Ngày 06-05-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Thánh Cha mừng 50 năm Con đường Tân Dự Tòng
J.B. Đặng Minh An dịch
02:05 06/05/2018
Sáng thứ Bẩy 5 tháng Năm, tại Tor Vergata, ở ngoại ô phía đông Roma, nơi đã từng đón tiếp 2 triệu người trong Ngày Quốc tế Giới trẻ Năm thánh 2000, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 150 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng từ 135 quốc gia trên thế giới về Rôma mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.

Con đường Tân Dự Tòng là một phong trào sống tinh thần Phúc Âm và truyền giáo do ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernandez khởi xướng vào đầu thập niên 1960 ở ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha.

Hiện nay phong trào lan rộng trên thế giới với 21,300 cộng đoàn trong 6,270 giáo xứ, với 1,668 gia đình đang đi truyền giáo. Ngoài ra, Con đường Tân Dự Tòng có 120 đại chủng viện để đào tạo các linh mục truyền giáo.

Hiện diện trong buổi lễ mừng 50 năm này cũng có 10 Hồng Y và 90 Giám Mục từ các nước trên thế giới.

Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:


Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi rất vui được gặp anh chị em và nói với anh chị em ngày hôm nay: cảm ơn anh chị em! Tạ ơn Chúa, và cũng cám ơn anh chị em, đặc biệt là cám ơn những người đã thực hiện một hành trình dài để đến đây. Cảm ơn anh chị em vì lời “xin vâng” anh chị em đã nói, cám ơn anh chị em vì đã đón nhận lời mời gọi của Chúa để sống phúc âm và truyền giáo. Và một lời cảm ơn nhiệt thành đến với những người đã bắt đầu con đường Tân Dự Tòng cách đây 50 năm.

Năm mươi là một con số quan trọng trong Kinh Thánh: vào ngày thứ năm mươi, Thánh Thần của Chúa Phục Sinh ngự xuống trên các Tông Đồ và khai mở Giáo Hội cho thế gian. Trước đó, Thiên Chúa đã ban phúc lành cho năm thứ năm mươi “năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá” (Lêvi 25:11). Đó là một năm thánh, trong đó dân được chọn sẽ trải nghiệm lần đầu tiên những thực tại mới, như được giải phóng và được trở về nhà thoát khỏi áp bức: Chúa nói “hãy tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.” (câu 10). Vì thế, sau năm mươi năm của Con Đường, sẽ thật là đẹp nếu mỗi người trong anh chị em có thể nói “Cảm ơn Chúa, bởi vì Chúa đã thực sự giải phóng con; vì con đã thấy Giáo hội là gia đình của mình; bởi vì trong Phép Rửa của anh chị em, những điều cũ đã trôi qua và con tận hưởng một cuộc sống mới” (xem 2 Cor 5: 17); “bởi vì qua Con Đường này Chúa đã chỉ cho con đường lối khám phá tình yêu dịu dàng của Chúa Cha”

Anh chị em thân mến,

Cuối cùng anh chị em sẽ hát kinh “Te Deum tạ ơn tình yêu và lòng trung tín của Chúa”. Điều này thật đẹp: cảm ơn Chúa vì tình yêu và sự trung tín của Chúa. Thường thì chúng ta cảm tạ Chúa vì ân sủng chúng ta nhận được, vì những gì Ngài ban cho chúng ta, và thật tốt khi làm điều này. Nhưng còn đẹp hơn khi tạ ơn Chúa vì những gì Chúa là, vì Chúa là Đấng trung tín trong tình yêu. Lòng tốt của Chúa không phụ thuộc vào chúng ta. Bất kể những gì chúng ta làm, Thiên Chúa tiếp tục yêu thương chúng ta một cách trung tín. Đây là nguồn cậy trông của chúng ta, niềm an ủi lớn lao của cuộc sống. Vì vậy, hãy can đảm, đừng buồn sầu! Và khi những vấn nạn dầy đặc như một đám mây đen vần vũ trong đời ta, hãy nhớ rằng tình yêu trung tín của Thiên Chúa luôn tỏa sáng, giống như mặt trời không bao giờ lặn. Hãy giữ trong ký ức anh chị em sự tốt lành của Ngài, mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì xấu xa; và ký ức ngọt ngào về tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp anh chị em trong bất kỳ sự đau khổ nào.

Vẫn còn một lời cảm ơn quan trọng dành cho những người sắp ra đi truyền giáo. Tôi muốn nói với anh chị em những điều chân thành từ trái tim, đặc biệt là về việc truyền giáo, về việc Phúc Âm hóa, là ưu tiên của Giáo Hội ngày nay. Bởi vì truyền giáo là cất cao tiếng nói cao rao tình yêu trung tín của Thiên Chúa, là loan báo rằng Chúa quan tâm đến chúng ta và sẽ không bao giờ mệt mỏi với tôi, với anh, với chị, với em, với chúng ta và thế giới của chúng ta. Truyền giáo là trao ban những gì chúng ta đã nhận được. Truyền giáo là thực hiện sứ vụ Chúa đã ủy thác cho chúng ta mà tôi muốn suy tư cùng anh chị em: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19).

Hãy đi. Truyền giáo đòi hỏi chúng ta phải ra đi. Nhưng trong cuộc sống, có một sự cám dỗ mạnh mẽ muốn ở lại, hài lòng với mọi sự đều yên ổn. Ở nhà dễ dàng hơn, được bao quanh bởi những người yêu thương chúng ta, nhưng đó không phải là đường lối của Chúa Giêsu. Ngài sai chúng ta đi: “Hãy đi”. Ngài không sử dụng các phương thế nửa vời. Chúa không cho phép chúng ta giản lược các chuyển đổi hoặc thu ngắn các cuộc hành trình, nhưng Ngài nói với các môn đệ mình một từ duy nhất: “Đi!”. Hãy đi là một lời mời gọi mạnh mẽ vang dội trong mọi ngóc ngách của đời sống Kitô; một lời mời rõ ràng hãy cất bước lên đường, hãy là những người hành hương trên thế giới để tìm kiếm những anh chị em chưa biết đến niềm vui trong tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta ra đi thế nào? Cần thiết là chúng ta phải ra đi cách nhẹ nhàng, anh chị em không thể mang theo mọi thứ trong nhà với mình. Kinh Thánh dạy chúng ta điều này: khi Thiên Chúa giải thoát dân được chọn, Ngài khiến họ đi vào sa mạc với hành lý duy nhất là niềm tín thác nơi Ngài. Và Ngài hóa thân làm người, chính Ngài bước vào cảnh nghèo khó không có nơi để gối đầu (x. Lc 9: 58). Ngài yêu cầu cùng một phong cách như thế nơi những ai theo Ngài. Để tiến bước cần thiết là phải ra đi cách nhẹ nhàng. Để công bố Tin Mừng điều cần thiết là phải biết từ bỏ. Chỉ có một Giáo Hội biết từ bỏ thế gian mới có thể công bố Chúa một cách hiệu quả. Chỉ có một Giáo Hội được giải thoát khỏi quyền lực và tiền bạc, thoát khỏi chủ nghĩa vênh vang và chủ nghĩa giáo sĩ trị, mới có thể làm chứng một cách đáng tin cậy rằng Chúa Kitô giải phóng con người, và những người, vì yêu mến Ngài, học cách từ bỏ những cái cũ, thì đón nhận được kho báu vĩ đại này: đó là sự tự do. Họ không còn bị níu kéo bởi của cải riêng mình, là thứ luôn luôn đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ mang lại bình an; và họ cảm thấy trái tim được mở rộng ra, không bồn chồn nữa, và sẵn sàng cho Thiên Chúa và cho anh em chị em mình.

“Đi” là động từ của việc truyền giáo, và nó nói với chúng ta một điều khác nữa: động từ này phải được chia dưới dạng số nhiều. Chúa không nói “Anh đi, rồi tới anh này đi, sau đó tới lượt anh này đi”, [từng người một] mà là “đi với nhau!” Những ai đi một mình không truyền giáo một cách đầy đủ, chỉ những người đi cùng với nhau mới làm được. Đi cùng với nhau luôn là một nghệ thuật chúng ta cần phải học mỗi ngày. Điều cần thiết là chúng ta phải cẩn thận, ví dụ, đừng áp đặt nhịp độ cho người khác. Thay vào đó, chúng ta nên đi cùng và chờ đợi nhau, và nhớ rằng hành trình của người khác không giống với tôi. Cũng như trong cuộc sống, không ai lặp lại chính xác các bước tương tự, trong đức tin và sứ vụ truyền giáo cũng thế: Chúng ta tiến bước với nhau, mà không cô lập chính mình và không áp đặt hướng đi của mình cho người khác, nhưng hiệp nhất, như Giáo Hội, với các Mục Tử, với tất cả anh chị em chúng ta, không vội vã đi trước, và cũng không phàn nàn những ai chậm lụt phía sau. Chúng ta là những người hành hương, được anh chị em mình tháp tùng, và chúng ta tháp tùng anh chị em khác, và thật là tốt khi chúng ta biết tự mình gánh vác sứ vụ truyền giáo, với sự quan tâm và tôn trọng cuộc hành trình của mỗi người và không áp đặt sự phát triển của bất cứ ai, bởi vì sự đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa chỉ trưởng thành trong sự tự do chân thực và chân thành.

Chúa Giêsu Phục Sinh nói: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Sứ vụ truyền giáo là như thế. Người không nói: hãy chinh phạt, chiếm đóng, mà đúng hơn, hãy “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, tức là, chia sẻ với người khác món quà mà chúng ta đã nhận được, là cuộc gặp gỡ với tình yêu đã thay đổi đời ta. Trung tâm của sứ vụ truyền giáo là làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và rằng với Người tình yêu thật sự là điều có thể, tình yêu đó dẫn chúng ta đến sự trao ban cuộc sống mình ở khắp mọi nơi, trong gia đình, tại nơi làm việc, như những người thánh hiến, hay như những người lập gia đình. Truyền giáo là mang vào hàng ngũ các môn đệ những môn đệ mới của Chúa Giêsu. Đó là tìm lại một phần của một Giáo Hội môn đệ. Chắc chắn, Giáo hội là thầy dạy, nhưng Giáo Hội chỉ có thể là thầy dạy nếu trước hết Giáo Hội là môn sinh; cũng như Giáo Hội chỉ có thể là Mẹ nếu trước hết Giáo Hội là con cái. Đây là Mẹ của chúng ta: một Giáo Hội khiêm nhường, con gái của Chúa Cha và là môn đệ của Thầy Chí Thánh, hạnh phúc được làm chị em với nhân loại. Và tính năng động này của tình môn đệ - nghĩa là môn đệ tạo ra các môn đệ mới - hoàn toàn khác với việc chiêu dụ tín đồ.

Đây là sức mạnh của lời công bố, để thế giới có thể tin. Điều đáng kể không phải là những lý lẽ đầy thuyết phục, nhưng chính là cuộc sống thu hút; không phải là khả năng áp đặt, mà là lòng can đảm để phục vụ. Và anh chị em có trong “DNA” của anh chị em ơn gọi này để công bố, trong khi sống trong bối cảnh gia đình, theo tấm gương của Thánh Gia Thất nghĩa là trong sự khiêm tốn, giản dị, và trong lời khen ngợi Chúa. Anh chị em mang bầu không khí gia đình này vào rất nhiều nơi hoang liêu và không được quan tâm đến. Hãy để mình được gọi là anh chị em của Chúa Giêsu. Hãy gọi mọi người là anh chị em của mình và hãy là bằng hữu của tất cả mọi người.

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Và khi Chúa Giêsu dùng từ mọi người, Ngài dường như muốn nhấn mạnh rằng trong lòng Ngài có chỗ cho muôn dân. Không ai bị loại trừ. Là con của cùng một một người cha và một người mẹ, cho dù họ đông đảo, nhiều hay ít, họ yêu nhau với tất cả trái tim của họ. Bởi vì tình yêu, khi trao ban chính mình, không nhỏ đi, nhưng lớn lên. Và nó luôn luôn tràn trề hy vọng. Như cha mẹ, những người không chú trọng đến những khiếm khuyết và yếu điểm con cái của họ, chỉ biết đó là con mình, các thừa sai cũng hành xử như thế với dân được Chúa yêu thương. Họ không làm nổi bật những khía cạnh tiêu cực và những điều phải thay đổi, nhưng thay vào đó họ “nhìn với con tim”, với một ánh mắt trân trọng, với một sự tiếp cận tôn trọng, một sự tin tưởng nhẫn nại. Hãy đi và làm như thế trong sứ vụ truyền giáo của anh chị em, trong khi suy nghĩ như đang “chơi ở nhà”. Bởi vì Chúa ở nhà với mọi dân tộc và Thần Khí Chúa đã gieo ngay cả trước khi anh chị em đến. Và, khi nghĩ đến Cha chúng ta, Đấng yêu mến thế gian quá đỗi (x Ga 3: 16), anh chị em hãy đam mê nhân loại, và hãy là các cộng tác viên đem lại niềm vui cho mọi người (x 2 Cor 1: 24), hãy nói như người có thẩm quyền vì anh chị em ở gần đó, và lắng nghe bởi vì anh chị em gần gũi với họ. Hãy yêu các nền văn hóa và truyền thống của các dân tộc, mà không áp đặt các mô hình từ những định kiến. Đừng bắt đầu với những lý thuyết và những lề lối tư duy cố định, nhưng từ những tình huống cụ thể: như thế Thần Khí Chúa sẽ hình thành nên việc công bố đúng thời điểm và đúng đường lối của Ngài. Và Giáo Hội sẽ phát triển theo hình ảnh của Ngài: là hiệp nhất trong sự đa dạng của các dân tộc, các ân sủng, và đặc sủng.

Anh chị em thân mến,

Đặc sủng của anh chị em là một món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho Giáo Hội trong thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì năm mươi năm này. Một tràng pháo tay cho năm mươi năm! Và khi chiêm ngắm sự trung tín hiền phụ, huynh đệ và yêu thương của Người, đừng bao giờ mất niềm tin: Người sẽ bảo vệ anh chị em, theo dõi anh chị em khi anh chị em ra đi, như các môn đệ thân yêu của Ngài, để đến với tất cả các dân tộc, với một lòng sự khiêm nhu giản dị. Tôi tháp tùng anh chị em và khuyến khích anh chị em: hãy tiếp tục! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, khi tôi ở lại đây!
Source: Libreria Editrice Vaticana INCONTRO INTERNAZIONALE IN OCCASIONE DEL 50° ANNIVERSARIO DELL'INIZIO DEL CAMMINO NEOCATECUMENALE DISCORSO DEL SANTO PADRE FRANCESCO Spianata di Tor Vergata (Roma) Sabato, 5 maggio 2018
 
Đức Thánh Cha kêu mời hãy cầu nguyện cho người dân của Cộng hòa Trung Phi
Thanh Quảng sdb
05:05 06/05/2018
Đức Thánh Cha kêu mời hãy cầu nguyện cho người dân của Cộng hòa Trung Phi
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa hôm Chúa Nhật 6/5/2018 tại quảng trường thánh Phêrô Đức Thánh Cha khẩn khoản xin mọi người hãy nói lời "không" với bạo lực
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả mọi người hãy cầu nguyện cho người dân nước Cộng Hòa Trung Phi, một quốc gia mà ĐTC nhớ lại những "niềm vui" mà Đức Thánh Cha đã có trong chuyến viếng thăm đất nước này vào tháng 11 năm 2015, một chuyến thăm mục vụ đầu tiên của Ngài đến châu Phi.
Trong bài phát biểu của mình vào Chúa Nhật hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Cộng hòa Trung Phi trong những ngày gần đây đã và đang trải qua những ngày mà "bạo lực nghiêm trọng" đang diễn ra, giết hại và làm bị thương nhiều người, trong đó có cả một linh mục.
ĐTC khẩn khoản “Xin Chúa, nhờ sự cầu khẩn của Đức Trinh Nữ Maria, giúp mọi người hãy can đảm nói lời ‘không ’với bạo lực, hầu cùng nhau xây dựng hòa bình.
Có một linh mục và ít nhất 25 người đã bị thiệt mạng khi một nhà thờ bị tấn công vào đầu tuần này ở Bangui. Hội Chữ thập đỏ cho hay có gần 100 người bị thương trong vụ tấn công này! Cuộc tấn công này đang đổ thêm dầu vào lửa trong các cuộc đụng độ tại nước Cộng hòa Trung Phi, nơi mà nhà nước đang nỗ lực làm dịu đi những bạo lực đang bùng lên giữa các tôn giáo...
 
ĐGH Phanxicô: Để ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta phải yêu mến nhau.
Giuse Thẩm Nguyễn
10:27 06/05/2018
(Vatican News) Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào Chúa Nhật ngày 06 tháng Năm, ĐGH Phanxicô đã quảng diễn về Lời Chúa “ Hãy ở lại trong tình yêu của Thày”.

Một điều kiện đầy thách thức.

ĐGH đã nói rằng “Cư ngụ trong tình yêu hiện nay của Thiên Chúa, chiếm cứ một chỗ ở trong đó, là điều kiện để bảo đảm rằng tình yêu của chúng ta không mất đi lửa mến hay sự liều lĩnh của nó.” Giống như Chúa Giê-su và ở trong Người, chúng ta phải đón nhận tình yêu của Thiên Chúa Cha, mà không tự tách mình ra khỏi tình yêu ấy vì thói ích kỷ và tội lỗi. Đây là một điều kiện đầy thử thách, nhưng không phải là một việc không thể.

ĐGH tiếp tục rằng để được như vậy, trước hết chúng ta phải nhận ra rằng tình yêu của Đức Kitô “không phải là một cảm xúc hời hợt”, nhưng đúng hơn là “một thái độ nền tảng của con tim,” được thể hiện bằng cách tuân giữ lệnh truyền của Chúa Giê-su. “Tình yêu này phải được nhận ra mỗi ngày trong cuộc sống” trong thái độ và hành động của chúng ta, bằng không thì tình yêu ấy sẽ chỉ là ảo tưởng.

Yêu nhau như thế nào.

Các điều răn của Chúa Kitô được tóm tắt trong điều răn này là “ các con hãy yêu thương nhau “ như Chúa Giê-su đã yêu chúng ta. ĐGH nói rằng “người khác” mà chúng ta được mời gọi để yêu là “người mà chúng ta gặp trên đường đi”, những người gây khó khăn cho chúng ta, những người “đang sẵn sàng chờ đợi chúng ta lắng nghe, cùng tham gia cuộc hành trình với họ.” Chúng ta phải mở lòng với tất cả anh chị em của chúng ta, với bất cứ ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể.”

Tình yêu này phải là một phần trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để chăm sóc cho người già “ như là một kho tàng quý giá”; để mang lại “những giúp đỡ có thể cho những người bệnh tật” ngay cả khi họ đang tiến gần đến giờ chết; để luôn chào đón trẻ em chưa sinh. ĐGH nói rằng đó là lý do “cuộc sống luôn phải được bảo vệ và yêu thương, từ khi thụ thai cho đến cái chết tự nhiên.”

