Ngày 04-06-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:33 04/06/2016
57. MỘT MÌNH MỞ ĐƯỜNG.
Đầu đời nhà Đường có một chính trị gia rất nổi tiếng là Ngụy Trưng, ngày thường rất ít cười.
Một ngày nọ sau khi bãi triều, Thái Tôn cười nói với quan thị thần:
- “Ngụy Trưng là Dương Tị Công không biết dùng cái gì để ông ta bộc lộ chân tình ?”
Quan thị thần nói:
- “Ngụy Trưng thích ăn rau cần giấm, mỗi khi ăn rau cần giấm, thì có thể nhìn thấy con người thật của ông ta.”
Sáng hôm sau, Thái Tôn lập tức mời Ngụy Trưng ăn cơm và có ba bát rau cần giấm lớn. Ngụy Trưng vui vẻ khác thường, rau cần giấm chớp mắt là hết.
Thái Tôn cười nói:
- “Thường ngày khanh nói không có gì là vui thú, rốt cuộc hôm nay bị ta nhìn thấy.”
Ngụy Trưng bái tạ nói:
- “Bệ hạ không chấp xét cho nên thần không gì là không tốt, thần cố chấp theo việc, một mình ăn rau cần giấm mà mở đường ạ !”
(Liễu Hà Đông tập)

Suy tư 57:
Thợ săn hổ dùng lợn con để làm mồi, vì biết hổ rất thích ăn lợn con, người bẩy chim cu thì dùng chim cu gáy để nhử mồi, người ham tiền bạc thì lấy tiền bạc mà câu, người thích danh vọng chức quyền thì lấy chức quyền mà mua chuộc, người mê gái thì dùng gái đẹp để câu.v.v...
Thích gì chiều nấy, đó là chiêu bài của ma quỷ để cám dỗ nhân loại sa ngã.
Linh mục là người mà ma quỷ dùng hết binh đoàn trong địa ngục và tâm trí sức lực để cám dỗ, để triệt hạ các ngài, nó điều nghiên rất kỷ càng sở thích và khuyết điểm của các ngài để tấn công. Nhưng chung quy vẫn là tiền, sắc và danh vọng là ba khí cụ mà ma quỷ dùng để tấn công các ngài. Có linh mục thì nó dùng tiền đề cám dỗ, có vị thì nó dùng sắc đẹp để mê hoặc, có vị thì nó dùng khát vọng quyền lực để nhử mồi, bởi vì linh mục cũng là con người, cũng có hỷ nộ sân si như mọi người, nên cũng có những sở thích và đam mê như những người khác.
Vì thiên chức linh mục có tầm quan trọng như thế, nên Đức Chúa Giê-su đã nói với thánh Phê-rô tông đồ: “Si-mon, Si-mon ơi, kìa sa-tan xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” . Ngài biết rằng dù ở trong chức vụ nào đi chăng nữa thì con người vẫn cứ bị cám dỗ, có điều càng cao danh vọng thì càng nhiều gian nan, cũng có nghĩa là chức quyền càng cao, cám dỗ càng nhiều càng mạnh, do đó mà người linh mục của Đức Ki-tô cần phải tỉnh táo trước mọi cám dỗ, luôn khiêm tốn trông cậy vào ơn Chúa, tuyệt đối không ỷ lại vào sự thánh thiện của mình, không ỷ lại vào khôn ngoan của mình, vì thánh thiện và khôn ngoan của bản thân không thấm vào đâu so với quyền lực của sa-tan.
Khuyết điểm lớn nhất của linh mục là luôn đặt nặng chức vụ linh mục lên trên sứ mạng của linh mục, cho nên các ngài bất mãn khi “bị” cho ngồi ngang hàng với giáo dân trong bữa tiệc, các ngài cảm thấy nhục khi được giáo dân góp ý, các ngài sừng sộ khi “bị” người ta gọi là anh là chú, là em, mà không gọi là cha...
Vì các ngài coi chức vụ linh mục nặng hơn sứ mạng linh mục như thế, nên các ngài rất dễ dàng mắc bẫy của ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 10 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:35 04/06/2016
Chúa Nhật 10 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 7, 11-17.
“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy.”


Anh chị em thân mến,
Chúng ta có mũi lòng khi thấy đám ma không, bạn có xúc động khi đi dự lễ an táng mà nghĩ đến người thân của mình đã qua đời không ? Tôi tin rằng chắc chắn là có, đó là điều an ủi bạn và người thân đã qua đời của bạn. Đức Chúa Giê-su cũng như bạn và tôi vậy, Ngài cũng rất xúc động khi nhìn thấy nỗii buồn mất con của bà mẹ góa thành Na-in, và Ngài đã làm phép lạ khiến người thanh niên được sống lại.

Có những bà mẹ đang đau khổ vì con mình đang đi bụi không có ngày về; có những bà mẹ nước mắt đã cạn vì con mình đã vuột khỏi tầm tay của mình để lao vào những cám dỗ của thế gian; có những bà mẹ thân hình tiều tụy còm cõi ngày đêm tựa cửa ngóng trông bòng dáng con mình trở về.v.v...những hình ảnh ấy bạn đã thấy chưa, chính những lời cầu nguyện đau khổ và tin tưởng của những bà mẹ ấy, mà Thiên Chúa đã làm cho những người con của họ “đã chết” mà “sống lại” và có ích cho nhiều người, chẳng hạn như bà thánh Mô-ni-ca và con là thánh Au-gút-ti-nô...

Khi phạm tội trọng là linh hồn chúng ta đã chết, tức là chúng ta đã tách lìa khỏi Thiên Chúa như cành đứt lìa khỏi thân cây, và sẽ không thể đón nhận ân sủng của Thiên Chúa nữa, bởi vì linh hồn đã chết, bây giờ thì không chỉ cha mẹ buồn tủi, mà ngay các thánh nam nữ trên trời cũng khóc cho chúng ta nữa.

Trong đời sống của người Ki-tô hữu, chúng ta không cô đơn khi cầu nguyện, cũng không cô đơn khi bị cám dỗ, nhưng chúng ta có rất nhiều người anh chị em khác đang cầu nguyện cho chúng ta và đồng hành với chúng ta. Có nhiều người đang cầu nguyện cho chúng ta, có nhiều người đang buồn vì chúng ta đang sống trong tội, và chính nhờ những giọt nước mắt ấy của họ mà Đức Chúa Giê-su đã làm cho linh hồn chúng ta sống lại, nghĩa là làm cho chúng ta biết thống hối ăn năn.

