Ngày 09-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người quản lí
Lm Vũđình Tường
04:31 09/07/2008
Mỗi người chúng ta là một người quản lí của Chúa. Trong Cựu Ước chương hai sách Sáng Thế kí thuật lại Chúa tạo dựng con người vào ngày thứ sáu. Đến cuối ngày Ngài thấy mọi sự tốt đẹp. Ngài trao quyền quản lí vũ trụ cho con người chăm sóc. Không phải trao một lần mà nhiều lần bằng các huấn lệnh.

Hãy làm chủ chim trời cá biển.

Hãy làm chủ các loại cây sinh bông.

Hãy làm chủ các loại cây sinh trái nuôi thân

Hãy làm chủ các loại bò sát

Hãy làm chủ các động vật và dã thú.

Chúng ta khẳng định điều này vì ngay sau ngày thứ Sáu sang ngày thứ Bảy bút tích ghi rõ Thiên Chúa nghỉ ngơi. Chúa nghỉ vì từ nay vũ trụ của Ngài có người quản lí. Người quản lí không phải chỉ lo chăm sóc, bảo vệ thu hoạch mà còn hưởng hoa lợi mùa gặt. Người quản lí còn được ban cho ơn tái tạo cùng cộng tác với chủ mình dự phần trong công trình sáng tạo và tái tạo của Chúa làm cho vũ trụ ngày tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Các sinh động vật khác tiếp tục phát triển, sinh sôi nảy nở cung cấp lương thực cho dân Chúa.

Thời Tân Ước quyền quản lí Chúa trao trong tay nhân loại mà thánh Phêrô đại diện nhân loại nhận lãnh khi Ngài hỏi Phêrô ba lần con có yêu mến Thầy chăng. Mỗi lần Phêrô đều khẳng định và Đức Kitô trao cho trách nhiệm trông coi chiên.

Lần một hãy chăm chiên mẹ của Ta.

Lần hai hãy nuôi chiên con của Ta.

Lần thứ ba hãy chăm nuôi chiên mẹ lẫn chiên con của Ta.

Như thế quyền quản lí Thiên Chúa tin tưởng trao ban cho nhân loại. Mỗi người trong chúng ta là một quản lí của Chúa.

Nhiệm vụ

Nhiệm vụ của người quản lí là thay mặt ông chủ để làm công việc ích lợi cho chủ. Quản lí toàn quyền quyết định mọi sự từ trong nhà ra đến ngoài ngõ và xa tận nương rẫy của chủ. Quản lí định liệu sao cho chủ có lợi bây giờ và lợi trong tương lai. Lợi nhiều nói lên tài năng và lòng trung tín phục vụ chủ nên được thưởng nhiều.

Trong kinh Thánh sau khi nói với các tông đồ hãy xin chủ ruộng ban thêm thợ gặt vì mùa gặt thì nhiều mà thợ gặt lại ít. Sau khi công bố danh tánh các tông đồ Chúa sai các ông đi làm công việc quản lí. Các ông rao giảng triều đại Chúa đã đến gần sau đó an ủi kẻ ốm đau, yếu liệt. thăm hỏi kẻ tật nguyền. Chăm sóc người cô đơn, già yếu, cho kẻ đói ăn, khát uống và đón nhận tất cả vì danh Chúa.

Công việc của quản lí cho Chúa là làm những công việc rất thực tế, gần với cuộc sống và lứa tuổi nào cũng có thể thực hiện, hoàn cảnh nào cũng có thể thi hành và thời đại nào cũng cần đến những bàn tay nâng niu, vỗ về, an ủi.

Hiểu lầm

Kitô hữu thường hiểu lầm công việc phục vụ chung trong xứ là công việc của những người rảnh rỗi, có nhiều giờ. Mình bận rộn đủ rồi nên thường từ chối tham gia, cộng tác dù chỉ một vài lần trong năm. Kitô hữu từ chối cộng tác vì chưa nắm vững vai trò quản lí của mình. Thành phần này chiếm đa số. Số khác thì coi việc cộng tác chung là công việc lãnh đạo, tham gia để thay đổi, đổi mới, hướng dẫn cộng đoàn đi theo đường lối riêng cá nhân mình ưa thích. Số khác nữa hiểu lầm công việc phục vụ trong thánh đường không liên quan đến việc thờ phượng. Hiểu như thế là một sai lầm đáng tiếc. Việc thờ phượng Chúa và phục vụ anh chị em trong thánh đường bao gồm rất nhiều công việc. Đơn giản như giữ cho nơi tôn nghiêm được sạch sẽ, đóng và mở của thánh đường, chào đón anh chị em khác tới tham dự thánh lễ và các nghi thức phụng vụ. Khó hơn chút là gia nhập ca đoàn, trưng bày hoa nến trên bàn thờ. Thừa tác viên đọc sách công bố lời Chúa. Khó hơn là việc chuẩn bị dụng cụ cho thánh lễ hoặc trao Mình Thánh Chúa cho các Kitô hữu khác. Tấc cả các công việc lớn nhỏ đều là những việc giúp cho phụng vụ trở nên linh hoạt hơn, nhịp nhàng, ăn khớp nhau hơn giúp các anh chị em Kitô hữu khác dự lễ cho sốt sắng hơn. Hoàn thiện nhất là mỗi người cố gắng làm thế nào tìm một công việc hợp khả năng ra sức phục vụ xứ đạo mình đang cư ngụ. Không thể phục vụ hàng tuần ít ra một tháng một lần, vài ba tuần một lần tuỳ theo thời gian và công việc. Từ chối cộng tác là một việc làm vừa dối mình vừa coi nhẹ tài năng Chúa ban. Nếu không thể phục vụ anh chị em trong cùng cộng đoàn, niềm tin, làm sao có thể thành tâm phục vụ người xa lạ.

Chôn nén bạc

Từ chối phát triển tài năng Chúa ban là điều đáng buồn nhất. Có lẽ ít ai nghĩ từ chối lời mời gọi đơn giản mà có hậu quả khó lường trước. Cộng đoàn là môi trường giúp chúng ta thực thi đức ái cho nhau rồi sau đó mới đến chiên lạc. Bởi vì đời sống sinh hoạt cộng đoàn khuyến khích, tiếp trợ cho việc tìm chiên lạc dễ dàng hơn. Nhờ ơn Chúa chúng ta học cách nâng đỡ, hỗ trợ, khuyến khích và ngay cả ra chương trình kế hoạch, và nghệ thuật ăn nói trước khi được sai đi để làm công việc bác ái cho chiên lạc. Thiếu hướng dẫn, nâng đỡ của cộng đoàn khó có môi trường nào thích hợp hơn giúp cho việc đào tạo, huấn luyện trở thành người lãnh đạo giỏi trong tương lai.

Khi được hỏi em kia từ chối dâng lễ vật vào sáng Chúa Nhật. Viện lí không có khả năng. Chỉ vài tuần sau em ăn mặc, gọn ghẽ, chải chuốt trong bộ áo vest bưng mâm quà xin hỏi cưới của người thân. Dâng lễ vật không có khả năng nhưng bưng mâm quả đặt trầu thì có khả năng. Lạ nhỉ.

Người kia chối đọc sách trong lễ mừng kính thánh bổn mạng xóm đạo vì đọc không quen. Ít ngày sau người đó đọc sách trong đám giỗ bà, rõ ràng, mạch lạc. Thì ra ngày giỗ có xôi nên giọng dẻo hơn.

Người nọ nhất định không chịu hát ngày lễ an táng của một người trong xứ. Cuối năm người đó dự thi những giọng ca vàng trong thành phố. Khi mời gia nhập ca đoàn người đó trả lời

Tôi hát chỉ có ma nó nghe.

Thì ra ban giám khảo và khán giả bữa hôm đó toàn là ma.

Môt người nữa không giúp đếm tiền nhà thờ. Sau này được biết người đó từng làm cho ngân hàng. Thảo nào ngại đếm tiền lẻ nhà thờ. Người đó biện bạch. Đúng là trước đây gốc ngân hàng nhưng làm dở quá bị đuổi rồi. Tôi nghĩ bụng ‘rõ là khéo nói. Con quẩn chân thì đúng hơn’.

Những công việc liệt kê trên và còn nhiều nữa đều là những việc giúp người Kitô hữu thi hành nhiệm vụ quản lí của mình trong việc thực thi đức ái và làm cho đời sống đức tin sống động, mạnh mẽ. Đức tin không việc làm là đức tin chết thánh Giacôbe từng tuyên bố 2,16. Việc làm nhẹ nhàng, đơn giản nhất là những việc trong phụng vụ chung của Giáo Hội, của xứ đạo mình đang thờ phượng chung với các Kitô hữu khác. Làm sao thể hiện đức ái khi bao người phục vụ trong khi mình từ chối nhập cuộc làm một thành viên tích cực cộng tác trong cộng đoàn. Ai cũng bận rộn, ai cũng bị giới hạn bởi thời gian. Thực ra có rất nhiều việc mục vụ trong xứ đạo không đòi nhiều thời gian, dùng thời gian mình có thể. Thí dụ một giờ một tháng, hoặc nửa tháng một lần. Nếu mỗi người trong cộng đoàn cùng hy sinh một giờ một tháng, công việc chung không còn là gánh nặng cho bất cứ ai. Gánh của Chúa sẽ trở nên nhẹ nhàng.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Cộng Đoàn ''Maria Trẻ'' mang lại tin yêu và hy vọng
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
08:46 09/07/2008
CỘNG ĐOÀN ”MARIA TRẺ” MANG LẠI TIN YÊU VÀ HY VỌNG

Năm 1984, một nhóm bạn trẻ Công Giáo nghèo - vỏn vẹn ba bốn người - gặp nhau tại Sherbrooke, nước Canada, để chia sẻ một bữa ăn thanh đạm.

Bữa ăn huynh đệ thành công đến độ, không bao lâu sau, trở thành cuộc gặp gỡ thường xuyên của các bạn trẻ. Và cộng đoàn ”MARIA Trẻ - MARIE Jeunesse” thành hình từ đó.

Ngay bước đầu, cộng đoàn quy nạp tất cả các bạn trẻ - không phân biệt nam nữ, màu da chủng tộc - cần một bữa ăn nóng và nhất là, cần hơi ấm tình người. Cuộc sống của những thành viên cộng đoàn dựa trên khuôn mẫu cuộc sống thường ngày của Đức MARIA Trẻ nơi làng Nagiarét xưa. Đó là: trong sạch, trầm lặng, khiêm tốn và cầu nguyện. Tiếp đến, sinh hoạt của các bạn trẻ chuyên về âm nhạc, ca vũ và thể thao.

Con số các bạn trẻ tham dự thường xuyên các sinh hoạt của cộng đoàn dần dần lên tới 700 người. Các bạn trẻ quy tụ trong hai cộng đoàn. Một tại Sherbrooke và một tại Québec. Các bạn trẻ phân chia công tác điều động sinh hoạt trong các trường học, giáo xứ và các buổi tĩnh tâm.

Quy luật của cộng đoàn ”MARIA Trẻ” nhấn mạnh trên đời sống cầu nguyện. Mỗi ngày, mỗi thành viên cầu nguyện 3 giờ và mỗi tuần dành trọn một đêm không ngủ để canh thức cầu nguyện. Đời sống huynh đệ của cộng đoàn xây dựng trên lòng nhân hậu, tình trìu mến và sự đoan trang hiền dịu. Mỗi thành viên phải ăn nói, hành xử như Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA xưa nơi căn nhà Thánh Gia Nagiarét.

Bất cứ bạn trẻ nào cần bầu khí an bình trầm lặng, cần hơi ấm tình người, đều có thể dừng chân nơi hai cộng đoàn ”MARIA Trẻ” ở Sherbrooke hoặc ở Québec. Nhiều bạn trẻ đến cộng đoàn vì tò mò. Nhiều bạn khác muốn nếm thử bầu khí cộng đoàn ra sao. Cũng có một số bạn trẻ đến cộng đoàn chỉ vì, hơi mòn sức kiệt, nghĩa là chán chường với một nếp sống lang thang bất định và vô lý tưởng! Chỉ có điểm duy nhất giống nhau:

- Các bạn trẻ đến với tâm tình hoàn toàm tự nhiên, không câu nệ màu mè hình thức gì cả!

Nhưng một khi dấn thân như thành viên của cộng đoàn rồi thì các bạn trẻ phải tự nguyện sống đứng đắn trong sạch, kính trọng tha nhân dưới đủ mọi khía cạnh và phạm vi: tinh thần, thể xác, luân lý và đạo đức.

Một cộng đoàn gồm cả nam lẫn nữ, nhưng không lang-chạ hỗn-độn phái tính tình dục, như những cộng đoàn giáo phái vô kỷ luật.

Ngoài ra cũng có các bạn trẻ thành viên đi xa hơn trong cuộc sống dấn thân, bằng cách lập lại lời hứa hằng năm tuân giữ đức khó nghèo và vâng lời cách chặt chẽ, nghiêm khắc. Cũng có một số bạn trẻ khác hứa giữ thêm đức trinh khiết. Để hỗ trợ cho cuộc sống kỷ luật luân lý, cộng đoàn ”MARIA Trẻ” sống đời chiêm niệm nghiêm chỉnh:

- 3 giờ cầu nguyện mỗi ngày và một đêm cầu nguyện mỗi tuần.

Chính vì thế mà từ cộng đoàn các bạn trẻ vui tươi và đứng đắn này nẩy sinh các ơn gọi tận hiến, đặc biệt là ơn gọi Linh Mục. 10 bạn trẻ trong cộng đoàn đã tu học để trở thành Linh Mục. Cũng có những bạn trẻ lập gia đình và tạo nên những cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Dĩ nhiên dù chọn nếp sống nào - tu trì hay hôn nhân - các bạn trẻ thuộc cộng đoàn đều tự nguyện sống rập theo khuôn mẫu của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, lý tưởng tuyệt vời nhất của mỗi người trẻ.

Xin đan cử trường hợp điển hình của một bạn trẻ trong cộng đoàn ”MARIA Trẻ”. Đó là Louis-Martin Lanthier.

Trước khi khám phá ra cộng đoàn, Louis từng kinh nghiệm thế nào là cuộc sống lang thang của các người trẻ bụi đời. Louis bỏ gia đình ra đi từ năm 15 tuổi. Từ đó cậu thiếu niên tự tìm kế sinh nhai. Sống những năm lang thang như thế, cho mãi đến một hôm, Bà Ngoại chàng rót vào tai chàng:

- Cháu nên tìm gặp một Linh Mục. Ngài sẽ giúp cháu nhiều sự lành!

Thấy ý kiến của Bà Ngoại không đến nỗi tệ lắm, chàng thi hành lời khuyên của bà. Và kết quả thật bất ngờ. ..

Nhờ vị Linh Mục giới thiệu, Louis-Martin lui tới cộng đoàn ”MARIA Trẻ” và cuộc sống chàng thay đổi tận gốc rễ từ đó. Chàng học xong bậc trung học và yêu một thiếu nữ tên Sophia. Cả hai tiến tới việc lãnh nhận bí tích hôn phối. Tuy nhiên, trước khi đi đến hôn nhân thực thụ, đôi bạn trẻ không nóng nảy vội vàng. Louis-Martin nghiêm trang thổ lộ:

- Lòng trung tín giúp chúng tôi biết kiên nhẫn đợi chờ.

... ”Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ Đức Tin, chúng ta được bình an với THIÊN CHÚA, nhờ Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Chúa GIÊSU đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của THIÊN CHÚA, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của THIÊN CHÚA” (Thư gởi tín hữu Roma 5,1-2).

(”Je Crois”, 5/1994, trang 26-27)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (câu chuyện cảm động:giọt nước cám ơn)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 09/07/2008

GIỌT NƯỚC CÁM ƠN



1. VỊ KHÁCH ĐẶC BIỆT

Đúng năm giờ bác Chu tài xế xe taxi phải giao xe, nhìn đồng hồ đã năm giờ mười lăm rồi, nên bác tài đem tấm bảng “tạm thời không đón khách” treo lên. Đúng ngày cuối tuần, học sinh trong ký túc xá của trường trung học số bốn mươi chạy ùa ra. Bác Chu tài xế nhịn không được thói quen này nên dừng xe lại, nhìn học sinh đi đi lại lại, chúng nó mặc đồng phục nhà trường, trên mặt tươi cười rạng rỡ.

- “Bác tài, cháu…cháu muốn ngồi xe của bác.” Một bé gái chân đi cà thọt lưng mang cặp sách đi đến, nhìn hai bên phải trái nói vội vàng. Bác tài nói phải giao xe, và chỉ có dừng xe chút xíu thôi. Em bé gái cúi đầu, mấy giây sau nó lại thành khẩn nói: “Cám ơn bác, bác tài, cháu chỉ ngồi một trạm là một trạm thôi.”

Hai chữ “cám ơn” làm cho bác Chu tài xế động lòng, bác nhìn trên trên thân em bé gái mặc ái áo giặt trắng tinh, một cái cặp sách cũ không thể cũ hơn được nữa, nên nhịn không được bèn thở dài nói: ”Lên xe.” Em bé gái sung sướng lên xe. Xe đến khúc quanh, em bé gái đột nhiên đằng hắng nói: “Bác tài, cháu chỉ có ba đồng bạc mà thôi, cho nên, đến nửa trạm thì cháu xuống.” Bác tài nhìn trong kính chiếu hậu thấy em bé gái mặt đỏ gất, không nói gì. Đây là xe taxi ở thành phố, giá mỗi đoạn đường có thể là năm đồng.

Lái xe đến trạm dừng công cộng thì bác tài dừng xe lại, em bé đứng nơi cửa vui vẻ nói: “Thật cám ơn bác, bác tài.”

Bác Chu tài xế nhìn thấy em bé gái khập khiễng đi về phía trước, đột nhiên trong lòng có chút ái ngại. Cũng từ ngày cuối tuần ấy, bác Chu tài xế mỗi ngày cuối tuần đều nhìn thấy em bé gái đứng đợi ở cổng trường, mấy chiếc xe taxi chạy qua, em bé gái nhìn như không nhìn, chỉ biết đứng chờ. Em bé gái đợi mình ? Bác Chu đoán và trong lòng cảm thấy ấm áp, bác lái xe đến, em bé gái từ đàng xa giơ tay vẫy vẫy, bác Chu tài xế rất kinh ngạc, xe bác ta màu da cam giống với các xe taxi khác, em bé gái làm sao có thể nhìn mà biết được chứ ?

Đây là ba đồng, đây là một trạm. Bác tài không hỏi nó tại sao chỉ đứng đợi xe của mình, và cũng không hỏi tại sao chỉ ngồi có một trạm ? Trong lòng em bé gái đều có một bí mật nhỏ, bác Chu tài xế rất hiểu điều này.

2. LÊN XE LẦN CUỐI

Một lần, hai lần, ba lần, dần dần bác Chu tài xế trở thành thói quen. Cuối tuần trước khi giao xe, thì người cuối cùng phải chở nhất định là cô bé thọt chân trong trường trung học số bốn mươi. Bác tài đem tấm bảng “tạm không chở khách” treo lên, chuyên tâm đợi trước cổng trường. Em bé gái chỉ mười bốn mười lăm tuổi mà thôi, vừa nhìn thấy ông thì giống như con nai nhỏ chạy qua đường, lớn tiếng nói với bạn học “tạm biệt”, bất quá chỉ năm phút đồng hồ là em bé gái xuống xe, câu cuối cùng vẫn là: “Cám ơn bác, bác tài.” Hình như chỉ đợi câu nói ấy, cuối tuần bất kể là đi bao xa thì bác Chu cũng lái xe đến trường. Có lúc giao xe bị phạt, bác ta cũng nhất định chở em bé gái đi một đoạn đường.

Thời gian qua rất nhanh, tình hình này tiếp tục thêm một năm nữa, chớp mắt mùa hè của năm thứ hai đã đến. Nhìn em bé gái mang cặp sách thật nặng nề, bác Chu đột nhiên cảm thấy như đánh mất cái gì đó. Bác biết em đã tốt nghiệp phổ thông cấp hai, và nó sẽ học cấp ba ở đâu ?

- “Bác tài, cám ơn bác, có lẽ đây là lần cuối cùng cháu ngồi xe của bác, thật làm phiền bác quá. Cháu thi đậu trường trung học Tân Tập Nhất, có lẽ nửa năm mới về nhà một lần,” em bé gái nói như thế.

Bác tài từ trong kính chiếu hậu nhìn cặp mắt em bé gái, trong lòng rất là không yên. Em bé quả nhiên rất ưu tú, trường Tân Tập Nhất là trường điểm của tỉnh, thi đậu vào đó thì đã bước một chân vào ngưỡng cửa đại học rồi.

- “Vậy thì bác đưa con về nhà.” bác tài nói.

Em bé gái lắc đầu nói mình chỉ có ba đồng bạc mà thôi.

- “Lần này không lấy tiền.” Bác tài nói xong thì nhìn đồng hồ, đưa em bé gái về nhà thì nhất định giao xe bị trễ giờ, có thể bị phạt chút tiền, nhưng có quan hệ gì chứ ? Bác muốn ngồi chung với em bé gái thêm chút nữa. Em bé gái nói địa chỉ rất xa, còn thêm bảy trạm nữa, nửa giờ sau, bác tài dừng xe, em bé ôm cặp bước xuống, bác tài lấy một cái hộp trong xe ra, nói: “Đây là món quà bác tặng cháu.”

Em bé gái kinh ngạc tiếp nhận quà, sau đó cúi mình chào bác tài, nói: “Cám ơn bác, bác tài.”

Nhìn em bé gái thọt chân đi vào nhà, bác Chu tài xế thở dài. Cháu bé, từ nay không còn gặp lại nữa ? Bác tài cũng không biết tên em bé là gì nữa !

3. TÌM NGƯỜI TỐT MƯỜI NĂM TRƯỚC

Đã qua mười năm rồi.

Bác Chu tài xế vẫn còn lái xe taxi.

Hôm nay, việc làm không nhiều, ông đang lái xe, nhưng lại nghe được chương trình ca nhạc của đài giao thông phát đi chương trình “nhắn tin tìm người, tìm bác tài xế mười năm trước thuê xe của công ty Thắng Lợi, số xe là Axxxx.” Bác Chu tài xế vừa nghe thì ngớ người ra, có người tìm ông ta ? Mười năm trước, ông ta lái chính là chiếc xe này.

Điện thoại gọi thẳng đến tổng đài, người phụ trách tổng đài kinh ngạc đưa cho bác tài xế số điện thoại, bác Chu nghi hoặc, là ai nhỉ ? Mỗi ngày bận bịu vì kế sinh nhai, ngoại trừ bà vợ ra thì bác tài không quen biết người phụ nữ nào khác.

Gọi điện thoại, bác tài nghe âm thanh của một cô gái trẻ, cô ta kinh ngạc vui mừng hỏi: “Là bác sao, bác tài ?”

Bác tài giựt mình, âm thanh này, lời nói này rất là quen thuộc, nhưng bác tài không nhớ là ai cả.

- “Cám ơn bác, bác tài.” Cô gái lại nói.

Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê, khi gặp cô gái ấy, bác Chu hình như nhận không ra, trước mắt là một cô gái thướt tha, là bé gái mười năm trước đi xe chỉ có ba đồng bạc đó ư ? Cô gái đứng lên cúi mình chào bác tài và nói: “Từ trong lòng cháu cám ơn bác, bác tài.”

Uống cà phê, cô gái kể chuyện ngày trước:

Mười hai năm trước, ba của cô cũng là một tài xế lái xe taxi, ông rất thương yêu cô gái, mỗi ngày cuối tuần, dù bận cách mấy ông cũng lái xe đến trường đưa cô về nhà. Tết đến, cả nhà về quê ăn tết, vì để mang được nhiều đồ, ba của cô mượn xe bánh mì của người bạn. Lái xe được nửa đường, đột nhiên tuyết rơi rất nhiều, không may tông vào một chiếc xe hàng, xe bánh mì bị hư toàn bộ, ba của cô chết tại chỗ, từ đó chân của cô bị thương nặng.

Chôn cất ba xong, mẹ phải bồi thường xe cho người bạn của ba một khoản tiền lớn, và để làm phẫu thuật chân cho cô, nên mẹ làm việc ngày đêm không nghỉ, còn cô, sau khi vết thương lành thi lập tức đi học, nhất tâm muốn mau lớn. Cô rất kiên cường, việc gì cũng có thể chịu đựng, nhưng duy chỉ có một việc là không chấp nhận người khác thương hại mình. Cho nên, cô không nói cho ai biết việc bị tai nạn trên đường. Tan học về nhà, khi bị bạn học hỏi tại sao bây giờ lại đi xe công cộng ? Cô bé nói dối là vì ba đi xa, nói dối được nửa năm, cho đến khi gặp bác Chu tài xế. Cô bé thấy chiếc xe taxi dừng bên đường không chút động đậy, giống như ba cô bé lái xe đến đợi trước cổng trường.

Cô bé chỉ có ba đồng để đi xe công cộng, nhưng cô bé lấy tất cả để ngồi xe taxi, chỉ ngồi một trạm, sau đó đi bộ nửa giờ nữa về nhà, mặc dù đường rất xa, nhưng cô bé vẫn thản nhiên đi, bởi vì không ai có thể đoán biết là ba của cô bé đã chết.

- “Bác nhất định không biết, chiếc xe taxi mà bác đang lái đó là chiếc xe mà ba của cháu đã lái, số xe cứ in mãi trong óc của cháu.”

Cô gái nói xong thì nước mắt rơi xuống: “Cho nên, từ xa xa, chỉ cần nhìn thì cháu liền nhận ra nó.” Bác Chu tài xế thấy lỗ mũi nóng, chút xíu nữa thì cũng chảy nước mắt.

- “Tấm huy chương này cháu luôn mang trên mình, cháu không biết, nếu không có nó thì cháu có thể đi được đến ngày hôm nay không. Hơn nữa, bác trả lại cháu tiền xe, cháu vẫn cứ giữ nó. Có một chút tiền, cháu cảm thấy vấn đề gì cũng có thể khắc phục được. Mặc dù mất phụ thân, nhưng cháu vẫn có phụ thân như cũ.” Nói xong, cô gái lấy trong túi ra tấm huy chương mang vào mình. Góc cạnh của tấm huy chương đó đã biến thành màu đen, sau tấm huy chương có viết hàng chữ: “Chúc cuộc sống của con cũng như tấm huy chương này.”

Tấm huy chương này là của bác Chu tài xế làm quà tặng cho cô gái mười năm trước.

4. GIỌT NƯỚC BÁO ÂN

Cô gái dắt cánh tay của bác Chu tài xế rời khỏi quán cà phê. Nhìn cô gái lái xe đi rất xa, bác Chu dừng xe bên đường, để cho nước mắt chảy xuống. Cô gái thọt chân ấy, cô gái ấy bây giờ bác tài mới biết tên cô ta là Lâm Mỹ Tuyết, cô gái và con của bác tài đã chết cách đây mười năm vì ung thư, thật quả là ấn tượng giống nhau ! Con gái của bác khi còn sống, cứ mỗi ngày cuối tuần thì bác đều lái xe đến trường đón nó. Con gái trước khi lên xe thì nói: “Cám ơn ba.”, xuống xe cũng câu ấy: “Ba, con cám ơn ba.”, làm cho bác tài cảm nhận được rất nhiều hạnh phúc !

