Ngày 06-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
09:11 06/05/2017
Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm A

Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật IV Phục Sinh này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Vì thế, Lời Chúa hôm nay xoay quanh chủ đề mục tử và chiên. Đức Giêsu gọi mình là mục tử thật, mục tử nhân lành. Ngài cũng muốn những ai tham dự vào chức vụ mục tử cũng hãy trở nên mục tử thật, mục tử nhân lành chứ không phải là mục tử giả. Còn những ai là chiên của Ngài thì cũng phải là chiên thật chứ không phải là chiên giả. Vậy, thế nào gọi là mục tử thật, mục tử nhân lành? Thế nào gọi là mục tử giả? Thế nào gọi là chiên thật hay chiên giả?

1. Thế nào gọi là mục tử thật?

Mục tử thật là mục tử “đường đường chính chính” luôn yêu thương đàn chiên: hiểu biết và cảm thông với đàn chiên; lo lắng chăm nom đàn chiên; sẵn sàng hy sinh vì đàn chiên. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết thế nào là vị mục tử thật: “Ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy”(Ga 10, 1-4).

Đức Giêsu chính là mục tử thật. Ngài là vị mục tử nhân lành. Chính Ngài tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”(Ga 10, 14 ). Thật vậy, Ngài là mục tử nhân lành: Vì Ngài không những biết từng con chiên mà Ngài còn đi tìm các con chiên bị thất lạc: “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng”(Ez 34, 10); Ngài chăm sóc và băng bó những con chiên bị xây xát, bệnh hoạn: “Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức”(Ez 34, 16); Ngài cho các con chiên được sống dồi dào: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10).

Điều này đã được chứng minh một cách cụ thể qua những hành động trong suốt ba năm đời sống công khai của Ngài: Chính Ngài đã từng gặp gỡ và chữa lành các bệnh nhân, tha thứ cho những người tội lỗi; chính Ngài là người cha trong “dụ ngôn người cha nhân hậu”(x. Lc 15, 11-32), là người chủ chiên trong “dụ ngôn con chiên bị mất”(x. Lc 15,4-7), là người đàn bà trong “dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất”(x. Lc 15, 8-10); chính Ngài đã chấp nhận hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,11). Không những thế, Ngài còn hơn hẳn các mục tử bình thường vì chỉ có Ngài mới cho đàn chiên được sự sống đời đời: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”(Ga 10,28).

2. Thế nào gọi là mục tử giả?

Đức Giêsu cho chúng ta biết thế nào là mục tử giả: Đó là những mục tử không“đường đường chính chính”, nghĩa là những kẻ không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác; đó là những kẻ đến chỉ để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ đàn chiên (x. Ga 10,10).

Thật vậy, mục tử giả là mục tử không có trách nhiệm với đàn chiên: “Con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi” (Dc 11,16a); mục tử giả là mục tử không lo chăn dắt đàn chiên mà chỉ nghĩ đến mình, sẵn sàng bóc lột đàn chiên để phục vụ cho nhu cầu của mình, như tiên tri Êdêkiel đã nói: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3); mục tử giả là mục tử thống trị đàn chiên “một cách tàn bạo và hà khắc” (x. Ed 34,3); mục tử giả là mục tử “đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến đàn chiên” (x. Gr 23,2b); mục tử giả luôn tác hại đến đàn chiên, có thể làm cho đàn chiên phải tan tác (x. Gr 23,2).

Tóm lại, mục tử giả không có tình thương với đàn chiên, không muốn mang vào mình “mùi chiên”, không chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về mình vì đoàn chiên, trái lại coi đàn chiên như là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư và tham vọng của mình.

3. Thế nào là chiên thật?

Chiên thật là chiên biết nghe tiếng của Chủ chiên. Đức Giêsu nói: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất”(Ga 10, 27). Tiếng chủ chiên ở đâu? Đó là tiếng Chúa qua Kinh Thánh; đó là lời giáo huấn của Hội Thánh; đó là tiếng nói của lương tâm; đó là sự hướng dẫn dạy dỗ của những kẻ thay mặt Chúa như cha mẹ, thầy cô giáo, anh chị và những người khôn ngoan.

Chiên thật thì phải biết tin tưởng, phó thác và yêu mến Chủ chăn của mình. Vì Chủ chiên luôn quan tâm, chăm sóc và cho chiên được sống và sống dồi dào. Điều đó được diễn tả một cách cụ thể qua Thánh vịnh 22: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23).

Ngày hôm nay, Đức Giêsu mục tử nhân lành vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta qua Lời của Ngài, qua các Bí tích. Ngài chăm sóc chúng ta qua Giáo Hội của Ngài. Vì vậy, chúng ta phải đáp trả bằng việc lắng nghe, tin tưởng phó thác và yêu mến Ngài.

4. Thế nào là chiên giả?

Đó là những người kitô hữu trên danh nghĩa nhưng không sống theo tinh thần của Bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin.

Đó là những kẻ không thực hành bác ái yêu thương như lời Đức Giêsu nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Nên gọi họ là dê (x. Mt 25,31-46).

Đó là những “giáo gian”, là những kitô hữu luôn bắt cá hai tay, bên nào có lợi cho mình thì theo bên đó. Họ có thể vì tiền, vì quyền, vì lợi ích của mình mà bán rẻ Giáo Hội, bán rẻ anh chị em của mình.

5. Câu hỏi gợi ý và cầu nguyện

Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình xem: Tôi có phải là mục tử thật, mục tử tốt lành đối với những người Chúa giao phó cho tôi coi sóc không? Hay tôi chỉ là mục tử giả, là kẻ trộm cướp? Tôi có phải là con chiên thật, con chiên ngoan trong đoàn chiên của Chúa của Giáo Hội không? Hay tôi chỉ là con chiên giả, thậm chí là con dê luôn phá hoại Giáo Hội, làm hại anh chị em mình? Tôi đã đóng góp gì cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ ?

Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con trở thành những mục tử nhân lành khi chúng có có trách nhiệm với anh chị em mình. Đồng thời, xin cho chúng con luôn là con chiên ngoan hiền trong đàn chiên của Chúa và Giáo Hội. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Cánh cửa
Lm Vũđình Tường
02:24 06/05/2017
Mỗi ngày chúng ta đi qua biết bao nhiêu loại cửa khác nhau và thường khi chúng ta không để í đến chúng. Cửa trở thành một phần của cuộc sống, một phần của đời người. Chúng ta cần cửa để được an toàn. Cửa che mưa, chắn nắng, giữ ấm nhiệt độ trong phòng. Chúng ta cần cửa để có chút riêng tư như cửa phòng ngủ, cửa phòng tắm nhà vệ sinh. Có loại cửa chúng ta tự do ra vào, không ai xét hỏi như của các công viên, cửa thương xá. Có loại cửa dành riêng cho thành viên mà không cho công cộng như cửa trường học, cửa các hội đoàn. Các trung tâm giải trí có cửa để kiểm soát số lượng người ra vào, kiểm soát an toàn và ngăn cản người vào cửa mà không mua vé.

Hầu hết các cửa chúng ta tự quyết định khi nào ra, khi nào vào. Tuy nhiên có những cửa chúng ta không muốn đến nhưng bắt buộc phải đến. Cửa bệnh viện mang đủ các cảm giác vui buồn, lo lắng, hồi hộp, thở phào nhẹ nhõm hay khóc thầm giấu mặt trong tay. Có một loại cửa mang lại an ủi, bình an cho tâm hồn đó là cửa thánh đường. Trong thánh đường còn có một cửa nhỏ hơn và những ai tìm đến cửa này khi bước vào mặt mũi sầu thảm, lo lắng nhưng khi bước ra tâm tư bình an, tinh thần sảng khoái, tấm lòng nhẹ nhàng, thơ thới hân hoan đó chính là cửa phòng giải tội. Cuộc sống rất cần loại cửa này, hữu dụng cho mọi thứ bậc, tầng lớp trong xã hội. Cửa nghĩa trang biểu tượng của chia lìa, xa cách, cắt đứt ruột gan người thân thương. Một số cho đó là cánh cửa cuối cùng trong đời. Đức Kitô Phục Sinh phá tan cánh cửa đó, tảng đá làm cửa bị lăn sang một bên. Đức Kitô sống lại từ cõi chết phá tan ngục tối. Nấm mồ trở thành mộ trống cho những ai có lòng tin nơi Đức Kitô. Nấm mộ trở thành nơi tạm gởi thân xác, chờ ngày sống lại hưởng vinh quang phục sinh với Đức Kitô. Hưởng vinh quang phục sinh ít hay nhiều là do cộng tác ít hay nhiều vào cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô. Cộng tác bằng cách học nghe đáp trả lại tiếng nói của Ngài. Cộng tác bằng cách nhìn nhận tất cả mọi người đều là anh chị em trong Đức Kitô, tất cả đều mang hình ảnh Đức Kitô. Cộng tác bằng cách tin Ngài đã sống lại từ cõi chết. Cộng tác bằng cách rao truyền những lần Đức Kitô hiện ra với các môn đệ và các người phụ nữ.