Nhưng quan trọng nhất là chính chúng ta phải biết quyết tâm đứng dậy, biết can đảm xa lánh những nơi cám dỗ làm cho linh hồn chúng ta phải chết, để được Đức Chúa Giê-su nói: “Này con, Ta bảo con: hãy chỗi dậy”, lúc đó thì không còn hạnh phúc nào bằng phải không anh chị em ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:41 04/06/2016

8. Người thật thanh bần nhất định có hai điều kiện: (1) Bên ngoài hoàn toàn từ bỏ tiền tài của thế gian, đây là phương pháp. (2) Trong lòng không yêu thích tài vật, đó mới là hướng cuối cùng phải nhắm đến.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chuá Nhật 10 TN C : Trên con đường đầy những đám ma
Lm Trươnng Đình Hiền
11:32 04/06/2016
TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẦY NHỮNG ĐÁM MA

(Chúa Nhật 10 THƯỜNG NIÊN - NĂM C 2016)

Trên mỗi một chặng đường dài thăm thẳm của kiếp nhân sinh, của mỗi cuộc đời, đều có những “điểm giao lộ”, những cuộc hạnh ngộ lạ lùng, để có thể tạo nên một khúc quanh, một cuộc bẻ ngoặc đổi thay vận mệnh cuộc đời.

Con đường từ thành Na-im đi tới nghĩa trang của chàng thanh niên với thân xác bất động và hồn đã lìa xa, con trai một phụ nữ góa chống, tưởng đâu sẽ tới cửa ải cuối cùng là ngôi huyệt mộ ; nhưng cũng ngay trên con đường vẳng tiếng khóc ai oán của người phụ nữ khóc con đó, từ chiều đối diện, một nguồn sự sống đang tới. Và rồi, cuộc hạnh ngộ đã xảy ra. Con đường dẫn tới sự chết đã ngưng lại, tiếng khóc của người mẹ góa đã đổi thành tiếng cười vui hạnh phúc, và thân xác bất động đang chết của chàng thanh niên đã chỗi dậy và đứng lên chào mừng sự sống.

Giả thử, nếu không có cuộc hạnh ngộ nầy, cuộc gặp gỡ với Vị Thầy Giêsu người Na-da-rét, không biết cuộc đời của người phụ nữ góa chồng lại mất con đó rồi sẽ ra sao ? Có một điều chắc chắn là chàng thanh niên kia sẽ không còn có thời gian để vui hưởng niềm hạnh phúc ít ỏi của tuối đời trai trẻ mà sẽ nằm im và mục nát trong huyệt mộ nghìn thu.

Trong cái nhìn đức tin và lịch sử cứu độ, không có chuyện chi được xem là tình cờ. Từ cuộc gặp gỡ với một Đấng vô hình để theo tiếng gọi mà ra đi mà không biết mình đi đâu, Abraham đã trở thành Tổ phụ của một dân và là Dân ưu tuyển. Cuộc gặp gỡ của nàng công chúa trong triều đình Pharaô với chiếc thúng đang trôi theo dòng sông trong đó có một đứa bé Do Thái mà sau đó mấy chục năm, nhân loại đã có một Mô-sê, một nhà giải phóng vĩ đại của Ít-ra-en và là biểu tượng uy hùng nhất cho công cuộc giải thoát thân phận nô lệ của con người.

Hay như trích đoạn sách Các Vua trong BĐ 1 hôm nay, nếu bà góa ở Sarepta nhỏ nhen và ích kỷ, đóng cửa đuổi xua “người của Thiên Chúa” là ngôn sứ Êlia, thì chắc chắn “hủ bột và bình dầu” của bà đã cạn từ lâu và bà đã chết khô trong cơn đại hạn ; và hơn thế nữa, đứa con trai của bà cũng đã ra người thiên cổ khi tuổi đời còn ở ngưỡng cửa thiếu nhi !

Cũng y như thế, lời tường thuật hôm nay của trích thư Galat, Thánh Phaolô đã bộc bạch về ơn gọi và sứ mệnh của mình, một ơn gọi đã khởi sự trên con đường Đamát thuở nào, một cuộc gặp gỡ để bị luồng ánh sáng đánh cho mù mắt và ngã ngựa. Chắc chắn, nếu không có cuộc “chạm trán nẩy lửa” nầy, Ki-tô giáo làm sao có được một “Tông đồ dân ngoại” lừng danh, và chàng thanh niên đó, mãi mãi cũng chỉ là một Saolô vô danh tiểu tốt hung tàn, khát máu qua đi như bao nhiêu con người cuồng tín khác trong lịch sử loài người…

Suốt chiều dài của lịch sử cứu độ, từng trang Thánh Kinh xuyên suốt từ Cựu ước sang Tân ước, gần như đều là những chuyện kể, những giai thoại, những hồi ức…về những cuộc “chạm trán” giữa Thiên Chúa và con người.

Chắc chắn, nếu không có cuộc hạnh ngộ của sứ thần Gabrien thì phải chăng cô nàng Maria ở Nadaret rồi cũng đã tan thành tro bụi với thời gian để chẳng một ai trên thế giới nầy biết cô là ai và đã làm gì ! Cũng vậy, nếu các anh dân chài ở bờ hồ Ti-bê-ri-át không gặp được “người thợ mộc đến từ Na-da-rét” cùng với tiếng gọi “ta sẽ biến các anh thành những tay chài người”, thì e rằng cái đạo Ki-tô cũng đã chẳng xuất hiện và phát triển trên toàn thế giới cho đến hôm nay. Giakêu cũng vẫn là một tên thu thuế tham lam và ích kỷ nếu anh ta không chịu đi ra khỏi nhà và leo lên một cây sung để bắt gặp cho được ánh mắt của Thầy Giêsu ; và cô Mai-đệ-liên mãi mãi chỉ là cô gái điếm thảm thương nếu không chịu can đảm đến gặp cho được vị Thầy nhân ái để nhỏ những giọt nước mắt sám hối ăn năn…Ôi còn biết bao nhiêu cuộc hạnh ngộ để đời !

