Ngày 08-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/06: Bình an bên trong sẽ bình an bên ngoài – Lm. Phêrô Hoàng Kim Huy, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:20 08/06/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Đó là lời Chúa
 
Chi tiết mới là điều khiến tình yêu phát triển theo cấp số nhân
Lm. Minh Anh
04:47 08/06/2022

CHI TIẾT MỚI LÀ ĐIỀU KHIẾN TÌNH YÊU PHÁT TRIỂN THEO CẤP SỐ NHÂN
“Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phẩy trong Lề Luật cũng không qua đi!”.

Một người rất khắt khe, đến nỗi, ông lập một “danh sách những điều nên làm và không nên làm” cho vợ; ông yêu cầu cô đọc mỗi ngày và tuân theo! Sau nhiều năm, ông qua đời, cô ấy tái hôn; người này đã làm tất cả để cô hạnh phúc. Ngày kia, cô chợt tìm thấy ‘tấm lệnh’ xưa. Xem qua, cô cảm nhận, dẫu người chồng hiện tại không đưa cho cô bất kỳ một ‘tấm lệnh’ nào, nhưng dù sao, cô cũng đang làm mọi thứ đến từng chi tiết mà chồng cũ của cô yêu cầu. Cô biết, mình đã hết lòng vì người đàn ông này, và ước mong sâu sắc của cô là làm hài lòng anh vì tình yêu chứ không vì nghĩa vụ. Cô cảm nhận, ‘chi tiết mới là điều khiến tình yêu phát triển theo cấp số nhân!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cũng tiết lộ một điều tương tự! Thực tế, ‘chi tiết mới là điều khiến tình yêu phát triển theo cấp số nhân!’. Với Chúa Giêsu, những chi tiết của tình yêu, thể hiện qua việc yêu mến Lề Luật, dù là nhỏ nhất, cũng có tầm quan trọng lớn lao. Ngài nói, “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phẩy trong Lề Luật cũng không qua đi!”.

Dưới ánh sáng của sự hoàn hảo, khi các chi tiết nhỏ nhất trong luật yêu thương được chú ý, thì luật đó càng được tôn trọng ở mức độ lớn nhất. Và thật bất ngờ, đây là một hành vi đức tin! Chỉ những ai có đức tin mới có thể tận tuỵ với những chi tiết phải giữ, phải làm vì tình yêu. Chúa Giêsu không đến để huỷ bỏ Lề Luật, nhưng để đưa Lề Luật lên một cấp độ cao hơn, tế nhị hơn, kể cả những chi tiết; từ văn tự trên bia đá đến tình yêu khắc trong tim, viết trong hồn. Cấp độ cao hơn đó, chính là cấp độ đức tin! Tầm nhìn của Ngài về Lề Luật giúp con người nhận thức nó trong một ánh sáng mới, ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng của Thánh Thần!

Giáo phụ Chromatius viết, “Trong khi bỏ qua điều răn nhỏ nhất là tội, thì càng là tội đối với những điều răn lớn nhất. Thánh Kinh nói, “Ai coi thường những điều nhỏ nhặt, sẽ chết dần!”. Mọi điều phải được bảo tồn, trung thành dạy dỗ và tận tụy để vinh quang của Vương Quốc không bị mai một. Quả thực, những điều nhỏ nhặt được coi là ít quan trọng nhất đối với những người không tin hay bởi thế gian lại không hề nhỏ trước mặt Chúa; nó thật cần thiết! Những điều nhỏ nhặt chỉ ra tương lai lớn lao của thiên đàng; bởi lẽ, ‘chi tiết mới là điều khiến tình yêu phát triển theo cấp số nhân!”. Phần lớn các thánh trên trời là người đã làm những việc nhỏ!

Thật thú vị, bài đọc Các Vua hôm nay cho thấy các chi tiết đầy niềm tin nơi Êlia, một người hết lòng vì Thiên Chúa và Lề Luật. Êlia thách thức 450 sư sãi Baal cầu xin thần của mình giáng lửa thiêu đốt của lễ. Các thầy sãi đã thất bại và Êlia chiến thắng! Những gì Êlia đã làm thật chi tiết! Ông lấy đá làm bàn thờ, đào mương; xếp củi, xẻ con bò ra từng miếng, đặt trên củi; bảo người ta lấy nước rưới lên đến hai lần, ba lần. Lửa trời đã giáng xuống thiêu đốt của lễ ông dâng, “Trông thấy thế, toàn dân kinh hãi sấp mặt xuống đất mà nói, ‘Chúa là Thiên Chúa!’”. Ý nghĩa biết bao, Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu!”.

Anh Chị em,

‘Chi tiết mới là điều khiến tình yêu phát triển theo cấp số nhân!’. Lời Chúa mời gọi chúng ta nghĩ đến những ai Chúa đã đặt trong cuộc đời mình để yêu thương; đặc biệt các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn. Liệu bạn có chú ý đến từng hành động nhỏ nhất của lòng nhân ái? Bạn có thường xuyên tìm cơ hội để đưa ra một lời động viên đầy yêu thương? Bạn có nỗ lực, cả trong những chi tiết nhỏ nhất, để thể hiện rằng, bạn quan tâm và đang ở đó để chăm bẵm họ? Tình yêu nằm ở các chi tiết; và các chi tiết lại làm sáng tỏ vinh quang Lề Luật của Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con tìm kiếm những cơ hội dù là nhỏ nhất để thể hiện tình yêu của con với Chúa và với tha nhân; vì ‘chi tiết mới là điều khiến tình yêu phát triển theo cấp số nhân!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp hành với Giáo Hội
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:55 08/06/2022

Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp hành với Giáo Hội
Lễ Chúa Ba Ngôi

“Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước” (Thư Chung HĐGMVN năm 2011, số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

1. Nguồn gốc của Giáo Hội

“Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được đoàn tụ nhờ mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4). Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự; vậy, Người cũng là căn rễ, là nền tảng của Giáo hội. Hơn nữa, mạc khải đã cho thấy rõ chỗ đứng độc đáo của Giáo hội trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi.Vì thế, ngay ở chương đầu của Hiến Chế về Giáo hội, công đồng Vaticanô II đã xác định là Giáo hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là từ sáng kiến của Chúa Cha, từ khôn ngoan của Chúa Con, và từ tình yêu của Chúa Thánh Thần. Giáo hội cũng là nơi kế hoạch của Thiên Chúa diễn tiến, là nơi hội tụ sứ mạng của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần.

Tình yêu của Thiên Chúa đi trước tình yêu của con người. Giáo Hội không phải là công trình của con người, nhưng là sáng kiến của Thiên Chúa. Giáo Hội luôn được Chúa Cha nghĩ đến trong chương trình cứu độ, được chuẩn bị trong lịch sử giao ước với Israel, và được thiết lập ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Cũng như Đức Giêsu, Giáo Hội xuất hiện tự trời cao. Nguồn gốc của Giáo Hội không phải ở dưới đất, nhưng từ Thiên Chúa. Chính từ trời mà Con Thiên Chúa đã đến thế gian, mặc lấy xác phàm, để làm cho nó được sống bằng sự sống của Ba Ngôi.Qua mầu nhiệm Phục sinh, Thần Khí đã đi vào thế giới cách viên mãn và vĩnh viễn, để thời gian của con người trở thành thời kỳ cánh chung, thời kỳ xen giữa hai lần Đức Kitô đến. Đây cũng là thời kỳ Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử nhân loại. Giáo Hội được sinh ra từ sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội là một ân huệ, một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Người ta không làm ra Giáo Hội, nhưng chỉ lãnh nhận. Giáo Hội như vầng trăng, toả chiếu ánh sáng của Mặt Trời duy nhất là Đức Kitô.

Giáo Hội nhất thiết là một Giáo Hội dấn thân, không phải để tìm kiếm lợi lộc như những kẻ có quyền trong thế gian, nhưng đứng về phía người nghèo, vì chính Giáo Hội cũng nghèo và yếu đuối, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Tử Nạn và Phục Sinh. Một Giáo Hội đồng hành với con người, dâng lên Thiên Chúa những lời van xin và nước mắt của họ. Đồng thời Giáo Hội cũng có khả năng loan báo cho họ Nước Thiên Chúa đang đến, một Nước khác hẳn những suy nghĩ thiển cận của con người. Một Giáo Hội loan báo niềm vui và hy vọng mà Giáo Hội có được nhờ sự vâng phục của Chúa Kitô. Một Giáo Hội tự do, không thoả hiệp với thứ luận lý của quyền lực thế gian. Tuy nghèo khó và phục vụ, nhưng Giáo Hội lại là tiếng của con người thưa lên Thiên Chúa và tiếng của Thiên Chúa nói với con người (x. Giáo Hội, hình ảnh của Ba Ngôi, Lm Micae Trần Đình Quảng).

2. Hiệp hành trong Ba Ngôi Thiên Chúa

Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Giáo hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’” (Hiến chế LG số 4). Sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa luôn là khuôn mẫu cho sự hiệp nhất của Giáo hội. Nói cách khác, vì Giáo hội có nguồn gốc từ Ba Ngôi Thiên Chúa nên mầu nhiệm hiệp nhất của Ba Ngôi được phản chiếu nơi Giáo hội. Sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa luôn là căn nguyên của mọi loài hiện hữu. Việc tạo dựng và cứu chuộc luôn là một hành động tình yêu tự do của Thiên Chúa. Vì yêu và muốn thông ban nên Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật. Cũng vì yêu và muốn thông ban tình yêu nên Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hiệp nhất với Ngài…

Thiên Chúa hiệp hành trong chính nội tại của Ngài, nên Ngài cũng luôn hiệp hành trong nhiệm cục, và chính từ sự hiệp hành đó mà có muôn loài hữu hình và vô hình.

Luôn có sự hiệp hành nơi Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đặc biệt trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Chúa Thánh Thần được gửi đến trong Nhân tính của Đức Giêsu qua ơn thường sủng để đồng hành với Đức Giêsu trong các hành động và lời nói giảng dạy của Ngài nơi sứ vụ cứu chuộc. Từ các phát xuất nội tại của Thiên Chúa mà sứ vụ hữu hình và vô hình của Chúa Con và Chúa Thánh Thần nơi thụ tạo phát xuất ra. Vì thế, không thể nói tới sứ vụ hữu hình của Đức Giêsu mà không nhắc tới sứ vụ vô hình của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ. Giống như các hành động của Đức Giêsu đều bắt nguồn và hướng về Chúa Chua, sứ vụ của Chúa Thánh Thần cũng có nguồn gốc từ Chúa Cha và Chúa Con để quy tụ thụ tạo về vương quyền của Thiên Chúa thông qua Nhân tính của Đức Giêsu. Sứ vụ này vẫn được tiếp tục nơi Giáo hội mà Đức Giêsu thành lập. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động nơi Giáo hội được Chúa Giêsu xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ, như một Israel mới nhằm đưa mọi thụ tạo quy về vinh quang Thiên Chúa. (xem thêm: “Cội nguồn chiều kích hiệp hành trong Giáo Hội Công Giáo”, Nội san Thần học số 106, tháng 6 năm 2022).

3. Giáo hội tiếp tục sứ mạng hiệp hành của Đức Giêsu Kitô

Việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa được bắt đầu từ khi Đúc Giêsu chính thức thi hành sứ vụ công khai của Ngài. Ngài loan báo về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa bằng việc chọn gọi các Tông đồ và thiết lập Nước đó ở giữa nhân loại. Giáo hội được thiết lập trên nền tảng các Tông đồ có sứ mạng quy tụ muôn dân nước về vương quyền của Thiên Chúa. Truyền thống Tông truyền được thiết lập từ các Tông đồ trở nên như khí cụ cho việc hiệp hành trong Giáo hội và trên toàn thế giới. Sự hiệp hành qua Truyền thốngTông truyền không những được thể hiện qua cơ cấu phẩm trật hữu hình mà cả trong cơ cấu vô hình của Giáo hội. Vì được Thánh truyền hướng dẫn, các thành phần trong Giáo Hội luôn quy hướng về một đức tin chân thật…

Nơi Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa Ba Ngôi tiếp tục hiệp hành với nhân loại. Sự hiệp hành được cụ thể hoá nơi người tín hữu. Mỗi khi chúng ta thi hành việc bác ái, đặc biệt cho những người nghèo khó, bệnh tật, đau khổ và bị bỏ rơi là chúng ta đang phỏng lại các phát xuất nơi Thiên Chúa Ba Ngôi trong con người chúng ta. Sự hiệp hành nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi được nối dài ra trong sứ vụ của các Ngôi Vị trong nhiệm cục cứu độ và được tiếp tục nơi mỗi người. Chính vì vậy, có thể nói hiệp hành là cách thức mà Thiên Chúa sử dụng để đưa chúng ta trở về với Ngài. Từ sự hiệp hành nội tại Thiên Chúa, Ngài hiệp hành với chúng ta trong nhiệm cục. Và vì được tham dự vào sự hiệp hành đó, chúng ta, qua Giáo hội được mời gọi hiệp hành với nhau để có thể tiến về hiệp hành với Thiên Chúa cách trọn hảo trong tình yêu và vinh quang của Ngài. (xem thêm: “Cội nguồn chiều kích hiệp hành trong Giáo Hội Công Giáo”, Nội san Thần học số 106, tháng 6 năm 2022).

Nhìn lên cung thánh, chúng ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ. Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.

Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha. Ngài tự nguyện chịu đau khổ,chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha,để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài. Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.

Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô. Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi Linh mục đọc Lời Truyền Phép là khi Chúa Kitô nói qua môi miệng của Linh mục. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa Linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh,cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô,Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34).Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi,chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17,21).

Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại gia đình, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu thánh giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin Công Giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu thánh giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm tạ Chúa ngự trong tâm hồn con. Xin giúp con nhận ra Chúa luôn ở trong con và nơi anh chị em con.Amen.
 
Mầu nhiệm Tình yêu hiệp thông chia sẻ và cứu độ
Lm. Đan Vinh
05:02 08/06/2022

CN 11 TN C - LỄ CHÚA BA NGÔI
Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU HIỆP THÔNG CHIA SẺ VÀ CỨU ĐỘ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 16,12-15

(12) “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. (13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (15) Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

2. Ý CHÍNH :

Bài Tin mừng của thánh Gio-an hôm nay trích từ bài diễn từ giã biệt, trong đó, Đức Giê-su trăn trối tất cả những chân lý mặc khải cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Như một ông Thầy hiểu biết mức độ lãnh hội giới hạn của các môn đệ, Đức Giê-su đã hứa ban Thần Khí Sự Thật đến để soi sáng cho các ông và dẫn đưa các ông đến sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật đó chính là Chúa Thánh Thần.

3. CHÚ THÍCH :

-C 12-13 : + Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi : Chân lý đức tin đã được Đức Giê-su mặc khải, nhưng các môn đệ lại chưa có khả năng lãnh hội được, vì các ông chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm về một Đấng Thiên Sai trần tục của dân Do thái thời bấy giờ. + Khi nào Thần Khí Sự Thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn : Vào lễ Ngũ Tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động nên các ông đã hiểu biết toàn vẹn các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn, soi lòng mở trí các môn đệ nhận biết sự thật. + Tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến : Thánh Thần không nói những gì khác với Đức Giê-su. Do đó, tất cả những điều người ta nghĩ về Thiên Chúa mà khác với lời dạy của Đức Giê-su như các Tông đồ rao giảng, thì đều sai lầm. ư Tin mừng của Gio-an có đọan viết như sau : “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có... Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,14.17-18).
-C 14-15 : + Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy : Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, thể hiện nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. + Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em : Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục soi lòng các Đức Giáo hoàng kế vị Tông đồ Phê-rô và các Giám mục kế vị các Tông đồ khác khi họp Công Đồng Chung. Do đó, giáo huấn của các ngài về đức tin và luân lý đều được Thánh Thần soi dẫn hợp với Lời dạy của Chúa Giê-su, nên tuyệt đối không sai lầm được.

4. CÂU HỎI :

1) Tại sao các môn đệ lại không thể hiểu hết những Lời Đức Giê-su rao giảng trong thời gian Người giảng đạo?
2) Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt đối với các môn đệ của Đức Giê-su?
3) Giáo huấn của các Đức Giáo Hòang và của các Công Đồng chung về đức tin và luân lý có thể sai lầm không? Tại sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. CÂU CHUYỆN :

1) TÌNH THƯƠNG CỦA MẸ DIỄN TẢ TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA : “Tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7) :
Trong phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố Hồ chí Minh sáng ngày 16-8-1996, ngay ở hàng ghế đầu, suốt những giờ xét xử của Hội đồng xử án, một người đàn bà với đôi mắt ướt đẫm nước mắt, cứ nhìn đăm đăm vào chiếc lưng của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là chiếc lưng của đứa con đầu lòng của bà trong chiếc áo tù, và có in ký hiệu "AB". Cho đến khi công tố viên đọc xong lời buộc tội và đề nghị mức án "hai mươi năm tù vì tội giết người" bà bỗng nấc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Bà ngất xỉu có lẽ vì bà không chịu đựng nổi mức án dành cho con bà: 20 năm tù vì cái tội giết người; mà người nó định giết không ai khác hơn là chính bà. Bà là mẹ của bị cáo và cũng chính là người bị hại!
Hơn một năm trước đây, vào ngày 16 tháng 7, 1995, chính nó đã cầm một thanh gỗ tròn dài nửa mét đánh vào đầu bà, rồi cầm một con dao đâm vào ngực bà. Người đầm đìa máu bà ngã xuống ngất xỉu - vì con. Hôm nay bà lại ngã xuống, ngất xỉu... cũng vì con. Con bà - Lương Quốc Tuấn, sinh năm 1976, ở quận 11, làm thợ cửa sắt. Từ khi lên 5 tuổi, cha của Tuấn đã bỏ mẹ con Tuấn đi sống với người khác. Mẹ của Tuấn lặn lội nuôi hai đứa con thơ lớn lên. Thế mà... Sáng hôm đó, chúa nhật, Tuấn dậy trễ. Tuấn hỏi xin mẹ mấy ngàn ăn hủ tiếu. Mẹ Tuấn không cho, bảo lấy mì ăn liền nấu ăn. Tuấn khai trước toà: "Mẹ nói từ ngày quen con nhỏ đó thân ốm nhom ốm nhách, không tiền không bạc... mẹ không cho tiền còn nói nọ nói kia..." Thế là Tuấn đã làm cái điều mà có lẽ nghe đến, ai cũng thấy rợn cả người: đánh, giết mẹ! Với 10 vết thương, chỉ có hai vết ở tay, còn lại toàn ở đầu và ngực nhưng khi từ bệnh viện sau sáu ngày điều trị trở về, bà lại ráng sức để xách đồ ăn vào thăm con đang bị giam trong tù ! Sợ con bị đưa ra toà, bà đã viết giấy bãi nại xin xóa tội cho con. Và trước toà, bà cứ khóc nói : "Từ nhỏ đến khi lớn nó ngoan lắm. Nó không uống rượu, không hút thuốc, xin toà giảm tội !" Rồi bà nức nở tỏ ra ray rứt, ân hận, trách mình : "Tôi không nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó phải đi làm sớm, lúc học xong lớp 8." Hoàn toàn bà không hề nhắc gì đến cái tội tày trời mà đứa con của mình đã mắc phải.
Bên trong phòng xử án, khi bà tỉnh lại, phóng viên đến xin hỏi chuyện bà, bà lại khóc nói : "Tôi không nói được gì đâu, đau đớn quá." Khi có các phóng viên đến chụp ảnh con bà đang một tay bị còng vào ghế, bà van nài : "Xin đừng chụp ảnh con tôi..." Khi những người công an còng hai tay con bà giải đi, bà đã lao người với theo, bà ngã trong vòng tay của người quen. Lúc ấy phóng viên nhìn thấy rất rõ một vết thẹo trên trán của bà. Vết thẹo do chính tay con bà đã cầm một thanh gỗ đập vào để lại... (Tuổi Trẻ 17-8-1996).

2) CON NGƯỜI KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA :
VÔN-TE là người đã công khai bỏ đạo và hoàn toàn không tin vào Thiên Chúa và còn luôn chế diễu niềm tin của các Kitô hữu. Một hôm ông đi bách bộ với một người bạn thân có đức tin sâu sắc, trên một đường quê ở ven rừng. Giữa giao lộ có một cây Thánh giá phủ đầy tuyết trắng xóa. Bấy giờ VÔN-TE chỉ vào cây Thánh giá phủ đầy tuyết và nói với anh bạn : “Đây là hình ảnh của tôn giáo ngày nay. Thiên Chúa của các anh đã bị văn minh khoa học phủ kín mặt mày và niềm tin tôn giáo đã bị sự lạnh lùng băng giá của con người hôm nay che lấp. Vì vậy, Thiên Chúa của các anh không còn lý do tồn tại nữa”. Chợt lúc đó, một cơn gió mạnh thổi đến hất tung chiếc mũ trên đầu VÔN-TE xuống đất, đồng thời cơn gió cũng làm tan chảy lớp tuyết bao phủ cây Thánh giá khiến gương mặt Chúa Giê-su trên cây Thánh giá từ từ hiện ra rõ nét. Người bạn của VÔN-TE lúc đó mới nói : ”Này anh bạn, đây mới là hình ảnh đích thực của niềm tin tôn giáo hôm nay. Cho dù con người vẫn lạnh lùng và chai cứng như lớp tuyết trắng che kín Thánh giá, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn dư sức hất tung sự kiêu ngạo của con người và làm tan chảy sự lạnh lùng nơi con tim sỏi đá của con người. Ngài luôn hiện hữu cho dù con người có ra sức loại trừ Ngài”.

3) CHÍNH TÔI ĐÃ GẶP THẤY NGƯỜi :
Hồi ấy AN-RÊ PHỐT-SA (André Foissard) là một sinh viên thuộc một gia đình vô tín ngưỡng. Thân phụ ông là người vô thần, cố tình để trên bàn học của con các sách báo có nội dung bài bác đạo Công giáo để con cũng đi theo sự vô tín của mình. Nhưng dù sống trong môi trường vô tín như thế, Phốt-sa vẫn đạt tới đức tin nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Một hôm, anh đi vào nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri để tìm một người bạn. Cặp mắt của anh tình cờ nhìn thấy tượng Chúa Giê su đang chịu đóng đanh trên cây thập giá. Lập tức anh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Anh đến đứng dưới chân cây thập giá ấy một hồi lâu và những giọt nứơc mắt cứ tự nhiện lăn dài trên má. Bấy giờ anh cảm thấy mình như một đứa con đã đi lạc trong một thời gian dài, nay mới vừa tìm thấy người cha thân yêu của mình. Sau này anh đã thuật lại biến cố ấy trong một tác phẩm thời danh là “Quả thật có Thiên Chúa. Chính tôi đã gặp Ngài”.

4) TÌNH THƯƠNG HY SINH CHẾT THAY CHO NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT :
Cha thánh MA-XI-MI-LIÊN KÔN-BÊ (Maximilien Kolbe) thụ phong linh mục năm 1918. Cha bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Ô-sơ-vích (Auschwitz). Đây là một nhà tù hãi hùng nhất bao gồm mọi hình phạt và kỷ luật sắt ghê gớm, độc ác dành cho các tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên mình, thay vào đó là những con số. Cha Kôn-bê mang số tù binh là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức khắc nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân là nạn nhân của thứ luật rừng này trong đó có cha Ma-xi-mi-lien Kôn-bê.
Đó là một ngày trong tháng 8.1941, một người tù đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định chịu chết thay cho anh ta. Trong số mười người này có anh lính Ga-giô-ních-giéc (Gajowniczek). Anh kêu khóc thảm thiết khi nghe đọc tên mình trong số người bị chết, vì anh còn mẹ già, vợ con đang chờ mong anh về. Trước thảm cảnh đó, vì lòng mến Chúa yêu người, Cha Kôn-bê đã đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù anh dũng bước vào phòng hơi ngạt số 14. Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác ra ngoài, nhưng Cha Ma-xi-mi-lien Kôn-bê vẫn còn thoi thóp thở, người ta chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.
Trong thánh lễ phong chân phước Ma-xi-mi-lien Kôn-bê lên bậc hiển thánh, có một cụ già được đứng trong đoàn người lên dâng lễ vật. Ông đã Đức Thánh Cha Phaolô VI chủ tế ôm hôn. Đây chính là người tử tù được cha thánh chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn đã sốt sắng hát khúc tình ca : “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu”. Đây là một chứng tích tình yêu cao vời khiến mọi người hiện diện đều rất xúc động và rơi nước mắt. Tình yêu hiến thân chịu chết thay cho tha nhân đã diễn tả chính tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa Ba Ngôi như lời Chúa Giê-su phán : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

3. THẢO LUẬN :
1) Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Vậy mỗi tín hữu phải có bổn phận thế nào đối với Chúa Ba Ngôi?
2) “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vậy bạn cần sống tinh thần hiệp thông, chia sẻ yêu thương nơi gia đình, đoàn thể và trong xứ đạo của bạn thế nào để nên giống như tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa?

4. SUY NIỆM :

1) NHẬN BIẾT MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT : Với trí khôn suy luận theo nguyên lý nhân quả, người ta có thể biết có Đấng Tạo Hóa. Nhờ Mô-sê trong Cựu Ước, dân Do thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tự hữu và là Đấng duy nhất (x. Xh 20,2-3). Nhưng đến thời Tân Ước, nhờ Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa làm người, mà loài người chúng ta còn biết Thiên Chúa có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha yêu Chúa Con từ trước muôn đời và đã sai Chúa Con xuống trần gian làm Đấng Thiên Sai. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con và là Đấng được Chúa Cha cử xuống với Hội Thánh để giúp Hội Thánh tiếp tục sứ mạng của Chúa Giê-su trao phó là rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Giê-su hầu góp phần cứu độ trần gian.

2) HỘI THÁNH NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA BA NGÔI NHỜ CHÚA GIÊ-SU :
+ Trong cuộc Thần hiện tại sông Giođan : “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khi Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).
+ Khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô : “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những Lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào Con thì được sống đời đời” (Ga 3,34-36a).
+ Khi trao sứ vụ truyền giáo cho các môn đệ trước khi lên trời : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
+ Trong bài giảng của Phê-rô vào lễ Ngũ Tuần : “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).
+ Trong lời cầu chúc cho các tín hữu của tông đồ Phao-lô : “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em... Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, làm ngôi nhà Thiên Chúa” (Ep 2,18.22).

3) ĐẶC ĐIỂM MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA CHÚA BA NGÔI :
+ Ba Ngôi liên kết với nhau trong một tình yêu hiệp nhất trọn vẹn : Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi khác nhau nhưng hiệp nhất trong một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau như Đức Giê-su đã khẳng định : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Để tất cả nên một, như lạy Cha : Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Chúa Cha và Chúa Con luôn hiệp nhất nên một trong tư tưởng và trong hành động, nên Đức Giê-su đã luôn vâng lời Cha và làm theo thánh ý Chúa Cha : “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giê-su như lời Người phán trong Tin Mừng hôm nay : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người (Chúa Thánh Thần) sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi trọn vẹn đến nỗi một Ngôi biểu hiện cho cả Ba Ngôi, như Chúa Giê-su đã cho biết : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ngày nay Hội Thánh tôn thờ Chúa Cha qua hình ảnh Con Thiên Chúa nhập thể làm người là Chúa Giê-su, Đấng đã đi giảng đạo và sau cùng đã chịu nạn chịu chết trên cây thập giá để chuộc tội cho loài người, đã được an táng trong mồ, rồi ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại vinh quang.
+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu trao ban : Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con chính mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha: Dâng bản thân, ý muốn, và ngay cả mạng sống của mình. Khi hấp hối trong vườn Giệt-si-ma-ni, Chúa Giê-su tuy sợ phải chịu chết theo ý Chúa Cha nhưng sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha qua lời cầu nguyện : “Áp ba, Cha ơi ! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến đến nỗi không giữ lại điều gì cho mình, mà sẵn sàng cho đi tất cả.
+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết trong một tình yêu cứu độ : Tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa sung mãn tuôn đổ xuống muôn loài: Chúa Cha tác sinh để làm cho muôn loài được sống, rồi khi loài người phạm tội lẽ ra phải chết, Chúa Cha đã sai Chúa Con nhập thể làm người là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su được Thánh Thần hướng dẫn đi công bố Tin mừng Nước Trời và chấp nhận con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” theo thánh ý Chúa Cha để cứu độ loài người. Từ đây ai muốn được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cần tin theo làm môn đệ Chúa Giê-su và được thánh hoá nhờ ơn Thánh Thần ban qua lãnh nhận các phép bí tích do Hội Thánh cử hành.

4) SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI GIỮA ĐỜI THƯỜNG :
+ Tuyên xưng đức tin bằng làm dấu thánh giá: Mỗi ngày, khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Làm dấu Thánh giá là ta ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể và trên mọi hoạt động của ta. Do đó ta cần làm mọi việc cách nghiêm túc đẹp lòng Thiên Chúa.
+ Kết hiệp với Chúa Ba Ngôi bằng lối sống yêu thương : Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi nơi chúng ta để kết hiệp mật thiết với Ngài, bằng việc biểu lộ lòng mến Chúa qua việc tuân giữ giới răn yêu thương như Đức Giê-su dạy : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
+ Lắng nghe Chúa phán dạy qua Thánh Kinh và tiếng lương tâm : Ngày nay, Thiên Chúa siêu việt vẫn luôn ở với chúng ta để nhắc nhở chúng ta làm lành lánh dữ qua Lời dạy của Chúa trong Sách Thánh và trong tiếng lương tâm. Hãy giữ sự thinh lặng nội tâm để có thể nghe được tiếng Người. Hãy biết quảng đại chia sẻ tình thương của Người với tha nhân, nhất là giúp đỡ phục vụ Chúa đang hiện thân qua những người nghèo hèn, yếu đuối, bất hạnh và bị bỏ rơi.
+ Xây dựng Cộng đoàn thống nhất trong đa dạng : Như “Thiên Chúa là Một theo Bản Tính, là Ba theo Ngôi Vị”, Hội thánh cũng phải vừa thống nhất vừa đa dạng. Hội thánh có mười hai Tông đồ, bốn sách Tin mừng, hai kinh Lạy Cha... Tuy nhiên, để sự thống nhất mà không trở nên khép kín nghèo nàn, để sự đa dạng không biến thành cớ gây chia rẽ, thì cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa mọi thành phần trong Hội thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của loài người. Hãy thống nhất trong những điều chính yếu, nhưng chấp nhận sự đa dạng trong những điều tùy phụ.

5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Chúa là mẫu mực của một tình yêu tinh tuyền. Xin cho các tín hữu chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Xin dạy chúng con biết yêu người như Chúa đã yêu con, biết sống với và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Lạy Ba Ngôi chí thánh. Xin cho chúng con luôn vững tin vào sự hiện diện quyền năng của Chúa trong chúng con và trong những người nghèo hèn đau khổ đang cần sự trợ giúp của chúng con.- AMEN.
 
Ba Ngôi trong đời sống người kitô hữu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:27 08/06/2022
Ba Ngôi trong đời sống người kitô hữu

Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm – C

(Ga 16, 12 - 15)

Chúa Nhật đầu tiên sau Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là Đại Lễ Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ Lời Chúa chỉ rõ, Chúa Cha là Đấng xếp đặt muôn cõi trời (x. Cn 8,22-31) Chúa Con, Đấng ban ân sủng (x.Rm 5,1-5); Chúa Thánh Thần là Đấng lãnh nhận từ Chúa Giêsu mà rao truyền cho các môn đệ (x.Ga 16, 12-15). Đó là Đại Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Ba Ngôi là gì?

Người Kitô hữu chúng ta được rửa tội "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần". Khi bắt đầu cầu nguyện, chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên trán, trên trái ngực và trên hai vai bằng cách cầu khẩn Thiên Chúa: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần: đó là Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta không thể tưởng tượng được một Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi Vị. Chính Thiên Chúa đã mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Người qua việc gửi Con của Ngài là Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần đến. Chúa Giêsu cũng mạc khải Thiên Chúa là "Cha", bằng cách cho chúng ta thấy, Người chỉ tồn tại qua Cha của Người. Chúa Giêsu là một Thiên Chúa với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ của mình, mười hai người mà Người đã chọn và gửi Chúa Thánh Thần xuống. Chúa Thánh Thần sẽ ở với họ và trong họ để hướng dẫn họ và dẫn dắt họ "đến sự thật toàn vẹn" (Ga 16,13). Như vậy, Chúa Giêsu làm cho chúng ta được biết đến như một người thiêng liêng khác.

Ba Ngôi nhưng là Một: chúng ta không tin vào ba vị thần, nhưng vào một Thiên Chúa trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi là tất cả trong Chúa. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi chỉ tồn tại trong sự hợp nhất với hai ngôi kia trong một mối quan hệ yêu thương hoàn hảo. Vì vậy, toàn bộ công trình của Thiên Chúa là công việc chung của Ba Ngôi và toàn bộ đời sống của người Kitô hữu chúng ta là một sự hiệp thông với mỗi Chúa trong Ba Ngôi.

Dấu Thánh Giá và Thiên Chúa Ba Ngôi

Ngày lễ Chúa Ba Ngôi muốn nhấn mạnh rằng, nhờ ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà mầu nhiệm của vũ trụ và lịch sử được tỏ bày trọn vẹn, đó là : "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8.16). Để giúp sống và cử hành lễ tình yêu này cho nên, chúng ta cùng nhau nhắc lại rằng việc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần được liên kết với Dấu Thánh Giá. Việc thực hành đạo đức này là dấu chỉ nền tảng đời sống cầu nguyện của người kitô hữu… Dấu Thánh Giá tiên vàn là một sự kiện về Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta tới Chúa Kitô, Chúa Kitô mở cửa cho chúng ta bước vào trong tương quan với Chúa Cha. Như thế, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa xa lạ nữa, nhưng là Thiên Chúa đã có tên; Ngài có một tên. Chúng ta có thể gọi Ngài; Ngài gọi chúng ta. Với Dấu Thánh Giá, chúng ta dìm mình trong Thiên Chúa Bà Ngôi.

Ba Ngôi trong đời sống người kitô hữu

Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chính Người là Chúa Con, đã làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa Cha ngự trên trời, và đã ban cho chúng ta Thánh Thần, là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thần học của Kitô giáo đã tóm tắt chân lý về Thiên Chúa bằng cách diễn tả qua biểu thức: Một bản thể duy nhất trong Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa không phải là Ðấng cô độc nhưng là Ðấng thông hiệp trọn vẹn. Vì lý do này, nhân loại, là hình ảnh của Thiên Chúa, luôn tràn đầy tình yêu, là món quà thân yêu được ban tặng cho mỗi người.