Sau khi sống lại từ cõi chết Đức Kitô hoàn toàn không bị lệ thuộc, ảnh hưởng bởi điều kiện vật chất. Ngài không gặp trở ngại khi đi qua cửa then cài Gn 20,19 và 20,26. Ngài hiện diện cùng lúc tại nhiều địa điểm xa cách nhau. Ngài biến khỏi mà mắt người ngồi đối diện không nhận ra. Ngài cùng đồng hành nhưng người nhìn mà không biết Lc 24,34. Khi còn tại thế Đức Kitô ban sự sống lại cho anh Lazaro và Ngài nói với mọi người cởi trói, bỏ khăn liệm cho anh để anh được tự do Gn 11,44. Với con lừa Ngài sai các môn đệ cởi giây thừng cho nó Lc 19,30. Với mộ phần tảng đá chắn lối được lăn ra, với khăn liệm che mặt, vải quấn thân được cởi bỏ, xếp gấp gọn gàng. Cởi bỏ khăn liệm, tháo giây quấn quanh người; tảng đá lớn lấp của mồ được đời đi là dấu chỉ cho các môn đệ và các người phụ nữ biết họ chỉ nhìn thấy nơi Ngài đã nằm, còn Ngài không còn ở đó nữa bởi Ngài đã sống lại. Không tên trộm nào thừa hơi đi ăn cắp còn ở lại gấp khăn liệm gọn gang trước khi đảo tẩu. Nơi mộ Ngài không bị trộm cắp như tin đồn mà được coi sóc cẩn thận, ngay cả khăn liệm dính máu khô cũng được xếp gọn ghẽ. Những dấu chỉ này cho biết Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Chúng ta được mời gọi chia sẻ vinh quang Phục Sinh của Đức Kitô. Chia sẻ nhiều hay ít tuỳ thuộc vào mức độ dấn thân của ta, mức độ thác tín của ta trong trong cuộc tử nạn và Phục Sinh của Ngài.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khiêu khích người Công Giáo, các quan chức thành phố Mumbai phá hủy thánh giá thứ hai
Đặng Tự Do
16:49 06/05/2017
Chỉ vài ngày sau khi Đức Hồng Y Oswald Gracias phản đối việc phá hủy một cây thánh giá lịch sử được dựng trên một mảnh đất tư nhân ở Mumbai, Ấn Độ, một cây thánh giá khác đã bị phá hủy ở ngoại ô thành phố.

Cây thánh giá thứ hai được dựng tại làng Kalina, ở một vùng ngoại ô của Mumbai đã bị phá hủy hôm mùng 4 tháng Năm, chỉ một ngày sau cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn người Công Giáo tại tòa thị chính thành phố Mumbai.

Mumbai khét tiếng về nạn tham nhũng tại Ấn Độ. Cho nên, nhiều người quan ngại rằng chủ trương khiêu khích người Công Giáo không phải do các quan chức địa phương đề ra. Họ là những người “thực tiễn”, không thích sóng gió. Chủ trương triệt hạ thánh giá rõ ràng xuất phát từ trung ương trong cao trào chèn ép các tôn giáo không phải là Ấn Giáo, từ sau khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan là Narendra Modi được bầu làm thủ tướng từ tháng 5 năm 2014 đến nay.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cây thánh giá thứ nhất bị phá hủy hôm 29 tháng Tư đã được dựng nên vào năm 1895 tại một khu đô thị cũ trong thời gian một bệnh dịch tàn phá thành phố này.

Các quan chức đã trích dẫn một đạo luật trong đó cấm các biểu tượng tôn giáo trên tài sản công cộng. Tuy nhiên, người chủ sở hữu của phần đất nơi thánh giá được dựng cho rằng ông đã trình cho các quan chức thành phố bằng chứng rõ ràng rằng cây thánh giá được dựng trên bất động sản của tư nhân.

Các quan chức ra lệnh phá hủy thánh giá này “phải chịu trách nhiệm về hành động này, đó là một hành động bất hợp pháp,” Đức Hồng Y Gracias nói.
 
Chính phủ Venezuela mở cuộc tấn công hàng giáo phẩm Công Giáo để trốn tránh trách nhiệm về cuộc khủng hoảng
Đặng Tự Do
17:18 06/05/2017
Đức Hồng Y Baltaz Porras Cardozo của Merida cảnh báo rằng nạn đói ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong khi cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế vẫn tiếp diễn ở Venezuela, và chính phủ của Nicolas Maduro vẫn tiếp tục phủ nhận trách nhiệm đối với hoàn cảnh thê thảm của đất nước.

Đức Hồng Y nói: “Chế độ Maduro khăng khăng đổ trách nhiệm về mọi thứ đang xảy ra cho phe đối lập và cho các thứ 'đế quốc' đang muốn xâm lược quốc gia. Giờ đây, chế độ này lại cho thấy một xu hướng đang gia tăng là đổ lỗi cho tình trạng bất ổn của xã hội lên hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo, mặc dù, ai cũng nhận thấy là chúng tôi đã từng kêu gọi đàm phán để chấm dứt bế tắc chính trị.”

Đức Hồng Y Porras nói rằng các cuộc thương thảo giữa chính phủ và phe đối lập đã không đi đến đâu vì chính phủ từ chối thực hiện những điều kiện mà chính họ đã cam kết. Đó là thả các tù nhân chính trị, đưa ra một kế hoạch bầu cử cụ thể, cho Quốc hội được tái nhóm, và mở cửa đất nước với thế giới để các nỗ lực cứu trợ nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lương thực và thuốc men có thể được thực hiện.

Căng thẳng gia tăng ở Venezuela sau khi có nhiều tin đồn rằng một tù nhân chính trị nổi tiếng, là ông Leopoldo Lopez, đã chết trong tù. Mặc dù những tin đồn này chưa được xác nhận, nhưng đã đủ để gây ra một làn sóng phản đối mới.
 
Hội đồng Giám mục Châu Âu phê bình Liên Hiệp Âu Châu hờ hững trong việc bảo vệ tự do tôn giáo
Đặng Tự Do
18:44 06/05/2017
Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Châu Âu đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo chính phủ trong Liên Hiệp Âu Châu vì đã không có hành động cụ thể nhằm bảo vệ tự do tôn giáo.

Đức Ông Duarte Nuno Queiroz de Barros da Cunha, người Bồ Đào Nha, là Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Châu Âu từ năm 2008 đến nay nhận xét rằng:

“Khi các quan chức nói về tự do tôn giáo, họ thường nói một cách trừu tượng và có vẻ như sợ hãi hoặc xấu hổ khi nhắc đến các cộng đồng đang thực sự đau khổ, đặc biệt là ở Trung Đông”.

Ngài phàn nàn rằng các nhà lãnh đạo chính phủ đã không gây áp lực chính trị và ngoại giao đối với các quốc gia đàn áp tự do tôn giáo.

Ngài nói thêm: “Liên Hiệp Âu Châu nên ngừng thói đạo đức giả bằng cách nói một đàng lại làm một nẻo đằng sau hậu trường.”
 
Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn ủng hộ việc giảm bớt sử dụng năng lượng hạt nhân
Đặng Tự Do
18:55 06/05/2017
Trong thông cáo báo chí đưa ra vào đầu tuần này, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nam Hàn nói các ngài ủng hộ một kiến nghị kêu gọi quốc gia này từ bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân hiện cung cấp 22% sản lượng điện ở quốc gia Đông Á này.

Đức Tổng Giám Mục René Dupont của Andong cho hay: “Có một sự nhất trí chung về vấn đề hạt nhân ở Hàn Quốc. Tất cả các đảng chính trị và tất cả các Giáo Hội đều đồng ý là chúng ta nên giảm với sản xuất điện hạt nhân.”

Các tổ chức Công Giáo bảo vệ môi trường đã đưa ra một kiến nghị liên quan đến việc chống sản xuất điện hạt nhân hôm 10 tháng Tư nhân Chúa Nhật Lễ Lá. Những người đưa ra kiến nghị này đang cố gắng thu thập một triệu chữ ký tại Hàn Quốc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Nguyễn Văn Trâm
Lm. Trần Đức Anh OP
11:04 06/05/2017
VATICAN. Hôm 6-5-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh loan báo: ĐTC đã nhận đơn từ chức GM chính tòa giáo phận Bà Rịa của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm.

Đức GM Phó Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đương nhiên lên kế nhiệm theo giáo luật.

Hôm 6-5-2017, cũng là ngày Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám Mục. Thánh Lễ tạ ơn đã được ngài cử hành lúc 9 giờ 30 tại nhà thờ chính tòa Bà Rịa. Đồng tế thánh lễ có ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, và 16 Giám mục khác, cùng với đông đảo Linh mục. Cuối lễ Đức TGM Girelli cũng thông báo quyết định của ĐTC nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Tôma Trâm.