Vâng, Thiên Chúa luôn có những cuộc hành trình đi ngược đường với mỗi một cuộc đời để làm nên những điều kỳ diệu mà rất nhiều khi không ai có thể biết trước và sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, tất cả đều không là chuyện tình cờ, mà là cả một chương trình của tình thương cứu độ, tình thương tha thứ, tình thương an ủi, tình thương giải thoát…như cách cảm nhận của ngôn sứ Giêrêmia : “Trước khi ngươi hình thành trong dạ mẹ, ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã thánh hóa ngươi…” (Gr 1,5) ; đó cũng điều Thánh Phaolô đã xác tín : “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong bụng mẹ, và đã gọi tôi nờ ân sủng của Người” (Gl 1,15).

Nhưng chúng ta cũng đừng quên, đã có biết bao con người từng chạm trán, gặp gỡ với Thiên Chúa, với Đức Ki-tô, nhưng, thay vì đổi hướng đi cùng chiều với sự sống, lại cứ ngang nhiên tránh né và giữ nguyên lộ trình của riêng mình, lộ trình của đam mê, tội lỗi, hận thù, ghen ghét. Một tông đồ Giuđa có cả 3 năm ở với Đức Ki-tô, nhưng cuối cùng, đã tự mình ra đi về nơi bóng tối. Đức Ki-tô đã không làm được phép lạ nào ngay trên chính quê hương Na-da-rét của mình, bởi thay vì đón nhận cuộc “hồi hương” nầy như một vinh dự, họ đã tẩy chay và dè biểu Ngài, thậm chí, muốn xô Ngài xuống vực cho tiêu đời. (Xem Mc 6,5 ; Lc 4,26-29). Cùng đi chung trên một con đường khổ nạn, nhưng chỉ có người trộm bị đóng đinh bên hữu nhận được lời hứa “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đường với ta”… (Lc 23,39-43).

Từ dấu lạ “phục sinh chàng thanh niên con bà góa ở Na-im”, Chúa Giêsu còn muốn đi xa hơn trong giáo huấn và Tin Mừng của Ngài : Sự chết không là tiếng nói cuối cùng. Vâng, chính Đấng mà hôm nay chạm tay vào quan tài để kéo chàng thanh niên chết cứng chỗi dậy thành người sống, thì sau đó một thời gian, Ngài cũng đã bị đóng đinh và chết nhục nhã trên đồi Sọ, để cũng như bao thân phận con người khác, được đưa vào huyệt mộ với một thân xác bất động để chôn táng. Tuy nhiên, cũng ngay từ “địa chỉ” tối tăm hắc ám nầy, Ngài đã phục sinh vinh hiển. Cho nên, dấu lạ “phục sinh” con trai bà góa hôm nay chỉ là một tiên báo cho con đường dẫn vào sự sống mà Ngài sẽ thực hiện ngang qua cái chết.

Và cuối cùng, Lời Chúa hôm nay muốn vạch ra một “tấm bảng chỉ đường” dẫn con người tiến về sự sống vĩnh hằng mà hướng đi phải phát xuất từ Chúa Ki-tô và cùng tháp tùng với Ngài. Mọi con đường đối ghịch đều dẫn tới sự chết. Thế giới hôm nay đang bị chi phối bởi một “nền văn minh sự chết”, bởi đã chọn hướng đi hoàn toàn nghịch lại với con đường “Tám mối phúc thật”, con đường của “giới răn yêu thương”, con đường của khiêm hạ phục vụ…

Ở trên những con đường đầy “những đám ma” đang đi về cõi chết đó, người Kitô hữu được gọi mời cùng với Đức Kitô đi ngược chiều và sẵn sàng, không chỉ với đôi bàn tay, mà bằng cả trái tim, chạm vào những nổi đau và bất hạnh, những vết thương không gì băng bó nổi và những cuộc đời đang sống dở chết dở… để mang lại niềm tin yêu hy vọng và dẫn lối đi về nguồn sống đích thực.

Trương Đình Hiền



 
Đôi mắt xót thương của Chúa
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
11:34 04/06/2016
ĐÔI MẮT XÓT THƯƠNG CỦA CHÚA

Chúa Nhật X Thường Niên Năm C

Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Dung mạo của Lòng thương xót), được Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu bằng lời tuyên xưng: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này” (số 1).

Để nhấn mạnh chủ đề Lòng Chúa thương xót, logo của năm Thánh khắc họa chân dung Chúa Giêsu vác người tội lỗi trên vai. Ở đó, một trong những nét độc đáo là đôi mắt của Chúa quyện vào cùng đôi mắt người tội lỗi.

Hình ảnh này diễn tả ánh nhìn của Chúa, vị Mục Tử nhân lành, như không chỉ chạm đến trái tim, mà còn chạm đến cách sâu xa tận tâm hồn người có tội bằng tình yêu mãnh liệt đến nỗi đủ sức công phá thành trì tội lỗi tấn công linh hồn và làm thay đổi diện mạo, sức sống của linh hồn.

Nhưng chạy dọc logo, người ta còn thấy hàng chữ “Thương xót như Chúa Cha”. Vì thế, ánh mắt nhân từ của Chúa Giêsu, còn thể hiện cách hiện sinh tấm lòng đầy tình xót thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ ngừng thương xót. Người thể hiện tình yêu thương xót nơi Chúa Giêsu càng mạnh mẽ, càng quyết liệt hơn bao giờ hết..

Như một minh chứng cụ thể cho đôi mắt triều mến, bao dung từ tấm lòng xót thương của Chúa; đôi mắt chan chứa yêu thương trào tràn từ trái tim dạt dào tình yêu dành cho người đau khổ; đôi mắt xuyên thấu tâm tình cũng như nhu cầu sâu xa của nhân loại, Tin Mừng Chúa Nhật thứ X thường niên năm C (Lc 7, 11-15) giới thiệu hình tượng một hiện diện nhân từ mà Chúa dành cho người mẹ mất con.

Thánh Luca kể, một lần, trên đường đi, đến thành Naim, trông thấy một bà góa khóc lóc đau khổ đang cùng đám đông khiêng một người chết là đứa con trai duy nhất của bà đi chôn, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương.