Tấm huy chương ấy là của con gái ông được thưởng trong kỳ thi Olympic, đã làm cho ông ta rất kiêu hãnh và hy vọng, nhưng con gái ông đột nhiên chết đi khiến cho ông ta không kịp đề phòng. Lại đến ngày cuối tuần, đi ngang qua trường trung học số bốn mươi, ông ta đều dừng xe lại, hình như con gái vẫn có thể từ cổng trường chạy ra, lên xe, và lớn tiếng nói: “Ba, cám ơn ba.”

Trên đường trở về nhà, bác Chu mua một tờ báo, vừa mở báo ra xem thì bác liền thấy ngay hình của cô gái thọt chân ấy. Cô ta cười tươi với bác Chu tài xế, trên đề mục có chạy hàng chữ lớn: Lâm Mỹ Tuyết – phó tổng giám đốc trẻ nhất của công ty đa quốc gia, niềm kiêu hãnh của thành phố S...” bác Chu tài xế kinh ngạc há hốc miệng, đọc nhanh như chớp, vừa đọc vừa móc túi lấy thuốc ra hút theo thói quen.

Đột nhiên, tay của ông ta chạm phải một phong bì, lấy ra, bên trong phong bì đựng đầy tiền đô la Mỹ dày cộm, bác Chu ngớ ra, bác ta nghĩ không ra Lâm Mỹ Tuyết bỏ tiền vào túi ông lúc nào ? Có phải khi cầm cánh tay mình dẫn đi không ?

Giữa xấp tiền mỹ kim ấy còn kẹp một tờ giấy nhỏ: “Bác tài, đây là lợi tức của yêu thương, xin bác nhận lấy. Cái vốn vô giá thì vĩnh viễn ở trong lòng cháu. Cám ơn bác, bác tài !”

Cặp mắt của bác tài lại mờ mờ thêm một lần nữa...

-----------------------

Tác giả: Mao Hán Trân

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

dịch từ tiếng Hoa.


http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 09/07/2008
N2T


3. Cầu nguyện là cái neo sắt an toàn của người tròng trành trên biển lớn, là sự giàu có vô hạn của người nghèo, là thuốc đặc hiệu của người bệnh, là bảo vệ cách thiết thực của người khỏe mạnh.

(Thánh John Chrysostom)
 
Làm cho sa mạc nở hoa
LM Inhaxiô Trần Ngà
22:53 09/07/2008
Chúa Nhật 15 thường niên (Mác cô 13, 1-9)

Làm cho sa mạc nở hoa

Vào chiều 29 tết cách đây mấy năm, tôi nhận được cuộc gọi từ thôn làng bên cạnh. Một phụ nữ chưa hề quen biết gọi điện thoại đến gặp tôi trong cương vị linh mục quản xứ và mắng tôi ào ào. Bà kết án một số thanh thiếu niên trong giáo xứ tôi là côn đồ vì đã quậy phá và ném đá vào nhà của bà ở làng lân cận, rồi bà cho rằng đạo công giáo là xấu xa vì có một số người công giáo xấu xa.

Một số anh em lương dân cũng đồng quan điểm với người phụ nữ nầy. Họ tỏ ra có ác cảm với đạo thánh Chúa chỉ vì họ thấy có một số người theo đạo sống trái với Tin Mừng.

Sau khi nghe bà hằn học tuôn ra một tràng dài những lời trách móc, tôi khẩn khoản yêu cầu bà nhẫn nại nghe tôi thuật lại dụ ngôn Tin Mừng về người gieo giống mà chúng ta vừa nghe hôm nay với lời kết luận: cho dù Thiên Chúa và Giáo Hội luôn dạy điều tốt nhưng một số con cái Chúa vẫn chưa nên tốt là vì Lời Chúa được gieo vào lòng người cũng tựa như người nông dân gieo hạt xuống đất. Hạt nào rơi xuống vệ đường, rơi trên sỏi đá hay rơi vào bụi gai thì không thể bén rễ hoặc phải chết héo chết khô; còn những hạt rơi vào đất tốt thì mọc lên tươi tốt và đến mùa trổ hoa kết hạt dồi dào.

Những hạt lúa rơi vào nơi gai góc sỏi đá không tăng trưởng được không phải vì do hạt giống xấu nhưng do đất có vấn đề.

Tương tự như thế, một số kitô hữu đón nhận Lời Chúa mà không nên tốt không phải vì giáo lý của Chúa và Hội Thánh không tốt, nhưng vì nhiều thứ 'gai góc sỏi đá' trong lòng họ làm cho Lời Chúa chết ngạt đi.

Sa mạc nở hoa

Lãnh thổ Israen có 20.000 cây số vuông mà chỉ có một phần ba đất đai ở miền Galilê là có thể trồng trọt được, phần còn lại gồm toàn sa mạc, đầm lầy hay vùng đồi núi cằn cỗi. Đặc biệt sa mạc Neguev ở miền nam là vùng đất khô cằn bị bỏ hoang hàng ngàn năm nhưng những người Isaen từ nhiều nơi mới về lập cư vẫn quyết tâm khai thác cho bằng được. Họ xây dựng các công trình dẫn nước dài hàng trăm cây số để dẫn nước từ Galilê về. Họ khoan những giếng sâu đến hàng trăm mét để lấy nước ngầm canh tác ruộng vườn. Họ tìm cách làm cho nước giảm bốc hơi hoặc ngấm vào lòng đất cách vô ích. Nhờ những cố gắng phi thường đó, người Israen đã làm hồi sinh một vùng đất chết và chỉ trong một thời gian ngắn, họ biến sa mạc, đầm lầy thành những khu vực nông nghiệp trù phú, không chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, mà còn xuất hàng ra nước ngoài, trở thành nước xuất khẩu cam hàng đầu thế giới trong những thập niên 60-70, năng suất bò sữa của họ đã bỏ xa tất cả các nước có nền nông nghiệp phát triển nhất.

Hiện nay, du khách đến Israen sẽ thấy cả vùng sa mạc Neguev nở hoa: lúa lên xanh trên những cánh đồng bát ngát, nhiều loại cây ăn trái với hoa trái đầy cành. Các giống nho lừng danh của Pháp như Bordelais, Beaujolais, Bourgogne vẫn tăng trưởng tốt ngay trên vùng đất trước đây là sa mạc. Mỗi độ thu về, các vườn cam, vườn quýt, bưởi, chanh, chuối, chà là... trổ bông và toả hương thơm ngào ngạt đến tận châu thành Tel Aviv.

Sa mạc Neguev chỉ là vùng đất chết, khô cằn và khắc nghiệt đến thế mà người Do-Thái đã hồi sinh nó và biến nó thành vườn cam, vườn nho hảo hạng, trong khi tâm hồn chúng ta còn tốt đẹp vạn lần hơn, lại được Chúa bồi bổ bằng lương thực thần thiêng, được Chúa gieo trồng bằng lời Tin Mừng ban sự sống... lẽ nào ta cứ để cho nó cằn cỗi hoài!

Noi gương người Do-Thái trong việc khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt để làm cho sa mạc nở hoa, chúng ta phải quyết tâm cải tạo lại đời mình, làm cho đời mình nở hoa, tức làm cho mình trở thành người có đạo đức, có văn hoá, có phẩm chất cao đẹp, để rồi nhờ đó Hội Thánh cũng được toả ngát hương thơm thánh thiện và đạo đức.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nam Úc, Sau 8 năm TGP Adelaide mới có Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục
Jos. Vĩnh SA
00:39 09/07/2008
Nam Úc, Sau 8 năm TGP Adelaide mới có Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục


Lúc 7 giờ tối hôm qua thứ Ba, ngày 08/7/08. Tổng Giáo Phận Adelaide Nam Úc hân hoan mừng một Tân Chức Linh Mục vừa được tiến bước lên bàn Thánh sau 8 năm không còn ơn gọi.

Thầy Matthew Newman 31 tuổi đã từng theo học qua các chủng viện bỏ túi tại Adelaide, sau đó được gửi sang theo học tại đại chủng viện Sydney tiểu bang New Soth Wales. Thầy là chủng sinh độc nhất của Tổng Giáo Phận Adelaide được phong chức Linh Mục tối qua tại nhà thờ chính toà St Francis Xavier ngay trung tâm thành phố Adelaide do ĐTGM Philip Wilson, Tổng Giáo Mục TGP Adelaide, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu đặt tay. Cha Matthew Newman đã đi vào lịch sử của giáo hội Úc Châu là một vị Tân Linh Mục được truyền chức trước ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXIII tại Úc Châu.

ĐTGM Philip Wilson cho biết Ngài rất vui mừng khi đặt tay phong chức cho tân linh mục Matthew Newman, trước khi Ngài lên đường sang Sydney thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục Úc Châu lãnh sứ vụ Tổng Giám Quản chương trình Đại Hội Giới Thế Giới lần thứ XXIII tại Sydney năm 2008.

Sau khi được phong chức, Tân Linh Mục Matthew Newman cũng sẽ sang Sydney tham dự WYD rồi sau đó trở về Adelaide nhận bài sai phục vụ Giới Trẻ trong TGP Adelaide.

Được biết trong 8 năm qua, hầu như ơn gọi của Tổng Giáo Phận không còn và đã xuống dốc thê thảm, Đại Chủng Viện, các nhà Tập Sinh và các nhà Đệ Tử đã phải bán cho tư nhân gần hết. Các linh mục của giáo phận Adelaide hiện nay còn khỏang trên 60 vị, đa số các Ngài đã và đang từ từ bước vào tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Hàng năm có những vị đã ra đi về với Chúa, mà không có linh mục trẻ thay thế. Hiện tình TGP Adelaide đang trong kế hoạch gom 3 hay 4 xứ đạo lại thành một, mới có đủ linh mục đến phục vụ.

Sự kiện tối qua là một hồng ân lớn cho Tổng Giáo Phận Adelaide, khi có một thanh niên hiên ngang tiến lên trước bàn thánh tuyên thệ sẵn sàng hiến thân ra đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa cho tha nhân. Linh mục được truyền chức cuối cùng năm 2000 của TGP Adelaide là Cha Mario Van Antwerpen cho đến nay mới có thêm một Tân Chức Linh Mục.

TGP Adelaide đang phát động phong trào cổ võ ơn gọi. Hy vọng bước tiến 6 năm sắp tới, nếu không có gì trở ngại, thì sẽ có thêm 4 thanh niên nữa, sẵn sàng tiến lên nhận lãnh thiên chức linh mục.

Xin hãy cầu nguyện cho TGP Adelaide có thêm thợ gặt, vì cánh đồng truyền giáo của Tổng Giáo Phận có diện tích khá lớn, gấp 5 lần đất nước Việt Nam với 3 giáo phận: GP. Adelaide; GP. Darwin thuộc lãnh Northern Territory và GP. Port Pirie hiện đang trống ngôi Giám Mục.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ông thủ tướng nghe cô gái nhỏ
Vũ Văn An
04:01 09/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ông thủ tướng nghe cô gái nhỏ

1. Hãy đến nguồn nước

Bài thánh ca “Hãy đến nguồn nước” (Come to the water) quen thuộc đã được tỉnh dòng Phanxicô Úc châu chọn làm khẩu hiệu cho cuộc tập họp giới trẻ của Dòng khắp năm châu tại bãi biển Bondi vào ngày 16 tới.

Hai ký giả Cartherine Smibert và Anthony Barich của Zenit.org ngày 7 tháng Bẩy tường thuật rằng linh mục nhạc rap của Phong Trào Franciscan Friar of the Renewal là cha Stan Fortuna, cùng nhiều nhạc sĩ khác, sẽ có mặt. Đức hồng y Wilfred Napier của Durban, Nam Phi, một tu sĩ Dòng, sẽ nói chuyện về sức mạnh của phép rửa trong việc hiệp nhất Kitô hữu. The God Squad, một câu lạc bộ xe gắn máy liên giáo phái, cũng sẽ có mặt trong biến cố trên. Cả chủ tịch tại tiểu bang New South Wales của Phong Trào là Dave Hansen cũng sẽ trình bầy chứng tá của anh về việc anh đã trở lại đạo Công Giáo ra sao sau khi gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lúc Ngài tới thăm Úc năm 1986

Cha phó giám tỉnh Dòng là linh mục Paul Smith hy vọng biến cố này sẽ cổ vũ cho sự hiệp nhất Kitô giáo và tăng cường đức tin giới trẻ bằng cách đến với nhau nhân danh công lý và hòa bình, trong khi chào đón các cộng đồng Do thái giáo và Hồi giáo địa phương. Cha cho hay: “Chúng tôi hy vọng giới trẻ cảm nghiệm được những dị biệt trong nền văn hóa Phanxicô, trong khi cử hành tính hiệp nhất hết sức đặc biệt của nền linh đạo này”.

Trước biến cố ở Sydney, các cha Dòng Phanxicô cũng đứng ra tổ chức buổi Gặp Mặt Giới Trẻ Quốc Tế năm 2008 tại Brisbane, Australia. Điều hiệp viên WYD của Dòng, là Ben Galea, cho hay anh đang mong tới ngày được gặp, tại Brisbane, các bạn khác từng cùng theo một con đường Phanxicô như anh. Cả hai biến cố trên đều chú tâm vào chủ đề: “Thánh Phanxicô: Chiêm niệm để Hành động – Hôm qua, Hôm nay và Ngày mai”

2. Cái nhìn số lượng

Hãng CNA, ngày 8 tháng Bẩy cho hay: trùng với cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tại Sydney, Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Giáo Hội đã công bố các con số thống kê về sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo tại Úc.

Theo các dữ liệu này, 27.56% (5,704,000) dân Úc theo Công Giáo, biến Đạo Công Giáo thành tôn giáo lớn nhất ở nước này. Tuy nhiên, trong khi số người Công Giáo gia tăng 125,260 người giữa các năm 2001 và 2006, thì tỷ lệ so với tổng số dân của họ lại giảm đôi chút. Phục vụ số người Công giáo trên, có 1,390 giáo xứ, 63 giám mục, 3,125 linh mục, 7,950 tu sĩ, 40 thành viên giáo dân của các tu hội đời và 8,192 giáo lý viên. Các tiểu chủng sinh chỉ là 83, nhưng số đại chủng sinh lại là 244 người.

Nền giáo dục Công giáo cũng có mặt tại nước này. Có tất cả 736,288 học sinh và sinh viên đang theo học tại 2,252 trường Công giáo, từ mẫu giáo tới đại học.

Các định chế khác cũng hoạt động tích cực tại Úc: 58 bệnh viện, 5 bệnh xá, 407 nhà cho người già và người khuyết tật, 164 viện mồ côi và nhà trẻ, 210 trung tâm cố vấn gia đình và các vấn đề phò sự sống, 480 trung tâm giáo dục và cải tạo xã hội, và 24 định chế thuộc các loại khác.

3. Cái nhìn tinh thần

Hãng CWNews cùng ngày lại có cái nhìn tinh thần về nước Úc. Theo Hãng này, Úc, nước đăng cai cử hành ngày WYD năm nay, là một trong các nước bị thế tục hóa từ đầu đến chân nhiều nhất trên thế giới, căn cứ vào một cuộc thăm dò của Qũy Bertelsmann bên Đức. Cuộc nghiên cứu này được đăng tải trong một câu truyện trên tờ Christian Post cho thấy đa số người Úc (52%) thỉnh thoảng lắm mới đi hay không bao giờ tham dự một buổi phụng vụ tại nhà thờ, 31% không tin Thiên Chúa, và 28% tự coi mình vô tôn giáo.

Tuy nhiên, giám đốc cuộc điều tra của Bertelsmann, một cuộc điều tra 21,000 người trưởng thành, thấy rằng trong các tuần lễ gần xát WYD, giới trẻ Úc tỏ ra một sức sống tôn giáo rất mạnh.

4. Truyện cô gái nhỏ

Nhận định trên đây được tờ Daily Telegraph Ngày 4 tháng 7 xác nhận qua câu truyện của Carla Mascarenhas: Gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã thay đổi đời tôi.

Khi đi tham dự WYD tại Cologne năm 2005, tôi vừa tròn 20 tuổi. Lúc ấy tôi vẫn còn loay hoay đi tìm cho mình một giáo hội. Tuy được rửa tội trong Đạo Công Giáo, và có đi nhà thờ nhưng tôi thấy nhiều phần trong giáo huấn làm tôi bối rối, nhất là vấn đề vô ngộ của đức giáo hoàng, vấn đề ngừa thai, phá thai và đồng tính luyến ái.

Ngồi nghĩ lại, mới thấy sở dĩ tôi đi nhà thờ là vì con bạn thân nó cứ nài nỉ, tuy nhiên cho đến lúc này, tôi không có chi ân hận về việc đó. Tôi đã có được nhiều giây phút trân qúy, nhưng giây phút thay đổi đời tôi chính là Thánh Lễ bế mạc do đức giáo hoàng chủ tế.

Điều lạ là tôi được chọn vào số những người đứng trên khán đài với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Hãy tưởng tượng tôi đã cảm nhận ra sao về Ngài, tôi nghĩ cũng giống như đi dự một bữa tiệc đêm sau khi đã chửi vào mặt chủ nhà. Quả là lúng túng. Nhưng lúc chúc bình an, Đức Giáo Hoàng nhìn thẳng vào mắt tôi.

Chính cái tích tắc ấy, tôi thấy Ngài và tôi biết Ngài thấy tôi. Tôi thấy cả một trời yêu thương đối với Ngài mà vì những cảm tình bất thiện cảm đối với các giáo huấn của Giáo Hội, tôi cho là chính Chúa đã đánh động tôi.

Giây phút ấy không thay đổi cách cảm nhận của tôi về các giáo huấn của Giáo Hội, nhưng nó mang lại cho tôi một khích lệ để tự lên đường đi tìm sự thật.

Các hiệu quả do các WYD trong quá khứ thât là sâu sắc. Một người bạn của tôi quê ở Canberra, vốn ghiền ma túy và rượu chè, bị cha mẹ ép phải đi tham dự WYD tại Rome như một hình phạt vào năm 2000. Anh ta lang thang chung quanh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, buồn chán và xác tín rằng Kitô Giáo quả là sai lầm, cho đến khi anh ta đụng phải một tượng chịu nạn đơn giản. Anh ta tâm sự: “Trong lúc ngắm nhìn Chúa Giêsu trên thánh giá, tôi cảm thấy Người nói với tôi từ bên trong rằng Người đã chết cho tôi. Ngay lúc ấy, cảm nghiệm của tôi về sự hiện diện của Chúa Giêsu mạnh đến nỗi trong tôi chẳng còn chỗ nào để hoài nghi tình yêu của Người nữa”.

Mấy năm sau, anh ta gia nhập một chủng viện.

Việc tường thuật về WYD của giới truyền thông từng bị bóp méo nhiều lắm, ấy mới chỉ là nhận xét khiêm tốn. Nào là giao thông tắc nghẽn, an ninh vô tiền khóang hậu, các huấn luyện viên đua ngựa bất mãn, ngân sách khổng lồ người chịu thuế phải tài trợ…Thực ra, còn gì tệ hơn thế nữa không?

Nhưng tôi tin WYD không những sẽ tái lên sinh lực cho Giáo Hội Công Giáo tại Úc mà còn cả cách người Úc nhìn tôn giáo nữa, vuợt trên những kiểu ‘vơ đũa cả nắm’ (stereotypes) hết sức vô ý thức. Dĩ nhiên WYD sẽ gây nên một số bất tiện cho Sydney. Nhưng đó không phải là câu truyện duy nhất cần phải kể

5. Truyện ông thủ tướng

Ông Kevin Rudd, tân thủ tướng Úc, hình như có đọc câu truyện của Carla, nên đã có thái độ sau đây, được Hãng AAP thuật lại ngày 8 thàng Bẩy. Theo Hãng này, Thủ tướng Kevin Rudd đã thúc giục nghiệp đoàn hoả xa, tổ chức đang đe doạ đình công vào dịp Đức Giáo Hoàng viếng Sydney, rằng họ nên đối xử một cách kính trọng đối với Ngài.

Trước khi lên đường qua Nhật gặp gỡ các lãnh tụ của G8, Ông Rudd cho hay: “Bỏ qua tính cách hợp lệ của hành động kỹ nghệ, tôi nghĩ điều quan trọng đối với mọi người dân Úc, trong đó có các nghiệp đoàn, là phải tỏ lòng kính trọng đối với cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Ngài là vị khách được chào mừng ở Úc. Úc được vinh dự có Đức Thánh Cha đến với chúng ta, nên mọi người dân Úc, trong đó có những người thuộc nghiệp đoàn đặc thù này, phải tỏ lòng kính trọng Ngài”.

6. Truyện nghiệp đoàn

Có lẽ nghiệp đoàn hỏa xa bị Carla thuyết phục nhiều hơn là lời của Thủ Tướng Rudd. Nên theo tin Hãng CWNews ngày 8 tháng Bẩy, họ đã quyết định hủy bỏ cuộc đình công mà họ dọa sẽ cho tiến hành đúng vào ngày giới trẻ thế giới chào mừng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tại Barangaroo.

Sau cuộc họp với bộ trưởng vận chuyển của tiểu bang là ông John Watkins, các lãnh tụ nghiệp đoàn này tuyên bố rằng họ sẽ không cho tiến hành cuộc đình công 24 giờ đe doạ sẽ xẩy ra vào ngày nói trên. Các viên chức nghiệp đoàn cho hay: chính phủ đã đưa ra các nhượng bộ đối với yêu sách tăng lương của họ.

7. Truyện người nước ngoài

Chris Docherty, một người Anh, nhân dịp này, kể lại kinh nghiệm tham dự WYD trước đây của anh.

Một ngày kia, tôi thức giấc giữa một cánh đồng bên ngoài Rome, lạnh cóng, mệt nhoài và lạ lẫm. Tôi ngủ không ngon và chẳng được bao nhiêu. Vừa bò ra khỏi túi ngủ, tôi thấy một quang cảnh làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của tôi đối với giáo hội và trần gian.

Người là người. Ở khắp nơi, từ chân trời này qua chân trời kia trong một vòng tròn vây kín. Hai triệu con người cắm trại ngoài trời trong một cánh đồng bao la thuộc phạm vi Trường Đại Học Tor Vergata, ngoại ô Rome vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2000.

Hai triệu con người. Ba lần dân số Glasgow, nơi tôi sinh sống. Hai mươi buổi hòa nhạc Glastonbury đặt cạnh nhau. Hai triệu con người ấy, nằm trong lều và túi ngủ của họ, phủ kín mảnh đất trải dài đến chỗ không còn nhìn được nữa, về đủ mọi hướng. Quả là một khung cảnh chỉ có trong Thánh Kinh, một khung cảnh thúc đẩy tôi nghĩ lại mọi cảm nghiệm sống của mình và mọi xàng xẩy tôi dùng để xem sét lại các cảm nghiệm kia. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như thế trong đời. Trong suốt những năm tháng thi hành thừa tác vụ giới trẻ, nói ba hoa chích chòe đủ chuyện về “Giáo Hội” và “Dân Thiên Chúa” hay “giới trẻ khắp thế giới”, nhưng chưa bao giờ tôi được tận mắt thấy những điều ấy theo nghĩa đen như bây giờ.

Nó thay đổi tôi y như các phi hành gia của Apollo đã thay đổi nhờ nhìn thấy toàn bộ hành tinh trái đất đang lơ lửng trong không gian ngay trước mặt họ khi họ nhìn trở lui từ khung cửa con tầu vũ trụ đang tiến về Mặt Trăng của mình. Thế giới quả “đầy sự cao cả của Thiên Chúa”. Quả tình, hàng triệu người trẻ, những người kính yêu Thiên Chúa và sống thực phúc âm, họ đang ở kia ngay trước mắt tôi, một hình ảnh vẫn còn in đậm nơi võng mạc mình.

Docherty còn kể thêm:

Khi tham dự WYD lần đầu vào năm 1997, tôi hơi khó chịu về việc người ta quá tập chú vào con người của Đức Giáo Hoàng. Tôi sợ người ta chỉ muốn được thấy Đức Thánh Cha mà ít lưu ý, thậm chí còn thù nghịch, sứ điệp của Ngài. Nhìn trở lui, chính tôi đã phóng chiếu một vài nỗi sợ và thiên kiến của mình lên họ. Chính tôi đã có nhiều vấn nạn và nghi ngại về giáo huấn của Giáo Hội. Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II cũng bị tôi cho là hàm hồ: một đàng là quán quân nhân quyền khắp thế giới, một đàng lại kiểm duyệt gắt gao các quyền ấy ngay trong lòng Giáo Hội…

Các kinh nghiệm lúc ấy ở Paris và sau này ở Rome, Toronto và Cologne đã thay đổi tôi. Tôi hết sức cảm động nhìn thấy khuôn dung người đàn ông già nua này, say sưa chia sẻ đức tin của mình với lớp người trẻ, biến mình sẵn sàng dành cho họ và dành trọn các tài nguyên của Giáo Hội cho cuộc đối thoại đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nhận ra rằng muốn trưởng thành trọn vẹn trong đức tin, tôi cần phải bước vào cuộc đối thoại đó với Giáo Hội, hơn là để nó thoát khỏi tay mình.

Tôi vẫn giữ trong mình hình ảnh lâu bền của chiếc la bàn nam châm. Khi phải chọn hướng đi cho đời, có thể ta không luôn đi về hướng Bắc, nơi cha mẹ và các linh mục muốn ta đi, nhưng ta cần phải biết hướng Bắc ở đâu để đi theo hướng mình muốn…

Đối với Docherty, trọng điểm Ngày Giới Trẻ Thế Giới không phải ở Sydney mà ở trong mỗi người chúng ta. Cộng đồng giáo xứ mong muốn ta trở về, được Chúa Thánh Thần canh tân và tăng thêm năng lực để phục vụ dân Chúa. Ta đã đi một vòng thế giới để rồi trở về với chính bản thân mình, y như thi sĩ T.S. Eliot từng viết:

Ta không ngừng khám phá

Và tận cùng mọi khám phá

Ta quay về điểm bắt đầu

Và như thấy nơi ấy lần thứ nhất.
 
10.000 bạn trẻ Italia tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney
Linh Tiến Khải
09:52 09/07/2008
Phỏng vấn linh mục Nicolò Anselmi, Giám Đốc văn phòng mục vụ giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Italia, về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney

Ngày mùng 5-7-2008 phái đoàn đầu tiên của 10.000 bạn trẻ Italia đã lên đường sang Australia tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney.

Các nhóm khác sẽ lên đường trong mấy ngày kế tiếp. Cùng đi với các bạn trẻ có 35 Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục cũng như hàng ngàn linh mục tu sĩ nam nữ và huynh trưởng các hội đoàn. Linh Mục Nicolò Anselmi, Giám đốc văn phòng mục vụ giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Italia cho biết trong thời gian qua văn phòng đã tổ chức các cuộc gặp gỡ chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi, lồng khung trong các buổi canh thức cầu nguyện, suy tư và chia sẻ. Người trẻ đã hăng hái tham dự rất sinh động. Thuộc phái đoàn cũng có 80 thiện nguyên viên, trong đó có 30 người sẽ làm việc với Ủy ban trung ương Australia. Trong các ngày tiền đại hội, đa số người trẻ Italia sẽ được các gia đình Australia gốc Italia tiếp đón trong các giáo phận Brisbane, Melbourne, Sydney và Perth, là các thành phố có đông người Australia gốc Italia nhất, tổng cộng có tới hơn 2 triệu.