Mang trong mình trái tim của Chúa Giê-su.

Nhưng chúng ta không thể yêu người khác như Đức Kitô yêu chúng ta trừ phi chúng ta mang trong mình trái tim của Chúa Giê-su. Thánh lễ mà chúng ta được kêu gọi tham dự mỗi ngày Chúa Nhật là có mục đích mang đến trong chúng ta Trái Tim của Đức Kitô, để trọn đời sống của chúng ta sẽ được hướng dẫn bởi lòng quảng đại yêu thương của Người.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Saudi Arabia chấp thuận để Tòa Thánh Vatican xây nhà thờ ở vương quốc Hồi Giáo này
Nguyễn Long Thao
11:26 06/05/2018
Theo tờ báo điện tử ở Ai Cập trong ngày Thứ Tư 2/5/2017, vương quốc Hồi Giáo Saudi Arabia đã kỳ thoả ước để Toà Thánh Vatican xây cất nhà thờ cho các giáo dân Công Giáo đang sống và làm việc tại đây.

Theo tờ báo điện tử nói trên thì thỏa ước đã được ký kết giữa Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran và Sheikh Mohammed bin Abdel Karim Al-Issa, Tổng Thư Ký Liên Đoàn Hồi Giáo Thế Giới. Lễ ký kết đã diễn ra vào thượng tuần tháng Tư khi Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn đến thăm vương quốc Saudi Arabia

Khi đến Saudi Arabia, Đức Hồng Y Tauran đã gặp một số giới chức cao cấp của chính quyền, kể cả Quốc Vương Salman bin Abdulaziz Al Saud

Hãng thông tấn Al Jazeera, cơ quan ngôn luận chính thức của Hồi Giáo, không cho biết chi tiết nội dung thỏa ước giữa Vatican và Saudi Arabia.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Tauran trả lời phỏng vấn của đài Vatican xác nhận bản tuyên cáo đã được hai bên ký, đặt nền móng cho cuộc đối thoại trong tương lai. Tuy nhiên, Ngài không cho biết trong tương lai Vatican được xây dựng thêm bao nhiêu nhà thờ.

Đức Hồng Y nói thêm, trong các cuộc họp với các giới chức chính quyền Saudi Arabia, Ngài đã nhấn mạn đến việc yêu cầu các tín hữu Kitô Giáo hay không phải là tín hữu Hồi Giáo phải được đối xử công bằng, không bị coi là công dân hạng hai, và nơi học đường, họ phải được tự do phát biểu.

Được biết Saudi Arabia là quốc gia Hồi Giáo có chính sách nghiêm khắc nhất đối với các tôn giáo không phải là Hồi Giáo. Các người theo Thiên Chúa Giáo ở đây, vào khoảng 1 triệu rưỡi người, đại đa số là các công nhân người Phi Luật Tân đang làm việc tại các cơ sở dầu mỏ. Trước đây họ không được công khai cử hành thánh lễ, các nghi thức phụng vụ phải làm lén lút nơi các tư gia.

Đức Hồng Y Tauran nhận định rằng việc Saudi Arabia cho xây nhà thờ là dấu hiệu chính quyền nước này muốn chứng minh cho thế giới biết Saudi Arabia có một bộ mặt mới.
 
Vấn đề Triều Tiên: Cân bằng nhân quyền với những nỗ lực đàm phán hòa bình
Trần Mạnh Trác
12:42 06/05/2018
Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên( CNA / EWTN News ngày 5 tháng 5, 2018 ) Nhận xét về những nỗ lực hòa bình đang được thương thảo tại Triều Tiên thì, không may thay, dựa vào những ưu tiên mà các bên đã đưa ra, việc phóng thích ba tù nhân người Mỹ gốc Hàn sẽ có thể là thành công duy nhất về mặt nhân quyền mà thôi.

Quan điểm cuả Toà Thánh Vatican là hỗ trợ việc giải trừ hạt nhân thông qua đàm phán hòa bình nhưng cũng cần phải bảo vệ phẩm giá của con người, được tạo ra trong hình ảnh và chân dung của Thiên Chúa.

Trong trường hợp bán đảo Triều Tiên hiện nay, câu hỏi đang có nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia là liệu có nên đặt ưu tiên cho các cuộc đàm phán hòa bình hay còn phải lưu tâm đến các vấn đề nhân quyền nữa.

“Bạn không thể giải quyết tất cả cùng một lúc. Bây giờ, chúng tôi chủ trương rằng chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề hạt nhân ”, là lời cuả một trong những cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc, Chung-in Moon, viết qua một văn bản hướng dẫn (directives) mang tên“ Cân bằng an ninh, nhân đạo, và các mối quan tâm nhân quyền trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. ”

"Nếu bạn đặt vấn đề nhân quyền và dân chủ cùng với các vấn đề hạt nhân, thì Bắc Triều Tiên sẽ coi đó là hành động thù địch của Hoa Kỳ và họ sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề hạt nhân", vị cố vấn đó cuả Hàn Quốc khẳng định như vậy vào ngày 27 tháng 2 trong khi đi công tác tại Washington DC

Nhưng trong khi đa số người dân Hàn Quốc bày tỏ sự nồng nhiệt về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27 tháng 4 (giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jung Un.) vẫn có một số người lo ngại rằng cuộc hội nghị đã làm ngơ về những vi phạm nhân quyền to lớn của chế độ Bắc Triều Tiên.

Cô Yeonmi Park là một thiếu nữ đã trốn khỏi chế độ Bắc Triều Tiên vào năm 2007, trong một cuộc phỏng vấn gần đây về những biến cố ngoại giao đang diễn ra với Bắc Hàn, cô đã lưu ý mạnh mẽ rằng miền Bắc đã xiết chặt hơn sự kềm toả người dân làm cho việc trốn thoát khó khăn hơn nhiều.

“Mọi người ở Hàn Quốc đang bị nhà độc tài này lừa gạt.” Lời cuả cô nói với đài phát thanh New York ngày 3 tháng 5, “ trong khi hắn đi đến Hàn Quốc và đưa lời phát biểu về hòa bình và một tương lai tươi sáng, thì cuộc đàn áp trên biên giới Bắc Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.”

Tổng số người trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên trong năm 2017 là thấp nhất kể từ năm 2001, theo thống kê cuả Bộ Thống Nhất cuả Hàn Quốc. Xu hướng này vẫn tiếp tục giảm trong quý đầu tiên của năm 2018.

“Những gì hắn [Kim Jung Un] đang làm là cố gắng duy trì quyền lực của mình. Sẽ không có gì hắn làm để thay đổi cuộc sống của người dân Bắc Triều Tiên, ” Cô Park tiếp tục. "Có gì cấp bách hơn là mạng sống của những người bị giam giữ trong các trại tập trung Bắc Triều Tiên ngay bây giờ?"

Hiện có khoảng 80.000 đến 120.000 người trong 6 trại tù chính trị ở Bắc Triều Tiên, trong đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tìm thấy nhiều bằng chứng về nạn đói, lao động cưỡng bức và hành hạ tra tấn.

"Báo cáo cho thấy rằng hàng chục ngàn tù nhân đang bị lao động khổ sai hoặc bị hành quyết là những Kitô hữu thuộc về các nhà thờ “chui” hoặc là những người thực hành đức tin cuả họ một cách lén lút", theo bản báo cáo năm 2018 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế cuả Hoa Kỳ.

Ngay cả sau khi được thả, sinh mạng cuả họ cũng khó được an toàn, như anh sinh viên 22 tuổi người Mỹ tên là Otto Warmbier được trả lại cho gia đình vào năm ngoái sau khi bị giam ở Bắc Triều Tiên 17 tháng, anh đã bị tổn thương não nặng và chết ngay sau đó. Warmbier bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì đã ăn cắp một tấm áp phích chính trị treo ở khách sạn trong khi anh tham quan một tour du lịch ở Bắc Triều Tiên.

Cha mẹ anh đã đệ đơn kiện chính phủ Bắc Triều Tiên vào ngày 3 tháng Năm.

Ba người Mỹ gốc Hàn Quốc hiện đang bị giam ở Bắc Triều Tiên là Tony Kim, Kim Hak-song và Kim Dong-chul. Tony Kim và Kim Hak-song đều dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ ở Bình Nhưỡng (PUST), một trường đại học được thành lập năm 2010 bởi một doanh nhân người Mỹ gốc Hàn. Họ bị giam giữ vì tội "gián điệp" và có "hành vi thù địch”. Kim Dong-chul là một mục sư Tin Lành bị kết án 10 năm lao động khổ sai vào năm 2016, với tội danh gián điệp.

Về cuộc đàm phán phóng thích ba tù nhân đó. Tổng thống Trump viết trên Twitter vào ngày 2 tháng 5, với câu kết luận "Hãy tiếp tục theo dõi!" (“Stay tuned!”)

Trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị cho một cuộc họp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Kim Jung Un, người ta chưa rõ sẽ có sự cân bằng giữa hai vấn đề nhân quyền và giải trừ vũ khí hạt nhân hay không.

Trên bề mặt thì một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã đưa ra một hứa hẹn rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì sức ép về nhân quyền. Bao gồm có những nỗ lực gia tăng thông tin vào quốc gia cô lập nhất trên thế giới này.

Nhưng việc đó là một câu hỏi về trình tự thời gian, đặc biệt là khi chúng ta đề cập đến vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, theo ông John S. Park, giám đốc của nhóm chuyên gia Hàn Quốc đang làm việc tại Trung tâm Belfer của Trung tâm Khoa học và Quốc tế của Trường Harvard Kennedy.

“Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng. Việc khởi động một cơ chế khử nhân là một bước khởi đầu quan trọng. Các bước tiếp theo là các hành động kiểm tra và kiểm chứng phức tạp hơn nhiều ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Harvard Gazette vào ngày 30 tháng Tư.

“Nó sẽ không phải là việc Bắc Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay một lúc, mà đúng hơn, sẽ là một qui trình dài. Và trọng tâm lớn nhất của những đàm phán ngay bây giờ là qui trình đó dài ngắn như thế nào, ”ông nói.

“Từ quan điểm của Bắc Triều Tiên, thì quy trình càng dài thì càng tốt cho họ. Nhưng từ quan điểm của Mỹ, với sự phát triển nhanh chóng của vũ khí hạt nhân, và đặc biệt là khả năng tên lửa đạn đạo liên lục địa năm ngoái, một thời gian ngắn thì tốt hơn nhiều. ”

Các nhà lãnh đạo Công Giáo đã kêu gọi cầu nguyện cho bán đảo.

Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, giám quản tông đồ của Bình Nhưỡng và tổng giám mục Hán Thành, nói rằng ngài lần hạt mân côi mỗi ngày cho Bắc Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Công Giáo Pyeonghwa sau hội nghị thượng đỉnh Liên Triều, Đức Hồng Y nói ngài mong mỏi sẽ có một ngày có thể dâng Thánh lễ cùng với người Công Giáo Bắc Triều Tiên.

Ngay bây giờ, ngài kêu gọi mọi người Công Giáo hãy cùng cầu nguyện cho một nền “hòa bình đích thực” và không rơi vào tuyệt vọng hay tự mãn.
 
Lễ tuyên thệ đầy mầu sắc của 33 tân ngự lâm quân Thụy Sĩ
Đặng Tự Do
16:00 06/05/2018
Hôm Chúa Nhật 6 tháng 5, 33 tân ngự lâm quân Thụy Sĩ đã làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa.

Hằng năm, vào ngày 06 tháng 05, đội ngự lâm quân Thụy Sĩ kỷ niệm việc 147 ngự lâm quân hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ “cướp phá Rôma” vào năm 1527.

Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các ngự lâm quân, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm ngoái, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Trước buổi lễ tuyên thệ này, hôm thứ Sáu 4 tháng 5, 33 tân ngự lâm quân, gia đình của họ và một phái đoàn của các cơ quan Thụy Sĩ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến. Trong dịp này, ngài bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian quân ngũ tại Vatican, các ngự lâm quân sẽ được tăng cường ý thức thuộc về cộng đồng giáo hội.

Đức Thánh Cha cảm ơn các ngự lâm quân về “kỷ luật, ý thức giáo hội, thận trọng, và sự chuyên nghiệp khắc khổ nhưng thanh thản” khi thực hiện các công việc mỗi ngày”

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến lòng trung thành họ đối với các giám mục của Rôma và đó là lý do các lễ nhậm chức luôn diễn ra vào ngày 06 tháng 5 là ngày kỷ niệm 147 ngự lâm Thụy Sĩ đã tử trận khi anh dũng bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong cuộc tấn công vào Rôma năm 1527.

Đức Thánh Cha nói:

“Ký ức về cử chỉ anh hùng này là một lời mời gọi liên tục để ghi nhớ và nhận ra những phẩm chất đã là điển hình của đoàn ngự lâm quân: đó là sống một cách nhất quán đức tin Công Giáo, kiên trì trong tình bạn với Chúa Giêsu và tình yêu dành cho Giáo Hội, vui tươi và tạn tụy trong những công việc lớn nhỏ và khiêm nhường hàng ngày, thể hiện lòng can đảm và kiên nhẫn, quảng đại và liên đới”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng đây là những đức tính theo đó “một ngự lâm quân Thụy Sĩ luôn là một ngự lâm quân, khi đang thi hành nhiệm vụ và cả trong lúc nghỉ ngơi!”

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Cũng trong ngày thứ Sáu 4 tháng 5, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông Cristoph Graf, chỉ huy đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã có một cuộc họp báo để giới thiệu chiếc nón mới của các ngự lâm quân.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.


Source: Vatican News - Pope: 'A Swiss Guard is always a Swiss Guard, both on and off duty!'
 
Ở trong tình yêu của Đức Kitô thì chúng ta phải yêu thương nhau
Thanh Quảng sdb
17:20 06/05/2018
Ở trong tình yêu của Đức Kitô thì chúng ta phải yêu thương nhau

Trong giờ kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào trưa Chúa Nhật 6/5/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy niệm về lời Chúa Giêsu: “Hãy ở trong tình yêu của Thầy”

Một chương trình đầy thách đố
ĐTC nói "Ở trong tình Chúa trong giây phút hiện tại, mang ý nghĩa chúng ta đã chiếm hữu được một chỗ ổn định trong đó, việc đảm bảo này lại không làm cho chúng ta mất đi sự hăng say cũng như sự sáng tạo của tình yêu". Giống như Chúa Giêsu và trong Chúa, chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa Cha, mà không phải vì tình yêu đó làm cho chúng ta tự chấm dứt được ích kỷ và tội lỗi. “Đây là một chương trình đầy thách đố”, nhưng không phải là một điều không khả thi.
Để thự hiện được điều ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng giải: trước tiên chúng ta phải cảm nhận rằng tình yêu của Chúa Kitô là “không phải là một cảm xúc hời hợt”, mà đúng hơn là, “một thái độ căn bản của con tim”, được thể hiện bằng cách tuân thủ các lệnh truyền của Chúa. "Tình yêu này", như Chúa phán, "phải được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày", qua thái độ và hành động của chúng ta, nếu không nó chỉ là một ảo tưởng!

Làm thế nào để yêu mến nhau
Lệnh truyền của Chúa Giêsu được tóm gọn trong mệnh lệnh “Hãy thương yêu nhau” như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đức Thánh Cha nói “tha nhân” mà chúng ta được mời gọi yêu thương là “người ta gặp gỡ trên đường đời”, những người đang hiềm khích chúng ta, những người đang “chờ đợi được chúng ta lắng nghe, được đón tiếp vào cùng một cuộc hành trình chung với nhau.” Chúng ta cần rộng mở tâm lòng ra với "từng anh chị em của chúng ta, bất luận họ là ai và trong bất kỳ cảnh trạng nào của họ."
ĐTC giảng giải thêm: Tình yêu phải là một phần sống của đời thường ngày của chúng ta. Chúng ta được mời gọi chăm sóc cho người cao niên “như những kho báu quý”; cũng như cung cấp “mọi trợ cứu cho những người bệnh tật,” ngay cả khi họ đang hấp hối; như chúng ta đang sẵn sàng chào đón một trẻ thơ sắp được sinh ra. Điều này, như Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín đó là lý do tại sao "cuộc sống phải luôn luôn được bảo vệ và yêu thương, từ khi được thụ thai đến lúc lìa đời một cách tự nhiên."

Hình thành trái tim của Chúa Giêsu trong chúng ta
Chúng ta không thể yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta nếu chúng ta không có trái tim của Ngài trong chúng ta. "Thánh Thể mà chúng ta được mời gọi tham dự mỗi ngày Chúa Nhật như là bảo vật giúp hình thành lên trái tim của Chúa Kitô trong chúng ta, để cả cuộc đời của chúng ta được hướng dẫn bởi thái độ sống thánh thiên của Chúa."
 
Nhận định chung quanh đề xuất của Hội Đồng Giám Mục Đức về việc Rước Lễ Liên Phái
Vũ Văn An
18:15 06/05/2018
Mấy lúc gần đây, Hội Đồng Giám Mục Đức, dưới sư hướng dẫn của Đức Hồng Y Marx, gây nhiều xôn xao trong dư luận Giáo Hội hoàn cầu, mà gần đây nhất là đề xuất cho phép các người phối ngẫu Thệ Phản của người Công Giáo được rước lễ.



Nhân đề xuất ấy, nhiều nhận định đã được nêu lên. Chúng tôi xin lược thuật 3 nhận định đáng lưu ý của các ký giả John Allen của Crux và Edward Pentin của National Catholic Register, và của linh mục De Souza của Convivium.

Ba chuyện oái oăm

John Allen cho rằng cuộc họp giữa đại diện Hội Đồng Giám Mục Đức và các giới chức cao cấp nhất của Tòa Thánh ngày 3 tháng 5 vừa qua làm nổi bật ba tầm nhìn thông sáng và cũng là ba nghịch lý lớn sau đây:

o Dù Đức Giáo Hoàng hay giáo triều Rôma thực tâm muốn tản quyền, Giáo Hội hoàn cầu vẫn cần Rôma giải quyết nhiều vấn đề.

o Một số vấn đề trong Giáo Hội chỉ có tính biểu tượng ở một phần nào đó trên thế giới, nhưng lại gây tác động lớn nhất ở những phần khác.

o Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ nam bán cầu, nhưng phần lớn các bi kịch nội bộ trong triều giáo hoàng của ngài lại diễn ra quanh đệ nhất thế giới, đặc biệt tại Giáo Hội Đức giầu có và dễ bùng nổ về thần học.

Theo Allen, thực tình, Đức Phanxicô không thích phải lên tiếng về đề xuất của Hội Đồng Giám Mục Đức. Vì năm 2015, khi thăm cộng đồng Luthêrô của người Đức ở Rôma và trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương năm 2106, ngài vốn coi nó là vấn đề của lương tâm cần được xác định trên căn bản từng trường hợp một.

