Ngày 08-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giá cả phải trả
Lm. Minh Anh
00:54 08/07/2021
GIÁ CẢ PHẢI TRẢ
“Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không!”.

Tháng 10 năm 1971, Iran tiến hành lễ kỷ niệm 2.500 năm hoàng đế Cyrus, vị vua sáng lập đế quốc Ba Tư. Để chứng tỏ cho cả thế giới thấy Iran là một cường quốc hiện đại, theo báo chí, hoàng đế Mohammad Reza Pahlavi đã tổ chức một lễ kỷ niệm ‘ngông cuồng’ ngoài sức tưởng tượng. Ông mời 600 nguyên thủ quốc gia, đến từ 69 nước, tham dự sự kiện kéo dài đến 4 ngày, với ‘giá cả phải trả’ cho phí tổn lên tới 100 triệu dollars. Thế nhưng, chỉ 8 năm sau, ông bị lật đổ và bị lưu đày!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến những ‘giá cả phải trả!’. Giá mà con cái Giacóp phải trả khi xuống Ai Cập mua lương thực đem về cứu đói tại quê nhà; giá mà chúng ta phải trả khi lãnh nhận Tin Mừng, và giá mà chúng ta ‘phải tính’ khi trao Tin Mừng cho người khác. Thế nhưng, thú vị thay; ở đây, cả hai trường hợp, Chúa Giêsu cho biết, không ai ‘phải trả’ cũng như ‘được tính’ đồng nào; vì lẽ, “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không!”.

Bài đọc Sáng Thế tiếp tục kể chuyện con cái Giacóp xuôi về mạn Nam mua lương thực. Chắc chắn, họ phải đem theo một số tiền đáng kể. Thế nhưng, xem ra họ không phải trả đồng nào mà vẫn có lúa đem về. Tại sao? Vì lẽ, khi không thể tiếp tục dồn nén cảm xúc, tể tướng Giuse đã tỏ mình cho các anh, “Tôi là Giuse, em các anh đây. Vì chưng để cứu sống anh em mà Thiên Chúa đã sai tôi sang Ai Cập trước anh em!”. Giuse coi đây là sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay như là một lời nhắn nhủ Giuse gửi đến các anh của mình, “Hãy nhớ lại những kỳ công Chúa thực hiện!”. Quả vậy, các anh của Giuse đã không phải mở hầu bao, vì không một ‘giá cả phải trả’ nào đòi họ làm thế; trái lại là khác, có lẽ họ còn được tặng thêm nhiều vàng bạc mà Giuse muốn gửi đến cha để tạo thêm niềm tin; vì rồi đây, Giuse sẽ đích thân thắng xe của Pharaô để ra ngoài nghinh đón cha già và những kẻ theo ông xuống lập cư ở xứ người.

Với bài Phúc Âm, chúng ta thử hỏi, ‘giá cả phải trả’ cho Tin Mừng là gì? Ngạc nhiên thay! Tin Mừng có đến hai mức giá. Giá đầu tiên, cần bao nhiêu để chúng ta có thể nhận được Tin Mừng? Giá thứ hai, phải ‘tính phí’ bao nhiêu, có thể nói như vậy, để chúng ta có thể cung cấp Tin Mừng cho người khác? Trước hết, phải trả bao nhiêu cho Tin Mừng? Câu trả lời là ‘không thể trả nổi’, vì Tin Mừng vô giá; chúng ta không bao giờ có thể mua được Tin Mừng bằng tiền! Thứ đến, được ‘tính phí’ bao nhiêu để có thể cung cấp Tin Mừng cho người khác? Câu trả lời vẫn là ‘không thể tính đồng nào’; vì lẽ, không ai có quyền tính phí hoặc mong đợi bất cứ điều gì để cho đi một cái gì đó mà họ không sở hữu. Sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng thuộc về Chúa Kitô, Ngài tặng trao nó cách nhưng không, chẳng đòi một giá cả nào; vậy không ai lại đòi phải trả cho mình cái không thuộc về họ!

Hãy bắt đầu với nửa sau của Lời Chúa Giêsu hôm nay, “Hãy cho nhưng không!”. Điều này cho biết, chúng ta phải cung cấp Tin Mừng vô điều kiện cho người khác; và còn hơn thế, hành động cung cấp không công này lại mang theo nó một đòi hỏi tiềm ẩn nào đó nữa. Đúng thế, việc trao tặng Tin Mừng còn đòi hỏi chúng ta phải hiến thân chính mình; điều đó có nghĩa là, chúng ta phải hiến dâng hoàn toàn chính mình một cách triệt để. Lý do biện minh cho đòi hỏi tự do dâng hiến này là vì, tất cả mọi điều chúng ta nhận được đều là ‘miễn phí’. Thực tế đơn giản là, Tin Mừng là quà tặng hoàn toàn miễn phí, cùng lúc, nó là quà tặng hoàn toàn miễn phí của bản thân chúng ta dành cho người khác. Tại sao? Vì lẽ, Tin Mừng không thuộc về vật chất, nhưng tuyệt vời thay, Tin Mừng là ‘một con người’, đó là Chúa Giêsu Kitô; Ngài đến với chúng ta, sống trong chúng ta cách miễn phí. Như thế, chính chúng ta và Ngài phải trở nên quà tặng miễn phí cho người khác!

Anh Chị em,

Mỗi ngày, trên bàn thờ, nơi bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa, Con Thiên Chúa tiếp tục hiến mình nhưng không cho chúng ta; bên cạnh đó, bao hồng ân xác hồn mà chúng ta lãnh nhận. Thánh Phaolô nói, “Trong Chúa Kitô, chúng ta lãnh nhận từ ân sủng này đến ân sủng khác”; “Trong Ngài, chúng ta không thiếu một ơn nào!”. Ấy thế, đáp lại sự quảng đại và yêu thương của Ngài, Ngài chỉ nhận lại những bất xứng, bất công và xúc phạm từ phía chúng ta. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta quay về với Ngài, sống trong niềm tri ân, cảm tạ và thống hối; đồng thời, ý thức hơn công cuộc mở rộng Vương Quốc Ngài, đem Tin Mừng đến cho người khác mà không đòi hỏi một ‘giá cả phải trả’ nào, như Ngài nói, “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ‘Tin Mừng Sống’ được tặng trao nhưng không cho con; đến lượt con, xin cho con biết trao Chúa cho người khác trong chính con người và cuộc sống của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 9/7: Tử đạo thời nay. Suy niệm của Linh mục Đỗ Tuấn Anh, CSsr
Giáo Hội Năm Châu
02:03 08/07/2021

Video sẽ bắt đầu từ 5g chiều ngày 08-July-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mt 10, 16-23

“Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. “Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel cho đến khi Con Người đến”.

Đó là lời Chúa.
 
Để có một vụ mùa mới
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:58 08/07/2021
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN

Để có một vụ mùa mới

Am 7,12-15; Ep 1,3-10; Mc 6,7-13

Đối diện với một thế giới đang bị tục hóa và càng ngày càng trở nên ngoại giáo, trong Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các Kitô hữu “đi vào một giai đoạn mới của truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui” gặp gỡ Chúa Giêsu. Liên quan đến vấn đề này, Lời Chúa hôm nay làm nổi lên những câu hỏi: vậy thì, việc truyền giáo cốt ở điều gì? Đâu là sự mới mẻ phải có? Chúng ta cần phải thay đổi điều gì? Đâu là ý muốn đích thực của Chúa Giêsu khi Người sai các môn đệ tiếp tục đi loan báo Tin Mừng?

1- Bắt đầu lại từ Chúa Kitô

Tin Mừng hôm nay muốn làm sáng tỏ những câu hỏi đó khi cho rằng: Chúa Giêsu chính là nguồn mạch, là nguồn cảm hứng và là khuôn mẫu của công cuộc loan báo Tin Mừng đối với các Tông Đồ và mọi tín hữu xưa cũng như hôm nay. Chúa Giêsu đã chọn họ. Mỗi người có một nguồn gốc, lý lịch, tính tình khác nhau, nhưng họ có chung một sứ vụ được ủy thác. Mỗi người được sai đến những nơi khác nhau, nhưng họ đều có chung một lý tưởng là loan báo Tin Mừng và xây dựng Nước Trời.

Các Tông Đồ được Chúa Giêsu sai đi không phải để nhân danh mình và rao giảng về mình, nhưng là nhân danh Chúa Kitô và chỉ rao giảng Tin Mừng. Họ không có quan tâm gì khác ngoài việc hiến mình hoàn toàn cho Chúa để mở ra những con đường cho triều đại Thiên Chúa mau đến.

Bởi thế, chỉ có một con đường đưa tới “một giai đoạn mới của truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui” gặp gỡ Chúa Giêsu” là chúng ta cần phải thanh tẩy bản thân và sống kết hợp thân mật với Người. Sẽ không có một cuộc tân Phúc Âm hóa nếu không có những nhà truyền giáo mới. Sẽ không có những nhà truyền giáo mới nếu không có sự gặp gỡ sống động, thân mật và vui tươi với Chúa Giêsu. Không có Người, chúng ta chỉ là những nhà hoạt động xã hội, những công chức tôn giáo làm việc tôn giáo.

2- Hành trang truyền giáo

Tin Mừng Máccô cũng cho biết: Khi sai họ đi, Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi các môn đệ hoạt động một mình. Chúa Giêsu ban cho họ “quyền” của Người, một thứ quyền lực không phải để điều khiển, thống trị và chi phối người khác, nhưng là quyền để “trừ nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13); nhờ đó, họ giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ, áp bức và phi nhân.

Các môn đệ ý thức rất rõ những gì Chúa Giêsu đã ủy thác cho họ. Các ông không bao giờ thấy Chúa dùng quyền để thống trị và áp đặt bất cứ ai. Họ luôn nhìn thấy Chúa đi đến đâu là thi ân giáng phúc ở đó, Người chữa lành các vết thương, làm giảm bớt nỗi đau khổ, chữa lành kẻ bệnh hoạn tật nguyền, cho kẻ chết sống lại, giải thoát người khỏi tội lỗi, loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa. Như thế, việc “chữa lành” và “giải thoát” là những bổn phận chính yếu trong hoạt động truyền giáo của Chúa Giêsu. Đây là những cách thế mang lại sự mới mẻ và khác biệt cho sứ vụ truyền giáo của chúng ta hôm nay.

Hơn nữa, để công cuộc truyền giáo hiệu quả, Chúa Giêsu còn chỉ thị cho họ chỉ mang những gì cần thiết cho hành trình truyền giáo. Theo Máccô, “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6,8-9). Như thế, hành trang truyền giáo không gì khác ngoài sự khó nghèo Tin Mừng và lòng tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ sống một cuộc sống đơn giản, thanh thoát và không dính bén vào của cải vật chất khi đi truyền giáo. Họ chỉ mang những gì là cần thiết cho cuộc sống mình. Chúa Giêsu muốn người rao giảng trở thành những người thực sự tự do và không có gì làm cản trở bước chân họ, nhờ đó họ luôn luôn sẵn sàng dấn thân và phục vụ trong sự tín thác vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.

3- Phục hồi lại cung cách sống theo Tin Mừng

Để có thể truyền giáo cho con người hôm nay, chúng ta phải thực sự sống tinh thần khó nghèo Tin Mừng, để không rơi vào việc tìm kiếm vật chất, lợi tức khi thi hành sứ vụ, nhưng sẵn sàng dấn thân phục vụ nhưng không vì Tin Mừng và ơn cứu độ của tha nhân.

Như thế, nếu không có phục hồi lại “cung cách Tin Mừng” này, sẽ không có “một giai đoạn mới của loan báo Tin Mừng.” Điều quan trọng không phải là có những chiến lược truyền giáo mới mẻ, chi tiết và hấp dẫn, nhưng chính là việc chúng ta dám can đảm để đi ra khỏi những thói quen, lối snghĩ, khỏi những cơ cấu tổ chức và những ảnh hưởng xung quanh đang trói buộc chúng ta, không còn làm chúng ta được tự do để loan báo những giá trị Tin Mừng một cách chân thật và đơn sơ nhất.

Trong Giáo Hội hôm nay, xem ra chúng ta đang đánh mất “cung cách sống theo Tin Mừng” ban đầu mà Chúa Giêsu đề nghị. Nhiều lúc chúng ta bước đi cách chậm chạp và tỏ ra mệt nhọc trong sứ vụ này. Nhiều lúc chúng ta không biết làm sao để đồng hành với những người được giao phó cho chúng ta khi họ đang bị bủa vây mọi sự khó khăn và bế tắc của cuộc sống hiện đại.

Nếu không có “cung cách sống theo Tin Mừng” ban đầu mà Chúa Giêsu đề nghị, chúng ta sẽ đánh mất khả năng nhạy bén để lắng nghe những tiếng thở dài và kêu cứu của anh chị em mình; chúng ta sẽ đánh mất khả năng đồng hành và quyền năng chữa lành những vết thương cho người bị tổn thương. Rốt cuộc chúng ta chỉ là những người tuyên truyền hơn là truyền giáo. Như thế, chúng ta chỉ lo bảo tồn niềm tin và quyền lực của chúng ta, hơn là tìm kiếm lợi ích cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta cần hoán cải; nghĩa là phải trở về với “cung cách Tin Mừng” ban đầu mà Chúa Giêsu truyền dạy. Có lần, tôi đến thăm một cộng đoàn của các nữ tu của Mẹ Têrêxa Calcutta ở Orange, Australia. Điều làm tôi ấn tượng và cảm phục là cuộc sống đơn sơ, khó nghèo, giản dị, họ sống âm thầm và làm những việc không ai muốn làm: hằng ngày các sơ đi thăm viếng những ai cô đơn, bị bỏ rơi, bị bệnh tật trong vùng. Các xơ đi tìm những người vô gia cư và đưa về sống trong một ngôi nhà để các xơ chăm sóc. Các xơ có những ngôi nhà nho nhỏ để dạy giáo lý cho các trẻ em. Cách dạy giáo lý hoàn toàn khác, không bằng lý thuyết suông hay sách vở, nhưng bằng các trò chơi, cụ thể để trình bày về Chúa Giêsu, về giáo lý căn bản, về các bí tích. Đây là cách dạy vừa dễ nhớ, vừa cụ thể, làm cho các em thích thú đến học. Bí quyết của các xơ là làm những việc nhỏ bé với lòng yêu mến lớn lao; sống cuộc sống âm thầm, phó thác cho sự quan phòng của Chúa. Nhưng các sơ đã làm được rất nhiều điều lớn lao mà ngay cả các linh mục cũng không làm được như thế, các xơ đưa rất nhiều người trở về với Chúa và gia nhập đạo thông qua sứ vụ phục vụ này. Tôi nghĩ rằng đây là một bằng chứng cụ thể của “cung cách Tin Mừng” mà Chúa Giêsu đề nghị thực hiện. Chỉ như thế, giai đoạn mới cuộc công cuộc loan báo Tin Mừng thực sự được tái sinh và bắt đầu có hiệu lực. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên: Bài Sai
Lm. Giuse Trần Việt Hùng.
08:11 08/07/2021
Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên: Bài Sai

(Am 7, 12-15; Ep 1, 3-14; Mc 6, 7-13).

Tiên tri Amos xuất hiện khoảng năm 760 trước Công Nguyên dưới thời của Vua Phương Nam Uzziah (783-742) và Vua Phương Bắc Jeroboam II (786-746). Tiên tri Amos làm việc nơi đồng áng và chăn nuôi súc vật. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi rao giảng sám hối tại trung tâm miền Bắc Bethel và Samaria. Quan niệm thần học tập trung việc cảnh cáo dân Do-thái rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt và phá hủy dân Israel bởi vì tội lỗi của họ. Amos kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối và cải đổi đời sống theo giới răn của Chúa.

Phúc âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ và sai từng hai người đi. Chúa ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Với lời nhắn nhủ sống đơn sơ chân thành và đi làm nhân chứng với hai bàn tay trắng. Các ông đã ra đi vào các làng mạc chuẩn bị các tâm hồn đón nhận ơn Chúa. Các ông hoàn toàn cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã chọn những con người tầm thường, họ không có nhiều tài năng chuyên môn, không có của cải và không có chỗ đứng trong xã hội. Chúa chọn những người bình thường để làm những việc phi thường cho Nước Chúa.

Thật lạ lùng, Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan truyền sứ mệnh quan trọng nhưng không ban cho các phương tiện, tiền bạc hay của cải. Ngày nay trong công tác mục vụ, chúng ta thường chuẩn bị rất kỹ càng, nào là tiền mặt, thẻ tín dụng, thức ăn thức uống, bản đồ, áo trong áo ngoài, máy móc đủ loại và các dụng cụ cá nhân. Nếu khi phải ở qua đêm, chúng ta còn cần nhiều thứ lỉnh kỉnh nữa. Chúng ta lo lắng cho những nhu cầu vật chất như chỗ ăn chỗ ở, cái ăn cái mặc và những tiện nghi tối thiểu. Đôi khi chúng ta lại quá lo lắng cậy dựa vào những nhu cầu vật chất của đời thường. Theo thông lệ một số các đấng bậc khi thăm viếng mục vụ, các giáo đoàn phải chuẩn bị đón tiếp long trọng và đôi khi còn phải chi tiêu hao tốn, thiếu đi tinh thần nghèo khó và sự phó thác.