Linh Mục Domenico Pompili, Giám đốc Văn phòng truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia cho biết Giáo Hội Italia huy động toàn lực lượng của mình để giúp giới trẻ tham gia mọi sinh hoạt, đặc biệt là những người không thể tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney. Trong số các phương tiện nói trên có đài truyền hình Sat 2000, đài phát thanh InBlu, nhật báo Avvenire, hãng thông tấn SIR và trang Web Internet của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Qua các phương tiện trên đây giới trẻ có thể trực tiếp tham gia mọi biến cố quan trọng nhất của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney.

Trong địa chỉ Internet nói trên có thể theo dõi các thông cáo báo chí, tin tức, video, hình ảnh, radio, và lá thư hàng tuần liên quan tới mọi sinh hoạt chính của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Có một mục dành cho ”Văn phòng báo chí”, qua đó các phóng viên và nhà báo có thể ghi danh tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Cũng có một mục ”Chuyện Ngày Quốc Tế Giới Trẻ” với các phim video, hình ảnh và nhật ký của người trẻ kể lại các sinh hoạt mỗi ngày. Radio Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ tường thuật chi tiết mọi biến cố từ ngày 14 đến 20 tháng 7. Đặc biệt là có hành lang cung cấp các hình ảnh, và tài liệu gồm lược đồ các bài giáo lý do các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đảm trách trong các ngày từ 16 đến 18 tháng 7, các suy tư đào sâu, các giáo huấn của Giáo Hội giúp người trẻ cập nhật và sống tinh thần chương trình mục vụ giới trẻ ba năm cũng như Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney.

Chiều ngày 16-7-2008 sẽ có cuộc gặp gỡ của người trẻ Italia tại Trung Tâm Giải Trí Sydney với các chương trình giao lưu, cầu nguyện và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống và lòng tin. Ngày 22 phái đoàn Italia sẽ tổ chức một cuộc hành hương đến nhà thờ chính tòa Sydney để tạ ơn Đức Bà Loreto. Cùng tham dự sẽ có Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney và Đức Cha Giuseppe Betori, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Italia, các bạn trẻ Italia và Australia gốc Italia.

Thánh Maria Goretti là biểu tượng Giới Trẻ tại Ý
Cũng có một vài nhóm bạn trẻ ghé thăm các thừa sai gốc Italia tại một vài nước Á châu trước khi tới Sydney. Đó là trường hợp 26 bạn trẻ vùng Marche trung Italia. Họ ghé thăm một cứ điểm truyền giáo tại Davao bên Phi Luật Tân. Cứ điểm này do các nữ tu Thừa Sai Tình Yêu Chúa Kitô điểu khiển. Và dòng này đã được thành lập tại Camerino vùng Marche bên Italia. Bề trên tu viện tại Davao là nữ tu Leocadia người Burundi. Chính Đức Cha Giancarlo Vecerrica Giám Mục giáo phận Fabriano-Matelica đặc trách mục vụ giới trẻ toàn vùng Marche đã viết thư xin Đức Cha Fernando Capalla, Giám Mục Davao tiếp đón nhóm bạn trẻ nói trên. Kinh nghiệm viếng thăm một cứ điểm truyền giáo tại một nước Á châu sẽ rộng mở cho các bạn trẻ chân trời truyền giáo và làm chứng tá cho Chúa Kitô.

Tại Roma hiệp ý với giới trẻ tham dự buổi canh thức với Đức Thánh Cha ở Sydney, Văn phòng mục vụ giới trẻ Tòa Giám Quản Roma và các giáo phận vùng Lazio cũng tổ chức buổi gặp gỡ lúc 8giờ30 sáng ngày 19-7-2008.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn linh mục Nicolò Anselmi, Giám Đốc văn phòng mục vụ giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Italia, về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney.

Hỏi: Thưa cha Nicolò, bầu khí chuẩn bị và lên đường trong những ngày này của giới trẻ Italia đã như thế nào?

Đáp: Bầu khí chuẩn bị và lên đường đầy hứng khởi và tươi vui an bình. Các chuẩn bị đã tiến hành tốt, và mọi khó khăn đã được vượt thắng tốt đẹp. Con số người tham dự là 10.000. Cũng có thể có các bạn trẻ xin gia nhập phái đoàn vào phút chót. Nhiều bạn trẻ khác dấn thân trong việc chuẩn bị các chương trình sinh hoạt do các giáo phận khởi xướng cho các bạn trẻ ở nhà không thể tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney.

Gía vé máy báy mắc mỏ, hành trình dài và xa, cũng như các thi cử đã không cho phép nhiều bạn trẻ cùng đi với phái đoàn. Và sự kiện này trao ban cho những người được đi ”một trách nhiệm” nào đó.

Hỏi: Loại trách nhiệm nào thưa cha?

Đáp: Trách nhiệm làm ”đại sứ”, trách nhiệm của những người được gửi đi và được mời gọi đại diện cho nước Italia và nhất là đại diện cho Giáo Hội Italia. Trong phái đoàn 10.000 bạn trẻ có đại diện của tất cả các giáo phận toàn nước Italia. Và đây là điều rất ý nghĩa. Tất cả chúng tôi sẽ cùng hiện diện tại Sydeny cùng với Người Kế Vị Thánh Phêrô, và là khách của một Giáo Hội tương đối còn trẻ là Giáo Hội Australia đang rộng mở cho người trẻ toàn thế giới.

Hỏi: Làm thế nào mà có thể giang tay ôm trọn người trẻ toàn nước Italia vào lòng được thưa cha?

Đáp: Bằng nhiều cách khác nhau. Trước hết nhờ các phương tiện truyền thông và các kỹ thuật liên lạc tân tiến: trong nghĩa này phần đóng góp lớn đến từ nhật báo Tương Lai của Hội Đồng Giám Mục Italia, đài phát thanh InBlu, và đài truyền hình Sat 2000. Các phương tiện này sẽ đem các gương mặt, tiếng nói, mầu sắc và các biến cố của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ trực tiếp vào các gia đình, giáo xứ, và giáo phận Italia. Đặc biệt qúy báu là các buổi trực tiếp truyền hình các bài giáo lý do đài truyền hình Sat 2000 đảm trách. Và trong các ngày này nhiều giáo phận đang trang bị các máy móc kỹ thuật cần thiết để giúp tín hữu có thể trực tiếp tham dự các biến cố của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Giá trị đích thực của các buổi trực tiếp truyền thanh truyền hình và các bài tường thuật của báo chí sẽ là bối cảnh của các cuộc gặp gỡ, các nhóm, các chia sẻ kể cả của các nhóm nhỏ như thân nhân bạn bè trong gia đình, trong các giáo xứ, giáo phận. Vì chỉ với tinh thần hiệp thông đó trong nhãn quan của cuộc đồng hành với nhau, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ thực sự trở thành một biến cố đích thực của toàn Giáo Hội.

Hỏi: Trong ý hướng này các giáo phận Italia đang chuyển động như thế nào thưa cha?

Đáp: Nhiều biến cố đã được đề ra trong các giáo phận từ bắc chí nam Italia. Nhiều bạn trẻ đã xin các tài liệu để có thể cùng suy tư cầu nguyện với các bạn trẻ Italia hiện diện tại Sydney.

Hỏi: Tại Sydney các bạn trẻ Italia có vai trò nào trong việc tổ chức hay không?

Đáp: Có chứ. Người trẻ của 24 giáo phận sẽ linh hoạt 24 buổi học giáo lý bằng tiếng Ý. Thế rồi còn có các anh chị em di cư, các người Australia gốc Italia và người Ý đang làm việc hay học hành tại đây. Họ cũng được lôi cuốn vào việc tổ chức Lễ Hội Italia chiều ngày 16 tháng 7. Có một nhóm 20 bạn trẻ đã làm việc cho buổi Lễ Hội này. Ngoài ra, chương trình quốc tế cũng dự trù sự hiện diện của một ban nhạc Rock vùng Catania, là ban nhạc ”Metatrone”, rồi một nhóm vùng Piemonte diễn kịch với các kịch sĩ là người tàn tật, và nhiều bạn trẻ khác sẽ kể lại chứng từ của họ trong nhiều dịp khác nhau.

Thế rồi ngày 22-7-2008 tất cả mọi bạn trẻ Ý sẽ cùng nhau hành hương đến nhà thờ chính tòa Sydney để cảm tạ Đức Mẹ Loreto, cám ơn thành phố và tổng giáo phận Sydney đã tiếp đón người trẻ Italia.

Hỏi: Trong phái đoàn cũng có 35 Giám Mục. Các vị có vai trò nào thưa cha?

Đáp: Có hơn 30 Giám Mục tháp tùng phái đoàn người trẻ Italia sang Sydney. Các vị đảm trách các bài giáo lý cho người trẻ nói tiếng Ý. Nhiều vị khác sẽ tham dự các biến cố tại các giáo phận Italia, và như thế các vị cũng sẽ là một phần của cây cầu lý tưởng nồi liền Italia với Australia.

(Avvenire 5-7-2008; ZENIT 5-7-2008)
 
Đức Hồng y Hồng Kông đề nghị phong chân phước cho dịch giả Kinh Thánh tiếng Hoa
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:54 09/07/2008
Hong Kong (AsiaNews) – Đức Giám Mục Hồng Kông, Đức Hồng y Giuse Trần Như Quân đề nghị rằng Thượng Hội đồng Giám Mục sắp tới về Lời Chúa nên bế mạc bằng việc phong Chân phước cho Cha Gabriele Maria Allegra, nhà truyền giáo dòng Phanxicô đã tận tụy cả đời phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Hoa.

Đức Hồng y Giuse Trần cho hay: “Thượng Hội đồng Giám Mục Thế giới, được tổ chức vào tháng Mười tới, sẽ diễn ra với chủ đề Lời Chúa. Phong Chân phước cho Cha Gabriele Allegra sẽ là một sự kiện đầy ý nghĩa”. Thượng Hội đồng Giám Mục sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến 26 tháng Mười với chủ đề: ‘Lời Chúa trong Cuộc sống và Sứ mạng của Giáo Hội’.

Trong cuộc viếng thăm Rôma 5 năm một lần ‘Ad Limina’ từ ngày 25 đến 27 tháng Sáu, Đức Hồng y Giuse Trần và Đức Cha Phụ tá John Tong đã chính thức đến thăm Thánh Bộ Phong Thánh và lặp lại thỉnh cầu của họ đối với án phong Chân phước cho Cha Gabriele Allegra.

Mặc dù Tòa Thánh công nhận một phép lạ được cho là do Cha Father Allegra chuyển cầu, nhưng Phủ Quốc Vụ Khanh hoãn lại việc phê chuẩn để có dịp thuận lợi điều tra thêm và tìm thêm thông tin mới trước khi phong Chân phước.

Cha Gabriele Allegra sinh ngày 26 tháng Mười Hai năm 1907 ở S. Giovanni La Punta (Sicily, Ý quốc). Năm 1930, ngài trở thành linh mục dòng Phanxicô và một năm sau đó ngài đến Trung Quốc với tư cách nhà truyền giáo với mục đính chính là phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Hoa.

Sau khi nghiên cứu ở Thượng Hải, ngài hoàn tất việc dịch Cựu Ước vào năm 1944, và một năm sau ngài thành lập Học viện Kinh Thánh Phan Sinh ở Bắc Kinh tận hiến cho Chân Phước Linh mục John Duns Scotus (Vị Chân Phước được biết đến dưới các biệt danh: Thần học gia của Ngôi Lời Nhập Thể; Người bảo vệ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Nữ Trinh Đầy Ân Phúc MARIA; Chứng Nhân can đảm cho uy quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng La-Mã – ND).

Do cuộc nội chiến diễn ra ác liệt vào cuối thập niên 1940, ngài đã dời sang Hồng Kông vào năm 1948. Bằng nỗ lực của Học viện, giấc mơ của ngài đã biến thành sự thật: năm 1968, Kinh Thánh của người Trung Quốc đã được xuất bản. Năm 1971, ngài xuất bản Từ Điển Kinh Thánh Trung Quốc. Ngài qua đời ở Hồng Kông năm 1976.

Nổi bật hơn hết, ngài là một con người giàu lòng nhân hậu và kiến thức sâu rộng, ngài có biệt danh “Thánh Giêrôme của Trung Quốc” để nhớ người Cha trong Giáo Hội là tác giả của bản dịch Kinh Thánh bằng tiến Latin đầu tiên.

Án phong Chân phước cho Cha Allegra bắt đầu từ năm 1984. Ngài đã được tuyên bố là Bậc Đáng Kính vào năm 1994.

Công việc của Cha Allegra vẫn là nền tảng cho việc nghiên cứu Kinh Thánh ở Trung Hoa đại lục cũng như ở Hồng Kông, Đài Loan, Macau và Singapore.
 
Một Giám Mục Anh Giáo sẽ dẫn đầu giáo dân Anh Giáo trở lại Công Giáo
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:08 09/07/2008

Theo tin Catholic Online ngày 9/7/2008 thì ký giả Damian Thompson của tờ báo Telegraph đã tường trình về những biến chuyển nhanh chóng đang xảy ra trong Giáo Hội Anh Giáo. Trong một bài báo đăng trên tờ Telegraph ngày 8 tháng 7, ông Thompson đã viết:

“Giám mục Ebbsfleet, Andrew Burnham sẽ dẫn đầu giáo dân Anh Giáo theo Truyền Thống Công Giáo (Anglo-Catholic)[1] từ Giáo Hội Anh Giáo sang Hội Thánh Công Giáo Rôma. Và báo Catholic Herald sẽ đăng tin ấy tuần này.

Giám mục Burnham là một trong hai “giám mục bay”[2] ở tỉnh Canterbury, đã xin ĐTC Bênêđictô XVI và các giám mục Công Giáo Anh “một cử chỉ hào hiệp” là cho những người theo truyền thống trở thành Công Giáo cách tập thể.

Vị giám mục này tin tưởng rằng điều đó sẽ xảy ra, sau khi tiếp kiến ĐHY Levada, chủ tịch Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và ĐHY Kasper, đứng đầu về Đại Kết ở Rôma. Tháp tùng ngài còn có giám mục Keith Newton, giám mục Richborough, một “giám mục bay” khác của Canterbury, là người chắc cũng sẽ theo gương ngài.

Giám mục Burnham hy vọng rằng Rôma sẽ xắp xếp một cách đặc biệt để cho những giáo dân cựu Anh Giáo được tiếp tục thờ phượng tại các giáo xứ dưới quyền một Giám Mục Công Giáo. Hầu hết các giáo xứ này đang dùng phụng vụ Rôma, nhưng có thể dùng các kinh nguyện của Anh Giáo nếu những nhà thờ này yêu cầu.

Các linh mục Anh Giáo đã có gia đình không bị trở ngại trong việc thụ phong linh mục, mặc dù giám mục Burnham sẽ không còn được tiếp tục chức giám mục nữa, vì ngài đã lập gia đình mà cả Hội Thánh Công Giáo lẫn Chính Thống Giáo tuyệt đối không cho phép giám mục có gia đinh.[3]

Bản tin này của tờ Paragraph đã được một số báo chí đời lẫn đạo xác nhận. Việc này xảy ra sau khi dự luật phong chức giám mục cho phụ nữ được Thượng Hội Đồng Giám Mục Anh Giáo thông qua.


[1] Anglo-Catholic là nhóm Anh Giáo bảo thủ, còn được gọi là High Church . Họ tin và giữ tất cả những gì Công Giáo tin và giữ, kể cả Chầu Mình Thánh và đọc Kinh Mân Côi. Họ cũng tin sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Họ chỉ khác Công Giáo là không phục quyền Đức Thánh Cha. Đức Hồng Y Gioan Newman là một trong những linh mục Anh Giáo sáng lập ra nhóm này trước khi ngài trở lại Công Giáo.

[2] “Giám mục bay – flying bishop” còn gọi là PEV (Privincial episcopal visitor) – là giám mục Anh Giáo được chỉ định để lo mục vụ cho các giáo dân hay giáo xứ Anh Giáo không chấp nhận phụ nữ làm linh mục, được thiết lập năm 1994 sau khi Giáo Hội Anh Giáo đồng ý truyền chức linh mục cho phụ nữ. Theo báo Catholic Herald thì hiện nay tại nước Anh có chừng 350 giáo xứ Anh Giáo theo truyền thống.

[3] Các linh mục Anh Giáo trở lại Công Giáo phải qua khóa đào luyện chừng 3 năm rồi sau đó chịu chức linh mục lại vì Hội Thánh Công Giáo hiện nay không công nhận chức linh mục của Anh Giáo. Nếu họ đã có vợ thì vẫn tiếp tục ở trong tình trạng gia đình. Nếu vợ chết thì không được lấy vợ khác nữa. Nếu độc thân thì vẫn tiếp tục sống độc thân. Còn nếu là là giám mục Anh Giáo thì cũng chỉ được thụ phong linh mục thôi, như trường hợp giám mục Luân Đôn Graham Leonard trở lại Công Giáo năm 1992, và được thụ phong linh muc năm 1995.

 
Tòa thánh Vatican: Cần hành động ngay để đáp ứng cuộc khủng hoảng thực phẩm
Phụng Nghi
10:41 09/07/2008
Vatican (CNA) – Tổng Giám mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh LHQ tại New York tuần qua đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng thực phẩm hiện nay trong phiên họp năm 2008 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội thuộc LHQ. Đức Tổng giám mục nói rằng hội đồng phải làm nhiều hơn là chỉ nói suông về nguyên nhân cuộc khủng hoảng, và cần phải có hành động “tức thời và có hiệu quả” để giúp những người đang sắp chết đói.

Phát biểu bằng Anh ngữ, vị tổng giám mục nhắc lại một nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền chấp thuận về “Quyền Được Có Thực Phẩm”; quyền này nhấn mạnh đến “nhiệm vụ của các Quốc gia, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, phải làm mọi nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm cho dân chúng nước mình bằng các biện pháp tôn trọng nhân quyền và luật lệ.”

Tổng giám mục Migliore nói rằng ngài thấy cuộc khủng hoảng thực phẩm hiện nay là kết quả của một loạt những vấn đề tròng tréo nhau: “Các chính sách thiển cận về kinh tế, nông nghiệp và năng lượng, một mặt gây ra xung đột giữa nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm với mức sản xuất không đủ về thực phẩm, mặt khác, là sự gia tăng đầu cơ tài chánh trên nhu yếu phẩm, gia tăng không kiểm soát được của giá dầu, và tình trạng khí hậu không thuận lợi.”

Ngài nói thêm: “Cuộc tranh luận hôm nay sẽ tập chú vào các khuyết điểm về cơ cấu của nền kinh tế thế giới và về các nguyên nhân gây ra tình trạng khẩn cấp, nhưng chúng ta phải hành động để bảo đảm rằng cuộc thảo luận này có kèm theo việc làm tức thời và có kết quả. Không hành động gì sẽ đưa đến kết quả là cuộc họp này chỉ là tập tành lời nói văn hoa, là sự trì hoãn trách nhiệm của chúng ta.”

“Để bắt đầu, phải hành động tức thời nhằm giúp những người đang có nguy cơ tức khắc và đang bị đói khát hoặc thiếu dinh dưỡng. Thật khó mà tưởng tượng được rằng trong khi thế giới tiêu phí mỗi năm trên 1.3 ngàn tỉ mỹ kim (851 tỉ euro) để võ trang, mà lại không có sẵn các ngân quỹ cần thiết cứu nguy mạng sống để giúp cho nhu cầu cấp thời của dân chúng.”

Nhìn đến các giải pháp lâu dài, vị đại diện Tòa thánh nói: “Viện trợ kinh tế khẩn cấp khởi đầu phải kèm theo nỗ lực phối hợp của mọi người để đầu tư vào các chương trình nông nghiệp dài hạn tại các cấp bậc địa phương và quốc tế.”

Ngài cũng đề cập đến đường hướng vững chắc của những cuộc cải cách ruộng đất trong các quốc gia đang phát triển đã cho các nông dân làm ăn nhỏ “những khí cụ để gia tăng sản xuất trong đường hướng lâu dài cũng như tiến vào được các thị trường địa phương và thế giới.”

Tổng giám mục kết luận: “Phái đoàn của chúng tôi hoan nghênh các đề nghị của Hội nghị Cấp cao về Bảo vệ Thực phẩm Thế giới mới họp tại Roma gần đây tại FAO (Tổ chức Lương Nông thuộc LHQ). Những lời đề nghị này đưa ra chỉ dẫn thực tế về cách thức đối phó với những hậu quả ngắn hạn và dài hạn trong cuộc khủng hoảng thực phẩm, cũng như chỉ dẫn về cách thức phòng chống những cuộc khủng hoảng trong tương lai.”
 
Phong trào giáo dân Focolare đã có tân chủ tịch
Phụng Nghi
10:43 09/07/2008
CASTEL GANDOLFO, Ý (CNS) - Maria Voce, người cộng sự lâu năm với Chị sáng lập viên phong trào Folocare đã quá vãng là Chiara Lubich, đã được bầu làm tân chủ tịch của phong trào này.

Maria Voce tân chủ tịch phong trào Focolare
Gần 500 đại biểu đến từ 5 châu lục đã bỏ phiếu gần như đồng thuận cho bà Voce hôm 7 tháng 7 trong phiên họp khoáng đại tổ chức tại một tỉnh ven hồ, phía nam Roma.

Các đại biểu cũng đã bầu linh mục Giancarlo Faletti làm đồng chủ tịch phong trào. Cha Faletti đang lãnh đạo phân bộ Focolare tại Roma.

Bản tuyên bố ngày 7 tháng 7 của phong trào cho biết bà Voce, 70 tuổi, có các cấp bằng về thần học và giáo luật, giầu kinh nghiệm về vấn đề đại kết và liên tôn giáo.

Bà sinh tại Ý, gia nhập Focolare năm 1959 và bắt đầu sống chung với cộng đoàn từ năm 1964.

Từ năm 1978 đến năm 1988 bà sống tại Turkey (Thổ nhĩ kỳ). Nơi đây bà làm việc gần cận các thượng phụ Chính thống giáo ở Constantinople, các nhà lãnh đạo các giáo hội Kitô giáo khác và các lãnh tụ Hồi giáo.

Cha Faletti, năm nay 67 tuổi, được bầu vào chức vụ đồng chủ tịch với hơn hai phần ba số phiếu. Cha có bằng cấp về kinh tế và đã từng lãnh đạo phong trào Focolare tại Genoa và Roma.

Các đại biểu tham dự đại hội nghị từ ngày 1 đến 31 tháng 7 cũng sẽ bầu các thành viên hội đồng trong những ngày tới.

Focolare là một phong trào giáo dân có mục đích thúc đẩy tình đoàn kết trên khắp thế giới bằng nhân chứng sống động của tình yêu Kitô giáo, sự thánh thiện trong gia đình và trong cộng đoàn nhỏ. Phong trào hiện nay có hơn hai triệu thành viên và hoạt động khắp 182 quốc gia.
 
Các cộng đoàn Do thái Kitô tại Thánh Địa
Linh Tiến Khải
23:55 09/07/2008
Phỏng vấn Linh Mục David Mark Neuhaus, dòng Tên, gốc do thái, về công tác mục vụ cho các tín hữu do thái Kitô tại Thánh Địa

Khi nghe nói tới Kitô hữu Thánh Địa, nhiều người chỉ nghĩ tới Kitô hữu Palestine nói tiếng A rập, nhưng ít người biết rằng cũng có những cộng đoàn Kitô hữu gốc Do thái nữa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục David Neuhaus, dòng Tên, người Do thái, về công tác mục vụ cho các cộng đoàn do thái Kitô tại Thánh Địa.

Hỏi: Thưa cha, trong trang Internet cha có khẳng định rằng kinh nghiệm của một cộng đoàn nói tiếng do thái trong bối cảnh xã hội Israel là một sự mới mẻ trong lịch sử của Giáo Hội. Hiệp hội thánh Giacôbê đã nảy sinh như thế nào?

Đáp: Hiệp Hội thánh Giacôbê - sau này đã trở thành Giám Quản Tông Tòa do thái công giáo - đã được thành lập như là một phần của Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem hồi năm 1955, nghĩa là ít năm sau khi lập nước Israel. Hiệp hội đã được thành lập để lo lắng cho các anh chị em công giáo từ các nơi khác di cư vào Israel sinh sống, thường họ xuất thân từ các gia đình do thái công giáo, nhất là các gia đình đến từ Âu châu.

Hiệp hội cũng được thành lập để xác định một sự hiện diện công giáo trong môi trường xã hội do thái, nhằm mục đích thăng tiến một loại liên hệ mới giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu do thái. Trước thực tại mới này của một nước Israel với tiếng do thái như là ngôn ngữ chính thức, thì cũng thật quan trọng có sự hiện diện của tín hữu công giáo hội nhập trong việc sử dụng tiếng do thái.

Các người thành lập hiệp hội là người do thái theo Công Giáo và tín hữu công giáo đến từ Âu châu, với ơn gọi sống liên đới với dân tộc do thái trong nước Israel. Các người cha sáng lập của chúng tôi có quan niệm về một cộng đoàn công giáo nói tiếng do thái, cảm thấy như ở nhà mình giữa dân tộc do thái tại Israel, và sống cuộc sống lòng tin của mình trong thái độ đối thoại sâu đậm và liên đới với các anh chị em do thái.

Năm 2003 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã chỉ định cha Jean Baptiste Gourion, dòng Biển Đức, làm Giám Quản thượng phụ, tức Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, đặc trách các tín hữu công giáo gốc do thái. Đây là một bước củng cố việc thừa nhận thực tại này trong môi tường của Giáo Hội tại Thánh Địa.

Hỏi: Thưa cha, một tín hữu công giáo nói tiếng do thái có thể cống hiến các viễn tượng mới nào tại Thánh Địa?

Đáp: Tín hữu công giáo nói tiếng do thái sống trong môi trường của một xã hội có đa số thành phần là người do thái, trong đó tiết nhịp của cuộc sống thường ngày được điều khiển bởi tôn giáo, lịch sử và văn hóa của người do thái. Đối với chúng tôi, phản ánh công giáo đại đồng trên căn cước do thái của Chúa Giêsu và các gốc rễ do thái trong lòng tin của chúng tôi không chỉ là một yếu tố canh tân sau Công Đồng Chung Vaticăng II, mà còn là một phần cuộc sống thường ngày của chúng tôi nữa.

Sự đối thoại với người do thái ở đây, không phải là cuộc đối thoại với một thiểu số, mà với đại đa số. Trong các cố gắng hội nhập văn hóa chúng tôi tìm hội nhập cuộc gặp gỡ thường ngày này với Do thái giáo và với dân tộc do thái vào trong căn cước công giáo của chúng tôi, vào trong phụng vụ và kiểu cách suy tư của chúng tôi.

