Ngày 01-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:33 01/05/2018
67. GỞI VỢ TRONG CHÙA
Ở Chuẩn Nam có một ẩn sĩ tên là Trần Huống, rất biết làm thơ, gần xa biết tiếng.
Đến năm mươi tuổi mới lập gia đình, lấy một cô gái nhưng không được bao lâu thì triều đình đem rất nhiều vàng bạc đến hiệu triệu ông ta.
Có người hỏi:
- “Ông sắp lên đường về kinhrồi, vậy thì ông sắp xếp vợ ở đâu ?”
Trả lời:
- “Tạm thời gởi vợ trong chùa với sư thúc (hoà thượng)”.
Có người hỏi lại:
- “Vợ của ông mặt mày thanh xuân đẹp đẽ, ở nơi đó không sợ trở ngại sao ?”
Họ Trần trả lời:
- “Để nó ở trong nhà và khoá cửa lại.”
Lại hỏi:
- “Nhưng nếu bà ta đi đại tiện, tiểu tiện thì làm sao ?”
Trả lời:
- “Khoá cửa và chìa khoá đã đưa cho nó rồi.”
!!!!??
(Tân thoại chích tuý)

Suy tư 67:
Không ai đem thịt mỡ bỏ trước mặt con mèo dù con mèo ấy có chê thịt và mỡ, cũng không ai đem vàng bạc bỏ trước mặt kẻ cướp, vì cả chì lẫn chài đều mất sạch...
Sắc đẹp là của Chúa ban cho, nó như một thứ tài sản của chúng ta, cho nên đừng đánh mất sắc đẹp của mình...
Có nhiều cô gái đem sắc đẹp của mình “bỏ” trong các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, rồi tự hào mình là “hoa hậu” của cuộc chơi, để rồi hối hận cả đời; có một vài cô thiếu nữ thích người ta khen ngợi sắc đẹp của mình hơn là bảo vệ sắc đẹp của mình, cho nên đem sắc đẹp “bỏ” trước những móng vuốt “háo sắc” của những tên nịnh đầm...
Chắc chắn tất cả các thiên thần khi Chúa dựng nên đều có sắc đẹp tuyệt vời, nhưng có thiên thần thì biến thành quỷ dữ, mặt mày xấu xa dữ tợn...như quỷ, bởi vì các thiên thần này đã đem sắc đẹp thần thiêng của mình ném vào trong sự kiêu ngạo muốn đẹp bằng Thiên Chúa, cho nên đã bị phạt đời đời trong hoả ngục.
Cái đẹp của thân xác cũng như cái đẹp của tâm hồn đều sợ con quỷ kiêu ngạo xấu xa, do đó mà khi chúng ta tự mãn với vẽ đẹp bên ngoài của thân xác mình, là chúng ta đã đem cái đẹp tâm hồn để trước móng vuốt của tội lỗi, như vậy chẳng khác gì khóa cửa và chìa khóa đã đưa cho ma quỷ rồi vậy.
Ai có tai thì nghe và hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:35 01/05/2018

16. Người trên núi cao, càng leo lên cao càng nhìn được xa, tu đức của con người thì giống như leo núi cao, càng đi phía trước càng nhìn được cao xa, và càng nhận biết Thiên Chúa.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 6 Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:56 01/05/2018
Chúa Nhật 6 PHỤC SINH. B (Ga 15, 9-17)
YÊU THƯƠNG NHAU


Các con tuân lệnh Thầy truyền,
Như Cha yêu mến, lời nguyền sắt son.
Thầy hằng thương mến các con,
Thực hành ý Chúa, vẹn tròn tin yêu.
Vững tin tuân giữ mọi điều,
Cha Thầy ưu ái, thiên triều chốn đây,
Chính Thầy vâng lệnh Cha Thầy,
Niềm vui chan chứa, đong đầy tâm can.
Các con yêu mến thiên nhan,
Vì Thầy thí mạng, thế gian tội tình.
Tình yêu bạn hữu sinh linh,
Không còn tôi tớ, coi khinh chối từ.
Ơn Thầy chọn gọi riêng tư,
Sai làm nhân chứng, anh thư giữa đời.
Sinh hoa kết trái mọi thời,
Yêu thương thông cảm, mọi người anh em.

Đây là lệnh truyền của Thầy:“Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.” Bất cứ ai không yêu sẽ không biết Chúa, vì Chúa là tình yêu. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về tình yêu. Tình yêu hôn nhân, tình yêu gia đình, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu giữa anh chị em, tình yêu trai gái và tình yêu bạn bè…. Hơn nữa chúng ta có tình yêu giáo hội, yêu tổ quốc và tình yêu tha nhân.

Một đặc điểm của tình yêu là hy sinh và cho đi. Chúa yêu thương chúng ta, Ngài đã cho đi tất cả và cho cả mạng sống. Cho đi tới giọt máu cuối cùng. Tình yêu của Chúa là tình yêu vô điều kiện. Làm sao chúng ta có thể đáp trả tình yêu của Chúa. Chúa truyền cho chúng ta là hãy yêu nhau. Trong đời sống hằng ngày, vợ cHồng Yêu nhau, hy sinh cho nhau, nhường nhịn và kính trọng nhau. Con cái yêu thương cha mẹ. Yêu cha mẹ thì chúng ta phải thông cảm cho những nỗi khổ tâm của cha mẹ. Yêu tha nhân thì nâng đỡ và chia gánh nặng với họ cả tinh thần lẫn vật chất.

Yêu là cho đi. Cho đi qua ước muốn với những ý hướng tốt. Cho đi qua thái độ, cử chỉ và cách thế giao tiếp. Hãy cho đi những thái độ tự nhiên, cởi mở và khiêm tốn. Có thể trao cho nhau một nụ cười, một cái nhìn thông cảm và một câu chào hỏi lễ phép. Đó cũng là biểu tỏ của tình yêu. Truyện kể có một ông lính già xấu xí vì bị thương tích. Không ai muốn làm bạn với ông. Khi chết, ông còn để lại một di chúc. Xin trao tất cả số tiền ông có cho một em bé gái, vì ông viết rằng cả đời ông đã không nhận được món qùa nào qúy trọng bằng nụ cười thông cảm của một em bé gái.

Tình yêu Chúa cao vời và bao la như biển khơi. Chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Chúa, trong khi tình yêu của chúng ta lại ích kỷ và hẹp hòi. Chúng ta bị giới hạn và còn so đo tính toán hơn thiệt trong tình yêu đối với tha nhân. Không dễ để hy sinh và cho đi nếu tình yêu không được đáp trả. Chúng ta luôn muốn rằng dù tình yêu nào đi nữa cũng cần có qua có lại.

Tình yêu của Thiên Chúa đôi khi là tình đơn phương. Chúa luôn kiên trung trong tình yêu với con người, nhưng con người đã nhiều lần ngoại tình và đã phản bội tình yêu. Chúa Giêsu nói rằng: Không có tình yêu nào cao qúi hơn mối tình của người dám thí mạng vì bạn hữu. Chúa nói và Chúa đã thực hiện.

Thánh Maximilien Kolbe là mẫu gương. Ngài là một tù phạm của Phátxít Đức. Theo luật, khi có một người trốn trại, 10 người khác phải chết thế. Họ đọc danh sách 10 người. Trong đó có một người đàn ông, cha của một gia đình có tên trong danh sách phải chết. Vợ con ông khóc lóc thảm thiết. Cha Kolbe giơ tay chịu chết thế cho người bạn tù.

Tình yêu là thế. Chỉ có tình yêu mới lấp được hận thù, tình yêu này phản ảnh tình yêu của Chúa Kitô. Lạy Chúa, xin tình yêu của Chúa thấm nhập vào tâm hồn chúng con, để chúng con cùng chia xẻ tình yêu với anh em chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 15, 26-16,4).
THẦN CHÂN LÝ


Thần Linh Chân Lý cao vời,
Cha Thầy sai đến, dậy khơi mọi điều.
Những lời mạc khải cao siêu,
Các con ghi nhớ, thiên triều gia ân.
Thánh Thần làm chứng canh tân,
Ban ơn sức mạnh, chứng nhân về Thầy.
Người ta bách hại lạm gây,
Hội đường xua đuổi, đong đầy gian nan.
Tưởng rằng phụng sự thánh nhan,
Chu toàn lề luật, liên can đạo đời.
Kẻ thù không biết Ngôi Lời,
Con Cha cực thánh, vào đời cứu nhân.
Mọi lời nhắc nhở ân cần,
Các con ghi nhớ, tinh thần vững tin.
Kiên trì phó thác cầu xin,
Thánh Linh Phù Trợ, ngước nhìn trời cao.

THỨ BA, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 5b-11).
RA ĐI


Phán cùng môn đệ lời này,
Thầy về thiên giới, đợi ngày ra đi.
Những điều dạy bảo thông tri,
Thầy đi lợi ích, chỉ vì các con.
Nói lời sự thật sắt son,
Thánh Thần Phù Trợ, mỏi mòn chờ mong.
Thông ban sức mạnh trong lòng,
Khôn ngoan thông suốt, tinh trong rạng ngời.
Ngôi Ba Thiên Chúa cao vời,
Tuôn tràn ân sủng, cho người tin yêu.
Những ai chê chối thiên triều,
Thế gian tội ác, ngả siêu thói đời.
Thánh Linh xét xử trần đời,
Không tin cứu độ, Ngôi Lời hạ thân.
Quyền năng phó thác Thánh Thần,
Công bằng chính trực, dự phần phúc vinh.

THỨ TƯ, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 12-15).
SỰ THẬT


Khi Thần Chân Lý viếng thăm,
Khai lòng mở trí, chuyên chăm sống đời.
Bảy ơn thánh đức cao vời,
Nói năng sự thật, qua lời truyền rao.
Ban ơn sức mạnh dồi dào,
Thêm ơn lo liệu, hiến trao thân mình.
Kiên trì trung tín quang minh,
Xin ơn soi sáng, tâm linh rạng ngời.
Hồn con kính sợ Chúa Trời,
Khôn ngoan hiểu biết, sống đời thánh ân.
Nguồn ơn phù trợ Thánh Thần,
Thông ban truyền dạy, canh tân lòng người.
Mọi điều hiện hữu trên đời,
Chúa Cha tác tạo, Ngôi Lời trung gian.
Những gì Cha đã trao ban,
Thần Linh lãnh nhận, sẻ san cho đời.

THỨ NĂM, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 16-20).
NIỀM VUI


Niềm vui trăn trối đôi lời,
Ra đi dọn chỗ, cho người mến yêu.
Tới ngày từ giã cô liêu,
Tông đồ môn đệ, vốn nhiều xót xa.
Vui buồn lẫn lộn phôi pha,
Thầy đi vắng mặt, thật là nhớ thương.
Cho dù lòng trí vấn vương,
Thêm phần lợi ích, tựa nương sống đời,
Thầy còn trở lại một thời,
Các con sẽ thấy, rạng ngời thiên nhan.
Bây giờ con cái thế gian,
Tẩy chay bách hại, gian nan cực hình.
Chúng con khóc lóc tự tình,
Than van sầu khổ, bất bình thế nhân.
Kiên tâm giữ vững tinh thần,
Mừng vui chan chứa, dự phần phúc vinh.

THỨ SÁU, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 20-23a).
VUI MỪNG


Tâm tư trầm lắng chiều nay,
Thầy trò tâm sự, đến ngày xa nhau.
Chia ly muôn nỗi sầu đau,
Tông đồ môn đệ, trước sau dự phần.
Giê-su từ giã gian trần,
Thăng thiên thượng giới, vô ngần cao siêu.
Các con than khóc thật nhiều,
Buồn sầu cay đắng, đốt thiêu tâm hồn.
Thế gian ghét bỏ vùi chôn,
Thù hằn ghen ghét, dại khôn cõi đời.
Các con tin vững ơn trời,
Niềm vui trở lại, cho người thiện tâm.
Hy sinh chịu đựng âm thầm,
Vinh quang rạng sáng, nẩy mầm xinh tươi.
Vui mừng rạng rỡ tươi cười,
Đoàn con xum họp, mọi người hân hoan.

THỨ BẢY, TUẦN 6 PHỤC SINH
(Ga 16, 23b-28).
XIN ƠN


Phán cùng môn đệ lời này,
Hãy xin sẽ được, danh Thầy hứa ban.
Niềm vui trọn vẹn chứa chan,
Cha ban muôn phúc, tràn lan tâm hồn.
Trước ngày giảng dạy dụ ngôn,
Các con chưa hiểu, học khôn tháng ngày.
Đến nay Thầy nói thẳng ngay,
Loan truyền rành rẽ, điều hay lạ thường.
Chia ly sầu lắng vấn vương,
Thầy đi chuẩn bị, yêu thương vô ngần.
Cầu xin Thiên Chúa chí nhân,
Ủi an soi dẫn, bước lần thoát nguy.
Ban ơn giáng phúc từ bi,
Trung kiên vững bước, sá gì gian nan.
Chúa Cha yêu mến thế gian,
Trao ban Con Một, hứa ban Nước Trời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lại một Linh mục nữa bị bắn chết ở Phi
Thanh Quảng sdb
03:38 01/05/2018
Lại một Linh mục nữa bị bắn chết ở Phi

Hội đồng Giám mục Phi đã lên án vụ thảm sát cha Mark Ventura do một tay súng chưa tìm được tông tích của hắn vào ngày 29 tháng Tư vừa qua

Cha Mark Ventura bị bắn chết ngay sau khi cha cử hành Thánh lễ tại một phòng tập thể dục ở Barangay Peña Weste, ở vùng ngoại ô của thị trấn Gattaran ở tỉnh Cagayan.