Nói cách khác, Đức Phanxicô, theo Allen, có thể vui lòng để các giám mục địa phương tự quyết định lấy. Thế nhưng ở đây, một số giám mục địa phương lại nhấn mạnh Rôma cần phải cung cấp hướng dẫn.

Điều cũng đáng lưu ý là Vatican không yêu cầu có cuộc họp này và cũng không có định mức đặc biệt nào cho thấy Vatican muốn can dự vào. Thế nhưng, theo Allen, trong thế giới của thế kỷ 21, một thế giới bừa phứa với các phương tiện truyền thông, thì sự phân biệt “địa phương” với “hoàn vũ” hình như đã lỗi thời. Tất cả chúng ta đều biết mọi chuyện xẩy ra bất cứ ở đâu đều tức khắc áp lực Rôma phải phản ứng, bất kể áp lực này phát xuất từ hạ tầng hay từ hàng giáo phẩm... Thành thử điều oái oăm hay nghịch lý đầu tiên là Đức Phanxicô cố gắng trở thành vị giáo hoàng tản quyền trong một thời đại tập quyền cao độ.

Thứ hai, phản ứng của Đức Hồng Y Marx đối với lá thư của 7 đồng nghiệp của ngài cho ta biết khá nhiều điều khi ngài bảo có chi mà rối cả lên vậy, vì việc cho phép các người phối ngẫu Thệ Phản rước lễ khi họ chia sẻ đức tin Công Giáo đối với Phép Thánh Thể và đã nói chuyện với một mục tử vốn là một thực hành đã có ở Đức từ trước, dựa vào luật lệ hiện hành của Giáo Hội và giáo huấn giáo hoàng.

Các giám mục Đức thường trích dẫn văn kiện năm 2003 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucaristia, là văn kiện nói rằng ngoài việc cho phép rước lễ liên phái trong những trường hợp “khẩn cấp trầm trọng”, như nguy tử, nó cũng có thể xẩy ra khi có “nhu cầu thiêng liêng nghiêm túc”.

Những ai quen thuộc với thực tại của Giáo Hội Đức thường vẫn cho rằng phần lớn người Công Giáo và Thệ Phản trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp, dù sao, cũng ít khi tham dự Thánh Lễ, thành thử vấn đề rước lễ liên phái có ai nêu ra đâu. Còn đối với những người nêu vấn đề, và khi người phối ngẫu Thệ Phản khao khát được rước lễ, họ luôn gặp được một mục tử dễ cảm thông và nhờ thế, âm thầm tham dự bí tích một cách êm xuôi.

Đã đành, do di sản Cải Cách và mệnh lệnh Tin Mừng đòi sự hợp nhất, đây là một vấn đề nặng chất văn hóa và thần học, nhưng, theo Allen, bất cứ điều gì xẩy ra hôm thứ Năm đều ít quan trọng xét về mặt thực hành ở Đức.

Có thể nó quan trọng ở những nơi khác trên thế giới, nhất là ở những nơi hôn nhân hỗn hợp là chuyện thông thường hơn. Dĩ nhiên, có sự khác nhau giữa câu “Người Đức làm điều X” và câu “Người Đức nay được phép Đức Giáo Hoàng làm điều X”, khiến cho việc giải thích tại sao các giáo hội địa phương khác không được hưởng cùng sự dễ dãi trở nên khó khăn. Và đây là oái oăm thứ hai: nhượng bộ vì đòi hỏi ở Đức, nếu chấp thuận, có thể gây tác động lớn lao tại các nơi khác.

Thứ ba, thời Đức Phanxicô, một lần nữa, điều đáng lưu ý là Đạo Công Giáo nói tiếng Đức đang hành xử như người đề xuất ý kiến hàng đầu trong các cuộc tranh luận trong nội bộ Giáo Hội.

Nhận định trên đã xuất hiện quanh Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương và vấn đề rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội, trong đó, Đức Hồng Y người Đức Walter Kasper là kiến trúc sư trí thức của đề xuất và Đức Hồng Y người Áo Christoph Schönborn là một trong các nhà giải tích thông hiểu nhất. Rồi đến văn kiện tháng Chín năm 2017, Magnum Principium, một văn kiện chuyển trách nhiệm lãnh đạo trong việc dịch thuật bản văn phụng vụ cho các giám mục địa phương. Đức Hồng Y Marx là một trong những vị ủng hộ động thái này hăng say hơn cả, sau khi các giám mục Đức và Áo khước từ trong 4 năm, không chấp nhận bản dịch mới của Thánh Lễ do Rôma chấp thuận.

Nay, một lần nữa, nghị trình thần học và mục vụ của Giáo Hội nói tiếng Đức đang soi dẫn ngôn từ tranh luận cho triều giáo hoàng Phanxicô, lần này là việc rước lễ liên phái.

Người ngưỡng mộ sẽ cho rằng một số suy tư thần học tinh tế nhất trong mấy thế kỷ gần đây vốn xuất phát từ khu vực nói tiếng Đức, nên điều hoàn toàn thích đáng là các hoa trái của truyền thống ấy đang được hái lượm. Người chỉ trích thường thắc mắc tại sao ơn kêu gọi và tỷ lệ tham dự Thánh Lễ xuống dốc thê thảm lại khiến cho Đức xứng đáng dạy nhiều bài học cho các phần còn lại của thế giới Công Giáo.

Dù theo quan điểm nào, thì đó vẫn là điều oái oăm thứ ba: cho dù dưới một vị giáo hoàng “đệ tam thế giới”, đệ nhất thế giới vẫn khó có thể trở thành bất liên quan.

2. Một trách vụ tế nhị

Ký giả Edward Pentin thì cho rằng cuộc họp ngày 3 tháng 5 “chủ yếu không những vì thực chất vấn đề, mà có thể còn xác định cả quan điểm của Đức Phanxicô về vấn đề này”.

Theo Pentin, không phải chỉ có Đức Hồng Y Woelki thuộc nhóm 7 giáo phẩm viết thư xin Tòa Thánh can thiệp đã tham dự cuộc họp, mà Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg, người được coi là đề xuất chính của lá thư, cũng đã được chính Đức Phanxicô mời tham dự. Ngài vốn là phó chủ tịch của ủy ban tín lý của Hội Đồng Giám Mục Đức và là thành viên duy nhất người Đức của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.



Cũng theo Pentin, phía Toà Thánh được đại diện bởi các giáo chức tất cả đều có cảm tình với quan điểm của 7 vị giáo phẩm Đức viết thư xin sự chỉ đạo của Tòa Thánh.

Còn về Đức Phanxicô, Pentin cho rằng ngài có cảm tình với đề xuất của Hội Đồng Giám Mục Đức vì ngài từng ủng hộ một điều tương tự khi thăm cộng đồng Luthêrô tại Rôma năm 2015 như trên đã nói.

Cho đến nay, Tòa Thánh chưa ra một huấn thị nào về vấn đề rước lễ liên phái trong trường hợp các cuộc hôn nhân hỗn hợp, một tình huống, mà theo Pentin, không có tính “cấp cứu” (emergency) như trong đề xuất của Hội Đồng Giám Mục Đức và là vấn đề tín lý có ảnh hưởng tới Giáo Hội hoàn vũ chứ không phải chỉ liên quan tới một vùng đặc thù.

Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, theo Pentin, cũng được biết là chống đề xuất này và ủng hộ 7 vị giáo phẩm chống đối.

Thành thử, đồng ý với Giáo Sư thần học tín lý Helmut Hoping khi vị này việt trân tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng Đức Phanxicô đang đối diện với “một trách vụ tế nhị” nhất là vì Đức Hồng Y Marx đã nối kết đề xuất này với Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, là tông huấn cho phép những người ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội được rước lễ.

Giáo Sư Hoping kết luận: Phương pháp “khởi diễn các diễn trình” (initiating processes) của Đức Phanxicô mà không bao giờ ra luật lệ cho chúng “có thể đạt tới đường cùng của nó với cuộc tranh chấp của Đức về việc rước lễ”.

3. Các ưu tiên trần thế của các giám mục Đức

Linh Mục Raymond J. de Souza thì cho rằng một trong các khía cạnh phản trực giác của triều giáo hoàng này là dành cho các quan điểm Đức nhiều nhấn mạnh quá.

Đức Phanxicô vốn có tiếng ưu tiên chọn người nghèo, một người của các khu ngoại vi. Thế nhưng, ở tâm điểm triều giáo hoàng của ngài lại là các ưu tiên và nhân viên của giáo hội địa phương có óc trần thế hơn hết trên trái đất, giầu có nhờ thuế nhà thờ của Đức, đang đóng cửa nhiều giáo xứ, và chỉ loay hoay với các vấn đề nội bộ của Giáo Hội.

Theo cha de Souza, không phải tiền bạc đã khiến Giáo Hội định chế ở Đức trở thành trần thế mà là thái độ của nó đối với tiền bạc.

Thực vậy, năm 2012, các giám mục Đức ra lệnh: bất cứ ai rút chân ra khỏi việc trả thuế nhà thờ sẽ không được lãnh nhận các bí tích kể cả lễ cưới và lễ tang.

Thành thử, thực ra, đề xuất hiện nay của các giám mục Đức có nghĩa như sau, theo Cha de Souza: người vợ Thệ Phản của người chồng Công Giáo có thể rước lễ, nhưng ông chồng này sẽ không được rước lễ, nếu không nộp thuế nhà thờ!

Việc nghiêng về quan điểm Đức của Đức Phanxicô, hơn cả chính Đức Bênêđíctô XVI, một người Đức, đã rõ từ Mật Nghị Hội Bầu Giáo Hoàng năm 2013, khi ngài đọc cuốn sách của Đức Hồng Y Walter Kasper về lòng thương xót, và sau đó, hết lời ca ngợi vị Hồng Y này.
Sau đó, trong Niềm Vui Tin Mừng (tháng 11 năm 2013), ngài đã lấy 4 nguyên tắc của Romano Guardini, một người Đức, làm kim chỉ nam cho triều đại ngài: thời gian lớn hơn không gian; hợp nhất thắng thế tranh chấp; thực tại quan trọng hơn ý niệm; toàn bộ lớn hơn từng phần.

Hội đồng 9 Hồng Y có Đức Hồng Y Marx, người Đức, đại diện cho Châu Âu; Hội Đồng Kinh Tế có Đức Hồng Y Marx làm chủ tọa. Rồi Niềm Vui Yêu Thương với “đề xuất Kasper” đã có từ thập niên 1990, cho phép người ly dị tái hôn dân sự rước lễ. Người giải thích thế giá nhất của nó cũng là một giáo phẩm nói tiếng Đức, Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna. Năm 2017, cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở Hội Hiệp Sĩ Malta đã được Đức Phanxicô giải quyết bằng cách đặt sự lãnh đạo của nó trong tay người Đức. Rồi vụ phiên dịch bản văn phụng vụ nữa, như trên đã nhắc.

Cha de Souza nhận định rằng: “bốn mươi năm trước đây, nhà báo Pháp André Frossard viết về những ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng ‘Vị giáo hoàng này không xuất thân từ Ba Lan. Ngài xuất thân từ Galilê’. Ta cũng có thể nói, sau 5 năm, rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiển nhiên là người Châu Mỹ Latinh, nhưng đã xuất thân từ nước Đức”.
 
Phóng sự đặc biệt 50 năm Con đường Tân Dự Tòng
VietCatholic Network
22:52 06/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Bẩy 5 tháng Năm, tại Tor Vergata, ở ngoại ô phía đông Roma, nơi đã từng đón tiếp 2 triệu người trong Ngày Quốc tế Giới trẻ Năm thánh 2000, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 150 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng từ 135 quốc gia trên thế giới về Rôma mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.

Con đường Tân Dự Tòng là một phong trào sống tinh thần Phúc Âm và truyền giáo do ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernandez khởi xướng vào đầu thập niên 1960 ở ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha.

Hiện nay phong trào lan rộng trên thế giới với 21,300 cộng đoàn trong 6,270 giáo xứ, với 1,668 gia đình đang đi truyền giáo. Ngoài ra, Con đường Tân Dự Tòng có 120 đại chủng viện để đào tạo các linh mục truyền giáo.

Hiện diện trong buổi lễ mừng 50 năm này cũng có 10 Hồng Y và 90 Giám Mục từ các nước trên thế giới.

Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi rất vui được gặp anh chị em và nói với anh chị em ngày hôm nay: cảm ơn anh chị em! Tạ ơn Chúa, và cũng cám ơn anh chị em, đặc biệt là cám ơn những người đã thực hiện một hành trình dài để đến đây. Cảm ơn anh chị em vì lời “xin vâng” anh chị em đã nói, cám ơn anh chị em vì đã đón nhận lời mời gọi của Chúa để sống phúc âm và truyền giáo. Và một lời cảm ơn nhiệt thành đến với những người đã bắt đầu con đường Tân Dự Tòng cách đây 50 năm.

Năm mươi là một con số quan trọng trong Kinh Thánh: vào ngày thứ năm mươi, Thánh Thần của Chúa Phục Sinh ngự xuống trên các Tông Đồ và khai mở Giáo Hội cho thế gian. Trước đó, Thiên Chúa đã ban phúc lành cho năm thứ năm mươi “năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá” (Lêvi 25:11). Đó là một năm thánh, trong đó dân được chọn sẽ trải nghiệm lần đầu tiên những thực tại mới, như được giải phóng và được trở về nhà thoát khỏi áp bức: Chúa nói “hãy tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.” (câu 10). Vì thế, sau năm mươi năm của Con Đường, sẽ thật là đẹp nếu mỗi người trong anh chị em có thể nói “Cảm ơn Chúa, bởi vì Chúa đã thực sự giải phóng con; vì con đã thấy Giáo hội là gia đình của mình; bởi vì trong Phép Rửa của anh chị em, những điều cũ đã trôi qua và con tận hưởng một cuộc sống mới” (xem 2 Cor 5: 17); “bởi vì qua Con Đường này Chúa đã chỉ cho con đường lối khám phá tình yêu dịu dàng của Chúa Cha”

Anh chị em thân mến,

Cuối cùng anh chị em sẽ hát kinh “Te Deum tạ ơn tình yêu và lòng trung tín của Chúa”. Điều này thật đẹp: cảm ơn Chúa vì tình yêu và sự trung tín của Chúa. Thường thì chúng ta cảm tạ Chúa vì ân sủng chúng ta nhận được, vì những gì Ngài ban cho chúng ta, và thật tốt khi làm điều này. Nhưng còn đẹp hơn khi tạ ơn Chúa vì những gì Chúa là, vì Chúa là Đấng trung tín trong tình yêu. Lòng tốt của Chúa không phụ thuộc vào chúng ta. Bất kể những gì chúng ta làm, Thiên Chúa tiếp tục yêu thương chúng ta một cách trung tín. Đây là nguồn cậy trông của chúng ta, niềm an ủi lớn lao của cuộc sống. Vì vậy, hãy can đảm, đừng buồn sầu! Và khi những vấn nạn dầy đặc như một đám mây đen vần vũ trong đời ta, hãy nhớ rằng tình yêu trung tín của Thiên Chúa luôn tỏa sáng, giống như mặt trời không bao giờ lặn. Hãy giữ trong ký ức anh chị em sự tốt lành của Ngài, mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì xấu xa; và ký ức ngọt ngào về tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp anh chị em trong bất kỳ sự đau khổ nào.

Vẫn còn một lời cảm ơn quan trọng dành cho những người sắp ra đi truyền giáo. Tôi muốn nói với anh chị em những điều chân thành từ trái tim, đặc biệt là về việc truyền giáo, về việc Phúc Âm hóa, là ưu tiên của Giáo Hội ngày nay. Bởi vì truyền giáo là cất cao tiếng nói cao rao tình yêu trung tín của Thiên Chúa, là loan báo rằng Chúa quan tâm đến chúng ta và sẽ không bao giờ mệt mỏi với tôi, với anh, với chị, với em, với chúng ta và thế giới của chúng ta. Truyền giáo là trao ban những gì chúng ta đã nhận được. Truyền giáo là thực hiện sứ vụ Chúa đã ủy thác cho chúng ta mà tôi muốn suy tư cùng anh chị em: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19).

Hãy đi. Truyền giáo đòi hỏi chúng ta phải ra đi. Nhưng trong cuộc sống, có một sự cám dỗ mạnh mẽ muốn ở lại, hài lòng với mọi sự đều yên ổn. Ở nhà dễ dàng hơn, được bao quanh bởi những người yêu thương chúng ta, nhưng đó không phải là đường lối của Chúa Giêsu. Ngài sai chúng ta đi: “Hãy đi”. Ngài không sử dụng các phương thế nửa vời. Chúa không cho phép chúng ta giản lược các chuyển đổi hoặc thu ngắn các cuộc hành trình, nhưng Ngài nói với các môn đệ mình một từ duy nhất: “Đi!”. Hãy đi là một lời mời gọi mạnh mẽ vang dội trong mọi ngóc ngách của đời sống Kitô; một lời mời rõ ràng hãy cất bước lên đường, hãy là những người hành hương trên thế giới để tìm kiếm những anh chị em chưa biết đến niềm vui trong tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta ra đi thế nào? Cần thiết là chúng ta phải ra đi cách nhẹ nhàng, anh chị em không thể mang theo mọi thứ trong nhà với mình. Kinh Thánh dạy chúng ta điều này: khi Thiên Chúa giải thoát dân được chọn, Ngài khiến họ đi vào sa mạc với hành lý duy nhất là niềm tín thác nơi Ngài. Và Ngài hóa thân làm người, chính Ngài bước vào cảnh nghèo khó không có nơi để gối đầu (x. Lc 9: 58). Ngài yêu cầu cùng một phong cách như thế nơi những ai theo Ngài. Để tiến bước cần thiết là phải ra đi cách nhẹ nhàng. Để công bố Tin Mừng điều cần thiết là phải biết từ bỏ. Chỉ có một Giáo Hội biết từ bỏ thế gian mới có thể công bố Chúa một cách hiệu quả. Chỉ có một Giáo Hội được giải thoát khỏi quyền lực và tiền bạc, thoát khỏi chủ nghĩa vênh vang và chủ nghĩa giáo sĩ trị, mới có thể làm chứng một cách đáng tin cậy rằng Chúa Kitô giải phóng con người, và những người, vì yêu mến Ngài, học cách từ bỏ những cái cũ, thì đón nhận được kho báu vĩ đại này: đó là sự tự do. Họ không còn bị níu kéo bởi của cải riêng mình, là thứ luôn luôn đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ mang lại bình an; và họ cảm thấy trái tim được mở rộng ra, không bồn chồn nữa, và sẵn sàng cho Thiên Chúa và cho anh em chị em mình.