Câu chuyện vào thời chiến, có một sự kiện xảy ra nơi một làng nhỏ ở nước Đại Hàn. Trước nhà thờ có một tượng Chúa Giêsu bị trúng mảnh bom làm vỡ bể. Một nhóm binh sĩ Hoa Kỳ đã giúp linh mục lau dọn và thu thập các mảnh vỡ vụn để gắn đặt lại tượng Chúa. Họ tìm thấy mọi phần của tượng Chúa, trừ một cánh tay bị vỡ tan. Các binh sĩ đề nghị với linh mục là đưa tượng Chúa về Hoa Kỳ để tu sửa và làm cánh tay mới. Linh mục bổn sở từ chối. Ngài nói: Tôi có một ý tưởng. Cứ để tượng như thế, thiếu một cánh tay. Chúng ta hãy viết trên bệ cho các khách hành hương chú ý: Hỡi bạn, cho tôi mượn cánh tay của bạn.

Trong cách này, mỗi tu sĩ nam nữ, các thiện nguyện viên hay các linh mục ra đi giúp mọi người nhận ra những nhu cầu trong sứ mệnh phục vụ của mình. Chúng ta sẽ là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu để xây dựng lại những đổ nát và hư mất. Cùng một suy tưởng, Chúa cần những đôi chân của chúng ta để đi tìm kiếm những ai đã lạc bước. Chúa muốn những đôi tai của chúng ta để nghe những tâm sự cô đơn buồn chán của tha nhân. Chúa dùng miệng lưỡi của chúng ta để nói những lời thân thương, khuyến khích, ủi an và nâng đỡ những kẻ đau buồn, khổ sở và thất vọng.

Trong thơ gởi cho tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô đã viết rằng: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người (Ep 1, 4). Sau khi hồi đầu, Phaolô đặt trọn niềm tin nơi Đức Kitô. Chúa đã chọn và gọi Phaolô một cách đặc biệt. Biến đổi ông từ một người bách hại các Kitô hữu trở nên nhân chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Phaolô đã được sai đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Tông đồ Phaolô đã không ngại gian khó rong ruổi khắp các thành thị và làng mạc để loan báo về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.

Giáo hội luôn kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho ơn gọi dâng hiến. Có rất nhiều tâm hồn đã và đang quảng đại đáp lại tiếng Chúa trong ơn gọi tu trì. Mỗi tín hữu đều có bổn phận góp sức mình, của cải và khả năng để xây dựng và loan truyền tin mừng cứu độ. Chúng ta không thể đổ dồn trách nhiệm cho môt thành phần riêng biệt nào. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm sống động trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Sự cộng tác của chúng ta bằng lời cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần và khuyến khích hơn là sự chỉ trích, gây chia rẽ, đàm tiếu hoặc phá đổ.

Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát, xin Chúa sai thêm những thợ gặt lành nghề. Chúng con cảm tạ Danh Chúa đến muôn ngàn đời. Amen.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng.
 
Dẫn Nhập Vào Thánh Lễ & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 15 Mùa Thường Niên Năm B. 11.7.202
Lm Francis Lý văn Ca
14:45 08/07/2021
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta sẽ nghe về sứ vụ của các tiên tri thời Cựu Ước về việc tông đồ của các môn đệ Chúa Kitô thời Tân Ước. Các môn đệ được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng trong các làng mạc. Kết quả bi thảm là các ngài bị nhiều bạc đãi đắng cay. Thái độ đó cũng được tìm thấy nơi dân Dothái thời tiên tri Amos mà bài đọc chúng ta sắp nghe trong phần Lời Chúa sẽ trình bày.

Ước gì, mỗi người trong cộng đồng chúng ta nơi đây, luôn ý thức và thông cảm với những hy sinh của các linh mục và tu sĩ nam nữ trong hoàn cảnh của thế giới hôm nay. Qua chức vụ thánh được trao ban trong tay những con người tầm thường, yếu đuối như chúng ta. Chúng ta đón tiếp và nâng đỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ của Chúa trong tinh thần đức tin siêu nhiên. Với tinh thần nầy, các ngài sẽ cảm thấy được nâng đỡ, bù đắp lại trong tình người để các ngài tiếp tục phục vụ chúng ta trong đời sống hiến dâng.

Với những tư tuởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Amos được Chúa sai đi làm ngôn sứ trước một tương lai đầy lo sợ. Đồng thời ông cũng thấy mình bất xứng. Ông muốn đào thoát, nhưng Chúa bảo ông cứ lên đường. Ông vâng nghe lời Ngài.

TRƯỚC BÀI II:
Vấn đề tiền định thánh Phaolô viết đã gây nhiều hiểu lầm và đưa đến sự ly khai của một số bè phái. Đôi lúc trong cuộc sống, chỉ vì một danh từ, một kiểu nói đủ đưa chúng ta đến một ngõ bí là chia rẽ nhau.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa sai các tông đồ đi vào các làng mạc... Họ đã bị xua đuổi. Đã bao lần anh chị em đón tiếp những sứ giả của Chúa đến thăm gia đình anh chị em như các linh mục, tu sĩ nam nữ của Giáo Hội Chúa sai đến?





LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh Mục: Anh Chị Em thân mến,
Hiệp nhau đây chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời chúng dâng lên Ngài những lời cầu xin sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho những sứ giả Tin Mừng, tiếp nối công trình của 12 tông đồ: với ơn Chúa ban, các ngài luôn trung thành trong sứ vụ tông đồ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa uốn lòng những người nguội lạnh trễ nải, chống báng Giáo Hội, vì những ý kiến riêng tư, bè phái. Xin cho họ biết nhìn đến những thiếu sót bất toàn của Giáo Hội với tâm hồn quảng đại và thông cảm. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho mỗi người, mỗi gia đình luôn nhìn đến tương lai của Giáo Hội Mẹ Việt Nam, để chuẩn bị nhiều thợ gặt cho đồng lúa chín vàng Việt Nam. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin Chúa luôn gìn gĩư các linh mục, tu sĩ nam nữ của Chúa đã và đang phục vụ trong Giáo Hội. Với sự nâng đỡ đầy chân tình của những người con trung hiếu của Giáo Hội Mẹ Thánh, các ngài sẽ tìm được niềm vui để phục vụ trong cuộc đời hiến dâng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các Linh mục và Tu sĩ mà chúng ta được biết qua cuộc sống đã yên nghỉ, được hưởng kiến nhan thánh Chúa muôn đời, đặt biệt la các nạn nhạn của Covid-19 trên toàn thế giới… Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, cánh đồng lúa chín vàng đang chờ mùa gặt. Xin sai vào thửa ruộng nhiều thợ gặt nhiệt thành, để họ đem về cho Chúa nhiều kết quả thiêng liêng trong ngày mùa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:03 08/07/2021

27. Nếu từ trước đến nay con không bị cám dỗ, thì suốt đời con sẽ không đội được triều thiên chiến thắng.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 08/07/2021
94. TÂM NGUYỆN CỦA PHÚ ÔNG

Có người chúc thọ nói:

- “Chúc phú ông thọ như cây hương bá.”

Phú ông không vui, nói:

- “Cây hương bá đến mùa đông thì cũng khô.”

Lại có người chúc:

- “Chúc phú ông thọ tỉ nam sơn.”

Phú ông vẫn cứ không vui, nói:

- “Núi đến mùa đông cũng rối bời.”

Cả hai người hỏi:

- “Hương bá nam sơn, cũng là dài lâu, ngài đều không thích, không biết phải như thế nào mới như ý của ông?”

Phú ông nói:

- “Tâm nguyện của ta, không cần nói sống lâu vài ngàn vạn năm, chỉ cần không chết là được rồi!”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 94:

Ở đời có những người thích sống lâu và những người không thích sống lâu.

Người thích sống lâu thường là người giàu có, có địa vị, họ thích sống lâu để hưởng thụ của cải vật chất sang trọng mà họ đang có, cho nên người ta nói con nhà giàu đứt tay hơn con nhà giàu đổ ruột, nghĩa là con nhà giàu nó…sợ chết, nên khi con cái (hoặc bản thân) mới sướt da một chút mà rên la hơn cả người bị đổ ruột…

Người Ki-tô hữu biết rằng, sống lâu hay sống mau cũng đều do Thiên Chúa ban cho, cái sống lâu của người Ki-tô hữu là được sống đời đời với Thiên Chúa, chứ không phải sống lâu ở đời này, sống đời đời với Thiên Chúa không nhất thiết phải trường thọ ở đời này, không nhất thiết phải có tiền ức bạc triệu, không nhất thiết phải có địa vị trong xã hội, mà là ai cũng có thể sống đời đời với Thiên Chúa, với một điều kiện đơn giản: có đức tin, đức cậy và đức mến và đem ba nhân đức ấy thực hành trong cuộc sống của mình.

Lão phú ông không thích sống lâu, vì sống lâu cũng chỉ lâu vài ngàn năm là cùng rồi cũng phải chết, nhưng ông ta muốn chỉ cần không chết là được rồi, nhưng ở đời ai lại không phải chết, có sinh là phải có tử, đứa con nít cũng hiểu điều đó huống chi là phú ông, đúng là tâm nguyện…tầm phào, ha ha ha…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Loan báo Tin mừng với Chúa Giê-su
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
20:32 08/07/2021


Như người cha trong gia đình không muốn tự mình làm hết mọi việc, để con cái ngồi chơi xơi nước, nhưng muốn đoàn con cùng tham gia làm việc với mình để chúng trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta là con cái Ngài tham gia làm việc với Ngài như thế.

Chính vì thế, khi muốn có đông người sinh sống trên mặt đất, Thiên Chúa không tự mình nắn lên từng người một, nhưng Ngài đã dựng nên nguyên tổ loài người là A-đam và E-va rồi trao cho hai ông bà và con cháu qua các thế hệ, cộng tác với Ngài sinh thêm những người con khác, nhờ đó, nhân loại được sinh sôi phát triển khắp địa cầu.

Trong công cuộc cứu chuộc loài người cũng thế, Chúa Giê-su không tự mình đảm đương mọi việc, nhưng Ngài đã trao cho các Tông đồ, các môn đệ cùng hợp tác chặt chẽ với Ngài trong sứ mạng hệ trọng nầy.

Bài Tin mừng hôm nay cho thấy việc ra đi rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ, kêu gọi người ta ăn năn sám hối … vốn là việc của Chúa Giê-su, thế mà Ngài lại trao cho 12 môn đệ lên đường làm công việc đó.

Sau nầy, Ngài còn sai Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ lên đường tiếp nối sứ mạng cao cả nầy.

Và trước khi về trời, Chúa Giê-su trao cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta sứ mạng rao giảng Tin mừng khắp nơi.

Từ ngày lãnh Bí tích Thánh tẩy (Rửa tội), chúng ta được trở nên chi thể, trở nên bàn tay của Chúa Giê-su như Hội thánh dạy: “Bí tích Thánh tẩy làm cho ta trở thành chi thể Chúa Giê-su.”

Vì được trở nên chi thể Chúa Giê-su, chúng ta được thông dự vào vai trò ngôn sứ, tức là vai trò rao giảng của Chúa Giê-su cũng như vai trò tư tế và phục vụ của Ngài.

Là ngôn sứ của Chúa Giê-su, nghĩa là người rao giảng lời Chúa, chúng ta phải tích cực tham gia vào sứ mạng này mà không được thoái thác với bất cứ lý do gì.

Giúp cho bao người chung quanh hiểu biết và yêu mến Chúa là nhiệm vụ chính yếu của chúng ta. Chúng ta không thể trông chờ Chúa Giê-su xuống thế làm người lần thứ hai để loan Tin mừng cho họ, điều đó không cần thiết vì đã có chúng ta là môi miệng của Chúa rồi, chúng ta phải mở miệng ra mà loan báo.

Sáng hôm kia thức dậy, ông Năm kinh hoàng tột độ khi phát hiện ra rằng mình bị cấm khẩu, không nói được lời nào. Dù cố gắng nói đôi lời với vợ con, nhưng ông cứ ú a, ú ớ… mãi mà không thốt nên lời. Ông vô cùng bực bội, rất đỗi buồn phiền và đau khổ vô cùng vì không ngờ mình trở nên câm đặc.

Hôm nay, Chúa Giê-su cũng truyền lệnh cho chúng ta là miệng lưỡi của Ngài hãy mở ra để loan Tin mừng, để giới thiệu cho bao người nhận biết và yêu mến Chúa… nhưng chúng ta vẫn im hơi lặng tiếng. Ngài thúc giục hoài, Ngài khuyến dụ đủ cách… nhưng chúng ta là môi miệng của ngài vẫn câm nín, vẫn lặng im. Vì thế, Ngài bực bội biết dường nào, buồn phiền, đau khổ biết bao !

Lạy Chúa Giê-su,

Bí tích Thánh tẩy đã biến chúng con thành chi thể của Chúa, làm cho chúng con trở thành miệng lưỡi của Chúa và điều Chúa mong muốn nhất là chúng con phải mở lời giới thiệu Chúa cho mọi người không trừ ai.

Xin cho chúng con đừng thoái thác trách nhiệm của mình để khỏi làm cho Chúa đau lòng vì không nói được điều Chúa muốn nói với những người chung quanh chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Tokyo cầu nguyện cho các nạn nhân vụ đất lở kinh hoàng ở Nhật
Đặng Tự Do
05:04 08/07/2021


Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi của tổng giáo phận Tokyo, cũng là chủ tịch Caritas Nhật Bản, cho biết ngài đau buồn trước biến cố vừa diễn ra tối thứ Hai 6 tháng 7 trong một vụ đất lở thật kinh hoàng. Đến nay, có 80 người được ghi nhận là đã mất tích.

Đức Tổng Giám Mục đã cầu nguyện xin Chúa ban ơn chữa lành cho những người vừa bị mất người thân, bảo vệ an toàn cho các nhân viên cấp cứu và cầu mong cho những người bị nạn sớm nhận được sự giúp đỡ cần thiết.

Cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và quân đội đã được điều động để cứu các nạn nhân trong vụ đất lở kinh hoàng tại Atami, Nhật Bản.

Hoạt động cấp cứu này phụ thuộc nhiều vào khả năng làm việc bằng tay của những người cấp cứu. Việc sử dụng máy móc hạng nặng được coi là quá nguy hiểm đối với bất kỳ nạn nhân nào có thể còn sống dưới bùn.

Atami, có dân số khoảng 36,000 dân, cách thủ đô Tokyo 90 km về phía Tây Nam và rất nổi tiếng với các suối nước nóng. Các trận lở đất là một lời nhắc nhở về những thảm họa thiên nhiên - bao gồm động đất, núi lửa phun trào và sóng thần - ảnh hưởng đến Nhật Bản, nơi thủ đô Tokyo đăng cai Thế vận hội mùa hè bắt đầu từ ngày 23/7.
Source:Reuters
 
Số người chết trong vụ sập tòa nhà ở Florida tăng lên 36 người, với 117 người mất tích
Đặng Tự Do
05:04 08/07/2021


Cha Sở nhà thờ Thánh Giuse là Cha Juan Sosa cho biết đến chiều ngày thứ Tư, số người chết vì một chung cư bị sập ở khu vực Miami đã tăng lên 36 người. 10 gia đình trong giáo xứ của ngài vẫn được ghi nhận là mất tích.

Cha bày tỏ hy vọng họ vẫn còn sống và các nhân viên cấp cứu có thể tìm ra họ sau khi việc phá hủy có kiểm soát phần còn lại của tòa nhà vào đêm Chúa Nhật cho phép lực lượng cấp cứu mở rộng khả năng tìm kiếm.

Việc phát hiện ra nạn nhân thứ 28 đã được công bố trong một cuộc họp báo vào chiều thứ Hai. Trước đó trong ngày, các quan chức cho biết đã kéo được ba thi thể khác từ đống đổ nát.

117 người khác vẫn mất tích 11 ngày sau khi tòa nhà dân cư 12 tầng bị sập ở Surfside, Florida, khiến nỗ lực tìm kiếm và cấp cứu tiếp tục gần như suốt ngày đêm, chỉ tạm dừng vì thời tiết xấu, hay sự dịch chuyển nguy hiểm của đống đổ nát và phá dỡ.

Khoảng một nửa của tòa nhà chung cư đã đổ sập vào sáng sớm ngày 24 tháng 6, và các nhân viên cấp cứu phải giữ một khoảng cách nhất định vì sự an toàn của chính họ.

Bão nhiệt đới Elsa ở Caribe cũng đã đe dọa thổi bay những gì còn lại, vì vậy các quan chức đã ra lệnh cho đội phá dỡ tòa nhà phải hạ gục tòa nhà.

“Đội tìm kiếm và cấp cứu đã có thể tìm kiếm tất cả các phần trong vụ sập, sau khi phá dỡ tòa nhà”, Thị trưởng Miami-Dade, Daniella Levine Cava nói với các phóng viên.
Source:Reuters
 
Cáo gian một linh mục dòng Tên là khủng bố rồi cầm tù ngài cho đến độ bỏ mạng
Đặng Tự Do
05:05 08/07/2021


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho chạy hàng tít lớn: “Cha Stan Swamy bị giết bởi chín tháng tù”.