Tất cả những điều này xảy ra trên mảnh đất từng là trung tâm của trình thuật Kinh Thánh, vùng đất trên đó dân do thái của Kinh Thánh, các ngôn sứ và Chúa Giêsu Kitô đã đi, đã giảng dậy và đã sống.

Hỏi: Trong bốn thành phố của Israel có các cộng đoàn công giáo nói tiếng do thái. Các cộng đoàn này lớn cỡ nào và đâu là các khó khăn chính mà họ gặp phải thưa cha?

Đáp: Ngày nay chúng tôi có các cộng đoàn công giáo trong bốn thành phố lớn của Israel là Giêrusalem, Tel Aviv-Jaffa, Beersheva và Haifa. Nhưng cũng có nhiều tín hữu sống tại các nơi khác nữa. Cộng đoàn của chúng tôi rất bé nhỏ, gồm vài trăm người. Tuy con số ít ỏi và sức lớn lên chậm, chúng là một thực tại sống động, và các trung tâm của chúng tôi thực sự là các ốc đảo của đời cầu nguyện và tình huynh đệ.

Tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề phải đương đầu. Các cộng đoàn nhỏ của chúng tôi cũng rất khác biệt. Ngoài các anh chị em do thái ra, chúng tôi có các tín hữu đến từ nhiều miền trên thế giới như: Nga, Pháp, Ba Lan, Hoa Kỳ, Italia, Ấn Độ vv... Một vài người là gốc do thái, những người khác không phải gốc do thái. Một vài người là công dân Israel. Có những người ở đây đã lâu, có những người mới tới. Có người nói tiếng do thái, có người không nói tiếng do thái. Một số người là công giáo từ khi sinh ra, những người khác theo Công Giáo sau này.

Các linh mục của chúng tôi đa số đến từ Âu châu và phải mất nhiều năm để học tiếng và nền văn hóa. Các anh chị em công giáo gốc do thái thường là những người riêng rẽ. Họ đã can đảm quyết định theo đạo và đến với chúng tôi mà không có gia đình của họ. Vì các lựa chọn của họ, một số anh chị em cũng phải đương đầu với sự chống đối của của gia đình mình, và sự chống đối của xã hội nói chung. Do đó một số đã quyết định sống trong sự kín đáo dè dặt đến như bí mật.

Đối với các tín hữu nói tiếng do thái, sự trợ giúp công cộng như các trường học, các dịch vụ xã hội và văn hóa rất là hạn chế. Vì thế các gia đình di cư sang Israel trong các năm cuối cùng này, nhất là từ các nước cựu Liên Xô, thường quyết định bỏ nước Israel để có thể giáo dục con cái trong niềm tin công giáo. Trái lại, những gia đình nào ở lại thường thấy con cái họ giống người dân Israel bị tục hóa, không thực hành tôn giáo nào cả. Sau cùng chiều kích bé nhỏ của các cộng đoàn đòi buộc chúng tôi phải luôn tỉnh thức duy trì sự hiệp nhất để đừng xảy ra các chia rẽ hay bè phái.

Hỏi: Thưa cha, ngoài các tín hữu công giáo nói tiếng do thái ra, tại Israel còn có các cộng đoàn công giáo nào khác nữa hay không?

Đáp: Các tín hữu công giáo nói tiếng do thái chỉ là một phần nhỏ của Giáo Hội Công Giáo rộng lớn hơn tại Israel. Đa số các anh chị em công giáo tại Thánh Địa nói tiếng A Rập: họ là các mgười A rập, công dân của quốc gia Israel hay các anh chị em A rập công giáo trong các vùng đất của người Palestine.

Các tín hữu công giáo Roma dưới quyền của Tòa Thương Phụ Latinh Giêrusalem, chỉ là một phần của dân công giáo tại Thánh Địa. Đa số các tín hữu công giáo tại Israel là anh chị em công giáo hy lạp, nhưng cũng có các anh chị em công giáo maronít, siri và armeni nữa.

Vì tình hình chính trị khác biệt, tương quan giữa các tín hữu công giáo nói tiếng do thái và các anh em A rập phức tạp, nhưng sự hiệp nhất của Giáo Hội được duy trì bởi các vị lãnh đạo của chúng tôi như là chứng tá của khả thể hòa giải và hòa bình. Tại Beersheva và Haifa, nơi không có các căng thẳng chính trị mạnh, có các anh chị em công giáo A rập lui tới các cộng đoàn do thái công giáo của chúng tôi.

Và là điều rất hay, khi ghi nhận rằng Vị Giám Quản thượng phụ của các cộng đoàn công giáo do thái, cha Pierbattista Pizzaballa cũng là Vị quản Thủ Thánh Địa, bề trên các cha Phanxicô Thánh Địa, và cũng có các liên hệ với các cộng đoàn công giáo A rập.

Vị Thượng Phụ La tinh trước, Đức Cha Michel Sabbah, đã là Thượng Phụ Giêrusalem đầu tiên người A rập gốc Palestine, nhưng ngài cũng nói thông thạo tiếng do thái.

Riêng tôi thì ngoài việc là tổng thư ký của Tàa Giám Quản, tôi cũng dậy Kinh Thánh tại đại chủng viện giáo phận tiếng A rập và tại đại học công giáo Palestine Bếtlehem nữa.

Hỏi: Thế cộng đoàn công giáo tiếng do thái thăng tiến các liên lạc với xã hội Israel như thế nào thưa cha?

Đáp: Chúng tôi không chỉ có mục đích thăng tiến các liên hệ, mà cũng sống hoàn toàn hội nhập vào xã hội nữa. Chúng tôi không phải là một hiệp hội có mục đích đối thoại, mà là tổ chức làm công tác mục vụ cho các tín hữu trong môi trường, trong đó chúng tôi tìm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập vào xã hội do thái Israel.

Trước hết chúng tôi sống trong tiếng do thái. Thứ hai cuộc sống của chúng tôi theo các tiết nhịp của xã hội do thái Israel. Thêm vào đó trong các cộng đoàn của chúng tôi, chúng tôi thường xuyên thông tin tức liên quan tới cuộc đối thoại do thái kitô, và chúng tôi tìm đóng góp phần mình vào cuộc đối thoại này.

Trong môi trường xã hội do thái israel, vẫn còn có thái độ tiêu cực đối với Kitô giáo nói chung và đối với Giáo Hội Công Giáo nói riêng, một phần vì trong nhiều thế kỷ đã có các liên hệ căng thẳng giữa tín hữu do thái và tín hữu Kitô tại Âu châu. Trong nghĩa này, chúng tôi coi mình có nhiệm vụ khiến cho xã hội do thái Israel chú ý tới các thay đổi rộng lớn mà Giáo Hội đã đem lại trong các tương quan với dân tộc do thái từ Công Đồng Chung Vaticăng II.

Hỏi: Các tín hữu công giáo nói tiếng do thái có thành công trong việc hoàn toàn hội nhập vào xã hội Israel hay không? Chẳng hạn, có các tín hữu công giáo dấn thân trong lãnh vực chính trị, giáo dục và thế giới lao động không thưa cha?

Đáp: Một vài tín hữu công giáo nói tiếng do thái, tức là các anh chị em do thái theo Công Giáo, thì hoàn toàn hội nhập cuộc sống xã hội. Ngoài ra có một vài tín hữu công giáo nói tiếng do thái từ các nước khác tới Israel đã thành công trong việc đóng góp cho xã hội, bằng cách hội nhập vào cuộc sống thường ngày.

Trước hết các cộng đoàn của chúng tôi đóng góp cho xã hội nói chung bằng cách là nơi sống và cầu nguyện trong môi trường của một xã hội có chiến tranh. Một trong các ơn gọi chuyên biệt của chúng tôi là cầu nguyện cho hòa bình và công bằng.

Trong lãnh vực giáo dục chúng tôi đã có nhiều thành viên hoạt động trong các học viện Israel. Một trong các người cha thành lập hiệp hội Giacôbê là linh mục Marcel Dubois, dòng Đaminh. Người đã từng là phân khoa trưởng phân khoa triết tại đại học do thái Giêrusalem. Nhiều tín hữu khác dậy các môn thần học, nhân chủng, lịch sử và nhiều môn khác nữa trong các đại học của Israel.

Rồi có nhiều thành phần khác nữa hoạt động trong lãnh vực đào tạo các Kitô hữu đến Israel để học hỏi nghiên cứu thần học và Kinh Thánh cũng như các bộ môn do thái khác. Một trong các người cha sáng lập của chúng tôi là linh mục Yohanan Alihai, đã đóng góp rất nhiều cho lãnh vực ngữ học với các từ điển và sách giáo khoa giúp truyền thông giữa người A rập và người Israel. Ngày mùng 4 tháng 7 vừa qua cha đã lãnh bằng tiến sĩ danh dự của đại học Haifa, vì các công trình nghiên cứu ngữ học.

Một người cha sáng lập khác là linh mục Bruno Hussar, dòng Đa Minh. Cha đã thành lập một cộng đoàn gọi là ”Newe Shalom” Ốc Đảo Hòa Bình, trong đó người Do thái và người A rập sống chung với nhau. Một vài thành viên đã hoàn toàn dấn thân trong cuộc chiến đấu cho hòa bình và công bằng giữa người Israel và người Palestine.

Mỗi một cá nhân tìm thấy chỗ đứng của mình trong lòng xã hội, và như thế chúng ta có thể thấy tín hữu công giáo là các bác sĩ, các y tá, các giáo sư, các nhân viên trợ giúp xã hội, các trạng sư, các người quản trị, các doanh thương, cũng như người về hưu, các sinh viên và những người thất nghiệp, tạo thành cộng đoàn sống các cuộc sống thường ngày, nhưng chúng trở thành ngoại thường vì lòng tin của chúng tôi. (ZENIT 5-7-2008)
 
Mấy số thống kê về Giáo hội Công giáo tại Australia (Úc)
Phụng Nghi
11:25 09/07/2008
Vatican (VIS) – Nhân cuộc tông du của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đến Sydney (Australia) từ ngày 12 đến 21 tháng 7 sắp tới để chủ trì Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23, Văn phòng Thống kê Trung ương của Tòa thánh công bố những con số về Giáo hội Công giáo tại Australia. Bản thống kê này tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2006.

Dân số Úc: 20 triệu 700 ngàn

Số dân Công giáo: 5 triệu 704 ngàn (tỷ lệ 27.56%)

Giáo khu: 33

Giáo xứ: 1.390

Trung tâm mục vụ: 109

Giám mục: 65

Linh mục: 3.125

Tu sĩ: 7.950

Thành viên giáo dân thuộc các cơ chế thế tục: 40

Giáo lý viên: 8.192

Tiểu chủng sinh: 83

Đại chủng sinh: 244

Trung tâm giáo dục Công giáo: 2.252 (từ mẫu giáo đến đại học)

Theo học tại các trung tâm giáo dục Công giáo: 736.288

Các cơ sở thuộc Giáo hội hoặc do các linh mục hay tu sĩ điều hành: 58 bệnh viện – 5 chẩn y viện – 407 nhà cho người cao niên hoặc tàng tật – 164 viện mồ côi và vườn trẻ - 210 trung tâm tư vấn gia đình – 480 trung tâm cải tạo giáo dục và xã hội – 24 cơ sở thuộc các loại khác
 
Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII
+ ĐTC Bênêđitô XVI
19:04 09/07/2008
Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII

VATICAN - Ngày QTGT lần thứ XXIII sẽ được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008, theo chủ đề: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên chúng con, và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy.” (Cv 1, 8). Nội dung của sứ điệp gồm có 8 số như sau:

1. Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.
2. Lời hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.
3. Biến cố Hiện Xuống, điểm khởi hành cho sứ mạng của Giáo Hội.
4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và là nguyên lý của sự hiệp thông.
5. Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm.
6. Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể.
7. Sự cần thiết và khẩn trương của sứ mạng truyền giáo.
8. Khần cầu một “lễ hiện xuống mới” trên thế giới.


1.Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.

Các bạn trẻ thân mến,

Với niềm vui mừng lớn lao, Cha luôn nhớ những giây phút chúng ta đã trải qua chung với nhau tại Colonia, vào tháng 8 năm 2005. Vào lúc kết thúc cuộc biểu dương không thể quên được của Đức Tin và của lòng hăng say, một cuộc biểu dương vẫn còn khắc ghi trong trong tâm trí Cha, Cha đã hẹn với chúng con cho lần gặp gỡ sắp đến, sẽ diễn ra tại Sydney, vào năm 2008. Đây sẽ là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII và sẽ có chủ đề như sau: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên chúng con và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy” (Cv 1,8). Hướng chỉ đạo cho công cuộc chuẩn bị thiêng liêng cho cuộc gặp nhau tại Sydney là Chúa Thánh Thần và sứ mạng truyền giáo. Nếu trong năm 2006, chúng ta đã dừng lại suy niệm về Chúa Thánh Thần như là Thánh Thần của Sự Thật, và trong năm 2007, Chúng ta cố gắng khám phá Chúa Thánh Thần một cách sâu xa hơn như là Thánh Thần của Tình Yêu, để tiến bước đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2008, vừa suy nghĩ về Thánh Thần của sức mạnh và của lời chứng, là Đấng ban cho chúng ta sự can đảm để sống Tin Mừng và lòng gan dạ để công bố Tin Mừng. Vì thế, điều căn bản cho mỗi người trong chúng con, những người trẻ, tại những cộng đoàn của chúng con và cùng với những nhà giáo dục chúng con, (mỗi người trong chúng con) có thể suy nghĩ về Đấng chủ động này trong lịch sử ơn cứu rỗi, tức Chúa Thánh Thần, hay là Thánh Thần của Chúa Giêsu, để đạt đến những mục tiêu cao cả như sau: nhìn nhận căn cước đích thực của Chúa Thánh Thần, nhất là bằng việc lắng nghe Lời Chúa trong mạc khải Kinh Thánh; ý thức rõ ràng về sự hiện diện liên tục và tích cực của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội, nhất là bằng cách khám phá rằng Chúa Thánh Thần giới thiệu chính mình như là “linh hồn”, là hơi thở quan trọng của đời sống kitô, nhờ qua các bí tích khai tâm kitô—Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể; và như thế, trở nên có khả năng làm cho trưởng thành sự hiểu biết về Chúa Giêsu, mỗi ngày một sâu xa hơn và vui tươi hơn, và vừa đồng thời áp dụng hữu hiệu Tin Mừng, vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba. Với sứ điệp này, Cha sẵn sàng cống hiến cho chúng con một hướng suy niệm cần được đào sâu thêm trong suốt năm chuẩn bị này, nhờ đó mà kiểm chứng phẩm chất đức tin chúng con vào Chúa Thánh Thần, để tìm gặp lại nó nếu đã bị mất, củng cố nó nếu đã bị suy yếu, cảm nếm nó như là một sự đồng hành của Chúa Cha và Chúa Con, là Chúa Giêsu Kitô, nhờ tác động cần thiết của Chúa Thánh Thần. Chúng con đừng bao giờ quên rằng Giáo Hội và toàn thể nhân loại đang hiện diện và đồng hành với chúng con, chờ đợi chúng con trong tương lai, chờ đợi chúng con rất nhiều là những người trẻ, bởi vì chúng con lãnh nhận hồng ân cao cả của Thiên Chúa Cha, là Thánh Thần của Chúa Giêsu.

2. Lời Hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.

Việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa nói về mầu nhiệm và hoạt động của Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận những hiểu biết cao cả và đầy sức phấn khởi mà tôi có thể tóm gọn trong những điểm sau đây.

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như sau: Thầy sẽ sai xuống trên anh em Đấng mà Cha Thầy đã hứa.” (Lc 24,49). Điều này đã được thực hiện trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện trong Phòng Tiệc ly với Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Việc đổ tràn Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội khai sinh là để hoàn tất lời hứa xa xưa của Thiên Chúa, đã được loan báo và chuẩn bị trong toàn thể Cựu Ước.

Thật vậy, ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh nhắc đến Thánh Thần của Thiên Chúa như là “hơi thổi” “bay là là trên mặt nước” (x. St 1,2) và nói rõ rằng Thiên Chúa đã “thổi” vào lỗ mũi con người luồng sự sống (x. St 2,7), vừa đổ vào con người chính sự sống. Sau tội nguyên tổ, Thánh Thần sự sống của Thiên Chúa được biểu lộ nhiều lần khác nhau trong lịch sử con người, vừa khơi dậy những ngôn sứ để khích lệ Dân được tuyển chọn trở về với Thiên Chúa và trung thành tuân giữ những giới răn của Ngài. Trong thị kiến nổi tiếng của tiên tri Êzêkiel,Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần của ngài để làm sống lại Dân Israel, được biểu tượng bởi những “bộ xương khô” (x. 37, 1-14); Tiên tri Gioel “nói tiên tri về sự đổ tràn Thánh Thần xuống trên toàn Dân, không loại trừ ai. Tác giả Kinh Thánh đã viết như sau: “Sau đó, Ta sẽ tuôn đổ Thánh Thần của Ta trên mọi người... Cả trên những nô lệ nam nữ, trong ngày đó, Ta sẽ đổ xuống Thánh Thần của Ta. (3, 1-2).

Khi “thời viên mãn đến” (x. Gal 4,4), sứ thần Chúa loan báo cho Đức Nữ Trinh quê làng Nazareth rằng Chúa Thánh Thần, “quyền năng của Đấng tối cao”, sẽ ngự xuống và phủ lấy Trinh Nữ. Đấng mà Trinh Nữ sẽ sinh ra là đấng thánh và được gọi là Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35). Theo cách nói của tiên tri Isaia, Đấng Messia sẽ là Đấng mà trên ngài, Thánh Thần của Chúa sẽ ngự xuống (x. 11,1-2; 42,1). Chính lời tiên tri này được Chúa Giêsu nhắc lại vào khởi đầu tác vụ công khai của Chúa, trong Hội Đường Nazareth; Chúa đã công bố trước sự kinh ngạc của những người hiện diện như sau: “Thánh Thần của Chúa đang ngự trên tôi; và vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và đã sai tôi đi rao giảng cho người nghèo tin vui mừng, công bố cho kẻ bị cầm tù biết họ được giải phóng và cho kẻ mù được sáng mắt; mang lại tự do cho những ai bị áp bức và rao giảng năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2). Nhìn vào những người hiện diện, Chúa Giêsu áp dụng cho mình những lời tiên tri trên và quả quyết như sau: “Hôm nay, được ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà các người vừa nghe” (Lc 4,21). Hơn nữa, trước khi chết trên thập giá, Chúa đã báo trước nhiều lần cho các môn đệ về việc Chúa Thánh Thần, “Đấng an ủi”, sẽ đến mà sứ mạng của Người là làm chứng và trợ giúp cho những kẻ tin, vừa dạy họ và hướng dẫn họ đến sự Thật trọn vẹn” (x. Ga 14,16-17. 25-26; 15,26; 16,13).

3. Lễ Hiện Xuống, điểm khởi hành của Sứ mạng Giáo Hội.

Vào buổi chiều ngày Chúa sống lại, khi hiện ra cho các môn đệ, Chúa Giêsu thổi hơi trên họ và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ một cách mạnh mẽ hơn nữa. Người ta đọc trong Sách Tông Đồ Công Vụ như sau: “Một tiếng động lớn bất ngờ từ trời vang đến, như tiếng gió thổi mạnh xuống và tràn vào khắp cả nhà, nơi các tông đồ đang ở. Xuất hiện những hình lưỡi lửa ngự trên đầu các tông đồ.” (Cv 2,2-3).

Chúa ThánhThần canh tân các tông đồ từ nội tâm, ban cho các ngài một sức mạnh làm cho các ngài trở nên dũng cảm mà rao giảng mạnh mẽ và không sợ hãi rằng: “Chúa Kitô đã chết và đã sống lại!” Được giải thoát khỏi mọi sợ hãi, các ngài bắt đầu nói cách chân thành (x. CV 2,29; 4,13; 4,29-31). Từ những người đánh cá nhút nhát, các ngài đã trở thành những anh hùng đầy lòng can đảm của Tin Mừng. Cả những kẻ thù của các ngài cũng không thể hiểu được tại sao “những con người không học thức và nhát sợ” (x. Cv 4,13) lại có khả năng chứng tỏ một sự can đảm như thế và chịu đựng được những nghịch cảnh, những đau khổ và những bách hại một cách vui tươi. Không gì có thể ngăn cản các ngài lại. Với những ai đã cố gắng buộc các ngài phải im lặng, thì các ngài trả lời như sau: “Chúng tôi không thể im lặng, không thể không nói lên điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20). Như thế được khai sinh Giáo Hội, một giáo hội từ lễ Ngũ Tuần đã không ngừng chiếu toả Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và nguyên lý của sự hiệp thông.

Nhưng để hiểu sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta phải trở lại phòng tiệc ly nơi các môn đệ tựu lại với nhau (x. Lc 24,49), vừa cầu nguyện với Đức Maria, một người Mẹ, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đã được hứa ban. Mọi cộng đoàn kitô cần phải luôn múc lấy sự linh ứng từ hiện ảnh Giáo Hội lúc khai sinh này. Sự phong phú tông đồ và truyền giáo một cách chính yếu không phải là kết quả của những chương trình và các phương pháp mục vụ được soạn thảo cách khôn ngoan và “hữu hiệu”, nhưng là hoa trái của sự cầu nguyện không ngừng của cộng đoàn (x. Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 75). Ngoài ra sự hữu hiệu của sứ mạng còn giả thiết rằng các cộng đoàn hiệp nhất với nhau, nghĩa là “có một con tim, một linh hồn mà thôi” (x. Cv 4,32) và rằng các cộng đoàn sẵn sàng làm chứng cho tình yêu và niềm vui mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào trong tâm hồn các tín hữu (x. Cv 2, 42). Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: trước khi là hành động, sứ mạng của Giáo Hội là chứng tá và là sự chiếu toả (x. Redemptoris Missio, số 26). Như thế đã xảy ra vào khởi đầu của Kitô Giáo, khi những anh chị em ngoại giáo, như giáo phụ Tertullianô đã viết, trở lại nhờ nhìn thấy tình yêu thương hiện diện giữa những người kitô. Họ nói: “Hãy xem những người kitô yêu thương nhau biết chừng nào” (x. Apologetico, 39 &7). Kết thúc cái nhìn ngắn gọn về Lời Chúa trong Kinh Thánh, Cha mời gọi chúng con hãy ghi nhận như thế nào Chúa Thánh Thần là hồng ân cao cả nhất của Thiên Chúa cho con người, và như thế là lời chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách cụ thể như là “lời thưa vâng đón nhận sự sống” mà Thiên Chúa muốn cho mỗi tạo vật của ngài. Lời “thưa vâng đón nhận sự sống” có được hình thức trọn vẹn của nó trong Chúa Giêsu Nazareth và trong chiến thắng của Chúa trên sự dữ nhờ ơn cứu chuộc. Về vấn đề này, chúng ta đừng bao giờ quên rằng Tin Mừng Chúa Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, không được rút gọn thành một sự ghi nhận thuần tuý, nhưng muốn trở thành “tin mừng cho người nghèo, sự giải phóng cho những kẻ bị tù đày, là sự sáng cho kẻ mù loà... ” Đó là tất cả những gì được biểu lộ một cách rõ ràng trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày trở thành ân sủng và trách vụ của Giáo Hội đối với thế giới, sứ mạng ưu tiên của giáo hội.

Chúng ta là những hoa trái của sứ mạng của Giáo Hội nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta mang trong mình dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, là Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên điều nầy, bởi vì Thánh Thần của Chúa luôn nhắc nhớ đến mỗi người và một cách đặc biệt, qua trung gian chúng con, những người trẻ, những người muốn khơi dậy trong thế giới ngọn gió và lửa của một lễ Hiện Xuống mới.

5. Chúa ThánhThần, vị Thầy Nội Tâm.

Các bạn trẻ thân mến, cả trongngày hôm nay, Chúa ThánhThần tiếp tục hành động cách quyền năng trong Giáo Hội và những hoa trái của Thánh Thần là phong phú trong mức độ chúng ta sẵn sàng mở rộng chính mình đón nhận sức mạnh canh tân của Thánh Thần. Vì thế, điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết rõ Chúa Thánh Thần, bước vào trong tương quan với ngài và để cho ngài hướng dẫn. Nhưng đến đây, ta tự câu hỏi: Chúa Thánh Thần là ai đối với tôi? Thật vậy, đối với không ít những tín hũu Kitô, Chúa Thánh Thần tiếp tục là “Đấng Không Được Biết Đến”. Vì thế, đây là lý do tại sao, trong thời gian chuẩn bị cho ngày Quốc tế Giới Trẻ sắp đến, Cha muốn mời gọi chúng con hãy đào sâu sự hiểu biết của chính chúng con về Chúa Thánh Thần. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính Nicea-Costantinopoli). Phải, Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là Nguồn Mạch sự sống có sức thánh hoá chúng con, “bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được trao ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuy nhiên, quả thật không đủ, nếu chỉ hiểu biết ngài mà thôi; cần phải tiếp nhận ngài như là Đấng hướng dẫn linh hồn chúng ta, như là “Vị Thầy Nội Tâm”, Đấng dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì chỉ một mình ngài có thể mở rộng lòng trí chúng ta để chúng ta tin, và cho phép chúng ta sống đức tin mỗi ngày một cách trọn vẹn. Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta đến với kẻ khác, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu, và biến đổi chúng ta thành những nhà truyền giáo của tình yêu Thiên Chúa. Cha biết rõ chúng con, những người trẻ, chúng con mang trong tim lòng sùng mộ to lớn và tình yêu đối với Chúa Giêsu, và biết rõ chúng con ao ước gặp gỡ và nói chuyện với Chúa Giêsu. Nhưng chúng con hãy nhớ rằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, làm chứng, kết thành và xây dựng nhân vị chúng ta trên nền tảng chính con người Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh chết và đã phục sinh. Chúng ta hãy làm cho mình trở nên thân quen với Chúa Thánh Thần, để trở nên thân quen với Chúa Giêsu.

6. Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể.

Chúng con có thể thắc mắc: làm sao chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần canh tân và lớn lên trong đời sống thiêng liêng? Chúng con đã biết câu trả lời rồi! Đó là chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần canh tân mình, nhờ qua các bí tích, bởi vì đức tin phát sinh và trở nên mạnh mẽ trong chúng ta qua các bí tích, nhất là những bí tích khai tâm Kitô- ba bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, là những bí tích bổ túc cho nhau và không thể bỏ đi được (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội công giáo, số 1285). Sự thật về ba bí tích nằm ở khởi đầu của thực thể Kitô chúng ta, có lẽ đã bị lãng quên trong đời sống đức tin của không ít nơi những Kitô hữu; những người này xem các bí tích vừa nói trên như là những việc đã được thực hiện trong quá khứ, chứ không còn ảnh hưởng thật sự trên cuộc sống hiện tại, giống như những gốc rễ không còn nhựa sống nữa. Xảy ra là sau khi đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức, nhiều người trẻ sống lìa xa với đời sống đức tin và có những người trẻ ngay cả không lãnh nhận bí tích thêm sức nữa. Nhưng chính với bí tích Rửa Tội và Thêm sức, rồi sau đó với bí tích Thánh Thể, mà Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta thành những con cái của Thiên Chúa Cha, anh chị em với Chúa Giêsu, thành phần của Giáo Hội, những người có khả năng làm chứng thật sự cho Tin Mừng, những người được nếm hưởng niềm vui Đức Tin.