Đức Cha Nguyễn Văn Trâm sinh cách đây 75 năm tại Phước Tuy ngày 9-1 năm 1942, thụ phong linh mục năm 1969. Ngài du học Roma và đậu tiến sĩ giáo luật. Ngày 6-5 năm 1992, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc. Cách đây 12 năm, ngày 22-11 năm 2005, khi Tòa Thánh thành lập Giáo phận Bà Rịa, Đức Cha được bổ nhiệm làm GM tiên khởi của giáo phận này, một địa phận hiện có hơn 261.535 ngàn tín hữu Công Giáo theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, với 84 giáo xứ và 190 linh mục.

Sau khi Đức Cha Vũ Duy Thống ở Phan Thiết qua đời ngày 1-3-2017, Đức Cha Tôma Trâm được Tòa Thánh cử kiêm nhiệm chức vụ Giám quản Giáo phận Phan Thiết.

- Đức Tân GM chính tòa Bà Rịa, Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, năm nay 65 tuổi, sinh ngày 2-1 năm 1952 tại Bình Trước, Giáo phận Xuân Lộc, thụ phong linh mục năm 1980. Sau đó ngài lần lượt làm Cha sở giáo xứ Bình Sơn trong 10 năm (1981-1991), rồi 10 năm làm cha sở Giáo xứ Phước lễ (1991-2001), đồng thời làm Quản hạt Bà Rịa trong 4 năm (1994-2001).

Năm 2001, cha sang Pháp du học trong 5 năm, và đậu cao học thần học tín lý tại Đại Học Công Giáo Paris. Trở về nước năm 2006, Cha Nguyễn Hồng Sơn làm giám đốc tiểu chủng viện thánh Tôma ở Bà rịa, ba năm sau, 2009, Cha làm Tổng thư ký Hội đồng linh mục giáo phận Bà Rịa và năm 2011 được bổ làm Tổng đại diện của giáo phận này.

Ngày 27-11 năm 2015, cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó tại Bà Rịa.

Trong buổi lễ hôm qua (6-5) tại Nhà Thờ chính tòa Bà Rịa, Đức TGM Girelli Đại diện Tòa Thánh, cũng loan báo sự kế nhiệm của Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn và cầu chúc giáo phận luôn hăng say, tươi trẻ, như một giáo phận trẻ nhất của Giáo Hội tại Việt Nam.

Đức Cha Nguyễn Văn Trâm đã trao gậy mục tử cho Đức GM kế vị và dẫn đến ghế GM tại Nhà Thờ chính tòa. (PN, HT 6-5-2017)
 
Giáo xứ Vũ Lễ Lạng Sơn dâng hoa kính Đức Mẹ và mừng Chúa nhật Chúa Chiên Lành
Giáo xứ Vũ Lễ
12:30 06/05/2017
Giáo xứ Vũ Lễ Lạng Sơn dâng hoa kính Đức Mẹ và mừng Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

“Mỗi gia đình là khởi điểm và vườn ươm ơn gọi Linh mục và Tu sỹ cho Giáo Hội; đồng thời, cha mẹ đạo đức thánh thiện và nhiệt thành sẽ là gương mẫu cho con cái dấn thân vào đời sống Giáo Hội” – Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, đã ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa tại Giáo xứ Vũ Lễ trong chuyến thăm mục vụ của ngài vào chiều thứ Bảy ngày 06 tháng 5 năm 2017.

Xem hình

Khởi hành từ Tòa Giám mục lúc 13 giờ 30, trải qua con đường đèo uốn lượn lên xuống đầy hiểm trở, Đức Cha Giuse và quý Cha tới Giáo xứ Vũ Lễ lúc 16 giờ 40 trong niềm hân hoan chào đón của Cha quản xứ Gioan Baotixita Nguyễn Anh Tuấn, quý thầy, quý xơ và bà con Giáo dân nơi đây. Niềm hân hoan tràn ngập trên gương mặt mỗi người hiện diện.

Trong bầu khí của buổi chiều thứ Bảy đầu tháng Hoa, vào hồi 17 giờ, tại khuôn viên nơi cử hành Phụng vụ thường nhật, Giáo xứ đã tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ. Các đội dâng hoa gồm đủ mọi thành phần Dân Chúa, từ các cháu thiếu nhi tới các bạn giới trẻ, các bà hiền mẫu và cả các ông gia trưởng, đã sốt sắng dâng lên Đức Mẹ những lời thánh ca, những vũ điệu, những bông hoa, nến sáng, hương trầm hòa với tấm lòng mến yêu. Đặc biệt, trong một nghi thức đầy cảm động, tất cả mọi người hiện diện nơi đây cùng tiến lên trước Đức Mẹ và dâng lên bông hoa tươi thắm như gói trọn bao tâm tình con thảo.

Sau giờ tiến hoa, mọi người được chứng kiến phần giới thiệu ơn gọi một số Dòng nam và nữ tại Việt Nam. Đây là nội dung được thể hiện trong tâm tình của Chúa Nhật IV mùa Phục Sinh, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và Tu sỹ trong Giáo Hội. Các bạn thiếu nhi trong Giáo xứ mặc những tu phục của các Dòng như dòng Phanxicô, dòng Tên, dòng Lasan, dòng Vinhsơn, dòng Biển Đức, dòng Mến Thánh Giá, dòng Phaolô Thiện Bản, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm… tiến lên trong khi MC đọc lời giới thiệu khái quát về từng dòng tu này. Cha Giuse Đỗ Hồng Phúc (SDB) giới thiệu về dòng Saledieng Don Boscô của ngài. Cuối cùng, cha Vinhsơn Nguyễn Văn Nghiêm tiến lên giới thiệu ơn gọi triều và Tiền Chủng viện của Giáo phận. Phần thể hiện giới thiệu này đã giúp cộng đoàn có cái nhìn khái quát về một số ơn gọi triều và dòng trong Giáo Hội hôm nay.

Thánh lễ Chúa Nhật IV mùa Phục Sinh cầu nguyện cho ơn thiên triệu được cử hành lúc 19 giờ do Đức Cha Giuse chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Gb.Nguyễn Văn Đán – Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Huế, cha Giuse Đỗ Hồng Phúc – Văn phòng TGM, cha Vinhsơn Nguyễn Văn Nghiêm – Giám đốc Tiền Chủng viện Têrêsa và cha quản xứ Vũ Lễ Gb.Nguyễn Anh Tuấn. Đông đảo cộng đoàn Dân Chúa hiệp dâng Thánh lễ này.

Sau bài Tin Mừng, Đức Cha Giuse quảng diễn sâu xa về ý nghĩa của ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành – Mục tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên ; Mục tử biết và yêu thương từng con chiên ; Mục tử luôn đồng hành, nâng đỡ, chăm sóc và bảo vệ đoàn chiên. Đức Cha Giuse cũng nhấn mạnh rằng: Gia đình là khởi điểm và nơi nuôi dưỡng mầm non ơn thiên triệu. Linh mục, tu sỹ cũng đều sinh ra và lớn lên từ các gia đình, được hun đúc lòng nhiệt thành và dâng hiến từ chính bầu khí đạo đức của mỗi gia đình Công Giáo. Từ đó, Đức Cha cho thấy đời sống gia đình cũng rất quan trọng và là một ơn gọi cao quý. Cha mẹ sống đạo đức thánh thiện, yêu mến Thiên Chúa và nhiệt thành xây dựng Giáo Hội chính là một gương mẫu và thầy dạy tốt nhất cho con cái, dẫn con cái vào đời sống đạo đức, hun đúc lòng yêu mến và quảng đại hiến dâng đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Mỗi người trong gia đình hãy chu toàn bổn phận của mình, xây dựng Gia đình, xây dựng Giáo Hội và xã hội; hãy cộng tác vào việc đào tạo ơn gọi Linh mục tu sỹ trong Giáo Hội để từ đó làm cho đời sống con cái Chúa luôn tràn ngập niềm vui và ân sủng.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hãy sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ bởi môi Thánh lễ không chỉ là ta dâng cho chính mình nhưng còn thay cho toàn thể nhân loại, thay cho đông đảo lương dân xung quanh mình chưa tin thờ Chúa; khi dâng lễ, ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta vị mục tử nhân lành là chính Đức Giêsu Kitô, cho ta được quy tụ trong đoàn chiên đông đảo là Hội Thánh Chúa. Ngài mời gọi cộng đoàn xin Thiên Chúa đánh động tâm hồn các bạn trẻ để quảng đại dâng hiến trong đời sống ơn gọi tu trì. Trong tâm tình tháng Hoa, ngài phó thác đời sống và sứ vụ mỗi Gia đình trong vòng tay từ mẫu của Đức Mẹ.

Sau lời nguyện tín hữu, cộng đoàn cùng tiến lên đóng góp cho công cuộc đào tạo các linh mục tương lai tại Đại Chủng viện.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành và lời cầu chúc bình an của Đức Cha chủ sự. Sau đó, cộng đoàn cùng ở lại chia sẻ niềm vui ngày lễ với nhau trong bữa cơm thân mật.