Cha Stan Swamy đã qua đời hôm 5 tháng 7, sau khi ngài bị bắt giữ cách đây 9 tháng vì tội khủng bố, một tội danh vô lý mà các thành phần Ấn Giáo cực đoan gán cho ngài vì ghen tức trước các thành quả trong công việc bác ái ngài dành cho những sắc dân thiểu số. Ngài hưởng thọ 84 tuổi.

Vào cuối tháng 5, một tòa án đã cho phép linh mục Dòng Tên được chuyển từ nhà tù Taloja đến bệnh viện Thánh Gia ở Mumbai khi ngài đã ở trong tình trạng sức khỏe quá kém.

Khi tình trạng của anh ấy trở nên tồi tệ hơn vào ngày 4 tháng 7, ngài đã được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, đơn xin trả tự do của ngài vẫn được đưa ra trước tòa án. Cái chết đã đến trước.

Cha Stanislaus D'Souza, giám tỉnh Dòng Tên ở Ấn Độ, đã ra thông báo sau về cái chết của giáo sĩ.

“Với cảm giác đau đớn, thống khổ và hy vọng, chúng tôi đã tiễn Cha Stan Swamy, 84 tuổi, đến nơi ở vĩnh hằng vào ngày 5 tháng 7 năm 2021.”

Bây giờ cha ấy đang ở với “tác giả của sự sống, Đấng đã giao phó cho cha ấy một sứ mệnh làm việc giữa những người thiểu số, người cùng đinh và các cộng đồng bị thiệt thòi khác để người nghèo có cuộc sống với đầy đủ, với phẩm giá và danh dự”.

“Dòng Tên, vào lúc này, tái cam kết tiếp tục di sản của Cha Stan trong sứ mệnh đòi hỏi công lý và hòa giải. Các chi tiết về tang lễ sẽ sớm được thông báo”.

Mặc dù đã lớn tuổi và mắc bệnh Parkinson nặng, cha Swamy đã bị Cơ quan Điều tra Quốc gia của Ấn Độ bắt giữ vào ngày 8 tháng 10 năm 2020 tại Jharkhand, nơi ngài đã dành cả cuộc đời mình để bảo vệ quyền của các cộng đồng bộ lạc địa phương trước một số tay tài phiệt trong vùng.

Vào năm 2018, các cuộc đụng độ đã diễn ra trong lễ kỷ niệm trận chiến Bhima Koregaon. Vị linh mục Dòng Tên, cùng với 15 nhà hoạt động khác, bị cáo buộc có liên hệ với quân du kích thân Mao.

Cha Swamy kiên quyết phủ nhận các cáo buộc, cho rằng một số tài liệu đã được cài vào máy tính của ngài để đưa ra các cáo buộc sai trái chống lại ngài. Nhiều lần tòa án ở Mumbai đã từ chối đơn xin tại ngoại của vị linh mục.

Chỉ sau khi nhiễm COVID-19 trong tù, ngài mới được chuyển đến bệnh viện Thánh Gia.

Ngày 22 tháng 5, chính quyền Ấn làm khó dễ không muốn ngài được điều trị ở bệnh viện Thánh Gia là bệnh viện Công Giáo. Họ buộc ngài phải chuyển đến một bệnh viện công. Ngài từ chối, tố cáo nhà cầm quyền Ấn Độ đã đầu độc ngài, và yêu cầu được chết giữa những người Công Giáo.

“Trong tám tháng qua tất cả các chức năng của cơ thể của tôi đã bị suy thoái chậm chạp nhưng đều đặn. Nhà tù Taloja đã đưa tôi đến tình trạng tôi không thể viết hoặc tự mình bước đi”.

“Tôi yêu cầu các ông xem xét lý do tại sao và làm thế nào tình trạng sức khỏe của tôi lại bị suy giảm như thế. Dù thế nào, tôi muốn có thể ở bên người của tôi”.
Source:Asia News
 
Đức Thánh Cha bị hẹp đại tràng nhưng không bị ung thư. Giáo Hội không hề có Phó Giáo Hoàng.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:09 08/07/2021


Như chúng tôi đã loan tin, trước các đồn thổi liên quan đến tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc 12 giờ trưa giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam, ngày thứ Tư mùng 7 tháng 7, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra thông báo rất cẩn thận bằng 3 thứ tiếng Ý, Anh và Tây Ban Nha về tình hình sức khoẻ của Đức Thánh Cha.

Cindy Wooden của Catholic News Service, một ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican, có bài phản bác các phương tiện truyền thông cho rằng Đức Hồng Y Nhiếp Chính hiện nay là Đức Hồng Y Kevin Farrell đang nắm quyền ở Vatican như một “Phó Giáo Hoàng”. Giáo Hội Công Giáo không hề có khái niệm “Phó Giáo Hoàng”.

Chúng tôi sẽ trình bày toàn văn bài viết của Cindy Wooden. Tuy nhiên, trước hết, chúng tôi xin đề cập đến một bài phân tích của ký giả Nicole Winfield, trong đó phản bác ý tưởng cho rằng Đức Thánh Cha bị ung thư ruột. Ký giả chuyên về Vatican này hiện đang cộng tác với thông tấn xã AP đã có bài viết nhan đề “Pope, recovering well, had ‘severe’ narrowing of his colon”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng đang phục hồi rất khả quan, trước đó, ngài bị hẹp đại tràng ‘nghiêm trọng’”.

Hôm thứ Tư, Vatican cho biết sự hồi phục của Đức Thánh Cha Phanxicô sau cuộc phẫu thuật đường ruột tiếp tục “đều đặn và khả quan”, và tiết lộ rằng các cuộc kiểm tra cuối cùng cho thấy ngài đã bị hẹp đại tràng “nghiêm trọng”.

Bản tin cập nhật hàng ngày của Vatican cho thấy không có bằng chứng về bệnh ung thư được phát hiện trong cuộc kiểm tra mô được lấy ra từ ruột kết của Đức Phanxicô hôm Chúa Nhật. Các bác sĩ cho biết, đó là một dấu hiệu đáng mừng và là bằng chứng cho thấy nghi ngờ hẹp đại tràng là do viêm nhiễm và các vết sẹo trên thành đại tràng đã được khẳng định.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết vị Giáo Hoàng 84 tuổi vẫn tiếp tục ăn uống đều đặn sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ một nửa ruột kết hôm Chúa Nhật, và liệu pháp truyền dịch qua tĩnh mạch đã không còn cần đến nữa.

Tiến sĩ Walter E. Longo, giáo sư phẫu thuật ruột kết và trực tràng tại Trường Y Đại học Yale và tại Yale-New Haven Health, không tham gia vào việc chăm sóc Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng trên cơ sở kiến thức và kinh nghiệm của ông đã nhận định rằng:

“Thực tế là ngài đang ăn được có nghĩa là đường ruột của ngài đang hoạt động bình thường. Liệu pháp truyền dịch đã bị ngừng có nghĩa là lượng chất lỏng mà ngài cần để duy trì các chức năng hàng ngày của mình hiện đang được đáp ứng qua đường miệng của ngài.”

Ông Bruni cho biết việc kiểm tra mô học lần cuối cùng đã xác nhận một chứng hẹp đại tràng nghiêm trọng với các dấu hiệu của các vết sẹo trên thành đại tràng.

Tiến sĩ Manish Chand, phó giáo sư phẫu thuật tại Đại học College London, chuyên về phẫu thuật đại và trực tràng, cho biết các vết sẹo trên thành đại tràng có thể xảy ra do tình trạng viêm và nhiễm trùng lặp đi lặp lại, dẫn đến sẹo khiến ruột kết vừa hẹp lại, vừa kém đàn hồi.

Ông nói rằng trong những trường hợp như vậy luôn có một mối lo ngại rằng có thể có một khối ung thư nhỏ chưa từng được nhìn thấy trong các xét nghiệm trước đó. Trong những trường hợp như vậy, các nhà nghiên cứu bệnh học sẽ đặt một mẫu mô lấy ra từ ruột kết dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư nào không.

“Tôi thấy thật yên tâm khi biết rằng không có khối u nằm bên dưới và việc chẩn đoán bệnh hẹp đại tràng đã được xác nhận.”

Tiến sĩ Chand cũng không tham gia vào việc chăm sóc Đức Thánh Cha Phanxicô, đã đưa ra lập trường trên theo kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua ba giờ phẫu thuật theo kế hoạch đã được dự trù trước vào hôm Chúa Nhật. Ngài dự kiến sẽ ở lại bệnh viện đa khoa Gemelli của Rôma, nơi có một dãy phòng đặc biệt dành riêng cho Đức Giáo Hoàng. Ngài sẽ ở đó trong suốt tuần này, nếu không có biến chứng nào xảy ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô có sức khỏe tương đối tốt, mặc dù khi còn trẻ ngài đã mất phần trên của một lá phổi vì nhiễm trùng. Ngài cũng bị đau thần kinh tọa khiến ngài bước đi khập khiễng.

Theo truyền thống, tháng Bảy là tháng mà Đức Giáo Hoàng hủy bỏ các buổi tiếp kiến chung và cả các buổi tiếp kiến riêng. Chẳng hạn, không có buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày thứ Tư. Việc đình chỉ các buổi giáo lý hàng tuần của Đức Thánh Cha đã được thông báo trước đó. Vatican vẫn tiếp tục hoạt động bình thường khi vắng mặt Đức Giáo Hoàng.

Tiếp theo là bài viết của Cindy Wooden của thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nhan đề của bài viết “Vatican has no automatic transfer of powers with pope in hospital”, nghĩa là “Vatican không có cơ chế chuyển giao quyền bính tự động khi Đức Giáo Hoàng nằm bệnh viện”.

Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ có một hệ thống phẩm trật rất mạch lạc và hoàn bị, nhưng không có chức vụ nào gọi là “Phó Giáo Hoàng”, là người thay thế khi đương kim Giáo hoàng đi tông du nước ngoài, bị ốm hoặc bị hôn mê.

Dù nhập viện từ ngày Chúa Nhật 4 tháng 7, khi trải qua ca phẫu thuật đại tràng kéo dài 3 giờ đồng hồ, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là vị Giáo hoàng tối cao và toàn quyền.

Một số hãng thông tấn, như thông tấn xã ANSA của Ý, đã đưa tin rằng trong khi Đức Giáo Hoàng ở bệnh viện Gemelli ở Rôma, “Hồng Y Camerlengo”, hay Hồng Y Nhiếp Chính, “có nhiệm vụ quản lý các công việc tạm thời của Tòa thánh”.

Hồng Y Nhiếp Chính hiện tại là Đức Hồng Y người Mỹ Kevin J. Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống.

Tuy nhiên, theo tông hiến “Universi Dominici Gregis”, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát Của Chúa” do Thánh Gioan Phaolô II ban hành năm 2007 và được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 cập nhật vào năm 2013, nhiệm vụ của Hồng Y Nhiếp Chính chỉ bắt đầu với cái chết được báo cáo của một vị Giáo Hoàng.

Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về các Văn bản Luật, nói với Catholic News Service hôm 7 tháng 7 rằng:

“Chúng ta không ở trong tình huống đó. Đức Giáo Hoàng hoàn toàn minh mẫn; ngài có thể gọi cho bất cứ ai. Nếu có bất cứ điều gì khẩn cấp, người ta có thể đến gặp ngài”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Cả tông hiến Universi Dominici Gregis và Bộ Giáo luật đều không đưa ra quy định về việc tự động chuyển giao bất kỳ quyền bính nào của Đức Giáo Hoàng khi ngài rời khỏi Vatican hoặc không đủ năng lực”.

Khi Đức Giáo Hoàng nằm trong bệnh viện, các quan chức của Vatican và Giáo phận Rôma, là giáo phận mà Đức Giáo Hoàng là Giám Mục, tiếp tục các trách nhiệm mà ngài đã giao phó cho họ từ trước, khi bổ nhiệm họ vào các chức vụ.

Đức Cha Arrieta cho biết, bất cứ lúc nào, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có thể ủy thác một quyền hạn đặc biệt nào đó cho một ai đó trong Giáo triều Rôma. Nhưng cho đến khi và trừ khi ngài làm như vậy, “các công việc tạm thời” ngày qua ngày của Vatican được giải quyết bởi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.


[1] Source:Crux

[2] Source:Crux
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sắp thăm viếng Bắc Hàn?
Trần Mạnh Trác
10:37 08/07/2021
Theo tin UCANews thì đang có nhiều nỗ lực và lạc quan về một chuyến viếng thăm Bắc Hàn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chuyến viếng thăm này được coi là tiền đề cho một nền hòa bình và hòa giải cuả toàn thể bán đảo Triều Tiên.

Ông Park Jie-won, một chính trị gia cấp cao và đang là giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia ở Nam Hàn, gần đây cho biết rằng đang có những nỗ lực cấp quốc gia tiến hành cho một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Hàn.

Theo hãng thông tấn Fides của Vatican, thì chuyến đi mà ông đề cập có thể diễn ra trong dịp đặc biệt thánh hiến ngôi nhà thờ Sanjeong-dong tại Mokpo thuộc Tổng giáo phận Gwangju (Nam Hàn).

Ông Park được biết đã tham gia vào những công việc chuẩn bị sơ bộ cho chuyến đi của Đức Giáo Hoàng và trong thời gian tới đây, ông sẽ gặp Đức Tổng Giám Mục Hyginus Kim Hee-jong của Gwangju và Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn, để bàn về việc Đức Giáo Hoàng đến thăm Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn.

Được biết ông Park là một cựu nghị sĩ từ Mokpo. Ông từng là thư ký của Tổng thống Kim Dae-jung (1998-2003) và từng là Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông được cho là người đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000.

Những diễn biến và bài viết mới nhất hé mở cho thấy nhiều lạc quan từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị ở Nam Hàn về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới miền bắc của Bán đảo Triều Tiên.

Vào tháng 3, các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Nam Hàn đã phát động một chiến dịch cầu nguyện đặc biệt cho chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Hàn và cho hòa bình trong khu vực.

Trong cuộc họp của Ủy ban Hòa giải Nhân dân Triều Tiên của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc vào ngày 11 tháng 3, các giám mục bày tỏ hy vọng rằng một ngày nào đó Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm tới Bắc Hàn.

"Có những rào cản khác nhau đối với hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng chúng tôi hy vọng mạnh mẽ rằng một ngày nào đó Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm Bắc hàn. Chúng tôi đã sản xuất nhiều cuốn sách khác nhau về hòa bình, hòa giải và thống nhất để củng cố và đánh thức hòa bình trong tâm trí mọi người, "Giám mục Peter Ki-heon Lee của Uijeongbu, chủ tịch ủy ban, cho biết.

Cựu đại sứ Hàn Quốc tại Vatican, ông Lee Min-Baek, cũng tham dự cuộc họp, lưu ý rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng và sự can dự ngoại giao là rất quan trọng cho hòa bình ở Đông Bắc Á.

Ông Lee nói: “Nếu chính sách đối ngoại của Tòa thánh được kết hợp với việc kích hoạt lại tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thiết lập hòa bình ở Đông Bắc Á bao Bán đảo Triều Tiên.

Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia KBS Radio, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, một người Công Giáo, cho biết ông tìm kiếm một chuyến thăm của Giáo hoàng tới Triều Tiên "để cứu vãn di sản hòa bình liên Triều."

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fides sau khi được bổ nhiệm làm tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ của Vatican, Tổng Giám mục Hàn Quốc Lazarus You Heung-sik cũng bày tỏ một quan điểm tương tự.

Nhắc lại buổi tiếp kiến ​​giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in vào năm 2018, ông tổng thống đã chuyển lời mời cuả nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tới ĐGH cho một chuyến tông du tới quốc gia này.

“Khi nghe tin Đức Thánh Cha sẵn sàng ngay, và tôi thực sự xúc động" đức TGM You nói, "Kể từ đó tôi đã không ngừng cầu nguyện cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Hàn. Gần 10 triệu người Hàn Quốc đang sống trong cảnh chia ly do sự chia cắt giữa hai miền nam - bắc. Cuộc đối đầu tồn tại trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những đau khổ lớn nhất của nhân loại ngày nay ”, theo lời Đức Tổng Giám Mục You nói với Fides.

“Về mặt cụ thể, sự hòa giải của Đức Thánh Cha có thể là một cơ hội thuận lợi để chấm dứt xung đột, kết quả của sự không tin tưởng lẫn nhau giữa hai phần của bán đảo và kéo dài quá nhiều thập kỷ. Tôi cầu nguyện và cố gắng làm những gì có thể, với hy vọng ít nhất một tia hy vọng nhỏ nhoi sẽ mở ra cho sự hiểu biết lẫn nhau, vượt qua tình hình căng thẳng và chống đối như hiện nay,” Đức Tổng Giám Mục You nói.

Theo tin Reuter thì các viên chức Vatican vào thời điểm đó đã hy vọng sẽ có một văn thư chính thức đến từ Bắc Hàn và sẽ được nghiên cứu ngay lập tức, nhưng không rõ từ đó cho đến nay đã có mảnh văn thư ấy đến hay không.