“Đi” là động từ của việc truyền giáo, và nó nói với chúng ta một điều khác nữa: động từ này phải được chia dưới dạng số nhiều. Chúa không nói “Anh đi, rồi tới anh này đi, sau đó tới lượt anh này đi”, [từng người một] mà là “đi với nhau!” Những ai đi một mình không truyền giáo một cách đầy đủ, chỉ những người đi cùng với nhau mới làm được. Đi cùng với nhau luôn là một nghệ thuật chúng ta cần phải học mỗi ngày. Điều cần thiết là chúng ta phải cẩn thận, ví dụ, đừng áp đặt nhịp độ cho người khác. Thay vào đó, chúng ta nên đi cùng và chờ đợi nhau, và nhớ rằng hành trình của người khác không giống với tôi. Cũng như trong cuộc sống, không ai lặp lại chính xác các bước tương tự, trong đức tin và sứ vụ truyền giáo cũng thế: Chúng ta tiến bước với nhau, mà không cô lập chính mình và không áp đặt hướng đi của mình cho người khác, nhưng hiệp nhất, như Giáo Hội, với các Mục Tử, với tất cả anh chị em chúng ta, không vội vã đi trước, và cũng không phàn nàn những ai chậm lụt phía sau. Chúng ta là những người hành hương, được anh chị em mình tháp tùng, và chúng ta tháp tùng anh chị em khác, và thật là tốt khi chúng ta biết tự mình gánh vác sứ vụ truyền giáo, với sự quan tâm và tôn trọng cuộc hành trình của mỗi người và không áp đặt sự phát triển của bất cứ ai, bởi vì sự đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa chỉ trưởng thành trong sự tự do chân thực và chân thành.

Chúa Giêsu Phục Sinh nói: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Sứ vụ truyền giáo là như thế. Người không nói: hãy chinh phạt, chiếm đóng, mà đúng hơn, hãy “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, tức là, chia sẻ với người khác món quà mà chúng ta đã nhận được, là cuộc gặp gỡ với tình yêu đã thay đổi đời ta. Trung tâm của sứ vụ truyền giáo là làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và rằng với Người tình yêu thật sự là điều có thể, tình yêu đó dẫn chúng ta đến sự trao ban cuộc sống mình ở khắp mọi nơi, trong gia đình, tại nơi làm việc, như những người thánh hiến, hay như những người lập gia đình. Truyền giáo là mang vào hàng ngũ các môn đệ những môn đệ mới của Chúa Giêsu. Đó là tìm lại một phần của một Giáo Hội môn đệ. Chắc chắn, Giáo hội là thầy dạy, nhưng Giáo Hội chỉ có thể là thầy dạy nếu trước hết Giáo Hội là môn sinh; cũng như Giáo Hội chỉ có thể là Mẹ nếu trước hết Giáo Hội là con cái. Đây là Mẹ của chúng ta: một Giáo Hội khiêm nhường, con gái của Chúa Cha và là môn đệ của Thầy Chí Thánh, hạnh phúc được làm chị em với nhân loại. Và tính năng động này của tình môn đệ - nghĩa là môn đệ tạo ra các môn đệ mới - hoàn toàn khác với việc chiêu dụ tín đồ.

Đây là sức mạnh của lời công bố, để thế giới có thể tin. Điều đáng kể không phải là những lý lẽ đầy thuyết phục, nhưng chính là cuộc sống thu hút; không phải là khả năng áp đặt, mà là lòng can đảm để phục vụ. Và anh chị em có trong “DNA” của anh chị em ơn gọi này để công bố, trong khi sống trong bối cảnh gia đình, theo tấm gương của Thánh Gia Thất nghĩa là trong sự khiêm tốn, giản dị, và trong lời khen ngợi Chúa. Anh chị em mang bầu không khí gia đình này vào rất nhiều nơi hoang liêu và không được quan tâm đến. Hãy để mình được gọi là anh chị em của Chúa Giêsu. Hãy gọi mọi người là anh chị em của mình và hãy là bằng hữu của tất cả mọi người.

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Và khi Chúa Giêsu dùng từ mọi người, Ngài dường như muốn nhấn mạnh rằng trong lòng Ngài có chỗ cho muôn dân. Không ai bị loại trừ. Là con của cùng một một người cha và một người mẹ, cho dù họ đông đảo, nhiều hay ít, họ yêu nhau với tất cả trái tim của họ. Bởi vì tình yêu, khi trao ban chính mình, không nhỏ đi, nhưng lớn lên. Và nó luôn luôn tràn trề hy vọng. Như cha mẹ, những người không chú trọng đến những khiếm khuyết và yếu điểm con cái của họ, chỉ biết đó là con mình, các thừa sai cũng hành xử như thế với dân được Chúa yêu thương. Họ không làm nổi bật những khía cạnh tiêu cực và những điều phải thay đổi, nhưng thay vào đó họ “nhìn với con tim”, với một ánh mắt trân trọng, với một sự tiếp cận tôn trọng, một sự tin tưởng nhẫn nại. Hãy đi và làm như thế trong sứ vụ truyền giáo của anh chị em, trong khi suy nghĩ như đang “chơi ở nhà”. Bởi vì Chúa ở nhà với mọi dân tộc và Thần Khí Chúa đã gieo ngay cả trước khi anh chị em đến. Và, khi nghĩ đến Cha chúng ta, Đấng yêu mến thế gian quá đỗi (x Ga 3: 16), anh chị em hãy đam mê nhân loại, và hãy là các cộng tác viên đem lại niềm vui cho mọi người (x 2 Cor 1: 24), hãy nói như người có thẩm quyền vì anh chị em ở gần đó, và lắng nghe bởi vì anh chị em gần gũi với họ. Hãy yêu các nền văn hóa và truyền thống của các dân tộc, mà không áp đặt các mô hình từ những định kiến. Đừng bắt đầu với những lý thuyết và những lề lối tư duy cố định, nhưng từ những tình huống cụ thể: như thế Thần Khí Chúa sẽ hình thành nên việc công bố đúng thời điểm và đúng đường lối của Ngài. Và Giáo Hội sẽ phát triển theo hình ảnh của Ngài: là hiệp nhất trong sự đa dạng của các dân tộc, các ân sủng, và đặc sủng.

Anh chị em thân mến,

Đặc sủng của anh chị em là một món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho Giáo Hội trong thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì năm mươi năm này. Một tràng pháo tay cho năm mươi năm! Và khi chiêm ngắm sự trung tín hiền phụ, huynh đệ và yêu thương của Người, đừng bao giờ mất niềm tin: Người sẽ bảo vệ anh chị em, theo dõi anh chị em khi anh chị em ra đi, như các môn đệ thân yêu của Ngài, để đến với tất cả các dân tộc, với một lòng sự khiêm nhu giản dị. Tôi tháp tùng anh chị em và khuyến khích anh chị em: hãy tiếp tục! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, khi tôi ở lại đây!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh Mục linh hướng mới của liên giáo phận Münster và Osnabrück , Đức Quốc
Trầm Hương Thơ
09:54 06/05/2018
Hôm nay thứ bảy 05.05.2018 đông đảo Giáo Dân trong vùng liên Giáo Phận Münster và Osnabrück đã tựu về thánh đường thánh Giuse Làng St. Arnold Neuenkirchen trong hân hoan mừng đón Lm. Linh Hướng mới.

Tin vui đã đến với liên Giáo Phận Münster & Osnabrück khá bất ngờ vì chỉ vài tuần trước đây Tòa Giám Mục mới gởi thơ thông tin cho giáo dân Việt Nam biết. Lm Phêrô Nguyễn Quân thuộc tỉnh dòng Ngôi Lời Thụy Sỹ qua sự liên lạc của cha bề trên Giám tỉnh dòng Ngôi Lời Bắc Đức đã được Đức Giám Mục chính tòa Giáo Phận Münster Dr. Filix Genn bổ nhiệm kể từ ngày

Xem Hình

Như vậy sau sáu tháng giáo dân chờ đợi một vị Linh mục Linh Hướng mới cho vùng tây bắc Đức đã được đáp ứng, vì vị Lm. Linh Hướng cũ đã chấm dứt công việc mục vụ cho vùng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2017 sau gần 24 năm.

Đức Giám Mục Phụ Tá Dieter Geelings đã về để chủ tọa thánh lễ nhận nhiệm sở mới của Lm. Phêrô Nguyễn Quân hôm nay. Đồng tế với ngài còn có Lm. bề trên Giám Tỉnh dòng Ngôi Lời Bắc Đức và 4 linh mục anh em truyền giáo cùng dòng gồm 3 Lm. Việt Nam và một Lm. Phi Châu, cũng như Lm. người Đức chánh xứ thánh Giuse sở tại Sankt Arnold- Neuenkichen.

Sau khi các đoàn thể đón rước Đức Giám Mục cùng Lm. tân Linh Hướng và đoàn đồng tế tiến vào thánh đường lên cung thánh hôn chào bàn thờ Chúa xong, Đức Giám Mục Phụ Tá Dieter Geelings chào mừng qúy Tu Sỹ và mọi người, ngài cũng long trọng tuyên bố thay mặt Đức Giám Mục chính tòa giới thiệu cha Phêrô Nguyễn Quân với mọi người và trao "bài sai" sứ vụ mới cho Lm. Phêrô Nguyễn Quân. Nghi thức diễn ra rất long trọng và cảm động, từng câu hỏi ngài đọc lên và hỏi Lm. Tân Linh hướng có sẵn sàng đón nhận để phục vụ Cộng đồng dân Chúa hay không? Mỗi câu hỏi đều được Tân Linh Hướng thưa sẵn sàng xin vâng trong ơn Chúa. Đức Giám Mục tuyến bố như vậy kể từ hôm nay trước đông đủ Cộng đồng dân Chúa ngài trao chiếc chìa khóa cho Lm. tân Linh Hướng và dẫn ngài lên để mở cửa Nhà Tạm.

- Ông Gioa Kim Nguyễn Bá Tiên cựu chủ tịch và đồng thời cũng là chủ tịch Lâm Thời của Cộng Đồng các Thánh tử Đạo Việt Nam liên Giáo Phận Münster & Osnabrück thay mặt mọi người tiến lên cung thánh đọc diễn văn và vui mừng chào đón Lm. Tân Linh Hướng của LGP. vùng tây bắc Đức.

Linh mục Phêrô Nguyễn Quân cũng có đôi lời đáp từ gởi đến toàn thể giáo dân ngắn gọn nhưng rất tâm tình xin mọi người cùng cầu nguyện và hy sinh cộng tác đoàn kết trong yêu thương để xây dựng một Cộng đồng tốt đẹp trong tương lai. Ngài cũng hứa sẽ cố gắng để phục vụ Cộng Đồng hết khả năng của mình theo chân Chúa Giêsu.

Trong bài giảng Đức Giám Mục nhấn mạnh đến bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay: "Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau."(Ga.15.17) tình yêu thương gắn bó mật thiết với nhau trong Đức Kitô. Trong tình yêu không chỉ là nói suông, không chỉ là nghe, không chỉ là nhìn và cảm nhận nhưng còn phải là hành động nữa. Chúng ta phải làm sao để gắn kết mật thiết với Đức Kitô trong tình yêu của Ngài và chỉ có trong Ngài chúng ta mới có thể sống dồi dào được mà thôi, mới sinh hoa kết trái tốt tươi như lời truyền của Thầy Giêsu:"Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau."(Ga.15.17)

-Những lời nguyện xin của giáo dân dâng lên Thiên Chúa: Cầu nguyện cho thế giới được hòa bình.

- Cho Đức Giáo Hoàng và phẩm trật Giáo Hội luôn tràn đầy ơn Chúa Thánh Linh để đi đúng theo bước chân của Thầy Giêsu.

- Cho Lm. Tân Linh Hướng và toàn vùng được ơn Chúa Thánh Thần để biết yêu thương nhau xây dựng một Cộng đồng mới tốt lành hơn.

- Cuối thánh lễ cha bề trên Giám Tỉnh dòng Ngôi Lời, có đôi lời chúc mừng và nhắn nhủ với Lm. Phêrô Nguyễn Quân, ngài cũng mong rằng sự đoàn kết của Giáo Dân sẽ tạo ra một cộng đoàn tốt đẹp hơn. Ngài hy vọng rằng nhiều người sẽ cộng tác và luôn đứng bên để đồng hành cùng cha Phêrô Nguyễn Quân trong công việc mới.

- Cha chánh xứ thánh Giuse cũng có lời chúc mừng và vui mừng đón cha Phêrô Nguyễn Quân cùng cộng tác và Giáo xứ luôn mở rộng vòng tay đón chào cha.

- Đại diện chính quyền sở tại Neuenkichen cũng có lời chào mừng và trao qùa đến Tân Linh Hướng.

- Bốn em bé Việt Nam trong Quốc Phục tiến lên thay mặt Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Liên Giáo Phận lên trao tặng hoa đến Đức Giám Mục, cha giám tỉnh cha chánh Xứ cũng như Lm. Phêrô Nguyễn Quân Tân Linh Hướng.

Hôm nay đang trong tháng năm, tháng mùa xuân bừng lên sức sống, mà Giáo hội dùng để kính Đức Mẹ mà chúng ta còn gọi là tháng hoa. Các em bé cũng có vũ khúc dâng hoa tiến lên Đức Mẹ Maria.

Tháng hoa bừng nở trong lòng

Tháng hoa phơi phới thong dong tiến đều

Tháng hoa chim nhỏ hót yêu

Tháng hoa hợp nguyện sớm chiều cùng nhau

Tháng hoa kính Mẹ muôn màu

Tháng hoa muôn sắc sang giàu cao sang

Tháng hoa như cõi địa đàng

Tháng hoa chuông gióng ngân vang cõi trời

Tháng hoa Mẹ đẹp nhất đời

Tháng hoa chuỗi hạt tuyệt vời Mẹ yêu

Tháng hoa ngắm Mẹ diễm kiều

Tháng hoa kinh sáng, kinh chiều nở hoa

Tháng hoa tươi sáng mở ra

Tháng hoa khắp cả gần xa vang lừng

Tháng hoa vũ trụ tỉnh bừng

Tháng hoa gẫm sự "VUI, MỪNG, SÁNG, THƯƠNG

Thánh lễ hôm nay thật tốt đẹp ngoài những Giáo Dân trong cộng đồng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam còn có những quan khách đến từ xa. Đại diện cho Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức có bà ông chủ tịch và phó chủ tịch nội vụ. Ban Tư Vấn , đại diện các vùng lân cận. v.v... Cảm ơn ca đoàn và đội giúp lễ hôm nay rất đông đủ và thật sốt sắng tốt đẹp.

Sau phần thánh lễ kèo dài hai tiếng mọi người cùng nhau trở về TTMV hội trường để cùng chung vui tiệc mừng với tân Linh Hướng và cộng đồng Các Thánh Tử Đạo Münster và Osnabrück. Có sự hiện hiện của ĐGM. và quan khách Đức- Việt.

Buổi tiệc mừng và văn nghệ kéo dài như bất tận. Cảm ơn ban ẩm thực hôm nay thật xuất sắc, mọi người hưởng ứng rất nhiệt tình với những món ăn ngon và hấp dẫn. Tiệc mừng kéo dài đến 18 giờ mới chấm dứt mọi người cùng dọn dẹp trong hân hoan, đó là những bàn tay đẹp đang xây dựng cho một tình đoàn kết của Cộng đồng mong rằng tương lai sẽ luôn được tốt đẹp và hạnh phúc như ngày hôm nay, thật đúng là:

"Hồng ân Thiên Chúa bao la

Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài."

Trầm Hương Thơ

 
Cây đại thụ của GHVN cha cố Nguyễn Châu Hải về với Chúa ơ tuổi 102
Gioan Lê Quang Vinh
10:04 06/05/2018
Hiếm có ai, dù là nhà văn, có đủ tài lực để viết về một cây đại thụ với đầy đủ chi tiết và bóng cả của cây. Tôi chẳng là gì để có thể viết về một cây đại thụ trong Giáo Hội Việt Nam và trong lòng rất nhiều giáo dân là Cha Phêrô Nguyễn Châu Hải, Dòng Thánh Thể. Nhưng với tư cách là một kẻ hậu sinh có chút duyên may được tiếp xúc và được nghe nhiều về ngài, tôi thấy mình có bổn phận phải ghi lại đôi điều về vị linh mục khả kính.

Cha Cố Phêrô vừa được Chúa gọi về ở tuổi đại thọ 102, với 72 năm linh mục. Thật là trường hợp hiếm hoi đáng quý trong Giáo Hội. Cách đây hơn hai năm, vào ngày 16 tháng 1 năm 2016, Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam và linh tông, huyết tộc Cha Cố Phêrô Nguyễn Châu Hải đã dâng Thánh Lễ tạ ơn, mừng Cha Cố dịp Kim Cương Linh Mục (70 năm Linh Mục, 1946-2016), và Bách Niên Thượng Thọ 100 tuổi của ngài (1916 – 2016).

Từ ngày còn bé, tôi đã được đọc cuốn Thánh Juliano Eymard, Tông Đồ Thánh Thể của Cha Cố Phêrô. Cuốn này khi được tái bản nhân bách niên thượng thọ và 70 năm Linh Mục của tác giả, đã được đổi thành Thánh Phêrô Giulianô Eymard (Giulianô viết theo phiên âm Việt). Ở phần đầu chương I, tác giả trích lời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII: “Trong các vị tôn sùng phép Thánh Thể, chân phúc (sau đó là Thánh) Eymard đứng hàng đầu”. Nhìn vào cuộc đời của Cha Cố Phêrô, ai trong chúng ta cũng thấy Cha Cố đã noi theo tấm gương mà chính ngài đã viết thành sách từ rất lâu.

Ngày xưa có lần Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi kể cho tôi nghe một câu chuyện nhỏ mà chắc ít ai biết. Một lần người ta mời Đức Cha Phêrô đến gặp, họ đưa cho Đức Cha tấm ảnh cũ của một linh mục trẻ, đội mũ kiểu tự vệ Bùi Chu và hỏi “Ông biết đây là ai không?” Đức Cha bảo ngài là linh mục giáo phận tôi ở Bùi Chu và nay ở Đà nẵng sao tôi lại không biết. Nghe chuyện này, tôi càng thêm quý mến Cha Phêrô Nguyễn Châu Hải. Quý mến vì lý do gì thì không nói ra, mọi người vẫn có thể đoán được.

Duyên may tôi được ở gần ngài một thời gian. Dạo ấy đang gặp đủ thứ khó khăn, tôi đến ở với gia đình một người bạn thân. Anh ấy là chủng sinh lúc đó không được đi học nên phải về ở với gia đình ông bà cố, đồng thời làm thầy giúp cho Cha xứ là Cha Cố Phêrô. Lúc đó tôi cũng hay ra vào thăm Cha xứ và giúp ngài một chút xíu mỗi khi ngài nhờ. Sau này anh bạn thân của tôi làm linh mục, khi nào có dịp vào Sàigòn cha ấy và tôi cũng hẹn gặp nhau, chúng tôi cũng nhắc về thời ấy có Cha Cố Phêrô.