BTTGPLSCB
 
Ngày văn hóa thư viện Giáo Xứ Việt Nam Paris 23/4/2017
Trần Văn Cảnh
12:46 06/05/2017
NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GXVN PARIS 23.04.2017

NỮ NGHỆ SĨ TRÚC TIÊN TRÌNH BÀY VÀ TRÌNH DIỄN « ĐÀN CA TÀI TỬ NAM BỘ »

Đàn Ca Tài Tử Nam Bộ, Hóa thân từ Nhã Nhạc Cung Đình Huế và là cấu trúc nghệ thuật sân khấu Cải Lương về sau

LTS : Ngày Văn Hóa là một sinh hoạt mục vụ văn hóa đã được tổ chức ở GXVN Paris khởi đầu dưới hình thức báo chí qua tờ báo Hiệp Nhất từ năm 1945 và dưới hình thức thuyết trình từ năm 1949. Sinh hoạt văn hóa thứ ba là thư viện, đã được khai trương vào ngày 16.04.1990. Ba sinh hoạt văn hóa này vẫn còn đang được thực hiện.

Từ ngày được thành lập, dần dà thay thế các ban nhóm và hội đoàn khác, vào ngày sinh nhật hằng năm của mình, Thư Viện Giáo Xứ đã tổ chức « Ngày Văn Hóa » thuyết trình vinh danh các nhà văn hóa Công Giáo Việt Nam.

Năm nay, Ngày Văn Hóa thứ 27 đã được Nhóm Thư Viện Giáo Xứ tổ chức vào ngày Chúa Nhật 23.04.2017. Chương trình gồm 2 phần :

Phần đầu, Thầy Phó Tế Phạm Bá Nha, Chủ Bút nguyệt san Giáo Xứ Việt Nam, thuyết trình về Chổi Cùn - Lương Nhi Tử - Cung Chi, với phần minh hoạ như ngâm thơ của Đỗ Bình và Thuý Hằng, trình bày nhạc phổ thơ Cung Chi của các tác giả Ngô Càn Chiếu và Mộng Trang. Với sự ủng hộ của Đức Ông Mai Đức Vinh, Nhóm Thư Viện phát hành tập thơ Thư Viện Mừng 70 năm Giáo Xứ, gom góp những vần Thơ của Cha Đinh Đồng Thượng Sách dưới nhiều bút hiệu đăng tải rải rác trong nguyệt san Giáo Xứ Việt Nam từ 40 năm qua. Dịp nầy, tác giả sẽ kính biếu tập thơ lưu niệm đến các Giáo Hữu.

Phần hai, Nữ Nghệ Sĩ Trúc Tiên giới thiệu vài nét về bộ môn Đàn Ca Tài Tử, nghệ thuật đặc trưng của Miền Nam sông nước với những bổng trầm của gần 3 thế kỷ hiện hữu – đã được Unesco công nhận là “di sản phi vật thể của thế giới”vào năm 2014 – và đang đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng cả ngoài lẫn trong nước. Với nguyện ước nhỏ nhoi là gìn giữ tài sản của tiền nhân để lại, Trúc Tiên kính mời các bác, các anh chị thưởng thức Đàn Ca Tài Tử để nhớ về các điệu nhạc cổ Miền Nam rất ít khi được trình bày tại hải ngoại.

Ngày 26.04 vừa qua, chúng tôi đã phổ biến bài nói truyện của thầy sáu Phạm Bá Nha nói về thơ của Lm Thi Sĩ Đinh Đồng Thượng Sách.

Hôm nay, ngày 06.05.20, chúng tôi xin phổ biến bài nói truyện và trình diễn của Nghệ Sĩ Trúc Tiên về « Đàn Ca Tài Tử Nam Bộ ». Đây là nguyên văn bài nói truyện của nghệ sĩ Trúc Tiên trong « Ngày Văn Hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris », chiều Chúa Nhật 23.04.2017. Ngoài việc trình bày về Đàn Ca Tài Tử, nghệ sĩ Trúc Tiên còn trình diễn những bài ca rất độc đáo của bộ môn này. Đây là lần đầu tiên mà các khán thính giả Giáo Xứ Việt Nam Paris được biết thêm và được thưởng thức giọng hát tuyệt vời về nghệ thuật « Đàn Ca Tài Tử Nam Bộ » (TVC).

Lời tác giả : Từ nhỏ tôi vẫn thường nghe nội ngân nga các điệu Xàng Xê, Nam Xuân hay Nam Ai… bên tách trà và điếu thuốc vấn. Có lần nội nói : « Ba mi hồi còn trẻ mê cổ nhạc đến nỗi bỏ học theo gánh hát ». Nội tôi mất chỉ vài năm sau khi gia đình tôi rời quê nhà sang Pháp định cư, nhưng mãi về sau này tôi mới được về thăm mộ nội lần đầu tiên. Thế mà tiếng hát nội tôi vẫn văng vẳng bên tai. Buồn ! Tối thứ bảy hôm đó trời mưa, trong một lần công tác xa nhà, tôi mở máy truyền hình ở nhà trọ xem có gì thì dừng lại vì bị thu hút bởi một giọng khàn khàn của một người lớn tuổi với điệu Nam Ai. Có cái gì đó quen thuộc thân thương từ tận đáy lòng tôi dâng lên. Tôi vừa nghe vừa khóc, khóc một cách sung sướng. Từ đó tôi ra công tìm hiểu về xuất xứ của thể nhạc nầy. Mời các bác, các anh chị cùng tôi gợi lại một vùng ký ức đã bị bỏ quên. Để nhớ rồi để… thương

Nhạc Tài Tử bắt nguồn từ năm nào ? Ở đâu ? Đến bây giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo các sách ghi lại (Cổ Nhạc Tầm Nguyên – Võ Tấn Hưng và Nhạc Tài Tử Nam Bộ - Nhị Tấn) thì vào giữa thế kỷ XIX, lác đác vài bài nhạc lễ tấu miền nam do các thầy đàn miền trung và những sĩ tử ra kinh đô Huế ứng thí rồi mang về. Đến năm 1885, sau cuộc binh biến kinh thành Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình xuôi nam lánh nạn, sinh sống và hành nghề dạy nhạc, thâu nhận học trò. Vốn sẵn có trình độ học vấn, hiểu biết tinh hoa nền âm nhạc ngũ cung đông phương, các nhạc quan nói trên đã ra công cải biên những bài bản ca nhạc Huế nói chung, Nhã Nhạc Cung Đình nói riêng, và đồng thời sáng tác một số bài bản mà âm thanh và ngôn ngữ giản dị thích hợp với cư dân vùng đất mới, tạo thành một thể “Nhạc Tài Tử” thính phòng. Thời sơ lập đó, công lớn phải kể đến hai vị : Nguyễn Quang Đại, còn gọi là Ba Đợi, đứng đầu Nhóm Miền Đông (ông người gốc Quảng Trị nhưng tạo dựng hệ phái âm nhạc tại huyện Cần Đước tỉnh Long An, thuộc miền đông) và ông Trần Quang Quờn (1875-1946) tức Ký Quờn hay Kinh Lịch Quờn, đứng đầu Nhóm Miền Tây (Vĩnh Long là nơi ông chào đời và mở lớp thâu học trò sau nầy) đã đóng góp rất lớn trong việc cải soạn, sáng tác bài bản (kể cả chế tạo nhạc cụ), giảng dạy và truyền bá Nhạc Tài Tử mỗi người theo phương thức riêng của mình.

Đàn ca tài tử

Nhạc Tài Tử cải danh thành Đàn Ca Tài Tử là vì thoạt đầu chỉ có đàn, sau có thêm tiếng hát kèm theo và từ đó gọi là “đàn ca”. Còn hai chữ “tài tử” ở đây không phải là “không chuyên nghiệp” (amateur) như một số người, thậm chí một số sách báo sau nầy vẫn nhầm lẫn, mà “tài tử” đây với nghĩa là người tài năng lão luyện (talent), như một câu trong Truyện Kiều : “Dập dìu tài tử giai nhân / Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Đàn Ca Tài Tử được ưa chuộng rồi dần lan tỏa khắp miền nam.

20 Bản Tổ

Vào đầu thế kỷ XX Đàn Ca Tài Tử lớn mạnh, ngày càng phong phú hơn, được hệ thống hóa thành bốn “hơi” Nam, Bắc, Hạ, Oán gồm 20 bản tiêu biểu gọi là 20 Bản Tổ :

– 3 bản Nam : Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo

6 bản Bắc : Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn , Bình Bán Chấn , Cổ Bản Vắn, Xuân Tình Chấn và Tây Thi Vắn

– 7 bài Hạ, còn gọi là nhạc Lễ : Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Xàng Xê, Long Ngâm, Long Đăng, Vạn Giá và Tiểu Khúc

– 4 bản Oán : Tứ Đại Oán, Phụng Cầu, Cửu Khúc Giang Nam và Phụng Hoàng.