Bắc Hàn có dân số khoảng 24 triệu người dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản và chính thức vô thần kể từ khi thành lập.

Hiến pháp của Bắc Hàn thừa nhận các quyền tín ngưỡng nhưng trên thực tế, các quyền tự do cơ bản bao gồm tự do tôn giáo không tồn tại ở đây.

Hầu hết những người Thiên Chuá giáo đã chạy trốn khỏi Bắc Hàn sau những loạt đàn áp và giết chóc tàn bạo vì người cộng sản vu khống họ là gián điệp và công cụ của phương Tây

Mặc dù không có dữ liệu chính thức, nhưng các nghiên cứu khác nhau cho thấy hầu hết người Bắc Hàn không theo tôn giáo nào, chỉ có vài cộng đồng nhỏ những người theo đạo Phật và Thiên Chuá giáo vẫn còn tồn tại trong một bối cảnh kiểm soát và đàn áp nghiêm ngặt.

Hiệp hội Công Giáo Hàn Quốc, một cơ quan do nhà nước Bắc Hàn kiểm soát, tuyên bố rằng Triều Tiên có khoảng 3.000 người theo Công Giáo, nhưng các ước tính độc lập cho thấy con số này có lẽ không quá 800 người.

Bắc Hàn không có bất kỳ quan hệ ngoại giao nào với Vatican và cũng chưa có vị giáo hoàng nào đến thăm đất nước này.

Kim Jong-il, cựu chủ tịch và cha của Kim Jong-un, đã từng mời Thánh Giáo hoàng John Paul II đến thăm sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000.

Trước những khó khăn ngoại giao lúc đó, vị Cố Giáo Hoàng đã nói rằng sẽ là "một phép màu" nếu Ngài có thể đến đó, và thực sự nó đã không xảy ra.

Lúc đó Tòa thánh Vatican phúc đáp cho ông Kim Jong-il một đề nghị rằng một chuyến thăm của Giáo Hoàng tới Bắc Hàn sẽ có thể thực hiện được nếu các linh mục Công Giáo được chấp nhận và Giáo hội được phép hoạt động độc lập.
 
Đức Hồng Y Parolin nói ngài sẽ làm chứng nếu được triệu tập đến phiên tòa xét xử ở Vatican
Đặng Tự Do
15:59 08/07/2021


Tuyên bố hôm 4/7 vừa qua, khi tới thành phố Strasbourg bên Pháp, trong tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh Cha để chủ sự các lễ nghi kỷ niệm 1,300 năm thánh nữ Odile qua đời, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói với giới báo chí rằng: “Điều tốt là có một quyết định xét xử vì nhà chức trách tư pháp Vatican đã dành hơn 1 năm rưỡi để quyết định. Tôi rất buồn cho những người liên hệ. Tôi không bày tỏ ý kiến về những gì còn lại vì tôi chưa đọc các văn kiện được công bố hôm 3/7 về vụ này. Chúng ta phải đợi vụ xét xử và tôi hy vọng nó sẽ mang lại sự thật. Chúng tôi hy vọng vụ xử sẽ ngắn, vì nhiều người đã chịu đau khổ”.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói thêm rằng: “Nếu họ yêu cầu tôi làm chứng trong vụ xử án, tôi sẽ làm. Tôi tin rằng về phương diện hành chánh, vấn đề ở trung tâm vụ xử đã được giải quyết rồi, sau nhiều quyết định do Đức Thánh Cha đưa ra để kiểm soát tài chánh của Tòa Thánh”.

Hôm thứ Bảy 3 tháng 7, Vatican đã thông báo rằng Hồng Y Angelo Becciu sẽ bị xét xử với tội danh tham ô và lạm dụng chức vụ.

Tòa án Vatican cũng thông báo sẽ tổ chức một phiên tòa hình sự chống lại 9 người và 4 tập đoàn liên quan đến việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua bất động sản đầu tư ở London.

Phiên xử đầu tiên của phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 27/7.
Source:La Croix
 
Dân nghèo Phi Luật Tân đang đứng dưới đất lại bị máy bay đâm thiệt mạng
Đặng Tự Do
15:59 08/07/2021


Lực lượng an ninh Phi Luật Tân hôm 5/7 đang tìm kiếm các hộp dữ liệu chuyến bay của một chiếc máy bay bị rơi làm 50 người thiệt mạng. Đó là một trong những thảm họa hàng không quân sự tồi tệ nhất của đất nước này.

Hôm 4 tháng 7, máy bay vận tải Hercules C-130 của Không quân Phi Luật Tân chở 96 người, hầu hết là sinh viên vừa tốt nghiệp lục quân. Máy bay đã lao quá đường băng trong khi cố gắng hạ cánh trong thời tiết nắng ráo trên đảo Jolo ở tỉnh Sulu - nơi trú ẩn của các chiến binh Hồi giáo

Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân Edgard Arevalo cho biết 50 người, bao gồm 47 quân nhân và 3 dân thường, đã chết khi máy bay trượt ra khỏi đường băng và bốc cháy trong một ngôi làng.

53 người khác bị thương, hầu hết là quân nhân. Không rõ các phi công có nằm trong số những người sống sót hay không.

Trong một diễn biến thật hi hữu, trưởng làng Tanda Hailid nói với AFP rằng có ba người đang làm việc trên mặt đất trong một mỏ đá đã bị máy bay đâm chết.

Các bức ảnh chụp hiện trường do Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp-Sulu công bố cho thấy phần đuôi bị hư hại và phần sau thân máy bay bị tàn phá và bốc khói trong một lùm dừa.
Source:UCANews
 
Các Imam Hồi Giáo, giáo sĩ Do Thái và giáo chủ Chính thống giáo cầu chúc Đức Thánh Cha Phanxicô mau chóng bình phục
Đặng Tự Do
16:00 08/07/2021


Các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị trên khắp thế giới đã bày tỏ những lời chúc tốt đẹp và những lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đang trong tiến trình hồi phục trong bệnh viện sau ca phẫu thuật ruột.

“Tôi cầu chúc cho người anh em thân yêu của tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hồi phục nhanh chóng để tiếp tục cống hiến cho nhân loại”, Ahmad al-Tayyeb, Đại Imam của al-Azhar ở Cairo, Ai Cập, viết trên Twitter hôm 5/7.

Đức Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople cũng bày tỏ “những lời cầu chúc huynh đệ cho việc phục hồi nhanh chóng” trong một thông điệp gửi cho vị Giáo Hoàng 84 tuổi, theo Vatican News.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, nhà lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống Đông phương trên thế giới, bảo đảm với Đức Giáo Hoàng về những lời cầu nguyện và hy vọng của ngài rằng hai vị sẽ tiếp tục “cùng nhau thực hiện sứ mệnh hiệp nhất không thể thiếu mà Chúa Kitô kêu gọi chúng ta”.

Vị thượng phụ Chính thống giáo đã chia sẻ một trích dẫn từ Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinhtô, “Sự yếu đuối của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh của con người”, và nói thêm rằng mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện “trong những đau khổ của chúng ta để Tin Mừng có thể sống động nơi chúng ta. “

Riccardo Di Segni, giáo sĩ trưởng Do Thái Giáo ở Rome, cũng cầu chúc Đức Giáo Hoàng “phục hồi nhanh chóng” trong một bài đăng trên Twitter.

Văn phòng của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu tất cả người dân Nigeria cầu nguyện cho sự bình phục của Đức Giáo Hoàng.
Source:Catholic News Agency
 
Thông báo chiều 8/7 của Phòng Báo Chí Tòa Thánh: Đức Thánh Cha bị sốt cao
Đặng Tự Do
17:07 08/07/2021


Lúc 12g trưa ngày thứ Năm 8 tháng 7 theo giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra thông báo sau đây về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Toàn văn như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua một ngày yên tĩnh, ăn uống và di chuyển mà không cần có người trợ giúp.

Buổi chiều, ngài muốn bày tỏ sự gần gũi hiền phụ với các bệnh nhân nhỏ tuổi ở khoa ung bướu nhi đồng và khoa phẫu thuật thần kinh trẻ em gần đó, ngài gửi đến họ lời chào thân ái.

Buổi tối, ngài bị sốt cao trong một khoảng thời gian.

Sáng nay, Đức Thánh Cha đã trải qua các cuộc kiểm tra vi sinh và định kỳ, và nội soi vùng ngực và bụng, kết quả cho thấy âm tính.

Đức Thánh Cha đang tiếp tục điều trị theo kế hoạch và ăn uống bằng miệng.

Vào thời điểm đặc biệt này, ngài hướng về tất cả những người đau khổ, bày tỏ sự gần gũi của mình với những bệnh nhân, đặc biệt là những người cần được chăm sóc nhất.
Source:Holy See Press Office
 
Điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha về vụ ám sát tổng thống Haiti
Đặng Tự Do
17:08 08/07/2021


Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bên cạnh đó, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng ra một thông báo về vụ ám sát tổng thống Haiti.

Đức Thánh Cha đã được thông báo về vụ ám sát giết chết tổng thống Haiti. Tối ngày thứ Tư 7 tháng 7, một nhóm người vũ trang đã đột nhập tư dinh tổng thống, bắn chết ông và làm bị thương tổng thống phu nhân.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn với nội dung sau đây.

Khi nghe tin về vụ ám sát khủng khiếp ngài Jovenel Moïse, Tổng thống Haiti, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chia buồn đến người dân Haiti và tổng thống phu nhân, là người cũng bị thương nặng. Đức Thánh Cha phó dâng mạng sống của bà cho Thiên Chúa. Cầu xin Cha Nhân từ cho linh hồn người quá cố được hưởng ánh sáng ngàn thu, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi buồn và lên án mọi hình thức bạo lực được dùng một phương tiện giải quyết các cuộc khủng hoảng và xung đột. Ngài cầu chúc cho người dân Haiti thân yêu một tương lai huynh đệ hòa thuận, đoàn kết và thịnh vượng. Như bảo chứng cho lòng ưu ái của ngài, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban ơn dư dật trên đất nước Haiti và tất cả cư dân của nó.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Source:Holy See Press Office
 
Một người đàn ông khỏa thân leo lên nóc nhà thờ Đức Bà, toan tính đốt nhà thờ
Đặng Tự Do
17:08 08/07/2021


Chiều tối thứ Tư 7 tháng 7, một người đàn ông đã leo lên đỉnh tháp cao vút của nhà thờ Đức Bà ở quận Boyle Heights, Los Angeles. Khi lên đến đỉnh tháp, hắn ta thoát y ra, và đốt lửa ở chân cây thánh giá.

Hàng trăm cảnh sát đã được điều động bao vây chung quanh ngôi nhà thờ. Trực thăng vần vũ trên bầu trời chiếu đèn pha xuống, trong khi cảnh sát không ngừng gọi loa kêu hắn leo xuống.

Dường như cố gắng trốn tránh cảnh sát đang bao vây xung quanh, hắn ta nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác của các tòa nhà gần đó trước khi bị bắt.

Đến nay không rõ điều gì đã thúc đẩy người đàn ông leo lên giàn giáo của nhà thờ.

Một nhân chứng nói với KCBS-TV rằng người đàn ông đã ném quần áo của mình xuống.

Đèn pha từ máy bay trực thăng cho thấy người đàn ông đã leo lên đỉnh tháp chuông, cao hơn 40m, và dường như đã cố gắng đẩy cây thánh giá xuống đất, trước khi châm lửa đốt. Nhưng đám cháy không cháy lan ra.

Người đàn ông sau đó đã trèo lên mái chính của nhà thờ, nhảy lên một mái nhà gần đó, rồi tiếp tục nhảy sang các tòa nhà khác.

Cảnh sát đã bao vây khu vực và theo dõi người đàn ông trong hơn một giờ. Anh ta đi vào một tòa nhà và cuối cùng bị bắt giữ bên ngoài một tòa nhà dân cư vào khoảng sau 10 giờ tối.
Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ khấn dòng của các Nữ tu dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương tại Quy Nhơn
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương
08:31 08/07/2021
Sáng nay, ngày 08.07.2021, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương vui mừng đón nhận 07 chị tuyên khấn trọn đời:

“Song Vân, Mai Hợp, Bùi Nhung,

Nhi Nữ, Ly Khiết, Nguyễn Ngoan, Ánh Hồng.”

và 09 chị tuyên khấn lần đầu:

“Nguyễn Hà, Thân Nguyệt, Thúy Xinh,

Hồng Châu, Yến, Yến, Tuyết, Trâm, Thanh Huyền.”

Vâng, hai cặp lục bát trên là tên của 16 chị tuyên khấn hôm nay đã được Đức cha Matthêô khéo léo xếp vần.

Xem Hình

Thánh lễ được cử hành vào lúc 5 giờ 00 tại nhà nguyện Tiểu Chủng Viện Làng Sông, Giáo phận Qui Nhơn do Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi chủ tế. Hiệp dâng thánh lễ hôm nay còn có Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám mục Giáo Phận Qui Nhơn, cha Tổng Đại diện, quý cha Hạt trưởng cùng quý Cha trong giáo phận, vài vị đại diện thân nhân của quý chị tuyên khấn.

Đây là thánh lễ khấn lần thứ tám của Hội dòng. Đây cũng là lần đầu tiên lễ khấn dòng được tổ chức tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông, nơi mà từ 09 năm qua đã được dùng làm nhà nguyện của Hội dòng.

Từ nhà sinh hoạt Chủng viện, đoàn rước tiến vào nhà nguyện trong lời ca nhập lễ: “Tôi vui mừng sung sướng hân hoan…” nghe như chưa có Covid bao giờ! Dẫu không có “muôn dân muôn nơi họp về đây tiếng hát lưng trời” nhưng có quý Đức cha, quý Cha, quý Thầy phó tế, quý Tu sĩ Nam nữ, quý đại diện Ân - Thân nhân của các chị tuyên khấn và tất cả chị em trong dòng đang tề tựu với tất cả sự yêu thương, đỡ nâng, khích lệ… càng làm cho bầu khí ngày lễ thêm trang nghiêm và thấm đượm nghĩa tình.

Thông thường, trong ngày tạ ơn Chúa về Hồng ân Thánh hiến của chị em sẽ có cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân quyến và bà con giáo dân cùng tham dự thánh lễ. Với cái nhìn tự nhiên, sự góp mặt đông đủ của mọi người thân quen như thế làm ta cảm thấy niềm vui sẽ tròn đầy. Thế nhưng, trong cái nhìn đức tin: phải chăng ngày vui trọng đại này diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ sẽ cho quý chị thêm mạnh mẽ thực hiện khẩu hiệu của Hội dòng: “ngồi vào chỗ cuối” (Lc 14, 10)? Và phải chăng để quý chị cảm nghiệm rằng: niềm vui âm thầm với Chúa mang một ý nghĩa đặc biệt trong hành trình dâng hiến? Sự thiếu vắng người thân trong ngày lễ hôm nay là ý Chúa nhiệm mầu mà quý chị vui đón nhận với lời kết ước của quý chị quả là một hy lễ toàn thiêu.

Những tưởng mọi dự tính, kế hoạch của Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương sẽ bị khựng lại bởi một “Cô” đang phủ lên thế giới một màu ảm đảm vì đang phải sống trong lo âu, sợ hãi, bất an. Chính những khó khăn, nguy hiểm như thế dễ kéo ta lại gần Chúa hơn, như đứa con nhỏ sẽ không ngớt gọi cha mẹ mỗi khi thấy hoang mang, nghi ngại và sợ hãi. Có lẽ giờ này tất cả chị em trong Dòng đều muốn thưa với Chúa: Lạy Chúa, “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng! (TV 89, 2). Cách riêng, lời Thánh Vịnh này hẳn là tâm tình của 16 “cô” với danh xưng:“Nữ Tỳ” được trở thành “cô dâu của Chúa Giêsu Tình Thương” qua lời tuyên khấn lần đầu và tuyên khấn trọn đời hôm nay. Tạ ơn Chúa vì giữa cái bấp bênh, bất ổn của đại dịch Covid, Chúa vẫn yêu thương, ấp ủ, gìn giữ chúng con an mạnh. Chúa lại bao bọc chúng con trong một không gian thật bình yên, ban cho bầu khí trong lành, trang nghiêm, lắng đọng… để cùng nhau sốt sắng chung lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho quý chị tuyên khấn tại ngôi nhà nguyện cổ kính của Tiểu Chủng Viện Làng Sông thân yêu này.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Matthêô mời gọi cộng đoàn đang hiện diện cũng như đang dự lễ trực tuyến hiệp ý tha thiết “cầu xin Thiên Chúa đón nhận lời tuyên khấn của các chị em và tiếp tục ban ơn, nâng đỡ để các chị luôn trung thành với ơn gọi, ngày càng trở nên xứng đáng là những Nữ tỳ của Chúa Giêsu Tình Thương”.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Matthêô chia sẻ: “Linh đạo mà các chị em tự nguyện bước theo để trở nên giống Chúa Giêsu là tinh thần khiêm hạ mà chính Người đã sống và nêu gương qua mầu nhiệm Nhập thể, khi Người từ bỏ địa vị cao cả của một Vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận thấp hèn của phàm nhân và tự trở thành tôi tớ hiến thân phục vụ mọi người. Noi gương Đức Kitô và theo lời dạy của tác giả sách Huấn Ca trong bài đọc 1 hôm nay, trước hết các chị em hãy tập sống khiêm nhường. "Khiêm" là khiêm tốn, "nhường" là nhường nhịn: ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba. Các chị em hãy luôn hạ mình trong mọi sự thì sẽ đẹp lòng Chúa và được Chúa yêu thương, vì Chúa ghét kẻ kiêu căng, nhưng yêu thương những kẻ khiêm nhường. Hãy thi hành mọi công việc cách hiền hòa, đừng tìm kiếm những gì lớn lao vượt quá sức mình, cũng đừng ôm đồm nhiều việc, dường như thể chỉ có mình làm được, còn người khác thì không. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay cũng dạy hãy coi người khác trọng hơn mình; đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những điều hèn mọn. Bài học về sự khiêm nhường đã được chính Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời của Người.”