Vì thế Cha mời gọi chúng con hãy suy nghĩ về tất cả những gì cha viết cho chúng con nơi đây. Ngày hôm nay, là dịp hết sức quan trọng để tái khám phá ý nghiã của bí tích Thêm Sức và tìm gặp lại giá trị của bí tích này cho sự trưởng thành thiêng liêng của chúng ta. Ai đã lãnh nhận hai bí tích Rửa Tội và Thêm sức, thì hãy nhớ rằng mình đã trở nên “đền thờ của Chúa Thánh Thần”: Thiên Chúa ngự trong người đó. Ước gì những ai lãnh nhận bí tích ấy luôn ý thức về điều này và hãy làm sao cho kho tàng nội tâm của họ được trổ sinh những hoa trái thánh thiện. Ai đã được Rửa tội nhưng chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, hãy chuẩn bị để lãnh nhận, vừa biết rõ rằng như thế mình được trở nên người Kitô ‘trọn vẹn”, bởi vì bí tích thêm sức làm cho ân sủng của bí tích Rửa Tội được nên hoàn trọn (x. cc. 1302-1304).

Bí tích thêm sức ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt để làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa với trọn cả đời sống mình (x. Rm 12,1); làm cho chúng ta thâm tín rằng mình thuộc về Giáo Hội, “Nhiệm Thể của Chúa Kitô”, mà tất cả chúng ta là những thành phần sống động, liên đới với nhau (x. 1 Cr 12,12-25). Khi để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mỗi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều có thể đóng góp phần của mình vào việc xây dựng Giáo Hội, nhờ những ơn đoàn sủng Thiên Chúa ban cho, bởi vì, “mỗi người đều được ban cho một ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần để mưu cầu ích lợi chung” (1 Cr 12,7). Và khi Chúa Thánh Thần hoạt động, thì Ngài mang đến trong tâm hồn những hoa trái của ngài; đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” (Gl 5,22). Với tất cả những ai trong chúng con chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, Cha thân ái gởi lời mời gọi hãy chuẩn bị lãnh nhận bí tích nầy, với sự trợ giúp của các linh mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho. Đây là một dịp đặc biệt của ân sủng mà Chúa ban cho chúng con: chúng con đừng để uổng phí!

Cha muốn nói thêm đôi lời về bí tích Thánh Thể. Để lớn lên trong đời sống Kitô, thì cần phải nuôi dưỡng chính mình bằng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô: quả thật chúng ta đã được rửa tôi và đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức, để tiến đến lãnh nhận bí tích Thánh Thể (x. cc 1322; Sacramentumcaritatis, số 17). Là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội”, bí tích Thánh Thể là một “lễ Hiện Xuống mãi mãi”, bởi vì mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng kết hiệp chúng ta sâu xa hơn với Chúa Kitô, và biến đổi chúng ta trong Chúa. Các bạn trẻ thân mến, nếu chúng con tham dự thường xuyên vào việc cử hành Thánh Thể, nếu chúng con dành một chút thời giờ cho việc tôn thờ Thánh Thể, thì từ nguồn mạch tình yêu, tức từ bí tích thánh thể, chúng con sẽ có niềm vui nhất quyết dấn thân sống theo Tin Mừng. Đồng thời chúng con cảm nghiệm được rằng ở đâu sức con người chúng con không thể làm, thì Chúa Thánh Thần là Đấng đến biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta có tràn đầy sức mạnh của Ngài và làm cho chúng ta trở thành nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, những nhân chứng tràn đầy tinh thần hăng say truyền giáo.

7. Sự cần thiết và khẩn trương của Sứ mạng.

Nhiều bạn trẻ nhìn về đời sống họ với lòng thao thức và đặt ra cho mình biết bao câu hỏi về tương lai. Họ tự vấn với lòng băn khoăn lo lắng như sau: làm sao nhập cuộc vào trong một thế giới bị ghi dấu bởi nhiều bất công và đau khổ trầm trọng? Làm sao phản ứng chống lại sự ích kỷ và bạo lực xem ra như đang thắng thế? Làm sao mặc cho đời mình ý nghĩa trọn vẹn? Làm sao đóng góp, ngõ hầu những hoa trái của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhắc đến ở trên- tức những hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” được tràn ngập thế giới này, một thế giới đang bị thương tích và mỏng dòn, nhất là một thế giới của những người trẻ? Với những điều kiện như thế nào, Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, của sự tạo dựng ban đầu và nhất là của sự tạo dựng lần thứ hai hay của sự cứu rỗi, có thể trở thành linh hồn mới của nhân loại hay không? Chúng ta không được quên rằng ân sủng Thiên Chúa ban cho càng to lớn lao bao nhiêu- hồng ân Chúa Giêsu ban cho chúng ta, Chúa ThánhThần là hồng ân cao cả nhất; do đó, nhu cầu của thế giới đón nhận hồng ân đó cũng lớn lao như vậy, và như thế sứ mạng của Giáo Hội phải làm chứng một cách đáng tin cho hồng ân này, cũng phải luôn vĩ đại và hăng say. Và chúng con, những người trẻ, với Ngày Quốc tế Giới Trẻ, một cách nào đó, chúng con hãy nói lên ý định tham dự vào sứ mạng này. Các bạn trẻ chúng con thân mến, về vấn đề này, cha muốn nhắc chúng con nơi đây vài sự thật tiêu chuẩn để chúng con suy niệm. Một lần nữa cha nhắc lại cho chúng con rằng chỉ một mình Chúa Kitô mới có thể làm đầy những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người; chỉ mình Chúa mới có khả năng nhân bản hoá nhân loại và dẫn đưa nhân loại đến tình trạng “được thần thiêng hoá”. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đổ vào trong tâm hồn chúng ta tình thương của Thiên Chúa, tình thương có thể làm cho chúng ta có khả năng yêu thương người lân cận và sẵn sàng phục vụ anh chị em. Chúa Thánh Thần vừa soi sáng, vừa mạc khải cho chúng ta Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại; Ngài chỉ cho chúng ta biết con đường để trở thành giống với Ngài hơn, để có thể trở nên “lời diễn tả và khí cụ của tình thương đến từ ngài” (Deus Caritas est, số 33). Và ai để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình sẽ hiểu rằng dấn thân phục vụ Tin Mừng không phải là một chọn lựa tự do theo ý mình, bởi vì người đó ý thức rõ ràng về sự khẩn thiết phải thông truyền cho người khác Tin Mừng Chúa. Tuy nhiên, cần phải nhớ một lần nữa điều này, chúng ta chỉ có thể trở nên những chứng nhân cho Chúa Kitô, khi nào chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn; Chúa ThánhThần là “tác nhân chính của công cuộc rao giảng Phúc Âm” (x. Evengelii Nuntiandi, số 75), và ngài là “nhân vật chính của sứ mạng” (x. Redemptoris Missio, số 21).

Các bạn trẻ thân mến, như những vị tiền nhiệm của Cha, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, đã nhiều lần nói đến, rao giảng Phúc âm và làm chứng cho đức tin là điều cần thiết cho ngày nay hơn bao giờ hết (x. Redemptoris Missio, số 1). Ai đó nghĩ rằng trình bày kho tàng quý giá đức tin cho những người không chia sẻ đức tin với mình, có nghĩa là có thái độ bất bao dung đối với họ, nhưng không phải như vậy, bởi vì đề nghị Chúa Kitô cho họ, không có nghĩa là áp đặt bắt buộc họ phải theo (x. Evengelii Nuntiandi, số 80). Hơn nữa, cách đây 2000 năm, mười hai thánh Tông Đồ đã hy sinh mạng sống, ngõ hầu Chúa Kitô được con người biết đến và yêu thương. Từ đó, Phúc âm qua các thế kỷ tiếp tục được loan truyền nhờ những con người nam nữ được linh động bởi cùng một sự hăng say truyền giáo. Vì thế, cả ngày hôm nay nữa những môn đệ của Chúa Kitô không nên sợ lãng phí thời giờ và sức lực để phục vụ Tin Mừng. Các bạn trẻ cần thắp lên trong tâm hồn tình yêu Thiên Chúa và đáp trả cách quảng đại lời mời gọi khẩn thiết của Chúa, như đã xảy ra với biết bao vị thánh trẻ, chân phước và hiển thánh trong quá khứ và cả trong thời đại gần với chúng ta. Một cách đặc biệt, cha bảo đảm với chúng con rằng Thánh Thần của Chúa Giêsu ngày hôm nay mời gọi chúng con hãy trở nên những kẻ mang Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những bạn đồng tuổi chúng con. Sự mỏi mệt của những người lớn đến gặp, trong cách thức hiểu được và có sức thuyết phục, môi trường giới trẻ, có thể là một dấu chỉ mà Chúa Thánh Thần dùng để thôi thúc chúng con, những người trẻ, hãy lãnhnhẫn trọng trách này. Chúng con biết được những lý tưởng của ngưòi trẻ, biết được ngôn ngữ, và cả những vết thương, những chờ đợi, và ước muốn điều thiện của những người trẻ đồng tuổi chúng con. Được mở ra thế giới bao la những tâm tình, công việc làm, việc huấn luyện, những chờ đợi và những đau khổ của người trẻ... Mỗi người trong chúng con hãy can đảm hứa với Chúa Thánh Thần sẽ mang một người trẻ đến với Chúa Giêsu Kitô, trong cách thức mà chúng con biết là tốt đẹp hơn, vừa biết “trả lời cho bất cứ ai niềm hy vọng được tích chứa trong mình, với sự dịu dàng” (x. 1Pr 3,15).

Các bạn trẻ thân mến, để đạt đến mục tiêu này, chúng con hãy sống thánh thiện, hãy là những nhà truyền giáo, bởi vì người ta không bao giờ có thể tách rời sự thánh thiện ra khỏi sứ mạng truyền giáo (x. Redemptoris Missio, số 90). Chúng con đừng sợ trở thành những nhà truyềngiáo thánhthiện, như thánh Phanxicô Xaviê, đã đi khắp vùng Viễn Đông để loan báo Tin Mừng, cho đến kiệt sức, hoặc như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trở nên nhà truyền giáo dù không rời khỏi tu viện Camêlô, cả hai vị đều là những Thánh Quan Thầy của các Xứ Truyền Giáo”. Chúng con hãy sẵn sàng hy sinh mạng sống chúng con để soi sáng thế giới bằng sự thật của Chúa Kitô; để dáp trả hận thù và sự khinh dể mạng sống con ngưòi bằng tình yêu thương; để tuyên bố niềm hy vọng của Chúa Kitô Phục Sinh khắp mọi nơi trên mặt đất.

8. Khẩn cầu một lễ “hiện xuống mới” trên thế giới.

Các bạn trẻ thân mến, Cha chờ đợi chúng con đến thật đông vào tháng 7 năm 2008 tại Sydney. Đây sẽ là một dịp quan phòng để cảm nghiệm trọn vẹn quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng con hãy đến cho thật đông, để trở nên dấu chỉ niềm hy vọng nà nâng đỡ quý giá cho cộng đồng Giáo Hội tại Úc Châu đang chuẩn bị tiếp đón chúng con. Đối với những người trẻ của đất nước sẽ tiếp đón chúng ta, thì sẽ là một dịp đặc biệt để rao giảng nét đẹp và niềm vui của Phúc Âm cho một xã hội đã bị trần tục hoá trên nhiều bình diện. Úc Châu, cũng như toàn thể Châu Đại Dương, đang cần khám phá lại những căn cước Kitô của mình. Trong tong huấn hậu thượng hội đồng giám mục “Giáo Hội tại Châu Đại Dương” (Ecclesia in Oceania) Đức GioanPhaolô II đã viết như sau: “Với sức mạnhcủa Chúa ThánhThần, Giáo Hội tại Châu Đại Dương đang chuẩn bị cho công cuộc tái rao giảng phúc âm cho những dân tộc ngày nay đang khao khát Chúa Kitô... . Công cuộc tái rao giảng phúc âm là một ưu tiên đối với Giáo Hội tại Châu Đại Dương” (số 18). Cha mời gọi chúng con hãy dành thời giờ cho việc cầu nguyện và cho công việc huấn luyện thiêng liêng,trong giai đoạn cuối của cuộc hành trình dẫn chúng ta đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII, ngõ hầu tại Sydney, chúng con có thể lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức. Cùng chung với nhau, chúng ta sẽ khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vừa tin tưởng xin Thiên Chúa ban xuống hồng ân một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và cho nhân loại của ngàn năm thứ ba. Nguyện xin Mẹ Maria, Đấng đã cùng với các Tông Đồ cầu nguyện tại Phòng Tiệc Ly, đồng hành với chúng con trong những ngày tháng này và xin Mẹ cầu cùng Chúa ban cho tất cả mọi người trẻ Kitô một lần nữa được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng đốt lên ngọn lửa trong các tâm hồn. Chúng con hãy nhớ rằng Giáo Hội tin tưởng vào chúng con! Một cách đặc biệt, chúng ta, những mục tử, chúng ta cầu nguyện, ngõ hầu chúng con yêu mến và làm cho người ta yêu mến Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn và trung thành buớc theo Chúa.

Với những tâm tình trên và với hết lòng mộ mến, Cha ban phép lành cho tất cả chúng con.

Từ Lorenzago, ngày 20 tháng 7 năm 2007
+ Bênêđitô XVI, giáo hoàng
(Bản dịch tiếng Việt của Đặng Thế Dũng)
 
Vài Bổ Nhiệm mới tại Giáo Triều Roma
Đặng Thế Dũng
19:08 09/07/2008
VATICAN - Hôm Thứ tư mùng 9 tháng 7, ĐTC Bênêđitô XVI đã nhận đơn từ nhiệm của Đức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, vì lý do đã đến hạn tuổi nghỉ hưu, và đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, đương nhiệm Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, lên thay thế. Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, tu sĩ dòng Don Bosco, năm nay 70 tuổi, Tân Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, một chuyên viên môn Kitô Học, đã được thụ phong linh mục tháng 12 năm 1967, là giáo sư và là Phó Viện Trưởng Đại Học Don Bosco(Salesianum) từ năm 1991 đến năm 2000.

ĐTC cũng đồng thời bổ nhiệm linh mục Dòng Tên, người Tây Ban Nha, Giáo Sư Thần Học Tín Lý tại Giáo Hoàng Đại Học Đường Gregoriana và là Tổng Thư Ký Uỷ Ban Quốc Tế các Thần Học Gia, làm Tổng Thư Ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin, thay thế Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato. Đó là Linh Mục Luis Francisco Ladaria Ferrer, sinh năm 1944. Với chức vụ mới Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài được thăng chức Tổng Giám Mục.

Đây là lần đầu tiên một tu sĩ Dòng Tên được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, nhân vật cao cấp hàng thứ 2 của Bộ. Vị tân Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin năm nay 64 tuổi. Ngài đã gia nhập Dòng Tên tháng 10 năm 1966, và đã được thụ phong linh mục tháng 7 năm 1973.

Từ năm 1986 đến năm 1994, Đức Tân Tổng Giám Mục Luis Francisco Ladaria Ferrer là phó viện trưởng Đại Học Gregoriana, Là chuyên viên về Thần Học Tín Ký, ngài là cố vấn của Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 1995, và là Tổng Thư Ký của Uỷ Ban Thần Học QuốcTế từ năm 2004.

Được biết ĐHY Joseph Ratzinger, trước khi được chọn kế vị Thánh Phêrô ở ngai toà Roma, là Chủ Tịch của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, trong tư cách là Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
 
Top Stories
A pastoral visit of Redemptorists to Ede
Benedict Nguyen Cong Nhat
05:38 09/07/2008
On the occasion of ending school-year, we, the Postulants of the Redemptorist, went to Vĩnh Trung Parish which is about 50 Km from Buon Ma Thuot city, central highlands of Vietnam, for delivering donation (Rice, secondhand clothes…) to the Ethnic Minority, EĐê people.

After the three-day journey, I was really touched and moved to tears by seeing The EĐê’s lamentable situation. They live below the poverty life. That made me write down to let everyone understand the life of the EĐê

Delivering donation to the Ede in Vinhtrung Parish, Buonmathuot Diocese
EĐê ethnic group with more than 200,000 inhabitants living in the heart of Daklak Highlands uses the Malayo-Polynesia language.. They dwell in stilted houses with sloping roofs. Besides farming and breeding, they hunt wild animals, taming elephants and picking fruits. Their culture is original with many well-known epics.

However, about more than 500 inhabitants live in Vinh Trung Parish, more than half of them converted into Roman Catholic for 3 years ago and the others are in the process of attending catechism class to become a Catholic.

Their life is extremely needy that I have never seen people who are too poor like this: no water, no electric, illiterate and lack of food. They live in the valley, jungle and far from church, school, and hospital... Every Sunday, they go to church on foot in the early morning and come back home after lunch (some Parishioners prepare lunch for them).

They reside in low-roofed houses which look like coops for the cattle, not for people. One of my friends said that this is the hell of the world. They really live below the poverty life.

Father Peter Nguyen Van Thai, the Parish priest has appealed everybody’s generosity to aid them in building a road from their village to the church and offering corrugated iron sheets to roof their house. He also trains them in improving the life.

People usually say: “The way to a man's heart is through his stomach”, or “A hungry belly has no ears”. It is a judicious comment. Nowadays, The Church encourages everybody not only in missionary works but also in improving the material life for people. Therefore, we should be responsible for sharing in affairs of the Church.
 
WYD 2008: Catholics from Asia as witnesses of faith in Jesus Christ
Tin tổng hợp
14:07 09/07/2008
Meetings and moments of prayer have characterised the preparation young people underwent in anticipation of World Youth Day. Special heed was paid to Benedict XVI’s message which calls on all to announce the message of salvation.

Various dioceses from different Asian countries are preparing the 23rd edition of World Youth Day with joint prayers, Mass, meetings to discuss the theme chosen by Benedict XVI and study groups to improve participants’ proficiency in English. The event is set to open next week in Sydney (Australia).

For participants the event represents a unique moment in which they can meet and compare themselves with young people from the five continents, further develop their knowledge and strengthen bonds of friendship, thus becoming true “witnesses of Christ” as the Pope pointed out.

From Bangkok, Thailand: Fr Anthony Saravuth, chaplain of the Catholic Commission for the Youth, will accompany 79 delegates, in representation of Thailand’s Catholic community. “In preparing the WYD we focused on the Pope’s Apostolic Letter to better understand the meaning of the event and march in the same direction,” he said. Young Thais, including a Buddhist, to leave for Asian Youth Day. In view of the event, the Thai Church organised seminars to prepare them. Sessions were held on life, drugs and dialogue. But the greatest challenge seems to be society's unbridled competitiveness.

In describing the content of a recent seminar, he said that it was necessary “to prepare a joint programme in which the culture of the country and the WYD theme are explained” because participants come from ten dioceses across the country, each with its own traditions and customs.

Bangladesh: A delegation of 21 youths will also travel from Bangladesh. In preparation for the event meetings were organised to further discuss Benedict XVI’s message.

“Going to Sydney is not a pleasure trip,” Sister Zita Rema, secretary to the Bangladeshi bishops' Youth Commission, told UCA News, but rather it “is a unique moment of prayer and witness of our faith in Jesus Christ. For this reason we organised orientation sessions in preparation for WYD.”

Participants are actually meeting today in their final session and will celebrate Mass before they are off to Australia.

From New Delhi, India: More than 500 young Indians will take part in this year’s World Youth Day to be held in Sydney, Australia, on 15-20 July. It will be the largest Indian delegation ever. Some 14 bishops, 80 priests, religious and a few representatives of other religions from India will also be coming.

This was a national initiative launched by the Commission for Youth of the Catholic Bishops Conference of India (CBCI) in collaboration with the Indian Catholic Youth Movement (ICYM) and Youth Activ8 Foundation under the chairmanship of Mgr Leo Cornelio, archbishop of Bhopal.

Prior to the World Youth Day in Sydney the delegates will take part in a cultural exchange programme, including a social work project experience, living with host families in New Zealand and Australia. Thus they will be able to learn about Catholic life “down under”.

In a press statement the CBCI noted that “the programme is expected not only to enrich the delegates spiritually but also broaden their horizons so that they can contribute towards the development of their motherland.”

From Vietnam: Some 700 to 900 young Vietnamese will attend World Youth Day 2008. In view of the event, many Catholic dioceses in Vietnam organised seminars to prepare them. Sessions were held on life, culture, dialogue, and most of all the themes of the WYD 2008 at Sydney.

Catholic Youth Chaplaincy in some dioceses such as My Tho, Kontum, Hue, Hanoi, Saigon, etc... organized the meetings in which they discussed with the youth about their country's problems, ways they can contribute to building a better society and how to prepare for the World Youth Day. A Youth Coordinator who attended WYD in Canada the last time, reminded them that they had a "very good opportunity... to have an experience to share with others, to meet new friends."

Indeed, on this occasion, young Catholics come from Vietnam will have the opportunity to meet with other young Vietnamese come from other countries such as USA, France, Canada, etc...

A member from the 117 Group came from Oakland said that: "I am so exited to meet with other young people, we will talk about the meaning of 'hope' and 'trust' in God even in one's most difficult times... As young Catholics we must make a commitment to dialogue with our friends, our Vietnamese youth, and even young people of other religions."
 
Vatican reports deficit for 2007, partly due to poor stock market
Catholic News Service
17:58 09/07/2008
VATICAN CITY (CNS) -- After three years in the black, the Vatican reported a $14 million deficit for 2007, due mainly to the continued fall in the value of the U.S. dollar and the poor performance of the stock market.

The budget of Vatican City State, which includes the Vatican Museums and post office, ended 2007 with a surplus of $10.5 million, the Vatican said in notes on the budgets released July 9.

While Vatican City did not report a deficit, the 2007 final earnings were just one-third of those reported at the end of 2006.

The $14 million deficit regarded what is technically the budget of the Holy See, which includes the Vatican Secretariat of State and its diplomatic missions around the world, Vatican congregations and pontifical councils, the Holy See's investment portfolio and properties as well as the Vatican's newspaper, radio, publishing house and television production center.

The investment portfolio ended 2007 with income of $2.2 million compared to the $21.5 million it returned to Vatican coffers at the end of 2006.

The drop principally was due to "the brusque and very accentuated" drop in the value of the U.S. dollar, the statement said. Most donations to the Vatican and some of its investments are in dollars, but the Vatican's expenses are mainly in euros.

The Vatican reported income of about $372 million and expenses of $386 million, despite the fact that it managed to lower the costs of running Vatican offices by about $1.2 million. The Vatican also did better in 2007 than in 2006 with income from the property it owns around the Vatican; the real estate sector brought in about $57 million in 2007 from rent and the sale of some property.

The budget line that includes Vatican Radio -- which does not accept advertising -- and the Vatican newspaper -- which accepts very little -- ended 2007 with a negative $22.9 million. The figure was not as bad as it would have been because of combined earnings of more than $4.7 million by the Vatican publishing house, printing press and television production center.

Bishops' conferences, dioceses, religious orders and various institutions and foundations contributed more than $135 million in donations to the Holy See in 2007, close to $200,000 more than similar groups gave in 2006.

The figure included $29.5 million given by dioceses around the world to help offset the costs of running the church's central administration. Of the total from dioceses, more than $9.3 million came from Germany, more than $8.3 million from the United States and $5.5 million from Italy.

The separate statement on the budget of Vatican City State said its smaller than usual surplus was attributed mainly to the poor performance of its investments. While Vatican City State earned $11.3 million on its investments for the 2006 calendar year, it closed 2007 with a loss of $12.5 million.

Also July 9, the Vatican published the results of the 2007 Peter's Pence collection, which is taken up in Catholic parishes around the world in late June and funds charitable causes chosen by the pope.

In 2007, the Vatican said, the collection totaled more than $79.8 million and was used to fund disaster relief and to assist Catholic communities in the world's poorest countries.

As in the past, Catholics in the United States were the top donors to Peter's Pence, contributing more than $18.7 million or about 28 percent of the total. They were followed by Italian Catholics who gave more than $8.6 million and German Catholics who gave more than $4 million.

In addition, the Vatican said, the Holy See received an offering of more than $14.3 million "from a donor who wanted to remain anonymous."
 
Korean priests minister to immigrants in their new Peruvian homes
Catholic News Service
18:07 09/07/2008
LIMA, Peru (CNS) -- The lilting tones of prayer and song rising from San Andres Kim Church on a weekday morning sound vaguely out of place in the working-class neighborhood in Peru's bustling capital.

A glance at the sign on the door explains why. Named for Korea's first priest, St. Andrew Kim Taegon, a martyr, the Lima parish is home to Peru's Korean Catholic community. The pastor, Father Pablo Kim, is one of more than 100 Korean missionaries in Latin America.

After decades of receiving missionaries, South Korea now has so many native-born priests and women religious that it is sending them to other lands. Many work in remote rural areas, such as Peru's northern Amazon basin. Others, such as Father Kim, minister to Korean immigrants who are making a place for themselves in their new homes.

"A priest is a missionary, so coming to Latin America was a natural thing," Father Kim, 37, told Catholic News Service after celebrating weekday Mass for a handful of parishioners.

Ordained in 1998, Father Kim came to Lima two years ago. Arriving at night, he thought the city of 8 million people looked bright and clean. In the morning, he said, reality struck.

The streets were chaotic, nothing started on time, and he was not accustomed to the physical contact that is part of everyday life for Peruvians.

"For me, it was a culture shock," Father Kim said.

That made him a better pastor, he said, because he understands that his parishioners are going through the same thing.

Lima's South Korean population is small. Father Kim estimates that up to 20 percent of the South Koreans are Catholic, and about half of them, 80 or 90 people, attend San Andres Kim Church. Some work at the Korean Embassy or international companies, while others have settled in Peru. At the same time, turnover is constant.

Because language and cultural differences make it difficult for newcomers to feel at home in Spanish-speaking parishes, San Andres Kim offers a place for them to practice their Catholic faith and maintain their Korean identity.

Integration into Latin American culture is also a challenge for missionaries, according to Father Kyungsu Son, a Korean-born Maryknoll priest and chaplain to Korean missionaries throughout Latin America.

Father Son was studying in a diocesan seminary in Korea when a Maryknoll priest suggested that he pursue an advanced degree in the United States. The young seminarian was hesitant. It meant learning English, and "at the time most people thought the best place to study theology was Rome, not the U.S.," he said.

After arriving in the U.S. in 1971, however, he felt called to mission, and in 1976, he said, "I came to Peru to try it out."

"After 30 years, I'm still trying. It's the best decision I ever made," he said.

Early missionaries to Korea worked in secret, and St. Andrew Kim was one of many Catholics martyred in the 1800s. In 1984, they were canonized in Seoul by Pope John Paul II, who urged the Korean church to share its faith with the world.

Because of a steady stream of vocations in South Korea -- more than 100 priests a year have been ordained in the past decade -- some 600 Korean men and women religious now work abroad. About 120 are in Latin America, with the largest numbers in Mexico, Peru, Brazil, Argentina and Bolivia.

To provide support, in 1998 Father Son helped found the Association of Korean Missionaries in Latin America. As president of the association from 2003 to 2007, he traveled around Latin America, providing pastoral care to the caregivers. As he learned more about the missioners' needs, the association began to organize retreats and conferences.