Có lần rảnh rỗi Cha Cố Phêrô kể cho tôi nghe một số chuyện vừa bi vừa hài. Những mẩu chuyện ấy cứ theo tôi mãi về sau này, và hễ có dịp là nhớ lại ngay. Chẳng hạn ngài kể tôi nghe rằng họ mời ngài ra hỏi chuyện. Một tay công an trẻ “phỏng vấn” ngài. Ngài vừa nghe vừa nhắm mắt. Thế là anh kia đập bàn quát to: “Ông Hải, tôi đang nói mà ông ngủ à?” Ngài từ tốn bào anh ta: “Này anh, thứ nhất là tôi nhắm mắt mà vẫn nghe rõ, thứ hai, anh chỉ đáng tuổi cháu nội tôi, sao anh lại đập bàn quát tháo với tôi?”. Và anh ta im lặng.

Ngài cũng kể chuyện này. Năm đó ủy ban đoàn kết yêu nước cả nước có cuộc họp và họ yêu cầu ngài cho treo cờ đỏ trước cổng nhà thờ. Ngài không treo. Họ hỏi tại sao thì ngài bảo họ: “Cờ ấy là cờ của nước, mấy ông đó chỉ là một nhóm người thôi, họp hành trong nhóm thì tại sao chúng ta lại phải treo cờ của nước?”.

Còn một số những mẩu chuyện nho nhỏ như thế ngài kể cách từ tốn, như tâm sự với một đứa cháu. Tôi lắng nghe ngài lúc ấy với sự thích thú của cậu trai mới lớn nghe những chuyện thần kỳ của một người cha, người ông can đảm. Nhưng bây giờ kể lại, tôi nhận ra rằng Cha Cố Phêrô hẳn phải có một đời sống nội tâm thật sâu xa, một lòng yêu mến Chúa kiên trung và một niềm hy vọng lớn lao thì ngài mới can đảm, bình tĩnh và ung dung tự tại như thế.

Dĩ nhiên những chuyện đó chưa là gì so với đời sống nội tâm sâu sắc và đời sống đạo đức rất rõ ràng của ngài.

Vâng, đúng như thế. Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam làm chứng về Cha Bác Phêrô của ngài như sau: “Say mê bí tích Thánh Thể, ngài gia nhập Dòng Thánh Thể và sống ơn gọi Thánh Thể suốt cả cuộc đời. Cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể, Cha Cố luôn sống trung tín ơn gọi trong mọi tình huống và với mọi người. Lòng mến luôn là nguyên tắc căn bản ngài sử dụng trong các cuộc phân định lương tâm”.

Cha Cố Phêrô trong 102 năm làm con Chúa ở trần gian và 72 năm Linh Mục đã đóng góp rất nhiều và rất ý nghĩa cho Giáo Hội tại Việt Nam qua rất nhiều vai trò quan trọng mà ngài đã đảm nhận: Linh giám trường Thầy Giảng Bùi Chu, cha phó và chánh xứ nhiều giáo xứ khác nhau, tuyên úy Lưu động Khu chiến Bùi Chu, tuyên úy các Hội đoàn, trại giam, bệnh viện, giáo sư và linh hướng các Tiểu chủng viện và Đại chủng viện tại Sàigòn, Qui nhơn, Đà nẵng…

Một cuộc đời đi qua để lại quá nhiều dấu ấn trên đất nước này từ Bắc chí Nam, trong Giáo Hội Việt nam qua rất nhiều thời kỳ lịch sử và trong lòng con cái, học trò và thậm chí trong lòng những ai ghét Giáo Hội. Tôi tự hỏi điều gì đã làm nên một cây đại thụ vững vàng qua giông bão như thế?

Trước đây, khi tôi xin phỏng vấn Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành cho Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic, Cha Vinh sơn nói:

“Tôi xin đưa ra một số vụ việc để minh chứng nhận định: Ai gần Cha Cố đều thấy, Cha Cố trung thành và miệt mài với Bí tích Thánh Thể, ngay bây giờ, tuổi già sức yếu, Cha Cố vẫn đắm chìm trong các giờ kính Thánh Thể.

Năm 75, khi Đà Nẵng đang tao loạn, chúng tôi rất lo ngại cho Cha Cố, chúng tôi liên lạc xin Cha Cố vào Nam, thời gian sau nhận được thư của Cha Cố, một lá thư rất dài, viết tay, kể lại những sự việc đang xảy ra ở Đà nẵng, đặc biệt là những đau thương mà mọi người đang gánh chịu, cuối thư Cha Cố viết. “Bác không vào Nam đâu, bác phải ở lại với người dân ngoài này, sợ rằng khi vào Nam sống nhờ anh em linh mục khác, con vi trùng nhàn rỗi sẽ đục khoét tim phổi bác”. Chúng tôi biết Cha Cố chọn đàn chiên và sống chết với đàn chiên. Mọi người khi ấy chỉ biết bùi ngùi cầu nguyện cho Cha Cố.

Câu nói cửa miệng của Cha Cố như là một xác tín cuộc đời “Mục đích của Chúa là hạnh phúc của chúng ta”.

Có lẽ nhờ những đức tính trên, đó là cách cộng tác với ơn Chúa, Cha Cố đã đi qua bao gian nan vất vả của cuộc đời và sứ vụ cho đến ngày hôm nay”.

Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, con linh hướng của Cha Cố, đã nói về ngài trong bài giảng Lễ mừng Cha Cố 70 năm Linh mục như sau:

“Ngài đã đáp lại ơn huệ và tình thương Chúa bằng việc sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Ngài là một tu sĩ dòng Thánh Thể, nên rất gắn bó với việc tôn sùng Bí tích này. Tôi còn nhớ thời ngài làm tuyên úy cho dòng Thánh Phaolô Đà nẵng, mỗi lần đi thăm cha, tôi thường thấy ngài ngồi một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, với cung cách tôn thờ trầm lặng, đầu gục xuống, lãng quên thời gian. Gặp ngài, tôi thấy như ngài từ một thế giới khác trở về trần thế. Tôi tin rằng ngài đã kín múc sức mạnh nội tâm, ơn thánh nhờ những giờ phút kết hiệp với Chúa để vượt qua những khó khăn và giúp lại cho người khác. Cầu nguyện là lương thực của ngài, như cha Phạm Trung Thành cho biết Cha Cố dạy đừng đưa ra giải pháp cho một vấn đề khó khăn nếu tiên vàn chưa cầu nguyện và suy nghĩ”.

Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long cũng kể lại một chuyện riêng tư mà tôi thấy rất ý nghĩa. Vì là chuyện riêng của ngài với Cha Linh hướng là Cha cố Phêrô nên tôi e dè chưa dám kể, và vì thế tôi gọi điện thoại đề xin ý kiến Đức Cha Anphong khi viết đến đoạn này. Đức Cha bảo là cứ kể ra đề cho mọi người thấy vai trò quan trọng của Cha Linh hướng trong việc phân định ơn gọi.

Đức Cha Anphong đã nói: “Tôi không ngại kể một câu chuyện cá nhân rằng trong thời chủng sinh, tôi gặp một khủng hoảng về ơn gọi, những tưởng sẽ chuyển hướng. Khi tôi trình bày sự việc với ngài, ngài dạy tôi không được quyết định gì ngay, vì tôi như đang đi trong cơn bão tố mịt mù, không biết phương hướng đâu, và phải cầu nguyện nhiều. Thế rồi với thời gian, giông tố tan, tôi tìm lại an bình và tiếp tục đi. Hôm tôi dâng lễ tạ ơn sau khi chịu chức giám mục, ngài đến dự và còn dí dỏm bảo tôi: “Nếu hồi ấy mà cha không cương quyết thì đã không có cha Long, và hôm nay giám mục Long rồi!”

Đức Cha Anphong kết luận: “Ôi tôi rất biết ơn cha đã khôn ngoan linh hướng cho tôi”. Rõ ràng một vị linh hướng khôn ngoan và nhân đức có ảnh hưởng sâu xa đến con thiêng liêng của mình như thế nào.

Cha Cố Phêrô còn để lại một kho sách đồ sộ do chính ngài là tác giả, trong đó phải kể đến loại sách tu đức bình dân, giúp ích cho rất nhiều tâm hồn, như Suy niệm Lời Chúa trước Thánh Thể, Dẫn vào Tu đức, Sơ lược truyện Đấng Cứu Thế, Sống Tuần Thánh, Tháng Thánh Tâm, Tháng Đức Mẹ, Tháng Thánh Giuse v.v… Ngoài ra, ngài còn viết những câu chuyện có thật trong đời thường, giúp người ta sống đạo có ý nghĩa, như chuyện về Thánh Juliano Eymard, truyện cô Eve Lavallière, Tiểu Mai, Khăn liệm thành Turin. Ngài cũng viết về nguồn gốc gia đình, những chứng từ về ơn gọi bản thân và cả những câu chuyện riêng tư của gia tộc để lại cho con cháu.

Người xưa có câu “Nhân di tử kim mãn doanh, bất nhược ngã di tử nhất kinh” (Người ta để lại cho con cái một rương đầy vàng, không bằng ta để lại cho con một cuốn sách). Vậy phải nói gì đây khi Cha Cố Phêrô để lại cho con cái ngài một kho tàng sách do chính ngài viết?

Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành cũng đã từng nói về Cha Cố Phêrô:

“Không phải tôi nói nhưng rất nhiều linh mục và cả giám mục là học trò, là con cái của Cha Cố nói. Cha Cố đã thành công trong cuộc đời linh mục của Cha Cố, không phải vì xây được nhà thờ to, làm ra những công trình vĩ đại hay tung hoành ngang dọc cho sứ vụ, nhưng Cha Cố đã thành công vì có cả một cuộc đời sống khiêm tốn, trung tín và gương mẫu. Cả một đời hy sinh tận tụy cho các linh hồn”.

Một nét khác mà Cha Cố đã sống nổi bật trong đời ngài, đó là sống tình nghĩa gia đình. Trên mạng xã hội, người ta có thể xem clip Cha Cố về thăm người em gái là Bà Cố Anna. Hai anh em đã cao niên ngồi bên nhau, cùng hát lời chúc tụng Chúa. Một gia đình cùng quây quần ca ngợi Thiên Chúa là gia đình tuyệt vời nhất, không tình nghĩa nào, hạnh phúc nào sánh ví được.

Xin được kết thúc bài viết này bằng lời Đức Cha Anphong trong bài giảng hai năm trước:

“Bây giờ hướng về tương lai, chúng ta đều biết nay Cha Cố đã già, mà theo qui luật tự nhiên, mọi người rồi sẽ phải có lúc kết thúc cuộc sống dương gian để về với Chúa. Không biết lúc nào giây phút này sẽ đến với Cha Cố, cũng như với mỗi người chúng ta. Chúng ta không nhìn biến cố này với sự bi quan chán nản như người không có niềm tin, vì biết rằng đó là điều kiện để được kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Chúng ta đón nhận biến cố này với niềm vui, lòng tin tưởng và phó thác, như tâm tình mà thánh Phaolô đã gửi gắm cho môn đệ Timôthê trong bài đọc II: “Sắp đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Thánh lễ Đại trào Bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang III tại Tổng Giáo phận Melbourne
Trần Văn Minh hình Lê Hải
18:41 06/05/2018
Melbourne, 6/5/18. Sau hai ngày sinh hoạt với nhiều hồng ân của Đức Mẹ La Vang. Thánh lễ Đồng tế đại trào đã bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang kỳ III, vào lúc 4:30 chiều, tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam Hoan Thiện, đại hội thành công thật tốt đẹp, kết thúc hai ngày đại hội thật ý nghĩa đã mang lại những thành quả thật tuyệt vời, sau nhiều ngày mong đợi, làm nức lòng những người tổ chức và tham dự.

Hình Lê Hải



Xem hình



Thánh lễ đồng tế đại trào do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế, cùng với Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long và 25 linh mục Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne đồng tế. Đặc biệt có sự hiện diện của Linh mục Bart Huỳnh San cựu quản nhiệm Cộng đoàn Hoan Thiện và cũng là người có nhiều công sức để tổ chức và xây dựng Trung tâm Hoan Thiện hôm nay.

Với hơn năm ngàn người hiện diện dâng lễ bế mạc. Liên Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Cộng đồng với gần 200 ca viên đã thể hiện xuất sắc các bài thánh ca thật tuyệt vời, nhất là những bài thánh ca về Mẹ Maria, đã nâng tâm hồn mọi người lên cùng Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, Mẹ của mọi người Việt Nam.

Trong bài giảng, Linh mục Hoàng Kim Huy, thay mặt ban tuyên úy cộng đồng đã xoay quanh bài Tin mừng nói về yêu thương, Chúa dậy các tông đồ về sự yêu thương. Chưa đủ, Chúa còn hạ mình coi các môn đệ là bạn hữu và để các môn đệ biết yêu thương nhau. Cộng đồng chúng ta mỗi ngày một lớn mạnh cũng nhờ vào yêu thương. Hiên nay, cộng đồng đã có tới 16 cộng đoàn. Chúng ta sống đoàn kết yêu thương, nhìn cộng đồng hôm nay về đại hội đông đảo nói lên tình hiệp nhất của mọi người, và chúng ta sẽ có một Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang làm ngôi nhà chung cho Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne.

Sau bài cám ơn của ông Nguyễn Ngọc Trúc, cám ơn quý Đức Cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, cộng đồng dân Chúa, các ban ngành, đoàn thể, các anh chị em thiện nguyện viên đã hết lòng phục vụ cho đại hội. Cám ơn công ty dựng nhà dã chiến, Bằng Uyên âm thanh ánh sáng, nhà quay phim Yến. Ban trật tự, ban ẩm thực, những vị mạnh thường quân, quý cộng đoàn và nhất là quý cha quản nhiệm Trung tâm Công Giáo Việt Nam Hoan Thiện và ban mục vụ đã giúp cho phép ban tổ chức được sử dụng trung tâm để tổ chức đại hội.

Sau khi tiếng trống kết thúc đại hội. Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế nói lời cám ơn đến cộng đồng, Ngài ban phép lành cuối lễ, và chụp hình lưu niệm cùng quý cha, ban tổ chức và liên ca đoàn. Đại Hội Thánh Mẫu La Vang kỳ III đã kết thúc. Mọi người ra về trong hân hoan và tràn ngập niềm vui vì được hưởng những ngày đại hội với nhiều ân sủng qua lời Chúa.

Như đã hứa trong bài về lễ khai mạc. Hôm nay, nhân dịp lễ bế mạc, chúng tôi xin tường trình chi tiết hơn để quý độc giả cùng tham dự đại hội với nhóm phóng viên của Vietcatholic và Nguyệt San dân Chúa. Với một ngày thời tiết không thể đẹp hơn như một phép mầu, vì thời tiết mấy ngày trước đó đều có mưa, những vũng nước nhỏ còn đọng trên sân đã làm cho ban tổ chức rất lo lắng, và chỉ còn biết cậy trông, phó thác nơi Mẹ.

Ngoài cổng vào, Ban tổ chức đã trang trí thật đẹp cho xứng với đại hội, Cổng chính với Tượng Đức Mẹ La Vang và ảnh 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cờ được treo suốt chiều dài theo bức tường cao của trung tâm và các băng rôn của chủ đề đại hội và bảng chào mừng quan khách nơi cổng chính. Ban trật tự rất nhiệt tình và hiếu khách đã đón các xe đi vào trung tâm và hướng dẫn hằng trăm xe được phép ra, vào đậu và cho hằng mấy ngàn lượt người băng qua đường lớn để từ khu đậu xe ở bên sân đối diện trung tâm, đến trung tâm và ngược lại thật trật tự và an toàn.

Ban ầm thực với thức ăn nhẹ và bữa ăn chính cho hàng ngàn người cùng nước uống cũng đã sẵn sàng. Mấy khu nhà bạt kiên cố làm nơi trú mưa, tránh nắng đã được dựng xong. Bên cạnh lễ đài là bàn thờ nơi đặt kiệu Đức Mẹ với bức phông lớn có hình gióng như khu lễ đài La Vang phỏng theo khu lễ đài tại Linh địa La Vang nơi quê nhà. Tượng Đức Mẹ La Vang đứng trên kiệu sơn son, thiếp vàng được an vị trong hai ngày đại hội, trìu mến nhìn đoàn con khắp nơi về cùng Me La Vang để tìm về nguồn gốc Việt như chủ đề của đại hội.

Cũng như hai lần đại hội trước, âm thanh và ánh sáng của công ty Bằng Uyên giúp đỡ thật nhiệt tình để điều khiển hệ thống âm thanh cũng rất tuyệt vời và điêu luyện, chuyên nghiệp. Chuyên viên thu hình Yến cũng giúp truyền tải hình ảnh lên các màn hình lớn để mọi người dễ dàng hiệp ý.

Ban Truyền thông của Cộng đoàn Hoan Thiện đã hoạt động rất tích cực, với đội ngũ phóng viên thu hình ảnh, các xướng ngôn viên duyên dáng đi phỏng vấn, khu phòng làm việc với đầy đủ máy móc làm việc cập nhật thông tin nhanh chóng, và đặc biệt tạo mọi thuận lợi cho các cơ quan truyền thông bạn đến lấy tin cũng có thể sử dụng mọi phương tiện sẵn có, nhất là đội ngũ phóng viên của Vietcatholic và Nguyệt San dân Chúa. Các gian hàng bán hàng lưu niệm như khăn quàng có logo của đại hội cho mọi người mua ủng hộ và làm quà lưu niệm. Một ban MC thật hùng hậu và chuyên nghiệp để giới thiệu các diễn giả cùng các phần diễn nguyện, và các động tác giúp mọi người thư giãn khi phải ngồi lâu để máu huyết dễ dàng lưu thông.

Ban tổ chức cũng rất quan tâm đến các gia đình có các con nhỏ đến đại hội nên đã không quên tạo khu vui chơi cho các em, để các em cũng có niềm vui khi đến với đại hội trong hai ngày.

Đại hội năm nay, theo chủ đề: Về bên Mẹ La Vang trở về cội nguồn Việt, nên mọi thành viên trong ban tổ chức đều mặc áo dài, khăn đóng, các vị nam cũng đa dạng màu sắc, xanh đen, vàng có thêu hoa văn, và trắng cho các vị nam trong liên ca đoàn, còn quý bà thì những tà áo dài đủ màu sắc phất phới theo gió nhẹ, các bộ đồng phục tươi sáng của các đoàn thể và riêng đội dâng hoa có hai mầu chủ đạo của mầu cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa. Mầu sắc thật đa dang còn được tăng thêm khi Hội Mân Côi Vinh Sơn Liêm kết bóng bay thành những cỗ tràng hạt và hằng trăm trái bóng mầu, sau đó được hai Đức cha và quý cha cùng cộng đồng thả bay lên trời sau lời nguyện của Linh mục Trần Ngọc Tân trong ban tuyên úy cộng đồng.

Có hai đội trống, một đội của các vị lớn tuổi với đồng phục lính thú đi rước, và một đội toàn trống lớn do các em phụ trách dùng để khai mạc và kết thúc đại hội. Hai vị thuyết giảng chính là Đức Cha Vũ Văn Thiên Giám mục Giáo phận Hải phòng, được ban tổ chức vui mừng giới thiệu Ngài như thay mặt cho Hội đồng Giám mục Việt Nam để thăm đoàn chiên xa quê hương, và vị thứ hai là Soeur Nguyễn Thị Hồng Quế Dòng Đa Minh Việt Nam. Với chủ đề về Đức Mẹ và Gia đình. Thêm quý Cha Phạm Minh Ước, Nguyễn Hữu Quảng giảng cho nhóm quý cụ cao niên. Đức Cha Thiên và Linh mục Đinh Thanh Bình giảng cho giới trung niên. Linh mục Nguyễn Tuấn Anh giảng cho giới thanh thiếu niên và Linh mục Đặng Nhật Trường giảng cho giới thiếu nhi.

Phần văn nghệ thật đa dạng và được sự đóng góp của các hội đoàn: Legio, Cusillo, Ca đoàn Vô nhiễm, Giới trẻ, Thiếu niên Salesian, Giới trẻ Holy Eucarist Saint Albans, các đoàn thể và các cộng đoàn. Phần sinh hoạt có Linh mục Hải Đăng từ Hoa Kỳ sang giúp cho đại hội. Những món ăn tinh thần thật là bổ ích cho mọi người, nên có các cụ đến với đại hội đủ hai ngày và ngồi trên ghế dù không có dựa nhưng vẫn vui tươi thoải mái.

Mọi người đến với đại hội như một hồng ân để được về bên Đức Mẹ La Vang sau hai năm chờ đợi, và đến với Mẹ để biết mình còn khỏe, dù có các cụ đến bằng xe lăn. Được đại hội thiết đã những món ăn tinh thần quý giá, qua các diễn giả nhiều kinh nghiệm giảng thuyết. Được thoải mái qua những nụ cười, được vận động tay chân cho khỏe. Ngoài ra, còn được ban tổ chức phục vụ tận tình.

Đại hội năm nay còn đánh dấu mốc điểm trưởng thành. Cộng đồng sẽ chính thức có Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Sẽ chung tay góp sức xây dựng nhà thờ của Trung Tâm Thánh Mẫu. Viên đá vàng đã sẵn sàng để làm nền móng xây dựng do Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long làm phép, và mọi người đã được hai Linh mục quản nhiệm Cộng đoàn Hoan Thiện giới thiệu giấy phép của Đức Tổng Giám Mục Melbourne ban phép xây dựng. Kết thúc đại hội trong niềm vui, mọi người chia tay nhau ra về, khi trời đêm đang xuống để trở lại nhà tại khắp nơi gần xa trong Tiểu bang Victoria.

Ghi nhanh sau đại hội.
 
Văn Hóa
Tháng Hoa suy niệm về Cuộc Đời Mẹ Maria
Đinh Văn Tiến Hùng
13:44 06/05/2018

Trình thuật theo Phúc Âm

“Đức Bà như Hoa Hường Mầu Nhiệm.”
(Kinh cầu Đức Bà)
-“Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng:…Ta sẽ làm cho mày cùng dòng dõi Người Nữ thù nghịch nhau. Người sẽ đạp dập đầu mày, còn mày sẽ cắn gót chân Người. (Sáng thế 3: 15)
-Cha muốn ban cho Mẹ Maria đặc ân này vì lòng nhân từ của Cha và để tôn kính Ngôi Hai nhập thể, bất cứ ai dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ, sẽ không rơi vào quyền lực của ma quỉ.” (Chúa phán với Thánh Nữ Catarina Siena)
-Dầu tội lỗi đến đâu, nếu tôn sùng Mẹ cũng không hư mất đời đời.” (Thánh Hilariô tiến sĩ )
-Mẹ Maria là phương thế ưu việt nhất của tội nhân.” (Thánh Augutinh)
-Mẹ Maria có thể đem lại hy vọng cứu rỗi cho cả những linh hồn tuyệt vọng nhất.” (Thánh Phêrô Damianô)

Trong tín lý Giáo Hội Công Giáo, sau Chúa Giêsu Đức Maria là Đấng quan trọng nhất trong mầu nhiệm cứu chuộc nhân loại và được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Nhưng cuộc đời Ngài chỉ được nói đến ngắn gọn trong Phúc Âm, nên Giáo Hội Công Giáo có môn thần học gọi là ‘Thánh Mẫu Học’ để nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời và các đặc ân của Mẹ Maria cùng vai trò Mẹ trong kế hoặch cứu độ, thánh hóa nhân loại. Bà Evà tổ mẫu nhân loại, 1 người nữ kiêu ngạo đã đưa loài người sa vào tội lỗi, thì Đức Maria-Evà Mới, Một Người Nữ Khiêm Nhường đã cứu vớt cả loài người.

*Sinh Nhật Đức Maria. ( Lễ kính ngày 8/9 )
Trong Tân Ước không nhắc đến song thân Đức Maria và 2 Thánh Sử Mátthêu và Luca cũng không nói về họ
ngoại Chúa Giêsu- Nhưng dựa vào Thánh truyền, Song thân Maria là 2 Thánh Gioakim và Anna sống rất đạo đức công chính, kính Chúa yêu người, nhờ lời cầu xin tha thiết nên Thiên Chúa nhận lời, tuổi giả mới sinh hạ Maria.
Thiên Thần đã hiện ra nói với ông :”Chúa đã nhận lời ông, Chúa sẽ ban cho bạn ông sinh một con gái, ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Maria, ngay lúc còn thơ sẽ được hiến dâng cho Thiên Chúa và tràn đầy Thánh Linh.” Vâng lới Thiên Sứ dạy nên khi trẻ Maria được 3 tuổi, ông bà đã dâng con trẻ vào đền thánh để phụng thờ Chúa. Đó là diễm phúc rất trọng đại vì 2 Ông Bà chính là nhịp cầu nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước để Ngôi Hai Thiên
Chúa xuống thế cứu chuộc loài người.
Còn theo tác phẩm mạc khải ‘Mistica Ciudad de Dios’ (Thần Đô Huyền Nhiệm) của Mẹ Đáng Kính Maria Agreda Dòng Thánh Clara, thì bà Anna lúc chìm sâu trong cơn xuất thần được Thiên Chúa phán bảo :”Ta sáng tạo Maria
giống hình ảnh Ta và làm cho Maria nên nữ tì, nên Hiền Thê thật của Ta, để xứng đáng làm Mẹ Người Con duy nhất của Cha Hằng Hữu.”

-Maria Trinh Nữ tuyệt vời,
Được chọn làm Mẹ Chúa Trời hiển vinh,
Muôn loài tôn kính cúi mình,
Hân hoan Thần Thánh thiên đình ca vang.

*Dâng Đức Mẹ vào đền thờ. ( Lễ kính 21/11 )
Theo lời hứa cùng Thiên Chúa, song thân Đức Mẹ là hai Thánh Gioakim và Anna, khi trẻ Maria lên 3 tuổi hai ông bà dâng con gái vào đền thánh để phụng vụ Chúa và chuẩn bị thiên chức cao trọng làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa
xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại.
Lễ Dâng Đức Mẹ vào đền thánh phát xuất đầu tiên từ Giáo Hội Đông Phương từ thế kỷ 6, sau lan truyền qua Tây Phương đầu tiên tại các Đan viện Ý vào TK.9.
Năm 1373 Giáo Hoàng Gregoire 11 cho phép cử hành lễ Mẹ Dâng Mình vào đền thờ.
Năm 1472 Giáo Hoàng Sixte 4 ghi lễ này vào Niên lịch Phụng vụ.

-Vừa khi Con Trẻ lên ba,
Vâng theo ý Chúa ông bà dâng con,
Maria chuẩn bị tâm hồn,
Đón nhận thiên chức sớm hôm nguyện cầu.

*Truyền Tin. ( Lễ kính ngày 9/4 )
“Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê tên là Nazarét, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Đavít và tên trinh nữ là Maria. Vào nơi bà ở, Thiên Thần nói :
‘Vui lên ! Hỡi người đầy ơn phúc ! Chúa ở cùng người.’ Những lời đó làm bà xao xuyến lắm và bà suy nghĩ lời chào đó có ý nghĩa gì ? Và Thiên Thần lại nói với bà :’ Maria đừng sợ ! Vì người được ân sủng nơi Thiên Chúa, này nơi lòng dạ người sẽ thụ thai và sinh con trai và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn và được gọi là Con Đấng Tối Cao, Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít. Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacóp đến muôn đời, vương quyền Ngài sẽ vô cùng vô tận. Maria thưa với Thiên Thần :’Điều ấy sẽ làm sao được, vì tôi không nghĩ đến việc phu thê’. Đáp lại Thiên Thần nói với bà :’ Thánh Thần sẽ đến trên người và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên người. Bởi thế con trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa...’ Và Thiên Thần đã từ giã bà.” ( Luca.1: 26- 38 )

-Nghe lời Thiên Sứ báo truyền,
Sinh Chúa Cứu Thế uy quyền cao sang,
Phút giây suy nghĩ bàng hoàng,
Biết do ý Chúa vội vàng ‘Xin vâng’


*Đi thăm bà Êlisabét.
“Trong những ngày ấy Maria chỗi dậy đon đả ra đi lên miền sơn cước đến một thành xứ Giuđa, bà vào nhà
Zacaria và chào bà Êlisabét. Và xảy ra thoạt khi Êlisabét nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ, Êlisabét được đầy ơn Thánh Thần thốt lên tiếng kêu lớn và nói: ‘Trong nữ giới có người là diễm phúc ! Đáng
chúc tụng thay hoa quả lòng người và bởi đâu tôi được thế này, là Mẹ Chúa tôi đến với tôi. Vì này, thoạt tiếng người chào đến tai tôi, thì hài nhi trong dạ tôi nhảy mừng. Phúc cho người là kẻ đã tin mọi điều Chúa truyền
phán cho người sẽ viên thành…” Lời Maria đáp lại Êlisabét chính là Thánh ca Ngợi khen Thiên Chúa : Maghificát (Tôn vinh Thiên Chúa) ( Luca.1: 39- 45 )

-Xa xôi chẳng ngại lên đường,
Mẹ đi thăm chị tình thương dâng đầy.
Dù con sa ngã nhiều lần,
Mẹ luôn săn sóc ân cần ủi an.


*Mẹ Maria sinh Chúa Giêsu. ( Lễ Chúa Giáng Sinh 25/12 ) “Đây là chuyện Đức Kitô sinh ra :
Maria Mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse, trước khi ông bà về ở chung cùng nhau, thì bà đã có thai do quyền phép
Chúa Thánh Thần. Giuse là người công chính không muốn tố giác bà, định âm thầm ly dị. Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì Thiên Thần Chúa hiện ra với ông trong mộng bảo rằng: Giuse con của Đavít, đừng sợ rước Maria về nhà ! Thai tự nơi bà là do tự Thánh Thần, bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi.
Mọi sự xảy ra là để trọn điều Chúa phán bởi các tiên tri rằng: ‘Này nữ trinh sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta’
Thức dậy, Giuse đã làm như lời Thiên Thần truyền, ông đã rước vợ về nhà và giữa ông bà không có việc tri giao vợ chồng, cho đến khi bà sinh con và ông đặt tên con trẻ là Giêsu. ( Mt.1: 18- 24 )
Tiếng hát Thiên Thần trong đêm Chúa Giáng Sinh ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm’ được diễn tả qua bản Thánh ca bất hủ Gloria (Vinh danh).

-Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm,
Mẹ đầy ơn Chúa Thánh Thần,
Đồng Công Cứu Chuộc thế trần trầm luân.

*Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. ( Lễ kính 2/2 )
“Và khi đã đầy ngày, lúc phải tẩy uế cho các đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem Hài Nhi lên Yêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa như đã viết trong luật Chúa, là mọi trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh dâng kính Chúa chiếu theo điều đã dạy trong luật và để dâng làm lễ tế là một cặp chim gáy hay hai bồ câu tơ.
Và này, ở Yêrusalem có một người tên là Simêôn, môt người công chính đạo đức những mong đợi niềm an ủi của Israel và Thánh Thần ở trên ông. Ông được Thánh Thần linh ứng bảo sẽ không phải chết trước khi được thấy Đức Kitô. Được linh cảm ông đến đền thờ và khi cha mẹ bồng Hài Nhi đến để làm theo điều luật dạy, thì ông ẵm lấy Ngài trên tay và chúc tụng Thiên Chúa rằng :
‘Giờ đây, lạy Chúa ! Xin để tội tớ Ngài về theo lời Chúa trong bình an. Bởi chưng tôi đã thấy ơn Người cứu độ.
Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân ánh sáng mặc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người.
Cha mẹ Ngài kinh ngạc về những điều nói về Ngài. Simêôn chúc lành cho cha mẹ Ngài và nói với Maria:
Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel và làm cớ gợi lên chống đối.
Còn lòng bà, mũi gươm sẽ đâm thấu, ngõ hầu ý nghĩ của nhiều tâm hồn sẽ phải bày ra…” ( Lc.2: 22- 35 )
Lời chúc tụng Thiên Chúa của Simêon được diễn tả qua bản Thánh ca ‘Nunc Dimittis’ ( Lạy Chúa giờ đây )

-Chiếu theo luật định đến ngày,
Sắm xong lễ vật trảy ngay lên đường,
Dẫn theo Con Một yêu thương,
Dâng lên Thiên Chúa thiêng hương đầu mùa.

*Tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thánh.
“Hàng năm cha mẹ Ngài đi Yêrusalem vào dịp lễ vượt qua. Khi Ngài lên 12 tuổi, ông bà cũng lên theo thường lệ để dự lễ và khi ngày ấy đã mãn, ông bà trở về, thì trẻ Giêsu ở lại mà cha mẹ Ngài không hay. Nghĩ là Ngài có trong đoàn lữ hành, nên ông bà đi một ngày đàng, rồi cố tìm Ngài giữa hàng bà con quen thuộc. Nhưng không tìm ra, ông bà mới quay trở lại Yêrusalem mà tìm kiếm Ngài. Xảy ra sau ba ngày, ông bà đã thấy Ngài trong đền thờ, ngồi giữa các tấn sĩ nghe và hỏi họ. Mọi người nghe đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp. Thấy Ngài, cha mẹ Ngài thất kinh và mẹ Ngài nói: Này con, tại sao con làm thế ? Cha con và mẹ phải đau khổ tìm con. Nhưng Ngài đáp lại: Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết con phải ở nơi nhà Cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Ngài nói với họ.
Ngài đã xuống với ông bà về Nazarét và hằng tùng phục hai ông bà. Còn mẹ Ngài giữ kỹ các điều ấy trong lòng.
Còn Đức Giêsu cứ tấn tới thêm khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và mọi người.” ( Lc.2: 41- 5 )

-Hành hương đền thánh đường xa,
Trở về lạc Chúa sau ba ngày đường,
Hai Đấng lo lắng buồn thương,
Tìm gặp lại Chúa hết vương u sầu.

*Tiệc cưới Cana.
“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa, có Mẹ Đức Giêsu ở đó. Đức Giêsu và các môn đệ Ngài cũng được mời dự tiệc. Bởi hết rượu nên Mẹ Đức Giêsu nói với Ngài: Họ không còn rượu nữa! Ngài đáp lại: Này Mẹ, giữa Con và Mẹ đâu có việc gì ? Giờ của Con chưa đến! Mẹ Ngài nói với các người hầu: Ngài bảo gì hãy làm theo!
Ở đó có đặt 6 chum đá theo tục lệ người Do Thái, mỗi chum chứa được 2 hay 3 thùng nước. Đức Giêsu bảo họ:
Hãy đổ đầy nước các chum. Họ đã đổ đầy. Rồi Ngài bảo họ: Hãy múc đưa cho ông quản tiệc. Họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu mà ông không biết từ đâu đến, những người đã múc thì biết.
Ông mới gọi tân lang mà nói: Phàm người ta, ai trước tiên cũng thết rượu hảo hạng, rồi khi khách ngà ngà say
mới đãi rượu kém hơn. Còn ông, ông đã giữ rượu hảo hạng tới bây giờ.
Phép lạ đầu tiên này, Đức Giêsu đã làm tại Cana để tỏ vinh quang cho các môn đệ tin vào Ngài.
Sau đó Ngài xuống Caphanaum cùng Mẹ Ngài và các môn đệ. Nhưng họ chỉ lưu lại đó ít ngày thôi.”
( Yn.2 : 1- 12 )

-Mẹ Con dự tiệc Ca-na,
Bỗng dưng hết rượu người nhà xôn xao,
Lòng Mẹ thương cảm dạt dào,
Xin Chúa biến nước ngọt ngào rượu thơm.

*Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá.
“Đứng bên khổ giá Chúa Giêsu có Mẹ Ngài và chị em của Mẹ Ngài là Maria vợ Klôpa cùng với Maria Magđala và môn đệ Ngài yêu mến đứng bên cạnh. Ngài nói với Mẹ: Hỡi Bà, này là con Bà! Đoạn lại nói với môn đồ:
Này là Mẹ con! Từ giờ đó, môn đồ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. ( Yn.19 : 25- 27 )

-Kể từ giây phút này đây,
Chúa trên Thập giá lòng đầy thương yêu,
Con được diễm phúc bao nhiêu,
Nhận Mẹ từ ái sớm chiều cậy trông.

*Mẹ tham dự Cộng đoàn tiên khởi.
“Khi vào rồi, họ lên lầu trên nơi họ lưu ngụ, các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philíp, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê (con Alphê), Simon nhiệt thành và Giuđa (con Giacôbê).
Hết thảy, họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với các phụ nữ và Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và các anh em Ngài. ( Cv.1 : 13 & 14 )

-Từ khi Chúa đã lìa trần,
Môn đồ lạc lõng xác thân hao mòn,
Cảm thương trìu mến đàn con,
Trao Mẹ dìu dắt chẳng còn sợ chi.

*Mẹ Lên Trời. ( Lễ kính 15/8 )
“Trong Phúc Âm, cả 4 Thánh sử không nói đến Mẹ từ biệt trần thế về trời. Nhưng trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 1 câu 28 có ghi lại lời Sứ Thần Gabriel chào mừng Mẹ khi truyền tin : Vui lên! Hỡi người đầy Ân Sủng !
Chúa ở cùng người ! - Dựa vào lời đó, Hội Thánh kết luận là Đức Maria được ‘Đầy Ân Sủng’ Thiên Chúa, nên Mẹ
được giữ gìn khỏi chịu hậu quả tội lỗi và thân xác sau khi chết không bị hư thối, vì Ngài lãnh nhiệm vụ rất cao trọng là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Giáo Hội cũng xác tín về tín điều này đã được tông truyền và mặc khải. ,
Vì thế, ĐGH Piô 12 ngày 1/11/1950 đã công bố tín điều ‘Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời’ qua Hiến chế Munificentissimus Deus (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển)
Đây là 1 trong 4 Tín điều về Đức Maria: Mẹ Thiên Chúa- Đồng Trinh Trọn Đời- Vô Nhiễm Nguyên Tôi và Hồn Xác
Lên Trời.

-Xác Hồn Mẹ đã về trời,
Nhưng tình Mẹ vẫn muôn đời thương con,
Dù cho sông cạn núi mòn,
Tình con yêu Mẹ luôn còn thiết tha.

