Ngày 04-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:04 04/07/2018
84. NÓI BÓNG GIÓ
Tống Thái Tổ đã hứa trước mặt mọi người là sẽ phong cho Trương Nhung làm Tư Đồ trưởng sứ, nhưng công văn lâu quá chưa thấy phát ra.
Một hôm, Trương Nhung cưỡi trên một con ngựa gầy nhom, Tống Thái Tổ thấy bèn hỏi:
- “Con ngựa của nhà ngươi sao gầy nhom như vậy, mỗi ngày cho nó ăn bao nhiêu hử ?”
Trương Nhung đáp:
- “Một thạch.”
Hoàng đế lại hỏi:
- “Ăn nhiều như thế tại sao lại gầy nhom ?”
Trương Nhung nói:
- “Thần hứa cho nó ăn một thạch, nhưng lại không cho.”
Tống Thái Tổ hiểu lời nói bóng gió của Trương Nhung, ngày hôm sau bèn phát công văn bổ nhiệm ông ta làm Tư Đồ trưởng sứ.
(Thiệt Hoa lục)

Suy tư 84:
Lời hứa, tự nó đem lại hi vọng cho con người.
Lời hứa, bất kỳ là của ai cũng đều có giá trị, cái giá trị này được cân đo bằng mức độ thực hiện lời hứa của họ, tuy nhiên lời hứa của người có thế giá thì luôn có thế giá hơn.
“Có thế giá” và “đáng tin cậy” thì khác nhau xa.
Người giàu có, quyền thế, có địa vị ngoài xã hội hay trong Giáo Hội thì lời hứa của họ “có thế giá”, nhưng chưa chắc đáng tin cậy, bởi vì có người hứa mà không giữ lời; người nghèo, bần cố nông, lao động lam lũ, thì lời hứa của họ xem ra không có thế giá, nhưng cũng đáng cho chúng ta tin cậy, bởi vì họ hứa là họ làm...
Có rất nhiều người Ki-tô hữu thất hứa với Chúa, họ hứa từ bỏ ma quỷ và những cám dỗ của chúng nó, nhưng rồi họ vẫn phạm tội “hứa mà không giữ lời”, họ vẫn tham lam bon chen của cải thế gian, họ vẫn “hứa lèo” với Thiên Chúa khi sống trong đam mê thế gian...
Có những tu sĩ nam nữ đã thất hứa với Chúa khi họ sống xa hoa lỗi đức khó nghèo khi họ đòi hỏi ăn uống phải có thức ăn ngon, cuộc sống thoải mái và tìm những tiện nghi quá mức cho phép, họ cũng không giữ lời hứa vâng phục cho nên họ gây gổ với bề trên gây mất hoà khí trong cộng đoàn...
Có một vài linh mục đã thất hứa với Chúa khi họ làm bổn phận như một công chức nhà nước theo giờ hành chánh, mà không lo tìm kiếm băng bó chữa lành các con chiên lạc, các ngài đã không giữ lời hứa trong ngày lãnh nhận chức thánh là chăm sóc, dạy dỗ và thánh hoá đoàn chiên được giao phó cho mình.
Thiên Chúa là Đấng luôn giữ lời hứa với nhân loại, lời hứa trong vườn địa đàng ngày xưa ấy, phải qua hàng ngàn năm tưởng chừng như Ngài đã quên, nhưng Ngài đã giữ đúng lời mình hứa mà ban Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại là Đức Chúa Giê-su. Như vậy lời hứa của Thiên Chúa vừa có thế giá vừa đáng tin cậy, bởi vì Ngài là Thiên Chúa.
Chúng ta không phải là Thiên Chúa, nhưng chúng ta là con cái của Ngài, bởi vì “con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh”, chúng ta hãy bắt chước Ngài luôn trung tín với lời mình đã hứa trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội là từ bỏ ma quỷ và mọi cám dỗ của chúng và tin vào Đức Chúa Giê-su, tin vào Hội thánh của Ngài...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:06 04/07/2018

32. Ngoài việc nguyện xin Chúa ban cho tôi được biết mình, còn những việc khác thì không cần biết đến.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIV - B
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:09 04/07/2018
Hãy rao giảng Tin Mừng, dù gặp điều bất lợi

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV - B

(Mc 6, 1 - 6)

Phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá những cảm xúc từ Trái Tim Chúa Giêsu đối với những người đồng hương khi vào hội đường rao giảng. Thánh sử Marcô viết rằng, Chúa Giêsu "ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ" (Mc 6,6). Đây là một bất lợi cho chính Chúa Giêsu, một đàng có các môn đệ theo cùng về quê, đàng khác ngay tại quê hương, Thầy mình cũng không được đón nhận, vậy tương lai công việc của họ theo Thầy sẽ ra sao? Hẳn các môn đệ Chúa cũng sửng sốt về sự thiếu lòng tin của những người đồng hương với Thầy Giêsu và phản ứng của Thầy sau này nữa. Sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu tương ứng với sự sửng sốt của những người đồng hương, theo một nghĩa nào đó cũng lấy làm đau buồn! Mặc dù Chúa biết không tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương, nên Người đã thốt lên câu nói để đời "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình", nghĩa là không có tiên tri nào được đón nhận nơi những người đã nhìn thấy tiên tri ấy sinh ra và lớn lên (x. Mc 6,4).

Cứ sự thường, khi người ta đã nghe biết những việc Chúa Giêsu làm, lẽ ra họ phải chào đón Người bằng tình yêu và lòng mến, hay hơn thế là hồ hởi lắng nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy với lòng thán phục. Điều ngược lại là sự thật : "Họ sửng sốt về giáo lý của Người" (Mc 6,3). Những người đồng hương của Chúa "sửng sốt" vì sự khôn ngoan của Chúa, một loạt câu hỏi được đặt ra : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).

Thiên Chúa muốn làm người để cảm thông, thân thiện, chia sẻ thân phận hèn mọn của con người. Nhưng xót xa thay! Chính điều Thiên Chúa muốn gần con người lại là điều làm con người vấp phạm.

Thánh Bernard nói rất hay khi viết : "Con Thiên Chúa đã đến và làm những điều kỳ diệu trong thế giới này, Người xé nát tâm trí chúng ta từ tất cả những điều trên thế gian, để chúng ta suy niệm và không bao giờ ngừng ca tụng những kỳ quan của Chúa. Người mỡ cho chúng ta những chân trời vô tận và dòng sông ý tưởng tuyệt vời, dồi dào đến mức không bao giờ vơi cạn. Có ai hiểu lý do tại sao Đấng uy nghi tối thượng muốn chết để ban cho chúng ta sự sống, để phục vụ cho chúng ta, Người đã sống lưu vong để mang chúng ta trở về quê trời, Người đã hạ thấp bản thân mình, nhận lấy những điều hèn hạ và bình thường nhất để nâng con người chúng ta lên? "

Thời nào cũng thế, thế gian không ưa các tiên tri. Trong Cựu Ước, nhiều vị đã phải chết vì sứ vụ của mình. Như Giêrêmia, Dacaria và nhiều vị khác. Còn tiên tri Êlia chỉ nhờ chạy trốn mới có thể thoát chết. Chúa Giêsu cũng không đi ngoài qui luật ấy. Tuy nhiên, dù bị đe dọa, Chúa Giêsu không nao núng. Dù bị một số người khước từ, Lời của Chúa vẫn được loan truyền đi khắp nơi và không gì có thể ngăn cản Người được.

Chúng ta sống trong một thế giới bất tín và dửng dưng. Nhưng chính trong môi trường khước từ siêu nhiên như thế mà chúng ta được sai đến như các tiên tri của Chúa. Tiên tri là phát ngôn nhân, là người nói thay cho Thiên Chúa. Sứ vụ của tiên tri là loan báo Tin mừng và chứng nhân mang đến niềm hy vọng và các giá trị kitô giáo cho những nơi vắng bóng và thù địch với niềm tin kitô.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu dấn thân vào sứ vụ loan báo Tin mừng cho người nghèo khó mà Thiên Chúa Cha đã giao phó. Người đã đi vào một môi trường hòan toàn bất lợi và xung khắc với Người, nhưng Người đã không lùi bước, trái lại, Người đã trung thành cho đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta, vì đã được rửa tội và thêm sức, tất cả chúng ta được liên kết vào trong sứ vụ ấy. Và cũng như Người, có thể chúng ta sẽ gặp chống đối. Mang trong mình chứng từ của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, ngày nay, người kitô hữu dễ bị phê phán và bị chế nhạo, và phải đi ngược dòng với tâm tưởng của thế gian. Nhưng nếu chúng ta trung thành với Đức Kitô, thì không gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Người. Lời Người là lời mang lại sự Sống đời đời. Khi tiếp nhận Lời, chúng ta có thể giữ được niềm hy vọng trong ta.

Lạy Chúa, xin ban ơn can đảm cho chúng con, đễ dầu gặp khó khăn thử thách, chúng con vẫn nhất quyết đem Tin Mừng của Chúa đến với anh chị em chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Họ cứng lòng khiến Chúa ngạc nhiên

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV - B

(Mc 6, 1 - 6)

Bị hiểu lầm hay bị từ chối là những điều khiến người ta phiền lòng. Êdêkien, và ngay cả Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người cũng không đứng ngoài qui luật thường tình ấy. Là ngôn sứ thì dù ở hội đường, hay trong gia đình, cũng sẽ gặp khó khăn, có thể bị ruồng bỏ là kinh nghiệm của Chúa Giêsu và Êdêkien. Êdêkien được Chúa chọn, gọi làm ngôn sứ cho dân đi lưu đầy cùng với ông : "Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng... Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn" (Ed 2, 4-5). Chúa Giêsu về hội đường giảng dạy cho người đông hương cũng phát buồn và thốt lên câu nói để đời : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình" (Mc 6, 4). Tại sao vậy ?

Biết rõ

Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại sự lúng túng của dân thành Nagiarét trước Chúa Giêsu người đồng hương của họ đi xa trở về nơi hội đường. Vì họ đã quá biết về gia thế của Chúa Giêsu, vì biết rõ nên họ không đánh giá đúng về Người.

Có lẽ đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu trở về Nagiarét sau khi đi thi hành sứ mạng công khai. Nagiarét là cái nôi của thời thơ ấu, thời niên thiếu của Chúa Giêsu. Nơi ấy có gia đình, bà con, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, quê hương, nên khi Chúa Giêsu trở về nhà họ biết ngay. Trong số họ có người đã từng thấy Chúa Giêsu được mẹ ẵm bế, như bao nhiêu trẻ em khác. Con cái họ và Chúa Giêsu đều học chung một lớp, cùng chơi và cười đùa với nhau. Cùng thảo luận những bài học về cái cửa, cái xà. Chúa Giêsu đã từng cầm cưa, bào, đục, và nhất là nói giọng nói miền quê Nagiarét trong suốt bấy nhiêu năm trời.

Lần trở về này nhằm ngày Sabát, Chúa vào hội đường, dân làng đón tiếp Chúa rất vui vẻ. Tại đây, Chúa bắt đầu giảng dạy : "Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?" (Mc 6, 2). Nói xong bỗng nhiên thái độ của họ đổi hẳn vì những cái đã biết về Người. Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).

Đã nhiều năm qua, gia đình Chúa Giêsu đã để lại những ấn tượng tốt về Người. Trước sự ngạc nhiên và từ chối của dân thánh Nagiarét, cũng như sự thiếu lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã buông lời thở dài : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình ! " (Mc 6, 4). Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tạo dựng thế gian nhưng thế gian đã không tiếp nhận Người.

Không được đánh giá đúng

Chúa Giêsu buồn vì thành kiến của đông hương về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Ông là ai ? Là câu hỏi được đặt ra trong toàn bộ Tin Mừng Marcô. (1, 24 và 25 – 1, 27 – 1, 34 – 4, 41 – 6, 14 và 15). Căn tính bí ẩn này là gì ? Trên đường hành trình với các môn đệ từ Xêsarê đến Philiphê Chúa hỏi các ông "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai ? "

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật

Ngày hôm nay, Thiên Chúa cần có câu trả lời từ phía con người đang tìm kiếm ý nghĩa của Lời Chúa và bước vào cuộc đối thoại với Chúa. Người thợ mộc thành Gagiarét là Thiên Chúa thật và là Người thật, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, là Lời Chân lý dẫn đến Sự Sống đời đời. Hãy biết nhận ra Chúa, đừng để Chúa đi qua. Mẹ Maria hòa mình vào đám đông để chiếm ngắm và lắng nghe người ta nói về con Mẹ : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria !" (Mc 6, 3) Con bà Maria và là Con Thiên Chúa, đó Bí Mật Tình Yêu của Thiên Chúa, Người bước vào đời sống công khai bằng con đường khiêm tốn và nghèo khó. Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin, và buồn vì họ không chấp nhận bất cứ sự gì đến từ Người. Nghĩa xác thực được thánh Marcô sử dụng ở đây theo tiếng Hy lạp, không phải Chúa Giêsu mong đợi người đồng hương tin vào Thiên Chúa, nhưng là mong đợi phần lớn những người Nagiarét : tin vào Người.

Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời các Tông Đồ, và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ. Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Cả trời đất…... Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã nghe và đã thấy.

Vì, quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?" (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người ... Người hoàn toàn là con người như chúng ta : ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha ...

Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người thế là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất ... Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.

Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Khai tử niềm vui
Lm Vũdình Tường
19:45 04/07/2018
Đây chính là thái độ dân chúng nơi làng mạc Đức Kitô đối xử với Ngài. Thực tế cuộc sống là giết chết niềm vui, sẽ tức khắc sanh cái buồn, cái khổ não ào vào chiếm chỗ. Cái buồn mang thai từ lúc nào không ai biết nhưng nó sẵn sàng sanh con bất cứ khi nào có cơ hội. Đức Kitô và các môn đệ trong tâm tình vui mừng trở về quê. Ngài cũng như chúng ta, trong tâm trí cũng rạo rực, vui mừng, mong mỏi, hình dung ra trong đầu khung cảnh làng mạc, cây cổ thụ này, con suối nọ và đồi ôliu cành trĩu trái xanh dương. Trong lòng Ngài cũng mong chờ ngày mẹ con gặp lại nhau, mở rộng vòng tay ôm chằm thân nhân và bàn tay xiết chặt tình thân hữu khi gặp nhau. Tay bắt, mặt mừng vui vầy xum họp gia đình, rồi tiệc tùng chén đũa, tiếng cụng li vang tiếng thuỷ tinh. Ngày cuối tuần Ngài và các môn đệ vào Đền Thờ giảng dậy. Dân chúng rất đỗi ngạc nhiên về giáo huấn của Ngài. Họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan, thông thái và phép lạ Ngài thực hiện. Vì điểm này mà họ giết chết niềm vui trong Ngài. Đám đông bắt đầu bàn tán với nhau và họ tự hỏi bởi đâu Ngài được thông thái, khôn ngoan như thế? Kinh thánh ghi lại 'họ vấp ngã vì Người' Mc 6,3. Vấp ngã như thế nào? Họ chối bỏ Đức Kitô về phương diện thể lí và quan trọng hơn là về phương diện tâm linh.

Về thể lí - Xã hội thời đó nặng về giai cấp. Sanh ra trong giai cấp nào thì sau này sẽ sống trong giai cấp đó. Đức Kitô là con bác thợ mộc nên dù thông thái đến đâu cũng là con thợ mộc, không thoát khỏi gốc rễ, nghề thợ mộc. Điểm thứ hai đám đông nhắc đến 'ông ta là bác thợ, con bà Maria' c.3. Điều này tái xác nhận Đức Kitô gốc thợ mộc và là con bà Maria. Việc không nhắc đến tên cha có thể hiểu theo hai cách. Cách tốt hiểu theo nghĩa ông Giuse đã qua đời và bà Maria là mẹ goá, con côi. Hiểu theo nghĩa nói xéo, móc méo câu trên ngụ í nói ông ta là đứa con hoang, không cha vì thế họ cố í nhắc tên mẹ mà lờ tên cha.

Về tâm linh - Đám đông nhận biết sự khôn ngoan, thông thái và phép lạ Đức Kitô thực hiện nhưng thắc mắc bởi đâu mà ra? Từ ma quỷ hay từ quyền năng Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại trước đó nhóm Kinh sư từng nói 'Đức Kitô dựa thế quỷ mà trừ quỷ' Mc. 3,22. Thứ hai, đám đông không nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa đang sống giữa họ. Thứ ba đám đông không có đức tin nơi Đức Kitô. Thứ tư đặt nghi vấn về quyền năng của Đức Kitô chính là nghi ngờ về quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Điểm thất bại khác, Đức Kitô không đạt được mục đích của chuyến đi. Ngài về thăm xóm làng nhưng quan trọng hơn chính là ban Tin Vui cho dân làng nhưng dân làng từ chối đón nhận Tin Vui. Đức Kitô buồn ít khi người ta nói về thời thơ ấu của Ngài nhưng buồn da diết khi người ta từ chối đón nhận Tin Mừng ơn cứu độ Ngài ban. Kết luận, người ta từ chối Ngài và từ chối cả Tin Mừng Ngài ban.

Thiên Chúa có khả năng biến nỗi buồn thành niềm vui, bi quan thành lạc quan. Đức Kitô dùng kinh nghiệm bị dân làng chê bai hướng dẫn các môn đệ bởi trong tương lai các ông sẽ được sai đi rao giảng và chắc chắn sẽ có kẻ đón, người xua. Khi bị xua đuổi khỏi làng các ông biết cách cư xử. Không cần phải nổi nóng, không cần trả đũa, cản trở công việc đang làm nhưng lặng lẽ, âm thầm, nhẹ nhàng bước khỏi làng đó để sang làng khác, tiếp tục công việc rao giảng bởi việc rao giảng là chính, là quan trọng mọi vấn đề khác là thứ yếu.

TiengChuong.org

Kill joy

The idea that Jesus was going to visit his home town gave him and the apostles a good feeling. He would envisage the familiarity views in his mind and would bring it into his sleep. He was looking forward to meeting up his mother Mary and relatives and friends and they were happy to see him. On the Sabbath day, in the synagogue, his teaching gave the crowds great joy and surprises when they listened to him. The crowds enjoyed his teaching but they themselves had upset him immensely and took away his joy and excitement. They wondered about his wisdom and knowledge and his healing power but they could not accept the greatness in him. They had rejected Jesus at both physical and spiritual levels. At the physical level they rejected his greatness. His society defined a status of a person from the birthright. Jesus was born from a carpenter's family. He would become nothing else but only another carpenter when he grew up. He could do wonder but couldn't deny his background. They mentioned further that he was son of Mary; ignored any mention of Joseph's figure. One way to interpret the statement is that Joseph had already died. The other interpretation would directly aim at Jesus to humiliate him by saying Jesus- son of Mary- who was conceived by an unknown father. His teaching and wisdom and miracle worker proved that he was a great prophet, a miracle worker who would do wonder and yet they questioned as where he had got that power?

At the spiritual level they failed to see Jesus was the Son of God. They cited his background and relatives and friends to say that they knew him well, even from childhood. The mentioning of his background made Jesus upset not because of his unpopular childhood but because it was the evidence saying that they failed to see the power of God working through him. Second, the crowds had failed to see that Jesus was the Son of God incarnate. Third, the crowds had no faith in Jesus. Fourth any question about Jesus' ability was not about his own ability but rather it was more about the power and wisdom of God vested in him. Finally Jesus went to his home town for a purpose: bringing the Good News to his people first but his people fail to embrace both him and as well as his message.

Jesus had changed the negative experience to be a positive one. The rejection at his hometown was used to teach his apostles about their future mission. In the coming days the apostles were trained and were being sent to bring the Good News to others. The experience of being rejected at his hometown would be a valuable lesson for them because they themselves would experience the same hostile atmosphere in their mission. They would experience the unexpected rejection and persecution. When it happened. There is no need for revenge but to simply walk away to a neighbouring town to do the mission there.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phong trào tập luyện mới “SoulCore” tập luyện trọn “xác-hồn”
Thanh Quảng sdb
03:10 04/07/2018
Phong trào tập luyện mới “SoulCore” tập luyện trọn “xác-hồn”

Trong một bài giảng gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở mọi người rằng dù bạn tham dự mọi hình thức tập luyện như Yoga (Thiền)… nhưng tất cả những tập luyện này sẽ không bao giờ có thể cung cấp cho bạn hay có khả năng mở tâm lòng bạn đạt tới Thượng Đế được.”
Trong lãnh vự Yoga mà nhiều người đang đeo đuổi, Đức Thánh Cha đã đề cập tới một vấn đề đang được tranh luận sôi nổi nơi những người Công Giáo truyền thống, những người ưa thích loại tập luyện này phải tự hỏi: “Người Công Giáo có thể tập luyện Yoga không?”
Câu trả lời có một chút tế vi làm chúng ta phải suy nghĩ đó là: Người Công Giáo không nên tham gia vào bất kỳ khía cạnh "tâm linh" nào liên quan đến luyện Yoga, ngoại trừ nhìn Yoga như một phương pháp hay một kỹ năng thực hiện các bài tập luyện thực tế. Tuy nhiên, nhiều người thực hành Yoga cho rằng điều này rất là khó, nếu không muốn nói là không thể, để tách biệt việc thực hành các bài tập luyện này ra khỏi việc Thiền.
Ví dụ, trong lúc ngồi thiền phải tập trung vào một câu thần chú phổ biến lặp đi lặp lại trong Phương pháp Yoga như là "So'ham" được tạm dịch là "Tôi là một bản ngã phổ quát". Sự tập trung vào bản ngã này đang trái ngược với sự tập trung vào một Thiên Chúa Thượng Đế mà chúng ta được mời gọi kêu cầu. Theo lời giải thích của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI thì: "Cầu nguyện Kitô hữu ... cần vượt thoát khỏi mọi kỹ năng cá nhân hoặc tập trung vào chính mình, hầu có thể siêu vượt lên trên mọi sự mà đạt tới Đấng Tối Cao là Thiên Chúa siêu việt.
Đức Thánh Cha cho chúng ta hay chỉ có Thần Linh Thiên Chúa mới có thể làm cho "trái tim chúng ta rung cảm" và làm cho trái tim chúng ta "mở rộng ra cho Thiên Chúa, cảm nếm sự ngọt ngào của tình yêu Chúa trong sự tự do tự nguyện". Nếu chúng ta đi tìm một sự bình an trong Thiền hay trong Yoga, thì chúng ta đang tìm kiếm một sự an bình từ một nguồn mạch không chính trực.

Nhưng liệu có thể kết hợp luyện Thiền hay Yoga với việc cầu nguyện không? Những người sáng lập Phong trào “SoulCore” là Deanne Miller và Colleen Scariano giải thích rằng phong trào luyện tập mới của họ được phát sinh ra từ ý muốn tạo cho cơ thể được cường tráng trong một tâm hồn bay bổng qua việc tập luyện này.
Miller đã vén mở cái nguồn cảm hứng cho Đại Hội Gia Đình Thế Giới sắp được nhóm họp tại Philadelphia, đó cũng là câu trả lời của Thánh Irenaeus rằng "vinh quang của Thượng Đế được thể hiện qua con người hoàn hảo sống động". "Nói cách khác" Miller giải thích, "qua việc luyện tập thể chất chúng ta liên kết với việc cầu nguyện nội tâm để giúp chúng ta tiến tới một con người Hoàn Hảo."
Tôi đã có cơ hội thử luyện theo phương pháp “SoulCore” và cảm nghiệm được cái ma lực thật mãnh liệt của phương pháp và cảm hóa tâm hồn tôi cùng một lúc. Các bài tập có thể được điều chỉnh theo sức mạnh thiêng liêng riêng của bạn và các chuyển động khác nhau tương ứng với những lời tâm nguyện của bạn. SoulCore được thiết kế theo cách mà bạn đang được thư giãn nghỉ ngơi trong khi tâm hồn suy niệm về các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi để biến chúng thành lời cầu nguyện. Tôi không chỉ mừng khi khám phá sự phù hợp chuyên chính với lời cầu kinh Mân côi truyền thống mà còn phát sinh ra lối cầu nguyện mới mẻ cho tôi.
Cô Deanne cũng khẳng định với tôi về kinh nghiệm của chính cô ấy như sau: "Chúng ta có thể nói là phương pháp này phù hợp với đời sống một Kitô hữu – hòa hợp tâm trí, cơ thể, trái tim, linh hồn - theo ý muốn của Chúa Kitô trong một nội tâm sâu thẳm của chúng ta.”
 
ĐTC Phanxicô kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho các linh mục trong Tháng Bẩy.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:58 04/07/2018


(EWTN News/CNA) Trong đoạn Video mới nhất, ĐGH Phanxicô kêu gọi tín hữu Công Giáo hãy dành tháng Bẩy như là một món quà tinh thần dâng tặng cho các cha xứ của họ bằng cách cầu nguyện cho các ngài, đặc biệt là những linh mục mệt mỏi và lẻ loi.

“Sự mệt mỏi của các linh mục…Các con có biết là cha thường hay nghĩ đến điều ấy không?

Đây là mở đầu đoạn Video ý chỉ cầu nguyện trong tháng mới nhất của ĐGH Phanxicô, được phổ biến vào ngày 3 tháng Bẩy.

Đoạn Video chiếu những cảnh các linh mục đang làm việc trong những hoàn cảnh khó khăn, trong việc cứu trợ nạn nhân chiến tranh và thiên tai. ĐGH Phanxicô nói bằng tiếng Tây Ban Nha rằng “các linh mục, cùng với sự đạo hạnh và khiếm khuyết của các ngài dấn thân vào nhiều lãnh vực khác nhau.”

ĐGH nói rằng “Làm việc trên các tuyến đầu, các ngài không thể lại cứ thụ động sau lần thất vọng. Và trong những giây phút này, điều rất an ủi cho cha sở là nhớ lại rằng “giáo hữu yêu thương các linh mục, họ cần các ngài và tin tưởng ở các ngài.”

Đoạn Video chiếu cảnh các linh mục đang cử hành các bí tích, thăm viếng người bệnh và nói chuyện với các giáo hữu.

Sau khi được một cụ bà tặng hoa, vị linh mục trong đoạn Video, đặt hoa vào trong một cái bình tại phòng giáo xứ của ngài và cầu nguyện trong khi giáo hữu của cộng đoàn tiếp tục mang nhiều hoa cắm thêm vào lãng hoa.

ĐGH tắt đoạn Video và mời gọi giáo hữu Công Giáo hãy cùng với ngài cầu nguyện “cho các linh mục đang trải qua sự mệt mỏi và lẻ loi trong công tác mục vụ, để các ngài tìm được sự hỗ trợ và an ủi trong tình thân mật nơi Thiên Chúa và trong tình bạn với các linh mục anh em.

ĐGH Phanxicô thường nói về nhu cầu cho những bậc thánh hiến để chăm lo cho ơn gọi của họ về cả tinh thần và vật chất, đặc biệt khi ĐGH gặp gỡ các linh mục và tu sĩ trong những chuyến đi quốc tế.

Sự quan tâm đặc biệt cho những linh mục cảm thấy mệt mỏi, là một thao thức đã có ngay từ buổi đầu giáo hoàng của ngài và là một vấn đề ngài thường đề cập tới nhiều lần.

Trong bài giảng tại Thánh Lễ truyền dầu vào Tuần Thánh năm 2015, ĐGH đã nói trực tiếp với các linh mục về việc cạn sức, rằng: “Sự mệt mỏi của các linh mục! Các con có biết rằng cha rất thường hay nghĩ về sự mệt mỏi mà tất cả các con đều đã từng trải nghiệm qua không?

“Cha nghĩ về điều này và cầu nguyện cho điều này, rất thường, nhất là khi chính cha cũng cảm thấy mệt.” Ngài nói và thừa nhận rằng ngài cầu nguyện cho mỗi linh mục và mục vụ của họ, nhất là những linh mục phục vụ nơi “những vùng xa vắng và nguy hiểm.”

ĐGH đã nói trong Thánh Lễ hôm ấy rằng sự mệt mỏi của một linh mục thánh thiện khi dâng hiến cả đời cho việc phục vụ “thì giốngnhư hương trầm âm thầm bay lên tới thiên đàng. Sự mệt mỏi của chúng ta đến thẳng trái tim của Thiên Chúa Cha.”

Ý chỉ cầu nguyện cho các linh mục của ĐGH Phanxicô là một phần sáng kiến “Video Giáo Hoàng” hàng tháng, một dự án của Dòng Tên, điều hành bởi hệ thống mạng Tông Đồ Cầu Nguyện toàn cầu.

Mạng Tông Đồ Cầu Nguyện làm ra những Video về ý chỉ hàng tháng của ĐGH được lập ra bởi các chủng sinh Dòng Tên ở Pháp vào năm 1884 để khuyến khích tín hữu phục vụ Thiên Chúa và tha nhân qua lời cầu nguyện, đặc biệt cho nhu cầu của Giáo Hội.

Từ cuối thập niên 1800, tổ chức này đã nhận được hàng tháng, ý chỉ cầu nguyện hoàn vũ của ĐGH. Vào năm 1929, một ý chỉ truyền giáo được cho thêm vào.

Tuy nhiên, từ năm ngoái, thay vì bao gồm một ý chỉ truyền giáo, ĐGH Phanxico đã chọn để chỉ có một ý chỉ cầu nguyện được chuẩn bị - ý chỉ cầu nguyện hoàn vũ được đưa vào Video, và sẽ thêm một ý chỉ thứ hai cho những nhu cầu cấp thiết nảy sinh.

Những Video được quay với sự hợp tác của Trung Tâm Truyền Hình Tòa Thánh và đánh dấu lần đầu tiên ý chỉ cầu nguyện hàng tháng của ĐGH được chiếu trên Video.


Source: EWTN News Pope Francis asks Catholics to pray for their priests in July
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
8 Videos về Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân
Phạm Xuân Khôi
09:18 04/07/2018
Dưới đây là links Video về các bài nói chuyện của tác giả Phạm Xuân Khôi tại Giáo Xứ Các
Thánh Tử Đạo Việt Nam, Houston, TX vào các ngày 8 và 9 tháng 6, 2018

Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 1/8: Xem Video
Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 2/8: Xem Video
Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 3/8: Xem Video
Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 4/8: Xem Video
Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 5/8: Xem Video
Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 6/8: Xem Video
Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 7/8: Xem Video
Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân - Phần 8/8: Xem Video
 
Thông Báo
Dòng Thánh Tâm Huế: Thông báo Thánh Lễ Khấn Dòng
Dòng Thánh Tâm Huế
18:42 04/07/2018
Dòng Thánh Tâm Huế: Thông báo Thánh Lễ Khấn Dòng

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Dòng Thánh Tâm Huế hân hoan kính báo Thánh Lễ Khấn Dòng cho 15 tập sinh vừa hoàn tất 1 năm huấn luyện tại Tập Viện và 9 tu sĩ vĩnh khấn.