At first, many Korean missionaries' stints in Latin America were too short for them to learn the language and adapt to the culture, he said. As more congregations have allowed missionaries to make longer commitments, Father Son has seen a change.

"They know the language, they know the culture and they are more confident," he said.

Sister Paulina Ahn, a member of the Sisters of Charity of the Most Blessed Sacrament, knows the ups and downs of mission life well. When she arrived at the Maryknoll language school in Cochabamba, Bolivia, in 1989, she not only struggled to learn Spanish, but she was unable to communicate with the other students, all of whom spoke English.

Her first assignment, in northern Peru, was difficult.

"I was sad for almost three years," she said. But she was determined to help her congregation establish a mission in the department of Amazonas.

"The culture is very different, but the people have big hearts and a great deal of patience," she said. "They have accepted me."

Sister Paulina now works in Callao, a port city adjoining Lima, where six young Peruvian women are considering joining her community. They will eventually be sent to South Korea to study, but will return to serve in Peru.

When she returns home to visit, she finds the pace of life too frantic.

"I couldn't live in Korea anymore," she said. "I am like a Peruvian now."

For Father Son, that conversion is at the heart of missionary life.

"I thought I came here to save souls. I came to give, but I'm receiving. I've been enriched by these people. They deepened my faith," he said. As a result, "I am a better Christian, a better man and a better priest."
 
Anglican Bishop will lead others on the Path to Rome
Catholic Online
18:14 09/07/2008
LONDON (Catholic Online) - "What we must humbly ask for now is for magnanimous gestures from our Catholic friends, especially from the Holy Father" said Bishop Burnham. With all of the heartbreaking news of continued divisions within the worldwide Anglican communion over issues of orthodoxy and orthopraxy, the news of a coming full communion between many Anglican Christians and the Catholic Church may be the silver lining.

Damian Thompson of the Telegraph has covered the rapid developments concerning the Church of England. In a report written for the Telegraph on July 8, Mr. Thompson wrote:

Các Mục sư Anh giáo họp tại London
"The Bishop of Ebbsfleet, the Rt Rev Andrew Burnham, is to lead his fellow Anglo-Catholics from the Church of England into the Roman Catholic Church, the Catholic Herald will reveal this week.

Bishop Burnham, one of two "flying bishops" in the province of Canterbury, has made a statement asking Pope Benedict XVI and the English Catholic bishops for "magnanimous gestures" that will allow traditionalists to become Catholics en masse.

He is confident that this will happen, following talks in Rome with Cardinal Levada, head of the Congregation for the Doctrine of the Faith, and Cardinal Kasper, the Vatican's head of ecumenism. He was accompanied on his visit by the Rt Rev Keith Newton, Bishop of Richborough, the other Canterbury "flying bishop", who is expected to follow his example.

Bishop Burnham hopes that Rome will offer special arrangements whereby former Anglicans can stay worshipping in parishes under the guidance of a Catholic bishop. Most of these parishes already use the Roman liturgy, but there may be provision for Anglican prayers if churches request it.

Anglican priests who are already married will not be barred from ordination as priests, though Bishop Burnham would not be able to continue in episcopal orders, as he is married and there is an absolute bar on married bishops in the Roman and Orthodox Churches.

In his statement, Bishop Burnham explains why he is rejecting the code of practice offered to traditionalists by the General Synod last night. "How could we trust a code of practice to deliver a workable ecclesiology if every suggestion we have made for our inclusion has been turned down flat?" he asks.

"How could we trust a code of practice when those who are offering it include those who have done most to undermine and seek to revoke the code of practice in force for these last 14 years?...

"What we must humbly ask for now is for magnanimous gestures from our Catholic friends, especially from the Holy Father, who well understands our longing for unity, and from the hierarchy of England and Wales. Most of all we ask for ways that allow us to bring our folk with us."

This report in the Telegraph has been confirmed by numerous other sources in both the secular and religious press.It follows the historic vote to pass legislation which could lead to the attempted consecration of women to the Episcopacy.

Earlier reports have also confirmed secret meetings between Anglican Bishops and the Congregation of the Doctrine of the Faith.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin Vui từ Tinh Dòng Đức Tin Việt Nam thuộc Hội Dòng Gioan Tẩy Giả
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
00:28 09/07/2008
SAIGÒN - Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập (1928-2008), Hội Dòng Gioan Tẩy Giả nói chung và cách riêng Tỉnh Dòng Đức Tin Việt Nam liên tiếp đón nhận nhiều ơn lành đến từ Thiên Chúa Tình yêu. Trước hết, vào ngày 7 tháng 6 vừa qua tại Taiwan, Thánh lễ thụ phong cho hai tân Linh mục Jos Nguyễn Dũng Lạc, Csjb và Amrosio Khổng Quốc Hùng, Csjb cùng với tân Phó tế Jos. Nguyễn Thái Hiền, Csjb như là một khởi đầu cho Năm Thánh hồng ân.

Kế đến, ngày 24 thánh 6 quan thầy của Hội Dòng, tất cả các Linh mục, Phó tế và tu sĩ đang mục vụ tại Taiwan tề tựu về nhà Mẹ, cùng nhau tạ ơn Chúa, hiệp thông cầu nguyện cách đặc biệt cho Hội Dòng.

Dịp này 9 anh chị em tân tòng là những giáo chức của trường trung học Viator trực thuộc nhà Dòng chính thức trở thành con cái Chúa như tái khẳng định sứ mạng truyền giáo không mệt mỏi mà Cha tổ phụ cũng như bao thế hệ cha anh đã để lại.

Và hôm nay, ngày 9 tháng 7 khi mà toàn thể Giáo hội mừng trọng thể các Thánh Tử đạo Trung Hoa thì Tỉnh Dòng Đức Tin Việt Nam vui mừng báo tin Thánh Lễ Vĩnh khấn của các Thầy sau đây sẽ được cử hành tại chiếc nôi của cộng đồng người Hoa nơi quê nhà:

Nguyễn Chấn Đức, Csjb
Nguyễn Vương Nhuệ,Csjb
Nguyễn Bác Đệ, Csjb
Phạm Chí Hoà, Csjb
Nguyễn Trương Hoán, Csjb

Hồng ân tiếp nối hồng ân! Tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu! Xin chúc mừng các Thầy và gia đình cùng với những tâm tình chia sẻ chân thành.

1.(VƯƠNG) NHUỆ khí của (CHẤN) ĐỨC tin:

Làm (BÁC) ĐỆ tử Chúa Kitô Chúng ta biết, làm đệ tử Chúa Kitô, bước theo Người trong tinh thần Thanh tịnh, Khó nghèo và Vâng phục quả là không dễ dàng tý nào. Trong đời sống tu trì, hơn ai hết, chúng ta từng có những cảm nghiệm đau lòng về những người anh em không triệt để sống theo tinh thần của Chúa Kitô. Chính vì thế mà chúng ta vẫn thường nghe văng vẳng bên tai câu nói: “Đời sống tu trì của Cha đó, Thầy đó ‘Thanh không tịnh’; ‘Khó mà nghèo’ và ‘Vâng không phục’!”.

Một mẫu gương tuyệt hảo để chúng ta dõi bước dấn thân, đó chính là Đức Giêsu Kitô - đối tượng của lòng trí chúng ta. Hãy nhớ rằng tinh thần của Chúa Kitô trường tồn vạn kỷ, chỉ có con người vốn mỏng dòn yếu đuối của chúng ta thay đổi mà thôi. Thế nên đời sống tu trì của chúng ta cần không ngừng nhìn lên mẫu gương Chúa Kitô để thanh luyện và phản tỉnh hầu có thể sống đúng và sống ngay lành theo tinh thần và hiến luật của Hội Dòng.

2. Lời kinh (CHÍ) HOÀ bình, (TRƯƠNG) HOÁN cải tha nhân.

Từ nay, trước mặt Đức Giám Mục, Bề trên Tổng quyền và Bề trên Tỉnh Dòng, qua sự công khai hoá lời tuyên thệ tu trì, các Thầy vĩnh viễn thuộc trọn không chỉ cho Thiên Chúa mà còn vĩnh viễn thuộc trọn về Hội Dòng. Từ nay, Bề trên chính là cha mẹ chúng ta, tất cả các thành viên trong Dòng là anh em chúng ta và nhà Dòng chính là “nhà của chúng ta”. Từ nay, danh xưng “Tu sĩ Gioan Tẩy Giả, CSJB” sẽ theo các Thầy đến trọn đời. Chính vì thế, chúng ta hãy nhắn nhủ với nhau, rằng đời sống của người tu sĩ chúng ta hãy cố gắng hoàn thiện bao có thể để không ảnh hưởng đến thanh danh của Hội Dòng cũng như của gia tộc. Hãy nhớ rằng vinh quang của các Thầy cũng chính là vinh quang của toàn thể Hội Dòng, gia đình và ngược lại.

Rồi đây các Thầy sẽ hoàn tất chương trình Thần học, sẽ lãnh nhận hồng ân thánh chức sẽ được sai đến những vùng, miền đang khao khát tình yêu Thiên Chúa và Tin mừng cứu rỗi. Các Thầy sẽ là những chứng nhân Đức Kitô để hoán cải lòng dân, giúp họ trở về với Thiên Chúa. Các Thầy sẽ là những “Khí cụ bình an” trong một xã hội đầy bất công và sự dữ. Thế nên, Giáo hội đang cần các Thầy; Hội Dòng và Tỉnh Dòng đang cần các Thầy, mong muốn các Thầy hãy là “Alter Ioannes” giữa lòng nhân loại.

Muốn ra khơi, muốn loan báo Tin mừng cho muôn dân tộc, muốn làm rạng danh Thiên Chúa, muốn cho danh giá của Hội Dòng và gia đình được vẻ vang, các Thầy hãy nhìn lên: nhìn lên Chúa Giêsu Kitô vì yêu thương nhân loại hy sinh chính mạng sống mình; nhìn lên Thánh Gioan Tẩy Giả để “Chúa được lớn lên”; nhìn lên các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Trung Hoa để biết quên mình hiến thân cho Thiên Chúa dù phải chịu nhục hình gian khó. Hãy cố gắng nhìn lên để hoàn thiện mình, hãy thận trọng khi nhìn ngang- là những gương mù gương xấu để biết phân định đúng sai và đừng bao giờ nhìn xuống là những ung nhọt của một thế giới tục hoá kẻo bị nhấn chìm và đánh mất căn tính tận hiến… Chút tâm tình nhân 80 năm hồng ân của Hội Dòng và nhân ngày vĩnh khấn của các tân khấn sinh. Xin được chúc mừng và luôn nhớ nhau trong kinh nguyện mỗi ngày.
 
Dòng Thánh Tâm ở Huế tiếp sức mùa thi đại học thừ 2
Vinh Sơn Hanh
08:28 09/07/2008
Huế, Việt nam -- Trong những ngày vừa qua, hàng ngàn thí sinh từ các miền, vùng của đất nước đổ xô về thành thị để dự các kỳ thi tuyển vào Đại Học. Huế là điểm hẹn lý tưởng của những người sẽ là các cử nhân về đây để dự thi. Bởi vì nhiều người công nhận rằng, tại Huế mức chi tiêu có thể tạm chấp nhận được của con em nông thôn vốn nghèo khó nhưng hiếu học.

Năm nay, Dòng Thánh Tâm - Huế đón tiếp 630 thí sinh về trọ tại Dòng. Có được con số này Nhà Dòng đã chuẩn bị nhiều tháng trước. Ngay từ thời điểm trước khi thi khoảng 3 tháng, Tu viện đã gởi thư đến cho các Giáo phận, Giáo Xứ thông báo về chương trình trên.

Trong hai đợt thi, đợt thứ nhất từ trước ngày 4 tháng 7 dành cho khối A thi các môn Toán, Lý, Hoá; Tu viện đón khoảng trên 150 em. Đợt thứ II này lượng thí sinh đông hơn, Nhà Dòng đón trên 630 người bao gồm cả các các thí sinh và phụ huynh của các em.

Trong số những người xin trọ tại Dòng, phần đông là con em Công giáo nghèo, nhưng cũng có khá nhiều những thí sinh ngoài Công Giáo. Họ được giới thiệu từ các Giáo xứ, các điểm tại bến xe, ga tàu do các Sinh Viên Tình Nguyện hướng dẫn hay chính những Bác xe thồ chở tới. Tất cả đều được mời vào Nhà Dòng và xứng đáng có một nơi để nghỉ, để học.

Khác với mọi năm, năm nay do lượng thí sinh đổ về quá đông, nhà Dòng phải tận dụng hết mọi phòng từ phòng khách, phòng học, phòng ngủ, hội trường hay cả đến phòng truyền thống để làm nơi nghỉ ngơi và học tập cho các em.

Mỗi người một cảnh ngộ

Một địa chỉ mới lạ của rất nhiều bạn được các Sinh Viên Tình Nguyện giới thiệu đến đó là Dòng Thánh Tâm- Huế. Những bạn thí sinh được các anh chị Sinh viên Tiếp Sức Mùa Thi hướng dẫn rõ rằng: “đây là địa điểm cho trọ miễn phí, nơi ở rộng rãi, thoáng mát điện nước và cả đến bột giặt cũng miễn phí luôn”. Các bạn từ các bến xe, ga tàu không ngần ngại thuê xe thồ đi theo lời hướng dẫn. Đến nơi, nhiều bạn không khỏi ngỡ ngàng trước cách đón tiếp văn minh, lịch sự và tận tình của các Tusĩ, Linh mục của Dòng.

Trong số những người đến đây, Có nhiều bạn ngoài Công Giáo. Một dịp, tôi dẫn một thí sinh và phụ huynh của em lên phòng đã dọn sẵn. Em đi sau tôi và hỏi với: “ Chú ơi! Chú có lầm không, vì Con và Bố của con không phải Công Giáo”. Sau khi nghe tôi giải thích về việc em cũng được tiếp nhận như các em khác, thì gương mặt em có vẻ sáng lên và tự tin hơn.

Một trường hợp mà tôi thấy thú vị, là một Bác xe thồ trong một ca sáng tôi trực, Bác trở ba chuyến gồm 5 người. Bác vừa dừng xe vừa nói: “Đó! Các bạn thấy chưa? Tôi nói là chỗ này miễn phí mà các bạn không chịu tin!” Bác giải thích thêm, Thầy ơi! Con nghe biết ở đây cho các trường hợp gặp khó khăn trọ chờ thi, con đã chở các em tới đây với giá rẻ. Nhiều em tỏ ra khó tin...

Thêm một câu chuyện hi hữu khó tin nhưng có thật, trong lần thi đầu tiên khối A diễn ra hôm mồng 4 tháng 7 vừa qua, một Chị nhà ở Gia Hội- TP. Huế đưa con đi thi tại cở sở II của trường Đại học dân lập Phú Xuân, trong thời gian chờ đợi con làm bài, Chị đứng ở ngoài bên cạnh chiếc xe gắn máy. Chị quan sát thấy hai cha con người kia thất thểu bước đi trong mỏi mệt, cô bé trên tay mang 2 vali nặng chĩu bên người cha có da rám nắng, dáng người bần nông. Ông cũng đang vác một bịch gạo chừng 10kg. Họ tự tiến đến Chị và nói: “ Hai cha con tôi tìm nơi trọ, mà chỗ nào cũng đắt quá, chúng tôi không thuê được!”. Chị nói với hai cha con: “ Tôi biết có nơi họ cho ở miễn phí, để tôi đưa con bé của anh đi hỏi thử xem”.

Thế rồi, cả hai đã được Chị đưa đến Dòng Thánh Tâm. Chị kể thêm, tôi là người ngoài công Giáo. Nhà tôi bên Gia Hội, tôi đã cho vài người cũng có trường hợp tương tự như thế này đến ở. Tôi vừa nghe mấy người đưa con đi thi nói rằng, tại đây cho ở miễn phí. Tôi cảm thấy an tâm hơn hơn rồi....

Dòng Thánh Tâm những đêm không ngủ

Ai có dịp đến Dòng Thánh Tâm trong dịp này thì được chứng kiến ngàn lẻ một cảnh các sĩ tử chuẩn bị cho khoa cử sắp tới của mình. Tuy số lượng người đông nhưng người ta có cảm giác giác rằng, mọi nơi trong khuôn viên của Tu viện có bậu khí tĩnh lặng lạ thường. Các bạn tự ý thức được công việc của mình vì thế các sĩ tử tôn trong việc học của nhau, tự nhắc cho nhau lao động cần cù hơn.

Một nhóm bạn ngồi quây quần bên bàn Ping Pong, nhóm khác rủ nhau ra gốc cây ngồi và có vài bạn thì vào trong nhà Thờ làm nơi học lý tưởng của mình.

Hầu như cả ngày và đêm, không lúc nào vắng người bên đền sách. Các bạn thay phiên nhau để nghỉ ngơi và để học tập. Vài bạn có sáng kiến và đã áp dụng rất hiệu quả. Đó là nhóm này học cho tới khi nào cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ thì gọi nhóm kia dậy. Cứ thế, luôn phiên nhau chẳng kể đêm và ngày.

Chuẩn bị về thiêng liêng cho các Em

Trong Tu viện có 2 Thánh Lễ được dành riêng để cầu nguyện cho các sĩ tử. Các giờ kính của Anh Em đều có ý chỉ cầu nguyện cho các Em gặp may lành trong thời gian thi.

Trong Thánh Lễ cầu cho các Em diễn ra lúc 7h tối ngày 08 tháng 07 vừa qua tại nhà thờ Giáo xứ Bến Ngự và cũng là nguyện đường của Hội Dòng sức chứa 700 chỗ mà chật cứng. Bề trên của Dòng là: Linh mục Simon Trương Quỳnh chủ tế Thánh Lễ trên.

Trong lời dẫn nhập, ngài thay mặt Anh Em Thánh Tâm cầu chúc cho Các Thí sinh thi có kết quả tốt. Đồng thời ngài cũng nhắc nhớ cho các Em biết rằng: “ Chúng ta có một cuộc ứng thí quan trọng đó là vào được Nước Trời”. Thánh lễ diễn ra trong trang nghiêm. Sau thánh Lễ, phụ huynh của các Em và một em đại diện nói lời tri ân nhà Dòng.

Điều đặc biệt là trong những ngày cao điểm của các Em, người ta nhận thấy các Tu sĩ tận dụng xe gắn máy của mình để chuyên chở miễn phí cho các Em thi ở xa. Có những em thi ở ngoại thành, cách Nhà Dòng chừng 11 km các Tu sĩ sẽ đưa các em đi-về trong các ngày thi.

Những ngày thi đã khép lại, đó cũng có nghĩa là những lo toan của các bậc phụ huynh cũng như của các em tạm dịu đi. Nhiều người nghĩ rằng họ được sống những ngay ở Huế thật tuyệt. Tuyệt vì họ được ở, được sống một nơi đoàng hoàng; tuyệt vì thời tiết dịu mát trong những ngày thi, nhũng người họ gặp gỡ thì vui tươi niềm nở, dễ chịu...thật là một kỷ niệm đáng nhớ. Nhũng người làm công tác trợ giúp các Em dịp này tại Huế, thì họ hi vọng sẽ được gặp lại các Em, khi mang một danh hiệu mới là: Sinh Viên của các trường Cao Đẳng và Đại Học.
 
Đại Hội Giới Trẻ: Nhóm 117 đến từ Hoa Kỳ được chào đón tại Melbourne
Tô Tịnh
08:53 09/07/2008
Giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick đón tiếp nhóm 117 từ Hoa Kỳ tới tham dự Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008

1 giờ trưa hôm nay 9/7/2008 chuyến bay Virgin Blue đã đưa 40 anh chị em gồm các linh mục tu sĩ và anh chị em trẻ từ Hoa Kỳ tới Mebourne để tham dự Đại Hội Giới trẻ của Tổng Giáo phận Melbourne.
Chào đón tại phi trường Melbourne


Giáo xứ St Margaret Mary đã chào đón và đưa phái đoàn về giáo xứ ăn trưa và đi thăm quan Trung Tâm Thiên Ân, một cơ sở giáo dục dành cho giới trẻ Việt Nam tại Brunswick Melbourne. Sau đó phái đoàn thăm viếng nhà thờ cùng Trung Tâm trẻ Don Bosco trên đường Sydney và lấy xe điện vào thành phố Melbourne.

Phái đoàn thăm Trung Tâm Trẻ Don Bosco và xem cuộc biểu diễn của chó và vịt


Tối nay phái đoàn 117 gặp gỡ giới trẻ Salesian thuộc giáo xứ St Margaret Mary trong bữa ăn tối và sinh hoạt chung trong tiếng cười vui hài đồng Úc-Mỹ-Việt giữa cha con và anh chị em không phân biệt tuổi tác địa vị trước khi được các gia đình đón về nghỉ qua đêm.
Niềm vui trong sinh hoạt


Chương trình của phái đoàn trong mấy ngày tới là thăm quan thành phố Melbourne, tham dự những sinh hoạt trẻ và thánh lễ đại trào tại Vận động trường Telstra Dome mà ban tổ chức sẽ thu hút khoảng 50,000 người trẻ với 300 Hồng Y, Giám mục và khoảng 1000 linh mục đồng tế.

Bàu khí Đại Hội Giới Trẻ đang bừng lên trong tâm hồn người trẻ tại các giáo phận Úc Châu, đặc biệt tại Melbourne cũng như Sydney. Tại các thủ phủ, các nhóm hành hương đây kia thuộc các sắc dân. ngôn ngữ khác nhau nhưng tất cả cùng chung một niềm tin, một nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu… Giới trẻ theo chủ đề của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI “Hãy lãnh nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần để làm chứng tá cho Chúa khắp nơi”.

Phái đoàn 117 tới giáo xứ St Margaret Mary Brunswick Melbourne Úc Châu
 
Đại Hội Giới Trẻ: một vài con số
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
10:13 09/07/2008
MỘT VÀI CON SỐ VỀ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ

Chỉ còn đúng một tuần nữa là Đại Hội Giới Trẻ tại Sydney sẽ được khai mạc. Ban tổ chức đã và đang ráo riết sửa soạn hoàn chỉnh mọi sự trong những ngày chót này. Một vài con số về ĐHGT như áo lễ đã được đặt công ty Bergamo tại Ý may 700 áo lễ đỏ có thêu hình chùm sao Thánh gía (Southern Cross), biểu hiệu nước Úc.
Áo lễ dành cho các Hồng Y, giám mục
Các áo lễ này dành riêng cho khoảng 700 Hồng Y, Giám mục; 3000 dây stola với hình chim bồ câu hòa bình được chấm phá bằng những chấm trắng, một nghệ thuật vẽ của người Thổ Dân Aborginees cho các linh mục đồng tế.
Hình vẽ trên dây Stola
120 chai rượu lễ được dùng trong hai thánh lễ khai mạc và kết thúc. Lễ đài tại sân đua ngực, nơi Đức thánh Cha cử hành thánh lễ sẽ được dựng cao 22 mét với một bục chiều dài 60 mét, rộng 22 mét và sâu 78 mét. 35 màn ảnh rộng được dựng trong sân để mọi người có thể theo dõi thánh lễ.

Người ta dự trù sẽ có 500 ngàn người tham dự lễ bế mạc, một cuộc tụ họp lớn nhất, vượt con số của Thế Vân Hội từ trước tới nay tại Úc Châu. Trong mấy ngày ĐH, ban tổ chức phải lo 3.5 triệu phần ăn, 25 triệu món ăn đồ uống, trong đó có khoảng 200,000 bánh thịt.

Tại sân đua ngựa có 4000 phòng vệ sinh. Ngoài ra còn có một thành phố nho nhỏ gồm 45 địa điểm với 1200 nhà vệ sinh, 25 tụ điểm ăn uống với 6 màn ảnh đại vĩ tuyến, một khu vực cho 3000 ký gỉa, khu vực dành riêng cho các chính khách, nơi bán các qùa kỷ niệm và khu vực thông dịch ra 7 ngôn ngữ.

Về nơi ăn chố ngủ, ban tổ chức phải lo cho khoảng 100,000 khách hành hương được chia ra 700 giáo xứ hay trường học và khoảng 40,000 khách hành hương trú ngụ tại khách sạn hay nhà trọ.

Khắp nơi trong thành phố và các vùng phụ can Sydney, 300 thí điểm được sắp xếp làm nơi tụ họp học hỏi giáo lý, hội thảo hay trình diễn văn nghệ...
 
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Hướng Phương, Quảng Bình
Minh Phương
11:13 09/07/2008
QUẢNG BÌNH - Hướng Phương là một làng công giáo thuộc xã Quãng Phương, huyện Quãng Trạch, tỉnh Quãng Bình, thuộc giáo phận Vinh. Ở đó có một dòng nữ tu đã tồn tại từ hơn 300 năm nay. Ngôi nhà dòng nằm ẩn mình khiêm tốn dưới chân đồi với trên 70 nữ tu hằng ngày lao động trên những mảnh ruộng chừng 4000 m2 và 4 hecta đất đồi từ lâu đời các tiền nhân khai phá.

Tìm đến Dòng tu nữ Hướng Phương, bốn bề yên tĩnh, một nữ tu già trực khách cho biết bà bề trên đang ở trên công trường trên đồi, đang xây dựng nhà nuôi trẻ khuyết tật và mồ côi, vừa được Đức Cha Phaolô Marie Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh đặt đá khởi công xây dựng còn tất cả các nữ tu đều ở trên đồng ruộng, chỉ có vài nữ tu đang chăm sóc cho các cháu khuyết tật chừng 40 em.

Chỉ với chừng ấy đất đai ruộng vườn, nhờ vào sự siêng năng cần cù, tiết kiệm mà Dòng Hướng Phương đã xây được cả cơ sở vật chất khá bề thế trong khu vườn rợp bóng cây và hoa. Nổi bật trước mặt tiền của dòng là nhà nguyện mà người dân địa phương quen gọi là Nhà Thánh. Lý do đơn giản là vì trong nhà nguyện này đang lưu giữ hài cốt Thánh Tử Đạo Vincenté Nguyễn Thì Điểm.

Thánh Vincentê Điểm sinh năm 1765 và được phúc tử đạo năm 1838 tại Đồng Hới, sau khi bị xử chém các nữ tu Dòng Hướng Phương đã bằng mọi cách đưa xác Ngài về chôn cất tại dòng.

Từ lâu đời, Dòng Mến Thánh Giá Hướng Phương đã nuôi dưỡng các em khuyết tật và cô nhi đến nay vẫn còn một phụ nữ gần 50 tuôi đang được nhà dòng cưu mang.

Kể từ năm 2005, nhà dòng mở mang cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật trong đó có những em bị di chứng bởi chất độc màu da cam. Được sự chấp thuận của lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh Quãng Bình, Dòng Mến Thánh Giá Hướng Phương đã quyết định xây dựng một Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật khang trang trên mảnh đồi thuộc nhà dòng.

Nhìn cơ ngơi trên công trường không ai dám nghĩ nhà dòng liều lĩnh đến thế, chưa được ai giúp đỡ mà chỉ bằng vào công sức lao động và tích lũy mà dám làm một công trình quá ư đồ sộ. Theo nữ tu Maria Phan Thị Phú, bề trên dòng cho biết: Nhà dòng dự kiến xây dựng nơi đây thành khu sinh thái để các cháu được hưởng đầy đủ tất cả tiện nghi để bù lại những nỗi bất hạnh của các cháu.