Ánh nhìn của đôi mắt mà Chúa dành cho bà như hiểu thấu tận tâm can nỗi đau cùng cực trong tuyệt vọng của bà mẹ góa mất con, mà là con duy nhất. Chúa đã hành động. Người an ủi bà và nói với bà: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Chúa đến gần sờ vào quan tài và nói với người chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (7,14).

Bằng lời quyền năng, Chúa đã cho người chết sống lại. Người “trao anh ta cho bà mẹ” (7,15). Chứng kiến sự kiện xảy ra, mọi người có mặt kinh ngạc. Họ tôn vinh, chúc tụng “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16).

Nói như Đức Thánh Cha Phanxicô “Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha nên sống động và rõ ràng, đã tìm thấy đỉnh điểm của nó” (Misericordiae Vultus, số 1), thì nơi những trang Tin Mừng cho biết tình yêu thương xót vượt biên cương của Chúa Giêsu, ta thấy tình yêu của Thiên Chúa chí thánh là vô cùng, là không tài nào diễn tả.

Chúa Giêsu Kitô hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi. Người vẫn đang dành cho mỗi người ánh mắt của Lòng Xót Thương, như Người đã dành cho bà góa đau khổ thành Naim xưa.

Điều còn lại là ta có nhận ra ánh mắt của Chúa hay không. Một khi cảm nhận ánh mắt yêu thương của Chúa, ta cũng sẽ nhận ra lòng thương xót mà Chúa trao tặng suốt cuộc đời ta, để rồi, bằng mọi giá, đáp lại tương xứng hết sức tình yêu mà Chúa dành cho.

Nếu Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu, thì chính bản thân Chúa Giêsu, không ngần ngại chia sẻ tình Cha với chúng ta. Bởi khi cất lên lời thưa Ápba – Cha ơi (x.Mc 14,36), Chúa Giêsu cũng dạy hãy cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Như vậy, Chúa Giêsu cho phép ta cũng được cầu nguyện với Cha của Người bằng từ ngữ thân thương “Ápba, Cha ơi”. Người mở cánh cửa ngôi nhà của lòng thương xót của Thiên Chúa, để ta bước vào, cùng Người gặp gỡ Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương.

Thiên Chúa là Cha. Người không xa cách nhưng luôn gần gũi chúng ta. Người không ngừng bao bọc, chở che, giữ gìn từng người một. Cuộc sống của mỗi người chính là tặng phẩm cao quý Thiên Chúa là Cha trao ban.

Đã làm người, ai cũng được phép cảm nhận bàn tay nhân từ của Chúa Cha ấp ủ, che chở và đỡ nâng. Ai cũng được phép kêu lên người Cha giàu lòng thương xót, mỗi khi chạm phải những thách thức, những khổ đau trong đời, dẫu cho người đó có là tội nhân đi nữa.

Hãy chạy đến thân thưa cùng Thiên Chúa: Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin thương xót con.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý vụ lạm dụng
Lm. Trần Đức Anh OP
10:03 04/06/2016
VATICAN. ĐTC Phanxicô ban hành qui luật bãi chức các GM và các Bề trên cấp cao các dòng tu lơ là, bỏ quên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc những người lớn dễ bị tổn thương.

Qui luật trên đây được trình bày trong Tông Thư Tự Sắc ”Như một người mẹ yêu thương” (Come una madre amorevole), công bố hôm 4-6 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-9-2016.

ĐTC nhắc lại rằng giáo luật đã dự trù việc bãi chức vụ trong Giáo Hội các GM giáo phận và những người tương đương vì những lý do hệ trọng. Nay qua Tông thư này, ngài xác định rằng trong số các nguyên do hệ trọng ấy, có cả việc lơ là của các GM trong việc thi hành chức vụ, đặc biệt liên quan đến những vụ lạm dụng tính dục trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương, như đã dự trù trong các tự sắc ”Bảo vệ sự thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum Sanctitatis Tutela) do Thánh Gioan Phaolô 2 ban hành và Đức Biển Đức 16 tu chính.

Tông thư tự sắc của ĐTC gồm 5 điều khoản, trong đó có qui định rằng:

- GM giáo phận hoặc tương đương chỉ có thể bị cách chức nếu thiếu sót một cách khách quan trầm trọng đối với nghĩa vụ phải cần mẫn mà chức vụ đòi hỏi (1,2). Trong trường hợp những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc người lớn dễ bị tổn thương, chỉ cần sự thiếu sót ấy có tính chất trầm trọng (1,3). Các Bề trên cấp cao của các dòng tu và tu đoàn tông đồ thuộc quyền tòa thánh, cũng được đồng hóa với GM giáo phận trong những trường hợp này (1,4).

Khi có những dấu hiệu nghiêm trọng về sự thiếu sót như vừa nói, thì bộ có thẩm quyền của Tòa Thánh sẽ khởi sự điều tra, báo cho đương sự và cho họ khả năng cung cấp các văn kiện và chứng từ (2,1). GM có thể được tự biện hộ theo các phương thế luật dự trù (2,2).

Nếu thấy nên cách chức Giám Mục, thì Bộ sẽ sớm công bố sắc lệnh cách chức (4,1), hoặc khuyên đương sự đệ đơn từ chức lên ĐTC trong thời hạn 15 ngày, nếu GM không trả lời trong thời hạn dự trù, thì Bộ công bố sắc lệnh cách chức (4,2)

Quyết định của Bộ phải được ĐTC phê chuẩn một cách đặc biệt. Trước khi quyết định chung kết, ĐTC sẽ được một ban luật gia trợ giúp.
 
Thành lập và qui chế bộ giáo dân, gia đình và sự sống
Lm. Trần Đức Anh OP
10:00 04/06/2016
VATICAN. Hôm 4-6-2016, ĐTC đã cho công bố việc thành lập và qui chế thử nghiệm của Bộ (dicastero) giáo dân, gia đình và sự sống, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9 tới đây.

Việc thành lập này do Hội đồng các Hồng Y cố vấn đề nghị, theo đó từ ngày 1-9 năm nay, Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và gia đình sẽ được gộp vào trong Bộ mới, và hai hội đồng này bị bãi bỏ. Các điều khoản về hai Hội đồng (131-134, 139-141) trong Tông hiến Mục Tử Nhân Lành (Pastor Bonus, 28-6-1988) liên quan tới hai cơ quan này cũng bị bãi bỏ).