*Sách Khải Huyền.
Thánh Gioan trong sách Khải Huyền mô tả điềm lạ xảy ra giữa ‘Người Nữ và Con Rồng’- Người Nữ chính là Đức
Maria đã toàn thắng Con Rồng là quỉ Satan. Xin trích dẫn một đoạn :
“Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời, một người nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.
Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.
Lại có điều khác xuất hiện trên trời: đó là con mẵng xà đỏ như lửa, có 7 đầu và 10 sừng, trên 7 đầu có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi con mãng xà đứng trước mặt Người Nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh xong là nó nuốt ngay con Bà.
Bà đã sinh được một người con, một Con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con Bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.
Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc, tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Bà một chỗ ở, để Bà được nuôi dưỡng ở đó trong vòng 1260 ngày.
Và đã xảy ra đại chiến trên trời. Michael và các Thiên Thần của ngài đại chiến với con rồng. Con rồng và các thiên thần phe nó nghênh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại, chỗ của chúng không còn thấy trên trời. Nó bị xô nhào xuống, con rồng lớn, con rắn thái sơ, gọi là quỉ, là Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống cùng với nó…
Khi con rồng thấy mình đã bị xô nhào xuống đất, thì nó đuổi theo Bà đã sinh Con trai. Nhưng Bà được ban cho hai cánh đại bàng mà bay vào sa mạc, đến nơi đã dọn sẵn cho Bà, ở đó Bà được cung dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, xa tầm con rắn. Con rắn tự mỏ nó phun nước chảy ra sông sau Bà cho Bà chết trôi. Nhưng đất đã cứu Bà. Đất đã há miệng hớp cạn dòng sông mà rồng phun ra. Con rồng tức tối với Bà, thì đi tuyên chiến với những người khác thuộc dòng dõi Bà, những kẻ nắm giữ lệnh truyền Thiên Chúa và có nơi minh chứng của Đức Giêsu. ( Kh.12 : 1- 17 )

*Suy niệm về cuộc đời Mẹ Maria.
Cuộc đời Mẹ nêu cao tấm gương tuyệt mỹ về 3 nhân đức Đối thần : TIN- CẬY- MẾN.
-Đức Tin :
Có những điều Mẹ không hiểu hết về quyền năng Thiên Chúa từ khi Sứ Thần truyền tin đến lúc sinh Hài Nhi trong khó nghèo, rồi Chúa chịu chết khổ đau nhục nhã trên thập giá, nhưng lòng tin mạnh mẽ của Mẹ đã gói trọn trong lời ‘ Xin Vâng ‘
Xin cho con giữ vững lòng tin như Mẹ mà con đã tuyên xưng trong ngày lãnh nhận phép Rửa Tội.
-Đức Cậy :
Từ khi sinh Chúa Cứu Thế trong hang bò lừa, lặn lội hiểm nguy đưa Hài Nhi trốn sang Ai-Cập, 30 năm cùng Chúa sống ẩn dật vất vả nghèo nàn và 3 năm theo sát Chúa trên đường Ngài truyền báo Tin Mừng, Mẹ luôn trông cậy tín thác trong tay Chúa quan phòng.
Xin cho con hết lòng trông cậy vào Chúa như Mẹ nêu gương.
-Đức Mến :
Mẹ đã yêu Chúa tha thiết suốt cuộc đời và yêu người như lời Chúa truyền dạy. Săn sóc yêu thương bà chị họ
Êlisabét, quan tâm san sẻ trong tiệc cưới Cana, theo sát Chúa trên đường Ngài rao giảng Tin Mừng, lo lắng an ủi người nghèo khổ bệnh tật, và nâng đỡ chăm sóc các tông đồ lúc Chúa còn sống và sau khi Chúa chết.
Đức Mến quan trọng nhất trong 3 nhân đức Đối thần.
Xin cho con theo gương Mẹ giữ vững giới răn Chúa phán dạy : Mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu tha nhân như yêu mình vậy.

*Lời nguyện.
‘Lạy Mẹ Maria !
Mẹ đã nhận chúng con làm con của Mẹ !
Mẹ đã nhận nhân loại với tấm lòng Từ Mẫu dưới chân Thánh giá mà Gioan đại diện.
Xin dạy chúng con biết chiêm ngắm Chúa Kitô đã chịu chết đau đớn vì tội lỗi chúng con với tâm tình cảm tạ sâu xa và lòng yêu mến nồng nàn.
Xin dẫn dắt chúng con theo Chúa và đem tha nhân về với Ngài.
Xin dạy chúng con luôn bước đi trên đường tình yêu với tâm tình hiến dâng trọn vẹn.
Xin hướng dẫn chúng con và nhân loại đi trong Ánh Sáng Hồng Ân vì Chúa là Đường là Sự Thật và là Sự Sống.

-Dòng đời trôi nổi bao Tháng Hoa,
Tình Mẹ trong con vẫn đậm đà,
Xưa mái đầu xanh, nay tuyết phủ,
Lòng con yêu Mẹ vẫn thiết tha.

Hoa lòng dâng Mẹ Tháng Hoa,
Cúi mình khiêm hạ trước tòa Nữ Vương,
Lời thơ ý nhạc yêu thương,
Thay cho kinh nguyện thêm hương hoa lòng.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG



































































 
Tản mạn đời tha hương : Mừng Ngằy Hiền Mẫu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
18:15 06/05/2018

Đầu đuôi câu chuyện :



Thời Hy Lạp cổ đại, lễ hội tôn vinh nữ thần Cybelle, mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp, được tổ chức vào thời điểm Xuân Phân (khi mặt trời ở gần xích đạo nhất). Trong khi đó tại La Mã cổ đại, người ta ăn mừng lễ hội Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter. Theo phong tục, các người mẹ tại La Mã cũng được tặng quà trong ngày này.

Vào đầu thế kỷ 17 Anh Quốc đã tổ chức kỷ niệm một ngày lễ gọi là ngày Chúa Nhật của Mẹ (Mothering Sunday), được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay để vinh danh các bà Mẹ của Anh Quốc. Vào dịp này, những người làm công, người học việc, và công nhân phải xa nhà, được chủ nhân khuyến khích đi thăm mẹ của họ và tri ân họ. Cũng theo phong tục thời đó, các trẻ em đem quà và một bánh đặc biệt (thường là một loại bánh bột có nhân trái cây, được gọi là simnel), để tặng các bà mẹ.

Tại Hoa Kỳ, vào năm 1870, từ thành phố Boston bang Massachusset, bà Julia W. Howe hăng hái phổ biến ‘Bản Tuyên Ngôn Ngày Hiền Mẫu’ (The Mother's Day Proclamation) để kêu gọi việc tôn vinh các người mẹ. Bản tuyên ngôn này dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nữ quyền, với ý tưởng ‘người phụ nữ cũng có trách nhiệm uốn nắn xã hội trên con đường chính trị’. Bà cũng có ý định thành lập một ngày lễ mang tên ‘Ngày Hiền Mẫu vì Hòa Bình’.

Rồi ý tưởng của bà Howe đã gây ảnh hưởng lớn đến không ít phụ nữ trong xã hội, điển hình là bà Ann Maria Reeves Jarvis, nữ giáo viên tại trường học tư của xứ đạo Thánh Andrew, tại thành phố Grafton, bang West Virginia. Trong bối cảnh Nội chiến Hoa Kỳ, Bà Jarvis tập hợp các phụ nữ khác, với sứ mệnh chăm sóc cho các thương binh từ cả hai miền Nam Bắc. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào mang tên ‘Ngày Các Hiền Mẫu Làm Việc’ (Mothers' Work Days) vào năm 1858, cùng với các bà mẹ hoạt động xã hội vì hòa bình. Bà qua đời tại thành phố Philadelphia vào năm 1905.

Tại ngôi mộ của mẹ mình, cô con gái Anna Marie Jarvis thề rằng sẽ nối gót theo chân mẹ và thành lập một ngày lễ dành riêng cho các người hiền mẫu, còn sống cũng như đã qua đời. Hai năm sau đó, cô mang 500 đóa hoa Cẩm chướng đến tặng cho từng người mẹ tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Andrew. Một năm sau, Nhà thờ Thánh Andrew lần đầu tiên tổ chức một thánh lễ ngày Chúa Nhật đặc biệt để vinh danh các người hiền mẫu trong cộng đoàn. Cô Anna Marie tiếp tục tranh đấu không ngừng để quảng bá ngày lễ này khắp nơi. Đến năm 1909, thánh lễ vinh danh người hiều mẫu đã lan rộng đến 46 tiểu bang, cũng như là đến hai quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ là Canada và Mexico.

Năm 1914, bản nghị quyết do Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua, và được Tổng Thống Woodrow Wilson ký, đã chính thức thành lập Ngày Hiền Mẫu, vào mỗi Chúa Nhật thứ hai tháng 5.

Tại Mỹ, các chi tiêu tài chính trong Ngày của Mẹ chỉ thua ngày lễ Giáng sinh. Theo ước tính của Liên đoàn bán lẻ Hoa Kỳ, trung bình khoảng 139 USD được dành chi tiêu cho mỗi món quà tặng mẹ. Việc thương mại hóa, đề cao chi tiêu và có phần làm lu mờ ý nghĩa thật trong ngày này, đã bị nhiều chỉ trích từ nhiều người hoạt động cộng đồng, kể cả từ bà Anna Marie Jarvis, người nêu ý tưởng thành lập ngày vinh danh Mẹ.

Thế giới làm gì ?



Hiện nay, Ngày của Mẹ được tổ chức ở nhiều quốc gia gồm có Mỹ, Nga, Anh Quốc, Ấn Độ, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thỗ Nhỉ Kỳ, Úc Đại Lợi, Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại, Trung Hoa, Nhật Bản, và Bỉ… Người ta dùng cơ hội của ngày này để tỏ lòng tôn kính mẹ của mình và tri ân các bà, về tình yêu thương và sự nâng đở của mẹ. Ngày này trở thành thật phổ biến và ở nhiều quốc gia, đường giây điện thoại bận rộn cao độ nhất trong ngày đó. Khắp nơi đều có phong tục tặng hoa, gởi card, và những quà tặng khác cho các bà mẹ nhân ngày lễ này.

Đặc biệt tại Philipines, người mẹ thường được tôn vinh và gọi là ‘ánh sáng của gia đình’ (điều khiển mọi hoạt động trong gia đình). Trong ‘ngày của Mẹ’ này, các bà được cơ hội thư giãn, đưa đi xem phim, đi chơi hoặc đi siêu thị, hay được dành thời gian riêng cho mình, trong khi những đứa con và các ông bố sẽ phải làm việc nhà thay mẹ.

Tại Hàn Quốc hàng trăm các bạn học sinh trung học thể hiện lòng biết ơn đối với mẹ bằng cách rửa chân cho mẹ của mình. Hành động nhỏ của các bạn trẻ này thường khiến các bà mẹ vô cùng cảm động.

Ngày dành cho các bà mẹ ở Việt Nam cũng rất phổ thông bây giờ, cùng với ngày Lễ Vu Lan, Ngày Phụ nữ Việt Nam cũng như ngày ‘Quốc tế phụ nữ (8 tháng 3).

Đó đây người ta đọc được những giòng chữ gửi mẹ mình đại loại như thế này : “Con chúc mẹ có nhiều sức khỏe để có thể dẫn dắt chúng con đi trên đường đời. Mẹ mãi mãi là người mẹ yêu quý của con, con rất mong luôn có mẹ bên cạnh”. Và thêm : “Gửi mẹ yêu của con! Con chẳng biết nói gì hơn, nhân "Ngày của mẹ" con chỉ biết chúc mẹ luôn luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và luôn luôn là người mẹ mà con yêu quý nhất”. Rồi : “Mẹ! cám ơn mẹ rất nhiều vì mẹ đã sinh ra con và nuôi con khôn lớn. Con luôn cầu mong cho mẹ mạnh khoẻ và hạnh phúc, không chỉ riêng trong Ngày của mẹ. Lúc nào mẹ cũng ở trong trái tim con. Con yêu mẹ nhiều, mẹ kính yêu của con”.

Trên toàn thế giới, ai cũng công nhận rằng con người phải tôn kính và nhớ ơn mẹ sinh ra và nuối nấng mình. Tình yêu của mẹ thì bao la hơn biển cả, cao vời hơn những tầng mây, vĩ đại hơn những rặng núi, và bao la vô cùng vô tận. Thơ viết về mẹ bao giờ cũng dào dạt cảm xúc. Nhạc viết về mẹ bao giờ cũng trầm tư tình cảm. Tranh vẽ về mẹ bao giờ cũng lung linh ấm áp. Bởi hiển nhiên, mẹ là nguồn xúc cảm sâu xa, vô tận và nhiệm mầu nhất trong mọi nguồn sáng tạo. Tình yêu của mẹ là một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, là những tư tưởng vô tận của các thi sĩ, các nhà văn và của các văn nghệ sĩ. Trong lãnh vực tôn giáo, chính trị, kinh tế, con người thường tìm đủ lý lẽ để phân biệt, tách rời, phe nhóm; nhưng khi trái tim lên tiếng, nhất là trái tim của người mẹ thì thường đem mọi người lại gần nhau hơn.

Người Công Giáo nhớ về Mẹ Maria :



Giáo lý đạo Chúa dạy rằng : “Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu MẸ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là MẸ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong đức tin. Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Mẹ...”

Thực ra, Vương Quốc Anh đã mừng Lễ ‘Mothering Sunday’ vì chịu ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo, từng tổ chức vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay, là để tôn vinh Đức Mẹ Maria, ngay từ đầu thế kỷ 17. Vài nước Âu châu cũng đã bắt chước tục lệ này.Tại đó, tháng Năm trùng với mùa xuân; mà thói tục nhiều nơi đã tổ chức những lễ hội, tỉ như tại Rôma, người ta mở ra hội hoa, với những trò chơi, triển lãm dâng kính ‘thần Hoa’. Vào dịp ấy, cũng có những cuộc thi đua sắc đẹp giữa các thiếu nữ. Thực ra khung cảnh thiên nhiên dễ đưa tới chuyện này; tháng Năm là tháng ấm của mùa xuân, đó đây đầy những hoa nở với hương thơm ngào ngạt, làm cho con người cảm thấy sảng khoái, vui tươi. Nhằm thánh hóa những phong tục dân gian, các tín hữu Công Giáo muốn hướng những tâm tình tự nhiên lên đức Trinh nữ Maria, tuyệt đối kiều diễm, không vì nhan sắc tự nhiên cho bằng vì vẻ đẹp linh hồn, không hề vướng mắc tì ố của tội lỗi.

Thế là, trong tháng 5, cũng chính là tháng HOA theo truyền thống giáo hội, giáo dân mang đến cho Đức Mẹ những bó hoa, kèm theo những lời kinh dâng lên Ngài. Các Đức Giáo Hoàng lien tục nhắc tín hữu : “Đức Mẹ sẽ vui hơn khi nhìn thấy sự trưởng thành thiêng liêng nơi con cái mình. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu : đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên MẸ...”

Có nghĩa là ‘ngày của Mẹ’ bỗng dưng tiên vàn được hướng lên Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ từng giáo hữu Công Giáo. Rồi đặc biệt vào năm 1954, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã thiết lập lễ kính ‘Đức Maria Nữ Vương Trời Đất’ vào ngày kết thúc tháng Năm. Lịch phụng vụ canh tân sau Công Đồng Vatican II đã dời lễ này sang ngày 22 tháng Tám, bát nhật lễ ‘Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời’, và thay vào đó bằng lễ ‘Đức Mẹ Thăm Viếng’.

‘Ngày của Mẹ’ bây giờ lan ra cả 31 ngày của tháng 5, thành ‘tháng của Mẹ’ đối với Đức Trinh nữ Maria. Để rồi nghĩa trọn vẹn của Tháng Hoa (tháng 5 dương lịch) phải là : Hoa thiên nhiên đồng nội hòa lẫn với hoa lòng của giáo hữu, hoa thánh thiện, hoa mầu nhiệm của Ơn Thánh tươi nở trong linh hồn chúng ta. Tất cả cùng tỏa hương thơm và khoe sắc trên bàn thờ kính Đức Mẹ.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 7/5/2018: Hơn 30 ngàn người Công Giáo Anh lần chuỗi Mân Côi dọc theo bờ biển.
VietCatholic Network
16:03 06/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 6 tháng 5 năm 2018.

2- Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha, tháng 5 năm 2018: Sứ mạng của người giáo dân.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các tu sĩ hãy dấn thân cầu nguyện, sống đơn nghèo và kiên tâm.

4- Đức Thánh Cha nói: Các Giám mục là người bảo vệ tín hữu khỏi những kẻ gây hỗn loạn.

5- Đức Thánh Cha yêu cầu các Giám mục nước Đức tự giải quyết và tìm sự đồng thuận trong việc cho người Tin Lành rước lễ.

6- Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng gửi đến những người mẹ mất con trong cuộc chiến tranh tại Á Căn Đình.

7- Hơn 30 ngàn người Công Giáo Anh lần chuỗi Mân Côi dọc theo bờ biển.

8- Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung kêu gọi người Công Giáo Nam Hàn tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình.

9- Phát hiện đáng kính ngạc của các nhà địa lý: 7 đền thánh cổ kính tại Âu Châu và Trung Đông nằm trên một đường thẳng.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Cùng Mẹ Con Lên Đường.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 07/05/2018: Các Giám Mục Ðức và vấn đề cho người Tin Lành rước lễ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:52 06/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Lại một Linh mục nữa bị bắn chết ở Phi

Hội đồng Giám mục Phi đã lên án vụ thảm sát cha Mark Ventura do một tay súng chưa tìm được tông tích của hắn vào ngày 29 tháng Tư vừa qua

Cha Mark Ventura bị bắn chết ngay sau khi cha cử hành Thánh lễ tại một phòng tập thể dục ở Barangay Peña Weste, ở vùng ngoại ô của thị trấn Gattaran ở tỉnh Cagayan.

Phán quyết của các giám mục Philippines

Hội đồng Giám mục Phi (CBCP) lên án vụ thảm sát vị linh mục trẻ 37 tuổi này và mời gọi toàn thể mọi tín hữu Phi hãy cầu nguyện cho ngài, cho gia đình và cho cho Tổng giáo phận Tuguegarao của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, và là Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Phi phát biểu: “Chúng tôi cực lực lên án hành động dã man này!” “Chúng tôi thật bàng hoàng, không thể tin nổi khi nghe hung tin về cái chết của cha Mark Ventura”.

Cha Mark vừa ban phép lành cho các em và đang trò chuyện với ca viên của ca đoàn thì một người đàn ông lạ mặt, đầu đội nón bảo hiểm xuất hiện từ phía sau phòng hội trường và chỉ súng bắn cha Mark hai phát!

Trích dẫn lời của cảnh sát thành phố Tuguegarao, ông cảnh sát trưởng của Phi là Oscar Albayalde cho hay nghi can chạy về phía đường cao tốc trên một chiếc xe máy do một người lạ khác cầm lái và chạy về phía tỉnh Baggao.

Cha Mark bị trùng đạn vào đầu và ngực nên ngài quỵ chết ngay lập tức tại hiện trường!

Đức Tổng Giám Mục Sergio Utleg của Tổng Giáo phận Tuguegarao đã xứng lên những lời cầu nguyện cho cha ngay tại địa điểm cha bị sát hại.

Đức Tổng Giám Mục Valles cũng kêu gọi các nhà chức trách “hãy hành động nhanh chóng để lùng bắt hung thủ và đưa hắn ra trước vành công lý”.

Quyền của người dân bản địa

Cha Ventura là giám đốc của cứ điểm truyền giáo thánh Isidoro mang tên Labrador Mission Station mà ngài đảm trách bao gồm các vùng Mabuno và Gattaran.

Ngài là một linh mục lăn lội với dân chúng địa phương trong bảy năm qua, ngài cũng được biết đến như là người chống lại việc khai thác hầm mỏ một cách độc đoán thủ lợi và bênh đỡ dân nghèo trong vùng.

Ngài là giám đốc của Trung tâm truyền giáo Thánh Isidro Labrador có trụ sở tại thị trấn Mabuno gần đó. Trước đó, ngài là Giám đốc của Chủng viện Thánh Thomas Aquinas ở thị trấn Aparri.

Cha Ventura là linh mục thứ hai bị giết trong bốn tháng qua.

Vào tháng 12 năm 2017, Cha Marcelito Paez, 72 tuổi, đã bị hạ sát bởi 2 tay súng chỉ vì ngài đã bào chữa cho một tù nhân chính trị ở Jaen, Nueva Ecija, miền trung Luzon để được thả tự do.

2. Đời sống tôn giáo ở vùng Amazon: “sự hiện diện và sống nơi đây là một cuộc sống đầy gian truân nguy hiểm”

Từ Tabatinga, nơi mà Đại hội đã diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng Tư vừa qua, Thông Tấn Xã Fides đã trích lời của Đức Giám Mục Adolfo Zon, Alto Solimões (Brazil), Ngài cho hay “Đại hội này là một ân huệ của Thiên Chúa”. Đại hội đã qui tụ khoảng 90 tham dự viên, đại diện cho 30 cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Điểm chính yếu mà Đại hội học hỏi được tìm thấy trong công bố cuối cùng nói về những công việc liên quan tới nhiều lãnh vực và tổ chức, hiện đang được tái xét tại nhiều nơi trong khu vực Amazon. Theo nhãn quan này thì Đức cha Zon cho hay giáo phận của ngài tiếp giáp với Brazil, Colombia và Peru đã nói lên tầm quan trọng của một giáo phận có những tổ chức chung cho Giáo phận mang sắc thái mà ba biên giới của ba nước, của ba giáo phận là Alto Solimões của Brazil, Leticia của Colombia, một Địa phận tông tòa và Giáo phận San José del Amazonas của Peru… nhưng tất cả đều tập trung vào “dự án truyền giáo”.

Đối với những người hiện diện, cuộc họp này đã dấy lên nỗi niềm hy vọng to lớn nhằm xây dựng một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon và của các sắc dân bản địa theo đúng quan điểm của Hội đồng Vùng Amazon. Trong bản văn cuối cùng này có nhấn mạnh tới những con đường mới cho 'Giáo hội và sự bảo tồn sinh thái' một chủ đề mà Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới sẽ diễn ra tại đây phải được lắng nghe những thao thức của toàn vùng”.

Hiện tại tôn giáo đang nắm giữ những vai trò thiết yếu cho vùng, giúp thay đổi những gì tối cần thiết hầu giữ được bản sắc của vùng và của các sắc dân bản địa của Amazon! Nét độc tôn này phải được siêu việt lên tất cả các biên giới địa lý, biểu tượng, văn hóa, cá nhân và cộng đồng”. Tất cả nhằm tiến tới “một Giáo Hội cởi mở và truyền giáo, và Giáo Hội không sợ hiện diện ở những nơi tối cần dù có phải đối diện với nguy hiểm hầu tiếp cận được tới các vùng ngoại biên”.

Pan-Amazon tạo cho cuộc sống tôn giáo khả năng phát minh ra các hình thái truyền giáo mới, phù hợp hơn thời đại và nhu cầu của giáo hội địa phương. Tất cả những trọng điểm này sẽ được Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon suy tư phản ánh hầu biến đổi một cách sâu sắc đời sống của Giáo hội trong khu vực, giống như các công cuộc truyền giáo xa xưa đã thực hiện, Giáo hội cần mở lòng ra để lắng nghe và đồng hành…

3. Nhận định của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về hội nghị thượng đỉnh hai miền Nam Bắc Triều Tiên

Sau một bài thuyết trình được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Chioggia về “Ba vị Giáo Hoàng trong năm 1978”, là đề tài đầu tiên trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi phong trào Fondaco về tình phụ tử, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã trả lời các câu hỏi về các chủ đề thời sự trên thế giới.

Khi được hỏi về triển vọng cho hòa bình ở Hàn Quốc, Đức Hồng Y nói:

“Theo một phân tích mà tôi đã đọc trong những ngày này, chủ tịch Kim Jong-un đã sử dụng tiềm năng chiến tranh hạt nhân của mình như một mối đe dọa để buộc người Mỹ phải đàm phán ngõ hầu đưa Bắc Triều Tiên ra khỏi sự cô lập, và trên hết là ông ta có thể bắt đầu chính sách tăng trưởng kinh tế mà đất nước rất cần”.

“Tôi không biết có hoàn toàn đúng như thế không, nếu thế ông ta là một nhà chiến lược vĩ đại ... Dù sao, các chuyên gia nói rằng Kim Jong-un thực sự có vẻ nghiêm túc, và rằng lời đề nghị đối thoại không chỉ là một trò lừa đảo. Con đường này rất tinh tế, đầy chông gai, nhưng thực tế là họ đã quyết định đàm phán, mà không tiếp tục với việc leo thang phóng tên lửa. Đó là một dấu chỉ của hy vọng. Tôi cũng thấy hy vọng từ Trung Quốc, vì họ hỗ trợ cuộc đối thoại này. Chính nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói ông ta ủng hộ cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo này. Điều này có nghĩa là loại bỏ một tình huống có khả năng bùng nổ thực sự, có thể gây ra những thiệt hại to lớn” .

4. Đức Hồng Y Reinhard Marx chỉ trích quyết định của bang Bavaria treo thánh giá trong các tòa nhà chính phủ.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich và Freising, cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã chỉ trích quyết định của bang Bavaria treo thánh giá trong các tòa nhà chính phủ vì cho rằng quyết định này sẽ gây ra “chia rẽ” và “đấu tranh chống lại nhau”.

“Nếu thánh giá chỉ được xem như một biểu tượng văn hóa, thì người ta chưa hiểu được thánh giá”, ngài nói. Theo Đức Hồng Y, thánh giá là “một dấu chỉ phản đối bạo lực, bất công, tội lỗi và cái chết, chứ không phải là một dấu chỉ [loại trừ] chống lại người khác.”

Tuy nhiên, Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg không đồng ý với những ý kiến của Đức Hồng Y Marx. Ngài đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này của bang Bavaria. Đức Cha nói: “Thánh giá là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa phương Tây. Đó là biểu hiện của một nền văn hóa tình yêu, bác ái và sự khẳng định cuộc sống. Thánh giá là một trong những nền tảng của châu Âu.”

Đức Cha Rudolf Voderholzer nói thêm, đó là lý do tại sao, người dân miền Bavaria có truyền thống đặt thánh giá chứ không phải là các biểu tượng khác ở các đỉnh núi của họ. “Không phải lá cờ quốc gia hay các biểu tượng khác của quyền bính con người, như những người khác có thể thích hơn ở những nơi khác, nhưng là thánh giá. Thánh giá nên được nhìn thấy mọi nơi,vì thánh giá là dấu chỉ của ơn cứu rỗi và cuộc sống trong đó Chúa Kitô giao hòa giữa trời và đất, Thiên Chúa và hòa giải con người, nạn nhân và thủ phạm.”

Thủ tướng Bavus Markus Söder của bang Bavaria đã công bố chính sách này vào tuần trước, nói rằng việc treo thánh giá sẽ phản ánh “bản sắc văn hóa và ảnh hưởng của phương Tây-Kitô giáo” trên miền này.

5. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách CPC

Hôm thứ Tư 25 tháng 4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo Thường niên 2018 của mình, ghi lại những vi phạm về tự do tôn giáo và tiến bộ ở 28 quốc gia trong năm dương lịch 2017 và đưa ra đề xuất cho chính phủ Hoa Kỳ.

“Đáng buồn thay, các điều kiện về tự do tôn giáo đã xấu đi ở nhiều quốc gia trong năm 2017, thường là do sự gia tăng chủ nghĩa độc tài hay dưới chiêu bài chống khủng bố”, Chủ tịch USCIRF Daniel Mark cho biết như trên.

“Tuy nhiên, cũng có những lý do cho sự lạc quan sau 20 năm thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế. Tầm quan trọng của quyền cơ bản này được đánh giá cao hơn bao giờ hết, và ít có những vi phạm nghiêm trọng có khả năng bị bỏ qua.”

Một thành phần chính trong báo cáo này là khuyến nghị của USCIRF về các quốc gia được chỉ định là “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” hoặc CPC theo Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế (IRFA). Danh sách CPC là danh sách các quốc gia nơi chính phủ dự phần vào các vi phạm về tự do tôn giáo với 3 đặc điểm là nghiêm trọng, kéo dài, và có hệ thống.

Trong báo cáo năm 2018, USCIRF đề xuất 16 quốc gia trong danh sách CPC: 10 quốc gia trong danh sách này đã được Bộ Ngoại giao đưa vào danh sách CPC vào tháng 12 năm 2017. Đó là Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả Rập Xê Út, Sudan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan — và sáu quốc gia khác USCIRF khuyến cáo đưa thêm vào danh sách CPC là Cộng hòa Trung Phi, Nigeria, Pakistan, Nga, Syria và Việt Nam.

Báo cáo của USCIRF cũng bao gồm danh mục thứ hai dành cho các quốc gia mà tình trạng vi phạm tự do tôn giáo bao gồm 2 trong 3 đặc điểm (nghiêm trọng, kéo dài, và có tính hệ thống).

Trong báo cáo năm 2018, USCIRF nêu ra 12 quốc gia là: Afghanistan, Azerbaijan, Bahrain, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Kazakhstan, Lào, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ.

6. Đức Hồng Y Tagle nói: Đừng xây tường lũy, tất cả chúng ta đều có dính dấp máu di cư tỵ nạn

Phong trào Bác ái quốc tế, một tổ chức liên kết các cơ quan cứu trợ Công Giáo quốc tế, đang phát động “Tuần hành động toàn cầu” như là một phần của chiến dịch Chia sẻ Hành trình “tạo sự khác biệt tích cực cho mọi người đã từng có cảm nghiệm di cư tỵ nạn”.

Chiến dịch bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái, nhằm chia sẻ những hành trình tỵ nạn di cư được cảm hứng từ lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là hãy tham gia vào một nền “văn hóa gặp gỡ” với mục tiêu “mở rộng không gian và cơ hội cho người di cư và cộng đồng địa phương gặp gỡ, chia sẻ”. Phong trào Bác ái Caritas cho hay: “Chúng ta phải chào đón và lên tiếng vì quyền lợi của người di cư.” Sáng kiến này khuyến khích các cộng đồng địa phương, bắt đầu từ các giáo xứ, thực hiện các hành động cụ thể hầu xây dựng tình đoàn kết như chia sẻ bữa ăn trưa với người di cư và tị nạn, bênh vực quyền lợi của họ.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch Chia sẻ Hành trình này, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila và là Chủ tịch Caritas Quốc tế, đã trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Alessandro Gisotti trong bản Tin của Vatican như sau.

Một hiện tượng bi thảm quốc tế

Đức Hồng Y Tagle nói: “Trong những năm gần đây, thực tại tỵ nạn di cư đã trở thành một hiện tượng quốc tế đầy bi thương.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tổ chức Caritas Quốc Tế đều kêu gọi “hãy rộng mở tâm lòng đón nhận người di cư tỵ nạn và cùng đồng hành với họ, trước tiên bởi vì họ là con người, và thông qua sự đối xử nhân đạo của chúng ta dành cho họ, chúng ta muốn nói cho thế giới biết thấy rằng đây không phải chỉ là vấn đề kinh tế chính trị, mà nó là vấn đề của con người. “

Động cơ thứ hai cho chiến dịch này như Đức Hồng Y Tagle cho hay đó là Đức tin Kitô giáo. Israel là một dân tộc di cư; và trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng là người tỵ nạn. Chính Chúa đã phán: “Nếu anh em làm điều này cho một người bé nhỏ nhất trong anh em của Ta như đón chào khách lạ... là anh em làm cho chính Ta. “ Vì vậy, chúng ta có cả hai lý chứng con người và tâm linh cho những nỗ lực để hộ giúp các trẻ vị thành niên tỵ nạn này.

Hãy can cường và hành động

Khi được hỏi về hy vọng của Đức Hồng Y trước chiến dịch này, Hồng Y Tagle nói: “Chúng tôi rất vui khi thấy ở nhiều quốc gia hiện nay, qua các Hội đồng giám mục, các tổ chức Caritas quốc gia đã cộng tác vào chiến dịch Chia sẻ Hành trình này và chiến dịch đang lan rộng.” Đức Hồng Y nói rằng Ngài rất vui khi thấy rằng ở bất cứ nơi nào có Caritas thì các chương trình mới đang hỗ trợ cho chiến dịch này.

“Gặp gỡ người tỵ nạn di cư”

Đức Hồng Y Tagle cũng nói về những thách đố đã được nói lên bởi những người âu lo trước những làn sóng người tỵ nạn di cư, và nhiều chính phủ đã xây lên những bức tường để ngăn chặn không cho họ nhập cư, đây thực là một vấn nạn rất phức tạp; vì vậy mà chúng tôi ghi nhận có nhiều phản ứng khác biệt!”

Đức Hồng Y nói: “Đôi khi chúng ta nói về di cư như một ý tưởng, như một khái niệm, nhưng sự kiện ấy thật khác biệt khi chúng ta gặp gỡ một người di cư, khi chúng ta lắng nghe câu chuyện của họ, khi chúng ta chạm vào cuộc sống của họ. Và đặc biệt khi chúng ta khám phá ra câu chuyện của họ lại chính là câu chuyện của chính mình. Chúng ta có thể thấy mình trong họ. “

Cuối cùng, Đức Hồng Y mời tất cả mọi người nhớ lại lai lịch của mình, để không quên những người di cư xuyên qua lịch sử gia đình di cư hay tỵ nạn của chính mình. “Nếu chúng ta nhớ lại cha ông chúng ta đã được chấp nhận để bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ, một nền văn hóa khác biệt có lẽ chúng ta sẽ có cái nhìn cởi mở hơn...”

7. Ðức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội giúp những người bị bệnh họa hiếm.

Ðức Thánh Cha Phanxicô khích lệ hiệp hội nghiên cứu và liên đới với các bệnh nhân bị bệnh họa hiếm.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30 tháng 4 năm 2018 dành cho 62 thành viên Hiệp Hội “Một đời sống họa hiếm”, một tổ chức theo đuổi mục tiêu liên đới xã hội, hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học bảo vệ sức khỏe để chăm sóc những người bị bệnh họa hiếm, đặc biệt là những người bị hiệu chứng gọi là Allan-Herndon-Dugle, một thứ bệnh chậm trí liên quan đến nhiễm sắc thể X.

Ngỏ lời với các thành viên hiệp hội, Ðức Thánh Cha bày tỏ lòng ngưỡng mộ ý chí của những gia đình có con cái bị bệnh họa hiếm, liên kết với nhau để đương đầu với tình cảnh tiêu cực và cố gắng cải tiến cuộc sống ấy. Ngài nhận xét rằng các hội viên đã có gắng nhìn những khía cạnh tích cực: mỗi cuộc sống con người là duy nhất.

Ðức Thánh Cha nói:

“Cái nhìn tích cực này là một “phép lạ” tiêu biểu của tình thương. Chính tình thương thực hiện điều này là: biết nhìn điều thiện hảo trong một hoàn cảnh tiêu cực, biết bảo tồn ngọn lửa bé nhỏ giữa đêm tối.. Tình yêu cũng thực hiện một phép lạ khác nữa, đó là giúp chúng ta cởi mở đối với tha nhân, có khả năng chia sẻ, liên đới, cả khi ta chịu đau khổ vì một thứ bệnh hoặc một hoàn cảnh nặng nề, làm hao mòn sức lực trong cuộc sống thường nhật”.

Ðức Thánh Cha cũng cám ơn Chúa vì sáng kiến đi 700 cây số từ nhà của nhiều hội viên để đến Roma ngày hôm nay: một cuộc bộ hành cho sự sống và hy vọng”.

8. Phái đoàn Giám Mục Ðức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh.

Hôm thứ Năm mùng 3 tháng 5 năm 2018, một phái đoàn Hồng Y, Giám Mục Ðức đã về Roma, thảo luận với Tòa Thánh về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ.

Hội Ðồng Giám Mục Ðức, dưới sự lãnh đạo của Ðức Hồng Y Chủ tịch Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, đã thông qua một chỉ nam về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ. Các vị dựa vào giải thích khoản giáo luật số 844, triệt 4 nói rằng “Trong trường hợp nguy tử, hoặc theo phán đoán của Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục, có sự cần thiết trầm trọng, thì các thừa tác viên Công Giáo có thể ban bí tích hợp pháp cho các tín hữu Kitô khác chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ không thể đến gặp thừa tác viên cộng đoàn của họ và nếu họ tự ý xin thừa tác viên Công Giáo, miễn là họ bày tỏ niềm tin của Công Giáo đối với các bí tích ấy và ở trong tình trạng sẵn sàng”.

Chỉ nam đã được 2 phần 3 thành viên trong Hội Ðồng Giám Mục Ðức thông qua, nhưng có 7 vị đứng đầu là Ðức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục giáo phận Koeln, viết thư cho Bộ giáo lý đức tin, thỉnh cầu làm sáng tỏ vấn đề, nhất là thẩm quyền của Hội Ðồng Giám Mục trong vấn đề này. Một số vị khác đã phê bình cuốn chỉ nam này, trong đó có Ðức Hồng Y Gerhard Mueller, cựu Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Trong thông cáo công bố hôm 30 tháng 4 năm 2018, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Ðức gồm có 7 Hồng Y và Giám Mục, đứng đầu là Ðức Hồng Y Marx và Ðức Hồng Y Woelki, cùng với cha Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Hans Langendoerfer.

Về phía Tòa Thánh có Ðức Tổng Giám Mục Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin Luis Ladaria, Ðức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Ðức Ông Markus Graulich, SDB, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Cha Hermann Geissler, Trưởng Phân Bộ đạo lý thuộc Bộ giáo lý đức tin