Tôi đặt vấn đề thắc mắc về kinh phí thì được bà bề trên cho biết: Mình cứ cố gắng làm, còn lại thì xin các nhà hảo tâm giúp đỡ, chắc chắn Chúa sẽ không bỏ rơi. Thật sự, với sự chăm sóc ân cần và dịu dàng, đầy lòng yêu thương, các cháu đều gọi các nữ tu là mẹ bởi vì trong tiềm thức các cháu đều xem đó là những người mẹ thật sự.

Để đáp ứng cho dự án này, nhà dòng đã cử một số nữ tu vào Huế theo học đại học gồm các ngành xã hội và cả y khoa hầu sau này có thể chăm sóc các cháu thuận lợi hơn.

Với bản chất siêng năng cần cù lam lũ của người phụ nữ cộng với lòng đạo đức và yêu thương mọi người, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hướng Phương đã luôn hy sinh bản thân mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người
 
Tổng giáo phận Hà Nội giúp đỡ 800 sinh viên về thi nhập Đại Học đợt 2
Thái Hà, DCCT
13:40 09/07/2008
HÀ NỘI - Thứ hai, 06.07.2008, các nhóm sinh viên công giáo bước vào đợt tiếp sức mùa thi thứ II, kéo dài 4 ngày.

Sáng sớm ngày 06.08.2008, các sinh viên công giáo của nhóm Hải Hà đã có mặt ở sân nhà thờ Thái Hà. Tại bến xe Giáp Bát có sinh viên các nhóm Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hoá.

Như những lần trước, phần lớn thí sinh của Thái Bình được cha Đa Minh Đặng Văn Cầu, người phụ trách và giới trẻ và sinh viên của Giáo phận, thuê xe đưa các em ra tận Hà Nội.

Nhóm Phát Diệm cũng may mắn đựơc chăm sóc khá chu đáo. Các bạn sinh viên tình nguyện đã về Phát Diệm cùng thầy Giuse Vũ Văn Được trực tiếp thuê xe đưa khoảng 150 sĩ tử ra Hà Nội.

Nhóm sinh viên Hưng Hoá khá vất vả vì các sĩ tử thuộc 10 tỉnh thành khác nhau và đến từ nhiều ngả khác nhau và bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Vì thế các bạn phải đón cùng lúc ở nhà thờ Thái Hà và bến xe Mỹ Đình.

Tại bến xe Mỹ Đình, một số bạn sinh viên của Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng sang đón các sĩ tử của mình. Một số sinh viên từ bên Đại học Sư phạm II, Xuân Hoà, Phúc Yên cách Hà Nội khoảng 50 km cũng đến Mỹ Đình giúp sức.

Hầu hết các nhóm ở Giáp Bát kết thúc việc đón tiếp vào khoảng gần trưa. Trong khi đó, quá trưa các bạn sinh viên Hưng Hoá ở bến xe Mỹ Đình mới đi mua bánh mì ăn tại chỗ và các bạn sinh viên nhóm Hải Hà thì ăn cơm hộp ở sân nhà thờ Thái Hà.

Nhóm Hà Nam, Thái Bình và một số nhóm khác tập kết thí sinh ở nhà thờ Kẻ Sét trước khi chở về các điểm lưu trú sắp đặt gần trường thi. Nhóm Phát Diệm, Bùi Chu và Hải Hà tap kết ở nhà thờ Thái Hà và Phùng Khoang.

Khoảng 18 giờ chiều cùng ngày các nhóm đã cơ bản hoàn tất việc tiếp đón và sắp xếp nơi ăn chốn ở cho các sĩ tử. Số sĩ tử giảm ở một số khu vực như Cổ Nhuế, Đại học Công nghiệp, trong khi các sĩ tử tăng quá gấp đôi ở Đại học Nông nghiệp.

Tổng số sĩ tử được các nhóm sinh viên công giáo đón tiếp trong đợt II khoảng 800 sĩ tử, trong đó có khoảng 60 sĩ tử ngoài công giáo, trong đó riêng nhóm Phát Diệm có khoảng 40 sĩ tử.

Các nhóm sinh viên đã cố gắng lo liệu cho các sĩ tử được lưu trú gần trường thi, song cũng vẫn có nhiều trường hợp các sĩ tử phải ở cách điểm thi khoảng 8 đến 10 km.

Điều kiện ăn ở của các sĩ tử khá tốt. Nhà ở, trừ các sĩ tử lưu trú tại các khu nhà trọ khu vực Đại học Nông nghiệp là chịu cảnh nóng bức, còn lại chỗ ở của các sĩ tử các khu vực khác đều khá thông thoáng, khang trang.

Các nhóm cũng cố gắng đảm bảo vấn đề ăn uống thích hợp và đủ dinh dưỡng cho các sĩ tử. Nơi chăm sóc chuyện này tốt nhất là cư xá của các nữ tu dòng Salésien Don Bosco tại cư xá học sinh-sinh viên Cổ Nhuế.

Cũng như đợt I, các nhóm đều thiếu xe máy và người làm “xe ôm”. Thiếu nhất là nhóm Đại học Nông nghiệp. Nhóm này phải tiếp khoảng 130 sĩ tử lưu trú tại 4 điểm trên một địa bàn rất rộng từ Hà Nội đến Hưng Yên. May cho nhóm này khi được các nữ tu Dòng MTG Hà Nội cho mượn 7 xe máy. Thêm nữa, anh Giuse Nguyễn Hùng Cương, cùng mấy thành viên của ca đoàn Nhà Thờ Lớn đã tình nguyện sang làm “xe ôm” cho một số sĩ tử.

Sáng mùng 8, bước vào ngày thi thứ nhất, vẫn còn nhiều nhóm kêu thiếu xe máy và mũ bảo hiểm. Một số phải đi bộ hoặc đi xe đạp. Nhóm Phát Diệm ở khu vực Kẻ Sét phải thuê taxi cho 9 sĩ tử đến trường kịp giờ thi. Vì chỉ có 4 xe máy cho 22 sĩ tử, trong khi địa điểm thi ở khá xa.

Hàm long các bạn trẻ đã có cử chỉ đẹp: Các bạn Nhóm Ve Chai giúp các sĩ tử 1 triệu đồng. Một bạn khác trong nhóm trẻ Don Bosco cũng giúp các sĩ tử 1 triệu đồng. Nhờ thế các sinh viên tình nguyện giải quyết được một phần kinh phí đóng tiền phạt và thuê xe ôm hoặc taxi.

Cho đến tối mừng 7, tức là trước hôm thi, các nhóm ở từng khu vực đều đã tổ chức gặp gỡ chung các sĩ tử để dặn dò những điều can thiết trong việc thi cử. Nhất là việc thực hiện một kỳ thi bác ái và trung thực. Các sinh viên cũng tổ chức những sinh họat cộng đồng bổ ích nhằm giúp các sĩ tử giải toả tâm lý căng thẳng. Thầy Giuse Mai Quang Huy, Giảng viên Khoa Sư phạm Đại học Quốc Gia Hà Nội, nói chuyện với các sĩ tử về kinh nghiệm thi cử tại nhà thờ Thái Hà và Phùng Khoang.

Hằng ngày vào buổi tối, tại các điểm lưu trú xa nhà thờ và không thể đi lễ, các sinh viên tình nguyện đều tổ chức cho các sĩ tử có một giờ cầu nguyện chung. Ở các điểm gần nhà thờ, hầu hết các nhóm đã tổ chức dâng lễ riêng cho các sĩ tử.

Tại Kẻ Sét cha Giuse Tạ Xuân Hoà đã dâng lễ cho khoảng gần 200 sĩ tử và tình nguyện viên của Hà Nam và một số nhóm khác đang tập kết tại đây. Tại Thái Hà cha Phêrô Nguyễn Văn Khải dâng lễ cho các sĩ tử Hà Nam, Bùi Chu, Phát Diệm. Tại Cổ Nhuế cha Giuse Nguyễn Văn Hy dâng lễ cho các sĩ tử Phát Diệm, Hà Nam, Bùi Chu. Tại nhà thờ Tư Đình, cha Đa Minh Vũ Quang Trí dâng lễ cho sĩ tử thuộc nhiều giáo phận đang lưu trú tại nhà xứ. Tại Phùng Khoang, cha Giuse Nguyễn Ngọc Hinh và cha Phêrô Nguyễn Văn Khải dâng lễ và gặp ỡ nhóm sinh viên Phát Diệm, Bùi Chu và Hà Nam. Nhóm Hưng Hoá mời cha Phêrô Phạm Thanh Bình, chính xứ Sa Pa về dâng lễ cho các sĩ tử Hưng Hoá ở tại địa điểm lưu trú gần Phùng Khoang. Hai nơi xa nhất là Trâu Quỳ, Gia Lâm và Như Quỳnh, Hưng Yên cũng có lễ. Nhóm Sinh viên ĐH Nông nghiệp đã mời cha Phêrô Nguyễn Văn Khải đến dâng lễ và nói chuyện với các sỉ tử ở hai nơi này. Thánh lễ được cử hành ở sân khu nhà trọ. Một số người ngoại đạo và các thí sinh không công giáo trong khu vực đã đến tham dự.

Nhìn chung các nhóm sinh viên đã chuẩn bị tiếp đón chu đáo và chăm sóc các sĩ tử ở mức tốt nhất trong điều kiện có thể được. Nhờ ơn Chúa và sự giúp đỡ của nhiều người, các sĩ tử do các bạn phụ trách đã sẵn sàng bước vào cuộc thi với một tinh thần khá vui tươi và đầy tự tin.
 
Giáo xứ Thái Nguyên tiếp sức mùa thi cho các thí sinh ở xa Hà Nội
Dom. Thành Công
22:01 09/07/2008
HÀ NỘI - Mùa thi đang trong những ngày nóng bỏng. Khắp nơi, đặc biệt những trung tâm thành phố tập trung các trường Đại học đều nhộn nhịp, tấp nập người đi thi, người thân và cả những nhà kinh doanh hàng quán cũng nhân dịp này tranh thủ kiếm lời. Mùa thi đến, các phụ huynh, đặc biệt là các phụ huynh miền thôn quê lại mang đầy những âu lo, trăn trở về phương tiện đi lại, nơi chốn và cách thức sao cho con em mình có một mùa thi tốt đẹp.

Đứng trước những âu lo ấy, cha xứ giáo xứ Thái Nguyên: Phanxicô Nguyễn Đức Đại đã phát động chương trình tiếp sức mùa thi tại giáo xứ. Là một giáo xứ nằm ngay giữa trung tâm thành phố, nơi có nhiều trường đại học và là điểm đến của rất nhiều thí sinh từ khắp các tỉnh thành về đây. Thành phần được huy động tham gia chương trình tiếp sức bao gồm: các sinh viên dự tu của giáo phận Bắc Ninh đang theo học tại Thái Nguyên, sinh viên công giáo của các giáo phận và thậm chí cả các bạn sinh viên ngoại giáo cũng nhiệt tình tham gia, hưởng hứng phong trào.

Những thí sinh ở tỉnh xa, không biết đường, hoặc kể cả chưa từng đến Thái Nguyên cũng đều yên tâm khi được nhóm tình nguyện viên của giáo xứ giúp đỡ. Chỉ cần nắm bắt được thông tin của nhóm gửi đi, gia đình liên hệ bằng điện thoại hoặc Email và yêu cầu giúp đỡ là nhóm sẵn sàng trợ giúp, đưa đón, phục vụ cơm nước, chỗ ăn, chỗ nghỉ, hoàn toàn miễn phí. Về tinh thần, cha xứ ngài tổ chức, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em yên tâm, nghỉ ngơi, đi lại. Điều đặc biệt ở chỗ trước mỗi đợt thi, ngài còn tổ chức một thánh lễ riêng để cầu cho các em thí sinh trong xứ cũng như các em đến với giáo xứ.

Trong đợt thi thứ II này, con số các em dự thi khá đông vượt trên mức dự tính (trên 40 em), số thành viên không đáp ứng hết. Vì thế, cha xứ cũng trực tiếp tham gia đưa đón các em đi thi. Cho đến hôm nay, cả đợt I và đợt II, số thi sinh được trợ giúp nhờ chương trình này được gần 100 em. Mặc dù chương trình phát động so với các khu vực khác như Hà Nội có muộn hơn chút, nhưng chương trình cũng đã lan rộng và đã giúp được các em từ nhiều tỉnh, như: Lạng Sơn, Bùi Chu, Nam Định, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc….

Tôi quan sát và nhận thấy các bạn trong nhóm, tổ chức rất hệ thống: nhóm phục vụ ẩm thực: chuyên đi chợ, phục vụ nấu ăn, nước uống. Trong nhóm này đã có những bạn phải thức rất khuya từ đêm hôm trước để chuẩn bị bữa ăn sáng hôm sau cho các em thí sinh. Nhóm đưa đón, vào các buổi sáng, các thành viên trong nhóm tình nguyện mặc dù nhà ở xa, đã phải thức dậy từ rất sớm, có bạn phải đạp xe đạp, chưa kịp ăn sáng đã có mặt để sẵn sàng đưa các em đến địa điểm thi cách an toàn và đảm bảo giờ thi. Công việc tuy bận rộn và vất vả, nhưng trên nét mặt ai cũng vui và nở những nụ cười tươi tắn, thâm chí có bạn còn hãnh diện vì đã được tham gia phục vụ như thế.

Vâng, trong một xã hội đầy bon chen và đầy thực dụng, khi rất nhiều người đang cơ hội để trục lời, thì tại một giáo xứ đã có những việc làm và tinh thần phục vụ vô vị lợi mang tính nhân bản cao. Phải chăng đó mới là tinh thần phục vụ tha nhân mà Chúa Giêsu muốn không chỉ tại giáo xứ Thái Nguyên nhưng là tất cả chúng ta?

Mỗi ngày sống, chúng ta đã bỏ qua biết bao cơ hội tốt để có thể giúp đỡ những người xung quanh, nhất là những người yếu kém về nhiều mặt; đó sẽ là cơ hội tốt cho mỗi người Kitô hữu sống chứng tá giữa đời hôm nay.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Việc Giảng Dạy Tự Sắc ''Summorum Pontificum'' trong Chủng Viện
Anthony Lê
10:03 09/07/2008
Việc Giảng Dạy Tự Sắc "Summorum Pontificum" trong Chủng Viện

Lược Trích Bài Phỏng Vấn với Đức Hồng Justin Rigali của Tổng Giáo Phận Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania về việc Giới Thiệu cho Các Chủng Sinh về Sách Lễ Rôma 1962

Như chúng ta đều biết vào Tháng 7 năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã ban hành ra Tự Sắc "Summorum Pontificum" nhằm đưa người Kitô Giáo trở về lại tính nguyên thủy và cội nguồn đích thực của Giáo Hội qua Phụng Vụ, để qua đó tất cả mọi người - nhất là những người trẻ Công Giáo thời nay - biết cách tìm về lại căn tính Công Giáo nguyên thủy của mình. Cũng trong ý hướng đó, VietCatholic mỗi tuần vào Thứ Tư sẽ giới thiệu ra các bài viết về chủ đề này, hòng hướng độc giả có dịp làm quen với Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống, để từ đó hiểu rõ được những khía cạnh về luân lý và thần học được bộc lộ qua Thánh Lễ La Tinh, và việc triển khai về Tự Sắc đó như thế nào trên bình diện của cả Giáo Hội hoàn vũ sau khi Tự Sắc đã được ban hành ra tính cho đến nay là đúng 1 năm rồi - NV!

Đức Hồng Y Justin Rigali với Các Chủng Sinh tại St. Charles Borromeo Seminary


PHILADELPHIA (Zenit.org).- Kể từ khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 cho biết Thánh Lễ được cử hành theo Sách Lễ Rôma 1962 (hay nói cách khác: Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống) được phổ biến bởi vị Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 nên được cử hành cho những người giáo dân nào yêu thích về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này, thì theo Đức Hồng Y Rigali các chủng sinh giờ đây cũng nên được giảng dạy về việc cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma 1962.

Đức Thánh Cha đã làm rõ điều này trong Tông Thư mà Ngài viết ra dưới dạng một Tự Sắc có tên là "Summorum Pontificum" qua đó Ngài đề cập đến hai dạng khác nhau có trong phụng vụ thuộc Nghi Lễ Rôma của Giáo Hội Công Giáo đó là: Thánh Lễ như thường lệ hay Thánh Lễ theo hình thức mới (tức Linh Mục đối diện với giáo dân) và Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống hay Thánh Lễ theo hình thức củ (tức cả Linh Mục và giáo dân đều cùng quy hướng về Thánh Giá, Nhà Tạm và Bàn Thờ để dâng Hy Tế lên cho Thiên Chúa).

Để biết được một số vị Giám Mục ở Hoa Kỳ đã giúp triển khai việc giảng dạy về Tự Sắc này nơi các Chủng Viện như thế nào, hãng tin Zenit đã có cuộc nói chuyện với Đức Hồng Y Rigali, Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Philadelphia, về những kế hoạch của ngài nhằm giới thiệu cho các chủng sinh tại Chủng Viện Thánh Charles Borromeo (St. Charles Borrome Seminary) về hình thức củ của Thánh Lễ.

Đức Hồng Y Rigali cũng đưa ra những lý do tại sao mà những vị Linh Mục đang phục vụ giáo xứ cần phải nên tập làm quen với việc cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma 1962.

Hỏi (H): Kính thưa Đức Hồng Y, đâu chính là những bước thực tiển để đem áp dụng Tự Sắc kể trên vào trong đời sống và chương trình giảng dạy cho các chủng sinh nơi chủng viện?

Đức Hồng Y Rigali (T): Trước hết sẽ có một khóa giảng dạy về Tự Sắc kể trên nhằm làm sáng tỏ về khía cạnh Thần Học được nhấn mạnh đến trong Sách Lễ Rôma 1962 để tất cả các chủng sinh hiểu được Tự Sắc kể trên một cách rõ ràng và thấu đáo hơn, cũng như hiểu được ý hướng quan tâm mục vụ của Đức Thánh Cha dành cho các tín hữu nào có một niềm yêu thương sâu kín dành cho Phụng Vụ La Tinh Truyền Thống.

Vì gần như tất cả các chủng sinh trong Chủng Viện Thánh Charles Borromeo đều được sinh ra và lớn lên cùng với Thánh Lễ hiện tại hay "Novus Ordo" (tức Thánh Lễ cử hành theo Sách Lễ được qui định bởi Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục), do đó điều quan trọng là trình bày ra một cách hết sức rõ ràng về Thánh Lễ được cử hành theo Sách Lễ Rôma 1962, vốn được phổ biến bởi vị Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23.

Hơn nữa, các khóa học về Thần Học, Phụng Vụ, và Lịch Sử Giáo Hội tại chủng viện sẽ bao trùm và triển khai một cách sâu rộng hơn nữa về ý tưởng của Đức Thánh Cha qua Tự Sắc kể trên. Điều quan trọng và hữu ích chính là giúp cho các chủng sinh không những thấy được tính liên tục giữa hai hình thức biểu hiện khác nhau của Thánh Lễ, mà còn giúp các chủng sinh có dịp nhận ra những sự thay đổi vốn đã xảy ra trong phụng vụ theo sau Công Đồng Chung Vaticăn II.

Vào khoảng giữa học kỳ mùa Xuân, sau các bài giảng, thì Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống theo Sách Lễ Rôma 1962 sẽ được cử hành cho toàn thể các chủng sinh trong Chủng Viện Thánh Charles Borromeo. Điều này sẽ giúp cho các chủng sinh nhận thấy được đâu chính là những cử chỉ đúng đắn nhất phải có của Phụng Vụ có trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống.

Tridentine Mass at FSSP
(H): Kính thưa Đức Hồng Y, chính Tự Sắc kể trên đã khiến cho Đức Hồng Y hội nhập văn kiện đó vào trong đời sống của Chủng Viện Thánh Charles Borromeo, thế Đức Hồng Y có tiên báo được một sự đòi hỏi lớn lại về Thánh Lễ Truyền Thống này trong tương lai không?

(T): Đức Thánh Cha đã ám chỉ rằng Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này cũng như việc cử hành các Phép Bí Tích phải luôn sẳn sàng cho những người tín hữu nào bày tỏ sự mong ước chính đáng của họ về phụng vụ theo hình thức cổ xưa này.

Rất nhiều giáo sĩ trong Tổng Giáo Phận của tôi chưa bao giờ cử hành Thánh Lễ hay thực hiện các Phép Bí Tích theo Sách Lễ Rôma 1962 cả. Do đó, để có thể đáp ứng ngay nguyện vọng chính đáng đó, nếu đến từ giáo dân, thì các chủng sinh hiện đang học tại Chủng Viện Thánh Charles Borromeo phải nên có cơ hội để được giáo dục một cách đúng đắn về những nghi lễ cũng như những khía cạnh Thần Học mà Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này nhấn mạnh đến.

Hiện tại thì tôi không thể nào dự đoán là có nhu cầu đòi hỏi lớn về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này trong thời gian sắp tới. Thế nhưng, trong Tổng Giáo Phận Philadelphia này, chúng tôi thật là có phúc khi đã có 2 giáo xứ vẫn hằng ngày cử hành Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống cho các giáo dân rồi, và con số giáo xứ có Thánh Lễ La Tinh được cử hành rồi cũng sẽ gia tăng lên trong thời gian tới đây.

(H): Kính thưa Đức Hồng Y, một số chuyên viên về Tự Sắc kể trên đã nói rằng: nó chủ yếu là trực tiếp ám chỉ đến các vị Linh Mục, và đó chính là một ơn huệ cho các vị đó. Thì Đức Hồng Y có quan điểm như thế nào về nhận xét này?

(T): Tự Sắc "Summorum Pontificum" là do Đức Thánh Cha ban hành ra cho tất cả mọi người Công Giáo, chứ không phải chỉ riêng cho giới Linh Mục hay tu sĩ mà thôi.

Liên quan đến các vị Linh Mục, bất cứ lời tuyên bố nào đến từ Đức Thánh Cha về phụng vụ, hay về bất kỳ sự thay đổi nào có trong các dạng hay công thức của Phụng Vụ, thì các vị Linh Mục nên xem đây là cơ hội để suy nghĩ và suy niệm về những mầu nhiệm mà các Vị ấy cử hành trong Phụng Vụ.

Rất nhiều vị Linh Mục sẽ tìm thấy qua những cơ hội này chính là ý thức canh tân và thái độ tôn kính cần có dành cho Phụng Vụ và đây cũng là cơ hội để tái cam kết vào việc cử hành những Phụng Vụnày theo một hình thức tôn kính, chính xác và trân trọng hơn.

Thì theo nghĩa này, thì Tự Sắc "Summorum Pontificum" mới đúng là một hồng ân thật sự của Đức Thánh Cha dành cho tất cả các vị Linh Mục, bởi vì qua Phụng Vụ Thánh, nó khuyến khích các vị Linh Mục biết lôi kéo tất cả mọi tín hữu vào một sự hiệp thông sâu sa hơn của việc trở nên Thánh cùng với Thiên Chúa.

Các Chủng Sinh Tham Dự Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống Rất Sốt Sắng


(H): Kính thưa Đức Hồng Y, các chủng viện có vai trò là đào tạo và huấn luyện các chủng sinh, cụ thể là trong lãnh vực của Phụng Vụ. Thì qua việc học và cử hành về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống, thì đâu chính là hiệu quả huấn luyện và đào tạo tức thời mà Đồng Y tin là sẽ có nơi các chủng sinh?

(T): Việc học và nghiên cứu về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống theo Sách Lễ Rôma 1962 sẽ giúp cho các chủng sinh có dịp cảm nghiệm được tính nối tiếp giữa hai hình thức củ và mới của Thánh Lễ.

Phần lớn đức tin của chúng ta là được dựa vào sự nối tiếp (continuity) và tính truyền thống, đức tin được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đôi lúc các lễ nghi thay đổi và phát triển, thế nhưng tính cốt lõi vẫn còn tồn tại từ trước và mãi cho đến mai này.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã nói rất rõ về điều này trong Lá Thư của Ngài gởi cho các Vị Giám Mục theo sau việc Ngài ban hành ra Tự Sắc kể trên rằng:

"Không có bất kỳ một sự mâu thuẫn nào giữa hai dạng khác nhau của Thánh Lễ có trong Nghi Lễ Rôma cả. Trong lịch sử của Phụng Vụ, có sự gia tăng và tiến bộ, thế nhưng không bao giờ có sự ngắt quãng hay gián đoạn nào cả. Những gì mà các thế hệ trước kia cung kính, và gìn giữ như là thánh thiêng, thì đó vẫn còn là thánh thiên và vĩ đại cho cả chúng ta nữa ngay vào thời đại hôm nay và mãi mãi về sau này, và đó không có gì là phải hết sức ngạc nhiên hay bất ngờ gì cả, hay bị cấm đoán hoàn toàn, hoặc thậm chí được xem là có hại. Tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ để bảo tồn sự phong phú đó, vốn đã được thăng tiến trong đức tin và lời nguyện cầu của Giáo Hội, và chúng ta phải biết dành một chổ đúng đắn cho việc tôn kính về truyền thống đó."

Việc huấn luyện về Phụng Vụ mà các chủng sinh tại Chủng Viện Thánh Charles Borromeo lãnh nhận được sẽ giúp hình thành và đào tạo bên trong họ một sự tôn kính và thánh thiện, vốn sau này sẽ có ích cho việc phụng vụ đàn chiên mà họ sẽ cai quản một khi họ được phong chức Linh Mục.

(H): Kính thưa Đức Hồng Y, liệu việc cử hành Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống theo Sách Lễ của Vị Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 sẽ ảnh hưởng đến cách mà một vị Linh Mục cử hành Thánh Lễ "Novus Ordo" theo hình thức hiện nay không?

(T): Bất cứ vị Linh Mục nào không quen với việc cử hành Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống, hay chưa bao giờ cử hành Thánh Lễ theo hình thức củ xưa này, có lẽ sẽ, và chắc chắn theo lẽ tự nhiên thôi, phải nhanh chóng xem xét lại cử chỉ và cung cách mà Vị ấy cử hành Thánh Lễ theo hình thức mới như hiện nay.

Và việc phản ánh đó là tích cực thôi vì lẽ nó chẳng những không giúp mà còn hướng vị Linh Mục đó biết quay về cách cử hành Phụng Vụ để làm sao cho việc cử hành Phụng Vụ đó được tôn kính và xứng đáng hơn mà thôi.

>(H): Kính thưa Đức Hồng Y, các vị Linh Mục có thể làm được điều gì để hội nhập Tự Sắc "Summorum Pontificum" đó vào trong sứ vụ mục tử của các vị Linh Mục đó?

(T): Chủng Viện Thánh Charles Borromeo đang có một khóa giảng dạy cho các vị Linh Mục nào muốn được giáo dục và huấn luyện về cung cách đúng đắn để cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma 1962 này nhằm bảo đảm và giúp cho các Vị ấy có đủ kiến thức, và biết cách phát âm một cách đúng đắn về ngôn ngữ La Tinh và các chuyên mục có trong Sách Lễ Rôma 1962 này.

Trước khi tiếp cận vào kinh nghiệm "thực tiễn" này, thì khía cạnh về Thần Học nằm sau Phụng Vụ và tinh thần của Tự Sắc kể trên sẽ được các vị Linh Mục học hỏi và nghiên cứu tới. Tôi đã khuyến khích bất kỳ vị Linh Mục nào muốn học hỏi để biết cách cử hành về Phụng Vụ này thì nên tận dụng các cơ hội học hỏi này để Phụng Vụ được cử hành theo cách tôn kính, sốt sắng, và có tính cầu nguyện hơn.

T.B. Bài viết kế tiếp vào Thứ Tư tuần tới sẽ có nhan đề "Điều Gì Tiềm Ẩn Đằng Sau Việc Lạm Dụng về Phụng Vụ?" - kính mong Quý Vị nhớ dõi theo!
 
Văn Hóa
Những viên bi đất
Trần Bảo Kỳ
09:19 09/07/2008
Những viên bi đất

Trước đây có lần tôi đọc được mẫu truyện tiếng Anh rất hay có nhan đề "Clay Balls" và đã chuyễn ngữ nhưng tôi không biết tác giả. Câu truyện như sau:

Một người đàn ông đang lục lọi những hang động dọc theo bờ biển. Trong một hang, ông ta tìm thấy một túi xách bằng vải, trong đó chứa những viên bi bằng đất. Dường như ai đó đã vo tròn những cục đất sét rồi phơi nắng cho cứng lại. Những viên bi này không tròn trịa lắm nhưng chúng gợi ý tò mò nên ông ta xách cái túi ra khỏi hang.

Trong lúc thả bộ dọc theo bờ biển, ông ta lấy từng viên bi rồi dùng hết sức mình ném ra thật xa ngoài biển khơi. Ông ta lơ đãng làm việc này cho tới khi một viên bi rớt xuống trúng một hòn đá và bể ra; trong đó ông ta nhìn thấy một viên đá quý rất đẹp.

Hồi hộp, ông ta đập bể những viên bi còn lại, mỗi viên chứa một viên đá quý, một kho tàng nho nhỏ. Ông ta đã tìm được hằng ngàn đô la giá trị từ những viên đá trang sức này trong số khoảng 20 viên bi còn lại.

Rồi ông bỗng cảm thấy tiếc nuối. Ông đã lang thang trên bờ biển khá lâu. Ông đã ném vào những lớp sóng biển khoảng 50 hay 60 kho tàng nho nhỏ này. Thay vì kiếm được hằng chục ngàn đô la thì ông đã ném đi và chỉ còn kiếm được ngàn đô la mà thôi.

Đối với con người cũng vậy. Chúng ta nhìn một người nào đó, và có khi chúng ta nhìn chính mình, chỉ qua cái vỏ bên ngoài thì điều đó không mang lại cho chúng ta một nhận xét đúng đắn nào cả. Khi cái vỏ bề ngoài không đẹp, không hào nhoáng thì chúng ta dễ đánh giá thấp hơn. Chúng ta cho rằng người đó kém quan trong, không giá trị bằng những người đẹp hơn, hào nhoáng hơn, có địa vị hơn, hay giàu hơn… Chúng ta đã không bỏ thời gian để tìm biết cái ‘kho tàng’ ẩn dấu bên trong con người ấy.

Trong mỗi người chúng ta đều có một ‘kho tàng’. Nếu chúng ta chịu bỏ thời gian để tìm biết ai đó, hoặc nếu chúng ta xin Chúa soi sáng cho chúng ta để chúng ta có thể nhìn người đó theo cách mà Ngài nhìn con người, chúng ta sẽ thấy cái vỏ đất sét bị lột ra và báu vật sẽ hiện ra sáng chói.

Chúng ta hãy cầu nguyện để đến đoạn chót của cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ không phải tiếc nuối vì chúng ta đã vứt bỏ đi những kho tàng của tình bằng hữu chỉ vì những báu vật ẩn dấu trong cái vỏ đất sét ấy mà chúng ta đã không thấy được. Xin Chúa soi sáng để chúng ta có thể nhìn thấy giá trị thực nơi con người theo cách mà Chúa nhìn nơi loài người.

Tôi xin cảm tạ Chúa đã cho tôi có được báu vật là tình bằng hữu với các bạn. Xin cám ơn các bạn đã nhìn qua cái vỏ đất sét của tôi.


Nội dung của bài viết ngắn trên đây thực ra không có gì mới mẻ lắm. Tôi nghĩ rằng có người trong chúng ta có thể thốt lên: “Biết rồi - khổ lắm - nói mãi”. Quả thực chúng ta biết rồi, nhưng vẫn phải ‘nói mãi’. Phải chăng chúng ta biết mà không làm theo, hoặc không làm theo bao nhiêu? Tác giả của bài viết dường như chỉ gói ghém vào tình bằng hữu. Phải chăng tình bằng hữu chỉ là một nét của tình yêu tha nhân mà Thiên Chúa đã dạy chúng ta: “Yêu người”.

Khi chúng ta làm đúng lời Chúa dạy, chúng ta yêu người thì đương nhiên chúng ta sẽ yêu bằng hữu, sẽ có bằng hữu, sẽ tha thứ cho bằng hữu và sẽ được bằng hữu tha thứ khi chúng ta có lỗi với nhau.

Trong cuộc sống đạo thì không những chúng ta là bằng hữu, mà còn là đạo hữu. Nếu thành thực xét mình, liệu chúng ta có dám quả quyết rằng chúng ta đã thực sự ‘sống hòa thuận và hiệp nhất’. Tôi nghĩ nếu chúng ta có làm sứt mẻ tình đạo hữu, tình bằng hữu, chúng ta chẳng nên tiếc nuối những gì đẹp đã qua đi, đã mất đi, mà nên hàn gắn, nên sống đẹp với những gì còn lại, như người đàn ông chẳng nên tiếc nuối những viên đá quý đã vứt vào biển khơi, mà chỉ nên trân trọng, hoặc đầu tư và kiếm lời từ những viên đá quý còn lại.

Lại nữa, nếu có ai có trách nhiệm với chúng ta mà nhắc nhở chúng ta nên hàn gắn những đổ vỡ, những mất mát, thì chúng ta nên hân hoan đón nhận, thay vì cố giữ những mặc cảm để rồi chúng ta có những phản ứng tiêu cực đối với những lời nhắc nhở.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nhân cái tốt của bài viết trên đây trong xã hội loài người, không chỉ với bằng hữu mà còn với đồng bào.
 
Chuyện thưa cùng Chúa
Alfonso Hoàng Gia Bảo
12:15 09/07/2008
Bất Hòa - Chuyện thưa cùng Chúa

Thưa Chúa,

Sau mấy mươi năm sống đạo, thời gian gần đây đôi khi con tự hỏi vì sao mình lại là người công giáo? Một câu hỏi có thể sẽ bị Chúa và mọi người quở trách “ở dưng chẳng chịu lành, đâm đầu vào giành lại giẫy lung tung”. Bởi ông bà bố mẹ đều là dân công giáo chính hiệu ‘con nai vàng’ từ trước lúc di cư vào Nam, con nhà tông làm sao đòi khác lông khác cánh?

Mà quả thật! Con nhớ lại cái thời còn bé xíu sống ở một tỉnh miền Trung, vì chung quanh nhà không có nhà thờ nào gần, nên để được xưng tội rước lễ lần đầu, hằng tuần con phải một mình lặng lẽ lội bộ 1-2 cây số mới đến được Nhà thờ Chính tòa thị xã. Những buổi học như thế thường là vào dịp hè, dưới cái nắng gay gắt đổ lửa, dọc quốc lộ 1 chẳng có lấy một bóng cây, nhìn lớp nhựa trải mặt phía trước hơi nóng bốc lên muốn hoa cả mắt. Lại cũng có hôm đang nửa đường về nhà trời bỗng tối xầm rồi mưa xối xả xuống đầu chẳng biết núp đâu nên dù nắng hay mưa “thằng nhỏ” cứ thế mà đều bước. Sau này nhiều lúc nhớ lại con không hiểu những ngày còn bé ấy mình lấy đâu ra được cái sự chăm chỉ, chuyên cần đến thế ?

Thời cuộc đổi thay, cả gia đình phải di chuyển sang tỉnh lân cận khác nhỏ hơn. Lần này may mắn hơn nhờ có thêm nhiều gia đình có đạo ở gần nhau, một linh mục tuyên úy quân đội thấy vậy giúp dựng cho một ngôi nhà thờ nho nhỏ khoảng hơn trăm mét vuông, nằm ở giữa khu đất khá rộng xung quanh là nhà giáo dân.

Gọi là “nhà thờ” nghe cho sang cả vậy thôi chứ chắc Chúa cũng còn nhớ? Vách thì được làm bằng bùn với rơm phơi khô giáo dân đi xin mấy bác làm ruộng trong làng. Hai thứ này cùng nước trộn chung lại với nhau thành ra một nguyên liệu sền sệt màu vàng, dùng thay cho xi măng đắp vào những khung cốt tre đan chéo đã dựng sẵn từ dưới lên cao dần. Sau một hai ngày nắng ráo nước, bùn khô đi làm thành những bức vách cũng khá chắc chắn. Mái ngôi và cửa nẻo nhà thờ cũng đơn sơ vậy, đều làm bằng vật liệu “cây nhà lá vườn” tranh và những tấm phên khung tre v.v… Ấy vậy mà mọi người ai cũng mừng lắm, cả xóm đạo cùng xúm nhau lại “thi công” hơn một tháng là xong. Lũ trẻ chúng con cũng lăng xăng khuân khuân vác vác, mình mẩy tay chân đứa nào đứa nấy lấm lem trông như một lũ mọi con nhưng lòng khấp khởi cứ như đang làm nhà cho chính mình vậy.

Ngày khánh thành nhà thờ vẫn trống trước hở sau, nhìn từ trên xuống cuối chẳng thấy bàn ghế đâu. Ngày ấy còn nhỏ con chưa hiểu việc người lớn nên chỉ đoán già đoán non có lẽ bao nhiêu tiền của gom góp được Cha Xứ đã “đầu tư” hết vào cái nền, vì cả nhà Chúa chỉ thấy có mỗi cái nền xi măng đen xì bóng lưởng ấy là của đáng giá ! Không có ghế cha xứ lại sai người lên thị xã mua về hơn chục chiếc chiếu hoa. Thế là từ đấy, lũ thiếu nhi chúng con trước mỗi buổi lễ luân phiên nhau trải chúng ra thành hai hàng để mọi người ngồi dự lễ cho đỡ mỏi chân, lễ xong cuốn lại.

Nhà thờ đã nghèo lại giữa thời chiến tranh loạn lạc, cha sở Ngài còn phải chạy tới lui các trại lính nên thánh lễ cũng khá thất thường. Ngoại trừ ngày Chúa Nhật ra, những ngày thường không phải ngày nào cũng có lễ nhưng mỗi buổi chiều mọi người vẫn đến nhà thờ, bác Trùm xướng kinh cho bà con đọc trong khi chờ Cha. Nếu nghe có tiếng xe jeep đỗ ngoài sân mới biết hôm ấy có lễ, còn không lần hết xâu chuỗi mà vẫn thấy yên ắng mọi người đọc Kinh Cám Ơn và ra về.

Ngôi nhà thờ đầy kỷ niệm ấy vài năm sau đã bị cuốn trôi bởi một trận lụn lớn khoảng cuối thập niên 60, bởi vách đất làm sao chịu nổi nước ngập? Không lâu sau đó giáo xứ được một cha tuyên uý khác trẻ hơn phụ trách Ngài cho xây lại bằng bêton kiên cố và đẹp hơn với sự trợ giúp rất nhiệt tình của một đơn vị công binh. Nhưng chiến tranh ngày một khốc liệt, con chưa kịp hưởng “tiện nghi” thì phải vào Sàigòn học hành, tạm biệt ngôi nhà Chúa thân yêu và giáo xứ kể từ ngày ấy.

Thấm thoát vậy mà cũng đã gần bốn chục năm trôi qua …

Lẽ ra con đã chẳng nên dông dài những chuyện trên làm gì, nhưng phải kể cho có đầu có đuôi vì ngày xưa “đạo của con” chỉ gồm có Chúa, Cha Xứ và ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn kia, thì nay nhờ thông tin hiện đại con mới biết đạo ấy lớn quá, tới những trên 1 tỷ người lận chứ chẳng phải chỉ có vài chục, vài trăm người như con vẫn tưởng.

Được làm tín hữu của một tôn giáo có tuổi đời hàng ngàn năm, ngoài được thừa hưởng đức tin, sự gắn liền với phát triển văn minh nhân loại của giáo hội, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa qua những công trình, tác phẩm danh tiếng về kiến trúc, hội họa, âm nhạc bởi những tên tuổi lớn như Michael Angelo, Leonardo da Vinci, J.S.Bach, W.A.Mozart v.v… đến những người không Công giáo cũng phải ngưỡng mộ, làm con cũng cảm thấy lâng lâng tự hào. Giáo hội công giáo VN chúng con cũng vậy, lớn hạng nhì ở châu lục này, cả nước có đến trên sáu triệu giáo dân, trên bốn mươi vị giám mục, gần ba ngàn linh mục vài trăm ngôi nhà thờ đã là quá nhiều so với cái xứ đạo bé nhỏ của con trước đây.

Nhưng mặt khác, cũng chính cái văn minh hiện đại giúp mình “bớt ngu” ấy đôi khi lại đâm ra “hại điện” vì chúng đe dọa làm nhạt nhòa những ký úc đẹp đẽ về đạo bấy lâu mỗi khi biết đang có những chuyện bất hòa hay “con sâu làm rầu nồi canh” xảy ra trong giáo hội.

Có sống trong thế giới truyền thông mới thấy sức mạnh của những con chữ, tiếng nói bỗng trở nên “quyền phép” hơn xưa gấp triệu triệu lần, càng đáng sợ vì ai cũng có những quyền ấy, viết lách và phát ngôn. Mọi thông điệp hay dở đều dễ dàng và nhanh chóng chuyển đến hàng trăm ngàn người khác chỉ sau động tác click chuột rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Trong vô vàn những thông tin ấy, có những cái dù chẳng muốn mà vẫn cứ phải đọc, phải nghe vì chúng có liên quan đến Chúa đến uy tín của giáo hội và ảnh hưởng đến cả niềm tin bé nhỏ nơi mỗi người nơi giáo dân chúng con.

Thưa Chúa,

Về phần đời con thấy dân tộc Việt Nam chúng con thật bất hạnh. Mỗi khi nhìn cái hình chữ S trên bản đồ thế giới, con lại thấy nó hao hao giống bộ dạng một người già nghèo khổ, đầu đội chiếc nón lá, bụng hóp chân bị phù thũng như những cụ già lỡ sa cơ thất thế, bị lũ con cháu bất hiếu bạc đãi phải sống lang thang kiếm sống vất vưởng ngoài đường, lưng các cụ cũng quằn xuống giống cái chữ S kia trông thật đáng thương!

Tiếng súng đạn trên quê hương vừa dứt thì một cuộc chiến mới khác lại nổ ra. Nhưng lần này khác với chiến tranh qui ước nên chẳng còn biết đâu là ranh giới, vì mầm mống chiến tranh ấy nằm ngay trong lòng mỗi người chúng con. Giữa kẻ ở lại và người ra đi, người trong người ngoài nước cũng bởi cái “vận khổ” của đất nước gây nên. Chiến tranh mà chẳng cần đến bom đạn nên tôn giáo cũng bị lôi vào cuộc, thật phi lý vì bao đời nay Chúa hay Đức Phật có dạy ai nhân danh công lý để chà đạp anh em mình bao giờ, tất cả do bởi lòng ganh ghét đố kỵ của con người chúng con mà ra.

Thêm điều này nữa, con không biết “hung hăng con bọ xít” có phải là tính nết bẩm sinh của người Việt và là nguyên nhân khiến đất nước chúng con thường xuyên phải lâm vào cảnh chiến tranh loạn lạc hay không? Nhưng cái tính “tự ái dân tộc” dường như là điều có thật. Vì con nhớ ngày xưa lúc mới tập tễnh bước chân đến trường mấy chục năm trước, bài học đầu đời luôn là “dân tộc VN là dân tộc anh hùng bất khuất” kèm theo là bao tên tuổi anh hùng lịch sử ra Bắc vào Nam làm minh chứng.

Mà bất khuất có nghĩa là chẳng chịu khuất phục ai, các thầy cô đã vô tình gieo vào những cái đầu non nớt chúng con “ý thức tự vệ” ngay cả khi chúng con chưa biết nhiều những điều hiền lành tử tế. Như vậy không biết có là quá sớm? Sao họ chẳng thay bằng những điều đơn sơ hơn như tính thật thà, nhường nhịn và giúp đỡ người khác v.v…là những cái lẽ ra mới hợp với lứa tuổi trẻ con hơn, bởi từ ngàn xưa trong dân gian đã có câu “nhân chi sơ tính bản thiện”.

Có lẽ vì sự lạm dụng mấy chữ “bất khuất” ấy mà sau này lúc lớn khôn, cả những khi chẳng còn bóng quân thù ngoại xâm nào nữa, cái tính khí “anh hùng hảo hớn” ấy vẫn cứ hiên ngang bừng bừng chảy trong dòng máu mọi người. Hễ ai đụng đến mình là phải tự vệ, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải tự vệ, tự vệ là lẽ phải, là lẽ sống còn, không biết tự vệ là hèn v.v... Đi xe Honda ngoài đuờng lỡ có va phải nhau, nếu cả hai người cùng sùi bọt mép nằm “quay đơ” tuy chẳng may ấy vậy mà lại yên chuyện chứ nếu họ còn đứng dậy được là thế nào cũng phải “sửng cồ” lên với nhau, rồi có khi phải đem nhau vào nhà thương chẳng còn do tai nạn.

Cái thói quen phải thường xuyên tự vệ tưởng là rất cần thiết ấy lâu dần lại trở nên nguy hiểm cho người khác và ngay chính bản thân mình hồi nào chẳng ai để ý. Bởi vì đại gia đình người Việt chúng con ngày một đông, nhà nghèo mà con đông chắc Chúa cũng biết, ôi thôi thì nhiều chuyện “rắc rối” lắm! Trước đây chỉ có mỗi cái vĩ tuyến 17 chia hai miền làm đôi, ngày nay mỗi đứa lưu lạc một nơi, cả trăm cái kinh tuyến vĩ tuyến khác đang chia cắt gần 85 triệu người Việt chúng con thành vô số những mảnh “dân tộc” lớn bé khác nhau, ai cũng đòi cái của mình là chân lý cả, người ta bắt bẻ nhau từ câu chữ cho đến biểu tượng.

Bởi đâu ra có những chuyện này? Con chỉ còn biết bảo dân tộc con đã tự đày đọa mình bằng tính háo thắng là nguyên nhân của sự tự vệ quá mức cần thiết và chẳng mấy ai chịu nhớ lời Chúa “Ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống”.

Chính vì sự háo thắng ấy, đất nước chúng con ngày nay đang bị lịch sử dìm trong bể khổ đau, ngay cả sau khi đã chiến thắng hết những kẻ thù ngoại bang. Quân thù thì bỏ chạy nhưng tính hiên ngang bất khuất ấy đâu có chịu tan biến liền? Thế là mọi người lại “ngứa ngáy chân tay” dùng nó “xỉa” sang những người anh em ruột thịt gần gũi mình và cuối cùng như Chúa đang thấy người bị hạ xuống và “lãnh đủ” mọi thất bại chẳng ai khác ngoài chính dân tộc chúng con, đến bây giờ vẫn còn “lẹt đẹt” đi sau thiên hạ trong khi cửa nhà còn ngổn ngang trăm bề.

Giá như qui trình “trồng người” ở VN trước nay (kể cả ở miền Nam trước 1975) đảo ngược lại, chăm sóc cây trước khi nghĩ đến chuyện hái quả và giá như câu nói trên của Chúa được thực thi tốt hơn, có lẽ mọi người đã bớt đi tự vệ những lúc không cần thiết, như vậy hai “bác tài” trên đã có thể dễ dàng nói lời xin lỗi nhau.

Suy cho cùng tất cả chúng con đều là nạn nhân của lịch sử và của cả chính mình một thời gian dài nhiều thế hệ mà chẳng hề hay biết.

Với giáo hội, trong thân phận tội lỗi con không có quyền phán xét ai, vả lại cũng không ở vào hoàn cảnh người khác để biết thật hư của từng sự việc xảy đến ra sao? Tuy nhiên với Chúa con chắc không thể giấu diếm bất cứ sự gì và chẳng ai tránh né được ngày phán xét nếu những việc họ làm gây tổn thương chung cho giáo hội. Nhưng tốt hơn hết là đừng nên có, bởi chung quanh con còn có rất nhiều bổn đạo mới, nhiều người đã lớn tuổi họ không có nhiều kỷ niệm êm đếm như chúng con từng có bên Chúa, nên con không hiểu liệu họ có còn giữ được đức tin mỗi khi nghe những lời ấy. Mà bây giờ chúng không thiếu gì trên mạng chỉ cần vài “cú searching” tên tuổi ai đó, sự kiện nào đó là chúng hiện ra đầy màn hình. Con xin phép không nêu một cách cụ thể, vì đến người bé nhỏ tầm thường như con còn biết lẽ nào Chúa lại chẳng hay?

Dẫu sao cũng còn là điều may vì hầu hết giáo dân VN chúng con nhờ theo đạo từ tấm bé, ai cũng có những năm tháng thơ ấu sống đạo hồn nhiên, quanh quẩn chỉ biết có Chúa, Cha Xứ họ đạo bé nhỏ của mình, vì vậy đức tin đã ngấm sâu vào tiềm thức. Chính nhờ có lớp “áo giáp” ấy, mới giúp giáo dân chúng con còn đủ niềm tin vào Chúa bên cạnh không ít “lời ong tiếng ve” đang vây quanh giáo hội bấy lâu nay.

Lại có những ý kiến cho rằng “làm dâu trăm họ” luôn là điều khó, nhà đông con làm sao tránh khỏi “trăm người mười ý” khiến dễ nảy sinh bất hòa v.v… nhưng cũng có câu nói của ai đó “khi hai người cãi nhau, có thể có người đúng kẻ sai nhưng chắc chắn cả hai đều có lỗi” vì họ là “đồng tác giả” gây nên bất hòa. Bởi vậy con nghĩ mỗi người chúng con cũng nên tự đấm ngực mình, “không có lửa thì lấy đâu ra khói”?

Chưa hết, ảnh hưởng của những phát ngôn thông điệp dễ gây nên sự bất hòa còn khiến những người không tin Chúa vốn đã nhìn giáo hội bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, càng có lý do để nghi ngờ đánh giá thấp về giáo hội VN, con chắc điều này khiến Chúa buồn lòng hơn cả. Nhất lại là trong hoàn cảnh giáo hội đang chịu tổn hại nhiều sau giai đoạn bị thế gian sách nhiễu cần phải thương yêu nhau một cách chân thành sáng suốt hơn.

Con nhớ thời còn đi học văn hóa, chỉ sau 12 năm trung học con đã phải trải qua vài kỳ thi sát hạch kiến thức để chứng minh mình có học hành đàng hoàng tử tế. Nhưng việc học đạo may mắn hơn vì ngay từ thủa sơ sinh lọt lòng chưa biết gì đã thành người có đạo, lớn lên chút chỉ cần qua hai vòng kiểm tra giáo lý không quá khó là lấy được “tấm bằng” xưng tội rước lễ lần đầu và thêm sức. Mà ở đời hễ cái gì dễ quá lại thường hay bị quên. Vì vậy mà cho đến nay mấy mươi tuổi đầu con mới chợt hỏi vì sao mình lại là người công giáo và liệu việc giữ đạo của mình có do thói quen có từ bé? Học đạo cũng như học chữ nếu chẳng bao giờ biết thắc mắc liệu có uổng cái công “mài mòn” bao nhiêu ghế nhà thờ, mất thời gian tham dự không biết bao nhiêu thánh lễ, bao nhiêu nghi thức?

Đáp án cho những thắc mắc ấy không chỉ tìm thấy nơi Chúa mà còn cả nơi những anh em và nhất là các đấng bề trên con.

Thánh kinh có nhiều điều cao siêu nhưng sau mấy chục năm theo đạo con cũng chỉ dám nhớ dăm ba câu vì thấy chỉ với mấy bài “đối nhân xử thế” của Chúa cũng quá đủ để thực hành sống đạo. Chuyện “người phụ nữ ngoại tình” bị thiên hạ lôi đến “nhờ” Chúa xử tội là điển hình.

Tình huống câu chuyện ấy khó lắm chứ chẳng chơi vì người ta định gài bẫy Chúa Giêsu, nếu Ngài bảo ném đá đi hoá ra khi gặp chuyện Chúa cũng “phủi tay” nốt những lời dạy yêu thương trước nay, còn bảo tha nó thì lại tự cột mình bởi luật của người Do Thái thời ấy, đằng nào cũng “chết” với mấy ông luật sĩ kia.

Nhưng rốt cuộc những kẻ định gài bẫy Ngài chắc cũng giống người Việt chúng con, học bài tự vệ sớm để đi hại người khác nhiều hơn điều tử tế, biết hai trong lúc chưa biết một, bị cái lớn che mắt không nhìn thấy cái nhỏ. Họ gài Chúa như thế tưởng là đã quá chắc mà thật ra do cái tâm hẹp hòi nên chỉ thấy cọng rác trong mắt người khác mà không thấy cây xà đang lơ lửng ngay trong mắt mình. Nếu không đúng thế thì Chúa có nói điều gì cao siêu đâu mà sao đám đông hùng hổ kia lặng lẽ giải tán, càng già “lủi” càng cho lẹ?

“Ai trong số các ngươi tự thấy mình là người trong sạch hãy ném đá người đàn bà này trước đi !”

Ui chao! Một câu nói sao quá thông minh, chỉ những ai có đủ lòng nhân hậu như Chúa mới có sẵn trong đầu.

Sau hai ngàn năm mà nhân loại chúng con vẫn chẳng khác xưa là mấy, vẫn thích lôi nhau ra trước “búa rìu” dư luận như chị phụ nữ kia từng là nạn nhân. Trước những chuyện thế nhân bất hòa vô lý ấy, nhiều lúc con cũng cảm thấy ‘ngứa ngáy tay chân’ muốn nhào vô ăn thua đủ với thiên hạ lắm chứ! nhưng nhớ đến lời Chúa trong chuyện trên “thằng con” này tự thấy mình cũng nào có đàng hoàng gì, thôi thì đành đem mớ ấm ức ấy quay về thưa chuyện cùng Chúa vậy.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Xóm Đạo Quê Tôi
Sen K.
00:40 09/07/2008

XÓM ĐẠO QUÊ TÔI



Ảnh của Sen K. – Philippines

Xóm đạo xưa và chuyện tình ngây thơ

Đã chìm theo nẻo đời trôi mười hướng

Chiều nay nơi xứ lạ nghe vọng về trong hồn

Tôi nhớ về Xóm Đạo thương người xưa...!!!

(Trích ca khúc Xóm Đạo của Song Ngọc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền