Ngày 21-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Điều kiện theo Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:14 21/06/2022
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN
ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA
1 V 19,16b.19-21; Gl 4, 31-5,1.13-18; Lc 9,51-62

Bài Tin Mừng hôm nay nói về ba cuộc gặp gỡ trên cùng một con đường. Có thể đây là những cuộc gặp gỡ xảy ra trong những thời gian khác nhau nhưng tác giả Tin Mừng Luca gộp lại thành một chủ đề: những điều kiện để theo Chúa Giêsu. Theo bản văn của Luca 9,57-62, có ba trường hợp:

1- Điều kiện I: Sống khó nghèo

Một người nói với Chúa rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Chúa Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Ở đây, người thanh niên này cho thấy anh sẵn sàng đi theo Chúa. Nhưng lòng khát khao, sự nhiệt tâm chưa đủ, cần phải có những điều kiện khác. Theo Chúa phải có những phẩm chất về sức khỏe thể lý và tâm lý, đạo đức và có khả năng tri thức...

Với người này, Chúa Giêsu không trả lời có hoặc không nhận, mà chỉ nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Nghĩa là Chúa mời gọi người đó phải biết phân định ơn gọi. Đi theo Chúa không phải để có nhiều tiền, có địa vị, có một đời sống ổn định, đầy đủ tiện nghi và sung túc, hay làm lớn làm nhỏ trong Giáo Hội... nhưng là sống nghèo khó như Chúa: đến nỗi nghèo hơn cả con chồn, con chim vì chúng còn có chỗ ở, còn Chúa không có chỗ tựa đầu. Cuộc đời khó nghèo của Đức Giêsu được tóm tắt như thế này: sinh ra ở ngoài đồng, sống ở trên đường và chết ở trên đồi! Người là Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó, vì ơn cứu độ loài người (x. Pl 1,1-10). Thế nên, theo Chúa là trở nên giống Chúa, nghĩa là bắt chước sống nghèo khó như Chúa. Kitô giáo không chủ trương bần cùng hóa, nhưng vì Đức Kitô đã trở nên nghèo khó và chọn sống nghèo là con đường để cứu độ, nên ai muốn theo Chúa phải khấn giữ đức khó nghèo. Vì đi theo Chúa không phải là để có gì, nhưng là để sống với Chúa và sống như Chúa.

2) Điều kiện II: Không được do dự

Trường hợp thứ hai: chính Chúa Giêsu mời gọi một người đi theo Người: “Anh hãy theo tôi! Người ấy thưa: Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Đức Giêsu bảo: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9,60-61).

Lần này chính Chúa mời gọi anh theo Người, nhưng anh ta lại xin phép về chôn cất cha mình đã. Chúa bảo: hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói rằng chữ hiếu đối với cha mẹ là không quan trọng và đi theo Chúa là hết bổn phận thảo hiếu cha mẹ. Nhưng ai muốn làm môn đệ Chúa phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Trời, chọn Chúa là trên hết, và không được do dự. Chúng ta không thể đi theo Chúa nếu cứ chờ cho đến khi cha mình qua đời rồi mới theo. Theo Chúa phải biết đặt lại trật tự giá trị: Chúa là trên hết, là ưu tiên hàng đầu, vì Chúa và vì Nước Trời, còn mọi thứ khác là thứ yếu. Muốn theo Chúa phải biết hy sinh những thứ khác để chọn Chúa và lời mời gọi của Người. Ai chần chừ thì không thể theo Chúa được. Đây là trường hợp cần có sự đáp trả của con người đúng thời điểm Chúa gọi. Ai muốn theo Chúa phải biết nắm bắt cơ hội Chúa trao và đáp trả cách dứt khoát, không do dự, không chần chừ.

3) Điều kiện III: Biết từ bỏ

Trường hợp thứ ba: “Một người khác nữa lại nói: Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã. Đức Giêsu bảo: Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Trời” (Lc 9,61-62).

Đây là trường hợp ơn gọi thiếu từ bỏ. Theo Chúa phải từ bỏ. Theo Chúa Kitô không cho phép chúng ta hối tiếc, lưu luyến, hay thoả hiệp. Nếu các mối tương quan ràng buộc và cản trở chúng ta đi theo Chúa: như gia đình, bạn bè, tình cảm, nghề nghiệp... hoặc là những lời mời mọc hấp dẫn của các thú vui, hưởng lạc làm cho chúng ta một đàng “vừa muốn theo Chúa” một đàng “muốn ngoái lại đằng sau…” như thế không thích hợp với Nước Trời. Theo Chúa phải biết từ bỏ những gì cản trở ơn gọi: kể cả gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và sở thích... Đây là điều kiện để theo Chúa: “Từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng.” Và Chúa hứa phần thưởng cho những ai biết từ bỏ: “Ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,28-31).

Như thế, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta biết những điều kiện căn bản để theo Chúa Giêsu, đó là sống khó nghèo, phải dứt khoát theo Chúa và biết từ bỏ những quyến luyến ràng buộc.

Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta biết mau mắn đáp trả và cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Người. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Được mời gọi tới sự tự do
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:17 21/06/2022

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN
ĐƯỢC MỜI GỌI TỚI SỰ TỰ DO
1 V 19, 16b.19-21; Gl 4, 31 – 5,1,13-18; Lc 9,51-62

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy tập trung vào bài đọc thứ II. Bài đọc này đề cập đến một chủ đề rất sống động của đời sống Kitô hữu, đó là tự do. Trong đó, thánh Phaolô nói rằng:

“Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do (Gl 5,1-2.13).

Khi ngheo những lời này, ai trong chúng ta đều muốn được tự do. Trong tác phẩm Luyện Ngục, nhà thơ Dante nói rằng: “Tự do là điều anh đang tìm kiếm, quả là điều đáng yêu. Nhưng cuộc đời như lại từ chối nó” (Purgatorio 1,71 s.).

Tự do là từ ngữ được nói nhiều trên môi miệng con người hôm nay. Nó là giá trị đầu tiên của Tam Tài rất nổi tiếng trong cuộc cách mạng Pháp: “Tự do, bình đẳng, huynh đệ.” (Liberté, égalité, fraternité).

Bức tượng Nữ Thần tự do ngự trị ngay tại cửa vào thành phố New York là biểu tượng không chỉ của nước Mỹ, nhưng còn là biểu tượng cho mọi dân tộc về khát vọng tự do.

Tự do được đưa vào trong mọi tuyên ngôn nhân quyền. Người ta nói về sự tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do in ấn, tự do nghiên cứu, tự do chính trị và tôn giáo… Tất cả những điều này là thành tựu rực rỡ của nhân loại mà chúng ta phải chào đón với niềm hân hoan vui mừng.

Như chúng ta đã biết, trong thực tế, các hiến chương nhân quyền đã được phê chuẩn nhưng thế giới hôm nay vẫn chưa thực sự có được sự tự do này, đặc biệt chưa thực hiện được những quyền căn bản nhất của con người về các quyền tự do.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nếu một ngày kia khi con người đạt được những thứ tự do đó, nhân loại vẫn chưa thực sự được tự do. Quả thật, có một mức độ khác của tự do không thuộc những quyền tự do mà các hiến chương nhân quyền phê chuẩn, dù chúng rất giá trị và đáng quý nhưng không làm cho con người được tự do đích thực và hoàn toàn.

Chúng ta cố gắng khám phá thứ tự do mà chúng ta đang đề cập ở đây. Ovidio là một nhà thơ La Tinh dù không nổi tiếng lắm nhưng đã viết hai vần thơ để đời: “Tôi thấy điều thiện làm tôi thích, nhưng rồi tôi lại làm điều dữ” (Video meliora proboque/ deteriora sequor). Đây là kinh nghiệm phổ quát của nhân loại. Nhiều lần chính chúng ta cũng đã sống như thế. Mọi người quá hiểu quá rằng hút thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc là tự phá hủy đời mình. Biết rõ như thế, định không làm, nhưng khi có cơ hội, ta vẫn cứ sa ngã.

Không ai mô tả tình trạng này hay hơn chính thánh Phaolô: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại làm. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7,15-24).

Cũng trong chính thư này, thánh Tông Đồ giải thích lý do tại sao lại thiếu vắng sự tự do này:

“Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa” (Gl 5,17-18).

Như thế, lý do chính yếu làm chúng ta không được tự do không phải là ở ngoài chúng ta, nhưng là ở trong chúng ta. Nó có hai loại: hoặc do sợ hãi nên phải giữ luật, nhưng lại thiếu xác tín bên trong, vì tránh sự chê bai, hình phạt, hay để có lợi cho mình; hoặc vì những ham muốn vô trật tự, những bản năng không kiểm soát... Như một số người ở cộng đoàn Côrintô cho rằng: “Tôi được phép làm mọi sự” (1 Cr 6,12). Thánh Tông Đồ nhắc nhở họ: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13).

Nếu nhìn lại mình một cách nghiêm túc, tại sao chúng ta chưa được tự do trong tâm hồn vì hai nguyên nhân trên.

Ngày hôm nay, con người đang đánh mất cảm thức về tội và nỗi sợ hỏa ngục, sống trong xã hội như thế, chúng ta có nguy cơ đánh mất sự tự do mà Chúa Kitô đã trả bằng giá máu cao quý của Người. Con người hôm nay đang thiếu sự tự do đích thực vì họ đang trở thành nô lệ của đam mê và bản năng, của dư luận đám đông. Luật con người hôm nay còn nghiêm khắc hơn luật Môsê, đó là luật “người ta làm sao tôi làm vậy,” luật chạy theo đám đông.

Tôi lấy một ví dụ rất thực tế: đó là những quan hệ tiền hôn nhân. Một cô gái 26 tuổi viết thư cho tôi: “Con phải nói lời cám ơn tới người yêu tôi. Anh là một người dễ thương, chân thành và rất mực thương tôi. Nhưng điều đẹp đẽ nhất là điều mà chúng con đã cùng nhau chọn lựa sống khiết tịnh cho đến ngày thành hôn. Khi chúng con giải thích cho mọi người về sự chọn lựa này để họ hiểu rằng điều đó là đẹp đẽ, cao thượng và giữ cho tương quan của chúng con bền vững, thì mọi người cười và cho chúng con là điên rồ!”

Giờ đây, chúng ta tự hỏi giữa đôi bạn trẻ và những người cười chê họ, ai là người tự do hơn ai? Dĩ nhiên những người trẻ sông chung trước hôn nhân có ít tự do hơn đôi bạn trẻ này. Nhiều lúc sự đổ vỡ không chỉ đơn thuần vì “ham muốn xác thịt” không được thỏa mãn, nhưng còn do dư luận và áp lực từ môi trường xã hội. Một bạn trai đòi hỏi người bạn gái phải đáp ứng một điều gì đó, cô ta phải làm, bởi vì nếu không, bạn bè chê cười và cô có thể mất người mình yêu. Một chuỗi của những ép buộc và hăm dọa ngầm mà người ta thường ngụy biện “tự do là làm điều mình muốn.”

Thánh Phaolô, người xướng ca vĩ đại về sự tự do Kitô giáo, đã công hiến một ý tưởng khích lệ chúng ta:

“Ở đâu có Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa, ở đó, có sự tự do” (2 Cr 3,17). Lý do đơn giản là ở đâu có Chúa Thánh Thần của Đức Kitô, nghĩa là có ân sủng, đây không phải là mệnh lệnh phải làm mà là sức mạnh bên trong giúp thực hiện. Đó là Chúa Thánh Thần, Người hoạt động trong và với chúng ta. Trong cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề: “Tôi chọn tự do,” tác giả V. Kravtchenko, một viên chức của đảng cộng sản Liên Xô chạy trốn sang Tây Phương, đã cho biết sự ghê sợ của những hình phạt trong nhà tù như thế nào. Tựa đề này trở thành châm ngôn và lời mời gọi cho chúng ta sau khi đã nghe thánh Phaolô nói về sự tự do đích thực. Chúng ta hãy chọn tự do! Và tự do đích thực của chúng ta chính là sự tự do mà Chúa Giêsu Kitô đã ban tặng nhờ cái chết trên thập giá, tự do khỏi mọi tội lỗi và các hình thức nô lệ của nó. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Ngày 22/06: Xem Quả Biết Cây – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
02:26 21/06/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Có người nào lại hái nho ở bụi gai hay là hái vả trên cây găng? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”

Đó là lời Chúa
 
Con Đường Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:48 21/06/2022

“Con Đường Giêsu”
CN 13 C

Hiệp Hành là căn tính của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16 muốn nhìn lại “con đường Giêsu”. Chính Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là “Con đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6). Các kitô hữu, những người đi theo Chúa Giêsu, ban đầu được gọi là “những môn đệ của ‘Con Đường’ đó” (Cv 9,2).

Hành trình của Chúa Giêsu Phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35) là một minh họa sống động về một “Tiến trình hiệp hành” với 5 bước:

- Hỏi và lắng nghe: Đức Giêsu Phục sinh hỏi: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? và hai môn đệ kể, Chúa Giêsu lắng nghe.
- Giải thích: Đức Giêsu giải thích với Lời Chúa và cử hành Thánh Thể (bẻ bánh).
- Hoán cải: Khi nhận ra Chúa rồi, hai môn đệ“hoán cải”, quyết định trở về Giêrusalem ngay lập tức.
- Làm chứng: Tại Giêrusalem họ đã làm chứng cho Chúa Phục Sinh.
- Làm chứng cho Chúa Phục sinh trong lòng Giáo Hội với sự hiệp thông với thánh Phêrô. Trước khi hai ông kể lại việc gặp Chúa Phục sinh, các môn đệ khác đã nói :"Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon" (Lc 24,34).

Hiệp hành là cùng đi chung một con đường “con đường Giêsu” để đến với Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần khai sáng cho chúng ta nhiều bài học hiệp hành từ Thánh Kinh: nhờ gặp gỡ Lời Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, phân định ra ý Chúa, chúng ta hiệp thông với cộng đoàn, tham gia công việc của Giáo Hội, thi hành sứ vụ Chúa trao. Hiệp hành là phương cách sống và hành động là đặc trưng của Giáo Hội, dân Thiên Chúa.

Các Giáo Hội địa phương đang thực hiện tiến trình Hiệp Hành của THĐGM Cấp Giáo phận bao gồm 3 công việc được xác định bởi 3 câu hỏi:
- Mọi thành phần Dân Chúa hiệp thông với Giám mục, với các linh mục, “cùng đi trên con đường Giêsu” với câu hỏi khởi sự: chúng ta có đi đúng con đường Giêsu không, hay chúng ta đang lạc đường, đang đi vào con đường khác?
- Khi cử hành THĐGM lần 16 này, mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau tham gia, nghĩa là gặp gỡ, trao đổi, với trọng tâm là “lắng nghe nhau”. Việc lắng nghe này được gọi là “Thỉnh ý Dân Chúa”. Việc “Thỉnh ý Dân Chúa” nhằm cùng nhau khám phá “đâu là con đường Giêsu thực sự”, nghĩa là “con đường chúng ta đang đi có đạt được mục đích phải đến là Loan Báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm không?”.
- Việc “Thỉnh ý Dân Chúa” còn giúp trả lời câu hỏi thứ ba, đó là “chúng ta phải làm gì để trở về đúng Con đường Giêsu”, hay phân định điều Chúa Thánh Thần muốn nói, muốn hướng dẫn giáo phận nhằm chu toàn sứ vụ Loan báo Tin Mừng.

Phần thứ hai của Bài Tin Mừng hôm nay kể lại ba trường hợp xin đi theo làm môn đệ, muốn theo “con đường Giêsu”. Trong mỗi trường hợp Đức Giêsu đều yêu cầu người ta phải chọn lựa dứt khoát.