Qui chế của Bộ mới gồm 13 điều khoản, theo đó Bộ này có thẩm quyền trong những vấn đề thuộc quyền Tòa Thánh trong việc thăng tiến sự sống và tông đò giáo dân, chăm sóc mục vụ gia đình và sứ mạng của gia đình, theo ý định của Thiên Chúa, và bảo vệ, hỗ trợ sự sống con người (Đ.1)

Bộ giáo dân, gia đình và sự sống do một vị Bộ trưởng điều khiển với sự trợ giúp của một Tổng thư ký, có thể là giáo dân, và có 3 Phó tổng thư ký giáo dân, với một số viên chức thích hợp, giáo sĩ và giáo dân, được chọn bao nhiêu có thể từ những vùng khác nhau trên thế giới, theo qui luật hiện hành của các cơ quan trung ương Tòa Thánh (Đ.2, 1). Bộ được chi làm 3 phân bộ: giáo dân, gia đình và sự sống, mỗi phân bộ do một phó Tổng thư ký đứng đầu.

Bộ có các thành viên, trong đó có giáo dân nam nữ, độc thân hoặc có gia đình, dấn thân trong các lãnh vực hoạt động khác nhau, và đến từ các miề khác nhau trên thế giới, phản ánh đặc tính hoàn vũ của XX (Đ.3,1). Bộ các cố vấn (3,1) và theo tất cả các qui luật được thiết định cho các cơ quan trung ương Tòa Thánh (3,3).

Bộ cổ võ và tổ chức các hội nghị quốc tế và các sáng kiến khác thuộc về tông đồ giáo dân, hôn nhân và thực tại gia đình và sự sống trong lãnh vực Giáo Hội, cũng như có liên quan đến thân phận con người và xã hội của hàng giáo dân, gia đình và sự sống con người trong lãnh vực xã hội.

Các điều khoản khoản kế tiếp tục Qui chế lần lượt nói về các nhiệm vụ riêng của mỗi phân bộ: giáo dân, gia đình và sự sống.

Điều thứ 13 khẳng định rằng Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống được gắn liền với Bộ này.. Bộ sử dụng thẩm quyền của Hàn lâm viện trong những vấn đề và các đề tài như việc sinh sản trách nhiệm, bảo vệ sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết, tự nhiên; các hiệp hội và tổ chức giúp phụ nữ và gia đình đón nhận và bảo vệ hồng ân sự sống, đặc biệt trong những trường hợp mang thai khó khăn, và phòng ngừa biện pháp phá thai..
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GX.Vĩnh Hòa: Kỷ niệm 20 năm thành lập hội Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm
Văn Minh
08:42 04/06/2016
GX.Vĩnh Hòa: Kỷ niệm 20 năm thành lập hội Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt11,29).

Xem Hình

Hiệp cùng toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu – bổn mạng Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTT) xứ đoàn Vĩnh Hòa - kỷ niệm 20 năm thành lập.

Thánh lễ tạ ơn đã diễn ra lúc lúc 17g30 thứ Sáu ngày 03.06.2016, do cha xứ GioaKim Lê Hậu Hán – chủ sự. Hiệp dâng Thánh lễ, ngoài các thành viên trong GĐPTTT còn có quý vị ân nhân, quý vị khách mời cùng các em thiếu nhi và giáo dân trong giáo xứ.

Trước đó, lúc 17g00, BCH cùng các thành viên đứng thành hai hàng rào trước cổng nhà thờ chào đón quý vị ân nhân, quý khách mời cùng cộng đoàn trong niềm vui hân hoan thể hiện trên nét mặt mỗi người.

Đúng 17g20, cha xứ GioaKim, quý thành viên GĐPTTT, các em Ban Lễ sinh, cùng cộng đoàn kiệu tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu xung quanh nhà thờ hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã qua bài hát “Thánh Tâm Chúa”.

Đầu lễ, cha xứ mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu từ trên Thập Giá, để chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Tình yêu. Đồng thời, ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các linh mục là những người dâng mình cho Thiên Chúa luôn được trở nên những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, cha xứ GioaKim mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy ngẫm về người chủ chăn Chiên thì phải đi tìm những cánh đồng cỏ xanh tươi, dòng suối mát cho đoàn Chiên được uống no thỏa, và luôn bảo vệ Chiên khỏi sói dữ rình rậm ăn thịt. Trong khi đó, nếu có con Chiên đi lạc, thì chủ Chiên sẽ bỏ lại đoàn Chiên mà đi tìm con Chiên lạc mang về. Trong cái nhìn của Đức Kitô, tất cả các con Chiên đều có giá trị. Và hôm nay, hình ảnh của Đức Kitô vẫn đang hiện hữu và đồng hành cùng chúng ta qua các linh mục, trong mỗi Thánh lễ, giờ chầu Thánh Thể, và qua các bí tích.

Trong cuộc sống hôm nay, nhịp đập yêu thương có lẽ nó đang bị cạn dần, và đang hình thành thái độ vô cảm trước lối sống thực dụng đang ăn sâu vào cuộc sống của xã hội và Giáo Hội. Người ta vô cảm trước nỗi đau đang đau khổ, đói khát, của người thân và những người sống xung quanh mình. Trong tháng Sáu này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị mục tử của Chúa chiến thắng được cái tôi của mình, bao dung với mọi người, thể hiện trách nhiệm với tha nhân, đem hết trái tim của mình ra phục vụ Giáo Hội và xã hội, như Lời Chúa Giêsu đã dạy. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

Mừng lễ Thánh Tâm hôm nay, mỗi thành viên GĐPTTT và ca đoàn trong xứ đoàn hãy học nơi Thánh Tâm Chúa, sống yêu thương, sự lắng nghe và biết tôn trọng nhau, tinh thần hăng say phục vụ Hội đoàn và cộng đoàn giáo xứ.

Sau Phần hiệp lễ, ông Luca Trịnh văn Minh, Đoàn trưởng, thay mặt Hội GĐPTTT cảm ơn cha xứ GioaKim, quý vị trong HĐMVGX, quý vị đại diện các hội đoàn, quý vị ân nhân cùng mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Bó hoa tươi thắm, gói ghém tâm tư tình cảm của mỗi đoàn viên được vị đại diện dâng lên cha chủ tế. Đáp từ, cha xứ chúc mừng Hội GĐPTTT cùng ca đoàn được nhiều hông ân của Thiên Chúa trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 19g00. Sau đó, cha xứ cùng các thành viên GĐPTTT chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Đôi nét về Hội GĐPTTTCG xứ đoàn Vĩnh Hòa:

Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu xứ đoàn Vĩnh Hòa thành lập vào tháng 06 năm 1996: do cha cố Giuse Trần Văn Nghị, từ Năm 1996 – 2002, với gần 40 đoàn viên. Năm 1997, Hội thành lập ca đoàn Thánh Tâm cùng 10 ca viên phụng vụ hát trong Thánh lễ chiều thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần.

Sinh hoạt trong đoàn thể: Đền tạ những thiếu sót lầm lỗi mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhằm thánh hóa bản thân và gia đình. Cộng tác vào việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất Giáo Hội phục vụ công tác truyền giáo. Đồng cảm, và chia sẻ bác ái cho những người khó khăn, bất hạnh, không phân biệt tôn giáo trong Mùa Chay cùng với giáo hạt.

Hằng ngày: Đọc kinh dâng ngày và dâng mình cho Chúa, một kinh lạy Cha, mười kinh Mân Côi, kinh sáng Danh.

Thứ Sáu hằng tuần, suy ngắm 14 chặng đàng Thánh Giá, giờ kinh đền tạ luân phiên, giờ kinh Tôn Vương Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thứ Sáu đầu tháng: Tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể ( họp mặt đoàn viên và BCH xứ đoàn). Họp BCH giáo hạt và tham gia các khóa thường huấn do TGP tổ chức.
 
Trung tâm La Mã Bến Tre: Hành hương kính Đức Mẹ đầu tháng 6
Người Giồng Trôm
08:54 04/06/2016
TRUNG TÂM LA MÃ: HÀNH HƯƠNG KÍNH MẸ ĐẦU THÁNG 6

Hôm nay, ngày hành hương đầu tháng 6 rơi vào ngày Giáo Hội nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Thật trùng khớp và ý nghĩa cho ngày hành hương hôm nay khi con cái đến với Mẹ La Mã.

Xem Hình

9 giờ 30, những ai cần lãnh bí tích Hòa Giải có thể đến với tòa sẵn có cha.

10 giờ, cộng đoàn cùng hướng về Mẹ trong giờ hành hương kính Mẹ.

Hôm nay, cộng đoàn cùng nhìn lên Thánh Tâm của Mẹ, một Thánh Tâm Vẹn Sạch và đặc biệt Thánh Tâm đó đã dành trọn vẹn cho Chúa với lời xin vâng. Cha dẫn hành hương mời gọi cộng đoàn cùng dâng Chúa cuộc đời mình, trái tim mình với hai lời xin vâng như Mẹ xưa.

Cha dẫn hành hương mời gọi cộng đoàn cùng với 58 người nhờ lời Mẹ chuyển cầu đã nhận được những ơn lành đã nguyện xin. Và, cùng với 122 người xin ơn bình an; 91 người xin cho khỏi bệnh; 64 người xin ơn như ý; 68 người xin công ăn việc làm thuận lợi. .. và ước nguyện của mỗi người dâng lên Mẹ để Mẹ chuyển cầu đến Chúa.

10 g 30, cộng đoàn cùng hướng lòng với Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung – Quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương La Mã – để dâng Thánh Lễ tạ ơn.

Mở đầu Thánh lễ, Cha Đaminh mời gọi cộng đoàn: “Kính thưa cộng đoàn, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, Giáo Hội mời gọi kính nhớ tình yêu của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria hay nói đúng hơn tình yêu của Mẹ Maria. Dâng Thánh Lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ cho ta những ơn lành cần thiết trong cuộc sống. ..”

Trong bài chia sẻ, cha Đaminh mời gọi cộng đoàn cùng hướng về Trái Tim yêu thương của Mẹ Maria dành cho con cái của Mẹ. (Kính mời cộng đoàn xem video giảng https://youtu.be/9-Bhf1ZSu-Y).

Lễ xong, một số người dùng cơm tại nhà ăn của Trung Tâm hành hương. Phần còn lại ở lại với Mẹ, trước Linh Ảnh Mẹ để thủ thỉ, thỏ thẻ với Mẹ cõi lòng của mỗi người.

Như đã nói ở trên, công trình xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã vẫn còn đó nhiều hạng mục. Trong những hạng mục đó, ước ao lớn nhất của Trung Tâm Hành Hương La Mã là xây dựng khu nhà nghỉ lại dành cho khách hành hương để có thể ở lại qua đêm với Mẹ tại Trung Tâm này. Để hoàn thành công trình khu nhà nghỉ, nhà ăn, nhà sinh hoạt cho Trung Tâm Hành Hương cần sự hỗ trợ nhiều mặt từ vật chất, tinh thần và cả lời cầu nguyện của nhiều người. Với tâm tình tin tưởng và tín thác, cha Quản Nhiệm Đaminh trao phó tất cả trong tay Chúa, đặc biệt qua lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre và sự chia sẻ của mọi người.

Được biết ngày 27 tháng 6 tới đây, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre hân hoan đón Đức Giám Mục Giáo Phận Phêrô Huỳnh Văn Hai đến để dâng Thánh Lễ tạ ơn mừng bổn mạng nhà thờ La Mã, ban bí tích thêm sức cho các em thiếu nhi thuộc 2 họ La Mã và Giồng Trôm cũng như Đức Cha sẽ xức dầu thánh hiến Bàn Thờ. Tất cả mọi sự đều tín thác vào lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre.

Nguyện ước cho các công trình và những dự định của Trung Tâm được sớm hoàn thành để đáp ứng nhu cầu của những người đến hành hương kính Mẹ.
 
Đai lễ Thánh Tâm tại Quảng Ngãi
Lm Trươnng Đình Hiền
09:44 04/06/2016
Từ Trái Tim Bị Đâm Thấu: Đai Lễ Thánh Tâm 3/6/2016 Tại Quảng Ngãi

Mặt tiền nhà thờ mới Quảng Ngãi nổi bật với bức hình Thánh Tâm Chúa Giêsu khổ lớn, đang giang rộng vòng tay đón mời cộng đoàn dân Chúa khắp nơi trong toàn giáo Hạt trở về mừng Đại Lễ Thánh Tâm và cử hành Lễ Trạm Năm Thánh Lòng thương xót.

Xem Hình

Vừa đúng lúc mặt trời lên rọi ánh nắng sáng tươi, Đức Cha Matthêô, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã đến trước cổng nhà thờ sau quảng đường 180 cây số, trong niềm vui hân hoan đón chào của cộng đoàn giáo dân giáo hạt, trong số đó có khoảng 200 bạn trẻ đang dự trại hành hương Năm Thánh và 57 thiếu nhi chuẩn bị lãnh bí tích Thêm sức của hai giáo xứ Kỳ Tân và Quảng Ngãi.

Chúng ta cũng nên biết, giáo hạt Quảng Ngãi hiện nay có 7 giáo xứ và 2 cộng đoàn biệt lập; giáo dân vỏn vẹn chỉ được 10.000 hiện diện trong một cộng đồng dân chúng với gần 1 triệu 300 dân mà hầu hết mang nặng tâm thức vô thần và các tín ngưỡng ngoài Kitô giáo. Phải chăng đó chính điều khiến Đức Cha thao thức và động viên toàn giáo phận sẵn sàng dấn thân hết mình cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa trên miền đất mang biệt danh “xứ dân gầy” nầy.

Trước hết, Phụng vụ lễ Thánh Tâm có chủ đích nêu bật một mầu nhiệm hằng tiềm ẩn trong mọi cử hành Phụng vụ cũng như trong mọi chiều kích của đời sống đức tin, đó là: Mầu nhiệm lòng Chúa yêu thương loài người, biểu lộ nơi trái tim yêu thương của Chúa Giêsu.

Ngoài ý nghĩa Phụng Vụ đặc biệt trên, lễ Thánh Tâm cũng là ngày được Giáo Hội chọn làm ngày thế giới cầu xin ơn thánh hóa các linh mục.

Cách riêng, đối với cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Quảng Ngãi, ngày lễ Thánh Tâm hôm nay chính là ngày truyền thống bổn mạng của nhà thờ và giáo xứ và là ngày Kỷ Niệm Cung Hiến nhà thờ mới.

Hôm nay cũng là ngày cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Nhà thờ trạm giáo hạt Quảng Ngãi. Đây chính là cuộc dừng chân đặc biệt của cộng đoàn dân Chúa giáo phận trong cuộc hành hương Năm Thánh Lòng thương xót.

Đặc biệt, chính trong thánh lễ hôm nay, vị chủ chăn của giáo phận, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, sẽ chủ sự “Đặt tay và Xức dầu ban bí tích Thêm Sức cho 57 thanh thiếu nhi thuộc hai giáo xứ Quảng Ngãi và Kỳ Tân.

Thánh lễ đã diễn ra cách long trọng và sốt sắng cùng với ý nghĩa về lòng thương xót của Thiên Chúa được quảng diễn sinh động và sâu sắc qua những lời chia sẻ thâm thúy của Đức Cha.

Và mọi sinh hoạt chỉ khép lại khi các bạn trẻ tham dự hội trại hành hương Năm Thánh lòng thương xót cử hành nghi thức “Lên đường” để mang lửa tình yêu của Đức Kitô ra đi trên mọi nẻo đường cuộc sống.

Ước gì ngày cử hành Lễ Trạm Lòng thương xót của giáo hạt trong bối cảnh Phụng Vụ long trọng và đầy ý nghĩa nầy, sẽ mang lại cho cộng đoàn Dân Chúa muôn ân lộc xác hồn, như lời ĐTC Phanxicô trong Tông Sắc Dung Nhan lòng thương xót:

“Trong Năm Thánh này, đó sẽ là Cửa Lòng Thương Xót; bất cứ ai bước vào qua đó, sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng.” (Số 3).

Và như thế, cùng với biểu tượng Thánh Tâm nơi mặt tiền với lời Ca Nhập lễ được vang lên “Từ trái tim bị đâm thấu, tràn tuôn suối mạch ân phúc, Chúa chết thảm thương thập tự, cho nhân loại phúc vinh ngàn thu…”, hy vọng ý nghĩa “Từ trái tim bị đâm thấu” sẽ ghi đậm dấu ấn cho mọi người tham dự không phải chỉ trong ngày đại lễ hôm nay mà sẽ đọng lại trong suốt cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu.

TĐH tổng hợp.
 
Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót Hạt Hố Nai mừng lễ bổn mạng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Hoàng Bá Qúy
11:42 04/06/2016
Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót Hạt Hố Nai mừng lễ bổn mạng Thánh Tâm Chúa Giêsu

HỐ NAI - Cùng với toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Giêsu. Lúc18 giờ chiều thứ Sáu ngày 03/06/2016, Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót (HH-LCTX) giáo hạt Hố Nai đã hân hoan mừng lễ bổn mạng lần đầu tiên tại Nhà thờ giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc.

Xem Hình

Thánh lễ do Cha quản hạt Đaminh Bùi Văn Án chủ sự, cùng đồng tế có Cha Giuse Trần Phú Sơn - Giám đốc HH-LCTX giáo phận, Cha đặc trách HH-LCTX của 17 giáo xứ, quý cha Dòng Thánh Thể, và đông đảo hội viên của các giáo xứ trong khu vực.

Trước lễ, các hội viên đã dành thời gian để lần Chuỗi Thương Xót, Chầu Thánh Thể và được Cha Đaminh Lưu Vũ Duy Khang - Dòng Đaminh đến giảng tĩnh tâm. Tuy thời lượng không nhiều nhưng mỗi thành viên của hiệp hội đã được ôn lại một chặng đường dài "Lịch sử cứu độ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ban cho Dân Người". Qua tất cả những biến cố, con người dần được khám phá ra những dấu chứng kỳ diệu về Lòng thương xót của Chúa Cha. Đặc biệt trong Năm Thánh, mỗi người tín hữu được cảm nhận thật sâu tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, hãy chạy đến với Ngài để được tha thứ, để sống và thể hiện tình Lòng thương xót đó cho tha nhân. Cha Đaminh chia sẻ.