Phán quyết của các giám mục Philippines

Hội đồng Giám mục Phi (CBCP) lên án vụ thảm sát vị linh mục trẻ 37 tuổi này và mời gọi toàn thể mọi tín hữu Phi hãy cầu nguyện cho ngài, cho gia đình và cho cho Tổng giáo phận Tuguegarao của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, và là Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Phi phát biểu: "Chúng tôi cực lực lên án hành động dã man này!" “Chúng tôi thật bàng hoàng, không thể tin nổi khi nghe hung tin về cái chết của cha Mark Ventura”.

Cha mark vừa ban phép lành cho các em và đang trò chuyện với ca viên của ca đoàn thì một người đàn ông lạ mặt, đầu đội nón bảo hiểm xuất hiện từ phía sau phòng hội trường và chỉ súng bắn cha Mark hai phát!

Trích dẫn lời của cảnh sát thành phố Tuguegarao, ông cảnh sát trưởng của Phi là Oscar Albayalde cho hay nghi can chạy về phía đường cao tốc trên một chiếc xe máy do một người lạ khác cầm lái và chạy về phía tỉnh Baggao.

Cha Mark bị trùng đạn vào đầu và ngực nên ngài quỵ chết ngay lập tức tại hiện trường!

Đức Tổng Giám Mục Sergio Utleg của Tổng Giáo phận Tuguegarao đã xứng lên những lời cầu nguyện cho cha ngay tại địa điểm cha bị sát hại.

Đức Tổng Giám Mục Valles cũng kêu gọi các nhà chức trách “hãy hành động nhanh chóng để lùng bắt hung thủ và đưa hắn ra trước vành công lý”.

Quyền của người dân bản địa

Cha Ventura là giám đốc của cứ điểm truyền giáo thánh Isidoro mang tên Labrador Mission Station mà ngài đảm trách bao gồm các vùng Mabuno và Gattaran.

Ngài là một linh mục lăn lội với dân chúng địa phương trong bảy năm qua, ngài cũng được biết đến như là người chống lại việc khai thác hầm mỏ một cách độc đoán thủ lợi và bênh đỡ dân nghèo trong vùng.

Ngài là giám đốc của Trung tâm truyền giáo Thánh Isidro Labrador có trụ sở tại thị trấn Mabuno gần đó. Trước đó, ngài là Giám đốc của Chủng viện Thánh Thomas Aquinas ở thị trấn Aparri.

Cha Ventura là linh mục thứ hai bị giết trong bốn tháng qua.

Vào tháng 12 năm 2017, Cha Marcelito Paez, 72 tuổi, đã bị hạ sát bởi 2 tay súng chỉ vì ngài đã bào chữa cho một tù nhân chính trị ở Jaen, Nueva Ecija, miền trung Luzon để được thả tự do.
 
Amazon, Lá Phổi của thế giới, giờ đây còn hay mất?
Lê Hồng Mạnh SVD
05:33 01/05/2018
Amazon, Lá Phổi của thế giới, giờ đây còn hay mất?
Lê Hồng Mạnh SVD

Cha Mạnh và một số giáo dân tại một giáo điểm vùng Amazon
Cha Mạnh lênh đênh trên xuồng đi thăm giáo dân tại các giáo điểm vùng Amazon
Hôm ngày mồng 1 tháng năm mừng kính thánh cả Giuse thợ, vietcatholic có chiếu đoạn vídeo ngắn về Amazon, xem lại những hình ảnh thân quen làm tôi bùi ngùi và nhớ nhớ, thương thương những nơi mình đã đi qua, những người mình đã gặp cùng với một lịch sự hào hùng của người dân bản địa Amazon.
Tôi, một linh mục truyền giáo dòng Ngôi Lời khi còn chập chửng làm thầy đã luôn có mơ ước đi truyền đạo ở những vùng sông nước, rừng núi và năm 2001- 2002 tôi đến Brazil làm việc ở miền quê của tiểu bang ‘khổng lồ’ Săo Paulo với hơn 45 triệu dân cư. Thành phố khá sang trọng đầy đủ mọi tiện nghi, nhưng kẻ giàu, người nghèo cách xa nhau như ‘trời với đất’. Tại sao một nước Công Giáo lớn hàng đầu thế giới mà lại đi đến sự bất quân bình thế này.
Giáo hội cùng những nhà xã hội học đang tìm hiểu và thấy một trong những lý do của giai cấp giàu nghèo là do lòng tham con người, độc tài và những ấu trị của đảng phái.
Xin quay lại chút xíu lịch sự để tìm ra phương hướng.
Nhiều năm sau khi giải thoát được ách đô hộ bởi đế quốc Bồ Đào Nha, Brazil tìm một con đường, tìm một hướng đi nhưng phe độc tài, độc đảng, (có thể nói là độc ác nữa) đã lên nắm chính quyền.

Độc tài, độc đảng của Brazil tồn tại bao lao, tại sao lại không tồn tại ?

1964 – 1985- dưới thời độc tài, độc đảng Brazil đã cho phép một vị tống thống có quyền gần như tuyệt đối trên mọi nơi. Ai chống đối chính phủ sẽ bị tù tới 10 năm. Bắt giam tất cả những chính trị gia lên tiếng biểu tình dù là về văn hoá, ngôn luật hay chính trị.
Nhiều người chống chính quyền phải chạy trốn, tị nạn ở nước ngoài: các nghệ sĩ, giáo viên, trí thức, chính trị gia, sinh viên.
Rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo bị cấm đoán, theo dỏi. Hàng ngàn người bị mất tích, bắt cóc, tù đày, tra tấn, giết hại

1978 – 1985
- chính trị: chính quền tộc tài bắt đầu khủng hoảng, xáo trộn, tranh chấp nội bộ.
- Kinh tế: xuống dốc và gặp rất nhiều khó khăn, thất nhiệp càng tăng, lãi xuất, giá cả tăng cao. Nợ nước ngoài chồng chất.
- Xã hội: xáo trộn, giai cấp giàu nghèo, người giàu chiếm hữu gần hết 80% tài sản toàn quốc, người nghèo càng nghèo thêm.

Tức nước vỡ bờ
Hậu qủa là hàng triệu, triệu người xuống đường biểu tình, lên tiếng đòi quyền lợi của người công dân, nông dân: Tự do, dân chủ. Năm 1979 nhiều phong trào chính trị, xã hội đã thành lập.
1980 hàng ngàn, hàng triệu người đã xuống đường biểu tình, những cuộc đình công tiếp diễn rất nhiều ở các thành phố lớn như São Paulo, Rio Janeiro.
Kết qủa là hiến pháp quốc gia được sửa đổi, nổi bật nhất là luật trả tự do cho các tu nhân chính trị, tôn giáo, đón nhận hồi hương những chính trị gia tị nạn ở nước ngoài và tha thứ cho tất cả những ai đã tra tấn dưới chế độ độc tài.
5 đảng phái lớn đã chính thức được công nhận.
1988 lần đầu tiên người dân được quyền trực tiếp bầu tổng thống của mình.
Hiến pháp mới ra đời nhấn mạnh đến quyền lợi tự do tỏ bài, lòng yêu quê hương qua việc tổ chức biểu tình, trình diện truyền thông, văn hoá. Cấm đoán mọi hình thức tra tấn.
Còn chi tiết hơn nữa là phụ nữ dược nghỉ phép `có lương` ít nhất là120 ngày và đàn ông dược 5 ngày. Hihi`.

Cha mạnh và trẻ em vùng Amazon
Cha mạnh và chú cá câu được tại sông lạch Amazone

Năm 2005 tôi, một linh mục trẻ yêu đời, yêu người, yêu Trời và cũng yêu thiên nhiên nữa, tôi được trở lại và sống giữ khu rừng cách thành phố Sao Paulo hơn 200 km, bên dòng sông Juquia thơ mộng. Học ăn, học nói, học nghe là đều tiên khởi của người truyền giáo và nhất là học yêu thương và cách thương yêu. Dân chúng đa số làm nghề nông chất phát, sống giữa rừng, giữa núi thủng lủng Vale do Ribeira, vì là một trong những vùng còn nhiều sông nước, rừng núi nên được mệnh danh là LÁ PHỔI của thành phố, là Amazon vì khi hậu trong lành cung cấp cho thành phố.
Amazon thật là đâu và thế nào thì tới năm 2013 tôi mới được sai đến (bị gởi đến vì không có nhiều LM tu sỉ thích đến những vùng thiêng nước độc này hihi).
Thú thực ấn tượng đầu tiên của tôi khi thả hồn trên sông Amazon trên đường đến giáo xứ, tôi cứ tưởng mình là Adong đang thong dong trong vườn địa đàng vì quả thực, thiên nhiên, sông nước, hữ tình, quá đẹp và hùng vị ..(chỉ thiếu Eva để cùng nhau đi tìm trái cấm hihi). Từ nơi tôi ở mà đến sân bay mất 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên tàu, cũng may là nằm vọng đu đưa nên thời gian qua mau và sau những giấc ngủ thì được nhắm chim, nhìn mây và cảm nhiệm tình Chúa, tình Trời giữa vườn địa đàng Amazon.
Nhưng những cám dổ như hình với bóng không chỉ cho ông bà Adong-Eva mà cho tất cả nhân sinh, nhất là những ai có quyền thế.
Rừng Amazon có những đóm loang đen như ung thư vì nạn đốt rừng, lấy gỗ, tìm vàng, ngay cả công ty Coke cũng đã mua rất nhiều sông ngòi để bán nước, lấy nước làm giàu cho một tập đoàn, rồi trung cộng cũng mon men xen vào miếng mồi Amazon.
ĐTC Fanxico đã cử DHY Hummes chuẩn bị một đại hội nghị vào năm 2019 ở Roma với chủ đề “Amazon, bước đi mới cho Giáo Hội và cho Thiên Nhiên Môi Trường”
DHY nói rằng Giáo Hội cần xem lại những bước đi, sự hiện diện của mình ở Amazon để xây dựng và tìm ra một hướng đi mới. Chúng ta không thể ‘ngồi ù lì’ thoái mái rồi lập đi, nhai lại những công việc mục vụ lỗi thời, không cần thiết. Chúng ta cần có điều kiện để đứng lên và cản đảm bước đi, đồng thời chấp nhận những con đường mới lạ. Và cũng nhớ rằng, một Giáo Hội hiện hữu là giáo hội biết lo, chăm sóc cho môi sinh cùng dấn thân vào để bảo vệ môi trường.
(xin tạm ngừng nơi đây, nếu có dịp tôi mời đọc giả lên tàu cùng tôi trôi ngược dòng Amazon để thưởng ngoạn cùng khám phá và tìm Thiên Chúa trong vườn địa đàng Amzon. Ok, thân chào trong tình Ngôi Lời.)
Niềm vui mỗi năm cha Mạnh về lại thăm đoàn chiên tại những giáo điểm xa côi


 
ĐGH Phanxicô hành hương tới Đền Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa
Giuse Thẩm Nguyễn
11:02 01/05/2018
(Vatican News) Hôm nay ngày mùng Một tháng Năm , năm 2018, ĐGH Phanxiô đã đánh dấu Tháng Kính Đức Mẹ Mân Côi bằng cuộc hành hương đầu tiên của ngài đến Đền Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa (Divino Amore), một ngôi đền thánh nổi tiếng ở Roma.

Đón tiếp ĐGH tại đền thánh là Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám quản Giáo Phận Roma, phụ tá giám mục phía nam là ĐGM Paolo Lujudice, cùng với giám đốc đền thánh và linh mục sở tại. Phái đoàn ra đón ĐGH còn có nhiều đại diện những giáo dân nam nữ của đền thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa.

Sau khi lần hạt Mân Môi trước ảnh Đức Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng (Madonna and Child), ĐGH sẽ chúc lành cho ngôi mộ của Bậc Tôi Tá Chúa là cha Uberto Terenzi, cha sở đầu tiên của giáo xứ Divino Amore và là cha sáng lập của hai nhà dòng. Sau đó ĐGH sẽ gặp các bậc trưởng lão trong giáo xứ, những cụ đã được rửa tội do chính cha Terenzi, người đã lập ra giáo xứ trong khu đền thánh, chạy dọc theo con đường Via Ardeatina, cách Roma 12 km về phía nam.

ĐGH cũng dự định đến thăm các cụ tại Viện Hưu Dưỡng Divino Amore và Ngôi Nhà Gia Đình Master Divini Amori là chỗ trú thân của các trẻ em lang thang và trẻ sơ sinh được điều hành bởi hội dòng Nam Tình Yêu Thiên Chúa.

Lịch sử Đền Thánh.

Đền thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa của chúng ta khởi đầu với một bức họa thời trung cổ, vẽ hình Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng ngồi trên ngai, phía trên có hình chim bồ câu biểu tượng Chúa Thánh Thần, dùng để trang hoàng cánh cổng của một trong những tháp canh vào thế kỷ thứ 13, có tên là Castel di Leva.

Biểu tượng này rất phổ biến đối với những người chăn cừu địa phương, họ thường tụ tập nhau lại để lần chuỗi Mân Côi. Truyện xưa kể rằng “ Vào năm 1740, có một người trên đường hành hương về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô thì bị những con chó dữ tợn tấn công tại tháp canh này và nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ mà người ấy đã được cứu thoát.

Từ đó số khách hành hương đến đây ngày càng tăng và biểu tượng này được dời về một ngôi nhà nguyện được xây cạnh tháp canh.

Đền thánh đã trở thành có ý nghĩa hơn cho người dân Roma vì trong thời Thế Chiến Thứ Hai, ĐGH Piô XII đã cùng với hàng ngàn người dân đến đây cầu nguyên trước ảnh mẹ để xin bảo vệ thành Roma trong trận chiến cuối cùng vào năm 1944, dẫn đến việc giải phóng thành phố khỏi sự chiếm đóng của quân Đức.