- Với người thứ nhất, Đức Giêsu đòi hỏi phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn vật chất.
- Với người thứ hai, Đức Giêsu đòi phải ưu tiên lo việc Chúa hơn gia đình.
- Với người thứ ba, Đức Giêsu đòi phải một lòng một ý lo phục vụ Nước Thiên Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Người cần phải phân định để có một tinh thần siêu thoát.

- Siêu thoát đối với những tiện nghi và của cải: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Ai muốn theo Chúa, phải lượng sức mình có đủ siêu thoát để chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như Người, ngay cả chỗ tựa đầu cũng chẳng có chăng?
- Siêu thoát đối với những trói buộc trần thế để ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”. Ai muốn trở thành môn đệ của Người, phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng.
- Siêu thoát khỏi những tình cảm riêng tư để dốc hết tâm lực cho việc loan báo Tin Mừng : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Ai muốn theo Người, phải siêu thoát khỏi những mối tình cảm gia đình để thảnh thơi lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa.

Ai muốn đi “Con đường Giêsu” cần phải dứt khoát trong chọn lựa.

- Người thứ nhất hăng hái xin theo Chúa đi bất cứ nơi đâu. Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, không ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x.1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu. Chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ. Chỗ tựa đầu cuối là thập giá.
- Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã. Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con. Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
- Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.Chúa Giêsu đòi anh ta dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Ba người muốn xin đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ không dứt khoát chọn lựa như Êlisa (bài đọc 1), họ vẫn còn đắn đo kỹ lưỡng, chần chừ vì những lý do xác thịt và bịn rịn gia đình. Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là “hãy theo Ta” và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi của cải vật chất. Theo Chúa lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn. Ba trường hợp khác nhau, nhưng đều chung một lời mời gọi từ Chúa Giêsu. Ba lời đối thoại trên cũng là ba đòi hỏi hướng đến điều răn thứ nhất: “Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22, 37).

Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau. Con đường đi tìm Chúa là con đường con đường của từ bỏ… Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.

Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.

Nếu cuộc đời người Kitô hữu là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.

Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình… Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cày ruộng, đang làm những công việc hàng ngày. Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế… Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận hàng ngày. Sống ơn gọi của mình là biết chọn lựa và ưu tiên. Đó cũng là lời mời gọi, hãy đơn giản hoá cuộc sống.

Là người kitô hữu, chúng ta đã chọn đi theo “con đường Giêsu”, tuân giữ những lời thề hứa trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, thực thi mười điều răn của Thiên Chúa và sáu điều răn của Hội Thánh, sống tám mối Phúc thật và bảy mối tội đầu…Với những người sống đời hôn nhân: một vợ một chồng và tín trung suốt đời. Với những người sống đời độc thân linh mục, tu sĩ: vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh…Chúa muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Tuy nhiên, người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ. Ai muốn theo Ngài, phải dứt khoát với mọi thứ ràng buộc, cần có một con tim không san sẻ để luôn biết lo cho vinh quang Nước Trời.

Để sống bình an vui vẻ hạnh phúc, chúng ta đi theo “con đường Giêsu”. Chúa Giêsu đã hạ mình trở nên như tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, để đến với người nghèo, bệnh nhân và tội nhân. Chúa Giêsu thích sự đơn sơ và bé nhỏ giữa đời thường. Bởi vậy, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời ” (Mt 18,4). Chúa Giêsu đã gieo vào lòng thế giới giá trị của yêu thương và phục vụ trong đơn giản âm thầm.

“Con đường Giêsu” là con đường hẹp, không trải đầy nhung lụa mà là những gai nhọn và gian nan. Con đường ấy dẫn lối về hạnh phúc cho những ai dám từ bỏ mọi sự để sống cho Chúa, dám sống đời hèn mọn, dám sống đời tận hiến với quyết tâm thuộc trọn về Chúa suốt đời. Đó là Ơn Gọi cho những người bước đi theo Thầy Chí Thánh, họ luôn tìm thấy lẽ sống, ý nghĩa và cùng đích cho cuộc đời mình, họ có một cuộc sống đong đầy yêu thương hướng đến trọn lành.
 
Đáp đền tình yêu của Thánh Tâm Chúa thế nào ?
Lm. Đan Vinh
06:01 21/06/2022

LỄ THÁNH TÂM NĂM C
Ed 34,11-16; Rm 5,5b-11; Lc 15,3-7
ĐÁP ĐỀN TÌNH YÊU CỦA THÁNH TÂM CHÚA THẾ NÀO?

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 15,3-7
(3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”. (5) Tim được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói : “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy tôi nói cho các ông hay : Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

2. Ý CHÍNH :
Để trả lời cho lời phiền trách của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư về lý do tại sao Đức Giê-su lại tiếp xúc gần gũi với các người thu thuế và gái điếm tội lỗi…, Người đã dùng 3 dụ ngôn : Con chiên bị lạc, đồng bạc đánh rơi và người cha nhân hậu. Tin mừng hôm nay chỉ đề cập đến dụ ngôn con chiên bị lạc. Dụ ngôn đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót. Người xót thương kẻ lầm đường lạc lối, mau mắn đi tìm kiếm và sẽ vui mừng nếu tội nhân thực tâm sám hối trở về với Người.

3. CHÚ THÍCH :
– C 3-4 : + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà nếu mất một con : Ở đây, khi dùng hai con số 100 và 1, Đức Giê-su muốn làm nổi bật tầm quan trọng của sự mất mát. Dù chỉ bị mất một phần trăm nhưng đối với người chủ chiên cũng là sự mất mát to lớn. + Lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm kỳ được con chiên bị mất : Để lại ngoài đồng hoang không phải là bỏ rơi, bỏ mất vì chúng kém giá trị hơn, nhưng là giữ chúng lại trong một nơi an toàn. Chi tiết này chỉ muốn nói lên rằng : con chiên bị lạc dù chỉ là số ít 1/100, nhưng vẫn là con số quan trọng khiến chủ chiên không nỡ bỏ rơi mà nhất quyết đi tìm cho bằng được. Việc đi tìm xuất phát từ tình thương của chủ chiên, ám chỉ tình thương yêu và khoan dung của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Người không thụ động ngồi yên chờ họ tự quay về, nhưng Người chủ động lên đường đi tìm kiếm họ.
– C 5-7 : +Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai : Người chủ vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc. Niềm vui này thể hiện qua hai cử chỉ : Một là là vác chiên lên vai và hai là mở tiệc ăn mừng. Vác chiên lên vai nói lên sự thân mật gần gũi đối với con chiên lạc. + “Xin chung vui với tôi” : Mời bạn bè đến chung vui cho thấy ông chủ muốn chia sẻ niềm vui cho nhiều người khác nữa. + “Trên trời cũng thế” : Niềm vui tột đỉnh của Thiên Chúa là muốn cho mọi người trần gian đều được ơn cứu độ. Chỉ những ai xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, thể hiện qua thái độ cứng lòng không tin Chúa Giê-su, cố tình không muốn tái sinh trong nước rửa tội, chọn theo ma quỷ chống lại Thiên Chúa và tha nhân… mới không được hưởng ơn cứu độ.

4. CÂU HỎI :
1) Trong dụ ngôn này phải chăng người chủ chiên đành hy sinh 99 con chiên ở ngòai đồng hoang, mặc chúng cho sói rừng cắn xé, dể đi tìm một con chiên lạc kia sao?
2) Người chủ chiên đã làm gì để thể hiện tình thương và niềm vui khi tìm lại được con chiên bị lạc mất?
3) Những ai mới bị phạt trong hỏa ngục muôn đời?

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính” (Lc 15,7).

2. CÂU CHUYỆN :

1) THÁNH TÂM – MỘT TRÁI TIM MỞ RỘNG :
Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công Giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.
Tại vùng O-da-wa-ra, Ka-ma-ku-ra, người ta bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Si-mau-chi và U-za-wa cùng với nhiều ảnh tượng giải về To-ky-o. Quan đại thần Tsu-ka-mo-to nhặt được trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh xem ra kỳ cục : người gì mà để trái tim ra ngoài !
Tsu-ka-mo-to là một nhà nho uyên bác có óc thực tế và thích tìm hiểu. Ông cầm bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giê-su, coi qua rồi lại vứt vào sọt rác. Nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia chắc phải mang một ý nghĩa nào đó. Ông ra lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh Thánh Tâm trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ : “Đối ngoại hữu kỳ tâm – Đối nội vô tâm giả”.
Từ đó Tsu-ka-mo-to đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn thân tên O-sa-ki đến chơi, thấy vậy hỏi : “Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi hay sao?”
“Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Ki-tô giáo. Ông bạn hãy coi : đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng Thuật của Thần Đạo của nước Nhật chúng ta vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả thật đó là sự ngay chính vậy !”.
O-sa-ki rất cảm phục khi nghe bạn diễn đạt về đạo Công Giáo như vậy. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và âm thầm học giáo lý và xin chịu phép rửa tội. Đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục ra khỏi tù… (Trích “Phúc”).

2) ÔNG CHỦ CHIÊN TỐT LÀNH :
Trong cuộc họp của những nhà giáo dục, một vị giáo sư đã kể lại câu chuyện về một con chiên bị lạc như sau : Một người kia có nuôi một đàn chiên nhốt trong chuồng ở ngay sân sau nhà ông. Một hôm có một con chiên non trông thấy một lỗ hổng ở hàng rào và tò mò chui qua. Khi đã ra ngoài chuồng, con chiên vội chạy thật xa để tận hưởng thú vui tự do giữa đất trời bao la. Nó chạy đến một cánh rừng rộng lớn mà không nghĩ đến nguy hiểm đang chờ đón. Trời tối dần và đột nhiên con chiên nhìn thấy bóng dáng của một con sói đang rình núp ở một lùm cây gần đó. Vô cùng sợ hãi, nó ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về chuồng. Nhưng con sói vẫn không ngừng chạy bám sát phía sau. Khi con sói tiến đến gần và sắp vồ được chiên, thì may mắn thay ông chủ chiên cũng vừa xuất hiện. Ông dùng gậy đánh đuổi con sói hung dữ kia để cứu con chiên khỏi chết trong gang tấc. Sau đó ông vác con chiên non đang run sợ kia trên vai và đưa về chuồng băng bó những vết trầy xước. Rồi nhiều người nhắc ông phải rào kín lỗ hổng ngay để tránh cho chiên khỏi tiếp tục chui ra khỏi chuồng. Nhưng ông không nghe và cứ để lại lỗ hổng ở hàng rào như trước. Theo ông bầy chiên sẽ rút kinh nghiệm và không dám chui ra khỏi chuồng nữa.

3) THIÊN CHÚA LUÔN BAO DUNG VỚI NHỮNG KẺ CHỐNG LẠI NGÀI :
Một người vô thần một hôm ra đứng giữa ngã ba đường, ngửa mặt lên trời thách thức Thiên Chúa như sau :
– Này lão Trời Già kia. Nếu ông thực sự hiện hữu thì tôi thách ông hãy giết chết tôi trong vòng 5 phút !
Khi năm phút trôi qua mà vẫn chẳng thấy có chuyện gì xảy ra, anh ta lại tiếp tục ăn nói ngạo mạn xúc phạm đến quyền năng của Thiên Chúa như trước. Chợt có một bà cụ đến gần hỏi :
– Này anh bạn. Anh đã có đứa con nào chưa?
– Ồ, sao bà lại hỏi thế?
– Nếu một đứa con đưa dao ra thách anh hãy giết nó, thì anh có dám làm không?
– Không, vì tôi thương các con tôi lắm.
– Thiên Chúa cũng vậy. Ngài thương anh là con cái của Ngài lắm. Ngài không nỡ ra tay giết anh đâu, dù anh có tỏ ra bất hiếu ngỗ nghịch khi dám lên tiếng thách thức quyền năng của Ngài.

3.THẢO LUẬN :

1) Bạn nghĩ thế nào về lời thánh Au-gút-ti-nô sau : “Chúa dựng nên bạn không cần đến bạn, nhưng Chúa không thể cứu bạn, nếu bạn không cộng tác với Người? “
2) Noi gương Mục Tử Giê-su trong Tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đưa các người thân hay bạn bè đang lạc xa Chúa quay trở về tin yêu Người?

4. SUY NIỆM :

Hôm nay là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Lễ này chỉ mới có trong Hội Thánh từ thế kỷ 17, sau sự kiện Chúa Giê-su hiện ra với Thánh nữ Ma-ga-ri-ta và tỏ cho thánh nữ thấy trái tim biểu hiệu tình yêu của Người. Ai cũng hiểu trái tim là biểu tượng của Tình yêu. Vì thế việc tôn kính Trái tim Chúa chính là tôn kính Tình yêu của Chúa.

1) TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA THẬT BAO LA :
Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài như thánh Gio-an đã viết : “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8). Tình Yêu của Thiên Chúa thật vô cùng, vượt trên tình thương của cha mẹ đối với con cái, như Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng, đẻ đau? Cho dù nó có quên chăng nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ… Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15–16a). Thánh Phao-lô cũng viết : “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi”, và ngài kết luận : “Đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Nói đến tình yêu, chúng ta không thể không nhắc đến trái tim, một biểu tượng rõ nét của tình yêu. Hội Thánh đã dành riêng tháng sáu và đặc biệt ngày Thứ Sáu sau Chúa Nhật Mình Thánh Chúa để mừng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Đây là Trái Tim đã bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn trên cây thập giá, từ đó máu và nước đã trào ra để biểu lộ tình yêu thương nhân loại chúng ta (x. Ga 19, 34). Tình yêu của Thiên Chúa thật bao la khôn lường. Tuy nhiên, chúng ta cũng phần nào hiểu được tình yêu ấy qua hình ảnh người Mục Tử tốt lành trong Tin Mừng hôm nay, đã để 99 con chiên còn lại ở nơi hoang địa để đi tìm bằng được con chiên bị lạc mất.

2) ĐỨC GIÊ-SU LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH ĐƯỢC CHÚA CHA SAI ĐẾN :
– Đức Giê-su chính là Mục Tử nhân lành được Thiên Chúa hứa ban cho dân Ít-ra-en. Người đã giảng dạy đám đông đang khao khát nghe lời chân lý (x. Mt 5, 1-12). Người rung động trước sự đói khát của đám đông, nên đã nhân bánh ra nhiều để nuôi họ (x. Mc 8,1-10). Người không ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh bà góa đang khóc lóc đi đưa xác đứa con trai duy nhất mới chết ở cửa thành Na-im, và đã phục sinh anh (x. Lc 7,11-17). Người rơi lệ khi thấy Mát-ta và Ma-ri-a đang khóc thương La-gia-rô chết chôn trong mồ được bốn ngày (x Ga 11,1-45). Người bênh vực người phụ nữ ngoại tình giúp chị khỏi bị hình phạt ném đá chết và sau đó đã tuyên bố : “Tôi không kết án chị đâu. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Người gọi một người thu thuế tên Lê-vi theo làm môn đệ; Đến trọ nhà ông Gia-kêu trưởng thu thuế và tha tội cho ông. Người cũng tha tội chối thầy cho tông đồ Phê-rô và cho người trộm lành được vào Nước Trời. Người cũng cầu xin Chúa Cha : “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Cuối cùng Người sẵn sàng chịu chết đền tội thay cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Sau khi chết Người còn chịu lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn để “máu và nước chảy ra”, hầu ban ơn cứu độ cho loài người chúng ta (x. Ga 19,31-37).
– Ngoài ra, Mục Tử Giê-su không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn, mà tình yêu còn khiến Người đi tìm kiếm chiên lạc như lời Người nói : “Ai trong các ông có 100 con chiên và nếu mất một con, lại không để 99 con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm thấy sao?” (Lc 15,4). Cho dù chúng ta có là những con chiên mình đầy ghẻ lở tội lỗi, thì Chúa vẫn yêu thương mở rộng vòng tay đón nhận, săn sóc và vác lên vai đưa về đàn chiên duy nhất dưới quyền một Chúa chiên.

3) ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CỦA THÁNH TÂM CHÚA THẾ NÀO? :
- Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc tín thác vào tình thương của Chúa :

Cần tránh hai thái cực :

Một là cậy trông quá lẽ và mù quáng khi chủ trương : cứ việc hưởng thụ các đam mê xác thịt, rồi đến khi bị bệnh liệt giường sắp chết, sẽ hồi tâm sám hối cũng không muộn. Nghĩ như thế là lạm dụng tình thương bao dung của Chúa. Bởi vì tuy là Đấng nhân hậu từ bi, nhưng Người cũng là vị Thẩm Phán công minh, thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ trong ngày phán xét.

Hai là mất lòng cậy trông vào tình thương tha thứ của Chúa : Chúng ta đừng bao giờ rơi vào thái độ tuyệt vọng như tông đồ Giu-đa, đã đi thắt cổ tự tử sau khi phạm tội bán nộp Thầy, vì mất lòng cậy trông vào tình thương của Chúa. Nên nhớ rằng Chúa là Cha nhân hậu luôn chờ đón đứa con hoang đàng trở về. Người đứng ngoài cửa lòng chúng ta và gõ. Nếu chúng ta mở cửa ra đón Người thì Người sẽ vào dùng bữa tối với chúng ta và ban ơn cứu độ cho chúng ta (x. Kh 3,20).

- Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc ở lại trong tình yêu Chúa (Ga 15,9b) :
Chúng ta hãy năng dâng lên Chúa những lời nguyện tắt như : “Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin dạy con yêu mến Chúa. Xin gia tăng lòng mến cho con để con năng đến viếng Chúa trước Nhà Tạm, năng dự lễ rước lễ mỗi ngày, hầu được kết hiệp mật thiết với Chúa và được hiệp nhất với nhau”. Hoặc : “Lạy Chúa Giê-su. Con xin làm việc … này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa. Xin thương cho một người lương ở gần nhà con được tin yêu Chúa – cho một tội nhân con quen biết sớm được ơn trở về giao hòa với Chúa”.

-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc phục vụ Chúa hiện thân trong tha nhân :
Hãy tập nhìn thấy Chúa Giê-su đang hiện thân nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo khó bệnh tật và bị bỏ rơi, để chúng ta thăm viếng và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa như lời Chúa dạy : “Ta bảo thật : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc dẫn đưa nhiều chiên lạc về với Chúa :
Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu họp tại Rô-ma gần đây đã cho biết : Dân số Á châu hiện đã trên ba tỷ năm trăm triệu người. Thế mà mới chỉ có một trăm mười triệu là người tín hữu Ki-tô. Còn tới ba tỷ bốn trăm triệu người châu Á đang ở ngoài đoàn chiên Hội thánh. Đó là chưa kể đến biết bao tín hữu tuy đã chịu phép rửa tội, nhưng đã không hành đạo, lười biếng làm việc lành như : không đọc kinh dự lễ hoặc phạm những tội ác xấu xa… Những người này chính là những con chiên lạc cần được chúng ta cầu nguyện và giúp họ sớm nhận biết tin yêu Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ với chúng ta.

5.NGUYỆN CẦU :

LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU. Chúa luôn dẫn dắt chúng con từng ngày, luôn tha thứ những lỗi lầm của chúng con. Chúa cũng sẵn sàng đến ở cùng chúng con qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con nhận biết tình thương của Chúa, để luôn sống tin yêu phó thác và cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con biết thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những việc bác ái cụ thể với tha nhân, nhất là quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật và khiêm nhường phục vụ họ là hiện thân của Chúa xưa đã bị bỏ rơi trên cây thập giá.- AMEN.
 
Gioan thi hành sứ vụ làm tiền sứ của Đức Kitô
Lm. Đan Vinh
06:11 21/06/2022

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80
GIO-AN THI HÀNH SỨ VỤ LÀM TIỀN SỨ CỦA ĐỨC KI-TÔ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 1,57-66.80
(57) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (59) Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép Cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an. (61) Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng có ai có tên như vậy cả”. (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì? (63) Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an”. Ai nấy đều rất bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi của ông lại mở ra. Ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (80) Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

2. Ý CHÍNH :
Bài Tin mừng hôm nay tập trung vào lễ nghi Cắt bì và Đặt tên con trẻ Gio-an. Khi được chứng kiến những sự lạ lùng, nhất là sự kiện Da-ca-ri-a được khỏi bệnh câm, mọi người đều bỡ ngỡ và thắc mắc về sứ mệnh của em nhỏ sau này. Về sau Gio-an đã vào sống trong hoang địa cho đến khi ra vùng sông Gio-đan thi hành sứ mệnh tiền sứ: giúp dân Ít-ra-en chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai là Đức Giê-su.

3. CHÚ THÍCH :
- C 57-58 : + Láng giềng và thân thích đều chia vui với bà : Bài tường thuật tập trung vào việc mặc khải diệu kỳ của tên Gio-an và biến cố cắt bì và đặt tên. Bà con láng giềng tụ tập lại trong sự chia sẻ niềm vui với đôi vợ chồng già. Nhờ đó tiếng đồn về sự cố lạ lùng nơi con trẻ lại càng lan rộng.
- C 59 : + Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép Cắt bì : Tám ngày là thời gian Luật định để làm phép cắt bì (x St 17,12; Lv 12,3; Pl 3,5). Cắt bì là một nghi lễ có từ lâu đời trong đạo Do thái, do lệnh Thiên Chúa truyền (x Gs 5,2). Đây còn là một dấu chỉ hữu hình của Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Do thái mà mọi bé trai đều phải mang trên da thịt mình (x Xh 4,26). Tuy nhiên, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a lại cho thấy cắt bì trong tâm hồn mới là điều quan trọng (x Gr 9,24; 4,4). Cũng như Gio-an, Đức Giê-su sau đó cũng đã chịu nghi lễ Cắt bì và được đặt tên là Giê-su (x Lc 2,21).
+ Về sau, trong thời Giáo hội sơ khai : Theo đề nghị của thánh Phao-lô, để các Ki-tô hữu gốc lương dân khỏi phải chịu đựng cái ách nặng nề của Luật Mô-sê mà họ không chu tòan được (x Gl 6,12.15), thì Công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 đã quyết định như sau : không buộc lương dân mới gia nhập đạo chịu phép cắt bì của đạo Do thái trước khi được lãnh bí tích rửa tội (x. Cv 15,5-6.10-11.28-29), mà chỉ đòi họ có một đức tin hành động nhờ đức ái trong Chúa Ki-tô là đủ (x. Gl 5,6).
+ Và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em : Người ta thường lấy tên ông nội hay một người thân trong họ hàng mà đặt cho cháu. Ở đây người ta lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho con trẻ.
-C 63 : + Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an” : Hai ông bà đã thống nhất chọn tên Gio-an cho con, đúng như sứ thần đã truyền cho Gia-ca-ri-a khi truyền tin cho ông trong Đền thờ (x Lc 1,13). + Ai nấy đều rất bỡ ngỡ : Phải chăng sự thống nhất ý kiến của hai ông bà về việc đặt tên khác thường cũng là một dấu lạ khiến mọi người ngạc nhiên.
-C 65-66 : + Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ : Trong Kinh Thánh, chữ “tâm” hay “lòng”chỉ nơi phát xuất ra tư tưởng, tình cảm, hòai niệm, quyết định và ước muốn của con người giống như Đức Ma-ri-a “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x Lc 2,19). Ở đây để tâm nghĩa là ra sức tìm hiểu ý nghĩa của lời sấm hay sự việc xảy ra. + Có bàn tay Chúa phù hộ em : Kiểu nói “bàn tay Chúa” mô phỏng Cựu ước, cho thấy Thiên Chúa bảo vệ những ai tin cậy vào Người, mà Gio-an là một trong số đó (x Tv 80,18).

4. CÂU HỎI :

1) Tại sao bà Ê-li-sa-bét không đồng ý đặt tên cho con trẻ là Da-ca-ri-a nhưng là Gio-an?
2) Hãy cho biết những sự lạ đã xảy ra trong nghi lễ cắt bì và đặt tên của Gio-an Tẩy giả?
3) Cắt bì là gì? Những ai được chịu phép cắt bì? Mục đích của phép cắt bì ra sao?
4) Tại sao ngày nay khi theo đạo công giáo, lương dân không phải chịu phép cắt bì trước khi chịu phép rửa tội để gia nhập vào Hội thánh?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Đức Ki-tô phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

2. CÂU CHUYỆN :

1) CUỘC ĐỜI CỦA GIO-AN TIỀN SỨ :
Gio-an là vị tiền hô của Chúa Giê-su (x.Mt 3,3). Gio-an là con của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Cả hai thuộc dòng tộc tư tế. Bà Ê-li-sa-bét là chị họ của Đức Ma-ri-a, nên Gio-an là anh bà con của Đức Giê-su. Cha mẹ của Gio-an sống ở miền núi xứ Giu-đê (x.Lc 1,39). Từ nhỏ, Gio-an đã sống cuộc đời ẩn tu khổ hạnh trong sa mạc. Đến năm thứ 15 thời Hoàng đế Ti-bê-ri-a, Gio-an mới xuất hiện tại vùng hoang địa miền Giu-đê cạnh sông Gio-đan để rao giảng và làm phép rửa sám hối cầu ơn tha tội (x.Mt 3,1). Phép rửa của ông là một nghi lễ thống hối kèm theo sự xưng thú tội lỗi (x. Mt 3,6). Gio-an nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai khi ông giới thiệu Người với các môn đệ của ông : “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29). Có lần Đức Giê-su gọi Gio-an là Ê-li-a khác, là người lớn nhất trong Cựu ước, là tiên tri loan báo Nước Trời (x.Mt 11,2 –19; Lc 7,18-33).
Cuộc đời của Gio-an kết thúc bằng khổ hình bị chém đầu trong nhà tù, do ông can đảm bênh vực công lý, dám lên tiếng can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy bà chị dâu Hê-rô-đi-a-đê làm vợ. Do đó ông đã bị vua tống giam vào ngục và sau đó còn bị bà Hê-ro-đi-a-đê âm mưu giết hại (x. Lc 9,7-9).

2) TRÁNH TRÈO CAO ĐỂ KHỎI TÉ ĐAU :
Tác giả La-phông-ten đã viết nhiều câu chuyện ngụ ngôn, trong đó có câu chuyện về con ếch và con bò để dạy chúng ta bài học là đừng quá tự cao như sau :
Ngày kia có một con ếch thấy một con bò to lớn vĩ đại nên rất ngưỡng mộ và mong sao cho mình cũng được trở nên vĩ đại như vậy. Từ tư tưởng biến thành hành động, con ếch liền xuống ao để uống nước cho bụng phình to ra sao cho bằng con bò kia. Cứ thế, cứ thế, nó uống mãi uống hoài mà vẫn không sao to được bằng con bò. Nó lại cố uống thêm… cho đến khi một tiếng “Bốp” nổ vang lên và con ếch đã bị chết banh xác.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tự thẳm sâu trong cõi lòng, hầu như ai cũng muốn được người khác nể phục ca tụng. Ai cũng muốn tự nâng mình lên chứ không thích hạ mình xuống. Nhưng chúng ta ý thức giá trị của đức khiêm tốn và cần tập luyện nhân đức ấy, để việc tông đồ chúng ta làm được đẹp lòng Chúa và đạt được thành quả tốt đẹp.

3) CÁCH GIẢI THOÁT KHỎI BÓNG HÌNH CỦA MÌNH :
Có một anh khờ nọ muốn được giải thoát khỏi cái bóng của mình… Nhưng càng trốn chạy bao nhiêu thì cái bóng đó lại càng đeo đuổi phía sau không dứt ra được. Anh lăn lộn trên đất, nhảy xuống sông… nhung dù đi đâu, làm gì, thì cái bóng của anh vẫn luôn theo sát phía sau.
Một cụ già khôn ngoan nghe biết chuyện đã cố vấn cho anh khờ như sau : “Để thoát khỏi cái bóng của mình, anh chỉ cần đến núp dưới bóng của một cái cây lớn là được”. Anh khờ nghe lời đến núp dưới một cây lớn và từ ngày đó đã không còn bị cái bóng theo đuổi phía sau mình nữa.
Quả vậy, chỉ khi biết khiêm tốn nép mình dưới bóng cây Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể thoát khỏi cái bóng là các thói hư, thói theo đuổi hư danh, khoái lạc, lợi lộc… trong cuộc sống.
Hôm nay Hội Thánh mừng kính trọng thể ngày sinh của một con người đã từng đến nép mình dưới cây Thập giá Chúa Giê-su. Con người ấy chính là Gio-an Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Ông đã luôn nép mình dưới bóng của Chúa Giê-su và hiến cả cuộc đời để phụng sự Người như ông đã nói với các môn đệ : “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói : Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy mới là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng nghe chàng rể, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã nên trọn : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi “ (Ga 3,28-30).

3. SUY NIỆM :

1) So sánh giữa thánh Gio-an Tẩy Giả và vua Hê-rô-đê :
Đây là hai khuôn mặt hoàn toàn đối lập nhau : Gio-an là người có chí khí mạnh mẽ đang khi Hê-rô-đê lại yếu đuối nhu nhược. Gio-an có lối sống khắc khổ giản dị, đang khi Hê-rô-đê lại sống trong xa hoa nhung lụa. Hê-rô-đê đã tống giam Gio-an vì ông đã dám lên tiếng tố cáo tội loạn luân của ông với bà chị dâu. Thật ra vua Hê-rô-đê cũng kính trọng Gio-an và coi ông là một nhà tiên tri. Nhưng nhà vua là người nhu nhược thiếu ý chí, dễ bị đam mê dục vọng khuất phục. Do áp lực của bà Hê-rô-đi-a-đê, nên vua Hê-rô-đê đã sai quân lính đến bắt Gio-an tống ngục. Rồi trong một bữa tiệc, do rất vui vẻ hài lòng với điệu múa của cô Sa-lô-mê là con gái của bà He-rô-đi-a-đê, nên nhà vua đã cao hứng hứa sẽ ban cho cô ta bất cứ điều gì cô xin. Đứa con gái nghe mẹ xúi đã xin vua cho cái đầu của Gio-an Tẩy Giả. Vua Hê-rô-đê tuy không muốn, nhưng đành phải giữ lời, nên vua đã sai lính vào ngục chém đầu Gio-an.
Vua Hê-rô-đê tiêu biểu cho những người để cho thú tính trong bản thân lấn lướt. Mặc dù lý trí và lương tâm luôn kêu gọi vươn lên, nhưng tiếng nói ấy vẫn không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn tội lỗi, vì đã quen chạy theo hưởng thụ lạc thú thấp hèn. Còn thánh Gio-an Tẩy Giả là một người sống có lý tưởng, luôn ý thức chu toàn trách nhiệm, chống lại sức lôi kéo của thú tính xúi giục.

2) Đức Giê-su đã đề cao con người và sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả :
Đức Giê-su nói : “Đây còn hơn ngôn sứ nữa ! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng : “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Lc 7,24-27). Gio-an chính là vị ngôn sứ, được Thiên Chúa sai đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Với sứ mệnh đó, Gio-an đã trở nên một nhân vật lớn nhất trong lịch sử cứu độ như Đức Giê-su đã khen ông : “Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả…” (Mt 11,11).

3) Chu toàn sứ mệnh chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời :
Ngày sinh của Thánh Gio-an Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta đã trở thành ngôn sứ của Chúa Ki-tô và cần chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Người. Ngọn nến Hội Thánh trao cho chúng ta khi chịu phép rửa tội tượng trưng cho đức ái phải giãi sáng trước mặt người đời. Dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng hãy làm các việc tốt, để người đời khi nhìn thấy các việc lành chúng ta làm sẽ ngợi khen Cha chúng ta trên trời (x. Mt 5,16).

4) Cụ thể chúng ta nên làm gì để noi gương thánh Gio-an?
+ Khiêm hạ : Nói năng nhỏ nhẹ, tôn trọng tha nhân, năng khen các ưu điểm để khích lệ hơn là phê bình chỉ trích nhằm hạ giá trị những ai hơn mình. Tránh tự cao nhưng luôn làm mọi việc để tôn vinh Thiên Chúa như Gio-an đã làm cho Đức Giê-su và nói với môn đệ : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28.30).
+ Khó nghèo : Tránh đua đòi mua sắm quần áo giày dép xe cộ mới, nhưng luôn sống đơn sơ khó nghèo trong cách ăn ở noi gương Gio-an : “Mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (x Mc 1,6-8).
+ Vâng phục : Sẵn sàng bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa, noi gương Gio-an vâng lời làm phép rửa cho Đức Giê-su tại sông Gio-đan (x Mt 3,13-15).
+ Trung tín : Luôn chu tòan sứ vụ tiền hô, giúp người đời nhận biết Đức Giê-su, noi gương Gio-an đã giới thiệu và khích lệ hai môn đồ bỏ mình theo làm môn đệ Đức Giê-su (x Ga 1,35-37).
+ Trung thực : Trung thực nhìn nhận khuyết điểm của mình và tu sửa, noi gương Gio-an đã tự nhận mình là tiếng người hô trong hoang địa : ”Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” như lời ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm. Gio-an thừa nhận phép rửa của ông chỉ giúp người ta sám hối, còn Đấng đến sau quyền thế hơn ông, mà ông không đáng xách dép cho Người. Đấng ấy sẽ “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11; Ga 1,20-27).
+ Can đảm : Luôn can đảm làm chứng cho Chúa noi gương Gio-an khi mạnh dạn can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy chị dâu làm vợ mình (x Mt 14,3-4; Lc 3,7-9). Dù vì thế mà ông đã bị vua Hê-rô-đê hãm hại.

4. THẢO LUẬN : Hôm nay mỗi người cần làm gì để bản thân mình lu mờ đi và để Chúa được tôn vinh?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Làm chứng trong cuộc sống hôm nay chính là noi gương Gio-an : Tự làm mình lu mờ đi bằng việc ít nói về mình, không khoe khoang thành tích, và để Chúa được lớn lên nơi tha nhân, sống tiết độ chừng mực, tránh lối sống xa hoa lãng phí, ưa chè chén say sưa, chỉ đường giúp nhiều người nhận biết và đi theo làm môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống đơn sơ khó nghèo, can đảm làm chứng cho sự thật và không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn trở ngại gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.- AMEN.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 21/06/2022

7. Để được ân sủng thì tâm linh con người cần phải đơn độc một mình, trong sạch, và tràn trề hy vọng để tiếp đón Thiên Chúa thì mới kết quả.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 21/06/2022
15. GÀ MỞ NHÃN GIỚI

Loài chim bay lượn hót vang trong rừng, có lúc nghỉ ngơi trên mái nhà, có một con gà nhìn thấy như thế thì rất ngưỡng mộ, nghĩ thầm: “Cũng là động vật có cánh, tại sao mình cứ tục tục không thể bay”, bèn hít một hơi dài triển khai đôi cánh, rõ ràng là nó cũng bay lên tới nóc nhà.

Nó kêu ồ ồ, chủ nhà nghe thấy thì cho rằng điềm không tốt, bèn bắt nó cắt cổ chết.

Lúc gần chết, các con gà khác cười nhạo nói:

- “Anh rõ khổ nhất định phải bay cho cao để làm gì, đến nỗi bị hại đến thân như vậy?”

Con gà ấy cười nói:

- “Kiến thức của các anh thật là nông cạn, mặc dù hôm nay tôi bị giết nhưng tôi đã nhìn thấy phong cảnh rộng lớn bên trên mái nhà, còn như các anh bị nhốt trong chuồng gà, tầm nhìn không cao, sau này vẫn không tránh khỏi chết, làm sao so với tôi mở ra nhãn giới trước khi chết chứ !”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 15:

Người có tinh thần cầu tiến thật đáng quý, bởi vì họ biết thế giới không phải nhỏ như cái miệng giếng, cho nên họ cảm thấy chết cũng thỏa mãn khi họ đạt được mục tiêu cầu tiến của mình; hoặc có những người hy sinh tất cả để nhãn giới của mình được nhìn xa trông rộng, thật đáng khen.

Con gà hãnh diện và sung sướng vì nhãn giới của mình được mở rộng, dù cho cái chết đang kề bên.

Có vài người Ki-tô hữu giữ đạo “trong lồng”, sinh hoạt tôn giáo cũng “trong lồng” nên thấy cái gì cũng là lỗi đạo Đức Chúa Trời, mà không nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người, họ cứ luôn đinh ninh là Chúa phạt Mẹ phạt –vì bác ái nên chưa kịp đi đọc kinh- mà không dám mở rộng nhãn giới, mở rộng đôi tay để giúp đỡ tha nhân, họ như thầy tư tế và thầy Lê-vi tránh qua người bị nạn để đi dâng lễ !

Mở rộng nhãn giới là nhìn ra bên ngoài mình để thấy người thấy ta, nhưng quan trọng hơn -đối với người Ki-tô hữu- là mở rộng con mắt tâm hồn, để nhìn thấy những bất hạnh đau khổ của tha nhân mà phục vụ, để thấy hạnh phúc của anh em mà chia sẻ, đó chính là sống đạo đích thực vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican tiết lộ việc sử dụng quỹ của Đức Giáo Hoàng, hy vọng củng cố lòng tin
Đặng Tự Do
05:05 21/06/2022


Hôm thứ Năm, Vatican, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm nâng cao lòng tin của các tín hữu về cách sử dụng các khoản đóng góp bác ái của họ cho Đức Giáo Hoàng, đã ban hành bản tiết lộ chi tiết đầu tiên về quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô.

Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, với mục đích là giúp Đức Giáo Hoàng điều hành Giáo Hội, được tạo thành từ các khoản đóng góp trong các giáo phận Công Giáo Rôma trên khắp thế giới mỗi năm một lần, cũng như các khoản đóng góp cá nhân và tài sản thừa kế và di sản.

Theo bản “Công bố tài chính hàng năm” cho năm 2021, các khoản đóng góp lên tới 46,9 triệu euro. So với các số liệu được công bố trước đó, con số này tăng nhẹ khoảng 2,8 triệu euro trong năm 2020. Nhưng năm 2020 đã giảm 18% so với năm 2019. Sau đó là mức giảm 23% từ năm 2015 đến năm 2019.

Bộ trưởng Kinh tế của Vatican, Cha Antonio Guerrero, cho biết sự sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021 ít nhất một phần do đại dịch COVID-19, khi nhiều nhà thờ phải đóng cửa.

Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo nói rằng họ đã ngừng đóng góp vì các vụ tai tiếng tài chính của Vatican chẳng hạn như vụ mua một tòa nhà ở London. Khoản đầu tư đó là trung tâm của một vụ xét xử tham nhũng đang diễn ra.

Khi Vatican công bố một số số liệu tổng thể chi tiết nhất từ trước đến nay vào năm 2020, Cha Guerrero cho biết tài chính của Vatican phải là một “ngôi nhà kính”, đồng thời ngài nói thêm rằng các tín hữu có “quyền được biết cách chúng ta sử dụng các nguồn lực”.

Tổng số tiền giải ngân từ quỹ là 65,3 triệu euro, để lại khoản thâm hụt 18,4 triệu euro được trang trải bởi các khoản thu nhập khác của Vatican.

Khoảng 55,5 triệu euro đã được sử dụng để giúp bù đắp chi phí điều hành các bộ phận của Vatican, các đại sứ quán của Tòa Thánh trên khắp thế giới, cơ cấu thông tin liên lạc của Tòa Thánh và để giúp đỡ các Giáo Hội địa phương.

Khoảng 10 triệu euro từ Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô đã được chuyển tới 157 dự án hỗ trợ trực tiếp, bao gồm những dự án giúp đỡ người nghèo, trẻ em, người già và nạn nhân của thiên tai và chiến tranh.

Hầu hết các dự án đều ở Phi Châu và Á Châu. Bản báo cáo đã đưa ra chi tiết về một số dự án hỗ trợ trực tiếp, chẳng hạn như một dự án xây dựng tòa nhà cho thanh niên ở Haiti và một dự án khác nhằm chấm dứt nạn bóc lột tình dục và buôn bán trẻ em trực tuyến ở Phi Luật Tân.

Những thay đổi về tính minh bạch liên quan đến Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô bắt nguồn từ một sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 12 năm 2020.
Source:Reuters
 
ĐGM Kyiv cho rằng ĐGH không nên đến thăm vì người Ukraine đã mất lòng tin nơi ngài
Đặng Tự Do
16:33 21/06/2022
Giám mục theo nghi thức Latinh của Kyiv cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới rằng trong khi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine sẽ là một nguồn hy vọng, thì điều đó hiện không thể thực hiện được do những lo ngại về an ninh và sự mất lòng tin ngày càng tăng của người Ukraine đối với Đức Giáo Hoàng trước một số nhận xét công khai gần đây của ngài về cuộc chiến.

Phát biểu với tờ Avvenire, nghĩa là “Tương Lai”, tờ báo chính thức của các giám mục Ý, Đức Cha Vitaliy Krivitskiy nói, “Ý định của Đức Thánh Cha là ở giữa một dân tộc đang đau khổ là dành cho những người Công Giáo chúng tôi, bắt đầu với tôi với tư cách là một giám mục, một lý do cho hy vọng lớn lao”.

“Chúng tôi cảm thấy sự gần gũi của ngài được thể hiện qua những lời kêu gọi ngừng bắn lặp đi lặp lại của ngài, và bằng những cử chỉ cụ thể cũng đã dẫn đến nhiều lần gửi viện trợ nhân đạo. Và sau đó là lời cầu nguyện liên tục của ngài bao gồm cả những lời cầu nguyện của cả Giáo Hội. Chuyến thăm của ngài sẽ cho chúng tôi thêm can đảm”

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có thể ước tính thời gian về thời điểm có thể diễn ra chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine hay không, Đức Cha Krivitskiy nói không.

Đức Giáo Hoàng không chỉ cần một mức độ an ninh cao, mà đó sẽ là thách thức để cung cấp vì hầu hết các binh sĩ Ukraine đều được triển khai ra tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại Nga, và "cần phải nói thêm rằng, nhu cầu này cao hơn so với khi bắt đầu cuộc xung đột,” Đức Cha Krivitskiy nói.

Mặc dù không đề cập đến những tuyên bố nào của Đức Giáo Hoàng, nhưng ai cũng biết rằng sự chần chừ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc hỗ trợ việc trang bị vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và đề xuất của ngài rằng NATO có thể đã kích động chiến tranh đang tiếp tục gây ra những tranh cãi lớn.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với các biên tập viên của tờ báo La Civiltà Cattolica, hay Văn Minh Công Giáo, do Dòng Tên điều hành được xuất bản hôm thứ Ba tuần trước, Đức Phanxicô, đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, nói, “Không có kẻ tốt và kẻ xấu siêu hình nào ở đây, một cách trừu tượng. Một cái gì đó toàn cầu đang xuất hiện, với các yếu tố rất hòa quyện với nhau”.

Ngài lên án "sự hung hãn, tàn ác của quân đội Nga", nhưng cũng chỉ trích hoạt động buôn bán vũ khí nhằm kích động chiến tranh, mà một số nhà quan sát coi là phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine.

Đức Phanxicô cũng đề cập đến cuộc trò chuyện mà ngài đã có với một nguyên thủ quốc gia giấu tên trước cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 của Nga, trong đó chính trị gia được nêu nói rằng NATO đang “sủa trước ngưỡng cửa của Nga” và các hoạt động của NATO “có thể dẫn đến chiến tranh”. Những nhận xét này cho thấy NATO, có thể phải chịu trách nhiệm một phần về cuộc xung đột.

Đức Giáo Hoàng đã phải chịu nhiều áp lực về những nhận xét và quyết định khác mà ngài đã đưa ra kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chẳng hạn như yêu cầu một phụ nữ Nga và một phụ nữ Ukraine vác thánh giá cùng nhau trong Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Rôma.

Ngài đã được chụp ảnh hôn một lá cờ Ukraine từ Bucha, nơi quân Nga bị cáo buộc tội ác chiến tranh, và đã liên tục kêu gọi ngừng bắn và đề nghị hỗ trợ trong các cuộc đàm phán, nhưng ngài vẫn chưa nêu tên “Nga” hoặc “Putin” là những kẻ xâm lược trong cuộc xung đột.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, hay Tin Chiều, vào tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã ngừng nhắc đến việc các quốc gia khác vũ trang cho Ukraine là có phù hợp hay không. Ngài nói rằng: “Tôi không thể trả lời; Tôi ở quá xa”.

“Điều rõ ràng là vũ khí đang được thử nghiệm ở vùng đất đó. Người Nga hiện biết rằng xe tăng ít được sử dụng và đang nghĩ đến những thứ khác. Các cuộc chiến được thực hiện vì điều này: để kiểm tra vũ khí mà chúng ta đã sản xuất,” ngài nói trong cuộc phỏng vấn. “Việc buôn bán vũ khí là một vụ tai tiếng; một số ít người chống lại nó. ”

Những nhận xét này đã thu hút sự chỉ trích từ bạn bè cũng như kẻ thù, bao gồm cả người bạn lâu năm của Đức Giáo Hoàng từ Buenos Aires, là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Trong một phản ứng rõ ràng trước nhận xét của Đức Giáo Hoàng đã được đăng trên tờ La Civiltà Cattolica, trong một thông điệp video gần đây Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết, “nguyên nhân của cuộc chiến này nằm chính bên trong nước Nga. Và kẻ xâm lược Nga đang cố gắng giải quyết các vấn đề nội bộ của mình với sự trợ giúp của sự xâm lược từ bên ngoài”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Việc Nga gây hấn với Ukraine là hoàn toàn vô cớ. Bất cứ ai nghĩ rằng một số nguyên nhân bên ngoài đã kích động Nga xâm lược quân sự thì hoặc là họ đang bị tuyên truyền của Nga tóm được, hoặc họ quá đơn sơ, hoặc họ đang cố ý lừa dối thế giới”.

Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tổ chức một buổi tiếp kiến kéo dài gần hai giờ với một nhóm nhỏ người Ukraine, những người lo ngại về luận điệu “mơ hồ” của ngài về chiến tranh.

Trong cuộc phỏng vấn với Avvenire, Đức Giám Mục Krivitskiy nói rằng để Đức Giáo Hoàng đến thăm Ukraine, cần phải “xây dựng lại 'sự đồng thuận' xung quanh cuộc hành trình của ngài."

Điều này cần có thời gian, ngài nói: “Sẽ là một niềm vui ngoại thường khi được chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Kyiv, nhưng hiện tại tôi khẳng định rằng không có đủ điều kiện cho chuyến thăm.”

Đức Cha Krivitskiy, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Kyiv vào năm 2017, chăn dắt khoảng 200.000 người Công Giáo theo nghi thức Latinh tại một thành phố có khoảng tám triệu người.

Khi được hỏi liệu ngài có tin rằng Đức Giáo Hoàng vẫn có thể đóng góp vào việc ngăn chặn chiến tranh hay không, Đức Cha Krivitskiy nói “chắc chắn rồi,” và rằng Tòa thánh “có thể đóng một vai trò cơ bản như là người hòa giải giữa chúng tôi và Nga.”

Ngài nói: “Các cuộc đàm phán cần có 'người hòa giải' và Đức Giáo Hoàng là một trong số những người đó, mặc dù một số người ở đây không còn coi ngài là người trung lập".

Bất chấp những tranh cãi về nhận xét của Đức Giáo Hoàng, Đức Cha Krivitskiy lên tiếng tin tưởng rằng Đức Phanxicô và tất cả những người tham gia vào chính sách ngoại giao của Vatican “đang gieo mầm để tạo ra một môi trường đối thoại, là điều kiện tiên quyết để mở ra các cuộc đàm phán.”
Source:Crux
 
Đức Giáo Hoàng tuyên bố sẽ không thoái vị như Đức Bênêđíctô
Đặng Tự Do
17:35 21/06/2022
Tin đồn đang trở nên mạnh mẽ trên khắp thế giới, với các cuộc nói chuyện trên báo chí Công Giáo và thế tục rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sớm gia nhập cùng Đức Bênêđíctô XVI trong hàng ngũ các vị “giáo hoàng danh dự”, do cơn đau dữ dội ở đầu gối của ngài và các manh mối khác, đặc biệt là một chuyến đi đến thánh tích của vị giáo hoàng tự nguyện thoái vị trước Đức Bênêđíctô.

Nhưng bản thân Đức Giáo Hoàng đã không đưa ra dấu chỉ nào, và thay vào đó, ngài nói với các giám mục Brazil về Rôma viếng mộ hai thánh Tông đồ và thăm Tòa Thánh vào ngày 20 tháng 6 rằng ngài có kế hoạch tiếp tục “bao lâu Chúa còn cho phép”.

Đức Tổng Giám Mục Roque Paloschi của tổng giáo phận Porto Velho, nói với Vatican News rằng cơn đau ở đầu gối không làm mất đi tâm trạng vui vẻ của Đức Thánh Cha.

Đức Tổng Giám Mục Paloschi bảo đảm rằng vị Giáo hoàng Mỹ Latinh không hề có ý định từ chức khỏi ngai tòa Thánh Phêrô như một số phương tiện truyền thông tuyên bố.

Thay vào đó, vị giám mục bảo đảm rằng, Đức Giáo Hoàng đang bận rộn trên một số mặt trận của giáo hội, và ý tưởng thoái vị như “những gì báo chí loan tin không mảy may xuất hiện trong tâm trí của ngài”.

Gặp gỡ 17 giám mục của hai trong số các giáo tỉnh của Brazil, vị Giáo hoàng Mỹ Latinh đã khuyến khích các ngài “hãy chăn dắt đoàn chiên mà không sợ đối mặt với những thách thức mà thời điểm hiện tại đang đặt ra cho chúng ta” và “tố cáo mọi thứ chà đạp lên các quyền cơ bản của người dân bản địa và việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng đã rất vui khi nhận được một chiếc mũ đội đầu đầy màu sắc từ các tín hữu của Đức Cha Edson Taschetto Damian của giáo phận São Gabriel da Cachoeira ở phía tây bắc Brazil và ở giữa rừng nhiệt đới Amazon.

Ngài đội lên đầu và hỏi “Cái này có phải là cái mũ chóp nhọn (miter) của Giám Mục không? Hãy tưởng tượng nếu tôi đến gặp Thánh Phêrô với cái mũ này”. Các giám mục đã cười khúc khích.
Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Khai Giảng Khóa Hè Tại Giáo Xứ Thánh Martinô Hạt Gia Kiệm
Ban Truyền Thông Giáo Xứ
07:25 21/06/2022
Lễ Khai Giảng Khóa Hè Tại Giáo Xứ Thánh Martinô Hạt Gia Kiệm

Để chuẩn bị hướng về ngày tạ ơn làm phép các công trình mục vụ của giáo xứ, đồng thời đón ĐGM giáo phận về thăm viếng và ban bí tích Thánh Thể cho các em rước lễ lần đầu.

Xem Hình

Hôm nay, Chúa Nhật ngày 19/06/2022, Lễ kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa, và cũng là Ngày Của Cha (Father’s Day), Giáo xứ Martino – Giáo hạt Gia Kiệm – Giáo phận Xuân Lộc tổ chức cuộc thi chạy bộ với chủ đề “Chạy cùng thánh Martino”.

Cuộc thi quy tụ được nhiều thành phần tham gia trong giáo xứ, từ giới cao niên, gia trưởng, giới trẻ đến cả các em thiếu nhi đều hưởng ứng tham gia với tinh thần phấn khởi và tràn đầy sức sống.

Đúng 5h15p, với sự hiện diện của cha chánh xứ Phêrô, cha phó Gioan B, Ban hành giáo và các cổ động viên là giáo dân trong và ngoài xứ đã có mặt để cùng với các vận động viên bắt đầu cho

cuộc thi chạy. Sau tiếng còi vang lên của cha chánh xứ, các cổ động viên đã chạy xen lẫn với tiếng reo hò của mọi người, đâu đó có thêm những tiếng nhạc càng làm tăng lên không khí của cuộc thi.

Khoác lên mình chiếc áo của cuộc thi, hình ảnh các cổ động viên cũng chạy theo các vận động viên. Ta thấy được sự đoàn kết của các thành phần trong giáo xứ, đồng thời càng thể hiện rõ tinh thần “hiệp hành” của Giáo Hội. Cùng chạy với nhau để tới đích, cùng chạy với thánh Martino để tới được Thiên Chúa, đồng thời làm chứng cho Tin Mừng về một Hội Thánh yêu thương, hiệp hành với nhau. Để qua đó, mọi thành phần trong giáo xứ cùng nhau hợp lời với thánh Martino tạ ơn Thiên Chúa đã ban muôn ơn lành cho giáo xứ chúng ta.

Sau thánh lễ sáng lúc 6h, các em học sinh đủ mọi khối lớp đều có mặt tại Thánh đường giáo xứ Martino để chuẩn bị tham dự lễ khai giảng học hè năm học 2022 sắp khai mạc vào lúc 7h30p.

Các thầy bên Đại chủng viện Xuân lộc tất bật với công việc: dẫn chương trình, quan sát, theo dõi và hỗ trợ các em chuẩn bị cho buổi lễ khai mạc khóa học hè được tốt đẹp. Sân khấu được trang trí băng rôn, bong bóng, các bảng tên môn học trông thật đẹp, trang trọng… cho thấy được công tác chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng thật chu đáo và kỹ lưỡng. Các tiết mục sinh hoạt nhịp nhàng và hào hứng giữa các thầy, các em học sinh, giáo lý viên qua các vũ điệu sôi động, lôi cuốn tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng, tưng bừng cả giáo xứ.

Tiếng trống khai giảng vang lên như thúc giục, như mời gọi các em hãy sẵn sàng, chuẩn bị tâm thế bước vào khóa học hè lần đầu tiên được tổ chức nơi giáo xứ Martino nói riêng và giáo hạt Gia Kiệm nói chung.

Các em học sinh được các thầy của Đại chủng viện tận tình hướng dẫn thi trắc nghiệm tiếng Anh để chọn lớp. Ngoài môn tiếng Anh ra còn có tiếng Nhật, Trung, Hàn và các môn học khác như: Toán, Văn. Trước đó, các em đã được thông báo đến giáo xứ để đăng ký môn học và xếp lớp. Dĩ nhiên, tất cả các môn học đều miễn phí. Mục đích của cha chánh xứ Martino mong muốn nâng cao trình độ văn hóa của các em học sinh trong vùng Gia Kiệm, kêu gọi sự quan tâm của phụ huynh các em trong việc học văn hóa và trau dồi đạo đức như gương khiêm nhu, hiền hòa của Thánh Martino. Thông qua việc dạy văn hóa, các thầy cô sẽ lồng ghép các kỹ năng sống thiết thực mà hiện nay các em đang còn thiếu hoặc chưa được trang bị.

Chương trình học hè tại Giáo xứ Martino được xem là sự kiện đầu tiên diễn ra trong Giáo hạt Gia Kiệm, Giáo phận Xuân Lộc. Chính điều này được rất nhiều phụ huynh quan tâm, hưởng ứng cho con đăng ký theo học.

Các thầy, cô đã không quản ngại đường xá xa xôi, đi dạy với một tình yêu tha thiết; giúp các em ôn tập và tiếp nhận kiến thức, cùng các kỹ năng sống cần thiết cho các em trong dịp nghỉ hè; giúp các em tăng thêm tinh thần ham học, tự học; vừa tránh xa các tệ nạn xấu đang tràn lan rộng trong xã hội ngày nay. Điều này thật đáng trân trọng.

Nguyện xin Thiên Chúa ban thêm ân sủng trên giáo xứ Marino nói riêng, giáo phận Xuân Lộc chúng con nói chung. Xin thánh Martino ban thêm ơn bình an, lòng cam đảm, sự nhiệt thành,… cho các cha, các thầy, các cô trong công việc và đời sống hằng ngày.

Ban Truyền Thông Giáo Xứ
 
VietCatholic TV
Putin lỗ to: Ukraine pháo sập giàn khoan của Putin ở Crimea. Nga đe dọa xử nặng anh Huỳnh Ngọc Tài
VietCatholic Media
03:04 21/06/2022


1. Quân đội Ukraine tấn công giàn khoan ở Crimea bị Nga chiếm từ năm 2014

Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào các giàn khoan Chornomornaftogaz của Nga ở Crimea.

Sergey Aksyonov, người đứng đầu chính quyền của Nga tại Crimea, đã cho biết như trên.

“Hôm nay, vào khoảng 08:00 sáng, các đơn vị đối phương đã tiến hành một cuộc tấn công vào các giàn khoan của công ty Chornomornaftogaz. Mười hai người có mặt tại các giàn khoan này đã bị hất văng xuống biển. Hiện đã vớt được 5 người, trong đó có 3 người bị thương. Việc tìm kiếm những người còn lại vẫn tiếp tục,” Aksyonov viết.

Nghị sĩ Ukraine Oleksii Honcharenko cũng xác nhận thông tin này trên Telegram, lưu ý rằng việc Ukraine “tấn công hỏa tiễn vào các giàn khoan đã cản trở một chút đến hoạt động sản xuất khí đốt của Nga ở Hắc Hải”.

Xin nhắc lại rằng, vào tháng 3 năm 2014, trong cuộc can thiệp của Nga vào Crimea, quân đội Nga đã chiếm giữ các giàn khoan của Ukraine. Các giàn khoan được đóng trên lãnh hải của Ukraine trong mỏ khí đốt Odesa. Vào tháng 12 năm 2015, chúng được di dời đến cánh đồng Holitsynske ngoài khơi bờ biển Crimea.

2. Nhận định của tình báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản nhận định về tình hình tại Ukraine, Cục tình báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Các hoạt động trên bộ và không quân chiến thuật của Nga vẫn tập trung vào khu vực trung tâm Donbas vào cuối tuần qua.

Trong cuộc xung đột cho đến nay, lực lượng không quân Nga đã hoạt động kém hiệu quả. Thất bại của không quân của Nga trong việc liên tục cung cấp sức mạnh không quân có thể là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công rất hạn chế của Nga trong chiến dịch.

Nga không thể giành được ưu thế trên không hoàn toàn và đã hoạt động theo phong cách rủi ro bất lợi, hiếm khi xâm nhập sâu vào phía sau phòng tuyến của Ukraine. Một số nguyên nhân cơ bản gây ra những khó khăn của không quân Nga cũng giống với những khó khăn của lực lượng bộ binh Nga.

Trong nhiều năm, phần lớn các cuộc huấn luyện không chiến của Nga rất có thể đã được lên kịch bản và thiết kế để gây ấn tượng với các quan chức cấp cao, thay vì phát triển sáng kiến năng động giữa các phi hành đoàn.

Mặc dù Nga có một đội hình có thể gây ấn tượng với các máy bay phản lực tương đối hiện đại và có khả năng chiến đấu, nhưng lực lượng không quân cũng gần như chắc chắn đã thất bại trong việc phát triển văn hóa thể chế và bộ kỹ năng cần thiết cho binh sĩ của mình để đáp ứng tham vọng của Nga trong việc thực hiện một chiến dịch không quân hiện đại hơn theo kiểu phương Tây. Điều này đã dẫn đến những khối lượng nỗ lực lớn hơn dự kiến, đặt lên vai các binh sĩ bộ binh, những người đang trở nên kiệt sức; và trên vai các hỏa tiễn hành trình tiên tiến, mà trữ lượng có khả năng sắp hết.

3. Nga buộc tất cả mọi người ở miền đông Ukraine bị chiếm đóng trả 200 bảng Anh mỗi người để tài trợ cho chiến tranh

Vitaly Khotsenko, Thủ tướng của nước cộng hòa tự xưng, tuyên bố rằng tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ sơ sinh và người già phải đóng vào quỹ chiến tranh 14.000 rúp hay 200 bảng Anh. Kira Yarmysh, phát ngôn viên của nhà đối lập với Điện Cẩm Linh Alexei Navalny, đã cho biết như trên.

Trước đó, Điện Cẩm Linh cho biết họ sẽ đầu tư hơn hai nghìn tỷ rúp vào nền kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR, trong vòng hai năm. Nhưng đến nay, người ta không biết gì về số tiền này. Trong khi đó, người dân phải è cổ ra đóng góp cho bọn cầm quyền.

Những người Ukraine sống ở các khu vực đông nam của Donetsk và Luhansk, được gọi là Donbas, đã bị lực lượng ly khai do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn kiểm soát trong gần 8 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ công nhận Donetsk và Luhansk là hai nước cộng hòa chính thức 3 ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine, vào ngày 24 tháng 2. Đây được coi là cái cớ để xâm lược Ukraine.

Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, ngoại trừ Nga, đều coi DPR về mặt pháp lý vẫn là một phần của Ukraine và không phải là một quốc gia độc lập.

Tuy nhiên vào đầu tuần này, Syria đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk, và Cộng hòa Nhân dân Luhansk là các nước cộng hòa độc lập.

Nga là đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và cả hai nước đều đã phạm một danh sách dài các tội ác chiến tranh và giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều năm qua.

Trong một diễn biến khác, lần đầu tiên, các quan chức cấp cao của chính phủ Nga được bổ nhiệm làm thành viên của chính quyền ly khai DPR, điều này khẳng định mối lo ngại ngày càng tăng rằng Nga có thể chiếm đóng vĩnh viễn các vùng lãnh thổ đã chiếm được trong cuộc xâm lược.

Mục tiêu chiến tranh ban đầu của Nga là chiếm giữ các thành phố lớn của Ukraine như thủ đô Kyiv đã thất bại và vì vậy cuộc giao tranh giờ đã tái tập trung và diễn ra ác liệt nhất ở các khu vực Donetsk và Luhansk.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, hơn một phần ba người Nga coi mình là người nghèo và điều này càng trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh.

Hiện tại, tình trạng kinh tế bị siết chặt và một số lượng lớn việc làm ở Nga đã mất đi do các lệnh trừng phạt được áp đặt kể từ khi xâm lược Ukraine.

4. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh chế giễu anh Huỳnh Ngọc Tài và Alexander Drueke

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với MSNBC rằng Alexander Drueke và Andy Huỳnh Ngọc Tài, hai người Mỹ mất tích tình nguyện bảo vệ Ukraine chống lại quân xâm lược Nga, là “những người lính vì tiền” đã tham gia vào “các hoạt động bất hợp pháp”. Đây là sự thừa nhận chính thức đầu tiên của Điện Cẩm Linh rằng hai cựu quân nhân Hoa Kỳ đang bị giam giữ và đang được điều tra.

Peskov nói: “Họ là những người lính vì tiền. Họ đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trên lãnh thổ Ukraine. Họ đã tham gia vào việc bắn và pháo kích vào các nhân viên quân sự của chúng tôi. Họ đang gây nguy hiểm đến tính mạng của mình. Họ phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ đã gây ra. Những tội ác đó phải được điều tra”.

Khi bị thúc ép trả lời những tội ác đó là gì, Peskov không trả lời câu hỏi nhưng quay sang nói rằng Drueke và Tài không phải là thành viên của quân đội Ukraine và do đó Nga “không phải tuân theo công ước Geneva” khi đối xử với họ.

Ông ta nói: “Công ước Geneva không thể được áp dụng cho những người lính vì tiền”.

Một cựu quân nhân Mỹ chiến đấu với lực lượng Ukraine trong cùng đơn vị với Alexander Drueke và anh Andy Huỳnh Ngọc Tài nhận xét rằng: “Tôi biết một sự thật rằng Andy và Alex không đến đây vì tiền, họ không đến đây vì vinh quang. Họ đến đây với một niềm tin vững chắc rằng Ukraine với tư cách là một nền dân chủ đang nở rộ cần được giúp đỡ”

“Theo như tôi biết, chúng tôi được trả lương tương đương nếu không muốn nói là giống hệt như một người lính Ukraine đang ở ngoài mặt trận... Và tiền chắc chắn không phải là động lực để tôi có mặt ở đây. Và tôi biết rằng đó không phải là động cơ của Andy và cũng không phải của Alex.”

5. Không phải người Nga nào cũng khốn nạn như Putin. Người Nga đoạt giải Nobel bán huy chương giúp người Ukraine

Chủ biên tờ báo độc lập của Nga Novaya Gazeta đang bán đấu giá huy chương Nobel hòa bình của mình, với số tiền thu được để giúp đỡ trẻ em phải di tản vì chiến tranh ở Ukraine.

Dmitry Muratov lãnh đạo một trong những hãng truyền thông độc lập lớn cuối cùng ở Nga sau khi những người khác phải đóng cửa sau cuộc xâm lược Ukraine. Vào tháng 3, Novaya Gazeta thông báo họ sẽ đình chỉ hoạt động trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh sau khi Nga thông qua một luật rất khắt khe, theo đó báo cáo bất cứ điều gì về cuộc xung đột mà không phù hợp với đường lối của chính phủ được xem là một hành vi tội phạm.

Muratov đã được trao huy chương giải Nobel hòa bình vào tháng 10 năm ngoái. Sau đó, anh tuyên bố sẽ quyên góp số tiền thưởng 500.000 đô la cho tổ chức bác ái “để cho trẻ em tị nạn có cơ hội cho tương lai”. Huy chương Nobel vàng 23 carat của anh đã được bán ở New York lúc 7 giờ tối theo giờ miền Đông Hoa Kỳ vào tối thứ Hai, trùng với Ngày Tị nạn Thế giới. Tất cả số tiền thu được sẽ được chuyển đến Unicef, để giúp đỡ trẻ em tị nạn từ Ukraine.

Trong một video được phát hành bởi Heritage Auctions, công ty đang giải quyết vụ mua bán, Muratov cho biết ông muốn vụ mua bán này là “sự khởi đầu của một flashmob, như một ví dụ để làm theo để mọi người bán đấu giá tài sản có giá trị của họ ngõ hầu giúp đỡ người Ukraine”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, Muratov cho biết cuộc đấu giá là “một hành động đoàn kết” với 14 triệu người Ukraine phải di tản vì cuộc xâm lược của Nga, mà ông gọi là “một thảm kịch”.

Ông nói: “Nếu chúng ta nhìn vào số lượng người tị nạn, về cơ bản chúng ta đang có chiến tranh thế giới thứ ba, không phải là một cuộc xung đột cục bộ. Đây là một sai lầm, và chúng ta cần phải chấm dứt nó.”

Novaya Gazeta, được thành lập vào năm 1993 sau khi Liên Xô tan rã, điều tra tham nhũng trong và ngoài nước Nga cũng như các cuộc chiến tranh kéo dài ở Chechnya. Muratov dành giải thưởng của mình để tưởng nhớ sáu nhà báo của tờ báo đã bị sát hại vì công việc của họ.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Novaya Gazeta là một tờ báo độc lập của Nga nổi tiếng với những bài phê bình và điều tra về các vấn đề chính trị và xã hội của Nga. Tờ báo được xuất bản ở Mạc Tư Khoa, ở các vùng trong nước Nga, và ở một số nước ngoài. Bản in được phát hành vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần; Các bài báo bằng tiếng Anh trên trang web được xuất bản hàng tuần dưới dạng bản tin.

Bảy nhà báo của Novaya Gazeta, bao gồm Yuri Shchekochikhin, Anna Politkovskaya và Anastasia Baburova, đã bị sát hại kể từ năm 2000, liên quan đến các cuộc điều tra của họ.

Vào tháng 10 năm 2021, tổng biên tập Dmitry Muratov của Novaya Gazeta đã được trao giải Nobel Hòa bình, cùng với Maria Ressa, vì đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở quê hương của họ.

Vào ngày 28 tháng 3 năm 2022, do cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 đang diễn ra của Nga, tờ báo đã phải đình chỉ các hoạt động trực tuyến và báo in sau khi nhận được cảnh báo thứ hai từ an ninh Nga.

Hôm thứ Năm 7 tháng Tư, tổng biên tập Dmitry Muratov đã bị tấn công khi anh ta đang ở trong khoang ngủ của một chiếc xe lửa.

“Họ đổ sơn dầu với axeton lên khắp khoang. Mắt tôi bị bỏng nặng”, Muratov nói.

6. Tổng thống Zelenskiy nói: Phi Châu đã bị “bắt làm con tin” bởi cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine

Phát biểu trước Ủy ban Liên minh Phi Châu thông qua liên kết video hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Phi Châu đã “bị bắt làm con tin bởi những kẻ bắt đầu cuộc chiến chống lại đất nước chúng tôi”.

Zelenskiy cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tiếp tục “chừng nào cuộc chiến tranh giành thuộc địa này còn tiếp diễn”, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 400 triệu người trên khắp thế giới phụ thuộc vào hàng xuất khẩu của Ukraine.

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc này là loại bỏ mối đe dọa của nạn đói. Trong thế kỷ 21, mối đe dọa này không xảy ra, là nhờ Ukraine và nhờ ngành nông nghiệp của chúng tôi.”

“Nếu không phải vì cuộc chiến của Nga, các bạn sẽ ở trong một tình huống khác với bây giờ - trong một tình huống hoàn toàn an toàn. Vì vậy, để tránh nạn đói, những nỗ lực của các quốc gia như Nga nhằm quay lại chính sách thuộc địa trên những mảnh đất trồng trọt phải chấm dứt”, Ông Zelenskiy nói.

Theo Ông Zelenskiy, Ukraine đang cố gắng xây dựng hệ thống kho vận mới, nhưng 25 triệu tấn ngũ cốc vẫn bị chặn lại do Nga tiếp tục phong tỏa các cảng của Ukraine.

Liên Hiệp Quốc cho biết: Cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể đẩy tới 49 triệu người vào nạn đói hoặc các tình trạng tương tự như nạn đói vì tác động tàn phá của nó đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu.

Với đất đai màu mỡ và những vùng đất nông nghiệp trải dài, Ukraine từ lâu đã được coi là một trong những vựa thóc của thế giới. Nhưng cuộc tấn công vô cớ của Nga hiện đang gây ra những căng thẳng lớn đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu lương thực của Ukraine. Các hiệu ứng domino đang được cảm nhận trên khắp thế giới.

Liên Hiệp Quốc cho biết, việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine đã làm tăng giá lương thực toàn cầu và có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới.

Cuộc xâm lược của Nga đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất lương thực của Ukraine: Từ gieo hạt, thu hoạch đến xuất khẩu. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là FAO, ước tính rằng từ 20% đến 30% diện tích đất nông nghiệp của Ukraine sẽ không được trồng trọt hoặc không được thu hoạch trong năm nay vì chiến tranh.

Liên quan đến lương thực đã được thu hoạch, chính quyền Ukraine và một số quan chức quốc tế đã cáo buộc Nga cướp ngũ cốc và các mặt hàng khác của nước này trong các khu vực mà nước này chiếm đóng.
 
Thời thế mạt: Tư tế công khai sống trong tội lỗi tai tiếng lại được chọn làm bề trên tỉnh dòng!
VietCatholic Media
05:03 21/06/2022


1. Các tu sĩ dòng Phanxicô ở Đức chọn một linh mục đồng tính công khai làm bề trên mới

Tỉnh Dòng Saint Elisabeth ở Đức với 300 thành viên thuộc dòng Phanxicô đã bầu Markus Fuhrmann làm Cha Bề Trên. Cách đây vài tuần đã ông đã công khai cho biết mình là người đang sống đồng tính luyến ái.

Trong một cuộc phỏng vấn với MK-Online, trang web tin tức chính thức của Tổng giáo phận Munich và Freising, Fuhrmann giải thích lý do tại sao ông ta lại công khai quan hệ đồng tính của mình.

“Nếu bản thân tôi là người đồng tính, thì tôi muốn chứng tỏ rằng tôi cũng có thể là một phần của Giáo Hội trong chức vụ này. Điều đó quan trọng bởi vì nó không được cho là như vậy trong Giáo Hội. Thật không may, có quá nhiều thể chế đạo đức giả trong Giáo Hội của chúng ta,” ông nói.

Ngoài ra, tân Bề trên Dòng Phanxicô nói rằng ông “đích thân ủng hộ những nỗ lực của Tiến Trình Công Nghị”. Ông nói: “Tôi ủng hộ việc suy nghĩ lại một cách phê phán tình trạng độc thân trong lối sống linh mục và tôi ủng hộ việc phụ nữ được tiếp cận với các mục vụ được truyền chức.”

Phương thức Tiến Trình Công Nghị là một quá trình kéo dài nhiều năm gây tranh cãi, bắt đầu vào tháng 12 năm 2019 và liên quan đến các giám mục và giáo dân từ Đức để giải quyết các vấn đề như thực thi quyền lực, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, các vấn đề về mà trong nhiều dịp khác nhau, họ đã bày tỏ công khai những lập trường chống lại giáo lý Công Giáo.

Khi được hỏi về thực tế là các anh em Phanxicô có biết ông đang sống trong một quan hệ đồng tính luyến ái vào thời điểm ông được bầu chọn hay không, vị bề trên người Đức nói rằng “rất tốt cho tôi khi biết rằng các anh em nghĩ rất tích cực về điều này.”

Ông nói thêm, “Tôi nhận được rất nhiều sự khích lệ, và có thể tia sáng cảm kích đó có thể lan tỏa đến các khu vực khác của Giáo Hội. Tôi nghĩ điều đó tốt”.

Fuhrmann sinh ngày 9 tháng 8 năm 1971 tại Hannover, thủ phủ của Lower Saxony, Đức. Ông tuyên khấn lần đầu năm 1998 và khấn trọn năm 2003. Ông được thụ phong linh mục ngày 7 tháng 5 năm 2005.

Tại Köln, một phần của Tỉnh Saint Elizabeth, ông phục vụ những người nghèo, và trước khi được bầu, ông giữ chức vụ phó bề trên tỉnh.

Về công việc trong tương lai của mình, vị bề trên mới của Dòng Phanxicô tại Đức nói với MK-Online rằng “một sự thay đổi lớn sắp xảy ra, và tôi muốn phải cùng các anh em định hình nó”.

Giáo huấn của Giáo Hội về đồng tính luyến ái

Giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái được tóm tắt trong các phần 2357, 2358 và 2359 của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Giáo Hội dạy rằng những người đồng tính luyến ái “phải được chấp nhận với sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự tế nhị. Cần tránh mọi dấu hiệu phân biệt đối xử bất công đối với họ”.

Tuy nhiên, khoản 2357 sách giáo lý Công Giáo viết:

Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Đồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng ( x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10 ), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố :”Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” ( x. CDF, décl “persona humana” 8 ). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.

Tắt một lời, theo sách giáo lý Công Giáo và đạo lý truyền thống, Cha bề trên Markus Fuhrmann là người đang sống một cuộc sống thác loạn, làm gương mù cho những người khác.

2. Vatican tiết lộ việc sử dụng quỹ của giáo hoàng, hy vọng củng cố lòng tin

Hôm thứ Năm, Vatican, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm nâng cao lòng tin của các tín hữu về cách sử dụng các khoản đóng góp bác ái của họ cho Đức Giáo Hoàng, đã ban hành bản tiết lộ chi tiết đầu tiên về quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô.

Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, với mục đích là giúp Đức Giáo Hoàng điều hành Giáo Hội, được tạo thành từ các khoản đóng góp trong các giáo phận Công Giáo Rôma trên khắp thế giới mỗi năm một lần, cũng như các khoản đóng góp cá nhân và tài sản thừa kế và di sản.

Theo bản “Công bố tài chính hàng năm” cho năm 2021, các khoản đóng góp lên tới 46,9 triệu euro. So với các số liệu được công bố trước đó, con số này tăng nhẹ khoảng 2,8 triệu euro trong năm 2020. Nhưng năm 2020 đã giảm 18% so với năm 2019. Sau đó là mức giảm 23% từ năm 2015 đến năm 2019.

Bộ trưởng Kinh tế của Vatican, Cha Antonio Guerrero, cho biết sự sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021 ít nhất một phần do đại dịch COVID-19, khi nhiều nhà thờ phải đóng cửa.

Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo nói rằng họ đã ngừng đóng góp vì các vụ tai tiếng tài chính của Vatican chẳng hạn như vụ mua một tòa nhà ở London. Khoản đầu tư đó là trung tâm của một vụ xét xử tham nhũng đang diễn ra.

Khi Vatican công bố một số số liệu tổng thể chi tiết nhất từ trước đến nay vào năm 2020, Cha Guerrero cho biết tài chính của Vatican phải là một “ngôi nhà kính”, đồng thời ngài nói thêm rằng các tín hữu có “quyền được biết cách chúng ta sử dụng các nguồn lực”.

Tổng số tiền giải ngân từ quỹ là 65,3 triệu euro, để lại khoản thâm hụt 18,4 triệu euro được trang trải bởi các khoản thu nhập khác của Vatican.

Khoảng 55,5 triệu euro đã được sử dụng để giúp bù đắp chi phí điều hành các bộ phận của Vatican, các đại sứ quán của Tòa Thánh trên khắp thế giới, cơ cấu thông tin liên lạc của Tòa Thánh và để giúp đỡ các Giáo Hội địa phương.

Khoảng 10 triệu euro từ Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô đã được chuyển tới 157 dự án hỗ trợ trực tiếp, bao gồm những dự án giúp đỡ người nghèo, trẻ em, người già và nạn nhân của thiên tai và chiến tranh.

Hầu hết các dự án đều ở Phi Châu và Á Châu. Bản báo cáo đã đưa ra chi tiết về một số dự án hỗ trợ trực tiếp, chẳng hạn như một dự án xây dựng tòa nhà cho thanh niên ở Haiti và một dự án khác nhằm chấm dứt nạn bóc lột tình dục và buôn bán trẻ em trực tuyến ở Phi Luật Tân.

Những thay đổi về tính minh bạch liên quan đến Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô bắt nguồn từ một sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 12 năm 2020.


Source:Reuters

3. Tổ chức Trợ giúp Giáo hội đau khổ lạc quyên kỷ lục

Tổ chức bác ái Công Giáo Trợ giúp Giáo hội đau khổ đã lạc quyên kỷ lục trong tài khóa năm ngoái, với hơn 133 triệu Euro, tức là tăng thêm 10 triệu 700.000 Euro so với năm 2020 trước đó, để giúp đỡ các tín hữu Kitô bị bách hại hoặc ở trong tình trạng khó khăn.

Nguyên tại Thụy sĩ, tổ chức này đã quyên được hơn 8 triệu 500.000 Euro. Lòng quảng đại của các ân nhân của tổ chức này tại 23 quốc gia trong năm ngoái, giúp đạt mức kỷ lục trên đây, trong đó có 105 triệu 900.000 để tài trợ các chương trình cứu trợ.

Trong thông cáo, công bố hôm 14 tháng Sáu vừa qua, tổ chức Trợ giúp Giáo hội đau khổ đặc biệt cám ơn các ân nhân, nhân danh các anh chị em bị bách hại. Chủ tịch tổ chức này, ông Thomas Heine-Geldern và nói rằng: “Chúng tôi xác tín rằng Thiên Chúa sẽ bù đắp xứng đáng cho anh chị em”.

Trong số 105 triệu 900.000 Euro, có 92,8 triệu tức là 87,6% được dùng để tài trợ gần 5.300 dự án tại 132 nước trên thế giới, trong đó Giáo hội bị bách hại hoặc ở trong cảnh nghèo tột cùng. 13 triệu 100.000 Euro, tức là 12,4% được dành để tài trợ sứ mạng thông tin, bênh vực các Giáo hội đang đau khổ và hỗ trợ việc cầu nguyện.
 
Nghiêm trọng: Quốc Hội Nga hô hào tuyên chiến với Lithuania. NATO phản ứng. Tình hình Siverodonetsk
VietCatholic Media
15:40 21/06/2022


1. Phe diều hâu của Nga muốn Vladimir Putin tuyên bố Thế chiến thứ 3

Mối đe dọa đáng nguyền rủa về thế chiến thứ ba được đưa ra trong bối cảnh phe diều hâu tại Nga thúc bách Putin tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên tại 5 khu vực của Nga giáp biên giới với Ukraine trong một nỗ lực tuyệt vọng để mở rộng cuộc chiến.

Theo CNN, các đồng minh của Vladimir Putin ngày nay đang nhe răng chống lại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Lithuania và Kazakhstan với những lời đe dọa trực tiếp về hành động quân sự.

Lithuania - một quốc gia thuộc NATO - ngày nay đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý sau khi nước này ngăn chặn hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt không được đến Kaliningrad của Nga.

Các nhà ngoại giao của Lithuania ở Mạc Tư Khoa được thông báo rằng trừ khi quá trình vận chuyển hàng hóa được nối lại trong tương lai gần, Nga có quyền hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói: “Chúng tôi coi các biện pháp khiêu khích của phía Lithuania là sự vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Lithuania, chủ yếu là Tuyên bố chung năm 2002 của Liên bang Nga và Liên minh Âu Châu về quá cảnh giữa khu vực Kaliningrad và phần còn lại của Liên bang Nga, và đó là một hành vi công khai thù địch.”

Thượng nghị sĩ Andrey Klimov, một người trung thành với Putin, cảnh báo đây là “hành động gây hấn trực tiếp chống lại Nga, theo nghĩa đen, buộc chúng tôi phải ngay lập tức sử dụng biện pháp tự vệ thích hợp”.

Người đứng đầu ủy ban bảo vệ chủ quyền của quốc hội tuyên bố rằng Nga sẽ giải quyết việc phong tỏa của Lithuania “theo BẤT KỲ cách nào chúng tôi chọn”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào của Nga vào quốc gia thành viên liên minh Lithuania sẽ được coi là hành động chiến tranh chống lại NATO.

Như vậy, nó có thể sẽ gây ra Chiến tranh thế giới thứ ba.

Phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov, nói về cuộc phong tỏa Lithuania: “Quyết định này thực sự là chưa từng có. Đó là vi phạm mọi thứ”.

Ông ta cảnh báo rằng: “Chúng tôi coi điều này là bất hợp pháp. Tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều... chúng tôi cần một phân tích chuyên sâu nghiêm túc để tìm ra cách ứng phó”.

Konstantin Kosachyov, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, tuyên bố Lithuania đang chà đạp luật pháp quốc tế trong việc cấm hàng hóa quá cảnh Lithuania từ Nga và Belarus.

Phóng viên truyền hình nhà nước Nga Grigory Yemelyanov, từ Kênh 1, đã cảnh báo qua đoạn phim về các đoàn tàu bị chặn: “Nỗ lực cô lập khu vực - theo quan điểm của luật pháp quốc tế - trên thực tế là một lý do chính thức để tuyên bố chiến tranh.”

Một thượng nghị sĩ khác Andrey Klishas tuyên bố: “Nỗ lực của Lithuania nhằm thiết lập một khu vực phong tỏa thực sự đối với khu vực Kaliningrad là vi phạm chủ quyền của Nga đối với khu vực này và có thể là cơ sở cho các hành động rất cứng rắn và hoàn toàn hợp pháp từ phía Nga”.

Mikhail Khodorkovsky, một nhà đối lập chống lại Putin, đã cảnh báo trên tờ Financial Times rằng “bước tiếp theo” của nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh sẽ là “một cuộc phong tỏa trên không đối với Lithuania.

Ông nói thêm: “Nga cũng có thể cho phép hàng không Nga bay qua không phận Lithuania, giữa Nga và Kaliningrad. Khi đó Nato sẽ phải đối mặt với câu hỏi phải làm gì”.

Cựu ứng cử viên tổng thống Nga Ksenia Sobchak - một người dẫn chương trình truyền hình - cảnh báo: “Sau khi Lithuania cấm vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt đến vùng Kaliningrad qua lãnh thổ của mình, các chính trị gia Nga và giới truyền thông đã bắt đầu nói về… cơ sở để tuyên chiến”.

Một dự luật sắp được đưa ra Duma, tức là Hạ Viện Nga, trong đó khẳng định việc Lithuania rời khỏi Liên Bang Xô Viết là bất hợp pháp.

Lithuania, tên chính thức là Cộng hòa Litva, là một quốc gia ở khu vực Baltic của Âu Châu. Lithuania là một trong ba quốc gia vùng Baltic và nằm trên bờ biển phía đông của Biển Baltic. Lithuania có chung biên giới trên bộ với Latvia ở phía bắc, Belarus ở phía đông và nam, Ba Lan ở phía nam và vùng Kaliningrad của Nga ở phía tây nam. Lithuania có biên giới hàng hải với Thụy Điển ở phía tây trên Biển Baltic. Quốc gia này có diện tích 65.300 km2, với dân số 2,8 triệu người. Thủ đô và thành phố lớn nhất của nó là Vilnius; các thành phố lớn khác là Kaunas và Klaipėda.

Tưởng cũng nên biết thêm, sau khi các lực lượng vũ trang Đức rút lui, Liên Xô tái lập quyền kiểm soát của họ đối với Lithuania vào tháng 7 năm 1944. Các cuộc trục xuất lớn đến Siberia được tiếp tục và kéo dài cho đến khi Stalin qua đời vào năm 1953. Antanas Sniečkus, lãnh đạo Đảng Cộng sản Lithuania từ năm 1940 đến năm 1974, giám sát các vụ bắt giữ và trục xuất.

Cuộc chiếm đóng lần thứ hai của Liên Xô diễn ra nhằm đối phó với cuộc chiến tranh du kích của người dân Lithuania, diễn ra từ năm 1944 đến 1953. Người dân Lithuania tìm cách khôi phục một nhà nước độc lập của Lithuania, củng cố nền dân chủ bằng cách tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản, trả lại các giá trị quốc gia và tự do tôn giáo. Khoảng 50.000 người Lithuania đã vào rừng và chiến đấu với quân xâm lược Liên Xô.

Vào ngày 11 tháng 3 năm 1990, Hội đồng tối cao tuyên bố khôi phục nền độc lập của Lithuania. Các lực lượng Liên Xô xông vào Cung điện Seimas, là trụ sở Quốc Hội Lithuania, trong khi người Lithuania bảo vệ Hội đồng được bầu một cách dân chủ của họ. Lithuania trở thành quốc gia đầu tiên bị Liên Xô chiếm đóng tuyên bố độc lập. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1990, Liên Xô áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế bằng cách ngừng cung cấp dầu thô cho Lithuania. Không chỉ ngành sản xuất trong nước, mà người dân cũng bắt đầu cảm thấy thiếu nhiên liệu, các mặt hàng thiết yếu và thậm chí cả nước nóng. Mặc dù cuộc phong tỏa kéo dài trong 74 ngày, Lithuania vẫn không từ bỏ tuyên bố độc lập.

Dần dần, các mối quan hệ kinh tế đã được khôi phục. Tuy nhiên, căng thẳng lại lên đến đỉnh điểm vào tháng Giêng năm 1991. Khi đó, các nỗ lực nhằm thực hiện một cuộc đảo chính bằng cách sử dụng Lực lượng vũ trang Liên Xô, Quân đội thuộc Bộ Nội vụ và Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô, gọi tắt là KGB. Vì tình hình kinh tế tồi tệ ở Lithuania, các lực lượng ở Mạc Tư Khoa nghĩ rằng cuộc đảo chính sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng.

Vào ngày 13 tháng Giêng năm 1991, lực lượng Liên Xô đã bắn đạn thật vào những người ủng hộ độc lập không có vũ khí và dùng xe tăng nghiền nát hai người trong số họ, giết chết tổng cộng 13 người. Cho đến ngày nay, Nga vẫn từ chối dẫn độ thủ phạm, những người bị kết án tội ác chiến tranh.

Người dân từ khắp Lithuania tràn đến Vilnius để bảo vệ Hội đồng tối cao được bầu hợp pháp của Cộng hòa Lithuania và nền độc lập. Cuộc đảo chính kết thúc với một số thương vong của dân thường và gây ra tổn thất lớn về vật chất. Không một người nào bảo vệ Quốc hội Lithuania hoặc các tổ chức nhà nước khác sử dụng vũ khí. Lính Liên Xô giết chết 14 người và hàng trăm người bị thương. Một phần lớn dân số Lithuania đã tham gia các Sự kiện Tháng Giêng. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1991, quân đội Liên Xô đã giết chết bảy lính biên phòng Lithuania ở biên giới Belarus trong vụ thảm sát Medininkai. Ngày 17 tháng 9 năm 1991, Lithuania được gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Vào ngày 25 tháng 10 năm 1992, công dân Lithuania đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để thông qua hiến pháp hiện hành. Vào ngày 14 tháng 2 năm 1993, trong cuộc tổng tuyển cử trực tiếp, Algirdas Brazauskas trở thành tổng thống đầu tiên sau khi khôi phục nền độc lập của Lithuania. Vào ngày 31 tháng 8 năm 1993, các đơn vị cuối cùng của Quân đội Liên Xô rời khỏi lãnh thổ Lithuania.

Kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2004, Lithuania là một phần của NATO.

Các tay sai của Putin cũng đang cảnh báo về nguy cơ chiến tranh ở Kazakhstan sau khi Putin bị nhà lãnh đạo Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev “làm nhục” trong hội nghị thượng đỉnh kinh tế lớn của Nga ở St Petersburg.

Tokayev đã chọc tức Putin bằng cách từ chối công nhận các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập.

Một tài khoản nói rằng Putin “tức giận theo đúng nghĩa đen” và cảm thấy bị sỉ nhục - một số người nói rằng ông đã sẵn sàng để “trả thù”.

Nghị sĩ ủng hộ Putin Konstantin Zatulin cảnh báo Nga sẽ có 'các biện pháp giống Ukraine' đối với Kazakhstan.

Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov cảnh báo Kazakhstan: “Bạn phải đứng về phía Nga và thể hiện lập trường của mình, đồng thời không sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu”.

Kazakhstan và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác “tất cả đều im lặng, lo sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc Âu Châu”.

Theo các báo cáo, một nhà ga xuất khẩu dầu ở Kazakhstan đã bị Nga làm gián đoạn.

Trong một báo cáo khác, kênh General SVR tuyên bố Putin không loại trừ khả năng huy động nửa triệu đàn ông ở 5 khu vực phía tây nước Nga gần với Ukraine. Các khu vực được đề cập là Bryansk, Kursk, Belgorod, Voronezh và Rostov.

Các báo cáo của Ukraine nói rằng Putin đang tìm cách gây áp lực với nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko để mở mặt trận thứ hai bằng cách xâm lược các vùng Volyn, Rivne và Kyiv.

2. Charles Michel mời các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh có thể trở thành lịch sử đối với Ukraine

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã công bố thư mời cho các thành viên của Hội đồng trước cuộc họp của họ tại Brussels vào ngày 23-24 tháng 6 năm 2022, mà Michel tin rằng có thể có ý nghĩa to lớn đối với sự hội nhập Âu Châu của Ukraine.

Bức thư đã được công bố trên trang web của Hội đồng. Ông Charles Michel nói: “Chiến tranh đã quay trở lại Âu Châu, chúng ta đã thực hiện hành động chưa từng có trước các dự báo ảnh hưởng địa chính trị của cuộc chiến này đối với Liên Hiệp Âu Châu. Giờ đây, chúng ta cần thực hiện các bước tiếp theo để củng cố an ninh và ổn định của lục địa. Đây sẽ là trọng tâm chính của cuộc họp Hội đồng Âu Châu của chúng ta vào hai ngày 23 và 24 tháng 6. Bây giờ là lúc để thừa nhận rằng tương lai của Ukraine, Moldova và Georgia nằm trong Liên Hiệp Âu Châu. Tôi sẽ mời các bạn cấp tư cách ứng viên cho Ukraine và Moldova. Song song, chúng ta sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ nhân đạo, quân sự, kinh tế và tài chính mạnh mẽ”

Ông Michel nói, Tây Balkan quan trọng đối với Liên Hiệp Âu Châu, và Liên Hiệp Âu Châu cũng quan trọng đối với Tây Balkan, đồng thời cho biết thêm rằng do đó Liên Hiệp Âu Châu phải tiếp thêm năng lượng cho quá trình mở rộng và thúc đẩy sự hội nhập của các đối tác Tây Balkan của chúng ta. “Chúng tôi sẽ gặp họ trước Hội đồng Âu Châu chính thức của chúng ta,” ông viết.

“Hậu quả của chiến tranh đang được cảm nhận vượt xa khu vực của chúng ta. Nga đang vũ khí hóa nguồn cung cấp lương thực, ăn cắp ngũ cốc, phong tỏa các cảng và biến các vùng đất nông nghiệp của Ukraine thành bãi chiến trường. Điều này ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Phi Châu, có nguy cơ xảy ra nạn đói và bất ổn chính trị, xã hội. Dựa trên những nỗ lực của chúng ta để giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, chúng ta sẽ thảo luận thêm về các biện pháp để giải quyết những vấn đề này.”

Michel lưu ý rằng Hội nghị về Tương lai của Âu Châu có sự tham gia của các công dân Âu Châu và đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện hoạt động của Liên minh của chúng ta. Tình hình hiện tại đòi hỏi phải có một cuộc thảo luận sâu trong Hội nghị thượng đỉnh Euro, với sự có mặt của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu và Chủ tịch Nhóm Euro.

Vào ngày 17/6, Ủy ban Âu Châu đã đưa ra ý kiến về đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine, Moldova và Georgia. Theo ý kiến sẽ được Hội đồng Âu Châu xem xét vào hai ngày 23 v2 24/6, Ukraine và Moldova đã nhận được triển vọng của Âu Châu và khuyến nghị để có được tư cách ứng viên, cùng với một số nhiệm vụ vẫn chưa được hoàn thành. Ở giai đoạn này, chưa có các bước cụ thể cho Georgia, nhưng con đường rõ ràng của đất nước này là hội nhập Âu Châu.

3. Người Nga tiến dọc theo đường cao tốc Lysychansk - Bakhmut, cuộc đọ súng đang diễn ra tại khu công nghiệp Siverodonetsk

Tại thành phố Siverodonetsk, vùng Luhansk, các trận chiến đang diễn ra trong khu công nghiệp, trong khi quân phòng thủ Ukraine giữ quyền kiểm soát nhà máy Azot.

Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai đã cho biết như trên. Theo Ông Serhiy Haidai, tình hình dọc theo mặt trận Luhansk là vô cùng khó khăn do quân đội Nga đã tích lũy đủ lực lượng dự trữ và đang tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn trong khu vực. Ngày nay, tất cả các khu định cư tự do trong khu vực đều nằm dưới làn đạn của quân Nga.

Haidai lưu ý rằng những kẻ xâm lược đang tiến dọc theo đường cao tốc Lysychansk-Bakhmut, trong khi các khu định cư gần đó đang bị địch liên tục tấn công.

“Lysychansk đã phải hứng chịu những đợt pháo kích lớn của Nga suốt cả ngày. Hiện chưa thể xác định được số nạn nhân”

Đồng thời, ông Haidai nhấn mạnh, quân trú phòng Ukraine không bị bao vây vẫn gây tổn thất đáng kể cho đối phương. Ông nói: “Các bệnh viện và nhà xác ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đều chật kín các nhà tử thi”.

Tại khu vực Luhansk, các cuộc đọ súng đang diễn ra tại nhiều ngôi làng xung quanh Siverodonetsk và Lysychansk, trong khi Ukraine mất quyền kiểm soát đối với ngôi làng Metiolkine gần trung tâm khu vực.

4. Những kẻ xâm lược trục xuất 1,2 triệu người Ukraine đến Nga

Những kẻ xâm lược Nga đã trục xuất 1,2 triệu công dân Ukraine sang Nga. Điều này đã được thông báo bởi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời Iryna Vereshchuk, người đã phát biểu tại một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukrinform Ukraine.

“ Tôi có con số tổng cộng có bao nhiêu người bị trục xuất, và nó hơi khác so với số liệu do phía Nga cung cấp. Nhưng bạn hiểu rằng phía Nga không bao giờ nói sự thật… Họ nói rằng đó là khoảng gần 2 triệu người. Thông tin tình báo của chúng tôi cho thấy đó là khoảng 1,2 triệu người,” Vereshchuk nói.

Bà lưu ý rằng 240.000 người bị trục xuất là trẻ em, trong đó có 2.000 trẻ mồ côi. Vereshchuk bày tỏ hy vọng rằng Ukraine sẽ có thể đưa công dân của mình trở về nhà.

5. Biden nói tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine là 'rất có thể'

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng “rất có thể” Ukraine sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh Âu Châu.

Ông đã nói điều này vào hôm thứ Hai trong chuyến đi đến Delaware. “Tôi nghĩ đó là điều rất có thể xảy ra”, Biden nói khi được hỏi liệu ông có tự tin rằng Ukraine sẽ gia nhập Liên Hiệp Âu Châu hay không.

Ông Biden cũng cho biết không có khả năng ông sẽ thăm Ukraine trong chuyến công du Âu Châu vào tháng này để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO. Ông cũng lưu ý rằng ông và chính quyền của mình thường xuyên liên lạc với giới lãnh đạo Ukraine.

Các báo cáo trước đó cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thăm chính thức Kyiv vào tháng 4.

6. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine gọi cuộc chiến cho khu vực Luhansk là “rất khó khăn” và “năng động”

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm thứ Hai cho biết “cuộc chiến là rất khó khăn” ở khu vực phía đông Luhansk và việc đưa ra bất kỳ dự đoán nào là “cực kỳ khó khăn” do tính chất “năng động” của cuộc giao tranh.

Cô nói thêm rằng thông tin đang thay đổi nhanh chóng “cứ sau nửa giờ, tình hình sẽ thay đổi.” Bà nói rằng trừ khi các lực lượng Ukraine hoặc Nga kiểm soát hoàn toàn biên giới thị trấn hoặc làng mạc, “không thể nói tình hình hiện nay là gì.”

Về trận chiến giành giật Severodonetsk, Mailar nói rằng cô sẽ không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về kết quả của trận chiến giành thành phố chiến lược quan trọng ở vùng Luhansk.

Maliar cũng tiếp tục nói rằng các lực lượng Nga trong khu vực có lợi thế hơn về quân số và vũ khí.
 
Thảm kịch do khủng bố gây ra trong nhà thờ ở Nigeria. Dòng Đa Minh có thêm 27 chân phước tử đạo
VietCatholic Media
17:53 21/06/2022


1. Thảm sát nhà thờ ở Nigeria: Tại tang lễ, Đức Giám Mục kêu gọi các tín hữu 'từ chối bị đè bẹp bởi thảm kịch'

Trong thánh lễ an táng cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố tại một nhà thờ Công Giáo vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khiến hàng chục người thiệt mạng, Đức Giám Mục giáo phận không né tránh mô tả nỗi kinh hoàng của vụ thảm sát, nhưng ngài cũng thúc giục hy vọng vào lòng thương xót và lời hứa phục sinh của Chúa.

“Chúng ta đã chứng kiến những thảm kịch ở Nigeria và chúng ta đã chứng kiến những vụ giết người tàn bạo nhưng ít ai có thể thực sự so sánh được với sự tàn bạo và ghê rợn của sự kiện vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vừa qua,” Đức Cha Emmanuel Badejo của Giáo phận Oyo nói trong bài giảng của mình.

“Trong những chiếc quan tài này, một phần của Nigeria cũng nằm chết. … Bởi vì cùng nằm xuống đây với những người đã khuất là niềm vui, hy vọng và nguyện vọng của gia đình và những người thân yêu của họ, của Hội thánh Thiên Chúa, của các cộng đồng khác nhau từ nơi họ đến, và thực sự là của Nigeria. Ngay cả những người bị thương dù họ ở đâu, cũng đại diện cho Nigeria với tất cả những vết thương do quốc gia này tự gây ra, bầm tím, tàn bạo và bị xâm phạm. Vì vậy, tôi hỏi: Điều này sẽ tiếp tục trong bao lâu nữa?”

Vị giám mục cũng đã có những lời lẽ mạnh mẽ đối với chính phủ liên bang của Nigeria, nói rằng họ đã không thể hiện được “bất kỳ mong muốn bảo vệ Kitô nào”.

Trung tâm tổ chức sự kiện Mydas ở Owo ngày 17/6 chật kín giáo dân và linh mục, với hàng chục chiếc quan tài bằng gỗ đơn giản – Đức Cha Badejo mô tả con số là “trên 40”. Các quan tài được đặt ở phía trước, được trang trí bằng hoa. Thánh lễ an táng kéo dài 3 tiếng được phát trực tiếp trên Facebook.

Trong vụ tấn công ngày 5/6, các tay súng được cho là Hồi giáo cực đoan đã nổ súng vào các tín hữu Công Giáo đang tham dự lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phanxicô Xaviê ở Owo, bang Ondo, phía tây nam Nigeria. Các báo cáo ban đầu cho rằng hơn 50 người đã thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em và những người khác bị thương. Ít nhất 40 người được xác nhận đã chết, với hơn 60 người bị thương vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Các nạn nhân có độ tuổi từ 2 đến 85. Một linh mục có mặt trong vụ tấn công cho biết ngoài tiếng súng ngài còn nghe thấy ba hoặc bốn tiếng nổ. Toàn bộ vụ tấn công kéo dài 20 đến 25 phút.

Đức Cha Badejo, là Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Phi Châu, gọi tắt là CEPACS, đã thuyết giảng trong thánh lễ. Đồng tế với ngài còn có Đức Cha Jude Arogundade của giáo phận Ondo, và Đức Cha Matthew Kukah của giáo phận Sokoto.

Nhận xét rằng Ondo có biệt danh là “Tiểu bang Ánh Dương”, Đức Cha Badejo nhận xét một cách cay đắng rằng, “Nếu mặt trời chiếu rọi vào bang Ondo vào ngày hôm đó, thì chắc chắn nó đã xua tan bóng tối ghê tởm trong trái tim của những kẻ sát nhân đã đến thăm nhà thờ Thánh Phanxicô với những khẩu súng rực sáng vào ngày Chúa Nhật đó”.

“Sự kiện này đã đưa Giáo Hội Công Giáo ở Owo, Giáo phận Công Giáo Ondo và Bang Ondo của Nigeria trở thành ánh đèn sân khấu của sự chú ý của thế giới, thật không may vì những lý do rất ngu xuẩn. Kể từ đó, toàn thế giới đã lên án tội ác chống lại loài người và chống lại Chúa trong tiểu bang này”.

“Tôi gần như có thể nghe thấy các nạn nhân khi họ bị tấn công ngay bên trong Nhà thờ, kêu lên như Chúa Giêsu Kitô, 'Eloi Eloi lama sabachthani: Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Ngài lại bỏ rơi con?' Cầu mong rằng sự xúc phạm đến cung thánh, sự xúc phạm thân thể của Chúa Kitô, và tội ác chống lại loài người được thể hiện trong lời than thở của các nạn nhân phải được đưa ra trước công lý.”

Tuy nhiên, trong khi lên án vụ thảm sát, Đức Cha Badejo khuyến khích niềm hy vọng rằng những người yêu dấu đã chết giờ đang ở với Chúa trên thiên đàng, và những người thân yêu đang than khóc trong tang tóc sẽ được ơn an ủi và xin Chúa lau khô những giọt lệ cho họ.

Nhiều Kitô hữu bị giết vì đức tin của họ ở Nigeria hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên toàn thế giới - ít nhất là 4.650 người vào năm 2021 và gần 900 người chỉ trong ba tháng đầu năm 2022. Một số tổ chức viện trợ và các chuyên gia thậm chí đang thu thập bằng chứng cho thấy việc giết hại các Kitô hữu ở Nigeria cấu thành tội ác diệt chủng.
Source:Catholic News Agency

2. Gia đình Dòng Đa Minh có thêm 27 chân phước tử đạo

Hôm thứ Bảy, ngày 18 tháng Sáu vừa qua, Gia đình Dòng Đa Minh có thêm 27 chân phước tử đạo trong thời nội chiến 1936-1939, tại Tây Ban Nha.

Lúc 11 giờ sáng, ngày 18 tháng Sáu, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, sẽ đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tôn phong 27 Tôi tớ Chúa tử đạo lên bậc chân phước, gồm 25 linh mục, tu sinh, tập sinh và trợ sĩ, tại thành phố Almagro và Almería, một giáo dân Đa Minh, một ký giả nổi tiếng, là Fructuoso Pèrez Márquez, chủ nhiệm báo Công Giáo “La Independencia”, Độc lập, tử đạo năm 52 tuổi cũng tại Almería, sau cùng là một nữ tu Đa Minh tại thành Huéscar. Chị là chân phước nữ tu Đa Minh thứ hai người Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Phong thánh ban hành sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của các vị Tôi tớ Chúa này, hồi tháng Mười Hai năm ngoái, và lễ tôn phong chân phước dự kiến hồi năm ngoái, nhưng bị hoãn lại vì đại dịch.

Đứng đầu danh sách các linh mục Đa Minh tử đạo là Angel Marina Álvarez, 46 tuổi, bề trên tu viện tại Almagro. Cha từng làm thừa sai tại Venezuela, Cuba và Tenerife, làm bề trên và cha sở. Hài cốt của cha còn được tôn kính tại nhà thờ Thánh Tôma Aquinô, ở thành phố Sevilla.

Đặc biệt, nữ tu duy nhất trong 27 chân phước tử đạo, là chị Isabel Sánchez Romero, 76 tuổi. Chị sinh năm 1860 tại miền quê ở Huéscar, Andalusia. Năm 17 tuổi, chị gia nhập nữ tu viện Đa Minh tại thành này. Chị Isabel trung thành với ơn gọi, vâng phục và luôn sẵn sàng làm những công việc khiêm hạ nhất. Chị bị một thứ bệnh hiếm khiến chị bị những vết thương toàn thân, nhưng không ai nghe chị than thở.

Năm 1936, nội chiến bùng nổ ở Tây Ban Nha và chẳng bao lâu sau bắt đầu cuộc bách hại các tín hữu Kitô. Ngày 15 tháng Hai năm 1937, chị Isabel bị bắt. Trong tù, chị bị các dân quân cộng hòa lăng mạ và ngược đãi, bất chấp tuổi già của chị. Họ muốn buộc chị phải nói phạm thượng, nhưng chị chỉ trả lời bằng cách cầu nguyện. Chị bị thương và chảy máu nhiều nơi. Hôm sau, 16 tháng Hai, chị Isabel phải leo lên xe vận tải với các tù nhân khác để tới nghĩa trang, nơi họ sẽ bị hành quyết. Chị không đứng dậy được nên đám dân quân khiêng chị và ném lên xe như một đồ vật.

Đến nghĩa trang, đám dân quân bắn vào các tù nhân, từng người một, trong khi chờ đợi đến phiên mình. Chị Isabel đã chứng kiến người cháu ruột Florencio bị hành quyết. Đến lượt, chị tiếp tục từ chối không nói phạm thượng xúc phạm đến Chúa và cầu nguyện cho đến cùng. Chị bị hành quyết một cách dã man: bọn dân quân đặt đầu chị trên một tảng đá và dùng đá đập nát đầu chị. Hôm đó là ngày 16 tháng Hai năm 1937.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Các ứng cử viên cho chức linh mục phải được xem xét kỹ lưỡng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu hôm thứ Sáu về tầm quan trọng của việc xem xét kỹ lưỡng các ứng cử viên cho chức linh mục để bảo đảm rằng những người đàn ông đạt được chức vụ linh mục đều được đào tạo tốt và trưởng thành.

Trong cuộc gặp gỡ với các nhà đào tạo chủng viện từ tổng giáo phận Milan vào ngày 17 tháng 6, Đức Thánh Cha nói rằng quá trình đồng hành với những ơn gọi cho chức linh mục đòi hỏi sự nhạy cảm và kỹ năng chuyên môn.

“Khi xác định liệu một người có thể bắt đầu hành trình ơn gọi hay không, cần phải xem xét và đánh giá người đó một cách toàn diện: xem xét cách trải nghiệm tình cảm, các mối quan hệ, không gian, vai trò, trách nhiệm cũng như sự yếu đuối của anh ta.”

“Toàn bộ cuộc hành trình phải bắt đầu các tiến trình nhằm đào tạo các linh mục trưởng thành và những người thánh hiến, những người là 'chuyên gia về nhân bản và gần gũi' chứ không phải là 'quan chức của sự thánh thiêng.'

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng mỗi người đàn ông đều mang theo mình một gia đình, lịch sử cá nhân và tâm linh riêng đến chủng viện.

Ông nói: “Tình dục, tình cảm và các mối quan hệ là những chiều kích của con người cần được cả Giáo Hội và khoa học xem xét và hiểu biết, cũng liên quan đến những thách thức và thay đổi văn hóa xã hội.

“Một thái độ cởi mở và nhân chứng tốt cho phép nhà giáo dục 'gặp gỡ' toàn bộ nhân cách của 'người được gọi', thu hút trí tuệ, cảm xúc, trái tim, ước mơ và khát vọng của anh ta.”

Để đạt được kết quả này, bản thân các nhà đào tạo chủng viện phải trưởng thành hàng ngày “hướng tới sự trọn vẹn của Chúa Kitô,” để lòng bác ái của Chúa Kitô có thể được biểu lộ rõ ràng hơn trong họ.

“Các chuyên gia hội thảo và những người trẻ đang được đào tạo phải có thể học hỏi nhiều hơn từ cuộc sống của bạn hơn là từ lời nói của bạn; phải có thể học được sự ngoan ngoãn từ sự vâng lời của bạn, sự siêng năng của bạn, sự rộng lượng với người nghèo, sự ngoan ngoãn và sẵn sàng của bạn, tình phụ tử từ tình cảm thuần khiết và không chiếm hữu của bạn. Chúng ta được thánh hiến để phục vụ dân Chúa, chăm sóc tất cả mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất.”

“Sự phù hợp với chức vụ gắn liền với sự sẵn sàng, niềm vui và sự rộng lượng đối với người khác. Thế giới cần những linh mục có khả năng thông truyền sự tốt lành của Chúa cho những người đã trải qua tội lỗi và thất bại, những linh mục là chuyên gia về nhân loại… những người biết lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ.”


Source:Catholic News Agency