Toàn bộ đời sống của người kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người rửa tội vừa đổ nước vừa đọc rằng, cha rửa con hoặc tôi rửa ông bà anh chị "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần". Vẫn Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần khi cử hành Bí tích Hôn nhân, người nam và người nữ được ràng buộc nên vợ nên chồng (A, hoặc E, hãy nhận chiếc nhẫn cưới này làm dấu chỉ tình yêu và lòng trung thành của A, hoặc E, Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần). Lời cầu nguyện vào cuối đời, chúng ta cầu nguyện rằng : Hỡi linh hồn, hãy lìa xa trần thế này, nhân Danh Thiên Chúa là Cha, Đấng đã tạo dựng, Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc và Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hóa với hy vọng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ban cho người qua đời được hưởng phúc trường sinh.

Tin vào Chúa Ba Ngôi là tin rằng Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì từ đời đời, Thiên Chúa đã "có trong mình" một Người Con, Ngôi Lời mà Người yêu thương với tình yêu vô hạn cùng với Chúa Thánh Thần. Như thánh Augustinô nói, luôn có ba thực tại hoặc chủ thể trong mỗi tình yêu: một người yêu, một người được yêu và tình yêu kết hợp họ. Vị giám mục vĩ đại và thánh thiện này đã viết: "Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là Người được yêu và Chúa Thánh Thần là Tình yêu giữa Cha và Con".

Chúng ta suy niệm Mầu Nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa bằng cách tham dự cách tuyệt vời trong Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tỏ bày nhiệm tích cứu độ của Ngài. Vì vậy, ngày hôm nay, trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh này, chúng ta hãy gia tăng lòng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong cuộc đời chúng ta và sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 08/06/2022

19. Trẻ con thì chỉ cần chiếc thuyền nhỏ của nó chạy thuận lợi là được rồi. Chỉ cần hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa, để thuyền thuận buồm xuôi gió là thành công rồi vậy.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 08/06/2022
2. BIỆT HIỆU CỦA HEO (LỢN)

Một hôm, khỉ, chó, heo và ngựa cùng nhau bàn bạc mỗi người chọn cho mình cái biệt hiệu, khổ nỗi vì không có học vấn nên tìm không ra biệt hiệu nào, thế là cùng nhau vào thành hể thấy chữ là lấy làm biệt hiệu.

Đầu tiên là con chó chạy như bay vào thành, nhìn thấy bức hoành trên thần miếu có đề bốn chữ “hóa cập minh ngoan” (1) , chó nói:

- “Đây chính là biệt hiệu của ta”.

Ngựa vào thành, cúi đầu nhìn xuống thì thấy một tấm bia đá đề bốn chữ “căn thâm cố đế”, bèn nói:

- “Ta lấy chữ này làm tên của mình”.

Một lúc sau thì khỉ nhảy vượt đến, ngước đầu nhìn lên bốn chữ trên bức hoành “vô thiên vô đảng”, bèn nói:

- “Mệnh danh của ta là ‘vô thiên vô đảng’ (2) được rồi”.

Đợi rất lâu con heo mới ụt ịt đi đến, nó tìm khắp mà không nhìn thấy chữ nào cả, chó, ngựa và khỉ đều cười nhạo nó.

Heo nói:

- “Các anh đều chọn tên rồi sao?”

Mọi người đều nói tên của mình cho heo nghe, heo cười nói:

- “Từ trước đến nay chọn biệt hiệu thì chỉ có hai hoặc ba chữ mà thôi, làm gì có bốn chữ chứ?”

Mọi người đều hỏi bây giờ phải làm sao, heo nói:

- “Không sao cả, các ông chỉ cần mỗi người cho tôi một chữ, như vậy thì mỗi người còn ba chữ”.

Ba con súc sinh rất phấn khởi, bèn bàn bạc với nhau: “Chúng ta chỉ có thể lấy chữ cuối cùng cho nó mà thôi”.

Thế là, chó lấy chữ “ngoan”, ngựa lấy chữ “cố”, khỉ lấy chữ “đảng”, và thế là biệt hiệu của heo như thế này: “ngoan cố đảng” (3) .

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 2:

Biệt hiệu là cái tên gắn liền với cá tính và cuộc sống của mình.

Tất cả những người tin vào Đức Chúa Giê-su Ki-tô đều có một tên gọi giống nhau là Ki-tô hữu, nhưng không phải tất cả mọi Ki-tô hữu đều sống đúng với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su và sống như cái tên Ki-tô hữu của mình, bởi vì có những người mang danh Ki-tô hữu nhưng lại đi cúng vái chùa miếu với vợ; có người được mang danh Ki-tô hữu nhưng lại chối bỏ để được hưởng lợi lộc thế gian...

“Ki-tô hữu” là tên gọi rất đặc biệt của những người có niềm tin vào Đức Chúa Giê-su, nó càng có thế giá hơn nữa khi những ai vì tên gọi này mà chịu tù đày bắt bớ và chịu chết, bởi vì như thế họ hoàn toàn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Con heo có biệt hiệu là “ngoan cố đảng” mặc dù nó không ngoan cố, nhưng những người Ki-tô hữu mà ngoan cố chối bỏ danh hiệu này vì lý do nào đó, thì lập tức họ sẽ được mọi người gán cho biệt hiệu là “kẻ chối đạo”, “Giu-đa bán Chúa”..., mà những biệt hiệu này thì nghe không ổn chút nào cả....

Coi chừng đấy, Đức Chúa Giê-su cũng sẽ không biết chúng ta trong ngày phán xét, vì chúng ta đã từ chối không biết Ngài ở trần gian này.

(1) Ý nghĩa là: người dốt nát gàn dở nhận sự cảm hóa mà trở thành người tốt.

(2) Ý nghĩa là: công chính vô tư.

(3) Ám chỉ năm cuối của triều Thanh, dùng Từ Hy thái hậu làm thủ lĩnh của tập đoàn phong kiến Ngoan Liệt.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Gia đình cộng đồng tình yêu phản chiếu tình yêu Ba ngôi
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
23:06 08/06/2022

GIA ĐÌNH
CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU
PHẢN CHIẾU TÌNH YÊU BA NGÔI
LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Trong lịch sử, người ta thường dùng những hình ảnh khác nhau để trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn hình ảnh ngọn lửa. Trong lửa luôn luôn có ba yếu tố: lửa – ánh sáng – sức nóng. Ba yếu tố đó không lẫn lộn vào nhau: ánh sáng là ánh sáng, lửa là lửa, sức nóng là sức nóng. Ba yếu tố phân biệt rõ ràng, nhưng cũng không bao giờ tách biệt khỏi nhau, ngược lại gắn chặt vào nhau. Có lửa là có ánh sáng, có sức nóng.

Từ hình ảnh ngọn lửa, người ta áp dụng để giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa ba Ngôi. Ba Ngôi chỉ là một Chúa duy nhất, nhưng phân biệt rõ ràng: Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng cũng chỉ là một. Và một Thiên Chúa nhưng vẫn cứ là Ba Ngôi.

Không thể lấy đi ánh sáng khỏi lửa và bảo rằng lửa cứ cháy mà không cần ánh sáng. Cũng vậy, vì Ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa, nên mọi hoạt động nơi Thiên Chúa đều quy về Ba Ngôi…

Dẫu sao mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vẫn luôn là huyền nhiệm lớn đối với con người. Đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm ấy, con người làm một sự cố gắng vượt trên sức hiểu biết của mình. Bởi thế, những hình ảnh mà con người cố gắng suy nghĩ để giải thích, dù có hay đến mấy, vẫn chỉ là cố gắng đầy khiếm diện và bất toàn mà thôi.

Điều hay nhất chúng ta cần làm có lẽ không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Thiên Chúa cho bằng quay về với chính mình để sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Bởi vậy, tôi muốn mời bạn cùng tôi suy nghĩ về gia đình vì gia đình là một cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Từ xưa, trong Hội Thánh đã có thói quen áp dụng hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi là kiểu mẫu của tình yêu cha – mẹ – con cái. Ngay từ trong cung lòng mình, tình yêu Thiên Chúa đã là một tình yêu trao ban, tình yêu mở ra, vì thế một mà lại là ba: Trao ban giữa Cha, Con, Thánh Thần.

Nếu Ba Ngôi là kiểu mẫu của gia đình thì mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu hiến thân, tình yêu mở ra đối với người mà mình yêu.

Tình yêu gia đình đòi hỏi có nhau, cho nhau và vì nhau. Nếu một thành viên nào trong gia đình chỉ biết có bản thân, yêu nhưng chỉ yêu chính mình, tình yêu đó đang phản lại kiểu mẫu của tình yêu Ba Ngôi.

Không thể chấp nhận một người làm chồng, làm cha quên trách nhiệm của mình, chỉ biết có say sỉn, còn vợ con có khổ, có đói không đoái hoài tới.

Cũng không ai có thể chấp nhận được một người làm vợ, làm mẹ tệ cho đến mức quên hết vai trò của mình, chỉ biết bài bạc, có khi thức thâu đêm suốt sáng chỉ để thỏa đam mê thấp kém này.

Chúng ta cũng không thể chấp nhận hình ảnh một đứa con trả treo với cha mẹ. Có khi bất chấp cha mẹ có khả năng hay không, nó đòi cho bằng được điều mà nó muốn có.

Tất cả những hình ảnh trên đều đi ngược lại tình yêu Ba Ngôi. Vì đó chỉ là một thứ ích kỷ, vụ lợi cho bản thân. Trên hết mọi sự, hãy bắt chước tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu là cho đi, là rộng ban, là mở ra.

Hãy sống làm sao để gia đình trở thành cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Ba Ngôi.
 
Đồng xu xót thương
Lm. Minh Anh
23:15 08/06/2022

ĐỒNG XU XÓT THƯƠNG
“Con sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng!”.

Chuyện kể về Augustin Dupré, người thiết kế “Đồng Xu Thiên Thần”. Bị kết án tử hình, Dupré nắm chặt đồng xu trong tay và cầu nguyện; nhìn thấy nó, viên đao phủ cho phép ông mặc cả để giữ lấy mạng sống. Từ đó, việc sở hữu một “Đồng Xu Thiên Thần” đồng nghĩa với việc sở hữu ‘đồng xu may mắn’. Napoléon từng giữ bên mình đồng xu đó suốt hành trình chinh phục châu Âu cho tới khi ông thất lạc nó. Đó là thời điểm ngay trước khi diễn ra trận chiến Waterloo!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không chỉ nói đến một ‘đồng xu may mắn’; nhưng còn hơn thế, nói đến những ‘đồng xu xót thương!’. Thoạt nghe, “Con sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng!”, chúng ta có thể nghĩ ngay đến một cảnh báo đáng sợ! Phải chăng những lời này miêu tả sự “cạn tàu ráo máng” của lòng thương xót? Không! Đồng xu phải trả Chúa Giêsu đang nói ở đây là ‘đồng xu xót thương’; đó là một hành động của tình yêu tuyệt vời!

Chìa khoá ở đây là Chúa Giêsu muốn chúng ta hoà giải với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Cụ thể, Ngài muốn tất cả những giận dữ, đắng cay và oán hờn phải được loại khỏi tâm hồn mỗi người. Đó là lý do tại sao Ngài nói, “Hãy mau mau dàn xếp với đối phương đang khi còn trên đường đi tới cửa công”; nói cách khác, hãy nói lời xin lỗi và giao hoà trước khi bạn thấy mình đứng trước toà Chúa. Sự công thẳng của Thiên Chúa hoàn toàn được thoả mãn khi chúng ta hạ mình nhận lỗi và chân thành tìm cách sửa đổi, cũng như tha thứ cho anh chị em mình. Với điều đó, mỗi một “đồng xu” đều được thanh toán; đó là những ‘đồng xu xót thương!’.

Một điều mà Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận, đó là sự cố chấp. Cố chấp là một tội nghiêm trọng và không được tha trừ khi nó được buông bỏ. Cố chấp trong việc từ chối nhìn nhận lỗi lầm của mình là mối quan tâm lớn nhất; cố chấp không chịu thay đổi đường lối của mình cũng rất đáng quan tâm! Thiên Chúa sẽ thi hành công lý của Ngài trên chúng ta cho đến khi chúng ta “trả hết đồng xu cuối cùng”, nghĩa là biết hối cải và tha thứ. Đây là một hành động của tình yêu xót thương của Thiên Chúa, Đấng luôn đợi chờ. Sự phán xét của Ngài chỉ tập trung vào tội lỗi của chúng ta, điều duy nhất cản trở tình yêu của chúng ta với Ngài và với những người khác. “Trả hết đồng xu cuối cùng” cũng có thể được coi là hình ảnh của Luyện Ngục. Chúa Giêsu đề nghị chúng ta hãy thay đổi cuộc sống mình ngay bây giờ, hãy tha thứ và ăn năn ngay bây giờ! Hãy có cho mình ‘đồng xu xót thương!’; bằng không, chúng ta vẫn phải đối mặt với những tội lỗi đó sau khi chết. Tốt hơn, bạn hãy làm những gì có thể khi còn kịp!

Anh Chị em,

Như Dupré, chúng ta có một đồng xu may mắn, ‘đồng xu xót thương’; thế nhưng, như Dupré, chúng ta còn phải biết cầu nguyện. Phải, Dupré đã cầu nguyện và đã cứu được mạng mình! Cũng thế, chúng ta phải cầu nguyện để có thể vượt qua sự cố chấp chết chóc, hầu có thể tha thứ, có thể làm hoà với Chúa, với anh chị em. Không có sức mạnh của ân sủng từ trên, chúng ta không thể chiến thắng chính mình. Thật thú vị, bài đọc Các Vua hôm nay cho thấy mẫu gương cầu nguyện tuyệt vời của Êlia! Giữa lúc hạn hán đang kéo dài, đất nước sắp diệt vong vì đói, vua quan lo lắng, thì “Êlia đã lên núi Carmel, cúi mình xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối” để cầu nguyện. Chúa đã cho mưa đổ xuống! Cũng thế, Chúa cũng sẽ đổ mưa lênh láng xuống cõi lòng chúng ta; bấy giờ ‘đồng xu xót thương’ sẽ là một ‘cánh đồng xót thương’, ‘dòng sông xót thương’ và cả một ‘biển trời xót thương’ khi chúng ta được giao hoà cùng Chúa, cùng anh chị em mình. Và cùng với Êlia, cùng với vua tôi Israel, chúng ta có thể ngợi khen, “Lạy Chúa, Chúa đáng ca tụng trên núi Sion” như lời Thánh Vịnh đáp ca!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con biết tận dụng ‘đồng xu xót thương’ bao lâu còn kịp; đó là con đường giải thoát con khỏi những gánh nặng oán hờn ghét ghen. Và con có thể tận hưởng tự do!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa: Đức Giáo Hoàng có thể chạm trán Kirill tại đại hội tôn giáo ở Kazakhstan vào tháng 9
Đặng Tự Do
06:17 08/06/2022


Hôm thứ Ba, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới Kazakhstan vào tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn quốc tế, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Hội nghị thượng đỉnh do chính phủ Kazak chủ trì với tiêu đề “Đại hội các nhà lãnh đạo thế giới và các tôn giáo truyền thống”, được tổ chức từ ngày 14 đến 15 tháng 9, tại thủ đô Nur-Sultan.

Sự tham gia của chính Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được đồn đãi trong nhiều tuần, đã được xác nhận trong một tuyên bố hôm thứ Ba đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Kazakhstan. Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga đã nói rằng Kirill sẽ tham dự.

Trong tuyên bố của mình, Vatican cho biết “Kazakhstan chia sẻ tầm nhìn toàn cầu về Giáo Hội Công Giáo dựa trên các lý tưởng về lòng tốt, công lý, đoàn kết và lòng nhân ái” và bản thân Giáo Hội Công Giáo “hoan nghênh vai trò của Kazakhstan trong việc thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo”.

Cả Tòa thánh và Kazakhstan, theo tuyên bố, “đồng ý rằng văn hóa đối thoại phải là một trong những giá trị cơ bản của thế giới đương đại. Việc tiếp tục chung sống hòa bình trước những thách thức đương đại chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại toàn diện và bao gồm”.

“Do đó, Kazakhstan hoan nghênh quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự Đại hội lần thứ 7 các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới, sẽ được tổ chức tại Nur-Sultan vào tháng 9 năm 2022”. Tuyên bố cho biết sự tham gia của Đức Giáo Hoàng đã được xác nhận trong cuộc họp ngày 11 tháng 4 giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Kazak Kassym-Jomart Tokayev.

Nếu cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng Phụ Kirill đều tham dự hội nghị thượng đỉnh như đã thông báo, điều đó có thể giúp họ có cơ hội gặp nhau. Vatican đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ đã lên kế hoạch giữa hai người vào tháng này tại Giêrusalem do những vấn đề chính trị gây ra bởi các tuyên bố của Thượng Phụ Kirill.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, gây ra một cuộc chiến tranh bạo lực và gây ra cuộc khủng hoảng di dời hàng loạt với hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, Kirill đã bị chỉ trích trong cộng đồng quốc tế trước tiên vì sự im lặng của ông ta và sau đó là sự ủng hộ rõ ràng của ông ta đối với cuộc xung đột.

