Ngày 16-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Năm 17/6: Hành trang mang theo khi cầu nguyện– Suy Niệm: Linh mục Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
00:50 16/06/2021


Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 16-June-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15

“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen. “Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

Đó là lời Chúa.
 
Cho cách vui lòng
Lm. Minh Anh
05:45 16/06/2021
CHO CÁCH VUI LÒNG
“Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng!”.

Một nhà tâm lý nhận định, “Vấn đề rắc rối là, có quá nhiều người tiêu những số tiền mà họ chưa kiếm được, cho những thứ họ không cần, để gây ấn tượng với những người họ không thích!”. Và thú vị thay! Mẹ Têrêxa thêm vào, “Nếu cho đi những gì bạn không cần, đó không phải là cho đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi bảo, phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến việc cho đi. Cho đi những gì chúng ta dành cho Thiên Chúa, cho đi những gì chúng ta dành cho anh chị em mình. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa yêu thương kẻ ‘cho cách vui lòng!’”.

‘Cho cách vui lòng’, hoặc cho đi cách vui vẻ hoàn toàn khác với việc cho đi cách miễn cưỡng hoặc có cảm giác bị ép buộc. Vậy thì điều gì khiến việc cho đi trở nên vui vẻ, hơn là cực lòng và bực nhọc? Sẽ khá ngạc nhiên, đó là một cảm giác biết ơn! Trước hết, chúng ta biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban tất cả những gì làm nên con người chúng ta, cũng như biết ơn Ngài về mọi điều hồn xác chúng ta hưởng nhận hầu làm vinh danh Ngài; tắt một lời, ‘những gì chúng ta là, và những gì chúng ta có’. Trong niềm ‘biết ơn kép’ đó, chúng ta sống trong sự kính sợ Thiên Chúa, thi hành điều Ngài dạy; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác tín điều đó, “Phúc đức thay người tôn sợ Chúa!”.

Vậy mà, biết ơn Thiên Chúa là điều có thể hiểu được, nhưng bên cạnh đó, kẻ ‘cho cách vui lòng’ còn có một cảm giác biết ơn khác nữa; một cảm giác biết ơn sâu sắc hơn, ở một cấp độ tế nhị hơn. Đó là biết ơn những người chúng ta giúp đỡ! Thật sao? Chúng ta biết ơn những ai mà chúng ta dành cho họ điều này điều kia, khi chúng ta hiểu được sự hiện diện của họ là một ân sủng và một phước lành cho chính chúng ta. Đó là những người mà tình yêu của họ đã chạm đến cuộc đời chúng ta một cách sâu sắc; họ có thể là những người chúng ta quen biết, hoặc cũng có thể, không quen biết; những người còn sống, những kẻ đã qua đời. Hiểu được như thế, các thánh và những người đạo đức có lý khi cảm nhận rằng, ‘người cho sẽ mang ơn người nhận’; họ ý thức mình chỉ là những dụng cụ trong tay Thiên Chúa hay khá hơn, chỉ là những tôi bộc, quản lý của Ngài. Bấy giờ, lời của Phaolô thật thâm trầm, “Cho thì có phúc hơn là nhận!”. Cũng trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô bảo đảm với chúng ta rằng, việc ‘cho cách vui lòng’ sẽ mang lại dồi dào hơn niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa, “Đấng cho anh em được dư tràn mọi ân phúc”.

Tin Mừng hôm nay nói đến việc ‘cho cách vui lòng’ khi chúng ta thi hành bác ái, cầu nguyện và ăn chay. Ba lần, Chúa Giêsu nói đến Thiên Chúa, “Cha các con, Đấng ngự nơi bí ẩn, thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho các con”. Thiên Chúa luôn thấy những gì con người thường không thấy; Ngài thấy điều tốt chúng ta làm mà người khác không thấy. Chúa Giêsu từng thấy sự hảo tâm của một bà goá trong đền thờ; Ngài từng nghe hai đồng xu hầu như không phát ra một âm thanh nào khi nó rơi vào hòm tiền; vậy mà Ngài đã đọc được sự rộng lượng phi thường khi bà dám ‘cho cách vui lòng’ tất cả những gì để nuôi sống. Ngài cũng đã ‘tự mời mình’ đến nhà Zakêu vì nhận ra rằng, ở Zakêu, còn có nhiều điều tốt lành hơn cả danh tiếng của ông; Zakêu cũng sẽ đứng lên, tuyên bố những gì ông sẽ ‘cho cách vui lòng’. Và Chúa Giêsu cũng sẽ nói với ông và những kẻ có mặt rằng, với Zakêu, Thiên Chúa cũng sẽ ‘cho cách vui lòng’ hơn, “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ!”.

Anh Chị em,

Ai âm thầm ‘cho cách vui lòng’ bằng Thiên Chúa! Ngài cho hạt mầm nảy mộng để muôn cánh rừng không ngừng mọc lên; cho chim chóc bay lượn, cho con người sự sống; Ngài rút sinh khí, muôn loài tắt hơi; Ngài cho thế gian chính Con Một mình. Và mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài không ngừng cho đi Thánh Thể Châu Báu để tiếp tục ban sự sống thần linh của Ngài. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống như những con cái luôn ở trước mặt Cha, ý thức Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta. Chúng ta sẽ làm hài lòng người đời hay làm vui lòng Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài? Vào cuối đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, tất cả những gì mang theo là những gì chúng ta đã cho đi; mọi thứ khác, chỉ là phù phiếm. Những mong muốn được quý trọng, được yêu thương sẽ tan biến như sương mù trước ánh hồng. Thử thách đó rất rõ ràng, hành động âm thầm trước Thiên Chúa với ý định trong sạch tuyệt đối những gì không bao giờ được thế giới công nhận, hoặc ngay cả được nhìn nhận và đánh giá cao… một ngày kia, sẽ được đáp đền trên thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn sống đối diện trước mặt Chúa và vĩnh viễn từ bỏ những tham vọng viển vông, vì quá lo lắng đến những gì người khác nghĩ về con; nhờ đó, con có thể ‘cho cách vui lòng’ những gì Chúa muốn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đức Giê-su, sự cần thiết cho cơn đại dịch Covid-19
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
08:14 16/06/2021
Đức Giê-su, sự cần thiết cho cơn đại dịch Covid-19

(Gợi ý chia sẻ Tin mừng Chúa nhật 12 thường niên B)

Trong khi tôi soạn bài giảng này, mọi người trên khắp cả thế giới, nhất là tại Việt Nam đang phải oằn mình, hoang mang lo sợ vì đại dịch Covid-19 bùng phát rất nhanh từng giờ từng phút kéo theo con số tử vong cũng như người nhiễm bệnh rất cao. Đây quả là sóng gió bão bùng đối với con người mà tự sức khó để chèo chống. Tuy nhiên, có nhiều quốc gia, tập thể và cá nhân đã nỗ lực dùng nhiều cách thức như quyền lực, tiền tài, vật chất, ngay cả cầu khấn các thần thánh để chống lại Covid, nhưng mọi sự đều vô vọng không muốn nói càng ngày đại dịch lại càng gia tăng. Trong phụng vụ Lời Chúa của tuần 12 thương niên B hôm nay, chúng ta bắt gặp một Giê-su, nguồn sức mạnh của Thiên Chúa hiện diện với nhân loại ngang qua việc làm cho chiếc thuyền của các môn đệ thoát khỏi những cơn sóng mạnh mẽ và giết chết.

Quả thật, Covid, hình bóng của sự Dữ và sự Chết đang ‘gầm gừ’ và ‘mạnh mẽ hoành hành’ trong thế giới lữ hành của chúng ta. ‘Bão tố hung dữ’ này đang làm cho người người, nhà nhà phải xa cách vì bị cách ly hay tử vong khi bị nó xâm nhập và lây nhiễm. Biết bao nhiêu nỗ lực của các nhà khoa học và các chuyên gia y tế đã, đang và sẽ tìm mọi phương cách hữu hiệu nhất để phòng chống ‘cơn sóng dữ dội’ này. Nhìn chung phần nào đó đã ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh qua việc nghiên cứu ra Vacinne. Tuy nhiên, tự sức con người làm sao có thể chống trả được ‘cơn sóng’ nguy hiểm này? Nơi bài Tin mừng hôm nay, chính Chúa Giê-su đã muốn cho các môn đệ tiếp cận với cơn sóng dữ dội nơi biển hồ Galile khi Ngài bảo: “Chúng ta sang bờ bên kia đi !” (Mc 4,35). Nơi đây các môn đệ đã bị cuồng phong giông tố đe doạ: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.” (c.37). Ý Chúa Giê-su muốn dạy cho các môn đệ nói riêng và tất cả mọi người chúng ta nói chung bài học trong cuộc đời là không thể mà không có sự Dữ, nhất là sự Chết. Chúng ta phải chấp nhận tiếp cận, chung đụng và trải qua. Các môn đệ đã va chạm và đối diện với sóng dữ. Các ông đã hoang mang lo sợ và bất lực hoàn toàn khi nhận ra rằng tự mình chẳng giải quyết và chiến thắng được cơn giống tố bão bùng này. Chính vì thế, các môn đệ đã mau chóng chạy đến với Đức Giê-su để cậy nhờ Ngài can thiệp: Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”. Một điều chúng ta đáng lưu ý là việc Chúa Giê-su ‘ngủ’ trên chiếc thuyền không phải là Ngài không hiện diện, Ngài bỏ rơi các môn đệ, bỏ rơi nhân loại, nhưng Ngài muốn cho mọi người biết rằng Ngài vẫn hiện diện ở đó, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là trong những lúc bi thương nhất của cuộc đời. Điều quan trọng là con người đã không nhận ra Ngài và đã mời Ngài ra khỏi con thuyền cuộc đời của mình để tự giải quyết mọi sự. Và đương nhiên, đứng trước mọi khó khăn hay sóng gió cuộc đời, con người dường như bị giới hạn và chẳng làm được gì để vượt qua. Cái khôn ngoan nơi các môn đệ là nhớ đến Chúa Giê-su và kêu cầu Ngài để Ngài giúp đỡ vì biết rằng ‘không có Thầy, chúng con không làm được gì.’(Ga 15,5). Quả thật, sự hiện diện của Chúa Giê-su đã làm vơi đi, tan đi và mất đi sự ‘lộng hành của bão táp’ mà các môn đệ đang phải hứng chịu. Tin mừng đã thuật lại điều đó: “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.” (c.39). Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa, có uy quyền trên mọi sự, cụ thể là trên biển cả mà Tin mừng hôm nay trình thuật. Uy quyền của Ngài đã và đang chiến thắng mọi sự Dữ và ngay cả sự Chết. Hình ảnh Ngài ‘ngủ’ như là hình ảnh báo trước cái chết của Ngài. Và khi Ngài ‘thức dậy’ là hình ảnh chiến thắng tử thần của Ngài trong tương lai, nghĩa là Ngài sẽ sống lại hiển vinh. Đối với Ngài, sự Dữ và sự Chết chẳng làm được gì vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng toàn thiện và Đấng tác sinh muôn loài muôn vật.

Chính vì thế, đứng trước sự Dữ là giông tố cuộc đời, nhất là trong bối cảnh cả và nhân loại đang đối diện với Đại dịch Covid-19, con người chúng ta ngoài việc nỗ lực thực hiện phòng chống nó với tiêu chuẩn 9K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế - Kiểm soát biên giới - Khu cách ly an toàn - Không ra khỏi nhà khi cần thiết - Không đăng tải thông tin sai sự thật), ngoài việc nỗ lực tìm kiếm Vacinne phòng ngừa, là những người có đức tin chân chính, chúng ta được mời gọi hãy mau chóng chạy đến với Thiên Chúa tình yêu ngang qua Chúa Giê-su Ki-tô để nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài mọi người sẽ được cứu chữa và giải thoát. Cũng vậy, đứng trước sóng dữ hoành hành, các môn đệ đã vội vã kêu cầu Đức Giê-su hơn là cậy dựa vào sức lực yếu đuối của con người, và kết quả đã được giải thoát khỏi bão tố hãi hùng đó. Chính Thánh Phao lô, tông đồ dân ngoại, cũng đã khẳng quyết trong bài đọc II (2Cr 5, 14-17): nơi Đức Giê-su, Đấng đã chết và sống lại hiển vinh sẽ làm cho con người trở nên thụ tạo mới và được tham dự vào phần vinh quang bất diệt. Nơi Ngài, mọi người sẽ được giải thoát mọi sự Dữ và sự Chết. Cũng vậy, nơi bài đọc I, Thiên Chúa đã khẳng định với Gióp rằng: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau : Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài,…” (G 38, 1.8-10). Chính Thiên Chúa làm nên mọi sự, chủ mọi sự và giải thoát mọi sự, con người chỉ là dụng cụ và là người quản lý công trình sáng tạo mà thôi.

