Ngày 12-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật Tuần 6A Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:06 12/05/2020
Chúa Nhật 6 PHỤC SINH. A
(Ga 14:15-21)
CẬY TRÔNG.


Trước khi từ giã ra đi,
Chúa thương nhủ bảo, thực thi đôi lời.
Các con yêu mến trong đời,
Giới răn bác ái, là lời Thầy khuyên.
Chúng con tuân giữ luật truyền,
Yêu Thầy kính Chúa, tinh tuyền trí khôn.
Thầy về cùng Chúa chí tôn,
Xin Cha chúc phúc, cho hồn ân thiêng.
Thánh Thần Phù Trợ thiêng liêng,
Người là Chân Lý, ơn riêng chữa lành.
Thế gian chẳng biết Thánh Danh,
Chúng con nhận biết, thực hành yêu thương.
Luật Thầy truyền giữ tỏ tường,
Mến yêu sự thật, mở đường ta đi.
Dù cho cuộc sống khó nguy,
Đồng hành bên Chúa, sợ gì thế gian.
Cuộc đời muôn nỗi gian nan,
Có Thầy yêu mến, chứa chan phúc lành.
Cậy trông phó thác chân thành,
Yêu người mến Chúa, rạng danh sáng ngời.

Chúa Giêsu trước khi từ giã các môn đệ, Ngài đã ưu ái nhắn nhủ và mời gọi các môn đệ hãy yêu thương nhau. Chúa ra đi, nhưng không để các ông mồ côi. Chúa biết khi Ngài rời xa, các tông đồ sẽ buồn phiền. Ngài hứa sẽ ban Thánh Thần đến để thêm sức và dậy dỗ các ông tất cả.

Không buồn sao được khi Chúa từ giã ra đi. Tuy rằng, Chúa chỉ vắng mặt nơi thân xác, nhưng tinh thần Chúa luôn hiện diện bên cạnh. Trước khi ra đi, Chúa đã dậy dỗ các môn đồ cách cặn kẽ. Chúa trao ban quyền năng để phục vụ và xây dựng Giáo Hội. Chúng ta biết các tông đồ là những người chài lưới sống ở vùng quê và ít học. Nhận lãnh trách nhiệm lớn lao trong việc truyền rao tin mừng cứu độ cho muôn dân.

Các tông đồ không thể cậy dựa vào sức mình. Với sự đơn sơ và lòng nhiệt thành, các ngài đã ra đi làm nhân chứng cho Chúa. Mười một trong số 12 tông đồ đã lấy chính máu đào của mình chứng minh niềm tin vào Chúa Kitô sống lại. Các ngài theo chân Chúa, thánh giá vác mỗi ngày. Biết bao chống đối, biết bao gian khổ và biết bao thăng trầm, các ngài đã từng bước vuợt qua và vươn tới. Không chùn bước khi gặp gian nan thử thách. Nhờ đâu các ngài có được sự can đảm như thế? Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa sai đến.

Vai trò Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong buổi sơ khai của Giáo Hội. Lửa yêu mến của Thánh Linh đã rực cháy trong tâm hồn của các tín hữu thời sơ khai. Dầu bị cấm cách, bị thiêu đốt, bị giam cầm, bị bách hại liên tục, các ngài luôn kiên cường làm chứng nhân cho Chúa sống lại. Các ngài đã xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang.

Triều thiên phải đổi bằng giá máu. Phải phấn đấu và tín trung cho đến cùng đường. Ai trong chúng ta cũng muốn được hạnh phúc và được đội triều thiên. Truyện kể: Trong giấc mơ, có một bà thấy mình bước vào cửa tiệm và ngạc nhiên thấy Chúa ngồi tại quầy hàng. Bà hỏi: Ở đây Chúa bán những món hàng nào? Chúa trả lời: Có tất cả các món hàng mà con mong muốn. Ngỡ ngàng quá sức! Bà định mua tất cả sự bình an, tình yêu và hạnh phúc. Bà muốn mua cho con cái và cho mọi người nữa. Chúa cười và nói rằng chắc bà hiểu lầm rồi, tiệm này không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống mà thôi.

Chúng ta đã lãnh nhận hạt giống đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng ta hãy làm nẩy sinh những hoa quả tốt đẹp trong cuộc sống. Hạt giống có trổ sinh nhân đức hay không, tùy thuộc cuộc sống nơi mỗi người chúng ta. Xin Chúa tràn đổ ơn lành giúp chúng ta sinh hoa kết trái tốt đẹp.

TUẦN 6 MÙA PHỤC SINH
THỨ HAI
Gioan 15: 26- 16:4a


Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ để củng cố lòng tin của các ông. Chúa đã khởi sự lập đạo mới. Đạo của yêu thương và của sự thật. Chúa biết trước quyền lực thế gian sẽ không tha cho họ. Chúa dự liệu xin Cha sai Thần Khí đến để hướng dẫn họ trong sự thật. Chúa nói với các môn đệ: Khi Đấng Bào Chữa đến, Ngài là thần khí bởi Cha mà ra, Ngài sẽ làm chứng về Thầy.

Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần. Ngài chính là Đấng Bào Chữa, là Thánh Thần của Thiên Chúa. Ngài sẽ tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngài là Thần Khí của sự thật. Ngài sẽ mở cửa tâm hồn các tông đồ bằng ơn khôn ngoan, can đảm và sức mạnh. Giúp các tông đồ vững vàng làm nhân chứng cho Chúa Kitô.

Chúa Giêsu sắp hoàn tất sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao phó. Ngài đã đến thế gian mặc khải cho mọi người biết về tình yêu của Chúa Cha. Ngài đã lấy thân chuộc tội cho mọi người. Ngài hoàn tất việc giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài sẽ trở về bên Chúa Cha trong vinh quang.

Ngài sẽ sai Thần Chân lý đến với các tông đồ. Thánh Thần là Đấng Phù Trợ, Ngài sẽ củng cố lòng tin và dạy các tông đồ tất cả mọi sự thật và các tông đồ sẽ là những người đầu tiên làm chứng cho sự thật. Chúa Kitô đã chết và đã sống lại.

THỨ BA
Gioan 16: 5-11


Thầy nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con. Vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Bào Chữa sẽ không đến với các con. Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao phó. Ngài sẽ rời bỏ các môn đệ để trở về với Chúa Cha. Các môn đệ đã được sống với Chúa và đã chứng kiến những dấu lạ Chúa đã làm. Giờ đây Chúa sai các ngài ra đi làm nhân chứng cho những gì mắt đã thấy và tai đã nghe.

Chúa Giêsu sẽ rời khỏi các môn đệ nhưng Chúa sai Chúa Thánh Thần đến để củng cố các ông trong sự thật. Sự thật là Chúa Giêsu đã xuống thế gian, đã rao giảng sám hối, đã làm các phép lạ, chịu sự chống đối, bị chối bỏ, bị phản bội, chịu khổ đau vác thánh giá, chịu chết trên thánh giá, mai táng trong mồ và ngày thứ ba đã sống lại. Tất cả những sự thật Chúa đã làm và phải chịu thử thách cho đến chết. Các tông đồ có sứ mệnh truyền rao cho các thế hệ tiếp sau.

Những nhà lãnh đạo tôn giáo đã cộng tác vào việc khai trừ Chúa, họ cũng không tha cho các môn đệ. Tuy sợ hãi nhưng các môn đệ đã có Thánh Thần ban sức mạnh. Các ngài đã ra đi rao giảng chân lý đức tin. Nghe lời Thầy dạy: Các con đừng sợ kẻ chỉ giết được thân xác, mà không làm gì được linh hồn. Các môn đệ đã hăng hái ra đi rao giảng khắp mọi nơi.

Lậy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến đốt lửa mến trong tâm hồn chúng con để chúng con sẵn sàng ra đi làm nhân chứng.

THỨ TƯ
Gioan 16: 12-15


Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể chịu đựng nổi. Các môn đệ theo Chúa được khoảng ba năm. Hầu hết các ngài là những người lao động chân tay. Các ngài ít học, chữ nghĩa thì hiếm hoi và tính tình thì cộc cằn. Họ là những người đơn sơ và bình thường. Ba năm theo Chúa, các ngài chứng kiến nhiều phép lạ và nghe nhiều bài giảng. Có những bài giảng dụ ngôn, các ngài không hiểu cần Chúa Giêsu cắt nghĩa.

Hoàn cảnh của hơn 2000 năm về trước khác nhiều với thời của chúng ta hiện nay. Thời xưa, trường lớp thì không có, bút mực thì hiếm hoi và sách vở đâu có mà đọc. Có những lời giảng hay dụ ngôn nghe trước quên sau. Chúng ta thời nay, ngay từ nhỏ đã được học, học liên tục cả gần hai mươi năm nhưng chúng ta biết được bao nhiêu. Chúng ta có đầy đủ mọi phương tiện thông tin nhưng rồi chúng ta lãnh hội được bao nhiêu sự thật. Chúng ta học biết về Chúa được bao nhiêu.

Chúa Giêsu không muốn nói tất cả mọi sự với các tông đồ vì sợ các ông không lãnh hội được. Các ông cần có ơn Chúa Thánh Thần bổ sức và hướng dẫn. Đặc biệt, sau khi đã chứng kiến Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, các ngài đã có một niềm tin vững chắc. Niềm tin và tình yêu vào Thầy là hai nguồn trợ lực giúp các tông đồ thắng vượt tất cả mọi gian khó trong bước đường truyền đạo.

THỨ NĂM
Gioan 16: 16-20


Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại ít lâu nữa các con sẽ thấy Thầy. Những ngày cuối cùng ở với các môn đệ, Chúa Giêsu đã có những tâm sự thật gần gũi. Chúa không muốn các tông đồ buồn tủi và thất vọng. Ngài phấn chấn các ông bằng những niềm hy vọng được thấy lại Thầy.

Mọi sự đều có thời. Có thời đến, sẽ có thời đi. Có thời để gieo, có thời để gặt. Có thời vui mừng, có thời phải khóc lóc. Chúa xuống trần rồi Chúa lại thăng thiên. Chúa đến quy tụ các môn đệ, rồi Chúa cũng phải rời bỏ các ông. Mỗi người có nhiệm vụ phải làm và luôn hướng tới. Chúa không muốn các môn đệ cứ dựa dẫm vào Chúa. Các ông phải lớn lên, phải tự lập và ra đi làm nhân chứng.

Chúa Giêsu xuống trần tuy vỏn vẹn có ba mươi ba năm nhưng đó là những năm ân phúc cho nhân loại. Chúa đến mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha, về sự sống và về cùng đích của cuộc đời. Cuộc đời này chỉ là tạm bợ, mọi sự đều sẽ qua đi. Con người còn có cuộc sống mai hậu. Cuộc sống gian khổ và khóc lóc bây giờ sẽ trở thành niềm vui khi Chúa trở lại.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng tử thần và tội lỗi. Chúng con tôn vinh và chúc tụng Chúa. Xin Chúa ban ơn khôn ngoan và sức mạnh để chúng con ra đi đem niềm vui đến cho mọi người.

THỨ SÁU
Gioan 16: 20-23a


Thầy nói với các con: Các con sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng; các con sẽ buồn sầu nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi chàng rể còn ở với mọi người trong đám cưới thì họ sẽ không ăn chay hay buồn phiền. Khi chàng rể ra đi, lúc đó họ sẽ ăn chay. Chúa chuẩn bị rời khỏi các tông đồ. Chúa biết rằng họ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thế gian sẽ làm khổ họ vì danh của Chúa. Họ sẽ phải khóc lóc than van và sầu khổ.

Chúa hứa không bỏ họ mồ côi. Chúa xa mặt nhưng vẫn hiện diện nơi tâm hồn qua lời của Chúa và qua nghi thức Bẻ Bánh. Nhìn vào những dấu vết của các hang toại đạo bên Rôma, chúng ta biết được thời Giáo Hội sơ khai phải khổ sở thế nào. Vì danh Chúa Kitô chịu đóng đinh, những người Kitô hữu đã phải sống chui rúc dưới hang mấy tầng, từ đời nọ đến đời kia. Họ quây quần bên nhau đọc lời Chúa, cùng xướng ca thánh vịnh tạ ơn và bẻ bánh. Sức thiêng nào đã giúp cho các Kitô hữu trường kỳ sống đạo như thế?

Đó chính là do quyền lực của Chúa Thánh Thần nâng đỡ và dẫn dắt. Chúa Giêsu biết trước sự đau khổ và khóc lóc họ phải chịu ở đời này nhưng sự buồn sầu sẽ trở thành niềm vui mai sau. Lạy Chúa, Chúa luôn mời gọi chúng con vào qua cửa hẹp, nơi đó chúng con sẽ tìm được nguồn sống thật. Xin cho chúng con trung thành với Chúa cho dù gặp gian nan hay chông gai trên cuộc lữ hành trần thế này.

THỨ BẢY
Gioan 16: 23b-28


Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Ngài sẽ ban cho các con. Chúa Giêsu chỉ dậy cách cầu xin cùng Cha. Giữa Cha và Con có sự kết hợp nhiệm mầu. Mọi lời cầu xin qua Đấng Trung Gian là chính Chúa Giêsu. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cũng qua người Con, Cứu chuộc nhân loại cũng qua sự hy sinh của người Con. Chính Con là đẹp lòng Cha mọi đàng.

Cầu xin cùng Cha qua danh nghĩa của Chúa Giêsu vì công nghiệp hiến tế của Chúa Kitô mà nhân loại được giao hòa cùng Thiên Chúa. Trong bất cứ kinh nguyện nào trong phụng vụ, Giáo Hội cũng cầu nguyện qua danh của Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô, nhân loại có thể đến với Chúa Cha qua Con của Ngài. Chúa Giêsu trở thành Sứ Giả Bình An và là Đấng Cứu Thế.

Chúa Giêsu dậy: Hãy xin thì sẽ được, để niềm vui của các con được trọn vẹn. Những lời nhắn nhủ của Chúa với các môn đệ thật chân tình. Các môn đệ trở thành bạn hữu của Chúa và chia xẻ niềm vui với Ngài. Ngài tỏ lộ rõ ràng cho các môn đệ về Cha của Ngài. Ngài không còn dùng dụ ngôn như trước nữa. Chính Cha sẽ yêu mến các môn đệ bởi vì các môn đệ yêu mến Chúa Giêsu. Đây là sự liên đới và thông hiệp giữa Chúa Cha, Chúa Con và các môn đệ. Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong tình yêu của Chúa nhân danh Chúa Kitô.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:18 12/05/2020

22. Nếu một ngày tôi không có thánh giá thì tôi e rằng Thiên Chúa bỏ tôi rồi.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 12/05/2020
18. NHÌN TRỜI ĐỌC SÁCH

Xa Vận sinh vào thời nhà Tấn, trong túi đựng đầy con đom đóm, nhờ vào ánh sáng yếu ớt của đom đóm mà học bài, nhưng Tôn Khang thì lại ở trong tuyết nhờ màu trắng của tuyết mà đọc sách.

Một hôm, Tôn Khang đi thăm Xa Vận, nhưng không thấy, bèn hỏi ông ta đi đâu, người coi nhà trả lời:

- “Đi ra ngoài bắt đom đóm rồi !”

Không lâu sau đó, Xa Vận đi qua thăm Tôn Khang, nhìn thấy ông ta nhàn rỗi đứng trong sân bèn nói:

- “Tại sao anh không đọc sách?”

Tôn Khang trả lời:

- “Tôi nhìn thời tiết hôm nay hình như tuyết không rơi thì phải.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 18:

Ngày xưa các học trò nhà nghèo dùng đom đóm để thấy chữ mà đọc sách, khổ cực trăm bề nhưng vẫn có người thi đỗ làm quan lớn; ngày nay học trò được trang bị “tận răng” nhưng học hành thì biếng nhác, thành tích hạng chót, đó là một nhức nhối cho xã hội và gia đình.

Ánh sáng của con đom đóm thì nhất định không đủ sáng để thấy rõ được mặt chữ; tuyết dù cho có trắng bao nhiêu chăng nữa thì cũng sẽ làm nhòa nét chữ đen, nhưng không thể làm nhòa tâm hồn ham học của các học trò nghèo, đó là tấm gương sáng cho các học trò của thế hệ điện tử vi tính của thời đại @ hôm nay. Ánh sáng mặt trời chỉ có thể giúp các học trò thấy được chữ để học, nhưng không soi sáng được tâm hồn; vi tính chỉ giúp các học trò giải quyết những môn học mau hơn nhanh hơn, nhưng không giải quyết được chuyện rối rắm của tâm hồn...

Học trò Ki-tô hữu là những người hiểu rõ nhất về ánh sáng của Tin Mừng, chính ánh sáng này sẽ làm cho người học trò Ki-tô hữu thấy được việc học là bổn phận của mình và là một hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho họ, cho nên họ nổ lực quyết tâm học cho ra học để giúp ích cho xã hội và cho Giáo Hội mai sau...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu Mến và Tuân Giữ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:11 12/05/2020

Chúa Nhật 6 Phục Sinh

Những lời tâm huyết của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi chép lại trong hai chương 13 và 14, cuối cùng Chúa đúc kết trong một lời khuyên ân cần : "Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy".

Có câu chuyện “Cậu Bé Thủy Thủ” giàu ý nghĩa minh họa :

Cậu bé Louis, 15 tuổi, học nghề thuỷ thủ trên một chiếc tàu buôn. Một hôm, trời mưa to gió lớn làm cho các thuỷ thủ lạnh cóng và rét run. Viên thuyền trưởng đem rượu Whisky ra cho các thuỷ thủ uống để chống lạnh. Ông cũng đem rượu cho cậu bé Louis, nhưng cậu từ chối không uống. Viên thuyền trưởng ép cậu phải uống kẻo bị lạnh, nhưng Louis vẫn một mực từ chối. Vì tự ái, viên thuyền trưởng bắt cậu ra sàn tàu đứng ôm cột buồm suốt đêm.Sáng hôm sau, khi điểm tâm xong, viên thuyền trưởng mới chợt nhớ ra cậu bé Louis. Mọi người chạy lên sàn tàu thì thấy cậu bé đã ngất xỉu dưới chân cột buồm. Sau khi sưởi ấm và làm cho cậu bé tỉnh, viên thuyền trưởng mới dịu dàng hỏi : “Tại sao cháu lại cố chấp như thế?”. Cậu bé trả lời : “Thưa ông, vì trước khi chết, mẹ cháu dạy cháu đừng bao giờ uống rượu. Và cháu đã hứa với mẹ điều ấy”. Viên thuyền trưởng ngạc nhiên hỏi : “Tại sao?”. Cậu bé ngậm ngùi kể lại : “Cha cháu say sưa tối ngày vì rượu. Mỗi lần say, ông về đánh đập mẹ cháu, lấy đồ đạc trong nhà bán để uống rựơu. Mẹ cháu buồn quá sinh bệnh rồi chết. Cháu rất thương mẹ cháu. Xin ông đừng bắt cháu làm ngược lại những gì mẹ cháu đã dạy bảo”. Viên thuyền trưởng cảm động ôm lấy cậu bé và nói : “Con xứng đáng là con của ta, ta sẽ truyền nghề cho con”.
Cậu bé Louis vì thương mẹ nên đã vâng giữ lời mẹ dạy. Cậu vâng nghe lời mẹ vì yêu mến mẹ.

Tình yêu của mỗi tín hữu dành cho Chúa sẽ được thẩm định bằng việc tuân giữ Lời của Ngài. Tình yêu ấy được minh chứng bằng cuộc sống tốt lành hàng ngày.

“Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy”. Lòng yêu mến của mỗi tín hữu đối với Chúa chỉ có giá trị khi đi đôi với việc làm là “vâng giữ lời Chúa”.

Khi thực thi ý Chúa, người tín hữu nhận lãnh được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa : “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Câu nói này của Chúa Giêsu hướng chúng ta đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và nhất là ơn huệ Thánh Thần: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.Thánh Thần được ban chính là để làm chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu; như thế, chính khi chúng ta nhớ, hiểu và cảm nếm Lời Chúa trong cầu nguyện, trong thời gian tĩnh tâm, trong thánh lễ hằng ngày; khi để cho Lời Chúa trở thành lương thực, sự sống mỗi ngày của mình thì chúng ta đang chan hòa ơn Thánh Linh. Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong chúng ta, như thế tâm hồn mỗi người xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa, một đền thờ thiêng liêng, thánh thiện, tốt đẹp, yêu thương, luôn thể hiện tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người.

“Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy“. Giữ lời của Thầy là chứng tỏ lòng thương mến của mình đối với Thầy. Lời cốt lõi của Thầy là các con hãy tuân giữ và thực thi giới răn yêu thương.

Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về Tình yêu và đi vào trong Tình yêu (R.Tagore)

Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta. Và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống viên mãn.Thiên Chúa là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua chúng ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

Những người yêu mến Chúa thì luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:

“Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác…. Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng chia cơm cho họ”. Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.

Đức Maria là mẫu gương yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.

Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria là “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa: “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao hơn là “nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Khi biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Bởi đó, Chúa nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cưu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc cao quý nhất của Đức Mẹ.

Vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.

Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Trong cuộc thương khó của Chúa, Mẹ đau đớn và luôn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con…

Lạy Chúa, chúng con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là chúng con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con xác tín rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp chúng con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.

Lạy Chúa, trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng con tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng con nhìn lên Mẹ như vị thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu như Mẹ là mẫu gương cho chúng con. Amen.
 
Yêu người - cách biểu lộ lòng mến Chúa thực sự
Lm Đan Vinh
20:14 12/05/2020
Chúa Nhật 6 Phục Sinh A

Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 14,15-21

(15) Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. (16) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. (17) Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận. Vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (18) Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. (19) Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. (20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (21) Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Chúa Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến Người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay trích trong bài diễn từ giã biệt của Đức Giê-su trước khi chịu khổ nạn, phục sinh và lên trời với Chúa Cha. Trong thời gian vắng mặt, Đức Giê-su hứa sẽ ban cho các Môn đệ một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần để ở với các ông luôn mãi. Người cũng hứa sẽ không bỏ mặc các ông mồ côi, nhưng sẽ hiện diện bên các ông một cách thiêng liêng. Những ai thực sự yêu mến Người thì phải tuân giữ các giới răn của Người. Ai làm như vậy thì sẽ được Chúa Cha yêu mến và còn được Người bày tỏ sự thật của mình ra cho họ biết.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15-17: + Nếu anh em yêu mến Thầy…: Đối với Đức Giê-su, tình yêu không chỉ dừng lại ở tình cảm tâm hồn hay cảm xúc thể xác, mà phải được biểu lộ trong hành động vâng phục là tuân giữ các giới răn của Người, cũng như Người đã yêu mến Chúa Cha và luôn tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha (x. Ga 15,10). + Đấng Bảo Trợ khác: Bảo Trợ tiếng Hy Lạp là Pa-ra-cle-tos, ám chỉ một người được mời đến để làm trạng sư bênh vực và bầu chữa cho bị cáo khi tòa án xét xử. Ở đây Thánh Thần sẽ bầu chữa cho các môn đệ, trong vụ kiện đối với thế gian trước tòa án của Thiên Chúa. Qua đó cho thấy chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giê-su (x. 1 Tm 2,5), nhưng lại có hai Đấng Bảo Trợ: Một là “Đức Giê-su Ki-tô là Đấng công chính” (x. 1 Ga 2,1), cũng là “Đấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (x. Dt 7,25); Hai là Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác (x. Ga 14,16) là “chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (x. Rm 8,26). + Đến ở với anh em luôn mãi: Sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su sẽ hoàn tất khi Ngài được tôn vinh (x. Ga 7,39), nghĩa là khi Người tắt thở trên cây thập giá (x. Ga 19,30). Từ đây Người trao ban Thần Khí là Chúa Thánh Thần cho nhân loại để thực hiện một cuộc tạo thành mới. Thời kỳ của Chúa Thánh Thần sẽ kéo dài mãi đến ngày tận thế. + Thần Chân Lý: là Thánh Thần, phát xuất từ Đức Giê-su là chân lý (x. Ga 14,6), Đấng luôn nói sự thật của Chúa Cha (x. Ga 12,49) và sau khi phục sinh đã thổi hơi ban Thần Khí cho các Tông đồ (x. Ga 20,22). Thần Chân Lý đối lập với ma quỷ là cha của sự dối trá (x. Ga 8,44). + Đấng mà thế gian không thể đón nhận: Vì Thánh Thần là Thần Khí thiêng liêng, nên thế gian không thể thấy và không thể đón nhận Người. Thế gian ở đây là các đầu mục của người Do thái, những kẻ kiêu căng, ích kỷ, thù hận, không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Họ không biết và không muốn đón nhận Thánh Thần của Người nên họ sẽ bị chết trong tội của mình (x. Ga 8,22-24). + Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em: Các Tông đồ nhờ đức tin sẽ đón nhận Thánh Thần, nên sẽ được Ngài ở cùng và dạy dỗ toàn vẹn sự thật.

- C 18-19: + Thầy sẽ không để anh em mồ côi…: Mồ côi là tình trạng con cái bị mất cha mẹ nên không có người chăm sóc nuôi dưỡng, học trò bị mất thầy nên không được ai dạy dỗ hướng dẫn. Ở đây Đức Giê-su có ý nói rằng: sau khi từ cõi chết sống lại, dù Người không còn ở với các môn đệ như hiện tại, nhưng Người vẫn luôn ở cùng các ông nhờ đức tin và ơn thánh. + Chẳng bao lâu nữa: Người hứa sẽ mau trở lại (x. Ga 16,19.22). + Thế gian sẽ không còn thấy Thầy: Đức Giê-su sắp chịu chết và người đời sẽ không còn thấy Người sau khi Người sống lại, vì từ nay Người không còn hiện diện bằng thân xác nữa. + Anh em được thấy Thầy: Thấy ở đây là bằng đức tin: tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa. Nhờ tin, các ông sẽ được tham dự vào sự sống siêu nhiên và kết hiệp mật thiết với Người.

- C 20-21: + Ngày đó: là kiểu nói thường dùng trong Cựu Ước để chỉ ngày Chúa lại đến, tức là ngày cánh chung hay tận thế (x. Is 2,17; 4,1). + Thầy ở trong Cha Thầy và Thầy ở trong anh em: Nhờ vào sự thấy được bằng đức tin như vậy, các môn đệ sẽ khám phá ra đời sống kết hiệp thâm sâu giữa Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 14,11), đồng thời cũng cảm nghiệm được sự liên kết mật thiết giữa họ với Chúa Giê-su Phục Sinh bằng đức tin và ân sủng. + Ai có và giữ các điều răn của Thầy…: Lòng mến Chúa không phải chỉ dừng lại ở tình cảm và lời nói, nhưng phải được thể hiện qua hành động tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhất là sống giới răn yêu thương của Chúa Giê-su (x. Ga 13,34). + Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến…: Câu này không có nghĩa là Thiên Chúa chỉ yêu mến những ai yêu mến Chúa Giê-su, vì Thiên Chúa yêu hết mọi người và yêu họ trước (x. 1 Ga 4,10). Nhưng những ai yêu mến và vâng lời Đức Giê-su thì càng được Thiên Chúa yêu mến hơn, với danh nghĩa họ là nghĩa tử của Đức Giê-su và là chi thể của Đầu Nhiệm Thể là chính Người.

4. CÂU HỎI:

1) Đức Giê-su đòi người ta thể hiện tình yêu đối với Người thế nào?

2) Bảo trợ nghĩa là gì? Loài người chúng ta chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là ai? Nhưng chúng ta lại có hai Đấng Bảo Trợ là những Vị nào?

3) Sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su chấm dứt khi nào? Sẽ được Đấng nào khác tiếp tục cho đến tận thế?

4) Thần Chân Lý là ai? Phát xuất từ Đấng nào? Đối lập với ai?

5) Tại sao thế gian không thể đón nhận được Thần Chân Lý? Các Tông đồ phải làm gì để đón nhận được Ngài?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÒNG MẾN BIỂU LỘ QUA VIỆC CHỊU CHẾT THAY CHO MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN:

Vào một buổi sáng tháng 7 năm 1941, trong trại tập trung OS-WIC của Đức quốc xã tại nước Ba-lan, lính canh đã phát hiện ra đêm qua có một tù nhân vượt ngục. Theo thông lệ: mười tù nhân khác phải chịu chết thay cho kẻ đào thoát. Bấy giờ tên trưởng trại lần lượt kêu tên mười tù nhân ra xếp hàng vào hầm chết đói. Khi nghe đọc tên, từng người run rẩy sợ hãi bước ra khỏi hàng tiến ra phía trước xếp hàng. Bỗng nhiên một người trong bọn khi nghe kêu tên đã bật khóc và la to: “Ối vợ con ơi! Thế là từ nay tôi không bao giờ còn được đoàn tụ nũa rồi”.

Hàng ngàn tù nhân còn lại đều hồi hộp và mừng thầm vì được thoát chết. Đột nhiên có một tù nhân dáng người gầy yếu từ trong hàng ngũ bên trái đã ra khỏi hàng tiến đến gần viên trưởng trại. Bấy giờ tên này liền rút súng lục đeo bên người chĩa về phía người tù kia ra lệnh:

- Thằng kia, đứng lại! Mày muốn gì?

- Tôi muốn được chết thay cho một người trong mười người sắp bị chết kia.

Viên trưởng trại tỏ vẻ sửng sốt tưởng mình nghe lầm hỏi lại:

- Tại sao mày lại làm điều ngu ngốc như thế?

- Tôi là một linh mục Công Giáo không có gia đình, nên tôi tình nguyện chết thay cho người có vợ con kia.

Cuối cùng, viên trưởng trại cũng đồng ý và cho kẻ tình nguyện chết thay nhập vào hàng người tiến về hầm chết đói. Tù nhân nói trên không ai khác hơn là cha MA-XI-MI-LI-EN KÔN-BÊ. Qua việc tình nguyện hy sinh tính mạng sẵn sàng chết thay cho một người không quen, cha đã thể hiện lòng mến Chúa cách cụ thể nhất. Hành động của cha khiến cho nhiều người hiện diện, từ cai ngục đến các tù nhân đều phải nể phục. Vào ngày 10/10/1982 tại Roma Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã tấn phong cha Kôn-bê lên bậc hiển thánh để tuyên dương một người có lòng thánh thiện thực sự khi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho tha nhân.

2) VÌ CHÍNH KHI HIẾN THÂN LÀ KHI ĐƯỢC NHẬN LÃNH:

Bà MA-RI-NA PI-CÁT-SÔ (Marina Picasso) là cháu của họa sĩ nổi tiếng PÁP-LÔ PI-CÁT-SÔ (Pablo Picasso). Trong thời gian từ năm 1973 đến 1975, bà liên tiếp phải chịu nhiều cái tang lớn: Ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời. Đây thật là những mất mát không thể bù đắp, dù bà đã được thừa kế một gia sản lớn lao. Từ lúc ấy, thay vì ngồi gậm nhấm nỗi đau của mình thì bà đã dành nhiều thời gian để chăm sóc những trẻ em mồ côi không người thân thích, những trẻ lang thang bụi đời đang sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Cũng từ ngày đó bà cảm thấy có sự biến đổi lớn lao trong tâm hồn như bà tâm sự: “Nhờ ra tay giúp đỡ con em của nước này, mà tôi đã tìm lại được bản thân. Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn chia sẻ sự sống mới đó cho các em”. Chính nhờ ra khỏi nỗi đau bị mất mát người thân, để cúi xuống xoa dịu nỗi đau của tha nhân mà bà Ma-ri-na Pi-cát-sô đã được sống lại về linh hồn. Khi không còn phải bận tâm lo cho bản thân, bà đã dành thời gian để quan tâm đáp ứng các nhu cầu của người khác. Nhờ đó, bà cảm thấy sự sống nơi mình được nhân lên gấp bội, đúng như lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân… Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…”

3) HIẾU THẢO BIỂU LỘ BẰNG SỰ VÂNG LỜI:

Một bé trai theo mẹ vào siêu thị sắm đồ. Tại cửa hàng quần áo may sẵn, đang lúc mẹ mải nói chuyện với nhân viên bán hàng, thì cậu con leo lên mặt bàn và với tay lấy mấy chiếc áo đang treo xuống, làm nhiều quần áo bị rơi. Thấy vậy, bà mẹ liền nắm tay của cậu con và nhẹ nhàng nói: “Không được làm thế nghe con!” Nó cúi đầu ngoan ngoãn đáp: “Vâng, thưa mẹ!” Nhưng rồi sau đó, khi mẹ đang chọn lựa các mặt hàng thì đứa con lại leo lên bàn và tiếp tục làm rơi nhiều quần áo xuống. Thấy vậy, bà mẹ vẫn kiên nhẫn nhắc nhở con: “Con không được làm như thế nữa, nghe không!” Nó lại hứa: “Dạ vâng!” Rồi một lúc sau, chứng nào tật đó, nó lại làm rớt nhiều món hàng khác xuống khiến cô nhân viên bán hàng tỏ vẻ bực bội khó chịu. Bà mẹ liền nắm chặt tay con, trừng mắt nhìn rồi chỉ ngón tay vào trán nó và nói bằng giọng nghiêm khắc: “Con đừng bao giờ làm thế nữa nghe chưa?” Đứa bé hiểu rằng lần này thì nó phải nghe theo lời mẹ dạy để không được quậy phá gây ra phiền hà bực bội cho người khác nữa. Nó nhìn mẹ, miệng mếu như muốn khóc và nói: “Mẹ, con thương mẹ mà! Sao mẹ lại la rầy con?”. Với nét mặt cương quyết, bà mẹ liền nói: “Nếu con thực sự thương mẹ, thì con phải vâng lời mẹ, không được làm trái ý mẹ nữa nghe chưa!”. Đứa bé liền ngừng khóc cúi đầu nhận lỗi và từ lúc đó đến khi ra về, nó không còn dám làm phiền mẹ và người chung quanh nữa.

Câu chuyện trên rất phù hợp với Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15).- “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21).

4) TÌNH THƯƠNG KHÔNG CÓ TRONG NHỮNG CON NGƯỜI ÍCH KỶ:

Truyện cổ tích Ả Rập kể rằng: Có một người bán thịt nướng tính tình keo kiệt và khó tính. Cũng vì tính khí khó ưa này nên cửa hàng của anh thường ế ẩm, dù anh đã làm đủ cách để câu khách. Một hôm có một lão ăn xin đến ngồi trên vỉa hè trước cửa hàng của anh bán thịt. Thấy những miếng thịt đang được nướng bốc mùi thơm và khói bay phía trên bếp lửa của người bán thịt, lão ta liền lấy trong bị ra một khúc bánh mì khô, lẳng lặng hơ miếng bánh phía trên bếp để khói của thịt nướng ảm vào miếng bánh rồi ăn bánh cách ngon lành. Anh chàng bán thịt nhìn thấy, liền túm áo người ăn xin đòi phải trả tiền. Người ăn xin phân trần: “Tôi đâu có ăn thịt của anh, khói thịt ám vào bánh của tôi không phải là thịt”. Anh bán thịt quát lên: “Khói thịt bay ra cũng thuộc về miếng thịt, nên lão phải trả tiền cho tôi”. Hai người tranh cãi không ai chịu ai, rồi đưa nhau ra trước cửa quan yêu cầu được xét xử. Viên quan tòa nghe xong sự việc liền truyền cho người ăn xin lấy ra một đồng bạc cắc ném xuống nền nhà phát ra một tiếng «cách », và phán quyết như sau: « Lão ăn mày được quyền hưởng khói bốc ra từ miếng thịt nướng của người bán thịt. Còn người bán thịt được quyền hưởng âm thanh phát ra từ đồng bạc cắc của lão ăn mày. Như vậy là công bằng cho cả hai bên nhé !”.

3. SUY NIỆM:

Nội dung Tin Mừng hôm nay tóm lại trong lời Đức Giê-su nhắn nhủ các môn đệ trước cuộc khổ nạn như sau: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Đức Giê-su đòi môn đệ phải chứng tỏ lòng mến thực sự bằng việc tuân giữ giới răn yêu thương của Người.

1) HAI LOẠI TÌNH YÊU:

Tình yêu được phân thành hai loại là tình yêu ích kỷ vụ lợi và tình yêu quảng đại vị tha:

* Tình yêu ích kỷ: Là tình yêu giả dối, vì đối tượng không phải là tha nhân, nhưng là chính mình. Nói cách khác: người có tình yêu loại này chỉ coi người yêu như phương thế giúp họ tìm kiếm lợi ích cho bản thân mình.

* Tình yêu vị tha: Là tình yêu đích thực, thể hiện qua việc quên mình để nghĩ đến người mình yêu và làm mọi sự mang lại lợi ích cho họ.

2) BA CẤP SỐNG ĐẠO:

Dựa theo tiêu chuẩn tuân giữ lời Chúa mà các tín hữu được phân làm ba cấp như sau:

* Một là có đạo: Là những người đã chịu phép rửa tội, nhưng lại không quan tâm tìm gặp Chúa. Loại người này thường vô tâm vô tình, nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân bên cạnh, như dụ ngôn về ông phú hộ đã làm ngơ trước một La-da-rô nghèo khó bệnh tật, đang nằm ngay trước cổng nhà ông ta (x. Lc 16,19-21).

* Hai là giữ đạo: Là những tín hữu chỉ biết giữ đạo mang tính hình thức bề ngoài, mà không quan tâm đến việc sống theo Lời Chúa dạy.

* Ba là sống đạo: Là những người sống đức Tin bằng việc thực thi đức cậy và đức mến. Họ vừa siêng năng đọc kinh dự lễ, lại vừa sẵn sàng phục vụ tha nhân để chiếu sáng đức tin để làm chứng nhân của Chúa như lời Chúa Giê-su: ”Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

3) YÊU THƯƠNG BẰNG VIỆC LÀM HƠN LÀ LỜI NÓI:

a) Thánh Gio-an dạy: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng họ không trông thấy được” (1 Ga 4,20). Khi yêu thương phục vụ những kẻ đói khát, bệnh tật và bị bỏ rơi là chúng ta đang yêu thương và phục vụ chính Đức Giê-su đang hiện thân nơi họ.

b) Sau đây là một số việc giúp thực hành đức bác ái mà mỗi tín hữu cần thực hiện:

- Luôn nghĩ đến người khác: Tránh thái độ ích kỷ khi chỉ biết nghĩ đến bản thân và gia đình mình, như lời Chúa phán: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

- Năng xét đoán ý tốt và cầu nguyện điều tốt cho tha nhân như Chúa đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (x. Mt 7,1).

- Khiêm tốn sửa lỗi của mình trước khi giúp tha nhân sửa lỗi như Chúa đã quở trách các đầu mục Do Thái: “Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (x. Mt 7,4).

- Đối xử nhân hậu với những kẻ thù ghét làm hại mình, để biến thù thành bạn như lời Chúa dạy: “”Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39). “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (x. Mt 5,44-45).

- Tha thứ không phải bảy lần mà tha đến bảy mươi lần bảy (x. Mt 18,21): Nghĩa là phải luôn tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình, để đáng được Chúa tha tội cho mình: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (x. Mt 6,12).

- Quảng đại cho đi hơn nhận lãnh như Lời Chúa phán: “Cho thì phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

- Năng thăm viếng để an ủi những người đau khổ bệnh tật và giúp đỡ chia sẻ cơm áo vật chất cho những người nghèo đói, cô thế cô thân.

- Quan tâm săn sóc phục vụ những người yếu đuối bệnh tật…: Đến ngày phán xét, Chúa sẽ xét xử chúng ta tùy theo cách chúng ta đã đối xử thế nào với những người nghèo khổ chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày (x. Mt 25,34-40)…

4. THẢO LUẬN:

Trong những ngày này bạn quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để thể hiện lòng mến Chúa qua cách ứng xử tốt đẹp với tha nhân đang sống gần bên bạn?

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm cho cuộc đời chúng con mãi xanh tươi. Xin ban cho chúng con bình an của Chúa, bình an làm cho chúng con vững tâm khi gặp sóng gió cuộc đời. Xin ban cho chúng con niềm vui của Chúa, niềm vui làm cho khuôn mặt chúng con luôn rạng rỡ tươi vui. Xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần sẽ biến đổi chúng con ngày một nên giống Chúa Cha trên trời. Cuối cùng, xin giúp chúng con biết thể hiện lòng mến Chúa bằng việc thực thi giới răn yêu người như lời Chúa dạy hôm nay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta thứ Ba 12 tháng Năm: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các y tá
Đặng Tự Do
01:11 12/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Ba 12 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Ngày 12 tháng Năm là Ngày Y Tá tại Ý. Do đó, trong thánh lễ này Đức Thánh Cha cầu nguyện cách riêng cho những y tá.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là ngày các Y tá. Hôm qua, tôi đã gửi một thông điệp cho họ. Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho các y tá, những người nam nữ tham gia vào nghề này, không chỉ là một nghề, đó là một ơn gọi, một sự cống hiến. Xin Chúa ban phép lành cho họ. Vào thời điểm xảy ra đại dịch, họ đã đưa ra các chứng tá anh hùng và một số người đã hy sinh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.”

Phúc Âm: Ga 14, 27-31a

“Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa đã ban cho các ngài ân sủng bình an, sự bình an của Chúa. Đó không phải là thứ bình an chung chung, không phải bình an theo nghĩa là không có chiến tranh mà tất cả chúng ta vẫn luôn mong mỏi, nhưng là sự bình an nội tâm, sự bình an của tâm hồn, sự bình yên mà mỗi chúng ta có bên trong chúng ta. Khi Chúa ban bình an này, Ngài nhấn mạnh rằng, không phải là thứ bình an thế giới mang lại. Đây là sự bình an khác.

Thế gian có thể mang đến cho anh chị em một sự bình an nội tâm, sự bình yên của cuộc sống, đó là dạng thức bình an của một cuộc sống không phải lo lắng, khi anh chị em chiếm hữu được những gì anh chị em cảm thấy là của mình, và cô lập anh chị em khỏi những người khác. Khi không nhận ra điều đó, anh chị em khép mình trong sự bình yên đó. Sự bình yên đó khiến anh chị em bình tĩnh và hạnh phúc, nhưng ngủ thiếp đi, nó gây mê anh chị em và khiến anh chị em ở lại trong chính mình. Sự bình an đó có một chút ‘ích kỷ’.

Thế gian có thể mang đến cho anh chị em thứ bình an đó. Và đó là một thứ bình an đắt đỏ bởi vì anh chị em phải liên tục thay đổi các công cụ tạo ra bình an: khi một thứ làm anh chị em phấn khích, một thứ mang lại cho anh chị em sự bình yên, thì sự bình yên đó mau chóng kết thúc và anh chị em phải tìm một thứ khác. Nó đắt đỏ vì nó tạm thời và vô sinh.

Trái lại, sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là một điều khác. Đó là một nền hòa bình khiến anh chị em chuyển động, không cô lập anh chị em, nhưng khiến anh chị em chuyển động, khiến anh chị em đi đến với những người khác, tạo ra cộng đồng, tạo ra sự giao tiếp.

Sự bình an Chúa Giêsu ban cho chúng ta là nhưng không, đó là một món quà từ Thiên Chúa. Sự bình an ấy thật là hiệu quả, nó luôn đưa anh chị em về phía trước. Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe về dụ ngôn người phú hộ ngu dại.

Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”. Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:16-21)

Thế gian chỉ có thể mang đến cho anh chị em một thứ bình an vô thường không mở ra cánh cửa sang thế giới bên kia. Trái lại sự bình an của Chúa mở ra Thiên đàng. Đó là một nền hòa bình trường tồn có thể mở ra và mang những người khác cùng với anh chị em lên Thiên đường.

Chúng ta cần nhận ra sự bình an trong chính mình là gì: chúng ta có tìm thấy sự bình an trong sự thịnh vượng, sự chiếm hữu và trong nhiều thứ khác, hay anh chị em tìm thấy sự bình an như một ân sủng từ Chúa? Tôi có phải trả tiền cho bình an hay tôi nhận được nó cách nhưng không từ Chúa? Bình an của tôi là loại bình an nào? Khi tôi mất đi thứ gì, tôi có tức giận không? Nếu có đây không phải là sự bình an của Chúa. Đây là một trong những bài kiểm tra. Tôi bình tĩnh trong bình an của tôi, nhưng tôi có ngủ không? Nếu có thì đó không phải là bình an của Chúa. Tôi có bình yên và muốn truyền đạt sự bình yên ấy cho người khác và cứ tiếp tục như thế không? Nếu có thì đó là sự bình an của Chúa. Ngay cả trong những thời khắc tồi tệ, khó khăn, sự bình yên đó có còn trong tôi không? Nếu có thì đó là bình an của Chúa. Và sự bình an của Chúa cũng có kết quả đối với chính tôi vì nó tràn đầy hy vọng, nghĩa là nó giúp tôi hướng nhìn về Thiên đàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã nhận được một lá thư từ một vị linh mục tốt bụng, là người đã phê bình ngài rằng ngài nói rất ít về Thiên đàng, và lẽ ra ngài phải nói nhiều hơn về điều đó.

Vị linh mục ấy nói đúng, ngài nói chí phải. Đây là lý do tại sao hôm nay tôi muốn nhấn mạnh điều này: sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, là sự bình an cho hiện tại và tương lai. Đó là bắt đầu sống Thiên đàng, với sự sinh hoa kết quả của Thiên đàng. Sự bình an của Chúa không phải là thuốc gây mê. Anh chị em gây mê chính mình với những thứ của thế gian này và khi liều thuốc mê này kết thúc, cần phải có thuốc khác. Trái lại bình an của Chúa dứt khoát, hiệu quả, trường tồn và cũng dễ lây lan.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an tràn đầy hy vọng này, khiến chúng ta sinh hoa kết quả, khiến chúng ta giao tiếp với những người khác, tạo nên cộng đồng và luôn hướng nhìn dứt khoát về Thiên đường.


Source:Vatican News
 
Tai nạn xe lửa chết người kinh hoàng ở Ấn độ!
Thanh Quảng sdb
06:18 12/05/2020
Tai nạn xe lửa chết người kinh hoàng ở Ấn độ!

Một chuyến xe lửa chở hàng cán chết nhiều công nhân đang ngủ mê trên đường rầy xe vào thứ Sáu tuần qua 8/5/200, khiến 16 người trong số 20 người bị nghiền nát! Các cơ quan tại Giáo hội địa phương cho hay tai nạn này cho thấy tình trạng tuyệt vọng và khốn cùng của hàng triệu người trong nước.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Mười sáu trong số 20 người, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị nghiền nát trong một tai nạn vào sáng sớm ngày 8 tháng 5 gần Aurangabad ở bang Maharashtra. Số còn lại được đưa đến bệnh viện trong tình trạng thương tích trầm trọng.

Nhóm 20 người này đang đi bộ về nhà vì không có phương tiện giao thông công cộng nào, trong cơn đại dịch Covid-19. Cục đường sắt cho hay nhóm người này, vì kiệt sức sau cả ngày đi bộ khoảng 36 km trên con đường về lại quê làng của họ, mệt nhoài nên họ ngồi hoặc nằm xoài trên đường rầy xe lửa mà ngủ và chìm say vào giấc ngủ!

Thất nghiệp và tuyệt vọng

Tất cả các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm xe lửa, xe buýt và hàng không, đều bị đình chỉ kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố cách ly cô lập hai mươi bốn giờ vào ngày 24 tháng 3. Hàng ngàn ngàn công nhân đi làm xa, bị mất việc không có tiền bạc thiếu thốn lương thực nên đành phải cuốc bộ cả trăm cây số để về nhà.

Đây là một tai nạn quá sức tưởng tượng của chúng tôi, Đức Cha Gerald Almeida, Giám mục của Giáo phận Jabalpur tại tiểu bang Madhya Pradesh nơi có nhiều người bị chết trong tai nạn bi thương này phát biểu vậy! Những người này đi bộ từ thị trấn Jalna về thành phố Aurangabad và xa hơn nữa…

Các nhà chức trách cho biết họ không được phép đến thành phố Aurangabad, nơi đang được coi là trung tâm bùng nổ Covid-19; nên họ đã chọn đi theo tuyến đường sắt ban đêm mà về hầu tránh cảnh sát.

Hoàn cảnh người nghèo ở Ấn Độ

Cha Jose Antony, một linh mục thuộc giáo phận ở quận Shahdol, là nơi có nhiều nạn nhân cho hay dân nghèo ở các vùng quê thường tìm về các thành phố và thị trấn để tìm việc làm...

Hầu hết các nạn nhân bị thiệt mạng trong tai nạn này, đang làm việc tại một nhà máy thép ở Jalna, nhà máy này mới bị đóng cửa! cho nên ưu tư của họ là trở về quê làng của họ...
 
Sứ điệp từ Đền thánh Fatima: Dự phần trong ơn cứu độ
Đặng Tự Do
15:04 12/05/2020

Tháng năm này, Fatima thách thức bạn thực hiện một cuộc hành hương chủ yếu hơn: một nẻo đường nội tâm có thể đưa bạn đi xa ngay trong chính bản thân bạn, hướng về đền thánh sâu thẳm nhất ở trong bạn nơi Thiên Chúa hiện diện vì bạn. Làm bạn trở thành một người hành hương bằng trái tim là cố gắng sống nội tâm điều mà kinh nghiệm hành hương tạo ra và hoàn tất. Fatima đang mời gọi bạn, hàng ngày. Và xin bạn mỗi đêm hãy đặt một cây nến thắp sáng ở cửa sổ nhà bạn.

Bằng cách nhắc lại trình thuật của chị Lucia về cuộc hiện ra hồi tháng Năm, chúng ta hãy tìm hiểu xem Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người đến mức nào và đâu là cách được Người chọn để mặc khải chính Người. Hôm nay, bạn hãy cố gắng khao khát thiên đàng, với Phanxicô.

Tháng Năm này, Fatima mời gọi bạn trở thành một người hành hương bằng trái tim. Hôm nay, hãy mở rộng trái tim của bạn để khao khát thiên đàng cho tất cả mọi người, với Jaxinta.

“Lạy Chúa, con tin, con thờ lạy, con hy vọng, và con yêu mến Chúa. Con xin Chúa tha thứ cho những người không tin, không thờ lạy, không hy vọng và không yêu mến Chúa”.

Fatima vẫn đang thách thức bạn thực hành cuộc hành hương nội tâm vào tháng Năm này. Fatima mời gọi bạn tự biến mình thành một người hành hương bằng trái tim. Chỉ khi bạn bước đi trên con đường tâm hồn mình với tinh thần của một người hành hương, nghĩa là, nếu bạn âm thầm bắt đầu lắng nghe, bạn sẽ nghe trong nó điều khao khát nhất của con người: vĩnh cửu. Nếu không, trái tim bạn sẽ thế chấp bạn cho một thời cứ thế trôi đi nhưng bạn sẽ khó thoát khỏi cuộc sống giống như làm nô lệ cho nó. Bạn hãy tĩnh lặng rút vào tâm hồn mình.

Chúng ta hãy lắng nghe một khoảnh khắc ngắn từ cuộc đối thoại của Đức Maria và các trẻ mục đồng, chỉ một câu hỏi và câu trả lời duy nhất, nhưng rất phù hợp với tình trạng đại dịch hiện tại mà thế giới đang phải đối mặt, khi chúng ta tự hỏi về nguồn gốc những đau khổ của con người và Thiên Chúa đang ở đâu trong thời khắc này. Bạn sẽ thấy rằng câu hỏi và câu trả lời đề cập đến toàn bộ lịch sử cứu độ, và ánh sáng trong lễ Phục sinh của Chúa Kitô đang chiếu rọi ánh sáng lên những câu hỏi sâu sắc nhất về sự tồn tại của con người trên thế giới.

Hãy nghe Đức Mẹ hỏi:

- Các con có sẵn sàng dâng mình cho Chúa và chịu mọi đau khổ mà Ngài muốn gửi cho các con, như một hành động đền bù tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến Chúa và cầu xin cho những người tội lỗi nhận được ơn hoán cải không?

- Vâng, chúng con sẵn sàng.

Bây giờ hãy nghe đoạn Tin Mừng sau trích từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu.

Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Giệtsimani. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”

Đức Mẹ hỏi ba đứa trẻ nếu chúng sẵn sàng làm những gì Mẹ đề nghị; một trong những đứa trẻ đã hỏi Mẹ, thay mặt cho tất cả: “Đức Mẹ muốn gì nơi chúng con?”.

Fatima là cuộc đối thoại giữa ý chí của con người và thánh ý của Thiên Chúa, một cuộc đối thoại về tự do, giữa ý chí tự do, bắt nguồn từ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha trong đêm trên Núi Cây dầu. Ai là người đặt câu hỏi cho Lucia, Francisco và Jacinta?