“Ca ra bộ” : từ đơn ca sang đối ca, từ tư gia lên sân khấu

Tiếp theo, Đàn Ca Tài Tử có hai bước đột phá ngoạn mục phát sinh Cải Lương.

Bước thứ nhất, theo ông Vương Hồng Sển trong Hồi Ký 50 Năm Mê Hát và ông Trần Văn Khải, tác giả Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam kể lại thì vào năm 1906, Mỹ Tho có nhóm Đàn Ca Tài Tử của ông Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia, tục gọi Tư Triều (chuyên đàn kìm), cùng với các ông Mười Lý (tiêu), ông Chín Quán (đàn bầu), ông Bảy Vô (đàn cò), và các cô Hai Nhiễu (đàn tranh), cô Ba Đắc (ca sĩ) được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp (Exposition Coloniale de Marseilles). Khi về, họ cho biết ban tổ chức Pháp đặt họ đàn ca biểu diễn trên sân khấu và được công chúng đến xem đông đảo...

Được thuật cách "đàn ca trên sân khấu" thì chủ rạp chiếu bóng Casino (sau chợ Mỹ Tho) thời đó là Ông Hộ bèn mời nhóm ông Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trong tuần trên sân khấu trước khi vào phần chiếu bóng. Hình thức trình tấu mới mẻ nầy đã làm thay đổi không ít phong cách trình diễn của nghệ sĩ, vì không gian rộng lớn hơn, và được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt.

Bước thứ nhì là trong thời kỳ nầy, Mỹ Tho là trạm đầu tuyến xe lửa từ Miền Tây đi Sài Gòn nên người các tỉnh Miền Tây như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá... đều phải ghé Mỹ Tho ngủ qua đêm rồi sáng hôm sau mới lên xe lửa đi Sài Gòn. Trong số hành khách có ông Tống Hữu Định, tức Phó Mười Hai ngụ Vĩnh Long là người say mê cầm ca. Khi ghé Mỹ Tho nghỉ chân đợi xe, ông đến xem hát và được nghe cô Ba Đắc ca điệu Tứ Đại Oán, bài Bùi Kiệm - Nguyệt Nga. Hôm đó cô Ba Đắc đóng ba vai, vừa Bùi Kiệm, vừa Nguyệt Nga, vừa Bùi Ông ; cô hát với giọng gần như có đối đáp (trước chỉ độc tấu kiểu tự sự), đặc biệt hơn nữa là cô không ngồi chung với giàn nhạc như các ca sĩ xưa nay mà đứng riêng về phía trước. Khi về lại Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định liền bày cho nhóm Đàn Ca Tài Tử của mình cách đứng trên bộ ván ngựa ca Tứ Đại Oán, bài Bùi Kiệm - Nguyệt Nga với điệu bộ minh họa. Và thay vì một ca sĩ diễn nhiều vai, ông phân vai cho mỗi người ca và diễn xuất một nhân vật. Điệu “Ca Ra Bộ” phát sinh từ đó, khoảng năm 1915-1916 và hóa thân thành Sân Khấu Cải Lương sau nầy.

Cũng theo ông Vương Hồng Sển : vào năm 1918, gánh hát của Đốc Phủ Bảy và Đặng Thúc Liêng rút gọn từ “Ca Ra Bộ” thành “Hát Bộ” để gọi cách diễn mới, khiến về sau nhiều người nhầm lẫn “Ca Ra Bộ” với Hát Bội của người Tàu.

Bài Tứ Đại Oán - Bùi Kiệm-Nguyệt Nga nêu trên của soạn giả Mạnh Tự, tức nhà cách mạng yêu nước Trương Duy Toản (1885-1957), người Vĩnh Long, trở thành tác phẩm “ca ra bộ” đầu tiên và đã khơi nguồn cho các soạn giả khác viết những bài ca có đối đáp, yếu tố kĩ xảo cho điệu Cải Lương sau này. Các soạn giả thời đó lấy điệu Tứ Đại Oán làm bài chánh cho tuồng, rồi thêm vào các câu trích từ các điệu khác trong Đàn Ca Tài Tử. Đến năm 1918, ông Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) cho ra đời bài Dạ Cổ Hoài Lang, mới đầu là 20 câu nhịp 2, năm 1924 tăng lên nhịp 4, từ khoảng 1934 đến 1944 tăng lên nhịp 8, nhịp 16 rồi 32. Đến đây thì bài Dạ Cổ Hoài Lang 32 nhịp có tên tóm tắt là “Vọng Cổ”, trở thành bài bản lớn của Cải Lương, thay thế bài Tứ Đại Oán, khiến các nhà nghiên cứu văn hóa Miền Nam phải thừa nhận : “Phi vọng cổ bất thành cải lương”.

Cải Lương và Tân Cổ Giao Duyên

Nền tảng Cải Lương là Đàn Ca Tài Tử, tuy nhiên vì là tuồng diễn – có thể gọi là nhạc kịch – diễn xuất là chánh, phần đàn ca phải ngắn gọn và lắp ghép, thay đổi theo tình tiết, không giữ nguyên vẹn một bài. Về sau thêm Dân Ca (phần nhiều là Dân Ca Miền Nam), nhạc Quảng (Việt hóa từ nhạc Quảng Đông - Triều Châu) và những sáng tác mới theo phong cách Cải lương.

Năm 1964, soạn giả Viễn Châu (1924-2016) có sáng kiến pha đoạn tân nhạc và cổ nhạc xen kẽ với nhau, đó là bài Chàng Là Ai (tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết, sáng tác năm 1958) do Lệ Thủy, một tài danh đương thời trình bày. Kiểu cách mới mang tên Tân Cổ Giao Duyên, thoạt đầu gây ra nhiều tranh cãi ồn ào trên mặt báo, nhưng trường tồn đến hôm nay nói lên phần nào vòng tay đón nhận của giới thưởng ngoạn.

Tân nhạc cũng được đưa vào tuồng Cải Lương với vai trò như vũ công để gợi không gian kịch tính, gồm : nhạc chào, nhạc chuyển cảnh, nhạc múa, nhạc nền và ca khúc kết hợp Tân Cổ Giao Duyên.

Cải lương kết tụ từ từ kịch nói với hai nguồn cổ nhạc và tân nhạc.

Khác biệt không nhỏ giữa đàn ca tài tử và cải lương

Dù Cải Lương được bắt nguồn từ Đàn Ca Tài Tử nhưng có lẽ khác nhau ở không gian nghệ thuật hay môi trường diễn xướng. Đàn Ca Tài Tử, một thể nhạc thính phòng, người đàn người hát đều được xem là “tài tử” như nhau, không phân chánh phụ, và thường tấu trọn nhạc phẩm. Trong khi đó, các vở Cải Lương là tuồng diễn trên sân khấu. Diễn để xem là chánh cho nên “đào”, “kép” là nhân vật nổi, đàn hát không quan trọng bằng. Các điệu Đàn Ca Tài Tử “bị” cắt xén tùy nghi để làm mối lấy hơi cho các câu vọng cổ. Vì thế, như ta thấy, các bài bản cổ chỉ lèo tèo vài câu rải rác nơi nầy nơi kia.

Một nhạc sĩ Đàn Ca Tài Tử tâm sự : « Cùng một điệu, đàn cho tài tử giai nhân hát khác với đàn cho đào kép hát trên sân khấu Cải Lương. Với Đàn Ca Tài Tử, mỗi tài tử đàn và hát giữ đúng nhịp đúng hơi của lòng bài ca, không ai theo ai, đợi ai. Ngược lại, đàn cho đào kép Cải Lương hát, thì các nghệ nhân (thầy đàn) phải để ý lúc vô ra nhanh chậm của đào kép mà lấy nhịp, vì bộ môn nầy thì “đàn phải theo hát”, người hát không những hát không mà còn phải diễn, và diễn mới là chánh. »

Thời nay, nhắc đến Cổ Nhạc Miền Nam là người ta nghĩ ngay đến 6 câu vọng cổ, mấy ai còn nhớ đến tiền thân của nó, là Đàn Ca Tài Tử. Các bài bản của bộ môn nghệ thuật nầy đã lu mờ rồi dần vào quên lãng. Buồn là : đến nhưng Câu Lạc Bộ Văn Hoá ở Việt Nam cũng dụng thuật ngữ “Nhạc Tài Tử Cải Lương”, góp thêm phần vào hỏa mù khiến người ta không còn biết điểm khác biệt của hai thể loại âm nhạc nữa. Hơn nữa, với cách hát trích câu các bài bản dùng xen vào tuồng diễn, thử hỏi còn bao người được thưởng thức trọn một bài Nam Ai (63 câu) hay Tứ Đại Oán (38 câu).