Vài ngày sau khi quân Đồng Minh tiến vào thành phố, ĐGH Piô XII đã đặt danh hiệu cho bức ảnh là Salvatrice delll’Urbe, nghĩa là “Mẹ cứu thành phố”.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
ĐHY Pell sẽ tiếp tục tạm nghỉ nhiệm vụ tại Tòa Thánh trong thời gian đối diện với tòa hình sự.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:10 01/05/2018
(EWTN News/CNA) Tòa Thánh Vatican vừa thông báo rằng ĐHY George Pell sẽ tiếp tục tạm nghỉ nhiệm vụ của ngài tại Tòa Thánh trong thời gian ngài phải đối diện với cáo buộc “xâm phạm tình dục trong quá khứ” ở quốc gia sở tại của ngài là nước Úc.

Toàn bộ chi tiết và nội dung những cáo cuộc vẫn chưa được công bố và khi nào phiên tòa bắt đầu thì vẫn chưa rõ. Quyết đinh xét xử vụ án được đưa ra sau một phiên điều trần sơ bộ kéo dài ròng rã cả tháng tại Melbourne.

ĐHY Pell bị cáo buộc về những sai phạm của những thập niên trước, vào những năm đầu tiên làm linh mục cho đến khi ngài trở thành Tổng Giám Mục của Melbourne. Ngài bị cáo buộc đã xâm phạm hai bé trai ở hồ bơi của thành phố Ballarat vào thập niên 1970 cũng như lạm dụng hai thành viên khác trong ca đoàn nhà thờ Chính Tòa Thánh Patrick ở Melbourne vào thập niên 1990. Những chi tiết chính xác khác về những cáo buộc đã không được công bố.

Hầu hết những cáo buộc chống lại ĐHY đã bị bác bỏ trong phiên điều trần sơ bộ.

ĐHY tuyên bố là vô tội đối với những cáo buộc xâm phạm tình dục trong quá khứ và đã nộp hộ chiếu của ngài. Tội danh “xâm phạm tình dục trong quá khứ” nghĩa là những vi phạm bị cáo buộc đã xảy ra cách đây nhiều thập niên. Luật pháp của Úc nghiêm cấm tiết lộ công khai các chi tiết những cáo buộc.

ĐHY Pell được ĐGH Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế của Tòa Thánh vào năm 2014 và ngài đã tạm nghỉ khỏi chức vụ này từ năm 2017 khi ngài trở về Úc để đối diện với các cáo buộc chống lại ngài. ĐHY Pell là Tổng Giám Mục Sydney từ năm 2001-2014 và Tổng Giám Mục Mellbourne từ 1996-2001.

Lần đầu tiên ĐHY Pell bị cáo buộc lạm dụng tình dục vào năm 2002, nhưng không có cáo buộc nào được nộp tại tòa vào thời điểm đó. Vào năm 2013, cảnh sát Úc bắt đầu một cuộc điều tra nhắm vào ngài, trước khi nộp đơn kiện vào năm ngoái.

Được biết ĐHY Pell là vị Hồng Y đầu tiên phải đối diện với hình sự về hành vi sai trái tính dục. ĐHY người Scottland là Keith O’Brien đã từ nhiệm chức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Thánh Andrews và Edinburgh vì bị tố cáo là đã có những hành vi sai trái về tình dục. Hậu quả là Tòa Thánh đã công bố rằng ĐHY O’Brien sẽ không còn thi hành quyền cũng như nhiệm vụ của một Hồng Y nữa. O’Brien đã không tham gia vào hội nghị kín bầu Giáo Hoàng vào năm 2013. Những cáo buộc chống lại O’Brien không liên quan đến trẻ vị thành nhiên và ngài đã không phải đối diện với tội hình sự. O’Brien đã qua đời vào này 19 tháng Ba.

Các luật sư đại diện cho ĐHY Pell khẳng định rằng những cáo buộc chống lại ngài là “không thể ” và ngài vô tội. ĐHY Pell cũng nhắc lại nhiều lần là mình vô tội và rằng ngài coi việc lạm dụng tình dục là “đáng ghét.”

ĐHY Pell tuyên bố vào tháng Sáu năm 2017 rằng, “Tôi mong chờ ngày tôi có mặt tại tòa, cuối cùng sẽ đến, vì tôi vô tội với những cáo buộc này. Họ ngụy tạo.”

Không rõ liệu ĐHY sẽ từ nhiệm chức vụ tại Tòa Thánh khi ngài phải ra tòa hoặc là việc ngài từ chức có được chấp thuận hay không.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Nhận định của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về hội nghị thượng đỉnh hai miền Nam Bắc Triều Tiên
Đặng Tự Do
16:33 01/05/2018
Sau một bài thuyết trình được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Chioggia về “Ba vị Giáo Hoàng trong năm 1978”, là đề tài đầu tiên trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi phong trào Fondaco về tình phụ tử, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã trả lời các câu hỏi về các chủ đề thời sự trên thế giới.

Khi được hỏi về triển vọng cho hòa bình ở Hàn Quốc, Đức Hồng Y nói:

“Theo một phân tích mà tôi đã đọc trong những ngày này, chủ tịch Kim Jong-un đã sử dụng tiềm năng chiến tranh hạt nhân của mình như một mối đe dọa để buộc người Mỹ phải đàm phán ngõ hầu đưa Bắc Triều Tiên ra khỏi sự cô lập, và trên hết là ông ta có thể bắt đầu chính sách tăng trưởng kinh tế mà đất nước rất cần”.

“Tôi không biết có hoàn toàn đúng như thế không, nếu thế ông ta là một nhà chiến lược vĩ đại ... Dù sao, các chuyên gia nói rằng Kim Jong-un thực sự có vẻ nghiêm túc, và rằng lời đề nghị đối thoại không chỉ là một trò lừa đảo. Con đường này rất tinh tế, đầy chông gai, nhưng thực tế là họ đã quyết định đàm phán, mà không tiếp tục với việc leo thang phóng tên lửa. Đó là một dấu chỉ của hy vọng. Tôi cũng thấy hy vọng từ Trung Quốc, vì họ hỗ trợ cuộc đối thoại này. Chính nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói ông ta ủng hộ cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo này. Điều này có nghĩa là loại bỏ một tình huống có khả năng bùng nổ thực sự, có thể gây ra những thiệt hại to lớn” .
Source Vatican Insider Parolin: “A great sign of hope for Korea”
 
Đạo Công Giáo ảnh hưởng ra sao đến chính sách ngoại giao của Tổng Thống Nam Hàn, Moon Jae-In?
Vũ Văn An
23:20 01/05/2018
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Nam Hàn và Chủ Tịch Bắc Hàn được nhiều người hết lời ca ngợi. Họ cho rằng chưa có lãnh đạo Cộng Sản nào, nhất là lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, so sánh được với lãnh tụ Bắc Hàn, người mà chỉ mấy tuần trước họ hết lời chửi rủa, làm như con người trước là con người giả, con người khi gặp Tổng Thống Nam Hàn mới là con người thực!

Thiển nghĩ lãnh tụ Cộng Sản nào thì cũng thế thôi. Có tin hay không là tin Tổng Thống Nam Hàn, chứ cái anh Ủn Cộng Sản thì đừng vội tin, hãy cứ nên nghe Ông Nguyễn Văn Thiệu của Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa: đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy xem những gì Cộng Sản làm. Cho đến khi nó thực sự dẹp kho nguyên tử với sự giám sát của quốc tế, thì mới nên khen.

Nhưng ai cũng phải tin thiện chí của Tổng Thống Nam Hàn. Ông nói là nói tự tấm lòng, hay tự xác tín của ông. Nói theo Victor Gaetan của tập san Foreign Affairs số gần đây, phương thức hành động của ông mô phỏng theo phương thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo Ký Giả trên, đầu tháng Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng Twitter để chỉ trích nhà lãnh đạo Nam Hàn về "việc hòa hoãn" với Bắc Triều Tiên. Trong một lời nói móc Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in mấy ngày trước đó, Trump cũng đã cảnh báo rằng “Nói chuyện không phải là Giải Pháp!” khi nhắc đến ý thích của Ông Moon muốn đàm phán với Bình Nhưỡng. Có thể tổng thống Nam Hàn rất tập chú vào các cuộc đàm phán không chỉ vì các cam kết lúc bầu cử, mà còn vì niềm tin tôn giáo của Ông nữa. Ông Moon vốn là một người Công Giáo thực hành Đạo, và mặc dù bản sắc tôn giáo không phải lúc nào cũng là lăng kính thích hợp để đánh giá việc ra quyết định chính trị, nhưng nó có thể có liên quan trong trường hợp này.

Trong bốn năm làm giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nhấn mạnh tới những cách đúng đắn và sai lầm trong việc giải quyết các xung đột quốc tế. Khó có bất kỳ tín hữu nào có thể thoát khỏi các hệ luận của nền “ngoại giao gặp gỡ”, một nền ngoại giao coi là ưu tiên việc đối thoại và các cuộc gặp gỡ thể lý giữa các bên đối lập để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, sự tin tưởng và cùng tập trung vào lợi ích chung. Nền ngoại giao gặp gỡ đã gặt hái được nhiều thành quả: Đức Phanxicô vừa kết thúc một chuyến tông du tại Colombia, nơi ngài điều hướng một hiệp ước hòa bình giữa chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) mà Giáo hội đã đứng ra làm môi giới. Một số nguyên lý Kitô giáo chủ yếu đã rất quan trọng trong việc đạt được hiệp ước, trong số đó có việc tránh trả thù, phát triển một cảm thức đoàn kết, và thực hành sự tha thứ triệt để. (Lúc ngài thăm Nam Hàn 3 năm trước đây, Đức Phanxicô kêu gọi phải tha thứ, “cánh cửa dẫn tới hòa giải”). Phương thức này được sử dụng bởi Tòa Thánh năm 2014 khi làm chủ nhà cho các nhà đàm phán Mỹ và Cuba ở Rôma nhằm đạt được một thỏa thuận ngoại giao mới sau 18 tháng bế tắc. Ở Nam Hàn, các chính sách của Ông Moon cũng phù hợp với nền ngoại giao gặp gỡ, đặc biệt với điều được các nhà thần học Công Giáo gọi là “hòa bình công chính”, một công thức thay thế cho công thức nổi tiếng của Thánh Thomas Aquinas là “chiến tranh công chính”, có tính nhất quán hơn với chủ trương bất bạo động của các sách Tin Mừng. Cuộc gặp gỡ đích thực có mục đích nhân bản hóa các đối thủ dưới con mắt của phía bên kia, linh hứng cho các đối thủ để họ tạo ra các thỏa hiệp nhằm từ bỏ sự phục thù. Một nền hòa bình công chính không có người chiến thắng hay kẻ thua cuộc. Các nhận xét của Ông Moon trên CNN ngày 14 tháng 9, trong đó ông bác bỏ bất cứ việc triển khai vũ khí hạt nhân nào ở nước ông cũng có thể được hiểu là phát xuất từ một khuôn khổ Công Giáo.

Mặc dù các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ thường gắn nhãn hiệu "cấp tiến" hoặc "khuynh tả" cho Ông Moon, nhưng rất khó xếp loại Ông bằng các thuật ngữ chính trị của Mỹ. Ông là một người yêu hòa bình (peacenik), điều này đúng, nhưng Ông cũng là một người bảo thủ xã hội, ví dụ như trong sự chống đối công khai của Ông đối với hôn nhân đồng tính. Thật ra, cách tốt nhất để hiểu tổng thống Nam Hàn là thông qua đức tin Công Giáo của ông.

CHÍNH SÁCH HÒA GIẢI

Được bầu vào tháng 5 năm ngoái, Ông Moon đã thay thế Tổng thống Park Geun-hye sau khi bà này bị đàn hặc và bị loại khỏi chức vụ trong một vụ bê bối giống như vở kịch nhiều màn khuấy động khắp nước. Hơn một triệu người đã kêu gọi Bà Park từ chức lúc các cuộc biểu tình công khai lên cao nhất chống lại việc bà can dự vào một mạng lưới tham nhũng tinh nhuệ nhiều đời. Ngược lại, sự nghiệp của Ông Moon dường như không bị vấy đục bởi tham nhũng và được đánh dấu bằng một cam kết suốt đời đối với dân chủ. Bởi vì ông bị bỏ tù năm 1975 vì đã phản đối cha của Bà Park, cựu Tổng Thống Park Chung Hee, và bị giam một lần nữa bởi nhà độc tài quân sự cuối cùng của Nam Hàn, Chun Doo-huan, Ông Moon bị cấm làm việc như một thẩm phán hoặc công tố viên, và trở thành một luật sư nhân quyền, hoạt động bên ngoài hệ thống.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Ông, hòa giải với Bắc Triều Tiên thông qua đối thoại là một trong những chính sách đặc trưng của ông. Bà Park cũng đã hứa sẽ cải thiện mối liên hệ với miền Bắc, nhưng ít có kết quả. Các cuộc điều tra ý kiến công chúng luôn cho thấy một mong muốn phổ biến là đàm phán song phương - 77 phần trăm ủng hộ trong một cuộc thăm dò hồi tháng Sáu. Hầu hết mọi người ngày càng tin rằng việc cô lập Bình Nhưỡng đã thất bại, một kết luận trí tuệ được củng cố bởi xác tín xúc cảm cho rằng một dân tộc đơn nhất đã bị chia cắt một cách giả tạo. Gia đình của Ông Moon là hiện thân của sự sai khớp này: Ông sinh ra trong một căn nhà tồi tàn trên Đảo Geoje, ngoài khơi bờ biển phía đông nam Nam Hàn, ba năm sau khi mẹ ông chạy trốn khỏi miền Bắc trên một tàu chở hàng của Mỹ với 14.000 người tỵ nạn khác trong cuộc Di Tản Hungnam.