Ngoại trưởng Vatican, Hồng Y Pietro Parolin, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Stampa của Ý vào tháng trước, đã bác bỏ lời biện hộ của Kirill về cuộc chiến vì lý do Kitô giáo, nói rằng sự phát triển của chủ nghĩa thế tục là đáng lo ngại nhưng “cách chống lại hiện tượng này không bao giờ có thể bạo lực “.

Ngài nói: “Mọi cuộc chiến tranh, như một hành động xâm lược, là một hành động chống lại cuộc sống của con người và do đó là một hành động phạm tội. Do đó, không thể tìm thấy lời biện minh nào trong lời Chúa, luôn luôn là lời nói của sự sống không phải là sự chết.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên án chiến tranh và đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình, nhưng ngài đã cẩn thận tránh nêu đích danh Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin là những kẻ gây hấn trong cuộc xung đột kéo dài hơn 100 ngày qua.

Trong khi các trợ lý hàng đầu của Đức Giáo Hoàng như Đức Hồng Y Parolin lên án việc Kirill lấy cớ bảo vệ đạo đức Kitô để biện minh cho chiến tranh, Đức Giáo Hoàng đã kiềm chế không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích công khai trực tiếp nào đối với Kirill và những tuyên bố của ông nhằm giữ nguyên vẹn nhiều thập kỷ đối thoại đại kết.

Lần gần nhất ngài công khai phê bình giáo chủ Chính thống giáo Nga là trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera xuất bản ngày 3 tháng 5, khi Đức Phanxicô nói rằng Kirill không nên “biến mình thành cậu bé giúp lễ của Putin”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng khi ngài và Kirill nói chuyện trên Zoom vào giữa tháng 3, Kirill “đã dành 20 phút đầu tiên cầm một tờ sớ để đọc tất cả lý do của cuộc chiến.”

“Tôi đã lắng nghe anh ấy, và tôi nói với anh ấy, 'Tôi không biết gì về chuyện này. Thưa anh, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng tôi không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng phải dùng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Chúng ta là những mục tử chăn dắt cùng một dân thánh của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm kiếm con đường hòa bình, để ngừng tiếng nổ của vũ khí.”

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ngay lập tức phản hồi lại nhận xét của Đức Thánh Cha. Họ nói “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để chuyển tải nội dung cuộc nói chuyện này với Đức Thượng Phụ; Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại “.

Vào thời điểm đó, cuộc gặp thứ hai giữa hai người đang được thảo luận sau cuộc gặp đầu tiên lịch sử ban đầu của hai vị ở Havana vào năm 2016, đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên như vậy giữa một giáo hoàng và giáo chủ Nga.

Tuy nhiên, cuộc họp dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6 tại Giêrusalem, đã bị Vatican hoãn lại vì có khả năng thất bại về mặt ngoại giao do tranh cãi xung quanh cuộc chiến Ukraine và sự ủng hộ của Kirill đối với cuộc chiến này.

Kirill đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cả cộng đồng quốc tế và từ chính cộng đồng Chính thống giáo về quan điểm của mình.

Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai đã công bố một gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, và trong đó đưa Kirill vào trong danh sách đen của họ. Tuy nhiên, chính phủ Hung Gia Lợi đã phản đối việc đưa nhà lãnh đạo Giáo hội Nga vào.

Đầu tuần này, Giáo hội Chính thống giáo Nga tại Ukraine, vốn nhiều năm trung thành với Kirill và Giáo hội Chính thống giáo Nga, đã thông qua các biện pháp cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga do Putin xâm lược Ukraine.

Các biện pháp này đã được thông qua vào ngày 27 tháng 5 và được thông báo sau một hội nghị đặc biệt ở Kyiv tập trung vào “các vấn đề nảy sinh do hành động xâm lược quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine”.

“ Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa… về cuộc chiến ở Ukraine,” tuyên bố cho biết.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill thực sự tham dự hội nghị thượng đỉnh Kazak, điều đó có thể tạo cơ hội cho họ tổ chức một cuộc trò chuyện mà không phải đau đầu về mặt ngoại giao do một cuộc gặp chính thức được lên lịch.
Source:Crux
 
Bài Giáo Lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Tuổi Già và thắc mắc của Nicôđêmô về tái sinh
Vũ Văn An
15:02 08/06/2022

Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ 4, ngày 8 tháng 6 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già, nhấn mạnh đến thắc mắc của Nicôđêmô về việc người già tái sinh. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong số những nhân vật cao niên có liên quan nhất trong các Tin Mừng là Nicôđêmô - một trong những nhà lãnh đạo Do Thái – người, vì muốn biết Chúa Giêsu, đã đến gặp Người vào ban đêm, mặc dù trong vòng bí mật (x. Ga 3: 1-21). Trong cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và Nicôđemô, cốt lõi mạc khải của Chúa Giêsu và sứ mệnh cứu chuộc của Người hiện rõ khi Người nói: “Vì Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người, hầu cho hễ ai tin Con ấy sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (câu 16).

Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng để “nhìn thấy vương quốc của Thiên Chúa”, người ta cần “được sinh lại từ trên cao” (xem câu 3). Điều này không có nghĩa là bắt đầu lại từ việc sinh ra, lặp lại việc chúng ta đến trong thế giới, hy vọng rằng một sự tái nhập thể mới sẽ mở ra cơ hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tái nhập thể như thế không có nghĩa gì cả. Đúng hơn, nó sẽ làm trống rỗng mọi ý nghĩa của cuộc sống mà chúng ta đã sống, xóa bỏ nó như thể đó là một thí nghiệm thất bại, một giá trị đã chấm dứt, một khoảng trống lãng phí. Không, không phải như vậy, không phải là sự tái sinh mà Chúa Giêsu nói đến. Nó là một điều khác thế. Dưới mắt Thiên Chúa, sự sống này rất quý giá - nó lên căn tính chúng ta như những hữu thể được Thiên Chúa yêu thương dịu dàng. Việc “sinh ra từ trên cao” này, một việc giúp chúng ta “vào” vương quốc của Thiên Chúa, là việc sinh ra trong Chúa Thánh Thần, một vượt qua từ nước hướng về miền đất hứa của một sáng thế đã được hòa giải với tình yêu của Thiên Chúa. Đó là sự tái sinh từ trên cao với ơn sủng Thiên Chúa. Nó không phải là được tái sinh về thể lý một lần nữa.

Nicôđêmô hiểu sai việc sinh ra này và hoài nghi nó khi dùng tuổi già làm bằng chứng cho việc bất khả thi của nó: các hữu thể nhân bản chắc chắn sẽ già đi, giấc mơ của tuổi trẻ vĩnh viễn biến mất, cao điểm là số phận của bất cứ sự sinh ra nào trong thời gian. Làm sao có thể tưởng tượng được một hình thức sinh ra một lần nữa? Đây là cách Nicôđêmô nghĩ và ông không thể tìm ra cách nào để hiểu được lời của Chúa Giêsu. Chính xác thì sự tái sinh này là gì?

Sự phản bác của Nicôđêmô dạy chúng ta nhiều điều. Thực vậy, chúng ta có thể đảo ngược nó, theo lời của Chúa Giêsu, với việc khám phá ra một sứ mệnh phù hợp với tuổi già. Thật vậy, già đi không những không phải là một trở ngại đối với việc sinh ra từ trên cao mà Chúa Giêsu muốn nói đến, mà còn trở thành thời điểm thích hợp để soi sáng nó, khiến nó không bị đánh đồng với niềm hy vọng đã mất. Thời đại của chúng ta và nền văn hóa của chúng ta, vốn chứng tỏ xu hướng đáng lo ngại coi việc sinh ra một đứa trẻ chỉ là vấn đề của diễn trình sản xuất con người và tái sản xuất họ về phương diện sinh học, nuôi dưỡng huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu như nỗi ám ảnh tuyệt vọng về một cơ thể không thể bị hủy hoại. Tại sao tuổi già không được đánh giá cao về nhiều mặt? Vì nó mang bằng chứng không thể chối cãi về sự kết liễu huyền thoại này, điều khiến chúng ta luôn muốn trở lại lòng mẹ để trở lại với một cơ thể trẻ trung.

Kỹ thuật, nhiều cách, đang rất hào hứng trước huyền thoại trên. Trong khi chờ đánh bại thần chết, chúng ta có thể giữ cho cơ thể sinh động bằng thuốc và mỹ phẩm có tác dụng làm chậm, giấu, xóa tuổi già. Đương nhiên, phúc lợi là một chuyện, huyền thoại nuôi dưỡng nó lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự nhầm lẫn giữa hai điều này đang tạo ra sự hoang mang tâm thần nào đó trong chúng ta. Nhầm lẫn giữa phúc lợi với việc nuôi dưỡng huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu. Phải làm mọi điều để luôn có tuổi trẻ này - trang điểm thật nhiều, can thiệp phẫu thuật thật nhiều để có vẻ ngoài trẻ trung. Những lời của một nữ diễn viên người Ý khôn ngoan, [Anna] Magnani, hiện ra trong tâm trí tôi, khi người ta nói với cô rằng cô phải xóa nếp nhăn, cô nói, “Không, không được chạm đến chúng! Phải mất rất nhiều năm để có được chúng đấy - đừng chạm đến chúng!” Các nếp nhăn ấy chính là: dấu hiệu của kinh nghiệm, dấu hiệu một cuộc sống, dấu hiệu của sự trưởng thành, dấu hiệu của một cuộc hành trình. Đừng chạm đến chúng để trở nên trẻ, để khuôn mặt anh chị em có thể trông trẻ ra. Điều quan trọng là toàn bộ nhân cách; trái tim mới quan trọng, và trái tim vẫn còn với tuổi trẻ của rượu ngon - rượu càng lâu năm càng ngon.

Cuộc sống trong xác phàm của chúng ta là một thực tại đẹp đẽ “chưa hoàn thành”, giống như một số tác phẩm nghệ thuật có sức hấp dẫn độc đáo chính là do tính chưa hoàn thành của chúng. Vì cuộc sống ở đây là một "sự khởi đầu", không phải là sự hoàn thành. Chúng ta bước vào thế giới giống như thế, giống như những người thực, như những người tiến tới tuổi tác nhưng luôn có thật. Nhưng sự sống trong xác phàm của chúng ta là một không gian và thời gian quá nhỏ để có thể giữ nó nguyên vẹn và mang nó tới chỗ trọn vẹn trong thời gian ở đời này, phần quý giá nhất trong cuộc hiện sinh của chúng ta. Chúa Giêsu nói rằng đức tin, điều chào đón việc loan báo Tin Mừng về vương quốc của Thiên Chúa mà chúng ta được định sẵn, chứa đựng một hiệu quả chính yếu phi thường. Nó cho phép chúng ta “nhìn thấy” vương quốc của Thiên Chúa. Chúng ta trở nên có khả năng thực sự nhìn thấy nhiều dấu hiệu cho thấy niềm hy vọng nên trọn của chúng ta đang tới gần, niềm hy vọng vốn mang trong cuộc đời chúng ta dấu hiệu được định sẵn để hưởng cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Các dấu hiệu ấy là các dấu hiệu của tình yêu Tin Mừng được Chúa Giêsu soi sáng bằng nhiều cách. Và nếu chúng ta có thể “nhìn thấy” chúng, chúng ta cũng có thể “vào” vương quốc qua ngả Chúa Thánh Thần, qua nước tái sinh.

Tuổi già là điều kiện ban cho nhiều người trong chúng ta trong đó phép lạ của việc sinh ra từ trên cao này có thể được đồng hóa một cách thân mật và trở nên đáng tin cậy đối với cộng đồng nhân loại. Nó không thông truyền nỗi tiếc nuối sự ra đời trong thời gian, mà là tình yêu đối với đích đến cuối cùng của chúng ta. Ở góc độ này, tuổi già có một vẻ đẹp độc nhất vô nhị - chúng ta đang hành trình về phía Vĩnh cửu. Không ai có thể vào lại tử cung của mẹ mình, thậm chí không sử dụng chất thay thế nó của kỹ thuật và xã hội tiêu dùng. Đấy không phải là khôn ngoan; đấy không phải là cuộc hành trình đã được hoàn thành; đấy là nhân tạo. Điều đó thật đáng buồn, ngay cả khi nó khả hữu. Người lớn tuổi tiến lên phía trước; người cao niên hành trình hướng về đích cuối cùng, hướng tới thiên đàng của Thiên Chúa; người cao niên hành trình với sự khôn ngoan của kinh nghiệm sống. Do đó, tuổi già là thời điểm đặc biệt để tách rời tương lai khỏi ảo tưởng kỹ trị của thuật sinh tồn sinh học và người máy, đặc biệt vì nó mở đường đưa người ta vào sự dịu dàng của tử cung sáng tạo và sinh sản của Thiên Chúa. Tôi muốn nhấn mạnh từ ngữ này ở đây - sự dịu dàng của người già. Anh chị em hãy quan sát cách một người ông hoặc một người bà nhìn các cháu của họ, cách họ ôm lấy cháu mình - sự dịu dàng, thoát mọi đau khổ của con người, đã chiến thắng những thử thách của cuộc đời và có thể trao tặng tình yêu thương, sự gần gũi yêu thương của một con người cho một con người khác. Sự dịu dàng này mở cửa giúp anh chị em hiểu được sự dịu dàng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là như thế, Người biết ôm ấp như thế nào. Và tuổi già giúp chúng ta hiểu khía cạnh này của Thiên Chúa, Đấng là chính sự dịu dàng. Tuổi già là thời điểm đặc biệt để tách rời tương lai khỏi ảo tưởng kỹ trị, đó là thời điểm dịu dàng của Thiên Chúa, sự dịu dàng sẽ tạo ra, tạo ra một nẻo đường cho tất cả chúng ta.

Cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta việc mở lại sứ mệnh tinh thần - và văn hóa - của tuổi già biết hòa hợp chúng ta với việc sinh ra từ trên cao. Khi nghĩ về tuổi già như thế, chúng ta có thể nói - tại sao nền văn hóa vứt bỏ này lại quyết định loại bỏ người già, coi họ là kẻ vô dụng? Người già là sứ giả của tương lai, người già là sứ giả của sự dịu dàng, người già là sứ giả của sự khôn ngoan từ kinh nghiệm sống. Chúng ta hãy tiến về phía trước và quan sát những người cao niên.
 
Người đàn ông 113 tuổi là người nam giới lớn tuổi nhất thế giới, ông lần chuỗi Mân côi hai lần mỗi ngày
Thanh Quảng sdb
17:36 08/06/2022
Người đàn ông 113 tuổi là người nam giới lớn tuổi nhất thế giới, ông lần chuỗi Mân côi hai lần mỗi ngày

Ông Vicente Pérez, một nông dân, dù 112 tuổi vẫn còn sống ở nhà của ông ở San Jose de Bolivar, tiểu bang Tachira, nước Venezuela. Ông đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness Thế giới là người đàn ông sống lâu nhất sau cái chết của một người Tây Ban Nha giữ danh hiệu này trước đây.

(CNA - Francesca Pollio Fenton)

Ông Juan Vicente Pérez Mora, người Venezuela, sống đạo rất sốt sắng, ông lần hạt Mân côi hai lần mỗi ngày. Ông Mora sinh ngày 27 tháng 5 năm 1909 và năm nay ông đã tròn 113 tuổi.

Trong một bài báo đăng ngày 17/5 trên trang web của sách Kỷ lục Guinness Thế giới, ông Mora cho biết bí quyết sống lâu của ông là “làm việc chăm chỉ, nghỉ ngơi vào ngày nghỉ, đi ngủ sớm, uống một ly aguardiente (một loại rượu mạnh làm từ mía) hàng ngày, ông cảm tạ Chúa, và luôn kết hợp với Chúa."

Ông chia sẻ gia đình và bạn bè là những người đồng hành tuyệt vời nhất trong cuộc sống và bí quyết lớn lao nhất ông học được trong cuộc đời là “tình yêu Thiên Chúa, tình yêu gia đình và chúng ta nên dậy sớm để làm việc”.

Theo sách Kỷ lục Guinness Thế giới, ông Mora chính thức được công nhận là người đàn ông sống lâu nhất trên thế giới vào ngày 4 tháng 2 năm 2022. Ông Mora là người con thứ 9 trong một gia đình 10 người con được sinh ra bởi ông bà Eutiquio del Rosario Pérez Mora và Edelmira Mora.

Năm 1914, gia đình di chuyển đến Los Pajuiles, một ngôi làng ở San José de Bolivar, lúc đó Mora 5 tuổi, em bắt đầu cùng cha mẹ và các anh chị canh tác nông nghiệp, đặc biệt trồng cà phê và mía.

Năm 10 tuổi, bé bắt đầu đi học, nhưng chỉ học được năm tháng, thì cô giáo bị bệnh nặng. Tuy nhiên, Mora có thể học đọc và viết nhờ một cuốn sách mà cô giáo đã cho em trước khi tình hình sức khỏe của cô bị giảm sút.

Ông Mora đã từng là cảnh sát trưởng ở Caricuena từ năm 1948 đến năm 1958.

Ông kết hôn với cô Ediofina del Rosario García được 60 năm. Bà qua đời năm 1997. Hai vợ chồng có sáu con trai và năm con gái. Gia đình hiện có 41 cháu, 18 chắt và 12 chút. Là một gia đình đạo hạnh và sống niềm tin. Họ luôn tin tưởng vào Chúa, và cùng nhau lần hạt Mân Côi hai lần mỗi ngày.