Đức Mẹ là Mẹ Con Thiên Chúa, Đấng đã đau khổ khi trải qua những giờ phút buồn sầu trong đêm ở Giệtsimani. Đức Mẹ cũng chính là Mẹ sẽ đứng trước thập giá vào ngày hôm sau, dưới ánh mặt trời của Golgotha, chia tay con mình trong cuộc thương khó, lắng nghe con Mẹ kêu lên, như trong một khoảng khắc tuyệt vọng, “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Mẹ cũng lắng nghe Ngài tha thứ cho những kẻ đã giết Ngài, hứa hẹn thiên đường cho người tội nhân hối cải và nghe Ngài phó mình trong tay Chúa Cha “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!”; và lắng nghe Ngài nói lời cuối cùng, “Mọi sự đã hoàn tất!” Trước đó, Mẹ đã nghe Ngài ban Mẹ cho chúng ta như người mẹ của chúng ta.

Người phụ nữ hỏi các mục đồng nhỏ “Các con có sẵn sàng không?” chính là Mẹ, người đã uống tất cả những lời này từ miệng của con trai vô tội, đau đớn của mình.

Tất cả những lời này được nói từ đỉnh thánh giá rung lên trong cốt lõi của câu hỏi Đức Mẹ dành cho các trẻ em mục đồng. Những lời từ bi kịch Thập giá tổng hợp nhịp điệu thân mật của trái tim con người khi đối diện với thảm kịch nhân sinh; hơn nữa, chúng là một bi kịch duy nhất trong hành trình cứu chuộc, trong cuộc giải cứu trái tim con người khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, được thực hiện bởi trái tim của Chúa, tràn ngập ánh sáng của lòng thương xót.

Nếu bạn sẵn sàng thực sự chấp nhận mình là người hành hương vào tháng Năm này, bạn sẽ thấy tận đáy lòng mình niềm khao khát thiên đàng, được ngắm nhìn thánh nhan Thiên Chúa mãi mãi. Bạn sẽ nhìn nhận sự chắc chắn này: nhà Cha là chân trời cuối cùng của cuộc hành hương của bạn trên trần gian và bạn sẽ hiểu tỷ lệ hợp tình hợp lý và ý nghĩa của những điều trần thế. Và thậm chí cái chết cũng sẽ cho bạn thấy một khuôn mặt khác, tươi sáng và yên bình hơn.

+”Lạy Chúa, Chúa sống trong tận cùng trái tim con

và Chúa kêu gọi con mở tháng Năm đóng kín này, trở thành một người hành hương bằng trái tim và gặp Chúa ở đó.

Con lặng lẽ chiêm ngưỡng cuộc sống và cái chết của em Phanxicô, người đã vượt qua thế gian này lòng khao khát thiên đàng để được ngắm nhìn thánh nhan Chúa và an ủi trái tim Chúa.

Sự tự do và chính trực quên mình nhờ đó em sống trên trái đất này thực đẹp đẽ xiết bao!

Và đẹp đẽ xiết bao là sự thân mật trong đó em đã lớn lên cùng Chúa hướng tới sự sống vĩnh cửu!

Và đẹp đẽ xiết bao là sự bình an, tin tưởng, tình người hoàn toàn nhất trong đó em đã chết!

Xin Chúa lắng nghe tiếng nói ngạc nhiên và sám hối của con, thầm khao khát cõi vĩnh hằng.

Xin Chúa tha thứ cho con vì con đã lừa dối chính con khi đặt trái tim con vào những kho báu trần gian

vì con đã giải thích sai các ưu tiên của cuộc sống, như cuộc khủng hoảng hiện nay đang phơi bày:

Con phục tùng phù du, không nhận ra giá trị vĩnh cửu.

Xin Chúa đốt lên trong trái tim con, giống như trong trái tim Thánh Phanxicô Marto, niềm khao khát thiên đàng

và ý chí khắc ghi nó trên trái đất, như người Samaritanô nhân lành trong dụ ngôn.

Con là một người hành hương bằng trái tim, giống như Phanxicô, con đang khao khát được ngắm nhìn thánh nhan Chúa trên thiên đàng.

Con muốn đi hành hương bằng trái tim vào trái tim Mẹ Chúa, cũng là Mẹ con, Đức Mẹ Mân côi Fatima.

Trong trái tim Mẹ, Chúa sẽ chờ đợi trái tim con và tháng Năm này, cách xa Nhà nguyện nhỏ,

Con tự làm cho con thành một người hành hương bằng trái tim: Con sẽ theo trái tim của con và trong trái tim vô nhiễm Mẹ, con sẽ lắng nghe nhịp đập xót thương của trái tim Chúa. Amen.
 
Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng
J.B. Đặng Minh An dịch
16:15 12/05/2020


Hôm 12/5/2020, Ngày Quốc tế Điều dưỡng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi đến các Y tá và Nữ hộ sinh thông điệp sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng, trong bối cảnh Năm Quốc tế của các Y tá và Nữ hộ sinh được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố chính thức. Đồng thời, chúng ta cũng cử hành kỷ niệm hai trăm năm ngày khánh thành dưỡng đường Florence Nightingale, là người tiên phong của ngành điều dưỡng hiện đại.

Tại thời điểm quan trọng này, được đánh dấu bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta đã tái khám phá tầm quan trọng cơ bản của vai trò của các y tá và nữ hộ sinh. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến các chứng tá về lòng dũng cảm và sự hy sinh của các nhân viên y tế và đặc biệt là các y tá, với sự chuyên nghiệp, tự hy sinh, và ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với người lân cận, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi virus, thậm chí đến mức đặt sức khỏe của chính họ vào nguy cơ. Đáng buồn thay khi điều này có thể được nhìn thấy nơi con số đông đảo các nhân viên y tế đã chết vì sự phục vụ tận tụy của họ. Tôi cầu nguyện cho họ - Chúa biết từng người trong số họ - và cho tất cả các nạn nhân của dịch bệnh này. Xin Chúa Phục sinh ban cho mỗi người ánh sáng thiên đàng, và ban cho gia đình họ niềm an ủi đức tin.

Các y tá trong lịch sử đã đóng một vai trò trung tâm trong việc chăm sóc sức khỏe. Mỗi ngày, khi tiếp xúc với người bệnh, họ trải qua những tổn thương do những đau khổ trong cuộc sống của mọi người. Họ là những người nam nữ đã chọn cách nói “vâng” với một ơn gọi rất đặc biệt: đó là trở thành người Samaritanô nhân lành đang lo ngại cho cuộc sống và đau khổ của người khác. Họ là những người chăm sóc và bảo vệ sự sống, những người trong lúc điều hành các phương pháp điều trị cần thiết, trao ra sự can đảm, hy vọng và tin tưởng. [1]

Các y tá thân mến, trách nhiệm đạo đức là điểm nổi bật trong dịch vụ chuyên nghiệp của các bạn, là điều không thể giản lược thành kiến thức khoa học kỹ thuật mà thôi, nhưng phải được truyền cảm hứng liên tục từ mối quan hệ nhân bản và ấm áp tình người của các bạn với các bệnh nhân. “Khi chăm sóc cho những người nam nữ, trẻ em và người già, trong mỗi giai đoạn của cuộc sống của họ, từ khi sinh ra cho đến cái chết, các bạn có nhiệm vụ lắng nghe liên tục, nhằm tìm hiểu những nhu cầu của các bệnh nhân, trong giai đoạn họ đang trải qua. Trước tính chất độc đáo của mỗi tình huống, thực sự, tuân theo một giao thức mà thôi thì không bao giờ là đủ, nhưng điều cần thiết là phải có một nỗ lực phân định liên tục – và thường là mệt mỏi – để chú ý đến mỗi cá nhân” [2].

Các bạn - và ở đây tôi cũng nghĩ đến các nữ hộ sinh – là những người gần gũi với mọi người vào những thời điểm quan trọng trong sự sống của họ - sinh, lão, bệnh, tử - giúp họ đối phó với các tình huống đầy hoang mang. Đôi khi các bạn thấy mình ở bên cạnh họ khi họ sắp chết, mang lại sự thoải mái và thanh thản trong những giây phút cuối cùng của họ. Vì sự cống hiến của các bạn, các bạn là một trong những “vị thánh bên cạnh”. [3] Các bạn là một hình ảnh của Giáo Hội như một “bệnh viện dã chiến” đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã thu hút lại gần và chữa lành những người bị đủ thứ các loại bệnh tật, và là Đấng cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Cảm ơn các bạn đã phục vụ nhân loại!

Ở nhiều quốc gia, đại dịch cũng đã bộc lộ một số thiếu sót trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vì lý do này, tôi sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe như một thiện ích chung, bằng cách củng cố các hệ thống quốc gia và sử dụng một số lượng y tá lớn hơn, nhằm bảo đảm chăm sóc đầy đủ cho mọi người, tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Điều quan trọng là nhận ra một cách hiệu quả vai trò thiết yếu của nghề nghiệp của các bạn trong việc chăm sóc các bệnh nhân, trong các hoạt động khẩn cấp tại địa phương, trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ trong các môi trường gia đình, cộng đồng và trường học.

Các y tá, cũng như các nữ hộ sinh, xứng đáng có quyền được tốt hơn và có giá trị đầy đủ hơn và tham gia vào các quá trình liên quan đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Việc đầu tư vào đội ngũ y tá và nữ hộ sinh giúp cải thiện việc chăm sóc và sức khỏe tổng thể là điều đã được chứng minh. Do đó, tính chuyên nghiệp của họ cần được tăng cường bằng cách cung cấp các công cụ khoa học, nhân văn, tâm lý và tinh thần phù hợp cho việc đào tạo họ; cũng như bằng cách cải thiện các điều kiện làm việc và bảo đảm quyền lợi của họ, để họ có thể thực hiện sứ vụ của mình một cách xứng đáng.

Về vấn đề này, các hiệp hội dành cho các nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng. Ngoài việc cung cấp đào tạo toàn diện, họ hỗ trợ từng thành viên của họ, khiến các nhân viên y tế cảm thấy mình là một phần của một cơ thể lớn hơn, không bao giờ mất tinh thần và cô đơn khi họ phải đối mặt với những thách thức về đạo đức, kinh tế và con người mà nghề nghiệp của họ đòi hỏi.

Tôi muốn nói một lời đặc biệt đến các nữ hộ sinh hỗ trợ các phụ nữ đang mang thai và giúp họ sinh con. Công việc của các bạn là một trong những nghề cao quý nhất, vì nó trực tiếp dành riêng cho việc phục vụ cuộc sống và làm mẹ. Trong Kinh thánh, tên của hai nữ hộ sinh anh hùng, Shiphrah và Puah, được ghi khắc mãi mãi trong Sách Xuất hành (x. 1: 15-21). Hôm nay cũng vậy, Cha trên trời nhìn các bạn với lòng cảm mến.

Các y tá thân mến, các nữ hộ sinh thân mến, cầu xin cho lễ kỷ niệm thường niên này làm nổi bật phẩm giá của công việc các bạn vì lợi ích sức khỏe của toàn xã hội. Tôi bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi dành cho các bạn, gia đình các bạn và những người các bạn quan tâm, và tôi ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các bạn.

Rôma, từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 12 tháng 5 năm 2020

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

[1] x. Hiến Chương mới về các nhân viên y tế, các số từ 1 đến 8.

[2] Diễn từ với các thành viên của Liên Đoàn Y Tá Chuyên Nghiệp Italia, 3 Tháng Ba, 2018.

[3] Bài giảng thứ Năm Tuần Thánh, 9 tháng Tư, 2020.


Source:Holy See Press Office
 
14/5/2020 - Ngày ăn chay cầu nguyện của mọi tôn giáo cho cơn đại dịch
Thanh Quảng sdb
18:35 12/05/2020
14/5/2020 - Ngày ăn chay cầu nguyện của mọi tôn giáo cho cơn đại dịch

Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo của các tôn giáo trên khắp thế giới, tất cả mọi người thiện tâm không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hiệp nhất dành ngày 14/5/2020 là ngày ăn chay cầu nguyện và làm việc thiện...
Qua đoạn video này, chúng ta thấy mọi người trên khắp thế giới đang tham gia vào chiến dịch độc đáo này. Xem Video(Tin Vatican)
Phát biểu trong buổi triều yết đọc kinh “Lạy Nữ Vương” vào trưa Chúa Nhật ngày 3 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Việc cầu nguyện có một giá trị phổ quát, nên tôi cổ súy lời đề nghị của Uỷ ban Quốc tế Nhân quyền về tình huynh đệ con người, mời gọi tất cả mọi các tín hữu của mọi tôn giáo, hợp nhất trong tinh thần vào ngày 14 tháng 5 này, để cầu nguyện, ăn chay và làm việc từ thiện, cầu khẩn Thiên Chúa giúp nhân loại vượt qua được cơn đại dịch.
Khi bạn xem đoạn video đính kèm, bạn sẽ thấy anh chị em trên khắp thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch thống thiết nguyện xin... Chúng ta nghe thấy lời họ thống thiết mong chờ một niềm hy vọng.
"Cầu nguyện là vũ khí lớn nhất của chúng ta để chống lại virus."
"Chúng ta sẽ nhớ gì trong giây phút này? Tình liên kết chúng ta."
"Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội, gia đình và thế giới vượt thắng được cơn đại dịch."
"Chúng ta hãy cầu nguyện cho hàng xóm láng riềng".
"Giữ vững một niềm tin trước cơn dịch coronavirus."
 
Vì dịch cúm 13000 giáo xứ tại Hoa Kỳ phải vay tiền chính phủ .
Nguyễn Long Thao
19:24 12/05/2020
Cơn đại dịch Covid 19 đã làm xáo trộn tất các các sinh hoạt trong xã hội Hoa Kỳ từ đầu tháng Ba năm 2020 cho đến nay. Váo cuối tháng Ba người dân Hoa Kỳ phải tuân theo quyết định hành chánh của chính quyền địa phương là ngưng tất cả mọi sinh hoạt tụ tập đông người nhằm tránh dịch bệnh có thể lây lan đến cho nhiều người.

Về phương diện tôn giáo các Giám Mục Hoa Kỳ đã ra chỉ thỉ thị cho tất cá các giáo xứ tạm ngưng mọi sinh hoạt phụng vụ và xã hôi có đông người tham dự. Về tang lễ, và hôn lể các giáo phận quy định chỉ cử hành trong phạm vi gia đình.

Vì tạm ngưng các sinh hoạt phụng vụ nên các thánh lể cuối tuần đã không có giáo dân tham dự. Do đó, giáo xứ lâm tình trạng thiếu hụt tài chánh vi giáo dân không có cơ hội đóng góp.

Một nhà thờ tại San Jose mùa dich cúm 2020
Tại San Jose, California nơi chúng tôi cư ngụ, theo bản thông tin giáo xứ, giáo xứ thu được từ 18,000.00 đến 22,000.00 dollars một tuần do giáo dân đóng góp trong các thành lễ. Giáo xứ dùng tiền này để chi trả cho các công việc như thuê văn phòng, chi phí hành chánh, bảo hiểm sức khỏe và lương bổng cho các nhân viên và 4 linh mục trong giáo xứ.

Nay vì dịch cúm giáo dân không đến nhà thờ mà tham dự thánh lể trực tuyến trong gần hai tháng nên giáo xứ tại Hoa Kỳ lâm tình trạng thiếu hụt tại chánh.

Trước tình trạng này, các linh mục chính xứ đã kêu gọi sự trợ giúp của giáo dân qua các phương tiện thư từ điện toán. Tuy nhiên, kết quả cũng rất giới hạn vì giáo dân không hiện diện trong nhà thờ. Mặt khác vì kinh tế cả nước sa sút, nhiều người mất công ăn việc làm.

Trước tình trạng này,các giáo xứ tại Hoa Kỳ đã nộp đơn xin vay nợ chính quyền qua chương trình Paycheck Protection Program gợi tắt là PPP tức Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương dành cho các xí nghiệp nhỏ bị đóng cửa vì dịch cúm.

Chính quyền cho các nơi thờ tự được vay tiền, không phải vì lý do đó là nhà thờ, hay vì tôn giáo mà là vì nhà thờ được coi như là một xí nghiệp nhỏ, có các cơ sở phục vụ như trường học và cũng có việc trả lương cho các nhân viên, giáo chức. v.v..

Trích nguồn tin của ông Pat Markey, Giám Đốc Điều Hành Của Hội Quản Lý Tài Chánh Các Giáo Phận Hoa Kỳ, hãng thông tấn CBS trong ngày thứ Hai 11 tháng 5 năm 2020 cho biết: Có từ 12000 đến 13000 giáo xứ trong tổng số 17,000 giáo xứ tại Hoa Kỳ đã nộp đơn xin được vay tiền của chính phủ qua chương trìn PPP.

Trong đợt đầu đã có 6000 giáo xứ nộp đơn xin liên bang tài trợ và khoảng 3000 giáo xứ đã được chấp thuận. Bản tin của CBS không cho biết mỗi giáo xứ trung bình được vay bao nhiêu tiền.

Điều đámg nói không phải chỉ có các nhà thờ Công Giáo là tổ chức tôn giáo duy nhất tìm sự trợ giúp tài chánh qua chương trình PPP mà các tôn giáo khác như Tin Lành, Do Thái Giáo cũng tìm sực trợ giúp tài chánh nơi chinh quyền Liên Bang Hoa Kỳ.

Một cuộc khảo sát của cơ quan LifeWay Research cho biết 40% các nhà thờ Tin lành ở Mỹ cũng đã nộp đơn xin hỗ trợ của chính phủ thông qua Đạo luật CARES hoặc Quản trị doanh nghiệp nhỏ. Các mục sư cho biết 59% đơn xin trợ giúp của các nhà thờ Tin lành đã được phê duyệt.

Các nhà thờ Tin Lành càng lớn, càng có nhiều khả năng nộp đơn xin viện trợ liên bang. Một nửa số mục sư tại các nhà thờ có trung bình 200 người trở lên cho biết họ đã xin vay tiền, Trong khi đó chỉ một phần ba các nhà thờ có trung bình 50 tín hữu là đã nộp đơn xin vay tiền.

Đối với Do Thái Giáo, đại diện của Liên đoàn Do Thái ở Bắc Mỹ nói với CBS News rằng họ đã thực hiện một cuộc khảo sát vào ngày 21 tháng 4 và biết rằng 573 tổ chức Do Thái đã được chấp thuận cho vay theo hình thức PPP, với tổng giá trị là 276 triệu đô la.

Nguyễn Long Thao
 
Covid-19 và các Kitô hữu Kỳ dị
Vũ Văn An
20:12 12/05/2020
Kitô giáo bị coi là một tôn giáo kỳ dị đã từ rất lâu, từ những ngày đầu mới thành lập. Thánh Phaolô từng viết rằng “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1:22-23).

Nhận định của Thánh Phaolô càng nổi bật hơn nữa khi xã hội hiện đại chính thức đi vào giai đoạn “hậu Kitô Giáo” hiện nay. Con người hiện đại càng ngày càng thấy Kitô giáo “kỳ dị” thêm ra. Nhiều Kitô hữu chán nản trước hiện tượng mất hết “quyền lực” như thế, nhưng không thiếu những nhà lãnh đạo Kitô giáo, như Russell More, Chủ tịch Ủy Ban Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo của Công Hội Baptist Miền Nam, không lấy thế làm điều ngã lòng mà còn muốn duy trì “nét kỳ dị” của tôn giáo mình (xem, “Russell Moore Wants to Keep Christianity Weird” tại https://www.christianitytoday.com/ct/2015/september/russell-moore-wants-to-keep-christianity-weird.html).

Nhưng trên tờ New York Times ngày 8 tháng 5 vừa qua, trong bài “Christianity gets weird”, khi Tara Isabella Burton nói đến hiện tượng Kitô giáo đang trở nên kỳ dị, thì cô không hẳn nói đến Kitô giáo nói chung mà là một khuynh hướng mới trong Kitô giáo, một nhóm rất hạn chế, rất nhỏ nhoi, nhưng trên đà gia tăng, nhất là nhân cơ hội Covid-19.

Nhóm ấy bao gồm tác giả, nhân mùa đại dịch, lần đầu tiên mở truyền hình tham dự Thánh Lễ trực tuyến “cầu nguyện để rước lễ thiêng liêng khi vị linh mục của tôi chịu Mình Thánh trước bàn thờ. Màn hình hết sức rõ ràng. Phẩm chất âm thanh vào bậc nhất. Nhưng Thánh Lễ nhất định thuộc trường phái cũ.



“Vì không có ca đoàn, nhà thờ của tôi, Giáo Hội Giám Chức Thánh Inhaxiô Thành Antokia ở Thành Phố New York, chỉ có người đệm đàn hát Thánh Lễ truyền thống bằng bình ca Grêgôrianô. Để có thể hát theo, vị linh mục của chúng tôi đề nghị sử dụng Liber Usualis, một sách hát đã có từ thế kỷ 11”.

Ngoài ra, tác giả cũng tụ họp qua Zoom với bạn bè để hát kinh đêm (compline), một kiểu cầu nguyện bắt nguồn từ truyền thống đan viện trung cổ. Và cô cho hay “Tôi không đơn độc. Một người bạn của tôi đã tham dự Thánh Lễ Latinh ở các nhà thờ khắp Hoa Kỳ: Thánh Lễ ở Washington lúc 11 giờ sáng, ở Chicago lúc trưa”.

Cô cho hay “Coronavirus dẫn nhiều người đi tìm ủi an và giao tiếp nghiêm túc hơn với tôn giáo”. Nhưng theo cô “các cách phát biểu đức tin đặc thù nói trên, với thứ ngôn ngữ lỗi thời và cảm thức lộng lẫy xa xưa” không hẳn là điều mới lạ mà đã có từ trước khi có đại dịch; đại dịch chỉ làm rõ nét hơn mà thôi.

Thấp thoáng bóng hình siêu việt

Thực thế, cô cho hay “càng ngày, các Kitô hữu trẻ, vỡ mộng trước các nhị phân chính trị, bất trắc kinh tế và trống rỗng tâm linh vốn đang xác định ra Hoa Kỳ hiện đại, càng đi tìm ủi an trong một viễn kiến nhất định có tính phản hiện đại về đức tin. Khi coronavirus và các vụ cấm cửa tiếp theo đó làm nổi bật các thất bại của trật tự xã hội đương thời, thì các hình thức lòng đạo cổ xưa bỗng đem đến cho người ta một thấp thoáng bóng hình siêu việt vượt quá hiện tại mong manh”.

Cô bảo “nhiều người trong chúng tôi tự gọi mình là ‘Các Kitô Hữu Kỳ Dị’, dù hơi khôi hài. Điều chúng tôi có chung là: chúng tôi coi việc trở về với các hình thức thờ phượng cổ xưa là cách trốn thoát cuộc khủng hoảng của thời hiện đại và niềm tin có tính tự do tư bản chủ nghĩa vào chủ nghĩa duy cá nhân”.

Theo tác giả, “các Kitô hữu kỳ dị bác bỏ, coi như quá thoả hiệp, các Giáo Hội nào, chủ yếu thuộc chính dòng Thệ Phản như Giáo Hội Giám chức (Episcopalianism) hay Giáo Hội Lutherô, hạ giá các yếu tố kỳ lạ hơn và siêu nhiên hơn của đức tin (như các phép lạ hay việc phục sinh theo nghĩa đen của Chúa Giêsu Kitô). Nhưng họ cũng bác bỏ cả chính sách hổ lốn của chủ nghĩa duy quốc gia sắc tộc (ethnonationalism), duy tư bản không hạn chế và nền chính trị của Đảng Cộng Hòa vốn xác định ra phong trào tin lành da trắng hiện đại”.

Người Kitô hữu Kỳ dị “thấy nền thần học cổ xưa có thể giải quyết các vấn đề hiện thời hay hơn bất cứ giải pháp nào của thế giới thế tục hiện đại”.

Rã hàng với những người cùng thế hệ

Làm thế, theo tác giả, các Kitô hữu Kỳ dị này đã rã hàng với những người khác cùng thế hệ với họ.

Các người thiên niên kỷ và thế hệ Z ngày nay, dù sao, cũng đang lớn lên trong một thế giới trong đó nền văn hóa thế tục được coi là đương nhiên (default). Gần như mọi nhánh của Kitô giáo Hoa Kỳ đang giảm dần về dân số.

Theo cuộc thăm dò của Pew, chỉ có 43 phần trăm người trưởng thành Hoa Kỳ tự gọi họ là Thệ phản, so với 51 phần trăm cách nay 13 năm. Phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ cũng giảm 4 điểm, xuống còn 20 phần trăm. Theo cuộc nghiên cứu rộng dài mới đây, năm 2014, 1 phần 3 người thiên niên kỷ nay tự nhận mình “không thống thuộc tôn giáo, cũng như khoảng 1 phần 4 người trưởng thành Hoa Kỳ nói chung, so với 16 phần trăm năm 2007. Gần như 1 trong 5 người Hoa Kỳ từng được dưỡng dục trong 1 tôn giáo nhưng sau đó đã tham gia hàng ngũ những người không thống thuộc tôn giáo nào.

Ngay trong những người Hoa Kỳ nói rằng họ thuộc 1 truyền thống tộn giáo, tương đối ít người thực hành đức tin của họ cách thường xuyên. Ít hơn 40 phần trăm những người tự nhận là Công Giáo, và 1 phần 3 những người Thệ Phản chính dòng, tham dự phụng vụ hàng tuần. Chỉ có 22 phần trăm các đám cưới Hoa Kỳ được tổ chức tại các nơi thờ phượng trong khi năm 2009 phần trăm này là 41.

Ngay những người Hoa Kỳ tin vào một quyền năng cao hơn cũng ít gắn bó hơn với các tín điều. Các yếu tố cổ truyền trong sinh hoạt tôn giáo như cộng đồng, nghi thức, cảm thức mục đích mỗi ngày mỗi tách biệt lẫn nhau, theo kiểu nói của các học giả của Trường Thần học Harvard Casper ter Kuile, Angela Thurston và Sue Phillips.

Tóm lại, Kitô giáo không còn là điều đương nhiên của người Hoa Kỳ nữa. Những Kitô hữu chỉ đi nhà thờ vào dịp Giáng sinh và Phục sinh và những người chỉ coi tôn giáo chủ yếu như chuyện xã hội hay cộng đoàn, nay có đủ các chọn lựa ít đòi hỏi hơn. Các đòi hỏi toàn diện của một đức tin như Kitô giáo: triệt để từ bỏ quyền lực thế gian và sự thành công trong việc kết án tình dục tiền hôn nhân, chỉ còn hấp dẫn đối với những ai mong muốn một điều đòi hỏi hoàn toàn.

Kitô giáo Kỳ cục coi trọng cả nhạc rock lẫn chủ nghĩa truyền thống

Theo Burton, Kitô giáo Kỳ cục coi trọng cả chủ nghĩa truyền thống lẫn nhạc rốc (punk): một thứ Kitô giáo thay thế cho nền văn hóa thế tục duy tư bản hiện thời. Giống nhạc rốc, Kitô giáo Kỳ dị có riêng nền mỹ thuật được định nghĩa rõ ràng của nó. Nhiều Kitô hữu Kỳ dị trên phổ hệ tuyên tín và chính trị biểu lộ niềm yêu thích các thực hành cổ xưa hơn và cầu kỳ hơn về phụng vụ, như Nghị Lễ I của Giám Chức, một hình thức thờ phượng sử dụng ngôn từ thời Nữ Hoàng Elizabeth hay Thánh Lễ Latinh, hoặc đội khăn khi vào nhà thờ,

Hàng ngũ những người tự mô tả mình là Kitô hữu Kỳ dị khá nhỏ, và phần lớn giới hạn vào Internet, nhưng bằng chứng hiện cho thấy có nhiều người lưu ý tới nền mỹ thuật của Kitô giáo duy truyền thống hơn bạn nghĩ.

Thí dụ, trong khi số người Công Giáo Hoa Kỳ đang trên đường giảm dần, thì việc tham dự tại các giáo xứ cử hành Thánh Lễ Latinh đang trên đường gia tăng. Một số giáo xứ đã gia tăng gấp đôi số người tham dự các thánh lễ này trong ít năm qua. Ngay một số nhà thờ Tin Lành, vốn không ưa “mùi hương và tiếng chuông” của các thực hành xưa, cũng đang theo lối thờ phượng này.

Một Kitô hữu Kỳ dị điển hình là Ben Crosby, một chủng sinh của Giáo Hội Giám chức, đã dùng Google Hangouts để đọc Phụng vụ Người Chết, một lối cầu nguyện khá xa lạ với Sách Nguyện Anh Giáo. Anh đến với đức tin nhờ được nền mỹ thuật “không thuộc đời này” đánh động. Anh kể lại việc anh tham gia một buổi lễ tại một giáo xứ Anh Công Giáo (Anglo Catholic) “Tôi bước vào buổi lễ và đó là lòng nhà thờ rộng lớn, đẹp đẽ, tân gôtích thế kỷ 19, làn khói hương trầm tỏa lên trần nhà, nến đèn khắp nơi. Quả là điều tôi chưa bao giờ cảm nghiệm trước đó”.

Cũng thế đối với Rod Dreher, biên tập viên kỳ cựu, blogger của tạp chí “The American Conservative” và là tác giả của “Giải Pháp Bênêđíctô” (the Benedict Option), 1 cuốn sách bán chạy nhất năm 2017, chủ trương Kitô hữu nên từ bỏ cuộc chiến văn hóa để chú tâm sống trong các cộng đồng có ý hướng và theo Chúa. Mỹ thuật là bước đầu mạnh mẽ dẫn ông trở lại, trước nhất theo Công Giáo sau đó theo Chính thống giáo.

Trọng mỹ thuật và có tính đòi hỏi hơn

Lời Dreher: “Thập niên 1980, mới là một thiếu niên, tôi nghĩ Kitô giáo một là lớp người cầu nguyện trung lưu dễ làm người ta buồn chán hai là thứ Ngũ Tuần sợ lửa hỏa ngục của Jimmy Swaggart. Cả hai đều không nói với tôi”. Nhưng lúc 17 tuổi, thăm Nhà Thờ Chính Tòa Chartres với một nhóm du lịch tới Pháp, ông hoàn toàn choáng ngợp trước nền kiến trúc gôtích hùng vĩ: “Tôi nghĩ đây là lý do tại sao có loại người thực sự bị lôi cuốn vào các hình thức thờ phượng xưa hơn, đầy nghi thức, và thẩm mỹ của Kitô giáo. Nó nói tới một điều sâu thẳm trong chúng ta, và, theo tôi, đây là một lối nổi loạn chống lại thứ xấu xí và trần trụi của thời hiện đại”.

Burton cho rằng phương thức lỏng lẻo của Hoa Kỳ hiện đại đối với linh đạo là điều đang khiến nhiều Kitô hữu Kỳ dị có quan niệm đòi hỏi hơn về đức tin. Tuy nhiên, đồng thời chính các cải tiến kỹ thuật của nền văn hóa Hoa Kỳ hiện đại, trong đó có tuyệt đỉnh linh đạo là Twitter, đã làm cho việc tìm kiếm tâm linh của họ khả hữu.

Các diễn đàn truyền thông xã hội, với hàng triệu người sử dụng và các giải thuật (algorithms) của chúng nhằm giúp người sử dụng gặp gỡ những cá nhân đồng hội đồng thuyền với mình, là những mảnh đất mầu mỡ cho các cộng đồng như Weird Catholic Twitter, một hạn từ lỏng lẻo chỉ các người Công Giáo phần lớn thuộc lớp tuổi thiên niên kỷ và cực kỳ ham mê internet. Các đối tác Anh Giáo và Chính Thống của họ có số thành viên nhỏ hơn.

John Garry, một người trẻ 22 tuổi thuộc Manhattan College, trở về với Kitô giáo một phần nhờ Weird Catholic Twitter. Được dưỡng dục như một người Công Giáo “trung lưu ở ngoại ô”, anh học trường Công Giáo, nơi anh cảm thấy một thứ Kitô Giáo ngây thơ, đầy thứ tín lý tầm thường về phương diện tri thức (dumbed-down) và “tuột xa xuống dưới điều phần lớn những người cùng tuổi tôi có thể nghĩ tới”.

Lên lớp 8, Anh rời bỏ Giáo Hội để chạy theo các ý thức hệ được anh lưu ý. Anh theo thuyết Mácxít một thời gian. Rồi lúc sắp có cuộc bầu cử năm 2016, anh có lui tới với nền chính trị cực hữu, làm việc cho Breitbart. Trong thời gian ấy, anh theo một chương mục Công Giáo chống cải tiến. Điều này dẫn anh tới Weird Catholic Twitter.

Đối với Garry, Weird Catholic Twitter “khác với cả loại thế giới cực hữu [alt-right] lẫn giai cấp trung lưu, thế giới đặc trưng Hoa Kỳ tôi từng lớn lên trong đó”. Nó là một cộng đồng không những “chấp nhận một cách triệt để” mà còn tập chú vào một điều “đẹp đẽ và siêu việt”. Anh cho rằng đó là một cộng đồng trong đó, người ta không những tốt với nhau, mà còn đầu tư sâu xa vào việc giúp làm cho nhau tốt hơn.

Viễn kiến tiền hiện đại

Chẳng bao lâu sau đó, anh bỏ thế giới cực hữu, thế giới mà nay anh mô tả là “tởm gớm” và trở thành cả một người Công Giáo đổi mới lẫn một thành viên lâu đời của mạng lưới Công Giáo Kỳ Dị dưới tên “MechaBonald” (có ý nhắc tới nhà phản cách mạng Pháp thế kỷ 19). Và hiện nay, dù có lúc anh mô tả nền chính trị của mình là Mácxít, anh vẫn coi chúng bắt nguồn từ một viễn kiến Kitô giáo “khác với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa tự do hiện đại”.

Cái cảm thức nổi loạn ấy — tức việc chống lại thời hiện đại một cách có ý thức— thấm nhiễm nền chính trị Kitô hữu Kỳ dị y hệt như nền mỹ thuật của họ.

Kitô giáo duy truyền thống từ lâu vốn là của chung các giới cực hữu và chống cải tiến, trong đó, nhiều người coi nó như một thành lũy chống lại các lực lượng hiện đại chủ trương chính xác chính trị và luân lý tính dục tự do. Thí dụ, năm ngoái, Daryush Valizadeh, cựu nghệ sĩ cực hữu ngành cố vấn quyến rũ phụ nữ (pickup artist), được biết nhiều hơn dưới tên Roosh V, công bố anh đã trở về với đức tin Chính Thống giáo Tông truyền Ácmêni thời thơ ấu của anh và cấm mọi ngôn từ về làm tình tiền hôn nhân trong các trang mạng của mình. Anh vẫn công kích phong trào duy nữ và các người thuộc nhóm đồng tính và chuyển giới (L.G.B.T.Q) nhưng với quan điểm Kitô giáo, vì anh kết luận rằng “Đời sống hiện đại là AIDS”.

Thuật ngữ Latinh “Deus vult” — “Thiên Chúa muốn thế”, có ý nhắc đến lời của Đức Giáo Hoàng Urbano II hiệu triệu chiến đấu thời Đệ nhất Thập Tự chinh – đã trở thành còi hiệu (dog whistle) phổ thông của phong trào bài Hồi Giáo nơi giới cực hữu liên mạng. Với những người này, Kitô giáo là một loại xách nhiễu liên mạng (trolling) được tâm linh hóa của thế giới hiện đại; loại này đem lại cho họ một phương tiện để cổ vũ một viễn kiến đặc thù, thường là da trắng và Tây Phương, của thời tiền hiện đại.

Giống như trên bất cứ không gian mạng nào, các người chống cải tiến vốn làm cho sự hiện diện của họ được cảm nhận trong các cộng đồng Kitô giáo liên mạng. Nhưng đối với nhiều Kitô hữu Kỳ dị, đức tin của họ là lời kêu gọi hướng tới một nền chính trị tiến bộ hơn. Giống các đối tác chống cải tiến, họ coi Kitô giáo như thành lũy chống lại những tệ hại của thời hiện đại, nhưng họ có khuynh hướng liên kết các tệ hại của thời hiện đại với các quá trớn của chủ nghĩa tư bản hoặc với nền văn hóa kinh doanh (transactional) vốn giản lược các hữu thể nhân bản vào hàng các khoản trên ngân sách, hay các khuôn mặt ẩn danh trên áp dụng hẹn hò.

Chống quan điểm tự do của tư bản

Leah Libresco Sargeant, một tân tòng Công Giáo và là một nhà văn mô tả các quan điểm của cô gần cùng đường hướng với Đảng Liên Đới Hoa Kỳ (America Solidarity Party), nghĩa là phối hợp việc tập chú vào công bình kinh tế và xã hội với việc chống đối phá thai, án tử hình và trợ tử, bác bỏ các quan niệm về tự do nhân bản của chủ nghĩa tư bản.

Cô viết: “Ý niệm coi cá nhân như đơn vị căn bản của xã hội, người ta được hiểu nhiều nhất nhờ nghĩ về họ như những hữu thể đơn độc duy nhất” là quan niệm sai lạc từ căn bản. “Nó không dành đủ chỗ để nói tới sự yếu đuối và phụ thuộc của con người” – những ngôn từ cô coi như thành phần cấu tạo ra Kitô giáo, với việc nó quan tâm tới sự sống nhân bản từ lúc tượng thai cho tới khi chết tự nhiên.

Thầy chủng sinh Crosby thì cho rằng: Kitô giáo Kỳ dị thay thế cho “cả các hình thức cấp tiến hơn lẫn các hình thức bảo thủ hơn của Kitô giáo Hoa Kỳ”. Dù thầy cho rằng thầy cảm thấy mình cùng đường hướng hơn với cánh cấp tiến, thầy từng làm việc như một nhà tổ chức nghiệp đoàn sau thời gian học cao đẳng, nhưng thời gian ở trong phong trào thợ thuyền đã khiến thầy vỡ mộng đối với các giải pháp thuần chính trị. Thầy bảo “Chúng ta không thể tự cứu chúng ta”. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta thôi.

Cách tiếp cận với Kitô giáo như trên có thể không phải là cách tiếp cận thường được diễn tả trên các phương tiện truyền thông chính dòng. Những phương tiện này có khuynh hướng tập chú hoặc vào phong trào tin lành da trắng bảo thủ về chính trị hoặc vào phong trào tương đương với nó nhưng dịu dàng hơn. Nhưng hình như nó chỉ phản ảnh một tương lai duy nhất có thể có của Kitô giáo trong thời đại duy tục: như một bác bỏ đã bão hòa về tâm linh đối với nền văn hóa vốn bác bỏ siêu việt.

Hiện tại, dĩ vãng, tương lai

Burton cho rằng dù gì, Kitô giáo cũng chỉ trở nên thành công nhất khi đòi hỏi nhiều nhất. Một cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Pew năm 2016 thấy rằng con cái được dưỡng dục trong các gia hộ không có lấy một căn tính được cột bằng đức tin nào, một là các gia hộ ít khi nói tới tôn giáo hai là các gia hộ liên tôn trong đó các tôn giáo khác nhau được trình bầy như các chọn lựa có thể có của gia đình, các gia hộ như thế có xác suất rời bỏ các tôn giáo có tổ chức hơn là các gia hộ chính thống hơn.



Trong thời gian bị cấm cửa, khi phần lớn người ta sống trong không gian tinh vân kỹ thuật số, việc trở về với Kitô giáo thời trung cổ, dù được trung gian qua màn ảnh, xem ra được hoan nghinh. Đây chính là cảm nghiệm của Burton và chồng cô, khi họ đốt nến vào sáng tin mơ Lễ Phục Sinh và cùng hát khúc Exultet (“Đây là đêm với cột lửa sua tan bóng tối tội lỗi”) trong lúc xe cứu thương hú còi bên ngoài chiếc cửa sổ căn hộ của họ ở Upper Mahattan, lời lẽ bài ca càng tỏ ra mạnh mẽ vì tính lịch sử của nó.

Họ hát cùng một bài hát đầy hứa hẹn từng được không biết bao nhiêu người hát trong những thời đầy sầu buồn khổ não. Khi họ mở truyền hình để tham dự Kinh chiều với vị linh mục của họ, kết thúc bằng Kinh Magnificat, bài ca sùng kính của Đức Maria, họ không những dành giờ để chào thăm các đồng bạn giáo dân trong giáo xứ của họ mà còn cảm nghiệm được tình liên đới với Giáo Hội, một Giáo Hội đã thực sự vượt chính thời gian. Dính cứng trong căn hộ cả hàng tuần nay, nhưng họ vẫn cảm nghiệm được cả mối liên kết cộng đoàn lẫn cảm thức rằng cái hiện tại hãi hùng, trần thế này sẽ không ở đó mãi.

Phong trào Kitô hữu Kỳ dị, dù lỏng lẻo và trứng nước, theo Burton, không chỉ là chuyện mỹ thuật kiểu pha trộn nhạc rock với duy truyền thống, một thứ lên giá trị cho một dĩ vãng chỉ tượng hình một nửa. Nó có tiềm năng hơn cả khi nó thách thức hiện tại và tái tượng hình tương lai. Giống rất nhiều người trẻ Hoa Kỳ thuộc đủ mọi xác tín tôn giáo, các người theo nó nổi bật ở lòng thèm khát một điều gì đó hơn là điều mà nền văn hóa đương thời của Hoa Kỳ có thể cung ứng, một điều gì đó siêu việt, có ý nghĩa chính trị, thách thức bản thân họ. Giống ám ảnh “chân thực” của híppi từng đánh dấu giai đoạn giữa thập niên 2010, việc xuất hiện Kitô giáo Kỳ cục phản ảnh ước muốn chưa thành của Hoa Kỳ đối với một điều gì đó có thực chất.

Đại dịch vừa là thập giá vừa là cơ hội

Người ta chưa rõ thế giới sẽ ra sao khi đại dịch coronavirus cuối cùng sẽ chấm dứt. Nhưng đối với những Kitô hữu Kỳ dị, cuộc khủng hoảng này tăng gấp đôi lời kêu gọi hành động. Đối với Ông Garry, trước đây từng hợp tác với Breitbart, nó làm rõ “niềm đói khát tuyệt đối việc giúp đỡ lẫn nhau ở Hoa Kỳ”. Ông bảo: Kitô giáo “buộc chúng ta không những chăm sóc những người chung quanh ta, mà còn tìm cách hòa nhập cuộc sống ta nhiều hơn nữa vào cuộc sống của họ, một loại liên đới nhất thiết bao hàm việc tạo ra các tổ chức như thế này để giúp đỡ lẫn nhau”.

Ông Crosby đồng ý. Ông bảo: cơn đại dịch làm mọi người hiểu rõ: các viễn kiến của cả người cấp tiến lẫn người bảo thủ về đời sống Hoa Kỳ, đặt căn bản trên việc “tự hoàn thành chính mình nhờ được giải thoát để theo đuổi các uớc mơ của mình” là điều không đủ. Theo ông, “Hóa ra chúng ta cần có nhau và cần có nhau một cách da diết”.

Ông nói thêm, điều Kitô giáo cung ứng là “một phiên bản cuộc sống chung khỏe khoắn hơn việc cá nhân theo đuổi giấc mơ thành toàn hay lợi nhuận”. Dưới ánh sáng viễn kiến này, đại dịch hiện thời có thể “là cả thập giá phải mang lẫn cơ hội để phản ảnh tình yêu từng tỏ hiện trước nhất cho chúng ta nơi Chúa Kitô”.
 
Top Stories
Déconfinement: les activités religieuses à nouveau autorisées pour les Vietnamiens
Églises d'Asie
08:12 12/05/2020
Depuis le samedi 9 mai au soir, les catholiques vietnamiens ont pu à nouveau participer aux célébrations et se rendre dans les églises. Le 8 mai, le responsable de la Commission vietnamienne pour les Affaires religieuses, Vu Chien Thang, a annoncé l’autorisation du gouvernement, en affirmant que le pays est parvenu à contrôler la pandémie. Le port de masques de protection et les distances de sécurité doivent être maintenus au sein des assemblées, et les lieux de culte doivent être nettoyés régulièrement. « Nous avons attendu cette messe durant 42 jours », confie Michael Ninh Duc Hoang, responsable du conseil paroissial de Tong Viet Buong, à Hô-Chi-Minh-Ville.

L’Église catholique au Vietnam a repris ses activités religieuses habituelles, alors que le gouvernement a levé les règles de distanciation sociales contre la pandémie de Covid-19. Le 8 mai, Vu Chien Thang, responsable de la Commission vietnamienne pour les Affaires religieuses, a déclaré que le pays était parvenu à contrôler la pandémie et que le gouvernement n’avait enregistré aucun nouveau foyer de contagion au cours des 21 derniers jours. Toutes les provinces et villes du pays sont aujourd’hui considérées comme peu exposées au risque de contagion. Vu Chien Thang a donc autorisé les organisations religieuses du pays à reprendre leurs activités religieuses normales, tout en demandant de respecter les mesures sanitaires préventives contre le Covid-19. Les lieux de culte doivent notamment être nettoyés régulièrement, et les distances doivent être respectées durant les célébrations. Le fonctionnaire vietnamien a également souligné que les personnes participant aux célébrations plus nombreuses doivent porter un masque de protection et se laver les mains. De plus, il a rappelé que toutes les personnes revenant de l’étranger doivent être placées en zone de quarantaine durant 14 jours. Il a également autorisé la réouverture de cliniques gérées par les groupes religieux, qui peuvent à nouveau administrer des traitements médicaux aux patients. Les sites religieux vietnamiens devraient donc commencer à accueillir à nouveau des visiteurs et des fidèles.

Le 8 mai, Mgr Joseph Vu Van Thien, archevêque de Hanoi, a confié que la vie revenait peu à peu à la normale dans la capitale vietnamienne. « Nous remercions Dieu. Nous croyons que les prières des fidèles à travers le monde ont contribué à lutter contre la pandémie », a-t-il salué. L’archevêque souhaite que les activités religieuses – messes, cours de catéchisme et autres activités associatives catholiques – retrouvent leur cours habituel. Il a demandé à toutes les paroisses de cesser de diffuser les messes en ligne et de mettre fin aux absolutions collectives. Il a appelé les prêtres à se mettre à la disposition des fidèles pour que ceux qui n’ont pas pu se confesser durant le carême puissent le faire, et recevoir enfin l’Eucharistie durant le temps pascal. Mgr Thien a demandé aux catholiques de rester assidus aux temps d’adoration eucharistique et de prière, en particulier en union avec les pays les plus atteints par la pandémie. Durant le confinement du Vietnam, la communauté catholique locale a organisé des temps d’adoration tous les mardis et jeudis.

11 diacres ordonnés dès le 19 mai à Buon Ma Thuot

Le père Ignatius Ho Van Xuan, vicaire général de l’archidiocèse de Hô-Chi-Minh-Ville, a demandé aux prêtres de reprendre leurs services liturgiques et pastoraux à compter du 9 mai. Il a appelé la communauté catholique locale à prendre part aux activités de nettoyage et à porter des masques. Il a également invité les fidèles à vraiment désirer et chérir les sacrements, alors qu’ils ont souffert du manque de services religieux publics durant plus de six semaines en raison du confinement. De son côté, Mgr Vincent Nguyen Van Ban, évêque de Buon Ma Thuot, a lui aussi appelé à reprendre toutes les activités religieuses dès le 9 mai. Il a également annoncé l’ordination de 11 diacres, le 19 mai dans la cathédrale du Sacré-Cœur – une célébration à laquelle seuls les proches des candidats au sacerdoce pourront prendre part, afin d’éviter les risques de contamination. Mgr Jean-Marie Vu Tat, évêque de Hung Hoa, a également appelé les fidèles à venir à la messe avec empressement dès le 9 mai, tout en gardant leurs habitudes de prière familiale, afin de construire leurs familles comme des Églises domestiques. Il a demandé aux missionnaires de reprendre leur travail d’évangélisation, qui a dû être interrompu durant le temps de confinement.

Le père Joseph Nguyen Dinh Tuyen, curé de la paroisse de Yen Bai, confie que lui-même et ses deux vicaires ont célébré six messes dans trois églises paroissiales, dès le soir du 9 mai. Le père Tuyen, âgé de 52 ans, explique que les paroissiens assurent le nettoyage hebdomadaire des églises et la préparation des services liturgiques. « Nous sommes heureux de reprendre la liturgie publique, et nous savons que cela a beaucoup manqué aux catholiques Nous remercions Dieu et nous prions pour que le monde soit enfin libéré de la pandémie », a-t-il confié. Les messes publiques étaient suspendues depuis le 28 mars dans le pays. Michaël Ninh Duc Hoang, responsable du conseil paroissial de Tong Viet Buong, à Hô-Chi-Minh-Ville, explique que beaucoup de catholiques ont participé au nettoyage de l’église, à l’illumination et à la décoration florale de la paroisse, avant les messes du 9 mai au soir. « Nous avons attendu cette messe durant 42 jours, depuis que nous avons commencé à suivre les messes en ligne, fin mars », ajoute-t-il, en affirmant que les célébrations aideront à unir les communautés, alors que les communiants reçoivent dans l’eucharistie une nourriture spirituelle. Le Vietnam compte plus de sept millions de catholiques sur 96 millions d’habitants.

(Source: Églises d'Asie - le 12/05/2020)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngợi Ca Tình Mẹ nhân dịp Ngày Hiền Mẫu
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể
08:02 12/05/2020
 
Giáo phận Bùi Chu: bình thường hoá các cử hành Phụng vụ và các sinh hoạt Mục vụ
GP Bùi Chu
09:23 12/05/2020
 
Linh mục đoàn Phát Diệm tĩnh tâm tháng 05/2020: Đọc dấu chỉ thời đại qua dịch covid-19
BTT Phát Diệm
09:32 12/05/2020
PHÁT DIỆM - Sáng ngày 12.05.2020, linh mục đoàn Phát Diệm được vui mừng quy tụ về Nhà Tĩnh Dưỡng giáo phận để tĩnh tâm tháng 05/2020 dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng sau thời gian giãn cách xã hội do đại dịch covid-19.

Ngày tĩnh tâm hôm nay được bắt đầu bằng giờ lần chuỗi Mân Côi, cách đặc biệt trong tháng dâng kính Đức Mẹ để cầu nguyện xin ơn bình an cho thế giới, cho quê hương Việt Nam và cho giáo phận thân yêu.

Sau đó, Đức TGM Giuse trình bày đề tài suy niệm mang tính thời sự: Đọc dấu chỉ thời đại qua dịch covid-19.

Dưới ánh sáng đức tin, Đức TGM Giuse đã liệt kê ra một số bài học:

Virus corona dạy con người khiêm tốn hơn. Thay vì cuộc sống xô bồ, vội vã hối hả và bị cuốn hút vào công việc và tiền bạc, con người biết sống chậm lại và cân nhắc đâu là điều thiết yếu và cái gì là phù du.
Có người lợi dụng tình huống khó khăn để kinh doanh trục lợi, nhưng rất nhiều người đã biết liên đới, chia sẻ và giúp đỡ nhau (ATM gạo, siêu thị 0 đồng...)
Nhân loại biết ơn sự quảng đại và can đảm của các bác sĩ, nhân viên y tế, những người dám liều mạng cứu giúp bệnh nhân.
Chúng ta được dạy cần phải tôn trọng thiên nhiên theo ý định của Thiên Chúa sáng tạo, và sử dụng vạn vật với lương tâm đạo đức và tinh thần trách nhiệm.
Và lời cầu nguyện của ta chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời. Tuy nhiên, nhiều lúc ta phải chịu nhiều đau khổ để thấm thía một bài học trong đời.
Ngài đúc kết, nếu nhân loại biết mở mắt và lắng nghe, mùa tai họa lại thành mùa ân phúc.

Phần sau, Đức TGM Giuse cho thấy trong bối cảnh đại dịch, linh mục càng ý thức hơn về sứ vụ thiết yếu của mình, trước tiên là cầu nguyện: “Đời sống nội tâm là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ”… Cần phải “giữ ngọn lửa nội tâm luôn bừng cháy” (Thư Chung HĐGM)

Điều tiếp theo, đó là Đức ái mục tử qua một số gương linh mục bên Ý, Tây Ban Nha, Mỹ.... đã đi vào tâm dịch, tạm ngưng thừa tác vụ nơi giáo xứ để phục vụ bệnh nhân như một bác sĩ, hoặc xức dầu, nhiều sáng kiến mục vụ...vv. Hàng trăm linh mục đã hi sinh đang khi thi hành phận sự. Đức ái mục tử là con đường nên thánh và là nguyên lý thống nhất của đời sống linh mục.

Sau bài giảng phòng, quý cha cầu nguyện riêng, xét mình xưng tội và chầu Mình Thánh Chúa.

Cuối buổi tĩnh tâm, quý cha dành một giờ cho trao đổi mục vụ. Đức TGM Giuse mời gọi quý cha tiếp tục hướng dẫn giáo dân cầu nguyện xin Chúa chữa lành thế giới, tiếp tục tuân thủ lời khuyên của giới chuyên môn để phòng ngừa dịch tái phát và nhất là củng cố các sinh hoạt mục vụ bị ngưng trong thời gian qua: Động viên giới trẻ đi học giáo lý trở lại; Hâm nóng lại chủ đề của Kế hoạch mục vụ 10 năm : Củng cố đức tin, đặc biệt là suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa.

Tiếp theo, quý cha trưởng các ban Giáo lý, Giới Trẻ, Ơn Gọi, Caritas, Truyền thông cho biết các dự tính mục vụ trong bối cảnh hậu đại dịch. Đáng chú ý, Ngày Gặp mặt Thiếu nhi sẽ được hoãn lại năm sau, nhưng Ngày Gặp Mặt Giới trẻ sẽ được chuyển sang một ngày khác phù hợp hơn.

Cách riêng, cha trưởng Ban Truyền thông phổ biến Bản thể lệ Cuộc thi Phim tài liệu “Giáo Xứ Quê Tôi” cho quý cha xứ với ước mong giới trẻ trong tất cả các giáo xứ sẽ được quý cha xứ động viên, nâng đỡ và làm cố vấn nội dung cho bộ phim về giáo xứ của mình.

Đồng hồ điểm 12:00, quý cha kết thúc buổi tĩnh tâm và cùng nhau dùng bữa trưa thân tình tại nhà Tĩnh Dưỡng.

Trận mưa lớn giữa buổi tĩnh tâm đã làm dịu mát cái nóng đầu mùa hè và khi kết thúc ngày tĩnh tâm, bầu trời cũng đã tạnh ráo và trở nên tươi mới hơn như phản chiếu tâm hồn những người mục tử được đổi mới, hứa hẹn mang lại nhiều hoa trái cho đoàn chiên.
 
Hành trình 30 năm tái sinh của Giáo Hội Công Giáo Campuchia
Hồng Thủy
09:37 12/05/2020
Sau 30 năm, kể từ khi Thánh lễ vọng Phục sinh tối 14/04/1990, Thánh lễ đầu tiên Giáo hội Campuchia được cử hành lại sau 15 năm, Giáo hội Campuchia đã lớn mạnh hơn và hòa nhập vào quốc gia với đa số dân theo Phật giáo. Tuy thế, Giáo hội Campuchia vẫn cần sự trợ giúp của các Giáo hội anh em để có thể phát triển và tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Cách đây 30 năm, Thánh lễ vọng Phục sinh tối 14/04/1990, là Thánh lễ đầu tiên Giáo hội Campuchia được cử hành lại sau 15 năm. Ngày hôm đó được ghi nhớ như dấu chỉ sự tái sinh của Giáo hội Campuchia.

30 năm trôi qua, Giáo hội bị tiêu diệt ở Campuchia đã trải qua sự tái sinh ở một đất nước mà phần lớn dân số theo Phật giáo. Ngày nay, cộng đồng Công Giáo Campuchia vẫn là một thiểu số nhỏ bé nhưng đã hòa nhập vào quốc gia này. Giáo hội tại nước này là một nhóm rất nhỏ, chỉ chiếm 0,15% dân số tại một quốc gia có 90% dân số theo Phật giáo.

Giáo hội bị bách hại từ năm 1975-1990

Giáo Hội Công Giáo Campuchia đã đi qua một hành trình rất dài. Dưới chế độ độc tài Pol Pot, từ năm 1975-1979, tất cả các phong tục văn hóa tôn giáo và truyền thống đã bị đàn áp, bao gồm cả các sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo và Kitô giáo. Gần như tất cả các nhà thờ đã bị phá hủy trong thời gian này, và một số lớn các linh mục và tu sĩ đã qua đời. Cộng đồng Công Giáo là một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất: 50% thành viên của Giáo hội đã qua đời.

Năm 1979, một cuộc nội chiến tiếp theo sau cuộc chiến giữa Campuchia (được gọi là Dân chủ Campuchia vào thời điểm đó) và Việt Nam, kéo dài đến cuối những năm 1990. Từ năm 1979 đến 1989, dưới chế độ Heng Samrim được Việt Nam ủng hộ, tất cả các hình thức thực hành tôn giáo vẫn bị cấm trong thời kỳ này.

Lễ vọng Phục Sinh năm 1990: đánh dấu sự tái sinh của Giáo Hội

Ngày 07/04/1990, Ủy ban trung ương của đảng cách mạng Campuchia chính thức công nhận sự hiện diện của các Kitô hữu tại quốc gia này. Bảy ngày sau đó, các hoạt động tôn giáo đã được cử hành công khai. Thánh lễ được cử hành lại lần đầu tiên ở đất nước này sau hơn 15 năm, từ năm 1975. Đó là lễ Vọng Phục sinh năm 1990, đánh dấu sự tái sinh của Giáo hội tại Campuchia. Vào thời điểm đó, tại nước này chỉ có 3.000 người Công Giáo.

Tin Mừng được truyền giảng trong làng nhờ một tín hữu duy nhất – một phụ nữ Công Giáo lớn tuổi

Một trong số họ là một phụ nữ lớn tuổi, là người Công Giáo duy nhất ở làng Prek-Toal trong 15 năm. Ngôi làng được tạo thành từ những ngôi nhà được xây dựng trên những chiếc bè tre neo đậu ở cửa sông chảy từ Battambang đến hồ Tonlé Sap. Không có linh mục, không có cộng đồng Kitô giáo hỗ trợ bà. Tuy nhiên, vào lễ Giáng sinh, bà đã tập hợp những người hàng xóm của mình lại với nhau để cùng bà mừng Chúa Giêsu giáng sinh. Kể từ đó, một nhà thờ nổi di động đã được xây dựng. 50 người được rửa tội sống trong làng và mỗi năm, ngày càng nhiều trẻ em và người lớn đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội và rước lễ.

Truyền giáo bằng nghệ thuật

Trong 30 năm, Giáo Hội Công Giáo, với hơn 20.000 thành viên trong quốc gia có đa số dân theo Phật giáo, đã hoạt động để thăng tiến đức tin, trung thành với giáo lý của Giáo hội, đồng thời làm cho các dụ ngôn của Chúa Kitô trở nên dễ hiểu đối với người dân làng địa phương. Điều này đã được Đức cha Schmitthaeusler, Đại diện tông tòa ở thủ đô Nông Pênh của Campuchia, xác nhận. Đức cha nói: “Khi tôi đến đây, đó là dịp Giáng sinh, và tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu bắt đầu câu chuyện Giáng sinh. Mọi người rất ấn tượng bởi kỹ năng diễn xuất của chúng tôi. Sau đó tôi nhận ra rằng đây là thời điểm thích hợp cho các tác phẩm sân khấu lớn và bắt đầu với những gì tôi sẽ gọi là truyền giáo thông qua nghệ thuật.” Đức cha tin rằng phương pháp này sẽ phù hợp nhất. Nghệ thuật chảy trong máu của người Campuchia. Đối với tất cả người dân ở đây, cả trẻ em và người lớn, việc múa hát hoàn toàn là điều tự nhiên. Đức cha giải thích làm thế nào để có thể sử dụng di sản văn hóa nghệ thuật phong phú của Campuchia cho mục đích loan báo Tin Mừng.

Tôn trọng lẫn nhau

Đức cha Đại diện Tông tòa Nông Pênh tiếp tục nêu lên tầm quan trọng của việc duy trì sự tôn trọng lẫn nhau giữa các hệ phái khác nhau. Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Khmer, cũng có lợi cho việc loan báo Tin Mừng. Đức cha giải thích: “Người dân đến đây và thấy rằng chúng tôi tôn trọng văn hóa của họ. Nhiều người trong số họ là Phật tử. Tuy nhiên, dần dần, từng chút một, họ đang đến để hiểu ý nghĩa của Phúc Âm.” Đức cha nói thêm, “chúng tôi đang dần cảm nhận được nghệ thuật, truyền giáo và tôn trọng văn hóa có thể phối hợp với nhau như thế nào để giúp chúng tôi hiểu nhau.”

Những vết sẹo khó phai mờ

Bất chấp tất cả, những vết sẹo để lại sau nhiều năm khiếp sợ và kinh hoàng vẫn còn thấy rõ trong cộng đồng Công Giáo Campuchia. Nhiều nhà thờ bị phá hủy, một số khác bị mạo phạm. Cha Totet Banaynaz đã nói về một nhà thờ được xây dựng vào năm 1881 bởi các nhà truyền giáo người Pháp. Dù nhà thờ có thể chưa bị phá hủy; tuy nhiên, dưới chế độ Pol Pot, nó đã bị biến thành một nơi hoàn toàn ô uế, không còn gợi lên một chút tôn trọng nào, và được sử dụng làm chuồng bò và sau đó là một nhà máy xay lúa. Hoàn toàn không còn gì thánh thiêng ở trong nhà thờ này nữa.”

Không ai nghèo đến mức không thể cho đi và không ai giàu đến mức không thể đón nhận

Ngày nay, sẽ không thể trùng tu nhà thờ nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Do đó, cha Banaynaz mời gọi tất cả những người muốn tham gia hoạt động với tư cách là những người truyền giáo tham gia vào dự án. Cha nói thêm, “chúng tôi có điều gì đó mà chúng tôi có thể cung cấp cho họ: gương mẫu về cuộc sống của chúng tôi, sự đơn giản và đau khổ của chúng tôi. Tôi luôn nói với các tín hữu ở đây: không ai nghèo đến mức không thể cho đi. Và không ai giàu đến mức không thể đón nhận”.

Sau khi Kitô giáo được chính thức công nhận tại Campuchia vào năm 1990, quyền tự do tôn giáo đã được thông qua trong hiến pháp mới, được phê chuẩn vào năm 1993. Về mặt ngoại giao, Campuchia và Tòa thánh đã chính thức công nhận nhau vào ngày 25/03/1994. Trong quá trình phát triển này, các nhà truyền giáo nước ngoài một lần nữa được phép đến Campuchia. Một linh mục người Campuchia đã được chịu chức vào tháng 07/1995, lần đầu tiên sau 22 năm. Trong toàn bộ thời gian này, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã liên tục viện trợ cho việc mục vụ để hỗ trợ sự tái sinh của Giáo Hội Công Giáo ở Campuchia.

(Nguồn: Hồng Thủy, Đài Vatican)
 
Tháng Hoa 2020: Mẹ Maria, mẫu gương của người Tông đồ dâng hiến
+GM Đinh Đức Đạo
09:45 12/05/2020
MẸ MARIA, MẪU GƯƠNG CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ DÂNG HIẾN

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Chúng ta đã bước vào tháng Năm, cũng gọi là tháng Hoa, được dành để tôn kính Đức Mẹ, nhưng vì dịch bệnh Covid-19, các cộng đoàn Giáo xứ và Dòng Tu không thể tổ chức các sinh hoạt đạo đức như Rước kiệu và Dâng Hoa tôn kính Đức Mẹ như mọi năm. Hoàn cảnh này cho chúng ta, các Linh mục và Tu sĩ, có nhiều thời giờ riêng tư để suy gẫm và nâng lòng trí lên chiêm ngắm Đức Mẹ trong vẻ đẹp diệu huyền thần thánh của Ngài, đồng thời cũng trở về cõi lòng mà nhìn ra thực trạng của mình trong đời sống ơn gọi và trong sứ vụ tông đồ. Nhìn lên chiêm ngắm Đức Mẹ và nhìn vào nội tâm để biết mình, chúng ta sẽ được đổi mới và thêm lòng hăng say. Nhờ vậy, hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể trở thành thời gian của ơn phúc cho chính chúng ta và cho đoàn Dân Chúa. Trong ý hướng này, tôi muốn chia sẻ với quí Cha và quí Tu sĩ đôi suy nghĩ với đề tài: “Mẹ Maria, mẫu gương của người tông đồ dâng hiến”.

Lựa chọn căn bản của đời tông đồ dâng hiến

Người tông đồ dâng hiến luôn phải đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường: con đường dẫn đến sự sống và con đường dẫn đến sự chết. Thánh Inhaxiô Loyola cắt nghĩa vấn đề này dưới đề tài “Hai Ngọn Cờ”. Mỗi ngọn cờ dẫn đầu một con đường, với thủ lãnh và chiến thuật riêng. Con đường dẫn đến sự chết có thủ lãnh là Satan và con đường dẫn đến sự sống có Chúa Giêsu là thủ lãnh.

Con đường dẫn đến sự chết

Con đường dẫn đến sự chết có chiến thuật giăng ra 3 cạm bẫy:

- Cạm bẫy thứ nhất là ước ao tiền tài và sự giầu có vật chất

Satan khơi dậy trong lòng người tông đồ sự ham muốn không kềm hãm về tiền tài và của cải vật chất; coi sự giầu có như nguồn sức mạnh bảo đảm sự thành công, thậm chí bảo đảm chính cuộc sống. Cái nguy hiểm căn bản của chiến thuật này là nó quyến rũ người tông đồ đặt hy vọng vào của cải vật chất thay vì đặt tin tưởng nơi Chúa. Vấn đề không hệ tại số lượng vật chất mà hệ tại sự dính bén của tâm hồn. Thêm vào đó, trong cuộc đời tông đồ, có một cạm bẫy rất nguy hiểm mà người tông đồ dễ sa vào nếu không tỉnh thức và không nhạy bén thiêng liêng: đó là vì phải lo lắng tìm kiếm phương tiện cho các nhu cầu mục vụ, người tông đồ để lòng mình bị dính bén. Tiền bạc không xấu, nhưng lòng ham muốn và dính bén mới gây ra vấn đề như thánh Phaolô dạy: “Lòng ham muốn tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10). Lúc đó, người tông đồ sẽ dễ sử dụng tiền bạc sai mục đích và lẫn lộn tiền chung, tiền riêng.

- Cạm bẫy thứ hai là khao khát danh vọng và thế lực

Tự nhiên, ai cũng thích danh giá và được người khác biết đến với lòng kính trọng. Lợi dụng bản năng tự nhiên này, ma qủy khéo léo kích thích và thúc dục thêm, nên người tông đồ dễ buông theo lòng thèm khát địa vị cao sang, tìm kiếm bạn bè thế lực, tìm cách lôi kéo chú ý và tình cảm của người đời, để được kính trọng và yêu mến. Hậu quả cũng là lìa bỏ Chúa để tựa dựa vào các thụ tạo và sùng bái chính mình.

- Cạm bẫy thứ ba là tự phụ, kiêu căng

Khi có dư dật phương tiện vật chất, được đám đông thán phục, có bạn bè quyền thế thì cạm bẫy thứ ba cũng rất gần. Đó là sự kiêu căng, tự phụ: cảm thấy mình có khả năng thực hiện mọi chương trình mà không cần ai, có khi chẳng cần cả Chúa. Đây là vấn đề mà Đức Cố Hồng Y Suhard, Tổng Giám mục Paris, đã nói: “Tình trạng Giáo Hội hôm nay rất trầm trọng, không phải vì còn ít giáo hữu đi lễ, đi nhà thờ, nhưng vì có nhiều linh mục và tu sĩ sống và hành độmg như người vô thần, tức là trong suy nghĩ và hành động họ tính toán theo sự khôn ngoan loài người, như thể không có Chúa.” Ở trong tình trạng này, người ta dễ bị chi phối và khống chế bởi đủ thứ dục vọng và có thể phạm đủ thứ tội.

Con đường dẫn đến sự sống

Con đường dẫn đến sự sống có thủ lãnh là Chúa Giêsu và chiến thuật của Ngài có 3 hướng đi, hoàn toàn trái ngược với chiến thuật của Satan.

- Hướng thứ nhất là tinh thần khó nghèo

Chúa Giêsu dạy cho người tông đồ của Người hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của cuộc đời và của muôn loài. Do đó, thay vì tựa dựa vào sự vật, vào bằng cấp và khả năng của mình, người tông đồ tựa dựa vào Chúa. Người tông đồ trân trọng phương tiện vật chất và khả năng Chúa ban, nhưng chỉ xem chúng như phương tiện chứ không coi là mục đích hay nguồn hy vọng.

Giữa cái biết và việc sống theo điều mình biết có cả một khoảng cách mênh mông. Vì vậy, Chúa quan phòng hay để xảy ra những hoàn cảnh trái ngược để huấn luyện và uốn nắn người tông đồ. Nếu có đức tin và nhạy bén thiêng liêng, người tông đồ sẽ nhận ra hành động yêu thương của Chúa muốn huấn luyện mình thành người tự do, thanh thoát khỏi mọi sự trần gian để đặt hy vọng vào một mình Chúa.

- Hướng thứ hai là tinh thần ẩn mình

Thay vì tìm danh vọng, địa vị cao sang, người tông đồ của Chúa muốn sống thầm lặng ẩn mình. Họ kính trọng quyền bính chân chính, trân trọng sự quý mến của dân chúng, nhưng tâm hồn họ thanh thản, không tìm kiếm, cũng không lệ thuộc, vì họ muốn thuộc trọn về Chúa và chỉ tìm thánh ý Ngài.

Nói thì có vẻ đơn sơ dễ dàng, nhưng tập luyện được là cả một công trình và thường tình chẳng mấy ai ưa thích. Khi người tông đồ thành tâm ao ước và gắng sức luyện tập thì Chúa ban ơn trợ giúp và xếp đặt cho cơ hội. Đó là những hoàn cảnh xem ra bị bất công, bị quên lãng, bị hiểu lầm… Trong những hoàn cảnh đó, nếu nhạy bén thiêng liêng, người tông đồ sẽ dễ nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa đang tôi luyện tinh thần và cuộc đời của mình, như lửa thanh luyện vàng thành vàng ròng. Chúa làm cho lòng người tông đồ được thanh thoát thực sự trước tất cả sức hấp dẫn của trần gian để chỉ tựa dựa và hy vọng vào Chúa.

- Hướng thứ ba là lòng khiêm nhượng

Lắm khi người tông đồ không chỉ bị quên lãng mà còn bị bị xỉ nhục vì những lỡ lầm đã vấp phạm, nhưng có khi bị nghi oan hoặc cũng có khi chỉ vì là người tông đồ. Trong hoàn cảnh này, người tông đồ được Chúa hướng dẫn sẽ đi sâu vào lòng mình để tập cậy dựa hoàn toàn vào Chúa, nhờ đó được tự do thanh thoát trước nhân tình thế thái, không phải trong tâm tình khinh miệt người khác, nhưng với tất cả từ tâm của một người biết nhìn với con mắt nội tâm, thường được gọi là “con mắt thứ ba”: nhận ra dấu vết và tiếng gọi của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Với tâm tình và sức mạnh thiêng liêng đó, người tông đồ sẵn sàng chấp nhận sự sỉ nhục, có khi oan uổng vì Đức Kitô, để đền bù tội lỗi của mình, tội lỗi của nhân loại, và “vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Trong cuộc đời tông đồ dâng hiến, nhiều lần chúng ra phải đứng trước hai con đường và phải lựa chọn. Mỗi người có thể đặt ra cho mình câu hỏi: “Tôi đang bước đi trên con đường nào?” Câu trả lời sẽ tùy thuộc mỗi người, nhưng nói chung, người ta thường xiêu vẹo trên cả hai con đường: khi thì theo chiến thuật dẫn đến sự chết, khi thì theo chiến thuật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là cần một quyết định dứt khoát và rõ ràng để chọn lựa con đường dẫn đến sự sống.

Mẹ Maria, mẫu gương và nguồn trợ lực

Đứng trước cuộc lựa chọn đầy khó khăn và nhiều cạm bẫy, nhất là trong những hoàn cảnh cụ thể, người tông đồ cần phải có một mẫu gương để noi theo, để được soi sáng và khích lệ. Mẫu gương đó chính là Mẹ Maria.

Tâm tình của Mẹ Maria

Khi nói về tâm tình thiêng liêng của Đức Mẹ, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tóm lược tất cả qua ba động từ diễn tả cách sống động tâm hồn Đức Mẹ: Fiat (câu trả lời Thiên Thần trong ngày Truyền Tin), Magnificat (lời kinh ca tụng khi gặp gỡ thánh Elisabet ngày Thăm Viếng), Stabat (thái độ và tâm tình phó thác bên cạnh Thánh Giá Chúa). Vì giới hạn của bài chia sẻ, tôi chỉ suy gẫm về lời Fiat (Xin Vâng) của Đức Mẹ.

Tại tiệc cưới Cana, khi thấy nguy cơ sắp hết rượu và đó sẽ là bi kịch cho đôi tân hôn, Đức Mẹ đã kêu cầu Chúa Giêsu can thiệp và sau đó đã nói với những người giúp tiệc cưới: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm như vậy” (Ga 2,5). Sau đó, Chúa Giêsu bảo họ múc nước đổ đầy các chum đựng nước; rồi lại bảo họ đem nước cho ông quản tiệc và họ đã làm tất cả như Chúa Giêsu nói (x. Ga 2,1-8). Điều đáng ngạc nhiên là Đức Mẹ và Chúa Giêsu đều là khách được mời, nên các Ngài không ở tư thế điều khiển để ra lệnh và lúc đó Chúa Giêsu chưa nổi tiếng vì đây là phép lạ đầu tiên Chúa làm khi bắt đầu cuộc đời công khai (x. Ga 2,11). Dù vậy, những người giúp tiệc cưới đã vâng theo lời Chúa Giêsu bảo. Lý do là vì họ đã được Đức Mẹ chinh phục. Lời mời gọi của Đức Mẹ “Ngài bảo gì, các anh cứ làm như vậy” đã có sức mạnh lôi kéo họ vì tất cả cuộc đời của Đức Mẹ là một cuộc tìm kiếm liên lỉ và thực hiện ý Thiên Chúa, mà đỉnh cao bắt đầu là ngày Truyền Tin (x. Lc 1,38) và tiếp tục trong mọi biến cố của cuộc đời còn lại của Mẹ (x. Lc 2,19; Lc 2,51).

Tinh thần “Xin vâng” đúng là mẫu gương cho mỗi Linh mục, Tu sĩ trong cuộc đời dâng hiến cũng như sứ vụ tông đồ. Cái khó lớn lao nhất trong cuộc đời tông đồ dâng hiến không phải vì công việc tông đồ nặng nhọc, hay vì có nhiều đòi hỏi, hoặc vì có những nguy hiểm. Bởi lẽ, nhiều người trong công việc làm ăn hay trong trách nhiệm xã hội, cũng phải gánh chịu những trách nhiệm nặng nề và rất nguy hiểm. Cái khó căn bản nhất và là cái khó đặc thù của công việc tông đồ là người tông đồ phải cộng tác với Thiên Chúa, làm việc của Thiên Chúa, theo tinh thần và cách thức của Ngài. Do đó, điều căn bản nhất của cuộc đời tông đồ dâng hiến là tìm kiếm và làm theo ý Thiên Chúa. Đây là điều khó khăn, nhưng cũng là nguồn hạnh phúc: “Trong thánh ý Ngài là sự vui mừng của con; con sẽ không bao giờ quên lời Ngài” (Tv 119,16).

Hành trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa

Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa không phải là kết quả của một phương pháp, cho dù là phương pháp thiêng liêng, nhưng là khả năng của người tông đồ đã để cho Chúa hướng dẫn, lần theo một hành trình thiêng liêng. Hành trình này có hai loại yếu tố: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài (“trong” hay “ngoài” ở đây là xét trong tương quan với người muốn tìm kiếm ý Thiên Chúa).

Yếu tố bên trong

Lòng ao ước thực sự muốn làm theo ý Thiên Chúa, cháy bỏng đến độ trở thành chương trình của cuộc đời như Chúa Giêsu đã làm: “Này đây, con đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,7). Lòng ao ước này phải luôn được nuôi dưỡng bằng đời cầu nguyện, vì không phải hễ nói muốn làm theo ý Thiên Chúa là đã có được lòng ước muốn này (x. Gr ch 42-43).

Tự do nội tâm: nếu lòng không tự do, người tông đồ không thể hiểu ý Chúa hay có hiểu cũng không đủ sức thực hiện. Để tiến tới tự do nội tâm, cần phải để ý đến ba điểm sau đây:

* Khiêm nhường thật lòng để nhận ra tâm hồn mình còn nhiều ràng buộc để không ngừng dấn thân trên đường tiến tới tự do: “Phúc cho những tâm hồn trong sạch vì sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

* Tự do không những đối với những điều xấu, mà cả với những điều tốt, vì nhiều khi Chúa Giêsu đòi người môn đệ của Ngài phải bỏ cả những điều xem ra rất tốt (x. Mt 10,37-39).

* Thành thực với lòng mình: nhìn thấu những tâm tình thầm kín, những lý do bí ẩn trong lòng để gọi mỗi việc với chính tên của nó để không tự dối mình.

“Đồng bản tính”: muốn phân định được ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể, cần phải suy niệm Lời Chúa để thấm nhuần tâm tư, tình cảm, tiêu chuẩn và cách sống của Chúa. Khi suy niệm Lời Chúa cần nhớ một điều phải làm và hai điều phải tránh. Điều phải làm là lấy Lời Chúa chiếu soi cuộc đời để áp dụng vào đời sống của mình. Hai điều phải tránh là tìm một vài câu thích hợp để bảo vệ ý kiến của mình và chỉ lấy Lời Chúa áp dụng cho người khác. Trong cả hai trường hợp, người tông đồ không để cho Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn và thanh tẩy cuộc đời của mình.

Yếu tố bên ngoài

Hiệp thông với Giáo Hội trong tất cả truyền thống: giáo lý, kinh nghiệm sống của các thánh và đối thoại với chủ chăn.

Hoa trái: xem quả thì biết cây (Mt 7,16-18). Nếu là con đường của Chúa thì phải dẫn đến sự thánh thiện, bác ái, quảng đại để xây dựng Giáo Hội. Vì vậy, nếu việc làm hay lời nói khơi lên bạo động, gây chia rẽ, thù hằn và làm lung lay đức tin thì khó lòng có thể đến từ Chúa.

Linh hướng: đối thoại chân thành với Cha linh hướng sẽ giúp nhìn ra ý Chúa dễ dàng hơn. Trong đối thoại linh hướng, cả Cha linh hướng lẫn người xin được hướng dẫn phải có cùng chủ đích là tìm kiếm ý Thiên Chúa. Do đó, Cha linh hướng phải là người của Chúa, sống theo tinh thần của Chúa chứ không theo sự tính toán thường tình của loài người hay mưu mô thế gian; còn người xin được hướng dẫn, cần nhất phải có chủ đích đi tìm và vâng theo ý Chúa để khỏi rơi vào cạm bẫy đi tìm người xác nhận điều mình muốn.

Kính thưa quí Cha và quí Tu sĩ, chúng ta cùng cầu xin Đức Mẹ là Đấng đã dâng hiến trọn cuộc đời để thực hiện thánh ý Chúa, dẫn dắt chúng ta biết lấy việc thực hiện thánh ý Chúa là lý tưởng và nguồn hạnh phúc cho đời tông đồ dâng hiến của chúng ta. Nhờ đó, mỗi người có thể thân thưa cùng Chúa với lòng yêu mến dạt dào: “Hạnh phúc của con là làm theo ý Chúa”; “Nếu đây là ý Chúa, dù có khó khăn hay phải chết con cũng sẵn sàng đón nhận”.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
 
Giáo phận Cần Thơ: Chương trình Ngày Hành Hương kính Đức Mẹ Fatima Rạch Súc
GP Cần Thơ
10:00 12/05/2020
Rạch Súc ngày 13.05.2020 -- Theo thông báo của Đức Giám Mục Giáo phận Cần Thơ vào ngày 9.5.2020, thì “Thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo có cộng đoàn tham dự sẽ được tái cử hành” (số 01). Vì thế, chương trình Hành Hương kính Đức Mẹ Fatima Rạch Súc vào Thứ Tư ngày 13.05.2020 sẽ được tổ chức như sau :

09g00: LẦN CHUỖI CHUNG – NĂM SỰ VUI tại Đài Đức Mẹ
11g00: THÁNH LỄ I : Cha Phanxicô X. Triệu chủ sự tại Nhà thờ
12g00: LẦN CHUỖI CHUNG – NĂM SỰ SÁNG tại Đài Đức Mẹ
15g00: THÁNH LỄ II : Cha Quản Hạt Cần Thơ chủ sự tại Nhà thờ
16g30: CHẦU THÁNH THỂ : TÔN VINH LTX CHÚA tại Nhà thờ
7g30: LẦN CHUỖI CHUNG – NĂM SỰ THƯƠNG tại Đài Đức Mẹ
19g00: THÁNH LỄ III : Cha Pr. Hài chủ sự tại Nhà thờ
19g40: LẦN CHUỖI CHUNG – NĂM SỰ MỪNG tại Đài Đức Mẹ
20g00: KIỆU Đức Mẹ : Cha Pr. Hài chủ sự tại Nhà thờ
THÁNH LỄ BẾ MẠC : Đức Cha chủ sự tại Nhà thờ

* Trong các sinh hoạt, xin cộng đoàn vui lòng :
– Đeo khẩu trang
– Rửa tay sát khuẩn
– Giữ khoảng cách và tránh tiếp xúc trực tiếp (bắt tay…)
– Để xe theo sự hướng dẫn của Ban Trật tự
– Trong Thánh lễ : Rước lễ trên tay

* Để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm :
– Xin miễn phục vụ các bữa ăn
– Xin được phục vụ nước tinh khiết đóng chai.
 
Chương trình ngày hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu
GP Bà Rịa
10:14 12/05/2020
Chương trình ngày hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu

* THỨ BA, 12.5.2020
– 17g00: Thánh lễ kính Đức Mẹ
– 19g00: Rước KIỆU TÔN VINH Đức Mẹ
Lần hạt Mân Côi
Chầu Mình Thánh Chúa

* THỨ TƯ, 13.5.2020
– 5g00: Thánh lễ I
– 10g00: Thánh lễ II
– 12g00: Thánh lễ III



Nhân đây cũng xin được kính báo, mọi sinh hoạt tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu và Trung tâm Hành hương Núi Tao Phùng sẽ trở lại bình thường (như trước khi xảy ra đại dịch). Kính mời quý vị tham dự
 
Làm phép và khánh thành Cổng trung tâm Thánh Mẫu Tàpao
Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao
15:48 12/05/2020
PHAN THIẾT - Trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19, Tàpao vắng bóng khách hành hương. Tận dụng thời điểm ít người lui tới, Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã cố gắng thi công các hạng mục còn đang dang dở: Quảng Trường Mân Côi (Quảng Trường B cũ), nhà nguyện Thánh Thể (trên Quảng Trước C) và cổng ra vào. Cho đến ngày 11 tháng 5 vừa qua, công trình cổng chào đã hoàn thành.

Vào lúc 16g50 ngày 11/5/2020, Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao hân hoan vui mừng đón Đức Cha Giuse đã đến Tàpao làm phép và cắt băng khánh thành cổng. Nghi thức làm phép cổng diễn ra trong sự trang trọng, ấm cúng với sự hiện diện của cha Tổng Đại Diện, cha tân Quản Hạt Đức Tánh, quý Cha, quý Sơ, nhân viên phục vụ Trung Tâm và một số khách hành hương tham dự.

Cổng Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao được thiết kế ba cửa ra vào với ba ngọn tháp cao vút như muốn diễn tả ba nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến. Trong đó, tháp giữa cao 12m diễn tả Đức Mến là cao trọng nhất (x. 1Cr 13,13).

Đã từ lâu, Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao mơ ước có một cái cổng ra vào để hân hoan đón tiếp khách hành hương. Ước mơ đó nay đã trở thành hiện thực. Cổng Tàpao, cổng ước mơ của bất cứ ai đến với Đức Mẹ Tàpao. Đến Tàpao, hầu hết, Quý Khách hành hương đều mơ ước gặp được Đức Mẹ để cất lên lời chào: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1,28), đồng thời cùng với Mẹ dâng lời tôn vinh, chúc tụng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1,46) và qua Mẹ, mong ước gặp được Chúa Giêsu.

Vào lúc 5g00, 12/5/2020, Đức Cha Giuse, cùng với quý Cha đã hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn và phó thác công trình dưới sự bầu cử của Mẹ Tàpao. Xin dâng lên Mẹ Tàpao ước mơ của từng cuộc đời. Khi ra về, mỗi người xin được học nơi Mẹ lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Nguyện xin Mẹ thương cầu bầu cùng Chúa chúc phúc và biến những ước mơ của bao người thành hiện thực.
 
Niềm vui khi Thánh lễ cộng đồng được cử hành trở lại tại TGP Saigon
Gx Xóm Mới
16:02 12/05/2020
SAIGON - “Thật bồi hồi, xúc động khi - sau 6 tuần lễ tạm ngưng Thánh lễ cộng đồng - cha con lại được sum họp hiệp dâng Thánh lễ, được hạnh phúc bên Chúa và bên nhau”. Đó là tâm tình của cha Hạt trưởng giáo hạt Xóm Mới, khi ngài chủ tế Thánh lễ vào lúc 4g15 thứ Bảy 9.5.2020 tại nhà thờ Hà Đông.

Thánh lễ

Nhớ lại, theo thông báo của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (TGM), các Thánh lễ trong Tổng Giáo phận (TGP) đã tạm ngưng từ 16g ngày 26.3.2020. Và trong Thánh lễ trực tuyến của TGP được linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc cử hành lúc 5g30 thứ Bảy 28.3.2020 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, khi chia sẻ Tin Mừng theo Thánh Gioan (Ga 7,40-53), ngài nói:

“Chúng ta hãy xin Thánh Thần của Chúa giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện và tác động của Chúa ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và mọi người. Trong hoàn cảnh này, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta trở thành người môn đệ của Chúa, luôn biết ‘xin vâng’, kết hợp tiếng ‘xin vâng’ của mình với tiếng ‘xin vâng’ của Chúa Giêsu, tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria, hầu mang lại bình an, ơn giải thoát và cứu độ cho thế giới hôm nay”.

Thời gian tạm ngưng hiệp dâng Thánh lễ cộng đồng tuy không dài nhưng cũng khiến đời sống tâm linh bị hụt hẫng. Lòng khao khát được tham dự Thánh lễ và rước lễ ấm cúng bên cạnh nhau khiến các tín hữu nhớ nhà thờ, nhớ các vị mục tử và nhớ Thánh lễ sum họp êm đềm.

Về phần mình, các vị mục tử cũng nhớ và lo lắng cho đời sống đức tin của giáo dân, như linh mục Gioan Bt. Vũ Mạnh Hùng - chánh xứ Hà Đông kiêm Hạt trưởng giáo hạt Xóm Mới - nhận định:

“Sáng nay, ngày 9.5.2020, tôi thật xúc động khi cầm chìa khóa ra mở cửa nhà thờ, để đón bà con tiến vào nhà Chúa hiệp dâng Thánh lễ vào lúc 4g15. Sau 6 tuần ‘cách ly’, nay cha con mới sum họp hiệp dâng Thánh lễ, được hạnh phúc bên Chúa và bên nhau. Sự bồi hồi đan xen sự hân hoan và phấn khởi đã ùa vào trong tôi, khi cả cộng đoàn hát vang bài ca nhập lễ ‘Chúng con về nơi đây…’.

Vâng, không vui sướng sao được, khi thấy các cha cùng bà con giáo dân trong giáo hạt Xóm Mới luôn nhắc nhớ nhau siêng năng cầu nguyện, làm Tuần Cửu Nhật, tham dự trực tuyến các Thánh lễ online của TGP, buổi cầu nguyện trực tuyến tại đền Thánh Phêrô với Đức Giáo Hoàng, Thánh lễ tại Linh đài Đức Mẹ La Vang, và cộng tác với xã hội thực hiện các biện pháp cách ly, giúp đỡ người nghèo dưới nhiều hình thức… để xin Chúa sớm giải thoát chúng ta khỏi đại dịch.

Hôm nay, đại dịch tương đối được kiểm soát ở Việt Nam, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa đã thương dân tộc Việt Nam nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng. Cảm ơn mọi người đã hy sinh, cộng tác dưới nhiều lãnh vực, góp phần kiểm soát và đẩy lùi dần đại dịch Covid-19…”

Thật vậy, sau thời gian xa cách các sinh hoạt phụng vụ cộng đồng, các mục tử và cộng đoàn Dân Chúa đã vỡ òa niềm vui và hạnh phúc. Từ sáng sớm ngày 9.5.2020, tiếng chuông các nhà thờ trong giáo hạt Xóm Mới đã ngân vang reo vui trở lại, báo hiệu mọi việc đạo đức trở lại bình thường. Một dấu ấn chưa từng có và thật khó quên trong nhiều thập kỷ qua.

Để chuẩn bị cho Thánh lễ cộng đồng đầu tiên trở lại này, các mục tử và thành viên các Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMVGX) đã tích cực chuẩn bị mọi việc. Ông Giuse Trần Ngọc Lâm, Thư ký HĐMVGX Nữ Vương Hòa Bình cho biết:

“Sau những ngày khắc khoải chờ đợi, tối ngày 8.5.2020, các thành viên HĐMVGX đã chuẩn bị với những công việc vệ sinh cơ bản nơi cung thánh, nhà thờ, phân Công Giáo khu trực nhật… Rồi niềm vui vỡ òa, khi - sau 6 tuần im tiếng - những hồi chuông đã ngân vang để mời gọi cộng đoàn đến hiệp dâng Thánh lễ lúc 4g30 ngày 9.5.2020 như thường lệ với hơn 100 giáo dân. Và cũng thật xúc động trước hình ảnh mọi người đến nhà thờ lau chùi bàn thờ, cung thánh, cửa và nền nhà thờ… để buổi chiều cùng ngày, đón tiếp giáo dân đến tham dự Thánh lễ lúc 17g30.”

Cũng vậy, ông Giuse Kiều Ngọc Quyến, thành viên HĐMVGX Lam Sơn tâm sự:

“Vâng phục lệnh của Đức TGM Giuse, giáo xứ Lam Sơn đã tạm ngưng Thánh lễ cộng đồng từ chiều ngày 26.3.2020. Gia đình tôi cảm thấy hụt hẫng và nuối tiếc vì không được rước lễ mỗi ngày. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đại dịch, sự vâng phục với lý trí hiểu biết thấu đáo, cũng là một cách giữ đạo, nên gia đình tôi sốt sắng ‘tham dự’ Thánh lễ trực tuyến mỗi ngày. Nay những khó khăn, thử thách tương đối đã qua đi. Mọi người được đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Tôi rất vui mừng, phấn khởi và từ nay sẽ tham dự Thánh lễ, các giờ đạo đức thật sốt sắng, không hời hợt, chiếu lệ như trước nữa.”

Chị Maria Phạm Thị Vượng - ca trưởng ca đoàn Ánh Sáng 3 của Hội Con Đức Mẹ giáo xứ Hoàng Mai - bồi hồi nói:

“Các ca viên đều rất buồn và rất nhớ Thánh lễ vì cả một thời gian dài không được hiệp dâng Thánh lễ cùng cha xứ và cộng đoàn. Nay các Thánh lễ được tổ chức lại, mọi ca viên đều phấn khởi và sẽ hăng say tập luyện để dâng lời ca tiếng hát thật sốt sắng cùng với cộng đoàn.”

Bác ái yêu thương

Trong những ngày vừa qua, hưởng ứng chương trình chung tay lan tỏa yêu thương do Đức TGM Giuse Nguyễn Năng phát động, các linh mục, giáo dân, các đoàn thể Công Giáo, các cơ sở từ thiện, bác ái… đã chia sẻ gạo và tiền cho những người khó khăn không phân biệt tôn giáo, trong và ngoài giáo xứ dưới nhiều hình thức…

Anh Giuse Trần Hiến Đạt, thuộc giáo xứ Hà Đông, đang khi đi phát cơm cho người nghèo trong khu vực Xóm Mới, cho biết:

“Bản thân tôi đang bị ung thư và không thể làm việc nặng được, nên gần 4 năm nay, tôi tình nguyện mang cơm từ thiện - do Nhà An dưỡng Phát Diệm Xóm Mới tổ chức - đến các hộ nghèo mỗi trưa thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần. Và tôi thấy chính trong hoàn cảnh giãn cách, bà con khu xóm trở thành gần gũi, cảm thông, hiểu nhau và sống chân thành, đoàn kết và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Trong mùa dịch, tuy bếp ăn tạm ngưng nhưng tôi vẫn chuyển mì gói, gạo... của quý ân nhân đến gần 300 hộ nghèo. Hôm nay, khi đi phát cơm cho bà con, tôi sẽ thông báo cho bà con tin vui, là Thánh lễ tại các giáo xứ đã trở lại bình thường, để mọi người biết và đến tham dự Thánh lễ.”

Để kết

Thật trùng hợp, Thánh lễ trực tuyến cuối cùng sau đợt tạm ngưng Thánh lễ cộng đồng vừa qua - diễn ra lúc 5g30 thứ Bảy 9.5.2020 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - lại cũng do linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc cử hành. Trong bài giảng, cha Bảo Lộc chia sẻ:

“Trong thời gian qua, chúng ta đã đáp lời ‘xin vâng’ để cùng với Giáo hội và xã hội ngăn ngừa được dịch bệnh Covid-19. Chính khi không còn được tham dự Thánh lễ cộng đồng, chúng ta đã nhận ra rằng, Hội Thánh tại gia lại được triển nở, và gia đình trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa đã đến và chúng ta đã nhận biết Ngài, để cùng với mọi người trong gia đình xích lại gần nhau, siêng năng cầu nguyện, thực thi bác ái, lan tỏa yêu thương đến với mọi người… hầu xứng đáng là môn đệ của Chúa Kitô.”

Ngồi suy nghĩ và liên kết những sự kiện xảy ra trong thời gian qua, tôi cảm nhận được sự an bài của Thiên Chúa. Dịch bệnh hôm nay dù là khổ đau, nhưng lại là dịp để mọi người nuối tiếc những ân phúc mình đã được hưởng, hầu nhìn lại mà uốn nắn bản thân trở về giao hòa với Thiên Chúa, cầu xin Đấng giàu lòng thương xót thứ tha tội lỗi, từ đó, biết quảng đại tha thứ, làm hòa với nhau, mở rộng tấm lòng chăm sóc người nghèo… để Chúa Phục sinh biến đổi ta thành con người mới, thành cộng đoàn mới, cộng đoàn của Chúa Phục sinh.

(Nguồn: Web TGPSG)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn Nhân- Gia Đình: Thách Đố Và Thăng Tiến
Nữ Tu Isave Dương Thị Bích Nga
08:08 12/05/2020
Hôn Nhân- Gia Đình: Thách Đố Và Thăng Tiến

DẪN NHẬP:

Nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI, một kỷ nguyên đánh dấu bước ngoặt về kinh tế, khoa học và nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin, một yếu tố quan trọng đã làm cho cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Nhưng tiếc thay, sự phát triển của khoa học hiện đại làm đời sống đạo đức con người cũng thay đổi, sự hưởng thụ ích kỷ, cạnh tranh, gian dối, bất nghĩa, vô tâm, vô cảm… Hậu quả là các tệ nạn đã tấn công và tàn phá các mối tương quan trong gia đình, xã hội. Đó là một thứ bóng tối khủng khiếp nhất mà các gia đình đang phải đối diện.[1]

Trước đây, khi đời sống con người còn vất vả, mỗi gia đình đều ra sức làm việc, nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn; bữa cơm trong gia đình “cơm độn”, dưa mắm qua loa, cơm không đủ no, mặc không đủ ấm, ăn bữa nay, lo bữa mai…. Và một khi nhu cầu sinh hoạt, giải trí, học tập còn đơn sơ, nghèo nàn thì đời sống tâm linh lại ít được chú trọng ngay nơi mái ấm gia đình và lan ra ngoài xã hội. Những giá trị đạo lý làm người cơ bản và những nguyên tắc ứng xử nhân bản dần dần bị xoá mòn:

- Trong gia đình phai nhạt đạo hiếu: con cái không còn coi trọng bổn phận làm con đối với các bậc sinh thành, phai lạt tình cha nghĩa mẹ, xem thường tình máu mủ anh em…

- Vợ chồng không còn xem trọng nghĩa “tào khang”, tình chung thuỷ, tính keo sơn của tình nghĩa phu thê.

- Trong môi trường giáo dục, nơi học đường: học trò không còn nghiêm cẩn với nguyên tắc tôn sư trọng đạo, thường xuyên xảy ra bạo lực học đường, thầy cô gây gương mù gương xấu…

- Ngoài xã hội chợ đời thì mạng sống và nhân phẩm con người bị xúc phạm và đe doạ thường xuyên, khắp chốn; khó mà tìm được những mối tương quan giữa con người với nhau thân thiết như được ví trong câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Những nét đẹp tình cảm, tinh thần và tâm linh, những giá trị đạo đức và luân lý ấy hình như bây giờ chỉ còn là những ký ức đã lui vào dĩ vãng.

Trong thông điệp “TIN MỪNG SỰ SỐNG”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã minh giải về tính “tiêu cực đặc trưng và suy đồi nghiêm trọng của xã hội hôm nay bằng cụm từ “nền văn minh sự chết” như sau. Xin trích: “Thực ra, nếu nhiều khía cạnh quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay có thể giải thích bằng một cách nào đó bầu khí luân lý bất ổn mù mờ và đôi khi giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân nơi một số người, thì cũng không kém phần chân thực rằng chúng ta đang đối đầu với một thực tại rộng lớn hơn mà người ta có thể coi như là một cơ cấu thực thụ của tội lỗi, đặc trưng bởi ưu thế của một nền văn hoá trái nghịch với tình liên đới, nền văn hoá nầy tự biểu lộ trong nhiều trường hợp như một “nền văn hoá thực thụ của sự chết”. Nền văn hoá sự chết này được tích cực khích lệ bởi những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị mang phần nào quan niệm thực dụng của xã hội.”[2]

“Thời đại của nền văn minh sự chết”. Thật vậy, xã hội hôm nay, các giá trị công bằng, chân lý, đạo đức nhân bản bị coi thường trước những tham vọng của con người, giá trị của hôn nhân gia đình bị đảo lộn. Có thể liệt kê một chuỗi những vết thương đau xót: Nạn ly hôn ngày càng tăng cao, thêm rất nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi bơ vơ, một số khác rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, dẫn đến nổi loạn hung hăng và bất trị. Nạn yêu cuồng sống vội ngay trong độ tuổi học sinh dẫn đến bạo hành trong học đường, đôi khi gây ra xô xát, án mạng vì tranh giành bạn tình; cũng đẩy tới những trường hợp làm cha, làm mẹ bất đắc dĩ, xói mòn nền tảng hôn nhân gia đình. Nạn nạo phá thai lan tràn khắp nơi vì sai lầm trong yêu đương, vì coi trọng danh dự, tiền bạc, quyền lợi hơn là sự sống con người, chống lại quyền tối thượng của Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và trao ban sự sống của Ngài. Tình trạng tự do sống chung, sống thử trước hôn nhân, nạn bạo hành trong gia đình, ngoại tình…đang làm mai mọt những giá trị và truyền thống của hôn nhân gia đình. Đây quả là một vấn đề nhức nhối cần đặt ra. Vậy đâu là nguyên nhân của những vấn nạn này?

I. ĐỐI DIỆN THÁCH ĐỐ (Đi tìm những nguyên nhân gây đổ vỡ):

1. THAY ĐỔI VỀ MÔI TRƯỜNG SỐNG:

Các thế hệ tiền nhân, là ông bà, cha mẹ chúng ta, bao đời đã quen với nếp sống văn hóa làng xã, yên bình trong “luỹ tre làng” và được điều hướng qua những nẻo đường luân lý từ Khổng Mạnh, tới Phật Giáo và rồi Kitô Giáo….

Với nền văn hóa tương đối “tịnh” nầy, mọi người thấy mình được bao bọc trong “không gian thuần phong mỹ tục” từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Nhưng ngày nay, bối cảnh xã hội đã khác rất nhiều; vẫn trên mảnh đất ấy, làng quê ấy, đô thị ấy… chúng ta đang sống với một bối cảnh và môi trường xã hội mà làn sóng văn minh kỷ thuật hiện đại chi phối gần như toàn bộ; đi theo nền văn minh tiến bộ đó, rất nhiều thứ tệ nạn phát sinh và xâm nhập khiến môi trường sống bị “ô nhiễm” nặng nề: mua bán mại dâm, ma túy, trò chơi điện tử – “game”, bạo lực, buôn lậu, ngoại tình, nạo phá thai, cá độ, cờ bạc, rượu chè, đua xe…

2. THAY ĐỔI VỀ CÔNG ĂN VIỆC LÀM:

Ngày xưa, đa số mọi thành viên trong gia đình đều làm chung một nghề, ví dụ như làm nông nghiệp, làm gia công, làm các việc tại gia đình. Việc làm chung này tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên trong gia đình chia sẻ công việc cho nhau, đặc biệt hơn là họ có thể dễ dàng sắp xếp thời gian chung cho các sinh hoạt trong gia đình; ví dụ như ăn cơm chung, đọc kinh, cầu nguyện chung, đi lễ chung, vui chơi chung… Ngày nay thì khác, mỗi người trong gia đình làm một nghề khác nhau. Giờ làm việc nhiều khi ngược nhau: chồng làm ca đêm, vợ làm ca ngày... Vì thế hầu như họ không có những sinh hoạt chung trong gia đình. Gia đình giờ đây chỉ còn là quán trọ. Nơi ấy được họ sử dụng để nạp năng lượng và nghỉ ngơi, dưỡng sức để tiếp tục việc làm ăn.

3. KHÔNG CÓ THỜI GIAN DÀNH CHO NHAU:

Chính những khác biệt về nghề nghiệp đã khiến các thành viên trong gia đình không có thời gian dành cho nhau. Vì thế họ ít cảm nhận được tình thân thương, ấm áp nơi gia đình. Bên cạnh đó còn có một lý do khác nữa là họ bị nô lệ hóa cho những phương tiện hiện đại của truyền thông: như các chương trình giải trí hấp dẫn trên truyền hình, những trò tiêu khiển trên internet, hoặc tán gẫu với bạn bè qua điện thoại di động, hoặc các trang mạng xã hội….Họ có thế bỏ ra hàng giờ để thưởng thức và sử dụng những phương tiện đó, nhưng nhiều khi không có giờ để tâm sự, trò chuyện hay bàn bạc những vấn đề khúc mắc trong gia đình với các thành viên khác.

4. CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN:

Hoàn cảnh xã hội đã làm cho mỗi người trong cùng một gia đình nhưng sống trong một thế giới riêng, với những sinh hoạt riêng, thú vui riêng, lo âu riêng của mình. Do đó, người ta ít cảm thông, ít quan tâm đến nhau, và chỉ còn nghĩ đến mình, lo cho nhu cầu và trách nhiệm riêng của mình. Những sinh hoạt chung trong gia đình ngày càng trở nên hiếm hoi, cụ thể nhất là các bữa ăn chung trong gia đình. Điều này rất bất lợi cho sự hiệp nhất và tình gia đình giữa các thành viên.

5. CHỦ NGHĨA HƯỞNG THỤ:

Việc hiện đại hóa và công nghiệp hóa khiến đời sống trở nên tiện nghi, phong phú về vật chất. Nền kinh tế thị trường và sự cạnh tranh kinh tế luôn luôn tìm cách tạo nên những nhu cầu không dừng lại ở “mức cơ bản” mà vươn lên, vươn xa mang tính đua đòi, “thời thượng”; khuyến khích người ta tìm những tiện nghi, hưởng thụ tất cả những gì vật chất và kỹ thuật đem lại. Để thỏa mãn những nhu cầu mang tính “bản năng và quy kỷ” này, người ta phải chạy theo đồng tiền, tìm kiếm và coi trọng nó. Khi đã coi trọng đồng tiền thì người ta sẽ coi nhẹ tình nghĩa, là cái cốt tủy tạo nên tương quan không mấy tốt đẹp trong gia đình.

6. CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC:

Trong số những nhu cầu mang tính “kích thích và đáp ứng” do nền kinh tế hưởng thụ tạo ra, những nhu cầu thuộc bản năng khoái lạc con người cũng được khai thác triệt để: các quán ăn nhậu và những tụ điểm giải trí mọc lên khắp nơi, trong đó có cũng có những hình thức giải trí thiếu trong sạch, lành mạnh nhưng lại rất dễ lôi cuốn. Vì thế, rất nhiều người bị cám dỗ tìm kiếm và hưởng thụ những lạc thú xác thịt. Điều này đã gây nên bao tang thương đổ vỡ cho các gia đình.

7. NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA CÁC KIỂU MẪU GIA ĐÌNH:

Ngày hôm nay tình trạng văn hóa và tín ngưỡng khác nhau trong các gia đình do hệ lụy của “hôn nhân hỗn hợp” diễn ra phổ biến. Không nghi ngờ gì ngày hôm nay người ta thường nói đến một “kiểu mẫu gia đình mới”. Từ ngữ “gia đình kiểu mới” được nhiều lần nói đến và người ta có khuynh hướng nói đến một khái niệm mới về hôn nhân. Càng ngày người ta càng rời xa khái niệm hôn nhân là một cuộc sống chung giữa hai người khác phái.

Hôn nhân được định nghĩa trong một khái niệm về một “kiểu mẫu gia đình mới”, đó là tình trạng con cái có cha mẹ ly hôn phải sống với ông bà không còn phải là chuyện hiếm hoi, có những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ ở với con cái, có những gia đình mà cha mẹ chỉ đến thăm con một năm được một hoặc hai lần, có những gia đình cha mẹ không muốn sinh con hoặc trì hoãn sinh con, những cuộc sống chung không cần hôn thú, gia đình đồng giới tính. Những dạng thức gia đình này được gọi là “kiểu mẫu mới”. “Gia đình kiểu mẫu mới” này phá vỡ khái niệm đúng đắn của hôn nhân gia đình.

8. CHẾ ĐỘ GIA TRƯỞNG TRONG CÁC GIA ĐÌNH:

Do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, nên người nam luôn giữ vai trò quyết định trong các gia đình Việt Nam. Chế độ gia trưởng này đã bén rễ sâu trong mọi cấu trúc xã hội, điều đó đã tạo nên sự bất bình đẳng cơ bản về giới tính và đã tạo ra quyền tối thượng cho nam giới. Chính vì thế không ít người chồng không thủy chung với người vợ, sự vô trách nhiệm của người cha đối với con cái, thường dễ được bỏ qua và dễ được tha thứ hơn là sự phản bội và vô trách nhiệm của người vợ. Vì trọng nam khinh nữ, chỉ chọn con trai, nên trong lúc mang thai nhiều ông bố, bà mẹ đã đi xác định giới tính của người con sắp được sinh ra; nhiều người đã nhẫn tâm loại bỏ thai nhi nữ. Từ quan niệm đó đã có hàng ngàn thai nhi nữ bị sát hại, điều này đã làm băng hoại đời sống hôn nhân gia đình và dẫn đến tình trạng mất cân bằng về giới tính.

9. LỐI SỐNG CỦA GIỚI TRẺ TRONG GIA ĐÌNH:

Có thể nói thế hệ thanh thiếu niên hôm nay là một thế hệ chú trọng về vật chất nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Trong ba thập niên qua, những sự tiến bộ phi thường về kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực, và việc áp dụng kỹ thuật tân tiến vào mọi lãnh vực đã làm cho đời sống của thanh thiếu niên càng bị lệ thuộc vào vật chất nhiều hơn. Chẳng những thế, sự phát triển về công nghệ thật sự đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách suy nghĩ về cuộc sống của giới trẻ, những quan niệm “tự do ngoài khuôn phép”, ngoài những chuẩn mực đạo đức tốt lành, phẩm chất đạo đức của lương tâm…, khiến họ không còn biết phân định đâu là những việc phải làm và đâu là những gì phải tránh. Sự thể hiện tự do của họ đang trở thành một “ung nhọt” ngày càng làm nhức nhối xã hội, mà hậu quả thật là lớn, trở thành một gánh quá nặng cho xã hội đang thời kỳ phát triển như hiện nay. Đó là những trung tâm cai nghiện ma tuý ngày càng nhiều, những bệnh viện dành điều trị cho những bệnh nhân HIV, những trung tâm mồ côi, hoặc những nhà tình thương tập thể làm nơi tá túc cho những chị em đã lỡ lầm…Vì vậy, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để bớt đi những điều không hay ấy? Câu hỏi này đang là một thách đố cho những người có trách nhiệm và cho chính đời sống hôn nhân gia đình.

10. BẠO LỰC TRONG GIA ĐÌNH:

Chuyện bạo hành trong hôn nhân là một chuyện dài không có hồi kết thúc. Nó xảy ra mọi nơi trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam, đặc biệt ở những nơi mà dân trí thấp kém, trình độ văn hóa chưa được khai phóng, duy trì những hủ tục và tập quán man khai... Những nơi đó việc vợ bị chồng đánh đập, chà đạp nhân phẩm, hoặc việc vợ tru trếu, chửi bới, cào cấu chồng là chuyện thường ngày xảy ra. Hành động này đã làm tan nát biết bao gia đình, biết bao cặp vợ chồng đã phải ly dị và bao trẻ thơ đang phải sống thiếu tình cảm của cha mẹ.

11. TỰ DO SỐNG CHUNG:

Với chủ trương thực dụng, hôn nhân ngày nay đang đối diện với nguy hiểm đầu tiên đó chính là tình trạng mỏng manh, không bền vững, vì bản chất của hôn nhân đã bị hiểu sai lạc. Càng ngày các bạn trẻ càng có khuynh hướng sống chung, sống thử trước khi kết hôn. Việc sống chung đã trở thành một sinh hoạt bình thường trong xã hội, và không bị coi như là một hành vi vô luân lý. Hậu quả là con số trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân càng ngày càng đông, số ca phá thai càng ngày càng tăng cao. Những hậu quả của việc tự do sống chung, sống thử thường không lường hết được. Đó là việc gia đình sau này lục đục, bất hòa… và gây hoang mang tinh thần cho những người thân trong gia đình. Bên cạnh nỗi đau về tinh thần, còn có nỗi đau về thể xác, hậu quả của nó, người trong cuộc khó tiên liệu hiện tại, vì câu trả lời chỉ có trong tương lai. Có lẽ chỉ với những người đang và sẽ làm mẹ mới hiểu nỗi đau không thể sinh con mà hậu quả của những lần phá thai để lại.

12. TÌNH TRẠNG LY HÔN:

Mâu thuẫn về lối sống, chủ nghĩa tự do cá nhân… là những nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng ly hôn. Ly hôn hay ly dị gây ra rất nhiều đau khổ, lo âu và hoảng loạn. Sau một thời gian nào đó, cả nỗi đau khổ lẫn sự khoan khoái nhường chỗ cho sự cô độc. Những người ly hôn thường bị gia đình, bạn bè đặt họ dưới cái nhìn bất bình thường, nghi kỵ. Do đó, từ việc giao tiếp đến việc làm ăn, họ có thể gặp trở ngại do đánh giá không tốt của mọi người. Từ đó cuộc sống tương lai của họ cũng gặp khó khăn cả về tâm lý, tình cảm. Nhiều khi nỗi chán trường lẫn mặc cảm tự ti khiến họ không còn tha thiết, hào hứng với cuộc sống. Từ sự chán chường, bất mãn và hận đời, họ sẽ sống buông thả, tiêu phí thời gian cho những thú vui để lãng quên thực tại phũ phàng mà họ đang phải đối diện: rượu chè bê tha, nghiện ngập ma túy, tệ nạn xã hội…. Và từ tâm lý bất lợi, bất ổn ấy mà họ có thể sao nhãng, xem thường mọi bổn phận đối với con cái và trách nhiệm họ đang gánh vác. Từ đó kéo theo những tác hại luân lý cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Trước các vấn nạn trên, xin nêu vài giải pháp phần nào giúp cho các các gia đình trẻ có được một tình yêu hôn nhân “đẹp đẽ - mạnh mẽ” để có thể đương đầu với những thách đố của thời đại.

II. CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN (Đi tìm những biện pháp khắc phục):

1. THÔNG CẢM NHAU:

Dù là vợ hay chồng mỗi người đều có một con tim và một khối óc; và vì thế, tuy là vợ chồng nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm nghiệm khác nhau. Đa số những cuộc cãi vã, hoặc xích mích, bất bình giữa vợ chồng đều đến từ những nguyên nhân trên. Do đó, vợ chồng phải có giờ ngồi với nhau với thái độ lắng nghe và chia sẻ. Ngồi với nhau như lúc mới quen biết. Nói với nhau như thuở mới gặp nhau. Chỉ khi nào ta mở rộng lòng mình lắng nghe với thái độ kính trọng và yêu thương, lúc ấy ta mới khám phá ra tình yêu mà chồng hay vợ mình dành cho mình; mới hiểu rằng, phê phán, trách móc, hoặc nghi ngờ là những hành động tội lỗi, hết sức xấu xa và nguy hiểm.

Tâm lý hôn nhân gia đình cho việc vợ chồng lắng nghe và nói với nhau cách thành thật, tôn trọng là một phương pháp trị liệu tốt nhất, hữu hiệu nhất trong việc hàn gắn và hóa giải những xung khắc trong gia đình.

2. DÀNH THỜI GIỜ CHO NHAU:

Trong đời sống gia đình, công việc dù bận rộn mấy vợ chồng cũng nên dành thời gian cho nhau, đây cũng là cách vun trồng tình yêu nơi gia đình mình, nhất là “sẵn sàng dành thời giờ cho nhau” để trò chuyện với nhau, lắng nghe nhau, nhìn vào mắt nhau, trân trọng nhau, thân mật với nhau, để ý đến nhau, sống bên nhau một cách ý thức và thắt chặt mối tương quan gia đình. Đừng để đến sinh nhật, ngày kỷ niệm thành hôn, hoặc một biến cố lớn mới tặng vợ mình hay chồng mình một bó hoa, một cánh thiệp, hoặc một nụ hôn vội vàng, nhạt nhẽo. Hãy làm những việc ấy mỗi ngày trong khi bạn có thể làm được.

3. CẦU NGUYỆN:

Cầu nguyện là phương pháp tối hảo để hóa giải những bất bình, tranh cãi và hiểu lầm giữa vợ chồng. Đây chính là điều cần thiết và hết sức quan trọng, khởi đi từ giáo huấn mạc khải, từ KinhThánh; đặc biệt, được thể hiện trong “dấu chỉ” tiệc cưới tại Cana: qua sự bầu cử của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã làm phép lạ nước lã hóa thành rượu ngon, làm cho niềm vui đôi tân hôn được trọn vẹn. Điều này chứng tỏ sự quan trọng của cầu nguyện, và sự hiện diện của Thánh Gia trong hạnh phúc hôn nhân.

Cầu nguyện giúp cho vợ chồng thêm dầu vào chiếc đèn tình yêu, và rượu yêu thương vào bầu rượu hạnh phúc của gia đình mình.

KẾT LUẬN:

Gia đình là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta nơi đó mỗi thành viên trong gia đình được gắn kết với nhau bằng một tình cảm thiêng liêng không thể tách rời, tình cảm ấy được ví như những tia sáng diệu kì dẫn dắt chúng ta. Tia sáng ấy sẽ sưởi ấm cho tâm hồn mỗi người.

Vì thế, để có một gia đình hạnh phúc, một nơi để chúng ta được dừng chân nghỉ ngơi, như mọi người thường nói, nhất thiết, phải xây dựng gia đình thành một bến đỗ bình yên và an toàn; là nơi mà những “thủy thủ”, sau những cuộc hải hành vượt qua giông bão” có thể tìm về để “neo đậu bình yên”. Gia đình còn là nơi luôn được che chở nâng đỡ yêu thương, nơi tạo ra những tiếng cười mà mỗi thành viên trong đó đều có vai trò và trách nhiệm giữ gìn, nâng niu, trân trọng; đừng để đánh mất rồi mới đi tìm lại; lúc đó đã muộn lắm rồi.

Sau cùng, chỉ cần việc đơn giản nầy thôi, đó là hàng ngày quan tâm nhau bằng những việc nhỏ nhất; hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy Vui mừng Hoan hỉ) đó là “lưu ý đến những chi tiết nhỏ”:

“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới;

Chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất;

Chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ;

Chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường họp chàng rể đến chậm;

Chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh;

Chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.

Một cộng đoàn biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó các thành viên chăm sóc lẫn nhau và tạo ra một môi trường mở và đầy tinh thần Phúc âm, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn theo kế hoạch của Chúa Cha. Có đôi khi, nhờ món quà tình yêu của Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ này, chúng ta được Thiên Chúa ban cho những kinh nghiệm an ủi.”[3]

Vâng, chính “những chi tiết nhỏ” đó sẽ làm cho mái ấm gia đình càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn và gắn kết mọi người gần nhau hơn. "Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy được sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất". Goethe thật đúng khi nói về gia đình như thế.

Nữ Tu Isave Dương Thị Bích Nga (Dòng MTGQN)

[1] HĐGMVN,Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008, số 9.

[2] ĐGH GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp TIN MỪNG VỀ SỰ SỐNG (EVANGELIUM VITAE) ban hành ngày 25.3.1995,

[3] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn “hãy Vui mừng Hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate). Bản dịch: Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, nxb. Tôn Giáo 2018. Số 144-145, tr. 96-97.
 
Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ trực tuyến không được cử hành trên nền tảng ảo.
Nguyễn Trọng Đa
08:28 12/05/2020
Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ trực tuyến không được cử hành trên nền tảng ảo.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Với đại dịch Covid-19 mà thế giới đang gặp phải, con tò mò về một khía cạnh của Thánh lễ trực tuyến. Chẳng hạn, có là hợp lệ không, để cử hành Thánh lễ thông qua một nền tảng hội nghị nghe nhìn, và các người đọc bên kia màn hình là không hiện diện về mặt thể lý, ở nơi thánh lễ đang được cử hành? - A. P., Thành phố Tacloban, Leyte, Philippines.


Đáp: Trước khi trả lời câu hỏi này, trước tiên tôi muốn phác thảo một số lợi ích tích cực của việc cử hành Thánh lễ trực tuyến, ở những nơi không có Thánh lễ công khai.

Các Thánh lễ này cung cấp cho các tín hữu một dịp tăng trưởng trong ân sủng bằng cách nghe lời Chúa được công bố, được nuôi dưỡng bằng lời thuyết giảng, và hiệp nhất với nhau, theo cách tương tự như hiệp thông tinh thần, với các lời nguyện và hành động của linh mục đang cử hành hy tế Thánh lễ.

Tuy nhiên, và ở đây chúng ta phải nòi rõ ràng, giống như việc rước lễ thiêng liêng là một điều tốt, nhưng chắc chắn là không giống như rước Mình Máu Thánh của Chúa Kitô, và việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến là một điều tốt nhưng là không tham dự Thánh lễ.

Chỉ những ai có mặt thật sự trong Thánh lễ mời tham dự đầy đủ.

Vào ngày 17-4-2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Thánh lễ trực tuyến của chính mình, đã nhắc nhở chúng ta rằng các Thánh lễ trực tuyến và việc rước lễ thiêng liêng không đại diện cho Giáo hội:

“Đây là Hội Thánh trong một hoàn cảnh khó khăn mà Chúa cho phép, nhưng lý tưởng của Hội Thánh luôn luôn là ở với mọi người và với các bí tích - luôn mãi.”

Từ đó, cũng có thể nói rằng Thánh lễ không thể được cử hành trên một nền tảng ảo, và tất cả các phần của Thánh lễ phải được cử hành tại cùng một địa điểm và cùng một thời gian.

Do đó, sẽ là không đúng nếu có người đọc hoặc ca viên bước vào từ các nơi khác, và thay thế các người có mặt thật sự tại buổi lễ.

Thậm chí ở một số nơi, rất may là hiếm, có các nỗ lực cho thánh lễ đồng tế với các linh mục tham dự từ các nơi khác nhau. Mặc dù Thánh lễ do mỗi linh mục cử hành là hiệu lực, nhưng các thánh lễ đồng tế như vậy là vô hiệu lực, vì mỗi linh mục đã bỏ qua một phần Kinh nguyện Thánh Thể và các phần khác của Thánh lễ. Điều này sẽ tạo thành một sự lạm dụng nghiêm trọng.

Vì việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến chủ yếu là một hoạt động tâm linh, chứ không thực sự tham dự Thánh lễ, các người đang làm như vậy có thể độc lập tham gia vào các hoạt động để nâng cao cảm nghiệm đó.

Thí dụ, nếu một gia đình đang dự Thánh lễ buổi sáng của Đức Thánh Cha bằng tiếng Ý, một trong các thành viên có thể đọc bài đọc bằng tiếng địa phương. Nếu họ muốn, họ cũng có thể hát một bài thánh ca như một phương tiện để rước lễ thiêng liêng.

Đây là tất cả các biện pháp tạm thời do cuộc khủng hoảng hiện nay. Khi các Thánh lễ công cộng dần được khôi phục, các Thánh lễ trực tuyến sẽ chắc chắn giảm dần, và việc truyền tải Thánh lễ bằng mọi hình thức truyền thông để mang lại lợi ích cho người bận ở nhà sẽ trở lại, với các quy định do Giám mục địa phương thiết lập hoặc, tùy theo trường hợp, có thể là do Hội đồng Giám mục thiết lập. (Zenit.org 12-5-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/online-masses/
 
VietCatholic TV
Phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng xảy ra nước Ý có ngay tin vui: số người nằm bệnh viện dưới 1,000
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:01 12/05/2020

1. Phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng xảy ra nước Ý có ngay tin vui: số người nằm bệnh viện dưới 1,000

Tính đến ngày thứ Ba 12 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 286,604 người, trong số 4,244,674 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 81,568 người, trong số 1,381,963 trường hợp nhiễm coronavirus. Tiếp đó là Anh quốc với con số tử vong lên đến 32,065 người, trong số 223,060 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tại Ý, tử vong đã lên đến 30,739 người, trong số 219,814 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó, số trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận là 802 người và số người thiệt mạng là 165 người. Cả hai con số này đều là thấp nhất tính từ ngày 8 tháng Ba khi lệnh cách ly được thực hiện và các Thánh lễ bị đình chỉ.

Trong một diễn biến vô cùng đáng phấn khởi, như quý vị và anh chị em đang xem thấy trong video này, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã công bố rằng số bệnh nhân phải nằm bệnh viện để được chăm sóc đặc biệt chỉ còn dưới 1,000 người.

Tin vui này diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng đã xảy ra vào chiều tối ngày 2 tháng Năm.

Trong ba ngày liên tiếp, số trường hợp tử vong tại Ý đã giảm xuống còn không quá 200 người một ngày.

Ngày 27 tháng Ba được kể là ngày kinh hoàng nhất tại Ý với số trường hợp tử vong lên đến 919 người trong vòng 24 giờ.

Vào thời điểm đó, Ý là tâm điểm của sự bùng phát coronavirus tại Âu Châu và hệ thống bệnh viện ở phía bắc của đất nước, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đang trên đà sụp đổ.

Chính phủ đã giảm bớt các hạn chế đi lại và tụ tập vào ngày 4 tháng Năm nhưng việc mở lại quy mô lớn hơn sẽ diễn ra vào tuần tới khi các viện bảo tàng, cửa hàng, địa điểm văn hóa, nhà thờ và thư viện sẽ mở cửa trở lại.

Các Thánh lễ được chính thức tái tục vào ngày 18 tháng Năm.

Các quán bar và nhà hàng sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1 tháng Sáu, cùng với các tiệm hớt tóc và làm đẹp.

Chính quyền tiếp tục nói với mọi người hãy cẩn thận để tránh một đợt virus thứ hai.

“Có quá nhiều người ở ngoài trời, và không may là quá nhiều không có khẩu trang y tế, nhiều người không tôn trọng khoảng cách xã hội,” Roberto Cauda, người đứng đầu bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Gemeli của Rome, nói với đài truyền hình nhà nước Rai3.

Thủ tướng Giuseppe Conte, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, vào hôm Chúa Nhật, nói rằng “chúng tôi sẽ không buộc các bạn phải ở trên ban công trong mùa hè này, và vẻ đẹp của Ý sẽ không bị cách ly”.

Tuy nhiên, ông nói rằng kỳ nghỉ hè sẽ khác trong năm nay, với một số quy tắc vẫn được áp dụng và cần thận trọng.

Tưởng cũng nên nhắc lại. Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám Mục Napoli, đã xúc động nói trong thánh lễ 7 giờ tối thứ Bẩy ngày 2 tháng Năm.

“Anh chị em thân mến, tôi có một tin vui cần thông báo: ngay cả trong thời gian đại dịch coronavirus kinh hoàng này, máu Thánh Gennariô đã hóa lỏng!”

Tin phép lạ máu Thánh Gennariô hóa lỏng vừa xảy ra là tin tức được loan tải nhiều nhất và nhanh nhất tại Ý trong ngày Chúa Nhật 3 tháng Năm.

Tờ Nuova Bussola Quotidiana tường trình rằng nhiều người Ý sống sót sau đại dịch coronavirus kinh hoàng này nói với tờ báo rằng cuộc sống của họ bây giờ khác hoàn toàn với trước đây. Họ chuyên chăm cầu nguyện hơn. Đặc biệt trong những ngày này hàng trăm ngàn người hành hương trực tuyến đền thánh Đức Mẹ Fatima theo một sáng kiến của Ban Giám đốc đền thánh.

Cho đến nay, chỉ riêng trên VietCatholic, số lượt người hành hương trực tuyến đền thánh Đức Mẹ Fatima đã hơn 62,000 lượt.


Source:News 24]

2. Thêm một tin vui khác cho nước Ý: Nhân viên cứu trợ người Ý bị bắt cóc ở Kenya năm 2018 được giải thoát và trở về nhà

Chuông nhà thờ chính toà Sinh Nhật Đức Mẹ của thành phố Milan đã đổ những hồi chuông dài để đón một nhân viên cứu trợ vừa được giải thoát khỏi Kenya và được đưa trở về Ý.

Silvia Romano, 25 tuổi, đã ôm hôn cha mẹ và em gái của mình, và được thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao Ý chào đón sau khi máy bay chở cô về đến Rome.

Cô đã bị bắt cóc ở Kenya vào tháng 11 năm 2018. Hôm thứ Bẩy 9 tháng Năm, tình báo Ý, phối hợp với tình báo Somalia, tấn công vào sào huyệt của bọn khủng bố Hồi Giáo al-Shabab gần thủ đô Mogadishu của Somalia giải thoát cô và đưa cô trở về Ý.

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Ciampino của Rôma vào hôm Chúa Nhật 10 tháng 5, Romano nói rằng cô cảm thấy rất khỏe, cả về thể chất và tinh thần.

Cô được nhìn thấy đi cùng với những người đàn ông đeo mặt nạ từ cơ quan mật vụ Ý.

Trong khi đó, cha của cô Romano, Enzo nói rằng ông đã bùng nổ niềm vui.

Tiếng chuông nhà thờ vang lên và mọi người vỗ tay từ ban công của họ ở quê nhà Milan của cô Romano để chúc mừng sự trở lại của cô.

Cô Romano, là thiện nguyện viên cho tổ chức bác ái Africa Milele Onlus của Ý, đã bị bắt giữ bởi các thành phần khủng bố Hồi Giáo từ một khách sạn nông thôn nhỏ ở Kilifi Country, đông nam Kenya, vào năm 2018.

Cảnh sát Kenya vào thời điểm đó đã đưa ra phần thưởng trị giá 10,000 đô la để giúp tìm ra Romano.

Romano là người nước ngoài đầu tiên bị bắt cóc ở Kenya kể từ khi đất nước này xảy ra một loạt vụ bắt cóc đe dọa sự hồi sinh ngành du lịch của mình vào năm 2011.

Vào tháng 4 năm 2019, hai bác sĩ Cuba đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo Al-Shabab bắt giữ ở phía đông bắc Kenya, và được cho là đã được đưa đến Somalia.

Al-Shabab cũng bị cáo buộc đã giết một người đàn ông Anh quốc và bắt cóc vợ ông ta từ một hòn đảo nghỉ mát vào năm 2011.

Vài tuần sau, một phụ nữ Pháp khuyết tật đã bị bắt cóc từ nhà của mình trên quần đảo Lamu và được thông báo đã chết trong khi bị giam cầm.

Hai nhân viên cứu trợ Tây Ban Nha đã bị bắt cóc trong cùng năm bởi các tay súng thánh chiến nghi ngờ từ trại tị nạn Dadaab gần biên giới Somalia. Họ đã được giải thoát 21 tháng sau.


Source:BBC News

Thánh lễ tại Santa Marta thứ Ba 12 tháng Năm: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các y tá

Lúc 7 sáng thứ Ba 12 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Ngày 12 tháng Năm là Ngày Y Tá tại Ý. Do đó, trong thánh lễ này Đức Thánh Cha cầu nguyện cách riêng cho những y tá.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là ngày các Y tá. Hôm qua, tôi đã gửi một thông điệp cho họ. Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho các y tá, những người nam nữ tham gia vào nghề này, không chỉ là một nghề, đó là một ơn gọi, một sự cống hiến. Xin Chúa ban phép lành cho họ. Vào thời điểm xảy ra đại dịch, họ đã đưa ra các chứng tá anh hùng và một số người đã hy sinh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.”

Phúc Âm: Ga 14, 27-31a

“Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa đã ban cho các ngài ân sủng bình an, sự bình an của Chúa. Đó không phải là thứ bình an chung chung, không phải bình an theo nghĩa là không có chiến tranh mà tất cả chúng ta vẫn luôn mong mỏi, nhưng là sự bình an nội tâm, sự bình an của tâm hồn, sự bình yên mà mỗi chúng ta có bên trong chúng ta. Khi Chúa ban bình an này, Ngài nhấn mạnh rằng, không phải là thứ bình an thế giới mang lại. Đây là sự bình an khác.

Thế gian có thể mang đến cho anh chị em một sự bình an nội tâm, sự bình yên của cuộc sống, đó là dạng thức bình an của một cuộc sống không phải lo lắng, khi anh chị em chiếm hữu được những gì anh chị em cảm thấy là của mình, và cô lập anh chị em khỏi những người khác. Khi không nhận ra điều đó, anh chị em khép mình trong sự bình yên đó. Sự bình yên đó khiến anh chị em bình tĩnh và hạnh phúc, nhưng ngủ thiếp đi, nó gây mê anh chị em và khiến anh chị em ở lại trong chính mình. Sự bình an đó có một chút ‘ích kỷ’.

Thế gian có thể mang đến cho anh chị em thứ bình an đó. Và đó là một thứ bình an đắt đỏ bởi vì anh chị em phải liên tục thay đổi các công cụ tạo ra bình an: khi một thứ làm anh chị em phấn khích, một thứ mang lại cho anh chị em sự bình yên, thì sự bình yên đó mau chóng kết thúc và anh chị em phải tìm một thứ khác. Nó đắt đỏ vì nó tạm thời và vô sinh.

Trái lại, sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là một điều khác. Đó là một nền hòa bình khiến anh chị em chuyển động, không cô lập anh chị em, nhưng khiến anh chị em chuyển động, khiến anh chị em đi đến với những người khác, tạo ra cộng đồng, tạo ra sự giao tiếp.

Sự bình an Chúa Giêsu ban cho chúng ta là nhưng không, đó là một món quà từ Thiên Chúa. Sự bình an ấy thật là hiệu quả, nó luôn đưa anh chị em về phía trước. Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe về dụ ngôn người phú hộ ngu dại.

Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”. Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:16-21)

Thế gian chỉ có thể mang đến cho anh chị em một thứ bình an vô thường không mở ra cánh cửa sang thế giới bên kia. Trái lại sự bình an của Chúa mở ra Thiên đàng. Đó là một nền hòa bình trường tồn có thể mở ra và mang những người khác cùng với anh chị em lên Thiên đường.

Chúng ta cần nhận ra sự bình an trong chính mình là gì: chúng ta có tìm thấy sự bình an trong sự thịnh vượng, sự chiếm hữu và trong nhiều thứ khác, hay anh chị em tìm thấy sự bình an như một ân sủng từ Chúa? Tôi có phải trả tiền cho bình an hay tôi nhận được nó cách nhưng không từ Chúa? Bình an của tôi là loại bình an nào? Khi tôi mất đi thứ gì, tôi có tức giận không? Nếu có đây không phải là sự bình an của Chúa. Đây là một trong những bài kiểm tra. Tôi bình tĩnh trong bình an của tôi, nhưng tôi có ngủ không? Nếu có thì đó không phải là bình an của Chúa. Tôi có bình yên và muốn truyền đạt sự bình yên ấy cho người khác và cứ tiếp tục như thế không? Nếu có thì đó là sự bình an của Chúa. Ngay cả trong những thời khắc tồi tệ, khó khăn, sự bình yên đó có còn trong tôi không? Nếu có thì đó là bình an của Chúa. Và sự bình an của Chúa cũng có kết quả đối với chính tôi vì nó tràn đầy hy vọng, nghĩa là nó giúp tôi hướng nhìn về Thiên đàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã nhận được một lá thư từ một vị linh mục tốt bụng, là người đã phê bình ngài rằng ngài nói rất ít về Thiên đàng, và lẽ ra ngài phải nói nhiều hơn về điều đó.

Vị linh mục ấy nói đúng, ngài nói chí phải. Đây là lý do tại sao hôm nay tôi muốn nhấn mạnh điều này: sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, là sự bình an cho hiện tại và tương lai. Đó là bắt đầu sống Thiên đàng, với sự sinh hoa kết quả của Thiên đàng. Sự bình an của Chúa không phải là thuốc gây mê. Anh chị em gây mê chính mình với những thứ của thế gian này và khi liều thuốc mê này kết thúc, cần phải có thuốc khác. Trái lại bình an của Chúa dứt khoát, hiệu quả, trường tồn và cũng dễ lây lan.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an tràn đầy hy vọng này, khiến chúng ta sinh hoa kết quả, khiến chúng ta giao tiếp với những người khác, tạo nên cộng đồng và luôn hướng nhìn dứt khoát về Thiên đường.


Source:Vatican News
 
Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông chuẩn bị chiến tranh với Hoa Kỳ
Giáo Hội Năm Châu
16:20 12/05/2020
Tính đến ngày thứ Ba 12 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 286,604 người, trong số 4,244,674 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 81,568 người, trong số 1,381,963 trường hợp nhiễm coronavirus. Tiếp đó là Anh quốc với con số tử vong lên đến 32,065 người, trong số 223,060 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tờ The Sun của Anh đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng coronavirus để thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.

Khu vực này có các tuyến đường biển chiến lược và có ngư trường phong phú cùng với các mỏ dầu khí trị giá hàng nghìn tỷ bảng Anh.

Bọn cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố sở hữu hầu hết các khu vực tranh chấp của đại dương, bất chấp thực tế là yêu sách lãnh hải của một số quốc gia khác dường như hợp pháp hơn theo luật pháp quốc tế.

Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei đều có những yêu sách lãnh hải chính đáng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Công ước nêu rõ rằng các yêu sách của các quốc gia đối với vùng biển xung quanh họ phải được đo lường từ đất liền.

Để ngăn chặn điều này, Bắc Kinh đã xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên đỉnh các rạn san hô ở giữa Biển Đông trong nhiều năm, trước khi sử dụng chúng làm căn cứ quân sự.

Trung Quốc có được lợi thế vì không tham gia vào một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh, là Hiệp ước Lực lượng Hạt Nhân Tầm Trung, gọi tắt là INF, theo đó Mỹ và Nga không được sở hữu hoả tiễn đạn đạo và hoả tiễn địa không có tầm phóng từ 500 km đến 5,500 km. Vì không bị ràng buộc bởi hiệp ước INF, Trung Quốc đã điều động khoảng 2,000 vũ khí này, theo ước tính của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.

Reuters đã tường thuật rằng trong khi Mỹ bị chia trí gần hai thập niên vào chiến tranh ở Trung Đông và Afghanistan, bọn cầm quyền Bắc Kinh đã xây dựng một lượng hoả tiễn được thiết kế cho mục đích tấn công các hàng không mẫu hạm, các tàu chiến khác và mạng lưới căn cứ hình thành xương sống quyền lực ở Á châu. Trong suốt thời gian đó, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đã tạo dựng được lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, có khả năng thống trị vùng ven biển của quốc gia này và kềm chế được lực lượng của Hoa Kỳ.

Và Trung Quốc hiện đã bị cáo buộc đang sử dụng tình trạng phân tâm của thế giới trước đại dịch coronavirus để chiếm lĩnh hoàn toàn khu vực này.

Trước các diễn biến này, trong tuần này Hoa Kỳ đã gửi hai tàu chiến - USS Montgomery và USNS Cesar Chavez – vào khu vực các điểm nóng này như là một phần của chiến dịch ngăn chặn điều được Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Pompeo gọi là chính sách bắt nạt các quốc gia láng giềng của Trung Quốc.

Động thái này được đưa ra để đáp lại các báo cáo về việc các tàu Trung Quốc đang quấy rối tàu West Capella của Panama, đang khoan dầu ở khu vực mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.

Đây là lần thứ hai trong một tháng các tàu chiến Mỹ phải được triển khai để ngăn chặn các cáo buộc quấy rối của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Lần đầu tiên chỉ vài tuần trước khi tàu khảo sát của bọn cầm quyền Trung Quốc Hải Dương Địa Chí 8 (Haiyang Dizhi - 海阳迪芝) rình rập một tàu thăm dò dầu khí khác do Mã Lai Á điều hành.

Nhiều tháng trước đó, cũng con tàu này đã tiến hành một hoạt động tương tự ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Trung Quốc cần chấm dứt hành vi bắt nạt và điệp khúc tham gia vào các l hoạt động khiêu khích và gây mất ổn định trong vùng.”

Tháng Tư vừa qua Trung Quốc đã thiết lập các khu hành chính mới cho các đảo tranh chấp với Việt Nam và Phi Luật Tân.

Bọn cầm quyền Bắc Kinh ngang nhiên đặt tên cho 80 hòn đảo trong một thông báo, tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo đang tranh chấp.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo rằng Trung Quốc “đã chuyển sang tận dụng sự xao lãng vì dịch bệnh coronavirus do chính họ gây ra để đơn phương thiết lập các khu vực hành chính đối với các đảo tranh chấp và các khu vực hàng hải ở Biển Đông”.

Hải quân Trung Quốc cũng đã triển khai nhiều tàu chiến đến khu vực này trong những tuần gần đây.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh đã dẫn một đội tàu gồm năm tàu chiến khác vào Tây Thái Bình Dương qua eo biển Miyako đến phía đông bắc Đài Loan vào ngày 11 tháng 4.

Vào ngày 12 tháng 4, các tàu chiến Trung Quốc đã tập trận ở vùng biển phía đông và phía nam Đài Loan.

Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ đã buộc phải neo tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại đảo Guam trong khi cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus trong thủy thủ đoàn.

Bộ Quốc phòng Đài Loan nhận định rằng như đã xảy ra trong chiến tranh Triều Tiên, các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc, luôn đặt ưu tiên hàng đầu là các cuộc chiến tranh nhằm giải quyết vấn đề chúng gọi là “ai thắng ai” không được phép xảy ra trên đất Trung Quốc. Nó có thể xảy ra tại Triều Tiên, Việt Nam hay Iran nhưng tuyệt đối không được xảy ra trên đất Trung Quốc nhằm bảo vệ hạ tầng kinh tế nuôi dưỡng chiến tranh. Một khi chiến tranh nổ ra, hầu chắc Trung Quốc sẽ chiếm Đài Loan và Việt Nam và biến những vùng đất này thành các bãi chiến trường. Mao Trạch Đông thường nói: “đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng”. Đặng Tiểu Bình cũng lặp lại điệp khúc ấy.


Source:The Sun
 
Thế Giới Mới sau cơn đại dịch Covid-19
Giáo Hội Năm Châu
16:34 12/05/2020


Đức Hồng Y Charles Bo cho cơn đại dịch Covid-19 tung hoành trên khắp thế giới, hiện tạo thành một cơn bão khủng! Nó sẽ làm thay đổi cách sống, đường lối làm việc và cách thức mừng lễ hội...

Những tác động đang xảy ra ở đất nước Myanmar, xem ra chậm hơn so với không thời gian của nhiều nơi... Quốc gia này tới quốc gia khác, những âm hưởng tác động cũng khác nhau tùy thuộc vào địa lý, vào biên giới, vào vai trò và vị trí của các vị lãnh đạo, những quyết định của chính phủ và tùy thuộc vào các hệ thống y tế công cộng của mỗi nơi. Đây là thời gian thử nghiệm cho tất cả.

Trong mọi trường hợp, những nơi mà người dân không được thừa hưởng những đặc quyền nào về mặt xã hội, ngay cả đến nước để rửa tay cũng chưa có đủ nói chi tới việc làm và các thu nhập hàng ngày, thì họ phải đối diện với đói khát, và ưu tiên hàng đầu là làm sao cứu đói.

Tôi tha thiết kêu mời tất cả hãy đáp lại tiếng mời gọi của các vị lãnh đạo tối cao của các tôn giáo dành ngày 14/5 tới này là một ngày liên đới trong chay tịnh nguyện cầu và làm việc lành bác ái…

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngay cả châu Á, chúng ta đang sống trong những cách ly hạn chế. Trường học và các hãng xưởng tạm đóng, siêu thị và hàng quán phải xếp hàng giãn cách để được phục vụ, các dịch vụ du lịch bị đình chỉ...

Ấy vậy mà bất hạnh thay các cuộc chiến vẫn tiếp diễn… Các tướng lãnh chỉ huy quân sự và kháng chiến quân vẫn tin rằng vũ khí của họ còn tàn bạo hơn cái con vi khuẩn covid-19 này! Họ tiếp tục đánh đấm nhau, gây nên nhiều rủi ro nguy hiểm cho thường dân và làm cho cơn đại dịch càng dễ lây lan trong dân chúng tại các quốc gia ấy...

Nhiều người tự hỏi khi nào thì những đảo lộn này mới kết thúc để chúng ta có thể trở lại bình thường? Câu trả lời cho câu hỏi “khi nào điều này sẽ kết thúc?” Câu trả lời: Có lẽ không bao giờ cả! Nó sẽ không kết thúc, theo nghĩa là mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại như cũ được nữa… Theo nhãn quan ấy thì những gì chúng ta đang có bây giờ sẽ vẫn còn được nguyên vẹn như vậy….

Vùng Á Châu của chúng ta đã trải qua nhiều đột biến, chiến tranh và khủng hoảng, tưởng như không bao giờ dứt… thêm vào đó sóng thần, các trận bão tàn khốc vẫn thường ấp tới! Chúng ta ý thức rằng mỗi một lần biến động, khủng hoảng làm chúng ta phải thay đổi, các quốc gia liên đới đều bị ảnh hưởng! Nó khiến thế giới của chúng ta sống thay đổi một cách sâu sắc về mọi mặt: chính trị lẫn những quan hệ quốc nội và quốc tế...

Hiện nay cơn đại dịch đang gây thảm họa trên 200 quốc gia, chắc chắn đang làm thay đổi thế giới. Nó giống như một cuộc chiến toàn cầu. Đại dịch Covid-19 này không thể khống chế được trong vòng vài tháng, hậu quả của nó sẽ theo chúng ta trong nhiều thập kỷ. Nó sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn và hiểu về cộng đồng, nó sẽ thay đổi cách chúng ta kết nối với nhau, cách chúng ta đi du lịch, cách chúng ta xây dựng các mối quan hệ của mình. Nếu các chính phủ không đáp ứng lại những thách thức đó, họ sẽ đánh mất lòng tin của dân chúng!

Trong bất cứ một cuộc khủng hoảng nào, chúng ta đều thấy vai trò của người lãnh đạo vô cùng quan yếu! Các chuyên gia cho rằng bổn phận chính yếu của một vị lãnh đạo tuyệt hảo trong cơn khủng hoảng là: đưa ra được những định hướng dẫn dắt đại chúng. Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ đề ra những quyết định minh bạch, đáp ứng được những gì đang xảy ra hầu tạo cho dân chúng sự tin tưởng an tâm... Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ thuyết phục được nhân tâm dân chúng, dám nhận trách nhiệm trước quốc dân... Các nhà lãnh đạo giỏi sẽ bảo toàn được sự đoàn kết, tránh được những phân hóa chủng tộc hoặc chia rẽ. Một nhà lãnh đạo giỏi biết để ý chăm sóc đặc biệt cho các nhóm thiểu số mỏng dòn... Một nhà lãnh đạo giỏi biết nối kết cộng đồng và kích hoạt mọi thành phần chống lại những hoang mang lo lắng!

Mọi người công dân đều có quyền biết được sự thật: những nguyên cơ diễn tiến của một vấn đề... Các quốc gia phải chia sẻ những thông tin một cách trung thực. Kinh nghiệm về những thông tin về cơn đại dịch này là một điển hình, nó làm mất niềm tin của thế giới... Trước cuộc khủng hoảng đại nạn như thế này, các nhà lãnh đạo thực sự phải lợi dụng mọi cơ hội của họ để xây dựng niềm tin cho đại chúng.

Xây dựng quốc gia không chỉ đơn giản là điều hành và ban hành các quyết định cho thủ đô và các thị thành của đất nước. Xây dựng quốc gia phải khởi đi từ việc lắng nghe và đồng hành với mọi người trên mọi lãnh vực của xã hội. Nó liên quan đến việc xây dựng toàn diện người về mọi mặt... Thế giới này luôn ắp đầy các vấn đề nghiêm trọng ngay cả trước khi vi khuẩn coronavirus được phát tán! Chẳng hạn như: Bất bình đẳng lan tràn trong và giữa nhiều quốc gia. Giầu nghèo chênh lệch và những người nghèo đang phải gánh chịu những bất công một cách không tương xứng, những khu ổ chuột, và những nhân công không có công ăn việc làm... Những người bị đẩy ra vòng ngoại vi xã hội! v.v…

Bây giờ chúng ta đang phải đối diện với một sự thay đổi thời đại, đó là sự sợ hãi, bài ngoại và phân biệt chủng tộc đang sống lại trong nhiều nhóm và nhiều phần đất khác nhau trên thế giới... Thuốc độc đưa tới chủ nghĩa duy dân tộc nằm ngay trong các tổ chức dân sự và thái độ hưởng thụ cá nhân.

Nhiều quyết định và thông lệ được thông qua trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch sẽ trở thành vĩnh viễn. Điều đó một số chính phủ đã lợi dụng dịch bệnh để đưa các ưu tiên của họ vào và áp dụng chúng vào cuộc sống xã hội của đất nước họ quản trị! Cách thức bạn xử sự bây giờ, những gì bạn đang phải thực hành lúc này sẽ lưu lại với bạn mãi trong cuộc sống. Chắc chắc chúng sẽ ảnh hưởng tới cách sống của bạn trong gia đình, cách bạn đối xử hoặc xa gần với hàng xóm, cách bạn vui chơi và nghỉ ngơi… Những điều ấy cũng ảnh hưởng trên cách chúng ta nhìn đời và nhìn thế giới của chúng ta. Những cuộc trao đổi kinh doanh sẽ khác đi không bình thường như quá khứ... Cuộc sống của chúng ta sẽ không tiếp tục như những điều ấy chưa từng xảy ra bao giờ! Vấn đề thiết yếu cần đặt ra bây giờ là chúng ta muốn thế giới chúng ta ra sao khi cơn bão đại dịch này qua đi?

Sự thiếu vắng các kết nối xã hội làm cho chúng ta càng lãng quên đi những gắn bó với nhau! Tại sao chúng ta lại bị phân chia ra nhiều nhóm khác biệt trên thế giới? Tại sao có những xung đột của các nhóm thiểu số khác nhau tại Myanmar trong nhiều thập niên qua? Tại sao các sắc tộc tại Phi và nhiều nơi trong Á châu tranh chấp với nhau? Tại sao những cuộc chiến ở châu Á chúng ta có kéo dài triền miên lâu nhất trên thế giới như vậy?

Nhìn vào lịch sử của chúng ta cho đến bây giờ, chúng ta tự hỏi tại sao các nhóm thiểu không thể cùng chung sống để tạo thành sức mạnh? Tại sao hàng triệu người phải di cư ra nước ngoài, chỉ để có thể tự tồn tại sống còn? Để bây giờ, ở nước ngoài đó họ lại bị mất việc! và hàng ngàn ngàn người lại bị tống khứ về lại quê hương cũ của họ, về lại những thôn làng mà họ đã tuyệt vọng bỏ ra đi...

Làm sao chúng ta có thể tiến tới? Chúng ta có thể xây dựng một nền kinh tế hữu ích chung cho tất cả? Một nền kinh tế đặt con người lên hàng đầu? Chúng ta có thể có xây dựng một tình đoàn kết bền bỉ lâu dài không? Một thế giới vì lợi ích chung, đặt trên sự tôn trọng tự do nhân phẩm con người?

Chúng ta hãy cùng tiến bước vào ngôi nhà chung mà vui sống. Chúng ta đi vào bên trong, nhưng chúng ta cũng nhìn ra chung quanh. Đây là thời gian cần tới sự kiên nhẫn, cần nhiều tài năng, nghị lực và cần đến tâm trí thông suốt... Kiên nhẫn học được học trong cuộc sống bền bỉ. Đây là thời gian để tổ chức nếp sống chúng ta một cách khôn ngoan và sung mãn; một thời gian vận dụng sức tưởng tượng và trí thông minh của chúng ta để khám phá ra những phương cách mới, hầu chuẩn bị cho một thế giới mới. Đã đến lúc chúng ta ý thức và nhận chân ra các giá trị chúng ta cần phải phụ thuộc vào nhau và học hỏi nhau để cùng nhau làm việc và hợp tác, chia sẻ trách nhiệm và đánh giá cao tình đoàn kết. Trên hết, đây là thời gian để gạt bỏ hận thù và vũ khí sang một bên và cùng đối phương chung tay xây dựng một cộng đoàn nhân loại.

Không có gì đang triệt hại và gây ảnh hưởng đến toàn thế giới như cơn đại dịch Covid-19 hiện nay! Nhưng đừng vì thế mà buông xuôi, không làm gì hết! Đại dịch chính là thời gian giúp chúng ta nhìn vào nội tâm bên trong, nhưng nó cũng là thời gian giúp ta nhận thức về người khác, để khích lệ nhau, đoàn kết với nhau để nâng đỡ những người cô thế cô thân, dễ bị tổn thương. Đây là thời gian để cầu nguyện và suy tư về những gì đang xảy ra cho thế giới của chúng ta. Mong chờ một ngày tươi mát trở lại. Chờ đợi sự kết thúc của cơn đại dịch! Ước mong thời gian này qua đi một cách sáng tạo…

Trong các cuộc khảo sát toàn cầu, người dân Myanmar được liệt vào số những người dân quảng đại nhất của thế giới. Không phải vì họ cho đi nhiều cho bằng vì nhiều người Myanmar sẵn sàng chia sẻ cho người khác. Điều này hiển nhiên được nhận thấy trong các cuộc khủng hoảng hiện tại... Ngay cả khi chúng tôi bị vùi dập, lòng quảng đại sẻ chia của mọi người vẫn được biểu hiện. Những nhân viên y tế cứu trợ quốc tế đã bị trục xuất, nhưng các tổ chức phi chính phủ bản địa đã tình nguyện, sẵn sàng tự chia sẻ các nhu cầu cơ bản cho những người đang gặp hoạn nạn...

Trên khắp các miền Á châu, nhiều người đang bị thiệt hại về thể chất, về tình cảm, tài chính lẫn tinh thần... Với phản ánh của từng quốc gia trước cơn đại dịch, các cấp lãnh đạo Giáo hội, chẳng hạn như ở Myanmar đã đi tiên phong trong các công cuộc bác ái từ thiện… Chúng tôi tiếp tế, hỗ trợ những người không có của ăn áo mặc!... Đây là lúc thể hiện tình bác ái, lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa.

Trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào, một cám dỗ tự nhiên xảy đến cho mọi người là tự thủ, lo cho mình là đủ! Như Amartya Sen và nhiều vĩ nhân đã nói, “trong một xã hội nhiễu nhương, mới tìm ra được những người tốt lành!”

Ông Arundhati Roy cho hay: Covid-19 là một cổng thông tin trực tuyến, một cánh cửa, đây là một khoảnh khắc tan vỡ giữa thời đại cũ và mới, giữa một thế giới với một số ít được nhiều đặc quyền và nhiều người bị lãng quên, giữa một thế giới thay đổi nơi phẩm giá con người phải được công nhận. Bạn đã chuẩn bị để bước vào thế giới đó chưa!

+ Hồng Y Charles Maung Bo SDB

Chủ tịch Liên Hội đồng các Giám mục Á châu
 
Lời kêu gọi đồng loạt cầu nguyện vào ngày 14/5 của ĐTC Phanxicô trước đại dịch quá sức kinh hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:42 12/05/2020


Vào thứ Năm ngày 14 tháng 5, các tín hữu của các tôn giáo trên khắp thế giới sẽ tham gia - thông qua việc cầu nguyện, ăn chay hoặc bằng cách thực hiện các hành động bác ái - để cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 chết chóc này chấm dứt.

Phát biểu trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào ngày 3 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “vì cầu nguyện là một giá trị phổ quát, tôi đã chấp nhận lời đề nghị của Uỷ ban cao cấp về tình huynh đệ nhân loại đối với các tín hữu của mọi tôn giáo cùng nhau hiệp nhất về mặt tâm linh vào ngày 14 tháng Năm này trong một ngày cầu nguyện, ăn chay và thực hành các công việc bác ái, để cầu khẩn Thiên Chúa giúp nhân loại vượt qua đại dịch coronavirus. Anh chị em hãy nhớ ngày 14 tháng Năm, tất cả các tín hữu của mọi tôn giáo cùng nhau cầu nguyện, ăn chay và thực hiện các công việc bác ái”.

Khi xem video này, chúng ta sẽ thấy các anh chị em trên khắp thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn thế giới như thế nào. Chúng ta nghe thấy giọng nói của họ trong một điệp khúc hy vọng.

“Đối mặt với coronavirus, chúng ta không thể bị mất tinh thần vì thế trong ngày 14 tháng Năm, chúng ta cầu nguyện cùng nhau.”

“Tôi sẽ cầu nguyện để chúng ta có thể vượt qua khoảng cách giữa chúng ta với hy vọng rằng cuối cùng chúng ta có thể yêu người lân cận.”

“Chúng ta đừng để mình bị đánh bại bởi COVID-19. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cùng nhau vào ngày 14 tháng Năm.”

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa của sự sống giải thoát chúng ta khỏi mọi dịch bệnh, an ủi mọi nỗi đau của chúng ta và nâng đỡ chúng ta trong mọi thử thách.”

“Virus ảnh hưởng đến mọi người, không phân biệt người tốt kẻ xấu, người giàu, người nghèo. Cùng nhau chúng ta mạnh mẽ hơn vì thế tại sao chúng ta không tham gia cầu nguyện cùng nhau vào ngày 14 tháng Năm.”

“Coronavirus tiếp tục làm thương tổn chúng ta bất kể người tốt kẻ xấu, người giàu, người nghèo. Cùng nhau chúng ta mạnh mẽ hơn vì thế chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện cùng nhau vào ngày 14 tháng Năm.”

“Vào ngày 14 tháng Năm, cùng nhau chúng ta hãy cầu nguyện để cảm thấy như Giáo hội, như một gia đình và để đánh bại đại dịch. Chúng ta hãy làm điều đó”

“Cả những người trẻ chúng ta cũng có thể canh tân niềm hy vọng. Vì thế, vào ngày 14 tháng Năm, chúng ta muốn dùng lời cầu nguyện của chúng ta như một dấu chỉ của Chúa Kitô Phục sinh đối với những ai đau khổ vì COVID-19”

“Chúng ta đừng để mình bị mất tinh thần bởi COVID-19. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cùng nhau vào ngày 14 tháng Năm.”

“Chúng ta sẽ nhớ những gì từ đại dịch này? Đó là những gì hợp nhất chúng ta. Kitô hữu, người Hồi Giáo, những người không tin. Những lời cầu nguyện là một trong những điều này.”

“Chúng ta hãy cầu nguyện chung với nhau vào ngày 14 tháng Năm này với lòng can đảm và sự tín thác để cầu xin cho đại dịch này kết thúc.”

“Vào ngày 14 tháng Năm, chúng ta phải hiệp nhất.”

“Chúng ta hãy cầu nguyện chung với nhau trong đức tin. Lời cầu nguyện là vũ khí tốt nhất chống lại virus.”

“Vào ngày 14 tháng Năm, tất cả các tín hữu cùng nhau cầu nguyện, mọi tín đồ của các truyền thống khác nhau hãy cùng cầu nguyện, ăn chay, và thực hành các việc bác ái.’


Source:Vatican News