Trong diễn văn nhậm chức ngày 10 tháng 5, Ông Moon đã cống hiến đời mình cho hòa bình. Ông nói rằng ông sẵn sàng "bay đến Washington, Bắc Kinh và Tokyo, nếu cần, và tôi cũng sẽ đến Bình Nhưỡng, nếu có điều kiện". Ông cũng đã lên kế hoạch để cùng nhóm của Ông bay đến một nơi khác. Trong vòng hai tuần sau khi nhậm chức, Ông Moon đã cử một phái viên đến Rôma để gặp Đức Phanxicô và Quốc Vụ Khanh Vatican là Đức Hồng Y Pietro Parolin. Tại các cuộc hội họp kéo dài vài ngày, Đức Tổng Giám Mục Hyginus Kim Hee-joong, chủ tịch hội đồng giám mục Nam Hàn, và các thành viên trong nhóm của tổng thống đã tìm kiếm sự ủng hộ của Tòa thánh cho việc hòa giải trên bán đảo. Một cách bất thường, Đức Giáo Hoàng đã tiếp Đức Cha Kim hai lần trong tuần. Việc mời Vatican can dự vào vấn đề này không những chỉ có tính biểu tượng: Sự liên minh này còn cung cấp cho Ông Moon một mạng lưới tài nguyên rộng lớn và kín đáo để khám phá các giải pháp phi quân sự, trong đó, có nhóm lớn gồm các giám mục Nhật Bản và Nam Hàn cũng như sự hỗ trợ từ giới lãnh đạo Công Giáo tại Đài Loan và Hồng Kông. Dưới thời Đức Phanxicô, Vatican đã tạo được đường liên lạc cấp cao với Bắc Kinh và cung cấp cho Hán Thành những nguồn thông tin và phân tích độc lập đối với Washington. Mặc dù vẫn chưa được quảng cáo rùm beng công khai, Rôma và Bắc Kinh đã phát triển một mối quan hệ có tính chức năng chưa từng có dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Hồng Y Parolin.

Công chúng Nam Hàn không hề cảm thấy bị xúc phạm bởi cuộc tiếp xúc của Ông Moon với Vatican. Ngược lại, Đạo Công Giáo đang phát triển trong nước nhanh hơn bất cứ nơi nào khác ở Châu Á. Hiện nay, 11% người Nam Hàn là người Công Giáo (khoảng 5.6 triệu người), một con số đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Nhìn chung, các Kitô hữu chiếm gần 30 phần trăm dân số. Người Công Giáo đại diện vượt bực trong các ngành nghề ưu tú (các kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, nhà báo), một phần vì Giáo hội liên hệ chặt chẽ với phong trào dân chủ từng chấm dứt nền cai trị quân phiệt vào năm 1987. Theo một cuộc thăm dò năm 2015 của người Nam Hàn, Công Giáo là tôn giáo được kính trọng nhất trong nước, tiếp theo là Phật giáo.

Việc nối vòng tay lớn với Đức Phanxicô cũng cung cấp cho Ông Moon một loại tường thuật khác liên quan đến những gì đang bủa vây đảo bán này, và cách làm thế nào để thoát khỏi sự hủy diệt hỗ tương. Kể từ bài diễn văn bất hủ “Trục Tội Ác” của Tổng thống George W. Bush vào năm 2002, Bắc Triều Tiên vốn bị mô tả bằng các thuật ngữ chỉ ma quỷ; bức biếm họa của Trump nhằm chế giễu Kim Jong Un như một kẻ điên cuồng muốn tự sát là đỉnh cao của lối suy nghĩ này. Theo Tin Mừng, Đức Phanxicô luôn kêu gọi phương Tây hãy xem xét các tội lỗi của chính mình trước đã. Tuy không nêu tên, Đức Giáo Hoàng luôn bày tỏ nghi ngờ việc những người có lợi ích tài chính trong việc buôn bán vũ khí (chủ yếu là Hoa Kỳ và Đức đối với Nam Hàn) lại có thể bảo trợ hòa bình một cách chân thực. Ngài đã không ngừng chỉ trích "cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh" được thúc đẩy bởi các thương gia buôn bán vũ khí. (Ngài và các cố vấn hàng đầu của ngài đã tỏ ra hết sức nản lòng khi Hoa Kỳ công bố vụ bàn vũ khí cho Saudi Arabia hồi đầu năm nay). Giáo Hội Công Giáo từ lâu không chỉ phản đối việc sử dụng mà cả việc sở hữu vũ khí hạt nhân nữa. Đức Phanxicô bác bỏ hệ thống an ninh dựa trên sợ hãi, coi nó không thỏa đáng vì nó chỉ làm tăng sự bất tín, làm cho chiến tranh trở thành điều có thể quan niệm được, và không hữu hiệu chống lại các mối đe dọa như khủng bố, chiến tranh mạng, thảm họa môi trường và nghèo đói. Trong bối cảnh này, các nhận xét của Ông Moon khi cho rằng Nam Hàn sẽ không bao giờ đáp ứng các khiêu khích của Ông Kim bằng cách triển khai hoặc phát triển vũ khí hạt nhân, có thể được đọc như một chủ trương có nguyên tắc, do đức tin thúc đẩy.

Đối với Hoa Kỳ, nhãn quan tôn giáo của Ông Moon khá phức tạp. Giáo Hội Công Giáo vốn khẳng định ba chủ trương đối với Nam Hàn, khá có tính phản đề đối với chính sách của Hoa Kỳ. Đầu tiên, nó chống lại việc xây dựng quân sự. Các giáo sĩ Công Giáo ở Nam Hàn từng là đối thủ lớn tiếng của hệ thống Phòng Thủ Khu Vực Ở Độ Cao (THAAD), một hệ thống được thúc đẩy bởi Washington. “THAAD là vũ khí chiến tranh. Bạn không thể phò hòa bình nếu bạn đang chuẩn bị cho chiến tranh”, Moon Paul Kyu-Hyn, một linh mục dòng Tên và lãnh đạo phong trào hòa bình của đất nước, từng nói như thế. Thứ hai, Vatican phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế vì nó coi loại áp lực này như làm hại người dân thường hơn nhiều so với giới ưu tú, và làm cứng ngắc hơn nhiều bất đồng. Cuối cùng, nó thúc đẩy nhiều nước có liên hệ với miền Bắc, coi nó như chiến lược gia khả thi và đạo đức duy nhất. Tổng giám mục Kim, đặc phái viên của Tổng thống Moon đi hội kiến với Đức Giáo Hoàng, đã từng nhấn mạnh rằng muốn chân thực, đàm phán phải được bắt đầu mà không cần điều kiện tiên quyết.

Đường dẫn đến hòa bình

Ở Nam Hàn, tiếp xúc qua biên giới là điều bất hợp pháp từ nhiều thập niên qua. Ngay cả việc ca ngợi Bắc Triều Tiên cũng có thể dẫn đến việc bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia nghiêm ngặt của quốc gia. Ông Moon Paul Kyu-Hyn, chẳng hạn, bị bỏ tù năm 1989 và trải qua ba năm tù vì đã đi du lịch qua Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hạt giống của nền hòa bình công chính đang nở rộ trên bán đảo. Ba tháng trước, một đội vô địch taekwondo từ phía Bắc đã là đội thể thao đầu tiên đến thăm Nam Hàn trong mười năm. Hầu hết các nhà thờ Thiên chúa giáo của Nam Hàn khuyến khích việc trao đổi các vận động viên, sinh viên, và các nhóm văn hóa và chuyên nghiệp – và cả Ông Moon, người cũng hỗ trợ việc viện trợ nhân đạo mở rộng hơn nữa cho Bắc Triều Tiên. Dĩ nhiên, không ai quên sự tham gia của Bắc Hàn vào Thế Vận Hội Mùa Đông ở Nam Hàn và cái ôm hôn lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Cao Cấp nhất Bắc Nam.

Các tổ chức Công Giáo và Kitô giáo khác đang giúp đặt nền móng cho hòa bình thông qua việc bác ái và các hình thức tương tác tích cực khác. Các Hiệp sĩ Columbus, tổ chức Công Giáo quốc tế lớn nhất, gần đây đã trao giải thưởng trị giá 100.000 đô la cho Cha Gerard Hammond. Ngài là một nhà truyền giáo người Mỹ, có trụ sở tại Hán Thành từ năm 1960 và đã đến thăm Bắc Triều Tiên sáu tháng một lần trong hơn 25 năm qua để giúp điều trị bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc. Việc làm của ngài được hỗ trợ bởi Quỹ Eugene Bell, một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế nhân đạo ở Bắc Triều Tiên. Người sáng lập của nó, Stephen Linton, là cố vấn và dịch giả của Mục Sư Tin Lành người Mỹ Billy Graham, người đã đích thân gặp Tổng thống Nam Hàn Kim Il Sung vào năm 1992 và năm 1994. Con trai của Graham, Franklin, tiếp tục công việc của cha mình như một người ủng hộ lớn tiếng đối với việc bắt tay với cấp lãnh đạo Bắc Triều Tiên, thậm chí còn khuyên cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2013 nên mời Chủ Tịch Kim đến Hoa Kỳ dự một trận bóng rổ.

Cả Đức Phanxicô lẫn Hội đồng Thế giới Các Giáo hội Thệ Phản đều đã ủng hộ việc thống nhất trong hòa bình hai miền Bắc và Nam. Viễn kiến Kitô giáo này, được sự hỗ trợ của Ông Moon, có thể trở thành đối trọng chính cho sự thù địch bất tận và nỗi sợ hàng ngày về một cuộc Armageddon hạt nhân. Như Scott Sagan lý luận trong số Foreign Affairs tháng 11 / tháng 12 năm 2017, chiến lược tốt nhất của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên là kiên nhẫn và cương quyết tự chế. Các mối đe dọa của chiến tranh phòng ngừa đã trở nên khiêu khích một cách vô trách nhiệm. Trong khi đó, Nam Hàn và láng giềng phía bắc của nó có thể bắt đầu các thao tác xây dựng lòng tin, một cuộc xây dựng có thể, trong nhiều năm, thay đổi được động lực của cuộc xung đột và tạo ra không gian cho hòa giải. Ông Moon đã vun sới các cộng đồng hỗ trợ, bao gồm cả Vatican; các cộng đồng này mong muốn khuyến khích đức tin của ông trong đối thoại. Ông không hề nao núng: “Tôi sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá”, Ông Moon tuyên bố hồi tháng trước. "Tôi muốn tất cả người Nam Hàn tin tưởng một cách xác tín rằng sẽ không có chiến tranh." Nhiệm kỳ tổng thống của Ông Moon, chỉ một năm trước đây, là điều không thể tưởng tượng được, khiến cho sự nổi bật của ông ngày nay dường như, có thể nói như thế, có tính quan phòng, và giải pháp hòa bình là điều có thể tin được.
 
Ngỡ ngàng: Đức Hồng Y Reinhard Marx chỉ trích quyết định của bang Bavaria treo thánh giá trong các tòa nhà chính phủ.
Đặng Tự Do
16:35 01/05/2018
Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich và Freising, cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã chỉ trích quyết định của bang Bavaria treo thánh giá trong các tòa nhà chính phủ vì cho rằng quyết định này sẽ gây ra “chia rẽ” và “đấu tranh chống lại nhau”.

“Nếu thánh giá chỉ được xem như một biểu tượng văn hóa, thì người ta chưa hiểu được thánh giá”, ngài nói. Theo Đức Hồng Y, thánh giá là “một dấu chỉ phản đối bạo lực, bất công, tội lỗi và cái chết, chứ không phải là một dấu chỉ [loại trừ] chống lại người khác.”

Tuy nhiên, Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg không đồng ý với những ý kiến của Đức Hồng Y Marx. Ngài đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này của bang Bavaria. Đức Cha nói: “Thánh giá là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa phương Tây. Đó là biểu hiện của một nền văn hóa tình yêu, bác ái và sự khẳng định cuộc sống. Thánh giá là một trong những nền tảng của châu Âu.”

Đức Cha Rudolf Voderholzer nói thêm, đó là lý do tại sao, người dân miền Bavaria có truyền thống đặt thánh giá chứ không phải là các biểu tượng khác ở các đỉnh núi của họ. “Không phải lá cờ quốc gia hay các biểu tượng khác của quyền bính con người, như những người khác có thể thích hơn ở những nơi khác, nhưng là thánh giá. Thánh giá nên được nhìn thấy mọi nơi,vì thánh giá là dấu chỉ của ơn cứu rỗi và cuộc sống trong đó Chúa Kitô giao hòa giữa trời và đất, Thiên Chúa và hòa giải con người, nạn nhân và thủ phạm.”