Thật vậy, hình ảnh sóng gió bão bùng trong bài Tin mừng hôm nay đối với con thuyền các môn đệ chính là hình ảnh giông tố trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Hình ảnh rõ ràng và thiết thực nhất, đó là Đại dịch Covid mà nhân loại chúng ta đang đối diện. Nó đang làm cho thế giới đảo điên và hoang mang lo sợ. Đứng trước Đại dịch này, mọi người đã dùng mọi phương cách để phòng chống nhưng xem ra mọi sự không như mong muốn. Phải chăng con người đã tự cậy dựa vào sự khôn ngoan, thông minh, giàu có của mình để giải quyết? Phải chăng mọi người tự cho mình làm được mọi sự, tự cho mình là cái rốn của vũ trụ? Nhưng thực tế đã cho thấy, tất cả nỗ lực của con người chẳng đem lại được cái gì nếu thiếu đi sự can thiệp của Thiên Chúa. Vì thế, là những người tin nhờ sự vào mặc khải của Chúa Giê-su, nhờ Tin mừng của Ngài, chúng ta được nhận chân rằng chính Chúa là Đấng uy quyền trên trời dưới đất. Nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài, mọi sóng gió bão bùng sẽ được dập tắt nếu chúng ta biết cậy dựa vào Ngài.

Do đó, chúng ta hãy mau nói cho thế giới loài người biết rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Đấng dựng nên muôn loài muôn vật và có uy quyền trên mọi sự. Ngài luôn yêu thương và ban phát mọi ơn lành cho những ai biết tin tưởng vào Ngài và mong muốn Ngài đi vào con thuyền cuộc đời đang chênh vênh và gập ghềnh bởi biết bao sóng gió dữ dằn của ma quỷ, của thế gian và xác thịt, nhất là trong tình cảnh khó khăn và sợ hãi bởi cơn sóng của Đại dịch Covid-19 này.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Giữa sóng cả ba đào - Hãy vững tin vào Chúa
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:17 16/06/2021
Giữa sóng cả ba đào - Hãy vững tin vào Chúa

Suy niệm Chúa nhật XII Năm - B

(Mc 4, 35 – 40)

Trong những năm gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều tin làm chấn động cả thế giới : những trận động đất, sóng thần, bão tố, sạt lở liên tiếp xảy ra, phá hủy bao công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt đại dịch Covid 19 làm cả thế giới điêu đứng, mấy triệu người chết, con số vẫn chưa dừng. Những trận cuồng phong bão táp chúng ta có thể thấy bằng con mắt giác quan, còn có những trận cuồng phong vô hình đã và đang từng ngày đổ ập vào người ta như trường hợp của ông Gióp người đầy tớ của Thiên Chúa, sóng gió hữu hình đến với các môn đệ Chúa Giêsu, và chắc chắn có sóng cả ba đào đổ ập vào đời ta.

Noi gương ông Gióp

Gióp, một con người đạo đức, giầu sang phú quí. Thiên Chúa rất hài lòng về ông. Thấy vậy, Satan xin Chúa để nó được phép thử ông, xem ông cò trung thành với Chúa không. Chúa cho phép. Satan được làm hại mọi sự ông có, nhưng không được đụng tới ông. Satan liền ra tay. Thế là bằng mọi cách, Satan đã làm gió làm bão trên cuộc đời ông, khiến ông bị vợ bỏ, con chết, súc vật bị phân tán và ngay cả bản thân ông cũng bị bệnh phong cùi lỡ loét, phải ngồi trên đống phân tro ngoài đồng, còn cái cảnh nào bi đát hơn, chán nản và tuyệt vọng hơn. Satan đã tấn công ông tứ bề, lợi dụng cả bạn bè đến để khích bác, chê bai vì đã dại dột tin tưởng vào Thiên Chúa. Tất cả các thử thách trên đây thật là khủng khiếp. Nhưng phản ứng của ông Gióp là vâng phục, sấp mình xuống đất, sụp lạy Chúa. Chúa đã thử thách ông Gióp. Ông đã trung thành. Sau cùng Chúa đã thưởng ông. Chúa khôi phục lại tài sản cho ông. Chúa tăng gấp đôi những gì ông đã có trước kia. Chuyện thánh Gióp là một gương sáng về lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Kinh nghiệm từ Các Tông Đồ

Tin Mừng Thánh Marcô thuật lại, Chúa Giêsu truyền các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ … Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước" (Mc 4, 35-37). Các môn đệ hết sức sợ hãi, sợ chết, có khi sợ Thầy đang ở trong thuyền của họ cũng chết nữa! Cái chết thể xác không thể cưỡng lại nổi, nếu gió to sóng lớn đánh tan thuyền. Rồi các môn đệ than như một lời trách móc cay đắng "Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" (Mc 4, 38)

Chúng ta đặt mình vào trong tình huống này, cuồng phong nổi lên, sóng khiến nước ập vào thuyển, Chúa Giêsu vẫn ngủ. Một bên là gió rít sóng gào, bên kia là hơi thở nhẹ nhàng và đều đặn của Chúa Giêsu. Một bên là các môn đệ chạy lên chạy xuống kêu la hốt hoảng đến mất lòng tin. Bên kia là tư thế nghỉ ngơi bình an thoải mái ngay ở đàng lái mạn thuyền của Chúa Giêsu. Như thế, ở giữa sức mạnh phong ba bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành của Chúa Giêsu, vì Người là Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn là các môn đệ không được hoảng hốt, kêu la và đánh thức Thầy, với sự hiện diện của Thầy lẽ ra các ông phải yên tâm mới phải. Cứ để biển động, gió gào, sóng thét và nhất là cứ để Chúa Giêsu ngủ trong thuyền của các ông.

Chúng ta tự hỏi : Chúa Giêsu đã làm gì trong lúc con thuyền vượt biển? Thưa : Người tận dụng thời giờ để nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng không phải là Người vắng mặt. Chúa Giêsu đã thức dậy can thiệp đúng lúc và truyền cho gió bão : "Hãy im đi, hãy lặng đi" ( Mc 4, 39 ). Tức thì, gió bão im lặng. Các môn đệ cảm thấy nhẹ nhõm, không còn hoang mang, sợ hãi và lo lắng nữa. Biển lặng tượng trưng cho lòng con người được an bình, được yên lặng. Sau đó, Người đã quở các môn đệ rằng : "Sao các con sợ hãi thế, các con không có đức tin ư?" (Mc 4, 40).

Đời luôn có Chúa

Biển là gì? Thuyền có Chúa quyền năng, sao các ông lại sợ? Sóng to thế sao Chúa vẫn ngủ? Theo người Do Thái, biển là sào huyệt của Satan, cuồng phong thể hiện sức mạnh của tà thần. Con thuyền chở Chúa Giêsu và các môn đệ là hình ảnh của Giáo hội, việc Chúa Giêsu ngủ và thức dậy gợi lên mầu nhiệm Chúa chết và phục sinh.

Các môn đệ theo Chúa Giêsu bước xuống thuyền thì biển gầm sóng vỗ, các ông hoảng sợ kêu cứu... Chúa Giêsu trấn an các ông và truyền cho gió im biển lặng. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 27-2-2013 như sau : “Giáo hội là con thuyền… có lúc vui, nhưng cũng có lúc không dễ dàng. Tôi đã cảm thấy như thánh Phêrô với các Tông Đồ trong con thuyền trên hồ Galilêa: Chúa đã cho chúng ta những ngày đánh được đầy cá; cũng có lúc ngược gió, như trong suốt lịch sử của Giáo hội và xem ra Chúa ngủ. Nhưng tôi biết rằng trong thuyền luôn có Chúa … và con thuyền Giáo hội là của Chúa, Chúa không để cho nó chìm; chính Chúa điều khiển nó...”

Thật vậy, nếu ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, như khó khăn, vất vả, mệt nhọc bủa vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Hãy tin rằng, Giáo hội là của Chúa, Người không để cho nó chìm; Chúa chỉ đợi chúng ta tin tưởng vào Chúa.

Đối diện với sự dữ xảy ra trong cuộc sống, niềm tin vào tình yêu và sự toàn năng của Thiên Chúa bị thử thách. Chúng ta hãy noi gương ông Gióp vững tin vào Chúa, Đấng luôn muốn điều tốt cho con người. Chúa sẽ biến những đường cong thành đường thẳng. Chúa sẽ làm cho đêm tối của chúng ta thành ánh sáng. Chúng ta có thể bình an bước đi ngay cả trong đêm tối, khi đối mặt với sự dữ bởi chúng ta không bước đi một mình, nhưng có Chúa cùng đồng hành.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 16/06/2021

10. Ma quỷ thích nhất tâm hồn con người buồn phiền, nhìn thấy tâm hồn buồn phiền thì nó cám dỗ họ buồn rầu thất vọng, để tham cái vui sướng của thế tục.

(Thánh Francois de Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 16/06/2021
77. BẬN TỤNG KINH

Ngôi chùa ở bên sông có một hòa thượng đang tụng kinh, đột nhiên nghe trong góc điện thờ tiếng chuông vang lên, thì vội vàng kêu lớn tiếng:

- “Đồ đệ, đồ đệ, tiếng chuông vang rất khẩn trương, gió chắc hẳn là mạnh, trên sông nhất định là có đò bị gió thổi trôi dạt, ta bận tụng kinh bái Phật không có thời gian đi, con thay ta đi đến bờ sông vét ít đồ, nếu có người chìm trong nước thì tuyệt đối không được đi cứu.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 77:

Không đi cứu người thì dù có ngồi tụng kinh cả ngày cũng không lên được niết bàn; không đi cứu người thì dù cho tụng hết các kinh phật trên thế giới cũng không thể thành Phật được, bởi vì tụng kinh là để tâm hồn hòa hợp với thượng đế và vũ trụ, để con mắt trí huệ mở ra mà biết cảm thông và yêu mến tha nhân…

Cứu người, giúp đỡ tha nhân, phục vụ anh chị em là những hoa quả của việc đọc kinh và suy tư Lời Chúa.

Có những gia đình Ki-tô hữu thức ăn bỏ đầy tủ lạnh ăn không hết thì giống như miệng họ đọc thuộc làu những kinh nguyện không dứt, nhưng họ nhất định đem thức ăn đổ vào thùng rác chứ không rộng tay bố thí cho người ăn xin đang ngửa tay đứng trước cửa nhà mình, họ chỉ thấy thiên đàng trong trí mà không thấy Đức Chúa Giê-su –là chủ thiên đàng- đang đứng trước nhà của họ…

Dâng lễ đọc kinh cho thật nhiều mà không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi tha nhân, thì kinh nguyện và thánh lễ sẽ là những bản cáo trạng chúng ta trong ngày phán xét vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con cái của Cha
Lm. Minh Anh
22:58 16/06/2021
CON CÁI CỦA CHA
“Lạy Cha chúng con ở trên trời!”.

Trong cuốn “Foundations of Faith”, “Những Nền Tảng Của Đức Tin”, J.C. Ryle viết, “Có hai điều mà con người không có số học để tính toán, không có thước đo để đo lường. Một là, mức độ mất mát của Thiên Chúa, Đấng dám cho đi chính mình; hai là, mức độ ân tứ của Ngài, khi phải ban Con Một cho tội nhân… Tội lỗi phải thực sự vượt quá chính nó, khi Thiên Chúa buộc phải ban Con Một của Ngài để làm Bạn của tội nhân và bấy giờ, tội nhân được trở nên con cái của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận định của J.C. Ryle đúng là một trong những nền tảng của đức tin. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại nền tảng này qua Kinh Lạy Cha mà Ngài dùng để dạy chúng ta cầu nguyện. Kinh Lạy Cha là bản tóm tắt của toàn bộ Tin Mừng; nó được gọi là “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu”. Với kinh nguyện này, Chúa Giêsu dạy chúng ta bảy lời thỉnh cầu với Thiên Chúa; trong đó, mọi khao khát của con người và mọi biểu hiện của đức tin được tỏ lộ.

Kinh Lạy Cha không bắt đầu bằng một lời cầu xin; đúng hơn, bắt đầu với việc thừa nhận danh tính của chúng ta là ‘con cái của Cha’. Đây là nền tảng then chốt để “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” được thưa lên đúng cách. Nó cũng tiết lộ cách tiếp cận nền tảng mà chúng ta phải thực hiện trong mọi lời cầu nguyện và trong toàn bộ đời sống Kitô hữu của mình. Kinh nguyện này bắt đầu rằng, “Lạy Cha chúng con ở trên trời!”. Hãy xem những gì được chứa đựng trong lời mở đầu này!

Trong Thánh Lễ, linh mục mời gọi mọi người cầu nguyện với Kinh Lạy Cha thế này, “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”. Sự “dám nguyện” ‘táo bạo’ này đến từ sự hiểu biết nền tảng rằng, Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Mỗi Kitô hữu phải nhận thức Chúa Cha là Cha của mình; biết mình là con trai, con gái của Thiên Chúa và đến gần Ngài với sự tự tin của một đứa trẻ. Đứa trẻ có cha mẹ yêu thương, nó không sợ cha mẹ của nó. Đúng hơn, mọi đứa trẻ có niềm tin lớn nhất rằng, cha mẹ chúng yêu thương chúng, cho dù chúng thế nào đi nữa; ngay cả khi có tội, các trẻ biết, chúng vẫn được yêu thương. Đây phải là điểm khởi đầu nền tảng cho mọi lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu với sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bất kể điều gì xảy ra với chúng ta, bất kể chúng ta thế nào. Với sự hiểu biết này, chúng ta sẽ có tất cả sự tự tin cần thiết để kêu cầu Thiên Chúa.

Gọi Thiên Chúa là “Cha” hay cụ thể hơn, “Abba”, “Cha ơi” có nghĩa là chúng ta kêu cầu Thiên Chúa theo cách riêng tư nhất và thân mật nhất. “Abba”, “Cha ơi” là một thuật ngữ thể hiện sự quý mến dành cho Chúa Cha. Điều này cho thấy, Thiên Chúa không chỉ là Đấng Toàn Năng; nhưng còn hơn thế nữa, Ngài là Cha nhân từ của tôi; và tôi, con trai, con gái, ‘con cái của Cha’, con cái rất yêu dấu của Ngài. Gọi Thiên Chúa là “Cha” còn thể hiện một mối quan hệ hoàn toàn mới do Giao Ước Mới được thiết lập trong bửu huyết của Chúa Kitô; chính nhờ mối quan hệ mới mẻ này, chúng ta được trở nên thần dân trong Vương Quốc Ngài. Đây chính là quà tặng từ Thiên Chúa mà chúng ta không tự sức, hoặc tự quyền có được. Nói cách khác, không ai có quyền được gọi Thiên Chúa là Cha nếu không có Chúa Giêsu. Đó là một ân sủng và là một quà tặng nhờ công nghiệp cứu chuộc của Giêsu, Con Một Ngài.

Thánh Phaolô trong bài đọc Côrintô hôm nay cho thấy niềm xác tín đó, “Đã có sự thật của Đức Kitô trong tôi!”. Sự thật của Đức Kitô là Tin Mừng Cứu Độ của Ngài; sự thật đó còn là mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc con người trong Ngài. Công trình cứu chuộc đó được tán tụng qua lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính!”.

Anh Chị em,

Ân sủng làm ‘con cái của Cha’ bày tỏ sự hiệp nhất sâu xa của chúng ta với Chúa Giêsu; vì thế, chúng ta chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” trong chừng mực chúng ta nên một với Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, việc gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con” cũng cho thấy sự kết hợp mà chúng ta chia sẻ với nhau; trong Chúa Giêsu, chúng ta là anh chị em của nhau. Ở đây, chủ nghĩa cá nhân bị bỏ lại để đổi lấy sự hiệp nhất huynh đệ. Vì thế, mỗi ngày, đọc Kinh Lạy Cha, đặc biệt trong Thánh Lễ, chúng ta không chỉ kết nối sâu sắc với nhau, nhưng còn có thể cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, Cha của mình; và cùng lúc, hiệp nhất nên một với nhau trong Thánh Thể của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin Thánh Thần Chúa uốn nắn con mỗi ngày, cho con trở nên loại hình con cái mà Cha trên trời đang muốn con trở thành. Để được vậy, xin cho con nên giống Chúa ngày một hơn, hầu con xứng đáng là ‘con cái của Cha’ trên trời”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 18/6: Kho tàng Nước Trời – Lm. Đa Minh Vũ Kim Quyền, SJ
Giáo Hội Năm Châu
23:48 16/06/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 17-June-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Mt 6, 19-23

“Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?”

Đó là lời Chúa.
 
Sóng gió trong cuộc đời
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
23:52 16/06/2021


Khi Chúa Giê-su cùng các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ, một trận cuồng phong nổi lên dữ dội, nước xô ập vào thuyền. Các môn đệ hoảng hốt đối phó với sóng to gió lớn. “Trong khi đó, Chúa Giê-su dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” như chẳng có gì xảy ra (Mc 4,38).
Trước tình thế nguy nan, các môn đệ đánh thức Chúa Giê-su dậy và cất tiếng van xin: “Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Bấy giờ Chúa Giê-su dùng lời quyền năng của mình, truyền cho sóng biển lặng yên.
Trình thuật này gợi lên nơi chúng ta hai vấn nạn:

1. Tại sao Thiên Chúa để cho “sóng gió” xảy ra?
Thiên Chúa là Cha nhân từ, rất mực tốt lành và hết lòng yêu thương hết mọi người. Thiên Chúa có lý do chính đáng khi để cho sóng gió, gian truân xảy ra trên địa cầu. Không ai dò thấu tư tưởng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dưới góc nhìn thiển cận của người phàm, ta nhận thấy rằng:

Trần gian là trường huấn luyện, chứ không phải là thiên đàng
Nhờ kiên trì giải những bài toán khó mà đầu óc học sinh được mở mang và các em trở thành học sinh giỏi; nhờ những khổ luyện trong quân trường mà các tân binh trở thành những chiến sĩ can trường và đạt nhiều thắng lợi vẻ vang; nhờ những giờ tập luyện kiên trì và nghiêm ngặt mà các vận động viên điền kinh đoạt được những huy chương vàng; nhờ dày công nghiên cứu liên lỉ ngày đêm mà các nhà khoa học cống hiến cho đời những phát minh tuyệt diệu…
Nếu xoá bỏ hết những bài toán khó trong các trường học, bỏ hết những rèn luyện gian khổ trong quân trường, bỏ hết những bài tập nghiêm ngặt cho các vận động viên và các nhà khoa học không còn miệt mài khổ công nghiên cứu nữa… thì còn đâu là văn minh, tiến bộ, phát triển… trên địa cầu này?

Nếu trần gian này không có khó khăn, thách thức, gian khổ… mà chỉ có dễ dàng, thoải mái, cầu được ước thấy… thì trần gian này đã là thiên đàng rồi; khi đó, người ta không cần ngưỡng vọng một thiên đàng thứ hai. Khi đó, người ta không cần rèn luyện, tu tâm sửa tính để mong đạt tới thiên đàng thượng giới. Vì thế, phẩm chất con người sẽ thấp kém hơn nhiều.
Bấy giờ, mọi người đều tha hồ vui hưởng thiên đàng hạ giới này, đều đắm mình trong lạc thú, chơi bời cho thoả mãn những đòi hỏi vô độ của thân xác… Do đó, loài người sẽ sa đoạ và lún sâu vào tội lỗi.
Như thế, những khó khăn, thách thức trên cõi đời này có tác dụng như những bài luyện tập cần thiết để rèn luyện con người trở nên can trường mạnh mẽ, tốt lành thánh thiện, có nhiều phẩm chất cao đẹp, xứng đáng đạt tới thiên đàng thượng giới trong tương lai.

2. Tại sao có những điều ta cầu xin mà Chúa không đáp ứng?

Khi gặp sóng to gió dữ trên biển hồ, các môn đệ đã cầu cứu Chúa Giê-su và đã được Ngài nhận lời, truyền cho sóng yên biển lặng. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta gặp sóng gió, gian truân trong cuộc đời và cũng tha thiết cầu xin Chúa cứu giúp, thế mà sóng gió vẫn còn nguyên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không còn tin tưởng và yêu mến Chúa.
Vậy thì tại sao Chúa không ra tay cứu giúp ngay khi ta kêu cầu?

Nếu ta xin bất cứ điều gì Chúa cũng ban, thì trần gian sẽ là thiên đàng hạ giới nên không ai còn ngưỡng vọng thiên đàng thượng giới nữa và khi đó, nhiều hậu quả tai hại sẽ từ đó xảy ra như đã nói trên đây.
Nếu ta xin bất cứ điều gì Chúa cũng ban thì ai nấy đều chạy đến với Chúa để được hưởng phúc lộc đời nầy và như thế, Thiên Chúa trở nên một ông Thần Tài, chuyên dùng ân huệ, lợi lộc để dụ dỗ người ta đến đầu phục mình, chứ không giúp người ta tự rèn luyện trong gian truân để trở nên người tốt.

Thiên Chúa là Cha khôn ngoan, nên khi chúng ta xin cá, thì thay vì cho cá, Chúa lại cho chiếc cần câu. Nhờ “cần câu” Chúa ban, người ta có thể đạt được những gì mình mong muốn.
Ý tưởng này đã được một tác giả diễn tả cách chí lý như sau:
“Tôi xin sức mạnh... và Ngài đã cho tôi gặp khó khăn để trui rèn tôi nên mạnh mẽ.
Tôi xin khôn ngoan... và Ngài đã cho tôi những vấn đề (như những bài toán khó) để giải quyết, nhờ đó tôi trở thành người khôn ngoan.
Tôi xin tiền của... và Ngài đã cho tôi khối óc và bắp thịt để làm việc, nhờ đó tôi trở nên giàu có…
Thế là, tuy không trực tiếp lãnh nhận những gì tôi xin... nhưng tôi có được tất cả những thứ tôi cần” (Khuyết danh).

Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con sẵn sàng dấn thân vào thế giới nầy như thể tham gia vào một trường huấn luyện vĩ đại và vui lòng chấp nhận “sóng gió” trong cuộc đời như những bài luyện tập cần thiết để trui rèn chúng con thành những người có đạo đức và phẩm chất cao đẹp, hầu mai sau xứng đáng được đội vòng nguyệt quế hoan hỉ bước vào thiên quốc.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo Lý Hàng Tuần của Đức Phanxicô: Trên Thập Giá, Chúa Giêsu Cầu Nguyện Cho Chúng Ta
Vũ Văn An
17:13 16/06/2021


Tại buổi yết kiến chung hôm thứ Tư, 16 tháng 6, tại Sân San Damaso, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc loạt bài giáo lý về cầu nguyện của ngài tập chú vào lời cầu nguyện vốn được gọi là lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Trong loạt bài giáo lý này, chúng ta đã nhắc lại nhiều lần rằng cầu nguyện là một trong những nét đặc trưng rõ ràng nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã cầu nguyện, và Người đã cầu nguyện rất nhiều. Trong diễn trình thi hành sứ mệnh của Người, Chúa Giêsu đã đắm mình trong đó, bởi vì cuộc đối thoại với Chúa Cha là cốt lõi rực sáng trọn sự hiện hữu của Người.

Các sách Tin Mừng làm chứng rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu càng trở nên mãnh liệt và cô đọng hơn xiết bao vào giờ khổ nạn và cái chết của Người. Những biến cố tột đỉnh trong cuộc đời của Người tạo nên cốt lõi trung tâm của việc rao giảng Kitô giáo: những giờ phút cuối cùng Chúa Giêsu sống tại Giêrusalem là trung tâm của Tin Mừng không những vì các Thánh sử dành nhiều chỗ rộng rãi hơn cho câu chuyện này, mà còn vì biến cố Người chết và phục sinh – giống như một tia chớp - làm sáng tỏ phần đời còn lại của Chúa Giêsu. Người không phải là một nhà từ thiện săn sóc các đau khổ và bệnh tật của con người: Người đã và còn hơn thế nữa. Trong Người, không những có sự tốt lành: mà còn có một điều gì đó hơn thế nữa, có ơn cứu rỗi, và không phải là ơn cứu rỗi từng hồi - kiểu có thể cứu tôi khỏi bệnh tật hoặc một khoảnh khắc tuyệt vọng - mà là ơn cứu rỗi toàn diện, ơn cứu rỗi của đấng được xức dầu, mang lại hy vọng trong chiến thắng dứt khoát của sự sống đối với sự chết.

Do đó, trong những ngày Lễ Vượt Qua cuối cùng của Người, chúng ta thấy Chúa Giêsu hoàn toàn đắm mình trong cầu nguyện.

Như chúng ta đã nghe, Người cầu nguyện rất nhiều trong vườn Diệtsimani, bị xao xuyến đến chết được. Tuy nhiên, chính trong giây phút đó, Chúa Giêsu đã gọi Thiên Chúa là “Abba”, là Cha (x. Mc 14:36). Chữ này, trong tiếng Aram, là tiếng nói của Chúa Giêsu, nói lên sự thân mật, nói lên sự tín thác. Chính trong lúc Người cảm thấy bóng tối bao quanh Người, Chúa Giêsu phá vỡ nó bằng chữ ngắn ngủi đó: Abba, lạy Cha.

Chúa Giêsu cũng cầu nguyện trên thập giá, bị che phủ tối tăm trong sự im lặng của Thiên Chúa. Thế nhưng, một lần nữa chữ “Lạy Cha” lại xuất hiện từ đôi môi của Người. Đó là lời cầu nguyện sốt sắng nhất, vì trên thập giá, Chúa Giêsu là Đấng chuyển cầu tuyệt đối: Người cầu nguyện cho người khác, Người cầu nguyện cho mọi người, ngay cả những người đã lên án Người, mặc dù không một ai, trừ một phạm nhân tội nghiệp đứng về phía Người. Tất cả mọi người đều chống lại Người hoặc thờ ơ với Người, chỉ có phạm nhân đó nhận ra quyền năng của Người. “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ làm ”(Lc 23:34). Giữa bi kịch, trong nỗi đau đớn tột cùng cả linh hồn lẫn thể xác, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng những lời thánh vịnh; với những người nghèo khổ trên thế giới, đặc biệt những người bị mọi người lãng quên, Người đọc những lời bi thiết của Thánh vịnh 22: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Chúa bỏ rơi con?” (câu 2). Người cảm nhận việc bị bỏ rơi, và Người đã cầu nguyện. Thập giá là sự hoàn thành hồng phúc của Chúa Cha, Đấng ban phát tình yêu, nghĩa là ơn cứu rỗi của chúng ta được hoàn thành. Và cũng có lần, Người gọi Chúa Cha là “Thiên Chúa của con”, “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha”: nghĩa là mọi sự, mọi sự đều là lời cầu nguyện, trong ba tiếng đồng hồ trên Thập giá.

Do đó, Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giờ phút quyết định của cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Và với sự sống lại, Chúa Cha sẽ khứng nhận lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu rất mãnh liệt, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu rất độc đáo, và cũng trở thành kiểu mẫu cho lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho mọi người: Người cầu nguyện cho cả tôi, cho từng người trong anh chị em. Mỗi người trong anh chị em có thể nói: "Chúa Giêsu, trên thập giá, đã cầu nguyện cho tôi". Người đã cầu nguyện. Chúa Giêsu có thể nói với mỗi người chúng ta: “Thầy đã cầu nguyện cho anh chị em trong Bữa Tiệc Ly, và trên Thập Giá”. Ngay trong những lúc đau đớn nhất của các nỗi khổ của chúng ta, chúng ta cũng không bao giờ cô đơn cả. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở với chúng ta. “Và bây giờ, thưa cha, ở đây, chúng con, những người đang lắng nghe điều này, Chúa Giêsu có cầu nguyện cho chúng con không?” Có, Người tiếp tục cầu nguyện để lời của Người có thể giúp chúng ta tiếp tục tiến lên. Nhưng anh chị em hãy cầu nguyện, và nhớ rằng Người cầu nguyện cho chúng ta.

Và đối với tôi, dường như đó là điều đẹp đẽ nhất đáng ghi nhớ. Đây là bài giáo lý cuối cùng của chu kỳ về cầu nguyện này: anh chị em hãy nhớ ân sủng mà chúng ta không những cầu xin, nhưng, có thể nói, chúng ta được “cầu nguyện cho”, chúng ta đã được đón nhận vào cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, trong hiệp thông với Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi: mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ điều này làm lòng. Chúng ta đừng nên quên. Ngay cả trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất. Chúng ta đã được nghinh đón vào cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã được Chúa Giêsu Kitô mong muốn, và ngay trong giờ thống khổ, giờ chết và giờ phục sinh của Người, mọi sự đã được hiến tặng cho chúng ta. Và như thế, với lời cầu nguyện và với cuộc sống, chỉ còn phải can đảm và hy vọng, và với sự can đảm và hy vọng này, cảm nhận được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ và tiếp tục bước đi: để cuộc sống của chúng ta có thể là một cuộc sống tán tụng vinh quang Thiên Chúa vì biết rằng Người cầu nguyện cho tôi với Chúa Cha, rằng Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi.
 
Dự án soạn thảo văn kiện chính thức loại Biden và các đồng chí chính trị gia Công Giáo phò phá thai khỏi việc rước lễ có cơ hội thành hình
Vũ Văn An
19:06 16/06/2021

Mặc dù gặp nhiều chống đối và mưu mô ngăn chặn, dự án soạn thảo văn kiện chính thức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhằm loại bỏ các chính trị gia Công Giáo kiên quyết phò phá thai khỏi gương mù gương xấu tiến lên rước lễ dù đang phạm tội trọng khách quan sát hại mạng sống thai nhi có cơ hội thành hình hơn bao giờ hết ngay trước khi có cuộc họp của Hội Đồng này.



Thứ nhất, trong số những vị giáo phẩm được nêu tên trên lá thư phản đối dự án gửi cho Đức Tổng Giám Mục Gómez, ít nhất có đến 4 vị cho biết không đồng ý với nội dung lá thư. Điều này cho thấy tính bất lương thiện của những vị chủ mưu, và do đó, thế giá của bức thư bị giảm đi rất nhiều.

Thứ hai, gần đây nhất, là tin tức liên quan đến việc Joe Biden bị từ khước gặp mặt Đức Phanxicô vào ngày 15 tháng 6, 1 ngày trước khi có cuộc thảo luận của các Giám Mục Hoa Kỳ.

Theo Catholic World News, tin trên do hãng tin CNA loan báo, dựa vào “nguồn tin đáng tin cậy của Vatican”.

Nhưng theo National Catholic Reporter, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bên cạnh Tòa Thánh bác bỏ nguồn tin đó, cho rằng “Tổng thống Biden không có kế hoạch thăm viếng Rome hay Thị Quốc Vatican vào tuần này”.

Toà thánh thì không bình luận gì về tin tức đó.

Catholic World News nhận định rằng tuy tờ National Catholic Reporter nhấn mạnh: không hề có cuộc gặp gỡ nào được lên lịch trình, và mạnh mẽ ngầm cho thấy hãng tin CNA tạo ra câu truyện vì các mục gtiêu chính trị đảng phái, nhưng người ta có lý để tin rằng Tòa Bạch Ốc quả có mưu tìm một cuộc gặp gỡ như thế, và ít nhất một số viên chức Tòa Thánh và nhiều giáo phẩm Hoa Kỳ mong có việc này.

Một cuộc gặp gỡ vào tháng 6 quả không có trên lịch trình được công bố của cả Đức Giáo Hoàng lẫn Ông Biden. Nhưng theo Catholic World News, những sắp xếp vào phút chót và ngay cả những chuyến thăm viếng không được tuyên bố vẫn có thể xẩy ra. Hoàn toàn có thể có việc các cuộc thảo luận giữa Tòa Bạch Ốc và Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đang diễn ra, và trong khi chưa có quyết định cuối cùng thì Tòa Thánh kết luận là để chuyến viếng thăm diễn ra là điều thiếu khôn ngoan. Trong trường hợp như thế, cả Tòa Thánh lẫn Tòa Bạch Ốc đều đã trung thực báo cáo rằng chưa bao giờ có kế hoạch gặp gỡ, và cuộc gặp gỡ không “bị hủy bỏ” vì chưa bao giờ được lên lịch trình.

Catholic World News cũng nhắc lại rằng đầu tháng 6, cả hãng tin CNA lẫn tờ National Catholic Register đều cho hay các cuộc thảo luận đang diễn ra, và cuộc gặp gỡ giữa Ông Biden và Đức Giáo Hoàng vào ngày 15 tháng 6 “có thể diễn ra”, nhưng “chưa được xác nhận”.

Ông Biden, người thường xuyên nhấn mạnh hậu cảnh Công Giáo của mình, lẽ dĩ nhiên có đủ lý do cần một cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng. Và một số giáo phẩm Hoa Kỳ, nhất là Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, vốn cố gắng hết sức trong việc tìm hậu thuẫn của Vatican để làm trệch đường rầy cuộc thảo luận của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về tính nhất quán Thánh Thể. Thành thử, điều chắc chắn có lý là cả hai phía đều thăm dò viễn ảnh một cuộc gặp gỡ như thế.

Mặt khác, điều cũng rõ ràng là các nhà ngoại giao của Tòa Thánh hẳn phải thừa nhận các mối nguy hiểm của một cuộc gặp gỡ như thế, nhất là vào thời điểm này, vì nó sẽ mang lại cho Biden sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng trong khi các Giám Mục Hoa Kỳ muốn làm rõ việc Tổng thống hỗ trợ phá thai là không thích hợp với đức tin Công Giáo mà chính ông tuyên xưng.

Tránh cái viễn tượng Đức Giáo Hoàng cho ông Biden rước lễ quả là một thúc đẩy lớn lao đối với các Giám Mục muốn bảo vệ tính tinh tuyền của giáo huấn Giáo Hội về việc rước lễ.

Thứ ba, cuộc thăm dò từ ngày 1 tới ngày 8 tháng 6 này của CatholicVote cho thấy đại đa số người Công Giáo Hoa Kỳ ủng hộ dự án loại bỏ các chính trị gia xưng mình là Công Giáo nhưng ngang nhiên và đôi lúc “hãnh tiến” công khai chống giáo huấn, thậm chí, luật Thiên Chúa, liên quan đến sự sống các thai nhi khỏi việc rước lễ. Câu hỏi được CatholicVote đặt ra (câu hỏi thứ 14) cho cuộc thăm dò như sau: “Bạn có tin rằng các Giám Mục Công Giáo nên thảo luận việc liệu có thích đáng để các viên chức công cộng Công Giáo, những người cổ vũ các sự ác luân lý trầm trọng, bất kể là Dân Chủ hay Cộng Hòa, tự mình tiến lên rước lễ hay không?”. 76% những người đi lễ hàng tuần trả lời có, 66% những người đi lễ hàng tháng trả lời có!

Giám Mục Hoa Kỳ không thể nào làm ngơ tiếng nói của họ.

Vả lại, tiếp theo lá thư phản đối của hơn 60 giáo phẩm, Đức Tổng Giám Mục Gómez, trong một thông tư gửi các Giám Mục, cho hay: mục đích chính của cuộc thảo luận không hẳn nhằm vào Ông Biden hay bất cứ ai, mà là để “giúp giáo dân hiểu vẻ đẹp và mầu nhiệm Thánh Thể như tâm điểm của đời sống Kitô hữu của họ”. Do đó, văn kiện, nếu được chấp thuận để soạn thảo, sẽ gồm 3 phần: “Thánh Thể, Một Mầu nhiệm phải tin”, “Thánh Thể, Một Mầu nhiệm phải cử hành” và “Thánh Thể: Một Mầu nhiệm phải sống”.

Tuy nhiên, văn kiện ấy vẫn chỉ là chuyện trong tương lai, chuyện của những ngày từ 16 tới 18 tháng này là bàn xem có nên có một văn kiện như thế hay không. Thành thử những vị phản đối dự án quả có tỏ ra quá nhậy cảm đối với bất cứ viễn ảnh nào, dù xa xôi, đụng đến vị tổng thống qúy yêu của họ.

The Pillar thì cho rằng có thể thông cảm với các vị trên vì dù sao dự án “nhất quán Thánh Thể” cũng phát xuất từ ủy ban được Gomez thành lập để khảo sát tính Công Giáo của chính phủ Biden. Và mặc dù phạm vi của dự án đã được mở rộng, nó vẫn là một “bóng ma” ám ảnh các người ủng hộ Biden, một phần vì các phương tiện truyền thông thổi phồng sự kiện.

Thực ra, văn kiện vẫn chỉ đứng ở bình diện giáo lý, giải thích tại sao một chính trị gia đi ngược lại giáo huấn Công Giáo trong bất cứ vấn đề nào không nên rước lễ, chứ không hẳn đề nghị một tiến trình quy phạm buộc các Giám Mục phải tuân theo.

Nếu đúng như thế, thì văn kiện lần này sẽ không khác bao nhiêu so với văn kiện đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thông qua với số phiếu 201-24 vào năm 2006, lúc Obama và Biden chưa chiếm được Tòa Bạch Ốc.

Theo The Pillar, văn kiện đó, dài 23 trang, có tên là “Phúc thay những người được mời gọi dự Bữa Tối của Người” về “việc Chuẩn bị Lãnh nhận Chúa Kitô Cách Xứng Đáng trong Phép Thánh Thể”. Văn kiện này dạy rằng những ai “không còn ở trong tình trạng ơn thánh vì một tội trọng” không nên lãnh nhận Thánh Thể cho đến khi “giao hoà với Thiên Chúa và Giáo Hội”. Trích lời Đức Gioan Phaolô II, văn kiện viết rằng “khi một người được công chúng biết đến đã phạm tội trọng hay bác bỏ giáo huấn định tín của Giáo Hội và chưa giao hòa với Giáo Hội, thì việc rước lễ của người này chắc chắn sẽ gây gương mù gương xấu cho người khác. Đây là một lý do hơn nữa để tự hạn chế mình lãnh nhận Thánh Thể”.

Cuối cùng, văn kiện viết thêm: “Tuy nhiên, nếu một người Công Giáo trong cuộc sống bản thân hay nghề nghiệp có tiếng và ương ngạnh bác bỏ các tín lý đã được định tín của Giáo Hội, hay có tiếng và ương ngạnh rẫy bỏ giáo huấn đã định tín của Giáo Hội về các vấn đề luân lý, họ đã làm giảm cách nghiêm trọng sự hiệp thông của họ với Giáo Hội. Việc lãnh nhận Thánh Thể trong hoàn cảnh như thế sẽ không phù hợp với bản chất việc cử hành Thánh Thể, như thế, họ nên tự chế”.