Người cháu của ông Mora là Freddy Abreu nói với cơ quan ACI Prensa, CNA bằng tiếngTây Ban Nha rằng: “Chú Vicente của tôi luôn loan tỏa sự hòa bình, thanh thoát và vui tươi, chú ấy là một người có rất nhiều thứ để trao tặng và cống hiến cho đời. Chú ấy thích sống giản dị và luôn biết cảm tạ Thiên Chúa”.

Người cao tuổi nhất trên thế giới hiện nay là một người phụ nữ, vị nữ tu người Pháp sơ Andre Randon, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1904. Sơ đã tròn 118 tuổi. Sơ trở thành người lớn tuổi nhất thế giới vào năm nay khi bà Kane Tanaka, sinh ngày 2 tháng 1 năm 1903, qua đời vào ngày 19 tháng 4 năm 2022.
 
Trang bị hùng hậu đến nhà lấy mạng Thẩm Phán Công Giáo Brett Kavanaugh
Đặng Tự Do
18:12 08/06/2022
Một phát ngôn viên của Tòa án Tối cao hôm thứ Tư xác nhận rằng một người đàn ông có vũ trang đã bị bắt sau khi đến nhà Thẩm Phán Công Giáo Brett Kavanaugh, trang bị rất hùng hậu.

“Vào khoảng 1 giờ 50 phút sáng hôm nay, một người đàn ông đã bị bắt gần nơi ở của Thẩm Phán Kavanaugh,” nhân viên công chúng sự vụ của tòa án, Patricia McCabe, cho biết trong một tuyên bố. “Người đàn ông đã trang bị vũ khí và đưa ra những lời đe dọa chống lại Thẩm Phán Kavanaugh. Anh ta đã được chở đến Quận 2 của Cảnh sát Montgomery County.”

Washington Post dẫn các nguồn tin nói rằng người đàn ông, có vẻ như khoảng ngoài 20 tuổi, đến từ California và nói với cảnh sát rằng anh ta muốn giết Kavanaugh.

Những nguồn ẩn danh đó cũng nói với tờ Post rằng anh ta đang mang theo nhiều vũ khí. Anh ta cũng mang theo “dụng cụ ăn trộm”, họ nói với tờ Post.

Một quan chức thực thi pháp luật nói với hãng tin AP rằng người đàn ông này có một khẩu súng và một con dao.

Các nguồn tin nói với tờ Post rằng người đàn ông chưa đến được nhà của Kavanaugh thì đã bị bắt trên một con phố gần khu nhà của Thẩm Phán ở Montgomery County, Maryland.

Thống đốc Maryland, Larry Hogan, đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Tư nói rằng ông đã được thông báo tóm tắt về mối đe dọa đối với Thẩm Phán Kavanaugh và gia đình anh ta, đồng thời cảm ơn chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang vì họ đã bảo vệ vị Thẩm Phán.

Thống đốc Đảng Cộng hòa cho biết: “An ninh được nâng cao tại nhà của các thẩm phán bắt đầu sau một yêu cầu của Thống đốc Virginia và tôi đã gửi tới Bộ trưởng Tư Pháp Garland vào tháng trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các quan chức thực thi pháp luật liên bang và địa phương để giúp bảo đảm các khu dân cư này được an toàn.”

“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng ở Washington lên án mạnh mẽ những hành động này vô điều kiện,” Hogan nói thêm. “Điều quan trọng đối với hệ thống hiến pháp của chúng ta là các thẩm phán có thể thực hiện nhiệm vụ của mình mà không sợ bạo lực đối với họ và gia đình của họ”.

Các nguồn tin nói với tờ Post rằng người đàn ông có thể đã tức giận về một dự thảo ý kiến của Tòa án Tối cao bị rò rỉ cho rằng tòa án có thể lật lại vụ án Roe chống Wade, vụ án mang tính bước ngoặt năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.


Source:Catholic News Agency
 
Truy tố người đàn ông bị buộc tội cố ý giết Thẩm Phán tòa án tối cao
Đặng Tự Do
18:14 08/06/2022
Một đơn khiếu nại hình sự được đệ trình hôm thứ Tư đã buộc tội Nicholas John Roske, 26 tuổi ở Simi Valley, California, vi phạm luật liên bang với tội cố sát một thẩm phán của Tòa án Tối cao.

Được ký bởi đặc vụ FBI Ian Montijo, đơn khiếu nại liệt kê hành vi phạm tội của Roske với mục “Cố gắng bắt cóc hoặc giết người, hoặc đe dọa hành hung, bắt cóc hoặc giết một Thẩm phán Hoa Kỳ, đang là một Thẩm phán hiện tại của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.”

Tin tức được đưa ra sau khi một nữ phát ngôn viên của Tòa án Tối cao xác nhận rằng một người đàn ông có vũ trang đã bị bắt sau khi đe dọa Thẩm Phán Brett M. Kavanaugh.

Theo một bản khai kèm theo đơn khiếu nại, hai phó cảnh sát trưởng Hoa Kỳ “nhìn thấy một người mặc quần áo đen, mang ba lô đen và một chiếc vali, ra khỏi một chiếc xe taxi dừng trước Quận Montgomery, Maryland, nơi cư trú của một Thẩm Phán đương nhiệm vào đầu ngày Thứ Tư, lúc 1:05 sáng”

Chiếc vali và ba lô đó chứa một áo giáp chống đạn và một con dao găm, một khẩu súng lục Glock 17 với hai băng đạn, bình xịt hơi cay, dây buộc, một cái búa, tuốc nơ vít, đinh bấm, xà beng, băng keo và ủng đi bộ đường dài, trong số các mục khác.

Theo tờ khai, Roske sau đó nói rằng anh ta đã mua khẩu súng lục cùng với các vật phẩm khác, với mục đích giết Thẩm Phán trước khi tự sát. Roske cho biết anh ta đã tìm thấy địa chỉ của vị Thẩm Phán trên các mạng xã hội.

Bản tuyên thệ cho biết thêm rằng Trung tâm Liên lạc Khẩn cấp Quận Montgomery đã nhận được cuộc gọi từ một người được xác định là Nicholas John Roske. Người này tiết lộ với trung tâm rằng anh ta đang có ý định tự tử và có một khẩu súng, và nói với người gọi rằng anh ta đã đi từ California để giết một thẩm phán Tòa án tối cao.

Cảnh sát sau đó tìm thấy Roske, trong khi anh ta vẫn đang nói chuyện với trung tâm liên lạc khẩn cấp, và bắt anh ta vào tù.

Roske sau đó đã tiết lộ với một thám tử về động cơ của mình. Anh ta “buồn về việc rò rỉ dự thảo quyết định gần đây của Tòa án Tối cao liên quan đến quyền phá thai cũng như vụ xả súng gần đây ở Uvalde, Texas.”

Trong khi khiếu nại hình sự không phải là kết luận có tội, Roske phải đối mặt với mức án tối đa là 20 năm tù liên bang nếu bị kết tội, thông cáo báo chí của Sở Tư Pháp, Maryland, cho biết.

Roske đã xuất hiện lần đầu tại Tòa án Quận Hoa Kỳ ở Greenbelt vào thứ Tư, một báo cáo của một chi nhánh địa phương của ABC và Associated Press đã cho biết như trên. Roske sẽ vẫn ở trong tù và bị từ chối tại ngoại hầu tra.

Theo phóng viên Beatrice Peterson của ABC, Roske sẽ vẫn bị giam giữ cho đến phiên điều trần sơ bộ dự kiến vào ngày 22/6.

Trong những tuần gần đây, các trung tâm trợ giúp mang thai và các ngôi thánh đường đã bị phá hoại nhiều lần sau khi bản dự thảo của Tòa án Tối cao bị rò rỉ vào tháng 5 cho thấy rằng các thẩm phán đã sẵn sàng lật ngược lại phán quyết Roe chống Wade, được Tòa án Tối cao đưa ra năm 1973 về hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Tòa án dự kiến sẽ đưa ra quan điểm hoặc quyết định chính thức trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, vào cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
NAM ÚC: Hình Ảnh Tiếp Đón Cha Roland Jacques OMI Đến Thăm TP Adelaide
Jo Vĩnh SA
13:54 08/06/2022
Hội Ái Mộ Cha Diệp Nam Úc tiếp đón Cha Roland Jacques - Dương Hữu Nhân phó cáo thỉnh viên thường trực Án Tuyên Thánh cho Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp bên Rôma đến thăm thành phố Adelaide

XEM SLIDE SHOW

Cha Roland còn là Cộng Tác Viên Ngoại Vụ của Bộ Phong Thánh tại Toà Thánh Vatican

 
VietCatholic TV
Putin báo hại: Hỏa tiễn HIMARS bay quá nhanh và xa, cả một đại đội Nga biến mất cùng với hai kho đạn
VietCatholic Media
03:08 08/06/2022


1. Ukraine dùng HIMARS làm nổ tung hai kho đạn ở miền đông Ukraine, gây thương vong lớn cho quân Nga

Hôm thứ Ba 31 tháng 5, Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài đã xác nhận với các phóng viên rằng Mỹ sẽ gửi cho Ukraine Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao do Mỹ sản xuất, được gọi là HIMARS, như một phần trong gói hỗ trợ an ninh thứ 11 của nước này cho Ukraine.

Các hệ thống hỏa tiễn mới của Mỹ sẽ cho phép Ukraine bắn trúng mục tiêu cách xa 50 dặm hay 80km, là tầm bắn lớn nhất của nó. Lần đầu tiên sử dụng loại vũ khí này, quân đội Ukraine đã gây kính ngạc cho quân Nga khi phá hủy một lúc hai kho đạn ở miền đông Ukraine, và một đài chỉ huy.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục kìm chân kẻ xâm lược trong khu vực kiểm soát của Cụm tác chiến phía Đông. Trong ngày qua, quân đội Ukraine đã phá hủy một đài chỉ huy và hai kho đạn của lực lượng phát xít Nga.”

Do bất ngờ bị pháo kích, tổn thất của quân Nga được tường trình là đặc biệt nghiêm trọng với 56 binh sĩ chết tại chỗ vì sức nổ quá mạnh của các kho đạn, một súng cối, 12 xe chở pháo, một thùng nhiên liệu và một đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Quân đội Ukraine cần pháo tầm xa ở vùng Luhansk, Nga đang thua trong các cuộc giao tranh tại Sievierodonetsk

Quân trú phòng Ukraine cần pháo tầm xa ở Vùng Luhansk để đẩy lùi pháo binh của đối phương. Trong các cuộc giao tranh trực tiếp, Nga chắc chắn thua.

Tuyên bố liên quan được đưa ra Thống Đốc Khu vực Luhansk, Serhiy Haidai.

“Các thành phố của Vùng Luhansk tự do đang giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả các khu định cư bị phá hủy bằng hỏa lực của quân Nga hàng ngày. Chúng ta cần pháo tầm xa để đẩy lùi pháo binh của địch. Khi đó, bọn Orc sẽ không thể bao vây các thành phố của chúng ta và trong cuộc đối đầu trực tiếp, Nga chắc chắn sẽ thua cuộc,” Haidai cho biết như trên.

Theo lời của ông, người Nga đang làm mọi cách để chiếm Sievierodonetsk và cắt đứt đường cao tốc Lysychansk-Bakhmut. Công cuộc phòng thủ ở Sievierodonetsk đầy khó khăn, nhưng quân xâm lược Nga đã không giành được quyền kiểm soát thành phố.

Theo Haidai, Lysychansk vẫn còn dưới làn đạn liên tục của đối phương. Những kẻ xâm lược Nga đang nã pháo vào thành phố bằng vũ khí hạng nặng, cố tình nhắm vào các khu vực, nơi thường dân có thể ẩn náu.

3. Mười một cuộc tấn công của quân Nga bị đẩy lùi trong khu vực JFO

Các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của đối phương trong khu vực Chiến dịch Lực lượng Liên hợp, gọi tắt là JFO, trong ngày qua.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội đã phá hủy 3 xe tăng, 5 hệ thống pháo, 2 xe bọc thép chiến đấu, 13 xe cơ giới và 3 kho đạn. Các trận chiến vẫn đang diễn ra trong hai địa điểm nữa.

Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi hai máy bay không người lái Orlan-10.

Quân xâm lược Nga đã nổ súng vào 16 khu định cư ở Vùng Donetsk và Vùng Luhansk, làm hư hại hoặc phá hủy 39 đối tượng dân sự, bao gồm 36 ngôi nhà dân cư, trường học, nhà trẻ và đường dây tải điện. Một dân thường thiệt mạng và sáu người bị thương.

Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 7 tháng 6 năm 2022, tổng thiệt hại khi chiến đấu của Nga tại Ukraine lên tới khoảng 31.360 quân.

4. Thủ tướng Đức cho biết Nga sẽ không thể duy trì sức mạnh quân sự do các lệnh trừng phạt của phương Tây

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Nga sẽ không thể duy trì khả năng quân sự của mình do các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây.

Các nước phương Tây đã giáng vào Nga một loạt các biện pháp trừng phạt kể từ khi họ xâm lược Ukraine. Thủ tướng Scholz khẳng định rằng các lệnh trừng phạt này “rất hiệu quả, có tầm ảnh hưởng rất xa” sẽ khiến nền kinh tế Nga thụt lùi “trong nhiều thập kỷ”.

“Nga sẽ không thể tham gia vào tiến bộ của thế giới, vào tiến bộ kinh tế và kỹ thuật. Điều đó đang trở nên rõ ràng hơn mỗi ngày, và đó là một thiệt hại đáng kể”, Thủ tướng cho biết tại cuộc họp báo trong chuyến thăm đến thủ đô Vilnius của Lithuania để có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các nước Baltic.

Ông Scholz nói thêm rằng ngay cả khi Nga lạm dụng nhập khẩu hàng hóa dân sự cho mục đích quân sự, Mạc Tư Khoa cũng sẽ không thể duy trì khả năng quân sự của mình như cũ do các lệnh trừng phạt.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới một quốc gia NATO có biên giới với Nga, Thủ tướng cũng đã cùng các nhà lãnh đạo của Estonia và Latvia hứa tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của NATO bằng cách cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự của Đức cho Lithuania.

“Là đồng minh trong NATO, chúng tôi cam kết với nhau và sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO trong trường hợp bị tấn công,” Scholz nói thêm, khi phát biểu cùng với Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Thủ tướng Latvia Arturs Krisjanis Karins.

5. Nhà chức trách bảo gia đình các thủy thủ soái hạm Mạc Tư Khoa thiệt mạng do cuộc tấn công của Ukraine phải im lặng nếu muốn được trợ cấp

Tại Nga, gia đình của các thủy thủ trên soái hạm Mạc Tư Khoa bị chìm buộc phải giữ kín thông tin về những người thân đã chết của họ.

Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine đã cho biết như trên. Cơ quan tình báo Ukraine thông báo rằng căng thẳng đang gia tăng giữa chính quyền Nga và những gia đình của các quân nhân Nga thiệt mạng trên soái hạm Mạc Tư Khoa, của Hạm đội Hắc Hải Nga, bị chìm vào ngày 14 tháng 4 năm 2022.

Một nhóm đặc biệt gồm các nhà tâm lý học, bác sĩ và luật sư đang làm việc với thân nhân của các thủy thủ, chủ yếu nhằm ngăn chặn bất kỳ rò rỉ nào về những người lính nghĩa vụ đã chết và mất tích.

Đặc biệt, các gia đình đang được thuyết phục không nói chuyện với bất kỳ ai về con trai và chồng của họ đã phục vụ trên chiếc soái hạm. Họ cũng được cảnh báo rằng họ sẽ không nhận được tiền bồi thường cho sự mất mát của người thân và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không tuân theo chỉ dẫn.

Trong cuộc họp gần đây tại Sevastopol của chỉ huy Hạm đội Hắc Hải và gia đình của các binh sĩ hải quân thiệt mạng, địa điểm này đã được quân cảnh Nga canh gác, trong khi chỉ huy hạm đội được tháp tùng bởi một đội đặc nhiệm.

Theo các quan chức tình báo, một số người thân đã chọn không gặp chỉ huy hạm đội để phản đối.

Như đã đưa tin, ngày 13/4, soái hạm của Hạm đội Hắc Hải của Nga là chiến hạm Mạc Tư Khoa đã bị trúng hai hỏa tiễn Neptun của Ukraine. Vào tối ngày 14 tháng 4, các báo cáo xuất hiện rằng chiến hạm này đã bị chìm.

Bộ Quốc phòng Nga chỉ thừa nhận một trường hợp tử vong trên tàu tuần dương Mạc Tư Khoa, đồng thời tuyên bố 27 thành viên thủy thủ đoàn mất tích và 396 người đã được di tản an toàn.

Theo Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, thủy thủ đoàn gồm 510 người đã có mặt trên con tàu vào thời điểm bị hỏa tiễn tấn công. Chỉ có 58 người thoát được khỏi con tàu đang chìm.

6. Chiến tranh ở Ukraine đang tác động đến giá năng lượng và lương thực trên toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết lạm phát đang ở “mức không thể chấp nhận được”, nhưng cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là vấn đề của riêng Hoa Kỳ.

“Cuộc chiến của Putin ở Ukraine đang tác động đến giá năng lượng và lương thực trên toàn cầu,” Yellen nói với các nhà lập pháp. “Chúng ta không phải là quốc gia duy nhất gánh chịu lạm phát. Bạn có thể thấy điều đó ở hầu hết mọi quốc gia phát triển trên thế giới.”

Phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm thứ Ba, Bộ trưởng Yellen chỉ ra việc chính quyền Biden đã lập kỷ lục giải phóng dầu từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược.

“Giá năng lượng và xăng dầu, mặc dù rất cao, nhưng chúng sẽ cao hơn nếu không có điều đó,” Yellen nói về việc tung ra lượng dầu khẩn cấp.

Bà cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không miễn nhiễm với các cú sốc năng lượng toàn cầu.

Yellen nói: “Chúng ta là một phần của thị trường dầu mỏ toàn cầu chịu ảnh hưởng địa chính trị. “Với bản chất toàn cầu của những thị trường này, chúng ta hầu như không thể tránh khỏi những cú sốc như những cú sốc đang xảy ra ở Nga làm ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu.”

Bà nói thêm rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ trở nên “phụ thuộc nhiều hơn vào gió và mặt trời là những thứ không chịu ảnh hưởng địa chính trị.”

7. Zelenskiy nói rằng ông rất vui vì “đồng minh rất quan trọng” Johnson sẽ vẫn là thủ tướng Vương quốc Anh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba cho biết ông “rất vui” khi biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đã giành được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào hôm thứ Hai, vì ông là “một người bạn thực sự của Ukraine”.

Zelenskiy nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng: “Tôi rất vui vì chúng tôi đã không mất đi một đồng minh rất quan trọng. “Đây là một tin tức tuyệt vời.”

“Tôi không thể bình luận về tình hình nội bộ. Tôi không biết tất cả các chi tiết. Vì vậy, tôi cầu xin Mister Johnson thứ lỗi về điều này. Tôi nghĩ rằng anh ấy được thông báo về các chi tiết tốt hơn nhiều so với tôi.”

“Boris rất cụ thể trong việc hỗ trợ Ukraine,” Zelenskiy nói.

Johnson gặp Zelenskiy ở Kyiv vào tháng Tư, ông đã sống sót sau một cuộc vận động bất tín nhiệm nhưng giữ được chức vụ với 211 phiếu bầu thuận và 148 phiếu chống.

8. Tổng thống Zelenskiy không hài lòng với những bình luận của Macron rằng “chúng ta đừng làm bẽ mặt nước Nga”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Ba rằng ông “chỉ đơn giản là không thể nhìn thấy các điều kiện tiên quyết để kết thúc chiến tranh”.

Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng với Financial Times, Zelenskiy nói rằng mặc dù “bất kỳ cuộc chiến nào cũng nên kết thúc tại bàn đàm phán”, nhưng điều cần thiết là “phải đạt được chiến thắng trên chiến trường”, nếu muốn có một nền hòa bình lâu dài.

Ông thừa nhận rằng “khôi phục các biên giới mà chúng tôi đã kiểm soát trước ngày 24 tháng 2” - ngày Nga xâm lược lớn - có thể được coi là một “chiến thắng tạm thời là khó khăn”. Nhưng ông nhấn mạnh rằng đó là một “cuộc chiến tranh giành độc lập.”

“Độc lập theo quan điểm của tôi, và theo ý kiến của hầu hết người dân chúng tôi, là giành lại tất cả các lãnh thổ của chúng tôi, khôi phục toàn bộ lãnh thổ và chủ quyền bất khả xâm phạm của Ukraine,” Zelenskiy nói.

Ông nói: “Chúng tôi đã mất quá nhiều người, thành ra không thể có chuyện nhượng lại lãnh thổ của mình”.

Ông dành những lời chỉ trích đặc biệt gay gắt dành cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về những nhận xét gần đây mà ông đưa ra rằng “chúng ta đừng làm bẽ mặt Nga”.

“Một số người muốn trở thành nhà lãnh đạo. Để trở thành một nhà lãnh đạo, bạn không cần phải coi mình là một nhà lãnh đạo, nhưng hãy cư xử như một nhà lãnh đạo,” Zelenskiy nói. “Làm thế nào chúng ta có thể đạt được một lệnh ngừng bắn trên lãnh thổ Ukraine mà không cần lắng nghe lập trường của đất nước này, và không lắng nghe quan điểm của nhà lãnh đạo đất nước này? Đây là điều rất, rất đáng ngạc nhiên.”

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/5, các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức đã “tái yêu cầu ngừng bắn” và kêu gọi Putin trao đổi trực tiếp với Zelenskiy.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy, Tổng thống Pháp nói, “Chúng ta không được làm bẽ mặt Nga để rồi khi giao tranh ngừng lại, chúng ta có thể xây dựng một lối thoát bằng các biện pháp ngoại giao. Tôi tin rằng Pháp có vai trò là một cường quốc trung gian”.

Zelenskiy nói rằng Macron, với tư cách là người lãnh đạo các cuộc đàm phán Normandy tồn tại trước cuộc xâm lược mở rộng của Nga vào ngày 24 tháng 2, “có hiểu biết sâu sắc về tất cả các chi tiết, tất cả các chi tiết của tất cả các thỏa thuận được thực hiện với Liên bang Nga, và việc Nga không tuân thủ các hiệp định này”.

Ông nói rằng ông đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Nga, nhưng người duy nhất có khả năng thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh là chính Putin.

Ông nói: “Bất kỳ cuộc chiến nào cũng nên được kết thúc tại bàn đàm phán. Đây chính xác là cách nó đã xảy ra trong lịch sử. Tôi vẫn kiên quyết và kiên quyết, dù muốn hay không, tôi cũng sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin nếu ông ta sẵn sàng thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến này một cách nghiêm túc”.

Zelenskiy cũng cho biết việc Nga phong tỏa các cảng, vốn đang ngăn cản xuất khẩu ngũ cốc, “là một mối đe dọa tầm cỡ toàn cầu”.

“Chỉ có một mặt của mối đe dọa này; đây là Liên bang Nga. Không có đối thoại gì ở đây. Đây là một mối đe dọa rất cụ thể, hữu hình đối với Á Châu, Phi Châu và một số quốc gia ở Âu Châu,” ông nói.

“Chúng tôi hiểu rằng hậu quả tiếp theo có thể là nạn đói và di cư sẽ ảnh hưởng đến Âu Châu. Vì vậy, hậu quả có thể rất nặng nề. Và mọi người đều biết một thực tế rằng chúng tôi sẽ không để tàu Nga đến các cảng của Ukraine, vì họ tấn công chúng tôi hàng ngày, và mọi người đều biết rằng Ukraine sẵn sàng xuất khẩu tất cả những gì chúng tôi có. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một điều kiện văn minh bình thường, nhưng với điều kiện an toàn”.

9. Ngoại trưởng Anh cho biết thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang “trong quá trình” chuẩn bị

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết Vương quốc Anh sẽ không lùi bước trong việc ủng hộ Ukraine và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga đang “được tiến hành”, theo thông báo của cuộc họp nội các..

“Bà ấy nói rằng Vương quốc Anh sẽ không lùi bước trong sự ủng hộ của mình, với các biện pháp trừng phạt hơn nữa đang được tiến hành và tiếp tục làm việc với các đồng minh toàn cầu về cách giúp Ukraine tái thiết trong tương lai”.

Thủ tướng Boris Johnson cũng nhắc lại rằng Vương quốc Anh sẽ vẫn đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine.

“Ông ấy nói rằng điều quan trọng là Tổng thống Zelenskiy không bị áp lực phải chấp nhận một nền hòa bình tồi tệ,” và lưu ý rằng các thỏa thuận hòa bình tồi tệ không kéo dài. Ông nói rằng thế giới phải tránh bất kỳ kết quả nào mà sự hung hăng không chính đáng của Putin dường như đã được đền đáp.
 
Truyền thống rước kiệu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Muốn hay không ĐGH phải gặp Kirill ở Kazakhstan
VietCatholic Media
06:13 08/06/2022


1. Các giám mục giáo hạt quân đội Liên hiệp Âu châu nhóm họp

Hôm 01 tháng Sáu vừa qua, khóa họp của các giám mục giáo hạt quân đội tại 27 nước thuộc Liên hiệp Âu châu, đã khai diễn tại Bruxelles, bên Bỉ, và bàn về những thách đố hiện nay trong bối cảnh an ninh chung và chính sách quốc phòng tại Liên hiệp này, hậu quả của chiến tranh Ukraine và con đường dẫn đến việc giải trừ võ trang.

Khóa họp do Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE tổ chức, với mục đích cống hiến cho các giám mục quân đội cơ hội trao đổi với các vị sĩ quan quân đội trong Liên hiệp Âu châu về nhưng thách đố đang gia tăng.

Khóa họp bắt đầu với thánh lễ do Đức Cha Gintaras Grusas, Tổng giám mục giáo phận Vilnius và cũng là Giám mục giáo hạt quân đội Lituani, kiêm Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, chủ sự.

Tiếp đến, linh mục Manuel Barrios Prieto, Tổng thư ký Ủy ban COMECE, đã trình bày chương trình của khóa họp. Trong chương trình cũng có cuộc trao đổi về những biến cố chính trị địa lý mà giám mục quân đội cần đặc biệt chú ý, khi đối thoại với các tổ chức Giáo hội cũng như công việc của các vị tuyên úy quân đội. Diễn giả về vấn đề này là ông Pawel Herczynsk, Giám đốc phân bộ chính sách An ninh và phòng ngừa xung đột của tổ chức này. Ông đại diện tướng Bart Laurent và David Pustzai, đặc trách về chính sách giải trừ võ trang.

2. Truyền thống rước kiệu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới sẽ cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn được gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 16 tháng Sáu tới đây. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, từ năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cho phép các Giám Mục bản quyền theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.

Tại Köln, thánh lễ Corpus Christi sẽ được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln cử hành tại Kölner Dom, tức là Nhà thờ Chánh Tòa Köln của tổng giáo phận. Người Đức gọi lễ Mình Máu Thánh Chúa là Fronleichnam. Danh từ này vượt ra khỏi biên giới nước Đức và rất phổ biến tại Âu Châu như tại Thụy Sĩ, Áo và Hung Gia Lợi.

Xét về mặt dân số Công Giáo tổng giáo phận Köln là giáo phận lớn nhất Âu Châu với số người Công Giáo lên đến hơn 2 triệu người.

Trong thông báo của tổng giáo phận hôm thứ Bẩy 4 tháng 6, thánh lễ sẽ được diễn ra trước tiền đình nhà thờ vì ngôi nhà thờ lớn này không đủ sức chứa hàng chục ngàn những người tham dự. Cùng đồng tế với ngài còn có 5 Giám Mục trong đó có 3 Giám Mục Phụ Tá và hai Giám Mục đã về hưu.

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki kính cẩn cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các đường phố cùng với các Giám Mục, linh mục và đông đảo anh chị em giáo dân trong một đoàn rước đầy mầu sắc.

Martin Luther là một người quyết liệt chống lễ Mình Máu Thánh Chúa. Ông ta chống lại mọi chuyện rước sách. Đặc biệt, việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố bị ông ta cho là một việc phạm thánh trầm trọng. Từ đó, người Tin Lành chống đối rất mạnh ngày lễ Corpus Christi. Năm 1548, Anh Giáo ngả theo Tin Lành và cấm chỉ việc cử hành ngày lễ này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần tái lập ngày lễ này.

Ngày nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại Áo, Brazil, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominican, Haiti, Đông Timor, Liechtenstein, Monaco, Panama, Peru, Ba Lan, San Marino, Thụy Sĩ, Grenada, Saint Lucia, Trinidad và Tobago và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp.

Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.

Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.

Người Ba Lan gọi lễ Corpus Christi là Święto Bożego Ciała. Đó là một dịp lễ tưng bừng tại tất cả các thành phố, thị trấn và làng mạc. Sau thánh lễ tại nhà thờ, các đoàn rước tiến qua các đường phố với các thiếu nhi rước tượng Đức Mẹ đi đầu, tiếp theo là các linh mục kính cẩn cung nghinh Mặt Nhật theo sau, cùng với đông đảo anh chị em giáo dân, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể suốt cả ngày đến chiều tối.

Nhân đây, Thụy Khanh xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về lịch sử ngày lễ Corpus Christi.

Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.

Vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về động lực thúc đẩy lời thỉnh cầu này. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.

Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:

Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;

Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;

Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.

Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).

Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.

Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.

3. Đức Giáo Hoàng, và Thượng Phụ Kirill có thể gặp nhau tại đại hội tôn giáo ở Kazakhstan vào tháng 9

Hôm thứ Ba, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới Kazakhstan vào tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn quốc tế, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Hội nghị thượng đỉnh do chính phủ Kazak chủ trì với tiêu đề “Đại hội các nhà lãnh đạo thế giới và các tôn giáo truyền thống”, được tổ chức từ ngày 14 đến 15 tháng 9, tại thủ đô Nur-Sultan.

Sự tham gia của chính Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được đồn đãi trong nhiều tuần, đã được xác nhận trong một tuyên bố hôm thứ Ba đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Kazakhstan. Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga đã nói rằng Kirill sẽ tham dự.

Trong tuyên bố của mình, Vatican cho biết “Kazakhstan chia sẻ tầm nhìn toàn cầu về Giáo Hội Công Giáo dựa trên các lý tưởng về lòng tốt, công lý, đoàn kết và lòng nhân ái” và bản thân Giáo Hội Công Giáo “hoan nghênh vai trò của Kazakhstan trong việc thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo”.

Cả Tòa thánh và Kazakhstan, theo tuyên bố, “đồng ý rằng văn hóa đối thoại phải là một trong những giá trị cơ bản của thế giới đương đại. Việc tiếp tục chung sống hòa bình trước những thách thức đương đại chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại toàn diện và bao gồm”.

“Do đó, Kazakhstan hoan nghênh quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự Đại hội lần thứ 7 các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới, sẽ được tổ chức tại Nur-Sultan vào tháng 9 năm 2022”. Tuyên bố cho biết sự tham gia của Đức Giáo Hoàng đã được xác nhận trong cuộc họp ngày 11 tháng 4 giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Kazak Kassym-Jomart Tokayev.

Nếu cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng Phụ Kirill đều tham dự hội nghị thượng đỉnh như đã thông báo, điều đó có thể giúp họ có cơ hội gặp nhau. Vatican đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ đã lên kế hoạch giữa hai người vào tháng này tại Giêrusalem do những vấn đề chính trị gây ra bởi các tuyên bố của Thượng Phụ Kirill.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, gây ra một cuộc chiến tranh bạo lực và gây ra cuộc khủng hoảng di dời hàng loạt với hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, Kirill đã bị chỉ trích trong cộng đồng quốc tế trước tiên vì sự im lặng của ông ta và sau đó là sự ủng hộ rõ ràng của ông ta đối với cuộc xung đột.

Ngoại trưởng Vatican, Hồng Y Pietro Parolin, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Stampa của Ý vào tháng trước, đã bác bỏ lời biện hộ của Kirill về cuộc chiến vì lý do Kitô giáo, nói rằng sự phát triển của chủ nghĩa thế tục là đáng lo ngại nhưng “cách chống lại hiện tượng này không bao giờ có thể bạo lực “.

Ngài nói: “Mọi cuộc chiến tranh, như một hành động xâm lược, là một hành động chống lại cuộc sống của con người và do đó là một hành động phạm tội. Do đó, không thể tìm thấy lời biện minh nào trong lời Chúa, luôn luôn là lời nói của sự sống không phải là sự chết.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên án chiến tranh và đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình, nhưng ngài đã cẩn thận tránh nêu đích danh Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin là những kẻ gây hấn trong cuộc xung đột kéo dài hơn 100 ngày qua.

Trong khi các trợ lý hàng đầu của Đức Giáo Hoàng như Đức Hồng Y Parolin lên án việc Kirill lấy cớ bảo vệ đạo đức Kitô để biện minh cho chiến tranh, Đức Giáo Hoàng đã kiềm chế không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích công khai trực tiếp nào đối với Kirill và những tuyên bố của ông nhằm giữ nguyên vẹn nhiều thập kỷ đối thoại đại kết.

Lần gần nhất ngài công khai phê bình giáo chủ Chính thống giáo Nga là trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera xuất bản ngày 3 tháng 5, khi Đức Phanxicô nói rằng Kirill không nên “biến mình thành cậu bé giúp lễ của Putin”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng khi ngài và Kirill nói chuyện trên Zoom vào giữa tháng 3, Kirill “đã dành 20 phút đầu tiên cầm một tờ sớ để đọc tất cả lý do của cuộc chiến.”

“Tôi đã lắng nghe anh ấy, và tôi nói với anh ấy, 'Tôi không biết gì về chuyện này. Thưa anh, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng tôi không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng phải dùng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Chúng ta là những mục tử chăn dắt cùng một dân thánh của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm kiếm con đường hòa bình, để ngừng tiếng nổ của vũ khí.”

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ngay lập tức phản hồi lại nhận xét của Đức Thánh Cha. Họ nói “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để chuyển tải nội dung cuộc nói chuyện này với Đức Thượng Phụ; Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại “.

Vào thời điểm đó, cuộc gặp thứ hai giữa hai người đang được thảo luận sau cuộc gặp đầu tiên lịch sử ban đầu của hai vị ở Havana vào năm 2016, đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên như vậy giữa một giáo hoàng và giáo chủ Nga.