Thủ tướng Bavus Markus Söder của bang Bavaria đã công bố chính sách này vào tuần trước, nói rằng việc treo thánh giá sẽ phản ánh “bản sắc văn hóa và ảnh hưởng của phương Tây-Kitô giáo” trên miền này.
Source Catholic Herald Cardinal Marx condemns decision to hang crosses in public buildings
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Bổ Nhiệm Tân Chánh Xứ Gx. Croydon Park TGP Adelaide, Nam Úc
Vietcatholic-Adelaide
01:11 01/05/2018
Chúa Nhật Ngày 29.4.2018, lúc 10.30 sáng tại nhà thờ Saint Margaret Mary, giáo xứ Croydon Park, Đức Cha Philip Wilson, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Adelaide, Nam Úc đã cử hành thánh lễ đồng tế bổ nhiệm sứ vụ linh mục chánh xứ giáo xứ Croydon Park cho Cha Charles Lukati, chính thức thay thế Cha Maurice Shinnick vừa nghỉ hưu, từ ngày 15.4.2018.
Cùng đồng tế với ĐTGM Wilson có Cha Charles Lukati và Cha phó xứ Giuse Nguyễn Long Hải.
Thánh lễ được mở đầu bằng bài ca nhập lễ cùng lúc đoàn đồng tế từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh. Sau đó ĐTGM chủ tế ngỏ lời chào cộng đoàn và tiến hành nghi thức trao sứ vụ chánh xứ cho cha Charles Lukati.
Nghi thức gồm 4 phần:
1. ĐTGM Wilson công bố văn thư bổ nhiệm Linh mục Tân Chánh xứ cho Cha Charles Lukati.
2.Tuyên xưng Đức Tin: Trước mặt ĐTGM và toàn thể cộng đoàn, Cha C. Lukati đã tuyên xưng Đức Tin theo mọi điều trong kinh Tin Kính và tuyên hứa tuyên giữ vững vàng mọi điều.
3. Lập lại lời Tuyên Hứa khi nhận chức Linh Mục: Linh mục Tân Chánh xứ đã lập lại lời tuyên hứa luôn trung thành, bảo vệ sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo qua lời nói và việc làm, vâng phục và tuân hành các điều truyền đạt của các vị chủ chăn, chu toàn mọi sứ vụ được Hội Thánh trao phó.
4. Trao chìa khóa: Sau phần tuyên hứa, ĐTGM đã trao chìa khóa nhà thờ cho Linh mục Tân Chánh xứ với ý nghĩa trao quyền hành và trách nhiệm coi sóc giáo xứ như xưa Chúa đã trao chìa khóa cho thánh Phêrô cai quản Hội Thánh.
Thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ lời Chúa với 2 bài Thánh thư và bài Phúc Âm. Trong phần chia sẻ Tin Mừng theo Thánh Gioan “Thầy là cây nho, anh em là cành..”. ĐTGM chủ tế đã nêu lên hình ảnh một cộng đoàn mà Chúa muốn xây dựng. Mỗi người chúng ta như là cành nho của cộng đoàn giáo xứ, của Giáo Hội. Cành nho cần gắn liền vào cây nho để sinh nhiều trái, cũng vậy chúng ta không thể tách rời khỏi Hội Thánh vì khi cắt khỏi thân cây thì cành sẽ khô héo. Chúng ta sống chung trong một cộng đoàn, cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau sống đời sống đức tin trong tình yêu thương để mang lại nhiều hoa trái cho giáo xứ. Làm được như thế chính là góp phần tích cực xây dựng giáo xứ và giáo phận.
Thánh lễ được tiếp nối với lời nguyện giáo dân cầu cho Giáo hội toàn cầu, cho các vị chủ chăn và cách riêng cho Cha Tân chánh xứ được nhiều phước lộc của Chúa để Cha chu toàn trách nhiệm trong sứ vụ mới.

XEM HÌNH – SEE PHOTOS

Trước khi thánh lễ kết thúc, nhóm nhạc công người Châu Phi đã hát mừng Cha Charles 2 bài thánh ca theo phong cách Châu Phi rất ấn tượng và độc đáo.
Sau thánh lễ, Cha phó xứ Giuse Nguyễn Long Hải đã thay mặt cộng đoàn cám ơn ĐTGM, chúc mừng linh mục tân chánh xứ và mời tất cả sang hội trường bên cạnh nhà thờ để dự tiệc đón mừng Cha tân chánh xứ.
Mọi người vui mừng có dịp cùng với ĐTGM và các Cha vừa trò chuyện vừa thưởng thức những món ăn ngon miệng, đa dạng do tín hữu thuộc các sắc tộc tự chế biến, đem đến để đón mừng Cha chánh xứ mới.
Qua trò chuyện, được biết trước khi nhận nhiệm vụ mới tại Croydon Park, Cha Charles Lukati là chánh xứ Aberfoyle Park. Cha đến Nam Úc từ Kenya năm 2012 và đã phục vụ tại các giáo xứ Blackwood và Adelaide Hills trước khi đảm nhận nhiệm vụ chánh xứ tại Aberfoyle Park từ 2014.
Cha cho biết là giáo xứ Croydon Park lớn hơn nhiều so với Aberfoyle Park về số giáo dân, nhà thờ, trường học cũng như cộng đoàn... Cha mong muốn sẽ được cùng làm việc với tất cả mọi người trong giáo xứ, từ Cha phó xứ, các Soeur, hội đồng mục vụ của giáo xứ, các thành viên phục vụ tại các nhà thờ và tất cả giáo dân trong giáo xứ. Cha mong sẽ nhận được sự hỗ trợ của tất cả cộng đoàn, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vì tình trạng thiếu linh mục hiện nay và cả trong tương lai trong toàn giáo phận.
Theo bản tin của giáo xứ Croydon Park, Cha Charles Lukati cử hành thánh lễ ra mắt tại 3 nhà thờ trong toàn giáo xứ theo lịch sau: Vào lúc 10.30 sáng, Chúa Nhật ngày 22.4.2018 tại nhà thờ Saint Margaret Mary vùng Croydon Park; lúc 5.00pm cùng ngày tại nhà thờ Mater Dei vùng Woodville, và lúc 8.30 sáng Chúa Nhật ngày 6.5.2018 tại nhà thờ Saint Patrick vùng Mansfield Park để các tín hữu trong giáo xứ có thể đến tham dự các Thánh Lễ chào mừng Cha Tân Chánh Xứ. (Văn Khánh tường trình - photos by Hoàng)
 
Tĩnh tâm tại Las Vegas: Chuyển Hóa Cái Tôi “ Đặt Chúa Làm Trung Tâm Điểm
Phan Văn Sỹ
09:05 01/05/2018
1-NIỀM VUI HỘI NGỘ CÓ CHÚA CÓ MẸ, CÓ NHAU: Hội viên Hội Gia Trưởng tuy số thành viên không đông, nhưng vì tâm huyết và lòng nhiệt thành muốn góp phần cùng nhau xây dựng Đền Thánh Mẹ, nên cha Cựu Giám Đốc Đền Thánh Giuse Đồng Minh Quang đã lập ra hội lấy tên: “ Hội gia Trưởng Thánh Giuse” . Nhiệm vụ hội theo ý của cha Cựu Giám Đốc là để khích lệ anh em noi gương thánh Cả Giuse về các mặt: Khiêm tốn, trung thành, thầm lặng, vâng phục, và luôn lắng nghe theo thánh ý Chúa để góp phần xây dựng, tu bổ, chỉnh trang Đền Thánh Mẹ, hầu Đền Thánh Mẹ luôn là khuôn mặt mới, tươi mát để đón chào khách hành hương khắp nơi về kính thờ Chúa, tôn sùng Mẹ.

Năm nay Hội Gia Trưởng cùng Cộng Đoàn Mẹ La Vang thật vui mừng hội ngộ có Chúa, có Mẹ có nhau trong niềm vui nhận lãnh và trao ban và nhất là có ba cha về giúp đời sống tâm linh để đời sống đạo, đời được trọn vẹn, vừa phục vụ Chúa vừa liên kết tình anh chị em thuận thảo trong yêu thương. Quí cha về giúp gồm:
(1)-Cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng giúp phần: Giúp giờ Chầu Thánh Thể dâng lời cảm tạ Chúa, cảm tạ vị thánh quan thầy đã bảo trợ, gìn giữ hội được vuông tròn dù gặp bao thử thách trông gai.
(2)-Cha Cựu Giám Đốc Giuse Đồng Minh Quang, Sáng Lập Hội: Hướng dẫn tĩnh tâm và chia sẻ đề tài: “ TÔI, TÔI, TÔI... CÁI TÔI... CHUYỂN HÓA CÁI TÔI, ĐẶT CHÚA LÀM TRUNG TÂM ĐIỂM”.
(3)- Cha Dominico Nguyễn Đông Hùng : giúp phần ban phép Hòa Giải để anh chị em được giao hòa với Chúa.

2-TĨNH TÂM: Sau giờ châu thật sốt sáng do cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng chủ sự hướng dẫn, cha Cựu Giám đốc Giuse Đồng Minh Quang tiếp nối với phần tĩnh Tâm và chia sẻ đề tài thật tuyệt vời: “Tôi, Tôi,tôi...Cái Tôi...Đặt Chúa làm Trung Tâm Diểm”. Mở đầu, cha mời mọi người đứng lên hát bài: “ Hồng Ân Thiên Chúa” của nhạc sĩ Nguyễn Khắc Tuần, ngài nói, phải cảm tạ Chúa vì hôm nay chúng ta có Chúa, có Mẹ, có nhau trong Đền Thánh Mẹ: “ Hồng Ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người...”. Thật vậy, Cộng Đoàn Mẹ La Vang chúng con muôn đời ngợi ca danh Chúa, cảm tạ Mẹ La Vang vì biết bao việc kỳ diệu Chúa, Mẹ đã tuôn đổ trên Cộng Đoàn nhỏ bé của chúng con từ khởi đầu đến nay, chúng con lại vừa mua được căn nhà bên cạnh Đền Thánh để mở rộng Đền Thánh Mẹ, việc tưởng chừng không thể được vì bao ngăn trở, khó khăn, chủ nhà làm giá, tăng giá...và nay ý Chúa và Mẹ muốn và muôn người trong cộng Đoàn cùng một lòng nên... Lòng Thương Xót Chúa đã mở ra và trao ban . Những bước kế tiếp là việc mọi người góp sức để xây dựng một ngôi Đền Thánh khang trang, xứng đáng làm nơi Chúa ngự trị và Mẹ La Vang được tôn sùng tại vùng đất mệnh danh là trung tâm du lịch và giải trí sang trọng và nổi tiếng nhất thế giới: “ LAS VEGAS”.

Cha Quang mời mọi người ngôi sau bài hát tán tụng Hồng Ân Thiên Chúa. Cha quang bước vào chia sẻ. Ngài có lối giảng thuyết, dẫn dụ thật tuyệt vời qua các lời của các thánh nhân, qua các bài thánh ca, Lời Chúa để đánh động, lôi kéo tâm hồn người nghe, để chú tâm theo dõi một cách chăm chú, không nhàm chán qua một giờ thuyết giảng liên tục, không bị buồn ngủ hay sao nhãng. Ngài chia đề tài thuyết trình làm hai phần:

(1)-TÔI,TÔI,TÔI...CÁI TÔI: Trong cuộc sống chắc chắn có nhiều lần chúng ta gặp một số người vỗ ngực tự cho mình là vĩ nhân, họ còn trèo lên nóc nhà mà gào lên rằng: “ Tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, và tại sao tôi tài ba thế! Nhìn lại cộng Đoàn Việt Nam chúng ta, chúng ta tự xét: Nước ta còn lạc hậu so sánh với nhiều nước văn minh khác trên thế giới, chúng ta phải tự biết mình, biết người, phải biết khiêm tốn để cùng giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống, nhưng không, nhiều lúc chúng ta tự vỗ ngực đề cao cái tôi, nguyên do là vì chúng ta đặt cái tôi trên cao quá, ví dụ như thảo luận với nhau nhiều lần, ta không đồng ý với nhau vì chúng ta để cái tôi che cái tai, che cái mắt, che cái não bộ. Ngài kể một câu chuyện dẫn dụ: “ Có một cha già đến phòng mạch bác sĩ khám bệnh, ngài bị nhói tim, viêm khớp, bác sĩ hỏi ngài: Cha có uống rượu không? Có, cha có hút thuốc không ? có. Bác sĩ nói: “ Cha phải bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu, chính vì hút thuốc, uống rượu gây nên bệnh trên. Cha phải thay đổi mới có kết quả”. Ngài gật đầu và ngài đã thay đổi bằng cách thay vị bác sĩ gia đình khác. Cộng đoàn tham dự cười! Vì ngài không thay đổi gì cả! Ngài vẫn giữ y theo cái TÔI muốn, TÔI làm, TÔI cho TÔI là đúng, bỏ bên ngoài lời khuyên chân thành, hữu ích của bác sĩ.

Những Đặc Điểm của cái Tôi:
(*)-( Tôi) ao ước được khen ngợi, được danh dự, được trọng dụng, được đề cao.
(*)-( Cái Tôi quá lớn) nên coi thường người kém hơn họ, cái tôi luôn chê bai.
(*)- (Cái Tôi quá lớn) Cái tôi luôn ao ước, tìm cách để được một tiếng khen.
(*)- ( Cái Tôi quá lớn) Nổi khùng, sợ hãi khi bị ai đó chê bai.
(*)- (Cái tôi quá lớn) Không dám nhận, không dám nhìn ra bộ mặt thật của mình vì mình mang bộ mặt giả dối, vì con người thật của họ có nhiều yếu kém nên che dấu cái xấu không muốn cho ai biết , như tục ngữ dân gian thường nói: “ Tốt khoe, xấu che” . Người ta thường tạo ra cái tôi giả tạo, ảo tưởng, hay đổ lỗi cho người khác hay nói vì lý do xui xẻo, hoặc lý do này, lý do nọ....

Nếu chúng ta để cái tôi quá lớn: Thì chỉ khoe bộ mặt ảo,thành phố Las Vegas là thành phố sống về ảo nhiều hơn thực vì vậy họ phải có nhiều cách ảo, nghệ thuật ảo như ảo thuật để chiêu mời khách như: Cho phòng free, cho ăn free, tặng quà, cho point, cho coupon... chiêu đãi như một ông hoàng. Ngài kể câu chuyện về một nha sĩ bị thua 5 triệu Dolllar. Khi đánh bài, ông ta đánh canh bạc mỗi lần cả 80 ngàn một cây, họ đãi ngộ ông ta như một ông hoàng, cho vô cửa đặc biệt chỉ có “ VIP. HIGH LIMIT” mới được vô, không ai được vào cửa này, có người bê thức ăn cao lương mỹ vị đến tận nơi. Mỗi lần đánh lớn như vậy, họ ca ngợi anh, họ tâng bốc anh. Họ thưa trình khi ông ta cần gì “ Yes Sir...” Khi ông ta thua bài, trong account không còn một đồng, muốn vô cửa lối cũ, người giữ cửa không cho vô, không còn chào hỏi thưa trình như trước! Khi tỉnh ra vì hết tiền bạc mới nhận ra mình mù! Anh ta nói: “ Tôi không tiếc số tiền thua vì tôi có thể làm lại được, tuy nhiên anh tự nhủ tôi đã sai lầm và tôi đã sống trong ảo tưởng”. Và anh quyết tâm từ bỏ lối sống ảo tưởng này. Đến đây, để đánh động mọi người, cha Quang mời lắng nghe bài hát: “ Cơn Cám Giỗ” của nhạc sĩ Y Vũ: “ Ôi cơn mê A-Dong, ôi cơn mê kiêu căng, ôi cơn mê nghe tuồng như chồng chất lửa đời!..” do chị Liêu Trinh hát.