Còn có chút an ủi cho nghệ nhân và những ai đam mê bộ môn Đàn Ca Tài Tử là : tính đến nay văn hóa ta đã có 8 bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm : Nhã Nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân Ca Quan Họ Bắc Giang - Bắc Ninh (2009), Ca Trù (2009), Lễ Hội Thánh Gióng (2010), Hát Xoan (2011), Lễ Hội Hùng Vương (2012), và nghệ thuật Đàn Ca Tài Tử được chính thức công nhận vào tháng tư năm 2014.

Trúc Tiên

(tháng 2, 2017)

Cập nhật ngày 23 tháng 04 năm 2017

Nguồn :

– Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống – Kiều Tấn

– Cầm Ca Tân Điệu - Lê Văn Tiến

– Đờn Ca Tài Tử - Trần Ngọc Thạch

– Một số Lý Thuyết của Tân Cổ và Cải lương - Mười Phú

– Hồi ký - Vương Hồng Sển

– Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam - Trần Văn Khải

– Việt Nam Văn Hóa Sử Cương - Đào Duy Anh

– Các bài viết của Chín Tâm, Nguyễn Vân Thinh, Phạm Văn Nghi

– Một số cuộc nói chuyện (conférences) của Trần Văn Khê

– Ca nhạc cổ điển bạc liêu – Trịnh Thiên Tư

– Nhạc cổ điển Việt Nam - Nhóm nhạc sĩ Hậu-Giang (1974)
 
Đại hội Liên Đới Nghề Nghiệp GXVN Paris
Trần Văn Cảnh
15:28 06/05/2017
ĐẠI HỘI LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP GXVN PARIS LẦN THỨ 18, NGÀY 01.05.2017

Giáo Xứ Việt Nam ngày 01 tháng 05 năm 2017. Vào cuối thánh lễ Thánh Quan Thầy Giuse thợ, trước đoàn linh mục đồng tế và cộng đoàn, đông khoảng 300 người, Gs Trần Văn Cảnh, trách nhiệm Liên Ngành Liên Đới Nghề Nghiệp, đã vắn gọn làm một bá cáo chung về 17 năm sinh hoạt, 2000-2016 và đặc biệt về năm thứ 18, năm 2017.

I. BÁ CÁO CHUNG VỀ 17 NĂM SINH HOẠT, 2000-2016

« Phong trào Liên đới Nghề nghiệp đã được thành lập vào Đại Hội thứ nhất, ngày 01.05.2000, từ sự thành hình của năm nhóm ngành nghề : Thân Hữu Taxi, Liên Đới Chuyên gia, Liên đới Xây dựng, Liên đới Doanh Thương và Liên đới Dịch Vụ. Đại Hội năm nay là lần thứ 18.

Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp 01.05.2009

Trong ba năm đầu, 2000-2003, sinh hoạt Liên Ngành mỗi năm qui tụ vào ngày đại hội mồng 01 tháng 05, gồm ba việc chính : 1- Tổ chức thánh lễ mừng kính Thánh Quan Thầy Giuse Thợ, là gương mẫu các người lao động ; 2- Tham dự Đại Hội để thẩm lượng những việc đã làm và đưa ra chương trình hành động cho năm tới ; 3- Học hỏi về một đề tài đức tin, đức cậy, đức mến, hay về một khía cạnh cụ thể nghề nghiệp của người lao động. Trong thời gian này, phong trào đã lập cho giáo xứ mạng lưới http://giaoxuvnparis.com/

Từ năm 2003, thêm công việc thứ 4- Tổ chức « Tiệc Truyền Giáo », gây quĩ gửi về giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có thêm phương tiện làm việc Truyền Giáo.

Từ năm 2012, thêm việc thứ 5- Tổ chức « Bữa Cơm Huynh Đệ » vào ngày đại hội, mồng 01 tháng 05, để gây quĩ giùp tu bổ cơ sở giáo xứ. Cũng từ năm 2012 này, Liên Đới Nghề Nghiệp đã cải tiến thêm : 1- Xây dựng được cho mình một linh đạo sống Tin-Cậy-Mến ; 2- Sinh hoạt không dành riêng cho các thành viên LĐNN, nhưng mở rộng ra như một sinh hoạt chung cho cả giáo xứ.

Từ Tết 2015, Nhóm Liên Đới Doanh Thương mở hội làm bánh chưng Tết, góp quĩ xây dựng Cơ Sở Giáo Xứ.

Nhờ vậy, các anh em các ngành LĐNN vẫn lãnh trách nhiệm tổ chức, nhưng được sự tham gia tích cực của nhiều Hội Đoàn, ban nhóm khác, như Đạo Binh Đức Mẹ, Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Phong trào Cursillo, Ban Bữa Cơm Chúa Nhật, Ban Du Ca, Giới trẻ, PTTNTT, các ca đoàn Triều Dâng, Lê Bảo Tịnh,… Mỗi lần đều có khoảng trên dưới 300 người tham dự.

Tổng cộng theo sổ sách ghi lại, tính đến ngày 30.04.2016 Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã góp vào Quỹ Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 41.096,00 € và vào quỹ Cơ Sở Giáo Xứ 44.140,00 €.

II. BÁ CÁO RIÊNG CHO NĂM 2017

Cho niên khóa 2016-2017, quỹ thâu được của LĐNN ngày 01.05.2016 là 4459,00€, ngày 30.10.2016 là 20.266,00€ và ngày 30.04.2017 (Doanh Thương bán bánh chưng Tết) là 7.769.00€. Tổng cộng tất cả 3 khoản thâu trên đây là 32.494,00€ đều đã góp vào việc xây dựng cơ sở Giáo Xứ.

Bữa cơm Huynh đệ LĐNN 01.05.2017

Vị chi Phong Trào LĐNN đã góp vào quĩ cơ sở Giáo Xứ tất cả là (44.140,00€ + 30.494,00€) 76.634,00€. Tạ Ơn Hồng Ân Chúa. Và cám ơn sự tham dự và khuyến khích của mọi thành phần trong giáo xứ.

Thêm vào đó, LĐNN GXVN Paris đã xây dựng được một linh đạo cho mình từ năm 2012 và gợi ý cho nhiều cộng đoàn VN khác, ở VN và ở hải ngoại lập lên những nhóm LĐNN Giáo Chức, Bác Sĩ, Doanh nhân,...

Ý thức Hồng Ân Chúa đã ban, các thành viên Phong Trào LĐNN càng thấy bổn phận phải, cùng với mọi thành phần trong giáo xứ, làm phát triển hồng ân đã lãnh nhận, để mừng sinh nhật thứ 70, 1947-2017, của Giáo Xứ Việt Nam Paris mà cả Giáo Xứ chúng ta đang tổ chức năm nay, khởi đầu từ tháng 03 và sẽ tiếp tục vào tháng 11.

Paris, ngày 01.05.2017

TRAN Văn Cảnh

 
Legio Melbourne tập huấn và dâng hoa lên Đức Mẹ
Trần Văn Minh
17:14 06/05/2017
Melbourne, từ 10 giờ sáng Thứ Bảy 6/5/2017. Tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, Hội đồng Comitium Legio Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Flemington, Senatus Melbourne, đã tổ chức buổi học tập thường niên cho toàn thể hội viên với chủ đề: Sứ điệp Fatima. Tượng Nữ Tướng Maria được trang trí trang trọng bên cạnh bàn thờ chính để đoàn quân binh đọc kinh lần chuỗi Mân Côi.

Xem hình

Với một ngày thời tiết tương đối lạnh, đoàn quân binh Mẹ đã về tập họp dưới trướng Mẹ để cùng nhau đọc kinh cầu nguyện và học tập sứ điệp Fatima nhân kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 13/5/1917 – 13/5/2017.

Buổi học tập được đông đảo các hội viên Legio từ các Curia trong Tổng Giáo phận về tham dự. Thuyết trình gồm hai Linh mục Phê Rô Hoàng Kim Huy tuyên úy cộng đồng và cha Linh giám Trần Ngọc Tân là cha Linh giám Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Flemington thuyết trình về cùng một đề tài “học hỏi về sứ điệp Fatima.”

Đúng 10 giờ 30 anh Vũ Đình Cư, Đơn vị Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, thay mặt Comitium bắt đầu nguyện kinh khai mạc, lần chuỗi Mân Côi. Một vài bài hát được Comitium cùng nhau hát sau đó trước giờ học tập làm cho bầu khí vui tươi hơn. Linh mục Hoàng Kim Huy với đề tài “Bí mật Fatima.”