Tuy nhiên, cuộc họp dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6 tại Giêrusalem, đã bị Vatican hoãn lại vì có khả năng thất bại về mặt ngoại giao do tranh cãi xung quanh cuộc chiến Ukraine và sự ủng hộ của Kirill đối với cuộc chiến này.

Kirill đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cả cộng đồng quốc tế và từ chính cộng đồng Chính thống giáo về quan điểm của mình.

Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai đã công bố một gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, và trong đó đưa Kirill vào trong danh sách đen của họ. Tuy nhiên, chính phủ Hung Gia Lợi đã phản đối việc đưa nhà lãnh đạo Giáo hội Nga vào.

Đầu tuần này, Giáo hội Chính thống giáo Nga tại Ukraine, vốn nhiều năm trung thành với Kirill và Giáo hội Chính thống giáo Nga, đã thông qua các biện pháp cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga do Putin xâm lược Ukraine.

Các biện pháp này đã được thông qua vào ngày 27 tháng 5 và được thông báo sau một hội nghị đặc biệt ở Kyiv tập trung vào “các vấn đề nảy sinh do hành động xâm lược quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine”.

“ Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa… về cuộc chiến ở Ukraine,” tuyên bố cho biết.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill thực sự tham dự hội nghị thượng đỉnh Kazak, điều đó có thể tạo cơ hội cho họ tổ chức một cuộc trò chuyện mà không phải đau đầu về mặt ngoại giao do một cuộc gặp chính thức được lên lịch.
Source:Crux
 
Lại một Trung Tá Nga tử trận. Chuyện gì xảy ra nếu Putin bị bắt hay qua đời? Lính Nga phản chiến
VietCatholic Media
16:50 08/06/2022


1. Nga đã mất sĩ quan cấp tá thứ 50 trong cuộc chiến ở Ukraine.

Vladimir Putin mất sĩ quan cấp tá thứ 50 trong cuộc chiến với Ukraine. Như thế, trong hơn 100 ngày của cuộc chiến tại Ukraine, cứ HAI NGÀY lại một sĩ quan cấp tá bị tử trận.

Nạn nhất mới nhất là Chỉ huy pháo binh, Trung tá Vladimir Nigmatullin, một người cha của ba đứa trẻ từ Yekaterinburg, đã bị giết một tuần trước khi gia đình của anh ta cho biết trên các mạng xã hội và thương tiếc “người đàn ông nhỏ bé” mà họ gọi là một “tấm gương cho Tổ quốc”

Trung tá Vladimir Nigmatullin, 46 tuổi, đã trở thành đại tá thứ 50 bị quân Ukraine hạ sát.

Anh ta bị giết vào ngày 31 tháng 5 năm 2022 nhưng cái chết của anh ta chỉ mới được tiết lộ hôm thứ Ba 7 tháng 6, ngay sau khi Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine công bố trong cuộc họp báo cùng ngày. Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine cho biết anh ta đã được nhận diện với số quân F-578429.

Cứ hai ngày, Nga lại mất gần một đại tá trong cuộc xung đột đẫm máu ở Ukraine do Vladimir Putin gây ra.

Hoàn cảnh chính xác về cái chết của anh ta vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, dường như anh ta đã chết vì một cú phản pháo quá nhanh của quân Ukraine.

Em vợ của Trung tá Vladimir Nigmatullin là thiếu úy nữ quân nhân Marina Konyukhova đăng trên mạng xã hội:

“Ký ức vĩnh cửu, anh thương mến, người đàn ông rất yêu quý, anh đã qua đời.”

“Chúng tôi vẫn không thể tin rằng anh đã ra đi.”

“Anh là một người cha của ba đứa con, và là một người chồng tuyệt vời đối với chị của em.”

“Em luôn tự hào về anh, và em sẽ luôn tự hào.”

“Anh đã làm gương cho Tổ quốc, để mọi người sẽ làm như anh đã làm”.

“Anh đã được trao tặng Huân Chương Anh Dũng Bội Tinh, sau khi đã hoàn thành đã đi qua rất nhiều khu vực xung đột.”

Cái chết của Trung tá Vladimir Nigmatullin diễn ra khi Nga mất đi vị tướng thứ 11 trong cuộc xung đột những ngày gần đây, Thiếu tướng Roman Kutuzov là tham mưu trưởng Quân đoàn 29.

Hôm thứ Ba, các phương tiện truyền thông Nga tiết lộ rằng ông đã được truy tặng Trung tướng.

2. Cựu Tổng thống Nga đe dọa sẽ khiến những người ghét Nga phải “biến mất”

Hôm thứ Ba, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã có một bài phát biểu không xứng đáng với tư cách của ông ta vì nội dung thô tục và những tiếng chửi thề. Ông tố cáo những kẻ thù của Nga là “hạ đẳng” và ông ghét “họ” - nhưng không nói rõ họ là ai.

“Tôi thường được hỏi tại sao các bài đăng trên Telegram của tôi lại quá cay cú. Câu trả lời là - tôi ghét họ,” Medvedev nói. “Họ là những kẻ khốn nạn và cặn bã. Họ muốn giết người Nga chúng ta. Và chỉ cần là tôi còn sống, tôi sẽ làm mọi thứ để khiến chúng biến mất”.

Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga do Tổng thống Vladimir Putin làm Chủ tịch, không nói rõ ông đang ám chỉ ai. Tuy nhiên, trước đó ông đã chỉ trích các lệnh trừng phạt và phản ứng của chính phủ phương Tây đối với các hành động của Nga ở Ukraine.

Medvedev trước đây đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng Mạc Tư Khoa có “sức mạnh để đặt tất cả những kẻ thù hung hãn của chúng ta vào vị trí của chúng”. Ông ta đã gọi các chính trị gia Ba Lan là “những kẻ ngu ngốc”, và cho rằng các báo cáo về tội ác chiến tranh ở Bucha là tuyên truyền của Ukraine.

3. Tình báo Tây Âu: Chuyện gì xảy ra nếu Putin bị bắt hay qua đời?

Ở Hoa Kỳ, có một kế hoạch kế vị khá đơn giản nếu một tổng thống qua đời khi đang tại vị. Phó tổng thống sẽ nhậm chức, nhưng nếu vị này không thể hoặc chính vị này cũng qua đời khi tại vị, thì chủ tịch Hạ viện sẽ lên thay, tiếp theo là chủ tịch lâm thời của Thượng viện thay cho phó tổng thống, sau đó chuỗi kế nhiệm sẽ thông qua nội các của tổng thống, bắt đầu với ngoại trưởng.

Ở phía bên kia thế giới là nước Nga - cụ thể hơn là nước Nga của Vladimir Putin - chuỗi kế vị đã rõ ràng trên giấy tờ, nhưng có quá nhiều yếu tố khác có thể tạo nên những điều khó hiểu.

Theo Britannica, Putin đã nắm quyền bằng cách này hay cách khác trong hai thập kỷ. Ông ta trở thành Tổng thống Nga vào năm 1999 và phục vụ cho đến năm 2008 khi trở thành Thủ tướng của quốc gia này. Ông ta lại nắm chức tổng thống vào năm 2012 và giữ chức vụ này kể từ đó.

Nếu Putin qua đời hay bị bắt chuyện gì sẽ xảy ra?

Năm 2020, Vladimir Putin đưa ra một loạt thay đổi đối với hiến pháp Nga mà nhiều người tin rằng nhằm duy trì quyền lực sau khi nhiệm kỳ tổng thống của hắn kết thúc vào năm 2024.

Một phần của những thay đổi này liên quan đến việc loại bỏ Thủ tướng Dmitry Medvedev - một cựu tổng thống Nga - và nội các của Dmitry Medvedev. Medvedev được thay thế bởi một quan chức trong ngành quan thuế tương đối vô danh tiểu tốt, tên là Mikhail Mishustin. Theo Business Insider, nếu Putin qua đời hay bị bắt, Mishustin sẽ đảm nhiệm chức vụ tổng thống tạm thời trong 90 ngày hoặc cho đến khi một cuộc bầu cử được tổ chức.

Nhiều nhà quan sát tin rằng việc bổ nhiệm Mishustin, người được coi là không có tham vọng và có rất ít người ủng hộ ngoài bản thân Putin, là một trò chơi chiến lược của Putin. Nhà phân tích chính trị Kirill Rogov nói với hãng tin AP vào thời điểm đó rằng những thay đổi này cho thấy Putin có thể đang cố gắng thành lập một chính phủ theo mô hình mà Trung Quốc đã và đang sử dụng. Ông nói: “Một mô hình tương tự như mô hình của Trung Quốc sẽ cho phép Putin nắm quyền lãnh đạo vô thời hạn trong khi khuyến khích sự cạnh tranh giữa những người có khả năng kế vị hắn ta”.

Putin đang cố gắng duy trì quyền lực

Bất kể kế hoạch kế vị chính thức của Nga là như thế nào, Putin dường như đang cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để nắm quyền lâu hơn. Theo Business Insider, đó là lý do tại sao nhiều người tin rằng Putin đã chọn Mishustin làm người kế nhiệm mình vì hắn sẽ dễ kiểm soát và ít có khả năng thách thức quyền lực của mình. Có ý kiến cho rằng nếu Putin bỏ vị trí tổng thống, Mishustin sẽ nắm quyền kiểm soát các vấn đề của tổng thống, trong khi Putin sẽ lại nắm vị trí Thủ tướng hoặc tạo ra một chức vụ mới cho mình.

Putin được cho là đã làm điều này một lần trước đây. Theo hãng tin AP, Putin đã chọn ông Medvedev làm người kế nhiệm vào năm 2007, sau đó ông Medvedev đã bổ nhiệm Putin làm thủ tướng mới. Điều này đã gây ra một số xáo trộn vì điều này được thực hiện mà không có bất kỳ cuộc bầu cử hoặc ý kiến đóng góp nào từ công chúng. Nhiều người cũng cho rằng Putin vẫn nắm quyền trong thời gian này, ngay cả khi Medvedev giữ chức tổng thống.

Putin có thể nắm quyền suốt đời không?

Không chỉ Putin có thể tiếp tục nắm quyền, nhiều người tin rằng đó là lựa chọn duy nhất của ông ta. Người ta nghĩ rằng tại thời điểm này, Putin đã cưỡi lên lưng cọp và một cuộc chuyển giao hòa bình gần như là không thể được.

Theo hãng tin AP, Alexei Navalny là một trong những nhà phê bình gay gắt nhất đối với Putin, và vào năm 2020 khi Putin công bố kế hoạch xây dựng lại cơ cấu ở cấp cao nhất của chính phủ Nga, Alexei Navalny cho rằng Putin không hề có trong đầu hai chữ “nghỉ hưu”.

Ông nói: “Mục tiêu duy nhất của Putin và chế độ của hắn là nắm quyền cả đời, coi toàn bộ đất nước là tài sản cá nhân của mình và giành lấy sự giàu có cho bản thân và bạn bè”.

Business Insider trích dẫn câu nói của Navalny, “Bạn có thấy tên trùm Mafia nào quyết định rằng sau nhiều thập kỷ trộm cắp và giết người, yên lặng lui về một ngôi nhà ven biển nào đó với tất cả tiền bạc của chúng không? Còn những kẻ buôn bán ma tuý thì sao? Cũng hãy nghĩ về những nhà độc tài lớn… Có bao nhiêu người trong số họ kết thúc triều đại của mình bằng một cuộc nghỉ hưu yên bình?”

Khả năng Putin bị lật đổ

Bằng cách lựa chọn cẩn thận những người kế nhiệm, Putin có thể hạn chế khả năng xảy ra đảo chính. “Có một người thừa kế chính trị là một lời mời xảy ra đảo chính trong hầu hết các cấu trúc độc tài cũng như trong các băng đảng tội phạm có tổ chức. Và việc để người thừa kế đó ngang nhiên xây dựng cơ sở chính trị và quyền lực độc lập của riêng họ thông qua các cơ quan quyền lực hợp pháp gần như là một bảo đảm chắc chắn cho một cuộc đảo chính,” một quan chức tình báo Tây Âu nói với Business Insider.

Đây là lý do tại sao nhiều người coi việc bổ nhiệm Mishustin nói lên ý định tiếp tục nắm quyền của Putin. Nếu người tiếp theo tranh cử tổng thống được coi là người thiếu tham vọng chính trị và có ít đồng minh mạnh mẽ trong chính phủ, thì khả năng xảy ra một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ là rất khó xảy ra.

Theo Daily Mail, trong trường hợp ông Putin bị lật đổ, người thay thế phù hợp có thể là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergey Shoygu. Ông là một chính trị gia được đánh giá cao và sự nhạy bén trong chiến lược quân sự đã giúp ông nhận được một số lời khen ngợi cao nhất của các sĩ quan chỉ huy Liên Xô và Nga kể từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, Shoygu đã tham gia vào việc đưa ra quyết định dẫn đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, là một vết nhơ đáng kể trong lý lịch của anh ta.

Nếu Putin chết, tranh giành nội bộ sẽ xảy ra

“Cái chết của Stalin” là một bộ phim năm 2017 kể về câu chuyện của các chính trị gia Liên Xô đang tranh giành quyền lực sau cái chết của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin. Bộ phim là một bộ phim hài kinh dị, nhưng quan chức tình báo Tây Âu đã nói chuyện với Business Insider, nói rằng rất có thể nghệ thuật sẽ bắt chước cuộc sống, và kết quả sẽ là một mớ hỗn độn chính trị cho quốc gia và bối cảnh chính trị của nó.

“Đó sẽ là ‘Cái chết của Stalin’. Những kẻ đầu sỏ lựa chọn Putin đã bị Putin tiêu diệt, hắn ta làm điều đó ngay từ đầu. Chúng tôi để mắt đến một số người ở cấp cao hơn của các cơ quan an ninh và quân đội mà chúng tôi nghĩ rằng có thể là ứng cử viên để giành chiến thắng trong một cuộc đấu tranh nhưng cho đến khi Putin chết đi hay bị bắt thì chưa có ai là vượt trội. Hắn ta cố tình bảo đảm rằng không bao giờ có bất kỳ ứng cử viên rõ ràng nào”.

4. Bộ Quốc phòng cho biết: Thi thể của 210 binh sĩ Ukraine chết ở Mariupol hiện đã được hồi hương

Theo Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, tính đến hôm thứ Ba, thi thể của 210 binh sĩ Ukraine đã được hồi hương. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, kiêm tổng trưởng Bộ Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine đã cho biết như trên.

Trước đó, Ukraine và Nga đã trao đổi thi thể của các liệt sĩ theo công thức “160 lấy 160” trên chiến tuyến ở khu vực Zaporizhzhia.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói: “Kết quả của các cuộc đàm phán với sự tham gia của Cao ủy phụ trách những người mất tích trong các hoàn cảnh đặc biệt, một thỏa thuận đã đạt được về việc trao đổi thi thể theo công thức '160 lấy 160',”

Bà cho biết hầu hết các thi thể được trao trả cho Ukraine là của “những người bảo vệ anh hùng ở Azovstal”. Họ là những người lính Ukraine tại nhà máy thép Azovstal đồ sộ ở Mariupol, pháo đài cuối cùng của lực lượng phòng thủ Ukraine ở thành phố cảng phía nam đó, trước khi rơi vào tay người Nga và Lực lượng do Nga hậu thuẫn.

Thay mặt cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, bà đang làm việc để đưa thi thể của tất cả những người đã khuất trở về, cũng như khoảng 2500 tù binh tù binh được cho là bị các lực lượng Nga hoặc do Nga hậu thuẫn giam giữ.

“Tất cả những người lính đã ngã xuống phải trở về lãnh thổ do Ukraine kiểm soát. Và mỗi người trong số họ sẽ được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng với những vinh dự dành cho các anh hùng,”

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk đã báo cáo trong tuần này về việc các công nhân tại nhà xác trung tâm của Kyiv đang kiểm tra nội dung của nhiều túi thi thể chứa hài cốt của những binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc bao vây Mariupol kéo dài hai tháng.

5. Zelenskiy cảnh báo về “mùa đông khó khăn nhất” sẽ đến

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảnh báo mùa đông tới sẽ rất khó khăn đối với người Ukraine trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Ba.

Ông nói: “Trong tình hình hiện nay do sự xâm lược của Nga, đây thực sự sẽ là mùa đông khó khăn nhất sau những năm chúng ta giành được độc lập.

Zelenskiy cho biết ông đã thảo luận trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ và đại diện của các công ty năng lượng quốc doanh lớn nhất về việc “thiết lập các phương án để chuẩn bị cho mùa đông tới”.

Ông cho biết “có những vấn đề về việc mua đủ lượng khí đốt cho mùa sưởi ấm, tích tụ than và sản xuất điện.”

“Tại thời điểm này, chúng ta sẽ không bán khí đốt và than đá của mình ra nước ngoài. Tất cả các hoạt động sản xuất trong nước sẽ hướng đến nhu cầu nội tại của công dân chúng ta,” ông nói thêm.

Zelenskiy nói rằng dựa trên “sự gia nhập lịch sử của Ukraine vào mạng lưới năng lượng thống nhất của Âu Châu”, sẽ có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng của Nga đối với các nước láng giềng và tăng “thu nhập ngoại hối” của Ukraine.

Zelenskiy cũng cho biết ông đang có kế hoạch sửa chữa các nhà máy nhiệt và điện bị hư hỏng hoặc phá hủy bởi các cuộc tấn công của Nga. Ông nói: “Việc thực hiện chương trình này trong những tháng tới là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Năng lượng Ukraine.