Nhắc đến khẩu hiệu của Hội dòng, Đức cha nói: “Chúa đã dạy các môn đệ hãy ngồi vào chỗ rốt hết. Chỗ rốt hết là chỗ của các tôi tớ, của các nữ tỳ. Nhưng chính Chúa là người nhắc chúng ta lên hàng bạn hữu của Người, như Người đã nói với các môn đệ: "Thầy không còn gọi các con là tôi tớ..., nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu" (Ga 15,15).

Khiêm nhường đi liền với phục vụ, đó là hai đức tính của người tôi tớ, của người nữ tỳ, theo gương Chúa Kitô. Từ chối mọi công việc được giao, lấy cớ là mình không đủ khả năng, đó không phải là người khiêm nhường, nhưng là người chân thành nhìn nhận những yếu kém của mình, sẵn lòng thi hành những công việc được giao với sự cố gắng hết mình, tin vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận những phê bình góp ý và sửa chữa để có thể phục vụ tốt hơn.” Tuy nhiên, “khiêm nhường và phục vụ với tình yêu. Chính vì yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa đã tự hạ mình chấp nhận thân phận của một người tôi tớ để phục vụ mọi người. Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô đã quì gối rửa chân cho các môn đệ. Đó là một bài học sống động về tình yêu phục vụ trong khiêm tốn. Lời dạy và mẫu gương cảm động của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly là một cách minh họa hùng hồn cho lời nhắn nhủ hãy "ngồi vào chỗ cuối" (Lc 14,10).

Khi tuyên khấn trong Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, 7 chị em khấn trọn đời và 9 chị em khấn lần đầu cũng muốn theo gương Chúa Giêsu để trở thành những nữ tỳ khiêm hạ dấn thân phục vụ tha nhân bằng tình yêu thương. Trước là để đáp lại tình yêu vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa đã thể hiện đối với mỗi người, sau là để bắt chước Thiên Chúa thể hiện tình thương đối với những người nghèo hèn, đau khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, những người xa cách Chúa vì tội lỗi, v.v. Chính Chúa Giêsu ngày xưa đã áp dụng, nay các chị em Nữ tỳ cũng muốn tiếp tục trên quê hương Việt Nam còn nhiều đau khổ.

Trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 83, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về sứ vụ của những người sống đời thánh hiến bằng những lời dường như dành riêng cho Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương: "Giáo Hội khen ngợi và tri ân nhìn đến nhiều con người sống đời thánh hiến, bằng việc chăm sóc cho các thành phần bệnh tật và đau khổ, đang góp phần một cách đặc biệt vào sứ vụ truyền giáo của mình. Họ thi hành thừa tác vụ tình thương của Chúa Kitô…dấn thân cho thừa tác vụ…theo đặc sủng của hội dòng… cần phải kiên trì trong việc làm chứng tình yêu của mình đối với những người bệnh hoạn, hiến mình phục vụ họ bằng một niềm thông cảm sâu xa… Đặc biệt ưu tiên đối với thành phần nghèo khổ nhất và những ai bị bỏ rơi nhất …"

Đức cha tiếp: “Khẩu hiệu "ngồi vào chỗ cuối" (Lc 14,10), một chọn lựa ngược lại tinh thần thế gian, chị em Nữ tỳ đang lội ngược dòng, trong một bối cảnh xã hội mà ai ai cũng chạy đua trên con đường tìm kiếm địa vị, chức quyền, danh vọng, hưởng thụ ích kỷ. Lội ngược dòng cũng có nghĩa là phải cố gắng liên tục, phải không ngừng tiến lên, không thể dừng lại giữa dòng. Lội ngược dòng cũng là một hành trình trở về nguồn cội của mình. Để có thể lội ngược dòng, người ta phải liên kết với nhau, nâng đỡ nhau, tiếp sức cho nhau….liên kết với nhau trong lời khấn dòng cùng nhau tiến lên trong ơn gọi thánh hiến và truyền giáo, bằng con đường yêu thương phục vụ.”

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, một lần nữa Đức cha mời gọi cộng đoàn dân Chúa “hiệp ý cầu nguyện cho các chị em được luôn trung thành với lời cam kết hôm nay cho đến mãi ngày sau.”

Trong sự ý thức thân phận mỏng giòn, hèn yếu, chắc hẳn quý chị cảm nghiệm tình thương Chúa dành cho quý chị còn lớn lao hơn cả những bất toàn, yếu đuối của bản thân. Nhận ra ơn trọng Chúa ban, nên hôm nay trong niềm xác tín, với tất cả lòng cậy trông và tin tưởng vào Chúa, quý chị khiêm nhường và hân hoan nói lên lời cam kết với Chúa qua việc tự nguyện tuyên khấn sống Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục theo gương Chúa Giêsu Kitô. Với khát mong sống triệt để Ba Lời Khuyên Phúc Âm, để quý chị ngày càng giống Chúa Giêsu trong sự phục vụ khiêm tốn với tất cả tình thương đối với mọi người, nhất là những người đau khổ, bất hạnh trong xã hội.

Trước mặt Đức cha và cộng đoàn, 09 chị tập sinh tiến lên bàn thờ, tuyên khấn với Thiên Chúa sống Ba Lời Khuyên Phúc Âm để dấn thân trong linh đạo Nữ tỳ với khát vọng nên thánh, vươn đến đức ái trọn hảo. Qua giao ước tình yêu này, quý chị Tập sinh sẽ tạm biệt chiếc lúp trắng, trở thành “cô dâu của Chúa Giêsu”! Những cô dâu này không xúng xính trong bộ áo cưới sang trọng, quyến rũ, không búi tóc cô dâu, không hoa tai,vòng vàng, son phấn, cũng không được make up và không mang trang sức lộng lẫy như những cô dâu ngoài đời, nhưng y phục lễ cưới là chiếc áo dòng và chiếc lúp màu xám tro, tượng trưng cho sự hy sinh và chết đi mỗi ngày cho Vị Hôn Phu của mình.

Trong nghi thức tuyên khấn trọn đời, cũng với y phục lễ cưới ấy và được điểm thêm vòng hoa trên đầu, 07 chị Khấn sinh quyết định chia tay những ước mơ mà lẽ ra quý chị cũng được tự do chọn như bao cô gái! Nhưng nay, quý chị vì tình yêu với Chúa Giêsu Tình Thương, ao ước được kết hợp bền vững hơn với Chúa, đã can đảm khước từ việc chìa tay để được người xỏ chiếc nhẫn vàng của cô dâu trần thế, mà vui mừng và hạnh phúc để được đeo chiếc nhẫn thánh hiến, nói lên lòng trung tín và yêu Chúa đến cùng. Với lời kết ước trọn đời, từ nay, quý chị hoàn toàn thuộc trọn về Chúa cả hồn xác, tự do và ý chí. Quý chị sẽ luôn sẵn sàng chìa đôi tay cho Chúa sử dụng, mở đôi tay gánh lấy trách nhiệm xây dựng Hội dòng.

Nghi thức tuyên khấn kết thúc, bằng cử chỉ thân ái. Dì đặc trách và 05 chị đại diện Hội dòng chính thức đón nhận các Tân Vĩnh Khấn vào gia đình Hội dòng. Từ đây, chị em sẽ cùng nhau chung tay gánh vác trách nhiệm và xây dựng Hội dòng.

Kết thức nghi thức tuyên khấn trọn đời, thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Như thường lệ, trước khi kết thúc thánh lễ, một chị đại diện Hội dòng dâng lời cám ơn quý Đức cha, quý Cha, cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn, quý Thầy phó tế, quý Dì Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, quý Tu sĩ nam nữ, quý Thân nhân, Ân nhân. Đặc biệt, cám ơn quý phụ huynh đã quảng đại dâng hiến con cho Chúa và luôn đồng hành với chị em trong lời kinh nguyện, trong những hy sinh để quý chị luôn trung kiên sống đời tận hiến. Tiếp đến, đại diện quý phụ huynh cũng bày tỏ tâm tình tạ ơn về niềm vui trong ngày hồng phúc đáng nhớ của con em mình. Do hoàn cảnh dịch bệnh, quý ân - thân nhân không thể cùng hiện diện đầy đủ trong thánh lễ mừng, nhưng trong tình hiệp thông, tất cả gần nhau trong trái tim Chúa Giêsu Tình Thương, cùng chung tâm tình vui mừng và tạ ơn.

Trước khi ban phép lành, Đức cha chúc mừng và chia sẻ niềm vui với những gia đình có các chị tuyên khấn hôm nay đã hy sinh dâng con cho Chúa cùng những lời chúc tốt đẹp dành cho Hội dòng, cách riêng quý chị tuyên khấn hôm nay.

Nguyện xin Chúa Giêsu Tình Thương gìn giữ tất cả mọi người luôn an bình trước những bất ổn của đại dịch Covid. Cách riêng, xin Chúa ấp ủ, chở che quý chị mới tuyên khấn trong trái tim từ ái của Người, giúp quý chị mãi khắc ghi cảm thức “thuộc về” để quý chị ngày thêm yêu mến Chúa, gắn bó với Hội dòng và trở nên cánh tay nối dài của Chúa Giêsu Tình Thương đến tất cả mọi người.
 
Nhớ Cha Phêrô Đinh Ngọc Quế
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
12:01 08/07/2021
Nhớ Cha Phêrô Đinh Ngọc Quế, DCCT.

“Nếu phải khoe thì chỉ xin phép khoe vì đã được Đại Hồng Phúc Chúa ban cho vác thánh giá theo chân Ngài”. ( Lời cha Phêrô Đinh Ngọc Quế chia sẻ ở trang đầu cuốn hồi ký của ngài).

***

Hôm qua tôi đang ngồi làm việc tự nhiên thấy nhớ cha Quế. Tôi nghĩ có lẽ ngài về với Chúa không chừng. Xem ra linh cảm của tôi không sai. Sáng nay tôi nhận được tin ngài qua đời hôm qua. Tôi xem thời gian thì đúng vào lúc tôi đang nghĩ đến ngài.

Tôi biết ngài từ năm 1987, vì lúc ấy hàng tháng Cha Giuse Vũ Ngọc Bích có nói tôi chuẩn bị những thứ cần thiết để nhờ người đi tiếp tế cho ngài và các cha DCCT khác đang bị tù tại trại giam Thanh Cẩm, Ba Sao. Lần đầu tôi được gặp ngài là vào đầu năm 1988 tại tu viện Thái Hà khi ngài, cha Trung và cha Thỏa được ra khỏi trại Ba Sao sau 13 năm tù ở Miền Bắc.

Năm sau 1989 tôi gặp lại ngài ở Tu viện Kỳ Đồng, khi tôi được Cha Giuse Vũ Ngọc Bích gửi vào đây tu tiếp. Thời gian sau khi ra tù, ngài làm tuyên úy cho Legio, nhưng nhà cầm quyền cấm ngài làm mục vụ, vì vậy ngài thường làm lễ tại nhà nguyện của tu viện và ngài nhờ chúng tôi đón tiếp giáo dân và giúp lễ.

Tháng 12 năm 1992 ngài giảng tĩnh tâm cho lớp Tập viện chúng tôi 1 tuần rồi vào ngày 11.1.1993 ngài lên đường sang Mỹ theo diện HO và gia nhập vào Phụ Tỉnh DCCT Hải Ngoại. Tuy nhiên, tôi thấy lúc nào ngài cũng hướng về Việt Nam và tìm hết cách giúp đỡ Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là các anh em DCCT Việt Nam.

Suốt 33 năm quen biết ngài trong đó có hơn 3 năm sống chung với ngài tại tu viện DCCT Kỳ Đồng, ngài là gương mẫu cho tôi trong nhiều điều liên quan đến đời tu, ngài cũng là người khuyến khích và giúp đỡ tôi rất nhiều, vì vậy lần nào sang Hoa Kỳ tôi cũng đến thăm ngài.

Đây là bản tiểu sử vắn tắt cuộc đời ngài do tôi ghi lại từ những gì tôi biết về ngài, từ các tài liệu của Nhà Dòng và từ bản ghi chú về cuộc đời ngài do chính ngài gửi cho tôi cách đây 5 năm lúc ngài 90 tuổi, không còn làm mục vụ được nữa và bắt đầu ở yên một chỗ để dọn mình về với Chúa:

CHA PHÊRÔ ĐINH NGỌC QUẾ, SINH NGÀY 20 THÁNG 8 NĂM 1926 Tại Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định, thuộc Giáo phận Bùi Chu, xưa thuộc huyện Trực Ninh, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã cùng cha mẹ di cư ra Hà Nội, sống tại Giáo xứ Hàm Long và ngài bắt đầu học tiểu học tại đây.

TỪ NĂM 1937 ĐẾN 1946: ngài học tại Đệ Tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.

TỪ NĂM 1946 ĐẾN 1950: ngài học tại Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế, tốt nghiệp Tú tài Pháp.

TỪ NĂM 1950 ĐẾN 1951: ngài học tại Tập viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt. Ngày 20 tháng 8 năm 1951 ngài khấn dòng tại Đà Lạt.

TỪ NĂM 1951 ĐẾN 1957: ngài học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt. Ngày 8 tháng 9 năm 1956 ngài được chịu chức linh mục tại Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt.

TỪ NĂM 1957 ĐẾN 1961: ngài tham gia giảng đại phúc cho nhiều giáo xứ khác nhau ở Việt Nam.

Từ năm 1961 đến 1965: ngài làm giáo sư Đệ Tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Vũng Tầu.

TỪ NĂM 1965 ĐẾN 1969: ngài làm Tuyên úy trưởng Tiểu khu Phước Tuy, Đặc khu Vũng Tầu.

TỪ NĂM 1969 ĐẾN 1970: ngài tham dự khóa huấn luyện tuyên úy tại Hoa Kỳ.

TỪ NĂM 1970 ĐẾN 1975: ngài làm Tuyên úy trưởng Biệt khu Thủ Đô, Hạt trưởng Hạt Quân đội Tổng Giáo phận Sài Gòn, Hiệu trưởng Trưởng Trường Trung học Tinh Thần.

Trong thời gian này, được sự đồng ý của cha Nguyễn Thế Thuấn và sự giúp đỡ của cha Trần Hữu Thanh – người nhuận sắc bản văn Tân ước cho phù hợp với quân nhân, ngài và cha Roco Nguyễn Tự Do – Giám đốc Truyền thông Quân đội- đã thực hiện chiến dịch mỗi quân nhân một Tân ước. Số Kinh Thánh Tân ước này đã góp phần quan trọng vào đời sống đức tin không những của binh lính VNCH mà còn cho nhiều người Công Giáo ở hai miền Nam –Bắc, nhất là từ năm 1975.

ĐẦU THÁNG 4 NĂM 1975 : ngài nhận chức Tổng Giám đốc Nha Tuyên úy Việt Nam Cộng Hòa do Đức cha Lê Văn Ấn trao phó.

CUỐI THÁNG 4 NĂM 1975: mặc dù được ưu tiên di tản, nhưng ngài đã chọn ở lại Việt Nam vì nghĩ rằng mục tử thì phải ở lại với đàn chiên trong lúc khó khăn nhất.

Ngày 15 tháng 6 năm 1975 ngài phải đi “trình diện” và bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ không án 13 năm tại các nhà tù khét tiếng là địa ngục trần gian như: Trại Long Giao - Long Khánh, Trại Suối Máu-Biên Hòa, Trại Yên Bái, Trại Trần Phú và Trại 3- Hoàng Liên Sơn, Trại Phong Quang – Lào Cai, Trai Ba Sao và Trại Mễ- Hà Nam, Trại Thanh Cẩm- Thanh Hóa.

Trong tù, bằng sự khôn ngoan của một người có ơn Chúa, ngài đã luôn tìm cách an ủi và giúp đỡ các tù nhân. Ngài cũng tổ chức dạy giáo lý và rửa tội cho các bạn tù nhân muốn đón nhận đức tin Công Giáo và dạy thần học cho các cha ở Miền Bắc- thường là các cha chịu chức “chui”- cũng bị giam chung với các ngài. Ngài còn khuyên bảo, hướng dẫn và giúp đỡ cả một số các giám thị trại giam và các cán bộ thất thế bị giam giữ cùng ngài.

TỪ NĂM 1988 đến 1993: Đầu năm 1988 ngài được trả tự do, nhưng nhà cầm quyền không cho ngài về lại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, vốn là nơi cư trú chính thức của ngài trước khi bị bắt đi tù. Vì thế tối tối khoảng 8:30-9:00 PM ngài về nhà người thân ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ)- nơi ngài có hộ khẩu- để nghỉ qua đêm và sáng sớm khoảng 5:00 AM ngài đã có mặt ở Tu viện để đọc kinh, dâng lễ và bắt đầu ngày làm việc.

Trong thời gian này, vì nhà nước cấm ngài làm việc mục vụ công khai nên ngài chỉ phục vụ âm thầm. Ngài làm Tuyên úy cho các thầy tu huynh trong Dòng Chúa Cứu Thế, dạy thần học cho các thầy. Ngài cũng dạy Thánh Mẫu học mỗi thứ bẩy cho các thầy tập sinh, giảng tĩnh tâm cho các thầy tập sinh và sinh viên Học viện.

Ngài cũng giảng tĩnh tâm hàng tháng và dâng lễ cho các dòng như như: Dòng Saint Paul de Chartres ở đường Cường Để (Tôn Đức Thắng) và ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Dòng Nữ Tử Bác Ái ở đường Tú Xương, Dòng Mến Thánh Giá Phú Xuân ở đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ)…

Được sự hậu thuẫn của Cha Giuse Cao Đình Trị, Chính xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Bề trên Phó Giám tỉnh, ngài cũng đã tái lập Legio Mariae Curia Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, gồm có 9 đội, hơn 100 hội viên hoạt động và khoảng 1000 người là các tán trợ và bảo trợ.

NGÀY 11 THÁNG 1 NĂM 1993 ngài lên đường sang Mỹ theo diện HO và gia nhập Phụ tỉnh DCCT Việt Nam Hải Ngoại.

TỪ NĂM 1993 ĐẾN 1998: Bề Trên Tu viện Balwin Park, California và Tập sư Dòng Chúa Cứu Thế Phụ Tỉnh Việt Nam Hải Ngoại.

TỪ NĂM 1993 ĐẾN 2001: ngài làm Quản nhiệm Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Giáo xứ Thánh Christopher, Westcovina, California.

TỪ NĂM 2002 -2010: Ngài làm Chủ tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ. Ngài còn tích cực tham gia thành lập Hội bảo trợ Linh mục Hưu dưỡng Việt Nam và Linh hướng của Trương Bửu Diệp Foudation.

TỪ NĂM 1993 ĐẾN NĂM 2015: ngài còn làm thừa sai đi giải tội và giảng dạy cho nhiều hội đoàn và cộng đồng Công Giáo ở Hoa Kỳ.

TỪ NĂM 2015 ĐẾN 2021: ngài nghỉ hưu tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach.

NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 2021: ngài qua đời tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach, hưởng thọ 95 tuổi, trong đó có 84 năm sống trong DCCT, 70 năm làm tu sĩ DCCT và 65 năm làm linh mục DCCT.

Ngài là người tình cảm, dễ gần, luôn sống vui vẻ, lạc quan, hết lòng yêu Chúa, yêu người, yêu đời, yêu Nhà Dòng, yêu Giáo Hội, yêu quê hương.

Ngài đặc biệt ý thức về sự thiêng liêng và cao cả của ơn gọi và sứ vụ linh mục của mình từ đó ngài cố gắng phục vụ mọi người lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện.

Từ năm 1993, trong khi đảm nhiệm những sứ vụ khác nhau ở Hoa Kỳ, Ngài luôn quan tâm giúp đỡ Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là giúp đỡ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và các cha hưu dưỡng của các giáo phận ở Việt Nam.

Trong mắt tôi, ngài là một mục tử nhân lành, một người tu đắc đạo, một thừa sai mẫu mực, một tu sĩ chân chính của Dòng Chúa Cứu Thế.

Hôm nay ngài đã hoàn tất hành trình và sứ vụ làm con cái Chúa của mình nơi trần gian. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với ngài và cầu nguyện cho ngài.

Roma 03.07.2021.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR

PS. Mấy năm sau khi đã đến bến bờ tự do, cha Phêrô Đinh Ngọc Quế đã viết cuốn hồi ký "Một linh mục trong ngục tù cộng sản", trong đó ngài kể lại những khó khăn, gian khổ, tủi nhục, những điều mắt thấy tai nghe, cũng như những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đức tin trong ngục tù cộng sản của ngài, của các linh mục, các cán bộ và sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Theo tôi đấy là một tác phẩm rất đáng đọc để thấy một con người dám hy sinh để làm chứng cho Chúa và phục vụ tha nhân thì ở bất cứ nơi đâu cũng luôn đắc dụng và giữa khó khăn, thử thách, đau khổ, tù đầy vẫn có cơ may hạnh phúc./.

 
Văn Hóa
Em Và Chuyện Tình Tháng Bảy
Sơn Ca Linh
08:09 08/07/2021
Mến tặng hai lớp Khấn Trọn và Khấn Lần đầu của các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ngày 8.7.2021

Theo ngọn gió nam chợt về tháng Bảy,
Lúa trên đồng màu con gái xanh non.
Giữa hàng sao nghe vội bước chân son,
Vừa thấp thoáng dáng em qua vội vã !

Kìa cung thánh sáng lên màu rất lạ,
Đèn trên tay “trinh nữ đón Tân Lang”.
Bước nôn nao theo nhạc khúc dịu dàng,
Lòng chợt ấm reo ca bài dâng hiến !

Đợi lâu rồi hôm nay “Chàng Rể đến”,
Mấy mùa qua lặng lẽ những chờ mong.
Có ai nghe nước mắt chảy trong lòng,
Có ai biết đắng cay và khổ luỵ !

Mấy nẻo gian truân đi tìm Thiên ý,
Tận bây giờ mới “bến đỗ bình yên” !
Đêm van nài, ngày khấn vái triền miên,
Giờ hát trọn khúc “Kinh cầu Các Thánh” !

“Lời khấn nhỏ” em mang về phước hạnh,
Phước “Khó Nghèo”, phước “Vâng Phục, Khiết Trinh”.
Và mang cho đời cả một khối tình,
Không phải “giây oan”, mà cuộc tình “dâng hiến” !

“Tháng Bảy mưa ngâu” mùa này lại đến,
Nhớ chuyện tình nồng “Chức Nữ, Ngưu Lang” !
Lời Khấn hôm nay son sắt đá vàng,
Nguyện trung trinh mãi một đời, em nhé !

Sơn Ca Linh (8.7.2021)
 
Blaise Pascal và việc bênh vực Kitô giáo: Nguyên văn Phần II trong Pensées, Mục XVII, tiếp
Vũ Văn An
20:09 08/07/2021

XXV. Người ta không bao giờ xa cách nhau mà không đau đớn. Người ta không cảm thấy mối ràng buộc của mình, khi họ tự nguyện đi theo người dẫn dắt, như Thánh Augustinô nói; nhưng khi người ta bắt đầu chống cự và bỏ đi, người ta đau khổ rất nhiều; mối liên kết bị căng thẳng, và phải chịu bạo lực; và liên kết này chính là thân xác của chính chúng ta, không bị tan nát vào lúc chết. Chúa chúng ta từng nói rằng, Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, nghĩa là từ lúc Người hiện diện trong mỗi tín hữu, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được (Mt 11: 12.) Trước khi được ơn thánh đánh động, linh hồn chỉ có sức mạnh của dục vọng đè nặng, giữ nó bám lấy trái đất. Nhưng khi Thiên Chúa kéo nó lên, hai nỗ lực đối lập tạo nên bạo lực này mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm nó bị vượt qua. Nhưng, Thánh Lêô nói, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì với Đấng mà không có Người chúng ta không thể làm gì được. Do đó, phải quyết tâm gánh chịu cuộc chiến này suốt đời; vì không hề có hòa bình ở đây. Chúa Giêsu Kitô đến để mang theo gươm đao, không phải là sự bình an (Đã dẫn10:34.) Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận, như Kinh Thánh, rằng sự khôn ngoan của loài người chỉ là sự ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa (1 Cr 3, 19), nên chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến này, một cuộc chiến dường như gay gắt đối với loài người, là sự bình an trước mặt Thiên Chúa; vì chính sự bình an này cũng đã được Chúa Giêsu Kitô mang lại. Tuy nhiên, nó sẽ không hoàn hảo cho đến khi thân xác bị phá hủy; và đây chính là điều khiến sự chết trở thành điều đáng muốn có, trong khi đó, chúng ta hân hoan chịu sống vì tình yêu của Đấng, vì chúng ta, đã chịu đựng cả sự sống lẫn sự chết, và là “Đấng có thể làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” như Thánh Phaolô nói (Êp 3: 20.)



XXVI. Phải cố gắng đừng đau buồn về bất cứ điều gì, và phải coi mọi sự xẩy ra là tốt nhất. Tôi tin rằng đó là một nghĩa vụ, và chúng ta phạm tội nếu không làm điều đó. Vì xét cho cùng, lý do tại sao tội lỗi là tội lỗi chỉ là vì chúng trái với ý muốn của Thiên Chúa: và do đó, yếu tính của tội lỗi hệ ở việc có một ý chí chống lại ý chí mà chúng ta biết nơi Thiên Chúa, đối với tôi, điều hiển hiện là khi Người dùng các biến cố biểu lộ ý muốn của Người cho chúng ta, nếu chúng ta không thuận theo, thì đó là một tội lỗi.

XXVII. Khi sự thật bị bác bỏ và bị bách hại, dường như đó là lúc việc chúng ta phục vụ Thiên Chúa bằng cách bênh vực Người làm đẹp lòng Người. Người muốn chúng ta dùng thiên nhiên để phán đoán ơn thánh, và do đó Người cho phép chúng ta xem xét rằng, như một hoàng tử, bị thần dân đuổi ra khỏi đất nước của mình, có sự dịu dàng cực độ đối với những người vẫn trung thành với mình trong cuộc nổi dậy công khai, thì cũng vậy, dường như Thiên Chúa nhân từ coi trọng những người bảo vệ sự tinh ròng của tôn giáo khi nó bị tấn công. Nhưng có sự khác biệt giữa các vua trên trái đất và Vua các vua, đó là các hoàng tử không làm cho thần dân của mình trung thành, nhưng thấy họ như vậy: trong khi Thiên Chúa luôn tìm thấy những người không có đức tin nếu không có ơn thánh của Người, và Người làm cho họ thành người có đức tin khi họ trở nên như thế. Vì vậy, trong khi các vị vua thường nhìn nhận họ có nghĩa vụ đối với những người trung thành với bổn phận và sự vâng lời, thì ngược lại, việc người ta vẫn tiếp tục phục vụ Thiên Chúa đều là do ơn Người vô tận.

XXVIII. Không phải sự khắc khổ của thể xác, cũng không phải các nỗ lực của tinh thần, mà là các chuyển động tốt của trái tim, mới là điều đáng khen và giúp ta chịu đựng các đau đớn của thể xác và tinh thần. Vì suy cho cùng, hai thứ này đều cần thiết để thánh hóa: đau đớn và thú vui. Thánh Phaolô nói rằng những ai bước vào cuộc sống tốt đẹp đều sẽ thấy nhiều phiền muộn và lo lắng (Cv 14:21). Điều này hẳn an ủi những ai cảm thấy phiền muộn, vì được cảnh báo rằng đường lên trời mà họ tìm kiếm thì đầy rẫy phiền muộn, họ nên vui mừng khi gặp được những dấu hiệu cho thấy họ đang đi theo con đường đích thực. Nhưng những nỗi đau đớn này không phải là không có thú vui, và không bao giờ vượt qua được ngoại trừ nhờ niềm vui. Vì những kẻ lìa bỏ Thiên Chúa để trở lại thế gian, họ làm vậy chỉ vì họ tìm thấy sự ngọt ngào trong các thú vui của trái đất hơn là các thú vui được kết hợp với Thiên Chúa, và họ bị quyến rũ bởi sức lôi cuốn lấn át của chúng, một điều khiến họ hối hận về chọn lựa đầu tiên và làm họ trở thành các hối nhân của ma qủy, như lời Tertullianô: cũng thế, người ta sẽ không bao giờ rời bỏ thú vui của thế gian để ôm lấy thập giá của Chúa Giêsu Kitô, nếu họ không tìm thấy vị ngọt ngào nào trong sự khinh miệt, trong nghèo khó, trong sự túng quẫn và trong việc bị mọi người bác bỏ, hơn là trong thú vui của tội lỗi. Và vì vậy, như Tertullianô đã nói, không nên tin rằng cuộc đời của các Kitô hữu là một cuộc đời buồn rầu. Người ta chỉ bỏ các thú vui để tìm các thú vui khác lớn hơn mà thôi. Thánh Phaolô nói, hãy luôn cầu nguyện, hãy luôn cảm tạ, hãy luôn hân hoan (1 Tx 5:16, 17, 18). Chính niềm vui tìm được Thiên Chúa là nguyên lý của nỗi buồn đã xúc phạm đến Người, và của mọi thay đổi cuộc sống. Theo Chúa Giêsu Kitô, ai đã tìm được của châu báu trong một thửa vườn thì vui mừng đến mức khiến người ấy phải bán tất cả những gì mình có để mua lấy thửa vườn đó (Mt 13: 44.) Người của thế gian có nỗi buồn của họ; nhưng họ không có niềm vui mà thế gian không thể ban cho cũng như không lấy đi, chính Chúa Giêsu Kitô nói như thế (Ga 14: 27, và 16: 22.) Các chân phúc có được niềm vui này mà không có nỗi buồn nào cả; còn các Kitô hữu có niềm vui 'trộn lẫn với nỗi buồn đã chạy theo những thú vui khác, và nỗi sợ bị mất niềm vui này bởi sự lôi cuốn của các thú vui khác luôn cám dỗ chúng ta không ngừng. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng không ngừng để duy trì nỗi sợ hãi này, vốn duy trì và điều hòa niềm vui của chúng ta; và, bất cứ khi nào cảm thấy bị lôi cuốn theo điều này, ta nên bắt tâm trí ta hướng về điều kia để có thể đứng vững. Kinh Thánh dạy (Gv 11:27), hãy nhớ những điều tốt lành trong những ngày đau buồn, và hãy nhớ những điều đau buồn trong những ngày hân hoan, cho đến khi lời hứa Chúa Giêsu Kitô đã ngỏ cùng chúng ta rằng Người sẽ làm cho niềm vui của Người tràn đầy trong chúng ta, được hoàn thành. Vì vậy, chúng ta đừng để mình bị khuất phục bởi nỗi buồn, và đừng tin rằng lòng đạo đức chỉ bao gồm những cay đắng mà không có sự an ủi. Lòng đạo đức chân chính, một điều chỉ trở nên hoàn hảo trên thiên đàng, đầy những thỏa mãn đến mức lấp đầy linh hồn ta cả lúc vó mới bước vào, lúc nó diễn tiến và lúc nó hoàn thành. Đó là một thứ ánh sáng chói lọi đến nỗi nó chiếu dõi mọi điều thuộc về nó. Nếu có bất cứ nỗi buồn pha trộn nào, nhất là lúc bắt đầu, thì nó phát xuất từ chúng ta, chứ không phải từ nhân đức; vì không phải là hiệu quả của lòng đạo đức bắt đầu có trong ta, nhưng là lòng vô đạo đức vẫn tồn tại ở đó. Chúng ta hãy loại bỏ sự vô đạo đức, thì niềm vui sẽ không thể bị pha trộn. Vì vậy, chúng ta đừng gán sự buồn sầu cho lòng đạo đức sùng kính mà là cho chính chúng ta, và tìm cách giảm nhẹ nó qua việc tu sửa chính chúng ta.

XXIX. Quá khứ không nên làm chúng ta bối rối, vì chúng ta chỉ biết hối tiếc về các lỗi lầm của mình; nhưng tương lai càng ít tác động đến chúng ta hơn nữa, vì đối với chúng ta, nó không hiện hữu chút nào, và có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ đến được đó. Hiện tại là thời gian duy nhất thực sự là của chúng ta, và chúng ta phải sử dụng nó theo ý Thiên Chúa. Chính trong thời khắc hiện sinh đó, các tư tưởng của chúng ta chủ yếu phải bận tâm. Tuy nhiên thế giới này bất an đến nỗi người ta không bao giờ nghĩ đến cuộc sống hiện tại và khoảnh khắc họ đang sống, nhưng nghĩ tới khoảnh khắc họ sẽ sống. Đến nỗi, họ luôn ở trong trạng thái sống cho tương lai, chứ không bao giờ sống cho hiện tại. Chúa chúng ta không muốn việc nhìn xa của chúng ta trải dài quá ngày chúng ta đang sống. Đó là những giới hạn mà Người muốn chúng ta tuân giữ, cho cả ơn cứu rỗi của chúng ta lẫn sự an nghỉ của chính chúng ta.

XXX, Đôi khi, người ta tự sửa mình tốt hơn nhờ thấy điều ác hơn là nhờ thấy điều thiện; và điều rất tốt là làm quen với việc lợi dụng điều ác, vì nó là điều rất thông thường, trong khi điều tốt là điều rất hiếm hoi.

XXXI. Trong chương thứ mười ba của Thánh Máccô, Chúa Giêsu Kitô đã có một diễn từ tuyệt vời cho các tông đồ về biến cố cuối cùng của Người: và vì mọi điều xảy ra cho Giáo hội cũng xảy ra cho mỗi Kitô hữu nói riêng, nên chắc chắn là toàn bộ chương này cũng tiên đoán tốt về trạng thái của mỗi người, nhờ tự hoán cải, sẽ tiêu diệt con người cũ trong họ, trạng thái của toàn thể vũ trụ sẽ bị hủy diệt để nhường chỗ cho một trời mới và một đất mới, như Kinh Thánh đã từng viết (2Pr 3:13). Lời tiên đoán ở đó nói đến sự đổ nát của đền thờ bị ruồng bỏ, điều này là hình ảnh muốn nói đến sự đổ nát của con người bị ruồng bỏ nơi mỗi người chúng ta, và về đền thờ này có lời chép rằng sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, một hình bóng muốn nói không được duy trì bất cứ đam mê nào của con người cũ; và những cuộc chiến tranh dân sự và nội chiến kinh hoàng này tượng trưng rất rõ sự bất ổn nội tâm mà những người đã dâng mình cho Thiên Chúa cảm nhận được, không có gì được tô vẽ rõ hơn, v.v.

XXXII. Chúa Thánh Thần ngự nột cách vô hình trong hài cốt của những người đã chết trong ơn thánh Thiên Chúa, cho đến khi Người tỏ mình ra cho họ một cách hiển nhiên trong biến cố phục sinh, và đó là điều làm cho hài cốt của các thánh rất đáng được tôn kính. Vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những kẻ thuộc về Người, cả trong ngôi mộ, nơi thân xác họ, mặc dù đã chết trước mắt loài người, nhưng trước mặt Thiên Chúa lại sống động hơn, vì tội lỗi không còn ở đó nữa: trong khi tội lỗi luôn luôn cư ngụ ở đó suốt đời này, ít nhất ở gốc rễ của họ; vì hoa trái của tội lỗi không phải lúc nào cũng ở đó; và cái gốc rễ bất hạnh này, vì không thể tách rời khỏi họ trong trong lúc còn sống, nên làm cho chúng ta không được phép tôn vinh chúng lúc đó, vì chúng đáng bị ghét bỏ. Đây là lý do tại sao cái chết cần thiết để khắc phục hoàn toàn cái gốc rễ bất hạnh này; và đó là điều khiến nó trở nên đáng ước ao.

XXXIII. Những người được chọn không ý thức các nhân đức của họ, và những kẻ bị loại trừ không ý thức các tội ác của họ. Cả hai loại người này cùng nói, Lạy Chúa, có khi nào chúng con thấy Chúa đói đâu? v.v... (Mt 25: 37, 44). Chúa Giêsu Kitô không muốn chứng từ của ma quỷ, cũng như của những người không có ơn gọi; nhưng là chứng từ của Thiên Chúa và của Thánh Gioan Tẩy Giả.

XXXIV. Lỗi của Montaigne rất lớn. Ông ta đầy những lời bẩn thỉu và không trung thực, điều này vô giá trị. Các tình cảm của ông ta về việc cố ý giết người và về sự chết thật kinh hoàng. Ông gợi ý một sự bất cần ơn cứu rỗi, không sợ hãi, không ăn năn. Sách của ông không được viết ra để quảng bá lòng đạo đức, ông cho mình không có nghĩa vụ phải làm như vậy: nhưng người ta luôn có nghĩa vụ không được quay lưng lại với nghĩa vụ này. Mặc dù người ta có thể nói để bào chữa các tâm tư quá tự do của mình về một số điều, người ta vẫn không thể bào chữa cách nào cho các tâm tư hoàn toàn ngoại giáo của mình về sự chết; vì người ta phải từ bỏ tất cả lòng đạo đức nếu ít nhất họ không muốn chết trong tư cách Kitô hữu: nhưng qua các trước tác của mình, ông chỉ nghĩ đến chết một cách hèn nhát và êm ái.

XXXV. Điều đánh lừa chúng ta, khi so sánh những gì đã xảy ra ngày xưa trong Giáo Hội với những gì được thấy ở đó bây giờ, chúng ta thường coi Thánh Athanaxiô, Thánh Têrêxa và các vị thánh khác, là những người được tưởng thưởng vinh quang. Bây giờ thời gian đã làm sáng tỏ mọi sự, nó thực sự có vẻ như vậy. Nhưng vào lúc vị thánh vĩ đại này bị bách hại, ngài là một người có tên là Athanasiô; và Thánh Têrêxa, ở thời ngài, là một nữ tu giống như những nữ tu khác. Êlia là một người giống như chúng ta, cũng chịu cùng những đam mê như chúng ta, Thánh Tông đồ Giacôbê (Ga 5:17) cho biết như thế để làm các Kitô hữu tỉnh ngộ khỏi ý tưởng sai lầm từng khiến chúng ta bác bỏ gương của các thánh, bị coi như bất tương xứng với tình trạng của chúng ta: chúng ta bảo, họ là các vị thánh, không giống như chúng ta.

XXXVI. Đối với những người ghê tởm tôn giáo, cần phải bắt đầu bằng cách cho họ thấy rằng tôn giáo không trái với lý trí; rồi cho họ thấy, nó đáng kính, và tôn trọng lý trí; sau đó, làm cho nó nên đáng yêu và làm cho người ta mong ước nó đúng sự thật: và sau đó chứng minh bằng các bằng chứng không bị thách thức rằng nó đúng sự thật; làm người ta thấy sự cổ kính và thánh thiện của nó bằng sự vĩ đại và sự cao nhã của nó; và cuối cùng chứng minh nó đáng yêu, vì nó hứa hẹn điều tốt lành thực sự.

Một lời từ miệng Đavít, hoặc từ Môsê, như câu: Thiên Chúa sẽ cắt bì các tâm hồn (Đnl 30: 6), làm ta xét đoán được tâm trí họ. Giả sử mọi điều họ viết từ xưa đều hàm hồ lưỡng nghĩa, và không chắc họ là triết gia hay Kitô hữu: một câu như thế đủ xác định trọng điểm. Cho đến lúc đó sự mơ hồ còn kéo dài, nhưng sau đó nó không còn nữa.

Nếu chúng ta bị đánh lừa mà tin vào Kitô giáo, thì đâu có mất mát bao nhiêu. Nhưng quả là bất hạnh khi lầm tưởng tin rằng nó sai sự thật!

XXXVII. Các điều kiện dễ nhất để sống theo thế gian đều khó nhất để sống theo Thiên Chúa; và ngược lại, theo thế gian, không có gì khó khăn bằng đời sống tôn giáo; sống nó theo Thiên Chúa không còn dễ dàng gì nữa; theo thế gian, không có gì dễ dàng hơn là sống trong hào quang và giầu có; theo Thiên Chúa, không gì khó hơn là sống trong những điều kiện như thế, mà không tham dự vào chúng và thưởng thức chúng.

XXXVIII. Cựu ước chứa đựng những hình bóng về niềm vui trong tương lai, và Tân ước chứa đựng những phương tiện để đạt được điều đó. Các hình bóng là niềm vui, các phương tiện là sám hối; và tuy nhiên, chiên vượt qua được ăn với rau diếp dại, cum amaritudinibus (cùng rau diếp đắng) (Xh. 12: 8, bản Hípri), để luôn nhấn mạnh rằng người ta chỉ có thể tìm thấy niềm vui qua sự cay đắng mà thôi. Chữ Galilê, được phát âm tình cờ bởi đám đông người Do Thái, khi tố cáo Chúa Giêsu Kitô trước Philatô (Lc 23:5), đã cho Philatô lý do để giải Chúa Giêsu Kitô cho Hêrôđê; trong đó đã ứng nghiệm mầu nhiệm nói rằng Người phải bị phán xử bởi người Do Thái và dân ngoại. Tình cờ bề ngoài đã là nguyên nhân tạo nên việc ứng nghiệm mầu nhiệm.

XL. Có người một ngày kia nói với tôi rằng ông ta rất vui và tự tin khi rời khỏi tòa giải tội: một người khác nói với tôi rằng ông ta rất sợ hãi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu tâm tư của hai người này được hòa lẫn, có lẽ chúng sẽ tạo nên một tâm tư đúng, và mỗi người đều bất cập ở chỗ không có tâm tư của người kia.

XLI. Thật là vui khi ở trong một con tàu bị bão tố, mà được bảo đảm rằng mình sẽ không chết. Các cuộc bách hại đang áp đặt lên Giáo hội có bản chất như vậy. Lịch sử của Giáo hội phải được gọi một cách đúng đắn là lịch sử của sự thật.

XLII. Vì hai nguồn gốc của tội lỗi của chúng ta là kiêu ngạo và lười biếng, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy nơi Người có hai đức tính để chữa lành chúng: lòng nhân từ và đức công chính của Người. Đặc tính của công chính là triệt hạ lòng kiêu ngạo; và đặc tính của lòng thương xót là chống lại sự lười biếng bằng cách mời gọi làm các việc lành, theo lời đoạn văn sau: Lòng thương xót của Thiên Chúa mời gọi việc thống hối (Rm 2:4); và đoạn khác nói về người Ninivê: Chúng ta hãy thống hối, để xem liệu Người có thương xót chúng ta hay không (St 3:9). Như thế, thay vì lòng thương xót của Thiên Chúa cho phép việc ở nhưng không, trái lại mới đúng, không điều gì chống thói lười biếng nhiều hơn thế; và thay vì nói rằng: vì Thiên Chúa không tỏ lòng thương xót, ta phải nỗ lực hết sức để chu toàn các giới luật của Người; trái lại, cần phải nói rằng chính vì Người là Thiên Chúa của lòng thương xót nên chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm để chu toàn chúng.

XLIII. Tất cả những gì trên thế giới đều chỉ là tư dục của xác thịt, hoặc tư dục của đôi mắt, hoặc sự kiêu ngạo trong cuộc sống: libido sentiendi, libido sciendi, libido dominandi (1 Ga 2:16.) Khốn thay cho vùng đất bị nguyền rủa khi ba con sông lửa này thiêu đốt thay vì tưới tắm! Phúc thay những ai, ở trên những dòng sông này, không bị đắm chìm, không bị cuốn đi, nhưng vững như bàn thạch; không đứng, nhưng ngồi trong một cái đĩa thấp và chắc chắn, từ đó họ không đứng lên trước khi ánh sáng xuất hiện, nhưng sau khi đã yên nghỉ ở đó, đưa tay cho người có nhiệm vụ nâng họ lên, để làm cho họ đứng thẳng và đứng vững trong cánh cổng Giêrusalem linh thiêng, nơi họ sẽ không còn phải sợ hãi những cuộc tấn công của lòng kiêu ngạo; tuy nhiên, họ khóc, không phải vì thấy mọi sự mau hư đã trôi đi, nhưng vì ký ức về quê hương thân yêu của họ, về Giêrusalem trên trời, mà họ hằng mơ ước đêm ngày trong cảnh mòn mỏi lưu đầy!

XLIV. Người ta nói rằng phép lạ sẽ củng cố niềm tin của tôi. Họ nói như thế khi chúng ta không thấy phép lạ. Các lý do, nhìn từ xa, dường như hạn chế tầm nhìn của chúng ta, nhưng khi chúng ta đến đó, chúng không còn giới hạn nữa. Chúng ta bắt đầu thấy quá bên kia. Không có điều gì ngăn cản được sự liến thoắng của tâm trí chúng ta. Người ta nói rằng không có quy tắc nào, mà lại không có luật trừ, cũng không có bất cứ sự thật nào dù tổng quát đến đâu mà lại không có phương diện thiếu sót. Đủ để nó không tuyệt đối phổ quát, đủ để cho chúng ta một cái cớ giúp áp dụng ngoại lệ vào chủ đề hiện bàn, và để nói rằng: Điều này không luôn luôn đúng; vì vậy có những trường hợp nó không phải vậy. Chỉ còn cần cho thấy trường hợp này là một; và chúng ta chắc chắn sẽ rất khờ dại nếu một ngày nào đó, không thấy ra điều đó.

XLV. Bác ái không phải là một giới luật theo nghĩa bóng. Nói rằng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến để loại bỏ các hình bóng hòng đặt để sự thật, thực ra chỉ đến để đặt để hình bóng bác ái, và để loại bỏ thực tại đã có trước đó; nói như thế thật là kinh hoàng.

XLVI. Biết bao vọng kính đã khám phá cho chúng ta những vật chưa hề thấy đối với các triết gia của chúng ta trước đây! Người ta từng xấc xược tấn công Kinh thánh vì thấy ở đó, ở rất nhiều nơi, nói đến vô số các vì sao. Họ bảo chỉ có một nghìn hai mươi hai vì sao mà thôi: chúng ta biết điều đó.

XLVII. Con người được tạo ra như thế, để khi nói với họ rằng họ là một kẻ ngốc, họ tin ngay; và, càng tự nói với mình điều đó, họ càng tự tin điều đó. Vì một mình con người mới biết trò chuyện với chính mình, nên điều quan trọng là phải điều chỉnh nó cho tốt: Corrum punt mores bonos colloquia mala [Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu] (1 Cr 15:33). Phải giữ im lặng bao nhiêu có thể, và chỉ đàm đạo về Thiên Chúa mà thôi; và nhờ vậy chúng ta sẽ tự thuyết phục mình tin có Thiên Chúa.

XLVIII. Đâu là sự khác biệt giữa một người lính và một tu sĩ Chartreux (dòng Thánh Brunô) về sự vâng lời? Vì họ đều vâng lời và tùng phục như nhau, và trong những nhiệm vụ nặng nề như nhau. Nhưng người lính luôn hy vọng trở nên người chỉ huy mà không bao giờ trở nên được (vì các đại úy và các các ông hoàng nữa luôn luôn là các nô lệ và người tùy thuộc); nhưng họ luôn hy vọng được độc lập và luôn cố gắng đạt được điều này; còn các tu sĩ Chartreux có lời khấn không bao giờ sống độc lập. Họ không khác nhau về sự phục vụ vĩnh viễn mà cả hai cùng có, nhưng lòng hy vọng được độc lập thì người này luôn luôn có còn người kia thì không.

XLIX. Ý chí riêng sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cả khi nó có mọi thứ nó mong muốn; nhưng chúng ta sẽ thỏa mãn ngay khi từ bỏ ý chí riêng. Với nó, người ta chỉ có thể không hài lòng; không có nó, người ta chỉ có thể hài lòng. Nhân đức đích thực và độc đáo là ghét chính mình, vì người ta đáng ghét bởi tự dục của mình; và tìm kiếm một con người thực sự đáng yêu, để yêu nó. Nhưng, vì chúng ta không thể yêu điều gì ở bên ngoài chúng ta, nên phải yêu một đối tượng ở bên trong chúng ta, nhưng không phải là chúng ta. Thế mà, chỉ có Đấng Phổ Quát mới như vậy mà thôi. Vương quốc Thiên Chúa ở trong chúng ta (Lc 17:21); sự thiện phổ quát ở trong chúng ta, nhưng không phải là chúng ta.

Nên quả không chính đáng khi người ta quyến luyến chúng ta, mặc dù họ làm điều đó một cách vui vẻ và tự nguyện. Chúng ta sẽ lừa dối những người mà chúng ta sẽ tạo ra sự quyến luyến đó nơi chúng ta; vì chúng ta không phải là cùng đích của bất cứ ai cả, và chúng ta không có gì để thỏa mãn họ. Há chúng ta không sẵn sàng chết đó sao? Và như vậy đối tượng của sự quyến luyến của họ sẽ chết theo. Vì chúng ta sẽ có tội khi làm cho người ta tin một điều sai sự thật, mặc dù chúng ta thuyết phục họ một cách êm ái và họ vui lòng tin điều đó, và trong điều đó họ làm cho chúng ta vui: cũng thế chúng ta sẽ có tội, nếu chúng ta lôi cuốn người ta quyến luyến chúng ta. Chúng ta phải cảnh báo những người sẵn sàng đồng ý với một lời dối trá rằng họ không được tin vào điều đó, bất kể chúng ta thu được lợi ích gì từ việc này. Cũng thế, chúng ta phải cảnh báo họ rằng họ không nên quyến luyến với chúng ta; vì họ phải dành cả đời mình để làm đẹp lòng Thiên Chúa, hoặc tìm kiếm Người.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Quá ác: Cáo gian một linh mục dòng Tên là khủng bố rồi cầm tù ngài cho đến độ bỏ mạng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:01 08/07/2021


1. Đức Tổng Giám Mục Tokyo cầu nguyện cho các nạn nhân vụ đất lở kinh hoàng ở Nhật

Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi của tổng giáo phận Tokyo, cũng là chủ tịch Caritas Nhật Bản, cho biết ngài đau buồn trước biến cố vừa diễn ra tối thứ Hai 6 tháng 7 trong một vụ đất lở thật kinh hoàng. Đến nay, có 80 người được ghi nhận là đã mất tích.

Đức Tổng Giám Mục đã cầu nguyện xin Chúa ban ơn chữa lành cho những người vừa bị mất người thân, bảo vệ an toàn cho các nhân viên cấp cứu và cầu mong cho những người bị nạn sớm nhận được sự giúp đỡ cần thiết.

Cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và quân đội đã được điều động để cứu các nạn nhân trong vụ đất lở kinh hoàng tại Atami, Nhật Bản.

Hoạt động cấp cứu này phụ thuộc nhiều vào khả năng làm việc bằng tay của những người cấp cứu. Việc sử dụng máy móc hạng nặng được coi là quá nguy hiểm đối với bất kỳ nạn nhân nào có thể còn sống dưới bùn.

Atami, có dân số khoảng 36,000 dân, cách thủ đô Tokyo 90 km về phía Tây Nam và rất nổi tiếng với các suối nước nóng. Các trận lở đất là một lời nhắc nhở về những thảm họa thiên nhiên - bao gồm động đất, núi lửa phun trào và sóng thần - ảnh hưởng đến Nhật Bản, nơi thủ đô Tokyo đăng cai Thế vận hội mùa hè bắt đầu từ ngày 23/7.
Source:Reuters

2. Số người chết trong vụ sập tòa nhà ở Florida tăng lên 36 người, với 117 người mất tích

Cha Sở nhà thờ Thánh Giuse là Cha Juan Sosa cho biết đến chiều ngày thứ Tư, số người chết vì một chung cư bị sập ở khu vực Miami đã tăng lên 36 người. 10 gia đình trong giáo xứ của ngài vẫn được ghi nhận là mất tích.

Cha bày tỏ hy vọng họ vẫn còn sống và các nhân viên cấp cứu có thể tìm ra họ sau khi việc phá hủy có kiểm soát phần còn lại của tòa nhà vào đêm Chúa Nhật cho phép lực lượng cấp cứu mở rộng khả năng tìm kiếm.

Việc phát hiện ra nạn nhân thứ 28 đã được công bố trong một cuộc họp báo vào chiều thứ Hai. Trước đó trong ngày, các quan chức cho biết đã kéo được ba thi thể khác từ đống đổ nát.

117 người khác vẫn mất tích 11 ngày sau khi tòa nhà dân cư 12 tầng bị sập ở Surfside, Florida, khiến nỗ lực tìm kiếm và cấp cứu tiếp tục gần như suốt ngày đêm, chỉ tạm dừng vì thời tiết xấu, hay sự dịch chuyển nguy hiểm của đống đổ nát và phá dỡ.

Khoảng một nửa của tòa nhà chung cư đã đổ sập vào sáng sớm ngày 24 tháng 6, và các nhân viên cấp cứu phải giữ một khoảng cách nhất định vì sự an toàn của chính họ.

Bão nhiệt đới Elsa ở Caribe cũng đã đe dọa thổi bay những gì còn lại, vì vậy các quan chức đã ra lệnh cho đội phá dỡ tòa nhà phải hạ gục tòa nhà.

“Đội tìm kiếm và cấp cứu đã có thể tìm kiếm tất cả các phần trong vụ sập, sau khi phá dỡ tòa nhà”, Thị trưởng Miami-Dade, Daniella Levine Cava nói với các phóng viên.
Source:Reuters

3. Quá ác: Cáo gian một linh mục dòng Tên là khủng bố rồi cầm tù ngài cho đến độ bỏ mạng

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho chạy hàng tít lớn: “Cha Stan Swamy bị giết bởi chín tháng tù”.

Cha Stan Swamy đã qua đời hôm 5 tháng 7, sau khi ngài bị bắt giữ cách đây 9 tháng vì tội khủng bố, một tội danh vô lý mà các thành phần Ấn Giáo cực đoan gán cho ngài vì ghen tức trước các thành quả trong công việc bác ái ngài dành cho những sắc dân thiểu số. Ngài hưởng thọ 84 tuổi.

Vào cuối tháng 5, một tòa án đã cho phép linh mục Dòng Tên được chuyển từ nhà tù Taloja đến bệnh viện Thánh Gia ở Mumbai khi ngài đã ở trong tình trạng sức khỏe quá kém.

Khi tình trạng của anh ấy trở nên tồi tệ hơn vào ngày 4 tháng 7, ngài đã được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, đơn xin trả tự do của ngài vẫn được đưa ra trước tòa án. Cái chết đã đến trước.

Cha Stanislaus D'Souza, giám tỉnh Dòng Tên ở Ấn Độ, đã ra thông báo sau về cái chết của giáo sĩ.

“Với cảm giác đau đớn, thống khổ và hy vọng, chúng tôi đã tiễn Cha Stan Swamy, 84 tuổi, đến nơi ở vĩnh hằng vào ngày 5 tháng 7 năm 2021.”

Bây giờ cha ấy đang ở với “tác giả của sự sống, Đấng đã giao phó cho cha ấy một sứ mệnh làm việc giữa những người thiểu số, người cùng đinh và các cộng đồng bị thiệt thòi khác để người nghèo có cuộc sống với đầy đủ, với phẩm giá và danh dự”.

“Dòng Tên, vào lúc này, tái cam kết tiếp tục di sản của Cha Stan trong sứ mệnh đòi hỏi công lý và hòa giải. Các chi tiết về tang lễ sẽ sớm được thông báo”.

Mặc dù đã lớn tuổi và mắc bệnh Parkinson nặng, cha Swamy đã bị Cơ quan Điều tra Quốc gia của Ấn Độ bắt giữ vào ngày 8 tháng 10 năm 2020 tại Jharkhand, nơi ngài đã dành cả cuộc đời mình để bảo vệ quyền của các cộng đồng bộ lạc địa phương trước một số tay tài phiệt trong vùng.

Vào năm 2018, các cuộc đụng độ đã diễn ra trong lễ kỷ niệm trận chiến Bhima Koregaon. Vị linh mục Dòng Tên, cùng với 15 nhà hoạt động khác, bị cáo buộc có liên hệ với quân du kích thân Mao.

Cha Swamy kiên quyết phủ nhận các cáo buộc, cho rằng một số tài liệu đã được cài vào máy tính của ngài để đưa ra các cáo buộc sai trái chống lại ngài. Nhiều lần tòa án ở Mumbai đã từ chối đơn xin tại ngoại của vị linh mục.

Chỉ sau khi nhiễm COVID-19 trong tù, ngài mới được chuyển đến bệnh viện Thánh Gia.

Ngày 22 tháng 5, chính quyền Ấn làm khó dễ không muốn ngài được điều trị ở bệnh viện Thánh Gia là bệnh viện Công Giáo. Họ buộc ngài phải chuyển đến một bệnh viện công. Ngài từ chối, tố cáo nhà cầm quyền Ấn Độ đã đầu độc ngài, và yêu cầu được chết giữa những người Công Giáo.

“Trong tám tháng qua tất cả các chức năng của cơ thể của tôi đã bị suy thoái chậm chạp nhưng đều đặn. Nhà tù Taloja đã đưa tôi đến tình trạng tôi không thể viết hoặc tự mình bước đi”.

“Tôi yêu cầu các ông xem xét lý do tại sao và làm thế nào tình trạng sức khỏe của tôi lại bị suy giảm như thế. Dù thế nào, tôi muốn có thể ở bên người của tôi”.
Source:Asia News
 
Dân nghèo đứng dưới đất lại bị máy bay đâm thiệt mạng. Hồng Y Parolin nói sẵn sàng ra tòa làm chứng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:58 08/07/2021


1. Đức Hồng Y Parolin nói ngài sẽ làm chứng nếu được triệu tập đến phiên tòa xét xử ở Vatican

Tuyên bố hôm 4/7 vừa qua, khi tới thành phố Strasbourg bên Pháp, trong tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh Cha để chủ sự các lễ nghi kỷ niệm 1,300 năm thánh nữ Odile qua đời, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói với giới báo chí rằng: “Điều tốt là có một quyết định xét xử vì nhà chức trách tư pháp Vatican đã dành hơn 1 năm rưỡi để quyết định. Tôi rất buồn cho những người liên hệ. Tôi không bày tỏ ý kiến về những gì còn lại vì tôi chưa đọc các văn kiện được công bố hôm 3/7 về vụ này. Chúng ta phải đợi vụ xét xử và tôi hy vọng nó sẽ mang lại sự thật. Chúng tôi hy vọng vụ xử sẽ ngắn, vì nhiều người đã chịu đau khổ”.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói thêm rằng: “Nếu họ yêu cầu tôi làm chứng trong vụ xử án, tôi sẽ làm. Tôi tin rằng về phương diện hành chánh, vấn đề ở trung tâm vụ xử đã được giải quyết rồi, sau nhiều quyết định do Đức Thánh Cha đưa ra để kiểm soát tài chánh của Tòa Thánh”.

Hôm thứ Bảy 3 tháng 7, Vatican đã thông báo rằng Hồng Y Angelo Becciu sẽ bị xét xử với tội danh tham ô và lạm dụng chức vụ.

Tòa án Vatican cũng thông báo sẽ tổ chức một phiên tòa hình sự chống lại 9 người và 4 tập đoàn liên quan đến việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua bất động sản đầu tư ở London.

Phiên xử đầu tiên của phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 27/7.
Source:La Croix

2. Dân nghèo Phi Luật Tân đang đứng dưới đất lại bị máy bay đâm thiệt mạng

Lực lượng an ninh Phi Luật Tân hôm 5/7 đang tìm kiếm các hộp dữ liệu chuyến bay của một chiếc máy bay bị rơi làm 50 người thiệt mạng. Đó là một trong những thảm họa hàng không quân sự tồi tệ nhất của đất nước này.

Hôm 4 tháng 7, máy bay vận tải Hercules C-130 của Không quân Phi Luật Tân chở 96 người, hầu hết là sinh viên vừa tốt nghiệp lục quân. Máy bay đã lao quá đường băng trong khi cố gắng hạ cánh trong thời tiết nắng ráo trên đảo Jolo ở tỉnh Sulu - nơi trú ẩn của các chiến binh Hồi giáo

Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân Edgard Arevalo cho biết 50 người, bao gồm 47 quân nhân và 3 dân thường, đã chết khi máy bay trượt ra khỏi đường băng và bốc cháy trong một ngôi làng.

53 người khác bị thương, hầu hết là quân nhân. Không rõ các phi công có nằm trong số những người sống sót hay không.

Trong một diễn biến thật hi hữu, trưởng làng Tanda Hailid nói với AFP rằng có ba người đang làm việc trên mặt đất trong một mỏ đá đã bị máy bay đâm chết.

Các bức ảnh chụp hiện trường do Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp-Sulu công bố cho thấy phần đuôi bị hư hại và phần sau thân máy bay bị tàn phá và bốc khói trong một lùm dừa.
Source:UCANews

3. Các Imam Hồi Giáo, giáo sĩ Do Thái và giáo chủ Chính thống giáo cầu chúc Đức Thánh Cha Phanxicô mau chóng bình phục

Các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị trên khắp thế giới đã bày tỏ những lời chúc tốt đẹp và những lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đang trong tiến trình hồi phục trong bệnh viện sau ca phẫu thuật ruột.

“Tôi cầu chúc cho người anh em thân yêu của tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hồi phục nhanh chóng để tiếp tục cống hiến cho nhân loại”, Ahmad al-Tayyeb, Đại Imam của al-Azhar ở Cairo, Ai Cập, viết trên Twitter hôm 5/7.

Đức Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople cũng bày tỏ “những lời cầu chúc huynh đệ cho việc phục hồi nhanh chóng” trong một thông điệp gửi cho vị Giáo Hoàng 84 tuổi, theo Vatican News.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, nhà lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống Đông phương trên thế giới, bảo đảm với Đức Giáo Hoàng về những lời cầu nguyện và hy vọng của ngài rằng hai vị sẽ tiếp tục “cùng nhau thực hiện sứ mệnh hiệp nhất không thể thiếu mà Chúa Kitô kêu gọi chúng ta”.

Vị thượng phụ Chính thống giáo đã chia sẻ một trích dẫn từ Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinhtô, “Sự yếu đuối của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh của con người”, và nói thêm rằng mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện “trong những đau khổ của chúng ta để Tin Mừng có thể sống động nơi chúng ta. “

Riccardo Di Segni, giáo sĩ trưởng Do Thái Giáo ở Rome, cũng cầu chúc Đức Giáo Hoàng “phục hồi nhanh chóng” trong một bài đăng trên Twitter.

Văn phòng của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu tất cả người dân Nigeria cầu nguyện cho sự bình phục của Đức Giáo Hoàng.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha bị sốt – Kẻ gian thoát y leo lên tháp nhà thờ Đức Bà Los Angeles phóng hỏa, đã bị bắt
Giáo Hội Năm Châu
17:06 08/07/2021


1. Thông báo chiều 8/7 của Phòng Báo Chí Tòa Thánh: Đức Thánh Cha bị sốt cao

Lúc 12g trưa ngày thứ Năm 8 tháng 7 theo giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra thông báo sau đây về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Toàn văn như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua một ngày yên tĩnh, ăn uống và di chuyển mà không cần có người trợ giúp.

Buổi chiều, ngài muốn bày tỏ sự gần gũi hiền phụ với các bệnh nhân nhỏ tuổi ở khoa ung bướu nhi đồng và khoa phẫu thuật thần kinh trẻ em gần đó, ngài gửi đến họ lời chào thân ái.

Buổi tối, ngài bị sốt cao trong một khoảng thời gian.

Sáng nay, Đức Thánh Cha đã trải qua các cuộc kiểm tra vi sinh và định kỳ, và nội soi vùng ngực và bụng, kết quả cho thấy âm tính.

Đức Thánh Cha đang tiếp tục điều trị theo kế hoạch và ăn uống bằng miệng.

Vào thời điểm đặc biệt này, ngài hướng về tất cả những người đau khổ, bày tỏ sự gần gũi của mình với những bệnh nhân, đặc biệt là những người cần được chăm sóc nhất.
Source:Holy See Press Office

2. Điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha về vụ ám sát tổng thống Haiti.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bên cạnh đó, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng ra một thông báo về vụ ám sát tổng thống Haiti.

Đức Thánh Cha đã được thông báo về vụ ám sát giết chết tổng thống Haiti. Tối ngày thứ Tư 7 tháng 7, một nhóm người vũ trang đã đột nhập tư dinh tổng thống, bắn chết ông và làm bị thương tổng thống phu nhân.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn với nội dung sau đây.

Khi nghe tin về vụ ám sát khủng khiếp ngài Jovenel Moïse, Tổng thống Haiti, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chia buồn đến người dân Haiti và tổng thống phu nhân, là người cũng bị thương nặng. Đức Thánh Cha phó dâng mạng sống của bà cho Thiên Chúa. Cầu xin Cha Nhân từ cho linh hồn người quá cố được hưởng ánh sáng ngàn thu, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi buồn và lên án mọi hình thức bạo lực được dùng một phương tiện giải quyết các cuộc khủng hoảng và xung đột. Ngài cầu chúc cho người dân Haiti thân yêu một tương lai huynh đệ hòa thuận, đoàn kết và thịnh vượng. Như bảo chứng cho lòng ưu ái của ngài, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban ơn dư dật trên đất nước Haiti và tất cả cư dân của nó.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Source:Holy See Press Office

3. Một người đàn ông khỏa thân leo lên nóc nhà thờ Đức Bà, toan tính đốt thánh giá

Chiều tối thứ Tư 7 tháng 7, một người đàn ông đã leo lên đỉnh tháp cao vút của nhà thờ Đức Bà ở quận Boyle Heights, Los Angeles. Khi lên đến đỉnh tháp, hắn ta thoát y ra, và đốt lửa ở chân cây thánh giá.

Hàng trăm cảnh sát đã được điều động bao vây chung quanh ngôi nhà thờ. Trực thăng vần vũ trên bầu trời chiếu đèn pha xuống, trong khi cảnh sát không ngừng gọi loa kêu hắn leo xuống.

Dường như cố gắng trốn tránh cảnh sát đang bao vây xung quanh, hắn ta nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác của các tòa nhà gần đó trước khi bị bắt.

Đến nay không rõ điều gì đã thúc đẩy người đàn ông leo lên giàn giáo của nhà thờ.

Một nhân chứng nói với KCBS-TV rằng người đàn ông đã ném quần áo của mình xuống.

Đèn pha từ máy bay trực thăng cho thấy người đàn ông đã leo lên đỉnh tháp chuông, cao hơn 40m, và dường như đã cố gắng đẩy cây thánh giá xuống đất, trước khi châm lửa đốt. Nhưng đám cháy không cháy lan ra.

Người đàn ông sau đó đã trèo lên mái chính của nhà thờ, nhảy lên một mái nhà gần đó, rồi tiếp tục nhảy sang các tòa nhà khác.

Cảnh sát đã bao vây khu vực và theo dõi người đàn ông trong hơn một giờ. Anh ta đi vào một tòa nhà và cuối cùng bị bắt giữ bên ngoài một tòa nhà dân cư vào khoảng sau 10 giờ tối.
Source:Crux