Trước khi đi vào từng bí mật trong sứ điệp. Linh mục hướng dẫn mọi người biết mở lòng, mở trí để đón nhận những bí mật mà Đức Mẹ gửi đến, để can đảm thực hiện ba mệnh lệnh Fatima. Sự hiểu biết cần phải có, vì có hiểu tường tận mới yêu mếnChúa và Đức Mẹ hơn. Và linh mục cũng phân tích sự khác biệt của thị kiến cá nhân với mặc khải công khai. Sự hiện ra của Đức Mẹ Năm 1917 có dính dáng, liên quan gì với thế giới hiện tại của chúng ta hay không? Xin tóm lược

1- Hình ảnh hỏa ngục mà Đức Mẹ cho ba trẻ được thấy chớp nhoáng, với những cảnh tượng khủng khiếp, thật sợ hãi. Một hình ảnh khó có thể quên để nói cho mọi người biết tội sẽ đưa chúng ta về đâu và theo Mẹ chúng ta sẽ được đi về đâu? Thiên Chúa và Đức Mẹ luôn luôn cho chúng ta con đường để chọn lựa. Thiên Chúa luôn dùng tội để răn đe tới những con người tài giỏi để họ biết sống khiêm nhường. Đó là những gì nằm trong chương trình cứu độ qua ánh sáng Tin Mừng.
2- Sứ điệp của Đức Mẹ luôn có tính tiên tri, chỉ cho con người thấy hai con đường. Nghe những mệnh lệnh của Đức Mẹ thì sẽ tránh được những tai họa, và ngược lại. Như chiến tranh sẽ nổ ra và Đức Mẹ luôn khẳng định “Trái Tim Mẹ Sẽ Thắng.”
3- Khi ba trẻ thị kiến cảnh Thiên Thần cầm gươm lửa như muốn thiêu đốt thế gian, nhưng khi đụng phải những hào quang từ tay Mẹ phát ra, tất cả đều tắt ngúm.
Gươm lửa tượng trưng cho vũ khí chiến tranh của do con người làm ra.
Tất cả những gì mà ba trẻ thấy được đều đã được chứng minh qua các sự kiện về những cuộc thế chiến I và II. Cùng sự tan rã của nước Nga.

Sau bữa cơm trưa rất ngon miệng do các chị em của Legio phục vụ nấu nướng cho cả trăm người ăn. 2 giờ chiều, chương trình bắt đầu với giờ Kinh Mân côi có suy gẫm. Sau đó mới tới giờ giảng thuyết của Cha Linh Giám. Để cho không khí buổi học tập đỡ buồn ngủ vì là giờ trưa, lại sau bữa ăn, các anh chị phụ trách đã cùng hướng dẫn mọi người hát chung các bài: Tôi chọn Giê Su, Khúc ca tạ ơn, Ave Maria.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Linh giám của Comitium đã tiếp tục giảng về Tổng quát những sự kiện của sứ điệp Fatima. Với những ngày 13 hằng tháng kể từ Tháng Năm khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu. Trước những ngày đó, các thiên sứ cũng đã hiện ra cùng ba trẻ, chuẩn bị dọn đường và hẹn các trẻ đến địa điểm và thời gian để được gặp “Bà Đẹp.”

Sau bài giảng, các hội viên có một cuộc chia sẻ cho nhau, những ân lành mà mỗi người được đón nhận từ Chúa qua sự cầu bầu của Mẹ. Mỗi câu chuyện chia sẻ là một bằng chứng sống được các anh chị kể lại thật sống động.

Thánh lễ Chúa Nhật IV Phục Sinh với tin mừng: Người mục tử nhân lành. Nhân tháng hoa dâng kính Đức Mẹ. Legio đã thay mặt cộng đoàn dâng hoa lên ngai tòa Đức Mẹ để kết thúc buổi học tập về sứ điệp Fatima.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một trăm năm Fatima: Francisco dưới ngòi bút Lucia (tiếp theo)
Vũ Văn An
23:58 06/05/2017
Các ấn tượng về lần hiện ra thứ hai

Trong lần hiện ra thứ hai vào ngày 13 tháng Sáu năm 1917, Francisco có ấn tượng đặc biệt về ánh sáng mà, như con đã thuật lại trong trình thuật thứ hai, Đức Mẹ đã tỏ cho chúng con lúc ngài nói với chúng con: “Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ là nơi trú ẩn của các con và là đường dẫn các con tới Thiên Chúa”. Lúc ấy, dường như em không nắm được ý nghĩa của những gì đang diễn ra, có lẽ vì em không nghe được những lời nói kèm theo. Vì thế, sau đó, em hỏi:

“Tại sao Đức Mẹ cầm trái tim ở trong tay, trong khi chiếu ra khắp thế giới ánh sáng vĩ đại vốn là Thiên Chúa ấy? Chị thì ở với Đức Mẹ trong ánh sáng chiếu xuống đất, còn Jacinta và em thì ở với Đức Mẹ trong ánh sáng chiếu lên trời!”

Con trả lời em: “Vì em và Jacinta chẳng bao lâu nữa sẽ lên thiên đàng, trong khi chị, với Trái Tim Vô Nhiễm Maria, sẽ tiếp tục ở lại mặt đất một thời gian lâu hơn nữa”.

Em hỏi: “chị sẽ còn ở lại đây bao lâu nữa?”

“Chị không biết. Khá lâu”.

“Có phải Đức Mẹ nói thế không?”

“Đúng, và chị thấy điều này trong ánh sáng ngài soi thấu trái tim chúng ta”.

Jacinta xác nhận cùng một sự việc; em nói: “Đúng như vậy! Đúng y hệt như em đã thấy!”

Thỉnh thoảng, Francisco nhận xét: “Những người kia thật hạnh phúc chỉ vì chị bảo với họ rằng Đức Mẹ muốn người ta đọc kinh mân côi… Họ còn cảm thấy hạnh phúc biết bao nhiêu nữa nếu họ biết điều ngài tỏ cho chúng ta trong Thiên Chúa, trong Trái Tim Vô Nhiễm của ngài, trong ánh sáng ấy! Nhưng đây là điều bí mật; không được nói tới. Tốt hơn cả nếu không ai biết bí mật này”.

Tuy nhiên, sau lần hiện ra này, mỗi khi người ta hỏi chúng con xem Đức Mẹ có nói gì với chúng con không, thì chúng con bắt đầu trả lời như thế này: “Có, ngài có nói, nhưng đây là một bí mật”. Nếu họ hỏi chúng con tại sao lại là bí mật, thì chúng con chỉ biết nhún vai, cúi đầu và giữ im lặng. Nhưng, sau ngày 13 tháng Bẩy, chúng con nói: “Đức Mẹ dặn chúng cháu không được nói với bất cứ ai”, nghĩa là nói tới bí mật Đức Mẹ bắt chúng con phải giữ kín.

Francisco củng cố lòng can đảm của Lucia

Trong tháng trên, lượng người đổ tới gia tăng đáng kể, và cùng với lượng người này là sự gia tăng về vặn hỏi và mâu thuẫn. Francisco chịu đau khổ khá nhiều vì những vụ việc này, nên đã than thở với em gái rằng:

“Đáng tiếc thay! Nếu hồi ấy em giữ im lặng, thì ai mà biết! Ước chi không phải là nói dối, thì chúng ta đã có thể nói với mọi người là chúng ta không thấy gì, và thế là hết chuyện. Nhưng đã không thể làm như thế được nữa rồi!”

Khi thấy con bối rối và nghi nan, em khóc, và nói: “nhưng làm thế nào chị lại nghĩ đó là ma qủy? Há chị không thấy Đức Mẹ và Thiên Chúa trong ánh sáng vĩ đại ấy sao? Làm sao bọn em đến đó mà không có chị, trong khi chị là người nói?”

Đêm đó, sau khi ăn tối, em trở lại nhà con, gọi con ra sân đạp lúa cũ và nói: “Chị này, ngày mai, chị không đi sao?”

“Chị không đi. Chị đã nói với em rồi là chị sẽ không trở lại đó nữa”.

“Nhưng quả đáng xấu hổ! Tại sao đến bây giờ chị lại nghĩ như thế? Há chị không thấy đây không thể là ma qủy đó sao? Thiên Chúa đã buồn sầu đủ rồi vì quá nhiều tội lỗi, thế mà bây giờ chị lại không đi, Người sẽ còn buồn sầu đến đâu! Này, chị hãy nói chị sẽ đi đi!”

“Chị đã nói với em rồi chị sẽ không đi. Yêu cầu chị chỉ vô ích thôi”. Nói rồi, con đột ngột bỏ về nhà.

Mấy ngày sau, em nói với con: “Chị biết đấy, đêm đó, em không hề ngủ được. Em thức cả đêm khóc lóc và cầu nguyện, cầu xin Đức Mẹ khiến chị đi”.

Các ấn tượng về lần hiện ra thứ ba

Trong lần hiện ra thứ ba, hình như Francisco là người ít có ấn tượng nhất về thị kiến hỏa ngục dù nó gây khá nhiều hậu quả đáng kể đối với em. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất nơi em và cuốn hút em là Thiên Chúa, Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, nhìn thấy trong làn ánh sáng soi thấu linh hồn sâu thẳm của chúng con. Sau đó, em nói:

“Chúng ta bừng lửa trong làn ánh sáng vốn là Thiên Chúa ấy, ấy thế nhưng chúng ta không bị thiêu đốt! Thiên Chúa là Đấng nào? Chúng ta sẽ không bao giờ diễn tả Người bằng lời. Thực vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể phát biểu được! Nhưng đáng tiếc, Người buồn sầu quá! Ước chi em có thể an ủi Người!...”