Đầu lễ, Cha quản hạt Đaminh mời gọi cộng đoàn tham dự cảm tạ Thiên Chúa Cha vì Ngài đã ban Chúa Giêsu cho nhân loại, "hãy tín thác vào Ngài để được cứu độ". Thánh lễ cũng được dâng để cầu nguyện cho ơn thánh hoá các linh mục.

Giảng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Cha giám đốc Giuse Trần Phú Sơn dẫn cộng đoàn đến trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu, một trái tim biểu hiện Lòng thương xót của Thiên Chúa rất cụ thể. Tình yêu ấy thật vô biên, ôm hết tất cả con người, chữa lành mọi vết thương tội lỗi và đưa con người đến ơn giao hoà. Tiếp tục, Ngài nhắc lại "chất thương xót" và đường hướng mục vụ của Đức Cha giáo phận Giuse Đinh Đức Đạo đã đề cập đến trong thánh lễ khởi đầu sứ vụ mục tử ngày 31/05/2016 vừa qua: "mở lòng đón nhận nhau và đón nhận mọi người không phân biệt lương giáo giàu nghèo". Kết thúc, Ngài tóm tắt linh đạo HH-LCTX theo 3 ký tự để các hội viên dễ nhớ: A - Ăn năn sám hối, B - Biết thương xót, C - Cậy trông vào Chúa.

Sau phần giảng lễ, tân Ban phụng vụ HH-LCTX giáo hạt Hố Nai đã quỳ gối trước bàn thờ Chúa trong nghi thức tuyên hứa, phong nhận, và trao Uỷ nhiệm thư.

Ngay sau đó, thánh lễ lại tiếp tục trong bầu khí trang nghiêm với tâm tình sốt mến.

Lịch sử Lòng Chúa Thương Xót ghi nhận được phổ biến dựa trên tập nhật ký của Nữ tu Faustina về những mạc khải của Chúa vào năm 1938.

Ngày 30/04/2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã thiết lập lễ kính LCTX trong toàn thể Giáo Hội vào Chúa Nhật thứ hai Phục sinh hằng năm.

Ngày 13/03/2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương Xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08/12/2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20/11/2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ.

Tại Việt Nam từ năm 2001, phong trào LCTX đã xuất hiện. Trong giáo phận Xuân Lộc, phong trào đã hiện diện thành các nhóm tại các giáo xứ. Nhân Năm Thánh ngoại thường LCTX, vào ngày 20/11/2015, Đức Giám Mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã công bố thành lập "Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót" trong toàn giáo phận và trực thuộc Ban Giáo Dân.

Hằng năm, Hiệp hội có hai lễ kính đặc biệt tôn vinh LCTX: kính LCTX vào Chúa Nhật thứ Hai Phục sinh và kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ Sáu sau Chúa Nhật lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.

Hiệp hội LCTX giáo phận Xuân Lộc được cử hành bởi Ban phụng vụ ở 3 Cấp: Giáo phận, Giáo hạt và Giáo xứ. Ban phụng vụ ở mỗi cấp đều có Cha đặc trách và 4 thành viên gồm: Trưởng ban, Phó nội, Phó ngoại kiêm Thủ quỹ và Thư ký. Trong tiến trình, Ban phụng vụ Cấp Hạt Hố Nai cũng đã được thành lập và được gọi đầy đủ là "Ban phụng vụ Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót Giáo Hạt Hố Nai".

Hạt Hố Nai
 
Lễ thêm sức tại xứ Tây Hải, Hố Nai, GP Xuân Lộc
Hoàng Bá Qúy
22:17 04/06/2016
Giáo Hạt HỐ NAI: Chiều thứ bảy, vào hồi 16g30 ngày 04 tháng 6 năm 2016, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh - nguyên Giám Mục giáo phận Xuân Lộc - đã đến Giáo xứ Tây Hải, Giáo hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc dâng thánh lễ mừng bổn mạng giáo xứ và ban bí tích Thêm Sức cho 78 em thiếu nhi trong giáo xứ.

Xem Hình

Sau ít phút nghe báo cáo, nói chuyện cùng Cha xứ và Ban Hành Giáo, Đức Cha Đaminh và quý cha đồng tế cùng đoàn rước tiến lên thánh đường dâng thánh lễ.

Cùng đồng tế với Đức Cha Đaminh có cha Quản hạt Đaminh Bùi Văn Án, Cha xứ Giuse Nguyễn văn Tịch và sự hiệp dâng của quý Dì dòng Mến Thánh Giáo xuân lộc, quý chức cùng cộng đoàn dân Chúa.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha đã mời gọi cộng đoàn hãy sống với Ơn Chúa Thánh Thần được lãnh nhận, tiếp tục nên gương sáng cho con cái và những người chung quanh bằng đời sống chan hòa bác ái, yêu thương. Với các em thiếu nhi, khi nhận Ơn Chúa Thánh thần hãy trở nên giống Chúa, hãy sống như có Chúa đang hiện diện nơi mình trong lời nói, trong việc làm, nơi trường họccũng như trong cuộc sống hằng ngày.

Thánh lễ được cử hành trong trang nghiêm và sốt mến.

Sau bài cám ơn của ông chánh trương, Đức Cha Đaminh đã ban phép lành cuối lễ và chụp hình lưu niệm với các em

Là giáo xứ nhỏ bé, giáo xứ Tây Hải với diện tích chỉ có nửa cây số vuông với 1163 nhân khẩu trong 265 hộ Công Giáo. Khoảng từ năm 2011, giáo xứ Tây Hải đã được mọi người biết đến nhiều hơn qua các công việc bác ái, xã hội do cha Giuse Nguyễn Văn Tịch phát động khi về nhậm xứ. Nổi bật nhất là Nghĩa Trang Thai Nhi, Mái Ấm Mai Tiến, bữa ăn phục vụ người nghèo, những món quà cho các người có hoàn cảnh neo đơn già yếu.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho các em, để các em khi đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, các em có đời sống thật xứng đáng và Chúa Thánh Thần tác động giúp các em phát huy và thêm sức mạnh trong đời sống đức tin trở thành chứng nhân của Chúa trong đời sống hằng ngày.