Câu chuyện dẫn dụ thứ hai: “ Có anh mù ghé thăm người bạn, tối đến khi từ giã về, người bạn đốt cái đèn lồng đưa anh cầm để đi đường, người bạn mù nói: “ Anh không biết tôi mù sao mà còn đốt đèn cho tôi?”, người bạn đáp:” tôi biết, nhưng tôi đốt đèn để anh cầm đi đường phòng hờ người ta đụng vào anh nhờ cây đèn này”. Ông bạn hiểu ra nên cầm đèn đi hiên ngang, bất thình lình một người đi đường đụng vào anh, anh mù quát chửi: “ Đồ mù, mày không thấy tao cầm đèn đây sao mà còn đụng vào ông?” Người kia đáp lại: “ Mày mời mù, đèn mày tắt từ hôi nào rồi!”. Thế đấy, cuộc đời nhiều khi mình mù mà mình không hay biết! Không nhìn ra mình mù!
Đến đây ngài mời mọi người hát bài: “ Hãy Trỗi Dậy” của nhạc sĩ Kim Long: “ Hãy trỗi dậy hỡi ai ngủ mê, hãy trỗi dậy từ cõi chết, Chúa sẽ chiếu ngời ánh quang vinh trên đầu ngươi. Đã bao năm qua gian trần miệt mài sống trong vòng u tối...”. Ngài đưa một dẫn dụ thứ ba là sáp nến phải chảy ra để cho ánh sáng được cháy lung linh tạo ánh sáng cho muôn người.

(2)-CHUYỂN HÓA CÁI TÔI, ĐẶT CHÚA LÀM TRUNG TÂM ĐIỂM: Là một tiến trình chuyển hóa từ bản thân với nhiều thiếu xót, nhiều khuyết điểm, nhiều đam mê để đến với Chúa, ta cần một quyết định triệt để, tuyệt đối của mỗi cá nhân chúng ta. Nếu chúng ta chọn Chúa làm Trung Tâm Điểm trong đời sống, làm đường đi, làm kim chỉ nam, thì chúng ta phải diệt cái TÔI khi đặt Chúa làm Trung Tâm Điểm. “ Hãy để Chúa lớn lên trong ta, còn ta thì nhỏ đi “ như lời nói của thánh Gioan Tẩy Giả. Để chúng ta sống theo ơn Chúa một ngày một tốt đẹp hơn, cao quí hơn, phải đạo hơn. Như vậy những điều gì chúng ta cần phải làm để chuyển hóa cái TÔI của chính mình để đến được với Chúa? Có hai điều cần nêu ra:
-Chúng ta phải quên mình.
-Chúng ta phải từ bỏ chính bản thân mình.

*QUÊN MÌNH: Là một chuyển hóa hợp nhất yêu thương. Đúng , chỉ trong yêu thương, con người khả dĩ mới gặp lại bản thân mình trong sự vẹn toàn nguyên thủy tạo thành của con người.
*TỪ BỎ CHÍNH MÌNH: Như trong Lời Chúa, Gioan chương 12 câu 24: “ Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24). Nếu ta chết đi theo Tin Mừng, thì ta đáng được hưởng theo như Lời Chúa phán là SỰ SỐNG. Sự sống không dừng lại ở thực tại mà cả đời sau, chúng ta được sống và sống dồi dào. Cũng Gioan chương 10 câu 10 : “ Ta đến để chúng con được sống và sống dồi dào.”. Như vậy, mỗi ngày chúng ta phải được Phục Sinh với Ngài. Thánh Leonard quả quyết: “ muốn gặp và sống bên Chúa như trên Thiên Đàng, bạn hãy bước đi trong sự hiện diện của Chúa.”. Và muốn được vậy, chúng ta phải năng: Chữa lành nhờ Bí-Tích Giao-Hòa ( Hòa Giải) và luôn nuôi dưỡng mình qua Bí Tích Thánh Thể, Mình Và Máu Thiên Chúa. Chúa không cần gì nơi ta, có chăng là nỗ lực của chúng ta muốn hướng về Chúa. Chúng ta từ bỏ không phải để diệt cái TÔI, mà từ bỏ để chọn Chúa làm gia nghiệp. Như vậy tốt xấu, hay dở, đáng khen hay đáng trách do sự khác biệt và đánh giá tự nhiên của người đời, không cần phải phô dưỡng hay bào chữa. Nhưng khi cái TÔI làm chủ thì thích tiếng khen, sợ tiếng chê nên phải thị oai, quảng cáo, bảo vệ cái TÔI vĩ đại của chính mình. Đối với Thiên Chúa, không phải là chỗ để người ta tâng bốc cái TÔI vì Chúa nói: “ Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” ( Mt 11,29). Đến với Chúa, chúng ta phải dứt khoát chọn Chúa để có sự sống trong hành vi tâm linh. Cái cám dỗ tinh vi và lớn nhất về phần tâm linh : Là con người sống quên mình và luôn luôn sống về cái bản ngã, nghĩa là cái TÔI hay cái TỰ ÁI của mình thay vì qui phục tình yêu Thiên Chúa.

3-TÓM KẾT: Chúng ta phải coi lại chính mình cả bản thân tôi nữa, chúng ta phải nhìn lại bản thân mỗi người, làm sao để biết chuyển hóa cái tôi hầu đặt Chúa làm Trung Tâm Điểm vì chỉ có Chúa là lẽ sống, là ý nghĩa cuộc đời của mỗi chúng ta. Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đanh, xin kéo chúng con lên với Ngài, kéo chúng con lên khỏi đất, kéo chúng con lên khỏi cái TÔI nặng nề là tội của chúng con, để chúng con vinh danh Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn, vì chính cái TÔI trở thành cái TỘI đeo theo chúng ta như một gánh nặng cuộc đời. Amen. Mọi người vỗ tay kéo dài./.

4-PHẦN ĐẶT CÂU HỎI: Một người hỏi: “ Làm sao để biết được cái tôi?” Ngài trả lời: Người xưa có câu:” Muốn trăm trận đánh trăm trận thắng, phải biết mình, biết người”, biết khả năng của mình, biết tài năng của mình, biết yếu điểm của mình, biết cái hạn hẹp và cái thấp bé của mình, biết cái giới hạn của mình nữa chứ! Chính vì thế người xưa nói: ” Biết mình, biết ta, trăm trận đánh trăm trận thắng” là như vậy”./.

Những tháng ngày bước vào Tháng Hoa kính Mẹ năm 2018
Joseph Phan Văn Sỹ ( Phan Hương Nam)

 
Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse Công nhân Bổn mạng Giáo họ Nà Cáp GP. Lạng Sơn
Ban Truyền Thông GP Lạng Sơn
09:14 01/05/2018
Sáng thứ Ba, ngày 01 tháng 5 năm 2018, Cộng đoàn Giáo họ Nà Cáp thuộc Giáo hạt Cao Bằng hân hoan mừng lễ kính Thánh Giuse Công nhân là Bổn mạng. Giáo họ vui mừng đón vị Chủ chăn Giáo phận là Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri tới thăm mục vụ và cử hành Thánh lễ.

Khu dân cư km số 5 phường Đề Thám thành phố Cao Bằng sáng nay tràn ngập cờ hoa, đông đảo mọi thành phần dân Chúa quy tụ với những bộ trang phục đẹp nhất để mừng lễ Bổn mạng. Đội Trắc và Ban nhạc đến từ Giáo phận Bùi Chu góp phần làm cho bầu khí ngày Lễ thêm rộn ràng qua những bản nhạc đầy hân hoan.

Xem Hình

Vào khoảng 9 giờ 20, sau nghi thức đón Đức Giám Mục, cộng đoàn sốt sắng tham dự giờ dâng hoa kính Đức Mẹ trong ngày khai mạc Tháng Hoa. Những bản hoa do các ông Gia trưởng, các bà Hiền mẫu và các cháu Thiếu nhi nói lên tấm lòng yêu mến và tôn kính của Cộng đoàn dân Chúa dâng lên Đức Mẹ.

Sau giờ dâng hoa là cuộc rước long trọng tôn vinh Đức Mẹ và Thánh cả Giuse Bổn mạng Giáo họ. Bầu khí ngày lễ Bổn mạng năm nay thật tràn ngập niềm vui và rộn ràng. Đây là lễ Bổn mạng đầu tiên kể từ ngày Giáo họ Nà Cáp được Bề trên Giáo phận tách ra khỏi Giáo xứ Thanh Sơn, trở thành Giáo họ biệt lập với cha Quản nhiệm tiên khởi Antôn Đỗ Văn Tiên.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Cha Quản nhiệm Antôn thay mặt cộng đoàn Giáo họ hân hoan chào mừng Đức cha Giuse Giáo phận, Cha Tổng Đại diện, quý Cha, quý tu sỹ, quý Chính quyền các cấp và đông đảo quý khách về hiệp dâng Thánh lễ trọng thể mừng Thánh Giuse Công nhân là Bổn mạng của Giáo họ. Đội Trắc của các em thiếu nhi và Ban nhạc mới thành lập của Giáo họ đã cử lên bản nhạc thật rộn ràng chào mừng Đức cha và mọi người hiện diện.

Ngỏ lời với Cộng đoàn khi bắt đầu Thánh lễ, Đức cha Giuse nói: Hôm nay Giáo họ Nà Cáp mừng Bổn mạng của mình thật long trọng, giờ đây bước vào cao điểm là Thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ. Hôm nay cũng là ngày đầu tháng Hoa, chúng ta cũng hướng về Đức Maria. Thánh Giuse là dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế, là Bạn Trăm năm Đức Maria. Là người đứng đầu Thánh Gia, thánh nhân cũng trải qua bao vất vả lao nhọc để nuôi dưỡng gia đình. Thánh Giuse được mừng kính trong vai trò là gương mẫu của giới cần lao. Giáo hội mừng kính Thánh Giuse cũng là để tôn vinh những người lao động. Chúng ta nguyện xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta trong Giáo họ Nà Cáp này được tràn đầy sức lực và thu được nhiều kết quả tốt đẹp trong những công việc lao động thường nhật, noi gương Thánh Giuse trở nên những người lao động chân chính và tận tụy, nhiệt tâm và trung thành chu toàn sứ vụ của mình, cùng xây dựng Giáo họ, xây dựng Gia đình ngày một thăng tiến.

Trong bài giảng, Đức cha chia sẻ: Thiên Chúa thể hiện quyền năng không chỉ nơi những gì lớn lao nhưng trong chín những gì nhỏ bé đơn sơ của cuộc sống thường ngày chúng ta. Trong cuộc sống thường nhật nơi mỗi công việc của mình, chúng ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người. Những giọt mồ hồi chúng ta đổ xuống trên ruộng đồng, những sự nỗ lực của chúng ta trong công việc, Chúa sẽ chúc lành và thánh hóa công việc của chúng ta và ban cho chúng ta những nhu cầu mà chúng ta mong muốn. Tất cả là quyền năng của Chúa. Chúng ta hạnh phúc vì được dự phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta vui mừng vì được tham gia vào kế hoạch của Thiên Chúa trên trần gian này.

Đức Kitô nhập thể làm người trong một Gia đình, Người cũng phải trải qua công việc lao động, cùng với Cha Nuôi là Thánh Giuse để nuôi sống Thánh Gia. Mỗi người chúng ta, trong mỗi gia đình, từng thành viên cũng hãy noi gương Thánh Gia, tùy theo khả năng của mình, nỗ lực lao động để làm thăng tiến đời sống vật chất và tinh thần của Gia đình. Lao động không chỉ giúp làm ra của cải vật chất nhưng còn làm cho con người được phát triển hơn, mạnh mẽ hơn, giúp cho bầu khí Gia đình thêm ấm êm hạnh phúc khi mỗi thành viên biết chung tay trong công việc thường nhật.

Đức cha Giuse kết thúc bài giảng bằng lời mời gọi cộng đoàn Nà Cáp: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ này, mọi sự đều tốt đẹp, và được trao cho con người coi sóc và phát triển. Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Giuse Công nhân, chúng ta hãy noi gương Thánh nhân tiếp tục cộng tác với Thiên Chúa trong chính công việc lao động thường nhật, quan tâm tới đời sống chung, đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội và góp phần làm thăng tiến đời sống. Hãy lao động với cả trái tim của mình. Hãy nhiệt thành xây dựng Giáo xứ, xây dựng Xã hội qua chính những công việc của mình. Hãy làm chứng tá cho Thiên Chúa qua chính đời sống lao động chân chính của mình, qua đời sống gia đình yêu thương và qua lòng nhiệt thành bác ái với mọi người.

Thánh lễ tiếp tục được cử hành trang nghiêm và sốt sắng. Trong phần dâng lễ vật, ngoài Bánh và Rượu, Giáo họ còn dâng lên những của lễ là chính những sản phẩm do công sức lao động làm ra trên ruộng vườn, là những hoa trái, rau mầu.

Cuối Thánh lễ, ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ đã thay mặt cho toàn thể cộng đoàn Giáo họ Nà Cáp nói lời tri ân cảm tạ Đức cha Giuse, cha Tổng Đại diện, quý Cha và quý khách đã tới hiệp dâng Thánh lễ Bổn mạng Giáo họ Nà Cáp. Giáo họ cũng xin Đức cha và quý Cha cùng mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Giáo họ, nâng đỡ Giáo họ và hy vọng Giáo họ sớm có được ngôi Thánh đường làm nơi thờ phượng Chúa cho xứng đáng.