Một ngày kia, người ta hỏi con có phải Đức Mẹ bảo chúng con phải cầu nguyện cho các người tội lỗi, con nói ngài không bảo thế. Ngay dịp đầu tiên, lúc người ta hỏi han Jacinta, em gọi con qua một bên mà nói: “Chị vừa nói dối! Làm thế nào chị có thể nói Đức Mẹ không bảo chúng ta cầu nguyện cho các người có tội được? Há ngài không bảo chúng ta như thế sao?”

“Cho các người có tội, không! Ngài bảo chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, cho chiến tranh kết thúc. Còn cho kẻ có tội, ngài bảo chúng ta phải làm các việc hy sinh”.

“Ôi, quả đúng. Em bắt đầu nghĩ chị đã nói dối”.

Francisco bị giam

Con đã mô tả Francisco đã cầu nguyện và đã khóc cả ngày ra sao, có khi còn buồn sầu hơn cả con, khi cha con nhận được lệnh phải đem con lên trình diện trước ông quận trưởng ở Vila Nova de Outém. Ở trong tù, em khá can đảm, và đã cố gắng làm Jacinta vui khi Jacinta thấy nhớ nhà. Trong khi chúng con đọc kinh mân côi ở trong tù, em để ý thấy một tù nhân tuy qùy gối nhưng vẫn đội mũ trên đầu.
Francisco bèn bước tới tù nhân này mà nói: “Nếu bác muốn cầu nguyện, bác phải bỏ mũ ra”. Ngay lập tức, tù nhân này đưa chiếc mũ cho em và em đem đặt nó ở chiếc ghế dài trên chiếc mũ của chính em.

Trong khi Jacinta bị tra vấn, em thổ lộ với con, một cách hết sức vui mừng và thanh thản, rằng “Nếu họ giết chúng em như lời họ nói, chẳng bao lâu nữa, chúng em sẽ được lên thiên đàng! Quả là tuyệt diệu! Không còn điều gì đáng kể nữa!” Sau khi im lặng một lúc, em nói thêm: “Thiên Chúa ban ơn để Jacinta không sợ. Em sẽ đọc một kinh Kính Mừng cho em!” Em lập tức bỏ mũ ra và bắt đầu cầu nguyện. Người lính gác thấy em cầu nguyện, hỏi em:

“Em đang đọc gì vậy?”

“Cháu đang đọc một kinh Kính Mừng cho Jacinta đừng sợ”.

Người lính gác tỏ ý tứ giận nhưng để em tiến hành.

Một hôm, sau khi từ Vila Nova de Ourém trở về, chúng con bắt đầu nhật thấy sự hiện diện của siêu nhiên ở quanh chúng con, và cảm thấy chúng con sắp sửa lãnh nhận sự thông đạt nào đó từ trời. Francisco lập tức tỏ ra lo lắng trước sự vắng mặt của Jacinta. Em than:

“Quả thực đáng tiếc, nếu Jacinta không tới đây kịp thời”

Em khẩn khoản xin anh trai mau chóng lên đường đi tìm Jacinta, em bảo: “Hãy nói với Jacinta mau chạy tới đây”.

Sau khi anh trai đi rồi, Francisco mới nói: “Jacinta sẽ rất buồn nếu em không tới đây đúng giờ”.

Sau khi hiện ra, Jacinta muốn ở lại đó cả buổi chiều, nên Francisco bảo: “Không được! Em phải về nhà, vì mẹ không để em ra ngoài với đàn chiên”. Và để khuyến khích em gái, em đã cùng về nhà với Jacinta.

Ở trong tù, khi chúng con để ý đã quá trưa, mà họ chưa cho chúng con tới Cova da Iria, Francisco bảo: “Có lẽ Đức Mẹ sẽ đến và hiện ra với chúng ta ở đây”.

Ngày hôm sau, em không dấu nổi sự buồn bực, và gần như rơi nước mắt, em nghẹn ngào: “Đức Mẹ hẳn phải buồn lắm vì chúng ta không tới Cova de Iria được, và ngài không còn hiện ra với chúng ta nữa. Em muốn thấy ngài quá!”

Khi ở trong tù, Jacinta khóc sướt mướt, vì em rất nhớ mẹ và mọi người trong gia đình. Francisco cố gắng làm em vui, nói rằng: “Cho dù chúng ta không bao giờ được gặp lại mẹ, chúng ta cũng hãy kiên nhẫn! Chúng ta có thể dâng việc này để các người có tội ăn năn trở lại. Điều tệ nhất là Đức Mẹ không bao giờ trở lại! Đó là điều làm em đau đớn hơn cả. Nhưng em cũng dâng hy sinh này cho các người có tội”.

Sau đó, em hỏi con: “Chị cho em hay, có phải Đức Mẹ sẽ không đến và hiện ra với chúng ta nữa không?”

“Chị không biết. Chị nghĩ ngài sẽ đến”.

“Em rất nhớ ngài”.

Do đó, việc Đức Mẹ hiện ra ở Valinhos là niềm vui gấp đôi đối với Francisco. Em bị dằn vặt bởi nỗi sợ cho rằng ngài sẽ không bao giờ trở lại. Sau này, em nói với con: “Phần chắc, ngài không hiện ra vào ngày 13, tránh phải tới nhà ông quận trưởng, có lẽ vì ông này là người xấu”.

Các ấn tượng về lần hiện ra chót

Sau ngày 13 tháng Chín, khi con nói với Francisco rằng tháng Mười, cả Chúa cũng sẽ đến, em hết sức vui mừng. “Ôi, Người tốt lành xiết bao! Em mới chỉ thấy Người hai lần, mà em đã yêu mến Người xiết bao!”

Thỉnh thoảng, em lại hỏi: “Còn bao lâu nữa tới ngày 13? Em mong ngày ấy đến quá, để em lại được thấy Chúa lần nữa”. Em suy nghĩ một lúc, rồi hỏi: “Nhưng này, Người còn buồn nữa không? Em rất buồn thấy Người buồn như thế! Em dâng lên Người mọi hy sinh em có thể nghĩ được. Thỉnh thoảng, em không chạy trốn những người này nữa, chỉ để làm việc hy sinh!”

Sau ngày 13 tháng Mười, em nói với con: “em thích được thấy Chúa, nhưng em thích được thấy Người trong ánh sáng trong đó chúng ta cũng được ở với Người hơn. Bây giờ không còn lâu nữa, khi Chúa đem em đi tới gần Người, và lúc đó, em có thể nhìn vào Người mãi mãi”.

Một hôm, con hỏi em: “Khi em bị tra hỏi, tại sao em cúi đầu xuống và không muốn trả lời?”

“Vì em muốn chị trả lời, và cả Jacinta nữa. Em không nghe thấy gì, em chỉ có thể nói là em trông thấy thôi. Như thế, [chị nghĩ sao] khi giả dụ em nói một điều mà chị không muốn em nói?”

Thỉnh thoảng, em đi khỏi và không nói trước với chúng con. Khi nhớ đến em, chúng con đi tìm em, gọi lớn tên em. Em trả lời từ phía sau bức tường hay một bụi rậm hay khóm mâm xôi, thì ra em đang qùy cầu nguyện ở đó.

“Tại sao em không cho bọn chị hay để bọn chị đến và cầu nguyện với em?”

“Vì em thích cầu nguyện một mình”.

Trong các ghi chú của con trong cuốn sách tựa là “Jacinta”, con đã thuật lại những gì xẩy ra trên mảnh đất có tên là Varzea. Con nghĩ con không cần phải lặp lại ở đây.

Một hôm, trên đường chúng con về nhà con, chúng con phải đi qua nhà mẹ đỡ đầu của con. Mẹ đỡ đầu của con đang làm món rượu mật ong, nên gọi chúng con vào để uống một ly. Chúng con vào và Francisco là người đầu tiên mẹ đỡ đầu con tặng một ly đầy. Em nhận ly rượu, nhưng không uống, mà đưa cho Jacinta, để Jacinta và con uống trước nhất. Trong khi ấy, em quay gót và biến mất.

Mẹ đỡ đầu của con hỏi: “Francisco đâu?”

“Con không biết! Em vừa ở đây mà!”

Francisco không trở lại, nên Jacinta và con cám ơn mẹ đỡ đầu vì chén rượu mật ong, rồi đi tìm Francisco. Chúng con biết chắc trăm phần trăm rằng em đang ngồi ở bờ chiếc giếng mà con đã nhắc đến nhiều lần.

“Francisco, em không uống ly rượu mật ong! Mẹ đỡ đầu của chị gọi em rất nhiều lần, mà em đâu có xuất hiện!”

“Khi nhận ly rượu, em đột nhiên nhớ em có thể dâng hy sinh này để an ủi Chúa của chúng ta, nên khi bọn chị nhận ly rượu, em chạy tới đây”.

Còn tiếp