Ngày 18-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 19/5: Lời cầu nguyện tư tế - Lm. Phêrô Trần Văn Thanh. Kính Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
04:15 18/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 18-May-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Ga 17, 11b-19

“Để chúng được nên một như Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. “Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

Đó là lời Chúa.
 
Chúa Thánh Thần, Nguyên lý sáng tạo và hiệp nhất
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:02 18/05/2021
Chúa Thánh Thần, Nguyên lý sáng tạo và hiệp nhất

SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG

(Ga 7,37-39)

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng : "Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông" (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất

Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn "xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời" (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.

Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo

Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết : "Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo..." làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).

Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa : "Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm" (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói : "Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa" (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).

Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, "mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta". (Rm 8,22-24)

Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn : ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như : tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.

Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để "các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa." (Lời nguyện nhập lễ)

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, nguyên lý của sáng tạo và hiệp nhất đến soi sáng tâm trí của những người nam nữ dấn thân trong các nghiên cứu khoa học, giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để khống chế được virus này.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ những nhà lãnh đạo các quốc gia, ngõ hầu với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại, họ có thể giúp đỡ những người đang thiếu những điều cần thiết căn bản cho cuộc sống, và đề ra được các giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa và với tình liên đới.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần lay động lương tâm những nhà hảo tâm thay vì chi trả cho việc phát triển và thu tích các vũ khí, được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả, nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.

Đặc biệt, chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, nguyên lý của sáng tạo và hiệp nhất, Đấng an ủi con người trong cảnh lầm than, liên kết mọi người trên thế giới thành một đại gia đình duy nhất, giúp họ ý thức được mối liên hệ hiệp nhất tất cả mọi người, để trong tình huynh đệ và liên đới, giúp giảm bớt cảnh nghèo đói và lầm than của đồng loại. Kiên vững trong đức tin, bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện. Nhất là xin Đấng An Ủi tuyệt vời đến với những người đau khổ, giải thoát thế giưới sớm thoát khỏi đại dịch khủng khiếp này. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 18/05/2021

33. Một khi chúng ta tiến vào trong quang minh vô thượng của Cha trên trời, thì sẽ lý giải được tất cả những gì mà loài thọ tạo có thể có.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 18/05/2021
49. TỪ NHANH ĐẾN CHẬM

Thầy giáo rất bực mình khi chủ nhân không mời ông ta dùng cơm có rượu thịt, nên đợi lúc học trò đến lớp học bài, thì ông ta mang theo cả giận dữ đọc nhanh bài thơ:

- “Mùa xuân đi thăm thảo địa.”

Học sinh chảy nước mắt miễn cưỡng đọc theo, và cũng hiểu được tâm ý của thầy giáo, bèn nói:

- “Phụ thân…”

Thầy giáo hỏi:

- “Phụ thân thế nào?”

Đáp:

- “Mua thịt.”

Thầy giáo đọc bài thơ hơi chậm một chút:

- “Mùa hạ thưởng thức nước hồ xanh.”

Học sinh vẫn không thể đọc theo kịp, thầy giáo lại hỏi:

- “Ba mày mua thịt để làm gì?”

Đáp:

- “Mời thầy giáo.”

Giận dữ của thầy giáo bớt dần dần, bèn chậm rãi dạy câu thơ thứ ba:

- “Mùa thu uống rượu hoa vàng.”

Lại hỏi tiếp:

- “Lúc nào mời ta?”

Đáp:

- “Ngay ngày hôm nay.”

Thầy giáo rất vui vẻ, chậm rãi chậm rãi, dạy câu thứ tư rất rõ ràng:

- “Mùa đông ngâm thơ tuyết trắng.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 49:

Vũ trụ vạn vật thay đổi từng giây từng phút, nên người ta mới nói là vật đổi sao dời; nhân loại càng ngày càng tiến bộ: từ man di đến văn minh, từ lạc hậu đến tiên tiến, từ không biết đến biết.v.v…chứ không không phải tiến hóa từ con khỉ đến con người, nhưng tiến bộ từ con người ăn lông ở lỗ đến con người văn minh hiện đại nhà cao cửa lớn, đà tiến bộ càng ngày càng nhanh, nhanh như phi thuyền, chứ không phải từ nhanh đến chậm.

Có những người mà cuộc sống nhanh chậm đều tùy thuộc vào lòng tham của họ:

- Có ăn có uống thì làm rất nhanh, không có ăn uống thì làm rề rà…

- Có tiền thưởng tiền cho thì làm rất nhanh, không có thì kéo dài nhiều ngày.

- Có lợi cho mình thì làm rất nhanh, không có lợi cho mình thì làm như rùa bò.

- Của mình thì làm rất nhanh, của người khác thì làm chậm lại…

Nhưng người Ki-tô hữu thì lại khác:

- Làm cho người khác thì rất nhanh, và có khi quên việc của mình.

- Nhìn thấy rất nhanh sự thiếu thốn của người khác, và rất chậm thấy nhu cầu của mình.

- Đem cho thì rất nhanh, mà chậm nghĩ rằng mình cũng đang thiếu…

Cho nên, có những lúc người ta nhìn “nhanh chậm” để biết ai là người Ki-tô hữu, và ai là người có lòng kính mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Không có ngôi đền thờ nào từ Trung Quốc tham gia trong cuộc marathon lần hạt xin cho chấm dứt đại dịch coronavirus
Đặng Tự Do
16:47 18/05/2021


Trong danh sách các đền thờ tham gia vào cuộc marathon lần chuỗi Mân Côi, ngày 24 tháng 5 không có đền thờ nào được chỉ ra, và được ghi là “được xác nhận sau”. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải sẽ tham gia cùng với những đền thờ khác trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, hy vọng ấy đang tàn phai nhanh chóng.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thiết định ngày 24 tháng Năm là ngày thế giới cầu nguyện cho những người Công Giáo bị bách hại tại Hoa Lục.

Ngày 24 tháng 5 hàng năm cũng là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Đặc biệt, họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây.

Trong hai năm liên tiếp bọn cầm quyền Bắc Kinh đã lặp đi lặp lại các chỉ thị cấm các cuộc tụ họp tôn giáo, và làm mọi cách nhằm ngăn cản các tín hữu hành hương về Xà Sơn.

Từ cuối tháng Tư vừa qua, giáo phận Thượng Hải đã phải ra một loạt các thông báo cấm tất cả các cuộc hành hương dưới mọi hình thức, kể cả từng cá nhân cũng không được phép.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đây rõ ràng là một hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh để tăng cường bách hại tôn giáo.

Thị trấn Xà Sơn gồm hai quả đồi ở quận Song Giang phía tây Thượng Hải. Hai ngọn đồi, cao khoảng 100m, được gọi là Đông và Tây Xà Sơn, mặc dù ngọn đồi phía tây quan trọng hơn cũng được gọi là Xà Sơn.

Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, được các nhà truyền giáo Âu châu xây dựng từ năm 1925 đến 1935. Ban đầu mọi nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ được cử hành bằng tiếng Latinh. Từ khi Hoa Lục rơi vào tay cộng sản, các nghi thức Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Hoa.

Con đường lên đỉnh đồi, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gọi là Via Dolorosa, tức là con đường thương khó.

Ngọn đồi cũng có một đài quan sát thiên văn được thành lập bởi các cha dòng Tên.

Theo tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai, cộng sản rất chướng mắt với ngôi đền Đức Mẹ quá hùng vĩ này nên đã nhiều lần âm mưu đặt bom giật sập ngôi đền. Nỗ lực cuối cùng diễn ra vào tháng Giêng 1967, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, và do Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, bom không nổ. Tại sao các quả bom này không nổ thì đến nay không thể biết chính xác được. Có lẽ phải đợi hết thời cộng sản ác ôn này người ta mới có thể biết tại sao. Nhưng có điều này thì chúng ta biết chắc chắn: Sau cái chết của Mao vào tháng 9, năm 1976, chỉ một tháng sau đó, Giang Thanh bị bắt và bị kết án chung thân khổ sai. Tháng 5 năm 1991 khi được tạm tha, việc đầu tiên Giang Thanh làm là thắt cổ tự tử chết.

Sau nỗ lực đặt bom bất thành của Giang Thanh, Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được để yên và hàng năm có các cuộc hành hương kính Đức Mẹ vào ngày 24 tháng Năm.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, văn phòng Tôn giáo Thượng Hải và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc đã cố gắng làm cho người Công Giáo Trung Quốc khó đến thăm Xà Sơn hơn. Các cuộc hành hương trở nên thất thường, có năm có, có năm không.

Trong Lá thư gửi người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chọn ngày 24 tháng Năm là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để cầu xin Đức Mẹ Xà Sơn tăng cường sức mạnh cho các tín hữu trước những bách hại liên tục của cộng sản.
Source:Catholic News Agency
 
Vatican đưa ra các hướng dẫn cho các Lễ Hội Giới Trẻ cấp Giáo phận.
Thanh Quảng sdb
20:04 18/05/2021
Vatican đưa ra các hướng dẫn cho các Lễ Hội Giới Trẻ cấp Giáo phận.

Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống đã phát hành các hướng dẫn dành cho việc tổ chức Lễ Hội Giới trẻ cấp Giáo phận như một nguồn lực để sáng tạo trong việc lập kế hoạch và thực hiện các sáng kiến cho thấy việc Giáo hội nhìn nhận sứ mệnh mục vụ ưu tiên của mình là giới trẻ.

(Tin Vatican)

Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống đã tổ chức một cuộc họp báo hôm thứ Ba (18/5/2021) để trình bày một số “Hướng dẫn Mục vụ cho Ngày Giới trẻ tại các Giáo hội địa phương.”

Theo Thánh Bộ thì các hướng dẫn này “nhằm mục đích cung cấp nguồn tài liệu lý tưởng và ứng dụng vào thực tế để tổ chức các Lễ Hội Giối Trẻ (WYD) cấp giáo phận / Liên Địa phận hay Quốc gia hầu kiến tạo và phát huy các tiềm năng nơi những người trẻ, hầu họ có thể dấn thân cho các giá trị đích thực và cho một lý tưởng cao cả”.

Sự kiện được truyền đi trực tiếp từ văn phòng Báo chí Tòa Thánh, với sự góp mặt của một số diễn giả trong đó có các linh mục Alexandre Awi Mello và João Chagas, Thư ký đặc trách văn phòng Thanh niên của Thánh Bộ và nhiều yếu nhân khác nữa.

Ngày Đại Hội Giới trẻ thế giới

Các Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) được tổ chức ba năm một lần tại một quốc gia nào đó với sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Ngoài ra, việc cử hành thông thường của Lễ Hội Giới trẻ diễn ra hàng năm tại các Giáo hội địa phương.

Hàng năm, trước các Lễ Hội Giới trẻ, Đức Thánh Cha thường gửi một Thông điệp nhằm “cổ súy và đồng hành với các lễ hội Giới trẻ tại các Giáo hội địa phương trên khắp hoàn vũ”.

Tài liệu nhằm đáp ứng một số thông tin căn bản về lễ hội, tài liệu lưu ý rằng Đại Hội giới Trể Thế Giới (WYD) là một thành quả của một “viễn ảnh tiên tri tuyệt vời” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vị thánh người Ba Lan, mong muốn tất cả những người trẻ cảm thấy rằng họ được Giáo hội chăm sóc và do đó đã mong muốn “toàn thể Giáo hội trên toàn thế giới, cùng với Người kế vị thánh Phêrô, ngày càng cam kết hơn với những người trẻ tuổi, trước những quan tâm và lo lắng cũng như những khát vọng và hy vọng của họ, hầu đáp ứng những mong muốn của họ bằng một xác tín “Chúa Kitô là Sự thật và là Tình yêu".

Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục đường lối này và trong nhiều dịp khác nhau, Ngài đã nhấn mạnh rằng những sự kiện này là “một món quà quan phòng Chúa ban cho Giáo hội… là một phương thuốc bồi bổ cho những mệt mỏi của đức tin”, “một hình thái Kitô giáo mới, trẻ trung hơn” và “việc truyền bá phúc âm hóa mới được hiện thực.”

Theo cách thế tương tự, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền một động lực truyền giáo phi thường cho Giáo hội, đặc biệt cho các thế hệ trẻ. Vào cuối Đại hội Giới trẻ (WYD) tại Rio de Janeiro năm 2013, ĐTC cho hay sự kiện này “là một giai đoạn mới trong cuộc hành hương của giới trẻ băng qua các lục địa mang theo Thập giá của Chúa Kitô”. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ: “Chúng ta hãy luôn ghi nhớ: những người trẻ không theo Đức Giáo Hoàng, mà là theo Chúa Giêsu Kitô, vác Thập giá của Người. Và Đức Giáo Hoàng hướng dẫn họ và đồng hành với họ trong cuộc hành trình tin yêu hy vọng này”.

Tại các Giáo hội cụ thể

Tài liệu nhấn mạnh rằng việc cử hành ĐHGTTG tại các Giáo hội địa phương có một ý nghĩa to lớn đối với giới trẻ và cộng đồng giáo hội địa phương vì một số không thể tham gia ở cấp quốc tế do việc học hành, công ăn việc làm hoặc khó khăn về tài chính. Về vấn đề này, việc cử hành tại địa phương “nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể cộng đồng Giáo hội - giáo dân, linh mục, những người thánh hiến, gia đình, người lớn và người già - về sứ mệnh truyền bá đức tin cho các thế hệ trẻ.”

Hơn nữa, Đại hội đồng Giám mục năm 2018 với chủ đề “Người trẻ, đức tin và sự phân định nghề nghiệp” (2018) đã nhắc nhở chúng ta rằng toàn thể Giáo hội, bao gồm cả Giáo hội hoàn vũ và địa phương phải cảm thấy có trách nhiệm đối với người trẻ và sẵn sàng cho phép chúng ta được họ thách đố qua những vấn nạn, những mong muốn và những khó khăn của họ. Vì vậy, các cuộc cử hành Lễ Hội Giới trẻ rất hữu ích để giữ cho Giáo hội “lưu ý đến tầm quan trọng của việc đồng hành với người trẻ, chào đón họ và lắng nghe họ với lòng kiên nhẫn trong khi công bố Lời Chúa cho họ với lòng yêu mến hăng nồng...”

Do đó, những hướng dẫn mục vụ này được coi là “cơ hội thuận tiện để sáng tạo trong việc lập kế hoạch và thực hiện các sáng kiến” cho thấy rằng Giáo hội coi sứ mệnh của mình với người trẻ là “một ưu tiên mục vụ có ý nghĩa quan trọng trong thời đại để đầu tư thời gian, năng lượng và tài nguyên của mình.” Tuy nhiên, Lễ Hội Giới trẻ phải được điều chỉnh cho phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau của các Giáo hội cụ thể trên toàn thế giới. Lễ Hội Giới trẻ cũng có thể được tổ chức bởi Liên Giáo phận, Liên quốc gia hay khu vực tại Châu lục.

Được tổ chức vào Lễ trọng Chúa Kitô Vua

Vào ngày 22 tháng 11 năm 2020 - Lễ trọng mừng Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi khởi động lại việc cử hành Lễ Hội Giới trẻ (WYD) tại các Giáo hội địa phương. Đức Thánh Cha cho hay theo truyền thống được Lễ Hội Giới trẻ được tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Lá, nay sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua, bắt đầu từ năm 2021.

Lần theo mối liên hệ giữa việc cử hành phụng vụ hai lễ này, tài liệu ghi nhận rằng Chúa Nhật Lễ Lá, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem như một “vị vua hiền lành cưỡi trên lưng lừa” (Mt 21: 5) và được đám đông ca tụng là Đấng Mêsia: “Hosanna chúc tụng con của David! Phúc cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! ” Thánh sử Luca thậm chí còn thêm tước hiệu “Vua” vào lời tung hô của đám đông, nhấn mạnh rằng Đấng Mêsia cũng là Vua (Lc 19:38).

Dưới ánh sáng này, lời loan báo chính yếu phải được nhắm đến đối với những người trẻ, và phải là trung tâm của mọi Lễ Hội Giới trẻ (WYD) cấp giáo phận được cử hành vào Ngày Lễ Trọng Chúa Kitô Vua là “hãy đón nhận Chúa Kitô! Chào mừng Ngài là Vua đến với cuộc sống của bạn! Ngài là một vị Vua đã đến để cứu chuộc! Không Vị Vua ấy thì không có hòa bình thực sự, không có hòa giải thực sự nội tâm và không có hòa giải thực sự với người khác! Nếu không có Vương quốc của Ngài, xã hội cũng mất đi tính nhân văn con người... Nếu không có Vương quốc của Chúa Kitô, tất cả tình huynh đệ thực sự và tất cả sự gần gũi thực sự với những người đau khổ sẽ bị biến mất…”

Hơn thế nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng trọng tâm của hai việc cử hành phụng vụ là “Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người” và thông điệp cốt lõi của con người bắt nguồn từ tình yêu thương tự hiến của Chúa cho tha nhân “được nên trọn".

Do đó, Thánh Bộ mời gọi các giáo phận và Liên giáo phận cử hành ĐHGTTG trong ngày Lễ trọng kính Chúa Kitô Vua, và đặt người trẻ vào trọng tâm của công việc mục vụ, cầu nguyện cho họ, thu hút họ trở nên trọng tâm của mọi chiến dịch truyền thông trong số những công việc khác. Các giáo phận cũng phải coi việc cử hành này như một phần của “hành trình mục vụ rộng lớn hơn mà ĐHGTTG chỉ là một giai đoạn” phù hợp với khuyến nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô vì việc “mục vụ giới trẻ phải mang tính chất đồng nghị; nên nó liên quan đến các cuộc hành trình với nhau."

WYD - lễ hội của niềm tin

Các hướng dẫn Mục vụ cũng khám phá ra sáu nền tảng trọng tâm của Lễ Hội Giới trẻ (WYD)

“Đại Hội Giới trẻ (WYD) mang đến cho những người trẻ một trải nghiệm sống động và vui tươi về đức tin và sự hiệp thông, một không gian để cảm nghiệm vẻ đẹp của khuôn mặt Thiên Chúa.” Vì trọng tâm của đời sống đức tin là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu, nên mỗi “Đại Hội Giới trẻ (WYD) “vang lên lời mời gọi mỗi người trẻ gặp gỡ Chúa Kitô và tham gia vào một cuộc đối thoại cá nhân với Người”.

Về vấn đề này, chương trình của “Đại Hội Giới trẻ (WYD) quốc tế có thể truyền cảm hứng cho việc cử hành địa phương, nơi nó có thể được điều chỉnh một cách sáng tạo để tập chú đặc biệt đến “những khoảnh khắc thinh lặng tôn thờ Thánh Thể Chúa như một hành vi đức tin sâu sắc, và phụng vụ xám hối như một nơi đặc biệt để gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa."

Kinh nghiệm của Giáo hội

Các hướng dẫn nhấn mạnh rằng “Đại Hội Giới trẻ (WYD) là một dịp để “những người trẻ trải nghiệm sự hiệp thông với Giáo hội và phát triển ý thức của họ trong việc góp phần không thể thiếu của họ vào Giáo hội.”

Để đạt được điều này, cách đầu tiên để thu hút người trẻ là “lắng nghe họ” và tìm ra “thời điểm và cách thức thích hợp để tiếng nói của người trẻ được lắng nghe trong mọi cơ cấu hiệp thông hiện có: giáo phận / giáo hạt và liên giáo phận / Hội đồng Giám mục, Hội đồng Liên Quốc gia, Liên Hội đồng Giám mục v.v...”

Cũng cần có chỗ cho các đặc sủng khác nhau hiện diện trong phạm vi quyền lực cùng với những người trẻ cho một Giáo hội có sự tham gia và đồng trách nhiệm nhiều hơn, nơi không một ai bị loại trừ. “Bằng cách này, có thể tập hợp và điều phối tất cả các lực lượng năng động trong Giáo hội cụ thể, cũng như tận dụng những lực lượng chưa hoạt động lại với nhau” như tài liệu lưu ý.

Đồng thời, “sự hiện diện của Đức Giám Mục địa phương và sự sẵn sàng dấn thân của ngài ở giữa những người trẻ cho họ thấy dấu hiệu rõ ràng của tình yêu thương và sự gần gũi” trong phong cách mục vụ gần gũi mà Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ.

Kinh nghiệm truyền giáo

Tài liệu hướng dẫn lưu ý rằng Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế (WYD) ở cấp độ quốc tế là một cơ hội tuyệt vời cho những người trẻ học đòi kinh nghiệm truyền giáo.

Về điều này, tài liệu nhấn mạnh phải có trong các Ngày Giới trẻ cấp giáo phận / cấp Liên giáo phận, nơi tổ chức nhằm khuyến khích những người trẻ đi thăm các gia đình với “một thông điệp hy vọng, một lời an ủi hoặc đơn giản là sẵn sàng lắng nghe...” Sự nhiệt tình của họ cũng có thể dẫn họ “gia nhập các công cuộc truyền bá phúc âm hóa công khai qua các bài hát, lời cầu nguyện và lời chứng. Họ có thể ra đi tới các xóm làng và phố xá để gặp gỡ những người bạn đồng trang lứa, vì những người trẻ phải là những người truyền bá Phúc âm tốt nhất cho những người trẻ…”

“Chính sự hiện diện của họ và đức tin vui tươi của họ đã tạo thành một “lời loan báo sống động” về Tin Mừng thu hút và hướng dẫn những người trẻ khác, hầu dấy nên những công cuộc từ thiện và phục vụ, nâng đỡ các bệnh nhân và các nạn nhân của chủ nghĩa tiêu dùng và cá nhân chủ nghĩa hời hợt!"

Sự phân định nghề nghiệp và ơn gọi nên thánh

Các hướng dẫn cũng khuyến khích ơn gọi, nhằm mục đích giúp người trẻ “hiểu rằng cuộc sống của họ được đặt trước mặt Thiên Chúa, Đấng yêu thương và kêu gọi họ”.

Kinh nghiệm hành hương

Các hướng dẫn mục vụ cũng khuyến nghị tổ chức các Lễ hội ĐHGTTG cấp giáo phận / Liên giáo phận hầu cung cấp cho người trẻ cơ hội tham dự các cuộc hành hương thực sự - khuyến khích họ “xa rời quê nhà của họ mà lên đường, hướng tới các cuộc hành trình, dù có mỏi mệt của xác thân nhưng lại đạt được những niềm vui thiêng liêng…”

“Tất cả những điều này có tầm quan trọng sống còn tại thời điểm hiện tại vì nhiều người trẻ có nguy cơ tự cô lập bản thân mình trong một thế giới ảo, xa với thực tế với những phố xá bụi bặm của thế giới” tài liệu còn lưu tâm thêm rằng “thông qua những chuyến hành hương, chúng ta liên kết được những người bạn mới, cùng nhau trải nghiệm niềm vui chia sẻ cùng một lý tưởng, cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung, hỗ trợ nhau trong những khó khăn và chia sẻ niềm vui những gì chúng ta đạt được”.

Do đó, “Đại Hội Giới trẻ (WYD) là một cơ hội tuyệt vời cho giới trẻ “khám phá các đền đài địa phương và các địa danh tôn kính quan trọng khác nhau của địa phương” nơi “đã thu hút và thể hiện lòng đạo đức bình dân, đặc biệt qua các cuộc hành hương, biểu hiệu cụ thể niềm tin cậy vào Chúa và Đức Mẹ hay các thánh."

Tình huynh đệ phổ quát

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lôi kéo người trẻ tham gia vào tất cả các kế hoạch mục vụ cho “Đại Hội Giới trẻ (WYD), hướng dẫn lưu ý rằng 'lời chứng và kinh nghiệm của những người trẻ trước đây đã tham gia “Đại Hội Giới trẻ (WYD) quốc tế đáng được nêu bật trong quá trình chuẩn bị Lễ hội cấp Giáo phận”

Các hướng dẫn khuyến khích các giáo phận và Liên giáo phận “đảm bảo cho những người trẻ không tham gia các sinh hoạt địa phương cảm thấy họ được chào đón chứ không cảm thấy bị bơ vơ loại trừ.”

Theo cách này, “Lễ hội cấp giáo phận / Liên giáo phận có thể là một cơ hội tốt nhằm thúc đẩy và chào đón tất cả những người trẻ tham gia vào các sinh hoạt trong giáo xứ và trong Giáo phận.”
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cầu nguyện cùng Đức Chúa Thánh Thần
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:04 18/05/2021
Người Công Giáo Việt Nam có tập tục đạo đức tốt lành hầu như hằng ngày mỗi khi bắt đầu đọc kinh chung ở nhà hay riêng tư một mình, bắt đầu thánh lễ Misa ở thánh đường, đều thường đọc kinh cầu nguyện cùng Đức Chúa Thánh Thần:

Xướng: „Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Đáp: Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Xướng: Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con.

Đáp: Amen.“.

Tập tục đạo đức này có ý nghĩa gì và nguồn gốc từ đâu?

Không thấy có luật lệ điều khoản nào của Giáo Hội nói về việc này. Nhưng những tập tục đạo đức trong đời sống sống đức tin vào Chúa thành hình bắt nguồn từ lòng sốt sắng kính mến, rồi đựơc Giáo Hội Chúa chứng nhận cho phép thực hành. Và dần dà trong dòng thời gian trở thành thói quen tốt lành có vị trí chỗ đứng vững vàng chính yếu trong nếp sống đạo đức.

Lời kinh cầu nguyện cùng Đức Chúa Thánh Thần trước thánh lễ, trước khi đọc kinh cũng có qúa trình lịch sử thành hình như vậy. Phúc âm thuật lại trước khi trở về trời Chúa Giêsu Kitô đã sai các Thánh tông đồ đi đến với muôn dân, nhưng trước hết các Ông sẽ được nhận lãnh Đức Chúa Thánh Thần:

„Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.“ ( Sách Tông đồ công vụ 1,8).

Như thế Chúa Giêsu muốn nói trước khi làm việc tâm linh đạo đức cần phải có ân đức sức mạnh của Đức Chúa Thánh Thần trong tâm hồn.

Nhưng làm sao nhận ra ân đức của Đức Chúa Thánh Thần cho tâm hồn đời sống?

Thánh sử Luca trong sách Tông đồ công vụ đã viết thuật lại hình ảnh biến cố Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống ban ân đức cho Đức Mẹ Maria, cho các Thánh Tông Đồ cùng cho mọi người hôm ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa ở Jerusalem.( CVTD 2,1-13).

Ngày lễ Ngũ Tuần theo lịch phụng vụ Do Thái giáo được mừng kính 50 ngày sau lễ Vượt Qua của người Do Thái, tnhư sách Xuất hành 34,22 và sách Levi 23,15-22 viết chi tiết luật lệ về tuần lễ mừng này. Lễ Ngũ Tuần là lễ Tạ ơn mùa màng, đồng thời lễ này cũng tưởng nhớ đến biến cố lịch sử dân Israel ngày xưa được cứu giải thoát khỏi đời sống nô lệ bên xứ Ai Cập.

50 ngày sau lễ Vượt Qua được giải thoát khỏi vòng nô lệ bên xứ Ai Cập nhắc nhớ đến lề luật giao ước Thiên Chúa ban cho dân trên núi Sinai trên đường họ trở về nước Israel. Cả hai biến cố kỷ niệm cùng chung vào ngày thứ Năm Mươi - lễ Ngũ Tuần: Tạ ơn mùa màng và tưởng nhớ đến giao ước luật lệ đời sống Thiên Chúa ban cho dân Israel.

Ngày lễ Ngũ Tuần như thế trở nên như chìa khóa mở ra giúp cho thông hiểu về biến cố Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Lễ Đức Chúa Thánh Thần không chỉ xảy diễn ra 50 ngày sau Lễ mừng Vượt Qua theo Do Thái Giáo, nhưng còn đánh dấu mốc biến cố 50 ngày sau khi Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại.

Như thế, ý nghĩa nguồn gốc 50 rõ rệt tỏ hiện ra hơn: Hơi thở thần linh Thiên Chúa là qùa tặng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại và lên trời, như Chúa Giêsu đã hứa cho các tông Đồ trước khi Ngài trở về trời. ( Phúc âm Luca 24,49, TĐCV 1,5).

Được thần khí ân đức Chúa Thánh Thần xuống, Thánh tông đồ Phero đã đầy dũng khí bước ra ngoài công chúng rao giảng làm chứng về Chúa Giesu Kitô ( TĐCV 2,14-40).

Ông Tông đồ Phero với Thần Khí Chúa Thánh Thàn soi sáng củng cố cho mạnh dạn đã trở nên người giữ vai trò vị trí là người bắc nhịp cầu cho lòng tin vào Chúa để lãnh nhận ơn cứu độ: „ Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.“ ( TĐCV 2,40).

Như giao ước lề luật ngày xưa trên núi thánh Sinai cho dân, ân đức của Chúa Thánh Thần đã đánh động Cộng đòan tín hữu Giáo Hội thời sơ khai còn non trẻ thời lúc đó sức sống mới phấn khởi trong tình bác ái huynh đệ, như Kinh Thánh thguật lại:

„ Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. 46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ“ ( TĐCV 2, 44-47).

Như những qùa tặng hoa qủa phúc lộc của mùa màng và qùa tặng lề luật được mừng kính tưởng nhớ trong tuần lễ Ngũ Tuần, lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng là qùa tặng của Thiên Chúa. Thánh sử Luca với lòng xác tín đã viết đó là Thần khí Thiên Chúa từ trời cao xuống trên trần gian.( TĐCV 2,2).

Hình ảnh so sánh ca ví như thế gợi nhắc nhớ đến những tiếng chuyển động, làn gío thổi ào ạt và ngọn lửa, vầng mây với tiếng sấm sét xảy ra trong thời Cựu ước xa xưa, khi Thiên Chúa xuất hiện ngự xuống.

Đây là những hình ảnh dấu hiệu diễn tả cụ thể về nguồn gốc ân đức của Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là thần linh hơi thở của Thiên Chúa.

Hơi thở thần linh Chúa Thánh Thần con người chúng ta không học hỏi thu lượm hay chiến đấu cho có được ở nơi đâu. Nhưng là món qùa tặng của Thiên Chúa xuống từ trời cao ban cho con người.

Vì thế, trước khi cầu nguyện, trước khi cử hành nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa, người tín hữu cúi mình cầu nguyện xin ân đức Chúa Thánh Thàn xuống giúp tâm trí làm việc thờ phượng cho chính đáng phải đạo.

Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Caritas quốc tế: Népal chết kinh hoàng vì virút Tầu lây từ Ấn Độ. Xin cầu cho quê hương Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:10 18/05/2021

1. Diễn từ của Đức Thánh Cha với phái đoàn Hướng đạo sinh Pháp Unitaires de France

Sáng thứ Sáu 14 tháng 5 năm 2021 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn Hướng đạo sinh Pháp Unitaires de France, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Ngài khuyến khích các hướng đạo sinh ước mơ và hành động, can đảm hướng về tương lai với niềm hy vọng.

Mở đầu, Đức Thánh Cha nói:

Chào các bạn,

Tôi rất vui được gặp bạn, các thành viên của Hướng đạo Unitaires de France, những người đang kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, và tôi nhiệt liệt chào mừng các bạn đến với Rôma trong dịp này.

Tôi cảm ơn Ủy ban Mục vụ Chăm sóc Trẻ em và Thanh thiếu niên của Hội đồng Giám mục Pháp, cũng như các bạn chịu trách nhiệm về sáng kiến này đã công nhận những người hướng đạo trẻ là những tác nhân truyền bá Phúc âm và xây dựng xã hội. Tôi cũng cảm ơn các bạn vì những lời chúc tốt đẹp của các bạn. Très poétique, très poétique! Cela que vous avez dit sur Saint Joseph: très bon! Rất nên thơ, rất nên thơ! Các bạn nói về Thánh Giuse quá hay!

Trong xã hội, tất cả chúng ta thường thấy sự xuống cấp của các mối quan hệ giữa con người với nhau và thiếu những hình mẫu đáng tin cậy cho những người trẻ đang tìm kiếm sự hình thành. Tình hình này càng trở nên bấp bênh hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại, điều này đã làm giảm cơ hội gặp gỡ nhau để hàn gắn và tạo dựng những tình bạn mới. Trước những khó khăn đó, phong trào hướng đạo của các bạn là một dấu chỉ khích lệ cho các bạn trẻ, bởi nó mời gọi họ ước mơ và hành động, can đảm để nhìn về tương lai với hy vọng. Thật vậy, qua phương pháp sư phạm của anh chị em, những người luôn bảo vệ và đồng hành với những thanh thiếu niên, kiên nhẫn giúp họ khám phá và làm phát triển những tài năng đã được Chúa ban, các bạn cho thấy thế nào là “trải nghiệm những mối quan hệ thực sự của con người, chứ không chỉ là những mối quan hệ ảo, là điều mà mọi người đều rất cần, đặc biệt là ở độ tuổi mà bản lĩnh và nhân cách của một người đang được hình thành” (Thông điệp Urbi et Orbi /ơ bi ê o bi/, ngày 4 tháng 4 năm 2021). Và tôi đặc biệt biết ơn những cặp vợ chồng đã ủng hộ các bạn và những người làm chứng giữa các bạn về vẻ đẹp của hôn nhân.

Hướng đạo, với sự sẵn sàng của mình để phục vụ người lân cận, cũng được mời gọi để làm việc cho một Giáo Hội “vươn ra” ngoài nhiều hơn và cho một thế giới nhân bản hơn. Để đạt được mục đích này, các bạn có sứ mệnh cao cả là làm chứng ở bất cứ nơi đâu. Với đức tin và những dấn thân của mình, các bạn có thể nâng cao sự phong phú của các mối quan hệ giữa con người và biến chúng thành công ích giúp đổi mới xã hội. Vì vậy, tôi mong các bạn vừa là những người hướng đạo vừa là các tín hữu trung thành! Và các bạn sẽ làm như vậy bằng cách cố gắng nhất quán với những giá trị mà bạn mang theo, bằng cách có niềm tin chắc chắn dựa trên Phúc Âm, trong tinh thần cởi mở với người khác. Khi đó, hành động của bạn sẽ có lợi, theo nhiều cách khác nhau, cho xã hội mà bạn đang sống (xem Thông điệp Fratelli tutti, 203).

Nhờ mối quan hệ với thiên nhiên, các bạn loan truyền thông điệp rằng tôn trọng tha nhân và môi trường đi đôi với nhau và do đó “chúng ta không thể cho rằng có thể hàn gắn mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và môi trường mà không hàn gắn tất cả các mối quan hệ cơ bản của con người” (Laudato si) (119).

Tôi mời gọi các bạn đừng nản lòng trước sự ích kỷ của thế gian, đừng thu mình vào chính mình, đừng là những người trẻ không năng động, không có lý tưởng và không có ước mơ. Đừng bao giờ quên sự thật rằng Chúa đang kêu gọi tất cả các bạn, đừng sợ hãi thực hiện việc rao giảng Tin Mừng mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong giới trẻ, trong khu phố của các bạn, khi chơi thể thao, khi đi chơi với bạn bè, khi làm việc thiện nguyện và ở nơi làm việc. Luôn luôn và ở mọi nơi hãy chia sẻ niềm vui Tin Mừng! Chúa muốn các bạn trở thành môn đệ của Ngài và truyền đi ánh sáng và hy vọng, bởi vì Ngài trông cậy vào sự dạn dĩ, lòng can đảm và lòng nhiệt thành của bạn (xem Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus vivit, 177).

Các bạn thân mến, một lần nữa tôi khuyến khích các bạn nỗ lực biến Hướng đạo Công Giáo trở thành một phong trào gieo hy vọng và tái khám phá đời sống cộng đồng. Tôi cảm ơn Chúa vì chứng tá của các bạn trong suốt năm mươi năm qua trong việc phục vụ Giáo hội và anh chị em của các bạn, trên hết bằng những lời cầu nguyện của mình.

Tôi hy vọng rằng Năm Thánh này sẽ là cơ hội để mỗi người trong các bạn canh tân các cam kết của mình, phù hợp với di sản đã nhận được từ những người đi trước, để giúp các bạn trẻ trở thành những người tự do và có trách nhiệm, tôn trọng người khác và môi trường của họ.

Tôi giao phó Đội Hướng đạo Unitaires de France cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh nữ Maria. Xin Mẹ hướng cái nhìn nhân từ của Mẹ lên mỗi người trong các bạn và dẫn dắt các bạn trở thành những môn đệ trung thành của Con Mẹ. Tôi chúc phúc cho tất cả các bạn, gia đình và những người các bạn đã đồng hành, cũng như những người ủng hộ tinh thần và vật chất cho các bạn. Và tôi xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.
Source:Libreria Editrice Vaticana

2. Caritas quốc tế e rằng biến thể coronavirus Ấn Ðộ đang lan nhanh ở Népal.

Tử vong tại Ấn Độ tính cho đến sáng thứ Hai 17 tháng 5, đã lên đến 274,411 người, trong số 24,965,463 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật 16 tháng 5, Ấn Độ ghi nhận 310,822 trường hợp nhiễm bệnh mới, và 4,092 người chết.

Trong thánh lễ an táng Nữ tu Lydia SAB vào chiều Chúa Nhật 16 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Peter Machado, Tổng giám mục Bangalore, rưng rưng nước mắt nói với anh chị em theo dõi buổi lễ trực tuyến rằng:

“Chúng tôi không biết chôn cất người chết ở đâu trong đại dịch này; các nghĩa trang Công Giáo đều hết chỗ.”

Sơ Lydia SAB được hỏa táng ngay tại công viên trước Tòa Giám Mục. Chính quyền đột xuất dựng lên địa điểm hỏa táng này để đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Mùi tử thi bị đốt bao trùm Tòa Tổng Giám Mục và các khu dân cư suốt 24 giờ trong ngày.

Bangalore có tám triệu dân và là thành phố đông nhất trong bang Karnataka. Số tín hữu Công Giáo chết vì Covid-19 ngày càng gia tăng, và Tòa Tổng giám mục từ nhiều ngày nay đang tìm kiếm những thửa đất trống để có thể an táng các tín hữu một cách xứng đáng. Ðức Tổng giám mục nói: “Cả hôm nay, tôi cũng đi tìm một khu đất khá xa thành phố, gần một nhà thờ có một mảnh đất ít được dùng. Nhưng rất tiếc là dân địa phương không muốn thấy việc chôn cất người chết, vì họ sợ. Vì thế, tôi nói chuyện với một người thủ lãnh trong vùng để làm sao có thể đưa thi hài tới mà không bị thiên hạ chú ý quá. Bây giờ chúng tôi mới chỉ đào được 15 huyệt mộ, vì đất ở khu đó rất cứng”.

Phân Bộ quốc tế của tổ chức Caritas Ðức ở thành phố Freiburg bày tỏ lo ngại rằng đại dịch Covid-19 tại Ấn Ðộ sẽ lan tới Népal ở mức độ bi thảm.

Trong hai tuần qua, mức độ lây nhiễm Coronavirus ở Népal gia tăng gấp bảy lần và bành trướng ngày càng mau lẹ hơn.

Hôm 13 tháng 5 năm 2021, ông Oliver Mueller, Giám đốc Phân Bộ quốc tế của Caritas Ðức báo động như trên và nói rằng các nhân viên từ thiện ở Népal cho biết tất cả các nhà thương ở Népal tràn ngập bệnh nhân Covid-19 và hệ thống y tế có nguy cơ bị sập, giống như tại Ấn Ðộ. Coronavirus biến dạng B1.617 đang lan nhanh nơi 28 triệu dân Népal với tốc độ đáng lo âu.

Caritas Ðức đã giúp Ấn Ðộ 300,000 Euro và giúp Népal 100,000 Euro qua các tổ chức đối tác tại hai nước, để hỗ trợ việc cung cấp dưỡng khí và trợ giúp y khoa cấp thiết. Cả lương thực cũng được phân phối cho những người vì đại dịch không nhận được lương bổng.

Trước đó, các tổ chức từ thiện khác, như Hội Hiệp sĩ Malta quốc tế, tổ chức Missio ở thành phố Aachen và tổ chức Hãy cứu các trẻ em, cũng đã kêu gọi trợ giúp các bệnh nhân tại Népal.

Trước tình hình nguy hiểm này, xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho Ấn Độ, Népal và cả cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam.
 
Ma quỷ lộng hành: Học khu Công Giáo Toronto đòi đổi tháng Thánh Tâm thành tháng tự hào đồng tính!
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:43 18/05/2021


1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi đóng góp cho các hoạt động truyền thông

Ðức Tổng Giám Mục Gregory J. Hartmayer, Chủ tịch Tiểu ban Chiến dịch Truyền thông của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã mời gọi các tín hữu đóng góp hỗ trợ cho việc loan báo Tin Mừng, trong cuộc lạc quyên do Chiến dịch Truyền thông Công Giáo của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ tổ chức vào cuối tuần 15 và 16 tháng 5 năm 2021.

Đức Cha Hartmayer kêu gọi các tín hữu quảng đại để giúp Giáo hội “tiếp tục truyền bá Tin Mừng, đặc biệt là trong những thời điểm đầy thử thách này”.

Đức Cha nói: “Những Ki-tô hữu tiên khởi đã đi tiên phong trong công nghệ truyền thông mới khi họ chuyển từ những cuộn giấy sang các cuốn sách nhỏ.” Ngài nhắc đến thánh Phanxicô Assisi, người đã sử dụng các phương tiện truyền thông phổ biến của thời Trung cổ khi truyền bá Tin Mừng bằng các hình thức giải trí tại các quảng trường trong làng. Theo Đức Cha, ngày nay, “Chiến dịch Truyền thông Công Giáo của chúng ta cho phép Giáo hội tiếp tục quảng bá thông điệp về đức tin, hy vọng và sự chữa lành của Chúa Giê-su thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.”

Trong năm 2020, do đại dịch, số tiền quyên góp giảm một nửa trong khi Chiến dịch Truyền thông Công Giáo nhận được nhiều yêu cầu trợ giúp hơn. Chiến dịch đã trợ giúp cho các giáo phận và giáo xứ để giúp các tín hữu được kết nối, dù bị cách ly về thể lý, qua các Thánh lễ trực tuyến và các sự kiện online; giúp mục vụ Công Giáo tiếp tục ở những nơi có ít cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc; và đặc biệt giúp Hội đồng giám mục ra mắt trang web được thiết kế lại, thân thiện với thiết bị di động, nơi các tín hữu có thể thấy các bài đọc và suy niệm Kinh Thánh hàng ngày, và nơi các giám mục có thể tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến để các tín hữu có thể tham gia vào các vấn đề liên quan đến đạo đức và xã hội.

Số tiền quyên góp được của Chiến dịch được chia thành hai: một nửa được giữ lại ở các giáo phận để hỗ trợ các dự án của địa phương giúp truyền cảm hứng, soi sáng và đưa mọi người đến gần Chúa Giê-su hơn; nửa còn lại ủng hộ các hoạt động truyền thông Công Giáo có phạm vi quốc gia hoặc hỗ trợ Công Giáo tiếp cận các quốc gia đang phát triển.

Các khoản tài trợ cũng được trao để sản xuất bộ phim tài liệu sắp ra mắt “Các bà mẹ thánh nhân”, trình bày cuộc đời của thánh Elizabeth Ann Seton (1774-1821) và thánh Frances Xavier Cabrini (1850-1917)
Source:Catholic News Agency

2. Tổng giáo phận can thiệp sau khi quỷ ám các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh phò đồng tính

Hội đồng Học khu Công Giáo Toronto đã bỏ phiếu công bố tháng Sáu là Tháng Tự hào dành cho người đồng tính và buộc các trường học treo cờ Cầu vồng LGBT bên ngoài tất cả các trường học của mình. Tháng Sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Một nhà trừ tà của tổng giáo phận cho rằng ma quỷ đã ám ảnh các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh phò đồng tính này khi biến tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu thành Tháng Tự hào đồng tính.

Phản ứng trước diễn biến tai hại này, tổng giáo phận Toronto đã nhấn mạnh sức mạnh biểu tượng của cây thánh giá, và Đức Hồng Y Thomas Collins đã tìm cách nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

“Cây thánh giá bên ngoài các trường học Công Giáo và bất kỳ nhà thờ Công Giáo, bệnh viện hoặc cơ sở giáo dục nào, báo hiệu cam kết của chúng ta rằng tất cả những ai bước vào tòa nhà đều được chào đón và yêu mến bởi vẻ đẹp và sự độc đáo của họ như là các con cái của Chúa”, Tổng giáo phận Toronto cho biết như trên trong một tuyên bố ngày 4 tháng 5 khi phản ánh về tính bao hàm và sự chấp nhận.

Vào ngày 6 tháng 5, Hội đồng Học khu Công Giáo Toronto, được bầu bởi các cử tri, đã thông qua ba đề xuất riêng biệt: một đề xuất tuyên bố Tháng Tự hào LGBT vào tháng Sáu hàng năm, một đề nghị yêu cầu cờ Tự hào phải được treo ở tất cả các trường và một đề xuất yêu cầu cờ Tự hào tung bay tại văn phòng hội đồng trường.

Trước cuộc bỏ phiếu này của hội đồng quản trị, tổng giáo phận nói rằng các bậc phụ huynh có “sự lựa chọn rõ ràng” khi họ gửi con em mình đến một trường Công Giáo.

“Họ thực sự mong đợi rằng các ủy viên, hiệu trưởng, giáo viên - tất cả các đối tác trong giáo dục – phải bảo đảm rằng giáo huấn Công Giáo được trình bày, sống và truyền vào tất cả những gì chúng ta làm. Như thế, biểu tượng thích hợp đại diện cho đức tin của chúng ta, và sự hòa nhập và chấp nhận của những người khác, là cây thánh giá, có thể nhìn thấy ở lối vào của mọi trường học Công Giáo. Nó là biểu tượng chính cho đức tin Kitô của chúng ta: nó lôi kéo chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu quảng đại và hy sinh của Chúa Giêsu, khi Ngài thí mạng sống mình cho tất cả chúng ta”.

“Trong một thế giới có thể đóng đinh một người vô tội, Chúa Giêsu trả lại tình yêu cho sự thù hận và nói: 'Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết những gì họ làm.' (Lu-ca 23:34) Tình yêu được biểu thị bằng thập tự giá là tình yêu hy sinh, không tập trung vào bản thân mà tập trung vào người khác”.
Source:Catholic News Agency

3. Không có ngôi đền thờ nào từ Trung Quốc tham gia trong 'cuộc marathon lần hạt' xin cho chấm dứt đại dịch coronavirus

Trong danh sách các đền thờ tham gia vào cuộc marathon lần chuỗi Mân Côi, ngày 24 tháng 5 không có đền thờ nào được chỉ ra, và được ghi là “được xác nhận sau”. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải sẽ tham gia cùng với những đền thờ khác trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, hy vọng ấy đang tàn phai nhanh chóng.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thiết định ngày 24 tháng Năm là ngày thế giới cầu nguyện cho những người Công Giáo bị bách hại tại Hoa Lục.

Ngày 24 tháng 5 hàng năm cũng là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Đặc biệt, họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây.

Trong hai năm liên tiếp bọn cầm quyền Bắc Kinh đã lặp đi lặp lại các chỉ thị cấm các cuộc tụ họp tôn giáo, và làm mọi cách nhằm ngăn cản các tín hữu hành hương về Xà Sơn.

Từ cuối tháng Tư vừa qua, giáo phận Thượng Hải đã phải ra một loạt các thông báo cấm tất cả các cuộc hành hương dưới mọi hình thức, kể cả từng cá nhân cũng không được phép.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đây rõ ràng là một hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh để tăng cường bách hại tôn giáo.

Thị trấn Xà Sơn gồm hai quả đồi ở quận Song Giang phía tây Thượng Hải. Hai ngọn đồi, cao khoảng 100m, được gọi là Đông và Tây Xà Sơn, mặc dù ngọn đồi phía tây quan trọng hơn cũng được gọi là Xà Sơn.

Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, được các nhà truyền giáo Âu châu xây dựng từ năm 1925 đến 1935. Ban đầu mọi nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ được cử hành bằng tiếng Latinh. Từ khi Hoa Lục rơi vào tay cộng sản, các nghi thức Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Hoa.

Con đường lên đỉnh đồi, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gọi là Via Dolorosa, tức là con đường thương khó.

Ngọn đồi cũng có một đài quan sát thiên văn được thành lập bởi các cha dòng Tên.

Theo tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai, cộng sản rất chướng mắt với ngôi đền Đức Mẹ quá hùng vĩ này nên đã nhiều lần âm mưu đặt bom giật sập ngôi đền. Nỗ lực cuối cùng diễn ra vào tháng Giêng 1967, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, và do Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, bom không nổ. Tại sao các quả bom này không nổ thì đến nay không thể biết chính xác được. Có lẽ phải đợi hết thời cộng sản ác ôn này người ta mới có thể biết tại sao. Nhưng có điều này thì chúng ta biết chắc chắn: Sau cái chết của Mao vào tháng 9, năm 1976, chỉ một tháng sau đó, Giang Thanh bị bắt và bị kết án chung thân khổ sai. Tháng 5 năm 1991 khi được tạm tha, việc đầu tiên Giang Thanh làm là thắt cổ tự tử chết.

Sau nỗ lực đặt bom bất thành của Giang Thanh, Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được để yên và hàng năm có các cuộc hành hương kính Đức Mẹ vào ngày 24 tháng Năm.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, văn phòng Tôn giáo Thượng Hải và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc đã cố gắng làm cho người Công Giáo Trung Quốc khó đến thăm Xà Sơn hơn. Các cuộc hành hương trở nên thất thường, có năm có, có năm không.

Trong Lá thư gửi người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chọn ngày 24 tháng Năm là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để cầu xin Đức Mẹ Xà Sơn tăng cường sức mạnh cho các tín hữu trước những bách hại liên tục của cộng sản.
Source:Catholic News Agency