Đại diện các cấp Chính quyền tỉnh và thành phố Cao Bằng, các cơ quan Công an, Ban Tôn giáo Sở Nội vụ Cao Bằng, phường Đề Thám và các khách mời cũng có những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Giáo họ nhân ngày mừng lễ Bổn mạng hôm nay.

Đức cha Giuse một lần nữa chúc mừng Giáo họ Nà Cáp trong ngày lễ Bổn mạng đầu tiên từ khi trở nên Giáo họ biệt lập và Giáo xứ tương lai. Trong bầu khí ngày khai mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ, Đức cha cũng tặng Giáo họ những vần thơ đầy cảm động và ý nghĩa của một nữ tu Đaminh Lạng Sơn diễn tả tâm tình Tháng Hoa nơi miền truyền giáo núi rừng Lạng Sơn Cao Bằng. Ngài cầu chúc mọi thành phần dân Chúa trong Giáo họ tiếp tục sống mạnh mẽ đức tin của mình, thực thi đức ái, truyền giáo hăng say qua chính cuộc sống và công việc thường nhật của mình, hướng tới việc sẽ sớm có nơi Thờ phượng Chúa xứng đáng hơn và làm trái tim cho những sinh hoạt chung của Giáo họ và Giáo xứ sau này.

Ngày lễ Bổn mạng Giáo họ Nà Cáp được tiếp tục với bữa trưa liên hoan tại khuôn viên Nhà nguyện tạm. Mọi người hân hoan chúc mừng Giáo họ trong ngày vui, và nguyện chúc Giáo họ ngày một thăng tiến, nhờ lời chuyển cầu của Thánh cả Giuse Công Nhân Bổn mạng.

Ban Truyền thông

Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng
 
Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Giuse Lao Công – Giáo Phận Đà Nẵng
Tôma Trương văn Ân
10:11 01/05/2018
1. Nguồn gốc và ước mong :

Giáo xứ Thánh Giuse Lao Công ( trước đây gọi Giáo xứ Chợ Chiều , nguyên là Giáo họ của Giáo xứ Sơn Trà), nhận Lễ Thánh Giuse thợ ngày 1 tháng 5 hằng năm làm lễ bổn mạng.Thánh đường mang Thánh hiệu Thánh Giuse Lao Công, địa chỉ 117 Ngô Quyền Đà Nẵng, do Cha Vinh sơn Trần Quang Điềm quản xứ Sơn Trà ( từ 11.1959 đến 10.1969) xây dưng năm 1960 , diện tích nhà thờ khoản hơn 200 m2 trong khuôn viên 1248 m2, Qua những lần chỉnh trang quy hoạch và nâng cấp mở rộng đường Ngô Quyền vào năm 2002, hiện nay diện tích đất thu hẹp (còn khoảng 600m2), đường tiến sát đến tiền sảnh Thánh đường và được nâng cao gần đến mái , tạo cảm giác như nhà thờ hầm. Sau gần 60 năm thành lập, qua nhiều biến động lịch sử và địa hình, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, ngôi nhà thờ trở nên nhỏ bé mục nát , 16 năm qua, nóng bụi về mùa hè , ẩm thấp với mùa đông. Không có phòng cho thiếu nhi học Giáo lý, phòng ở Cha sở tương đối “ khiêm tốn, ngột ngạt.”

Xem Hình

Giáo xứ được thành lập ngày 21/9/2012. Theo thống kê tháng 4/2017, giáo xứ hiện có 461 nhân danh, trong đó, đa phần là người lao động phổ thông, chỉ một số ít buôn bán nhỏ đang sống trên địa bàn khá rộng, 5 phường của quận Sơn Trà, thuộc bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng .

Cha Ph. X. Nguyễn Văn Thịnh nhận chức quản xứ từ ngày thành lập đến nay đã cùng với cộng đoàn dân Chúa nỗ lực củng cố, xây dựng cả về cơ sở vật chất lẫn đời sống đức tin qua các hoạt động tông đồ giáo dân hướng đến một cộng đoàn Giáo xứ truyền giáo bằng đời sống tin yêu làm chứng nhân Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa ngay trong đời sống thường ngày của mình.

Sau nhiều năm dài ước mong và hy sinh tiết kiệm từ đồng tiền nhỏ , là nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của đa số bà con làm công việc lao đông phổ thông trong cộng đoàn Giáo xứ, nhưng để xây được ngôi Thánh đường tương đối một chút , xứng hợp là nơi tôn vinh thờ phượng Thiên Chúa và nơi qui tụ gặp gỡ yêu thương,…. Thì quá lớn so với tầm tay của cộng đoàn Giáo xứ.

2. Ước mơ được khởi sự :

Lúc 9 giờ sáng 1 / 5 / 2018, cộng đoàn Giáo xứ vui mừng đón Đức Cha Giuse – Giám mục giáo phận , Quý cha , Quý Tu sĩ , Đại Diện Hội đồng mục vụ các Giáo xứ trong Giáo phận , Khách mời , Ân nhân , Thân nhân …. Đến hiệp dâng Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Ngôi Thánh đường mới của giáo xứ. Vui mừng và lo lắng , hy vong và tin tưởng vào Thiên Chúa qua lòng quảng đại của Ân nhân, mở mở tay ra một chút chút thôi, thì đủ làm no thỏa ước mong của cộng đoàn nhỏ bé.

Ngay lời chào mừng và giới thiệu về Giáo xứ với Đức Cha chủ tế Thánh lễ và cộng đoàn hiện diện làm nhiều người cảm động , Cha Quản xứ nói rằng: “ giáo xứ nhỏ bé về cơ sở vật chất , về khả năng tài chính, nhỏ bé về số lượng Giáo dân….. nhưng lớn về Anh chị em Lương dân sống chung quanh, cộng đoàn cố gắng sống yêu thương , đi ra vùng ngoại biên là bà con anh chị em đang sống xung quanh , đem Chúa đến với Họ…. như lời của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ” . Cha bày tỏ niềm vui hiện diện của Đức Cha và toàn thể cộng đoàn, mong được mọi người tiếp tục đồng hành , để ước mơ của Giáo xứ chóng thành hiện thực.

Trong các huấn từ , Đức Cha Giuse mời gọi mỗi người là viên đá sống động trong Thánh Thần, trong Tòa nhà Thiên Chúa….. , đi ra vùng ngoại biên có thể là chính người thân trong gia đình mà lâu nay bị chính mỗi người xa lánh loại trừ. Đức Cha đề cập đến những khó khăn mà Giáo xứ gặp phải , nhưng khởi đầu mới đầy tốt đẹp , những ước mơ làm nên điều kỳ diệu, …giấc mơ như Thánh Giuse, để khi thức dậy thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, đáp lại sự mong mỏi của Giáo xứ và Giáo phận.

Sau bài giảng , Ông Thư Ký Hội đồng mục vụ Giáo xứ đọc văn thư chấp thuận của Đức Giám Mục ký ngày 18/1/2018, cho phép Giáo xứ xây Ngôi Thánh đường mới. sau đó , Đức Cha đã rảy Nước Thánh , thánh hiến khu đất và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng. Đồng thời cộng đoàn cũng hiệp ý cầu nguyện xin Chúa chúc lành và thánh hóa công trình xây dựng Thánh đường Giáo xứ, Được mọi sự bình an, cho mọi thành phần dân Chúa luôn hăng say cộng tác để công trình sớm được hoàn thành trong Thánh ý chúa.

Trước lúc kết thúc Thánh lễ , Ông Trưởng Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ giáo xứ có lời cám ơn Đức Cha , Quý cha , Quý Tu sĩ , Ân nhân , và tất cả mọi người , vì yêu thương sẻ chia, trong tình liên đới… xin quảng đại giúp đỡ. Ông nói lên thao thức lắng lo , mong mỏi đợi chờ … vì phía trước nhiều khó khăn …. Nhưng vẫn tín thác vào Chúa và Giáo Hội.

Nguyện xin Thánh cả Giuse, Bổn mạng của Giáo xứ , cầu thay nguyện giúp cho công trình xây dựng Nhà Chúa. Nguyện xin Chúa gia ân bội hậu cho tất cả những Ai góp phần vào công trình xây dựng Nhà Chúa. Xin cho Họ được hưởng niềm vui cử hành các Mầu Nhiệm trong Đền Thờ Chúa và sẽ ca tụng Chúa không ngừng trong cuộc sống hôm nay cũng như mai ngày trên Nước Trời.

Toma Trương Văn Ân
 
Giáo Xứ Hòa Thuận – Giáo Phận Đà Nẵng Mừng 60 Năm Thành Lập
Tôma Trương văn Ân
10:19 01/05/2018
Trong niềm hân hoan tạ ơn Thiên Chúa ban muôn Hồng ân và tri ân Quý Tiền Nhân đã dày công gầy dựng giáo xứ trong 60 năm qua . Lúc 15 giờ chiều 30 / 4 / 2018, tại nhà thờ giáo xứ Hòa Thuận – Giáo phận Đà Nẵng, Cộng đoàn giáo xứ hân hoan đón mừng Đức Cha Giuse – Giám mục giáo phận , Quý cha nguyên Quản xứ và Quý Cha, Quý Tu sĩ , Chính Quyền , Đại diện Tôn Giáo bạn, Quý khách, Ân nhận, Anh chị em nguyên gốc Giáo xứ Hoà Thuận… đến hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn do Đức Cha chủ sự và chung chia niềm vui mừng 60 năm thành lập Giáo xứ.

Xem Hình

Giáo xứ Hòa Thuận là tên ghép của cộng đoàn giáo dân sơ khai khoảng 100 người , đa phần nguyên gốc Hòa Vang và Bình Thuận (1) làm công chức tại trung tâm huyện lỵ Hòa Vang ( nay là trường Nguyễn Du , gần nhà thờ Hòa Thuận) và nhiều công việc khác nhau trước năm 1950.

Năm 1954 , Cha Giuse Lê Văn Ấn (2) Quản xứ Đà Nẵng mua đất làm Nhà Nguyện cho cộng đoàn tại đây. Hòa Thuân trở thành Giáo Họ của Giáo xứ Đà Nẵng ( thời điểm này thuộc Giáo phận Qui Nhơn ), Cha phó giáo xứ Đà Nẵng Vinh Sơn Đinh Duy Trinh đến lo Mục vụ cho Cộng đoàn trong các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng.

Ngày 1 / 11 / 1958 giáo xứ hòa Thuận chính thức được thành lập với cộng đoàn khoảng 3000 người. Cha An Tôn Bùi ngọc trợ làm Linh mục tiên khởi, Hội đồng mục vụ , các Ban ngành và các Đoàn thể Công Giáo tiến hành được thành lập. Trợ giúp công việc Mục vụ có Quý Thầy và các Nữ tu Dòng Thánh Phao lô tại Đà Nẵng. Trong thời gian Quản xứ Cha An Tôn mua và xây dựng trường An Tôn bên cạnh nhà thờ và khu đất làm Đất Thánh ( Nghĩa trang) tại Hòa Cường (3) .

Qua 60 năm , giáo xứ có 7 Cha Quản xứ và 2 Cha Quản nhiệm. Cha Philipphe Trương Văn long đương kim Quản xứ từ 20 / 9 / 2012 đến nay. Giáo xứ chọn Lễ Thánh Giuse Lao Công mừng ngày 1 / 5 làm Thánh bổn mạng

Hiện nay giáo xứ có khoảng 400 gia đình với hơn 1500 người, 8 Giáo Họ , Giáo dân sống trong 9 phường của 4 quận, đa phần làm nghề lao động phổ thông.

Ngay trước Thánh lễ tạ ơn , Đức cha Giuse đã làm phép Chén Đĩa Thánh dùng trong Phụng vụ Thánh lễ, làm phép Đền Lòng Chúa Thương Xót và Đền Đức Mẹ ngay bên hông phải hội trường ( tầng trệt ) của giáo xứ.

Trong bài chia sẻ, Đức cha Chủ tế mời gọi cộng đoàn phụng vụ sống trong và ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, sống tâm tình tạ ơn : Tạ ơn thiên Chúa và cám ơn nhau, tạ ơn trong hạnh phúc , trong vinh quang trong thành đạt …. Nhưng cũng tạ ơn trong nước mắt , trong sẻ chia …. Tạ ơn trong mọi noàn cảnh. Lời tạ ơn luôn là giá trị trong cuộc đời. Cộng đoàn giáo xứ sống tâm tình tạ ơn tri ân thiên chúa và Tiền nhân trong thời gian đã qua , cố gắng sống hoàn thiện giây phút hiện tại và hy vong ở tương lai tốt đẹp. với địa danh Giáo xứ Hòa Thuận còn mang ý nghĩa miền đất thân thương thuận hòa, hòa hợp tương giao với nhau, mỗi Ki-tô hữu là nhân chứng cho Chúa ki-tô trong môi trường mình đang sống và làm việc bằng việc làm yêu thương.

Sau lời nguyện hiệp lễ , Ông Trưởng ban Thường vụ Hội đồng mục vụ giáo xứ Đại diện cộng đoàn giáo xứ cám ơn quý Đức cha nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng , Đức Cha Giuse đương nhiệm. Ông đã cám ơn quý Cha nguyên quản xứ , quý cha đồng tế , quý Tu sĩ , Chính Quyền, quý khách , Ân nhân , Anh chị Em gốc Hòa Thuận… tất cả những người đã góp công sức cho xây dựng giáo xứ và hiện diện trong Thánh lễ để cầu nguyện cho Giáo xứ. Một cách Đặc biệt, ông cám ơn Cha Philipphe Quản xứ , mừng lễ Bổn mạng Cha đương kim quản xứ ( ngày 3 / 5 ) và mừng Quý cha khóa 2 Đại Chủng Viện Xuân Bích – Huế đồng khóa với Cha PHilipphe, tại Giáo phận Đà nẵng có 13 Cha , mừng 15 năm lãnh nhận tác vụ Linh mục ( 7 / 6 / 2003 – 7 / 6 / 2018) . những bó hoa tươi thắm dâng tặng Đức cha Chủ tế , Quý cha nguyên Quản xứ và quý cha đồng khóa Linh mục với Cha Philipphe , gói ghém cả tấm lòng biết ơn của cộng đoàn Giáo xứ Hòa Thuận.

Cuối Thánh lễ, Đức cha chúc mừng Giáo xứ 60 năm thành lập, mừng Bổn mạng Cha Quản xứ Hòa Thuận và mừng quý cha đồng khóa với Cha Philipphe 15 năm nhận tác vụ Linh mục . Đức cha chia vui vì sự đồng hành sẻ chia tiếp tục làm nên dấu ấn, sự phát triển của giáo xứ Hòa Thuận và các giáo xứ trong Giáo phận , hòa chung trong sự phát triển của Giáo phận Đà Nẵng. Đức Cha đã Đại Diện Hội Thánh trao Phép lành của Tòa Thánh cho Giáo xứ trong dịp Giáo xứ mừng 60 năm thành lập và Cha Quản xứ trong dịp mừng 15 năm nhận tác vụ Linh mục.

Vũ khúc tạ ơn của các em thiếu nhi mang tâm tình tạ ơn của Giáo xứ vì hồng Ân 60 năm vẫn một niềm tin sắc son , tình yêu vẹn tròn.

Sau Thánh lễ , Đức cha , Quý cha , Quý Tu sĩ , khách mời cùng chung chia niềm vui với Giáo xứ trong tiệc mừng tại hội trường ( tầng trệt )

Xin Thiên Chúa ban muôn ơn cho Giáo xứ Hòa Thuận như mùa xuân ngát hương chan hòa tình thương mến thương .

Toma Trương Văn Ân

(1) Theo Cha Phao lô Maria Trần Quốc việt – Đại Diện Giám mục Ngoại vụ - nguyên quản xứ Hòa Thuận ( 1994-2001)

(2) Cha Giuse Lê văn Ấn ( 1916-1974) thụ phong Linh mục ngày 10 / 3 / 1944 tại Roma, tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học tại Roma , Cử nhân kinh tế chính trị tại pháp và Cử nhân văn chương tại London- Anh. 1947 về nước Quản xứ An Ngãi Tây, 1955 Quản xứ Đà Nẵng, Hạt Trưởng Đà Nẵng. năm 1963 , Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Đà nẵng , tách ra từ Giáo phận Qui Nhơn, Cha Giuse Quản lý lâm thời tân Giáo phận, cùng năm này Cha đã sáng lập và làm Hiệu Trưởng trường tư thục Sao Mai- Đà Nẵng, một trường lớn và nổi tiếng vào thời bấy giờ ( sau 1975 đổi tên trường Trần Phú , hiện nay đã giải tỏa vì chân cầu Rồng đi ngang qua). 14 / 10 / 1965 , Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Xuân Lộc được tách ra từ Tổng Giáo phận Sài Gòn, cha Giuse Lê văn Ấn được Tòa Thánh Bổ nhiệm làm Giám mục Chính Tòa tân Giáo phận Xuân Lộc. Lễ Tấn phong tại nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng ngày 9 / 1 / 1966 do Đức Khâm sứ Angelo Palmas chủ phong, hai Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng và Giám mục Đa Minh Hoàng Văn Đoàn, giám mục chính tòa Giáo phận Qui Nhơn phụ phong .

(3) Nghĩa trang này đã giải tỏa và di dời đến nghĩa trang Hòa Sơn , Hòa vang , Thành phố Đà nẵng.
 
Giáo xứ Giáp Nghĩa, GP Bùi Chu bước vào Tháng Hoa
TT. Giáp Nghĩa
19:33 01/05/2018
Hoà chung với nhịp đập toàn thể Giáo hội, hôm nay ngày 01/05/2018 giáo xứ Giáp Nghĩa hân hoan, vui mừng khai mạc Tháng Hoa kính đức Đức Mẹ, đồng thời mừng kính thánh Giuse thợ, quan thầy Hội Gia trưởng giáo xứ .

Cuộc rước kính thánh cả Giuse và Mẹ Maria được cử hành vào lúc 17h trong bầu khí hết sức trang nghiêm với sự tham gia của các hội đoàn trong toàn giáo xứ. Sau cuộc rước là đến phần dâng hoa, với những cánh hoa, kiệu hoa rực rỡ tràn ngập màu sắc toàn con dân xứ Giáp Nghĩa về đây cùng chung tâm tình dâng lên Mẹ Maria nói riêng Thiên Chúa và Thánh Cả Giuse nói chung với một lòng thành kính.

Xem Hình

Sau đó, tất cả cùng tiến vào thánh đường để tham dự buổi cử hành bí tích Thánh Thể.

Trong phần bài giảng cha xứ Đaminh Nguyễn Kim Tiến đã chia sẻ về đức tính cao quý của thánh cả Giuse công nhân và là gương để các bậc gia trưởng toàn xứ học tập noi gương ngài.

Kết thúc thánh lễ, hai vị đại diện cho toàn thể các bậc gia trưởng có lời cảm ơn và có bó hoa tươi thắm dâng lên cha xứ. Nguyện xin Thiên Chúa, Mẹ Maria, và Thánh Cả Giuse luôn luôn ban ơn nâng đỡ giáo xứ để mỗi ngày giáo xứ phát triển một thăng tiến hơn.

TT. Giáp Nghĩa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Phần truyền phép chính xác gồm những gì? Nói thêm về xông hương
Nguyễn Trọng Đa
10:03 01/05/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: “Phần truyền phép” là từ điểm nào và đến điểm nào trong Thánh lễ, thưa cha? Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 43, đoạn 3, nói rằng "Họ (tín hữu) sẽ quỳ, khi truyền phép Mình Thánh, Máu Thánh...". Liệu phần truyền phép là từ sau kinh tung hô Thánh Thánh Thánh (Sanctus) cho đến cuối Kinh nguyện Thánh Thể trong câu Vinh tụng ca (doxology) kết thúc, với lời đáp “Amen” tuyệt vời của các tín hữu, hay liệu từ Kinh khẩn cầu Thánh Linh (epiclesis) đến trình thuật thiết định với việc nâng chén thánh? Để chắc chắn, cần hiểu rõ rằng "ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, và trước khi rước lễ khi linh mục đọc “Đây Chiên Thiên Chúa” (Ecce Agnus Dei), thì đó là điều đáng khen nên duy trì”. Tuy nhiên, con hỏi câu này cho những người ở một số vùng của Philippines, do họ không có thói quen quỳ trong suốt Kinh nguyện Thánh Thể, và họ cũng giống như con, đang thắc mắc về phần nào chính xác là phần truyền phép trong Thánh lễ. - J. Z., Tandag, Philippines.


Đáp: Nói chung ngưởi ta hiểu rằng phần truyền phép, mà trong đó mọi người nên quỳ gối trừ khi họ đã quỳ xuống, là phần của Kinh nguyện Thánh Thể, vốn đi từ Kinh khẩn cầu Thánh Linh (epiclesis), khi linh mục dang hai tay trên lễ phẩm và khẩn cầu Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến thánh hóa lễ phẩm, cho đến khi linh mục mời mọi người hát hoặc đọc lời tung hô sau truyền phép, sau khi linh mục công bố trình thuật thiết định với việc nâng cao chén thánh.

Tuy nhiên, lời mời gọi và lời tung hô sau truyền phép không nằm trong phần truyền phép.

Cách giải thích này có thể được xác nhận bởi Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma như sau:

“151. Sau khi truyền phép, vị tư tế nói: "Ðây là mầu nhiệm đức tin, Mysterium Fidei", giáo dân tung hô theo một trong các công thức có sẵn” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Vào các dịp hiếm hoi khi một linh mục cử hành Thánh lễ một mình, hoặc đồng tế với chỉ một linh mục khác nữa, lời mời gọi và câu tung hô sau truyền phép được bỏ qua, và phần truyền phép kết thúc khi linh mục nói "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", và bái gối thờ lạy. Thánh Lễ tiếp tục ngay lập tức với phần của Kinh nguyện Thánh Thể được gọi là Kinh hồi niệm (anamnesis), mà trong đó linh mục công bố điều mà chúng ta làm để tưởng niệm việc Chúa Kitô chịu chết, sống lại, lên trời…Theo cách này, chúng ta có thể nói rằng trong phần Kinh nguyện này, Thánh Lễ định nghĩa nó là gì.

Sau bài trả lời của tôi ngày 10-4 về các lắc khi xông hương, có hai độc giả nói tiếp như sau.

Một người viết: “Con có thể nói rằng theo kinh nghiệm của con ở Ireland là rằng tập tục gần như phổ biến là sử dụng ba cú và ba lắc, khi Mình Thánh được trưng ra chầu, hoặc trong lúc truyền phép (vốn là hiếm hơn trong thời gian gần đây)”.

Người khác nhận xét: “Bài báo của cha trích dẫn tác giả Peter Elliott khi nói: 'ba cú hai lắc được thực hiện để xông hương… cho thi hài ngưởi đã chết”. Liệu thi hài phải được xông hương bằng cách này thay vì xông hương quan tài chứa thi hài, trong khi đi xung quanh quan tài, tức là xông hương theo từng lắc đơn? Hơn nữa, nếu tập tục đi xung quanh thi hài trong quan tài vẫn còn duy trì, liệu thi hài được xông hương theo ngược chiều kim đồng hồ, như tập tục trước đây, hoặc thường được thực hiện bởi các linh mục không được huấn luyện trong phong cách cũ, tức theo chiều kim đồng hồ?”

Về số lượng cú và lắc, các quy định đã được nhắc tới là lấy từ Sách Lễ Nghi Giám mục, số 92, vốn cũng nói xông hương ba cú hai lắc cho người đã chết.

Tuy nhiên, một số Hội đồng Giám mục đã tìm và nhận được sự cho phép của Tòa Thánh để tiếp tục sử dụng ba lắc cho Mình Thánh Chúa. Tôi không biết liệu Ireland nằm trong số này chăng, nhưng có thể là đúng vì người dân Celtic chúng tôi thường gắn bó với cách thức cũ.

Về tang lễ, mặc dù Sách Lễ Nghi Giám mục cung cấp một tiêu chí phổ quát và hợp lý, các sách phụng vụ vể nghi thức tang lễ có xu hướng chiều ý theo tập tục địa phương trong nhiều chi tiết. Nếu tập tục xông hương trong khi đi xung quanh quan tài là phổ biến rộng rãi, thì không có lý do để loại bỏ nó.

Tập tục gần như phổ quát liên quan đến việc xông hương là di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, đặc biệt là khi xông hương bàn thờ.

Tuy nhiên, nếu vì một lý do rất tốt, hướng ngược lại được xem là cần thiết (có lẽ do một số trở ngại trong cung thánh), hướng này có thể được thực hiện. (Zenit.org 1-5-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Diệu ca Bạch Huệ
Đinh Văn Tiến Hùng
13:17 01/05/2018
Ngày Quốc Tế Lao Động 1/5 - Lễ kính Thánh Cả Giuse Thợ

“ Đây là chuyện Đức Giêsu Kitô sinh ra : Maria đã đính hôn với Giuse trước khi Ông Bà về chung sống với nhau, thì Bà đã có thai do tự Chúa Thánh Thần. Giuse Chồng Bà là Người công chính và không muốn tố giác Bà, định âm thầm ly dị. Sau khi Ông đã quyết tâm như vậy, thì Thiên Thần Chúa hiện ra cho Ông trong giấc mộng và bảo rằng : Giuse, con của Đa-vít ! Chớ sợ rước lấy Maria về nhà, thai nơi Bà do tự Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và Ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi.”
( Mt.1 : 18- 21 )


*Chọn Người Công chính :

Xuất thân dòng dõi hoàng gia,
Nhưng Ngài không chọn xa hoa sang giàu.
Nuôi trong tâm nguyện từ lâu,
Một đời nghèo khó cúi đầu xin tuân,
Quyền năng Thiên Chúa cao sâu,
Gậy Ngài Huệ nở khoe màu tuyết trinh,
Biểu dương thần khí uy linh,
Chọn Người Công chính tôn vinh muôn đời.

*Một Đời Trầm lặng :

Ngài đã sống âm thầm và dâng hiến,
Vì biết mình nhận trách nhiệm lớn lao,
Làm Cha Nuôi Con Thiên Chúa Tối Cao
Và làm Bạn Ma-ri-a Trinh Nữ,
Nên hiện tại,tương lai cùng quá khứ
Dâng tất cả trong tay Chúa Toàn năng.
Cuộc đời Ngài là một chuỗi hồng ân,
Vượt lên hẳn muôn loài nơi trần thế

*Mẫu gương tuyệt vời:

Vẹn toàn Thiên ý phận làm Cha,
Gương sáng soi chung khắp mọi nhà.
Khấn nguyện âm thầm lời kết ước,
Kiên cường bền vững chốn phong ba.
Tuân hành mộng báo nơi Thiên Sứ,
Dong duổi hành trình với Thánh Gia.
Nhẫn nhục một đời quên khổ cực,
Gậy Ngài Huệ Trắng nở hoan ca.

*Cầu nguyện và Cần lao :

Noi gương Thánh Cả Giu-se,
Cần lao,Cầu nguyện,lời thề khó khăn.
Khi xưa sống nơi gian trần,
Ngài luôn chăm sóc ân cần Thánh Gia,
Nguồn vui nhiệm vụ bao la,
Dưỡng nuôi Con Chúa giao hòa trần gian.
Phúc Âm ghi lại vài hàng,
Một Đời Tâm Niệm hơn ngàn bài ca :
“ ORA ET LABORA “

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG