giới trí thức quan lại có ảnh hưởng nhiều trong xã hội Việt Nam với nhiều nhà Nho xuất sắc như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Về đạo truyền thống, Nho giáo đề cao ‘ông Trời tối thượng và linh hồn bất tử’, do đó cần phải sống theo mệnh trời và kính hiếu tổ tiên; Về mặt luân lý truyền thống, Nho giáo chủ trương giáo dục con người sống cho đúng ngũ thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Sống đầy đủ năm nhân đức luân lý cơ bản này, là đã chu toàn tam cương tức là những tương quan giữa quân - thần, phụ - tử, phu - phụ, cũng như các nhân đức luân lý khác: hiếu, đễ, trung, thứ…

Vì thế, trong phần này, chúng ta tìm hiểu xem các thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống và đã Tin Mừng hóa những nhân đức luân lý truyền thống ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’ như thế nào. Vì đây cũng là những tinh tuý của nền văn hóa quê hương của chúng ta.

A. ĐỨC ‘NHÂN’

1. Trong văn hóa Việt Nam

Trong tiếng Việt Nam, đức Nhân có nghĩa là nhân ái, nhân hậu, nhân từ, nhân hòa, nhân nghĩa, nhân nhượng, nhân huynh, nhân dũng, bác ái, thương người (20). Tất cả những từ trên đây đều chỉ chung một ý nghĩa: ‘tình thương của con người dành cho nhau’. Giữa người với người không gì quý trọng bằng đức nhân. Vì thế ông bà dạy: ‘Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo’ hay ‘Ai ơi giữ lấy đạo hiền, trồng cây lấy quả dạy người lấy nhân’, hoặc như Mạnh Tử bảo ‘Nghĩa nhân là ngọn đuốc soi đường cho thiên hạ’. Vậy,

• Người có đức ‘nhân’ là người có tình thương bao quát hết mọi người: ‘Tứ hải giai huynh đệ’, ‘Anh em bốn bể một nhà’.

• Người có đức ‘nhân’ là người biết trọng nghĩa ‘đồng bào’, ‘đồng chủng’, ‘đồng quê hương’, để ‘nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng’ hay ‘bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’.

• Người có đức ‘nhân’ sẽ sống tốt tình gia đình: Vì ‘Tình gia đình, nghĩa gia tộc’, ‘chữ ‘hiếu’ chữ ‘trung’ là cha với mẹ, chữ ‘nhân’ chữ ‘nghĩa’ là vợ với chồng’. ‘Đứt tay một chút đã đau, huống chi nhân nghĩa lìa nhau sao đành’. Vì ‘anh em như thủ túc’, nên ‘một nhịn chín lành’.

• Người có đức ‘nhân’ là người có đức tha thứ cao cả: ‘Yêu nhau vạn sự chẳng nề, Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng’, ‘lấy tình yêu xóa hận thù’, hay như ông Nguyễn Trãi nhắn nhủ: ‘Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo’.

• Người có đức ‘nhân’ thì bao dung những người thua kém mình, kính trọng người cao niên, nâng đỡ người đau yếu hoạn nạn như ông Nguyễn Trãi dạy trong tập ‘Giáo Huấn Ca’:

Thương người tất tả ngược xuôi,

Thương người lỡ bước thương người bơ vơ,

Thương người ôm dắt trẻ thơ,

Thương người tuổi tác, già nua bần hàn,

Thương người cô quả cô đơn,

Thương người đói rách lầm than kêu đường

• Người có đức ‘nhân’ là người được trời phù hộ, thưởng ân. Vì ‘trời nào phụ kẻ có nhân’

2. Tin Mừng hóa đức ‘Nhân’.

Tuy chỉ nêu lên một cách vắn tắt, chúng ta đã làm nổi bật đức ‘nhân’, một nhân đức luân lý cơ bản, một tinh tuý tuyệt vời của văn hóa Việt Nam. Tinh tuý văn hóa này đã thấm vào xương tuỷ của các thánh Tử Đạo ngay từ lúc đầu thai trong lòng mẹ, nhân đức luân lý này đã được hun đúc và thực thi trong suốt cuộc sống của các ngài, những công dân Việt Nam gương mẫu. Cả tinh tuý văn hóa và cả nhân đức luân lý này lại được tăng cường trọn vẹn hơn nữa nơi các thánh Tử Đạo từ khi các ngài trở nên con cái của ‘Thiên Chúa Tình Yêu’ (1Ga 4, 8), được học biết giới luật ‘mến Chúa yêu người’ (Mc 12, 28-34), và thắm nhuần lời Đức Kitô ‘không tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống cho người mình yêu’ (Ga 15,13). Trong thực hành, các thánh xác tín rằng ‘đức nhân’ hay ‘đức ái’ là cao trọng, cần thiết và mang giá trị vĩnh cửu. Từ đó, các ngài tránh những điều không phù hợp với đức ‘nhân’ và cố sống vững chắc những đòi hỏi của đức ‘nhân’ theo giáo huấn của thánh Phaolô:

• Người sống đức ‘nhân’ là người không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác…

• Người có đức ‘nhân’ thì nhẫn nhục, hiền hậu, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, chỉ vui khi thấy điều chân thật… (1Cr 13,1-13)

Không thể trưng dẫn hết được, chúng ta chỉ nêu lên mấy trường hợp tiêu biểu về đức ‘nhân’ của các thánh Tử Đạo:

• Trọng sự thật: Khi quan án Nguyễn Khắc Trạch bảo linh mục Phêrô Khanh: “Ông cứ khai là thầy thuốc thì ông sẽ được tha”. Cha Khanh trả lời: “Bẩm quan lớn, quan lớn nói không đúng, tôi là đạo trưởng chứ không phải thầy thuốc. Tôi đã khuyên giáo dân trọng sự thật, thì chính tôi phải nói sự thật. Là đạo trưởng mà lại khai là thầy thuốc, như vậy tôi nói dối tỏ tường. Quan có lòng thương mà tha thì tôi đội ơn, nhưng thà tôi bị chém đầu vì nói sự thật thì quý hơn là tôi được tha vì nói dối trá” (DMAH 3, tr.34).

• Hoàn toàn tin tưởng và phó thác: Được biết án sẽ phải đi đày, ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu thưa với cha Đoan: “Thưa cha, xin cha cầu nguyện cho con thêm tin tưởng và phó thác con đang cần. Con sắp sửa được lên đường đi lưu đày. Con phó dâng tất cả trong tay Chúa nhân lành. Con sẵn sàng dâng hy sinh lớn nhất là gia đình, vợ con cho Chúa. Chính Chúa sẽ lo liệu” (DMAH 3,tr.94).

• Cầu nguyện cho chính quyền: Một hôm quan án hỏi cha Theophane Ven (Vénard): “Cha có thù ghét người giết cha không?”. Cha trả lời: “Chắc chắn là không, vì đạo Công Giáo dạy chúng tôi phải yêu thương và cầu nguyện cho những người ghét bỏ mình” (DMAH 3 tr.247). Trước khi chịu chém, cha Laurensô khuyên giáo dân lời cuối cùng: “Dù bị hành hạ như thế nào, anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho chính quyền…” (DMAH 3, tr.117)

• Vui với người vui và sống vô vị lợi: Khi đi đày vào Phú Yên, thày Tịnh (tức Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh) thấy quan ngự sử Nguyễn Đình Tân bị đau mắt nặng, thầy đã cắt thuốc cho quan uống và quan khỏi bệnh. Quan vui mừng đem 10 lạng bạc, 2 vòng tay bạc và chè thơm đến tạ ơn. Thày Tịnh nói: “Bẩm quan lớn, chúng tôi thấy quan lớn khỏi bệnh, chúng tôi mừng lắm, song chúng tôi làm thuốc không lấy tiền. Chúng tôi chỉ nhận gói chè để quan lớn vui lòng…” (DMAH 3,tr.135).

• Chấp nhận và tha thứ, không thù hằn: Theo lời chứng của ông Phêrô Tam, ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng rất bình tĩnh khi bị bắt. Ông còn xin gia đình đừng bỏ tiền chuộc ông về và đừng báo thù những người đã tố cáo và dẫn đường cho quan đưa lính đến bắt ông. Và đây chính lời ông trối lại cho các con trước ngày bị xử trảm: “Các con phải trung thành giữ đạo, hãy noi gương cha của các con đây. Các con đừng thù oán những kẻ tố giác cha…” DMAH 3, tr.216-217).

• Gương bác ái: Ông Matthêu Nguyễn Văn Đắc nổi tiếng là con người bác ái. Ngay trong tù, ông nhường cơm cho người khác, chỉ ăn rau cỏ hái được chung quanh nhà tù. Ông mặc quần áo rách, và nhường quần áo lành cho các bạn tù (DMAH 3, tr. 270)

• Nguyện ước của cha Thoma Khuông: “Bẩm các quan, nguyện ước của tôi là: không than trách ai, sẵn sàng chịu chết ngàn lần vì đạo thánh, vì vinh danh Thiên Chúa… và để góp phần cứu rỗi nhân loại” (DMAH 3, tr. 224).

B. ĐỨC ‘NGHĨA’

1. Trong văn hoá Việt Nam.

‘Nghĩa’ là lẽ phải, là tâm tình làm khuôn phép cho cách xử thế, đặc biệt với người thân thuộc, với người thi ân, với bằng hữu... Vì thế, người ta nói đến: ‘Ân nghĩa’, ‘lễ nghĩa’, ‘tình nghĩa’, ‘nghĩa hiệp’, ‘nghĩa đệ’, ‘nghĩa dũng’.

Người có đức ‘Nghĩa’ là người ý thức được thế nào là ‘Ân sâu nghĩa nặng’, ‘Ân thâm nghĩa trọng’, ‘Khinh tài trọng nghĩa’, ‘Khinh tài hiếu nghĩa’, ‘Tình thâm nghĩa nặng’, ‘Nghĩa tử nghĩa tận’, ‘Ơn trả nghĩa đền’, ‘Đường mòn, nhân nghĩa không mòn’.

Người không có đức ‘nghĩa’ là người ‘bội nghĩa vong ân’, ‘giả nhân giả nghĩa’, ‘vô nhân bạc nghĩa’, ‘đa hành bất nghĩa tất tự tệ’.

Chúng ta còn có nhiều câu phương ngôn: ‘Anh ơi biết nói làm sao, bể sâu là nghĩa, núi cao là tình’, ‘người dưng có nghĩa thì đãi người dưng, anh em vô nghĩa thì đừng anh em’, ‘Nghĩa nặng tình sâu chớ quên, Ghi lòng tạc dạ quyết đền nghĩa ân’.

Tất cả những thuật từ, cụm từ hay phương ngôn trên đây đều quy về đối tượng chính yếu của đức ‘Nghĩa’ là lòng biết ơn, là cách sống làm sao cho ‘đúng lẽ phải’ đối với người làm ơn cho mình: cha mẹ, cô thầy, bạn bè… Người không sống đức ‘nghĩa’ là người vô ơn.

• Sống đức ‘nghĩa’ đối với cha mẹ là sống đức hiếu thảo’, là ý thức sâu đậm rằng ‘công cha như núi thái sơn, công mẹ như nước trong nguồn chảy ra’ và ‘thờ cha mẹ ở hết lòng, ấy là chữ hiếu, dạy trong luân thường’.

• Sống đức ‘nghĩa’ với anh chị em trong nhà là nhìn nhận ‘Anh em đâu phải người dưng, cùng chung bố mẹ, cùng chung một nhà’, và cố gắng ‘yêu nhau như thể tay chân, anh em hòa thuận song thân thỏa lòng’, cho nên “ai ơi chữ ‘đễ’ là ‘nhường’, nhường anh nhường chị như nhường người trên”.

• Sống đức ‘nghĩa’ đối với thầy cô là hiểu rõ lời ông bà thường nhắn nhủ ‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’, ‘không thày đố mày làm nên’, ‘tôn sư trọng đạo’.

• Sống đức ‘nghĩa’ đối với bạn bè là trung tín với bạn trong mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh của cuộc đời: ‘Bạn bè là nghĩa tương thân, khó khăn thuận lợi ân cần có nhau’, ‘Bạn bè là nghĩa trước sau, tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai’, ‘Bạn bè là nghĩa tương tri, sao cho sau trước quý nhau vững bền’.

• Không sống đức ‘nghĩa’ là sống ‘vong ơn bạc nghĩa’, ‘ăn cháo đá bát’, ‘Được chim bẻ ná, được cá quên nơm’, ‘Tệ bạc, lấy oán trả ơn’…

2. Tin Mừng hóa đức ‘Nghĩa’.

Tuy không đi vào chi tiết, phần trình bày trên đây cũng đã cho chúng ta thấy cốt lõi của đức ‘Nghĩa’ trong luân lý cổ truyền: lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ, người thi ân, thầy cô, bằng hữu… Một điều đáng quan tâm, là cơ sở của việc các vua cấm đạo, các quan bắt đạo chỉ nằm trên nền luân lý tự nhiên này, vì cho rằng người dân theo đạo Thiên Chúa là đi ngược lại hay thiếu sót đức ‘nghĩa’ đối với vua, quan, cha mẹ, chứ không bao giờ nói ‘vì họ đi ngược lại hay thiếu sót đức ‘nghĩa’ đối với Trời, với Thượng đế. Mười điều huấn dụ của vua Minh Mệnh (DMAH 2, tr. 64-67) hay các sắc lệnh cấm đạo của các chúa các vua đều chỉ đặt cơ sở trên nền luân lý cổ truyền, nghĩa là ‘đòi phải tôn trọng tam cương ngũ thường, phải theo bản tính con người mà biết có luật vua tôi, có liên hệ máu mủ cha con, có phân biệt vợ chồng, có đẳng cấp huynh thứ, có tin tưởng giữa bằng hữu. Đó là cuộc sống của con người và tuân giữ các điều ấy là đạo làm người’ (Vua Minh Mệnh, điều dụ 1). Đàng khác, nếu tôi không lầm, không có một câu ca dao tục ngữ hay một chuyện cổ tích nào bày tỏ rõ ràng tâm tình ‘tạ ơn’, ‘ghi ơn’, ‘đội ơn’ Trời hay Thượng Đế. Chỉ có mấy câu ‘mọi sự nhờ Trời’, ‘Trời cho mới được’ là biểu lộ phần nào đức ‘nghĩa’ đối với Trời. Một thí dụ điển hình, tập ‘Gia Huấn Ca’ của cụ Nguyễn Trãi gồm bốn bài: ‘Bài ca dạy vợ con’, ‘Bài ca dạy con ở cho có đức’, ‘Bài ca dạy con gái ở cho có đức hạnh’, ‘Bài ca vợ khuyên chồng’, ‘Bài ca khuyên học trò phải chăm học’. Thế nhưng không câu nào nói lên ‘lòng biết ơn đối với Trời’. Đang khi đó, cuốn ‘Hiếu tự ca’ của linh mục Trần Lục, thì ngay câu thứ sáu đã kể đến ơn Trời sinh dưỡng:

‘Nói sao cho hết cho rồi,

Biết bao khí huyết tài bồi cho ta,

Phần hồn thì Chúa sinh ra,

Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành…

Lòng mừng, mừng lại thêm lo,

Mừng vì con khỏe Chúa cho yên lành…’

Đức ‘nghĩa’ đối với Trời của người Công Giáo múc lấy ngay từ Thánh Kinh. Thánh Kinh rất phong phú về ‘lòng biết ơn’ hay ‘đức nghĩa’ dâng lên Thiên Chúa. Chẳng hạn những lời Thánh Vịnh:

Lạy Chúa, là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ.

Thánh danh Ngài con mãi mãi tôn vinh,

Vì tình Chúa thương con như trời như biển.

Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty…(Tv 86,12-13)

Chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi,

Toàn thân tôi hãy chúc tụng Thánh Danh,

Chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi,

Chớ quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn vàn tội lỗi.

Thương chữa lành các bệnh tật ngươi,

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

Bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,

Khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng…

Cảm tạ Chúa đi muôn vật Chúa tạo thành,

Cảm tạ Chúa đi hồn tôi hỡi (Tv 102,1-6+22)

Vì thế, khi đọc chuyện các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta vui mừng và hãnh diện, nhận thấy các ngài không chỉ sống trọn vẹn đức ‘nghĩa’ tự nhiên trong luân lý và văn hóa Việt Nam, mà còn anh dũng tuyên chứng đức ‘nghĩa’ đối với Thiên Chúa, nghĩa là anh dũng đổi mới, nâng cao, siêu nhiên hóa đức ‘nghĩa’ luân lý trong văn hóa Việt Nam bằng cách quy hướng mọi thực hành đức ‘nghĩa’ về Thiên Chúa trên hết.

• Sống trọn vẹn đức ‘nghĩa’ theo nền luân lý dân tộc: Đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người làm ơn, kể cả những người thù ghét và tác hại mình: Một bà lão 60 tuổi thuộc Xứ Đoài đã thẳng thắn nói với các quan: “Tôi nghĩ rằng các quan và hoàng đế đã mất lương tri rồi. Vì nếu có lương tri một chút thì đã không cấm đoán một tôn giáo thờ Chúa Trời Đất, một đạo dạy tôn kính ông bà, cha mẹ, vua quan và tất cả các bề trên, một đạo khích lệ yêu thương các người khác như chính mình và còn cầu nguyện cho cả kẻ thù của mình, lấy ơn lành đáp trả sự dữ…” (DMAH 1, tr. 248). Lời khai của thánh Matthêô Lê Văn Gẫm thật súc tích và cương quyết: “Thưa quan lớn, đạo tôi là đạo cha ông truyền lại, tôi không thể bỏ được, tôi sợ phạm tội bất hiếu” (DMAH 3, tr. 43). Trước ngày được phúc chết vì đạo, thầy giảng Phêrô Nguyễn Văn Đường đã viết thư cho một cha thừa sai bày tỏ lòng biết ơn: “Thưa cha thày, hôm nay, trước khi lìa bỏ cõi đời, con tự nghĩ đến công ơn nhiều vô kể của cha, như là cây trên rừng và như hạt cát dưới biển, con sợ là vô ơn nếu không ít nhất một lần, viết bày tỏ lòng biết ơn của con đối với cha… Con không quên ơn người cha đã dày công săn sóc chúng con…” (DMAH 2, tr. 279).

• Quy hướng đức ‘nghĩa’ về Thiên Chúa trên hết: Cha Matthêô Đậu tuyên bố rõ ràng trước quan tòa: “Tôi là đạo trưởng, tôi giảng dạy đạo chân thật, tôi dạy giáo dân về Thiên Chúa, và ba bậc cha, đó là Chúa Trời Đất, cha của quốc gia và cha của gia đình. Tôi khuyên dạy giáo dân theo con đường thiện”. Thầy Giuse Nguyễn Duy Khang trả lời cho quan án: “Tôi hết lòng kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trên hết tôi yêu Đức Chúa Trời và giới luật của Ngài” (DMAH 3, tr.283). Ba thày giảng Hiệp, Xuân và Lộc bị bắt cùng một ngày 27.4.1712. Thày Hiệp ăn học, đọc sách nhiều hơn, đã thay mặt anh em trả lời cho quan hỏi cung: “Đạo chúng tôi sống là đạo chân thật. Đạo dạy chúng tôi trung thành với vua quan, hiếu kính với cha mẹ, nhưng trên hết phải tôn thờ Thiên Chúa” (DMAH 1,142).

C. ĐỨC ‘LỄ’

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Nếu đức ‘nghĩa’ là nói về tâm tình, tấm lòng biết ơn thì đức ‘lễ’ dạy cách bày tỏ lòng biết ơn, tâm tình biết ơn. Nói khác, đức ‘nghĩa’ là chiều sâu, là bề trong của lòng biết ơn, còn đức ‘lễ’ là thể thức bên ngoài, là các quy thức thể hiện lòng biết ơn làm sao cho đúng. Vì thế, đức ‘nghĩa’ và đức ‘lễ’ đi kèm với nhau, gọi là ‘lễ nghĩa’. Trong tiếng việt, liên quan tới đức ‘lễ’, người ta thường nói:

• Lễ độ: bày tỏ sự kính trọng theo phép tắc (từ ‘độ’ có nghĩa là phép tắc, luật lệ, ‘chế độ’).

• Lễ giáo: sự dạy dỗ theo phép tắc để cư xử cho phải phép, cho tử tế.

• Lễ phép: phép tắc phải theo để cư xử cho tốt đẹp.

• Lễ vật: quà dâng kính, biếu tặng… để bày tỏ lòng biết ơn.

• Lễ bái, lễ nghi: hình thức tốt đẹp bên ngoài để bày tỏ đức ‘lễ’. (21)

Theo luân lý cổ truyền, đức ‘lễ’ rất cần thiết trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Vì thế trong việc giáo dục, phải ‘tiên học lễ, hậu học văn’.

• Trong đời sống cá nhân: người có đức ‘lễ’ là người biết ‘ăn coi nồi, ngồi coi hướng’, biết ‘học ăn học nói, học gói học mở’, …

• Trong đời sống gia đình: Với cha mẹ, thì ‘sáng cơm, trưa cháo, chiều trà, chăm cha chăm mẹ, tuổi già, lúc đau’ hay ‘mắt mờ con dẫn, lưng còng con nâng’. - Giữa vợ chồng thì ‘chồng giận, vợ biết làm hòa’, ‘một câu nhịn chín câu lành’, ‘biết ăn biết ở, vợ chồng thương nhau’… - Giữa anh em: thì ‘kính trên nhường dưới’. - Con cái với cha mẹ, thì ‘đi thưa về trình’, ‘gọi dạ bảo vâng’…

• Trong đời sống xã hội, người có đức lễ là người biết ‘lời chào cao hơn mâm cỗ’, ‘Lời nói gói vàng’, ‘ăn ngay nói thật’, ‘miếng trầu là đầu câu chuyện’…

Kinh nghiệm cho thấy, giữ đức lễ rất khó, như tục ngữ bảo: ‘Thờ thì dễ, giữ lễ mới khó’. Vì khó nên người ta dùng những từ thật khiêm tốn để diễn tả đức ‘lễ’: ‘Lễ bạc lòng thành’, ‘Lễ khinh nhân ý trọng’ hay ‘Lễ khinh, tình nghĩa trọng’. Cả ba câu có ý nói: của dâng bé nhỏ, nghi thức đơn sơ… nhưng lòng biết ơn chân thực, đáng quý... Các vị thâm nho thường nói: ‘Lễ thượng vãng lai, vãng nhi bất lai, phi lễ dã; Lai nhi bất vãng, diệc vi lễ dã’, tức là: về mặt lễ nghĩa phải có đi có lại, chỉ đi mà không lại, thì không phải là lễ, chỉ lại mà không đi cũng không phải là lễ. Đúng là ‘có đi có lại, mới toại lòng nhau’ (22).

Đọc cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi gặp những chuyện ‘Lòng thảo hiếm có’, ‘Ai ơi, chớ vội khoe mình’, ‘Lòng kính yêu chị’, ‘Cái lưỡi’, ‘Thương người’, ‘Làm con phải cho dễ dạy’, ‘Có học phải có hạnh’, ‘Một người anh tốt’, ‘Đạo bằng hữu’ đều là những câu chuyện hướng về đức ‘lễ’ (23). Tóm lại, đức ‘lễ’ là toàn bộ những cử chỉ bên ngoài hay điệu bộ ứng xử, hoặc lời nói trình bày, phải vừa khiêm nhu, phép tắc, lịch sự làm cho người khác nhận ra đức ‘nghĩa’, đức ‘nhân’ của tâm hồn, của lòng thành. Văn hóa Việt Nam rất trọng sự thật, rất trọng nội dung bên trong vì ‘tấm lòng quý hơn của lễ’, ‘xanh vỏ nhưng đỏ lòng’. Tuy nhiên với tinh thần trung dung, văn hóa Việt Nam không coi nhẹ cái vẻ bề ngoài ‘ngoài có tốt thì trong mới lành’, ‘vẻ bên ngoài vẽ nét bên trong’, ‘người làm sao chiêm bao làm vậy’, ‘văn là người’, ‘mái tóc là góc con người’… Trong mọi khía cạnh của đức ‘lễ’, lời nói hay miệng lưỡi được trân trọng nhất, bởi vì ‘lời hay thì lẽ phải’, nhưng trong việc giao tiếp luôn có ‘những lời vô lễ, cục cằn, hiểm độc, đãi buôi, độc ác…’, luôn có những trường hợp ‘lưỡi không xương nhiều đường lắt léo’, ‘khẩu phật tâm xà’.

Cho nên sống trọn vẹn đức ‘lễ’ là chuyện khó. Những người biết sống theo đức ‘lễ’, họ biểu dương tinh tuý của nền luân lý quê hương, của nền văn hóa dân tộc. Đời sống của họ trở thành ‘đất tốt trồng cây văn hóa xanh tươi, sai hoa nhiều trái’. Hoa trái văn hóa không trổ nở như một truyện hoang đường xa xôi, nhưng rất thực và rất gần gũi, cụ thể trong đời sống của những người biết sống với người khác đúng theo đức ‘lễ’. Các thánh Tử Đạo thuộc số những người này: các ngài biết sống tốt đức ‘lễ’ để đốt sáng văn hóa quê hương, để tinh luyện và Tin Mừng hóa nền luân lý cổ truyền.

2. Tin Mừng hóa đức ‘Lễ’.

Trước tiên các thánh Tử Đạo Việt Nam đã biết múc lấy từ Tin Mừng những gương sáng và những giáo huấn thiết yếu để sống đức ‘lễ’:

• Gương sáng của Chúa Giêsu: Ngài luôn sẵn sàng vâng ý Chúa Cha (Ga 5, 30; 6, 38), phục tùng Đức Mẹ và thánh Giuse (Lc 2,51), chấp nhận sự thương khó (Mc 14,36) Gương sáng của Đức Mẹ (Lc 1,38) và thánh Giuse (x Mt Mt 1,18-25) như Tin Mừng kể lại: các ngài luôn sống tinh thần ‘Xin vâng’!...

• Giáo huấn của Chúa Giêsu: Các con sẽ bị ghen ghét bách hại vì Danh Thày… Nhưng các con đừng sợ… Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con điều phải nói… Phúc cho các con khi bị bắt bớ vì sự công chính… Hãy yêu thương chính kẻ thù của các con, hãy chào hỏi họ.., hãy cầu nguyện cho họ… (x Mt 5+ 10). Các con đừng thề bồi, có nói có, không nói không, đừng thêm bớt (Mt 5,37), ‘phải thật thà như con bồ câu, nhưng cũng phải khôn như con rắn’ (Mt 10,16).

• Giáo huấn của thánh Phaolô: ‘anh chị em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Giêsu’ (1Cr 11,1). Chính thánh nhân đã khuyên môn đệ Titô ‘phải có lời nói đúng đắn đàng hoàng, không có gì đáng trách, để kẻ thù phải kính nể, không dám nói xấu về chúng ta’ (Tt 2,8). Cũng vậy, thánh Giacôbê khuyên nhủ chúng ta ‘hãy coi chừng cái lưỡi’… ai điều khiển được miệng lưỡi, người đó là thánh… (x Gc 10, 1-12).

Tin Mừng đã cung cấp cho các thánh dư dật chất liệu cao quý để sống theo đức ‘lễ’ trong nền luân lý và văn hóa dân tộc. Đức ‘lễ’ mà chúng ta đọc thấy được nơi các ngài, làm sáng lên tinh tuý văn hóa của dân tộc và giá trị tin mừng. Chúng ta nêu lên mấy trường hợp làm tiêu biểu.

• Thưa bẩm đúng lễ độ: Khi ra trước mặt vua chúa, quan quyền các thánh Tử Đạo từ già tới trẻ, từ giáo sĩ đến giáo dân luôn bắt đầu bằng câu ‘thưa’, ‘bẩm’ ‘lạy’ thật lễ độ. Đây là một điều quá thông thường, đọc thấy trong truyện các thánh từ trẻ tuổi, như cậu Stêphanô 12 tuổi, đến cụ già Gioan Vương 75 tuổi (DMAH 1, tr. 57+53).

• Cách nói rất từ tốn, tình nghĩa. Khi đi dẹp giặc ở Quãng Ngãi về, cai đội Phaolô Tống Viết Bường được vào triều yết vua Minh Mệnh. Vua hỏi ‘Cai Bường có vào viếng chùa Non Nước không?’. Cai Bường trả lời khôn khéo: ‘Vì bệ hạ chẳng có dạy bảo nên thần không dám đi’. - ‘Thường thường các quan khi dẹp giặc yên trở về, hay đi viếng chùa, sao ngươi lại không đi?’ – ‘Tâu bệ hạ, vì thần là người có đạo Công Giáo nên thần không đi viếng chùa’ (DMAH 3,59). Khi người ta nài ép cha Bênađô Vũ Văn Duệ nằm giường có màn chứ đừng nằm đất, không chăn màn, cha trả lời dịu dàng: ‘Cả đời tôi, tôi đã hy sinh và chịu khó rất ít, bây giờ tôi muốn bù lại một chút thì sao?’ (DMAH 3, tr.162). Thật là từ tốn, lời của Đức Cha Phêrô Cao thưa với quan bố chánh khi vị này bảo lính ‘vả vào mặt Đức Cha’: “Thưa quan, nếu tôi có thưa lời nào vô phép thì xin quan tha cho” (DMAH 2, tr. 258).

• Trả lời bình tĩnh và cương quyết: Ông Phanxicô trả lời cho một hoàng thân: ‘Tôi thật là người Công Giáo và đức tin dạy tôi sống bác ái. Không quyền lực nào trên đời có thể ép tôi chối bỏ đức tin được. Còn việc hầu hạ hoàng thân tôi không hề sao nhãng, xin hoàng thân tin tưởng lòng trung thành của tôi, nhưng xin đừng ép tôi bỏ đạo…’. Linh mục Giacôbê Năm trả lời quan tòa: ‘Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi lại bỏ đạo hay đạp Thánh Giá làm sao được! Nếu chính đạo trưởng không sẵn sàng chết vì đạo, thì còn ai dám chịu chết nữa. Bẩm quan, tôi bằng này tuổi đầu thì tôi đâu còn sợ chết!…’ (DMAH 3, tr.174)

• Không giận dỗi thù oán ai, kể cả những người tác hại mình: Cha Thoma Khuông khi được hỏi ‘có oán trách những người tố cáo cha không?’, đã trả lời: ‘Tôi thà chết ngàn lần mà không than trách ai. Vì chết đối với tôi là lấy tình yêu đáp lại tình yêu’ (DMAH 3, tr.224). Cũng vậy, khi người ta hỏi cha Têôphan Ven ‘Ông có ghét những người giết ông không’, cha trả lời cương quyết: ‘Chắc chắn là không, vì đạo Công Giáo dạy phải yêu thương ngay những người làm hại mình’ (DMAH 3,247). Sau cùng, cha Luca Vũ Bá Loan nói: ‘Thưa quan, tôi già rồi… Tôi nhất định không đạp ảnh Chúa tôi. Nếu như quan án muốn lên án tử cho tôi, tôi sẵn sàng và còn vui lòng nữa’ (DMAH 2, tr.423).

• Còn an vui xin mau mau thi hành án lệnh vua đã ra: Cha Khoan nghe lời quan án khuyên dụ ‘hãy vâng lời hoàng đế’, đã trả lời: “Thưa quan lớn, tôi rất cảm kích lòng tốt của ngài đối với tôi, nhưng tôi buộc lòng làm phiền quan lớn mà nói ra lời từ chối. Tuy nhiên, tôi dám xin quan lớn cho tôi được biết trước sớm hết sức ngày xử để tôi kịp thu xếp công việc riêng” (DMAH 2, tr.397). Còn cha Giuse Đỗ Quang Hiền lại xin các quan: ‘Thưa các quan, tôi đã thưa nhiều lần là tôi sẵn sàng chết chứ nhất định không bỏ đạo… Xin các quan mau thi hành chiếu chỉ của hoàng đế, đừng mất thời giờ thuyết phục tôi làm chi… Đội ơn các quan’ (DMAH 2, tr.416).

• Nhưng tột đỉnh của đức ‘lễ’ là tình yêu và lòng mến hướng về Thiên Chúa: Quỳ xuống tấm chiếu trải sẵn, ông Augustinô Nguyễn Mới cầu nguyện: ‘Lạy Chúa tôi, xin Chúa chữa tôi, tôi phó cả linh hồn và xác tôi trong tay Chúa’ (DMAH 2 tr. 365). Cho đến khi gươm của lý hình đã đè lên cổ thày giảng Phanxicô Chiểu, người ta vẫn còn nghe thày kêu ‘Tên cực trọng Chúa Giêsu ba lần’ và sau cùng cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa’ (DMAH 2,tr.125)

Đ. ĐỨC ‘TRÍ’

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Trong cuốn ‘Tiếng nói nôm na’, ông Lê Gia nêu lên nhiều ý nghĩa tích cực của đức ‘trí’ bày tỏ khả năng hiểu biết và chủ đích của nền giáo dục luân lý:

• ‘Trí dục’: bồi dưỡng cho sự hiểu biết mỗi ngày một thăng tiến. Đây là một trong ba cột trụ cơ bản của công trình giáo dục: Thể dục, trí dục và đức dục.

• ‘Trí khôn’: khả năng hiểu biết và cách sống đúng lễ nghĩa (đức ‘nghĩa’ và đức ‘lễ’).

• ‘Trí năng’: túi khôn, chỉ sự khôn ngoan có thừa.

• ‘Trí thức’: sáng suốt, khôn ngoan, hiểu biết nhiều (thức có nghĩa là biết, hiểu biết).

• ‘Trí đức’: Khôn ngoan và lòng dạ tốt lành.

• ‘Trí huệ’: khôn ngoan hiểu biết, biết phân biệt rõ ràng.

• ‘Trí dũng’: khôn ngoan, can đảm (dũng là can đảm không sợ sệt (khóc rằng: trí dũng có thừa) (24).

Tóm lại ‘trí’ là khả năng nhận thức, khả năng hiểu biết, ghi nhớ và phán đoán sự việc cách đúng đắn, khôn ngoan, sáng suốt. Trong ca dao tục ngữ chúng ta thường gặp những câu: ‘Trí dũng song toàn’, ‘Trí đức kiêm toàn’, ‘Hiền minh thánh trí’, ‘Lao tâm khổ trí’, ‘Lợi linh trí khôn’, ‘Nhiệm trọng trí viễn’, ‘túc trí đa mưu’, ‘nhân bần trí đoản’, ‘Tài sơ trí thiển’, ‘nhân bất học bất tri lý’, ‘Lao tâm khổ trí’.

Muốn sống đức ‘trí’ một cách toàn vẹn, nghĩa là muốn có khả năng nhận thức sáng suốt mọi vấn đề của đời sống như vậy, cần phải học hỏi, học từ những kinh nghiệm thực tế cho đến những lời dạy cao sâu của tiền nhân.

• Học kinh nghiệm thực tế. Có rất nhiều trong văn thơ bình dân, trong các truyện cổ tích, trong các sách giáo khoa. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một thí dụ về kinh nghiệm nuôi gà:

Nuôi gà phải chọn giống gà,

Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau.

Nhất to là giống gà nâu,

Lông gà thịt béo về sau đẻ nhiều.

• Học theo những lời dạy thâm sâu của tiền nhân: “Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch cũng to lớn bấy nhiêu (Minh Tâm Bửu Giám) - ‘Làm việc nghĩa thì chớ tính lợi hại, luận anh hùng thì chớ kể nên thua’ (Lư Khôn) - Người biết ‘đạo’ tất không khoe, người biết ‘nghĩa’ tất không tham, người biết ‘đức’ tất không thích tiếng tăm lừng lẫy (Trương Cửu Thành), - Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là bốn cái giường để duy trì và giữ vững quốc gia. Bốn giường ấy, nếu không căng được lên, nghĩa là người trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm, vô sỉ, thì tất quốc gia phải sụp đổ tiêu vong (Quán Tử). Câu nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào tai ai, không tài nào rút ra được nữa (Lục Tài Tử) - Vật trong thiên hạ chẳng gì mềm nhũn bằng nước, thế mà to vô hạn, sâu vô cùng, không sức nào địch nổi (Hoài Nam Từ) - Đức nhỏ mà địa vị cao, trí cạn mà mưu sự lớn, nếu không gặp họa thì cũng thật hiếm đấy (Kinh dịch) - Không gì giỏi bằng hay bàn, không gì yên bằng hay nhẫn, không gì hơn người bằng có đức, không gì sướng thân bằng làm lành (Hoàng Thạch Công). - Lửa bốc cao, nước chảy xuống thấp, thế mà lửa bao giờ cũng thua nước (Văn Trung Tử). - Lấy oán báo oán thì oán chồng chất, lấy đức báo oán thì oán tiêu tan (Thích Ca) - Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng (Tôn Tử) - Sai một li đi một dặm (Hậu hán Thư).- Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, có nhân, có trí, có anh hùng (Nguyễn Trãi).

• Nói về cách mở mang đức ‘trí’, bồi dưỡng đức ‘trí’ bằng cách phải học hỏi chuyên cần, sách Luân Lý Giáo Khoa Thư trong bài ‘Bổn phận phải đi học’ viết: “Sự học rất ích lợi, học để biết suy nghĩ phải trái. Có học thì trí tuệ mới mở mang, phẩm giá mới cao lên được. Những người không có học, thì dẫu làm nên chức phận gì, có nhiều của đến đâu, vẫn là người không có tư cách hoàn toàn”. Tiếp đến, bài ‘Sự học vấn và sự giáo dục’ lại khuyên nhủ thêm: “Sự học là quý, nhưng đi học mà chỉ vụ lấy bằng cấp mà không lo luyện tập tính tình thì vẫn chưa đủ. Có học vấn lại phải có giáo dục nữa mới được. Giáo dục là nói chung mọi cách để mở mang trí tuệ, luyện tập tính tình, giữ gìn thân thể, khiến cho có đủ tư cách làm một người hoàn toàn trong xã hội” (25)

2. Tin Mừng hóa đức ‘Trí’.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam không phải là những người có bằng cấp cao, nhưng tất cả các ngài là những người có giáo dục tốt, được dạy dỗ để mở mang trí tuệ, trí đức, để biết sống đức ‘trí’ theo lẽ khôn ngoan của lương tri hướng thiện. Chính Thiên Chúa đã phú bẩm cho các ngài đức khôn ngoan (Kn 8,21), đã thánh hiến các ngài trong sự thật (Ga 17,19) và ban cho các ngài sức mạnh (Tv 67,36; Kn 40,29). Nhờ đó, các ngài biết trung thành giữ luật Chúa (Tv 118,73; Hc 15,33), mà hai giới luật trọng nhất là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức, và yêu thương người khác như chính mình (Mc13,29).

Đọc đời sống hay đúng hơn đọc những tài liệu lịch sử về cuộc tử đạo của các thánh tiền nhân, chúng ta nhận thấy các ngài sống đức ‘trí’ thật khôn ngoan và siêu thoát, trổi vượt cách hiểu hay cách sống đức ‘trí’ theo lẽ thông thường. Nhận định trên đây cho phép chúng ta khẳng định: Các thánh đã đổi mới, nâng cao, tinh luyện hay Phúc Âm hóa đức ‘trí’ của nền luân lý Việt Nam. Dưới đây là mấy trường hợp, giữa muôn trường hợp, mà chúng ta đọc được trong chuyện tử đạo của các thánh tiền nhân:

• Sống đức ‘trí’ đối với Thiên Chúa: Ông Augustinô tuyên xưng trước mặt chúa Thượng Vương: “Thưa chúa Thượng Vương, tôi không biết phải thưa lại với chúa thượng làm sao cho rành rẽ về đạo Thiên Chúa, vì tôi không có học. Tuy nhiên dù không có học, tôi cũng có tai để nghe giảng về đạo Chúa Trời và có trí để suy hiểu và tin theo. Vậy tôi tuyên xưng, Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ, cả hồn cả xác chúng ta, và vì vậy chúng ta có bổn phận phải cám ơn Ngài” (DMAH 1, tr. 40).

• Sống đức ‘trí’ trong nhận thức ‘đặt Thiên Chúa trên hết, trên vua chúa, trên cha mẹ’: Như lời chứng của ông Phêrô Đang: “Tâu chúa thượng, hạ thần là công dân số một, là bề tôi của chúa thượng, nhưng hạ thần thờ lạy Thiên Chúa trên hết” (DMAH 1, tr. 55); hay như lời thầy Hiệp: “Đạo Đức Chúa Trời là đạo thật. Đạo dạy các tín hữu phải trung thành với triều đình, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng trên hết phải tôn thờ Thiên Chúa” (DMAH 1, tr. 142).

• Sống đức ‘trí’ trong việc từ chối không đạp lên ảnh Thánh Giá. ‘Đạp ảnh Thánh Giá’ hay ‘bước qua ảnh Thánh Giá là một hình thức các vua quan đòi các kitô hữu bị bắt phải làm để chứng tỏ ‘mình bỏ đạo’, ‘mình chối đạo’. Các thánh Tử Đạo hiểu thâm ý của vua quan nên từ chối không làm, dù Thánh Giá là một ảnh tượng thật (DMAH 2, tr. 137), hay là ‘hai thanh gỗ để chéo lại theo hình thập tự’, hay ảnh Thánh Giá vẽ trên đất, hoặc tiêu biểu bằng ‘cửa tử cửa sinh’ (DMAH 1, tr.224); dù là bị kéo qua hay khiêng qua ảnh (DMAH 2, tr.103, 302). Sau lời tuyên xưng cương quyết của thày giảng Phanxicô Cần ‘Tôi không bao giờ dám bước qua cũng chẳng dám đụng chân vào Thánh Giá Chúa’, quan tỉnh nói với quan huyện Thanh Oai: “Hãy cho người này về nhà, hắn không phải trộm cướp hay nghịch tặc. Nếu các quan muốn giết những người không chịu đạp ảnh, thì cả nước này sẽ trở thành một lò sát sinh khổng lồ” (DMAH 2, tr.107).

• Sống đức ‘trí’ theo luật luân lý cổ truyền: Sau khi đọc 10 điều răn của Đức Chúa Trời cho chúa Thượng nghe, thầy giảng Phanxicô quả quyết: “Đạo Đức Chúa Trời là đạo thật, sửa sai các tội phạm, không được trộm cắp, không được giết người, không được cướp vợ của kẻ khác” (DMAH 1,tr.37). Đi vào nền tảng hơn, cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng xác quyết ‘người Công Giáo Việt Nam rất gắn bó với việc tôn kính tổ tiên’ cho dù cách thể hiện siêu nhiên và không có những dấu dị đoan’ (DMAH 3, tr.114)

• Sống đức ‘trí’ ngay trong việc ‘chọn lựa’ cái chết: Thày giảng Phêrô tuyên bố công khai: “Tôi sẵn sàng chịu chết, không phải như người phạm pháp nhưng là người kitô đã rao giảng đức tin cứu rỗi. Tôi đã giảng bằng miệng lưỡi… bây giờ tôi xin đổ máu ra để tuyên chứng những điều tôi đã rao giảng” (DMAH 1 tr.46). Bà Maria Mạc (Dinh Cát, Quảng Bình) cả khi bị treo ngược đầu xuống, vẫn can đảm tuyên bố: “Xin các quan cứ hành hạ thêm nữa, vì như vậy, tôi mau đến với Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì tôi” (DMAH 1, tr. 68). Một quân nhân Công Giáo cũng thưa với quan án Phú Yên: “Dù chỉ là người Công Giáo đơn sơ, chất phác, tôi thà chết chứ không để mất thiên chức cao quý ấy” (DMAH 1, tr.212).

• Sống đức ‘trí’ bằng việc cương quyết bảo toàn gia sản thiêng liêng cao quý mà bố mẹ để lại: Đó là lời tuyên xưng tập thể của 400 người Công Giáo Phú Yên, “Chúng tôi không chối bỏ đức tin của cha ông chúng tôi. Mặc quan muốn làm gì chúng tôi thì làm”; hay của một quan chức Công Giáo: “Cha mẹ tôi để lại, không có cái gì cao quý hơn là đạo thánh mà tôi tuyên xưng. Đó là điều duy nhất tôi quý chuộng và không bao giờ tôi chối bỏ cả. Các của cải khác, tôi sẵn sàng để vua tước đoạt như ngài muốn” (DMAH 1,tr.212). Tuy mới 18 tuổi, chủng sinh Thoma Thiện đã trả lời cho quan tỉnh Bùi Ngọc Quý: “Cha ông tôi đều theo đạo Công Giáo. Tôi được vinh dự nối gót các ngài. Tôi nhất định không bỏ đạo” (DMAH 2, tr.246).

E. ĐỨC ‘TÍN’

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Đức ‘Tín’ là đức thứ năm trong luân lý ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trong tiếng Việt, đức ‘tín’ bao hàm ý nghĩa:

• ‘Tín Nghĩa’ là thành thật, đáng tin tưởng, ăn ở theo lẽ phải.

• ‘Tín nhiệm’ là lòng thành thật và có khả năng đáng tín nhiệm và trao phó cho một công việc hay một sứ mệnh để thi hành.

• ‘Tín phục’ là tin tưởng và nghe theo.

• ‘Tín ngưỡng’ là tin tưởng, ngưỡng mộ, kính trọng và yêu mến.

Cho nên:

• Nói đến đức ‘tín’ là nói đến lòng thành thật, sự chân thành, ‘lòng nghĩ sao miệng nói vậy’, phải ‘tâm hành đồng nhất’. Thành thật với Trời, với tha nhân và với chính mình. Trái với lòng thành thật là giả dối, gian trá, là ‘ngôn hành bất nhất’, là ‘hiền lành trước mặt, làm giặc sau lưng’, là ‘tự lừa bản thân’. Một người không sống thành thật với tha nhân, thì cũng không thành thật với chính mình, và do đó cũng không thành thật với Trời hay với Thượng Đế. Họ quên rằng ‘Trời có mắt’, ‘Trời nhìn thấu tâm can’, ‘Thiên bất dong gian’, ‘Tránh Trời không khỏi nắng’, ‘Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt’.

• Nói đến đức ‘tín’ là nói đến sự trung tín, nghĩa là cách ứng xử ngay thẳng, trước sau như một, như sự chung thủy giữa vợ chồng, trung tín với bạn hữu, nhất là chung thủy với Trời, với Thượng Đế. Trái với lòng trung tín là phản bội, là thất trung, thất nghĩa và vô ơn. Người ta quên rằng ‘nói lời phải giữ lấy lời’, ‘một lần thất tín, vạn lần khó tin’, ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên’.

• Nói đến đức ‘tín’ là nói đến sự tự tín, nghĩa là tin tưởng vào chính bản thân, thấy mình đủ khả năng chu toàn trách nhiệm, tự luyện cho mình biết kiên trì để thành công, sáng suốt để thành tựu công tác và quyết tâm xây dựng sự nghiệp. Một người không biết tự tín là người thiếu tự trọng, ươn hèn suy nhược, không can đảm vươn lên. Họ không biết ‘tự lực cánh sinh’, ‘tự lực tự cường’, ‘tự nguyện tự giác’, ‘tự làm Trời giúp’, ‘gắng sức mà lo, Trời trợ lực cho’.

Sau đây, chúng ta đọc lại hai câu chuyện lịch sử nói lên tầm quan trọng của đức ‘tín’: Hai câu chuyện này xảy ra cách nhau hai thế kỷ và được ông Ngô Thời Sĩ ghi lại trong cuốn ‘Việt Nam tiêu án’ viết vào năm 1755.

• Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào thế kỷ XIII, dưới triều vua Trần Nhân Tông: Sau khi thắng quân Nguyên lần thứ ba, Vua Trần Nhân Tông đã hứa với vua Mông Cổ trao trả lại tất cả các tù nhân chiến tranh. Nhưng ban đêm vua Trần Nhân Tông cho người đục thủng thuyền của tướng Ô Mã Nhi, tướng quân Nguyên đã gây nhiều tội ác cho nhân dân Việt Nam, khiến ông tướng này bị chết đuối. Vua Trần Nhân Tông nói dối vua Mông Cổ rằng ‘vì bão mà thuyền của tướng Ô Mã Nhi bị chìm và tướng Ô Mã Nhi bị chết’.

• Câu chuyện thứ hai xảy ra vào thế kỷ XV, dưới triều Lê Thái Tổ: 200 năm sau, khi thắng được quân Minh của Trung Quốc, vua của Đại Việt là Lê Thái Tổ đã hứa với vua nhà Minh ‘trao trả các tù binh về nước, và đã làm theo lời hứa’. Vua Lê Thái Tổ còn cung cấp thực phẩm và mọi nhu yếu để đoàn quân bại trở về nước an lành.

So chiếu hai cách xử của vua Trần Nhân Tông và vua Lê Thái Tổ, ông Ngô Thời Sĩ nhận định: “Chữ tín là quý báu nhất của nước ta. Đã bảo cho về, lại còn dùng kế giết đi. Quỷ quyệt như thế, thất tín với lân bang sao được. Đến sau này vua Lê Thái Tổ cũng trả người Minh về nước, có người nói đến sự đục thuyền cho đắm. Vua Lê Thái Tổ không nghe. Người Minh cũng không nghi gì. Như thế mới thật là Vương giả có đại tín” (26)

Tuy vắn gọn, những suy nghĩ trên đây khẳng định rằng: chân thành, trung tín, tự tín và tinh thần trách nhiệm thuộc phạm vi đức ‘tín’. Đức ‘tín’ chiếm một chỗ đứng quan trọng trong nền luân lý và nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Ứng dụng đức ‘tín’ vào cuộc sống hằng ngày chúng ta phải nằm lòng lời của Đức Khổng Tử “Không có đức ‘tín’ thì không đứng vững được ở đời” (Luận Ngữ).

2. Tin Mừng hoá đức ‘Tín’.

Nếu đức ‘tín’ mời gọi chúng ta sống thành thật, sống trung tín với người khác, với bản thân và với Thiên Chúa, thì quả thật, đây là những điểm nổi bật trong lịch sử tử đạo của các thánh tiền nhân. Các ngài sống đức tín dựa trên hai cơ sở bổ túc cho nhau: nền luân lý cổ truyền của dân tộc và giáo huấn phong phú của Thánh Kinh. Thánh Kinh biểu dương đức ‘tín’ tuyệt đối toàn hảo của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng giàu lòng nhân hậu và trung tín (Xh 34,6), mọi công trình Chúa thực hiện đều biểu lộ lòng trung tín của Ngài (Tv 32,4). Vì thế, mọi người phải phụng thờ Thiên Chúa với lòng trung thành và đức trung tín (Gs 24,14), là trung thành đi đúng con đường Chúa đã chỉ vẽ (Xh 6,17) và cẩn thủ giới luật Chúa truyền (Mt 28,20). Đức trung tín làm đẹp lòng Chúa (Kn 1,34), và Chúa dành phần thưởng bội hậu cho những ai trung tín với Ngài (Lc 21,19). Đọc truyện các thánh, dù chỉ một lần, không ai có thể phủ nhận các ngài đã sống tích cực và nâng cao đức ‘tín’ đến độ “đem đức ‘tín’ vào Tin Mừng và nhờ Tin Mừng tinh luyện đức tín”. Dưới đây là những bằng chứng sống động.

• Sống đức ‘tín’ với Thiên Chúa: Ông Laurensô Ngôn, bị chém đầu ngày 22.5.1862, đã thưa với quan huyện Đông Quan, Nam Định rằng: “Tôi trung thành giữ đạo Đức Chúa Trời, tôi không bao giờ đạp ảnh chối Chúa. Nếu quan muốn giết, tôi sẵn sàng. (DMAH 3, tr.312). Khi lính đến đeo vào cổ tấm thẻ viết tên tuổi và bản án, cha Quý nói với ông trùm Phụng: “Đây là giờ Thiên Chúa ấn định cuộc chiến đấu cuối cùng, chúng ta hãy can đảm chịu đựng vì Ngài” (DMAH 3, tr.223).

• Sống đức ‘tín’ theo luật Chúa và Giáo Hội: Lúc đang bị giam tù, một viên thơ ký tên là Hằng, đến xin ông Matthêô Nguyễn Văn Đắc: nếu ông gả cho y người con gái đang tu dòng Mến Thánh Giá, thì hắn sẽ cứu ông được về nhà tự do. Ông Đắc đã trả lời thẳng thắn: “Chết thì chết, tôi không bao giờ gả con cho người ngoại giáo” (DMAH 3, tr.270). Khi thấy ông trùm Phụng bị trói và đeo gông, dân trong họ đạo ra từ giã ông và khóc lóc, ông trùm đã khuyên nhủ họ: “Tại sao anh chị em lại khóc, anh chị em ở lại bằng an, hãy tuân giữ các lề luật của Giáo Hội, hãy cầu nguyện sáng tối và hãy thương yêu nhau theo luật Chúa dạy” (DMAH 3, tr. 217).

• Sống đức ‘tín’ với vua, chúa, quan quyền và tổ quốc: Thày Giuse Nguyễn Duy Khang thưa với quan án: “Bẩm quan, tôi yêu tổ quốc, tôi trung tín với vua, nhưng trên hết, tôi trung tín với Thiên Chúa và giới luật của Ngài” (DMAH 3, tr.283). Cha Thoma Khuông trả lời cho quan huyện Cao Xá: “Đạo chúng tôi truyền buộc phải giữ trọn lề luật, phải trung thành với vua quan, phải cầu nguyện cho tổ quốc được hưng thịnh” (DMAH 3,tr.226)

• Sống đức ‘tín’ với các Đấng Bề Trên: Thày Giuse Nguyễn Duy Khang đã nhảy lên đánh võ với lính đến bắt Đức Cha Girolamo Vọng. Vì lính đông số nên thày Khang bị đánh trúng ngực và phải đầu hàng. Thế nhưng khi được Đức Cha xin với quan huyện cho thày về với bổn đạo, thày đã tuyên bố: “Thưa quan lớn, tôi không muốn về, các quan đã bắt Đức Cha của tôi, xin bắt cả tôi đi theo. Nếu ngài phải chết, tôi cũng xin được chết” (DMAH 3, tr.280).

• Sống đức ‘tín’ với ông bà cha mẹ: Cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng trả lời cho quan tòa: “Thưa quan lớn, nói rằng: bên đạo chúng tôi không hiếu thảo với cha mẹ là điều bỏ vạ… Chúng tôi không dùng những thức ăn để cúng bái… nhưng sáng tối chúng tôi vẫn tưởng nhớ đến ông bà, hàng ngày chúng tôi cầu nguyện cho ông bà được hạnh phúc trên thiên đàng, hơn nữa, chúng tôi tuân giữ các lời cha mẹ răn dạy hầu làm vẻ vang các ngài” (DMAH 3, tr. 114).

• Sống đức ‘tín’ với vợ con: Chúng ta hãy nghe lời quan cai Phanxicô Trần Văn Trung khuyên con và vợ. Khuyên cô con gái: “Điều cha mong ước hơn hết là vua kết án tử cho cha. Con không học đạo ở đây được vì hằng nghe những lời xấu xa của người ngoại, vậy con hãy về với mẹ thì hơn. Song con phải nhớ chắc điều này là dù phải túng cực thế nào thì cũng đừng ở chung với người không có đạo, nhưng hãy ở giữa những người có đạo. Hễ cha sở Quang khuyên bảo điều gì thì con hãy hết lòng mà giữ”. Khuyên người vợ hiền: “Nếu tôi phải chết phen này, xin mình hãy thương mấy đứa con, coi sóc chúng tận tình. Xin mình đừng đi lấy chồng nữa. Nếu mắc nợ ai, mình hãy bán đồ đạc trả cho xong, kẻo sau này sinh nhiều điều bất lợi cho gia đình, hoặc chủ nợ bên lương đến bắt con đi ở đợ, thì thiệt hại phần linh hồn của con” (DMAH 3, tr.193-194).

• Sống đức ‘tín’ với xứ sở đến phục vụ. Sau đây là mấy vần thơ của cha thánh Ven: “Ôi Bắc Việt cao quý, Đất được Chúa chúc lành, Quê hương của bao anh hùng đức tin, Tôi đến để phục vụ ngươi. Hạnh phúc được sống và chết vì ngươi”. (DMAH 3, tr.249).

• Sống đức ‘tín’ với giáo dân: Khi bị bắt, Đức Cha Girôlamô Vọng đưa tay cho lính trói và nói với quan huyện để bênh vực các giáo dân chở ngài trên thuyền: “Tôi trong tay quan rồi, xin đừng đánh những người chèo thuyền vô tội, xin quan làm phước tha cho họ về” (DMAH 3, tr.280).

• Sống đức ‘tín’ với dân làng: Khi bị lính từ Nam Định về vây bắt và lấy hết đồ đạc, quan án Đaminh Phạm Viết Khảm xin quan tuần một điều: “Các quan đã tịch thu hết của nhà thờ và của tôi. Nhưng xin đừng xâm phạm đến tài sản của dân làng vì họ không có tội vạ gì” (DMAH 3, tr.202).

Tuy muộn màng và thiếu sót, bài viết trên đây nhằm tuyên dương các anh hùng tử đạo Việt Nam đã lấy chính đời sống và cái chết của mình, để không những làm chứng cho đức tin mà còn Tin Mừng hóa những tinh túy của nền văn hóa dân tộc. Trước khi là người sống đức tin, các ngài đã là những người sống gương mẫu về đạo lý và luân lý cổ truyền Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam hãnh diện về trên 130.000 nhân chứng anh dũng này. Trong số đó, 117 vị đã được phong Hiển Thánh, một vị được nâng lên bậc Chân Phước và 300 vị khác đang chờ đợi ngày vinh quang.

Cốt lõi hay tinh túy của đạo lý và luân lý Việt Nam là thờ Trời, là tôn kính Tổ Tiên, là tín tưởng Linh Hồn bất tử ư? Mỗi vị anh hùng tử đạo là một công dân tuân giữ, đổi mới và tinh luyện những tinh túy đạo lý ấy. Nền tảng luân lý Việt Nam dựa trên cơ sở Ngũ Thường, hay trên năm nhân đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ư? Mỗi vị anh hùng tử đạo là một bó đuốc đốt sáng những nhân đức luân lý ấy.

Là con cháu của các anh hùng tuẫn giáo, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu trong đời sống của các ngài; đồng thời chúng ta hãnh diện và tôn vinh các ngài, noi gương các ngài sống đức tin và luân lý theo giáo huấn Tin Mừng. Trong niềm vui và hãnh diện, trong quyết tâm noi gương các Thánh Tiền Nhân, chúng ta hãy cầu xin:

Lạy Chúa Giêsu, ánh bình minh rực rỡ,

Xin cho hậu duệ các Thánh Anh Hùng:

‘Được tấc dạ trinh bạch như tuyết trắng,

Mãi can tràng trong thử thách đau thương,

Khi tiết độ, khi cầu kinh nguyện ngắm,

Vững tâm sống đường đạo lý, luân thường’ (27)

----------------

(1) Đào Duy Anh, ‘Việt Nam Văn Hóa Sử Cương’, nxb Bốn Phương, 1938 ‘Văn hóa là gì?’, tr. 13-14. - Trần Ngọc Thêm, ‘Tìm về bản sắc Văn Hóa Việt Nam’, nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản lần thứ ba, 1966, ‘Văn hóa và cấu trúc văn hóa’, tr.20-52. – Lm F.X. Tân Yên, ‘Văn Hóa’, lưu hành nội bộ, 2005, ‘Văn Hóa và hội nhập vào văn hóa Việt Nam’, tr. 3-38. - Nguyễn Vinh Sơn SCJ ‘Cơ sở giáo dục nhân bản’, nxb Từ Điển Bách Khoa, 2011, ‘Nhân cách và văn hóa’ tr. 11-36.

(2) Tạp chí Người Đưa Tin UNESCO, tháng 11.1989, tr.5

(3) Hiến chế Mục Vụ tức Constitutio Pastoralis ‘De Ecclesia in Mundo hujus Temporis’, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 07.12.1965. Trên đây là chú giải của bản dịch trong cuốn ‘Thánh Công Đồng Chung Vaticano II’ của Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Đà Lạt 1972, tr. 811-812. Có thể đọc thêm: ‘Công Đồng Vatican II bàn về văn hóa’, trong Linh mục FX Tân Yên, sd, trg. 12-31.

(4) Trần Ngọc Thêm, sd tr.75.

(5) Trần Ngọc Thêm, sd, tr.19.

(6) Guennou J. ‘Les Mission Étrangères’ éd. Saint Paul, Paris, 1950, tr. 49. Giáo Xứ Việt Nam ‘Văn Hóa Đức Tin’, Paris, 2004 tr.110-112.

(7) Đào Duy Anh, sd, tr. 201-203, - Leopold Cadière, ‘Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt’ I, bản dịch của Đỗ Trinh Huệ, nxb Thuận Hóa, Huế, 2010, tr.19-20. – Toan Ánh ‘Tín Ngưỡng Việt Nam’ I, Xuân Thu, tr. 9-15., - Đặng Nghiêm Vạn, ‘Tình hình tôn giáo ở Việt Nam’, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2001, tr. 205-222.

(8) Cuốn Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục XXXIII, 6 B cho biết về linh mục truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam như sau: «Năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Lê Trang Tôn nhà Lê (1532-1533), có một người Tây phương (dương nhân) tên là Inêkhu, đi đường bể lén vào giảng đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy (về miền Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình ngày nay) » - Nguyễn Hồng, ‘Lịch Sử Truyền Giáo Tại Việt Nam I’, nxb Hiện Tại, 1959, tr.14.

(9) Vũ Thành, ‘Dòng Máu Anh Hùng’ 1, 2, 3. Hoa Kỳ, 1987. Trong bài này, chúng tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt (DMAH 1, 2, 3, tr….). Chúng tôi trích dẫn hoặc viết theo bộ sách của Vũ Thành, bởi vì đọc các chú giải hoặc thư mục ở phần cuối mỗi cuốn, chúng tôi yên tâm về nguồn sử liệu liên quan đến Giáo Hội Việt Nam và truyện tích các thánh Tử Đạo ở Việt Nam mà tác giả đã dày công nghiên cứu và xử dụng.

(10) Toan Ánh, sd, tr. 20-22. - Léopold Cadière, sd tr. 54-115, - Mai Đức Vinh, ‘Tôn kính Tổ Tiên’ trong cuốn ‘Văn Hóa và Đức Tin’, Giáo Xứ Việt Nam Paris, 2004, tr.299-372.

(11) Toan Ánh, sd, tr. 24+30. Đào Duy Anh, sd, tr.203-207. - Cao Kỳ Hương, ‘Đạo Hiếu của người Công Giáo’, Hà Nội, 2010.

(12) Xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo các số 2214-2245.

(13) Xem: Văn hóa và Đức Tin tr. 299-372. - Cao Kỳ Hương sd. Tr. 154-155 – ‘Tôn kính tổ tiên, một hướng đi hội nhập văn hóa khẩn thiết của Giáo Hội tại Việt Nam’ (1999), tập tài liệu cuộc hội thảo ở Huế, lưu hành nội bộ.

(14) Bảo Đại, ‘Con Rồng Việt Nam’, Hoa Kỳ, 1990, tr. 86, 102.

(15) Toan Ánh, sd, tr. 23.

(16) Phan Thiết ‘Đất Việt, Người Việt và Đạo Việt’, Virginia, USA, 1995, tr. 272.

(17) Đỗ Trinh Huệ ‘Văn hóa, Tôn giáo, Tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadière’, trích dẫn bởi Cao Kỳ Hương, sd tr. 25-26.

(18) Alexandre de Rhodes, ‘Histoire du Royaume du Tonkin’ 1630, tr.25+76, trích dẫn bởi Cao Kỳ Hương, sd, tr.20, 22.

(19) Sách Giáo Lý ‘Rước Lễ Lần Đầu’ các câu 78-81, - Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy: ‘Linh hồn con người chỉ có thể có nguồn gốc nơi Thiên Chúa’ (33). Linh hồn là hình ảnh của Thiên Chúa, có bản tính thiêng liêng (363). Linh hồn bất tử, không bị hủy diệt khi lìa khỏi xác (366), nhưng được Chúa Giêsu phán xét… (1022).

(20) Lê Gia, ‘Tiếng Nói Nôm Na’, sưu tầm dân gian, nxb Văn Nghệ T/P Hồ Chí Minh, 1999, tr.642-644.

(21) Lê Gia, sd. tr. 423

(22) Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, ‘Từ điển giải thích thành ngữ gốc hán’, nxb Văn Hóa, 1994, tr.84-85.

(23) ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’ lớp Sơ-Đẳng, Rectorat de L’Université Indochine, nxb Quê Mẹ in lại 1981.

(24) Lê Gia, sd, tr.1247.

(25) Trần Trọng Kim… ‘Luân Lý Giáo Khoa Thư’, nxb Nha Học Chính Đông Pháp, Sài Gòn, 1941, tr. 23-24.

(26) Ngô Thời Sỹ, ‘Việt Sử Tiêu Án’, 1755, tr.82. Trích đăng trong Nguyễn Vinh Sơn SCJ, sd. tr. 273-274.

(27) Thánh Thi, Kinh Sáng, Thứ năm, tuần II.

Lm. Mai Đức Vinh
 
Văn Hóa
Chuyện Phiếm đọc trong tuần
Trần Ngọc Mười Hai
07:18 17/05/2013
Chuyện Phiếm đọc trong tuần lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm C 19-5-2013

“Tôi yêu em, buổi đầu tiên biết yêu”..
Tôi ngu ngơ, ôm ấp bao mộng mơ ...
Nhưng hôm nay, bao mộng mơ vỡ tan,
Con tim như phế tích hoang tàn”
(Lê Hựu Hà – Nỗi Đau Người Để Lại)


(Kn 3: 16-19)

Có thể nói mà không sợ sai lầm, rằng: đâu chỉ mình tôi và bạn, ta có mỗi “Con tim như phế tích, hoang tàn”, mà hầu như tất cả mọi người xưa nay cũng đâu chắc gì mình “ôm ấp bao mộng mơ” theo kiểu nghệ sĩ từng làm thơ hoặc viết nhạc để hát ca rộn ràng lên như thế.

Rộn ràng, với nghệ sĩ, không chỉ là “mộng vỡ tan”, nhưng còn là lời tả oán, khi ta hát:

“Em ra đi, bỏ rơi tôi trong lạnh lùng,
Không phân vân..thương tiếc hay bâng khuâng ...
Lúc trái tim chưa học hết tiềng yêu ...
Lúc trái tim chưa thuộc hết vần yêu ...”

Cuộc đời đôi lúc trớ trêu, người không yêu sao ta vẫn yêu?
Tình cho đi không ai lấy lại bao giờ ...
Người vừa tặng ta khổ đau, tình tặng ta thêm bao nỗi sầu
Giờ còn chi khi ta mất trong đời nhau?...”
(Lê Hựu Hà – bđd)



Thật ra thì, khổ đau, âu sầu hoặc nỗi chết, đâu phải do mọi người hoặc chính mình đem đến cho ai hết. Và câu hát “Giờ còn chi, khi ta mất trong đời nhau?” vẫn có thể là câu hỏi trong đời, rất muôn thuở. Bởi, chính tôi hay bạn, ta vẫn thường hỏi chỉ một câu như thế, nhưng nào nhận được lời đáp trả, ở đâu đó?

Lại cũng có những câu hỏi không lời đáp giống như thế, dù bạn và tôi, ta có nói theo kiểu sẻ san trong thánh lễ tưởng niệm tại nhà thờ họ lẻ ở đất Úc tối hôm 26/4/13 như sau:



“Thật ra, đứng ở đây, tôi không có tư cách để giảng giải hoặc chia sẻ Lời Chúa như thày sáu hay thày cả, mà chỉ là “thày chạy” tức cũng là thày dòng vào một dạo, nhưng lại chạy khỏi Dòng tu, để đi vào giòng đời tìm kiếm Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu nơi lòng người, nhất là những người khác niềm tin với tôi. Minh định thế rồi, nay xin mạn phép được sẻ san đôi ba cảm nghiệm của người con Chúa từng đi vào đời sống với người đời, nhất là với người thân trong gia đình “nhà hiếu” không cùng niềm tin tôn giáo với mình.



Vì là cảm nghiệm, nên việc sẻ san đây chỉ mang tính tư riêng/cục bộ, thôi. Và cũng vì là cảm nghiệm về sống Đạo giữa đời với bà con thân thuộc không cùng Đạo Chúa, nên những điều nói ra hôm nay dứt khoát không mang tính thần học hoặc tu đức gì hết, chỉ là lời kể lể có chút “phiếm Đạo”, thế nên nếu có gì hơi quá hoặc tư riêng sao đó, xin quý vị niệm tình tha thứ.



Cảm nghiệm của tôi, là một người rể trong hiếu-quyến hôm nay, là thế này:

Xưa nay, mỗi lần có bạn bè/người thân nào đó ra đi về miền vĩnh hằng có Chúa có cha, có cả Phật hiền, chừng như các cụ nhà ta đều bảo rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Câu này, mang rất nhiều ý nghĩa, cũng còn tuỳ trường hợp và hoàn cảnh của mỗi người; nhưng với riêng tôi, thì “nghĩa tận” bao hàm 3 cung cách, đó là: tận trung, tận hiếu và tận tình.



Tận trung, thì đối với dân con sống dưới chế độ dân chủ, ở ngoài đời, là trung thành với vua, quan, lãnh chúa. Còn với Đạo Chúa của tôi, thì tận trung lại có nghĩa trung tín với Chúa với Cha trên trời, bằng cung cách tin, yêu & phục vụ người đồng loại của mình.



Tận hiếu, thì dĩ nhiên: người Việt mình ai cũng vì có cha/có mẹ để vinh danh và tỏ lòng hiếu thảo đến tận cùng đời mình. Nhưng với riêng tôi, trong trường hợp sống và hành xử hiếu đễ với thân sinh ra mình, thì quyết tâm của tôi, là: muốn trung thành và yêu thương vợ hiền, thì phải có hiếu với vợ (ấy chết) với bố mẹ vợ mình nữa! Nói thế, là bởi: ngay từ ngày “chạm ngõ” và cưới hỏi người mình yêu, tôi đã trải qua đợt sát hạch khá gay go. Thoạt vào lúc các cụ nhận thấy tôi tuổi Mùi và nhạc mẫu của tôi lại tuổi Mão, như khoa Tử vi Đẩu số có nói: đó là tam hợp. Nói nôm na, thì: vì thấy tôi tuổi con dê hiền lành chất phác, lại từ Dòng Chúa Cứu Thế chui ra, nên nhạc mẫu của tôi bèn tự nhủ: Ừ! Anh chàng này làm rể nhà mình được đấy. Tôi cho điểm A, tức: Đạt!



Còn, Tận Tình, tức: tận tâm đến cùng với cuộc tình, dù tình đó có là tình vợ/chồng, tình con rể với mẹ vợ, hoặc tình Chúa, tình người, hoặc tận tình với nguời của Chúa, và với nhau. Và, tối hôm nay, vì là buổi tâm tình đặc biệt về một trong “tứ thân phụ mẫu” cuối cùng của tôi, ở đây tôi xin nhấn mạnh đến chữ “tận tình” giữa tôi và mẹ vợ.



Hẳn bạn bè/người thân hoặc độc giả xa gần đọc và nghe “Chuyện Phiếm Đạo Đời” còn nhớ là cách đây khaỏng 6 năm, tôi đã khởi đầu sự nghiệp viết và lách bằng một bài “luận phiếm” có đầu đề lấy từ câu nói của cụ bà nhà tôi thường hay dùng, đó là câu: “Ấy Là Kể Chuyện!” Bài này kể về nhiều thứ, nhiều chuyện: chuyện yêu thương, tha thứ, chuyện tình người đối xử với nhau cho phải Đạo. Thế thì, trong bài có kể một chuyện khá ý nghĩa về các hành xử của con người, trong đời, chuyện tình người rất “tận tình”, đó là câu chuyện xảy ra hồi thế chiến thứ 2 gần chấm dứt khi đó có anh lính Đức nọ quyết gom dân làng ở Pháp còn sống ra bức tường làng để xử bắn, bất kể người đó có là đàn bà hay con trẻ. Kịp khi ấy, có thiếu niên nọ vội dùng dăm ba tiếng Đức học được ở trường, lại đã đứng ra xin anh đội trưởng cho mình chết thay người chị có con nhỏ, phải chăm sóc. Và cuối truyện lại có đoạn: chính tác giả có mặt trong truyện đã đứng ra xin bà con tha chết cho người đội trưởng này khi cuộc chiến đã kết thúc. Tóm tắt, thì: ý chính của câu chuyện phiếm đầu tay hôm ấy, chỉ muốn nói: trong chuỗi ngày dài sống Đạo giữa đời với người cùng Đạo, cùng chánh kiến hoặc khác đạo/khác cuộc tình, thì dù sao đi nữa, mình vẫn nên “tận tình”, tức đi đến cùng bằng tình thương yêu hết mọi người như yêu chính mình. Và, khi đã tỏ bày tình yêu thương đến tận cùng rồi, thì cũng đừng quên thứ tha cho cả người mình yêu hoặc những người chẳng yêu mình đi nữa.



Về triết lý sống Đạo làm người, tôi không chỉ học được từ trường Dòng hoặc từ Đạo Chúa mà thôi, nhưng còn từ cụ bà nhạc mẫu của tôi nữa. Bằng chứng là: trong chuỗi ngày trải dài đời mình, thì: sau khi mất đi người mẹ ruột vào năm 1978, tôi lại được nhạc mẫu từng kể cho nghe chuyện đời người và người đời, cụ còn kể cả về Đạo làm người và làm con Chúa/con Phật. Những chuyện mà cụ cứ gọi bằng ngôn từ rất nôm na, như: “Ấy Là Kể Chuyện!”, thôi.



Đó là chuyện đầu đời và suốt cuộc đời, tôi được hân hạnh gặp, sống và nghe cụ bà nhạc mẫu kể chuyện suốt. Còn, đây là chuyện cuối đời của cụ: chiều hôm trước ngày cụ ra đi, theo thường lệ, chúng tôi vào thăm cụ ở viện, tôi chào cụ nhưng không thấy cụ tỏ bày điều gì. Thấy lạ, nhà tôi sợ rằng cụ bị bệnh lẫn nặng không nhớ được cả chàng rể hiền mà cụ vẫn thương mến, bèn hỏi: “Bà biết ai không?”, thì được cụ trả lời: “Thì, Chú Tá chứ ai!”, chỉ mỗi thế. Vâng. Nhưng, trong cái “chỉ mỗi thế” này, tôi nghe như cụ muốn nói thêm điều gì đó với riêng tôi, mà vì hơi tàn sức cạn, cụ chỉ nói được có thế.



Sáng hôm sau, tức cách đây đúng một tuần lễ, gần 9 giờ sáng, tôi đang chuẩn bị cho một buổi sáng thường lệ trong tuần, thì nhận được cú điện thoại do nhà tôi gọi gấp bằng một giọng mếu máo,khóc oà: “Bố ơi! Bà mất rồi!…”



Được hung tín, tôi vội lấy taxi trực chỉ phòng bệnh của cụ thì được biết: cụ đã ra đi vế chốn “Tây Phương cực lạc” chừng mươi phút. Hiện diện bên cụ lúc đó, chỉ có mình tôi là người đầu tiên chạy đến khi cụ qui tiên thôi! Tôi nhìn thẳng vào diện mạo của cụ để xem cụ có tỏ bày điều gì qua sắc mặt hoặc cung cách nào đó hay không, mới nhận ra rằng: cụ đi rất an nhàn/thanh thản như thể muốn nói lời cuối với riêng tôi, rằng:”Rõ Thật Hết Truyện!”



Vâng! “Rõ Thật Hết Truyện” để nói. Hết cả những chuyện để bảo: “Ấy là Kể Chuyện!.” Và, cuối cùng thì, sau cả 100 năm cuộc đời toàn những nghe và kể đủ thứ chuyện trên đời rồi, thì nay nhạc mẫu của tôi ra như muốn bảo với con cháu và bạn bè người thân trong/ngoài Đạo, rằng: “Rõ Thật Hết Chuyện!”. Hết, cả chuyện đời người và người đời. Nhưng vẫn còn một chuyện để ta có thể nhắn bảo với nhau, rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận!” Chữ “tận” ở đây, không là tận thế, hoặc tận cùng của sự sống, mà là tận tụy hết mình vì Tình thương yêu mọi người.



Vậy thì, tối nay, tôi lại xin phép được chuyển trao thông điệp của cụ bà nhạc mẫu của tôi và cũng là người Mẹ thứ hai của tôi, đến bạn bè/người thân xa gần, trong đó có những người mà nhạc mẫu của tôi cũng rất thân và gần cận, lời nhắn nhủ cuối hết, đó là: “Rõ thật hết chuyện!” Hết cả chuyện đời lẫn chuyện người. Nhưng vẫn còn đó chuyện tình người và tình Chúa/Phật trong tôi và trong quý vị mãi thiên thu, nhiều kiếp. Quý vị và tôi đang quyết tâm sống trọn kiếp người của dân con Đức Chúa hay Phật tử thần thành hay Đạo nào đó, thì cũng xin nhớ cho rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, có nghĩa là: tận trung, tận hiếu và tận tình với hết mọi người, trong yêu thương. Thiện tai! Thiện tai! Thiện thiện tai! Amen” (Tâm tình san sẻ của người con rể mang tên Trần Ngọc Tá, trong thánh lễ tưởng niệm nhạc mẫu của anh tối 26/4/13 ở Úc.)



San sẻ tâm tình về một mất mát, cũng hệt như sẻ san tình tự về cuộc đời có khổ đau, sầu buồn đầy những giòng nhạc vẫn được hát:



“Khi yêu em, tôi nguyện yêu suốt đời ...
Nhưng riêng em, yêu giông như trò chơi ...
Che cơn đau, tôi lặng thing mỉm cười ...
Mai xa nhau, tôi vẫn yêu người ...
Bao năm qua, xót xa đã quen nhiều rồi
Hôm nay yêu, mai nói câu chia phôi
Nước mắt kia vỗ về khuyên hãy cười ...
Để nỗi đau yên lòng thấy mình vui ...”

(Lê Hựu Hà – bđd)



San sẻ về tình người đi Đạo, vào lúc có mất mát, khổ đau, sầu buồn lại sẽ là và vẫn là những sẻ và san của đấng bậc vị vọng chuyên trách việc Giải mã thắc mắc trong sống đời Đạo ở đời, rất như sau:



“Tôi có người bạn, nay được bác sĩ cho biết sẽ phải ngồi xe lăn đến mãn đời. Chị rất ít di chuyển đây đó vì thấy khó khăn trong vận động và cả đến chuyện nói năng nữa. Chị là người Công Giáo, nhưng vẫn thấy khó chấp nhận tình trạng đau khổ đang xảy đến với mình. Theo cha, tôi phải giúp chị như thế nào? Làm gì để cho chị bớt khổ? Câu hỏi của một giáo dân ngoan đạo, nhưng không biết nhiều).



Hỏi chuyện đạo với đấng bậc trong đạo, là chuyện thường ngày ở huyện, không gì khó. Nhưng, hỏi về chuyện chấp nhận khổ đau với tư cách là giáo dân buôn nhiều hơn vui, gửi đấng bậc vui nhiều hơn buồn, thật cũng khó. Tuy là thế, đấng bậc nhà Đạo mình chẳng quản ngại khó khăn để san sẻ tâm tình với tư cách là đấng bậc, thật cũng khó, như sau:



“Một trong những việc, mà theo tôi, cũng rất khó cho người cùng Đạo thấy được giá trị của những đớn đau sầu buồn, họ vẫn cam lòng chịu đựng. Tôi cảm tạ Chúa đã soi dọi ánh sáng của niềm tin người Công Giáo lên thực tại của cuộc sống đã và vẫn ảnh hưởng lên mọi người trong chúng ta. Nói cho cùng, thì khổ đau và nỗi chết đều là hậu quả của tội nguyên tổ, chính vì thế nên, tất cả chúng ta đều trải nghiệm chuyện ấy cách này hay cách khác. Nhớ lại sự việc xảy đến theo sau hành động của người đầu tiên phạm tội, là: Ađam phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được của ăn, thức uống, và Evà, người bạn đồng hành với ông trong cuộc sống cũng phải cưu mang sanh con đẻ cái cách đau đớn và cả hai người đầu đời đều phải trải nghiệm nỗi chết, giống mọi người. (x. Khởi nguyên 3: 16-19)



Về đớn đau/sầu khổ, ta có thể chia ra làm hai thể loại chính, đó là: đau khổ thể xác và đau khổ đạo đức. Về thể xác, mọi người đều phải trải qua mọi nỗi đớn đau như: tật bệnh, đau nhức, mệt mỏi, tật nguyền, đói khát, trúng lạnh hoặc cảm sốt vv..Buồn đau đạo đức được cảm nghiệm trong trí óc và tâm can nhiều hơn, như: Nỗi đau mất mát người thân, khổ ải của ai đó rất gần gũi với mình, gia đình gẫy đổ, ưu tư tiền bạc, tài chánh xảy đến với kế hoạch mình dự tính, niểm cô đơn lẻ bóng, ân hận về những sai sót, bị người khác xử ép, vv..



Theo cung cách nào đó, thì khổ đau sầu buồn sẽ luôn là bí mật mà ta không thể hiểu tường tận, chí ít là khi nỗi khổ đau ấy về con trẻ hoặc người tốt lành, hạnh ngộ. Thế nhưng, một phần của lời đáp cho bí nhiệm này khác là do từ một người vô tội sống trên địa cầu thực tiễn, của Đấng cũng đã trải nghiệm những tháng ngày khổ đau đến cực độ, đó là Đức Giêsu Kitô. Vào lúc hấp hối trên thập giá, Đức Giêsu cũng đã kêu lên: “Lạy Thiên Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa tôi! Vì sao Người lại bỏ tôi? (Mc 15: 34; Tv 22:1) lại cũng là lời lẽ nói lên tâm trạng hoang mang, bối rối của nhiều người suốt nhiều thời.



Tuy nhiên, ngang qua nỗi thống khổ, cái chết và Phục Sinh của Ngài, Đức Giêsu đã cứu độ trần gian khỏi tội nguyên tổ và tái tạo chúng ta đưa vào tình thân thương bằng hữu thánh thiêng và theo cách nào đó, Ngài đã cứu độ chính sự đau khổ, và Ngài đem lại cho khổ đau ấy một ý nghĩa và giá trị mới. Chính vì thế mà Ngài từng chúc phúc cho những người chịu đau khổ bằng quả quyết: “Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an…, Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.”(Mt 5: 5, 1012) Lại cũng có những phương cách trong đó khổ đau đích thực là ân huệ.



Trước hết, nó củng cố sức mạnh của cá tính. Chúng ta đều biết rằng những ai lướt thắng được nghịch cảnh trong đời rồi cứ thế tiếp tục hoàn tất nhiều sự việc tốt đẹp. Khổ đau họ gặp phải sẽ góp phần lớn lao để kiến tạo bản sắc tư riêng của mình.



Thứ đến, khổ đau giúp cho người đau khổ cảm thông với những ai đang sầu buồn, tang tóc, khổ sở. Chỉ khi nào ta có kinh qua và trải nghiệm những giai đoạn đớn đau trong đời mình, thì lúc đó ta mới cảm kích những gì người khác đã kinh qua, trải nghiệm và đem đến cho họ lòng xót thương đích thực, Cụm từ “Lòng xót thương”, cuối cùng ra, cũng mang ý nghĩa rất từng chữ, là: “cùng đau khổ với người ấy.”



Thứ ba nữa, là: việc chịu đựng khổ đau giúp ta chỉnh sửa mọi sơ hở, lỗi lầm, tội vạ. Chúng ta ai cũng phạm tội và trước khi đi vào chốn thiên cung, thiên quốc, ta đều phải chỉnh sửa sao đó các lỗi phạm như thế, ở đây lúc này hay ở chốn luyện hình. Đau khổ là một trong nhiều phương cách hay nhất đẻ ta làm việc ấy, miễn là ta chấp nhận nó từ Thiên Chúa, cách yêu thương. Làm như thế, sẽ rút ngắn thời gian ở chốn luyện hình hoặc vứt bỏ nó đi, có như thế thì đau khổ trở thành “Chốn luyện hình của ta nơi dương thế.”



Thứ tư nữa, là: đau khổ kết nối ta vào với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu khổ vì ta trên thập giá, Ngài mời gọi ta làm như thế khi Ngài phán bảo: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16: 24) Ngay như thánh Phaolô cũng từng xác chứng việc thánh-nhân kết nối với Chúa ngang qua đau khổ, khi thánh-nhân bảo: “Tôi đã cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá.”(Gal 2; 19)



Thứ năm nữa, là: ta có thể dâng hiến mọi khổ đau cho người khác được hạnh phúc. Khi ta chấp nhận như thế để dâng hiến cho ai đó đã quay đầu lại niềm tin, hoặc cho người đau yếu, tật bệnh, cho cả những người đang tìm việc để kiếm sống, thì ta hẳn biết là lời cầu của ta sẽ được đoái nhậm bởi lẽ việc ấy được nối kết với sự hy sinh của ta trong đau khổ. Điều này đem lại cho chính khổ đau mục đích mới mẻ.



Cuối cùng, khổ đau đem lại lợi ích cho những ai đang trông nom chăm sóc người đau khổ. Sự tử tế, kiên nhẫn và lòng đại độ mà họ chứng tỏ cho người đó cũng được dâng lên chính Chúa, như thánh Mát-thêu từng viết: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25: 35-36). Bằng vào việc dâng lên Chúa tình thương yêu ngang qua người đang đau khổ, người chăm sóc sẽ lớn lên trong sự thánh-hoá, nên xứng đáng với phần thưởng vĩnh cửu.



Vì những lý do nêu trên, đau khổ như Chúa nói, thực sự là mối phúc thật. Đây chính là kho báu Chúa gửi, thế nên đừng phung phí nó.” (x. Lm John Flader, The Value of Suffering, The Catholic Weekly, 28/4/2013, tr. 10)



San sẻ ý nghĩa khổ đau, sầu buồn từ đấng bậc mô phạm, đạo mạo rất kinh điển thì cũng đừng quên tâm tình sẻ san của các nghệ sĩ qua giòng nhạc vẫn được hát, những lời rằng:



“Cuộc đời đôi lúc trớ trêu, người không yêu sao ta vẫn yêu?
Tình cho đi không ai lấy lại bao giờ ...
Người vừa tặng ta khổ đau, tình tặng ta thêm bao nỗi sầu
Giờ còn chi khi ta mất trong đời nhau...
Cuộc đời đôi lúc trớ trêu, người không yêu sao ta vẫn yêu?
Tình cho đi không ai lấy lại bao giờ ...
Người vừa tặng ta khổ đau, tình tặng ta thêm bao nỗi sầu
Giờ còn chi khi ta mất trong đời nhau...”

(Lê Hựu Hà – bđd)



San sẻ ý nghĩa và tâm tình về ý nghĩa và sự thật của cuộc sống theo cung cách khác nhau giữa người nhà Đạo và nghệ sĩ ngoài đời, là như thế. Như thế là như thể lời sẻ và san của các nghệ sĩ và/hoặc cụ “đạo” từng hiểu biết hoặc trải nghiệm về khổ đau/sầu buồn trong đời, còn là thế. Thế nhưng, lại có vị cũng diễn tả thực chất cuộc đời cũng hơi “sầu buồn” nhưng theo cung cách rất khác, như sau:



“Tôi quen gia đình nhà White khi mới vào đại học. Họ hoàn toàn khác gia đình tôi, mặc dù vậy ở bên họ, lúc nào tôi cũng cảm thấy hết sức thoải mái. Jane White với tôi thoạt tiên là bạn trong trường, rồi kế tới cả gia đình đón tiếp tôi - một người ngoài - như thể đón một người em họ mới tìm ra.



Ở nhà tôi, mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra, luôn luôn nhất thiết là phải tìm cho ra thủ phạm để trách mắng.“Cái này là ai làm đây?”. Mẹ tôi sẽ hét lên như thế trong nhà bếp hỗn độn như bãi chiến trường. “Đó là tại con đó, Katharine!”. Cha tôi sẽ đay nghiến mỗi khi con mèo biến mất hoặc cái máy giặt không làm việc.



Ngay từ khi còn nhỏ, anh chị em chúng tôi vẫn hay nói với nhau là trong nhà mình còn một người nữa là ông Trách Mắng.



Mỗi tối ngồi vào bàn nhớ dọn cả cho ông ấy một phần ăn! Nhưng gia đình nhà White lại không bao giờ quan tâm đến ai vừa gây ra việc gì, họ chỉ thu dọn những mảnh vỡ và tiếp tục sống vui vẻ. Tôi chỉ thực sự hiểu hết nét đẹp của nếp sống này vào mùa hè mà Jane qua đời.



Ông bà White có sáu người con, ba trai, ba gái. Vào tháng bảy, ba người con gái nhà White và tôi quyết định làm một chuyến đi từ Florida đến New York. Hai cô lớn nhất, Sarah và Jane đều là sinh viên. Người nhỏ nhất, Amy, thì vừa mới có được bằng lái xe. Tự hào vì điều đó, cô rất mong đến chuyến đi để được thực tập.



Hai cô chị chia nhau lái suốt chặng đầu của chuyến đi, đến một khu thưa dân cư họ mới cho Amy lái. Thế rồi cô bé đột nhiên đi lạc vào đường ngược chiều, đã vậy mà Amy vẫn tiếp tục cho xe chạy băng băng không dừng lại. Một chiếc xe tải đã không kịp dừng lại nên lao thẳng vào xe chúng tôi. Jane chết ngay tại chỗ.



Khi ông bà White đến bệnh viện, họ thấy hai cô con gái còn sống sót của mình nằm chung một phòng. Đầu Sarah thì quấn băng còn chân Amy thì bó nạng. Hai ông bà ôm lấy chúng tôi khóc buồn vui lẫn lộn khi gặp lại các con. Họ lau nước mắt cho các con và thậm chí còn trêu Amy khi thấy cô bé học sử dụng nạng.



Với cả hai cô con gái, đặc biệt là với Amy, họ nói đi nói lại: “Bố mẹ mừng biết bao khi thấy con còn sống.”Tôi vô cùng kinh ngạc, không có kết tội, không có trách mắng ở đây.



Về sau, tôi hỏi ông bà sao lại không có một lời kết tội nào đối với việc Amy đã đi vào đường cấm. Bà White bảo: “Jane đã mất rồi và chúng tôi thương nhớ nó kinh khủng, nhưng nói hay làm gì thì có mang Jane về được đâu. Trong khi đó Amy còn cả một cuộc đời trước mặt. Làm sao nó có thể sống một cuộc đời hạnh phúc nếu cứ cảm thấy rằng chúng tôi oán trách nó vì nó đã gây ra cái chết của chị gái?”



Họ nói đúng, Amy tốt nghiệp đại học và lấy chồng vài năm sau đó. Cô trở thành mẹ của hai bé gái, và bé lớn nhất tên là Jane.



Tôi đã học được từ gia đình White một điều thực sự quan trọng trong cuộc sống: Trách mắng quả thật không cần thiết, đôi khi đó còn là một việc hoàn toàn vô ích.” (Không rõ tác giả)



Cuối cùng thì, có diễn giải, cảm kích hoặc sẻ san tâm tình về cuộc sống khá “sầu buồn” hay không, cuộc đời người vẫn là thế. Là thế, tức là nó vẫn diễn tiến đúng chức năng thành phần của chính nó. Ngõ hầu đối đầu với nó theo cung cách rất đúng cách, chi bằng ta cứ trở về với Lời dạy của Bậc thánh hiền từng căn dặn, rằng:



“Hỡi anh em là những kẻ được Chúa yêu mến,

chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em,

vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu,

để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hoá và nhờ lòng tin vào chân lý.

Chính vì thế mà Người đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em,

để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.

Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững

và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em bằng lời nói hay bằng thư từ.

Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta,

Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta,

niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp,

xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh,

để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”

(2Thes 2:13-17)



Đàng rằng, đoạn trích ở trên không có ý ám chỉ rằng: thánh Phaolô đề cập đến tính thiết yếu và “phúc hạnh” của khổ đau/sầu buồn nơi đời người. Nhưng, thánh-nhân cũng như đấng bậc hiền lành sống ở đời, cũng có những nhận định sâu sắc và thực tiễn để giúp mình/giúp người sống trọn vẹn kiếp người. Kiếp sống, của những người vui hưởng trọn vẹn đạo làm người. Đạo trong đời.



Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn luôn tự nhủ

cuộc đời con người có những điều

chính mình vẫn chưa hiểu hết

và sống trọn, sống cho hết

đạo làm người, rất “nghĩa” tận.

Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần sau lễ Hiện Xuống năm C 19.5.2013



“Trời như hớp phải hơi men ngan ngát,”

“Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 20: 19-23; 14: 15-16, 23b-26

Hơi men ngát, đất trời như hớp phải. Ngôi tinh lạc, vũ trụ tâm tình diễn tả ngày Chúa đến có Thánh Thần ngự trị như “tinh lạc xuống mười phương” ở trình thuật.

Trình thuật, thánh Gioan nay diễn tả việc Chúa đến như nguồn năng lực đổ xuống muôn dân, không giới hạn. Chúa đến, lẽ đáng ra, sự việc không mang tính bạo lực nhưng chỉ thực hiện lời Ngài hứa hẹn. Chúa đến, lẽ đáng ra, ta không còn chối từ một hồi hướng. Và Chúa đến, lẽ đáng ra: xã hội chẳng buộc mọi người phải khước từ tặng cho người nghèo/hèn những thứ họ cần thiết. Chúa đến, hy vọng mọi người sẽ nhận được lời Chúa nhắn hãy đến với nhau trong thuận hoà, bất kể mình là ai, tốt xấu thế nào.

Chúa đến vào ngày Hiện Xuống vẫn là thế, nhưng sao bạo lực vẫn cứ lan tràn khắp nơi? Sao mọi người vẫn ra chai đá chẳng hồi hướng, trở về. Xã hội, vẫn chèn ép người lép vế, thiếu thốn. Và, lòng người vẫn rẽ chia về văn hoá lẫn đạo giáo. Và, người người vẫn không biết gì thông điệp Chúa gửi, vẫn kiếm tìm sự thật, lại không thấy. Có người cứ tự hỏi: Lễ Hiện Xuống có thực sự xảy ra không? Phải chăng đó chỉ gồm một mớ tư tưởng rất không thực? Hoặc, ngày ấy rồi cũng đến trong tương lai?

Thật ra thì, lễ Chúa Hiện Xuống xảy ra vào một ngày rất thực, nhưng vì ảnh hưởng của Ngày này nên sự việc bị đình hoãn, vẫn chưa tới. Và, ân sủng ngày Chúa đến sẽ mang lại an bình/tử tế, phúc hạnh và liêm chính, cảm thông lẫn hoá giải và mọi nét đẹp vẫn chưa đến với người người. Tại sao thế? Nếu Chúa tặng ban cho ta ngày Hiện Xuống như thế, thì sao kết quả của ngày này vẫn chưa hiện thực?

Sở dĩ có chuyện như thế, vì Chúa muốn để cho con người tự mình thực hiện những gì mình phải làm theo cung cách tư riêng, tốt đẹp. Ngài vẫn muốn con người vận dụng tài năng, trí tuệ để sáng tạo điều tốt đẹp trong mọi sự theo cung cách đa dạng, đặc trưng hầu làm đẹp thế giới gian trần. Có như thế ta mới đi đến hiệp nhất đích thực rất quý giá. Chúa gửi Thần Khí đến vào ngày Hiện Xuống là để đảm bảo rằng Ngài vẫn ưu tư chăm sóc thế giới của Ngài, ngang qua ta. Vì thế nên, Hiện Xuống là sự việc quan trọng bởi chính đó là cơ hội để mọi người biết mà thực hiện những điều Chúa trông ngóng.

Thêm nữa, Hiện Xuống còn là cơ hội Chúa tặng ban Thần Khí của Ngài cho thế gian. Thần Khí Ngài vẫn ở với ta và hiện diện cả nơi mù mờ, nghịch ngạo để ta sống sao cho mọi người thấy rằng Thần Khí Chúa vẫn hiện hữu. Ngõ hầu giúp ta làm việc ấy, Thần Khí Chúa không ra mặt dính dự vào mọi sự, nhưng vẫn ẩn khuất ở đâu đó để ta kiếm tìm. Và, một khi khám phá ra Ngài, ta mới xác tín, thuyết phục và hoạt động cho mình và cho người. Và, dù không xem không thấy bằng mắt thịt, ta vẫn sống có Thần Khí như Kitô-Khác để chứng tỏ ta là con Chúa, có Thần Khí ngự trị trong ta, ở với ta.

Lấy âm nhạc làm ví dụ, ta cứ suy như thế này: hãy hình dung ra cảnh tượng nhạc sĩ Beethoven vừa viết xong giao-hưởng-khúc tuyệt-vời rồi trao cho nhạc-công thành Viênna thực hiện biểu diễn. Thật tuyệt! Nhưng, làm sao lại như thế được. Bởi, tuy Beethoven là nhạc sĩ viết nhạc, nhưng ông lại chẳng bao giờ chơi thử nhạc bản đó và cũng chẳng nghe được tiết điệu của nhạc bản do mình sáng tác, vì ông bị điếc nặng! Vậy thì, chuyện gì sẽ xảy đến nếu tác-giả các giao-hưởng-khúc nổi tiếng những muốn nhạc của mình đạt kết quả? Đương nhiên, các nhạc trưởng đều quyết tâm qui tụ nhạc-công giỏi lập thành dàn nhạc thật hay để chơi bản giao hưởng ấy cho tốt. Và nhạc bản ấy, sẽ không là giao-hưởng-khúc tuyệt-tác cho đến khi dàn nhạc trổi cung điệu thánh thót đến phút chót. Và khi ấy, mọi sự tốt đẹp như: nét nhẹ nhàng tinh tế, bình an và phúc hạnh, hoà giải và cảm thông cùng với nét diễm kiều của sự thật đà tỏ hiện.

Và khi Thần Khí Chúa Hiện Đến với con người, mọi sự thể cũng sẽ hệt như thế. Mọi sự kiều diễm/tốt đẹp sẽ được biểu tỏ vào ngày Chúa Đến, nhưng không là kết quả của Hiện Xuống, mà là hậu quả của những gì ta có thể làm để việc Chúa Đến được diễn ra. Tựa hồ như lĩnh vực âm nhạc, điều đó như thể một phần của Giao-hưởng-khúc nọ chưa được chơi cho dứt. Đây chỉ là một phần của giao-hưởng-khúc được trì hoãn, sẽ chơi sau. Vị nhạc trưởng, sẽ xin thính-giả đến thưởng lãm phần còn lại của nhạc bản, vào lần tới. Cũng thế, Lễ Hiện Xuống là để nhắc ta chuyện tương lai, ta dựng xây.

Đôi lúc ta lại nghĩ mình hoạt động trong tình huống có khuôn thước lịch sử có giới hạn, nên cũng chỉ gật đầu vội vã thông qua với người Do-thái ở Cựu-ước, và tập trung nhiều vào Đức Kitô của thời ấu thơ, vội nhảy vào thời điểm Ngài công khai hoạt động, chú trọng nhiều đến sự chết và sống lại của Ngài, rồi thêm vào đó chuyện Ngài về Trời và rồi Ngài gửi Thần Khí đến với muôn người trong ngày Hiện Xuống, chỉ thế thôi. Còn lại một việc, là: ta chỉ tìm đường về quê trời, sau đoạn kết của câu chuyện đời.

Khuôn thước lịch-sử ra như thế, nếu là lịch-sử cứu độ, e rằng cũng bức bách, hạn hẹp. Thật sự, thì: ta cần khuôn thước lớn rộng, bao gộp nhiều công đoạn để thực thi việc Hiện Xuống của Thần Khí trong tất cả lịch sử hay tiểu sử của mỗi người. Không chỉ quan tâm mỗi khuôn thước thánh-sử của Giáo Hội ta mà thôi, nhưng của mọi nhóm hội/đoàn thể trong đó người người vẫn cứ làm mọi việc nhưng không nói ra, nhưng để Chúa tỏ cho ta thấy Ngài muốn ta làm gì vào Lễ Hiện Xuống, rất Ngũ Tuần. Ta đang ở trong tình huống có Hiện Xuống thời hiện tại, có bối cảnh một đại lễ đang bày cho ta việc để làm.

Nhìn vào thánh Hội hôm nay, lúc này, ta thấy rằng Hội thánh đang bận bịu rất nhiều việc, nhưng đã chắc gì ta đang theo khuôn thước của Hiện Xuống, có Thần Khí chỉ dẫn. Hội thánh ta cũng đang hoạt động thật đấy, nhưng vẫn đẩy lùi thế giới ra bên ngoài. Hôm nay, mừng ngày Chúa Hiện Đến, có lẽ Hội thánh, tức toàn thể các kẻ tin chứ không chỉ hệ cấp giáo quyền mà thôi cũng nên nhớ, rằng: mọi sự ở trần gian là một phần của tổng thể có Chúa, có ta, có cả Thần Khí cùng hoạt động trong Chúa và với Chúa. Hội thánh hôm nay cũng cần một nền giáo dục mới cho công tác ấy. Hội thánh cần mời mọi người lâu nay bị bỏ rơi ở bờ rìa, hãy cùng tham gia công việc chung của mọi người. Công việc thánh-hoá toàn thể thánh hội, như đã từng xảy ra trong ngày Chúa Hiện Đến.

Làm được thế, ta sẽ có cuộc di dân khá lớn rộng không phải từ nước này qua nước nọ, mà từ vai trò này qua chức năng khác, trong tổng thể. Và hiện nay đang có dấu hiệu cho thấy sự việc như thế đang dần dà tỏ hiện một lễ Hiện Xuống và Hiện Đến với muôn người.

Nay, cũng là lúc ta nên để mọi căng thẳng, trầm thống đi chơi nơi khác. Hãy đặt để thành công/hy vọng, chứ không phải thất bại/tuyệt vọng vào mọi sự việc, trong tâm-can mọi người. Quan trọng là: mọi thành phần trong hội thánh cũng như ngoài đời, ta hãy cùng nhau thực hiện mọi sự tốt đẹp theo hướng tích cực. Đó mới là chuyện quan trọng. Và, quan trọng hơn cả, là: tất cả chúng ta sẽ tỏ cho mọi người biết, là: ta có thể và có quyết tâm làm được việc đó, theo cung cách rất Hiện Xuống. Và, đó chính là thành phẩm của Thần Khí Chúa đang ở trong ta và mọi người.

Trong tâm tình cảm nghiệm sự việc như thế, ta hãy cùng nhau hát lên lời thi ca mà ngâm rằng:



“Trời như hớp phải hơi men ngan ngát,

Đắm muôn ngôi, tinh lạc xuống mười phương.”

Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:

Nên tiếng vang thầm, dội đến thâm tâm.”

(Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)



Thâm tâm ta, thâm tâm người nay thấm nhuần Thần Khí, như báu vỡ. Vỡ hơi men. Vỡ cõi lòng, hầu nhận thức rằng Chúa vẫn còn Hiện Xuống, như “tinh lạc đến với muôn người”, không chỉ mỗi ta, mà cả thánh Hội.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch
 
Les Misérables Những kẻ khốn cùng – tác phẩm vượt thời gian
Jos. Tú Nạc, NMS
08:46 17/05/2013
Những lời người ta nói về người khác có một ảnh hưởng sâu sắc đối với cuộc đời của người đó. Chúng ảnh hưởng đến tương lai của người đó. Thậm chí những lời ấy ảnh hưởng hơn nhiều so với những gì mà người ấy thực hiện.

Những lời đó bắt nguồn từ cuốn “Les Misérables” (Những kẻ khốn cùng) của Victor Hugo. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1862, ở Pháp. Nhưng đến ngày hôm nay người ta vẫn đọc và nghiên cứu. Nó được chuyển thể thành phim và một nhạc kịch nổi tiếng. Vậy tại sao “Những kẻ khốn cùng” vẫn được phổ biến như vậy?

“Những kẻ khốn cùng” kể về câu chuyện về một người đàn ông, Jean Valjean. Nhưng nó cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa – lịch sử, chính trị, những vấn đề phức tạp của xã hội.Tác phẩm này rất dài. Bản dịch dài nhất là 1900 trang! Những sự kiện xảy ra trải qua hàng nhiều năm vào đầu thế kỷ 19.

Diễn biến của tác phẩm rất phức tạp, với nhiều sự kiện. Mở đầu tác phẩm, Jean Valjean một thanh niên rất nghèo. Cha mẹ của anh đã chết. Chị của anh cùng những đứa con của chị không có thứ gì để ăn. Nên Valjean đành phải đi ăn cắp bánh mì cho họ. Cảnh sát đã bắt và bỏ tù anh.

Lúc đầu đối với Valjean khó khăn và dài lê thê. Anh ở tù 19 năm – chỉ vì một tội ăn cắp bánh mì! Khi nhà chức trách trả tự do cho anh, anh sống cô độc, không bạn bè hay gia đình. Duy nhất một người đã giúp đỡ Jean Valjean. Tên ngài là Giám mục Myriel, và ngài là vị lãnh đạo Giáo Hội Ki-tô giáo. Giám mục Myriel đã cho Valjean một nơi tá túc. Nhưng đêm đó, Valjean đã đánh cắp một số đồ bằng bạc của Giám mục Myriel. Anh ta trốn đi. Nhưng chẳng bao lâu, cảnh sát lại bắt được anh ta. Valjean chờ vị Giám mục tố cáo anh.

Nhưng thay vì tố cáo. Vị giám mục đã bảo vệ anh. Giám mục Myriel nói với cảnh sát rằng ngài cho anh ta những món đồ đó. Ngài còn cho Valjean nhiều thứ giá trị khác nữa. Và ngài khuyên Valjean thay đổi cuộc sống. Valjean không bao giờ quên những gì ngài đã nói với anh. Trải qua nhiều sự kiện, Valjean nghĩ rằng mình đã phạm biết bao sai lầm. Anh dành quãng đời còn lại để làm những điều lương thiện.

Đối với Valjean lúc này là một thay đổi lớn. Anh rời đến một nơi khác của nước Pháp, một thị trấn nhỏ. Anh thay tên đổi họ. Anh bắt đầu làm ăn nên. Tất cả công việc đều suôn sẻ. Nhưng một thay đổi nữa đã đến với anh. Valjean thuê một một thiếu phụ tên là Fantine. Fantine cũng cô độc trong thế giới này. Nhưng cô còn có một đứa con gái nhỏ tên Cosset. Fantine đã gặp nhiều gian truân trong cuộc sống. Cuối cùng, cô lâm bệnh nặng và qua đời. Nhưng trước khi cô nhắm mắt, Valjean hứa sẽ chăm sóc Cosset thay cô.

Cosset đến sống với Valjean. Cùng nhau, họ quay về Paris. Valjean coi Cosset như con gái của mình. Anh rất yêu thương bé, và bé cũng yêu quí Valjean. Khi trưởng thành, nó gặp một sinh viên nghèo. Hai người yêu nhau. Tên của sinh viên này là Marius. Marius có can dự vào một cuộc nổi dậy của sinh viên. Trong khi xung đột với cảnh sát, tưởng Marius chết. Nhưng Valjean đã cứu nó. Anh dẫn nó qua những ống cống, những ống ngầm to tướng trong thành phố. Đây là một trong những phần nổi tiếng nhất của tác phẩm.

Cuối cùng Cosset và Marius thành hôn với nhau. Valjean kể cho Marius về lai lịch của mình. Thoạt đầu, Marius chối bỏ Valjean, vì anh đã từng là môt tù nhân. Nhưng sau đó, Marius nhận ra Valjean là một người tốt, người mà đã cố gắng làm những điều chính trực. Marius và Cosset quay về sống với Valjean, vừa lúc Valjean trút hơi thở cuối cùng.

Qua tất cả những sự kiện này, có một nhân vật quan trọng hơn. Đó là Javert, một nhân viên cảnh sát. Javert truy tìm Valjean. Ông ta tin rằng Valjean phải quay lại nhà tù. Nhiều lần ông ta bắt Valjean, nhưng anh đều trốn thoát. Cuối cùng, trong cuộc nổi dậy của sinh viên, Valjean có cơ hội giết Javert. Nhưng thay vào đó, anh đã cứu javert. Javert phấn đấu lương tâm mình. Valjean đã tỏ ra tử tế với javert. Giờ đây Javert không thể bắt và giết Valjean. Nhưng ông ta tin rằng luật pháp yêu cầu ông phải làm điều đó. Cuối cùng, javert tự sát.

Vậy tại sao câu chuyện này lại được phổ biến như vậy? Vì nó chứa đựng những đề tài chung đối với tất cả mọi người. Ý chính là sự cứu rỗi. Jean Valjean quyết định không làm điều bất chính. Thay vào đó anh quyết định làm những điều chính trực. Quyết định này đã soi rọi toàn bộ nội dung tác phẩm. Valjean cho người nghèo tiền bạc. Anh cứu vớt và bảo vệ nhiều người. Vào phút cuối cùng, anh đã chết trong hạnh phúc. Gia đình yêu thương và chấp nhận anh. Nhưng trong cuộc đời mình, anh đã gánh chịu nhiều đau khổ. Người ta không hiểu anh, và anh luôn phải trốn tránh javert.

Tha thứ người khác là ý tưởng quan trọng trong câu chuyện này. Valjean tha thứ cho javert. Nhưng javert không thể tha thứ cho chính mình. Ông muốn thực hiện tốt công việc của mình. Ông đã từ bỏ luật pháp. Ông luôn muốn làm những điều đúng đắn. Cuối cùng, ông không thế chấp nhận sai lầm của mình để bắt Valjean.

Nhưng tất cả những sự kiện này không phải là những lý do duy nhất để “những kẻ khốn cùng” được thành công. Những nhận thức của Hugo về cái đúng cái sai của xã hội đã thể hiện rõ trong tác phẩm. Qua nhân vật Fantine và Cosset, đã được ông miêu tả sự cùng khổ lầm than. Trong cuộc chiến đấu ròng rã giữa Valjean và Javert, ông đã giải thích những vấn đề của tội ác và sự trừng phạt. Ông đã đồng cảm với tất cả những nhân vật, ngay cả những nhân vật vẫn tiếp tục làm những điều xấu xa bất chính. Không chỉ có Valjean là nhân vật với một quá khứ tội lỗi. Nhiều người ăn cắp, nói dối, và họ làm tất cả những gì mà họ có thể để kiếm tiền.

Trong nhiều phần của tác phẩm. Hugo không kể mà chỉ mô tả những điều kiện chính trị và xã hội của nước Pháp. Ở một phần khác, ông mô tả lịch sử và điều kiện của những ống cống bên dưới thành phố Paris.

“những kẻ khốn cùng” đã rất thành công khi xuất bản. Nhiều người mua bản tiếng Pháp. Nhưng nhà xuất bản cũng dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Nó phổ biến khắp Âu châu, và ở Bắc Mỹ. Và từ đó đến nay, nó vẫn được phổ biến rộng rãi. Người ta liên hệ đến những ý tưởng, những nhân vật, và lịch sử.

Trong phần đầu tác phẩm, Victor Hugo đã viết những lý do để viết tác phẩm này. Những lý do này có thể là lý do để tác phẩm mãi còn giá trị và phổ biến. Ông nói về đường lối mà xã hội có thể tạo ra những điều kiện khủng khiếp cho con người. Cụ thể, ông nói về cảnh bần cùng, thiếu ăn, và sự trống rỗng giá trị tinh thần. tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề này. Ông đã khép lại phần này bằng những lời:

“Nếu còn thiếu về nhận thức và nỗi bi thảm còn tồn tại trên trái đất, thì còn cần đến những tác phẩm giống như thế này.”
 
Lễ Chúa Thánh Thần: Trường thi Chim Bồ Câu
Lm. Phêrô Hồng Phúc
09:09 17/05/2013
Trường thi: CHIM BỒ CÂU

Con chim bồ câu
ngậm cành Oliva,
lượn trên mặt đất vừa mới hiện ra
sau lụt Đại Hồng thuỷ thời Noe.
Trở về tàu báo tin
HOÀ BÌNH trái đất!
Từ đây chim bồ câu thành biểu tượng đẹp nhất
HOÀ BÌNH !
Ngày Chúa Giêsu
chịu phép Rửa dưới dòng sông Jordano,
Vừa lên khỏi nước,
Người liền thấy trời mở ra,
thấy tiếng Chúa Cha
và Thánh Thần dưới hình chim câu
đỗ xuống trên đầu.
Tình yêu là một nhiệm mầu
Vì tình yêu là Thánh Thần Thiên Chúa
Là chính sự sống của Thiên Chúa cao siêu.
Từ đây chim bồ câu mang biểu tượng mới:
TÌNH YÊU.
Đi vào hạnh phúc gia đình
đôi chim câu chung thuỷ và trung tình.
Chúa xuất thân ra đi giảng đạo.
Những dụ ngôn và những lời khuyên bảo:
“Hãy khôn ngoan như con rắn
và đơn thật như chim bồ câu” (Mt 10,16)
Một sứ mệnh mới bắt đầu.
Chim trở thành người đưa thư năm châu tín nhiệm.
Và hôm nay chim bồ câu xuất hiện,
thông tín viên những suy niệm của lòng người.

TÂM ĐỊA CON NGƯỜI.

Chim đang giang rộng cánh trên bầu trời.
Từng vòng lượn như cuộc đời dương thế.
Thời nay, thời xưa và muôn thế hệ
đều đi vào một đường tròn lặng lẽ:
Từ bụi đất lại trở về bụi đất.
Từng lớp người hiện lên rồi biến mất.
Bóng thời gian vùi lấp nhẹ nhàng.
Con người giữa trần gian
như lớp bọt biến tan sau ngọn sóng.
Bọt như tự do giỡn đùa trong ánh nắng.
Càng sóng, bọt càng tung,
biển gầm thét, gió mịt mùng.
Bọt như tranh thủ vẫy vùng
những phút giây ngắn ngủi.
Sóng tình dục khiến bọt thêm ngầu sủi,
sóng mộng mơ dệt bọt cao thành núi.
Rồi sóng và gió lặng im.
Bọt bị nhấn chìm, tan dần ra nước!
Chim bồ câu nhẹ nhàng bay lướt.
Sóng ngầu bọt, cánh chim không hề ướt.
Gió dập dồn không làm lướt đường bay.
Hạnh phúc thay!
Ai cho con đôi cánh
để lướt bay trên sóng trần gian,
để bay về Hừng Đông thẳng hướng vững vàng.
Đôi cánh hồng ân là quà tặng Thiên Đàng.
Cho con đời tự do, nhẹ nhàng, hạnh phúc.
Cuộc sống trần gian bao trùm như nước.
Là môi trường, là điều kiện không thiếu được
cho những gì lặn ngụp bên trong.
Sóng dư luận dồn dập bao quanh.
Sóng là nước, như dư luận là thế gian
nên không thoát nhãn quan trần tục.
Từng nhấn chìm tôm cá biển khơi,
nhưng không nhấn được chim câu trên trời,
giang rộng cánh giữa cuộc đời trong trắng.
Hỡi muôn vàn tia nắng,
từng chan hoà soi bóng chim câu.
Hãy nói đi trên mặt biển sủi ngầu,
chim trôi dạt hay chỉ là bóng hình chim thật?
Biển hiểu sao không trung lồng lộng,
sóng hiểu sao cánh chim giang rộng.
Và thế gian, thấm mùi biển mặn,
sao nghĩ rằng có thể ngăn chặn đường bay?

BIỂN TRẦN GIAN

Chim xoải cánh trên mặt biển bao la,
chỉ có khoảng không và nước.
Một con tàu vượt lên phía trước.
Chim bé nhỏ mà khổng lồ,
tàu khổng lồ mà bé nhỏ.
Vì chim soi mình trên bóng nước.
Tàu chìm mình từng bước tiến lên.
Chim vút như một mũi tên.
Tàu xé nước nặng nề, tiếng động cơ rên!
Chim nhớ lại lời Kinh Thánh:
“Tinh thần nhanh nhẹn
còn xác thịt nặng nề yếu đuối”(Mc 18,34).
Trên mặt đất con người thỏa tình rong ruổi.
Hướng về trời con người thấy mình yếu đuối.
Xác nặng nề không có đôi cánh như chim.
Hồn vươn lên, nhiều khi tính xác thịt nhấn chìm.
Hỡi bồ câu thân yêu,
đôi cánh hồng đáng quý bao nhiêu.
Đôi cánh là cầu nguyện, là lễ toàn thiêu.
Lời Thánh vịnh mong ước đã nhiều:
“Ai tặng mình đôi cánh bồ câu,
mà bay bổng tìm nơi trú ngụ.
Nào thoát đi mãi tận chốn xa vời,
ẩn mình nơi cô quạnh.
Tôi vội vã lên đường ẩn trốn,
tránh phong ba bão tố” (Tv 54, 1-9).
Tàu đi khỏi, biển trở về muôn thuở.
Mênh mông và vắng lặng.
Những âm thanh và hình ảnh
đều đi trong giới hạn.
Chỉ có im lặng
đi đến hết không gian.
Tiếp xúc với Đấng chủ thể vũ hoàn.
Tạo ánh nhìn rõ ràng về đời đời, muôn thuở.
Và im lặng để lắng nghe tiếng Chúa.

(còn nữa)
LM. Phêrô Hồng Phúc
 
Thần khí hiệp thông
Hai Tê Miệt Vườn
16:47 17/05/2013
THẦN KHÍ HIỆP THÔNG

Thánh Thần nguyên lý Hiệp thông,
Mọi người nên một ở trong ân tình.
Để rồi xây dựng an bình,
Ở trong Đức mến Thần Linh Chúa Trời.
Thế nhân vui hưởng cuộc đời,
An bình thư thái của thời Hồng ân.
Từ nay chẳng có tranh giành,
Quyền uy thế lực làm phần riêng tư.
Ghen tương, đố kỵ loại trừ,
Đồng thời luôn sống nhân từ như Cha.
Chẳng ai còn sống lạ, xa,
Nhưng hằng vui sống trong nhà thân thương.
Chính nhờ đi đúng con đường,
Giêsu Đức Chúa nêu gương suốt đời.
Cuối đời tất cả về Trời,
Ở trong ánh sáng rạng ngời quang vinh.

“Anh em hãy tha thiết duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại...
Chỉ có một thân thể, một Thần Khí”
(
Ep 4, 3-4. 1Cr, 12,13)

THÁNH THẦN GIÚP RAO GIẢNG

Thánh Thần ngự xuống trên tôi
Sai đi rao giảng Nước Trời của Cha.
Giúp người đang bị lạc xa,
Trở về chính lộ gặp Cha nhân lành.
Thế nhân đổi mới canh tân,
Chính bằng ân sủng Thánh Thần tình yêu.
Xác hồn chan chứa phong nhiêu,
Giúp cành xanh tốt sinh nhiều quả hoa.
Điều này phù hợp ý Cha,
Người mong nhân thế sống ra con người.
Ngày đêm vui hưởng cuộc đời,
An bình thiện hảo của thời Phục sinh.
Vũ hoàn khỏi cảnh chiến chinh,
Không còn thù oán, Đệ huynh tương tàn.
Vậy là khắp cõi vũ hoàn,
Mọi loài vui hưởng Bình an từ trời.

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20, 22-23. Lc 4, 18-19)

Hai Tê Miệt Vườn
Thiên Chúa NGÔI BA

Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi Ba,
Cùng chung bản thể Ngôi Cha, Ngôi Lời.
Bởi Ngài cũng chính Chúa Trời,
Quyền năng tuyệt đối muôn đời vinh quang.
Ngài là mạch suối tuôn tràn,
Thánh ân cứu độ cho ngàn thọ sinh.
Muôn loài sống trọn nghĩa tình,
Với Cha từ ái, Đệ huynh mọi người.
Trở thành nhân chứng Nước trời,
Chính bằng cuộc sống rạng ngời lẻ ngay.
Thế trần lại được đổi thay,
Cuộc đời người thế đẹp, hay mọi đàng.
Bởi nhờ biết sống hiên ngang,
Loại trừ tội ác, chẳng màng lợi danh.
Giúp nhau tiến bước thật nhanh,
Đến quê hằng sống là thành thiên cung.

“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa...
Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra...”
(Kinh Tin Kính)