Xin tạ ơn Thiên Chúa vì Dòng Thánh Tâm Huế sẽ có thêm 15 anh em tuyên khấn lần đầu và 9 anh em vĩnh khấn dấn bước trong tình yêu và muốn được đắm chìm trong biển cả tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, để có thể trở nên những “chuyên viên” của tình yêu phục vụ sứ mạng làm vinh danh Chúa và giúp đỡ các linh hồn.

Xin tri ân quý bậc phụ huynh đã quảng đại dâng hiến những người con thân yêu của mình cho Chúa trong ơn gọi Dòng Thánh Tâm Huế. Xin cảm ơn quý ân nhân, quý bạn hữu xa gần, quý cộng tác viên và toàn thể cộng đoàn đã thành tâm cầu nguyện và nhiệt tình cộng tác với nhà Dòng trong việc huấn luyện ơn gọi.

Dòng Thánh Tâm Huế
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
Nguyễn Đức Cung
07:40 04/07/2018
MỪNG LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Quê hương của Tự Do
và Dũng Cảm.
Happy 4th of July !

Land of The Free
Home of The Brave.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 5/7/2018: Ý cầu nguyện tháng Bảy của ĐTC: cầu cho các Linh mục trong sứ vụ của các ngài
VietCatholic Network
23:13 04/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, Chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau

1- Ý cầu nguyện tháng Bảy của Đức Thánh Cha: cầu cho các Linh mục trong sứ vụ của các ngài.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ đến thăm những người nghèo và vô gia cư.

3- Chiến lược truyền thông của Tòa Thánh: Để Đức Giáo Hoàng tự nhiên.

4- Ngày Suy Tư Cầu Nguyện cho hòa bình Trung Đông.

5- Tòa Thánh kêu gọi tăng cường cộng tác chống khủng bố.

7- Người Công Giáo được mời gọi lên tiếng chống bất công.

6- Một số địa điểm của Kitô giáo ở Nhật Bản là di sản của nhân loại.

7- Giới thiệu Thánh Ca: Sống Trong Tình Chúa.
https://youtu.be/lHEq4qUjQTc

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Thánh Ca
Sống Trong Tình Chúa, Tác giả: Lm. Duy Thiên, Trình bày: Ca sĩ Hằng Nga
VietCatholic Network
01:39 04/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


SỐNG TRONG TÌNH CHÚA

Tác giả: Lm. Duy Thiên – Trình bày: Ca sĩ Hằng Nga

Sống trong tình Chúa, (sống mãi trong tình Chúa).

Chúa ở cùng tôi, (có Chúa ở cùng tôi).

Tôi đi trên đời (tôi luôn đi trên đời).

Lòng luôn thảnh thơi (lòng này luôn thảnh thơi).

Có Chúa cùng tôi, dù phong ba bão giông, dù gian lao hiểm nguy, dù cho muôn đắng cay tôi luôn vững tâm theo Ngài.

Ngài ở bên tôi, như cánh tay mẹ hiền, nâng đỡ con đêm ngày, tình thương Ngài chứa chan, như sóng tràn dâng biển khơi.

Sống trong tình Chúa (sống mãi trong tình Chúa).

Suốt đời an vui (có Chúa đời an vui).

Tôi lo sợ gì (tôi đâu lo sợ gì).

Ngài ở với tôi (có Chúa ở với tôi).

Sống trong tình Chúa, (sống mãi trong tình Chúa).

Chúa ở cùng tôi, (có Chúa ở cùng tôi).

Tôi đi trên đời (tôi luôn đi trên đời).

Lòng luôn thảnh thơi (lòng này luôn thảnh thơi).

Hãy đến người ơi, nào ai đang khổ đau, nào ai đang mải mê, nào ai trong tối tăm, mau ta bước đi theo Ngài.

Tình Ngài cho ta, như suối reo trên ngàn, ươm mát cho cuộc đời. Tình thương Ngài đỡ nâng, năm tháng dài trên trần gian.