Thành thử chiến lược của hơn 60 giáo phẩm phản đối dự án chỉ là đòn đánh phủ đầu để cuộc thảo luận không đi quá những giới hạn giáo lý vốn đã có sẵn. Vô tình, các ngài phần nào đứng chung hàng ngũ với giới truyền thông thế tục vốn không nhìn ra bất cứ điều gì thánh thiêng trong việc bàn luận về tính nhất quán của Thánh Thể.

Tờ New York Times, ngày 14 tháng 6, cho chạy hàng tít lớn: “Vatican Cảnh cáo các Giám Mục Hoa Kỳ: Đừng Bác bỏ việc Biden Rước lễ vì Phá Thai”. Có bao giờ Vatican cảnh cáo như thế đâu. Nếu nhận định của Catholic World News về cuộc gặp gỡ “hụt” của Biden với Đức Phanxicô mà đúng thì ngược lại mới đúng: Tòa Thánh khuyến khích các Giám Mục Hoa Kỳ bàn thảo việc có nên để Biden và những người Công Giáo như ông rước lễ hay không. Dù gì thì lá thư của Đức Hồng Y Ladaria cũng đã làm việc khuyến khích ấy rồi.

Không gì sai lạc bằng việc tờ báo này khẳng định: “Vatican đã cảnh cáo các Giám Mục bảo thủ Hoa Kỳ hãm thắng việc họ thúc đẩy không cho rước lễ các chính trị gia ủng hộ quyền phá thai, trong đó có Tổng Thống Biden, một người đi nhà thờ trung thành và là người Công Giáo Rôma đầu tiên chiếm được Phòng Bầu Dục trong 60 năm nay. Nhưng bất chấp dấu hiệu ngừng lại hết sức công khai của Rôma, các Giám Mục Hoa Kỳ vẫn cứ tiến tới và nhất quyết cưỡng bức cuôc tranh luận về vấn đề rước lễ tại cuộc gặp gỡ ảo bắt đầu vào hôm thứ Tư này”.

Họ lại còn xỏ xiên liên kết các vị trên với cựu Tổng Thống Donald J. Trump và cho rằng việc bỏ phiếu lần này sẽ phá vỡ cái bề mặt hợp nhất với Rôma, làm nổi bật sự phân cực chính trị trong Giáo Hội Hoa Kỳ và lập ra điều các sử gia Giáo Hội coi là tiền lệ nguy hiểm cho các hội đồng Giám Mục hoàn cầu.

Họ không tiếc lời làm giảm giá trị của các vị tiến hành cuộc bàn luận. Nói về Đức Tổng Giám Mục Gómez, họ không quên nhấn mạnh rằng “liên tiếp nhiều lần bị Đức Phanxicô làm ngơ trong việc nâng lên hàng Hồng Y”. Trong khi phần lớn các Giám Mục khác “lỡ bước với Đức Phanxicô và nghị trình của ngài muốn đặt việc thay đổi khí hậu, di dân và nghèo khó lên tuyến đầu của Giáo Hội”.

Nói cho ngay, chính những người như Cha Antonio Sparado, một linh mục Dòng tên và là người thân tín của Đức Phanxicô, đã bơm các ý niệm trên cho tờ New York Times, khi, theo tờ báo này, ngài viết “Quan tâm tại Vatican là không dùng Phép Thánh Thể như một vũ khí chính trị”.

Sự quan tâm ấy, thiết nghĩ, nên được Cha Sparado ngỏ với 67 vị giáo phẩm phản đối dự án bàn luận và bỏ phiếu kỳ này vì chính họ đã biến việc này thành một vấn đề chính trị, trong khi các Giám Mục Hoa Kỳ chỉ chú tâm làm sáng tỏ ý nghĩa nhất quán của phép Thánh Thể về phương diện giáo lý.
 
Văn Hóa
Thư gửi bác đảng viên cộng sản
Nguyễn Văn A / GP Bùi Chu
08:43 16/06/2021
Bác kính mến!

Nhận được thư của bác, cháu rất vui vì sự ưu ái mà bác dành cho cháu. Cháu an tâm và thầm cảm ơn Thượng đế, Đấng mà cháu tin thờ vì bác và gia đình vẫn bằng an, nhất là giữa mùa đại dịch. Cháu cám ơn bác vì đã tin tưởng và chia sẻ những nỗi khắc khoải, băn khoăn của bác về tôn giáo và về Thần linh, điều mà có lẽ ai trong đời cũng phải đối diện và tìm câu trả lời. Viết đến đây, cháu lại nhớ đến một vị thánh bên đạo Công Giáo có lẽ với bác cũng có điểm tương đồng. Ngài cũng có những nỗi khát khao chân lý đích thực cho tới khi gặp được Đấng mà ngài hằng tìm kiếm là Thiên Chúa của Ki-tô giáo[1]. Vì thế, cháu nể phục và trân trọng bác bởi lý tưởng cộng sản mà bác theo đuổi và sống cho lý tưởng ấy bấy lâu. Mỗi người đều có quyền có lý tưởng riêng và không ai có quyền ràng buộc người khác bởi niềm tin và lý tưởng của mình phải không ạ?

Tuy nhiên, sau khi đọc thư của bác, cháu thấy dẫu vẫn sống đúng mực với tư cách một đảng viên liêm khiết, nhưng trong lòng bác lâu nay lại dậy lên nỗi băn khoan về ý nghĩa cuộc đời và mục đích của con người. Cháu thiết tưởng, đó là những câu hỏi căn bản nền tảng mà bất cứ ai, đã là con người, cũng đến lúc phải đối diện: Có Chúa không, và nếu có thì là Chúa nào? Con người đến từ đâu và sẽ đi về đâu? Con người phải chăng chỉ là vật chất hay còn có linh hồn bất tử và cuộc sống mai hậu sau cái chết? Tại sao có đau khổ? Tại sao con người phải chết… Những câu hỏi mà không một hệ tư tưởng, một trường phái triết học nào hay tôn giáo nào có thể trả lời cách rốt ráo và thuyết phục được tất cả mọi người. Dù cố gắng trả lời thì cuối cùng vẫn phải đặt ra vấn đề của niềm tin, nghĩa là chấp nhận những điều không thể chứng minh. Đứng trước những câu hỏi đó, đi đến cùng, cháu nghĩ con người vẫn phải chấp nhận một chữ “tin”: “tin có” hay “tin không có”, tin có hay tin không có Thượng đế, tin có hay tin không có linh hồn bất tử và cuộc sống mai hậu… Nếu tin có thì hãy sống cho những gì mình tin và nếu tin không có thì tại sao và sẽ như thế nào?

Là một sinh vật biết suy tư, nên con người không ngừng đặt câu hỏi về sự hiện hữu của mình, về ý nghĩa cuộc đời, về những gì xảy ra xung quanh. Từ đó, con người bắt đầu lần mò tìm câu trả lời. Những thần thoại dần được hình thành để diễn giải những sự kiện hay biến cố thiên nhiên, hình tượng những vị thần bắt đầu xuất hiện mà khó ai có thể biết nó có nguồn gốc từ đâu và hình thành thế nào. Viết đến đây, cháu thiết tưởng điều đó cũng rất gần gũi với văn hóa Việt Nam, khi mà tuổi thơ của bác và chúng cháu có lẽ ắp đầy những hình ảnh của những vị thần và những câu chuyện cố tích huyền thoại. Tuy nhiên, khi con người suy tư nhiều hơn, quan sát nhiều hơn và nghiên cứu nhiều hơn, con người cũng bắt đầu tìm ra những câu trả lời mang tính khoa học và triết học cho những huyền thoại. Từ đó, triết học ra đời để dùng lý trí mà giải thích vũ trụ và suy tư về cuộc đời, nhất là sau này khi khoa học phát triển thì lý trí ngày càng củng cố vị thế của mình. Nhờ triết học và khoa học, con người đã thoát khỏi tình trạng mông muội và mê tín. Nhiều người tin rằng (vẫn là tin) khi khoa học hay triết học phát triển, thì đến một lúc tôn giáo hay niềm tin vào Thiên Chúa tự sẽ sụp đổ. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Những cố gắng của lý trí thật đáng khen và đáng trân trọng, nhưng cũng có giới hạn, bởi trước những thực tại mà lý trí không thể hiểu được thì vẫn là “tin có” hay “tin không có” một thực tại siêu nhiên. Thậm chí càng phát triển và suy tư, con người nhận ra những bí ẩn trong vũ trụ và trong các nghiên cứu khoa học vượt sức hiểu biết và bất khả chứng minh, ngay cả nơi những người được coi là thông minh bậc nhất cuối cùng phải chấp nhận phải có một trí tuệ siêu phàm đã tạo ra và sắp đặt một cách khôn ngoan, chứ không thể có chuyện ngẫu nhiên như nhiều nhà tư tưởng và khoa học gia quan niệm…

Bác ạ, khi chưa học và đọc nhiều, cháu cũng chỉ nghĩ đơn giản vô thần hay hữu thần thì thần ở đây chỉ là tin hay không tin Thiên Chúa của Ki-tô giáo. Tuy nhiên, lịch sử triết học và tôn giáo cho thấy không phải như vậy. Xét về mặt thuật ngữ thì hữu thần có nghĩa là những người tin vào thần linh và vô thần là những người phủ nhận hay khước từ thần linh. Đôi khi ngay cả những người vô thần cũng không thống nhất về phạm trù thần linh mà họ khước từ hay phủ nhận, vì thế đúng như Ignace Lepp khẳng định: “Có bao nhiêu người vô thần thì có bấy nhiêu thuyết vô thần”. Tuy nhiên, phần lớn vô thần được chia làm ba loại: vô thần khoa học, vô thần nhân bản và vô thần hiện sinh. Trong đó, chủ thuyết vô thần của Marx mà bác đang theo thuộc loại vô thần nhân bản, chủ nghĩa mà ông tổ của nó là Feuerbach, người đã khai thác và viết lại cách hoàn hảo tư tưởng của Hegel. Trong khi Feuerbach trình bày Thiên Chúa như một hiện tượng phát xuất từ chính cấu trúc của con người, hay từ ước muốn cơ bản của con người, thì Marx lại khẳng định những khát vọng và ước muốn đó phát xuất từ nền tảng kinh tế[2]. Đó cũng chính là điểm khác biệt căn bản làm nền tảng xây dựng chủ nghĩa mang tên ông.

Là một đảng viên lâu năm, có lẽ bác đã quá quen, thậm chí lý tưởng hóa tư tưởng của Marx và Lê-nin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh và qua chia sẻ, cháu biết bác có những hiểu biết rất sâu sắc về Marx và Đảng Cộng sản. Cháu cũng được sinh ra và lớn lên trong môi trường ý thức hệ này. Nên dù là người Công Giáo, có những thời điểm cháu thấy những lý tưởng đó thật tuyệt vời và nghĩ rằng nền triết học nhân loại chỉ có thế. Có lẽ cháu, nhất là bác đã quá quen và thấm nhuần những mệnh đề mang tính khẩu hiệu tuyên truyền như: Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là thành tựu trí tuệ vĩ đại của loài người; hay chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống lý luận toàn diện, học thuyết khoa học, cách mạng hoàn chỉnh.[3] Nhất là trong lĩnh vực tôn giáo, thì ông cho rằng tôn giáo chỉ là thứ thuộc phiện ru ngủ, tôn giáo là sự vong thân của con người… Tuy nhiên, sự thật có phải hoàn toàn như vậy?

Bác ạ, cháu công nhận những lý thuyết của Marx không hoàn toàn tiêu cực. Thật ra, ông không bao giờ chủ trương chống đối hay loại trừ tôn giáo. Trái lại, ông chỉ chủ trương “thực hành” để cải tạo kinh tế, và khi kinh tế phát triển, mọi người no đủ, tôn giáo tự nó sẽ suy tàn[4]. Hơn nữa, nếu không có những điểm hay và tích cực thì làm sao tư tưởng ấy lại có thể chi phối và ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ trong một giai đoạn không ngắn và vẫn còn ảnh hưởng cho tới ngày nay, dù không còn như trước. Có lẽ những tư tưởng vô thần và chống tôn giáo của ông một phần do những cú sốc quá lớn mà ông gặp phải nơi gia đình, một phần do sự bất mãn của ông với thời cuộc, một thời kỳ mà Giáo hội Ki-tô giáo có những sai lầm. Những phê phán có cơ sở của Marx nhằm vào các chức năng xã hội của Ki-tô giáo, tố giác một số người trong giới lãnh đạo Giáo hội và một số Ki-tô hữu đã phản bội sứ mạng của mình, đứng về phía người giàu có và quyền lực để chống lại người nghèo. Chính vì thế, một tư tưởng gia đã nhận định rất hay về Marx: “Tai họa của thế kỉ XIX không phải là đã có K. Marx nhưng là đã không có một K. Marx Ki-tô giáo.”[5] Những phê bình tôn giáo của ông phần nào giúp Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận sai lầm và tiến hành những cải tổ để trở về đúng con đường mà Thiên Chúa muốn.

Tuy nhiên, có bao giờ bác tự hỏi tại sao một tư tưởng tiến bộ và là đỉnh cao tư tưởng của tri thức nhân loại như lý tưởng cộng sản lại bị phần lớn nhân loại quay lưng và từ bỏ, thậm chí kết án sau một thời gian ngắn áp dụng, điển hình là ở Liên Xô và Đông Âu? Hay tại sao một tư tưởng tinh túy như thế lại không thể có chỗ trong nền văn minh Tây phương và Mỹ? Rồi tại sao ngày nay không còn mấy quốc gia theo tư tưởng của Marx, hoặc có thì cũng đã bị lai căng sang một dạng độc tài như ở Trung Quốc? Cháu thiết tưởng có nhiều lý do, nhưng về mặt triết học, cháu cho rằng việc chủ nghĩa Marx không thể thành công và bị phần lớn nhân loại quay lưng là ở ba điểm trọng yếu: đó là quan điểm cho rằng tôn giáo xuất phát từ sự vong thân kinh tế hay là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, rồi quan điểm duy vật và nhất là quan điểm vô thần.

Trước hết, theo Marx, trong hoàn cảnh xã hội, khi người lao động bị bóc lột bị tước đoạt do bất công thì tôn giáo xuất hiện. Tôn giáo thật ra chỉ là một hiện tượng ăn theo hiện tượng kinh tế xã hội. Kinh tế là cơ sở hạ tầng quyết định tất cả sự tồn tại kiến trúc thượng tầng, trong đó có tôn giáo. Khi đó tôn giáo ra đời như một thứ thuốc phiện để ru ngủ những con người đang bị vong thân kinh tế, tạo ra những thiên đường ảo để đánh lạc hướng và quyến rũ kẻ đang bị vong thân quên đi tình trạng của mình. Đặt vấn đề như vậy đã đúng chưa? Phải chăng sự xung đột hay mâu thuẫn sâu xa nhất của con người chỉ là vấn đề cơm áo gạo tiền? hay còn ở mức độ sâu hơn, đó chính là xung đột nội tâm. Nếu tôn giáo chỉ là sự vong thân kinh tế và nếu giải quyết được vấn đề kinh tế và tôn giáo sẽ chết êm dịu, thì thực tế không phải như thế, có bao giờ bác tự hỏi tại sao các nước phương Tây và nhất là Mỹ, vấn đề kinh tế hầu như được giải quyết, nhưng các tôn giáo lại không biến mất, thậm chí ngày càng tăng lên?[6] Cháu nghĩ rằng nhu cầu tôn giáo nằm trong chính khát vọng sâu xa của con người muốn được làm và được là người chứ không phải chỉ là chuyện tiền bạc. Đây mới chính là khát vọng chính đáng và dường như con người không thể vượt qua được, như bác đó, có tất cả nhưng tại sao trong lòng bác vẫn trống vắng. Cuộc xung đột nội tâm khiến con người phải lựa chọn sống tốt hay xấu chứ không chỉ hoàn toàn là chuyện tư lợi.

Tiếp đến, quan điểm duy vật của Marx thật sự khiến nhiều người cảm thấy chới với và hoài nghi. Thật ra quan điểm duy vật của Marx ra đời đúng vào lúc mà thuyết Darwin ra đời và có sức ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, học thuyết này của Darwin đã bộc lộ nhiều thiếu sót và sai lầm mà chính khoa học đã chứng minh là không thuyết phục.[7] Bác ạ, cháu thiết tưởng, với suy luận bình thường thôi, nếu con người hoàn toàn chỉ là vật chất, vậy con người cũng chỉ là một con vật, cũng chỉ giống cỏ cây mà thôi, ý thức hay suy tư cũng chỉ là sản phẩm của vật chất, chỉ có thân xác, chết là hết. Nếu như thế thì có lẽ cuộc đời và sự sống của con người cũng vô ích và tẻ nhạt chư động vật hay thực vật thôi sao? Nếu chỉ là vật chất thì tại sao chúng ta cố gắng sống tốt, sống đạo đức, sống gương mẫu làm gì, cố gắng xây dựng xã hội, cố gắng làm tất cả để nuôi dưỡng con cái, để có sự nghiệp, để thành công, có tiền, có mọi thứ mà cuối cùng cuộc đời đi về với hư vô thì liệu có đáng không ạ? Cháu thiết tưởng những ưu tư và khắc khoải nơi bác có lẽ cũng dày vò bác bởi những câu hỏi như thế phải không ạ? Ý nghĩa cuộc đời và ý nghĩa sự hiện hữu của con người là gì nếu con người chỉ là vật chất vô tri vô giác? Với cháu, thì dù cháu không theo đạo Công Giáo thì cháu cũng không thể chấp nhận ý tưởng cho rằng con người chỉ là vật chất vì trong con người còn một thế giới tinh thần thâm sâu mà chính mình cũng không hiểu nổi mình phải không ạ?

Đặc biệt với quan điểm vô thần, một quan niệm phái sinh tất yếu từ sự vong thân và duy vật của Marx. Lý thuyết này của ông được đẩy mạnh theo hướng cực đoan bởi Lê-nin, khi Lê-nin chủ trương phải hoàn thành bằng bạo lực. Điều này được thực hiện cách cuồng nhiệt bởi Lê-nin và sau là Stalin, mà hậu quả của nó cho nhân loại là vô cùng khốc liệt. Hơn nữa, con người trong lịch sử luôn bị cám dỗ muốn loại bỏ Thiên Chúa và thần linh để sống cho tự do và với tự do của mình, ngay cả nơi các tôn giáo. Khi một số giới lãnh đạo của một tôn giáo, kể cả Ki-tô giáo ở một số giai đoạn trong lịch sử, đã đi ngược với sứ mệnh của mình, thì một cách nào đó cũng là đang muốn loại bỏ Thiên Chúa để xây dựng một “hệ thống vô thần kiểu mới”. Nơi đó, Thiên Chúa mà họ nhân danh để làm khổ người khác không phải là Thiên Chúa đích thực mà họ phải tôn thờ. Họ cho rằng tin vào Thiên Chúa làm con người trở thành phi nhân. Bác có thấy đúng không ạ? Phải chăng niềm tin vào một Thiên Chúa hay một vị thần luôn biến con người thành phi nhân?[8] Nếu tôn giáo biến con người thành phi nhân thì tại sao cho đến nay tôn giáo vẫn tồn tại và không ngừng phát triển và giúp ích cho con người rất nhiều, từ những người dân thường cho đến kẻ tri thức và góp phần duy trì hệ thống đạo đức và chuẩn mực trong xã hội? Khi con người tự do và tôn thờ tự do, thì con người lại bị mất tự do bởi trở thành nô lệ cho tự do, mà từ đó mà cái ác phát sinh và hoành hành, con người tự do nhưng lại tự do trong một thế giới không tự do. Trong một xã hội không Thiên Chúa, thì ai, cái gì sẽ là chuẩn mực? Ai cũng muốn là Thiên Chúa (siêu nhân) thì ai sẽ là Chúa? Và nếu ai cũng là Chúa, ai cũng là tiêu chuẩn thì chắc chắn đến một lúc con người sẽ quay lại cắn xé và loại trừ nhau nhau để thỏa mãn ước mơ trở thành Thiên Chúa. Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh của văn hào người Nga Dostoevsky: “Nếu không có Thiên chúa, mọi sự đều được phép làm” và có lẽ cũng phần nào phản ánh tâm trạng của ông tổ vô thần hiện sinh Nietzsche: “Thiên Chúa đã chết” và chính con người là thủ phạm giết Thiên Chúa, khi con người nhân danh tự do để loại trừ Ngài. Hơn nữa, lịch sử đã để lại những trang sử nhuốm máu bởi chiến tranh, bạo lực, đau khổ và chết chóc do chủ nghĩa vô thần hay “vô thần kiểu mới” gây ra. Đó là một sự thật đau lòng và thực tế là nhiều người đã nhận ra và chấp nhận ít ra nơi sâu thẳm tâm hồn mình luôn có một ký ức thần linh, nên không lạ gì ngay cả những người chủ trương vô thần cũng không thể chịu nổi một xã hội vô thần, hay như Voltair, một người chủ trương vô thần tuyệt đối cũng phải thốt lên: “Nếu Chúa không tồ tại thì cần phải phát minh ra ông ta.”[9] Còn bác, bác nghĩ sao ạ?

Bác kính mến! Trong tư cách là một Ki-tô hữu, cháu xác tín và cháu hy vọng bác cũng đồng tình với cháu rằng con người cũng là một sinh vật của niềm tin. Không có niềm tin, con người không thể tồn tại. Nếu bác không tin cháu, thì có lẽ chẳng bao giờ bác tâm sự với cháu phải không ạ? Trong cuộc sống thường nhật, nếu không có niềm tin thì làm sao con người có thể sống chung với nhau, không có niềm tin vào một thứ gì đó, dù là tôn giáo hay một ý thức hệ, làm sao con người có thể bỏ cả đời, dồn bao công sức khó nhọc để sống cho lý tưởng đó và còn nhiều nhiều lắm những vấn đề mà nếu loại bỏ niềm tin, cuộc đời và con người lập tức trở thành phi lý và vô nghĩa phải không ạ? Vì thế, đơn giản nếu hỏi tại sao bác tin cháu hay đặt niềm tin nơi một người hay một điều gì mà bác đang tin hay đã tin và đã theo đuổi, thì có lẽ bác cũng không thể trả lời một cách rõ ràng như 2+2=4, mà thậm chí dù có như 2+2=4 thì cũng đã phải có quy ước, bởi toán học dù chính xác cũng là chính xác dựa trên niềm tin vào những quy ước và những định đề không thể chứng minh. Hơn nữa, cháu nghĩ đã là người Việt Nam, chắc chắn bác cũng đã quen với việc thờ cúng tổ tiên hay rất nhiều tín ngưỡng dân gian, những tín ngưỡng nói lên niềm tin của dân Việt vào thần linh và vào sự bất tử của linh hồn. Như thế, niềm tin có thể không mang lại cho con người cơm áo gạo tiền, nhưng mang lại niềm hy vọng, hy vọng để sống và thấy cuộc đời và sự hiện hữu có ý nghĩa. Không có hy vọng, cuộc đời này chẳng còn nghĩa lý gì. Đồng thời, niềm tin hay đức tin, nhất là nơi tôn giáo giúp những người tin dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những khó khăn và đau khổ, nhất là cái chết, điều khó chấp nhận nhất của con người, với một thái độ bình thản hơn vì với họ chết không phải là hết, nhưng vẫn còn một cuộc sống khác đang chờ đón mà họ sẽ vẫn hiện hữu, vẫn sống. Đó chính là khát vọng sâu thẳm nhất của mỗi người là sống và được sống…

Hơn nữa, cháu đồng với quan điểm cho rằng không ai là người vô thần tuyệt đối, nếu có cũng chỉ là vô thần lý thuyết, còn trong thực hành thì không ai là vô thần, đúng như một tư tưởng gia đã khẳng định nếu khi ai đó nói không có thần thì trong đầu anh ta đã phải có một vị thần để phủ nhận[10], hay như một tư tưởng gia khác thì ngay cả chủ nghĩa duy vật cũng đang tôn thờ một vị thần là vật chất hay tiền bạc[11]. Hơn nữa, dù lý trí không thể chứng minh Thiên Chúa như những công thức toán học, nhưng phần nào cũng có thể nhận ra sự hiện hữu của Ngài nơi vũ trụ thiên nhiên, nơi cuộc sống thường nhật và ngay trong chính lòng mình, nơi luôn có một niềm khao khát khôn tả và bất khả chứng minh, cũng như cố gắng diễn tả về Ngài bằng ngôn ngữ giới hạn của mình, dù đó chỉ là “những tiếng bập bẹ đáng thương của con người”[12]

Bác kính mến! Trái đất vẫn quay và cuộc đời sẽ vẫn vần xoay. Những câu hỏi và những tranh luận sẽ không thể có hồi kết khi nào trái đất chưa dừng quay, bởi trái đất vẫn quay, con người vẫn hiện hữu, cuộc đời và những vấn đề trên vẫn xoay quanh cùng với sự hiện hữu của con người. Bác ạ, ai cũng có một cuộc đời và ai cũng có một kiếp người để sống, nên “tin có” hay “tin không có” hoàn toàn là quyền tự do của mỗi cá nhân vì tin đơn giản là chấp nhận hay từ chối mà thôi. Tất cả những gì cháu viết trên đây không phải để đả phá hay phê bình lý tưởng mà bác đã và đang đặt vào, bởi cháu cũng tin rằng để một người, nhất là một người tri thức như bác tin vào Thiên Chúa, thì lý thuyết là chưa đủ, mà hơn hết là chính qua đời sống của những người tin vào Thiên Chúa như chúng cháu cũng là nhân tố rất quan trọng. Vì thế, cháu hy vọng mỗi người Ki-tô hữu sẽ ý thức và sống đúng niềm tin của mình để giúp người khác cũng tin vào Thiên Chúa.

Cháu còn rất nhiều điều muốn chia sẻ, nhưng cháu xin dừng bút tại đây. Trong giới hạn một bức thư và hiểu biết hữu hạn, cháu chỉ hy vọng bác sẽ có một cái nhìn khác về tôn giáo và Thiên Chúa, đồng thời phần nào giải tỏa được phần nào đó nỗi băn khăn trong lòng bác. Cháu cũng hy vọng dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt để cháu có cơ hội vào thăm bác trong dịp hè tới. Lúc đó, bác cháu mình sẽ tiếp tục bàn luận và chia sẻ về những vấn đề này, nhất là về đức tin và đạo Công Giáo, đạo mà bác đang có nhiều thắc mắc và muốn tìm hiểu. Trước khi dừng bút, bác cho cháu gửi lời hỏi thăm tới bác gái và các anh chị, kính chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe, bình an, và cháu thầm xin Thiên Chúa, Đấng cháu tin thờ luôn che chở và phù hộ cho bác và gia đình.

Bùi chu ngày 30 tháng 05 năm 2021
Kính thư!

Nguyễn Văn A

[1] Thánh Augustino
[2] Dương Hữu Tình, Vấn đề Thiên Chúa, lưu hành nội bộ, tr. 28
[3] https://student.tdtu.edu.vn/doan-hoi/chu-nghia-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh-la-nen-tang-tu-tuong-co-so-ly-luan-cua-cach-mang
[4] Dương Hữu Tình, Vấn đề Thiên Chúa, lưu hành nội bộ, tr. 101-107
[5] Ibid, tr. 104-105
[6] Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm, Triết học tôn giáo, 2014, tr. 22
[7] https://viethungpham.com/2016/05/13/the-truth-of-evolution-su-that-thuyet-tien-hoa/
[8] Dương Hữu Tình, Vấn đề Thiên Chúa, lưu hành nội bộ, tr. 107
[9] https://vi.wikipedia.org/wiki/Voltaire
[10] Thánh Anselmo
[11] Joseph Ratzinger, Đức tin Ki-tô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 107-108
[12] Ibid, tr. 177



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đợi Chờ
Nguyễn Trung Tây Lm.
14:23 16/06/2021
ĐỢI CHỜ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Ghế gỗ lặng yên ngàn năm đợi,
Mỏi gối, chồn chân, lữ khách ngồi!
(Lm.NTT)
 
VietCatholic TV
Điều kỳ diệu xảy ra sau khi cậu bé cắt ngang bài giảng thánh lễ. Chuyện tha thứ cảm động ở Sydney
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:14 16/06/2021


1. Kết quả sau khi chú bé cắt ngang bài giảng của một linh mục

Trước hết là câu chuyện liên quan đến cậu bé 5 tuổi cắt ngang bài giảng của một linh mục vì quá lo lắng cho cha đỡ đầu của mình đang phải chiến đấu với tử thần trong bệnh viện vì nhiễm coronavirus.

Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân lý Tỏ tường” cho biết như sau:

Ngày 16 tháng 5 vừa qua, trong Thánh lễ Thăng Thiên tại một giáo xứ ở Patrocinio, Brazil, một cậu bé 5 tuổi đã cắt ngang bài giảng của vị linh mục và xin ngài cầu nguyện cho cha đỡ đầu của mình, là người đang phải thở máy vì COVID-19.

Cha Artur Oliveira đang cử hành thánh lễ được truyền trực tiếp qua internet nên khoảnh khắc xúc động ấy đã được ghi lại và chia sẻ rộng rãi.

Cha nói với hãng tin Công Giáo ACI Digital rằng ngài hy vọng câu chuyện này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người. “Chúng ta phải giống như đứa trẻ này. Đứa bé đã cầu nguyện đơn giản, với lòng can đảm, và với đức tin.”

Cha nói thêm rằng một số người đã xem đoạn video nói với ngài rằng câu chuyện đã khiến họ cảm động, cả những người trẻ tuổi cũng mủi lòng. Và một số người nói, ‘Đức tin của tôi nhỏ bé biết bao so với đức tin vĩ đại của cậu bé này!’.

Cậu bé João Miguel đã cắt ngang lời vị linh mục khi bật dậy từ hàng ghế: “Thưa cha, cha có thể cầu nguyện cho cha đỡ đầu của con không? Chú ấy đang phải thở bằng máy thở”.

Cậu bé sau đó giải thích rằng “Chú Flavio đã mắc phải một loại coronavirus mới”.

Tờ Aleteia cho biết Cha Artur đã ngưng bài giảng của mình và ngồi xuống bên cạnh cậu bé trên bậc thềm bàn thờ và cầu nguyện với cậu ấy:

“Làm sao tôi có thể lờ đi yêu cầu này? Tôi thú nhận rằng, trong nội tâm, tôi đã hỏi Chúa: ‘Lạy Chúa, đứa trẻ này đã làm con ngạc nhiên. Con nên làm gì bây giờ?’ Tôi bỏ mặc những gì tôi đang nói và ngồi xuống đó trên bậc thềm của bàn thờ. Tôi tưởng tượng Chúa Giêsu đang lắng nghe yêu cầu của mình. Và tôi biết rằng Ngài sẽ làm được! Những người ở đó, trong nhà thờ, đã học được đức tin có nghĩa là gì”.

Ngay trước yêu cầu của João Miguel, vị linh mục đang nói trong bài giảng của ngài về biến cố Thăng Thiên của Chúa Giêsu. Ngài nhấn mạnh rằng “Thực tế là dù Ngài lên trời, Ngài vẫn ở với chúng ta: Ngay cả khi tôi không cảm nhận được Ngài trong mọi khoảnh khắc, thì Ngài vẫn ở với tôi. Ngay cả khi tôi không gặp Ngài mọi lúc, thì Ngài vẫn ở với tôi.” Sau khi cầu nguyện với cậu bé, vị linh mục hoàn thành bài giảng của mình, nói: “Con còn muốn có một dấu chỉ đẹp hơn thế không? Chúa Giêsu ở giữa chúng ta mọi lúc.”

Cách Cha Artur xử lý tình huống này thật đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc âm Thánh Matthêu: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19:14)

Hôm thứ Năm, ngày 27 tháng Năm, Cha Artur đã viết trên Facebook để chia sẻ tin tức rằng yêu cầu của cậu bé João Miguel đã được lắng nghe và trả lời: “Vâng, PHÉP LẠ đã xảy ra.”

Trên kênh YouTube của mình, vị linh mục đã đăng một video để mọi người theo dõi câu chuyện, trước đó là lời cảnh báo: “Hãy chuẩn bị sẵn khăn tay!” Vì thật khó mà không rơi nước mắt khi nhìn thấy tình yêu của cậu bé dành cho cha đỡ đầu và đức tin giản dị chân thành của chú bé.

Trong đoạn video dài 10 phút (bằng tiếng Bồ Đào Nha), vị linh mục phỏng vấn mẹ của cậu bé, người kể lại việc trong vòng một tuần mà cha đỡ đầu của cậu bé đã không cần thở bằng máy thở và thậm chí còn nói chuyện trở lại.

“Tại sao anh ấy lại khỏe nhanh như vậy?” Cha Arturo hỏi cậu bé. “Bởi vì chúng con đã cầu nguyện rất nhiều và Chúa đã giúp chúng con!” João Miguel trả lời.

Ai có thể nghi ngờ những lời của Chúa Giêsu nói về trẻ em rằng “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10) Đoạn video sau đó cho thấy “Chú Flavio” rời bệnh viện trên chiếc xe lăn và được người con gái ôm vào lòng khi cả hai bật khóc vì sung sướng.

Chúng ta hay xin Chúa nhận lời cầu nguyện của tất cả mọi người, trẻ em và người lớn, những người đang cầu nguyện cho những người thân yêu đang bị COVID-19, và xin chúng ta cùng cầu nguyện cho họ.
Source:Aleteia

2. Câu chuyện thương tâm của một cặp vợ chồng tại Sydney, Australia

Trong chương trình truyền hình trưa Chúa Nhật 13 tháng Sáu, đài truyền hình EWTN của Công Giáo Hoa Kỳ đã phỏng vấn hai anh chị Danny và Leila Abdallah, là hai vợ chồng đã mất 3 đứa con trong một ngày vì một tai nạn thương tâm mà báo chí tại Úc đã nói rất nhiều trong năm qua.

Đó là một ngày hè nóng nực khi Danny và Leila Abdallah phát hiện ra rằng ba người con của họ đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi.

Hai anh chị là các tín hữu Công Giáo ngoan đạo, họ sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban cho, nên dù còn trẻ, họ đã có 6 người con.

Danny và Leila không bao giờ tưởng tượng rằng lần cuối cùng họ nói chuyện với ba đứa con của mình là khi họ cho phép chúng đi bộ xuống một lối đi dành cho khách bộ hành ở Sydney, để ăn kem. Vài phút sau, một chiếc xe hơi đã đâm vào ba đứa con của họ - 9 tuổi, 12 và 13 tuổi - và cuộc đời của hai vợ chồng đã thay đổi mãi mãi.

Gia đình Abdallah đang sống ở Úc, nhưng Danny và Leila gặp nhau lần đầu tiên ở Li Băng, họ nói với “EWTN News In Depth” rằng ngay từ lần đầu gặp gỡ họ đã bị thu hút bởi đức tin của nhau.

Danny nói: “Câu hỏi đầu tiên nàng dành cho tôi là ‘Anh có cầu nguyện thường xuyên không?’ Và câu hỏi đó là dấu chỉ Chúa báo cho tôi biết nàng là người bạn trăm năm của tôi”. Leila, lớn lên trong một gia đình Công Giáo mạnh mẽ

Danny coi trọng đức tin của Leila. “Tôi luôn nói rằng quyết định lớn nhất mà bạn đưa ra trong cuộc đời là bạn lấy ai làm vợ, làm chồng mình. Trong trường hợp của tôi, tôi biết rằng một người phụ nữ yêu mến và kính sợ Chúa sẽ ở bên tôi trong những giờ phút đen tối nhất của mình,” anh nói.

Họ kết hôn và sau đó chào đón 6 đứa con xinh đẹp: Antony, Angelina, Liana, Sienna, Alex và Michael.

“Chúng tôi yêu mến các con từng phút, từng giây ngay cả khi chúng tôi đã mệt mỏi và kiệt sức chúng tôi vẫn rất yêu mến chúng,” Danny nói. “Tôi đã từng tự nhủ một ngày của mình bắt đầu khi tôi về nhà”.

Nhưng một thảm kịch khủng khiếp đã làm rung chuyển gia đình họ vào tháng 2 năm ngoái, 2020. Gia đình đang tổ chức sinh nhật thì cha mẹ cho con cái họ đi bộ xuống phố để mua một ít kem.

“Tôi nghe thấy em gái tôi nói với Danny, ‘Anh có chắc là họ đi bộ ổn không đó?’”, Leila nhớ lại. “Sau đó anh ta nói, 'Ừ, tụi nó chỉ đi trên lối đi bộ, chuyện gì sẽ xảy ra cơ chứ?”

Vài phút sau, một điều không tưởng tượng nổi đã xảy ra. Danny và Leila nhận được một cuộc điện thoại về một vụ tai nạn, và vội vã đến kiểm tra các con của họ.

“Những gì chúng tôi nhìn thấy nằm ngoài khả năng có thể hiểu nổi của chúng tôi”, Danny nhớ lại cảnh tượng khi anh đến hiện trường. “Khi tôi nhìn thấy các con mình, tôi khuỵu xuống trên đầu gối mình, bàng hoàng không thể tin nổi thực tại trước mắt”.

Leila đã so sánh cảnh tượng xung quanh như một “vùng chiến sự”.

“Tôi bắt đầu cầu nguyện khi mọi người xung quanh tôi đang la hét. Phản ứng ngay lập tức của tôi là ‘Lạy Chúa, tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy với chúng con?”

Sau đó họ mới biết thêm về vụ tai nạn thương tâm. Một thanh niên 30 tuổi bị ảnh hưởng bởi rượu, cocaine và các chất gây nghiện khác đã không kiềm chế được chiếc xe của mình. Anh ta phóng xe vượt qua vỉa hè với tốc độ cao và tông vào con họ.

Danny đỡ lấy Liana lúc đó đã té xỉu, trong khi người thanh niên gây tai nạn không lộ chút hối hận nào trước cảnh tượng quá sức kinh hoàng này. Có lẽ anh ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi rượu và ma túy.

Nhìn vẻ mặt tỉnh bơ có phần khinh khỉnh của anh ta, mọi người xung quanh la hét nguyền rủa người thanh niên lái xe. Nếu cảnh sát không đến kịp, có lẽ bạo động đã xảy ra.

Đến bệnh viện, bốn linh mục gặp Danny và Leila và báo tin cho họ: Antony 13 tuổi, Angelina (12), Sienna (9) và cháu gái của họ, Veronique (11), đã không qua khỏi.

“Tôi đã hét lên, không, không, các cháu không chết,” Leila nhớ lại.

Dù phải chịu đựng vô cùng đau đớn nhưng gia đình Abdallah không hề căm ghét người tài xế, là người đã bị kết án 21 năm tù, dưới áp lực của báo chí tại Australia.

“Tôi cảm thấy tiếc cho anh ấy,” Danny nói. “Tôi cầu nguyện cho anh ấy. Ma quỷ đã sử dụng anh ta như một con rối”.

Trong một động thái gây chấn động giới truyền thông Australia, Leila đã công khai tha thứ cho anh ta. Cô nói rằng đức tin của cô đã truyền cảm hứng cho cô.

“Nếu Chúa Giêsu có thể tha thứ cho tôi, thì tất nhiên tôi có thể tha thứ cho người lái xe,” cô nhấn mạnh. “Nếu Ngài chết trên thập tự giá vì tôi, thì dĩ nhiên tôi có thể cầu nguyện cho người lái xe đó. Kitô Giáo của chúng tôi, đức tin của chúng tôi đã giúp tôi tha thứ cho anh ta”.

Bất kể những lời tha thứ của gia đình Abdallah, bản án 21 năm tù đã không thay đổi.
Source:Catholic News Agency
 
Bí quyết cầu nguyện mỗi đêm của Đức Phanxicô. Phản ứng chung quanh việc từ chức của Đức Hồng Y Marx
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:43 16/06/2021


1. Lời cầu nguyện ngắn của Đức Thánh Cha Phanxicô mỗi đêm

Đức Giáo Hoàng đã lấy một trong những lời cầu xin chân thành nhất của Phúc âm làm lời khẩn cầu cá nhân của mình với Chúa Giêsu mỗi đêm.

Trong Tuần Cửu Nhật Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm với Đức Thánh Cha Phanxicô về lòng sùng kính đối với Năm vết thương của Chúa Kitô.

Đối với Đức Giáo Hoàng, việc chiêm ngưỡng các vết thương của Chúa Giêsu là chiêm ngưỡng lòng thương xót của Ngài, sự an ủi của Ngài, và sự bảo vệ cứu rỗi của Ngài.

Lời cầu nguyện mà Đức Thánh Cha cầu nguyện mỗi đêm phản ánh lòng sùng kính này.

Trong một buổi tiếp kiến chung vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã tiết lộ thói quen cầu nguyện vào ban đêm của mình như sau:

“Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch” (Lc 5:12) Đó là lời thỉnh cầu mà chúng ta đã nghe một người phong cùi thưa với Chúa Giêsu. Người đàn ông này không chỉ yêu cầu được chữa lành, nhưng được ‘làm cho trong sạch’, nghĩa là được phục hồi hoàn toàn về thể xác và tâm hồn. Thật vậy, bệnh phong được coi là một hình thức nguyền rủa cho một sự ô uế sâu sắc. Một người bị phung cùi phải tránh xa mọi người; anh ta không thể vào đền thờ cũng như không được tham gia bất cứ cử hành linh thánh nào. Xa Chúa và xa con người. Những người này đã sống một cuộc đời đáng buồn!”

“Tất cả những gì được làm và nói bởi người đàn ông này, người được coi là ô uế, là biểu hiện của đức tin của anh ta! Anh ta nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu: anh ta chắc chắn rằng Chúa Giêsu có quyền năng để chữa lành anh ta và tất cả tùy thuộc vào ý muốn của Người. Đức tin này là sức mạnh cho phép anh ta phá bỏ mọi quy ước và tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, và quỳ gối trước Ngài, anh ta gọi Ngài là ‘Chúa’.

Việc nài xin của người phong cùi này chứng tỏ rằng khi chúng ta trình diện với Chúa Giêsu thì không cần phải nói dài dòng. Một vài từ là đủ, với điều kiện là những lời cầu nguyện ấy đi kèm với sự tin tưởng hoàn toàn vào sự toàn năng và lòng nhân lành của Chúa. Thực ra, phó thác cho thánh ý Thiên Chúa có nghĩa là phó mình cho lòng thương xót vô hạn của Ngài.

Tôi thậm chí sẽ chia sẻ với bạn một sự tín thác cá nhân của tôi. Vào buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi nói lời cầu nguyện ngắn này: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!” Và tôi cầu nguyện 5 kinh ‘Lạy Cha’ kính nhớ 5 vết thương của Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đã làm sạch chúng ta với những vết thương của Người. Nếu tôi làm được điều này, thì anh chị em cũng có thể làm được ngay tại nhà mình, và nói: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!” Hãy nghĩ về những vết thương của Chúa Giêsu và đọc 5 kinh Lạy Cha, mỗi kinh cho một vết thương của Chúa. Chúa Giêsu sẽ luôn luôn lắng nghe chúng ta”.
Source:Aleteia

2. Đức Hồng Y Marx ngạc nhiên trước quyết định không chấp nhận đơn từ chức của Đức Giáo Hoàng

Đức Hồng Y Reinhard Marx nói rằng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô từ chối chấp nhận đơn từ chức của ngài, ngài sẽ “không đơn giản là quay trở lại công việc như bình thường vì đó không phải là con đường đúng đắn cho cá nhân ngài hoặc cho tổng giáo phận”.

“Câu trả lời của Đức Thánh Cha đã làm tôi ngạc nhiên”, Hồng Y Marx nói hôm 11 tháng 6. “Tôi không ngờ ngài phản ứng nhanh như vậy, và tôi cũng không ngờ quyết định của ngài là tôi nên tiếp tục làm Tổng Giám Mục của Munich và Freising”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối chấp nhận đơn từ chức của Hồng Y Marx vào ngày 10 tháng 6, và nói trong một bức thư rằng ngài đồng ý với Đức Hồng Y rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo không thể áp dụng “chính sách nhắm mắt làm ngơ” khi đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Hôm 4 tháng Sáu, vị Hồng Y người Đức, mới 67 tuổi, thông báo rằng ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô vì ngài tin rằng các giám mục phải bắt đầu nhận trách nhiệm về những thất bại về phương diện thể chế trong việc xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA đưa tin rằng Hồng Y Marx cũng nói rằng ngài ấy cảm động trước sự thông cảm và “giọng điệu rất huynh đệ trong bức thư của Đức Thánh Cha, và tôi cảm thấy ngài rất hiểu và chấp nhận yêu cầu của tôi. Với sự vâng lời mà tôi chấp nhận quyết định của Đức Thánh Cha, như tôi đã hứa với ngài”.

Hồng Y Marx nhắc lại rằng ngài phải chịu trách nhiệm cá nhân cũng như “trách nhiệm thể chế” đối với việc Giáo Hội xử lý các hành vi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Ngài nói rằng điều đó “đặc biệt đúng đối với các nạn nhân, những người mà quan điểm của họ phải được xem xét một cách mạnh mẽ hơn”.

Hồng Y Marx chưa từng bị buộc tội lạm dụng hay bao che lạm dụng.

Sau đó, trên đường đến dâng lễ ở một nhà thờ, vị Hồng Y nói với các nhà báo rằng ngài phải “giải quyết tất cả những điều này trước tiên”.

Đức Cha Georg Baetzing của Limburg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, bày tỏ sự nhẹ nhõm về quyết định của Đức Giáo Hoàng. Thông qua một phát ngôn viên, Giám Mục Baetzing cho biết ngài rất vui khi có thể tiếp tục hợp tác với một người cộng sự lâu năm với mình.

Giám Mục Baetzing và Hồng Y Marx đã cộng tác trong công việc mục vụ trong nhiều năm, khi vị Hồng Y đứng đầu Giáo phận Trier và vị giám mục lúc ấy là linh mục hiệu trưởng chủng viện ở đó.

Thomas Sternberg, chủ tịch Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, đã nói về một “bức thư mạnh mẽ” của Đức Giáo Hoàng cho thấy “một lập trường rõ ràng”. “Đức Giáo Hoàng không thể nói rõ hơn rằng ngài khẩn cấp cần những người anh em có tư tưởng cải cách và thân thiện với cải cách”, Sternberg nói.

Nhưng Matthias Katsch, phát ngôn viên của hiệp hội nạn nhân “Eckiger Tisch” bày tỏ lo ngại về quyết định của Đức Giáo Hoàng, và nói rằng Đức Phanxicô đã giảm bớt tác động của việc Hồng Y Marx từ chức.

Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu, đã mô tả quyết định của Đức Giáo Hoàng là “tuyệt vời” trong một cuộc phỏng vấn ngày 11 tháng 6 với KNA. Ngài giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang nói với “giáo hội phải đối phó với tội lỗi lạm dụng như thế nào: Không che đậy, không dung thứ, nhưng đối đầu với bản chất bẩn thỉu của tội lỗi này, và khiêm tốn tiếp tục trên con đường dẫn đến tương lai”.
Source:Crux

3. Đức Hồng Y Herranz phản bác ý kiến của Đức Hồng Y Marx

Đức Hồng Y Julian Herranz, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo luật, bác bỏ lập luận của Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng giám mục giáo phận Munich, trong đơn từ chức đệ lên Đức Thánh Cha, cho rằng Giáo hội đang ở “ngõ kẹt, đang ở đường cùng” về nạn lạm dụng giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Trong thư, công bố hôm 5 tháng 6 vừa qua, Đức Hồng Y Marx, 68 tuổi, nhìn nhận “những thất bại về phương diện cá nhân” và những “sai lầm về hành chánh”, và cả sự thất bại của cơ chế và hệ thống liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục tại Đức.

Phản bác lại lập trường trên đây, Đức Hồng Y Herranz, 91 tuổi, người Tây Ban Nha, thuộc Giám hạt tòng nhân Opus Dei, khẳng định rằng một giáo sĩ lạm dụng tính dục một trẻ em, và một giám mục hay một bề trên dòng che đậy những lạm dụng ấy, thì đích thân có lỗi về luân lý, nhưng Giáo Hội Công Giáo, như một định chế, không có lỗi về điều này. Những sai lầm, tội lỗi và đôi khi cả những tội ác của các phần tử Giáo hội, kể cả các thành phần thuộc hàng giáo phẩm, không thể cho phép nghi ngờ sự đáng tin cậy của Giáo hội và giá trị cứu độ cũng như giáo huấn của Hội thánh”.

Đức Hồng Y Herranz cũng viết rằng: “Vấn đề ở đây không phải là bảo vệ hình ảnh tự yêu quyền lực và uy tín trần tục của một Giáo hội tự bảo vệ mà quên lòng khiêm tốn, nhưng là tái khẳng định đặc tính thần linh của Giáo hội, sự thánh thiêng của các bí tích mà Giáo hội cống hiến nhưng như giá trị và uy tín ngàn đời của sứ điệp Kitô cứu độ. Vì thế, lẫn lộn trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm cơ chế đối với những tội ác lạm dụng tính dục sẽ có nguy cơ làm thương tổn dư luận quần chúng, và có lẽ làm hại cả lương tâm của các tín hữu, cũng như uy tín của Hội thánh và sứ điệp Tin mừng”.

Đức Hồng Y Herranz khẳng định rằng khi một giám mục xử lý sai trái về những lời tố cáo lạm dụng hoặc lầm lỗi nào đó, thi gây xấu hổ cho tín hữu và đôi khi tạo nên những trách nhiệm kinh tế cho toàn thể như một thực tại Giáo hội, nhưng điều đó không thể đi tới chỗ phủ nhận hoặc nghi ngờ về sự hợp pháp và sự tốt lành luân lý của các mục tiêu cơ chế của giáo phận”.
Source:Crux
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Chúa biết lòng con – Sáng tác: Lm Ân Đức – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
07:44 16/06/2021

1.
Lạy Chúa! Chúa biết lòng con,
Chúa biết lòng con. Chúa biết lòng con muốn yêu mến Chúa,
Chúa biết lòng con muốn say mến Chúa.
Dẫu tình con phai tàn hoen úa,
dẫu đời con bao lần xa Chúa.
Nhưng con tin Ngài vẫn đợi chờ, Ngài vẫn đợi chờ.

2.
Lạy Chúa! Chúa biết lòng con,
Chúa biết lòng con. Chúa biết lòng con vẫn luôn đói Chúa,
Chúa biết lòng con vẫn khao khát Chúa.
Như mảnh đất khô chờ mưa xuống,
như màn đêm mong trời mau sáng,
như con thơ trông bóng mẹ về, trông bóng mẹ về.

ĐK.
Hơn một lần đời con bội bạc
Tình Chúa, quên lời thề hứa,
con lao đao sóng gió ngả nghiêng,
con vô tâm chối Chúa từng phen.
Để lòng con xao xuyến cô đơn.

3.
Lạy Chúa! Chúa biết lòng con,
Chúa biết lòng con. Chúa biết lòng con muốn yêu mến Chúa,
Chúa biết lòng con muốn say mến chúa.
Chúa nhìn con u buồn đôi mắt,
Chúa nhìn con cho lòng tan nát:
Ôi Giê-su, con muốn trả lời: Yêu Chúa trọn đời.