6. Những người lính Nga 'kiệt sức' nói rằng đơn vị của họ cần nghỉ ngơi nhưng họ 'không thể được thay thế '

Một người lính Nga nói rằng ba tháng chiến đấu ở Ukraine có cảm giác dài hơn bốn năm anh ta phục vụ trong quân đội trong thời bình. Một tiểu đoàn Nga đã công khai phàn nàn về tình trạng kiệt sức vì chiến đấu ở miền đông Ukraine khi cuộc chiến không có dấu hiệu lắng xuống.

Andrei, chỉ huy một tiểu đoàn trong Lữ đoàn Súng trường Cơ giới Biệt động số 37 có trụ sở chính tại Buryatia, Siberia, cho biết anh thậm chí đã liên hệ với luật sư để tìm hiểu xem liệu việc triển khai của anh ra mặt trận có hợp pháp hay không.

Anh ta cũng phàn nàn rằng anh ta đã không gặp vợ mình trong nhiều tháng.

“Tôi đã chiến đấu ở Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đến nay đã hơn ba tháng,” Andrei nói.

“Thật là mệt mỏi, cả đơn vị của tôi muốn nghỉ ngơi, nhưng ban lãnh đạo của chúng tôi nói rằng họ không thể thay thế chúng tôi ngay bây giờ.”

Các báo cáo chưa được xác nhận của Ukraine cho biết thiệt hại của Nga sau 3 tháng tham chiến là 1300 xe tăng, hơn 3000 xe bọc thép, 600 khẩu pháo và gần 30.000 quân.

Đã có những báo cáo cho rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc xoay tua đội quân đã kiệt quệ của mình và trong một dấu hiệu thất bại khác, độ tuổi nhập ngũ tối đa đã bị loại bỏ.

Trong bài phân tích của tình báo Anh về khả năng chién đấu của Nga, Bộ Quốc Phòng Anh cho rằng quân đội của Điện Cẩm Linh được thiết kế kém cho “sự chiếm đóng lâu dài, hoặc một cuộc chiến tranh tiêu hao, đòi hỏi một phần rất lớn lực lượng bộ binh của Nga, đó chính xác là tình cảnh của cuộc xung đột hiện nay. “

“Quân đội Nga không có sẵn quân số để dễ dàng điều chỉnh hoặc luân chuyển lực lượng nếu một lượng đáng kể sức chiến đấu bị ảnh hưởng trong một cuộc chiến.”

Các chiến binh từ miền đông Ukraine do Nga kiểm soát cũng công khai phàn nàn về điều kiện tồi tệ

“Các binh sĩ của chúng tôi đã phải đối mặt với đói và lạnh”, các chiến binh thuộc trung đoàn 113 do Nga kiểm soát từ Donetsk cho biết trong một video được đăng trực tuyến.

Họ nói tiếp: “Trong một khoảng thời gian quan trọng, chúng tôi không có bất kỳ hỗ trợ vật chất, y tế hay thực phẩm nào. Chiến cuộc diễn ra liên tục và thực tế là trong số nhân sự của chúng tôi có những người mắc bệnh mãn tính, những người có vấn đề về tâm thần, nhiều vấn đề đặt ra đã bị cấp trên tại bộ chỉ huy phớt lờ. “

Andrei nói rằng ba tháng chiến đấu cảm thấy dài hơn bốn năm anh phục vụ trong quân đội trong thời bình.

Anh ấy nói: “Tôi đã liên hệ với một luật sư trực tuyến, người nói với tôi rằng theo luật, tướng quân có thể giữ chúng tôi ở đây cho đến khi hợp đồng của chúng tôi hết hạn, vì vậy chúng tôi không thể làm gì khác”.

Một binh sĩ Nga khác cho biết anh ta tin rằng việc huy động của họ sang chiến đấu tại Ukraine được thực hiện một cách bất hợp pháp.

7. Zelenskiy nói “Sách về những kẻ tra tấn” sẽ buộc những tội phạm chiến tranh bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết “Sách về những kẻ tra tấn” ghi lại “những tên tội phạm chiến tranh và tội phạm từ quân đội Nga” sẽ được phát hành tại Ukraine trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Ba.

Ông nói: “Đây là những thông tin cụ thể về những người cụ thể phạm tội bạo lực đối với người Ukraine.

“Và” Cuốn sách của những kẻ tra tấn “như vậy là một trong những nền tảng cho thấy trách nhiệm không chỉ của những thủ phạm trực tiếp gây ra tội ác chiến tranh - những người lính của quân đội chiếm đóng, mà còn của những người chỉ huy của họ. Những người đã ra lệnh. Những người đã gây ra mọi thứ ở Ukraine. Ở Bucha, ở Mariupol, ở tất cả các thành phố của chúng tôi, ở tất cả các cộng đồng mà họ đã ra tay”.

Zelenskiy cho biết thêm, việc hình thành cuốn sách về những kẻ tra tấn này đã được tiến hành trong một thời gian.

Tháng trước, một binh sĩ Nga 21 tuổi đã bị kết án tù chung thân vì giết một người đàn ông không vũ trang trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đầu tiên của Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.

Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga khi người Ukraine khai quật các mồ chôn tập thể tại các khu vực bị quân xâm lược chiếm đóng trước đây.

Vào tháng 4, Tổng công tố Ukraine cho biết văn phòng của bà đang điều tra gần 6.000 trường hợp bị cáo buộc là tội ác chiến tranh của Nga, với “ngày càng nhiều” các thủ tục tố tụng được mở ra mỗi ngày.

Nga đã bác bỏ các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tuyên bố lực lượng của họ không nhắm vào dân thường. Nhưng các nhà báo CNN có mặt tại Ukraine đã tận mắt chứng kiến những bằng chứng hiển nhiên về những hành động tàn bạo tại nhiều địa điểm trên khắp đất nước.
 
Kỳ lạ: Lần thứ 2 vị được ĐGH ủy thác cải cách Dòng Malta đã qua đời. Một giáo phận đáng ngưỡng mộ
VietCatholic Media
16:56 08/06/2022


1. 70 tân linh mục được thụ phong cuối tuần qua ở một giáo phận Mễ Tây Cơ

Trong một cuối tuần lịch sử, Đức Hồng Y Tổng Giám mục Guadalajara, José Francisco Robles Ortega, đã tấn phong 70 phó tế lên chức linh mục trong hai buổi lễ riêng biệt được tổ chức vào ngày 4 và 5 tháng 6 tại cùng một ngôi thánh đường là Đền thờ Các Thánh Tử đạo Mễ Tây Cơ ở thành phố đó.

Số các phó tế được thụ phong linh mục quá đông, không đủ chỗ cho gia đình và thân quyến của các tân chức, nên Đức Hồng Y phải chia thành hai thánh lễ riêng biệt, cách nhau chỉ một ngày. Hôm thứ Bẩy mùng 4 tháng Sáu, 33 linh mục đã được thụ phong và hôm Chúa Nhật, 37 vị được thụ phong.

Ngoài ra, hôm thứ Sáu 3 tháng 6, Đức Hồng Y đã tấn phong 7 tân phó tế, cũng tại Đền thờ Các Thánh Tử đạo Mễ Tây Cơ.

Cha Juan Carlos Lupercio Gómez, phó Giám Đốc của chủng viện Guadalajara, nói với ấn phẩm hàng tuần của tổng giáo phận rằng “đó là một điều may mắn trong thời điểm mà chúng ta đang sống – vì trong nhiều lĩnh vực, có thể nói đó là một môi trường không có Chúa.”

“Đó là một dấu hiệu cho thấy chính Chúa Giêsu Kitô, ở giữa nghịch cảnh, vẫn không ngừng kêu gọi để hạt giống của Lời Chúa được gieo vãi khắp thế giới”.

“Và Chúa vẫn tiếp tục gọi, giọng nói của Ngài đầy quyền năng và vẫn còn đó những trái tim trẻ sẵn sàng tiếp tục lắng nghe nhịp đập của trái tim Ngài.”

Cha Lupercio cũng nhắc nhớ đến ký ức và chứng tá của Thánh Christopher Magellan và một số bạn tử đạo của ngài, những người cũng được đào tạo tại chủng viện Guadalajara và sau đó đã hiến mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa Kitô trong cuộc đàn áp tôn giáo diễn ra ở Mễ Tây Cơ vào những năm 1920.

Trong bài giảng trong lễ phong chức ngày 4 tháng 6, Đức Hồng Y Robles nhắc nhở các tân chức rằng họ không phục vụ thế giới, mà là phục vụ Thiên Chúa và dân tộc của Người.

“Hôm nay Chúa Thánh Linh đang chọn các con để trông coi đàn chiên. Và đàn chiên này là của ai? Thưa là đàn chiên của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được thừa hưởng nhờ bửu huyết của Ngài.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Đó không phải là đàn chiên của anh em, cũng không phải là đàn chiên của chúng tôi, mà là đàn chiên của Chúa Giêsu Kitô, được giao phó cho anh em bắt đầu từ ngày hôm nay với sự phù trì và xức dầu của Chúa Thánh Linh”.

Vị Hồng Y người Mễ Tây Cơ đã nói với các tân linh mục rằng “các bạn không bao giờ được quên nguồn gốc của mình” bởi vì “linh mục là một người đã được gọi, đã được chọn từ giữa cộng đoàn dân Chúa.”

“Linh mục không phải là thiên thần, ngài không phải người ngoài hành tinh, ngài không phải là đấng bề trên, ngài không thuộc một đẳng cấp siêu đẳng. Linh mục là một người, được Thiên Chúa tuyển chọn, được Thiên Chúa thu nhận từ những người đồng loại của mình.” Đức Hồng Y Robles nói.

Ngài cảnh báo rằng “khi linh mục quên đi nguồn gốc của mình”, anh ta sẽ tạo ra “khoảng cách giữa bản thân và giữa cộng đồng mà anh ta được chỉ định phục vụ.”

Nếu vị linh mục hành động theo cách này, “anh ấy thường gửi một thông điệp: Tôi là cấp trên, tôi quan trọng hơn, tôi là người phải được công nhận và là người phải được phục vụ.”

Đức Hồng Y nói: “Và khi linh mục có thái độ vượt trội hơn, cao hơn đồng loại của mình, thì linh mục sẽ tham gia vào các tệ nạn của chủ nghĩa giáo sĩ, là điều đáng buồn đang ảnh hưởng đến Giáo Hội và ảnh hưởng đến nhiều người

2. Lần thứ hai một vị được Đức Giáo Hoàng ủy thác việc cải cách Dòng Malta đã bất ngờ qua đời

Hiệp sĩ Marco Luzzago, người đứng đầu Dòng Malta từ năm 2020, đã đột ngột qua đời vào ngày 7 tháng 6 ở tuổi 72.

Hiệp sĩ Marco Luzzago, Thủ lĩnh tối cao thứ 81 của Dòng Malta, đã đột ngột qua đời tại Sở chỉ huy Villa Ciccolini ở Ý. Dòng Malta đã thông báo trong một tuyên bố vào ngày 7 tháng 6. Ở tuổi 72, ngài đã được bầu làm người đứng đầu Dòng vào ngày 8 tháng 11 năm 2020 và đã được Đức Thánh Cha Phanxicô trao nhiệm vụ cải tổ tổ chức này.

Hiệp sĩ Ruy Gonçalo do Valle Peixoto de Villas-Boas, Đại tư lệnh, do đó sẽ đảm nhận nhiệm vụ Hiệp Sĩ Tối Cao - lần thứ hai sau khi giữ vị trí này vào năm 2020 - và sẽ tiếp tục đứng đầu lãnh đạo dòng Malta cho đến khi xảy ra một cuộc bầu cử mới.

Sinh năm 1950 tại Brescia, Hiệp sĩ Marco Luzzago là họ hàng của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Ngài đã theo học y khoa trong vài năm tại các trường đại học Padua và Parma sau khi có bằng cử nhân, và sau đó quản lý các doanh nghiệp gia đình. Ngài gia nhập Dòng năm 1975 với tư cách là thành viên của chi nhánh Lombardy và Venice, nơi ông khấn trọn vào năm 2003. Kể từ năm 2010, ông đã cống hiến cuộc đời mình cho Dòng Malta.

Vị tiền nhiệm của ông là Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre, Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng, đã qua đời tại Rôma, hôm 29 tháng Tư, 2020.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Dòng các Hiệp sĩ Malta đã vướng vào hàng loạt các vụ tai tiếng và chia rẽ trong những năm gần đây.

Ngày 22 tháng 12, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Thủ tướng.

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, lúc đó là Hiệp Sĩ Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre đã được bầu làm Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng Hiệp sĩ Malta vào ngày 2 tháng 5, 2018 và hứa sẽ tiếp tục công cuộc cải cách Dòng này bắt đầu từ năm 2017 khi ông được bầu làm nhà lãnh đạo tạm thời.

3. Phép lạ Thánh Thể tại Sokółka

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, tại nhà thờ dành riêng cho Thánh Antôn ở Sokółka, Ba Lan, Thánh lễ lúc 8:30 sáng được cử hành bởi một cha phụ tá trẻ tuổi là Cha Filip Zdrodowski. Trong khi cho rước lễ, ngài vô tình làm rớt một bánh thánh mà không biết. Một người phụ nữ lên rước lễ đã quỳ gối xuống để đón nhận Thánh Thể, khi cúi xuống trao Mình Thánh Chúa, ngài mới chú ý thấy điều đó. Vị linh mục vẫn còn tê liệt vì sợ hãi và tin rằng bánh thánh đã bị bẩn, nên lượm lên và đặt vào một chiếc bình nhỏ bằng bạc chứa nước được các linh mục sử dụng để rửa ngón tay sau khi rước lễ. Vào cuối Thánh lễ, nữ tu Julia Dubowska, lấy chiếc bình đựng bánh thánh, đổ nó vào một chiếc bình khác, sau đó sơ ấy khóa trong két sắt nơi cất giữ các chén thánh.

Một tuần sau, vào khoảng 8 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 19 tháng 10, sơ mở két và thấy bánh thánh gần như tan chảy nhưng có một số cục màu đỏ rất lạ ở giữa. Sơ ngay lập tức gọi các linh mục để chỉ cho các ngài những gì đã được sơ phát hiện. Bánh thánh gần như đã bị tan ra. Chỉ còn lại một phần rất nhỏ của tấm bánh thánh hiến dính chặt với “cục máu đỏ kỳ lạ” đó. Cha sở nhà thờ Sokółka liên lạc ngay với tổng giáo phận Białystok. Đức Tổng Giám Mục Edward Ozorowski cùng với vị chưởng ấn, các linh mục và giáo sư đã kiểm tra Bánh thánh và rất kinh ngạc. Các ngài quyết định chờ đợi sự phát triển của các sự kiện và xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vào ngày 29 tháng 10, bình đựng Mình Thánh được đưa vào nhà nguyện của giáo xứ và để trong nhà tạm; ngày hôm sau, theo lệnh của Đức Tổng Giám Mục, Cha Gniedziejko dùng một thìa nhỏ lấy ra một cách cẩn thận bánh thánh đã được hòa tan một phần với chất màu máu ở bên trong và đặt nó trên một khăn thánh màu trắng tinh khiết, với một cây thánh giá màu đỏ được thêu ở giữa. Khăn thánh này được đặt trong một hộp dùng để cất giữ và mang Mình Thánh, sau đó được khóa lại trong nhà tạm. Qua thời gian bánh thánh dính chặt vào khăn thánh, và cục máu khô đi. Lúc đó hai nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu và là các chuyên gia về giải phẫu bệnh học tại Đại học Y Khoa Białystok mới được mời đến xem xét.

Đây là bản tuyên bố của tổng giáo phận Białystok vào ngày 29 tháng Sáu, 2009/

1. Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, Mình Thánh đã được thánh hiến rơi khỏi tay của một linh mục khi ngài đang cho rước lễ. Ngài nhặt nó lên và đặt nó vào một cái bình chứa đầy nước. Sau Thánh lễ, bình đựng thánh thể được đặt trong một két an toàn trong phòng thánh.

2. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2008, sau khi mở két, bằng mắt thường, người ta có thể thấy rõ một vết đỏ trên Mình Thánh, ngay lập tức ta có thể nhìn thấy vết tích đó là một vết máu.

3. Vào ngày 29 tháng 10 năm 2008, bình đựng Mình Thánh Chúa được chuyển đến nhà tạm của nhà nguyện giáo xứ. Ngày hôm sau, Mình Thánh được lấy ra khỏi nước chứa trong bình và được đặt trên một khăn thánh bên trong nhà tạm.

4. Vào ngày 7 tháng Giêng năm 2009, bánh thánh đã được kiểm tra độc lập bởi hai chuyên gia về mô bệnh học tại Đại học Y khoa Białystok. Họ đã đưa ra một tuyên bố chung có nội dung: ‘Mẫu được gửi để đánh giá trông giống như tế bào cơ tim. Theo quan điểm của chúng tôi, trong số tất cả các mô của sinh vật sống, tế bào cơ tim giống với nó nhất’”.

5. Ủy ban đã lưu ý rằng Mình Thánh đã được phân tích chính là Mình Thánh đã được chuyển từ phòng thánh đến nhà tạm trong nhà nguyện của nhà xứ. Sự can thiệp của bên thứ ba vẫn chưa được tìm thấy.

6. Trường hợp của Sokółka không mâu thuẫn với đức tin của Giáo hội, mà là xác nhận điều đó.